top of page
Lễ...
...này chỉ kéo dài một ngày, trong một ngày này dân sự không nên làm việc nhưng phải vui mừng trước mặt Chúa và đem đến cho Ngài một của lễ xứng với mùa gặt mà Ngài đã ban cho họ (Phu 16:9-12). Sự kiện này sẽ đánh dấu sự kết thúc của mùa gặt lúa mì và dân Do-thái được truyền lệnh phải nhớ đến người nghèo vì họ đã gặt lấy lúa mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ một cách rời rộng (Le 23:22; Phuc 24:19-22). Vì điều răn này, Ru-tơ đã có thể mót lúa trong đồng của Bô-ô (Ru 2:1-23). Kết quả là, nàng trở thành vợ của Bô-ô, và họ chính là tổ phụ và tổ mẫu của vua Đa-vít (Ru 4:1-22).
Cùng với những ổ bánh được đưa qua đưa lại, 13 con sinh tế khác nhau cũng được dâng lên cho Chúa: 7 chiên con, 1 bò tơ đực, 2 chiên đực làm của lễ thiêu (sự dâng mình), 1 dê con làm của lễ chuộc tội (sự chuộc tội), 2 chiên con làm của lễ thù ân (sự hòa giải, mối giao thông). Nếu Đức Chúa Giê-xu Christ không chịu chết, sống lại từ cõi chết và trở về trời thì Đức Thánh Linh không thể đến trên đất để thi hành chức vụ. Mọi của lễ này đã được thực hiện trong một của lễ của Ngài trên thập tự giá (He 10:1-18).
Dân sự Đức Chúa Trời không thể thực hiện chức năng của mình một cách đúng đắn trong thế gian này nếu không có Đức Thánh Linh. Chính Đức Thánh Linh báp-tem các tín hữu trong thân của Đấng Christ (Cong 1:5; ICo 12:13) và ban quyền năng cho họ về sự hầu việc và sự làm chứng (Cong 1:8 4:8,31), giúp họ có thể chịu đựng sự bắt bớ và sự đau đớn vì vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Sau Lễ Ngũ Tuần, có một khoảng trống 4 tháng trên lịch của Đức Chúa Trời trước kỳ lễ tiếp theo. Khoảng trống này có thể tượng trưng cho thời kỳ của chúng ta hiện nay, là thời kỳ của Hội thánh, trong suốt thời kỳ này chúng ta phải hết lòng dự phần vào mùa gặt (Mat 9:36-38), và nôn nả chờ đợi tiếng kèn (ICo 15:51-58; ITe 4:13-18).
6. Lễ Thổi Kèn: Kêu gọi dân sự Đức Chúa Trời (Le 23:23-25)
Ba kỳ lễ cuối cùng được tổ chức trong tháng 7, tức là từ tháng 9 đến tháng 10 ngày nay của chúng ta. Con số 7 là con số quan trọng trong lịch này và trong kế hoạch của Đức Chúa Trời cho Y-sơ-ra-ên (Da 9:20-27). Có 7 ngày lễ, và 3 ngày lễ trong số này nằm trong tháng 7. Ngày Sa-bát là ngày thứ bảy trong tuần. Lễ Ngũ tuần là ngày thứ 50 sau lễ đầu mùa (7 x 7 + 1). Lễ Bánh Không Men và Lễ Lều Tạm đều kéo dài 7 ngày.
Từ Hê-bơ-rơ chỉ về “bảy” đến từ một từ gốc có nghĩa là “đầy đủ, thỏa mãn.” Nó cũng liên hệ với từ mang ý nghĩa là “thề, lập một lời thề”. Mỗi khi Chúa “lập bảy” cho điều gì, Ngài nhắc nhở dân sự rằng điều Ngài đã phán và thực hiện là trọn vẹn và đáng tin cậy. Không điều gì cần thêm vào đó nữa.
• Theo (Dan 10:1-10), các thầy tế lễ thổi kèn bằng bạc trong ba dịp: nhóm họp dân sự,tuyên bố chiến tranh và rao truyền những thời điểm đặc biệt, chẳng hạn như là tuần trăng mới. Lễ Kèn được tổ chức vào ngày 1 tháng 7 và mở ra một năm dân sự mới (Rosh Hashanah, “đầu năm”). Những của lễ cho Lễ Thổi Kèn được liệt kê trong (Dan 29:1-6).
Nhà truyền giáo Alexander Whyte có lần đã nói rằng: “Đời sống Cơ-đốc đắc thắng là một chuỗi những khởi đầu mới.” Đức Chúa Trời ban cho dân sự Ngài những cơ hội cho những sự khởi đầu mới, và chúng ta thật dại dột nếu để lãng phí những cơ hội ấy. Không giống như việc tổ chức mừng Năm Mới của chúng ta ngày nay, dân Do-thái sử dụng ngày đầu tiên trong năm mới của họ cho sự cầu nguyện, suy gẫm và xưng tội. Họ tìm kiếm để thực hiện một sự khởi đầu mới với Chúa.
Cũng có một sứ điệp tiên tri cho lễ này. Vì sự vô tín và chối bỏ Đấng Christ của mình, Y-sơ-ra-ên trở thành một dân bị tản lạc (Le 26:27-33; Phuc 28:58-67), nhưng Đức Chúa Trời sẽ nhóm họ lại tại xứ của họ trong kỳ sau rốt (Es 11:1-12; Es 27:12-13; Mat 24:29-31). Khi Y-sơ-ra-ên ra đời và trở thành cộng đồng các dân tộc vào ngày 14/5/1948, nó nhắc nhở thế giới về những lời hứa xưa kia của Đức Chúa Trời, và giữa vòng những người chính thống, “Giê-ru-sa-lem Năm Tới” đã trở thành một khẩu hiệu của Lễ Vượt Qua.
Sự giải thích cơ bản về lễ này liên quan đến Y-sơ-ra-ên, nhưng chúng ta có thể có một ứng dụng cho Hội thánh. Một số thánh đồ ở trên trời và một số ở dưới đất, và những thánh đồ ở trên đất bị tản lạc tại nhiều chi phái và các quốc gia khác nhau. Nhưng tất cả chúng ta phải kỳ vọng chờ đợi tiếng kèn và việc chúng ta “hội hiệp cùng Ngài” (IITe 2:1).
7. Ngày Lễ Chuộc Tội: Sự tha thứ (Le 23:20-32)
Chúng ta đã khám phá sự kiện quan trọng này trong bài học của chúng ta ở chương 16 sách Lê-vi ký. Hãy chú ý ở đây sự nhấn mạnh về việc dân sự làm khổ sở linh hồn mình (kiêng ăn, cầu nguyện, xưng tội) và kiêng cữ mọi công việc. “Không phải bởi những việc công bình chúng ta đã làm,nhưng theo lòng thương xót của Ngài mà Ngài đã cứu chúng ta” (Tit 3:5).
Như chúng ta đã lưu ý trong chương 6, cũng có một sứ điệp tiên tri cho Ngày Lễ Chuộc Tội. Sau khi Y-sơ-ra-ên được nhóm về xứ họ, dân Do-thái sẽ nhìn thấy Đấng Mê-si-a đã bị chối bỏ của họ, ăn năn tội lỗi họ (Xa 12:10-13:1), và được tẩy sạch. Dân tộc bị tản lạc sẽ được nhóm hiệp lại và dân tộc tội lỗi sẽ được tẩy sạch. Đó sẽ là một ngày vinh hiển biết bao!
8. Lễ Lều Tạm: Sự vui mừng của Chúa (Le 23:33-44)
Dân Y-sơ-ra-ên không chỉ là một dân bị tản lạc và dân tội lỗi (2), họ cũng là một dân bị hoạn nạn. Không một quốc gia nào trong lịch sử đã chịu những hoạn nạn như dân Do-thái đã chịu, nhưng ngày nào đó sự hoạn nạn của họ sẽ đổi ra vinh hiển và sự vui mừng.
Lễ Lều Tạm nhắc nhở Y-sơ-ra-ên về những ơn phước của Đức Chúa Trời trong quá khứ (c.42-43). Ngài đã dẫn họ ra khỏi ách nô lệ Ê-díp-tô, chăm sóc họ trong đồng vắng, và đem họ vào nơi sản nghiệp đã được hứa ban cho họ. Họ từng sống trong những rạp và lều, nhưng tại Ca-na-an họ sẽ sống trong những ngôi nhà!
Lễ này cũng được gọi là “Lễ Gặt Hái” vì nó tương ứng với sự hoàn tất một mùa gặt (c.39). Giống như Lễ Cảm Tạ ở nước Mỹ, đó là một thời gian dự lễ, vui mừng và cảm tạ Đức Chúa Trời về những sự ban cho dư dật của Ngài (Phuc 16:13-15). Nhưng chúng ta phải nhớ rằng niềm vui luôn theo sau sự thanh tẩy và Ngày Lễ Chuộc Tội đến trước lễ này (Thi 51:12). Những người nào muốn có hạnh phúc mà không cần có sự thánh khiết, chắc chắn sẽ thất vọng.
Suốt tuần dự lễ, các thầy tế lễ làm theo một thời gian biểu tỉ mỉ về việc dâng các của lễ (Phuc 29:1-29), và vào ngày thứ 8, họ đã dâng 199 con vật. Đây chắc chắn phải là một điều nhắc nhở rằng không thể có phước hạnh nào xa rời ân điển của Đức Chúa Trời và sự hy sinh của Con Ngài vì chúng ta trên thập tự giá.
Lễ Lều Tạm mô tả vương quốc trong tương lai mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho Y-sơ-ra-ên. Khi Đấng Mê-si-a của họ tái lâm và họ tiếp nhận Ngài (Xa 12:10-13:1; Es 35:10; Lu 1:67-80). Tiên tri Xa-cha-ri đã mô tả những sự thay đổi sẽ xảy ra trong địa thế của xứ thánh và cách thức các dân ngoại sẽ kỷ niệm Lễ Lều Tạm cùng với dân Do-thái (Xa 14:16-19).
Đối với Y-sơ-ra-ên, điều tốt đẹp nhất phải đến! Dân bị tản lạc sẽ được hiệp lại, dân tội lỗi sẽ được tẩy sạch, dân buồn rầu sẽ vui mừng. Và đối với tín hữu Cơ-đốc, điều tốt đẹp nhất phải đến, vì chúng ta sẽ được ở cùng với Chúa và dân sự Ngài, mọi vết nhơ đều được tẩy sạch, và được vui mừng trong sự hiện diện của Ngài.
Đáng lưu ý rằng dân Do-thái đã thêm hai nghi lễ nữa vào sự kỷ niệm Lễ Lều Tạm của họ để nhắc nhở về sự chúc phước của Đức Chúa Trời trong đồng vắng. Nghi thức thứ nhất là việc đổ nước ra từ hồ Si-lô-ê, nhắc nhở về sự chu cấp nước của Đức Chúa Trời trong đồng vắng. Nghi lễ thứ hai là việc đặt 4 giá đèn cầy lớn được thắp sáng để làm nhớ đến trụ lửa đã dẫn dắt dân sự vào ban đêm.
Chúa Giê-xu đã liên hệ hai truyền thống này với chính Ngài.Trong suốt Lễ Lều Tạm khi nước đang được đổ ra, là lúc Ngài kêu gọi: “Nếu người nào khác, hãy đến cùng Ta mà uống” (Gi 7:37). Ngài cũng phán với đám đông ở đền thờ: “Ta là sự sáng của thế gian” (Gi 8:12). Thật là bi kịch khi dân Do Thái cẩn thận duy trì những truyền thống của họ nhưng hoàn toàn bỏ qua Đấng Mê-si-a là Đấng đang ở giữa họ!
Mỗi năm, những người nam đã trưởng thành trong dân sự phải đến ra mắt Đức Chúa Trời vào ba kỳ lễ cụ thể: Lễ Vượt Qua và Bánh Không Men, Lễ Đầu Mùa, và Lễ Lều Tạm (Xu 23:14-19). Ba kỳ lễ này nhắc nhở chúng ta về sự chết của Đấng Christ, sự sống lại của Đấng Christ, và sự tái lâm của Đấng Christ để thiết lập vương quốc Ngài. Đấng Christ đã chết thay tội lỗi chúng ta, Đấng Christ sống, Đấng Christ sắp trở lại! Ha-lê-lu-gia, Ngài thật là một Cứu Chúa tuyệt vời!
9. THÁNH THAY, THÁNH THAY, THÁNH THAY (Le 24:1-23)
Cấu trúc quan trọng nhất trong trại quân Y-sơ-ra-ên là đền tạm, là nơi thánh mà Đức Chúa Trời ngự vào, và là nơi các thầy tế lễ cùng người Lê-vi hầu việc Ngài. Lớp phủ ngoài của da con lửng (một giống chồn) không gây ấn tượng, nhưng bên trong hội mạc thật đẹp, sang trọng và rực rỡ. Chính đền tạm đã làm cho trại quân nên thánh và biệt riêng cho Đức Chúa Trời, giống như sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong tín đồ đã biệt riêng họ khỏi thế gian và hoàn toàn thuộc về Đức Chúa Trời (Co 6:19-20; IICo 6:14-18; Eph 1:13-14).
Trong chương này, Chúa ban cho Môi-se những chỉ dẫn có liên quan đến ba điều thánh: dầu thánh cho chân đèn (Le 24:1-4), bánh thánh (c.5-9) và danh thánh của Chúa mà mọi người cần phải tôn kính (c.10-23).
1. Dầu thánh (Le 24:1-4)
Bức màn chia đền tạm thành hai phần, nơi thánh và nơi chí thánh. Trong nơi thánh là ba vật dụng: bàn thờ xông hương bằng vàng, bàn để bánh trần thiết và chân đèn vàng. Khi thầy tế lễ đối diện với bàn thờ xông hương, bàn để bánh sẽ ở bên phải của ông và chân đèn ở phía bên trái của ông.
Vì không có cửa sổ trong đền tạm nên cần phải có ánh sáng trong nơi thánh để các thầy tế lễ có thể nhìn thấy khi họ thi hành chức vụ tại đó. Chân đèn vàng cung cấp nguồn sáng đó. Chân đèn được đóng bằng vàng ròng và được làm thành một bộ phận có một thân chính và sáu nhánh. Dầu ô-li-ve tinh khiết cung cấp nhiên liệu cho những ngọn đèn trên các nhánh (Xu 25:31-39; Xu 27:20-21; Xu 30:7-8; Xu 37:17-24; Xu 40:24-25).
Mỗi buổi sáng và buổi chiều, khi thầy tế lễ cả xông hương trên bàn thờ bằng vàng, ông phải chú ý đến ánh sáng trên chân đèn để bảo đảm rằng chúng sẽ tiếp tục cháy (1).
Những vật dụng đặc biệt bằng vàng được cung cấp để kéo các tim đèn từ nơi chứa dầu và cắt tỉa chúng.
Điều răn trong (Le 24:1-4) nhấn mạnh đến hai yếu tố cần thiết:
(1) Dân Y-sơ-ra-ên phải cung cấp dầu ô-li-ve một cách đều đặn,
(2) dầu phải được lọc ép và phải thật tinh khiết (Xu 27:20-21). Có một phương pháp chiết xuất dầu ô-li-ve bằng nhiệt, nhưng việc đập hoặc ép trái ô-li-ve và lọc ra những tạp chất sẽ cho dầu ô-li-ve tốt nhất. Và Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên xứng đáng nhận được vật tốt nhất.
Các nhà nghiên cứu Kinh thánh nói chung là đồng ý với nhau rằng dầu để xức là một biểu tượng về Thánh Linh của Đức Chúa Trời được xức trên dân sự để hầu việc Ngài (IICo 1:21; IGi 2:27), nhưng loại dầu đặc biệt này dùng để đốt chứ không phải để xức. (Xa 4:16) liên hệ dầu để đốt với Đức Thánh Linh và đồng nhất hóa chân đèn như hai tôi tớ trung tín của Đức Chúa Trời. Chân đèn trong đền tạm biểu thị điều gì?
