top of page

GIA-CƠ (2)

KINH THÁNH

TÂN-ƯỚC

THỂ LOẠI

Các Sách Thư Nói Chung



8. NGUỒN CỦA SỰ KHÔN NGOAN (Gia 3:13-18)


Sự...

...khôn ngoan là điều dân Do-thái rất cần. Họ ý thức rằng có tri thức vẫn chưa đủ, bạn cần phải có khôn ngoan để có thể sử dụng tri thức ấy một cách đúng đắn. Chúng ta đều biết con người vốn rất thông minh, thậm chí có người là thiên tài, thế nhưng dường như họ không thể thực hiện được những việc đơn giản nhất trong cuộc sống. Con người có thể vận hành những chiếc máy vi tính nhưng không thể điều khiển được đời sống bản thân mình! “Sự khôn ngoan là điều cần nhất, vậy khá cầu lấy sự khôn ngoan” (Ch 4:7).


Gia-cơ tiếp tục khuyên nhủ những tín-hữu muốn làm thầy dạy đạo trong Hội thánh (Gia 3:1). Đứng trước mọi người để dạy dỗ họ, thật chẳng đơn giản chút nào. Bạn phải biết mình sẽ nói gì. Đây là lúc cần có sự khôn ngoan. Tri thức giúp chúng ta phân tích mọi sự, nhưng sự khôn ngoan giúp chúng ta biết kết hợp mọi sự lại và liên hệ chân lý của Đức Chúa Trời vào đời sống hằng ngày. Chúng ta đều biết có những người giảng đạo và dạy kẻ khác nhiều điều tốt lành nhưng lại bỏ qua phần trọng tâm của sứ điệp Đức Chúa Trời và chẳng ứng dụng chân lý vào đời sống hằng ngày. Gia-cơ muốn đề cập đến “tri thức” không có sự khôn ngoan. Ông đang tương phản sự khôn ngoan thật với sự khôn ngoan giả ở 3 phương diện:


1. Tương phản trong nguồn gốc (Gia 3:15,17a)

Sự khôn ngoan thật bắt nguồn từ trên cao, nhưng sự khôn ngoan giả thuộc về đất. Nói cách khác, có một sự “khôn ngoan từ trên cao” đến bởi Đức Chúa Trời và có một “sự khôn ngoan do con người tạo ra” không từ Ngài mà đến. Điều gì không đến từ Đức Chúa Trời đều hư mất dù trong hiện tại nó dường như rất thành công.


Kinh thánh cũng ghi lại nhiều điển hình về sự khôn ngoan lọc lõi của con người.

-Việc xây tháp Ba-bên dường như là một công trình khôn ngoan nhưng đã kết thúc trong thất bại và bối rối (Sa 11:1-9).

-Việc Áp-ra-ham đến Ai-cập khi nạn đói xảy ra ở Ca-na-an dường như là hành động khôn ngoan nhưng kết quả đã chứng minh điều ngược lại (Sa 12:10-20).

-Vua Sau-lơ nghĩ rằng mặc áo giáp cho cậu bé Đa-vít để đối đầu với một Gô-li-át to lớn là thượng sách, nhưng Đức Chúa Trời có một chương trình hành động khác hẳn (ISa 17:38).

-Các môn-đệ Chúa cho rằng giải tán đám đông và để họ tự tìm lương thực là giải pháp khôn ngoan, nhưng Chúa Giê-xu Christ đã nuôi đoàn dân đông bằng vài cái bánh và vài con cá.

-Những người Rô-ma “đầy kinh nghiệm” trong Công 27:1-44 tưởng rằng quăng đồ đạc trong tàu xuống biển và thẳng đến thành Rô-ma là quyết định khôn ngoan, mặc cho Phao-lô khuyên giải. Cơn bão xảy đến đã chứng minh rằng sự khôn ngoan của Phao-lô quý báu hơn lời tham vấn của mấy kẻ “từng trải”. Họ hối tiếc đã không nghe lời khuyên của Phao-lô.


Nguồn sự khôn ngoan của con người từ đâu đến? “Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu, trái lại nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỷ” (Gia 3:15). Người tin Chúa phải đối diện 3 kẻ thù: thế gian, xác thịtma quỷ.


Cũng có một sự khôn ngoan gọi là “sự khôn ngoan của thế gian” (ICôr 1:20-21). Bạn đừng nhầm lẫn tri thức của thế gian với sự khôn ngoan của thế gian. Chắc hẳn thế gian có biết bao kiến thức đem đến lợi ích cho chúng ta, nhưng không nhiều sự khôn ngoan. Con người khám phám ra những bí ẩn của vũ trụ, nhưng chẳng thay đổi được vũ trụ. Đa số những điều con người khám phá hoặc sáng chế đều đi ngược lại ý muốn của con người. Hơn một thế kỷ trước, Henry David Thoreau báo động rằng “con người đã cải tiến những phương tiện cho những mục tiêu không thể cải thiện được”.


Khi đi xe lửa trong thành phố, tôi cứ nhớ đến một người ở Boston đã tiếp rước một học giả Trung quốc nổi tiếng. Ông ta đón người bạn phương Đông này tại sân ga và vội vã kéo ông ấy đến chỗ xe điện ngầm. Vừa chạy qua sân ga điện ngầm, ông ta vừa hổn hển nói với vị khách mời: “Nếu chúng ta chạy nhanh và bắt kịp chuyến xe lửa kế tiếp chúng ta sẽ tiết kiệm được 3 phút”. Nhà triết học điềm tĩnh hỏi: “Chúng ta sẽ làm được điều gì ý nghĩa trong 3 phút tiết kiệm được đó?”


Với sự khôn ngoan riêng của mình, thế gian không nhìn biết sự hiện hữu của Đức Chúa Trời và lại còn chối bỏ Phúc-Âm của Ngài. “Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại” (ICôr 1:18). Người nào ham mê sự khôn ngoan của thế gian, người ấy cần phải đọc hai đoạn đầu sách ICô-rinh-tô và hãy chú ý mức độ Phao-lô luận về sự khôn ngoan của loài người và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.

Đối với Đức Chúa Trời, sự khôn ngoan của loài người chỉ là sự rồ dại (ICôr 1:20). Nhưng con người cũng xem sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là sự rồ dại (ICôr 2:14). Sự khôn ngoan của con người xuất phát từ lý trí, nhưng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đến từ sự mạc khải. Sự khôn ngoan của con người sẽ bị hủy diệt nhưng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời còn lại đời đời (ICôr 1:19).


Thế gian chống nghịch với Đức Chúa Trời, nên đã huỷ hoại sự khôn ngoan của mình. Sự phát triển của tri thức con người càng cao, nan đề càng phát sinh “Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan, sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng” (Ch 9:10). “Chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời ở trước mặt chúng nó” (Rô 3:18).


Sự khôn ngoan giả hiệu này xuất phát từ “tánh xác thịt”. Ở ICôr 2:14; ICôr 14:44,46 từ “xác thịt” hoặc “huyết khí” được dịch từ chữ Hy-lạp là “psukikos” với nghĩa đối lập là “thiêng liêng / thuộc linh” Ở Cac 19:1-30 chữ này được dịch là “hành dâm” (c.2). Bản chất sa đoạ của con người luôn đối lập với bản tính mới từ Đức Chúa Trời. Sự khôn ngoan treo bản tính xác thịt hoàn toàn tách biệt với Thánh Linh Đức Chúa Trời.


Sự “khôn ngoan thuộc về đất” này cũng là “sự khôn ngoan thuộc về ma quỷ”. Ở Sa 3:1-24 Sa-tan thành công khi lừa dối được Ê-va và suốt Kinh Thánh cũng nói về sự khôn ngoan của ma quỷ đang hành động để nghịch lại sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Sa-tan thuyết phục Ê-va tin rằng bà sẽ trở nên giống Đức Chúa Trời.

Nó nói rằng trái cây giữa vườn sẽ khiến Ê-va khôn ngoan kể từ sự kiện ấy, con người vẫn tiếp tục tin lời giả dối của Sa-tan để được làm “kẻ khôn ngoan” (Rô 1:18-25). Sa-tan chính là con rắn xưa đầy xảo quyệt! Nó dùng sự khôn ngoan để khuấy động bạn nếu bạn không biết sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.


Đối lập với sự khôn ngoan thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỷ, Gia-cơ trình bày một sự khôn ngoan khác: đó là sự khôn ngoan “từ trên xuống” (Gia 3:17). “Mọi ân-điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống” (Gia 1:17).

Người tin Chúa trông đợi những nhu cầu của mình “từ nơi cao”, vì là “công dân trên trời” (Phi 3:20) và vì Cha người ấy là Đấng ở trên trời (Mat 6:9). Người ấy có của cải trên trời chớ chẳng ở dưới đất (Mat 6:19), được sinh từ trên cao khi tin nhận Chúa Giê-xu Christ (Gi 3:1-7). Quê hương của người tin Chúa ở trên trời (Gi 14:1-6) nên sự hy vọng của người ấy cũng ở trên trời. Người ấy đặt mọi tâm huyết vào những điều thuộc về trời chớ không thuộc về đất (Côl 3:1-4).


Sự khôn ngoan của Cơ-đốc nhân là gì? Phải chăng người ấy cậy nơi những triết lý của đời này? Không phải vậy! Trước hết, Chúa Giê-xu Christ là nguồn khôn ngoan của chúng ta (ICôr 1:24,30). “Trong Chúa Giê-xu Christ đã giấu kín mọi sự quý báu về khôn ngan thông sáng” (Côl 2:3). Bước đầu tiên để đến với sự khôn ngoan thật chỉ bằng cách tin nhận Chúa Giê-xu Christ làm Đấng Christ.


Lời Đức Chúa Trời cũng là sự khôn ngoan của chúng ta. “Này đây, ta đã dạy các ngươi những mệnh lệnh và luật lệ... Vậy các ngươi phải giữ làm theo các mệnh lệnh và luật lệ này, vì ấy là sự khôn ngoan và sự thông sáng của các ngươi trước mặt các dân tộc” (Phuc 4:5a,6a).

Kinh Thánh có thể khiến chúng ta “khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (IITim 3:15). Gia 1:5 cho biết chúng ta tìm được sự khôn ngoan qua lời cầu nguyện bằng đức tin. “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời”. Thánh Linh Đức Chúa Trời là “thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra” (Eph 1:17) nên Ngài sẽ dẫn chúng ta vào những nẻo khôn ngoan nhất khi chúng ta tin nơi Lời Ngài và dốc lòng cầu nguyện.


Nguồn cội của khôn ngoan thuộc linh thật là Đức Chúa Trời. Nếu bạn tìm sự khôn ngoan từ bất cứ nguồn nào khác, nghĩa là bạn đang tạo rắc rối cho bản thân. Chúng ta đâu cần phải có sự khôn ngoan giả tạo lọc lõi của đời này, vì nó chỉ phục vụ cho xác thịt và làm trọn công việc của ma quỉ. Bạn hãy nhận lấy sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời!


2. Đối kháng trong hoạt động (Gia 3:13-14,17)

Sự khôn ngoan từ trên cao (sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời) hành động khác với sự khôn ngoan “thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỷ”. Hai sự khôn ngoan khởi phát từ hai nguồn gốc khác nhau nên tất nhiên phải hành động theo những cách khác nhau.


Đâu là bằng chứng về sự khôn ngoan giả hiệu?


- Ghen tị (Gia 3:14). Từ này có nghĩa như “ham muốn ích kỷ”, có liên quan với câu đầu của đoạn 3 khi Gia-cơ khuyên các tín-hữu chớ tham muốn chức vụ thuộc linh. Sự khôn ngoan của thế gian sẽ lên tiếng rằng: “Hãy đề cao chính mình đi. Bạn cũng tài giỏi không kém những ứng viên khác, cũng có thể bạn còn xuất sắc hơn. Bánh xe nào rít lên tiếng kêu lớn nhất sẽ được bôi dầu mỡ!“ Thật đáng buồn khi giữa vòng con cái Đức Chúa Trời hôm nay vẫn có rất nhiều người tự đề cao cái tôi mình. Các sứ-đồ đầu tiên cũng từng tranh luận về việc ai là người lớn nhất trong Nước Trời.


Con người rất dễ tham gia vào những hoạt động vị kỷ dưới cái lốt của sự sốt sắng thuộc linh. Các người Pha-ri-si xưa kia cũng dựa vào những hoạt động trong giáo hội để đề cao danh vọng của cái tôi (Mat 6:1-18). Chúng ta phải sốt sắng về những công việc của Chúa và cũng phải xác định động cơ của những việc mình làm.

Sự khôn ngoan của thế gian luôn tôn cao con người và cướp mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Ở thư tín ICôr 1:17-31 Phao-lô luận về sự khôn ngoan của thế gian với sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và giải thích lý do Đức Chúa Trời hành động theo cách riêng của Ngài, “để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời” (c.29). Ông kết thúc đoạn này bằng lời khuyên: “Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa” (c.31).


Sự sốt sắng của chúng ta đối với Chúa là sự sốt sắng thuộc linh hay xác thịt? Chúng ta có vui mừng khi những anh em khác được đầy ơn hay thầm ghen tị và chỉ trích họ? Chúng ta cảm thấy nặng lòng khi những anh em khác gặp thất bại hay vui mừng trước hoàn cảnh của họ? Khi sự khôn ngoan của thế gian “đặt chân” vào Hội thánh, sẽ xảy ra tình trạng nghiêm trọng về sự đề cao bản thân và tìm kiếm danh vọng. Hãy coi chừng!


- Tranh cạnh (Gia 3:14).

Từ này có nghĩa là tinh thần đảng phái. Nó được người Hy-lạp dùng để mô tả một chính trị gia đi vận động bỏ phiếu. Sự khôn ngoan của thế gian cất tiếng nói: “Hãy tranh thủ mọi sự ủng hộ nếu có thể! Hãy hỏi những người trong nhà thờ xem họ thuận hay nghịch với bạn!” Dĩ nhiên, tinh thần tự mưu cầu bản thân này chỉ sinh ra những tranh cạnh và chia rẽ trong Hội thánh Chúa “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi 2:3).


- Khoe mình (Gia 3:14).

Lòng kiêu ngạo luôn thích khoe mình và không có điều gì kiêu ngạo hơn sự khôn ngoan của con người. Có một cách chia sẻ những ơn phước từ Đức Chúa Trời để quy vinh hiển cho Ngài, nhưng cũng có một “chiêu bài” nhằm đề cao con người. Đáng tiếc rằng chúng ta vẫn thấy giữa vòng con cái Chúa có những nhóm người tâng bốc lẫn nhau.

Trong thư tín IICôr 10:1-18 khi Phao-lô buộc phải khoe mình về chức vụ ông vẫn thận trọng quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời. ”Thật chúng tôi không dám bằng vai hoặc sánh mình với những người kia, là kẻ hay tự phô mình. Nhưng lấy mình đo mình, lấy mình so sánh với mình, thì họ tỏ ra ít trí khôn” (IICôr 10:12).


Khi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời hành động, tinh thần khiêm nhường và đầu phục được thể hiện, bạn mong Đức Chúa Trời được sáng danh trên hết mọi sự. Bạn sẽ chẳng muốn so mình với tín-đồ nào khác, vì bạn chỉ chăm xem Đấng Christ và so bản thân với Đấng Christ. Chúng ta vẫn phải đi con đường dài ở phía trước!


- Lừa dối (Gia 3:14)

“Chớ nói dối nghịch cùng chân lý”. Hậu quả của sự nói dối thật dễ hiểu. Trước tiên, ham muốn ích kỷ dẫn đến tinh thần cạnh tranh và kình địch. Để “đắc cử”, người ta phải khoe khoang về mình, và sự khoe khoang luôn kèm theo những lời giả nguỵ! Đời sống của một người được biết không phải qua những thông báo cho báo chí, nhưng chỉ có Chúa mới biết rõ tấm lòng người ấy.

“Vậy, chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến, chính Chúa sẽ tỏ ra những sự giấu trong nơi tối ra nơi sáng, và bày ra những sự toan định trong lòng người, bấy giờ, ai nấy sẽ bởi Đức Chúa Trời mà lãnh sự khen ngợi mình đáng lãnh” (ICôr 4:5).


Thật vui mừng biết bao khi chúng ta nhìn xem những chứng cớ về sự khôn ngoan thuộc linh thật.


- Nhu mì (Gia 3:13).

Nhu mì không phải là yếu đuối, đó là sức mạnh được kiểm soát. Người nhu mì không khẳng định mình cách vị kỷ. Từ Hy-lạp được dùng để nói về một con ngựa được thuần hóa để có thể kiểm soát cả sức mạnh của nó. Người nhu mì chỉ tìm kiếm sự vinh hiển của Đức Chúa Trờikhông tìm kiếm tiếng khen của con người. Nhu mì là một trái của Thánh Linh (Ga 5:22), và con người không thể tạo ra nó. Có một sự khiêm nhường giả tạo mà một số người lầm lẫn là sự nhu mì, nhưng đó chỉ là giả mạo.

Câu “khôn ngoan nhu mì” là một câu lý thú. Nhu mì là sử dụng quyền lực cách đúng đắn còn khôn ngoan là sử dụng tri thức cách đúng đắn, chúng đi chung với nhau. Người khôn ngoan thật là người bày tỏ mình là con Đức Chúa Trời trong cuộc sống hằng ngày. Thái độ và hành động đi với nhau.


- Thanh sạch (Ga 3:17).

“Trước hết là thanh sạch...” cho thấy tầm quan trọng của sự nên thánh. Đức Chúa Trời vốn là Đấng thánh khiết nên sự khôn ngoan từ trên xuống cũng thanh sạch. Ý nghĩa của “thanh sạch” được hiểu như “tinh sạch, không bị ô uế”. Gia-cơ nhắc lại điều này ở Gia 4:8 “hãy làm sạch lòng đi” (hãy làm cho anh em được thanh sạch).

Sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời sẽ dẫn đến một đời sống thánh khiết, còn sự khôn ngoan của loài người đem đến tội lỗi. Sự thánh khiết thuộc linh dẫn đến mối tương giao tinh sạch với Chúa (IICôr 11:3), còn sự yêu mến thế gian biến con người thành kẻ tà dâm thuộc linh (Gia 4:4).


- Hòa thuận (Gia 3:17).

Sự khôn ngoan của loài người đem đến sự ghen ghét, tranh cạnh và chiến đấu (Gia 4:1-2). Nhưng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đem đến sự hòa thuận yên ổn. Đó là sự hòa thuận dựa trên nền tảng của sự thánh khiết, không phải sự thỏa hiệp. Đức Chúa Trời không bao giờ tạo ra “sự hòa thuận qua thương lượng”. Sự hòa thuận trong Hội thánh không quan trọng hơn sự tinh sạch trong Hội thánh. Nếu Hội thánh tinh sạch, dâng mình cho Đức Chúa Trời, vậy sẽ có sự hòa thuận.

“Công bình sẽ sinh ra bình an, trái của sự công bình ấy là yên lặng và an ổn mãi mãi” (Es 32:17). Hội thánh sẽ chẳng bao giờ có sự bình an nếu che đậy tội lỗi dưới “lớp thảm dầy” và vờ như không có sự hiện diện của tội lỗi. Sự khôn ngoan của loài người cất tiếng nói: “Hãy che đậy tội lỗi đi! Hãy giữ tất cả lại!” Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời sẽ nói: “Hãy xưng nhận tội lỗi thì sự bình an của ta sẽ hoà hiệp mọi sự lại!”


- Dịu dàng (Gia 3:17).

Mathew Arnold thích gọi điều này là “sự hợp lý ngọt ngào”. Nó mang ý nghĩa của sự tiết chế không thỏa hiệp, sự dịu dàng không yếu đuối. Con người dịu dàng không cố ý tạo sự tranh chấp, nhưng cũng không bao giờ thỏa hiệp chân lý để giữ được hòa thuận. Carl Sandburg mô tả Abraham Lincold như một người “nhung thép”. Đó là một sự diễn tả hay về sự dịu dàng.


- Nhã nhặn (Gia 3:17).

Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời giúp Cơ-đốc nhân vui vẻ đầu phục, dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh sống và làm việc. Sự khôn ngoan của thế gian khiến con người cứng lòng và ương bướng. Người sống tiết độ biết lắng nghe mọi khía cạnh của một vấn đề, nhưng không thỏa hiệp niềm tin của mình.

