top of page
1. CÓ AI THẬT SỰ QUAN TÂM (Ne 1:1-11)
“Tội lỗi tệ hại nhất đối với các đồng loại của chúng ta không phải là ghét họ mà là thờ ơ với họ đó là bản chất vô nhân đạo”.
George...
...Bernard Show đã đặt những lời này nơi miệng của mục sư Anthony Aderson trong vai thứ 2 của vở kịch của ông: Môn Đồ Của Quỷ. Câu nói chắc chắn tóm tắt điều Chúa Giê-xu đã dạy trong câu chuyện về người Sa-ma-ri nhơn lành (Lu 10:25-37), nó quở trách tất cả những ai khoanh tay thỏa mãn, mĩm cười nhẹ nhàng, và nói cách mỉa mai: “Hãy thử hỏi xem tôi có quan tâm hay không cái đã!”
• Nê-hê-mi là loại người biết sống quan tâm.
-Ông quan tâm về những truyền thống của quá khứ và những nhu cầu của hiện tại.
-Ông quan tâm về những hy vọng cho tương lai.
-Ông quan tâm về di sản, thành phố của tổ tiên ông, và vinh hiển của Đức Chúa Trời ông.
Ông bày tỏ thái độ quan tâm này qua 4 cách khác nhau:
1. Ông Hỏi Thăm Vì Có Lòng Quan Tâm (Ne 1:1-3)
Nê-hê-mi là một thường dân, làm quan tửu chánh cho Đại đế Ạt-ta-xét-xe Longinamus, vua cai trị xứ Ba-tư năm 464-423 TC. Ông được biết đến là con của Ha-ca-lia để phân biệt ông với những người Giu-đa khác có cùng tên (Ne 3:16; Exo 2:2). Nê-hê-mi nghĩa là “Chúa đã yên ủi”.
Quan tửu chánh có địa vị cao hơn nhiều so với chức “quản gia” của chúng ta ngày nay (Sa 40:1-23). Đó là một địa vị có trách nhiệm và đặc quyền lớn. Ở mỗi bữa ăn, quan ấy kiểm tra rượu của vua để chắc chắn rượu không bị tẩm độc. Người đứng sát cạnh vua trước mọi người phải tuấn tú, có học thức, hiểu biết những nghi thức triều chính, và có thể tiếp chuyện với vua, cố vấn cho vua nếu được yêu cầu (Sa 41:1-13). Do tới lui trước mặt vua, quan tửu chánh là một người có ảnh hưởng lớn mà người ấy có thể sử dụng cho việc tốt hoặc xấu.
Việc Nê-hê-mi, một người Do-thái, giữ một chức vị quan trọng như thế trong cung điện nói lên tính cách tốt đẹp và khả năng tài giỏi của ông (Đa 1:1-4). Gần một thế kỷ, một số người Do-thái sót lại đã trở về trên đất họ, và Nê-hê-mi lẽ ra có thể hiệp với họ, nhưng ông quyết định cứ ở trong cung điện. Đức Chúa Trời có một công việc cho ông làm tại đó nên ông không thể thực hiện nơi nào khác. Đức Chúa Trời đặt Nê-hê-mi ở Su-sơ như Ngài đã đặt Ê-xơ-tê nơi ấy vào một thế hệ trước đó, cũng như Ngài đã đặt Giô-sép ở Ai-cập và Đa-ni-ên ở Ba-by-lôn. Khi Đức Chúa Trời muốn thực hiện một công việc nào đó, Ngài luôn chuẩn bị những người sẽ làm việc ấy cho Ngài và đặt họ đúng nơi đúng lúc.
Tháng Kít-lơ của nguời Hê-bơ-rơ kéo dài từ trung tuần tháng 11 đến trung tuần tháng 12 theo lịch chúng ta, nhằm năm thứ 20 của vua Ạt-ta-xét-xe (năm 444 TC). Su-sơ là thủ phủ của Hoàng đế Ba-tư và là nơi có cung điện mùa Đông của vua. Chắc chắn đó là một ngày thường khác khi Nê-hê-mi gặp em trai của ông là Ha-na-ni (Ne 7:2), người vừa viếng thăm Giê-ru-sa-lem trở về, nhưng đó cũng chính là bước ngoặc trong đời sống Nê-hê-mi.
Như những cánh cửa lớn, những sự kiện lớn thay đổi đời sống có thể đu đưa trên những bản lề rất nhỏ. Đó chỉ là một ngày khác khi Môi-se bước ra chăn bầy chiên của ông, vào ngày đó ông nghe tiếng Chúa gọi và trở thành một tiên tri (Xu 3:1-22)
Ấy là một ngày bình thường khi Đa-vít được gọi về nhà lúc đang trông bầy chiên mình ; nhưng lại chính là ngày ông được xức dầu làm vua (ISa 16:1-23). Đó là một ngày bình thường khi Phi-e-rơ, Anh-rê, Gia-cơ và Giăng đang vá lưới sau một đêm thất bại. Nhưng đó cũng là ngày Chúa Giê-xu gọi họ để trở thành những tay đánh lưới người (Lu 5:1-11).
Bạn chẳng bao giờ biết Đức Chúa Trời chuẩn bị sẵn điều gì cho bạn, thậm chí trong một cuộc nói chuyện ở nơi bình thường với một người bạn hay người bà con, vì vậy hãy để lòng bạn rộng mở cho sự dẫn dắt theo ý Đức Chúa Trời. Tôi đã dự một bữa tiệc sinh nhật vào một tối nọ khi tôi 19 tuổi, và sau một câu nói của một người bạn tại đó đã giúp tôi hướng đời sống mình vào những kế hoạch Đức Chúa Trời dành cho tôi, và tôi mãi mãi biết ơn người bạn ấy.
Tại sao Nê-hê-mi hỏi thăm về một số người còn sót lại là những người sống cách xa hằng trăm dặm? Xét cho cùng, ông là quan tửu chánh của vua và ông hoàn toàn thoả mãn trong đời sống của riêng mình. Chắc chắn đó không phải là lỗi của ông khi những tổ tiên ông đã phạm tội nghịch cùng Chúa, khiến đem đến sự đoán phạt cho thành phố Giê-ru-sa-lem và vua Giu-đa. Một thế kỷ rưỡi trước đó, tiên tri Giê-rê-mi đã rao lời này của Chúa: “Hỡi Giê-ru-sa-lem ai sẽ thương xót ngươi được sao? Ai sẽ than tiếc ngươi? Ai sẽ xây lại mà hỏi thăm ngươi?” (Gi 15:5). Nê-hê-mi là người Đức Chúa Trời đã chọn để làm những việc đó!
Một số người muốn rằng họ đừng biết điều gì đang xảy ra, vì các thông tin có thể đem đến bổn phận cho họ. “Điều bạn không biết, không thể làm tổn thương bạn được”, châm-ngôn xưa nói vậy, nhưng có thật không? Trong một bức thư gởi cho bà Foste nào đó, Mark Twain đã viết: “Mọi điều bà cần trong đời này là sự không biết và sự tin chắc, khi đó thành công là chắc chắn”. Nhưng điều chúng ta không biết đã có thể làm tổn thương chúng ta nặng nề! Những người trong nghĩa trang là những người quyết định không biết sự thật. Khẩu hiệu cho chiến dịch công khai về bệnh AIDS năm 1987 là: “Đừng chết vì thiếu hiểu biết” và khẩu hiệu đó có thể được áp dụng cho nhiều lĩnh vực của đời sống ngoài sự chết.
Nê-hê-mi hỏi thăm về Giê-ru-sa-lem và những người Do-thái sống ở đó, vì ông có lòng quan tâm đến họ. Khi chúng ta thật sự quan tâm đến mọi người, chúng ta sẽ muốn biết những sự thật, dù chúng có thể gây đau đớn ra sao. Sử gia người Mỹ Henry Adams đã nói: “Chính trị trong thực tế bao gồm những sự thật bị lờ đi”. Nhưng Aldous Huxley nói: “Những sự thật không ngừng tồn tại dù chúng bị lờ đi”. Nhắm mắt và bịt tai với sự thật có thể là bước đầu tiên hướng đến bi kịch cho chính chúng ta cũng như cho người khác.
Nê-hê-mi đã biết gì về Giê-ru-sa-lem và những người Do-thái? Các tin dữ được tóm tắt bằng các từ sau: Những người sót lại, sự đổ nát và sự sỉ nhục. Thay cho một xứ vốn được một dân tộc lớn định cư, bây giờ chỉ còn một số ít người sống ở đó và họ lâm vào tai họa, vật lộn để sống còn. Thay cho một thành phố tráng lệ, Giê-ru-sa-lem ở trong cảnh hỗn độn, đó là nơi từng là sự vinh hiển lớn, giờ đây chẳng còn gì ngoài sự sỉ nhục.
Dĩ nhiên, suốt cuộc đời mình, Nê-hê-mi biết rằng thành phố của tổ tiên ông ở trong sự đổ nát là do người Ba-by-lôn đã tàn phá vách thành, cổng vào Đền Thờ Giê-ru-sa-lem năm 586 TC (IIVua 25:1-21).
Năm mươi năm sau đó, một nhóm 50.000 người Do-thái đã trở về Giê-ru-sa-lem để xây lại Đền Thờ và thành phố. Tuy nhiên, vì dân ngoại đã ngăn trở công việc của họ, Đền Thờ đã không được hoàn thành trong 20 năm (Exo 1:1-6:22) và các cổng cùng vách thành chưa bao giờ được gia cố.
Có lẽ Nê-hê-mi hy vọng rằng công việc trên vách thành đã bắt đầu lại và thành phố giờ đây đã được phục hồi. Không có vách thành và cổng thành phố rộng mở cho sự nhạo báng và công kích. Hãy xem Thi 48:1-14; Thi 79:1-13; Thi 84:1-12; Thi 87:1-7 để thấy những người Do-thái trung thành yêu thành phố họ mức độ nào.
Chúng ta có giống Nê-hê-mi, lo lắng muốn biết sự thật thậm chí về những hoàn cảnh tệ hơn nhất. Nhưng, có phải sự chú ý của chúng ta xuất phát từ mối quan tâm vì tò mò, nhàn rỗi chăng? Khi chúng ta đọc những bức thư về sự cầu nguyện cho công việc truyền giáo, tin tức ở những tạp chí tôn giáo, hay thậm chí những báo cáo công tác của Hội thánh chúng ta, chúng ta có muốn biết những sự thật và sự thật có làm nặng lòng chúng ta không? Chúng ta có phải là loại người hỏi thăm các sự việc vì có lòng quan tâm không?
2. Ông Đã Khóc Vì Có Lòng Quan Tâm (Ne 1:4)
Điều khiến người ta cười hoặc khóc thường là sự bày tỏ về tính cách. Những người cười trên sự sai lầm hay bất hạnh của kẻ khác, hoặc khóc về những thất vọng bình thường của cá nhân, là người thiếu văn hóa hoặc tính cách, có thể là cả hai.
Đôi khi, khóc là một dấu hiệu của sự yếu đuối, nhưng với Nê-hê-mi, đó là một dấu hiệu của sức mạnh, như đối với Giê-rê-mi (Gie 9:1), Phao-lô (Công 20:19), và Chúa Giê-xu (Lu 19:41). Thật ra, Nê-hê-mi giống Chúa Giê-xu trong việc ông chia sẻ gánh nặng đang dày vò người khác. “Sự sỉ nhục của kẻ sỉ nhục Chúa đã đổ trên tôi” (Thi 69:9; Rô 15:3).
Khi Đức Chúa Trời đặt một gánh nặng nơi lòng bạn, thì đừng cố gắng thoát ra khỏi gánh nặng ấy, vì nếu bạn làm vậy, bạn có thể bỏ lỡ phước hạnh mà Ngài đã hoạch định cho bạn. Sách Nê-hê-mi bắt đầu bằng “tai họa lớn” (Ne 1:3), nhưng trước khi sách kết thúc thì có một sự vui mừng lớn (Ne 8:12,17).
“Sự khóc lóc có thể kéo dài một đêm, nhưng sự vui mừng đến vào buổi sáng” (Thi 30:5).
Nước mắt chúng ta tưới “những hạt giống của sự chu cấp” mà Đức Chúa Trời đã trồng trên lối đi của chúng ta; nếu không có nước mắt, những hạt giống ấy chẳng bao giờ có thể tăng trưởng và ra trái.
Người Do-thái có phong tục ngồi khi họ than khóc (Exo 9:1-4; Exo 2:13). Một cách vô thức, Nê-hê-mi đã bắt chước những phu tù Do-thái khốn khổ vốn là những người bị lưu đày ở Ba-by-lôn những năm về trước (Thi 136:1).
Giống như Đa-ni-ên, Nê-hê-mi có lẽ có một căn phòng riêng nơi ông cầu nguyện với Đức Chúa Trời để ông có thể hướng mặt về Giê-ru-sa-lem trong khi cầu nguyện (Đa 6:10; IVua 8:28-30). Kiêng ăn được yêu cầu đối với dân Do-thái chỉ một lần trong năm, vào ngày Đại Lễ Chuộc Tội hằng năm (Le 16:29). Nhưng riêng Nê-hê-mi đã trải qua nhiều ngày kiêng ăn, khóc lóc và cầu nguyện. Ông biết rằng cần có ai đó phải làm gì để cứu Giê-ru-sa-lem và ông bằng lòng ra đi
3. Ông Cầu Nguyện Vì Có Lòng Quan Tâm (Ne 1:5-10)
Đây là lời cầu nguyện thứ nhất trong 12 trường hợp cầu nguyện được ghi lại trong sách này (Ne 2:4; Ne 4:4,9; Ne 5:19,6,9,14; Ne 9:5; Ne 13:14,22,29,31). Sách Nê-hê-mi đã mở đầu và kết thúc bằng lời cầu nguyện. Rõ ràng Nê-hê-mi là người có đức tin, tin cậy hoàn toàn rằng Chúa sẽ giúp ông hoàn thành công việc mà Ngài kêu gọi ông làm.
Nhà tiểu thuyết người Ê-cốt, George Macdonald đã nói: “Trong bất cứ việc gì con người làm mà không có Đức Chúa Trời, thì người ấy sẽ phải thất bại thảm hại, hoặc thành công một cách khốn khổ hơn”. Nê-hê-mi đã thành công vì ông nhờ cậy Đức Chúa Trời. Nói về chức vụ Hội thánh ngày nay, Alan Redpath quá cố bảo rằng: “Có rất nhiều công việc trước mặt con người và có quá ít sự chờ đợi trước mặt Đức Chúa Trời”.
Lời cầu nguyện này bắt đầu bằng sự ca tụng Đức Chúa Trời (Ne 1:5). “Đức Chúa Trời của các từng trời” là danh vua Si-ru đã dùng nói về Chúa khi ông tuyên bố rằng dân Do-thái có thể trở về xứ họ (IISu 36:22-23; Exo 1:1-2). Các thần ngoại bang chỉ là những hình tượng trên đất, nhưng Đức Chúa Trời của dân Do-thái là Chúa của các từng trời. E-xơ-ra đã thường sử dụng danh hiệu thiêng liêng này (Ne 5:11-12; Ne 6:9; Ne 7:12,21,23) và danh này được tìm thấy 4 lần trong sách Nê-hê-mi (Ne 1:4-5; Ne 2:4,20), 3 lần trong sách Đa-ni-ên (Ne 2:18-19,44). Nê-hê-mi mở đầu lời cầu nguyện của ông như chúng ta thường mở đầu lời cầu nguyện của mình “Lạy Cha chúng con ở trên trời, danh Cha được tôn thánh” (Mat 6:9).
Khi chúng ta dâng lời cầu nguyện mình lên “Đức Chúa Trời của các từng trời” là Đức Chúa Trời như thế nào? Chúng ta phải cầu nguyện với một “Đức Chúa Trời cực đại và đáng kinh” (Ne 1:5; Ne 4:14; Ne 8:6; Ne 9:32), Đấng đáng được sự tôn vinh và thờ phượng của chúng ta. Nếu bạn đang trải qua hoạn nạn lớn (c.3) sắp gánh vác một công việc lớn (Ne 4:19; Ne 6:3) thì bạn cần có quyền năng lớn lao (Ne 1:10) sự nhơn từ lớn lao (Ne 9:25,35) và lòng thương xót lớn lao (c.31) của một Đức Chúa Trời vĩ đại. Có phải Đức Chúa Trời – Đấng bạn thờ phượng luôn có dư sức đối phó với những thử thách mà bạn đối diện không?
• Ngài còn là Đức Chúa Trời luôn giữ Lời Ngài (Ne 1:5)
Chúa đã lập một giao ước với dân Y-sơ-ra-ên của Ngài, hứa ban phước dồi dào cho họ nếu họ vâng theo Lời Ngài, Ngài cũng cảnh cáo rằng Ngài sẽ trừng phạt họ nếu họ bất tuân (Le 26:1-46; Phuc 27:1-30:20). Thành phố Giê-ru-sa-lem ở trong cảnh đổ nát, quốc gia suy yếu vì dân sự đã phạm tội nghịch cùng Chúa (xem lời cầu nguyện xưng tội của E-xơ-ra trong sách Exo 9:1-15 và lời cầu nguyện của dân tộc trong Ne 9:1-38).
Phần quan trọng hơn trong lời cầu nguyện của Nê-hê-mi được dành cho sự xưng tội (Ne 1:6-9). Đức Chúa Trời Đấng hứa ban phước hạnh và giáng sự trừng phạt, cũng hứa ban sự tha thứ nếu dân sự Ngài ăn năn và trở lại cùng Ngài (Phuc 30:1-20; IVua 8:31-53).
Chính lời hứa này được Nê-hê-mi tuyên bố khi ông cầu nguyện cho chính mình và dân tộc. Đôi mắt Đức Chúa Trời chăm xem dân sự Ngài và đôi tai Ngài mở ra để nghe lời cầu nguyện của họ (IVua 8:29; IISu 7:14). Từ “nhớ lại”là từ chính trong sách này (Ne 1:8; Ne 4:14; Ne 5:19; Ne 6:14; Ne 13:14,22,29,31).
Hãy chú ý rằng Nê-hê-mi đã sử dụng “chúng tôi” chớ không phải “họ”, nghĩa là ông đã tự xem chính mình như thể cùng phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của một thế hệ mà ông thậm chí không biết. Lẽ ra, thật dễ nhìn lại và oán trách tổ tiên về sự sỉ nhục của Giê-ru-sa-lem, nhưng Nê-hê-mi chỉ nhìn vào và oán trách bản thân mà thôi! “Chúng tôi đã phạm tội. Chúng tôi đã xử sự rất ác tệ!”
Cách đây vài năm, khi “những vụ tai tiếng qua truyền thông đại chúng đã đem đến sự sỉ nhục lớn cho Hội thánh,” tôi đã viết trong cuốn sách “The Intergrety Crisis” (Cuộc Khủng Hoảng Đạo Đức Liêm Chính) như sau:
“Trước hết, cuộc khủng hoảng đạo đức liêm chính có liên quan nhiều hơn đến một số người bị tố cáo có đời sống bất chính về đạo đức và tài chính. Cuộc khủng hoảng đạo đức liêm chính có liên quan đến toàn bộ Hội thánh.” Ở đây, cho dù như thế nào đi chăng nữa thì tôi không nói rằng dân sự không phạm tội, và tôi cũng không giảng giải về “sự phạm tội tập thể”.
Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, trong thân của Đấng Christ, chúng ta thuộc về nhau và có ảnh hưởng đến nhau, cho nên chúng ta không thể tách rời nhau. Trong lúc báo chí đời thường lúc bấy giờ đã không tạo ra cuộc khủng hoảng đạo đức liêm chính này nhưng Hội thánh lại tạo ra, và Hội thánh sẽ phải giải quyết nó (Nashville: Oliver Nelson).
Khi A-can, một binh lính Do-thái đã phạm tội tại Giê-ri-cô, Đức Chúa Trời phán: “Con cái Y-sơ-ra-ên đã phạm tội” và “Y-sơ-ra-ên” đã phạm tội cùng bội nghịch giao ước (Gios 7:1,11). Vì tội lỗi của một người là tội lỗi của toàn dân tộc, nên tội lỗi đã đem đến sự xấu hổ và thất bại cho cả dân tộc. Một khi tội lỗi đó đã được giải quyết. Đức Chúa Trời có thể chúc phước trở lại cho dân sự Ngài bằng cách Ngài ban cho họ sự chiến thắng.
Làm sao chúng ta biết Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi chúng ta sau khi chúng ta đã ăn năn, xưng tội với Ngài? Ngài đã hứa như vậy trong Lời Ngài. Lời cầu nguyện của Nê-hê-mi được bão hòa bằng những lời trích dẫn và những ám chỉ về các giao-ước của Đức Chúa Trời được tìm thấy trong sách Lê-vi và Phục-truyền. Chắc chắn ông là người rất rành Luật Pháp Cựu-ước!
Trong (Ne 1:8-9) ông nhắc Đức Chúa Trời nhớ lại Lời Ngài được tìm thấy ở (Phuc 28:63-67; Phuc 30:1-10) giống như chúng ta nhắc Chúa nhớ lại lời hứa Ngài trong (IGi 1:9). Nê-hê-mi cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi cho dân sự, xin ngài nhóm họ lại trong xứ họ, và phục hồi họ bằng ân huệ và sự chúc phước của Ngài.
• Lời cầu nguyện khiêm cung này kết thúc bằng sự bày tỏ lòng tin quyết (Ne 1:10-11).
Trước hết, ông có lòng tin quyết nơi quyền năng Đức Chúa Trời. Khi Kinh Thánh nói đến mắt, tai và tay của Chúa, Kinh Thánh chỉ sử dụng ngôn ngữ loài người để mô tả hành động thánh của Ngài. Đức Chúa Trời là thần, vì vậy Ngài không có một thân thể như loài người, nhưng Ngài có thể thấy những nhu cầu của dân sự Ngài, nghe lời cầu nguyện của họ, hành động thay cho họ bằng bàn tay quyền năng của Ngài. Nê-hê-mi biết rằng ông quá yếu đuối không đủ sức xây dựng lại Giê-ru-sa-lem, nhưng ông có niềm tin rằng Đức Chúa Trời sẽ hành động thay cho ông.
Ông cũng có lòng tin quyết nơi sự thành tín của Đức Chúa Trời. “Giờ đây chúng là các tôi tớ và dân sự của Chúa” (c.10). Bằng cách khiến Ba-by-lôn hủy phá Giê-ru-sa-lem và bắt dân sự làm phu tù, Đức Chúa Trời đã trừng phạt họ thật nặng nề, nhưng Ngài không từ bỏ họ! Họ vẫn là dân sự và tôi tớ Ngài. Ngài đã cứu họ khỏi Ai-cập bằng đại quyền của Ngài (Xu 14:13-31) và Ngài cũng đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ ở Ba-by-lôn. Vậy, lẽ nào Ngài sẽ lại không giúp họ xây lại thành Giê-ru-sa-lem bằng sự thành tín của Ngài sao?
Không giống như Ê-li đã nghĩ mình là người Do-thái trung tín duy nhất còn sót lại (IVua 19:10), Nê-hê-mi có lòng tin quyết rằng Đức Chúa Trời sẽ dấy người khác lên để giúp ông trong công việc của ông. Ông tin chắc những người Do-thái khác cũng đang cầu nguyện và họ sẽ tập họp lại vì mục đích này một khi họ biết Đức Chúa Trời đang hành động. Những vị lãnh đạo vĩ đại không chỉ tin dân sự là những người vâng theo Chúa và can đảm tiến tới, mà họ còn thách thức người đồng đi với họ. Bạn không thể làm tốt vai trò của một lãnh đạo thực sự nếu bạn không có những người đồng hành với mình, và Nê-hê-mi đã có thể khiến người khác giúp ông thực hiện công việc.
Sau cùng, Nê-hê-mi tin quyết Đức Chúa Trời sẽ hành động trong lòng của Ạt-ta-xét-xe và bảo đảm cho dự án được sự ủng hộ công khai cần thiết (Ne 1:11). Nê-hê-mi không thể đơn giản từ bỏ công việc và đến Giê-ru-sa-lem. Ông là người được chọn của vua, và ông cần phải có sự cho phép của vua đối với mọi việc ông làm. Hơn nữa, ông cần có sự dự phòng và bảo vệ của vua để có thể đến Giê-ru-sa-lem và hoãn chức vụ của ông cho đến khi công việc được hoàn tất.
Nếu không có quyền công khai để lãnh đạo, sự bảo vệ công khai cho chuyến đi, và quyền sử dụng vật liệu từ rừng của vua, thì chắc chắn toàn bộ dự án tái thiết thành Giê-ru-sa-lem chắc chắn sẽ thất bại. Các vua Đông phương là những bạo chúa chuyên chế, không ai dễ gì tiếp cận họ hay thuyết phục được họ. Nhưng “lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va, Ngài điều khiển nó như dòng nước chảy nơi nào Ngài muốn” (Ch 21:1).
Chúng ta rất thường vạch ra những dự án của mình trước rồi sau đó mới xin Đức Chúa Trời chúc phước cho, nhưng Nê-hê-mi đã không phạm sai lầm đó. Ông ngồi xuống và khóc (Ne 1:4), quỳ xuống và cầu nguyện, rồi đứng lên và làm việc vì ông biết mình có sự chúc phước của Chúa nơi việc ông sắp làm.
4. Ông Làm Người Tình Nguyện Vì Có Lòng Quan Tâm (Ne 1:11)
Người ta hay nói rằng cầu nguyện không phải là làm cho ý muốn của con người được thực hiện trên trời nhưng là để ý muốn Đức Chúa Trời được thực hiện trên đất. Tuy nhiên, để ý muốn Đức Chúa Trời được thực hiện trên đất, Ngài cần con người sẵn sàng để Ngài sử dụng. Đức Chúa Trời thật sự “làm trổi” hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng, theo như quyền năng hành động “trong chúng ta” (Eph 3:20 NKJV).
Nếu Đức Chúa Trời sắp đáp lời cầu nguyện cho ai đó, thì Ngài phải bắt đầu bằng cách hành động trong người cầu nguyện ấy! Ngài hành động trong chúng ta và qua chúng ta để giúp chúng ta thấy lời cầu nguyện của mình được trả lời.
Trong khi Nê-hê-mi cầu nguyện, gánh nặng của ông về Giê-ru-sa-lem trở nên lớn hơn và khải tượng của ông về điều cần được thực hiện trở nên rõ ràng hơn. Sự cầu nguyện dốc đổ khiến tấm lòng và tâm trí bạn thấm đẫm trong sự quân bình hầu cho gánh nặng của bạn không khiến bạn mất kiên nhẫn mà chạy trước Chúa và làm hỏng mọi sự. Khi chúng ta cầu nguyện, Đức Chúa Trời cho chúng ta biết việc phải làm, khi nào làm, và cách để làm, tất cả đều quan trọng đối với việc hoàn thành ý muốn Ngài. Có một số cộng sự Cơ-đốc giống như vua Ronald trong những câu chuyện ngắn của Stephen Leacock, người “lao mình nhảy lên lưng ngựa của mình và phóng như điên đi mọi hướng”.
Nê-hê-mi dự định tình nguyện đi đến Giê-ru-sa-lem để giám sát việc xây lại vách thành.Ông đã không cầu xin Đức Chúa Trời sai ai khác, cũng không lý luận rằng ông được trang bị không đầy đủ cho một nhiệm vụ khó khăn như thế. Ông chỉ nói: “Tôi đây, xin hãy sai tôi!” Ông biết rằng ông sẽ phải tiếp cận với vua và thỉnh cầu sự cho phép vắng mặt. Lời của các vua Đông phương ban ra luôn có liên quan đến sự sống hoặc sự chết. Điều gì sẽ xảy đến cho những kế hoạch của Nê-hê-mi nếu ông đến gần Ạt-ta-xét-xe vào ngày không thích hợp, khi vua bị bệnh, hay không hài lòng với điều gì đó hoặc với người nào đó trong cung? Dù bạn nhìn điều đó ở góc độ nào đi chăng nữa, thì Nê-hê-mi cũng vẫn là người đang phải đối diện với sự thử nghiệm của đức tin. Nhưng ông biết rằng Đức Chúa Trời của ông là một Đức Chúa Trời vĩ đại sẽ giúp đỡ ông.
