top of page

LU-CA (2)

KINH THÁNH

TÂN-ƯỚC

THỂ LOẠI

Các Sách Phúc-Âm



8. CHỨC VỤ ĐA PHƯƠNG (Lu 9:1-62)


Đó...

...là một buổi tối đáng bực mình! Trong khi tôi đang nghiên cứu và viết sách, cứ 30 phút điện thoại lại reng liên tục. Lẽ ra tôi phải vui mừng nghỉ tay và tán gẫu với bạn bè qua điện thoại, nhưng những người gọi điện thoại chỉ toàn kể lể với tôi đủ điều, từ chiếc vé khiêu vũ cho đến những cuộc đầu tư... Lúc lên giường ngủ, tôi nghĩ đến việc phải cắt điện thoại và bắt đầu bảo vệ cuộc sống riêng tư của mình.


Lúc 11 giờ, có một người gọi điện cho tôi với ý định tự tử. Nhờ ơn Chúa, tôi đã có thể khuyên can anh ta tự chủ lấy mình. Lúc gác máy tôi cảm tạ Chúa vì tôi chưa cắt điện thoại. Khi trở lại giường ngủ tôi nghĩ đến Chúa Giê-xu và thời gian Ngài sử dụng. Lúc nào cũng có nhiều người đến với Ngài và Ngài đã không từ chối họ. Có lẽ Ngài không hề “cắt đường dây liên lạc” với họ.


Trong đoạn này, Bác sĩ Lu-ca mô tả một đời sống bận rộn của Con Người có lòng thương xót khi Ngài thi hành 4 nhiệm vụ:


1. Sai phái các sứ đồ (Lu 9:1-11)

Nhiệm vụ rao giảng (Lu 9:1-6): Trước đó vài tháng, mười hai môn đệ đã được Chúa chọn ra và đồng hành với Ngài như những người hầu việc. Giờ đây, Chúa sắp sai họ ra đi từng đôi một (Mac 6:7) với nhiệm vụ riêng và thực hành điều họ đã học. Đây là “sự ra đi đơn độc” của họ.


Tuy nhiên, trước khi phái họ đi, Chúa đã trang bị cho họ mọi điều cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cũng như dặn dò họ kỹ càng. Đoạn Kinh Thánh tương tự ở Mat 10:1-42 cho thấy 12 sứ-đồ chỉ được sai đến với dân Y-sơ-ra-ên (Lu 9:5-6). Lu-ca không để ý đến chi tiết này vì ông viết sách Phúc-Âm chủ yếu cho người ngoại và muốn nhấn mạnh rằng Phúc-Âm đã loan rộng khắp thế giới.


Quyền năng là khả năng hoàn thành nhiệm vụ, “thẩm quyền” là quyền để thực hiện nhiệm vụ đó. Chúa Giê-xu ban cho các sứ-đồ cả quyền năng và thẩm quyền ấy. Họ có thể đuổi quỷ và chữa bệnh nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất Chúa giao họ chính là việc rao giảng Phúc-Âm. Từ “rao giảng” ở Lu 9:6 gợi lên hình ảnh một sứ giả loan báo thông điệp của Vua, có nghĩa là: rao giảng Phúc-Âm. Họ chính là những sứ giả đem Phúc-Âm đến!


Khả năng chữa bệnh của các sứ-đồ là sự ban cho đặc biệt chứng thực chức vụ họ (Rô 15:18-19; IICôr 12:12; He 2:1-4). Các phép lạ là chứng cớ Chúa sai họ đi và hành động qua họ (Mac 16:20). Hôm nay chúng ta có thể kiểm nghiệm chức vụ của một người qua lẽ thật của lời Chúa (IGi 2:18-29; IGi 4:1-6). Chỉ có phép lạ thôi sẽ không đủ chứng minh một người nào đó có thực sự được Chúa sai đi hay không, vì Sa-tan có thể khiến các “sứ đồ giả” làm những dấu kỳ phép lạ (Mat 24:24; IICôr 11:13-15; IITes 2:9-10).


Chúa dạy các sứ-đồ phải mang những gì trên đường đi, đặc biệt Ngài nhấn mạnh về tính khẩn trương và phong cách bình dị họ phải có. Họ không được mang theo bao đựng thực phẩm nhưng phải tin rằng Đức Chúa Trời sẽ mở cửa những gia đình tử tế. Mat 10:11-15 cho biết họ phải chọn những gia đình ra sao nếu người ta không tiếp, các sứ đồ phải phủi bụi nơi chân họ. Những người Do-thái chính thống cũng làm hành động đó mỗi khi họ rời khỏi địa phận người ngoại (Công 13:51; Lu 10:10-11).


Sự lo sợ (Lu 9:7-9):

Khi các môn đệ đã ra đi, Chúa Giê-xu cũng thi hành chức vụ tại Ga-li-lê trong một thời gian (Mat 11:1). Công việc của các sứ đồ gây sự chú ý lớn. Thật vậy, những việc họ làm thậm chí đã được bàn luận giữa các nhà cầm quyền cao cấp nhất! Hê-rốt An-ti-ba (Lu 3:1)là con vua Hê-rốt Đại đế, người sai giết Giăng Báp-tít (Lu 3:19-20; Mat 14:1-12).


Ai đã làm việc lạ lùng dường ấy?

Giăng chưa làm một phép lạ nào (Gi 10:41), nhưng mọi sự có thể thay đổi nếu Giăng sống lại! Người Do-thái mong mỏi tiên tri Ê-li xuất hiện, vì vậy có lẽ lời tiên tri ấy đã được ứng nghiệm (Ma 4:5; Lu 1:17; Mat 11:10-14; Mat 17:11-13). Dĩ nhiên lương tâm Hê-rốt đang bị dằn vặt, ông tự hỏi không biết có phải Đức Chúa Trời đã sai Giăng trở lại đoán phạt ông hay không.


Hê-rốt tìm cách gặp Chúa Giê-xu, nhưng Chúa không giống như “những kẻ nổi danh” thức thời trong tôn giáo, Ngài không cho đó là cơ hội để từ bỏ chức vụ và hoà nhập với tầng lớp quyền cao chức trọng. Ngài gọi vua là “con chồn cáo” và không dễ bị những lời doạ dẫm của vua làm cho khiếp sợ (Lu 13:31-32).

Khi Hê-rốt gặp Chúa Giê-xu lần sau cùng, ông ta hy vọng Chúa sẽ làm phép lạ, nhưng Con Đức Chúa Trời không nói gì và không làm gì. Tên bạo Chúa Hê-rốt đã khiến lời từ Đức Chúa Trời câm nín trước hắn! (Lu 23:6-12)


Kết luận (Lu 9:10-11): Các sứ dồ trở về tường thuật sôi nổi nhiệm vụ họ cho Chúa nghe. Ngài khuyên họ tẻ ra để nghỉ ngơi (Mac 6:30-32).

Diễn giả nổi tiếng Vance Harner có lần đã nói: “Nếu không tẻ ra và nghỉ ngơi, chúng ta sẽ tách rời nhau”. Nhiệm vụ rao giảng và chữa bệnh của các sứ đồ đòi hỏi nhiều nỗ lực, vì vậy họ cần có thời gian tịnh dưỡng về thể chất và tinh thần. Những tín hữu hầu việc Chúa bận rộn hoặc quá sức nên xem đây là gương điển hình để noi theo.


Bị thu hút bởi những phép lạ Chúa làm, đoàn dân không rời Chúa nhưng cứ đi theo Ngài qua các thành. Khi Chúa cùng 12 sứ-đồ cập thuyền vào bờ, đoàn dân đã có mặt tại đó để gặp Ngài. Chúa động lòng thương xót họ và cứu giúp họ (Mat 14:13-14). Con Người không có một ngày nghỉ ngơi!


2. Nuôi đoàn dân đông (Lu 9:12-17)

Chúa chúng ta không thuộc loại người chỉ biết giảng đạo và nói với kẻ đói khát rằng hãy đi cho bình an. “Hãy sưởi cho ấm và ăn cho no!” (Gi 2:16). Các môn-đệ quá sốt ruột nên chỉ nhìn thấy đoàn dân đông (Lu 18:15 Mat 15:23), họ chưa hiểu được sự thương xót của Chúa Giê-xu và trách nhiệm Ngài đối với đoàn dân. Nhưng sẽ có một ngày họ thấu hiểu tường tận về Ngài.


Nếu bạn xem phép lạ này ở các sách Phúc-Âm, bạn sẽ thấy Chúa hỏi Phi-líp trước trên về nơi mua thức ăn cho đoàn dân đông (Gi 6:5) Ngài chỉ muốn thử đức tin Phi-líp, “Ngài đã biết điều Ngài sẽ làm rồi” (Gi 6:6). Những lúc gặp khủng hoảng trong cuộc sống, khi nguồn “dự trữ” của bạn cạn kiệt nhưng trách nhiệm lại quá lớn, đó là lúc bạn nên biết rằng Đức Chúa Trời sẽ sẵn sàng giải quyết nan đề của bạn.


Chúa bắt đầu hành động từ những gì các môn đệ có, Anh-rê phát hiện ra 5 cái bánh và 2 con cá do một cậu bé quyên góp rộng rời. Anh-rê có biết cậu bé này không? Có phải cậu bé đã tự nguyện dâng hết phần ăn trưa nhỏ bé của cậu? Trước khi chúng ta cầu xin Đức Chúa Trời thực hiện những việc ngoài khả năng mình, hãy bắt đầu từ những việc ta có thể làm được và dâng cho Ngài những gì ta có. Khi đó, hãy cảm tạ Ngài vì có những người mẹ cho con mình những thứ để dâng Chúa.


Chúa ngước mặt lên trời, nguồn cung cấp thực phẩm hằng ngày cho chúng ta (Mat 6:11), cảm tạ, chúc phước trên thức ăn và khiến 5 cái bánh với 2 con cá trở nên đầy dẫy. Chúa Giê-xu là “nhà sản xuất”, còn các môn đệ như những “nhà phân phối”. Điều kỳ lạ đã xảy ra, mọi người đều được phục vụ và thoả lòng, lại có dư ra 12 giỏ bánh thừa, mỗi giỏ dành cho từng môn đệ. Chúa Giê-xu chăm lo cho tôi tớ Ngài thật chu đáo!


Phép lạ này thật ý nghĩa nhưng nó không chỉ bày tỏ sự thương xót đối với những kẻ đói khát mà còn là dấu hiệu về Đấng Cứu Thế - Chúa chúng ta, bày tỏ sự ban phát nhân từ của Đức Chúa Trời để cứu con người. Ngày hôm sau, Chúa giảng về “bánh của sự sống” và kêu gọi mọi người tin nhận Ngài như họ đã nhận bánh (Gi 6:22-59). Họ quan tâm đến bọn trẻ hơn linh hồn và hoàn toàn không hiểu ý nghĩa thuộc linh của phép lạ này. Họ muốn tôn Ngài làm vua để Ngài ban bánh nuôi họ đến cuối đời (Gi 6:14-15).


Sau khi Chúa Giê-xu thăng thiên, có lẽ các môn đệ thường được yên ủi khi nhớ đến phép lạ ấy. Phép lạ Chúa làm dạy họ phải có lòng thương xót, nhìn nan đề như cơ hội để Đức Chúa Trời hành động, dâng cho Ngài những gì họ có và tin rằng Ngài sẽ đáp ứng nhu cầu. Nếu chúng ta làm những việc trong khả năng mình, Chúa sẽ hành động và thực hiện phần còn lại. Corrie Ten Boom nói rằng: “Hãy để những lời hứa của Đức Chúa Trời soi sáng trên những nan đề của bạn”. Đó là lời khuyên hữu ích cho chúng ta.


3. Dạy dỗ (Lu 9:18-36)

Ở Phúc-âm Lu-ca, sự kiện Chúa nuôi đoàn dân đông chấm dứt công việc gọi là “chức vụ của Người Ga-li-lê vĩ đại” (Lu 4:14-9:17). Giờ đây, Chúa Giê-xu bắt đầu cuộc hành trình đến Giê-ru-sa-lem (Lu 9:51; Lu 13:22; Lu 17:11; Lu 18:31; Lu 19:11,28).

Đây có lẽ là thời gian Ngài và các môn-đệ nghỉ ngơi vì Ngài muốn chuẩn bị cho họ công việc sắp tới. Ở sách Công-vụ cũng có một đoạn tương đương nói về hành trình sau cùng của Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem. Trong cả 2 sách, chúng ta có “câu chuyện hai thành phố”. Trong Lu-ca từ Na-xa-rét đến Giê-ru-sa-lem và ở Công-vụ là từ Giê-ru-sa-lem đến Rô-ma.


Trong phân đoạn này, Chúa dạy các môn-đệ 3 bài học cơ bản về Thân vị, sự hy sinh và Vương quốc của Ngài.


(1). Thân vị Chúa Giê-xu (Lu 9:18-21):

Nếu bất cứ ai trong chúng ta hỏi bạn hữu về những gì người khác nói về mình, đó chính là biểu hiện của sự kiêu ngạo, nhưng đối với Chúa Giê-xu thật không phải thế. Mọi người nên biết rõ Chúa Giê-xu là ai, vì những gì chúng ta nghĩ về Chúa sẽ quyết định số phận đời đời của mình (Gi 8:24; IGi 4:1-5). Không thể nhầm lẫn về Chúa Giê-xu mà vẫn đúng với Đức Chúa Trời được.


Chúa Giê-xu cầu nguyện cả đêm trước khi chọn 12 sứ-đồ (Lu 6:12-13) và bây giờ Ngài cũng cầu nguyện trước khi các môn-đệ xưng nhận đức tin họ. Đã có những dư luận khác nhau về Chúa (Lu 9:7-8) nhưng các môn-đệ Chúa phải có những sự xác tín. Phi-e-rơ là người đại diện các môn-đệ đưa ra chứng cớ xác thực về thần tính của Chúa Giê-xu Christ. Đây là lần thứ 2 Phi-e-rơ công khai xưng nhận Đấng Christ (Gi 6:68-69). Ngoại trừ Giu-đa (Gi 6:70-71), tất cả các môn-đệ đều có đức tin nơi Chúa Giê-xu.


Chúa nghiêm cấm họ không được đồn đãi ra lẽ thật này. Trước hết thông điệp về Đấng Christ không thể bị tách rời khỏi sự chết và sự phục sinh của Ngài. Ngài sắp cho họ biết thông điệp này. Họ phải mất nhiều thời gian để hiểu rõ bài học mới mẻ này và sau khi Chúa Phục sinh họ mới thật sự hiểu hết ý nghĩa bài học (Lu 24:44-48). Người Do-thái bấy giờ chỉ xem Chúa Giê-xu như người chữa bệnh và dạy dỗ đầy ơn. Nếu các sứ-đồ bắt đầu rao giảng rằng Chúa thật sự là Đấng Christ, có lẽ trong dân chúng sẽ nổi lên cuộc dấy loạn chống lại Rô-ma.


(2). Sự hy sinh (Lu 9:22-26):

Trước đây Chúa từng nói trước về sự chết hy sinh của Ngài một cách gián tiếp, nhưng giờ đây Ngài dạy môn đệ lẽ thật này cách rõ ràng. Giăng giới thiệu Chúa là “Chiên Con của Đức Chúa Trời” (Gi 2:19). Chúa so sánh chính Ngài với con rắn trong đồng vắng (Gi 3:14) và với tiên tri Giô-na (Mat 12:36-40) để báo trước về sự thương khó và sự chết của Ngài.


Trong Lu-ca, có 3 lần Chúa báo trước về sự thương khó của Ngài ở thành Giê-ru-sa-lem và đây là lời tuyên bố đầu tiên của Ngài (Lu 9:43-45; Lu 18:31-34). Các môn đệ thật sự không hiểu Chúa muốn nói gì, một phần do họ thiếu đức tin và chưa trưởng thành, phần khác do Đức Chúa Trời đã giấu khỏi họ để không hiểu lẽ thật này. Ngài chỉ dạy họ khi nào họ đã đủ sức nhận lấy lẽ thật (Gi 16:12). Có lẽ đây là một cú sốc khi các môn-đệ biết rằng các chức sắc tôn giáo của họ sẽ giết chính Chúa mình.


Chúa không dừng lại ở lời báo trước về sự chết của Ngài, Ngài cũng tuyên bố công khai về “thập tự giá” dành cho mỗi môn đệ. Phúc-âm Ma-thi-ơ cho ta biết đây là điều rất cần thiết vì Phi-e-rơ có ý muốn ngăn cản Chúa chịu thương khó (Mat 16:22). Hãy nhớ rằng Chúa đang nói về địa vị “môn-đệ” chớ không phải địa vị làm “con”. Chúng ta được cứu rỗi không phải vì đã vác thập tự và theo Chúa Giê-xu, nhưng vì chúng ta tin Đấng Christ đã gánh thay tội lỗi ta trên thập tự. Sau khi trở nên con cái Đức Chúa Trời, chúng ta mới có thể trở thành môn đệ Chúa.


Hiện nay, từ tương đương với “môn-đệ” có lẽ là “người học việc”. Môn-đồ không phải chỉ là người học qua những bài giảng và sách vở, nhưng người ấy phải học bằng cách sống và cộng sự với thầy mình qua kinh nghiệm hằng ngày. Rất nhiều tín hữu chỉ muốn nghe giảng đạo để có thêm hiểu biết chớ không bao giờ thực hành những điều đã nghe.


Đến với dân La-mã, thập tự giá là biểu tượng của sự sỉ nhục, tội lỗi, đau đớn và bị ruồng bỏ. Không có cái chết nào nhục nhã hơn thế. Hình phạt đóng đinh chẳng còn được nói đến trong giới học thức và người ta cũng không còn nghĩ đến việc phải áp dụng hình phạt này cho dân họ cũng như chúng ta ngày nay không nghĩ đến việc ngồi vào những chiếc “ghế điện” bằng vàng hoặc bằng bạc! Chúa đặt ra những yêu cầu nghiêm túc đối với môn-đệ Ngài.

Chúng ta trước hết phải biết nói “không”với chính mình, không chỉ đối với những thú vui hoặc của cải vật chất, nhưng còn đối với “cái tôi” của mình - sau đó hãy vác thập tự mình và theo Chúa mỗi ngày. Làm như vậy có nghĩa là chúng ta sẽ đồng công với Ngài qua sự dâng mình, chịu khổ và hy sinh. Bạn không thể “đóng đinh” chính mình, bạn chỉ có thể “dâng thân thể mình” (Rô 12:1-2) và để Đức Chúa Trời thực hiện phần còn lại.


Dĩ nhiên, đối với thế gian, cách sống này dường như dại dột. Nhưng đối với Cơ-đốc nhân, đó là sự khôn ngoan. Cứu sự sống mình, bạn sẽ mất nó, vậy làm sao có thể tìm lại được sự sống? Nhưng nếu bạn dâng đời sống mình cho Đấng Christ, bạn sẽ giữ được sự sống ấy và có thể sống với đầy đủ ý nghĩa của nó. Nếu một người có cả thế gian, anh ta vẫn còn rất nghèo và không thể mua lại sự sống đã mất.


Địa vị môn-đệ Chúa là kết quả của sự rèn luyện hằng ngày: theo Chúa từng bước, từng ngày. Có một phụ nữ sau khi quét dọn mệt nhọc, đã nói với bạn mình rằng: “Rắc rối của cuộc sống chính ở chỗ nó cứ lặp lại mỗi ngày”. Người phụ nữ này đã suy nghĩ sai lệch. Một trong những điều tốt nhất cho cuộc sống, đó là chúng ta có thể giữ nó từng ngày từng giờ (Phuc 33:25).

Động cơ của chúng ta phải hướng về sự tôn vinh Đấng Christ. Nếu ai hổ thẹn về Ngài, sẽ chẳng bao giờ vác nổi thập tự giá và theo Ngài. Nếu chối từ Ngài, chúng ta sẽ bị chối từ trong ngày Chúa trở lại (Mac 8:38; IITi 2:11-13) và bị hổ thẹn trước mặt Ngài (IGi 2:28).


(3). Vương quốc của Chúa (Lu 9:27-36): Theo sự ghi chép của Phúc-âm Lu-ca sự hóa hình là sự kiện duy nhất xảy ra trong thời gian Chúa Giê-xu thi hành chức vụ trên đất, Chúa bày tỏ sự vinh hiển qua Thân vị Ngài.

Tuy không sử dụng từ “hóa hình”, nhưng Lu-ca đã tường thuật lại một diễn biến tương tự (Mat 17:12; Mac 9:2). “Hóa hình” có nghĩa như thay đổi hình dáng, phát sinh từ bên trong.


Đằng sau sự kiện này, có nguyên nhân nào không? Trước hết, đây là dấu hiệu Đức Chúa Trời hài lòng khi Phi-e-rơ xưng nhận Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời (Gi 1:14). Đó cũng là cách Cha trên trời yên ủi Con Ngài khi Chúa Giê-xu bắt đầu đến Giê-ru-sa-lem. Đức Chúa Trời đã phán xuống khi Chúa Giê-xu chịu phép báp-tem (Lu 3:22) và Ngài đã phán lần nữa trong tuần lễ cuối cùng Chúa Giê-xu thi hành chức vụ trên đất (Gi 12:23-28). Kết quả của thập tự giá khổ nạn là mão triều thiên vinh hiển, đó là bài học mà Phi-e-rơ đã nhấn mạnh trong thư tín đầu tiên của ông (IPhi 4:12-5:4).


Lời Chúa Giê-xu phán trong Lu 9:27 cho thấy sự kiện này đã minh chứng cho sự thực hữu của Vương quốc Đức Chúa Trời. Điều này dường như rất có lý, vì các môn đệ cứ ngờ vực về Vương quốc Đức Chúa Trời do đã nghe Chúa Giê-xu phán về thập tự giá (Chúng ta không nên quá khe khắt với họ, vì các tiên tri cũng từng hoang mang bối rối như vậy – IPhi 1:10-12). Chúa khiến họ vững tin rằng mọi hứa ngôn trong Cựu-ước sẽ ứng nghiệm, nhưng trước hết Chúa phải chịu đau đớn trước khi Ngài có thể bước vào sự vinh hiển (IIPhi 1:12-21).


Ở đây cũng có một bài học thực tiễn khác, chúng ta có thể từng trải sự “biến hoá” thuộc linh mỗi ngày khi bước đi theo Chúa. Rô 12:1-2 và IICôr 3:18 cho ta biết phải làm gì để kinh nghiệm “sự biến hóa” ấy. Khi chúng ta dâng thân thể, tâm trí và ý chí mình cho Chúa, Ngài sẽ biến đổi chúng ta hầu cho chúng ta không bị lệ thuộc vào thế gian nữa.

Khi ngắm xem Chúa qua Lời Ngài (“gương”), chúng ta sẽ được Đức Thánh Linh biến hóa “từ vinh hiển” qua vinh hiển. Theo nghĩa thần học, từng trải này được gọi là “sự thánh hóa”. Chúng ta sẽ trở nên giống Đức Chúa Giê-xu Christ hơn qua từng trải đó. Sự thánh hóa chính là mục đích Đức Chúa Trời muốn dành cho mỗi con cái Ngài (Rô 8:19; IGi 3:2). Nên nhớ rằng Chúa chúng ta luôn thường xuyên cầu nguyện, đó là một trong những bí quyết để có một đời sống được đổi mới.


Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng đã cùng đi với Chúa Giê-xu khi Ngài khiến con gái Giai-ru sống lại (Lu 8:51) và họ cũng theo Ngài khi Ngài cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Mat 26:36-46).

Ba sự kiện này nhắc tôi nhớ lại câu Kinh Thánh ở Phi 3:10 “...cho đến nỗi tôi được biết Ngài (sự hoá hình), và quyền phép sự sống lại của Ngài (khiến con gái Giai-ru sống lại), và sự thông công thương khó của Ngài (trong vườn Ghết-sê-ma-nê). ..”


Có thể đây là “cuộc hội đồng Kinh Thánh” lớn nhất trên đất từ trước đến nay! Thậm chí dù không kể đến sự vinh hiển rực rỡ ấy. Bạn cũng có những “diễn giả” tuyệt vời nhất, đó là: Môi-se đại diện cho luật pháp, Ê-li đại diện cho các tiên tri.

Và Chúa Giê-xu Đấng đến thế gian để làm trọn luật pháp và lời tiên tri. Bạn còn có một chủ đề quan trọng nhất: sự chết của Chúa Giê-xu, Ngài sẽ chịu thương khó tại Giê-ru-sa-lem.

Môi-se đã từng giải thoát dân sự khỏi ách nô lệ của Ai-cập, tiên tri Ê-li đã giải phóng họ khỏi xiềng xích trói buộc của tà thần, nhưng chính Chúa Giê-xu sẽ chịu chết để giải thoát một thế giới hư mất khỏi ách tội lỗi và sự chết (Ga 1:4; Co 1:13; He 2:14-15). Khi mọi điều đang diễn tiến thì ba vị môn đệ có đặc ân kia lại đang say ngủ! (Họ đã lặp lại sự thất bại này trong vườn Ghết-sê-ma-nê).

Lời đề nghị của Phi-e-rơ nhắc ta nhớ đến “lễ Lều Tạm” của người Do-thái được chép trong Thánh Kinh Cựu-ước nói về Vương Quốc Đức Chúa Trời trong tương lai (Le 23:33-44; Xa 14:16-21). Phi-e-rơ chỉ muốn Chúa Giê-xu nhận lấy sự vinh hiển mà không trải qua sự thương khó, nhưng đó không phải là chương trình của Đức Chúa Trời.


Đức Chúa Trời ngắt lời Phi-e-rơ bằng cách khiến một đám mây vinh hiển bao phủ (Xu 13:21-22; Xu 40:35,38) và phán ra từ đám ấy (Phi-e-rơ cũng bị ngăn trở bởi Chúa Giê-xu (Mat 17:24-27) và Đức Thánh Linh (Công 10:44) . Lời phán kỳ diệu từ trời nhắc ta những câu Kinh Thánh ở Phuc 18:15; Thi 2:7; Es 42:1. Khi đám mây tan đi, Ê-li và Môi-se cũng lìa khỏi đó.


Những sự kiện này thật kỳ diệu, nhưng đó không phải là nền tảng cho một đời sống Cơ-đốc nhân nhất quán. Đời sống ấy chỉ có thể đến từ Lời Đức Chúa Trời. Kinh nghiệm sẽ đến rồi đi, nhưng Lời Chúa còn tồn tại mãi mãi. Ký ức của chúng ta về những từng trải sẽ phai nhạt nhưng Lời Đức Chúa Trời chẳng bao giờ thay đổi.

Chúng ta càng nắm giữ nhiều sự kiện, nó càng khiến đời sống chúng ta ít có ảnh hưởng hơn.

Đó là lý do Đức Chúa Trời phán: “Hãy nghe Người” và cũng là nguyên nhân Phi-e-rơ lặp lại lời này trong thư tín của ông (IIPhi 1:12-21) “sự hóa hình” của bản thân chúng ta do sự đổi mới từ bên trong (Rô 12:1-2) và sự đổi mới ấy do Lời Đức Chúa Trời (IICôr 3:18).


4. Chịu đựng (Lu 9:37-62)

“Ta ở với các ngươi và nhịn các ngươi cho đến chừng nào?” (Lu 9:41). Có thể bạn tưởng đây là lời trách cứ của một ông thầy dạy học quá sức hoặc của một tướng chỉ huy thiếu kiên nhẫn. Đây là lời trách của Con Đức Chúa Trời thánh khiết! Chúng ta dễ quên Chúa đã phải chịu thương khó ra sao khi thi hành chức vụ trên đất, đặc biệt Ngài phải chịu đựng các môn đệ mình.


Khi phân tích phân đoạn này, bạn có thể hiểu lý do Chúa phán những lời như vậy: Ngài buồn bực bởi những yếu đuối thất bại của các môn-đệ. “Ngài ban cho họ quyền phép trừ quỷ” (Lu 9:37-45), vậy mà đức tin họ quá yếu đuối đến nỗi chẳng trừ được một quỷ nào.

Khi nuôi 5.000 người, Ngài bày tỏ cho họ thấy sự thương xót, nhưng họ lại có thái độ ích kỷ và không có tình yêu thương (Lu 9:46-56). Ngài dạy họ về ý nghĩa của việc theo Ngài, nhưng những kẻ tình nguyện ấy lại trở thành những môn-đệ chỉ nghĩ đến bản thân trước tiên (Lu 9:57-62). Lẽ dĩ nhiên Chúa đã phải chịu khổ vì thái độ của họ!


• Thiếu quyền năng (Lu 9:37-45):

Chúng ta thật chẳng dám ở trên đỉnh núi vinh quang khi ở dưới thung lũng có chiến trận đang xảy ra! Có một “con một” cần được Chúa cứu giúp và còn nhiều con trẻ khác nữa, nhưng các môn-đệ chẳng làm được gì. Họ đã được ban cho quyền phép (Lu 9:1), nhưng không đắc thắng.

Vì sao như vậy? Nếu bạn xem sự kiện này ở ba sách Phúc-Âm (Mat 17:1-23 Mac 9:1-32), bạn sẽ khám phá những điều họ thiếu sót trong cuộc sống. Trước hết, họ thiếu đức tin (Mat 17:19-20). Họ vốn sinh ra từ dòng dõi vô tín và đã thiếu niềm tin khi sử dụng quyền năng Chúa ban. Hơn nữa, họ cũng thiếu sự cầu nguyện và kiêng ăn (Mac 9:29).

Điều này chứng tỏ 9 môn-đệ còn lại đã để mặc cho những thành quả rèn luyện bấy lâu của họ bị sa sút dần trong thời gian ngắn vắng Chúa. Cho dù chúng ta có thể nhận bất cứ sự ban cho thuộc linh nào đi nữa, những sự ban cho đó tự nó chẳng bao giờ hành động tự động cả.


Ma quỷ cố vật ngã người bệnh lần cuối nhưng Chúa Giê-xu quở nặng nó và đuổi nó ra. Chúa dịu dàng trao đứa con trai lại cho cha nó và đem 12 môn-đệ đi với Ngài để dạy họ bài học khác về Thập tự giá. Chính tại thập tự giá, Chúa đã khiến Sa-tan nếm mùi thất bại thảm hại (Gi 19:31-32; Co 2:15).


Thiếu tình yêu (Lu 9:46-56):

Các môn đệ chẳng có sự yêu thương lẫn nhau, lẽ ra không nên tranh cãi vấn đề ai là người cao trọng nhất (Lu 9:46-48). Có lẽ sở dĩ có cuộc tranh luận này là do họ có lòng đố kỵ (khi ba môn đệ được ở cùng Chúa trên núi), hoặc do họ kiêu ngạo (vì chín môn đệ còn lại đã thất bại trong việc đuổi quỷ). Trước đó, Chúa cũng đòi đóng thuế cho Phi-e-rơ (Mat 17:24-27), điều này có thể khơi lên sự ghen tị nào đó.

Trong Nước Thiên đàng, mẫu mực của sự cao trọng chính là con trẻ - yếu đuối, cần được giúp đỡ, cô thế, sống bởi đức tin mà thôi. Con trẻ mà cố gắng hành động như người lớn, đó là điều không hay. Nhưng “người lớn” lại hành động như trẻ con, thì càng tồi tệ hơn (ICôr 13:4-5; ICôr 14:20) Hành động như con nít và tính hồn nhiên như con trẻ là hai tính cách khác nhau hoàn toàn.


Các môn đệ bày tỏ sự thiếu yêu thương đối với những người tin Chúa không cùng nhóm họ (Lu 9:49-50). Sự yêu thương là điều cần có nơi những “con trai của sấm sét” (Mac 3:17)! Có lẽ Giăng cố “chiếm cảm tình” Chúa khi hăng hái bảo vệ danh Chúa, nhưng Chúa không hề cảm động về điều đó. Những tín hữu nào cho rằng nhóm của họ là nhóm duy nhất được Chúa thừa nhận và ban phước sẽ thấy thất vọng khi vào thiên đàng.


Các môn-đệ cũng không yêu thương kẻ thù (Lu 9:51-56). Gia-cơ và Giăng đã thấy tiên tri Ê-li trên núi, nên họ cho rằng có thể “bắt chước” Ê-li khiến lửa từ trời giáng xuống (IIVua 1:1-18)! Dân Sa-ma-ri và dân Do-thái đã thù nhau hằng bao thế kỷ trước (IIVua 17:24-41), nên có thể hiểu rằng làng của người Sa-ma-ri này không tiếp Chúa Giê-xu khi Ngài trên đường đến Giê-ru-sa-lem (Gi 4:9,20). Chúa trách mắng lòng thù hận của họ, đoạn Ngài đến một làng khác (Mat 5:37-38). Sau này Phúc-Âm đã đến với xứ Sa-ma-ri (Công 8:11-40).


Vô kỷ luật (Lu 9:57-62):

Lẽ ra đã có ba người trở thành môn đệ Chúa, nhưng họ chẳng đáp ứng được những điều kiện Chúa đưa ra.

Người đầu tiên là một thầy thông giáo (Mat 8:19), ông tình nguyện theo Chúa nhưng đã thối lui khi biết cái giá phải trả là sự dấn thân.

Hiển nhiên, ông không thể theo Chúa được vì đã quen với những tiện nghi vật chất. Người thứ hai được Chúa Giê-xu gọi (thật hân hạnh thay!) nhưng đã bị loại bỏ vì không bằng lòng vác thập tự giá và chết với bản ngã. Anh ta lo lắng cho tang lễ kẻ khác trong khi phải quyết định cho chính bản thân mình! Chúa không có ý nói rằng chúng ta không kính cha mẹ, Ngài chỉ muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đừng để cho tình yêu gia đình lấn át tình yêu dành cho Chúa.

Chúng ta phải yêu mến Chúa nhiều đến mức độ nếu đem so sánh với tình yêu dành cho gia đình, dường như chúng ta không tôn trọng người trong gia đình hơn (Lu 14:26)! Người thứ ba cũng tình nguyện theo Chúa nhưng không được, vì anh ta “ngó lại đằng sau” thay vì phải nhìn về phía trước. Lời giã biệt thân thương với người nhà không có gì sai trái (IVua 19:19-21) nhưng nếu nó làm “cản trở” sự vâng phục, đó sẽ là tội.

