top of page
CHUYỆN KỂ VỀ HAI THÀNH PHỐ (Phil 1:1-25)
Phao...
...-lô là tù nhân tại Rô-ma, bạn của ông là Phi-lê-môn sống tại thành Cô-lô-se, và mối liên lạc giữa họ là người nô lệ Ô-nê-sim bỏ trốn. Nội dung không được nói rõ, nhưng có lẽ Ô-nê-sim đã đánh cắp đồ vật của chủ mình và bỏ trốn đến Rô-ma, với hy vọng lẩn khuất trong lòng thủ đô đông người. Nhưng trong sự quan phòng của Đức Chúa Trời, Ô-nê-sim đã gặp Phao-lô và tiếp nhận Chúa!
Bây giờ thì thế nào?
Có lẽ Ô-nê-sim sẽ ở lại với Phao-lô đang cần người phụ giúp. Nhưng còn trách nhiệm làm nô lệ đối với người chủ trước đây của mình tại Cô-lô-se thì sao? Luật pháp cho phép người chủ có quyền xử tử người nô lệ nổi loạn, nhưng Phi-lê-môn là một Cơ-đốc nhân. Nếu ông tha cho Ô-nê-sim, những người chủ (và các nô lệ) khác sẽ nghĩ gì? Nếu ông hình phạt nô lệ của mình, đều đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến lời chứng của ông? Thật là tiến thoái lưỡng nan!
Cùng với thư gởi cho người Cô-lô-se, có lẽ thư này do Ty-chi-cơ và Ô-nê-sim mang đến (Co 4:9). Trong thư, chúng ta thấy Phao-lô đóng ba vai trò quan trọng khi ông tìm cách giúp đỡ Phi-lê-môn giải quyết các rắc rối. Đồng thời, chúng ta thấy một bức tranh đẹp đẽ về những gì Đức Chúa Cha đã làm cho chúng ta trong Chúa Giê-xu Christ. Martin Luther nói, “Tất cả chúng ta đều là Ô-nê-sim!” và ông đã nói đúng.
1. Phao-lô, người bạn đáng yêu (Phil 1:1-7)
Phao-lô không thành lập Hội thánh tại Cô-lô-se, ông cũng không viếng thăm Hội thánh ấy (Co 1:1-8; Co 2:1). Rất có thể Hội thánh đã hình thành do kết quả chức vụ của ông tại Ê-phê-sô (Cong 19:10,20,26) và có thể Ê-pháp-ra là mục sư thành lập Hội thánh ấy (Phil 1:23).
Hội thánh nhóm lại tại nhà của Phi-lê-môn và vợ là Áp-bi. Một số người cho rằng A-chíp là con trai của họ, nhưng điều này không chắc chắn. Có thể người là trưỡng lão thay thế chức vụ của Ê-pháp-ra đã đến Rô-ma giúp Phao-lô. Nếu điều này đúng, sẽ giải thích lời khuyên mạnh mẽ của Phao-lô dành cho A-chíp chép trong Co 4:17 đó là bức thư gởi cho toàn Hội thánh.
Trong lời chào thăm, Phao-lô bày tỏ tình yêu sâu đậm của ông dành cho bạn hữu trong Chúa, ông nhắc họ nhớ rằng ông là kẻ tù của Chúa Giê-xu Christ (Phil 1:9-10,13,23). Ti-mô-thê được nhắc đến trong lời chào thăm, mặc dù ý chính của bức thư xuất phát từ tấm lòng của Phao-lô gởi đến tấm lòng của Phi-lê-môn. Chức vụ của Phao-lô là một hoạt động “đồng đội”, khi viết các bức thư ông thường nhắc đến tên tuổi của những người cọng tác với ông. Ông thích dùng chữ “người cùng làm việc” (Rô 16:3,9,21; Phi 2:25; Phi 4:3; Co 4:11; ICôr 3:9).
Hội thánh trong thời Tân-ước nhóm họp tại nhà riêng (Rô 16:5,23; ICôr 16:19), và có thể Hội thánh nhóm lại trong nhà Phi-lê-môn là một trong những Hội thánh tại Cô-lô-se (Co 4:15). Phao-lô đã đưa dắt Phi-lê-môn tin nhận Đấng Christ (Phil 1:19), và Phi-lê-môn trở nên nguồn phước cho các tín hữu khác (c.7).