Quan tửu chánh của vua sẽ phải hy sinh tiện nghi và sự an ninh trong cung điện để đổi lấy những khắc khổ và nguy hiểm của đời sống trong một thành phố đổ nát. Sự xa hoa sẽ bị thay thế bằng sự điêu tàn, còn thanh thế thì bị thay bằng sự nhạo báng và vu cáo. Thay vì hưởng bổng lộc của vua, Nê-hê-mi sẽ phải đích thân trả phí tổn cho số người sẽ ăn tại bàn của ông. Ông sẽ bỏ lại đằng sau sự nhàn hạ nơi cung điện và gánh vác những công việc khó nhọc, đi khuyến khích kêu gọi những người dân nản chí, hoàn tất một nhiệm vụ gần như không thể thực hiện được.
Và với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, ông đã tiến hành thực hiện công việc ấy! Trong 52 ngày, vách thành đã được xây lại, các cổng được phục hồi, và dân sự vui mừng quá đỗi! Tất cả đã được khởi đầu từ một con người có lòng quan tâm.
Áp-ra-ham quan tâm và cứu Lót khỏi Sô-đôm. Môi-se quan tâm và giải phóng dân Y-sơ-ra-ên khỏi Ai-cập. Đa-vít quan tâm và đã đưa dân tộc cùng vương quốc trở lại với Chúa. Ê-xơ-tê quan tâm và liều mình để cứu dân tộc bà khỏi hoạ diệt chủng. Phao-lô quan tâm và đã đem Phúc-Âm đến khắp Đế quốc Rô-ma. Chúa Giê-xu quan tâm và chịu chết trên thập tự giá vì thế gian hư mất.
Đức Chúa Trời vẫn đang tìm những người quan tâm, những người giống như Nê-hê-mi, có lòng cưu mang để hỏi về những sự thật, khóc về những nhu cầu, cầu xin sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời và tình nguyện hoàn thành công việc.
“Tôi đây! xin Chúa hãy sai tôi!”
2. NÚI BẮT ĐẦU CHUYỂN ĐỘNG (Ne 2:1-20)
Nê-hê-mi không hay biết rằng ông sắp sửa gia nhập vào hàng ngũ những nhà vô địch đức tin; trong những thế kỷ tiếp nối, tên ông sẽ được kể đến cùng với những anh hùng như Áp-ra-ham, Giô-sép, Môi-se, Giô-suê, Ê-xơ-tê, Đê-bô-ra và Đa-vít. Một người nào đó sẽ có thể thực hiện một thay đổi lớn trên thế giới nếu người ấy nhận biết Đức Chúa Trời và thật sự tin cậy Ngài. Vì đức tin tạo nên sự thay đổi, nên chúng ta có thể thực hiện sự thay đổi nào đó trong thế giới của chúng ta để quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời.
Martin Luther nói: “Đức tin là sự tin quyết sống động, tác tạo trong ân điển Đức Chúa Trời. Nó thật chắc chắn và đích xác đến nỗi người ta có thể đặt cược cuộc đời mình vào nó cả ngàn lần”. Có lời của Chúa hứa rằng: “kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả” (Mac 9:23). Chúa Giê-xu phán đức tin sống động có thể chuyển dời được núi! (Mat 17:20).
Sách Nê-hê-mi chương 2 mô tả 3 chứng cớ đức tin của Nê-hê-mi. Khi nghiên cứu những chứng cớ đức tin này, chúng ta phải tra xét lòng mình để thấy mình có thật sự đang bước đi và hành động bằng đức tin hay không.
1. Ông Có Đức Tin Để Chờ Đợi (Ne 2:1-3)
Vì tháng Ni-san của người Do-thái là vào giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 của chúng ta, nên nó cho thấy rằng 4 tháng đã trôi qua kể từ khi Nê-hê-mi nhận hung tin về thảm trạng ở Giê-ru-sa-lem. Như nhiều tín hữu khác, Nê-hê-mi đã kiên nhẫn chờ đợi Chúa để biết những phương hướng, vì “bởi đức tin và lòng nhịn nhục” mà chúng ta được hưởng lời hứa (He 6:12). “Ai tin sẽ chẳng gấp rút” (Es 28:16).
Đức tin thật nơi Đức Chúa Trời đem đến sự bình tịnh cho tâm hồn nhằm ngăn cản chúng ta không vội vã tìm cách dùng sức riêng của mình để làm điều mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể làm được. Chúng ta không chỉ phải biết cách khóc và cầu nguyện, mà còn phải biết cách chờ đợi và cầu nguyện.
Có 3 lời tuyên bố trong Kinh Thánh mang hiệu quả trấn tĩnh tôi mỗi khi tôi căng thẳng và muốn lao đi trước Chúa: “Hãy đứng yên, và xem sự cứu rỗi của Chúa” (Xu 14:13) “Hãy ngồi yên… cho đến khi con biết công việc xoay thế nào” (Ru 3:18 NKJV) “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời” (Thi 46:10).
Khi bạn chờ đợi Chúa trong sự cầu nguyện, bạn không hề lãng phí thời gian nhưng là bạn đang đầu tư nó. Đức Chúa Trời đang chuẩn bị bạn và cả những hoàn cảnh của bạn để những mục đích của Ngài sẽ được hoàn thành qua bạn. Tuy nhiên, khi thời điểm thích hợp đến để chúng ta hành động bằng đức tin, thì chúng ta chớ nên chậm trễ.
Các vua Đông phương được bảo vệ khỏi bất cứ điều gì có thể đem đến bất hạnh cho họ (Et 4:1-2), nhưng vào ngày đặc biệt ấy, Nê-hê-mi không thể che giấu sự buồn rầu của ông. “Tại trong buồn bã, trí bèn bị nao sờn” (Ch 15:13; Thi 102:1-28) chắc chắn mô tả cảm xúc của Nê-hê-mi về Giê-ru-sa-lem. Có lẽ mỗi buổi sáng, Nê-hê-mi đã cầu nguyện thế này: “Lạy Chúa, nếu hôm nay là ngày tôi nói với vua về những kế hoạch của chúng tôi, vậy xin hãy mở đường cho tôi”.
Vua để ý thấy quan tửu chánh của mình đang mang một gánh nặng. Nếu Ạt-ta-xét-xe ở trong một tâm trạng xấu, ông có thể trục xuất hoặc thậm chí ra lệnh giết Nê-hê-mi; nhưng trái lại, vua tra hỏi vì sao tôi tớ ông quá buồn. “Lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va, khác nào dòng nước chảy Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tuỳ ý Ngài muốn” (Ch 21:1).
Các lãnh đạo thế giới cũng chỉ là những tôi tớ của Đức Chúa Trời, dù họ có biết hay không. “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng tôi! Ngài há chẳng phải là Chúa ở trên các từng trời sao? Há chẳng phải Đấng quản trị muôn dân muôn nước sao? Ở nơi tay Chúa có quyền thế năng lực, chẳng ai chống trả Chúa cho nổi” (IISu 20:6).
2. Ông Có Đức Tin Để Cầu Xin (Ne 2:4-8)
Vua hỏi ông: “Ngươi muốn điều gì?”.
Đây thật là một cơ hội cho Nê-hê-mi! Mọi quyền lực và sự giàu có của vương quốc đều được bọc trong câu hỏi đó!
Như đã quen làm, Nê-hê-mi gởi đến Chúa một trong những “lời cầu nguyện điện tín” của ông (Ne 4:4; Ne 5:9; Ne 6:9,14; Ne 13:14,22,29,31). Nhưng hãy nhớ rằng những “lời cầu nguyện khẩn cấp” này đã được hỗ trợ bằng 4 tháng cầu nguyện và kiêng ăn. Nếu Nê-hê-mi không chuyên tâm cầu nguyện riêng tư, những “lời cầu nguyện điện tín” của ông có thể đã không được trả lời. George Morrison đã viết: “Ông chỉ có một chốc lát cho sự cầu nguyện đó. Sự yên lặng sẽ bị hiểu sai. Nếu ông nhắm mắt và trì hoãn sự tận tâm, vua sẽ lập tức nghi ngờ ông có lòng mưu phản”.
Điều đó khích lệ đời sống cầu nguyện của tôi khi tôi so sánh ngôi của Ạt-ta-xét-xe trên đất với ngôi ân phước trên trời. Nê-hê-mi phải chờ một lời mời trước khi ông có thể chia sẻ gánh nặng mình với vua, nhưng chúng ta có thể đến ngôi ơn phước bất cứ lúc nào với bất cứ nhu cầu nào (He 4:14-16).
Ạt-ta-xét-xe nhìn thấy sự buồn rầu trên gương mặt của Nê-hê-mi, nhưng Chúa của chúng ta nhìn thấy tấm lòng chúng ta, Ngài không chỉ biết sự buồn rầu của chúng ta mà Ngài còn cảm nhận với chúng ta nữa.Người đến gần ngôi vua Ba-tư phải cẩn thận về điều mình nói, để không làm vua nổi giận, nhưng dân của Đức Chúa Trời có thể cho Ngài biết bất cứ điều gì đè nặng họ. (Từ “dạn dĩ” trong He 4:16 nghĩa là “sự tự do để nói”). Bạn không bao giờ biết chắc tâm trạng của một lãnh đạo loài người, nhưng bạn có thể luôn biết chắc về sự tiếp đón yêu thương của Đức Chúa Trời.
Những Ra-bi Do-thái thường dùng câu hỏi để trả lời cho câu hỏi, và Nê-hê-mi đã theo gương đó. Thay vì cho vua biết ông định làm gì, ông đã gợi sự cảm thông và quan tâm của vua bằng một câu hỏi kể đến việc ông có cảm xúc thế nào về thảm trạng của thành phố tổ tiên và về mồ mã cha ông của mình. Đó là tâm lý tốt, và Đức Chúa Trời đã sử dụng sự trả lời của Nê-hê-mi để lôi cuốn sự chú ý đầy cảm thông của vua (Lu 21:14-15). Một vị vua ngoại đạo có thể không buồn rầu về sự đổ nát của Giê-ru-sa-lem, nhưng chắc chắn ông sẽ bày tỏ lòng kính trọng đối với những người đã chết.
Nê-hê-mi là người ái quốc thật sự, ông có những ước mơ cho tương lai thôi thúc bởi những giá trị của quá khứ. Ông không tìm cách sao lục quá khứ, vì điều đó không thể được. Đúng hơn ông muốn xây dựng lại quá khứ để Y-sơ-ra-ên sẽ có một tương lai.Đối với Nê-hê-mi, quá khứ là bánh lái hướng dẫn ông chứ không phải là một cái neo giữ ông lại. Khi Samuel Johnson gọi chủ nghĩa yêu nước là “nơi ẩn mình cuối cùng của một tên vô lại”, ông đề cập đến sự nhiệt tình tạm thời sử dụng “tình yêu tổ quốc” như một sự tuyên truyền cho những mục đích vị kỷ. Đại sứ Mỹ của liên hiệp quốc đã nói rằng chủ nghĩa ái quốc không phải là “một sự bùng nổ tình cảm ngắn hạn và điên cuồng, nhưng là sự cống hiến lặng lẽ và đều đặn của một đời người”. Điều đó chắc chắn mô tả loại chủ nghĩa ái quốc của Nê-hê-mi.
Nê-hê-mi không chỉ cầu nguyện cho cơ hội này, mà ông còn vạch kế hoạch cho nó và sẵn sàng đưa ra câu trả lời của mình.
Suốt 4 tháng chờ đợi, ông đã suy nghĩ thông suốt vấn đề này và biết đích xác cách sẽ tiến hành dự án như thế nào. Câu trả lời của ông trước vua có thể tóm tắt thành hai thỉnh cầu: “Hãy sai tôi!” (Ne 2:4-6) và “Hãy cho tôi!” (c.7-10).
Nê-hê-mi không thể rời bỏ chức vụ mà không có sự cho phép của vua, ông cũng không thể làm việc ở Giê-ru-sa-lem mà không có quyền của vua. Áp-lực từ những quan chức địa phương đã làm ngưng công việc trước đó (Exo 4:1-24) và Nê-hê-mi không muốn lịch sử lặp lại. Ông cầu xin Ạt-ta-xét-xe bổ nhiệm ông làm quan tổng trấn xứ Giu-đa và ban cho ông quyền hạn ông cần để xây lại vách thành. Ông đã cho vua biết khi nào ông định trở về, nhưng chúng ta không rõ đó là ngày nào. Theo Ne 5:14 Nê-hê-mi đã trải qua 12 năm làm quan tổng trấn. Ông trở lại Ba-tư một thời gian ngắn để báo cáo với vua, nhưng sau đó trở lại Giê-ru-sa-lem để chấn chỉnh lại những sự lộn xộn xảy ra suốt thời gian ông vắng mặt (Ne 13:6-7).
Nhưng Nê-hê-mi đã cầu xin nhiều hơn nữa. Ông cần những bức thư giới thiệu, bảo đảm chuyến đi an toàn và lòng mến khách giữa Su-sơ và Giê-ru-sa-lem. Ông cũng yêu cầu những bức thư về quyền hạn để cung cấp vật liệu cần thiết cho việc xây dựng các toà nhà và vách thành. (Nê-hê-mi đã thực hiện tốt sự nghiên cứu của ông.Thậm chí ông còn biết cả tên (của) người giữ rừng cho vua nữa!). Ạt-ta-xét-xe ban cho ông điều ông cầu xin, nhưng chính bàn tay nhơn từ của Đức Chúa Trời đã khiến vua sẵn sàng cộng tác (Ne 2:18; Exo 7:6,9,28).
Khi Chúa Giê-xu sai các môn đồ Ngài ra đi vì chức vụ, trước hết Ngài ban cho họ quyền cần thiết để làm công việc vì Ngài hứa đáp ứng mọi nhu cầu của họ (Mat 10:1-15). Khi chúng ta ra đi hầu việc Chúa, chúng ta có đằng sau mình mọi quyền trên trời và dưới đất (Mat 28:18), vì vậy chúng ta không phải sợ hãi. Điều quan trọng là chúng ta cứ đi đến bất cứ nơi nào Chúa sai chúng ta đi và làm mọi công việc Ngài kêu gọi chúng ta làm.
Nê-hê-mi là tấm gương tốt về cách những tín đồ phải liên hệ ra sao với những quan chức chưa được cứu khi muốn làm công việc của Đức Chúa Trời. Nê-hê-mi tôn trọng vua và tìm cách làm việc trong hệ thống quyền hạn tồn tại thuộc đế chế này. Ông đã không nói thế này: “Tôi có một sứ mạng từ Chúa để đi đến Giê-ru-sa-lem và tôi sẽ đi dù vua có thích hay không!”. Khi xảy ra những vấn đề về lương tâm, chúng ta phải luôn vâng theo Đức Chúa Trời hơn là vâng theo con người (Công 5:29), nhưng thậm chí lúc ấy, chúng ta phải tỏ sự kính trọng đối với các nhà cầm quyền (Ro 13:1-14) và (IPhi 2:11-25). Đa-ni-ên và các bạn ông đã sử dụng cùng một cách tiếp cận giống như Nê-hê-mi đã làm, và Đức Chúa Trời cũng đã tôn cao họ (Đa 1:1-21).
Sự đáp ứng của vua là chứng cứ về quyền tối cao của Đức Chúa Trời trong những công việc của các quốc gia. Chúng ta mong Đức Chúa Trời có thể hành động qua một tín đồ tận tuỵ như Nê-hê-mi, nhưng chúng ta quên rằng Đức Chúa Trời cũng có thể làm việc qua những người không tin để hoàn thành ý muốn Ngài.
Ngài sử dụng Pha-ra-ôn bày tỏ quyền năng Ngài tại Ai-cập (Xu 9:16; Ro 9:17) và sử dụng Si-rút giải phóng dân sự Ngài khỏi Ba-by-lôn (Es 44:28; Es 45:1; Exo 1:1-2). Sê-sa đã ban chiếu chỉ khiến Ma-ri và Giô-sép đến Bết-lê-hem (Lu 2:1-7) và hai thầy đội La-mã là Cơ-lốt Ly-via và Giu-lơ đã cứu mạng Phao-lô (Công 21:26-40; Công 23:25-30; Công 27:1,42-44). Mặc dù có thể hữu ích khi có những quan chức tin kính như Giô-sép, Đa-ni-ên và Nê-hê-mi, nhưng chúng ta phải nhớ rằng Đức Chúa Trời không nhất thiết chỉ sử dụng những tín hữu mà thôi.
Môi-se và Nê-hê-mi đã thực hiện những quyết định giống nhau về đức tin và những hy sinh giống nhau (He 11:24-26). Là đại diện cho những người giải phóng dân Do-thái, ông sẽ được những quan chức người ngoại tiếp đón chăng? Nê-hê-mi không thực hiện dấu kỳ hay phép lạ nào, ông cũng không rao ra lời tiên tri nào. Nhưng ông trung tín làm công việc của mình và chuẩn bị một thành phố cho Đấng Mê-si-a hầu đến (Đa 9:24-27).
3. Ông Có Đức Tin Để Thách Thức Người Khác (Ne 2:9-20)
• Ra đi (Ne 2:9-10): Không có sự mô tả nào nói về chuyến đi của Nê-hê-mi từ Su-sơ đến Giê-ru-sa-lem, một cuộc hành trình mất thời gian ít nhất là 2 tháng. Như một bằng chứng về sự thành tín của Đức Chúa Trời, E-xơ-ra đã từ chối sự bảo vệ quân sự cho chuyến đi của ông (Exo 8:21-23);
Nhưng vì Nê-hê-mi là một quan tổng trấn đương nhiệm công khai, cho nên dĩ nhiên, ông có một đội quân hộ tống mình. Nê-hê-mi cũng có đức tin như E-xơ-ra; nhưng là quan chức của vua, ông không thể ra đi mà không có đoàn tùy tùng. Mặt khác, ông không chống lại ý của vua, và ông không thể áp đặt đức tin mình trên người khác.
Khi đoàn bộ hành của quan chức đến, chắn chắn họ thu hút sự chú ý đặc biệt giữa vòng những người ghét dân Do Thái và muốn ngăn trở họ củng cố thành phố mình.Ba kẻ thù đặc biệt tên là: San-ba-lát đến từ Hô-rôn cách Giê-ru-sa-lem khoảng 12 dặm, Tô-bi-gia, người Am-môn, và Ghê-sem, người A-rập (Ne 2:19) cũng được gọi là “Gát-mu” (Ne 6:6). San-ba-lát là kẻ thù chính của Nê-hê-mi và việc ông ta có một chức vị nào đó ở Sa-ma-ri càng khiến ông nguy hiểm hơn nữa (Ne 4:1-3).
Là người Am-môn, Tô-bi-gia là kẻ thù công khai của dân Do-thái (Phuc 23:3-4). Bởi hôn nhân, ông ta có quan hệ bà con với một số người đồng công của Nê-hê-mi và có nhiều bạn giữa vòng dân Do-thái (Ne 6:17-19). Thật ra, ông ta có “bà con gần” (sui gia) với thầy tế lễ Ê-li-a-síp (Ne 13:4-7). Nếu San-ba-lát phụ trách về quân đội, thì Tô-bi-gia là viên chỉ huy của đội quân tình báo trong hoạt động của họ. Chính ông ta đã thu thập “tin tức nội bộ” từ những người bạn Do-thái rồi chuyển tin cho San-ba-lát và Ghê-sem. Nê-hê-mi sẽ sớm phát hiện rằng vấn đề lớn nhất của ông không phải là kẻ thù bên ngoài mà là những kẻ thỏa hiệp bên trong, một vấn đề mà Hội thánh ngày nay vẫn thường hay đối diện.
• Xem xét (Ne 2:11-16)
Sau hành trình dài khó khăn, Nê-hê-mi dành thời gian để nghỉ ngơi, vì các lãnh đạo phải chăm sóc bản thân nếu họ sắp sửa có thể hầu việc Chúa (Mac 6:31). Ông cũng dành thời gian để nắm bắt “vị trí của vùng đất” mà không khơi dậy sự chú ý của kẻ thù. Một lãnh đạo tốt không lao ào vào công việc của mình ngay nhưng kiên nhẫn thu thập những sự thật trực tiếp và sau đó vạch ra chiến lược (Ch 18:13). Chúng ta phải biết “khôn như rắn” vì kẻ thù luôn theo dõi và chực chờ tấn công chúng ta.
Lãnh đạo thường tỉnh thức khi người khác ngủ, làm việc khi người khác nghỉ ngơi.Nê-hê-mi không muốn kẻ thù biết ông đang làm gì, vì vậy ông xem xét sự đổ nát vào ban đêm. Bằng cách giữ bí mật cho mình, Nê-hê-mi đã ngăn trở những người bạn của Tô-bi-gia nắm tin tức mà họ có thể chuyển cho San-ba-lát. Một lãnh đạo khôn ngoan biết khi nào thì cần vạch kế hoạch, khi nào cần nói và khi nào cần hành động.
Khi ông xem xét tình hình, ông đi từ hướng Tây đến hướng Nam rồi đến hướng Đông, tập trung vào vùng phía Nam của thành phố. Đúng như em trai ông đã báo cáo: vách thành bị sập xuống và các cửa bị đốt cháy (Ne 2:13; Ne 1:3).
Các lãnh đạo không nên sống trong một thế giới giấc mơ. Họ phải thành thật đối diện với sự thật và chấp nhận tin dữ cũng như tin tốt lành. Nê-hê-mi nhìn thấy vào ban đêm nhiều hơn những người cư ngụ nhìn thấy vào ban ngày, vì ông thấy tiềm năng cũng như những vấn đề. Đó là những gì cần có ở một lãnh đạo!
• Thách thức (Ne 2:17-20)
Sự kêu gọi của Nê-hê-mi có tính tích cực, ông tập trung vào vinh hiển và sự vĩ đại của Chúa. Ông chỉ ở trong thành phố vài ngày, nhưng ông nói đến “chúng ta”, “cho chúng ta” chớ không phải “các ngươi” và “họ”. Như trong lời cầu nguyện của mình (Ne 1:6-7), ông đồng nhất hóa với dân sự và những nhu cầu của họ. Thành phố là một sự sỉ nhục đối với Chúa (Ne 1:3; Ne 4:4; Ne 5:9), nhưng tay Đức Chúa Trời ở cùng họ, và Ngài sẽ giúp họ thực hiện công việc.
Đức Chúa Trời đã chứng minh quyền năng Ngài bằng cách hành động trong lòng vua và khiến vua hứa đáp ứng những nhu cầu. Chính gánh nặng riêng tư của Nê-hê-mi đối với Giê-ru-sa-lem và kinh nghiệm của ông với Chúa đã thuyết phục dân Do-thái tin rằng đã đến để xây dựng.
Chính uy tín của những người Do-thái đáng quý mà họ đã chấp nhận ngay thách thức và nói: “Chúng ta hãy chỗi dậy và xây dựng!”. Họ không quen với hoàn cảnh mà họ cho là dĩ nhiên, và nhất định rằng không gì có thể thay đổi. Họ cũng không nhắc Nê-hê-mi rằng dân Do-thái đã một lần tìm cách sửa lại vách thành và bị ngưng công (Exo 4:1-23). “Chúng tôi đã thử một lần và nó có hiệu quả. Tại sao nay lại phải thử lần nữa?”
Các lãnh đạo Cơ-đốc ngày nay đối diện với hai trở ngại tương tự này khi họ tìm cách dẫn dân sự Đức Chúa Trời vào những chinh phục mới cho Chúa. Chúng ta rất thường nghe “Chúng tôi hài lòng với những điều hiện tại, đừng lắc chiếc thuyền bằng cách cố gắng thay đổi những sự việc” hoặc “chúng tôi đã thử nó trước đó và nó không có hiệu quả!”
Đáng chú ý là Đức Chúa Trời đã sai đến dân Do-thái một lãnh đạo từ bên ngoài.Nê-hê-mi bước vào cộng đồng với một triển vọng mới về những vấn đề và một quan điểm mới cho công việc. Rất thường trong một Hội thánh địa phương, những thuộc viên mới trải qua một thời gian khó khăn để “xâm nhập vào hệ thống” vì những người kỳ cựu sợ những ý tưởng mới có thể dẫn đến sự thay đổi.
Vì hầu như chức lãnh đạo của họ đạt được qua các thứ bậc, nên những chức vụ ngoài nhà thờ cũng hãy coi chừng thái độ của “hội bảo thủ”. Những cộng sự mới từ bên ngoài tổ chức có thể mở các cửa sổ và để không khí tươi mát lọt vào.
Bàn tay nhơn lành của Đức Chúa Trời đặt trên người lãnh đạo, và những người nghe theo “làm mạnh mẽ tay họ” vì công việc (Ne 2:8,18). Cần phải có tay của lãnh đạo phối hợp với tay của cộng sự để hoàn thành công việc của Chúa. Lãnh đạo không thể tự mình làm công việc và cộng sự không thể hoàn thành công việc đáng kể nếu không có lãnh đạo.
Vincent de Paul đã nói: “Nếu để thành công trong một tổ chức kinh doanh, tôi buộc phải chọn lựa giữa 50 con nai do một con sư tử chỉ huy và 50 con sư tử do một con nai chỉ huy, tôi phải xem như mình chắc chắn thành công với nhóm thứ nhất hơn nhóm thứ hai”.
Có người đã định nghĩa chức lãnh đạo là “nghệ thuật khiến người khác làm điều họ phải làm vì họ muốn làm”. Nếu định nghĩa đó đúng, thì Nê-hê-mi chắc chắn là một lãnh đạo! Rất nhiều người đã hiệp lại phía sau ông và liều mình để công việc được thực hiện.
Nê-hê-mi không chỉ có thể thách thức dân sự của ông, mà ông còn có thể đương đầu với kẻ thù và đối phó với chúng một cách hiệu quả trước sự chống đối của chúng. Ngay khi dân sự Đức Chúa Trời bước ra bằng đức tin để làm theo ý muốn Ngài, kẻ thù liền xuất hiện và tìm cách làm họ nản chí. San-ba-lát và Tô-bi-gia nghe về công trình này (c.10) thì gọi Ghê-sem tham gia với chúng trong việc chống đối người Do-thái. Trong chương 4-7, Nê-hê-mi sẽ mô tả những vũ khí khác nhau do kẻ thù sử dụng và cách Chúa giúp ông đánh bại chúng.
Chúng bắt đầu bằng sự nhạo báng, một phương kế được người ta gọi là “vũ khí của những kẻ không có gì khác”. Chúng cười chế giễu dân Do-thái và xem thường tiềm lực cùng những kế hoạch của những người ấy. Thậm chí chúng còn khích động rằng dân Do-thái đang chống lại vua. Vũ khí đó đã có tác động một lần trước đây (Exo 4:1-23).
Dù trong lĩnh vực khoa học, thám hiểm, phát minh, kinh doanh, chính thể hay chức vụ Cơ-đốc, tất cả những ai từng hoàn thành bất cứ điều gì đều thường có đối diện với sự nhạo báng. Chúa của chúng ta đã bị nhạo báng suốt đời sống của Ngài và bị chế nhạo khi Ngài bị treo trên thập tự giá.Ngài đã bị “khinh dể và chán bỏ” (Es 53:3).
Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, một số người Do-thái trong đoàn dân đã bảo các Cơ-đốc nhân say rượu (Cong 2:13). Các triết gia Hy-lạp gọi Phao-lô là “người già mép” (Công 17:18), và Phê-tu nói rằng Phao-lô bị lãng trí (Công 26:24).
Nê-hê-mi lẽ ra có thể đối phó với sự nhạo báng của chúng bằng nhiều cách. Ông có thể phớt lờ, và đôi khi đó là việc làm khôn ngoan nhất (Ch 25:4). Nhưng lúc bắt đầu một sự nghiệp, thật quan trọng để người lãnh đạo khích lệ dân sự mình và cho họ biết rằng Đức Chúa Trời điều khiển mọi sự. Nếu Nê-hê-mi phớt lờ 3 người này là những người quan trọng trong cộng đồng, ông sẽ có thể làm suy yếu chức vụ mình giữa vòng dân Do-thái. Xét cho cùng, ông là quan tổng trấn chính thức và ông đang làm công việc chính thức.
Hoặc Nê-hê-mi có thể tranh luận với 3 lãnh đạo thù địch và tìm cách thuyết phục họ tin rằng vị trí của họ là sai lầm. Nhưng cách đó chỉ có thể đem đến “sự đề bạt chính thức” cho 3 người cùng với cơ hội để họ nói nhiều hơn. Tại sao Nê-hê-mi phải cho kẻ thù cơ hội để nói nghịch với Đức Chúa Trời là Đấng ông hầu việc?