Cá nhân tôi nghĩ rằng chân đèn vàng trước hết tượng trưng cho Lời Đức Chúa Trời, là sự sáng mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta trong thế gian tăm tối này (Thi 119:105,130; IIPhi 1:19). Những người chưa tin Chúa không thể thấy hoặc hiểu được ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời vì họ không có sự hành động của Đức Thánh Linh trên họ (ICo 2:9-16). Không ai ở ngoài nơi thánh có thể nhìn thấy ánh sáng từ chân đèn vàng, nhưng những ai ở bên trong đều nhận được ánh sáng của chân đèn.
Nếu không có ánh sáng của Lời Chúa, tôi tớ Đức Chúa Trời không thể thấy được họ đang ở đâu hoặc đang làm gì, họ cũng không thể hầu việc Đức Chúa Trời một cách hữu hiệu. Chân đèn cung cấp ánh sáng để thầy tế lễ có thể đốt hương trên bàn thờ vàng, và không có Kinh Thánh, chúng ta không thể cầu nguyện một cách hữu hiệu (Thi 141:1-2; Gi 15:5; Công 6:4). Ánh sáng từ chân đèn chiếu sáng những bức màn xinh đẹp trong nơi thánh và cũng cho thấy bánh đặt trên chiếc bàn bằng vàng. Chức vụ chiếu sáng của Thánh Linh Đức Chúa Trời khiến cho mọi sự thuộc về Đức Chúa Trời trở nên rất thật và rõ ràng đối với chúng ta.
Tôi xin gợi ý rằng chân đèn cũng có thể tượng trưng cho dân tộc Y-sơ-ra-ên, cũng như 12 ổ bánh đặt trên bàn bằng vàng mà chúng ta sẽ nghiên cứu sau. Đức Chúa Trời kêu gọi Y-sơ-ra-ên làm sự sáng chiếu soi giữa một thế giới rất tối tăm, nhưng trước hết họ phải chiếu sáng trong sự hiện diện của Ngài trước khi họ có thể làm chứng cho những nước láng giềng ngoại đạo (Es 58:8; Es 60:1-3). Bi kịch ở đây là chức thầy tế lễ đã trở nên đồi bại và không thể duy trì được sự sáng của dân tộc trước mặt Chúa (ISa 3:1-21).
Dĩ nhiên, Chúa Giê-xu là sự sáng (Lu 2:32; Gi 1:4,9; Gi 8:12; Gi 9:5) và chỉ nhờ Ngài chúng ta mới có thể thấy và cảm nhận được những điều thuộc linh. Sứ đồ Giăng ví sánh những Hội thánh địa phương với những chân đèn vàng riêng biệt phải chiếu sáng và làm chứng trong các thành của họ (Kh 1:12,20; Mat 5:16; Eph 5:8; Phi 2:15).
Nếu dân Y-sơ-ra-ên không mang dầu ô-li-ve đã được ép đến thì những ngọn đèn sẽ không thể tiếp tục cháy trong nơi Thánh. Dân sự có thể nói: “Ồ, dù sao thì chúng ta cũng không thể thấy được chân đèn, vậy thì có gì khác biệt ở đây?” Đèn không được đặt tại nơi đó để dân sự có thể thấy nhưng là để Đức Chúa Trời trông thấy và để thầy tế lễ sử dụng khi ông thực hiện chức vụ của mình. Những điều diễn ra trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời quan trọng hơn nhiều so với những gì xảy ra tại nơi nào khác trong trại quân! Đáng buồn thay khi có nhiều Hội thánh địa phương đã để cho ánh sáng của mình tắt đi trước mặt Đức Chúa Trời và thế gian vì sự bất trung của các tín hữu. Họ không cầu nguyện, dâng hiến và để Thánh Linh sử dụng mình. Nếu ánh sáng phải được giữ cho cháy luôn luôn thì ai đó cần phải cung cấp dầu.
2. Bánh thánh (Le 24:5-9)
Dân sự không chỉ phải đem đến dầu ô-li-ve tinh khiết cho đèn, mà mỗi tuần họ còn phải đem đến bột lọc cần để hấp 12 ổ bánh. Những ổ bánh này được đặt trên chiếc bàn bằng vàng vào mỗi ngày Sa-bát, và những ổ bánh cũ sau đó sẽ được ban cho các thầy tế lễ.
Kích cỡ của những ổ bánh này là một bí mật đối với chúng ta vì bản văn không xác định tiêu chuẩn đo lường được dùng trong công thức làm bánh. Tiếng Hê-bơ-rơ chỉ đọc: “đó sẽ là 2/10”, nhưng hai phần mười của cái gì? Bản NIV nói “sử dụng hai phần mười của một ê-pha”, sẽ là khoảng một ga-lông bột, nhưng từ “ê-pha” không có trong bản văn Hê-bơ-rơ. Lượng bột đó sẽ tạo ra một ổ bánh rất lớn, và thật khó để đặt tất cả 12 ổ bánh thật to vừa vặn trên bàn. Có thể những ổ bánh được sắp chồng lên nhau, tạo thành hai hàng sáu ổ, cùng với một ít nhũ hương được rắc trên mỗi hàng.
Những ổ bánh này được xem như một “của lễ chay”, được hoàn tất với nhũ hương (Le 2:1-11). Vào ngày Sa-bát, khi những ổ bánh được thay thế, thầy tế lễ sẽ lấy một “phần kỷ niệm” từ một ổ bánh, thêm vào nhũ hương, và đốt nó trên bàn thờ cùng với của lễ thiêu hằng ngày. Sau đó các thầy tế lễ có thể ăn những ổ bánh cũ, nhưng họ phải thực hiện việc ấy trong nơi Thánh (Le 24:9).
Việc này tượng trưng cho điều gì? Chỉ những thầy tế lễ (dòng Lê-vi) mới được phép ở trong nơi thánh, nhưng các chi phái khác được đại diện tại nơi ấy qua hai cách: bởi những viên ngọc trên áo của thầy tế lễ cả (Xu 28:6-21), và bởi 12 ổ bánh đặt trên bàn. Bàn này được gọi là “bàn về bánh trần thiết” (Dan 4:7) và những ổ bánh được gọi là “bánh trần thiết” (Xu 25:30), là bánh có thể được dịch là “bánh của sự hiện diện.” Đức Chúa Trời hiện diện cùng dân sự Ngài và họ ở trong sự hiện diện của Ngài nơi đền tạm. Dù dân Do-thái ở đâu trong trại quân, họ cần phải nhắc nhở chính mình rằng chi phái của họ được đại diện trong nơi thánh trên chiếc bàn bằng vàng. Điều này được ứng dụng trong Tân-ước tại (Co 3:1).
Nhìn từ quan điểm của thầy tế lễ thì những ổ bánh sẽ nhắc ông nhớ rằng chức vụ của ông là vì những con người có thật. Phần nào bị cách ly trong khu vực đền tạm ngày này qua ngày khác, các thầy tế lễ có thể dễ dàng bị “mất liên lạc” với dân sự mà họ đang đại diện trước mặt Đức Chúa Trời. Dầu đã được dân sự cung cấp cho đèn, đem đến ánh sáng cho các thầy tế lễ, và bánh mà họ ăn vào mỗi ngày Sa-bát được làm bởi bột lọc của dân sự. Mười hai ổ bánh nhắc nhở các thầy tế lễ rằng tất cả các chi phái đang được đại diện trước mặt Đức Chúa Trời và là dân sự của Đức Chúa Trời. Mọi điều này hẳn phải khiến các thầy tế lễ trân trọng các chi phái hơn và chuyên tâm hơn để phục vụ họ một cách tốt nhất.
Nếu chỉ có một ổ bánh thì nó có thể được xem như một điển hình về Đức Chúa Giê-xu Christ, là Bánh Sự Sống (Gi 6:35), nhưng hình ảnh trong Giăng chương 6 là hình ảnh về ma-na, chứ không phải những ổ bánh trong đền tạm. Câu Kinh thánh (Mat 6:11) đến trong tâm trí chúng ta: “Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày”. Dù chúng ta cần bánh thuộc linh cho con người bên trong hay bánh thuộc thể cho thân thể,chúng ta cũng phải nhìn xem duy một Đức Chúa Trời.
Chúng ta mong tìm thấy dầu và hương liệu trong nơi Thánh, chứ không phải bánh. Xét cho cùng, bánh là một thực phẩm thông thường. Nhưng sự hiện diện của bánh trong đền tạm cho chúng ta một sự bảo đảm rằng Đức Chúa Trời quan tâm đến những nhu cầu thực tiễn của đời sống chúng ta và không có điều gì như “trần tục” và “thiêng liêng” trong đời sống Cơ-đốc. Chính “bánh của sự hiện diện” này mà Đa-vít và những người của ông đã ăn khi Đa-vít trốn khỏi Sau-lơ (ISa 21:1-6; Mat 12:1-4).
3. Danh thánh của Đức Chúa Trời (Le 24:10-23)
Có thể kỳ lạ đối với chúng ta khi sách Lê-vi ký bị gián đoạn ở thời điểm này để nói về một kẻ lộng ngôn bị xét đoán, nhưng câu chuyện là một sự minh họa, không phải sự gián đoạn. Cơ sở cho sự vâng theo luật pháp là sự kính sợ Đức Chúa Trời và những người xúc phạm danh thánh của Ngài đều không có sự kính sợ Đức Chúa Trời trong lòng họ.
Không tôn trọng danh Đức Chúa Trời (Le 24:10-11). Mọi người Do-thái đều biết đến điều răn thứ ba: “Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Đức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi” (Xu 20:7). Dân Do-thái quá sợ hãi về việc phạm điều răn này nên họ đã thay thế danh “A-đô-nai” thay cho danh “Giê-hô-va” khi họ đọc Kinh Thánh, do đó không bao giờ họ nói danh của Đức Chúa Trời cả. Tôn trọng một danh là tôn trọng người mang danh ấy, và sự tôn trọng cao nhất của chúng ta Chúa chúng ta.
Kẻ lộng ngôn là sản phẩm của một cuộc hôn nhân pha tạp giữa một người cha Ê-díp-tô và một người mẹ Do-thái thuộc chi phái Đan. Vì tên của người cha không được nhắc đến nên chúng ta không biết ông ta đang ở Ê-díp-tô khi người mẹ mang theo đứa con trai của bà chạy trốn, hoặc có lẽ ông ta đã qua đời. Nhưng phần nhiều điều này là chắc chắn: đứa con trai đã lớn lên mà không được học biết để tôn trọng Chúa và danh Ngài một cách phải lẽ. Thậm chí trong thời Môi-se, những cuộc hôn nhân giữa người tin Chúa và người không tin Chúa đã tạo ra những nan đề cho dân sự Đức Chúa Trời (2). Môi-se đã phải đấu tranh với ảnh hưởng xấu của một “đám đông pha tạp”, là những người đã rời Ê-díp-tô trong cuộc hành trình rời khỏi Ê-díp-tô, nhưng họ lại thật sự không để tâm đến những điều thuộc về Chúa (Xu 12:38; Dan 11:4; Ne 13:23-31).
Người Do-thái gốc Ê-díp-tô này đã đánh nhau với người Do-thái trong trại quân (Xu 2:11-15), và trong khi đánh nhau, người ấy đã xúc phạm đến danh Đức Chúa Trời. Người ấy có thể đã rủa sả đối thủ mình bằng danh Đức Giê-hô-va hoặc chỉ rủa sả danh Chúa trong sự tức giận của mình. Bất cứ điều gì chất chứa trong lòng chúng ta cuối cùng sẽ phát ra qua môi miệng chúng ta (Mat 12:34-35).
Dĩ nhiên, có thể xảy ra việc nói phạm đến danh Đức Chúa Trời theo những cách khác ngoài sự thề thốt. Sự thề dối làm hổ danh Đức Chúa Trời (Le 19:12), và sự trộm cắp cũng vậy (Ch 30:8-9). Chúa Giê-xu đã dạy rằng đời sống chúng ta phải tinh sạch đến nỗi chúng ta sẽ không phải dùng đến những lời thề để khiến người khác tin cậy chúng ta (Mat 5:33-37). Sự nhiều lời có thể là chứng cớ rằng tội lỗi đang hiện diện đó (Ch 10:19).
Xác định ý muốn của Đức Chúa Trời (Le 24:12-16). Nếu một người Do-thái phạm tội phạm thượng đáng sợ, Môi-se sẽ biết phải làm gì, nhưng người này vừa là người Do-thái, lại vừa là người Ê-díp-tô, và luật pháp không nói gì về điều này. Vận dụng phương cách khôn ngoan, Môi-se đã giam người này lại và chờ đợi Chúa phán bảo ông điều phải làm.
Đây là dịp đầu tiên trong bốn cơ hội được ghi lại khi Môi-se phải tìm kiếm ý muốn Chúa về những vấn đề đặc biệt. Dịp thứ hai cần phải giải quyết đối với một số người bị ô uế bởi một xác chết và không thể dự Lễ Vượt Qua. Chúa đã cho phép họ dự lễ vào tháng sau (Dân 9:6-14). Dịp thứ ba có liên quan đến một người đã vi phạm ngày Sa-bát (Dân 15:32-36), và người ấy bị ném đá cho đến chết. Dịp thứ tư liên hệ đến sản nghiệp của năm cô con gái của Xê-lô-phát mà câu hỏi của họ khiến những người nữ Do-thái có thể hưởng xứ của cha họ (Dân 27:1-11; Dân 36:1-13). Hãy chú ý rằng trong trường hợp cuối cùng,quyết định này đã đưa đến một quyết định khác, thường là trường hợp khi bạn tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời.
Môi-se có đủ sự khiêm nhường để thừa nhận rằng ông không biết mọi sự và phải cầu hỏi Chúa điều cần phải làm. Đó là một gương tốt cho các lãnh đạo noi theo trong Hội thánh ngày nay. “Ngài dẫn dắt người khiêm nhường trong sự chính trực, và Ngài dạy người khiêm nhường đường lối Ngài” (Thi 25:9 NKJV).
Đức Chúa Trời đã ban cho Y-sơ-ra-ên mọi luật lệ họ cần để quản trị đời sống tôn giáo và đời sống dân sự một cách thành công, nhưng Môi-se và lãnh đạo các chi phái phải giải thích những luật lệ này và áp dụng chúng khi có những hoàn cảnh mới xảy ra. Khi các lãnh đạo không có mệnh lệnh rõ ràng hoặc tiền lệ để làm theo, họ phải tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa trước khi họ có thể đưa ra một ý kiến đúng đắn.
Các Cơ-đốc nhân chưa trưởng thành thường muốn Chúa ban cho họ những luật lệ và quy tắc cho mọi lãnh vực của đời sống, và điều này đã giải thích lý do họ chưa trưởng thành. Nếu chúng ta chưa bao giờ phải cầu nguyện,nghiên cứu Kinh Thánh, hỏi ý kiến những tín hữu khác và chờ đợi Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ sử dụng đến những “cơ bắp” thuộc linh và được lớn lên. Kinh Thánh cho chúng ta những mệnh lệnh, những nguyên tắc, những lời hứa và những gương cá nhân mà kết hợp lại sẽ rất đầy đủ để hướng dẫn chúng ta trong những quyết định của đời sống. Câu lạc bộ ô tô sẽ cung cấp cho những thành viên của họ những bản đồ chi tiết về cuộc hành trình của họ, nhưng Kinh Thánh còn hơn thế nữa, nó giống như một la bàn, giữ cho chúng ta đi đúng phương hướng mà không cần giải thích từng chi tiết của cuộc hành trình. “Vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chứ chẳng phải bởi mắt thấy” (IICo 5:7).
Đức Chúa Trời đã chỉ dẫn cho Môi-se điều phải làm. Người vi phạm phải bị đem ra ngoài trại quân, nơi cả hội chúng sẽ ném đá người, vì phạm thượng là một tội đáng chết trong Y-sơ-ra-ên (Mat 26:65; Cong 6:11,13; Cong 7:58). Những ai thật sự đã nghe người này phạm thượng, sẽ đặt tay trên đầu người ấy để công khai nhận diện người ấy là kẻ vi phạm. Những nhân chứng cũng sẽ là những người đầu tiên ném đá người ấy Phuc 17:7). Nói cách khác, cùng một luật đã áp dụng cho dân Y-sơ-ra-ên cũng áp dụng cho những cư dân người ngoại (“khách lạ”, “người tạm trú”) sống giữa vòng dân Do-thái (Le 24:6,22). Ngay cả “những khách lạ” cũng không được phép nói phạm đến danh Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.
Nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời (c.17-22). Chúa còn áp dụng quyết định hợp pháp này trên những lãnh vực khác của đời sống và đặt ra nguyên tắc mà hình phạt phải phù hợp với tội lỗi (Xu 21:22-25; Phuc 19:21). Điều này được biết như lex talionis “luật về sự trả đũa”, một nguyên tắc bảo đảm người phạm tội không bị trừng phạt nghiêm khắc hơn tội lỗi đòi hỏi. Kẻ sát nhân phải bị xử tử (Le 14:17,21; Sa 9:5-6), nhưng hình phạt cho những tội khác phải thích hợp với sự vi phạm.
Vì nguyên tắc này đã bị hiểu sai nên nhiều người gọi đó là sự độc ác và bất công. Họ đưa ra câu hỏi làm sao Đức Chúa Trời yêu thương và nhân từ lại có thể đặt ra điều đó.
Nhưng luật này thật sự là một sự bày tỏ về sự công bình và thương xót của Đức Chúa Trời vì nó giúp ngăn chặn sự trả thù cá nhân trong một xã hội không có lực lượng cảnh sát hay hệ thống tòa án chặt chẽ. Không có luật này, kẻ mạnh có thể chà đạp kẻ yếu khi có sự vi phạm tối thiểu.
Người Pha-ri-si đã sử dụng lex talionis-luật về sự trả đũađể bảo vệ cho hành động trả thù riêng của họ, là một hành động đã bị Chúa Giê-xu lên án trong Bài Giảng Trên Núi (Mat 5:38-39). Cũng như luật về sự trả đũalà một bước tiến đến từ sự trả thù riêng, thì (Mat 5:38-39) là một bước nhảy vọt từ luật về sự trả đũa.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng những chỉ dẫn của Chúa trong Bài Giảng Trên Núi được dành cho những người tin Chúa, không phải cho những người không tin Chúa, và dành cho cánhân, không phải cho các quốc gia. Trong các tòa án ngày nay của chúng ta,nguyên tắc “lập hình phạt thích hợp với tội ác” vẫn được thực hành (3).
Thực hiện sự công bình của Đức Chúa Trời (Le 24:3). Môi-se và dân sự đi ra ngoài trại quân và làm như Chúa đã phán bảo. Ngày nay, nhiều người thật thà, cả tín hữu lẫn người không tin Chúa,có thể đã phản đối lại việc tử hình kẻ vi phạm, nhưng lời tuyên án đã được thi hành. Đó là một tội tử hình, và kẻ phạm tội phải mất mạng sống mình.
Những tranh luận xung quanh án tử hình thì nhiều và khác nhau, nhưng chúng ta không nên để cho những ý kiến hay sự lên án riêng trở thành sự kiểm nghiệm cho mối giao thông hoặc tình trạng thuộc linh của mình. Bộ Luật của Môi-se đã phân biệt giữa tội giết người với tội ngộ sát (Xu 21:12-14) và dành cho sáu “thành ẩn náu”, là nơi mà người vô tội có thể được bảo vệ và được xét xử công bình (Dan 35:1-34). Sự sắp đặt này chống lại những kế hoạch của những người bà con hung dữ của người chết, là những người có thể muốn nắm luật pháp trong tay họ.
Trong Kinh Thánh, tội giết người bị xem là tội ác nghiêm trọng. Con người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời (Sa 1:26-27; ICo 11:7; Gia 3:5), và giết người là xâm phạm đến hình ảnh của Đức Chúa Trời (Sa 9:4-6). Sự sống là món quà thiêng liêng của Đức Chúa Trời, và chỉ Đức Chúa Trời mới có thể cất nó đi tùy ý Ngài muốn. Đức Chúa Trời đã lập ra thể chế loài người và ban cho các nhà cầm quyền dân sự quyền lực của lưỡi gươm (Ro 15:1-3). Mục đích của án tử hình không phải để làm hoảng sợ những tội nhân có thể trở nên người tốt, nhưng là để giữ gìn và bảo vệ luật pháp. Đây là một sự công bố rằng những người nam và người nữ là đặc biệt - được tạo dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời - và sự sống là thiêng liêng trong cái nhìn của Đức Chúa Trời (4).
Án tử hình có làm ảnh hưởng đến những con số thống kê về tội ác hay không không phải là vấn đề chính yếu. Thật đáng ngờ rằng bất cứ luật nào trong các luật lệ của chúng ta đều thật sự ngăn chặn được tội ác. Những kẻ lái xe bất cẩn vẫn tăng tốc, người ta vẫn đậu xe ở những khu vực “cấm đậu xe”, những người kiếm được tiền lương vẫn lừa dối về thuế lợi tức của họ, và những kẻ ăn trộm vẫn tiếp tục trộm cắp.
Nhưng liệu có bất cứ ai trong chúng ta muốn những cơ quan lập pháp của chúng ta hủy bỏ những luật chống lại việc tăng tốc, đậu xe trái phép, làm giả thuế lợi tức hoặc trộm cắp?
Dĩ nhiên là không! Việc tôn trọng lẽ thật, sự sống và tài sản là những viên đá đặt nền cho một xã hội công bằng và yên ổn. Án tử hình có thể không làm giảm đi những kẻ giết người hơn những vé phạt tăng tốc làm giảm những kẻ tăng tốc, nhưng nó thật sự bày tỏ rằng con người đã được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời và sự sống là một món quà thiêng liêng.
Kinh Thánh không giới thiệu án tử hình như một “thuốc trị bách bệnh” cho tội ác. Kinh Thánh trình bày về nó như một dạng hình phạt nhằm bày tỏ sự tôn trọng đối với luật pháp, đối với sự sống và đối với con người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Nếu sử dụng phương cách thực dụng và đa cảm để tiếp cận chủ đề này sẽ hiểu sai vấn đề hoàn toàn.
Chương 24 bắt đầu trong nơi Thánh của đền tạm và kết thúc ở ngoài trại quân. Nó mở đầu với dầu và bánh và kết thúc với sự đổ huyết tội lỗi. Nhưng sự nhấn mạnh là giống nhau: Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời thánh khiết và chúng ta phải tôn kính Ngài, dù là trong việc đem đến những món quà của chúng ta hay trong việc tôn trọng danh Ngài. Ngày nay Chúa không xử tử kẻ lộng ngôn, nhưng sẽ đến ngày xét đoán khi mà những bí mật của mọi tấm lòng sẽ được bày tỏ, và khi ấy Đức Chúa Trời sẽ “trả lại cho mỗi người tùy theo công việc họ làm” (Ro 2:6).
“Vì không có sự vị nể con người đối với Đức Chúa Trời” (Ro 2:11)
“Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu” (Ro 10:13).
10. XỨ NÀY LÀ XỨ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (Le 25:1-35)
Sự tập trung trong chương 25 và 26 là về Y-sơ-ra-ên ở trong xứ của họ. Thật tế, từ “xứ” được sử dụng 39 lần trong hai chương này. Lời tuyên bố của Chúa trong câu 2 (“Khi các ngươi vào xứ ta sẽ ban cho các ngươi”, NIV) chắc hẳn là một sự khích lệ lớn cho Môi-se, đặc biệt sau khi Y-sơ-ra-ên đã không giành được di sản của họ tại Ca-đe Ba-nê-a và phải lang thang trong đồng vắng (Dan 13:1-14:45).
Nếu dân Y-sơ-ra-ên được sở hữu và vui hưởng xứ của mình, họ phải nhận biết và tôn trọng một số sự thật cơ bản, trong đó điều thứ nhất là Đức Chúa Trời làm chủ xứ ấy (Le 25:2,23,38) và Ngài có mọi quyền để cất đi khi Ngài thấy thích hợp. Đức Chúa Trời cũng làm chủ dân Y-sơ-ra-ên (c.55) vì Ngài đã cứu chuộc họ khỏi ách nô lệ Ê-díp-tô.
Vì họ đã thuộc về Ngài nên mọi người Do-thái phải đối xử với nhau như anh chị em (c. 25,35-38) và không được lợi dụng nhau trong vấn đề nợ nần cá nhân hay những khiếu nại về tài sản. Dân Do-thái cần phải lao động trong đồng ruộng của họ nhưng chính Đức Chúa Trời là Đấng ban cho sự gia tăng (c.21) và ban cho họ ánh nắng, mưa, và những mùa thu hoạch. Nói cách khác, Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên là “vị Chúa đất” và họ phải sống bởi đức tin nơi Lời Ngài. Điều này có nghĩa là vâng theo những điều răn của Ngài và tin cậy nơi những lời hứa của Ngài.
Từ chương này cũng nổi bật lên một sự thật quan trọng khác: Đức Chúa Trời là Đấng kiểm soát lịch. Đức Chúa Trời không chỉ ban cho dân sự Ngài xứ và thức ăn, nhưng Ngài cũng ban cho họ “những thời gian” đặc biệt để kỷ niệm hầu cho xứ sẽ không bị tàn phá và hư hại. Đức Chúa Trời quan tâm đến sinh thái học và cách chúng ta đối xử với tạo vật của Ngài. Như dân Do-thái xưa, chúng ta ngày nay chỉ là quản gia về sự ban cho của Đức Chúa Trời, và chúng ta phải cẩn trọng để không lạm dụng hay lãng phí những sự ban cho ấy.
Nếu Y-sơ-ra-ên vâng theo những nguyên tắc này, hệ thống kinh tế của họ sẽ thực hiện chức năng một cách trôi chảy, xứ sẽ cung cấp mọi thứ họ cần, và mọi người sẽ được quan tâm thích đáng. Tuy nhiên, họ đã không vâng lời Chúa. Kết quả là người giàu trở nên giàu hơn, người nghèo trở nên nghèo hơn và xứ đã bị hư hoại.
1. Sự nghỉ ngơi cho đất: Năm Sa-bát (Le 25:1-7,18-22)
Khi nghiên cứu chương 23, chúng ta lưu ý rằng lịch Do-thái dựa trên một chuỗi những số 7. Có 7 kỳ lễ hằng năm, 3 kỳ lễ trong tháng 7, và ngày thứ 7 trong tuần là ngày Sa-bát, một ngày nghỉ ngơi. Giờ đây, chúng ta biết rằng năm thứ 7 phải là năm nghỉ ngơi cho đất, cho dân sự và súc vật của họ.
Trong suốt năm Sa-bát, dân sự không được làm việc trong đồng ruộng hoặc tổ chức thu hoạch, nhưng phải lấy từ đồng ruộng thực phẩm họ cần khi nó tự mọc lên. Dân sự, kể cả người nghèo và khách ngoại bang, có thể thu lượm từ cánh đồng và là “khách” của Đức Chúa Trời (Xu 23:10-12).
Không chỉ đất nghỉ ngơi mà dân sự và gia súc cũng nghỉ ngơi. Con người chắc chắn quan tâm đến những nhiệm vụ hằng ngày để giữ cho những tòa nhà khỏi sụp đổ, nhưng họ không được tham dự vào những hoạt động bình thường của một xã hội nông nghiệp, như cày cấy, gieo trồng và gặt hái. Điều cấm này cũng kể đến tôi tớ và súc vật,tất cả đều được ban cho một năm nghỉ ngơi khỏi những bổn phận bình thường của họ.
Phuc 15:1-11 cho chúng ta biết rằng những món nợ cá nhân cũng được miễn suốt Năm Sa-bát và những tôi tớ bị ràng buộc sẽ được phóng thích. Từ “giải thoát” trong (Phuc 5:1) có nghĩa là “thả lỏng, bỏ xuống.” Nó liên quan đến sự xóa nợ và phóng thích nô lệ. Khi dân sự chia xẻ với người nghèo và những tôi tớ được phóng thích, họ phải rời rộng và cởi mở.
Có ba động cơ cần phải kiểm soát những việc dân sự làm: sự cảm kích đối với những ơn phước của Đức Chúa Trời (Le 25:4,6,10,14), sự cảm kích đối với việc Đức Chúa Trời giải cứu dân tộc ra khỏi Ê-díp-tô ( Phu 15:15) và sự vâng lời đơn giản đối với mạng lệnh của Đức Chúa Trời (c.5). Điều Đức Chúa Trời đã truyền lệnh là vì ích lợi của mọi người và không ai có quyền bất tuân Ngài. Trong suốt thời gian khoảng thời gian vua Nê-bu-cát-nết-sa vây hãm thành Giê-ru-sa-lem, vua Sê-đê-kia đã công bố sự phóng thích cho các nô lệ,nhưng sau đó ông đã phải bãi bỏ lệnh ấy (Gie 34:8).
Năm Sa-bát cũng là dịp cho sự “Luận bàn về Kinh Thánh” khi các thầy tế lễ đọc và giải thích sách Phục Truyền cho cả dân sự (Phuc 31:9-13). Điều này được thực hiện trong suốt Lễ Lều Tạm hằng năm, đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới. Sẽ cần có một đức tin lớn để dân sự tin cậy Đức Chúa Trời về thức ăn hằng ngày của họ, và “đức tin đến bởi sự người ta nghe và người ta nghe bởi Lời Đức Chúa Trời được rao giảng” (Ro 10:17 NKJV). Trong suốt năm đặc biệt đó, dân Y-sơ-ra-ên được học biết ý nghĩa của câu “xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ dùng.” Đức Chúa Trời đã hứa bảo vệ và chu cấp cho họ suốt năm chỉ khi nào họ tin cậy và vâng lời Ngài (Le 25:18-22).
Chúng ta không có chứng cớ Kinh Thánh nào cho thấy dân Do-thái đã từng kỷ niệm Năm Sa-bát, thật ra, Kinh Thánh cho thấy rằng họ đã không kỷ niệm: “để cho ứng nghiệm lời của Đức Giê-hô-va đã cậy miệng Giê-rê-mi mà phán ra, tức cho đến khi xứ được hưởng các năm Sa-bát của nó, vì trọn lúc xứ bị bỏ hoang thì dường như giữ Sa-bát, cho đến khi mãn hạn 70 năm” (IISu 36:21). Đức Chúa Trời đã đưa Y-sơ-ra-ên vào cảnh phu tù ở Ba-by-lôn 70 năm để cho xứ sự nghỉ ngơi cần có (Gie 25:8-11; Gie 29:10). Điều này gợi ý rằng gần 500 năm, dân Do-thái đã bất tuân luật của Đức Chúa Trời về Năm Sa-bát.
Một nguyên tắc cơ bản của đời sống cho biết bất cứ điềugì chúng ta cướp đi từ Đức Chúa Trời, chúng ta không bao giờ có thể giữ được và vui hưởng nó. Trong chức vụ mục sư của tôi, tôi đã gặp những người lấy cắp 1/10 của Đức Chúa Trời trong sự dâng hiến cuối cùng chỉ để trả cho những chi phí chữa bệnh hoặc sửa xe. Tôi nhớ có một thành viên trong Hội thánh đã đem đến văn phòng tôi sổ ngân quỹ của gia đình anh chỉ để cho tôi thấy thể nào Đức Chúa Trời đã bắt đầu chúc phước cho anh khi anh thôi lấy cắp của Chúa. Những con số cho thấy mỗi đô-la anh lấy từ Đức Chúa Trời đã phải được chi tiêu cho một nhu cầu cấp bách nào đó, và anh đã không bao giờ sử dụng được món tiền đó cho chính mình!
Bởi việc bất tuân luật về Năm Sa-bát, dân Do-thái đã cướp đi của chính họ không chỉ những phước hạnh thuộc linh mà còn là sức mạnh của xứ,của tôi tớ cùng gia súc của họ. Bằng cách canh tác trên đất từ năm này sang năm khác, họ có mùa thu hoạch, nhưng họ đã đánh mất sự tươi mới đến từ việc cho đất và người lao động được nghỉ ngơi. Họ cũng đánh mất những phước hạnh đến từ việc chia xẻ cho những người cùng túng, cướp đi của Đức Chúa Trời vinh hiển Ngài đáng nhận khi các dân tộc khác nhìn vào những phước lành Ngài ban cho dân sự Ngài. Đó là một sai lầm đáng tiếc của họ, và họ đã phải trả giá cho điều đó.
