top of page
9. ĂN MẶC CHỈNH TỀ ĐỂ HƯỚNG VỀ MỘT ĐÍCH CHÍNH. (Co 3:12-17)
Phần...
...này hoàn tất lời răn bảo Cơ-đốc nhân phải sống thánh khiết của Phao-lô. Nó tiếp tục minh hoạ về y phục: “lột bỏ...mặc lấy” (c.8-10). Ông khuyên những người đọc thư lột bỏ các áo xống tẩm liệm của tội lỗi và cuộc đời và để mặc vào “các y phục của ân điển” thánh khiết và cuộc đời mới trong Đấng Christ.
Điểm nhấn mạnh trong phần này là vào các động cơ thúc đẩy. Tại sao chúng ta phải lột bỏ các hành vi xưa cũ và mặc vào các đức hạnh của cuộc đời mới? Phao-lô giải thích có bốn động cơ thúc đẩy phải khích lệ chúng ta bước đi trong đời sống mới (Rô 6:4).
1. Ân điển của Đấng Christ (Côl 3:12-14)
Ân điển là đặc ân dành cho các tội nhân không xứng đáng. Phao-lô nhắc nhở người Cô-lô-se về các ân huệ Đức Chúa Trời đã ban cho họ:
• Đức Chúa Trời đã chọn họ (Côl 3:12a).
Từ ngữ chọn lựa có nghĩa là “được Đức Chúa Trời tuyển chọn” Lời Đức Chúa Trời phán dạy dân Y-sơ-ra-ên thông qua Môi-se giúp chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của sự cứu rỗi bởi đức tin: “Đức Giê-hô-va trìu mến và chọn lấy các ngươi, chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi dân khác đâu thật số các ngươi là ít hơn những dân khác. Nhưng ấy vì Đức Giê-hô-va thương yêu các ngươi... nên Đức Giê-hô-va nhờ tay mạnh rút các ngươi ra, chuộc khỏi nhà nô lệ, và cứu khỏi tay Pha-ra-ôn, vua xứ Ê-díp-tô” (Phuc 7:7-8a).
Phép lạ về tuyển chọn này của Đức Chúa Trời không tuỳ thuộc vào bất cứ điều gì chúng ta có, hoặc chúng ta đã làm vì Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta trong Đấng Christ từ “trước khi sáng thế” (Eph 1:4). Nếu Đức Chúa Trời cứu một tội nhân căn cứ trên công đức hay việc làm, thì sẽ chẳng một ai có thể được cứu cả. Mọi việc đều xảy ra là nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, để mọi người đều phải tôn vinh Ngài.
Lẽ dĩ nhiên việc tuyển chọn là một “bí mật thiêng liêng” chỉ thuộc về các con cái Đức Chúa Trời mà thôi. Nó không phải là một giáo lý để chúng ta giải thích cho những người không được cứu. “Tuy vậy, nền vững bền của Đức Chúa Trời đã đặt vẫn còn nguyên, có mấy lời như ấn đóng rằng: Chúa biết kẻ thuộc về Ngài lại rằng: Phàm người kêu cầu danh Chúa thì phải tránh khỏi sự gian ác” (IITi 2:19) cho nên phải bỏ mặc việc thực hiện các chủ đích đời đời của Ngài cho Ngài. Nhiệm vụ của chúng ta là chia sẻ tin mừng của Phúc-Âm cho thế gian đang hư vong.
• Đức Chúa Trời biệt riêng họ ra (Côl 3:12).
Đó là nghĩa của từ ngữ thánh. Vì chúng ta đã tin cậy Đấng Christ, chúng ta được biệt riêng ra khỏi thế gian này cho Chúa. Chúng ta không thuộc về chính mình, mà hoàn toàn thuộc về Ngài (ICôr 6:19-20).
Như hôn lễ biệt riêng một người đàn ông và một phụ nữ ra cho nhau thế nào, thì sự cứu rỗi cũng biệt riêng người tín hữu ra để chỉ thuộc về Cứu Chúa Giê-xu một cách độc quyền y như thế. Phải chăng là điều khủng khiếp, khi đến phần kết thúc của một hôn lễ, người ta lại thấy chàng rể chạy trốn, bỏ cô dâu lại một mình (hay ngược lại). Sự việc cũng khủng khiếp y như thế khi thấy Cơ-đốc nhân chỉ biết sống vì thế gian và xác thịt mà thôi.
• Đức Chúa Trời yêu mến họ (Côl 3:12).
Khi một người không tin Chúa phạm tội, người ấy là một tạo vật vi phạm các quy luật của Đấng Tạo Hóa và là vị Thẩm Phán thánh khiết. Nhưng khi một Cơ-đốc nhân phạm tội, thì đó là một con cái của Đức Chúa Trời làm tan vỡ tấm lòng của người Cha yêu thương mình.
Tình yêu là động cơ thúc đẩy mạnh mẽ nhất trần gian. Khi người tín hữu tăng trưởng trong tình yêu mến Đức Chúa Trời, người ấy cũng sẽ tăng trưởng trong ước muốn vâng lời Ngài và bước đi trong sự sống mới mà mình có được trong Đấng Christ.
• Đức Chúa Trời đã tha tội cho họ (Côl 3:13).
“Như Chúa đã tha thứ (mọi tội lỗi) anh em” (Côl 2:13). Sự tha tội của Đức Chúa Trời là trọn vẹn và dứt khoát nó vô điều kiện và không tây vị. Làm thế nào một Đức Chúa Trời thánh khiết lại tha thứ được cho chúng ta là những tội nhân? Vì sự hy sinh (sinh tế) của Chúa Giê-xu Christ trên thập tự giá. Đức Chúa Trời đã tha thứ cho chúng ta “nhân danh Đấng Christ” (Eph 4:32), chớ không phải là vì chính chúng ta.
Chúng ta đã được Đức Chúa Trời tuyển chọn, biệt riêng ra, yêu mến và tha thứ. Tất cả những điều đó đều thêm vào cho ÂN ĐIỂN! Vậy, vì các phước hạnh do ân điển đó, Cơ-đốc nhân có một số trách nhiệm nghiêm trọng trước mặt Đức Chúa Trời. Người ấy phải mặc lấy các ân tứ đẹp đẽ ấy vào cho đời sống Cơ-đốc. Phao-lô đã nêu tên tám ân tứ:
• Mặc lấy...lòng thương xót (Côl 3:12).
Người Hy-lạp dùng mấy chữ “lòng thương xót” vì họ định vị các tình cảm sâu sắc nhất nằm trong khu vực của “ruột gan” trong khi chúng ta định vị chúng trong trái tim. Là tín-hữu chúng ta cần biểu hiện lòng thương xót đối với nhau (xem Phi 2:1). Đây không phải là một cái gì để chúng ta mở ra rồi tắt đi như chiếc máy thu hình. Nó là thái độ luôn luôn sẵn sàng của tấm lòng, khiến người khác rất dễ sống chung với chúng ta.
• Mặc lấy...sự nhân từ (Côl 3:12).
Sở dĩ chúng ta được cứu là nhờ Đức Chúa Trời tử tế với chúng ta qua trung gian Chúa Giê-xu Christ (Eph 2:7 Tit 3:4). Rồi đến lượt mình chúng ta phải tỏ ra nhân từ với tha nhân. Lệnh truyền của Đức Chúa Trời là: “Phải đối xử nhân từ với nhau” (Eph 4:32).
Một trong những bức tranh đẹp đẽ nhất về thái độ nhân từ trong Thánh Kinh là cách vua Đa-vít đã đối xử với Mê-phi-bô-sết, vị hoàng tử bị què chân (IISa 9:1-13). Ước muốn của Đa-vít là bày tỏ “lòng nhân từ thương xót của Đức Chúa Trời“ đối với gia đình vua Sau-lơ, vì chính tình yêu của vua với Giô-na-than, con trai Sau-lơ. Chàng thanh niên đã được chọn là Mê-phi-bô-sết, con trai Giô-na-than, một người bị què chân khốn khổ. Nếu Đa-vít chỉ hành động theo lẽ công bằng mà thôi, chắc vua ấy đã kết tội Mê-phi-bô-sết, vì chàng ta thuộc về một dòng họ đã bị kết tội. Nhưng Đa-vít đã hành động trên cơ sở là tình yêu và ân điển.
Đa-vít tìm Mê-phi-bô-sết và trấn an chàng thanh niên ấy đừng sợ hãi. Nhà vua mời Mê-phi-bô-sết vào sống trong cung mình, như một thành viên trong gia đình vậy và được ngồi ăn cùng bàn với nhà vua. Đó là thái độ nhân từ của Đức Chúa Trời! Là Cơ-đốc nhân bạn và tôi còn từng trải được thái độ nhân từ càng lớn hơn nữa của Đức Chúa Trời, tức là được làm con cái Ngài và sẽ được cùng ở với Ngài trên thiên đàng đời đời!
• Mặc lấy ... (tâm trí) khiêm nhượng (Côl 3:12).
Thế giới ngoại đạo vào thời của Phao-lô không ngưỡng mộ đức khiêm hạ. Trái lại, họ ngưỡng mộ thói kiêu căng, thích thống trị. Chúa Giê-xu Christ là tấm gương vĩ đại nhất về tinh thần khiêm hạ (Phi 2:1).
Khiêm hạ không phải là nghĩ rằng bản thân mình vốn hèn kém. Trái lại nó là cách đánh giá đúng bản thân trong ý chỉ Đức Chúa Trời (Rô 12:3). Người có tinh thần khiêm hạ nghĩ về người khác trước nhất, chớ không phải là bản thân.
• Mặc lấy... mềm mại (Côl 3:12).
Mềm mại không phải là bạc nhược nó là năng lực có kiểm soát. Từ ngữ này được dùng mô tả một ngọn gió êm mát, một phương thuốc linh nghiệm, và một con ngựa, con lừa con đã thuần, chịu cho người ta cỡi lên. Trong mỗi trường hợp vừa kể đều có năng lực bên trong một ngọn gió có thể mạnh làm thành bão uống thuốc quá liều có thể giết chết người ta con ngựa bất kham có thể lồng lên, như điên như dại. Nhưng năng lực ấy đã được kiểm soát. Người mềm mại nhu mì không tự tung tự tác vì mọi sự đều được kiểm soát cả.
• Mặc lấy...nhịn nhục (Côl 3:12).
Từ ngữ này theo nghĩa đen là “tính khí lâu bền”. Người có tính khí bốc đồng thì ăn nói, hành động nóng nảy, thiếu tự chủ. Khi một người biết nhịn nhục thì có thể đối phó với kẻ khiêu khích hoặc hoàn cảnh đầy thách thức mà không “ăn miếng trả miếng”. Biết tức giận có thể là tốt, vì đó là dấu hiệu của một cá tính thánh khiết. Nhưng nhạy giận đối với những điều sai trái và vì những lý do sai lầm, là sai.
• Mặc lấy...nhường nhịn (Côl 3:13).
Từ ngữ này theo nghĩa đen là “cầm lại” hay “kéo lui, lùi lại” Đức Chúa Trời nhịn nhục đối với tội nhân ở chỗ Ngài cầm lại sự phán xét (Rô 2:4; Rô 3:25). Mềm mại nhịn nhục, nhường nhịn cùng đi chung với nhau.
• Mặc lấy... tha thứ (Côl 3:13).
Đây là kết quả hợp lý của tất cả những gì Phao-lô đã viết từ trước cho đến đây, trong phần sách này. Cơ-đốc nhân không chỉ chịu đựng buồn phiền và khiêu khích, từ chối ăn miếng trả miếng mà thôi người ấy còn phải tha thứ cho kẻ gây rối nữa. Nếu không làm như thế, thì các cảm thức quỉ quyệt sẽ phát triển trong lòng mà các cảm thức này có thể dẫn đến nhiều tội lỗi còn nặng nề hơn.
Biết tha thứ là trở nên giống Đấng Christ (Eph 4:32), và sự tha thứ mở rộng tấm lòng ra cho tình yêu của Đức Chúa Trời tràn vào. Chính trong khoảnh khắc chúng ta có chuyện phàn nàn đối với một ai đó, là lúc chúng ta phải thật lòng tha thứ cho người ấy (“sự tha thứ như người trong gia đình” lại là một vấn đề khác. Chúng ta phải đến với người xúc phạm mình, và giúp người ấy bằng tình yêu thương (Mat 18:15-35).
• Mặc lấy...yêu thương (Côl 3:14).
Đây là đức hạnh quan trọng nhất của Cơ-đốc nhân, và nó có tác dụng như một sợi “dây buộc” cột chặt tất cả các đức hạnh khác lại với nhau. Tất cả các đức hạnh mà Phao-lô vừa nêu trên, là các phương diện của tình yêu Cơ-đốc giáo chân chính, như ICôr 13:1-13 cho thấy.
Tình yêu là trái đầu mùa của Đức Thánh Linh và các đức hạnh khác sẽ theo sau như vui mừng (c.16), bình an (c.15), nhịn nhục, nhân từ, hiền lành và nhu mì (c.12).
Khi nào tình yêu cai trị trong đời sống chúng ta, nó kết hợp tất cả các đức hạnh thuộc linh lại với nhau để có vẻ đẹp và sự hài hòa, cho thấy sự trưởng thành thuộc linh. Sự hài hoà và trưởng thành này giữ cho đời sống thăng bằng và tăng trưởng. Hệ thống Trí huệ phái chẳng bao giờ làm nổi việc này.
2. Sự bình an của Đấng Christ (Côl 3:15)
Trong câu này Phao-lô chuyển từ bản chất sang cách ăn ở cư xử. Làm thế nào để một Cơ-đốc nhân biết được là mình đang làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời? Có một câu trả lời là: sự bình an của Đức Chúa Trời trong lòng người ấy. Khi người tín hữu bị mất bình an trong lòng, thì người ấy biết là mình đã không vâng lời Đức Chúa Trời theo một phương diện nào đó.
Từ ngữ được dịch là cai trị là một thuật ngữ điền kinh. Nó có nghĩa “chủ tọa các cuộc thi tài và phân phát các giải thưởng”. Phao-lô dùng từ ngữ ấy theo một cách khác trong bức thư của ông gởi người Cô-lô-se: “Đừng để cho ai công bố rằng anh em không xứng đáng được một giải thưởng” (Côl 2:18 dịch nghĩa đen).
Trong những cuộc tranh tài điền kinh của người Hy-lạp, có các thẩm phán (mà ngày nay chúng ta gọi là trọng tài) từ chối những người dự giải mà không có đủ điều kiện, cũng truất quyền được giải của những người vi phạm luật lệ.
Sự bình an của Đức Chúa Trời là “Trọng tài” trong những tấm lòng tin của chúng ta. Khi nào chúng ta vâng theo ý chỉ Đức Chúa Trời, chúng ta được bình an trong lòng nhưng khi chúng ta bước ra ngoài ý chỉ Ngài (dù là không cố ý), chúng ta bị mất sự bình an của Ngài.
Tuy nhiên, cần ý thức là còn có một sự bình an giả tạo trong lòng nữa. Giô-na đã cố ý không vâng lời Đức Chúa Trời, thế nhưng ông vẫn có thể ngủ dưới lòng của chiếc tàu khi có một trận bão đang hoành hành! “Tôi rất an tâm về chuyện đó” chưa phải là bằng cớ chứng minh rằng chúng ta đang đi đúng với ý chỉ Đức Chúa Trời. Chúng ta phải cầu nguyện, đầu phục ý chỉ Ngài, và tìm cầu sự chỉ dẫn của Ngài trong Kinh Thánh. Chỉ có sự bình an trong lòng mà thôi thì không phải bao giờ cũng là sự bình an của Đức Chúa Trời.