Người ấy không đồng tình, nhưng không tỏ ra cau có khó chịu. Đó là con người “mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia 1:19).

Nhiều người lầm tưởng rằng sự ương bướng là một sự tin quyết và họ phải được đi theo cách riêng của mình. Khi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời hành động, Cơ-đốc nhân sẽ lắng nghe, suy nghĩ, cầu nguyện và làm theo những điều Đức Chúa Trời bày tỏ. Từ này có thể có một nghĩa khác là “chìu theo sự thuyết phục”.


- Thương xót (Gia 3:17) .

Được “đầy dẫy” một điều gì đó nghĩa là “được điều khiển bởi...” Người sống trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời sẽ được điều khiển bởi sự thương xót. “Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót” (Lu 6:36).

Đức Chúa Trời đã dùng ân-điển Ngài để ban cho chúng ta những điều chúng ta không xứng đáng nhận lãnh và Ngài cũng dùng sự thương xót để cất khỏi chúng ta những điều chúng ta đáng phải nhận lãnh.

Câu chuyện Chúa kể về người Sa-ma-ri nhân lành là một minh họa cho ý nghĩa của lòng thương xót (Lu 10:25-37). Đối với người Sa-ma-ri, chăm sóc cho một người Do-thái xa lạ là hành động của lòng thương xót. Anh ta chẳng được lợi lộc gì qua hành động cứu giúp đó, nhưng sẽ được ơn phước qua hành động làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Người bị nạn cũng không thể “trả công” cho anh ta. Đó chính là lòng thương xót.


- Bông trái lành (Gia 3:17).

Người trung tín là người sẽ sống kết quả. Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời không làm cho đời sống trở nên “rỗng tuếch” nhưng ngược lại đời sống đạt đến mức “phong phú”. Thánh Linh sẽ tạo ra bông trái cho vinh hiển Đức Chúa Trời (Gi 15:1-16).

Thầy dạy luật trong Lu 10:25-37 muốn bàn luận về vấn đề yêu người lân cận, nhưng lại không muốn làm một người lân cận giúp đỡ kẻ khác. Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời sẽ hành động, biến đổi đời sống và tạo ra những việc lành cho vinh hiển của Đức Chúa Trời.


- Không có sự hai lòng và giả hình (Gia 3:17).

“Không có sự hai lòng” mang ý nghĩa về tính dứt khoát, đối lập với sự do dự, nghi ngờ (Gia 1:6). Khi dựa vào sự khôn ngoan của thế gian, bạn bị sức ép từ nhiều phía, để đổi lòng hoặc đi theo một quan điểm khác. Nếu có sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, bạn chẳng phải nghi ngờ hay do dự, bạn có thể dứt khoát mà chẳng nao núng. Sự khôn ngoan từ trên sẽ ban xuống sức mạnh cho bạn.


Theo tiếng Hy-lạp, chữ “giả hình” trong Kinh Thánh Tân-ước có nghĩa là “kẻ mang mặt nạ, người đóng kịch” Khi sự khôn ngoan của thế gian hành động, hẳn phải có sự giả dối và nguỵ tạo. Khi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời hành động, sự chân tình cởi mở được bày tỏ trong tinh thần “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Eph 4:15).

Ở đâu bạn chứng kiến những con cái Đức Chúa Trời cư xử giả dối thiếu chân thật, bạn có thể chắc rằng việc làm của họ đang bị điều khiển bởi sự khôn ngoan của đời này. Những “đòn phép” trong giáo hội là điều kinh tởm và gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời. Đức tin thực hữu sẽ không có những mưu mô toan tính!


Có một sự khác biệt rõ rệt giữa hành động của sự khôn ngoan thuộc về Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan thuộc về thế gian. Những người lãnh đạo hoặc hầu việc trong Hội thánh sẽ được gây dựng nhiều nếu tự đánh giá đời sống và chức vụ mình trong ánh sáng của những điều Gia-cơ đã viết ra.

Hội thánh không thể áp dụng những phương cách của thế tục để đạt đến thành công. Đường lối và tư tưởng của Đức Chúa Trời vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta! “Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời” (ICôr 2:12).


3. Đối kháng trong kết quả (Gia 3:16,18)

Nguồn gốc quyết định kết quả. Sự khôn ngoan của thế gian tạo ra những hệ quả thế gian, sự khôn ngoan thuộc linh đưa đến những hệ quả thuộc linh.


- Sự khôn ngoan của thế gian tạo rạ: “lộn lạo” (Gia 3:16). Ghen tương, tranh cạnh, nói dối cùng những việc làm ác. Dường như Đức Chúa Trời không hành động giữa hội chúng này. Trong đoạn 4, Gia-cơ sẽ đề cập đến “những điều chiến đấu tranh cạnh” giữa vòng các tín-hữu này. Suy nghĩ lầm lạc sẽ tạo ra lối sống lầm lạc. Thế gian rơi vào mớ bòng bong rối rắm cũng chỉ vì đã từ chối sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.


“Lộn lạo” có nghĩa là “mất trật tự, không ổn định”, có liên hệ với từ “bất định” ở Gia 1:8 và “không ai trị phục được” ở Gia 3:8 Đọc IICôr 12:20 bạn sẽ thấy tình trạng của Hội thánh được mô tả là “hỗn loạn”. Chúa Giê-xu Christ dùng từ “loạn lạc” ở Lu 21:9 khi phán về những biến động trên thế giới trong kỳ sau rốt.


Ghen tương, tranh cạnh, ham mê ăn uống.... những điều này dự phần trong sự “lộn lạo”. Tháp Ba-bên là một minh họa về tình trạng này (Sa 11:1-32 Theo quan điểm của con người. Tháp Ba-bên là một công trình khôn ngoan nhưng đối với Đức Chúa Trời thì đây là dự án đầy dại dột và tội lỗi. Kết quả chỉ là “sự lộn lạo”. Ngày nay, người vẫn còn dùng từ “ba-bên” để chỉ về sự lộn xộn.


“Sự lộn lạo” tạo sân khấu “mọi thứ ác” (Gia 3:16). Điều ác ở đây nghĩa là “những điều vô giá trị, không đem lại ích lợi”, nhắc ta nhớ đến “gỗ, cỏ khô, rơm rạ” được đề cập ở ICôr 3:12.

Thi hành chức vụ bằng sự khôn ngoan của thế gian thoạt trông có vẻ thành công tuyệt vời, nhưng vào kỹ xét đoán nó sẽ bị lửa huỷ hoại.“Chớ xét đoán sớm quá” (ICôr 4:5). Hội thánh ở Si-miệc-nơ nghĩ mình nghèo nàn nhưng được Chúa xem là “giàu có”. Còn Hội thánh giàu có tại Lao-đi-xê bị định là “nghèo ngặt” (Kh 2:9 Kh 3:14-22).


Điều ý nghĩa nhất chúng ta có thể làm cho Hội thánh mình là đánh giá chức vụ mình qua lời Đức Chúa Trời chớ không bởi sự khôn ngoan của thế gian. Những cuộc đấu đá giữa vòng anh em Cơ-đốc, những chia rẽ trong Hội thánh, không có sự thánh sạch, không có sự hoà thuận, cho thấy đây là tình trạng “lộn lạo”. Có lẽ đây chính là hệ quả do thiếu sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời.


- Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời sinh ra ơn phước (Gia 3:18). Gia-cơ sử dụng lại từ “bông trái”. Những hệ quả do con người gieo ra và những bông trái được Đức Chúa Trời ban xuống khác nhau “một trời một vực”. Bông trái là kết quả của sự sống và trong chính bông trái ấy cũng chứa trong nó những hạt giống để sản sinh nhiêu quả khác. Người ta thường gieo “hạt giống”, nhưng ở đây “quả” lại được gieo. Khi chúng ta san sẻ bông trái của Đức Chúa Trời cho người khác, họ được gây dựng và thoả lòng, để rồi cũng sinh bông trái.


Đời sống Cơ-đốc nhân là một đời sống luôn gieo và gặt. Mỗi đời sống con người cũng là đời sống của việc gieo gặt. Vì vậy, chúng ta sẽ gặt lấy những gì mình đã gieo. Cơ-đốc nhân nào sống trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời sẽ gieo ra sự công bình chớ không phải tội lỗi, hòa bình chớ không phải chiến tranh. Đời sống chúng ta có thể khiến Đức Chúa Trời đem đến sự công bình và hoà thuận cho cuộc đời của những người khác.


Thực trạng của chúng ta là những điều chúng ta đang sống. Điều chúng ta đang sống là điều chúng ta đang gieo ra. Điều chúng ta gieo ra sẽ quyết định cho những gì chúng ta gặt. Nếu sống trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là chúng ta đang gieo ra sự công bình và hoà bình, vậy sẽ gặt được ơn phước của Đức Chúa Trời.Nếu sống bằng sự khôn ngoan của thế gian, vậy chúng ta đã gieo ra tội lỗi và sự tranh chiến để gặt lấy “sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác”.


Thật tai hại nếu bạn làm “kẻ gây rối” trong gia đình Đức Chúa Trời. Một trong những tội lỗi Đức Chúa Trời gớm ghét là tội “gieo sự tranh cạnh trong vòng anh em” (Ch 6:16-19). Lót sống bằng sự khôn ngoan của thế gian nên đã đem sự bất hòa vào trại Áp-ra-ham. Áp-ra-ham sống theo sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời nên ông luôn đem đến sự hòa bình. Sự lựa chọn của Lót dẫn đến những việc làm dại dột, nên những gì thuộc về ông đều bị huỷ hoại bởi lửa của Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Quyết định của Áp-ra-ham trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đem lại phước hạnh cho gia đình ông và cho cả thế giới (Sa 13:1-18).


“Người nào tìm được sự khôn ngoan và được sự thông sáng, có phước thay!” (Ch 3:13).



 


9. LÀM THẾ NÀO CHẤM DỨT CHIẾN TRANH (Gia 4:1-12)


Bạn có bao giờ nghe nói đến “chiến tranh Whiskens” hay “chiến tranh Oaken Bucket?”.Còn “chiến tranh Jenkin’s Ear” thì thế nào? Đây là những cuộc chiến thật sự giữa các dân tộc, và bạn có thể đọc thấy trong hầu hết các sách lịch sử.


Chiến tranh là một sự kiện của cuộc sống.

Dù đã có những hiệp ước hòa bình được ký kết, các tổ chức hòa bình được lập ra, mối đe dọa của những trái bom nguyên tử. Không chỉ có những chiến sự xảy ra trên thế giới giữa các quốc gia, mà cũng có những “cuộc chiến” xảy ra trong đời sống hằng ngày ở mọi góc độ – thậm chí là “những cuộc chiến về gas” giữa những người điều hành trạm xăng!


Trong đoạn này, Gia-cơ trình bày về sự tranh chiến. Đây là chủ đề rất ý nghĩa. Ông luận giải rằng có 3 cuộc chiến đang diễn ra ở thế gian, đồng thời nêu lên phương cách chấm dứt những chiến sự này.


1. Tranh chiến lẫn nhau (Gia 4:1,11-12)

“Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến?”. Giữa những Cơ-đốc nhân! “Kìa anh em ăn ở hòa thuận nhau, thật tốt đẹp thay! ” (Thi 133:1). Anh em trong Chúa dĩ nhiên phải sống với nhau trong tình thân ái và hòa khí, nhưng đa số các Cơ-đốc nhân đã không làm được như vậy.

Lót là người gây ra cuộc tranh cãi với chú mình là Áp-ra-ham (Sa 13:1-28). Áp-sa-lôm khiêu chiến với cha là Đa-vít (IISa 13:1-18:33). Các môn-đệ Chúa cũng gây buồn lòng cho Ngài khi tranh luận ai là người lớn nhất trong Nước Trời (Lu 9:46-48).


Nếu xem lại tình trạng một số Hội thánh ban đầu, bạn sẽ thấy họ có những mối bất hòa nhau. Các tín-hữu Hội thánh Cô-rinh-tô cạnh tranh nhau trong những buổi nhóm, thậm chí còn kiện cáo nhau trước tòa (ICôr 6:1-8; ICôr 14:23-40).

Các tín-hữu Ga-la-ti thì “cắn nuốt” lẫn nhau (Ga 5:15). Phao-lô đã từng khuyên tín hữu Ê-phê-sô gây dựng nhau trong sự hiệp một thuộc linh (Eph 4:1-16). Ngay cả Hội thánh mà Phao-lô yêu mến tại thành Phi-líp cũng gặp những nan đề: hai phụ nữ không hiệp một ý với nhau (Phi 4:13).


Gia-cơ đã đề cập nhiều mối bất hòa khác giữa vòng các tín-hữu:


- Tranh chiến về giai cấp (Gia 2:1-9).

Đây chính là cuộc chiến dai dẳng giữa người giàu với kẻ nghèo. Người giàu được đon đả tiếp rước, người nghèo bị hất hủi coi thường. Người giàu được tôn trọng, người nghèo bị bạc đãi. Thật đáng tiếc khi họ làm đảo lộn mọi giá trị: phục vụ người giàu có nhưng lạnh nhạt, thậm chí xua đuổi kẻ nghèo khó. Nếu tình thân hữu trong một Hội thánh chỉ dựa vào những điều thuộc về bề ngoài như vật chất, địa vị xã hội, vậy Hội thánh đó đã hành động ngược lại với ý muốn Đức Chúa Trời.


- Tranh chiến về việc làm (Gia 5:1-6).

Chính những người giàu có dùng quyền hạn mình để ức hiếp người nghèo khó. Người làm thuê không được trả lương hoặc nhận được đồng lương không xứng đáng với sức lao động. Ngay hôm nay dù đã có luật về lao động, nhưng vẫn còn nhiều người không tìm được việc làm phù hợp, hoặc bị trả lương rẻ mạt so với số lượng công việc.


- Tranh cạnh trong Hội thánh (Gia 1:19-20; Gia 3:13-18).

Các tín-hữu được Gia-cơ gởi thư đến ở trong tình trạng tranh cạnh nhau về chức vụ hầu việc Chúa, nhiều người muốn làm thầy hoặc hướng dẫn kẻ khác. Học lời Chúa nhưng không mở mang trí tuệ mà kết quả chỉ là tranh cạnh, gây gỗ. Mỗi người cứ cho rằng ý tưởng và đường lối mình đúng đắn nhất. Sự tham muốn vị kỷ đã bao trùm buổi nhóm của họ, chớ chẳng có bóng dáng của sự đầu phục thuộc linh.


- Tranh cạnh giữa cá nhân với nhau (Gia 4:11-12).

Các tín hữu nói hành và xét đoán lẫn nhau. Ở đây chúng ta lại thấy tình trạng sử dụng “cái lưỡi” không đúng cách! Cơ-đốc nhân phải “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Eph 4:15) nhưng họ lại nói hành nhau trong tinh thần ganh đua chỉ trích. Nếu trong anh em chúng ta có ai lỗi lầm, chúng ta nên bao dung bằng sự yêu thương, không nên nhắc lại (IPhi 4:8). Nếu người đó phạm tội chúng ta cần gặp người ấy riêng tư và thuyết phục người ấy sửa đổi (Mat 18:15-19; Ga 6:1-2).


Phao-lô không có ý cấm chúng ta dùng suy xét và nhận thức đúng đắn để đánh giá con người, Cơ-đốc nhân cần phải có “sự thông biết và sự suy hiểu” (Phi 1:9-10), nhưng đừng hành động theo kiểu “xét đoán” và chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền xét đoán.

Trước hết, ta cần xét lại đời sống mình, rồi cố gắng giúp đỡ người khác (Mat 7:1-5).

Chúng ta không bao giờ biết hết sự thật qua một hoàn cảnh nào đó và cũng không thể hiểu rõ những động cơ thôi thúc trong lòng người. Nói xấu và xét đoán anh em mình khi chỉ dựa vào một phần chứng cớ hoặc có thể do những động cơ xấu là đồng nghĩa với việc xúc phạm người ấy và phạm tội cùng Đức Chúa Trời.

Chúng ta không phải là những quan án.

Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng xét đoán con người. Ngài là Đấng nhịn nhục và cảm thông. Sự xét đoán của Ngài rất công bình và thánh khiết. Chúng ta hãy dành phần xét đoán cho Ngài.


Đáng tiếc rằng các tín hữu trong Hội thánh này tranh cạnh lẫn nhau, người lãnh đạo này nghịch với người lãnh đạo khác, Hội thánh này nghịch với Hội thánh khác, nhóm này tranh chiến với nhóm kia... Người thế gian mục kích những “ẩu đả” này sẽ nói: “Xem kìa, họ thù ghét nhau, lạ chưa!” Đó là lý do khiến Chúa Giê-xu Christ cầu nguyện “để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến” (Gi 17:21)


Thế nhưng, tại sao chúng ta lại tranh chiến lẫn nhau? Chúng ta vốn thuộc một gia đình cùng tin nhận một Đấng Christ, được cùng một Đức Thánh Linh ngự trị trong lòng – vậy mà chúng ta lại “đối chọi” nhau. Vì sao? Để giải đáp nguyên nhân, Gia-cơ luận giải cuộc chiến thứ hai cũng đang diễn ra:


2. Tranh chiến với chính mình (Gia 4:1-3)

“Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình sao?” (Gia 4:1). Sự tranh chiến trong lòng người là nguyên nhân khởi phát những tranh cạnh trong Hội thánh! “Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng chân lý... Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác” (Gia 3:14,16).


Bản chất của tội lỗi chính là lòng vị kỷ.

-Ê-va bất tuân Đức Chúa Trời vì muốn ăn trái cây trong vườn để trở nên khôn ngoan bằng Đức Chúa Trời.

-Áp-ra-ham nói dối về vợ mình vì lòng ích kỷ muốn bảo toàn mạng sống (Sa 12:10-20).

-A-can gây nên sự chiến bại cho dân Y-sơ-ra-ên vì tham lam muốn giữ những vật đáng diệt ở thành Giê-ri-cô (Gios 7:1-26)

“Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy” (Es 53:6a).


Chúng ta thường rơi vào tình trạng tranh cãi nhau về niềm tin ở dưới sự trá hình ‘thuộc linh”. Chúng ta giống như Mi-ri-am và A-rôn phàn nàn Môi-se về vợ người, nhưng thật ra có ý ghen tị với quyền hạn của Môi-se (Dan 12:1-16). Chúng ta cũng bắt chước Gia-cơ và Giăng xin được ngồi “bên hữu”, “bên tả” Chúa trong Nước Trời, nhưng thật sự muốn được người ta tôn trọng mình (Mac 10:35-45). Hai điển hình trên là kết quả của lòng ham muốn vị kỷ gây sự chia rẽ và sa ngã trong vòng con cái Đức Chúa Trời. Tội lỗi của Mi-ri-am đã chặn đứng bước tiến của dân Y-sơ-ra-ên trọn một tuần lễ!


Lòng ham muốn vị kỷ là điều tai hại.

Nó dẫn đến những hành động sai lầm (“Anh em giết người và ghen ghét, ... anh em có sự tranh cạnh và chiến đấu” Gia 4:2), thậm chí là lời cầu nguyện không phải lẽ (“Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình” – Gia 4:3).

Khi cầu nguyện trái lẽ, đời sống chúng ta cũng lầm lạc. Có người nói rằng: mục đích của sự cầu nguyện không phải để ý muốn con người được thực hiện trên trời, nhưng để ý muốn Đức Chúa Trời được làm trọn dưới đất.


“Ngươi chớ tham...” là điều răn sau cùng trong 10 điều răn của Đức Chúa Trời nhưng nếu vi phạm điều răn ấy, bạn có khả năng phạm 9 điều răn còn lại! Sự tham lam khiến con người sát nhân, nói dối, bất hiếu với cha mẹ, tà dâm, và không chóng thì chầy sẽ vi phạm cả luật pháp trọn lành của Đức Chúa Trời. Cách sống vị kỷ và sự cầu nguyện vì tư lợi luôn dẫn đến sự tranh cạnh. Nếu có sự tranh cạnh bên trong, tất yếu sẽ khởi phát sự tranh cạnh ở bên ngoài.