2. Sự phóng thích và phục hồi: Năm Hân Hỉ (Le 25:8-17,23-24)
Từ “hân hỉ” được sử dụng 5 lần trong các câu 8-17 và theo nguyên văn nghĩa là “nghe tiếng kèn” (Từ Hê-bơ-rơ là yobel, nghĩa là “sừng chiên đực”). Đối với dân Y-sơ-ra-ên, mỗi năm mới mở đầu bằng việc thổi kèn vào ngày đầu tiên của tháng thứ bảy (1), và mười ngày sau đó, dân sự kỷ niệm Ngày Lễ Chuộc Tội bằng cách kiêng ăn, ăn nănvà dâng những của lễ cần thiết. Nhưng mỗi năm thứ 50, vào cuối lễ kỷ niệm Ngày Chuộc Tội, kèn được thổi một lần nữa để tuyên bố rằng Năm Hân Hỉ đã bắt đầu.
Sẽ cần một đức tin lớn để dân sự kỷ niệm năm đặc biệt này,vì năm trước đó - năm thứ 49 - là năm Sa-bát và đồng ruộng, vườn nho, vườn cây ăn quả đã không được canh tác. Dân Do-thái phải tin cậy Đức Chúa Trời sẽ chu cấp cho họ trong năm thứ 49 và 50, cũng như trong suốt năm thứ 51 khi họ đang chờ đợi mùa thu hoạch. Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ không quên họ, nhưng họ có thể mất đức tin. Thật ra, không có chứng cứ nào trong Kinh Thánh cho thấy Y-sơ-ra-ên đã từng kỷ niệm Năm Hân Hỉ.
Những yếu tố nào có liên quan trong năm Hân Hỉ?
• Sự ăn năn (Le 25:9).
Thật có ý nghĩa khi Năm Hân Hỉ bắt đầu bằng Ngày Lễ Chuộc Tội, một ngày mà dân Do-thái được phán bảo phải “làm cho khổ sở” và ăn năn tội lỗi (Le 16:29-34). Họ không nên bước vào Năm Hân Hỉ mà trước hết không được Chúa thanh tẩy và tha thứ. Nếu lòng họ không ngay thẳng với Đức Chúa Trời, họ không thể phóng thích cho nô lệ của mình hay trả lại đất đai cho chủ của nó. Mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời quyết định cách chúng ta đối xử với người khác.
• Sự phóng thích (Le 25:10,13).
“Hãy rao sự tự do khắp cả xứ trên mọi cư dân ở đó”, được khắc trên “Chiếc Chuông Tự Do” treo trong Hội trường Độc lập ở Philadelphia. Vào lúc bắt đầu Năm Hân Hỉ, dân sự được phán bảo phải phóng thích những tôi tớ bị ràng buộc bởi giao kèo để họ có thể trở về xứ và gia đình của họ. Một tôi tớ người Hê-bơ-rơ phải phục vụ chỉ trong sáu năm và sau đó được trả tự do (Xu 21:2). Làm sao dân Do-thái có thể kỷ niệm năm đặc biệt này nếu một vài người trong dân sự của họ ở trong cảnh nô lệ và bị xa cách với những người thân yêu và xứ sở của họ?
• Sự nghỉ ngơi (Le 25:11-12).
Suốt Năm Hân Hỉ, dân sự bị cấm thực hiện những công việc đồng án bình thường nhưng phải sống nhờ bất cứ vật gì do đất sinh ra.
Điều này sẽ cho dân sự và đất đai thêm một năm nghỉ ngơi nữa, vì năm trước đó đã là một năm Sa-bát. Họ phải tin cậy Chúa giữ những lời hứa của Ngài và chu cấp đầy đủ thức ăn trong gần 3 năm, vì họ sẽ không thể bắt xứ làm việc cho đến năm thứ 51, thậm chí đến năm ấy họ lại phải chờ đợi cho mùa gặt.
• Sự phục hồi (Le 25:3-17).
Bất cứ tài sản nào được bán kể từ Năm Hân Hỉ sau cùng sẽ trở về nguyên chủ, vì Chúa muốn xứ Ngài được duy trì với những chi phái, thị tộc và gia đình mà nó đã được định phần. Để những bậc cha mẹ chăm lo cho gia đình, họ cần phải có đất để canh tác, và chủ quyền riêng về tài sản để ổn định về kinh tế. Chúa làm chủ đất đai và chỉ cho dân sự Ngài vay mượn. Ngài muốn họ có một ý thức về quyền sử hữu và có trách nhiệm trong việc gìn giữ tài sản của Ngài. Người ta thường biết gìn giữ những gì mà chính họ sở hữu.
Bất cứ khi nào một mảnh đất được bán thì khoảng thời gian cận Năm Hân Hỉ sắp tới sẽ quyết định giá cả, vì điều này quyết định mức độ sản vật mà chủ mới có thể thu hoạch được từ đất. Vì người mua biết rõ rằng cuối cùng đất sẽ trở về nguyên chủ, người ấy chắc chắn không trả tiền cao hơn những gì họ sẽ nhận được từ hoa mầu. “Đất sẽ không được bán mãi” là luật của Đức Chúa Trời (Le 25:23).
Những luật này khiến cho kẻ đầu cơ bất động sản giàu có nhẫn tâm không thể tích lũy những phần đất rộng lớn và do đó có thể làm xáo trộn nền kinh tế. Ngay cả gia đình người Y-sơ-ra-ên nghèo nhất cũng nhận lại phần đất của mình, và bởi việc canh tác trên đất, họ có thể có đủ của cải để đáp ứng cho nhu cầu của họ và có thể là nhu cầu của những người khác nữa. Năm Hân Hỉ đem đến một sự khởi đầu mới cho những nô lệ được phóng thích và những người chủ đất, và điều này thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.
Dân sự không được áp bức nhau (c.17), nhưng phải nhớ rằng xứ này thuộc về Đức Chúa Trời và họ chỉ là những người làm công của Ngài (c.23-24).
Tiên tri Ê-sai đã nhìn thấy nơi Năm Hân Hỉ một bức tranh về vương quốc Mê-si-a được hứa ban khi Chúa phóng thích dân sự Ngài, phục hồi và chúc phước dư dật trên họ và đưa họ trở về xứ sở (Es 61:1-3).
Chúa Giê-xu đã dùng phân đoạn Ê-sai này cho bài chia sẻ của Ngài trong nhà hội ở Na-xa-rét (Lu 4:16-30), và Ngài đã áp dụng nó cho “năm được nhậm của Chúa” mà Ngài sẽ thực hiện bởi sự chết và sự sống lại của Ngài. Chúa Giê-xu đã dừng bài đọc của Ngài tại chỗ “năm được nhậm của Chúa” (“năm ban ơn của Chúa”, NIV) và không đọc phần nói về “ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta.” Trong ( Es 6:2), “năm được nhậm” về ân điển của Đức Chúa Trời được phân cách khỏi “ngày xét đoán” trong tương lai bằng một dấu phẩy! “Ngày cứu rỗi” kỳ diệu của Đức Chúa Trời (IICo 6:2) đã kéo dài như vốn có vì Đức Chúa Trời nhẫn nhục và muốn tội nhân đến với sự ăn năn (IIPhi 3:9,15).
Giống như sự rao ra Năm Hân Hỉ, Phúc-Âm là tin mừng cho người nghèo, vì những món nợ của họ đã được trả và hoàn toàn được miễn trừ (Lu 7:36-50). Tất cả những gì họ cần là tiếp nhận Chúa Cứu Thế và vui mừng trong một khởi đầu mới. Giống như những con nợ và nô lệ được tự do để hưởng Năm Hân Hỉ, tội nhân cũng được tự do khi họ tin nhận Chúa. Sự cứu rỗi bởi đức tin nơi Đức Chúa Giê-xu Christ là một kinh nghiệm “Hân Hỉ” vì nó phục hồi lại những gia đình tan vỡ và các phước hạnh đã mất và đem đến “kỳ thơ thái” từ Chúa (Cong 3:19-21).
3. Sự cứu chuộc: Người chuộc bà con (Le 25:25-55)
Nếu một người Do-thái nghèo bán mình hoặc tài sản mình để sống, người ấy không phải chờ đến Năm Hân Hỉ để lấy lại tài sản hay sự tự do của mình. Bất cứ lúc nào, một người bà con có thiện ý và có thể trả được giá chuộc đều có thể chuộc lại người ấy hoặc tài sản của người ấy.
• Sự chuộc đất (Le 25:25-28).
Nếu chủ trước của mảnh đất quá nghèo để có thể chuộc lại đất đai của mình thì khi ấy người bà con gần có thể làm điều đó giúp cho người. Nhưng nếu chủ trước bằng cách nào đó có được đủ số tiền cần thiết thì người ấy có thể chuộc lại đất cho mình. Dĩ nhiên, giá chuộc sẽ tùy thuộc vào số năm (những mùa gặt) cho đến Năm Hân Hỉ. Nếu người này không có người bà con nào có thể giúp đỡ và cũng không có được số tiền cần thiết thì người ấy phải chờ cho đến Năm Hân Hỉ để lấy lại tài sản của mình.
• Sự chuộc nhà cửa (Le 25:29-34).
Một ngôi nhà ở trong thành có vách bọc sẽ có giá trị hơn nhà ở nơi đất trống vì nó có khả năng được bảo vệ khỏi những kẻ xâm phạm. Nguyên chủ chỉ có một năm để chuộc nhà, sau năm đó, nhà thuộc về chủ mới và thậm chí sẽ không trở về nguyên chủ trong Năm Hân Hỉ. Xét cho cùng, không ai muốn mua một ngôi nhà đắt giá, dời gia đình mình đến và sau đó không biết sẽ sống ở đó được bao lâu!
Những ngôi nhà trong các làng không có vách bọc có thể được chuộc bất cứ lúc nào và sẽ trở về nguyên chủ vào Năm Hân Hỉ. Nếu một người Lê-vi bán nhà mình tại một trong 48 thành của người Lê-vi (Dan 35:1-34; Gios 21:1-45), người ấy có thể chuộc nhà vào bất cứ lúc nào. Nếu người Lê-vi ấy không chuộc nhà thì ngôi nhà vẫn sẽ trở về với người hoặc gia đình người vào Năm Hân Hỉ.
Người Lê-vi không được ban cho phần đất như các chi phái khác vì Chúa là sản nghiệp của họ (Gios 13:14,33; Gios 14:3-4 18:7), nhưng họ được ban cho những đồng cỏ sát gần các thành của họ (Dan 35:1-5). Những phần đất này không thể bán được. (Tuy nhiên, xin xem Cong 4:34-37).
• Sự chuộc người nghèo (Le 25:35-55).
Môi-se đề cập đến ba sự kiện có thể xảy ra:
1). Một người anh em vỡ nợ (c.35-38) có thể mong những người Do-thái “anh em” giúp đỡ mình bằng việc mượn tiền không tính lãi (2). vì dân Do -thái phải đối xử với nhau cách thương xót, giống như những người trong cùng một gia đình. Dân Do-thái được phép tính lời với người ngoại (Phuc 23:19-20). Vì bất cứ món nợ nào mắc phải đều sẽ được miễn suốt Năm Hân Hỉ nên việc giúp đỡ người khác thật sự là một hành động của đức tin. Tuy nhiên, Chúa đã quá nhân từ đối với Y-sơ-ra-ên trong việc cứu chuộc họ ra khỏi Ê-díp-tô, cho phép họ tước đoạt của cải của dân Ê-díp-tô và ban cho Y-sơ-ra-ên xứ Ca-na-an, đến nỗi không người Do-thái nào cần phải bóc lột người Do-thái đồng hương của mình. “Các ngươi đã được lãnh không, thì hãy cho không” ( Mat 10:8). Hội thánh đầu tiên đã nhanh chóng tiếp nhận nguyên tắc này và áp dụng vào thực tiễn qua việc giúp đỡ những góa phụ và những tín hữu thiếu thốn (Cong 2:44-47; Cong 4:34-5:1; Cong 6:1-7; Phuc10:18 24:17).
2). Một người anh em nghèo trở nên tôi mọi của một người Do-thái (Le 25:39-46) có thể được đối xử như một người làm công chứ không phải như tôi mọi. Chủ của người ấy phải đối xử với người và gia đình người tử tế vì dân Do-thái đã từng làm tôi mọi ở Ê-díp-tô và Chúa đã đầy lòng nhân từ để giải cứu họ. Làm sao một người Do-thái có thể xem anh em mình là nô lệ khi Chúa đã trả tự do cho người ấy? Một tôi mọi Do-thái chỉ phục vụ trong vòng sáu năm và được tự do vào năm Sa-bát (Xu 21:2), nhưng nếu Năm Hân Hỉ đến trước thì người ấy là một người tự do.
Dân Do-thái được phép làm chủ các nô lệ từ các dân ngoại lân cận họ hoặc những khách ngoại bang sống trong xứ họ (Le 25:44-46), nhưng một người Do-thái không bao giờ có thể xem anh em mình là nô lệ. Nô lệ được xem là tài sản của người chủ và có thể là một phần sản nghiệp trong gia đình.Nói cách khác, những nô lệ người ngoại không có hy vọng được trả tự do, trừ khi họ có thể trả được giá chuộc, hoặc người chủ quyết định trả tự do cho họ.
Trong suốt thời nội chiến, một số người Mỹ đã dùng các phân đoạn Kinh Thánh như thế này để chứng minh rằng việc người ta làm chủ và bán nô lệ là hợp với Kinh Thánh và đúng đắn. Nhưng cần phải chú ý rằng luật lệ của Đức Chúa Trời không thiết lập tình trạng nô lệ, nhưng những luật này điều chỉnh tình trạng chiếm hữu nô lệ và thật sự làm cho nó trở nên nhân đạo hơn. Sự chiếm hữu nô lệ là một thể chế tồn tại từ bao thế kỷ trước khi Môi-se ban hành luật pháp, và luật Môi-se cấm dân Do-thái nô lệ hóa lẫn nhau. Đức Chúa Trời phải loại bỏ tình trạng nô lệ trong Y-sơ-ra-ên trước khi Ngài có thể giải quyết điều này trong các dân ngoại.
Nếu dân Do-thái đối xử lẫn nhau như luật pháp đòi hỏi, Y-sơ-ra-ên sẽ là một chứng cớ cho các dân ngoại về ân điển và sự nhân từ của Chúa. Ngược lại,Y-sơ-ra-ên đã không vâng lời và cuối cùng chính họ đã trở thành nô lệ, như được chép trong sách Các Quan Xét.
Thậm chí trong Tân-ước, bạn không thấy Chúa Giê-xu hay Phao-lô công khai công kích sự chiếm hữu nô lệ, dù các sử gia cho chúng ta biết có thể có khoảng 60 triệu nô lệ trong Đế chế La-mã thời bấy giờ. Nhưng Chúa Giê-xu và Phao-lô đã đem sứ điệp cứu rỗi đến với từng cá nhân, và bởi những cá nhân được cứu mà thể chế nô lệ cuối cùng sẽ bị hủy bỏ.
Cơ-đốc nhân là muối của đất và sự sáng của thế gian (Mat 5:13-16), và thế gian sẽ cảm nhận được ảnh hưởng của họ qua gương mẫu và sự thuyết phục của họ. Như Alexander Maclaren đã viết: “(Sứ điệp Phúc-Âm) không trực tiếp xen vào bằng những sự sắp xếp chính trị hay xã hội nhưng nó đề ra những nguyên tắc gây ảnh hưởng sâu sắc đến những sự sắp xếp này và để chúng ngấm vào trong tư tưởng chung” (3).
Nếu Hội thánh đầu tiên phát động một cuộc thập tự chinh chống lại tình trạng chiếm hữu nô lệ thì hẳn sẽ đồng nhất hóa Cơ-đốc giáo với một phong trào chính trị, và điều này sẽ ngăn trở việc rao truyền Phúc-Âm trong thế giới La-mã. Vì không có những nền dân chủ hay cuộc bầu cử nào có tính chất đại chúng vào thời đó nên Hội thánh không có phương tiện để phá đổ chế độ chiếm hữu nô lệ. Khi bạn thấy rằng thật khó khăn ra sao để phong trào về quyền công dân đương thời có thể gây ảnh hưởng đến Hội thánh Cơ-đốc thì việc tiến hành một cuộc chiến như thế trong thời Sê-sa lại càng khó khăn đến dường nào!
