CHƯƠNG 73
QuoVadis - Tác Giả: Henryk Sienkievich
Vinixius...
...gửi Petronius:
“Thưa carissime, ở đây chúng cháu cũng biết những gì đang diễn ra tại Roma, những điều chúng cháu chưa tường thì các bức thư của cậu đã kể nốt. Nếu cậu ném một hòn đó xuống nước, những làn sóng sẽ lan mỗi lúc một rộng ra chung quanh, cũng như vậy, làn sóng của cơn điên rồ và sự độc ác đã lan từ Palatyn đến tận chỗ chúng cháu. Trên đường đi Hy Lạp, Karynax, sứ giả của Hoàng đế - kẻ đã cướp bóc các thành phố và thần miếu để lấp đầy ngân khố đang trống rỗng- đã ghé qua đây. Bằng mồ hôi và nước mắt của bao người, người ta đã dựng nên ngôi nhà Domus Aurea(1) tại Roma. Có thể cho tới nay thế giới chưa từng được trông thấy ngôi nhà nào như thế, song những nỗi thương đau như thế này thế giới cũng chưa từng thấy bao giờ. Cậu biết rõ Karynax đấy. Lão Khilon cũng đã từng giống như hắn trước khi phải mua mạng sống bằng chính cái chết. Song những người của hắn chưa mò đến thị trấn ở gần chỗ chúng cháu, có thể là vì ở đây không có thần miếu lẫn kho báu nào. Cậu hỏi chúng cháu có được an bằng không ư? Cháu chỉ xin trả lời rằng chúng cháu đã bị lãng quên. Chính vào giây phút này, từ hàng hiên nơi cháu đang ngồi viết, cháu nhìn rõ vịnh biển bằng lặng của chúng cháu, với bác Urxux trong thuyền đang thả lưới xuống làn nước trong xanh. Vợ cháu đang guồng len đỏ ngay cạnh cháu, ngoài vườn, dưới bóng hồ đào, đám nô lệ của chúng cháu đang ca hát. Ôi thật là thanh bình, thưa carissime, lãng quên đi những hãi hùng và đau xót ngày qua! Nhưng đó không phải là một nữ thần Parka, mà như cậu viết, đang guồng một cách ngọt ngào đến thế sợi tơ đời của chúng cháu, mà chính Đức Chúa Crixtux lòng lành vô cùng, Đấng Cứu thế đã ban phước lành cho chúng cháu. Chúng cháu đã hiểu rõ buồn đau và nước mắt, chân lý của chúng cháu dạy chúng cháu phải khóc than cho nỗi bất hạnh của kẻ khác, song ngay cả những giọt lệ ấy cũng chứa cả những nỗi niềm an ủi mà cậu không hiểu nổi, rằng sau này, khi thời gian dành cho cuộc đời trần tục của chúng cháu trôi qua, chúng cháu sẽ lại tìm được tất cả những người thân yêu đã và sẽ còn bị giết chết vì sự nghiệp của Chúa. Đối với chúng cháu, các Sứ đồ Piotr và Paven không mất đi, mà được sinh thành trong lời ngợi ca. Linh hồn chúng cháu như vẫn nhìn thấy họ, và khi mắt tuôn dòng lệ, con tim chúng cháu vẫn rộn ràng niềm vui cùng họ. Chính thế đấy, cậu thân yêu, chúng cháu sống sung sướng bởi hạnh phúc không gì phá vỡ nổi vì rằng cái chết mà đối với cậu là sự chấm dứt tất cả, thì đối với chúng cháu sẽ chỉ là việc chuyển sang một sự bình yên mênh mông hơn, một tình thương bao la hơn, một niềm vui sướng tràn trề hơn mà thôi.