Người tranh chiến với bản thân do những ham muốn vị kỷ thường là người sống bất hạnh! Họ chẳng bao giờ sống một cách vui mừng. Thay vì tạ ơn Chúa về những ơn phước đã nhận được, họ lại than vãn về những điều đó. Họ không thể hòa hợp với người khác vì luôn đố kỵ về những điều người khác đón nhận và hành động. Họ cứ tìm kiếm “điều kỳ diệu” để thay đổi đời sống mình, nhưng nan đề chính đang tồn tại ở trong con người họ!


Đôi lúc, chúng ta dùng sự cầu nguyện như một chiếc áo khoác che đậy những ham muốn thật của mình. Một trong những cái cớ Cơ-đốc nhân thường đưa ra viện dẫn là “nhưng tôi đã cầu nguyện về điều đó rồi”. Thay vì tìm biết ý muốn Đức Chúa Trời, chúng ta lại cho Ngài biết những gì Ngài phải làm!

Chúng ta giận dữ khi Ngài không “làm theo” ước muốn của chúng ta. Cơn giận này chiếm ngự trong lòng và bộc phát ra ngoài khiến chúng ta cũng “nổi cáu” với con cái Đức Chúa Trời.Những chia rẽ trong Hội thánh đều do các tín-đồ gây ra khi họ muốn trút cơn “bất mãn” với Đức Chúa Trời xuống những con cái Ngài. Nan đề của Hội thánh hoặc gia đình sẽ được giải toả nếu con cái Chúa xét lại lòng mình để có thể nhìn thấy những trận chiến đang “hoành hành” trong đó.


Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta là một thể hiệp nhất: tư duy, cảm xúc và ý chí luôn hành động với nhau. Gia-cơ nêu nguyên nhân chúng ta tranh chiến với người khác và bản thân mình thông qua cuộc chiến thứ 3.


3. Tranh chiến với Đức Chúa Trời (Gia 4:4-10)

Nguyên nhân xâu xa của mọi tranh chiến bên ngoài lẫn bên trong là do sự chống nghịch với Đức Chúa Trời. Từ buổi đầu sáng thế giữa Đức Chúa Trời và con người có sự hòa thuận, nhưng khi tội lỗi đã vào thế gian, sự xung đột khởi phát. Tội lỗi là việc làm trái luật pháp (IGi 3:4). Việc làm trái luật pháp đồng nghĩa với sự chống nghịch lại Đức Chúa Trời.


Cơ-đốc nhân tranh chiến với Đức Chúa Trời ra sao? Đó là khi người ấy làm bạn với kẻ thù Đức Chúa Trời. Gia-cơ kể lên 3 kẻ thù chúng ta không nên kết thân nếu muốn hòa thuận với Đức Chúa Trời.


- Thế gian (Gia 4:4).

Khi dùng từ “thế gian”, dĩ nhiên Gia-cơ muốn nói đến cộng đồng không có Đức Chúa Trời. Mọi điều thuộc về cộng đồng này đều nghịch lại với Đấng Christ và Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham là bạn Đức Chúa Trời (Gia 2:23). Lót làm bạn với thế gian. Lót phải chịu hậu quả của một cuộc chiến và Áp-ra-ham phải giải cứu Lót (Sa 14:1-24).


Như đã nêu lên ở chương 4 của bài học này, Cơ-đốc nhân liên hệ với thế gian cách từ từ. Trước tiên, người đó “làm bạn với thế gian” (Sa 4:4). Kết quả là bị ố bẩn bởi thế gian đến nỗi vô số lãnh vực của đời sống chúng ta, được sự chấp nhận của thế gian (IGi 2:15-17). Làm bạn với thế gian sẽ dẫn đến tình trạng yêu mến thế gian và dễ dàng “rập khuôn” theo nó (Rô 12:2). Hậu quả đáng buồn sẽ xảy đến khi Cơ-đốc nhân cũng bị đoán xét “với thế gian” (ICôr 11:32) và linh hồn được cứu “dường như qua lửa” (ICôr 3:11-15).


Làm bạn với thế gian bị xem như đã phạm tội tà dâm. Cơ-đốc nhân là người được “gả” cho Đấng Christ (thuộc về Đấng Christ). (Rô 7:11) nên phải “chung thuỷ” với Ngài. Tín-hữu Do-thái khi đọc thư tín này đều hiểu hình ảnh về sự “tà dâm” thuộc linh, bởi các tiên tri thời Cựu-ước cũng từng sử dụng từ này khi họ khiển trách tội lỗi dân sự (Gie 3:1-5; Exe 23:1-49; Os 1:1-2:23). Khi chiều theo tội lỗi của các dân ngoại và thờ phương thần tượng của họ, dân Giu-đa đã phạm tội “ngoại tình” (tà dâm) nghịch với Đức Chúa Trời mình.


Thế gian vốn nghịch với Đức Chúa Trời nên ai muốn làm bạn với thế gian thì không thể làm bạn với Đức Chúa Trời được. Người ấy cũng không thể làm bạn với Chúa nếu cứ sống cho xác thịt mình, vì đây là kẻ thù thứ hai Gia-cơ đề cập đến.


- Xác thịt (Gia 4:1,5).

Xác thịt là bản chất cũ chúng ta thừa hưởng từ A-đam, có khả năng phạm tội. “Xác thịt” ở đây không phải là thân thể bằng xương thịt. Thân thể không có tội lỗi gì, vì nó mang tính trung lập. Thánh Linh Chúa có thể dùng thân thể chúng ta để làm sáng danh Đức Chúa Trời, hoặc “xác thịt” sẽ lợi dụng thân thể để phạm tội. Khi tội nhân đầu phục Đấng Christ người ấy tiếp nhận một bản chất mới nhưng bản chất cũ không mất đi, cũng không thể giả tạo. Chính vì vậy bên trong chúng ta có cuộc chiến.

“Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm” (Ga 5:17). Đây là điều Gia-cơ mô tả rằng “tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình” (Ga 4:1)


Sống cho “xác thịt” đồng nghĩa với việc làm buồn lòng Thánh linh Đức Chúa Trời, Đấng sống trong chúng ta. “Hay là anh em tưởng Kinh Thánh nói vô ích sao? Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời khiến ở trong lòng chúng ta, ham mến chúng ta đến nỗi ghen tương” (Gia 4:5).

Thế gian là kẻ thù của Đức Chúa Trời, nên xác thịt cũng là kẻ thù của Đức Thánh Linh Ngài. Chồng hoặc vợ nào cũng đều có sự ghen tương với kẻ khác vì lòng yêu thương và thánh sạch của mình. Thật vậy, Đức Thánh Linh luôn bảo vệ cho mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời bằng “sự ghen tương”, nên sẽ rất “đau khổ” nếu chúng ta phạm tội nghịch với tình yêu của Đức Chúa Trời.


Sống cho bản chất cũ là đang tuyên chiến với Đức Chúa Trời! “Vì sự chăm về xác thịt nghịch với Đức Chúa Trời, bởi nó không phục dưới luật pháp Đức Chúa Trời, lại cũng không thể phục được” (Rô 8:7). Nếu chúng ta dùng lý trí để chiều theo xác thịt chúng ta sẽ đánh mất phước hạnh của mối tương giao với Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham có một tâm trí thuộc linh nên bước đi cùng Đức Chúa Trời và hưởng sự bình an. Lót có một tâm trí xác thịt nên bất tuân Đức Chúa Trời và gánh chịu hậu quả của cuộc chiến. “Chăm về xác thịt sinh ra sự chết, còn chăm về Thánh Linh sinh ra sự sống và bình an” (Rô 8:6).


- Ma quỷ (Gia 4:6-7).

Thế gian nghịch với Đức Chúa Trời, xác thịt tranh chiến với Đức Thánh Linh và ma quỷ chống lại Con Đức Chúa Trời. Kiêu ngạo là một trọng tội của Sa-tan cũng là một loại “vũ khí” nó sử dụng trong trận chiến đối địch với Đấng Christ và các môn-đệ Ngài.

Đức Chúa Trời muốn chúng ta khiêm nhường, nhưng Sa-tan lại xui chúng ta kiêu ngạo.

Sa-tan dụ Ê-va rằng “ngươi sẽ như Đức Chúa Trời” và bà đã tin nó. Người mới tin Chúa không nên được đề cử vào những vị trí lãnh đạo thuộc linh, “e người tự kiêu mà sa vào án phạt của ma quỷ” (ITi 3:6).


Đức Chúa Trời muốn chúng ta cậy nơi ân điển Ngài (“Ngài còn ban ơn lớn hơn nữa”), nhưng Sa-tan muốn chúng ta cậy chính mình. Sa-tan là “đạo diễn” của mọi hoạt động thuộc linh cậy nơi sức riêng. Nó thích thú khi thổi phồng “cái tôi” và cám dỗ người tin Chúa cậy nơi sức riêng mình. Dù đã được Chúa cho biết trước về mưu mô của Sa-tan, Phi-e-rơ vẫn rơi vào cái bẫy của nó khi ông rút gươm khỏi vỏ hòng “làm theo ý muốn Đức Chúa Trời” bằng cách riêng! Ông đã làm cho mọi sự trở nên rối tung!


Một trong những nan đề tồn đọng trong Hội thánh chúng ta hôm nay đó là có quá nhiều “người nổi tiếng” nhưng vẫn thiếu tôi tớ hầu việc Chúa. Người hầu việc được đề cao quá đáng đến nỗi chẳng còn chỗ nào cho sự vinh danh của Đức Chúa Trời! Con người không có gì đáng để kiêu ngạo. Trong chúng ta chẳng có điều lành nào (Rô 7:18) nhưng khi chúng ta tin nhận Chúa, Ngài để mọi điều lành trong chúng ta và khiến chúng ta trở nên con cái Ngài (IITim 1:6,14).


Tóm lại, có 3 kẻ thù nguy hiểm muốn chúng ta đi ngược lại ý muốn Đức Chúa Trời, đó là thế gian, xác thịtma quỷ. Những kẻ thù này từng “tung hoành” trong đời sống tội lỗi khi xưa của chúng ta (Eph 2:1-3). Mặc dù Đấng Christ đã giải thoát chúng ta khỏi tay những kẻ thù ấy, nhưng chúng vẫn đang tấn công chúng ta. Làm sao chúng ta có thể thắng được chúng? Làm sao chúng ta có thể làm bạn với Đức Chúa Trời và nghịch với thế gian, xác thịt cùng ma quỷ? Gia-cơ đưa ra 3 lời khuyên chúng ta cần làm theo nếu muốn có sự “hòa bình” chớ không phải tranh chiến.


- Hãy phục Đức Chúa Trời (Gia 4:7).

Từ “phục” là thuật ngữ dùng trong quân đội với ý nghĩa “bước vào đúng hàng ngũ của bạn” Khi một binh sĩ hành động như một tướng chỉ huy, thì sẽ có tình trạng “lộn lạo”! Sự tuân thủ vô điều kiện là đường lối duy nhất để đạt đến chiến thắng. Nếu có điều gì trong đời sống ngăn trở hành động của Đức Chúa Trời, vậy sẽ luôn xảy ra những tranh chiến. Đó là lý do những Cơ-đốc nhân không dấn thân không thể sống với chính mình và với người khác!


Ở Eph 4:27 Phao-lô khuyên chúng ta “đừng cho ma quỷ nhân dịp”. Sa-tan cần có một chỗ đứng trong đời sống chúng ta lúc nó tìm cách chống lại Đức Chúa Trời, và lắm lúc chúng ta đã “dành chỗ” cho nó. Để chống lại ma quỷ, chúng ta hãy đầu phục Đức Chúa Trời.


Đa-vít sau khi phạm tội tà dâm với Bạt-sê-ba, ông giết chồng nàng và giấu giếm tội lỗi gần một năm. Giữa Đức Chúa Trời và Đa-vít đã có một cuộc tranh chiến. Đọc Thi 32:1-11 và Thi 51:1-19 bạn sẽ biết cái giá Đa-vít phải trả khi chống nghịch cùng Đức Chúa Trời.

Cuối cùng, ông đầu phục Đức Chúa Trời và kinh nghiệm được sự bình an vui mừng từ nơi Ngài (cũng được bày tỏ qua Thi 32 và 51). Sự đầu phục là hành động của ý chí, điều này nói lên rằng “Không phải ý Con nhưng nguyện ý Chúa được nên”.


- Hãy đến gần Đức Chúa Trời (Thi 4:8).

Làm sao chúng ta đến gần Ngài được? Chúng ta đến gần Ngài bằng cách xưng nhận tội lỗi mình và cầu xin Ngài tha tội. “Hỡi kẻ có tội hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi”. Tiếng Hy-lạp của từ “làm sạch” có nghĩa như “làm cho trinh bạch” có liên quan đến ý niệm về sự tà dâm thuộc linh ở c.4.


Tiến sĩ A. W. Tozer có một bài viết thật sâu sắc đề tựa “sống gần giống hình. Càng đến gần Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ càng giống Ngài hơn Đức Chúa Trời nhân từ đã đến gần chúng ta khi chúng ta đối diện với tội lỗi trong đời sống đã làm chúng ta xa cách Ngài. Ngài không muốn chúng ta bị phân tâm khi bước đi với Ngài.

Ngài phải làm chủ hoàn toàn đời sống chúng ta. Cơ-đốc nhân nào có hai lòng sẽ chẳng bao giờ đến gần với Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy Áp-ra-ham “đến gần” Đức Chúa Trời và thưa chuyện với Ngài về Sô-đôm (Sa 18:23) còn Lót hướng lòng về Sô-đôm để rồi đánh mất phước hạnh từ Đức Chúa Trời.


- Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa (Gia 4:9-10).

Con người có thể ra vẻ đầu phục bên ngoài nhưng trong thâm tâm không có sự hạ mình. Đức Chúa Trời ghét tội kiêu ngạo (Ch 6:16-17) nên Ngài sẽ sửa phạt, uốn nắn Cơ-đốc nhân kiêu ngạo cho đến khi người ấy chịu hạ mình xuống. Chúng ta có khuynh hướng xử lý tội lỗi quá nhẹ tay, thậm chí còn có thái độ bỡn cợt nghiêm trọng, nên sự hạ mình thật phải được thể hiện bằng cách đối diện với tội lỗi và sự bất tuân của mình. “Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu” (Thi 51:17).


Đôi lúc tôi nghe có người cầu nguyện “Lạy Chúa, xin hãy làm cho con khiêm nhường!” Tốt hơn là chúng ta nên tự hạ mình trước mặt Chúa, xưng ra tội lỗi mình và sửa đổi. “Này là kẻ mà ta đoái đến: tức là kẻ nghèo khó, có lòng ăn năn đau đớn, nghe lời nói ta mà run” (Es 66:2). “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương và cứu kẻ nào có tâm hồn thống hối” (Thi 34:18).


Nếu chúng ta làm theo 3 lời khuyên trên, thì Đức Chúa Trời sẽ đến gần chúng ta, tha thứ và làm sạch lòng chúng ta để những tranh chiến sẽ được kết thúc! Chúng ta sẽ không còn tranh chiến với Đức Chúa Trời, cũng không tranh chiến với bản thân mình. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ không tranh chiến với người khác. “Công bình sẽ sinh ra bình an, trái của sự công bình sẽ là yên lặng và an ổn mãi mãi” (Es 32:17).


Hãy đặt quyền cai trị đời sống bạn trên vai Chúa và tôn Ngài làm Chúa của sự bình an (Es 9:6).



 


10. ĐẶT KẾ HOẠCH TRƯỚC (Gia 4:13-17)


Gia-cơ mở đầu chương 4 khi luận về sự tranh chiến với Đức Chúa Trời và kết thúc khi nói đến ý muốn Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, hai chủ đề này có liên quan với nhau: khi người tin Chúa không sống theo ý muốn Ngài, người ấy trở nên một kẻ gây rối chớ không phải sứ giả hòa bình.


Lót dời đến Sô-đôm nên gây phiền toái cho gia đình mình. Đa-vít phạm tội tà dâm nên gây họa cho gia đình và quốc gia ông. Giô-na bất tuân Đức Chúa Trời, làm cho hàng hoá của các thủy thủ người ngoại phải bị chôn vùi dưới dòng nước xoáy. Ở mỗi trường hợp đều thể hiện một thái độ sai lầm đi ngược lại ý muốn Đức Chúa Trời.


Điều mà Đức Chúa Trời đặt ra kế hoạch cho mỗi đời sống chúng ta, đó là một chân lý hiển hiện, Ngài là Chúa của sự khôn ngoan nên Ngài biết rõ điều gì phải xảy đến hoặc khi nào phải xảy ra. Và vì Ngài là Chúa của tình yêu nên Ngài luôn mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con cái Ngài. Nhiều Cơ-đốc nhân nhìn xem ý muốn Đức Chúa Trời như “liều thuốc đắng” mình phải nuốt trôi, chớ không xem đó như một bằng chứng vui mừng về tình yêu của Ngài.


Trong một buổi nhóm thanh thiếu niên tại Hội thánh, có một thiếu niên lúng túng cho tôi biết: “Em muốn dâng đời sống mình cho Chúa, nhưng em sợ...” Tôi hỏi: “Em sợ cái gì?” Em nói: “Em sợ Đức Chúa Trời sẽ bảo em làm một việc ‘nguy hiểm’!” Tôi đáp: “Đời sống đầy hiểm họa không nằm trong ý muốn Đức Chúa Trời, nhưng ngược lại, nơi an toàn nhất giữa thế gian chính là nơi Chúa muốn đặt em ở đó!”


Vài năm trước, tôi trải qua thời kỳ khó khăn trong chức vụ, không biết ý muốn Đức Chúa Trời dành cho đời sống tôi là gì. Tôi có dịp đọc Thi-thiên, cầu xin Chúa an ủi khích lệ tôi và Ngài trả lời tôi qua Thi 33:11 “Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời, ý tưởng của lòng Ngài còn đời này sang đời kia”. Tôi tự nhủ: “Ý muốn Đức Chúa Trời xuất phát từ lòng Ngài. Ý muốn của Ngài là sự bày tỏ của tình yêu Ngài.” Vâng, mình không phải sợ gì cả! Đó là bước ngoặt trong đời tôi khi khám phá phước hạnh trong tình yêu Đức Chúa Trời dành cho mình và sống theo ý muốn Ngài.


Qua phân đoạn này, Gia-cơ trình bày 3 thái độ của con người đối với ý muốn Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên có một trong 3 thái độ ấy là thái độ đúng đắn mà mỗi Cơ-đốc nhân cần phát huy.


1. Không quan tâm ý muốn Đức Chúa Trời (Gia 4:13-14,16)

Có lẽ Gia-cơ muốn nói đến những thương buôn giàu có trong Hội thánh. Họ bàn bạc việc buôn bán và khoe khoang về kế hoạch mình. Không có chứng cớ nào tỏ ra họ muốn tìm biết ý Chúa hoặc cầu nguyện cho những quyết định của mình. Họ đánh giá thành công trong cuộc đời chỉ qua thời gian cùng những kế hoạch họ đặt ra.


Tuy vậy, Gia-cơ đưa ra 4 lý lẽ cho thấy sự dại dột của họ khi họ không chịu tìm biết Chúa:


- Tính phức tạp của đời người (Gia 4:13).

Bạn hãy nghĩ đến mọi điều liên quan đến đời sống con người: hôm nay, ngày mai, mua-bán, được-mất, đi đây đi đó... Cuộc đời con người gắn liền con người với nơi chốn, những hoạt động cùng những mục tiêu, những năm tháng của thời gian. Mỗi chúng ta phải đối diện với những quyết định quan trọng hết ngày này sang ngày nọ!


Nếu không có ý muốn Đức Chúa Trời dự phần, đời người thật là một bí ẩn! Khi bạn nhận biết Chúa Giê-xu Christ là Đấng Christ của mình, tìm kiếm ý muốn Ngài, thì đời sống bạn mới có ý nghĩa. Ngay cả thế giới quanh bạn cũng mang một ý nghĩa mới. Đời sống bạn thể hiện một sự đơn giản và hiệp nhất khiến bạn luôn tự tin và tỉnh táo. Bạn chẳng còn sống trong thế giới “đầy bí ẩn và đe dọa” nữa. Bạn có thể cất tiếng ca ngợi “Đây là thế giới của Cha tôi!”


- Tính phù du của đời người (Gia 4:14a).

