top of page

CÔNG-VỤ CÁC SỨ-ĐỒ 2

KINH THÁNH

TÂN-ƯỚC

THỂ LOẠI

Sách Lịch Sử (tân-ước)



6. Ê-TIÊN, NGƯỜI ĐỨC CHÚA TRỜI BAN MÃO MIỆN (Cong 6:1-7:70)


Có...

...2 từ “mão miện” trong Tân-ước: diadema, nghĩa là “vương miện” và cho chúng ta từ tiếng Anh “diadem” và stephanos “mão miện của người chiến thắng”, cho chúng ta tên phổ biến Ê-tiên. Bạn có thể thừa kế một “diadema”, cách duy nhất để được một “stephanos” là tìm kiếm nó.


Cong 6:1-7:60 tập trung vào chức vụ và sự tử đạo của Ê-tiên, một tín đồ đầy dẫy Thánh Linh đã được Chúa ban mão miện. “Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mão triều thiên của sự sống” (Kh 2:10). Ông đã trung tín cả trong đời sống lẫn trong sự chết và vì vậy là một tấm gương tốt cho chúng ta noi theo.


Hai chương này giới thiệu Ê-tiên như một tín đồ trung tín trong bốn lãnh vực khác nhau của chức vụ.


1. Ê-Tiên người đầy tớ (Cong 6:1-7)

Hội Thánh đang trải qua “những đau bệnh lúc tăng trưởng” và điều này khiến các sứ đồ khó khăn để chăm sóc cho mọi người. “Những người Hy-lạp” là những người Do-thái nói tiếng Hy-lạp từ các quốc gia đã đến Palestine, và vì vậy có lẽ họ đã không thể nói tiếng A-ram, trong khi “người Hê-bơ-rơ” là cư dân Do-thái thuộc xứ này, nói cả tiếng A-ram và tiếng Hy-lạp.

Sự kiện những “người ngoại cuộc” bị bỏ bê đã tạo ra một hoàn cảnh có thể đã chia rẽ Hội thánh. Tuy nhiên, các sứ đồ đã giải quyết vấn đề bằng sự khôn ngoan tuyệt vời và không cho Sa-tan chỗ đứng nào trong sự thông công.


Khi một Hội thánh đối diện với một vấn đề nghiêm trọng, điều này cống hiến cho các lãnh đạo và thuộc viên một số cơ hội. Trước hết, các vấn đề cho ta cơ hội xem xét chức vụ mình và khám phá những đổi thay nào phải được thực hiện. Trong những lúc thành công, chúng ta dễ dàng duy trì hiện trạng công việc, nhưng điều này nguy hiểm, Henry Ward Beecher đã gọi sự thành công là “một cái tổ năm trước mà từ đó những con chim đã bay ra”. Bất cứ chức vụ hay tổ chức nào nghĩ rằng sự thành công của mình sẽ tự động tiếp diễn thì đang tiến đến sự thất bại. Chúng ta phải thường xuyên xem xét đời sống và chức vụ mình kẻo chúng ta bắt đầu xem nhẹ mọi sự.


Các sứ đồ đã nghiên cứu hoàn cảnh và kết luận rằng họ đáng trách: họ đã quá bận rộn giúp việc bàn tiệc đến nỗi xao lãng sự cầu nguyện và chức vụ về Lời Đức Chúa Trời. Họ đã tạo ra vấn đề của chính mình vì họ cố gắng làm quá nhiều điều. Thậm chí hôm nay, một số mục sự quá bận rộn với những công tác phụ đến nỗi họ không dành đủ thời gian trong việc học và trong sự cầu nguyện. Điều này tạo ra một “sự thiếu kém về thuộc linh” trong Hôi thánh, khiến các vấn đề dễ dàng tiến triển.


Điều này không có ý cho rằng việc giúp bàn tiệc là một công tác của đầy tớ, vì mọi chức vụ trong Hội thánh đều quan trọng. Nhưng đó là một vấn đề về những ưu tiên, các sứ đồ đang làm những công việc mà người khác có thể làm tốt hơn.D.L.Moody thường nói rằng để 10 người làm việc tốt hơn là cố gắng làm công việc của 10 người. Điều đó chắc hẳn tốt hơn cho bạn cho những người làm việc bạn tranh thủ được, và cho Hội thánh nói chung.


Những vấn đề Hội thánh cũng cho chúng ta một cơ hội để rèn luyện đức tin mình, không chỉ là đức tin trong Chúa, mà còn là niềm tin lẫn nhau. Các lãnh đạo đề nghị một giải pháp, và mọi thuộc viên đồng ý. Hội chúng đã chọn 7 người có đủ tư cách, và các sứ đồ biệt riêng họ cho chức vụ. Hội thánh đã không ngại điều chỉnh cơ cấu của họ để tạo chỗ cho một chức vụ phát triển. Khi cơ cấu và chức vụ mâu thuẫn nhau, điều này cho ta một cơ hội tin cậy Đức Chúa Trời để có giải pháp. Thật bi thảm khi các Hội thánh huỷ hoại chức vụ vì họ chối từ sửa đổi cơ cấu của mình. Các sứ đồ đã không ngại chia sẻ quyền hạn và chức vụ họ với người khác.


Những vấn đề cũng cho chúng ta cơ hội bày tỏ tình yêu của mình. Các lãnh đạo Hê-bơ-rơ và những thuộc viên đa số là người Hê-bơ-rơ đã chọn 6 người Hê-lê-nít và một người vừa là người ngoại vừa là người mới theo đạo Do-thái! Thật là một minh hoạ về Ro 12:10 và Phi 2:1-4 Khi chúng ta giải quyết những vấn đề của Hội Thánh, chúng ta phải nghĩ đến người khác chớ không phải chỉ bản thân mình.


Chúng ta thường gọi 7 người trong Cong 6:1-15 là “những chấp sự” vì danh từ Hy-lạp “diakonos” được sử dụng trong Cong 6:1 (“sự phục vụ”) và động từ “diakoneo” (“phục vụ”) được sử dụng trong Cong 6:2. Tuy nhiên, danh hiệu này không được ban cho họ trong chương này, mặc dù bạn tìm thấy những chấp sự được đề cập trong Phi 1:1 và những phẩm chất của họ được trình bày trong ITi 3:8-13. Từ này đơn giản nghĩa là “một tôi tớ”. Bảy người này là những tôi tớ khiêm nhường của Hội thánh, những người mà công việc của họ giúp các sứ đồ có thể tiến hành chức vụ quan trọng của mình giữa vòng dân sự.


Ê-tiên là một trong số những người này. Sự nhấn mạnh trong đời sống Ê-tiên là sự đầy dẫy: ông đầy dẫy Thánh Linh và sự khôn ngoan (Cong 6:3,10), đầy đức tin (Cong 6:5), và đầy quyền năng (Cong 6:8) Trong Kinh Thánh, “đầy dẫy” nghĩa là “được điều khiển bởi”. Người này được điều khiển bởi Thánh Linh, đức tin, sự khôn ngoan và quyền năng. Ông là một người được Đức Chúa Trời điều khiển đã đầu phục Thánh Linh một người tìm cách dẫn dắt người đến với Đấng Christ.


Kết quả ra sao? Sự chúc phước của Đức Chúa Trời tiếp tục và gia tăng! Hội thánh vẫn được hiệp nhất (Cong 6:5) được thêm lên (Cong 6:7) và được ngợi khen (Cong 6:8). Câu Cong 6:7 là một trong nhiều “tóm tắt” được tìm thấy trong sách này, những lời tuyên bố cho chúng ta biết rằng câu chuyện đã đi đến một tình hình quan trọng (Cong 2:41 Cong 4:4 Cong 5:12-16 Cong 6:7 Cong 9:31 Cong 12:24 Cong 16:5 Cong 19:20 Cong 28:31). Trong Cong 6:7 Bác sĩ Lu-ca mô tả đỉnh điểm của chức vụ tại Giê-ru-sa-lem, vì sự bắt bớ sau sự chết của Ê-tiên sẽ đem Phúc-âm đến dân Sa-ma-ri và dân ngoại. Người ta đã ước tính rằng có 8.000 thầy tế lễ Do-thái gắn bó với chức vụ đền thờ ở Giê-ru-sa-lem và “rất nhiều người” trong số họ đã tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa!


2. Ê-tiên - vị chứng nhân (Cong 6:8-15).

Người đầy dẫy Thánh Linh này đã không giới hạn chức vụ mình ở việc giúp cho bàn tiệc ông cũng thu phục người hư mất và thậm chí làm phép lạ. Về điểm này, chính các sứ đồ là những người làm phép lạ (Cong 2:43 Cong 5:12), nhưng giờ đây Đức Chúa Trời cũng đã ban quyền năng cho Ê-tiên. Đây là phần kế hoạch của Ngài sử dụng Ê-tiên để làm chứng cho các lãnh đạo của Y-sơ-ra-ên. Lời chứng mạnh mẽ của Ê-tiên là cao điểm sự làm chứng của Hội thánh cho dân Do-thái. Sau đó sứ điệp sẽ đến với dân Sa-ma-ri và rồi đến với dân ngoại.


Dân Do-thái từ nhiều quốc gia cư trú tại Giê-ru-sa-lem trong những khu phố của riêng họ, và một số nhóm người cùng bộ tộc có nhà hội riêng của họ. Những người tự do (“người tự do tư tưởng”) là con cháu dân Do-thái trước kia ở trong ách nô lệ nhưng đã giành được tự do khỏi La-mã. Vì Phao-lô đến từ Tạt-sơ trong xứ Si-li-si (Cong 21:39) có thể ông đã nghe Ê-tiên nói trong nhà hội và có thể đã tranh cãi với người. Tuy nhiên, không ai có thể sánh lại hoặc chống đối sự khôn ngoan và quyền năng của Ê-tiên (Lu 21:15). Giải pháp duy nhất của họ là tiêu diệt ông.


Cách họ đối xử Ê-tiên giống với cách các lãnh đạo Do-thái đã đối xử Chúa Giê-xu.Trước tiên, họ mướn những nhân chứng giả để chống lại ông. Sau đó, họ khuấy động dân chúng những người tố cáo ông phạm luật Môi-se và đền thờ. Cuối cùng, sau khi nghe lời làm chứng của ông, họ đã xử tử ông (Mat 26:59-62 Gi 2:19-22).


Dân Do-thái rất gắn bó với luật pháp họ và đã không thể hiểu cách nào Đấng Christ đã đến để làm trọn luật pháp và đem lại một thời kỳ mới. Họ kiêu hãnh về đền thờ mình và từ chối tin rằng Đức Chúa Trời sẽ cho phép nó bị phá huỷ. Ê-tiên đương đấu với sự mù loà thuộc linh tương tự như điều Giê-rê-mi đã đương diện trong chức vụ ông (Gie 7:1-34). Hội thánh đương diện với sự chống đối về truyền thống Do-thái trong nhiều năm sau ngay từ trong hàng ngũ của chính họ (Cong 15:1-41) và từ các giáo sư giả đến từ bên ngoài (Ga 2:4).


Kẻ thù đã đột kích Ê-tiên và bắt giữ ông trong lúc ông đang thi hành chức vụ (“đến gần ông thình lình” là lời dịch của Wuest về Cong 6:12), và họ đã đem ông đến trước cùng một hội đồng đã xét xử Chúa Giê-xu và các sứ đồ. Thậm chí không cần thiết cho Ê-tiên nói để đưa ra chứng cớ, vì chính sự rực rỡ trên mặt ông đã cho mọi người biết rằng ông là tôi tớ Đức Chúa Trời. Chắc chắn các nghị viên toà Công Luận đã nhớ lại gương mặt chói sáng của Môi-se (Xu 34:29-30). Điều đó như thể Đức Chúa Trời đang phán “Người này không nghịch với Môi-se! Người giống Môi-se – Người là tôi tớ trung tín của ta! ”


3. Ê-tiên - Vị Quan án (Cong 7:1-53).

Đây là diễn văn dài nhất trong sách Công-vụ và là một trong những diễn văn quan trọng nhất. Trong đó, Ê-tiên ôn lại lịch sử Y-sơ-ra-ên và những đóng góp được thực hiện do các lãnh đạo được tôn kính của họ: Áp-ra-ham (Cong 7:2-8) Giô-sép (Cong 7:9-17), Môi-se (Cong 7:18-44), Giô-suê (Cong 7:45), Đa-vít và sa-lô-môn (Cong 7:46-50).

Nhưng diễn văn này vượt hơn một bài đọc thuộc lòng về những sự kiện quen thuộc, nó cũng là một sự bày tỏ những tội lỗi của chính dân tộc họ. Ê-tiên chứng minh từ Kinh Thánh của họ rằng dân tộc Do-thái đã phạm những tội lỗi tệ hại hơn những tội lỗi mà họ đã cáo ông vi phạm. Những tội này là gì?


- Họ đã hiểu sai những căn nguyên thuộc linh của mình (Cong 7:1-8). Bài diễn văn của Ê-tiên mở đầu với “Đức Chúa Trời của sự vinh hiển” kết thúc với sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Cong 6:55), và mọi lúc ông nói, gương mặt ông phát ra chính sự vinh hiển ấy! Tại sao? Vì Y-sơ-ra-ên là dân tộc duy nhất được ban đặc quyền có sự vinh hiển của Đức Chúa Trời như một phần di sản của họ (Ro 9:4). Than ôi, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã ra đi, trước hết khỏi đền tạm (Exe 10:4,18). Vinh hiển Đức Chúa Trời đã đến trong Con Ngài (Gi 1:14) nhưng dân tộc này đã chối bỏ Ngài.


Áp-ra-ham là người sáng lập dân tộc Hê-bơ-rơ, và mối liên hệ của ông với Đức Chúa Trời là mối liên hệ về ân điển và đức tin. Đức Chúa Trời đã nhân từ hiện ra cho ông và gọi ông ra khỏi sự tối tăm của dân ngoại đạo vào trong sự sáng cứu rỗi, và Áp-ra-ham đã đáp ứng bằng đức tin. Áp-ra-ham đã được cứu bởi ân điển, nhờ đức tin, chớ không phải do ông đã chịu phép cắt bì, giữ luật pháp hay thờ phượng trong đền thờ. Mọi điều đó đến sau, (Ro 4:1-25 Ga 3:1-29). Ông tin những lời hứa của Đức Chúa Trời và chính đức tin ông đã cứu ông.


Đức Chúa Trời đã hứa ban đất này cho con cháu Áp-ra-ham, và rồi cho Áp-ra-ham biết rằng con cháu ông chịu khổ tại Ai-cập trước khi họ sẽ bước vào và vui hưởng đất này: và điều này đã xảy ra y như Đức Chúa Trời đã hứa. Ngay từ đầu, Đức Chúa Trời đã có một kế hoạch khôn ngoan cho dân Ngài và kế hoạch đó sẽ được hoàn thành bao lâu họ tin cậy Lời Ngài và vâng theo ý chỉ Ngài.


Dân Do-thái rất tôn kính Áp-ra-ham và tự hào mình là “con cháu người. Nhưng họ đã nhầm lẫn dòng dõi thuộc thể với kinh nghiệm thuộc linh và cậy nơi di sản dân tộc hơn là đức tin cá nhân họ. Giăng Báp-tít đã cảnh cáo họ về tội này (Mat 3:7-12) và Chúa Giê-xu cũng đã làm vậy (Gi 8:33-59).

Dân Do-thái đã mù loà đối với đức tin đơn sơ của Áp-ra-ham và các thánh tổ, và họ đã phủ đầy nó bằng những truyền thống do con người lập ra khiến sự cứu rỗi trở nên một vấn đề về những việc thiện, không phải đức tin. Đức Chúa Trời không có cháu nào cả. Mỗi chúng ta phải được sanh trong gia đình của Đức Chúa Trời nhờ đức tin cá nhân trong Chúa Giê-xu (Gi 1:11-13).


Dân Do-thái tự hào trong sự cắt bì của họ, không hiểu rằng nghi thức này tượng trưng cho một mối liên hệ thuộc linh bên trong với Đức Chúa Trời (Cong 7:51 Phu 10:16 Gie 4:1 Gie 6:10 Ga 5:1-6 Phi 3:3 Co 2:11-12). Suốt nhiều năm qua, việc làm trọn các lễ nghi đã choán chỗ sự vui hưởng thực tế. Ngay cả ngày nay điều này vẫn xảy ra trong các Hội thánh.


- Họ đã chối bỏ những người giải cứu Đức Chúa Trời sai đến (Cong 7:9-36) Tôi đã kết hợp những phân đoạn nói về Giô-sép và Môi-se vì hai anh hùng Do-thái này có chung điều này: họ đều bị chối bỏ với tư cách những người giải cứu lần đầu tiên, nhưng được chấp nhận lần thứ hai. Anh em của Giô-sép ghét người em mình và bán người làm nô lệ, nhưng sau đó ông đã trở nên người giải cứu họ. Họ nhận biết Giô-sép “lần thứ hai” (Cong 7:13) khi họ trở lại Ai-cập để mua thêm lương thực. Y-sơ-ra-ên đã chối từ Môi-se khi ông trước tiên tìm cách giải cứu họ khỏi ách nô lệ của người Ai-cập, và ông đã phải trốn đi để giữ mạng sống (Xu 2:11-22). Nhưng khi Môi-se đến với họ lần thứ hai, dân tộc đã chấp nhận ông và ông giải phóng họ (Cong 7:35).


Hai sự kiện này minh hoạ cách Y-sơ-ra-ên đã đối xử với Chúa Giê-xu. Y-sơ-ra-ên đã khước từ Đấng Mê-si-a của họ khi Ngài đến với họlần thứ nhất (Gi 1:11), nhưng khi Ngài đến lần nữa, họ sẽ nhận biết Ngài và tiếp Ngài (Kh 1:7 Xa 12:10). Mặc cho những điều họ đã làm đối với Con Ngài, Đức Chúa Trời không bỏ dân Ngài (Ro 11:1-6). Y-sơ-ra-ên hôm nay đang chịu đựng một sự mù loà thuộc linh mà một ngày nào đó sẽ bị cất đi (Ro 11:25-32). Cá nhân người Do-thái đang được cứu, nhưng dân tộc nói chung bị mù loà với chân lý về Chúa Giê-xu.


Trước khi thông qua phân đoạn này, chúng ta phải đề cập đến một số điều có vẻ mâu thuẫn giữa bài diễn văn của Ê-tiên và Lời Kinh Thánh Cựu-ước.


Sa 46:26-27 xác định rằng 70 người gộp thành gia đình Gia-cốp, kể cả gia đình Giô-sép đã ở Ai-cập nhưng Ê-tiên tuyên bố rằng có 75 người (Cong 7:14 Xu 1:1-5). Bản văn Hê-bơ-rơ có 70 người ở cả Sáng thế ký và Xuất Ê-díp-tô ký, nhưng bản dịch Cựu-ước tiếng Hy-lạp có 75 người. Con số 75 trong Bản dịch Hy-lạp từ đâu đến? Theo sự tính toán của họ, các dịch giả đã kể đến những người cháu của Giô-sép (ISu 7:14-15,20-25). Là một người Do-thái thuộc dân Hê-lê-nít, Ê-tiên đương nhiên sẽ sử dụng bản dịch tiếng Hy-lạp. Không có mâu thuẫn thật nào cả tổng số của bạn tuỳ thuộc vào những thừa số bạn kể đến.


Cong 7:16 cho rằng Gia-cốp đã được chôn tại Si-chem, nhưng Sa 50:13 xác định rằng ông được chôn trong hang đá của đồng Mặc-bê-la tại Hếp-rôn cùng với Áp-ra-ham, Y-sác và Sa-ra (Sa 23:17). Chính Giô-sép là người đã được chôn tại Si-chem (Gios 24:32). Có thể là con cháu Y-sơ-ra-ên đã đem ra khỏi Ai-cập những người còn sót lại trong số các con trai Gia-cốp, chớ không chỉ một mình Giô-sép, và đã chôn họ cùng tại Si-chem. Những “tổ phụ” được đề cập trong Cong 7:15 sẽ là 12 con trai của Gia-cốp.


Nhưng ai đã mua nơi chôn cất tại Si-chem – Áp-ra-ham hay Gia-cốp? Ê-tiên dường như nói rằng Áp-ra-ham đã mua nó, nhưng sự ghi chép của Cựu-ước nói rằng Gia-cốp đã mua (Sa 33:18-20). Áp-ra-ham đã mua hang đá Mặc-bê-la (Sa 23:14-20). Sự giải thích đơn giản nhất là Áp-ra-ham thật sự đã mua hai mảnh đất và Gia-cốp sau đó phải mua lại bất động sản tại Si-chem. Áp-ra-ham đã di chuyển khá nhiều nên cư dân của xứ này sẽ rất dễ dàng quên hoặc phớt lờ những giao dịch ông đã thực hiện.


- Họ đã bất tuân luật pháp của mình (Cong 7:37-43) Những kẻ đối địch Ê-tiên đã vu cáo ông nói nghịch Thánh luật của Môi-se, nhưng lịch sử Y-sơ-ra-ên cho thấy rằng dân tộc này đã nhiều lần vi phạm luật pháp ấy. Đức Chúa Trời đã ban luật pháp cho hội chúng Ngài (Hội thánh)trong đồng vắng tại núi Si-nai, Lời hằng sống của Ngài qua trung gian các thiên sứ (c.53 Ga 3:19).

Dân sự nhận luật pháp chẳng được bao lâu thì họ đã bất tuân luật pháp bằng cách yêu cầu A-rôn làm cho họ một tượng thần (Xu 32:1-35), và do đó đã phạm điều đầu tiên trong 10 điều răn (Xu 20:1-6).


Dân Do-thái đã thờ thần tượng tại Ai-cập (Gios 24:14 Exe 20:7-8) và sau sự định cư của họ tại Đất Hứa, họ dần dần chấp nhận các thần của những dân tộc ngoại đạo quanh họ. Đức Chúa Trời nhiều lần kỷ luật dân Ngài và sai những tiên tri đến với họ để cảnh cáo họ, cho đến cuối cùng Ngài đã đem họ qua Ba-by-lôn nơi mà cuối cùng họ được chữa khỏi sự thần tượng.


Cong 7:42 phải được đối chiếu với Ro 1:24-28 vì tất cả những câu này mô tả sự đoán phạt của Đức Chúa Trời khi Ngài “rút tay Ngài ra” và để cho tội nhân có con đường riêng của họ. Khi Ê-tiên trích dẫn Am 5:25-27 ông bày tỏ điều dân Do-thái thật đã hành động suốt những năm đó: Theo hình thức bề ngoài, họ đang thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhưng trong lòng họ, họ đang thờ phượng các thần ngoại bang! Dạng câu hỏi trong Cong 7:42 đòi hỏi một sự trả lời phủ định: “Không, các ngươi đã không dâng những của lễ ấy cho Chúa! ”


Trong thời “tôn giáo đa thần này và việc nhấn mạnh về “sự khoan dung” chúng ta phải hiểu vì sao Đức Chúa Trời ghét các tôn giáo ngoạn bang và chỉ dẫn Y-sơ-ra-ên tiêu diệt chúng.

Trước hết, những tôn giáo này mang tính khiêu dâm không thể nói ra được trong sự thờ phượng tình dục của họ và việc họ sử dụng những gái điếm trong tôn giáo. Những hành động của họ cũng đầy thú tính, thậm chí đến độ dâng con cái làm của lễ cho các thần của họ.

Đó cơ bản là sự thờ phượng ma quỷ, và nó đã mở đường cho mọi lối sống bất kính của dân Do-thái. Nếu dân tộc này đã xây bỏ Đức Chúa Trời chân thật và nhượng bộ sự sùng bái thần tượng, điều đó có thể có nghĩa là sự chấm dứt phần sót lại tin kính và sự ứng nghiệm lời hứa về Đấng Cứu Chuộc.


Luật pháp Đức Chúa Trời được ban cho dân Do Thái để bảo vệ họ khỏi ảnh hưởng ngoại đạo quanh họ, và giúp họ có thể vui hưởng những phước hạnh trong xứ. Chính luật pháp đã khiến họ trở nên một dân thánh, khác với các dân tộc khác. Khi Y-sơ-ra-ên phá vỡ bức thường phân biệt đó bằng cách bất tuân luật pháp Đức Chúa Trời, họ đã đánh mất sự chúc phước của Đức Chúa Trời và phải bị kỷ luật.


- Họ đã xem thường đền thờ mình (Cong 7:44-50) Những kẻ làm chứng đã vu cáo Ê-tiên tìm cách phá hoại đền thờ, nhưng đó chính xác là điều dân tộc Do Thái đã làm! Môi-se đã xây dựng đền tạm và vinh hiển của Đức Chúa Trời đã nhân từ ngự trong nơi chí thánh (Xu 40:34-38).

Sa-lô-môn đã xây cất đền thờ và một lần nữa vinh hiển của Đức Chúa Trời ngự vào (IVua 8:10-11). Nhưng qua nhiêù năm, sự thờ phượng tại đền thờ đã thoái hoá thành ra chỉ là lễ nghi tôn giáo, và cuối cùng đã có những tượng thần được đặt trong đền thờ (IIVua 21:1-9 Exe 8:7-12). Giê-rê-mi đã cảnh cáo dân sự chống lại sự mê tín trong đền thờ và cho họ biết rằng họ đã biến nhà Đức Chúa Trời thành ra một hang trộm cướp (Gie 7:1-16).


Nếu dân tộc này chú ý đến những tiên tri của họ, thì họ đã thoát khỏi những sự kinh khủng trong sự bao vây của dân Ba-by-lôn (xem sách Ca thương) cùng sự huỷ phá thành và đền thờ của họ. Cả Sa-lô-môn cũng nhận ra sự thật rằng Đức Chúa Trời đã không sống trong những toà nhà (IVua 8:27), và tiên tri Ê-sai còn cho biết điều đó rõ hơn (Es 66:1-2). Chúng ta thật sự không làm gì cho Đức Chúa Trời, vì mọi sự đến từ Ngài và làm sao Đấng sáng tạo vũ trụ có thể được chứa trong một toà nhà do con người làm ra? (Cong 17:24). Sự bảo vệ đền thờ của dân Do-thái vừa phi lý vừa không căn cứ trên Kinh Thánh.


- Họ đã ương ngạnh chống nghịch Đức Chúa Trời mình và chân lý của Ngài (Cong 7:51-53). Đây là cao điểm bài nói chuyện của Ê-tiên, sự ứng dụng cá nhân thấu đến tấm lòng những người nghe ông. Qua nhiều thế kỷ, Y-sơ-ra-ên đã từ chối đầu phục Đức Chúa Trời và vâng theo những chân lý Ngài bày tỏ cho họ. Kết quả là họ đã bắt bớ và giết các tôi tớ của Đức Chúa Trời, kể cả Đấng Mê-si-a của chính họ!


Dân tộc này đã từ chối tiếp nhận chân lý mới mà Đức Chúa Trời đang bày tỏ từ thời đại này đến thời đại khác. Thay vì nhìn thấy chân lý của Đức Chúa Trời như hạt giống sản sinh quả và nhiều hạt nữa, các chức sắc tôn giáo đã “ướp” chân lý và từ chối nhận bất cứ điều gì mới. Vào thời Chúa Giê-xu đến trên đất chân lý của Đức Chúa Trời đã bị bao phủ bởi quá nhiều truyền thống đến nỗi dân sự không thể nhận biết chân lý của Đức Chúa Trời khi Ngài đã trình bày. Những truyền thống chết của con người đã thế chỗ lẽ thật hằng sống của Đức Chúa Trời (Mat 15:1-20).


4. Ê-tiên - người tử đạo (Cong 7:54-60)

Bạn tự hỏi chúng ta sống trong một thế giới loại nào khi những người tốt lành và tin kính như Ê-tiên có thể bị giết hại bởi những kẻ cuồng tín tôn giáo! Nhưng chúng ta có những vấn đề tương tự trong thời đại “khai sáng” của chúng ta ngày nay: bắt giữ con tin, những vụ ném bom giết chết hoặc làm tàn phế người vô tội, những vụ ám sát, và tất cả nhân danh chính trị hoặc tôn giaó. Lòng người đã không thay đổi, nó cũng không thể được thay đổi nếu không có ân điển của Đức Chúa Trời.


Những kết quả về sự chết của Ê-tiên là gì? Đối với Ê-tiên, sự chết nghĩa là lễ đăng quang (Kh 2:10). Ông đã nhìn thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và Con Đức Chúa Trời đứng bên để tiếp ông lên trời (Lu 22:69). Chúa chúng ta đã ngồi khi Ngài thăng thiên (Thi 110:1 Mac 16:19), nhưng Ngài đứng dậy chào đón người tử đạo Cơ-đốc đầu tiên vào trong sự vinh hiển (Lu 12:8). Đây là lần cuối cùng danh hiệu “Con người” được sử dụng trong Kinh Thánh. Nó chắc chắn là một danh hiệu về Đấng Mê-si-a (Da 7:13-14) và cách Ê-tiên sử dụng danh ấy là một chứng cớ nữa rằng Chúa Giê-xu đích thực là Đấng Mê-si-a của Y-sơ-ra-ên.


Ê-tiên không những đã bị xét xử theo một cách giống với cách của Chúa chúng ta, ông cũng đã chết với những lời cầu nguyện tương tự trên môi (Cong 7:59-60 Lu 23:34,46). Một người cật vấn có lần đã quát tháo trước một người truyền đạo trên đường phố, “Tại sao Đức Chúa Trời đã không làm điều gì đó cho Ê-tiên khi họ ném đá người?”. Người truyền đạo đáp: “Đức Chúa Trời thật đã làm điều gì đó cho Ê-tiên. Ngài ban cho ông ơn để tha thứ những kẻ giết ông và cầu nguyện cho họ! ”. Một câu trả lời hoàn hảo!


Đối với Y-sơ-ra-ên, sự chết của Ê-tiên nghĩa là sự kết án. Đây là vụ giết hại thứ ba của họ: họ đã cho phép Giăng Báp-tít bị giết Họ đã yêu cầu để Chúa Giê-xu bị giết và giờ đây họ đang tự mình giết Ê-tiên. Khi họ để Hê-rốt giết Giăng, dân Do-thái đã phạm tội nghịch cùng Đức Chúa Cha Đấng đã sai Giăng (Mat 21:28-32). Khi họ yêu cầu Phi-lát đóng đinh Chúa Giê-xu, họ đã phạm tội nghịch với Đức Chúa Con. Khi họ ném đá Ê-tiên, họ đang phạm tội với Đức Thánh Linh, Đấng đang hành động trong và qua các sứ đồ (Cong 7:51 Mat 10:1-8). Chúa Giê-xu đã phán rằng tội lỗi này không bao giờ có thể được tha thứ (Mat 12:31-32). Sự đoán phạt sau cùng đã đến vào năm 70 SC khi Titus cùng các đội quân La-mã phá huỷ Giê-ru-sa-lem và đền thờ.


Đối với Hội thánh ở Giê-ru-sa-lem sự chết của Ê-tiên nghĩa là sự giải thoát. Họ đã làm chứng “cho người Do-thái trước” kể từ lễ Ngũ Tuần, nhưng giờ đây họ sẽ được hướng dẫn đem sứ điệp ra khỏi Giê-ru-sa-lem đến với dân Sa-ma-ri (Cong 8:1-40) và thậm chí đến với dân ngoại (Cong 11:19-26). Sự chống đối của kẻ thù đã giúp ngăn ngừa Hội thánh trở thành một “giáo phái” Do-thái và đã khích lệ họ hoàn thành nhiệm vụ trong Cong 1:8 và Mat 28:18-20.