Và cứ thế, với chúng cháu, ngày tháng nơi đây trôi đi trong sự thanh thản của những trái tim. Cũng giống như chúng cháu, gia nhân và nô tỳ của chúng cháu tin vào Đức Chúa Crixtux, và vì Người chỉ răn bảo tình yêu thương, nên mọi người đều thương yêu nhau. Đôi khi vào lúc mặt trời đã lặn hay lúc mặt trăng đang long lanh trên sóng nước, cháu cùng Ligia chuyện trò về những thời xa xưa, mà giờ đây đối với chúng cháu chúng có vẻ chỉ như một giấc mộng; và một khi nghĩ rằng mái đầu thân yêu ngày ngày cháu đang được ru trên ngực đã từng kề cận đến thế với những nỗi khổ hình và sự chết chóc, thì bằng cả tấm lòng cháu càng thêm ngưỡng mộ Đức Chúa, vì chỉ có một mình Người mới có thể giằng nàng ra khỏi bãi đấu trường và mang nàng về với cháu. Thưa Petronius, cậu thấy đấy, giáo thuyết kia mang tới biết bao niềm an ủi khiến ta vững lòng trong cơn hoạn nạn, thêm nhẫn nại và kiên cường trước cái chết, vậy cậu hãy tới đây cùng chúng cháu, cậu sẽ thấy được nó mang lại biết bao hạnh phúc trong những ngày bình dị của cuộc đời. Cậu thấy đấy, cho tới nay loài người chưa từng biết đến một vị thần nào mà họ có thể mến yêu, vì thế họ cũng không yêu thương lẫn nhau, và chính điều đó đã mang tới cho họ nỗi bất hạnh; vì cũng giống như ánh sáng tỏa ra từ vầng thái dương kia, hạnh phúc tỏa ra tự tình yêu. Không một nhà lập pháp, một nhà triết học nào dạy cho họ biết chân lý đó, chân lý đó không tồn tại cả ở Hy Lạp lẫn ở La Mã, và khi cháu nói không ở La Mã thì cũng có nghĩa là không hề tồn tại trên toàn thế gian này. Khoa học cứng nhắc và lạnh lùng của những kẻ khắc kỷ mà những người đức hạnh hướng theo tôi luyện trái tim người như tôi những lưỡi gươm, song chỉ khiến cho trái tim chai cứng đi, thay vì làm cho nó tốt đẹp hơn lên. Song cháu nói với cậu chuyện này làm gì cơ chứ, bởi cậu học nhiều hiểu rộng hơn cháu. Cậu cũng đã từng quen với Sứ đồ Paven xứ Tarxu và đã từng nhiều lần trò chuyện lâu với Người, chắc cậu hiểu rõ hơn ai hết, rằng đối với thứ chân lý mà Người truyền bá, tất thẩy các khoa học của các triết gia cùng các nhà hùng biện của cậu chỉ là những chiếc bình rỗng và là những tiếng kêu không hồn của những lời vô nghĩa mà thôi. Cậu còn nhớ câu hỏi mà Người đặt ra cho cậu chứ: “Nếu như Hoàng đế là tín đồ Thiên chúa thì có phải các ngài sẽ cảm thấy được bình an hơn, yên ổn hơn trong việc sở hữu những cái mà các ngài đang sở hữu, thoát khỏi những nỗi hãi hùng, và có thể yên lòng với tương lai của các ngài hơn hay chăng?”. Thế mà cậu lại bảo rằng chân lý của chúng cháu là thù địch với sự sống. Cháu xin trả lời cậu rằng: nếu như ngay từ đầu bức thư cháu chỉ lặp đi lặp lại vẻn vẹn mấy chữ: “Tôi đang hạnh phúc lắm!” thì cháu cũng chẳng thể nói hết cho cậu niềm hạnh phúc của cháu. Cậu sẽ bảo rằng hạnh phúc của cháu là Ligia! Đúng vậy, thưa cậu! Vì rằng cháu yêu linh hồn bất tử của nàng và vì cả hai chúng cháu cùng kính yêu Đức Chúa Crixtux, trong tình yêu thương ấy không hề có cắt chia, bội phản, dối lừa, đổi thay, không có cả tuổi già lẫn cái chết. Bởi một khi tuổi trẻ và sắc đẹp phôi pha, khi cơ thể chúng cháu tàn