Vì những lý do mà chỉ có Chúa biết, Ngài quyết định thay đổi con người và xã hội dần dần, qua chức vụ của Thánh Linh và việc rao ra lẽ thật về lời Đức Chúa Trời. Mặc dù những nguyên tắc về ý muốn của Đức Chúa Trời không thay đổi trải qua các đời nhưng chúng ta không có quyền để áp dụng vào xã hội ngày nay những luật lệ đã điều phối Y-sơ-ra-ên dưới hệ thống của Bộ luật Môi-se.
3). Một người Do-thái bị một người ngoại bắt làm nô lệ (Le 25:47-55) có thể được chuộc bởi một người bà con gần có thiện ý và đủ giàu có để làm điều đó. Thật thú vị để lưu ý rằng một “khách kiều ngụ” ngoại bang trong xứ Y-sơ-ra-ên phải tuân theo Bộ luật Môi-se, dù người đó không phải là một thành viên của cộng đồng giao ước Do-thái. Nếu người Do-thái ấy có thể gom góp được món tiền chuộc thì người ấy có thể mua lấy sự tự do cho mình, và cái giá phải trả sẽ được tính theo Năm Hân Hỉ. Người chủ ngoại bang phải đối xử với người nô lệ Do-thái như một đầy tớ làm thuê và không được đối xử khắc nghiệt với người ấy.
Nếu không được chuộc, người nô lệ và gia đình của người ấy sẽ được phóng thích vào Năm Hân Hỉ.
Ví dụ kinh điển trong luật pháp về người chuộc bà con được ghi lại trong sách Ru-tơ; Bô-ô đã chuộc Ru-tơ cùng sản nghiệp của nàng và sau đó đã cưới nàng. Chúa Giê-xu Christ đã mặc cho chính Ngài thân xác của con người vô tội và trở nên “người bà con gần của chúng ta” (He 2:5-18), để Ngài có thể phó chính Ngài làm giá chuộc và giải thoát cho chúng ta. Chỉ có Ngài mới đủ tư cách làm điều cần phải được làm, và Ngài đã sẵn lòng để làm điều đó. Ngài không chỉ cứu chuộc chúng ta, Ngài còn cho chúng ta được dự phần và khiến chúng ta trở nên một phần cơ nghiệp Ngài!
Đáng tiếc rằng dân Do-thái đã không tuân theo những luật lệ đã được trình bày trong chương này vì sự ích kỷ và tham lam của họ đã đem đến sự điêu tàn cho xứ và hệ thống kinh tế của họ. Các tiên tri quở trách người giàu vì đã bóc lột người nghèo và cướp đi nhà cửa, đất đai, thậm chí cả con cái của họ (Es 3:14-15; Es 10:1-3; Am 2:6-7; Am 5:11). Các tòa án địa phương đã bỏ qua những sắc lệnh của Đức Chúa Trời, các quan tòa làm giàu bằng của hối lộ, truyền xuống những quyết định có lợi cho người giàu và chà đạp người nghèo. Nhưng Đức Chúa Trời đã nghe tiếng khóc của người nghèo và sẽ có một ngày Ngài sẽ đem đến sự xét đoán khủng khiếp trên dân Y-sơ-ra-ên.
Đức Chúa Trời quan tâm đến cách chúng ta sử dụng những nguồn lực Ngài ban cho chúng ta và cách chúng ta đối xử với nhau nơi phố chợ. Sinh thái học và kinh tế là mối quan tâm của Ngài, và cuối cùng Ngài sẽ xét đoán những ai bóc lột kẻ khác và đối xử với họ theo cách thiếu nhân đạo (Am 1:1-2:16). Hội thánh của Đấng Christ đã phát triển mạnh dưới nhiều hệ thống chính trị và kinh tế mà không lệ thuộc vào bất cứ hệ thống nào, nhưng Hội thánh phải luôn bảo vệ quyền lợi của người nghèo và người bị đàn áp, sử dụng mọi vũ khí thuộc linh để đánh bại kẻ áp bức.
Nhà văn người Anh Samuel Johnson đã phát biểu: “Việc chu cấp tử tế cho người nghèo là sự kiểm nghiệm thật về nền văn minh.”
“Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài nghe lời ước ao của kẻ khốn khổ, Ngài khích lệ họ, và Ngài nghe tiếng khóc của họ, bảo vệ kẻ mồ côi và người bị hà hiếp, hầu cho loài người vốn bởi đất mà ra, không còn làm cho sợ hãi nữa” (Thi 10:17-18 NIV).
11. TỪ QUAN TRỌNG: “NẾU” (Le 26:1-27:34)
Từ “nếu” được gọi là một trong những từ ngắn nhất nhưng là một trong những từ quan trọng nhất trong Anh ngữ. Việc tranh luận về điều có thể xảy ra trong lịch sử thế giới nếu Wellington thất bại trong trận Waterloo hoặc nếu Lee chiến thắng tại Gettysburg là một sự thực hành vô ích.
Khi bạn bỏ những từ “nếu” ra khỏi chương 26-27 của sách Lê-vi ký, bạn có thể hiểu sai ý nghĩa, vì từ “nếu” đã được dùng 32 lần.
Lịch sử Y-sơ-ra-ên không thể hiểu được một cách đầy đủ nếu không có những từ “nếu” trong giao ước của Đức Chúa Trời. Khi nói đến lịch sử của Y-sơ-ra-ên thì “nếu’ là một từ rất quan trọng. Ba nhóm từ “nếu” trong chương 26 cho chúng ta thấy tầm quan trọng của từ này: “Nếu các ngươi bước đi theo các đạo luật của ta” (c.3 NKJV); “Nhưng nếu các ngươi không vâng lời ta” (c.14 NKJV); “Nhưng nếu họ xưng nhận sự gian ác mình” (c.40 NKJV). Trong mối liên hệ của chúng ta với Chúa, từ “nếu” mang ý nghĩa rất quan trọng.
Những đạo luật cùng những chỉ dẫn mà Đức Chúa Trời đã ban cho Y-sơ-ra-ên trong chương 26 và 27 minh họa cho bốn nhiệm vụ mà mỗi Cơ-đốc nhân phải có với Chúa.
1. Vâng theo những điều răn của Ngài (Le 26:1-13)
Trong chương 26, vâng lời Đức Chúa Trời là “bước đi trong các đạo luật (của Ngài)” (c.3), nhưng bất tuân Ngài là “bước đi nghịch” với Chúa và khinh thường những đạo luật của Ngài (Le 26:15,21,23-24,27-28,40-41). Từ được dịch là “nghịch” có nghĩa là “một cuộc gặp gỡ thù địch với ý định đánh nhau” (1).
Nếu tôi đang đi một hướng và Đức Chúa Trời đi hướng khác thì tôi đang đi xa khỏi sự hiện diện của Ngài, và Đức Chúa Trời sẽ không thay đổi phương hướng của Ngài. Nếu tôi tiếp tục đi ngược chiều, tôi sẽ gặp những nan đề nghiêm trọng, vì “nếu hai người không đồng ý với nhau, thì há cùng đi chung được sao?” (Am 3:3). Môi-se đã trình bày cho dân sự của ông bốn lý do nổi bật vì sao họ phải vâng lời Chúa.
• Vì bản chất Đức Chúa Trời (Le 26:1).
Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, là Đức Chúa Trời chân thật, hằng sống chứ không phải một hình tượng do con người làm nên. Ngài nhắc nhở họ: “Ta là GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời của các ngươi.” Danh GIÊ-HÔ-VA viết hoa biểu thị cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã bước vào mối liên hệ giao ước với Y-sơ-ra-ên, và với Đấng này mà dân Do Thái đã nói: “Chúng tôi xin làm mọi việc Đức Giê-hô-va đã phán dặn” (Xu 19:1-8).
A.W.Tozer nhắc nhở chúng ta, “Bản chất của sự thờ hình tượng là nuôi dưỡng những tư tưởng không xứng đáng về Đức Chúa Trời” (The Knowledge of the Holy,trang 11). Khi dân Do-thái từ bỏ việc thờ phượng Đức Giê-hô-va để theo thờ hình tượng, hoặc tệ hơn, tìm cách thờ phượng cả Đức Giê-hô-va và hình tượng,họ đã đi từ hiện thực đến ảo tưởng, từ lẽ thật đến sự giả dối, và hậu quả thật là kinh khiếp. Mặc cho lời hứa vâng theo Chúa, dân Do-thái đã vi phạm hai điều răn đầu tiên khi họ quay sang thờ hình tượng.
• Vì điều Đức Chúa Trời đã làm (Le 26:2a).
Từ “Sa-bát” (số nhiều) chỉ về mọi ngày đặc biệt theo lịch Do-thái chứ không chỉ là ngày thứ 7 trong tuần. Chúng ta đã nghiên cứu lịch này trong chương 9 và chú ý rằng những ngày đặc biệt này nhắc nhở dân Do-thái về sự nhân từ của Đức Chúa Trời đối với họ.
Lễ Vượt Qua kỷ niệm sự giải cứu Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô, và lễ Lều Tạm nhắc nhở họ về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời đối với dân sự Ngài trong đồng vắng. Lễ Đầu Mùa và lễ Ngũ Tuần là “những lễ hội mùa gặt” nói về sự chúc phước của Chúa trên những công việc trong đồng ruộng và lễ Lều Tạm là thời gian vui vẻ trong mùa gặt vì thành quả Đức Chúa Trời đã ban trong vườn nho và vườn cây ăn quả.
Ngay cả lễ Sa-bát hằng tuần cũng là một sự nhắc nhở rằng dân Do-thái là dân đặc biệt của Đức Chúa Trời vì Ngày Sa-bát là một dấu hiệu giữa Đức Chúa Trời và Y-sơ-ra-ên (Xu 31:13). Khi nghỉ ngơi vào ngày thứ 7, dân Do-thái có thể cảm tạ rằng họ đã thuộc về Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống, Đấng đã chọn Y-sơ-ra-ên làm cơ nghiệp biệt riêng về Ngài.
Họ cũng có thể cảm tạ rằng Đức Chúa Trời đã thêm sức cho họ để lao động trong tuần lễ tiếp theo. Dù nhìn lại lịch sử Do-thái từ cuộc hành trình ra khỏi Ê-díp-tô hay chỉ suy gẫm về sự nhân từ của Đức Chúa Trời từ tuần lễ trước, dân Do-thái sẽ có nhiều lý do để cảm tạ Đức Chúa Trời và vâng theo những đạo luật của Ngài.
• Vì nơi Đức Chúa Trời ngự vào (Le 26:2b).
Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên ngự trong trại quân Y-sơ-ra-ên! Dân Do-thái có đền tạm thiêng liêng của Ngài giữa trại quân với “đám mây vinh hiển” bay lượn phía trên. Các dân tộc quanh họ có những thần do con người làm ra trong đền thờ,nhưng Y-sơ-ra-ên có Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên họ đang ngự giữa họ.
Làm sao họ có thể nghĩ đến việc bất tuân Ngài khi Ngài quá gần họ, hạ mình để sống với họ trong trại quân? Cố tình bất tuân Đức Chúa Trời không phải chỉ là một sự vi phạm thánh luật của Đức Chúa Trời mà đó còn là một sự xúc phạm đến nơi thánh của Ngài. Việc phạm tội là làm ô uế trại quân, điều này giải thích lý do những người ô uế bị khiến phải rời khỏi trại quân.
• Sự ứng dụng cho Cơ-đốc nhân ngày nay là rõ ràng. Thân thể chúng ta là nơi thánh của Đức Chúa Trời, và chúng ta phải cẩn thận sử dụng thân thể mình vì vinh hiển Đức Chúa Trời (ICo 6:15-20). Thánh Linh Đức Chúa Trời ngự bên trong chúng ta, và chúng ta không nên làm buồn lòng Ngài qua việc sử dụng đền thờ của Ngài cho những mục đích bất kính (Eph 4:30; Le 26:17-32). Nếu một người Do-thái trong thời Cựu-ước giết một con heo trên bàn thờ hoặc rãi xương người trong sân đền tạm, người ấy sẽ phạm những điều gớm ghiếc nhất về thánh luật của Đức Chúa Trời. Cơ-đốc nhân nào đam mê tình dục trái phép hoặc làm ô uế trí tưởng tượng của mình bằng những tư tưởng xấu đều mắc phải những vi phạm nghiêm trọng.
• Vì điều Đức Chúa Trời đã hứa (Le 26:3-13).
Dân Y-sơ-ra-ên chỉ là con trẻ trong đức tin (Ga 4:1-7), và bạn dạy trẻ con chủ yếu bởi những phần thưởng và những hình phạt. Bạn không thể trình bày trước trẻ con những bài diễn thuyết về đạo đức học và mong chúng hiểu, nhưng bạn có thể hứa thưởng cho chúng nếu vâng lời và phạt chúng nếu ngỗ nghịch. Phương cách này sẽ bảo vệ chúng khỏi làm hại cho bản thân, và sẽ cho chúng thời gian để trưởng thành hơn và hiểu rõ hơn vì sao sự vâng lời là chìa khóa cho một đời sống hạnh phúc. Trẻ con phải dần học biết rằng những điều răn và những hình phạt là những biểu hiện về tình yêu vì ích lợi của chúng.
Môi-se sau đó đã mở rộng “giao-ước về sự chúc phước” (Phuc 28:1-30:20). Chính “hợp đồng” của Đức Chúa Trời đối với dân sự đã giúp họ được hưởng xứ và duy trì quyền sở hữu xứ mà Ngài hứa ban cho họ. Họ sở hữu xứ vì lời hứa của Đức Chúa Trời với Ap-ra-ham (Sa 12:1-3; Sa 13:14-17), nhưng họ không thể vui hưởng xứ nếu họ không tuân theo những luật pháp mà Đức Chúa Trời đã ban cho Môi-se. Tiếc thay, họ đã bất tuân luật pháp, không còn được hưởng xứ và cuối cùng bị cất khỏi xứ để chịu cảnh lưu đày ở Ba-by-lôn.
Là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta có mọi sự chúng ta cần cho “sự sống và sự tin kính” (IIPhi 1:3), vì giờ đây chúng ta có “mọi ơn phước thuộc linh trong Đấng Christ” (Eph 1:3 NIV). Nhưng việc có được những ơn phước này là một việc,còn việc tận hưởng chúng hoàn toàn là một việc khác.
Khi chúng ta tin cậy những lời hứa của Đức Chúa Trời và vâng theo những điều răn của Ngài, chúng ta đang nhờ đến di sản thuộc linh của mình để có thể bước đi cách thành công, hầu việc Chúa cách hữu hiệu. Giống như dân Y-sơ-ra-ên ở Ca-na-an, chúng ta có những cuộc chiến để đánh và những công việc để làm, nhưng khi chúng ta bước đi trong sự vâng lời Chúa, Ngài giúp chúng ta có thể chiến thắng kẻ thù, chiếm lấy xứ và vui hưởng những phước hạnh của nó.
Trước hết, Đức Chúa Trời hứa ban cho họ mưa và những mùa thu hoạch màu mỡ (Le 26:3-5,10). Là một quốc gia nông nghiệp, Y-sơ-ra-ên nhờ “mưa đến muộn” vào mùa xuân và “mưa đến sớm” vào mùa thu để cung cấp nước cho mùa màng và đáp ứng những nhu cầu trong dân. Một lý do mà sự thờ phượng thần Ba-anh gài bẫy dân Y-sơ-ra-ên là vì Ba-anh là thần bão của dân Ca-na-an. Nếu dân Do-thái cần mưa,đôi khi họ quay sang Ba-anh để được giúp đỡ thay vì đến với Đức Giê-hô-va. Nếu Đức Chúa Trời muốn kỷ luật dân sự Ngài, Ngài sẽ từ chối không làm mưa như Ngài đã làm trong thời Ê-li (IVua 17:1-18:46).
• Chúa cũng hứa ban cho họ sự bình yên trong xứ (Le 26:5-8).
