top of page

GIÊ-RÊ-MI 1

KINH THÁNH

CỰU-ƯỚC

THỂ LOẠI

Các Sách Tiên Tri Lớn



1. NHÀ TIÊN TRI MIỄN CƯỠNG (Gie 1:1-19)


“For a people to boast in the glory of the past, and to deny the secret that made the past, is to perish”

G.Campbell Morgan [1].


Có...

...lẽ Giê-rê-mi được khoảng 20 tuổi khi Đức Chúa Trời gọi ông vào chức vụ nói tiên tri vào năm thứ 13 đời vua Giô-si-a (năm 626 T.C). Tại sao lúc đó Giê-rê-mi lại tỏ ra do dự khi được Chúa kêu gọi? Có lẽ là bởi một vài lý do mà tôi sẽ trình bày sau đây :


1. Vì đó là một chức vụ đòi hỏi nhiều nỗ lực (Gie 1:1)

Hinh-kia, cha của Giê-rê-mi là một thầy tế lễ [2] Cũng như cha mình, Giê-rê-mi được kỳ vọng sẽ hầu việc Chúa trong đền thờ.

Giê-rê-mi có lẽ đã bước vào tuổi trưởng thành khi được Chúa kêu gọi vào chức vụ nói tiên tri cho Ngài.


Hầu việc Chúa trong chức vụ nói tiên tri là một công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn so với công việc của thầy tế lễ nên chẳng có gì là ngạc nhiên khi Giê-rê-mi bày tỏ sự lưỡng lự của mình. Nếu được chọn lựa, tôi cũng sẽ chọn công việc của một thầy tế lễ. Đó là vì chúng ta có thể biết trước công việc của một thầy tế lễ, mọi điều đều được ghi trong quyển sách Luật pháp.

Vì vậy, các thầy tế lễ chỉ cần thực hiện theo những điều đã ghi sẵn trong sách.[3]

Nhiệm vụ hàng ngày của các thầy tế lễ gồm có: dâng của lễ, kiểm tra những người bị bệnh phung, đuổi những người không tinh sạch ra khỏi trại và cho phép những người đã sạch vào trại trở lại. Họ cũng phải thực hiện những buổi lễ, coi sóc đền thờ và giảng dạy Luật pháp. Vì vậy, cũng chẳng có gì là ngạc nhiên khi một vài thầy tế lễ nói rằng: “ôi! việc khó nhọc là dường nào! ” (Ma 1:13 NKJV)


Trái lại, công việc của một người nói tiên tri lại hoàn toàn khác hẳn, bởi lẽ bạn không hề biết trước Đức Chúa Trời sẽ muốn bạn nói hay làm điều gì cho Ngài. Công việc của một thầy tế lễ trước hết là bảo tồn truyền thống bằng cách gìn giữ và duy trì chức vụ trong đền thánh.


Trong khi đó, nhiệm vụ của một người nói tiên tri là phải thay đổi hiện tại để đất nước sẽ có được tương lai tốt đẹp. Khi nhìn thấy dân sự đi sai đường, nhà tiên tri phải biết hướng họ trở lại con đường chính nghĩa.


Công việc của các thầy tế lễ liên quan đến hình thức bên ngoài chớ không chạm đến tấm lòng của dân sự (He 10:1-18), chẳng hạn như việc quyết định sự tinh sạch của một người hay dâng nhiều của lễ khác nhau. Trái lại, công việc của người nói tiên tri lại chính là thay đổi tấm lòng dân sự. Có ít nhất 66 lần từ “tấm lòng” được tìm thấy trong sách Giê-rê-mi vì ông là nhà tiên tri của tấm lòng.


Các thầy tế lễ không giảng dạy nhiều trước dân sự mà giảng tuần tự cho từng cá nhân. Trong khi đó, nhà tiên tri phải thực hiện công việc mình trước cả dân sự, và thường thì mọi người chẳng ai chịu lắng nghe thông điệp của nhà tiên tri.Các thầy tế lễ thường xuất thân từ một chi phái đặc biệt, do đó, thường có thẩm quyền và được dân sự kính trọng. Trái lại, nhà tiên tri có thể xuất thân từ bất kỳ chi phái nào và phải minh chứng được rằng người thật sự được Chúa kêu gọi cách đặc biệt. Các thầy tế lễ được chu cấp từ những của lễ dâng của dân sự nhưng người nói tiên tri lại không có một nguồn thu nhập bảo đảm nào.


Tiên tri Giê-rê-mi có lẽ đã trãi qua nhiều thời kỳ dễ dàng hơn nếu ông phục vụ trong chức vụ thầy tế lễ. Vì vậy, phản ứng ban đầu của ông khi được kêu gọi chẳng có gì là ngạc nhiên. Dâng của lễ là một chuyện nhưng rao truyền lời Chúa cho một dân sự cứng lòng lại là một chuyện khác hẳn. Khi đọc sách này, bạn sẽ bắt gặp một số hình ảnh trong chức vụ của Giê-rê-mi bày tỏ việc hầu việc Chúa trong vị trí một nhà tiên tri trung tín thật khó dường nào.Trong chức vụ của mình, Giê-rê-mi đã phải thể hiện mình là:


-Người hủy diệt và người tái lập Gie 1:9-10

-Cây cột và tường thành Gie 1:17-18

-Người thức canh Gie 6:17

-Người thử luyện kim loại Gie 6:27-30

-Người chữa lành Gie 8:11,21-22

-Chiên con chuộc tội Gie 11:19

-Người chạy bộ đường dài Gie 12:5

-Người chăn chiên Gie 13:17,20-21; Gie 17:16,23

-Người gây ra sự tranh cãi Gie 15:10,17

Liệu có dễ dàng khi làm những công việc như vậy chăng?


2. Những thời kỳ khó khăn (Gie 1:2-3) (IIVua 21:1-25:30; IISu 33:1-36:25)

Tôi cho rằng trong công tác hầu việc Chúa thì chẳng có một giai đoạn nào là dễ dàng cả. Thánh sử cũng từng ghi nhận có những thời kỳ thật sự khó khăn cho chức vụ thuộc linh và tiên tri Giê-rê-mi đã sống vào một trong những giai đoạn như thế. Hãy cùng điểm lại lịch sử của nước Giu-đa khi đương thời tiên tri Giê-rê-mi.


Bạo nghịch thay vì vâng phục.

- Trước hết, Giê-rê-mi sinh ra trong thời kỳ vua Ma-na-se, vị vua độc ác nhất trong các vua từng cai tri vương quốc Giu-đa (IIVua 21:1-18). Mặc dù là con trai của Ê-xê-chia [4] một vị vua kính sợ Đức Chúa Trời, nhưng Ma-na-se lên ngôi khi mới 12 tuổi đã bị các quần thần vây quanh dẫn dụ họ (dân Giu-đa) theo đường lối thờ hình tượng.Ma-na-se “quyến dụ làm ác hơn các dân tộc mà Đức Chúa Trời tuyệt diệt” (c.9). Khi Ma-na-se qua đời, A-môn, con trai người lại tiếp tục những việc làm gian ác của cha mình.


Do đó, Giê-rê-mi lớn lên tại A-na-tốt [5] khi việc thờ hình tượng lan tràn khắp nơi trong xứ Giu-đa. Trẻ con bị bắt buộc phải dâng của lễ cho các thần tượng trong khi Luật Môi-se không được tôn trọng và tuân theo. Dường như không còn một hi vọng nào cho cả dân tộc. Ngay cả các thầy tế lễ cũng không được tôn trọng như trước.


Cải cách thay vì ăn năn Vào năm 639 TC, A-môn bị bọn tôi tớ giết chết và Giô-si-a, con trai người được lập lên làm vua, trị vì cho đến khi qua đời vào năm 609 TC. Giô-si-a lên ngôi khi còn rất trẻ nhưng nhờ có những quần thần kính sợ Chúa như Hinh-kia phò giúp nên vua bắt đầu tìm kiếm Đức Chúa Trời.

Vào năm thứ mười hai đời Giô-si-a, vua bắt đầu trừ diệt việc thờ hình tượng khỏi xứ. Sáu năm sau đó, vua ra lệnh cho các thầy tế lễ, các thợ sửa sang và lau dọn lại đền thờ. Cũng trong thời gian này, thầy tế lễ Hinh-kia tìm được quyển sách Luật pháp trong đền thờ và nhờ người đọc sách này cho vua nghe. Quyển sách này có thể bao gồm Ngũ kinh của Môi-se hoặc chỉ có một sách Phục-truyền Luật-lệ ký.


Khi được nghe đọc sách Luật pháp của Đức Chúa Trời, nhà vua rất cảm động. Người xé quần áo mình và phái quần thần đến nữ tiên tri Hun-đa để nhận lãnh sứ điệp của Đức Chúa Trời (IIVua 22:1-20), với nội dung là do dân sự đã từ bỏ Đức Chúa Trời nên “sự đoán phạt sẽ giáng xuống trên cả dân tộc”. Tuy nhiên, chính bởi thái độ ăn năn của vua Giô-si-a nên sự đoán phạt đã không xảy ra trong thời vua trị vì.


Vua Giô-si-a không đợi đến khi việc sửa sang đền thờ hoàn tất mới kêu gọi dân sự ăn năn. Vua lập giao-ước với Đức Chúa Trời và dẫn dắt dân sự từ bỏ việc thờ hình tượng để quay trở về với Luật pháp của Chúa. Nhưng đáng buồn thay, thái độ ăn năn của một số người lại chỉ là hình thức bên ngoài. Khác với nhà vua, họ không thật sự ăn năn, thống hối. Tiên tri Giê-rê-mi biết được điều này nên rao truyền thông điệp của Chúa: “Giu-đa cũng chẳng trở về cùng Ta hết lòng, chẳng qua là giả dối” (Gie 3:10)


Việc ấy khiến vua Giô-si-a bước vào thực hiện một cuộc cải cách trong cả nước nhưng chỉ ở hình thức chớ không ở tấm lòng. Các thần tượng được cất đi, đền thờ được tu sửa lại và việc thờ phượng Đức Giê-hô-va cũng được tái lập nhưng lòng dân sự không thật sự quay lại cùng Chúa.


Chính trị thay nguyên tắc đạo đức Chẳng bao lâu sau khi vua Giô-si-a bị giết trên chiến trận [6] và Giô-a-cha, con trai người lên ngôi, cả nước đều nhanh chóng quay lại việc thờ hình tượng. Tuy nhiên, Pha-ra-ôn Nê-cô đã truất Giô-a-cha khỏi ngôi, đưa con trai người là Ê-li-a-kim lên làm vua và đổi tên thành Giê-hô-gia-kim. Về phần Giô-a-cha, người bị đày sang Ê-díp-tô và chết tại đó.


Giê-hô-gia-kim cũng không cai trị tốt hơn cha mình và vẫn “làm đều gian ác tại trước mặt Đức Giê-hô-va, theo trọn gương các tổ phụ mình đã làm” (IIVua 23:37). Người đánh thuế dân trong xứ rất nặng để cống nộp -nết-sa, vua Ba-by-lôn. Sau khi Giê-hô-gia-kim phản nghịch, vua Nê-bu-cát-nết -sa bắt giam người và tước đoạt những khí dụng trong đền thờ của Đức Chúa Trời. (597 TC) cho Nê-bu-cát


Giê-hô-gia-kin, con trai của Giê-hô-gia-kim trị vì được ba tháng; sau đó, Ma-tha-nia, chú người, con trai thứ ba của Giô-si-a (ISu 3:15) được lập lên làm vua và đổi tên thành Sê-đê-kia. Sê-đê-kia là vị vua cuối cùng của Giu-đa, một vị vua nhu nhược, dễ bị dao động và sợ các quần thần hơn là sợ Đức Chúa Trời (Gie 38:19) [7]. “Người làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va Đức chúa trời của người, không hạ mình xuống trước mặt Giê-rê-mi, là đấng tiên tri vâng mạng Đức Giê-hô-va mà khuyên bảo người.” (IISu 36:12)


Sê-đê-kia vừa đến với tiên tri Giê-rê-mi để tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng đồng thời lại vừa cấu kết với các nước lân cận, lập mưu chống lại đế quốc Ba-by-lôn. Vua cũng cho phép các con mình ngược đãi, thậm chí bắt giam Giê-rê-mi mặc dù chính người vẫn bí mật đến gặp nhà tiên tri như thể người muốn tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời vậy.


Thật dễ dàng để các chính trị gia đưa ra lời mời các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng ngồi lại trong một cuộc hội đàm và thực hiện đúng theo những điều đã thoả thuận. Ngày nay, những mối quan hệ công khai tốt đẹp thường gây ấn tượng với người khác rằng “tôn giáo” thật quan trọng. Thế nhưng, việc nói chuyện với một nhà truyền giáo nổi tiếng không đồng nghĩa với việc bạn tự hạ mình xuống trước mặt Chúa.


Tiên tri Giê-rê-mi giảng dạy, đưa ra những lời hứa và những lời cảnh báo của Chúa cho dân sự trong 40 năm. Giê-rê-mi cũng đồng thời tận mắt chứng kiến đền thờ Giê-ru-sa-lem yêu dấu bị phá huỷ dưới tay vua Nê-bu-cát-nết-sa và dân thành bị bắt đày sang Ba-by-lôn.

Tiên tri Giê-rê-mi thực hiện chức vụ trong thời kỳ loạn lạc nhưng ông vẫn hết lòng trung tín với Chúa.

Giê-rê-mi cũng bày tỏ với dân sự chính sách ngoại giao của những người cai trị đều là vô ích và kêu nài họ quay trở lại tin cậy Chúa hết lòng thay vì đặt lòng tin nơi các liên minh chính trị. Tiên tri Giê-rê-mi là một trong những gương điển hình trong Kinh Thánh về sự trung tín và hành động dứt khoát khi phải đối diện với hiểm nguy cũng như sự bại hoại của đất nước.


3. Người đầy tớ nghi ngại (Gie 1:4-10)

Giê-rê-mi đã do dự khi xem xét công việc Chúa giao trước mắt và nhìn thấy những kẻ độc ác quanh ông. Nhìn biết sự yếu đuối trong chính bản thân mình, Giê-rê-mi lại càng chắc chắn rằng ông không phải là người thích hợp cho công việc này.


Khi bước vào công tác hầu việc Chúa, thường thì người ta luôn có một cảm giác rằng không ai có đầy đủ năng lực cho công việc Ngài cả. Sứ-đồ Phao-lô khi đang suy nghĩ về trách nhiệm chức vụ của mình đã hỏi rằng: “Ai xứng đáng cho những sự này?” (IICo 2:16). Sau đó, cũng chính Phao-lô đã tự trả lời cho câu hỏi của ông: “không phải tự mình chúng tôi có tài năng mà nghĩ việc gì như bởi chính mình chúng tôi, nhưng tài năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời” (IICo 3:5).


Khi Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta, Ngài không bao giờ nhầm lẫn. Vì vậy, thái độ do dự hay từ chối công việc của chúng ta chính là hành động bày tỏ sự thiếu đức tin. Nhận biết những giới hạn của bản thân là một việc nhưng dựa vào đó để nói rằng chính những yếu điểm này cản trở công việc Chúa lại là một việc hoàn toàn khác. Đây chính là thái độ kiêu ngạo thay vì là biểu hiện của sự khiêm nhường. [8]

Đức Chúa Trời đã hứa ban cho Giê-rê-mi ba lời xác tín thật tuyệt vời:


Được Đức Chúa Trời chọn lựa (c.4-5):

Một trong số các giáo sư thần học của tôi vẫn thường nói rằng: “Nếu bạn cố giải thích một sự kêu gọi của Chúa, thì bạn sẽ bị mất trí còn nếu bạn cố nguỵ biện nó, bạn sẽ mất linh hồn mình.” Chúng ta được Đức Chúa Trời cứu, kêu gọivà dùng trong công việc nhà Ngài không phải là do chúng ta xứng đáng được nhận lãnh điều đó.

Trái lại, ấy là do sự khôn ngoan và ân điển của Chúa mà Ngài chọn chúng ta. Tất cả đều là do ân diển của Chúa. Sứ-đồ Phao-lô đã viết rằng: “Nhưng tôi nay là người thể nào là nhờ ơn của Đức Chúa Trời và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi.” (ICôr 15:10)


-Từng từ trong Gie 1:5 đều rất quan trọng.

Trước hết, Đức Chúa Trời biết Giê-rê-mi, [9] điều này đề cập đến quyền lựa chọn tôi tớ tối cao của Ngài. Đức Chúa Trời đã chọn Giê-rê-mi trước khi ông được hoài thai trong lòng mẹ. Kế đến, Đức Chúa Trời tạo nên Giê-rê-mi và cho ông hưởng những di truyền mà Chúa muốn ông có. Điều này cũng được Đa-vít thể hiện qua những dòng thơ trong Thi 139:13-16. Mặc dù Giê-rê-mi không thoả lòng về những điều ông được hưởng (Gie 20:14-18) nhưng Đức Chúa Trời biết rõ công việc Ngài làm. Những gì chúng ta có chính là ân tứ mà Đức Chúa Trời ban cho và những gì chúng ta làm sẽ là món quà chúng ta dâng lên cho Chúa.


Đức Chúa Trời đã biệt riêng Giê-rê-mi ngay trước khi ông được sinh ra. Điều này có nghĩa là ông đã được Chúa chọn lựa riêng ra cho Ngài, ngay cả trước khi ông nhận biết về Chúa cách cá nhân. Đức Chúa Trời cũng có cùng một cách như thế với sứ-đồ Phao-lô sau này (Ga 1:15).


Đức Chúa Trời cũng đã lập Giê-rê-mi làm tiên tri cho Ngài. Mối quan tâm ban đầu của Đức Chúa Trời là mọi dân tộc trên đất đều được biết về sự cứu rỗi của Chúa. Đó là lý do vì sao Ngài gọi Áp-ra-ham (Sa 12:1-3) và biệt riêng dân tộc Y-sơ-ra-ên ra làm cầu nối để đưa Lời Ngài và Con một Ngài vào thế gian.


Nhà tiên tri là phát ngôn viên chính thức được lựa chọn của Đức Chúa Trời, là người bày tỏ Lời Chúa cho dân sự. Từ ngữ này trong tiếng Hê-bơ-rơ có lẽ xuất phát từ ngôn ngữ gốc A-rập, có nghĩa là “thông báo”. Chẳng hạn như, Môi-se nói với A-rôn và A-rôn là phát ngôn viên (tiên tri) của Môi-se trước mặt Pha-ra-ôn (Xu 7:1-2).

Nhà tiên tri làm nhiều điều hơn là chỉ nói trước những việc ở tương lai bởi vì thông điệp của họ còn đề cập đến cả những điều dân sự cần phải làm. Họ thật ra là những người phản ảnh hiện tại và tương lai hơn là người nói trước tương lai.Nhà tiên tri chỉ rõ tội lỗi của dân sự và kêu gọi họ quay về với những điều họ đã hứa trong giao ước với Chúa.


Là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta được chính Chúa chọn lựa và biệt riêng ra cho Ngài (Eph 1:3-14; Ro 8:28-30). Chân lý này giúp chúng ta có thêm năng lực khi đối diện với thế gian tội lỗi và luôn tìm cách hầu việc Ngài. “Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta thì còn ai nghịch cùng chúng ta?” (Ro 8:31)


Được Đức Chúa Trời hiện diện chở che (c.6-8):

Đức Chúa Trời ban cho chàng trai trẻ Giê-rê-mi ba mạng lệnh “đi khắp nơi nào Ta sai ngươi đi, sẽ nói mọi điều ta truyền cho nói và đừng sợ vì cớ chúng nó”. Kế đó, Ngài ban thêm lời hứa cho Giê-rê-mi “Ta sẽ ở với ngươi đặng giải cứu ngươi” (Gie 1:8). Đức Chúa Trời lặp lại lời hứa đó vào cuối lời kêu gọi của Ngài “họ sẽ đánh nhau với ngươi, nhưng không thắng ngươi vì Ta ở cùng ngươi đặng giải cứu ngươi” (c.19)


Lưu ý đến điều kiện kèm theo của lời hứa này, đó là:Giê-rê-mi phải đi đến những nơi mà Chúa sai ông đi và nói những điều mà Ngài muốn ông nói. Giê-rê-mi cũng phải tin vào lời hứa Chúa dành cho ông qua sự bày tỏ thái độ không sợ hãi những người xung quanh. Chúng ta gọi Giê-rê-mi là “vị tiên tri than khóc cho dân sự” và quả thật ông là một người như thế. Tuy vậy, ông cũng là một người rất can đảm khi đối diện với nguy hiểm, thử thách và vẫn một lòng trung tín với Chúa. Ông biết rằng Đức Chúa Trời vẫn luôn bên cạnh ông, cũng giống như việc chúng ta nhận biết Chúa hiện diện bên cạnh chúng ta vậy. “Vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu. [10] Như vậy, chúng ta hãy lấy lòng tin chắc mà nói rằng: Chúa giúp đỡ tôi, tôi không sợ chi hết. Người đời làm chi tôi được?” (He 13:5-6).


Được Đức Chúa Trời ban cho lời nói linh hiệu (c.9-10):

Khi than trên bàn thờ của Đức Chúa Trời được đặt trên miệng của tiên tri Ê-sai, ngay tức khắc, ông được thanh tẩy (Es 6:5-7). Khi Đức Chúa Trời đặt tay Ngài trên môi miệng của tiên tri Giê-rê-mi, ông liền nhận được năng quyền. Và những lời Ngài đặt để trong môi miệng ông trở nên linh nghiệm để thực hiện ý muốn của Chúa. Đức Chúa Trời không những ban cho tiên tri Giê-rê-mi lời của Ngài mà Chúa còn hứa rằng sẽ “tỉnh thức, giữ” Lời Ngài cho đến khi những lời đó được thực hiện (Gie 1:12).


Lời của Đức Chúa Trời “tạo dựng” nên vũ trụ: “Các từng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va, cả cơ binh trời bởi hơi thở của miệng Ngài mà có…… Vì Ngài phán, thì việc liền có, Ngài biểu thì vật bèn đứng dậy” (Thi 33:6,9). Cả vũ trụ đều “được nâng đỡ” bởi lời của Chúa: “Và (Đấng Christ) lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật” (He 1:3). Đức Chúa Trời cũng đã thực hiện mục đích của mình trên đất qua lời Ngài: “Vả, như mưa và tuyết xuống từ trên trời… nó” (Es 55:10-11).


Ngày nay, tại nhiều Hội thánh, giờ thờ phượng chỉ như là một hình thức giải trí và việc giảng dạy lời Chúa chỉ là việc đưa ra những lời khuyên. Chúng ta cần phải lắng nghe và vâng theo lời sứ đồ Phao-lô khiển trách Ti-mô-thê “hãy giảng đạo”(IITi 4:2). Đức Thánh linh là Thần lẽ thật (Gi 16:13) và sẽ làm việc qua Lời của lẽ thật (Thi 119:43; IITi 2:15). Tiên tri Giê-ê-mi không thực hiện ý muốn của Chúa trên đất bằng những lời diễn thuyết trau chuốt, chính sách ngoại giao khôn ngoan hay bằng nghệ thuật khéo léo đánh vào tâm lý người ta.Trái lại, ông đã nghe lời Chúa, giữ lấy trong lòng và dạn dĩ bày tỏ những lời đó trước mặt dân sư. Và ông để cho Chúa hoàn tất những việc còn lại.


Chức vụ của tiên tri Giê-rê-mi đầy những khó khăn. Ông phải phá bỏ trước khi dựng nên, và diệt trước khi trồng. Trong nhiều công việc, có những “cơ cấu” tổ chức không cần thiết nên cần bỏ đi vì chúng gây cản trở đến sự phát triển chung. Một vài “cây” đang lớn nhưng không kết quả cũng cần phải được bỏ đi. Đức Chúa Giê-xu phán rằng: “Cây nào mà Cha Ta trên trời không trồng thì phải nhổ đi” (Mat 15:13).


Bất cứ người nào nếu nhận thấy mình quá yếu đuối không đủ sức để hầu việc Chúa thì người đó cần phải cân nhắc lại ba điều sau đây: Trước hết, Chúa có kêu gọi bạn không? Nếu có, Ngài sẽ ban thêm năng lực cho bạn. Kế đến, bạn có cậy đức tin để vâng theo mạng lệnh của Chúa không? Nếu có, Ngài sẽ luôn hiện diện để bảo vệ bạn. Cuối cùng, bạn có rao giảng Lời Chúa không? Nếu có, Ngài sẽ làm trọn mục đích của Ngài trên đất này dù thái độ đáp ứng của mọi người có ra sao chăng nữa. Tên gọi Giê-rê-mi có nghĩa là “Đức Chúa Trời nâng đỡ” và Ngài thật đã nâng đỡ, chăm sóc cho tôi tớ Ngài cùng chức vụ của người đến cùng. “Chúa là thành tín, sẽ làm cho anh em bền vững và giữ cho anh em khỏi ác giả.” (IITe 3:3)


4. Thông điệp nguy hiểm (Gie 1:11-19)

Khi nghiên cứu về các tiên tri thời Cựu-ước, bạn sẽ nhận thấy ba điểm luôn tồn tại trong thông điệp của họ. Đó là:

(1) Tội lỗi của quá khứ: cả đất nước bất tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời;

(2) Trách nhiệm hiện tại: mọi người phải ăn năn hoặc sẽ bị Đức Chúa Trời đoán phạt

(3) Hi vọng cho tương lai:Chúa sẽ đến một ngày nào đó và lập nên nước Ngài.


Chúa không ban cho Giê-rê-mi một sứ điệp vui mừng mà là sứ điệp về sự đoán phạt để ông rao báo cho mọi người. Sứ điệp này thật nguy hiểm đến nỗi bất cứ ai nghe đến cũng đều gọi Giê-rê-mi là kẻ phản bội. Ông bị hiểu lầm, bị hành hạ, bị bắt và không ít lần mạng sống ông bị đe doạ. Mặc dù cả dân tộc đều không muốn nghe sự thật nhưng Giê-rê-mi vẫn bày tỏ thật rõ ràng rằng họ đã khinh thường Chúa, bất tuân Luật pháp và chắc chắn họ sẽ phải chuốc lấy sự đoán phạt cho mình.


Đức Chúa Trời ban cho tiên tri Giê-rê-mi ba lời hứa khi ông chuẩn bị bước vào chức vụ đầy nguy hiểm. Hai trong ba lời hứa đó được bày tỏ qua các khải tượng sau đây của Ngài :

-Cây hạnh: Lời của Đức Chúa Trời sẽ được làm trọn (c.11-12): Trong khu Thánh địa, cây hạnh thường ra hoa vào tháng giêng, báo hiệu mùa xuân đang đến. Tiếng Hê-bơ-rơ gọi “cây hạnh”, là “cây thức” tương đương với từ là saqed còn từ “tỉnh thức” là soqed.Chúa đã sử dụng lối chơi chữ như vậy nhằm đoan chắc với Giê-rê-mi rằng Ngài luôn tỉnh thức để giữ và làm trọn Lời Ngài.


Chẳng khác nào một người chồng hoặc vợ phá vỡ lời giao ước hôn nhân, cả dân tộc phạm tội đã quay lưng lại với giao-ước họ đã lập với Chúa, bởi giờ đây, họ đã dành tron tình yêu và lòng trung thành cho những hình tượng ngoại đạo. Nhưng giao-ước đó vẫn còn mãi bởi Chúa không hề quên. Ngài đã hứa chúc phước cho họ nếu họ vâng lời và sửa phạt họ nếu họ bất tuân theo lời giao-ước. Ngài cũng “tỉnh thức, giữ lời phán (Ngài) đặng làm trọn” (Gie 1:12). Chúa đã cho dân sự biết điều này qua các tiên tri trước đó nhưng cả những người cai trị và dân sự đều không lắng nghe. (IIVua 17:13-15)


-Nồi nước sôi: cơn giận của Đức Chúa Trời sẽ đến (c.13-16): Các nước ở khu vực phía Đông luôn có xung đột với nhau nhằm tranh giành quyền cai trị. Đầu tiên, những nhà cầm quyền Do-thái chạy đến Ai-cập và sau đó là A-si-ri để cầu xin sự giúp đỡ. Trong suốt thời gian ấy, họ đã không đặt lòng tin cậy nơi Chúa và tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài.

Tuy nhiên, khải tượng này cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời có quyền cai trị trên mọi dân tộc trên thế giới và Ngài vẫn có thể sử dụng các nước này để thực hiện kế hoạch của Ngài. Đức Chúa Trời thậm chí đã chuẩn bị nước Ba-by-lôn ở phương Bắc [11] làm công cụ để sửa phạt dân Ngài. Việc Giu-đa chạy sang Ê-díp-tô xin sự giúp đỡ cũng trở nên vô ích vì nước này đã rơi vào tay vua Nê-bu-cát-nết-sa. (Gie 46:1-28)


Khi tiên tri Giê-rê-mi khởi sự chức vụ của mình, thì đất nước A-si-ri chớ không phải Ba-by-lôn là một đế quốc hùng mạnh ở khu vực Trung Đông. Vì vậy, chắc chắn là các nhà chính trị đã nghĩ rằng Giê-rê-mi thật ngu ngốc khi lo lắng về nạn xâm lược của đế quốc Ba-by-lôn ở phương Bắc.