Sau cùng, nói về Sau-lơ (Cong 7:58), sự chết của Ê-tiên cuối cùng đã có nghĩa là sự cứu rỗi. Ông không bao giờ quên sự kiện này (Cong 22:17-21), và chắc hẳn sứ điệp, những lời cầu nguyện và sự chết vinh hiển của Ê-tiên đã được Thánh Linh sử dụng để chuẩn bị cho Sau-lơ về cuộc gặp gỡ Chúa của chính ông (Cong 9:1-43). Đức Chúa Trời không bao giờ lãng phí huyết của các thánh đồ Ngài. Sau-lơ một ngày nào đó sẽ cùng sự vinh hiển mà Ê-tiên đã thấy và sẽ nhìn xem Con Đức Chúa Trời và nghe Ngài phán!


Khi Cơ-đốc nhân chết, họ “ngủ” (Gi 11:11 ITe 4:13). Thân xác ngủ và linh hồn đi ở với Chúa trên trời (Cong 7:59 Phi 1:23 IICo 5:6-9 He 12:22-23). Khi Chúa Giê-xu tái lâm Ngài sẽ mang theo những linh hồn của người đã chết (ITe 4:14), thân thể họ sẽ được sống lại và được vinh hiển, còn thân thể và linh hồn sẽ được hội hiệp trong vinh hiển để “ở cùng Chúa mãi mãi”. Cho dù Cơ-đốc nhân chúng ta khóc sự chết của một người thân yêu (Cong 8:2), chúng ta không buồn rầu cách vô vọng, vì chúng ta biết mình sẽ gặp lại khi chúng ta qua đời hoặc khi Chúa tái lâm.


Đức Chúa Trời không kêu gọi tất cả chúng ta làm người tử đạo, nhưng Ngài thật kêu gọi chúng ta làm những “của lễ sống” (Ro 12:1-2). Ở một vài phương diện, sống cho Đấng Christ có thể khó hơn là chết vì Ngài nhưng nếu chúng ta đang sống cho Ngài, chúng ta sẽ được chuẩn bị để chết vì Ngài nếu Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta thực hiện.


Vào năm 1948, người tử đạo Auca Jim Elliot đã viết trong nhật ký ông: “Con tìm kiếm không phải một đời sống trường thọ, nhưng là một đời sống trọn vẹn, giống như Ngài, hỡi Chúa Giê-xu”. Hai năm sau đó, ông viết: “Tôi không nên nghĩ điều đó là kỳ lạ nếu Đức Chúa Trời thu ngắn tuổi xuân của những người tôi muốn giữ trên đất đến khi họ lớn tuổi hơn. Đức Chúa Trời đang di dân` đến cõi vĩnh hằng, và tôi không nên giới hạn Ngài ở những người đàn ông và phụ nữ lớn tuổi”.


Giống như Etiên, Jim Elliot và bốn đồng bạn của ông đã được gọi vào ngày 8/1/1956, đến với “ dân Cõi Vĩnh Hằng” khi họ bị giết bởi những người họ đang muốn tìm đến. Điều đã xảy ra với những người Auca lúc đó là bằng chứng rằng huyết của những người tử đạo quả thật là hạt giống của Hội thánh. Nhiều người Auca giờ đây là Cơ-đốc nhân.


“Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều thiên của sự sống” (Kh 2:10).



 


7. MỘT HỘI THÁNH HOẠT ĐỘNG (Cong 8:1-59)


Victo Hugo đã viết: “Có một thứ mạnh hơn mọi quân đội trên thế gian, và đó là một ý niệm mà thời gian của nó đã đến”.


Phúc-âm của Chúa Giê-xu hơn nhiều so với một ý niệm. Phúc-âm là “quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Ro 1:16). Đó là “thuốc nổ” của Đức Chúa Trời để phá sập những rào cản của tội lỗi và giải thoát tù nhân. Thời gian của nó đã đến và Hội thánh đã hoạt động. “Muối” giờ đây đang rời khỏi “lọ muối”Giê-ru-sa-lem để được rải khắp xứ Giu-đê và Sa-ma-ri, y như Chúa đã ra lệnh (Cong 1:8).


Những sự kiện trong Cong 8:1-59 tập trung quanh bốn người khác nhau.


1. Một kẻ bắt bớ sốt sắng - Sau-lơ (Cong 8:1-3)

Sách Công vụ và các thư tín cho dữ kiện đầy đủ về một bản tóm tắt đời sống ban đầu của Sau-lơ. Ông được sinh ra ở thành Tạt-sơ xứ Si-li-si (Cong 22:3), một “người Hê-bơ-rơ thuộc dân Hê-bơ-rơ” (IICo 11:20 Phi 3:5), “con của một người dòng Pha-ri-si” (Cong 23:6), và là một quốc dân Rô-ma (Cong 16:37 Cong 22:25-28). Ông được Ga-ma-li-ên dạy dỗ trong thành Giê-ru-sa-lem (Cong 22:3) và trở thành một người Pha-ri-si tận tuỵ (Cong 26:4-5 Phi 3:5).

Về phương diện luật pháp, đời sống ông không chỗ trách được (Phi 3:6). Ông là một trong những người Pha-ri-si trẻ tuổi đầy hứa hẹn trong thành Giê-ru-sa-lem, đang tiến triển tốt trên con đường trở thành một lãnh đạo vĩ đại cho Do-thái giáo (Ga 1:14).


Lòng sốt sắng của Sau-lơ đối với luật pháp đã được phô bày sinh động nhất trong sự bắt bớ Hội thánh của ông (Ga 1:13-14 Phi 3:6). Ông thật sự nghĩ rằng việc bắt bớ các tín đồ là một cách hầu việc Đức Chúa Trời, vì vậy ông đã làm điều đó với một lương tâm trong sạch (IITi 1:3). Ông vâng theo sự sáng mà ông đã có và, khi Đức Chúa Trời ban cho ông thêm sự sáng, ông đã vâng theo sự sáng ấy và trở thành một Cơ-đốc nhân!


Sau-lơ đã bắt bớ Hội thánh trong những phương diện nào? Ông “làm tàn hại Hội thánh”, và động từ ở đây mô tả một con thú hoang cắn xé mồi của nó. Khi Đấng Christ phán với Sau-lơ trên đường Đa-mách, Ngài ví sánh ông với một con thú! (Cong 9:5).

Việc ném đá Ê-tiên mà Sau-lơ ưng thuận chứng tỏ bề dài mà ông sẽ đi đến để đạt được mục đích của mình. Ông đã bắt bớ cả đàn ông và đàn bà “cho đến chết” (Cong 22:4), đi vào các nhà riêng lẫn nhà hội (2219). Ông ra lệnh bỏ tù và đánh đập các tín đồ (Cong 22:19 Cong 26:9-11). Nếu họ từ bỏ đức tin trong Chúa Giê-xu (“bắt họ phải nói phạm thượng” Cong 26:11), họ được trả tự do nếu họ không công khai từ bỏ, họ có thể bị giết.


Những năm sau, Phao-lô đã mô tả chính mình ông như “điên cuồng chống lại họ” (Cong 26:11), “người phạm thượng (ông đã lên án Chúa Giê-xu), người bắt bớ và gây hại (hung bạo)” (ITi 1:13). Ông là một người có quyền hạn lớn mà sự tận tuỵ đối với Môi-se đã hoàn toàn điều khiển đời sống ông, và hầu như huỷ hoại cuộc đời ông.

Ông đã làm điều đó “cách ngu muội trong sự vô tín” (ITi 1:13), và Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự thương xót cho ông và cứu ông. Sau-lơ ở thành Tạt-sơ có lẽ là người cuối cùng trong Giê-ru-sa-lem mà bạn chọn làm sứ đồ vĩ đại cho dân ngoại.


2. Người giảng đạo trung tín - Phi-líp (Cong 8:4-8)

Sự bắt bớ làm cho Hội thánh tương tự điều mà gió làm cho hạt giống: nó làm Hội thánh tản lạc và chỉ sản sinh một mùa gặt lớn hơn. Từ được dịch là “tản lạc” (diaspeiro, Cong 8:1,4) nghĩa là “vãi hạt giống”. Các tín đồ ở Giê-ru-sa-lem là hạt giống của Đức Chúa Trời và sự bắt bớ được Đức Chúa Trời sử dụng để trồng họ trong đất mới để họ có thể sinh trái (Mat 13:37-38). Một số người đi khắp xứ Giu-đê và xứ Sa-ma-ri (Cong 1:8), và số khác đến những cánh đồng xa hơn (Cong 11:19).


Người Sa-ma-ri là một dân “lai giống”, một sự pha trộn dân Do-thái và dân ngoại. Dân tộc này khởi đầu khi người A-si-ri bắt giữ 10 chi phái phương Bắc năm 722 TC, lưu đày nhiều người trong dân và rồi nhập vào những người khác là những người đã kết hôn với dân Do-thái. Dân Sa-ma-ri có đền thờ cùng chức tế lễ của riêng họ và công khai chống đối sự kết thân với dân Do-thái (Gi 4:9).


Chúng ta không có lý do gì để tin rằng Đức Chúa Trời đã cho phép sự bắt bớ này vì dân Ngài đã lơ đễnh và phải bị “buộc” rời khỏi Giê-ru-sa-lem. Sự kiện Phao-lô bắt bớ các tín đồ “cho đến các thành ngoại quốc” (Cong 26:11) cho thấy rằng sự làm chứng của họ đang kết quả thậm chí vượt ngoài Giê-ru-sa-lem.

Chúng ta cũng không nên chỉ trích các sứ đồ vì vẫn ở trong thành. Nếu có thể nói được như thế, chúng ta nên tuyên dương họ về sự can đảm và tận tuỵ đối với nhiệm vụ. Xét cho cùng, phải có ai đó ở lại nơi đó để chăm sóc Hội thánh.


Vì sự làm chứng và sự chết của Ê-tiên, có thể sự bắt bớ tập trung vào người Do-thái Hê-lê-nít hơn là người Do thái “bản xứ”. Sẽ dễ dàng hơn cho Sau-lơ và những cộng sự của ông để nhận ra các tín đồ Hê-lê-nít, vì nhiều người trong số dân Do-thái “bản xứ vẫn rất Do-thái và gắn bó nhiều với đền thờ. Phi-e-rơ vẫn giữ một “gia đình tuân thủ luật Do-thái” khi ông được sai đi rao giảng Phúc-âm cho người nhà Cọt-nây (Cong 10:9-16).


Phi-líp được chọn làm chấp sự (Cong 6:5), nhưng giống như Ê-tiên, ông tăng trưởng trong chức vụ mình và trở nên một người giảng Phúc-âm có hiệu quả (Cong 21:8). Đức Chúa Trời đã hướng dẫn ông rao Phúc-âm trong xứ Sa-ma-ri, một khu vực đã bị cấm đối với các sứ đồ (Mat 10:5-6). Cả Giăng Báp-tít và Chúa Giê-xu đã thi hành chức vụ ở đó (Gi 3:23 Gi 4:1), vì vậy Phi-líp bước vào tiếp công lao họ (Gi 4:36-38).


Từ “sự truyền giảng” trong Cong 8:4 nghĩa là “truyền giảng Phúc-âm, truyền giảng Tin Lành”, trong khi từ ở c.5 nghĩa là “loan báo như một sứ giả”. Phi-líp là sứ giả được uỷ nhiệm của Đức Chúa Trời để rao sứ điệp Ngài cho dân xứ Sa-ma-ri.

Khước từ sứ giả nghĩa là khước từ sứ điệp và chống nghịch với thẩm quyền đằng sau vị sứ giả, Đức Chúa Trời tối cao. Cách con người đáp ứng với sứ giả của Đức Chúa trời và sứ điệp của Đức Chúa Trời là việc hệ trọng.


Phi-líp không những đã công bố Đạo Đức Chúa Trời, ông còn bày tỏ quyền năng Đức Chúa Trời bằng cách làm phép lạ (Cong 2:43 Cong 5:12), nhưng cả Ê-tiên và Phi-líp đều đã làm những dấu lạ và sự lạ bằng quyền năng Đức Chúa Trời (Cong 6:8). Tuy nhiên, sự nhấn mạnh ở đây là về Đạo Đức Chúa Trời: dân sự đã chú ý đến Đạo vì họ nhìn thấy những phép lạ, và bởi tin Đạo, họ được cứu. Không ai từng được cứu chỉ vì những phép lạ (Gi 2:23-25 Gi 12:37-41).


Cơn bắt bớ lớn (Cong 8:1) cộng với sự truyền giảng Phúc-âm đã đem lại sự vui mừng lớn! Cả trong sách Phúc-âm và sách Công-vụ của mình, Lu-ca đã nhấn mạnh niềm vui mừng về sự cứu rỗi! (Lu 2:10 Lu 15:7,10 Lu 24:52 Cong 8:8 Cong 13:52 Cong 15:3). Dân Sa-ma-ri những người nghe Phúc-âm và tin theo đã được giải cứu khỏi sự đau đớn thuộc thể, sự điều khiển của ma quỉ và quan trọng nhất là khỏi tội lỗi họ. Chắc hẳn đã có sự vui mừng lớn!


Phúc-âm giờ đây đã đi từ “lãnh địa Do-thái” vào xứ Sa-ma-ri nơi dân chúng nửa Do-thái nửa dân ngoại. Đức Chúa Trời đã xây một chiếc cầu trong ân điển Ngài giữa hai dân tộc bị ly gián và hiệp các tín đồ làm một trong Đấng Christ, và chẳng bao lâu Ngài sẽ kéo dài chiếc cầu đó đến dân ngoại và bao gồm cả họ nữa. Ngay cả hôm nay, chúng ta cần “những người xây cầu” giống như Phi-líp, đàn ông và đàn bà những người sẽ đem Phúc-âm vào lãnh địa mới và dám thách thức những định kiến cũ kỹ. “Hãy đi khắp thế gian giảng Tin lành cho mọi người” vẫn là nhiệm mạng Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.


3. Kẻ lừa dối khéo léo - Thuật sĩ Si-môn (Cong 8:9-25)

Chính một nguyên tắc cơ bản trong Kinh Thánh cho thấy bất cứ nơi đâu Đức Chúa Trời gieo ra những tín đồ thật của Ngài, Sa-tan cuối cùng sẽ gieo ra những kẻ giả mạo của nó (Mat 13:24-30,36-43).

Nguyên tắc này đúng với chức vụ của Giăng Báp-tít (Mat 3:7) và Chúa Giê-xu (Mat 23:15,33 Gi 8:44), và nó cũng đúng đối với chức vụ của Phao-lô (Cong 13:6 IICo 11:1-4,13-15). Kẻ thù đến như một sư tử cắn xé, và khi cách ấy thất bại, nó đến như con rắn lừa dối. Công cụ của Sa-tan trong trường hợp này là một thuật sĩ tên Si-môn.


Từ được dịch là “mê hoặc” trong Cong 8:9,11 đơn giản nghĩa là “bị sửng sốt, ngạc nhiên”. Nó được dịch là “lấy làm lạ” trong c.13. Dân chúng đã kinh ngạc về những việc Si-môn làm và vì vậy họ tin những điều ông nói. Họ xem ông như “quyền năng lớn của Đức Chúa Trời”. Yêu thuật của Si-môn đã được Sa-tan tiếp sức (IITe 2:1-18) và được sử dụng để ngợi khen bản thân ông, trong khi những phép lạ của Phi-líp do Đức Chúa Trời ban quyền năng và được sử dụng để làm vinh hiển Đấng Christ. Si-môn bắt đầu mất dần số người theo ông khi những người Sa-ma-ri lắng nghe sứ điệp của Phi-líp, tin nơi Chúa Giê-xu, được tái sinh và chịu báp-tem.


“Chính Si-môn cũng tin” có nghĩa là gì? (Cong 8:13). Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này tốt nhất bằng cách đặt một câu hỏi khác: cơ sở “niềm tin” của ông ta là gì?Niềm tin của ông không phải ở nơi Đạo Đức Chúa Trời, nhưng nơi những phép lạ ông thấy Phi-líp làm và không có biểu thị nào cho thấy Si-môn đã ăn năn tội lỗi mình. Chắc chắn ông không hết lòng tin (Cong 8:37). Niềm tin của ông giống như niềm tin của dân Giê-ru-sa-lem những người đã chứng kiến các phép lạ của Chúa chúng ta (Gi 2:23-25), hoặc thậm chí giống niềm tin của ma quỉ (Gia 2:19). Si-môn ở lại với Phi-líp, không phải để nghe Đạo và học nhiều hơn về Chúa Giê-xu, nhưng để chứng kiến những phép lạ và có lẽ học cách chúng được thực hiện ra sao.


Thật quan trọng để chú ý rằng dân Sa-ma-ri đã không nhận được sự ban cho của Đức Thánh Linh khi họ tin. Cần thiết để hai người trong số các sứ đồ, Phi-e-rơ và Giăng, đến từ Giê-ru-sa-lem, đặt tay trên những người qui đạo, và truyền sang họ sự ban cho của Thánh Linh. Tại sao? Vì Đức Chúa Trời muốn hiệp các tín đồ Sa-ma-ri với Hội thánh người Do-thái chính gốc tại Giê-ru-sa-lem. Ngài không muốn hai Hội thánh kéo dài mãi sự chia rẽ và mâu thuẫn đã tồn tại nhiều thế kỷ.Chúa Giê-xu đã ban cho Phi-e-rơ “chìa khoá Nước thiên đàng” (Mat 16:13-20), nghĩa là Phi-e-rơ có đặc quyền “mở cánh cửa đức tin” cho người khác. Ông đã mở cửa cho dân Do-thái tại lễ Ngũ Tuần, và giờ đây ông mở cửa cho dân Sa-ma-ri.Sau đó, ông sẽ mở cửa đức tin cho dân ngoại (Cong 10:1-48).


Cũng hãy nhớ rằng 10 chương đầu của sách Công vụ ghi lại một giai đoạn chuyển tiếp, từ dân Do Thái đến dân Sa-ma-ri rồi đến dân ngoại. Phương thức Đức Chúa Trời dành cho ngày nay được bày tỏ trong Cong 10:1-48 tội nhân nghe Phúc-âm, tin, nhận sự ban cho của Phúc-âm, và sau đó được báp-tem. Thật nguy hiểm để đặt nền tảng bất cứ giáo lý hay sự thực hành trên những gì được ghi trong Cong 1:1-10:48 vì bạn có thể xây trên điều tạm bợ và thay đổi.

Những ai tuyên bố chúng ta phải chịu báp-tem để nhận được sự ban cho của Thánh Linh (Cong 2:38) đều gặp khó khăn để giải thích điều đã xảy đến cho dân Sa-ma-ri, và những ai tuyên bố chúng ta phải được “đặt tay” để nhận sự ban cho của Thánh Linh đều gặp khó khăn với Cong 10:1-48. Một khi bạn chấp nhận Cong 1:1-10:48 là một giai đoạn chuyển tiếp trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, với Cong 10:1-48 là đỉnh điểm, những vấn đề đều được giải quyết.


Sự xấu xa trong lòng Si-môn đã bị lộ ra đầy đủ bởi chức vụ của hai sứ đồ. Si-môn không chỉ muốn làm phép lạ, mà ông ta còn muốn quyền năng để mang sự ban cho của Thánh Linh đến với người khác và ông hoàn toàn sẵn sàng trả tiền để có quyền năng này! Chính phân đoạn này cho ta từ “simony” (sự buôn thần bán thánh), nghĩa là “việc mua và bán các chức vụ hoặc các đặc quyền trong Hội thánh”.


Khi bạn nghiên cứu sách Công-vụ, bạn sẽ thường thấy Phúc-âm ở trong sự mâu thuẫn với tiền bạc và “sự mua bán lớn”. A-na-nia và Sa-phi-ra đã mất mạng vì họ nói dối về sự dâng hiến của mình (Cong 5:1-11). Phao-lô đã cất một người bói khoa ra khỏi công việc mua bán trong thành Phi-líp và cuối cùng bị cầm tù (Cong 16:16-24). Ông cũng tạo khó khăn cho các thợ bạc trong thành Ê-phê-sô và làm gây ra cuộc nổi loạn (Cong 19:23-41). Hội thánh đầu tiên đã có những ưu tiên tức thời: Giảng Đạo quan trọng hơn dành được sự hỗ trợ của những người giàu có và uy thế trên thế giới.


Những lời nói của Phi-e-rơ trước Si-môn bày tỏ mọi ngụ ý rằng thuật sĩ này không phải là một người qui đạo. “Tiền bạc ngươi hãy hư mất với ngươi” là ngôn ngữ khá mạnh mẽ để sử dụng với một tín đồ. Ông đã chẳng có “phần hoặc số trong việc này” (“lời này”) và lòng ông không ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời. Mặc dù việc ăn năn không phải không áp dụng cho các tín đồ (Kh 2:1-3:22) nhưng mệnh lệnh ăn năn thường được dành cho những người chưa tin.

Từ “ý tưởng” trong Cong 8:22 nghĩa là “âm mưu hoặc ý đồ” và được sử dụng theo một ý xấu. Sự kiện Si-môn “ở trong mật đắng” (Phu 29:18 He 12:15) và “xiềng xích tội lỗi” cho thấy ông chưa bao giờ thật sự được tái sinh.


Đáp ứng của Si-môn đối với những lời cảnh cáo nghiêm khắc này đều không có tính khích lệ. Ông ta quan tâm nhiều về việc tránh né sự đoán phạt hơn là hiểu rõ về Đức Chúa Trời! Không có bằng chứng nào cho thấy ông ta đã ăn năn và tìm kiếm sự tha thứ. Một tội nhân muốn những lời cầu nguyện của người khác nhưng không tự mình cầu nguyện sẽ không bước vào Nước Đức Chúa Trời.


Tình tiết này chỉ cho thấy thế nào một người có thể đến rất gần sự cứu rỗi mà vẫn không được biến cải. Si-môn đã nghe Phúc-âm, nhìn thấy những phép lạ, bày tỏ một sự xưng nhận đức tin trong Đấng Christ, và chịu phép báp-tem nhưng ông chưa bao giờ được tái sinh. Ông là một trong những kẻ giả mạo khéo léo của Sa-tan và nếu Phi-e-rơ không phơi trần sự xấu xa trong lòng ông, Si-môn có lẽ đã được tiếp nhận như một thuộc viên của hội chúng người Sa-ma-ri!


Cho dù sự bắt bớ vẫn tiếp diễn, Phi-e-rơ và Giăng trở về Giê-ru-sa-lem, rao giảng Phúc-âm “trong nhiều làng của người Sa-ma-ri” khi họ đi đường. Họ đã không đánh mất cơ hội chia sẻ Phúc-âm với những người khác lúc này để những cánh cửa được mở ra trong xứ Sa-ma-ri.


4. Người quan tâm tìm kiếm - người Ê-thi-ô-pi (Cong 8:26-40)

Phi-líp không chỉ là người giảng đạo trung tín ông còn là một người giúp việc riêng biết vâng lời. Giống như Chủ mình, ông sẵn lòng lìa khỏi đám đông và tiếp xúc với một linh hồn hư mất. Thiên sứ cũng có thể cho quan chức người Ê-thi-ô-pi này biết cách nào để được cứu, nhưng Đức Chúa Trời đã không giao nhiệm mạng cho các thiên sứ: Ngài giao nó cho dân Ngài. Các thiên sứ chưa bao giờ trực tiếp kinh nghiệm ân điển Đức Chúa Trời vì vậy, họ không bao giờ có thể làm chứng được cứu nghĩa là gì.


D.L.Moody có lần đã hỏi một người về linh hồn anh ta, và người này đáp: “Đó chẳng phải là việc của ông”.

Moody nói: “Ồ, vâng, đó là việc của tôi! ” và người đàn ông này lập tức kêu lên: “Vậy ông chắc phải là D.L.Moody! ”. Đó là công việc của mọi Cơ-đốc nhân để chia sẻ Phúc-âm với người khác và để làm việc ấy mà không có sự sợ sệt hay phải biện bạch.


Kinh nghiệm của Phi-líp phải khích lệ chúng ta trong sự làm chứng cá nhân của chúng ta cho Chúa. Trước tiên, Đức Chúa Trời đã hướng dẫn Phi-líp đến đúng người đúng lúc. Bạn và tôi có thể không được những thiên sứ chỉ dẫn mình, nhưng chúng ta có thể biết sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh trong sự làm chứng của mình, nếu chúng ta đang bước đi trong Thánh Linh và cầu xin sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.


Vào một buổi xế chiều, khi tôi sắp hoàn tất việc thăm viếng mục vụ của mình, tôi cảm thấy được thúc giục thực hiện một cuộc thăm viếng nữa để gặp một phụ nữ đang trung tín nhóm lại trong Hội thánh nhưng không phải là một Cơ-đốc nhân đã xưng nhận. Thoạt đầu, tôi tự nhủ rằng thật dại dột để thăm viếng bà cuối ngày ấy, vì có lẽ bà đang chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Nhưng dù sao chăng nữa, tôi đã đi và khám phá rằng bà đã cảm thấy nặng nề về tội lỗi của mình cả ngày hôm ấy! Trong vài phút, bà đã mở lòng mình cho Đấng Christ và được tái sinh. Hãy tin tôi, tôi mừng mình đã vâng theo sự dẫn dắt của Thánh Linh!


Vị quan hầu này không đến từ nơi mà ngày nay chúng ta gọi là nước Ê-thi-ô-pi quê hương ông ở trong xứ Nubia cũ (cựu vương quốc ở Tây Bắc Phi châu) nằm ở phía Nam Ai-cập. Vì ông là một hoạn quan, ông không thể trở thành một người theo đạo Do-thái trọn vẹn hoàn toàn (Phu 23:1) nhưng ông được phép trở nên một “người kính sợ Đức Chúa Trời” hoặc “người người theo đạo ở ngoài cửa”. Ông quan tâm về đời sống thuộc linh của mình đủ để đi hơn 200 dặm đến Giê-ru-sa-lem thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng lòng ông vẫn không được thoả mãn.


Người Ê-thi-ô-pi này đại diện cho nhiều người ngày nay là những người mộ đạo, đọc Kinh Thánh, và tìm kiếm chân lý, nhưng không có đức tin cứu rỗi trong Chúa Giê-xu. Họ thành tâm, nhưng họ lạc lối! Họ cần ai đó chỉ cho họ đường đi.


Khi Phi-líp đến gần xe ngựa, ông nghe người đàn ông này đang đọc tiên tri Ê-sai. (Đọc lớn là thói quen thời ấy đối với người học) Đức Chúa Trời đã chuẩn bị tấm lòng người này để nhận sự làm chứng của Phi-líp! Nếu chúng ta vâng theo sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ đi trước chúng ta và mở đường cho sự làm chứng của chúng ta.


Es 53:1- 12 là đoạn ông đang đọc, lời tiên tri về Tôi Tớ Chịu Khổ của Đức Chúa Trời. Es 53:12 mô tả Chúa Giê-xu của chúng ta qua sự giáng sinh của Ngài (Es 53:1-2), đời sống và chức vụ (Es 53:3), sự chết thay (Es 53:4-9) và sự phục sinh đắc thắng của Ngài (Es 53:10-12). Es 53:4 phải được liên hệ với IPhi 2:34 IPhi 53:7 với Mat 26:62-63 Mat 53:9 với Mat 27:57-60 Mat 53:12 với Lu 23:34,37.


Người Ê-thi-ô-pi tập trung vào Cong 8:7,8, mô tả Chúa chúng ta là của lễ sẵn sàng cho tội nhân, thâm chí đến độ hi sinh mọi nhân quyền của Ngài. Khi Phi-líp giải thích cho ông những câu này, người Ê-thi-ô-pi bắt đầu hiểu Phúc-âm vì Thánh Linh Đức Chúa Trời đang mở tâm trí ông trước chân lý của Đức Chúa Trời. Tội nhân hư mất khao khát sự cứu rỗi thì chưa đủ, người ấy còn phải hiểu kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Chính tấm lòng hiểu Lời Đức Chúa Trời cuối cùng sẽ kết quả Ma 13:23


Ý niệm về của lễ thay thế là một ý niệm được tìm thấy từ đầu đến cuối Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đã giết các thú vật để Ngài có thể mặc cho A-dam và Ê-va (Sa 3:21). Ngài đã chu cấp một con chiên đực để chết thay I-Sác (Sa 22:13). Tại lễ Vượt Qua, những con chiên vô tội đã chết thay cho dân Y-sơ-ra-ên (Xu 12:1- 51)và cả hệ thống Do-thái giáo đã dựa trên sự đổ huyết (Le 17:1-16 đặc biệt c.11). Chúa Giê-xu là sự ứng nghiệm về những kiểu mẫu Cựu Ước và cả những lời tiên tri (Gi 1:29 Kh 5:1-14).


“Đức tin đến bởi sự nghe, và sự nghe bởi Lời Đức Chúa Trời” (Ro 10:17). Người Ê-thi-ô-pi tin nơi Chúa Giê-xu và được tái sinh! Kinh nghiệm của ông rất thật đến nỗi ông nhất định dừng đoàn người lại và chịu báp-tem lập tức! Ông không phải là “Cơ-đốc nhân bí mật”, ông muốn mọi người biết điều Chúa đã làm cho ông.


Làm sao ông biết rằng người tin nhận buộc phải chịu báp-tem? Có lẽ Phi-líp đã kể đến điều này trong sự làm chứng cho ông, hoặc có lẽ ông đã thấy người ta chịu báp-tem khi ông ở Giê-ru-sa-lem. Chúng ta biết rằng dân ngoại chịu báp-tem khi họ trở thành người theo đạo Do-thái. Suốt sách Công-vụ, phép báp-tem là một phần quan trọng trong sự cam kết của tín đồ đối với Đấng Christ và sự làm chứng cho Đấng Christ.


Mặc dù Cong 8:37 không được tìm thấy trong mọi bản thảo Kinh Thánh nhưng chắc chắn không điều gì trong đó trái với Kinh Thánh (Ro 10:9-10). Trong thời Hội thánh đầu tiên, người qui đạo đã không được báp-tem nếu trước tiên họ không trình bày chứng cớ rõ ràng về đức tin của mình trong Chúa Giê-xu. Và hãy nhớ rằng người Ê-thi-ô-pi không chỉ nói với Phi-líp mà còn với những người trong đoàn đến gần xe ngựa của ông. Ông là một người có quyền thế và bạn có thể chắc rằng các tuỳ tùng của ông đang hết sức chú ý.


Phi-líp được cất đi thi hành chức vụ ở nơi nào đó (so sánh IVua 18:12), nhưng vị quan coi kho bạc “cứ hớn hở đi đường” (Cong 8:8). Đức Chúa Trời đã không để Phi-líp thực hiện việc môn đệ hoá cần thiết đối với tân tín đồ này, nhưng chắc chắn Ngài đã lo liệu điều đó khi ông này trở về nhà. Dù là một hoạn quan, người Ê-thi-ô-pi đã được Đức Chúa Trời chấp nhận! (Es 56:3-5).


Phi-líp đã đến A-xốt, cách Gaxa khoảng 20 dặm và rồi lên đường đến thành Sê-sa-rê, một hành trình khoảng 60 dặm. Giống như Phi-e-rơ và Giăng, Phi-líp đã “giảng đạo trên đường về nhà” (Cong 8:25) khi ông nói cho người khác biết về Đấng Christ.20 năm sau, chúng ta thấy Phi-líp sống trong thành Sê-sa-rê và vẫn hầu việc Đức Chúa Trời như một người giảng Phúc-âm (Cong 21:8).


Khi bạn lần theo vết sự phát triển của Phúc-âm suốt thời kỳ chuyển tiếp này (Cong 2:1-10:48), bạn thấy cách Đức Chúa Trời đến với cả thế giới. Trong Cong 8:1-40 người Ê-thi-ô-pi đã qui đạo là con cháu của Cham (Sa 10:6 nơi “Cút” có liên quan đến nước Ê-thi-ô-pi. Trong Cong 9:1-43 Sau-lơ ở Tạt-sơ sẽ được cứu, một người Do Thái và do đó là con cháu của Sem (Sa 10:21). Trong Cong 10:1-48 dân ngoại tìm đến Đấng Christ, và họ là con cháu Gia-phết (Sa 10:2-5). Sem, Cham và Gia-phết đã cư trú ở khắp nơi trên thế giới (Sa 10:1), và Đức Chúa Trời muốn cả thế giới – mọi con cháu họ – nghe sứ điệp Phúc-âm (Mac 16:15 Mat 28:18-20).


