top of page
5. HÔN NHÂN ĐẦM ẤM HAY BẾ TẮC (IPhi 3:1-7)
Một tình trạng lạ tồn tại trong xã hội ngày nay. Chúng ta có nhiều thông tin về tình dục và hôn nhân nhiều hơn trước đây tuy nhiên chúng ta gặp phải những nan đề về hôn nhân và ly dị nhiều hơn. Rõ ràng có điều gì đó sai trật ở đây. Thật không đủ lời để nói rằng các gia đình này cần Đức Chúa Trời như thế nào, vì ngay cả những cuộc hôn nhân trong Chúa cũng đang đổ vỡ.
Việc cả chồng lẫn vợ tin Chúa không bảo đảm họ có được cuộc sống hôn nhân thành công. Hôn nhân là một quá trình phải vun đắp liên tục thành công của hôn nhân không tự dưng đến với chúng ta. Khi một trong hai người chưa tin nhận Chúa, có thể làm cho các nan đề càng khó khăn hơn. Trong phần này của bức thư Phi-e-rơ gởi cho những người vợ Cơ Đốc có chồng chưa tin Chúa, ông dạy họ cách chinh phục chồng của mình trở lại tin nhận Đấng Christ. Sau đó ông thêm một số lời khuyên quan trọng dành cho người chồng Cơ Đốc.
Cho dù hoàn cảnh gia đình của bạn như thế nào đi chăng nữa, bạn cũng có thể học nơi Phi-e-rơ những điều cần yếu để có cuộc sống hôn nhân thành công và hạnh phúc.
1.Gương của Đấng Christ (IPhi 3:1,7a)
Các cụm từ “cùng một cách” và ” giống như cách” đưa chúng ta trở lại với lời bàn luận của Phi-e-rơ về gương của Chúa Giê-xu Christ (IPhi 2:21-25). Giống như Chúa Giê-xu thuận phục và vâng theo ý muốn Đức Chúa Trời, vì vậy người chồng hay vợ tin Chúa cũng phải noi theo gương của Ngài.
Trong cuộc sống, chúng ta nhận được nhiều bài học qua sự bắt chước. Ông bà có thì giờ thích thú nhìn thấy các cháu của mình “tiếp thu” được những sự khéo léo và ngôn từ mới khi chúng tăng trưởng. Nếu bắt chước những mẫu mực tối ưu nhất, chúng ta sẽ trở nên những người tốt hơn và thành đạt hơn nhưng nếu làm theo những điều sai, cuộc đời chúng ta sẽ hư hỏng và tính cách của chúng ta bị hư hại. “Những gương mẫu” chúng ta noi theo có ảnh hưởng đến mọi lãnh vực trong cuộc sống của chúng ta.
Trong khi sắp hàng tại quầy tính tiền trong một siêu thị, tôi nghe hai phụ nữ bàn chuyện về vụ tai tiếng gần đây nhất tại Hollywood được mô tả trong trang bìa của một tờ báo bày bán ở quày. Khi tôi lắng nghe (tôi không thể nào không nghe câu chuyện của họ được! ), tôi nghĩ: “Quả là dại dột khi băn khoăn về những cuộc đời tội lỗi của những thần tượng điện ảnh. Tại sao lại chất chứa trong tâm trí các bạn những rác rưởi như vậy? Tại sao không làm quen với những người lịch sự đứng đắn và học tập nơi họ?” Sau đó ít ngày, Tình cờ tôi nghe cuộc đối thoại về những chuyện rắc rối trong gia đình trên chương trình phát hình “phim nhiều tập”, và những ý tưởng giống như vậy lại đến với tôi.
Khi đôi vợ chồng Cơ Đốc tìm cách học đòi theo thế gian và đạt những tiêu chuẩn sống của Hollywood thay vì theo tiêu chuẩn thiên đàng, trong gia đình họ sẽ xảy ra rắc rối. Nhưng nếu cả hai học đòi nơi Chúa Giê-xu Christ trong tâm ttình thuận phục vâng lời và khao khát phục vụ người khác của Ngài, lúc ấy trong gia đình của họ tràn đầy niềm vui đắc thắng. Một người bạn của tôi là nhà tâm lý cho tôi biết điều tốt nhất một người chồng Cơ Đốc có thể làm là làm theo gương của Chúa Giê-xu Christ. Trong Đấng Christ chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp hoà hợp giữa sức mạnh và lòng nhân hậu, và đó là điều cần để làm một người chồng thành công.
Phi-e-rơ cũng chỉ ra Sa-ra là một kiểu mẫu cho các người vợ tin kính Chúa noi theo. Quả thật, Sa-ra không phải là một phụ nữ trọn vẹn nhưng bà chứng tỏ mình là người giúp đỡ tốt đối với Áp-ra-ham, và bà là một trong số ít phụ nữ được nêu tên trong He 11:8-19. Có lần tôi thăm viếng một bà, bà ấy cho biết bà gặp trắc trở trong cuộc sống gia đình, và tôi để ý thấy nhiều “tạp chí câu lạc bộ người hâm mộ phim ảnh” trong ngăn để tạp chí. Sau khi lắng nghe lời than thở về tình trạng bi đát của người phụ nữ, tôi kết luận bà cần làm theo gương và nếp sống mẫu mực trong Kinh Thánh và loại ra khỏi tâm trí những gương sống của thế gian.
Chúng ta không thể làm theo gương Đấng Christ nếu trước tiên không nhận biết Ngài là Cứu Chúa đời mình, và thuận phục Ngài làm Chủ trong lòng mình. Chúng ta phải để thì giờ ở với Ngài mỗi ngày, suy gẫm lời của Ngài và cầu nguyện người chồng người vợ Cơ Đốc nên cầu nguyện chung với nhau và tìm cách nâng đỡ nhau trong đức tin.
2. Thuận phục (IPhi 3:1-6)
Trong đoạn này hai lần Phi-e-rơ nhắc các người vợ Cơ Đốc nhớ rằng họ phải thuận phục chồng của mình (c.1,5). Chữ “thuận phục” là từ ngữ thuộc về quân đội có nghĩa “đặt mình ở cấp dưới” Đức Chúa Trời sắp đặt mọi thứ Ngài lập lên các bậc cai trị khác nhau (IIPhi 2:13-14). Ngài lập người chồng làm chủ gia đình (Eph 5:2)và khi người chồng thuận phục Đấng Christ, người vợ phải vâng phục chồng. Làm đầu không phải là chuyên quyền cậy thế, nhưng đó là việc thực hành quyền yêu thương của Đức Chúa Trời dưới sự lãnh đạo của Chúa Giê-xu Christ.
Phi-e-rơ đưa ra ba lý do tại sao người vợ tin Chúa phải thuận phục chồng của mình, cho dù người chồng chưa tin Chúa (như trong trường hợp này).
a. Thuận phục là bổn phận (IPhi 3:1).
Đức Chúa Trời đã truyền mệnh lệnh này vì trong sự khôn ngoan Ngài, Ngài biết rằng đây là sự sắp xếp tốt nhất để có cuộc hôn nhân trọn vẹn và hạnh phúc. Sự thuận phục không có nghĩa người vợ thấp kém hơn chồng. Thực tế, trong câu 7, Phi-e-rơ nói rõ chồng và vợ “cùng nhau hưởng phước”. Người nam và người nữ được cùng một Đấng Tạo Hoá dựng nên bởi cùng một thể chất như nhau, và cả hai cùng mang ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ban quyền quản trị cho cả A-đam và Ê-va (Sa 1:28), và trong Chúa Giê-xu Christ họ là một (Ga 3:28).
Thuận phục có liên quan đến trật tự và uy quyền, chớ không liên can gì đến việc đánh giá. Ví dụ, những nô lệ trong gia đình người La Mã trung lưu khá hơn chủ về nhiều mặt nhưng họ vẫn phải thuộc dưới quyền của chủ. Người lính cấp bậc binh nhì trong quân đội có thể tốt hơn vị tướng năm sao, nhưng anh ta vẫn là tên lính trơn. Ngay cả chính Đấng Christ đã trở nên tôi tớ và thuận phục ý muốn của Đức Chúa Trời. Chẳng có gì mất phẩm giá khi thuận phục và chấp nhận thứ bậc của Đức Chúa Trời. Nếu không muốn nói đó là bước đầu tiên hướng đến sự trọn vẹn. Và Eph 5:21 nói rõ cả hai vợ chồng trước hết phải vâng phục Chúa Giê-xu Christ.
Chồng vợ phải là những người cộng tác, chớ không phải là những đối thủ. Sau lễ cưới, tôi thường nói riêng với cô dâu chú rể, “Bây giờ, hãy nhớ từ nay trở đi hai bạn không còn là của tôi hay của anh, nhưng là của chúng ta”. Điều này giải thích tại sao các Cơ Đốc nhân luôn luôn nên lập gia đình với con cái Chúa, vì một người tin Chúa không thể trở nên “một thịt” với người không tin (IICo 6:14-18).
b.Thuận phục là cơ hội (IPhi 3:1b-2).
Cơ hội để làm gì? Để chinh phục người chồng chưa tin Chúa trở lại Đấng Christ.Đức Chúa Trời không chỉ đòi hỏi chúng ta thuận phục, Ngài còn dùng điều ấy như là một ảnh hưởng thuộc linh đầy năng lực trong gia đình. Điều này không có nghĩa người vợ Cơ Đốc “nhượng bộ” người chồng không tin Chúa để xoay chuyển chồng của mình và đòi người chồng làm theo những gì nàng muốn. Cách thuyết phục ích kỷ này không nên có trong lòng và gia đình của người tin Chúa.
Người chồng chưa tin Chúa sẽ không được cứu bởi việc rao giảng lời Chúa hay làm cho bực mình trong gia đình. Cụm từ “chẳng lấy lời khuyên bảo không có nghĩa là “không dùng Lời Đức Chúa Trời”, vì sự cứu rỗi đến bởi nghe lời Đức Chúa Trời (Gi 5:24). Điều đó có nghĩa “không nói, không nhiều lời”. Những người vợ tin Chúa dùng lời Kinh Thánh cắt nghĩa cho chồng của mình chỉ đẩy người chồng càng xa khỏi Chúa mà thôi. Tôi biết có một người vợ sốt sắng thường mở nghe chương trình phát thanh Tin Lành suốt các buổi tối, bà có ý mở lớn để chồng chưa tin Chúa của mình sẽ “nghe được lẽ thật”. Bà chỉ tạo cho chồng của mình dễ bỏ nhà để dành các buổi tối với bạn bè.
Chính tính cách và đức hạnh của người vợ sẽ chinh phục được người chồng không tin Chúa - không lý luận, nhưng bằng thái độ thuận phục, hiểu biết, yêu thương, ân cần và nhẫn nhục. Chúng ta không tạo ra các phẩm tính này nhưng đó là những bông trái của Thánh Linh khi chúng ta thuận phục Đấng Christ và vâng phục nhau.Một người vợ tin kính Chúa có cách ăn ở “tinh sạch và cung kính” sẽ bày tỏ “sự ngợi khen” Đức Chúa Trời trong đời sống của mình và gây ảnh hưởng cho chồng của mình tìm đến tin nhận Chúa.
Một trong những gương cao trọng nhất của người vợ và người mẹ tin kính Chúa trong lịch sử Hội Thánh là bà Monica, mẹ của thánh Augustine. Đức Chúa Trời dùng lời chứng và sự cầu nguyện của Monica để chinh phục cả con trai lẫn chồng của bà trở lại tin nhận Đấng Christ, mặc dầu chồng của bà không tin Chúa cho đến trước lúc qua đời. Thánh Augustine viết trong tác phẩm Sự Xưng Tội, “Bà hầu hạ chồng như là người chủ và làm việc cần mẫn để chinh phục ông trở lại với Đấng Christ... bà rao giảng Đấng Christ qua cách ăn ở qua những gì Đấng Christ trang bị cho bà, khiến bà đối xử tử tế với chồng của mình”.
Trong gia đình Cơ Đốc chúng ta phải lo tưởng đến nhau. Người chồng tin Chúa phải quan tâm đến vợ mình và giúp đỡ “để làm nàng đẹp lên” trong Chúa (Eph 5:25-30). Người vợ trong Chúa phải khích lệ chồng và giúp anh ấy lớn mạnh trong Chúa. Cha mẹ và con cái phải chia sẻ gánh nặng và phước hạnh và tìm cách duy trì không khí vui mừng và tăng trưởng thuộc linh trong gia đình. Nếu có người chưa tin Chúa trong gia đình, họ sẽ trở lại với Đấng Christ qua những gì họ chứng kiến trong cuộc sống và mối quan hệ của chúng ta hơn là những gì họ nghe chúng ta nói về Chúa.
c.Thuận phục là đồ trang sức (IPhi 3:3-6).
“Trang điểm” là chữ kosmos trong tiếng Hy Lạp, trong tiếng Anh có nghĩa là “cosmos” (vũ trụ được sắp xếp trật tự) và “cosmetic” (làm đẹp). Trái nghĩa với sự lộn xộn, không có trật tự. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên các bà vợ tin kính Chúa không nên chú trọng trang sức bên ngoài nhưng trau dồi tính cách bên trong. Phụ nữ La Mã bị cuốn hút vào thời trang mới nhất, họ thi nhau trong cách phục sức và đầu tóc. Đối với họ việc tạo những kiểu tóc cầu kỳ, cài bằng những trâm vàng, bạc, ngay cả ngọc nữa chỉ là việc bình thường. Họ mặc những áo quần kiểu cách và đắt tiền, tất cả chỉ với mục đích tạo ấn tượng lẫn nhau.
Người vợ Cơ Đốc có chồng không tin có thể nghĩ rằng cô ấy phải bắt chước thế gian nếu cô ấy muốn chinh phục chồng của mình nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Vẻ đẹp quyến rũ chỉ là giả tạo bên ngoài nhưng nét đẹp quí giá ở bên trong lòng. Sự quyến rũ là điều con người có thể mặc vào và thay ra được, nhưng nét đẹp thật thì luôn luôn bền vững. Vẻ đẹp quyền rũ có thể hư hoại nó bị mai một và tàn phai theo thời gian. Nét đẹp thật từ trong lòng ngày càng trở nên tuyệt vời cho dù năm tháng có qua đi. Người phụ nữ tin kính Chúa chăm lo nét đẹp của người bề trong sẽ không nhờ cậy vào những trau dồi thấp kém bên ngoài. Đức Chúa Trời quan tâm đến phẩm giá chớ không phải giá trị vật chất.
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa người vợ nên bỏ mặc không cần săn sóc chính mình và không quan tâm đến cách ăn mặc hợp thời trang. Nó chỉ có nghĩa là người ấy không chú ý đến “thời trang” chỉ để “theo kịp số đông”. Bất kỳ người chồng nào cũng hãnh diện về người vợ có sức hấp dẫn, nhưng vẻ đẹp đó phải xuất phát từ tấm lòng chớ không phải từ cửa hiệu. Chúng ta không thuộc về thế gian, nhưng không nên bày tỏ như thể chúng ta không ở trong thế gian!
Sứ đồ Phi-e-rơ không ngăn cấm đeo đồ trang sức trong cách ăn mặc. Chữ “mặc” trong câu 3 có nghĩa “mang quanh người”, và ám chỉ đến việc phô diễn đồ trang sức loè loẹt. Có thể mang đồ vàng nhưng vẫn tôn kính Đức Chúa Trời, và chúng ta không nên xét đoán nhau về vấn đề này.
Sứ đồ Phi-e-rơ kết thúc phần này bằng cách nêu ra gương tín kính của Sa-ra, người vợ thuận phục chồng của mình. Hãy đọc Sa 18:1-15 để hiểu được bối cảnh. Các bà vợ Cơ Đốc ngày nay có thể làm cho chồng xấu hổ nếu gọi chồng của mình là “chúa”, nhưng thái độ của họ phải như vậy để có thể gọi chồng là “chủ” của mình và mọi người tin đều đó. Người vợ tin Chúa thuận phục Đấng Christ và chồng của mình, tìm kiếm “tâm thần dịu dàng im lặng” sẽ không bao giờ sợ hãi. (Chữ “sợ”trong câu này có nghĩa là “hãi hùng” trong khi ở câu 2 nó mang nghĩa “kính sợ"). Đức Chúa Trời chăm nom người vợ ngay khi người chồng không tin Chúa gây sự và làm khó cho nàng.
3. Sự ân cần (IPhi 3:7)
Tại sao sứ đồ Phi-e-rơ dành nhiều thì giờ để khuyên dạy người vợ hơn chồng? Vì các bà vợ tin Chúa đang kinh nghiệm một hoàn cảnh hoàn toàn mới và cần được sự chỉ dẫn. Nhìn chung, phụ nữ bị coi khinh trong đế quốc La Mã, và sự tự do mới mẻ trong Đấng Christ họ hưởng được đã tạo nên nhiều nan đề và thách thức. Hơn nữa, nhiều người trong số họ có chồng không tin Chúa cần sự nâng đỡ và giúp sáng tỏ thêm.
Khi sứ đồ Phi-e-rơ viết cho các ông chồng Cơ Đốc, ông nhắc họ nhớ đến bốn trách nhiệm trong mối quan hệ với vợ của mình.
a.Xác thịt - “Ăn ở với vợ”.
Điều này có ý nói đến cách sống nhiều hơn. Hôn nhân là mối liên hệ xác thịt cách đầy trọn:“Hai người sẽ trở nên một thịt” (Eph 5:31). Dĩ nhiên, đôi vợ chồng Cơ Đốc hưởng được sự tương giao thuộc linh sâu nhiệm hơn, nhưng cả hai phải đi đôi với nhau (ICo 7:1-5). Người chồng có nếp sống thuộc linh thật sự sẽ làm trọn bổn phận gia đình của mình và yêu thương vợ.
Người chồng phải dành thì giờ ở nhà với vợ. Những cán sự Cơ Đốc và các chức viên Hội Thánh quá bận rộn đến nơi này nơi kia giải quyết những khó khăn của người khác, kết cuộc lại tạo ra khó khăn trong gia đình của riêng mình. Một cuộc thăm dò cho thấy trung bình một tuần vợ chồng chỉ có ba mươi bảy phút thật sự gặp nhau trò chuyện! Điều gì gây ngạc nhiên khi các cuộc hôn nhân đổ vỡ sau khi con cái trưởng thành và rời khỏi gia đình? Người chồng và vợ bị bỏ lại môt mình - sống với những người xa lạ!
“Ăn ở với vợ” cũng cho thấy người chồng đáp ứng những nhu cầu về vật chất trong gia đình. Một người có công việc làm và nghề nghiệp trong xã hội là điều không sai, nhưng trách nhiệm trước tiên của vợ là săn sóc nhà mình (Tit 2:4-5). Chính người chồng phải chu cấp cho cả nhà (ITi 5:8).
b.Khôn ngoan - “theo sự hiểu biết”.
Một vài người hỏi bà Albert Einstein xem bà có hiểu được thuyết tương đối của nhà bác học Einstein không, bà trả lời, “Không, nhưng tôi hiểu chồng tôi.” Trong chức vụ mục sư cố vấn tiền hôn nhân, tôi thường đưa cho các cặp vợ chồng những tờ giấy và bảo họ viết xuống ba điều họ nghĩ người kia thích làm nhất. Thường thường, vị hôn thê tương lai viết xuống ngay những điều mình suy nghĩ nhưng người đàn ông ngồi nghĩ và cân nhắc điều mình muốn viết. Và thường thường người thiếu nữ suy nghĩ đúng nhưng người thanh niên lại sai! Quả là sự khởi đầu cho cuộc hôn nhân!
Thật đáng kinh ngạc hai vợ chồng có thể sống với nhau nhưng thật sự không biết gì về nhau cả! Không biết là hiểm hoạ trong bất cứ lãnh vực nào của cuộc sống, nhưng nó đặc biệt nguy hiểm trong hôn nhân. Một người chồng yêu mến Chúa phải biết biết tâm trạng, tình cảm, nhu cầu, lo lắng và hy vọng của vợ mình. Chồng cần phải “lắng nghe vợ bằng con tim của mình” và trao đổi chân tình với nàng. Trong gia đình phải có bầu không khí được che chở bằng tình yêu thương và lòng thuận phục đến nỗi vợ chồng có thể bất đồng nhưng vẫn sống hạnh phúc với nhau.
“Lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” là cách giải quyết trong vấn đề nói năng (Eph 4:15). Người ta nói rằng tình yêu không có sự chân thật là giả dối, và sự chân thật không có tình yêu là độc ác. Chúng ta cần cả sự chân thật lẫn tình yêu nếu chúng ta muốn lớn lên trong sự hiểu biết nhau. Làm thế nào người chồng có thể ân cần với vợ mình nếu không hiểu các nhu cầu hoặc nan đề của nàng? Nói “Anh chẳng hề biết em cảm nhận theo cách đó! ” là thú nhận rằng tại một điểm nào đó người bạn đời này đã cắt đứt sự giao thông với vợ mình. Khi người bạn đời sợ phải nói thật về một vấn đề gì, lúc ấy bạn đang xây những bức tường ngăn cách chớ không phải bắt những nhịp cầu.
c.Tình cảm - “Kính nể vợ”.
Phong cách hiệp sĩ có thể bị chết, nhưng mỗi người chồng phải là “một hiệp sĩ trong bộ giáp sáng chói” cư cử với vợ như một công chúa. (Nhân đây chúng ta nên biết tên Sa-ra có nghĩa là “công chúa"). Sứ đồ Phi-e-rơ không muốn nói người vợ là “cái bình dễ vỡ” về mặt đạo đức, tinh thần hay tâm linh nhưng đúng hơn là về thể xác. Dĩ nhiên vẫn có những ngoại lệ nhưng nhìn chung, người nam là phái mạnh hơn trong cả hai trong các khả năng thể chất. Người chồng phải cư xử với vợ mình như cái bình đẹp đẽ dễ vỡ có đựng của quí giá bên trong.
Khi một cặp bạn trẻ bắt đầu hẹn hò, người con trai tế nhị và biết suy nghĩ. Sau khi hứa hôn, người con trai lại càng bày tỏ sự tế nhị hơn và luôn luôn hành động như người quân tử. Buồn thay, chẳng lâu sau khi thành hôn, nhiều người chồng quên đối xử tử tế, cao thượng và bắt đầu không còn đánh giá đúng vợ của mình nữa. Anh ta quên rằng hạnh phúc trong gia đình được xây dựng từ nhiều điều nhỏ nhặt, kể cả những việc tế nhị nhỏ bé trong cuộc sống.
Những cay đắng to lớn thường bộc phát từ những nỗi đau nhỏ. Chồng và vợ cần phải thành thật với nhau, chấp nhận nỗi đau và tìm kiếm sự tha thứ rịt lành vết thương lòng. “Kính nể vợ” không có nghĩa “nhượng bộ vợ”. Người chồng có thể bất đồng với vợ nhưng vẫn kính nể và tôn trọng vợ. Là người lãnh đạo thuộc linh trong gia đình, đôi khi người chồng phải ra những quyết định không được ưa chuộng nhưng người chồng vẫn có thể hành động bằng sự tế nhị và trân trọng.
“Kính nể” có nghĩa người chồng tôn trọng tình cảm, suy nghĩ và ao ước của vợ mình. Có thể người chồng không đồng ý với suy nghĩ của vợ, nhưng anh ta tôn trọng ý nghĩ của vợ. Thường thường Đức Chúa Trời có sự quân bình trong hôn nhân để người chồng cần những điều bản thân người vợ có và cũng như vậy người vợ cần những phẩm tính tốt của người chồng. Người chồng có tính bốc đồng thường có người vợ nhẫn nhục, và điều này giúp anh ta thoát khỏi khó khăn!