Phao-lô có thói quen dùng lời tạ ơn và ngợi khen Đức Chúa Trời để mở đầu các bức thư của ông. (Thơ Ga-la-ti là một ngoại lệ). Trong lời tạ ơn, Phao-lô mô tả bạn của ông là người có lòng yêu thương và đức tin, hướng về Chúa Giê-xu Christ và các thánh đồ. Tình yêu của người bạn ấy rất thực tế: người “yên ủi” các thánh đồ bằng lời nói và việc làm.
Phao-lô cho Phi-lê-môn biết rằng ông đang cầu thay cho người và cầu xin Đức Chúa Trời làm cho lời chứng của người hiệu nghiệm (“việc chia sẻ đức tin của anh”) để người khác sẽ tin nhận Chúa Giê-xu Christ. Phao-lô cũng cầu nguyện để bạn của ông có lòng hiểu biết tất cả những gì người có trong Chúa Giê-xu Christ. Dầu sao, càng biết Đấng Christ và càng kinh nghiệm các phước hạnh của Ngài, chúng ta càng muốn chia sẻ các phước hạnh ấy cho người khác.
2. Phao-lô, người biện hộ thành khẩn (Phil 1:8-16)
Những ước tính cho thấy có 60 triệu nô lệ trong đế quốc Rô-ma, những con người cả nam lẫn nữ bị đối xử như đồ vật có thể mua bán trao đổi.
Một câu phương ngôn quen thuộc “Bao nhiêu nô lệ, bấy nhiêu kẻ thù! ”. Trung bình một nô lệ bán giá 500 đơ-ni-ê (một đơ-ni-ê bằng tiền công nhật của một người làm công bình thường), trong khi đó nô lệ có khả năng và có học giá cao đến 50.000 đơ-ni-ê. Người chủ có thể thả tự do cho nô lệ hoặc người nô lệ có thể mua tự do cho mình nếu có thể kiếm được tiền (Công 22:28).
Nếu người nô lệ bỏ trốn, người chủ sẽ khai tên và nhân dạng của nó cho nhà chức trách, và người nô lệ nằm trong danh sách “truy nã”. Bất kỳ công dân tự do nào phát hiện ra người nô lệ bỏ trốn có thể tạm giữ và còn can thiệp với người chủ.
Người nô lệ không tự động trở về lại với người chủ, cũng không tự động nhận lãnh tội chết. Thật sự có một số người chủ độc ác (có người đã ném nô lệ của mình vào trong hồ cá ăn thịt người! ), vẫn có nhiều người trong số họ là những người biết điều và đầy tình người. Dầu sao, nô lệ là một tài sản cá nhân đắt tiền và hữu dụng, người chủ sẽ mất tiền khi bỏ nó.
Khi cầu xin cho Ô-nê-sim, Phao-lô đưa ra năm lời kêu gọi mạnh mẽ. Đầu tiên ông nhắc đến tiếng đồn về Phi-lê-môn là người mang phước hạnh đến cho người khác. Chữ “vậy nên” trong câu 8 mang ý nghĩa “vì lý do đó”. Vì Phi-lê-môn là con cái Chúa “đem đến sự yên ủi”, nên Phao-lô muốn tạo cho người một cơ hội yên ủi lòng của vị sứ đồ! Phi-lê-môn là nguồn phước lớn lao cho nhiều thánh đồ, và bây giờ người có thể là nguồn phước cho một trong những nô lệ của mình vừa được cứu rỗi linh hồn!
Có thể Phao-lô đã dùng quyền sứ đồ ra lệnh cho bạn của ông phải nghe lời, nhưng người thích kêu gọi tình yêu trong Chúa hơn (c.9). Hãy xem Phao-lô ý tứ nhắc cho Phi-lê-môn nhớ lại hoàn cảnh cá nhân của ông: “Tôi, Phao-lô, đã già rồi, hiện nay lại vì Đức Chúa Giê-xu Christ chịu tù nữa” (c.9). Ai có thể từ chối được lời thỉnh cầu của một thánh đồ đang chịu đau khổ như Phao-lô! Có thể vào thời gian này Phao-lô đã sáu mươi tuổi, nhưng đó là độ tuổi tốt đẹp cho người nam trong thời gian ấy. Cùng với đức tính nhân hậu và tình yêu trong Chúa của Phi-lê-môn, Phao-lô đưa ra lời khẩn khoản thứ ba đó là sự tin đạo của Ô-nê-sim (c.10).