Chúa biết rằng tấm lòng người này không dành trọn cho Ngài nhưng còn nhìn lại mọi sự ở phía sau (Sa 19:17,26; Phi 3:13-14). Đó là lý do chẳng có gì ngạc nhiên khi “người làm công” quá ít! (Lu 10:2).


Có lẽ điều Chúa dạy môn đệ và đoàn dân đã ít nhiều gây dựng được họ. Họ thiếu năng lực, thiếu tình yêu, kỷ luật và làm buồn lòng Chúa. Nếu chúng ta hôm nay cũng thiếu những yêu cầu thuộc linh này, chúng ta sẽ chẳng bao giờ trở thành môn đệ thật sự của Chúa Giê-xu cả. Tuy vậy, khi đến với Chúa, chúng ta sẽ có mọi sự đó, “Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu giè giữ” (IITi 1:7). Chúng ta đang làm Chúa vui lòng hay buồn bực?



 


9. CƠ-ĐỐC NHÂN LÀM GÌ GIỮA THẾ GIAN (Lu 10:1-42)


Ba sự kiện ở đoạn 10 cho ta thấy có ba nhiệm vụ mà mỗi Cơ-đốc nhân phải thực hiện, đó cũng là giải đáp cho câu hỏi “Cơ-đốc nhân làm gì giữa thế gian?”


Trước hết, chúng ta là đại sứ của Chúa được Ngài sai đi giữa thế gian để đại diện cho Ngài (Lu 10:1-24). Chúng ta cũng là người lân cận tìm cơ hội bày tỏ sự thương xót trong danh Đấng Christ (Lu 10:25-37). Tuy vậy, trọng tâm của nhiệm vụ chúng ta là phải sống cho Đấng Christ, nên chúng ta phải là những người thờ phượng chúa, dành thời gian lắng nghe lời Ngài và giao thông với Ngài (Lu 10:38-42).


Dù đang ở nơi cánh đồng mùa gặt, ngoài đường phố hay tại nhà riêng, đặc quyền lớn lao nhất và niềm vui tuyệt vời nhất của chúng ta là thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời.


1. Đại sứ: đại diện Chúa (Lu 10:1-24)

Đừng nhầm lẫn sự kiện này với sự kiện 12 sứ đồ được Chúa sai đi (Lu 9:1-11; Mat 10:1-42). Có những điểm giống nhau trong nhiệm vụ được giao và đây là điều bình thường vì cả hai nhóm đều được một Chủ sai đi để thi hành cùng một công tác.

Mười hai sứ đồ thi hành chức vụ ở Ga-li-lê, nhưng 70 môn đệ này được sai đến xứ Giu-đê. Trong đoạn này, họ không được gọi là “sứ-đồ”, họ là những “môn-đệ vô danh”.


Vì sao Lu-ca là người duy nhất chép lại sự kiện này?

Vì sao Chúa Giê-xu chọn 70 người chớ không phải một con số khác? (Có một số bản văn dịch là 72 người). Mười hai sứ-đồ được chọn lựa ứng với số 12 con trai Gia-cốp và 12 chi phái trong Y-sơ-ra-ên. Do đó, có thể 70 môn-đệ được chọn ra ứng với 70 dân tộc được kể tên trong Sa 10:1-32 Lu-ca nhấn mạnh về tính phổ biến của Phúc-Âm, vì vậy thật hữu lý khi Đức Thánh Linh dẫn dắt ông trong việc ghi lại sự kiện này. Điều này có ý nghĩa như “Chúa Giê-xu muốn Phúc-Âm được rao ra cho mọi dân tộc”.


Sự giải thích (Lu 10:1-12):

Những môn đệ này tuy không được gọi là “các sứ-đồ” nhưng họ vẫn được sai đi với nhiệm vụ đại diện Chúa. Họ thật sự là những đại sứ của Vua Thiên đàng. Ngài không những sai họ đi mà còn giao họ nhiệm vụ “dọn đường” cho Ngài. Thật hân hạnh khi họ được Chúa kêu gọi!


Việc kêu gọi của họ cũng thật khó khăn (Lu 10:2). “Gặt” là công việc nặng nhọc, dù có nhiều người giúp bạn huống chi những người này được sai vào một đồng lúa mênh mông nhưng quá ít con gặt giúp họ thu hoạch vụ mùa lớn. Thay vì cầu xin một công việc dễ hơn, họ phải xin có nhiều người hơn nữa để cùng cộng tác với họ. Hôm nay, chúng ta cũng cần cầu nguyện như vậy. (Hãy nhớ rằng chính người làm công chớ không phải những người đứng “nhìn” và cầu xin có thêm nhiều người làm công nữa! Rất nhiều tín hữu cũng đang cầu xin có thêm người làm công việc mà bản thân họ không muốn làm).


Sự kêu gọi của họ rất nguy hiểm.

Khi “lấn chiếm” lãnh thổ kẻ thù (Lu 10:17), họ sẽ như những “chiên con giữa bầy muông sói” (Lu 10:3). Nhưng bao lâu họ còn tin cậy nơi Chúa, họ sẽ đắc thắng luôn. Vance Havner thường chia sẻ rằng: “Bất cứ ai sống cho Chúa Giê-xu cách nghiêm túc đều trở thành mục tiêu tấn công của ma quỷ. Đa số các tín hữu trong Hội thánh chưa gây rắc rối cho Sa-tan đủ để khơi dậy sự chống trả của nó!”


Các môn-đệ cần có kỷ luật bản thân và đức tin để thi hành nhiệm vụ (Lu 10:4-8). Họ phải làm việc khẩn trương. Chúa không muốn họ bị vướng bận với những vấn đề hoặc trễ nãi trên đường đi bởi những lời chào hỏi quá trau chuốt kiểu Đông phương. Họ phải tin rằng Đức Chúa Trời sẽ chu cấp mọi sự cho họ. Họ cũng không nên e ngại khi nhận sự giúp đỡ của kẻ khác. Trái lại, họ đang hầu việc Chúa và đem ơn phước đến từng gia đình, cho nên “người làm công đáng được tiền lương mình” (Lu 10:7; ICôr 9:14; ITi 5:18).


Họ là những đại sứ hòa bình, đem sự chữa lành đến cho kẻ bệnh hoạn, sự giải thoát cho kẻ bị trói buộc khỏi ma quỉ và Phúc-Âm cứu rỗi cho tội nhân hư mất. Giống như đoàn quân của Giô-suê khi xưa, họ là những người tiên phong loan báo sự hòa bình cho các thành phố. Nếu thành phố nào khước từ hoà bình, tức là chọn cho mình sự đoán phạt (Phuc 20:10-18). Thật nguy hiểm thay khi khước từ các sứ giả của Đức Chúa Trời!


Chúng ta cần biết rằng quyền năng đặc biệt Chúa Giê-xu ban cho mười sứ-đồ (Lu 9:1) và 70 môn-đệ không phải là những gì chúng ta tuyên bố hôm nay. Nhiệm vụ rao giảng của họ rất đặc biệt, và Chúa cũng không hứa ban cho họ sự sống lâu. Nhiệm vụ Chúa giao mỗi chúng ta chính là rao truyền Phúc-Âm chớ không phải làm phép lạ (Mat 28:19-20; Lu 24:46-49).


Lời buộc tội (Lu 10:13-16):

Dường như đây là ngôn ngữ sắc bén từ môi miệng Con Đức Chúa Trời, chúng ta chẳng dám bỏ qua cũng không thể giải thích khác đi. Ngài kể tên ba thành phố cổ đã bị Đức Chúa Trời đoán phạt, đó là thành Sô-đôm (Sa 19:1-38) Ty-rơ và Si-đôn (Exe 26-28; Es 23:1-18). Ngài dùng ba thành phố đó để cảnh cáo ba thành phố đương thời: Cô-ra-xin, Bết-sai-đa và Ca-bê-na-um. Ba thành phố này đã hưởng nhiều đặc ân hơn ba thành phố xưa nên phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. nếu Sô-đôm, Ty-rơ và Si-đôn từng bị phá huỷ, lẽ nào Cô-ra-xin, Bết-sai-đa và Ca-bê-na-um có thể thoát được?


Nghe lời sứ giả của Đấng Christ nghĩa là nghe Lời Ngài, khước từ những người Ngài sai đi cũng đồng nghĩa với việc khước từ Ngài. “Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy” (Gi 20:21; IICôr 5:18-21). Một quốc gia đối xử với một vị đại sứ như thế nào sẽ nói lên cách quốc gia đó đối xử ra sao với chính quyền được vị đại sứ đại diện. Để có thêm một ví dụ minh hoạ đầy thú vị cho lẽ thật này, mời bạn đọc sách IISa 10:1-19.


Sự vui mừng (Lu 10:17-24):

Ở đây có cả ba niềm vui, niềm vui trong sự hầu việc (Lu 10:17-19), niềm vui trong sự cứu rỗi (Lu 10:20) và niềm vui trong đặc ân (Lu 10:21-24) Chúa ban.


Chúng ta có thể hiểu các môn đệ vui mừng biết bao khi trở về thuật lại những thành quả của họ cho Chúa nghe. Ngài đã ban cho họ quyền phép để chữa bệnh, đuổi quỉ và rao giảng lời Chúa. Họ đã thành công! Nhưng trong sự vui mừng, họ không quên tôn vinh danh Đức Chúa Trời (“vì danh Chúa” (Lu 10:17). Các môn đệ thành công trong chức vụ họ từ thành này đến thành khác. Đối với Chúa, những thành quả này là một phần của cuộc chiến đánh bại Sa-tan (Es 14:4-23; Gi 12:31-32; Kh 12:8,9).

Là những người tin Chúa, “dù bản thân chúng ta yếu đuối, nhưng chúng ta có thể mạnh mẽ nhờ sức toàn năng của Ngài” (Eph 6:10). Mỗi thành quả đạt được đều rất quan trọng đối với Chúa, dù dưới mắt chúng ta đôi khi nó chẳng có ý nghĩa gì. Vào ngày sau-rốt Sa-tan mới bị Chúa Giê-xu quăng vào hồ lửa đời đời (Kh 20:10), nhưng ngay hôm nay con cái Đức Chúa Trời bởi đức tin có thể tuyên bố sự đắc thắng của Đấng Christ tại Gô-gô-tha (Co 2:15).


Tuy vậy, kẻ thù sẽ không chịu đầu hàng! Sa-tan chắc chắn sẽ tấn công các tôi tớ Chúa và tìm dịp tiêu diệt họ. Đó là lý do Chúa thêm lời yên ủi trong Lu 10:19.Ngài bảo đảm với họ rằng quyền phép họ nhận được sẽ không bị mất đi hầu cho sau khi hoàn thành công tác rao giảng, họ có thể giày đạp “con rắn xưa” mà chẳng hề sợ hãi (Kh 12:9; Sa 3:15).


Chúa dặn các môn đệ chớ vui mừng vì những thành tích đạt được, nhưng nên vui mừng vì tên họ đã được “ghi” trên thiên đàng. (Đây là một lời bảo đảm – Kh 20:12-15; Phi 4:3). Cùng kỳ diệu như các phép lạ môn đệ Chúa thực hiện, phép lạ “vĩ đại hơn hết chính là một linh hồn hư mất được cứu rỗi. Theo nghĩa tiếng Hy-lạp, từ “ghi” (biên) có nghĩa như “ghi vào biên bản hay trên một vật gì cách chính thức và long trọng”. Nó từng được dùng cho việc ký một chúc thư, hôn thú, hiệp ước hoà bình. Và cũng được dùng cho việc thu nhận một công dân!


Niềm vui mừng lớn lao nhất của chúng ta chẳng thể tìm thấy qua sự hầu việc ngay cả trong sự cứu rỗi chúng ta nhận được, nhưng niềm vui ấy chỉ có thể tìm thấy qua sự vâng theo ý muốn tốt lành của Cha trên trời, vì đó là nền tảng của sự hầu việc và sự cứu rỗi. Chúng ta thấy Chúa Giê-xu vui mừng bởi Đức Thánh Linh theo ý muốn của Đức Chúa Trời là Cha Ngài! “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Chúa” (Thi 40:8).


Chúa Giê-xu không vui mừng vì cớ các tội nhân không hiểu lẽ thật của Đức Chúa Trời vì Đức Chúa Trời “không muốn cho một người nào chết mất” (IIPhi 3:9). Chúa nức lòng vì sự hiểu biết lẽ thật không do nơi năng lực hoặc sự học thức của con người. Nếu không, có lẽ hầu hết mọi người sẽ không vào được thiên đàng.


Khi 12 sứ-đồ và 70 môn-đệ rao giảng Phúc-Âm, họ không thấy “những kẻ khôn ngoan, người sáng dạ” hạ mình tiếp nhận lẽ thật và ân điển Đức Chúa Trời, chỉ thấy những người bình thường trong xã hội tin nhận đạo (Lu 7:29-30; ICôr 26:29). Theo ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời, tội nhân phải hạ mình xuống trước khi họ được cất nhắc lên (IPhi 5:6 Gia 4:6).


Các sứ giả của Chúa Giê-xu là những người có phước. Họ có thể chứng kiến và nghe mọi điều mà các thánh cao trọng thời Cựu-ước hằng mong mỏi thấy và nghe, nhưng không được. Đấng Christ đã thi hành chức vụ Ngài và các môn đệ là một phần của công việc Ngài!


2. Người lân cận - sống theo Chúa (Lu 10:25-37)

Các thầy dạy luật thời bấy giờ thường tranh luận những vấn đề thần học giữa công chúng, và câu hỏi được thầy dạy luật này đưa ra cũng là câu hỏi được dân Do-thái quan tâm. Thầy dạy luật đặt ra một câu hỏi chính đáng nhưng với một chủ ý xấu xa mong đưa Chúa Giê-xu vào tình huống khó xử. Thế nhưng, chính Chúa đã đưa thầy dạy luật vào “thế đường cùng”!


Chúa hướng thầy dạy luật về luật pháp, chẳng phải vì luật pháp có thể cứu chúng ta (Ga 2:16,21; Ga 3:21), nhưng vì luật pháp cho chúng ta thấy mình cần được cứu rỗi. Không có một sự qui đạo thật nào lại thiếu sự chịu thuyết phục và Đức Chúa Trời đã dùng luật pháp để thuyết phục tội nhân (Rô 3:20).


Thầy dạy luật đã trả lời đúng nhưng không áp dụng câu trả lời cho chính bản thân mình và tự thừa nhận mình thiếu tình yêu đối với Đức Chúa Trời và người lân cận. Vì thế, thay vì hạ mình xuống nhờ sự thương xót của Đức Chúa Trời để được xưng công bình (Lu 18:9-14), ông ta cố bào chữa cho mình và lẩn tránh sự thật. Ông đưa ra “chiến thuật tranh cãi cũ rích”. Hãy định nghĩa từ vựng thầy dùng! Thầy có ý gì khi nói về “người lân cận? Ai là người lân cận tôi?”


Chúa không nói rằng câu chuyện Ngài kể là một ví dụ, vì vậy có thể đây là câu chuyện thật. Đối với Chúa Giê-xu, thật nguy hiểm và thất sách khi kể một câu chuyện khiến người Do-thái bị xem như kẻ xấu và người Sa-ma-ri như người tốt. Người Do-thái có thể nói rằng: “Thầy chỉ dựng lên câu chuyện ấy mà thôi. Chúng tôi đều biết rằng chuyện đó không thể xảy ra”. Mặt khác có thể những kẻ nghe Chúa kể cả thầy dạy luật này biết rằng câu chuyện ấy có thật. Dù suy diễn ở cách nào, câu chuyện này thật sự dựa trên hiện thực.


Điều tồi tệ nhất chúng ta có thể vấp phải khi sử dụng một ví dụ nào đó đặc biệt trong câu chuyện này, đó là biến câu chuyện ấy thành một ngụ ngôn và làm cho mỗi sự việc tượng trưng một điều gì đó. Nạn nhân trở thành tội nhân hư mất dở sống dở chết trên con đường sự sống (chỉ sống về thể xác nhưng chết về thuộc linh).

Thầy tế lễ và người Lê-vi tiêu biểu cho luật pháp và của lễ, không ai hoặc điều gì có thể cứu tội nhân ấy. Người Sa-ma-ri là Chúa Giê-xu Christ đã cứu sống nạn nhân, lo tiền thuốc thang và hứa sẽ trở lại. Nhà quán tượng trưng cho Hội thánh địa phương nơi những tín hữu được chăm sóc, và “2 đơ-ni-ê” là hai thánh lễ báp-tem và tiệc thánh.

Nếu bạn tiếp cận Kinh Thánh theo cách này, bạn có thể làm cho Kinh Thánh diễn giải mọi điều “vừa ý” bạn và chắc chắn bạn sẽ không nhận được những thông điệp trong ý muốn Đức Chúa Trời.


Con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô thật nguy hiểm. Vì những người giúp việc trong đền thờ thường đi đường này nên bạn có thể nghĩ rằng người Do-thái hoặc Rô-ma lẽ ra nên có kế hoạch làm cho nó an toàn hơn. Duy trì một hệ thống tôn giáo thật dễ dàng hơn là phát triển vùng lân cận. Chúng ta có thể nghĩ ra những lý do biện hộ cho thầy tế lễ và người Lê-vi khi họ làm ngơ trước nạn nhân.

Thầy tế lễ hầu việc Đức Chúa Trời trong đền thờ suốt tuần nên rất nôn nóng trở về nhà. Có lẽ những tên cướp vẫn còn lẩn quất đâu đây và sử dụng nạn nhân này làm “mồi nhử”. Tại sao liều lĩnh như thế? Con đường này từng có người qua lại, nên chắc sẽ có ai đó đến đây giúp người bị nạn. Thầy tế lễ bỏ đi, người Lê-vi đến cũng hành động như thầy tế lễ, nghĩa là chẳng làm gì cho nạn nhân cả! Thật một người khoác áo tôn giáo lại làm gương xấu như thế!


Khi xem người Sa-ma-ri như kẻ hào hiệp Chúa Giê-xu đã giải nguôi lòng thù hận của người Do-thái, bởi dân Do-thái và dân Sa-ma-ri thù địch nhau (Gi 4:9; Gi 8:48). Không phải người Do-thái giúp đỡ người Sa-ma-ri, nhưng chính người Sa-ma-ri đã giúp người Do-thái là kẻ bị đồng hương bỏ rơi! Người Sa-ma-ri này đã yêu những kẻ ghét mình, liều thân giúp kẻ gặp nạn và dùng số tiền anh ta có (đó là tiền công của 2 ngày làm việc) để lo việc thuốc thang cho nạn nhân. Vậy mà anh ta chẳng hề được mọi người tán thưởng, kính trọng gì cả.

Hành động của người Sa-ma-ri này thực sự giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về ý nghĩa của “lòng thương xót” (Lu 10:37) và đó cũng là hình ảnh minh hoạ chức vụ của Chúa Giê-xu. Người Sa-ma-ri đã cảm nhận nhu cầu của người bị nạn nên lấy lòng thương xót anh ta, không có lý do nào giải thích được vì sao người Sa-ma-ri phải thay đổi kế hoạch mình và sử dụng tiền của chính mình chỉ để giúp một “kẻ thù” đang gặp nạn, nhưng lòng thương xót đâu cần có lý do! Là một “chuyên gia” về luật pháp, hẳn thầy thông giáo biết rằng Đức Chúa Trời đòi hỏi dân Ngài phải có lòng thương xót dù đối với khách lạ và kẻ thù (Le 19:33-34; Xu 23:4,5; Mi 6:8).


Bạn hãy xem, Chúa Giê-xu đã giành lại thế chủ động trước câu hỏi của thầy dạy luật một cách khôn ngoan làm sao! Cố trốn tránh trách nhiệm, thầy dạy luật đặt câu hỏi “ai là người lân cận tôi?” Nhưng Chúa lại hỏi rằng: “Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp?” Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây: “Tôi có thể làm người lân cận đối với ai?” câu hỏi này chẳng liên quan gì đến phương diện địa lý, quyền công dân hay chủng tộc. Bất cứ nơi đâu có người cần đến chúng ta, ở đó chúng ta có thể là người lân cận của họ để bày tỏ lòng thương xót giống Chúa Giê-xu.


Thầy dạy luật muốn bàn luận từ “người lân cận” theo cách tổng quát, nhưng Chúa buộc ông ta phải xem xét một con người cụ thể đang gặp khó khăn. Chúng ta rất dễ bàn luận về những lý tưởng mơ hồ nhưng chẳng giải quyết được những nan đề chính. Ta có thể bàn những vấn đề như “sự nghèo khó” hay “cơ hội kiếm việc” nhưng chẳng bao giờ giúp một gia đình nghèo khó nào hoặc giúp ai kiếm việc làm.


Dĩ nhiên thầy dạy luật muốn đưa ra vấn đề có phần phức tạp và triết lý hơn, nhưng Chúa Giê-xu khiến vấn đề trở nên đơn giản và thực tế. Ngài chuyển vấn đề từ “bổn phận” sang lòng yêu thương, từ “thảo luận” sang thực hành. Ngài chỉ muốn dạy chúng ta đừng lấy những điều này làm cớ để không thực hành gì cả. Không phải những ai tham gia thảo luận đều có lòng tận tâm thực sự!


Một trong những câu chuyện tôi rất thích về ông D.L.Moody đã minh hoạ cho quan điểm nói trên. Nhân dịp tham dự một hội nghị ở Indianapolis, ông Moody hẹn gặp ca sĩ Ira Sankey lúc 6 giờ chiều tại một góc đường. Khi Sankey đến, ông Moody mời anh ta lên một bục gỗ và hát tại đó. Chẳng mấy chốc, đám đông đã vây quanh. Khi ấy nhà truyền giáo bắt đầu nói đôi lời và mời mọi người theo ông đến ngôi nhà hát gần đó. Chẳng bao lâu thính đường đầy ắp người và nhà truyền đạo Tin lành cho những người khao khát thuộc linh. Khi các đại biểu hội nghị vừa đến nơi, Moody ngưng giảng và nói, “Bây giờ chúng ta phải kết thúc ở đây vì các vị trong hội nghị muốn đến bàn luận vấn đề: Làm sao để tiếp cận quần chúng?” (Nghe hay đấy! )


Khi đọc đoạn Kinh Thánh này, có thể chúng ta chỉ nghĩ đến “giá đắt của sự quan tâm”nhưng cái giá sẽ còn đắt hơn nhiều nếu không quan tâm gì cả. Bởi sự thờ ơ, thầy tế lễ và người Lê-vi đánh mất nhiều điều hơn những gì người Sa-ma-ri làm vì sự quan tâm lo lắng của anh ta. Họ đánh mất cơ hội trở thành con người hữu ích hơn, những quản gia trung tín gìn giữ những gì Đức Chúa Trời ban cho. Lẽ ra họ có thể đem ảnh hưởng tốt vào một thế giới xấu, nhưng họ đã chọn làm gương xấu.

Chính hành động thương xót của người Sa-ma-ri nhân lành đã thôi thúc mạnh mẽ những con người dấn thân khắp thế giới.

Bạn đừng bao giờ cho rằng làm một việc như thế là hoài công! Đối với Đức Chúa Trời, không có hành động phục vụ đầy lòng yêu thương nào trong danh Chúa Giê-xu lại bị lãng quên cả! Điều đó tuỳ vào quan điểm của bạn. Đối với kẻ cướp, người khách Giu-đa này là đối tượng để chúng vơ vét nên chúng tấn công anh ta. Đối với thầy tế lễ và người Lê-vi, anh ta là mối bận tâm cần phải tránh xa, nên họ bỏ mặc anh ở đó. Thế nhưng đối với người Sa-ma-ri nhân lành này, anh ta là người lân cận đáng được yêu thương và giúp đỡ nên đã chăm sóc anh ta. Lời Chúa phán với thầy dạy luật cũng là lời Ngài muốn dạy chúng ta hôm nay: “Hãy đi, làm theo như vậy”.


3. Người thờ phượng Chúa - lắng nghe lời Ngài (Lu 10:38-42)

Thực chất của sự thờ phượng, đó là tất cả những gì ta có thể làm cho Chúa trong đời sống Cơ-đốc nhân. Điều quan trọng, chúng ta phải là những sứ giả nhiệt tình đem thông điệp Phúc-Âm đến cho những linh hồn hư mất, đặc biệt hãy như người Sa-ma-ri đầy lòng thương xót, tận tâm cứu giúp những kẻ bất hạnh cô thế đang cần sự thương xót của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trước khi có thể rao giảng về Đấng Christ hoặc thi hành công tác chăm sóc, chúng ta phải dành thời gian tương giao với Chúa và học Lời Ngài. Chúng ta hãy “dành thời gian để thánh hoá’.


Ma-ri ở làng Bê-tha-ni là người được nhắc đến 3 lần trong Phúc-âm Lu-ca. Trong mỗi sự kiện, bà đều ở một vị trí giống nhau: nơi chân Chúa Giê-xu. Bà ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Ngài (Lu 10:39), sấp mình xuống nơi Chúa bày tỏ nỗi đau khổ (Gi 11:32) và xức dầu nơi chân Chúa để thờ phượng Ngài (Gi 12:3). Đáng chú ý, ở mỗi trường hợp đều phảng phất một loại hương vị ở Lu 10:1-42, đó là hương vị thức ăn, ở Gi 11:39 có “mùi” của sự chết và Gi 12:1-11 có mùi dầu thơm.


Ma-ri và Ma-thê có sự khác biệt nhau, dường như mỗi người theo Chúa phải có một sự chọn lựa: hoặc là người hầu việc Chúa như Ma-thê, hoặc là người thờ phượng Chúa như Ma-ri. Dĩ nhiên cá tính và năng khiếu của chúng ta không giống nhau, nhưng không có nghĩa là đời sống Cơ-đốc nhân phải thuộc một trong hai trường hợp trên. Đây cũng là tư tưởng Charles Wesley bày tỏ qua một trong những thánh ca ông sáng tác:

“Nếu phải trung tín với lời Chúa dạy,

Tôi vẫn luôn chọn phần tốt hơn

Hãy hầu việc Ngài bằng đôi tay khéo léo của Ma-thê

Và bằng tấm lòng yêu Chúa của Ma-ri...”


Dường như Chúa muốn chúng ta noi gương Ma-ri trong sự thờ phượng và Ma-thê trong sự hầu việc. Phước thay cho những người sống quân bình!


Hãy xem trường hợp của Ma-thê.

Bà tiếp Chúa vào nhà rồi bỏ mặc Ngài ở đó, vì phải chuẩn bị một bữa ăn “thịnh soạn” không cần thiết đối với Ngài! Chuẩn bị một bữa ăn là công việc không có gì sai trái, nhưng điều chúng ta làm có liên quan đến Chúa thật quan trọng hơn những gì ta làm cho Ngài. Đừng nghĩ bạn phải hành động theo một trong hai trường hợp này, bởi vì đây là vấn đề về sự quân bình. Ma-ri đã phụ với Ma-thê làm việc trong bếp và tranh thủ nghe lời Chúa dạy. Sau khi Ma-ri rời khỏi bếp, Ma-thê cảm thấy mình bị “bỏ rơi” nên bà bắt đầu trách móc với ý nghĩ cả Chúa Giê-xu và Ma-ri đã không quan tâm đến bà!


Thật tai hại đối với đời sống Cơ-đốc nhân khi chỉ cố sức làm việc Chúa nhưng không để thời gian tương giao với Ngài. “Ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Gi 15:5). Ma-ri đã chọn phần tốt hơn, là phần không ai có thể cất đi được, bà biết mình không thể sống “chỉ nhờ bánh mà thôi” (Mat 4:4). Những khi chúng ta trách cứ kẻ khác và tự thương hại mình vì đã đổ nhiều công sức vào việc gì, khi ấy ta hãy tự kiểm điểm lại đời sống mình. Có lẽ trong những bận rộn đó, ta đã thờ ơ với Chúa. Nan đề của Ma-thê không phải ở chỗ bà bận rộn với nhiều công việc, nhưng ở chỗ bà đã để công việc kéo mình đi quá xa và xao lãng với lời Chúa. Bà đã hầu việc hai chủ! Nếu vấn đề hầu việc Chúa khiến đời sống ta trở nên khó khăn, có lẽ đã có gì không ổn trong sự hầu việc ấy rồi!


Điều quan trọng, chúng ta phải đặt lên trên những ưu tiên chính đáng: Chúa Giê-xu phải là ưu tiên hàng đầu, sau đó là tha nhân rồi mới đến bản thân chúng ta.Dành thời giờ “sấp mình xuống chân Chúa” mỗi ngày là điều tối quan trọng chúng ta phải thực hiện. Hãy để Ngài nói với chúng ta qua lời Ngài. Phần quan trọng nhất trong đời sống Cơ-đốc nhân là phần chỉ có Chúa Giê-xu mới thấy được. Nếu không gặp Chúa riêng tư mỗi ngày, chẳng bao lâu chúng ta sẽ giống hệt Ma-thê:rất bận rộn nhưng không có phước!


Ở cương vị mục sư, tôi thường hỏi nhiều người về những vấn đề quan trọng như “bạn có thể cho tôi biết đời sống theo Chúa hiện nay của bạn không?” Thay cho câu trả lời thường là cái nhìn bối rối, đầu cúi xuống, hoặc lời thú nhận lí nhí: “Từ lâu tôi đã không đọc Kinh Thánh và cầu nguyện”. Chính họ cũng không biết vì sao bản thân lại rơi vào những nan đề như vậy!


Theo Gi 12:1-2, Ma-thê đã học được bài học cho bà, để sửa soạn bữa tiệc đãi Chúa Giê-xu, 12 môn đệ, anh và em bà – cả thảy 15 người – đã không có một lời phàn nàn nào được thốt lên! Sự bình an của Đức Chúa Trời ngự trong tâm hồn bà vì bà đã học ngồi bên chân Chúa Giê-xu.


Hôm nay chúng ta là những sứ giả, người lân cận và người thờ phượng Chúa. Trong ba vị trí kể trên, người thờ phượng Chúa là người có phước nhất.

Phước thay cho những người sống quân bình!



 


10. NHỮNG BÀI HỌC CHO ĐỜI SỐNG (Lu 11:1-54)


Lời dạy dỗ của Chúa Giê-xu phát sinh từ một buổi cầu nguyện, một phép lạ và một lời mời dùng bữa. Chúa dùng những trường hợp này để dạy dỗ về bốn chủ đề thuộc linh: sự cầu nguyện, Sa-tan, cơ hội thuộc linh và sự giả hình. Hôm nay chúng ta cần hiểu và áp dụng những lẽ thật ấy vào đời sống mình.


1. Sự cầu nguyện (Lu 11:1-13)

Vị trí ưu tiên của sự cầu nguyện (Lu 11:1): Chúng ta thường biết về Giăng Báp-tít như một tiên tri, một người tử đạo, nhưng môn-đệ Chúa nhớ đến ông như một con người chuyên cầu nguyện. Giăng là “hài nhi kỳ diệu” được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ khi còn trong bụng mẹ, nhưng ông vẫn luôn cầu nguyện. Ông được ban cho đặc ân rao truyền Đấng Cứu Thế cho dân Y-sơ-ra-ên, nhưng ông vẫn phải cầu nguyện. Chúa Giê-xu phán rằng Giăng là tiên tri lớn nhất (Lu 7:28), nhưng Giăng vẫn phải sống bằng sự cầu nguyện.Nếu sự cầu nguyện là vấn đề sống còn đối với một con người được ban cho nhiều đặc ân như thế, vậy chúng ta là những kẻ không có những lợi thế ấy, cần phải cầu nguyện nhiều hơn dường nào!


Môn đồ Giăng đã cầu nguyện, nên môn đệ Chúa Giê-xu cũng muốn học nhiều hơn về cách cầu nguyện. Họ không xin Thầy mình dạy cách giảng đạo hay làm những dấu lạ, họ chỉ xin Ngài dạy họ cách cầu nguyện. Hôm nay, đôi lúc chúng ta nghĩ rằng nếu chỉ sống với Chúa khi Ngài hiện diện trên đất, chúng ta ắt sẽ trở thành những Cơ-đốc nhân mạnh mẽ hơn, nhưng thật không phải thế! Các môn-đệ đã ở cùng Chúa nhưng họ không có nhiều thời gian. Họ có thể thực hiện nhiều phép lạ, nhưng vẫn muốn học cách cầu nguyện.


Nhưng lý lẽ mạnh mẽ nhất cho sự ưu tiên trong cầu nguyện là sự kiện: Chúa Giê-xu của chúng ta là người cầu nguyện. Chúng ta thấy Ngài cầu nguyện khi chịu phép báp-têm (Lu 3:21), trước khi chọn 12 sứ-đồ (Lu 6:12), khi đoàn dân đông kéo đến (Lu 5:16), trước khi Chúa yêu cầu 12 sứ-đồ xưng nhận đức tin (Lu 9:18) và khi Ngài ở Núi Hóa hình (Lu 9:29).

Các môn đệ đều biết Ngài thường cầu nguyện một mình (Mac 1:35) nên họ muốn học nơi Ngài bí quyết để có quyền năng và sự khôn ngoan thuộc linh. Nếu Chúa Giê-xu vẫn là Con toàn hảo của Đức Chúa Trời còn cần phải cầu nguyện khi “còn trong xác thịt” (He 5:7), vậy bạn và tôi cần cầu nguyện nhiều hơn biết bao! Lời cầu nguyện có hiệu quả là sự cung ứng cho mỗi nhu cầu và là giải pháp cho mỗi nan đề.


Bài cầu nguyện chung (Lu 11:2-4): Chúng ta gọi bài cầu nguyện này là “bài cầu nguyện của Chúa” không phải vì Ngài đã cầu nguyện như vậy (Ngài chưa bao giờ cầu xin sự tha tội) nhưng vì Ngài đã dạy các môn đệ cách cầu nguyện. Không có gì bất hợp lý nếu sử dụng bài cầu nguyện này cách cá nhân hoặc giữa nhiều người trong Hội thánh bao lâu chúng ta cầu nguyện với một tấm lòng tin rằng đó là lời cầu nguyện chân thật và thuận phục.