úa đi, khi cái chết đến, thì tình yêu kia vẫn còn, vì linh hồn chúng cháu vẫn hằng sống. Trước khi mắt cháu được thấy ánh sáng chân lý, cháu đã từng có lúc sẵn sàng đốt cháy cả nhà cháu vì Ligia, song giờ đây, xin thưa với cậu: hồi ấy cháu chưa hề biết yêu nàng, chính Đức Chúa Crixtux mới dạy cho cháu biết yêu! Người là cội nguồn của hạnh phúc và sự bình yên. Đó không phải chỉ là điều cháu nói ra, đó chính là một sự thật hiển nhiên. Hãy so sánh những lạc thú được đính thêm nỗi phấp phỏng lo âu của cậu, sự không tin chắc và ngày mai của cậu, những cơn cuồng hoan tựa như một đám tang của cậu, với cuộc sống của các tín đồ Thiên chúa, tự cậu sẽ tìm ra chân lý ấy. Song để cậu có thể so sánh tốt hơn, mới cậu hãy đến với những đỉnh núi sực nức hương thạch xương bồ của chúng cháu, đến với những khóm rừng ôliu râm mát của chúng cháu đây. Ở đây, đón đợi cậu cả một sự bình yên đã từ lâu cậu không được hưởng, cùng với những trái tim yêu thương cậu chân thành. Với tâm hồn cao thượng và tốt lành, nhất định cậu sẽ là người hạnh phúc. Trí óc minh mẫn của cậu sẽ nhận ra Chân lý, và khi đã nhận ra, cậu sẽ yêu nó, bởi ngoài những kẻ thù khả dĩ như Hoàng đế và Tygelinux, không một ai hững hờ nổi với nó. Cậu Petronius thân yêu của cháu, cháu cùng Ligia đang sung sướng và hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa sẽ lại được gặp cậu. Chúc cậu mạnh khỏe, hạnh phúc, và mong cậu hãy đến với chúng cháu”.
Ông Petronius nhận được thư của Vinixius tại Cumae, nơi ông vừa đến cùng với đám cận thần tùy tùng Hoàng đế. Cuộc đương đầu kéo dài nhiều năm giữa ông và Tygelinux đã đi dần tới kết cục. Petronius biết rõ rằng ông sẽ phải ngã gục trong cuộc đương đầu đó, ông hiểu lý do vì sao. Nếu như càng ngày Hoàng đế càng hạ mình xuống vai trò của một diễn viên hài kịch, một thằng hề, một gã đánh xe đua, nếu mỗi lúc ngài một ngập sâu thêm vào sự trụy lạc bệnh hoạn, dung tục, và tệ hại hơn thì vị arbiter elegantiarum trang nhã này chỉ càng trở thành một gánh nặng đối với ngài mà thôi. Thậm chí nếu như ông Petronius có im lặng chăng nữa, thì Nerô cũng sẽ nhận thấy trong sự im lặng của ông lời chỉ trích, còn nếu ông tán thưởng thì ngài chỉ nhận ra sự mỉa mai. Vị quý tộc tuyệt vời kia chỉ càng làm động chạm đến tình yêu bản thân của ngài, khơi dậy ở ngài sự ganh ghét mà thôi. Tài sản cùng những tuyệt phẩm nghệ thuật của ông trở thành đối tượng thèm khát của cả kẻ thống trị lẫn viên đại thần đang thâu tóm mọi quyền bính. Cho tới nay, người ta vẫn chừa ông ra vì lí do chuyến đi Akhai, nơi mà khiếu thẩm mỹ và sự hiểu biết những vấn đề về Hy Lạp của ông có thể còn có ích. Nhưng dần dần Tygelinux bắt đầu giải thích cho Hoàng đế, rằng Karynax còn vượt xa Petronius cả về khiếu thẩm mỹ lẫn kiến thức, rằng y sẽ biết tổ chức giỏi hơn ông những hội thi, những cuộc nghênh tiếp cùng những cuộc khải hoàn tại Akhai. Từ lúc ấy, Petronius bị kết tội chết. Tuy nhiên người ta vẫn không dám gửi tới cho ông bản án tử hình ngay ở Roma. Cả Hoàng đế lẫn Tygelinux đều nhớ rằng nhà duy mỹ tưởng như ẻo lả này, con người “lấy đêm làm ngày”, chuyên