Một điều nữa cũng có liên hệ ở đây: nếu có sự bình an ở trong lòng, chúng ta cũng sẽ có hòa bình với những người khác trong Hội thánh. Chúng ta đã được gọi để trở nên một thân thể, nên mối liên hệ giữa chúng ta với thân thể ấy phải là một mối liên hệ hài hòa và hòa bình. Nếu chúng ta vượt ra ngoài ý chỉ Đức Chúa Trời, chắc chắn chúng ta sẽ gây bất hoà và thiếu hài hòa cho Hội thánh. Giô-na tưởng ông đang bình an, trong khi sự thật là tội lỗi của ông đang gây bão tố!
Khi một Cơ-đốc nhân bị mất sự bình an với Đức Chúa Trời, người ấy bắt đầu đi lệch hướng, nghĩa là vượt ra ngoài ý chỉ Đức Chúa Trời. Người ấy quay sang với những điều thuộc về thế gian và xác thịt để bù trừ cho sự thiếu bình an trong lòng.
Người ấy cố gắng đào thoát, nhưng không tài nào đào thoát khỏi chính mình. Chỉ khi nào người ấy chịu xưng tội mình, cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ, và vâng theo ý chỉ Ngài, thì mới từng trải được sự bình an trong lòng.
Khi nào trong lòng có sự bình an, thì trên môi miệng cũng có lời ca tụng ”... lại phải biết ơn” (Côl 3:15). Cơ-đốc nhân sống ngoài ý chỉ Đức Chúa Trời sẽ chẳng bao giờ dâng được những lời cảm tạ chân thành lên cho Ngài. Lúc Đa-vít che giấu các tội lỗi mình, nhà vua bị mất bình an và lời ca ngợi tán tụng (Thi 32:51). Một khi đã xưng tội, thì bài ca cũng quay trở lại với nhà vua.
3. Lời của Đấng Christ (Côl 3:16)
Lẽ dĩ nhiên câu này có nghĩa là Lời của Đức Chúa Trời. Các giáo sư giả đã đến Cô-lô-se với các truyền thống, các luật lệ tôn giáo, và các triết thuyết nhân tạo. Họ cố tìm cách “hòa đồng” Lời Đức Chúa Trời với các giáo thuyết của họ, nhưng đã không thành công. Lời Đức Chúa Trời bao giờ cũng đề cao Chúa Giê-xu Christ.
Không phải lời của các giáo sư giả đã đem được sự cứu rỗi đến cho người Cô-lô-se, nhưng là Lời chân lý của Phúc-Âm (Côl 1:5). Cùng một Lời ấy cũng ban sự sống cho chúng ta, và nâng đỡ, củng cố chúng ta (IPhi 1:22-2:3).
Lời Chúa sẽ biến đổi đời sống chúng ta, miễn là chúng ta cho phép nó “ngự trị” thật phong phú trong lòng chúng ta. Từ ngữ “ở” có nghĩa là “cảm thấy như ở trong nhà mình”. Nếu chúng ta đã từng trải được ân điển và sự bình an của Đấng Christ, thì Lời của Đấng Christ sẽ “cảm thấy như được ở ngay trong nhà mình” trong lòng chúng ta. Chúng ta sẽ khám phá được là Lời Chúa phong phú như thế nào, với các kho báu thuộc linh đem giá trị đến cho đời sống chúng ta.
Tuy nhiên, xin đừng tưởng rằng Phao-lô viết điều này chỉ là cho các cá nhân Cơ-đốc nhân mà thôi vì ông đã hướng nó vào toàn thân thể, là Hội thánh: “Hãy để cho Lời của Đấng Christ cư trú giữa vòng anh em” có thể là một cách dịch câu này. Hễ Lời ấy “ở đầy” trong mỗi thành viên của Hội thánh, nó cũng sẽ cư ngụ thật phong phú trong mối thông công của Hội thánh.
Cũng như vào thời của Phao-lô, ngày nay có một nguy cơ là các chi hội địa phương có xu hướng đánh giá thấp Lời Đức Chúa Trời. Dường như việc truyền dạy Thánh Kinh một cách đơn sơ có phần sút kém trong các lớp học Trường Chúa nhật và trên các tòa giảng.
Người ta có phần chú trọng nhiều vào phim ảnh các cuộc trình diễn âm nhạc, và nhiều trò tiêu khiển hơn là vào Lời Đức Chúa Trời. Nhiều người đã được cứu không thể thành thật nói rằng Lời Đức Chúa Trời đang “ở đầy” trong lòng họ vì họ không dành thì giờ để đọc, học hỏi nghiên cứu và học thuộc lòng Lời ấy.
Theo Phao-lô thì có mối liên hệ dứt khoát giữa kiến thức về Thánh kinh của chúng ta với cách chúng ta biểu hiện sự thờ phượng thành lời ca tiếng hát. Có một cách để chúng ta dạy dỗ và khích lệ chính mình và nhiều người khác, là bằng việc ca hát Lời Đức Chúa Trời. Nhưng nếu chúng ta không biết Thánh Kinh và hiểu rõ sách ấy, ta sẽ không thể thật lòng ca hát nó.
Có lẽ sự “nghèo nàn về Kinh Thánh” này trong các Hội thánh của chúng ta là một nguyên nhân khiến cho ngày nay đang có quá nhiều những bài ca trái với Thánh Kinh. Một ca sĩ cũng chẳng được quyền ca hát một lời dối trá hơn là một nhà truyền đạo rao giảng một lời nói dối.
Các bài hát quan trọng của đạo phần lớn vốn do những tín hữu biết rõ các giáo lý của Lời Đức Chúa Trời, soạn thảo.Nhiều cái gọi là “bài ca Cơ-đốc giáo” ngày nay vốn do những người chỉ biết rất ít hoặc chẳng biết gì cả về Lời Đức Chúa Trời, viết ra. Tách rời việc ca ngợi tán tụng Đức Chúa Trời với Lời Đức Chúa Trời là một điều nguy hiểm.
Lẽ dĩ nhiên, ca vịnh (thi thiên) là những bài hát rút ra từ Cựu-ước. Từ nhiều thế kỷ rồi, các Hội thánh nói tiếng Anh chỉ ca hát các bài thi thiên. Tôi rất vui được thấy hiện nay đang có việc quay trở về với việc ca hát Kinh Thánh, nhất là các Thi-thiên. Thánh ca (thơ thánh) là những bài hát ca tụng Đức Chúa Trời do các tín hữu sáng tác, nhưng không rút ra từ sách Thi-thiên.
Hội thánh ngày nay đã có một di sản phong phú về thánh ca, mà tôi sợ là đang bị lãng quên. Những bài hát thuộc linh (thiêng liêng) là việc trình bày chân lý của Thánh Kinh khác hơn là bằng các bài thi thiên và thánh ca. Khi nào chúng ta hát một thánh ca, là chúng ta ngỏ lời với Chúa khi chúng ta hát một bài hát thuộc linh, là chúng ta ngỏ lời với nhau.
Phao-lô mô tả một buổi nhóm thờ phượng của một chi hội địa phương (Côl 3:16; ICôr 14:26). Xin lưu ý là các tín hữu tự hát cho chính mình cũng như hát cho các tín hữu khác và người ấy cũng hát cho Chúa nữa. Lời ca của chúng ta phải xuất phát tự đáy lòng, chớ không phải chỉ là những lời trên đầu môi chót lưỡi mà thôi. Nhưng nếu trong lòng chúng ta không có Lời Chúa, thì chúng ta không thể ca hát tự đáy lòng được. Điều này cho thấy biết rõ Lời Đức Chúa Trời là quan trọng như thế nào, vì nó phong phú hoá việc thờ phượng Đức Chúa Trời của chúng ta trước công chúng và trong chỗ riêng tư.
Việc ca hát của chúng ta phải có “ơn”. Nói như thế không có nghĩa là bảo rằng chúng ta phải ca hát cho “du dương êm dịu” mà ngụ ý chúng ta phải ca hát là vì chúng ta có ơn Chúa trong lòng. Phải có ơn Chúa để ca hát khi chúng ta gặp khốn khổ, hoặc khi hoàn cảnh có vẻ như đang chống lại chúng ta. Phao-lô và Si-la phải thật sự “có ơn Chúa” thì mới có thể ca hát trong nhà tù tại Phi-líp (Công 16:22-25). Việc ca hát của chúng ta không nên là việc phô trương tài năng xác thịt nó phải là việc chứng tỏ ân điển của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta.
Có người đã nói rằng cuộc đời của một Cơ-đốc nhân thành công phải chú ý đến ba quyển sách: Quyển sách của Đức Chúa Trời là Thánh Kinh quyển sổ tay và quyển Thánh ca. Tôi nhất trí. Tôi thường dùng một Thánh ca cho thì giờ bồi linh (đọc Thánh Kinh, suy gẫm và cầu nguyện) để giúp tôi diễn tả lời ca tụng Đức Chúa Trời.
Trong khi người tín hữu tăng trưởng trong sự thông biết Lời Chúa, người ấy cũng cần tăng trưởng trong việc diễn tả lời ca ngợi tán tụng nữa. Người ấy phải học tập để biết tán thưởng các bài thánh ca quan trọng của Hội thánh, các bài ca ngợi Phúc-Âm, và các bài hát thuộc linh, dạy các chân lý thuộc linh. Chỉ hát những bài ca sơ đẳng của đạo mà thôi, là tự cướp đi của mình nhiều tiềm năng thuộc linh phong phú.
Trước khi từ giã đoạn này, cần lưu ý một điều quan trọng là nó, rất giống với Eph 5:18-6:9. Trong bức thư gởi cho người Ê-phê-sô, Phao-lô nhấn mạnh trên vấn đề được đầy dẫy Đức Thánh Linh trong bức thư gởi người Cô-lô-se, ông nhấn mạnh vấn đề phải đầy dẫy Lời Chúa. Nhưng các chứng cứ hiển nhiên cho sự đầy dẫy thuộc linh này vốn giống y nhau!
Làm thế nào để ta có thể nói rằng một tín hữu được đầy dẫy Đức Thánh Linh? Đó là người ấy có sự vui mừng, biết tạ ơn, và đầu phục Chúa (Eph 5:19-21) tất cả những điều đó được chứng tỏ bằng các mối liên hệ của người ấy tại nhà riêng và nơi làm việc (Eph 5:22-6:9). Làm thế nào để ta có thể nói rằng một tín hữu có đầy dẫy Lời Chúa? Đáng lẽ người ấy có sự vui mừng, biết tạ ơn và thuận phục Chúa (Côl 3:16-4:1).
4. Danh Đấng Christ (Côl 3:17)
Trong xã hội hiện đại, chúng ta ít chú ý đến tên người. Nhưng trong xã hội đời xưa, tên của một người được xem là tối quan trọng. Vào thời kỳ Cựu-ước, Đức Chúa Trời thường đổi tên một người vì người ấy có được một từng trải quan trọng hay một sự phát triển mới mẻ nào đó.
Là Cơ-đốc nhân, chúng ta mang tên của Đấng Christ. Từ ngữ Cơ-đốc nhân (người Christ) chỉ được tìm thấy có ba lần trong toàn bộ Tân-ước (Công 11:26; Công 26:28; IPhi 4:16). Tên ấy nguyên được gán cho người theo Đấng Christ như một thái độ khinh bỉ, nhưng lần lần lại trở thành một cái tên đầy vinh dự. Vậy, danh Đấng Christ có nghĩa là một sự đồng nhất hoá: chúng ta thuộc về Chúa Giê-xu Christ.
Nhưng danh Ngài còn có nghĩa là uy quyền nữa. Tên một người ký vào một tấm ngân phiếu, cho phép mình rút ra một số tiền từ ngân hàng. Tên của vị Tổng thống ký vào một tờ giấy, khiến nó trở thành luật. Cũng thế, chính nhờ (trong) danh Chúa Giê-xu Christ mà chúng ta được quyền cầu nguyện (Gi 14:13-14; Gi 16:23-26). Vì Chúa Giê-xu Christ chính là Đức Chúa Trời, và Ngài đã chịu chết thay cho chúng ta, nên chúng ta được quyền nhân danh Ngài.
Tất cả những gì chúng ta nói và làm đều phải được kết hợp với danh Chúa Giê-xu Christ. Bằng lời nói và việc làm của mình, chúng ta phải tôn vinh danh Ngài.Nếu chúng ta cho phép bất cứ một việc gì trong đời sống mình được thực hiện không kết hợp với danh Chúa Giê-xu, là chúng ta đang phạm tội đấy! Chúng ta phải nói và làm mọi việc bằng uy quyền của danh Ngài và nhằm mục đích tôn vinh danh ấy.
Được mang danh Chúa Giê-xu là một đặc quyền lớn, nhưng nó cũng là một trách nhiệm nặng nề. Chúng ta sở dĩ phải chịu bắt bớ bách hại, là vì mang danh Ngài (Gi 15:20-21). Trong những cuộc trò chuyện, tôi chú ý thấy nếu bạn bảo với người khác rằng mình là một tín đồ Báp-tít, Trưởng lão, theo hệ phái Luther hoặc thậm chí là một người vô thần, thì sẽ chỉ có rất ít phản ứng. Nhưng nếu bạn nói với người ta rằng bạn là một Cơ-đốc nhân và đưa tên Chúa Giê-xu Christ vào trong câu chuyện, thì hầu như tức khắc sẽ có một loại phản ứng nào đó, và thường thường là phản ứng tiêu cực.
Tất cả các bậc làm cha mẹ đều cố tìm cách dạy con cái mình phải tôn trọng tên họ của dòng dõi, gia đình mình. Chỉ trong vài phút thôi, một người có thể làm ô danh tổ tiên, điều mà các bậc tiền bối ấy đã phải bỏ ra nhiều năm để gây dựng. Chẳng hạn tên Giu-đa của người Hy-bá-lai là một cái tên đáng tôn trọng nó có nghĩa là “ca tụng”. Tên Giu-đa cũng có giá trị tương đương như thế trong Tân-ước – nhưng ai là người đặt cho con trai mình cái tên Giu-đa?
Xin lưu ý là Phao-lô lại đề cập việc tạ ơn trong bức thư gởi cho người Cô-lô-se này. Cho dù chúng ta có nhân danh Đấng Christ để làm bất cứ việc gì, chúng ta đều phải gắn vào đó lời tạ ơn. Nếu chúng ta không thể tạ ơn Chúa, thì thà đừng nói hoặc làm còn hơn! Đây là lần thứ năm thứ sáu đề cập việc tạ ơn trong sách Cô-lô-se (Côl 1:3,12; Côl 2:7; Côl 3:15,17; Côl 4:2). Khi chúng ta nhớ rằng Phao-lô đang là một tù nhân của người La-mã lúc ông viết bức thư này, việc ấy sẽ khiến cho điều nhấn mạnh về sự cảm tạ này còn diệu kỳ hơn nữa!
Trong khi kiểm điểm lại bốn động cơ thúc đẩy thuộc linh này của một đời sống tin kính, chúng ta cảm thấy một ấn tượng sâu sắc về tính cách tập trung vào Chúa Giê-xu Christ. Sở dĩ chúng ta tha thứ, vì Đấng Christ đã tha tội cho chúng ta (Côl 3:13). Chính sự bình an của Đấng Christ phải cai trị trong lòng chúng ta (Côl 3:15). Lời Chúa phải “ở đầy” trong chúng ta (Côl 3:16). Danh Đấng Christ phải là tên của chúng ta và là uy quyền của chúng ta. “Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự” (Côl 3:11).
Vì chúng ta đã hợp nhất với Chúa Thế thông qua việc Đức Thánh Linh ngự vào lòng mình, chúng ta có đầy đủ mọi nguồn tài nguyên cần thiết cho một đời sống thánh khiết. Nhưng chúng ta cần phải được thúc đẩy bởi các động cơ thuộc linh. Ví chúng ta đã trải nghiệm ân điển của Đấng Christ, chúng ta cần phải sống cho Ngài. Vì chúng ta đã được hưởng sự bình an trong Đấng Christ, chúng ta cần phải vâng lời Ngài. Chúng ta đã được giàu có nhờ Lời Đấng Christ, và đã được trở thành cao quý nhờ danh Đấng Christ, cho nên chúng ta cần phải tôn trọng và làm sáng danh Ngài.