Ô-sê-sim không còn “chỉ là một nô lệ” nữa nhưng bây giờ người còn là con của Phao-lô trong đức tin và là anh em trong Chúa của Phi-lê-môn! Trong Chúa Giê-xu Christ, không còn “người tôi mọi hay người tự chủ” (Ga 3:28). Điều này không có nghĩa là việc tin đạo đã thay đôi địa vị làm nô lệ của Ô-nê-sim theo luật pháp, hoặc không có nghĩa điều đó đã huỷ bỏ món nợ của người đối với luật pháp hoặc đối với chủ của mình. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa Ô-nê-sim có địa vị mới trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt các thánh đồ Ngài, và Phi-lê-môn phải lưu tâm đến điều này.
Lời thỉnh cầu thứ tư đó là Ô-nê-sim có ích lợi cho chức vụ của Phao-lô tại Rô-ma (c.11-14). Tên gọi Ô-nê-sim có nghĩa là “có ích”, vì vậy có sự chơi chữ trong câu 11 (Tên gọi Phi-lê-môn có nghĩa là “yêu thương” hoặc “người tử tế tốt bụng”. Nếu người ta mong đợi người nô lệ sống đúng với tên gọi của nó, vậy còn người chủ thì sao?). Phao-lô yêu thương Ô-nê-sim và đáng lẽ ông giữ anh ta ở lại với mình tại Rô-ma để người cùng làm việc với mình, nhưng ông không muốn dạy bảo Phi-lê-môn điều phải làm. Lòng hy sinh và tình nguyện phục vụ do tình yêu thương thôi thúc là điều Chúa mong mỏi nơi con cái Ngài.
Lời thỉnh cầu thứ năm liên quan đến sự quan phòng của Đức Chúa Trời (15-16). Phao-lô không võ đoán khi ông dùng (“những chữ có lẽ”) nói lên quan điểm: là con cái Chúa, chúng ta phải tin rằng Đức Chúa Trời đang cầm quyền tể trị ngay cả những kinh nghiệm khó khăn nhất trong cuộc sống. Đức Chúa Trời cho phép Ô-nê-sim đến Rô-ma để có thể gặp Phao-lô và trở nên Cơ-đốc nhân. (Chắc chắn Phi-lê-môn và gia đình của ông đã làm chứng cho người nô lệ và cầu nguyện cho anh ta).
Ô-nê-sim ra đi để anh ta có thể trở lại. Ô-nê-sim vắng mặt môt thời gian ngắn để anh ta và chủ của mình có thể ở với nhau mãi mãi. Ô-nê-sim đến Rô-ma trong thân phận một nô lệ, nhưng anh ta trở về lại Cô-lô-se là người anh em. Đức Chúa Trời thật nhân từ biết bao khi tể trị trong những công việc này!
Khi bạn ôn lại năm lời thỉnh cầu này, bạn có thể thấy Phao-lô tỏ ra cử chỉ trìu mến thuyết phục bạn của ông là Phi-lê-môn để ông này chấp nhận người nô lệ không vâng lời và tha thứ cho anh ta. Nhưng Phi-lê-môn không dễ dàng làm điều này.
Nếu ông quá dễ dãi cho Ô-nê-sim, điều này sẽ tác động đến các nô lệ khác khi “trở nên Cơ-đốc nhân” và điều đó có thể tác động đến người chủ của họ. Tuy nhiên, nếu Phi-lê-môn quá khắc khe với Ô-nê-sim, điều đó có thể ảnh hưởng đến lời chứng và chức vụ của ông tại Cô-lô-se.
Vào lúc này, Phao-lô đưa ra một giải pháp toàn vẹn. Đó là giải pháp đắt giá theo cách nhận định của vị sứ đồ, nhưng ông sẵn lòng trả món nợ đắt giá ấy.