Thế nhưng dân chúng ở Giu-đa đã được chứng kiến cảnh đế quốc A-si-ri bị đánh bại thế nào, Ê-díp -tô trở nên yếu ớt ra sao khi Ba-by-lôn trổi dậy giành lấy quyền cai trị và lời báo trước của tiên tri Giê-rê-mi được ứng nghiệm. Thật vậy, ngôi của những người cai trị Ba-by-lôn đã được đặt nơi cửa thành Giê-ru-sa-lem (Gie 39:1-3) và thành thánh này cuối cùng đã bị phá huỷ.


Đức Chúa Trời chỉ ra cho dân sự thấy rằng họ đã phạm tội thờ hình tượng (Gie 1:16), họ thờ những thần tượng do tay mình làm ra và quay lưng lại với Đức Chúa Trời chân thật. Với thái độ đạo đức giả, dân Giu-đa vẫn duy trì việc thờ phượng Chúa ở đền thờ nhưng thật tâm họ chỉ xem Ngài như là một trong những vị thần đòi hỏi sự tận hiến mà thôi.

Thậm chí một vài thần tượng ngoại bang cũng được họ đem vào đền thờ! (Exe 8:1-9:11). Các tiên tri giả xuất hiện khắp nơi với những sứ điệpbịa đặt, hời hợt và phổ biến vì họ hứa sẽ có sự bình an mà không bao giờ đề cập đến sự ăn năn (Gie 5:12-13; Gie 8:11-12; Gie 14:13-22)


Khi cả dân tộc xây khỏi sự thờ phượng một Đức Chúa Trời chân thật thì dân sự, dân sự bắt đầu bóc lột lẫn nhau và điều này đã xảy ra tại Giu-đa. Kẻ giàu hà hiếp người nghèo và các quan chức không còn bảo vệ quyền lợi của người bị hiếp đáp nữa (Gie 2:34-35; Gie 5:26-31; Gie 7:1-11). Tuy nhiên, những người cai trị độc ác này vẫn vờ trung tín đi đến đền thờ và tỏ vẻ ta đây sùng kính Đức Giê-hô-va! Tất cả những điều họ làm đã khiến cho đền thờ trở thành “hang trộm cướp” (Gie 7:11). Đây chính là tội mà Đức Chúa Trời sắp sửa đoán phạt dân sự.


Thành quách, cây cột và bức tường: Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ tôi tớ của Ngài (Gie 1:17-19) Vào thời đó, người đàn ông phải thắt lưng để có thể chạy hay làm việc được dễ dàng (IVua 18:46; IIVua 4:29). Vì vậy, “hãy thắt lưng” (Gie 1:17) có nghĩa là “hãy sẵn sàng hành động!” hoặc chúng ta cũng có thể hiểu là “hãy thắt lưng lại! Xắn tay áo lên!”. Tương tự, “hãy bền chí như thể thắt lưng” có nghĩa là “hãy chuẩn bị hành động và có một thái độ đúng đắn khi Chúa trở lại”.


Đức Chúa Trời lặp lại lời khuyến cáo của Ngài rằng Giê-rê-mi không được sợ hãi những người sẽ chống lại ông vì Chúa luôn che chở ông (Gie 1:8). Bị những kẻ thù vây quanh, nhà tiên tri phải trở nên một thành bền vững đến nỗi những kẻ thù nghịch ông không tài nào tấn công vào được. Khi bị cả vua, hoàng tử , các thầy tế lễ và dân chúng chống lại, ông phải trở nên vững vàng như một tường thành bằng đồng. Lời Chúa hứa: “Ta ở cùng ngươi đặng giải cứu ngươi” là một lời hứa đáng tin cậy và trong cuộc chiến đấu tranh cho lẽ thật, những ai được Chúa ở cùng sẽ luôn luôn mạnh sức, vững vàng.


Mặc cho những đòi hỏi của chức vụ cũng như khó khăn của thời cuộc, Giê-rê-mi vẫn đáp lại lời kêu gọi của Chúa. Dù nhận biết rõ những khả năng giới hạn của bản thân, ông cũng nhận thức được rằng Đức Chúa Trời thật rất vĩ đại và Ngài có thể giúp ông làm tròn sứ mạng của mình. Sứ điệp Đức Chúa Trời ban cho ông là sứ điệp vô cùng nguy hiểm cho ông nhưng Ngài sẽ luôn tỉnh thức để làm tròn lời Ngài và bảo vệ cho tôi tớ trung thành của Ngài.


Giê-rê-mi đã có một quyết định đúng cho mình mặc dù kết quả ông chỉ trở thành một trong những tiên tri ít được biết đến nhất trong lịch sử Do-thái. Theo chuẩn mực của con người, chức vụ của Giê-rê-mi là một sự thất bại nhưng với cái nhìn của Chúa, đó lại là một thành công lớn. Thật không dễ dàng chút nào khi phải đứng một mình, chống lại đám đông và đi ngược với những triết lý và giá trị của thời đại. Thế nhưng tiên tri Giê-rê-mi đã sống một cuộc đời như thế trong suốt hơn 40 năm.


Trong chương cuối cùng của tác phẩm “Walden”, nhà văn Henry David Thoreau đã nói: “Nếu một người đi sai nhịp với những người bạn đồng hành của mình, có lẽ là do anh ta đã nghe một tiếng trống khác.Vậy, hãy cứ để cho anh ta bước đi theo tiếng nhạc đó dù nhịp của nó có ra sao hoặc anh ta bước dạt ra xa tới đâu chăng nữa.” [12]

Chúa Giê-xu từng phán rằng: “Nếu ai muốn theo Ta thì phải liều mình, vác thập tự gía mình mà theo Ta… Người nào được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình thì có ích gì?” (Mat 16:24,26).


Với một câu hỏi quan trọng như thế, bạn sẽ có quyết định như thế nào? Bạn sẽ theo đám đông hay sẵn sàng vác thập tự giá?



 


2. NHÀ TIÊN TRI GIẢNG DẠY (Gie 2:1-6:37)


“Mọi dân tộc, cũng trên thế gian này, như mỗi cá nhân đều phải chịu sự đoán phạt.” Abraham Lincoln [13]


Tôi vẫn còn giữ trong thư viện của mình những bản thảo dàn ý của những bài giảng khi tôi mới bắt đầu chức vụ vào năm 1950. Mỗi khi đọc lại những bản thảo đó, tôi tự thấy thật hổ thẹn, ăn năn và ngạc nhiên tự hỏi vì sao mọi người lại có thể nghe những bài giảng như thế hay thậm chí còn trở lại để nghe thêm nữa. Có một vị mục sư từng trải nọ từng nói rằng: “Khi mới bước vào chức vụ, bạn sẽ không hiểu vì sao không có nhiều người hơn đến nghe bạn. Nhưng khi đã trưởng thành hơn, bạn sẽ ngạc nhiên tự hỏi vì sao lại có người lại có thể chịu nghe bạn như thế.” Tôi hoàn toàn tán thưởng ý kiến này.


Tuy nhiên, chàng trai trẻ Giê-rê-mi lại bắt đầu chức vụ của mình với những sứ điệp chứa đầy sự thương xót, nhưng rất quyết liệt, chắc chắn [14]. Giê-rê-mi đã dám đương đầu với tội lỗi của dân sự và kêu gọi họ ăn năn, quay trở lại với Đức Chúa Trời. Trong những sứ điệp này luôn bao gồm 4 ý chính: sự phản nghịch, sự ăn năn, sự công bình và sự đoán phạt.


1. Sự phản nghịch: Đức Chúa Trời nhìn thấy tội lỗi của dân Ngài (Gie 2:1-37)

Tiên tri Giê-rê-mi có ân tứ bày tỏ lẽ thật thần học bằng ngôn ngữ tượng hình. Thật ra, phần lớn những bài giảng của ông có thể được đọc như thơ ca vậy [15]. Trong chương này, tiên tri Giê-rê-mi đã vẽ ra 10 hình ảnh sau đây phô bày tội lỗi của dân sự.


Hình ảnh người vợ phản bội chồng (c.1-8):

Khi Chúa lập giao-ước với dân Ngài tại núi Si-nai (Xu 19:1-20:26), Chúa đã bước vào một mối quan hệ yêu thương mà Ngài ví như quan hệ vợ chồng với dân sự Ngài. “Chúng nó đã phá giao-ước Ta, dầu rằng Ta làm chồng chúng nó” (Gie 31:32; Gie 3:14). Trong thời Cựu-ước, việc thờ hình tượng của dân Y-sơ-ra-ên bị xem như tội ngoại tình, tội tà dâm (Es 54:5; Os 2:16). Ban đầu khi mới lập giao-ước, dân Do-thái rất trung thành. [16] và kính mến Chúa.

Thế nhưng khi đã vào vùng đất hứa, họ lại quay sang tương thông với những hình tượng của các nước lân cận và sa vào việc thờ hình tượng (Cac 1:1-3:31). Mặc dù, Đức Chúa Trời đã gìn giữ, đưa dẫn họ vượt qua đồng vắng an toàn và ban cho họ sản nghiệp tuyệt vời trong vùng đất Ca-na-an, nhưng rồi họ đã từ bỏ Ngài để chạy theo thờ lạy những hình tượng do con người tạo nên. Vậy, tình yêu chung thuỷ là tình yêu như thế nào?


Những hồ nứt (c.9-13):

Nhà tiên tri nói rằng “Hãy đi từ tây sang đông, ngươi sẽ chẳng thấy một dân tộc nào thay đổi thần của mình”. Tuy nhiên, dân Y-sơ-ra-ên đã từ bỏ Chúa thật để thờ lạy những thần giả dối. Điều này tương tự như việc từ bỏ một nguồn suối nước tinh khiết tươi mát không hề cạn để tìm đến một hồ nước dơ bẩn bị nứt nẻ không chứa nước được.

Trong khu vực Thánh địa, nước rất quý và không ai làm một điều dại dột như thế. Do vậy, không có gì là ngạc nhiên khi Chúa phán rằng: “Hỡi các từng trời………rất tiêu điều” (Gie 2:12). Vế thứ nhì của câu Kinh Thánh này vốn có nghĩa đen là “hãy ghê tởm!”


Kẻ đầy tớ bị cướp bóc (c.14-19): Đức Chúa Trời đã giải cứu dân Do-thái thoát khỏi Ai-cập và ban cho họ sự tự do trong vùng đất Ca-na-an nhưng giờ đây, dân tộc họ lại bị rơi vào cảnh mất tự do vì tội thờ lạy hình tượng. Do chỉ lo liên minh với các nước ngoại bang lân cận là Ai-cập và A-si-ri thay vì đặt để lòng tin nơi Chúa, Giu-đa đã trở thành một nước chư hầu và bị cướp bóc, dân chúng bị bắt làm nô lệ. Thay vì uống nước từ nguồn sông thánh khiết tươi mát mà Chúa đã ban cho họ, giờ đây, dân Giu-đa đã phải uống nước dơ bẩn ở sông Nile và sông Euphrates. Memphis và Tahpanhes là hai thành phố ở Ai-cập, còn Shihor là một nhánh của sông Nile.[17]


Câu 19 đã nêu lên một nguyên tắc thật cơ bản: Đức Chúa Trời đoán phạt chúng ta bằng cách cho phép tội lỗi của chính chúng ta đem lại những đau đớn và sự trừng phạt cho đời sống của chính mình. “đó là những sự mà đường lối và việc làm của ngươi đã chuốc lấy cho ngươi, đó là sự gian ác ngươi! Thật, ấy là cay đắng!” 

(Gie 4:18). “Sự gian ác các ngươi đã làm cho những sự ấy xa các ngươi; tội lỗi các ngươi ngăn trở các ngươi được phước” (Gie 5:25). Hình phạt lớn nhất mà Chúa dùng để đoán phạt những người bất tuân chính là để mặc họ đi trong con đường mình và tự gặt lấy những hậu quả đau buồn của chính tội lỗi mình.


Từ “sa ngã” có nghĩa đen là “quay lưng lại” và dùng để miêu tả sự bội đạo nhiều lần của dân sự [18]. Sách Các quan-xét tường thuật lại ít nhất 7 lần dân Y-sơ-ra-ên quay lưng lại với Chúa và bị Ngài đoán phạt. Ngoài ra, còn có vô số những lần khác trong thời kỳ chế độ quân chủ của dân Y-sơ-ra-ên khi họ cố ý quay lưng lại với Chúa. Từ “sa ngã” không được dùng trong Tân Ước nhưng được miêu tả bằng những hình ảnh tương tự: “mất ân điển” (Ga 5:4), “bỏ lòng kính mến ban đầu” (Kh 2:4), “yêu thế gian” (IGi 2:15-17; IITi 4:10) và “đi trong sự tối tăm” (IGi 1:5-10).


Con vật bướng bỉnh (c.20): Tiên tri Giê-rê-mi thường hay sử dụng những hình ảnh của các con vật để miêu tả hành động của con người. Ở đây, Giê-rê-mi đã so sánh dân Do-thái với hình ảnh một con vật ương bướng không mang ách [19]. Một trong những cụm từ hay được lặp lại là "sự cứng cỏi của lòng ác mình” (Gie 3:17; Gie 7:24; Gie 9:14; Gie 11:8; Gie 13:10; Gie 16:12; Gie 18:12; Gie 23:17) [20] Con người vốn được tạo dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời nhưng khi họ từ chối vâng lời Ngài, thì họ sẽ trở nên giống như con thú vậy. (Thi 32:9; Ch 7:21-23; Os 4:16)


Cây nho xấu (c.21)

Dân Y-sơ-ra-ên được ví như một cây nho là một hình ảnh quen thuộc trong Cựu-ước (Es 5:1-7; Thi 80:8-16; Exe 17:1-10; Os 10:1-2). Đức Chúa Trời đã trồng dân Ngài trong vùng đất tươi tốt mà Ngài ban cho họ nhưng họ đã không ra trái công bình như ý Ngài muốn.“Người mong rằng sẽ sanh trái nho nhưng nó lại sanh trái nho hoang” (Es 5:2). Do thờ lạy những hình tượng giả dối, họ đã trở nên giống như dân tộc hư mất lân cận. Những thần tượng chết thì làm sao có thể sinh ra trái sống cho dân tộc họ được?


Một thân thể ô uế (c.22):

Không một việc làm tốt lành hay nghi thức tôn giáo nào có thể tẩy sạch tội lỗi của dân sự được vì nan đề của dân sự chính là tấm lòng của họ. Dân sự phạm tội vì họ có tấm lòng cứng cỏi, không chịu lắng nghe lời của tôi tớ Đức Chúa Trời và không làm theo lời Ngài. Cuộc cải cách đất nước dưới thời Vua Giô-si-a chỉ là sự thay đổi về hình thức bên ngoài của vương quốc Giu-đa chớ không hề chạm đến tấm lòng của dân sự để họ có thể ăn năn và xin Chúa tha thứ .


Giê-rê-mi là nhà tiên tri của tấm lòng vì ông dùng từ ngữ này hơn 60 lần “Hỡi…được cứu” (Gie 4:14). “Lòng người ta…được?” (Gie 17:9). Đất nước Giu-đa cần phải quay trở về với Chúa bằng tất cả tấm lòng mình; chỉ có như vậy Chúa mới có thể ban phước cho họ.


Thú vật nơi sa mạc (c.22-25):

Mặc dù dân sự phủ nhận việc họ bị ô uế, nhưng chính những hành động của họ đã chứng minh điều ngược lại vì dường như họ sống nếp sống rất giống những thú vật :như lạc đà bị lạc đươờng đang tìm nguồn nước, như lừa cái chạy khắp nơi tìm bạn tình. Khi dân Do-thái chạy theo nghững thần tượng của các dân tộc ngoại đạo, giày của họ bị rách nát và cổ họ bị cháy khô vì khát. Mọi việc đã tốt đẹp hơn biết bao nếu họ chịu uống nước thánh sạch tươi mát trong dòng sông của Đức Chúa Trời!


Nhưng họ đã phó mình cho tội lỗi nhiều đến nỗi họ không còn hy vọng được cứu nữa. “Ấy là vô ích! ” (Gie 2:25) chính là cớ của họ. “Thật vô vọng! ” Họ nói như những kẻ nghiện rượu hoặc mê cờ bạc quá nặng không thể thay đổi thói quen được nữa; hoặc như kẻ bại ở ao Bê-tết-đa, bị bệnh quá lâu đến nỗi từ bỏ hi vọng được lành bệnh (Gi 5:9). Tuy nhiên, Chúa Giê-xu lại luôn lưu tâm đến những trường hợp vô vọng “Ngài phá vỡ quyền lực của tội lỗi, Ngài khiến kẻ tội nhân được giải thoát”.[21]


Tên trộm tự làm nhục mình (c.26-28):

Một tên trộm khi bị bắt quả tang vẫn có thể còn biện hộ rằng mình vô tội nhưng những chứng cớ vẫn còn đó cho mọi người có thể nhìn thấy. Bất cứ vị khách nào đến viếng thăm Giu-đa cũng có thể thấy điều Đức Chúa Trời đã thấy: dân sự ngoảnh mặt khỏi Chúa để trò chuyện với những thần tượng chết; nhưng khi gặp hoạn nạn, họ lại tuyệt vọng chạy đến cầu xin Chúa giúp đỡ. Dân sự thật đã bị bắt quả tang!


Những con cái bất trị (c.29-35): Đức Chúa Trời đã nhiều lần đoán phạt dân sự vì tội lỗi của họ nhưng dân sự đã không chịu thay đổi con đường mình. Họ thậm chí còn oán trách cả Chúa! Ngài lên án họ nhưng thay vì xưng tội và ăn năn, dân sự lại phàn nàn và quay lại buộc tội Chúa! Dường như không một hình thức đoán phạt nào của Chúa đem lại kết quả như mong muốn tốt đẹp cả. “Ngài đánh chúng nó…khứng trở lại” (Gie 5:3; Gie 7:28; Gie 17:23; Gie 32:33; Gie 35:13).


Đức Chúa Trời nhắc dân sự nhớ về ơn phước dư dật Ngài đã ban cho họ. Tuy nhiên, họ vẫn chống nghịch lại Chúa (Gie 2:29), quên Chúa (c.32) và dối Ngài (c.33-35) để nói rằng mình vô tội. Một trong những chủ đề chính của sách Phục-truyền Luật-lệ ký là nhắc dân sự nhớ đến Chúa và những ơn phước Ngài ban cho họ. Thế nhưng, dân sự lại coi thường những phước lành đó và quay sang với những thần tượng câm lặng.

Họ trở nên quá thành thạo với việc hành dâm, thờ lạy thần tượng giả dối đến nỗi ngay cả phường đĩ điếm cũng học được nhiều điều mới từ bản thân họ! Họ hà hiếp và làm đổ vấy máu kẻ nghèo khó, ấy vậy họ vẫn cho mình là vô tội (Am 2:6-8; Am 5:10-12)


Do đất nước lúc bấy giờ đang vui hưởng mọi sự hưng thịnh về kinh tế lẫn chính trị nên dân sự cho rằng những ơn phước này của Chúa là bằng chứng cho sự vô tội của họ. Họ đã nhận thức được rằng Chúa vẫn có thể chúc phước cho kẻ gian ác (Thi 37:1-40; Thi 73:1-28; Mat 5:45) và những sự tốt lành đó hầu khiến họ ăn năn (Ro 2:4-5; Lu 15:17-18)


Tù nhân chiến tranh (c36-37):

Trong nỗ lực cố giữ hoà bình với các nước lân cận, Giu-đa đã chạy đến cầu cạnh, nhờ vả hết Ai-cập đến A-si-ri (Gie 2:14-19) nhưng cả hai nước này về sau đều khiến Giu-đa thất vọng. Đây là hình ảnh miêu tả trong câu Gie 37: dân sự trong vị trí tù binh chiến tranh đã bị trói tay đưa cao trên đầu và bị dẫn đi. Bất cứ điều gì chúng ta quyết định trái với ý muốn Chúa đều khiến chúng ta rơi vào cảnh mất tự do bởi chỉ có duy nhất lẽ thật mới giải thoát đuợc chúng ta mà thôi (Gi 8:32). Lực lượng quân đội của Ba-by-lôn cuối cùng đã chiếm được xứ, phá hủy thành Giê-ru-sa-lem và dân sự bị bắt dẫn đi.


Liệu Giu-đa có cách nào thoát khỏi cơn thịnh nộ đang đến không? Vâng, có và đó cũng chính là nội dung chủ yếu trong thông điệp tiếp theo của tiên tri Giê-rê-mi.


2. Sự ăn năn: Đức Chúa Trời van nài dân sự quay trở lại cùng Ngài (Gie 2:1-37) (Gie 3:1-4:31)

Hai từ then chốt trong phần này là “trở lại” (Gie 3:1,7,12,22; Gie 4:1) và “bội nghịch” (Gie 3:6,8,11,12,14,22). Trong tiếng Hê-bơ-rơ, từ “bội nghịch” (“bất trung”) thật ra cũng mang cùng một ý nghĩa với từ “thói xấu cũ”.


Các hình ảnh (Gie 3:1-10; Gie 3:21-4:4).

Nhà tiên tri lại tiếp tục dùng 4 hình ảnh sống động dưới đây để miêu tả tình trạng thuộc linh đáng buồn của vương quốc Giu-đa.


-Hình ảnh người vợ phản bội chồng (Gie 3:1-10).

Tiên tri Giê-rê-mi một lần nữa lại sử dụng hình ảnh so sánh ẩn dụ về hôn nhân mà ông đã dùng ở Gie 2:1-2,20 nhưng lần này ông đề cập đến việc ly dị. Theo Luật Môi-se, một người có thể ly dị vợ nhưng không được phép lấy người đó làm vợ lại lần nữa (Phuc 24:1-4). Đức Chúa Trời có quyền từ bỏ dân Ngài, không phải vì họ đã từ bỏ Ngài để tương thông với người “chồng” khác mà là vì họ đã hành dâm với nhiều người tình. Dân sự đã lên những đồi cao và xây những miếu cho những thần tượng ngoại bang. Hành động của họ còn tệ hơn cả phường đĩ điếm, là những người vốn chờ đợi khách làng chơi đến với mình. Nhưng Giu-đa lại còn tệ hơn, họ chạy theo những thần tượng giả dối và luôn tái phạm tội ngoại tình thuộc linh với những thần này. [22]


Tuy nhiên, thay vì từ bỏ dân Ngài, Đức Chúa Trời vẫn kiên nhẫn kêu gọi họ trở lại làm vợ Ngài. Thật phước hạnh dường bao! Chúa thậm chí đã khiến xảy đến một cơn hạn hán trong vùng và dân sự đã phải chạy đến kêu cầu Ngài giúp đỡ (Gie 3:4-5); thế nhưng họ vẫn không thật lòng ăn năn về tội lỗi mình.

Do mối quan hệ lập trên giao-ước với Đức Chúa Trời mà dân Giu-đa gọi Ngài là “Chúa” và là “Đấng Dẫn Dắt” là những danh xưng mà những người phụ nữ Do-thái vẫn thường hay gọi chồng mình. Nhưng làm thế nào để Đức Chúa Trời có thể ban phước cho dân sự theo như giao ước một khi họ không còn vâng giữ những luật lệ trong giao-ước ấy nữa?


Khi đế quốc A-si-ri xâm chiếm vương quốc phía Bắc của Y-sơ-ra-ên vào năm 722 S. C , vương quốc Giu-đa ở phía Nam đã được chứng kiến sự đoán phạt của Chúa. Tuy nhiên, dân Giu-đa vẫn không chịu nhìn nhận bài học từ sự phá hủy Y-sơ-ra-ên và phủ nhận tội lỗi của mình (c. 6-11). Đức Chúa Trời đã “ly dị” Y-sơ-ra-ên và bỏ sang một bên. Y-sơ-ra-ên trở thành một phần của đế quốc A-si-ri và vương quốc phía Bắc này đã không bao giờ được phục hồi trở lại. Nhìn thấy sự đoán phạt này, nhưng Giu-đa vẫn đi trong con đường tội lỗi của mình như thể điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy đến với họ. Do-thái cao ngạo này mà Giu-đa đã phạm tội thậm chí còn nặng hơn cả Y-sơ-ra-ên. Giu-đa đáng lẽ đã bị “bỏ sang một bên” nhưng Đức Chúa Trời vẫn khoan dung mời gọi người vợ ngoại tình này quay về với Ngài.


Do vâng phục nhà vua, dân sự đã hợp tác với vua Giô-sia và tiến hành dẹp bỏ hình tượng nhưng tất cả những gì họ làm chỉ là “giả dối” mà thôi (c.10). Đối với Đức Chúa Trời thì “miệng họ ở gần Ngài song lòng họ cách xa Ngài” (Gie 12:2; Exe 33:31). Thậm chí ngày nay, khi các nhà lãnh đạo chính trị khoe rằng họ đã được tái sinh đời sống, sẵn lòng thúc đẩy các hoạt động truyền giảng Phúc-Âm thì việc đi nhà thờ và đọc Kinh Thánh của họ chỉ là những việc làm “vì để…“ mà thôi. Vậy, bạn sẽ căn cứ vào cái gì để nhận biết những người này thật sự chân thật đến mức nào? Đức tin Cơ-đốc thật sẽ không bao giờ phổ biến và con đường dẫn đến sự sống vẫn là một con đường hẹp, ít người đi (Mat 7:13-23)


Một bệnh nhân không khoẻ mạnh (Gie 3:21-25). Trong Kinh Thánh, bệnh tật là một trong nhiều hình ảnh ẩn dụ chỉ tội lỗi (Gie 8:22; Gie 30:12; Es 1:5-6; Mac 2:17; Thi 41:4). Như một căn bệnh lây lan khi nhiễm vào mạch máu, tội lỗi cũng âm thầm lặng lẽ thấm vào “con người bên trong“ bắt đầu làm cho cơ thể suy yếu và bị huỷ hoại dần.

Nó dần dần tác động lên toàn bộ các hệ thống của cả thể xác lẫn tinh thần con người chúng ta, gây ra trạng thái chán chường cũng như không còn đói khát về mặt thuộc linh. Và nếu không được quan tâm đến, “căn bệnh tội lỗi“ có thể dẫn đến những hậu quả thật khủng khiếp, đáng sợ. Khi chúng ta nghe nói đến những tín hữu “đột nhiên“ rơi vào tội lỗi, trong đa số các trường hợp là người ấy đã bị trượt dốc dần dấn trước đó.


Đức Chúa Trời sẵn sàng chữa lành không chỉ các triệu chứng của sự bội nghịch của dân sự mà còn chính thái độ bội nghịch nữa. Những tiên tri giả chỉ giải quyết các triệu chứng và tuyên bố về sự bình an giả dối vốn chỉ đem lại cho con người một lòng tin tưởng giả tạo (Gie 6:14; Gie 7:8; Gie 8:11). Nhưng một bác sĩ chữa trị các căn bệnh của tâm hồn thật sự sẽ bày tỏ lẽ thật cũng như tìm các hướng tội nhân đến sự chữa lành thuộc linh thực sự vốn chỉ đến từ việc xưng tội và ăn năn thật.


Điều này nhắc tôi nhớ đến một cân chuyện tôi vẫn thường hay kể trong các bài giảng. Một tín đồ tại một Hội thánh nọ thường có thói quen kết thúc lời cầu nguyện trước hội chúng với câu “lạy Chúa, xin cất lấy những mạng nhện trong lòng chúng con!”. Một tín hữu khác thật sự lo lắng với lời cầu nguyện này, vì vậy một buổi tối nọ, sau khi nghe xong lời này, ông bèn đứng lên và cầu nguyện thêm rằng “và lạy Chúa, khi Ngài đang ở trong mạng nhện đó, xin cũng hãy giết luôn con nhện”. Tiên tri Giê-rê-mi đang cố gắng “giết con nhện” và chữa trị cho bệnh nhân.


Dân Do-thái cho rằng sự giải cứu cho họ phải đến từ các thần tượng họ thờ lạy trên các nơi cao - các miếu trên cao. Thế nhưng, hy vọng duy nhất cho họ chính là thái độ ăn năn và tin cậy Chúa [23] vì những thần tượng này không thể giải cứu họ. Thật sự, những thần tượng này chẳng đem lại cho họ điều gì cả ngoài sự xấu hổ. Vậy mà, dân Do-thái lại đem những sản vật mà Đức Chúa Trời ban cho họ dâng lên cho các thần tượng đáng xấu hổ này!


-Cánh đồng chưa được cày xới (Gie 4:1-3): Nan đề của dân sự chính là thái độ không trung thực của họ. Họ có thể nói những lời lẽ hoàn toàn đúng nhưng họ không nói những điều đó xuất phát từ tấm lòng mình. Họ có thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời chân thật nhưng vẫn không từ bỏ các thần tượng. Họ dễ dàng thốt lên rằng: “thật như Đức Chúa Trời Hằng sống” nhưng lại không nói rằng: “trong lẽ thật và sự Công bình”.