Chúng ta còn ước mong một động cơ thúc đẩy nào cao hơn thế hay không?
10. VẤN ĐỀ CỦA GIA ĐÌNH (Côl 3:18-4:1)
Đức tin đặt vào Chúa Giê-xu Christ chẳng những làm thay đổi các cá nhân, mà còn biến đổi cả các gia đình nữa. Trong đoạn này, Phao-lô ngỏ lời với các thành viên trong gia đình: những ông chồng, bà vợ, con cái, và tôi tớ trong nhà.Dường như đã rõ ràng những người được Phao-lô ngỏ lời ở đây đều là tín hữu cả, vì Phao-lô kêu gọi mọi người hãy sống đẹp lòng Chúa Giê-xu Christ.
Ngày nay, đang có một điều gì đó trục trặc từ căn bản với các gia đình. Bản tường trình cuối cùng mà tôi được biết cho thấy rằng hiện nay tại Hoa-kỳ, có nhiều gia đình bị tan vỡ hơn bao giờ hết, với một vụ ly dị trên hai cuộc hôn nhân.
Các gia đình có người làm cha làm mẹ độc thân cứ ngày càng tăng. Hơn phân nửa tổng số các bà mẹ hiện phải làm việc ngoài gia đình, và nhiều người trong số họ hãy còn con mọn.
Trẻ con Mỹ trung bình từ 6 đến 16 tuổi xem truyền hình từ 20 đến 24 giờ mỗi tuần và phần đông đều bị ảnh hưởng của những gì mình xem thấy. Hội chứng “trẻ con bị đánh đập” đang tiếp tục gia tăng, với từ 2 đến 4 triệu trường hợp được báo cáo hằng năm, và nhiều vụ chẳng bao giờ được báo cáo.
Tổ chức đầu tiên mà Đức Chúa Trời sáng lập trên thế gian này là gia đình (Sa 2:18-25; Mat 19:1-6). Gia đình thể nào, thì xã hội và đất nước dân tộc cũng sẽ như thế. Sự sa sút của gia đình là một trong số nhiều dấu hiệu của các kỳ sau rốt (IITi 3:1-5). Từ nhiều thế kỷ trước,
Đức Khổng tử đã nói “Sức mạnh của một dân tộc là do sự bền chặt của các gia đình mà ra”. Có một trong nhiều việc “vĩ đại” mà với tư cách cá nhân chúng ta có thể làm, là tiếp tay xây dựng các gia đình Cơ-đốc tin kính. Phao-lô ngỏ lời với nhiều thành viên khác nhau trong gia đình và chỉ ra các thành tố khiến cho một gia đình được vững mạnh và tin kính.
1. Chồng và vợ: Tình yêu và sự vâng phục (Côl 3:18-19)
Phao-lô đã không ngỏ lời với những người làm vợ trước, vì họ là những người khốn khó nhất. Phúc-Âm đã thay đổi tận gốc rễ địa vị của các phụ nữ trong thế giới của người La-mã. Phúc-Âm đã đem đến cho họ một quyền tự do và một vóc dáng mới mà một người trong vòng họ không kham nổi, vì thế Phao-lô đã răn bảo họ (cũng có những lời răn bảo tương tự trong Eph 5:18 và IPhi 3:1).
Chúng ta không nên nghĩ rằng vâng phục là “nô lệ hoá” hay “khuất phục”. Từ ngữ này vốn là một thuật ngữ quân sự, chỉ đơn giản có nghĩa là “sắp đặt dưới cấp bậc”. Sự kiện một binh sĩ này là lính trơn, còn một binh sĩ khác là đại tá không nhất thiết có nghĩa rằng người này tài giỏi hơn người kia. Điều đó chỉ có nghĩa là họ có cấp bậc khác nhau mà thôi.
Đức Chúa Trời đã tạo dựng mọi sự thật ”thích hợp và theo thứ tự” (ICôr 14:40). Nếu Ngài không tạo ra một chuỗi các chỉ huy trong xã hội, chúng ta chắc phải gặp cảnh xáo trộn, hỗn loạn. Sự kiện người vợ phải vâng phục chồng không hề ngụ ý rằng đàn ông hơn phụ nữ. Nó chỉ có nghĩa là người chồng có trách nhiệm làm đầu và lãnh đạo trong nhà.
Làm đầu không có nghĩa là độc tài hay chúa tể. Nó là quyền lãnh đạo bằng tình yêu.Thật vậy, cả vợ lẫn chồng đều phải vâng phục Chúa và vâng phục lẫn nhau (Eph 5:21). Đây là sự tôn trọng hai chiều dưới quyền Chúa tể của Chúa Giê-xu Christ.
Sự vâng phục thuộc linh đích thực là bí quyết của sự tăng trưởng và hoàn thiện.Khi một nữ Cơ-đốc nhân vâng phục Chúa và vâng phục chồng mình, người ấy sẽ từng trải được một sự giải phóng và hoàn thiện mà người ấy không thể nào có được bằng một cách nào khác. Tình yêu và vâng phục lẫn nhau này tạo ra một bầu không khí tăng trưởng trong gia đình, giúp cả hai vợ chồng đều trở thành tất cả những gì mà Đức Chúa Trời muốn cho họ trở thành.
Sự kiện người vợ là Cơ-đốc nhân “ở trong Đấng Christ” không phải là lý do để đòi hỏi được độc lập một cách ích kỷ. Sự việc phải trái hẳn lại mới đúng, vì sự cứu rỗi của người vợ khiến người ấy xem việc vâng lời Đức Chúa Trời và vâng phục chồng mình là quan trọng. Nếu quả thật trong Chúa Giê-xu Christ, “không còn đờn ông hoặc đờn bà” (Ga 3:28), thì điều cũng rất đúng, ấy là sự vui vẻ vâng phục chính là bằng cớ chứng minh rằng người vợ vốn thuộc về Chúa Giê-xu Christ.
Tuy nhiên, người chồng có trách nhiệm phải yêu vợ, và từ ngữ “yêu” ở đây là agape –là tình yêu hi sinh và phục vụ mà Đấng Christ dành cho Hội thánh Ngài. Một cuộc hôn nhân có thể bắt đầu bằng tình yêu bình thường, lãng mạn của con người, nhưng phải tăng trưởng để trở thành tình yêu agape sâu sắc và thuộc linh, chỉ đến từ Đức Chúa Trời mà thôi. Trong khúc sách song hành (Eph 5:18tt), Phao-lô vạch rõ rằng chồng phải yêu vợ “như Đấng Christ yêu Hội thánh” vậy.
“Chúa Giê-xu Christ đã ban tất cả những gì mình có cho Hội thánh”. Ngài tự nguyện chịu chết vì chúng ta! Mức độ mà một người chồng yêu vợ mình không phải chỉ được nhìn thấy bằng các quà tặng hay lời nói, mà bằng các hành động hi sinh và quan tâm lo lắng cho hạnh phúc và sự an vui của nàng.
Phao-lô thêm một lời cảnh cáo đặc biệt đối với người chồng: “chớ hề cay nghiệt với người” (Côl 3:19). Chồng phải cẩn thận chớ có ấp ủ ác ý với vợ vì một điều gì đó mà người vợ có làm hay không làm: Một “rễ đắng” trong gia đình có thể đầu độc mối liên hệ vợ chồng và tạo cơ hội cho Sa-tan (Hêb 12:15; Eph 4:31).
Vợ chồng là Cơ-đốc nhân phải cởi mở và thành thật với nhau đừng giấu diếm nhau các cảm xúc của mình hoặc lừa dối nhau. “Lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Eph 4:15) là một phương pháp hay để giải quyết các điểm dị biệt giữa vợ chồng. “Chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” là một đối sách hay nên theo, nếu bạn muốn có một gia đình hạnh phúc (Eph 4:26).
Một người chồng thật lòng yêu vợ sẽ không đối xử thô bạo hay tìm cách tạo gánh nặng chung quanh mình khi ở nhà. “Tình yêu thương hay nhịn nhục tình yêu thương hay nhân từ tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ” (ICôr 13:4-5).
Quả thật người vợ không có mấy khó khăn khi phải vâng phục người chồng yêu mình. Nàng biết rằng chồng muốn tìm điều tốt nhất cho mình và sẽ chẳng làm gì có hại cho mình cả. Tình yêu của người chồng đối với vợ mình có thể được nhìn thấy trong sự hi sinh vì vợ, còn tình yêu của người vợ đối với chồng thì được thấy trong việc người ấy vâng phục chồng mình. Ở đâu có sự hy sinh và vâng phục trong bầu không khí yêu thương, bạn sẽ thấy được một gia đình hạnh phúc.
Một cuộc hôn nhân hạnh phúc không tự nhiên tự động mà đến nó là điều mà người ta phải luôn luôn chịu khó để tạo nên.
-Nếu chúng ta bước đi với Đấng Christ trong sự thuận phục, thì sẽ không thấy khó khăn gì trong việc vâng phục nhau và tìm cách phục vụ cho nhau. Nhưng ở đâu có thói ích kỷ, thì sẽ có tranh chấp và chia rẽ. Nếu trong lòng đã cay đắng, thì cuối cùng sẽ có rắc rối trong gia đình. Chúng ta tìm ở đâu ra năng lực để yêu thương và vâng phục? Từ Chúa.
-Nếu chúng ta đang mặc các “y phục của ân điển” đã được mô tả ở phần trên (Côl 3:5-14) và nếu lòng chúng ta có đầy dẫy sự bình an của Đấng Christ và Lời Ngài, chúng ta sẽ đóng góp được niềm vui và sự hài hòa trong gia đình. Nếu chúng ta sống trước nhất vì làm đẹp lòng Đấng Christ, thứ đến để được đẹp lòng tha nhân, rồi cuối cùng mới đến bản thân chúng ta, chúng ta sẽ xây dựng được những cuộc hôn nhân vững mạnh và những gia đình thuộc linh.
2. Cha mẹ và con cái: khuyến khích và vâng lời (Côl 3:20-21)
Trong các gia đình Cơ-đốc này có nhiều con cái, nên Phao-lô dành một phần trong bức thư của ông để ngỏ lời với chúng. Kết quả bình thường của một cuộc hôn nhân là sinh con, và phước thay cho những trẻ con được sinh ra trong các gia đình Cơ-đốc, là nơi có tình yêu và sự thuận phục.
Lệnh truyền của Đức Chúa Trời cho các tổ phụ nguyên thuỷ của chúng ta là “Hãy sinh sản và làm cho đầy dẫy đất” (Sa 1:28), và mệnh lệnh này đã được ban truyền trước khi loài người phạm tội. Mối liên hệ vợ chồng và việc sinh con cái không phải là tội lỗi, trái lại, đó là một phần của sự ủy thác của Đức Chúa Trời cho loài người. Trong việc thai dựng và sinh con cái, người chồng và người vợ dự phần vào hoạt động sáng tạo của Đức Chúa Trời.
Người ta đã nói khá nhiều về các quyền lợi của con cái, và quả thật là chúng có các quyền lợi ấy. Một trong các quyền lợi đó là được sinh ra đời. Một quyền khác nữa là được sinh ra trong một gia đình Cơ-đốc tận hiến, nơi chúng sẽ được trưởng dưỡng “bằng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa” (Eph 6:4). Chúng được quyền có cha mẹ tin kính, sẽ dạy cho chúng Lời của Đức Chúa Trời và sửa phạt chúng trong tình yêu.
John H. Starkey là một tội phạm hung bạo người Anh. Anh ta đã giết vợ mình, bị kết tội và xử tử. Các quan chức yêu cầu Đại tướng William Booth nhà sáng lập đội Cứu Thế Quân chủ trì buổi lễ an táng. Tướng Booth phải trực diện với một đám đông có dáng vẻ hung dữ và bần tiện mà ông chưa từng thấy trong đời mình, nhưng câu nói đầu tiên của ông đã khiến họ đứng im lặng và sửng sốt: “John H. Starkey đã không hề có một người mẹ biết cầu nguyện”.
Con cái có quyền lợi, nhưng chúng cũng có trách nhiệm, mà trách nhiệm tối quan trọng của chúng ta là phải vâng lời. Chúng phải vâng lời “trong mọi sự” chớ không phảim chỉ trong những việc đẹp lòng chúng mà thôi. Có bao giờ cha mẹ lại bảo con cái mình làm điều sai trái chăng? Không bao giờ nếu các bậc làm cha làm mẹ vâng phục Chúa và vâng phục nhau, và nếu họ yêu nhau và yêu các con cái mình.
Đứa con không học tập vâng lời cha mẹ, có thể lớn lên sẽ chẳng vâng lời bất cứ một uy quyền nào cả. Nó sẽ thách thức cả các giáo viên, nhân viên cảnh sát, các ông chủ và bất kỳ ai khác cố tìm cách hành quyền trên nó. Sự suy sụp của uy quyền trong xã hội chúng ta phản ảnh sự suy sụp của uy quyền ngay trong gia đình.
Phần đông con cái không tạo ra các vấn đề, chúng chỉ cho thấy các vấn đề mà thôi. Những bậc cha mẹ không tự kỹ luật mình thì không thể kỹ luật con cái họ. Nếu bản thân một người làm cha làm mẹ bất chấp uy quyền, thì họ không thể nào hành quyền trên người khác. Chỉ khi nào các bậc cha mẹ vâng phục nhau và vâng phục Chúa, họ mới có thể hành quyền thuộc linh và thuộc thể một cách quân bình và đúng mức trên con cái họ.
Mức độ của sự vâng lời của con cái, là “trong mọi sự”, còn động cơ thúc đẩy là làm đẹp lòng Chúa. Người ta có thể làm đẹp lòng cha mẹ mình nhưng không làm đẹp lòng Chúa, nếu cha mẹ không vâng phục Chúa. Gia đình nào sống trong một bầu không khí yêu thương và chân thật, thường xuyên đọc Lời Đức Chúa Trời, cùng cầu nguyện chung với nhau, sẽ dễ dàng tìm thấy ý chỉ Đức Chúa Trời và làm đẹp lòng Chúa.
Chữ cha trong câu 21 có thể dịch là “cha mẹ” như ở Hêb 11:23. Phao-lô vạch rõ rằng các bậc làm cha mẹ phải cố gắng hết sức trong phạm vi mình có thể làm được để khiến cho con cái mình biết vâng lời. “Chớ hề chọc giận con cái mình” (Côl 3:21) là một mệnh lệnh cho những bậc làm cha mẹ, nhưng nó đã không được tuân thủ biết bao lần!
Cha mẹ quá thường tự động nói không khi con cái họ cầu xin một điều gì đó khi họ không chịu cẩn thận lắng nghe và cân nhắc từng lời cầu xin một. Cha mẹ thường đổi ý và tạo vấn đề cho con cái, nhiều khi là bằng cách nhảy từ cực đoan phóng túng sang cực đoan luật pháp chủ nghĩa.
Các bậc làm cha làm mẹ phải khích lệ con cái mình, chớ không phải là gây nản lòng, thất vọng cho chúng. Có một trong số những điều quan trọng nhất mà bậc làm cha mẹ phải làm, là dành thì giờ để sống thân mật với con cái mình. Một công trình nghiên cứu trong một thị trấn nọ đã cho thấy các ông cha chỉ dành 37 giây mỗi ngày với các con trai nhỏ của mình! Thật là một khích lệ đối với con cái khi chúng biết được rằng cha mẹ chúng, dù có bận rộn đến đâu, cũng cố gắng dành thì giờ, tạo ra thì giờ để được ở riêng với chúng!