3. Phao-lô, một bạn hữu nặng lòng vì người khác (Phil 1:17-25)
Chữ “bạn hữu” được dịch từ chữ koinonia, có nghĩa là “cùng chung”. Trong câu 6 được dịch là “sự liên lạc” nghĩa là “sự thông công”. Phao-lô tình nguyện làm “người bạn cùng lo lắng công việc” với Phi-lê-môn và giúp ông ấy giải quyết rắc rối với Ô-nê-sim Người đưa ra hai đề nghị: “hãy nhận lấy người như chính mình tôi vậy” và “hãy kể tất cả những điều người đã làm hại hoặc mắc nợ anh vào tài khoản của tôi”.
Là “bạn đồng công” mới của Phi-lê-môn, Phao-lô không thể rời Rô-ma để đến Cô-lô-se được, nhưng người có thể gởi Ô-nê-sim làm đại diện cho cá nhân người. “Vị sứ-đồ nói, “Cách anh đối xử Ô-nê-sim cũng là cách anh đối xử với tôi. Người như lòng dạ tôi vậy” (c.12).
Đối với tôi, đây là hình ảnh minh hoạ về Chúa Giê-xu Christ đã làm cho chúng ta là người tin Ngài. Con cái Đức Chúa Trời giống Đấng Christ đến nỗi Đức Chúa Trời nhận họ như Ngài đã nhận Con Ngài vậy! Chúng ta được “thừa nhận trong Con Yêu Dấu của Ngài” (Eph 1:6) và được mặc aó công bình của Ngài (IICor 5:21).
Chắc chắn chúng ta không thể đến gần Đức Chúa Trời do công đức riêng nào của chúng ta, nhưng Đức Chúa Trời phải nhận chúng ta khi chúng ta đến với Ngài “trong Chúa Giê-xu Christ”. Chữ nhận trong câu 17 có nghĩa “nhận vào trong gia đình”.
Hãy tưởng tượng thật lạ lùng làm sao khi một nô lệ bước vào gia đình người chủ của mình! Nhưng bạn lại tưởng tượng một tội nhân bước vào trong gia đình của Đức Chúa Trời lạ lùng biết bao!
Phao-lô không gợi ý Phi-lê-môn làm ngơ các tội ác của Ô-nê-sim và xoá nợ cho Ô-nê-sim.
Đúng hơn, Phao-lô xin được trả nợ cho chính anh ta. “Hãy kể cho tôi - tôi sẽ trả! ” Ngôn ngữ trong câu 19 nghe như vào lúc ấy Phao-lô cam kết trước pháp luật. Đây là lời Phao-lô bảo đảm với bạn của ông rằng ông sẽ trả nợ.
Cần có tình thương nhiều hơn để giải quyết rắc rối nhưng tình yêu phải trả giá. Đức Chúa Trời không cứu chúng ta bởi tình yêu của Ngài, vì dù cho Ngài yêu thương cả thế gian, cả thế gian cũng không được cứu. Đức Chúa Trời yêu thương tội nhân do ân điển Ngài (Eph 2:8-9), và ân điển là tình yêu trả giá. Bởi sự Thánh Khiết của Ngài Đức Chúa Trời không thể làm ngơ món nợ chúng ta mắc, vì Đức Chúa Trời thành tín với Luật công bình của Ngài. Vì vậy Ngài đã trả nợ thay cho chúng ta!
Các nhà thần học gọi đây là “giáo lý quy trách” (“Quy trách nhiệm” có nghĩa là “kể cho ai”). Khi Chúa Giê-xu Christ chết trên thập tự giá, tội lỗi của tôi được kể cho Ngài và Ngài bị đối xử như cách tôi đáng bị đối xử. Khi tôi tin nhận Ngài làm Cứu Chúa đời mình, sự công bình của Ngài được kể cho tôi và bây giờ Đức Chúa Trời chấp nhận tôi trong Chúa Giê-xu Christ.
Chúa Giê-xu thưa với Đức Chúa Cha, “Họ không còn mắc nợ Cha nữa vì Con đã trả xong trên thập tự giá. Xin Cha nhận họ như Cha đã nhận Con. Hãy để họ vào trong vòng tay gia đình!”
Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng có sự khác biệt giữa được chấp nhận trong Đấng Christ và được chấp nhận trong Đấng Christ. Bất cứ ai tin nhận Chúa Giê-xu Christ để nhận được sự cứu rỗi đều được chấp nhận trong Ngài (Rô 4:1-4). Nhưng người tin Chúa phải tranh thủ sự vùa giúp của Đức Chúa Trời để có thể được Chúa chấp nhận trong cuộc sống mỗi ngày (Rô 12:2; Rô 14:18; Hêb 12:28; IICôr 5:9). Đức Chúa Cha muốn nhìn thấy mọi người ở trong Con Ngài và phán về họ như Ngài đã phán về Chúa Giê-xu, “Ta lấy làm đẹp lòng!”
Câu 19 cho thấy rằng chính Phao-lô dẫn dắt Phi-lê-môn tin nhận Đấng Christ. Phao-lô dùng mối quan hệ đặc biệt này cộng thêm vào lời thỉnh cầu để khích lệ bạn của ông tiếp nhận Ô-nê-sim. Phi-lê-môn và Ô-nê-sim không những là anh em thuộc linh trong Chúa, nhưng họ còn có chung “người cha thiêng liêng” - đó là Phao-lô! (c.10 ICor 4:15)
Trong câu 21 có phải Phao-lô muốn gợi ý Phi-lê-môn việc nên làm ngay là trả tự do cho Ô-nê-sim không? Cho đến tận bây giờ, tại sao ông không tuyên bố ngay và lên án chế độ chiếm hữu nô lệ? Chắc chắn bức thư này là cơ hội lý tưởng để làm việc này. Phao-lô không “lên án” chế độ nô lệ trong bức thư này hoặc trong bất kỳ bức thư nào khác của ông, mặc dù ông thường có lời khuyên dành cho các nô lệ và những người chủ của họ (Eph 6:5-9; Co 3:22-4:1; ITi 6:1-2; Tit 2:9-10). Thực ra, ông khuyến khích các nô lệ theo Chúa phải dành lấy tự do nếu họ có thể (ICôr 7:21-24).
Trong suốt thời gian Nội Chiến tại Hoa Kỳ, cả hai bên đều dùng Kinh Thánh để “chứng minh” việc họ ủng hộ hoặc chống chế độ nô lệ. Một trong những lập luận phổ biến nhất đó là, “Nếu chế độ nô lệ sai lầm, tại sao Chúa Giê-xu và các sứ đồ không chống lại? Phao-lô đưa ra những chỉ dẫn để điều chỉnh chế độ nô lệ, nhưng người không lên án nó.”
Một trong những lời giải thích hay nhất được Alexander Maclaren đưa ra trong sách giải nghĩa Cô-lô-se của ông trong Bộ Giải Kinh (Eerdmans, 1940 chương 6, trang 301):
-Trước tiên, sứ điệp Cơ-đốc giáo chủ yếu dành cho các cá nhân, và thứ đến mới dành cho xã hội. Sứ điệp đã tác động đến những đơn vị riêng lẽ phải tác động đến số đông.
-Thứ hai, sứ điệp hành động trên xúc cảm thiêng liêng và lương tâm, và sau đó kết quả trên việc làm hoặc những hành vi thói quen.
-Thứ ba, sứ điệp ấy ghét bạo lực, trọn vẹn tin vào lương tâm đã được khai sáng. Sứ điệp Cơ-đốc giáo không dính líu trực tiếp vào chính trị và những sắp xếp của xã hội, nhưng đặt ra những nguyên tắc có ảnh hưởng sâu sắc đến những điều này, và để chúng thấm đậm vào trong suy nghĩ chung.
Nếu các Cơ-đốc nhân đầu tiên bắt đầu mở chiến dịch chống chế độ nô lệ, chắc chắn họ bị lực lượng đối lập đè bẹp, và sứ điệp Phúc-Âm trở nên lẫn lộn với chương trình thuộc về chính trị và xã hội. Hãy nghĩ đến việc người ta trải qua biết bao khó khăn để vượt qua chế độ nô lệ tại Anh Quốc và Hoa Kỳ, và cả hai đất nước ấy có nền giáo dục chung và cùng thờ phượng Đức Chúa Trời giúp ích cho việc chuẩn bị con đường phá bỏ chế độ nô lệ.