bận tâm về những khoái lạc, về nghệ thuật và tiệc tùng, đã từng có thời làm thái thú ở Bitynia, rồi sau đó làm chấp chính quan ở thủ đô, ông đã từng tỏ rõ tính cần cù và một nghị lực phi thường. Người ta cho rằng ông có năng lực làm tất cả mọi việc và hiểu rằng tại Roma ông không những chỉ được dân chúng mà ngay cả lính cấm vệ yêu mến. Không một kẻ nào trong đám người tâm phúc của Hoàng đế đoán trước được, nếu cần ông sẽ hành động ra sao, nên cách khôn ngoan hơn cả là kéo ông ra khỏi thành phố và chạm đến ông khi ông đã về các tỉnh trấn.Nhằm mục đích ấy, ông nhận đuợc lời mời cùng với các cận thần khác tới Cumae; còn ông, mặc dù đoán ra thủ đoạn kia, nhưng vẫn ra đi để khỏi thể hiện một sự chống đối quá rõ rệt, và để có thể một lần nữa cho Hoàng đế cùng đám cận thần được trông thấy khuôn mặt vui vẻ, không hề vướng bận một nỗi âu lo nào của ông, và để thắng Tygelinux trận cuối cùng trước khi gục ngã.
Trong khi đó, Tygelinux lập tức buộc tội ông đã từng thân thiết với vị nguyên lão Xevinux, linh hồn của vụ âm mưu Pizon. Người nhà của ông Petronius còn ở lại Roma đều bị bắt, nhà ông bị quân cấm vệ bao vây. Nhưng khi biết tin ấy, ông không hề tỏ ra lo sợ, thậm chí không hề bận tâm, ông vẫn mỉm cười nói với đám cận thần đang được ông tiếp trong tòa biệt thự tuyệt vời của ông ở Cumae:
- Ahenobarbux vốn không thích những câu hỏi thẳng thừng, các vị sẽ thấy ngài bối rối cho mà xem, khi tôi hỏi có phải chính ngài đã ra lệnh giam gia đình tôi tại Roma hay không.
Rồi ông báo trước cho họ về bữa tiệc “trước khi lên đường đi tiếp” và ông đang sửa soạn cho tiệc, thì thư Vinixius đến.
Nhận được thư, ông Petronius suy nghĩ một lát, sau đó nét mặt của ông lại bình thản như thường lệ, và tối hôm ấy ông viết bức thư trả lời như sau:
“Cậu rất vui trước hạnh phúc của các cháu và ngạc nhiên trước tấm lòng các cháu, carissime, bởi cậu không ngờ rằng hai người đang yêu nhau lại có thể nghĩ về một kẻ thứ ba nào đó, đang ở chốn xa xôi. Mà các cháu thì không những không hề quên cậu, lại còn muốn mời cậu ra đảo Xyxilia để cùng chia sẻ miếng bánh mì của các cháu và Đức Chúa Crixtux mà như cháu viết, đã ban cho các cháu hạnh phúc thật dồi dào.
Nếu đúng vậy, hãy kính yêu Người nhé. Nhưng cháu thân yêu, cậu nghĩ rằng Ligia được trở về với cháu một phần cũng nhờ có bác Uruxux, một phần nhờ dân chúng Roma nữa đấy. Nếu như Hoàng đế là một người khác thì cậu cho rằng chắc hẳn người ta sẽ chấm dứt mọi cuộc truy đuổi, chí ít cũng vì tình họ hàng giữa cháu và ngài thông qua cô cháu gái mà xưa kia hoàng đế Tyberius đã từng gả cho một người trong họ Vinixius. Nhưng một khi cháu đã cho rằng đó chính là Đức Chúa Crixtux mang trả nàng về thì cậu cũng sẽ không tranh cãi với cháu làm gì. Phải! Các cháu đừng tiếc lễ vật dâng lên Người. Thần Prometeus cũng đã từng xả thân vì nhân loại, nhưng ơ hơ! Hình như Prometeus chỉ là một điều tưởng tượng của các thi sĩ, còn những người đáng tin thì lại nói rằng chính mắt họ đã từng được nhìn thấy Chúa Crixtux. Cậu cũng nghĩ như các cháu, rằng đó là vị thần chính trực nhất trong tất cả các vị thần.