Người chồng phải là “chiếc máy điều nhiệt” trong gia đình, điều chỉnh độ nóng thuộc linh và tình cảm. Người vợ thường là “chiếc nhiệt kế”, cho người chồng biết nhiệt độ bao nhiêu! Cả hai đều cần thiết. Người chồng nhạy bén với tình cảm của vợ mình không chỉ khiến nàng hạnh phúc, nhưng còn làm cho mình lớn lên và giúp đỡ con cái sống trong gia đình tôn kính Đức Chúa Trời.
d.Về thuộc linh - “Sự cầu nguyện của anh em không bị ngăn trở”.
Sứ đồ Phi-e-rơ cho rằng vợ chồng nên cầu nguyện chung với nhau. Thường thì họ không làm điều này và đây là lý do xảy ra nhiều thất bại và mất hạnh phúc. Nếu những người không tin Chúa có thể có gia đình hạnh phúc mà không cần cầu nguyện (và họ đã làm như vậy), thì những gia đình có Chúa lại càng hạnh phúc biết bao khi cùng cầu nguyện với nhau! Thật ra, chính đời sống cầu nguyện của vợ chồng cho thấy mọi việc xảy ra tốt đẹp trong gia đình. Nếu có gì trục trặc, lời cầu nguyện của họ sẽ bị ngăn trở.
Vợ chồng cần có thì giờ cầu nguyện cá nhân riêng tư mỗi ngày. Họ cũng cần cầu nguyện chung và có thì giờ “dành cho gia đình”. Cách tổ chức hình thức gia đình lễ bái ở mỗi nhà có khác nhau, thậm chí thì giờ cũng đổi khác khi con cái trưởng thành. Lời Chúa và sự cầu nguyện là nền tảng cho một gia đình thánh khiết hạnh phúc (Cong 6:4).
Vợ chồng cùng “hưởng phước sự sống”. Nếu người vợ bày tỏ lòng thuận phục và người chồng tỏ lòng quan tâm đến vợ và nếu cả hai thuận phục Đấng Christ và noi theo gương của Ngài, họ sẽ kinh nghiệm được sự phong phú trong hôn nhân của mình.
Nếu không, họ sẽ đánh mất điều tốt nhất của Đức Chúa Trời và lấy mất của nhau phước hạnh cùng sự trưởng thành trong hôn nhân. “Phước lành của sự sống” có thể liên hệ đến con cái, cơ nghiệp từ Đức Chúa Trời ban cho (Thi 127:3) nhưng ngay cả những đôi vợ chồng không con cũng có thể hưởng sự giàu có thiêng liêng nếu vâng theo lời khuyên dạy của sứ đồ Phi-e-rơ.
Có thể là điều tốt nếu thỉnh thoảng các cặp vợ chồng kiểm điểm lại hôn nhân của họ. Đây là các câu hỏi dựa trên những gì sứ đồ Phi-e-rơ đã viết.
1.Chúng ta là người giúp đỡ cộng tác với nhau hay là đối thủ?
2.Chúng ta có đang giúp nhau ngày càng lớn lên trong đời sống thuộc linh không?
3.Chúng ta đang phụ thuộc vào ngoại cảnh hay nương cậy nơi cõi đời đời? Trông chờ vào điều giả tạo hay sự thật?
4.Chúng ta có hiểu biết rõ về nhau không?
5.Chúng ta có nhạy bén với cảm xúc và ý nghĩ của nhau, hoặc coi nhau như bình thường?
6.Chúng ta có chờ đợi Đức Chúa Trời trả lời cầu nguyện của chúng ta không?
7.Chúng ta có được sung mãn trong hôn nhân không, hay cướp mất của nhau phước hạnh của Đức Chúa Trời?
Những câu trả lời chân thành có thể giúp chúng ta đối xử với nhau khác hơn!
6. SẲN SÀNG CHO ĐIỀU TỐT NHẤT (IPhi 3:8-17)
Một vị mục sư tận tuỵ đang đối diện với cuộc giải phẫu nguy hiểm, một người bạn thăm ông trong bệnh viện và cầu nguyện với ông. Vị mục sư nói với ông ấy, “Hôm nay có một việc lý thú xảy ra. Một trong các y tá nhìn phiếu bệnh án và nói với tôi, “Ồ, tôi đoán là ông đang chuẩn bị cho điều tệ hại nhất! ” Tôi mỉm cười với cô ta và nói, “Ồ không, tôi đang chuẩn bị để nhận lãnh điều tốt đẹp nhất. Tôi là Cơ Đốc nhân, và Đức Chúa Trời đã hứa làm mọi việc hiệp lại làm ích cho người yêu mến Ngài”. Eo ôi, cô ấy buông phiếu bệnh án và vội vã rời khỏi phòng!
Sứ đồ Phi-e-rơ viết thư này để chuẩn bị các Cơ Đốc nhân chịu bắt bớ trong “lò lửa thử thách”, tuy nhiên cách chuẩn bị của ông rất lạc quan và tích cực. “Hãy chuẩn bị dể hưởng phước lành tốt nhất! ” là sứ điệp của ông. Trong phần này, ông đưa ra ba lời khuyên phải noi theo nếu họ muốn kinh nghiệm những ơn phước tốt nhất trong giờ thử thách khốc liệt hơn hết.
1. Hãy vun xới tình yêu thương anh em trong Chúa (IPhi 3:8-12)
Chúng ta biết rằng tình yêu là chủ đề lặp đi lặp lại trong thư tín của sứ đồ Phi-e-rơ, không những tình yêu thương Đức Chúa Trời dành cho chúng ta, nhưng còn là tình yêu của chúng ta đối với nhau. Sứ đồ Phi-e-rơ phải học bài học quan trọng cho chính mình và ông đã trải qua thời gian khó khăn để học biết điều này! Lòng kiên nhẫn của Chúa Giê-xu dành cho ông thật lớn lao làm sao!
Chúng ta phải bắt đầu bằng lòng yêu thương anh em trong Chúa (IPhi 3:8). Chữ “Rút lại” có nghĩa “tóm lại”. Giống như cả Luật pháp được tóm lại trong tình yêu thương (Ro 13:8-10), vì vậy toàn bộ mối quan hệ của con người phải được trọn vẹn trong tình yêu. Điều này áp dụng cho tất cả Cơ Đốc nhân và mọi lãnh vực của cuộc sống.
Tình yêu thương này được chứng minh bằng sự đồng tâm nhất trí (Phi 2: 1-11). Đồng tâm nhất trí không có nghĩa là đơn điệu nhưng đó là cộng tác giữa các lĩnh vực khác nhau. Các chi thể của thân làm việc với nhau trong sự hiệp nhất, cho dù chúng hoàn toàn khác nhau. Cơ Đốc nhân có thể khác nhau về cách làm việc nhưng họ phải đồng ý với nhau về những việc phải làm và lý do tại sao làm những điều đó. Một người phê bình phương pháp truyền giảng Tin Lành của D. L. Moody, và Moody nói, “Ồ, lúc nào tôi cũng sẵn sàng cải thiện. Vậy phương pháp của bạn như thế nào?” Người phê phán ông thú nhận mình không có phương pháp nào cả! Moody nói. “Thế thì tôi sẽ tiếp tục phương pháp của tôi”. Cho dù có thể dùng phương pháp nào chăng nữa, chúng ta cũng phải tìm cách tôn vinh Đấng Christ, chinh phục người chưa biết Chúa, và gây dựng Hội Thánh. Một vài phương pháp rõ ràng không đúng Kinh Thánh, nhưng chắc chắn có vô số chỗ cho sự khác nhau trong Hội Thánh.
Một bằng chứng khác của tình yêu thương là lòng thương xót, một “tình cảm chân thành hướng đến” nhu cầu của người khác. Chữ “sympathy” (cảm thông) trong tiếng Anh xuất phát từ chữ này. Chúng ta không dám nhẫn tâm đối với nhau. Chúng ta nên chia sớt cả niềm vui lẫn thử thách (Ro 12:15). Căn bản trong việc thực hiện điều này đó là chúng ta cùng anh em trong một gia đình (IPhi 1:22 IPhi 2:17 IPhi 4:8 IPhi 5:14). Chúng ta được “Đức Chúa Trời dạy dỗ phải yêu thương lẫn nhau” (ITe 4:9).
Tình yêu thương tự nó bày tỏ ra sự thương xót, tấm lòng rung cảm hướng đến người khác. Trong đế quốc La Mã, đây không phải là phẩm chất đáng trân trọng nhưng sứ điệp Cơ Đốc thay đổi tất cả. Ngày nay, chúng ta bị tràn ngập quá nhiều tin xấu đến nỗi dễ dàng sống cách ly và vô cảm. Chúng ta cần phải vun đắp lòng thương xót, và tích cực bày tỏ mối quan tâm đến người khác.
“Hãy tỏ ra tế nhị” liên quan đến việc cư xử như người có hiểu biết. “Có tâm tình khiêm nhường” là cách chuyển ngữ tốt và rốt lại, khiêm nhường là nền tảng của lịch sự, vì người khiêm nhường đặt người khác trên bản thân mình.
Không chỉ yêu thương con cái Chúa, nhưng chúng ta cũng phải yêu kẻ thù nghịch nữa (IPhi 3:9). Người nhận thư đang trải qua những bắt bớ cá nhân vì làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Phi-e-rơ khuyến cáo họ rằng kỳ bắt bớ chính thức rất gần, vì vậy tốt hơn hết họ phải chuẩn bị. Hội Thánh ngày nay có sự chuẩn bị tốt hơn vì thời kỳ khó khăn đang ở phía trước.
Là Cơ Đốc nhân, chúng ta có thể sống theo một trong ba tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn của Sa-tan là lấy điều ác báo điều thiện. Tiêu chuẩn của con người là lấy điều thiện báo cho điều thiện và lấy ác trả cho điều ác. Hoặc, tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời là lấy điều thiện trả cho điều ác. Chúa Giê-xu nêu gương cho chúng ta về tiêu chuẩn thứ ba (IPhi 2:21-23). Là con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời, chúng ta không nên “lấy mắt đền mắt, lấy răng đền răng” (Mat 5:38-48), đó là nền tảng của sự công bằng. Chúng ta phải hành động trên nền tảng của lòng thương xót, vì đó là cách Đức Chúa Trời đối đãi chúng ta.
Lời khuyên dạy này ắt hẳn có ý nghĩa nhiều đối với chính bản thân Phi-e-rơ, vì có lần ông đã cố chống lại kẻ thù của Đấng Christ bằng gươm (Lu 22:47-53). Khi còn là một ra-bi Do Thái, Phao-lô đã dùng mọi cách có thể được để chống lại Hội Thánh nhưng khi trở nên Cơ Đốc nhân, sứ đồ Phao-lô không bao giờ dùng vũ khí của con người để đánh trận cho Đức Chúa Trời (Ro 12:17-21 IICo 10:1-6). Khi Phi-e-rơ và các sứ đồ bị bắt bớ, họ nhờ cậy vào sự cầu nguyện và quyền năng của Đức Chúa Trời, chớ không nương vào sự khôn ngoan và sức riêng của mình (Cong 4:23).
Chúng ta nên luôn được nhắc nhớ lại việc Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta trở nên con cái Ngài, vì điều này sẽ giúp chúng ta yêu thương kẻ thù nghịch mình và làm điều tốt cho họ khi họ xử tệ với chúng ta. Chúng ta được gọi để “thừa hưởng phước hạnh”. Những bắt bớ chúng ta chịu trên thế gian ngày nay chỉ bổ sung vào cơ nghiệp vinh hiển đã được ban cho trên trời (Mat 5:10-12). Nhưng ngày nay chúng ta cũng thừa hưởng ơn phước khi đối đãi với kẻ thù bằng tình yêu và lòng thương xót. Qua việc chia sẻ ơn phước với họ, chính chúng ta lại nhận được phước hạnh! Bắt bớ có thể là thời gian làm phong phú đời sống tâm linh của người tin Chúa. Các thánh đồ và người tử đạo trong lịch sử Hội Thánh đã làm chứng cho sự việc này.
Chúng ta phải yêu mến lẫn nhau, yêu thương kẻ thù nghịch, và yêu cuộc sống (IPhi 3:10-12). Tiếng đồn về cơn bắt bớ sắp xảy ra sẽ không làm cho người tin Chúa tuyệt vọng trong cuộc sống. Những gì xảy ra có lẽ là “những ngày u buồn” đối với thế giới lại có thể là “những ngày tốt lành” cho con cái Chúa, nếu như con cái Chúa chỉ gặp những hoàn cảnh nhất định.
Trước hết, chúng ta phải chủ tâm yêu cuộc sống. Đây là hành động của ý chí: “Anh ta là người muốn yêu sự sống”. Đó là thái độ của đức tin nhìn thấy điều tốt lành nhất trong mọi hoàn cảnh. Trái với thái độ bi quan diễn tả trong Tr 2:17: “Vậy, ta ghét đời sống...vì mọi sự điều hư không theo luồng gió thổi”. Chúng ta có thể quyết định chịu đựng cuộc sống và khiến nó trở thành gánh nặng, trốn khỏi cuộc sống như thể chạy trốn chiến tranh, hoặc vui hưởng cuộc sống vì biết Đức Chúa Trời đang tể trị. Sứ đồ Phi-e-rơ không có ý đưa ra một số kiểu rèn luyện tâm lý thiếu thực tế tránh va chạm sự việc. Đúng hơn, ông muốn kêu gọi độc giả phải có cách sống tích cực tận dụng mọi hoàn cảnh bằng đức tin.
Thứ hai, chúng ta phải giữ gìn miệng lưỡi. Nhiều rắc rối xảy ra trong đời sống do lời nói sai, nói năng không đúng. Mọi Cơ Đốc nhân nên đọc Gia 3:1-18 thường xuyên và cầu nguyện Thi 143:1 mỗi ngày. Sứ đồ Phi-e-rơ biết rõ hậu quả thảm hại như thế nào của lời nói hấp tấp! Trong cuộc sống của thánh đồ không có chỗ dành cho sự nói dối.
Thứ ba, chúng ta phải làm điều thiện và ghét điều ác. Chúng ta cần cả tích cực lẫn tiêu cực. Chữ “lánh” có nghĩa là tránh xa. Nó có nghĩa bạn phải “tránh điều gì vì khinh bỉ ghê tởm nó”. Với chúng ta, tránh tội lỗi vì nó là xấu xa thì chưa đủ, chúng ta phải tránh vì căm ghét nó nữa.
Cuối cùng, chúng ta phải tìm kiếm và theo đuổi sự hoà bình. “Phước cho những kẻ làm cho người hoà thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời” (Mat 5:9). Nếu chúng ta đi ra và tìm kiếm sự rối reng, chúng ta sẽ gặp nhưng nếu tìm kiếm sự hoà bình, chúng ta cũng tìm được. Điều này không có nghĩa “hoà bình bằng bất cứ giá nào”, vì sự công bình luôn luôn là nền tảng của hoà thuận (Gia 3:13-18). Điều đó có nghĩa Cơ Đốc nhân sống ôn hoà trong quan hệ với mọi người và không tạo ra rắc rối vì muốn đạt điều mình ưa thích. “Nếu có thể được, hãy hết sức mình mà hoà thuận với mọi người” (Ro 12:18). Đôi khi không thể làm được điều đó! Ro 14:19 khuyên chúng ta nỗ lực để có được hoà thuận. Đều đó không tự nhiên có được.
Một Cơ Đốc nhân bị bắt bớ có thể hỏi: “Nhưng nếu kẻ thù lợi dụng chúng ta thì sao?Có thể chúng ta đang tìm kiếm hoà bình, nhưng họ lại tìm kiếm chiến tranh! ” Sứ đồ Phi-e-rơ đoan chắc rằng mắt của Đức Chúa Trời đoái xem dân sự của Ngài và tai Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. (Sứ đồ Phi-e-rơ đã kinh nghiệm bài học ấy khi ông cố gắng đi trên mặt nước mà không nhìn xem Chúa Giê-xu - Mat 14:22-33). Chúng ta phải tin cậy Đức Chúa Trời bảo vệ và chu cấp cho chúng ta, vì một mình Ngài có thể đánh bại kẻ thù của chúng ta (Ro 12:17-21).
Sứ đồ Phi-e-rơ trích dẫn những câu này từ Thi 34:12-15, vì vậy bạn nên đọc trọn Thi-Thiên này, mô tả những điều Đức Chúa Trời muốn làm bởi “những ngày tốt lành”. Đó không phải là những ngày thoát khỏi khó khăn vì tác giả Thi Thiên viết về các đều sợ hãi (Thi 34:4), gian truân (Thi 34:6,17), tai hoạ (Thi 34:19), và ngay cả tấm lòng đau thương tan vỡ (Thi 34:18). “Ngày tốt lành” đối với người tin Chúa “yêu cuộc sống” không phải là ngày người ấy được nuông chiều che chở, nhưng là ngày kinh nghiệm sự vùa giúp của Đức Chúa Trời và từng trải phước hạnh của Ngài vì phải chịu những khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Đó là ngày người ca tụng Chúa (Thi 34:1-3), kinh nghiệm được sự trả lời cầu xin (Thi 34:4-7), nếm trải sự tốt lành của Đức Chúa Trời (Thi 34:8), và cảm nhận có Đức Chúa Trời ở gần (Thi 34:18).
Thời gian sắp tới lúc bạn nghĩ mình đang gặp phải “ngày u buồn” và bạn thấy chán cuộc sống, hãy đọc Thi 34:1-22 và bạn sẽ khám phá ra rằng bạn thực sự đang có “ngày tốt lành” để làm vinh hiển Đức Chúa Trời!
2. Tôn Đấng Christ làm Chúa trong lòng mình (IPhi 3:13-15)
Các câu Kinh Thánh này giới thiệu phần chính yếu thứ ba của thư Phi-e-rơ thứ nhất -đó là ân điển của Đức Chúa Trời trong sự đau khổ. Những câu này cho thấy một nguyên tắc thuộc linh quan trọng, kính sợ Đức Chúa Trời thắng hơn mọi nỗi lo sợ khác. Sứ đồ Phi-e-rơ trích dẫn Es 8:13-14 để bổ trợ thêm cho lời khuyên của ông: “Nhưng hãy tôn Đấng Christ là Chúa làm thánh trong lòng mình” (IPhi 3:15).
Việc trích dẫn lời tiên tri Ê-sai có ý nghĩa đặc biệt. A-cha vua Giu-đa đối diện với cơn khủng hoảng vì cuộc xâm lăng của quân A-sy-ri. Vua Y-sơ-ra-ên và vua Sy-ri muốn A-cha gia nhập khối liên minh với họ, nhưng vua A-cha từ chối vì vậy nước Y-sơ-ra-ên và Sy-ri đe doạ xâm chiếm Giu-đa! Chính vua A-háp bí mật cấu kết với vua A-sy-ri! Tiên tri Ê-sai khuyến cáo vua chống lại liên minh ngoại giáo và kêu gọi vua tin cậy Đức Chúa Trời để được giải cứu. “Hãy tôn Đức Giê-hô-va vạn quân là thánh các ngươi chỉ nên sợ Ngài và kinh hãi Ngài” (Es 8:13).
Là Cơ Đốc nhân, chúng ta bị những cơn khủng hoảng bao phủ, bị cám dỗ thúc thủ trước nỗi sợ hãi và có quyết định sai lầm. Nhưng nếu “tôn Đấng Christ là Chúa”trong lòng mình, chúng ta chẳng cần phải sợ hãi con người hoặc hoàn cảnh. Kẻ thù có thể làm chúng ta đau đớn, nhưng họ không thể làm hại chúng ta. Chúng ta chỉ có thể làm hại chính mình nếu không tin cậy Đức Chúa Trời. Nói chung, con người không chống đối chúng ta nếu chúng ta làm điều thiện nhưng nếu họ chống đối chúng ta, thì chịu đau đớn vì sự công bình là điều tốt đẹp hơn là làm hại đến lời chứng của chúng ta. Sứ đồ Phi-e-rơ bàn luận vấn đề này cách chi tiết trong IPhi 4:12-19.
Thay vì bày tỏ nỗi sợ hãi khi đối diện với kẻ thù, chúng ta có thể kinh nghiệm phước hạnh, nếu Chúa Giê-xu Christ là Chúa trong lòng chúng ta. Chữ “có phước” trong câu 14 giống như chữ “phước” trong Mat 5:10. Đây là một phần trong “nỗi vui mừng lắm một cách không xiết kể và vinh hiển” (IPhi 1:8).
Khi Chúa Giê-xu Christ là Chúa trong đời sống chúng ta, mỗi cơn khủng hoảng là một cơ hội để làm chứng. Chúng ta “sẵn sàng để trả lời”. Chữ “trả lời” trong câu 15 xuất xứ từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “sự xin lỗi”, nhưng nó không có nghĩa “nói rằng tôi xin lỗi”. Đúng hơn, nó mang nghĩa “một lời binh vực đưa ra trước toà”.Biện giáo là một nhánh của thần học liên quan đến việc binh vực cho đức tin.Mọi Cơ Đốc nhân đều có thể đưa ra lời biện hộ có lý về lòng trông cậy của mình nơi Đấng Christ, nhất là trong những hoàn cảnh không còn hy vọng. Thời điểm khó khăn tạo ra cơ hội làm chứng khi con cái Chúa sống trong đức tin và trông cậy, vì lúc ấy người không tin sẽ chú ý và xem xét.
Chúng ta phải bày tỏ lời làm chứng bằng “sự hiền hoà và kính sợ (tôn trọng)” chớ không phải bằng sự kiêu căng và thái độ biết hết mọi điều. Chúng ta là những chứng nhân, chớ không phải là luật sư biện hộ trong phiên toà! Chúng ta cũng phải chắc chắn rằng cuộc sống chúng ta thích hiệp cho điều chúng ta binh vực.Sứ đồ Phi-e-rơ không có ý nói rằng Cơ Đốc nhân lý luận với người chưa tin Chúa, nhưng đúng hơn chúng ta ân cần yêu thương giới thiệu cho người chưa biết Chúa những gì chúng ta tin và tại sao chúng ta tin. Mục đích không phải thắng một cuộc tranh cãi nhưng chinh phục linh hồn người hư mất về cho Đấng Christ.
“Tôn Đấng Christ là Chúa” trong lòng chúng ta có nghĩa gì? Có nghĩa là giao mọi sự vào trong tay Ngài và chỉ sống với mục đích làm đẹp lòng và sáng danh Ngài. Có nghĩa chúng ta sợ làm buồn lòng Ngài hơn là sợ con người có thể làm gì đối với chúng ta. Phương cách này làm cho cuộc sống chúng ta đơn giản cách lạ lùng! Chính Mat 6:33 và Ro 12:1-2 kết hợp thành thái độ đức tin hằng ngày vâng theo lời dạy của Đức Chúa Trời cho dù hoàn cảnh có ra sao. Có nghĩa chúng ta hoàn toàn thoả lòng về ý muốn của Đức Chúa Trời trên đời sống chúng ta (Gi 4:31-34). Một bằng chứng cho thấy Chúa Giê-xu Christ là Chúa trong cuộc đời chúng ta đó là việc sẵn sàng làm chứng cho người khác về Ngài và tìm cách chinh phục họ trở lại với Đấng Christ.
3. Giữ lương tâm tốt (IPhi 3:16-17)
Chữ “lương tâm” xuất phát từ hai chữ La-tinh: con, có nghĩa là “với” và sio, có nghĩa là “biết”. Lương tâm là sự xét đoán bên trong làm chứng cho chúng ta, để chúng ta có thể “biết”, khi thì binh vực chúng ta khi thì cáo giác chúng ta (Ro 2:14-15). Lương tâm có thể ví sánh với một cửa sổ nhận ánh sáng chân lý của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta không chịu vâng lời, cánh cửa sổ ngày càng trở nên bụi bặm hơn, cho đến khi ánh sáng không thể lọt vào. Điều này dẫn đến “lương tâm dơ dáy” (Tit 1:15). Một “lương tâm chai cứng” là tấm lòng tội lỗi đến nỗi không còn biết phân biệt điều lành điều dữ (ITi 4:2). Lương tâm có thể bị đầu độc đến nỗi xem mọi việc đều là xấu và lên án khi người ta làm điều tốt! Kinh Thánh gọi là “lương tâm xấu” (He 10:22). Một tội phạm cảm thấy có tội nếu hắn ta “mách lẻo” về bạn của mình, nhưng lại cảm thấy hạnh phúc nếu thành công trong vụ tội ác!