Họ có thể đi ngủ mà không sợ thú vật hay kẻ thù xâm phạm xứ họ.Nếu kẻ thù thật sự đến xâm phạm thì những đội quân Do-thái sẽ đánh đuổi chúng,và một chiến sĩ Do-thái đáng bằng 20 đến 100 địch quân! Những dân tộc khác cậy vào những đội quân hùng mạnh và ngựa cùng binh xa để có sự yên ninh, nhưng chiến thắng của Y-sơ-ra-ên đến bởi đức tin nơi Chúa và sự vâng theo Lời Ngài. “Một số người nhờ cậy xe cộ, một số khác nhờ cậy ngựa; nhưng chúng tôi sẽ nhớ đến danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi” (Thi 20:7).
Nếu Y-sơ-ra-ên vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời, Ngài hứa thêm nhiều lên dân sốcủa họ (Le 26:9). Không giống một số người ngày nay, họ phá thai và không bằng lòng với gia đình đông người, dân Do-thái muốn có nhiều con cái và xem gia đình đông người là một phước hạnh từ Đức Chúa Trời (Sa 17:6; Phu 7:13-14; Thi 127:1-128:6). Những thế hệ mới được cần đến để duy trì nền kinh tế, giúp giữ vững các thị tộc cùng các chi phái, và bảo vệ quốc gia. Một dân bị tàn hại là một sự xét đoán từ Đức Chúa Trời.
Sự hiện diện của Chúa (Le 26:11-12) là phước hạnh lớn nhất được hứa ban vì mọi ơn phước khác tùy thuộc vào phước hạnh đó. Có dân tộc nào khác có nơi thánh của Đức Chúa Trời hằng sống ở giữa vòng họ và Đức Chúa Trời vận hành giữa họ? (Ro 9:1-5). Bi thảm biết bao khi sự bất tuân của Y-sơ-ra-ên đã biến đền thờ thành một hang trộm cướp (Gie 7:11), buộc Chúa phải phá hủy đền thờ và đưa dân sự Ngài vào cảnh lưu đày. Khi chúng ta đánh mất ý thức về sự hiện diện của Chúa và đặc quyền hầu việc Ngài, lúc ấy chúng ta đã bắt đầu coi thường Lời Ngài và bất tuân những điều răn của Ngài.
Chúng ta thấy có 9 lần trong Lê-vi ký, Chúa nhắc nhở dân sự rằng Ngài đã giải cứu họ khỏi Ê-díp-tô và do đó đáng nhận được sự vâng lời của họ (Le 11:45; Le 19:36 Le 22:33; Le 23:43; Le 25:38,42,55; Le 26:13,45). Trong sách Phục-truyền, Môi-se nhấn mạnh rằng sự yêu mến của họ đối với Chúa phải thôi thúc sự vâng lời của họ vì mọi điều Ngài đã làm cho họ.
Chúng ta phải thấy rõ rằng giao-ước phước hạnh này chỉ được ban cho Y-sơ-ra-ên và không nên được áp dụng cho Hội thánh ngày nay. Chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho những ai vâng lời Ngài, nhưng phước hạnh của Ngài không phải luôn là sức khỏe, sự giàu có và thành công. Một số anh hùng đức tin vĩ đại nhất đã chịu khổ vì sự vâng lời của họ và chưa bao giờ kinh nghiệm được những phép lạ về sự giải cứu hay sự chu cấp từ Chúa (He 11:36-40). Hàng triệu Cơ-đốc nhân đã được cho phép rơi vào tay kẻ thù và bị hành hình vì đức tin của mình. Giao ước này chỉ liên quan đến Y-sơ-ra-ên trong xứ của họ và là cách Đức Chúa Trời dạy họ sự trung tín và vâng lời.
Một số “người rao giảng thành công” ngày nay thích công bố những giao-ước “phước hạnh” này cho Hội thánh nhưng lại thích áp dụng những sự xét đoán cho người khác! Nếu giao ước này áp dụng cho con cái Đức Chúa Trời ngày nay thì chúng ta cũng sẽ phải kinh nghiệm sự xét đoán bất cứ khi nào chúng ta bất tuân Ngài. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng có những tín hữu thỏa hiệp lại thành công, khỏe mạnh, và giàu có; trong khi nhiều con cái Chúa hết lòng trung tín phải trải qua những thử thách và gian nan (Thi 73:1-28).
2. Đầu phục sự trừng phạt của Ngài (Le 26:14-39)
“Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con,thì cho roi cho vọt” (He 12:6; Ch 3:11-12). Mối liên hệ đặc biệt của Y-sơ-ra-ên với Đức Giê-hô-va mang theo nó bổn phận vâng theo tiếng Ngài và làm vinh hiển danh Ngài. “Ta đã biết (chọn) chỉ một mình các ngươi trong mọi họ hàng trên đất: vậy nên ta sẽ thăm phạt các ngươi vì mọi sự gian ác các ngươi” (Am 3:2). Đặc quyền kèm theo trách nhiệm, không một dân tộc nào hưởng nhiều đặc quyền thuộc linh từ Chúa hơn dân tộc Y-sơ-ra-ên.
• Có sáu giai đoạn của sự sửa phạt đã được mô tả (Le 26:16-17,18-20,21-22,23-26,27-31,32-33), và giai đoạn cuối cùng là nghiêm khắc nhất. Trong 5 giai đoạn đầu, Đức Giê-hô-va trừng phạt dân sự trong xứ của họ , nhưng trong lần thứ 6, họ bị cất ra khỏi xứ và tan lạc ở nhiều nước. Một số sự sửa phạt được lặp lại từ thời kỳ này sang thời kỳ khác, nhưng có thể được tóm tắt như sau: tai họa và sự kinh hãi; bệnh tật;hạn hán và nạn đói; sự thất bại trước các kẻ thù; sự chết vì chiến tranh, thú vật, và dịch lệ; sự tàn phá các thành và quốc gia; sự tản lạc và lưu đày giữa các dân ngoại. Sau đó Môi-se mở rộng ra về những sự sửa phạt này (Phu 28:15). Đáng buồn thay khi con cái vô tội sẽ phải chịu khổ vì tội lỗi của cha mẹ chúng (Le 26:22,29).
Nhóm từ “Ta sẽ phạt các ngươi bảy lần nữa” được lặp lại bốn lần trong những lời cảnh cáo này (c.18,21,24,28), có nghĩa là “một sự trừng phạt hoàn toàn” vì số 7 là con số biểu thị cho sự hoàn toàn theo cách tính của người Hê-bơ-rơ. Mỗi giai đoạn của sự sửa phạt sẽ đầy đủ và trọn vẹn, không thiếu điều gì và giai đoạn kế tiếp sẽ khắc nghiệt hơn giai đoạn trước đó.
(1) (Le 26: 16-17): “Sự kinh khiếp bất ngờ” nghĩa là sự bối rối của tâm trí, là loại kinh khiếp bạn sẽ cảm nhận khi không thể kiểm soát được sự việc đang xảy ra. “Sự hao tổn” mô tả những căn bệnh từ từ làm cơ thể hao mòn, giống như bệnh lao.
Xuyên suốt sách Các Quan-xét, các dân ngoại đã xâm lược Y-sơ-ra-ên vào thời gian gặt hái và lấy đi mùa màng của họ. Nếu dân Y-sơ-ra-ên vâng lời, mặt Đức Chúa Trời hẳn đã “chiếu trên họ” (Dan 6:22-27), nhưng sự bất tuân đã khiến Ngài xây mặt khỏi họ (Le 26:17; Ch 28:1).
(2) (Le 26:18-20): Mục đích của Đức Chúa Trời là “dẹp đi sự kiêu ngạo ương bướng (của họ)” (c.19, NIV). Mưa sẽ ngưng lại, đất trở nên cứng và hạt giống không thể nẩy mầm. Sẽ có sự lao nhọc nhiều nhưng không có mùa thu hoạch (Am 4:6-13). Bạn có thể nghĩ rằng mọi hoạn nạn này sẽ đem dân tộc đến chỗ quì gối ăn năn, nhưng họ đã không chịu ăn năn. Điều đó cũng sẽ xảy ra như vậy trong thời kỳ cuối cùng khi Đức Chúa Trời giáng sự xét đoán trên cả thế gian (Kh 16:9,11).
(3) (Le 26:21-22): Một sự xét đoán được kể tên ở đây: sự xâm lấn của dã thú sẽ giết chết súc vật và con người, đặc biệt là trẻ con. Hãy hình dung sự kinh khiếp sẽ hoành hành trong một dân tộc khi các thú dữ bị đói đang đi rình mò! Chỉ khi vì cớ con cái của họ, bạn sẽ nghĩ rằng những người lớn sẽ ăn năn và trở lại với Đức Chúa Trời.
(4) (Le 26:23-26): Chiến tranh, đói kém và dịch lệ thường đi cùng với nhau khi dân sự ở đông đúc trong một thành có vách bao bọc, bị kẻ thù bao vây, họ hết thức ăn và trở nên đau bệnh, và dịch lệ khủng khiếp bắt đầu lan ra (Exe 5:1-17).
(5) (Phu 26:27-31): Nạn đói khiến con người làm những việc vô nhân đạo như ăn thịt con mình (IIVua 6:29; Gie 19:9; Ca 4:10). Các đội quân của kẻ thù sẽ hủy diệt các điện thờ hình tượng mà dân Do-thái đã xây lên, ném những xác chết trên những hình tượng không thể giơ tay ra cứu họ được. (Le 26:31) gợi ý rằng dân sự sẽ tìm cách phục hồi sự thờ phượng Đức Giê-hô-va nhưng đã quá trễ. Các thành và nơi thánh đều đã bị san bằng.
(6) (Le 26:32-39): Phân đoạn này mô tả đỉnh điểm những sự sửa phạt của Đức Chúa Trời đã trở nên thiết yếu vì cớ sự cứng lòng của dân sự Ngài.Cho đến thời điểm này, Ngài đã sửa phạt dân sự trong xứ họ, nhưng giờ đây Ngài cất họ ra khỏi xứ. Trong năm 722 TC, dân A-sy-ri đã giam cầm Vương quốc phía Bắc của Y-sơ-ra-ên; và sau đó đến năm 605 TC, dân Ba-by-lôn thôn tính Vương quốc Giu-đa ở phía Nam. Bảy mươi năm lưu đày ở Ba-by-lôn đã để cho xứ được yên nghỉ và “hưởng những năm sa-bát của nó” (c.34-35,43; IISu 36:21; Gie 25:11).
Chúa đầy lòng thương xót đã đem số người Do-thái còn sót lại trở về xứ nhưng vương quốc không bao giờ dành lại được quyền lực hay vinh hiển như trước đó nữa. Không kể những giai đoạn ngắn của sự tự do, như dưới thời Mác-ca-bê, dân Do-thái luôn ở dưới sự điều khiển của một thế lực ngoại bang nào đó. Sự tản lạc cuối cùng của họ là sau năm 70 SC khi quân La-mã xâm lược và chiếm Giê-ru-sa-lem. Sự bao vây Giê-ru-sa-lem ứng nghiệm hơn nữa những lời tiên tri trong (Le 26:22,29).
3. Tin cậy giao ước của Ngài (Le 26:40-46)
Tuy nhiên, ngay trong hoàn cảnh xấu nhất vẫn luôn có hy vọng vì Chúa là Đấng “thương xót, nhân từ, nhẫn nhục, đầy dẫy ân huệ và thành thực, giữ sự thương xót đến ngàn đời, tha sự gian ác, vi phạm và tội lỗi” (Xu 34:6-7). Giao-ước của Ngài với dân sự Ngài không bao giờ thay đổi,và nếu chúng ta xưng tội lỗi mình và ăn năn, Ngài sẽ tha thứ và phục hồi cho chúng ta (Le 26:40; IVua 8:33-34; Ne 9:2; IGi 1:9). Dù trong sự chúc phước, sửa phạt, hay tha thứ, Đức Chúa Trời vẫn luôn giữ giao ước Ngài và thành tín với Lời Ngài.
Đức Chúa Trời có thể trừng phạt dân sự Ngài, nhưng Ngài sẽ không bao giờ khước từ hay bỏ họ (Ro 11:1-36). Thật ra, lý do khiến Ngài phải sửa phạt là để đem dân sự lầm lỗi bước vào trong cánh tay yêu thương của Ngài, nơi Ngài có thể vui lòng và chúc phước cho họ (He 12:1-13). Dân sự có thể quên luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng Ngài luôn nhớ giao ước Ngài, và Ngài cũng nhớ đến xứ vì nó thuộc về Ngài (Le 25:23).
Sẽ có sự nhóm hiệp lại trong tương lai của Y-sơ-ra-ên tại xứ họ, xảy ra trước sự đến của Đấng Christ trên đất để thiết lập vương quốc đã hứa ban của Ngài (xem phần giải thích Lễ Thổi Kèn trong chương 9). Đức Chúa Trời đã ban xứ cho Môi-se và con cháu ông, và Ngài sẽ không rút lại lời hứa của Ngài.
Nguyên nhân sự chống nghịch của Y-sơ-ra-ên là “những tấm lòng không chịu cắt bì”, đó là những tấm lòng chưa bao giờ được Chúa thay đổi (Le 26:41). Dân Do-thái khoe khoang rằng họ đã được cắt bì trong thân thể nhưng điều đó chưa đủ để họ được cứu (Mat 3:7-12). Dấu hiệu trên thân thể là dấu ấn chứng bên ngoài của giao ước, nhưng cần có nhiều hơn thế để thay đổi một tấm lòng (Phuc 10:16; Phuc 30:6; Gie 4:4; Gie 9:25; Ro 2:29).
Khi chúng ta không vâng phục Chúa, kẻ thù kiện cáo chúng ta và muốn chúng ta tin rằng không có hy vọng gì vì Chúa đã chán chê chúng ta (IICo 2:1-11). “Nếu chúng ta không thành tín, Ngài vẫn sẽ thành tín vì Ngài không thể tự chối mình được” (IITi 2:13 NIV). Vua Sa-lô-môn đã chỉ ra lời hứa về sự tha thứ khi ông dâng hiến đền thờ (IVua 8:31-53), và đó là lời hứa mà Giô-na đã tuyên bố khi ông ăn năn tội lỗi mình (Gion 2:7).
Lời hứa về sự tha thứ trong (IGi 1:9) không bao giờ nên được sử dụng như sự bào chữa cho tội lỗi, nhưng nó chắc chắn là sự khích lệ cho dân sự Đức Chúa Trời khi họ phạm tội. Sự thành tín của Đức Chúa Trời đối với Lời Ngài và với giao-ước Ngài là một sự bảo đảm tuyệt đối cho tín đồ rằng, “có sự tha thứ đối với Ngài, để Ngài có thể được kính sợ” (Thi 130:4 NKJV). Vì Lời Chúa và bản tánh Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi nên chúng ta có mọi sự khích lệ để đến với Ngài và tạo ra một khởi đầu mới.
4. Giữ những lời hứa của chúng đối với Đức Chúa Trời (Le 27:1-34)
Dường như kỳ lạ rằng sách này nên kết thúc bằng một chương về những lời thề nguyện hơn là bởi việc ghi chép lại sự bày tỏ đặc biệt về sự vinh hiển cùng sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Nhưng những lời hứa của chúng ta đối với Đức Chúa Trời phải không thể bị vi phạm cũng như giao ước của Ngài với chúng ta.
“Chớ vội vàng với miệng của ngươi, và chớ để lòng ngươi nóng nảy thốt ra điều gì trước mặt Đức Chúa Trời” (Tr 5:2 NKJV).
“Quả là một cái bẫy cho người ta để vội vã dâng điều gì như là thánh, và sau đó mới suy xét lại những lời thề nguyện của mình” (Ch 20:25 NKJV).
Nguyên tắc đằng sau những quy tắc trong chương này là về việcthay thế tiền cho vật gì đó được dâng lên cho Đức Chúa Trời, có thể là một con người, một con thú, hay một phần tài sản, và việc dâng món tiền đó cho thầy tế lễ làm chi phí sửa chữa nơi thánh. Thầy tế lễ sẽ đánh giá món quà theo những luật lệ được đề ra trong chương này. Bằng cách dâng tiền thay thế cho món quà,người thờ phượng đang “chuộc” món quà nhưng vẫn làm trọn lời hứa nguyện. Những lời hứa nguyện này hoàn toàn tự nguyện và là những sự thể hiện về thái độ của người thờ phượng trước mặt Đức Chúa Trời vì sự chúc phước của Ngài.