Cha mẹ cũng cần lắng nghe và kiên nhẫn nghe con cái trò chuyện với mình. Một lỗ tai biết lắng nghe và một tấm lòng yêu thương, bao giờ cũng đi đôi với nhau. Có một đứa con đã nói với cha mình: “Cha đã dành thì giờ để có được con, nhưng cha lại không dành thì giờ để nghe con”. Thật là một án lệnh khủng khiếp!
Cuộc đời không phải là dễ dàng đối với trẻ con, nhất là trẻ con, con cái của các Cơ-đốc nhân. Các vấn đề của chúng có vẻ như nhỏ bé đối với chúng ta, nhưng lại là rất to lớn đối với chúng! Các bậc cha mẹ là Cơ-đốc nhân cần cẩn thận lắng nghe, chia sẻ các cảm thức và những điều bất như ý của con cái mình, cùng cầu nguyện với chúng, và tìm cách khích lệ chúng. Gia đình phải là nơi hạnh phúc và tốt nhất trên cả thế giới!
Làm cho con cái thất vọng là khiến chúng trở thành miếng mồi ngon cho Sa-tan và thế gian. Khi một đứa trẻ không tìm được cho mình một “cái tôi mạnh” trong gia đình, nó sẽ đi tìm ở một nơi khác.Thật đáng thương hại cho một số người làm cha làm mẹ là Cơ-đốc nhân đã không giúp được cho các con họ phát triển nhân cách, các tài năng thiên phú và các kỹ năng của chúng.
Điều còn tệ hại hơn nữa là khi các bậc làm cha làm mẹ là Cơ-đốc nhân lại đem một đứa con này so sánh với một đứa khác, do đó tạo ra cạnh tranh không cần thiết ngay trong gia đình.
Nhiều khi những người làm cha làm mẹ còn lợi dụng con cái như những vũ khí để chống lại nhau. Cha thì cấm con làm một việc gì đó, nhưng mẹ lại phủ quyết lệnh ấy và tán thành! Đứa con khốn khổ bị “kẹt” giữa cha và mẹ, và chẳng bao lâu, đã học biết được thói làm “đòn xóc hai đầu” để đứng giữa mà thủ lợi! Hậu quả là một tấm thảm kịch về cả hai phương diện đạo đức và thuộc linh.
Nếu một gia đình thật sự Cơ-đốc, nó là nơi để mọi người đều được khích lệ. Trong một gia đình nhu thế, con cái tìm được chỗ ẩn trú khi gặp tranh chiến, rồi tìm được sức lực để chiến đấu và gánh vác gánh nặng của việc cứ ngày càng tăng trưởng. Nó từng được một tấm lòng biết yêu thương, một con mắt theo dõi, một lỗ tai biết lắng nghe, và một bàn tay sẵn sàng trợ giúp. Nó chẳng cần nơi nào khác nữa – gia đình đã đáp ứng mọi nhu cầu của nó. Trong loại gia đình như thế, lẽ tự nhiên là đứa con sẽ tin cậy Đấng Christ và muốn sống cho Ngài.
3. Chủ và tớ: chân thành và tận hiến (Côl 3:22-4:1)
(Côl 3:22-25)
Nô lệ là một chế độ đã có nền tảng vững chắc vào thời của Phao-lô. Ít nhất phân nửa dân chúng là nô lệ. Nhiều người trong số họ có học vấn đảm nhiệm nhiều trọng trách trong các tư gia của người giàu có. Trong nhiều gia đình, chính các tôi tớ đã tiếp tay giáo dục và kỹ luật con cái.
Tại sao Hội thánh thời bấy giờ không công khai chống đối chế độ nô lệ và tìm cách tiêu diệt nó? Về một điểm, Hội thánh chỉ là một nhóm thiểu số chẳng có thế lực chính trị gì để thay đổi một định chế đã tạo ra được trật tự xã hội. Phao-lô đã cẩn thận dạy các Cơ-đốc nhân nô lệ nên tìm tự do nếu có thể được (ICôr 7:21)nhưng ông không bênh vực cho việc nổi loạn hay lật đổ trật tự hiện hữu.
Thiết tưởng cần lưu lưu ý một điều: chủ đích của Hội thánh nguyên thuỷ là truyền bá Phúc-Âm để đưa nhiều linh hồn người ta về với Chúa, chớ không phải là tham gia hoạt động xã hội. Giả sử các Cơ-đốc nhân đầu tiên bị gán cho các nhãn hiệu là một giáo phái chống chính phủ, chắc họ đã gây trở ngại lớn lao trong công tác chinh phục linh hồn người ta, và việc bành trướng Hội thánh.
Cơ-đốc nhân tham gia vào việc đề cao lòng chân thành và luân lý đạo đức trong chính quyền và xã hội là tốt và phải lẽ dầu vậy, mối quan tâm đó chẳng bao giờ thay thế được sự uỷ thác phải đi vào trong thế gian để truyền giảng Phúc-Âm (Mac 16:15).
Chắc bạn nhớ rằng sách Cô-lô-se là một trong ba bức thư đã được Phao-lô gởi từ trong nhà tù tại Rô-ma hai bức thư kia là thư Ê-phê-sô và thư Phi-lê-môn. Hãy đọc bức thư ngắn ngủi Phao-lô đã gởi cho Phi-lê-môn để thấy thái độ của ông đối với chế độ nô lệ. Phao-lô đã không khuyên Phi-lê-môn đối xử nghiêm khắc với tên nô lệ đã chạy trốn của ông, mà khuyên ông hãy nhận anh ta như một người anh em, tuy anh ta vẫn còn là một nô lệ. Thật ra, Ô-nê-sim nô lệ, chính là một trong những người đã mang bức thư này đến Cô-lô-se! (Côl 4:9).
Một Cơ-đốc nhân là tôi tớ phải hoàn toàn vâng phục chủ mình, như phục vụ chính Chúa vậy. Nếu một Cơ-đốc nhân là tôi tớ có được một ông chủ là tín hữu, anh ta không nên lợi dụng chủ mình, vì họ đều là anh em trong Chúa. Hễ làm việc gì, người ấy phải phấn đấu để thực hiện cho tốt hơn, vì mình là một Cơ-đốc nhân. Phải chứng tỏ là mình có tấm lòng chân chất và tận tuỵ với chủ. Phải làm việc tận tâm không phàn nàn, như làm cho Chúa chớ không phải là cho người ta. “Hãy hầu việc Đấng Christ, tức là Chúa” (Côl 3:24).
Những tấm lòng chân chất rất cần thiết để các Cơ-đốc nhân là tôi tớ làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và phục vụ đúng mức các ông chủ của họ. Mấy lời chỉ giáo này nhấn mạnh mặt tích cực của sự vâng lời. Người làm tôi tớ phải vâng lời để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời chớ không phải chỉ để tránh bị trừng phạt mà thôi. Cả khi người chủ không khen ngợi họ, họ vẫn được phần thưởng của Chúa. Cũng thế, nếu họ không vâng lời, Chúa sẽ có cách xử lý họ, mặc dù chủ họ không làm như thế.Đức Chúa Trời chẳng tây vị ai cả (Công 10:34; Rô 2:11; Eph 6:9; Gia 2:1,9).
• Trong xã hội của chúng ta không có nô lệ.
Nhưng chúng ta có thể áp dụng các nguyên tắc này vào bất kỳ một loại công việc làm lương thiện nào. Một Cơ-đốc nhân là công nhân phải là người công nhân tốt nhất. Người ấy phải tuân lệnh chớ không cãi lại. Người ấy phải phục vụ Đấng Christ nữa, chớ không phải chỉ phục vụ chủ mà thôi, và phải tận tâm làm việc, cho dù có người theo dõi giám sát hay không.Nếu người ấy tuân thủ các nguyên tắc này, thì sẽ nhận được phần thưởng của Chúa, dù ông chủ dưới đất này của người ấy chẳng nhận thấy hay ban thưởng cho người ấy.
Tôi có một người bạn mà nhiều năm trước, đã bị đuổi việc vì rất chịu khó làm việc. Anh ta đang muốn kiếm tiền để học đại học, và muốn làm việc cho chủ mình ngày nào cũng thật là đáng công đối với ngày hôm ấy. Nhưng chỗ rắc rối là sự năng nổ của anh ta lại vạch trần thói lười biếng của một số công nhân khác, nên họ bắt đầu phản ứng. Một người trong đám họ đã cáo gian anh bạn của tôi, và anh ta bị đuổi việc. Anh ta bị mất việc làm nhưng giữ được tư cách của mình, và Chúa đã ban thưởng cho anh ta.
Trong thế giới phức tạp, chụp giật ngày nay, nhiều khi một Cơ-đốc nhân rất khó vâng lời Chúa mà đồng thời cũng giữ được chỗ làm của mình hoặc được tăng lương thăng cấp. Nhưng người ấy vẫn phải vâng lời Đức Chúa Trời y như thế và tin cậy Ngài trong các nhu cầu của mình. Các bạn đồng công không được cứu của một công nhân là Cơ-đốc có thể lợi dụng anh ta, nhưng có lẽ việc ấy là cơ hội để người ấy làm chứng đạo và dùng đời sống mình để chứng minh cho lời làm chứng ấy. Đưa được một linh hồn về với Chúa còn vô cùng quan trọng hơn là kiếm thêm được chút ít tiền bạc.
Như vợ với chồng, cha mẹ với con cái đều có trách hiệm hai chiều đối với nhau, thì chủ và tớ cũng thế. Phao-lô răn bảo các ông chủ là Cơ-đốc nhân phải đối xử tốt và sòng phẳng với các tôi tớ mình. Đây có thể là một ý niệm mới mẻ đối với các ông chủ người La-mã, vì họ vốn xem tôi tớ họ như các “đồ vật” chớ không phải như những con người. Các ông chủ hầu như có toàn quyền cai trị kiểm soát trên tôi tớ họ và có thể làm bất cứ điều gì mình thích đối với họ. Có rất ít các chủ nhân người La-mã lại biết nghĩ đến chuyện đối xử tốt với nô lệ, vì chúng vốn chẳng đáng được chi cả.
Phúc-Âm đã không tiêu diệt chế độ nô lệ ngay tức khắc, mà từ từ làm thay đổi mối liên hệ giữa nô lệ với chủ. Các định chuẩn và áp lực xã hội không nhất trí với các lý tưởng của Cơ-đốc giáo, nhưng Cơ-đốc nhân là người làm chủ vẫn phải thực thi các lý tưởng ấy.
Người ấy phải đối xử với nô lệ của mình như một con người, và như một anh em trong Đấng Christ vậy (Ga 3:28). Người ấy không nên xử tệ với nô lệ của mình, mà phải đối xử tốt và công bằng với họ. Dù sao thì một Cơ-đốc nhân là nô lệ cũng là một con người tự do trong Chúa, còn người chủ là nô lệ của Đấng Christ (ICôr 7:22). Cũng thế, các mối liên hệ xã hội và thuộc thể của chúng ta cũng phải luôn luôn được các mối liên hệ thuộc linh điều hướng.
Khi ôn lại phần thực tiễn này của thư Cô-lô-se, chúng ta được thấy lại một lần nữa địa vị độc tôn của Đấng Christ trong đời sống chúng ta với tư cách là tín hữu. Đấng Christ phải là Đầu trong gia đình. Loạt những lời răn bảo này thật ra là một phần ứng dụng Côl 3:17 “Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha”. Chúng ta phải sống trong các mối liên hệ hằng ngày của mình nhờ vào năng lực và uy quyền của Ngài. Nếu Ngài đã là độc tôn trong đời sống chúng ta, thì chúng ta phải yêu mến lẫn nhau, vâng phục lẫn nhau, vâng lời và dối xử với người khác thật đẹp trong Chúa.
Thiết tưởng chúng ta nên ôn lại Eph 5:18-6:9 và chú ý những điểm giống nhau giữa khúc sách ấy với đoạn chúng ta vừa nghiên cứu. Đoạn sách Ê-phê-sô trên đây nhấn mạnh vấn đề được đầy dẫy Đức Thánh Linh trong khi thư Cô-lô-se nhấn mạnh vấn đề được đầy dẫy Lời Đức Chúa Trời, nhưng các chứng cứ hiển nhiên đều giống y nhau: vui mừng, tạ ơn và sống một cuộc đời vâng lời (Chúa). Được đầy dẫy Đức Thánh Linh có nghĩa là được Lời Chúa điều hướng.
Sự đầy dẫy Đức Thánh Linh và đầy dẫy Lời Chúa đều quan trọng cho gia đình. Nếu các thành viên trong gia đình đều được Thánh Linh của Đức Chúa Trời và Lời Ngài điều hướng, họ sẽ gặp ít rắc rối với nhau. Các chủ nhân và công nhân là Cơ-đốc nhân sẽ đối xử tốt đẹp với nhau nếu họ đều đầy dẫy Đức Thánh Linh và Lời Đức Chúa Trời.
Cốt lõi của mọi vấn đề là vấn đề của tấm lòng, và chỉ có Đức Thánh Linh với Lời Đức Chúa Trời mới có thể làm thay đổi và chủ trị tấm lòng.
Những người sống chung với bạn có khám phá được rằng bạn đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh và Lời Đức Chúa Trời, hay không?
-Côl 4:1 Xem giải nghĩa Côl 3:22-25
11. LỜI NÓI KHÔNG PHẢI LÀ RẺ TIỀN ĐÂU (Côl 4:2-9)
Đừng bao giờ đánh giá thấp lời nói.
Vị thẩm phán chỉ nói mấy lời, thế nhưng cuộc đời của một người sẽ được cứu hay bị kết án. Một bác sĩ chỉ nói vài lời, thế nhưng con bệnh sẽ vui mừng phấn khởi hoặc buông xuôi vì tuyệt vọng. Cho dù việc truyền thông có lẽ bằng lời nói hay văn bản, những lời lẽ trong đó đều có năng lực vô cùng lớn lao. Tôi được kể lại rằng với mỗi một chữ trong quyển sách Mein Kampf của Hít-le, 125 người đã phải bỏ mạng trong Trận thế chiến II.
Năng lực của lời nói là một ân tứ của Đức Chúa Trời, nên nó phải được sử dụng theo ý định của Ngài. Trong sách Gia-cơ, cái lưỡi được ví với một chiếc hàm thiếc và chiếc bánh lái, với một ngọn lửa và loài vật độc hại, và với một cội cây trĩu quả và một suối nước (Gia 3:1-18). Ba cặp hình ảnh trên đây dạy chúng ta rằng cái lưỡi có năng lực điều khiển, huỷ diệt và đem vui thú đến cho người ta. Cái lưỡi chỉ là một một quan thể nhỏ của thân thể chúng ta, nhưng có thể thực hiện được nhiều việc lớn, có lợi hoặc có hại.
Trong đoạn sách ngắn gọn này, Phao-lô vạch ra bốn chức vụ quan trọng của lời nói.
1. Cầu nguyện (Côl 4:2-3a)
Cầu nguyện và thờ phượng có lẽ là hai cách sử dụng cao nhất ân tứ của lời nói. Phao-lô đã không xấu hổ khi yêu cầu các bạn thân cầu nguyện cho ông. Tuy ông là một sứ đồ, ông vẫn cần được người khác cầu nguyện cho, hậu thuẫn cho bản thân và chức vụ của ông, huống chi là tôi với các bạn, chúng ta còn cần đến loại trợ giúp thuộc linh ấy càng nhiều hơn biết bao nhiêu! Trong mấy lời ngắn ngủi này, Phao-lô mô tả các đặc điểm của một cuộc đời cầu nguyện thoả đáng và thuộc linh.
-Thứ nhất, chúng ta phải trung tín cầu nguyện. “Phải bền đỗ...cầu nguyện” (Côl 4:2). Câu này có nghĩa là “Phải vững vàng trong sinh hoạt cầu nguyện của anh em phải tận tâm tận hiến, chớ có từ bỏ.” Đây là cách thức mà Hội thánh nguyên thuỷ đã cầu nguyện (Công 1:14; Công 2:46).