Dĩ nhiên, Nê-hê-mi sẽ không yêu cầu họ tham gia dự án và làm việc với dân Do-thái, dù San-ba-lát và các bạn ông ta hoan nghênh lời mời gọi (Ne 6:1-4). Trong sự trả lời, Nê-hê-mi đã làm rõ 3 điều: việc xây lại vách thành là công việc của Đức Chúa Trời, dân Do-thái là tôi tớ Đức Chúa Trời, và San-ba-lát, Tô-bi-gia cùng Ghê-sem không có phần gì trong việc này. Đôi khi, người lãnh đạo phải thương lượng, nhưng có những lúc người lãnh đạo phải phân chia ranh giới rạch ròi và phải biết phòng thủ. Đáng tiếc không phải mọi người ở Giê-ru-sa-lem đều nhất trí với lãnh đạo của họ, vì một số người đã hợp tác với San-ba-lát, Tô-bi-gia và Ghê-sem để chất thêm những gánh nặng cho Nê-hê-mi.
Sân khấu giờ đây được dựng lên và vở kịch sắp bắt đầu công diễn.
Nhưng trước khi gia nhập với những cộng sự trên vách thành, chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta có phải là loại lãnh đạo và là những người làm theo ý Đức Chúa Trời muốn hay không. Chúng ta có giống như Nê-hê-mi đang cưu mang gánh nặng trong lòng về công việc Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta làm hay không? (Ne 2:12).
Chúng ta có sẵn sàng hy sinh để thấy ý muốn Ngài được hoàn thành không? Chúng ta có kiên nhẫn thu thập những sự thật và vạch kế hoạch cho công việc mình không? Chúng ta có trưng dụng sự giúp đỡ của người khác hay tìm cách tự mình làm mọi việc? Chúng ta có thúc đẩy người khác trên cơ sở của những điều thuộc linh – những điều Đức Chúa Trời đang làm hay chỉ trên cơ sở của những điều thuộc thể cá nhân? Họ đang theo chúng ta hay theo Chúa khi Ngài dẫn dắt chúng ta?
Là người làm theo, chúng ta có lắng nghe những điều các nhà lãnh đạo mình nói khi họ chia sẻ gánh nặng của họ không? Chúng ta sẽ níu lấy quá khứ hay khao khát nhìn thấy Đức Chúa Trời làm điều gì đó mới mẻ? Chúng ta có đặt tay và cổ mình vào việc không? (c.18 Ne 3:5). Chúng ta có đang hợp tác với kẻ thù trên phương diện nào đó và vì vậy làm suy yếu công việc? Chúng ta có tìm thấy công việc Đức Chúa Trời muốn chúng ta hoàn tất không?
Bất cứ ai cũng có thể trải qua đời sống như một kẻ phá hoại, Đức Chúa Trời đã kêu gọi dân Ngài hãy làm những người xây dựng. Nê-hê-mi quả là một tấm gương cho chúng ta noi theo! Hãy lưu ý những từ “vậy” của ông và xem cách Đức Chúa Trời sử dụng ông: “vậy tôi cầu nguyện” (Ne 2:4). “vậy tôi đến Giê-ru-sa-lem” (c.11) “Vậy chúng tôi xây cất vách thành” (Ne 4:6), “chúng tôi làm công việc là như vậy” (c.21), “Vậy vách thành sửa xong” (Ne 6:15).
Nếu không vì sự tận tụy và cương quyết xuất phát từ đức tin nơi một Đức Chúa Trời vĩ đại, Nê-hê-mi sẽ không bao giờ chấp nhận sự thách thức hay hoàn thành công việc. Ông chưa từng xem câu Kinh Thánh sau, nhưng điều Phao-lô viết trong (ICo 15:58) là điều giúp ông tiếp tục công việc: “Vậy hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu”.
Dù nhiệm vụ khó khăn thế nào, hay sự chống đối mạnh mẽra sao, HÃY KIÊN QUYẾT! Như V.Raymond Edman từng nói: “Đừng nên bỏ cuộc quá sớm!”.
3. NHỮNG NGƯỜI XÂY SỬA LẠI CÁC VÁCH THÀNH (Ne 3:1-32)
Nê-hê-mi đã đối diện với một thách thức lớn và ông có đức tin lớn nơi một Đức Chúa Trời vĩ đại, nhưng ông sẽ không hoàn tất được gì nếu không có sự tận tụy hết lòng của những người giúp ông xây lại vách thành. Với tính khiêm nhường có lợi cho một lãnh đạo tin kính, Nê-hê-mi đã tin tưởng vào dân sự khi ông viết “vậy chúng tôi xây cất vách thành lại… vì dân sự chuyên thành làm công việc” (Ne 4:6).
Nhà văn hài hước người Anh Jerome đã nói: “Tôi thích công việc, nó quyến rũ tôi, tôi có thể ngồi và ngắm nó hằng giờ”. Khi có công việc của Đức Chúa Trời, không có chỗ cho khán giả hay người cố vấn tự bổ nhiệm và những kẻ chỉ trích, nhưng luôn có chỗ cho những cộng sự. Khi nghiên cứu chương này, bạn sẽ khám phá những nguyên tắc áp dụng cho mọi người lao động, đặc biệt là cho công việc xây dựng Hội thánh.
1. Mục Đích Công Việc (Ne 3:1-32)
Nê-hê-mi chỉ quan tâm đến điều duy nhất là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời: “Chúng ta hãy xây cất các vách thành Giê-ru-sa-lem, hầu cho chúng ta chẳng còn bị sỉ nhục nữa” (Ne 2:17; Ne 1:3; Ne 4:4; Ne 5:9).
Dân ngoại vui mừng trong việc nhạo báng những láng giềng Do-thái của họ bằng cách chỉ ra tình trạng đổ nát của Giê-ru-sa-lem. Xét cho cùng, dân Do-thái đã tuyên bố rằng kinh đô của họ “đẹp đẽ, là sự vui vẻ của cả thế gian” (Thi 48:2). Họ nói rằng Đức Chúa Trời “chuộng các cửa Si-ôn hơn mọi nơi ở của Gia-cốp” (Thi 87:2). Nếu Đức Chúa Trời rất yêu Giê-ru-sa-lem tại sao Ngài lại để cho các vách thành bị đổ nát và các cửa bị thiêu cháy? Tại sao Ngài để “thành thánh” trở thành sự sỉ nhục? Tại sao dân Do-thái không làm điều gì đó?
• Đa số thế giới ngày nay thờ ơ với Hội thánh.
Còn nếu họ chú ý đến Hội thánh, thì họ thường nhạo báng hoặc lên án. Những kẻ vô tín hỏi: “Nếu bạn là con dân Đức Chúa Trời, tại sao lại để xảy ra quá nhiều vụ tai tiếng trong Hội thánh? Nếu Đức Chúa Trời quyền năng như vậy, tại sao Ngài để Hội thánh suy yếu như thế?” Dù có muốn hay không, thì Cơ-đốc nhân chúng ta đang sống trong một thời đại của sự sỉ nhục, khi “sự vinh hiển đã lìa khỏi” (ISa 4:21).
Mục đích của mọi chức vụ là vinh hiển của Đức Chúa Trời chớ không phải sự khuếch trương của các lãnh đạo hay của tổ chức tôn giáo (ICo 10:31; IICo 4:5). Những lời Chúa Giê-xu cầu nguyện với tư cách thầy tế lễ cả phải là động lực thôi thúc trong mọi chức vụ Cơ Đốc: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm” (Gi 17:4). Đức Chúa Trời thường giao nhiệm vụ đặc biệt nào đó cho những con cái Ngài, và trong sự khiêm nhường, trung tín, chúng ta hãy làm vinh hiển danh Ngài.
Dĩ nhiên, việc xây lại các vách thành và dựng các cửa cũng có ý nghĩa là sự bảo vệ an ninh cho dân sự. Giê-ru-sa-lem bị kẻ thù vây hãm, và dường như thật dại dột cho dân cư ngụ nếu họ chỉ mãi lo thâu trữ tài sản cho mình nhưng lại không có gì bảo đảm an toàn cho họ khỏi sự xâm lược và cướp bóc. Qua nhiều năm, người dân đã quen với tình cảnh của họ như vậy. Giống như rất nhiều Cơ-đốc nhân trong Hội thánh ngày nay, họ bằng lòng sống với hiện trạngcũ. Khi ấy Giê-rê-mi đến hiện trường và thách thức họ xây lại thành cho vinh hiển của Đức Chúa Trời.
2. Mô Hình Công Việc (Ne 3:1-32)
Nê-hê-mi là một lãnh đạo biết vạch kế hoạch và thực hiện kế hoạch, cách ông làm là một gương cho chúng ta noi theo.
Ba mươi tám thợ xây sửa được kể tên trong chương này, và 42 nhóm khác nhau được biết đến. Cũng có nhiều thợ xây mà Nê-hê-mi không kể tên, công lao họ là quan trọng, và mỗi người thợ được kể tên là vô danh đều được phân công ở một nơi với một nhiệm vụ nào đó.
Nhà truyền giáo D.L.Moody đã nói: “Rất nhiều người có ý nghĩ sai lầm về Hội thánh. Họ có tư tưởng rằng Hội thánh là một nơi để yên nghỉ, để họ ngồi vào một ghế nệm êm ái, đóng góp vào quỹ từ thiện, nghe diễn giả giảng, và làm tròn bổn phận của họ để giữ cho Hội thánh khỏi bị phá sản, đó là tất cả những gì họ ưa thích. Ý niệm về công việc dành cho họ là công việc thật sự trong Hội thánh chẳng bao giờ đi vào tâm trí họ”.
• Trong (ICo 12:1-31 ICo 14:1-40), Phao-lô ví sánh các cá nhân Cơ-đốc như những chi (thể)trong thân thể con người. Mỗi chi thể là quan trọng, mỗi chi thể có một chức năng đặc biệt để thực hiện. Tôi nhớ lại có lần tôi thấy mình thật thỏa lòng khi tôi nhận ra rằng Đức Chúa Trời không mong tôi làm mọi việc trong Hội thánh, nhưng đúng hơn Ngài mong tôi sử dụng những khả năng Ngài ban cho tôi trong những nhiệm vụ Ngài giao. Khi tôi bắt đầu làm điều đó, tôi khám phá mình đang giúp người khác khám phá và phát triển những sự ban cho của họ, và tất cả chúng tôi đã hoàn thành nhiều hơn cho Chúa.
Dân sự đã hoàn tất nhiệm vụ khó khăn vì họ vâng theo một lãnh đạo, để mắt vào một mục đích và cùng làm việc vì vinh hiển của Đức Chúa Trời. Kẻ thù bên ngoài thành hay những khó khăn bên trong thành cũng không khiến họ phân tâm khỏi nhiệm vụ Đức Chúa Trời ban cho. Như Phao-lô, họ nói: “Tôi cứ làm một điều” (Phi 3:13).
Từ “xây sửa” được sử dụng 6 lần trong (Ne 3:1-32) và ở đây nó có nghĩa là “tái thiết”. George Morrison nhắc chúng ta “rằng đối với sự khôi phục này, chẳng có vật liệu mới nào cần thiết. Trong đống gạch của công trình đổ nát có mọi vật liệu cần thiết…. và đối với tôi, nó dường như luôn là vậy khi những vách thành Si-ôn được xây lại”. Không phải bằng cách phát minh ra những điều mới mẻ, khôn ngoan mà chúng ta cất được sự sỉ nhục khỏi Hội thánh, nhưng bằng cách trở lại với những lẽ thật trước đây đã làm Hội thánh trở nên tuyệt vời trong những thời đại quá khứ. Chúng như những hòn đá nằm trong bụi đất, chờ đợi Nê-hê-mi nào đó đang cưu mang gánh nặng đến khôi phục và sử dụng chúng.
Từ “tu bổ” được sử dụng 35 lần, có nghĩa là “làm mạnh và chắc”. Nê-hê-mi không quan tâm đến “sự sữa chữa nhanh chóng”, một bức tường quét vôi trắng chẳng bao lâu sẽ sụp đổ (Exe 13:1-16; Exe 22:28). Họ đang xây dựng cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và vì vậy họ làm hết sức mình.
Các cửa Giê-ru-sa-lem đã bị lửa thiêu hủy (Ne 1:3; Gie 17:27; Ca 1:4), vì vậy Nê-hê-mi trưng dụng gỗ từ rừng của vua và cho những cửa mới được xây dựng (Ne 2:18) rồi đặt chúng vào vị trí của chúng (Ne 6:1; Ne 7:1). Các cánh cửa quan trọng đối với sự an toàn của dân sự và sự kiểm soát những ai ra vào thành (Ne 7:3; Ne 13:15-22). Nếu Chúa yêu các cửa của Si-ôn (Thi 87:2), vậy dân sự Ngài cũng phải yêu chúng.
• “Chốt và then” được đề cập 5 lần (Thi 3:3,6,13-15).
Chốt chỉ về những cái lỗ mà các then ăn khớp vào, vì vậy làm cho bất cứ ai bên ngoài khó mở cửa được. Chúng ta chỉ làm công việc của Đức Chúa Trời thì chưa đủ, chúng ta cũng phải chắc chắn rằng việc chúng ta làm được bảo vệ khỏi kẻ thù “Chính các ngươi hãy giữ, hầu cho khỏi mất kết quả của công việc mình, nhưng cho được phần thưởng đầy đủ” (IIGi 1:8).
3. Những Người Tham Gia Công Việc (Ne 3:1-32)
Khi bạn làm quen với những người thuộc nhiều thành phần khác nhau được đề cập trong (Ne 3:1-32), chắc bạn sẽ thốt lên: “Đây thật giống Hội thánh ngày nay!”. Hoàn cảnh thay đổi nhưng bản chất con người vẫn y nguyên.
• Đức Chúa Trời sử dụng mọi hạng người.
Chương này đề cập những quản lý và thầy tế lễ (c.1,12-19), đàn ông, đàn bà (c.12), thợ chuyên nghiệp (c.8,32), và thậm chí những người từ bên ngoài thành (c.2,5,7). Có một nơi dành cho mọi người, và một công việc nào đó cho từng người làm.
• Các lãnh đạo phải làm gương (Ne 3:1).
Nếu có bất cứ ai trong thành phải bận rộn với công việc, thì đó chính là các thầy tế lễ, vì vinh hiển của Chúa có liên quan trong dự án. Việc thầy tế lễ thượng phẩm sử dụng những bàn tay được phong thánh để làm công việc bằng tay chứng tỏ ông xem công việc trên vách thành là một chức vụ trước Chúa.
“Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời mà làm” (ICo 10:31).
Ê-li-a-síp vận động các thầy tế lễ khác làm việc tại cửa chiên phía Đông Bắc của thành. Vì các của lễ đi vào thành lối đó, nên các thầy tế lễ sẽ đặc biệt quan tâm đến phần dự án đó.
Nhưng đáng buồn thay, Ê-li-a-síp đã không giữ tính chân chính trong sự kêu gọi của mình: vì sau đó ông đã liên kết với kẻ thù tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho Nê-hê-mi (Ne 13:4-9). Một số người khởi đầu công việc của họ một cách nhiệt tình, nhưng sau đó họ có thể bỏ cuộc hoặc quay lại chống nghịch vì lý do này hay lý do khác. Cháu của Ê-li-a-síp đã cưới một đứa con gái của San-ba-lát (c.28) và quan hệ họ hàng này chắc chắn ảnh hưởng đến thầy tế lễ thượng phẩm.
• Một số người sẽ không làm việc (Ne 3:5).
Tê-cô-a là một thị trấn cách Giê-ru-sa-lem khoảng 11 dặm, và có một số người tại đó đã đi đến Giê-ru-sa-lem để giúp vào công việc xây sửa thành. Thật là một sự tương phản giữa những người này với các nhà quý tộc của họ! Những người Tê-cô-a xây dựng trong hai nơi trên vách thành (c.5,27), còn các quý tộc của họ từ chối ghé vai làm việc thậm chí chỉ trong một nơi. Phải chăng những “nhà quý tộc” này quá quan trọng dưới mắt họ đến nỗi họ không thể thực hành lao động chân tay? Phao-lô từng làm thợ may trại (Công 18:3) và Chúa Giê-xu là thợ mộc (Mac 6:3).
Những người Tê-cô-a không phải là “những người ở ngoài” duy nhất đi đến Giê-ru-sa-lem để làm việc trên vách thành, vì người ta cũng đến từ Giê-ri-cô (Ne 3:2), Ga-ba-ôn và Mích-ba cũng vậy (c.7). Sự trung thành của họ đối với dân tộc và Chúa của họ lớn hơn những quan tâm cục bộ của họ. Họ chắc chắn sẽ được an toàn hơn khi trở lại với cộng đồng mình, nhưng họ liều mạng sống để làm công việc của Chúa (Công 15:25-26).
• Một số người làm việc nhiều hơn người khác (Ne 3:11,19,21,24,27,30).
Đa số những người làm việc vui mừng đặt dụng cụ của họ xuống khi công việc hoàn thành, những người này xin thêm việc. Chúng ta nói rằng mình đã làm nhiều như người khác thì chưa đủ, chúng ta phải làm hết khả năng mình ở chừng mực Chúa giúp chúng ta. Chúa Giê-xu phán: “Ngươi làm điều gì hơn kẻ khác?” (Mat 5:47 NKJV).
• Một số người làm việc ở nhà (Ne 3:10,23,28,30).
Có ít nhất 6 người làm việc khác nhau, cộng với một số thầy tế lễ không được biết đến, họ tu bổ những phần của vách thành gần với nhà họ nhất. Nếu tất cả chúng ta noi theo gương này, những láng giềng và thành phố của chúng ta sẽ ở tình trạng tốt hơn biết bao! Dĩ nhiên, có một bài học thuộc linh ở đây: sự hầu việc Cơ-đốc hãy bắt đầu tại tư gia. Một châm ngôn Trung quốc nói rằng: “Thà tử tế ở nhà hơn là đốt nhang ở nơi xa”. Còn Phao-lô đã viết: “Hãy để con cháu trước hết học cách bày tỏ lòng hiếu thảo ở nhà” (ITi 5:4).
• Một số người làm việc siêng năng hơn người khác (Ne 3:20).
Ba-rúc là người duy nhất được đánh giá đã làm việc rất “sốt sắng”. Từ Hê-bơ-rơ nghĩa là “cháy hoặc nóng rực” và gợi ý rằng Ba-rúc đã đốt nhiều năng lượng! “Mọi việc tay ngươi làm, hãy làm hết sức mình” (Tr 9:10).
Phao-lô khuyên các tôi tớ làm việc siêng năng cho chủ họ vì họ thật sự đang làm việc cho Đấng Christ (Eph 6:5-8). Những người làm việc lười biếng không chỉ ăn trộm chính mình và ăn trộm Chúa, mà còn ăn trộm những cộng sự của mình nữa. “kẻ lười biếng trong công việc mình cũng là anh em của kẻ rất hoang phí” (Ch 18:9).
4. Những Nơi Làm Việc (Ne 3:1-32)
Nê-hê-mi mở đầu danh sách “những nơi làm việc” bằng Cửa Chiên ở phía Đông Bắc của thành phố (Ne 3:1). Sau đó ông vòng lại các vách thành cho đến Cửa Hammiphkad (“cửa tập hợp”) gần sát ngay Cửa Chiên và ở ngay phía trên Cửa Đông (c.29).
Theo sự ghi chép của ông, ông kể tên 10 cửa và nhiều tháp cùng những giới hạn khác. Ông mô tả công việc trên vách thành phía Bắc trước tiên (c.1-7), kế đến là vách thành phía Tây (c.8-13) rồi đến mũi đất phía Nam của thành phố (c.14) và cuối cùng là vách thành phía Đông (c.15-32).
Mục đích chủ yếu của ông là cung cấp cho hậu thế những ghi chép chính thức tên và những việc hoàn thành của những người làm việc trên vách thành. Tuy nhiên, không cần gắng sức ở chương kế tiếp chúng ta vẫn có thể thu nhặt từ chương này những minh hoạ thuộc linh, khích lệ chúng ta trong đời sống cá nhân và chức vụ của chúng ta.
• Cửa Chiên (Ne 3:1,32).
Đây là cửa mà các thú vật được đem vào thành qua cửa đó, kể cả những sinh tế đền thờ. Cửa Chiên gần khu vực đền thờ, vì vậy thật hợp lý khi các thầy tế lễ thực hiện dự án đặc biệt của họ. Đây là cửa duy nhất được ghi chép rằng nó được “biệt ra thánh”, nghĩa là được dâng cho Đức Chúa Trời cách đặc biệt.
Cửa này nhắc chúng ta nhớ về Chúa Giê-xu Christ, Chiên Con của Đức Chúa Trời đã chết thay tội lỗi của thế gian (Gi 1:29; Gi 5:2). Nê-hê-mi có thể bắt đầu ghi chép của ông với bất cứ cửa nào, nhưng ông quyết định khởi đầu và kết thúc sự tường thuật của mình với Cửa Chiên. Chúa Giê-xu là “An-pha và Ô-mê-ga, khởi đầu và kết thúc” (Kh 1:8). Không kể đến Ngài và sự hy sinh của Ngài, chúng ta sẽ chẳng có gì đời đời và thoả lòng, không có gì được nói đến “chốt và then” của cửa, vì lối này không bao giờ bị đóng lại cho tội nhân hư mất nào muốn đến với Cứu Chúa.
• Cửa Cá (Ne 3:3).
Cửa này nằm ở phía Đông của Cửa Chiên, giữa 2 cửa này là tháp Mê-a (“một trăm”) với tháp Ha-na-nê-ên (c.1). Hai tháp này là một phần của hệ thống phòng thủ của thành và chỗ đóng lại của đồn lũy, nơi các quân lính canh giữ đền thờ và bảo vệ lối vào thành ở hướng Bắc mà đặc biệt có thể bị công kích. Các lái buôn sử dụng cửa này khi họ đem cá từ biển Địa Trung Hải đến, và có thể có một chợ cá nằm gần cửa.Trong bất cứ trường hợp nào, thì đó cũng là lối cửa chính dẫn vào thành phố.
• Cửa Cũ (Ne 3:6) có thể là Cửa Góc (IIVua 14:13; Gie 31:38), nằm ở góc Đông Bắc cửa thành. Một số sinh viên đồng nhất hóa cửa này với “Cửa Michneh”, từ Hê-bơ-rơ nghĩa là “phố thứ hai” hay “phố mới” (So 1:10). Trong thời Nê-hê-mi, khu vực Đông Bắc của thành là “phố mới” và cửa này dẫn vào phố ấy.
Thật là một nghịch lý: cửa cũ dẫn vào phố mới! Nhưng chính từ những cái cũ mà chúng ta vạch ra những cái mới, và nếu chúng ta bỏ những cái cũ, thì sẽ không thể có gì mới (Gie 6:16; Mat 13:52).
• Cửa Trũng (Ne 3:13) là nơi Nê-hê-mi bắt đầu cuộc nghiên cứu về sự đổ nát của thành (Ne 2:13). Nó nằm ở góc Tây Nam của vách thành, cách Cửa Phân khoảng 500 yard (457m) và thông với trũng Hi-nôm. Các cộng sự không chỉ phục hồi cửa này, mà còn tu bổ phần vách thành giữa 2 cửa. Dường như phần vách thành dài này trên 1700 feet – không bị thiệt hại nghiêm trọng như các phần khác.
Mọi Cơ-đốc nhân cần có một “cửa Trũng”, vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho người khiêm nhường (IPhi 5:5-6). Chỉ khi chúng ta đầu phục Đấng Christ và phục vụ người khác, chúng ta mới có thể thật sự bước vào sự trọn vẹn của đời sống Ngài dành cho chúng ta (Phi 2:1-11).
• Cửa Phân (Ne 3:14) nằm ở đầu cực Nam của thành, gần ao Si-lô-ê. Đó là một lối ra chính dẫn đến trũng Hi-nôm, nơi thành phố giải quyết rác của thành. Từ “gehenna” nghĩa là “trũng Hi-nôm” và người ta cho biết biết vùng này thường được Chúa Giê-xu dùng ví sánh như một bức tranh về địa ngục, “nơi sâu bọ của chúng nó chẳng hề chết, và là nơi lửa chẳng hề tắt” (Mac 9:44). Vua Ma-na-se đã tế con cái mình cho thần tượng trong trũng đó (IISu 33:6) và vua Giô-si-a đã báng bổ nơi này bằng cách biến nó thành một đống rác (IIVua 23:10).
Việc giải quyết rác hợp vệ sinh cần thiết cho sự lành mạnh của thành phố. Cửa này không có một cái tên đẹp đẽ, nhưng nó thực hiện một sự phục vụ quan trọng! Nó nhắc nhở chúng ta rằng, giống như thành phố, mỗi cá nhân chúng ta phải tống khứ bất cứ điều gì làm ô nhiễm chúng ta, nếu không, nó có thể huỷ hoại chúng ta (IICo 7:1; IGi 1:9).
• Cửa Giếng (Ne 3:15) ở trên vách thành phía Đông, ngay hướng Bắc cửa Cửa Phân, trong một vị trí rất chiến lược gần ao Si-lô-ê, thành Đa-vít cũ và kinh dẫn nước do vua Ê-xê-chia xây dựng (IIVua 20:20). Suối Ghi-hôn cung cấp cho hệ thống nước là một nguồn nước quan trọng trong thành.
Trong Kinh Thánh, nước để uống là một bức tranh về Thánh Linh của Đức Chúa Trời (Gi 7:37-39) còn nước để rửa là một bức tranh về Lời Đức Chúa Trời (Eph 5:26; Gi 15:3). Nói về mặt thuộc linh, chúng ta đã đi từ Cửa Trũng (sự khiêm nhường) đến Cửa Phân (sự tẩy sạch) rồi mới đến Cửa Giếng (sự đầy dẫy Thánh Linh).
• Cửa Nước (Ne 3:26) được dẫn từ thành Đa-vít cũ đến suối Ghi-hôn, nằm gần trũng Kít-rôn.Giê-ru-sa-lem là một trong số ít những thành phố lớn cổ xưa không được xây dựng gần một sông lớn, nên thành phố nhờ vào những nguồn và suối nước để có nước.Bản văn không nói rằng cửa này được tu bổ, nhưng chỉ nói rằng những cộng sự tu bổ các vách thành nằm gần nó. Những “người Nê-thi-nim” (“những người được ban cho”) có lẽ là những tôi tớ trong đền thờ, con cháu của người Ga-ba-ôn là những người xách nước (Gios 9:23), Họ đương nhiên muốn sống gần nguồn nước quan trọng nhất của thành.
Nếu Cửa Giếng nhắc chúng ta về Thánh Linh Đức Chúa Trời, thì Cửa Nước nhắc chúng ta về Lời Đức Chúa Trời. Thật ra, chính trại Cửa Nước mà E-xơ-ra và các thầy tế lễ đã hướng dẫn một “hội nghị Kinh Thánh” và giải thích Kinh Thánh cho dân sự (Ne 8:1).
Việc cửa này không được nói rằng đã được tu bổ như các cửa khác. Gợi ý rằng Lời Đức Chúa Trời vững lập đời đời và sẽ không qua đi (Thi 119:89; Mat 24:35). Kinh Thánh không cần phải được sữa chữa hay bổ sung.
• “Ô-phên” (Ne 3:26-27) là một ngọn đồi phía Nam khu vực đền thờ, giữa Cửa Ngựa và Cửa Nước. Nó đặc biệt được củng cố và ở đó có một tháp. Những tôi tớ đền thờ sống trong khu vực đó vì nó gần với nguồn nước.
• Cửa Ngựa (Ne 3:28) nằm ở phía Bắc của Cửa Nước, gần với khu vực đền thờ. Chính nơi đây, A-tha-lia gian ác đã bị xử tử (IISu 23:15). Đức Chúa Trời cảnh cáo các dân sự Ngài đừng cậy nơi ngựa và xe (Phuc 17:14-20) mà Sa-lô-môn đã đem chúng từ Ai-cập vào (IVua 10:26-29) chúng trở nên một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ quốc gia (Es 2:7).
Cửa Ngựa nhắc chúng ta rằng thường xuyên có cuộc chiến trong đời sống Cơ-đốc (IITi 2:1-4) chúng ta phải luôn sẵn sàng đánh trận (Eph 6:10-18). Thật ý nghĩa khi các thầy tế lễ tu sửa cửa này cũng như Cửa Chiên. Cả 2 cửa đều nằm gần khu vực đền thờ.