Lương tâm tuỳ thuộc vào sự hiểu biết, “ánh sáng” chiếu qua cửa sổ. Khi con cái Chúa học tập lời Kinh Thánh, người ấy sẽ hiểu rõ ý muốn của Đức Chúa Trời hơn, và lương tâm người ấy nhạy bén với điều thiện điều ác hơn. Một “lương tâm tốt” là lương tâm biết lên án khi chúng ta suy nghĩ làm điều sai và vui mừng khi làm điều đúng. Cần phải “tập tành” để giữ lương tâm mạnh mẽ và trong sạch (Cong 24:16). Nếu không lớn lên trong sự hiểu biết thuộc linh và vâng lời, chúng ta có “lương tâm yếu đuối” dễ dàng bị bối rối bởi những chuyện nhỏ nhặt (ICo 8:1-13).
Một lương tâm tốt giúp người tin Chúa như thế nào trong những giờ thử thách và chống đối? Trước hết, lương tâm ấy tăng thêm lòng can đảm cho người tin Chúa vì người ấy biết rằng mình ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời và loài người, kết quả anh ta không cần phải sợ hãi. Khắc trên mộ bia của Martin Luther tại thành phố Worms, Đức Quốc là những lời can đảm phát biểu trước hội đồng giáo hội vào ngày 18/4/ICo 1521: “Tôi đứng ở đây tôi không thể làm điều gì khác. Đức Chúa Trời giúp đỡ tôi. A-men.” Lương tâm của Luther bám chắc vào Lời Đức Chúa Trời đã cho ông lòng dũng cảm chống cự lại toàn thể giáo hội!
Lương tâm tốt cũng mang lại cho chúng ta sự bình an trong tâm hồn và khi có sự bình an bên trong, chúng ta sẽ không phải đối diện với sự tranh chiến. Sự lo âu của một lương tâm bất an sẽ chia cắt tấm lòng chúng ta và làm cạn kiệt sức mạnh của một người, kết quả người ấy không thể nào làm trọn chức năng ở mức tốt nhất.Làm thế nào chúng ta có thể mạnh mẽ làm chứng cho Đấng Christ nếu lương tâm đang nghịch lại với chúng ta?
Lương tâm tốt cất khỏi chúng ta nỗi lo sợ những gì người khác biết về chúng ta, nói nghịch lại chúng ta, hoặc gây khó chịu cho chúng ta. Khi Đấng Christ là Chúa và chỉ kính sợ một mình Đức Chúa Thời, chúng ta không phải sợ doạ nạt, sợ những ý kiến hoặc những hành động của kẻ thù. “Đức Giê-hô-va binh vực tôi, tôi chẳng sợ loài người sẽ làm chi tôi?” (Thi 118:6). Sứ đồ Phi-e-rơ đã thất bại chính điều này khi ông sợ hãi kẻ thù và chối Chúa.
Sứ đồ Phi-e-rơ nói rõ rằng một mình lương tâm không thể trắc nghiệm điều gì đúng hoặc sai. Một người có thể liên can đến “việc làm tốt” lẫn “việc làm xấu”. Một người không vâng lời Đức Chúa Trời và tuyên bố rằng điều đó đúng chỉ vì lương tâm người ấy không lên án người ấy, phải thừa nhận rằng có điều gì đó thật sự sai trật trong lương tâm người ấy. Lương tâm là người hướng dẫn an toàn chỉ khi Lời Đức Chúa Trời là thầy giáo.
Trong xã hội ngày nay, Cơ Đốc nhân sẽ bị người đời buộc tội và làm chứng dối ngày càng nhiều. Những tiêu chuẩn của nếp sống cá nhân chúng ta không thuộc về thế gian hư mất. Theo lệ thường, Cơ Đốc nhân không tạo nên khó khăn nhưng họ chỉ cho thấy sự khó khăn mà thôi. Hãy để một người được sinh lại bắt đầu làm việc trong một văn phòng, hoặc chuyển đến ở trong ký túc xá đại học, trong một thời gian ngắn sẽ có vấn đề xảy ra ngay. Cơ Đốc nhân là ánh sáng của thế giới mờ tối này (Phi 2:15), họ phát hiện “công việc vô ích của sự tối tăm” (Eph 5:11).
Khi Giô-sép bắt đầu làm quản gia trong nhà Phô-ti-pha, và từ chối không phạm tội, người đã bị cáo gian và bị bỏ vào ngục. Các viên cận thần trong triều đình tại Ba-by-lôn lập mưu gây rắc rối cho Đa-ni-ên vì nếp sống và công việc của ông là lời chứng nghịch lại họ. Chính cuộc đời của Chúa Giê-xu Christ chúng ta trên thế gian đã phơi bày tấm lòng và công việc tội lỗi của con người, và đây là lý do họ đóng đinh Ngài (Gi 15:18-25). “Vả lại, hết thảy mọi ngưòi muốn sống nhân đức trong Chúa Giê-xu Christ sẽ bị bắt bớ.” (IITi 3:12).
Nếu giữ lương tâm tốt, chúng ta phải giải quyết tội lỗi trong đời sống chúng ta và xưng ra ngay (IGi 1:9). Chúng ta phải “giữ cho cửa sổ sạch sẽ”. Chúng ta cũng nên dành thì giờ học tập lời Đức Chúa Trời và “hãy để ánh sáng soi rọi vào”.Một lương tâm mạnh mẽ là kết quả của sự vâng lời đặt nền tảng trên sự hiểu biết, và lương tâm mạnh mẽ giúp cho việc làm chứng cho tội nhân hư mất thêm mạnh mẽ. Cũng cho chúng ta sức mạnh trong giờ bắt bớ khó khăn.
Không có Cơ Đốc nhân nào từng chịu đau khổ vì việc làm sai, và chẳng có con cái Chúa nào ngạc nhiên nếu chịu đau đớn vì làm điều thiện. Thế giới chúng ta bị pha trộn quá đến nỗi người ta “gọi diều xấu là tốt, và kể điều tốt là xấu” và “lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối...” (Es 5:20). Các nhà lãnh đạo tôn giáo trong thời Chúa Giê-xu gọi Ngài là “tay gian ác” có nghĩa “người làm điều xấu” (Gi 18:29-30). Con người quả thật sai lầm!
Khi khó khăn xảy đến cho Hội Thánh, chúng ta phải vun đắp tình yêu thương vì chúng ta cần giúp ích và nâng đỡ lẫn nhau hơn bao giờ hết. Chúng ta nên giữ lương tâm tốt, vì lương tâm tốt giúp cho nghị lực mạnh mẽ hơn và lời chứng thêm can đảm.Bí quyết là phải thực hành quyền làm chủ của Chúa Giê-xu Christ. Nếu kính sợ Đức Chúa Trời, chúng ta không cần sợ loài người. Samuel Johnson nói, “Sợ hãi loài người sinh ra sự xấu hổ, kính sợ Đức Chúa Trời sinh ra lương tâm tốt”.
7. BÀI HỌC TỪ CUỘC ĐỜI NÔ-Ê (IPhi 3:18-22)
Một mục sư dạy Mat 16:1-28 cho lớp nghiên cứu Kinh Thánh, ông dùng nhiều lời giảng giải ý nghĩa lời phán của Chúa với Phi-e-rơ, “Ngươi là Phi-e-rơ, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên đá này” (Mat 16:18). Sau đo, một phụ nữ nói với vị mục sư, “Thưa Mục sư, Tôi đánh cuộc nếu Chúa Giê-xu biết những lời ấy sẽ gây ra tất cả những rắc rối sau này, Ngài sẽ không bao giờ phán như vậy! ”
Khi Phi-e-rơ viết phần thư này, ông không có ý nói rằng nó được liệt vào phần khó nhất trong Tân Ước. Các nhà giải kinh giỏi và kính sợ Chúa vật lộn với những câu Kinh Thánh này, họ tranh cãi và bất đồng ý kiến, và luôn luôn chẳng để lại sự giúp ích thuộc linh nào. Chúng ta không thể giải quyết tất cả các vấn đề tìm thấy trong phần này, nhưng chúng ta mong muốn nhận được sự giúp ích trong thực tế mà Phi-e-rơ đem lại để nâng đỡ con cái Chúa trong những ngày gặp khó khăn hoạn nạn.
Phần này đưa ra ba chức vụ khác nhau. Nếu hiểu các chức vụ này, chúng ta sẽ dễ dàng chịu đau khổ trong ý muốn Đức Chúa Trời và làm sáng danh Đấng Christ.
1.Chức Vụ của Đấng Christ.
Những điều khác trong phân đoạn này là phụ so với những gì sứ đồ Phi-e-rơ phải nói về Chúa Giê-xu Christ. Tư liệu này tương đương với những điều sứ đồ Phi-e-rơ viết trong IPhi 2:21. Sứ đồ Phi-e-rơ giới thiệu Chúa Giê-xu Christ là gương trọn vẹn của một người chịu đau khổ cách bất công nhưng vẫn vâng lời Đức Chúa Trời.
a.Sự chết của Đấng Christ (IPhi 3:18).
Trong câu 17, sứ đồ Phi-e-rơ viết về sự chịu đau khổ vì làm điều lành hơn là làm điều ác và vì vậy ông nêu lên tấm gương của Chúa Giê-xu Christ. Chúa Giê-xu là “Đấng Công bình” (Cong 3:14), nhưng Ngài bị đối xử không công bình. Tại sao vậy? Để Ngài có thể chết vì người không công bình và đẫn họ đến cùng Đức Chúa Trời! Ngài chết thay tội lỗi của con người (IPhi 2:24). Nói cách khác, Chúa Giê-xu chịu khổ vì làm điều lành Ngài không chịu chết vì tội lỗi của Ngài, vì Ngài chưa hề phạm tội (IPhi 2:22).
Nhóm từ “dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời” là từ ngữ thuộc về kỹ thuật có nghĩa “có được cuộc tiếp kiến tại phiên toà”. Vì công tác cứu chuộc của Đấng Christ trên thập tự giá, bây giờ chúng ta được tự do đến gần Đức Chúa Trời (Eph 2:18 Eph 3:12). Chúng ta có thể mạnh dạn đến gần ngôi ân phước của Ngài (He 10: 19)! Chúng ta cũng có cơ hội đến với ân phước lạ lùng của Ngài để thoả mãn những nhu cầu mỗi ngày của chúng ta (Ro 5:2). Khi bức màn trong đền thờ bị xé ra làm đôi, mở ra con đường mới đến với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu Christ.
b.Sự công bố của Đấng Christ (IPhi 3:19-20).
Nhóm từ “về phần linh hồn thì được sống” gây khó hiểu cho chúng ta.Trong bản gốc tiếng Hy Lạp, không có mẫu tự nào được viết hoa vì vậy chúng ta không có quyền viết hoa chữ Spirit, đúng hơn là chữ spirit. Các học giả Hy Lạp cho chúng ta biết phần cuối câu 18 nên hiểu là: “Dù thể xác Ngài đã chết, nhưng tâm linh Ngài vẫn sống”. Điều tương phản là giữa xác thịt và linh hồn, như trong Mat 26:41 và Ro 1:3-4, chớ không phải giữa xác thịt của Đấng Christ và Đức Thánh Linh.
Chúa chúng ta có một thân thể (Mat 26:26), một linh hồn (Gi 12:17) và tâm linh thật sự (Lu 23:46). Ngài không phải là Đức Chúa Trời ngự trong con người nhưng Ngài thật sự là Con Trời. Khi Ngài chết, Ngài giao tâm linh cho Đức Chúa Cha (Lu 23:46 Gia 2:26). Tuy nhiên, có vẻ rõ ràng rằng, nếu “phần tâm linh Ngài được làm cho sống”, thì ở một góc độ nào đó tâm linh Ngài đã phải chết. Có thể khi Ngài gánh lấy tội lỗi cho chúng ta và bị Cha Ngài từ bỏ (Mac 15:34 IICo 5:21). Nhóm chữ “làm sống lại phần tâm linh” không có nghĩa là sự sống lại, vì sự sống lại phải có liên hệ đến thân xác.
Vì vậy, trên thập giá, Chúa chúng ta chịu đau đớn và chết. Thân thể Ngài bị đóng đinh đến chết, và tâm linh Ngài chết khi Ngài mang lấy tội lỗi. Nhưng Đức Chúa Trời làm cho tâm linh Ngài sống lại và Ngài giao tâm linh cho Cha Ngài. Theo sứ đồ Phi-e-rơ, ở một thời điểm nào đó giữa sự chết và sống lại của Ngài, Chúa Giê-xu đã rao giảng cho “các linh bị tù”. Điều này phát sinh hai thắc mắc:Những “linh” Ngài viếng thăm là ai? Ngài đã rao giảng cho họ những gì?
Những ai cho rằng “các linh bị tù” là những linh hồn tội nhân hư mất trong địa ngục, và nói rằng Chúa Giê-xu đã đem Phúc Âm cứu rỗi đến cho những linh bị tù này, thật sự họ gặp phải một số vấn đề phải giải quyết. Trước hết, sứ đồ Phi-e-rơ ám chỉ đến “những linh hồn” chớ không phải “thần linh” (IPhi 3:20). Trong Kinh Thánh Tân Ước, chữ “spirits” (linh) được dùng để mô tả các thiên sứ và ma quỉ, chớ không nói đến con người câu 22 có lẽ ủng hộ cho ý này. Hơn nữa, không có chỗ nào trong Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-xu viếng thăm địa ngục. Cong 2:31 dạy rằng Ngài xuống “Âm phủ”, nhưng “Âm phủ” không phải là “địa ngục. Chữ “Âm phủ” nói đến lãnh địa của người chết, nơi ở tạm để chờ đợi sự sống lại. Hãy đọc Kh 20:11-15 trong bản NASB hay NIV bạn sẽ thấy sự khác biệt quan trọng này. Địa ngục là nơi đoán phạt cuối cùng và đời đời dành cho người hư mất. Âm phủ là nơi ở tạm. Khi con cái Chúa qua đời, người không đi đến nơi nào trong hai nơi ấy, nhưng đi thẳng đến thiên đàng ở với Đấng Christ (Phi 1:20-24).
Chúa chúng ta giao tâm linh của Ngài vào tay Cha Ngài, Ngài chết, và tại thời điểm nào đó giữa sự chết và sống lại, Ngài viếng thăm lãnh địa của người chết nơi ấy Ngài chuyển giao sứ điệp cho những linh (có lẽ là những thiên sứ sa ngã xem Giu 1:6) những người có liên quan đến thời gian trước khi xảy ra cơn nước lụt. Câu 20 nói rõ điều này. Chữ “rao giảng” có nghĩa “loan báo như một người đưa tin công bố”. Đó không phải câu nói có nghĩa “rao giảng Phúc âm” mà sứ đồ Phi-e-rơ dùng trong IPhi 1:12 và IPhi 4:6. Sứ đồ Phi-e-rơ không cho chúng ta biết Chúa Giê-xu đã công bố điều gì cho những linh hồn bị tù này, nhưng không thể là sứ điệp cứu rỗi vì các thiên sứ không thể được cứu (He 2:16). Có lẽ đó là lời công bố chiến thắng Sa-tan và những kẻ theo nó (IPhi 3:22 Co 2:15).
Sứ đồ Phi-e-rơ không giải thích các linh này có liên quan như thế nào đến thời kỳ trước nước lụt. Một số nhà nghiên cứu Thánh Kinh tin rằng “con trai của Đức Chúa Trời” nêu tên trong Sa 6:1-4 là những thiên sứ sa ngã kết hiệp với phụ nữ sinh ra dòng giống khổng lồ, nhưng tôi không thể chấp nhận cách lý giải này.Những thiên sứ tốt không sa ngã được gọi là “các con trai Đức Chúa Trời” chớ không phải các thiên sứ sa ngã (Giop 1:6 Giop 2:1 và lưu ý rằng Sa-tan được phân biệt với các “con trai Đức Chúa Trời"). Thế giới trước nước lụt là độc ác vô tín, và chắc chắn những linh này có liên quan đến thế giới ấy (Sa 6:5-13 Ro 1:18).
c.Sự sống lại của Đấng Christ (IPhi 3:21).
Bởi vì sự chết xảy ra khi linh hồn lìa khỏi thể xác (Gia 2:26), nên sự sống lại có liên quan đến việc hồn trở lại với xác (Lu 8:55). Đức Chúa Cha khiến Ngài từ kẻ chết sống lại (Ro 6:4 Ro 8:11), nhưng Đức Chúa Con cũng có quyền sống lại (Gi 10:17-18). Đó quả là một phép lạ! Chính vì sự sống lại của Ngài, các Cơ Đốc nhân có “sự hy vọng sống” (IPhi 1:3-4). Chúng ta sẽ thấy sự sống lại của Đấng Christ có liên quan đến kinh nghiệm của Nô-ê như thế nào.
Chúng ta đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của sự sống lại của Chúa Giê-xu Christ. Điều đó công bố rằng Ngài là Đức Chúa Trời (Ro 1:4), và công tác cứu rỗi được làm xong và được Đức Chúa Cha chấp nhận (Ro 4:25), và Ngài đã đắc thắng sự chết (ITe 4:13-18 Kh 1:17-18). Sứ điệp Phúc Âm bao gồm sự sống lại (ICo 15:1-4), Đấng chết không cứu rỗi được ai. Chính Đấng Christ phục sinh ban năng quyền cho chúng ta mỗi ngày để sống và phục vụ Ngài (Ga 2:20).
d.Sự Thăng Thiên của Đấng Christ (IPhi 3:22).
Bốn mươi ngày sau khi sống lại, Chúa chúng ta thăng thiên về trời ngồi bên hữu Đức Chúa Cha, nơi cao vinh hiển (Thi 110:1 Phi 2:5-11 He 12:1-3 Cong 2:34-36). Con cái Chúa được ngồi cùng Ngài tại các nơi trên trời (Eph 2:4-6), và bởi Ngài chúng ta có thể “cai trị trong sự sống (Ro 5:17). Ngài đang chăm sóc Hội Thánh trong nhiệm vụ là Thầy Tế lễ Chí Cao (IGi 1:9-2:2). Ngài đang sắm sẵn một nơi cho con cái Ngài (Gi 14:1-6) và một ngày kia Ngài sẽ trở lại tiếp rước Hội Thánh về với Ngài.
Nhưng điểm chính yếu sứ đồ Phi-e-rơ muốn nhấn mạnh là sự đắc thắng trọn vẹn của Đấng Christ trên “các thiên sứ, các vương hầu, các quyền thế” (IPhi 3: 22), ám chỉ đến các thế lực độc ác của Sa-tan (Eph 6:10-12 Co 2:15). Các thiên sứ sa ngã luôn luôn lệ thuộc Ngài. Là con cái Chúa, chúng ta không đánh trận để chiến thắng, nhưng từ chiến thắng - sự đắc thắng vĩ đại mà Chúa Giê-xu Christ đã chiến thắng vì chúng ta trong sự chết, sống lại và thăng thiên của Ngài.
2.Chức Vụ Của Nô-ê.
Tộc trưởng Nô-ê được đề cao giữa vòng dân Do Thái trong thời Phi-e-rơ, và trong vòng các con cái Chúa. Nô-ê được gắn liền với Đa-niên và Gióp, hai vĩ nhân, trong Exe 14:19-20 và có nhiều ám chỉ đến Trận Nước Lụt trong cả Thi Thiên và các sách Tiên tri. Chúa Giê-xu đề cập đến Nô-ê trong bài giảng tiên tri của Ngài (Mat 24:37-39 Lu 17:26-27), sứ đồ Phi-e-rơ nhắc đến Nô-ê trong thư thứ hai của ông (IIPhi 2:5 IIPhi 3:6). Nô-ê được nêu tên trong hàng ngũ các anh hùng đức tin trong He 11:7.
Sứ đồ Phi-e-rơ nhìn thấy mối quan hệ nào giữa các độc giả và chức vụ của Nô-ê?Trước hết, Nô-ê là “người giảng đạo công bình” (IIPhi 2:5) trong suốt thời gian khó khăn trong lịch sử. Thật ra, ông đồng đi với Đức Chúa Trời và rao giảng chân lý của Đức Chúa Trời suốt 120 năm (Sa 6:3), và trong suốt thời gian ấy chắc chắn ông bị người ta chế nhạo và chống đối. Các Cơ Đốc nhân đầu tiên biết rằng Chúa Giê-xu đã cho biết thế gian sẽ giống như “thời Nô-ê” trước ngày tái lâm của Ngài (Mat 24:37-39) và họ đang trông đợi Ngài mau đến (IIPhi 3:1-3). Khi nhìn thấy xã hội băng hoại chung quanh và sự bắt bớ xảy ra, họ sẽ nghĩ đến lời của Chúa.
Nô-ê là con người đức tin luôn làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời ngay cả lúc dường như ông là người thất bại. Chắc chắn điều này sẽ khích lệ các độc giả của Phi-e-rơ. Nếu chúng ta đánh giá sự trung thành bằng kết quả, thì Nô-ê sẽ có điểm rất thấp. Tuy nhiên Đức Chúa Trời đánh giá ông rất cao!
Nhưng còn một mối liên hệ khác nữa: Sứ đồ nhìn thấy trong Cơn nước Lụt một hình ảnh (mẫu) người Cơ Đốc kinh nghiệm phép báp-tem. Cho dù bạn có thể chấp nhận kiểu báp-tem nào đi nữa, chắc chắn Hội Thánh đầu tiên cũng thực hành phép báp-tem bằng cách ngâm mình trong nước. Đó là hình ảnh sự chết, chôn, và sống lại của Cứu Chúa chúng ta. Ngày nay nhiều người không nhận báp-tem cách nghiêm túc, nhưng đó là việc nghiêm túc trong Hội Thánh đầu tiên. Phép báp-tem có nghĩa là dứt khoát với quá khứ, và điều này có thể bao gồm việc phân rẽ khỏi gia đình, bạn bè và công việc. Những người xin nhận báp-tem được khẩu vấn cách cẩn thận, vì nhận báp-tem là một bước thánh hoá cuộc đời họ, chớ không phải chỉ là “nghi thức kết nạp đầu tiên” để “gia nhập Hội Thánh”
Cơn nước lụt nói lên hình ảnh sự chết, chôn và sống lại. Nước vùi lấp thế gian trong sự đoán phạt, nhưng nước cũng nâng Nô-ê và gia đình của ông trong sự bình an. Hội Thánh đầu tiên nhìn thấy hình ảnh cứu rỗi trong chiếc tàu. Nô-ê và gia đình của ông được cứu bởi đức tin vì họ tin cậy Đức Chúa Trời và đi vào tàu bình an. Vì vậy tội nhân đươc cứu bởi đức tin khi họ tin nhận Đấng Christ và trở nên làm một với Ngài.
Khi sứ đồ Phi-e-rơ viết Nô-ê và gia đình “được cứu bởi nước”, ông cẩn thận giải thích hình ảnh này không nói đến sự cứu rỗi bởi phép báp-tem. Phép báp-tem là “tượng trưng” của điều đã cứu chúng ta, tức là “sự sống lại của Chúa Giê-xu Christ” (IPhi 3:21). Nước rưới trên thân thể hoặc thân thể dìm xuống nước không thể tẩy rửa vết nhơ tội lỗi. Chỉ huyết Chúa Giê-xu Christ mới có thể làm đều đó (IGi 1:7-2:2). Tuy nhiên, phép báp-tem cứu chúng ta thoát khỏi một điều: đó là lương tâm xấu. Sứ đồ Phi-e-rơ đã nói với các độc giả của ông rằng lương tâm tốt là điều quan trọng để có lời chứng kết quả (IPhi 3:16), và một phần “lương tâm tốt” là trung tín với lời cam kết theo Đấng Christ đã được chúng ta bày tỏ trong phép báp-tem.