Câu Kinh Thánh này tương tự với Ch 27:1 “Chớ khoe khoang về ngày mai, vì con chẳng biết ngày mai sẽ sanh ra điều gì”. Những thương buôn này đã hoạch định mục tiêu hoạt động buôn bán cho cả năm mà không hề biết trước những việc xảy ra chỉ trong một ngày! Bạn xem, họ tự tin biết bao: “Chúng tôi sẽ đi. Chúng tôi sẽ ở một năm.Chúng tôi sẽ mua và bán và có lợi nhuận”.


Thái độ của họ khiến chúng ta nhớ đến vị phú nông trong ẩn dụ của Chúa Giê-xu Christ ở Lu 12:16-21 Ông ta trúng một vụ mùa bội thu và vì các vựa lúa quá nhỏ nên ông quyết định cho xây những kho chứa lớn hơn để thâu trữ cho tương lai. Ông nói với linh hồn mình rằng: “Linh hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm, thôi hãy nghỉ ăn uống và vui vẻ“ (c.19). Đức Chúa Trời phản ứng ra sao trước sự kiêu ngạo này? Ngài phán: “Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại” (c.20). Không phải đời người bí ẩn đối với Đức Chúa Trời, nhưng bí ẩn đối với chúng ta vì chúng ta không biết điều gì xảy đến trong tương lai. Chỉ khi chúng ta sống theo ý muốn Đức Chúa Trời chúng ta mới vững tin ở tương lai, biết rằng Ngài luôn dẫn dắt ta.


- Đời người ngắn ngủi (Gia 4:14b).

Đây là một trong những chủ đề được đề cập nhiều chỗ trong Kinh Thánh. Đối với chúng ta, đời người dường như rất dài vì chúng ta “đo” cuộc đời bằng năm tháng, nhưng nếu so với sự vĩnh cửu, đời người khác nào như “hơi nước”. Gia-cơ mượn hình ảnh này từ sách Gióp, là sách đề cập nhiều về sự ngắn ngủi của đời người.

“Các ngày tôi qua mau hơn thoi dệt cửi” (Giop 7:6).

“Mây tan ra và mất thể nào, kẻ xuống âm phủ không hề trở lên cũng thể ấy” (Giop 7:9).

“Các ngày của tôi mau hơn kẻ trộm” Giop 9:25).

“Nó xớt qua mau như thuyền nan, như chim ưng xông vào mồi” (Giop 9:26).

“Loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày, bị đầy dẫy sự khốn khổ. Người sinh ra như cỏ hoa, rồi bị phát, người chạy qua như bóng, không ở lâu dài” (Giop 14:1-2).


Chúng ta thường đếm những năm trên đất của mình qua mỗi dịp sinh nhật, nhưng Đức Chúa Trời bảo chúng ta phải đếm “các ngày” của mình (Thi 90:12). Tóm lại, chúng ta đang sống từng ngày từng giờ và những ngày này sẽ vùn vụt lướt qua.


Vì cuộc đời quá ngắn ngủi nên chúng ta không thể chỉ sử dụng cuộc sống mà thôi nhưng chắc chắn chúng ta cũng không muốn lãnh phí cuộc đời. Chúng ta phải đầu tư cuộc đời vào những điều thuộc về sự vĩnh cửu.


Đức Chúa Trời đã bày tỏ ý muốn Ngài qua lời Ngài là Kinh Thánh, nhưng rất nhiều người không quan tâm gì đến Kinh Thánh. Qua Kinh Thánh, Đức Chúa Trời ban những lời giáo huấn, các nguyên tắc, những lời hứa để dẫn dắt chúng ta trong từng lĩnh vực của đời sống. Hiểu biết và vâng theo lời Đức Chúa Trời là “thượng sách” bảo đảm một đời sống thành công (Gios 1:8; Thi 1:3).


- Con người bất toàn (Gia 4:16).

“Kìa anh em lấy những lời kiêu ngạo mà khoe mình! Phàm khoe khoang như vậy là xấu”. Tính khoe khoang chỉ là cách để con người che đậy sự bất toàn của mình. Ông Thomas à Kempis nói rằng “Mưu sự tại nhân nhưng thành sự tại Thiên”. Sa-lô-môn từ trước đã nói như vậy: “Người ta bỏ thăm trong vạt áo nhưng sự quyết định do nơi Đức Giê-hô-va mà đến” (Ch 16:33).

Con người không có khả năng định đoạt những biến cố trong tương lai. Con người không đủ khôn ngoan để lường trước tương lai, cũng không đủ sức điều khiển tương lai. Vì phạm tội khoe khoang, con người đã tự xem mình ngang hàng với Đức Chúa Trời.


Thật dại dột cho những ai không quan tâm đến ý muốn Đức Chúa Trời. Họ như người vượt qua khu rừng tối tăm mà không có bản đồ chỉ đường, hoặc vượt qua đại dương bão tố mà không có la bàn định hướng. Khi chúng tôi tham quan hang động Mamut ở Kentucky, tôi ngạc nhiên thấy một mê cung những đường hầm tối đen vì đèn tắt. Chúng tôi đến chỗ gọi là “Pulpit Rock”, người hướng dẫn khuyên chúng tôi: “Quý vị hãy đi sát bên người hướng dẫn.” Thật là lời khuyên đúng đắn!


2. Không làm theo ý muốn Đức Chúa Trời (Gia 4:17)

Đây là những người biết ý muốn Đức Chúa Trời nhưng không chịu vâng theo. Thái độ này còn kiêu ngạo hơn thái độ ban đầu, vì con người nói với Đức Chúa Trời: “Con biết Ngài muốn con làm gì, nhưng con không thích làm vậy. Về điều này, con biết rõ hơn Ngài!” “Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình” (IIPhi 2:21).


Tại sao con người biết ý muốn Đức Chúa Trời nhưng lại cố tình không làm theo? Theo tôi, lý do là: lòng kiêu ngạo. Con người muốn khoe mình là kẻ làm chủ vận mệnh và điều khiển được linh hồn! Con người đã thực hiện được nhiều kỳ công nên cho rằng mình có thể làm được bất cứ điều gì.


Lý do thứ hai xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của con người về bản chất của ý muốn Đức Chúa Trời. Con người hành động như thể ý muốn Đức Chúa Trời là điều mình có thể tiếp nhận hoặc khước từ. Thật ra, ý muốn Đức Chúa Trời không phải là một sự lựa chọn, nhưng là một nhiệm vụ.

Chúng ta không thể “tiếp nhận hoặc bỏ qua” theo ý mình. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa còn chúng ta là vật thọ tạo của Ngài, nên chúng ta phải vâng lời Ngài. Vì Ngài là Đấng Christ còn chúng ta là con cái và tôi tớ Ngài nên chúng ta phải vâng lời Ngài. Xử sự ý muốn Đức Chúa Trời một cách thiếu nghiêm túc là đồng nghĩa với việc “rước” sự đoán phạt của Đức Chúa Trời vào đời sống chúng ta.


Nhiều người lầm tưởng ý muốn Đức Chúa Trời là con đường dẫn đến những đau khổ, nhưng thực tế ngược lại! Chính sự bất tuân ý muốn Đức Chúa Trời mới dẫn đến những đau khổ, bất hạnh. Kinh Thánh và từng trải của con người minh chứng cho chân lý này. Dù có Cơ-đốc nhân nào bất tuân ý Chúa mà dường như vẫn không gặp rắc rối gì trong đời sống, nhưng người ấy sẽ nói gì khi đối diện với Chúa? “Đầy tớ này đã biết ý chủ mình, mà không sửa soạn sẵn và không theo ý ấy, thì sẽ bị đòn nhiều. Nhưng đầy tớ không biết ý chủ, mà làm việc đáng phạt, thì bị đòn ít” (Lu 12:47-48).


Điều gì sẽ xảy ra cho những Cơ-đốc nhân cố tình làm trái ý muốn Đức Chúa Trời dù đã biết rõ? Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương sẽ quở phạt họ cho đến khi họ chịu đầu phục (Hêb 12:5-11). Nếu người nào tin nhận Chúa mà không bị quở phạt, chứng tỏ người ấy chưa bao giờ được tái sinh. Đó chỉ là kẻ giả hình.

Sự quở phạt của Đức Chúa Trời là bằng chứng của tình yêu Ngài, chớ không phải sự ghét bỏ. Như người cha trên đất đánh phạt con cái mình để chúng hiếu kính và vâng lời, thì Cha chúng ta trên trời cũng quở phạt con cái Ngài. Dù sự sửa phạt khiến con người khó lòng tiếp nhận, nhưng đó là chân lý khích lệ người tin Chúa nhận biết địa vị làm con cái của Cha trên trời.


Bất tuân ý muốn Chúa là nguy cơ đánh mất phần thưởng trên trời. Ở ICôr 9:24-27 Phao-lô ví sánh Cơ-đốc nhân như vận động viên chạy thi trong trường đua. Để xứng đáng đón nhận mão triều thiên người ấy phải tuân theo mọi luật lệ của cuộc thi. Nếu ứng viên nào bị phát hiện đã phạm luật thi, người ấy sẽ bị đánh rớt và chuốc sự xấu hổ. Từ “bị bỏ” ở ICôr 9:27 không đề cập đến việc đánh mất sự cứu rỗi, nhưng chỉ về việc đánh mất phần thưởng.


Bất tuân ý muốn Đức Chúa Trời dường như là điều chẳng mấy nghiêm trọng đối với con người hôm nay, nhưng nó sẽ nghiêm trọng khi Chúa tái lâm và xét đoán mọi việc chúng ta làm (Côl 3:22-25).


3. Vâng theo ý Chúa (Gia 4:15)

“Ví bằng Chúa muốn...” không phải chỉ là lời nói trên môi miệng Cơ-đốc nhân nhưng là thái độ thường trực trong lòng người ấy. Chúa Giê-xu Christ phán “Đồ ăn của Ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai Ta đến, và làm trọn công việc Ngài” (Gi 4:34). Trong các thư tín, Phao-lô thường nhắc đến ý muốn Đức Chúa Trời khi ông cho bạn hữu biết những dự tính của mình (Rô 1:10; Rô 15:32; ICôr 4:19; ICôr 16:7). Phao-lô không xem ý muốn Đức Chúa Trời là xiềng xích trói buộc ông, ngược lại đó là chìa khoá mở mọi cánh cửa để ông được tự do.


Mọi vật trong cõi vũ trụ đều hoạt động theo những luật tự nhiên. Nếu chúng ta tuân theo những luật ấy, vũ trụ này sẽ đồng công với chúng ta. Ngược lại, nếu đi ngược lại với các luật tự nhiên ấy, chúng ta sẽ bị vũ trụ gây thiệt hại cho mình.

Ví dụ, có những luật nhất định nào đó điều khiển chuyến bay. Kỹ sư chế tạo dựa vào các luật này để thiết kế và tạo ra máy bay.

Phi công cũng tuân theo những luật ấy để điều khiển chiếc máy bay. Họ đều vui mừng khi thấy một “cổ máy” to lớn hoạt động một cách hoàn thiện. Nhưng nếu họ không tuân theo những luật cơ bản chi phối quá trình bày, sẽ dẫn đến tai nạn rơi máy bay, gây tổn thất về sinh mạng và tài sản con người.


Ý muốn Đức Chúa Trời đối với đời sống chúng ta có thể được so với những luật Ngài tạo nên trong vũ trụ. Tuy nhiên, những luật tự nhiên có tính phổ biến, nhưng ý muốn Ngài hoạch định cho đời sống chúng ta chỉ đặc biệt dành cho chúng ta mà thôi, không có hai đời sống nào được hoạch định theo cùng một “mẫu” cả!


Chắc hẳn, có những điều Cơ-đốc nhân phải trung thành vâng theo. Đó là ý muốn Đức Chúa Trời mà chúng ta phải dâng mình cho Ngài (IICôr 8:5). Đức Chúa Trời muốn chúng ta lánh xa sự ô uế của thế gian (ITês 4:3). Mọi Cơ-đốc nhân phải vui mừng, cầu nguyện không thôi và tạ ơn Chúa (ITês 5:16-18).

Mọi điều răn trong Kinh Thánh dành cho những người tin Chúa là những điều nằm trong ý muốn Đức Chúa Trời nên chúng ta phải vâng theo. Nhưng Ngài không kêu gọi mỗi chúng ta làm cùng một công việc hay đảm nhận cùng một chức vụ. Ý muốn Đức Chúa Trời đã được “tính toán riêng” cho mỗi chúng ta!


Chúng ta cần có thái độ đúng đắn đối với ý muốn Đức Chúa Trời. Nhiều người cho rằng ý muốn Đức Chúa Trời như một cổ máy lạnh lẽo, vô tình. Đức Chúa Trời khởi động chiếc máy ấy nhưng để nó hoạt động nhịp nhàng còn tuỳ thuộc vào chúng ta. Nếu chúng ta bất tuân Đức Chúa Trời ở hình thức nào, chiếc máy ấy sẽ từ từ ngưng hoạt động, và phần còn lại trong cuộc đời chúng ta sẽ nằm ngoài ý muốn Đức Chúa Trời!


Ý muốn Đức Chúa Trời không như một cỗ máy lạnh lẽo vô tình. Bạn đừng xem ý muốn Ngài một cách máy móc như vậy, giống như lấy ra một thứ nước uống từ một cái máy tự động phục vụ! Ý muốn Đức Chúa Trời là một mối liên hệ sống động giữa Đức Chúa Trời và người tin nhận Ngài. Mối liên hệ này không bị phá vỡ dù khi Cơ-đốc nhân bất tuân Ngài, vì Cha trên trời vẫn luôn quan tâm con cái Ngài, thậm chí Ngài phải sửa phạt và uốn nắn con cái mình.


Không nhìn ý muốn Đức Chúa Trời như một cổ máy lạnh lẽo vô tình, mà tôi thích xem đó là một thực thể ấm áp, sống động và tăng trưởng. Nếu thân thể gặp “trục trặc”chỗ nào tôi không chết: những bộ phận khác trong thân sẽ cân bằng và làm giảm nhẹ sự thiệt hại của bộ phận ấy cho đến khi nó hoạt động tốt trở lại. Cũng có cơn đau, cũng có sự bệnh hoạn nhưng không nhất thiết là có sự chết.


Khi bạn và tôi làm sai ý muốn Đức Chúa Trời, đây chưa phải là kết thúc của mọi sự. Chắc hẳn, chúng ta phải chịu khổ Nhưng nếu Đức Chúa Trời không thể điều khiển được chúng ta, Ngài sẽ dùng quyền hạn cao nhất để đối xử với chúng ta. Ngay khi thân thể đã cân bằng phần trục trặc, Đức Chúa Trời điều chỉnh mọi sự để đem chúng ta vào ý muốn Ngài. Bạn sẽ thấy vấn đề này được minh họa rõ nét qua đời sống Áp-ra-ham và Giô-na.


Mối liên hệ của người tin Chúa với ý muốn Đức Chúa Trời là một từng trải có tính tăng trưởng. Trước hết, chúng ta phải biết ý muốn Ngài (Công 22:14). Ý muốn Đức Chúa Trời không phải là điều khó nhận biết. Nếu chúng ta sẵn sàng vâng lời, Ngài sẽ bày tỏ ý muốn Ngài cho chúng ta (Gi 7:17). Có người đã nói: “Sự vâng lời là một bộ phận của tri thức thuộc linh”. Thật vậy, Đức Chúa Trời không bày tỏ ý Ngài cho những kẻ tò mò hoặc lơ đễnh, nhưng sẽ cho những ai sẵn sàng muốn vâng theo ý Ngài.


Chúng ta đừng dừng bước ở chỗ chỉ biết ý muốn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời muốn chúng ta “được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa” (Côl 1:9). Thật sai lầm khi chỉ muốn biết ý Đức Chúa Trời về những vấn đề nào đó nhưng không quan tâm ý muốn Ngài trong những vấn đề khác. Mọi lãnh vực trong đời sống chúng ta đều ý nghĩa đối với Đức Chúa Trời, nên Ngài có một kế hoạch tỉ mỉ cho chúng ta.


- Đức Chúa Trời muốn chúng ta hiểu rõ ý Ngài (Eph 5:17). Đây chính là nguồn của sự khôn ngoan thuộc linh. Một đứa trẻ có thể biết ý cha nó nhưng không thể hiểu rõ ý muốn cha. Đứa trẻ biết sự việc nhưng không rõ nguyên nhân “tại sao”. Là ”bạn hữu” của Chúa Giê-xu Christ, chúng ta được đặc quyền hiểu rõ lý do hành động của Đức Chúa Trời (Gi 15:15). “Ngài tỏ cho Môi-se đường lối Ngài, và cho Y-sơ-ra-ên biết các công việc Ngài” (Thi 103:7). Dân Y-sơ-ra-ên biết công việc Đức Chúa Trời, nhưng Môi-se hiểu rõ lý do Ngài hành động.


- Chúng ta cũng phải bày tỏ ý muốn Đức Chúa Trời (Rô 12:2). Theo tiếng Hy-lạp câu này có nghĩa là “bày tỏ bằng sự từng trải”. Chúng ta phải học cách bày tỏ ý Chúa qua việc làm. Càng vâng lời Ngài, chúng ta càng dễ dàng khám phá điều Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm giống như người ta học cách bơi hoặc học cách chơi một nhạc cụ. Dần dần, bạn sẽ “cảm nhận” điều mình sẽ làm và đó là bản chất thứ hai trong bạn được thành hình.


Có những người luôn hỏi “Làm sao tôi biết được ý Chúa trong đời sống mình?” Những người ấy đã bày tỏ cho mọi người biết rằng mình chưa từng tìm biết ý muốn Đức Chúa Trời. Bạn hãy khởi sự bằng một việc mà bạn biết mình phải làm và hãy làm điều đó. Rồi Đức Chúa Trời sẽ mở đường kế tiếp trên lối đi của bạn. Qua thực nghiệm, bạn sẽ biết ý muốn Đức Chúa Trời là gì. Chúng ta hãy học hỏi từ thành công lẫn thất bại. “Hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta” (Mat 11:29). Ách của Chúa là làm theo những điều Ngài dạy dỗ chúng ta.


- Sau hết, chúng ta phải hết lòng làm theo ý muốn Đức Chúa Trời (Es 6:6). Giô-na biết ý muốn Đức Chúa Trời và sau khi bị quở phạt ông mới chịu làm theo ý Ngài. Tuy nhiên, Giô-na không “lấy lòng tốt” khi làm theo ý Chúa. Sách Gion 4:1-11 cho thấy vị tiên tri cáu tính này không yêu mến Chúa, cũng không có tình yêu thương đối với dân thành Ni-ni-ve. Ông chỉ làm theo ý Chúa cốt để khỏi bị phạt!


Vấn đề Phao-lô luận về sự dâng hiến có thể được áp dụng vào đời sống: “Không phải phàn nàn hay là vì ép uổng, vì Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng” (IICôr 9:7). “Phàn nàn” nghĩa là “miễn cưỡng, xót dạ”, hoàn toàn không có niềm vui khi làm theo ý Chúa. “Ép uổng” nghĩa là “bị bắt buộc”, vâng lời Chúa vì nhiệm vụ chớ không vì lòng khao khát và không có tấm lòng dự phần trong sự vâng lời này.


Bí quyết của một đời sống hạnh phước là vui mừng trong việc mình làm. Khi nhiệm vụ trở nên một niềm vui, thì những gánh nặng cũng sẽ trở nên những phước hạnh. “Các luật lệ Chúa làm bài hát tôi tại nhà tôi ở làm khách lạ” (Thi 119:54). Khi chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời, các luật lệ Ngài sẽ như những bài ca vui mừng để chúng ta cất lên trong sự hầu việc Ngài.

Nếu chúng ta hầu việc Chúa một cách miễn cưỡng khó chịu, hoặc vì nhiệm vụ thúc bách, chúng ta vẫn có thể hoàn thành công tác Ngài giao nhưng bản thân đã đánh mất phước hạnh. Đó sẽ như sự lao dịch, chớ chẳng phải chức vụ nữa. Nhưng khi chúng ta hết lòng làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, lòng chúng ta sẽ đầy dẫy sự vui mừng cho dù công tác có khó khăn đến đâu.


Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng việc thất bại trong sự tìm biết hoặc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời sẽ luôn ảnh hưởng đến mối tương giao của mình với Chúa. Chúng ta có thể xưng nhận tội lỗi mình và cầu xin sự tha thứ (IGi 1:9). Qua những thất bại lỗi lầm, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm mới. Điều quan trọng là chúng ta phải hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời và thật sự khao khát làm theo ý Ngài để qui vinh hiển danh Ngài.


Làm theo ý muốn Đức Chúa Trời đem lại ích lợi gì? Trước nhất, bạn vui mừng được ở trong mối tương giao mật thiết với Chúa Giê-xu Christ (Mac 3:35). Bạn có đặc ân biết chân lý của Đức Chúa Trời (Gi 7:17) và chứng kiến lời cầu nguyện của mình được nhậm (IGi 5:14-15). Người vâng theo ý muốn Đức Chúa Trời có một giá trị vĩnh cửu đối với đời sống và việc làm mình (IGi 2:15-17). Chắc chắn rằng người ấy đã được sắm sẵn phần thưởng khi Chúa Giê-xu Christ tái lâm trên đất (Mat 25:34).


Trong 3 thái độ kể trên, đâu là thái độ của chính bạn đối với ý muốn Đức Chúa Trời? Có phải bạn hoàn toàn “phớt lờ” ý muốn Ngài trong những kế hoạch và quyết định hằng ngày của mình? Hay bạn biết ý muốn Đức Chúa Trời mà vẫn không muốn làm theo? Những thái độ đó đều sai lầm và chỉ đem đến cho bạn những đau khổ thất bại trong đời sống mà thôi.


Những Cơ-đốc nhân nào hiểu biết, yêu mến và vâng theo ý muốn Đức Chúa Trời đều sẽ vui mừng hưởng phước hạnh từ nơi Ngài. Đời sống người ấy có thể không thoải mái tiện nghi hơn, nhưng chắc chắn thánh sạch hơn và hạnh phước hơn. Thức ăn người ấy sẽ là ý muốn của Đức Chúa Trời Gi 4:34). Đó là niềm vui mừng hân hoan xuất phát từ tấm lòng (Thi 40:8).



 


11. ĐỒNG TIỀN BIẾT NÓI (Gia 5:1-6)


Có một danh hài đã phát biểu: “Nếu đồng tiền biết nói, nó cũng chỉ nói với tôi rằng: Tạm biệt!” Tuy nhiên, tiền bạc không muốn nói lời “tạm biệt” với những người được Gia-cơ nhắc đến trong thư tín này. Họ là những người giàu có và của cải họ có đầy dẫy dáng dấp tội lỗi. Họ dùng tiền bạc vào những mục đích vị kỷ hoặc để vu cáo bắt bớ kẻ nghèo khó.


Một trong những chủ đề xuyên suốt ở Gia-cơ đoạn 5 là sự hoạn nạn. Ở đây chúng ta sẽ gặp những con người bị bóc lột tiền công lao động (Gia 5:4) cũng như có những người bị bệnh tật về thể chất (Gia 5:13-16) và sa đoạ thuộc linh (Gia 5:19-20).

Chủ đề thứ hai được Gia-cơ trình bày là sự cầu nguyện. Người lao động nghèo khổ đã kêu khóc cùng Đức Chúa Trời (Gia 5:4). Người bệnh hoạn đau yếu cần phải cầu nguyện (Gia 5:13-16). Gia-cơ nêu điển hình về ông Ê-li là người cầu nguyện với Đức Chúa Trời bằng đức tin (Gia 5:17-18).


Nếu kết nối hai chủ đề này lại với nhau, bạn sẽ thấy một đặc điểm thứ 5 của Cơ-đốc nhân trưởng thành, đó là: luôn cầu nguyện trong hoạn nạn. Thay vì ngã lòng khi hoạn nạn xảy đến, người tin Chúa trưởng thành sẽ đến với Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện và tìm kiếm sự giúp đỡ từ trên.

Người không trưởng thành chỉ cậy sức mình, những kinh nghiệm và khả năng riêng, hoặc nhờ cậy những người khác. Thật ra, Đức Chúa Trời luôn đáp ứng mọi nhu cầu chúng ta qua sự giúp đỡ của những người khác và đó là kết quả của sự cầu nguyện.


Gia-cơ không có ý cho rằng giàu có là tội lỗi. Vì xét cho cùng, Áp-ra-ham là người rất giàu có nhưng ông vẫn đồng đi với Đức Chúa Trời, được Ngài sử dụng để đem nguồn phước cho cả thế giới. Gia-cơ muốn nói đến lòng ích kỷ của người giàu và khuyên họ “khóc lóc, kêu la”. Ông nêu 3 lý do về sự kêu gọi của mình:


1. Cách làm giàu của họ (Gia 5:4,6a)

Kinh Thánh không cấm đoán việc làm giàu. Trong luật Môi-se, có những điều kiện cụ thể về vấn đề tạo ra và gìn giữ của cải. Người Do-thái ở Ca-na-an được quyền làm chủ tài sản mình, sử dụng và làm lợi ra. Trong nhiều ví dụ của Chúa Giê-xu Christ, Ngài bày tỏ sự tôn trọng đối với tài sản và lợi tức riêng, không có chi tiết nào trong các thư tín mâu thuẫn với quyền sở hữu tài sản và lợi tức của con người.


Điều Kinh Thánh lên án là cách làm giàu bất chính với những mục đích xấu xa. Tiên tri A-mốt đã rao ra sứ điệp về sự đoán phạt trên tầng lớp thượng lưu giàu có, họ là những kẻ bóc lột người nghèo cũng như dùng của cắp để phung phí xa hoa. Tiên tri Ê-sai và Giê-rê-mi cũng phơi trần sự ích kỷ của người giàu và cho họ biết rằng sự đoán phạt sắp xảy đến. Đây là tinh thần Gia-cơ muốn viết cho những người giàu trong Hội thánh. Ông đưa ra hai minh hoạ về cách người giàu có được của cải.


- Họ ăn gian tiền công (Gia 5:4).

Thời bấy giờ người làm công được thuê mướn và trả lương mà không hề dựa trên hợp đồng pháp lý nào với chủ. Câu chuyện về người làm công ở Mat 20:1-16 cũng thể hiện một ý niệm nào đó trong xã hội thời bấy giờ. Trong luật pháp Đức Chúa Trời, Ngài đã đưa ra những điều khoản cụ thể liên quan đến người làm công hầu bảo vệ họ khỏi tay những người chủ bóc lột.


“Ngươi chớ hà hiếp kẻ làm mướn nghèo khổ và túng cùng, bất luận anh em mình hay là khách lạ kiều ngụ trong xứ và trong thành ngươi. Phải phát công giá cho người nội trong ngày đó, trước khi mặt trời lặn, vì người vốn nghèo khổ, trông mong lãnh công giá ấy. Bằng không, người sẽ kêu đến Đức Giê-hô-va về ngươi, và ngươi sẽ mắc tội” (Phuc 24:14-15). “Khốn thay cho kẻ xây nhà trái lẽ công bình, làm phòng bởi sự bất nghĩa, dùng kẻ lân cận mình làm việc vô lương, và chẳng trả tiền công” (Giê 22:13). Những người giàu này mướn người làm công và hứa trả cho họ một khoản tiền cụ thể. Người làm công đã hoàn tất công việc nhưng không được trả thù lao. Theo ngôn ngữ Hy-lạp, động từ “giữ lại” được hiểu rằng người làm công sẽ chẳng bao giờ giờ nhận được tiền công của mình.


“Ngươi chớ trộm cướp” vẫn luôn là luật pháp của Đức Chúa Trời buộc con người phải tuân theo. Là Cơ-đốc nhân, chúng ta có nhiệm vụ phải trả những khoản nợ của mình. Là mục sư tôi cảm thấy e ngại vô cùng khi có những người chưa tin Chúa cho tôi biết về những Cơ-đốc nhân trong Hội thánh mắc nợ họ mà không muốn trả.


Tôi nhớ có lần đã gặp một người bạn bác sĩ khi tôi thăm bệnh viện của anh ta. Tôi hỏi “công việc của anh ra sao?” Anh đáp: “Ồ mọi việc đều tốt đẹp”. Tôi muốn khích lệ anh nên cho anh biết rằng tôi đang cầu nguyện cho anh. Anh đáp: “Cảm ơn mục sư. Nhưng khi cầu nguyện, xin mục sư cũng hãy cầu nguyện cho tất cả những người đã nợ tiền của tôi. Nếu họ chịu trả tiền cho tôi thì tốt biết mấy!”


- Họ điều khiển tòa án (Gia 5:6a).

Thời bấy giờ thường có trường hợp người giàu cũng nắm quyền lực về chính trị và có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Một nhân vật trong truyện tranh vui hỏi bạn mình “luật vàng là gì?” Bạn anh ta trả lời: “Bất cứ ai có vàng thì làm ra luật!” Gia-cơ lại đặt câu hỏi: “Há chẳng phải kẻ giàu đã hà hiếp anh em, kéo anh em đến trước toà án sao?” (Gia 2:6).


Khi cái tên “Watergate” được nhắc đến không còn ai nghĩ đến một tòa nhà xinh đẹp nữa. Đối với người dân Hoa-kỳ, từ watergate nhắc lại một giai đoạn chẳng mấy đẹp mặt trong lịch sử nước Mỹ, nó phơi bày những sự giả dối khiến Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ phải từ chức.


Khi Đức Chúa Trời ổn định nơi ở của dân Y-sơ-ra-ên, Ngài ban cho dân này luật về sự kiện tụng (Phuc 17:8-13). Ngài khuyên các quan xét không được tham lợi (Xu 18:21), không được thiên vị người nghèo hoặc nể nang kẻ quyền thế (Le 19:15), không dung túng cho lời khai man (Phuc 19:16-21). Tội hối lộ sẽ bị Đức Chúa Trời đoán phạt (Es 33:15; Mi 3:11; Mi 7:3). Trong thời mình, tiên tri A-mốt cũng nói về tội hối lộ của các quan xét cũng như tội “bẻ cong” sự thật của họ (Am 5:12-15).


Trong thời Gia-cơ, thật dễ dàng “xoay chuyển” các phiên toà nếu bạn có tiền. Người lao động nghèo không đủ tiền trả cho những vụ kiện tụng “đắt giá’ nên họ phải ‘gõ cửa’ khắp nơi để cầu xin được cứu xét. Vụ kiện của họ rất công bình nhưng không được phân xử thoả đáng.

Ngược lại, lắm lúc họ còn bị nhiếc mắng và bị xử tệ. (Chữ “giết” có lẽ được dùng theo nghĩa bóng như ở Gia 4:2, mặc dù có khả năng là người giàu bóc lột người nghèo đến mức họ phải chết). Người nghèo vô phương chống cự người giàu vì họ không có vũ khí chống trả. Họ chỉ biết kêu cầu cùng Chúa để Ngài xét lẽ công bình cho mình.


Kinh Thánh khuyên chúng ta không nên vơ vét của cải bằng thủ đoạn bất chính. Đức Chúa Trời là chủ của mọi tài nguyên của cải trên đất (Thi 50:10). Ngài cho phép chúng ta cai quản của cải để quy vinh hiển danh Ngài.

“Hoạch tài ắt phải hao bớt, còn ai lấy tay thâu góp sẽ được thêm của nhiều lên” (Ch 13:11).

“Tay kẻ siêng năng làm cho được giàu có” (Ch 10:4).

“Con chớ chịu vật vã đặng làm giàu” (Ch 23:4).

Chúng ta phải đặt Đức Chúa Trời trên hết mọi sự trong đời sống mình Ngài sẽ luôn ban cho chúng ta mọi điều cần thiết (Mat 6:33)


2. Cách người giàu sử dụng của cải mình (Gia 5:3-5)

Thâu góp của cải bằng con đường bất chính cũng đủ bị xem như hành động gớm ghiếc, nhưng sử dụng nó một cách tội lỗi lại càng khiến tội lỗi chồng chất hơn.


- Họ thâu trữ (Gia 5:3).

Dĩ nhiên để dành tiền bạc không có gì là tội lỗi. “Chẳng phải con cái nên chứa của quí cho cha mẹ, nhưng thà cha mẹ chứa cho con cái thì hơn” (IICôr 12:4).

“Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (ITi 5:8).

“Vậy thì ngươi phải đưa bạc của ta lại cho người buôn bạc, rồi khi ta trở về sẽ lấy vốn và lời” (Mat 25:27).


Nhưng thật trái lẽ công bình nếu bạn thâu trữ của cải trong lúc mắc nợ người làm công! Những người giàu này muốn tích trữ lúa thóc, vàng bạc, vải vóc. Họ cho rằng mình giàu có nhờ những của cải này. Thay vì phải cất giữ của cải trên trời bằng cách sử dụng những gì mình có để quy vinh hiển cho danh Đức Chúa Trời (Mat 6:19).

Họ ích kỷ giữ lại để đời sống được “đảm bảo” và được hưởng lạc thú thế gian, không đầy 10 năm sau khi Gia-cơ viết thư tín này, thành phố Giê-ru-sa-lem rơi vào tay quân La-mã, mọi của cải người giàu thâu tóm được đều bị cướp đi.


Chúa Giê-xu Christ muốn nói điều gì qua câu “Phải chứa của cải ở trên trời”? Phải chăng Ngài muốn nói chúng ta phải bán những gì mình có và phân phát cho kẻ nghèo như Ngài từng bảo một vị quan trẻ giàu có? Tôi không cho là như vậy. Ngài phán với vị quan trẻ giàu có theo cách ấy vì sự tham lam là tội lỗi quấy nhiễu đời sống anh ta, nên Ngài muốn phơi bày tội ấy ra.

“Chứa của cải trên trời” nghĩa là sử dụng của cải chúng ta có như người quản gia giữ của cải Đức Chúa Trời. Bạn và tôi có thể giữ nhiều của cải nhưng chúng không thuộc quyền sở hữu của chúng ta. Đức Chúa Trời là Chủ mọi sự, còn chúng ta là những quản gia của Ngài.


Khi chúng ta đầu phục ý muốn Đức Chúa Trời và sử dụng những gì Ngài ban cho mình để hầu việc Ngài, những điều ấy sẽ trở nên của cải chúng ta đang đầu tư vào vĩnh cửu. Những việc chúng ta làm trên đất sẽ được báo cáo lại ở trên trời. Đức Chúa Trời đang giữ các “sổ thanh toán” để tính công cho chúng ta.


Thật đáng buồn khi vẫn còn nhiều người thâu tóm của cải cho những ngày cuối đời mà không “chứa của cải ở trên trời.” Kinh Thánh không cấm đoán việc để dành tiền bạc hoặc đầu tư vào thương vụ, nhưng lên án tội thâu trữ một cách ích kỷ và bất chính.


- Họ ăn gian tiền công kẻ khác (Gia 5:4).

Bằng thủ đoạn gian lận, những kẻ giàu có đã vơ vét của người nghèo khổ. Họ không muốn dùng của cải của riêng mình, và cũng không muốn trả công sòng phẳng cho người làm thuê. Có lẽ họ muốn chờ đến khi tiền công bị hạ giá!


Là quản gia về của cải Đức Chúa Trời, chúng ta hẳn có những trách nhiệm đối với Chủ mình. Chúng ta phải trung tín với những gì Ngài ban cho để đem lại ích lợi cho người khác và quy vinh hiển danh Chúa: “Vả lại cái điều người ta trong mong nơi người quản trị là phải trung thành” (ICôr 4:2). Giô-sép là quản gia trung thành trong nhà Phô-ti-pha nên khiến chủ mình được thịnh vượng. Chúng ta cũng có thể sử dụng của cải Đức Chúa Trời để giúp đỡ kẻ khác.


- Họ sống trong xa xỉ (Gia 5:5)

“Anh em đã sống trên thế gian ăn uống vui sướng và xa xỉ”. Xa xỉ là hoang phí và hoang phí là tội lỗi. Một tờ quảng cáo có nói về việc chi tiêu mua sắm của một vua dầu nổi tiếng. Ông ta mua 19 chiếc xe hơi hiệu Cadillacs cho 19 người vợ và phải trả thêm phí tổn để điều chỉnh cho chiếc xe dài hơn. Ông cũng mua 2 chiếc Porches, 6 chiếc Mercedes, một du thuyền trị giá 40.000 Mỹ kim và một xe tải để kéo thuyền.

Thêm vào danh sách mua sắm là 16 cái tủ lạnh, một va-li xách tay của phụ nữ trị giá 47.000 Mỹ kim, 2 gốc nho ở Florida, 2 chiếc ghế dựa và một máy bán hàng tự động. Tổng chi phí mua sắm của ông đến 1.500.000 Mỹ kim và ông còn phải trả thêm 194.500 Mỹ kim để phân phát các món hàng đã mua. Thật là một cuộc sống xa xỉ!


Chúng ta đều cảm thấy dễ chịu với những tiện nghi của cuộc sống và chắc chắn cũng không muốn trở lại hoàn cảnh sống trước đây. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận ra một sự thật là chúng chẳng đem lại cho ta ích lợi là bao. Một tín-đồ phái Quaker nói với người lân cận rằng: “Hãy cho tôi biết điều anh cần, tôi sẽ chỉ cho anh cách thích nghi mà không cần nó”. Chúa Giê-xu Christ phán: “Hãy giữ cẩn thận chớ hà tiện chi hết, vì sự sống của người ta không phải cốt tại của cải mình dư dật đâu” (Lu 12:15). Những người giàu Gia-cơ nói đến là những kẻ sống xa xỉ và tham lam. Ngôn ngữ Hy-lạp ở câu 5 mô tả hình ảnh đàn súc vật được vỗ béo để làm thịt!


Có một khác biệt rõ rệt giữa sự vui mừng về những điều Chúa ban cho chúng ta (ITim 6:17) với cách sống phung phí trên của cải thâu tóm từ tay người khác. Dù chúng ta kiếm sống một cách hợp pháp, chúng ta vẫn không nên phung phí tiền của một cách ích kỷ trái với ý muốn Đức Chúa Trời. Con người có quá nhiều nhu cầu không thể thỏa mãn hết!


Lối sống xa xỉ bày tỏ một nhân cách bại hoại, một kiểu sống buông thả. Nếu bạn kết hợp nhân cách với của cải, bạn có thể làm nên những điều tốt đẹp nhưng nếu bạn kết hợp sự buông thả với của cải, hệ quả sẽ là tội lỗi. Người giàu được Chúa Giê-xu Christ nói đến ở Lu 16:19-31 có lẽ sống rất “ăn ý” với những người giàu Gia-cơ đề cập trong thư!


3. Hậu quả do của cải người giàu gây ra (Gia 5:1-4)

Người giàu tưởng mình đã thành công do có nhiều của cải, nhưng Đức Chúa Trời nhìn thấy hậu quả ngược lại. “Hãy khóc lóc, kêu la, vì cớ hoạn nạn sẽ đổ trên anh em” (Gia 5:1b). Gia-cơ kể ra những hậu quả của việc lạm dụng của cải:


- Của cải sẽ mục nát (Gia 5:2-3b).

Lúc thóc trong vựa lẫm rồi sẽ bị mục nát, vàng bạc sẽ bị “ten rét” và quần áo sẽ bị mối mọt làm hư hại. Không một vật chất nào trên thế gian tồn tại lâu dài. Mầm của sự chết và huỷ diệt ẩn chứa trong mọi tạo vật.


Thật sai lầm khi con người tưởng rằng của cải đem lại sự an toàn cho đời sống. Phao-lô nói: “Hãy răn bảo kẻ giàu ở thế gian này đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn” (ITim 6:17). Không có gì chắc chắn nơi của cải.

Thị trường tiền tệ cũng như thị trường chứng khoán cứ luôn dao động từng giờ từng phút. Thật ra, vàng không ten rét giống như sắt, nhưng về mặt ý nghĩa nó chẳng khác chi với sắt: bị mất giá trị! Hơn nữa, đời người thật ngắn ngủi nên chúng không thể giữ được của cải bên mình, vậy thật dại dột nếu cứ sống vì những điều thuộc về thế gian này. Đức Chúa Trời phán cùng kẻ giàu rằng: “Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?” (Lu 12:20).


- Lạm dụng của cải làm hủy hoại nhân cách (Gia 5:3).