Tấm lòng họ chai cứng và đầy những gai góc như một mảnh ruộng bỏ hoang, không được cày xới. Tiên tri Ô-sê đã sử dụng hình ảnh này để ví sách với dân sự và Chúa Giê-xu cũng đã đề cập đến trong ví dụ người gieo giống (Gie; Mat13:1-9,18-23)


Một tấm lòng chưa được tẩy sạch- chưa được cắt bì (Gie 4:4): Những bé trai Do-thái thường được cắt bì khi dược 8 ngày tuổi, được đặt tên và trở nên con cái của sự giao ước (Sa 17:9-14; Lê 12:3; Lu 1:59). Mặc dù không có một phẫu thuật nào trên thân thể có thể thay đổi được tấm lòng nhưng dân Do-thái vẫn luôn cho rằng nghi thức này là một hình thức bảo đảm cho sự cứu rỗi của họ (Mat 3:7-9; Cong 15:1-5).

Tuy nhiên, Đức Chúa Trời muốn tấm lòng của dân sự cũng Được “giải phẫu” và họ cần phải quăng đi những sự cứng cỏi, không vâng lời của họ. “Vậy hãy trừ sự ô uế của lòng mình đi, chớ cứng cổ nữa” (Phuc 10:16; Phuc 30:6; Ro 2:28-29; Co 2:11). Tai họ cũng cần được cắt bì để có thể nghe được Lời Chúa.


Ngày nay, nhiều người dựa vào lễ báp-têm, Tiệc Thánh, lễ xác nhận hoặc những hình thức tôn giáo khác để bảo đảm cho sự cứu rỗi của mình trong khi Đức Chúa Trời lại muốn chúng ta có một đức tin chân thành xuất phát từ tấm lòng ăn năn thật sự. Sự cứu rỗi là sự ban cho mà chúng ta được nhận lãnh bởi đức tin chớ không phải là một phần thưởng Do-thái độ sùng đạo của chúng ta.


-Những lời hứa (Gie 3:11-13): Chúa thậm chí đã kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên đang bị tan lạc rải rác khắp nơi hãy quay trở về với Chúa. Lời mời gọi này nhắc chúng ta nhớ đến lời hứa của Đức Chúa Trời trong Lê 26:40-45 Phuc 30:1-20; IIVua 8:46-53 vốn đảm bảo với dân sự rằng Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho họ nếu họ ăn năn. Trong Giê 3:14-19. [24] tiên tri Giê-rê-mi dường như nhìn xa hơn đến thời kỳ mà cả vương quốc Giu-đa lẫn Y-sơ-ra-ên sẽ được sát nhập lại. Đất nước lúc đó sẽ được thanh tẩy, trở nên hưng thịnh và Đức Chúa Trời cũng sẽ ban cho dân sự những người lãnh đạo tôn giáo để chăm sóc họ.Trong những ngày đen tối nhất của lịch sử dân tộc, dân Y-sơ-ra-ên luôn nghe các tiên tri nói đến vương quốc sắp đến của đấng Mê-si và lời hứa đó đã đem lại hy vọng cho họ.


Dân sự chắc hẳn đã rất sửng sốt khi nghe tiên tri Giê-rê-mi nói rằng ngày đó sẽ đến khi hòm giao-ước không còn được tưởng đến hay nhớ đến nữa (c.16). Dân sự vốn ưa tin cậy vào hòm giao-ước, đền thờ, các nghi thức tôn giáo, giao-ước. Nhưng những điều này chỉ là những dấu hiệu tạm thời để chỉ đến một điều khác có ý nghĩa thuộc linh và giá trị đời đời.


Ngày đó sẽ đến khi dân Do-thái đã cắt bì được đối xử như những dân ngoại chưa cắt bì (Giê 9:25-26), khi đền thờ không còn cần dùng nữa (Giê 7:1-15; Gi 4:20-24) và khi có một giao ước mới sẽ có thể khiến nhiều tấm lòng thay đổi (Giê 11:1-5; Giê 31:31-40). Giống như Chúa Giê-xu, Giê-rê-mi cũng nhìn xa hơn những hình thức tôn giáo bên ngoài và dạy bảo dân sự rằng Đức Chúa Trời luôn mong tìm kiếm sự dâng hiến của từng tấm lòng. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cả hai đều bị kết tội phản bội và bị bắt bớ chống đối lại “tôn giáo thật” mà Chúa đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên.


-Sự đoán phạt (Gie 4:5-18).

Tiên tri Giê-rê-mi nói đến việc đất nước sẽ bị đế quốc Ba-by-lôn ở phương Bắc xâm chiếm (Gie 1:14) như một con sư tử hung dữ (Gie 4:7) và như một trận gió lốc sa mạc huỷ diệt mọi thứ (Gie 4:11-13). Sự đoán phạt đáng sợ sẽ giáng xuống trên Giu-đa. Thế nhưng dân sự vẫn chưa được chuẩn bị vì mọi người vẫn tin vào sứ điệp về sự bình an do các tiên tri giả rao báo (c.10 ) [25] “Điều đó không thể xảy ra tại đây” chính là khẩu hiệu của họ vì “xét cho cùng, chúng ta có đến thờ và có hòm giao-ước”


Chúa ra lệnh cho những người canh giữ thổi kèn và lên tiếng cảnh báo cho dân sự chạy đến các tường thành để ẩn nấp. Điều đó sẽ cho họ thời gian để có thể quấn vải bố và ăn năn cũng như tẩy rửa lòng mình bằng cách xưng ra những tội lỗi của họ (c.14). Tuy nhiên, quân lính của đế quốc Ba-by-lôn sẽ đến nhanh chóng và hoàn tất công việc của mình (Exê 38:16) “đó là những sự ……lòng ngươi” (Giê 4:18).


- Nỗi đau đớn (Gie 4:19-31). Được biết đến như là “nhà tiên tri than khóc”, Giê-rê-mi đã bày tỏ sự giận dữ mình khi nhìn thấy thảm kịch của dân tộc có thể được thay đổi (Gie 4:19-21). Không một tiên tri nào trong thời Cựu-ước lại bày tỏ nỗi lòng đau thương như tiên tri Giê-rê-mi cả (Giê 6:24; Giê 9:10; Giê 10:19-20). Khi rao giảng trước dân sự, tiên tri Giê-rê-mi rất thẳng thắn. Còn trong chốn riêng tư, ông lại bày tỏ tấm lòng tan vỡ với Chúa.


Đức Chúa Trời đã giải thích với tôi tớ Ngài vì sao lại có sự đoán phạt xảy đến. Dân sự thật ngu muội, họ không biết đến Đức Chúa Trời; họ thật khờ khạo và thiếu sự khôn ngoan (Giê 4:22). Nếu trong đời sống thánh khiết, họ cũng thông thạo như khi phạm tội, thì Đức Chúa Trời chắc đã ban phước thay vì đoán phạt họ.


Với khải tượng tiên tri, Giê-rê-mi nhìn thấy những điều đế quốc Ba-by-lôn sẽ gây ra trong lãnh thổ của dân sự Chúa (c.23-29 ), khiến mọi vật trở nên hỗn độn như được miêu tả trong Sa 1:2 [26] Bất cứ nơi nào tiên tri Giê-rê-mi nhìn đến, ông cũng đều thấy sự đổ nát. Ngay cả núi non cũng bị rúng động! Chính nhờ vào lòng thương xót của Đức Chúa Trời mà mọi vật ở đất nước Giu-đa không hoàn toàn bị tàn phá (Gie 4:27; Giê 5:10,18; Giê 30:11; Giê 46:28).


Nhưng thảm hoạ lớn nhất chính là thái độ bất trung của dân sự, họ đã không ăn năn và từ chối kêu cầu sự giúp đỡ của Chúa (Gie 4:30-31). Giê-rê-mi miêu tả họ như phường đĩ điếm ra sức liên minh với những dân tộc khác để giúp đỡ họ ngăn chặn đế quốc Ba-by-lôn, nhưng những “người tình” của họ đã không đáp lời kêu cầu của họ. Giu-đa đã tin cậy các nước liên minh hơn là Đức Chúa Trời. Kết cuộc, phường đĩ điếm này sẽ trở nên giống như những người đàn bà đang sanh đẻ- vốn là một hình ảnh của sự đoán phạt đau thương hay được dùng trong sách tiên tri Giê-rê-mi (Giê 6:24 Giê 13:21; Giê 22:23; Giê 30:6; Giê 48:41; Giê 49:22,24; Giê 50:43). [27]

-Giê 3:1-25; xem giải nghĩa Giê 2:1-37.

-Giê 4:1-31; xem giải nghĩa Giê 2:1-37.


3. Sự công bình: Đức Chúa Trời tìm kiếm những kẻ yêu mến Ngài (Giê 5:1-31)

Do dân sự không chịu lắng nghe lời Chúa, nên Ngài đã phán bảo với tiên tri Giê-rê-mi phải “diễn tả” sứ điệp của ông. Đây là hành động đầu tiên trong số ít nhất 10 “bài giảng qua hành động” được tìm thấy trong sách tiên tri Giê-rê-mi [28]. Bên cạnh đó, nội dung của chương này liên quan đến 4 tội lỗi của dân thành Giê-ru-sa-lem.


a. Một cuộc tìm kiếm:

Họ là những người không yêu mến Chúa (Giê 5:1-6): Đức Chúa Trời truyền cho Giê-rê-mi tiến hành một cuộc tìm kiếm trong khắp các thành của Giê-ru-sa-lem. Nếu tìm thấy một người công bình, Chúa sẽ tha thứ cho dân thành độc ác này và trì hoãn sự đoán phạt. Nền tảng cho “bài giảng hành động” này chính là việc Đức Chúa Trời đồng ý với Ap-ra-ham rằng Ngài sẽ không huỷ diệt thành Sô-đôm nếu tìm được 10 người công bình trong thành (Sa 18:22-33). Cuộc trắc nghiệm trong thành Giê-ru-sa-lem chính là liệu dân thành có sống trong lẽ thật và sự công bình không ?


Tiên tri Giê-rê-mi không tìm được người nào trong số những người nghèo khổ sống như vậy, nhưng ông tự cho rằng việc thiếu hiểu biết về tôn giáo chính là lý do của họ. Giê-rê-mi tiếp tục tìm kiếm trong số những người giàu có và những nhà lãnh đạo dân tộc vốn là những người ông biết rằng họ rất hiểu biết về các điều răn của Đức Chúa Trời. Thế nhưng những người này lại cởi bỏ ách và quay lưng lại với Luật pháp (Giê 5:5; Giê 2:20; Thi 2:1-3). Cuối cùng, Giê-rê-mi chẳng tìm một người nào được kể là công bình và trung tín cả.


Còn lại một điều mà Đức Chúa Trời có thể làm, đó là Ngài cho phép đạo quân xâm lược như những thú dữ chiếm lấy lãnh thổ, cướp bóc và tiêu diệt dân sự (Giê 2:15; Giê 4:7). Hễ con vật nào tự bẻ ách và trốn khỏi chủ mình ắt sẽ chỉ gặp phải sư tử, sói, và báo mà thôi! Đó phải chăng là sự tự do hay sao?


b. Sự kết tội:

Họ là những kẻ vô ơn (Giê 5:7-9): Đức Chúa Trời đặt ra hai câu hỏi: “Ta tha thứ các ngươi sao được?” (c.7) và “Ta sẽ chẳng thăm phạt về những sự đó hay sao?” (c.9) Đức Chúa Trời “đã khiến họ ăn no” (c.7) “chu cấp cho họ mọi thứ cần dùng” nhưng dân sự lại sử dụng những tặng vật Chúa ban cho để phạm tội và phục vụ cho những thần tượng của mình. Đáng lẽ những ơn phước tốt lành của Chúa đã khiến họ phải ăn năn (Ro 2:4) nhưng họ lại bày tỏ thái độ vô ơn đối với những ơn phước ấy của Ngài (Os 2:4-13). Thay vì hành động như những người nam, người nữ được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa, họ lại trở nên giống như những thú vật trong sa mạc (“chúng nó cũng như con ngựa mập”, “chạy lung”, Gie 5:8 Gie 2:24).


Các dân tộc thờ hình tượng trong khu vực Ca-na-an tiến hành những buổi thờ phượng vô đạo đức không thể tin được. Trong suy nghĩ của mình, dân sự cho rằng việc kết giao với các thần tượng khác có thể bảo đảm cho vụ mùa của họ được kết quả.

Theo họ, Ba-anh là thần mưa, đem lại mưa cho đất. Vì vậy, khi Đức Chúa Trời ngăn mưa lại để cảnh cáo dân sự Ngài, họ lại quay sang các thần tượng ngoại bang để cầu xin sự giúp đỡ.

Vua Giô-si-a đã tiến hành dẹp bỏ các đền thờ các thần ngoại bang, thế nhưng dân sự vẫn tìm mọi cách khác để tiếp tục và làm thoả mãn những tham muốn xấu xa mà họ đã nhen nhúm lên trong dân Giu-đa. Cũng giống như xã hội ngày nay, mọi người đều tôn thờ tình dục và không nhận thấy điều sai trái trong những điều họ làm.


c. Sự phá hủy:

Họ là những kẻ bất trung (Giê 5:10-19): Đây chính là trọng tâm của vấn đề: do dân sự không tin vào Lời Chúa, nên họ đã quay lưng lại với Ngài và đi theo ý riêng của mình. “Chúng nó đã chối bỏ …….đói kém” (Giê 5:12). Họ chống lại Lời Chúa phán qua các tiên tri và gọi những lời đó là “gió”. Hậu quả là Đức Chúa Trời phải dùng tới một sự đoán phạt đến trên vườn nho của Ngài (Giê 5:10-11; Giê 2:21).


Tuy nhiên, Đức Chúa Trời phán rằng Lời Ngài là ngọn lửa thiêu đốt dân sự như củi vậy (Giê 5:14; Giê 23:29). Chú ý từ “ăn” trong Giê 5:17, đó chính là lời cảnh báo rằng đạo quân Ba-by-lôn sẽ xâm chiếm lãnh thổ. Sự xâm chiếm này sẽ làm thành lời cảnh cáo trong Phuc 28:49-52, là lời cảnh báo mà tất cả dân sự đều biết. Dân Do-thái đã từ bỏ Đức Chúa Trời để thờ phượng các thần ngoại bang ngay trong đất nước mình. Bây giờ, họ sẽ tạm thời bị Chúa quên đi và bị đạo quân xâm lược Ba-by-lôn dẫn đi thờ phượng các thần tượng chết nơi đất khách.


Thế nhưng, mở đầu và kết thúc của lời cảnh báo này làm một lời hứa Đức Chúa Trời sẽ không hủy diệt dân tộc hoàn toàn (Giê 5:10,18; Giê 4:27; Giê 30:11; Giê 46:28) [29]. Ngay cả trong cơn giận dữ, Ngài vẫn có sự thương xót (Ha 3:2). Các tiên tri rao truyền về sự đoán phạt nhưng họ cũng nói rằng “số còn sót lại” sẽ không bị đoán phạt. Tiên tri Ê-sai đã nhiều lần lặp lại lời hứa này (Es 1:19; Es 10:20-22; Es 11:11,16; Es 14:22; Es 46:3), thậm chí còn nêu tên một trong những con trai của mình là “người sót lại được trở về” (Sê-a-gia-súp Es 7:3). Tiên tri Mi-chê cũng lặp lại lời hứa này (Mi 2:12; Mi 4:7; Mi 5:3,7-8; Mi 7:18).


Số người cón sót lại sẽ từ Ba-by-lôn trở về vùng đất Giu-đa sau thời gian bị bắt để lập lại đất nước, xây dựng lại đến thờ, duy trì lời chứng và sửa soạn đón tiếp đấng Mê-si-a sắp đến. Đức Chúa Trời đã lập giao ước với Áp-ra-ham rằng hậu tự của ông trên khắp đất sẽ được chúc phước (Sa 12:1-3) và Ngài đã giữ trọn lời hứa mình.


d. Sự tuyên cáo:

Họ là những người không quan tâm (Giê 5:20-31): Tiên tri Giê-rê-mi vốn dĩ là một người nhút nhát. Tuy nhiên, Chúa lại bảo ông phải tuyên cáo thẳng thắn với nhà Gia-cốp họ là người như thế nào. Những hình ảnh miêu tả của nhà tiên tri đã khiến họ nổi giận và không khiến họ hết tự mãn. Tiên tri Giê-rê-mi miêu tả họ là nhữnng người ngu dốt, mù loà, không nghe và không biết kính sợ Chúa. Họ là những kẻ cứng lòng và nổi loạn, không còn chịu hầu việc Đức Chúa Trời nữa. Chúa ban mưa và mùa màng cho dân Ngài, nhưng họ lại không biết cảm tạ Chúa.


Thay vì nhắc nhở nhau kính sợ Chúa, họ lại bóc lột nhau như thợ săn săn tìm chim chóc vậy. Do vậy, kẻ giàu ngày càng giàu thêm và người nghèo ngày càng nghèo xác nghèo xơ. Các quan toà cũng trở nên sa đọa. Tiên tri thì chỉ đầy dẫy những kẻ giả dối, thầy tế lễ cũng đồng một lòng với dân sự: và mọi người tán thưởng những điều đã làm và lấy làm vui thỏa! “Dân ta đều lấy làm ưa thích” (Giê 5:31). Khi một dân tộc đã trở nên sa đoạ thì chẳng còn hy vọng gì cả cho quốc gia đó cả.


Tội nhân thường nghĩ rằng họ sẽ bị phạt nhẹ với tội của mình nhưng Chúa hỏi họ rằng “khi đến cuối cùng, các ngươi sẽ làm thế nào?” (Gie 5:31). “Có một con đường coi dường chánh đáng cho loài người nhưng đến cuối cùng nó thành ra nẻo của sự chết” (Ch 14:12)


4. Sự báo thù: Chúa sẽ giáng sự đoán phạt (Gie 6:1-30)

Kết thúc bài giảng, tiên tri Giê-rê-mi nhấn mạnh đến việc xâm chiếm của đế quốc Ba-by-lôn và sự tàn phá mà họ sẽ gây ra cho vương quốc Giu-đa. Trong giây phút quyết định đó, nhà tiên tri nói trước cho dân sự biết những điều Chúa sẽ làm.


a. Chúa tuyên chiến (c.1-5):

Đầu tiên, Đức Chúa Trời nói chuyện với dân Ngài và cảnh cáo họ về sự đoán phạt sắp đến (c.1-3). Dân Do-thái có ba cách để tiếp nhận tin tức chiến trận: từ những người canh gác trên tường thành (c.17), từ tiếng kèn hiệu (c.1; Dan 10:1-10) và từ ánh lửa hiệu đốt lên trên các nơi cao (Gie 6:1).

Do quê nhà của tiên tri Giê-rê-mi ở A-na-tốt tại Bên-gia-min nên ông bắt đầu cảnh báo cho những người lân cận chạy ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem. Thành Giê-ru-sa-lem được ví sánh như một “cô gái đẹp đẽ yểu điệu”, nhưng nó sẽ có kết cuộc như một “người đàn bà goá” (Ca 1:1) với sắc đẹp đã tàn phai (c.6) “những kẻ chăn” ngoại bang (quân lính) sẽ xâm chiếm những đồng cỏ xanh tươi và dựng lều của họ chỉ để giết chóc đàn gia súc.


Kế đến, Chúa phán với quân đội Ba-by-lôn qua những điều Ngài ra lệnh (Gie 6:4-5)và cùng chỉ dẫn chiến lược cho họ: đó là tấn công bất ngờ vào buổi trưa, là thời điểm nóng nhất trong ngày nên không ai có thể liệu trước được. Ngài cũng vạch kế hoạch tiếp tục tấn công vào ban đêm khi các chiến binh đang nghỉ ngơi.

Từ ngữ “sửa soạn” có nghĩa là “nên thánh hoặc hiến dâng”;các chiến binh Ba-by-lôn xem trận chiến này như một cuộc thập tự quân cho các thần của họ (Gio 3 :9; Mi 3:5).


b. Chúa chỉ dẫn cuộc tấn công (c.6-15):

Đức Chúa Trời phán cho quân đội Ba-by-lôn biết những điều họ phải làm: đốn cây và đắp lũy quanh tường thành. Sau đó, Ngài cho họ biết vì sao phải làm như vậy. Giê-ru-sa-lem giống như một giếng nước chảy ra toàn nước dơ bẩn nên cả thành phải bị đoán phạt. Nó cũng giống như một người đang hấp hối với một vết thương không thể chữa lành; vì vậy những điều này phải được tẩy sạch. Cuối cùng Chúa chỉ cho họ biết cách thức phải làm thế nào: bằng cái nhìn bao quát và chính xác, người hái nho đi vào vườn nho và không để sót một trái nào (Gie 6:5,9).


Nhà tiên tri than khóc vì ngay chính trong giờ phút quyết định đó, vẫn không ai chịu lắng nghe! (c.10). Không những tấm lòng họ chưa được cắt bì (Gie 4:4) mà tai họ cũng vậy (Cong 7:51) nên họ không chịu nghe Lời Chúa. Đầy tức giận, Giê-rê-mi nói cho dân sự biết cơn giận của Chúa sẽ giáng xuống tất cả mọi người: già, trẻ; đàn ông, đàn bà và ngay cả trẻ con. Những người cai trị và những thấy tế lễ cũng sẽ không thoát được; thật ra, họ chính là những người có tội nặng nhất vì đã tạo cho dân sự một sự an lòng giả tạo khiến dân sự đã không chịu ăn năn về tội lỗi mình (Gie 6:13-15; Gie 7:8; Gie 8:11) “ấy là vì cớ…thầy tế lễ nó ” (Ca 4:13). Chúa chắc chắn sẽ giáng sự đoán phạt này.


c. Chúa tuyên án (c.16-23):

Dân này có tội không? Có! Họ đáng bị đoán phạt không? Có! Thật ra, Chúa kêu gọi mọi dân ngoại và cả trái đất hãy chứng kiến mọi điều Ngài đã làm cho dân Ngài để tránh sự đoán phạt như vậy (Gie 6:18-19). Dân sự đã không đi trong đường lối Ngài [30] Họ cũng không chịu lắng nghe các tiên tri Ngài. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục thờ lạy Chúa một cách giả dối! (Es 1:11-14; Am 5:21; Mi 6:6-8).

Chúa đã chỉ cho họ con đường đúng để đi nhưng họ đã từ chối nên chẳng còn lối thoát nào cho họ cả. Quân đội Ba-by-lôn là một cản trở đáng sợ cho bất cứ ai tìm cách trốn thoát cơn giận của Chúa. Và dĩ nhiên con gái Si-ôn cũng không thể nào trốn thoát được.


d. Chúa miêu tả những hậu quả (c.24-30):

Nhà tiên tri miêu tả phản ứng của dân sự khi nghe tin tức;họ không bày tỏ một điều gì khác ngoài thái độ tức giận, sợ hãi và yếu đuối như một người đàn bà đang đẻ con (Gie 6:24-26). Cụm từ “Khắp nơi đều có sự kinh hãi” (c.25) được lặp lại nhiều lần trong các câu Gie 20:10; Gie 46:5; Gie 49:29. Đây cũng chính là tên gọi mà tiên tri Giê-rê-mi đặt cho Pha-su-rơ, là quản đốc trong đền thờ.


Thỉnh thoảng, những sự thử thách đem lại điều tốt cho dân sự nhưng điều này đã không xảy ra trong thành Giê-ru-sa-lem. Khi Chúa thổi lửa lò nung, điều đó bày tỏ rằng dân sự như bạc bị ném ra không làm chi được nữa. Không phải Ngài đang thanh tẩy dân sự mà đang đoán phạt họ. Họ không được tinh chế nữa mà bị bỏ ra ngoài. Họ không đáng giá gì để dược giữ lại nữa.


“Tôi thật sự run sợ cho đất nước mình khi suy nghĩ rằng Chúa là công bình và sự công bình Ngài không thể yên lặng mãi được”.


Thomas Jefferson đã viết những lời này trong cuốn sách Notes on the State of Virginia (Nhật ký của bang Virginia) của mình cách nay hơn hai thế kỷ và đây vẫn là một điều quan trọng cho chúng ta suy nghĩ ngày hôm nay.



 


3. TIẾNG NÓI TRONG ĐỀN THỜ (Gie 7:1-10:25)


“Càng hiểu rõ về tổ tiên, chúng ta càng thấy họ giống những người đương đại” Henry David Thoreau [31]


Giả sử vào thời của tiên tri Giê-rê-mi sống, có một tờ báo trong thành Giê-ru-sa-lem thì ắt rằng những dòng đầu của những số báo liên tiếp nhau sẽ có nội dung như sau:

- Vua Giô-sia bị thương nơi chiến trường!

Vị vua dũng cảm được đưa về thành Giê-ru-sa-lem để chăm sóc.

- Nhà vua băng hà!

Giô-a-cha lên ngôi kế vị cha.

- Ai-cập truất ngôi của Giô-a-cha

Nhà vua trị vì chỉ được ba tháng.

- E-li-a-kim là quan nhiếp chính mới

Được Pha-ra-ôn đổi tên là “Giê-hô-gia-kim”


Đằng sau những tiêu đề hư cấu này là những biến cố đau thương dẫn đến sự sụp đổ của vương quốc Giu-đa. Là người có lòng sốt sắng với công việc của Đức Chúa Trời, vua Giô-sia đã thực hiện một cuộc cải cách trong cả nước qua việc sửa sang lại đền thờ và dẹp bỏ mọi hình tượng ra khỏi lãnh thổ. Nhưng vào năm 609 TC, nhà vua đã không chú ý đến lời cảnh cáo của Chúa và thiếu khôn ngoan khi bước vào một cuộc chiến với Ai-cập, A-si-ri và Ba-by-lôn.

Nhà vua bị thương nơi chiến trận gần trũng Mê-ghi-đô và được đem về Giê-ru-sa-lem và người qua đời tại đây (IISu 35:20-27). Dù bàng hoàng trước cái chết của vua, nhưng vương quốc Giu-đa vẫn không nhận biết việc mất vua mình là lời kêu gọi của Chúa: cả dân tộc hãy ăn năn và thú nhận tội lỗi mình.


Giô-a-cha, con trai của vua Giô-sia, lên ngôi được ba tháng thì bị vua Ai-cập truất ngôi và đưa em trai người, Ê-li-a-kim lên thay thế.

E-li-a-kim được vua Ai-cập đặt tên là “Giê-hô-gia-kin” (Do vua Giô-si-a bị bại trận nên Giu-đa trở thành nước chư hần của Ai-cập). Trong suốt 11 năm trị vì, Giê-hô-gia-kim lại dẫn dắt dất nước quay trở về với việc thờ hình tượng. Mặc dù vua Giô-sia đã dẹp bỏ hình tượng ra khỏi lãnh thổ nhưng nhà vua đã không thể cất việc thờ hình tượng ra khỏi lòng của dân sự.


Dân Do-thái không hoàn toàn bỏ công việc đền thờ; nhưng họ đã đem việc thờ các thần tượng vào đền thờ và chỉ xem Đức Giê-hô-va như là một trong các thần họ thờ phượng mà thôi. Nếu nhìn thấy một buổi thờ phượng của họ, bạn sẽ nghĩ rằng những người này thật lòng tôn thờ Đức Chúa Trời; thế nhưng, tấm lòng họ lại thuộc về thần Ba-anh, Át-tạt-tê, Kê-mốt và các thần của các nước ngoại bang chung quanh. Giu-đa thờ Đức Giê-hô-va chỉ ở môi miệng còn tấm lòng mình thì lại đem dâng cho các thần tượng .


Dân Do-thái biết việc thờ hình tượng là sai nhưng lại tự tin rằng họ không có việc gì phải sợ. Dẫu sao thì Chúa sẽ không bao giờ cho phépviệc kinh khủng nào có thể xảy ra với thành có đền thánh của Ngài! Chẳng phải dân Giu-đa đã được nhận lãnh Luật pháp Môi-se và chính họ là con cái của Áp-ra-ham, con cái của sự giao ước đó sao? Họ chính là tuyển dân của Chúa! Với một di sản tôn giáo như thế, họ tin chắc sẽ không có sự đoán phạt nào có thể giáng xuống vương quốc họ được.


Tuy nhiên, Chúa lại có một cái nhìn khác hẳn về vấn đề này. Ngài sai tiên tri Giê-rê-mi lên đền thờ và rao giảng thông điệp của Ngài cho những kẻ giả hình tụ tập ở đó. Trong bài giảng ấy, nhà tiên tri đã can đảm chỉ ra sự thờ phượng giả dối của dân sự (Gie 7:1-8:3), những tiên tri giả của họ (Gie 8:4-22), sự tin tưởng sai lệch của dân sự vào giao-ước mà họ đang bất tuân theo (Gie 9:1-26) và những thần tượng giả dối họ đang thờ phượng (Gie 10:1-25). Nói một cách khác, tiên tri Giê-rê-mi đã dạn dĩ đề cập đến thái độ tội lỗi của dân sự đối với đền thờ, Luật pháp, giao-ước và đối với chính Đức Chúa Trời. Đây không phải là một bài giảng thông thường. Trái lại, có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của nhà tiên tri.