Quá nhiều người trong chúng ta chỉ cầu nguyện khi thấy thích hay khi gặp khủng hoảng. Lệnh truyền của Đức Chúa Trời cho chúng ta là: “Hãy ...cầu nguyện không thôi” (ITês 5:17). Nói như thế không có nghĩa là bảo rằng chúng ta cứ phải đi tới đi lui vừa hít thở vừa lâm râm cầu khấn. Đúng hơn, điều đó có nghĩa là chúng ta phải thường xuyên thông công với Đức Chúa Trời, sao cho lời cầu nguyện của chúng ta cũng bình thường như hơi thở vậy.
Cũng không phải điều đó gợi ý rằng Đức Chúa Trời chỉ miễn cưỡng nhậm lời cầu nguyện của chúng ta, nên chúng ta phải dùng lời cầu nguyện của mình khiến cho Ngài phải mỏi mòn kiệt quệ. “Sự thật hoàn toàn trái hẳn, Đức Chúa Trời thích nhậm lời cầu nguyện của chúng ta.” Nhưng nhiều khi Ngài trì hoãn nhậm lời vì muốn khiến cho đức tin và thái độ tận hiến của chúng ta tăng thêm để hoàn thành chủ đích của Ngài thật đúng lúc kịp thời.
Việc Đức Chúa Trời trì hoãn không phải luôn luôn là Ngài từ chối. Nếu chúng ta cứ tiếp tục cầu nguyện, chính tấm lòng của chúng ta sẽ được chuẩn bị đối với câu trả lời của Ngài cho chúng ta. Chúng ta sẽ tự cảm thấy mình được tăng trưởng trong ân điển cả trước khi câu trả lời của Ngài đến.
Lời cầu nguyện của chúng ta cũng phải do tinh thần tỉnh thức. Chúng ta phải thức canh và đề cao cảnh giác trong khi cầu nguyện. Câu “thức canh cầu nguyện” rất thường được Thánh Kinh dùng đến. Nó có khởi đầu trong lịch sử Thánh Kinh khi Nê-hê-mi đang xây lại các vách và cửa thành Giê-ru-sa-lem “Nhưng chúng tôi cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời chúng tôi, và lập kẻ ngày và đêm canh giữ họ” (Ne 4:9). Chúa Giê-xu từng dùng câu này (Mac 13:33; Mac 14:38) Phao-lô cũng thế (Eph 6:18).
-Lời cầu nguyện khô khan, hờ hững, thì không có năng lực. Nếu trên bàn thờ không có lửa thì sẽ chẳng có hương thơm bay lên đến tận Đức Chúa Trời (Thi 141:2). Lời cầu nguyện đích thực đòi hỏi phải có năng lực và sự cảnh giác thuộc linh mà điều đó và chỉ đến từ Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà thôi. Những lời cầu nguyện theo thói quen nhàm chán là những lời cầu nguyện không được đáp lại.
Chúng ta cũng phải tạ ơn Chúa trong khi cầu nguyện. “Phải...thêm sự tạ ơn vào” (Côl 4:2). Cảm tạ là một thành tố quan trọng của lời cầu nguyện linh nghiệm (Phi 4:6). Nếu tất cả những gì chúng ta làm chỉ là cầu xin mà thôi, chớ chẳng có lời nào tạ ơn Đức Chúa Trời về các ân tứ Ngài ban, là chúng ta vị kỷ. Thành thật tỏ lòng tri ân Đức Chúa Trời là một trong những phương pháp hay nhất để đưa nhiệt tâm vào trong lời cầu nguyện của chúng ta.
Luôn luôn có rất nhiều điều để chúng ta vì đó mà cảm tạ Chúa! Chúng ta từng chú ý điểm nhấn mạnh của Phao-lô vào sự cảm tạ trong bức thư của ông gởi người Cô-lô-se (Côl 1:3,12; Côl 2:7; Côl 3:15,17; Côl 4:2). Khi chúng ta nhớ lại rằng Phao-lô đang bị tù lúc ông viết bức thư này, thì điểm nhấn mạnh đó lại càng trở thành kỳ diệu hơn!
Cuối cùng lời cầu nguyện của chúng ta phải có chủ đích: “Cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi” (Côl 4:3). Lời cầu nguyện của ta quá thường mơ hồ và chung chung, tổng quát. “Lạy Chúa, xin ban phước cho các giáo sĩ”. Thật tốt hơn biết bao nếu chúng ta cầu nguyện cho các nhu cầu cụ thể.
Khi làm như thế, chúng ta sẽ biết được khi nào thì Đức Chúa Trời đã nhậm lời để chúng ta có thể tạ ơn Ngài. Có lẽ chính vì chúng ta thiếu đức tin nên mới cầu nguyện chung chung như thế, thay vì cầu nguyện một cách đặc thù.
Có người đã nói rất đúng rằng chủ đích của việc cầu nguyện không phải là để cho ý muốn của con người được thành tựu trên thiên đàng, mà là để cho ý chỉ của Đức Chúa Trời được nên dưới đất này. Cầu nguyện không phải là để bảo Đức Chúa Trời phải làm gì hay phải ban cho những gì. Cầu nguyện là hỏi Đức Chúa Trời xem Ngài muốn chúng ta làm gì và ban cho điều gì theo ý chỉ Ngài (IGi 5:14-15).
Trong khi chúng ta đọc Lời Chúa và thông công với Cha chúng ta trên trời, chúng ta khám phá ra ý chỉ Ngài, nên sau đó, sẽ bạo dạn cầu xin Ngài hãy thực hiện kế hoạch của Ngài. Richard Trench (1807-1816), tổng giám mục Dublin, đã nói rất đúng: “Cầu nguyện không phải là chiến thắng sự miễn cưỡng của Đức Chúa Trời đó là việc nắm lấy ý chỉ Ngài”.
Lẽ dĩ nhiên, ta có thể cầu nguyện thầm trong lòng mà chẳng bao giờ dùng đến lời nói (ISa 1:13) nhưng cả trong những trường hợp như thế, chúng ta vẫn đang sử dụng lời nói, dầu không nói ra thành tiếng có thể nghe được bằng tai. Lời cầu nguyện đích thực, trước hết phải xuất phát tự đáy lòng, dù có nói ra thành lời hay không.
Hãy nghiên cứu những bài cầu nguyện trong tù của Phao-lô (Phi 1:9-11; Eph 1:15-23; Eph 3:14-21; Côl 1:9-12) như những thí dụ về lời cầu nguyện toàn hảo.
2. Rao truyền lời Chúa (Côl 4:3b-4)
Phao-lô không cầu xin cho các cửa nhà tù mở ra, nhưng cầu xin cho các cánh cửa của chức vụ được mở rộng (ICôr 16:9; Công 14:27). Với Phao-lô thì làm một mục sư trung tín còn hơn là được làm một người tự do. Cần lưu ý là trong tất cả các bài cầu nguyện trong tù của Phao-lô, điều ông quan tâm không phải là tự do cá nhân hay sự tiếp trợ vật chất, mà là bản chất và phước hạnh thuộc linh.
Sở dĩ Phao-lô bị tù là vì “sự mầu nhiệm của Đấng Christ” liên hệ với người ngoại quốc (xem Eph 3:1-13). Sự mầu nhiệm này là chủ đích của Đức Chúa Trời cho người ngoại quốc liên hệ với dân Y-sơ-ra-ên vì trong Hội thánh người Do-thái và ngoại quốc đều là một (Eph 2:11-22).
Hãy đọc đoạn ký thuật về việc Phao-lô đã bị bắt trong đền thờ Do-thái (Công 21:18-22:30). Cần lưu ý là người Do-thái đã lắng nghe Phao-lô cho đến khi ông nói đến chữ người ngoại bang (Công 22:21-22). Chính mối quan tâm của Phao-lô đối với người ngoại quốc, và chức vụ của ông cho họ, đã đưa ông vào tù.
Cả giữa một số người Do-thái đã tin Đấng Christ cũng có một loại cuồng tín muốn ép buộc xếp người ngoại quốc vào một địa vị thấp hơn (Công 15:1tt). Phái theo luật pháp chủ nghĩa cực đoan này muốn người ngoại bang trở thành người Do-thái về nghi thức, trước khi họ có thể trở thành Cơ-đốc nhân! Phao-lô và Ba-na-ba đã cương quyết đối đầu với mối đe dọa đối với Phúc-Âm này, nên hội nghị đã phải biểu quyết ủng hộ hai ông. Nhưng phe luật pháp chủ nghĩa vẫn tiếp tục chống lại Phao-lô và công việc của ông. Họ không muốn tin mừng về sự mầu nhiệm của Đấng Christ đến với người ngoại quốc. Họ vẫn muốn giữ lại vẻ tự tôn là người Do-thái của họ.
Thật là lạ lùng, vì Phao-lô lại muốn Đức Chúa Trời giúp ông làm chính điều đã đưa ông vào nhà tù! Ông không có ý định từ bỏ chức vụ hay thay đổi bức thông điệp.Lúc John Bunyan bị bắt về tội truyền giảng bất hợp pháp và bị bỏ tù, ông được cho biết là ông sẽ được tha ra nếu chịu hứa là sẽ thôi truyền giảng. Ông đáp: “Nếu tôi được thả ra khỏi nhà tù hôm nay, ngày mai, nhờ sự trợ giúp của Đức Chúa Trời, tôi lại sẽ truyền giảng Phúc-Âm nữa”.
Làm thế nào để Phao-lô chia sẻ sự mầu nhiệm của Đấng Christ lúc ông bị cầm tù? Vụ án của ông đã được nhiều người bàn tán, ông cũng có thể làm chứng đạo cho các lính canh cùng bị xích chung với ông (Phi 1:12-18). Hãy tưởng tượng là bạn cùng bị xích chung với Phao-lô! Qua lời chứng của ông, Phúc-Âm đã được đưa đến nhiều nơi trong đế quốc La-mã, mà nếu là người tự do, chắc Phao-lô đã không thể nào đến được. Có cả các thánh-đồ là “người nhà Sê-sa” nữa! (Phi 4:22).
Việc truyền bá Phúc-Âm được lời cầu nguyện làm tăng thêm quyền năng. Thánh Linh của Đức Chúa Trời dùng Lời của Đức Chúa Trời khi chúng ta đến gần ngôi thi ân để cầu xin Đức Chúa Trời chúc phước. Trong khi cầu nguyện, chúng ta chẳng bao giờ nên tách rời khỏi Lời Đức Chúa Trời, vì chính Đức Chúa Trời đã gắn liền cả hai vào nhau (Công 6:4).
Có một vị khách đến viếng ngôi Đền tạm của Spurgeon tại Luân-đôn và được chính vị mục sư là Charles Spurgeon dẫn đi xem khắp nơi.
Khi chỉ cho ông khách một giảng đường ở một phần thấp hơn của ngôi nhà, Spurgeon hỏi: “Ông có muốn xem ngôi nhà quyền năng của chức vụ này không? Chính nhờ nơi này mà chúng tôi có được quyền năng ấy, vì trong khi tôi truyền giảng trên lầu, thì mấy trăm người của chúng tôi nhóm lại cầu nguyện trong căn phòng này“.
Thế thì có gì để lấy làm lạ nếu Đức Chúa Trời đã chúc phước cho công tác truyền giảng Lời Đức Chúa Trời của Spurgeon?
Chính bạn, là một thành viên của Hội thánh, có thể giúp mục sư của bạn trong việc truyền giảng Lời Chúa bằng cách cầu nguyện cho ông ta. Xin đừng bao giờ nói với ông mục sư của bạn rằng: “Vâng! việc tối thiểu tôi có thể làm là cầu nguyện cho ông”. Việc tối đa mà bạn có thể làm, là cầu nguyện!
Hãy cầu nguyện cho ông mục sư của bạn khi ông ta soạn thảo, nghiên cứu và suy gẫm Lời Chúa cho bài giảng.
-Hãy cầu xin Đức Thánh Linh ban cho ông ta có được những cái nhìn thông tuệ vào các chân lý của Thánh Kinh.
-Cũng hãy cầu nguyện cho ông mục sư của bạn biết thực thi Lời Chúa mà ông ta đã truyền giảng, để nó được biến thành sự thật trong chính đời sống ông ta. Trong lúc ông mục sư truyền giảng, hãy cầu xin Đức Thánh Linh cho ông được tự do nói ra, để Lời Chúa sẽ thấy vào tâm tư ý tưởng người ta cách diệu kỳ (cầu nguyện cho nhiều lãnh tụ Hội thánh khác nữa thiết tưởng cũng chẳng có thiệt hại gì).
Truyền bá Lời Đức Chúa Trời là một đặc quyền lớn và là một trách nhiệm nặng nề. Bạn chẳng cần gì phải là một nhà truyền đạo được tấn phong hay một giáo sĩ, rồi mới có thể chia sẻ Lời Chúa. Cả trong những cuộc trò chuyện hằng ngày, bạn vẫn có thể gieo hat giống Đạo (Lời) Chúa vào lòng mọi người, rồi cầu nguyện xin Đức Chúa Trời sẽ tưới nước cho hạt giống ấy, để nó sẽ kết quả.
3. Làm chứng đạo cho kẻ bị hư vong (Côl 4:5-6)
“Những người ngoại” ám chỉ những người ngoài gia đình của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu từng phân biệt các môn-đệ Ngài với những người bên ngoài (Mac 4:11). Phao-lô cũng có sự phân biệt như thế (ICôr 5:12-13). Những người đã được tái sinh giữa vòng chúng ta là những người “thuộc linh bên trong” vì chúng ta thuộc về gia đình của Đức Chúa Trời và được chia sẻ sự sống với Ngài.
Tuy nhiên, là Cơ-đốc nhân, chúng ta chẳng bao giờ nên có mặc cảm tự tôn về sự thánh khiết. Chúng ta có trách nhiệm phải làm chứng đạo cho những người bị hư vong chung quanh mình và tìm cách đưa họ vào trong gia đình của Đức Chúa Trời. Trước hết, chúng ta có trách nhiệm lấy sự khôn ngoan ăn ở với người ngoại (Côl 4:5). Những người ngoại chưa được cứu đang theo dõi cách ăn ở cư xử của chúng ta là các Cơ-đốc nhân và luôn luôn tìm cách chê bai, chỉ trích chúng ta. Chúng ta phải sống như thế nào để đừng có điều gì trong đời sống chúng ta gây trở ngại cho lời làm chứng đạo của chúng ta.
Người ta thường kể lại câu chuyện này về Tiến sĩ Will H.Houghton, mục sư của Hội thánh Báp-tít Calvary tại thành phố New York và sau này là chủ tịch Viện Thánh Kinh Moody tại Chicago cho đến ngày ông qua đời năm 1946. Lúc Tiến sĩ Houghton làm mục sự Đền tạm Báp-tít tại Atlanta, một người trong thành phố ấy đã thuê một thám tử tư theo dõi ông để báo cáo về cách ăn ở cư xử của ông. Sau nhiều tuần lễ, nhà thám tử nọ đã báo cáo với ông ta rằng cuộc đời của Tiến sĩ Houghton rất phù hợp với những lời truyền giảng của ông. Kết quả là người ấy đã trở thành một Cơ-đốc nhân.
