top of page

01. Lời mở đầu

Minh Chứng Thiên Đường
Tác giả: Eben Alexander

01. Lời mở đầu

“Con người nên tìm kiếm sự thật, chứ không phải sự thật mà mình mong muốn.”

 - Albert Einstein (1879-1955) 


Lúc nhỏ, tôi thường mơ thấy mình biết bay. 

     Lần nào cũng vậy, tôi thấy mình đang đứng trong sân nhà vào ban đêm, ngước nhìn lên những vì sao, rồi bỗng nhiên tôi bắt đầu bay lơ lửng lên cao. Trong những xăng-ti-mét đầu tiên, tôi như được tự động nhấc bổng lên. Nhưng ngay sau đó, tôi nhận ra là càng lên cao, chuyển động bay lên của tôi càng phụ thuộc vào bản thân tôi - vào nhất cử nhất động của tôi. Nếu trở nên quá phấn khích hay quá chìm đắm vào trải nghiệm này, tôi sẽ lập tức rơi xuống không phanh... ngã oạch trên đất. Nhưng nếu tôi cứ giữ tinh thần thoải mái, điềm tĩnh đón nhận mọi chuyện xảy ra, thì tôi sẽ bay lên cao, càng lúc càng nhanh về phía bầu trời sao. 

     Có lẽ những giấc mơ đó là một phần lý do vì sao khi lớn lên, tôi dành nhiều tình yêu cho máy bay và tên lửa - những thứ có thể đưa tôi lên lại với thế giới ở trên cao kia, bên trên thế giới này. Trong những chuyến bay cùng với gia đình, tôi thường gí sát mặt vào cửa sổ máy bay từ lúc cất cánh cho đến khi hạ cánh. Vào mùa hè năm 1968, khi tôi mười bốn tuổi, tôi đã tiêu toàn bộ số tiền kiếm được từ công việc cắt cỏ vào lớp học lái tàu lượn với một anh tên là Gus Street ở Strawberry Hill, một “sân bay” nhỏ - thực chất là một dải cỏ - ở rìa phía tây của Winston-Salem thuộc bang Bắc Carolina, thị trấn nơi tôi lớn lên. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác tim mình đập thình thịch khi kéo cái tay nắm cần lái to màu đỏ anh đào để tháo rời sợi dây nối giữa tôi và chiếc máy bay kéo, rồi cho chiếc tàu lượn chao nghiêng xuống phía cánh đồng. Đó là lần đầu tiên tôi có được cảm giác thật sự một mình và tự do. Đa số bạn bè của tôi nếm trải cảm giác này khi lái xe ô-tô, nhưng với số tiền bỏ ra, tôi nghĩ cảm giác khi lái một chiếc tàu lượn ở độ cao trên 300 mét tuyệt hơn gấp trăm lần. 

     Vào những năm 1970, trong thời gian học đại học, tôi tham gia vào đội tuyển nhảy dù (skydiving) của trường Đại học Bắc Carolina. Tôi cảm thấy như thể mình là thành viên của một đội đặc nhiệm vậy - một nhóm người có kỹ năng đặc biệt và làm nên những kỳ tích. Cú nhảy đầu tiên của tôi thật sự hãi hùng; cú nhảy thứ hai thậm chí còn khiếp đảm hơn. Nhưng đến cú nhảy thứ mười hai, khi tôi bước ra khỏi cửa máy bay và phải rơi tự do hơn 300 mét trước khi bung dù (cú “bung dù chậm mười giây” đầu tiên của tôi), tôi đã có cảm giác bầu trời là nhà. Trong suốt thời đại học, tôi đã thực hiện 365 cú nhảy dù và tổng cộng hơn ba tiếng rưỡi rơi tự do, chủ yếu là trong đội hình gồm tối đa hai mươi lăm đồng đội. Cho dù tôi đã ngưng nhảy dù từ năm 1976, nhưng tôi vẫn không ngừng mơ những giấc mơ nhảy dù sống động, và những giấc mơ ấy luôn mang lại cho tôi cảm giác thật dễ chịu. 