Thật dễ dàng đọc thuộc lòng những lời cầu nguyện ấy nhưng thật sự không hiểu ý nghĩa của bài cầu nguyện, thậm chí điều này cũng xảy ra khi chúng ta tôn vinh hoặc giảng đạo cho người khác! Sự sai trật hoàn toàn về phía chúng ta chớ không phải nơi bài cầu nguyện.


Đây là “bài cầu nguyện mẫu” dùng để hướng dẫn chúng ta cách cầu nguyện riêng (tương tự với Mat 6:9-15). Qua đó, chúng ta biết rằng lời cầu nguyện thật xuất phát từ mối liên hệ thuộc linh với Đức Chúa Trời hầu cho chúng ta có thể gọi Ngài là “Cha” bằng đức tin nơi Chúa Giê-xu (Rô 8:14-17; Ga 4:1-7).


Bill Moyers thư ký báo chí của tổng thống Lyndon Johnson đang cầu nguyện tạ ơn Chúa trong một bữa ăn của nhân viên, bất ngờ Tổng thống Johnson quát: “Tôi không nghe được gì cả!” Moyers nhẹ nhàng đáp: “Thưa Tổng thống, tôi đâu có nói với ông”. Đó cũng là điều nhắc nhở chúng ta rằng: cầu nguyện là lúc ta thưa chuyện với Đức Chúa Trời.


Lời cầu nguyện đích thực cũng bày tỏ hai trách nhiệm: ca ngợi Nước Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn Ngài (Lu 11:2). Mục đích của sự cầu nguyện không phải để ý riêng của con người được thực hiện trên trời, nhưng để ý muốn Đức Chúa Trời được thực thi trên đất. Cầu nguyện không phải là kể lể với Đức Chúa Trời những điều chúng ta muốn và hưởng thụ những điều ấy một cách ích kỷ.

Cầu nguyện là cầu xin Đức Chúa Trời sử dụng chúng ta để hoàn thành điều Ngài muốn để danh Ngài được vinh hiển, vương quốc Ngài được mở mang và củng cố, ý muốn Ngài được thành tựu. Những khi tôi mong Đức Chúa Trời lắng nghe và nhận lời cầu nguyện của mình, tôi phải kiểm lại những lời cầu xin của riêng mình dựa trên những mối quan tâm này.


Cơ-đốc nhân cần phải biết Lời Đức Chúa Trời vì qua đó chúng ta khám phá được ý muốn Ngài. Đừng bao giờ tách rời sự cầu nguyện với Lời Đức Chúa Trời (Gi 15:7). Khi thi hành chức vụ, tôi từng chứng kiến những người tự xưng là Cơ-đốc nhân nhưng không vâng lời Chúa, họ tự biện hộ rằng: “Tôi đã cầu nguyện về vấn đề đó và được Chúa đồng ý!” 

Điều này cũng bao gồm cả việc một cô gái lập gia đình với một thanh niên ngoại đạo (IICor 6:14-18), một thanh niên sống với một cô gái không phải là vợ mình (ITes 4:1-8) và một Mục sư lập ra nhà thờ riêng, vì cho rằng mọi Hội thánh khác đều đi sai đường, chỉ mình anh ta mới có “sự khôn ngoan thuộc linh” (Phi 2:1-16).


Khi đã có được sự đảm bảo trong mối thông công với Đức Chúa Trời và ý chỉ của Ngài, chúng ta có thể trình bày những lời cầu xin cho Ngài. Chúng ta có thể xin Ngài cung ứng nhu cầu mỗi này, tha thứ những gì chúng ta đã làm trong ngày qua và dẫn dắt chúng ta trong tương lai. Mọi nhu cầu của chúng ta có thể bao gồm trong ba lãnh vực cầu xin sau đây: Vật chất và sự cung ứng thuộc thể, đạo đức và sự toàn vẹn thuộc linh, sự bảo vệ và hướng dẫn thiên thượng. Nếu cầu nguyện theo cách này, chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta đang cầu nguyện theo ý Đức Chúa Trời.


Kiên trì cầu nguyện (Lu 11:5-8): Qua thí dụ này, Chúa Giê-xu không nói rằng Đức Chúa Trời giống như người láng giềng cau có.Thực sự, Chúa chỉ muốn nói điều ngược lại. Nếu một kẻ láng giềng mệt mỏi, ích kỷ kia cuối cùng đã đáp ứng mọi nhu cầu của người bạn gây phiền phức cho anh ta, vậy Cha yêu thương trên trời sẽ đáp ứng nhu cầu của con cái yêu dấu Ngài nhiều hơn dường nào! Chúa muốn diễn giải từ những sự việc nhỏ đến sự việc lớn hơn.


Chúng ta đều biết lời cầu nguyện dựa trên cơ sở của địa vị làm con (“Lạy Cha...”) chớ không phải tình bạn, nhưng Chúa Giê-xu lại dùng tình bạn để minh hoạ sự kiên trì trong cầu nguyện. Đức Chúa Cha không giống như người láng giềng này, vì Ngài chẳng bao giờ “ngủ” cũng không bao giờ thiếu kiên nhẫn hay cáu gắt. Ngài luôn rộng rời và vui mừng khi chu cấp cho con cái mình. Người bạn đứng chờ nơi cửa cứ tiếp tục gõ cửa cốt để đạt được điều anh muốn, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng nhanh chóng đáp ứng mọi lời kêu xin của con cái Ngài (Lu 18:1-8).


Một lý lẽ đơn giản, nếu sự kiên trì cuối cùng cũng đem lại kết quả cho người gõ cửa nhà người bạn thiếu thiện chí thì sự kiên trì sẽ đem lại phước hạnh cho những ai cầu xin Cha yêu thương trên trời bội phần hơn dường nào. Nói cho cùng, chúng ta là con trong nhà với Ngài.


Từ “làm rộn” (Lu 11:8) còn có nghĩa là“không biết xấu hổ”, có lẽ muốn nói đến người đứng ngoài cửa đã không ngại đánh thức bạn mình, cũng có thể từ này muốn ám chỉ người trong nhà. Tiếp đãi khách phương xa đã trở thành luật lệ cơ bản ở Đông phương (Sa 18:1-2). Nếu người nào chối từ tiếp khách lạ, nghĩa là đã bôi nhọ danh dự cả làng và người ấy sẽ bị mọi kẻ lân cận xa lánh. Người bạn trong nhà biết luật lệ này nên không muốn gây bất lợi cho bản thân và gia đình, vì vậy anh ta phải trở dậy để chu cấp cho bạn mình.


Vì sao Cha trên trời nhậm lời cầu nguyện của chúng ta? Ngài nhậm lời cầu nguyện chẳng phải chỉ để đáp ứng nhu cầu của con cái Ngài, nhưng còn để danh Ngài được vinh hiển”. Danh Ngài được tôn thánh”. Khi con cái Đức Chúa Trời cầu nguyện, danh Đức Chúa Trời phải được đặt ở hàng đầu. Cách Đức Chúa Trời chăm sóc con cái Ngài là một chứng cớ cho thế giới biết rằng Ngài là Đấng đáng tin cậy.Philip Brooks nói rằng: cầu nguyện không phải là hành động “khắc phục” sự miễn cưỡng của Đức Chúa Trời, nhưng là cách làm Đức Chúa Trời vui lòng ở mức độ cao nhất. Kiên trì cầu nguyện không phải là “nỗ lực làm Đức Chúa Trời đổi ý” (“ý Cha được nên”) nhưng để đưa chúng ta đến chỗ xứng đáng để Đức Chúa Trời đáp lời.


Những lời hứa dành cho người cầu nguyện (Lu 11:9-13):Điều quan trọng ở đây chính là: “Hãy xin... hãy tin... hãy gõ cửa...” Xin bạn đừng đến với Chúa chỉ trong những lúc khẩn cấp “giữa đêm khuya”, nhưng hãy giữ mối giao thông “vĩnh cửu” (Gi 15:1), còn Phao-lô kêu gọi: “Hãy cầu nguyện không thôi” (ITes 5:17). Khi chúng ta cầu nguyện, Đức Chúa Trời hoặc sẽ nhậm lời, hoặc sẽ cho chúng ta biết vì sao Ngài không thể nhậm lời. Như vậy, tuỳ chúng ta có thể làm bất cứ điều gì cần thiết trong cuộc sống để Đức Chúa Trời tin cậy và trả lời cầu nguyện cho chúng ta.


Bạn hãy chú ý rằng bài học này kết thúc với sự xác quyết Đức Chúa Trời là Cha (Lu 11:11-13). Vì Ngài biết chúng ta và yêu thương chúng ta, bạn không cần phải lo lắng về cách Ngài nhậm lời cầu nguyện của bạn. Một lần nữa, Chúa Giê-xu lại dẫn chứng từ việc nhỏ đến việc lớn hơn: Nếu một người cha trên đất biết cho con mình những gì tốt nhất, chắc chắn Cha trên trời sẽ còn làm nhiều điều hơn thế, thậm chí Ngài còn ban “Đức Thánh Linh” cho người xin Ngài (Lu 11:13; Mat 7:11), đó là những ơn phước chỉ một số ít người đặc biệt trong thời Cựu-ước mới xứng đáng được nhận lãnh.


2. Sa-tan (Lu 11:14-28)

 Lời vu cáo (Lu 11:14-16): Đây là phép lạ đuổi quỷ lần thứ ba Chúa thực hiện để rồi bị kẻ thù vu cáo Ngài nhờ chúa quỷ để đuổi quỷ! (Mat 9:32-34; Mat 12:22-37). Thay vì vui mừng bởi Đức Chúa Trời đã ban một Đấng Christ, các chức sắc tôn giáo lại chống đối lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời và tìm phương làm cho người ta không tin nơi công việc của Chúa Giê-xu cũng như phẩm cách Ngài. Bạn hình dung xem, những kẻ này “mù lòa” đến nỗi không phân biệt được công việc của Đức Chúa Trời và công việc của Sa-tan!


Bê-ên-xê-bun là tên của một trong những thần Ba-anh của người Phi-li-tin (IIVua 1:1-3) nó có nghĩa là “Thần ruồi”. Một nghĩa khác, Bê-ên-xê-bun là “chúa cư trú”, có liên quan đến lời giải thích của Chúa Giê-xu ở câu 18-26. Người Do-thái thường dùng tên này khi nhắc đến Sa-tan.


Lời yêu cầu trong c.16 cũng là phần của lời vu cáo. Họ muốn nói rằng: “Nếu Thầy đang hầu việc Đức Chúa Trời, hãy chứng minh bằng cách cho chúng tôi một dấu lạ từ trời, chớ không chỉ là một phép lạ trên đất”. Họ đang thử Đức Chúa Trời, thật là một điều nguy hiểm!


Lời phản bác (Lu 11:17-22): Đáp lại lời vu cáo của họ, Chúa Giê-xu đưa ra ba lý lẽ.

-Trước tiên, lời vu cáo của họ vô căn cứ. Vì sao Sa-tan lại có thể chống lại chính nó và phân rẽ nước nó? (Hãy nhớ rằng Chúa Giê-xu tin ma quỉ cũng có vương quốc hùng mạnh của nó) (Eph 2:1-3 Eph 6:10).

-Lý lẽ thứ hai, đó là lời vu cáo của họ tự lên án họ: Vậy người Do-thái đuổi quỷ nhờ quyền phép nào? Công việc họ làm khác với công việc của Chúa Giê-xu như thế nào? Ngược lại, những phép lạ của Chúa Giê-xu chứng minh rằng Vương quốc Đức Chúa Trời đang hiện diện tại đây, chớ không phải vương quốc Sa-tan! Cuối cùng, lời buộc tội của họ thực sự đã thừa nhận sự thực hữu của quyền phép Chúa, vì Ngài không thể đánh bại Sa-tan nếu Ngài không mạnh hơn nó.

Chúa minh họa về Sa-tan như một kẻ cầm khí giới giữ cửa nhà và của cải nó. Nhưng Ngài đã tấn công lãnh địa nó, huỷ diệt khí giới nó và thu chiến lợi phẩm của nó (Co 2:15; Gi 12:31-33; IGi 3:8). Chúa chúng ta đã dẫn đắt những kẻ phu tù (Eph 4:8) và giải thoát những kẻ bị giam cầm (Lu 4:18). Dẫu quyền phép Ngài chỉ ở một giới hạn cho phép nào đó, Sa-tan vẫn là một kẻ thù bị đánh bại hoàn toàn.


Ứng dụng (Lu 11:23-28): Trong cuộc chiến thuộc linh không thể có thái độ trung lập (Lu 11:13; Lu 9:50), vì thái độ đó cũng đồng nghĩa với sự chống đối Chúa. Có hai thế lực thuộc linh ở thế gian, và ta phải chọn một trong hai. Sa-tan là đứa luôn phân rẽ và huỷ diệt, nhưng Chúa Giê-xu là Đấng xây dựng và củng cố. Ta phải có một quyết định, nếu không chọn lựa gì cả nghĩa là chúng ta đã chọn con đường nghịch cùng Chúa.

Ngài cho ta thấy hiểm họa của thái độ trung lập khi kể câu chuyện về một người và tà ma. Thân thể con người là “nhà của ma quỷ” (Lu 11:14,17,21). Có lẽ vì lý do nào đó, con quỉ này quyết định bỏ “nhà” đi nơi khác. Tình trạng của người này lập tức trở nên khá hơn, nhưng anh ta không mời Chúa ngự vào đời sống mình. Hay nói cách khác, anh ta vẫn giữ thái độ trung lập. Điều gì xảy ra sau đó? Con quỷ kia bèn trở về dẫn theo bảy quỷ khác mạnh hơn nó và khiến tình trạng người này tồi tệ hơn trước.

Oswald Chambers nói rằng: “Thái độ trung lập trong niềm tin tôn giáo luôn là tính hèn nhát.” Chúa sẽ biến thái độ hèn nhát ấy ra nỗi kinh hoàng? Người theo Chúa Giê-xu không phải là người chỉ nói những lời hợp lý giống như người đàn bà đã cất tiếng rằng: “Phước cho dạ đã mang Ngài và vú đã cho Ngài bú” (Lu 11:27). Bà ta rất thành thực, nhưng như thế chưa đủ. Theo Chúa Giê-xu là khi chúng ta lắng nghe lời Ngài và vâng theo ý muốn Ngài (Lu 6:46-49; Lu 8:19-21).


3. Cơ hội thuộc linh (Lu 11:29-36)

Các môn đệ xúc động vì đám đông theo Chúa, nhưng Ngài biết rõ lòng người nên chẳng tỏ ra xúc động gì cả. Để giữ cho các sứ đồ không bị chao đảo trước “thành quả”của họ, Chúa dùng những câu chuyện Kinh Thánh để dạy dỗ họ. Ngài dùng ba ví dụ minh hoạ để cho thấy tính nghiêm túc của những cơ hội thuộc linh.


Giô-na (Lu 11:29-30,32): Các chức sắc tôn giáo luôn yêu cầu Chúa Giê-xu làm dấu lạ để chứng tỏ Ngài là Đấng Mê-si-a. Dấu lạ duy nhất Ngài hứa bày tỏ là “dấu lạ của Giô-na”: sự chết, chôn và phục sinh. Sự phục sinh của Chúa chứng tỏ Ngài là Đấng Christ - Con Đức Chúa Trời (Ro 1:4), đây cũng là điều Phi-e-rơ rao giảng cho dân Y-sơ-ra-ên vào Ngày lễ Ngũ tuần (Cong 2:22). Lời chứng của Hội Thánh đầu tiên là bằng cớ về sự phục sinh của Đấng Christ (Công 1:28; Công 3:15; Công 5:30-32; Công 13:32-33), Giô-na là một phép lạ sống động. Chúa Giê-xu của chúng ta cũng vậy.


Sa-lô-môn (Lu 11:31): Ở đây Chúa nhấn mạnh về sự khôn ngoan của một vị vua, không phải là “tác phẩm” của một tiên tri. Nữ hoàng của Vương quốc Sê-ba từ nơi xa xôi đã đến chỉ để nghe sự khôn ngoan của vua Sa-lô-môn (IVua 10:1-29). Nhưng giờ đây Chúa Giê-xu - Con Đức Chúa Trời đang ở giữa đám đông, vậy mà dân Do Thái không tin Lời Ngài. Cho dù, Chúa làm dấu lạ, cũng không thể thay đổi lòng họ. Họ muốn thấy sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, nhưng lại hài lòng với nếp sống tôn giáo cũ rích của mình.


Điều quan trọng của những ví dụ minh hoạ này là chúng có liên quan đến dân ngoại.Khi tiên tri Giô-na rao giảng cho dân ngoại thành Ni-ni-ve, họ ăn năn và được tha thứ. Khi nữ hoàng ngoại bang nghe nói về sự khôn ngoan của vua Sa-lô-môn, bà sửng sốt và tin ngay. Nếu dân Do-thái được hưởng mọi đặc ân Đức Chúa Trời ban cho nhưng không ăn năn tội, vậy chính dân thành Ni-ni-ve và cả Nữ hoàng xứ Sê-ba sẽ làm chứng nghịch cùng họ trong ngày xét đoán của Đức Chúa Trời. Chúa đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên quá nhiều cơ hội thuộc linh, tiếc thay, họ vẫn không tin (Lu 13:34-35; Gi 12:35-41).


Minh hoạ thứ ba được rút ra từ nếp sống hằng ngày chớ không phải từ lịch sử đã qua, và đó cũng là điều Chúa từng dạy trước (Mat 6:22-23). Lời Chúa là ánh sáng soi giữa thế gian tối tăm (Thi 119:105; Ch 6:23). Ánh sáng soi “bên ngoài” vẫn chưa đủ, nó phải bước vào soi sáng đời sống chúng ta trước khi chúng ta có thể làm bất cứ điều ích lợi nào. “Sự bày giãi lời Chúa soi sáng cho, ban sự thông hiểu cho người thật thà” (Thi 119:130). Ánh mặt trời rực rỡ nhất cũng không thể làm cho kẻ mù loà thấy được.


Khi tin nhận Chúa Giê-xu, mắt chúng ta được mở ra, ánh sáng thuộc linh soi rọi trong lòng và chúng ta trở nên con cái sáng láng (Gi 8:12; IICôr 4:3-6; Eph 5:8-14). Điều quan trọng, chúng ta phải sử dụng ánh sáng ấy một cách đúng đắn để có một nhận thức riêng về đức tin. Nếu chúng ta để con mắt này hướng đến những điều thuộc về Đức Chúa Trời, còn mắt kia hướng về thế gian (IGi 2:16), thì sự sáng sẽ trở nên tối tăm! Đối với Cơ-đốc nhân, không có đời sống “tranh tối tranh sáng” như vậy, vì Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải đầu phục và vâng lời Ngài (Lu 11:23).


Có ba nhân vật trong Kinh Thánh minh hoạ cho lẽ thật này. Họ đều bắt đầu bước đi trong ánh sáng và kết thúc cuộc đời trong sự tối tăm vì họ là những người “đi hai hàng”. Tên Sam-sôn có nghĩa như “ánh sáng mặt trời” thế nhưng ông ta lại kết thúc cuộc đời như một nô lệ mù loà trong ngục tối vì không vượt qua nổi “sự mê tham của xác thịt” (Cac 16:1-32). Lót bắt đầu cuộc sống như người hành hương cùng với ông chú Áp-ra-ham của mình. Ông kết thúc cuộc đời như một kẻ say sưa trong hang động và phạm tội loạn luân (Sa 19:30-38) vì đã không vượt qua “sự mê tham của mắt” (Sa 13:10-11). Ông muốn hầu việc hai chủ nên nhìn về hai hướng!

Vua Sau-lơ bắt đầu cai trị như một nhà lãnh đạo quốc gia khiêm nhường nhưng lòng kiêu ngạo đã đưa ông đến “động” của một bà bóng (ISa 28:1-25) và tự sát giữa sa trường (ISa 31:1-13). Tội của ông là “sự kiêu ngạo của đời”, nó khiến ông không thể đầu phục và vâng theo ý muốn Đức Chúa Trời.


Mỗi chúng ta đều đang ở trong ánh sáng hoặc bóng tối. Thật đáng sợ khi có một số người cứng lòng chống nghịch cùng Đức Chúa Trời, đến nỗi họ không thể phân biệt đúng sai! Họ cho rằng mình đang sống trong sự sáng, nhưng thực ra đang đi trong sự tối tăm. Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si tuyên bố họ đã “thấy sự sáng” khi học về luật pháp, nhưng ngược lại, họ đang sống trong sự tối tăm (Gi 12:35-50).


4. Sự giả hình (Lu 11:37-54)

Khi Chúa thi hành chức vụ ở giai đoạn này, các chức sắc tôn giáo tìm phương diệt Ngài. Vì sao một người Pha-ri-si mời Ngài về nhà dùng bữa? Nếu ông ta thực lòng tìm kiếm lẽ thật, ông phải nói với Chúa cách riêng tư. Dường như ông ta cố tìm một cơ hội kiện cáo Ngài và nghĩ rằng ông có thể thực hiện được ý đồ ấy khi Chúa không rửa tay trước bữa ăn (Mac 7:2-3). Biết rõ ý nghĩ của đám đông, Chúa dùng “sự phân tích thuộc linh” của người Pha-ri-si để trả lời họ.


Chúa phơi bày ý nghĩ ngu xuẩn của họ (Lu 11:37-41):

Lầm lẫn cơ bản của người Pha-ri-si là suy nghĩ cho rằng sự công bình chỉ như một vấn đề của những hành động bên ngoài và họ đánh giá thấp những thái độ bên trong. Họ cẩn thận giữ cho bên ngoài tinh sạch nhưng bỏ qua “sự dữ” bên trong. Dường như họ quên rằng chính Đức Chúa Trời đã tạo dựng con người bề ngoài cũng tạo dựng con người bên trong “con người bên trong” cũng cần sự tinh sạch nữa (Thi 51:6,10).


Người Pha-ri-si khoe khoang về sự dâng hiến và công đức mình (Mat 6:1-4; Lu 18:11-12)nhưng không dâng lên Đức Chúa Trời những gì thuộc tấm lòng bên trong. Làm tinh sạch con người bên trong mới là cách làm sạch con người bên ngoài (Lu 11:41).

Kenneth Wuest đã dẫn dịch câu này theo một cách khác: “Đúng hơn, mọi điều bên trong hãy dâng như của bố thí, và nhìn xem, mọi điều sẽ sạch cho ngươi”.

Cách làm sạch một những ngôn từ bẩn thỉu không phải bởi đánh răng, nhưng do tẩy uế lòng bạn.


Chúa lên án tội lỗi họ (Lu 11:42-52): Sáu chữ “khốn thay” dùng ở đây cũng giống như những “khốn thay” trong Mat 23:1-39. Chúa bắt đầu lên án tội lỗi của người Pha-ri-si (Lu 11:42) và chuyển sang tội lỗi của các thầy dạy luật, vì chính sự “diễn giải” luật pháp của họ đã hình thành căn cơ cho cả hệ thống tôn giáo của người Pha-ri-si (Lu 11:45-52).


Ba “khốn thay” đầu tiên đã lên án chính những người Pha-ri-si vì họ đã không biết những ưu tiên nào đáng thực hiện trước. Quá chú trọng việc dâng phần mười thậm chí đến những chiếc lá nhỏ xíu hoặc hạt của các thảo dược, họ đã quên đi những điều quan trọng như sự công bình và sự nhơn từ (Mi 6:7-8). Họ chỉ là con trẻ thuộc linh! Chúa Giê-xu không nói họ phải ngưng việc dâng phần mười, nhưng Ngài muốn họ đặt ra hoạt động tôn giáo trong cái nhìn đúng đắn.


Họ cũng đặt danh vọng lên trên phẩm cách. Họ cho rằng nếu ngồi ở ngôi cao sang và được những kẻ danh giá chào hỏi, sẽ khiến họ có vẻ “thuộc linh”. Danh tiếng chỉ là những gì con người biết về chúng ta ở bề ngoài, nhưng phẩm cách là điều chỉ có Đức Chúa Trời mới biết.


Sự so sánh ở Lu 11:44 có lẽ đã gây bực tức dữ dội cho nhiều người cũng những người Pha-ri-si có mặt ở đó. Người Do-thái khi xưa rất thận trọng để tránh xa sự ô uế của xác chết (Dan 19:11-22), vì thế họ đánh dấu mồ mả cẩn thận. Nhưng người Pha-ri-si giống như mả không được đánh dấu (“mả loạn”) nên không giống mồ mả chút nào! Điều này có nghĩa như họ đã vô tình làm kẻ khác bị ô uế khi nghĩ rằng mình đang giúp kẻ khác “thánh khiết” hơn! Thay vì giúp kẻ khác, người Pha-ri-si đang làm hại họ.


Các thầy dạy luật cảm thấy “khó chịu” khi nghe lời Chúa và cố sức biện hộ cho bản thân. Đáp lại Chúa dùng ba minh hoạ sống động gánh nặng, mồ mả, và chìa khoá.


Các thầy dạy luật chỉ luôn chất thêm gánh nặng cho kẻ khác, nhưng không hề muốn giúp họ mang lấy những gánh nặng ấy. Bi thảm thay, những kẻ “rao giảng” lời Đức Chúa Trời lại tạo thêm nan đề cho kẻ khác, những kẻ vốn dĩ phải mang quá nhiều gánh nặng rồi! Một mục sư là bạn tôi, mỗi ngày ông cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin giúp con hôm nay đừng chất thêm cho ai những gánh nặng” Chúa Giê-xu đã biết những “gánh nặng tôn giáo” này, nên Ngài đã ân cần mời gọi kẻ mệt mỏi đến với Ngài (Mat 11:28-30).


Các thầy dạy luật rất giỏi trong việc tô điểm quá khứ và ca ngợi các tiên tri là những người bị giết bởi tổ chức giáo hội của họ. Lịch sử Kinh Thánh và cả lịch sử Hội thánh đã chứng minh rằng tôi tớ thật của Đức Chúa Trời luôn bị chối từ bởi những con người cần nghe họ giảng nhất. Nhưng dòng dõi kế tự lại tôn trọng những người tử đạo này. Người Pha-ri-si giống như “mồ mả giấu kín, nhưng các thầy thông giáo lại xây lên những mồ mả công phu!”


Sự tử đạo được chép đầu tiên trong Kinh Thánh Cựu-ước, đó là sự chết của A-bên, người sau cùng là Xa-cha-ri (Sa 4:1-15; IISu 24:20-27 và xin nhớ rằng IISử ký là sách sau cùng trong Kinh Thánh của người Hê-bơ-rơ) Chúa Giê-xu không nói rằng các thầy thông giáo và người Pha-ri-si phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc các tiên tri thời Cựu Ước bị giết hại. Đúng hơn, Ngài nhấn mạnh rằng con người giống như các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đã đối xử tệ hại với tôi tớ của Đức Chúa Trời. Tội lỗi cuối cùng của họ là việc đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự.


Tóm lại, các thầy dạy luật đã cướp khỏi kẻ khác sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời. Thật tệ hại khi họ không những không thể vào được Nước Thiên đàng, mà còn ngăn trở kẻ khác bước vào Thiên đàng! Giăng dạy lời Đức Chúa Trời là điều rất quan trọng và không phải ai cũng có thể làm được (Gia 3:1). Tiếc thay, những kẻ xưng là người “hiểu biết Kinh Thánh” lại là những con người chẳng được trang bị gì cả nên họ không thể thay đổi sự ngu xuẩn của mình.


Tuy nhiên, cũng có một khía cạnh khác: các thầy dạy luật thuyết phục kẻ khác rằng không ai có thể hiểu rõ và giải thích được luật pháp ngoại trừ các giáo sư lỗi lạc đầy hiểu biết. Ngày hôm nay, đôi lúc chúng ta cũng bày tỏ thái độ kiêu căng như thế. Giáo sư nào diễn giải quá mức ngôn ngữ Kinh Thánh đều khiến người ta có cảm giác Đức Thánh Linh không thể dạy dỗ những người không biết ngôn ngữ Hy-lạp và Hê-bơ-rơ.

Hiện nay, có nhiều loại Kinh Thánh nghiên cứu (một số rất có ích) khiến bạn không biết liệu người học có thể học và hiểu được điều gì từ một cuốn Kinh Thánh đơn giản hay không. Chúng ta đừng coi thường sự hiểu biết Cơ-đốc nhân chính và sâu rộng, nhưng cũng nên giữ mọi sự ở mức quân bình.


Đức Chúa Giê-xu là “chìa khoá” của Lời Đức Chúa Trời (Lu 24:44-48). Nếu cất đi chìa khoá này, bạn không thể hiểu những điều Đức Chúa Trời đã viết. Cũng bổ ích và cần thiết như việc học Thần đạo, việc học Kinh Thánh đòi hỏi một điều kiện cao nhất đó là một tấm lòng hạ mình và một ý chí vâng phục. Một số giáo viên Kinh Thánh giỏi nhất tôi từng biết trong cuộc đời hầu việc Chúa, họ là những người học lẽ thật từ Lời Đức Chúa Trời bằng “đầu gối” mình và giữa thử thách của cuộc sống. Họ được chính Đức Thánh Linh dạy dỗ chớ không do con người.


Chúa gây tức giận cho họ (Lu 11:53-54): Những kẻ giả hình không muốn tội lỗi mình bị phơi bày, vì sẽ làm tổn hại danh tiếng họ. Thay vì chống đối Đức Chúa Trời, lẽ ra những con người này phải hạ mình trước Chúa để tìm kếm sự thương xót của Ngài. Họ ngang nhiên tấn công Chúa bằng những “câu hỏi mẹo” hòng gài bẫy và vu cho Ngài theo phái dị giáo để bắt Ngài. Con Đức Chúa Trời lại bị đối xử một cách vô ơn như thế!


Ngày nay cũng có những quy lệ tôn giáo rất giống những quy lệ được các thầy thông giáo và người Pha-ri-si bảo vệ. Những người lãnh đạo trong tôn giáo diễn giải và áp dụng Lời Kinh Thánh cho các tín hữu, bạn không được phép đặt những câu hỏi hóc búa hoặc đưa ra ý kiến phản bác. Những lãnh đạo này lợi dụng con người và hành động cho có lệ hoặc chẳng làm gì để làm nhẹ đi gánh nặng của kẻ khác.


Tệ hại hơn hết, họ đã dùng quy lệ tôn giáo để che đậy tội lỗi mình. Lẽ thật từ Đức Chúa Trời khiến chúng ta được tự do, nhưng những con người này chỉ dẫn người vào xiềng xích trói buộc càng thêm.


Đức Chúa Trời đã ban cho Hội Thánh Ngài những giáo sư (Eph 4:11), nên chúng ta phải lắng nghe họ. Tuy nhiên, ta cũng nên xem xét lại những gì mình nghe bằng cách đối chiếu với Kinh Thánh để biết chắc rằng các giáo sư ấy đang giảng dạy lẽ thật (ITe 5:19-21). Chúng ta không nên cho phép bất cứ ai đưa chúng ta vào vòng trói buộc và lợi dụng chúng ta (IICo 11:20).


Có ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời và đặc quyền được cầu nguyện là một ơn phước kỳ diệu Chúa dành cho chúng ta. Kẻ thù muốn cướp khỏi chúng ta những phước hạnh của sự tăng trưởng thuộc linh và sự tự do trong Chúa. Kế hoạch của ma quỉ là thay thế lẽ thật bằng sự giả hình để khiến chúng ta quan tâm con người bề ngoài hơn con người bề trong: chăm về danh lợi hơn phẩm cách.


Hiểm hoạ này nghiêm trọng đến nỗi Chúa Giê-xu phải nói thêm ở Lu 12:1-59. Vậy chúng ta hãy cẩn thận!



 


11. HỠI ANH EM, HÃY COI CHỪNG (Lu 12:1-59)


Các môn-đệ Chúa có lẽ không nhận biết họ đang gặp nhiều nguy hiểm. Trước hết, hằng ngàn người vây quanh họ là những người chỉ muốn xem Chúa Giê-xu làm phép lạ hoặc đáp ứng nhu cầu riêng của họ, thật ra họ chẳng hề muốn nghe lẽ thật thuộc linh. trong khi đó, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si lại lập mưu chống nghịch cùng Chúa. Cái bẫy của “sự ái mộ” và sự sợ hãi loài người đã đem thất bại không ít đến cho các tôi tớ Chúa.

Trong Lu-ca ghi lại năm lời cảnh cáo của Chúa Giê-xu. Ngày nay dân Chúa phải lưu tâm đến bốn lời cảnh cáo nếu muốn trở thành môn đệ trung tín của Ngài, còn thế giới hư mất phải chú ý đến lời cảnh cáo thứ năm.


1. Hãy coi chừng sự giả hình (Lu 12:1-12)

Từ “kẻ giả hình” theo ngôn ngữ Hy Lạp nghĩa là “kẻ đóng kịch”. Trong mọi tầng lớp xã hội đều có những kẻ giả hình, những người cố 1àm cho kẻ khác khâm phục và kính trọng mình hầu giấu đi “cái tôi” thật bên trong. Kẻ giả hình trong đời sống Cơ-đốc là người cố tạo ra vẻ “thuộc linh quá mức” so với thực chất của họ. Họ biết rằng chính họ đang đóng kịch và mong không ai phát hiện ra thực trạng của họ. Đời sống theo Chúa của họ chỉ là một “chiếc mặt nạ” mà thôi.


Có thể hiểu vì sao Chúa Giê-xu đưa ra lời khuyên này trong giờ phút riêng tư với môn đệ. Có thể các môn đệ đã bị cám dỗ khi hài lòng với sự hâm mộ của đám đông, hoặc có thể họ muốn tránh những phiền phức khi đồng tình với các thầy thông giáo và người Pha-ri-si. Chúng ta đều muốn kẻ khác thích mình và dường như “đóng kịch” là hành động dễ làm khiến nhiều người muốn nhìn thật dễ dàng để đóng vai trò mà những khác muốn xem. Vậy làm sao chúng ta có thể tránh được sự giả hình trong đời sống?