“Ăn ở khôn ngoan” có nghĩa gì? Trước hết, nó có nghĩa là chúng ta phải cẩn thận đừng nói hay làm điều gì khiến chúng ta gặp khó khăn khi chia sẻ Phúc-Âm cho người khác. Nó cũng có nghĩa là chúng ta phải nhanh nhạy biết lợi dụng các cơ hội mà Đức Chúa Trời tạo ra cho mình để thực hiện phương pháp cá nhân truyền đạo. “Lợi dụng thì giờ” có nghĩa là mua dịp tiện (Eph 5:6). Đây là một thuật ngữ thương mại, tả vẽ Cơ-đốc nhân như một người quản lý trung tín, biết lợi dụng mọi cơ hội ngay lúc vừa mới nhìn thấy chúng. Như một con buôn chốp ngay thời cơ thuận lợi, một Cơ-đốc nhân cũng phải lợi dụng mọi cơ hội để đưa người ta đến với Đấng Christ.
Lấy sự khôn ngoan ăn ở cũng bao gồm việc làm tròn nhiệm vụ, trả hết mọi hoá đơn và giữ mọi lời hứa của mình. Chúng ta phải “ăn ở với người ngoại cách ngay thẳng và không thiếu chi hết” (ITes 4:12). Một người bạn của tôi vào một tiệm tạp hoá để mua một số vật dụng cho Hội thánh.
Người bán hàng hỏi: “Ông... có phải là một tín-đồ của Hội thánh ông không?” Bạn tôi bảo là phải, và người bán hàng tiếp tục kể cho bạn tôi nghe “vị tín-đồ” ấy đã nợ tiệm tạp hóa của ông ta bao nhiêu tiền, và thật là khó đòi được gì của ông ta. Có lẽ dù có làm chứng đạo bao nhiêu đi nữa cho người bán hàng ấy, bạn tôi cũng chỉ phí công vô ích mà thôi.
Các Cơ-đốc nhân nói chung và các cấp lãnh đạo Cơ-đốc nói riêng, phải được “người ngoại làm chứng tốt cho” (ITi 3:7). Khi cần mời một mục sư mới, các thành viên của một Hội thánh cần điều tra để biết lời chứng của những người láng giềng và các nhân vật biết rõ về vị ấy.
Tuy người chưa được cứu vốn tối tăm về phương diện thuộc linh (IICôr 4:3-4), họ vẫn giỏi biện biệt trong các vấn đề liên quan đến những điều thuộc về đời này (Lu 16:8). Thật là tai hại nếu các thành viên trong Hội thánh lại đi mời một vị mục sư thiếu nợ người ta mà không trả, và để lại sau lưng mình nhiều lời chứng xấu của những người không được cứu.
Chỉ ăn ở khôn ngoan và thận trọng trước mặt những người chưa tin Chúa thì vẫn chưa đủ. Chúng ta còn phải trò chuyện với họ và chia sẻ thông điệp Phúc-Âm cho họ nữa. Nhưng phải cẩn thận để lời nói của chúng ta có ân hậu theo luôn, vì điều đó chỉ cho người ta thấy Đấng Christ để tôn vinh Ngài. Nói như thế có nghĩa là chúng ta phải có lòng nhân hậu (Côl 3:16), vì lời nói ra trên môi miệng vốn bắt nguồn từ trong lòng. Với tấm lòng nhân hậu bộc lộ bằng những lời nói nghĩa tình, chúng ta sẽ là những chứng nhân trung tín, chớ không phải là những quan toà hay công tố viên buộc tội người ta!
Chúa Giê-xu Christ vốn có lời lẽ đầy nhân hậu “Ai nấy đều làm chứng về Ngài, lấy làm lạ về các lời đầy ơn lành từ miệng Ngài ra, và nói rằng: Có phải con Giô-sép chăng?” (Lu 4:22). Trong số rất nhiều câu đề cập Chúa Giê-xu Christ trong Thi 45:1-17 (là một thi-thiên về Đấng Mê-si-a), có câu này “Ngài xinh đẹp hơn hết thảy các con trai loài người Ân điển tràn ra nơi môi Ngài: Vì vậy, Đức Chúa Trời đã ban phước cho Ngài đến đời đời” (Thi 45:2). Cả khi Chúa chúng ta nói về tội lỗi, lời lẽ của Ngài vẫn đầy nhân hậu.
Lời nói ra của chúng ta phải là những “lời lành giúp ơn cho...kẻ nghe” (Eph 4:29). Nhưng chúng ta sẽ không thể làm được việc đó nếu chúng ta không có ân hậu trong lòng và trong lời nói. “Lấy lời yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Eph 4:15) là lý tưởng của Đức Cúa Trời đối với việc trò chuyện của chúng ta.
Tại sao Phao-lô lại còn dặn “nêm thêm muối” (Côl 4:6) nữa? Thời bấy giờ muối vốn được dùng vừa để nêm, vừa để giữ thức ăn. Chúng ta chẳng bao giờ nói với ai rằng: “Bây giờ hãy nghe điều này và ăn thêm một hạt muối này đi”. Chúng ta phải nêm thêm muối vào lời nói của mình để chắc chắn là nó trong sạch và và được nêm cách thích hợp “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Eph 4:29). Lời chúng ta nói ra phải tinh sạch, thuần khiết.
• Muối cũng được thêm vào các của lễ (Lê 2:13).
Có lẽ Phao-lô gợi ý rằng chúng ta phải xem lời nói của mình như các của lễ dâng lên cho Đức Chúa Trời, như những lời ca ngợi tán tụng là những của lễ thuộc linh vậy (Hêb 13:15). Chắc nó sẽ giúp chúng ta biết nói đúng lúc, đúng cách, nếu chúng ta nhớ rằng lời nói của mình được xem như những của lễ dâng lên cho Đức Chúa Trời.
Thật là tai hại khi một Cơ-đốc lại có cách nói thô tục, cộc cằn, nhất là khi có những người chưa được cứu nghe thấy. “Nhưng, hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, nhưng phải hiền hoà và kính sợ” (IPhi 3:15).
Nhu mì thì trái hẳn với thô tục, còn sợ hãi thì trái hẳn với tự phụ kiêu căng. Trong những cuộc trò chuyện trao đổi của một Cơ-đốc nhân, không có chỗ nào cho thái độ “ta đây cái gì cũng biết cả”. Trong khi chúng ta cần phải có lòng tin quyết chớ không phải gặp việc gì cũng dung hoà, thoả hiệp, chúng ta vẫn phải nuôi dưỡng tinh thần yêu thương nhân hậu.
Cách ăn ở, chuyện trò của Cơ-đốc nhân phải hài hoà với nhau. Chẳng có gì buộc chúng ta phải ngậm miệng cho bằng một đời sống bất cẩn. Một khi bản tính, cách ăn ở cư xử và trò chuyện đã “ăn khớp” với nhau, thì lời làm chứng của chúng ta sẽ đầy dẫy quyền năng.
4. Chia sẻ gánh nặng (Côl 4:7-9)
Trong bức thư này, Phao-lô đã không kể rõ chi tiết hoàn cảnh cá nhân của ông. ông đã dành công việc ấy cho hai người anh em thuộc linh khác, là Ti-chi-cơ và Ô-nê-sim để họ chia sẻ các gánh nặng ấy cho Hội thánh tại Cô-lô-se. Đây là một chức vụ diệu kỳ khác nữa của lời nói. Chúng ta có thể cùng chia sẻ các nhu cầu và gánh nặng của mình với tha nhân, rồi họ sẽ khích lệ và trợ giúp chúng ta.
Lúc Phao-lô rời Ê-phê-sô, đã có bảy tín hữu khác cùng đi với ông – trong số đó có Ti-chi-cơ (Công 20:4). Những người này đã giúp Phao-lô cấp phát các của dâng do tình yêu thương của các Hội thánh người ngoại quốc cho các thánh đồ nghèo trong xứ Giu-đê (ICôr 16:1; IICôr 8:1-9:15). Rất có thể Ti-chi-cơ và Trô-phim là hai người anh em mà Phao-lô đã đề cập trong bức thư thứ hai ông gởi cho người Cô-rinh-tô (IICôr 8:19-24).
Ti-chi-cơ đã chia sẻ cảnh tù tội tại Rô-ma với Phao-lô, và chắc ông đã giúp Phao-lô về nhiều phương diện. Phao-lô đã chọn Ti-chi-cơ và Ô-nê-sim để đưa thư của ông đến Ê-phê-sô (Eph 6:21) và đến Cô-lô-se (Côl 4:7-9). Lẽ dĩ nhiên, họ cũng đưa bức thư riêng đến cho Phi-lê-môn nữa. Phao-lô đã dặn Ti-chi-cơ cho các Cơ Đốc nhân tại Cô-lô-se biết mọi chi tiết về hoàn cảnh của ông tại Rô-ma.
Phần mô tả Ti-chi-cơ của Phao-lô cho thấy, ông này thật là một Cơ-đốc nhân tuyệt vời như thế nào. Ông là một anh em rất yêu dấu, sẵn sàng ở lại với Phao-lô bất chấp hoàn cảnh khó khăn. Thật khích lệ biết bao khi có được một Cơ-đốc nhân ở bên cạnh, trong lúc mọi sự đều dường như chống lại bạn!
Ti-chi-cơ cũng là một người “tôi tớ trung thành”. Tình yêu của ông đã tự bộc lộ bằng hành động. Ông phục vụ Phao-lô, cũng vì Phao-lô mà phục vụ bằng cách giúp đỡ ông trong nhiều nhiệm vụ. Có người đã bảo rằng tài năng lớn nhất trên đời là có thể tin cậy được, mà thật là đúng như thế, Phao-lô đã có thể tin cậy Ti-chi-cơ hoàn thành cộng tác.
Ti-chi-cơ cũng là “bạn cùng làm việc” với Phao-lô. Tuy bản thân ông không phải là một vi sứ-đồ, ông vẫn giúp đỡ Phao-lô trong chức vụ sứ đồ của ông. Phao-lô và Ti-chi-cơ đã cùng cộng tác để phục vụ Chúa. Về sau, Phao-lô đã có thể phái Ti-chi-cơ đến đảo Cơ-rét (Tit 3:12), và sau đó, là đến Ê-phê-sô (IITi 4:12).
Cộng tác với Phao-lô đang là một tù nhân thì không phải là dễ dàng đối với Ti-chi-cơ, vì Phao-lô có rất nhiều kẻ thù. Đi đây đi đó như việc ông đã làm để giúp đỡ Phao-lô trong nhiều nhiệm vụ, cũng không phải là dễ. Ti-chi-cơ đã không chọn con đường dễ đi, mà đúng hơn là đã chọn con đường đúng. Các Hội Thánh của chúng ta ngày nay đang cần có nhiều thành viên giống như Ti-chi-cơ!
Phao-lô cũng nhắc đến Ô-nê-sim (người đồng xứ với anh em) vốn cũng từ Cô-lô-se đến Ô-nê-sim là một nô lệ của Phi-lê-môn, đã bỏ chủ trốn đi và được đưa đến với Đấng Christ qua chức vụ của Phao-lô tại Rô-ma. Phao-lô gởi Ô-nê-sim trả về cho chủ cũ, cùng với một bức thư yêu cầu Phi-lê-môn nhận lại và tha thứ cho anh ta.Điều lý thú đáng ghi nhận là Phao-lô cũng gọi Ô-nê-sim là anh em trung tín và rất yêu dấu. Ô-nê-sim chỉ mới tin Chúa một thời gian ngắn mà thôi, thế nhưng đã tự chứng tỏ cho Phao-lô thấy như thế.
Hai người này, có một chức vụ song phương phải thực hiện: khích lệ các Cơ-đốc nhân tại Cô-lô-se, và cho họ biết hoàn cảnh của Phao-lô. Người thuộc về Chúa chia sẻ thông tin với nhau như thế, thì có phải là sai trái không? Dĩ nhiên là không! Phao-lô đã không xin tiền hay xin được ưu ái. Ông chỉ muốn các thánh đồ ở Cô-lô-se biết rõ tình hình để họ có thể cầu nguyện cho ông. Trong khi thật có một số “nhân sự Cơ-đốc lạm dụng” hoàn cảnh cách vị kỷ để mong được tiếp trợ, điều này không đúng với Phao-lô. Ông chỉ muốn các bạn ông tại Cô-lô-se biết rõ các sự kiện để hậu thuẫn ông bằng lời cầu nguyện mà thôi.
Tại nhà riêng, chúng tôi nhận được một số thư, của các giáo sĩ xin cầu nguyện. Chúng tôi đọc và cố ghi ra các gánh nặng và nhu cầu đặc biệt. Trong thì giờ bồi linh của riêng mình, tôi dùng nhiều loại lịch cầu nguyện khác nhau để giúp tôi nhớ mà cầu nguyện cho các nhu cầu đặc thù của nhiều chức vụ khác nhau. Tôi muốn biết rõ các sự kiện để có thể cầu thay đặc biệt. Tôi cũng thích được nghe kể lại cách Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện, vì điều đó khích lệ đức tin của tôi.
Cầu nguyện, rao truyền Phúc-Âm làm chứng đạo, và chia sẻ các gánh nặng, là bốn chức vụ kỳ diệu của lời nói. Thà dấn thân vào các chức vụ ấy còn hơn là dùng miệng lưỡi cho việc ngồi lê đôi mách, chê bai ác ý và nhiều mục đích tội lỗi khác nữa!
Hãy để cho lời cầu nguyện của Đa-vít trở thành lời cầu nguyện của chúng ta: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy giữ miệng tôi, và canh cửa môi tôi” (Thi 141:3)
12. BẠN THÂN, NGƯỜI RÔ-MA VÀ NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG (Co 4:10-18)
Phao-lô chẳng những có tài đưa linh hồn người ta về với Chúa, mà còn giỏi kết bạn nữa.Nếu tôi đếm không sai, thì có hơn một trăm Cơ-đốc nhân khác nhau (có tên hoặc không được nêu tên) đã từng cộng tác với Phao-lô trong sách Công-vụ và các thư tín của ông. Chỉ trong sách Rô-ma mà tôi, ông đã nêu tên 26 người bạn thân khác nhau rồi!
Vào thời của Phao-lô, người ta có thói quen kết thúc mỗi bức thư bằng những lời chào thăm cá nhân. Bạn bè vốn ít khi được gặp nhau, còn thư từ trao đổi với nhau thì rất chậm chạp và hạn chế. Lẽ dĩ nhiên, những lời chào thăm của Phao-lô vượt quá tính cách xã giao, chúng nói lên mối bận tâm thuộc linh thật sự của ông dành cho bạn bè. Trong đoạn kết thúc này, Phao-lô gởi những lời chào thăm cá nhân của sáu người trong số các cộng tác viên của ông trong chức vụ đến Cô-lô-se đó là: A-ri-tạc, Giăng mác, Giê-su Giúc-tu, tất cả đều là người Do-thái và Ê-pháp-ra, Lu-ca với Đê-ma, là người ngoại quốc. Rồi Phao-lô còn thêm những lời chào thăm đặc biệt cho hai hội chúng với lời nhắc nhủ đặc biệt cho một trong các vị mục sư.
Lần đầu khi đọc bảng danh sách này có lẽ chúng ta không mấy cảm động. Nhưng khi chúng ta đến phía hậu trường và khám phá ra tấm thảm kịch của đời sống họ khi cộng tác với Phao-lô, bảng danh sách ấy sẽ tạo được rất nhiều phấn khởi. Chúng ta có thể xếp những người này vào ba nhóm:
1. Những người còn ở lại (Côl 4:10-11,14a)
Nhóm này gồm ba người Do-thái (A-ri-tạc, Giăng Mác, Giê-su Giúc-tu) và một người ngoại quốc (Lu-ca). Đặc điểm của tất cả là trung thành với Phao-lô trong thì giờ ông đặc biệt cần đến họ. Họ là những người còn ở lại với ông.