     Thời gian nhảy dù tuyệt nhất thường là vào buổi chiều, khi mặt trời đang dần lặn xuống dưới đường chân trời. Thật khó để lột tả được cảm giác mà tôi nếm trải khi thực hiện những cú nhảy đó: cảm giác gần chạm đến một điều gì đó mà tôi chưa bao giờ gọi tên được, chỉ biết rằng mình phải có được trải nghiệm đó thêm nhiều lần nữa. Không hẳn là cảm giác một mình đơn độc, bởi cách thức mà chúng tôi nhảy dù thật ra không hoàn toàn đơn độc như nghĩa của từ này. Chúng tôi nhảy theo nhóm gồm năm, sáu, hoặc đôi khi mười hay mười hai người mỗi lần, tạo nên một đội hình rơi tự do. Đội hình càng lớn và mức độ thử thách càng cao thì trải nghiệm càng tuyệt vời. 

     Một ngày thứ Bảy đẹp trời vào mùa thu năm 1975, chúng tôi, gồm phần lớn các thành viên của đội tuyển nhảy dù trường Đại học Bắc Carolina cùng với một số bạn bè, tụ họp tại một trung tâm nhảy dù ở phía đông bang Bắc Carolina để lập ra một số đội nhảy theo đội hình. Ở cú nhảy áp chót của ngày hôm đó từ một chiếc D18 Beechcraft ở độ cao 3.200 mét, chúng tôi tạo thành một hình bông tuyết gồm mười người. Chúng tôi đã tạo được một hình hoàn chỉnh trước khi rơi qua độ cao 2.100 mét, và như thế, chúng tôi có đến trọn mười tám giây bay trong đội hình, rơi tự do xuống một khoảng không sâu thẳm giữa hai cột mây tích sừng sững trước khi tách đội hình ở độ cao hơn 1.000 mét và bắt đầu bung dù. 

     Mặt trời đã lặn hẳn khi chúng tôi chạm đất. Nhưng nhờ nhanh chóng nhảy lên một chiếc máy bay khác và chiếc máy bay cất cánh ngay lập tức, chúng tôi vẫn kịp bay trở lại lên cao khi những tia nắng cuối cùng đang lịm tắt để thực hiện cú nhảy hoàng hôn thứ hai. Ở cú nhảy này, hai thành viên mới sẽ thực hiện cú nhảy đội hình đầu tiên của mình - có nghĩa là họ sẽ tham gia vào đội hình từ bên ngoài thay vì là người ở vị trí chốt (thì sẽ dễ dàng hơn vì nhiệm vụ của họ chỉ là rơi thẳng xuống trong khi những thành viên khác phải thực hiện những thao tác sao cho có thể bay về phía họ để tạo đội hình). Không chỉ hai thành viên mới rất phấn khích với thử thách này mà cả chúng tôi, những người có kinh nghiệm dày dạn hơn, cũng vậy, bởi chúng tôi đều mong muốn có thể xây dựng một đội, trong đó các thành viên mới ngày càng có thêm kinh nghiệm để sau này họ có thể cùng chúng tôi tạo nên những đội hình nhảy dù lớn hơn nữa. 

     Tôi là người nhảy cuối cùng trong sáu người với nỗ lực thực hiện tạo hình ngôi sao sáu cánh ở phía trên đường băng của một sân bay nhỏ nằm ở ngoại ô Roanoke Rapids, bang Bắc Carolina. Người nhảy ngay phía trước tôi là Chuck. Chuck có khá nhiều kinh nghiệm trong việc “liên kết đội hình” (relative work - RW), có nghĩa là tạo đội hình rơi tự do. Ở độ cao gần 2.300 mét, chúng tôi vẫn đang rơi trong ánh nắng chiều, nhưng ở độ cao bên dưới chúng tôi hơn 2.000 mét, đèn đường đã bắt đầu nhấp nháy sáng. Những cú nhảy trong ánh chạng vạng lúc nào cũng tuyệt vời và chắc chắn sẽ tạo ra một cảnh tượng tuyệt đẹp. 

     Dù ra khỏi máy bay sau Chuck chỉ khoảng một giây, tôi vẫn phải di chuyển thật nhanh để theo kịp mọi người. Trong khoảng bảy giây đầu, tôi lao đầu thẳng xuống nhanh như tên bắn. Nhờ vậy, tôi sẽ có thể rơi ở vận tốc nhanh hơn các đồng đội khoảng 160 km/giờ để có thể gia nhập đội hình sau khi họ đã lập đội hình sơ khởi. 

