22. Đốt Giấy Tiền, Vàng Bạc
CHÂN GIẢ LUẬN
Hỏi: Biết rằng giấy tiền vàng bạc, khi đốt gửi đi không thể nào biến thành tiền thật được, nhưng phải làm như thế là để thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các bậc sinh thành, thì có hại chi đâu?
Đáp: Chỉ vì quý vị có những suy nghĩ như thế, cho nên quy tội cho những người theo đạo Tin Lành là bất hiếu, cha mẹ chết mà không đốt được cho một tờ giấy. Như vậy, quý vị xem việc đốt giấy tiền vàng bạc là hiếu, và phê phán chúng tôi không đốt giấy là bất hiếu. Nhưng trái lại, đốt giấy mới thật sự là bất hiếu.
Chúng tôi xin lược kể về tục lệ đốt giấy tiền vàng bạc như sau: Tục lệ đốt giấy tiền, vàng bạc là một tục lệ xuất xứ từ bên Trung Quốc, lan truyền sang nước ta. Người Trung Quốc thời thượng cổ chôn người chết không có áo quan, không làm mộ phần. Đến đời Vua Hoàng Đế (năm 2679 TCN), vua cho rằng việc chôn cất sơ sài như thế là chưa tròn bổn phận, nên vua mới truyền lệnh cho ông Xích Xương chế tạo ra quan, quách để chôn cất người chết. Về sau, phát sinh thêm việc chế tác các vật dụng bằng đất sét để chôn theo người chết.
Trải dài qua các đời, tục lệ này cũng thay đổi dần dần, các loại đồ vật chôn theo cũng đa dạng. Cho đến đời nhà Hán, vua nhà Hán muốn thực hành nghiêm túc lời giáo huấn của Khổng Tử: "Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn." Nghĩa là: xem người chết như người sống, xem người mất như người còn; nên vua ra lệnh: khi vua băng hà, phải bỏ tiền vàng thật vào áo quan cho vua tiêu dùng. Sau đó, các quan và dân chúng học cách làm theo, bọn trộm cắp thừa cơ hội nên đào mồ của người giàu để lấy vàng bạc, châu báu rất nhiều.
Đến đời Nguyên Hưng (105 TCN), có ông Thái Lĩnh chế tạo ra được giấy từ vỏ cây dó và giẻ rách, lưới rách. Ông Vương Dũ, làm quan Thái Thượng đời vua Huyền Tôn, liền nghĩ ra cách dùng giấy chế tạo ra tiền, vàng, bạc, quần áo và các vật dụng khác mang đi cúng tế rồi đốt theo người chết để thay thế cho vàng bạc và các đồ dùng thật trong khi làm tang lễ.
Dần dà, người dân bắt chước theo và trở thành tập tục. Đây là một tập tục của người Trung Quốc xưa du nhập sang nước ta, dân ta chịu ảnh hưởng của nước Trung Quốc lâu đời nên bị nhiễm các thói tục của người Trung Quốc mà không suy xét. Bắt nguồn từ việc một ông vua Trung Quốc, thực hiện theo lời dạy của Khổng Tử, xem người chết như người sống mà hình thành nên một hủ tục lãng phí tiền của một cách vô ích, lại còn thiếu trí tuệ, vì ai cũng thừa biết: người chết không có thể xác vật lý thì làm sao sử dụng được những vật dụng của người sống? Hơn nữa, làm như thế là khinh thị người chết, vì tất cả các vật dụng gửi đi đều là đồ giả. Đây là một hủ tục mê tín cần phải loại bỏ trong đời sống tâm linh của người Việt Nam văn minh hiện đại.
Lại cũng có những người đốt giấy tiền không phải xuất phát từ động cơ hiếu thảo, nhưng vì lòng mong nhận được sự đáp trả từ người chết, muốn tổ tông phù hộ cho công việc làm ăn được phát đạt thuận lợi, con cháu sớm thăng quan tiến chức đó thôi. Thiết nghĩ, lúc ông cha ta còn sống, có ông bà cha mẹ nào mà không mong muốn con cháu mình được giàu sang, thịnh vượng? nhưng chưa chắc đã thực hiện được ý muốn. Lắm khi, nhìn thấy con cháu đau ốm sắp chết, trong lòng rất đau xót, nhưng vẫn không biết làm thế nào cứu được. Vả lại, khi còn sống, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, mà còn không có cách thức gì giúp được con cháu thoát cảnh nghèo khổ, bần cùng; huống chi, một khi đã trở thành người thiên cổ thì còn giúp ích được gì cho con cháu?
Sách Luận ngữ của Khổng Tử có câu: "Chết sống có mạng, giàu sang ở Trời," chứ không nói chết sống, giàu sang do đốt giấy tiền.
Cần phải biết rằng, sau khi chết, mỗi người đều phải nhận chịu sự thưởng phạt trước Đức Chúa Trời. Ai tin nhận Đức Chúa Giê-xu Christ làm Cứu Chúa, thì mọi tội lỗi sẽ được tha và linh hồn được trở về với Chúa; còn nếu ai không tin và nghịch mạng Chúa, sẽ phải xuống hỏa ngục nhận chịu sự trừng phạt vì mọi tội mà mình đã gây ra. Tại nơi thiên đàng an hưởng hạnh phúc đời đời, thì mớ tro giấy ấy chẳng dùng để làm gì; còn ở hỏa ngục là nơi chỉ có sự kêu la, khóc lóc, rên xiết, tro giấy ấy cũng là thứ vô dụng. Vả lại, người sống có thể xác vật lý mới phải cần dùng những vật dụng và thức ăn, cần phải dùng tiền để trang trải cho những chi phí sinh hoạt, chi phí để nuôi dưỡng thân xác. Còn một khi đã chết, thân thể chôn sâu dưới lòng đất, còn lại chỉ có linh hồn là thể vô hình không còn hành động gì nữa trong thế giới vật chất, thì thứ tiền giả ấy dùng để làm gì? Như vậy, việc đốt giấy tiền vàng bạc vừa lãng phí của cải xã hội, vừa gây ô nhiễm môi trường, làm mất vệ sinh đường phố, lại còn làm hao tốn tiền của của con cháu. Hủ tục này cần phải được bài trừ.