• A-ri-tạc (Côl 4:10a) được Phao-lô gọi là bạn đồng tù, cũng là bạn đồng công với ông (c.11). A-ri-tạc là người từ xứ Ma-xê-đoan và là một trong các bạn đồng hành với Phao-lô trong các chuyến đi truyền giáo của ông (Công 19:29). Ông nguyên là người Tê-sa-lô-ni-ca (Công 20:4) đã tự nguyện liều mạng trong cuộc nổi loạn của người Ê-phê-sô (Công 19:28-41). Ông cùng đi tàu với Phao-lô đến Rô-ma (Công 27:2), nghĩa là ông đã trải qua trận bão và đắm tàu mà Lu-ca đã mô tả cách sinh động Công 27:1-44).
A-ri-tạc đã ở lại với Phao-lô bất chấp hoàn cảnh xảy ra như thế nào – một đám biểu tình phản đối tại Ê-phê-sô, một chuyến đi xa, một trận bão, hoặc thậm chí một nhà tù. Có lẽ A-ri-tạc đã không phải là một tù nhân chính thức của người La-mã. “Bạn đồng tù” có lẽ có nghĩa là A-ri-tạc cùng ở chung với Phao-lô tại nơi ông bị giam giữ để giúp đỡ và an ủi vị sứ đồ. A-ri-tạc là một tù nhân tự nguyện vì danh Chúa Giê-xu Christ và vì Phúc-Âm.
Chắc Phao-lô đã không thể hoàn tất mọi việc nếu không có sự trợ giúp của các bạn thân. A-ri-tạc đã nổi bật hẳn lên như một trong những người đã giúp đỡ Phao-lô đắc lực nhất. Ông đã không đi tìm một nhiệm vụ dễ dàng. Ông đã không bỏ chạy khi tình hình trở nên khó khăn. Ông đã cùng chịu khổ và cùng làm việc gian lao với Phao-lô.
• Giăng Mác (Côl 4:10b), trước giả sách Phúc-Âm thứ hai, thủ một vai trò quan trọng trong lịch sử nguyên thuỷ của Hội thánh. Ông cũng là một người Do-thái quê quán tại Giê-ru-sa-lem, nơi mẹ ông là bà Ma-ri luôn “mở rộng cửa” nhà mình cho các tín hữu (Công 12:12).
Giăng Mác là em họ của Ba-na-ba, người đã cùng đi với Phao-lô trong vòng lưu hành truyền giáo thứ nhất (Công 13:1-3). Rất có thể Giăng Mác đã được dẫn đến với niềm tin trong Đấng Christ nhờ chức vụ của Phi-e-rơ (IPhi 5:13).
Lúc Phao-lô và Ba-na-ba lên đường thực hiện vòng truyền giáo lưu hành đầu tiên, hai ông đã dẫn Mác theo làm phụ tá. Có lẽ ông đảm trách việc sắp xếp chuyến đi, cung ứng nhu cầu, v.v... Nhưng khi chuyến đi gặp khó khăn, Giăng Mác đã bỏ hai nhà truyền đạo để trở về nhà tại Giê-ru-sa-lem (Cong 13:5-13).
Kinh Thánh không giải thích lý do tại sao Giăng Mác đã bỏ đi. Có lẽ ông sợ, vì cả nhóm sắp di chuyển đến một vùng lãnh thổ nguy hiểm. Có lẽ ông bất mãn vì sự kiện Phao-lô nắm quyền lãnh đạo vòng truyền giáo thay cho người bà con của ông là Ba-na-ba. Hoặc cũng có lẽ Giăng Mác đề kháng chức vụ của Phao-lô cho người ngoại quốc. Cho dù là lý do hay lời biện bạch nào, ông cũng đã bỏ họ mà trở về nhà.
Về sau, lúc Phao-lô và Ba-na-ba muốn thực hiện vòng truyền giáo thứ hai, Phao-lô đã không chịu đem Giăng Mác theo đi (Công 15:36-41). Phải chăng Phao-lô đã sai lầm trong việc đánh giá chàng thanh niên này? Có lẽ, nhưng chúng ta không thể trách Phao-lô vì đã thận trọng sau khi Mác đã từng bỏ ông lần trước. Không phải Phao-lô muốn thực hiện một chuyến đi để được danh tiếng ông đang tìm cách đưa nhiều linh hồn trở về với Đấng Christ.
Cho dù có nguy hiểm bất trắc đến đâu cũng không ngăn được ông tìm đến với những người chưa tin Chúa để đem Phúc-Âm cho họ. Thật là tai hại khi Giăng Mác lại gây chia rẽ giữa Phao-lô và Ba-na-ba.Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng Phao-lô đã tha thứ cho Giăng Mác, lại còn khen ngợi ông nữa “Chỉ có một mình Lu-ca ở với ta. hãy đem Mác đến với con, vì người thật có ích cho ta về sự hầu việc lắm” (IITi 4:11).
Mác, Tít, và Ti-mô-thê là các thành viên từng làm đại diện đặc biệt cho sứ-đồ Phao-lô. Ông có thể phái họ đến nhiều Hội thánh đang có vấn đề và tin cậy, giao cho họ nhiệm vụ tiếp tay giải quyết chúng. Nhờ ân điển Đức Chúa Trời, Giăng Mác đã chiến thắng được lần thất bại thứ nhất để trở thành một tôi tớ có giá trị cho Đức Chúa Trời. Thậm chí ông còn là người được chọn để viết sách Phúc-âm Mác nữa!
Giăng Mác là một khích lệ cho tất cả những ai đã thất bại trong nỗ lực muốn phục vụ Đức Chúa Trời lần đầu tiên. Ông đã không chịu ngồi yên chỉ để phiền muộn. Ông đã quay trở lại với chức vụ và tự chứng minh là mình tận trung với Chúa và với Phao-lô. Ông là một trong những người đã ở lại với Phao-lô.
Thiết tưởng tôi cần nói thêm là Ba-na-ba đã làm được một việc tốt khi khích lệ các Cơ-đốc nhân trẻ tuổi trong Đấng Christ. Có thể chàng thanh niên Giăng Mác vẫn cứ làm việc ấy mà chẳng cần đến sự giúp đỡ của người anh họ mình là Ba-na-ba nhưng tôi có phần nghi ngờ việc đó. Đức Chúa Trời đã dùng Ba-na-ba để khích lệ Giăng Mác, và giúp ông phục hồi chức vụ. Ba-na-ba đã sống đúng với tên ông “con trai của sự khích lệ” (Công 4:36 bản NIV).
• Giê-su Giúc-tu (Côl 4:11) là một tín hữu người Do-thái cùng phục vụ Chúa với Phao-lô, nhưng chúng ta chẳng được biết gì về ông cả. Tên Giê-su (Giô-suê) là một tên phổ thông của người Do-thái, và một người Do-thái có thêm một tên La-mã nữa (Giúc-tu) vốn không phải là chuyện bất thường. Giăng Mác là một trường hợp như thế.
Giê-su Giúc-tu đại diện cho số tín-hữu tận trung phục vụ Đức Chúa Trời, nhưng công việc của họ đã không được công bố cho cả thế giới biết. Ông là một bạn đồng công với Phao-lô và là một người an ủi Phao-lô, và đó là tất cả những gì chúng ta được biết. Tuy nhiên, Chúa đã ghi nhận cách đầy đủ về cuộc đời và chức vụ của con người này, và sẽ ban thưởng tương xứng.
• Lu-ca (Côl 4:14a) là một nhân vật rất quan trọng trong Hội thánh nguyên thuỷ. Ông là một người ngoại quốc, nhưng đã được Đức Chúa Trời chọn để viết sách Phúc-âm Lu-ca và sách Công-vụ Sứ-đồ. Có lẽ ông là trước giả người ngoại quốc duy nhất đã viết Thánh Kinh. Ông còn là một y sĩ và rất được Phao-lô yêu mến. Nghề y từng được người Hy-lạp kiện toàn, và các lương y vốn rất được trọng vọng. Tuy Phao-lô có quyền năng để chữa bệnh cho người ta, ông vẫn đi đây đi đó với một y sĩ!
Lu-ca đã theo Phao-lô và đoàn truyền giáo tại Trô-ách (xin lưu ý đại danh từ chúng ta trong Công 16:10). Lu-ca từng đi với Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem (Công 20:5tt) và cũng đi với ông đến Rô-ma (Công 27:1tt). Chúng ta có thể tin rằng chính sự hiện diện cũng như khả năng chuyên môn của Lu-ca là một khích lệ lớn cho Phao-lô suốt những lúc gặp khó khăn. Nếu Đức Chúa Trời có thể và đã thêm sức cũng như chữa bệnh bằng phép lạ, Ngài cũng sử dụng các phương tiện sẵn có trong thiên nhiên, như thuốc men. Hồi vợ chồng chúng tôi làm giáo sĩ bên Phi-châu, có một bạn y sĩ và vợ cùng đi với chúng tôi, và chúng tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của họ.
Lu-ca đã ở lại với Phao-lô đến tận những ngày cuối cùng (IITi 4:11). Đức Chúa Trời đã dùng Lu-ca viết sách Công-vụ để cho chúng ta phần lịch sử được linh cảm của Hội thánh nguyên thuỷ và chức vụ của Phao-lô. Lu-ca là một tấm gương sáng chói về một con người có chức nghiệp, đã biết tận dụng các tài năng của mình để phục vụ Chúa và tận hiến để đi bất cứ nơi nào Đức Chúa Trời sai mình đi. Ông là một Cơ-đốc nhân được yêu mến, một lương y, một người bạn tận tuỵ, và là một sử gia thận trọng tất cả đều được gói ghém trong chỉ một người!
2. Người cầu nguyện (Côl 4:12-13)
Chúng ta đã gặp Ê-pháp-ra ở phần đầu của bài nghiên cứu này, vì ông là người đã sáng lập Hội thánh tại Cô-lô-se (Côl 1:7-8). Ông đã được đưa đến với Đấng Christ nhờ chức vụ của Phao-lô tại Ê-phê-sô, và đã trở về quê nhà để chia sẻ tin mừng về sự cứu rỗi. Dường như Ê-pháp-ra cũng là người sáng lập các Hội thánh tại Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-bô-li nữa (c.13). Theo danh từ hiện đại của chúng ta, thì Ê-pháp-ra là “một nhà truyền giáo quốc nội”.
Động cơ nào thúc đẩy Ê-pháp-ra chia sẻ Phúc-Âm? Ông là một “tôi tớ của Chúa Giê-xu Christ?” (c.12). Phao-lô gọi ông là “bạn đồng sự thiết nghĩa với chúng tôi...một kẻ giúp việc trung thành của Đấng Christ” (Côl 1:7). Ê-pháp-ra yêu mến Chúa Giê-xu Christ nên muốn phục vụ Ngài và chia sẻ bức thông điệp cứu rỗi của Ngài. Nhưng ông đã không làm việc ấy một mình. Ê-pháp-ra cũng tin tưởng vào chức vụ của Hội thánh địa phương, và vào việc cộng tác với các thánh-đồ khác. Ông không phải chỉ là “một tôi tớ” mà thôi, nhưng là “bạn đồng sự” với các tôi tớ của Đức Chúa Trời.
Ngày nọ tôi có trò chuyện với một uỷ viên chấp hành của một hội truyền giáo ngoại quốc về một người bạn chung đã bị bắt buộc phải từ chức tại nhiệm sở truyền giáo hải ngoại. Anh bạn của tôi giải thích: “Chẳng hề có vấn đề gì liên quan đến tội lỗi hay bất cứ điều gì giống như thế. Tất cả chỗ khó khăn cho anh ấy là anh ta thích sống đơn độc. Anh ta không thể cộng tác tốt với người khác. Lãnh vực truyền giáo đòi hỏi nỗ lực đồng đội hoặc chẳng có gì cả!”.
Một trong những bí quyết của chức vụ Ê-pháp-ra, ấy là sinh hoạt cầu nguyện của ông. Sở dĩ Phao-lô biết được việc này, vì Ê-pháp-ra và Phao-lô cùng ở chung một phòng, và khi Ê-pháp-ra cầu nguyện, thì Phao-lô biết rõ đâu là các đặc điểm của sinh hoạt cầu nguyện của nhân vật này?
• Ông cầu nguyện không thôi (c.12).
Ông là một tấm gương tốt về lời răn bảo của Phao-lô “Phải bền đỗ.. trong sự cầu nguyện” (Côl 4:2). Không phải Ê-pháp-ra chỉ cầu nguyện khi nào ông cảm thấy thích, như nhiều Cơ-đốc nhân ngày nay vẫn làm.Ông cũng không chỉ cầu nguyện khi có người bảo ông cầu nguyện hay khi các tín hữu khác cầu nguyện. Ông luôn cầu nguyện, cầu nguyện không thôi, để tìm cầu phước hạnh của Đức Chúa Trời.
Ông cầu nguyện nhiệt tình (chiến đấu trong khi cầu nguyện –c.12). Từ ngữ được dùng ở đây có nghĩa là “hấp hối”. Đó chính là từ ngữ đã được dùng chỉ cách cầu nguyện của Chúa chúng ta trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Lu 22:44). Chúng ta có cảm tưởng rằng đối với Ê-pháp-ra, cầu nguyện là một vấn đề hệ trọng! Từ ngữ Hy-văn này vốn được dùng để mô tả các lực sĩ điền kinh lúc họ đặt toàn tâm toàn ý vào bộ môn thể thao của mình. Nếu các thành viên của Hội thánh ngày nay cũng quan tâm và đặt hết nhiệt tình của họ vào sự cầu nguyện như họ vẫn có trong các môn bóng chày hay bowling, chắc chắn chúng ta sẽ có được một cơn phục hưng!
• Ông cầu nguyện cho anh em (c.12).
Ê-pháp-ra không cầu nguyện cho tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới nói chung, và cũng không cầu nguyện cho riêng ai cả. Ông tập trung cầu nguyện cho các thánh-đồ tại Cô-lô-se, Lao-đi-xe và Hi-ê-ra-bô-li.Chắc chắn ông đã nêu đích danh một số người nào đó trong số họ. Với Ê-pháp-ra cầu nguyện không phải là một tập quán tôn giáo phi ngã (impersonal), vì lòng ông luôn nhớ đến những người ấy, nên cũng cầu nguyện riêng cho họ nữa.
Ông cầu nguyện có chủ đích dứt khoát. Giả sử bạn hỏi Ê-pháp-ra: “Ông đang cầu nguyện gì thế?” Chắc ông có thể nói rõ ra với bạn. Ước muốn quan trọng nhất của ông, là toàn thể các tín hữu trong cả ba hội chúng đã kể trên được trưởng thành trong niềm tin Cơ-đốc. Phao-lô đã dùng bốn từ ngữ rất có ý nghĩa để tóm tắt lời cầu nguyện của Ê-pháp-ra, mà bốn từ ngữ này cũng tóm tắt bức thông điệp của Cô-lô-se: “toàn vẹn, đầy đủ, tất cả và ý muốn”.
Ê-pháp-ra quan tâm, muốn cho các Cơ-đốc nhân này biết rõ và làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời.Nhưng ông cũng muốn họ tham gia mọi việc theo ý chỉ Đức Chúa Trời, chớ không phải chỉ tham gia một phần nào đó mà thôi (“Tất cả” là chữ chìa khoá trong thư Cô-lô-se, đã được dùng trên 30 lần). Ông cũng muốn họ đứng trọn vẹn và đầy đủ trong ý chỉ Đức Chúa Trời. Các giáo sư Trí huệ phái đề nghị đem đến cho các Cơ-đốc nhân này “sự hoàn thiện và trưởng thành”, nhưng họ đã không thể cung cấp các “sản phẩm” đó. Chỉ một mình Chúa Giê-xu Christ mới có thể ban cho chúng ta các phước hạnh ấy mà thôi “Vì sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy như có hình. Anh em lại nhờ Ngài mà có được đầy dẫy mọi sự, vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực” (Côl 2:9-10).