Chữ “trả lời” trong câu 21 là một thuật ngữ về pháp lý có nghĩa “sự bảo đảm, sự đòi hỏi”. Khi người nào ký hợp đồng, người ta sẽ hỏi anh ta, ” Anh có thề hứa vâng theo và làm trọn các điều khoản ghi trong hợp đồng này không?” Anh ta phải trả lời, “Vâng, tôi bảo đảm” hoặc là anh ta không ký. Khi con cái Chúa chuẩn bị nhận phép báp-tem, họ sẽ được hỏi xem thử họ có định ý vâng theo, hầu việc Đức Chúa Trời, và từ bỏ tội lỗi trong quá khứ không. Nếu họ có nghi ngại trong lòng hoặc cố tình dối trá, họ sẽ không có lương tâm tốt và dưới áp lực của sự bắt bớ họ sẽ chối Chúa (sứ đồ Phi-e-rơ kinh nghiệm về điều đó! ). Vì vậy, sứ đồ Phi-e-rơ nhắc họ nhớ lại lời làm chứng về phép báp-tem của họ để khích lệ họ tin cậy Đấng Christ.
Điều đáng chú ý là niên đại của thời kỳ nước lụt có liên hệ gần gũi với ngày sống lại của Chúa chúng ta. Chiếc tàu Nô-ê tấp trên núi A-ra-rát vào ngày 17 tháng bảy (Sa 8:4). Cách tính năm theo lịch Do Thái bắt đầu vào tháng mười nhưng theo lịch tôn giáo bắt đầu vào dịp lễ Vượt Qua tháng tư (Xu 12:1-2), nhưng điều đó không được quy định cho đến thời Môi-se. Tháng thứ bảy tính từ tháng mười là tháng tư. Chúa chúng ta bị đóng đinh trên thập tự giá vào ngày mười bốn, đúng dịp lễ Vượt Qua (Xu 12:6), và sống lại sau ba ngày. Điều này đưa chúng ta đến ngày mười bảy, ngày chiếc tàu Nô-ê tấp trên núi A-ra-rát. Do đó, hình ảnh minh hoạ về Nô-ê có liên hệ gần với điều sứ đồ Phi-e-rơ nhấn mạnh đến sự sống lại của Đấng Cứu rỗi.
Theo một ý niệm, kinh nghiệm của Chúa chúng ta trên thập tự giá là báp-tem của sự đoán phạt, không khác gì cơn nước lụt. Ngài nói đến những đau khổ của Ngài như là phép báp-tem Ngài phải chịu (Mat 20:22 Lu 12:50). Ngài cũng dùng hình ảnh của Giô-na để nói lên sự chết, sự chôn và sự sống lại mà Ngài trải qua (Mat 12:38-41). Chắc chắn Chúa Giê-xu có thể đã trích dẫn Gion 2:4 để mô tả kinh nghiệm của Ngài: “Hết thảy những sóng lượn và ba đào của Ngài đều trải qua trên tôi.”
3.Chức Vụ của Cơ Đốc Nhân Ngày Hôm Nay.
Thật dễ dàng chấp nhận những bài học chính yếu mà sứ đồ Phi-e-rơ chia sẻ với các độc giả của ông, đó là những bài học ngày hôm nay chúng ta cần đến.
Bài học thứ nhất, Cơ Đốc nhân phải mong đợi sự chống đối. Khi ngày tái lâm của Đấng Christ hầu gần, việc làm tốt đẹp của chúng ta sẽ kích động con người vô đạo giận dữ và tấn công chúng ta. Chúa Giê-xu sống cuộc đời trọn vẹn trên thế gian, nhưng Ngài bị đóng đinh như một tội phạm thông thường. Nếu Đấng Công Nghĩa không phạm một tội nào bị đối xử một cách độc ác, chúng ta là những người bất toàn lại có quyền gì để thoát khỏi sự đau khổ? Tuy nhiên, chúng ta phải thận trọng, chúng ta chịu đau khổ vì làm điều thiện, vì ích lợi cho sự công bình, chớ không phải vì chúng ta không vâng lời.
Bài học thứ hai, Cơ Đốc nhân phải hầu việc Đức Chúa Trời bằng đức tin và không trông cậy vào thành tích. Nô-ê hầu việc Đức Chúa Trời và chỉ giữ được bảy người thoát khỏi cơn Nước Lụt nhưng Đức Chúa Trời khen ngợi ông. Chúng ta thật được khích lệ từ bảy con người ấy! Dường như Chúa Giê-xu hoàn toàn thất bại khi Ngài chết trên thập tự giá, nhưng sự chết của Ngài là sự đắc thắng tột cùng. Công việc của Ngài ngày nay dường như thất bại, nhưng Ngài sẽ hoàn tất mục đích của Ngài trong thế gian này. Mùa gặt không phải là việc kết thúc một cuộc họp mặt nhưng đó là việc chấm dứt một thời đại.
Bài học thứ ba, chúng ta có thể được nâng đỡ vì chúng ta cùng chiến thắng với Đấng Christ. Điều này được mô tả trong phép báp têm và giáo lý được giải thích trong Ro 6:1-23. Chính phép báp-tem trong Thánh Linh liên hiệp Cơ Đốc nhân với Đấng Christ (ICo 12:12-13), và hình ảnh này được thấy trong phép báp-tem bằng nước.Chính bởi quyền năng của Đức Thánh Linh chúng ta sống cho Đấng Christ và làm chứng nhân cho Ngài (Cong 1:8). Sự chống đối của con người do quỉ Sa-tan xúi giục, và Đấng Christ đã đánh bại mọi quyền cai trị này. Ngài “có mọi quyền phép trên trời và dưới đất” (Mat 28:18), và do đó chúng ta có thể tiến tới với sự tin tưởng và đắc thắng.
Một bài học thực tế khác là phép báp-tem của chúng ta thật là quan trọng. Phép báp-tem ấy làm chúng ta liên hiệp với Đấng Christ và làm chứng rằng chúng ta đã phá bỏ nếp sống cũ (IPhi 4:1-4) và sẽ sống đời sống mới nhờ sức của Ngài.Hành động của phép báp-tem là lời thề hứa với Đức Chúa Trời rằng chúng ta sẽ vâng lời Ngài. Dùng hình ảnh minh hoạ của Phi-e-rơ, chúng ta đang cam kết làm theo hợp đồng với Ngài. Xem nhẹ phép báp-tem là phạm tội chống nghịch Đức Chúa Trời.Một số người quá coi trọng phép báp-tem dến nỗi dạy người ta rằng phép báp-tem là cách nhận sự cứu rỗi, trong khi những người khác thì xem thường. Cả hai quan niệm trên đều sai. Nếu con cái Chúa có lương tâm tốt người ấy phải vâng lời Đức Chúa Trời.
Đã bàn đến điều này, tôi muốn nói rõ Cơ Đốc nhân không nên dùng phép báp-tem như một thử nghiệm của mối thông công hoặc thử trình độ thuộc linh. Có nhiều tín hữu yêu mến Chúa không đồng ý về những vấn đề này, chúng tôi kính phục họ. Khi Đại tướng Willizam Booth sáng lập Cứu Thế Quân, ông quyết định không lập tổ chức này thành “một giáo hội khác”, vì vậy ông loại bỏ việc các lễ nghi. Có những nhóm Cơ Đốc như giáo phái Quaker không thực hành phép báp-tem vì lương tâm và sự giải thích giáo lý. Tôi đã bày tỏ lập trường của tôi nhưng tôi không muốn gây ấn tượng rằng tôi khiến lập trường này trở thành sự thử nghiệm bất cứ điều gì."Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hoà thuận và làm gương sáng cho nhau” (Ro 14:19). “Ai nấy hãy tin chắc ở trí mình” (Ro 14:5).
Điều quan trọng là mỗi Cơ Đốc nhân phải tuyên bố tận trung với Đấng Christ và có hành động cam kết cụ thể. Hầu hết con cái Chúa đều làm điều này trong phép báp-tem, nhưng ngay cả hành động của phép báp-tem cũng có thể bị xem nhẹ hoặc quên đi. Chính trong việc mang lấy thập tự giá mỗi ngày chúng ta chứng minh rằng mình thật sự theo chân Chúa Giê-xu Christ.
Cuối cùng, Chúa Giê-xu Christ là Đấng Cứu Rỗi duy nhất, và thế gian hư mất cần nghe Phúc Âm của Ngài. Một số người cố tìm cách dùng đoạn Kinh Thánh phức tạp này để chứng minh “cơ hội được cứu thứ hai sau khi chết”. Lời giải thích về “các linh bị tù” dường như chúng tỏ rằng đây là những thiên sứ, chớ không phải linh hồn người chết. Nhưng cho dù những “linh” này là của những người chưa được cứu, đoạn Kinh Thánh cũng không dạy gì về cứu rỗi của họ. Và tại sao Chúa Giê-xu chỉ ban sự cứu rỗi (nếu Ngài đã làm) cho các tội nhân trong thời Nô-ê? Và tại sao Phi-e-rơ dùng động từ “rao báo như một sứ giả” thay vì dùng chữ rao giảng Phúc Âm bình thường?
He 9:27 cho biết rõ sự chết chấm dứt mọi cơ hội được cứu rỗi. Đây là lý do tại sao Hội Thánh cần phải quan tâm đến việc rao giảng Phúc Âm và công cuộc truyền giáo, vì người đang chết mất chưa bao giờ nghe được Phúc Âm cứu rỗi, huống hồ gì họ có cơ hội để khước từ. Sẽ không có lợi cho chúng ta tranh cãi vụn vặt những lời giải thích khác nhau về một đoạn Kinh Thánh khó hiểu, nếu những gì chúng ta tin không thúc giục chúng ta mong muốn chia sẻ Phúc Âm cho người khác.
Phi-e-rơ nói rõ rằng những ngày khó khăn đem đến cho chúng ta nhiều cơ hội để làm chứng cho Chúa.
Chúng ta có đang lợi dụng những dịp tiện đang có không?
Ghi chú thêm IPhi 3:19-20
Một lời giải thích phổ biến về những câu Kinh Thánh này nói rằng Chúa Giê-xu bởi Thánh Linh Ngài thông qua Nô-ê đã giảng Phúc Âm cho những tội nhân bị tù nơi Âm phủ (lúc Phi-e-rơ viết). Điều giải thích này bỏ qua sự khác biệt trong câu 18 giữa “về phần xác thịt” và “về phần linh”, và không có bản dich Kinh Thánh nào viết hoa chữ “linh”. Động từ trong tiếng Hy Lạp dịch chữ “đã đi” trong câu 19 có nghĩa là “thực hiện chuyến thăm cá nhân”. Điều đó không có nghĩa là “viếng thăm theo nghĩa đại diện hoặc thay thế”. Quan điểm đơn giản nhất đó là chính Chúa Giê-xu đã đi và rao giảng.
9. PHẦN ĐỜI CÒN LẠI CỦA BẠN (IPhi 4:1-11)
Vợ chồng tôi có dịp đến thành phố Nairobi giảng cho hội đồng bồi linh Mục-sư Truyền đạo của Hội Truyền Giáo Lục Địa Châu Phi gồm vài trăm mục sư. Chúng tôi rất thích thú về kỳ hội đồng mặc dù khá mệt mỏi sau chuyến bay dài. Chúng tôi khó lòng đợi cho đến lúc hội đồng khai mạc, vị lãnh đạo của hội đồng hiểu ra nỗi sốt ruột của chúng tôi.
Ông ta nói với tôi như một người cha, “Hiện giờ ông đang ở Châu Phi, và việc đầu tiên ông phải làm là cất chiếc đồng hồ của ông đi”.
Vào những ngày sau đó, khi chúng tôi giảng tại Kenya và Zaire, chúng tôi hiểu được những lời ông ta nói. Chẳng may, khi trở về Mỹ, chúng tôi thấy mình bị ràng buộc lại trong công việc với thời gian ấn định khít khao và các lịch công tác dày đặc.
Sứ đồ Phi-e-rơ đã nói nhiều về thời gian (IPhi 1:5,11,17,20 IPhi 4:2-3,17 IPhi 5:6). Chắc chắn việc sứ đồ Phi-e-rơ nhận biết sẽ chịu chết vì cớ Đấng Christ có liên hệ với điều nhấn mạnh này (Gi 21:15-19 IIPhi 1:12). Nếu người nào thật sự tin vào sự sống đời đời, người đó sẽ sử dụng tốt nhất thời gian của mình. Nếu chúng ta tin rằng Chúa Giê-xu sắp tái lâm, chúng ta sẽ ao ước sống trong sự sẵn sàng. Dù Chúa Giê-xu trở lại trước hoặc sau khi chúng ta qua đời, chúng ta vẫn khao khát sống “phần đời còn lại” cho cõi đời đời.
Và chúng ta có thể làm điều đó! Sứ đồ Phi-e-rơ mô tả bốn thái độ con cái Chúa có thể vun đắp trong đời sống của mình ("phần đời còn lại") nếu người đó ao ước dâng đời mình để Đức Chúa Trời sử dụng theo ý Ngài.
1. Thái độ chống lại tội lỗi (IPhi 4:1-3)
Đó là hình ảnh người lính nai nịt gọn gàng tay mang vũ khí chuẩn bị ra trận. Thái độ của chúng ta là vũ khí chiến đấu, thái độ yếu đuối hay sai trật sẽ dẫn chúng ta đến thất bại. Quan điểm quyết định hậu quả, một con cái Chúa phải có thái độ đúng nếu người đó muốn sống nếp sống đúng.
Tôi và bạn tôi gặp nhau trong một bữa ăn trưa tại nhà hàng. Đó là một trong những nơi người ta để đèn mờ và bạn phải cần chiếc nón của người thợ mỏ để tìm chỗ ngồi. Chúng tôi ngồi yên vị vài phút trước khi xem thực đơn, và tôi thật ngạc nhiên có thể đọc bảng thực đơn cách dễ dàng. Bạn tôi nói, “Vâng, chúng ta không phải mất nhiều thời gian để làm quen với bóng tối.”
Trong câu nói đó có một bài giảng: Thật dễ dàng cho Cơ Đốc nhân làm quen với tội lỗi.Thay vì có thái độ ghen ghét và chống trả tội lỗi, dần dần chúng ta làm quen với tội lỗi, đôi khi chúng ta không nhận ra. Điều đầu tiên phá huỷ “phần đời còn lại của chúng ta” là tội lỗi. Người tin Chúa sống trong tội lỗi là vũ khí khủng khiếp trong tay của quỉ Sa-tan. Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra vài lý lẽ để khuyên chúng ta chống trả tội lỗi trong đời sống chúng ta.
a.Nghĩ về những gì tội lỗi đã gây ra cho Chúa Giê-xu (IPhi 4:1).
Ngài phải chịu đau đớn vì cớ tội lỗi (IPhi 2:21 IPhi 3:18). Chúng ta có thể vui thích khi làm Chúa Giê-xu chịu khổ và chết trên thập giá được sao? Nếu một tên tội phạm hung dữ đâm chết con bạn, bạn có giữ con dao đó trong chiếc hộp bằng thủy tinh và cất trong áo choàng của bạn không? Tôi không chắc chắn như vậy. Bạn sẽ chẳng bao giờ muốn nhìn thấy con dao ấy nữa.
Chúa chúng ta đến thế gian để giải quyết tội lỗi và đắc thắng nó đời đời. Ngài dùng lời của Ngài để dạy dỗ con người và sống theo lời dạy ấy trước mắt con người để giải quyết sự dốt nát về tội lỗi. Ngài giải quyết hậu quả của tội lỗi bằng cách chữa lành và tha thứ và tại thập tự giá, Ngài giáng đòn quyết định cuối cùng vào chính tội lỗi. Ngài đã được trang bị bằng thái độ chiến đấu chống lại tội lỗi, mặc dầu Ngài rất thương yêu tội nhân hư mất.
Mục đích trong cuộc sống chúng ta là phải “thôi phạm tội”. Chúng ta sẽ không đạt được mục đích này cho đến lúc qua đời, hoặc được gọi về trong Nhà của Ngài khi Chúa trở lại nhưng điều này không làm chúng ta thôi phấn đấu (IGi 2:28-3:9). Sứ đồ Phi-e-rơ không nói rằng chính sự đau khổ khiến người ta thôi phạm tội. Vua Pha-ra-ôn của Ai Cập đã trải qua nỗi đau đớn lớn lao trong những tai vạ, nhưng ông lại càng phạm tội nữa! Tôi đã viếng thăm những người chịu đau khổ đã nói phạm đến Đức Chúa Trời và càng ngày càng cay đắng vì cớ nỗi đau đớn của họ.
Chịu khổ, nhưng có Đấng Christ trong đời sống chúng ta, có thể giúp chúng ta đắc thắng tội lỗi. Nhưng ý chính ở đây dường như giống với lời dạy trong Ro 6:1-23 Chúng ta đồng chịu khổ và đồng chết với Đấng Christ, vì vậy chúng ta có thể chiến thắng tội lỗi. Khi vâng phục Đức Chúa Trời, và có cùng thái độ chống nghịch tội lỗi như Chúa Giê-xu, chúng ta có thể đắc thắng con người cũ và sống nếp sống mới.
b.Hãy ưa thích ý muốn Đức Chúa Trời (IPhi 4:2).
Sự tương phản nằm ở giữa những ham muốn của con người và ý muốn của Đức Chúa Trời. Những người bạn lâu ngày của chúng tôi không thể hiểu sự thay đổi trong cuộc đời chúng tôi, và họ muốn chúng tôi quay trở lại “sự xa xỉ” mà chúng tôi đã từng hưởng thụ. Nhưng ý muốn của Đức Chúa Trời tốt lành hơn! Nếu làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ đầu tư “phần đời còn lại của chúng ta” vào cuộc sống đời đời và thoả lòng nhưng nếu bắt chước thế giới chúng quanh, chúng ta sẽ tiêu phí “phần đời còn lại của chúng ta” và hối tiếc khi đứng trước mặt Chúa Giê-xu.
Ý muốn Đức Chúa Trời không phải là gánh nặng Ngài đặt để trên chúng ta. Nhưng đúng hơn chính sự vui mừng thiên thượng và sự vùa giúp của Đức Chúa Trời khiến mọi gánh nặng trở nên nhẹ nhàng. Ý muốn của Đức Chúa Trời xuất phát từ lòng của Ngài (Thi 33:11) và đó là cách Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương Ngài. Có thể chúng ta không hiểu được những gì Ngài đang làm, nhưng biết rằng Ngài đang làm điều tốt nhất cho chúng ta. Chúng ta không sống bằng những lời giải thích nhưng sống bằng lời hứa.
c.Hãy nhớ lại những gì bạn đã làm trước khi gặp Đấng Christ (IPhi 4:3). Dành thời gian nhìn lại quá khứ của mình là điều sai vì quỉ Sa-tan có thể dùng những ký ức ấy để làm chúng ta nản lòng.Nhưng Đức Chúa Trời kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên nhớ lại rằng đã có lần họ là nô lệ tại Ai Cập (Phu 5:15). Sứ đồ Phao-lô nhớ ông từng là người bắt bớ con cái Chúa (ITi 1:12), và điều này khích lệ ông dấn thân cho Đấng Christ nhiều hơn nữa.Đôi khi chúng ta quên xiềng xích của tội lỗi và chỉ nhớ những thú vui tội lỗi đã qua.
“Ý muốn của người ngoại đạo” có nghĩa “ý muốn của thế giới chưa được cứu” (IPhi 2:12). Những người chưa được cứu bắt chước lẫn nhau khi họ chạy theo những sở thích đời này (Ro 12:2 Eph 3:1-3). “Tà tịch”, “tư dục” nói lên mọi thứ ưa muốn tội lỗi và không chỉ nói riêng những tội lỗi về tình dục. “Say rượu ăn uống quá độ” nói đến sự mê ăn uống của người ngoại đạo nơi rượu chảy tràn trề. Dĩ nhiên, tất cả điều này có thể là một phần của sự thờ lạy thần tượng, bởi vì “nạn mại dâm tôn giáo” là việc làm được chấp nhận. Mặc dầu những việc làm này bị luật pháp cấm đoán ("đáng gớm ghiếc” = không hợp pháp), người ta thường thực hiện những điều này trong bóng tối.
Có thể chúng ta không phạm những tội công khai như vậy trong thời gian trước khi tin Chúa, nhưng chúng ta vẫn là tội nhân - và tội lỗi chúng ta đã góp phần đóng đinh Đấng Christ. Trở lại cách sống như vậy quả thật ngu dại!
2. Một thái độ nhẫn nại đối với những người chưa tin Chúa (IPhi 4:4-6)
Người chưa tin Chúa không hiểu sự biến đổi hoàn toàn mà bạn bè của họ đã kinh nghiệm khi tin nhận Đấng Chrsit và trở nên con cái Đức Chúa Trời. Họ không thấy lạ khi con người phá hại thân thể mình, làm tan nát gia đình, và làm tàn lụi cuộc sống mình bằng cách chạy theo hết tội này đến tội khác! Nhưng để cho người say tỉnh rượu, hoặc người sống phóng đãng trở nên tinh sạch thì gia đình nghĩ rằng anh ta bị mất trí! Phê-tu nói với sứ đồ Phao-lô “Ngươi lãng trí rồi! ” (Cong 26:24)và người ta cũng nghĩ như vậy về Chúa chúng ta (Mac 3:21).
Chúng ta nên nhẫn nại đối với những người hư mất, cho dù chúng ta không đồng ý với lối sống của họ hoặc không tham dự vào công việc tội lỗi của họ. Dầu sao, người chưa tin Chúa không nhìn thấy những chân lý thuộc linh (IICo 4:3-4) và không cảm nhận được niềm vui trong Chúa (Eph 2:1). Thật ra, việc chúng ta tiếp xúc với người chưa tin Chúa thật quan trọng đối với họ vì chúng ta là người mang chân lý đến cho họ đang đói khát. Khi bạn bè chưa tin Chúa chỉ trích chúng ta, đây là cơ hội chúng ta làm chứng cho họ (IPhi 3:15).
Người chưa tin Chúa có thể đoán xét chúng ta, nhưng ngày kia, Đức Chúa Trời sẽ đoán xét họ. Thay vì cãi lẽ với họ, chúng ta nên cầu thay cho họ, vì biết rằng sự đoán xét cuối cùng thuộc về Đức Chúa Trời. Đây là thái độ Chúa Giê-xu đã thể hiện (IPhi 2:23), và sứ đồ Phao-lô cũng bày tỏ như vậy (IITi 4:6-8).
Chúng ta không nên giải thích câu 6 tách ra khỏi nội dung sự chịu khổ nếu không, chúng ta sẽ nghĩ rằng có cơ hội thứ hai để được cứu rỗi sau khi chết. Sứ đồ Phi-e-rơ muốn nhắc nhở các độc giả của ông nhớ đến các Cơ Đốc nhân đã tử vì đạo Đấng Christ. Họ đã bị con người đoán xét sai, nhưng bây giờ trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời họ có được sự xét đoán đúng. “Họ là những người đã chết” có nghĩa “bây giờ họ là những người chết” lúc sứ đồ Phi-e-rơ đang viết thư. Phúc Âm chỉ được rao giảng cho người sống (IPhi 1:25) bởi vì không còn có cơ hội nào để được cứu sau khi chết (He 9:27).
Bạn bè chưa tin Chúa có thể nói xấu chúng ta thậm chí còn chống đối chúng ta, nhưng Quan án sau cùng là Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể hy sinh mạng sống trong cơn bắt bớ, nhưng Đức Chúa Trời sẽ tôn quí và ban thưởng cho chúng ta. Chúng ta phải kính sợ Đức Chúa Trời và không sợ loài người (IPhi 3:13-17 và xem Mat 10:24-33). Trong khi chúng ta còn ở trong thân xác con người (“trong xác thịt"), chúng ta bị xét đoán theo tiêu chuẩn của con người. Ngày kia, chúng ta sẽ được ở với Chúa ("trong Thánh Linh") và nhận lãnh sự đoán xét sau cùng cách ngay lành.