Cậu vẫn còn nhớ câu hỏi của ông Paven xứ Tarxu, cậu đồng ý rằng nếu như, nói thí dụ, Ahenobarbux sống theo giáo thuyết của Chúa Crixtux, thì rất có thể là cậu sẽ có thì giờ ra đảo Xyxilia cùng các cháu. Khi ấy, dưới bóng cây, bên nguồn suối, chúng ta sẽ cùng nhau luận bàn về tất cả các vị thần và tất cả mọi chân lý, như ngày xưa các nhà hiền triết Hy Lạp đã từng bàn luận. Song hôm nay, cậu chỉ có thể gửi anh một câu trả lời ngắn gọn mà thôi.
Cậu chỉ muốn biết có hai nhà triết học: một, tên là Pirron, hai là Anakreontơ. Đám còn lại, cậu có thể bán rẻ cho anh cùng với toàn bộ trường phái Hy Lạp và các nhà khắc kỷ của chúng ta. Chân lý ở một nơi nào đó cao đến nỗi ngay cả các vị thần đứng trên đỉnh Olimpơ cũng không sao nhìn thấy. Carissime, anh nghĩ rằng đỉnh núi Olimpơ của các anh chị còn cao hơn nữa, và anh đứng trên đó vẫy gọi cậu: “Hãy lên đây, cậu sẽ được nhìn thấy những cảnh tượng chưa được thấy bao giờ!”. Có thể như thế. Nhưng cậu xin trả lời anh rằng: “Anh bạn ơi, ta không có chân!”. Và khi nào được hết bức thư này, cậu nghĩa rằng anh sẽ thừa nhận cậu có lý.
Không! Hỡi vị hôn phu đầy hạnh phúc của nữ hoàng Rạng đông! Giáo thuyết của anh chị không phải dành cho cậu! Vậy ra cậu phải yêu thương bọn nô lệ Bitynia vẫn thường khiêng kiệu cho cậu, bọn Ai Cập đang đốt lửa trong nhà tắm của cậu, yêu thương cả Ahenobarbux lẫn Tygelinux sao? Cậu xin thề trên những đầu gối trắng phau của các tiên nữ duyên sắc Kharyta, rằng dù có muốn, cậu cũng không thể làm nổi. Ở Roma chí ít cũng có tới một trăm ngàn người, hoặc có đùi cong, hoặc có đầu gối quá to, hoặc có cẳng chân khẳng khô, hoặc có cặp mắt tròn xoe, hoặc có cái đầu quá thô thiển. Lẽ nào anh bắt cậu cũng phải yêu thương cả bọn họ? Cậu biết tìm tình yêu ấy ở đâu khi mà trái tim cậu không cảm thấy có nó? Còn nếu như Chúa của anh chị muốn cậu phải yêu thương tất cả bọn họ, thì tại sao, với sự toàn năng của mình, ông không cho họ có được một hình hài tỷ như Niobiđ mà anh đã từng trông thấy tại cung điện Palatyn chẳng hạn? Ai yêu cái đẹp, kẻ ấy không thể yêu sự xấu xí. Không tin vào những vị thần của chúng ta là một chuyện, nhưng vẫn có thể yêu họ, như Fiđiax, Prakxytelex, Miron Xkopax và Lizyp đã từng yêu họ.