-Trước tiên, chúng ta phải hiểu rõ sự giả hình là gì (Lu 12:1) Chúa so sánh sự giả hình với chất “men”, điều mà mọi người Do-thái đều cho rằng có liên hệ với đến điều xấu (Xu 12:15-20. Phao-lô cũng dùng “men” để nói về tội lỗi. Xem ICôr 5:6-8' Ga 5:9). Giống như chất men, sự giả hình khởi đầu rất “ít” nhưng phát triển nhanh chóng và âm ỉ. Khi hình thành, sự giả hình tiêm nhiễm vào cả con người. Sự giả hình phục vụ cho cái tôi cũng như chất men giúp cho bột nhào bánh vậy: “men” ấy sẽ dậy lên! (ICôr 4:6,18-19; ICôr 5:2). Chẳng bao lâu, lòng kiêu ngạo sẽ thao túng và khiến nhân cách nhanh chóng bị hủy hoại!


Nếu muốn tránh sự giả hình trong đời sống, chúng ta phải tránh xa chất “men” đó, dù là “một chút”.

Bước đầu, chúng ta chỉ “giả vờ” và sau đó, sự giả hình được tập tành nhanh chóng. Càng giữ lâu sự giả dối, tình trạng giả hình càng trở nên tệ hại hơn. Ông Walter Scott nói ràng: “Chỉ khởi đầu từ sự lừa dối, mà chúng ta đã dệt thành một ‘mớ bòng bong’ rối tung!”


-Chúa dạy lẽ thật thứ hai: sự giả hình là điều ngu xuẩn và không đem ích lợi gì (Lu 12:2-3) Vì sao? Vì không có điều gì giấu kín mãi. Chúa dạy điều này để môn đệ sẽ áp dụng vào những lãnh vực khác nhau của đời sống. Có lẽ 12 sứ đồ đã cố che đậy hoặc diễn giải lẽ thật sao cho đám đông các thầy thông giáo và người Pha-ri-si không phản dối họ (Lu 8:16-18; Lu 11:33). Lẽ thật của Đức Chúa Trời là sự sáng, không phải là “men” vậy không nên giấu kín. Lời giả dối của kẻ giả hình sẽ có ngày bị lộ ra, vậy sao chúng ta cứ tiếp tục giả dối? Hãy để sự sáng trong bạn được soi ra!


-Điều thứ ba, chúng ta phải hiểu nguyên nhân của sự giả hình (Lu 12:4-7). Chúa Giê-xu nhắc đến từ “sợ” năm lần trong phân đoạn này, Ngài muốn cho chúng ta biết nguyên nhân gây ra sự giả hình là do lòng sợ con người. Khi chúng ta sợ dư luận của kẻ khác nói về chúng ta hoặc cách họ đối xử với mình, chúng ta cũng có thể nói dối để được họ chấp nhận. Nếu cần, chúng ta cũng có thể nói dối để đạt mục đích của mình. Đây chính là sự giả hình.

Tiếc thay, nhiều thầy dạy luật và người Pha-ri-si chỉ quan tâm về danh tiếng hơn phẩm cách, quan tâm những gì người ta nghĩ về mình hơn những gì Đức Chúa Trời biết về họ. Lòng sợ con người luôn tạo ra một cái bẫy (Ch 29:25) nên Chúa Giê-xu muốn các môn đệ Ngài phải tránh cạm bẫy đó.


Để khắc phục sự giả hình, chúng ta phải bỏ ngoài tai những điều con người có thể nói và hành động, nhưng chỉ sợ Đức Chúa Trời mà thôi. Sự kính sợ Đức Chúa Trời sẽ đắc thắng mọi nỗi sợ hãi khác, vì kẻ thật sự kính sợ Đức Chúa Trời chẳng phải sợ điều gì. Con người chỉ có thể giết thân thể, nhưng Đức Chúa Trời có thể đoán phạt linh hồn! Ngài là Đấng đoán xét cuối cùng nên chúng ta phải để lòng kính sợ Ngài lên trên hết mọi sự. Đức Chúa Trời biết rõ và luôn chăm sóc chúng ta. Loài chim sẻ còn được Đức Chúa Trời quan tâm đến, huống chi chúng ta có giá trị hơn chúng nhiều. Vậy chúng ta còn sợ loài người điều gì nữa?


Mặt khác, điều chúng ta phải làm là công khai xưng nhận Đấng Christ (Lu 12:8-9). Nếu đã làm được như vậy, chúng ta sẽ thoải mái sống trong lẽ thật, và tránh được sự giả hình. Làm sao chúng ta có thể sợ loài người khi biết rằng Chúa Giê-xu sẽ xưng chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời ở thiên đàng? Điều quan trọng không phải tên chúng ta được loài người đề cao trên đất, nhưng là Đức Chúa Trời biết chúng ta nơi thiên đàng (IITi 2:8-14)


-Sau cùng, chúng ta phải nhờ cậy Đức Thánh Linh (Lu 12:10-12). Chúa Giê-xu có vẻ mâu thuẫn với chính Ngài. Trong Lu 12:8-9, Ngài bảo chúng ta phải xưng Ngài ra trước thiên hạ. Tuy vậy ở Lu 12:10, Ngài nói rằng, nếu nói nghịch với Ngài, chúng ta có thể được tha, nhưng nói nghịch với Đức Thánh Linh, sẽ chẳng được tha! Phải chăng điều đó có nghĩa: Đức Thánh Linh quan trọng hơn Con Đức Chúa Trời?


Hãy chú ý rằng câu nói này có liên quan đến công việc Đức Thánh Linh qua các sứ đồ (Lu 12:11-12). Dân tộc Do-thái từ chối Đức Chúa Cha khi họ không nghe lời Giăng Báp-tít để ăn năn tội, vì chính Đức Chúa Cha đã sai Giăng đến. Họ từ chối Con Đức Chúa Trời khi yêu cầu quan toà Phi-lát đóng đinh Ngài.

Tuy nhiên, tội lỗi đó có thể được tha thứ bởi vì vẫn còn có công tác của Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời không đoán phạt dân tộc Do-thái ngay lúc đó. ngược lại, Chúa Giê-xu đã cầu nguyện cho họ khi Ngài bị treo trên thập tự (Lu 23:34; Công 3:17).

Sau đó, Đức Chúa Trời ban Thánh Linh hành động qua các sứ đồ và những tín hữu trong Hội thánh. Đây là cơ hội cuối cùng dành cho dân tộc này, nhưng họ đã chối từ cơ hội Đức Chúa Trời ban khi bác bỏ lời chứng của Đức Thánh Linh (Công 7:51). Lu 12:11-12 được ứng nghiệm qua suốt những đoạn đầu của sách Công-vụ khi thông điệp này đến với dân Do-thái trước tiên (Rô 1:16; Công 3:26; Công 13:46).

Tội lỗi thứ ba của dân Y-sơ-ra-ên là ném đá Ê-tiên (Công 7:54-60). Sau đó thông điệp Đức Chúa Trời đến với dân Sa-ma-ri (Công 8:1-40) và người ngoại (Công 10:1-48). Bạn hãy để ý câu nói của Ê-tiên “Các ngươi cứ nghịch với Đức Thánh Linh hoài” (Công 7:51).


Tôi không tin rằng ngày nay con người có thể phạm tội nghịch với Đức Thánh Linh như dân Y-sơ-ra-ên hàng thế kỷ trước. Tôi cho rằng tội lỗi không thể tha thứ ngày hôm nay chính là “chối bỏ Chúa Giê-xu” (Gi 3:36). Thánh Linh Đức Chúa Trời đã bày tỏ qua Lời Ngài và tội nhân có thể không tin chứng cớ ấy và nghịch cùng Đức Thánh Linh. Nhưng Đức Thánh Linh đã làm chứng về Đấng Christ (Gi 16:7-15). Vì thế, thái độ con người đối với Đức Thánh Linh là thái độ họ đối cùng Con Đức Chúa Trời.


2. Hãy coi chừng tham lam (Lu 12:13-21)

Bấy giờ, một người trong đám đông lên tiếng xin Chúa giải quyết dùm vấn nạn gia đình anh. Người ta thường mong đợi các Ra-bi giúp giải quyết những vấn đề pháp lý, nhưng Chúa không can dự vào. Tại sao? Vì Ngài biết rằng sẽ không có giải đáp nào giải quyết được nan đề thật của họ, đó là sự tham lam trong lòng anh em họ. Bao lâu họ còn tham lam, sẽ không có sự giải quyết nào khiến họ thoả mãn.Tấm lòng họ cần được thay đổi, đó mới là nhu cầu lớn nhất. Ngày hôm nay, có biết bao con người chỉ muốn được Chúa giúp đỡ chớ không muốn được cứu rỗi.


Tham lam là sự khao khát muốn có thêm càng nhiều hơn những gì ta nghĩ rằng mình cần để thật được thoả mãn. Đó có thể là sự tham tiền hoặc những gì đồng tiền có thể mua được, thậm chí có thể là sự khao khát địa vị và quyền lực. Chúa Giê-xu nói rõ: Đời sống đích thực không dựa trên sự giàu có về của cải vật chất. Chúa cũng không phủ nhận về việc chúng ta có những nhu cầu cơ bản trong đời sống (Mat 6:32; ITi 6:17). Ngài chỉ nhấn mạnh rằng chúng ta không thể khiến đời sống mình phong phú hơn nếu chỉ đòi hỏi càng nhiều những điều kể trên.


Mark Twain có lần đã định nghĩa “nền văn minh là sự gia tăng vô giới hạn của những cần thiết không cần thiết”, và ông ta có lý. Thực tế, có nhiều tín hữu bị tiêm nhiễm tính tham lam mà không biết. Họ nghĩ rằng lời khuyên của Phao-lô ở Tim 6 chỉ áp dụng cho những người giàu có tiếng tăm! ” Chúa Giê-xu dùng ví dụ về người giàu có này cho ta thấy những hiểm hoạ tiềm ẩn trong một tấm lòng hà tiện. Khi đọc ví dụ đó, bạn hãy kiểm lại những phản ứng của mình đối với hiện trạng của người giàu này. Bạn phản ứng ra sao đối với tình trạng khó xử của phú nông ấy?

Ông ta có quá nhiều của cải. Nếu chúng ta nói “Tôi ước chi mình cũng có nan đề giống như vậy! ”, lời nói ấy chẳng khác nào chúng ta đang để lộ sự tham lam trong lòng mình. Nếu đột nhiên bạn thừa hưởng một gia tài “kết sù”, liệu điều đó có gây khó xử cho bạn không? Liệu bạn có tôn vinh Đức Chúa Trời và cầu xin Ngài tỏ cho bạn biết những điều Ngài muốn bạn thực hiện?


Giàu có cũng đem đến những hiểm họa (Ch 30:7-9). Của cải làm cho Lời Đức Chúa Trời bị nghẹt ngòi (Mat 13:22), khiến người ta bị mắc bẫy và sa vào sự cám dỗ (ITi 6:6-10,17-19). Sự giàu sang khiến bạn có cảm giác an toàn giả tạo. Người đời có câu: Tiền bạc không thể làm con người thoả mãn trừ khi bạn muốn sống theo tiểu chuẩn của nó.Những ai chỉ hài lòng với những gì tiền bạc có thể mua được sẽ có nguy cơ đánh mất những điều không thể mua bằng tiền. Người phú nông này xem của cải như một cơ hội để thoả mãn chính mình. Ông chẳng nghĩ về Đức Chúa Trời hay điều nào khác hơn của cải.


Bạn phản ứng ra sao trước những quyết định của phú gia này? Có phải bạn sẽ nói:“Bây giờ đó là sự đầu tư khôn ngoan! Hãy thâu trữ và chuẩn bị cho tương lai”.Tuy nhiên, Chúa Giê-xu đã nhìn thấy sự ích kỷ trong mọi hành động của người giàu kia, Ngài phán rằng đó là kẻ dại. Triết lý sống của thế gian là “hãy quan tâm đến bản thân trước hết”, Chúa Giê-xu không tán đồng với triết lý đó.


Không có gì sai trái đối với việc áp dụng những nguyên tắc đầu tư có lợi, thậm chí dự phòng cho tương lai (ITi 5:8). Chúa Giê-xu không muốn con người lãng phí (Gi 6:12), nhưng Ngài cũng không muốn con người có lòng ích kỷ, bị thôi thúc bởi tính tham lam.


Bạn phản ứng ra sao trước những tham muốn của người giàu này? Có phải bạn sẽ nói: “Đây mới đúng là cuộc sống! Ông ta đã thành công được thoả mãn và an tâm. Vậy ông ta còn cần gì hơn?” Tuy nhiên Chúa nhìn thấy ông ta đang đối diện cái chết.

Của cải vật chất không thể giữ mạng sống chúng ta khi giờ chết đến gần. Của cải cũng không thể mua lại những cơ hội chúng ta đã đánh mất khi chỉ nghĩ đến cái tôi và làm ngơ đối với Đức Chúa Trời hay những người khác.


Chúa Giê-xu chứng minh rằng đời sống đích thực không xuất phát từ của cải vật chất, và sự thành công đích thực hay sự an toàn cũng không đến từ của cải. Người giàu này có quan niệm sai lầm về sự sống và sự chết. Ông nghĩ rằng cuộc sống có được do “tích trữ” mọi vật chất, còn cái chết hãy còn quá lâu! Ngày 11.3.1856 ông Henry David Thoreau ghi trong nhật ký rằng: “Con người giàu có nhất hưởng những thú vui tầm thường nhất”. Ông cũng cho rằng một người giàu có phải tương xứng với những gì anh ta có thể mua được mà không quan tâm đến”.


Cuối cùng, bạn phản ứng ra sao trước sự chết của người giàu có kiêu ngạo này? Chúng ta thường nói: “Thật rủi quá! Ông ta chết ngay khi có được mọi sự thuộc về mình! Bi thảm thật, ông ta không thể hoàn thành những kế hoạch lớn lao đã dự tính! ” Nhưng bi kịch lớn nhất không phải là những gì người ấy bỏ lại đằng sau, đó là những gì phía trước ông ta: cõi vĩnh hằng không có Đức Chúa Trời! Người này đã sống không có Đức Chúa Trời, chết không có Đức Chúa Trời, và của cải ông ta có chỉ gây rắc rối cho đời sống ông. Đức Chúa Trời chẳng hề nhờ tới tiền bạc chúng ta có.


“Giàu có nơi Đức Chúa Trời” nghĩa là gì? Đó là sự thông biết về Đức Chúa Trời, hiểu rằng mọi sự chúng ta có bởi ơn Đức Chúa Trời và cố gắng sử dụng những gì Ngài ban cho để đem ích lợi đến cho người khác cũng như tôn vinh Đức Chúa Trời. Của cải có thể phục vụ con người và khiến con người vui mừng nếu mục đích của con người là để tôn vinh Đức Chúa Trời (ITi 6:10). “Giàu có nơi Đức Chúa Trời” là sự giàu có thuộc linh, không phải sự hưởng thụ của bản thân. Thật đáng thương cho những ai chỉ giàu có ở đời này nhưng nghèo nàn ở đời sau! (Mat 6:19-34).


3. Hãy coi chừng sự lo lắng (Lu 12:22-34)

Phú gia kia lo lắng vì có nhiều của cải, nhưng môn đệ Chúa có thể vướng vào cạm bẫy của sự lo lắng vì họ sống thiếu thốn. Đã từ bỏ mọi sự theo Chúa Giê-xu Christ, họ chẳng nhận đươc một hứa hẹn bảo đảm nào. Họ đang sống bởi đức tin, và đức tin luôn phải chịu thử thách.


Sự lo lắng có tính chất tiêu cực.

Ở Lu 12:22, từ “lo” có nghĩa như “không có hy vọng” và ở Lu 12:29, “có lòng lo lắng” có nghĩa như “ở trong tình trạng chờ đợi hồi hộp”. Đây là hình ảnh một con thuyền chao đảo giữa sóng gió. Corrie Ten Boom nói rằng: “Lo lắng không làm cho sầu muộn của ngày mai vơi đi, nhưng khiến sức mạnh hôm nay bị cạn kiệt”.


Sự lo lắng cũng lừa dối con người. Nó khiến chúng ta quan niệm sai lệch về sự sống và về Đức Chúa Trời. Lo lắng khiến chúng ta tin rằng cuộc sống chỉ tồn tại do “ăn” và “mặc”. Quá lo lắng về những tiện nghi cuộc sống, chúng ta hầu như quên đi mục đích cuối cùng để tôn vinh Đức Chúa Trời (Mat 6:33). “Sống” và “tồn tại” là hai ý niệm khác nhau hoàn toàn!


Lo lắng làm chúng ta “mù lòa” về thế giới chung quanh và về cách Đức Chúa Trời chăm sóc tạo vật của Ngài. Ngài khiến muôn hoa khoe sắc rực rỡ, nuôi sống loài quạ ô uế không có khả năng gieo gặt, chăm sóc cả những người được ban cho khả năng làm việc. Chúa Giê-xu không bảo chúng ta cứ ngồi đó chờ Đức Chúa Trời nuôi mình, vì cả loài chim cũng phải chăm chỉ lao động để tồn tại.

Đúng hơn, Ngài khuyên chúng ta đặt lòng tin cậy nơi Ngài và đồng công với Ngài trong việc sử dụng những khả năng và cơ hội Ngài ban (IITês 3:6-15). Những sự lo lắng còn khiến chúng ta mù loà về chính nó. Chúng ta có thể đến một nơi mà mình thật sự nghĩ rằng lo lắng khiến đời sống ích lợi hơn.

Ở Lu 12:25 Chúa cho biết lo lắng không thể khiến đời chúng ta dài một khắc nào (Thi 39:5). Nỗi lo lắng của người phú nông ấy thật sự chẳng khiến đời ông dài thêm! Thay vì sống lâu, sự lo lắng sẽ cướp đi cuộc sống chúng ta. Bởi lo lắng con người có thể tự đưa mình vào bệnh viện hay mồ mả.


Một lần nữa, Chúa dẫn chứng từ việc nhỏ đến việc lớn: Nếu Đức Chúa Trời có thể nuôi loài chim, Ngài chắc sẽ quan tâm con cái mình. Nếu muôn hoa xinh đẹp kia nay nở mai héo tàn còn được Ngài làm đẹp, vậy Ngài chắc sẽ “mặc” cho con cái mình những gì đẹp hơn thế. Vấn đề không phải Ngài thiếu quyền năng, vì Ngài là Đấng làm được mọi sự. Vấn đề chính ở chỗ: chúng ta thiếu đức tin.


Lo lắng khiến con người bị biến chất.

Lo lắng khiến chúng ta không tăng trưởng thuộc linh và trở nên giống kẻ vô tín ở thế gian (Lu 12:30). Tóm lại lo lắng chính là sự vô tín, là tội lỗi. Làm sao chúng ta có thể làm chứng cho một thế giới hư mất, khuyên kẻ khác đặt niềm tin nơi Chúa Giê-xu trong khi bản thân ta nghi ngờ Đức Chúa Trời và lo lắng về đời này?

Phải chăng không có gì mâu thuẫn giữa việc rao giảng với việc chưa thực hành những điều tra dạy kẻ khác? Ông Peter Marshall, cố Mục sư Tuyên uý của Thượng Viện Hoa-kỳ có lần đã cầu nguyện: “Nguyện những ung nhọt đó không trở thành biểu hiện của đức tin chúng con”.


Chúng ta phải làm sao để đắc thắng sự lo lắng? Trước tiên chúng ta phải hiểu rằng Đức Chúa Trời biết mọi nhu cầu chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể tin chắc Ngài sẽ đáp ứng cho chúng ta mọi sự. Chúng ta là chiên trong ràn của Ngài, con cái trong gia đình Ngài và thần dân trong Vương quốc Ngài, nên Ngài biết nhu cầu của chúng ta đáng được đáp ứng trọn vẹn Ngài vui lòng ban Vương quốc Ngài cho chúng ta, lẽ nào Ngài không ban cho chúng ta mọi sự cần dùng? (Rô 8:32).


Tuy nhiên, sự vui mừng của Đức Chúa Trời và của báu chúng ta có phải đi đôi với nhau. Chúng ta phải nhìn thế gian từ góc độ thiên đàng và biết chắc mình đã đặt Nước Đức Chúa Trời lên trên mọi sự hay chưa. Câu hỏi trọng tâm dành cho chúng ta: “Lòng bạn ở đâu?”. Nếu lòng chúng ta hướng về những điều ở thế gian, chúng ta sẽ mắc vào sự lo lắng không dứt. Nếu lòng hướng về sự vĩnh cửu, sự bình an của Đức Chúa Trời sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng chúng ta (Phi 4:6-9).

Chúng ta phải “quên” bản thân mình hầu cho lòng không hướng về vật chất đời này, thậm chí bán hết những gì mình có để giúp kẻ khác (Công 2:44-45; Công 4:34-35). Không có gì sai phạm nếu giữ của cải, miễn sao những vật chất ấy không “làm chủ” chúng ta.


4. Hãy coi chừng sự lơ là (Lu 12:35-53)

Chúa Giê-xu chuyển đề tài từ sự lo lắng trong hiện tại đến việc tỉnh thức trong ngày sau rốt. Những chủ đề trong Lu 12:1-59 nối tiếp nhau, vì chờ đợi Chúa trở lại là một trong những phương cách tốt nhất để đắc thắng sự giả hình, tính tham lam, lòng lo lắng. Khi sống trong thời sau rốt, mọi sự thuộc về thế gian khó có thể gài bẫy chúng ta. Qua phân đoạn này, Chúa dạy chúng ta phải làm gì để sẵn sàng tiếp Chúa tái lâm.


Chờ đợi và tỉnh thức (Lu 12:35-40): Lễ cưới của người Do-thái được tổ chức về đêm. Tôi tớ của chú rể phải chờ chủ mình trở về cùng với cô dâu. Chàng rể không muốn phải chờ lâu ngoài cửa cùng với cô dâu! Nhưng các tôi tớ cần phải biết chắc rằng họ đã sẵn sàng làm việc để với thắt lưng gọn gàng để dễ dàng đi lại (IPhi 1:13).


Điều đáng chú ý trong câu chuyện này đó là chính người chủ hầu việc tôi tớ mình! Trong lễ cưới của người Do-thái, cô dâu được đối đãi như một nữ hoàng và chú rễ giống như vị vua, vì vậy bạn không nghĩ rằng “vua” ấy sẽ hầu việc tôi tớ mình.

Vua của chúng ta sẽ hầu việc những tôi tớ trung tín của Ngài khi tiếp chúng ta trong ngày tái lâm đồng thời Ngài sẽ ban thưởng cho sự trung tín của chúng ta: “Tỉnh thức” nghĩa là “sẵn sàng”, “cảnh giác” không bị hụt hẩng vì ngạc nhiên. Đó là thái độ chúng ta cần có đối với sự tái lâm của Chúa Giê-xu. Sự tái lâm của Ngài sẽ giống như “kẻ trộm”: âm thầm và bất ngờ (ITês 5:2; Mat 24:43; Kh 16:15). Chúng ta phải sẵn sàng!

Mục sư tin kính thuộc Hội Trưởng lão Robert Murry Mc Cheyne đôi lúc hỏi nhiều người: “Bạn có tin rằng Chúa sẽ trở lại hôm nay không?” Nếu họ nói “không” ông sẽ tiếp: “Vậy bạn nên sẵn sàng vì Ngài sẽ đến vào giờ bạn không ngờ”.


Làm việc (Lu 12:41-48): Để chúng ta không nghĩ rằng Chúa chỉ yêu cầu chúng ta tỉnh thức và chờ đợi, Ngài thêm ví dụ này khuyên chúng ta phải làm việc chờ đợi Ngài đến. Các sứ đồ có nhiệm vụ nuôi nấng người thuộc về Đức Chúa Trời - đó là Hội thánh.

Nhưng mỗi chúng ta cũng phải làm nhiệm vụ Chúa giao cho cá nhân mình. Chúng ta có nhiệm vụ trung tín cho đến kỳ Chúa tái lâm. Có thể chúng ta không thành công dưới mắt mình hoặc đối với kẻ khác, điều đó không quan trọng. Điều Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi chúng ta là sự trung tín (ICôr 4:2).


Khi đầy tớ nghĩ rằng chủ mình sẽ không trở về, đời sống người ấy sẽ trở nên tệ hơn. Mối liên hệ của chúng ta đối với người khác tuỳ thuộc vào mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời Vì vậy nếu không tìm kiếm Đức Chúa Trời chúng ta khó lòng yêu thương kẻ khác. Động cơ khiến Cơ-đốc nhân sống và phục vụ tha nhân phải xuất phát từ lòng khao khát làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và giữ lòng trung tín khi Chúa tái lâm.


Tôi không nghĩ rằng Lu 12:46 muốn nói: những tín đồ bất trung sẽ không được cứu, vì chúng ta hưởng thiên đàng là do đức tin nơi Chúa Giê-xu chớ không phải do việc làm (Eph 2:8-10 IITi 2:11-13). Chúa sẽ biệt riêng những Cơ-đốc nhân trung tín với Cơ-đốc nhân bất trung. Ngài sẽ thưởng cho người trung tín và cất đi phần thưởng khỏi kẻ bất trung (ICôr 3:13-15).

Sự xét đoán của Đức Chúa Trời rất công bình, dựa trên thái độ của Cơ-đốc nhân đối với ý muốn Ngài. Điều đó không có nghĩa nếu chúng ta càng hiểu biết về Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy “dễ chịu” hơn trước ngai phán xét của Đấng Christ! Chúng ta phải hiểu biết ý muốn Đức Chúa Trời (Rô 12:2; Co 1:9) và tấn tới trong sự thông hiểu về Chúa Giê-xu (IIPhi 3:18).

Chúa Giê-xu muốn đưa ra một nguyên tắc chung: chúng ta càng được Đức Chúa Trời ban cho nhiều, sẽ bị Ngài đòi lại nhiều.


Xung đột (Lu 12:49-53): Khi chờ đợi Chúa, chúng ta hãy tỉnh thức và làm việc. Sẽ có thời kỳ khốn khó, vì chúng ta như những “khách lạ” trong lãnh địa của kẻ thù. Hình ảnh Chúa dùng để nói đến sự xung đột như: lửa, phép báp-tem, sự phân rẽ. Đối với dân Do-thái, lửa là biểu hiện của sự xét đoán. Khi Chúa Giê-xu đến thế gian, Ngài đã đem đến sự xét đoán này (Gi 9:39-41).


Phép báp-têm Chúa Giê-xu chịu ở câu 50 nói về sự thương khó và sự chết của Ngài, khởi đầu bởi phép báp-têm của Ngài tại sông Giô-đanh (Thi 42:7; Gio 2:3; Lu 11:29-30). Các sứ-đồ chắc đã nhận phép báp-tem của sự thương khó khi họ làm chứng về Đấng Christ sau lễ Ngũ tuần.


Lu-ca mở đầu sách bằng công bố “Bình an dưới đất” (Lu 2:14) nhưng giờ đây Chúa dường như mâu thuẫn với lời hứa này. Chúa thực sự đã ban bình an cho những ai tin nơi Ngài (Rô 5:1), tuy nhiên lời tuyên xưng đức tin của họ thường trở thành một lời “tuyên chiến” giữa vòng gia đình và bạn hữu của họ.

Chúa Giê-xu chính là nguyên nhân của sự chia rẽ này (Gi 7:12,43; Gi 9:16; Gi 10:19). Dù không có “bình an dưới đất”, vẫn có “bình an trên trời” (Lu 19:38) vì Chúa Giê-xu đã hoàn tất công tác Ngài trên thập tự giá.

Sau khi dạy dỗ môn-đệ, Chúa xoay qua đoàn dân đông với lời khuyên sau cùng.


5. Hãy coi chừng sự tối tăm thuộc linh (Lu 12:54-59)

Chúa dùng hai minh hoạ để đám đông hiểu tầm quan trọng của sự sáng suốt và kiên nhẫn trong những vấn đề thuộc linh. Trước hết, Ngài nói về thời tiết và kế đến Ngài lấy ví dụ về sự kiện tụng.


Biết phân biệt (Lu 12:54-57): Nếu con người biết phân biệt những vấn đề thuộc linh như họ hiểu thời tiết, họ đúng là kẻ khôn ngoan hơn hết. Đám đông có thể biết trước một cơn giông, nhưng không thể thấy trước ngày xét đoán của Đức Chúa Trời. Họ biết nhiệt độ sẽ thay đổi nhưng không thể giải nghĩa được các dấu lạ qua các thời đại. Dân Do-thái biết những lời tiên tri từ Đức Chúa Trời qua các thế kỷ, vậy lẽ ra họ phải biết công việc Đức Chúa Trời đang làm, nhưng các chức sắc tôn giáo đã dẫn họ đi sai đường.


Thật bi thảm, khi con người hôm nay có thể đoán trước sự dịch chuyển của các thiên thể, phân tích các nguyên tử, thậm chí đưa con người lên mặt trăng, nhưng “mù lòa” về những điều Đức Chúa Trời đang thực hiện giữa thế giới này. Họ biết cách đếm các vì sao, nhưng không biết làm sao để đến được thiên đàng! Thế giới văn minh của chúng ta có sự hiểu biết khoa học rộng lớn, nhưng thiếu sự khôn ngoan thuộc linh.


 Kiên nhẫn (Lu 12:58-59): Ai cũng muón làm bất cứ điều gì để thoát khỏi nhà tù, nhưng mấy ai kiên trì như thế để thoát khỏi địa ngục? Nếu các luật sư và quan toà nghiên cứu lời Đức Chúa Trời kiên nhẫn như họ xem sách luật, họ chắc sẽ đạt đến sự khôn ngoan không thể tìm thấy trong luật pháp.

Dân Y-sơ-ra-ên đang tiến gần đến sự phán xét và Đấng xét đoán là Đức Chúa Trời toàn năng, nhưng họ không muốn tìm kiếm thời kỳ bình an (Lu 13:34-35). Chúa Giê-xu biết quân đội La-mã sẽ đến phá đổ đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem (Lu 19:41-44), tuy vật Ngài vẫn không thể thuyết phục họ ăn năn tội: Tội lỗi họ ngày càng chồng chất, họ chắc chắn sẽ bị “tính sổ” không thiếu một điều nhỏ nhặt nào.


Chúng ta phải áp dụng những lẽ thật kể trên vào đời sống cá nhân hằng ngày. Nếu biết cơn bão sắp kéo đến, chúng ta có thể chuẩn bị mọi thứ để đương đầu với nó. Nếu biết người thi hành công vụ đến bắt chúng ta hầu toà chúng ta phải tìm một luật sư để cố gắng giải quyết vụ việc ở toà án. Cơn bão “thịnh nộ” của Đức Chúa Trời đang đến gần, và Đấng xét đoán đang đứng trước cửa! (Gia 5:9).

“Kìa, hiện nay là thì thuận tiện, kìa hiện nay là ngày cứu rỗi” (IICôr 6:2).



 


12. HỎI VÀ ĐÁP (Lu 13:1-35)


Một môn-đệ Do-thái hỏi thầy mình: “Thưa thầy, vì sao mỗi khi con hỏi thầy một câu hỏi, thầy luôn trả lời bằng cách hỏi lại con một câu khác?” Người thầy đáp: “Vậy tại sao ta không làm như vậy?”


Khi tiếp tục hành trình đến Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-xu đã đối diện với bốn hoàn cảnh liên quan đến việc giải đáp những câu hỏi của kẻ khác. Một châm ngôn của người Đức nói rằng: “Đặt câu hỏi với một người khôn ngoan là khởi đầu của sự khôn ngoan”. Không phải ai đặt câu hỏi với Chúa đều do động cơ tốt lành.

Tuy nhiên, điều đó cũng không gây trở ngại cho Chúa Giê-xu khi Ngài dạy dỗ họ những điều cần thiết. Tìm hiểu những lời giải đáp của Chúa qua Lu 13:1-35, bạn có thể biết nhiều hơn về chính Ngài và chức vụ Ngài cũng như cách sống đạo đẹp lòng Ngài.


1. Câu hỏi chính trị về công lý (Lu 13:1-9)

Thống đốc La-mã Phi-lát không thuận với người Do-thái vì ông thiếu nhạy cảm với những niềm tin tôn giáo của họ chẳng hạn như ông đã đem cờ hiệu chính thức của La-mã vào thành Giê-ru-sa-lem gây phẫn nộ cho những người Do-thái vốn không muốn thấy hình ảnh Sê-sa trong Thành Thánh này.

Phi-lát doạ sẽ giết những kẻ chống đối, nhưng dân Do-thái chấp nhận cái chết! Thấy họ quá cương quyết, Phi-lát bớt gây khó khăn và đem các cờ hiệu đến Sê-sa-rê, dầu vậy sự thù địch vẫn không chấm dứt.


Hành động tàn bạo được nói đến ở Lu 13:1 có lẽ xảy ra khi Phi-lát “chiếm đoạt” tiền bạc trong ngân quỹ đền thờ để xây hệ thống dẫn nước. Rất nhiều người Do-thái biểu tình phản đối. Vì vậy Phi-lát sai quân lính cải trang thường dân trà trộn vào dân chúng. Với vũ khí bí mật, quân lính đã giết hại nhiều người dân Do-thái vô tội. Hành động đó càng chất thêm lòng căm thù của người Do-thái đối với Thống đốc Phi-lát.


Vì Chúa sắp lên thành Giê-ru-sa-lem, mọi điều Ngài nói về Phi-lát chắc chắn đã được đồn ra. Nếu Ngài làm ngơ trước vấn đề này, dân chúng sẽ tố cáo Ngài đứng về phe La-mã và phản bội dân tộc. Nếu bảo vệ, dân Do-thái và tố cáo Phi-lát, Ngài sẽ bị người La-mã gây rắc rối, đồng thời các nhà lãnh đạo Do-thái sẽ có cớ bắt bớ Ngài. Chúa chuyển vấn đề này sang một mức độ cao hơn và hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề chính trị. Thay vì bàn về tội lỗi Phi-lát, Ngài giải quyết tội lỗi của những người đang chất vấn Ngài. Ngài trả lời họ bằng cách hỏi họ một câu khác!