1. Sự thờ phượng giả dối: đền thờ (Gie 7:1-8:3)

Ba lần trong một năm, những người đàn ông Do-thái đều phải lên đền thờ tại Giê-ru-sa-lem để dự các kỳ lễ (Phu 16:16) và có lẽ đây là một trong những dịp đó. Có lẽ đền thờ đã chật cứng người nhưng không mấy ai trong số đó là những người thật lòng thờ phượng Chúa. Nhà tiên tri đứng tại một cửa trong đền thờ và rao giảng cho mọi người khi họ đi vào. Ông đưa ra 4 bảng cáo trạng của Đức Chúa Trời chống lại dân Giu-đa.


a. Việc thờ phượng của họ chẳng có ích gì (c.1-15):

Do tin vào những lời dối trá của các tiên tri giả, dân sự vẫn nghĩ rằng họ vẫn có thể sống trong tội lỗi và đi đến đền thờ để thờ phượng Chúa thánh khiết. Theo Giê 7:6,9, họ đã phạm ít nhất 5 trong số 10 điều răn nhưng các tiên tri giả trong thành Giê-ru-sa-lem lại bảo đảm về những ơn phước và sự bảo vệ của Chúa giúp họ thoát khỏi sự tấn công của kẻ thù. Chắc chắn đây không phải là đức tin mà chỉ là sự mê tín mù quáng [32] nên tiên tri Giê-rê-mi đã nhanh chóng xé toang ảo tưởng của dân sự.


Chúa Giê-xu đã từng đề cập đến câu 11 sau khi Ngài dọn dẹp đền thờ (Mat 21:13) “ổ trộm cướp” là nơi mà các tên trộm ẩn nấp sau khi phạm tội. Vì vậy, tiên tri Giê-rê-mi đã tuyên bố rằng dân Do-thái đang sử dụng những nghi lễ trong đền thờ để che đậy tội lỗi kín dấu của họ.

Thay vì khiến đền thờ nên thánh, dân sự lại biến đền thờ trở nên bất khiết! Một thế kỷ trước đó, tiên tri Ê-sai cũng đã rao giảng một thông điệp giống như vậy (Es 1:1-31) và khá lâu sau đó, sứ đồ Phao-lô cũng đã viết lời cảnh cáo tương tự cho các tín hữu trong thời của ông (Eph 5:1-7; Phi 3:17-21). Thật vậy, Bất cứ một thuyết thần học nào làm giảm nhẹ sự thánh khiết của Chúa và dung dưỡng cho tội lỗi đều là sai lệch.


Dân sự cần ăn năn không chỉ để tránh hậu quả khủng khiếp của tội lỗi mình trong cách sống và trong sự thờ phượng mà còn để tránh sự đoán phạt chắc chắn sẽ đến (Gie 7:12-15). Giao-ước của Chúa với dân Do-thái bao gồm cả phước lành lẫn sự đoán phạt. Họ sẽ nhận được phước lành khi vâng lời và sẽ nhận lấy sự đoán phạt khi chống nghịch (Phuc 11:26-30; Phuc 27:1-26 Gios 8:30-35). Mặc dù biết rõ điều này, dân Do-thái vẫn tiếp tục tội lỗi của mình và bỏ qua lời cảnh cáo của Chúa .


Dân sự cũng không còn nhớ đến sự đoán phạt của Chúa trong quá khứ, gồm cả sự đoán phạt của Ngài trong lều tạm khi còn ở tại Si-lô. Những con trai độc ác của Hê-li cho rằng nếu đem hòm giao-ước đến chiến trường thì dân sự sẽ chiến thắng dân Phi-li-tin, nhưng rồi họ đều bị bắt và đã để cho quân địch chiếm lấy hòm giao-ước. Sau đó, Chúa đã viết dòng chữ “Y-ca-bốt” , tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “sự vinh hiển đã lìa khỏi” lên đền tạm (ISa 4-6; Gios 4:21-22). Thật vậy, Chúa có thể gìn giữ đền thờ thánh của Ngài nếu Ngài muốn nhưng đền thờ của Ngài ở Giê-ru-sa-lem không còn thánh khiết nữa. Nơi đó đã thành hang trộm cướp! Thà không có đền thánh còn hơn là có nhưng lại để những kẻ giả hình coi thường nhà Chúa .


b. Lời cầu thay của ngươi cho dân này cũng chẳng ích gì (c.16-20):

Có ít nhất 3 lần Chúa không cho tiên tri Giê-rê-mi cầu thay cho dân sự (Gie 7:16; Gie 11:4; Gie 14:11). Đây thật là một cáo trạng chống lại dân sự. Chúa đã cho phép Áp-ra-ham cầu thay cho đám dân độc ác tại thành Sô-đôm (Sa 18:23-33) và Ngài cũng lắng nghe khi Môi-se van nài xin tha cho dân Y-sơ-ra-ên phạm tội (Xu 32:1-33:23; Dan 14:1-45). Thế nhưng Chúa lại không cho phép Giê-rê-mi khẩn xin cho vương quốc Giu-đa. Dân sự đã đi quá xa trong tội lỗi mình và tất cả những gì còn lại cho họ chỉ là sự đoán phạt (IGi 5:16; ICôr 11:30).


Khi một dân tộc suy tàn, nó thường bắt đầu từ gia đình và Chúa nhìn thấy mọi gia đình tại thành Giê-ru-sa-lem đều cùng nhau thờ lạy các thần tượng (Gie 7:17-19). Giá như mọi cha mẹ đều dạy dỗ con cái mình học theo Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài! Tuy nhiên, dân Do-thái lại thờ lạy “nữ vương trên trời”, vốn là tên gọi của thần Ishtar- nữ thần tình yêu và sinh sản của dân Ba-by-lôn với những hình thức khiêu dâm tồi tệ (Gie 44:17-19,25).

Chính việc thờ lạy tội lỗi này đã làm buồn lòng Chúa, nhưng thực sự dân sự đã xúc phạm chính mình hơn là làm đau lòng Đức Chúa Trời. Sự vô đạo đức của dân ngoại bang Ba-by-lôn đã có một ảnh hưởng xấu lên các con trẻ của dân Y-sơ-ra-ên và Chúa sẽ giáng sự đoán phạt lên cả đất, thành phố, đền thờ và cả con người của toàn dân sự. Giu-đa đã đổi lấy những gì thuộc về vĩnh cữu để lấy những cái tạm thời và đó là một cuộc trao đổi thiếu khôn ngoan.


c. Những của lễ của họ cũng chẵng giúp ích gì (c.21-26):

Thoáng đọc đoạn sách này, độc giả có lẽ sẽ nghĩ rằng Chúa lên tiếng chỉ trích hệ thống thờ phựơng mà Chúa đã ban cho dân sự mình trong Xuất Ê-díp-tô-ký và Lê-vi-ký nhưng thật ra không phải vậy. Với vẻ châm biếm, Giê-rê-mi đã nhắc dân sự nhớ rằng vô số của lễ họ đã dâng cho Chúa sẽ chẳng có ý nghĩa gì vì lòng họ bất tín với Chúa. Chúa muốn sự vâng lời chớ không phải của lễ (ISa 15:22), Ngài muốn sự thương xót chớ không phải là những nghi lễ tôn giáo (Os 6:6). Tiên tri Mi-chê đã hỏi rằng: “Đức Giê-hô-va có thích ……dầu sao?” (Mi 6:7). Sau đó, ông cũng đã tìm được câu hỏi cho chính mình “Hỡi người….Đức Chúa Trời ngươi sao?” (c.8, xem Mat 22:34-40).


Giao-ước của Chúa đối với dân Y-sơ-ra-ên tại núi Si-nai khẳng định sự bày tỏ ân diển của Ngài dành cho dân sự và sự vâng phục của họ đối với Chúa (Xu 19:1-8). Đức Giê-hô-va đã cưới một người vợ chớ không phải mua một người nô lệ. Khi Môi-se trong Phục Truyền Luật Lệ ký ban Luật pháp cho một thế hệ mới, ông nhấn mạnh đến tình yêu của Đức Chúa Trời và việc dân sự phải vâng phục Ngài từ tấm lòng mình (Phuc 6:1-15; Phuc 10:12-22; Phuc 11:1; Phuc 13:22). Nếu thay thế tấm lòng bên trong bằng nghi lễ bên ngoài sẽ khiến cho những của lễ trở nên vô nghĩa và làm mất đi những ơn phước của Chúa. Quy luật này vẫn còn đúng cho các tín hữu ngày hôm nay. Chúng ta thật dễ dàng bận rộn cho công việc của Đức Chúa Trời mà từ bỏ tình yêu ban đầu dành cho Ngài! (Kh 2:4)


d. Kỷ luật và sự dạy dỗ của ta cũng chẳng đem lại ích gì (Gie 7:27-8:3):

“Nầy là dân ….sự dạy dỗ ”(Gie 7:28).

Hễ Đức Chúa Trời yêu ai thì Ngài sửa phạt người đó (Ch 3:11-12; He 12:5-13). Nếu chúng ta nhận biết Chúa và thật sự yêu Ngài thì sự sửa phạt của Chúa sẽ đem chúng ta trở lại với Chúa trong sự ăn năn, vâng lời. Nhưng Chúa lại phán bảo tiên tri Giê-rê-mi hãy than khóc cho dân tộc hư mất này vì họ không chịu ăn năn. “Tô-phết”, tiếng A-ram có nghĩa là “lò sưởi”.

Từ này đọc giống như từ có nghĩa là “điều đáng hổ thẹn” trong tiếng Hê-bơ-rơ. Tô-phết là một địa điểm trong Trũng Các Con Trai Của Hi-nôm, là nơi mọi người dâng con cái mình cho các thần tượng bằng cách ném chúng vào lửa (Es 30:33). Vua Giô-sia đã biến nơi này thành một nơi rác rến (IIVua 23:10).

Thế nhưng sau khi vua băng hà, nghi lễ ngoại bang kinh khủng này lại được tái lập. Từ ngữ “gehenna” trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là “địa ngục” xuất phát từ từ ngữ “ge'hinnim” trong tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa là “trũng Hi-nôm” địa ngục là nơi rác rến, nơi các tội nhân chống lại Chúa phải chịu đựng của ma quỷ và quỷ sứ của nó đời đời (Mat 25:41).


Tiên tri Giê-rê-mi rao báo rằng sẽ có một ngày, trũng Hi-nôm sẽ là một nghĩa địa quá chật hẹp cho tất cả mọi người chết sau cuộc tấn công của đế quốc Ba-by-lôn. Các binh lính sẽ cướp lấy các mộ phần và xương cốt của những người đứng đầu dân sự, các vua chúa sẽ bị đem ra nhạo báng trên các bàn thờ như những của lễ cho những thần tượng họ thờ lạy. “Gehhena” sẽ một lần nữa là một nơi rác rến và hài cốt của dân thành Giê-ru-sa-lem sẽ là những rác rến! “Người ta….trên mặt đất” (Gie 8:2) [33] Những người còn sống sót sẽ bị bắt về Ba-by-lôn và đất đai sẽ bị bỏ hoang.

-Gie 8:1-3; xem giải nghĩa Gie 7:1-34.


2. Các tiên tri giả: Luật pháp (Gie 8:4-22)

Sau khi phá tan ảo tưởng tầm thường của dân sự về đền thờ, tiên tri Giê-rê-mi tiếp tục phơi bày bản chất các tiên tri giả, vốn là những người liên tục chống đối lại chức vụ của ông và dẫn dắt dân sự đi sai đường. Ông nêu ra một số câu hỏi nhưng trọng tâm vẫn cứ xoay quanh vấn đề: “Tại sao dân sự không quay trở lại với Chúa?”. Để trả lời cân hỏi này, tiên tri Giê-rê-mi đã đưa ra 3 khía cạnh trong thái độ bướng bỉnh của dân sự không chịu vâng lời Chúa.


a. Thái độ chối bỏ của dân sự thật phi lý (c.4-7):

Giê-rê-mi đã sử dụng những điều tương tự như cuộc sống con người và thiên nhiên để minh hoạ cho điều ông rao giảng. Khi con người lỡ bị ngã, họ sẽ gượng đứng lên lại. Đó là điều hợp lý. Nếu con người đi sai đường, họ sẽ bước trở lui và đi con đường đúng. Kết luận: nếu con người có đủ khôn ngoan trong những vấn đề bình thường hàng ngày, tại sao họ lại thiếu khôn ngoan trong những vấn đề thuộc cõi đời đời, đặc biệt là khi hậu quả trở nên bi đát hơn?


Dân sự như những con ngựa chạy vào chiến trường mà không biết gì đến những hiểm nguy ở đó. Ngựa được huấn luyện để vâng lời và có thể không biết thêm gì cả nhưng con người vốn được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa nên phải biết được họ đang đi đâu. Quả thật, những người dân Giu-đa thật chẳng thông minh bằng chim chóc! (Es 1:3) Chúa ban cho loài chim một bản năng để nhận biết các mùa và thời điểm chúng cần bay đi nơi khác cư trú. Nhưng Ngài còn ban cho con người nhiều hơn thế nữa: phần linh ở bên trong để có thể nghe thấy tiếng Chúa và hiểu biết Luật pháp Ngài. Được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa, con người cần phải vâng theo chỉ dẫn thần linh tương tự như chim chóc làm theo bản năng tự nhiên vậy.


b. Việc chối bỏ của dân sự bắt đầu từ việc phỉnh gạt (c.8-12):

“Chúng nó đã chối bỏ …thể nào?” (Gie 8:9). Do dân sự khoe khoang rằng họ có đền thờ, họ cũng khoe rằng họ có Luật pháp của Chúa (c.8), thế nhưng việc gìn giữ Thánh Kinh không giống như việc sống theo điều Thánh Kinh dạy. Mặc dù Kinh Thánh vẫn được bán chạy nhất, việc Kinh Thánh phổ biến không ngăn cản xã hội phương Tây suy đồi dần về mặt đạo đức và mặt thuộc linh. Dường như chẳng có một liên hệ nào giữa những điều họ nói rằng họ tin và những gì họ làm.


Những tiên tri giả, nguời được cho là nói và viết trong Danh của Đức Chúa Trời, đã dối gạt cả vương quốc Giu-đa. Họ là những người có đời sống không thuộc về Chúa, họ chỉ là những người tham lam và không có phương thuốc hữu hiệu cho các vấn đề của dân sự. Chúc vụ của họ phổ biến là do họ chỉ tập trung vào bấtcứ những gì hời hợt, những tin tức tốt đẹp mà dân sự muốn nghe (Gie 5:12; Gie 14:13-15; Gie 27:8-9; Gie 28:1-17). Giê-rê-mi miêu tả những người này như những thầy thuốc giả hiệu (Gie 6:14 Gie 8:11), như một cơn gió (Gie 5:13), người phân phát trấu (Gie 23:28), những kẻ chăn bầy ích kỷ, không thương xót (Gie 23:1-4) và những người nhiễm bệnh đang lây lan bệnh tật (Gie 23:15). Chúa không sai gọi những người được gọi là tiên tri này (Gie 14:14; Gie 23:18,21; Gie 29:9,31) và thực chất họ cũng chẳng nhận được sứ điệp nào từ nơi Chúa (Gie 23:15-18).


Những gì xảy đến cho dân Chúa phụ thuộc vào người dẫn dắt họrất nhiều. Người dẫn dắt bị thế gian lôi cuốn thì chắc chắn họ cũng sẽ đưa dắt dân sự đam mê theo thế gian như họ mà thôi. Còn khi bạn chấp nhận đi theo những người dẫn dắt tin kính thì bạn phải trả một giá đắt. Sống theo hiện tại và hùa theo đám đông là một điều thật dễ. Tiên tri Giê-rê-mi có rất ít bạn hữu và môn đồ vì sứ điệp của ông không phổ biến.


c. Thái độ chối bỏ của dân sự sẽ dẫn đến sự hư mất (c.13-22):

Những câu Kinh Thánh này bao gồm 3 tiếng nói: tiếng xét đoán của Chúa, tiếng kêu tuyệt vọng của dân sự và tiếng kêu tức giận của nhà tiên tri khi ông nhìn thấy sự hoang tàn của một đất nước vốn hùng mạnh một thời. Chúa phán rằng đồng cỏ sẽ bị tiêu diệt (c.13,17), các thành sẽ bị tàn phá (c.17) và dân sự hoặc bị giết chết hoặc bị bắt làm phu tù (c.19). Điều này cũng giống như mật đắng (Gie 8:14; Gie 9:15; Gie 23:15), trải qua một trận động đất (Gie 8:16), bị rắn độc cắn (c.17) hoặc như bị bể nát vậy (c.21).


Dân sự đã phản ứng ra sao? Thay vì quay sang Đức Chúa Trời, dân sự lại trốn chạy trong các thành! (c.14). Họ than khóc trong tuyệt vọng rằng “Đức Chúa Trời ở đâu? Tại sao Ngài để cho điều này xảy ra?” (c.19).

Nhưng những điều đó đã xảy ra vì họ không vâng lời và bất tín với giao ước họ đã lập với Đức Chúa Trời. Hoàn cảnh của họ thật vô vọng và không ai có thể giải thoát họ được cả. Câu 20 chính là một câu châm ngôn họ đã trích dẫn “Mùa gặt đã qua… cứu rỗi ”. Họ đã bỏ lỡ cơ hội Chúa cho họ và cơ hội đó sẽ không bao giở trở lại nữa.


Do tiên tri Giê-rê-mi là một người chăn bầy trung tín nên ông cũng đau cùng một nỗi đau với dân sự: lòng ông mệt mỏi (c.18) và than khóc thảm thiết khi ông nhận thấy một gánh nặng sẽ giáng xuống dân tộc. “Con gái dân ta…bắt lấy” (c21). Các tiên tri giả đã định bệnh sai và kê đơn thuốc không đúng nên vết thương của dân sự vẫn còn đó, bị chảy máu và bị lây nhiễm. “Hãy theo luật pháp…cho nó” (Es 8:20).


3. Sự tín nhiệm sai: Giao-ước (Gie 9:1-26)

Do-thái là dân tộc duy nhất trong lịch sử mà Chúa đã đưa vào một mối quan hệ có giao-ước (Sa 12:1-3). Là con cháu của Áp-ra-ham, được nhìn nhận qua phép cắt bì (Sa 17:1-27), họ thật sự là “tuyển dân” thuộc riêng về Đức Chúa Trời (Xu 19:4-6).

Bi kịch là ở chỗ họ tin vào giao-ước và các nghi lễ sẽ khiến họ được chấp nhận trước mặt Đức Chúa Trời. Họ cho rằng họ không cần phải ăn năn hay tin kính; tất cả những điều đó là dành cho dân ngoại “chưa cắt bì”. Giăng Báp-tít đã phải đối diện với điều này trong chức vụ của mình (Mat 3:7-10) cũng giống như Chúa Giê-xu (Mat 8:33) và Phao-lô (Ro 2:1-4:25). Tiên tri Giê-rê-mi phải giải quyết thái độ kiêu ngạo của dân sự khi chỉ rõ cho họ thấy 3 lẽ thật dưới đây:


a. Làm dân tuyển của Chúa theo giao-ước không phải là một cớ cho họ phạm tội (c.1-16):

Cũng giống như Chúa Giê-xu (Lu 19:41) và Phao-lô (Ro 9:1-5), tiên tri Giê-rê-mi đã than khóc cho tình trạng thuộc linh đáng buồn của dân sự, và đây là lý do vì sao ông được mọi người biết đến là “nhà tiên tri than khóc cho dân tộc mình” (Gie 9:18; Gie 10:19; Gie 13:17; Gie 14:17; Ca 1:16; Ca 2:11,18; Ca 3:48). Ngày nay, tìm thấy những giọt nước mắt của những tấm lòng tan vỡ vì ăn năn trên toà giảng hay trên các băng ghế nhà thờ quả là một việc khó vì dường như mọi người thường quan tâm đến sự vui mừng.

Thay vì có các giáo sĩ hay những sứ giả phục hưng, trong nhà thờ ngày nay dường như chỉ có “các diễn viên hài tôn giáo”, là những người có vẻ như chưa hề đọc Gia 4:9-10 bao giờ “hãy cảm biết ….anh em lên”. Vance Havner hoàn toàn đúng khi nói rằng: “Trong lịch sử loài người chưa bao giờ lại có nhiều thú vui tầm thường như hiện nay” [34]


Có lẽ tiên tri Giê-rê-mi đã muốn trốn khỏi mọi người để đến một nơi an bình nào đó (Thi 55:6) nhưng ông nhận biết được rằng ông phải ở lại và rao giảng Lời Chúa (Gie 40:6. Lòng ông than khóc vì tội lỗi của dân sự, tình trạng vô đạo đức, thờ hình tượng, lừa dối và phỉ báng của họ. Sự thật là điều rất quý giá; bạn không thể trông mong bạn bè bà con của mình!


Dân Giu-đa nghĩ rằng họ được “tự do phạm tội” vì họ là con cái của Áp-ra-ham và là tuyển dân của giao-ước. Trái lại, là một phần của giao-ước, họ càng cần phải có trách nhiệm nhiều hơn khi sống để làm vinh hiển Chúa và vâng theo ý muốn Ngài. “chúng ta phải cứ …như vậy” (Ro 6:1-2). Như tôi đã trình bày ở trên, bất cứ một thuyết thần học nào làm thuyên giảm sự thánh khiết và dung dưỡng cho tội lỗi đều không thuộc về Kinh Thánh.


b. Việc là tuyển dân theo giao ước của Chúa không giúp họ tránh được cơn đoán phạt (c.7-16):

Chính vì có mối quan hệ theo giao-ước với Đức Chúa Trời nên khi phạm tội, dân sự lại càng phải chịu một sự đoán phạt nặng nề hơn; vì “ai được ban cho nhiều thì sẽ bị đòi lại nhiều” (Lu 12:28). Chúa phán với dân Do-thái “Ta đã biết…các ngươi” (Am 3:2).

Sự đoán phạt đó sẽ giống như sức nóng trong lò nung (Gie 9:7). Nó sẽ khiến các thành bị huỷ diệt, nơi ở của súc vật, vùng đất sai trái sẽ trở nên hoang mạc vì không ai sống và trồng trọt ở đó nữa. Sự tàn phá khủng khiếp đến nỗi chim chóc cũng không còn chỗ để làm tổ . Tại sao “vùng đất đượm sữa và mật” lại trở nên hoang mạc như thế ? Đó là do dân sự không chịu vâng theo Luật pháp của Chúa và quay sang thờ hình tượng. Dân sự cho rằng “vị trí ưu tiên” của họ trước mặt Chúa sẽ giúp họ thoát khỏi cơn đoán phạt.


c. Việc là dân theo giao-ước của Chúa không đảm bảo việc thông hiểu về mặt thuộc linh (c.17-26):

“Người khôn chớ khoe về sự khôn mình…biết Ta” (c.23-24). Trình độ, quyền lực, của cải vốn là 3 điều mà ngày nay người ta thường dựa vào dễ khoe khoang, nhưng không một điều nào có thể bảo đảm ơn phước của Chúa. Chúa không vui lòng với trình độ dân trí, ảnh hưởng của chính trị, quân đội hay tổng giá trị thu nhập quốc dân mà Ngài vui khi con người sống tử tế, ngay thẳng, công bình vì họ biết kính sợ Đức Chúa Trời. Chúa hứa chúc phước theo giao-ước cho những ai vâng theo Ngài chớ không phải cho người theo những nghi lễ tôn giáo.


Chúa kêu gọi dân sự than khóc vì chẳng mấy chốc, họ sẽ dự đám tang của chính mình. Cái chết đã gần kề và những chính trị gia hay những tiên tri giả đều không thể trốn khỏi. Cái chết được ví như tên cướp chạy thoát qua những cửa sổ và cướp đi những sinh mạng quý giá. Thây người sẽ rớt xuống “như nắm lửa đổ ra sau lưng con gặt” (c.22). [35]


Dân Do-thái khoe khoang về dấu hiệu cắt bì theo giao ước, nhưng đó chỉ là dấu ấn trên thân thể họ trong khi phép cắt bì thuộc linh vẫn chưa chạm vào tấm lòng họ (Giê 4:4; Phuc 10:16; Công 7:51; Rô 2:25-29). Ngày nay, những ai vốn chỉ dựa vào phép báp-têm hay những nghi lễ khác trong nhà thờ nhưng không thật ăn năn và tin cậy đấng Christ cũng sẽ rơi vào tình trạng của dân Do-thái thời tiên tri Giê-rê-mi. Họ nghĩ rằng mình là một phần của giao-ước thánh nhưng điều họ tin hoàn toàn sai. Phao-lô là một ví dụ diển hình cho điều này: ông đã mất mọi sự công bình tôn giáo để được Đấng Christ (Phi 3:1-11)


4. Những thần tượng giả dối: Đức Chúa Trời Hằng sống và chân thật (Gie 10:1-25)

Trước khi Áp-ra-ham đặt niềm tin nơi Chúa chân thật, ông cũng là một người thờ hình tượng (Gios 24:2-3). Suốt những năm tại Ai-cập, dân Do-thái được giới thiệu với vô số thần tượng của vùng đất này và một số thần ở lại trong lòng họ. Khi Môi-se gặp Chúa trên núi Si-nai, dân sự cùng với sự giúp đỡ của người anh Môi-se là A-rôn đã tạc một tượng bò bằng vàng và thờ lạy nó (Xu 32:1-35). Tại núi Si-na-i, dân sự đã được thấy sự vinh hiển của Chúa, nghe tiếng Chúa và chấp nhận Luật pháp của Chúa; tuy nhiên “họ đổi hình dạng mình ra hình dạng con bò ăn cỏ” (Thi 106:20). Vậy, việc thờ hình tượng đã ăn sâu vào lòng họ.


a. Tiên tri Giê-rê-mi nhìn quanh và chế nhạo các thần tượng (Giê 10:1-16):

Thay vì tránh xa những lối sống xấu xa của các dân tộc khác như lời chỉ dạy của Môi-se (Phuc 7:1-11), dân Y-sơ-ra-ên dần dần lại bắt chước theo những cách sống đó và bắt đầu thờ lạy những thần tượng ngoại bang. Nhưng những thần tượng này đều vô giá trị, do con người làm nên “như hình cây chà là” (Giê 10:5), chúng không thể nói, không thể đi nên cần phải được khiêng đi (Thi 115:1-18). Giá như dân sự biết chiêm ngưỡng sự vinh hiển, sự uy nghiêm của Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật là Chúa đời đời, Đấng đã dựng nên các từng trời và đất bằng Lời của năng quyền Ngài!


A.W. Tozer đã nhắc chúng ta nhớ rằng “bản chất của việc thờ hình tượng chính là vui thích khi nghĩ về Chúa với những suy nghĩ vốn không xứng đáng với Ngài” [36] Điều này có nghĩa là thờ lạy và hầu việc tạo vật hơn là Đấng Tạo hóa (Rô 1:25), ưa thích những món quà hơn là người tặng quà.

Các thần tượng thì vô tri và con người ắt sẽ cũng vậy (Gie 10:80) bởi vì chúng ta sẽ dần trở nên giống với thần nào mà chúng ta đang thờ phượng (Thi 115:8) những thần tượng ngày nay của chúng ta không xấu xí như những thấn tượng ngoại bang thời tiên tri Giê-rê-mi nhưng nó cũng thu hút nhiều tâm trí con người cũng như gây ra không ít thiệt hại.

Bất cứ điều gì chúng ta tôn thờ và phục vụ hơn cả Chúa sống và chân thật đều là thần tượng; có thể đó là một căn nhà hay một chiếc xe đắt tiền, một dàn máy mới nhất, một chiếc thuyền, thư viện, người yêu, con cái, công việc hay tài khoản trong ngân hàng.Nói chung, tất cả những điều mà tôi dồn hết tâm trí mình và sẵn sàng hi sinh vì nó chính là thần của tôi, và nếu đó không phải là Chúa Giê-xu thì đó chính là thần tượng. “Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng” (IGi 5:21).


Phương thuốc chữa trị dùng để tuyệt diệt việc thờ lạy hình tượng đó là chúng ta hãy đến gần với sự uy nghi, vĩ đại của Chúa, Đấng Chân Thật, Đấng Sống và là Vua đời đời. Hình tượng chỉ là một vật thay thế và bạn sẽ không bao giờ muốn những vật thay thế vô tri vô giác khi đã kinh nghiệm được tình yêu và năng quyền của Đức Chúa Trời, Đấng toàn năng.


b. Tiên tri suy gẫm trước về điều sẽ xảy ra và than khóc cho sự đoán phạt sắp đến (c.17-22):

Giê-rê-mi đã nhìn thấy trước việc đế quốc Ba-by-lôn sẽ xâm chiếm đất đai và mang đến những bất hạnh của dân sự Chúa. Ông thúc giục mọi người chuẩn bị túi xách và sẵn sàng ra đi vì họ sẽ bị ném ra khỏi lãnh thổ như đá bị bắn ra khỏi ná bắn đá. Nhà tiên tri than khóc cho sự tan tác của nhà cửa, gia đình, cha mẹ chia lìa con cái và sự tan tác của tuyển dân của Chúa.