     Theo quy trình thông thường cho những cú nhảy RW, tất cả các thành viên sẽ tách rời nhau ở độ cao hơn 1.000 mét và di chuyển ra khỏi đội hình xa nhất có thể. Mỗi người sẽ “vẫy chào tạm biệt” bằng cánh tay (báo hiệu chuẩn bị bung dù), ngước nhìn lên để đảm bảo không có ai ở phía trên mình rồi kéo dây dù. 

     “Ba, hai, một… nhảy!” 

     Bốn người đầu tiên đã rời khỏi máy bay, kế đến là Chuck và tôi ở ngay sau họ. Trong tư thế chúc đầu xuống và gần đạt đến vận tốc đầu cuối¹, tôi mỉm cười khi nhìn thấy mặt trời lặn lần thứ hai trong ngày. Sau khi lao nhanh về phía những người khác, kế hoạch của tôi là sẽ thực hiện thao tác phanh gấp trên không bằng cách ném hai cánh tay ra (chúng tôi có những đôi cánh bằng vải từ cổ tay dài đến hông với sức cản gió rất lớn khi chúng căng phồng hết mức ở tốc độ cao) và hướng thẳng phần ống tay và ống quần hình chuông của bộ đồ bay của tôi vào luồng không khí đang thổi tới. 

¹ Vận tốc đầu cuối là vận tốc cao nhất có thể đạt được bởi một vật thể rơi qua không khí hoặc nước. Khi đạt vận tốc đầu cuối, lực hấp dẫn hướng xuống bằng tổng của độ nổi của đối tượng và lực kéo. 

     Nhưng tôi đã không có cơ hội làm điều đó. 

     Trong lúc đang lao thẳng về hướng đội hình, tôi thấy một trong hai thành viên mới đang lao đến quá nhanh. Có lẽ vì rơi nhanh giữa những đám mây san sát nhau nên anh ta hơi hoảng - nó nhắc anh ta nhớ rằng mình đang lao đi với vận tốc khoảng 60 mét/giây xuống hành tinh khổng lồ bên dưới, đang dần bị che phủ từng phần bởi bóng tối đang buông xuống. Thay vì từ từ gia nhập đội hình ở vị trí rìa, cậu ta lao nhanh vào giữa đội hình, khiến cho tất cả mọi người bị tách rời khỏi nhau. Bây giờ thì cả năm người còn lại của đội hình ngôi sao đều lộn nhào ngoài khả năng kiểm soát. 

     Khoảng cách giữa họ cũng quá gần nhau. Mỗi người nhảy dù để lại phía sau mình một luồng khí áp thấp cực kỳ nhiễu loạn. Nếu bất kỳ một người nhảy dù nào rơi vào luồng không khí đó, anh ta sẽ bị tăng tốc đột ngột và có thể lao vào người ở phía dưới mình. Cú va này sẽ khiến cho cả hai cùng bị tăng tốc và sẽ va vào bất kỳ ai đang ở bên dưới họ. Tóm lại, đây chính là công thức tạo ra thảm họa. 

     Tôi liền gập người lại và di chuyển ra xa khỏi đội hình để tránh kết cục hỗn loạn xảy ra. Tôi cố gắng di chuyển nhanh nhất có thể cho tới khi tôi rơi đến ngay phía trên “điểm rơi”, vị trí lý tưởng trên mặt đất mà từ ngay phía trên vị trí đó, chúng tôi sẽ bung dù và nhẹ nhàng đáp xuống trong vòng hai phút. 

     Tôi nhìn ra xung quanh và thật nhẹ nhõm khi thấy những thành viên còn lại cũng đang dần tách khỏi nhau, không còn tụ lại thành một cụm nguy hiểm chết người nữa.