Trước tiên, Ngài chứng minh rằng những bất hạnh của con người không phải luôn luôn là kết quả của sự đoán phạt từ Đức Chúa Trời. Thật sai lầm khi chúng ta thay Đức Chúa Trời và công bố án phạt. Bạn hữu của Gióp cũng phạm sai lầm này khi cho rằng những đau khổ của Gióp là bằng cớ về tội lỗi ông. Nếu nhìn hoạn nạn theo suy nghĩ như vậy, hẳn chúng ta khó lòng giải thích những khổ nạn của các tiên tri và sứ đồ Chúa, ngay cả sự thương khó của Chúa Giê-xu.


Ngài muốn hỏi rằng: “Các ngươi giải thích thế nào về những người bị tháp Si-lô-ê ngã xuống đè chết kia?” Đó không phải là lỗi của Phi-lát, vậy lỗi nơi Đức Chúa Trời chăng? Chúng ta sẽ trách cứ Ngài? 18 người bị chết khi họ đang làm việc. Họ không hề chống đối hay làm loạn.


Thi sĩ khiếm thị người Anh tên John Milton khi về già không ai biết đến. Một hôm ông được vua Charles đệ nhị con trai của vị hoàng đế bị những người Thanh giáo chém đầu đến thăm.

Vua Charles II nói rằng: “Ông bị mù là do Đức Chúa Trời đoán phạt vì đã chống lại cha tôi”. Milton đáp: “Nếu tôi mất đi ánh sáng là do Đức Chúa Trời, vậy ngài sẽ nói sao về việc cha ngài bị mất đầu?”


Chúa Giê-xu tiếp tục cho thấy kết luận hợp lý của lập luận của họ: Nếu Đức Chúa Trời đoán phạt tội nhân theo cách họ nghĩ, vậy chính họ phải ăn năn vì mọi người đều là tội nhân! Câu hỏi đưa ra không phải là “vì sao những người này chết?” nhưng là “chúng ta phải sống cách nào cho phải lẽ?” Không ai trong chúng ta vô tội, vì vậy tất cả phải dọn lòng mình.


Bàn về cái chết của kẻ khác thật dễ hơn phải đối diện với tội lỗi chính mình và cái chết có thể xảy ra. Ông trùm báo chí William Randolph Hearst không cho phép ai nói đến sự chết khi có mặt ông, thế nhưng ông cũng đã chết. Tôi hỏi một người bạn về tỉ lệ tử vong ở thành phố nơi anh sống, anh đáp: “mỗi người một lần” rồi nói thêm: “Những kẻ đang chết là người chưa từng chết trước đây!”


Theo Le 19:21-25, không được ăn quả của cây mới trồng ba năm, nhưng đến năm thứ tư, trái nó sẽ thuộc về Đức Chúa Trời. Người làm vườn không được sử dụng quả vả cho riêng mình đến năm thứ năm. Nhưng giờ đây anh ta đã chờ bảy năm rồi! Dĩ nhiên anh ta muốn đốn bỏ cây không sinh quả này!


Ví dụ trên có ý nghĩa thực tế đối với mỗi cá nhân và đối với dân Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời là Đấng nhân từ có lòng kiên nhẫn đối với con người (IIPhi 3:9), muốn chúng ta ăn năn để kết quả trong Ngài (Mat 3:7-10). Ngài có quyền “đốn bỏ” chúng ta, nhưng bởi lòng thương xót, Ngài tha thứ chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta đừng ỷ lại sự nhân từ nhẫn nhục của Ngài, vì ngày xét đoán cuối cùng chắc chắn sẽ đến.


Cây vả này cũng nhắc chúng ta về sự nhân từ của Ngài đối với dân Y-sơ-ra-ên (Es 5:1-7; Ro 9:15) cũng như lòng kiên nhẫn của Ngài đối với họ. Đức Chúa Trời chờ đợi ba năm trong thời gian Chúa Giê-xu thi hành chức vụ, nhưng dân tộc này không “kết quả”. Sau đó, Ngài chờ 40 năm kế tiếp trước khi cho phép quân đội La-mã dày xéo đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem. Suốt những năm tháng đó, Hội thánh Chúa đã cho cả dân tộc Y-sơ-ra-ên thấy chứng cớ mạnh mẽ về thông điệp Phúc Âm của Đức Chúa Trời. Cuối cùng, “cây vả này” đã bị đốn bỏ!


Ví dụ minh họa này kết thúc rõ ràng, đầy ý nghĩa hầu cho người nghe lời Ngài có thể áp dụng vào thực tế. Cây vả ấy có sinh trái không? Sự quan tâm đặc biệt ấy có đem lại kết quả gì không? Cây vả ấy được giữ lại hay bị đốn bỏ? Chúng ta không thể trả lời những câu hỏi trên, nhưng chúng ta có thể trả lời được qua chính đời sống mình! Một lần nữa, câu hỏi đặt ra không phải: “Điều gì đã xảy đến cho cây vả?” nhưng là: “Điều gì sẽ xảy đến cho tôi?”


Đức Chúa Trời đang tìm kiếm “quả”. Ngài không chấp nhận bất cứ sự thay thế nào, nên thời kỳ ăn năn là CHÍNH HÔM NAY. Trong những ngày sắp tới, nếu nghe về một bất hạnh nào trong cuộc sống của người khác, hãy tự hỏi chính mình “Có phải tôi đang choán chỗ vô ích, hay tôi đang kết quả cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời?”


2. Câu hỏi luật pháp về ngày Sa-bát (Lu 13:10-21)

Sự chữa bệnh (Lu 13:10-13): Nếu bị bại suốt 18 năm, tôi không biết mình sẽ trung tín thờ phượng Đức Chúa Trời hằng tuần nơi nhà tôi hay không? Có lẽ người đàn bà này cầu nguyện nhiều với Đức Chúa Trời nhưng chưa được chữa lành. Có vẻ như Đức Chúa Trời không quan tâm đến bà, nhưng điều này không làm cho bà trở nên cay đắng hay oán giận! Bà vẫn ở trong nhà hội.


Là người từng cảm thông với nhu cầu kẻ khác, Chúa Giê-xu nhìn thấy người đàn bà này và gọi bà đến gần. Có lẽ những người trong nhà hội dường như quá vô tâm khiến Chúa công khai cho họ thấy bệnh tật của người đàn bà này (Mat 12:13). Ngài biết điều Ngài đang làm. Một lý do khác, Sa-tan đã có mặt trong nhà hội nên Chúa muốn chỉ nó ra và đánh bại nó. Ngài cũng muốn người đàn bà giúp Ngài dạy những người trong nhà hội một bài học ý nghĩa về sự tự do.


Không chỉ Sa-tan khiến con người cúi đầu khuất phục nó nhưng tội lỗi (Thi 38:6), buồn rầu (Thi 42:5) và hoạn nạn (Thi 44:25) cũng chất thêm gánh nặng trên họ. Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất có thể giải thoát những kẻ bị “giam cầm”. Ngài phán một lời, đặt tay trên người đàn bà khiến bà lành bệnh và ngợi khen Đức ChúaTrời! Đó là sự hầu việc trong nhà hội mà mọi người không bao giờ quên.


Sự phẫn nộ (Lu 13:14): Thay vì vui mừng và ca ngợi Đức Chúa Trời, người cai nhà hội (xem Lu 8:41) rất giận dữ. Ông không có can đảm bày tỏ sự giận dữ với Chúa Giê-xu, nên quát tháo những người trong nhà hội.Càng suy nghĩ về lời chỉ trích của ông ta, bạn sẽ càng cảm thấy nực cười. Giả sử người ta đem đến những người bệnh, ai sẽ chữa lành họ? Liệu ông ta có quyền năng để làm điều đó không? Nếu có thể làm được, tại sao ông ta không sử dụng nó để cứu kẻ khác trước? Thật là kẻ giả hình hèn nhát.


Xiềng xích trói buộc người cai nhà hội này còn tệ hại hơn tình trạng của người đàn bà. Sự trói buộc của bệnh hoạn chỉ ảnh hưởng đến thân thể người đàn bà nhưng sự trói buộc của người cai nhà hội này đã “xích” lòng và trí ông ta. Ông ta bị “trói buộc” và mù lòa do truyền thống đến nỗi đã chống nghịch với Con Đức Chúa Trời! Elbert Hubbard đã gọi truyền thống là “chiếc đồng hồ cho ta biết thời gian” Người cai nhà hội không thể “phân biệt thời gian này” (Lu 12:56) nên đáng bị lên án.


Lời xác minh (Lu 13:15-17): Chúa Giê-xu có thể chữa lành người đàn bà này bất cứ ngày nào khác trong tuần. Nói cho cùng, bà đã đau khổ suốt 18 năm và nếu chịu thêm một ngày nữa thì cũng chẳng mấy khác biệt nhưng Ngài dứt khoát chọn ngày Sa-bát vì Ngài muốn dạy một bài học về sự tự do. Hãy để ý các từ “cứu”, “mở”, “mở trói” (Lu 13:12,15-16).


Trước tiên, Chúa bảo vệ cho người đàn bà và quở trách người cai nhà hội. Chúa nhắc ông ta rằng ông đã đối đãi với súc vật còn tử tế hơn đối với người đàn bà nghèo khổ này. Lời cáo trạng ấy cũng dành cho những người có mặt trong nhà hội. Chúa phân tích sự việc từ nhỏ đến lớn: Nếu Đức Chúa Trời cho phép con người chăm sóc gia súc trong ngày Sa-bát, lẽ nào Ngài không muốn chúng ta chăm sóc những con người khốn khổ được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời: Bất cứ hình thức nào cản trở chúng ta giúp đỡ kẻ khác, đều không đến từ Đức Chúa Trời. Thật ra, người ta dễ dàng dùng hình thức để viện cớ không quan tâm đến kẻ khác.


Chúa phán rằng người đàn bà này là “con gái của Áp-ra-ham” để chỉ về tình trạng thuộc linh của bà chớ không phải sự sinh ra của thể xác (Ga 3:7; Lu 19:9). Mọi phụ nữ Do-thái có mặt tại nhà hội đều là con cái Áp-ra-ham. Phải chăng điều này muốn nói rằng người đàn bà đã được đổi mới trước khi được Chúa chữa lành? Nếu vậy, bà là tín đồ duy nhất thời Tân-ước bị bại liệt vì bị ma quỉ hành hại (chúng ta không biết chắc “cái giằm xóc vào thịt” của Phao-lô là gì, hay nói chính xác hơn, chúng ta không biết Sa-tan sử dụng giằm xóc đó ra sao để tấn công Phao-lô IICôr 12:1-21).


Có lẽ đây là vấn đề về ngữ nghĩa họ, nhưng tôi muốn nói đến công việc của ma quỷ trong đời sống các tín hữu giống như “sự tấn công của ma quỷ” chớ không phải “sự chiếm hữu” của nó.

Thật ra, tiếng Hy-lạp của nhóm từ này có nghĩa là “bị quỷ ám”, vì vậy chúng ta không cần phải nghĩ đến từ “chiếm hữu” theo nghĩa thuộc về không gian.

Sa-tan chắc chắn có thể tấn công vào thân thể và tâm trí con cái Đức Chúa Trời. Đôi khi sự tấn công đó có thể kéo dài nhiều năm cho đến khi công việc ma quỷ bị phát hiện ra. Không phải mọi bệnh tật đều do ma quỷ gây ra (Lu 6:17-19), nên chúng ta đừng “đổ” hết lỗi lầm cho Sa-tan.


Có một số người trong nhà hội muốn tố cáo Chúa Giê-xu vì Ngài vi phạm luật Sa-bát, nhưng Ngài khiến họ quá xấu hổ đến nỗi chẳng nói được gì. Bài học Ngài đưa ra thật rõ ràng: Sa-tan đưa con người vào xiềng xích trói buộc, nhưng con người sẽ được tự do thật sự nếu tin cậy nơi Đấng Christ. Ngày Sa-bát Đức Chúa Trời muốn ban cho chúng ta là “sự yên nghỉ trong tâm hồn” bởi ân điển Đức Chúa Trời chớ không bởi làm theo những thủ tục của lễ nghi (Mat 11:28-30).


Ví dụ trong Lu 13:18-21 có lẽ được Chúa nói với những người trong nhà hội trước khi Chúa Giê-xu và 12 sứ-đồ rời khỏi nhà hội. Trước đây, Ngài cũng từng dạy về những ví dụ này và các môn-đệ đều hiểu (Mat 13:31-33,51). Qua những ví dụ ấy, có thể thấy hình ảnh bên ngoài về sự phát triển của Nước Đức Chúa Trời (hột cải) và ảnh hưởng bên trong của Nước Đức Chúa Trời (men). Khi dùng những ví dụ ấy, Chúa muốn nói: “Các ngươi là những chức sắc tôn giáo Do Thái có thể duy trì những nghi lễ vô nghĩa và chống đối lẽ thật, nhưng Vương quốc đời đời của Đức Chúa Trời vẫn đang phát triển. Sa-tan sẽ bị đánh bại!


Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhớ hai vấn đề nữa.

-Thứ nhất, Chúa đã dùng ví dụ về men như hình ảnh của điều ác (Lu 12:1) và Ngài dường như không mâu thuẫn với chính mình.

-Thứ hai, ý nghĩa của Math 13 nói về sự chống nghịch và Nước Đức Chúa Trời dường như bị đánh bại chớ không chinh phục được thế gian.

Vâng, đúng vậy, sẽ có đắc thắng cuối cùng, nhưng đồng thời nhiều hạt giống gieo ra sẽ không kết quả. Sa-tan sẽ gieo ra mọi điều giả dối, cá tốt và cá xấu sẽ đều ở trong một lưới. Qua lịch sử Hội thánh và qua những báo cáo mới nhất, tôi không thấy có bằng chứng nào chứng tỏ Nước Đức Chúa Trời đã lan rộng khắp thế giới.

Nhìn theo khía cạnh của sự gia tăng dân số, chúng ta đang bị mất đất!


Người Do-thái đều biết Kinh Thánh và hiểu những hình ảnh Chúa dùng. “Men” đại diện cho điều ác (Xu 12:14-20 và “cây” lớn mạnh tượng trưng cho vương quốc lớn mạnh ở thế gian (Da 4:20-22; Exe 17:22-24; Exe 31:3-9). Hạt cải sẽ sinh cây cải nhỏ chớ không phải cây lớn. Nước Đức Chúa Trời sẽ bị ảnh hưởng bởi những lời dạy giả dối (Ga 5:1-9) hạt giống nhỏ (“Bầy nhỏ” Lu 12:32) sẽ mọc lên trong tình trạng đó và là nơi trú ngụ của Sa-tan (Mat 18:19). Hội thánh hôm nay có thể rơi vào hai tình trạng trên.


3. Câu hỏi thần học về sự cứu rỗi (Lu 13:22-30)

Những sự kiện được chép ở sách Giăng đoạn 9 và 10 khớp với Lu 13:22-23. Trong Gi 10:40-42, cho thấy Chúa Giê-xu rời khởi Giu-đê và qua bên kia sông Giô-đanh.Các sự kiện trong Lu 13:22-17:10 xảy ra ở Perea khi Chúa Giê-xu đang trên đường đến thành Giê-ru-sa-lem.


Các thầy thông giáo thường bàn luận về vấn đề bao nhiêu người sẽ được cứu. Có người hỏi ý Chúa Giê-xu về vấn đề này. Giống như câu hỏi về Phi-lát, Chúa chuyển ngay đề tài này thành vấn đề dành cho cá nhân. “Câu hỏi không phải là có bao nhiêu người được cứu, nhưng đó là các ngươi có được cứu hay không?” Hãy giải quyết vấn đề ấy trước, sau đó chúng ta có thể bàn luận những gì mình có thể làm được để giúp kẻ khác nhận được sự cứu rỗi.


Đôi khi tôi cũng nhận được một số “lá thư mang tính thần học” từ các thính giả radio, họ muốn bàn luận về thuyết tiền định, sự chọn lựa và những học thuyết phức tạp khác. Khi trả lời, tôi luôn hỏi họ về đời sống cầu nguyện của họ, sự làm chứng và công việc họ làm nơi Hội thánh địa phương.

Câu hỏi ấy khiến cho quan hệ thư từ thường chấm dứt sau đó! Nhiều người tự xưng là Cơ-đốc nhân, muốn bàn luận những học thuyết thâm sâu này nhưng lại không muốn áp dụng vào thực tiễn bằng cách đem người khác đến với chúa Giê-xu Christ!

Ông D.L.Moody cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin Ngài hãy cứu những kẻ được chọn và hãy chọn thêm nhiều người!”

“Nhiều người sẽ tìm cách vào mà không vào được” (Lu 13:24) Vì sao? Ví dụ này sẽ cho chúng ta biết tại sao và nó tập trung chủ yếu vào người Do-thái thời bấy giờ. Tuy nhiên đó cũng có một ứng dụng cá nhân cho mỗi chúng ta hôm nay.


Chúa Giê-xu phác hoạ hình ảnh Nước Đức Chúa Trời như một yến tiệc lớn, trong đó khách quý là các trưởng lão và tiên tri (Lu 13:28). nhiều người được mời nhưng họ do dự quá lâu, khi họ đến bữa tiệc thì đã quá trễ, cửa đã đóng (Lu 14:15-24; Mat 22:1-14).


Vì sao họ do dự quá lâu? Qua câu chuyện, ta thấy có nhiều lý do. Truớc tiên, sự cứu rỗi không phải dễ dàng nhận được. Tội nhân phải bước vào “cửa hẹp” và bước đi trên “con đường hẹp” (Lu 13:24; Lu 9:23). Những kẻ sống theo thế gian đều đi trên con đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất (Mat 7:13-14). Đối với họ, đi con đường rộng này thật dễ chịu.


Một lý do khác về sự trì hoãn của họ chính là “cảm giác an tâm” của họ Chúa Giê-xu ở giữa họ, thậm chí ăn chung với họ và đồng công với họ, thế nhưng họ chưa từng tin cậy Ngài. Đức Chúa Trời đã ban cho dân tộc này nhiều đặc ân và cơ hội, nhưng họ đã sống cách thờ ơ và lãng phí (Lu 10:13-16). Đức Chúa Trời là Đấng nhẫn nhục, nhưng khi “giờ đã điểm”, Ngài buộc phải “đóng cửa”.


Sự kiêu ngạo cũng chiếm một phần lớn trong sự trì hoãn của họ: họ không muốn hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời. Dưới mắt họ, họ là kẻ đứng đầu, nhưng đối với Đức Chúa Trời họ là kẻ sau rốt. Người ngoại sẽ đến thay chỗ họ (Mat 21:43). Bạn tưởng tượng xem, những con chó dân ngoại ô uế ngồi trong yến tiệc cùng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong khi những người Do-thái vô tín bị bỏ ra ngoài!


Những kẻ này bị hư mất vì tin rằng tôn giáo cũ rích kia có thể cứu rỗi họ nhưng Chúa Giê-xu xem họ như “kẻ làm dữ”, không phải “kẻ làm việc lành” (Es 64:4 Tit 1:16). Không phải bởi sự sùng bái những lễ nghi tôn giáo có thể giúp con người bước vào Nước Đức Chúa Trời!


Chúa Giê-xu đưa ra một lý do chính: ...“các ngươi chẳng muốn” (Lu 13:34). Tâm trí họ từng được Lời Chúa dạy dỗ (Lu 13:26) và tấm lòng họ từng bị khuấy động bởi những công việc quyền năng của Chúa, nhưng họ vẫn “cứng đầu” và không hạ mình trước Ngài. Đây là hậu quả bi thảm của sự trì hoãn. Tội nhân càng do dự lâu, “tấm lòng họ càng trở nên cứng cỏi”. Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng” (He 4:7).


Nhạc sĩ người Tây Ban Nha Manuel de Falla có tiếng xấu là: chẳng hồi âm thư từ nhận được. Khi nghe tin một người bạn qua đời, anh ta nói: “Thật tội nghiệp! Anh ta chết trước khi tôi hồi âm bức thư anh ta gởi tôi cách đây năm năm!”


Khi tội nhân khước từ lời mời của Đức Chúa Trời đến dự yến tiệc, họ là những kẻ hư mất. Họ phải bị gạt ra khỏi niềm vui. Thiên đàng và bị đoán phạt nơi có “khóc lóc và nghiến răng” (Lu 13:28). Đây là hình ảnh của những con người đắng cay hối tiếc vì nhận ra mình dại dột biết bao khi khước từ Đức Chúa Trời. Than ôi, đã quá trễ! Một trong những đau khổ cực độ nơi hỏa ngục sẽ là nhớ lại về những cơ hội đã bị bỏ qua!


Vậy, đâu là giải pháp? “Hãy gắng sức vào cửa hẹp” (Lu 13:24), Từ “gắng sức” trong thể thao mô tả một vận động viên cố hết sức để thắng cuộc tranh tài. Nếu hôm nay con người cũng dồn mọi nỗ lực vào những công việc thuộc linh như trong thể thao, chắc chắn họ sẽ trở nên đổi mới nhiều hơn.


4. Câu hỏi riêng về sự nguy hiểm (Lu 13:31-35)

Chúa Giê-xu ở lại Perea nơi Hê-rốt An-ti-pa con trai vua Hê-rốt Đại đế cai trị. Người Pha-ri-si muốn Chúa Giê-xu trở lại xứ Giu-đê nơi các chức sắc tôn giáo có thể dò xét Ngài và gài bẫy Ngài. Vì thế, họ cố hù doạ để đẩy Ngài đi.


Vua Hê-rốt bối rối khi nghe về những việc Chúa Giê-xu làm và lo sợ rằng: Giăng Báp-tít người bị ông giết hại có lẽ đã sống lại (Lu 9:7-9). Thật ra Hê-rốt một mặt cũng muốn gặp Chúa Giê-xu để xem Ngài làm phép lạ (Lu 23:8). Tuy nhiên, lòng Hê-rốt có lẽ đã trở nên cứng cỏi vì giờ đây ông hăm doạ Chúa Giê-xu. Lời thông báo của người Pha-ri-si (Lu 13:31) chắc chắn là sự thật nếu không Chúa Giê-xu đã không trả lời họ như cách Ngài đã trả lời.


Chúa chúng ta không sợ nguy hiểm.

Ngài sống theo giờ giấc của Đức Chúa Trời, nên không điều gì có thể làm tổn hại đến Ngài. Ngài đang thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời theo giờ giấc Cha trên trời đã định (Gi 2:4; Gi 7:30; Gi 8:20; Gi 13:1; Gi 17:1). Từ buổi sáng thế, Con Đức Chúa Trời đã được định trước phải chịu đóng đinh trong thành Giê-ru-sa-lem tại kỳ lễ Vượt Qua (IPhi 1:20; Kh 13:8) và cả vua Hê-rốt cũng không thể ngăn trở ý muốn Đức Chúa Trời. Trái lại, kẻ thù của Chúa đã khiến ý muốn Đức Chúa Trời được ứng nghiệm (Công 2:23; Công 3:13-18).


Chúa Giê-xu đáp lời bằng cách dùng “lời mỉa mai thánh”. Ngài so sánh Hê-rốt với con cáo, một con vật mà dân Do-thái rất thù ghét (Ne 4:3). Nổi tiếng về sự xảo quyệt, loài cáo là một minh hoạ thích đáng về vua Hê-rốt - một con người độc ác. Chúa Giê-xu mang một trọng trách và Ngài muốn hoàn thành nhiệm vụ. Tóm lại, Ngài đã bước đi trong sự sáng (Gi 11:9-10; Gi 9:4), và loài chồn cáo săn mồi trong bóng tối!


Chúa Giê-xu cũng nhắn nhủ một lời với dân tộc Ngài:

“Không có lẽ một đấng tiên tri phải chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem” (Lu 13:33). Lời này giống với lời Ngài phán cùng các thầy thông giáo và người Pha-ri-si ở Lu 11:47-51. Dân này không chỉ khước từ lời mời yêu thương của Đức Chúa Trời tại yến tiệc của Ngài, nhưng còn giết hại những tôi tớ được sai đến với mình (Công 13:27).


Lòng Chúa tan vỡ khi thấy sự vô tín và chống đối đầy dẫy quanh Ngài, và Ngài chợt biểu lộ cảm xúc mạnh mẽ về tình cảnh bi đát của dân tộc Do-thái. Đây là tiếng kêu nức nở về nỗi thống khổ, không phải là lời phẫn nộ. Lòng Ngài đau đớn vì thương xót cho dân tộc này.


Con gà mái và đàn gà con gợi lên hình ảnh gia đình đối với nhà nông như dân Do-thái (Thi 91:4). Vài chỗ trong Kinh Thánh Cựu-ước nói về “cánh”, đó là cánh của các chê-ru-bin trong nơi chí thánh ở đền thờ (Xu 26:20; Ru 2:12; Thi 36:7-8; Thi 61:4). Gà mái túc đàn gà con khi nó thấy có nguy hiểm đang đến. Người Pha-ri-si báo cho Chúa rằng Ngài đang gặp nguy hiểm, nhưng thật sự họ mới là những kẻ đang ở trong sự nguy hiểm!


Trong nỗi thống khổ này, Chúa Giê-xu muốn nói với cả dân tộc Do Thái chớ không chỉ với những người Pha-ri-si muốn khiêu khích Ngài. Dân này đã được ban cho quá nhiều cơ hội để ăn năn tội nhằm hưởng sự cứu rỗi, nhưng họ đã khước từ lời kêu gọi của Ngài. “Nhà” ở đây chỉ về dòng họ của Gia-cốp (nhà Y-sơ-ra-ên) và đền thờ (nhà Đức Chúa Trời), cả hai sẽ bị “bỏ hoang”. Thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ đã bị phá đổ và dân tộc này bị tản lạc khắp nơi trên thế giới.


Sẽ có một ngày mai dành cho dân Y-sơ-ra-ên. Thời giờ ấy sẽ đến khi Đấng Mê-si-a của họ trở lại và mọi người đều chứng kiến. Họ sẽ nói: “Phước cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến” (Lu 13:35) (Thi 118:26). Một số người đã cất lên lời ngợi khen này khi Chúa tiến vào Giê-ru-sa-lem (Lu 19:38). Tuy nhiên, lời ngợi khen này sẽ trọn vẹn khi Chúa trở lại trong sự vinh hiển (Mat 24:30-31; Xa 12:10; Xa 14:4).


Nhà Y-sơ-ra-ên đã bị hoang vu.

Dân tộc họ không có vua cai trị hoặc thầy tế lễ, không đền thờ, không của lễ (Os 3:4-8). Tuy nhiên Đức Chúa Trời có lời hứa rằng Ngài sẽ không bỏ dân này (Rô 11:1). Không thể có sự bình an trên đất cho đến kỳ Vua Bình An ngự trên ngôi Đa-vít (Es 9:6 Es 11:1).

“Hãy cầu hòa bình cho Giê-ru-sa-lem!” (Thi 122:6) Hãy gắng sức vào Cửa Hẹp!



 


13. CON NGƯỜI ĐẾN DÙNG BỮA (Lu 14:1-35)


Tiếp đãi khách trong ngày Sa-bát là một phần quan trọng trong đời sống người Do-thái, nên không có gì lạ khi Chúa Giê-xu được mời đến nhà dùng bữa sau buổi thờ phượng hàng tuần tại nhà hội. Đôi khi chủ nhà mời Ngài rất thực lòng vì muốn học thêm về lẽ thật của Đức Chúa Trời. Nhưng cũng có lúc Chúa được mời dùng bữa chỉ vì kẻ thù muốn luôn dò xét Ngài và tìm cớ để chỉ trích hoặc kết tội Ngài. Đây là trường hợp được mô tả trong đoạn 14 khi có một người kẻ cả dòng Pha-ri-si mời Chúa dùng bữa.


Chúa Giê-xu hiểu rõ mọi suy nghĩ trong lòng người ta (Gi 2:24-25) nên Ngài chẳng phó mình cho họ. Thay vì chủ nhà hoặc khách xét đoán Chúa, chính Ngài đã xét đoán họ lúc họ chẳng ngờ. Ở phương diện này Ngài là “người đáng sợ” đối với những ai dùng bữa với Ngài hoặc đồng hành với Ngài! Qua Lu 14:1-35, bạn sẽ thấy Chúa dối phó với 5 hạng người khác nhau và bày tỏ những điều giả dối trong tư tưởng và nếp sống của họ.


1. Người Pha-ri-si - lòng kỉnh kiền giả dối (Lu 14:1-6)

Lời lên án gay gắt của Chúa Giê-xu đối với người Pha-ri-si và các thầy thông giáo thay vì khiến họ ăn năn (Lu 11:39-52) lại làm khơi dậy lòng căm thù trong lòng họ, nên họ tìm phương nghịch Ngài.

Người Pha-ri-si đã mời Chúa dùng bữa, cũng mời một người bị bệnh thuỷ thũng. Đây là một căn bệnh rất đau đớn, vì thận gan hoặc tim có vấn đề, các mô bị trữ nước.

Người Pha-ri-si này thật nhẫn tâm khi dùng người bệnh này như một “công cụ” để thực hiện mục đích xấu xa của họ. Nếu không yêu Chúa, chúng ta sẽ khó lòng yêu thương người lân cận. Thái độ vô tâm trước con người của họ tệ hại hơn nhiều so với cách cư xử “phạm luật” của Chúa trong ngày Sa-bát.


Nếu người bệnh này không được sử dụng như một cái bẫy để bắt bẻ Chúa Giê-xu, hẳn người Pha-ri-si đã không mời anh ta dự một bữa ăn quan trọng như vậy. Họ biết rằng Chúa không thể nhìn thấy một con người đau khổ vì bệnh hoạn đã lâu mà không giúp gì cho người ấy. Nếu không quan tâm đến người bệnh, Ngài là người không có lòng thương xót. Nhưng nếu chữa bệnh cho anh ta, dĩ nhiên Ngài sẽ bị xem là người phạm luật Sa-bát và họ sẽ tố cáo Ngài. Họ đặt người bệnh ngồi ngay trước mặt Chúa cốt để Ngài có thể nhìn thấy anh ta, rồi chờ “cái bẫy” bị sập.


Hãy nhớ rằng Chúa Giê-xu đã “vi phạm” những truyền thống ngày Sa-bát ít nhất là 7 trường hợp khác nhau. Trong ngày Sa-bat, Ngài đã đuổi quỷ (Lu 4:31-37), chữa người đau rét (Lu 4:38-39), cho phép môn đệ bứt bông lúa (c.1-5), chữa lành người bại (Gi 5:1-9), chữa lành người teo tay (Lu 6:6-10), chữa người đàn bà đau bại và mắc quỉ ám (Lu 13:10-17), chữa người mù từ lúc mới sanh (Gi 9:1-41). Chúng ta không hiểu vì sao kẻ thù của Chúa nghĩ rằng cần có thêm một chứng cớ nữa để buộc tội Ngài là điều cần thiết, nhưng chúng ta đều biết rằng mọi mưu kế của họ đã đem lại kết quả ngược với sự mong đợi.


Khi Chúa hỏi về niềm tin của họ về ngày Sa-bát, Ngài đã dùng chính vũ khí họ định dùng cho Ngài để tấn công họ. Trước tiên, họ không thể chữa lành cho ai vào bất cứ ngày nào, và mọi người biết như vậy. Hơn thế, nếu người Pha-ri-si cho rằng không được chữa bệnh cho ai trong ngày Sa-bát, vậy họ là những kẻ tàn nhẫn dưới mắt dân chúng. Nếu cho phép chữa bệnh, họ sẽ bị những người cùng hội xem là kẻ phạm luật pháp. Chính họ đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” chớ không phải Chúa Giê-xu. Họ cần một lối thoát. Họ từng làm vậy hơn một lần, nên né tránh vấn đề bằng cách nín lặng.


Chúa chữa lành người bệnh và cho anh ta đi, vì biết rằng nhà của người Pha-ri-si không phải là nơi an toàn nhất cho anh ta. Thay vì cung cấp chứng cớ nghịch lại Chúa Giê-xu, người được chữa lành đã trở thành bằng chứng chống lại người Pha-ri-si, vì anh ta là “sự phô bày tuyệt hảo” về quyền năng chữa bệnh của Chúa Giê-xu.


Chúa biết rất rõ những con người thuộc nhóm chủ lực này nên không để cho họ thoát. Ngài biết rằng trong ngày Sa-bát họ sẽ cứu súc vật khi chúng gặp nguy hiểm. Vậy tại sao Ngài lại không được phép cứu một con người được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Dường như họ cho rằng súc vật quan trọng hơn con người! (Tiếc thay, hôm nay cũng có một số người yêu súc vật nuôi trong nhà nhiều hơn cả người thân trong gia đình, người lân cận và một thế giới hư mất).


Chúa Giê-xu đã phơi bày lòng kỉnh kiền giả dối của người Pha-ri-si và các thầy thông giáo - Họ tuyên bố bảo vệ luật pháp Đức Chúa Trời, nhưng thực ra họ đang chối bỏ Đức Chúa Trời bằng thái độ ngược đãi con người và tố cáo Đấng Cứu Thế. Có một sự khác nhau rõ rệt giữa việc bảo vệ lẽ thật của Đức Chúa Trời và duy trì những thông lệ của con người.


2. Khách mời - tìm kiếm hư danh (Lu 14:7-11)

Những người có kinh nghiệm về giao tiếp cho biết đa số con người đều muốn tỏ ra mình là “người quan trọng”. Nếu chúng ta hành động theo ý họ, chúng ta sẽ đắc nhân tâm. Mặt khác, nếu ta nói hoặc làm điều gì cho thấy họ không là người quan trọng, chúng ta sẽ thất bại trong giao tiếp. Vì vậy con người sẽ trở nên giận dữ và thù hằn, vì ai cũng muốn người khác chiếu cố và xem mình là kẻ quan trọng.