Vào tháng 10/1857, J.Hudson Taylor bắt đầu thi hành chức vụ ở Ningpo, Trung quốc và ông đã dẫn một ông tên Nyi đến với Đấng Christ. Ông ta quá vui mừng và muốn chia sẻ niềm tin với người khác.


Ngày nọ, ông Nyi hỏi Hudson Taylor: “ông đã có Phúc-âm này ở Anh quốc bao lâu rồi? ”Taylor biết rằng Anh quốc đã biết Phúc-âm từ nhiều thế kỷ.

Ông Nyi nói: “Cha tôi đã chết khi đang tìm kiếm chân lý. Tại sao ông không đến sớm hơn?”

Taylor đã không có câu trả lời nào cho câu hỏi sâu sắc ấy.

Bạn đã biết Phúc-âm bao lâu?

Bạn đã chia sẻ Phúc-âm cách cá nhân đến đâu?



 


8. ĐỨC CHÚA TRỜI BẮT GIỮ SAU-LƠ (Cong 9:1-10:48)


Sự qui đạo của Sau-lơ ở Tạt-sơ, người đứng đầu bắt bớ Cơ-đốc nhân, có lẽ là sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử Hội thánh sau sự giáng lâm của Thánh Linh tại lễ Ngũ Tuần. Sự kiện trọng đại kế tiếp sẽ là sự qui đạo của dân ngoại (Cong 10:1-48), và Sau-lơ (Phao-lô) sẽ trở thành sứ đồ cho dân ngoại. Đức Chúa Trời đang tiếp tục thực hiện kế hoạch của Ngài để đem Phúc-âm đến với cả thế giới.


Charles Spurgeon đã nói: “Phao-lô là một người vĩ đại, và tôi không có gì nghi ngờ rằng trên đường đến Đa-mách ông đã cỡi một con ngựa rất cao. Nhưng một vài giây đã đủ để biến đổi người này. Đức Chúa Trời đã hạ bệ ông nhanh chóng biết bao! ”


Câu chuyện về sự qui đạo của Sau-lơ ở Tạt-sơ được trình bày 3 lần trong Công-vụ, ở các chương Cong 9:1-31 Cong 22:1-39 và Cong 26:1-32. Theo tài liệu chúng ta có, Sau-lơ đã kinh nghiệm bốn cuộc gặp mặt và chúng đã hiệp lại làm biến đổi cuộc đời ông.


1. Ông gặp Chúa Giê-xu (Cong 9:1-9)

Khi bạn nhìn xem Sau-lơ trên đường (Cong 9:1-2), bạn thấy một người rất sốt sắng một người thật sự nghĩ mình đang phục vụ Đức Chúa Trời bằng cách bắt bớ Hội thánh.

Nếu bạn chặn ông lại và hỏi ông những lý do, ông có thể đã nói điều gì đó như vầy: “Giê-xu ở Na-xa-rét đã chết. Bạn tưởng tôi tin rằng kẻ vô danh nào đó đã bị đóng đinh là Đấng Mê-si-a đã hứa sao?

Theo luật pháp của chúng ta, bất cứ ai bị treo trên cây, đều bị rủa sả (Phu 21:23). Đức Chúa Trời há sẽ dùng một tiên tri giả bị rủa sả và khiến người đó trở nên Đấng Mê-si-a sao? Không! Các môn đệ của ông ta đang rao giảng rằng Giê-xu sống và làm phép lạ qua họ. Nhưng quyền năng của họ đến từ Sa-tan, không phải từ Đức Chúa Trời. Đây là một giáo phái nguy hiểm, và tôi định trừ khử nó trước khi nó huỷ hoại Do-thái giáo niềm tin mang tính lịch sử của chúng ta.


Mặc cho kiến thức vĩ đại của ông (Cong 26:24),

Sau-lơ đã thật sự mù loà về thuộc linh (IICo 3:12-18) và không hiểu những điều Kinh Thánh Cựu Ước thật đã dạy về Đấng Mê-si-a. Giống như nhiều người khác trong số người đồng xứ mình, ông đã vấp phạm vì cớ thập tự giá (ICo 1:23) do ông cậy nơi sự công bình riêng của mình chớ không nơi sự công bình của Đức Chúa Trời (Phil 3:1-10 Ro 9:30-10:13). Nhiều giáo dân cậy công bình riêng ngày nay không nhìn thấy nhu cầu cần một Cứu Chúa của mình và bực tức về điều đó nếu bạn cho họ biết họ là tội nhân.


Thái độ của Sau-lơ là thái độ của một con thú dữ mà chính hơi thở của nó thật nguy hiểm! (Cong 8:3). Giống như nhiều ra-bi khác, ông tin rằng luật pháp phải được tuân giữ trước khi Đấng Mê-si-a có thể đến, nhưng những “kẻ dị giáo” này đang rao giảng nghịch với luật pháp, đền thờ và những truyền thống của các tổ phụ (Cong 6:11-13). Sau-lơ đã tàn hại các Hội thánh ở xứ Giu-đê (Ga 1:23) và rồi lấy thẩm quyền từ thầy tế lễ cả để đi đến tận Đa-mách dùng bắt các môn đệ của Chúa Giê-xu. Đây không phải là công việc vô nghĩa, vì thẩm quyền của hội đồng Do-thái tối cao ở đằng sau ông (Cong 22:5).


Thành Đa-mách có dân số Do-thái lớn, và người ta đã ước tính rằng có thể có từ 30 đến 40 nhà hội trong thành. Sự kiện đã có những tín đồ ở đó, cho thấy Hội thánh đã có kết quả biết bao trong việc rao ra sứ điệp. Một số tín đồ có thể đã trốn tránh sự bắt bớ ở Giê-ru-sa-lem, điều này giải thích lý do Sau-lơ muốn có quyền hạn để đem họ về.

Các tín đồ vẫn gắn bó với các nhà hội Do-thái, vì sự cắt đứt với Do-thái giáo sẽ không xảy ra một vài năm nữa (Gi 2:2 nơi “hội chúng” là “nhà hội” trong nguyên văn Hy-lạp).


Sau-lơ chợt thấy mình ở dưới dất! (Cong 9:4).

Đó không phải là một sự say nắng hay một cơn động kinh đã đặt ông ở đó, nhưng là một cuộc gặp gỡ riêng tư với Chúa Giê-xu. Vào ban trưa (Cong 22:6) ông thấy một ánh sáng chói lói từ trời và nghe một tiếng gọi tên ông (Cong 22:6-11). Những người đi cùng ông cũng té xuống đất (Cong 26:14)và nghe âm thanh này, nhưng họ không thể hiểu những lời phán từ trời. Họ trên chân mình trong trạng thái hoang mang (Cong 9:7), nghe Sau-lơ nói với ai đó, nhưng không biết điều gì đang xảy ra.


Ngày ấy Sau-lơ ở Tạt-sơ đã thực hiện một số khám phá kỳ diệu. Trước hết, ông đã ngạc nhiên khám phá rằng Chúa Giê-xu ở Na-xa-rét thật sự sống! Dĩ nhiên, các tín đồ đã luôn khẳng định điều này (Cong 2:32 Cong 3:15 Cong 5:30-32), nhưng Sau-lơ từ chối chấp nhận lời chứng của họ. Nếu Chúa Giê-xu sống, vậy Sau-lơ phải thay đổi ý nghĩ về Chúa Giê-xu và sứ điệp của Ngài. Ông phải ăn năn, một việc khó để một người Pha-ri-si cậy công bình riêng thực hiện.


Sau-lơ cũng khám phá rằng ông là một tội nhân hư mất ở trong hiểm hoạ về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời. “Ta là Giê-xu mà người đang bắt bớ” (Cong 9:5). Sau-lơ nghĩ ông đang hầu việc Đức Chúa Trời, khi thực tế ông đã bắt bớ Đấng Mê-si-a! Khi được so với sự thánh khiết của Chúa Giê-xu, những việc thiện và sự công bình riêng theo pháp luật của Sau-lơ có vẻ giống như mảnh giẻ dơ bẩn (Phi 3:6-8 Es 64:6). Mọi giá trị của ông đã thay đổi. Ông đã là một người mới vì ông tin nhận Chúa Giê-xu.


Chúa đã có một công việc đặc biệt để Phao-lô làm (Cong 26:16-18). Người Hê-bơ-rơ trong dân Hê-bơ-rơ trở nên sứ đồ cho dân ngoại kẻ bắt bớ trở thành một người giảng đạo và người Pha-ri-si theo luật pháp trở thành người công bố tuyệt vời về ân điển Đức Chúa Trời. Từ trước đến nay, Sau-lơ đã giống như một dã thú, chống chọi lại những gậy nhọn. Nhưng giờ đây ông trở thành một chiếc bình quý trọng, “công cụ” của Chúa để rao giảng Phúc-âm trong những miền ở xa. Quả là một sự biến đổi!


Khoảng 30 năm sau, Phao-lô đã viết rằng Đấng Christ đã “giật lấy ông” trên con đường Đa-mách (Phi 3:12). Sau-lơ đã đi ra bắt giữ người khác thì Chúa đã bắt giữ ông.

Ông phải mất tôn giáo trước khi ông có thể đạt đến sự công bình của Đấng Christ. Kinh nghiệm qui đạo của ông là duy nhất, vì tội nhân hôm nay chắc chắn không nghe tiếng Đức Chúa Trời hay thấy ánh sáng từ trời làm loá mắt. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Phao-lô là một gương mẫu về cách Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu khi Chúa Gê-xu Christ tái lâm và bày tỏ chính Ngài cho họ (ITi 1:12-16 Xa 12:10 Mat 24:29). Sự cứu rỗi của ông hẳn là một sự khích lệ lớn cho bất cứ tội nhân hư mất nào, vì nếu “người đứng đầu mọi tội nhân” đã có thể được cứu, chắc chắn bất cứ ai cũng có thể được cứu!


Đáng chú ý là những người đi cùng Sau-lơ đã nhìn thấy ánh sáng, nhưng không thấy Chúa, và họ nghe âm thanh nhưng không nghe tiếng phán (chú ý Gi 12:27-29). Chúng ta không biết có ai trong số họ sau đó đã tin nhận Đấng Christ do lời chứng của Phao-lô hay không. Ông đã thấy rõ ràng Chúa Giê-xu vinh hiển (ICo 15:7-10), và điều này khiến ông đủ tư cách làm một sứ đồ (ICo 9:1 Cong 1:21-22).


Những người này đã dẫn Sau-lơ vào trong thành (Cong 9:8-9) vì con bò đực hung dữ (Cong 9:1) giờ đây đã trở thành một chiên con ngoan ngoãn! Vị lãnh đạo này đã phải được dẫn dắt vì khải tượng đã làm ông bị mù. Đôi mắt thuộc linh của ông đã được mở ra, nhưng đôi mắt thuộc thể của ông bị đóng lại. Đức Chúa Trời đang hạ thấp Sau-lơ hoàn toàn và chuẩn bị cho ông sự phục vụ của A-na-nia.

Ông đã kiêng ăn và cầu nguyện (Cong 9:11) ba ngày, suốt thời gian đó ông hẳn đã khởi đầu “lọc ra” những gì mình đã tin. Ông đã được cứu bởi ân điển, không bởi luật pháp, nhờ đức tin nơi Đấng Christ hằng sống, Đức Chúa Trời bắt đầu chỉ dẫn Phao-lô và cho ông thấy mối liên hệ giữa Phúc-âm với ân điển của Đức Chúa Trời cùng tôn giáo của Môi-se theo truyền thống mà ông đã thực hành cả đời mình.


2. Ông đã gặp A-na-nia (Cong 9:10-19)

A-na-nia là một người Do-thái mộ đạo (Cong 22:12), một tín đồ trong Chúa Giê-xu. Ông biết loại danh tiếng mà Sau-lơ có và biết người đang đến Đa-mách để bắt các tín đồ. Hành trình từ Giê-ru-sa-lem đến Đa-mách tối đa là một tuần, nhưng một số Cơ-đốc nhân ở Giê-ru-sa-lem đã đến thành trước nhằm báo cho các thánh đồ.


Điều thú vị cần chú ý trong chương Cong 9:1-43 những danh khác nhau được dùng cho dân Đức Chúa Trời: các môn đệ (Cong 9:1,10,19,25,26,36,38), những người thuộc về đạo (Cong 9:2), các thánh đồ (Cong 9:13,32,41) mọi người cầu khẩn đến danh Đức Chúa Trời (Cong 9:14,21), và anh em (Cong 9:17,30). Chúng ta sử dụng từ “Cơ-đốc nhân” thường xuyên nhất, tuy nhiên danh ấy sau đó mới xuất hiện (Cong 11:26). “Các môn đệ” là danh được sử dụng hầu hết trong sách Công vụ, nhưng bạn không thấy nó được sử dụng trong các thư tín. Ở dó danh “các thánh đồ” là danh hiệu được sử dụng thường xuyên nhất cho dân Đức Chúa Trời.


A-na-nia đã sẵn sàng để thực hiện ý chỉ của Đức Chúa Trời, nhưng ông chắc chắn không lo lắng khi vâng lời! Sự kiện Sau-lơ đang “cầu nguyện” thay vì “tàn hại” có lẽ đã khích lệ A-na-nia. Charles Spurgeon đã nói: “Lời cầu nguyện là chữ viết của Thánh Linh trên tấm lòng được đổi mới” (Ro 8:9,14-16). Thay vì tin cậy bản thân, Sau-lơ giờ đây đang tin cậy Chúa và chờ đợi Ngài bày tỏ cho ông điều phải làm. Thật ra, Sau-lơ đã thấy một khải tượng về một người tên A-na-nia (Hananiah: “Chúa nhân từ”) sẽ đến giúp đỡ ông, vậy làm sao A-na-nia có thể từ chối vâng lời?


Cong 9:15 là một tóm tắt hay về đời sống và chức vụ của Phao-lô. Tất cả là ân điển, vì ông đã không chọn Đức Chúa Trời chính Đức Chúa Trời là Đấng đã chọn ông (ITi 1:14). Ông là chiếc bình của Đức Chúa Trời (IITi 2:20-21), và Đức Chúa Trời sẽ hành động trong và qua ông để hoàn thành những mục đích của Ngài (Eph 2:10 Phi 2:12-13).

Danh Đức Chúa Trời sẽ được vinh hiển khi tôi tớ Ngài đem Phúc-âm đến với dân Do-thái và dân ngoại, các vua và thường dân, và khi ông chịu khổ vì cớ Đấng Christ. Đây là chi tiết đầu tiên trong sách Công-vụ nói về Phúc-âm sẽ đến với dân ngoại (Cong 22:21 Cong 26:17).


Một khi đã nhận thức, A-na-nia không mất thời gian để đến nhà Giu-đa và giúp đỡ cho Sau-lơ đang chờ đợi. Việc ông gọi người là “anh” hẳn đã đem sự vui mừng đến cho lòng người Pha-ri-si mù loà. Sau-lơ không chỉ nghe tiếng của A-na-nia, ông còn sờ được tay người (Cong 9:12,17). Bởi quyền năng Đức Chúa Trời, đôi mắt ông được mở ra và ông đã có thể nhìn thấy! Ông cũng được đầy dẫy Thánh Linh và được báp-tem, và rồi ông ăn uống.


Bản dịch King James về Cong 22:16 gợi lên ấn tượng Sau-lơ cần phải chịu báp-tem để được cứu, nhưng điều đó không phải vậy. Sau-lơ đã được tẩy sạch tội lỗi mình bằng cách “cầu khẩn danh Chúa” (Cong 2:21 Ro 10:13). Kenneth Wuest dịch trong Cong 22:16) “Hãy chờ dậy, chịu phép báp-tem và làm sạch tội lỗi anh sau khi đã cầu khẩn danh Chúa trước đó”. Theo tiếng Hy-lạp, đó không phải là một phân từ hiện tại (“đang cầu khẩn”), nhưng là một quá khứ phân từ (“đã cầu khẩn”). Sự cầu khẩn Chúa của ông đi trước phép báp-tem của ông.


Sau-lơ đã ở lại với các tín đồ ở thành Đa-mách và chắc hẳn đã học từ họ. Hãy hình dung điều gì xảy ra đối với vị sứ đồ vĩ đại Phao-lô! Ông đã khám phá rằng họ là những người đáng mến, không đáng chịu sự bắt bớ ông đã gây cho họ, và rằng họ đã biết chân lý của Lời Đức Chúa Trời và chỉ muốn chia sẻ nó với người khác.


Trước khi chúng ta rời khỏi phân đoạn này, chúng ta phải nhấn mạnh một số bài học thực tiễn mà mọi tín đồ phải học.


Trước tiên, Đức Chúa Trời có thể sử dụng cả thánh đồ ít người biết đến nhất. Nếu điều đó không dành cho sự qui đạo của Sau-lơ chúng ta sẽ chẳng bao giờ nghe về A-na-nia nhưng A-na-nia đã đóng một phần quan trọng trong công việc đang diễn tiến của Hội thánh. Đằng sau nhiều tôi tớ danh tiếng của Đức Chúa Trời là những tín đồ ít được biết đến hơn đã gây ảnh hưởng cho họ. Đức Chúa Trời giữ sổ sách và sẽ đảm bảo rằng mỗi tôi tớ sẽ nhận một phần thưởng công bằng. Điều quan trọng không phải là danh tiếng, nhưng là sự trung tín (ICo 4:1-5).


Kinh nghiệm của A-na-nia cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đừng bao giờ sợ khi phải vâng theo ý muốn Đức Chúa Trời. A-na-nia thoạt đầu đã lý luận với Chúa và đưa ra một số lý do hợp lẽ vì sao ông không nên thăm viếng Sau-lơ. Nhưng Chúa đã điều khiển mọi sự và A-na-nia đã vâng phục bằng đức tin. Khi Đức Chúa Trời ra lệnh, chúng ta phải nhớ rằng Ngài đang hành động “ở cả hai đầu dây” và ý muốn hoàn hảo của Ngài sẽ luôn tốt nhất.


Có một sự khích lệ thứ ba: những công việc của Đức Chúa Trời luôn được quân bình Đức Chúa Trời đã quân bình một phép lạ lớn và công khai với một cuộc gặp mặt thầm lặng trong nhà Giu-đa. Ánh sáng chói lọi và tiếng từ trời là những sự kiện gây ấn tượng mạnh, nhưng sự viếng thăm của A-na-nia là điều gì đó bình thường.

Bàn tay Đức Chúa Trời đã đẩy Sau-lơ khỏi “con ngựa cao” của ông, nhưng Đức Chúa Trời đã sử dụng bàn tay của một người để đem cho Sau-lơ điều ông cần nhất. Đức Chúa Trời đã phán từ trời, nhưng Ngài còn phán qua một môn đệ vâng phục – người đã bày tỏ sứ điệp cho Sau-lơ. Những sự kiện “bình thường” chỉ là một phần của phép lạ chẳng khác gì những sự kiện lạ thường.


Sau cùng, chúng ta đừng bao giờ đánh giá thấp giá trị của một người được đem đến với Đấng Christ. Phi-e-rơ đang dạy dỗ cho hằng ngàn người ở Giê-ru-sa-lem, và Phi-líp đã thấy một mùa gặt lớn giữa dân Sa-ma-ri, nhưng A-na-nia đã được sai đến với một người duy nhất.

Thế nhưng, quả thật đúng là một con người đặc biệt! Sau-lơ ở Tạt-sơ đã trở thành sứ đồ Phao-lô, và đời sống cùng chức vụ của ông đã ảnh hưởng đến con người và các quốc gia kể từ đó. Ngay cả các sử gia thế tục cũng thú nhận rằng Phao-lô là một trong những nhân vật quan trọng trong lịch sử thế giới.


Vào 21/4/1855, Edward Kimball đã dẫn dắt một trong số những cậu bé trong trường Chúa nhật của ông đến với đức tin trong Đấng Christ. Ông đã không nhận ra rằng Dwight L.Moody một ngày nào đó sẽ trở thành người giảng Phúc-âm tiên phong của thế giới. Chức vụ của Norman B.Harrison trong một hội nghị Kinh Thánh không có tiếng tăm đã được Đức Chúa Trời sử dụng để đem Theodore Epp đến đức tin trong Đấng Christ, và Đức Chúa Trời đã sử dụng Theodore Epp để thiết lập chương trình Book to theo Bible (quay về với Kinh Thánh) khắp thế giới. Công tác của chúng ta là dẫn dắt người ta đến với Đấng Christ, công tác của Đức Chúa Trời là sử dụng họ cho vinh hiển Ngài và mỗi người đều quan trọng đối với Đức Chúa Trời.


3. Ông đã gặp sự chống đối (Cong 9:20-25)

Sau-lơ lập tức bắt đầu rao ra Đấng Christ mà ông đã bắt bớ, dạn dĩ tuyên bố rằng Giê-xu là Con Đức Chúa Trời. Đây là nơi duy nhất trong Công-vụ bạn tìm thấy danh hiệu này, nhưng Phao-lô đã sử dụng nó trong các thư tín của ông ít nhất 15 lần. Đó là một sự nhấn mạnh chủ yếu trong chức vụ của ông. Sự thay đổi đầy kịch tính trong cuộc đời Sau-lơ là một nguồn ngạc nhiên đối với dân Do-thái ở thành Đa-mách. Mọi sự làm chứng cho Đấng Christ của người mới qui đạo đều phải khởi đầu ngay ở nơi người ấy hiện diện, vì vậy Sau-lơ đã khởi đầu chức vụ của ông trước tiên tại Đa-mách (Cong 26:20).


Có lẽ cuộc thăm viếng của Sau-lơ đến xứ A-ra-bi (Ga 1-17) đã xảy ra vào khoảng thời gian này. Nếu bác sĩ Lu-ca kể đến cuộc thăm viếng đó trong câu chuyện của ông, ông có lẽ sẽ đặt nó giữa Cong 9:21,22. Chúng ta không biết ông nán lại trong xứ A-ra-bi bao lâu, nhưng chúng ta biết rằng sau ba năm, Sau-lơ đã trở về Giê-ru-sa-lem (Ga 1:18).


Tại sao ông đến xứ A-ra-bi? Có thể do Chúa đã bảo ông đến một mình để Ngài có thể dạy Sau-lơ Lời Ngài. Có nhiều điều cần phải được gạn lọc trong tâm trí Sau-lơ trước khi ông có thể thi hành chức vụ hiệu quả với tư cách một sứ đồ của Chúa Giê-xu. Nếu Sau-lơ đã đến miền gần núi Si-nai (Ga 4:25), phải có sự can đảm và sức mạnh đáng kể cho một hành trình như thế. Có lẽ chính lúc ấy ông đã kinh nghiệm “những nguy hiểm về trộm cướp” và “những nguy hiểm trong các đồng vắng” (IICo 11:26). Cũng có thể là ông đã thực hiện sự rao giảng Phúc-âm trong khi ở A-ra-bi, vì khi ông trở lại Đa-mách, ông đã là một người được chú ý.


Điều quan trọng về sự tạm trú ở A-ra-bi này là sự kiện Sau-lơ không “hội ý với thịt và huyết” nhưng nhận sứ điệp và sự uỷ thác trực tiếp từ Chúa (Ga 1:10-24). Ông đã không vay mượn bất cứ điều gì từ các sứ đồ ở Giê-ru-sa-lem, vì ông thậm chí không gặp họ mãi đến ba năm sau sự qui đạo của ông.


Khi Sau-lơ trở lại thành Đa-mách, ông bắt đầu làm chứng lại, và những người Do-thái tìm cách làm cho ông nín lặng. Giờ đây, ông khám phá rằng bị săn bắt có ý nghĩa ra sao thay vì là kẻ săn bắt! Đây chỉ mới là sự khởi đầu “những việc lớn” ông sẽ chịu khổ vì danh Đấng Christ (Cong 9:16). Chắc là bẽ mặt biết bao đối với Sau-lơ để được dắt vào thành Đa-mách như một người mù và rồi được đưa lén ra ngoài như một tội phạm tầm thường! (IICo 11:32-33).


Suốt cuộc đời mình, vị sứ đồ cao trọng này đã bị ghét bỏ, bị săn bắt, và bị mưu hại bởi người Do-thái và cả người ngoại (“trong những nguy hiểm về chính dân mình, trong những nguy hiểm về dân ngoại” IICo 11:26). Khi bạn đọc sách Công-vụ, bạn thấy sự chống đối và sự bắt bớ gia tăng ra sao, cho đến khi vị sứ đồ này cuối cùng là một tù nhân ở Rô-ma (Cong 13:45,50 Cong 14:19 Cong 17:5,13 Cong 18:12 Cong 20:3,19 Cong 21:10-11,27). Nhưng ông đã kể đó là một đặc quyền để chịu khổ vì cớ Đấng Christ, và chúng ta cũng phải như vậy. “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê-xu thì sẽ bị bắt bớ” (IITi 3:12).


4. Ông gặp các tín đồ ở Giê-ru-sa-lem (Cong 9:26-31)

Có hai giai đoạn trong kinh nghiệm của Sau-lơ với Hội thánh ở Giê-ru-sa-lem:

a. Sau-lơ bị chối từ (Cong 9:26).

Lúc đầu, các tín đồ ở Hội thánh Giê-ru-sa-lem sợ ông. Sau-lơ “cứ cố gắng” (tiếng Hy-lạp nguyên văn) gia nhập vào nhóm họ, nhưng họ đã không chấp nhận ông. Trước hết, họ sợ ông và có lẽ nghĩ rằng thái độ thân thiện mới mẻ của ông chỉ là một mưu mẹo để gia nhập vào nhóm họ hầu ông có thể khiến họ bị bắt. Họ thậm chí không tin rằng ông đã là một môn đệ của Chúa Giê-xu, chớ đừng nói đến việc ông là một sứ đồ đã thấy Đấng Christ Phục sinh.


Thái độ của họ dường như kỳ lạ đối với chúng ta, vì chắc chắc các thánh đồ ở Đa-mách đã nhắn tin cho Hội Thánh Giê-ru-sa-lem rằng Sau-lơ đã được thay đổi và giờ đây đang giảng đạo. Có lẽ “sự biến mất” của Sau-lơ gần ba năm đã tạo một không khí nghi ngờ đối với lời chứng của ông. Ông đã ở đâu? Ông đang làm gì? Tại sao ông đã chờ quá lâu để đi tiếp xúc với các trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem? Hơn nữa, ông có quyền gì để xưng mình là một sứ đồ khi mà ông đã không được Chúa Giê-xu chọn lựa? Đã có nhiều câu hỏi không được trả lời làm gây ra một không khí nghi ngờ và sợ sệt.

b. Sau-lơ dược chấp nhận (Cong 9:28-29).

Chính Ba-na-ba là người đã giúp Hội thánh Giê-ru-sa-lem chấp nhận Sau-lơ. Chúng ta đã gặp Giô-sép “con trai của sự yên ủi” trong Cong 4:36-37 và chúng ta sẽ gặp lại ông khi chúng ta tiếp tục nghiên cứu Công vụ. Ba-na-ba đã “nắm lấy”Sau-lơ, đem ông đến với các lãnh đạo Hội thánh, và thuyết phục họ rằng Sau-lơ vừa là một tín đồ vừa là một sứ đồ được chọn. Ông đã thật sự nhìn thấy Đấng Christ phục sinh (ICo 9:1). Không cần thiết để bịa đặt vài “lý do kín giấu” vì sao Ba-na-ba đối xử tốt với Sau-lơ. Đây chỉ là bản tính của người này: ông là sự yên ủi cho người khác.


Dường như có một mâu thuẫn giữa Cong 9:27 và Ga 1:18-19. Làm sao Ba-na-ba có thể giới thiệu Sau-lơ với “các sứ đồ” (số nhiều) nếu Phi-e-rơ là sứ đồ duy nhất Sau-lơ đã gặp? Bác sĩ Lu-ca rõ ràng đang sử dụng từ “sứ đồ” theo nghĩa rộng hơn của “người lãnh đạo thuộc linh”.

Cả Ga 1:19 cũng gọi Gia-cơ, anh em của Chúa, là sứ đồ và Ba-na-ba được gọi là sứ đồ trong Cong 14:4,14. Trong các thư tín của mình, Phao-lô đôi khi đã sử dụng “sứ đồ” để chỉ rõ một sứ giả hay người đại diện đặc biệt của Hội thánh (IICo 8:23 Phil 2:25 Ro 16:7, nguyên văn Hy-lạp). Vì vậy, thật sự không có mâu thuẫn nào, đó là những lãnh đạo của Hội thánh Giê-ru-sa-lem mà Sau-lơ đã gặp.


Sau-lơ bắt đầu làm chứng cho người Do-thái nói tiếng Hy-lạp, những người Hê-lê-nít đã gây ra cuộc xét xử và cái chết của Ê-tiên (Cong 6:9-15). Sau-lơ là một trong số họ, đã được sinh ra và lớn lên ở thành Tạt-sơ và có thể ông đã cảm thấy có bổn phận để nhặt áo xống Ê-tiên đã bỏ lại (Cong 22:20). Người Do-thái Hê-lê-nít gần như không chấp nhận loại chứng cớ này, vì vậy họ lập mưu giết ông.


Tại thời điểm này, chúng ta phải đọc Cong 22:17-21. Đức Chúa Trời đã phán với Sau-lơ trong đền thờ và nhắc nhở ông về nhiệm vụ đem Phúc-âm đến cho dân ngoại của ông (Cong 9:15). Hãy chú ý sự khẩn cấp của mệnh lệnh Đức Chúa Trời: “Hãy vội vàng! Lập tức ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, vì họ sẽ chẳng nhận lời ngươi làm chứng về ta đâu” (Cong 22:18). Sau-lơ đã chia sẻ sứ điệp này với các lãnh đạo Hội thánh, và họ giúp ông trong việc trở về thành bản xứ của ông, thành Tạt-sơ. Sự kiện họ đã tin lời chứng của Sau-lơ về khải tượng là bằng chứng ông đã được Hội thánh chấp nhận hoàn toàn.


Chúng ta sẽ không gặp lại Sau-lơ cho đến Cong 11:25 khi một lần nữa chính Ba-na-ba tìm ông và đưa ông đến Hội thánh ở An-ti-ốt nơi họ cùng thi hành chức vụ. Sự kiện đó xảy ra khoảng 7 năm sau khi Sau-lơ rời Giê-ru-sa-lem, khoảng 10 năm sau sự qui đạo của ông. Chúng ta có mọi lý do tin rằng ông đã dùng Tạt-sơ như một trụ sở để đem Phúc-âm đến cho dân ngoại thuộc vùng này của đế quốc La-mã. Ông đã thi hành chức vụ “trong các miền thuộc xứ Sy-ri và xứ Si-li-si” (Ga 1:21) và gây dựng các Hội thánh ở đó (Cong 15:41). Một số học giả Kinh Thánh tin rằng các Hội thánh của người Ga-la-ti đã được thành lập vào thời gian này.


Có thể là một số vụ xét xử được liệt kê trong IICo 11:24-26 đã xảy ra suốt giai đoạn này. Chỉ có một vụ đánh đòn của người La-mã được chép trong Công-vụ (Cong 16:22), để lại hai vụ không được kể đến. Tương tự, năm vụ đánh đòn của người Do-thái không được chép trong Công-vụ hoặc các thư tín, Lu-ca chỉ cho chúng ta biết một vụ đắm tàu (Cong 27:1-44), nhưng chúng ta không có sự ghi chép nào về hai vụ kia. Bất cứ ai nghĩ rằng vị sứ đồ này đang hưởng một kỳ nghỉ suốt những năm ấy thì chắc chắn sai lầm!