     Chuck cũng ở trong số đó. Đột nhiên, tôi sửng sốt khi thấy cậu ta đang tiến thẳng về phía mình. Cậu ta dừng lại ngay phía dưới tôi. Trong khi cả nhóm còn chưa thoát được những cú lộn nhào, chúng tôi đồng thời cũng đã rơi xuống qua khỏi độ cao 600 mét, nhanh hơn Chuck dự tính. Có lẽ Chuck nghĩ cậu ta đã may mắn thoát ra và không cần phải tuyệt đối tuân thủ các quy tắc. 

     Cậu ta chắc hẳn đã không thấy mình. Ý nghĩ đó chỉ vừa kịp thoáng qua đầu tôi thì chiếc máng hoa tiêu² nhiều màu sặc sỡ của Chuck đã bung ra khỏi ba lô của cậu ta. Chiếc máng hoa tiêu của Chuck bắt lấy cơn gió mạnh hơn 190 km/giờ đang thổi đến chỗ cậu ta và bay thẳng về phía tôi, kéo theo sau nó là chiếc dù chính còn chưa bung. 

² Máng hoa tiêu là một loại dù phụ nhỏ dùng để triển khai dù chính hoặc để dự bị. 

     Tôi chỉ có một phần mấy giây để phản ứng kể từ lúc tôi nhìn thấy chiếc máng hoa tiêu của Chuck bung ra, bởi vì sẽ mất gần một giây để tôi lộn người xuống, băng qua chiếc dù chính đang bung ra của Chuck, và - rất có khả năng - sẽ lao thẳng vào người cậu ta. Ở vận tốc đó, nếu tôi va vào chân hay tay của Chuck, tôi sẽ làm chúng đứt lìa, và bản thân tôi cũng bị một cú trời giáng chết người. Còn nếu tôi lao trực diện vào người cậu ta thì cả hai chúng tôi về cơ bản là sẽ nát thây. 

     Người ta nói mọi thứ chuyển động chậm hơn trong những tình huống như thế này, và họ nói đúng. Tâm trí tôi quan sát sự việc diễn ra trong vài phần triệu giây như thể đang xem một thước phim chiếu chậm vậy. 

     Ngay thời khắc trông thấy chiếc máng hoa tiêu của Chuck, tôi lập tức hạ hai cánh tay xuống dọc hai mạn sườn và duỗi thẳng người trong tư thế cắm đầu xuống, rồi cong người lại thật nhẹ nhàng ở phần hông. Tư thế thẳng đứng giúp tôi tăng tốc, còn độ cong của cơ thể khiến tôi trở thành một chiếc cánh hữu hiệu, để tôi có thể di chuyển sang phương ngang, hơi chậm lúc ban đầu, rồi khi có đà sẽ trượt vút qua Chuck, ngay trước chiếc dù Para-Commander sặc sỡ đang bung ra của cậu ta. 

     Tôi bay ngang qua Chuck với vận tốc hơn 240 km/giờ hay 67 mét/giây. Ở vận tốc đó, tôi không tin rằng Chuck có thể kịp nhìn thấy được biểu cảm trên gương mặt tôi. Nhưng nếu kịp, cậu ta sẽ thấy một vẻ sửng sốt tột độ. Bằng cách nào đó mà tôi đã phản ứng được với một tình huống như vậy chỉ trong vài phần triệu giây, một tình huống mà nếu có thời gian để suy nghĩ, tôi sẽ thấy là quá phức tạp để tôi có thể tự mình xử lý. 

     Vậy mà... tôi đã xử lý được nó, và cả hai chúng tôi đều đáp xuống an toàn. Cứ như thể là khi rơi vào một tình huống đòi hỏi khả năng đáp ứng cao hơn thông thường, bộ não của tôi trong một khoảnh khắc đã trở nên siêu việt. 

     Làm thế nào tôi lại làm được điều đó? Hơn hai mươi năm theo đuổi công việc nghiên cứu giải phẫu thần kinh theo hướng học thuật - tức là nghiên cứu bộ não, quan sát cách nó hoạt động, và thực hiện những cuộc giải phẫu - tôi đã có rất nhiều cơ hội để suy ngẫm về câu hỏi này. Cuối cùng, tôi đã đi đến kết luận rằng đó là nhờ bộ não, một cỗ máy thật sự phi thường, thậm chí phi thường hơn chúng ta nghĩ. 