Thời của Chúa Giê-xu cũng như ngày nay, đã có những dấu hiệu về “địa vị” khiến con người luôn nâng cao và bảo vệ uy thế mình trong xã hội. Nếu chúng ta được mời đến một nơi sang trọng, được ngồi vào chỗ cao nhất, mọi người sẽ biết rằng chúng ta quan trọng biết bao. Điều được đề cập là danh tiếng chớ không phải là phẩm cách. Đối với con người, ngồi ở những nơi cao còn quan trọng hơn sống một đời sống ý nghĩa!


Trong thời Tân-ước, việc ngồi càng gần chủ tiệc càng chứng tỏ được địa vị cao trọng trong xã hội và càng được sự chú ý (và cả những lời mời) của những người khác. Đương nhiên, khi cửa mở ra, nhiều người đã lao đến bàn tiệc ở đầu vì muốn được làm nhân vật quan trọng.


Thái độ này cho thấy một quan niệm sai lầm về sự thành công. Albert Einstein nói rằng: “Bạn đừng cố gắng trở nên kẻ thành công nhưng hãy cố trở thành người có giá trị”. Ngoài một vài trường hợp đặc biệt, còn thì người có giá trị cuối cùng cũng được người khác biết đến và tôn trọng. Sự thành công do tính “tự tôn” chỉ có tính chất tạm thời, bạn có thể bị bẽ bàng khi người ta “hạ bạn xuống” (Ch 25:6,7).


Khi Chúa Giê-xu khuyên khách mời ngồi nơi thấp nhất, Ngài không muốn dạy họ một “mánh lới” để được người khác cất nhắc. Đức Chúa Trời không thích sự khiêm nhường giả dối qua hành động ngồi ở nơi thấp nhất cũng như sự kiêu ngạo khi ngồi ở nơi cao nhất. Dù dưới hình thức nào, Đức Chúa Trời không bao giờ bị ấn tượng bởi địa vị xã hội hay giáo hội của chúng ta. Ngài cũng không bị tác động bởi những điều con người nói hoặc nghĩ về chúng ta, vì Ngài hiểu thấu mọi suy nghĩ và động cơ trong lòng người (ISa 16:7). Đức Chúa Trời sẽ hạ kẻ kiêu ngạo và cất nhắc người khiêm nhường (Gia 4:6).


Nhà văn người Anh Francis Bacon ví danh vọng như một dòng sông dễ dàng mang “những thứ nhẹ và xốp” nhưng nhận chìm “những thứ nặng nề và rắn chắc”. Thật thú vị khi xem qua những Tự điển bách khoa cũ và thấy rằng có nhiều “danh nhân” nay đã trở thành “những con người bị quên lãng”.


Sự khiêm nhường là ơn phước quan trọng trong đời sống Cơ-đốc nhân, nhưng đó cũng là điều khó nhận được. Nếu bạn biết mình có, bạn đã mất nó! Người ta cho rằng sự khiêm nhường không phải là xem nhẹ bản thân, nhưng chỉ đơn giản là không nghĩ gì về bản thân hết. Chúa Giê-xu là tấm gương tuyệt vời về sự khiêm nhường, vậy chúng ta hãy nài xin Đức Thánh Linh giúp chúng ta có thể bắt chước Đấng Christ (Phi 2:1-16).


3. Chủ nhà: Sự hiếu khách giả dối (Lu 14:12-14)

Chúa Giê-xu biết rằng người chủ nhà này mời khách với hai lý do: mời lại họ vì họ đã mời anh ta những bữa tiệc trước, hoặc mời họ trước để mong họ sẽ mời lại anh ta những kỳ lễ sau. Thái độ tiếp đãi đó không phải là một sự bày tỏ lòng yêu thương, nhân từ nhưng là biểu hiện của sự kiêu ngạo và ích kỷ. Anh ta muốn “mua” sự thừa nhận.


Chúa Giê-xu không cấm chúng ta tiếp đãi gia đình và bạn hữu, nhưng Ngài khuyên chúng ta không nên chỉ tiếp đãi gia đình cùng bạn hữu đặc biệt và thường xuyên. Tình cảm đó sẽ nhanh chóng bị xuống cấp trong sự tâng bốc lẫn nhau, mỗi người đều cố vượt hơn kẻ khác và không ai dám phá lệ. Thật buồn khi phải nói có nhiều người trong Hội thánh sống theo cách này.


Động cơ tiếp đãi của chúng ta phải xuất phát từ tinh thần tôn vinh Đức Chúa Trời chớ không phải sự tán dương của con người. Đó là phần thưởng đời đời trên trời chớ không phải sự công nhận tạm thời của con người nơi thế gian.

Một người bạn của tôi là mục sư, thường nhắc nhở tôi bằng câu nói thật hữu lý: “Anh không thể nhận phần thưởng hai lần! ” (Mat 6:1-18). Vào kỳ phán xét cuối cùng, nhiều người được xem là “đầu” dưới mắt con người hôm nay sẽ trở nên “rốt” dưới mắt Đức Chúa Trời, và nhiều người là “dốt” dưới mắt con người sẽ trở nên “đầu” dưới mắt Chúa (Lu 13:30).


Trong thời đại của Chúa Giê-xu, việc mời người nghèo khổ và tàn tật dự tiệc bị coi như là điều không “hợp lẽ” (Phụ nữ cũng không được mời thời bấy giờ! ). Nhưng Chúa Giê-xu khuyên chúng ta ghi những người nghèo khổ và tàn tật vào đầu danh sách khách mời vì họ không có khả năng trả lại chúng ta. Nếu chúng ta làm việc ấy với tấm lòng nhân ái. Đức Chúa Trời sẽ “thưởng công” cho chúng ta dù phần thưởng ấy không phải là động cơ để bày tỏ sự rộng rãi. Khi tiếp đãi, phục vụ kẻ khác bằng tấm lòng quảng đại, chúng ta thật đã “chứa của cải ở trên trời” (Mat 6:20) và trở nên “giàu có nơi Đức Chúa Trời” (Lu 12:21).


Thế gian hôm nay đầy dẫy sự bon chen, khiến con cái Đức Chúa Trời dễ dàng có xu hướng quan tâm đến vấn đề “lời lỗ, được mất” hơn là nghĩ đến sự hy sinh và tinh thần phục vụ. “Tôi sẽ được chi?” Có thể đã trở thành câu hỏi quan trọng nhất của đời người (Mat 19:27). Chúng ta hãy có thái độ quên mình như Chúa Giê-xu và chia sẻ điều mình có với kẻ khác.


4. Người Do-thái - Sự an toàn giả dối (Lu 14:15-24)

Khi Chúa Giê-xu nhắc đến “kẻ công bình sống lại”, một vị khách hăm hở nói: “Phước cho kẻ sẽ được ăn bánh trong Nước Đức Chúa Trời”.

Dân Do-thái ví Nước Đức Chúa Trời trong tương lai như một yến tiệc lớn có sự tham dự của những vị khách danh dự như Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và những tiên tri (Lu 13:28; Es 25:6). Vị khách này tin rằng một ngày nào đó ông ta sẽ được dự yến tiệc ở Nước Trời cùng với các vị khách danh dự! Để đáp lời ông, Chúa Giê-xu kể một câu chuyện cho thấy hậu quả bi thảm do lòng tin giả dối ấy.


Vào thời của Chúa Giê-xu, khi bạn mời khách đến dùng bữa, bạn cho họ biết ngày mời nhưng thời gian dùng bữa không chính xác. Chủ nhà phải biết bao nhiêu khách sẽ đến để có thể làm thịt đủ số súc vật chuẩn bị cho bữa ăn được chu đáo. Ngay trước bữa ăn, chủ nhà sai đầy tớ đến từng khách mời để cho họ biết bữa ăn đã sẵn sàng và họ phải đến dự (Exo 5:8; Exo 6:14). Nói cách khác, trong câu chuyện của Chúa Giê-xu, mọi vị khách đều đồng ý sẽ đến dự tiệc. Chủ nhà chờ đợi họ đến. Nhưng thay vì hăm hở đến dự tiệc, tất cả các khách mời đã làm mất mặt chủ nhà khi chối từ dự tiệc và viện những lý do chẳng chính đáng để bào chữa cho sự thay đổi của mình.


Người khách thứ nhất xin kiếu vì phải “đi coi” một đám ruộng đã mua. Ở phương Đông, việc mua bán bất động sản là tiến trình phức tạp và lâu dài, hẳn người này đã có nhiều cơ hội để xem đất anh ta muốn mua. Những ai mua đất mà chưa từng xem qua trước thật là điều lạ! Đa số các bữa tiệc đều tổ chức vào chiều tối, vậy mà người khác này cũng muốn sử dụng thời gian còn lại ít ỏi trong ngày để xem đất vội vàng như vậy!


Người khách thứ hai cũng bận việc mua bán, anh ta làm vẻ vội vàng vì phải mua 10 con bò. Tương tự như vậy, có ai mua súc vật với số lượng nhiều như vậy mà không kiểm tra trước? Ngày hôm nay nếu mua một chiếc xe hơi, có ai không “lái thử” trước? Hơn nữa làm sao người này có thể kiểm tra số bò đó khi trời đã tối? Câu nói: “tôi phải đi xem thử” cho thấy anh ta đã đang trên đường đến nông trại khi đầy tớ của chủ tiệc đến mời lần cuối.


Người khách thứ ba thật sự chẳng có lý do nào để xin kiếu. Lễ cưới của người Do-thái đâu phải là điều bất ngờ vì người ta đã chuẩn bị rất chu đáo, vì vậy hẳn người này đã biết trước mình sẽ lấy vợ. Trong trường hợp này, lẽ ra anh ta không nên nhận lời mời dự tiệc nơi danh dự như vậy. Chỉ có người nam Do-thái mới được mời dự tiệc, nên chủ nhà không muốn người vợ của khách mời đi theo. Người mới lấy vợ không tham gia chiến trận (Phuc 24:15) chớ đâu bị cấm dự tiệc!


Dĩ nhiên đó chỉ là những lời thoái thác mà thôi. Tôi nhớ Billy Sunday định nghĩa rằng: “Thoái thác như một lớp vỏ lý do bao bọc một sự dối trá”. Con người chỉ chuyên viện lý do thường là người chẳng làm điều gì tốt đẹp cả. Ba vị khách này thực sự mong sẽ được mời dự tiệc vào dịp khác trong tương lai, nhưng họ sẽ chẳng bao giờ được mời nữa.


Vì đã chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn cho nhiều khách mời, chủ nhà không muốn để thức ăn bị bỏ đi một cách lãng phí nên đã sai đầy tớ đi ra mời những người ngoài đường phố vào dự tiệc. Những người được mời ở các đường phố, chợ, dọc hàng rào là hạng người nào? Đó là những kẻ bơ vơ, không nhà, tha phương cầu thực, bị xã hội khinh ghét - những con người mà Chúa Giê-xu đã đến để cứu vớt họ (Lu 15:1-2; Lu 19:10). Thậm chí có cả những người ngoại trong số được mời dự tiệc!


Những con người này chỉ có một lý do để từ chối lời mời ân cần ấy: vì họ chưa chuẩn bị dự một bữa tiệc linh đình như vậy! Vì thế, đầy tớ phải nài ép họ (IICôr 5:20). Họ không có cớ nào để chối từ. Kẻ nghèo khó không thể đủ tiền để mua bò, người mù loà không thể “đi coi” ruộng và người nghèo khó, kẻ què đui, thường không được hứa hôn. Họ là những con người đói khát, cô đơn, nay quá hạnh phúc đến nỗi không dám nhận lời dự một bữa tiệc miễn phí!


Chủ nhà không chỉ đem những người khác vào thế chỗ những vị khách được mời, mà còn đóng cửa lại để những kẻ viện cớ kia không thể đổi ý và đến dự tiệc được (Lu 13:22-30). Chủ nhà thực sự đã nổi giận. Chúng ta ít khi nghĩ đến thái độ giận dữ của Đức Chúa Trời đối với những ai từ chối lời mời ân cần của Ngài, nhưng những lời trong Es 55:6 và Ch 1:24-33 khuyên chúng ta không nên thờ ơ với sự kêu gọi của Ngài.


Câu chuyện này mang một thông điệp đặc biệt đến cho dân Do-thái kiêu ngạo, là những kẻ tin chắc sẽ được “ăn bánh trong Nước Đức Chúa Trời”. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Phúc-Âm của Đức Chúa Trời đã bị các chức sắc tôn giáo chối bỏ. Vì vậy Phúc-Âm đã được rao ra cho dân Sa-ma-ri (Công 8:1-40) và cho dân ngoại (Công 10:1-48; Công 13:1-52).


Thông điệp trong câu chuyện này cũng dành cho mọi tội nhân hư mất ngày hôm nay. Đức Chúa Trời vẫn đang phán: “Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi!” Bạn chẳng cần phải làm gì nữa để cứu linh hồn mình, vì Chúa Giê-xu đã hoàn tất công tác cứu chuộc khi chết thay bạn trên thập tự giá và sống lại từ cõi chết.

Bữa tiệc đã được dọn sẵn, lời mời có tính vô điều kiện, bạn cũng được mời dự tiệc. Hôm nay, con người cũng mắc sai lầm như những người trong câu chuyện này: họ cũng trì hoãn, không đáp ứng ngay lời mời vì phải lo cho những việc không cần thiết. Dĩ nhiên, không có gì sai trái khi bạn có một mảnh vườn hay đi xem một món hàng đã mua, hoặc dành một buổi tối ở cạnh người mình yêu.

Tuy nhiên, nếu những điều dường như tốt đẹp này ngăn cản bạn đến với những gì tốt nhất, vậy đó là những việc “không hợp lẽ”. Những kẻ hay viện cớ thực sự là những người thành công dưới mắt bạn hữu, nhưng chính là kẻ thất bại dưới mắt Đấng Christ. Đời sống Cơ-đốc nhân là một bữa tiệc, chớ không phải một đám tang và tất cả, chúng ta đều được mời đến dư. Là những người tin Chúa, mỗi chúng ta phải loan thông điệp này ra “Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi!” .

Đức Chúa Trời muốn thấy nhà Ngài đầy người, vậy mà “hãy còn thừa chỗ”. Chúa muốn chúng ta trở về nhà (Mac 5:19), đi ra chợ và các đường phố (Lu 14:21), ra các đường lớn và dọc hàng rào (Lu 14:23) và đi khắp thế gian (Mac 16:15) giảng Phúc-Âm của Chúa Giê-xu cho mọi người.


Câu chuyện này cũng là một phần trong bài giảng cuối cùng của ông D.L.Moody ngày 23/11/1899 tại Thính phòng Civic ở thành phố Kansas. Ông giảng đề tài “những thoái thác” khi đang bị bệnh. Ông nói với các sinh viên ở Chicago rằng: “Tôi phải dành được những linh hồn ở thành phố Kansas. Đây là lúc tôi muốn đưa nhiều người đến với Đấng Christ hơn bao giờ hết!”


Tim của Moody đập mạnh, ông phải nghỉ ngơi, nhưng ông đã truyền giảng Phúc-Âm một cách dạn dĩ. Khoảng 50 người đã tiếp nhận Chúa. Hôm sau, Moody trở về nhà và qua đời sau một tháng. Đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn muốn nài ép người khác vào “dự tiệc” của Đức Chúa Trời.


5. Đoàn dân đông: mong đợi giả dối (Lu 14:25-35)

Khi Chúa rời khỏi nhà người Pha-ri-si đoàn dân rất đông đi theo Ngài, nhưng Chúa không hề cảm động về sự nhiệt tình của họ. Chúa biết rằng đa số họ không mảy may quan tâm đến những vấn đề thuộc linh. Một số người muốn xem phép lạ, số khác nghe kể về việc Chúa nuôi những người đói khổ, một số ít hy vọng Ngài sẽ lật đổ Rô-ma và lập vương quốc đã hứa ban cho Đa-vít. Họ đều trông đợi những điều không hợp lẽ.


Chúa xây lại đoàn dân và giảng một bài về sự dạy dỗ, cốt để giải tán bớt đám đông.Ngài phán rõ rằng khi đề cập đến việc theo Chúa của cá nhân, Ngài quan tâm đến “thực chất” hơn “số lượng”. Trong phương diện cứu rỗi linh hồn hư mất, Ngài muốn nhà Ngài có nhiều người (Lu 14:23), nhưng về phương diện làm môn đệ, Ngài chỉ muốn những ai sẵn sàng trả giá để theo Ngài.


Môn-đồ” là người theo học.

Gắn bó với một vị thầy để học nghề hoặc một môn học nào đó. Ngày nay, người học việc cũng học bằng cách nhìn xem và làm theo. Từ “môn-đệ” thường dùng cho những người theo Chúa Giê-xu và được nhắc đến 264 lần trong các sách Phúc-Âm và sách Công-vụ.


Chúa Giê-xu dường như muốn phân biệt rõ giữa sự cứu rỗi và địa vị môn-đệ. Sự cứu rỗi dành cho những ai đến với Chúa bởi đức tin, còn địa vị môn đệ dành cho người tin theo và chấp nhận trả giá. Được cứu rỗi nghĩa là đến thập tự giá và tin nhận Chúa Giê-xu, còn làm môn đệ Chúa là mang lấy thập tự giá và theo Chúa Giê-xu, Chúa Giê-xu muốn có nhiều tội nhân được cứu (“cho được đầy nhà ta”), nhưng Ngài khuyên chúng ta không nên xem nhẹ phương diện làm môn đệ Ngài. Qua ba ví dụ Ngài đưa ra, Ngài bày tỏ rằng theo Ngài, phải trả một giá.


-Trước tiên, chúng ta phải yêu Chúa trên hết, hơn cả người thân của mình (Lu 14:26-27). Từ “ghét” ở đây không có nghĩa là một sự đối kháng ra mặt, nhưng đó là “yêu ít hơn” (Sa 29:30-31; Ma 1:2-3; Mat 10:37). Tình yêu của chúng ta đối với Đấng Christ phải mạnh mẽ đến độ nếu đem so sánh với những điều khác dường như chúng ta đã “ghét” người thân vậy! Thật vậy, chúng ta phải tự bỏ mình đi, vác thập tự để theo Chúa.


“Vác thập tự giá” có nghĩa là gì? Đó là hành động giống Chúa mỗi ngày qua sự nhịn nhục, chịu khổ và đầu phục ý muốn Đức Chúa Trời. Đó là sự tình nguyện hầu việc Chúa theo sự hướng dẫn của Ngài (Gi 12:23-28). “Thập tự” là điều gì đó đến từ Đức Chúa Trời và chúng ta sẵn sàng chấp nhận nó như ý muốn Ngài dành cho đời sống chúng ta. Tín hữu nào gọi những người lân cận làm phiền mình là “thập tự” mà mình phải mang lấy, chắc chắn người ấy chẳng hiểu gì về ý nghĩa của sự ‘tự bỏ mình đi”.


Chúa đưa ra ba ví dụ để giải thích lý do Ngài có những đòi hỏi “đắt giá” đối với người theo Ngài: một người muốn xây tháp, vị vua đi đánh trận, và muối mất mặn.Theo sự giải nghĩa thông thường những người tin Chúa được tượng trưng bởi người xây tháp và vị vua đi đánh trận, chúng ta phải “tính phí tổn” trước khi khởi sự, kẻo chỉ có bắt đầu mà không có kết thúc. Nhưng tôi lại đồng ý với cách giải nghĩa của Campbell Morgan cho rằng: người xây tháp và vị vua đi đánh trận không phải tượng trưng cho những người tin Chúa, nhưng tượng trưng cho Chúa Giê-xu.

Ngài là Đấng phải “tính phí tổn” để biết chúng ta có phải là loại “nguyên vật liệu” Ngài có thể sử dụng để thành lập Hội thánh và đánh bại kẻ thù hay không. Ngài không thể thực hiện công việc với những môn đệ thiếu can đảm không dám trả giá theo Ngài.


Khi viết đến đoạn này, tôi ngước lên và có thể thấy trên kệ sách của mình hằng trăm quyển tài liệu về tiểu sử và lời chứng của các Cơ-đốc nhân, những câu chuyện về người tin kính đã đóng góp nhiều trong sự gây dựng Hội thánh và đương đầu với khó khăn. Họ sẵn sàng trả giá và được Chúa ban ơn, sử dụng. Họ là những con người có tính chất của “muối”.


Chúa Giê-xu cho môn-đệ Ngài biết họ là “muối của đất” (Mat 5:13) khi các tội nhân tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Đấng Cứu Thế, một phép lạ đã xảy ra và “bụi đất” trở nên “muối”. Thời bấy giờ, muối là mặt hàng rất quý, một phần tiền lương của quân nhân được trả bằng muối! (Từ “muối” và “tiền công” có liên quan đến câu nói: “Anh ta không đáng nhận muối”).


Muối là chất bảo quản, vì vậy con cái Đức Chúa Trời ở thế gian là những con người làm chậm sự phát triển của điều ác và sự xấu xa. Muối cũng là chất tẩy bẩn, khử trùng, làm cho mọi thứ sạch hơn. Muối có thể làm đau rát vết thương nhưng giúp vết thương khỏi bị nhiễm trùng. Muối thêm hương vị cho thức ăn và rất cần cho con người. Với hạnh kiểm và tư cách của mình, chúng ta phải khiến người khác cần Chúa Giê-xu và sự cứu rỗi mà chỉ có Ngài mới có thể ban cho.


Ngày nay, muối được tinh lọc và không bị mất vị mặn. Nhìn vào thời Chúa Giê-xu, muối chưa được tinh lọc và có thể bị mất vị mặn đặc biệt là nếu rơi xuống đất. Một khi vị mặn mất đi, không có cách nào làm cho mặn lại, muối ấy phải bị liệng ra đường và bị người ta chà đạp. Khi một môn đệ Chúa đánh mất phẩm chất của Cơ-đốc nhân người ấy sẽ trở nên “vô dụng”, sẽ bị người ta “chà đạp” và làm danh Chúa bị sỉ nhục.


Làm môn đệ Chúa là việc rất quan trọng. Nếu chúng ta không phải là những môn đệ thật, Chúa không thể xây lên “cái tháp” và “đánh trận” được. Oswald Chambers cho rằng: “Luôn luôn có chữ nếu trong mối liên hệ với địa vị làm môn đệ Chúa. Nó cho thấy chúng ta không cần phải là những môn đệ trừ khi chúng ta muốn. Không có sự ép buộc bao giờ, Chúa Giê-xu không ép buộc chúng ta. Chỉ có một cách để làm môn đệ Chúa, đó là tự bỏ mình mà theo Ngài”.


Nếu chúng ta nói với Chúa rằng chúng ta muốn vác thập tự theo Ngài như các môn đệ khi xưa, hẳn Ngài cũng muốn chúng ta biết rõ chúng ta sẽ được gì. Chúa Giê-xu không muốn có tình trạng của mong đợi giả dối, ảo tưởng hoặc mặc cả. Ngài muốn dùng chúng ta như những viên đá để gây dựng Hội Thánh của Ngài, như những chiến sĩ để đánh bại kẻ thù Ngài và như muối để giữ cho thế giới tốt đẹp hơn, Ngài chỉ muốn tìm kiếm phẩm chất nơi chúng ta.


Tóm lại, Ngài đã phán những lời này trên đường đến Giê-ru-sa-lem. Chúa không bảo chúng ta làm gì cho Ngài mà Ngài lại chưa làm gì cho chúng ta. Chúa phán với một số người: “Các ngươi không thể làm môn đệ ta được”. Vì sao? Bởi họ không thể từ bỏ mọi điều vì Ngài, không thể chịu sỉ nhục, chỉ trích vì Ngài và không dành tình yêu cho Chúa để Ngài hướng dẫn. Họ không thể vượt qua được những trở ngại đó. Bạn sẽ làm môn đệ Ngài chứ?



 


14. NIỀM VUI TRONG SỰ CỨU RỖI (Lu 15:1-32)


Khi ông D.L.Moody hướng dẫn Trường Chúa nhật ở Chicago, có một cậu bé nhà ở xa đến dự. Có người hỏi cậu: “Sao cháu không đi Trường Chúa nhật nào gần nhà hơn?” Câu trả lời của cậu bé có lẽ cũng giống với cách trả lời của những người thâu thuế và tội nhân trong thời Chúa Giê-xu: “Tại vì cháu mến người bạn ngồi đằng kia kìa!”


Thật ý nghĩa khi Chúa Giê-xu thu hút sự chú ý của tội nhân trong khi người Pha-ri-si lại khước từ họ (còn Hội thánh của chúng ta ngày nay thì sao?). Các tội nhân đến với Chúa không phải vì Ngài mua vui cho họ hay vì Ngài rao thông điệp của Ngài, nhưng chỉ vì Ngài đã chăm sóc, quan tâm đến họ. Ngài hiểu điều họ cần và giúp đỡ họ, trong khi người Pha-ri-si chỉ trích và xa lánh họ (Lu 18:9-14).

Người Pha-ri-si hiểu biết về luật pháp Cựu-ước và muốn bản thân được thánh khiết, nhưng chẳng có sự yêu thương đối với những linh hồn hư mất.


Ba từ tóm tắt thông điệp của đoạn Kinh Thánh này là: “mất”, “tìm được” và “vui mừng”. Chúa dùng ba ví dụ này để đáp lại lời tố cáo, gièm pha của người Pha-ri-si và các thầy thông giáo đối với hành vi của Ngài. Đối với họ việc Chúa Giê-xu tiếp đón những kẻ bị ruồng bỏ đã là điều không hay rồi, nhưng thêm vào đó họ lại ăn chung với họ.

Các chức sắc tôn giáo Do-thái chưa hiểu rằng Con Người đã đến để “tìm và cứu kẻ bị mất” (Lu 19:10). Hơn thế, họ vẫn mù loà và không biết mình cũng là tội nhân hư mất.


Đoạn này cho thấy chỉ có một thông điệp cứu rỗi: Đức Chúa trời tiếp đón và tha thứ tội nhân biết ăn năn. Các ví dụ này cũng bày tỏ rằng có hai phương diện về sự cứu rỗi. Về phần Đức Chúa Trời: Ngài tựa như người chăn chiên tìm kiếm chiên lạc mất, người đàn bà kiếm đồng bạc bị mất. Con người cũng dự phần trong sự cứu rỗi như đứa con hoang đàng quyết định ăn năn và trở về nhà Cha. Chỉ nhấn mạnh trên một phương diện là đã đưa ra một quan điểm sai về sự cứu chuộc, vì cả quyền tể trị của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của con người cần phải được đề cập đến (Gi 6:37; IITe 2:13,14).


Một trong những chủ đề của đoạn này là sự vui mừng, nên chúng ta hãy cùng suy ngẫm ba niềm vui khác nhau có liên quan trong sự cứu rỗi. C.S.Lewis nói rằng: “Sự vui mừng là việc rất quan trọng ở trên thiên đàng” và đó là sự vui mừng mà bạn và tôi có thể dự phần.


1. Niềm vui “tìm thấy” (Lu 15:1-10)

Câu chuyện về con chiên lạc mất cũng như đồng bạc bị mất hẳn đã làm xúc động mọi người. Chúa muốn tìm kiếm con người để đến với từng tấm lòng.


Con chiên lạc mất (Lu 15:3-7): Con chiên này bị lạc vì thiếu khôn ngoan. Chiên có xu hướng đi lạc, đó là lý do phải có người chăn (Es 53:6; IPhi 2:24). Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si dễ dàng có thể xem đoàn dân và tội nhân như những “con chiên lạc mất”, nhưng không hề nghĩ đó cũng là hình ảnh của chính mình! Tiên tri Ê-sai nói rõ rằng chúng ta đều như chiên đi lạc và đã phạm tội, dĩ nhiên trong số đó có cả những người khoác áo tôn giáo này.


Người chăn có trách nhiệm đối với từng con chiên. Nếu một con bị lạc mất, người chăn phải đền tiền trừ khi có thể chứng minh được con chiên đó bị thú dữ giết (Sa 31:38-39; Xu 22:10-13; Am 3:12). Điều này giải thích lý do người chăn phải để bầy chiên nơi đồng vắng mà đi tìm con chiên lạc mất và vui mừng khi tìm thấy nó. Không tìm được con chiên bị mất có nghĩa là phải “dốc” tiền túi ra để đền mà còn xấu hổ vì mang tiếng là người chăn tắc trách.


Khi để 99 con chiên lại nơi đồng vắng, người chăn không có ý nghĩ cho rằng chúng không quan trọng đối với anh ta. Chúng được bình an trong khi con chiên lạc gặp nguy hiểm. Hành động tìm kiếm một con chiên chứng tỏ từng con rất quý giá đối với người chăn. Chúa Giê-xu không cho rằng các thầy thông giáo và người Pha-ri-si không cần sự cứu rỗi, vì họ thực sự cần được cứu. Chúng ta đừng làm cho các chi tiết của câu chuyện này mang ý nghĩa nào khác, nếu không nó sẽ bị biến thành một ngụ ngôn và thông điệp của Chúa bị bóp méo.


Có bốn niềm vui mừng được thể hiện khi một tội nhân đến với Đấng Christ. Mặc dù câu chuyện không nói gì về cảm xúc của con chiên nhưng chắc chắn người được cứu rất vui mừng. Niềm vui ấy được kiểm chứng qua Lời Kinh Thánh (Công 3:8; Công 8:39) và qua từng trải cá nhân của mỗi chúng ta.


Tuy nhiên, cũng có sự vui mừng từ phía người tìm kiếm. Mỗi khi chúng ta đưa một tội nhân đến tiếp nhận Chúa Giê-xu, chúng ta kinh nghiệm được một niềm vui kỳ diệu trong lòng. Người khác cùng chia sẻ niềm vui với chúng ta như một tin tốt lành về một “em bé” mới sinh ra trong gia đình Đức Chúa Trời, và cũng có sự vui mừng ở trên trời (Lu 15:7,10). Các thiên sứ biết rõ chúng ta được cứu ra sao và chung niềm vui với chúng ta.


Đồng bạc mất (Lu 15:8-10): Con chiên bị lạc vì nó vốn ngu dại, nhưng đồng bạc mất là do sự tắc trách của người khác. Đây là tư tưởng nghiêm túc cho thấy sự tắc trách của chúng ta có thể đưa đến hậu quả: một linh hồn bị hư mất.


Khi một thiếu nữ Do-thái lập gia đình, nàng bắt đầu quấn quanh đầu một dải vải có gắn 10 đồng bạc nói lên ý nghĩa rằng giờ đây nàng đã có chồng. Đó là kiểu người Do-thái thể hiện giống như chúng ta đeo nhẫn cưới ngày nay vậy và thật là một tai hoạ nếu bà này đánh mất một trong số đó. Nhà của người Palestine rất tối tăm, nên người đàn bà phải thắp đèn tìm kiếm cho đến khi tìm thấy đồng bạc. Hẳn chúng ta có thể hình dung niềm vui “tìm thấy” của người đàn bà ấy.


Chúng ta đừng “đẩy” những hình ảnh trong câu chuyện đi quá xa, nhưng điều đáng chú ý là đồng bạc mang hình ảnh của người chủ nó trên đó (Lu 20:19-25). Tội nhân hư mất cũng mang hình ảnh của Đức Chúa Trời, mặc dù hình ảnh ấy đã bị tội lỗi làm biến dạng. Khi tội nhân được “tìm thấy, Đức Chúa Trời bắt đầu sửa lại hình ảnh thiêng liêng qua quyền năng Đức Thánh Linh và trong tương lai người tin Chúa sẽ trở nên giống Chúa Giê-xu (Rô 8:29; IICôr 3:18; Co 3:10; IGi 3:1,2).


“Tìm thấy” (được cứu) có nghĩa là bạn trở lại đúng chỗ của mình (phục hoà với Đức Chúa Trời) đúng công việc mình (sống có mục đích) và thoát khỏi mối nguy hiểm.Chắc chắn người chăn chiên và người đàn bà đều vui mừng nên mời bạn hữu đến chung vui với mình!


Ngày nay chúng ta dễ dàng đọc hai mẩu chuyện này và xem đó như điều dĩ nhiên, nhưng sẽ gây sốc cho những ai nghe đầu tiên. Chúa Giê-xu muốn nói rằng Đức Chúa Trời thật đang tìm kiếm những tội nhân hư mất! Hẳn các thầy thông giáo và người Pha-ri-si cảm thấy khó chịu vì trong thuyết thần học nghiêm nhặt của họ, không có chỗ nào đề cập đến một Đức Chúa Trời như vậy!

Họ quên rằng chính Đức Chúa Trời đã tìm kiếm A-đam và Ê-va khi họ phạm tội và tránh mặt Ngài (Sa 3:8-9). Các thầy thông giáo và người pha-ri-si dù tưởng mình hiểu biết Kinh Thánh, nhưng quên rằng Đức Chúa Trời như một người cha thương xót những đứa con hư hỏng (Thi 103:8-14).


Có những sự vui mừng giống như niềm vui tìm thấy những người hư mất và đem họ đến với Đấng Christ. John Wesley, người sáng lập Hội Giám Lý nói rằng: “Hội thánh chỉ có một nhiệm vụ là cứu những linh hồn hư mất. Vì vậy, hãy sử dụng, sử dụng cho công tác này”


2. Niềm vui trở về (Lu 15:11-24)

Chúng ta gọi câu chuyện này là “Câu chuyện về người con trai hoang đàng” (“hoang đàng” có nghĩa như “tiêu xài phung phí”), cũng có thể gọi là “Câu chuyện về người cha nhân từ”, vì nó nhấn mạnh về lòng nhân từ của người cha hơn là tội lỗi của đứa con, không như người chăn chiên và người đàn bà trong hai câu chuyện trước, người cha này không đi tìm con, nhưng câu chuyện nhắc nhở rằng chính sự nhân từ của người cha đã đưa đứa con đến chỗ ăn năn và được tha thứ (Rô 2:4). Hãy chú ý đến ba từng trải mà người con hoang đàng này kinh nghiệm qua:


 Sự chống nghịch - đi phương xa (Lu 15:11-16): Theo luật Do-thái, con trưởng nam được nhận của cải gấp đôi phần của các con trai khác (Phuc 21:17), người cha có thể chia tài sản trong lúc còn sống nếu ông muốn. Nếu người con thứ xin chia phần của cải và bán đi, điều đó hoàn toàn hợp lệ. Tuy nhiên, đó không phải là hành động hiếu thảo của anh ta, vì như thế anh ta dường như muốn nói với cha rằng: “Phải chi cha chết sớm!” Thomas Huxley nói: “Những nan đề tệ hại nhất của con người khởi đầu khi người ấy có thể đúng như điều mình thích” .Thật vậy!