Cong 9:31 là một câu nữa thuộc những tóm tắt của Lu-ca rằng ông đã thường chép vào sách này (Cong 2:46-47 Lu 4:4,32 Lu 5:12-14). Chú ý rằng những vị trí địa lý tương đương với những vị trí được trình bày trong Cong 1:8. Lu-ca đang cho chúng ta biết rằng sứ điệp đang lan ra như Chúa đã ra lệnh. Chẳng bao lâu, trung tâm sẽ là An-ti-ốt, không phải Giê-ru-sa-lem và lãnh đạo chủ chốt là Phao-lô, không phải Phi-e-rơ, và Phúc-âm sẽ được đem đến nơi tận cùng trái đất.


Đó là môt thời kỳ “bình an” cho các Hội thánh nhưng không phải một thời kỳ của sự tự mãn, vì họ tăng trưởng cả về thuộc linh lẫn số lượng. Họ nắm bắt cơ hội để sửa chữa và củng cố những cánh buồm của mình trước khi cơn bão sắp tới bắt đầu thổi! Cánh cửa đức tin đã được mở cho dân Do-thái (Cong 2:1-47) và cho dân Sa-ma-ri (Cong 8:1-40), và chẳng bao lâu nó sẽ được mở cho dân ngoại (Cong 10:1-48). Sau-lơ đã ra đi và Phi-e-rơ giờ đây trở về. Chẳng bao lâu, Phi-e-rơ sẽ ra đi (ngoại trừ sự đề cập ngắn trong Cong 15:1-41)và Phao-lô sẽ lấp đầy các trang sách Công-vụ.


Đức Chúa Trời thay đổi những người phục vụ của Ngài, nhưng công việc của Ngài vẫn tiến hành.


Còn bạn và tôi được ban đặc quyền trở nên một phần của công việc ấy hôm nay!


5. Chức vụ phép lạ của Phi-e-rơ (Cong 9:32-10:48)

Phép lạ lớn nhất Đức Chúa Trời có thể làm cho chúng ta là gì? Một số người sẽ gọi sự chữa lành thân thể là phép lạ lớn nhất của Đức Chúa Trời, trong khi những người khác sẽ cho rằng việc khiến kẻ chết sống lại. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng phép lạ lớn hơn hết là sự cứu rỗi một tội nhân hư mất. Tại sao? Vì sự cứu rỗi trả giá cao nhất, nó sinh ra những kết quả lớn nhất, và nó đem đến sự vinh hiển lớn nhất cho Đức Chúa Trời.


Trong phân đoạn này, chúng ta thấy Phi-e-rơ đang dự phần trong cả 3 phép lạ: ông chữa lành Ê-nê, ông khiến Đô-ca sống lại từ cõi chết, và ông đem sứ điệp cứu rỗi đến cho Cọt-nây cùng người nhà ông ta.


Một phép lạ lớn – chữa lành thân thể (Cong 9:32-35)

Sứ đồ Phi-e-rơ đã bận rộn trong chức vụ lưu hành (Cong 8:25) khi ông đi thăm viếng các thánh đồ ở Ly-đa, một thành lớn của dân ngoại cách Giê-ru-sa-lem khoảng 25 dặm. Có thể miền này đã được giảng Phúc-âm trước tiên do những người qui đạo tại lễ Ngũ Tuần, hoặc có lẽ do các tín đồ trung tín những người đã bị tản lạc khắp nơi suốt cơn bắt bớ lớn. Chắc hẳn Phi-líp người giảng Phúc-âm cũng đã thi hành chức vụ ở đó (Cong 8:40).


Chúng ta biết rất ít về Ê-nê. Ông bao nhiêu tuổi? Ông có tin Chúa Giê-xu không? Ông là người Do-thái hay người ngoại? Tất cả những gì Lu-ca cho chúng ta biết đó là người đàn ông này đã bị bại 8 năm, nghĩa là ông đã bị tàn phế và bất lực. Ông là gánh nặng cho bản thân và là gánh nặng cho người khác, và không có triển vọng ông sẽ bình phục.


Phép lạ đầu tiên của Phi-e-rơ là việc chữa lành một người què (Cong 3:1-26), và giờ đây phép lạ ấy được lặp lại. Khi bạn đọc sách Công-vụ, bạn sẽ thấy những điểm tương tự giữa chức vụ của Phi-re-ơ và Phao-lô. Cả hai đều đã chữa lành những người què. Cả hai đã bị bắt giữ và bị cầm tù, rồi được giải cứu cách mầu nhiệm.

Cả hai được đối xử như những vị thần (Cong 10:25-26 Cong 14:8-18), và cả hai đã dạn dĩ làm chứng trước nhà cầm quyền. Cả hai đã phải đương đầu với các tiên tri giả (Cong 8:9-24 Cong 13:6-12). Không ai đọc sách Công vụ có thể kết luận rằng “Tôi thuộc Phao-lô! ” hay “Tôi thuộc Phi-e-rơ! ” (ICo 1:12). “nhưng chính một Đức Chúa Trời Đấng làm mọi việc trong mọi người” (ICo 12:6).


Đấng Christ phục sinh, bởi quyền của danh Ngài, đã đem lại sự lành lặn hoàn toàn cho Ê-nê (ICo 3:6,16 ICo 4:10). Sự chữa lành đã xảy ra tức thì, người đàn ông này đã có thể đứng dậy và dọn giường mình. Ông trở thành một phép lạ biết đi! Cong 9:35 không có ý cho rằng toàn bộ dân số Ly-đa và Sha-rôn đều đã được cứu, nhưng chỉ tất cả những ai đã tiếp xúc với Ê-nê. Chỉ nhìn thấy ông bước đi tới lui đã thuyết phục họ tin rằng Chúa Giê-xu sống và họ cần phải tin nhận Ngài (Gi 12:10-11 để có một trường hợp tương tự).


Bạn có thể chắc rằng Phi-e-rơ đã làm nhiều điều ở Ly-đa hơn việc chữa lành Ê-nê, cũng lớn lao và giúp ích như phép lạ ấy. Ông đã truyền giảng Phúc-âm dạy dỗ và khích lệ các tín đồ, và tìm cách gây dựng Hội thánh trong đức tin. Chúa Giê-xu đã giao nhiệm vụ cho Phi-e-rơ chăm sóc bầy chiên (Gi 21:15-17), và Phi-e-rơ đã trung tín thực hiện sứ mạng đó.


Một phép lạ lớn hơn – khiến kẻ chết sống lại (Cong 9:36-43)

Thành Gióp-bê, (Gia-phô) Jaffa mới, nằm trên bờ biển cách 10 dặm bên kia Ly-đa. Thành này là quan trọng trong lịch sử Kinh Thánh như nơi mà từ đó tiên tri Giô-na đã lên tàu khi ông tìm cách trốn khỏi Đức Chúa Trời (Gion 1:1-3). Giô-na đã đến thành Giốp-bê để tránh việc đi đến dân ngoại, nhưng Phi-e-rơ ở Gióp-bê đã nhận sự kêu gọi để đến với dân ngoại! Vì Giô-na đã bất tuân Đức Chúa Trời, Chúa giáng một cơn bão khiến các thuỷ thủ người ngoại sợ hãi. Vì Phi-e-rơ vâng lời Chúa, Đức Chúa Trời đã sai Gió Thánh Linh đến cho dân ngoại và họ đã kinh nghiệm sự vui mừng cùng bình an lớn. Thật là một tương phản!


Dường như thật bi thảm khi một thánh đồ hữu dụng và được yêu mến như Đô-ca (Ta-bi-tha: linh dương) phải chết khi bà rất được Hội thánh cần đến. Điều này thường xảy ra trong những Hội thánh địa phương và đó là một đòn khắc nghiệt để nhận lấy. Trong chức vụ mục sư của riêng tôi, tôi đã trải qua sự mất mát những thánh đồ ưu tú là những người khó mà thay thế trong Hội thánh. Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta có thể nói là “Chúa đã ban cho, và Chúa đã cất đi, đáng ngợi khen danh Chúa” (Giop 1:21).


Các tín đồ ở Gióp-bê đã nghe rằng Phi-e-rơ có mặt trong miền này, và họ cho người mời ông đến lập tức. Không có sự ghi chép nào trong Công vụ rằng bất kỳ ai trong số các sứ đồ đã khiến kẻ chết sống lại, vì vậy việc họ cho mời Phi-e-rơ là một chứng cớ về đức tin của họ nơi quyền năng của Đấng Christ phục sinh. Khi Chúa chúng ta thi hành chức vụ trên đất, Ngài đã khiến kẻ chết sống lại vậy tại sao Ngài lại không thể khiến kẻ chết sống lại từ ngôi cao quý Ngài trong vinh hiển?


Chúng ta thường nghĩ về các sứ đồ như những lãnh đạo bảo người khác điều phải làm, nhưng thường thì dân sự đã ra lệnh cho họ! (Để có “triết lý chức vụ” của Phi-e-rơ, hãy đọc IPhi 5:1-14). Phi-e-rơ là một lãnh đạo phục vụ dân sự và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của họ. Phi-e-rơ đã có quyền năng chữa bệnh, và ông sử dụng quyền năng để làm vinh hiển Đức Chúa Trời và giúp đỡ dân sự, không phải để đề cao bản thân.


Tắm rửa xác chết là tục lệ đầu tiên của Do-thái, và sau đó là xức dầu cho xác chết bằng những hương liệu dành cho việc mai táng. Khi Phi-e-rơ đến trong phòng cao nơi Đô-ca nằm, ông thấy một nhóm goá phụ đang khóc những người đã được giúp đỡ bởi chức vụ của bà. Hãy nhớ rằng không có “sự giúp đỡ của chính phủ” trong thời đó đối với các goá phụ hoặc cô nhi, và những người nghèo túng đã phải cậy vào “mạng lưới” của họ để được sự giúp đỡ. Hội thánh có bổn phận giúp đỡ những người thật sự ở trong sự túng thiếu (ITi 5:3-16 Gia 1:27).


Câu chuyện về việc Phi-e-rơ khiến Đô-ca sống lại phải được so sánh với câu chuyện về việc Chúa chúng ta khiến con gái Giai-ru sống lại (Mac 5:34-43). Trong hai trường hợp, những người than khóc đều được để ở ngoài phòng, và những lời nói ra gần như giống nhau: “Ta-bi-tha-cu-mi: con gái nhỏ ơi, hãy chờ dậy! Ta-bi-tha-cu-mi – Ta-bi-tha-cu-mi, hãy chờ dậy” Chúa Giê-xu đã nắm tay đứa con gái trước khi Ngài phán với nó, vì Ngài không sợ trở nên bị ô uế về mặt nghi thức và Phi-e-rơ đã nắm tay Đô-ca sau khi bà đã trở lại với sự sống. Trong cả hai trường hợp, chính quyền năng Đức Chúa Trời đã khiến con người sống lại từ cõi chết, vì người chết chắn chắn không thể thực hành đức tin.


Giống với sự chữa lành Ê-nê, việc khiến Đô-ca sống lại đã thu hút sự chú ý lớn và đưa đến kết quả nhiều người tin nhận Chúa Giê-xu. Suốt “nhiều ngày” ông ở lại thành Gióp-bê, Phi-e-rơ đã dạy dỗ những tân tín hữu này vững vàng trong chân lý của Đạo, vì đức tin được xây dựng chỉ trên những phép lạ thì không vững chắc.


Phi-e-rơ ở lại thành Gióp-bê là điều tốt, và Đức Chúa Trời đã gặp ông ở đó trong một cách đầy xúc động. Các tôi tớ Đức Chúa Trời không cần phải lúc nào cũng “bận rộn”. Họ phải dành thì giờ ở một mình với Đức Chúa Trời, để nhìn lại, suy gẫm và cầu nguyện, đặc biệt là sau khi kinh nghiệm những phước hạnh lớn. Vâng, có nhiều người bệnh Phi-e-rơ có thể thăm viếng và chữa lành, nhưng Đức Chúa Trời có những kế hoạch khác. Ngài cố ý cầm giữ tôi tớ Ngài trong thành Gióp-bê để chuẩn bị cho ông cho việc sử dụng thứ ba “những chìa khoá”.


Thật ý nghĩa khi Phi-e-rơ ở trong nhà của một người thợ thuộc da, vì những người thợ thuộc da bị các ra bi Do Thái xem là “ô uế” (Le 11:35-40). Đức Chúa Trời dẫn Phi-e-rơ từng bước một, từ chủ nghĩa luật pháp Do-thái đến sự tự do của ân điển kỳ diệu của Ngài.


 Phép lạ lớn nhất: thu phục tội nhân hư mất (Cong 10:1-48)

Chương Cong 10:1-48 là then chốt trong sách Công-vụ, vì nó ghi lại sự cứu rỗi của dân ngoại. Chúng ta thấy Phi-e-rơ sử dụng “những chìa khoá của Nước Trời” lần thứ ba và cuối cùng. Ông đã mở cửa đức tin cho dân Do-thái (Cong 2:47) và cũng cho dân Sa-ma-ri (Cong 8:1-40), còn giờ đây ông sẽ được Đức Chúa Trời sử dụng để đem dân ngoại vào Hội thánh (Eph 2:11-22 Ga 3:27-28).


Sự kiện này xảy ra khoảng 10 năm sau lễ Ngũ Tuần. Tại sao các sứ đồ đã chờ đợi quá lâu trước khi đến với dân ngoại hư mất? Xét cho cùng, trong đaị nhiệm mạng của Ngài, Chúa Giê-xu đã bảo họ đi khắp thế gian, và dường như sẽ hợp lý để họ đi đến các láng giềng người ngoại càng sớm càng tốt. Nhưng Đức Chúa Trời có thời gian và kế hoạch của Ngài, và sự chuyển tiếp từ dân Do-thái sang dân Sa-ma-ri, đến dân ngoại là một sự chuyển tiếp dần dần.


Việc ném đá Ê-tiên và cơn bắt bớ Hội thánh tiếp theo sau đã đánh dấu đỉnh điểm sự làm chứng của các sứ đồ cho dân Do-thái. Sau đó Phúc-âm đã đi đến dân Sa-ma-ri.

Khi Đức Chúa Trời cứu Sau-lơ ở Tạt-sơ, Ngài đã cử đặc phái viên của Ngài đến với dân ngoại. Giờ đây là lúc để mở cửa đức tin (Ga 14:27) cho dân ngoại và đem họ vào gia đình Đức Chúa Trời.


Có bốn hành động đối với sự việc kỳ diệu đầy kịch tính này.

- Sự chuẩn bị (Cong 10:1-22)

Trước khi có thể cứu dân ngoại, Đức Chúa Trời đã phải chuẩn bị cho Phi-e-rơ để đem đến sứ điệp và chuẩn bị cho Cọt-nây để nghe sứ điệp. Sự cứu rỗi là một công việc thiêng liêng của ân điển, nhưng Đức Thánh Linh hành động qua những trung gian con người. Các thiên sứ có thể rao ra sứ điệp Đức Chúa Trời cho những người hư mất, nhưng các vị ấy không thể giảng Phúc-âm cho họ. Đó là đặc quyền – và trách nhiệm của chúng ta.


Thành Sê-sa-rê ở 65 dặm về hướng Tây Bắc của Giê-ru-sa-lem và 35 dặm hướng Bắc của Gióp-bê (Gia-phô). Vào thời đó, thành Sê-sa-rê là thủ phủ ở xứ Giu-đê của người La-mã và kiêu hãnh về nhiều toà nhà công cộng xinh đẹp. Trong thành ấy có Cọt-nây đội trưởng người La-mã, lòng đã chán ngán những chuyện hoang đường của tà giáo và những nghi thức tôn giáo rỗng tuếch, và ông đã quay lại với Do-thái giáo với hy vọng có thể tìm thấy sự cứu rỗi. Cọt-nây đã gần gũi với Do-thái giáo như ông có thể nhưng không trở thành một người gia nhập đạo. Có nhiều “người kính sợ Đức Chúa Trời” như ông trong thế giới cổ đại (Cong 13:16) và họ tỏ ra là một đồng ruộng sẵn sàng cho mùa gặt thuộc linh.


Thật thú vị để thấy một người có thể mộ đạo biết bao vẫn không được cứu. Chắc chắn, Cọt-nây đã thành thật trong sự vâng theo Luật pháp Đức Chúa Trời, sự kiêng ăn và lòng rộng rãi của ông đối với dân Do-thái (so sánh điêù này với Lu 7:1-10). Ông đã không được phép dâng của lễ trong đền thờ, vì vậy ông dâng những lời cầu nguyện cho Đức Chúa Trời như của lễ của mình (Thi 141:1-2). Trong mọi phương diện, ông là một kiểu mẫu của tư cách đáng trọng trong tôn giáo – thế nhưng ông đã không phải là người được cứu.


Sự khác nhau giữa Cọt-nây và nhiều con người tôn giáo ngày nay như vầy: ông biết rằng sự tận tuỵ ngoan đạo không đủ để cứu ông. Nhiều con người tôn giáo ngày nay hài lòng rằng bản tính và việc thiện của họ sẽ đem họ lên trời, và họ không có khái niệm nào về tội lỗi của chính mình hoặc về ân điển của Đức Chúa Trời.Trong lời cầu nguyện của mình, Cọt-nây đã cầu xin Đức Chúa Trời bày tỏ cho ông con đường cứu rỗi (Cong 11:13-14).


Trong nhiều phương diện, John Wesley đã giống như Cọt-nây. Ông là một người ngoan đạo, một thuộc viên Hội thánh, một mục sư và là con của một mục sư. Ông đã thuộc về một “Câu lạc bộ tôn giáo” ở Oxford, mục đích của hội là hoàn thiện đời sống Cơ-đốc nhân. Wesley đã phục vụ như một giáo sĩ ngoại quốc, nhưng ngay cả khi ông rao giảng cho người khác, ông đã không có sự biết chắc về sự cứu rỗi của chính cá nhân mình.


Vào ngày 24/5/1738 Wesley miễn cưỡng tham dự một buổi nhóm nhỏ ở Luân-đôn nơi có người đọc lớn chú giải của Martin Luther, về sách Rô-ma. Wesley đã viết trong nhật ký mình: “Khoảng 9 giờ kém 15, trong khi ông ta đang mô tả sự thay đổi mà Đức Chúa Trời hành động trong tấm lòng nhờ đức tin nơi Đấng Christ, tôi cảm thấy lòng tôi được sưởi ấm kỳ lạ, tôi cảm thấy tôi đã tin nhận Đấng Christ, chỉ một mình Đấng Christ để được sự cứu rỗi và một sự biết chắc được bày tỏ cho tôi rằng Ngài đã cất đi tội lỗi tôi, ngay cả những gì thuộc về tôi, và cứu tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết”. Kết quả là tín đồ hội giám lý cao trọng này không chỉ lôi cuốn nhiều người vào Nước Trời mà còn giúp biến đổi xã hội Anh quốc qua hoạt động xã hội Cơ-đốc.


Đức Chúa Trời đã sai một thiên sứ chỉ dẫn Cọt-nây, và theo phong cách quân đội thật sự, Cọt-nây vâng lời lập tức. Nhưng tại sao cho mời Phi-e-rơ, người ở xa 30 dặm trong thành Gióp-bê, khi Phi-líp người giảng Phúc Âm đã ở sẵn trong thành Sê-sa-rê? (Cong 8:40). Vì chính Phi-e-rơ, không phải Phi-líp là người đã được ban cho “các chìa khoá”. Đức Chúa Trời không chỉ hành động đúng lúc, Ngài còn hành động qua đúng đầy tớ, và cả hai đều cần thiết.


Phi-e-rơ cũng phải được chuẩn bị cho sự kiện này vì ông đã sống như một người Do-thái chính thống cả đời mình (Cong 10:14). Luật Môi-se là một bức tường giữa dân Do-thái và dân ngoại, và bức tường này đã được phá đổ tại thập tự giá (Eph 2:14-18). Dân ngoại đã bị xem là ngoại kiều và người lạ theo như những giao ước và lời hứa của Do-thái (Eph 2:11-13). Nhưng giờ đây, mọi điều đó sẽ thay đổi, và Đức Chúa Trời tuyên bố rằng, đối với dân Do-thái và dân ngoại, “chẳng có sự phân biệt chi hết” trong sự kết án (Ro 3:22-23) và trong sự cứu rỗi (Ro 10:12-13).


Tại sao Đức Chúa Trời dùng một khải tượng về thức ăn để dạy Phi-e-rơ rằng dân ngoại không phải ô uế? Trước hết, Phi-e-rơ bị đói, và một khải tượng về thức ăn chắc chắn sẽ “nói lên tình trạng của ông” như một người Quaker đã nói. Thứ hai, sự phân biệt giữa “đồ ăn thanh sạch và ô uế” là một vấn đề chính giữa dân Do-thái và dân ngoại thời bấy giờ. Thật ra, những người bạn Cơ-đốc của Phi-e-rơ đã chỉ trích ông vì ăn với dân ngoại! (Cong 11:1-3). Đức Chúa Trời đã sử dụng quy tắc từ bao thế kỷ này (Le 11:1-47) để dạy Phi-e-rơ một bài học thuộc linh quan trọng.


Lý do thứ ba trở lại với điều Chúa Giê-xu đã dạy Phi-e-rơ và các môn đệ khác khi Ngài thi hành chức vụ trên đất (Mac 7:1-23). Vào lúc đó, Phi-e-rơ đã không hiểu đầy đủ những điều Chúa Giê-xu phán, nhưng giờ đây những điều đó cũng sẽ xảy ra.Đức Chúa Trời không đơn giản thay đổi thức ăn của Phi-e-rơ, Ngài đang thay đổi toàn bộ chương trình của Ngài! Không phải người Do-thái đã “thanh sạch” và người ngoại “ô uế” nhưng cả người Do-thái và người ngoại đều “ô uế” trước mặt Đức Chúa Trời! “Vì Đức Chúa Trời đã nhốt mọi người trong sự vô tín, đặng Ngài có thể ban sự thương xót trên họ” (Ro 11:32). Điều này có nghĩa là một người ngoại không phải trở nên một người Do-thái để thành một Cơ-đốc nhân.


Cho dù sự chối từ của Phi-e-rơ ở trong những thuật ngữ lịch sự nhất, sự chối từ ấy vẫn sai lầm. Tấn sĩ W.Graham Scroggie đã viết “Bạn có thể nói ‘không’ và bạn có thể nói ‘Chúa ôi’ nhưng bạn không thể nói ‘không, Chúa ôi! ’”. Nếu Ngài thật là Chúa chúng ta, vậy chúng ta chỉ có thể nói “Vâng! ” với Ngài và vâng theo những mệnh lệnh Ngài.


Sự định giờ của Đức Chúa Trời luôn hoàn hảo, và ba người từ thành Sê-sa-rê đã đến trước cửa ngay khi Phi-e-rơ đang suy nghĩ ý nghĩa của khải tượng. Thánh Linh ra lệnh cho Phi-e-rơ gặp những người này và đi với họ. Nhóm từ “chớ hồ nghi” (Cong 10:20) nghĩa là “chớ phân biệt chi hết”. Bạn thấy nó lần nữa trong Cong 11:12 và một từ tương đương được sử dụng trong Cong 11:2 (“tranh cãi với người” = “phân biệt đối xử”). Phi-e-rơ đã không còn phải phân biệt đối xử giữa dân Do-thái và dân ngoại nữa.


- Sự giải thích (Cong 10:23-33) .

Sự kiện Phi-e-rơ cho phép người ngoại ở với ông là dấu hiệu khác cho thấy những bức tường đang hạ xuống. Phi-e-rơ đã chọn 6 tín đồ Do-thái đi cùng như những chứng nhân (Cong 11:12), gấp ba lần số lượng chính thức cần có. Sẽ mất tối thiểu hai ngày để đi hết 30 dặm giữa Gióp-bê và Sê-sa-rê. Khi Phi-e-rơ đến nơi, ông khám phá rằng Cọt-nây đã nhóm bà con và bạn bè lại để nghe sứ điệp của sự sống. Ông là một chứng nhân ngay cả trước khi ông trở thành một Cơ-đốc nhân!


Có lẽ sẽ dễ dàng cho Phi-e-rơ biết bao để chấp nhận sự tôn trọng và sử dụng hoàn cảnh để đề cao chính mình nhưng Phi-e-rơ là một tôi tớ, không phải một người danh tiếng (IPhi 5:1-6). Khi ông tuyên bố rằng ông không xem người ngoại là ô uế, điều này chắc đã gây kinh ngạc và làm vui mừng lòng những người nghe ông.

Bao thế kỷ qua, trên cơ sở của luật Cựu-ước, dân Do-thái đã tuyên bố dân ngoại là ô uế, và số người Do-thái thậm chí nhắc đến dân ngoại như “những con chó”.


Điều đáng chú ý trong phân đoạn này là câu hỏi của Phi-e-rơ: “Vậy, ta hỏi vì mục đích gì mà các ngươi mời ta đến?” (Cong 10:29). Phi-e-rơ đã không biết rằng ông được mời đến đó để giảng Phúc-âm sao? Phải chăng ông đã quên nhiệm vụ trong Cong 1:8 để đến “cùng trái đất”? Ngày nay, chúng ta nhìn lại những sự kiện phát triển trong Hội thánh và hiểu điều Đức Chúa Trời đang làm, nhưng có thể đã không dễ dàng như vậy nếu chúng ta đang sống giữa những biến cố này. Thật ra, Hội thánh Giê-ru-sa-lem chất vấn Phi-e-rơ về những việc làm của ông (Cong 11:1-18), và sau đó đã triệu tập một hội nghị để đối phó với vị trí của người ngoại trong Hội thánh (Cong 15:1-41).


Cọt-nây kể lại kinh nghiệm ông gặp thiên sứ và rồi cho Phi-e-rơ biết lý do ông được mời đến: để cho ông, gia đình ông và bạn hữu ông biết họ có thể được cứu cách nào (Cong 11:14). Họ không phải là những người ngoại có quan tâm yêu cầu một bài diễn thuyết về Do-thái giáo. Họ là những tội nhân hư mất nài xin chỉ dẫn phương cách để được cứu.


• Trước khi chúng ta tới phân đoạn này, một số chân lý quan trọng phải được nhấn mạnh. Trước tiên, ý niệm cho rằng “tôn giáo này cũng tốt như tôn giáo khác” là hoàn toàn sai lầm. Những ai cho chúng ta biết rằng chúng ta nên thờ phượng “Đức Chúa Trời nhiều danh” và không “thay đổi các tôn giáo của người khác” sẽ mâu thuẫn với Kinh Thánh.

“Sự cứu rỗi bởi người Do-thái mà đến” (Gi 4:22), và không thể có sự cứu rỗi xa rời đức tin trong Chúa Giê-xu Christ, Đấng xuất thân là người Do-thái Cọt-nây có lòng mộ đạo và đạo đức, nhưng ông không có sự cứu rỗi. Một số người có thể đã nói: “Hãy để yên Cọt-nây! Tôn giáo của ông là một phần thuộc văn hoá của ông, và thật xấu hổ để thay đoi văn hoá của ông! ” Đức Chúa Trời không nhìn theo cách ấy. Bỏ qua việc nghe sứ điệp Phúc-âm và tin nhận Đấng Christ, Cọt-nây không có hy vọng gì.


• Thứ hai, Đấng Christ tìm kiếm (Lu 19:10) sẽ tìm thấy tội nhân tìm kiếm (Gi 29:13). Bất cứ nơi đâu có một tấm lòng tìm kiếm, Đức Chúa Trời đều đáp ứng. Đây là lý do vì sao cần thiết để chúng ta là con cái Đức Chúa Trời vâng theo ý Ngài và chia sẻ Đạo Ngài. Bạn không bao giờ biết khi sự làm chứng của bạn về Đấng Christ chính xác là điều mà ai đó đang chờ đợi và cầu nguyện.


• Thứ ba, Phi-e-rơ chắc chắn đã được ban đặc quyền để phục vụ cho một hội chúng kiểu mẫu (Cong 10:33). Họ đều có mặt, họ muốn nghe Đạo, và họ đã lắng nghe, tin và vâng lời. Một người giảng đạo còn yêu cầu gì hơn?


- Sự tuyên bố (Cong 10:34-43)

Không thể có đức tin xa rời Lời Chúa (Ro 10:17), và Phi-e-rơ đã rao giảng Lời ấy. Đức Chúa Trời không hề thiên vị con người theo quốc tịch hay chủng tộc. Khi nói đến tội lỗi và sự cứu rỗi, “chẳng có sự phân biệt chi hết” (Ro 2:11 Ro 3:22-23 Ro 10:1-13). Mọi người đều có cùng một Đấng Tạo Hoá (Cong 17:26), và mọi người đều cần một Đấng Christ (Cong 4:12).

Cong 10:35 không dạy rằng chúng ta được cứu bởi việc làm nếu không thì Phi-e-rơ sẽ mâu thuẫn với chính mình (c.43). “Kính sợ Đức Chúa Trời và làm sự công bình” là một mô tả về đời sống Cơ-đốc nhân. Kính sợ Đức Chúa Trời là tôn kính và tin cậy Ngài (Mi 6:8). Chứng cớ của đức tin này là một sự ăn ở công bình.


Sau đó Phi-e-rơ tóm tắt câu chuyện về đời sống, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Cọt-nây và các bạn hữu ông đã biết về đời sống và sự chết của Đấng Christ, vì “việc này đã không được thực hiện nơi kín đáo đâu” (Cong 26:26). Phi-e-rơ nói rõ rằng Y-sơ-ra-ên là công cụ của Đức Chúa Trời để hoàn thành công việc Ngài (Cong 10:36), nhưng Chúa Giê-xu là “Chúa của tất cả” chớ không phải chỉ là Chúa của Y-sơ-ra-ên. Ngay từ lúc sáng lập dân tộc Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời đã phán rõ rằng phước hạnh sẽ từ Y-sơ-ra-ên đến với cả thế giới (Sa 12:1-3).


Đông đảo công chúng đã biết về đời sống, chức vụ và sự chết của Đấng Christ, nhưng chỉ có các sứ đồ và những tín đồ khác là những người chứng kiến về sự phục sinh của Ngài. Như trong những bài giảng trước đó của mình, Phi-e-rơ đã khiển trách các lãnh đạo Do-thái về sự đóng đinh (Sa 3:15 Sa 4:10 Sa 5:30) như Ê-tiên đã khiển trách (Sa 7:52). Phao-lô sẽ thực hành cùng sự nhấn mạnh này (ITe 2:14-16).


Sau khi kể xong điều cơ bản có liên quan đến lịch sử về sứ điệp Phúc-âm, sự chết và phục sinh của Đấng Christ, Phi-e-rơ tuyên bố tin tức tốt lành: Bất cứ ai tin Ngài sẽ nhận được sự tha tội” (Cong 10:43 Cong 2:21). Những người nghe ông đã nắm được từ “Bất cứ ai” áp dụng cho chính họ, tin nơi Chúa Giê-xu và được cứu.


- Sự chứng minh (Cong 10:44-48)

Phi-e-rơ mới khởi sự sứ điệp của ông thì hội chúng của ông đã tin và Thánh Linh đã làm gián đoạn buổi nhóm (Cong 11:15). Đức Chúa Cha đã làm gián đoạn Phi-e-rơ trên Núi Hoá Hình (Mat 17:4-5) và Đức Con đã làm gián đoạn ông trong vấn đề về thuế đền thờ (Mat 17:24-27). Giờ đây Thánh Linh Đức Chúa Trời đã ngăn trở ông – và Phi-e-rơ chưa bao giờ có thể hoàn tất bài giảng của mình! Giá mà những mục sư truyền đạo ngày nay có những sự gián đoạn loại này!