“Vàng bạc anh em bị ten rét... nó cũng như lửa vậy, sẽ ăn thịt anh em” (Gia 5:3). Tiền bạc tự nó không phải là tội lỗi, bởi nó là vật vô tri. Nhưng “sự tham tiền bạc là cội rễ (của) mọi điều ác” (ITi 6:10). “Ngươi chớ tham ...” là điều răn cuối cùng trong 10 điều răn của Đức Chúa Trời, nhưng hậu quả của sự vi phạm điều răn này thật khủng khiếp. Lòng tham lam sẽ khiến con người phạm cả 9 điều răn còn lại.


Áp-ra-ham là người giàu có nhưng vẫn giữ được đức tin và nhân cách. Khi giàu có, của cải đã huỷ hoại con người Lót và cuối cùng làm hại cả gia đình ông. Có của cải trong tay là điều đáng mừng nhưng đừng để nó lấn át tấm lòng bạn. “Nếu của cải thêm nhiều lên chớ đem lòng vào đó” (Thi 62:10). “Danh tiếng tốt còn hơn tiền của nhiều. Và ơn nghĩa quý hơn bạc và vàng” (Ch 22:1)


- Sự đoán phạt chắc chắn sẽ xảy đến (Gia 5:3,5).

Gia-cơ không chỉ nhìn thấy sự đoán phạt trong hiện tại (của cải tiêu tán, nhân cách sa đọa) mà còn nhìn thấy sự đoán phạt trong ngày sau rốt trước mặt Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-xu Christ sẽ là Đấng xét đoán (Gia 5:9) và sự xét đoán của Ngài thật công bình.


Bạn hãy để ý sự làm chứng Đức Chúa Trời sẽ gọi đến trong ngày phán xét ấy. Trước hết, của cải người giàu sẽ làm chứng nghịch cùng họ (Gia 5:3). Lúa thóc mục nát, vàng bạc ten rét và áo quần mối mọt sẽ cùng làm chứng về sự ích kỷ trong lòng kẻ giàu. Ở đây thể hiện một trớ trêu nực cười: người giàu thâu trữ của cải để cầu an, nhưng chính của cải đó nghịch cùng họ.


Tiền công con gặt bị họ giữ lại cũng sẽ làm chứng nghịch cùng họ trước tòa án phán xét của Đức Chúa Trời (Gia 5:4a). Đồng tiền đã biết nói! Số tiền bị ăn gian sẽ kêu khóc cùng Đức Chúa Trời để cầu xin sự công bình và xét đoán. Đức Chúa Trời đã nghe thấu tiếng khóc của máu A-bên từ đất lên (Sa 4:10). Ngài cũng sẽ nghe tiếng kêu khóc của những đồng tiền bị gian lận này!


Người làm công cũng sẽ làm chứng nghịch kẻ giàu (Gia 5:4). Người giàu sẽ không còn cơ hội nào để mua chuộc kẻ làm chứng dối hay hối lộ được quan tòa. Đức Chúa Trời lắng nghe tiếng kêu khóc của những con người bị ức hiếp và Ngài sẽ xét đoán công bình.


Sự xét đoán này vô cùng quan trọng.

Tội nhân hư mất sẽ đứng hầu trước Đấng Christ tại “Tòa lớn và trắng” (Kh 20:11-15). Người được cứu sẽ đứng trước ngai phán xét của Đấng Christ (Rô 14:10-12; IICôr 5:9-10). Đức Chúa Trời sẽ không xét đoán tội lỗi chúng ta, vì những tội lỗi ấy đã bị xét đoán trên thập tự giá, nhưng Ngài sẽ xét đoán những công việc và chức vụ chúng ta làm trên đất.

Nếu trung tín hầu việc và tôn vinh danh Chúa, chúng ta sẽ được phần thưởng. Nếu chúng ta không trung tín, sẽ đánh mất phần thưởng chớ không mất sự cứu rỗi (ICôr 3:1-15).


- Đánh mất một cơ hội quý báu (Gia 5:3).

Nhóm từ “những ngày sau rốt” cho thấy Gia-cơ tin rằng ngày Chúa tái lâm rất gần (Gia 5:8-9). Chúng ta phải “lợi dụng thì giờ” (Eph 5:16) và làm việc đang khi “ban ngày” (Gi 9:4).

Bạn hãy nghĩ đến những việc tốt đẹp mình có thể thực hiện với nguồn tài chính mình có. Có biết bao người nghèo khổ trong Hội thánh đáng được bạn giúp đỡ! (Gia 2:1-6). Có biết bao người lao động đáng hưởng tiền công của họ. Buồn thay, chỉ trong vòng vài năm sau đó, dân Do-thái bị tan lạc và thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá.


Có trong tay những thứ tiền bạc mua được không có gì sai trái, miễn sao bạn cũng phải nắm giữ những thứ không mua được bằng tiền. Thật vui mừng khi ở trong một căn nhà đắt giá hay làm chủ một chiếc nhẫn kim cương đáng giá cả triệu Mỹ kim! Gia-cơ không có ý lên án của cải hay kẻ giàu, nhưng lên án cách sử dụng của cải không đúng chỗ và những kẻ giàu xem tiền như một “vũ khí” chớ không như một phương tiện để gây dựng đời sống mình.


Con người có thể “nghèo theo đời này” (Gia 2:5) nhưng giàu trong đời sau, cũng có thể “giàu ở thế gian” (ITim 6:17) nhưng nghèo trong đời sau. Sự tái lâm của Chúa Giê-xu Christ sẽ khiến một số người trở thành nghèo, còn một số khác trở nên giàu có, tuỳ thuộc vào tình trạng thuộc linh trong lòng họ. “Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Mat 6:21).


Những gì chúng ta giữ lại sẽ là những gì bị mất đi. Những gì chúng ta dâng cho Đức Chúa Trời, gìn giữ cẩn thận thì Ngài sẽ thêm cho chúng ta phần “lợi tức”. Một nhà truyền đạo nổi tiếng được người ta biết đến qua những bài giảng dài. Ông được đề nghị giảng một bài về sự cứu giúp người nghèo. Người ta cho biết rằng nếu ông giảng quá dài, Hội thánh sẽ không thể dâng hiến nhiều như khả năng họ có được.


Nhà truyền đạo đọc một câu Kinh Thánh ở Ch 19:17 “Ai thương xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay mượn – Ngài sẽ báo lại việc ơn lành ấy cho người” (Ch 19:17). Bài giảng của ông hôm đó thật sự rất ngắn: “Nếu quý vị chấp nhận điều kiện này, vậy hãy dâng hiến tiền bạc mình có!”


Thật vậy tiền bạc có thể “nói” được. Nó sẽ nói gì với bạn vào kỳ phán xét cuối cùng?



 


12. SỨC MẠNH CỦA SỰ KIÊN NHẪN (Gia 5:7-12)


Gia-cơ vẫn muốn nói với những thánh-đồ chịu khổ khi ông viết: “Hãy kiên nhẫn”. Đây là lời khuyên ở đầu thư (Gia 1:1-5) và cũng là lời khuyên kết thúc thư . Đức Chúa Trời không đoán phạt mọi sai trái trong thế gian cho đến kỳ Chúa Giê-xu Christ tái lâm. Vì vậy những người tin Chúa như chúng ta phải kiên nhẫn và bền lòng chờ đợi.


3 lần Gia-cơ nhắc chúng ta về sự tái lâm của Chúa (Gia 5:7,8,9). Đây chính là “sự trông cậy hạnh phước” của Cơ-đốc nhân (Tit 2:13). Không phải chúng ta trông đợi những sự thoải mái tiện nghi trong đời sống hiện tại “Các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế gian” (Gi 16:33). Giăng nói trước rằng chúng ta “phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được Nước Đức Chúa Trời” (Công 14:22). Chúng ta phải kiên nhẫn chịu đựng hoạn nạn khó khăn cho đến kỳ Chúa trở lại.


Gia-cơ sử dụng hai từ khác nhau để chỉ về sự kiên nhẫn ở câu 7,8,10 ông dùng từ “nhịn nhục”. Ở câu 11 từ “chịu khổ” nói đến sự chịu đựng một áp bức nặng nề. Kiên nhẫn có nghĩa là giữ yên và đứng vững khi bạn muốn chạy đến. Nhiều học giả Hy-lạp nói rằng “nhịn nhục” là kiên nhẫn trong sự tôn trọng chấp nhận kẻ khác, còn “chịu khổ” là sự kiên nhẫn chấp nhận mọi hoàn cảnh.


1. Người làm ruộng (Gia 5:7-9)

Người nào thiếu lòng kiên nhẫn, người ấy không nên theo nghề làm ruộng. Không mùa màng nào đến nhanh chóng, cũng không có người công dân nào điều khiển được thời tiết. Mưa quá nhiều có thể làm hư hại mùa màng. Nắng quá gắt cũng làm nó héo lúa. Sương mù buổi sớm có thể huỷ hoại mùa màng. Người nông dân phải chịu khổ với thời tiết biết bao!


Người nông dân cũng có lòng kiên nhẫn với hạt giống và mùa màng, vì việc trồng trọt phải mất nhiều thời gian. Người nông dân Do-thái gieo cấy trong những tháng hạ. Mưa đầu mùa làm đất tơi xốp, mưa cuối mùa sẽ đến vào đầu xuân (tháng 2 hoặc tháng 3 dương lịch) giúp mùa màng mau chín rộ. Người nông dân đã phải đợi chờ trong nhiều tuần để hạt giống mình gieo ra được kết quả.


Vì sao người nông dân sẵn sàng đợi chờ lâu như vậy? Vì đối với họ, kết quả sẽ rất “quý báu” (Gia 5:7) . Mùa màng này thật đáng bõ công chờ đợi. “Nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt” (Ga 6:9) “Vì đất tự sanh hoa lợi:ban đầu là cây, kế đến bông, đoạn bông kết thành hột. Khi hột đã chín, người ta liền tra lưỡi hái vào, vì mùa gặt đã đến” (Mac 4:28-29).


Giăng phác họa hình ảnh Cơ-đốc nhân như một “nông dân thuộc linh” chờ đợi một vụ mùa thuộc linh. “Anh em cũng vậy, hãy nhịn nhục và bền lòng” (Gia 5:8). Lòng chúng ta tựa như mảnh đất và “hột giống là đạo Đức Chúa Trời” (Lu 8:11). Đất có mùa màng thế nào thì sự sống thuộc linh cũng có những “mùa màng” thể ấy.

Đôi lúc, lòng chúng ta lạnh lẽo giá rét như mùa đông nên Chúa phải cày xới nó trước khi có thể gieo hạt giống đạo của Ngài vào đó (Giê 4:3). Ngài cho ánh sáng soi rọi và những cơn mưa phước lành để tưới mát và nuôi dưỡng hạt giống đã gieo, nhưng chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi vụ mùa.


Ở đây, bí quyết để chịu đựng là sự bền lòng: Đức Chúa Trời muốn tạo ra một vụ mùa trong đời sống chúng ta. Ngài muốn trái Thánh Linh “phải rộ phát” (Ga 5:22-23). Vì vậy phương cách duy nhất Ngài hành động chính qua những thử thách khó khăn.Thay vì thiếu kiên nhẫn với Đức Chúa Trời và bản thân mình, chúng ta cần phải đầu phục Chúa và để “trái” được phát triển. Chúng ta là những nông dân thuộc linh đang chờ đợi một vụ mùa sắp đến.


Chỉ khi lòng bạn đã sẵn sàng, bạn mới có thể hưởng được vụ mùa (Gia 5:8). Vì vậy một trong những mục tiêu của công tác thuộc linh ở Hội thánh địa phương là phải “cùng nhau giục lòng mạnh mẽ” (Rô 1:11). Phao-lô đã sai Ti-mô-thê đến Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca để giục lòng mạnh mẽ những tín hữu non trẻ trong đức tin (ITês 3:1-3). Ông cũng cầu nguyện cho họ được vững vàng (ITês 3:10-13). Nếu chúng ta muốn lòng tín-hữu được mạnh mẽ, vậy công tác rao truyền lời Đức Chúa Trời và sự cầu nguyện rất quan trọng. Một tấm lòng không vững vàng sẽ không thể kết quả.


Bạn cần nhớ rằng người nông dân không đi tới lui một cách nhàn rỗi, người ấy cứ luôn chăm chỉ làm việc trong khi chờ đợi vụ mùa. Gia-cơ không bảo những tín hữu chịu khổ này khoác chiếc áo trắng rồi leo lên nơi cao chờ đợi Chúa trở lại! Ông muốn khuyên các tín-hữu “Hãy làm việc và chờ đợi”.

“Phước cho đầy tớ ấy khi chủ nhà về, thấy làm như vậy” (Lu 12:43).


Người nông dân cũng không tranh chiến với những bạn gặt lân cận. Một trong những đặc điểm của người làm ruộng là luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Không ai giữa đồng ruộng lại có thời giờ và hơi sức tranh cãi với người lân cận.

Có lẽ Gia-cơ nhớ đến đặc điểm này khi ông nói: “Hỡi anh em, chớ oán trách nhau hầu cho khỏi bị xét đoán” (Gia 5:9). Sự thiếu kiên nhẫn trước mặt Đức Chúa Trời luôn dẫn đến khả năng thiếu nhịn nhục với con cái Đức Chúa Trời và đây là tội lỗi chúng ta cần tránh. Nếu chúng ta đối xử nhau bằng những “lưỡi hái”, vậy chúng ta sẽ đánh mất vụ mùa trước mắt!


2. Các tiên tri (Gia 5:10)

Các tín hữu trong Hội thánh đều hiểu điều Gia-cơ muốn nhắc đến những tiên tri thời Cựu-ước. Trong Bài Giảng Trên Núi Chúa Giê-xu Christ cũng nhắc đến các đấng tiên tri làm mẫu mực về sự đắc thắng những bắt bớ (Mat 5:10-12). Gương sống của họ khích lệ chúng ta điều gì?


Trước nhất, các tiên tri là những người sống theo ý muốn Đức Chúa Trời nhưng vẫn chịu khổ. Họ giảng đạo trong danh Chúa mà vẫn bị bắt bớ. Sa-tan muốn “rỉ tai” Cơ-đốc nhân trung tín rằng sự chịu khổ của người ấy là hậu quả của tội lỗi hoặc sự bất tín.

Thật ra, hoạn nạn của Cơ-đốc nhân thường có thể xuất phát từ sự trung tín.“Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê-xu Christ, thì sẽ bị bắt bớ” (IITim 3:12). Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng sự vâng phục tự nó sẽ đem đến cuộc sống dễ chịu thoải mái. Chúa chúng ta là Đấng vâng phục Cha trên trời nên Ngài phải chịu chết trên thập tự giá!


Các đấng tiên tri khích lệ chúng ta khi nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời luôn chăm sóc chúng ta trong những hoạn nạn theo ý muốn Ngài. Tiên tri Ê-li cho bạo Chúa A-háp biết trước sẽ có hạn hán trên đất trong 3 năm rưỡi. Và chính Ê-li cũng chịu hoạn nạn trong cơn hạn hán ấy. Tuy vậy, Đức Chúa Trời luôn quan phòng ông và ban cho ông quyền đắc thắng các thầy tế lễ gian ác của thần Ba-anh. Có một người phát biểu rằng “ý muốn Đức Chúa Trời sẽ chẳng bao giờ đưa bạn đến chỗ mà ân điển Ngài không giữ nổi bạn”.


Có nhiều tiên tri đã phải chịu đựng những thử thách hoạn nạn lớn không chỉ bởi tay những kẻ vô tín mà còn dưới ách những người tự xưng là con cái Đức Chúa Trời. Giê-rê-mi bị giam cầm như một kẻ phản bội, bị quăng xuống một cái giếng hoang. Có những lúc dường như Giê-rê-mi suýt chết, Đức Chúa Trời vẫn nuôi nấng và bảo vệ ông qua biến cố thành Giê-ru-sa-lem bị vây hãm.

Cả Đa-ni-ên lẫn Ê-xê-chi-ên cũng trải qua sự hoạn nạn, nhưng Đức Chúa Trời đã giải cứu họ. Cho dù có những người bị hoạn nạn và đã chết vì đức tin, cũng đã nhận lãnh phần thưởng đặc biệt về sự trung tín của họ với Đức Chúa Trời. Vì sao những người “nhân danh Chúa mà nói” thường phải chịu thử thách hoạn nạn như vậy? Hầu cho đời sống họ làm chứng cho những sứ điệp họ rao ra. Đời sống tin kính Chúa sẽ đem lại sức mạnh lớn lao. Chúng ta cũng cần tự nhắc nhở mình rằng sự nhịn nhục trong hoạn nạn là một chứng cớ sống động đối với những người quanh ta.


Nhưng không phải có nhiều Cơ-đốc nhân chịu khổ và chết mà không ai biết đến đó sao? Đúng vậy, nhưng khi Chúa trở lại, những anh hùng đức tin vô danh này sẽ nhận phần thưởng mình. Những tiên tri bị giết khi xưa nhưng tên tuổi họ ngày nay luôn được kính trọng. Khi Chúa tái lâm, Ngài sẽ đem theo phần thưởng để trả cho mỗi người tuỳ công việc họ làm (Kh 22:12).


Gia-cơ nhắc đến các đấng tiên tri thời Cựu-ước làm mẫu mực để khích lệ chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho việc học Kinh Thánh và làm quen với những anh hùng đức tin này. “Vả mọi sự đã chép từ xưa đều được dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy” (Rô 15:4).

Chúng ta càng biết nhiều về Kinh Thánh, sẽ càng được Đức Chúa Trời khích lệ nhiều hơn trong những từng trải hoạn nạn của đời sống. Điều quan trọng là chúng ta phải siêng năng làm việc như nhà nông và làm chứng cho Đức Chúa Trời như những tiên tri dù phải nếm trải hoàn cảnh nào.


3. Gióp (Gia 5:11)

“Anh em biết rằng những kẻ nhịn nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước” (Gia 5:14). Nhưng bạn không thể chịu khổ nếu không có thử thách xảy đến trong đời sống. Không thể có chiến thắng mà không trải qua trận chiến, không thể có những đỉnh núi cao mà vắng bóng những thung lũng sâu. Nếu muốn hưởng phước hạnh bạn phải sẵn sàng mang gánh nặng và trực diện với “trận chiến”.


Có lần tôi chợt nghe một Cơ-đốc nhân trẻ cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin Ngài dạy con những chân lý sâu sắc trong lời Ngài! Con muốn được cất lên những tầng trời để nghe và thấy những điều kỳ diệu ở đó!” Đây là lời cầu nguyện chân thật, nhưng thanh niên này không hiểu rõ mình đang cầu nguyện điều gì.

Phao-lô đã đến được tầng trời thứ 3 và biết những điều kỳ diệu không thể mô tả bằng lời. Vì lẽ ấy, Đức Chúa Trời đã cho Phao-lô “một cái giằm” xóc vào thịt để giữ ông trong sự khiêm nhường (IICôr 12:1-10). Đức Chúa Trời phải quân bình những đặc quyền với trách nhiệm, phước hạnh với gánh nặng để bạn và tôi không trở thành những đứa trẻ hư hỏng buông thả.


Khi nào những phước hạnh xảy đến? Chúng ta có thể kinh nghiệm những ơn phước từ Đức Chúa Trời giữa cơn thử thách như 3 người bạn Hê-bơ-rơ giữa lò lửa hực (Da 3:1-30). Nhưng Gia-cơ còn cho biết, phước hạnh sẽ xảy đến sau khi chúng ta chịu khổ. Gióp là một điển hình được Gia-cơ nói đến.


Sách Gióp tương đối dài, các chương đa số là những lời thoại mà đối với nhiều người họ cảm thấy dài dòng tẻ ngắt. Ở 3 chương đầu, Gióp gặp phải một tai hoạ: mất hết của cải, gia đình (trừ ra người vợ, nên bà mới bảo ông tự tử) và sức khoẻ. Ở chương Giop 4:1-31:40, chúng ta sẽ nghe những lời Gióp luận với 3 người bạn và đáp lại những sự tố cáo sai lầm của họ. Trong Giop 38:1-42:17 cho thấy Gióp đã được cứu giúp. Đức Chúa Trời khiến Gióp được thịnh vượng gấp hai lần khi trước.