• Cửa Đông (Ne 3:29) dẫn trực tiếp đến đền thờ và có lẽ ngày nay nó được chúng ta biết là Cửa Vàng. Lời truyền khẩu nói rằng Chúa Giê-xu đã vào đền thờ ngày Chúa Nhật Lễ Lá bằng cửa này. Ở thế kỷ thứ 6, cửa này bị niêm phong bằng những tảng đá do vua Thỗ Nhĩ kỳ, Sulayman the Magnificent ra lệnh. Truyền thống Do-thái và Cơ-đốc giáo kết hợp cửa Vàng với sự ngự đến của Đấng Mê-si-a ở Giê-ru-sa-lem, còn người Hồi giáo thì liên kết nó với sự phán xét trong tương lai.
Ê-xê-chi-ên nhìn thấy vinh hiển của Chúa đã lìa khỏi đền thờ ở Cửa Đông (Exe 10:16-22; Exe 11:22-25) và Chúa sẽ trở lại thành cũng theo lối này (Exe 43:1-5). Vì vậy, chúng ta có mọi lý do để kết hợp Cửa ấy với sự ngự đến của Chúa và nhắc nhở mình “ở trong Ngài hầu cho, nếu Ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy sự vững lòng, không bị hổ thẹn trước mặt Ngài trong kỳ Ngài ngự đến” (IGi 2:28).
• Cửa Mi-phơ-cát (Ne 3:31) nằm ở góc Đông Bắc của thành. Từ Hê-bơ-rơ này có một nghĩa rộng về quân sự và chỉ về sự tập hợp những toán quân để điểm số và kiểm duyệt. Bản dịch Kinh Thánh NIV và NASB đều dịch từ đó là “Cửa Kiểm Duyệt”. Đây là nơi quân đội được kiểm duyệt và đăng ký. Phía Bắc Giê-ru-sa-lem dễ bị tấn công nhất, vì vậy đây là một nơi hợp lý để bố trí quân đội. Khi Chúa tái lâm, Ngài sẽ nhóm dân Ngài lại và xem xét công việc của họ để chuẩn ban thưởng cho sự phục vụ trung tín (ICo 3:10-15; IICo 5:9-10; Ro 14:10-12).
Trong phần tường thuật này, Nê-hê-mi không đề cập đến Cửa Ép-ra-im (Ne 8:16 Ne 12:39) hay Cửa Ngục (Ne 12:39). Cửa Ép-ra-im có thể ở vách thành phía Bắc, hướng về khu vực Ép-ra-im và Cửa Ngục có thể liên kết cách nào đó với “Cửa Kiểm Duyệt”. Có một số người dịch nó là “Cửa Tù”. Nó cũng có thể là “sân ngục” được kể trong (Ne 3:25).
Ghi chép của Nê-hê-mi kết thúc bằng Cửa Chiên (c.32) nơi ông khởi đầu (c.1). Vì đã chối bỏ Đấng Mê-si-a, dân Y-sơ-ra-ên ngày nay không còn có của lễ, không có đền thờ, và không có chức tế lễ (Os 3:4). Nhưng cám ơn Chúa, đây đó hiện giờ vẫn còn có những cá nhân người Do-thái sót lại đang tin nhận Đấng Christ, nhưng cả dân tộc vốn từng bị mù lòa trong sự vô tín (Ro 11:25). Khi họ nhìn thấy Đấng Mê-si-a của họ, họ sẽ tin và được cứu (Xa 12:10-13:1).
Không một cá nhân nào có thể tự mình hoàn thành công việc tu sửa vách thành và phục hồi các cửa. Cần phải có chức lãnh đạo của Nê-hê-mi và sự hợp tác của dân sự.Mỗi người có một nơi để đến và một công việc để làm. Hội thánh ngày nay cũng vậy: chúng ta phải đồng công với nhau nếu chúng ta muốn hoàn tất công việc cho vinh hiển của Đức Chúa Trời.
“Vậy hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (ICo 15:58).
4. THỢ XÂY VÀ CHIẾN SĨ (Ne 4:1-23)
“Kinh Thánh bảo chúng ta hãy yêu kẻ lân cận mình, và cũng yêu kẻ thù mình. Có thể vì họ nói chung đều là con người như chúng ta”.
Những lời này của Gilbert Keith Chesterton chắc chắn đúng trong hoàn cảnh của Nê-hê-mi. Việc ông đến Giê-ru-sa-lem là một mối đe dọa cho Sa-ba-lát và các đồng minh của ông ta (Ne 2:10), những người muốn làm cho dân Do-thái suy yếu và lệ thuộc. Một Giê-ru-sa-lem mạnh mẽ sẽ gây nguy hiểm cho cán cân quyền lực trong tôn giáo, và nó cũng sẽ cướp đi của San-ba-lát cùng các đồng minh uy thế và sự thịnh vượng.
Khi mọi sự đang tiến triển tốt thì vẫn có thể gặp rắc rối, vì kẻ thù không muốn thấy công việc của Chúa phát triển. Nếu người dân ở Giê-ru-sa-lem cứ bằng lòng với hiện tại của họ thì kẻ thù sẽ để cho họ được yên. Nhưng khi dân Do-thái bắt đầu hầu việc Chúa và quy vinh hiển cho danh Ngài, thì kẻ thù bắt đầu hoạt động.
Sự chống đối không chỉ là một chứng cớ Đức Chúa Trời đang ban phước, mà còn là một cơ hội cho chúng ta tăng trưởng, những khó khăn đến cho công việc đem lại điều tốt nhất cho Nê-hê-mi và cho dân sự ông. Sa-tan muốn sử dụng những vấn đề này làm vũ khí để hủy hoại công việc Chúa, nhưng Đức Chúa Trời sẽ sử dụng chúng làm công cụ gây dựng dân sự Ngài. Charles Spugeon nói: “Đức Chúa Trời có một Con vô tội nhưng Ngài chưa bao giờ có một con không có thử thách”.
Khi ông James Thornhill đang tô điểm bên trong mái vòm của Thánh đường Phao-Lô ở Luân Đôn, tại một điểm ông hoàn tất được một khoảng diện tích, ông bước trở lại để xem xét. Nếu ông đi lùi một bước nữa, ông sẽ ngã xuống từ giàn giáo và có lẽ sẽ tự giết mình. Nhìn thấy tình hình này, một người bạn đã nắm lấy một cây cọ và bôi sơn lên một phần của bức tranh.
Người hoạ sĩ lao về phía trước để bảo vệ tác phẩm của mình, cùng lúc đó, mạng ông được cứu.
Khi bức tranh của đời sống và chức vụ chúng ta không phải là tất cả những gì chúng ta suy nghĩ, có lẽ Người Thầy Hoạ Sĩ đang cứu chúng ta khỏi điều gì đó tồi tệ hơn và chuẩn bị cho chúng ta điều gì đó tốt đẹp hơn.
Chương 4 đến chương 6 mô tả ít nhất 9 chiến lược khác nhau mà kẻ thù đã sử dụng để tìm cách làm ngưng trệ công việc trên vách thành. Thứ nhất, chúng công kích dân Do-thái bằng sự nhạo báng (Ne 4:1-6) và âm mưu gây chiến (c.7-9). Điều này dẫn đến những khó khăn trong hàng ngũ Do-thái:
Sự nản lòng (c.10) sợ hãi (c.11-23) và ích kỷ (Ne 5:1-19). Khi tấn công vào những người không ngừng công việc, kẻ thù bắt đầu tấn công vào vị lãnh đạo của họ là Nê-hê-mi. Chúng tìm cách thương lượng (Ne 6:1-4), vu cáo (c.5-9), đe dọa (c.10-14) và mưu đồ (c.17-19), nhưng không một âm mưu nào của chúng có hiệu quả. Nê-hê-mi “kiên định và không lay chuyển” đã dẫn dắt dân sự ông hoàn tất công việc trong 52 ngày!
Nói về Sa-tan, Phao-lô viết: “Vì chúng ta chẳng phải là không biết mưu chước của nó” (IICo 2:11). Chương này trình bày 4 mưu kế của Sa-tan dùng chống lại công việc Chúa, và cũng cho chúng ta biết dân sự Đức Chúa Trời có thể kiên định và đánh bại được kẻ thu ra sao. Nếu bạn bắt đầu xây dựng, chẳng bao lâu bạn sẽ đánh trận. Vậy hãy sẵn sàng!
1. Sự Nhạo Báng (Ne 4:1-6)
Carlyle, nhà phê bình và sáng tác người Anh đã gọi sự nhạo báng là “ngôn ngữ của ma quỷ”. Một số người có thể đứng thẳng một cách kiên cường khi họ bị bắn, nhưng họ sẽ ngã qụy khi bị cười nhạo. Shakespeare gọi sự nhạo báng là “những viên đạn giấy của trí óc”, nhưng những viên đạn đó đã giết nhiều người lính.
Không có gì lạ khi kẻ thù sỉ nhục tôi tớ Đức Chúa Trời.Gô-li-át đã cười nhạo Đa-vít khi cậu bé chăn chiên gặp tên khổng lồ chỉ với một cái ná bắn đá trong tay (ISa 17:41-47). Chúa Giê-xu đã bị quân lính chế nhạo suốt thời gian Ngài bị xử án (Lu 22:63-65) bị đám thường dân chế nhạo khi Ngài bị treo trên thập tự giá (Lu 23:35-37), và một số anh hùng đức tin đã phải chịu đựng sự nhạo báng (He 11:36).
Khi kẻ thù cười nhạo điều dân Đức Chúa Trời đang làm, đó thường là một dấu hiệu Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho dân Ngài cách kỳ diệu.Khi kẻ thù nổi giận trên đất thì ấy là lúc Đức Chúa Trời cười trên thiên đàng (Thi 2:4).
San-ba-lát và bạn bè ông ta đã bắt đầu nhạo báng dân Do Thái thậm chí trước khi công việc trên vách thành khởi sự. Nê-hê-mi viết: “Chúng cười nhạo báng và khinh bỉ chúng tôi” (Ne 2:19). Không biết San-ba-lát có mối liên hệ đặc biệt nào với quân Sa-ma-ri hay không thì chúng ta không rõ. Nhưng có lẽ ông đã cho quân đội tập hợp như một sự biểu dương sức mạnh để khiến dân Do-thái sợ hãi. Bằng cách diễn thuyết trước quân đội, Sa-ba-lát tăng cường sức mạnh của sự nhạo báng khi ông ra lệnh cho một số nhân vật quan trọng cười nhạo dân Do-thái.
Trước tiên, San-ba-lát nhạo báng các thợ xây bằng cách gọi họ là “những người Giu-đa yếu nhược” (Ne 4:2). Từ “yếu nhược” nghĩa là “tàn héo, khổ sở”. Dân sự giống như những bông hoa bị cắt đang tàn héo đi. Họ không có nguồn nhân lực mà con người có thể thấy, nhưng kẻ thù không thể thấy nguồn lực thuộc linh lớn lao của họ.
Con người trên thế gian không hiểu rằng Đức Chúa Trời vui mừng trong việc sử dụng những công cụ yếu ớt để khiến công việc Ngài được hoàn thành (ICôr 1:18-31). Thế gian tự hào về của cải và quyền lực, nhưng dân Đức Chúa Trời tự hào về sự nghèo nàn và yếu đuối của họ. Khi chúng ta yếu đuối thì đó là lúc chúng ta mạnh mẽ (IICôr 12:1-10).
Sau đó San-ba-lát đã nhạo báng công việc xây sửa này bằng cách đặt ra 3 câu hỏi chế nhạo. “Chúng nó sẽ tự xây công sự sao?” là việc sẽ khơi gợi lên tiếng cười chế giễu của đội quân Sa-ma-ri. Những người Do-thái yếu nhược còn sót lại là sao có thể xây nổi một vách thành đủ vững chắc để bảo vệ thành khỏi kẻ thù?
“Chúng nó há sẽ dâng của lễ ư?”, ám chỉ rằng “chúng sẽ thờ phượng và cầu nguyện nhiều hơn để xây lại thành!” Câu hỏi này là sự báng bổ Giê-hô-va Đức Chúa Trời, vì San-ba-lát phủ nhận việc Đức Chúa Trời sẽ giúp dân sự Ngài. “Trong một ngày chúng nó há sẽ làm xong sao?” gợi ý rằng dân Giu-đa không biết mức độ khó khăn như thế nào và chẳng bao lâu họ sẽ phải tuyên bố rút lui.
Trong câu hỏi sau cùng, San-ba-lát đã nhạo báng các vật liệu mà họ đang sử dụng. Những viên đá được đem ra khỏi những đống rác nên có lẽ quá cũ và hư hại đến nỗi chúng sẽ không tồn tại lâu được nữa khi chúng được đặt vào vách thành. Và quả thật đúng là đá vôi đã bị lửa làm cho bở hơn, còn các vách thành đúng là đã bị “đánh sập” trước đó, các cửa thì thực sự có “bị lửa thiêu đốt” (Ne 2:13). Mặc cho những gì San-ba-lát đã nói, vẫn có nhiều vật liệu tốt cho những thợ xây sử dụng.
Tô-bi-gia người Am-môn là một trong những quan chức đến kiểm tra quân đội Sa-ma-ri, và ông ta đã chế nhạo kết quả công việc (Ne 4:3). Rằng, chẳng cần đến một quân đội mới đánh sập vách thành, chỉ một con chồn hoang cũng có thể làm được điều đó!
Dĩ nhiên, nhiều điều San-ba-lát và Tô-bi-gia đã nói đều đúng theo quan điểm loài người, vì số người Do-thái sót lại yếu đuối và nghèo nàn, trong khi công việc lại quá lớn đối với họ. Nhưng họ có đức tin lớn nơi một Đức Chúa Trời vĩ đại, và đó là điều tạo nên sự thay đổi.
Nê-hê-mi đã phản ứng ra sao trước sự nhạo báng này? Ông cầu nguyện và xin Đức Chúa Trời chiến đấu với kẻ thù thay ông. Đây là lần thứ 3 bạn thấy Nê-hê-mi cầu nguyện (Ne 1:4-11; Ne 2:4) và đó sẽ không phải là lần cuối cùng. Nê-hê-mi không cho phép mình đi xa khỏi công việc của ông bằng cách mất thời gian đáp lời họ. Chúa đã nghe những lời nhạo báng của San-ba-lát và Tô-bi-gia, Ngài sẽ đối phó với họ theo cách của Ngài và trong giờ của Ngài.
Lời cầu nguyện của Nê-hê-mi giống với “những Thi-thiên rủa sả” như Thi 69:1-36; Thi 79:1-13; Thi 139:19-22. Chúng ta phải nhớ rằng Nê-hê-mi cầu nguyện với tư cách một tôi tớ Đức Chúa Trời quan tâm đến sự vinh hiển Ngài. Ông không cầu xin sự trả thù cá nhân nhưng cầu xin sự bênh vực công khai cho dân sự Đức Chúa Trời. Kẻ thù đã lộng ngôn khiêu khích Đức Chúa Trời trước những thợ xây, đây là một tội lỗi gớm ghiếc. Sự chống nghịch của San-ba-lát và Tô-bi-gia đối với dân Do-thái thật ra là sự chống đối Đức Chúa Trời.
Những điều con người nói có thể làm tổn thương chúng ta, nhưng họ không bao giờ có thể làm hại chúng ta, trừ khi chúng ta để họ xâm nhập vào hệ thống của chúng ta và đầu độc chúng ta. Nếu chúng ta mất thời gian suy nghĩ những lời nói của kẻ thù, chúng ta sẽ cho Sa-tan một chỗ đứng mà từ đó nó có thể tiến hành sự công kích khác gần với nhà chúng ta hơn. Điều tốt nhất để làm là cầu nguyện và giao mọi điều cho Chúa; rồi hãy trở lại công việc của bạn! Bất cứ điều gì ngăn trở bạn làm điều Đức Chúa Trời kêu gọi bạn chỉ sẽ giúp ích cho kẻ thù.
2. Những Âm Mưu Hăm Dọa (Ne 4:7-9)
Kẻ thù chung với mục đích tầm thường dung tục như nhau của chúng đã hiệp lại thành 4 nhóm người khác nhau ngăn trở công việc trên vách thành Giê-ru-sa-lem. Thành phố giờ đây hoàn toàn bị kẻ thù vây hãm! Ở phía Bắc là San-ba-lát và Tô-bi-gia; Ở phía Nam là Ghê-sem và những người A-rập; ở phía Tây là dân Ách-đốt. Ách-đốt có lẽ là thành phố quan trọng ở Philistia thời bấy giờ, và dân Phi-li-tin không muốn nhìn thấy một cộng đồng mạnh mẽ ở Giê-ru-sa-lem.
Dân sự Đức Chúa Trời đôi lúc gặp khó khăn khi làm việc với nhau, nhưng đối với người thế gian thì họ không gặp trở ngại gì khi họ xúm lại hè nhau chống nghịch công việc Chúa (Thi 2:1-2; Công 4:23-30; Lu 23:12). Khi kẻ thù nhìn thấy công việc Chúa tiến triển, chúng nổi giận và quyết định vạch kế hoạch tấn công bí mật vào Giê-ru-sa-lem.
Sa-tan ghét dân Do-thái và đã sử dụng dân tộc này đến dân tộc khác để huỷ diệt họ (Thi 85:1-13; Kh 12:1-18). Đức Chúa Trời đã chọn dân Do-thái làm phương tiện của Ngài để ban cho thế giới sự hiểu biết về Đức Chúa Trời chân thật, Kinh Thánh và Chúa Cứu Thế (Ro 9:1-5). “Sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến” (Gi 4:22) và Sa-tan muốn ngăn trở Chúa Cứu Thế đến thế gian. Nếu nó có thể hủy diệt dân tộc này, nó sẽ làm hỏng kế hoạch của Đức Chúa Trời.
Nê-hê-mi nghi ngờ kẻ thù sẽ thực hiện cuộc tấn công, nên ông cắt lính canh và khích lệ dân sự cầu nguyện. Các thợ xây sửa tay cầm công cụ làm việc và tay kia thì cầm binh khí (Ne 4:17), sẵn sàng chiến đấu khi có hiệu lệnh. “Tỉnh thức và cầu nguyện” kết hợp với đức tin và việc làm là một gương tốt cho chúng ta noi theo trong công việc và cuộc chiến của chúng ta (Mac 13:33; Mac 14:38; Eph 6:18; Co 4:2-4).
Cuộc chiến của Cơ-đốc nhân không phải chống lại thịt và huyết, nhưng chống lại Sa-tan và những thế lực gian ác tối tăm của nó sử dụng thịt và huyết để chống lại công việc của Chúa. Nếu chúng ta hy vọng thắng trận và hoàn thành công việc, chúng ta phải sử dụng vũ khí thuộc linh do Đức Chúa Trời cung cấp (Eph 6:10-18; IICo 10:1-6). Nếu chúng ta chỉ tập trung vào kẻ thù hữu hình và quên đi kẻ thù vô hình, thì chắc chắn chúng ta sẽ bắt đầu chỉ dựa vào tiềm lực của riêng mình; và điều này sẽ dẫn đến thất bại.
3. Sự Nản Lòng (Ne 4:10)
Những áp lực bên ngoài thường tạo ra những vấn đề bên trong. Không dễ thực hiện công việc của bạn khi bạn bị vây hãm bởi nguy hiểm và hằng ngày phải đối diện với những đòi hỏi của công việc dường như không thể làm được. Nếu dân Do-thái trở nên nản lòng, họ sẽ đánh bại chính mình; và San-ba-lát cùng các đồng minh của ông ta sẽ không bao giờ phải đánh trận.
Sự nản lòng là một vũ khí chính trong kho vũ khí của Sa-tan. Chính sự nản lòng đã ngăn trở Y-sơ-ra-ên bước vào Vùng Đất Hứa ở Kadesh-Barnea (Dân 13:1-33). “Chúng ta không đi lên cự dân này được, vì chúng nó mạnh hơn chúng ta” (c.31). Mười thám tử vô tín đã “làm nản lòng dân Y-sơ-ra-ên” (Dân 32:9); và kết quả là cả dân tộc đã lang thang trong đồng vắng 40 năm cho đến khi dòng dõi mới sẵn sàng chinh phục vùng đất.
“Chúng ta không thể!” là tiếng kêu giễu cợt của tất cả những người rời mắt khỏi Chúa và bắt đầu nhìn vào bản thân mình cùng những vấn đề của mình. Những nhân công người Do-thái nản lòng này thật sự đồng ý với kẻ thù là kẻ nói rằng họ yếu nhược! (Ne 219; Dân 4:1-3). San-ba-lát đã công khai tuyên bố rằng công việc sẽ bị đình trệ, và công việc gần như là vậy.
Vì sao sự nản lòng này xuất phát từ chi phái Giu-đa trung thành? (Sa 49:8-12). Họ là những người mang dòng máu di truyền của Đa-vít, như vậy bạn tưởng rằng họ sẽ có đức tin lớn và có lòng can đảm chăng. Câu trả lời được tìm thấy trong Ne 6:17-19. Một số người trong chi phái Giu-đa đã bí mật hợp tác với kẻ thù. Sự ràng buộc hôn nhân mạnh hơn sự ràng buộc của lời cam kết trước Chúa. Theo Ne 13:15-22 một số lãnh đạo của chi phái Giu-đa không hết lòng tận tuỵ vì Chúa, nhưng chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền. Sự kết hợp của hôn nhân và tiền bạc đã chia cắt sự trung thành của họ, và họ trở nên nguyên nhân của sự nản lòng.
Hơn 40 năm chức vụ, tôi đã học biết rằng, trong công việc Chúa, những người hay nản lòng thường là những người nghi ngờ và thỏa hiệp. Luôn luôn có điều gì đó không ổn trong bước đường thuộc linh của họ. Họ hay thiếu đức tin nơi Lời Đức Chúa Trời, họ chủ yếu quan tâm đến những kế hoạch và những sự đeo đuổi của riêng mình. Người hai lòng là người vô tín, hay thay đổi (Gia 1:5-8), hay ngăn trở công việc Chúa.
Nê-hê-mi đã không chú ý nhiều đến những người phàn nàn nhưng tiếp tục ngay với công việc. Đó là điều tốt nhất để làm. Nếu bạn mất thời gian từ công việc để lắng nghe những người chỉ muốn gây sự chú ý của bạn, thì bạn sẽ không bao giờ làm được việc gì. Nê-hê-mi có được sự khích lệ từ sự cầu nguyện và từ những lời hứa của Đức Chúa Trời, nên những lời phàn nàn thỉnh thoảng của một số người đã không làm ông bối rối.
4. Sự Sợ Hãi (Ne 4:11-23)
Dân Do-thái sống trong các làng bên ngoài (Ne 3:2,5,7,13) tiếp tục đến báo cho người trong thành biết kẻ thù đang chuẩn bị các cuộc tấn công bất ngờ khác. Những người Do-thái này chỉ đơn thuần đang rao tin đồn hay đang giúp kẻ thù tăng cường âm mưu nào đó thì chúng ta không biết được; nhưng họ liên tiếp báo tin như vậy. (từ vựng “10 lần” trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “nhiều lần”. (Sa 31:41; Dan 14:22). Nê-hê-mi không đáp lại ngay các tin tức đó và có lẽ đang cầu nguyện xin sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Bản thân ông không sợ kẻ thù; nhưng khi ông thấy dân sự trở nên sợ hãi, ông liền bắt đầu hành động.
Trong bài diễn văn khai mạc đầu tiên của mình vào ngày 4/3/1933, tổng thống Franklin Delano Roosevelt nói với một quốc gia sống trong cảnh suy sụp kinh tế rằng: “Điều duy nhất chúng ta phải sợ chính là sự sợ hãi”. Có thể ông đã mượn tư tưởng của Henry David Thoreau, nhà tự nhiên học người Mỹ, đã viết trong nhật ký của ông ngày 7/9/Dan 1851: “không có gì để sợ hãi nhiều như sự sợ hãi”. Vì sao vậy? Vì sự sợ hãi làm bạn tê liệt, và sự sợ hãi có tính lây lan làm tê liệt kẻ khác. Sự sợ hãi và đức tin không thể sống chung trong một tấm lòng. “Hỡi kẻ ít đức tin kia, sao các ngươi sợ?” (Mat 8:26). Những người sợ hãi làm nản lòng kẻ khác và đưa đến thất bại (Phuc 20:8).
Bước đầu tiên của Nê-hê-mi là đặt lính canh ở hầu hết những nơi trên vách thành dễ bị chú ý và có thể bị tấn công. Kẻ thù khi ấy có thể thấy rằng dân Do-thái đã sẳn sàng chiến đấu. Ông trang bị cho toàn bộ các gia đình, vì biết họ sẽ cùng đứng với nhau và khích lệ lẫn nhau. Dân Do-thái không chỉ tu sửa vách thành gần nhà riêng của họ (Ne 3:28-30), mà họ còn đứng chung với gia đình mình để bảo vệ nhà cửa và thành phố mình.
Sau khi nhìn qua tình hình, Nê-hê-mi khích lệ dân sự đừng sợ hãi mà hãy nhìn xem Chúa để được giúp đỡ. Nếu chúng ta kính sợ Chúa, chúng ta không cần phải sợ kẻ thù. Tâm trí của Nê-hê-mi được thu hút bởi Đức Chúa Trời “cực đại và đáng kinh” của Y-sơ-ra-ên (Ne 4:14; Ne 1:5) và ông biết rằng Đức Chúa Trời đủ mạnh để đối phó với thử thách. Ông cũng nhắc nhở dân sự rằng họ đang chiến đấu cho dân tộc, thành phố và gia đình mình. Nếu dân tộc bị hủy diệt thì những lời hứa lớn lao của Đức Chúa Trời đối với Y-sơ-ra-ên và kế hoạch cứu chuộc của Ngài sẽ còn có ý nghĩa gì ở đây ?
Khi chúng ta đối diện với hoàn cảnh nào đó tạo nên sự sợ hãi trong lòng mình, chúng ta hãy nhắc nhở bản thân về sự vĩ đại của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta bước đi bởi ngoại cảnh và nhìn Đức Chúa Trời bằng những nan đề, chúng ta sẽ thất bại như dân Do-thái ở Kadesh-Barnea vậy (Dân 13:26-33). Nhưng nếu chúng ta nhìn vấn đề bằng sự vĩ đại của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ có niềm tin quyết và thành công. Đó là cách Đa-vít đã sử dụng khi ông đối diện với Gô-li-át (ISa 17:45-47).
Khi kẻ thù biết Giê-ru-sa-lem đã được trang bị và sẵn sàng, chúng liền thối lui (Ne 4:15). Đức Chúa Trời đã làm thất bại âm mưu của chúng. “Đức Giê-hô-va khiến ý định của các nước ra hư không, Ngài khiến kế hoạch của các dân tộc vô hiệu quả. Ý định của Đức Giê-hô-va vững lập đời đời, những kế hoạch của lòng Ngài dành cho mọi thế hệ” (Thi 33:10-11 NKJV). Thật ích lợi biết bao khi chúng ta tự nhắc nhở mình rằng ý muốn của Đức Chúa Trời đến từ chính Ngài và chúng ta chẳng cần phải sợ hãi.
Nê-hê-mi biết ông không thể làm gián đoạn công việc mỗi khi ông nghe một tin đồn mới, vì vậy ông lập kế hoạch phòng thủ như vầy: nửa số những người làm việc trên vách thành, còn nửa số khác đứng canh gác. Ông ra lệnh cho những người làm vừa khiên vác vận chuyển vật liệu vừa mang binh khí sẵn trên người, và những người làm việc trên vách thành cũng thủ sẵn gươm bên mình.
Bằng cách này, công việc sẽ không bị gián đoạn, và những người làm việc sẽ sẵn sàng chiến đấu trong trường hợp báo động. Người mang kèn ở gần với Nê-hê-mi nên sự báo động có thể được thông báo lập tức. Dân sự sẵn sàng chiến đấu (Ne 4:14), nhưng họ nhận biết rằng chính Đức Chúa Trời là Đấng chiến đấu với họ và chỉ một mình Ngài mới có thể ban sự chiến thắng.
Khi Charles Spugeon mở đầu tạp chí Hội thánh của ông trong 1865, ông mượn nhan đề từ sách Nê-hê-mi và gọi kỳ xuất bản là “Gươm Và Cái Bay” (The Sword and Trowel). Ông nói đó là “một ghi chép về cuộc chiến đấu với tội lỗi và công lao cho Chúa”. Chỉ xây dựng vách thành thôi thì chưa đủ; chúng ta cũng phải canh gác để kẻ thù không cướp phá nó khỏi chúng ta. Xây dựng và chiến đấu là việc thường tình trong đời sống Cơ-đốc nếu chúng ta là những môn đồ trung tín (Lu 14:28-33).