Đức Thánh Linh đã giao sự làm chứng cho 6 người Do Thái là những người hiện diện để chứng rằng những người ngoại này thật sự được sinh lại. Xét cho cùng, những người này đã không chứng kiến khải tượng cùng với Phi-e-rơ và hiểu ra rằng dân ngoại giờ đây có quan hệ bình đẳng với dân Do-thái. Điều này không có ý cho rằng mọi tân tín hữu đều bày tỏ chứng cớ về sự cứu rỗi bằng cách nói tiếng lạ, mặc dù mọi tín đồ thật chắc chắn sẽ sử dụng tiếng mình để làm vinh hiển Đức Chúa Trời (Ro 10:9-10). Đây là sự kiện giống với lễ Ngũ Tuần: Cùng một Thánh Linh đã giáng trên các tín hữu Do-thái, giờ đây đã giáng trên những người ngoại (Cong 11:15-17 Cong 15:7-9). Chắc hẳn những người này đã lấy làm ngạc nhiên!


Cùng với sự kiện này, thời kỳ chuyển tiếp trong lịch sử đầu tiên của Hội thánh đến hồi kết thúc. Các tín đồ giữa vòng dân Do-thái, dân Sa-ma-ri và dân ngoại đều đã nhận được Thánh Linh Đức Chúa Trời và được hiệp trong thân của Đấng Christ (Ga 3:27 ICo 12:13).


Những người ngoại này đã được cứu không phải bởi chịu báp-tem. Họ đã chịu báp-tem vì họ bày tỏ chứng cớ được cứu. Sử dụng Cong 2:38 để dạy sự cứu rỗi bởi phép báp-tem, hay Cong 8:14-16 để dạy sự cứu rỗi bởi phép đặt tay, là phớt lờ tính chất chuyển tiếp của chương trình Đức Chúa Trời. Tội nhân luôn được cứu bởi đức tin đó là một nguyên tắc Đức Chúa Trời chưa bao giờ thay đổi. Nhưng Đức Chúa Trời thay đổi những phương pháp hoạt động của Ngài, và điều này được thấy rõ trong Cong 1:1-10:48 kinh nghiệm của Cọt-nây và người nhà ông cho thấy rõ ràng phép báp-tem không cần thiết cho sự cứu rỗi. Từ giờ trở đi, trật tự sẽ là: Nghe Đạo, tin nơi Đấng Christ, tiếp nhận Thánh Linh và rồi chịu phép báp-tem và hiệp với các tín hữu khác trong Hội thánh để hầu việc và thờ phượng Đức Chúa Trời.


Phi-e-rơ đã ở lại trong thành Sê-sa-rê và giúp và làm vững vàng những tân tín hữu này trong chân lý của Đạo. Có lẽ Phi-líp đã giúp đỡ ông. Toàn bộ kinh nghiệm này là một minh hoạ về nhiệm vụ Mat 28:19-20. Phi-e-rơ đã đi đến nơi Đức Chúa Trời sai ông và tạo ra các môn đệ (“dạy”) từ dân ngoại. Rồi ông đã làm báp-tem cho họ và dạy Đạo cho họ.


Chính nhiệm vụ đó áp dụng cho Hội Thánh ngày nay. Chúng ta có đang thực hiện nhiệm vụ ấy như chúng ta phải làm?



 


9. DÀNH CHỖ CHO DÂN NGOẠI (Cong 11:1-30)


Một người bạn của tôi thích trích dẫn bài thơ ngắn này mỗi khi chúng tôi thảo luận “những vấn đề Hội thánh?


“Sống thiên thượng, với các thánh đồ ta yêu,


Chắc chắn sẽ là vinh hiển


Sống thế hạ với các thánh đồ ta biết


Ô đó là chuyện khác! ”


Cong 11:1-30 mô tả cách Hội Thánh ở Giê-ru-sa-lem liên hệ vơi “các thánh ở thế hạ”, dân ngoại trong thành Sê-sa-rê và An-ti-ốt những người đã tin nhận Chúa Giê-xu Christ làm Đấng Christ và Chúa của họ. Có mối thông công mới với người ngoại là một kinh nghiệm mới đối với các Cơ Đốc nhân Do Thái này, những người cả đời đã xem dân ngoại như những kẻ tà giáo và người ngoại cuộc. Truyền thống đã nói rằng một người ngoại phải “trở thành một người Do Thái” để được chấp nhận nhưng giờ đây dân Do Thái và dân ngoại được hiệp lại trong Hội Thánh bởi đức tin trong Chúa Giê-xu Christ (Ga 3:26-28).


Cong 11:1-30 mô tả ba đáp ứng của các tín hữu Do Thái đối với các Cơ Đốc nhân người ngoại. Khi bạn nghiên cứu những đáp ứng này, bạn sẽ hiểu rõ hơn cách Cơ Đốc nhân ngày nay phải liên hệ với nhau.


1. Họ đã chấp nhận người ngoại (Cong 11:1-18)

Phi-e-rơ vừa mới trở về Giê-ru-sa-lem thì ông được đón tiếp bởi thuộc viên của phái tôn trọng luật pháp mạnh mẽ trong Hội Thánh xứ Giu-đê (“họ đã chịu phép cắt bì”) những người đã quở trách ông vì thông công với dân ngoại và ăn chung với họ.Hãy nhớ rằng những tín đồ Do Thái này chưa hiểu mối liên hệ giữa luật pháp và ân điển, dân Do Thái và dân ngoại, Y-sơ-ra-ên và Hội Thánh. Hầu hết các Cơ Đốc nhân ngày nay hiểu những chân lý này nhưng xét cho cùng, chúng ta đã có sách Rô-ma, Ga-la-ti, Ê-phê-sô và Hê-bơ-rơ! Đã có nhiều thầy tế lễ qui đạo trong Hội Thánh là những người sốt sắng về luật pháp (Cong 6:7), và thậm chí tín đồ Do Thái bình thường sẽ gặp khó khăn khi thực hiện sự chuyển tiếp (Cong 21:20). Đó không chỉ là một vấn đề về tôn giáo, nhưng còn là vấn đề về văn hoá, và những tập quán văn hoá rât khó thay đổi.


Nhóm từ “tranh cãi với người” đến từ cùng từ được dịch “chớ nghi ngại chi” trong Cong 10:20 và Cong 11:12. Nó có nghĩa là “tạo khác biệt”. Những người theo luật pháp này đang tạo khác biệt giữa dân ngoại và dân Do Thái sau khi Phi-e-rơ đã bày tỏ rằng “không có sự phân biệt chi! ” Đức Chúa Trời đã tuyên bố dân ngoại là “sạch”, điều đó có nghĩa là được chấp nhận trước mặt Đức Chúa Trời trên cùng cơ sở như dân Do Thái, nhờ đức tin trong Chúa Giê-xu.


Phi-e-rơ đã không có gì để sợ. Xét cho cùng, ông chỉ làm theo những mệnh lệnh từ Chúa, và Thánh Linh đã xác nhận rõ ràng sự cứu rỗi của dân ngoại. Phi-e-rơ ôn lại toàn bộ từng trải từ đầu đến cuối, và khi ông chấm dứt, những người theo luật pháp Do Thái đã bỏ qua những lời buộc tội của họ và ngợi khen Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi cho dân ngoại (Cong 11:18). Tuy nhiên điều này đã không kết thúc vấn đề hoàn toàn, vì chính phái luật pháp này sau đó đã tranh cãi với Phao-lô về sự cứu rỗi cho dân ngoại (Cong 14:26-15:2). Thậm chí sau Hội nghị Giê-ru-sa-lem, các giáo sư theo luật pháp đã tiếp tục tấn công Phao-lô và xâm phạm các Hội Thánh ông đã sáng lập. Họ muốn thuyết phục các tín đồ vào trong một đời sống vâng phục luật pháp (Ga 1:6 Phi 3:1-3,17-21). Có thể là nhiều người trong số những người sống theo pháp luật này là những tín đồ thật, nhưng họ không hiểu sự tự do của mình trong Chúa Giê-xu (Ga 5:1).


Trong sự bênh vực cá nhân mình ở Cong 11:1-30 Phi-e-rơ đã trình bày 3 phần chứng cớ:khải tượng từ Đức Chúa Trời (Cong 11:5-11), sự làm chứng của Thánh Linh (Cong 11:12-15,17) và sự làm chứng của Lời Chúa (Cong 11:16). Dĩ nhiên, không ai trong số những người này đã nhìn thấy khải tượng, nhưng họ tin sự báo cáo của Phi-e-rơ, vì họ biết rằng ông từng là một người Do Thái chính thống như họ trong đời sống cá nhân (Cong 10:14). Dường như ông đã không có khả năng đến với dân ngoại một mình và rồi bịa đặt một câu chuyện để khẳng định nó.


Sự làm chứng của Thánh Linh là chủ yếu, vì đây là lời chứng của riêng Đức Chúa Trời rằng Ngài thật sự đã cứu dân ngoại. Thật thú vị khi Phi-e-rơ đã phải đi suốt đường trở về lễ Ngũ Tuần để tìm thấy một mẫu mực về những gì xảy ra trong nhà Cọt-nây! Điều này cho thấy rằng một “phép báp-tem của Thánh Linh” đầy kịch tính (Cong 11:16) được kèm theo bởi việc nói tiếng lạ, không phải là một sự xảy ra hằng ngày trong Hội Thánh ban đầu. Phi-e-rơ đã không thể dùng kinh nghiệm của người Sa-ma-ri làm mẫu mực của mình, vì người Sa-ma-ri đã nhận lấy sự ban cho của Thánh Linh nhờ phép đặt tay của các sứ đồ (Cong 8:14-17). Cọt-nây và người nhà ông đã nhận lấy Thánh Linh lúc họ tin nhận Đấng Christ. Đây là kiểu mẫu cho hôm nay.


Phi-e-rơ đã hỏi. “Ta là ai mà có thể chống cự Đức Chúa Trời được?” và đối với câu hỏi này, những người theo luật pháp đã không có câu trả lời nào. Từ đầu đến cuối, sự qui đạo của người ngoại là công việc nhân từ của Đức Chúa Trời. Ngài đã ban cho họ món quà của sự ăn năn và món quà của sự cứu rỗi khi tin. Trong những năm sau đó, Đức Chúa Trời sẽ sử dụng những bức thư của Phao-lô để giải thích “một thân” cách những người Do Thái tin nhận và những người ngoại tin nhận được hiệp lại trong Đấng Christ (Eph 2:11-3:12). Nhưng vào thời đó, “sự mầu nhiệm” này vẫn kín giấu vì vậy chúng ta đừng quá khắt khe với những tín dồ ấy là những người khó chịu về vị trí của người ngoại trong Hội Thánh.


Cơ Đốc nhân phải tiếp đãi nhau và không tranh cãi về những khác biệt văn hoá hay những vấn đề nhỏ nhặt về niềm tin cá nhân (Ro 14:1-15:33). Một số người thuộc những Cơ Đốc nhân Do Thái trong Hội Thánh đầu tiên muốn người ngoại trở nên người Do Thái, và một số tín hữu dân ngoại muốn người Do Thái thôi làm người Do Thái và trở thành dân ngoại! Thái độ này có thể gây ra sự chia rẽ trầm trọng trong Hội Thánh ngay cả ngày nay, vì vậy điều quan trọng là chúng ta noi theo mẫu mực của Cong 11:18 và lời khuyên ở Ro 14:1 và tiếp nhận những ai Đức Chúa Trời cũng đã tiếp nhận.


2. Họ đã khích lệ dân ngoại (Cong 11:19-26)

Khi các thánh đồ bị tản lạc khắp nơi suốt cơn bắt bớ Hội Thánh của Sau-lơ (Cong 8:1), một vài người trong số họ đã đến trong thành An-ti-ốt, thủ phủ của xứ Sy-ri, 300 dặm phía Bắc Giê-ru-sa-lem. (Đừng nhầm lẫn thành này với thành An-ti-ốt trong xứ Bi-si-đi, Cong 13:14). Đã có ít nhất 16 thành An-ti-ốt trong thế giới cổ đại, nhưng thành này là thành lớn nhất.


Với dân số nửa triệu người, thành An-ti-ốt được xếp vào hàng thành phố lớn nhất thứ 3 trong đế quốc La Mã, sau thành Rô-ma và thành Alexandria. Những toà nhà tráng lệ của nó đã giúp nó có tên “thành An-ti-ốt bằng vàng, Nữ Hoàng Đông phương”.Con đường chính dài hơn 4 dặm, được lát đá hoa, và hai bên lề có trụ bằng đá hoa. Đó là thành phố duy nhất trong thế giới cổ đại vào thời bấy giờ có những con đường được thắp sáng về đêm.


Là một cảng nhộn nhịp và là một trung tâm cho sự xa hoa và văn hoá, thành An-ti-ốt đã thu hút mọi hạng người, kể cả những quan chức La Mã giàu có đã về hưu, những người suốt ngày tán gẫu trong nhà tắm, hoặc đánh cá ngựa. Với dân số lớn đa dạng cùng sức mạnh thương mại và chính trị to lớn của nó, thành An-ti-ốt đã cống hiến cho Hội Thánh một cơ hội hấp dẫn để truyền giảng Phúc Âm.


An-ti-ốt là một thành phố gian ác, có lẽ chỉ thứ nhì so với thành Cô-rinh-tô. Mặc dù mọi vị thần Hy Lạp, Rô-ma và Sy-ri đều được tôn kính, điện thờ địa phương đã được dành cho Daphne mà sự thờ phượng người đó bao gồm những thông lệ đồi bại. James A.Kelso viết trong cuốn sách “Một nhà khảo cổ đi theo sứ đồ Phao-lô” rằng:“Thành An-ti-ốt đối với thế giới La Mã là điều mà thành phố Newyork đối với chúng ta. Ở đây nơi mọi vị thần thời cổ đại được thờ lạy, Đấng Christ phải được tôn cao”. Một Hội Thánh có hiệu quả không chỉ đã được xây dựng trong thành An-ti-ốt, mà nó còn trở thành Hội Thánh cử Phao-lô ra đi thu phục giới người ngoại cho Đấng Christ.


Khi các tín đồ bị bắt bớ đến thành An-ti-ốt, họ đã chẳng hề cảm thấy bị đe doạ bởi sự nguy nga của những toà nhà hoặc sự kiêu hãnh của người dân. Đạo của Đức Chúa Trời ở trên môi miệng họ, và bàn tay của Đức Chúa Trời ở trên sự làm chứng của họ, và “rất đông” tội nhân đã ăn năn và tin nhận. Đó là một công việc ly kỳ về ân điển kỳ diệu của Đức Chúa Trời.


Các lãnh đạo Hội Thánh ở Giê-ru-sa-lem có nhiệm vụ “chăn” bầy bị tản lạc, là bầy mà giờ đây có cả những hội chúng người ngoại ở xa tận Sy-ri. Rõ ràng các sứ đồ đang thi hành chức vụ ở xa Giê-ru-sa-lem lúc bấy giờ, vì vậy các trưởng lão đã giao nhiệm vụ cho Ba-na-ba đi đến thành An-ti-ốt để tìm xem điều đang diễn ra giữa vòng dân ngoại. Điều này tỏ ra là một sự chọn lựa khôn ngoan, vì Ba-na-ba đã sống đúng với biệt danh của ông, “con trai của sự yên ủi” (Cong 4:36).


Cong 11:24 cho chúng ta một “nét sơ lược về thuộc linh” của Ba-na-ba, và ông có vẻ là loại Cơ Đốc nhân mà tất cả chúng ta nên thi đua. Ông là người công bình vâng theo Đạo trong đời sống hằng ngày đến nỗi bản tính ông vượt hơn sự chê trách.Ông được đầy dẫy Thánh Linh, điều này giải thích cho hiệu quả của chức vụ ông.Việc ông là người có đức tin thật rõ ràng từ cách ông khích lệ Hội Thánh và sau đó khích lệ Sau-lơ. Các Cơ Đốc nhân mới và Hội Thánh mới cần những người như Ba-na-ba để khích lệ họ trong sự tăng trưởng và trong chức vụ của họ.


Ba-na-ba đã khích lệ những tân tín hữu người ngoại ra sao? Trước tiên, ông vui mừng về điều mình đã thấy. Thờ phượng cùng với người ngoại là một kinh nghiệm mới đối với ông, nhưng ông đã tiếp cận nó một cách tích cực và không tìm kiếm những việc để chỉ trích. Đó là việc của Đức Chúa Trời, và Ba-na-ba đã dâng lời tạ ơn về ân điển Đức Chúa Trời.


Ông đã nhấn mạnh sự tận tuỵ của tấm lòng khi ông dạy dỗ dân sự Lời Đức Chúa Trời.Nhóm từ “trung thành (gắn bó) với Chúa “không có ý cho rằng họ phải “giữ cho mình được cứu”. Cùng một ân điển cứu chúng ta cũng có thể giữ chúng ta (ICo 15:10 He 13:9). Nhóm từ này nhắc chúng ta nhớ về lời khuyên của Giô-suê đối với Y-sơ-ra-ên trong Gios 22:5 “Trung thành với Chúa” bao gồm yêu mến Chúa, bước đi trong đường lối Ngài, vâng theo Lời Ngài, và hầu việc Ngài hết lòng.Điều này nghĩa là chúng ta thuộc về chỉ một mình Ngài và chúng ta trau dồi sự tận tâm của mình đối với Ngài. “Chẳng ai có thể hầu việc hai chủ” (Mat 6:24).


Có hai kết quả kỳ diệu từ công việc của Ba-na-ba ở thành An-ti-ốt. Thứ nhất, sự làm chứng của Hội Thánh đã tạo một tác động lớn đối với thành phố này đến nỗi “nhiều người đã được thêm vào cho Chúa” (Cong 11:24). Khi các thánh đồ được dạy vững vàng trong Đạo, họ sẽ có một sự làm chứng mạnh mẽ cho người hư mất, và sẽ có một sự quân bình trong Hội Thánh giữa sự mở mang trí tuệ và sự rao giảng Phúc Âm, sự thờ phượng và sự làm chứng, sự dạy dỗ và sự xác nhận.


Thứ hai, sự tăng trưởng của Hội Thánh có nghĩa là Ba-na-ba cần sự giúp đỡ vì vậy ông đã đến Tạt-sơ và trưng dụng Phao-lô. Nhưng tại sao đi quá xa chỉ để tìm ra một người giúp đỡ? Tại sao? Không phải đến Giê-ru-sa-lem và yêu cầu chấp sự Ni-cô-la là người ở thành An-ti-ốt (Cong 6:5). Vì Ba-na-ba biết rằng Đức Chúa Trời đã giao nhiệm vụ cho Sau-lơ dạy dỗ cho dân ngoại (Cong 9:15 Cong 22:21 Cong 26:17). Bạn hãy nhớ lại rằng Ba-na-ba đã giúp đỡ Sau-lơ ở Giê-ru-sa-lem (Cong 9:26-27), và chắc chắn hai người thường nói về sự kêu gọi đặc biệt của Sau-lơ từ Đức Chúa Trời.


Sau-lơ đã được qui đạo khoảng 10 năm khi Ba-na-ba đem ông đến thành An-ti-ốt. Kinh Thánh Tân Ước không cho chúng ta biết điều Sau-lơ đã làm khi trở về quê hương ở Tạt-sơ sau khi ông rời Giê-ru-sa-lem (Cong 9:28-30), nhưng có thể là ông đã bận rộn giảng Phúc Âm cho dân Do Thái lẫn dân ngoại. Có thể chính suốt giai đoạn này, ông đã thành lập các Hội Thánh ở Si-li-si (Cong 15:23,41 Ga 1:21) và ông đã kinh nghiệm một vài hoạn nạn được kể trong IICo 11:23-28. Khi ông làm chứng trong các nhà hội, bạn có thể biết chắc ông sẽ không có một thời kỳ dễ chịu!


Điều Ba-na-ba đã làm cho Sau-lơ cần được thực hành trong các Hội Thánh chúng ta ngày nay. Tín đồ trưởng thành cần phải trưng dụng người khác và khích lệ họ trong sự hầu việc Chúa của họ. Đó đã là một trong những cách xử sự của D.L.Moody để mỗi Cơ Đốc nhân mới được giao một nhiệm vụ ngay sau khi qui đạo. Lúc đầu, đó có thể chỉ là việc chuyền tay những thánh ca hoặc dẫn người đến ghế ngồi, nhưng mỗi người qui đạo đã phải bận rộn. Như đã đề cập trước đó, ông nói “Để 10 người làm việc tốt hơn là làm công việc của 10 người”. Nhiều người trongsố những “trợ tá”của Moody đã trở thành những người giúp việc Cơ Đốc hiệu quả trong quyền của họ và điều này nhân lên sự làm chứng.


Chính tại An-ti-ốt mà danh Cơ Đốc nhân được áp dụng đầu tiên cho các môn đệ của Chúa Giê-xu. Tiếp vị ngữ tiếng La-tinh “ian” nghĩa là “thuộc về phái”. Trong sự chế nhạo, một số người dân ngoại đạo ở An-ti-ốt đã nối tiếp vị ngữ tiếng La-tinh này với danh xưng tiếng Hê-bơ-rơ “Christ” và cho ra từ “Christian”. Danh này được tìm thấy chỉ ba lần trong toàn Tân Ước (Cong 11:26 Cong 26:28 IPhi 4:16)


Đáng tiếc, từ “Christian” đã đánh mất rất nhiều ý nghĩa trải bao thế kỷ và không còn có nghĩa là “người đã từ bỏ tội lỗi, tin nhận Chúa Giê-xu, và nhận lấy sự cứu rỗi bởi ân điển” (IPhi 11:21-23). Nhiều người chưa bao giờ được tái sinh, xem mình là “Cơ Đốc nhân” chỉ vì họ nói rằng họ không phải là “kẻ ngoại đạo”. Xét cho cùng, họ có thể thuộc về một Hội Thánh, tham dự những lễ thờ phượng gọi là đều đặn, và thậm chí thỉnh thoảng chuyên tâm đối với công việc của Hội Thánh! Nhưng cần nhiều hơn thế để một tội nhân trở thành con cái Đức Chúa Trời. Cần có sự ăn năn khỏi tội lỗi và đức tin nơi Chúa Giê-xu Đấng đã chết thay tội chúng ta trên thập giá và đã sống lại để ban cho chúng ta sự sống đời đời.


Các tín đồ trong Hội Thánh đầu tiên đã chịu khổ vì họ là những Cơ Đốc nhân (IPhi 4:16). Tấn sĩ David Otis Fuller đã hỏi: “nếu bạn bị bắt giữ vì là Cơ Đốc nhân, có đủ chứng cớ để kết án bạn không?” Một câu hỏi hay! Và câu trả lời là một vấn đề về sự sống hoặc sự chết!


3. Họ đã nhận sự giúp đỡ từ người ngoại (Cong 11:27-30)

Nền tảng cho Hội Thánh đã được đặt do các sứ đồ và các tiên tri (Eph 2:20) và rồi cuối cùng họ đều ra đi. Xét cho cùng, bạn không tiếp tục giữ việc đặt nền tảng! Các tiên tri thời Tân Ước đã nhận sứ điệp họ từ Chúa bởi Thánh Linh và rao sứ điệp cho dân sự, đôi khi bằng tiếng lạ. Sứ điệp phải được thông dịch, sau đó dân sự sẽ đánh giá sứ điệp để biết chắc nó đến từ Đức Chúa Trời (chú ý ICo 12:10 ICo 14:27-33 ITe 5:19-21).


Các tiên tri thời Tân Ước đã nhận sứ điệp từ Chúa cách trực tiếp, nhưng các mục sư và giáo viên ngày nay nhận sứ điệp gián tiếp qua Kinh Thánh. Chúng ta ngày nay đã có Lời Đức Chúa Trời được trọn vẹn và từ đó Thánh Linh dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta ICo 12:10 liên kết những ân tứ về việc nói tiên tri ân tứ phân biệt với ân tứ tiếng lạ và thông giải tiếng lạ. Dĩ nhiên, Thánh Linh là tối cao và có thể ban cho một tín đồ bất kỳ ân tứ nào Ngài muốn (ICo 12:11), nhưng sự biến mất của các sứ đồ với tiên tri, và sự hoàn thành khải thị của Đức Chúa Trời trong Lời Ngài, cho thấy một thay đổi đã xảy ra.


Ngày nay có những người tuyên bố nhận được “những lời mạc khải” đặc biệt hoặc “những lời khôn ngoan” từ Chúa, nhưng những mạc khải như vậy đáng ngờ và thậm chí nguy hiểm. “Đối với luật pháp và đối với lời chứng nếu họ chẳng nói theo lời này, dó là vì không có sự sáng trong họ” (Es 8:20). Giê-rê-mi đã cảnh cáo: “Chớ nghe những lời của các tiên tri nói tiên tri với các ngươi. Chúng khiến các ngươi hư không (làm đầy dẫy các ngươi những hy vọng giả dối) họ nói khải tượng bởi lòng mình, chẳng phải bởi miệng Chúa” (Es 23:16).


Đức Thánh Linh đã cho A-ga-bút biết rằng (Cong 21:10-11) có một nạn đói kém lớn sắp xảy ra, và nó đã xảy ra trong triều đại của Sê-sa Claudius (41-54SC) khi mùa màng thất bát nhiều năm. Các tác giả xưa đã đề cập tối thiểu bốn nạn đói: hai ở Rô-ma, một ở Hy Lạp và một ở Giu-đê. Nạn đói xứ Giu-đê đặc biệt khốc liệt, và sử gia Do Thái Josephus chép rằng nhiều người đã chết vì thiếu tiền mua chút thức ăn có thể có được.


A-ga-bút đã rao sứ điệp cho các tín đồ ở An-ti-ốt và họ quyết định giúp đỡ các tín hữu Cơ Đốc xứ Giu-đê. Mục đích của lời tiên tri thật không phải để thoả mãn tính tò mò của chúng ta về tương lai, nhưng nhằm khuấy động lòng chúng ta để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Các tín đồ đã không thể ngăn chận nạn đói xảy ra, nhưng họ có thể gởi hàng cứu trợ cho những ai túng thiếu.


Một nguyên tắc thuộc linh quan trọng được minh hoạ trong phân đoạn này: nếu người khác là một phước hạnh thuộc linh đối với chúng ta, chúng ta phải chăm sóc họ bằng những của cải vật chất của mình. “Hãy để kẻ được dạy đạo chia những vật tốt cho người dạy (Ga 6:6). Các tín đồ Do Thái ở Giê-ru-sa-lem đã đem Phúc Âm đến thành An-ti-ốt. Vậy họ cử Ba-na-ba khích lệ những tân tín hữu. Đó là quyền duy nhất mà những người ngoại ở thành An-ti-ốt đền đáp lại và gởi sự giúp đỡ vật chất cho anh chị em Do Thái của họ ở xứ Giu-đê. Vài năm sau đó, Phao-lô sẽ tập trung một khoản dâng hiến tương tự từ các Hội Thánh người ngoại và đem đến cho các thánh đồ ở Giê-ru-sa-lem (Cong 24:17 Ro 15:23-28).


Điều quan trọng cần chú ý là một sự thay đổi đã xảy ra trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem. Có, không ai trong Hội Thánh có bất kỳ nhu cầu nào (Cong 4:34), cũng không cần thiết để yêu cầu người khác giúp đỡ. Những năm đầu tiên ấy là “những ngày trời trên đất” khi Đức Chúa Trời ban phước dồi dào cho dân Ngài và sử dụng họ làm chứng nhân cho dân tộc vô tín. Họ là “kỳ thơ thái” từ chúa (Cong 3:19). Nhưng khi sứ điệp từ dân Do Thái đến với dân Sa-ma-ri và dân ngoại “chương trình chia sẻ” Giê-ru-sa-lem dần dần mờ nhạt và mọi sự đã trở nên bình thường hơn.


Kiểu mẫu về sự ban cho của Cơ Đốc nhân ngày nay không phải là Cong 2:44-45 và Cong 4:31-35 nhưng là Cong 11:29 “mỗi người theo khả năng mình”. Đó là kiểu mẫu mà Phao-lô đã dạy trong IICo 8:1-9:15. Sự thực hành về “chủ nghĩa cộng sản Cơ-đốc”được tìm thấy chỉ ở Giê-ru-sa-lem và là một biện pháp tạm thời trong khi sứ điệp đến “với người Do Thái trước”. Giống như sự chăm sóc dân Do Thái của Đức Chúa Trời trong đồng vắng, đó là một sự phô bày sống động những phước hạnh Đức Chúa Trời sẽ ban cho nếu dân tộc ăn năn và tin nhận.


Sự kiện Hội Thánh chọn Ba-na-ba và Sau-lơ để đem hàng cứu trợ đến Giê-ru-sa-lem là bằng chứng họ có sự tin tưởng những người này. Hai người đã đồng công trong việc dạy Đạo, và giờ đây họ bắt tay vào chức vụ thực tiễn làm giảm bớt sự túng thiếu của các tín hữu Giê-ru-sa-lem. Chắc chắn họ cũng đã giảng Đạo trên đường khi họ thực hiện chuyến hành trình dài từ An-ti-ốt đến Giê-ru-sa-lem. Trong một thời gian ngắn, Đức Thánh Linh sẽ kêu gọi hai người bạn này hiệp lực và đem Phúc Âm đến với dân ngoại ở những xứ khác (Cong 13:1) và họ sẽ cùng đi nhiều dặm đường.


Kết quả ý nghĩa khác từ chức vụ này là Giăng Mác được đưa thêm “đội” của họ (Cong 12:25). Có thể là Mác đã được qui đạo nhờ chức vụ của Phi-e-rơ (IPhi 5:13). Nhà của mẹ ông là nơi nhóm lại của các tín hữu Giê-ru-sa-lem (Cong 12:12), và bà với Ba-na-ba có quan hệ với nhau (Co 4:10). Mặc dù Giăng Mác đã thất bại trong “khoá” đầu tiên làm một truyền đạo (Cong 13:13) và khiến gây ra một sự rạn nứt giữa Ba-na-ba với Phao-lô (Cong 15:38-40), nhưng sau đó ông đã trở thành một phụ tá hữu hiệu cho Phao-lô (IITi 4:11) và được Đức Chúa Trời sử dụng để viết Phúc Âm Mác.


Từ “các trưởng lão” trong Cong 11:31 đã không được sử dụng trước đó trong Công vụ, ngoại trừ để ám chỉ các chức sắc Do Thái (Cong 4:5,23 Cong 6:12). Trong Hội Thánh, các trưởng lão là những tín đồ trưởng thành có chức vụ giám sát về thuộc linh (IPhi 5:1 IIGi 1:1). Khi bạn so sánh Cong 20:17,28 với Tit 1:5,7 bạn biết rằng “trưởng lão” và “giám mục” (trông nom) là những danh hiệu tương đương. Các trưởng lão / giám mục là những “mục sư” của các bầy chiên, được các chấp sự giúp đỡ và những phẩm cách đối với cả hai được tìm thấy trong ITi 3:1-16.


Bất cứ nơi đâu Phao-lô gây dựng Hội Thánh, ông đều đảm bảo chắc rằng những trưởng lão có đủ phẩm chất được thụ phong để lãnh đạo các hội chúng (Cong 14:23 Tit 1:5). Trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem, các sứ đồ và các trưởng lão đã giám sát về thuộc linh (Cong 15:2,4,6,22). Đoàn đại biểu từ Hội Thánh An-ti-ốt đã không phớt lờ các trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem, nhưng đã trao quà tặng cho họ để phân phối cho các thuộc viên nghèo túng. Đây là một nguyên tắc quan trọng và nên được chú ý hôm nay khi quá nhiều tổ chức, muốn được sự hỗ trợ của các Hội Thánh địa phương.


Phải chăng đó là một từng trải thấp thỏi đối với các tín đồ Do Thái khi nhận sự giúp đỡ từ người ngoại? Có lẽ vậy, nhưng đó cũng là một sự biểu hiện tốt đẹp của tình yêu thương và là một bằng chứng kỳ diệu của sự hiệp nhất. Ông Winston Churchill đã nói: “Chúng ta kiếm sống bằng những gì chúng ta nhận được, nhưng chúng ta sống bằng những gì chúng ta ban cho”. Đó là một kinh nghiệm phong phú đối với những Hội Thánh ở Giê-ru-sa-lem và ở An-ti-ốt, vì có sự chúc phước trong việc ban cho và nhận lãnh khi ân điển Đức Chúa Trời điều khiển.