Sau khi suy ngẫm về cuộc đời Gióp, bạn cần nhớ rằng Gióp không hề biết những việc xảy ra giữa Đức Chúa Trời và Sa-tan. Bạn Gióp xem ông là kẻ tội lỗi giả hình. Họ lập luận rằng: “Hẳn ông đã phạm tội nào đó gớm ghiếc? Nếu không, Đức Chúa Trời đã không để ông chịu khổ như vậy?” Gióp không đồng quan điểm với họ suốt cuộc nói chuyện. Các bạn Gióp đã sai lầm. Vì Đức Chúa Trời không có lý do nào nghịch với Gióp (Giop 2:3). Sau đó Ngài quở trách các bạn Gióp vì đã nói những lời không xứng đáng trước mặt Gióp (Giop 42:7).


Không có hoạn nạn nào khủng khiếp hơn hoạn nạn Gióp phải chịu. Hoàn cảnh sống thật éo le, vì Gióp mất hết của cải và sức lực, lại còn mất những đứa con yêu dấu. Vợ ông cũng nghịch với ông khi nói rằng “Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời và chết đi” (Giop 2:9).

Bạn bè Gióp tố cáo ông là người giả hình, đáng bị Đức Chúa Trời hành phạt. Dường như Đức Chúa Trời cũng ngoảnh mặt với Gióp! Khi Gióp kêu khóc xin Đức Chúa Trời đáp lời, chẳng có phản ứng nào từ thiên đàng cả! Tuy vậy, Gióp đã chịu đựng nhịn nhục. Sa-tan tưởng Gióp sẽ thiếu kiên nhẫn với Đức Chúa Trời và chối bỏ niềm tin, nhưng tình trạng này đã không xảy ra như ý nó.

Gióp không hiểu ý muốn Đức Chúa Trời, nhưng ông vẫn không chối bỏ niềm tin nơi Chúa. “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài. Nhưng ta sẽ binh vực tánh hạnh ta trước mặt Ngài” (Giop 13:15). Gióp biết rõ sự toàn mỹ của Đức Chúa Trời nên ông kiên quyết giữ lòng tin nơi Ngài dù không hiểu mọi điều Ngài hành động. Đó chính là sự nhẫn nhục chịu khổ của Gióp.


Đức Chúa Trời đã lập giao-ước với dân Y-sơ-ra-ên rằng Ngài sẽ ban phước cho họ nếu họ vâng theo mọi điều trong luật pháp Ngài (Phuc 11:1-31). Điều này dẫn đến một quan niệm: nếu bạn thịnh vượng sung túc, bạn đã bị Đức Chúa Trời rủa sả! Thật đáng buồn vì hôm nay rất nhiều người vẫn mang tư tưởng như vậy. Khi Chúa Giê-xu Christ phán rằng người giàu rất ít cơ may vào thiên đàng, các môn-đệ ngạc nhiên “Vậy thì ai được rỗi?” (Mat 19:23-26). Họ muốn biện luận: “Người giàu đã được Đức Chúa Trời ban phước đặc biệt, nếu họ không vào được thiên đàng, vậy chẳng còn ai xứng đáng vào được!”


Sách Gióp bác bỏ quan niệm sai lầm này vì Gióp vốn là người công bình mà vẫn chịu hoạn nạn. Đức Chúa Trời không tìm thấy tội lỗi nào nơi Gióp và Sa-tan cũng không cám dỗ được ông. Bạn bè Gióp không chứng minh được những lời cáo trạng của họ. Gióp cho họ biết Đức Chúa Trời có những mục đích cao đẹp trong cơn hoạn nạn chớ không phải đoán phạt tội lỗi ông. Từng trải của Gióp mở đường cho Chúa Giê-xu Christ, Con Đức Chúa Trời thánh khiết toàn vẹn phải chịu thương khó không do tội lỗi mình nhưng vì tội lỗi của toàn nhân loại.


Ở trường hợp của Gióp, đâu là chương trình của Chúa? Ngài bày tỏ lòng thương xót vô hạn trên đời sống Gióp. Chắc chắn rằng từng trải của Gióp đã dẫn đến những kết quả khác tiếp nối, bởi Đức Chúa Trời không bao giờ để những hoạn nạn của các thánh đồ ra luống công. Gióp đã gặp Đức Chúa Trời một cách mới mẻ và sâu sắc hơn (Giop 42:1-6). Cuối cùng, Gióp đã được Chúa ban những phước hạnh tuyệt vời!


Ai đó có thể lý luận rằng “Nếu Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót như vậy, sao Ngài không bảo vệ Gióp khỏi cơn hoạn nạn ngay từ đầu?” Dĩ nhiên, cách hành động của Đức Chúa Trời chứa đựng những bí ẩn chúng ta không thể hiểu rõ nguyên nhân, nhưng chúng ta có thể hiểu một điều: Trong sự hoạn nạn ấy, Đức Chúa Trời đã được vinh hiển và Gióp được sàng lọc trở nên thánh khiết hơn. Nếu không có gì để chịu khổ, bạn không thể học được sự nhẫn nhục chịu đựng.


Câu chuyện về Gióp có ý nghĩa đối với các tín hữu được Gia-cơ gửi thư đến, cũng như đối với chúng ta hôm nay? Câu chuyện cho thấy đôi lúc hoạn nạn trong đời sống do Sa-tan trực tiếp gây ra để chống trả Cơ-đốc nhân.

Đức Chúa Trời cho phép nó cám dỗ con cái Ngài, nhưng Ngài luôn giới hạn phạm vi hoạt đông của nó (Giop 1:12; Giop 2:6). Khi bạn rơi vào lò lửa thử thách hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời luôn đặt bàn tay nhân từ Ngài trên “bộ ổn nhiệt! ” “Nhưng Chúa biết con đường tôi đi, khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng” (Giop 23:10).


Sa-tan muốn chúng ta mất lòng kiên nhẫn trước mặt Đức Chúa Trời, vì một Cơ-đốc nhân thiếu kiên nhẫn sẽ là một vũ khí lợi hại trong tay ma quỉ. Bạn hãy nhớ lại bài học ở chương Giop 1: Sự thiếu kiên nhẫn của Môi-se đã tước mất của ông cơ hội vào Vùng Đất Hứa.

Sự thiếu kiên nhẫn của Áp-ra-ham đã sinh ra một kẻ thù của dân Do-thái là Ích-ma-ên. Còn Phi-e-rơ thiếu kiên nhẫn nên suýt trở thành kẻ sát nhân. Khi bị Sa-tan tấn công chúng ta dễ đi đến chỗ mất lòng kiên nhẫn nhịn nhục, hành động trước sự chủ định của Đức Chúa Trời nên đánh mất mọi phước hạnh nơi Ngài.


Câu trả lời của Chúa là: “Ân-điển ta đủ cho ngươi rồi” (IICôr 12:7-9). Cái giằm xóc vào thịt Phao-lô là “sứ giả của Sa-tan”. Phao-lô lẽ ra đã có thể chống trả lại hoặc cố xem như không có cái giằm ấy. Nhưng ông không làm vậy. Ông tin cậy nơi ân-điển Đức Chúa Trời và biến vũ khí của Sa-tan thành một công cụ để gây dưng đời sống tâm linh mình.


Khi bạn rơi vào lò lửa thử thách, hãy đến trước ngai ơn phước của Chúa để tìm ơn cứu giúp (Hêb 4:14-16). Hãy tự nhắc nhở mình rằng Chúa có một mục đích tốt lành trong mọi hoạn nạn, Ngài sẽ hành động theo ý định Ngài và theo thời điểm của Ngài để danh Ngài được vinh hiển. Bạn không phải là một người máy bị giam giữ trong “hàm của số phận”. Bạn là con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời, được đặc quyền dự phần vào một chương trình kỳ diệu nào đó của Ngài. So với người máy, địa vị của bạn thật khác biệt!


Lời kêu gọi ở c.12 có vẻ như lạc đề, vì lời thề có liên hệ gì đến vấn đề chịu khổ đâu? Nếu bạn đã từng chịu khổ, bạn sẽ biết câu trả lời: thật dễ nói ra những lời bạn không muốn, thậm chí còn “mặc cả” với Đức Chúa Trời khi gặp hoạn nạn.Trở lại với câu chuyện của Gióp, ông nói: “Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về, Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi, đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va. Trong mọi sự ấy, Gióp không phạm tội, và chẳng nói phạm thượng cùng Đức Chúa Trời” (Giop 1:21-22). Gióp rủa sả ngày sanh mình (Giop 3:1) nhưng không rủa sả Đức Chúa Trời hoặc không buông lời thề thốt dại dột, cũng không mặc cả chi với Đức Chúa Trời.


Gia-cơ muốn nhắc chúng ta về lời dạy của Chúa Giê-xu Christ trong Bài Giảng Trên Núi (Mat 5:34-37). Người Do-thái đặc biệt luôn dùng lời thề để hậu thuẫn cho những điều họ nói ra. Dầu vậy, họ cẩn thận không lấy danh Chúa để thề hầu cho không phạm tội lộng ngôn với Ngài.

Họ thường chỉ trời, đất hoặc thành Giê-ru-sa-lem và cả đầu của họ để thề thốt. Nhưng Chúa Giê-xu Christ dạy rằng những cách thề thốt đó cũng không thể tránh được tội phạm thượng với Đức Chúa Trời. Trời là ngôi Đức Chúa Trời, đất là bệ chân Ngài và thành Giê-ru-sa-lem là “Thành của Vua lớn”. Có ích gì khi chỉ đầu mà thề? ”Vì tự ngươi không thể làm cho một sợi tóc nên trắng hay là đen được” (Mat 5:30), cũng không thể giữ lại được một sợi tóc ở trên đầu.


Một nguyên tắc căn bản cho thấy phẩm cách Cơ-đốc thật cần phải thể hiện qua sự “ít nói”. Người nào lắm lời hoặc thề thốt để thuyết phục chúng ta, thường là người có nhân cách chưa hoàn chỉnh nên phải củng cố khuyết điểm này bằng sự lắm lời của mình. Nếu bạn là Cơ-đốc nhân thật có phẩm cách trung thực, vậy bạn chỉ cần nói “vâng” hoặc “không” vẫn có thể thuyết phục được người khác. Chúa Giê-xu Christ phán rằng những lời nói thêm đều do ma quỉ mà ra.


Một trong những mục đích chịu khổ của Cơ-đốc nhân là nhằm gây dựng nhân cách mình. Dĩ nhiên, Gióp đã trở nên con người hoàn hảo hơn sau khi trải qua cơn thử thách (như Gia-cơ đã giải thích ở Gia 1:2-12). Nếu lời nói là một kiểm nghiệm của nhân cách, vậy lời thề cho thấy rằng còn có việc cần làm. Khi Phi-e-rơ thốt ra những lời thề trong sân toà án (Mat 26:71), ông đã tỏ ra một chứng cớ rằng nhân cách ông cần phải được thay đổi.


Khi bạn xem lại phân đoạn này bạn có thể thấy rõ tính thực tiễn của nó. Gia-cơ muốn khích lệ chúng ta nhịn nhục trong kỳ hoạn nạn. Như người làm ruộng, chúng ta đang chờ đợi một vụ mùa thuộc linh vì hoa lợi nó sẽ làm vinh hiển danh Đức Chúa Trời. Như những tiên tri, chúng tìm kiếm cơ hội làm chứng, chia sẻ chân lý của Đức Chúa Trời cho người khác. Và như Gióp, chúng ta trông đợi Chúa làm trọn mục đích tốt lành của Ngài, nhận biết rằng Ngài chẳng để con cái Ngài chịu khổ vô ích. Giống như Gióp, chúng ta sẽ có một khải tượng rõ ràng về Chúa để có thể nhận biết Ngài cách đầy đủ hơn khi ở trong lò lửa hoạn nạn.


“Hãy nhịn nhục và bền lòng vì kỳ Chúa đến gần rồi” (Gia 5:8)



 


13. HÃY CẦU NGUYỆN (Gia 5:13-20)


Tài ăn nói là một ơn phước kỳ diệu nếu nó được sử dụng để quy vinh hiển danh Đức Chúa Trời. Như chúng ta đã biết, Gia-cơ đề cập nhiều về lời nói kể cả ở đoạn Kinh Thánh này. Ông nêu ra những cách sử dụng lời nói ở mức độ thấp kém nhất:oán trách (Gia 5:9), thề thốt (Gia 5:12) và đồng thời đề cao những lời nói tốt đẹp nhất: nhân danh Chúa mà nói (Gia 5:10), cầu nguyện, ngợi khen Đức Chúa Trời (Gia 5:13).


Cầu nguyện là một đặc quyền thiêng liêng cao quý.

Trong địa vị con cái Đức Chúa Trời, nếu chúng ta suy nghĩ như vậy, chúng ta có thể tự do và dạn dĩ đến trước Ngôi Chúa để thưa với Ngài những nhu cầu của mình! Gia-cơ đề cập đến sự cầu nguyện 7 lần trong phân đoạn này. Cơ-đốc nhân trưởng thành sẽ là người luôn cầu nguyện trong những hoạn nạn khó khăn của cuộc sống. Chẳng hề phàn nàn oán trách cho hoàn cảnh, người ấy chỉ bền lòng cầu nguyện với Chúa để Ngài lắng nghe và đáp lời. Trình dâng nan đề cho Chúa trong sự cầu nguyện là một đặc điểm của sự trưởng thành thuộc linh.


Trong phân đoạn này, Gia-cơ khuyên chúng ta cầu nguyện qua 4 hoàn cảnh để thấy sự đáp ứng của Chúa:


1. Cầu nguyện về sự chịu khổ (Gia 5:13)

Phao-lô cũng dùng từ “chịu khổ” để mô tả những hoàn cảnh ông bị hoạn nạn vì danh Chúa (IITim 2:9). Con cái Đức Chúa Trời thường phải chịu hoạn nạn trong đời sống không do hậu quả của tội lỗi họ hay do sự quở phạt của Đức Chúa Trời.


Chúng ta nên làm gì khi ở trong những hoàn cảnh thử thách ấy? Chúng ta không nên so đo chỉ trích những tín đồ gặp điều kiện sống dễ chịu hơn (IITim 5:9), cũng không nên oán trách Chúa. Chúng ta cần cầu nguyện, xin Chúa ban cho mình sự khôn ngoan để hiểu biết và sử dụng mọi hoàn cảnh để làm vinh hiển danh Chúa (IITim 1:5).


Sự cầu nguyện có thể thay đổi được những hoạn nạn nếu điều đó đẹp ý Chúa. Sự cầu nguyện cũng ban cho chúng ta có ơn cần thiết khi chịu đựng những hoạn nạn và sử dụng chúng để hoàn tất ý chỉ trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời có thể biến đổi những khó khăn thành ra đắc thắng. “Ngài lại ban cho tạ ơn lớn hơn nữa” (Gia 4:6).

Phao-lô cầu xin Chúa thay đổi hoàn cảnh, nhưng Đức Chúa Trời lại ban cho ông ơn phước cần thiết để ông biến yếu đuối của mình ra mạnh mẽ (IICôr 12:7-10). Ở vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-xu Christ cầu xin Cha cất khỏi Ngài chén đắng nếu có thể được, nhưng Cha trên trời đã ban cho Ngài sức mạnh để Ngài đủ sức bước lên thập tự giá chết thay tội lỗi chúng ta.


Gia-cơ bày tỏ rằng không phải mọi người đều gặp hoạn nạn cùng một lúc: “Có ai vui mừng chăng? Hãy hát ngợi khen” (Gia 5:13). Đức Chúa Trời muốn quân bình đời sống chúng ta nên Ngài cho chúng ta những giây phút hoạn nạn cũng như những ngày vui mừng hoan hỉ. Cơ-đốc nhân trưởng thành cũng là người biết vui mừng ca ngợi Chúa đang khi chịu khổ. (Lẽ dĩ nhiên ai cũng có thể vui mừng sau khi trải qua hoạn nạn). Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta những bài ca “vui mừng trong ban đêm” (Giop 35:10). Ngài đã ban điều này cho Phao-lô và Si-la khi họ bị giam trong ngục tại thành Phi-líp: “Lối nửa đêm, Phao-lô và Si-la đương cầu nguyện hát ngợi khen Đức Chúa Trời...” (Công 16:25).


Cầu nguyện và ngợi khen là những yếu tố quan trọng không thể thiếu trong buổi nhóm thờ phượng ở Hội thánh ban đầu. Chúng ta hôm nay cần noi theo gương của họ. Sự ngợi khen Chúa của chúng ta phải phản ảnh được đời sống thuộc linh bên trong của mình. Sự ngợi khen của người tin Chúa phải xuất phát từ “tâm thần” (ICôr 14:15) chớ không phải chỉ từ lời ở môi miệng hay những tư tưởng vô nghĩa.

Sự ngợi khen phải xuất phát từ tấm lòng (Eph 5:19) và đầy dẫy Đức Chúa Trời (Eph 5:18). Sự ngợi khen Chúa của Cơ-đốc nhân phải dựa trên nền tảng của Lời Đức Chúa Trời (Côl 3:16), chớ không phải những tư tưởng khôn ngoan của loài người. Nếu sự ngợi ca không mang tinh thần Kinh Thánh, vậy nó không thể được Đức Chúa Trời chấp nhận.


2. Cầu nguyện cho người đau ốm (Gia 5:14-16)

Tôi không nghĩ rằng Gia-cơ cho chúng ta một phương thức bao quát về việc chữa bệnh. Ở những Hội thánh tôi từng hầu việc Chúa, tôi cùng một số trưởng lão đã cầu nguyện cho người đau bệnh. Đôi lúc, Chúa đã ban sự lành bệnh, và lúc khác Ngài lại không đẹp ý. Tôi nhớ có hai truờng hợp cùng xảy ra trong một tuần: một cô gái được chữa lành cách kỳ diệu, còn một người khác phải vào bệnh viện để giải phẫu và cuối cùng Chúa đã gọi người ấy về Nước Ngài.


Có những đặc tính riêng biệt nào trong trường hợp Gia-cơ mô tả?


- Con người bệnh hoạn do tội lỗi (15b-16).

Nhóm từ “Nếu kẻ bịnh có phạm tội” tương đương với ý của ICôr 11:30 “vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm và có lắm kẻ ngủ” (qua đời). Gia-cơ mô tả một thuộc viên Hội thánh bị đau bệnh vì sự quở phạt của Đức Chúa Trời.

Đây là lý do những trưởng lão trong Hội thánh được cần đến: người bệnh không thể đến Hội thánh xưng nhận tội lỗi nên phải mời những người lãnh đạo thuộc linh đến với mình. Các trưởng lão có nhiệm vụ khuyên răn cầu nguyện cho những người trong Hội thánh.


- Con người phải xưng tội lỗi mình (Gia 5:16).

Ở Hội thánh ban đầu, các tín-đồ đã phải sống theo kỷ cương Hội thánh. Thơ ICôr 5:1-17 là một điển hình. Phao-lô kêu gọi các tín-đồ Hội thánh Cô-rinh-tô trừ khỏi Hội thánh những kẻ tội lỗi cho đến khi họ ăn năn tội và làm điều lành. “Vậy hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh” (Gia 5:6). Có bản dịch sửa từ “tội” thành “lỗi” với ý niệm rằng những việc làm của con người ấy không đến nỗi gian ác, chỉ là “lỗi lầm. Nhưng chính Gia-cơ đã dùng từ “hamartia” nghĩa là “tội”. Từ này cũng được ông dùng đến ở Gia 1:15 như chủ đề chính.


- Con người được chữa lành do sự “cầu nguyện bởi đức tin” (Gia 5:15). Không phải hành động xức dầu có thể chữa bịnh được nhưng đó là do sự cầu nguyện. Từ Hy-lạp “xức dầu” mang ý nghĩa của một thuật ngữ y học, có thể hiểu là “xoa bóp”. Điều này cũng tỏ cho thấy có để chữa bệnh kết hợp những phương tiện sẵn có với sự cầu nguyện để Chúa đụng đến người bệnh. Đức Chúa Trời có thể chữa lành hoặc sử dụng phương tiện sẵn có, hoặc không nhờ một phương tiện nào. Bằng cách này hay cách khác, Ngài chính là Đấng chữa lành mọi bệnh tật.