Một lần nữa, Nê-hê-mi nói lên những lời khích lệ trước dân sự (Ne 4:19-20). Ông nhắc nhở họ rằng họ có liên quan đến một công việc đại sự. Xét cho cùng, họ đang hầu việc một Đức Chúa Trời vĩ đại và đang xây dựng lại những vách của một thành phố lớn. Ông cũng nhắc họ rằng họ không làm việc một mình, thậm chí dù họ không nhìn thấy các bạn đồng công trên vách thành. Đức Chúa Trời ở cùng tất cả họ và sẽ đến bảo vệ họ.
Dù các nhân công đang làm gì, hay họ lao động ở đâu trên vách thành, họ đều ngóng tai nghe tiếng kèn. Thật là một gương cho chúng ta noi theo khi chúng ta chờ đợi sự tái lâm của Chúa! “Vì chính Chúa sẽ ở trên trời giáng xuống với một tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, và với tiếng kèn của Đức Chúa Trời” (ITe 4:16).
Nê-hê-mi cũng lập thêm “mưu lược thứ 2” và yêu cầu những cộng sự từ các thành khác hãy đến tại Giê-ru-sa-lem ban đêm và giúp canh gác thành. Thường khi chúng ta ngủ, kẻ thù thực hiện công việc ngấm ngầm đen tối nhất của nó (Mat 13:25) và chúng ta phải canh gác.
Nê-hê-mi không chỉ sắp đặt người nào làm việc gì, người nào canh gác và khích lệ họ tin cậy Chúa, mà ông còn nêu gương tốt trước họ (Ne 4:23). Ông là một lãnh đạo hầu việc và là một tôi tớ dẫn dắt. Ông tiếp tục công việc và luôn cảnh giác. Ông kiểm tra những nơi phòng thủ của thành mỗi đêm và chắc chắn rằng các lính canh luôn làm nhiệm vụ.
Tiến sĩ Alan Redpath quá cố đã giải thích lý do dân Do-thái thành công trong việc thực hiện xong công việc của họ và cách ly kẻ thù: Dân sự có một tinh thần làm việc (c.6), một tấm lòng cầu nguyện (c.9), có con mắt quan sát (c.9) và có tai để nghe (c.20). Những điều này đã đem lại cho họ sự đắc thắng.
Họ còn có một lãnh đạo tin kính với đức tin vững vàng để đứng vững.
“Vậy… hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn” (ICo 15:58).
5. DỪNG LẠI! HỠI KẺ CƯỚP! (Ne 5:1-18)
Khi kẻ thù thất bại trong những cuộc tấn công từ bên ngoài, chúng bắt đầu tấn công từ bên trong, và một trong những vũ khí ưa thích của chúng là sự ích kỷ. Nếu nó có thể khiến chúng ta chỉ nghĩ về bản thân mình và về những điều chúng ta muốn mà thôi, thì chắc chắn nó sẽ đánh bại chúng ta trước khi chúng ta nhận ra rằng nó vẫn đang hoạt động.
Ích kỷ nghĩa là đặt cái tôi ở trung tâm của mọi sự và khăng khăng bắt lấy điều tôi muốn khi tôi cần. Nó còn có nghĩa là tôi sẽ khai thác, bóc lột người khác để tôi có thể sung sướng và lợi dụng họ để tôi có thể đạt được ý riêng của mình. Nó không chỉ là việc tôi muốn theo ý riêng tôi mà tôi còn muốn người khác cũng phải chiều theo ý tôi nữa. Vì sao người có tính ích kỷ lại sống quá khổ sở như vậy? Theo tôi thì Thomas Merton thật là có lý khi ông nói câu này: “ Nếu chúng ta nhìn người khác, sự kiện và hoàn cảnh của họ chỉ theo phương diện ảnh hưởng của chúng trên cái tôi cá nhân mình thì đó đúng là cuộc sống ở ngưỡng cửa địa ngục mà thôi”.
Chương này bày tỏ cho chúng ta thấy chiều sâu tội lỗi trong lòng người và bài học giúp mỗi chúng ta học cách yêu thương người lân cận như chính mình. Vở kịch cảm động này gồm có 3 hồi.
1. Tiếng Kêu La Lớn (Ne 5:1-5)
Giữa lúc dân sự đang làm “công việc lớn” (Ne 4:19) cho “Đức Chúa Trời cực đại” (Ne 1:5) thì có một “tiếng kêu la lớn” (Ne 5:1) vang lên giữa vòng họ. Họ kêu la lớn tiếng không phải nhằm chống lại dân Sa-ma-ri, dân Am-môn hay dân A-rập, nhưng để chống lại chính dân tộc của họ! Người Do-thái đang bóc lột người Do-thái, tình trạng kinh tế đã trở nên vô vọng đến nỗi cả các bà vợ (những người thường yên lặng) cũng tham gia phản đối.
Bao gồm có bốn nhóm người liên quan đến cuộc khủng hoảng này.
-Thứ nhất là những người không có đất canh tác nhưng cần thức ăn (c.2). Dân số gia tăng khiến nạn đói xảy ra (c.3) và người dân bị đói khát. Những người này không thể tự giúp mình nên họ kêu la với Nê-hê-mi xin được giúp đỡ.
-Nhóm thứ hai gồm những chủ đất đã cầm cố tài sản họ để mua thức ăn (c.3). Rõ ràng có sự lạm phát nổi lên, giá cả tăng vọt hơn trước. Nợ nần và lạm phát cùng nhau cướp đi tính vô tư của một con người rất nhanh chóng.
-Nhóm thứ 3 phàn nàn vì những khoản thuế quá cao, họ buộc phải vay tiền để đóng thuế (c.4). Vua Ba-tư trở nên giàu có nhờ vào những lễ vật cống nạp hằng năm, và rất ít trong số đó làm lợi cho các tỉnh địa phương.Không giống như hoàn cảnh chúng ta ngày nay, các khoản thuế không hỗ trợ cho những ngành phục vụ địa phương mà chúng chỉ hỗ trợ cho vua.
-Nhóm thứ 4 gồm những người Do-thái giàu có bóc lột chính anh chị em họ bằng cách cho những người ấy vay tiền và chiếm lấy đất đai cùng con cái họ để làm vật thế chấp (Le 25:39-40). Các con trai con gái Do-thái phải chọn lựa hoặc chết đói hoặc làm nô lệ!
Người Do-thái cho mượn tiền lẫn nhau không phải là bất hợp pháp, nhưng họ không được hành động như những kẻ cho vay tiền tính lời (Phuc 23:19-20). Họ phải đối xử với nhau bằng tình yêu ngay cả trong vấn đề thế chấp (Phuc 24:10-13; Xu 22:25-27) hoặc khiến một người anh em trở nên tôi tớ (Le 25:35-46). Con người và đất đai đều thuộc về Chúa, Ngài sẽ không để cho ai lợi dụng ai với mục đích tư lợi.
Một lý do cho “Năm Hân Hỉ” (Le 25:1-55) là để quân bình hệ thống kinh tế ở Y-sơ-ra-ên, hầu cho người giàu không thể giàu hơn khi người nghèo trở nên nghèo hơn. Mọi món nợ phải được xóa trong năm thứ 50, mọi đất đai được hoàn lại cho nguyên chủ, và mọi tôi tớ được trả tự do.
Những thương gia giàu có này đã bóc lột người nghèo một cách ích kỷ để làm cho mình trở nên giàu có. Họ sử dụng thế lực của mình để cướp bóc của một số người và đặt những người khác vào ách nô lệ. Sự tham lam là một trong những tội lỗi bị các tiên tri lên án trước khi xảy ra tình trạng giam cầm của dân Ba-by-lôn (Es 56:9-12; Gie 22:13-19; Am 2:6-7; Am 5:11-12). Đức Chúa Trời dành sự quan tâm đặc biệt cho người nghèo và sẽ không cầm bằng vô tội những kẻ lợi dụng người nghèo.
2. Một Cuộc Họp Lớn (Ne 5:6-13)
Đương đầu với kẻ thù ngoại bang là một việc, còn đối phó với chính dân sự của bạn khi họ tranh đấu với nhau hoàn toàn là một việc khác. Môi-se lúc còn trai trẻ đã biết rằng đánh bại một chỉ huy Ai-cập còn dễ hơn giải hòa hai người anh em Do-thái (Xu 2:11-15). Nê-hê-mi tỏ ra chức lãnh đạo đúng đắn của ông qua việc ông phản ứng đối với vấn đề.
• Sự giận dữ (Ne 5:6).
Đây không phải là sự cháy bùng của tính nóng giận đầy tội lỗi nhưng là sự bày tỏ lòng phẫn nộ công bình trước cảnh những thương gia áp bức anh chị em họ. “Anh em đương cơn giận thì chớ phạm tội” (Eph 4:26; Thi 4:4). Nê-hê-mi không phải là một chính trị gia đặt câu hỏi: “Điều gì được lòng dân?” hay một nhà ngoại giao hỏi: “Cái gì đúng?”. Cơn giận của ông là cơn giận thánh khiết chống lại tội lỗi, ông biết ông có luật của Đức Chúa Trời phía sau mình. Môi-se đã bày tỏ cơn giận thánh khiết này khi ông đập bể 2 bảng đá Luật Pháp (Xu 32:1-35), và Chúa Giê-xu cũng bày tỏ cơn giận khi Ngài thấy sự cứng lòng của người Pha-ri-si (Mac 3:5).
Vì sao Nê-hê-mi không biết về vấn đề kinh tế suy thoái này sớm hơn? Có lẽ vì ông quá mải mê với việc ông sắp làm xây lại vách thành, đến nỗi ông không có thời gian quan tâm đến những việc nội bộ của cộng đồng. Sứ mạng của ông với tư cách quan tổng trấn là xây lại vách thành và phục hồi các cửa, chớ không phải cải cách cộng đồng. Hơn nữa, Nê-hê-mi đã không có mặt trong thành đủ lâu để biết mọi điều đang xảy ra.
Thật quan trọng để chú ý rằng việc xây vách thành đã không tạo ra những vấn đề này mà chỉ làm lộ ra chúng. Thường khi Hội thánh bước vào một chương trình xây dựng nào đó thì sẽ có nhiều vấn đề bắt đầu nổi lên đến nỗi thậm chí người ta không biết là chúng đang hiện diện. Một chương trình xây dựng là một việc khắc khe thử nghiệm đức tin chúng ta, thử nghiệm sự kiên nhẫn cùng những ưu tiên của chúng ta, nó có thể đem lại điều tốt nhất cho một số người và bên cạnh đó nó cũng có thể đem đến điều xấu nhất cho những người khác.
• Sự bàn luận (Ne 5:7).
“Tôi bàn luận với chính mình” có nghĩa đen là “Lòng tôi bàn tính trong tôi”. Một người bạn của tôi gọi đây là “sự kết hợp những cái đầu”. Thật ra, Nê-hê-mi đã dồn hết tâm trí mình vào việc xem xét các vấn đề và tìm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Ông có sự kiểm soát về cảm giác và suy nghĩ của mình khiến ông có thể san sẻ chức lãnh đạo xây dựng cho dân sự.
“Người chậm nóng giận tháng hơn người dõng sĩ, và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành” (Ch 16:32). Nếu một lãnh đạo không thể tự chủ, người ấy sẽ chẳng bao giờ thành công trong việc điều khiển người khác.
Nê-hê-mi quyết định triệu tập một cuộc họp lớn (Ne 5:7) công khai đương đầu với những người có lòng ích kỷ đã tạo ra sự khó khăn và hoàn cảnh đau lòng này. Tội lỗi của họ là tội lỗi công khai gây đau khổ, liên quan đến cả dân tộc, nó đòi hỏi sự quở trách và sự ăn năn công khai.
• Sự quở trách (Ne 5:7-11).
Sự quở trách của Nê-hê-mi về những người bóc lột gồm có 6 sự kêu gọi khác nhau. Thứ nhất, ông kêu gọi sự yêu thương của họ bằng cách nhắc họ rằng họ đang cướp bóc chính những người Do-thái đồng hương của mình chứ không phải cướp của dân ngoại (c.7). Từ “anh em” được sử dụng 4 lần trong lời nói này. “Kìa, anh em ăn ở hoà thuận nhau, thật tốt đẹp thay!” (Thi 133:1), Áp-ra-ham nói với Lót: “Đừng để có sự cãi lẫy giữa ngươi và ta, vì chúng ta là cốt nhục” (Sa 13:8) (NIV).
Sự kêu gọi của ông được xây dựng vững chắc trên nền tảng là Lời Đức Chúa Trời, vì luật Môi-se cấm dân Do-thái đòi tiền lãi lẫn nhau. Dân tộc Do-thái đã lâm vào sự lưu đày của dân Ba-by-lôn vốn là một dân làm nông nghiệp, nhưng một số người đã trở nên vụ lợi, biết cách sử dụng tiền và kiếm tiền. Chắc chắn không có gì sai trái khi cho mượn tiền (Mat 25:27), miễn bạn đừng vi phạm Lời Chúa và bóc lột những người cô thế.
Đáng chú ý mức độ Kinh Thánh nói về cách sử dụng tiền bạc đúng và sai. Cũng đáng chú ý tình trạng nhiều người xưng là tín hữu nhưng đã bỏ qua những lẽ thật này và sử dụng nguồn lực của họ mà không cầu hỏi Chúa. Họ nghĩ rằng vì họ dâng phần 10 hoặc dâng lễ vật cho Chúa đầy đủ rồi, nên họ có thể làm điều họ hài lòng với thu nhập còn lại. Họ quên rằng chúng ta là quản gia quản lý mọi thứ mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, không phải chỉ đối với những gì chúng ta dâng cho Ngài mà thôi, và Ngài sẽ qui trách nhiệm cho chúng ta về chức quản gia của chúng ta.
Trong sự kêu gọi thứ 3, Nê-hê-mi nhắc họ về mục đích cứu chuộc của Đức Chúa Trời đối với Y-sơ-ra-ên (Ne 5:8). Trong quá khứ, Đức Chúa Trời đã chuộc dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập và gần đây hơn, Ngài đã cứu chuộc họ khỏi sự giam cầm ở Ba-by-lôn. Nhưng câu này cho chúng ta biết rằng Nê-hê-mi và những người khác lãnh đạo dân Do-thái đã giúp cứu chuộc một số người của dân họ, và giờ đây nhũng người Do-thái đồng hương của họ đang đặt con người vào ách nô lệ chỉ để kiếm tiền. Những kẻ cho vay tiền ích kỷ này đang phá đổ mọi điều Đức Chúa Trời và Nê-hê-mi đang tìm cách xây dựng.
Tự do là gì? Đó là đời sống được điều khiển bởi lẽ thật và được thôi thúc bởi tình yêu. Nhưng những người Do-thái môi giới bị thúc đẩy bởi sự tham lam và sự thờ ơ với lẽ thật về Lời Đức Chúa Trời. Sự vị kỷ của họ đặt chính họ và cả những chủ nợ của họ vào vòng nô lệ.
Sự làm chứng của Y-sơ-ra-ên trước dân ngoại láng giềng của họ (c.9) là sự kêu gọi thứ 4 của Nê-hê-mi bày tỏ trước những kẻ cho vay tiền tội lỗi. Đức Chúa Trời đã kêu gọi Y-sơ-ra-ên hãy làm “sự sáng cho các dân ngoại” (Es 42:6; Es 49:6), nhưng cách cư xử của họ chắc chắn chỉ là một chứng cớ cho những kẻ lân cận ngoại đạo mà thôi. Một số công dân Do-thái làm sao có thể xây cất vách thành trên phương diện này và nô dịch hóa kẻ lân cận họ trên phương diện khác được? Nếu chúng ta thật sự kính sợ Chúa, vậy chúng ta sẽ muốn tôn cao Ngài trước những người không tin Ngài.
Phao-lô đã sử dụng cách tương tự khi ông khiển trách các Cơ-đốc nhân Cô-rinh-tô vì họ dẫn nhau đến toà án. “Khi trong anh em ai có sự nghịch cùng người khác, sao dám để cho kẻ không công bình đoán xét hơn là cho các thánh đồ? Nhưng anh em kiện anh em, lại đem đến trước mặt kẻ chẳng tin!” (ICo 6:1,6). Thà mất tiền bạc còn hơn mất đặc quyền được làm chứng cho kẻ hư mất. Bạn luôn có cơ hội kiếm thêm được nhiều tiền hơn, nhưng bạn làm cách nào để phục hồi được các chứng cớ tai hại?
“Sự kính sợ Đức Chúa Trời chúng ta” không phải là sự sợ hãi yếu hèn của một nô lệ đối với một ông chủ, nhưng là sự kính trọng yêu mến của một người con đối với một người cha. Kính sợ Chúa nghĩa là tìm cách quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời trong mọi việc chúng ta làm. Nó có nghĩa là lắng nghe Lời Ngài, tôn trọng và vâng lời Ngài. Oswald Chambers đã viết: “Điều đáng chú ý về sự kính sợ Đức Chúa Trời là khi bạn kính sợ Ngài, bạn sẽ không sợ điều gì khác, còn nếu bạn không kính sợ Đức Chúa Trời, bạn sẽ sợ hãi mọi điều khác”.
Vì đời sống Nê-hê-mi được thúc đẩy bởi sự kính sợ Chúa (Ne 5:15), cho nên ông không sợ điều kẻ thù có thể làm (c.14,19). Sự kính sợ Chúa khiến Nê-hê-mi trở thành một tôi tớ trung tín của Ngài.
Dĩ nhiên, bước đi trong sự kính sợ Chúa nghĩa là bước đi bởi đức tin, tin cậy Đức Chúa Trời sẽ đối phó kẻ thù của bạn và một ngày nào đó Ngài sẽ giải quyết các sự việc cho bạn. Nó có nghĩa là tuyên bố trong (Mat 6:33) và dành cho những ưu tiên đúng đắn trong cuộc sống. “Sự kính sợ Đức Giê-hô-va dẫn đến sự sống, ai có nó sẽ ở trong sự thoả nguyện người ấy sẽ không bị tai hoạ đến thăm” (Ch 19:23 NKJV).
Trong Ne 5:10-11 Nê-hê-mi kêu nài người ta hãy noi theo sự thực hành cá nhân của ông. Ông cho ngưtời nghèo mượn tiền, nhưng ông không tính lời hay cướp của họ vật thế chấp (Xu 22:25). Không giống như một số lãnh đạo, Nê-hê-mi không bảo: “Hãy làm điều ta nói chứ đừng làm theo điều ta làm!”. Ông không phải là một kẻ đạo đức giả. Ông sống thực hành điều ông giảng dạy. Thật ra chương này sẽ đưa Nê-hê-mi đến chỗ chỉ ra mọi điều Đức Chúa Trời giúp ông thực hiện vì dân sự ông (Ne 5:14-19). Ông là một tấm gương tốt với tư cách một tín hữu và là một lãnh đạo.
“Một phần trăm” trong c.11 là phần lời được tính đối với tiền bạc, có lẽ được áp dụng từng tháng, tạo nên tổng số 12% lời 1 năm. Thông lệ này đã tiếp diễn trước khi Nê-hê-mi đến hiện trường, và giờ đây dân sự nản lòng khi họ cố gắng cân bằng ngân sách gia đình.
Là một người hành động, Nê-hê-mi bảo những kẻ môi giới hoàn lại cả tiền lời và vật thế chấp họ đã lấy của những người Do-thái đồng hương, cũng như tài sản họ đã đòi để thế nợ. Bước đức tin triệt để này và sự yêu thương sẽ không giải quyết tức thời mọi vấn đề kinh tế của dân sự, nhưng ít nhất nó cũng ngăn chặn được phần nào những vấn đề để chúng không trở nên tệ hại hơn. Nó cũng cho những người khốn khổ cơ hội thực hiện một khởi đầu mới trở lại.
Sự kêu gọi thứ 6 của Nê-hê-mi là nhắc dân sự về sự đoán xét của Chúa (c.12-13). Những kẻ môi giới hứa vâng lời, nên Nê-hê-mi bảo họ thề trong sự hiện diện của các thầy tế lễ và những quan chức khác trong thành. Điều này nghĩa là lời hứa của họ không chỉ giữa họ với người lân cận họ, mà còn giữa họ với Chúa, và đây là một điều hệ trọng. “Khi ngươi khấn hứa sự gì với Đức Chúa Trời, chớ chậm mà hoàn nguyện, vì Ngài chẳng vui thích kẻ dại, vậy khá trả điều gì ngươi hứa. Thà đừng khấn hứa, hơn là khấn hứa mà lại không trả” (Tr 5:4-5).
Cuộc họp lớn được kết thúc bằng 3 hành động nhấn mạnh sự hệ trọng của công việc.Trước hết, Nê-hê-mi giũ vạt áo ông, biểu hiện về điều Đức Chúa Trời sẽ làm đối với những kẻ cho vay tiền nếu họ không thực hiện lời hứa của họ. Giũ áo hoặc phủi bụi khỏi chân bạn là một hành động tiêu biểu của người Do-thái nói về sự kết án (Công 13:51; Công 18:6; Mat 10:14).
Khi ấy hội chúng hưởng ứng bằng một lời “A-men” đồng thanh, hơn cả một nghi thức Do-thái. Đó là sự tán thành nghiêm túc của họ đối với điều đã được nói và làm ở cuộc họp (Ne 8:6; Phuc 27:14). Từ “A-men” nghĩa là “như vậy”, nói cách khác “Nguyện Chúa làm mọi điều ông đã nói!”. Đó là một hành động thờ phượng khiến cả hội chúng trở thành một phần của những quyết định đã được thực hiện.
Khi ấy hội chúng hiệp nhất ngợi khen Chúa. Vì sao? Vì Đức Chúa Trời đã khiến Nê-hê-mi có thể giúp họ bắt đầu giải quyết những vấn đề của họ, và ông đã chỉ ra cho những người cho vay tiền biết tội lỗi của họ và hướng dẫn họ phục hồi. Cuộc họp lớn này không phải là “hội nghị kinh tế cấp cao”, mà đó là một lễ thờ phượng, nơi Nê-hê-mi đã đưa ra vấn đề tài chính lên đến mức độ căng thẳng nhất. Dân sự Đức Chúa Trời cần noi gương ông và giải quyết mọi vấn đề trong ánh sáng của ý muốn Đức Chúa Trời như được tuyên bố trong Lời Ngài.
3. Một Tấm Gương Lớn (Ne 5:14-19)
D.L.Moody đã nói: “Một đời sống thánh khiết sẽ sản sinh ra ấn tượng sâu sắc nhất. Những ngọn hải đăng không thổi chiếc kèn nào, chúng chỉ chiếu sáng mà thôi”. Trong thời đại của chúng ta có những vụ tai tiếng công khai ở hầu hết mọi lĩnh vực đời sống, đặc biệt là lĩnh vực chính trị, thật thú vị biết bao khi gặp một người như Nê-hê-mi là người đặt sự phục vụ dân sự trên việc tư lợi.
Nê-hê-mi chưa bao giờ đọc Phi 2:1-13 nhưng ông chắc chắn đã thực hành điều đó. Suốt kỳ hạn đầu 12 năm làm quan tổng trấn, và sau đó suốt kỳ hạn thứ hai của chức vụ (Ne 13:6-7) ông sử dụng những đặc quyền của mình để giúp đỡ dân sự, ông không sử dụng dân sự để xây một vương quốc cho bản thân.
Trong thời đó, hầu hết các quan chức đã sử dụng quyền hạn họ để tự thăng tiến và bảo vệ quyền lợi cá nhân họ. Họ rất ít quan tâm đến những nhu cầu của dân sự. Là con cái Đức Chúa Trời, tấm gương của chúng ta là Chúa Giê-xu Christ chớ không phải những lãnh đạo đời này (Lu 22:23-30). J.Oswald Sanders viết “Một thập tự đứng chắn lối chức lãnh đạo thuộc linh, một thập tự giá mà trên đó người lãnh đạo bằng lòng để bị đóng vào”.
Những người này là tấm gương cho chúng ta noi theo trên những phương diện nào? Trước hết, Nê-hê-mi và những trợ tá của ông đã không sử dụng khoản chi phí chính thức cho chi phí của gia đình họ, họ cũng không đánh thuế dân sự để có thức ăn gì đó. Họ đã trả những chi phí của mình từ túi của họ và không yêu cầu được trả lại.
Sứ đồ Phao-lô đã thực hiện một chính sách tương tự đối với Hội thánh tại Cô-rinh-tô. Lẽ ra ông có thể chấp nhận sự trợ giúp của họ, như ông đã nhận từ các Hội Thánh khác; Nhưng ông quyết định làm việc bằng chính tay mình và rao giảng Tin Lành cho họ “không thù lao” (ICo 9:1-27). Phao-lô đã không nói rằng mọi cộng sự Cơ-đốc phải làm điều này, vì “người làm công đáng được tiền lương mình” (Lu 10:7 ICo 9:14).
Nhưng mọi Cơ-đốc nhân phải noi gương Phao-lô trong việc cần có một thái độ thuộc linh quân bình đối với của cải và chức vụ. Chúng ta phải sẵn sàng hy sinh tư lợi vì ích lợi thuộc linh của kẻ khác (Công 20:33-35; ISa 12:3).
Người ta nói rằng lãnh đạo là những người chấp nhận nhiều sự khiển trách và ít uy tín, nhưng họ cũng là những người hy sinh thầm lặng để người khác có thể có được nhiều hơn.
Nê-hê-mi và các cộng sự của ông không chỉ trả chi phí cho mình, nhưng họ còn thận trọng không bóc lột dân sự trong bất cứ phương diện nào (Ne 5:15). Các tôi tớ của những quan tổng trấn trước đã sử dụng địa vị họ để tư lợi, có lẽ nhận hối lội từ dân sự và hứa đại diện họ trước quan tổng trấn. Đối với những người có quyền thế, sự cám dỗ thâu gom của cải và quyền lực luôn luôn hiện diện; Nhưng Nê-hê-mi với các bạn ông đã bước đi trong sự kính sợ Chúa và hầu việc Ngài cách thành thật.
Họ là những tấm gương ở phương diện thứ Ne 3: Họ đều dự phần vào việc xây dựng lại vách thành (c.16). Họ không phải là những cố vấn thỉnh thoảng xuất hiện từ những tháp ngà, nhưng là những cộng sự đứng chung với dân sự trong việc xây dựng và bảo vệ thành. Chúa Giê-xu đã phán, “Ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc” (Lu 22:27), và Nê-hê-mi với các trợ tá của ông đã có thái độ giống như vậy.
Nê-hê-mi còn là một tấm gương ở phương diện khác: Ông không chỉ trả tiền cho thức ăn của mình, ông còn chia sẻ những gì ông có với những người khác nữa (Ne 5:17-18). Ông thường xuyên cung cấp thức ăn cho hơn 150 người khác, cả cư dân lẫn khách kiều ngụ, ông đã cho họ một bữa ăn ngon lành tuyệt vời! (IVua 4:22-23 nói về chế độ ăn hằng ngày của Sa-lô-môn).
Người ta ước tính rằng số lượng thức ăn này sẽ đáp ứng nhu cầu của hơn 500 khách, vì vậy Nê-hê-mi chắc đã luôn giữ cho “nhà rộng mở”. Hoặc có thể ông đã chia sẻ những gì còn lại cho những người làm việc trên vách thành. Nhưng dù thế nào đi nữa, ông cũng đã đối đãi rộng rãi với người khác và không đòi hỏi sự thưởng công nào.
Ne 5:19 có lẽ cho thấy điều lớn lao nhất về sự phục vụ của Nê-hê-mi. Ông chỉ làm điều thật sự đẹp lòng Chúa. Đây là lời cầu nguyện thứ 4 trong các lời cầu nguyện của ông (Ne 1:5; Ne 2:5; Ne 4:4), một sự bày tỏ tuyệt vời về sự thờ phượng và lòng khiêm nhường. Ông không muốn sự khen ngợi hay phần thưởng từ dân sư, ông chỉ muốn phần thưởng Đức Chúa Trời sẽ ban cho ông vì sự phục vụ hy sinh của ông (Ne 13:14). Một số người có thể đã không đánh giá cao vị lãnh đạo của họ như họ đáng phải làm, nhưng điều đó không làm Nê-hê-mi khó chịu. Ông biết rằng sự đánh giá sau cùng sẽ đến từ Chúa, và ông vui lòng chờ đợi (ICôr 4:1-5).
Nếu bạn ở vị trí lãnh đạo thuộc linh, chương này có một số bài học quan trọng dành cho bạn.