Thật đáng tiếc khi cá nhân các Cơ Đốc nhân và các Hội Thánh địa phương đã quên những người từng là một phước hạnh thuộc linh cho họ. Hội Thánh tại An-ti-ốt là một mẫu mực tuyệt vời về cách chúng ta là những tín đồ phải tỏ thái độ cách thực tế đối với những người đã giúp đỡ chúng ta trong đời sống Cơ Đốc của chúng ta.Phillips Brooks đã được hỏi rằng ông sẽ làm gì để phục hồi một Hội Thánh chết, và ông đã đáp: “tôi sẽ lấy tiền dâng cho công việc truyền giáo”.


Thật tâm nghĩ đến người khác vẫn là công thức tốt nhất cho một đời sống Cơ Đốc vui mừng và hữu ích, đối với cá nhân và cả Hội Thánh.


10. THỨC GIẤC TRƯỚC MỘT PHÉP LẠ (Cong 12:1-25)

Hãy hình dung mình thức giấc trước một phép lạ và có một thiên sứ để làm đồng hồ báo thức của bạn!


Đó là điều đã xảy ra cho Phi-e-rơ khi ông ở tù lần thứ ba, đang chờ xét xử và chắc chắn là chết. Những năm sau đó, khi viết thư tín đầu tiên, Phi-e-rơ có thể đã nhớ kinh nghiệm mầu nhiệm này khi ông trích dẫn Thi 34:15-16 “Vì mắt của Chúa đoái trông người công bình, và tai Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của họ nhưng mặt Chúa nghịch cùng kẻ làm ác” (IPhi 3:12). Lời trích dẫn ấy chắc chắn tóm tắt điều Đức Chúa Trời đã làm cho Phi-e-rơ và nó bày tỏ cho chúng ta ba sự bảo đảm kỳ diệu khích lệ chúng ta trong những ngày khó khăn của đời sống.


1. Đức Chúa Trời nhìn thấy những thử thách của chúng ta (Cong 12:1-4)

“Mắt Chúa đoái trông người công bình” (IPhi 3:12a).


Đức Chúa Trời đã theo dõi và chú ý những điều Hê-rốt Ac-ríp-ba I đang làm cho dân Ngài. Kẻ ác này là cháu nội của Hê-rốt Đại Đế, người đã ra lệnh giết hại trẻ con thành Bết-lê-hem, và là cháu trai của Hê-rốt An-ti-pa, người đã chém đầu Giăng Báp-tít, là một dòng dõi mưu đồ và sát nhân, các Hê-rốt đã bị dân Do Thái khinh miệt, những người phẫn nộ việc để con cháu Ê-đôm cai trị họ. Dĩ nhiên, Hê-rốt biết điều này vì vậy ông đã bắt bớ Hội Thánh để khiến dân Do Thái tin sự trung thành của ông đối với những truyền thống của các tổ phụ. Giờ đây việc người ngoại công khai là một phần của Hội Thánh, kế hoạch của Hê-rốt thậm chí được tán thành hơn đối với những người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc là những người không có chỗ cho “những kẻ ngoại đạo”.


Hê-rốt đã ra lệnh bắt giữ nhiều tín đồ, trong đó có Gia-cơ, anh của Giăng, người bị ông chém đầu. Do đó, Gia-cơ trở thành người đầu tiên trong số các sứ đồ chịu tử đạo. Khi bạn suy nghĩ sự chết của ông trong ánh sáng của Mat 20:20-28 nó mang ý nghĩa đặc biệt. Gia-cơ và Giăng, cùng với mẹ họ, đã cầu xin những chiếc ngai, nhưng Chúa Giê-xu cho biết rõ ràng không thể có sự vinh hiển xa rời sự chịu khổ. Ngài đã hỏi: “Các ngươi có thể uống chén mà ta sẽ uống, và chịu báp-tem bằng báp-tem mà ta chịu chăng?” (Mat 20:22). Lời đáp dạn dĩ của họ là “Chúng tôi có thể”.


Dĩ nhiên, họ đã không biết điều họ đang nói, nhưng cuối cùng họ đã khám phá cái giá đắt của việc dành được một ngai vinh hiển: Gia-cơ đã bị bắt và bị giết, còn Giăng đã trở thành một người sống lưu đày trên đảo Bát-mô, một tù nhân của Rô-ma (Kh 1:9). Thật vậy, họ đã uống chén và dự phần trong báp-tem của sự chịu khổ mà Chúa họ đã trải qua!


Nếu điều đó làm hài lòng dân Do Thái khi Gia-cơ bị giết, hãy nghĩ họ sẽ vui thích ra sao nếu Phi-e-rơ bị giết! Đức Chúa Trời đã cho phép Hê-rốt bắt Phi-e-rơ và bỏ tù ông dưới sự canh gác dày đặc. Mười sáu tên lính, bốn tên cho mỗi đội tuần phòng, đã canh giữ các sứ đồ, với hai lính xích tù nhân và hai lính canh cửa.Xét cho cùng, lần cuối cùng Phi-e-rơ bị bắt, ông đã ra khỏi ngục cách bí ẩn, và Hê-rốt sẽ không để điều đó xảy ra lần nữa.


Tại sao Gia-cơ được phép chết trong khi Phi-e-rơ được cứu? Xét cho cùng, cả hai là tôi tớ tận tuỵ của Đức Chúa Trời, cần thiết cho Hội Thánh. Câu trả lời duy nhất là ý chỉ tối cao của Đức Chúa Trời, chính là điều Phi-e-rơ và Hội Thánh đã cầu nguyện sau từng trải thứ hai của họ về sự bắt bớ (Cong 4:24-30). Hê-rốt đã “giang rộng” bàn tay ông để tàn phá Hội Thánh, nhưng Đức Chúa Trời sẽ giang rộng tay Ngài để thực hiện những dấu cùng sự lạ, và làm vinh hiển Con Ngài (Cong 4:28-30). Đức Chúa Trời đã cho phép Hê-rốt giết Gia-cơ, nhưng Ngài đã giữ ông để không làm hại Phi-e-rơ. Chính ngôi trên trời đã điều khiển, chớ không phải ngôi trên đất.


Xin chú ý rằng Hội Thánh Giê-ru-sa-lem đã không thay thế Gia-cơ như họ đã thay thế Giu-đa (Cong 1:15-26). Bao lâu Phúc Âm đến với người Do Thái trước”, cần thiết phải bổ sung đầy đủ 12 môn đệ để làm chứng cho 12 chi phái Y-sơ-ra-ên. Việc ném đá Ê-tiên đã kết thúc sự làm chứng đặc biệt đó cho Y-sơ-ra-ên, vì vậy số lượng chứng nhân chính thức đã không còn quan trọng nữa.


Thật hữu ích để biết rằng, cho dù những thử thách khó khăn thế nào đi nữa hay tin tức gây thất vọng ra sao, Đức Chúa Trời vẫn ở trên ngôi và điều khiển mọi sự.Chúng ta không thể lúc nào cũng hiểu các đường lối Ngài, nhưng chúng ta biết quyền tối cao của Ngài là tốt nhất.


2. Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của chúng ta (Cong 12:5-17)

“Và tai Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của họ” (IPhi 3:12b).


Nhóm từ “cứ cầu nguyện” là bước ngoặc trong câu chuyện. Đừng bao giờ đánh giá thấp quyền năng của một Hội Thánh cầu nguyện! Mục sư Thanh giáo Thomas Watson đã nói: “Thiên sứ đã đem Phi-e-rơ ra khỏi ngục, nhưng chính sự cầu nguyện đã đem thiên sứ đến”. Hãy theo dõi những cảnh trong vở kịch thú vị này ở Cong 12:1-25.


Phi-e-rơ ngủ (Cong 12:5-6). Nếu bạn bị xiềng trước hai người lính La Mã và đối đầu với khả năng bị hành hình hôm sau, bạn có thể ngủ thật ngon không? Không thể vậy, nhưng Phi-e-rơ đã ngủ ngon. Thật ra, Phi-e-rơ ngủ quá ngon đến nỗi vị thiên sứ đã phải đập vào sườn ông để đánh thức ông!


Sự kiện Phi-e-rơ đã ở tù hai lần trước đó không phải là điều cho ông lòng bình tĩnh. Đối với vấn đề đó, kinh nghiệm trong tù này khác với hai kinh nghiệm kia.Lần này, ông ở một mình, và sự giải thoát đã không xảy ra tức thì. Hai lần kia, ông đã có thể làm chứng nhưng lần này, không có cơ hội làm chứng đặc biệt nào xảy ra. Hai vụ bắt giữ Phi-e-rơ trước đó đã xảy ra sau những chiến thắng lớn, nhưng lần bắt giữ này theo sau sự chết của Gia-cơ, người bạn và đồng nghiệp thân thiết của ông. Đó hoàn toàn là một hoàn cảnh mới.


Điều gì đã cho Phi-e-rơ lòng tin quyết và sự bình an như thế? Trước tiên, nhiều tín đồ đã cầu nguyện cho ông (Cong 12:12) và cứ cầu nguyện ngày đêm một tuần. Điều này đã giúp đem cho ông sự bình an (Phi 4:6-7). Sự cầu nguyện có một cách nhắc nhở chúng ta về những lời hứa của Lời Chúa, chẳng hạn như: “Tôi sẽ nằm và ngủ bình an vì hỡi Chúa, chỉ một mình Ngài làm cho tôi được ở yên ổn” (Thi 4:8). Hoặc “đừng sợ, vì ta ở với ngươi chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi.Ta sẽ bổ sức cho ngươi. Phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình mà nâng đỡ ngươi” (Es 41:10).


Nhưng nguyên nhân chính về sự bình an của Phi-e-rơ là sự hiểu biết rằng Hê-rốt không thể giết ông. Chúa Giê-xu đã bảo trước với Phi-e-rơ rằng ông sẽ sống để làm một người già và kết thúc cuộc đời bị đóng đinh trên thập tự giá của người La Mã (Gi 21:18-19). Phi-e-rơ đơn giản đã nắm giữ lời hứa đó và giao phó cả hoàn cảnh cho Chúa, và Đức Chúa Trời đã ban cho ông sự bình an và sự yên nghỉ. Ông không biết Đức Chúa Trời sẽ giải cứu ông ra sao và khi nào, nhưng ông biết rằng sự giải cứu sẽ đến.


-Phi-e-rơ vâng lời (Cong 12:7-11). Một lần nữa chúng ta nhìn xem chức vụ của Thiên sứ (Cong 5:19 Cong 8:26 Cong 10:3,7) và được nhắc nhở rằng các thiên sứ chăm sóc con cái của Đức Chúa Trời (Thi 34:7). Vị Thiên sứ đã đem ánh sáng và sự tự do vào trong ngục, nhưng các lính canh không hề có ý niệm về điều gì đang xảy ra. Tuy nhiên, nếu Phi-e-rơ được giải cứu, ông đã phải vâng theo những gì thiên sứ ra lệnh. Có thể ông nghĩ đó là một giấc mơ hay một khải tượng, nhưng ông đã dậy và đi theo thiên sứ ra khỏi ngục và đi trên đường cái. Chỉ khi đó ông đã tỉnh lại và nhận ra rằng mình đã là một phần của phép lạ khác.


Thiên sứ đã ra lệnh Phi-e-rơ nịt lưng và mang dép. Đây chắc hẳn là những nhiệm vụ bình thường để làm trong khi một phép lạ đang xảy ra! Nhưng Đức Chúa Trời thường kết hợp những điều mầu nhiệm với những điều bình thường để khích lệ chúng ta giữ sự quân bình. Chúa Giê-xu đã nhân lên gấp bội những ổ bánh và những con cá, nhưng sau đó đã ra lệnh cho các môn đệ Ngài nhặt những đồ thừa.Ngài đã khiến con gái Giai-ru sống lại từ cõi chết, rồi bảo cha mẹ nó cho nó cái gì đó để ăn. Thậm chí trong những phép lạ, Đức Chúa Trời luôn thực tế.


Chỉ một mình Đức Chúa Trời có thể làm những việc lạ thường, nhưng dân Ngài phải làm những việc bình thường. Chúa Giê-xu đã khiến La-xa-rơ sống lại từ cõi chết, nhưng những người đàn ông đã phải lăn hòn đá ra khỏi mộ. Chính vị thiên sứ đã tháo xiềng xích khỏi tay Phi-e-rơ, có thể mang giày vào chân Phi-e-rơ, nhưng người bảo Phi-e-rơ làm việc đó. Đức Chúa Trời không bao giờ lãng phí phép lạ.


Phi-e-rơ đã phải cúi xuống trước khi ông có thể bước đi. Đó là một bài học bổ ích trong sự khiêm nhường và sự vâng lời. Thật ra, kể từ đêm ấy, mỗi khi Phi-e-rơ mang giày vào, việc đó chắc đã nhắc nhở ông về phép lạ trong tù và khích lệ ông tin cậy Chúa.


Sự giải cứu này xảy ra vào mùa lễ Vượt Qua, thời gian trong năm khi dân Do Thái kỷ niệm sự rời khỏi Ai Cập của họ. Từ “được giải cứu” trong Cong 12:11 chính là từ Ê-tiên đã sử dụng khi ông nói về sự rời khỏi Ai Cập của người Do Thái (Cong 7:34). Phi-e-rơ đã kinh nghiệm một loại mới về “sự rời khỏi” trong sự đáp lời cầu nguyện của dân sự Đức Chúa Trời.


Phi-e-rơ gõ cửa (Cong 12:12-16). Khi Phi-e-rơ đi theo thiên sứ, Đức Chúa Trời đã mở đường, và khi Phi-e-rơ được tự do, thiên sứ biến mất. Công việc của thiên sứ đã được làm xong và giờ đây tuỳ thuộc vào Phi-e-rơ tin cậy Chúa và sử dụng lương tri của ông trong việc thực hiện bước kế tiếp. Vì chính sự cầu nguyện của dân sự Đức Chúa Trời đã giúp giải phóng cho ông.Phi-e-rơ quyết định rằng chỗ tốt nhất cho ông sẽ là trong buổi nhóm cầu nguyện đó tại nhà Mary. Hơn nữa, ông muốn thuật lại tin tốt lành rằng Đức Chúa Trời đã đáp lời cầu nguyện của họ. Vì vậy Phi-e-rơ thẳng đến nhà của Ma-ri, mẹ Giăng Mác.


Khi bạn nhớ rằng (a) nhiều người đang cầu nguyện, (b) họ đang cầu nguyện tha thiết, (c) họ cầu nguyện ngày đêm hoặc có lẽ trong 1 tuần, và (d) lời cầu nguyện của họ tập trung đặc biệt vào sự giải cứu Phi-e-rơ, khi đó cảnh được mô tả ở đây gần như hài hước. Sự đáp lời cho lời cầu nguyện của họ đang đứng ở trước cửa, nhưng họ không có đức tin đủ để mở cửa và cho ông vào! Đức Chúa Trời đã có thể đem Phi-e-rơ ra khỏi một tù ngục, nhưng Phi-e-rơ không thể tự đưa chính mình vào một buổi nhóm cầu nguyện!


Dĩ nhiên, tiếng gõ cửa có thể là của các lính của Hê-rốt, đến để bắt thêm các tín đồ. Đối với đứa tớ gái Rô-đơ (“hoa hồng”) thì phải có can đảm để đi đến cửa nhưng hãy hình dung sự ngạc nhiên của cô khi cô nhận ra giọng nói của Phi-e-rơ! Cô ngớ ngẩn đến nỗi quên mở cửa! Phi-e-rơ tội nghiệp đã phải cứ gõ cửa và kêu trong khi “các tín đồ” trong buổi nhóm cầu nguyện quyết định điều phải làm! Và ông càng đứng lâu ở cửa, hoàn cảnh ông càng trở nên nguy hiểm.


Lời thốt ra “Ấy là thiên sứ của người! ” (Cong 12:15) bày tỏ niềm tin của họ nơi “các thiên sứ bảo vệ” (Mat 18:10 He 1:14). Dĩ nhiên câu hỏi hợp lý là: “Tại sao một thiên sứ lại làm phiền gõ cửa?” Tất cả những gì người đã phải làm đơn giản là bước ngay vào! Đáng buồn mà nói, thần học tốt cộng với sự vô tín thường dẫn đến sự sợ hãi và bối rối.


Chúng ta phải đối diện với sự thật rằng ngay cả trong những buổi nhóm cầu nguyện nhiệt thành nhất, đôi khi có một tinh thần nghi ngờ và vô tín. Chúng ta giống như người cha kêu với Chúa Giê-xu: “Lạy Chúa, tôi tin xin Chúa giúp đỡ trong sự vô tín của tôi! ” (Mac 9:24). Những thánh đồ Giê-ru-sa-lem này tin rằng Đức Chúa Trời có thể đáp lời cầu nguyện của họ, nên họ cứ cầu nguyện ngày đêm. Nhưng, khi sự đáp lời đến ngay cửa của họ, họ đã không chịu tin. Đức Chúa Trời nhân từ tôn trọng ngay cả đức tin yếu đuối nhất, nhưng Ngài làm bội phần hơn nếu như chúng ta tin cậy Ngài.


Hãy chú ý những đại từ số nhiều trong c.Mac 16: “Họ… mở cửa và… họ kinh ngạc”. Tôi có cảm tưởng rằng vì cớ sự an toàn, họ đã quyết định cùng nhau mở cửa và cùng nhau đối diện với bất cứ điều gì có thể xảy ra ở phía bên ngoài. Rô-đô lẽ ra đã làm việc đó một mình, nhưng cô quá ngớ ngẩn với sự vui mừng. Đáng khen là một tớ gái hèn mẹn đã nhận ra tiếng của Phi-e-rơ và vui mừng khi ông được tự do. Rô-đơ chắc chắn là một tín đồ đã biết Phi-e-rơ như một người bạn.


Phi-e-rơ tuyên bố (Cong 12:17). Rõ ràng mọi người đã bắt đầu nói lập tức và Phi-e-rơ phải làm cho họ yên lặng. Ông nhanh chóng thuật lại phép lạ về sự giải cứu ông và hẳn đã cảm ơn họ về sự giúp dỡ cầu nguyện của họ.Ông dặn họ chuyển lời cho Gia-cơ, anh em cùng mẹ khác cha của Chúa, người làm lãnh đạo hội chúng Giê-ru-sa-lem (Cong 15:3 Mat 13:55 Ga 1:19). Gia-cơ cũng là tác giả thư tín Gia-cơ.


Phi-e-rơ đến đâu sau khi ông rời chỗ nhóm cho đến nay vẫn không ai biết! Chắc chắn đó là một bí mật được giữ kín. Ngoại trừ một sự xuất hiện ngắn trong Cong 15:1-41 Phi-e-rơ bước ra khỏi những trang của sách Công vụ để dành chỗ cho Phao-lô và câu chuyện về chức vụ của người giữa vòng dân ngoại. ICo 9:5 cho chúng ta biết rằng Phi-e-rơ đã ra đi trong chức vụ cùng với vợ ông và ICo 1:12 cho thấy rằng ông đã viếng thăm Cô-rinh-tô. Không có chứng cớ nào trong Kinh Thánh gợi ý rằng Phi-e-rơ đã viết thăm Rô-ma. Thật ra, nếu Phi-e-rơ đã thành lập Hội Thánh ở Rô-ma, thì không chắc rằng Phao-lô đã đến đó, vì chủ trương của ông là làm việc nơi những sứ đồ khác chưa làm. (Ro 15:18-22). Ông cũng chắc chắn đã nói điều gì đó với Phi-e-rơ hoặc về Phi-e-rơ khi ông viết bức thư đầu tiên cho người Rô-ma.


Trước khi chúng ta rời khỏi phân đoạn này, thật ích lợi để xem xét cách Cơ Đốc nhân có thể cầu nguyện tốt nhất cho những người ở trong tù Vì thậm chí hôm nay có nhiều người ở tù chỉ vì họ là Cơ Đốc nhân He 13:3 ra lệnh “Hãy nhớ những kẻ mắc vòng xiềng xích, như mình bị xiềng xích cùng với họ”. Nói cách khác, hãy cầu nguyện cho họ như bạn muốn họ cầu nguyện cho bạn nếu hoàn cảnh của bạn ngược lại.


Chúng ta phải cầu nguyện để Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ ơn để chịu đựng hoạn nạn hầu họ có thể có một sự làm chứng đắc thắng cho Chúa. Chúng ta nên cầu xin Thánh Linh dạy dỗ Lời Chúa cho họ và đem Lời Chúa vào trí nhớ của họ. Thật đúng đắn để cầu xin Đức Chúa Trời bảo vệ những người thuộc về Ngài và ban cho họ sự khôn ngoan khi họ phải từng ngày đối phó với một kẻ thù gay go. Chúng ta phải cầu xin Đức Chúa Trời rằng, nếu đó là ý muốn của Ngài, họ sẽ được giải cứu khỏi xiềng xích cùng hoạn nạn và được đoàn tụ với những người thân yêu của mình.


3. Đức Chúa Trời đối phó với những kẻ thù của chúng ta (Cong 12:18-25)

“Nhưng mặt Chúa nghịch với kẻ làm ác” (IPhi 3:12c).


Nếu câu chuyện đã kết thúc cùng với sự ra đi của Phi-e-rơ, chúng ta sẽ cảm thấy ngạc nhiên: “Điều gì đã xảy ra cho những lính canh ngục và cho Hê-rốt?” Chúng ta không biết thiên sứ đã giải cứu Phi-e-rơ vào lúc mấy giờ, nhưng khi toán lính canh 4 người đến nơi ngục, hãy hình dung sự sửng sốt của họ khi họ phát hiện ra những lính canh có mặt ở đó nhưng tù nhân đã đi mất! Nếu toán lính canh sau đánh thức toán lính canh trước, đó chắc là một sự đánh thức thô lỗ đối với họ! Nếu toán lính canh trước đã thức giấc và cảnh giác, họ chắc đã gặp khó khăn khi giải thích tình hình cho toán lính canh sau. Làm sao một tù nhân bị xiềng xích có thể trốn thoát khi có bốn lính canh hiện diện và các cửa đã được khoá?


Nếu một lính canh cho phép một tù nhân trốn thoát, luật La Mã buộc người ấy nhận chính hình phạt mà tù nhân lẽ ra đã nhận, cho dù đó là sự chết (IPhi 16:27 và IPhi 27:42). Luật này đã không áp dụng nghiêm ngặt trong pháp quyền của Hê-rốt, vì vậy vua không buộc phải giết các lính canh nhưng là một Hê-rốt, ông đã làm điều đó cách bừa bãi. Thay vì giết một người để làm vừa lòng dân Do Thái, ông đã giết 4 người và có lẽ đã hy vọng điều đó sẽ làm vừa lòng họ hơn nữa.


“Người công bình được cứu khỏi hoạn nạn và kẻ hung ác sa vào đó thế cho người” (Ch 11:8). Chân lý này được minh hoạ qua sự chết của Hê-rốt. Mặc dù Đức Chúa Trời không phải lúc nào cũng đem đến sự trừng phạt này nhanh chóng, nhưng chúng ta có thể chắc rằng Đấng Đoán Xét toàn thế gian sẽ làm điều gì đúng đắn (Sa 18:25 Kh 6:9-11).


Dân thành Ty-rơ và Si-đôn những người đã nhờ nơi dân Do Thái để có lương thực (Exo 3:7), cách nào đó đã làm mất lòng vua Hê-rốt và có nguy cơ mất sự giúp đỡ này.Trong thực trạng chính trị, họ đã hối lộ Ba-la-tút, người có nhiệm vụ hầu trong cung vua, và vì vậy là một viên quan được tin cậy đến lượt ông này thuyết phục vua gặp đoàn người đại diện. Đó là một cơ hội cho vị vua kiêu ngạo phô trương thẩm quyền và vinh quang của mình, và cho những người đại diện làm hài lòng ông bằng sự xu nịnh của họ.


Sử gia người Do Thái Josephus đã nói rằng cảnh này đã diễn ra trong dịp lễ hội tôn kính Sê-sa Claudius, và nói rằng vua đã mặc một chiếc áo đẹp bằng bạc trong dịp danh dự. Chúng ta không biết Hê-rốt đã nói gì trong bài diễn văn của ông, nhưng chúng ta biết lý do ông đã nói điều đó! Ông muốn gây ấn tượng cho dân chúng. Và ông đã làm vậy! Họ đã lợi dụng cái tôi của Hê-rốt và cho ông biết rằng ông là một vị thần, và ông yêu thích từng phút ấy.


Nhưng ông đã không dành sự vinh hiển cho Chúa, vì vậy toàn cảnh này chỉ là sự sùng bái thần tượng. “Ta là Chúa: ấy là danh ta: Ta sẽ chẳng nhường sự vinh hiển ta cho kẻ khác” (Es 42:8 Es 48:11). Thay vì Phi-e-rơ bị Hê-rốt giết, chính Hê-rốt đã bị giết bởi Đức Chúa Trời của Phi-e-rơ! Có lẽ chính thiên sứ này đã giải cứu Phi-e-rơ cũng đã đánh vua. Theo Josephus Hê-rốt đã mắc phải cơn đau đớn nào đó trong ruột và chết sau 5 ngày, việc này xảy ra năm 44 SC.


Sự kiện này hơn cả một phần lịch sử cổ đại, vì nó là điển hình cho thế giới và con người hôm nay. Công dân thành Ty-rơ và Si-đôn quan tâm về một việc duy nhất –nhận đủ lương thực để nuôi bao tử họ. Chắc chắn, lương thực cần thiết đối với đời sống, nhưng khi chúng ta trả bất cứ giá nào để nhận lương thực ấy, chúng ta đang sai lầm. Bằng cách xu nịnh vua và gọi ông ta là thần, nhóm đại diện biết rằng họ có thể nhận được những gì họ muốn.


Tôi chỉ có thể nhìn thấy trong vua Hê-rốt một minh hoạ về con người tội lỗi” trong tương lai là người một ngày nào đó sẽ thống trị thế giới và bắt bớ dân sự Đức Chúa Trời (IITe 2:17 Kh 13:1-18). “Người tội lỗi” này (hoặc Anti-christ) sẽ làm cho chính mình thành thần và sẽ đòi hỏi sự thờ phượng của cả thế giới.Nhưng Chúa Giê-xu sẽ tái lâm và xét đoán hắn cùng những ai theo hắn (Kh 19:11-21).


Thế gian vẫn sống vì sự tán tụng và niềm khoái lạc. Con người đã biến chính mình thành chúa mình (Ro 1:25). Thế gian vẫn sống dựa trên những điều thuộc thể và phớt lờ những điều thuộc linh (IGi 2:15-17). Thế gian sống bằng quyền lực và sự xu nịnh thay vì đức tin và chân lý, và một ngày kia thế gian sẽ bị đoán xét.


Hội Thánh ngày nay, giống như Y-sơ-ra-ên xưa, chịu khổ vì những người như Hê-rốt là kẻ sử dụng quyền hạn để chống lại chân lý. Bắt đầu với Pha-ra-ôn ở Ai Cập, dân sự Đức Chúa Trời thường chịu khổ dưới những kẻ thống trị và những chính phủ chuyên quyền, và Đức Chúa Trời luôn duy trì dân Ngài và bảo đảm rằng họ không chịu khổ và chết cách vô ích. Sự tự do của chúng ta hôm nay đã được mua bằng sự giam cầm của họ.


Hội Thánh đầu tiên đã không có “chủ đích chính trị” nào hoặc những người bạn ở địa vị cao để “giật dây” cho họ. Thay vào đó, họ đã đi đến ngôi cao hơn hết, ngôi ân điển. Họ là một dân cầu nguyện, vì họ biết rằng Đức Chúa Trời có thể giải quyết những vấn đề của họ. Ngôi vinh hiển của Đức Chúa Trời lớn hơn ngôi Hê-rốt, và thiên binh của Đức Chúa Trời có thể đối phó với những binh lính yếu ớt của Hê-rốt bất kể ngày hay đêm! Các tín đồ đã không cần phải hối lộ bất cứ ai tại toà án. Họ chỉ đem vụ kiện của mình đến toà án tối cao và giao nó cho Chúa!


Và kết quả là gì? “Nhưng Đạo Đức Chúa Trời tấn tới và tràn thêm ra” (Cong 12:24). Đây là một tóm tắt của Lu-ca, hoặc “những báo cáo về sự tiến triển”, khởi đầu với Cong 6:7 (Cong 9:31 Cong 16:5 Cong 19:20 Cong 28:31). Lu-ca sẽ hoàn thành mục đích của sách ông và bày tỏ cho chúng ta cách Hội Thánh đã lan tràn ra sao khắp thế giới La Mã từ những khởi đầu nhỏ ở Giê-ru-sa-lem, Thật là một sự khích lệ cho chúng ta ngày nay!


Ở đầu chương Cong 12:1-25 Hê-rốt dường như điều khiển và Hội Thánh đang thua trận.Nhưng ở cuối chương, Hê-rốt chết và Hội Thánh, rất sống động – đang tăng trưởng nhanh chóng!


Bí quyết ư? Một Hội Thánh cầu nguyện!


Nhà Truyền giáo Isobel Kuhn thường cầu nguyện khi gặp khó khăn, “Nếu trở lực này từ Ngài, hỡi Chúa, con chấp nhận nó nhưng nếu nó từ Sa-tan, con từ chối nó và mọi công việc của nó trong danh Gô-gô-tha! ” Và Tấn sĩ Alan Redpath thường nói: “Hãy giữ cho cằm chúng ta ngước lên và đầu gối chúng ta hạ xuống - chúng ta ở về phía chiến thắng! ”


Đức Chúa Trời hành động khi các Hội Thánh cầu nguyện, và Sa-tan sẽ run sợ “Khi nó nhìn thấy thánh đồ yếu đuối nhất quỳ gối”.


11. ĐỨC CHÚA TRỜI MỞ CÁC CỬA (Cong 13:1-14:28)

Chúng ta thường đồng nhất hoá việc rao giảng Phúc Âm với những làng nông thôn yên tịnh của xứ Palestine nơi Chúa Giê-xu đã thi hành chức vụ. Vì lý do này, nhiều Cơ Đốc nhân ngạc nhiên khi biết rằng Hội Thánh trong sách Công vụ gần như thuộc đô thị hoàn toàn. Sử gia Wayne A.Meeks viết rằng “Trong vòng 10 năm của sự kiện Chúa Giê-xu bị đóng đinh, văn hoá làng thôn của Palestine đã bị bỏ lại đằng sau, và thành phố của người Rô-ma gốc Hy Lạp đã trở thành môi trường vượt trội về phong trào Cơ-đốc” (The First Urban Christians, trang 11 – Những Cơ Đốc nhân thành thị đầu tiên).


Hội Thánh đã khởi đầu ở Giê-ru-sa-lem, và rồi lan đến các thành phố khác, kể cả Sa-ma-ri, Đa-mách, Sê-sa-rê và An-ti-ốt ở xứ Sy-ri. Có ít nhất 40 thành phố khác nhau được kể tên trong Công vụ. Từ An-ti-ốt, Phao-lô và những người giúp đỡ ông đã đem Phúc Âm đến khắp thế giới được biết lúc bấy giờ. Thật ra, sự ghi chép được trình bày trong Cong 13:1-28:31 hầu như là một sự điểm lại địa lý cổ đại. Khoảng năm 56, sứ đồ Phao-lô đã có thể viết: “Vì vậy từ thành Giê-ru-sa-lem và các miền xung quanh cho đến xứ I-ly-ri, tôi đã rao giảng Phúc Âm của Đấng Christ một cách đầy đủ! ” (Ro 15:19). Quả là một ghi chép!


Trong hai chương này, bác sĩ Lu-ca đã mô tả chức vụ của Phao-lô ở 6 thành phố, khởi đầu và kết thúc tại thành An-ti-ốt.