Tiên tri Giê-rê-mi chỉ rõ lý do của thảm hoạ này, đó là : những người chăn bầy (những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực chính trị và thuộc linh) không tìm kiếm Chúa mà trái lại, dẫn dắt dân sự đi sai đường (Gie 10:21). Sự đoán phạt xảy đến “vì cớ tội lỗi của các tiên tri nó và sự gian ác của các thầy tế lễ nó” (Ca 4:13). Cả dân tộc bị bắt vì những người dẫn dắt họ quên mất Chúa Hằng sống và chân thật.


c. Tiên tri Giê-rê-mi ngước lên và cầu khẩn sự thương xót (Gie 10:23-25):

Chúa đã phán với Giê-rê-mi không được cầu xin cho dân tộc (Gie 7:16) nên ông đã không làm như vậy. Thay vào đó, ông cầu nguyện cho chính mình như một đại điện cho dân tộc mình. Một lần nữa, ông lại chia sẻ chung nỗi đau của dân tộc mình (Gie 10:19). Lời cầu nguyện này dựa trên ba luận điểm để nài xin Chúa thương xót dân Ngài.


Trước hết, ông xin Chúa nhớ cho rằng dân sự chỉ là những con người yếu ớt, những người không biết phải sống theo cách nào (c.23). Có lẽ tiên tri Giê-rê-mi đang liên tưởng tới Thi 103:13-16.


Kế đến, nếu Chúa phạt họ theo những gì họ đáng phải chịu, dân sự sẽ bị diệt mất (Gie 10:24). Một lần nữa, chúng ta lại nghĩ ngay tới Thi 103:10 “Ngài không đãi chúng tôi… sự gian ác của chúng tôi”. Cũng như điều E-xơ-ra đã nhấn mạnh, Chúa chẳng phạt chúng ta “cho đáng như tội chúng ta” (Exo 9:13)


Cuối cùng, ông biện luận rằng những quốc gia tấn công Ba-by-lôn đáng bị trừng phạt vì đã tìm cách hủy diệt tuyển dân của Chúa (Gie 10:25). Chúa gọi Ba-by-lôn là công cụ của Ngài trong việc sửa phạt dân Do-thái, chớ không phải tiêu diệt họ, thế nhưng đế quốc Ba-by-lôn đã quá hung bạo đối với dân Giu-đa. Nhà tiên tri đã không trút cơn giận của mình nhưng ông lại cầu xin Đức Chúa Trời giữ lời hứa Ngài với Áp-ra-ham để bảo vệ dân Ngài khỏi bị diệt vong (Sa 12:1-3). Chúa đã nhậm lời cầu nguyện này và cuối cùng, Ngài đã cho phép chấm dứt sự cai trị bạo tàn của đế quốc Ba-by-lôn trên dân sự Ngài (Gie 50-51). [37]


Cho tới điểm này, Giê-rê-mi mới kết thúc “bài giảng trong đền thờ” của mình. Kết quả ra sao? Theo Giê-rê-mi chương 26, ông bị bắt và bị kết án tử hình! Các thầy tế lễ thà phạm tội giết người hơn là nghe và vâng theo Lời Chúa! Đức Chúa Trời đã cứu tiên tri Giê-rê-mi khỏi bị giết nhưng ông đã bị đuổi ra khỏi đền thờ (Sa 36:5). Tôi tự hỏi ngày nay không biết có bao nhiêu vị mục sự vẫn thẳng thắng rao giảng những sứ điệp mà họ biết có thể vì đómà họ sẽ bị đuổi? Và tôi cũng tự hỏi rằng không biết có bao nhiêu hội chúng sẵn sàng nhận lãnh và làm theo những sứ điệp ấy?


Chúa không hứa với Giê-rê-mi một công việc dễ dàng, nhưng Ngài hứa với ông rằng Ngài sẽ khiến ông mạnh mẽ (Sa 1:7-8,17-19). Chúa đã giữ lời hứa với tiên tri Giê-rê-mi và Chúa cũng sẽ giữ lời hứa Ngài với các tôi tớ của Ngài ngày hôm nay.



 


4. VÂNG THEO CHÚA (Gie 11:1-13:27)


“Whoso who would be a man must be a nonconformist” R.W.Emerson [38]


Trong một bài thơ, nhà thơ Mỹ Edwin Markham đã viết :

“Chúng ta cần có đức tin để đi trên con đường không thể đi, Có năng quyền để đứng một mình và vâng theo Chúa”.


Đó là điều mà tiên tri Giê-rê-mi đã làm trong suốt thời vua Giô-sia trị vì: đi một mình và vâng theo Chúa. Vua Giô-sia đã rất vui mừng khi các thợ sửa đền thờ tìm thấy cuốn sách Luật pháp (IIVua 22:1-20) và chính việc khám phá này đã đưa tới việc dẹp bỏ thần tượng tạm thời trong vương quốc. Sự kiện này thường được gọi là “sự phục hưng của vua Giô-sia”. Nhưng từ chính xác cần dùng trong trường hợp này chính là “cuộc cải cách”. Tại sao lại như vậy? Bởi vì dân sự chỉ tuân theo Luập pháp bề ngoài còn trong lòng, họ vẫn đi theo các thần tượng của mình.


Giê-rê-mi hiểu được điều ấy và hiểu được thái độ hời hợt của những tấm lòng chưa thật ăn năn, nên ông đã không hề lên tiếng trong cuộc cải cách của vua Giô-sia. [39]. Nhà tiên tri còn biết cả những việc dân sự vẫn cứ lén lút làm và họ sẽ sẵn sàng quay trở lại với tội lỗi ngay khi có thể. Trong phần nói tiên tri này, Giê-rê-mi đã nhắc lại tội lỗi của dân tộc và nài xin dân sự quay trở về với Chúa đang khi còn cơ hội.


1. Tội bất tuân theo giao-ước của Chúa (Gie 11:1-8)

Nhà vua và dân sự đã công khai hứa nguyện với Đức Chúa Trời rằng họ sẽ vâng theo giao-ước của Ngài (IIVua 23:3) và không có một nghi ngờ nào rằng nhà vua có thật lòng hay không. Tuy nhiên, với phần lớn dân sự, việc họ vâng lời chỉ là đi theo đám đông và làm những gì mà mọi người làm.


Lịch sử của dân Do-thái bao gồm những bản ký thuật của các giao ước: Chúa lập ra những giao-ước và dân sự vi phạm những giao-ước. Chúa lập giao-ước với Áp-ra-ham khi Ngài kêu gọi ông ra khỏi quê hương U-rơ để đi đến xứ Ca-na-an (Sa 12:1-3) và Ngài cũng nhắc lại giao ước này với Y-sác (Sa 26:1-5) và Gia-cốp Sa 35:1-15). Giao-ước mà Chúa lập với Áp-ra-ham chính là nền tảng cho những ơn phước của dân Y-sơ-ra-ên nhận từ nơi Ngài.


Tại núi Si-nai, Chúa đã lập một giao-ước khác với dân Y-sơ-ra-ên, giao ước liên quan đến việc tuân theo Luật pháp thánh của Ngài (Xu 19:1-20:26). “Vậy bây giờ nếu các ngươi vâng giữ…thuộc về Ta” (Xu 19:5). Dân sự đã đồng ý vâng lời Đức Chúa Trời (c.8) nhưng chẳng bao lâu sau, họ đã tỏ ra không vâng lời Ngài nữa. Khi dân sự vẫn còn ở núi Si-na-i, họ đã tạo ra hình tượng và thờ lạy nó (Xu 32:1-35).


Trước khi dân Y-sơ-ra-ên bước vào vùng đất Ca-na-an, Môi-se đã nhắc lại giao-ước (sách Phuc-truyền Luật-lệ ký ) và nhắc nhở dân sự vâng theo Đức Chúa Trời. Chủ quyền đất dựa trên lời hứa của Chúa với Áp-ra-ham nhưng quyền sở hữu và quyền sử dụng đất phụ thuộc vào sự vâng lời của dân sự với Luật pháp của Chúa.

Môi-se cũng nhắc lại những ơn phước và sự đoán phạt (Phuc 27:1-28:68). Về sau , Giô-suê một lần nữa nhắc lại những điều này khi dân sự đã vào vùng Đất Hứa (Gios 8:30-35). Dân Do-thái biết rằng Chúa sẽ chúc phước cho họ nếu họ thật lòng với Chúa và Ngài cũng sẽ đuổi họ đi nếu họ không vâng lời.


Xứ Ê-díp -tô đã là “lò nấu sắt” đối với dân Y-sơ-ra-ên (Gie 11:4), là nơi nhiều đau khổ (Phuc 4:20; IVua 8:51; Es 48:10) nhưng Ca-na-an là một xứ “đượm sữa và mật” (Gie 11:5), một nơi thịnh vượng và tự do. Chúa đã miêu tả vùng Đất Hứa như vậy cho Môi-se (Xu 3:8,17 Xu 3:3) và Môi-se đã lặp lại những lời đó với dân sự (Le 20:24; Phuc 6:3; Phuc 11:9; Phuc 26:9,15; Phuc 27:3; Phuc 31:20). Buồn thay, dân sự lại thích chốn đế vương hơn vùng đất đượm sữa và mật ở Ca-na-an (Xu 16:3; Dan 11:4,34) nên đã nhiều lần, họ muốn quay trở lại xứ Ê-díp -tô.


Trong suốt cuộc cải cách của vua Giô-sia, cả dân tộc dường như đã quay trở lại cùng Đức Chúa Trời và Chúa sai Giê-rê-mi đi khắp các đường để nhắc lại giao ước của Chúa với dân sự. Cả Chúa và Giê-rê-mi đều biết rằng sự vâng lời của dân sự không xuất phát từ tấm lòng. Ngoài những việc họ làm trong đền thờ, dân sự vẫn thường lên những nơi cao thờ lạy các thần của các nước chung quanh.


Tiên tri Ê-xê-chi-ên đã miêu tả tội lỗi của dân sự rất chính xác khi ông viết rằng “Hỡi con người…trong lòng” (Exe 14:3). Một thế kỷ trước đó, tiên tri Ê-sai đã miêu tả việc thờ phượng giả dối của dân sự và so sánh Giê-ru-sa-lem với Sô-đôm, Gô-mô-rơ (Es 1:10). Dân sự đã dâng lên cho Chúa rất nhiều của lễ nhưng Ngài không muốn những của lễ đó. Hương liệu của họ là sự gớm ghiếc, những yến tiệc hằng năm của họ là những hành động tội lỗi khiến Chúa chán ghét, mệt mỏi những điều đó “nếu các ngươi…gươm” (Es 1:19-20)


Chúa phán bảo tiên tri Giê-rê-mi nhắc lại những phước lành và cả sự rủa sả được ghi trong giao-ước. Nếu những ơn phước của Chúa không khiến họ vâng theo mười điều răn của Ngài, thì có lẽ nỗi sợ hãi sự đoán phạt của Chúa sẽ khiến họ vâng lời.

Chúa đã đối xử với dân sự Ngài như đối với những đứa trẻ nhỏ: nếu vâng lời sẽ được phần thưởng và không bị xử phạt. Chúa ước ao dân sự kính mến và làm vui lòng Ngài biết chừng nào! [40]


Tiên tri Giê-rê-mi đã trả lời với lời phán của Chúa rằng “Hỡi Đức Giê-hô-va! Amen!” (Gie 11:5). Đây cũng chính là cách mà dân Y-sơ-ra-ên đã trả lời với giao-ước của Chúa (Phuc 27:9-26; Gios 8:30-35). Nhưng nhà tiên tri phải bước đi một mình và dân sự không muốn làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Giá như cả dân tộc ăn năn và hạ mình trước mặt Chúa thì dân sự đã có thể thay đổi sự đoán phạt khủng khiếp đến từ đạo quân Ba-by-lôn. Thay vì như vậy, sự giả hình của dân sự chỉ làm cho sự đoán phạt thêm tồi tệ mà thôi.


2. Tội hiệp lực chống lại năng quyền của Chúa (Gie 10:1-8) (Gie 11:9-12:6)

Đức Chúa Trời bày tỏ cho tôi tớ Ngài biết hai âm mưu trong xứ: một là âm mưu của người Giu-đa bất tuân theo giao-ước của Chúa cũng như chống lại cuộc cải cách của vua Giô-sia (Gie 11:9-17) và hai là âm mưu những người tại quê nhà Giê-rê-mi lập kế giết nhà tiên tri hòng khiến Chúa phải im tiếng (Gie 11:18-12:6). Cả hai âm mưu này đều dẫn đến một cuộc khủng hoảng thứ ba, đe dọa đức tin của Giê-rê-mi đối với Chúa.


a. Âm mưu chống lại nhà vua (Gie 11:9-17):

Thực chất đây là một cuộc bạo loạn chống lại giao-ước của Chúa cũng như chống lại cuộc cải cách của vua Giô-sia thực hiện trong lãnh thổ.

Nếu chúng ta không vâng theo Lời Chúa và thực hiện theo Lời đó trong cuộc sống của mình, thì Chúa sẽ không thể chúc phước cho chúng ta như điều Ngài muốn được. Tuy nhiên, mọi người thường thích phá vỡ giao-ước và thờ lạy những thần giả dối hơn.


Tuy nhiên, đối tượng và cách thức chúng ta thờ phượng không phải là không qua trọng; những điều đó thật rất cần thiết để hình thành đặc điểm của cuộc sống. Eugene Peterson đã viết “Cuộc sống của một người hầu như chỉ giống cách thờ phượng của người đó. Sự thờ phượng hình thành cuộc sống. Nếu sự thờ phượng bị suy đồi, cuộc sống sẽ trở nên bại hoại” [41]. Chúa ban cho dân Ngài một giao ước để Ngài có thể chúc phước cho họ và giữ lời hứa Chúa đã lập với dân sự, nhưng dân Ngài lại thích nhờ cậy các thần của các nước ngoại bang xung quanh hơn.


Sự thờ phượng luôn đem lại những kết quả hoặc tốt hoặc xấu và trong trường hợp này của dân Giu-đa, đó là hậu quả xấu. Dân sự biết cả sự rủa sả và phước lành đều được ghi trong giao ước, nhưng họ lại nghĩ rằng Chúa không thể giáng sự đoán phạt xuống tuyển dân của Ngài. Chẳng phải là đền thờ của Chúa ở tại thành Giê-ru-sa-lem đó sao? Chẳng phải hòm giao ước cũng đã được đặt ở đó? Và chẳng phải những thầy tế lễ đang giữ Luật pháp đó sao? Chẳng lẽ Chúa lại để cho những vật thánh đó bị huỷ diệt ư? Nhưng Chúa luôn luôn giữ lời hứa Ngài dù là chúc phước hay sửa phạt. Và chúng ta nhận lãnh càng nhiều đặc ân từ nơi Chúa , chúng ta lại càng có nhiều trách nhiệm với Ngài.


Tai họa sẽ giáng xuống cho Giu-đa và không ai có thể thay đổi điều đó. Dân sự ra sức kêu cầu với những tượng thần của họ nhưng những thần đó chẳng trả lời họ. Thậm chí ngay cả khi dân sự quay trở lại với Đức Giê-hô-va, Ngài cũng sẽ chẳng trả lời họ. Vì vậy, Đức Chúa Trời phán với Giê-rê-mi lần thứ hai không được cầu nguyện cho dân sự (Gie 11:4; Gie 7:16; Gie 14:11). Dân sự thờ phượng số các thần cũng nhiều như số các thành ở Giu-đa và số các đền thờ cũng nhiều như số các đường trong thành. Thế nhưng, những điều này chẳng giúp được gì cho đất nước thoát khỏi sự đoán phạt khủng khiếp sắp đến.


Chúa đưa ra hai hình ảnh để bày tỏ niềm tin tôn giáo vô ích của dân Ngài: người thờ phượng trong đền thờ (Gie 11:15) và cái cây trong cơn bão (c.17-18). Chúa gọi dân Ngài là “kẻ yêu dấu” để nhắc nhở về cuộc hôn nhân giữa Chúa với họ và họ đã phản bội Ngài ra sao. Sự thờ phựơng của họ trong đền thờ đáng lẽ ra là sự bày tỏ tình yêu thật của dân sự đối với Chúa, nhưng tiếc thay đó chỉ là hình thức vô ích.

Việc dâng của lễ sẽ chẳng làm thay đổi sự đoán phạt của Chúa, trái lại càng khiến cho dân sự chỉ phạm thêm tội ác mà thôi (c.15). Khi sự thờ phượng trở nên tội ác, còn dân sự thì lấy làm vui mừng khi phạm tội thì sự sáng đã trở nên tối tăm (Mat 6:22-24) và không còn một hi vọng hi vọng nào nữa.


Trong Kinh Thánh, thỉnh thoảng cái cây được dùng làm hình ảnh tượng trưng cho cá nhân (Gie 17:8; Thi 1:3; Thi 52:8; Thi 92:12; Xa 4:3) và đôi lúc lại tượng trưng cho một dân tộc hay cả vương quốc (Es 10:33-34; Es 18:5; Exe 17:31). Dân Y-sơ-ra-ên được ví sánh như cây ô-li-ve trong Gie 11:16-17 và cũng là hình ảnh mà sứ đồ Phao-lô đã dùng trong Gie; Rô11:1-36. Cây ô-li-ve được đánh giá cao ở vùng Cận Đông do trái của nó có thể dùng để ép ra một loại dầu rất hữu ích. Dân Giu-đa tự ví mình như “một cây ô-li-ve xanh” sẽ không bao giờ ngã được, nhưng Chúa đã thấy một cơn bão đang tới gần, gió đã làm gãy các nhánh của nó và sét sẽ đánh thiêu cháy cả cây. Giê-ru-sa-lem sẽ bị đổ nát và cháy trụi như một cây ô-li-ve không còn hữu ích nữa.


Nếu tội lỗi nặng nhất là làm hư hoại điều tốt đẹp nhất thì dân Giu-đa đã phạm trọng tội. Điều tốt đẹp nhất của họ là nhận biết và thờ lạy Chúa chân thật, thế nhưng họ đã biến đổi điều đó thành việc thờ lạy các thần tượng. Họ biến đền thờ của Chúa thành hang trộm cướp, bắt bớ các tiên tri của Ngài, bất tuân giao ước Ngài và làm sỉ nhục danh Chúa.

“Vì bởi cớ các ngươi nên danh Đức Chúa Trời bị nói phạm trong vòng các người ngoại” (Ro 2:24; Exe 36:22). Chúa vẫn kiên nhẫn đối diện với dân Ngài, theo đuổi họ quay trở lại nhưng dân sự đã cứng lòng và nghiêng tai điếc về phía lời cảnh cáo của Ngài.


Tuy nhiên, trước khi chúng ta kết tội dân Do-thái, hãy tra xét lại tấm lòng của chính mình và Hội Thánh mình. Liệu đang có những thần tượng nào trong lòng chúng ta không? Chúng ta có dâng trọn tấm lòng mình cho Chúa không hay vẫn chỉ dâng một phần cho Chúa và phần còn lại cho những điều khác? Nếu một người chưa được cứu đến buổi thờ phượng của chúng ta, liệu họ có nhận thấy sự vinh hiển và sự uy nghiêm của Chúa không? (ICor 14:23-25). Liệu cách sống theo thế gian và những hành động đáng ngờ của những người tự nhận là tín hữu có đang làm sỉ nhục danh Chúa không? Hãy nhớ rằng “lời nói cuối” của Chúa với Hội Thánh không phải là sứ mạng trọng yếu mà là “Hãy ăn năn, nếu không …” (Kh 2:1-3:22)


b. Âm mưu chống lại Giê-rê-mi (Gie 11:18-23):

Xuất phát từ thái độ chống cự lại Lời Chúa của dân sự, vì nếu chấp nhận Lời Chúa, dân sự đã phải tôn trọng tiên tri của Ngài và phải lắng nghe mọi điều người nói. Bạn có thể cho rằng đáng lý ra các thầy tế lễ ở thành A-na-tốt đã phải sáng suốt hơn là đi nghe lời của những tiên tri giả, bởi lẽ việc giữ một chức vụ tôn giáo không khiến một người có được sự khôn ngoan thuộc linh.


Những người tại thành A-na-tốt, quê hương của Giê-rê-mi, lập mưu giết nhà tiên tri vì sứ điệp của ông kết tội họ. Thay vì ăn năn, họ lại quyết định giết người đưa tin. Nhưng cũng còn có một lý do thứ hai: là những người Do-thái trung thành, họ nhận thấy những lời tiên tri của Giê-rê-mi nói ra gây tổn hại cho sự thịnh vượng của dân tộc.

Tiên tri Giê-rê-mi rao giảng về sự đoán phạt sắp đến từ Ba-by-lôn trong khi các tiên tri giả lại ban phát những sứ điệp về sự thanh bình (Gie 6:14; Gie 8:11). Tiên tri Giê-rê-mi nhấn mạnh việc dân sự cần phải tuân theo luật pháp và dâng những của lễ trong đền thờ chớ không phải dâng ở trên các nơi cao hoặc ở một vài nơi mà thờ các thần tượng, nhưng các thầy tế lễ lại không thích như vậy. Tiên tri Giê-rê-mi là người ủng hộ Ba-by-lôn trong khi dân sự lại theo Ai-cập. Nói một cách khác, tiên tri Giê-rê-mi đã đi sai nhịp với thời đại của ông và vì quyết đoán nên ông phải bước đi một mình để “theo Chúa”.


Mãi đến khi Chúa cảnh báo cho Giê-rê-mi biết về điều đó, ông mới biết về âm mưu giết hại mình. Và khi nghe tin tức ấy, ông thấy mình như một chiên con bơ vơ bị dắt đến nơi để giết thịt (Giê 11:19; Es 53:7). Tất cả những gì mà ông có thể làm là phó thác chính mình cũng như kẻ thù mình cho Đức Chúa Trời và tin cậy Chúa hành động.

Đây là lần đầu tiên trong số nhiều lần trong cuộc đời mình, tiên tri Giê-rê-mi dốc đổ tấm lòng mình cách riêng tư với Chúa, cậy nhờ Chúa chiến đấu trong trận chiến của ông và giúp ông thoát khỏi nỗi sợ hãi và tuyệt vọng (Giê 11:19-20; Giê 12:1-4; Giê 15:10-17; Giê 17:12-18; Giê 18:20-23; Giê 20:7-18).

Tại nơi đông người, tiên tri Giê-rê-mi rất dạn dĩ trước mặt dân sự nhưng ở chốn riêng tư, ông là người yếu đuối trước mặt Chúa. Chúa khẳng định với tôi tớ của Ngài rằng những kẻ thù của ông sẽ được giải quyết trong ngày tai hoạ xảy đến khi Ba-by-lôn cướp lấy thành Giê-ru-sa-lem.


c. Sự biện luận thần học (Giê 12:1-6):

Chẳng bao lâu sau khi Chúa đề cập đến hai âm mưu trên thì Giê-rê-mi chợt nhận thấy rằng mình cần phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng thuộc linh (Giê 12:1-6).

Madame Guyon, một nhà thần bí người Pháp đã viết: “Khi bắt đầu cuộc sống thuộc linh, điều khó khăn nhất đối với chúng ta là phải hết lòng chịu đựng những người lân cận sau đó là chịu đựng cho chínhmình và cuối cùng là chịu đựng với Chúa.” 

Tiên tri Giê-rê-mi đã không thể hiểu được vì sao Đức Chúa Trời thánh khiết lại cho phép những tiên tri giả hoặc không trung tín được thịnh vượng trong chức vụ của mình. Trong khi ông, một tôi tớ trung tín của Chúa lại bị đối xử như một chiên con bị đem làm của lễ dâng.


“Sao đường lối những kẻ ác được thạnh vượng?” (c.1) là một câu hỏi thường gặp trong Kinh Thánh và ngày nay chúng ta vẫn thường hỏi như vậy. Gióp vật lộn với với điều này (Giop 12:21). Các tác giả Thi Thiên cố tìm cách hiểu (Thi 37:1-40;Thi 49:1-20 và những tiên tri khác ngoài Giê-rê-mi đối diện với vấn đề này (Ha 1:1-17; Ma 2:17; Ma 3:15). Những thần học gia Do-thái, dựa theo các giao-ước để dạy rằng Chúa sẽ chúc phước cho những ai vâng lời và đoán phạt những kẻ không vâng lời nhưng thực tế trong cuộc sống lại hoàn toàn khác hẳn! Làm thế nào mà Đức Chúa Trời thánh khiết của tình yêu thương lại để cho những điều như vậy xảy đến chớ? [42]


Tuy nhiên, tiên tri Giê-rê-mi tìm kiếm nhiều hơn cả những câu trả lời cho các câu hỏi đó; ông cũng quan tâm đến quyền lợi của dân tộc mình. Ông nhìn thấy cả quốc gia có rất nhiều người vô tội đang phải chịu đau khổ do tội lỗi của những người lãnh đạo gây nên. Chúa đã khiến hạn hán khắp nơi trong xứ. Đây là một trong số những hình phạt theo giao ước (Phuc 28:15-24), cây cối bị khô héo và súc vật đang chết dần. Nhưng những người lãnh đạo độc ác đáng phải chịu trách nhiệm về cơn hạn hán không những vẫn còn sống mà còn được thịnh vượng từ sự mất mát của người khác.


Điều này dường như không được công bằng và Giê-rê-mi biện luận với Đức Chúa Trời “sao đường lối kẻ ác được thạnh vượng?” (Gie 12:1). “Cỏ ngoài đồng khô héo cho đến chừng nào?” (c.4) “tại sao” và “cho đến chừng nào” thường là những câu dễ hỏi nhưng thật khó trả lời.


Giải pháp mà tiên tri Giê-rê-mi đề nghị đó là xin Chúa đoán phạt và kéo những kẻ ác ấy như con chiên dắt đến chổ bị giết (c.3). Xét cho cùng, tất cả những người ở thành A-na-tốt đều đã sẵn sàng giết nhà tiên tri như một chiên con được dâng làm của lễ vậy (Gie 11:19). Thế thì tại sao họ không phải nhận từ nơi Chúa một số phận tương tự họ đã sắp đặt cho Giê-rê-mi?


Tuy nhiên, câu trả lời của Chúa lại không phải là điều mà tiên tri Giê-rê-mi mong đợi (Gie 12:5-6). Điểm chú ý của Chúa không phải là những kẻ ác mà chính là tôi tớ của Ngài, tiên tri Giê-rê-mi. Cũng như phản ứng của chúng ta mỗi khi gặp khó khăn, Giê-rê-mi tiếp tục đặt câu hỏi “mình phải làm gì để thoát khỏi cảnh này?”. Nhưng đáng lý ra, ông phải hỏi rằng “Điều gì khiến mình muốn thoát ra khỏi cảnh này?”. Những tôi tớ của Chúa không sống bằng lời giải thích mà sống dựa trên lời hứa. Hiểu được những lời giải thích có thể làm thỏa mãn tính hiếu kỳ và khiến chúng ta trở nên những con người thông minh hơn, nhưng việc dựa vào lời hứa của Chúa sẽ hình thành tính cách của chúng ta và khiến chúng ta trở nên những tôi tớ hữu dụng hơn cho Ngài.


Câu trả lời của Chúa bày tỏ cho Gie 3:1-25 lẽ thật quan trọng.

- Trước hết, cuộc đời hầu việc Chúa không phải là một cuộc sống dễ dàng; nhưng giống như một cuộc chạy đua vậy. (Sứ-đồ Phao-lô cũng đã dùng một hình ảnh tương tự trong Phi 3:2-14). Nếu như Giê-rê-mi là một thầy tế lễ, chắc hẳn ông đã có một cuộc sống thoải mái và an toàn, nhưng cuộc sống của một nhà tiên tri lại hoàn toàn ngược lại. Ông như một người chạy đua và trước mắt là những giai đoạn khó khăn.


-Thứ hai, một cuộc đời phục vụ sẽ ngày càng khó khăn hơn chớ không phải dễ dàng hơn. Giê-rê-mi đang chạy với những người chạy bộ và đã theo kịp họ, nhưng bây giờ ông đang chạy đua với ngựa. Ông đã từng vật lộn với nhiều gian truân thử thách khi ông đang còn sống trong một xứ hoà bình. Tuy nhiên, giờ đây, ông đang lạc vào những khu rừng rậm của sông Giô-đanh nơi có những thú dữ đang rình mò. Lòng ông đau đớn vì sự tấn công từ bên ngoài và bây giờ, chính gia đình ông cũng đã bắt đầu chống đối ông.