Chúng ta luôn gây ra rắc rối khi đánh giá vật chất cao hơn con người, của cải hơn bổn phận, ảo ảnh hơn những phước hạnh đang hưởng trong gia đình. Chúa có lần đã phán dạy hai anh em tranh giành của cải rằng: “Hãy giữ cẩn thận chớ hà tiện chi hết” (Lu 12:15).

Vì sao Ngài dạy như vậy? Bởi con người tham lam chẳng bao giờ thoả lòng, dù có đòi hỏi bao nhiêu. Sự không thoả lòng đó sẽ dẫn đến một đời sống tuyệt vọng. Đứa con hoang đàng này biết rõ rằng khó có thể “hưởng thụ vật chất mua được bằng tiền nếu không “phớt lờ” với những điều không thể mua được bằng tiền bạc.


“Phương xa” không nhất thiết là một chốn xa xôi chúng ta phải đến, vì “phương xa” trước hết ở tại lòng ta. Đứa con thứ nuôi ước vọng “hưởng” tự do khi bỏ nhà ra đi, thoát khỏi sự ràng buộc của người cha và người anh. Nếu con chiên bị lạc do khờ dại và đồng bạc mất vì không được giữ gìn, thì đứa con trai này bị hư hỏng bởi tư ý. Nó muốn hành động theo ý riêng mình, nên đã nghịch cùng người cha và làm đau lòng cha.


Nhưng cuộc sống ở phương xa không như điều đứa con mong đợi. Tiền bạc cạn kiệt, bạn bè xa lánh nạn đói đe doạ, đứa con buộc phải phục dịch cho kẻ ngoại bang những việc nó chẳng từng làm cho cha mình - nó phải lao động! Hình ảnh này được Chúa dùng để cho thấy rõ những điều tội lỗi thực hiện qua đời sống của những ai nghịch với ý muốn Cha trên trời. tội lỗi hứa hẹn tự do nhưng đem lại kiếp nô lệ (Gi 8:34), hứa hẹn thành công nhưng đem đến thất bại hứa hẹn sự sống nhưng “tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô 6:23). Đứa con nghĩ rằng nó có thể “tìm thấy chính mình” nhưng chỉ “đánh mất chính mình” mà thôi! khi chúng ta để Đức Chúa Trời ra ngoài cuộc sống mình, niềm vui hạnh phúc sẽ biến thành tình trạng bị nô lệ.


Sự ăn năn - tỉnh ngộ (Lu 15:17-19): “Ăn năn” có nghĩa như “đổi ý” và đó chính là điều chàng trai này nghĩ đến khi đang chăn heo. “Tỉnh ngộ” là điều cho thấy đến giờ phút này đứa con trai mới thật sự nhận biết chính mình. Dường như trong tội lỗi có một sự loạn trí khiến cho hình ảnh Đức Chúa Trời bị tê liệt trong chúng ta và “con thú” được tự do hoành hành trong đó. Những người học về tác phẩm Shakespeare thích đối chiếu hai đoạn thơ trích dẫn mô tả mâu thuẫn trong bản chất con người:


“Con người là một tác phẩm! Mục đích cao quý thay!

Tài năng không sao dò được.

Tướng mạo, dáng đi đáng ngưỡng mộ làm sao!

Hành động như một thiên thần, tư tưởng như một vị thánh!” (Hamlet, II, ii)


“Khi anh ta tuyệt vời nhất, là lúc anh ta tệ hơn con người. Và khi anh ta tệ hại nhất, anh ta còn đỡ hơn một con thú”

(Người lái buôn thành Venice, I, ii) (Thi Merehant of Venice)


Chàng thanh niên tỉnh ngộ và biết thực trạng của mình, thừa nhận mình là tội nhân.Cậu biết cha mình là người có lòng rộng rãi, biết rằng làm việc trong gia đình còn hạnh phúc hơn được “tự do” nơi phương xa. Chính bởi sự nhân từ của Đức Chúa Trời, không phải sự xấu xa của con người đã đem chúng ta đến sự ăn năn (Rô 2:4). Nếu người con chỉ nghĩ đến bản thân mình - tức là chỉ nghĩ đến sự đói khát, nhớ nhà, cô đơn có lẽ cậu đã nãn lòng. Nhưng trong hoàn cảnh khổ sở ấy đã giúp cậu hiểu về người cha dưới cái nhìn mới, điều này khiến cậu tràn trề hy vọng. Cha rất tử tế với tôi tớ trong nhà, lẽ nào không tha thứ con mình?


Nếu chỉ suy nghĩ đến đây, có lẽ cậu thanh niên này chỉ kinh nghiệm sự hối tiếc (IICôr 7:10) nhưng sự ăn năn thật phải kết hợp ý chí, tư duy và cảm xúc - “ta sẽ đứng dậy trở về... ta sẽ nói”. Cách giải quyết vấn đề của chúng ta có thể đúng đắn, nhưng nếu không hành động, những dự tính kia sẽ chẳng đem lại điều gì tốt đẹp. Nếu sự ăn năn là công việc của Đức Chúa Trời (Cong 11:18), vậy tội nhân phải vâng lời Đức Chúa Trời và đặt niềm tin nơi Chúa Giê-xu (Công 20:21).


Sự vui mừng - về với cha (Lu 15:20-24): Chúa Giê-xu dùng đoạn này để đáp lại sự tố cáo của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si (Lu 15:2), bởi người cha không chỉ chạy đến mừng con mình mà còn mừng ngày con trở về bằng cách dọn tiệc lớn và mời xóm giềng đến dự. Người cha chờ con mình ăn năn xưng tội xong, liền tha thứ cho con và ra lệnh đầy tớ chuẩn bị tiệc ăn mừng.


Dĩ nhiên, người cha trong câu chuyện đại diện cho thái độ của Cha trên trời đối với tội nhân nào ăn năn. Ngài giàu lòng thương xót, nhân từ và yêu thương họ (Eph 2:1-10). Ngài làm được mọi sự vì Con Ngài đã hy sinh trên thập tự giá. Mặc dù có một số người rao truyền (và tôn vinh về Chúa, Đức Chúa trời yêu cả thế gian vậy mà cả thế gian chưa được cứu. Chúng ta được cứu chính bởi ân điển Đức Chúa Trời, và ân điển là tình yêu đã được trả giá.


Ở Đông phương, người già chẳng bao giờ chạy cả, vậy mà người cha này “chạy ra” gặp con.

Vì sao? Chắc hẳn đó là vì ông yêu con mình và khao khát bày tỏ tình yêu. Nhưng còn có một điều khác có liên quan. Người con hoang đàng đã làm xấu hổ cho gia đình và láng giềng, theo luật chép trong Phuc 21:18-21 nó phải bị ném đá chết. Nếu những người lân cận bắt đầu ném đá người con có lẽ phải ném trúng người cha vì người cha đang ôm chặt con mình. Đây thực sự là một bức tranh về những điều Chúa Giê-xu đã làm cho chúng ta trên thập tự giá!


Người con thứ khám phá tại nhà mình có mọi thứ nó hằng ao ước nơi phương xa: quần áo, vàng bạc, bạn hữu, tiệc vui, tình yêu và một tương lai đảm bảo. Điều gì đã thay đổi? Thay vì nói: “Thưa cha, hãy cho con...” đứa con muốn nói “Thưa cha, hãy định đoạt số phận con”. Đứa con muốn làm một đầy tớ! Dĩ nhiên, người cha không cần con phải trả nợ cho sự tha thứ của ông, bởi không có việc làm nào có thể cứu chúng ta khỏi tội lỗi (Eph 2:8-10; Tit 3:3-7).

Nơi phương xa, người con hoang đàng đã học được ý nghĩa của sự khốn khổ, nhưng khi trở về, cậu khám phá ra ý nghĩa của sự thương xót. Chiếc nhẫn là dấu hiệu của địa vị làm con, và “áo tốt nhất” (dĩ nhiên là áo của cha) là chứng cớ người cha tiếp nhận con mình trở về gia đình (Sa 41:42; Es 61:10; IICôr 5:21).

Các đầy tớ không có nhẫn để đeo, không có giầy để mang hoặc quần áo sang trọng để mặc. Người cha mở tiệc để bày tỏ niềm vui và chia sẻ với mọi người. Lẽ ra người con hoang đàng phải bị đối xử theo luật pháp đã định, lẽ ra đã có một đám tang chớ không phải tiệc mừng như thế. Thi 103:10-14 là một minh hoạ tuyệt vời!


Thật thú vị khi người cha mô tả tình trạng của đứa con: “đã chết mà lại sống, đã mất mà lại thấy được”. Đây cũng là từng trải thuộc linh của mọi tội nhân đến với Đức Chúa Trời là Cha qua đức tin nơi Chúa Giê-xu (Eph 2:1-10; Gi 5:24). Hãy xem sự so sánh giữa hành động người con hoang đàng trở về với cha và hành động chúng ta đến với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu (Gi 14:6).

-Đứa con hoang đàng

-Chúa Giê-xu

đã lạc mất (c.24)

“Ta là đường đi”

thiếu hiểu biết (c.17)

“Ta là lẽ thật”

đã chết (c.24)

“Ta là sự sống”

Chỉ có một con đường để đến với Đức Chúa Trời, đó là đức tin nơi Chúa Giê-xu. Bạn đã trở về “nhà” chưa?


3. Niềm vui của sự tha thứ (Lu 15:25-32)

Khi câu chuyện đến giai đoạn này, các thầy thông giáo và người Pha-ri-si tin chắc mình đã thoát khỏi sự xét đoán của Chúa, vì Ngài tập trung vào tội nhân qua hình ảnh đứa con hoang đàng. Nhưng Chúa tiếp tục câu chuyện khi nói về người con cả, đại diện cho các thông thầy thông giáo và người Pha-ri-si. Tội nhân phạm tội về mặt thuộc thể nhưng người Pha-ri-si và các thầy thông giáo là những kẻ phạm tội về mặt thuộc linh (IICôr 7:1). Hành động bề ngoài của họ có thể “trong sạch” nhưng thái độ bên trong của họ thật “tồi tệ” (Mat 23:25-28).


Chúng ta phải thừa nhận rằng nơi người con cả có những giá trị đạo đức đáng khen ngợi. Anh ta làm việc siêng năng và luôn vâng lời cha, chẳng bao giờ làm xấu hổ gia đình và láng giềng. Anh ta có nhiều bạn hữu đến nỗi có thể dự định mở tiệc vui (Lu 15:29). Dường như anh ta là mẫu công dân tốt và so với người em trai, anh ta gần giống một thánh nhân.


Tuy nhiên, dù sự vâng lời và nhiệt thành rất quan trọng, nhưng chúng không phải là những thử nghiệm duy nhất của bản tánh. Chúa dạy rằng có hai điều răn quan trọng nhất đó là phải yêu mến Đức Chúa Trời và yêu kẻ khác (Lu 10:25-28), nhưng người con cả đã phạm hai điều răn này. Anh ta không yêu Đức Chúa Trời (đại diện bởi người cha trong câu chuyện) và không yêu em mình, không tha thứ cho đứa em hoang đàng vì nó phung phí của cải gia đình và làm xấu hổ gia đình. Người con cả cũng không tha thứ cho cha mình vì ông đã rộng lượng tha thứ cho lỗi lầm của đứa con thứ.


Khi xem xét lỗi lầm của người con cả, bạn có thể hiểu vì sao người này là hình ảnh của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si. Trước hết, anh ta tự xem mình là “công bình”, công khai lên án tội lỗi đứa em mà không nhận biết tội lỗi của bản thân (Lu 18:9-14). Người Pha-ri-si định nghĩa về tội lỗi chủ yếu dựa vào những thuật ngữ nói về những hành động bên ngoài chớ không dựa vào thái độ bên trong.

Họ hoàn toàn không hiểu gì về thông điệp của Bài Giảng Trên Núi cũng như ý nghĩa trọng tâm về thái độ bên trong và tấm lòng thánh khiết (Mat 5:1-7:29).


Kiêu ngạo cũng là một trong những nhược điểm của người con cả. Anh ta chỉ nghĩ đến những năm tháng phục vụ cha và chưa từng cãi lời cha! Đúng là lời biện hộ! Tuy nhiên, anh ta không hướng lòng vào công việc, chỉ luôn mơ tưởng một bữa tiệc thịnh soạn cùng bạn bè hưởng thụ. Anh ta chỉ là người lao dịch. Giống như tiên tri Giô-na, người con cả làm theo ý Đức Chúa Trời không hết lòng mà chỉ gắng gượng (Eph 6:6; Gion 4:1-11). Anh ta như người làm công chăm chỉ và trung thành - những phẩm chất đáng biểu dương - nhưng công việc của anh ta không phải là “công việc của tình yêu” nên không làm cha hài lòng.


Bạn có thể thấy người anh không hề quan tâm đến đứa em xa xứ. Bạn hình dung xem, người cha trông đợi con đã bao ngày mòn mỏi và cuối cùng đã thấy con mình từ xa, nhưng người anh cả đến tận khi được đầy tớ báo tin mới biết em mình đã về nhà.

Dù biết cha rất vui mừng, anh ta cũng không muốn đứa em trở về nhà. Tại sao anh ta phải san xẻ của cải cho kẻ đã tiêu sạch của cải của riêng mình? Tại sao anh ta còn phải chia sớt tình yêu của cha với kẻ đã làm xấu hổ gia đình và xóm giềng? Lối sống của người con hoang đàng càng khiến cho người anh cả được xem là người tốt lành, dĩ nhiên điều này có thể khiến cha yêu đứa con vâng lời hơn. Chắc chắn đối với người con cả sự trở về của người con thứ là một mối đe doạ đối với anh ta.


Có lẽ điều đáng ngại nhất là cơn giận dữ gay gắt của người con cả. Anh ta giận cha và em trai nên không muốn vào nhà dự tiệc. “Giận” là cảm xúc bình thường của con người, không nhất thiết đó là tội. “Đương cơn giận, thì chớ phạm tội” (Eph 21:26; Thi 4:4).

Môi-se, Đa-vít, Các tiên tri và cả Chúa Giê-xu đã bày tỏ cơn giận thánh khiết đối với tội lỗi, chúng ta hôm nay cũng nên giận trong tinh thần như vậy. Thomas Fuller người theo phái Thanh giáo nói rằng cơn giận là một trong những “nguồn sức mạnh của linh hồn”


Aristotle cũng đưa ra một lời khuyên hữu ích: “Ai cũng có thể nổi giận. Thật dễ dàng! Nhưng giận với đúng đối tượng đúng cường độ, đúng lúc và đúng mục đích trong trường hợp đúng đắn. Điều đó không nằm trong khả năng của mọi người và không dễ thực hiện”.


Người con cả giận cha vì cha đãi tiệc cho đứa con thứ, một bữa tiệc mà anh ta hằng mong có được. Anh ta nói với cha: “Cha chẳng hề cho tôi một con dê, nhưng vì nó làm thịt bò con mập!” Mơ ước của người con cả giờ đã tiêu tan khi cha tha thứ cho đứa hoang đàng!


Đương nhiên người anh giận đứa em vì nó được cha chiếu cố và ban cho những món quà đặc biệt. Theo suy nghĩ của người anh, đứa em này chẳng xứng đáng nhận được bất cứ điều gì. Nó đã trung thành ư? Không! Nó vâng lời cha ư? Cũng không! Vậy tại sao nó phải được đối xử tử tế và đầy yêu mến như vậy?


Tôn giáo của người Pha-ri-si là làm việc thiện.

Qua việc kiêng ăn, học Kinh Thánh, cầu nguyện, bố thí họ hy vọng được Đức Chúa Trời ban phước cũng như hưởng được sự sống đời đời. Tuy nhiên họ đã không làm những gì đáng phải làm, khiến Đức Chúa Trời phải lìa xa họ (Mat 23:23-24) khi thấy Chúa Giê-xu tiếp nhận và tha thứ những kẻ không tôn giáo họ chống đối ra mặt. Hơn thế, họ không nhận biết chính mình cũng cần Đấng Christ.


Người cha đã chạy ra đón đứa con hoang đàng, giờ phải rời bữa tiệc để khuyên lơn đứa con cả. Cha trên trời nhân từ và khiêm nhường biết bao! Ngài nhẫn nhục với sự yếu đuối của chúng ta dường nào! Người cha muốn đãi tiệc cho con cả và bạn hữu nó nhưng đứa con chẳng bao giờ xin Cha. Hơn thế, từ khi có sự phân chia gia tài, người con cả đã làm chủ mọi thứ, anh ta có thể sử dụng của cải ấy theo ý mình.


Người con cả không muốn vào nhà, chỉ ở ngoài trề môi hờn dỗi. Anh ta đã đánh mất cơ hội dự phần trong niềm vui tha thứ cho đứa em và phục hồi lại thâm tình đã sứt mẻ, niềm vui làm hài lòng cha và đoàn tụ gia đình. Thật kỳ lạ khi anh ta có thể nói với một tên đầy tớ cách nhẹ nhàng mà không thể nói nhẹ nhàng với cha và em trai!


Nếu bước ra khỏi mối liên hệ với Đức Chúa Trời, chúng ta không thể yêu mến anh chị em mình và ngược lại nếu chúng ta chỉ có thái độ cố chấp với kẻ khác, chúng ta không thể ở trong mối giao thông với Đức Chúa Trời được (IGi 4:18-21; Mat 5:21-26). Khi kẻ khác thật sự ăn năn, chúng ta phải tha thứ cho họ và tìm cách hoà thuận lại với họ trong sự nhân ái và khiêm nhường (Mat 18:15-35; Ga 6:15; Eph 4:32).


Người cha đã nói hết lời, chúng ta cũng không biết câu chuyện kết thúc ra sao (xem câu chuyện tương tự ở Gio 4:1-11). Nhưng chúng ta hẳn biết rằng chính các chức sắc tôn giáo của họ đã khiến Chúa Giê-xu bị bắt và chịu chết. Mặc cho Cha trên trời khuyên lơn, họ chẳng muốn vào nhà!


Trong những câu chuyện này, mọi người đều kinh nghiệm sự vui mừng ngoại trừ đứa con cả. Người chăn chiên, người đàn bà và bạn hữu của họ đều kinh nghiệm niềm vui của sự tìm thấy, Người con thứ kinh nghiệm niềm vui khi trở về nhà và được cha tiếp nhận với lòng yêu thương, nhân từ. Người cha kinh nghiệm niềm vui tiếp nhận đứa con hoang đàng trở về bình an lành mạnh. Nhưng người anh cả không tha thứ cho em, nên không có niềm vui. Lẽ ra anh ta phải nghĩ lại và dự tiệc, nhưng anh ta đã từ chối nên ở bên ngoài và đau khổ?


Trong những năm thi hành chức vụ, tôi đã chứng kiến những đàn anh đàn chị thích nuôi sự hờn giận hơn niềm vui thông công với Đức Chúa Trời và con cái Ngài. Bởi họ không muốn tha thứ ai, nên đã xa lánh Hội Thánh và thậm chí bỏ gia đình. Họ “tin chắc” không ai tốt lành ngoài họ cả. Họ có thể lên án tội lỗi kẻ khác nhưng mù loà về những tội lỗi của mình.


“Tôi chẳng bao giờ tha thứ!” Đó là lời mà tướng Ogletherpe nói với John Wesley, và John đáp rằng “Thưa ông, thế thì tôi hy vọng ông không bao giờ phạm tội”

Đừng đứng ở ngoài! Hãy bước vào và vui dự tiệc!



 


15. SỬ DỤNG CỦA CẢI: ĐÚNG VÀ SAI (LU Gio 16:1-31)


Tạp chi Wall Street đã trích dẫn lời của một người vô danh có đầu óc dí dỏm khi định nghĩa về tiền như sau: “Tiền là vật được dùng như một hộ chiếu cho tất cả mọi người để đến bất cứ nơi đâu trừ thiên đàng, là phương tiện cung cấp mọi thứ trừ hạnh phúc”.

Người viết có thể cũng nói thêm rằng tiền bạc cũng là nguyên nhân khơi dậy sự tham lam và tranh cạnh, nó là một đầy tớ “tuyệt vời” nhưng lại là một ông chủ “tác tệ”. Sự tham tiền vẫn luôn là “cội rễ của mọi điều ác” (ITi 6:10), nó khiến thế giới chúng ta đầy dẫy sự sa đoạ và tham lam (IPhi 1:4).


Khi đọc những bài giảng và những câu chuyện của Chúa Giê-xu, chúng ta cảm thấy Ngài đề cập nhiều về vấn đề của cải vật chất. Ngài giảng dạy cho đa số người nghèo là những người cho rằng càng có nhiều tiền, sẽ có thể giải quyết mọi nan đề.

Chúa không phải không hiểu những nhu cầu của họ khi kể những câu chuyện này, Ngài muốn khích lệ những người theo Ngài phải chia sẻ những điều mình có cho kẻ khác. Hội thánh đầu tiên là nhóm người đã tình nguyện chia sẻ của cải họ có cho những người thiếu thốn (Công 2:44-47; Công 4:33-37).


Khi phác họa hình ảnh người con hoang đàng và người con cả, Chúa Giê-xu muốn nói đến hai triết lý sống độc lập. Trước khi ăn năn hối lỗi, đứa con hoang đàng đã phung phí cuộc đời mình, nhưng người con cả chỉ sống như một kẻ lao dịch trung thành. Cả hai thái độ này đều sai lầm, bởi lối sống Cơ-đốc là chúng ta phải đầu tư cuộc sống cho lợi ích của kẻ khác và vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đoạn này tập trung vào một lẽ thật: đời sống là một trách nhiệm quản gia, và chúng ta phải sử dụng những cơ hội Đức Chúa Trời ban cách trung tín. Sẽ có một ngày ta phải khai trình mọi việc đã được Chúa giao cho. Vì vậy, chúng ta nên lưu ý đến những điều Chúa phán trong đoạn này về cách sử dụng của cải đúng và sai.


1. Cách sử dụng của cải đúng đắn (Lu 16:1-13)

Người quản gia dại dột (Lu 16:1-2): Quản gia là người giữ của cải cho người khác. Người đó không phải là chủ của cải, nhưng có đặc quyền hưởng và sử dụng nó để làm lợi cho chủ. Quan trọng nhất là người đó phải hầu việc chủ cách trung thành (ICôr 4:2). Khi quản gia nhìn của cải quanh mình, phải nhớ rằng của cải ấy thuộc về chủ, chớ không phải của chính mình, biết rằng chúng phải được sử dụng sao cho chủ hài lòng và có lợi cho chủ.


Quản gia này quên rằng mình là một quản gia, nên bắt đầu hành động như một “người chủ”. Người ấy đã trở nên một “quản gia hoang đàng”, đã phung phí của cải của chủ. Chủ biết điều đó nên lập tức bảo người quản gia khai trình mọi của cải và sổ sách. Chủ đồng thời cũng sa thải quản gia ấy.


Trước khi xét đoán người quản gia này cách gay gắt, chúng ta hãy kiểm điểm lại đời sống mình xem chúng ta trung tín với những điều Đức Chúa Trời giao cho ở mức độ nào. Trước tiên, chúng ta là những quản gia về của cải mình có, dù nhiều hay ít, chúng ta sẽ phải trả lời trước về cách sử dụng nó.


Chức quản gia của Cơ-đốc nhân không chỉ ở phạm vi dâng Chúa 1/10 lợi tức rồi tuỳ ý sử dụng phần còn lại của mình. Làm quản gia thật có nghĩa là chúng ta phải cảm tạ Chúa về mọi điều mình có (Phuc 8:11-18) và sử dụng theo sự hướng dẫn của Ngài. Dâng Chúa 1/10 lợi tức cũng là một cách tốt để khởi đầu bổn phận quản gia trung tín của chúng ta. Tuy nhiên, phải luôn nhớ rằng Đức Chúa Trời phải kiểm soát những gì chúng ta làm với 9 phần còn lại.


Chúng ta đều là những quản gia về thì giờ (Eph 5:15-17). Câu nói “Hãy lợi dụng thì giờ” được dùng trong giới thương mại có nghĩa như “mua lấy cơ hội”. Thời giờ là cõi đời đời, được đặt vào những giây phút quý giá và được giao cho chúng ta để sử dụng cách khôn ngoan hay dại dột. Bài học chính của câu chuyện này đó là người quản gia bất trung đã “khôn khéo” lợi dụng cơ hội để mưu cầu tương lai. Cuộc sống chấm dứt sự hưởng thụ và trở nên “sự đầu tư”.


Cơ-đốc nhân là những quản gia về ơn phước và khả năng. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta (IPhi 4:10) nên chúng ta phải sử dụng ơn và năng lực mình có để phục vụ kẻ khác. Kẻ trộm nói: “Cái gì của ngươi là của ta. Ta sẽ lấy nó!” Kẻ ích kỷ nói: “Cái gì của ta là của ta. Ta sẽ giữ nó!”. Nhưng Cơ-đốc nhân phải nói “Cái gì của tôi là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Tôi phải chia sẻ nó!” 

Là quản gia, chúng ta phải sử dụng khả năng mình có để giành lấy những tội nhân hư mất, khích lệ kẻ khác và đáp ứng nhu cầu của người khốn khổ?


Điều cuối cùng, con cái Đức Chúa Trời cũng là những quản gia của Phúc-Âm (ITes 2:4). Đức Chúa Trời đã giao chúng ta của cải “lẽ thật” (IICôr 4:7) chúng ta phải bảo vệ của cải ấy (ITi 6:20) và đầu tư nó trong đời sống của kẻ khác (IITi 2:2). Kẻ thù muốn cướp khỏi Hội Thánh của quí báu này (Giu 1:3,4) nên chúng ta phải tỉnh thức và mạnh mẽ.


Cũng như người quản gia trong câu chuyện, ngày kia chúng ta (cũng) sẽ khai trình việc mình trước mặt Đức Chúa Trời (Rô 14:10-12; IICôr 5:10). Nếu chúng ta trung tín, Chúa sẽ khen thưởng chúng ta (Mat 25:21; ICôr 4:5), nhưng nếu bất trung, chúng ta sẽ mất phần thưởng dù được cứu và hưởng thiên đàng (ICôr 3:13-15).


Vana Harner nói: “Đức Chúa Trời kêu chúng ta tham gia trận đấu chớ không phải giữ tỉ số”. Nếu chúng ta là quản gia trung tín, Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng rời rộng, phần thưởng đó sẽ làm vinh hiển danh Ngài.


 Người quản gia khôn ngoan (Lu 16:3-8): Quản gia này biết mình sẽ mất việc. Anh ta không thể thay đổi quá khứ nhưng có thể chuẩn bị cho tương lai sắp đến. Bằng cách nào? Bằng cách kết bạn với các con nợ của chủ để sau này họ sẽ tiếp đón anh ta khi anh ta bị chủ sa thải. Anh ta hào phóng giảm nợ cho từng người miễn sao họ sẽ trả nợ ngay. Các con nợ quá đỗi vui mừng trong “sự hợp tác” này. Thậm chí chủ của quản gia cũng khen về kế hoạch khôn ngoan ấy (Lu 16:8).


Chúa Giê-xu không khen quản gia này vì anh ta đã lấy của chủ hay vì xúi giục kẻ khác gian dối. Chúa muốn nói tốt cho người này về cách sử dụng cơ hội khôn khéo của anh ta. “Con đời này” là những kẻ chuyên nắm bắt những cơ hội kiếm tiền, kết bạn và tiến thân. Con cái Đức Chúa Trời cũng nên lưu tâm và có sự khôn ngoan khi quản lý những công việc thuộc linh trong đời sống. “Con đời này” chỉ khôn ngoan trong “thế hệ” của họ, chỉ thấy những sự việc thuộc về thời gian nhưng không thấy được những điều thuộc về sự vĩnh cửu. Vì con cái Đức Chúa Trời sống bằng “những giá trị của sự vĩnh cửu” nên phải biết sử dụng những cơ hội mình có càng hơn thế nữa.


Ứng dụng (Lu 16:9-13): Chúa Giê-xu đưa ra ba lời khuyên dựa trên từng trải của người quản gia. Trước tiên, Ngài khuyên chúng ta sử dụng cơ hội mình có một cách khôn ngoan (Lu 16:9).

Một ngày nào đó cuộc đời sẽ chấm dứt, chúng ta không thể kiếm tiền hoặc tiêu tiền được. Vì vậy, khi đang còn cơ hội, chúng ta phải đầu tư tiền bạc vào việc “tìm thân hữu” cho Chúa, nghĩa là đem người đến với Đấng Christ. Đấng sẽ tiếp đón chúng ta nơi thiên đàng. Cuộc đời và năng lực chúng ta ngày kia sẽ chấm dứt, nên chúng ta cần phải biết sử dụng chúng cách khôn ngoan.


Thật đáng buồn khi nhìn thấy của cải Đức Chúa Trời bị phung phí bởi những tín hữu có thái độ sống như thể Chúa Giê-xu chưa từng chịu chết và sự xét đoán sẽ chẳng xảy ra, Hai câu thơ sau đây của người xưa thật hữu lý.

“Sự khác nhau duy nhất giữa đàn ông và cậu bé con

Chính ở chỗ: đàn ông mua những món đồ chơi đắt tiền hơn”.


Di sản của quá khứ phải được sử dụng cách khôn ngoan trong hiện tại để bảo đảm ích lợi về mặt thuộc linh trong tương lai. Chúng ta đều muốn gặp lại mọi người trên thiên đàng, là những người đặt niềm tin nơi Đấng Christ, vì chúng ta đã dâng hiến cho việc truyền giảng Phúc-Âm khắp thế giới, bắt đầu từ gia đình. Thoreau cho rằng một người giàu có tương xứng với những gì anh ta có thể trả tiền mua mà không sử dụng đến, như vậy mới đúng là “giàu”.

Có lần, tôi đã nghe ông Jacob Stam cầu nguyện: “Lạy Chúa, điều duy nhất chúng con biết về sự dâng hiến là đánh vần từ ấy như thế nào.” Tôi tự hỏi hiện nay có thể có một ít người ngay cả đánh vần từ ấy cũng không được.


Lời dạy thứ hai của Chúa là hãy trung tín trong cách bạn sử dụng của cải vật chất bạn có (Lu 16:10-12). Ngài cho thấy chúng ta không thể tách rời vấn đề “thuộc linh” khỏi “vật chất”. Hãy xem sự so sánh sau:


-Vật chất

-Thuộc linh

Thần tài

Đức Chúa Trời thật

Điều nhỏ nhất

Điều lớn lao

Của cải giả tạo / phù du

Của cải thật

Thuộc về kẻ khác

Thuộc về chính bạn

Vì sao Đức Chúa Trời lại quan tâm đến cách chúng ta sử dụng tiền bạc? Bởi vì tiền bạc vốn không có tính chất “trung lập”, nó vốn là cội rễ điều ác (thần tài bất nghĩa), chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể thánh hóa nó và sử dụng nó để đem lại ích lợi.

Thật ý nghĩa khi Phao-lô và Phi-e-rơ gọi tiền bạc là “mối lợi đáng bỉ” (ITi 3:3,8; Tit 1:7,11; IPhi 5:2). Rõ ràng tiền bạc vốn có bản chất như vậy, nó khiến kẻ yêu tiền bị ô uế và mất phẩm cách, đời sống họ làm nô lệ cho đồng tiền. Richard Foster viết: “Mãi đến khi chúng tôi thực sự biết rằng mình đang có quan hệ không chỉ với tiền bạc mà là tiền bất nghĩa, chúng tôi không thể dùng nó cách an tâm”.


Những ai không trung tín trong cách sử dụng tiền, sẽ không thể trung tín trong cách sử dụng “của báu thật” ở Nước Trời. Chúng ta không thể vừa sống theo đức tin vừa sống theo “tà đạo” trong cách sử dụng tiền bạc. Đức Chúa Trời sẽ không thể giao của cải thật cho những ai tiêu phí tiền, Ngài không ban điều lành cho kẻ sống vì tiền. Khi nói đến tiền bạc, Phao-lô rất thận trọng về việc tìm kiếm điều lành “chẳng những ở trước mặt Chúa, mà cũng ở trước mặt người ta nữa” (IICôr 8:21).


Cuối cùng Chúa khuyên chúng ta sống cho Đức Chúa Trời và chuyên tâm để đẹp lòng Ngài (Lu 16:13; Mat 6:19-24). Chúng ta không thể yêu và hầu việc hai chủ, cũng không thể cùng một lúc đi hai hướng được. Nếu chọn con đường phục vụ tiền bạc, chúng ta không thể hầu việc Đức Chúa Trời. Nếu quyết định hầu việc Chúa, chúng ta sẽ không hầu việc tiền bạc. Chúa Giê-xu cần nơi chúng ta một tinh thần chân thật, dâng mình cho Đức Chúa Trời và đặt Ngài trên hết mọi sự (Mat 6:33).


Nếu Đức Chúa Trời là chủ chúng ta, vậy tiền bạc sẽ là tôi tớ chúng ta. Chúng ta sẽ sử dụng những gì mình có theo ý muốn Đức Chúa Trời. Nhưng nếu Đức Chúa Trời không phải là chủ chúng ta tiền bạc sẽ cai trị chúng ta và nó sẽ trở nên một “ông chủ đáng sợ”! Chúng ta sẽ hoang phí cuộc sống mình thay vì đầu tư nó. Và như vậy, sẽ có một ngày chúng ta nhận ra mình là kẻ “cô độc” khi đi qua những cánh cổng vinh hiển.


Hery Fielding nói rằng: “Nếu tôn sùng tiền bạc, nó sẽ như quỉ Sa-tan gây tai hoạ cho bạn”. Chúa Giê-xu phán: “Hãy cai quản tiền bạc và sử dụng những cơ hội hôm nay như một sự đầu tư cho ích lợi trong tương lai”. Bạn hãy là một quản gia khôn ngoan! Còn bao linh hồn cần đến với Đấng Christ, chúng ta có thể sử dụng tài chính mình có để thực hiện công tác truyền giảng ấy.