3. Thái độ trông đợi Đấng Christ (IPhi 4:7)
Cơ Đốc nhân trong Hội Thánh đầu tiên mong mỏi Chúa Giê-xu trở lại trong lúc họ còn đang sống (Ro 13:12 IGi 2:18). Việc Ngài đã không trở lại không làm giảm giá trị lời Ngài hứa (IIPhi 3:1-18 Kh 22:20). Cho dù chúng ta có lý giải như thế nào về các lời tiên tri trong Kinh Thánh, tất cả chúng ta phải sống trong sự chờ đợi Ngài trở lại. Điều quan trọng đó là ngày kia chúng ta sẽ nhìn thấy Chúa và đứng trước mặt Ngài. Cách chúng ta sống và phục vụ ngày hôm nay quyết định cách chúng ta bị đoán xét và nhận được phần thưởng ra sao vào ngày ấy.
Thái độ mong đợi này không cho phép biến chúng ta trở thành những người mơ mộng hão huyền (IITe 3:6) hoặc những người cuồng tín quá khích. Sứ đồ Phi-e-rơ dạy các độc giả của mình “mười mệnh lệnh” để giữ họ sống quân bình chờ đợi ngày Chúa trở lại:
1.Hãy tỉnh thức (IPhi 4:7)
2.Thức canh cầu nguyện (IPhi 4:7)
3.Có lòng yêu thương sốt sắng (IPhi 4:8)
4.Tiếp đãi nhau (IPhi 4:9)
5.Hầu việc theo ơn Đức Thánh Linh ban cho (IPhi 4:10-11)
6.Không cho sự thử thách là chuyện lạ (IPhi 4:12)
7.Hãy vui mừng (IPhi 4:13)
8.Đừng hổ thẹn (IPhi 4:15-16)
9.Hãy ngợi khen Đức Chúa Trời (IPhi 4:16-18)
10.Giao phó chính mình cho Đức Chúa Trời (IPhi 4:19)
Nhóm từ “hãy tỉnh thức” có nghĩa “hãy tỉnh trí, giữ tâm trí của chúng ta bình tịnh và trong sạch”. Có lẽ từ ngữ tương đương trong ngôn ngữ hiện đại là “giữ bình tĩnh”. Đó là lời cảnh tỉnh nghịch lại với việc suy nghĩ dại dột về lời tiên tri có thể dẫn đến nếp sống và chức vụ không được quân bình. Chúng ta thường nghe kể về những người thành thật sống “mất quân bình” vì một sự nhấn mạnh phi Thánh Kinh trên một lời tiên tri hoặc hiểu sai một lời tiên tri. Có người định ngày Chúa Giê-xu trở lại, trái với lời cảnh cáo của Ngài (Mat 25:13 Cong 1:6-8) hoặc họ tuyên bố biết tên con thú trong Kh 13:1-18. Trong thư viện của tôi có nhiều quyển sách do những người thành thật kính sợ Chúa viết ra, nhiều kiểu xác nhận được viết ra trong đó chỉ làm xấu hổ cho các tác giả.
Ngược lại với “hãy tỉnh trí” là “sự điên cuồng, sự mất trí”. Trong tiếng Hy Lạp có từ “mania” có nghĩa “chứng điên, chứng cuồng dại”. Nếu chúng ta tỉnh trí, chúng ta sẽ khôn ngoan sâu sắc và không đi sai lệch vì sự giải thích “mới lạ” nào đó về chân lý Kinh Thánh. Chúng ta cũng sẽ đối diện với những sự việc cách hiện thực và tránh khỏi ảo tưởng. Thánh đồ với tâm trí tỉnh táo có cuộc sống hướng đến mục đích và không sống buông trôi, người ấy sẽ thực hành sự dè dặt không bốc đồng. Người ấy “phán đoán cách khôn ngoan” không chỉ nói giáo điều suông, nhưng còn nói về những vấn đề thực tế trong cuộc sống.
Trong các thư tín của Phao-lô, có đến mười lần ông khuyên mọi người phải “tỉnh trí”.Đó là một trong những phẩm chất dành cho chức vụ mục sư (ITi 3:2) và dành cho các thuộc viên Hội Thánh (Tit 2:1-6). Trong một thế giới nhạy bén với ý nghĩ ngông cuồng, Hội Thánh phải tỉnh trí.
Trong ngày đầu chức vụ, tôi đã giảng một sứ điệp về lời tiên tri, tôi cố gắng giải thích mọi thứ. Kể từ đó tôi cất luôn bố cục bài giảng đó và có lẽ sẽ không bao giờ xem đến nó nữa (trừ khi nào tôi cần phải học bài học khiêm nhường). Một người bạn là mục sư chán ngán vì bài giảng của tôi đã nói với tôi sau giờ thờ phượng, “Người anh em của tôi, anh phải ở trong uỷ ban soạn thảo kế hoạch cho sự trở lại của Chúa Giê-xu Christ! ”. Tôi ghi nhận ý kiến của ông ta, nhưng ông ta còn làm cho điều ông ấy nói càng thích đáng hơn nữa khi ông ta nhẹ nhàng nói, “Tôi đã chuyển từ uỷ ban chương trình sang uỷ ban đón tiếp rồi.”
Tôi không có ý nói rằng chúng ta không học hỏi lời tiên tri, hoặc chúng ta e ngại không dám chia sẻ về lời tiên tri. Điều tôi muốn nói chúng ta không tự cho phép mình mất quân bình vì lạm dụng lời tiên tri. Đối với lời tiên tri trong Kinh Thánh đều có bài học áp dụng thực tế. Việc sứ đồ Phi-e-rơ coi trọng sự trông cậy và vinh hiển của Đức Chúa Trời phải khích lệ chúng ta ngày nay trung tín trong bất cứ công việc gì Đức Chúa giao phó cho chúng ta (Lu 12:31- 48).
Nếu bạn muốn sử dụng “phần đời còn lại của bạn” cách hữu ích nhất, hãy sống trong niềm cậy trông ngày Chúa Giê-xu Christ hồi lai. Có thể tất cả con cái Chúa không đồng ý về các chi tiết của sự kiện này, nhưng chúng ta có thể đồng ý những đòi hỏi của sự từng trải. Chúng ta sẽ ứng hầu trước mặt Chúa! Hãy đọc Ro 14:10-23 và IICo 5:1-21 để hiểu được ý nghĩa thực tiễn về sự kiện này.
Nếu chúng ta tỉnh trí, chúng ta sẽ “thức canh cầu nguyện”. Nếp sống cầu nguyện của chúng ta không ổn định, nguyên do tâm trí chúng ta không an tịnh. Trong bản dịch của mình, tiến sĩ Kenneth West cho biết mối quan hệ quan trọng giữa tâm trí và sự cầu nguyện: “Hãy bình tĩnh và tập trung trong tinh thần bằng sự cầu nguyện”. Chữ “thức canh” mang ý tưởng cảnh giác và tự chủ. Trái nghĩa với say sưa và ngủ mê (ITe 5:6-8). Lời khuyên này có ý nghĩa đặc biệt đối với sứ đồ Phi-e-rơ, vì ông đã ngủ mê trong khi lẽ ra ông phải “thức canh cầu nguyện” (Mac 14:37-40).
Đọc bản Authorized Version bạn sẽ thấy cụm từ “thức canh và cầu nguyện” xuất hiện khá nhiều (Mac 13:33 Mac 14:38 Eph 6:18 Co 4:2). Nó có nghĩa “cảnh giác trong sự cầu nguyện, tự chủ”. Trong nếp sống Cơ Đốc nhân không có chỗ cho sự lười biếng, cầu nguyện không đều đặn. Chúng ta nên có thái độ cảnh giác và dè giữ, giống những người làm việc trong thời Nê-hê-mi (Ne 4:9).
Thái độ mong đợi ngày Chúa tái lâm đòi hỏi một tâm trí quân bình nghiêm túc và một đời sống tỉnh thức cầu nguyện. Việc trắc nghiệm sự gắn bó của chúng ta với giáo lý tái lâm của Đấng Christ không phải là khả năng vẽ những sơ đồ hoặc phân biệt những dấu hiệu, nhưng đó là sự suy nghĩ và cầu nguyện của chúng ta. Nếu sự suy nghĩ và cầu nguyện của chúng ta đúng, cuộc sống chúng ta sẽ đúng.
4. Thái độ sốt sắng hướng về các thánh đồ (IPhi 4:8-11)
Nếu thật sự tìm kiếm sự tái lâm của Đấng Christ, chúng ta sẽ nghĩ đến người khác và có mối dây liên hệ đúng đắn đối với họ. Lòng yêu thương thánh đồ thật quan trọng, “trên hết mọi sự”. Tình yêu là huy hiệu của Cơ Đốc nhân trong thế gian này (Gi 13:34-35). Nhất là trong thời kỳ bắt bớ và thử thách, Cơ Đốc nhân cần phải yêu thuơng nhau và hiệp một cùng nhau.
Lòng yêu thương phải “sốt sắng”. Ngôn từ này nói lên hình ảnh của vận động viên gắng sức đạt được mục tiêu. Nói lên tinh thần hăng hái và cương quyết. Tình yêu Cơ Đốc là điều cần phải học hỏi, thực hành, như cách vận động viên thể thao rèn luyện các kỷ năng của mình. Tình yêu Cơ Đốc không phải là vấn đề xúc cảm mặc dù tự thân nó có, nhưng là vấn đề của ý chí tận hiến. Tình yêu Cơ Đốc có nghĩa chúng ta đối đãi với nhau như cách Đức Chúa Trời đãi ngộ chúng ta, vâng theo lời phán dạy của Ngài trong Kinh Thánh. Thậm chí có thể yêu những người chúng ta không yêu thích!
Tình yêu Cơ Đốc là tha thứ. Sứ đồ Phi-e-rơ trích dẫn trong Ch 10:12 - “Sự ghen ghét xui đều cãi lộn nhưng lòng thương yêu lấp hết các tội phạm”. Câu Kinh Thánh này được ám chỉ trong Gia 5:20 và ICo 13:4,7. Tình yêu thương không bỏ qua tội lỗi vì nếu chúng ta yêu người nào, chúng ta sẽ đau đớn khi thấy người ấy phạm tội, tự làm tổn thương mình và người khác. Đúng hơn, tình yêu che đậy tội lỗi, tình yêu ấy thúc đẩy chúng ta che giấu tội của anh em mình và không bêu xấu anh em mình cho người khác biết. Nơi nào có ghen ghét, nơi đó có ác ý và ý muốn làm hại người khác gây cho người ta có ý phá đổ thanh danh của kẻ thù mình. Điều này dẫn đến thói ngồi lê đôi mách và sự gièm pha (Ch 11:13 Ch 17:9 IPhi 2:1). Thỉnh thoảng chúng ta cố gắng làm cho thói ngồi lê đôi mách nghe có vẻ “thiêng liêng”bằng cách kể cho người khác nghe nhiều việc “để họ cầu nguyện cách khôn ngoan hơn”
Không ai có thể giấu tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời được, nhưng con cái Chúa bằng tình yêu thương phải tìm cách che giấu tội lỗi cho nhau ít nhất không để cho người vô tín biết. Nói cho cùng, nếu người không tin Chúa cố tìm lý lẽ để bắt bớ vì lời nói và việc làm tốt đẹp của chúng ta (IPhi 2:19-20 IPhi 3:14), thì họ sẽ làm gì nếu biết được điều xấu con cái Chúa nói và làm!
Sa 9:18-27 cho chúng ta minh hoạ đẹp đẽ về nguyên tắc này. Nô-ê say rượu tự mình làm loã thể. Con trai của ông là Cham thấy sự trần truồng của cha mình và ra ngoài thuật lại cùng gia đình. Bằng tấm lòng quan tâm yêu thương, hai em của Cham lấy áo choàng đắp che thân và sự xấu hổ cho cha mình. Thật không quá khó khăn cho chúng ta đến nỗi không thể che đậy tội lỗi cho người khác dẫu sao, Chúa Giê-xu Christ đã chịu chết để thanh tẩy tội lỗi chúng ta.
Tình yêu Cơ Đốc chúng ta không chỉ có sốt sắng tha thứ nhưng cũng phải thực tế nữa.Chúng ta nên tiếp đãi người khác nơi nhà của mình cách rộng rãi (không phàn nàn), chúng ta nên dùng những ơn phước thuộc linh nhận được để giúp đỡ lẫn nhau. Trong thời Tân Ước sự tiếp khách là việc quan trọng, vì có ít quán trọ và Cơ Đốc nhân nghèo không thể trả nổi chi phí để lưu lại. Những thánh đồ bị bắt bớ nói riêng cần nơi nghỉ lại để có thể được nâng đỡ và thêm sức.
Sự tiếp khách là đức tính Đức Chúa Trời đòi hỏi và khen ngợi trong suốt Kinh Thánh. Môi-se gồm tóm lòng mến khách vào trong Luật Pháp (Xu 22:21 Phu 14:28-29). Chúa Giê-xu hưởng sự tiếp đãi khi Ngài còn tại thế, và các sứ đồ cũng vậy khi thi hành chức vụ của họ (Cong 28:7 Phil 1:22). Sự tiếp khách của con người là phản ánh sự đãi ngộ của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta (Lu 14:16). Những người lãnh đạo Cơ Đốc nói riêng nên “tiếp khách” (ITi 3:2 Tit 1:8).
Áp-ra-ham tiếp đãi ba người khách lạ, và sau đó khám phá ra ông đã tiếp đãi Chúa và hai vị thiên sứ (Sa 18:1-33 He 13:2). Chúng ta giúp đỡ mở mang Nước của Chúa khi mở rộng cửa tiếp đón tôi tớ của Đức Chúa Trời (IIIGi 1:5-8). Thật ra, khi chia sẻ cho người khác, chúng ta chia sẻ với Đấng Christ (Mat 25:35,43). Chúng ta không nên mở cửa tiếp đón người khác chỉ để người khác sẽ mời đón chúng ta (Lu 14:12-14). Chúng ta nên tiếp đón để là sáng danh Chúa.
Trong lịch trình hầu việc Chúa, tôi thường thích ở lại trong các gia đình tín hữu.Tôi trân trọng lòng tốt và (trong một số trường hợp) sự hy sinh quên mình của các thánh đồ yêu dấu yếu mến Đấng Christ và ao ước chia sẻ với người khác. Vợ chồng tôi có nhiều bạn mới ở nhiều quốc gia, và con cái chúng tôi đã được phước vì chúng tôi vui hưởng và thực hành sự tiếp khách trong Chúa.
Cuối cùng, tình yêu Cơ Đốc phải kết quả bằng sự hầu việc. Mỗi Cơ Đốc nhân có ít nhất một ơn thiêng liêng để sử dụng làm sáng danh Chúa và gây dựng Hội Thánh (Ro 12:1-13 Eph 4:1-16 ICo 12:1-31). Chúng ta là những quản gia. Đức Chúa Trời đã giao phó những ơn này cho chúng ta để có thể sử dụng làm ích lợi cho Hội Thánh.Thậm chí Ngài cũng ban cho chúng ta những khả năng thuộc linh để phát triển các ân tứ của chúng ta và làm tôi tớ trung tín của Hội Thánh.
Có ân tứ giảng luận cũng có những ân tứ phục vụ, cả hai đều quan trọng cho Hội Thánh. Chẳng phải mọi người đều là thầy giáo hay người giảng đạo, mặc dầu tất cả chúng ta đều là chứng nhân của Đấng Christ. Có những chức vụ “đứng phía sau”giúp đỡ hỗ trợ những chức vụ công khai giữa mọi người. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta ân tứ, khả năng, và dịp tiện để sử dụng những ân tứ nhưng chỉ một mình Ngài đáng được nhận vinh hiển.
Nhóm từ “lời sấm truyền của Đức Chúa Trời” trong IPhi 4:11 không có ý nói rằng mọi điều người giảng đạo rao giảng ngày nay đều là chân lý của Đức Chúa Trời, vì sự phát ngôn của con người đều có thể sai lầm. Trong Hội Thánh đầu tiên, có các tiên tri đã nhận lãnh ân tứ nói ra lời Đức Chúa Trời, nhưng ngày nay chúng ta không có ân tứ này vì lời Đức Chúa Trời đã được chép đầy đủ rồi. Bất cứ ai chia sẻ lời Chúa phải thận trọng về những điều mình nói và cách nói, tất cả phải phù hợp với Lời Đức Chúa Trời đã được viết ra.
Trên đường về nhà trong một chuyến đi Phi Châu mà tôi đã đề cập ở đầu chương này, chúng tôi phải hoãn chuyến bay vì sương mù tại Anh quốc. Thủ đô Luân đôn là một trong những nơi yêu thích của tôi, vì vậy tôi không than vãn chút nào! Nhưng việc hoãn chuyến bay giúp cho vợ chồng tôi có cơ hội giới thiệu thành phố Luân đôn cho môt cặp vợ chồng cùng đi với chúng tôi. Hãy tưởng tượng tìm cách ngắm xem thành phố tuyệt đẹp ấy trong một ngày.
Chúng tôi phải tận dụng thời gian - và chúng tôi đã làm! Các bạn chúng tôi xem được nhiều nơi kỳ thú trong thành phố.
“Phần đời còn lại của bạn” dài bao lâu? Chỉ có Đức Chúa Trời biết.
Đừng phung phí quãng đời còn lại của bạn! Hãy dùng nó để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.
10. NHỮNG BIẾN CỐ TRONG CƠN THỬ THÁCH (IPHI IPhi 4:12-19)
Mọi Cơ Đốc nhân sống nếp sống tin kính Chúa đều trải qua nhiều nỗi bắt bớ nhất định. Trong công việc, tại trường học, nơi xóm giềng, có lẽ ngay cả trong gia đình, đều có những người ngăn cản lẽ thật và chống lại Phúc Âm của Đấng Christ.Cho dù con cái Chúa nói hay làm điều gì đi nữa, những người này vẫn bắt lỗi và lên án. Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích “sự bắt bớ bình thường” này trong phần đầu của bức thư.
Nhưng trong phần này, sứ đồ Phi-e-rơ giải thích về sự bắt bớ đặc biệt - “lò lửa thử thách” sắp xảy ra cho toàn Hội Thánh. Đó không phải là dịp bắt bớ cá nhân từ những người chung quanh họ, nhưng đây là sự bắt bớ chính thức từ những người cầm quyền trên họ. Đến lúc ấy, Nhà cầm quyền La Mã đã nhân nhượng cho Cơ Đốc giáo vì họ nghĩ đạo Cơ Đốc là một “nhánh” của Do Thái giáo và người Giu-đa được phép thờ phượng Đức Chúa Trời cách tự do. Thái độ ấy thay đổi và những cơn bắt bớ dữ dội xảy ra đầu tiên dưới triều đại của Neron bạo chúa và những đế chế tiếp theo.
Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra cho con cái Chúa bốn lời hướng dẫn để làm theo trong ánh sáng của “lửa thử thách” sắp đến.
1. Chờ đợi sự đau khổ (IPhi 4:12)
Bắt bớ không phải là điều xa lạ với cuộc sống Cơ Đốc nhân. Trong suốt lịch sử dân sự Đức Chúa Trời đã chịu đau khổ trong tay của thế giới vô tín. Cơ Đốc nhân khác với người không tin (IICo 6:14-18), và cuộc đời khác nhau này sinh ra lối sống khác nhau. Trong thế gian nhiều điều cứ tiếp diễn dựa vào sự nói dối, kiêu ngạo, thú vui và ham muốn “đạt nhiều hơn nữa”. Một Cơ Đốc nhân tận tụy xây dựng cuộc sống của mình trên lời hằng sống, sự khiêm nhường, thánh sạch và ham thích làm sáng danh Đức Chúa Trời.
Nghịch lý này được minh hoạ suốt trong Kinh Thánh. Ca-in là người có tôn giáo nhưng đã ghét bỏ và giết em của mình (Sa 4:1-8). Thế gian không lên án “những người có tôn giáo”, nhưng sẽ bắt bớ những người công bình. Lý do Ca-in giết A-bên được giải thích trong IGi 3:12: ” Bởi việc làm của người là dữ, còn việc làm của em người là công bình”. Người Pha-ri-si và những nhà lãnh đạo Do Thái là những người theo tôn giáo, tuy nhiên họ đóng đinh Đấng Christ và bắt bới Hội Thánh đầu tiên. Chúa Giê-xu cảnh báo các môn đệ của Ngài, “Hãy coi chừng người ta vì họ sẽ nộp các ngươi trước toà án, đánh đòn các ngươi trước nhà hội” (Mat 10:17). Hãy hình dung tôi tớ của Đức Chúa Trời lại bị đòn roi ngay trong nhà của Ngài!
Đức Chúa Trời tuyên bố chiến tranh với Sa-tan sau khi loài người sa ngã (Sa 3:15), kể từ đó Sa-tan cứ luôn tấn công Đức Chúa Trời qua con cái Ngài. Cơ Đốc nhân là “khách lạ và bộ hành trên đất” trong thế giới xa lạ nơi quỉ Sa-tan ngự trị làm vua (Gi 14:30 IICo 4:3-4). Bất cứ điều gì làm vinh hiển Đức Chúa Trời sẽ làm cho kẻ thù tức giận, và nó sẽ căm tức tấn công. Đối với người tin Chúa, bắt bớ không phải là chuyện lạ. Không có sự chống đối của Sa-tan mới là chuyện lạ!
Chúa Giê-xu giải thích với môn đệ Ngài họ phải đợi chờ sự chống đối và bắt bớ từ nơi thế gian (Gi 15:17-16:4). Nhưng Ngài cũng ban cho họ lời hứa đầy khích lệ: “Các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế gian: nhưng hãy cứ vững lòng ta đã thắng thế gian rồi! ” (Gi 16:33). Chính bởi sự chết của Ngài trên thập tự giá nơi đồi Gô-gô-tha, cùng với sự sống lại, Ngài đã chiến thắng tội lỗi và thế gian (Gi 12:23-33 Ga 6:14).
Hình ảnh “ngọn lửa” thường được ứng dụng cho sự thử thách hoặc cơn bắt bớ ngay cả trong câu chuyện hằng ngày thời nay. “Anh ta thật sự đang trải qua nước sôi lửa bỏng” là câu nói tiêu biểu để mô tả một ai đó đang kinh nghiệm những khó khăn trong đời sống riêng. Trong Cựu Ước, lửa là hình tượng thánh khiết của Đức Chúa Trời và sự hiện diện của Ngài. Lửa trên bàn thờ thiêu hoá của lễ (He 12:28-29). Nhưng sứ đồ Phi-e-rơ nhìn thấy trong hình ảnh của lửa một quá trình tinh luyện hơn là sự đoán phạt của Đức Chúa Trời (IPhi 1:7 Giop 23:10).
Thật đáng nên biết rằng không phải tất cả những khó khăn trong cuộc sống đều là những hoạn nạn thử thách cần thiết. Có những khó khăn chỉ là một phần trong cuộc sống con người và hầu như ai cũng trải qua. Đáng tiếc, có những khó khăn chúng ta tự mang vào thân vì không vâng lời và phạm tội. Sứ đồ Phi-e-rơ đề cập những điều này trong IPhi 2:18-20 và IPhi 3:13-17. Hoạn nạn thử thách Phi-e-rơ nói trong IPhi 4:12 xảy đến vì chúng ta trung tín với Đức Chúa Trời và binh vực cho sự công bình. Chính vì mang danh Đấng Christ mà thế gian hư mất tấn công chúng ta.Đấng Christ phán với môn đệ Ngài rằng người ta sẽ bắt bớ họ như đã bắt bớ Ngài, vì những kẻ bắt bớ không biết Đức Chúa Trời (Gi 15:20-21).