- Chân lý thứ ba xuất phát từ hai lẽ thật trên: một cuộc đời phục vụ sẽ ngày càng tốt đẹp hơn khi chúng ta trưởng thành hơn.Từ những thử thách mới đó (ngựa, rừng rậm, sự chống đối của những người thân, họ hàng) đã giúp cho Giê-rê-mi tăng trưởng đức tin và nhạy bén hơn trong chức vụ của mình. Một cuộc sống dễ dàng cuối cùng cũng là một cuộc sống khó khăn. Bởi vì một cuộc sống dễ dàng kìm giữ sự trưởng thành nhưng một cuộc sống khó khăn thử thách sẽ giúp chúng để phát triển “những cơ bắp thuộc linh” và hữu dụng nhiều hơn cho Đức Chúa Trời. Philip Brooks đã nói rằng mục đích của đời sống là xây dựng hình thành nhân cách cao đẹp qua lẽ thật, và bạn sẽ không làm được điều đó nếu bạn cứ mãi đóng vai một người khán giả. Bạn phải bền bỉ với cuộc đua mà Chúa đã đặt trước mắt bạn và thực hiện những điều đó theo sự đòi hỏi của Chúa (He 12:1-3).


Hugh Black, một nhà truyền giáo người Scotland đã nói rằng: “Đây chính là câu trả lời mà tiên tri Giê-rê-mi đang cần. Ông cần sự nâng đỡ chớ không phải sự nuông chìu”.


Một trong những người bà con của tôi, khi còn nhỏ đã trượt lớp 3 nên không được vào học lớp 4 và do đó không được dùng viết mực! Ngày nay, con cháu của chúng ta đang được học những chương trình điện toán đơn giản trong các lớp ở trường để chúng có thể sử dụng những chương trình khó hơn ở trường trung học và đại học.

Nếu không có thử thách, sẽ không có sự trưởng thành và không có một thử thách nào lại không có thay đổi. Một số người khi lớn hơn, họ lụôn khăng khăng đòi có những thay đổi nhưng lại quên mất những thử thách của sự thay đổi. Họ đang trong nguy cơ suy thoái thể chất, tinh thần và thuộc linh. Chúa muốn Giê-rê-mi trưởng thành và Ngài cũng muốn chúng ta trưởng thành.


Gilbert K. Chesterton đã nói thế này: “Hình ảnh ẩn dụ nói về quá trình muốn trưởng thành, rằng “hãy từ bỏ mọi sự đằng sau chúng ta” đã gây hiểu lầm một cách tai hại ý tưởng đích thực của sự trưởng thành, thực sự nó có “ý nghĩa là hãy từ bỏ những gì thuộc về chính bản thân chúng ta.”[43] Chúa quan tâm đến sự trưởng thành thuộc về chính nhà tiên tri chớ không chỉ ở những khó khăn quanh ông. Chúa có thể giải quyết khó khăn của người Giu-đa nhưng không thể buộc tôi tớ Ngài phải trưởng thành. Chỉ khi Giê-rê-mi đã có thể chọn lựa bước vào cuộc đua, chấp nhận thử thách thì nhờ đó, ông mới trưởng thành trong Chúa.

-Gie 12:1-6; xem giải nghĩa Gie 11:1-8.


3. Tội làm ngơ trước lời cảnh cáo của Chúa (Gie 12:7-13:27)

(Gie 12:7-17). Chúa dùng những gì Giê-rê-mi nói và làm để phán với dân Giu-đa và cảnh cáo họ về sự đoán phạt khủng khiếp sắp đến. An tâm trong lòng với niềm tin bị dối gạt và được các tiên tri giả khích lệ, những nhà lãnh đạo cùng với dân Giu-đa sống trong một thiên đàng theo ảio tưởng của kẻ ngu ngốc, tin chắc rằng không có điều gì khủng khiếp sẽ xảy đến cho thành thánh hay đền thờ. Hãy lưu ý đến 8 hình ảnh miêu tả về sự đoán phạt sắp giáng xuống.


a. Dân sự sẽ như kẻ thừa tự, bị hắt hủi (Gie 12:7-17):

Dân Do-thái là kẻ thừa tự đặc biệt của Chúa (Xu 19:5-6; Phuc 4:20; Phuc 32:9) và vùng đất Ca-na-an chính là sản nghiệp Chúa hứa ban cho (Xu 15:17; Thi 78:55). Vùng đất này thuộc về Chúa và dân Do-thái chỉ “vay mượn” để sử dụng mà thôi (Le 25:23. Dân sự phải vâng theo Luật pháp của Chúa để bảo vệ đất không bị lạm dụng và ô uế, nhưng dân sự đã không vâng theo Luật pháp của Ngài và đã làm ô uế sản nghiệp của mình (Le 18:25,27; Phuc 21:23). Vì thế, Chúa sửa phạt họ bằng cách đem họ ra khỏi vùng Đất Hứa ấy và đày họ sang Ba-by-lôn. Điều này tạo cơ hội cho xứ của Y-sơ-ra-ên được phục hồi trở lại (IISu 36:21; Gie 25:9-12; Le 26:34-43).


Bạn sẽ không thể không kể đến sự tức giận của Chúa khi Ngài đề cập đến dân sự yêu mến của Ngài. Thay vì kính mến Ngài, dân sự lại gào thét lên với chúa như một con sư tử hung hăng dữ tợn và như thế khiến Chúa không thể bày tỏ tình yêu của Ngài đối với họ như Ngài mong muốn được [44] Kẻ thù của Giu-đa như những chim săn mồi và thú dữ chỉ chực chờ để tấn công họ. Những nhà lãnh đạo của quốc gia này (“người chăn bầy”) và những lực lượng đồng minh của họ sẽ biến vườn nho đẹp đẽ này thành một vùng đất hoang vu và người Do-thái sẽ bị tước đoạt sản nghiệp của mình. Dân của các nước lân cận như Sy-ri, Mô-áp và Am-môn, là những nước đã tấn công Giu-đa trong quá khứ cũng sẽ bị đế quốc Ba-by-lôn trừng phạt và dân sự trong số các nước đó phải sống kiếp lưu đày.


Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cũng phán thêm một lời hy vọng: “Ta cũng sẽ trở lại thương xót chúng nó…đất mình” (Gie 12:15). Dân sự sẽ bị bắt làm phu tù trong 70 năm (Gie 25:11-12 Gie 29:10). Sau đó, họ sẽ được phép trở về quê hương khôi phục lại đền thờ và đất nước. Chúa cũng sẽ mời gọi dân của các nước khác thờ phượng Ngài là Đấng sống và chân thật, để khiến họ sẽ không bao giờ dẫn dụ dân sự Chúa thờ lạy hình tượng nữa.


b. Như đai gai mục (Gie 13:1-11)

Đây là một trong những “bài giảng bằng hành động” [45] của tiên tri Giê-rê-mi. “Đai” là lớp trang phục lót dài đến đùi và được người ta mặc sát người. Chúa đã đem dân sự đến gần Ngài nhưng họ đã làm ô uế chính mình với những thần tượng và trở nên “những kẻ vô tích sự”. Khi mọi người nhìn thấy tiên tri Giê-rê-mi chôn đai mới của mình dưới hòn đá ở bờ sông bùn lầy, mọi nguời biết rằng điều này sẽ làm hỏng đai nhưng họ lại không nhận biết rằng họ đang sắp sửa phải nhận lấy sự đoán phạt đổ xuống chính mình. Một ngày nào đó, Chúa sẽ đoạt lại Giu-đa từ tay Ba-by-lôn. Và lúc đó, Ngài sẽ giúp dân Ngài thoát khỏi sự thờ thần tượng. Thành phố, đền đài mà họ thường tự hào sẽ bị tiêu diệt, cũng giống như lớp đai của tiên tri sẽ bị mục nát.


Nhưng cũng còn một điều khác liên quan đến “bài giảng bằng hành động” này. Trong nhiều năm, những nhà lãnh đạo Giu-đa đã quay sang Ai-cập, A-si-ri, và Ba-by-lôn để xin sự giúp đỡ thay vì chạy đến Đức Chúa Trời cầu xin sự trợ giúp. Chính hành động này đã “làm cho” dân sự trở nên ô uế và trở nên “vô tích sự” trong cái nhìn của Chúa. Giê-rê-mi chỉ cho họ thấy rằng việc họ đang “nịnh hót, tâng bốc” các nuớc ngoại bang chỉ khiến họ trở nên xa cách Đức Chúa Trời và điều này cuối cùng sẽ dẫn đến sự huỷ diệt của đất nước họ mà thôi.


c. Như những kẻ say sưa đi loạng choạng (Gie 13:12-14):

Tiên tri Giê-rê-mi thường sử dụng một thành ngữ quen thuộc trong bài giảng của mình: “Hễ là bình thì sẽ có được đầy rượu” [46] Thành ngữ này ngụ ý rằng đảm bảo sẽ có hoà bình và sự thịnh vượng cho đất nước. Với tấm lòng tan vỡ, nhà tiên tri lại nhìn thấy những nhà lãnh đạo thường hay say sưa thay vì dốc lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời (Es 28:1-8) và ông biết rằng chén thịnh nộ sẽ đổ trên đất này (Gie 25:15).

Những nhà lãnh đạo và dân trong thành Giê-ru-sa-lem đã đổ đầy rượu vào bình của mình, chuẩn bị cho một bữa tiệc nhưng Chúa sẽ khiến họ trở nên say khướt đến đỗi dẫn đến một sự thất bại nhục nhã và sự tàn phá đau lòng. Họ sẽ va đụng vào nhau và hủy diệt lẫn nhau như những bình gốm vỡ trong thành. Sứ-đồ Phao-lô cũng đã dùng hình ảnh say sưa để khiển trách Hội thánh và khuyên họ phải sẵn sàng cho ngày Chúa trở lại (ITe 5:1-11).


d. Như người bước đi vấp chân (c.15-16):

Khi Giê-rê-mi kêu gọi dân sự “Hãy nghe và lắng tai” (ITe 13:15,16) ông đã cho họ một cơ hội nữa để ăn năn và quay trở lại với Chúa. Ông so sánh họ như người lữ hành đi trên con đường núi nguy hiểm và xa lạ, không có bản đồ, không có ánh sáng và đang chờ đợi ánh nắng bình minh. Tuy nhiên, thay vì là ánh nắng bình minh, bóng đêm vẫn vây kín. Trong nhiều thế kỷ trước, Chúa đã dẫn dắt dân Ngài đi trong trụ lửa và trụ mây. Giờ đây, Chúa cũng muốn dùng lời của tiên tri Ngài để dẫn dắt họ bước đi nhưng họ không chịu nghe theo. Nếu chúng ta chống nghịch lại ánh sáng của Chúa, chúng ta sẽ chẳng còn lại gì ngoại trừ bóng đêm. Những nhà lãnh đạo dân sự đã quá kiêu ngạo không chịu tự nhận mình đã lạc đường cho nên họ đã chẳng chịu cầu hỏi lời dẫn đường.


e. Như bầy chiên bị bắt (ITe 13:17-20):

Tiên tri Giê-rê-mi đã khóc khi nhìn thấy bầy chiên của Chúa bị bắt, những con chiên không thể tự vệ bị đem đi giết. Điều gì đã gây ra thảm kịch này? Người chăn bầy (những người cai trị Giu-đa) đã ích kỷ bóc lột bầy chiên của mình mà không chịu vâng theo lời Chúa (ITe 23:1). Tiên tri Giê-rê-mi nói với Vua Giê-hô-gia-kin và mẹ người Nê-hu-ta (IIVua 24:8-20) và khuyên nhủ họ ăn năn, hạ mình xuống nhưng họ không chịu nghe theo.Đạo quân Ba-by-lôn sẽ tràn xuống từ phương Bắc và cả dân tộc sẽ bị hủy diệt. “Sự kiêu ngạo đi trước , sự bại hoại theo sau, và tánh …sa ngã” (Ch 16:18).


f. Như người đàn bà trong khi sinh nở (Ch 13:21):

Đây là một hình ảnh quen thuộc mà Kinh Thánh hay dùng đến để nói về sự đau đớn, thường có liên hệ đến sự đoán phạt (Gie 4:31; Gie 6:24; Gie 22:23; Gie 30:6; Gie 49:24; Gie 50:43; ITe 5:3). Thông điệp của câu Kinh Thánh là “Những người mà các ngươi kết bạn như những đồng minh sẽ đến và làm chủ ngươi. Vậy thì các ngươi sẽ nói gì? Các ngươi sẽ đau đớn đến nỗi không còn nói chi được nữa.” Nếu dân sự đã tìm đến Đức Giê-hô-va để làm đồng minh của mình, thì Ngài chắc đã sẽ không để họ bị thất bại. Thế nhưng họ lại tin tưởng vào Ba-by-lôn và Ba-by-lôn đã trở thành kẻ thù của họ.


g. Như phường đĩ điếm đáng xấu hổ (ITe 13:22-27):

Theo luật Môi-se, phường đĩ điếm không được ở trong xứ (Le 19:29; Le 21:7,14) và sự có mặt của họ giữa công chúng là một điều xấu hổ cho họ. Nếu một người đĩ điếm nhận ra mình loã lồ, xấu hổ và bị lạm dụng, tại sao họ lại ngạc nhiên ? Vì đó là điều mà cô ta muốn! Dân Giu-đa đã phạm tội tà dâm với các thần tượng ngoại bang và quay sang các nước không thờ kính Chúa để xin giúp đỡ. Bây giờ, họ lại hỏi rằng " Vì sao tất cả những điều này lại xảy đến với chúng ta?" Mọi người có thể sống như thể tội lỗi sẽ không đem lại hậu quả gì, nhưng những hậu quả đó rồi sẽ đến ngay. Cũng giống như người Ê-thi-ô-pi không thể thay đổi được màu da của mình, hoặc như con báo không thể thay đổi các đốm trên mình nó, cũng vậy, một dân tộc gian ác không thể tự nhiên làm điều tốt được. Đối với những người đã quá quen với việc phạm tội, thì chỉ có Chúa mới có thể làm thay đổi được lòng họ mà thôi.


h. Như trấu bay khắp nơi (Le 13:24-25):

Chúa so sánh một dân tộc độc ác với rơm rác bay đi khắp nơi (Thi 1:4 Mat 3:12) là vật không còn dùng chi được sau một quá trình thu hoạch mùa màng.Những người nông dân tung lúa lên không và gió sa mạc sẽ thổi bay đi phần rơm rác. Tội lỗi đã hạ thấp vương quốc Giu-đa đến đỗi con người không còn có giá trị nữa, mà chỉ còn để bị thổi bay đi mà thôi. Họ đã quên Đức Chúa Trời của mình, tin vào điều giả dối và không chịu ăn năn tội lỗi.


Thật Đức Chúa Trời đã nhẫn nại với dân Ngài biết bao và tôi tớ Ngài cũng như thế trong chức vụ của mình. Tiên tri Giê-rê-mi sẵn lòng bước đi một mình và "theo Chúa" để dân tộc ông có cơ hội được cứu nhưng buồn thay dân sự đã không nghe theo sứ điệp của ông.


Chúa vẫn "lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho người nào chết mất…ăn năn" (IIPhi 3:9). Ngày nay, chúng ta chớ nên bắt chước theo người Giu-đa nhưng ta hãy lắng nghe Lời Chúa, vâng theo Ngài, vì có như vậy chúng ta mới tránh được sự sửa phạt của Chúa và vui hưởng những phước lành của Ngài.


Gie 13:1-27; xem giải nghĩa Gie 12:7-17


5. NHỮNG BÀI GIẢNG, LỜI CẦU XIN VÀ TIẾNG THAN KHÓC (Gie 14:1-17:27)

“Kỷ nguyên hiện đại của chúng ta ngày nay thật là xô bồ vì người ta sống quá nông cạn và hời hợt. Chúng ta ai nấy muốn thay đổi mọi thứ ngoại trừ lòng dạ con người"


J.Wallace Hamilton


[47] “Nếu việc rao giảng không phải trá giá gì thì sẽ chẵng đem lại kết quả gì" [48].


Nhà truyền giáo nổi tiếng người Anh, John Henry Jowett đã phát biểu như vậyvà dĩ nhiên câu nói này có thể áp dụng cho tiên tri Giê-rê-mi.Đau khổ trước tội lỗi của dân sự, phải rao giảng những thông điệp khó nghe liên quan đến sự đoán phạt và bối rối với những gì Chúa cho phép ông chịu đựng, tiên tri Giê-rê-mi đã phải trả một giá rất đắt cho việc đi theo tiếng gọi của Chúa. Nếu trong Cựu Ước có một tôi tớ nào sẵn sàng "vác thập tự giá"để theo Chúa thì đó chính là tiên tri Giê-rê-mi.


Trong chương này, nhà tiên tri rao giảng 4 thông điệp và đan xen với những thông điệp này là lời cầu nguyện của ông với Chúa cũng những câu trả lời ông nhận được. Tiên tri Giê-rê-mi rất thẳng thắng trước dân sự nhưng lại là một người có tấm lòng tan vỡ trước mặt Chúa. Tuy nhiên, chính sự tan vỡ đó đã truyền thêm sức mạnh cho ông.


1. Sứ điệp về hạn hán (Gie 14:1-22)

Khác với xứ Ai Cập nơi mà lương thực mùa màng có được nhờ vào lượng nước tưới từ sông Nile, còn vùng đất Ca-na-an lại phụ thuộc vào lượng mưa Chúa ban cho (Phu 11:10-12). Nếu dân Ngài vâng theo Luật pháp Ngài, Chúa sẽ ban mưa [49] và đem đến cho họ vụ mùa bội thu (Le 26:3-5) nhưng nếu họ không vâng lời, thì bầu trời sẽ cứng như sắt và đất sẽ rắn như đồng (Le 26:18-20 Phu 11:13-17 Phu 28:22-24). Qua nhiều năm, chính tội lỗi của dân Giu-đa đã đưa đến nhiều cuộc hạn hán trong xứ [50] (Gie 3:3 Gie 5:24 Gie 12:4 Gie 23:10)và tiên tri Giê-rê-mi đã dùng chính vấn đề đau thương này nhưng đúng thời điểm để làm nền tảng cho bài giảng của mình giảng cho dân sự.


a. Cảnh đau thương của xứ (c.1-6):

Bất cứ ở thành nào (Gie 14:1-3), trang trại (c.4) hoặc ngoài đồng (c.5-6), bất cứ nơi đâu khắp Giu-đa, thảy đều nhan nhản cảnh khốn khó và thiếu thốn. Đất rên siếc và dân sự than khóc, như những người ở một đám tang vậy. Do tội lỗi của dân sự, Chúa đã cầm giữ mưa và nguồn nước đem đến sự sống - Ngài đã làm theo lời hứa trong giao ước của Ngài với dân Y-sơ-ra-ên. Không ngoại trừ cho bất cứ một ai, cho dù bạn là người sang trọng giàu có thế nào đi nữa thì lúc ấy vẫn không tìm được nước. Các con sông khô cạn, các giếng không có nước và tất cả mọi người ở thành phố hay nông thôn đều che đầu mình lại như trong một đám tang . Ngay cả súc vật cũng phải chịu đựng khốn khổ do tội lỗi của con người gây nên. Thường thì nai cái là con vật rất gắn bó với con mình cũng phải bỏ nai con để mặc cho khát đến chết. Những con lừa hoang, với đôi mắt loà, cũng chỉ có thể đứng trên đồi cao nứt nẻ và vô vọng vì thèm nước.


Bước vào một mối quan hệ theo giao ước với Chúa la một điều rất quan trọng bởi vì Chúa luôn giữ lời cho dù là chúc phước hay sửa phạt. Nếu chúng ta là người nhận lãnh tình yêu của Chúa, chúng ta cũng phải sẵn sàng là người nhận lãnh sự sửa trị của Ngài nếu chúng ta không vâng lời Ngài (Ch 3:11-12). Chúa là Đấng luôn thành tín.


b. Lời nài xin của, dân sự (c.7-12):

Cũng giống như phản ứng của mọi người khi gặp rắc rối, dân Do Thái đã chạy đến Chúa và cầu nguyện, nhưng những lời cầu xin này đều không thật lòng và không liên quan đến một thái độ ăn năn nào cả.Tiên tri Giê-rê-mi đã phải đối diện với thái độ sùng đạo giả hình này và tội lỗi của họ khi ông đặt câu hỏi rằng: "các ngươi há chẳng ….sự gớm ghiếc ấy" (Gie 7:9,10).


Dân Do Thái đã cầu xin với thái độ không ăn năn và không dựa theo lời hứa trong Giao ước của Chúa (Phu 30:1-10 IISu 7:12-15), họ cho rằng họ đã cầu xin Chúa giúp đỡ chỉ vì cớ Ngài. Họ biện luận "Xét cho cùng, chính là Danh Chúa đang bị đe doạ, bởi vì chúng tôi được gọi theo tên của Ngài". Họ hi vọng về Đấng Cứu Thế của Y-sơ-ra-ên chỉ giống như mong đợi một du khách đến trong xứ mà không hề quan tâm đến tình hình hiện tại hay sự huỷ diệt trong tương lai của họ. Trong suy nghĩ của họ lúc bấy giờ thì Chúa chẳng khác gì một người đột nhiên bị bại liệt hoặc như một chiến binh đã mất hết sức mạnh mà thôi.


Khi Chúa sửa phạt chúng ta, nếu chúng ta chỉ cầu nguyện và cầu xin sự giúp đỡ của Ngài thì không đủ vì bất cứ ai cũng có thể làm như vậy. Chúng ta phải ăn năn tội lỗi của mình, nhận biết và xưng những tội lỗi đó ra cũng như thành thật tìm kiếm Chúa, còn sự than khóc đau đớn vì tội lỗi gây ra chính là bày tỏ sự hối hận chớ không phải là thái độ ăn năn. "Hãy sé lòng các ngươi và đừng xé áo các ngươi" (Gio 2:13) là lời mà tiên tri Giô-sên đã khuyên dân Do Thái khi trong xứ xảy ra một tai ương lớn. Đa-vít, khi cầu xin Chúa tha thứ cũng đã nói rằng "Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi, lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dễ đâu" (Thi 51:17).


Chúa đã trả lời cho dân sự, không phải qua việc ban mưa xuống mà bằng cách cảnh báo về sự đoán phạt! (Gie 14:10). Đây là lần thứ ba, Chúa phán bảo Giê-rê-mi không được cầu nguyện cho dân sự (c.11 Gie 7:16 Gie 11:14). Sự nhẫn nại của Chúa đã không còn, và Ngài quyết định đoán phạt dân sự về tội lỗi của họ. Họ đã kiêng ăn, cầu nguyện và dâng của lễ cho Chúa nhưng những điều đó đến lúc ấy không còn làm thay đổi quyết định của Chúa được. Đất nước sẽ bị gươm đao, đói kém, và bệnh dịch (Gie 14:12). Đạo quân Ba-by-lôn sẽ đem gươm đao đến và hậu quả của sự xâm chiếm tàn phá này chính là đói kém và bệnh dịch. [51]


c. Lời phản đối của nhà tiên tri (c.13-16):

Có lẽ tiên tri Giê-rê-mi đã hỏi Chúa "Nhưng đó có phải thật sự là lỗi của dân sự? Chẳng phải dân sự đã bị những tiên tri giả, ngườivốn hứa với dân sự thực phẩm và hoà bình dẫn đi sai đường đó sao? Chính những tiên tri giả mới là thủ phạm" (Gie 5:12 Gie 6:14 Gie 8:11). Chúa đồng ý với Giê-rê-mi rằng đúng là các tiên tri giả đã dùng những khải tượng, những lời nói giả dối để dẫn dân sự đi lạc lối và Ngài cũng cho Giê-rê-mi biết chắc điều này: các tiên tri giả ấy cùng với tất cả những ai nghe lời họ thảy đều sẽ phải nhận lãnh những gì mà bọn họ đã làm. Ngày đó sẽ tới khi mọi người và gia đình họ sẽ bị giết và không ai được chôn cất những xác đó cả, đây là một trong những điều sỉ nhục nhất sẽ xảy đến với dân Do Thái.


Dân sự phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình vì họ hẳn đã phải biết Chúa không gởi những tiên tri này đến. Có hai điều để có thể kiểm chứng một nhà tiên tri thật trong xứ Y-sơ-ra-ên: (1) những điều dự đoán của họ phải chính xác (Phu 8:20-22). [52] và (2) sứ điệp của họ phải thích hợp với Luật pháp của Chúa (Phu 13:1-18). Bất cứ một tiên tri nào cho phép việc thờ hình tượng, vốn là điều trái với Luật pháp của Chúa, đều là tiên tri giả. "Hãy theo Luật pháp và lời chứng… rạng đông cho nó" (Es 8:20). Ngay cả khi có một người tự xưng là tiên tri và thực hiện những phép lạ, nhưng nếu lẽ thật của Chúa bày tỏ trong Lời Ngài không giống như vậy thì đó cũng chỉ là một tiên tri giả mà thôi. Phép lạ chưa phải là sự đảm bảo cho một sự kêu gọi cuả Chúa (IITe 2:7-12).


d. Nỗi đau đớn và lời cầu nguyện của nhà tiên tri (c.17-22):

Tiên tri Giê-rê-mi đã nghĩ gì về dân sự mình? Ông cũng có cùng một cảm nhận như Chúa:ông khóc cho dân sự mình (Gie 9:18 Gie 13:17) cũng giống như một người cha khóc cho con gái trong trắng của mình bị người ta nggược đãi, đánh đập và bỏ mặc cho đến chết. Trong một khải tượng tiên tri Giê-rê-mi thấy cả xứ bị tàn phá và dân sự bị bắt qua Ba-by-lôn (Gie 14:18) và chính điều này đã khiến ông quay sang cầu khẩn Chúa.


Vì Chúa đã cấm Giê-rê-mi cầu nguyện cho dân sự (Gie 14:11) cho nên, ông đã tự xem mình đồng số phận với dân sự và xưng là "chúng tôi" chớ không phải xưng là "họ" (Ne 1:4-10 Exo 9:1-15 Da 9:1-27 Ro 9:1-3). Khi cầu nguyện cho chính mình, ông không quên cầu thay cho dân sự. Ông xin Chúa làm vinh hiển Danh Ngài và giữ lời giao ước Ngài để chữa lành vết thương cho cả xứ. Mặc dù Chúa sẵn lòng giữ lời Ngài trong giao ước nhưng dân sự lại không chịu giữ lời hứa của mình. Vì vậy lời cầu nguyện của nhà tiên tri không được Chúa nhậm. Vì Chúa là Đấng thành tín nên Ngài không thể làm trái lại Lời Ngài đã phán ra.


Thỉnh thoảng, Chúa cho phép những tai họa xảy đến để khiến cả quốc gia, Hội Thánh và mỗi cá nhân ăn năn tội lỗi mình. Những bệnh dịch xảy đến trong xứ Ê-dip-tô là để giúp cho Pha-ra-ôn biết ăn năn tội nhưng rốt cuộc ông chỉ cứng lòng, thậm chí còn chống lại Chúa (Xu 7:1-12:50). Cách mà dân Do Thái đã đối xử với các nước trong xứ Ca-na-an cũng là một sự đoán phạt của Chúa vì những nước này không chịu từ bỏ tội lỗi của mình (Sa 15:16 Da 8:23 Mat 23:32-35). Mặc dù chúng ta không nên giải thích mọi thiên tai là cơn thịnh nộ của Chúa, nhưng chúng ta cũng phải trở nên nhạy bén với cơn giận của Ngài, sãn sàng nhìn lại mình và xưng ra những tội lỗi của mình.


2. Sứ điệp về việc bị bắt làm phu tù sắp tới (Gie 15:1-21)

Trước khi dân Do Thái bước vào vùng Đất Hứa, Môi-se đã nhắc lại với dân sự những lời trong giao ước và cảnh cáo họ rằng Chúa sẽ đuổi họ ra khỏi xứ nếu họ không vâng theo tiếng Chúa phán (Phu 28:63-68). Chẳng bao lâu sau khi Giô-suê và thế hệ kính sợ Chúa đó qua đi (Cac 2:7-15), thì cả dân tộc liền quay sang việc thờ hình tượng và Chúa đã phải sửa phạt họ. Ban đầu, Chúa sửa phạt họ ngay trong xứ qua việc cho phép các nước khác tấn công và cai trị dân sự. Về sau, khi dân sự khóc lóc kêu cầu sự giúp đỡ, Chúa đã dấy lên những người giải cứu (c.16-23). Tuy nhiên, vào thời của tiên tri Giê-rê-mi, tội lỗi của dân sự nhiều đến nỗi Chúa đã phải đuổi họ ra khỏi xứ và trừng phạt họ tại nước Ba-by-lôn xa xôi.


Hai câu trả lời được ghi lại trong chương này: Chúa đáp lời cầu nguỵên của Giê-rê-mi (Gie 15:1-9) và Giê-rê-mi đáp lời Chúa (c.10-21).


a. Chúa đáp lời cầu nguyện của Giê-rê-mi (c.1-9):

Bất kể là người nào lúc ấy cầu thay cho dân Giu-đa đi chăng nữa thì cũng không thể làm lay chuyển được quyết định của Chúa và Ngài không hế bớt nghiêm khắc. Có những thời điểm quan trọng trong lịch sử của dân tộc Do Thái, Môi-se với Sa-mu-ên đã từng cầu thay cho dân sự và được Chúa nhậm lời (Xu 32:1-34:35 Dan 14:1-45 ISa 7:1-17 ISa 12:1-25 Thi 99:6-8). Nhưng bấy giờ thì Chúa không còn mềm lòng với dân sự nữa. Thay vào đó, dân Ngài phải chịu lâm vào cảnh bị bắt làm phu tù. "Hãy đuổi chúng nó khỏi trước mắt Ta, cho chúng nó đi ra" (Gie 15:1).