2. Sử dụng tiền bạc không hợp lý (Lu 16:14-31)

Chúa Giê-xu dạy dỗ môn đệ về vấn đề này, những người Pha-ri-si ở đó lắng nghe và “chê cười” Ngài! Dù họ đã thực hiện luật lệ tôn giáo khe khắt, nhưng họ là kẻ yêu tiền bạc và ủng hộ những giá trị vô bổ. Họ xưng mình là người yêu kính Đức Chúa Trời nhưng lại đo giá trị cuộc sống bằng của cải vật chất, giống như nhiều kẻ vô thần ở đời này. Ngày nay cũng có biết bao tín hữu tự xưng mình là người tin Chúa nhưng cũng vướng sai lầm ấy. Họ thờ phượng Chúa bằng môi miệng nhưng sống bằng giá trị của cải vật chất như thế gian.


Người Pha-ri-si cần phải chấm dứt thái độ “xu hướng” theo thế gian và bắt đầu “chen chân” vào thiên đàng như nhiều người. Người Pha-ri-si khước từ thông điệp của Giăng Báp-tít và cho phép người ta giết ông dù biết ông là tiên tri của Đức Chúa Trời. Họ cũng chối từ Chúa Giê-xu và cuối cùng cho phép Phi-lát đóng đinh Ngài. Khi đời sống bạn bị lòng tham tiền tể trị, cửa lòng bạn sẽ bỏ ngỏ cho mọi thứ tội lỗi bước vào!


Luật pháp và lời tiên tri kéo dài đến đời Giăng, vì Giăng đã giới thiệu về Đấng Christ cho dân tộc và rao về Nước Trời. Điều đó không có nghĩa là luật pháp bị phá vỡ và không đáng tin, vì trong Chúa Giê-xu, luật pháp đã được làm trọn (Mat 5:17-20). Người Pha-ri-si tự hào là kẻ vâng phục trung tín luật pháp Môi-se, nhưng họ đã không tiếp nhận Đấng Christ - là Đấng mà Môi-se đã viết về Ngài.


Vì sao Chúa Giê-xu lại đề cập vấn đề hôn nhân và ly hôn khi Ngài đang luận về sự tham lam? Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si bị chi phối về vấn đề này, có lẽ họ muốn tranh luận với Chúa, nhưng Ngài đã phá vỡ ý định họ. (Hầu hết trong những cuộc hôn nhân và ly hôn, tiền bạc cũng là một nguyên nhân, vì vậy vấn đề này không nằm ngoài điều Chúa muốn nói). Một số người Do-thái rất lơ đễnh trong quan niệm về hôn nhân và ly hôn, trong khi một số khác rất khe khắt về vấn đề này. Chúa Giê-xu đã từng nói về chủ đề này trước đó, nên đây không phải là lời dạy mới (Mat 5:31-32).


Yên lặng trước cử chỉ nhạo báng của người Pha-ri-si, sau đó Chúa đã mô tả cho họ thấy một cách sống động về những điều sẽ xảy đến cho họ nếu họ cứ tiếp tục tham lam và vô tín. Câu chuyện Chúa kể nói về một người giàu và một người ăn mày tên La-xa-rơ (nghĩa là “Đức Chúa Trời là sự cứu giúp của tôi”) nhằm khuyên chúng ta tránh sự tham lam qua những khác biệt được trình bày sau:


Khác biệt trong cuộc sống (Lu 16:19-21): Người này thực sự giàu có vì hàng ngày ông có thể “xúng xính” trong những bộ áo quần sang trọng và chiêu đãi những bữa tiệc thịnh soạn. Chắc hẳn ông thuộc hạng “giàu có và nổi tiếng”, được mọi người ngưỡng mộ và ghen tị. Lối sống của ông phải được gọi là một lối sống “phô trương”!


Vì sao một người lại giàu có, còn một người lại nghèo nàn thế kia? Dân Do-thái nếu vâng theo điều răn của Đức Chúa Trời về Năm Sa-bát và Năm Hân hỉ, có lẽ sẽ không có tình trạng nghèo nàn xảy ra trên đất, vì của cải không thể rơi vào tay một số kẻ giàu có được (Le 25:1-55; Xu 23:11; Phuc 14:28-29).

Những tiên tri Cựu-ước cũng từng lên án những kẻ giàu có vì thâu tóm nhiều đất đai, bóc lột, ức hiếp những người goá bụa và người nghèo khó (Es 3:15; Es 10:2; Am 2:6; Am 4:1; Am 5:11-12; Am 8:4-6; Ha 2:9-13). Vào thời Chúa Giê-xu người Palestine bị La-mã cai trị, cuộc sống của người dân trở nên khốn khó.


La-xa-rơ bị bệnh và có lẽ bị tàn tật, vì ông “nằm” ngoài cửa nhà người giàu (Công 3:1-2). Chỉ có những con chó để ý đến ông. Đương nhiên người giàu có thể dễ dàng giúp đỡ cho La-xa-rơ, nhưng ông ta phớt lờ và cứ tiếp tục vui hưởng của cải mình có. Cuộc sống thật sung túc khiến ông cảm thấy vô cùng yên tâm!


Người giàu này rõ ràng không có ý niệm về nhiệm vụ của người quản gia, hoặc ông có thể sử dụng một chút của cải để giúp La-xa-rơ. Thật kỳ lạ khi ông ta cho phép người ăn mày này trú trước hiên nhà mình. Có lẽ ông nghĩ rằng cho người ăn mày một chỗ trú như vậy là đã làm trọn nhiệm vụ. Có lẽ vài người khách giàu có đã bố thí cho La-xa-rơ. Đã có ai trong số họ nhớ lại những điều Kinh Thánh Cựu-ước nói về sự quan tâm đối với kẻ nghèo khó như ở sách Ch 14:21; Ch 19:17; Ch 21:13; Ch 28:27?


Khác biệt trong sự chết (Lu 16:22): “Kẻ giàu và người nghèo đều gặp nhau, Đức Giê-hô-va dựng nên cả hai” (Ch 22:2). Theo cách nói của John Donne, “chết là tay san bằng vĩ đại”. Người giàu dù có của cải dư dật cũng chết (Thi 49:6-9) và chắc được an táng một cách “long trọng”. Nhưng khi La-xa-rơ chết, ông ta được đặt vào lòng Áp-ra-ham. Thật là một sự khác biệt rõ rệt! Có lẽ dù người Do-thái có xót thương ông ta thế nào, ông ta vẫn không được an táng theo đúng nghi thức dân Do-thái. Ông không được an táng đàng hoàng, không có những kẻ khóc mướn, không hương liệu ướp xác, không mồ mả đàng hoàng. Sau khi thân xác La-xa-rơ được đem đi có lẽ những kẻ lân cận nói rằng: “Ồ, chúng tôi rất mừng vì ông ta không còn lảng vảng ở đây nữa!”


Sự chết xảy ra khi hồn lìa khỏi xác (Gia 2:26).

Nhưng đó chưa phải là sự chết cuối cùng, vì nó chỉ mới là sự khởi đầu một sự sống mới ở thế giới khác. Đối với những người tin Chúa chết có nghĩa là được ở với Chúa (IICôr 5:1-8; Phi 1:21). Đối với kẻ vô tín, chết nghĩa là bị phân cách khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong khốn khổ.


Khác biệt trong sự vĩnh cửu (Lu 16:23-31): Từ “Âm phủ” ở Lu 16:23 được người Gờ-réc gọi là “nơi người chết ở”. Đó là nơi người chết ở tạm khi chờ sự xét đoán. Nơi đoán phạt đời đời dành cho kẻ hư mất được gọi là “địa ngục” nơi có hồ lửa. Ngày kia, kẻ chết sẽ sống lại và âm phủ cũng trả lại những linh hồn (Kh 20:13), những tội nhân hư mất sẽ bị xét đoán trước mặt Đấng Christ (Kh 20:10-15).


Qua sự mô tả của Chúa Giê-xu, chúng ta biết rằng nơi người chết ở có 2 “khu vực” riêng: một nơi Pa-ra-đi gọi là “lòng Áp-ra-ham” và một nơi đoán phạt. Nhiều nhà thần học tin rằng sau khi Chúa sống lại và về trời thì nơi Pa-ra-đi không còn tồn tại nữa (Gi 20:17; Eph 4:8-10). Chúng ta biết “Thiên đàng” hôm nay ở trên trời, là nơi Chúa Giê-xu cai trị trong sự vinh hiển (Lu 23:43; IICôr 12:1-4).

Kinh Thánh không nói rằng những linh hồn ở thiên đàng hay nơi âm phủ có thể liên lạc với nhau hay có thể liên lạc với người sống trên đất.


Câu chuyện này bác lại điều gọi là “linh hồn ngủ”, vì cả người giàu và La-xa-rơ đều có sự nhận biết, một người được yên ủi và một người chịu khốn khổ. Đây là vấn đề nghiêm túc khi suy nghĩ về số phận đời đời của mỗi người cũng như nhận biết tính thực hữu về sự đoán phạt.


C.S.Lewis nghe nói có một bia mộ ghi rằng: “Đây là nơi yên nghỉ của kẻ vô thần đã ăn mặc bảnh bao nhưng không biết đi đâu”. Lewis nhẹ nhàng đáp: “Tôi tin chắc người đó cũng muốn như vậy!” Có một điều thú vị là người giàu ở âm phủ bắt đầu cầu nguyện!

Trước tiên ông ta cầu nguyện cho bản thân, xin Áp-ra-ham thương xót và khiến La-xa-rơ yên ủi mình (Lu 16:23-26). Thậm chí một giọt nước mát cũng rất quý báu đối với ông ta. Mọi sự đã thay đổi, khác hẳn với những yến tiệc xa hoa khi biết bao đầy tớ lăng xăng làm theo mệnh lệnh của ông!


Từ “đau đớn”, “bị khổ” được sử dụng trong đoạn này nói về một sự đau đớn thật, giống với từ được sử dụng khi người bị tà linh ám (Mac 5:7) và sử dụng cho sự đoán phạt mà Chúa sẽ giáng trên một thế giới không ăn năn (Kh 9:5; Kh 11:10; Kh 20:10). Nếu hỏa ngục là nhà tù đời đời dành cho những kẻ bị đoán phạt, thì nơi của người chết ở là trại giam tạm thời, và sự khốn khổ trong hai trường hợp này là điều rất thực, chớ không phải tưởng tượng!


Có những người hỏi: “Sao một Đức Chúa Trời yêu thương lại có thể cho phép một nơi như địa ngục thế kia được tồn tại và đưa con người vào đó?” Khi hỏi câu này, chính họ tự bày tỏ mình không hiểu gì về tình yêu của Đức Chúa Trời hoặc sự độc ác của tội lỗi. Tình yêu Đức Chúa Trời một tình yêu thánh khiết (“Đức Chúa Trời là sự sáng” – IGi 1:5), chớ không phải là một tình cảm hời hợt, nông cạn.

Tội lỗi là sự chống nghịch lại một Đức Chúa Trời yêu thương và thánh khiết. Ngài không đưa con người vào địa ngục, nhưng chính con người đã tự đẩy mình vào đó khi khước từ sự kêu gọi của Đức Chúa Trời và không tin Con Ngài. Những “kẻ chẳng tin” bị định vào danh sách những người hư mất nơi hoả ngục, thậm chí trước những kẻ giết người là kẻ nói dối (Kh 21:8; Gi 3:18-21,36).


Áp-ra-ham có hai lý do cho biết La-xa-rơ không thể an ủi kẻ giàu này: vì tính cách của người giàu và hiện trạng về sự sống đời đời khác nhau. Người giàu đã hưởng sự sung túc trên đất và những vui sướng trần tục. Ông đã được nhận phần thưởng ở thế gian (Mat 6:2,5,12). Ông tự quyết định số phận mình khi đặt Đức Chúa Trời ra ngoài đời sống và giờ đây bản chất cũng như số phận ông chẳng thể thay đổi được. La-xa-rơ cũng không thể rời bỏ vị trí được yên ủi của mình để đến nơi đau khổ dù chỉ trong giây lát!


Người giàu cũng cầu nguyện cho anh em mình (Lu 16:27-31). Ông không nói: “Tôi rất vui nếu các anh em tôi cùng đến đây. Chúng tôi sẽ có những giây phút tuyệt vời bên nhau! ”. Đôi lúc, có lẽ bạn đã nghe một kẻ vô tín nói rằng: “Tôi không lo nếu phải vào địa ngục. Tôi sẽ có bè bạn rất nhiều”. Nhưng làm gì có “tình bạn” nào ở địa ngục! Địa ngục chỉ là nơi đau khổ và cô độc. Nơi ấy không phải là một bữa tiệc tất niên đời đời mà tội nhân có thể hưởng như ở trên đất.


Câu 28 cho thấy La-xa-rơ có lẽ đã làm chứng cho người giàu và anh em của ông, nhưng không ai tin. Giờ đây, lời chứng của La-xa-rơ quan trọng biết bao! Anh em của người giàu biết La-xa-rơ đã chết, vì vậy nếu kẻ ăn mày xuất hiện trước mặt họ, hẳn họ sẽ khiếp vía và nghe lời chứng của ông ta. Những kẻ ở âm phủ đã quan tâm đến những con người hư mất, nhưng không thể làm được gì cho kẻ khác.


Áp-ra-ham giải thích rằng chỉ có một điều duy nhất có thể giữ năm anh em khỏi chung số phận với anh họ, đó là họ phải nghe Lời Đức Chúa Trời và hưởng ứng bằng đức tin, Môi-se và các tiên tri cho tội nhân biết cách để ăn năn và được cứu. Người Do-thái đã từng nghe đọc về những điều này mỗi kỳ lễ Sa-bát trong nhà hội.


Dù phép lạ có thể chứng thực quyền năng của người rao giảng, cũng không thể khiến lòng của kẻ hư mất ăn năn hoặc thay đổi. Niềm tin chỉ dựa trên những phép lạ không phải là niềm tin cứu được kẻ khác (Gi 2:23-25). Có một người tên La-xa-rơ thật đã sống lại từ cõi chết, nhưng một số người vẫn muốn giết ông! (Gi 11:43-57; Gi 12:10). Những ai cho rằng công tác truyền giảng sẽ không có hiệu quả nếu không có những “dấu kỳ phép lạ”, những người ấy cần suy ngẫm lại đoạn Kinh Thánh này và cũng xem Gi 10:41-42.


Trong suốt cuộc đời của người giàu, Đức Chúa Trời đã nói với ông qua nhiều cách. Ngài đã cho ông có nhiều của cải, vậy mà ông vẫn không ăn năn (Ro 2:4-5). La-xa-rơ đã làm chứng trước người giàu, và Lời Thánh Kinh Cựu-ước cũng cho ông biết những gì quen thuộc với người Do-thái, nhưng ông vẫn cứ vô tín. Sự kiện La-xa-rơ chết trước - là một chứng cớ mạnh mẽ nhắc ông rằng sẽ có ngày ông cũng chết. Nhưng thậm chí một cái chết xảy ra trước ngạch cửa nhà ông vẫn không khiến ông động lòng.


Mặc dù bị khốn khổ nơi âm phủ, người giàu vẫn không ăn năn ông chỉ nghĩ đến cái tôi của mình. Ông cầu nguyện nhưng chỉ cầu cho sự yên ủi của bản thân và sự an toàn của gia đình, chớ không quan tâm về những tội nhân hư mất khác. Ông chỉ biết nghĩ đến năm anh em của mình.

Ông biện luận với Đức Chúa Trời chớ không phục tùng ý muốn Ngài. Điều này cho thấy sự đoán phạt dành cho tội nhân hư mất cũng không phải là biện pháp có thể thay đổi họ, hoặc làm họ tốt hơn. Âm phủ và nơi ở của người chết không phải là những bệnh viện dành cho người bệnh, mà là những nhà tù dành cho những kẻ bị đoán phạt.


Bác sĩ Lu-ca không cho chúng ta biết phản ứng của những người Pha-ri-si ích kỷ kia trước câu chuyện này. Họ đều biết rõ Môi-se và những tiên tri, điều này có ý nghĩa là họ phải chịu trách nhiệm lớn lao hơn và sự đoán phạt càng gay gắt hơn (Gi 12:35-41).


Chúng ta phải biết rằng không phải người giàu bị lên án vì có nhiều của cải, hay La-xa-rơ được cứu vì nghèo. Áp-ra-ham cũng là người giàu có, nhưng ông đâu chịu khổ nơi âm phủ! Người giàu này chỉ cậy nơi của cải mình và không tin cậy Chúa.


C.S.Lewis nói rằng: “Con đường chắc chắn dẫn đến âm phủ là con đường thoai thoải, dốc nhẹ, êm chân, không chỗ rẽ bất ngờ, không cột mốc, cũng không có biển chỉ đường!”

“Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?” (Mac 8:36)

Chúa Giê-xu đã trả lời cho câu hỏi trên.

Còn bạn giải đáp ra sao?



 


16. NHỮNG VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG (Lu 17:1-37)


Trên đường đến Giê-ru-sa-lem, Chúa tiếp tục dạy dỗ môn đệ và chuẩn bị tinh thần cho họ về sự thương khó của Ngài. Tuy nhiên Ngài cũng chuẩn bị cho họ có thời gian để khi Ngài không ở gần họ, họ vẫn có thể thay Ngài giảng dạy cho kẻ khác. Đó là giai đoạn quan trọng trong đời họ. Qua đoạn này, Lu-ca ghi lại những bài học Chúa dạy môn đệ về những điều cần có trong cuộc đời theo Chúa: sự tha thứ (Lu 17:1-6) trung tín (Lu 17:7-10) tạ ơn (Lu 17:11-19) và tỉnh thức (Lu 17:20-37).


1. Sự tha thứ (Lu 17:1-6)

Sau khi khuyến cáo người Pha-ri-si về tội tham tiền (Lu 16:14-31) Chúa Giê-xu bắt đầu khuyên môn đệ tránh những tội có thể phạm phải trong đời sống, vì những lần vi phạm là một phần bất hạnh của cuộc đời. Nói cho cùng, chúng ta là những tội nhân sống trong một thế giới đầy dẫy tội lỗi. Nhưng chúng ta phải lưu ý, đừng gây cớ vấp phạm cho người người khác, vì đó là một hình thức tội chống lại anh em cùng đức tin và cũng là cớ gây cho họ phạm tội (Rô 14:13; ICôr 10:22; IGi 2:10).


Khi dùng từ “kẻ nhỏ”, Chúa không chỉ nói về trẻ con nhưng Ngài cũng đề cập đến những người có đức tin non yếu đang học biết để theo Chúa (IGi 10:21; Mat 18:1-6). Vì Lu 17:1-10 là một phần của chủ đề bắt đầu từ Lu 15:1, nên “những kẻ nhỏ” cũng bao gồm những người thâu thuế và tội nhân đã đến tin nhận Chúa Giê-xu. Người Pha-ri-si chỉ trích Chúa, thái độ này có thể khiến những người mới tin vấp phạm. Đây là tội lỗi nghiêm trọng mà kẻ phạm tội đó lẽ ra đáng bị quăng xuống biển để không ai nhìn thấy hơn là khiến những người khác bị vấp phạm.


Giả sử bạn không phải là người gây cớ vấp phạm, nhưng có một tín hữu khác khiến bạn vấp phạm. Chúa đề cập đến điều này ở Lu 17:3,4 và dạy chúng ta những gì phải làm. Trước tiên, chúng ta nên quan tâm lẫn nhau và thực hiện lời dạy “các ngươi hãy giữ lấy mình”. Điều này có nghĩa là chúng ta phải chăm sóc nhau bằng sự yêu thương và làm mọi điều có thể hầu ngăn kẻ khác phạm tội.


Nếu có một anh em gây cớ vấp phạm cho chúng ta, khi ấy ta nên dùng sự yêu thương để quở trách họ cách riêng tư. Chúng ta thường có xu hướng kiềm chế bực bội trong lòng, nuôi sự oán giận, rồi kể lể với người khác điều đã xảy đến cho mình, thật không phải là một hành động đúng (Mat 18:15-20). “Lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Eph 4:15) là bước đầu tiên giải tỏa những bất đồng cá nhân.


Mục đích chúng ta không phải là làm cho kẻ vi phạm bị xấu hổ hay đau lòng, nhưng để khích lệ họ ăn năn (Ga 6:1). Nếu người vi phạm ăn năn, ta nên tha thứ (Eph 4:32; Mat 5:43-48). Thật ra, chúng ta phải có thói quen tha thứ cho dù kẻ khác có thể gây vấp phạm cho chúng ta bảy lần trong ngày, thậm chí 70 lần 7! (Mat 18:21). Không ai có khả năng phạm tội như vậy chỉ trong một ngày, nhưng lối phóng đại này nhằm nhấn mạnh ý Chúa muốn dạy dỗ chúng ta: Đừng nhớ đến lỗi lầm của người khác, vì tình yêu thương không hề giữ lại ký ức về những vi phạm (ICôr 13:4-6). Chúng ta phải luôn sẵn sàng tha thứ kẻ khác, vì sẽ có ngày nào đó cũng cần được họ tha thứ.


Có thể chúng ta nghĩ rằng các môn đệ sẽ đáp ứng lời Chúa dạy bằng cách cầu xin “Xin cho chúng tôi thêm tình yêu! ” Dĩ nhiên tình yêu là yếu tố quan trọng trong sự tha thứ, nhưng yếu tố về đức tin còn quan trọng hơn. Để có thể vâng theo lời Chúa dạy và tha thứ kẻ khác, cần phải có đức tin thật. Hành động tha thứ kẻ khác chứng tỏ chúng ta đang tin cậy nơi Đức Chúa Trời về những gì Ngài sẽ hành động, tin rằng Ngài sẽ giải toả mọi hiểu lầm, khiến mọi sự trở nên ích lợi cho chúng ta và làm vinh hiển danh Ngài.


Những Cơ-đốc nhân trưởng thành hiểu rằng sự tha thứ không phải là những lời nói dễ dàng, giống như lũ trẻ con cãi vả nhau ầm ỉ rồi thường nói với nhau một cách vô thức: “Xin lỗi nha! ”


Sự tha thứ thật luôn gắn với một nỗi đau một ai đó đã bị đau lòng và có một giá phải trả để chữa lành vết thương lòng ấy. Tình yêu thương là động cơ để ta tha thứ nhưng đức tin là “chất xúc tác” khiến ta có thể tha thứ nhanh chóng hơn hầu cho Đức Chúa Trời có thể sử dụng đức tin ấy để bày tỏ ân phước Ngài trong đời sống của con cái Ngài.


Chúa đưa ra hình ảnh “hột cải” để nói về ý nghĩa của sự sống và tăng trưởng. Hột cải thật bé, nhưng tiềm ẩn một sự sống bên trong, nên có thể lớn lên và sinh quả (Mac 4:30-32). Đức tin của chúng ta là đức tin “sống” (Gia 2:14-26), sẽ tăng trưởng và giúp chúng ta vâng phục mệnh lệnh Đức Chúa Trời. “Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va, và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy” (Thi 37:5). Sự tha thứ là một kiểm nghiệm về tình yêu thương và đức tin của chúng ta.


Bản chất con người không thay đổi, luôn có những vấp phạm dễ dàng trở thành những dịp phạm tội. Con cái Chúa phải tập đối diện với những lỗi lầm ấy một cách trung thực, đầy dẫy lòng yêu thương và tha thứ khi kẻ khác ăn năn, Mục sư kiêm thi sĩ George Herbert đã viết: “Ai không thể tha thứ, người ấy sẽ làm gãy chiếc cầu mà mình phải đi qua”.


2. Sự trung tín (Lu 17:7-10)

Lời mở đầu ở Lu 17:7 cho thấy Chúa muốn quân bình giữa bài học này với bài học khác. Thật nguy hiểm nếu 12 sứ-đồ có thể bị lôi cuốn vào những công việc phụ, khiến họ bỏ qua những nhiệm vụ hằng ngày trong đời sống! Nếu đức tin không đem lại sự trung tín, sẽ không thể hoàn thành công việc của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta có đức tin làm những việc khó (c.1-6) là điều tốt, nhưng điều quan trọng là đức tin ấy có thể giúp chúng ta thực hiện nhiệm vụ hằng ngày Chúa đã giao phó. Những đặc ân phải luôn cân bằng với trách nhiệm!


Người đầy tớ trong câu chuyện là người làm đủ mọi việc. Anh ta có nhiệm vụ làm đồng, chăn chiên, nấu ăn. Vì ít tiền nên chỉ thuê một đầy tớ là chuyện bình thường. Nhưng Chúa mô tả một trường hợp mà thời đó người ta không thể tưởng tượng được: chủ chăm sóc đầy tớ! Thật vậy, Ngài mở đầu câu chuyện với câu hỏi: “Ai trong các ngươi...?” Hẳn các môn-đệ đã đáp: “Chẳng ai trong chúng tôi tưởng tượng nổi”.


Chúa Giê-xu đã từng nói về mối liên hệ giữa Ngài với các môn-đệ và hứa sẽ “hầu việc” họ nếu họ trung tín (Lu 12:35-38). Ngài ở giữa họ như một đầy tớ (Lu 22:27) dù Ngài là Đấng chủ tể muôn loài. Câu chuyện này nhấn mạnh về sự trung tín đối với nhiệm vụ được giao. Nếu một tôi tớ bình thường còn biết vâng phục mệnh lệnh của người chủ không hề thưởng công cho mình, vậy môn đệ Chúa càng phải vâng phục Đấng yêu thương nhiều hơn thế, vì Ngài là Đấng hứa thưởng cho họ cách rộng rãi!


Một đầy tớ trung tín không nên mong đợi một phần thưởng nào vì chỉ làm những việc được giao. Đầy tớ này thật sự có ích cho chủ: anh ta coi sóc việc đồng áng, chăn bầy chiên và chuẩn bị thức ăn cho chủ. Cậu nói “là đầy tớ vô ích” nghĩa là: “Chủ tôi không nợ tôi điều gì”. Việc Chúa Giê-xu sẽ thưởng cho tôi tớ Ngài là một vấn đề ân huệ của Đức Chúa Trời. Chúng ta không xứng đáng nhận được điều gì khi cho rằng đã vâng lời và hầu việc Ngài.


Là tôi tớ Chúa, chúng ta phải giữ mình kẻo có thái độ không đúng đắn đối với trách nhiệm được giao. Có hai thái cực cần tránh hoặc chỉ làm nhiệm vụ như một tôi tớ miễn cưỡng, hoặc làm việc để mong nhận được phần thưởng.

Nhà công nghệ R.G.Le Tourneau từng nói: “...Nếu bạn ban cho vì được đền đáp, nó chẳng đền đáp gì cả”. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho sự hầu việc , cả hai thái độ này đều thấy trong thái độ của người con cả (Lu 15:25-32), là người vâng phục cha một cách khổ sở, luôn mong cha sẽ cho mình một bữa tiệc đãi bạn hữu.

Vậy Cơ-đốc nhân cần phải có thái độ ra sao? “Lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức Chúa Trời” (Eph 6:6). “Nếu các ngươi yêu mến ta thì giữ gìn các điều răn ta” (Gi 14:15). Đối với người được tái sinh: “Điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề” (IGi 5:3). Hầu việc Chúa là một sự vui mừng chớ không chỉ là nhiệm vụ, chúng ta vâng phục Ngài vì yêu mến Ngài. “Hỡi Đức Chúa Trời, tôi lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Chúa Luật pháp Chúa ở trong lòng tôi” (Thi 40:8).


3. Tinh thần tạ ơn (Lu 17:11-19)

Giữa Lu 17:10 và Lu 17:11, những sự kiện ở sách Giăng 11 đã xảy ra khi Chúa trên đường đến Giê-ru-sa-lem. Tại ranh giới cận Sa-ma-ri và xứ Giu-đê, Ngài chữa lành 10 người phung cùng một lúc. Trong số những kẻ được lành có một người Sa-ma-ri, khiến cho sự kiện này càng thêm ý nghĩa (Lu 10:30-37). Qua sự kiện này, Chúa Giê-xu muốn dạy dỗ chúng ta bài học về lòng biết ơn đối với Đức Chúa Trời.


Câu chuyện bắt đầu từ 10 người phung (Lu 17:11-13) (Lu 5:12-15). Người Do-thái và người Sa-ma-ri vốn không sống hoà thuận nhau, nhưng những kẻ khốn khổ thích kết bạn với nhau. Đây là 10 kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Bạn nghĩ xem, sống mà như đang chết, vậy sự tồn tại của họ trên đời có gì khác nhau?

Tuy vậy 10 người phung đều có hy vọng vì Chúa Giê-xu đang ở đó, nên họ đã lớn tiếng cầu xin Ngài thương xót. Từ họ dùng “lạy Thầy” cũng giống như Phi-e-rơ đã dùng (Lu 5:5), có nghĩa như Ngài là Đấng có quyền ra lịnh trên mọi sự. Họ biết Ngài có thể ra lệnh cho bệnh tật và sự chết, nên tin rằng Ngài có thể giúp mình.


Câu chuyện tiếp tục đề cập đến 9 kẻ vô ơn (Lu 17:17). Chúa Giê-xu ra lệnh cho những người phung đến tỏ mình cùng các thầy tế lễ. Đây là một hành động của đức tin, vì lúc đó họ vẫn chưa được chữa lành. Khi họ vâng lời, họ được lành bệnh hoàn toàn vì sự vâng lời là bằng chứng của đức tin (IIVua 5:1-14).


Có lẽ bạn tưởng rằng 10 người sẽ chạy đến cảm tạ Chúa vì họ có một đời sống mới, nhưng chỉ có một người biết ơn Ngài, thậm chí anh ta cũng không phải là người Do-thái. Lẽ ra, họ phải có lòng biết ơn vì Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Giê-xu đến đây và tình yêu đã khiến Ngài chú ý đến nhu cầu của họ. Chính vi ân điển và quyền năng của Đức Chúa Trời đã khiến họ được lành. Lẽ ra họ phải cùng thành lập một ban hát đột xuất và tôn vinh Chúa bằng Thi 103:1-22!


Tuy nhiên, trước khi xét đoán họ gay gắt, chúng ta hãy nhìn lại xem “mức độ biết ơn” của chúng ta ra sao. Có bao lần chúng ta nhận những ơn phước nhưng không cảm tạ Chúa? “Nguyện người ta ngợi khen Đức Giê-hô-va vì sự nhơn từ Ngài, và vì các công việc lạ lùng Ngài làm cho con loài người!” (Thi 107:8,15,21,31). Chúng ta luôn hài lòng với những sự ban cho và quên Đấng ban phát. Chúng ta nhanh nhẹn trong sự cầu xin nhưng chậm chạp trong sự tạ ơn.


Martin Rinkhart đã viết bài ca mang tựa đề “Nào, chúng ta hãy cảm tạ Chúa” (Now Thank we all our God) suốt chiến tranh 30 năm khi chức vụ mục sư của ông gặp nhiều khó khăn. Mỗi ngày ông phải làm lễ tang cho khoảng 40 đám tang trong đó có tang lễ của vợ ông. Vậy mà ông vẫn viết được những lời ca vui mừng, xem như đó là một ơn phước Chúa dành cho gia đình mình. Bất chấp chiến tranh, bệnh tật, đau buồn diễn ra quanh ông, ông vẫn có thể dâng lời cảm tạ Chúa với lòng biết ơn.


Lu-ca kết thúc câu chuyện khi đề cập đến một con người đặc biệt (Lu 17:15-19). Người Sa-ma-ri này đã lớn tiếng ngợi khen Đức Chúa Trời, quỳ nơi chân Chúa Giê-xu để tạ ơn Ngài. Theo lệ thường, có lẽ anh ta đã theo 9 người kia đến đền thờ, nhưng trước tiên anh ta đã đến với Chúa Giê-xu bằng của lễ “ngợi khen” (He 13:15; Thi 107:22). Điều này làm Chúa đẹp lòng hơn mọi của lễ của những kẻ khác dâng lên, cho dù họ đã vâng theo luật pháp (Thi 51:15-17). Thay vì đến thầy tế lễ, người Sa-ma-ri đã trở nên một thầy tế lễ và anh ta đã lập một bàn thờ ngay chân Chúa Giê-xu (đọc Thi 116:12-19).


Đến với Chúa Giê-xu, người Sa-ma-ri này đã nhận được một điều kỳ diệu hơn sự chữa bệnh thể xác: anh ta cũng được cứu khỏi tội lỗi. Chúa phán: “đức tin ngươi đã cứu ngươi”, đó cũng là lời Ngài đã phán với người đàn bà xức dầu nơi chân Ngài (Lu 7:50). Chín người kia được thầy tế lễ xưng là tinh sạch, nhưng người Sa-ma-ri này được Con Đức Chúa Trời xưng là kẻ được cứu! Kinh nghiệm được phép lạ chữa bệnh là điều kỳ diệu, nhưng kinh nghiệm phép lạ của sự cứu rỗi đời đời còn kỳ diệu hơn nhiều.


Mỗi con cái Đức Chúa Trời phải luôn sống trong tinh thần tạ ơn. Điều đó không chỉ khiến đời sống chúng ta phước hạnh mà còn làm vinh hiển danh Chúa. Lòng vô ơn chính là “vùng đất” màu mỡ cho mọi điều ác (Ro 1:21).


4. Sự tỉnh thức (Lu 17:20-37)

Người dân Do-thái sống trong tinh thần chờ đợi nôn nóng, đặc biệt vào kỳ lễ Vượt Qua (kỷ niệm dân Do-thái được giải thoát khỏi Ai-cập). Họ mong một Môi-se nào đó có thể giải cứu họ khỏi ách nô lệ. Một số người hy vọng Giăng Báp-tít sẽ là người giải phóng họ, và giờ đây họ lại chú ý đến Chúa Giê-xu (Gi 6:15). Sự kiện Chúa đến Giê-ru-sa-lem càng khiến họ nôn nóng hơn (Lu 19:11). Họ nghĩ rằng Ngài sẽ lập ra vương quốc như đã được báo trước!



bottom of page