Chữ “xảy ra” thật quan trọng nó có nghĩa “kết hợp với nhau”. Sự bắt bớ và và thử thách không “xảy ra” theo cách hiểu như là những sự tình cờ. Chúng là một phần trong chương trình của Đức Chúa Trời, và Ngài tể trị mọi sự. Chúng là một phần trong Ro 8:28 và sẽ làm ích nếu chúng ta để cho Đức Chúa Trời thực hiện theo cách của Ngài.
2. Vui mừng trong hoạn nạn (IPhi 4:13-14)
Theo nghĩa đen, sứ đồ Phi-e-rơ viết, “Hãy vui mừng không thôi! ” Thật ra, ông nói đến sự vui mừng dưới dạng này hay dạng khác đến bốn lần trong hai câu này! “Hãy vui mừng ... cũng hãy vui mừng nhảy nhót... anh em có phước! Thế gian không thể hiểu bằng cách nào trong những hoàn cảnh khó khăn lại có thể sản sinh ra sự vui mừng được, vì thế gian chẳng hề kinh nghiệm ân điển của Đức Chúa Trời (IICo 8:1-5). Sứ đồ Phi-e-rơ nêu lên một số đặc quyền chúng ta có được để khích lệ chúng ta vui mừng giữa cơn hoạn nạn thử thách.
a.Chúng ta có phần trong sự thông công thương khó với Đấng Christ (IPhi 4:13).
Thật là vinh dự và đặc ân khi chịu thương khó với Đấng Christ và bị thế gian đối đãi như cách họ đã đối đãi Ngài. “Thông công thương khó của Ngài” là ân tứ từ Đức Chúa Trời (Phi 1:29 Phi 3:10). Không phải mọi con cái Chúa đều lớn lên đến mức Đức Chúa Trời có thể tin cậy ban cho từng trải này, vì vậy chúng ta phải vui mừng khi có đặc ân này. “Vậy các sứ đồ từ toà công luận ra, đều hớn hở về mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Giê-xu” (Cong 5:41).
Đấng Christ ở với chúng ta trong lò lửa hoạn nạn (Es 41:10 Es 43:2). Khi ba bạn Hê-bơ-rơ bị bỏ vào lò lửa hực, họ khám phá ra họ không cô đơn (Da 3: 23-25). Chúa đã ở cùng Phao-lô trong mọi cơn bắt bớ thử thách (Cong 23:11 Cong 27:21-25 IITi 4:9-18), và Ngài hứa ở với chúng ta “cho đến tận thế” (Mat 28:20). Thật ra, khi con người tội lỗi bắt bớ chúng ta, họ đang bắt bớ Chúa Giê-xu Christ (Cong 9:4).
b.Sự thương khó chúng ta chịu trong hiện tại là vinh hiển trong tương lai (IPhi 4:13).
“Thương khó” và “vinh hiển”là hai chân lý nhưng đôi viết nên lá thư của sứ đồ Phi-e-rơ. Thế gian cho rằng vắng mặt đau khổ có nghĩa là vinh hiển nhưng quan điểm của người tin Chúa lại khác. Thách thức đức tin chúng ta ngày nay là sự bảo đảm cho vinh hiển khi Chúa Giê-xu tái lâm (IPhi 1:7-8). Đây là từng trải của Chúa (IPhi 5:1), và cũng là kinh nghiệm của chúng ta.
Nhưng thật cần thiết để hiểu rằng Đức Chúa Trời không thay thế sự thương khó bằng vinh hiển đúng hơn Ngài sẽ biến sự thương khó trở nên vinh hiển. Chúa Giê-xu đã dùng hình ảnh người phụ nữ sinh con (Gi 16:20-22). Cùng một em bé gây đau đớn cũng đem lại cho người sự vui mừng. Bởi việc sinh ra em bé nỗi đau đớn đã chuyển thành sự vui mừng. Cái giằm trong xác thịt đã gây đau đớn cho Phao-lô cũng đem đến cho ông năng lực và vinh hiển (IICo 12:7-10). Thập tự giá đem đến cho Chúa Giê-xu nỗi nhục nhã và đau đớn cũng mang lại cho Ngài năng quyền và vinh hiển.
Người trưởng thành biết rằng cuộc đời bao gồm “những niềm vui chờ đợi” nào đó. Chúng ta trả giá trong ngày hôm nay để có được sự vui mừng trong ngày sau. Người học đàn dương cầm có thể không thích luyện tập các âm giai hằng giờ đồng hồ, nhưng người trông mong niềm vui ngày nào đó chơi được những bản nhạc hay. Có thể vận động viên không thích luyện tập, nhưng lại mong mỏi chiền thắng bằng cách làm hết sức mình. Cơ Đốc nhân có điều trông cậy tốt hơn: Chính sự đau đớn của chúng ta ngày kia sẽ trở thành vinh hiển, và chúng ta sẽ “vui mừng nhảy nhót” (Ro 8:17 IITi 3:11).
c.Sự thương khó của chúng ta mang đến cho chúng ta công việc của Đức Thánh Linh (IPhi 4:14).
Ngài là Thánh Linh của sự vinh hiển và Ngài có nhiệm vụ đặc biệt săn sóc những người chịu đau đớn vì vinh hiển của Chúa Giê-xu Christ. Chúng ta có thể diễn đạt câu Kinh Thánh này như sau: “Vì sự hiện diện của vinh hiển, ngay cả Đức Thánh Linh đáp đậu trên anh em”. Điều này ám chỉ đến vinh quang của Đức Chúa Trời ngự nơi hội mạc và đầy dẫy trong đền tạm (Xu 40:34 IVua 8:10-11). Khi người ta ném đá Ê-tiên, người nhìn thấy Chúa Giê-xu tại trên trời và kinh nghiệm sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Cong 6:15 Cong 7:54-60). Đây là “sự vui mừng không xiết kể và vinh hiển” sứ đồ Phi-e-rơ đã viết trong IPhi 1:7-8.
Tóm lại, Cơ Đốc nhân chịu khổ không phải chờ đợi Nước thiên đàng để kinh nghiệm sự vinh hiển của Ngài. Bởi Đức Thánh Linh, bây giờ họ có thể nhận được vinh hiển.Điều này lý giải tại sao các thánh tử đạo có thể hát ngợi khen Đức Chúa Trời trong khi bị xiềng xích giữa những ngọn lửa hừng. Cũng có thể giải thích cách nào các con cái Chúa bị bắt bớ (trong thế giới ngày nay có nhiều người như vậy)có thể vào tù và chịu chết mà không kêu ca phàn nàn hay chống lại những người bắt bớ họ.
d.Sự thương khó của chúng ta giúp chúng ta làm sáng danh Ngài (IPhi 4:14).
Chúng ta chịu đau đớn vì cớ danh Ngài (Gi 15:21). Bạn có thể nói với bạn bè không tin Chúa rằng bạn là tín đồ Báp-tít, Trưởng lão, Giám Lý hay thậm chí là người theo thuyết bất khả tri, và bạn sẽ không có sự chống đối nào nhưng bạn nói với họ rằng bạn là Cơ Đốc nhân - bạn nhắc đến danh Đấng Christ trong câu chuyện - lúc ấy nhiều chuyện bắt đầu xảy ra. Uy quyền của chúng ta ở trong danh Chúa Giê-xu, quỉ Sa-tan ghét danh ấy. Mỗi lần chúng ta bị chỉ trích vì danh Đấng Christ, chúng ta có cơ hội đem sự vinh hiển lại cho danh Ngài. Thế giới có thể nói nghịch lại danh Ngài, nhưng chúng ta sống và xưng danh ấy ra Đức Chúa Trời được sáng danh và Ngài lấy làm vui lòng.
Chữ “Cơ Đốc nhân” chỉ tìm thấy ba lần trong toàn bộ Tân Ước (IPhi 4:16 Cong 11:26 Cong 26:28). Nguyên thủy danh xưng này do các kẻ thù Hội Thánh dùng để chỉ trích nhạo báng người tin theo Chúa nhưng cuối cùng nó trở thành danh xưng được tôn trọng. Dĩ nhiên, trong thế giới ngày nay, chữ “Cơ Đốc nhân” nói đến hầu hết những người đối nghịch với “người ngoại”. Nhưng từ này mang ý nghĩa “một người, thuộc về Đấng Christ”. Chắc chắn đó là đặc ân được mang danh và chịu khổ vì danh của Ngài (Cong 5:41).
Polycarp là Giáo phụ của thành Smyrna khoảng giữa thế kỷ này. Ông bị bắt vì đức tin và bị đe doạ giết chết nếu không chịu ly khai Cơ Đốc giáo. Vị Giáo phụ trả lời:“Tôi đã phục vụ Đấng Christ tám mươi sáu năm, Ngài không bao giờ làm hại tôi điều gì. Làm sao tôi có thể phỉ báng Vua và là Đấng Cứu rỗi tôi?”
“Viên sĩ quan người La Mã nói, “Tôi kính phục tuổi tác của ông, ông chỉ nói, 'bỏ các kẻ vô thần ấy đi'! và ông sẽ được tự do”. Về “những người vô thần” viên sĩ quan muốn nói đến những Cơ Đốc nhân, những người không thừa nhận Hoàng đế Sê-sa là “chúa”.
Vị thánh đồ già chỉ vào đám đông những người La Mã vô đạo chung quanh ông và kêu lên, “Hãy bỏ hết những kẻ vô đạo này đi! ”. Ông bị thiêu trên giàn hoả và việc tử đạo của ông đã mang lại vinh hiển cho danh Chúa Giê-xu Christ.
3. Hãy xem xét cuộc đời của bạn (IPhi 4:15-18)
Trong cơn bắt bớ hoạn nạn, chúng ta thường có thêm sự hiểu biết qua đó có thể xem xét cuộc sống và chức vụ chúng ta. Thử thách hoạn nạn là quá trình tôi luyện, bởi đó Đức Chúa Trời cất đi những cặn bã trong chúng ta và thánh hoá chúng ta. Ngày kia, sự phán xét lớn sẽ xét xử toàn thế giới (IIPhi 3:7-16). Trong khi chờ đợi, Đức Chúa Trời phán xét bắt đầu “từ nhà của Đức Chúa Trời”, tức là Hội Thánh (IPhi 2:5). Chân lý này phải khích lệ chúng ta càng nên thánh và vâng lời càng tốt. (Exe 9:1-11 để hiểu được chân lý này).
Có một vài thắc mắc chúng ta phải tự hỏi mình khi xem xét cuộc sống riêng của chúng ta.
a.Tại sao tôi đang chịu khổ? (IPhi 4:15).
Chúng ta biết trước rằng không phải mọi đau đớn hoạn nạn đều là “thử thách” đến từ Chúa. Nếu một con cái Chúa phạm luật pháp và gặp khó khăn, hoặc dính dấp vào cuộc sống của người khác, thì người ấy phải chịu khổ! Việc làm con cái Đức Chúa Trời không đảm bảo chúng ta thoát khỏi những hậu quả thông thường do việc làm sai trái của chúng ta. Có thể chúng ta không phạm tội giết người (mặc dù giận dữ đã có thể xem như phạm tội giết người trong lòng, Mat 5:21-26), nhưng còn còn tội ăn cắp, tội xen vào chuyện người khác thì sao? Khi Áp-ra-ham, Đa-vít, sứ đồ Phi-e-rơ và những “con người vĩ đại” khác trong Kinh Thánh không vâng lời Đức Chúa Trời, họ đã chịu đau khổ về điều đó vì vậy, chúng ta là ai mà thoát được? Hãy chắc chắn chúng ta đang chịu đau khổ vì làm con của Đức Chúa Trời chớ không phải vì là tội phạm.
b.Tôi có hổ thẹn hay ngợi khen Đấng Christ? (IPhi 4:16).
Chắc chắn câu nói này nhắc sứ-đồ Phi-e-rơ nhớ lại việc ông chối Chúa (Lu 22:54-62). Chúa Giê-xu Christ không hổ thẹn về chúng ta (He 2:11) -mặc dầu chắc chắn nhiều lần Ngài có thể hổ thẹn! Đức Chúa Cha không hổ thẹn xưng Ngài là Đức Chúa Trời chúng ta (He 11:16). Trên thập tự giá Chúa Giê-xu Christ khinh điều sỉ nhục vì chúng ta (He 12:2), vì vậy chắc chắn chúng ta có thể chịu sự mắng nhiếc vì cớ Ngài mà không hổ thẹn. Lời nhắc nhở trong Mac 8:38 đang cho chúng ta suy gẫm.
“Không hổ thẹn” là hành động tiêu cực “làm sáng danh Đức Chúa Trời” là hành động tích cực. Chúng ta cần có cả hai để có nếp sống chứng nhân quân bình. Nếu tìm cách ngợi khen Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không hổ thẹn vì danh Chúa Giê-xu Christ.Chính quyết định không hổ thẹn này đã khích lệ sứ đồ Phao-lô đi đến Rô-ma (Ro 1:16), lúc ông chịu đau đớn tại Rô-ma (Phi 1:20-21), và khi ông đối diện với cái chết vì đạo của Chúa tại Rô-ma (IITi 1:12).
c.Tôi có đang tìm cách chinh phục linh hồn người hư mất không? (IPhi 4:17-18).
Hãy lưu ý những từ sứ đồ Phi-e-rơ thường dùng để miêu tả người chưa tin Chúa: “Những kẻ chẳng vâng theo Phúc Âm... những kẻ nghịch đạo và những kẻ có tội.” Lý lẽ của câu này thật rõ ràng:Nếu Đức Chúa Trời sai “sự hoạn nạn thử thách” đến cho con cái Ngài, và họ được cứu “một cách khó khăn”, thì điều gì sẽ xảy ra cho tội nhân hư mất khi lửa đoán phạt của Đức Chúa Trời giáng xuống?
Khi con cái Chúa bị hoạn nạn, người ấy kinh nghiệm vinh hiển và biết rằng sẽ có vinh hiển lớn hơn trong tương lai. Nhưng tội nhân gây nên sự hoạn nạn ấy chỉ chấp chứa cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời ngày càng nặng hơn (Mat 23:29-33). Thay vì chỉ quan tâm đến chính mình, chúng ta nên quan tâm đến tội nhân hư mất chung quanh. “Thử thách hoạn nạn” chúng ta chịu ngày nay không đáng so với “ngọn lửa đoán phạt” dành cho tội nhân hư mất khi Chúa Giê-xu trở lại đoán xét thế gian này (IITe 1:7-10). Ý tưởng này được diễn tả trong Ch 11:31 - “Kìa người công bình được báo đáp nơi thế thượng, phương chi kẻ hung ác và kẻ có tội! ”
Cụm từ “khó lòng được cứu” có nghĩa “được cứu cách khó khăn”, nhưng không có ý nói Đức Chúa Trời quá yếu đến nỗi không thể cứu chúng ta được. Điều này có thể ám chỉ đến Sa 19:15-26, khi Đức Chúa Trời tìm cách cứu Lót ra khỏi thành phố Sô-đôm trước khi thành phố ấy bị tiêu diệt. Đức Chúa Trời có thể - nhưng Lót không sẵn lòng! Lót nấn ná, tranh luận với các thiên sứ, và cuối cùng thiên sứ phải nắm tay lôi người ra khỏi thành phố! Lót được “cứu dường như qua lửa” và mọi điều ông nương cậy trở thành sương khói (ICo 3:9-15).
Thời kỳ bắt bớ là cơ hội để làm chứng cho người bắt bớ chúng ta (Mat 5:10-12,43-48). Không phải là cơn động đất đem người giữ ngục thành Phi-líp trở lại tin nhận Đấng Christ, vì điều đó làm cho ông hoảng sợ đến nỗi suýt tự sát! Không phải vậy, chính lòng yêu thương quan tâm của sứ đồ Phao-lô đã cảm động người giữ ngục tin nhận Đấng Christ. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta không nên tìm cách trả thù những người hành hạ chúng ta. Đúng hơn, chúng ta nên cầu thay cho họ và tìm cách đưa dắt họ đến với Chúa Giê-xu Christ.
4. Phó mình cho Đức Chúa Trời (IPhi 4:19)
Khi chịu khổ trong ý muốn Đức Chúa Trời, chúng ta có thể giao phó mình vào sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Mọi điều khác chúng ta làm trong vai trò Cơ Đốc nhân tuỳ thuộc vào điều này. Đây là từ ngữ thuộc về ngân hàng nó có nghĩa “gởi tiền vào ngân hàng cho an toàn” (IITi 1:12). Dĩ nhiên, khi bạn giao gởi cuộc đời của bạn vào ngân hàng Đức Chúa Trời, bạn luôn luôn nhận được những món lợi đời đời theo việc bạn đầu tư vào.
Hình ảnh này nhắc chúng ta nhớ chúng ta có giá trị trước mặt Đức Chúa Trời. Ngài tạo dựng chúng ta, cứu chuộc chúng ta, sống trong chúng ta, bảo vệ và che chở chúng ta. Tôi đọc một mẫu quảng cáo về gửi tiền tiết kiệm và cho vay vốn đăng trên báo, xác nhận sự ổn định về mặt tài chính của hãng và ủng hộ Công ty Bảo Hiểm Tiền Gửi Ngân Hàng Liên Bang. Trong thời gian có sự bất ổn định về tài chính, những sự bảo đảm như vậy thật cần thiết cho người gởi tiền ngân hàng. Nhưng khi bạn “gửi” cuộc đời mình cho Đức Chúa Trời, bạn không có điều gì phải sợ hãi vì Ngài có thể gìn giữ bạn.
Sự phó thác này không chỉ là một hành động đơn thuần nhưng là một thái độ thường xuyên. “Hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình” là lực tác động của lời khuyên.Chúng ta thực hiện điều này như thế nào? “Bằng cách làm điều lành”. Khi từ bỏ điều điều ác quay trở lại điều thiện và làm lành cho dù chúng ta có chịu khổ, tức là chúng ta đang phó mình vào tay Đức Chúa Trời để Ngài có thể chăm sóc chúng ta. Sự phó thác này liên quan đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống và liên quan đến bất cứ giờ nào trong cuộc đời chúng ta.
Nếu trông cậy thật sự, và tin rằng Chúa Giê-xu sắp trở lại, chúng ta sẽ vâng lời Ngài và bắt đầu cất giữ của cải và sự vinh hiển tại trên trời. Người không tin Chúa có phần thưởng do thành tích có được trong quá khứ, nhưng con cái Chúa nhận được phần thưởng được định đoạt trong tương lai (Phi 3:12-21). Chính trong sự hầu việc, chúng ta đang phó thác cuộc đời mình vào trong tay Đức Chúa Trời và đang đầu tư cho tương lai đời đời.
Có một hình ảnh minh hoạ nổi bật về chân lý này chép trong Gie 32:1-44. Tiên tri Giê-rê-mi nói với dân sự rằng ngày kia hoàn cảnh của họ sẽ thay đổi và họ sẽ chiếm lại nơi ở của mình. Nhưng vào lúc ấy, quân đội Ba-by-lôn đã đánh chiếm xứ và sắp thôn tính thành Giê-ru-sa-lem. Ha-na-mê-ên, người anh em họ của Giê-rê-mi cho ông quyền mua đám ruộng của gia đình đang bị quân lính chiếm đóng. Đấng tiên tri phải “tỏ rõ sự ủng hộ của mình một cách thiết thực”. Và ông ta đã làm điều đó! Như là một hành động của đức tin, ông mua đám đất và chắc chắn ông trở thành trò đùa của dân chúng thành Giê-ru-sa-lem. Nhưng Đức Chúa Trời khen ngợi đức tin của ông vì tiên tri Giê-rê-mi sống đúng theo lời Kinh Thánh ông đã rao giảng.
Tại sao sứ đồ Phi-e-rơ nói đến Đức Chúa Trời là “Đấng Tạo Hoá Thành Tín” hơn là “Quan án thành tín” hoặc “Đấng Cứu rỗi thành tín”? Vì Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo thoả mãn mọi nhu cầu của con dân Ngài (Mat 6:24-34). Chính Đấng Tạo Hoá cung cấp vật thực và y phục cho con cái Chúa bị bắt bớ, và bảo vệ họ trong cơn nguy khốn. Khi Hội Thánh đầu tiên bị bách hại, họ gặp nhau để cầu nguyện và hết lòng hướng về Chúa là “Đấng dựng nên trời, đất, biển, cùng muôn vật trong đó” (Cong 4:24). Họ cầu nguyện cùng Đấng Tạo Hoá!
Cha chúng ta trên trời là “Chúa của trời đất” (Mat 11:25). Có người Cha như vậy, chúng ta không cần phải lo lắng! Ngài là Đấng Tạo Hoá thành tín, và sự thành tín của Ngài chẳng hề thất bại.
Trước khi Đức Chúa Trời trút cơn thạnh nộ của Ngài trên thế gian tội ác này, một cơn “thử thách hoạn nạn” sẽ xảy đến cho Hội Thánh của Ngài, để hiệp một và thánh hoá Hội Thánh để có thể trở thành chứng nhân mạnh mẽ cho người chưa được cứu.Chúng ta không có điều gì phải sợ hãi nếu đang chịu bắt bớ trong ý muốn của Đức Chúa Trời. Đấng Sáng Tạo là Cha chúng ta sẽ vùa giúp chúng ta chiến thắng!
11. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI CHĂN TỐT (IPhi 5:1-4)
Thời kỳ bắt bớ đòi hỏi con dân Đức Chúa Trời phải có sự lãnh đạo thuộc linh tương xứng. Nếu sự đoán xét bắt đầu tại nhà của Đức Chúa Trời (IPhi 4:17), thì tốt hơn hết nhà ấy phải có trật tự, nếu không sẽ bị phá tán! Điều này giải thích tại sao sứ đồ Phi-e-rơ rao sứ điệp quan trọng này cho các bậc lãnh đạo Hội Thánh để khích lệ họ trung tín thi hành chức vụ của mình. Những lãnh đạo bỏ trốn trong lúc khó khăn bắt bớ chỉ chứng tỏ rằng họ là kẻ chăn thuê chớ không phải người chăn thật (Gi 10:12-14).
Các Hội Thánh trong Tân Ước được tổ chức dưới sự lãnh đạo của các trưởng lão và chấp sự (ITi 3:1-14). Những chữ “trưởng lão và “giám mục” nói đến cùng một chức vụ (Cong 20:17,28). Chữ “giám mục” thường được dịch là “người coi sóc” (xem IPhi 5:2, chú ý danh xưng này được dùng cho Đấng Christ trong IPhi 2:24). “Trưởng lão”nói đến sự trưởng thành trong chức vụ, và “giám mục” nói đến trách nhiệm của người làm chức vụ. Chữ “mục sư” (có nghĩa là “người chăn bầy") là một danh xưng khác dành cho cùng chức vụ này (Eph 4:11). Trưởng lão là người được chọn vào chức vụ (Cong 14:23, ở đây chữ “phong chức” có nghĩa “chỉ định bằng cách đặt tay”). Hình như mỗi Hội Thánh đều có quyền chọn những người có phẩm chất năng lực.
Sứ đồ Phi-e-rơ lo lắng là chức vụ lãnh đạo trong các Hội Thánh địa phương phải tốt nhất. Khi cơn bắt bớ xảy đến, con cái Chúa trong các Hội Thánh sẽ nhìn các trưởng lão của họ để được nâng đỡ và hướng dẫn. Những phẩm chất riêng tư nào tạo nên một mục sư kết quả?
1. Kinh nghiệm sự thương khó với Đấng Christ (IPhi 5:1)
Trong lá thư này Phi-e-rơ không tự giới thiệu ông là vị sứ đồ hay nhà lãnh đạo thuộc linh tài ba, nhưng ông chỉ là một trưởng lão như bao nhiêu vị trưởng lão khác.Tuy nhiên, ông đề cập đến việc cá nhân ông chứng kiến sự đau thương của Đấng Christ (Mat 26:36). Chữ “chứng kiến” trong tiếng Hy Lạp cho chúng ta chữ “tử đạo”. Chúng ta nghĩ đến một “người tử đạo” chỉ khi người ấy giao phó mạng sống mình cho Đấng Christ, và sứ đồ Phi-e-rơ đã làm điều đó nhưng điều căn bản, “thánh tử đạo” là chứng nhân nói lại những gì đã nghe và thấy.