Bạn cũng nghĩ đến các cuộc đấu tranh trong phong trào đòi dân quyền hiện nay ngay cả trong phạm vi giáo hội nữa. Nếu trong thế kỷ mười chín và hai mươi chúng ta thấy khó đạt thành công trong cuộc chiến dành tự do, thì cuộc chiến đã xảy ra trong thế kỷ thứ nhất ra sao?
Cơ-đốc nhân là muối của đất và ánh sáng của thế giới (Mat 5:13-16), và họ phải bày tỏ ảnh hưởng thuộc linh trong xã hội để làm sáng danh Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời dùng Giô-sép tại Ai-cập, Ê-xơ-tê và Nê-hê-mi tại Ba-tư, Đa-ni-ên tại Ba-by-lôn và suốt lịch sử Hội thánh, có nhiều con cái Chúa trong giới chính trị đã trung tín phục vụ Chúa.
Nhưng Cơ-đốc nhân trong đế quốc Rô-ma không thể làm việc thông qua các cơ cấu chính trị dân chủ như chúng ta có thể làm ngày nay, vì vậy họ thật sự không có quyền hành chính trị để tạo nên sự đổi thay. Sự thay đổi phải đến từ bên trong, cho dù phải mất nhiều thế kỷ chế độ nô lệ mới chấm dứt.
Phao-lô kết thúc bức thư với những yêu cầu và lời chào thăm cá nhân như thường lệ.Người nói rõ lòng mong ước đi thăm Phi-lê-môn và Ap-bi tại Cô-lô-se (“anh em” trong c.22 ở số nhiều). Ngay cả việc này cũng khích lệ Phi-lê-môn làm theo lời căn dặn của Phao-lô, vì chắc chắn ông sẽ không muốn bị xấu hổ khi gặp lại vị sứ đồ mặt đối mặt.
Như chúng ta đã thấy, có thể Ê-pháp-ra là mục sư của Hội Thánh và ông đã đến Rô-ma để phụ giúp Phao-lô. Dù ông có “tình nguyện làm tù nhân” vì lợi ích của Phao-lô, hoặc dù thực sự ông có bị bắt giải đến Rô-ma hay không, chúng ta không biết được. Chúng ta phải khen ngợi ông vì lòng tận hiến cho Đấng Christvà cho Phao-lô.
Giăng Mác ở với Phao-lô (Co 4:10), người thanh niên đã bỏ Phao-lô trong chuyến truyền giáo đầu tiên của ông (Công 12:12,25; Cêng 15:36-41). Phao-lô đã tha thứ cho Mác và biết ơn vì chức vụ trung tín của ông này (IITi 4:11).
A-ri-tạc từ thành Tê-sa-lô-ni-ca đồng hành với Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem và sau đó cùng đến Rô-ma (Cong 19:29 Cong 27:2). Đê-ma được nhắc đến ba lần trong các bức thư của Phao-lô: “Đê-ma...người cùng làm việc của Ta” (Phil 1:24), “Đê-ma” (Co 4:14), “Đê-ma đã lìa bỏ ta, tại người ham hố đời này...” (IITi 4:10). Giăng Mác thất bại nhưng đã được phục hồi. Đê-ma dường như sốt sắng làm việc, nhưng rồi sa ngã.
Dĩ nhiên Lu-ca là vị bác sĩ yêu dấu (Co 4:14) người đồng hành với Phao-lô, săn sóc cho ông, và cuối cùng viết Phúc-âm Lu-ca và Sách Công-vụ.
Lời chúc phước của Phao-lô là “chữ ký chính thức” cho các bức thư của ông (IITe 3:17-18), lời chúc phước ấy tán dương ân điển của Đức Chúa Trời. Dầu sao, chính ân điển của Chúa Giê-xu Christ làm chúng ta có thể được cứu (Eph 2:1-10). Chính Ngài đã phán, “Hãy kể họ vào tài khoản của Con! Hãy nhận họ như Cha đã nhận Con!”
bottom of page