• Những thứ có thể chuộc được (Le 27:1-25).
Họ bắt đầu bằng sự dâng hiến con người (c.1-8). Một người thờ phượng có thể dâng mình hoặc đem đến một thành viên trong gia đình hay người tôi tớ để dâng cho Chúa, hầu việc Chúa cả đời tại nơi thánh. Tuy nhiên, vì đã có nhiều người Lê-vi và vì họ đã được biệt riêng cho sự hầu việc tại nơi thánh, nên người được dâng sẽ phải được chuộc bằng tiền, và món tiền này sẽ được giao cho các thầy tế lễ cho công việc trong nơi thánh.
Trong trường hợp của Sa-mu-ên (ISa 1:1-2:36), cậu bé đã thật sự được giao cho thầy tế lễ cả và được huấn luyện để hầu việc trong đền tạm.Trẻ con có thể được chuộc, hoặc giống như Sa-mu-ên, chúng có thể bước vào sự hầu việc khi trưởng thành.
Số tiền được ấn định cho mỗi nhóm tuổi và giới tính không liên quan gì đến giá trị cá nhân với tư cách là một con người. Mọi người đều quý giá trước mặt Chúa. Vấn đề quan trọng là mức độ công việc mà họ có thể làm. Một siếc-lơ tương đương với thu nhập một tháng đối với người lao động, dù chúng ta không biết nó có sức mua thế nào. Vì vậy một người nam từ 20-60 tuổi được định giá vào khoảng mức thu nhập của 4 năm. Hãy đặt điều này trong bối cảnh của nền kinh tế hiện nay, bạn sẽ kết luận ngay rằng người ta đã không đổ xô vào việc thực hiện những lời hứa nguyện này! Sẽ thật sự là một điều đắt giá khi phải trả thu nhập của 4 năm để thực hiện một lời hứa trước mặt Đức Chúa Trời.
Thú vật cũng có thể được dâng hiến và sau đó được chuộc lại (Le 27:9-13).
Mọi thú vật được dâng hiến cho Chúa đều được xem là vật thánh (c.9-10), nghĩa là đã được biệt riêng (“được thánh hóa”) và thuộc về Chúa. Nếu người dâng hiến muốn thay thế một con vật kém hơn thì khi đó cả hai con vật đều thuộc về Chúa (c.10). Đây là một trong những tội lỗi của các thầy tế lễ trong thời Ma-la-chi (Ma 1:13-14). Trong trường hợp của các thú vật, người dâng hiến phải thêm 20% vào sự định giá của thầy tế lễ.
Tài sản cũng có thể được dâng hiến và được chuộc (Le 27:14-25), nhưng người chủ phải thêm 20% vào sự định giá khi người ấy dâng tiền chuộc cho thầy tế lễ. Một đồng ruộng được định giá trên cơ sở sản lượng của nó và thời gian gần Năm Hân Hỉ. Nếu vì lý do nào đó, người chủ bán đất sau khi đã dâng cho Chúa, người ấy sẽ bị phạt bởi việc mất nó vào Năm Hân Hỉ, khi ấy đất này sẽ được dâng cho các thầy tế lễ và không bao giờ có thể được chuộc.Khi lập những lời hứa với Chúa, chúng ta phải cẩn thận để đừng thất hứa với Ngài.
• Những thứ không thể chuộc được (Le 27:26-34).
Có ba thứ: con đầu lòng trong súc vật, bất cứ vật gì Đức Chúa Trời cấm, và những phần mười cần thiết.
Con đầu lòng trong súc vật (Le 27:26-27) được biệt riêng cho Chúa vào lễ Sa-bát đầu tiên (Xu 13:2; Xu 34:19-20). Những thú vật này thay thế cho con đầu lòng của Y-sơ-ra-ên đã được huyết chiên con chuộc khỏi sự xét đoán. Những thú vật này không thể được chuộc.Nhưng nếu con thú “ô uế” nghĩa là có thể bị tì vít ở mặt nào đó, người dâng có thể chuộc nó bằng cách trả cái giá đã được định ra và thêm vào 20% giá ấy (không con vật tì vít nào được đặt trên bàn thờ, chắc chắn thầy tế lễ không bao giờ dám chấp nhận một con vật bị kể là “ô uế”).
Những vật “được dâng” cho Chúa (Le 27:28-29) sẽ là những vật mà Đức Chúa Trời biệt riêng ra cho Ngài, chẳng hạn như những chiến lợi phẩm tại Giê-ri-cô (Gios 6:17-19; Gios 7:11-15).
Nhóm từ “vật đáng nguyền rủa” trong Kinh Thánh KJV không có nghĩa là Đức Chúa Trời nguyền rủa những vật này, nhưng Ngài đặt chúng dưới sự cấm đoán để chúng hoàn toàn thuộc về Ngài. Vua Sau-lơ đã vi phạm luật này khi ông tìm cách dâng cho Đức Chúa Trời vật Ngài đã cấm, đó là dân A-ma-léc và mọi của cải của họ (ISa 15:1-35)
Những phần mười của thổ sản (Le 27:30-33) đã được biệt riêng cho Đức Chúa Trời và không thể được sử dụng theo cách nào khác. Dường như dân Do-thái đã dâng 3/10: 1/10 cho người Lê-vi, là những người đến lượt mình sẽ dâng phần mười đó cho các thầy tế lễ (Dan 18:21-32), 1/10 được đem đến nơi thánh và được ăn “trước mặt Chúa” (Phu 14:22-27), và 1/10 là cho người nghèo mỗi 3 năm (c.28-29). Không một nông dân nào có thể giữ phần mười của Chúa và chuộc nó lại bằng tiền. Nó phải được dâng lên cho Chúa như đã được phán bảo.
Bài học chính của chương này là Đức Chúa Trời mong chúng ta giữ những lời hứa của mình với Ngài và thành thật trong mọi mối tương giao của chúng ta với Ngài.
Chúng ta đừng tìm cách thương lượng để có “một giao dịch tốt hơn” hay thoát khỏi những trách nhiệm. Thật tốt khi dâng tiền bạc cho Chúa, nhưng việc dâng tiền không phải luôn là cách có thể chấp nhận được để thể hiện sự dâng hiến của chúng ta cho Chúa. Khoản tiền này có thể sẽ thay thế cho sự hầu việc mà lẽ ra chúng ta phải dâng cho Chúa.
Điều Sa-mu-ên đã nói với vua Sau-lơ cần được lắng nghe vào hôm nay: “Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ, sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (ISa 15:22).
Cuối cùng, chúng ta cần nhớ rằng, Chúa Giê-xu Christ đã phải trả giá cứu chuộc tội nhân bằng chính sự sống của Ngài và chúng ta đã không xứng đáng được điều đó. Ngài đã cứu chuộc chúng ta không phải bằng vàng và bạc nhưng bằng chính huyết báu của Ngài (IPhi 1:18-19). Bất cứ sự hy sinh nào chúng ta thực hiện vì Ngài cũng không có ý nghĩa gì so với sự hy sinh mà Ngài đã thực hiện cho chúng ta.
TÓM TẮT NHỮNG ĐIỀU HỌC ĐƯỢC TỪ SÁCH LÊ-VI KÝ
Việc Đức Chúa Trời dành cả một sách của Kinh Thánh cho chủ đề về sự thánh khiết cho thấy đó là một chủ đề quan trọng, một chủ đề mà chúng ta không dám bỏ qua. Có nhiều chi tiết hấp dẫn trong sách này mà chúng ta không thể nghiên cứu hết nhưng bài học chủ yếu ở đây rất rõ ràng. Chúng ta sẽ tóm tắt một số những bài học này và có một số ứng dụng thực tiễn cho đời sống Cơ-đốc của chúng ta hôm nay.
1. Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng Thánh Khiết.
Khi đánh giá thấp sự thánh khiết của Đức Chúa Trời là chúng ta đang có nguy cơ xem thường sự phạm tội của con người, và sự kết hợp của hai sai lầm này đưa đến kết quả là chúng ta sẽ hạ thấp thập tự giá của Đức Chúa Giê-xu Christ. Nếu mong muốn rao giảng Tin Lành, chúng ta phải có một Đức Chúa Trời thánh khiết, là Đấng ghét tội lỗi và đã thực hiện điều gì đó cho tội lỗi bằng giá rất cao đối với chính Ngài. Nhà thần học Carl F.H. Henry (1) đã viết: “Đó là vì Đức Chúa Trời là thánh khiết, và cũng đầy tình yêu thương để ban sự chuộc tội cho chúng ta.”
Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời nghĩa là “sự biệt riêng” hoàn toàn của Ngài với bất cứ điều gì tội lỗi. Ngài khác với những gì tầm thường, và Ngài phân cách với những gì ô uế. Nhưng sự thánh khiết của Đức Chúa Trời không phải là một điều thụ động, giống như một khối băng trong suốt. Sự thánh khiết của Ngài tích cực và sống động, là biển bằng pha ly trộn với lửa (Kh 15:2). Mọi điều về Đức Chúa Trời đều là thánh: sự khôn ngoan, quyền năng, sự xét đoán và thậm chí cả tình yêu của Ngài.Nếu tình yêu của Ngài không phải là tình yêu thánh khiết, Ngài sẽ không bao giờ ban Con Một của Ngài để chịu chết vì tội lỗi của thế gian và đáp ứng những đòi hỏi theo bản tánh và thánh luật riêng của Ngài.
Tôi có thể sai, nhưng tôi có cảm giác rằng nhiều dân sự Đức Chúa Trời ngày nay đã đánh mất ý thức kính sợ sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Tại sao như thế?
Trước hết, chúng ta không nhấn mạnh sự thánh khiết của Đức Chúa Trời trong Hội thánh của chúng ta. Giống như buổi họp mặt lửa trại của một nhóm hướng đạo sinh, những lễ “thờ phượng” của chúng ta thật vui vẻ nhưng hoàn toàn thiếu đi sự nhấn mạnh quan trọng về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Sự rao giảng của chúng ta nhằm vào con người, tìm cách “gãi trúng chỗ ngứa” của họ thay vì phải chỉ ra cho họ một Đức Chúa Trời thánh khiết, Đấng đáng được tôn thờ và vâng lời. Những người bị thu hút vào sự vĩ đại và thánh khiết của Đức Chúa Trời sẽ không lo lắng nhiều về việc người khác quan tâm đến điều gì.
Việc thiếu đi kỷ luật Hội thánh và những tiêu chuẩn cao của phẩm chất Cơ-đốc cho thấy chúng ta đã không xem trọng sự thánh khiết cho lắm.Trong lời quảng cáo của mình, chúng ta đã “bán” Hội thánh cho thế gian bằng cách chuyển tải tư tưởng không phù hợp với Kinh Thánh rằng Cơ-đốc giáo là một “sự vui thích” và mọi người ngoại đạo phải gia nhập câu lạc bộ này và bắt đầu “được sống trên lề đường đầy nắng chói”. Có lần tôi đã nghe một vị mục sư nói như thế này trong lời thông báo của ông: “Hãy đến tham dự buổi lễ thờ phượng tối nay. Chúng ta sẽ có một thời gian vui vẻ với nhau.” Tôi nghĩ đến những lời của Gia-cơ viết cho các tín hữu thế gian rằng: “Hãy đau thương, khóc lóc, hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn” (Gia 4:9).
Tôi không thể hình dung được rằng Môi-se và các trưởng lão đã “vui vẻ” trên núi Si-nai khi họ nhìn xem vinh hiển của Đức Chúa Trời, hay là Ê-sai có kể lại rằng ông đã có một “thời gian vui vẻ” trong đền thờ khi ông nhìn thấy “Chúa…cao cả và được tôn cao” (Es 6:1). Không ai thích sự hài hước tốt lành và tiếng cười lành mạnh hơn tôi, nhưng khi tôi suy tưởng đến sự phạm tội của tôi và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, tôi muốn dự phần với Gióp, Ê-sai, Phi-e-rơ và Giăng mà cúi mặt xuống trong sự tôn trọng và kính sợ.
2. Đức Chúa Trời muốn dân sự Ngài nên thánh.
Có 8 lần trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời phán “Hãy nên thánh vì ta là thánh.” Vì những điều răn của Đức Chúa Trời là những điều có thể làm được của Đức Chúa Trời, do đó, điều răn này bảo đảm với chúng ta rằng sống một đời sống thánh khiết là điều có thể thực hiện được. Sức khỏe có ý nghĩa thể nào đối với thân thể thì sự thánh khiết đối với linh hồn cũng có tầm quan trọng thể ấy. Và Vị Thầy Thuốc Vĩ Đại có thể ban cho chúng ta sức khỏe và sự trọn vẹn thuộc linh mà chúng ta cần.
Đức Chúa Trời muốn dân Y-sơ-ra-ên của Ngài làm “một dân tộc thánh” (Xu 19:6), và sự kêu gọi cao trọng này ứng dụng cho cả Cơ-đốc nhân ngày nay (IPhi 2:9). Ngày nay, Hội thánh có thể được biết đến dưới bất cứ tên gọi nào khác - những tòa nhà, những nguồn ngân quỹ, những nhóm người, những thời gian biểu bận rộn - nhưng chắc chắn là Hội thánh đã không được biết đến vì sự thánh khiết của nó.
Có bao nhiêu Cơ-đốc nhân bạn biết về họ mà bạn có thể thành thật nói: “Anh ta là người của Đức Chúa Trời” hay “Cô ta là một người nữ của Đức Chúa Trời?” Có bao nhiêu “Cơ-đốc nhân nổi tiếng” có đủ tư cách ấy?
Y-sơ-ra-ên đã không làm một dân tộc thánh, do đó, đã không bày tỏ ra chứng cớ cho thế giới mà Đức Chúa Trời muốn họ bày tỏ. Y-sơ-ra-ênkhông chỉ chịu khổ vì những tội lỗi của họ mà thế giới ngoại đạo cũng chịu khổ bởi không nhìn thấy nơi Y-sơ-ra-ên sự khác biệt khi họ thuộc về một Đức Chúa Trời thánh khiết. Hội thánh chú trọng đến việc rao giảng nhưng lại thờ ơ với bản tính cùng thái độ cư xử tin kính, và cả hai đặc điểm này đều quan trọng. Chúa Giê-xu đã không phán: “Các ngươi là môi miệng của thế gian”, nhưng “Các ngươi là sự sáng của thế gian.” Ngài không phán: “Các ngươi là những bài giảng của đất”, nhưng đã phán: “Các ngươi là muối của đất.” Một đời sống thánh khiết sẽ xua tan sự tối tăm và đẩy lùi sự bại hoại.
3. Sự thánh khiết bắt đầu tại bàn thờ.
Sách Lê-vi ký không bắt đầu bằng một buổi nhóm cầu nguyện, một lễ thờ phượng tôn vinh, hay một buổi nhóm thông công. Nó bắt đầu tại bàn thờ nơi những con sinh tế vô tội bị đổ huyết ra vì những tội nhân gian ác. Nó bắt đầu với sự mô tả năm của lễ, tất cả đều chỉ về Đức Chúa Giê-xu Christ và công tác của Ngài trên thập tự giá.
Bước đầu tiên hướng đến sự thánh khiết là thừa nhận tội lỗi của mình và nhận biết Đấng Christ là Cứu Chúa và là Đấng Chuộc Tội duy nhất của mình. Nếu tôi nghĩ rằng mình sẽ trở nên thánh khiết vì những quyết định thành thật của tôi, những thói quen tôn giáo của tôi, hoặc bởi tri thức thần học của tôi, thì tôi đang hướng đến sự thất bại chắc chắn. Thật vậy, chúng ta cần sự hiểu biết về thuộc linh, và chúng ta phải quyết tâm trau giồi những thói quen tin kính, nhưng nếu không có sự hy sinh của Đức Chúa Giê-xu Christ thì mọi việc lành này đều trở nên vô ích nếu không muốn nói rằng tai hại.