Lời cầu xin này nêu ra ý tưởng về việc được trưởng thành và được đảm bảo trọn vẹn trong ý chỉ của Đức Chúa Trời bảo đảm cho, và đi đôi với gánh nặng cầu nguyện của Phao-lô (Côl 2:2). “Sự đảm bảo đầy trọn trong ý muốn Đức Chúa Trời” là một phước hạnh phi thường! Người tín hữu không nhất thiết phải cứ trôi nổi trong cuộc sống. Người ấy có thể biết ý chỉ Đức Chúa Trời và vui hưởng được điều đó. Một khi đã biết ý chỉ Đức Chúa Trời và theo đó mà sống, thì người ấy sẽ trưởng thành trong đức tin và từng trải sự đầy trọn của Đức Chúa Trời.
Ông cầu nguyện bằng thái độ hi sinh (c.13-“hết sức nhiệt thành” hoặc “nhiều đau đớn”). Cầu nguyện thật sự rất khó. Lúc Chúa Giê-xu cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê, các giọt mồ hôi của Ngài đã nhỏ xuống như máu. Phao-lô từng “hết sức chiến tranh” (hấp hối” để cầu nguyện cho người Cô-lô-se (Côl 2:1), còn Ê-pháp-ra cũng đã từng trải sự “khó nhọc” như thế.
Nói như thế không có nghĩa là bảo rằng chúng ta phải “vật lộn” với Đức Chúa Trời để được Ngài nhậm lời cầu nguyện của mình. Nhưng nó có nghĩa là chúng ta phải lao mình vào sự cầu nguyện thật nhiệt thành và toàn tâm toàn ý. Nếu không có gánh nặng, cũng sẽ chẳng có phước hạnh. Xin nhắc lại câu nói của John H. Jowett liên quan đến vấn đề truyền giảng “Cầu nguyện mà chẳng phải trả giá gì cả, thì cùng chẳng hoàn tất được chi cả”.
Tất cả những người đang ở với Phao-lô đều đã được nêu tên và khen ngợi bằng cách này hay cách khác, nhưng Ê-pháp-ra là người duy nhất đã được khen về chức vụ cầu nguyện. Nói như thế không có nghĩa là bảo rằng những người khác đã không cầu nguyện, mà chỉ ngụ ý rằng cầu nguyện là mối quan tâm và là chức vụ chủ yếu của ông. Ê-pháp-ra là bạn đồng tù với Phao-lô (Phil 1:23) – nhưng cả đến việc tù tội giam cầm cũng không ngăn trở được ông vào tận các hành lang trên thiên đàng để cầu nguyện cho các anh chị em của mình trong các Hội thánh.
E.M.Bounds là một chiến sĩ cầu nguyện của thế hệ vừa qua. Ông thường dậy sớm vào buổi sáng cầu nguyện nhiều giờ trước khi bắt đầu công việc trong ngày. Con số rất nhiều quyển sách của ông viết về sự cầu nguyện đã chứng thực sự kiện ông Bounds cũng như Ê-pháp-ra, vốn biết cách chiến đấu để cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời (Nếu bạn chưa bao giờ đọc sách).
Quyền năng của sự cầu nguyện của E.M.Bounds, xin hãy tìm đọc quyền sách ấy). Tôi rất cảm động về sự kiện Ê-pháp-ra đã cầu nguyện cho các tín hữu trong ba thành phố khác nhau. Ngày nay, chúng ta sẽ được phước biết bao nếu các thành viên của Hội thánh chịu cầu nguyện cho vị mục sư và Hội thánh của họ, chớ chưa nói chi đến các tín hữu ở những nơi khác! Có lẽ một lý do khiến cơn phục hưng vẫn chậm đến, là vì chúng ta vẫn chưa sốt sắng cầu nguyện lẫn cho nhau.
3. Con người lầm lạc (Côl 4:14b)
Đê-ma chỉ được đề cập ba lần trong các bức thư của Phao-lô, mà ba lần ấy đều nói lên một câu chuyện buồn. Thứ nhất, ông được gọi là “Đê-ma....bạn cùng làm việc với tôi” và được gắn liền với ba người tốt khác: Mác, A-ri-tạc, và Lu-ca (Phil 1:24). Nhưng rồi ở đây, ông chỉ được gọi đơn giản là “Đê-ma” mà chẳng còn một từ đặc biệt nào về lý lịch hay nhằm khen ngợi cả (Côl 4:14). Nhưng lần đề cập thứ ba cho biết Đê-ma đã trở thành người như thế nào “Vì Đê-ma đã lìa bỏ ta rồi, tại người ham hố đời này, và đã đi qua thành Tê-sa-lô-ni-ca. Cơ-rết-xen đi trong xứ Ga-la-ti, còn Tít thì đi xứ Đa-ma-ti rồi” (IITi 4:10).
Đã có một lần trong đời sống mình, Giăng Mác từng lìa bỏ Phao-lô, nhưng rồi ông đã biết hối lỗi và được phục hồi địa vị. Đê-ma thì bỏ Phao-lô luôn, và dường như đã chẳng bao giờ biết hối lỗi. Tội của ông là ham mến đời này. Từ ngữ “đời này” ám chỉ cả hệ thống của mọi việc xảy ra trên thế gian này hay “xã hội không có Đức Chúa Trời”. Trong thư tín thứ nhất của mình sứ đồ Giăng đã vạch rõ rằng thế gian quyến rũ người tín hữu bằng “sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời” (IGi 2:15-17). Chúng ta không được biết cái bẫy nào trong số đó đã bắt Đê-ma có lẽ ông đã sa vào cả ba.
Nhưng chúng ta biết các Cơ-đốc nhân ngày nay có thể sa ngã vào trong thế gian, y như Đê-ma vậy. Thật là dễ dàng duy trì một lớp sơn tôn giáo bề ngoài, trong khi chúng ta sống trọn thời gian cho những điều thuộc về thế gian này. Đê-ma tưởng ông có thể làm tôi hai chủ, nhưng cuối cùng đã phải quyết định nhưng tai hại thay, ông lại quyết định sai.
Chắc Phao-lô đã bị mất mát lớn khi Đê-ma lìa bỏ ông. Công việc Chúa cũng bị thiệt hại, vì chưa bao giờ số người hầu việc Chúa lại có số đông cả. Nhưng quyết định ấy gây thiệt hại cho chính Đê-ma nhiều nhất, vì ông đã lãng phí cả cuộc đời vào lãnh vực chống suy tàn. “Ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (IGi 2:17).
Sau khi nhắn lời chào thăm bạn bè và các bạn đồng công, bản thân Phao-lô gởi lời chào thăm các Hội thánh tại Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-bô-li. Những người này vốn chưa từng thấy Phao-lô (Côl 2:1), thế nhưng ông rất quan tâm đến họ và phúc lợi thuộc linh của họ.
Chúng ta chẳng biết gì về Nim-pha cả, ngoại trừ việc có một Hội thánh đang họp trong nhà ông (có một số bản dịch ghi tên người này là Nympha dường như ngụ ý cho thấy người tín hữu này là một phụ nữ). Trong thế kỷ thứ nhất, các hội chúng địa phương nhóm lại tại các tư gia.
Ngay cả hiện tại, nhiều Hội thánh địa phương mới cũng bắt đầu theo cách này. Chỉ sau khi Cơ-đốc giáo thoát ra khỏi cơn bắt bớ bách hại và được chính quyền chính thức thừa nhận, các nhà thờ mới được xây dựng. Hội chúng họp nhau tại đâu thì chẳng quan trọng bao nhiêu, bao lâu có Chúa Giê-xu Christ là trung tâm của mối thông công đó (về các thí dụ khác liên quan đến “Hội thánh tư gia” xem Rô 16:5 và ICôr 16:19).
Mối quan tâm lớn của Phao-lô là Lời Đức Chúa Trời đọc và học hỏi nghiên cứu trong các Hội thánh ấy. Động từ “đọc” ở đây có nghĩa là đọc lớn tiếng. Bấy giờ vẫn chưa có nhiều bản sao các bức thư cho từng thành viên một. Riêng tôi có niềm tin quyết rằng chúng ta cần quay trở lại với việc tuyên đọc Lời Đức Chúa Trời trước công chúng trong nhiều Hội thánh. “Hãy chăm chỉ đọc sách” (ITi 4:13) có nghĩa là đọc Lời Đức Chúa Trời trước hội chúng.
Cần lưu ý là các bức thư khác nhau của Phao-lô đều thích hợp cho tất cả các hội chúng này. Trong khi thi hành chức vụ, tôi đã chia sẻ Lời Chúa tại nhiều nơi và trong nhiều hoàn cảnh, và Lời ấy bao giờ cũng đi vào lòng người và đáp ứng các nhu cầu của họ. Cả trong những nền văn hoá khác nhau, Lời Đức Chúa Trời vẫn là một bức thông điệp cho tấm lòng người ta. Chúng ta chẳng cần phải viết lại hay thay đổi Lời Chúa thì mới đáp ứng được các nhu cầu khác nhau trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, vì Lời Đức Chúa Trời luôn luôn sẵn sàng để ứng dụng vào mọi hoàn cảnh.
Bức thư ở Hội thánh Lao-đi-xê gởi đến là bức thư nào? Chúng ta không được biết chắc. Một số học giả nghĩ rằng thư Ê-phê-sô chính là bức thư bị lạc mất này, nhưng ý kiến ấy chỉ hoàn toàn do suy luận mà thôi. Sự kiện bức thư ấy đã bị thất lạc không có nghĩa là chúng ta bị thiếu mất một phần của Lời được linh cảm của Đức Chúa Trời.
Một số thư từ mà Phao-lô trao đổi với Hội thánh tại Cô-rinh-tô cũng đã bị thất lạc. Đức Chúa Trời chẳng những đã linh cảm cho Lời của Ngài, và ơn thần hựu của Ngài luôn luôn quan phòng để tất cả những dì được kể trong Lời ấy không bao giờ bị thất lạc. Thay vì thắc mắc về những gì chúng ta không có, chúng ta phải tự ứng dụng cho mình những gì mình đang có.
Khi đối chiếu Côl 4:17 với Phi-lê-môn, chúng ta có cảm tưởng rằng A-chíp thuộc về gia đình Phi-lê-môn. Rất có thể ông là con trai của Phi-lê-môn và là mục sư của Hội thánh đang họp tại nhà của Phi-lê-môn. Lẽ dĩ nhiên chúng ta không chứng minh được điều này, nhưng dường như đó là câu kết luận hợp lý. Và kết luận như thế sẽ khiến cho Áp-bi được hiểu là vợ của Phi-lê-môn.
Những lời cuối cùng của Phao-lô trước lời chào từ biệt được nhằm vào A-chíp như một lời khích lệ hãy cứ tiếp tục trung tín trong chức vụ. Phải chăng A-chíp đã chán nản, thất vọng? Phải chăng các giáo sư giả theo Trí huệ phái đã xâm nhập Hội thánh và tạo ra nhiều vấn đề cho ông? Chúng ta không biết. Nhưng điều chúng ta biết là quý vị mục sư trong các chi hội địa phương luôn luôn gặp nhiều vấn đề và có nhiều gánh nặng, và các vị ấy thường cần một lời khích lệ.
Phao-lô nhắc nhở A-chíp rằng chức vụ của ông là một ân tứ Đức Chúa Trời ban, và rằng ông là một người quản lý của Đức Chúa Trời, sẽ có ngày phải khai trình lại công tác của mình. Vì Chúa đã ban cho A-chíp chức vụ ấy, Ngài cũng có thể giúp ông thực hiện nó thật thích hợp. Chức vụ không phải là điều chúng ta làm cho Đức Chúa Trời nó là điều mà Đức Chúa Trời làm trong và qua trung gian chúng ta.
Từ ngữ “làm cho thật trọn vẹn” mang theo nó ý niệm rằng Đức Chúa Trời có các chủ đích nhất định cho các tôi tớ Ngài phải hoàn thành. Công việc Ngài làm trong chúng ta và qua chúng ta nhằm hoàn tất các việc tốt lành mà Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta (xem Eph 2:10). Lẽ dĩ nhiên “làm cho thật trọn vẹn” cũng song hành với luận đề của thư Cô-lô-se – sự hoàn thiện viên mãn của Chúa Giê-xu Christ đang sẵn sàng để cung cấp cho từng tín hữu một. Sở dĩ chúng ta hoàn thành được các chức vụ của mình, là nhờ chúng ta đã được “đổ đầy” qua trung gian Chúa Giê-xu Christ.
Nếu chúng ta không đem giáo lý của Kinh Thánh ra ứng dụng vào thực tế thì công lao học hỏi nghiên cứu của chúng ta chỉ là vô ích mà thôi. Sau khi đọc và nghiên cứu bức thư này, chúng ta không thể thấy gì khác hơn là trong Chúa Giê-xu Christ, chúng ta có tất cả những gì chúng ta muốn và cần. Tất cả những gì là hoàn thiện, viên mãn của Đức Chúa Trời đều ở trong Chúa Giê-xu Christ, mà chúng ta thì đã được khiến trở nên hoàn thiện trong Ngài. Thật là một lời khích lệ diệu kỳ cho A-chíp! Thật là một khích lệ lớn cho chúng ta ngày nay!
Phao-lô thường đọc các bức thư của ông cho một người thư ký viết (Rô 16:22) rồi sau đó mới ký tên mình vào cuối thư. Ông luôn luôn thêm một câu về ân điển của Đức Chúa Trời, vì đó là “nhãn hiệu” của ông (IITês 3:17,18). Việc kết hợp giữa chữ ký của ông với “ân điển của Đức Chúa Trời” chứng thực rằng bức thư này là thật.
Tân Ước có nhiều câu đề cập các xiềng xích của Phao-lô và sự kiện ông là một tù nhân (Công 20:23; Công 23:18,29; Công 26:29; Phi 1:7,13-14,16; IITi 1:8; IITi 2:9 Phil 1:10,13; Eph 3:1; Eph 4:1). Tại sao Phao-lô lại muốn họ nhớ về các xiềng xích của ông? Trước hết vì các xiềng xích ấy nhắc cho họ nhớ về tình yêu của ông đối với các linh hồn còn đang bị hư vong, nhất là những người ngoại quốc. Ông là người “vì anh em là người ngoại mà làm kẻ tù của Đức Chúa Giê-xu Christ” (Eph 3:1). Xiềng xích của Phao-lô là chứng cứ của việc ông vâng lời Chúa và sẵn sàng chịu trả bất cứ giá nào, để người ngoại quốc có thể được nghe Phúc-Âm!
Ngay cả hiện nay, vẫn có nhiều Cơ-đốc nhân tận hiến đang mang xiêng xích vì tận trung với Đức Chúa Trời. Chúng ta phải nhớ đến họ và cầu nguyện cho họ. “Hãy nhớ những kẻ mắc vòng xiềng xích, như mình cùng phải xiềng xích với họ, lại cũng hãy nhớ những kẻ bị ngược đãi, vì mình cũng có thân thể giống như họ” (Hêb 13:3)
Khi sắp kết thúc phần nghiên cứu của chúng ta về bức thư nổi tiếng này, chúng ta phải tự nhắc nở rằng bản thân chúng ta đã được trọn vẹn trong Đấng Christ. Chúng ta phải cảnh giác đối với bất cứ một lời truyền dạy nào tự xưng là có thể ban cho chúng ta “thêm một điều gì đó” nhiều hơn là những gì chúng ta đã có được trong Chúa Giê-xu Christ rồi.
Tất cả sự hoàn thiện, viên mãn của Đức Chúa Trời đều đã có trong Ngài, và Ngài đã trang bị hoàn toàn đầy đủ cho đời sống mà Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta phải sống. Chúng ta không sống và tăng trưởng nhờ điều gì đó được thêm vào, nhưng là nhờ tự tiếp nhận lấy cho mình điều Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho chúng ta trong Chúa Giê-xu Christ.
Nguyện Chúa giúp chúng ta sống như những người đã được hoàn thiện trong Đấng Christ.
bottom of page