-Trước hết, hãy nghĩ đến những vấn đề xảy ra giữa vòng dân sự bạn. Bất cứ nơi đâu bạn có dân sự, bạn đều có khả năng cho những vấn đề. Bất cứ nơi đâu công việc của Đức Chúa Trời đang tiến triển, kẻ thù chắc chắn sẽ làm cho rắc rối xảy ra. Đừng ngạc nhiên khi dân sự bạn không phải lúc nào cũng có thể hoà thuận với nhau.
-Thứ hai, hãy can đảm đối đầu với những vấn đề. “không có vấn đề nào quá lớn đến nỗi bạn không thể lờ nó đi” có thể là một triết lý hay đối với một nhân vật trong một trang truyện tranh khôi hài nào đó ở báo, nhưng nó sẽ không hiệu quả trong sự hầu việc Chúa. Mọi vấn đề mà bạn phớt lờ sẽ càng lún xuống, châm rễ sâu hơn, và kết trái đắng. Hãy cầu xin sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời và giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt.
-Thứ ba, hãy chắc rằng sự chính trực của bạn còn nguyên vẹn. Một lương tâm tội lỗi sẽ cướp đi của bạn quyền hạn thuộc linh mà bạn cần cho chức lãnh đạo đúng đắn, nhưng mọi sự hy sinh mà bạn thực hiện sẽ cho bạn thêm sức mạnh bạn cần để đánh bại kẻ thù.
-Cuối cùng, hãy tìm kiếm trong vấn đề một cơ hội cho Chúa hành động. Giải quyết những vấn đề trong chức vụ không phải là sự thực hành thuộc trí tuệ nhưng là một kinh nghiệm thuộc linh. Nếu chúng ta cậy sự khôn ngoan của thế gian, chúng ta sẽ đạt được điều thế gian có thể làm được, nhưng nếu chúng ta cậy sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ đạt được điều Đức Chúa Trời có thể làm được.
Tất cả những điều chúng ta nói và làm phải được thôi thúc bởi tình yêu, được điều khiển bởi lẽ thật và được thực hiện vì vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Công việc của dân sự Chúa lúc bấy giờ đã bị gián đoạn do sự triệu tập cuộc họp và sự giải quyết những vấn đề kinh tế, và giờ là lúc mọi người ở lại vị trí của mình trên vách thành. Nhưng kẻ thù của Nê-hê-mi cũng sẽ rất bận rộn. Lúc này chúng sẽ nhắm vào dân sự Chúa và nhả đạn, đặc biệt là nhắm vào vào Nê-hê-mi, tìm cách đánh bại ông bằng 4 mưu kế thâm độc.
6. CHÚNG TÔI ĐÃ NGHE KẺ THÙ VÀ HẮN LÀ KẺ NÓI DỐI (Ne 6:1-18)
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Nê-hê-mi, dân sự đã hoàn tất việc xây dựng lại các vách thành. Giờ đây mọi việc còn lại phải làm là phục hồi các cửa và củng cố cộng đồng bên trong vách thành. Vì San-ba-lát và các bạn ông ta đã thất bại thảm hại trong những cố gắng của họ để ngăn trở dân sự làm việc, họ quyết định tập trung những cuộc công kích vào Nê-hê-mi. Nếu họ có thể loại trừ ông, thậm chí làm mất uy tín ông, thì họ có thể huy động các đồng minh sống trong Giê-ru-sa-lem (Ne 6:17-18) và chiếm lấy thành.
Người bình thường không nhận ra những áp lực to lớn và những thử nghiệm mà người ta trải qua từng ngày trong vị trí lãnh đạo. Những lãnh đạo thường bị khiển trách về những điều họ đã không làm và bị chỉ trích về những điều họ đã cố gắng làm.
Họ bị đánh giá sai, bị hiểu lầm và hiếm khi được có cơ hội để tường thuật minh bạch. Nếu họ hành động nhanh chóng, thì người ta cho là họ liều lĩnh; Nếu họ chờ thời gian, thì người ta bảo họ nhát gan hoặc hờ hững. Đề cập đến những áp lực của chức lãnh đạo, Tổng thống Harry Truman đã viết: “Nếu bạn không thể chịu nổi sức nóng, thì hãy ra khỏi nhà bếp!”.
Những người ở vị trí lãnh đạo thuộc linh không chỉ có những áp lực mà mọi lãnh đạo đối diện, họ còn phải chiến đấu với kẻ thù ghê gớm là kẻ lừa dối bậc thầy và là kẻ giết người. Sa-tan hiện đến như con rắn lừa dối hoặc như sư tử rống (IICôr 11:3; IPhi 5:8), các lãnh đạo thuộc linh phải cảnh giác và được trang bị vũ khí thuộc linh để chống lại nó. Dân sự Đức Chúa Trời cần phải cầu nguyện thành tâm, không chỉ cho những người có quyền hạn về dân sự ngoài đời thường (ITi 2:1-3), mà còn cho những người có quyền hạn về thuộc linh. Nếu Sa-tan có thể đánh bại một lãnh đạo Cơ-đốc, thì nó sẽ có thể làm hỏng toàn bộ chức vụ và làm mất uy tín mục đích của Đấng Christ.
Mục đích của kẻ thù là tạo ra sự sợ hãi trong lòng Nê-hê-mi và những cộng sự của ông (Ne 6:9,13-14,19) vì nó biết rằng sự sợ hãi hủy hoại đức tin và làm tê liệt đời sống. Adolph Hitler đã viết: “Sự bối rối tinh thần, sự mâu thuẫn cảm xúc, sự do dự, sự hoảng sợ; Đây là những vũ khí của chúng ta”. Cả Chúa Giê-xu (Lu 13:31-37) và Phao-lô (Công 21:10-14) đều đã phải đối diện với nỗi ám ảnh của sự sợ hãi, và cả hai đã khắc phục được nó bằng đức tin.
Nê-hê-mi đã không nghe những lời giả dối của kẻ thù. Ông cùng dân sự đã làm xong vách thành và lắp các cửa chỉ trong 52 ngày trước sự nhục nhã của kẻ thù họ (Ne 6:15-16). Sa-tan đã sử dụng 4 chiến lược để tấn công Nê-hê-mi, những chiến lược mà nó vẫn sử dụng để chống lại các lãnh đạo thuộc linh ngày nay.
1. Thương Lượng: “Chúng Ta Sẽ Giúp Ngươi Làm Việc” (Ne 6:1-4)
Cho đến thời điểm này trong chương trình xây dựng, San-ba-lát, Tô-bi-gia và Ghê-sem (Gát-mu) đã chống đối mọi điều dân Do-thái làm, nhưng giờ đây họ đề nghị hợp tác và giúp đỡ dân Do-thái xây dựng vách thành. Họ đề nghị gặp Nê-hê-mi tại một làng nọ giữa Giê-ru-sa-lem và Sa-ma-ri, là nơi yên tĩnh để họ có thể thực hiện những kế hoạch về cách làm việc với nhau “Chúng ta sẵn sàng gặp ngươi giữa đường” là cách của họ. “Bây giờ, chúng ta đừng làm người láng giềng không thân thiện !”
Dĩ nhiên, chiến lược của kẻ thù là: “Nếu ngươi không thể đánh bại họ, thì hãy hợp tác với họ và sau đó tiếp tục!”. Một khi kẻ thù có một chỗ đứng trong một chức vụ nào đó, thì nó lại bắt đầu làm suy yếu công việc của chúng ta từ bên trong, cuối cùng, nó sẽ khiến cho công việc ấy thất bại. Mặc dù sự hợp tác trong công việc Chúa là một điều cao quý, nhưng các lãnh đạo phải thận trọng việc họ hợp tác sao cho đúng người, đúng lúc, đúng mục đích;
Nếu không, họ có thể đi đến chỗ hợp tác với kẻ thù. Sa-tan là kẻ cầm đầu sự lừa dối và nó có những thuộc hạ sẵn sàng bắt tay với dân sự Đức Chúa Trời để có thể làm suy yếu tay họ trong công việc (IICôr 11:13-15).
Thích sự thương lượng và hợp tác có thể là những điều tốt và hữu ích nếu không có những vấn đề về đạo đức và thuộc linh liên quan. Sự thương lượng phước hạnh có thể tiếp sinh lực cho một cuộc hôn nhân hoặc củng cố cho một chức vụ (Phi 2:1-4), nhưng đây là một sự thương lượng giữa những người yêu nhau và cùng nghĩ đến mục đích chung. Khi bạn mời ma quỉ gia nhập đội của bạn, bạn hãy nghĩ đến việc nó sẽ thay đổi những nguyên tắc và mục đích, và bạn hãy nghĩ đến sự thất bại.
Nê-hê-mi đã từ chối đề nghị của họ vì 3 nhận thức.
-Thứ nhất, ông biết rằng họ đang nói dối và muốn giết ông (Ne 6:2). Nê-hê-mi đã có sự sáng suốt thuộc linh mà các lãnh đạo phải có nếu họ sắp khám phá chiến lược của kẻ thù và đánh bại nó.
-Thứ hai, ông nhận thức sự lớn lao của công việc Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông làm, dân sự ông sẽ đi kiếm sự lãnh đạo ở đâu? Một dự án không có lãnh đạo là một dự án không mục đích và cuối cùng thất bại. Các lãnh đạo phải làm gương tốt và tiếp tục công việc.
Suốt hơn 40 năm chức vụ, khi tôi quan sát những lãnh đạo Cơ-đốc đến rồi đi, tôi cố ghi lòng lời khuyên của Phao-lô: “Vậy thì, ai tưởng mình đứng hãy giữ kẻo ngã” (ICôr 10:12). Tôi để ý rằng khi các lãnh đạo trở nên nổi tiếng, họ thường đối diện với sự cám dỗ xao lãng công việc Đức Chúa Trời giao cho, gia nhập “nhóm truyền giáo hạng sang” và bắt đầu diễn thuyết khắp đất nước hoặc thế giới. Chẳng bao lâu, công việc ở gia đình bắt đầu thất bại, hôn nhân và gia đình của người lãnh đạo thường bị thất bại theo, kẻ thù đã đặt chân vào. Nếu không có một thay đổi triệt để được thực hiện cho những ưu tiên, thì kết quả là bi kịch đối với dân Đức Chúa Trời và cả công việc của Ngài.
Điều này không nói rằng các lãnh đạo Cơ-đốc đừng bao giờ rời khỏi gia đình để thi hành chức vụ nơi nào khác, vì họ là tài năng cho cả Hội thánh chớ không chỉ cho một công việc (Eph 4:11-12). Nhưng khi “chức vụ rộng lớn hơn” thích thú hơn công việc ở gia đình, các lãnh đạo phải coi chừng vì kẻ thù đang hành động. Tiến sĩ Oswald J.Smith thường nói: “Ánh sáng chiếu xa nhất sẽ chiếu sáng nhất tại gia đình”.
Đằng sau 2 nhận thức này là nhận thức thứ Eph 3: dân Do-thái không có chung điều gì với San-ba-lát và đoàn dân của ông ta cả, vì vậy có thể không có cơ sở nào cho sự hợp tác. Nê-hê-mi đã làm rõ điều đó từ lúc bắt đầu dự án khi ông nói với San-ba-lát, Tô-bi-gia và Ghê-sem rằng: “Nhưng đối với các ngươi, các ngươi không có phần gì trong Giê-ru-sa-lem hoặc sự xác nhận nào hay quyền lịch sử đối với nó” (Ne 2:10 NIV).
Dân sự Đức Chúa Trời khác với người của thế gian và phải duy trì vị trí riêng biệt của mình (IICôr 6:14-7:1). Nếu Nê-hê-mi hợp tác với San-ba-lát và các đồng minh của ông ta, làm sao ông có thể dẫn dắt dân tộc được chúa biệt riêng ra khỏi dân ngoại trong xứ? (Ne 9:2; Ne 10:28; Ne 13:3). Như vậy ông sẽ không kiên định.
Nê-hê-mi có sự sáng suốt và cả sự kiên quyết: Ông không muốn bị ảnh hưởng bởi những lời đề nghị liên tục của họ (Ne 6:4; Ne 4:12). Nếu lời đề nghị của họ sai lầm lần đầu, nó sẽ sai lầm lần thứ 4 hoặc lần thứ 5; và không có lý do gì để ông xem xét lại. Những quyết định chỉ được dựa trên những ý kiến thì có thể được xem xét lại, nhưng những quyết định dựa trên những nhận thức phải đứng vững trừ khi những nhận thức này bị thay đổi. Nếu không, quyết định trở thành sự do dự; người lãnh đạo cần phải là một cột hướng dẫn, trở thành một chong chóng gió dự báo thời tiết.
2. Sự Vu Cáo: “Chúng Ta Sẽ Nói Cho Mọi Người Biết Về Ngươi” (Ne 6:5-9)
Lần thứ 5 kẻ thù tiếp cận Nê-hê-mi, đó là bằng một bức thư công khai tố cáo ông về sự dấy loạn. Chúng đã nói bóng gió về cuộc nổi dậy của dân Do-thái trước khi dự án bắt đầu (Ne 2:19), có lẽ chúng đã mượn tư tưởng của những người đã ngăn cản việc xây đền thờ vào những năm về trước (Exo 4:1-24).
Thậm chí Chúa của chúng ta cũng bị kẻ thù Ngài tố cáo về việc dấy lên cuộc nổi loạn (Lu 23:1-5). Điều đó được xem là một sự buộc tội nghiêm trọng trong thời Nê-hê-mi, vì các vua Ba-tư không tha thứ cho sự chống đối nào của thần dân họ. Bất cứ có biểu hiện bóng gió nào về sự nổi loạn đều được viết ra lập tức một cách tàn nhẫn.
Thật thú vị để thấy mức độ kẻ thù sử dụng những bức thư trong những cuộc tấn công của chúng chống lại công việc Chúa (Ne 6:5,17,19). Một “thư không niêm” gởi cho một quan tổng trấn hoàng gia sẽ vừa là sự hăm dọa và sỉ nhục. Những thư gởi cho các quan chức được cuộn lại và được bảo đảm bằng những con dấu để chỉ ai có quyền hạn mới có thể mở đọc. San-ba-lát muốn công chúng biết nội dung của bức thư vì ông hy vọng sẽ phá hoại được thanh danh và quyền hạn của Nê-hê-mi. Nếu có một số nhân công trong dân sự tin vào những điều trong bức thư, thì San-ba-lát sẽ có thể điều khiển họ và tạo ra sự chia rẽ trong các hàng ngũ. Đó là một cơ hội tuyệt vời cho kẻ thù chia rẽ và chiến thắng.
Những lời tuyên bố như “người ta đã thuật lại” và “họ nói” đã gây rắc rối trong nhiều Hội thánh địa phương và những chức vụ khác. Trong mọi tổ chức, có những kẻ ngồi lê đôi mách, lởn vởn như những con kên kên, chực chờ miếng mồi ngon của sự vu cáo mà chúng có thể cùng nhau nuốt vào rồi nôn ra. Một người dí dỏm vô danh đã định nghĩa chuyện ngồi lê đôi mách;là tin tức mà bạn phải gấp rút nói ra cho người nào đó biết, trước khi bạn khám phá nó không có thật!
A.B.Simpson người thành lập Hội Phúc-Âm Liên Hiệp Truyền Giáo (Christian and Missionary Alliance) đã nói: “Tôi thà đùa với sấm chớp sáng lòe, hoặc đặt tay mình vào những mạch của dòng điện mạnh còn hơn nói một lời bất cẩn nghịch với tôi tớ nào của Đấng Christ, hay rỗi rãi tái diễn những ngọn phi tiêu vu cáo do hằng ngàn Cơ-đốc nhân đang phóng vào người khác, làm đau đớn linh hồn và thể xác họ”.
Kẻ thù không chỉ vu cáo Nê-hê-mi xui giục một cuộc dấy loạn, họ còn nói rằng ông đang lập kế hoạch tôn mình làm vua và cho các tiên tri chuẩn bị rao lễ đăng quang của ông (c.7). Nếu lời tường thuật này thấu đến tai vua Ba-tư, thì lập tức sẽ có sự trả thù và đó sẽ là kết thúc của dự án Giê-ru-sa-lem.
Lãnh đạo Cơ-đốc phải biết cách đối phó với sự vu cáo, những bức thư bậy bạ, những bản tường thuật vu vơ, những bài báo vô căn cứ và những chuyện ngồi lê đôi mách. Nếu không, những vũ khí quái ác này sẽ làm họ bối rối hầu cho họ sẽ đánh mất lập trường quan điểm của mình và phải tốn phí nhiều thời gian bênh vực mình đến nỗi họ sẽ xao lãng công việc Chúa.
Nê-hê-mi đã không phạm sai lầm đó. Ông chỉ phủ nhận những lời tường thuật vu cáo, và ông cầu nguyện với Đức Chúa Trời để được sức mạnh trở lại làm việc. Ông biết rằng tính cách của ông là vậy, cho nên sẽ không có người trung thực nào lại đi tin những tường thuật giả dối ấy.Nếu chúng ta lưu ý đến tính cách mình, thì chúng ta có thể tin cậy Đức Chúc Trời sẽ quan tâm đến thanh danh chúng ta.
Có đôi lần, giáo sư Kinh Thánh G.Campbell Morgan là mục tiêu của chuyện ngồi lê đôi mách độc ác, lên án ông về sự bất trung với niềm tin Cơ-đốc. Cách giải quyết vấn đề thông thường của ông là nói: “Nó sẽ qua mau. Khi đó, tôi yên lặng tiếp tục công việc mình”. Nê-hê-mi có lẽ sẽ tán đồng cách giải quyết của ông.
3. Những Lời Đe Doạ: “Chúng Ta Sẽ Bảo Vệ Mạng Sống Ngươi” (Ne 6:10-14)
Sê-ma-gia, một tiên tri làm mướn (c.12), nghĩ ra một kế hoạch khéo léo để gài bẫy Nê-hê-mi. Ông ta ẩn mình trong nhà và tạo ấn tượng rằng mạng sống ông ta đang ở trong nguy hiểm như Nê-hê-mi. Khi Nê-hê-mi đến gặp ông, Sê-ma-gia gợi ý rằng cả hai hãy cùng nhau trốn vào đền thờ, nơi kẻ thù không thể tìm đến họ (Xu 21:13-14; IVua 1:50-53). Lời của ông ta chính là “sự đe doạ” (Ne 6:10 NKJV).
Do tới lui đền thờ, có thể Sê-ma-gia thuộc dòng dõi thầy tế lễ; nhưng thậm chí điều này cũng không ảnh hưởng đến quyết định của Nê-hê-mi. Ông nhanh chóng nhận ra đây là trò lừa đảo và cho biết ông sẽ không chạy trốn khi đối diện với nguy hiểm. Trước tiên, ông không phải là loại lãnh đạo đó. Ông hỏi: “Một người như tôi đây sẽ chạy trốn ư?” (c.11). Ông đã nói trước đó “ta không thể xuống!” (c.3) và giờ đây ông tuyên bố: “Ta sẽ không vào!” (c.11). Nê-hê-mi là một người chăn chiên thật chớ không phải một kẻ làm mướn như Sê-ma-gia (Gi 10:12-13). Nếu ông chạy trốn trong đền thờ, điều đó sẽ hủy hoại thanh danh ông mãi mãi.
Nê-hê-mi khước từ đề nghị của Sê-ma-gia vì nó trái với Luật Môi-se. Một người bình thường bị cấm đi qua bàn thờ dâng hương ở đền thờ. “Người ngoại nào đến gần sẽ bị xử tử” (Dan 18:7b).
Khi vua Ô-xia tìm cách xâm phạm khu vực thánh, Đức Chúa Trời đã hành phạt ông bằng bệnh phung (IISu 26:16-21). Nê-hê-mi biết rằng Sê-ma-gia là một tiên tri giả vì sứ điệp ông ta rao ra mâu thuẩn với Lời Đức Chúa Trời (Phuc 13:1-5; Phuc 18:20-22). “Kinh Thánh nói gì?” (Ro 4:3) rằng chúng ta phải kiểm nghiệm bất cứ sứ điệp nào, dù sứ điệp đó đến từ người nào tuyên bố mình là một tôi tớ của Đức Chúa Trời. “Hãy theo luật pháp và lời chứng: nếu họ không nói theo lời này, bởi vì không có sự sáng trong họ” (Es 8:20).
Ne 6:14 cho biết có một âm mưu nghịch với Nê-hê-mi giữa vòng các tiên tri, kể cả một tiên tri tên Nô-a-đia. Điều này tạo nên nhiều áp lực cho Nê-hê-mi, vì dân Do-thái dành sự kính trọng lớn đối với những tiên tri của họ. Nê-hê-mi thuộc thiểu số, nhưng ông giữ vững lập trường mình. Ông là người bình thường bị nhóm người “tiên tri chuyên nghiệp” chống đối, nhưng ông không chịu thua. Ông cầu nguyện về họ và giao vấn đề cho Chúa. Trong câu 9 và 14, chúng ta có “lời cầu nguyện điện tín” thứ 5 và thứ 6 của Nê-hê-mi mà ôngđã gởi đến Chúa trong giờ khủng hoảng. Dĩ nhiên, đằng sau những lời cầu nguyện ngắn gián đoạn này là một đời sống cầu nguyện tăng sức mạnh cho chúng.
4. Mưu Đồ: “Chúng Ta Sẽ Không Chịu Thua” (Ne 6:15-19)
Sự hoàn tất vách thành “trong kỳ khó khăn” (Đa 9:25)là một sự bối rối cho kẻ thù, nhưng chúng đã không chịu thua. Sa-tan không phải là kẻ trốn việc trên chiến trường, thậm chí sau khi nó dường như đã thất trận. Nhiều Cơ-đốc nhân bất cẩn đã thắng trận nhưng về sau đánh mất chiến thắng. Sa-tan lúc nào cũng đang tìm kiếm “một thời cơ” (Lu 4:13) để tấn công những người chiến thắng và biến họ thành những nạn nhân. Chúng ta cần phải lưu ý lời khuyên của Mục sư tin kính người Ê-cốt, Andrew A.Bonar, người đã nói: “Chúng ta hãy cảnh giác sau chiến thắng cũng như trước cuộc chiến”.
Nếu bạn không thể nhìn thấy Sa-tan hoạt động, có thể vì nó đã độn thổ. Thật sự, chúng ta an toàn hơn khi chúng ta có thể thấy nó đang hoạt động so với khi những kẻ môi giới của nó được che giấu. Sự chống đối công khai tốt cho công việc của Đức Chúa Trời và những người làm việc cho Ngài vì nó giữ chúng ta cảnh giác với Sa-tan và tin cậy Chúa. “Hãy thức canh và cầu nguyện!” chắc chắn là một trong những lời khuyên chủ yếu của Nê-hê-mi đối với dân sự của ông (Ne 4:9).
Dường như không thể tin được rằng bất cứ người Do-thái nào cũng có thể bí mật hợp tác với kẻ thù, chứ đừng nói chi đến những người Giu-đa! Nếu có chi phái nào được phần lợi trong tương lai của “thành Đa-vít”, thì đó là chi phái Giu-đa: Vì Đức Chúa Trời đã hứa rằng một Chúa Cứu Thế và Vua sẽ đến từ chi phái của họ (Sa 49:10; IISa 7:1-29). Khi những người quyền quý này hợp tác với Tô-bi-gia, tức là họ đang chống lại Chúa, bất tuân với Lời Ngài, và gây nguy hại cho chính tương lai họ.
Vì sao họ lại làm một việc phản bội như thế? Trước hết, Tô-bi-gia đã viết cho họ những bức thư ảnh hưởng đến suy nghĩ của họ. Thay vì đi tìm sự thật, những người quyền quý này lại đi tin nơi những lời giả dối của kẻ thù và trở thành những người phản bội lại dân mình. Vì họ tin ông ta đúng, một số người chi phái Giu-đa thậm chí đã thề nguyện trung thành với Tô-bi-gia! Trong những bức thư của mình, Tô-bi-gia chắc chắn đã tâng bốc họ và đặt những lời hứa với họ, và họ đã ngu xuẩn tin ông ta. Những người quyền quý bí mật chuyền các bức thư ấy cho người khác, và vì vậy mưu đồ đã tiến triển.
Đừng tin mọi điều bạn đọc hay nghe về các lãnh đạo Cơ-đốc. Hãy xem xét nguồn gốc và sự kiên quyết không chấp nhận bất cứ điều gì mà không có chứng cớ. Đặc biệt hãy cẩn thận về tin tức nào đó do người trung gian nói về những lãnh đạo truyền giáo; đa số những người trung gian không thật đồng cảm với Phúc-Âm. Khi tìm kiếm những câu chuyện thú vị, một số người tường thuật sẽ thổi phồng những điều không quan trọng thành những điều gây tác động mạnh, còn những người khác sẽ nâng cao những lời tuyên bố hoàn toàn vuột khỏi bối cảnh.
Đáng buồn mà nói, ngay cả báo chí tôn giáo đôi khi cũng phạm vào kiểu xuyên tạc này, kể cả những sách xuất bản trong quân đội cũng đã quên cách “nói sự thật bằng sự yêu thương” (Eph 4:15). Có những lúc bạn chẳng biết liệu chúng ta đã đến cái chốn buồn bã mà Giê-rê-mi đã viết như vậy hay chưa: “Hãy coi chừng các bạn của ngươi, đừng tin cậy anh em ngươi. Vì mỗi anh em là một kẻ lừa phỉnh và mỗi người bạn là kẻ vu cáo” (Gie 4:9 NIV).
Làm sao những người Do-thái này có thể quay lưng lại với chính di sản của họ, anh chị em họ và Đức Chúa Trời của họ? Những mối dây liên hệ với con người mạnh hơn những mối dây của cảm xúc thuộc linh. Vì Tô-bi-gia bị trói buộc vào chi phái Giu-đa qua hôn nhân, cho nên những người quyền quý của chi phái Giu-đa đã bày tỏ lòng trung thành với ông ta mà họ lẽ ra phải bày tỏ với Đức Chúa Trời (Ne 6:18). Những người phái Giu-đa quên rằng họ đã được “gả” cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời và nợ Ngài tình yêu với lòng trung thành của họ.
Nhưng trước khi chúng ta chỉ trích những người Do-thái quyền quý này, chúng ta hãy tra xét chính đời sống mình. Chúng ta có hoàn toàn đầu phục Chúa và vâng lời Ngài trọn vẹn hay không? Chúng ta có bao giờ để cho những mối liên hệ con người ảnh hưởng đến những quyết định của mình quá nhiều đến nỗi chúng ta cố tình bất tuân Lời Đức Chúa Trời? Trong 25 năm chức vụ mục sư, tôi đã thấy có nhiều người xưng mình là Cơ-đốc nhân nhưng lại đi từ bỏ mối thông công trong Hội thánh vì điều gì đó đã xảy ra với một người bà con trong Hội thánh ấy.
Commodore Josiah Tatnall là một cái tên hầu như bị lãng quên trong lịch sử hải quân của Mỹ. Suốt những cuộc nổi dậy chống người Châu Âu ở Trung Quốc năm 1859, Tatnall đã được sự giúp đỡ của một đội tàu Anh trên sông Pei-ho và bị chỉ trích về điều đó. Trong bản thông báo của ông gởi cho Bộ trưởng hàng hải Mỹ, sự bênh vực của ông đơn giản chỉ vì: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã!”.
Lời tuyên bố tương tự như vậy đã được JohnRay ghi lại trong cuốn ngạn ngữ Anh của ông (“English Proverbs”) xuất bản năm 1670; vì vậy nó đã lưu truyền một thời gian dài. Ý nghĩa rõ ràng ở đây là: nói theo quan điểm con người, bạn phải có bổn phận đối với một người bà con lớn hơn đối với người lạ. Nhưng Chúa Giê-xu đã phán: “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta, ai yêu con trai hay là con cái hơn ta thì cũng không đáng cho ta” (Mat 10:37). “Giao-ước về huyết” đã hiệp nhất chúng ta với Đấng Christ là sự ràng buộc mạnh nhất và sự trung thành của chúng ta đối với Ngài phải đến trước tiên.
Những người quyền quý chi phái Giu-đa không thoả mãn khi chỉ nhận tin tức và những hướng dẫn từ Tô-bi-gia, mà họ cảm thấy cần thiết cho Tô-bi-gia biết mọi điều Nê-hê-mi đã nói! Chắc chắn họ hy vọng dành được sự chiếu cố của Tô-bi-gia và sẽ được phần thưởng lớn hơn khi Tô-bi-gia và các bạn ông ta chiếm Giê-ru-sa-lem.Trong mọi khả năng, họ là những kẻ phản bội dân tộc và phản bội Chúa. Mê-su-lam là một trong những người làm việc trên vách thành (Ne 3:4,30) nhưng gia đình ông đang phá hoại chính công việc ông đang làm.