Giá như cậu có muốn được bước đến nơi mà anh muốn đưa cậu tới thì cậu cũng không thể. Mà vì cậu lại không muốn, nên hóa ra không thể đến những hai lần. Anh tin- cũng như ông Paven xứ Tarxu - rằng ở bờ bên kia con sông Xtykx, trên những cánh đồng Elizei nào đó, anh sẽ được trông thấy Đức Chúa Crixtux của anh. Hay lắm! Xin Người hãy nói cho anh hay khi ấy, liệu Người có nhận cả cậu nữa, với những viên ngọc chạm của cậu, cái bình cổ xứ Miren của cậu, cùng những quyển sách do nhà Xozius xuất bản và nàng Tóc Vàng của cậu hay chăng? Nghĩ về chuyện ấy cũng đủ buồn cười, cháu thân yêu ạ, vì ông Paven xứ Tarxu đã bảo cậu rằng vì Chúa Crixtux cậu sẽ phải từ bỏ những vòng hoa hồng, những bữa tiệc rượu, những điều khoái lạc kia mà! Thực ra, ông ấy cũng thường hứa hẹn với cậu những niềm hạnh phúc khác, nhưng cậu đã trả lời rằng, cậu quá già để đón nhận những niềm hạnh phúc khác, rằng bao giờ những đóa hoa hồng cũng vẫn khiến cho cậu vui mắt, mùi hương hoa đồng thảo đối với cậu bao giờ cũng vẫn dễ thương hơn là mùi “người anh em” bẩn thỉu ở khu Xubura.
Đó là những lý do khiến cho niềm hạnh phúc của anh chị không thể dành cho cậu. Nhưng ngoài ra, còn một lý do nữa, mà cậu để cuối cùng. Đó là thần Tanatox đang gọi cậu. Với anh chị, bình mình của cuộc đời mới chỉ bắt đầu, còn với cậu, vầng dương đã lặn rồi và hoàng hôn đã trùm lên đầu cậu. Nói cách khác, cậu sẽ phải chết, carissime!
Cũng chẳng đáng nói chi dài về chuyện ấy. Sẽ phải kết thúc như vậy thôi. Là người vốn hiểu Ahenobarbux, anh sẽ dễ dàng hiểu được điều ấy. Tygelinux đã thắng cậu, mà thật ra không phải thế! Đó là những chiến thắng của cậu đã đến hồi kết thúc. Cậu đã sống như ý cậu muốn và sẽ chết theo cách thức khiến cậu vừa lòng.
Các cháu đừng đau lòng về chuyện ấy làm chi. Không có vị thần nào hứa ban cho cậu được bất tử, vậy nên cậu chẳng gặp phải một chuyện bất ngờ. Hơn nữa, anh đã nhầm, Vinixius ơi, khi bảo rằng chỉ có Đức Chúa của anh dạy phải chết bình thản. Không! Trước các anh, thế giới của chúng tôi đã từng biết rằng, khi chiếc cốc cuối cùng được dốc cạn, thì đến lúc ra đi nghỉ ngơi, và còn biết cách làm điều ấy một cách hoàn toàn dễ chịu. Plato nói rằng, phẩm hạnh chính là âm nhạc, còn cuộc đời nhà hiền triết là một khúc hòa âm. Nếu đúng thế thì cậu sẽ chết như cậu đã sống, đầy phẩm hạnh.
Cậu muốn từ biệt người vợ thiên thần của anh bằng những lời nói mà cậu đã dùng để chào hỏi nàng xưa kia tại nhà ông bà Aulux: “Ta được thấy biết bao nhiêu dân tộc, nhưng chưa gặp người nào có thể sánh cùng nàng”.
Và nếu như linh hồn là một thứ gì khác hơn Pirron nghĩ, thì linh hồn của cậu sẽ bay đến với các cháu trên đường đi với những bến bờ của Okeanox, sẽ đậu xuống bên ngôi nhà các cháu dưới hình một con bướm, hay như người Ai Cập vẫn hằng tin, một con chim én bạc.
Cậu không thể đến bằng cách khác.
Và cầu cho đối với các cháu đảo Xyxilia sẽ thành một khu vườn Hexperyđa, cầu những nữ thần đồng nội, những nữ thần rừng và thần suối sẽ rải đầy hoa trên đường các cháu đi, cầu cho bồ câu trắng kéo về làm tổ trên những hàng cột và những trang trí hình lá ô rô của nhà các cháu”.
Chú thích:
(1) Latinh: Nhà vàng, tức Lâu Đài Vàng của Nerô