Thật thích thú khi đọc IPhi 5:1-14 dưới ánh sáng những kinh nghiệm cá nhân của Phi-e-rơ đối với Đấng Christ. Câu 1 đưa chúng ta đến vườn Ghết-sê-ma-nê và đỉnh đồi Gô-gô-tha. “Vinh hiển sẽ hiện ra” nhắc nhở chúng ta nhớ đến kinh nghiệm của Phi-e-rơ ở với Chúa trên núi hoá hình (IIPhi 1:15-18 Mat 17:1-5). Điều nhấn mạnh trong câu hai về ngưòi chăn và chiên chắc chắn đưa chúng ta đến với Gi 10:1-30 và lời khuyên dạy của Chúa dành cho Phi-e-rơ trong Gi 21:15-17.
Lời cảnh báo trong câu 3 về “việc quản trị phần trách nhiệm” các thánh đồ nhắc nhở chúng ta nhớ đến bài học của Đấng Christ về sự cao trọng thật chép trong Lu 22:24-30, cũng như những dịp khác Ngài đã dạy môn đệ về đức khiêm nhường và sự hầu việc. Nhóm từ “phải trang sức bằng sự khiêm nhường” trong IPhi 5:5 đưa chúng ta trở lại nơi Phòng Cao lúc Chúa Giê-xu lấy nước rửa chân cho các môn đệ (Gi 13:1-17).
Lời cảnh báo về quỉ Sa-tan trong IPhi 5:8 tương ứng với lời Chúa Giê-xu nhắc nhở Phi-e-rơ rằng quỉ Sa-tan sắp “sàng sảy” ông và các sứ đồ khác (Lu 22:31). Sứ đồ Phi-e-rơ không hiểu lời cảnh báo đó, và cuối cùng ông đã chối Chúa ba lần.
Thật thú vị khi để ý đến động từ “làm cho anh em trọn vẹn” (IPhi 5:10) được dịch là “vá lưới” chép trong Mat 4:21, câu chuyện kể về sự kêu gọi bốn người chài lưới đi vào chức vụ hầu việc Chúa.
Nói cách khác, được sự hà hơi của Đức Thánh Linh, sứ đồ Phi-e-rơ viết những lời này ngoài kinh nghiệm riêng tư của ông với Chúa Giê-xu Christ. Ông đã lớn lên trong mối tương giao sống động với Đấng Christ, và điều này đã giúp ông có thể hầu việc Chúa cách hữu dụng cho con dân của Đức Chúa Trời.
Mục sư một Hội Thánh địa phương phải là người đồng đi với Đức Chúa Trời và lớn lên trong đời sống thuộc linh. Sứ đồ Phao-lô khuyên mục sư trẻ tuổi Ti-mô-thê: “Hãy săn sóc chuyên lo những việc đó, hầu cho thiên hạ thấy sự tấn tới của con” (ITi 4:15). Chữ “tấn tới” trong nguyên nghĩa là “sự tiến bộ”. Các trưởng lão phải không ngừng khám phá những mảnh đất mới trong sự hiểu biết, thành quả và hầu việc. Nếu các nhà lãnh đạo trong Hội Thánh không tiến tới, Hội Thánh sẽ thụt lùi.
Một thuộc viên Hội Thánh đứng đắn nói với tôi trong kỳ hội thảo, “Chúng tôi yêu mến vị mục sư của chúng tôi, nhưng chúng tôi chán nghe những điều lặp lại. Chính ông ta cứ lặp đi lặp lại và hình như ông không biết rằng ngoài Thi-Thiên và Khải huyền còn có nhiều sách khác trong Kinh Thánh nữa.” Vị mục sư đó cần phải trở nên “nhà tiên phong trong lĩnh vực thuộc linh” và tiến vào những vùng đất mới để có thể dẫn dắt con cái Chúa trong Hội Thánh của ông đi vào những phước hạnh và thách thức mới.
Thỉnh thoảng Đức Chúa Trời cho phép thử thách hoạn nạn đến với Hội Thánh để con cái Chúa buộc phải lớn lên và khám phá những lẽ thật mới mẻ và những cơ hội hầu việc mới. Chắc chắn sứ đồ Phi-e-rơ đã lớn lên trong kinh nghiệm thuộc linh khi ông chịu đau đớn vì danh Đấng Christ tại Giê-ru-sa-lem. Ông không trọn vẹn tí nào thật ra sứ đồ Phao-lô đã quở trách ông một lần vì tính bất nhất của ông (Ga 2:11-21). Nhưng sứ đồ Phi-e-rơ đã vâng phục Đấng Christ và sẵn lòng học theo những gì Đức Chúa Trời đã dành cho ông.
Nếu tôi có được lời khuyên nào cho các người chăn bầy của Đức Chúa Trời ngày nay, thì đó là: hãy vun xới mối tương giao sống động lớn lên với Chúa Giê-xu Christ, và chia sẻ những gì bạn nhận được từ nơi Ngài cho bầy của bạn. Theo cách ấy, bạn sẽ lớn lên, và bầy của bạn cùng lớn lên theo bạn.
2. Tấm lòng yêu thương quan tâm đến bầy của Đức Chúa Trời (IPhi 5:2-3)
Hình ảnh bầy súc vật thường được dùng trong Kinh Thánh, và đó là hình ảnh rất bổ ích. (Thi 23:1-6 Thi 100:1-5 Es 40:11 Lu 15:4-6 Gi 10:1-30 Cong 20: 28 He 13:20-21 IPhi 2:25 Kh 7:17). Có lần chúng ta là những chiên đi lạc, lang thang đến chỗ hư mất nhưng Đấng Chăn Chiên Hiền Lành đã tìm kiếm chúng ta và đưa chúng ta trở lại trong bầy.
Chiên là con vật sạch sẽ, không giống như chó hoặc heo (IIPhi 2:20-22). Chiên có tính họp bầy lại với nhau, vì vậy con cái Đức Chúa Trời cần phải kết hợp với nhau.Chiên có tiếng là khờ dại nó có khuynh hướng đi lang thang ra khỏi bầy nếu không theo sau người chăn. Chiên không biết tự vệ, do đó nó thường cần có người chăn bảo vệ (Thi 23:4).
Chiên là con vật rất có ích. Người Do Thái chăn nuôi chiên không để giết thịt (dầu sẽ có nhiều tiền) nhưng họ chỉ lấy lông, sữa và chiên con. Con dân Đức Chúa Trời phải hữu ích cho Ngài và chắc chắn có bổn phận phải “tự sản sinh” bằng cách đem những người khác về cho Đấng Christ. Chiên được dùng làm của tế lễ, chúng ta phải là “những của lễ sống”, làm đẹp lòng Đức Chúa Trời (Ro 12:1-2).
Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc cho các trưởng lão chăn bầy nhớ lại các trách nhiệm Đức Chúa Trời đã giao phó cho họ.
a.Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời (IPhi 5:2).
Chữ “chăn bầy” có nghĩa “chăn dắt, chăm nom”. Người chăn bầy có nhiều việc phải làm trong việc săn sóc bầy chiên. Người phải bảo vệ chiên tránh khỏi kẻ trộm và kẻ cướp, người làm chức vụ mục sư phải bảo vệ con cái Đức Chúa Trời thoát khỏi những người muốn làm hại bầy chiên (Cong 20:28-35). Đôi khi chiên không thích khi người chăn của chúng quở trách và cảnh báo chúng, nhưng công việc chăm sóc này đem lại ích lợi cho chúng.
Người chăn trung tín không chỉ bảo vệ bầy của mình, nhưng còn dẫn bầy mình từ đồng cỏ này đến đồng cỏ khác để có đủ thức ăn cho chiên. Người chăn luôn luôn đi trước bầy chiên và tìm kiếm nơi chỗ an toàn không có gì làm hại đến bầy chiên. Người chăn kiểm tra xem có rắn rết, hầm hố, các loại cây độc và thú dữ không. Thật quan trọng làm sao khi các mục sư đưa bầy của họ vào những đồng cỏ xanh ngọt ngào trong lời Đức Chúa Trời để chiên có thể no nê và lớn lên.
Thỉnh thoảng người chăn cần thiết phải đi tìm con chiên ương ngạnh và chú ý riêng đến nó. Một số mục sư ngày nay chỉ thích quan tâm đến đám đông người họ không có thời gian cho từng cá nhân. Chúa Giê-xu giảng dạy cho đoàn dân đông, nhưng Ngài dành thời gian để trò chuyện với Ni-cô-đem (Gi 3:1-16), với người đàn bà tại giếng nước (Gi 4:1-42), và những người khác có nhu cầu tâm linh. Sứ đồ Phao-lô hầu việc Chúa với dân sự cách riêng tư tại thành Tê-sa-lô-ni-ca (ITe 2:11) và hết mực yêu thương họ.
Nếu chiên tỏ ra bất trị, có lẽ người chăn phải kỷ luật chiên bằng hình thức nào đó.Nếu chiên có nhu cầu săn sóc đặc biệt, người chăn sẽ bế nó trong tay, ôm nó vào lòng. Cuối mỗi ngày, người chăn trung tín sẽ xem xét từng con chiên để xem nó có cần săn sóc đặc biệt không. Người chăn sẽ xức dầu vào chỗ bầm tím trên thân thể chiên, và lấy những cây gai ra khỏi bộ lông của chiên. Người chăn tốt biết từng con chiên theo tên của nó và hiểu từng nét đặc điểm riêng của mỗi con chiên.
Để làm người chăn trung tín chăn bầy của Đức Chúa Trời là điều không dễ dàng! Đó là công việc không bao giờ kết thúc và đòi hỏi quyền năng của Đức Chúa Trời để làm đúng. Điều tạo nên thách thức nhiều hơn đó là bầy chiên không thuộc về người chăn bầy chiên thuộc về Đức Chúa Trời. Thỉnh thoảng tôi nghe các vị mục sư nói rằng, “À, tại Hội Thánh của tôi...” và tôi biết điều họ muốn nói nhưng nói cách nghiêm túc, đó là bầy của Đức Chúa Trời, được chuộc mua bằng huyết báu của Con Ngài (Cong 20:28). Là những mục sư, chúng ta phải cẩn thận trong cách chăm sóc bầy chiên của Đức Chúa Trời, vì ngày kia chúng ta phải khai trình công việc của mình. Nhưng ngày kia chiên cũng khai trình cách nào mình đã vâng lời người hướng dẫn đời sống thuộc linh của mình (He 13:17), vì vậy cả người chăn và chiên đều có trách nhiệm lớn lao đối với nhau.
b. Hãy coi sóc bầy (IPhi 5:2).
Chữ “giám mục” có nghĩa là “người coi sóc, người nhìn bao quát với mục đích dẫn dắt”. Bạn chú ý rằng người chăn vừa “ở giữa” vừa “ở trên”, và điều này có thể tạo nên khó khăn nếu chiên không hiểu. Vì người là một trong những chiên, nên mục sư “ở giữa”các thành viên trong bầy. Nhưng vì người được kêu gọi làm lãnh đạo, nên mục sư “ở trên” bầy chiên. Một số người cố coi trọng mối tương giao “ở giữa” và từ chối không đi theo quyền của người chăn. Những người khác muốn đặt mục sư làm thần tượng và biến mục sư thành một “vị thánh sống” không bao giờ giao thiệp với mọi người.
Mục sư có ảnh hưởng tốt cần có cả hai mối quan hệ. Người phải “ở giữa” bầy để có thể hiểu biết được bầy của mình, biết được những nhu cầu cùng nan đề của họ và người cần phải “ở trên” bầy của mình để có thể dẫn dắt họ và giúp họ giải quyết các nan đề của họ. Ắt hẳn không có mâu thuẫn nào giữa công việc chăn bầy và công việc giảng đạo, vì cả hai đều là sứ mạng của người chăn bầy trung tín.Người giảng đạo cần phải là một mục sư để có thể ứng dụng Lời Đức Chúa Trời cho nhu cầu của con dân Ngài. Mục sư cần phải là người giảng đạo để có quyền năng dự phần vào các nhu cầu cùng nan đề mỗi ngày của con cái Chúa. Mục sư không phải là người thuyết giảng tôn giáo hằng tuần chuyển giao thông tin về Kinh Thánh. Mục sư là người chăn bầy biết bầy của mình và tìm cách giúp đỡ họ qua Lời Kinh Thánh.
Làm người chăn thuộc linh sẽ gặp phải hiểm nguy, sứ đồ Phi-e-rơ chỉ ra một số tội mà các trưởng lão nên tránh. Thứ nhất là tội lười biếng - “chẳng bởi ép tình bèn là bởi vui mừng”. Chức vụ chăn bầy không phải là một công việc phải trình diễn. Người chăn bầy phải thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời từ tấm lòng của mình (Eph 6:6). Tiến sĩ George W. Truett là mục sư của Hội Thánh First Baptist Church ở thành phố Dallas, tiểu bang Texas gần năm mươi năm. Người ta thường mời ông nhận những nhiệm vụ khác, ông từ chối và nói rằng, “Tôi đã tìm kiếm và thấy được tấm lòng của người chăn bầy”. Khi một người có trái tim của người chăn bầy, người ấy yêu chiên và phục vụ chiên vì người muốn làm chớ không vì phải làm.
Nếu một người không có lương tâm, chức vụ chăn bầy là một chỗ tốt để biếng nhác.Các con cái Chúa trong Hội Thánh hiếm khi hỏi những gì vị mục sư của mình làm liên quan đến thời gian của ông, ông có thể “vay mượn” bài giảng từ nơi khác và dùng làm của riêng mình. Tôi đã gặp một mục sư dành gần suốt tuần lễ tại sân chơi golf đến thứ bảy ông ta nghe bài giảng của người khác qua băng ghi âm và dùng làm lời giảng dạy trong ngày Chủ nhật. Dường như ông ta đang ăn cắp, ông ta sẽ nói gì khi gặp Đấng Chăn Chiên Lớn?
Tiếp theo sự biếng nhác, người chăn bầy phải coi chừng tính tham lợi - “chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm”. Hội Thánh trả lương cho mục sư là điều hoàn toàn hợp lý (ICo 9:1 ITi 5:17-18), và Hội Thánh có bổn phận trả lương càng công bằng và rộng rãi càng tốt. Nhưng nhận đồng lương không phải là động cơ chính trong chức vụ của mục sư. Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh điều này trong các lời tuyên bố của ông đối với một trưởng lão: “đừng ham tiền bạc” (ITi 3:3)“không tham lợi” (Tit 1:7). Người chăn bầy không được yêu tiền bạc cũng không say mê theo đuổi tiền bạc.
Vì hoàn cảnh gia đình hoặc tình trạng Hội Thánh, một số mục sư phải làm thêm công việc bên ngoài. Sứ đồ Phao-lô làm nghề may trại, vì vậy chẳng có gì mất phước khi “có việc làm phụ”. Nhưng con cái Chúa trong Hội Thánh nên giúp mục sư của mình cất bỏ công việc bên ngoài càng sớm càng tốt để ông có thể dành trọn thời gian cho công việc nghiên cứu lời Đức Chúa Trời. Mục sư cần phải biết tránh can dự vào các kế hoạch sinh lợi ra tiền có thể làm lệch hướng chức vụ của họ. “Khi một người đi ra trận, chẳng còn lấy việc đời luỵ mình, làm vậy đặng đẹp lòng kẻ chiêu mộ mình” (IITi 2:4).
Cụm từ “tâm trí sẵn sàng” có nghĩa “một tâm trí hớn hở”. Đó chính là từ ngữ sứ đồ Phao-lô dùng trong thư Ro 1:15 - “Tôi cũng sẵn lòng rao Phúc Âm cho anh em”.Điều đó nghĩa là tâm tình sẵn sàng phục vụ vì sự sẵn sàng và hớn hở nằm trong lòng. Đây là điểm khác biệt giữa người chăn thật và kẻ chăn thuê: kẻ chăn thuê làm việc vì tiền công, nhưng người chăn thật làm việc vì yêu thương chiên và tận hiến lòng mình cho chiên. Hãy đọc Cong 20:17-38 để hiểu được sự mô tả về tâm tình và chức vụ của người chăn thật.
c.Làm gương tốt cho cả bầy (IPhi 5:3).
Đây là điểm khác biệt giữa chức vụ của người độc tài và chức vụ của người lãnh đạo. Bạn không thể đánh đuổi chiên bạn phải đi trước chiên và dẫn dắt chiên.Người ta nói rõ rằng Hội Thánh cần những nhà lãnh đạo để phục vụ và những đầy tớ dẫn dắt. Một nhà lãnh đạo Cơ Đốc nói với tôi, “Điều nan giải ngày nay đó là chúng ta có quá nhiều danh nhân nhưng không có đủ người phục vụ.”
Chính việc làm gương tốt, người chăn chiên giải quyết được mối căng thẳng giữa địa vị “ở giữa” bầy chiên và địa vị “ở trên” bầy chiên. Người ta sẵn lòng theo gương một người chăn thực hành những điều ông ta giảng dạy và làm gương tốt cho mọi người noi theo. Tôi biết một Hội Thánh thường xảy ra những khó khăn về tài chính, và chẳng ai hiểu lý do tại sao. Sau khi vị mục sư rời đi nơi khác, người ta khám phá ra rằng chính ông ta không đóng góp vào công việc của Hội Thánh nhưng đã giảng nhiều sứ điệp dạy người khác tham gia đóng góp. Chúng ta không thể lãnh đạo người khác khi bản thân chúng ta không góp phần gì cả.
Sứ đồ Phi-e-rơ không thay đổi hình ảnh khi gọi Hội Thánh là “Cơ nghiệp của Đức Chúa Trời”. Chắc chắn con dân của Đức Chúa Trời là tài sản vô giá của Ngài (Phu 32:9 Thi 33:12). Chữ này có nghĩa là “được chọn do bắt thăm”, khi phân chia xứ cho các chi phái (Dan 26:55). Mỗi vị trưởng lão đều có bầy riêng để chăm sóc, nhưng tất cả chiên đều chỉ thuộc về một bầy do Đấng Chăn Chiên Lớn dẫn dắt.Chúa chỉ định những người làm công của Ngài vào các vị trí Ngài lựa chọn, tất cả chúng ta phải phục tùng Ngài. Trong công tác của Đức Chúa Trời không có sự thi đua khi chúng ta hầu việc theo ý muốn Ngài. Do đó, chẳng có ai làm ra vẻ quan trọng và “áp chế” con dân Đức Chúa Trời. Mục sư phải là “người coi sóc”chớ không phải “người làm chủ người khác”
3. Khao khát làm đẹp lòng một mình Đấng Christ (IPhi 5:4)
Vì đây là bức thư viết về sự trông cậy, nên sứ đồ Phi-e-rơ một lần nữa nhắc đến lời Chúa phán hứa Ngài sẽ trở lại. Sự hiện đến của Ngài là niềm khích lệ trong khi bị khốn khổ (IPhi 1:7-8) và là điều nâng đỡ khích lệ đối với người trung tín hầu việc Chúa. Nếu một mục sư hầu việc Chúa để cho mình vui lòng, hay làm hài lòng con người, ông ta sẽ có một chức vụ thất vọng và khó khăn. Một vị khách nói với tôi sau buổi thờ phượng Chúa, “Ắt hẳn thật là khó khăn để giữ họ hạnh phúc”.Tôi cười trả lời, “Thậm chí tôi cũng không tìm cách giữ họ hạnh phúc làm gì, tôi cố gắng làm đẹp lòng Chúa và tôi để Ngài lo liệu phần còn lại”.
Chúa Giê-xu Christ là Đấng Chăn Chiên Hiền Lành vì chiên phó sự sống mình (Gi 10:11), Đấng Chăn Lớn sống vì chiên (He 13:20-21), và Đấng làm đầu trong các kẻ chăn hiện ra vì chiên (IPhi 5:4). Là Đấng làm đầu các kẻ chăn, một mình Ngài có thể định công giá hầu việc của một người và ban cho người ấy phần thưởng xứng đáng. Một số người dường như đứng ở hàng đầu đầu có thể trở nên sau rốt khi Chúa xem xét công việc của mỗi người.
Một ngày hè nọ, tôi đứng giữa đống đổ nát của ngôi nhà thờ gần thành phố Anwoth ở xứ Tô-cách-Lan. Ngôi nhà thờ một thời có thể chứa 150 chỗ ngồi. Theo tiêu chuẩn hiện nay, đúng ra đó không phải là ngôi giáo đường kết quả. Nhưng vị mục sư chăn bầy tại đó là thánh Samuel Rutherford, mà quyển sách “Những lá thư của Samuel Rutherford” do ông viết là một tác phẩm thuộc linh. Chức vụ của ông vẫn tiếp tục mặc dù ngày nay ngôi nhà thờ ông đã hầu việc Chúa bị hoang phế. Đấng làm đầu các kẻ chăn đã thưởng cho ông vì sự lao động trung tín của ông, kể cả nhiều cơn bắt bớ và đau đớn về thể xác.
Ngày nay có nhiều loại “mão triều thiên”. Loại vương miện sứ đồ Phi-e-rơ đề cập là loại dành cho vận động viên, thường là một vòng hoa tươi sớm phai tàn. Mão triều thiên của người hầu việc Chúa trung tín là mão miện vinh hiển, phần thưởng trọn vẹn để dành cho cơ nghiệp không hề hư tàn (IPhi 1:4).
Ngày nay người hầu việc Chúa có thể làm việc vì nhiều loại phần thưởng khác nhau.Một số khó nhọc để xây dựng những quyền lực cá nhân những người khác cố gắng để được người ta khen ngợi hơn nữa một số khác tìm kiếm địa vị trong giáo phái của mình. Ngày kia tất cả những điều này sẽ qua đi. Phần thưởng duy nhất chúng ta phải cố gắng đạt được đó là lời khen tặng “Được lắm! ” của Đấng Cứu Rỗi đi kèm với mão triều thiên không hề hư nát. Thật vui mừng biết bao khi chúng ta đặt mão miện xuống dưới bệ chân của Ngài (Kh 4:10) và biết rằng những gì chúng ta đã làm vì cớ ân điển và quyền phép của Ngài (ICo 15:10 IPhi 4:11). Chúng ta sẽ không còn có ao ước riêng tư nào khi gặp Chúa Giê-xu Christ mặt đối mặt.
Mọi việc trong Hội Thánh địa phương tiến thoái theo chức vụ lãnh đạo của Mục sư.Cho dù mối thông công có rộng lớn hay nhỏ hẹp thế nào chăng nữa, các nhà lãnh đạo Hội Thánh phải là các Cơ Đốc nhân, mỗi người có mối tương giao khắng khít với Chúa Giê-xu Christ, có lòng quan tâm đến bầy chiên giao phó cho mình, và thật sự khao khát làm đẹp lòng Chúa Giê-xu Christ.
Chúng ta lãnh đạo con cái Chúa trong tâm tình phục vụ, và chúng ta phục vụ trong tâm tình chịu khổ.
Đây là cách Chúa Giê-xu đã làm, và đây là cách duy nhất thật sự làm sáng danh Ngài.
11. TỪ ÂN ĐIỂN ĐẾN VINH HIỂN (IPhi 5:5-11)
Khi thế chiến thứ hai đang diễn ra, tôi là một học sinh trung học, và cuộc chiến có vẻ cách rất xa thành phố Indiana ở phía bắc của chúng tôi. Nhưng sau đó thành phố bắt đầu tổ chức các đơn vị Dân Quân Tự Vệ trong mỗi khu phố, và chính quyền chọn ba tôi làm người chỉ huy phó khu vực. Thường thường tôi đi với ba tôi để xem những bộ phim huấn luyện và nghe diễn thuyết. (Khoảng thời gian thích nhất vào buổi tối là lúc dừng lại để ăn kem! ) Nhưng cho dù chúng tôi có xem bao nhiêu phim đi chăng nữa, chẳng có cách nào làm cho chúng tôi cảm thấy khu phố mình có nguy cơ bị ném bom. Triết lý của chúng tôi là, “Chuyện đó không thể xảy ra ở đây”.