1. Thành An-ti-ốt ở xứ Sy-ri - sự quyết định (Cong 13:1-5)

Nhà truyền giáo thánh thiện ở xứ An-độ và Ba-tư, Hery Martyn có lần đã nói: “Thần linh của Đấng Christ là tinh thần của sự truyền giáo và càng đến gần Ngài, chúng ta càng phải trở giáo sĩ nhiệt thành hơn”. Phao-lô (Sau-lơ) và Ba-na-ba đã có kinh nghiệm đó khi họ thi hành chức vụ ở An-ti-ốt và được Thánh Linh kêu gọi để đem Phúc Âm đến thế giới La Mã.


Cho đến lúc này, Giê-ru-sa-lem đã là trung tâm của sự phục vụ, và Phi-e-rơ là sứ đồ chủ chốt. Nhưng từ thời điểm này trở đi, An-ti-ốt xứ Sy-ri sẽ trở thành trung tâm mới (Cong 11:19) và Phao-lô là nhà lãnh đạo mới Phúc Âm trên đà tiến triển!


Lu-ca liệt kê năm người khác nhau đang thi hành chức vụ trong Hội Thánh: Ba-na-ba, người chúng ta đã gặp (Cong 4:36-37 Cong 9:27 Cong 11:22-26) Si-mê-ôn, có thể xuất thân từ Phi-châu vì ông có biệt danh “Đen” Lu-si-út, đến từ Sy-ren và có thể là một trong những người thành lập Hội Thánh ở An-ti-ốt (Cong 11:20) Ma-na-hem, là bạn thân (hoặc có lẽ là một anh em nuôi) của vua Hê-rốt Antipas, người đã giết Giăng Báp-tít, và Sau-lơ (Phao-lô), người cuối cùng trong danh sách nhưng chẳng bao lâu trở thành người đứng đầu.


Những người này đang hầu việc như “những tiên tri và thầy giáo” trong một Hội Thánh địa phương. Các tiên tri đã giúp đặt nền cho Hội Thánh khi họ rao ra Lời Đức Chúa Trời (Eph 2:20 ICo 14:29-32). Họ là những “người nói trước” hơn là “người đoán trước”, mặc dù có những lúc các tiên tri thật đã rao những việc hầu đến (ICo 11:27-30). Các “thầy giáo” đã giúp dạy cho những người qui đạo vững vàng trong giáo lý của niềm tin (IITi 2:2).


Đức Chúa Trời đã kêu gọi Phao-lô dạy dỗ cho dân ngoại (IITi 9:15 IITi 21:17-21), và giờ đây ông mời Ba-na-ba làm việc với ông. Hội Thánh đã xác nhận sự kêu gọi của họ, giao nhiệm vụ cho họ, và cử họ đi trước. Đó là chức vụ của Thánh Linh, hành động qua Hội Thánh địa phương để trang bị và chọn ra những tín đồ để đi trước và hầu việc. Ban công tác ngày nay chỉ là một “môi giới được sai đi” để giải quyết công việc do Hội Thánh địa phương uỷ quyền.


Ba-na-ba và Phao-lô đã đem Giăng Mác theo họ làm phụ tá cho họ. Ông là bà con của Ba-na-ba (Co 4:10) và nhà mẹ ông ở Giê-ru-sa-lem là một nơi nhóm lại cho các tín đồ (Cong 12:12). Có thể chính Phi-e-rơ đã dẫn dắt Giăng Mác đến với đức tin trong Đấng Christ (IPhi 5:13). Giăng Mác chắc hẳn đã giúp đỡ Ba-na-ba và Phao-lô trong nhiều phương diện, làm họ nhẹ bớt những nhiệm vụ và những chi tiết cản trở chức vụ giảng đạo quan trọng của họ.


2. Thành Ba-phô - Sự dối trá (Cong 13:6-12)

Thật hợp lý để đến Chíp-rơ trước, vì đây là quê hương của Ba-na-ba (Cong 4:36). Lu-ca không cho chúng ta chi tiết nào về sự phục vụ ở Sa-la-min, trung tâm thương mại lớn ở mũi đông của hòn đảo. Chúng ta tin rằng một số người đã thật tin Phúc Âm và một hội chúng địa phương được thành hình. Những người này lúc ấy đã đi 90 dặm đến thành Ba-phô ở mũi tây của hòn đảo, và ở đó họ đã gặp sự chống đối đầu tiên.


Ba-phô là thủ phủ của Chíp-rơ, và quan trấn thủ La Mã ở đó là Sê-giút Phau-lút, “một người hiểu biết”, muốn nghe đạo Đức Chúa Trời. Ông đã bị chống đối bởi một tiên tri giả người Do Thái tên là “Con của Giê-su (Joshua)”. Thật không bình thường khi tìm thấy một tiên tri giả người Do Thái và là thuật sĩ, vì dân Do Thái theo truyền thống đã tránh xa những hành động ma quỉ như vậy. Tên Ê-ly-ma nghĩa là “thuật sĩ” hoặc “người khôn ngoan” (so sánh “những người khôn ngoan” ở Mat 2:1-23.


Sự kiện này là một minh hoạ của bài học mà Chúa Giê-xu đã dạy trong câu chuyện về cỏ lùng (Mat 13:24-30,36-43). Bất cứ nơi đâu Chúa gieo con cái thật của Ngài (lúa mì), Sa-tan đến theo và gieo một sự giả mạo (cỏ lùng), đứa con của ma quỉ.Phao-lô đã nhận ra rằng Ê-ly-ma là con cái ma quỷ (Gi 8:44), và ông đã giáng sự mù loà trên tiên tri giả như một sự đoán phạt từ Đức Chúa Trời. Phép lạ này cũng là chứng cớ cho Sê-giút Phau-lút rằng Phao-lô và Ba-na-ba là tôi tớ của Đức Chúa Trời chân thật và đã giảng sứ điệp cứu rỗi thật (He 2:4). Vị quan La Mã đã tin và được cứu.


Cong 13:9 là nơi đầu tiên bạn tìm thấy tên quen thuộc Phao-lô trong Tân Ước. Là một công dân La Mã gốc Do Thái, tên đầy đủ của vị sứ đồ này có thể là “Sau-lơ Phao-lô”, vì nhiều người Do Thái đã có tên vừa Do Thái vừa La Mã.


3. Thành Bẹt-giê - Sự đào ngũ (Cong 13:13)

Tại sao Giăng Mác đã bỏ những người bạn của mình và trở về Giê-ru-sa-lem? Có lẽ ông chỉ đơn giản là nhớ nhà, hoặc ông có thể đã trở nên không vui vì Phao-lô đã bắt đầu nắm quyền lãnh đạo từ người bà con Ba-na-ba của Mác (chú ý “Phao-lô với đồng bạn mình” trong Cong 13:13). Mác là một người Do Thái tận tuỵ, và ông có thể đã cảm thấy không thoải mái với những người ngoại được cứu. Một số người nghiên cứu Kinh Thánh nghĩ rằng sự trở về Giê-ru-sa-lem của Giăng Mác đã khiến khởi đầu sự chống đối của những người Do Thái hoá thuộc về luật pháp là những người sau đó đã chống đối Phao-lô (Xem Cong 15:1-41 và thư tín Ga-la-ti).


Khả năng xảy ra khác là sự sợ hãi nguy hiểm khi nhóm người cùng đi đã đến trong những khu vực mới và khó khăn. Nhưng dù nguyên nhân rời bỏ của ông là gì đi nữa, Giăng Mác đã làm điều gì đó quá nghiêm trọng đến nỗi Phao-lô chọn Ti-mô-thê để thế chỗ Giăng Mác (Cong 16:15). Giăng Mác đã chuộc lỗi và cuối cùng được Phao-lô chấp nhận và tán thành (IITi 4:11).


Suốt những năm chức vụ của tôi với tư cách một mục sư và là một thành viên của nhiều ban công tác tôi đã chứng kiến những người làm việc khác đầu tiên làm điều Giăng Mác đã làm và điều đó luôn làm đau lòng. Nhưng tôi cũng đã chứng kiến một số người được phục hồi cho công việc truyền giáo, nhờ những sự cầu nguyện và khích lệ của dân sự Đức Chúa Trời. A.T. Robertson đã nói rằng Mác “đã leo lét trong cơn khủng hoảng” nhưng ánh sáng đã không hoàn toàn tắt. Đây là một sự khích lệ đối với tất cả chúng ta.


4. Thành An-ti-ốt ở Bi-si-đi - Sự tranh luận (Cong 13:14-52)

Phao-lô và Ba-na-ba đã ra đi 100 dặm hướng Bắc và đi lên khoảng 3.600 bộ để đến thành phố quan trọng này trên con đường La Mã. Khi bạn theo dõi những hành trình của Phao-lô trong Công vụ, bạn để ý rằng ông đã chọn những thành phố chiến lược, lập những Hội Thánh trong đó, và từ đó tiếp tục việc giảng Phúc Âm trong những khu vực lân cận. Bạn cũng sẽ để ý rằng, nơi đâu có thể, ông đã khởi đầu công tác trong nhà hội địa phương, vì ông có một gánh nặng lớn đối với dân mình (Ro 9:1-5 Ro 10:1), và ông đã tìm thấy trong nhà hội cả người Do Thái lẫn người ngoại sẵn sàng nghe đạo Đức Chúa Trời.


Đây là bài giảng đầu tiên trong số những bài giảng của Phao-lô được chép trong sách Công vụ, và nó có thể được chia thành ba phần, mỗi phần được giới thiệu bởi nhóm từ “Hỡi anh em”.


- Phần 1 – Sự chuẩn bị (Cong 13:16-25). Trong phần này, Phao-lô đã ôn lại lịch sử Y-sơ-ra-ên, cao điểm với chức vụ của Giăng Báp-tít và sự đến của Đấng Mê-si-a-a của họ. Ông cho biết rõ rằng chính Đức Chúa Trời là Đấng đã hành động trong và vì Y-sơ-ra-ên, dọn đường cho sự đến của Đấng Mê-si-a-a đã được hứa. Ông cũng đã nhắc nhở những người nghe rằng dân tộc này lúc nào cũng không trung tín với Chúa và giao ước, nhưng thường chống nghịch. Mọi người Do Thái mộ đạo đều biết rằng Đấng Mê-si-a sẽ đến từ dòng dõi Đa-vít, và một tiên tri sẽ loan báo sự đến của Ngài trước. Giăng Báp-tít là tiên tri đó.


- Phần 2 – Sự tuyên bố (Cong 13:26-37). Khi Phao-lô nói với người Do Thái lẫn người ngoại “những người kính sợ Đức Chúa Trời” trong giáo đoàn, ông đã thay đổi cách tiếp cận của mình từ ngôi thứ ba (“họ”) sang ngôi thứ hai (“anh em”). Ông đã giải thích cho họ lý do những lãnh đạo của họ ở Giê-ru-sa-lem đã chối bỏ và đóng đinh Đấng Mê-si-a của dân tộc.Không phải vì họ đã không đọc hay nghe sứ điệp của các tiên tri, nhưng vì họ đã không hiểu sứ điệp. Hơn nữa, sự đóng đinh Chúa Giê-xu ở Na-xa-rét thậm chí đã được báo trước qua các tiên tri (Phi-e-rơ đã sử dụng cách tiếp cận tương tự trong sứ điệp thứ nhì của ông (Cong 3:12-18).


Chính sự phục sinh của Chúa Giê-xu là sự kiện quyết định: “Nhưng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại” (Cong 13:30) (xem các câu 33-34 và 37, và chú ý rằng “đã dấy lên” trong Cong 13:22-23 nghĩa là “đã đem đến”). Phao-lô đã công bố Phúc Âm cho họ, “lời của sự cứu rỗi này” (Cong 13:26) và “tin mừng này” (Cong 13:32). Đấng Christ đã chết, Ngài đã bị chôn, và Ngài đã sống lại!


Vì Phao-lô đang nói với một hội chúng nhà hội, ông sử dụng Kinh Thánh Cựu Ước để hỗ trợ cho lý lẽ của mình. Trong c.33, Thi 2:7 được trích dẫn, và chú ý rằng nó chỉ về sự phục sinh của Đấng Christ, không phải sự giáng sinh của Đấng Christ.“Các huyệt mới” (Gi 19:41) giống như một “tử cung” cho ra đời Chúa Giê-xu trong vinh hiển phục sinh.


Sau đó ông đã trích dẫn Es 55:3 chỉ về giao ước Đức Chúa Trời đã lập cùng Đa-vít, “những ơn huệ chắc chắn của Đa-vít”. Đức Chúa Trời đã hứa với Đa-vít rằng từ ông Đấng Mê-si-a đến (IISa 7:12-17). Đây là một “giao ước đời đời” với một ngôi được lập đời đời (IISa 7:13-16). Nếu Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a, và Ngài đã chết và vẫn chết, giao ước này không bao giờ có thể được thực hiện. Vì vậy, Chúa Giê-xu đã phải được khiến sống lại từ cõi chết, nếu không thì giao ước sẽ tỏ ra giả dối.


Sự trích dẫn thứ ba của ông từ Thi 16:10 cùng đoạn Phi-e-rơ đã trích dẫn trong sứ điệp của ông tại lễ Ngũ Tuần (Cong 2:24-28). Dân Do Thái xem Thi 16:1-11 là một đoạn Thi thiên nói về Đấng Mê-si-a, và rõ ràng lời hứa này đã không áp dụng cho Đa-vít, người đã chết, bị chôn, và đã bị mục rữa. Nó phải áp dụng cho Chúa Giê-xu, Đấng Mê-si-a.


- Phần 3 – Sự ứng dụng (Cong 13:38-41). Phao-lô đã công bố tin tức tốt lành cho họ (Cong 13:32), và mọi việc còn lại giờ đây là thực hiện sự ứng dụng cá nhân và “kéo lưới”. Ông cho họ biết rằng nhờ đức tin nơi Chúa Giê-xu, họ có thể được 2 phước hạnh mà luật pháp không bao giờ có thể cung ứng: sự tha thứ tội lỗi và sự xưng công bình trước ngôi Đức Chúa Trời.


Sự xưng công bình là hành động của Đức Chúa Trời bởi đó Ngài công bố tội nhân tin nhận là công bình trong Chúa Giê-xu. Điều đó có liên quan đến địa vị của tín đồ trước ngôi Đức Chúa Trời. Dân Do Thái đã được dạy rằng Đức Chúa Trời xưng công bình cho người không tin sẽ đặt niềm tin nơi Chúa Giê-xu (Ro 4:1-8).


Luật pháp không thể xưng công bình cho tội nhân, luật pháp chỉ có thể kết án tội nhân (Ga 2:16 Ro 3:19-20). Đức Chúa Trời không chỉ tha thứ tội lỗi chúng ta, Ngài còn ban cho chúng ta chính sự công bình của Đấng Christ và đặt nó vào tài khoản của chúng ta! Đây hẳn là tin mừng được Phao-lô rao ra cho giáo đoàn Do thái và dân ngoại đang tìm kiếm đó, những người không có bình an trong lòng, dù họ sùng đạo.


Phao-lô kết thúc sứ điệp bằng một lời cảnh cáo trích từ Ha-ba-cúc Ha 1:5 (Es 29:14). Vào thời của Ha-ba-cúc “việc khó tin” Đức Chúa Trời đã làm là việc dấy lên của người Canh-đê để trừng phạt dân Ngài, một việc quá đặc biệt đến nỗi không ai tin. Xét cho cùng, tại sao Đức Chúa Trời sẽ dùng một dân tộc ngoại đạo gian ác để sửa phạt tuyển dân của riêng Ngài, dù họ có thể tội lỗi? Đức Chúa Trời đã sử dụng dân ngoại để sửa phạt dân Do Thái! Nhưng “việc kỳ diệu” trong thời Phao-lô là việc Đức Chúa Trời sử dụng dân Do Thái để cứu dân ngoại!


Kết quả ra sao? Nhiều người Do Thái và người ngoại mới theo đạo đã tin và hiệp với Phao-lô cùng Ba-na-ba. Người ngoại đặc biệt đã rất phấn khởi về sứ điệp của Phao-lô và muốn ông nói cho họ biết nhiều hơn, điều mà ông đã nói vào ngày Sa-bát sau đó. Những người này đã làm một việc tốt loan truyền tin tức, vì có một đám đông lớn đã tụ tập. Họ có thể là những người ngoại chiếm đa số, điều làm cho những người Do Thái ghen tị và tức giận.


Sứ điệp cuối cùng của Phao-lô trong nhà hội đã công bố rằng Đức Chúa Trời đã ban đạo đến cho dân Do Thái trước (Cong 3:26 Ro 1:16), nhưng họ giờ đây đã chối bỏ đạo. Vì vậy, Phao-lô giờ đây sẽ đem Phúc Âm đến cho dân ngoại, và ông trích dẫn Es 49:6 để hỗ trợ cho quyết định của mình (cũng hãy chú ý Lu 2:29-32). Ông sẵn sàng đi đến tận cùng trái đất để thu phục những linh hồn cho Đấng Christ!


Cong 13:48 cho chúng ta mặt thiên thượng của sự rao giảng Phúc Âm, vì Đức Chúa Trời có tuyển dân của Ngài (Eph 1:4). Từ được dịch là “được định sẵn” nghĩa là “được tuyển” và cho biết rằng dân Đức Chúa Trời có tên được ghi trong sách của Đức Chúa Trời (Lu 10:20 Phi 4:3). Nhưng Cong 13:49 là mặt con người của sự rao giảng Phúc Âm. Nếu chúng ta không giảng đạo, vậy không ai có thể tin và được cứu. Cần có cả hai mặt (IITe 2:13-14 Ro 10:13-15).


Những người Do Thái vô tín không muốn ngồi lại và để Phao-lô với Ba-na-ba chủ động.Trước tiên, họ tranh cãi với hai người, và rồi kiện tụng họ và đuổi họ ra khỏi biên giới mình. Những nhà truyền đạo đã không nãn lòng: họ phủi bụi nơi chân mình (Lu 9:5 Lu 10:11) và đi đến thành kế tiếp, để lại đằng sau một nhóm môn đệ vui mừng.


5. Thành Y-cô-ni - Sự chia rẽ (Cong 14:1-7)

Thành phố này, vẻ Hy Lạp hơn là La Mã, thuộc tỉnh La Mã ở Ga-la-ti. Chức vụ của Phao-lô trong nhà hội được chúc phước cách đặc biệt và nhiều người Do Thái với người ngoại đã tin theo. Một lần nữa, những người Do Thái không tin đã khuấy lên sự căm thù và chống đối, nhưng những nhà truyền đạo đã ở lại và dạn dĩ làm chứng cho Đấng Christ (chú ý “Bởi vậy” trong Cong 14:3).


Đức Chúa Trời cũng khiến những người này có thể làm các dấu và sự lạ như “những uỷ nhiệm thư” của họ rằng họ thật sự là tôi tớ của Đức Chúa Trời chân thật (Cong 15:2 He 2:4 Ga 3:5). Đức tin không dựa trên phép lạ (Lu 16:27-31 Gi 2:23-25), nhưng đức tin có thể được củng cố bằng phép lạ. Điều quan trọng là “lời của ân điển Ngài” thực hiện công việc của ân điển Ngài (Gi 14:26).


Kết quả? Thành đã bị chia rẽ và các Cơ Đốc nhân bị đe doạ bằng sự hạ nhục công khai và sự ném đá. Vâng theo lời khuyên của Chúa mình trong Mat 10:23 họ đã lánh khỏi khu vực đó vào trong một quận La Mã khác và tiếp tục giảng đạo Đức Chúa Trời.


6. Thành Lít-trơ - Sự lừa dối (Cong 14:8-20)

Thành Lít-trơ thuộc tỉnh La Mã ở Ga-la-ti, khoảng 18 dặm hướng Tây Nam thành Y-cô-ni.Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên trong ba chuyến viếng thăm Phao-lô thực hiện ở thành này, và đó là một cuộc thăm viếng đầy sự kiện đáng nhớ! Ở hành trình truyền giáo thứ hai của mình, Phao-lô đã chọn Ti-mô-thê ở Lít-trơ (Cong 16:1-5) và ông đã thực hiện một cuộc thăm viếng Hội Thánh này ở hành trình thứ ba của mình (Cong 18:23). Chúng ta nên chú ý bốn đáp ứng khác nhau suốt cuộc thăm viếng này.


- Đáp ứng của người què đối với đạo (Cong 14:8-10). Cả Phi-e-rơ và Phao-lô đã chữa lành những người què từ lúc sinh ra (Cong 3:1-26). Nếu sự tàn tật của họ do bệnh hoạn hoặc tai nạn gây ra, sự chữa trị có thể đã được xem là một thay đổi bất ngờ trong thể chất họ. Đúng vậy, sự chữa trị rõ ràng mầu nhiệm.


Từ được dịch là “nói” trong Cong 14:9 nghĩa là cuộc nói chuyện bình thường, mặc dù nó có thể chỉ về lời nói hình thức. Có thể Phao-lô đơn giản là đang nói chuyện với một số người dân trong nơi họp chợ, cho họ biết về Chúa Giê-xu, và người què đã nghe lóm được điều ông nói. Đạo sinh ra đức tin (Ro 10:17) và đức tin đem đến sự chữa lành.


-Đáp ứng của đoàn dân đông đối với người què (Cong 14:11-13). Phép lạ tự chúng không sinh ra sự nhận thức hoặc đức tin. Chúng phải được Đạo kèm theo (Cong 14:3). Đây là một đám đông mê tín đã giải thích những sự kiện xảy ra theo quan điểm thần thoại của họ. Họ đồng nhất hoá Ba-na-ba như thần Giu-bi-tê (Zeus), đầu của các thần và Phao-lô người phát ngôn, họ đã đồng nhất hoá với thần Mẹt-cu-rơ (Hermes), sứ giả của các thần. Giu-bi-tê là vị thần bảo hộ của thành phố, vì vậy đây là một cơ hội lớn cho thầy tế lễ và Giu-bi-tê trở nên rất quan trọng và dẫn dắt dân sự trong việc tôn kính thần của họ.


- Đáp ứng của các sứ đồ đối với đám đông (Cong 14:14-19). Thật dễ dàng biết bao để chấp nhận sự thờ phượng này và tìm cách sử dụng sự tôn kính làm cơ sở cho việc dạy dân chúng chân lý, nhưng đó không phải là cách các tôi tớ thật của Đức Chúa Trời thi hành chức vụ (IICo 4:1-2 ITe 2:1-5). Phao-lô và Ba-na-ba đã chống đối điều họ đang làm và dạn dĩ cho dân sự biết rằng các thần của Lít-trơ là “những thần hư không”


Sứ điệp của Phao-lô đã không dựa trên Cựu Ước, vì đây là một khán giả người ngoại không tin. Ông bắt đầu bằng sự làm chứng về Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo (Cong 17:22). Ông cho biết rõ rằng chỉ có một Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời hằng sống, Đức Chúa Trời tha thứ. Và Ngài đã kiên nhẫn với những dân tộc phạm tội (Cong 17:30) và đã không đoán phạt họ về tội lỗi của họ như họ đáng phải chịu.


Đoàn dân đông lắng xuống, nhưng khi một số người Do Thái gây rối đến từ thành An-ti-ốt và Y-cô-ni, đoàn dân đông đã theo sự cầm đầu của họ và ném đá Phao-lô.Một phút trước, Phao-lô là một vị thần được thờ phượng. Phút sau, ông là một tội phạm bị giết! Emerson đã gọi một đám đông hỗn tạp là “một xã hội của những con người tự nguyện cướp đi của chính mình lẽ phải”. Thường thì điều này đúng.


- Đáp ứng của các môn đệ đối với Phao-lô (Cong 14:20). Có những tân tín hữu ở thành Lít-trơ, và đây là một hoàn cảnh khủng hoảng đối với họ. Họ là một thiểu số, lãnh đạo của họ đã bị ném đá, và tương lai của họ có vẻ rất u ám. Nhưng họ đã đứng nhờ Phao-lô! Có thể họ đã hiệp lòng và cầu nguyện cho ông, và đây là một lý do Đức Chúa Trời khiến ông sống lại.Phao-lô đã chết phải không? Chúng ta không được biết. Đây là sự ném đá duy nhất ông từng trải qua (IICo 11:25), nhưng qua việc đó đã quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Có thể sự kiện này đặc biệt đã cảm động Ti-mô-thê và dẫn đến sự cộng tác của ông với Phao-lô (IITi 3:10).


7. Thành An-ti-ốt trong xứ Sy-ri - Sự tuyên bố (Cong 14:21-28)

Trong chuyến đi trở lại thành An-ti-ốt, những nhà truyền đạo đã bận rộn với nhiều chức vụ quan trọng.


Trước tiên họ đã giảng Phúc Âm và kiếm được các môn đệ (“đã dạy dỗ nhiều người”). Thật khó hiểu cách nào họ đã trở lại những thành phố mà từ đó họ đã bị trục xuất, nhưng Chúa đã mở các cửa.


Thứ hai, họ đã làm mạnh mẽ (“đã củng cố”) các tín đồ trong những điều về Đấng Christ và khích lệ (“thúc giục”) họ tiếp tục trong đức tin. Sự tiếp tục là một chứng cớ của đức tin thật trong Chúa Giê-xu (Gi 8:31-32 Cong 2:42). Phao-lô đã nói rõ rằng sống đời sống Cơ Đốc không phải là một việc dễ và họ đều sẽ phải chờ đợi những thử thách và hoạn nạn trước khi họ thấy Chúa trong vinh hiển.


Thứ ba, họ đã tổ chức các Hội Thánh (Cong 14:23-25). Hội Thánh địa phương vừa là một cơ thể, vừa là một tổ chức, vì nếu một cơ thể không được tổ chức sắp xếp, nó sẽ chết! Phao-lô và Ba-na-ba đã phong chức những lãnh đạo thuộc linh và giao cho họ trách nhiệm chăn bầy. Nếu bạn so sánh Tit 1:5,7 bạn sẽ thấy rằng “trưởng lão” và “giám mục” (giám sát) chỉ về cùng chức vụ, và cả hai tương đương với “mục sư” (người chăn chiên).


Từ được dịch là “phong chức” nghĩa là “lựa chọn bằng sự giơ tay”. Có thể là Phao-lô đã chọn những người này và hội chúng đã bỏ phiếu tán thành hoặc có thể là dân chúng đã chọn họ bằng cách bỏ phiếu và Phao-lô đã phong chức cho họ (Cong 6:1-6).


Sau cùng, họ đã thuật lại cho “Hội Thánh sai phái họ” về công việc Đức Chúa Trời đã làm (Cong 14:26-28). Họ đã đi ít nhất một năm, và chắc là lý thú đối với họ và đối với Hội Thánh khi họ trở về nhà. Bởi ân điển Đức Chúa Trời, họ đã hoàn thành công việc Đức Chúa Trời giao cho họ làm, và họ đã vui mừng thuật lại những phước hạnh cho gia đình Hội Thánh.


Đây có lẽ là “hội nghị truyền giáo” đầu tiên trong lịch sử Hội Thánh, và đó chắc đúng là một hội nghị! Một chức viên Hội Thánh có lần đã nói với tôi: “Tôi không quan tâm bao nhiêu tiền ông cần cho những công tác, tôi sẽ dâng nhưng chỉ hãy đừng để tôi nghe những người truyền giáo nói! ” Tôi cảm thấy tiếc cho ông ta rằng nhiệt độ thuộc linh của ông quá thấp đến nỗi ông không thể lắng nghe những báo cáo về điều Đức Chúa Trời đã làm trong những vùng xa xôi khó khăn của đồng ruộng mùa gặt.


Khi bạn nhìn lại hành trình truyền giáo thứ I của Phao-lô, bạn có thể thấy những nguyên tắc mà qua đó ông đã vận dụng, những nguyên tắc vẫn có thể ứng dụng được hôm nay.


Ông đã làm việc chủ yếu trong những thành phố chủ chốt và đã yêu cầu các tín đồ đem sứ điệp đến với nhiều vùng xa hơn. Phúc Âm hoạt động trong những trung tâm dân cư, và chúng ta phải đem Phúc Âm đến đó.


Ông đã sử dụng cách tiếp cận này với những hội chúng nhà hội và cách tiếp cận khác cho người ngoại. Ông liên hệ dân Do Thái và những người Do Thái mới theo đạo với Kinh Thánh Cựu Ước, nhưng khi rao giảng cho dân ngoại, ông nhấn mạnh Đức Chúa Trời của sự sáng tạo và sự nhân lành của Ngài đối với các dân tộc. Điểm khởi đầu của ông khác nhau, nhưng điểm kết thúc của ông giống nhau: Đức tin trong Chúa Giê-xu.


Ông chuyên gây dựng và tổ chức các Hội Thánh địa phương. Chúa Giê-xu đã nhớ đến Hội Thánh địa phương khi Ngài ban điều mà chúng ta gọi là “Đại nhiệm mạng” (Mat 28:19-20). Sau khi chúng ta tạo nên các môn đệ (“dạy dỗ”), chúng ta phải làm báp-tem cho họ (trách nhiệm chủ yếu của một Hội Thánh địa phương) và sau đó dạy họ Lời Đức Chúa Trời. Chỉ thu phục người cho Đấng Christ nghĩa là chỉ thực hiện một phần 3 của nhiệm mạng! Cần có hội chúng địa phương của những tín đồ để giúp chúng ta thực hiện mọi điều Chúa Giê-xu đã ra lệnh chúng ta làm.


Ông đã dạy cho các tín đồ vững vàng về lời Đức Chúa Trời. Đây là nguồn sức mạnh và sự vững vàng duy nhất khi sự bắt bớ xảy ra, vì nó thật chắc chắn sẽ xảy ra. Phao-lô không rao giảng một “Tin Lành thành công” được mọi người biết đến, phát hoạ một bức tranh về một đời sống Cơ Đốc dễ chịu.


Điều đáng ngạc nhiên là Phao-lô và các cộng sự của ông đã làm mọi việc này mà không có phương tiện giao thông và liên lạc tân tiến chúng ta có ngày nay. Tấn sĩ Bob Pierce thường nói với chúng tôi trong buổi nói chuyện “Tuổi trẻ cho Đấng Christ” rằng: “Những người khác đã làm quá nhiều với phương tiện chẳng bao nhiêu, trong khi chúng ta làm chẳng bao nhiêu với quá nhiều phương tiện! ”. Chỉ của cải lãng phí của các tín đồ người Mỹ thôi, nếu được đầu tư trong việc rao giảng Phúc Âm thế giới, có thể đã dẫn đến sự cứu rỗi hằng triệu người hư mất.


Phao-lô và Ba-na-ba đã công bố rằng “cửa đức tin” đã được mở cho dân ngoại.


Cửa ấy vẫn mở, cho dân Do Thái và dân ngoại như nhau cho toàn thế giới! Hãy bước qua cánh cửa mở đó và giúp đem Phúc Âm đến cho người khác.


Hãy bạo dạn!


12. ĐỪNG ĐÓNG CÁC CỬA (Cong 15:1-35)

Sự phát triển của Phúc Âm thường bị ngăn trở bởi những con người có đầu óc hẹp hòi đứng trước những cánh cửa mở và làm tắc nghẽn con đường dành cho người khác.


Năm 1786, khi William Carey đặt gánh nặng về những nhiệm vụ thế giới trước một buổi nhóm dành cho mục sư truyền đạo ở Northampton, Anh quốc, tấn sĩ Ryland nổi tiếng đã nói với ông ta “Hỡi người trẻ tuổi, hãy ngồi xuống! Khi Đức Chúa Trời muốn thay đổi người ngoại, Ngài sẽ làm điều đó mà không cần có sự giúp đỡ của anh hoặc của tôi! . Nhiều tôi tớ Đức Chúa Trời được đầy dẫy Thánh Linh đã phải bước vào những cánh cửa dịp tiện rộng mở mà không có sự giúp đỡ của các Hội Thánh và các lãnh đạo tôn giáo.