Những người phản bội này thậm chí còn đi xa hơn nữa. Họ liên tục cho Nê-hê-mi biết Tô-bi-gia thật sự là một người tốt ra sao! “Kẻ bỏ luật pháp ngợi khen kẻ ác, còn người giữ luật pháp chiến đấu cùng chúng nó” (Ch 28:4). Nếu những người quyền quý chi phái Giu-đa chịu học hỏi và suy gẫm Lời Đức Chúa Trời, thì chắc chắn họ sẽ có sự sáng suốt và không bước đi “trong sự bàn bạc của kẻ bất kính” (Thi 1:1). Họ bị những lời giả dối và xu nịnh làm cho mù lòa và hoàn toàn không chạm đến được sự thật. Nơi họ không hề có sự sáng (Es 8:20).
Nhưng có phải hoàn cảnh lúc ấy khác nhiều so với hoàn cảnh trong những Hội thánh ngày nay chăng? Nó cảnh báo với tôi khi nghe những người tự xưng mình là Cơ-đốc nhân, tuyên bố mình là người “được dạy về Kinh Thánh” nhưng lại bày tỏ sự tán thành và ủng hộ của họ trước những người chỉ là những kẻ hám lợi tôn giáo. Bạn sẽ nghĩ rằng những vụ tai tiếng môi giới gần đây sẽ đánh thức người ta, nhưng không phải vậy. Giê-rê-mi viết: “Trong đất này đã xảy ra sự lạ lùng đáng gớm, những kẻ tiên tri nói tiên tri dối, các thầy tế lễ bởi đó mà cầm quyền, dân ta đều lấy làm ưu thích”. Và sau đó ông hỏi: “Khi đến cuối cùng, các ngươi sẽ làm gì?” (Gie 5:30-31). Thật vậy, chúng ta sắp phải đối diện với một ngày tính sổ của Chúa, và khi ấy sẽ như thế nào đây?
Tô-bi-gia cứ gởi những bức thơ cho những kẻ cung cấp tin của ông ta, và đến lượt họ tiếp tục bảo người ta thay đổi lòng trung thành của mình trước khi Giê-ru-sa-lem bị dân ngoại chiếm lấy. Nê-hê-mi phớt lờ những bức thư với những lời đe doạ và tiếp tục làm việc cho đến khi công việc được hoàn tất. Xét cho cùng, công việc của ông “thành được bởi Đức Chúa Trời của chúng tôi” (Ne 6:16), và khi Đức Chúa Trời bắt đầu côngviệc nào đó thì Ngài sẽ hoàn thành nó (Phi 1:6).
Câu chuyện bắt đầu với việc “Tôi bèn cầu nguyện” (Ne 2:4). Kế đến chúng ta đọc “Vậy, tôi đến Giê-ru-sa-lem” (c.11). “Vì vậy chúng làm mạnh mẽ tay mình vì công việc tốt lành này” (c.18) là mắt xích tiếp trong dây chuỗi được tiếp nối bởi: “Vậy chúng tôi xây cất vách thành” (Ne 4:6) và “chúng tôi là công việc là như vậy” (c.21).
Giờ đây chúng ta đi đến kết thúc của phần câu chuyện này: “Vậy, vách thành đã xong” (Ne 6:15). Nhưng điều này đánh dấu một khởi đầu mới, vì bây giờ Nê-hê-mi phải bảo vệ những gì ông đã hoàn thành. Cách ông thực hiện điều này là chủ đề của phần sách còn lại.
7. SỰ CẢNH GIÁC (Ne 7:1-73)
Vách thành đã được hoàn tất, các cửa được phục hồi, và kẻ thù bị thất vọng. Nhưng công việc của Nê-hê-mi chưa được hoàn chỉnh trọn vẹn. Giờ đây ông phải thực hành lẽ thật mà Phao-lô nhấn mạnh trong (Eph 6:13) “Và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng”.
Nê-hê-mi đã kiên định trong việc xây cất vách thành và chống cự kẻ thù, bây giờ ông phải kiên định trong việc củng cố và gìn giữ thành quả. Sứ đồ Giăng đã cảnh cáo “Chính các ngươi hãy giữ, hầu cho khỏi mất kết quả của công việc mình, nhưng cho được phần thưởng đầy đủ” (IIGi 1:8).
Một thành phố không chỉ có những vách thành, cửa, nhà ở, thành phố mà còn phải có con người. Trong nửa phần đầu của sách, dân sự đã tồn tại vì vách thành. Nhưng giờ đây vách thành phải tồn tại vì dân sự. Đây là lúc tổ chức cộng đồng để cư dân có thể vui hưởng chất lượng đời sống mà Đức Chúa Trời muốn họ có. Đức Chúa Trời đã sắm sẵn những điều lớn lao cho Giê-ru-sa-lem, vì một ngày nào đó Con Ngài sẽ đi trên các con đường của thành phố này, sẽ dạy dỗ trong đền thờ và chịu chết ngoài vách thành.
Chương này ghi lại 3 bước quan trọng mà bất cứ lãnh đạo nào cũng phải thực hiện để bảo vệ dân sự và công việc đã được hoàn tất.
1. Lập Chức Lãnh Đạo (Ne 7:1-3)
Napoleon đã mô tả người lãnh đạo như “một người giải quyết trong hy vọng” và Nê-hê-mi chắc chắn phù hợp với sự mô tả ấy. Trước khi công việc bắt đầu, ông gây cảm hứng cho dân sự bằng cách bảo đảm với họ rằng Đức Chúa Trời sẽ làm vững chắc những nỗ lực của họ (Ne 2:18-20).
Khi dân sự sợ hãi, ông cầu nguyện để Đức Chúa Trời sẽ làm họ mạnh mẽ (Ne 6:9). Khi kẻ thù đe dọa, Nê-hê-mi giữ vững lập trường, dũng cảm vạch trần sự lừa gạt của họ, cuối cùng công việc đã xong trong 52 ngày quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời.
Những trợ tá (Ne 7:2). Giống như tất cả các lãnh đạo tài giỏi, Nê-hê-mi biết ông không thể làm côngviệc một mình. Một trong những hành động chính thức đầu tiên của ông là bổ nhiệm 2 trợ tá gồm em trai ông là Ha-na-ni (Ne 1:2) và Ha-ni-nia là người có nhiệm vụ giữ thành trì (“cung điện”, xem Ne 2:8). Thành trì là một pháo đài trong khu vực đền thờ, bảo vệ vách thành phía Bắc nơi đặc biệt dễ bị tấn công. Ha-na-ni và Ha-na-nia sẽ làm việc với Rê-pha-gia (Ne 3:9) và Sa-lum (c.12) quản lý các quận trong thành.
Vì sao Nê-hê-mi tin rằng những người này sẽ là các lãnh đạo tốt? Rằng họ là những người có hai phẩm chất tuyệt diệu: trung tín với Đức Chúa Trời và kính sợ Ngài (Ne 7:2). Tấn sĩ Bob Jomes thường nói: “Tài năng tuyệt vời nhất là tính đáng tin cậy”. Nếu chúng ta thật sự kính sợ Chúa, chúng ta sẽ trung tín với công việc Ngài kêu gọi chúng ta làm. Khi những người lãnh đạo sợ con người thay vì sợ Đức Chúa Trời, thì chắc chắn họ sẽ đi đến chỗ mắc bẫy ma quỷ (Ch 29:25) và điều đó dẫn đến thất bại.
Những năm trước, Tiến sĩ Karl Jaspers, một bác sĩ thần kinh và cũng là một triết gia đã nói; “Quyền lực của sự lãnh đạo có vẻ xuống dốc khắp nơi. Chúng ta thấy ngày càng có nhiều người đạt đến đỉnh cao danh vọng nhưng con đường họ đi dường như chỉ đang nổi trôi” “Thủ trưởng” trước đây của tôi trong tổ chức “Youth For Christ International” là Tiến sĩ Ted Engstorom, đã viết: “Chúng ta thấy bi kịch của những người yếu đuối trong những vị trí quan trọng những người bé nhỏ trong những công việc lớn”. Nhà văn tiểu luận người Anh, Walter Savage Landor viết: “Khi những người bé nhỏ hắt ra những chiếc bóng dài, đó là một dấu hiệu mặt trời đang lặn”. Đúng là một lời tuyên bố về điềm xấu!
Không phải mọi người đều được kêu gọi trở thành người như Nê-hê-mi, nhưng một số người trong chúng ta có thể làm Ha-na-ni, Ha-na-nia, Rê-pha-gia hoặc Sa-lum và làm việc với những lãnh đạo do Đức Chúa Trời lập lên để giúp công việc được thực hiện đúng. Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những con người trung tín, kính sợ Chúa, là những người có lòng can đảm, có nhận thức hầu việc Ngài và thực hiện những gì có thể.
• Những người giữ cửa (Ne 7:1,3).
Các cửa mới và kiên cố có ích lợi gì nếu không có ai canh gác và kiểm soát người ra vào thành? Vách thành có lợi ích gì nếu các cửa mở ra cho mọi kẻ thù muốn vào thành? Theo tôi biết thì Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc đã bị kẻ thù xâm nhập ít nhất 4 lần, và mỗi lần như vậy đều do các lính canh bị mua chuộc. Các cửa và vách thành chỉ có lợi khi dân sự bảo vệ chúng.
Những người giữ cửa (“người gác cổng”, c.1) được chỉ thị những chỉ dẫn cụ thể biết khi nào thì mở và khi nào thì đóng cửa (c.3). Mở cửa vào buổi sáng sớm sẽ chỉ là lời mời kẻ thù bước vào thành trong lúc cả thành còn đang say ngủ và không phòng thủ sẵn sàng. Đóng và khóa cửa mà không có lính canh luân phiên thì đó là dịp cho những mật thám cơ hội lẻn vào thành mà không bị phát hiện.
• Những người canh gác.
Nê-hê-mi đã chỉ định 2 nhóm người canh gác (“canh giữ”, c.3) gồm có những người đi tuần tra vách thành ở những trạm cụ thể và những người canh gác gần nhà riêng của họ. Vì nhiều người đã làm việc trên các khu vực vách thành gần nhà họ (Ne 3:10,23,28-30), nên Nê-hê-mi giờ đây đòi hỏi họ canh gác những khu vực họ đã xây dựng. Có những lính gác tại các cửa, những người canh chừng trên vách thành, và còn có “sự canh chừng của láng giềng” chặt chẽ, cho nên thành phố được bảo vệ khỏi sự tấn công từ bên ngoài.
Tất cả các điều này đem đến một sứ điệp cho chúng ta ngày nay. Nếu dân sự Đức Chúa Trời không bảo vệ những gì họ đã hoàn thành cho Chúa, thì kẻ thù sẽ xâm nhập và chiếm lấy. Lời khuyên của Phao-lô phải được chúng ta lưu ý: “Và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng” (Eph 6:13b). Thật là một bi kịch khi các trường học đã từng có lòng trung thành với niềm tin thì ngày nay lại đang chối bỏ niềm tin ấy, các Hội thánh từng rao giảng Phúc-Âm thì giờ đây lại cho phép những người thi hành chức vụ của họ rao giảng “tin lành khác” trên bục giảng. Mỗi chức vụ Cơ Đốc là một quãng đời ngắn ngủi thoát khỏi sự huỷ diệt, và dân Đức Chúa Trời phải canh giữ.
Chúng ta cần người canh gác tại các cửa, những người trung tín sẽ không để cho những Cơ-đốc nhân giả hiệu bước vào và chiếm lấy chức vụ (IICo 11:13-15). Chúng ta cần những người canh chừng trên vách thành cảnh báo cho chúng ta biết khi kẻ thù sắp đến gần. Những bậc cha mẹ Cơ-đốc cần phải canh giữ nhà mình kẻo kẻ thù bước vào và bắt lấy con cái họ. Chính khi tôi tớ Đức Chúa Trời say ngủ và quá tự tin thì kẻ thù bước vào và gieo những điều giả dối (Mat 13:25) vì vậy chúng ta phải tỉnh thức và cảnh giác.
Trong thời đại này khi “thuyết đa nguyên” được đa số người giải thích là “đồng ý với mọi người về mọi việc và không tạo ra những con sóng”, Cơ-đốc nhân cần phải nhớ rằng họ phải biết phân biệt và phải kiểm nghiệm mọi thứ bằng Lời Đức Chúa Trời. Tuy thế gian có nhiều tôn giáo, nhưng “ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công 4:12). Bất cứ điều gì thay đổi sứ điệp đó hoặc làm suy yếu động cơ của chúng ta để rao ra sứ điệp ấy, đều thuộc về ma quỉ và phải bị chống lại. Chúng ta cần những lính canh nơi các cửa và những người canh gác trên vách thành, nếu không, kẻ thù sẽ chiếm lấy.
2. Thiết Lập Quyền Công Dân (Ne 7:4-69)
Phân đoạn này tương tự Exo 2:1-64. Nếu bạn so sánh 2 bản liệt kê, bạn sẽ thấy rằng một số tên và con số của Nê-hê-mi khác với tên và số lượng đã được ghi lại một thế kỷ trước khi những người bị lưu đày trở về từ Ba-by-lôn. Tuy nhiên, điều này không gợi ý rằng có những sai sót hay mâu thuẫn trong Kinh Thánh. Những sai sót trong việc đọc tên hay sao chép các con số có thể dễ dàng xảy ra qua một thế kỷ, và không có điều nào trong những khác biệt này ảnh hưởng đến bất cứ vấn đề gì về học thuyết hay nhiệm vụ.
Hơn nữa, những thầy thông giáo giữ những bản ghi chép công khai chắc chắn cập nhật hoá chúng sau khi cộng đồng được thiết lập ở Giê-ru-sa-lem. Exo 2:1-64 chỉ liệt kê tên của những người khởi hành với E-xơ-ra, nhưng có thể còn có nhiều người khác đã gia nhập nhóm sau khi danh sách của Xô-rô-ba-bên được hoàn tất.
Ví dụ, Exo 2:2 chỉ liệt kê 7 lãnh đạo, còn Ne 7:7 cho 12 tên, thêm vào Na-ha-ma-ni.“Nê-hun” trong Ne 7:7 có thể là “Rê-hum” trong Exo 2:2. Những thay đổi như thế phải được nghĩ đến trong những tài liệu xưa.
Đọc danh sách dài của những tên khó đọc này có thể gây chán nản cho sinh viên ngày nay, nhưng những người này là “chiếc cầu” của Đức Chúa Trời nối từ những thất bại của quá khứ đến những hy vọng của tương lai. Những người Do-thái này là “mắt xích sống động” kết hợp quá khứ lịch sử với tương lai tiên tri và khiến Chúa Giê-xu Christ có thể đến trong thế gian. Những điều Exo 2:1-64 và Ne 7:1-73 nói đến trong Cựu-ước chính là những điều mà He 11:1-40 đã đề cập trong Tân-ước: đó là một sự liệt kê những người có đức tin và có lòng can đảm khiến mọi sự có thể xảy ra.
Các thành phố ngày nay của chúng ta là “những nơi tụ cư” chủng tộc, nhưng ở Giê-ru-sa-lem thời bấy giờ, điều quan trọng là làm một người Do-thái và có thể chứng minh được dòng họ của bạn. Các gia phả là “những đường số mệnh” liên kết dân Do-thái không chỉ với di sản của quá khứ mà còn với hy vọng của họ về tương lai. Không phải cứ hễ chứng minh được dòng họ của bạn nghĩa là bạn thuộc thành phần công dân hạng hai và bi tách rời khỏi mọi điều Đức Chúa Trời đã ban cho Y-sơ-ra-ên (Ro 9:4-5). Nê-hê-mi muốn đưa dân cư đến thành phố thánh là những công dân biết mình là người Do-thái và tự hào về điều đó.
Có 10 nhóm người khác nhau được liệt kê ở đây, bắt đầu với những lãnh đạo đã trở về với Xô-rô-ba-bên (Ne 7:7). 12 người này có thể đại diện cho 12 chi phái Y-sơ-ra-ên, dù 10 chi phái đã bị quân A-sy-ri đồng hoá khi vương quốc phía Bắc bị chiếm đóng năm 722 TC “Nê-hê-mi” được đề cập ở đây không phải là tác giả của sách này, vì những người này đã sống gần một thế kỷ trước đó. Dường như đây là những trưởng lão của những người đã giúp Xô-rô-ba-bên, là quan tổng trấn, lập quốc.
Phần kế tiếp liệt kê những gia đình hoặc thị tộc (c.8-25) và số người trong mỗi gia đình đã trở về xứ. Câu 27-38 liệt kê dân sự theo các làng của họ. Họ biết họ từ đâu đến và không xấu hổ về điều đó! Nhiều người trong cư dân lưu động ngày nay của chúng ta chẳng quan tâm gì về nguồn gốc gia đình hoặc thậm chí sự trung thành của công dân.
Nhà là bất cứ nơi đâu có công việc của mình, cho dù nguồn gốc của bạn khởi đầu từ đâu. Cũng vậy, thay cho sự trung thành của họ trong địa phương, những người Do-thái này đặt ích lợi của Giê-ru-sa-lem lên trên hết (Thi 137:1-6). Chủ nghĩa ái quốc thật không có mâu thuẫn gì giữa việc yêu thành phố nơi mình ở và yêu đất nước mình, vì cả 2 là sự ban cho của Đức Chúa Trời.
• Nhân sự đền thờ được liệt kê tiếp theo:
Thầy tế lễ (Ne 7:39-42) người Lê-vi (c.43), người ca hát trong đền thờ (c.44), kẻ giữa cửa (c.45), và những tôi tớ khác của đền thờ (c.46-60). Trong lần trở về xứ đầu tiên, thật cần thiết để E-xơ-ra chọn những người Lê-vi hầu việc trong đền thờ đã được phục hồi (Exo 8:15-20). Có phải những người Lê-vi sống quá tiện nghi nơi Ba-by-lôn đến nỗi họ không muốn trở về hầu việc Chúa ở Giê-ru-sa-lem nữa chăng?
Những tôi tớ đền thờ (“người Nê-thi-nim”) đã được Đa-vít sắp đặt để giúp việc trong đền thờ (Ne 7:20) có thể là những tù binh chiến tranh hoặc con cháu của người Ga-ba-ôn (Gios 9:22-27), những người đã gánh vác bớt cho người Lê-vi những công việc nặng nề hằng ngày, như đốn củi và xách nước. “Các đầy tớ của Sa-lô-môn” (Ne 7:57) cũng là người ngoại bang làm việc cho vua. Việc những người không phải là dân Do-thái này đã sẵn sàng từ bỏ đời sống an toàn ở Ba-by-lôn để nhận những khó khăn của đời sống ở Giê-ru-sa-lem cho thấy rằng họ đã tin cậy Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Mặt khác, có lẽ họ bị các chủ buộc phải trở về.
Những người ca hát sẽ đóng vai trò quan trọng trong đời sống của thành. Có ít nhất 18 sự đề cập đến những người ca hát trong sách Nê-hê-mi và tám sự đề cập đến việc cảm tạ Chúa. Đã không có nhiều sự ca hát suốt thời kỳ lưu đày, khi dân tộc mất mối liên hệ với Đức Chúa Trời (Thi 137:1-9); Nhưng giờ đây họ cần những nhạc sĩ để duy trì sự thờ phượng trong đền thờ.
Có một nhóm người, kể cả một số thầy tế lễ, không thể chứng minh gia phổ của họ (Ne 7:61-65). Đối với các thầy tế lễ, điều này có nghĩa là bị sa thải khỏi chức vụ trong đền thờ cùng lợi tức thu từ phần mười và những của dâng hiến từ dân sự.
Nhưng luật Môi-se cho biết rõ chỉ những ai có dòng họ rõ ràng thuộc dòng A-rôn mới có thể thi hành chức vụ tại bàn thờ. Sau cùng có một hội chúng hỗn tạp hơn 7.000 tôi tớ (c.67). Vị tổng số hội chúng là trên 42.000 người (c.66), có khoảng 1/6 dân số làm nô lệ. Những người chủ Do Thái hẳn rất tử tế với đầy tớ họ vì rất nhiều người trong số họ muốn đi với chủ mình đến Giu-đê.
• Thú vật được đề cập đến trong (c.68-69).
Vì chúng có tầm quan trọng về mặt sống đối với kinh tế nông nghiệp Do-thái và đối với công việc tái thiết phục hồi quốc gia.
Tổng số người trong danh sách này là 29.818; nhưng tổng số của Nê-hê-mi là 42.360.
Khi bạn thêm 7.337 đầy tớ và 245 người ca hát và tổngsố 29.818, bạn được tổng số 37.400, một con số khác biệt là gần 5000 so với con số của Nê-hê-mi. Một số người thêm vào không được tính có thể là những thầy tế lễ không thể chứng minh được gia phả của họ (c.63-65) cũng như những người khác không phù hợp với bất kỳ hạng loại gia phả đặc biệt nào. Nếu chúng ta biết tất cả sự thật về cách Exo 2:1-64 và Ne 7:1-73 được sưu tầm và sao chép ra sao, chúng ta sẽ hiểu được những điều dường như khác nhau này.
Điều quan trọng không phải là đếm số người được bao nhiêu nhưng để nhận biết rằng đó là những người đã được tính đến. Khi rời Ba-by-lôn, họ không chỉ ghi tên mình vào danh sách. Họ còn ghi sự sống mình trên bàn thờ và liều bỏ mọi sự để vâng theo Chúa và phục hồi dân tộc Do-thái. Họ là “những người tiên phong của đức tin” tin cậy Đức Chúa Trời giúp họ có thể làm những việc không thể làm được.
Trước khi chúng ta rời khỏi phân đoạn này, sẽ có thể ích lợi cho bạn khi bạn tự hỏi: “Nếu tôi cần chứng minh gia phả của mình để được vào thành của Đức Chúa Trời, thì tôi phải làm gì ?” Bạn đang hướng đến một trong hai số phận thiên đàng hoặc địa ngục và chỉ những ai thuộc gia đình Đức Chúa Trời mới có thể bước vào thiên đàng. Bạn bước vào gia đình Đức Chúa Trời bằng cách tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của chính bạn, và chỉ có điều này mới bảo đảm cho lối vào thiên đàng của bạn (Gi 1:11,12; Gi 3:16; Gi 14:6).
3. Khích Lệ Sự Thờ Phượng (Ne 7:70-73)
Quyền công dân và chức lãnh đạo có thể cùng tạo nên một quốc gia, nhưng phải có sự thờ phượng để khiến quốc gia đó trở thành một quốc gia tin kính. John Stuart Mill đã viết: “Cuối cùng, giá trị của một quốc gia là giá trị của những cá nhân hình thành nó”. Nhưng giá trị của những cá nhân tuỳ thuộc vào mối liên hệ của nó với Đức Chúa Trời, và điều này đòi hỏi sự thờ phượng. Nếu sự tin kính của cá nhân xuống dốc, đạo đức của dân tộc cũng sẽ xuống dốc.
Đoạn Kinh Thánh tương tự là Exo 2:68-70 cho chúng ta biết rằng một số lãnh đạo Do-thái dâng hiến rời rộng cho chức vụ đền thờ. Nhưng Nê-hê-mi cho chúng ta biết rằng Quan tổng trấn (“Tirshatha”) và một số thường dân cũng dâng hiến cho Chúa.
Điều đó chỉ đúng đắn khi các lãnh đạo nêu gương. Một ngàn đa-riếc vàng (Ne 7:70)sẽ là 19 pound vàng (8,55 kg) và 20.000 đa-riếc vàng (c.71-72) sẽ bằng khoảng 375 pound (168,75 kg) vàng. Dường như là một số lãnh đạo Do-thái đã rời Ba-by-lôn và trở nên rất giàu có, với những đồ kim loại quý giá và các tôi tớ; nhưng sau đó chỉ trong một vài năm, kinh tế quốc gia đã suy sụp và đất nước ở trong cảnh suy yếu què quặt (Ag 1:1-15)
Nhưng mọi khoản tiền này sẽ vô dụng nếu nó không được dành cho những người thi hành chức vụ được Đức Chúa Trời chỉ định ở đền thờ: thầy tế lễ, người Lê-vi người ca hát và người giúp việc (Ne 7:73). Môi-se đã chỉ định những thị trấn đặc biệt cho các thầy tế lễ và người Lê-vi sống (Dan 35:1-8; Gie 21:1-14), nhưng sau đó Nê-hê-mi đã phải chuyển một số người đến Giê-ru-sa-lem (Ne 11:1-2).
Lúc này là tháng 7 (tháng 10-11) thời gian Y-sơ-ra-ên chờ đợi kỷ niệm Lễ Kèn, Lễ Chuộc Tội và Lễ Lều Tạm (Le 23:23-44). Không thể có thời gian nào tốt hơn cho Nê-hê-mi để kêu gọi dân sự nhóm lại tôn kính Lời Đức Chúa Trời, xưng tội và dâng mình cùng công việc họ làm cho Chúa. Những gì khởi đầu bằng sự quan tâm (Ne 1:1-11) nay đã dẫn đến sự xây dựng (chương 2-3) và mâu thuẫn (chương 4-7). Và bây giờ là lúc dành cho sự dâng hiến (chưong 8-12).
Khi chúng ta hầu việc Chúa, chúng ta phải luôn làm điều tốt nhất, nhưng nếu không có sự giúp đỡ và chúc phước của Ngài, ngay cả công việc tốt nhất của chúng ta cũng sẽ không bao giờ tồn tại. “Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, thì những thợ xây cất làm uổng công. Nhược bằng Đức Giê-hô-va không coi giữ thành, thì người canh thức canh luống công” (Thi 127:1). Nê-hê-mi biết rằng có một nhu cầu cấp thiết đối với dân sự để trở lại với Chúa và từ bỏ tội lỗi tiềm ẩn làm buồn lòng Ngài. Dù Nê-hê-mi là người đại diện chính thức của một vị vua ngoại đạo, nhưng ông đã làm mọi điều có thể để quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.
Một trong những bài học chính chúng ta có thể học từ chương Kinh Thánh dài này đó là con người có tầm quan trọng đối với Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời muốn thực hiện bước kế tiếp trong kế hoạch cứu chuộc của Ngài, Ngài đã kêu gọi một nhóm người Do-thái rời khỏi nơi lưu đày và trở về xứ họ.Ngài ban cho họ sự khích lệ từ các tiên tri và chức lãnh đạo từ những người kính sợ Đức Chúa Trời và muốn tôn kính Ngài. Chúa không sai một đoàn thiên sứ làm công việc này. Ngài đã sử dụng những người bình thường sẵn sàng giao phó tương lai họ vào những lời hứa của Đức Chúa Trời.
Ngày nay, Đức Chúa Trời vẫn đang kêu gọi con người rời khỏi “những Ba-by-lôn” cá nhân của họ và theo Ngài bằng đức tin. Hội thánh đang sống trong một thời kỳ của sự sỉ nhục (Ne 2:17), và có những “sự đổ nát” quanh chúng ta cần được xây dựng lại… Đa-vít đã hỏi: “Nếu các nền bị phá đổ người công bình sẽ làm sao?” (Thi 11:3). Câu trả lời đơn giản là: Người công bình có thể xây dựng lại những gì đã bị phá đổ và bắt đầu trở lại! Nếu bạn nghĩ rằng chiến thắng của kẻ thù là cuối cùng, vậy bạn đã đánh mất đức tin nơi những lời hứa của Đức Chúa Trời. Luôn có một khởi đầu mới cho những ai săn sàng trả giá.
Chương này cũng nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời đang giữ những bản khai trình của tôi tớ Ngài. Ngài biết chúng ta từ đâu đến, chúng ta thuộc gia đình nào, chúng ta dâng hiến ra sao, và chúng ta đã làm cho Ngài ở mức độ nào. Khi chúng ta đứng trước mặt Chúa, chúng ta sẽ phải khai trình về đời sống mình trước khi chúng ta có thể nhận phần thưởng (Ro 14:7-12) và chúng ta cần có thể khai trình một báo cáo tốt đẹp.
Một bài học thứ 3 chúng ta phải học là Chúa có thể giữ cho công việc của Ngài được tiếp tục. Nhóm người Do-thái lưu đày thứ nhất đã rời Ba-by-lôn đến Giu-đê vào năm 538 TC, mặc cho nhiều khó khăn cùng những cản trở, họ đã xây lại đền thờ và phục hồi sự thờ phượng. 80 năm sau đó, E-xơ-ra cùng nhóm người khác trở về, và 14 năm sau đó, Nê-hê-mi đến và xây lại vách thành với các cửa. Suốt thời kỳ của Xô-rô-ba-bên, Đức Chúa Trời đã dấy lên tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri để rao sứ điệp của Ngài cho dân sự Ngài.