     Tuy nhiên, bây giờ thì tôi nhận ra câu trả lời thật sự cho câu hỏi này sâu sắc hơn rất nhiều. Nhưng để hé mở được phần nào câu trả lời đó, tôi đã phải trải qua một giai đoạn mà cuộc sống và thế giới quan của tôi được chuyển hóa hoàn toàn. Quyển sách này viết về những sự kiện đã khiến tôi thay đổi quan điểm và nhận thức của mình về vấn đề đó. Những sự kiện này đã thuyết phục tôi rằng cho dù bộ não là một cỗ máy kỳ diệu đến thế nào, nhưng điều đã cứu sống tôi ngày hôm đó hoàn toàn không phải là bộ não của tôi. Thứ đã làm nảy sinh ra hành động vào thời khắc ngay khi chiếc dù của Chuck bắt đầu bung ra là một phần khác, nằm ở rất sâu bên trong tôi. Một phần có khả năng ứng phó rất nhanh, bởi nó không hề bị mắc kẹt trong thời gian, như bộ não và thân thể. 

     Thật ra, chính phần này trong tôi đã khiến tôi luôn nhớ nhung bầu trời khi mới chỉ là một đứa trẻ. Không chỉ là phần thông minh nhất, nó còn là phần sâu thẳm nhất của mỗi chúng ta. Ấy vậy mà trong phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình, tôi đã không thể nhận ra để đặt niềm tin vào nó. 

     Nhưng bây giờ thì tôi đã tin, và những trang tiếp theo trong quyển sách này sẽ cho bạn biết tại sao. 

                                                                 * 

Tôi là một nhà giải phẫu thần kinh học. 

      Tôi tốt nghiệp Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, chuyên ngành hóa học vào năm 1976, sau đó tôi lấy bằng tiến sĩ y khoa tại trường Đại học Y khoa Duke vào năm 1980. Trong suốt mười một năm theo học ngành y và được đào tạo nội trú tại Đại học Y khoa Duke, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Trường Y khoa Harvard, tôi tập trung nghiên cứu về nội tiết thần kinh, ngành học nghiên cứu về mối tương quan giữa hệ thần kinh và hệ nội tiết - tức toàn bộ các tuyến giải phóng hoóc môn, chỉ đạo hầu hết các hoạt động trong cơ thể chúng ta. Trong mười một năm đó, tôi cũng dành ra hai năm để nghiên cứu cách phản ứng bệnh lý của các mạch máu trong một vùng của bộ não khi có hiện tượng chảy máu do phình mạch - một hội chứng mà chúng ta gọi là chứng co thắt mạch máu não. 

     Sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh về giải phẫu mạch máu não tại Newcastle-Upon-Tyne, Anh quốc, tôi trở thành phó giáo sư ngoại khoa của Trường Y khoa Harvard, chuyên khoa giải phẫu thần kinh và làm việc ở đó trong mười lăm năm. Trong suốt những năm đó, tôi đã giải phẫu cho vô số bệnh nhân, phần lớn bị bệnh não ở mức nghiêm trọng, đe dọa mạng sống. 

     Công việc nghiên cứu của tôi chủ yếu tập trung phát triển những quy trình kỹ thuật tiên tiến chẳng hạn như xạ phẫu định vị lập thể, một kỹ thuật cho phép bác sĩ giải phẫu định hướng chính xác những chùm tia xạ vào những mục tiêu cụ thể sâu bên trong não mà không ảnh hưởng đến những vùng kế cận. Tôi cũng đóng góp vào việc phát triển quy trình giải phẫu thần kinh dựa trên độ chính xác của ảnh chụp cộng hưởng từ, là phương pháp chủ yếu để điều trị những căn bệnh nan y liên quan đến bộ não, chẳng hạn như những khối u hay rối loạn tuần hoàn. Trong những năm đó, tôi cũng làm việc trong vai trò tác giả và đồng tác giả của hơn 150 chương sách và bài nghiên cứu cho các tạp chí y khoa được thẩm định bởi các đồng nghiệp trong ngành; đồng thời, tôi cũng trình bày những kết quả nghiên cứu của mình tại hơn hai trăm hội thảo y khoa ở nhiều nơi trên thế giới. 