Phao-lô và các cộng sự của ông đã đối diện với chính sự thách thức này tại hội nghị Giê-ru-sa-lem khoảng 20 năm sau lễ Ngũ Tuần. Một cách can đảm họ đã bảo vệ chân lý của Phúc Âm và sự phát triển truyền giáo của Hội Thánh. Có ba giai đoạn trong sự kiện này.


1. Cuộc tranh cãi (Cong 15:1-5)

Tất cả đều đã khởi đầu khi một số giáo sư Do Thái đến thành An-ti-ốt và dạy rằng dân ngoại, để được cứu, phải chịu cắt bì và vâng theo luật Môi-se. Những người này có liên hệ với hội chúng Giê-ru-sa-lem nhưng không được hội chúng uỷ quyền (Cong 15:24). Giống như những người Pha-ri-si (Cong 15:5), các thầy giáo này là những “anh em giả” muốn cướp của những tín đồ Do Thái và người ngoại sự tự do trong Đấng Christ (Ga 2:1-10 Ga 5:1).


Không đáng ngạc nhiên khi có những người trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem là những người ủng hộ mạnh mẽ luật Môi-se nhưng dốt nát về mối liên hệ giữa luật pháp và ân điển. Những người này là dân Do Thái đã được dạy phải tôn trọng và vâng theo luật Môi-se và xét cho cùng, thư Rô-ma, Ga-la-ti và Hê-bơ-rơ đã chưa được viết ra! Có một nhóm đông các thầy tế lễ trong hội chúng Giê-ru-sa-lem (Ga 6:7), cũng như dân chúng vẫn còn theo những thực hành Cựu Ước (Ga 21:20-26). Đó là một thời kỳ chuyển tiếp, và thời kỳ đó luôn khó khăn.


Những người theo luật pháp này thật sự đang làm gì và tại sao họ quá nguy hiểm? Họ đang cố gắng pha trộn luật pháp với ân điển và đổ rượu mới vào bầu da cũ dễ vỡ (Lu 5:36-39). Họ đang vá lại bức màn rách (Lu 23:45) và làm tắc nghẽn con đường mới và sống dẫn đến Đức Chúa Trời mà Chúa Giê-xu đã mở ra khi Ngài chết trên thập tự giá (He 10:19-25). Họ đang xây lại bức tường giữa dân Do Thái và dân ngoại mà Chúa Giê-xu đã phá sập trên thập tự giá (Eph 2:14-16). Họ đang đặt cái ách nặng nề của dân Do Thái lên vai dân ngoại (Ga 5:1 Cong 15:10) và yêu cầu Hội Thánh đi ra khỏi ánh sáng mặt trời vào trong bóng tối (He 10:1 Co 2:16-17). Họ đang nói: “Một người ngoại trước tiên phải trở thành một người Do Thái trước khi người đó có thể trở thành một Cơ Đốc nhân! Không đủ để họ đơn giản là tin Chúa Giê-xu. Họ cũng phải vâng theo Môi-se! ”


Một vài vấn đề quan trọng có liên quan ở đây, không kém quan trọng là công việc của Đấng Christ trên thập tự giá như được công bố trong sứ điệp Phúc Âm (ICo 15:1-8 He 10:1-8). Đức Chúa Trời tuyên bố một sự rút phép thông công nghiêm túc đối với bất cứ ai rao giảng Phúc Âm nào khác hơn Phúc Âm của ân điển Đức Chúa Trời được tìm thấy trong Chúa Giê-xu Christ Con Ngài (Ga 1:1-9). Khi bất cứ lãnh đạo tôn giáo nào nói rằng: “Nếu bạn không thuộc về nhóm chúng tôi, bạn không thể được cứu! ” hay “nếu bạn không tham dự những nghi lễ của chúng tôi và không giữ những luật lệ của chúng tôi, bạn không thể được cứu! ”, người ấy đang thêm vào Phúc Âm và phủ nhận công tác đã hoàn tất của Chúa Giê-xu. Phao-lô đã viết thư tín Ga-la-ti để làm rõ ràng sự cứu rỗi hoàn toàn do ân điển của Đức Chúa Trời, nhờ đức tin trong Đấng Christ, không cộng thêm điều gì cả!


Vấn đề khác có liên quan là tính chất chương trình truyền giáo của Hội Thánh. Nếu những người theo luật pháp này (chúng ta gọi họ là “những giáo sư Do Thái”) là đúng, vậy Phao-lô và Ba-na-ba đều sai trong chức vụ họ. Cùng với việc rao giảng Phúc Âm, lẽ ra họ phải dạy dân ngoại cách sống như những người Do Thái tốt lành. Chắc hẳn Phao-lô và Ba-na-ba đã bàn luận và tranh cãi với những giáo sư giả này! (Cong 15:2,7). Các tín đồ An-ti-ốt đang bị “khuấy rối” và “biến loạn”và chính sự lộn xộn và chia rẽ này sẽ chóng lan đến các Hội Thánh người ngoại mà Phao-lô và Ba-na-ba đã thành lập. Đây là một sự khiêu chiến mà Phao-lô và Ba-na-ba không thể phớt lờ.


Đức Chúa Trời đã ban cho Phao-lô một mặt khải chỉ dẫn ông đem toàn bộ vấn đề đến các lãnh đạo Hội Thánh ở Giê-ru-sa-lem (Ga 2:2), và hội chúng An-ti-ốt đã đồng ý với điều này (“họ” trong Cong 15:2). Buổi nhóm lại không phải là một “hội đồng Hội Thánh” theo nghĩa tôn giáo, nhưng đúng hơn là một buổi họp của các lãnh đạo để nghe các nhóm khác nhau và quyết định. Mặc dù “Hội Thánh mẹ” ở Giê-ru-sa-lem có ảnh hưởng lớn, mỗi Hội Thánh địa phương đã tự trị.


2. Sự bảo vệ (Cong 15:6-18)

Dường như có ít nhất 4 buổi họp khác nhau có liên quan trong hội nghị chiến lược này:1. Buổi công khai tiếp đón Phao-lô và các cộng sự ông (Cong 15:4). 2. Một buổi họp riêng của Phao-lô và các lãnh đạo chủ chốt, (Ga 2:2). 3. Một buổi nhóm công khai thứ hai mà tại đó những giáo sư Do Thái trình sự kiện cáo của họ, (Cong 15:5-6 Ga 2:3-5) và 4. Buổi thảo luận chung được mô tả trong Cong 15:6. Trong buổi thảo luận chung này bốn lãnh đạo chủ chốt đã trình bày trường hợp về việc tiếp tục mở các cửa ân điển cho dân ngoại hư mất.


- Phi-e-rơ ôn lại quá khứ (Cong 15:6-11). Chúng ta có cảm giác rằng Phi-e-rơ đã ngồi kiên nhẫn trong khi sự tranh cãi (“chất vấn”) đang diễn ra, chờ đợi Thánh Linh hướng dẫn ông. “Trả lời trước khi nghe, ấy là sự điên dại và hổ thẹn cho ai làm vậy” (Ch 18:13). Phi-e-rơ đã nhắc nhở Hội Thánh bốn chức vụ quan trọng mà Đức Chúa Trời đã thực hiện cho dân ngoại, những chức vụ mà trong đó ông đã đóng một vai trò quan trọng.


Trước tiên, Đức Chúa Trời đã chọn lựa rằng Phi-e-rơ phải rao giảng Phúc Âm cho dân ngoại (Cong 15:7). Chúa Giê-xu đã ban các chìa khoá của Nước Trời cho Phi-e-rơ (Mat 16:19), và ông đã sử dụng chúng để mở các cửa đức tin cho dân Do Thái (Cong 2:1-47), dân Sa-ma-ri (Cong 8:14-17) và dân ngoại (Cong 10:1-48). Các sứ đồ và anh em xứ Giu-đê đã chỉ trích Phi-e-rơ về việc viếng thăm dân ngoại và ăn chung với họ, nhưng ông đã tự bảo vệ mình một cách thoả đáng (Cong 11:1-18). Hãy chú ý rằng Phi-e-rơ đã cho biết rõ Cọt-nây và người nhà ông đã được cứu bởi nghe và tin, không phải bởi vâng theo luật Môi-se.


Thứ hai, Đức Chúa Trời đã ban Thánh Linh cho những người ngoại làm chứng rằng họ thật sự được tái sinh (Cong 15:8). Chỉ duy Đức Chúa Trời mới có thể nhìn thấy lòng người. Vì vậy, nếu những người này không được cứu Đức Chúa Trời sẽ chẳng bao giờ ban Thánh Linh cho họ (Ro 8:9). Nhưng họ đã không nhận Thánh Linh bằng cách giữ luật pháp, mà bởi tin Lời Đức Chúa Trời (Cong 10:43-46 Ga 3:2). Sứ điệp của Phi-e-rơ là “Hễ ai tin Ngài thì sẽ được sự tha tội” (Cong 10:43), chớ không phải “Hễ ai tin và vâng theo luật Môi-se”.


Thứ 3, Đức Chúa Trời đã xoá bỏ một sự khác biệt (Cong 15:9,11). Bao thế kỷ Đức Chúa Trời đã đặt một sự khác biệt giữa dân Do Thái và dân ngoại, và đó là nhiệm vụ của các lãnh đạo tôn giáo để bảo vệ và duy trì sự phân biệt đó (Le 10:10 Exe 22:26 Exe 44:23). Chúa Giê-xu đã dạy rằng các luật ăn kiêng cữ Do Thái đã không có liên quan gì với sự thánh khiết bên trong (Mac 7:1-23), và Phi-e-rơ đã học bài học đó lần nữa khi ông có khải tượng ấy trên mái nhà trong thành Giốp-bê (Cong 10:11).


Từ công tác của Đấng Christ đồi Gô-gô-tha, Đức Chúa Trời đã không phân biệt giữa người Do Thái và người ngoại về tội lỗi (Ro 3:9,22) hoặc sự cứu rỗi (Ro 10:9-13). Tội nhân có thể nhận được tấm lòng tinh sạch chỉ bởi đức tin nơi Đấng Christ sự cứu rỗi không do việc giữ luật pháp (Cong 15:9). Chúng ta tưởng Phi-e-rơ kết luận sự bảo vệ của ông bằng cách nói, “Họ (dân ngoại) sẽ được cứu thậm chí như người Do Thái chúng ta”, nhưng ông chỉ nói ngược lại! “Chúng ta (dân Do Thái)sẽ được cứu, thậm chí như họ”.


Chức vụ thứ tư của Đức Chúa Trời – và đây là nhận định mạnh mẽ nhất của Phi-e-rơ –là cất bỏ ách của luật pháp (Cong 15:10). Luật pháp thật sự là một cái ách đè nặng trên dân tộc Do Thái, nhưng ách đó đã được Chúa Giê-xu cất bỏ (Ga 5:1 Co 2:14-17 Mat 11:28-30). Xét cho cùng, luật pháp đã được ban ra cho dân tộc Do Thái để bảo vệ họ khỏi những điều ác của thế giới người ngoại và chuẩn bị cho họ để đem Đấng Mê-si-a vào trong thế gian (Ga 4:1-7). Luật pháp không thể tẩy sạch lòng tội nhân (Ga 2:21), bày tỏ sự ban cho của Thánh Linh (Ga 3:2) hay ban cho sự sống đời đời (Ga 3:21). Điều mà luật pháp đã không thể làm được, Đức Chúa Trời đã làm qua chính Con Ngài (Ro 8:1-4). Những ai đã tin nhận Đấng Christ đều có sự công bình của luật pháp Đức Chúa Trời trong lòng mình và vâng theo ý muốn Ngài bởi Thánh Linh. Họ được thôi thúc không bởi sự sợ hãi, nhưng bởi tình yêu, vì “tình yêu là sự làm trọn luật pháp” (Ro 13:8-10).


- Phao-lô và Ba-na-ba thuật lại những việc hiện tại (Cong 15:12). Lời chứng của Phi-e-rơ đã tạo một tác động lớn trên hội chúng vì họ đã ngồi yên lặng sau khi ông chấm dứt. Khi ấy Phao-lô và Ba-na-ba đứng lên và cho cả nhóm biết những điều Đức Chúa Trời đã làm giữa vòng dân ngoại qua sự làm chứng của họ. Bác sĩ Lu-ca chỉ dành một câu tóm tắt cho sự tường thuật của họ, vì ông đã trình bày nó chi tiết trong Cong 13:1-14:28. Phao-lô và Ba-na-ba đã được Hội Thánh hết sức tôn trọng (Cong 15:25-26) và lời chứng của họ mang một trọng lượng lớn.


Sự nhấn mạnh của họ là về những phép lạ Đức Chúa Trời đã giúp họ thực hiện giữa vòng dân ngoại. Những phép lạ này là bằng chứng Đức Chúa Trời đang đồng công với họ (Mac 16:20 Cong 15:4) và họ là những sứ giả được chọn của Đức Chúa Trời (Ro 15:18-19 He 2:2-4). “Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho anh em và làm phép lạ giữa anh em vì anh em tuân giữ luật pháp, hay vì anh em tin điều mình đã nghe?” (Ga 3:5). Họ đã rao giảng ân điển, không phải luật pháp, và Đức Chúa Trời đã ban vinh dự cho sứ điệp này.


Nếu bạn nhìn lại sự ghi chép về hành trình truyền giáo thứ nhất (Cong 13:1-14:28), bạn sẽ thấy rằng sự nhấn mạnh là về điều Đức Chúa Trời đã làm để đáp ứng đức tin của con người. (Cong 13:8,12,39,41,48 Cong 14:1,22,23,27). Cũng hãy chú ý sự nhấn mạnh về ân điển (Cong 13:43 Cong 14:3,26). Đức Chúa Trời đã mở cho dân ngoại “cửa đức tin” không phải “cửa luật pháp”. Vì vấn đề đó mà Hội Thánh An-ti-ốt, Hội Thánh đã giao nhiệm vụ cho Phao-lô và Ba-na-ba, đã được thành lập bởi những con người “tin và trở lại cùng Chúa” (Cong 11:21) và đã kinh nghiệm ân điển Đức Chúa Trời (Cong 11:23). Họ đã được cứu cùng một cách tội nhân được cứu hôm nay, “nhờ ân điển, bởi đức tin” (Eph 2:8-9).


Cả Phi-e-rơ và Phao-lô đã nhận từ Đức Chúa Trời những khải tượng đặc biệt hướng dẫn họ đến với dân ngoại (Eph 10:1 Eph 22:21). Tuy nhiên, chính Phao-lô là người Đức Chúa Trời đã biệt riêng làm sứ đồ cho dân ngoại (Eph 3:1-12 Ro 11:13 Ga 2:6-10). Nếu tội nhân người ngoại phải vâng theo luật Môi-se để được cứu, vậy tại sao Đức Chúa Trời đã ban cho Phao-lô Phúc Âm của ân điển và sai ông đến với dân ngoại? Đức Chúa Trời lẽ ra có thể chỉ sai Phi-e-rơ!


Phi-e-rơ ôn lại những công việc của Đức Chúa Trời đối với dân ngoại trong quá khứ, còn Phao-lô và Ba-na-ba thuật lại công việc của Đức Chúa Trời giữa vòng dân ngoại đương thời đó. Gia-cơ là người nói cuối cùng và ông đã tập trung về tương lai.


- Gia-cơ liên hệ tất cả mọi điều với tương lai (Cong 15:13-18). Gia-cơ là anh em của Chúa Giê-xu (Ga 1:19 Mat 13:55) và là người viết thư tín Gia-cơ. Ông và các anh em của ông đã không phải là những người tin nơi Đấng Christ cho mãi đến sau sự phục sinh của Chúa (Gi 7:5 ICo 15:7 Cong 1:14). Gia-cơ đã có những khuynh hướng mạnh mẽ đối với luật pháp (có ít nhất 10 chi tiết đề cập đến luật pháp trong thư tín của ông), vì vậy ông đã được đa số chấp nhận vào nhóm luật pháp trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem.


Ý chính trong bài nói chuyện của Gia-cơ là sự đồng ý. Trước hết, ông bày tỏ sự đồng ý hoàn toàn của mình với Phi-e-rơ rằng Đức Chúa Trời đang cứu dân ngoại bởi ân điển. Điều này chắc đã làm những người theo Do Thái giáo giật mình khi Gia-cơ gọi những người ngoại được cứu này là “một dân cho danh Ngài” vì bao thế kỷ qua, dân Do Thái đã mang danh hiệu vinh dự ấy (Phu 7:6 Phu 14:2 Phu 28:10). Hôm nay, Đức Chúa Trời đang nhân từ kêu gọi một dân, Hội Thánh từ dân Do Thái và dân ngoại. Thật ra, từ Hy Lạp dành cho “Hội Thánh” (ekklesia) nghĩa là “một hội chúng được kêu gọi ra” (kaleo: gọi ek:ra). Nhưng nếu họ được kêu gọi, vậy sự cứu rỗi hoàn toàn là ân điển chớ không phải nhờ giữ luật pháp!


Những Giáo sư Do Thái đã không hiểu cách dân ngoại và dân Do Thái liên hệ nhau trong Hội Thánh ra sao, hoặc Hội Thánh khớp với lời hứa của Đức Chúa Trời thiết lập một vương quốc cho Y-sơ-ra-ên thế nào. Kinh Thánh Cựu Ước đã tuyên bố cả sự cứu rỗi dân ngoại (Es 2:2 Es 11:10) và sự thiết lập một vương quốc vinh hiển cho Y-sơ-ra-ên trong tương lai (Es 11:1-12:6 35:10 Es 60:22), nhưng không giải thích chúng liên hệ với nhau ra sao. Những người chủ luật trong Hội Thánh luôn nắm chặt lấy sự vinh hiển của Y-sơ-ra-ên trong tương lai với vinh hiển của Mê-si-a và luật pháp trong quá khứ. Dường như đối với họ thì sự chấp nhận người ngoại như “những người ngang hàng về thuộc linh” gây nguy hại cho tương lai của Y-sơ-ra-ên.


Chúng ta ngày nay có một hiểu biết sâu sắc hơn về chân lý này vì Phao-lô đã giải thích chân lý đó trong Eph 2:1-3:21 và Ro 9:1-11:36. Dân Do Thái và dân ngoại được cứu đều là những chi thể của cùng một thân và là “một trong Chúa Giê-xu” (Ga 3:28). Chân lý về Hội Thánh, thân thể Đấng Christ, là một “sự mầu nhiệm” (một bí mật thiêng liêng) đã bị giấu kín trong những thời đại quá khứ và đã được Thánh Linh bày tỏ cho Hội Thánh. “Chương trình mầu nhiệm” của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh không xoá bỏ “chương trình tiên tri” lớn của Ngài cho dân Y-sơ-ra-ên. Phao-lô cho biết rõ trong Ro 9:1-11:36 rằng có một tương lai cho Y-sơ-ra-ên và Đức Chúa Trời sẽ giữ “những lời hứa về vương quốc” của Ngài với dân Ngài.


Gia-cơ cũng nhận định rằng các tiên tri cũng đã đồng ý với kết luận này, và ông trích dẫn Am 9:11-12 để chứng minh luận điểm của mình. Hãy chú ý rằng ông đã không nhận định điều Phi-e-rơ, Phao-lô và Ba-na-ba đã nói là một ứng nghiệm của lời tiên tri này. Ông nói rằng điều A-mốt đã viết phù hợp với lời chứng của họ. Một sự đọc kỹ Am 9:8-15 bày tỏ rằng tiên tri này đang mô tả những sự kiện trong kỳ sau rốt, khi Đức Chúa Trời sẽ nhóm dân Y-sơ-ra-ên của Ngài về đất họ và chúc phước dồi dào cho họ. Nếu chúng ta “thuộc linh hoá” những lời hứa này, chúng ta cướp đi của chúng ý nghĩa đơn giản của chúng và lý lẽ của Gia-cơ vỡ vụn.


A-mốt cũng tiên tri rằng ngôi nhà đổ (“trại”) của Đa-vít sẽ được xây lên và Đức Chúa Trời sẽ làm trọn giao ước Ngài với Đa-vít rằng một vua sẽ ngự trên ngai (IISa 7:25-29). Dĩ nhiên, vị vua tương lai này sẽ là Chúa Giê-xu, con cháu Đa-vít (Lu 1:32 IISa 7:13,16 Es 9:6-7). Đấng sẽ trị vì Y-sơ-ra-ên suốt cả vương quốc.Thật ra, người Do Thái duy nhất còn sống ngày nay có thể chứng minh gia phả mình và bảo vệ vương quyền của mình, đó là Chúa Giê-xu.


Đức Chúa Trời đã bày tỏ những chân lý này từng bước một cho dân Ngài, nhưng kế hoạch của Ngài đã được định hình từ ban đầu. Thập tự giá hay Hội Thánh không phải là những suy nghĩ đến sau đối với Đức Chúa Trời (Cong 2:23 Cong 4:27-28 Eph 1:4). Những giáo sư Do Thái nghĩ rằng Y-sơ-ra-ên phải “dấy lên” trong vương quốc vinh hiển của họ trước khi dân ngoại có thể được cứu, nhưng Đức Chúa Trời đã bày tỏ rằng chính bởi sự “sa ngã” của Y-sơ-ra-ên mà dân ngoại sẽ thấy sự cứu rỗi (Ro 11:11-16). Vào thời gian hội nghị ở Giê-ru-sa-lem, nhà và ngôi Đa-vít đã sụp đổ, nhưng chúng sẽ được phục hồi một ngày nào đó và vương quốc được thiết lập.


3. Quyết định (Cong 15:19-35)

Các lãnh đạo và toàn Hội Thánh (Cong 15:22), được Thánh Linh hướng dẫn (Cong 15:28), đã thực hiện một quyết định gồm hai nội dung, một quyết định giáo lý về sự cứu rỗi, và một quyết định thực tiễn về cách sống đời sống Cơ-đốc.


Quyết định giáo lý chúng ta đã xem xét. Hội Thánh đã kết luận rằng dân Do Thái và dân ngoại đều là những tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời và chỉ có thể được cứu bởi đức tin trong Chúa Giê-xu. Có một nhu cầu, và chỉ có một Phúc Âm để đáp ứng nhu cầu đó (Ga 1:6-12). Đức Chúa Trời hôm nay chỉ có một chương trình: Ngài đang kêu gọi một dân cho danh Ngài. Y-sơ-ra-ên bị để qua một bên nhưng không bị bỏ (Ro 11:1) và khi chương trình của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh được hoàn tất, Ngài sẽ bắt đầu thực hiện những lời hứa về vương quốc Ngài đối với dân Do Thái.


Nhưng toàn bộ giáo lý phải dẫn đến bổn phận. Gia-cơ đã nhấn mạnh điều này trong thư tín của ông (Gia 2:14-16), và Phao-lô cũng làm vậy trong các bức thư của mình, chúng ta phải áp dụng nó cách cá nhân trong đời sống thường nhật. Những vấn đề Hội Thánh được giải quyết không phải bằng cách thông qua những giải pháp, nhưng bằng cách thực hành những sự soi sáng Đức Chúa Trời ban cho ta từ Lời Ngài.


Gia-cơ đã khuyên Hội Thánh viết thư cho các tín đồ người ngoại, và chia xẻ những quyết định của hội nghị. Bức thư này yêu cầu sự vâng phục đối với hai mệnh lệnh và một sự sẵn sàng đồng ý với hai sự nhượng bộ cá nhân. Hai mệnh lệnh đó là các tín đồ tránh sự sùng bái thần tượng và sự vô đạo đức, những tội lỗi đặc biệt đang lưu hành giữa vòng dân ngoại (ICo 8:1-10:33). Hai sự nhượng bộ là họ sẵn sàng kiêng ăn huyết và thịt của những thú vật đã chết ngạt. Hai mệnh lệnh không tạo ra bất cứ vấn đề đặc biệt nào, vì sự sùng bái thần tượng và sự vô đạo đức luôn sai trật trước mặt Đức Chúa Trời, đối với dân Do Thái và dân ngoại. Nhưng về hai sự nhượng bộ liên quan đến thức ăn thì sao?


Hãy nhớ rằng Hội Thánh đầu tiên đã nhiều lần ăn chung với nhau và thực hành lòng mến khách. Đa số các Hội Thánh đã nhóm trong những gia đình, và một số hội chúng tổ chức một “bữa ăn thân ái” kết hợp với Tiệc Thánh của Chúa (ICo 11:17-34). Bữa ăn ấy có thể không khác gì nhiều so với những bữa ăn tối của riêng chúng ta. Nếu các tín đồ người ngoại ăn thức ăn mà tín đồ Do Thái cho là “ô uế”, điều này sẽ gây sự chia rẽ trong Hội Thánh. Phao-lô đề cập vấn đề rõ ràng trong Ro 14:1-15:33


Việc cấm ăn huyết thật sự đã do Đức Chúa Trời ban ra trước thời luật pháp (Sa 9:4)và được Môi-se nhắc lại (Le 17:11-14 Phu 12:23). Nếu một thú vật bị giết ngạt, một chút máu sẽ đọng lại trong thân và khiến cho thịt không thích hợp cho người Do Thái ăn. Vì vậy, có lời khuyên chống lại sự bóp nghẹt. Thịt “thích hợp” là thịt từ những thú vật sạch bị giết cách thích hợp để huyết hoàn toàn được rút khỏi thân.


Thật đẹp để thấy rằng bức thư này bày tỏ sự đoàn kết thân ái của những người đã có lần tranh cãi với nhau và bảo vệ những quan điểm đối lập. Những người Do Thái theo luật pháp sẵn sàng từ bỏ sự khăng khăng cho rằng dân ngoại phải chịu cắt bì để được cứu, và dân ngoại sẵn sàng chấp nhận một sự thay đổi trong thói quen ăn uống của họ. Đó là một thoả hiệp thân ái không ảnh hưởng đến chân lý của Phúc Âm trong bất cứ phương diện nào. Như mọi người đã lập gia đình và cha mẹ đều biết rằng trong một gia đình có những lúc sự thoả hiệp là sai trật, nhưng có những lúc sự thoả hiệp là đúng đắn. Samuel Johnson khôn ngoan đã nói: “Cuộc sống không thể tồn tại trong xã hội nếu không có sự nhượng bộ lẫn nhau. Con người luôn cho mình đúng và cứ khăng khăng theo ý mình thì khó mà sống hạnh phúc được.


Quyết định này đã hoàn thành điều gì trên phương diện thực tiễn? Ít nhất là 3 điều.Thứ nhất, nó củng cố sự hiệp nhất của Hội Thánh và giữ Hội Thánh không bị tẻ tách thành hai nhóm cực đoan “luật pháp” và “ân điển”. Tổng thống Eisenhower đã gọi loại thoả hiệp đúng đắn là “toàn bộ bề mặt có thể sử dụng được. Những thái cực hữu hay tả, đều ở trong những chỗ bùn lầy nước đọng”. Một lần nữa, đây không phải là sự thoả hiệp về giáo lý vì điều đó luôn sai trật (Giu 1:3). Đúng hơn, đó là sự học hỏi cho và nhận theo cách hài hoà thực tiễn của cuộc sống để con người có thể sống và làm việc với nhau trong tình yêu thương và sự hoà thuận.


Thứ 2, quyết định này đã khiến Hội Thánh có thể trình bày một sự làm chứng hợp nhất cho người Do Thái hư mất (Cong 15:21). Đa phần, Hội Thánh vẫn gắn bó với nhà hội Do Thái, và có thể trong một số thành phố toàn bộ các hội chúng nhà hội đã tin Chúa Giê-xu Christ – người Do Thái, người mới theo đạo Do Thái, cùng những người dân ngoại “kính sợ Đức Chúa Trời”. Nếu các tín đồ người ngoại lạm dụng sự tự do của họ trong Đấng Christ và ăn huyết đọng lại, điều này sẽ làm xúc phạm những người Do Thái được cứu và những bằng hữu chưa được cứu của họ là những người họ đang tìm cách thu phục cho Đấng Christ. Đó đơn giản chỉ là vấn đề không làm chướng ngại vật gây vấp ngã cho người yếu đuối và kẻ hư mất (Ro 14:13-21).


Thứ 3, quyết định này đem đến phước hạnh khi bức thư được chia sẻ với các hội chúng người ngoại khác. Phao-lô và Ba-na-ba cùng với Giu-đe và Si-la đã đem tin tức tốt lành đến An-ti-ốt, và Hội Thánh đã vui mừng và được khích lệ bởi họ không phải mang ách nặng nề của luật pháp (Cong 15:30-31). Ở hành trình turyền giáo thứ hai, Phao-lô đã chia sẻ bức thư này với các Hội Thánh ông đã thành lập trong hành trình truyền giáo thứ nhất của mình. Kết quả là một sự củng cố đức tin của các Hội Thánh và một sự gia tăng số người trong Hội Thánh (Cong 16:5).


Chúng ta ngày nay có thể học khá nhiều từ từng trải khó khăn này của Hội Thánh đầu tiên. Trước hết, những vấn đề và những khác biệt là những cơ hội cho sự tăng trưởng cũng ngang bằng với những cám dỗ về sự bất đồng và chia rẽ. Các Hội Thánh cần đồng công với nhau và dành thời giờ lắng nghe, yêu thương và học biết. Biết bao sự tranh chiến và chia rẽ gây tổn thương lẽ ra có thể tránh được giá như một số dân sự Đức Chúa Trời dành cho Thánh Linh thời giờ để nói và hành động.


Đa số những sự chia rẽ đều do “các môn đệ” và “các lãnh đạo” gây ra. Một người lãnh đạo uy quyền được một số người đi theo, từ chối nhượng bộ cả vấn đề nhỏ nhặt nhất, và chẳng bao lâu có một sự rạn nứt. Đa số các vấn đề Hội Thánh phát sinh không bởi những khác biệt về giáo lý, nhưng bởi những quan điểm khác nhau về những vấn đề thực tiễn. Chúng ta sẽ sơn nhà bếp Hội Thánh màu gì? Chúng ta có thể thay đổi trật tự của lễ thờ phượng không? Tôi đã nghe về một Hội Thánh hầu như đã rạn nứt về việc chiếc đàn organ hoặc piano có nên để bên phải của toà giảng hay không!


Cơ Đốc nhân cần học nghệ thuật thoả hiệp thân ái. Họ cần có những ưu tiên để biết khi nào phải đấu tranh cho điều thật sự quan trọng trong Hội Thánh. Thật tội lỗi khi đi theo thuộc viên đầy ấn tượng nào đó của Hội Thánh là người đang đấu tranh để đạt được ý riêng của mình về vấn đề nhỏ nhặt không đáng tranh đấu. Mọi hội chúng cần có một lượng yêu thương cân đối được mô tả trong ICo 13:1-13 để ngăn ngừa sự chia rẽ và bất đồng.


Khi chúng ta giải quyết những khác biệt, chúng ta phải hỏi: “Những quyết định của chúng ta sẽ ảnh hưởng ra sao đến sự làm chứng hiệp nhất của Hội Thánh cho người hư mất?” Chúa Giê-xu đã cầu nguyện để những người thuộc về Ngài có thể được hiệp nhất để thế gian có thể tin Ngài (Gi 17:20-21). Hiệp nhất không phải là sự đồng dạng, vì sự hiệp nhất dựa trên tình yêu chớ không phải luật pháp. Có một nhu cầu to lớn trong Hội Thánh về tính đa dạng trong sự hiệp nhất (Eph 4:1-17), vì đó là cách duy nhất thân có thể trưởng thành và làm công việc của nó trong thế gian.


Đức Chúa Trời đã mở một cánh cửa dịp tiện kỳ diệu để chúng ta đem Phúc Âm về ân điển của Đức Chúa Trời đến cho một thế giới bị kết án. Nhưng có những thế lực trong Hội Thánh, ngay cả ngày nay, muốn đóng cánh cửa ấy. Có những con người đang rao giảng “Phúc Âm khác”, không phải là Phúc Âm của Chúa Giê-xu.


Hãy giúp giữ cánh cửa đó mở – và hãy đạt đến chừng mực bạn có thể! Hãy bạo dạn!



bottom of page