Sứ đồ Phi-e-rơ biết rằng “cơn thử thách hoạn nạn” sắp xảy ra, và ông muốn toàn thể Hội Thánh phải chuẩn bị. Khi kết thúc bức thư, sứ đồ Phi-e-rơ cho Hội Thánh ba lời khuyên quan trọng phải vâng theo nếu họ muốn làm sáng danh Đức Chúa Trời trong từng trải khó khăn này.
1. Phải khiêm nhường (IPhi 5:5-7)
Ông khuyên dạy các thánh đồ phải vâng phục các bậc cầm quyền (IPhi 2:13-17), các nô lệ phải vâng phục chủ mình (IPhi 2:18-25), và vợ phải vâng phục chồng mình (IPhi 3:1-7). Bây giờ ông mong muốn hết thảy con cái Chúa phải vâng phục Đức Chúa Trời và vâng phục nhau.
Tín hữu trẻ tuổi phải vâng phục các trưởng lão, không chỉ kính trọng về tuổi tác, nhưng còn nể trọng về trưởng thành thuộc linh của họ. Dĩ nhiên, không phải mọi “thánh đồ lớn tuổi” đều là Cơ Đốc nhân trưởng thành, vì quá trình thâm niên trong Hội Thánh không đảm bảo cho phẩm chất của sự từng trải. Điều này không nói rằng các thành viên lớn tuổi trong Hội Thánh “điều hành công việc Hội Thánh” và không bao giờ lắng nghe những người trẻ tuổi góp ý! Trong Hội Thánh luôn luôn xảy ra cuộc tranh chấp giữa các thế hệ, người lớn tuổi không chịu thay đổi còn giới trẻ chống lại người cao niên!
Biện pháp giải quyết cho xung đột này gồm hai mặt: (1) tất cả con cái Chúa, già lẫn trẻ phải vâng phục nhau (2) tất cả phải vâng phục Đức Chúa Trời. “Hãy trang sức bằng sự khiêm nhường” là câu giải đáp cho vấn đề. Giống như Chúa Giê-xu đã lột bỏ áo ngoài và quấn khăn ngang lưng làm người đầy tớ, vì vậy mỗi chúng ta nên có thái độ của người đầy tớ và phục vụ lẫn nhau. Sự khiêm nhường thật mô tả trong Phi 2:1-11. Khiêm nhường không phải tự hạ phẩm giá của mình và tự cho mình kém thiếu. Đơn giản là không nghĩ về chính mình chút nào cả!
Có thể chúng ta không bao giờ vâng phục lẫn nhau được cho đến khi chúng ta vâng phục Đấng Christ trước hết. Sứ đồ Phi-e-rơ trích dẫn Ch 3:34 để bảo đảm cho quan điểm của ông, câu Kinh Thánh cũng được trích dẫn trong thư Gia 4:6. Phải mặc lấy ơn để vâng phục anh em tín hữu khác, nhưng Đức Chúa Trời có thể ban cho ơn đó nếu chúng ta hạ mình xuống trước mặt Ngài.
Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo vì Ngài ghét tội kiêu ngạo (Ch 6:16-17 Ch 8:13). Chính sự kiêu ngạo đã biến thiên sứ trưởng Lu-ci-phe thành quỉ Sa- tan (Es 14:12-15). Chính sự kiêu ngạo - ao ước được giống như Đức Chúa Trời - đã thúc đẩy Ê-va hái trái cấm. “Sự kiêu ngạo của đời” là bằng chứng của những việc thuộc về thế gian (IGi 2:16). Thuốc giải độc duy nhất có thể chữa trị bệnh kiêu ngạo là ơn của Đức Chúa Trời, và chúng ta nhận ơn đó khi chúng ta đầu phục Đấng Christ. Bằng chứng của ơn đó là chúng ta vâng phục lẫn nhau.
Vâng phục là hành động của đức tin. Chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời hướng dẫn đời sống chúng ta và thực hiện các mục đích của Ngài trong thì giờ của Ngài. Dầu sao, có mối hiểm nguy trong việc vâng phục người khác họ có thể lợi dụng chúng ta - nhưng nếu không tin cậy Đức Chúa Trời, chúng ta không vâng phục lẫn nhau! Một người thật lòng đầu phục Đức Chúa Trời và muốn phục vụ anh em trong Chúa sẽ không nghĩ đến việc lợi dụng một ai khác, người tin Chúa hay chưa tin Chúa.“Cánh tay toàn năng của Đức Chúa Trời” điều hướng cuộc đời chúng ta cũng sẽ hướng dẫn cuộc đời người khác.
Dĩ nhiên, điểm then chốt ở cụm từ “đến kỳ thuận hiệp”. Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ cất nhắc một ai cho đến khi người nào sẵn sàng. Trước tiên là thập tự giá, sau đó mới lãnh mão triều thiên phải chịu đau đớn trước hết, sau đó mới nhận được vinh hiển. Môi-se đã ở dưới tay của Đức Chúa Trời bốn mươi năm trước khi Đức Chúa Trời dùng ông để giải cứu dân Do Thái ra khỏi Ai Cập. Giô-sép đã ở dưới tay của Đức Chúa Trời ít nhất mười ba năm trước khi ông được Ngài cất nhắc lên ngôi cao. Một trong những bằng chứng chúng ta kiêu ngạo đó là không nhịn nhục với Đức Chúa Trời, lý do chịu khổ là để chúng ta có thể học biết sự nhịn nhục (Gia 1:1-6). Ở đây sứ đồ Phi-e-rơ muốn nhắc đến những lời dạy của Thầy mình:“Bởi vì ai tự nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên” (Lu 14:11).
Một trong những ích lợi trong mối tương giao với Đức Chúa Trời là đặc ân để Đức Chúa Trời săn sóc các gánh nặng của chúng ta. Nếu chúng ta không thoả mãn các điều kiện chép trong IPhi 5:5-6, chúng ta không thể đòi hỏi lời hứa lạ lùng trong câu 7 được. Chữ “lo âu” có nghĩa “lo lắng, tình trạng bị phân ly”. Khi hoàn cảnh gặp khó khăn, chúng ta dễ dàng bối rối lo lắng nhưng nếu lo lắng, chúng ta sẽ đánh mất phước hạnh của Đức Chúa Trời và trở nên những chứng nhân kém năng quyền chinh phục người hư mất. Chúng ta cần sự bình an của Ngài trong tâm hồn nếu muốn chiến thắng trong cơn bắt bớ hoạn nạn và đem sự vinh hiển về cho danh Ngài. Tiến sĩ George Morrison nói, "Đức Chúa Trời không làm cho con cái Ngài thảnh thơi để họ không dè giữ”.
Theo IPhi 5:7, chúng ta phải giao phó mọi lo lắng của chúng ta - trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai - cho Chúa một lần đủ cả. Chúng ta không nên giao các nỗi lo lắng cho Ngài từng bữa một, giữ lại những lo lắng ấy chúng ta nghĩ rằng có thể tự mình quản lý được. Nếu chúng ta giữ “những lo lắng nhỏ”, chẳng bao lâu chúng trở nên những nan đề lớn! Mỗi lần có gánh nặng mới xảy đến, bằng đức tin chúng ta nên nhắc Chúa (và chính chúng ta) nhớ rằng chúng ta đã giao phó cho Chúa rồi.
Nếu có ai học biết qua kinh nghiệm về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời vì danh của Ngài, đó chính là sứ đồ Phi-e-rơ! Khi đọc bốn sách Phúc Âm, bạn khám phá rằng sứ đồ Phi-e-rơ đã dự phần trong một số phép lạ diệu kỳ. Chúa Giê-xu đã chữa lành cho bà gia Phi-e-rơ (Mac 1:29-31), cho ông đánh bắt được nhiều cá (Lu 5:1-11), giúp ông nộp thuế (Mat 17:24-27), cho ông đi trên mặt nước (Mat 14:22-33), chữa lành tai Man-chu cứu ông khỏi nguy hiểm (Lu 22: 50-51 Gi 18:10-11), và thậm chí còn giải cứu ông thoát khỏi nhà ngục (Cong 12:1-19).
Đức Chúa Trời bày tỏ lòng thương yêu và sự chăm sóc đối với chúng ta như thế nào khi chúng ta trao phó mọi điều lo lắng cho Ngài? Tôi tin rằng vì chúng ta Ngài thực hiện bốn sứ mạng lạ lùng. (1) Ngài ban cho chúng ta lòng can đảm đối diện với sự lo lắng và không trốn chạy (Es 41:10). (2) Ngài ban cho chúng ta khôn ngoan hiểu được hoàn cảnh (Gia 1:5). (3) Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để làm những gì phải làm (Phi 4:13). (4) Và Ngài ban cho chúng ta đức tin để tin cậy Ngài làm phần còn lại (Thi 37:5).
Một số người trao cho Đức Chúa Trời các gánh nặng của họ và trông mong Ngài làm đủ mọi thứ! Điều quan trọng chúng ta phải để Ngài làm việc trong chúng ta và vì chúng ta, để chúng ta được chuẩn bị khi câu giải đáp đến với chúng ta. “Hãy trao gánh nặng ngươi cho Đức Giê-Hô-va, Ngài sẽ nâng đỡ ngươi” (Thi 55:22).
2. Hãy tỉnh thức (IPhi 5:8-9)
Lý do chúng ta lo lắng vì chúng ta có kẻ thù. Là con rắn, quỉ Sa-tan đánh lừa (IICo 11:3) và là sư tử rống, Sa-tan cắn nuốt chúng ta. Chữ “quỉ Sa-tan” có nghĩa “kẻ thù”, và chữ “ma quỉ” có nghĩa “kẻ kiện cáo, vu oan giá hoạ”. Những người nhận thư này đã từng trải những cuộc tấn công của kẻ vu oan (IPhi 4:4,14), và bây giờ họ sẽ gặp “sư tử” trong cơn hoạn nạn bắt bớ. Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra những lời chỉ dẫn cho họ để giúp họ đắc thắng kẻ thù.
a.Không coi thường ma quỉ - ma quỉ rất nguy hiểm.
Bởi vì không có khả năng về máy móc kỹ thuật, tôi khâm phục những người xây dựng và sửa chữa. Trong suốt chương trình xây dựng nhà thờ, tôi nhìn người thợ điện lắp đặt một bảng điện phức tạp. Tôi nói với người thợ điện, “Tôi thật ngạc nhiên làm thế nào các bạn của anh có thể thản nhiên làm việc trên những dây điện có dòng điện chạy qua. Các anh làm thế nào vậy?” Người thợ điện cười và nói, “Ồ, điều đầu tiên ông phải làm là coi trọng nó. Sau đó ông có thể kiểm soát nó được.”
Quỉ Sa-tan là kẻ thù nguy hiểm. Nó là con rắn sẽ cắn chúng ta khi chúng ta coi thường nó. Nó là kẻ huỷ diệt (Kh 12:11) “Abaddon” và “Apollyon” cả hai đều có nghĩa là “sự huỷ diệt" và là kẻ kiện cáo (Kh 12:9-11 Xa 3:1-5). Nó có sức mạnh và sự khôn ngoan lớn, và nhiều quỉ dữ trợ giúp nó chống lại con cái Đức Chúa Trời (Eph 6:10). Nó là kẻ thù gớm ghiếc chúng ta đừng nên bao giờ đùa bỡn với nó, coi thường nó, hoặc đánh giá thấp khả năng của nó. Chúng ta phải “tỉnh táo” và kềm giữ trí mình khi chiến đấu với Sa-tan.
Một phần của việc tỉnh táo này bao gồm không được đổ mọi điều cho ma quỉ. Một số người thấy quỉ sau mọi bụi cây và đổ thừa Sa-tan làm họ nhức đầu, bể lốp xe, và giá thuê nhà lên cao. Trong khi thật sự ma quỉ có thể gây ra bệnh tật và cơn đau thể xác (Lu 13:16 và sách Gióp), chúng ta không có lời Kinh Thánh nào để trục xuất “con quỉ nhức đầu” hoặc “quỉ đau lưng” được. Một bà ở xa điện thoại cho tôi biết quỉ Sa-tan đã gây cho bà co lại bảy inch rưỡi. Trong khi tôi rất đề phòng những mưu mẹo và quyền lực của ma quỉ, tôi vẫn cảm thấy chúng ta phải biết về nó qua Kinh Thánh và không dựa theo lời giải thích theo kinh nghiệm chúng ta.
b. Hãy nhận ra nó - nó là kẻ giả mạo không cùng (IICo 11:13-15 Gi 8:44).
Vì nó là kẻ thù tinh vi, chúng ta phải “thận trọng”và luôn luôn canh giữ. Sách lược của nó là giả mạo bất kỳ điều gì Đức Chúa Trời đã làm. Dựa theo thí dụ về Cỏ Lùng, Đức Chúa Trời trồng một Cơ Đốc nhân thật bất cứ ở đâu, quỉ Sa-tan cũng tìm cách trồng một Cơ Đốc nhân giả (Mat 13:24-30,36-43). Nó sẽ đánh lừa chúng ta nếu không nhờ lời Đức Chúa Trời và Thánh Linh của Đức Chúa Trời (IGi 2:18-27). Chúng ta càng biết rõ lời Đức Chúa Trời, tâm linh chúng ta càng nhạy bén phát hiện ra công việc của Sa-tan. Chúng ta phải có khả năng “thử các thần” và biết phân biệt thật giả (IGi 4:1-6).
c. Hãy chống lại nó.
Điều này có nghĩa chúng ta đứng vững trên lời của Đức Chúa Trời và không chịu chuyển lay. Eph 6:10-13 dạy chúng ta phải “đứng vững... chống cự... đứng vững vàng”. Nếu không đứng vững, chúng ta không thể chống cự được. Vũ khí chúng ta là lời Đức Chúa Trời và sự cầu nguyện (Eph 6:17-18) và chúng ta bảo vệ bằng áo giáp trọn vẹn Đức Chúa Trời đã cung cấp. Chúng ta chống lại Sa-tan “trong đức tin” tức là đức tin chúng ta ở trong Đức Chúa Trời. Giống như Đa-vít đối địch cùng Gô-li-át, tin cậy danh Đức Giê-hô-va, vì vậy chúng ta cũng đối dịch với Sa-tan trong danh đắc thắng của Chúa Giê-xu Christ.
Một lời nhắc nhở ở đây: đừng bao giờ tranh luận điều gì với Sa-tan hoặc với các quỉ. Ê-va đã mắc phải sai lầm này, tất cả chúng ta biết hậu quả tệ hại sau đó.Hơn nữa, đừng bao giờ tìm cách chiến đấu với Sa-tan theo cách của bạn. Hãy chống cự Sa-tan theo cách Chúa Giê-xu đã làm bằng lời Đức Chúa Trời (Mat 4:1-11). Đừng bao giờ có suy nghĩ rằng bạn là người duy nhất trải qua những trận chiến này, vì “anh em của bạn ở rải khắp thế gian” cũng đang trải qua cùng hoạn nạn như vậy. Chúng ta phải cầu thay cho nhau và nâng đỡ nhau trong Chúa.Và chúng ta phải nhớ rằng chiến thắng của cá nhân chúng ta sẽ giúp ích cho người khác, cũng như chiến thắng của họ sẽ giúp ích cho chúng ta.
Nếu sứ đồ Phi-e-rơ vâng theo ba lời chỉ dạy này trong đêm Chúa Giê-xu bị nộp, ông đã không ngủ trong vườn Ghết-sê-ma-nê, không tấn công Man-chu, hoặc không chối Chúa. Ông đã không nghiêm túc nghe theo lời cảnh báo của Chúa thật ra, ông đã lý luận với Ngài! Ông cũng không nhận ra quỉ Sa-tan khi kẻ thù thổi phồng cái tôi kiêu ngạo của ông, nó nói rằng ông không phải “thức canh cầu nguyện”, và rồi xúi giục ông dùng gươm. Nếu Phi-e-rơ lắng nghe lời Chúa và chống lại kẻ thù, ông đã thoát được những thất bại ấy.
Cả Phi-e-rơ lẫn Gia-cơ đều cho chúng ta cùng một phương pháp để chiến thắng: “Vậy hãy phục Đức Chúa Trời, hãy chống trả ma quỉ thì nó sẽ lánh xa anh em” (Gia 4:7). Trước khi chúng ta có thể đứng vững trước Sa-tan, chúng ta phải phủ phục trước Đức Chúa Trời. Phi-e-rơ chống lại Đức Chúa Trời và cuối cùng khuất phục trước Sa-tan!
3. Hãy có lòng trông cậy (IPhi 5:10-14)
Sứ đồ kết thúc bằng một lời khẳng định và nhắc nhở độc giả nhớ rằng Đức Chúa Trời biết điều Ngài đang làm và Ngài đang tể trị. Cho dù cơn hoạn nạn thử thách có khó khăn như thế nào đi nữa, con cái Chúa chúng ta phải có lòng trông cậy. Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra một số lý do cho thái độ trông cậy này.
a.Chúng ta có ơn của Đức Chúa Trời.
Sự cứu rỗi chúng ta là bởi ơn của Ngài (IPhi 1:10). Ngài gọi chúng ta trước khi chúng ta đến với Ngài (IPhi 1:2). Chúng ta đã “nếm biết Chúa là ngọt ngào” (IPhi 2:3), do đó chúng ta không sợ bất cứ điều gì Ngài có ý định dành cho chúng ta. Ơn của Ngài là “vô kể” (IPhi 4:10) và ơn đó thoả đáp mọi nhu cầu của cuộc đời. Khi thuận phục Ngài, Ngài ban cho ơn chúng ta cần.Thực ra, Ngài là “Đức Chúa Trời của mọi thứ ơn”. Ngài có ơn giúp chúng ta trong mỗi giờ có cần (He 4:16). “Ngài ban ơn càng thêm ơn” (Gia 4:6), và chúng ta phải đứng vững trong ơn đó (IPhi 5:12 Ro 5:2).
b.Chúng ta biết rằng chúng ta sắp được vinh hiển.
Ngài đã “gọi chúng ta đến sự vinh hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ”. Đây là cơ nghiệp lạ lùng chúng ta được sinh ra trong đó (IPhi 1:4). Bất cứ điều gì bắt đầu bằng ơn của Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn dẫn đến vinh hiển của Đức Chúa Trời (Thi 84:11). Nếu chúng ta nương dựa ơn của Đức Chúa Trời khi chịu đau đớn hoạn nạn, sự hoạn nạn ấy sẽ kết quả thành ra vinh hiển (IPhi 4:13-16). Con đường có thể chông gai, nhưng nó dẫn đến vinh hiển, và đó là tất cả những gì thật sự có được.
c.Sự chịu khổ của chúng ta trong hiện tại chỉ có trong một lúc.
Những thử thách khác nhau chúng ta chịu chỉ trong “ít lâu” (IPhi 1:6) nhưng sự vinh hiển là kết quả đến đời đời. Phao-lô cũng có tâm trí như vậy khi ông viết trong IICo 4:17 “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sinh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên”.
d.Chúng ta biết rằng những thử thách hoạn nạn của chúng ta đang xây dựng cá tính Cơ Đốc.
Trong tiếng Hi Lạp chữ “làm cho anh em trọn vẹn” có nghĩa “trang bị, điều chỉnh, làm cho phù hợp với nhau”.Trong Mat 4:21 được dịch là “vá lưới”. Đức Chúa Trời có những công cụ Ngài dùng để trang bị cho con dân Ngài để họ sống và phục vụ Ngài, chịu khổ là một trong những công cụ đó. Lời Đức Chúa Trời là một công cụ khác (IITi 3:16-17, “được sắm sẵn” nghĩa là “được trang bị đầy đủ"). Ngài cũng dùng sự thông công và sự hầu việc trong Hội Thánh (Eph 4:11-16). Đấng Cứu Rỗi ở trên trời đang hoàn thiện con dân của Ngài để họ thực hiện ý muốn của Ngài và làm công việc Ngài (He 13:20-21).
Sứ đồ Phi-e-rơ dùng ba chữ để mô tả đặc tính Đức Chúa Trời muốn chúng ta có.
Ổn định có nghĩa “gắn chặt, đứng vững”. Cơ Đốc nhân không được lung lay đức tin theo Đấng Christ. Tấm lòng chúng ta cần phải ổn định (ITe 3:13 Gia 5:8), điều này được làm trọn bởi chân lý của Đức Chúa Trời (IIPhi 1:12). Con cái Chúa vững vàng sẽ không lay chuyển trong cơn bắt bớ hoạn nạn, hoặc bị giáo lý sai lầm dẫn dụ (IIPhi 3:17)
Thêm sức có nghĩa: Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sức mạnh để thoả mãn những đòi hỏi của cuộc sống. Những điều tốt nào phải xác lập trên nền tảng vững chắc nếu chúng ta không có quyền năng để hành động?
Dựng nên là chữ được dịch của từ có nghĩa “lập nền móng”. Nó được dùng theo cách này trong IIPhi He1:10. Ngôi nhà được xây trên nền đá chống lại bão tố (Mat 7:24-27). Con cái Chúa được trang bị bởi Đức Chúa Trời sẽ “tiếp tục trong đức tin đã được lập nền và xây lên” (Co 1:23). Người sẽ không bị “day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc” (Eph 4:14).
Khi người không tin Chúa trải qua hoạn nạn, họ mất sự ttrông cậy nhưng đối với con cái Chúa, hoạn nạn chỉ tăng thêm lòng trông cậy. “Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sinh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sinh sự rèn tập, sự rèn tập sinh sự trông cậy.” (Ro 5:3-4). Đức Chúa Trời xây dựng nên cá tính và làm rạng rỡ sự cậy trông khi con cái Chúa tin cậy Ngài và nhờ cậy ân điển Ngài. Kết quả là Đức Chúa Trời được vinh hiển đời đời.
IPhi 5:12-14
Chúng ta đã xem xét IPhi 5:12-13 trong chương mở đầu (IPhi 1:1)
(IPhi 5:14) Sứ đồ Phao-lô luôn chấm dứt lá thư bằng lời cầu nguyện trong ân điển (IITe 3:17-18). Sứ đồ Phi-e-rơ kết thúc thư tín này bằng lời cầu nguyện bình an. Ông mở đầu bức thư bằng lời chào bình an (IPhi 1:2), vì vậy toàn bộ bức thư bàn đến “Đức Chúa Trời bình an” từ đầu cho đến cuối thư. Thật là cách lạ lùng khi kết thúc bức thư thông báo về cơn hoạn nạn bắt bớ sắp xảy ra!
Trong Tân Ước chúng ta tìm thấy bốn lần lời khuyên về “cái hôn thánh” (Ro 16:16 ICo 16:20 IICo 13:12 ITe 5:26). Sứ đồ Phi-e-rơ gọi đó là “cái hôn yêu thương”.Hãy nhớ rằng ở đây người nam hôn người nam và người hôn người nữ. Đó là cách đón chào hoặc chia tay mẫu mực trong một bộ phận thế giới thời đó, giống như trong nhiều quốc gia ở Châu Mỹ La tinh ngày nay. Thật tuyệt vời làm sao khi các con cái Chúa nô lệ và chủ chào nhau “trong danh Chúa Giê-xu Christ” như vậy.
Sứ đồ Phi-e-rơ đã viết cho chúng ta lá thư quí báu khích lệ chúng ta trông cậy nơi Chúa cho dù hoàn cảnh có ra sao. Ngược lại nhiều thế kỷ, Hội Thánh trải qua nhiều cơn hoạn nạn khác nhau, nhưng quỉ Sa-tan không thể phá diệt được. Hội Thánh ngày nay sắp đương đầu với hoạn nạn thử thách, và chúng ta phải chuẩn bị.
Nhưng, cho dù điều gì có thể xảy ra, sứ đồ Phi-e-rơ vẫn nói với chúng ta - HÃY CÓ LÒNG TRÔNG CẬY! Sự vinh hiển sẽ chóng đến!
bottom of page