     Tóm lại, tôi đã dành cả đời mình cho khoa học. Tôi nhận ra sứ mệnh của đời mình là giúp đỡ và chữa bệnh cho con người bằng các phương tiện và phương pháp y khoa hiện đại, và đồng thời tìm hiểu sâu hơn về cơ chế vận hành của cơ thể và bộ não người. Tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi đã nhận ra được sứ mệnh của mình. Một điều quan trọng hơn là tôi có một người vợ xinh đẹp cùng hai con đáng yêu, và tuy công việc chiếm phần lớn thời gian của tôi, tôi không hề bỏ bê gia đình. Công việc và gia đình là hai đặc ân mà tôi có được trong đời mình. Xét về nhiều mặt, tôi là một người rất may mắn, và tôi biết vậy. 

     Thế nhưng, vào ngày 10 tháng Mười Một năm 2008, khi tôi ở tuổi năm mươi bốn, vận may của tôi dường như dừng lại ở đó. Tôi đã mắc phải một căn bệnh hiếm gặp và rơi vào tình trạng hôn mê trong bảy ngày liền. Trong suốt thời gian đó, toàn bộ phần vỏ não mới của tôi - tức bề mặt ngoài của não, phần não tạo nên nhận thức và tư duy con người của chúng ta - hoàn toàn ngưng hoạt động. Không một hoạt động nào diễn ra. Về cơ bản, tôi không hiện diện trong suốt thời gian đó. 

     Khi bộ não không hiện diện, chúng ta cũng không còn hiện hữu. Qua nhiều năm trong vai trò một bác sĩ giải phẫu thần kinh, tôi đã nghe nhiều câu chuyện về những trải nghiệm lạ thường mà nhiều người trải qua, thường là sau khi tim họ ngừng đập: những câu chuyện kể về trải nghiệm đi đến những nơi huyền bí có phong cảnh tuyệt vời; trò chuyện với những người thân đã qua đời trước họ, thậm chí có người đã gặp được đấng tối cao của họ. 

     Toàn là những trải nghiệm tuyệt vời - điều này không có gì phải bàn cãi. Nhưng tôi nghĩ tất cả chỉ đơn thuần là tưởng tượng. Điều gì đã tạo ra những hình thức trải nghiệm siêu nhiên mà quá nhiều người trải qua và kể lại như vậy? Tôi không tự nhận là mình biết, nhưng tôi biết rằng những trải nghiệm đó xuất phát từ bộ não. Toàn bộ nhận thức đều từ đó mà ra. Nếu bộ não của chúng ta không hoạt động, chúng ta không thể nhận thức. 

Đó là vì bộ não vốn là một cỗ máy tạo ra ý thức. Khi cỗ máy này không may ngừng hoạt động, ý thức cũng ngừng theo. Thật ra bản chất của vấn đề cũng chỉ đơn giản như vậy thôi, dù cho cơ chế thật sự vận hành các quy trình của bộ não phức tạp và bí ẩn đến đâu đi chăng nữa. Rút phích cắm là ti-vi sẽ tắt. Chương trình cũng dừng tại đó, cho dù bạn đang xem nó say sưa đến mức nào. 

     Đó là những điều mà tôi hẳn đã nói với bạn trước khi bộ não của tôi ngừng hoạt động. 

     Trong suốt thời gian tôi hôn mê, bộ não của tôi không phải là hoạt động lỗi, mà chính xác là nó đã ngừng hoạt động hoàn toàn. Giờ thì tôi nghĩ có lẽ nhờ vậy mà khi đó tôi đã có được trải nghiệm cận tử sâu sắc và mạnh mẽ đến như vậy. Nhiều ghi chép về trải nghiệm cận tử cho thấy hiện tượng này xảy ra sau khi tim ngừng đập một thời gian. Trong những trường hợp này, vỏ não tạm ngưng hoạt động nhưng nhìn chung không bị thương tổn quá mức, miễn sao dòng máu chứa ôxy sớm được khôi phục nhờ vào thủ thuật hồi sức tim phổi hay tái kích hoạt chức năng tuần hoàn của tim trong vòng khoảng bốn phút. Nhưng trong trường hợp của tôi, vỏ não mới đã ngừng hoạt động hoàn toàn. Tôi đã bước vào thực tại của một thế giới ý thức tồn tại hoàn toàn độc lập khỏi những giới hạn của bộ não vật lý. 