Nhưng “cầu nguyện bởi đức tin” là gì mà có thể chữa được bệnh hoạn? Bạn hãy xem lời giải đáp ở IGi 5:14-15 “Này là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài”. Sự cầu nguyện bằng đức tin là sự cầu nguyện được dâng lên khi bạn biết ý muốn Đức Chúa Trời. Các trưởng lão sẽ tìm biết ý Chúa trong vấn đề cần giải quyết và sau đó họ cầu nguyện theo ý muốn Ngài.


Khi thăm viếng những người đau yếu trong Hội thánh, không phải lúc nào tôi cũng biết cách cầu nguyện cho họ (Chính Phao-lô cũng gặp phải nan đề tương tự, Rô 8:26). Liệu Đức Chúa Trời có đẹp lòng chữa bệnh cho người đau không? Hay Ngài muốn gọi con cái mình trở về Nước Ngài? Tôi không thể hiểu được nên tôi phải cầu nguyện: “Nếu Ngài đẹp ý, xin Ngài chữa lành cho con cái Ngài”.

Những ai tuyên bố rằng Đức Chúa Trời sẽ chữa mọi bệnh hoạn và vấn đề con cái Chúa bị bệnh không thuộc ý muốn Ngài, thì người ấy đã chối bỏ Kinh Thánh cũng như thực tiễn. Khi nào chúng ta nhận biết tội lỗi trong mình qua Lời Chúa và Thánh Linh Ngài, cũng như biết Chúa có thể chữa bệnh, vậy khi ấy chúng ta có thể “cầu nguyện bởi đức tin” và chờ đợi Đức Chúa Trời hành động.


Hãy nhớ rằng không phải một cá nhân cầu nguyện cho người bệnh, nhưng đó là một tập thể các trưởng lão, những con người tin kính Đức Chúa Trời luôn tìm biết ý Ngài khi cầu nguyện. Gia-cơ không bảo các tín hữu phải cho mời một người chữa bệnh bằng đức tin. Vấn đề này thuộc quyền của các trưởng lão trong Hội thánh.


Ở phân đoạn này chứa đựng một số bài học thực tiễn

chúng ta không nên bỏ qua.

-Trước hết, sự bất tuân đối với Đức Chúa Trời có thể là nguyên nhân của những bệnh hoạn. Đây là kinh nghiệm của Đa-vít khi ông cố tình giấu giếm tội lỗi mình (Thi 32:1-11).

-Thứ hai, tội lỗi sẽ ảnh hưởng dến cả Hội thánh. Chúng ta chẳng bao giờ phạm tội một mình, vì tội lỗi luôn phát triển và lan truyền đến nhiều người khác. Người có tội phải xưng ra những vi phạm của mình trước Hội thánh vì đã gây ảnh hưởng xấu cho Hội thánh.

-Thứ 3, khi tội lỗi được giải quyết sẽ đem đến sự chữa lành (về thể chất lẫn tâm linh). “Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót” (Ch 28:13). Gia-cơ khuyên “hãy xưng tội cùng nhau”. Bạn đừng che giấu tội lỗi, cũng đừng trì hoãn việc xưng tội!


Việc “xưng tội” Gia-cơ nói ở đây sẽ được thực hiện giữa vòng các tín đồ. Ông không muốn nói rằng chúng ta phải xưng tội trước mặt thầy tế lễ hay nhà truyền đạo.

-Trước hết, chúng ta cần xưng tội trước mặt Chúa (IGi 1:9), nhưng cũng cần xưng ra trước những người bị ảnh hưởng của tội lỗi chúng ta gây ra. Đừng bao giờ xưng ra tội lỗi không thuộc phạm vi ảnh hưởng của nó. Tội lỗi riêng tư cần sự xưng nhận riêng tư, tội lỗi phạm trước nhiều người cần phải được xưng ra cách công khai. Thật sai lầm nếu Cơ-đốc nhân nào xưng tội giả dối trước nhiều người, kiểu “xưng tội” ấy gây hậu quả nghiêm trọng hơn tội lỗi ban đầu.


3. Cầu nguyện cho dân tộc (Gia 5:17-18)

Gia-cơ nhắc đến tiên tri Ê-li như một mẫu mực về người công bình với những lời cầu nguyện đầy ơn. “Người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện thật có linh nghiệm nhiều” (Gia 5:16).


Câu chuyện về Ê-li được chép ở IVua 17:1-18:46). Những kẻ tội lỗi như vua A-háp và hoàng hậu Giê-sa-bên đã khiến dân Y-sơ-ra-ên chống nghịch Đức Chúa Trời để thờ phượng thần Ba-anh. Đức Chúa Trời đoán phạt dân sự qua cơn hạn hán trong xứ (Phuc 28:12,23). Suốt 3 năm rưỡi, trời đóng lại và đất không sinh hoa màu cần thiết cho sự sống. Tiên tri Ê-li đã thách thức cùng các tiên tri Ba-anh trên núi Cạt-mên. Họ kêu cầu thần mình cả ngày nhưng không được trả lời. Vào giờ dâng của lễ chiều, Ê-li sửa lại bàn thờ cũ và chuẩn bị của lễ. Khi Ê-li cầu nguyện, lửa từ trời liền giáng xuống thiêu đốt của lễ. Ê-li đã chứng minh cho dân sự thấy Đức Giê-hô-va thật là Đức Chúa Trời.


Khi dân sự cần có mưa, Ê-li lên đỉnh núi Cạt-mên và quỳ gối cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời. Bảy lần ông gọi tôi tớ mình nhìn xem dấu hiệu của mưa (một cụm mây nhỏ). Một cơn mưa lớn đã đổ xuống và dân sự được cứu.


Hôm nay chúng ta có cần một cơn mưa phước hạnh như vậy không? Chắc hẳn chúng ta rất cần! Nhưng chúng ta có thể lý luận. “Nhưng Ê-li là một tiên tri đặc biệt của Đức Chúa Trời. Chúng ta thừa biết Đức Chúa Trời sẽ nhậm lời ông một cách kỳ diệu”. Gia-cơ khẳng định “Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta” (Gia 5:17). Thật ra, sau chiến thắng trên núi Cạt-mên, ông vẫn không phải là con người hoàn hảo, ... vì sau đó đã sợ hãi, nản lòng và chạy trốn. Dù vậy, ông là “người công bình” vì vâng phục Chúa và tin cậy Ngài. Đức Chúa Trời hứa nhậm lời cầu nguyện cho tất cả các con cái Ngài, chớ không chỉ riêng cho những con người ưu tú trong thuộc linh.


Ê-li cầu nguyện bằng đức tin vì đã được Đức Chúa Trời bảo trước rằng Ngài sẽ khiến mưa sa xuống đất (IVua 18:1). Robert Law nói: “Cầu nguyện không phải là để ý muốn con người được thực hiện trên trời nhưng để ý chỉ Đức Chúa Trời được làm trọn trên đất”. Bạn không thể tách rời Lời Đức Chúa Trời với sự cầu nguyện, vì qua Lời Ngài chúng ta có những lời hứa chắc chắn khi chúng ta cầu nguyện.


Khi cầu nguyện, Ê-li không chỉ tin cậy Chúa mà còn

bền đỗ trong sự cầu xin ấy. “Người cầu nguyện, cố xin... Đoạn, người cầu nguyện lại...” (Gia 5:17-18). Trên núi Cạt-mên, Ê-li cứ kiên nhẫn cầu xin Chúa giáng mưa cho đến khi nghe kẻ tôi tớ mình thuật lại “Tôi thấy ở phía biển lên một cụm mây nhỏ như lòng bàn tay”.

Nhiều lần, chúng ta không nhận được những lời hứa quý báu của Đức Chúa Trời vì không chịu cầu nguyện. Mặc dù chúng ta không nên nói nhiều khi cầu nguyện (Mat 6:7), nhưng có một sự khác biệt rõ rệt giữa việc lặp đi lặp lại những lời vô ích và tinh thần bền đỗ đầy lòng tin thật trong sự cầu nguyện.

Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa chúng ta đã cầu nguyện 3 lần. Phao-lô cũng 3 lần cầu nguyện xin Đức Chúa Trời nhổ cái giằm xóc khỏi xác thịt ông.


Ê-li có thái độ chuyên tâm trong sự cầu nguyện của mình “Người cầu nguyện, cố xin...” (Gia 5:17). Theo ngôn ngữ Hy-lạp, câu Kinh Thánh này được hiểu là “người cầu nguyện trong sự cầu nguyện”. Có rất nhiều người không có tinh thần “cầu nguyện” trong sự cầu nguyện. Họ chỉ nói ra những lời có tính giáo điều một cách uể oải khi cầu nguyện, chớ không thật tâm đặt lòng mình vào đó.


Có một thuộc viên Hội thánh đã cầu nguyện rất dông dài trong một buổi nhóm cầu nguyện, khiến một người hiện diện trong buổi nhóm trở nên chán nản mệt mỏi. Cuối cùng, không kiềm chế nổi, anh ta la lên: “Hãy cầu xin Chúa cái gì đi chớ!”. Đúng là nội dung cầu nguyện phải nhằm vào mục đích “cầu xin Chúa một điều gì”.


Hôm nay, sức mạnh của sự cầu nguyện là sức mạnh vĩ đại nhất trên đời. “Người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều” (Gia 5:16). Lịch sử cũng chứng minh thể nào con người đã phát triển nhanh chóng từ chỗ sức người đến sức ngựa, rồi đến thuốc nổ đi-na-mít, TNT và hôm nay đã đạt đến sức mạnh nguyên tử!


Thế nhưng mạnh hơn cả lực nguyên tử là sức mạnh của sự cầu nguyện. Ê-li cầu nguyện cho đồng bào mình và được Đức Chúa Trời nhậm lời. Hôm nay, chúng ta cũng cần cầu nguyện cho đồng bào mình, để Đức Chúa Trời khiến họ nhận biết tội lỗi mình, cứu rỗi họ và ban những cơn mưa phước hạnh trên đất. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Hội thánh là phải cầu nguyện cho các bậc cầm quyền (ITim 2:1-3).


4. Cầu nguyện cho những người lầm lạc (Gia 5:19-20)

Mặc dù Gia-cơ không đặc biệt định danh vấn đề cầu nguyện trong hai câu Kinh Thánh cuối cùng này, nhưng chúng ta có thể biết được ngụ ý của ông. Nếu chúng ta cầu nguyện cho những người đau yếu tàn tật, vậy chắc chắn chúng ta phải cầu nguyện cho những người anh em lầm lạc cách xa chân lý.


Những câu Kinh Thánh này chỉ về trách nhiệm chúng ta đối với những tín-hữu cách xa chân lý và phạm vào tội lỗi. Chữ “cách xa” nghĩa là “dần dần đi xa khỏi ý muốn Đức Chúa Trời”. Trong Cựu-ước, thuật ngữ dùng cho tình trạng này gọi là “sa ngã”. Thật đáng buồn khi chúng ta chứng kiến thảm trạng này xảy ra thường xuyên trong Hội thánh. Đôi lúc, trong chúng ta cũng có một anh em nào đó phạm lỗi lầm (Ga 6:1), nhưng tội lỗi thường là kết quả của sự sa sút thuộc linh từ từ.


Dĩ nhiên, tình trạng đó rất đáng lo ngại, gây bất lợi cho người phạm lỗi, vì người ấy có thể bị Chúa quở phạt (Hêb 12:1-21). Người ấy cũng có thể đối diện với hiểm hoạ phạm “tội đến nỗi chết” (IGi 5:16-17). Đức Chúa Trời đã quở phạt những tín-đồ phạm tội ở Hội thánh Cô-rinh-tô, thậm chí cất một số người đi (ICôr 11:30).


Sự sa ngã này cũng gây bất lợi cho Hội thánh, người sa ngã có thể tác động đến những người khác và dẫn họ đi lạc lối “chỉ một người có tội phá hủy được nhiều sự lành” (Tr 9:18). Đây là lý do những tín-hữu Hội thánh phải bắt tay vào việc gây dựng, giúp đỡ người đi sai lạc.


Căn nguyên của nan đề này được bày tỏ qua câu “... lạc lầm cách xa chân lý” (Gia 5:19). Chân lý là lời Đức Chúa Trời: “Lời Cha tức là chân lý” (Gi 17:17). Nếu người tin Chúa không sống với chân lý, người ấy sẽ bắt đầu bị dao động.

Vì vậy, chúng ta phải chú tâm vào những gì mình đã nghe, để không “bị trôi lạc” (Hêb 2:1). Chúa Giê-xu Christ từng cho Phi-e-rơ biết trước rằng Sa-tan sẽ ở gần cám dỗ ông nhưng Phi-e-rơ không tin lời Chúa. Ông lại còn lý luận với Chúa nữa! Lẽ ra phải cầu nguyện nhiều hơn, Phi-e-rơ lại đi ngủ. Vì vậy, không có gì lạ khi ông chối Chúa 3 lần.


Hậu quả của sự lầm lạc này là “tội lỗi” và có thể là “sự chết” (Gia 5:20). Ở đây tội nhân là người đã tin Chúa chớ không phải kẻ vô tín, nên tội lỗi trong đời sống của một Cơ-đốc nhân còn tệ hại hơn tội lỗi của người vô tín. Chúng ta chỉ mong đợi những người không được cứu mới phạm tội, nhưng Đức Chúa Trời mong sao con cái Ngài vâng theo Lời Ngài.


Chúng phải làm gì khi nhìn thấy một anh em tín-hữu đi xa chân lý. Chúng ta phải cầu nguyện cho họ và tìm cách giúp đỡ họ, vì họ cần được thay đổi để quay lại con đường đúng đắn. Lẽ nào những người tin Chúa không cần hối cải sao? Vâng họ cần phải hối cải! Chúa Giê-xu Christ phán với Phi-e-rơ: “Đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình” (Lu 22:32).


Chúng ta cần phải tìm người hư mất và dẫn họ đến với Chúa, nhưng cũng cần dẫn dắt những người đã tin nhận. Nếu một anh em có lỗi với chúng ta, hãy nói chuyện riêng với người ấy để dàn xếp ổn thỏa vấn đề. Nếu người ấy chịu lắng nghe, vậy chúng ta sẽ “được anh em lại” (Mat 18:15). Từ “được” có nghĩa như dành lại được, chinh phục được. Từ này cũng được hiểu như “phát tài” ở Gia 4:13. Dành lại một người được cứu cũng quan trọng như việc dắt một người hư mất đến với Chúa.


Nếu chúng ta muốn giúp đỡ một anh em phạm lỗi, hãy xử sự bằng một thái độ yêu thương, vì “sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi” (IPhi 4:8). Cả Gia-cơ và Phi-e-rơ đều biết một nguyên tắc trong Ch 10:12 “Lòng yêu thương lấp hết các tội phạm”. Điều này không có nghĩa là lòng yêu thương “quét” hết những ô uế dơ bẩn vào dưới tấm thảm. Ở đâu có sự hiện diện của tình yêu thương, ở đó phải có chân lý (như Phao-lô nói “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” Eph 4:15).

Và nơi đâu có chân lý, nơi đó sẽ có sự xưng tội thật tâm và sự xoá tội của Đức Chúa Trời. Tình yêu thương không chỉ giúp người vi phạm đối diện với tội lỗi mình để giải quyết chúng, mà còn cho người vi phạm một sự bảo đảm rằng những tội lỗi ấy đã được tha thứ một lần đủ cả và không còn bị nhớ đến nữa.


Cách giải nghĩa về những câu Kinh Thánh trên cũng có thể áp dụng cho tội nhân hư mất. Nói tóm lại, nếu một anh em phạm lỗi cần được hối cải, vậy một tội nhân hư mất càng cần phải được dắt về với Đấng Christ. Nếu người tin Chúa đi sai lạc đánh mất giá trị đời sống mình, ít nhất người đó cũng có thể đến được thiên đàng. Nhưng tội nhân hư mất sẽ bị định tội nơi hoả ngục đời đời.


Tìm kiếm những thứ đã mất là một hình ảnh thường thấy trong Kinh Thánh nhằm nói về vấn đề thu phục linh hồn người. Ở Lu 15:1-32 Chúa Giê-xu Christ phác hoạ hình ảnh con chiên lạc mất, đồng bạc mất và đứa con trai hoang đàng. Tất cả đều được tìm thấy và được trả về chỗ của chúng. Chúa cũng ví sánh việc thu phục linh hồn người giống như việc lưới cá (Mac 1:17).

Phi-e-rơ bắt một con cá bằng lưỡi câu của mình (Mat 17:24-27), nhưng ông cũng hợp sức với đồng bạn để lưới rất nhiều cá trong một lần. Việc truyền giảng cũng mang tính cá nhân và tập thể. Câu Kinh Thánh ở Ch 11:30 ví công tác truyền đạo như “sự săn mồi”, “Người khôn ngoan có tài được linh hồn người ta”.


Người thu phục được linh hồn kẻ khác cũng là một sứ giả hòa bình (IICôr 5:20). Đức Chúa Trời không muốn đem đến thế gian sự tranh chiến, nhưng Ngài muốn hoà bình trên đất. Sẽ có ngày Ngài tuyên bố sự xét đoán trên đất.


Xa 3:2 và Giu 1:23 đều phác họa hình ảnh người thu phục linh hồn tội nhân như người canh lò lửa kéo ra những khúc gỗ đang cháy. John Wesley ứng dụng câu Kinh Thánh Xa 3:2 cho chính mình, vì khi ông còn rất bé đã được người ta lôi ra khỏi căn nhà đang cháy trong hoàn cảnh dường như vô vọng. Đôi khi, chúng ta phải liều mình vì tình yêu thương để dành lấy những con người ra khỏi “đám lửa” của sự đoán phạt.


Chúa Giê-xu Christ đã so sánh công tác truyền giảng với việc gieo giống và thu hoạch (Gi 4:34-38) và Phao-lô cũng dùng ví dụ tương tự ICôr 3:6-9). Có những mùa để gieo và mùa để gặt nên cần sự cộng tác của nhiều người. Chúng ta đều là “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời” ICôr 3:9). Người gieo và người gặt sẽ nhận phần thưởng mình, vì vậy sẽ không có sự cạnh tranh trong công trường của Chúa.


Đến đây, chúng ta đã nghiên cứu xong thư Gia-cơ. Nội dung trong thư của Gia-cơ nhằm đề cập đến sự trưởng thành thuộc linh. Thật ích lợi nếu chúng ta để thời gian xét lại lòng mình xem chúng ta thật sự trưởng thành trong Chúa ở mức độ ra sao.

Dưới đây là một số câu hỏi giúp bạn suy ngẫm:

1. Có phải tôi đang trở nên nhẫn nhục hơn trong những thử thách của cuộc sống?

2. Tội đang đùa giỡn với sự cám dỗ hay kiên quyết chống lại nó từ đâu?

3. Tôi tìm được niềm vui trong sự vâng phục, làm theo lời Chúa hay chỉ để nghiên cứu và học mà thôi?

4. Có định kiến nào trói buộc tôi không?

5. Tôi có thể làm chủ được lời nói mình không?

6. Tôi là sứ giả hòa bình hay chỉ là kẻ gây rối? Người khác có tìm đến tôi vì sự khôn ngoan thuộc linh không?

7. Tôi là bạn Đức Chúa Trời hay bạn của thế gian?

8. Phải chăng tôi có những kế hoạch hành động không cần tìm biết ý Chúa.

9. Tôi có vị kỷ về tiền bạc không? Tôi có bất tín trong việc thanh toán những khoản tiền cho người khác không?

10. Tôi có thói quen cầu nguyện khi gặp khó khăn không?

11. Tôi có phải là mẫu người để kẻ khác tìm được sự giúp đỡ trong sự cầu nguyện không?

12. Tôi có thái độ nào đối với những anh em lầm lạc? Tôi đã chỉ trích và bàn tán về họ? Hay tìm cách che chở họ trong tình yêu thương?


Bạn đừng chỉ lớn về mặt tuổi tác, nhưng hãy trưởng thành!



HỘI THÁNH TIN LÀNH TRƯỞNG NHIỆM GARDEN GROVE
Quận Cam-vùng nam California
​11832 South Euclid St, Garden Grove,
CA. 92840
Orange County​-Southern California
​Tel: 714-638-4422    

Email: vpcgg.ca@gmail.com

SUBSCRIBE FOR EMAILS

Thanks for submitting!

Copyright Ⓒ 2023 vpcgg (PC-USA). All rights reserved. 

bottom of page