Dân sự phải đối diện với 4 sự đoán phạt sẽ xảy đến: chết vì bệnh tật, chiến tranh, nạn đói hoặc nếu còn sống sót, họ sẽ bị đày sang Ba-by-lôn [53]. Thi thể của những người bị đạo quân Ba-by-lôn giết sẽ bị nhạo báng và bị chó, chim, hoặc thú dữ ăn mất vì không ai trong số họ sẽ được chôn cất tử tế. Chúa đã cho dân sự thấy một tương lai không sáng sủa gì cả nhưng đó là tương lai mà họ đã tự chọn lấy khi họ không chịu ăn năn tội lỗi của mình. Bạn đã chọn điều bạn muốn trong cuộc sống và bây giờ bạn phải trả giá cho điều đó.


Chúa đã chọn dân Do Thái làm một nguồn phước cho tất cả các dân tộc khác trên khắp thế gian (Sa 12:1-3). Nhưng giờ đây, họ đã trở thành "một dân tộc bị ném đi ném lại trong các nước" (c.4, Sa 24:9 Sa 29:18 Sa 34:17 Phu 28:25), một dân tộc bị nhạo báng, "một tục ngữ giữa các nước" (Thi 44:14). Không những thế, Giê-ru-sa-lem và cả xứ đều phải chứng kiến sự đoán phạt của Chúa đối với tội lỗi của họ nữa". Nên đất nó trở nên gở lạ…lắc đầu" (Gie 18:16 Gie 19:8 Gie 25:9,18 Gie 29:18).


Một trong những nguyên nhân đưa đến sự đoán phạt khủng khiếp này là do Vua Ma-na-se, người đã trị vì đất nước trong 55 năm (697TC-642TC) và là vị vua độc ác nhất trong lịch sử của Giu-đa (IIVua 21:1-18 IISu 33:1-10). Ông là con của vua Giê-hô-gia-kim và là cháu của vua Giô-sia, vốn là những người biết kính sợ Chúa. Tuy nhiên, chính ông lại là một người độc ác và là người đã dung dưỡng cho đất nước Giu-đa phạm tội. Chính điều này đã đưa tới sự sụp đổ của vương quốc Giu-đa. Chúa không phạt cả nước vì những tội lỗi do vua Ma-na-se gây ra nhưng vì cả dân sự đều đã bắt chước vua phạm tội.


Thực ra, Đức Chúa Trời cũng than khóc về những tai hoạ sắp đến với dân Ngài vì sự không vâng lời của họ (Gie 15:5-9). Liệu có còn ai thương tiếc cho thành Giê-ru-sa-lem và sự phồn vinh của thành này? Nê-hê-mi đã bày tỏ sự thương tiếc đó (Ne 1:1-3) và hàng thế kỷ sau, Chúa Giê-xu đã khóc cho thành này (Mat 23:37). Đối với Chúa, việc trì hoãn sự đoán phạt thành này có nghĩa là khuyến khích dân sự phạm tội càng thêm, và đây là điều mà Ngài sẽ không làm. Ngài đã "chán sự đổi ý" (Gie 15:6). [54]


Sự đoán phạt sắp xảy đến cũng giống như việc phân tách hạt lúa mì với rơm rác (c.7 Gie 51:2). Những người vợ sẽ trở nên goá bụa và các bà mẹ sẽ phải chịu mất con mình. Một người mẹ có 7 con trai xem ra thật phước hạnh biết bao, nhưng nếu tất cả các con trai của bà đều bị giết nơi chiến trận thì sự phước hạnh đó sẽ lụi trần tựa hồ như việc mặt trời tắt nắng lúc ban trưa và ngày trở nên ngắn lại.Ánh sáng của cuộc đời bà đã khép lại vì tương lai của gia đình đã bị huỷ diệt.


Chúng ta không nên nghĩ rằng Chúa thích giáng sự đoán phạt xuống dân Ngài. Nếu Chúa không hề vui khi thấy cái chết của kẽ gian ác thì Ngài cũng không thể vui khi đối diện với cái chết của Dân Ngài (Exe 18:23,32). Chúa rất nhẫn nại nhưng khi dân Ngài chống lại sự kêu gọi đầy sự vị tha của Chúa và chống nghịch lại ý muốn của Ngài thì Ngài không còn lựa chọn nào khác hơn là phải sửa phạt họ.


b. Giê-rê-mi đáp lời Chúa (c.10-21):

Đây là lần thứ ba ghi lại lời than khóc của Giê-rê-mi (Exe 11:18-23). Nếu mẹ của những chiến binh đã tử trận có lý do để khóc vì con mình (Exe 15:8-9) thì mẹ của tiên tri Giê-rê-mi lại càng có lý do để khóc hơn nữa, vì dân sự đối đãi với nhà tiên tri như một kẻ thù. Những chiến binh chết trận được xem như những anh hùng, còn tiên tri Giê-rê-mi thì bị xem như một kẻ phản bội với chính dân tộc mình vậy. Giê-rê-mi không phải là chủ nợ, nhưng lại cứ phải luôn đi đòi nợ các con nợ. Dĩ nhiên là mọi người rất ghét ông. Chúa hứa sẽ giải cứu (c.5) và Ngài đã giữ lời hứa của Ngài, Ngài đã không hứa ông sẽ che chở cho ông thoát khỏi sự bắt bớ (Exe 12:5).


Khi chiến đấu chống lại vua Nêbucát nết sa, Giu-đa đã bị bại trận vì không gì có thể lay chuyển nổi "tượng sắt phương bắc" Ba-by-lôn. Giu-đa đã bị mất mọi của cải và trở thành nô lệ cho dân Ba-by-lôn. Đây không phải là một sứ điệp bình thường để rao giảng, và Giê-rê-mi biết rằng nó sẽ gây ra sự chống đối từ phía những người lãnh đạo dân sự và toàn thể dân sự.Vì vậy, ông nài xin Chúa hãy giúp ông để ông có thể tiếp tục rao giảng sứ điệp này. Ông nài xin rằng: "Xin hãy nhớ đến tôi, thăm viếng tôi và trả thù những kẻ bắt bớ tôi”.


Gie 15:15-18 cho thấy sự xáo trộn trong tâm trí của nhà tiên tri. Một phút trước, ông còn khẳng định về nhịn nhục của Chúa và sự thành tín của chính mình đối vời Lời Ngài [55], nhưng một phút sau đó, ông lại khóc lóc vì đau đớn khi thấy những cảnh khốn khó mà dân sự phải gánh chịu cũng như những gian truân mà ông sẽ gặp phải. Thậm chí ông còn cho rằng Chúa đã dối gạt ông khi kêu gọi ông bước vào chức vụ" (Chúa) như cái khe giả dối, cái suối tắt mạch" (c.18, Giop 6:15-20)


Giê-rê-mi cũng chỉ là một con người với những thiếu sót yếu đuối, nhưng ít ra ông cũng đã trung thực bày tỏ những điểm yếu của mình với Chúa. Thay vì giả dối che đậy cảm nghĩ thật của mình, ông lại dốc đổ lòng mình với Chúa và Ngài đã trả lời ông.Câu trả lời của Chúa có thể khiến nhà tiên tri sững sờ nhưng Chúa lại phán rằng chính ông cần phải ăn năn! "Nếu ngươi trở lại thì ta sẽ đem ngươi … miệng Ta" (Gie 15:19). Vì thái độ mà ông đã đối với Chúa và với sự kêu của Ngài suýt nữa thì ông đã đánh mất chức vụ của mình.Trong một phương diện nào đó, ông đã thể hiện lời nói, thái độ của mình như thế là của dân Giu-đa khi họ hỏi Chúa.


Đức Chúa Trời luôn luôn tỏ sự công bằng khi Ngài lời khiển trách ai cùng với những lời hứa chắc chắn của Ngài. Một lần nữa Chúa lại hứa sẽ khiến Giê-rê-mi trở nên một tường thành vững bền và ông sẽ chiến thắng các kẻ thù mình (c.20 Gie 1:18-19). Giê-rê-mi đã học biết cách bước đi bằng đức tin, điều đó có nghĩa là ông phải vâng theo Lời Chúa mặc cho ông đã suy nghĩ gì, nhìn thấy gì và người ta đã đối đãi với ông ra sao chăng nữa. Chúa không bao giờ hứa với ông một công việc dễ dàng nhưng Ngài hứa sẽ ban cho ông mọi điều có thể để giúp ông thực hiện chức vụ mình cách trung tín.


Liệu có phải là một điều bất thường khi những tôi tớ được Chúa chọn lựa lại trở nên nản lòng và có nguy cơ rời bỏ chức vụ mình? Không, bởi vì những tôi tớ của Chúa vốn vẫn chỉ là con người yếu đuối và đều bị chi phối bởi bản tính con người.Môi-se đã từng nản lòng và muốn chết (Dan 11:10-15), Giô-suê đã sẵn sàng ý định rời bỏ vùng Đất Hứa (Gios 7:6-11), Ê-li đã từng rời bỏ chức vụ của mình và tuyệt vọng muốn chết (IVua 19:1-21) Giô-na cũng đã rất giận dữ đến nỗi từ chối giúp đỡ những người mà Chúa đã sai ông phải đến để cứu họ (Gion 4:1-11). Chúa không muốn chúng ta bỏ qua những cảm xúc của mình vì điều đó sẽ khiến chúng ta không còn giống con người nữa. Trái lại, Chúa muốn chúng ta tin cậy Ngài sẽ thay đổi những cảm xúc ấy và bắt đầu bước đi bằng đức tin (IICo 1:3-11)


3. Sứ điệp qua hành động lạ lùng của Giê-rê-mi (Gie 16:1-21)

Thỉnh thoảng, để gây sự chú ý cho dân sự, Chúa cũng sai những tiên tri của Ngài làm một vài hành động lạ lùng. Ê-sai đã đặt cho hai con trai mình những cái tên lạ lùng và dùng ý nghĩa của những tên ấy làm nội dung cho thông điệp của mình (Es 8:1-23). Ong còn ăn mặc như một tù nhân chiến tranh để nói về cuộc xung đột sắp tới (Es 20:1-6). Xin chúng ta hãy chú ý đến nhiều "bài giảng bằng hành động" của cả Giê-rê-mi lẫn Ê-xê-chi-ên.


a. Những sự cấm đoán của Giê-rê-mi (Gie 16:1-9):

Đức Chúa Trời đã cấm Giê-rê-mi không được tham dự vào 3 hoạt động bình thừơng và được mọi người chấp nhận, đó là cưới hỏi, than khóc cho người chết và dự những buổi tiệc. Tất cả những đàn ông Do Thái đều được cưới vợ ở tuổi 20. Thật ra, các giáo sĩ Do Thái giáo còn rủa sả những ai không chịu lấy vợ và sinh con. Dĩ nhiên, Giê-rê-mi chắc hẳn đã rất tán thưởng việc có một người vợ yêu thương khích lệ ông nhưng ơn phước này đã không thuộc về ông.Khi nhìn lại những thử thách Giê-rê-mi đã chịu đựng và những điều kẻ thù đã gây ra cho ông, chúng ta nhận thấy rằng Giê-rê-mi tốt hơn không nên có vợ. Mặc khác, hành động từ chối kết hôn của ông cũng có một ý nghĩa nhất định vì tất cả con trai, con gái của mọi gia đình Do Thái đều sẽ bị giết bởi gươm đao hay bị đói khát cho đến chết khi đạo quân Ba-by-lôn xâm chiếm xứ . Mỗi khi có ai hỏi Giê-rê-mi vì sao ông không lấy vợ, ông lại có cơ hội để chia sẻ sứ điệp của Chúa về sự đoán phạt sắp xảy đến.


Dân Do Thái trong thời bấy giờ được xem là những người chuyên than khóc và cưới hỏi thế nhưng riêng Giê-rê-mi lại bị cấm không được tham gia vào các đám tang, đám cưới hay những bữa tiệc tùng liên quan đến những lễ lạc này. Hành động lạ thường nói lên điều gì với dân sự? Trước hết, Chúa sẽ cất sự bình an và thịnh vượng ra khỏi vương quốc này. Ngoài ra, sự đoán phạt sắp đến sẽ khinh khủng đến nỗi không ai còn có thể bày tỏ nỗi khổ đau của mình nữa. Sẽ có quá nhiều xác chết đến nỗi số người sống sót còn lại quá ít ỏi nên họ chẳng tài nào chôn cất người chết cho xuể.


Còn về những tiệc cưới, làm sao mọi người có thể tổ chức lễ cưới giữa lúc đám mây của sự huỷ diệt đang treo lơ lửng trên đầu họ như thế? Ngày đoán phạt đó sẽ đến và tiếng reo vui hạnh phúc của cô dâu, chú rể sẽ không còn nữa. Thực vậy, những niềm vui, hạnh phúc sẽ không còn tồn tại trong xứ. Những người bị bắt đi đày sẽ tạo thành một đám tang và đi đến Ba-by-lôn.


b. Lời giải thích của tiên tri Giê-rê-mi (Gie 16:10-13,16-18):

Việc dân sự đặt câu hỏi tại sao Chúa lại giáng một sự đoán phạt khủng khiếp như thế cho dân sự Ngài là một điều lạ. Chắc chắn rằng dân sự biết rõ những lời trong giao ước Ngài và trong một chừng mực nào đó, họ cũng phải nhận biết tội lỗi mình, thế nhưng họ lại để cho những tiên tri giả dẫn dụ đi sai đường và cảm thấy hoàn toàn bình thường trong tội lỗi vì sự nhận thức của họ đã không còn nữa. Nội dung những thuyết thần học khác với các lẽ thật trong Kinh Thánh đã tạo cho họ một sự yên tâm giả tạo rằng Chúa không bao giờ từ bỏ dân Ngài hay cho phép dân ngoại phỉ báng thành thánh và đền thờ. Họ đã sai lầm biết bao!


Lời giải thích của tiên tri Giê-rê-mi thật đơn giản: họ đã dẫm lại vết xe đổ lỗi lầm của cha ông mình thay vì lắng nghe Luật pháp của Chúa và tránh xa tội lỗi. Ngoài ra, họ lại không chịu học hỏi gì qua những sự đoán phạt trong quá khứ của Chúa. Điều này đã khiến họ nặng tội hơn cả cha ông mình.Chẳng phải đế quốc A-si-ri đã chiếm lấy vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc và bắt dân sự làm phu tù vì tội thờ hình tượng đó sao? Chẳng phải những tiên tri trước đây đã từng rao giảng Lời Chúa và cảnh báo dân sự?


Tiên tri Giê-rê-mi đã dùng một vài hình ảnh để miêu tả việc dân sự sẽ bị bắt làm phu tù. Động từ "ném" (Gie 16:13) được dùng để nói về hành động phóng một ngọn giáo hay khiến nổi một trận bão lớn (Gion 1:4). Chúa đã dùng vũ lực để đuổi dân Ngài và để đất được chữa lành và cả đất nước được thanh tẩy (IISu 36:14-21). Giê-rê-mi cũng dùng hình ảnh ẩn dụ của việc đánh cá, săn bắn và gởi tiền bạc (Gie 16:16-18). Dân Ba-by-lôn ssẽ tung lưới ra để bắt dân Do Thái (Exe 12:13) và không một "con cá" nào có thể thoát được cả. Nếu có ai cố trốn trên các đồi, những người đánh cá sẽ trở thành những thợ săn và bắt họ xuống. Tại sao vậy? Bởi vì dân sự đã mắc một món nợ lớn với Chúa về cách họ đối đãi với Luật pháp của Chúa và với xứ của Ngài. Bây giờ "tờ hoá đơn nợ " đã được thanh toán. "Trước hết ta sẽ báo sự gian ác nó gấp hai" (Gie 16:18). Điều này có nghĩa là sự đoán phạt của Chúa sẽ rất rộng và triệt để.


c. Lời yên ủi của tiên tri Giê-rê-mi (Gie 16:14-15):

Trong cơn giận, Chúa vẫn nhớ đến sự thương xót (Ha 3:2) và tiên tri Giê-rê-mi đã báo cho mọi người một thông điệp của hi vọng : những người bị lưu đày một ngày nào đó sẽ được trở về xứ của mình. Sự giải cứu này vĩ đại đến nỗi được xem như một cuộc "hồi hương thứ hai". Vinh quang của cuộc hồi hương này sẽ chói lọi hơn vinh quang của cuộc trở về thứ nhất từ Ai Cập của dân Y-sơ-ra-ên trước đó. Về sau, Giê-rê-mi giải thích rằng dân sự sẽ bị lưu đày ở Ba-by-lôn trong 70 năm (Gie 25:1-37) và số người sống sót rồi đây sẽ được hồi hương để xây dựng lại đền thờ và lập lại đất nước (Gie 23:3 Gie 31:7-9). Họ sẽ trở về như những người đã bị đuổi đi và sẽ không bao giờ trở lại với các thần tượng của các nước ngoại bang.


d. Lời cam đoan của Giê-rê-mi (Gie 16:19-21):

Trong niềm vui sướng với niềm tin nồng cháy của người làm tiên tri, Giê-rê-mi thấy khải tượng không chỉ có những người còn sống sót tụ hội lại mà cả những người từ các dân ngoại khác nhau từ cùng trời cuối đất cũng họp nhau lại để thờ lạy Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật của Y-sơ-ra-ên. Tiên tri Ê-sai và Ê-xê-chi-ên cũng có cùng một khải tượng (Es 2:1-5 Es 11:10-16 Es 45:14 Exe 8:20-23). Các dân ngoại sẽ xưng nhận tội thờ hình tượng của mình và nhìn nhận rằng các thần tượng đều vô giá trị cả. Họ sẽ được dạy dỗ để được biết về Đức Chúa Trời. Trong lúc đó, nhiệm vụ của Hội Thánh ngày nay là rao truyền Phúc âm cho đến tận cùng trái đất để tội nhân có thể từ bỏ những thần tượng giả dối, là bất kỳ những thần tượng nào và tin cậy nơi Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế cho thế gian.


4. Sứ điệp về tội lỗi của Giu-đa (Gie 17:1-27)

Một ngày chủ nhật nọ, tổng thống Calvin Cooldge trở về nhà sau khi đi nhà thờ và vợ ông hỏi "Hôm nay ông mục sư đã giảng về đề tài gì vậy?". Calvin đáp: "Về tội lỗi". Sau đó, vợ ông hỏi tiếp "Thế mục sư nói gì về tội lỗi?" "Mục sư đã kịch liệt chống đối tội lỗi". Calvin trả lời.


Tiên tri Giê-rê-mi cũng đã chống lại tội lỗi của dân sự và trong chương này ông đã đề cập đến sáu tội sau đây:


a. Tội thờ hình tượng (c.1-4):

Thay vì hết lòng và vâng phục Đức Chúa Trời Hằng Sống chân thật là Đấng ban phước lành cho họ, người Do Thái lại đi thờ phượng những thần tượng của các dân tộc lân cận và lập những thần giả dối này lên cao hơn Đức Giê-hô-va. Tại các nơi cao trên đồi, dân sự xây những đền thờ cho những thần khác nhau và dựng những tượng khiêu dâm của nữ thần A-sê-ra . Điều này đã làm ô uế đất, vốn là sản nghiệp quý báu mà Đức Giê-hô-va đã để lại cho họ, nhưng vì tội thờ hình tượng nên họ đã bị mất cả xứ. Họ sẽ mất mọi thứ và tất cả đều do lỗi của họ.


Thay vì Luật pháp thánh khiết của Đức Chúa Trời được ghi khắc trong lòng họ thì nơi đó chỉ có tội lỗi ngự trị (Ch 3:3 Ch 7:3 Phu 6:6 Phu 11:18 IICo 3:1-3). Chúng ta có thể quên những tội lỗi của mình nhưng tội lỗi thì không bao giờ quên chúng ta. Tội lỗi ngự trị trong lòng chúng ta cho đến khi chúng ta nài xin Đức Chúa Trời tha thứ. Ngài sẽ tẩy sạch tấm lòng chúng ta và khiến chúng trở nên mới. (IGi 1: 9 He 10:15-18).


Lời khiển trách cuối cùng của sứ đồ Giăng đối với các tín hữu trong thư tín đầu tiên của ông là: "Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng" (IGi 5:21). Thời đó đã có rất nhiều hình tượng. Xã hội chúng ta ngày nay cũng đang tồn tại rất nhiều thần tượng, chẳng hạn như tiền bạc, của cải, danh vọng, "sự thành đạt", quyền lực, thú vui, tiện nghi v. v…và nhiều nữa. Bất cứ điều gì chúng ta yêu thương, tin cậy hơn Đức Chúa Trời Hằng sống, chân thật vốn là Chúa là Cha của Chúa Giê-xu Christ chúng ta thì đó đều là thần tượng cần được loại bỏ khỏi tấm lòng chúng ta.


b. Sự vô tín (c.5-10):

Những người đứng đầu Giu-đa có khuynh hướng tin cậy vào các liên minh chính trị và nhờ cậy xác thịt hơn là nương tựa nơi năng quyền của Chúa. Để nhấn mạnh những điểm khác nhau, Giê-rê-mi đưa ra sự đối lập giữa hai hình ảnh là thạch thảo trong sa mạc và một cây sai trái gần bờ suối (Thi 1:3-4). Sự vô tín sẽ biến đời sống thành một hoang mạc nóng bỏng còn đức tin sẽ đem lại một đời sống như một vườn cây sai trái. Chẳng bao lâu, đạo quân Ba-by-lôn sẽ tràn vào vương quốc Giu-đa và sẽ biến vùng đất đượm sữa và mật trở thành hoang mạc.


Điểm mấu chốt của mỗi vấn đề là ở tấm lòng. Tấm lòng con ngươi thì hay dối gạt. Tiếng Hê-bơ-rơ gọi là “Jacob” và không thể chữa được.Chúng ta vẫn thường nói rằng: "À, tôi biết lòng tôi mà! " nhưng thực sự chúng ta chẳng biết tấm lòng của chính mình. Chỉ có Chúa mới biết. Ngài dò xét lòng trí và biết tấm lòng chúng ta ra sao. Chúng ta phải đọc Lời Chúa và để Thánh Linh dẫn dắt chúng ta. Tấm lòng của những người đứng đầu Do Thái đã rời xakhỏi Đức Chúa Trời và lẽ thật của Ngài. Hậu quả là, họ đã có những quyết định thiếu khôn ngoan và đưa dân tộc đến chỗ diệt vong.


Dân Do Thái có tiếng là vô tín. Chính thái độ vô tín đã dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi vùng Dất Hứa (Dân số 13-14). Chính sự vô tín đã xúi giục thờ hình tượng và nhận lấy sự đoán phạt từ nơi Chúa trong thời kỳ các quan xét. Trong suốt thời kỳ lập vương quốc, chính thái độ vô tín đã khiến những người lãnh đạo dân sự không chịu ăn năn quay về với Chúa để cầu xin sự vùa giúp của Ngài. Sau đó, họ đã phải trả một giá quá đắt cho việc liên minh chính trị với các nước: A-si-ri, Ai Cập và Ba-by-lôn.Vậy liệu họ đã rút ra được bài học gì qua vấn đề này?


c. Lòng tham (c.11):

Trong những ngày hỗn loạn này, bọn người giàu lợi dụng cơ hội cố bóc lột kẻ nghèo và trở nên giàu hơn. Trong khi đó, các quan toà cũng chẳng can thiệp gì vào điều này. "Trong vòng họ, từ kẻ rất nhỏ cho đến người rất lớn đều tham lam" (Gie 6:13). Giê-rê-mi đã trích dẫn một câu thành ngữ rất quen thuộc về chim đa đa. Loài chim này thường ấp trứng không phải do nó đẻ ra để rồi sau đó bầy chim con do nó ấp nở ra sẽ bỏ nó lại mà bay đi. Đây là một hình ảnh minh hoạ cho việc của cải vật chất của những kẻ giàu có là những người đã làm giàu bằng con đường bất chính sẽ bị bỏ lại. Liệu những của cải ấy phỏng có ích gì cho họ khi sự đoán phạt giáng xuống khắp xứ?


d. Từ bỏ Đức Chúa Trời (c.12-13):

Ngôi nước Giu-đa đã bị tội lỗi xâm phạm làm cho ô nhơ và bị sự xấu hổ bao phủ, dẫu thế ngôi của Chúa vẫn cứ mãi vinh hiển và luôn được tôn cao. Dân Do Thái cho rằng hòm giao ước được đặt trong nơi chí thánh chính là ngôi cuả Chúa (Thi 80:1 Thi 99:1) nhưng ngay cả khi đền thờ bị phá huỷ , ngôi trên thiên đàng của Ngài vẫn còn mãi đến đời đời (Es 6:1). Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Ngài, trái lại chính dân sự đã từ bỏ Ngài. Đây là lý do tại sao Giu-đa phải đối diện với một sự đoán phạt khủng khiếp như vậy. Thay vì được ghi tên vào Sách Sự Sống thì những người từ bỏ Chúa sẽ được ghi vào bụi đất -nơi tên tuổi của họ sẽ bị tiêu huỷ và bị diệt vong cùng với họ (Xu 32:32 Thi 69:28 Phi 4:3).


e. Chống đối tôi tớ Chúa (c.14-18):

Đây là lần thứ tư tiên tri Giê-rê-mi cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ và đây là lần ông nhấn mạnh đến việc xin Chúa sự giải cứu ông thoát khỏi những kẻ thù nghịch. Mọi người gọi ông là tiên tri giả và không ngừng hỏi về thời điểm sự đoán phát khủng khiếp sẽ xảy ra. Họ không nhận ra rằng sự lần lữa của Chúa chính là cơ hội cho dân tộc ăn năn để được cứu khỏi sự hủy diệt.Trừ phân đoạn Gie 15:15-21 có nội dung ghi lại nghi thái độ nghi ngờ của Giê-rê-mi, ngoài ra, chúng ta thấy ông đã không còn tìm cách chạy trốn khỏi trách nhiệm và trễ nải trong việc rao báo lời Chúa cho dân sự nữa. Đồng thời, Giê-rê-mi vẫn luôn cần đến sự trợ giúp cũng như sự bảo vệ của Chúa và Chúa đã đáp lời cầu nguyện của ông.


f. Vì xúc phạm đến ngày Sa-bát (c.19-27):

Chúa đã lập và ban cho dân Y-sơ-ra-ên ngày Sa-bát như một dấu chỉ đặc biệt về mối tương giao giữa Chúa và dân sự (Xu 16:29 Xu 20:8-11 Xu 31:13-17). Đó là ngày nghỉ của mọi người, súc vật và của cả đất. Tuy nhiên, dân sự đã nhiều lần coi thuờng Luật pháp và xem ngày Sabát cũng giống như những ngày thường khác. Tội lỗi của họ là một bằngchứng cho thấy rằng tấm lòng của dân sự chỉ hướng về của cải chớ không hướng về Chúa.


Vâng giữ ngày Sa-bát một cách máy móc cũng không phải là điều Chúa muốn. Điều Ngài muốn chính là sự vâng giữ phải xuất phát từ tấm lòng yêu mến và kính sợ Ngài thực sự. Giá như dân sự, đã hết lòng vâng giữ tất cả Luật pháp của Chúa thì chắc chắn Ngài sẽ ban phước cho dân sự, vua và thành của họ. Tuy nhiên, nếu dân sự cứ tiếp tục bất tụân Luật pháp và vi phạm ngày Sa-bát thì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt họ bằng cách huỷ diệt thành và đền đài của họ. [56]


Tiên tri Giê-rê-mi vẫn trung tín và can đảm trong việc giảng dạy; ông dâng lời nài xin Chúa; đau buồn trườc tội lỗi của dân tộc, thế nhưng dân sự vẫn một mực cứng lòng và bướng bỉnh chống nghịch lại lẽ thật của Chúa.


Sống giữa một thời đại đầy dẫy những con người thờ ơ, do dự, Giê-rê-mi lại tỏ ra là một người luôn có lòng cưu mang tha nhân và có quyết định dứt khoát nên ông đã được Chúa đã tôn cao. Nói theo phương diện loài người, chức vụ của Giê-rê-mi là một sự thất bại nhưng theo quan điểm thuộc linh, ông là người hầu việc Chúa thành công vượt bậc. Ngày nay, Hội Thánh và đất nước chúng ta hiện đang rất cần đến những người nam, người nữ có phẩm chất như tiên tri Giê-rê-mi vậy. Sẽ có một giá phải trả nhưng cũng có một mão triều thiên để giật được.