     Có thể nói, trong trường hợp của tôi, thực tại đó là một loạt những trải nghiệm cận tử xảy ra theo một trình tự hoàn hảo. Là một bác sĩ giải phẫu thần kinh đang hành nghề và đã trải qua hàng chục năm nghiên cứu và trực tiếp thực nghiệm những kết quả nghiên cứu của mình trong phòng mổ, tôi tự xem mình có khả năng nhận định đúng đắn trên mức trung bình không chỉ đối với những sự việc thực tế mà cả những hàm ý đằng sau những gì đã xảy ra với tôi. 

     Những hàm ý này vượt xa ngoài khả năng mô tả. Những gì tôi đã trải qua giúp tôi nhận ra rằng cái chết của cơ thể và bộ não không đồng nghĩa với sự chấm dứt của ý thức, rằng trải nghiệm của con người vẫn tiếp tục diễn ra sau cái chết. Quan trọng hơn, sự trải nghiệm đó tiếp diễn dưới ánh mắt dõi theo của Thượng đế - đấng tối cao luôn tràn đầy tình yêu thương và quan tâm tới mỗi chúng ta, luôn quan tâm đến việc vũ trụ này và vạn vật ở bên trong nó rốt cuộc sẽ đi về đâu. 

     Nơi mà tôi đã đến là thực. Thực theo cách mà nó khiến cho cuộc sống hiện giờ và ở đây của chúng ta trở nên hoàn toàn như một giấc mộng nếu đem ra so sánh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tôi không trân trọng cuộc sống mà tôi đang sống bây giờ. Thật ra, tôi còn trân trọng và yêu quý cuộc sống này hơn cả trước đây. Bởi vì giờ đây tôi nhìn cuộc sống trong bối cảnh thật sự của nó. 

     Cuộc sống này hoàn toàn không vô nghĩa. Nhưng chúng ta chẳng thể nào nhìn thấy được sự thật này từ vị trí hiện tại của chúng ta - ít nhất là không phải lúc nào cũng nhìn thấy được. Câu chuyện về những gì đã xảy đến với tôi trong thời gian tôi hôn mê sẽ luôn là câu chuyện quan trọng nhất mà tôi nên kể trong đời mình, tôi tin là như thế. Nhưng đó là câu chuyện không dễ dàng để kể, bởi nó quá khác lạ so với hiểu biết thông thường. Tôi không thể đơn giản cứ đứng rêu rao trước đám đông. Bên cạnh đó, những kết luận của tôi về trải nghiệm của bản thân đều dựa trên những phân tích y khoa, đồng thời dựa trên hiểu biết của tôi về những khái niệm tiên tiến nhất trong khoa học não bộ và những nghiên cứu về ý thức. Khi đã nhận ra sự thật đằng sau hành trình của mình, tôi biết rằng tôi nhất thiết phải kể lại. Và kể lại sự thật đó một cách chuẩn xác nhất đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của đời tôi. 

     Tôi không có ý nói rằng tôi sẽ từ bỏ công việc chuyên môn y khoa và cuộc sống của một bác sĩ giải phẫu thần kinh. Nhưng giờ đây, khi tôi đã có được đặc ân để hiểu được rằng cuộc sống của chúng ta không kết thúc đồng thời với cái chết của cơ thể hay não bộ, tôi xem việc kể lại với mọi người những gì tôi đã nhìn thấy ở bên ngoài giới hạn của cơ thể và bên ngoài trái đất này là nhiệm vụ, là tiếng gọi bên trong tôi. Tôi đặc biệt háo hức muốn kể câu chuyện của mình cho những người có thể đã từng nghe những câu chuyện tương tự và muốn tin, nhưng vẫn chưa thể tin hoàn toàn. 

     Quyển sách này quả thật là dành cho những người đó, hơn bất kỳ ai khác, với thông điệp mà nó mang theo. Điều mà tôi cảm thấy nhất thiết phải chia sẻ với bạn sau đây là vô cùng quan trọng và nó là sự thật.

bottom of page