Thập tự giá bày tỏ sự thù ghét của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi. Tội lỗi của chúng ta đã giết Con Một của Ngài. Làm sao tôi có thể giữ thái độ trung lập hoặc thậm chí thân thiện với điều đã khiến Con Đức Chúa Trời chịu khổ và chịu chết?Nếu tôi không học cách ghê tởm tội lỗi, tôi sẽ không bao giờ trau giồi được sự thánh khiết.
Nhưng thập tự giá cũng bày tỏ quyền năng của Đức Chúa Trời để chiến thắng tội lỗi, “Huyết của Đấng Christ tẩy sạch chúng ta” (IGi 1:7,9), đem chúng ta đến gần Đức Chúa Trời (Eph 2:13), và gột rửa chúng ta khỏi tội lỗi (He 9:14). Bằng cách chấp nhận công tác đã được làm trọn của Ngài và địa vị được thánh hóa của chúng ta trong Ngài (He 13:12), chúng ta sẽ từ bước đi đầu tiên đó mà hướng đến một đời sống thánh khiết.
4. Sự thánh khiết đòi hỏi sự vâng lời và kỷ luật.
Việc người Do-thái đến thờ phượng đem dâng của lễ nơi bàn thờ, ra đi và biết rằng tội lỗi mình đã được tha vẫn chưa đủ. Người đến thờ phượng này cũng phải vâng theo những luật lệ và quy tắc mà Chúa đã ban cho dân sự Ngài về điều gì thanh sạch và điều gì không thanh sạch. Nói cách khác, Đức Chúa Trời thánh khiết của chúng ta có quyền cho chúng ta biết điều gì đúng và điều gì sai.
Tín hữu ngày nay không chú ý đến những luật ăn kiêng của Do-thái, nhưng chúng ta phải chú ý đến những điều mà chúng minh họa: Có một số điều trong thế gian này không được phép xâm nhập vào hệ thống của chúng ta vì Đức Chúa Trời không đẹp lòng với những điều ấy. Tôi không sợ chạm đến xác chết hay nhặt lên một đốt xương, nhưng tôi phải cẩn thận “giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian” (Gia 1:27). Sự tự do Cơ-đốc không phải là sự cho phép chúng ta dự phần vào những việc không tốt cho chúng ta.
Tôi hoan nghênh sự chú trọng đến việc học Kinh Thánh hiện nay giữa vòng các Cơ-đốc nhân và vui mừng vì những công cụ tuyệt vời sẵn có. Nhưng việc đọc và học Kinh Thánh thì chưa đủ. Chúng ta phải “giữ các điều răn của Ngài, và làm những điều đẹp ý trước mặt Ngài” (IGi 3:22). “Sự vâng lời có kỷ luật là một phần quan trọng của đời sống thánh khiết.” Bàn luận và tranh cãi về Kinh Thánh thì dễ hơn nhiều so với việc bày tỏ những lẽ thật của Kinh Thánh trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
Dân Do-thái thời Cựu-ước phải bước đi cách cẩn thận để giữ mình khỏi bị ô uế (Eph 5:15). Họ phải đặt những tiêu chuẩn về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời vào trong mọi khía cạnh của đời sống hằng ngày của họ: quần áo họ mặc, thực phẩm họ ăn, những vật họ chạm đến, và những con người mà họ có liên hệ. Những người chồng và người vợ phải đặt những kinh nghiệm mật thiết nhất của họ dưới sự kỷ luật của Lời Đức Chúa Trời. Những điều như thế không có gì là “trần tục” hay “thiêng liêng” đối với thánh đồ thời Cựu-ước, vì mọi điều trong đời sống đều thuộc về Đức Chúa Trời.
Tín hữu ngày nay nghĩ rằng họ thuộc linh nếu đi nhà thờ một lần một tuần và đọc sách bồi linh trong sáu ngày kia. Chỉ khi sự thánh khiết của Đức Chúa Trời không ngừng bắt đầu chạm đến mọi lãnh vực của đời sống chúng ta, thì chúng ta mới có thể nói rằng mình đang bắt đầu tiến bộ trong việc nên thánh.
5. Sự thánh khiết phải đến từ Đức Chúa Trời và phải chân thật.
Chúng ta phải coi chừng “sự nhiệt tình giả tạo.” Đức Chúa Trời đã giết Na-đáp và A-bi-hu, các con trai của A-rôn, vì họ đã đem đến “lửa lạ” cùng sự nhiệt thành giả tạo vào trong nơi thánh, vi phạm đến thánh luật của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không làm điều đó vào ngày hôm nay, nhưng nếu Ngài làm thì đã không có thật nhiều thánh đồ còn sót lại. Có thể hai thầy tế lễ này đã bị tác động của rượu, điều này nhắc chúng ta nhớ đến lời khuyên của Phao-lô rằng đừng say rượu nhưng phải đầy dẫy Thánh Linh (Eph 5:18).
Bản chất được tôi luyện của con người có thể bắt chước tính chất thuộc linh, nhưng không bao giờ sao chép được tính chất ấy. Những cảm xúc nhẹ nhàng về tôn giáo không phải là sự đảm bảo rằng chúng ta đang làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, và việc không có những cảm xúc ấy không có nghĩa là chúng ta làm buồn lòng Đức Chúa Trời. Tôi rất biết ơn vì sự thờ phượng và ngợi khen lại được chú trọng trong Hội thánh, nhưng chúng ta phải cẩn thận để “lửa” của chúng ta được đốt cháy bởi Thánh Linh từ bàn thờ của Đức Chúa Trời chứ không phải bởi xác thịt hay những thế lực của ma quỷ. Sa-tan là một kẻ lừa dối, và chúng ta phải cẩn thận để nhận ra và khước từ những kẻ giả mạo của nó.
6. Sự thánh khiết đòi hỏi sự cầu thay của thầy tế lễ.
Người Do-thái thời Cựu-ước nếu không sinh ra trong chi phái Lê-vi thì sẽ bị cấm vào khu vực sân thiêng liêng của đền tạm. Người ấy phải đến với Đức Chúa Trời bằng phương tiện cầu thay của các thầy tế lễ. Trong Hội thánh thời Tân-ước, mọi dân sự của Đức Chúa Trời đều là các thầy tế lễ, nhưng chúng ta phải đến với Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giê-xu Christ, là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đang cầu thay cho chúng ta ở trên trời (IPhi 2:5).
Không thể có sự tăng trưởng trong sự thánh khiết nếu không có mối giao thông với Đức Chúa Giê-xu Christ. Ngài đã hoàn tất công tác cứu rỗi chúng ta khi Ngài chịu chết và sống lại trên đất, nhưng giờ đây Ngài thực hiện “công tác chưa hoàn tất” về sự thánh hóa chúng ta khi Ngài cầu thay ở trên trời. Đây là một trong những chủ đề chính của sách Hê-bơ-rơ. Ngài muốn “khiến anh em nên trọn vẹn trong mọi việc lành để làm thành ý muốn Ngài, hành động trong anh em điều đẹp ý trước mặt Ngài, qua Đức Chúa Giê-xu Christ” (He 13:21).
Không giống như tín hữu thời Cựu-ước, dân sự Đức Chúa Trời ngày nay có thể bước vào sự hiện diện của Ngài (nơi chí thánh) và giao thông với Ngài (He 10:19-22). Qua Đức Chúa Giê-xu Christ, chúng ta có thể đến gần ngôi ơn phước hầu cho “được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thời giờ có cần dùng” (He 4:16). Nếu chúng ta không “để thời gian nên thánh” và giao thông với Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ chẳng bao giờ được tăng trưởng trong sự thánh khiết hoặc giống với Đức Chúa Giê-xu Christ.
7. Thiếu sự thánh khiết gây ảnh hưởng đến xứ của chúng ta.
Chúng ta có xu hướng nghĩ về tội lỗi như một hành động của cá nhân chỉ làm ảnh hưởng đến tội nhân, nhưng điều này không đúng. Môi-se cho biết rõ rằng tội lỗi của dân sự đã ảnh hưởng đến xứ mà Đức Chúa Trời ban cho họ, và xứ sẽ “mửa họ ra” nếu họ cứ ở trong sự bội nghịch Đức Chúa Trời.
Sự thờ hình tượng và sự đồi bại là hai tội lỗi được Đức Chúa Trời đặc biệt chọn ra như là nguyên nhân đã làm cho xứ bị ô uế. “Chớ làm một trong mấy việc đó mà tự gây cho mình ô uế; bởi dân mà ta sẽ đuổi khỏi trước mặt các ngươi đã thành ô uế vì cớ làm các việc đó. Ngay cả đất vì chúng nó mà bị ô uế; nên ta sẽ phạt tội ác nó; và đất sẽ mửa dân nó ra vậy” (Le 18:24-25 NIV).
Dù chúng ta có thể làm mọi điều có thể để gìn giữ các tiêu chuẩn thánh thì Hội thánh vẫn không có quyền bắt buộc những công dân chưa được cứu ở trong xứ phải làm theo những luật lệ của Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta sẽ làm gì nếu dân sự trong Hội thánh là những người tự xưng là biết Đức Chúa Trời nhưng chính họ lại không thực hành những tiêu chuẩn ấy.
Sự thờ hình tượng và sự đồi bại không những được chấp nhận trong xã hội ngày nay mà chúng còn được tán thành và khuyến khích. Tiểu thuyết, phim ảnh cùng những chương trình truyền hình đã phô bày và đề cao sự đồi bại tình dục đến một mức độ mà nó đã trở thành một phần quan trọng trong sự giải trí ngày nay.
Những tội lỗi mà lẽ ra phải đưa chúng ta đến chỗ quỳ gối khóc lóc, thì giờ đây đang là trò tiêu khiển được chấp nhận. Chúng ta thường nghĩ loại đời sống bất kính này đến từ người thế gian, nhưng chúng ta không ngờ nó đến từ dân sự của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên sự thờ hình tượng và sự đồi bại đã xâm nhập vào hội thánh.
Sự xét đoán sắp đến và nó sẽ bắt đầu “từ nhà Đức Chúa Trời” (IPhi 4:17).
8. Sự thánh khiết không phải là một vấn đề riêng tư.
Tín hữu thời Cựu-ước thuộc về một cộng đồng thờ phượng, và người ấy đã không tìm cách để “hành động một mình.” Các thầy tế lễ là những người giám sát đời sống thuộc linh của dân tộc, những người Lê-vi hỗ trợ họ, và mỗi người trong dân tộc đóng một vai trò trong cuộc chiến đang diễn ra chống lại tội lỗi và thế gian.
Một trong những xu hướng nguy hiểm trong giới Cơ-đốc ngày nay là sự nhấn mạnh về “Cơ-đốc giáo cá nhân”, như thể mỗi tín đồ là một “Biệt Kích Bơ Vơ” không cần ai giúp đỡ mình để tìm kiếm sự thánh khiết. Dĩ nhiên,chúng ta cần thời gian tĩnh nguyện cá nhân mỗi ngày với Chúa, nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta cũng cần sự giúp đỡ của những người lãnh đạo thuộc linh và những tín đồ khác trong Hội thánh, và họ cần đến chúng ta.
Ngày Sa-bát thư thái sẽ cho cha mẹ có cơ hội dạy con cái Lời Chúa, và mỗi kỳ Lễ Vượt Qua là cơ hội khác để nhìn lại sự thương xót của Chúa đối với dân sự Ngài. Những kỳ lễ khác đem cộng đồng đến với nhau, để ăn năn hoặc vui mừng. Khi bỏ qua “sự nhóm lại” (He 10:25) là chúng ta tự đánh mất những phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã ban cho những người đóng vai trò quan trọng trong mối thông công thờ phượng với Ngài.
9. Sự thánh khiết làm vinh hiển Đức Chúa Trời.
Vì chỉ Đức Chúa Trời mới có thể khiến một người nên thánh nên một đời sống tin kính là một chiến tích về ân điển của Ngài và là một sự bày tỏ về quyền năng Ngài. Các giáo sư có thể hưởng công trạng cho việc chỉ dẫn chúng ta, các mục sư cho việc cố vấn chúng ta, và bạn bè cho việc khích lệ chúng ta, nhưng chỉ Đức Chúa Trời được vinh hiển khi người ta nhìn thấy Đấng Christ được tái hiện trong chúng ta.
Chúng ta có thể không nhìn thấy những thay đổi đang xảy ra, nhưng Đức Chúa Trời có thể nhìn thấy, và những người khác cũng có thể. Điều quan trọng không phải là chúng ta đo lường bản thân theo cách chúng ta đo lường sự phát triển của con cái chúng ta, nhưng chúng ta cứ hạ chính mình xuống và để Ngài được vinh hiển trong mọi sự chúng ta thể hiện và thực hành.
10. Sự thánh khiết nghĩa là sống chỉ duy làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Nếu một người Do-thái đi một mình trong cánh đồng, chẳng may trở nên ô uế, thì người ấy có thể làm một trong hai việc. Người ấy có thể ở ngoài trại quân và thực hiện những bước cần thiết cho sự thanh tẩy, hoặc người ấy có thể trở về trại quân, chẳng làm gì cả, và cứ bị ô uế. Không ai biết được sự khác biệt, nhưng người ấy sẽ rất “độc hại” và ngấm ngầm làm ô uế mọi vật cùng mọi người mà người ấy chạm đến, và Chúa biết tất cả mọi điều đó. Nếu người ấy không vâng theo những quy tắc được ban cho trong luật pháp của Đức Chúa Trời và trở nên thanh sạch lại thì người ấy sẽ sống giả dối, làm nhiều điều tai hại và chuốc lấy sự kỷ luật của Đức Chúa Trời.
Một trong những nguyên tắc Chúa Giê-xu nhấn mạnh trong Bài Giảng Trên Núi là chúng ta sống đang trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, làm đẹp lòng chỉ duy một Đức Chúa Trời, chứ không phải để gây ấn tượng trước mặt người ta (Mat 6:1-18). Có những khi việc chúng ta làm bị bạn bè trên đất hiểu lầm nhưng Cha chúng ta trên trời hoàn toàn hiểu được và bằng lòng với việc ấy. Nói cách khác, Chúa Giê-xu muốn chúng ta tập trung vào việc xây dựng tính cách chứ không phải việc gầy dựng tiếng tăm về mặt tôn giáo của chúng ta.
Việc bạn bè hoan nghênh chúng ta đến mức độ nào thì chẳng có gì khác biệt nếu Đức Chúa Trời không đẹp lòng với chúng ta. “Mọi vật đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại” (He 4:13 NIV), vì vậy thật vô ích để tìm cách che giấu. Theo (IGi 1:5-10) khi chúng bắt đầu nói dối (c.6) thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ nói dối với chính mình (c.8), và hậu quả là sẽ tìm cách nói dối Đức Chúa Trời (c.10). Điều này dẫn đến sự sa đọa nhân cách dần dần, đem lại sự suy sụp và nhục nhã. Chúng ta cố gắng sống một đời sống thánh khiết không phải để có thể được nhận biết là “dân thánh”, nhưng để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời thánh khiết. Chúng ta sống trước mặt Ngài một cách công khai và thành thật, chẳng giấu điều gì, chẳng sợ điều gì.
Trong nhiều năm, tôi đã treo lên tường tấm bảng ghi lại điều mà tôi đã học được từ A.W.Tozer: “Biết Đức Chúa Trời là một điều vừa dễ nhất vừa khó nhất trên đời.”
Biết Đức Chúa Trời và trở nên càng giống Ngài là điều dễ nhất trên đời, vì Đức Chúa Trời thuộc về chúng ta và ban cho chúng ta mọi sự giúp đỡ có cần để chúng ta đạt được mục tiêu. Nhưng đó là điều khó nhất vì hầu như mọi sự trong chúng ta và quanh chúng ta đang chống lại chúng ta, và chúng ta phải thực hiện một quyết định thánh khiết để chạy cuộc đua và để mắt mình nơi Chúa (He 12:1-3).
Nhưng điều đó có thể thực hiện được, nếu không, Đức Chúa Trời đã không bao giờ phán đến tám lần trong Lời Ngài rằng: “Hãy nên thánh vì ta là thánh!”
Điều răn của Ngài là lời hứa về điều Ngài có thể giúp chúng ta làm được.
Hãy nên thánh!
bottom of page