Dù hoàn cảnh có thể gây nản lòng ra sao, Đức Chúa Trời vẫn có thể hoàn thành những mục đích của Ngài nếu chúng ta tin cậy Ngài và làm theo ý muốn Ngài. John Wesley đã đúng khi ông nói rằng Đức Chúa Trời đã mai táng những người làm việc của Ngài nhưng Ngài vẫn không ngừng tiếp tục công việc Ngài. Chúng ta đừng nản lòng!
Cuối cùng, và quan trọng nhất là, chúng ta đều phải chắc chắn rằng chúng ta biết mình đang ở trong gia đình của Đức Chúa Trời. Dù lý luận và quả quyết ra sao, thì những thầy tế lễ không có gia phả hợp pháp vẫn không thể bước vào khu vực đền thờ và thi hành chức vụ tại bàn thờ. Đức Chúa Trời không có ấn tượng với sự ra đời lần thứ nhất của chúng ta. Điều Ngài muốn là chúng ta phải trải qua sự tái sinh và trở nên con cái Ngài. Nếu bạn không chắc chắn về gia phả thuộc linh của mình, xin hãy đọc Gi 3:1-18 với IGi 5:9-13 và chắc chắn rằng tên bạn đã được ghi trên thiên đàng (Lu 10:20).
8. DÂN SỰ VÀ KINH THÁNH (Ne 8:1-18)
Nhà văn người Pháp Victo Hugo cách đây hơn 1 thế kỷ đã nói: “Nước Anh có hai quyển sách, Kinh Thánh và Shakespeare. Nước Anh đã tạo nên Shakespeare nhưng Kinh Thánh đã tạo nên nước Anh”. Hỗ trợ cho quan điểm đó, các sử gia cho chúng ta biết rằng Nước Anh của Elizabeth đệ I thật sự là một đất nước của một quyển sách, và quyển sách đó là Kinh Thánh.
Khi đến nước Mỹ, tổ phụ của những người hành hương đã đem theo lòng kính trọng đối với Lời Đức Chúa Trời giống như vậy.
Chính khách người Mỹ Daniel Webster nói: “Kinh Thánh đã đến với họ, và đó đúng là thời kỳ Kinh Thánh được đọc tự do, phổ biến, con người ở đó mang ơn những quan điểm đúng đắn về đặc quyền công dân”.
Tổng thống Woodrow Wilson đã nói: “Nước Mỹ được sinh ra để minh hoạ cho sự tận tâm đó đối với những yếu tố về sự công bình, bắt nguồn từ những mặc khải của Kinh Thánh”.
Kinh Thánh có đang “tạo ra” quốc gia nào ngày nay hay không thì đó là vấn đề có thể được tranh cãi, nhưng có một điều chắc chắn là: Kinh Thánh đã giúp “tạo nên” dân tộc Y-sơ-ra-ên. Họ là một “dân của quyển sách” không như dân tộc nào khác, Hội thánh ngày nay sẽ hành động đúng theo gương Y-sơ-ra-ên xưa. Khi dân Đức Chúa Trời đi xa khỏi sự yêu thương, không đọc và không vâng theo Lời Đức Chúa Trời nữa họ đã đánh mất sự chúc phước của Ngài. Nếu chúng ta muốn trở nên những cây trồng đơm hoa kết trái, thì chúng ta phải vui mừng thỏa lòng nơi Đức Chúa Trời (Thi 1:2-3).
Điều này giải thích lý do Nê-hê-mi triệu tập một “Hội nghị Kinh Thánh” và mời thầy thông giáo E-xơ-ra làm thầy giảng dạy. Vách thành giờ đây đã hoàn tất và các cửa được lắp vào. Những nhu cầu vật chất của thành đã được đáp ứng. Giờ là lúc tập trung vào những nhu cầu thuộc linh của dân sự trong thành. Chương 8-13 của sách ghi lại chức vụ thuộc linh đó: dạy dỗ dân sự (chương 8), xưng tội (chương 9), dâng hiến cho chi phí xây sửa vách thành (chương 10-12), và làm thánh sạch mối giao thông (chương 13).
Thật quan trọng để chú ý rằng E-xơ-ra và Nê-hê-mi đã đặt Lời Đức Chúa Trời lên trên hết trong đời sống của thành. Điều xảy ra tại Giê-ru-sa-lem từ thời điểm đó là kết quả của sự hưởng ứng của dân sự đối với Kinh Thánh. Tấn sĩ D.Martyn Lloyd Jones đã nói: “Nhiệm vụ chủ yếu của Hội thánh và của người thi hành chức vụ Cơ-đốc là rao giảng Lời Đức Chúa Trời. Những giai đoạn và thời đại suy tàn trong lịch sử Hội thánh luôn là những giai đoạn khi sự rao giảng xuống dốc”. Thánh Linh Đức Chúa Trời sử dụng Lời Ngài để tẩy thanh và hồi sinh tấm lòng của dân sự Chúa.
Nếu Đức Chúa Trời cần phải hành động trong và qua dân sự Ngài, thì họ phải tích cực hưởng ứng Lời Ngài; và chương này mô tả 3 hưởng ứng cơ bản: hiểu Lời Chúa (Ne 8:1-8) vui mừng nơi Lời Chúa (c.9-12) và vâng theo Lời Ngài (c.13-18). Cả con người tâm trí (hiểu), tấm lòng (vui mừng) và ý chí (vâng lời) phải là tù nhân đối với lẽ thật của Đức Chúa Trời.
1. Chúng Ta Phải Hiểu Lời Đức Chúa Trời (Ne 8:1-8)
Kinh Thánh không phải là một “cuốn sách thần thông” thay đổi con người hoặc hoàn cảnh do ai đó đọc hoặc thuộc lòng nó. Lời Đức Chúa Trời phải được hiểu trước khi nó có thể vào lòng và phát ra quyền năng thay đổi đời sống. Hãy chú ý trong chương này bạn có thể tìm thấy từ “hiểu” được đề cập 6 lần (c.2-3,7,8,113). Chỉ những người đủ tuổi để hiểu Kinh Thánh được cho phép có mặt trong buổi nhóm (c.3). Trong “Ví dụ về người gieo giống” của Chúa chúng ta (Mat 13:1-9,18-23), sự nhấn mạnh là hiểu Lời Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu ví sánh việc hiểu và tiếp nhận Lời Đức Chúa Trời với việc gieo giống trong đất, nơi nó châm rễ và kết quả.
E-xơ-ra là người lý tưởng để hướng dẫn trường Kinh Thánh ngoài trời này. Ông là thầy tế lễ va cũng là thầy thông giáo “đã được chuẩn bị tấm lòng để tra xét luật pháp của Đức Giê-hô-va, làm theo và dạy cho dân Y-sơ-ra-ên” (Exo 7:10). Ông đã đến Giê-ru-sa-lem 14 năm trước khi Nê-hê-mi đến và đã tìm cách đem dân sự trở lại đường lối của Chúa (Exo 7:1-10:44).
Việc các lãnh đạo chọn Cửa Nước làm địa điểm cho buổi nhóm thật thú vị. Trong Kinh Thánh, nước để rửa là một hình ảnh về Lời Đức Chúa Trời (Gi 15:3; Eph 5:26) còn nước để uống là hình ảnh về Đức Thánh Linh (Gi 7:37-39). Khi chúng ta ứng dụng nước của Lời Chúa vào đời sống mình, khi ấy Đức Thánh Linh có thể hành động và đem đến sự giúp đỡ chúng ta cần. Thật sảng khoái cho linh hồn khi bạn tiếp nhận Lời Chúa và để Chúa Thánh Linh dạy dỗ bạn.
Hãy để ý những chức vụ khác nhau mà E-xơ-ra đã thực hiện vì dân sự suốt hội nghị đặc biệt đó.
• Ông đem đến Quyển Sách (Ne 8:1-4).
Đó là vào ngày đầu tiên của tháng 7 của người Do-thái, tương đương với ngày Tết Tây của chúng ta. Tháng 7 là thời gian đặc biệt trong lịch Do-thái vì dân Do-thái kỷ niệm Lễ Kèn vào ngày đầu tiên, Lễ Chuộc Tội vào ngày 10, và Lễ Lều Tạm từ ngày 15 đến ngày 21 (Le 23:23-44). Đó là thời gian thuận tiện cho dân tộc để họ trở lại với Chúa và thực hiện một khởi đầu mới mẻ trở lại.
• Sách mà E-xơ-ra đem đến là “Sách Luật Pháp”.
Đây có thể là toàn bộ cổ bản về luật Do-thái giáo. Năm sách Môi-se là cơ sở chính của Do-thái giáo và luật công dân. Dường như không phải E-xơ-ra đã đọc và giải thích cả cả 5 sách Môi-se trong thời gian ngắn đó. Có thể ông đã tập trung vào việc giải thích sách Phục Truyền và đề cập những sách khác theo như ông cần.
E-xơ-ra đứng trên một bục gỗ (“bục giảng”) cao hơn dân sự, vì vậy họ có thể thấy và nghe ông rõ hơn. Ông đối mặt với quảng trường công cộng nơi dân sự đứng, và vách thành với cửa phía sau ông có thể phục vụ như một màn hướng âm giúp phát âm thanh của ông đến hội chúng đông đảo, Trong câu 4, ông kể tên 13 người đứng với ông, có lẽ là những lãnh đạo đại diện cho các chi phái. Thêm 13 người được kể tên trong c.7 cùng với người Lê-vi. Có lẽ họ là những thầy tế lễ giảng dạy.
• Ông mở Quyển Sách (Ne 8:5-6).
Khi E-xơ-ra nâng cuộc giấy và mở cuộn giấy đến đoạn ông sẽ đọc, dân sự ngồi trong quảng trường tỏ lòng tôn kính Lời Đức Chúa Trời bằng cách đứng lên.Họ biết họ sẽ không phải chỉ nghe một người đang nói ý theo mình; mà họ sẽ nghe chính Lời Đức Chúa Trời (ITe 2:13). Dân sự vẫn đứng trong khi Luật Pháp được đọc và giải thích (Ne 8:7).
E-xơ-ra bắt đầu việc đọc và dạy dỗ từ sáng sớm và tiếp tục đến trưa (c.3) nghĩa là hội chúng đứng và lắng nghe trong 5 hoặc 6 tiếng đồng hồ, việc này tiếp diễn suốt một tuần lễ (c.18). Chắc chắn mỗi giờ ông cho dân sự cơ hội giải lao, nhưng dân sự có mặt ở đó nghe Lời Đức Chúa Trời phán và sẵn sàng đứng nghe.
Sau khi ông mở Lời Chúa, “E-xơ-ra ngợi khen Chúa, Đức Chúa Trời cao cả” (c.6). Trong nhiều Hội thánh, có một sự ngợi khen sau khi đọc Kinh Thánh, nhưng chắc chắn không có gì sai trái với việc tôn vinh Chúa và Lời Ngài trước khi chúng ta đọc và nghe Lời Ngài. Dân sự xác nhận lời của ông bằng cách nói “A-men, A-men” (Ne 5:13), nghĩa là “nguyện như vậy!” Đó là một hội chúng hiệp nhất (Ne 8:1) tôn kính Lời Kinh Thánh và sẵn sàng dành nửa ngày của họ để nghe Lời Kinh Thánh được đọc và dạy dỗ. Ở đây họ không thờ lạy Quyển Sách. Họ chỉ thờ lạy Chúa là Đấng phán với họ qua Quyển Sách này.
Các Hội thánh của chúng ta ngày nay có một nhu cầu cấp thiết trong lễ thờ phượng chung để bày tỏ nhiều hơn về sự kính trọng Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta được bảo phải “chú ý đến việc đọc Kinh Thánh chung” (ITi 4:13), nhưng trong nhiều Hội thánh, Lời Kinh Thánh duy nhất được đọc chung là đoạn Kinh Thánh của bài giảng. “Những Hội thánh tự do” chỉ trích “những Hội thánh nghi thức” về việc bị trói buộc vào truyền thống, nhưng những Hội thánh gọi là “nghi thức” ít nhất dâng mình vào việc đọc Lời Chúa có hệ thống (Từ “nghi thức” đơn giản nghĩa là “một dạng thờ phượng chung”. Mọi Hội thánh đều có một nghi thức, hoặc tốt hoặc xấu).
Chúng ta không biết Thánh Linh cảm nhận ra sao khi Ngài thấy những cuốn Kinh Thánh được đặt trên sàn nhà thờ hoặc được sử dụng như những tủ hồ sơ di động cho những tờ giấy linh tinh, hoặc thậm chí bị để phía sau trong nhà thờ nơi chúng được xếp lại và cuối cùng được đem cho công tác thành phố địa phương. Chúng ta sẽ bảo vệ Kinh Thánh như Lời Đức Chúa Trời, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng đối xử với Kinh Thánh như đối với Lời Đức Chúa Trời.
Chúng ta cũng thường hay quá hối hả muốn kết thúc buổi nhóm. Ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt ở Đông Âu trước khi có sự suy sụp của tổ chức Cộng sản, các tín hữu đã đứng hằng giờ trong các nhà thờ đông đúc để nghe dạy Kinh Thánh. Còn ở Hội Thánh Tin Lành phương Tây bình thường, thì người nghe chỉ ưa thích nghe những bài giảng ngắn.
• Ông đọc Sách Luật Pháp và giải thích (Ne 8:7-8).
Dân sự lúc bấy giờ không có những bản sao Kinh Thánh, vì vậy họ rất xúc động khi nghe Lời Đức Chúa Trời. Từ “rõ ràng” trong c.8 nghĩa là Luật Pháp Đức Chúa Trời được giải thích cho dân sự bằng ngôn ngữ họ có thể hiểu.
Lời Chúa được thông dịch và giải nghĩa cách đó để dân sự có thể áp dụng Kinh Thánh vào đời sống họ. Ngôn ngữ Hê-bơ-rơ đã chịu một số thay đổi từ thời Môi-se viết ra 5 sách đầu tiên của Cựu-ước, tiếng Hê-bơ-rơ giao tiếp hằng ngày của dân sự sẽ khác với tiếng Hê-bơ-rơ cổ ở một số phương diện.Chúng ta cần những bản dịch mới của Kinh Thánh, không phải vì Kinh Thánh thay đổi, nhưng vì ngôn ngữ chúng ta thay đổi.
Giả sử bạn phải sử dụng bản dịch Kinh Thánh của John Wycliffe, bản dịch cổ nhất bằng tiếng Anh. Bạn sẽ hiểu sứ điệp này mức độ nào nếu bạn chưa biết đến nó từ bản dịch khác?
Bản dịch của Wycliffe truy nguyên khoảng 600 năm (1382), nhưng từ việc viết Sách Luật Pháp của Môi-se đến việc đọc Luật Pháp của E-xơ-ra, thì đã một ngàn năm trôi qua!
Những người Lê-vi giúp E-xơ-ra trong việc dạy Luật Pháp (c.7) vì đây là một trong những chức vụ Đức Chúa Trời giao cho họ (Phuc 33:10; Ma 2:7). Có thể họ đã hòa mình vào dân sự, và khi có sự gián đoạn trong việc đọc, thì đó là lúc họ trả lời những câu hỏi và cho dân sự biết cách áp dụng Luật Pháp vào đời sống mình. Ở đây chúng ta có một sự quân bình giữa việc rao ra Lời Chúa trong hội chúng đông đảo và sự ứng dụng cá nhân trong các nhóm nhỏ. Cả hai việc đều là quan trọng.
2. Chúng Ta Phải Vui Mừng Trong Lời Chúa (Ne 8:9-12)
Khi E-xơ-ra đọc & giải thích Lời Chúa, đáp ứng đầu tiên của hội chúng là nhận thức và đau thương thống hối. Họ khóc về tội lỗi mình “vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi” (Ro 3:20). Luật pháp không thể cứu chúng ta, nó chỉ có thể khiến chúng ta ý thức rằng chúng ta cần được cứu và sau đó chỉ cho chúng ta hãy tìm đến Chúa Cứu Thế Giê-xu (Ga 3:24).
Dân Do-thái cử hành Đại Lễ Chuộc Tội hằng năm, và Chúa đã giải quyết tội lỗi cho họ (Le 16:1-34), vì vậy họ phải vui mừng trong sự tha thứ của Ngài. Theo lịch Do-thái, Lễ Lều Tạm đến sau Ngày Đại Lễ Chuộc Tội, việc này tạo nên cho dân sự Đức Chúa Trời cả một tuần lễ kỷ niệm vui mừng Le 23:26-44). Chuỗi sự kiện là quan trọng: Trước hết là nhận thức, sau đó là sự thanh tẩy và cuối cùng là kỷ niệm.
Lời Đức Chúa Trời đem đến nhận thức và dẫn đến sự ăn năn, nhưng cũng đem lại cho chúng ta sự vui mừng, vì cùng một Lời Chúa mà những vết thương cũng được chữa lành: “Tôi vừa nghe những Lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi, Lời Ngài là sự vui mừng hớn hở của lòng tôi vậy… vì tôi được xưng bằng danh Ngài” (Gie 15:16).
“Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng” (Thi 19:8).
“Chứng cớ Chúa là cơ nghiệp tôi đến đời đời. Vì ấy là sự mừng rỡ của lòng tôi” (Thi 119:111).
Được những người Lê-vi giúp đỡ, Nê-hê-mi thuyết phục dân sự thôi than khóc và bắt đầu làm lễ kỷ niệm. Khóc lóc khi Đức Chúa Trời tha thứ chúng ta cũng sai lầm như vui mừng khi tội lỗi chiến thắng chúng ta. Tội nhân không có lý do gì để vui mừng và con cái của Đức Chúa Trời được tha thứ không có lý do gì để than khóc (Mat 9:9-17). Vâng, là con cái Đức Chúa Trời, chúng ta phải mang nhiều gánh nặng và biết phải khóc cho điều gì (Ne 2:1-2) nhưng chúng ta cũng cần kinh nghiệm được quyền năng biến đổi sự buồn rầu ra vui mừng.
Bí quyết của niềm vui Cơ-đốc là tin vào những gì Chúa phán dạy qua Lời Ngài và thực hành chúng. Đức tin không được đặt trên nền tảng là Lời Chúa thì đó không phải là đức tin Cơ-đốc; nhưng chỉ là sự suy đoán hoặc mê tín dị đoan; đó chỉ là “cảm giác dễ chịu” tồn tại trong chốc lát mà thôi . Đức tin đặt trên Lời Chúa sẽ đem lại niềm vui xua tan bão tố cuộc đời.
Chúng ta chỉ đọcLời Chúa hoặc tiếp nhận Lời Ngài khi người khác cắt nghĩa, chia sẻ nó thì vẫn chưa đủ; Chúng ta còn phải vui mừng trong Lời Chúa. “Tôi vui vẻ về Lời Chúa như kẻ tìm được của cải lớn” (Thi 119:162 NKJV). Trong thời Kinh Thánh, người ta đôi khi giấu của cải mình trong những chiếc bình được chôn dưới đất (Mat 13:44; Gie 41:8).
Nếu một người nông dân đang cày ruộng bất ngờ phát hiện một chiếc bình đầy vàng, người ấy chắc chắn sẽ vui mừng. Có những của báu lớn được chôn trong Lời Đức Chúa Trời, nên bạn và tôi phải siêng năng “đào bới” chúng bằng cách đọc Lời Ngài, suy ngẫm và cầu nguyện. Khi chúng ta tìm được những của báu này, thì chúng ta phải vui mừng và cảm tạ.
Nếu chúng ta đọc và học Lời Đức Chúa Trời với ý thức là do bổn phận, thì những của báu ẩn chứa trong Lời Ngài sẽ không bao giờ có thể được bày tỏ cho chúng ta. Nếu tín đồ chúng ta vui mừng trong Lời Chúa, vui mừng đọc và học Lời Ngài từng ngày, thì chúng ta sẽ tìm được kho báu ẩn giấu trong Lời Ngài. “Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, tìm được sự vui mừng lớn trong các điều răn Ngài” (Thi 112:1 NIV).
“Song lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va, Và suy-gẫm luật-pháp ấy ngày và đêm.”(Thi 1:2).
Bạn có vui mừng trong Lời Đức Chúa Trời không? Có phải bạn thà có Lời Đức Chúa Trời hơn có thức ăn (Thi 119:103; Lu 10:38-42) hoặc có giấc ngủ (Thi 119:55,62,147-148), hay có của cải? (c.14,72,137,162). Nếu bạn vui mừng trong Lời Ngài, Đức Chúa Trời sẽ vui mừng trong bạn và chia sẻ những phước hạnh tốt nhất với bạn.
3. Chúng Ta Phải Vâng Lời Chúa (Ne 8:13-18)
Bổn phận và sự cảm kích chắc chắn là những động cơ mạnh mẽ cho sự hầu việc Chúa, nhưng sự kỷ niệm còn mạnh mẽ hơn. Khi chúng ta vâng lời Chúa và hầu việc Ngài vì chúng ta vui mừng trong Ngài, khi ấy sự hầu việc của chúng ta sẽ là một sự vui mừng chớ không phải một việc vất vả.
Nhà bình luận Kinh Thánh lão thành Mathew Henry có viết: “Niềm vui thánh khiết sẽ là dầu cho những bánh xe của sự vâng lời của chúng ta”. Đối với tín hữu không có niềm vui, ý muốn Đức Chúa Trời là thức ăn (Gi 4:34). Dân Do-thái vẫn có công việc để làm trong thành của họ, và họ cần có sự vui mừng của Chúa để cho họ sức mạnh làm việc.
Nhà soạn nhạc Franz Josef Hayden đã viết: “Khi tôi nghĩ về Đức Chúa Trời của tôi, lòng tôi dâng trào đến nỗi những nốt nhạc nhảy múa rồi vọt ra khỏi cây viết của tôi và vì Đức Chúa Trời đã ban cho tôi một tấm lòng vui mừng, nên khiến tôi hầu việc Ngài bằng một tinh thần vui mừng”.
Ngày Đại Lễ Chuộc Tội được kỷ niệm vào ngày 10 trong tháng và Lễ Lều Tạm được cử hành từ ngày 15 đến ngày 21. Điều này có nghĩa là các lãnh đạo chỉ có một vài ngày sẵn sàng cho việc báo tin cho dân Do Thái trong các làng lân cận rằng mọi người sẽ kỷ niệm Lễ Lều Tạm. Nghe Lời Đức Chúa Trời thì chưa đủ; chúng ta còn phải vâng theo những gì Lời Ngài bảo chúng ta làm (Gia 1:22-25). Dân sự không chỉ nghe Lời Chúa mà còn phải có “sự vui mừng lớn” trong sự vâng theo Lời Ngài nữa (Ne 8:17).
Suốt 7 ngày của kỳ lễ, dân Do-thái sống trong những nhà lều được làm bằng nhánh cây và thường được dựng lên trên nóc nhà bằng phẳng của họ. Đó là thời gian để nhìn lại và nhớ về 40 năm qua dân tộc lang thang trong đồng vắng, khi dân sự không có nhà và sống trong những lều tạm.
Nhưng kỳ lễ cũng là thời gian để nhìn quanhnhững sự chúc phước cho mùa màng từ tay Đức Chúa Trời. Chúa đã ban cho họ một xứ sở tốt đẹp, và họ không bao giờ được quên Đấng ban cho khi họ vui hưởng những sự ban cho đó (Phuc 8:1-20). Lễ Lều Tạm cũng là một dịp để dân sự nhìn về phía trước cảnh vương quốc vinh hiển mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho dân Y-sơ-ra-ên của Ngài (Xa 14:4,9,16-20). Đó là một kỳ lễ hội của sự ngợi khen vui mừng và cảm tạ kéo dài một tuần, tập trung ca ngợi sự nhơn từ của Chúa.
Nhưng việc kỷ niệm của kỳ lễ không phải chỉ dành cho sự vui mừng, nó cũng dành cho sự phong phú và sự khích lệ. “Sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi” (Ne 88:10b). Niềm vui của thế gian là tạm bợ và giả tạo, và khi niềm vui qua đi, con người thậm chí bị bỏ lại với sự yếu đuối và trống rỗng lớn hơn. Nhưng sự vui mừng đến từ Chúa là thật, bền vững và làm phong phú đời sống chúng ta. Đức Chúa Trời không ban cho chúng ta sự vui mừng thế cho sự buồn rầu hay sự vui mừng thay vì buồn rầu, nhưng là sự vui mừng giữa cơn buồn rầu. Đó không phải là sự thay thếmà là sự biến đổi.
Chúa Giê-xu đã minh họa lẽ thật này bằng sự sinh một em bé (Gi 16:20-22). Em bé khiến người mẹ đau đớn cũng chính là em bé cho người mẹ ấy niềm vui mừng! Sự đau đớn của bà mẹ không được thay thế bởi niềm vui nhưng được biến đổithành niềm vui. Những hoàn cảnh khó khăn của đời sống “cưu mang” niềm vui, bởi đức tin, chúng ta phải cho niềm vui ấy thời gian để ra đời.
Lễ Lều Tạm là thời gian để gởi thức ăn và quà cho người khác, đặc biệt cho những người nghèo khó. Dân Do-thái đã tìm được niềm vui trong việc nghe Lời Đức Chúa Trời, nhưng giờ đây họ tìm được niềm vui trong việc chia sẻ những sự chúc phước của Đức Chúa Trời. Tâm trí tăng trưởng bởi tiếp nhận, nhưng tấm lòng tăng trưởng bởi ban cho, thật quan trọng để duy trì một đời sống quân bình.
Ne 8:17 không dạy rằng dân tộc đã bỏ qua Lễ Lều Tạm từ thời Giô-suê, vì không phải như vậy. Lễ này được kỷ niệm suốt đời vua Sa-lô-môn (IISu 8:13) cũng được kỷ niệm khi những người bị lưu đày sang Ba-by-lôn trở về xứ (Exo 3:1-4). Không phải sự kiện lễ kỷ niệm này quá đặc biệt nhưng là cách họ kỷ niệm, vì dường như mọi người tham dự một cách nhiệt tình. Vì mỗi gia đình đã làm một lều tạm, một số người phải đi từ nhà vào những con đường và quảng trường của thành. Rõ ràng trong những năm trước đó, không phải tất cả dân Do-thái đều làm lều tạm và sống trong đó vì tuần lễ hội. Họ chỉ tỏ “dấu hiệu” nhận biết kỳ lễ. Hơn nữa, thái độ vui mừng của dân sự vượt quá bất cứ điều gì dân tộc từng thấy. Đó thật sự là một tuần lễ kỷ niệm vui mừng quy vinh hiển cho Chúa.
E-xơ-ra tiếp tục “hội nghị Kinh Thánh” suốt trọn tuần của kỳ lễ, mỗi ngày ông đọc và giải thích Lời Đức Chúa Trời. Sự kết hợp của mối thông công vui mừng, dự lễ và nghe Lời Chúa chắc hẳn làm mạnh mẽ dân sự rất nhiều. Sau đó tuần lễ đó được kết thúc bằng một buổi nhóm trọng thể (Ro 29:35). Sau buổi nhóm ấy, dân sự trở lại với thời gian biểu thường nhật của họ.
Những phước hạnh của lễ kỷ niệm đó có kéo dài không? Vâng, một thời gian, nhưng khi dân sự trở nên bất cẩn trở lại, thì các lãnh đạo lại phải đem họ trở về với Lời Đức Chúa Trời. Nhưng sự thất bại của dân sự không phải là một lý lẽ chống lại những kỳ đặc biệt về việc học Kinh Thánh hoặc lễ kỷ niệm. Có người đã hỏi nhà truyền giáo Billy Sunday rằng: “Những cuộc phục hưng có kéo dài không?” Và ông đáp: “Không! Nó không kéo dài, chẳng khác nào việc tắm, nhưng thỉnh thoảng có một cuộc phục hưng thì tốt!”
Từng thời kỳ trong lịch sử Hội thánh, Thánh Linh Đức Chúa Trời làm nặng lòng dân sự để họ cầu nguyện, tra cứu Kinh Thánh, xưng tội, và từ những hành động thuộc linh chân thật này, Ngài thấy thích hợp để đem đến đời sống tươi mới cho dân Ngài. Đời sống đó đã xảy ra trong thời Nê-hê-mi, và nó vẫn có thể xảy ra lần nữa trong thời đại ngày nay.
Đức Chúa Trời có thể bắt đầu với bạn không?
“Nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ” (IISu 7:14).
bottom of page