6. NHÀ TIÊN TRI, NGƯỜI THỢ GỐM VÀ NGƯỜI BẢO VỆ ĐỀN THỜ (Gie 18:1-20:18)

"Đất sét tự thân nó không có một chút đẹp đẽ nào cả, nhưng khi nó được người thợ gốm chạm bàn tay khéo léo và truyền tải, thể hiện ý tưởng của ông ta qua nó thì lúc đó sẽ xảy ra một sự chuyển hoá thực sự” J. Willbur Chapman [57]


Nhà tiên tri mà chúng ta đang đề cập ở đây dĩ nhiên chính là Giê-rê-mi. Chúng ta không biết người thợ gốm là ai mặc dù người thợ này giữ một vai trò rất quan trọng trong vở kịch này. Người bảo vệ đền thờ chính là Pha-su-rơ, ấy cũng chính thầy tế lễ chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh của đền thờ có nhiệm vụ bảo đảm trật tự tron đền thờ và bắt phạt những kẻ quấy rối. Do Pha-su-rơ xem tiên tri Giê-rê-mi như một kẻ quấy rối nên đã bắt cùm ông lại suốt một đêm .


Tiên tri Giê-rê-mi là nhân vật chính trong vở kịch dài 3 hồi này.


1. Giê-rê-mi , nhà tiên tri bị đe dọa (Gie 18:1-23)

Những sự kiện này có lẽ xảy ra vào thời vua Giê-hô-gia-kin , người đã đốt sách tiên tri của Giê-rê-mi. Khác với cha mình là vua Giô-sia, vua Giê-hô-gia-kim không hề yêu mến Đức Chúa Trời hay tiên tri của Ngài. Vua cũng không quan tâm chút nào đến những điều tiên tri Giê-rê-mi nói về mặt chính trị hay thuộc linh.


a. Quyền tể trị của Chúa (c.1-17):

Trong số từ vựng Hê-bơ-rơ thì đã có hơn 30 từ đề cập trực tiếp đến nghề gốm, vì đây là nghề chủ yếu của khu vực Cận Đông vào thời đó. Có lẽ Giê-rê-mi đã đi ngang qua nhà người thợ gốm rất nhiều lần, nhưng lần này Chúa đã gởi một thông điệp đặc biệt cho nhà tiên tri đến nỗi sau khi rao giảng xong ông đã bị bắt giam vì cớ thông điệp ấy. Khi bước theo Chúa, bạn sẽ không bao giờ biết được điều gì sẽ xảy đến với bạn tiếp theo.


Charles E. Jefferson từng viết: "Giê-rê-mi đã không nhận được một sự mặc khải khi đang cầu nguyện nhưng lại nhận được khi nhìn người thợ gốm làm công việc của mình. Chúa thường bày tỏ chính mình Ngài tại nhửng nơi rất lạ lùng và vào những thời điểm rất đặc biệt. Chẳng hạn như đã có lần Chúa bày tỏ chính Ngài trong một chuồng ngựa” [58]


Người thợ gốm ngồi trước hai bánh xe làm bằng đá song song được nối với nhau bằng một trục. Ông ta dùng chân để quay bánh xe dưới và nhào nặn đất sét ở bánh xe trên. Khi đứng nhìn, Giê-rê-mi nhận thấy đất sét không theo bàn tay của người thợ gốm nên bình bị vỡ [59], thế nhưng người thợ vẫn rất nhẫn nại nhào nặn đất sét để làm một cái bình khác.


Đây là một hình ảnh mang tính dân tộc, liên quan đến nhà Y-sơ-ra-ên (c.6-10) nhưng vẫn có ứng dụng cho mỗi cá nhân (c.11-17), kêu gọi lời đáp trả từ dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên. Lời kêu gọi đó cũng cần lời đáp trả của mỗi chúng ta ngày nay.


LỜI GIẢI THÍCH (Gie 18:5-10) Giống như người thợ gốm có quyền trên đất sét, Đức Chúa Trời cũng có quyền trên các dân tộc [60]. Điều này không có nghĩa là Chúa vô trách nhiệm hay tuỳ hứng trong những việc Ngài làm mặc dù Chúa có quyền hành động theo ý thích. Việc làm của Ngài luôn thể hiện tính nhất quán với bản chất của Ngài vốn là thánh khiết, công bình, khôn ngoan, và yêu thương. Chúa không cần một lời khuyên nào của Chúng ta hay chúng ta cũng không có quyền gì để chỉ trích những việc Chúa làm. "Vì ai biết ý tưởng Chúa …Ngài ?" (Ro 11:34 Es 40:13 Gie 23:18) "Nhưng …như vậy?" (Ro 9:20)


Đức Chúa Trời đưa ra hai cảnh tượng để minh hoạ cho quyền tể trị của Ngài trên các nước (Gie 18:7-10). Nếu Chúa đe dọa sẽ đoán xét một dân tộc và dân tộc đó biết ăn năn, Ngài sẽ rút lại sự đoán phạt. Chúa đã làm như vậy với thành Ni-ni-ve khi lời giảng dạy củ Giô-na đã khiến thành này ăn năn (Gion 3:1-10). Mặt khác. Chúa cũng hứa sẽ chúc phước cho một dân tộc nào đó như Ngài đã làm với dân Y-sơ-ra-ên theo như giao ước của Ngài. Nhưng nếu dân tộc ấy đã làm điều ác trước mặt Ngài thì Chúa ắt sẽ rút lại sự ban phước và giáng sự đoán phạt trên họ. Chúa không cần phải thay đổi bản tính của Ngài hay hối hận về những điều Ngài làm (Ma 3:6 Dan 23:19) nhưng Ngài có quyền tự do tể trị và thay đổi những hành động của Ngài tuỳ theo sự đáp ứng của dân sự.


Chắc chắn, có một bí ẩn trong mối quan hệ giữa quyền tể trị của Chúa và trách nhiệm của con người, nhưng chúng ta không cần phải giải thích ý muốn của Chúa trước khi chúng ta vâng theo. Chúng ta cần sống bằng những lời hứa và qui luật thuộc linh chớ không phải bằng những lời giải thích thần học và không bắt buộc Chúa phải giải thích điều gì cho chúng ta. (Giả định, nếu Chúa có giải thích thì chắc chúng ta cũng không thể hiểu được! ) “Những sự bí mật thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta; song những sự bày tỏ thuộc về chúng ta, và con cháu chúng ta đời đời, để chúng ta làm theo mọi lời của luật pháp này" (Phu 29:29) Chúa Giê-xu hứa rằng nếu chúng ta vâng theo những điều chúng ta biết, Chúa sẽ bày tỏ nhiều lẽ thật của Ngài hơn cho chúng ta. (Gi 7:17)


ỨNG DỤNG (Gie 18:11-17) Các dân tộc được tạo thành từ những cá nhân và mỗi cá nhân có thể nhận lãnh hay chống nghịch lại Lời Chúa. Thật vậy, con người được tạo nên từ bụi đất (Sa 2:7) và sống trong một thể xác yếu ớt (Giop 4:19 Giop 10:9 IICo 4:7). Tuy nhiên, không giống như đất sét trong tay người thợ gốm, con người chúng ta có khả năng chống nghịch. Chúa dùng nhiều bàn tay khác nhau để uốn nắn cuộc sống của chúng ta chẳng hạn như cha mẹ, con cái, thầy cô, mục sư và nhà văn và chúng ta vẫn có thể chống lại họ. Nhưng nếu chúng ta làm như vậy, tức là chúng ta chống lại chính Chúa.


Đức Giê-hô-va phán rằng Ngài sẽ “gây” tai vạ (Theo tiếng Hê-bơ-rơ thì từ “gây” đồng nghĩa với từ “sửa soạn” và “nhào nặn” là những từ có liên quan đến từ “người thợ gốm” để chống lại vương quốc Giu-đa. Tuy nhiên, nếu mọi người ăn năn, Chúa sẽ giải cứu họ. Nhưng dân sự đã lún quá sâu vào tội lỗi đến nỗi họ đã chọn đi theo những dự tính tội lỗi của bản thân mình. Họ thà thờ phượng những thần tượng chết và chịu đựng vì nó hơn là hầu vịêc cho Đức Chúa Trời Hằng sống chân thật cũng như hưởng những ơn phước của Ngài! Thật vậy, lòng người ta là dối trá và thật độc ác (Gie 17:9)


Khi chống nghịch lại Chúa và lực chọn những thần tượng câm điếc, dân Giu-đa đã hành động trái ngược lại những điều cho phép. Chúa đã tạo dựng họ cho Ngài, và họ không thể thành công khi tách rời khỏi Ngài. Chim chóc còn biết vâng lời theo những điều Ngài bảo chúng (Gie 8:7). Ngay cả những dân ngoại cũng không chịu từ bỏ thần tượng của mình cho dù họ đều biết đó chỉ là những thần giả dối. Nước trong thiên nhiên luôn luôn có tính chất cố định như: khi ở trên cao thì nước đóng băng còn lúc ở dưới thấp thì nước chảy thành dòng suối. Tuy nhiên, dân sự của Chúa lại thường tỏ ra bất định. Họ sẵn sàng nhận lãnh những ơn phước của Chúa nhưng lại không bằng lòng vâng theo Luật pháp của Ngài, Đấng tể trị trên mọi ơn phước. Nếu thiên nhiên cũng có phản ứng như thế thì chúng ta sẽ ở đâu?


Thay vì bước đi với Chúa trên con đường an toàn và ngay thẳng của sự thánh khiết (Es 35:8), dân sự lại đang đi trên con đường vòng nguy hiểm đầy khổ đau vì họ đã từ bỏ con đường của tổ phụ là con đường đi theo Luật pháp thánh của Chúa.Vì dân sự không ăn năn, nên Chúa đã đoán phạt họ; điều này có nghĩa là đất sẽ bị huỷ diệt và dân sự sẽ bị đày đi nơi khác.Thay vì mặt Chúa sẽ chiếu sáng trên dân sự và chúc phước cho họ thì giờ đây Ngài quay lưng lại với họ và bỏ mặc họ bước theo ý riêng của mình.


Giống như người thợ gốm nhẫn nại kia, Chúa cũng luôn sẵn lòng "nhào nặn"chúng ta trở lại khi chúng ta chống nghịch và tự huỷ diệt cuộc sống. Một nhà truyền giáo nổi tiếng người Scotland đã từng nói rằng cuộc sống Cơ đốc nhân đắc thắng là "một chuỗi những khởi điểm".Không có một thất bại nào trong cuộc sống chúng ta phải là kết thúc của mọi sự, mặc dù, dĩ nhiên chúng ta sẽ phải chịu đau đớn vì cớ tội lỗi mình. Chúa đã dành cho Áp-ra-ham, Môi-se, Đa-vít, Giô-na và Phi-e-rơ nhiều khởi điểm mới khi họ thất bại. Ngài vẫn làm như vậy đối với chúng ta ngày nay.


b. Âm mưu của kẻ thù (c.18):

Những tội nhân kiêu ngạo thường không thích nghe về quyền tể trị của Chúa hoặc sự đe doạ về một sự đoán phạt sắp đến. Họ cho rằng bằng cách bịt miệng tiên tri của Chúa thì họ sẽ làm ngưng đựợc tiếng phán của Ngài. “. “Đấng ngự trên trời sẽ cười, Chúa sẽ nhạo báng chúng nó” (Thi 2:4). Họ biện luận rằng "chúng ta có rất nhiều thầy tế lễ, tiên tri, và các trưởng lão. Vì vậy, chúng ta có thể làm mọi thứ mà không cần đến Giê-rê-mi"


Đây không phải là lần đầu tiên tiên tri Giê-rê-mi đối diện với một âm mưu đe doạ mạng sống và chức vụ của ông (Gie 11:18-23 Gie 12:6 Gie 15:15) và đây cũng không phải là lần cuối cùng. Những kẻ thù của ông dự định một "chiến dịch bôi nhọ" gồm toàn những lời vu cáo dối trá về Giê-rê-mi (Gie 9:3). Am mưu đó có lẽ là việc lợi dụng ngay những lời trích dẫn từ các bài giảng của ông để ghép tội ông là một kẻ phản bội vương quốc Giu-đa. Cũng giống như những người lập mưu chống lại Chúa Giê-xu, những kẻ thù của Giê-rê-mi đã cố gắng chứng minh rằng ông đã vi phạm luật pháp và đã sách động dân chúng (Lu 23:1-7).


Những tôi tớ trung thành của Chúa không thích sự chống đối nhưng họ phải biết dự đoán trước. Chúa Giê-xu đã phán "Các ngươi sẽ cósự hoạn nạn trong thế gian nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thếgian rồi" (Gi 16:33). Ngài cũng phán rằng "Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi” (Gi 15:18). Sứ đồ Phao-lô cũng nhắc nhở Ti-mô-thê và chúng ta "Vả lại, hết thảy mọi người mou61n sống cách nhơn đức trong Đức Chúa Giê-xu Christ, thì sẽ bị bắt bớ" (IITi 3:12)


c. Nỗi thống khổ của nhà tiên tri (Gie 18:19-23):

Đây là lần thứ năm tiên tri Giê-rê-mi "than khóc" riêng tư với Chúa về hoàn cảnh và chức vụ của ông (Gie 11:18-23 Gie 12:1-5 Gie 15:10-18 Gie 17:14-18 Gie 20:7-18). Lời lẽ của nhà tiên tri dường như thật khó nghe đối với chúng ta và khác với tinh thần của Chúa Giê-xu. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng Giê-rê-mi là một tiên tri được Chúa chọn, người đại diện cho Ngài trước mặt dân sự. Những ai chống lại Giê-rê-mi là chống lại Chúa và Giê-rê-mi cầu xin Chúa đối diện với chúng (Phu 32:35 Ro 12:17-19)


Tương tự Ê-sai và những tiên tri khác, Giê-rê-mi vốn là " gười yếu đuối như chúng ta" (Gia 5:17) và ông thật sự đau đớn khi nhìn thấy những nhà lãnh đạo chống lại lẽ thật. Giả sử rằng bạn và tôi bị những kẻ ghét chúng ta hãm hại bằng cách nói xấu, lập mưu và đào huyệt chôn chúng ta, chúng ta cũng sẽ rất bối rối và chắc sẽ xin Chúa đối diện với họ. Ít ra, Giê-rê-mi cũng đã bày tỏ chính mình thật lòng với Chúa và để Ngài giải quyết mọi việc. Ong buộc phải nhớ đến lời hứa của Chúa khi Ngài kêu gọi ông (Gie 1:7-10,17-19) và an lòng trong sự tin chắc rằng Chúa sẽ giúp ông vượt qua.


Thái độ tức giận đối với tội lỗi là thái độ đúng và được Chúa chấp nhận "đang khi nổi giận thì chớ phạm tội" (Eph 4:26 Thi 4:4) "Hỡi những kẻ yêu mến Đức Giê-hô-va hãy ghét sự ác" (Thi 97 :10). Chúa Giê-xu tức giận trước thái độ cứng lòng của những kẻ chỉ trích Ngài (Mac 3:5) và Phao-lô tức giận khi những tín hữu lâu năm lại dẫn dắt những người khác đi sai đường "Nào có ai vấp ngã mà tôi chẳng như nung như đốt?" (IICo 11:29). Cơn giận sai thường là cơn giận kèm theo hành động hồ đồ khiến kẻ giận cố sức tìm cách huỷ diệt những ai cáo buộc và chống đối mình.Trong khi đó, cơn giận đúng là cơn giận biết giao phó nan vấn đề cho Chúa giải quyết và tìm cách giúp đỡ kẻ cáo buộc. Cơn giận vì tìnhyêu thương làm chúng ta khổ tâm biết bao, và để giữ được đời sống thánh khiết luôn luôn không phải là chuyện dễ. Nếu Giê-rê-mi tỏ ra quá tức giận đối với chúng ta, thì e rằng sẽ có một số người trong chúng ta lại không nỡ tức giận đối với tội ác trong thế gian này. Nhờ vào phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta được biết đến quá nhiều bạo lực và tội ác đến nỗi chúng ta có khuynh hướng xem nó như những việc bình thường của cuộc sống và không muốn thay đổi gì về những điều đó cả. Đấu tranh là con đường đưa đến sự dàn xếp nhưng đó không phải là giải pháp hoàn toàn đúng đắn mà đó có thể chỉ là những ý tưởng giáo điều, máy móc hoàn toàn phủ Kinh Thánh.


2. Giê-rê-mi, nhà tiên tri bị bắt bớ (Gie 18:1-23) (Gie 19:1-20:6)

Đề tài liên quan đến người thợ gốm vẫn được tiếp tục với một "bài giảng bằng hành động" khác của Giê-rê-mi, một bài giảng đã khiến cho nhà tiên tri bị đánh đập và phải trải qua một đêm trong gông cùm.


a. Giê-rê-mi giảng dạy (Gie 19:1-9):

Theo lời Chúa phán, Giê-rê-mi đi đến nhà người thợ gốm lần thứ hai. Lần này ông đến với tư cách là một khách hàng chớ không phải là một người đứng xem nữa và đi cùng với ông còn có một vài vị trưởng lão người Do Thái. Đây quả là một bằng chứng về đức tin của Giê-rê-mi khi ông sẵn sàng đi cùng với những vị trưởng lão và ông đã dạn dĩ tuyên bố trước sự hiện diện của những người này rằng một thảm hoạ sẽ đến trong xứ do tội lỗi của họ gây ra cho dù ông biết rõ bọn họ đang có âm mưu độc ác chống lại ông. Chắc chắn rằng lời cầu nguyện của ông với Chúa đã khiến ông có thêm sự bình an và lòng can đảm.


Cổng thành phía đông là cổng Bốt-sơ, nơi những thợ gốm làm việc và những bình gốm vỡ bị bỏ ra ngoài. Nơi đây nhìn ra Thung lũng Hi-nôm, là nơi chứa rác của Giê-ru-sa-lem (Gehenna). Nhưng Giê-rê-mi đã biến cổng này thành tòa giảng và rao báo về thảm họa sắp xảy đến vì những gì mà các vua đã làm như: từ bỏ Chúa, thờ lạy hình tượng, phỉ báng đền thờ, giết người vô tội và dâng con cái mình trên bàn thờ lửa cho thần Ba-anh.


Thung lũng này đã từng là trung tâm của lễ thờ phượng thần tượng nhưng vua Giô-sia đã biến nó thành một nơi chứa rác. Tô-phết có nghĩa là "lò lửa" bởi vì trẻ con đã bị thiêu trong lửa ở đây. Tuy nhiên, sau khi quân Ba-by-lôn xâm chiếm đất, nơi này đã đổi tên là "Thung lũng sát sinh". Thành này đã bị đội quân Ba-by-lôn vây hãm, cô lập đến nỗi dân Do Thái đã phải ăn thịt chính con cái mình để sống!


b. Tiên tri Giê-rê-mi rao báo sự đoán phạt (Gie 19:10-15):

"Trong nơi này Ta sẽ làm hư không [61] mưu của Giu-đa và của Giê-ru-sa-lem (Gie 19:7). Để minh họa cho điều này, Giê-rê-mi đã làm vỡ chiếc bình đất sét và nói rằng "đây là điều mà Đấng Toàn năng phán: "Ta …được" (c.11). Cả dân tộc không còn trong kỷ luật (Gie 2:23), trong sự cầu nguyện (Gie 7:16) và giờ đây, không còn sửa trị được nữa! Dân sự đã quá cứng lòng chống nghịch lại Chúa đến đỗi mất hết tất cả mọi hi vọng.


Vào thời đó, tại khu vực Trung đông, vua và các quan thường đập vỡ những chiếc bình sành sứ trong một lễ quan trọng trước khi họ đi ra chiến trận. Hành động này mang ý nghĩa rằng họ sẽ chiến thắng quân thù hoàn toàn. Hình ảnh này cũng được dùng để chỉ tới Đấng Mê-si mà Thi 2:9 đã ghi nhận "Con sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó; con sẽ làm vỡ nát chúng nó khác nào bình gốm" . Nhưng giờ đây chính Chúa lại là Đấng “đập vỡ” dân sự của Ngài!


Chúng ta có thể hình dung ra được phần nào thái độ tức giận của các trưởng lão đi cùng với Giê-rê-mi đến cổng Bốt-sơ. Xét cho cùng, họ và những thầy tế lễ (Giê-rê-mi cũng là thầy tế lễ ) đã rất ủng hộ "những sứ điệp hoà bình" của các tiên tri giả rao báo cũng như những chính sách ngoại giao của những lãnh đạo dân sự là những người vốn hi vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ từ các đồng minh ngoại bang. Nhưng những gì Giê-rê-mi làm tiếp theo chỉ khiến họ thêm giận dữ mà thôi bởi vì ông đã đi vào đền thờ và rao giảng sứ điệp ấy một lần nữa! Đối với một người đã có tấm lòng tan vỡ ra trước mặt Chúa Giê-xu thì chắc chắn ông sẽ có can đảm khi đứng trước kẻ thù. Và tiên tri Giê-rê-mi cứ luôn vẫn tin vào Lời hứa của Chúa (Gie 1:7-10,17-19) và Chúa đã khiến ông trở nên vững vàng.


Phải chăng khi các nước hoặc các cá nhân nào đó phạm tội quá nhiều thì Chúa sẽ không thể phục hồi họ lại được nữa không? Chẳng phải thế, họ vẫn có thể được phục hồi. Miễn là đất sét vẫn còn mềm dẻo trong tay người thợ gốm thì người thợ vẫn có thể nhào nặn lại nó được ngay cả khi nó đã hỏng (Gie 18:4). Nhưng khi đất sét đã cứng thì đã quá muộn nên người thợ sẽ không thể nào nào nặn nó lại được nữa.Sự đoán phạt chính là sự báo trả cho thái độ cố ý bội đạo của dân sự. Vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc đã không chịu ăn năn nên đã bị phó vào tay đế quốc Asiri. Giờ đây, vương quốc Giu-đa ỡ phía Nam cũng chống nghịch lại lẽ thật của Chúa nên Ba-by-lôn sẽ huỷ diệt xứ và đày dân sự ra khỏi xứ. Người Do Thái đã chống nghịch lại Vua mình khi đòi Phi-lát đóng đinh Chúa Giê-xu. Bốn mươi năm sau đó, người La Mã cũng đã làm những điều tương tự như những gì người Ba-by-lôn đã làm đối với thành Giê-ru-sa-lem vào trước đó sáu thế kỷ. "Cũng có tội đến nỗi chết" (IGi 5:16)


c. Giê-rê-mi kinh nghiệm sự đau đớn (Gie 20:1-6):

Những gì trước đây chỉ là lời đe doạ thì giờ đây đã trở thành sự thật đối với Giê-rê-mi. Con trai của Y-mê [62] là Pha-su-rơ làm phụ tá cho thầy tế lễ thượng phẩm và là người gìn giữ an ninh trật tự trong đền thờ. Y vốn không thích những điều Giê-rê-mi rao giảng. Vì vậy, y đã cho bắt giam Giê-rê-mi, đánh đập và cùm ông lại mãi cho đến ngày hôm sau. Nơi giam giữ Giê-rê-mi đã phải được đặt tại một nơi nổi bật trong đền thờ nhằm khiến cho Giê-rê-mi càng thêm hổ thẹn đớn đau.Giê-rê-mi đã phải trải qua một đêm với tay chân bị cột trói cong gập lại quả là điều không dễ chịu chút nào, thêm vào đó thân thể ông còn bị đánh đập nữa khiến ông đau đớn biết bao. Vậy bạn hãy thử hình dung ra được Giê-rê-mi đã trãi qua đêm đó như thế nào.


Đánh đập và bắt giam là một trong những sự bắt bớ đầu tiên mà những nhà lãnh đạo dân sự đã áp dụng đối với Giê-rê-mi. Họ đe doạ giết Giê-rê-mi (Gie 26:1-24), họ vu khống cho ông, cáo tội ông và bắt giam ông (Gie 37:11-21) sau đó họ đã ném ông xuống hố (Gie 38:1-13). Ông đã trở thành tù nhân thực sự mãi cho đến khi Nê-bu-cát- nết-sa giải cứu ông (Gie 39:11-18)


Tuy nhiên, Chúa đã gặp gỡ Giê-rê-mi đêm đó (xin tham khảo thêm Cong 18:9-11 Cong 23:11 Cong 27:23-24)Ngài phán với ông một thông điệp đặc biệt và đặt tên mới cho Pha-su-rơ là Mago-Misabíp, có nghĩa là "kinh hãi mọi bề". Trước đây, Giê-rê-mi đã dùng cụm từ này (Gie 6:25) và sẽ dùng lại cụm từ này nữa (Gie 46:5 Gie 49:5,29). Cụm từ này gợi cho ta hình ảnh về những điều sẽ xảy ra với thành Giê-ru-sa-lem khi quân Ba-by-lôn tràn vào.


Lần đầu tiên, Giê-rê-mi chỉ đích danh vua Ba-by-lôn là kẻ xâm chiếm (Gie 20:4) [63]. Trước đây, Giê-rê-mi chỉ nói đến sự xâm lăng sẽ đến từ "phương Bắc" (Gie 1:13-15 Gie 3:12,18 Gie 4:5-79 Gie 6:1,22-26 Gie 10:22) và không đề cập gì đến dân tộc xâm lăng. Giờ đây, công cụ mà Chúa dùng để sửa phạt dân sự Ngài chính là Ba-by-lôn và Giê-rê-mi sẽ đề cập đến Ba-by-lôn theo cách này 200 lần nữa trong sách của mình.


Cách mà Pha-su-rơ đã đối xử với Giê-rê-mi đã đem đến cho y sự báo trả: y và cả gia đình y sẽ bị bắt làm phu tù qua Ba-by-lôn làm phu tù và chết ở đó. Đối với một người Do Thái, việc bị chôn ở ngoài xứ mình bị xem như là một sự đoán phạt vì đất ngoại bang được xem là không thánh sạch.Tuy nhiên, đối với Pha-su-rơ và bạn bè của y thì việc bị chôn ở đâu đâu có thành vấn đề! Họ là những kẻ đã nhân danh Chúa mà dạy dỗ giả dối và xúi giục dân sự việc thờ hình tượng trong đền thờ của Đức Chúa Trời thánh khiết. Vậy thì đáng lý ra họ phải sống trong một sự dối trá thờ cúng hình tượng và thậm chí sẽ bị chôn vùi nơi xứ ấy chớ! Thế mà lúc bấy giớ họ vẫn đang được ung dung tự tại rời nhà của họ!


Nếu những sự kiện được miêu tả trong Gie 18:1-20:18 xảy ra trong thời của vua Giê-hô-gia-kim (607-597 TC) thì lời tiên tri của Giê-rê-mi đã không cần phải chờ lâu để ứng nghiệm. Năm 605 TC, vua Nê-bu-cát-nết-sa cướp lấy đền thờ và bắt vua Giê-hô-gia-kim cùng các quan viên sang Ba-by-lôn. Năm 597 TC, vua bắt đày đi hơn 10.000 người 11 năm sau đó, vua đốt cháy đền thờ, phá thành và để mặc cho mọi thứ hoang tàn. Kế tiếp, 5 năm sau đó, vua lại bắt đày đi thêm một nhóm dân sự khác nữa.


Gie 19:1-15; xem giải nghĩa Gie 18:1-23


Gie 20:1-6; xem giải nghĩa Gie 18:1-23


3. Giê-rê-mi, nhà tiên tri nản lòng (Gie 20:7-18)

Đây là đoạn cuối của lời than khóc của tiên tri Giê-rê-mi.Ay là những lời than vãn chứa đựng sự pha trộn giữa những cảm xúc con người sự thống khổ và niềm vui mừng, chứa đựng lời cầu nguyện với sự thất vọng, sự ca ngợi với thái độ bối rối. Khi nghĩ tới bản tính nhạy cảm của vị tiên tri này, bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy ông đang đứng trên đỉnh cao của một ngọn núi trong một phút trước đó để rồi chỉ một phút sau ông lại rơi xuống một thung lũng sâu thẳm. Tuy nhiên, tiên tri Giê-rê-mi đã sống vượt lên trên những cảm xúc của mình và làm theo ý muốn Chúa bất kể ông cảm thấy ra sao đi nữa. Trong thái độ chân thành bộc lộ những cảm xúc sâu xa nhất, nhà tiên tri đã đối diện với ba vấn đề chính: sự kêu gọi của Chúa (c.7-9), hiểm hoạ hằng ngày của mình (c.10-13) và sự thất vọng sâu thẳm bên trong con người ông (c.14-18)


a. Tiếng gọi "phỉnh gạt" (c.7-9):

Khi các tôi tớ Chúa nhận thấy họ gặp phải khó khăn vì cớ họ đã trung tín trong chức vụ hầu việc Ngài thì họ thường bị cám dỗ nghi ngờ khiến họ đặt lại vấn đề về sự kêu gọi của Chúa và xem xét lại công việc mà họ đã làm. Thế thì họ sẽ phải làm gì ? Một trong những điều đầu tiên họ phải làm là trò chuyện với Chúa về điều đó và bày tỏ sự thật với Ngài.


Từ ngữ "phỉnh gạt" hàm chứa ý nghĩa bị lôi kéo, quyến dụ. Dĩ nhiên, Chúa không hề nói dối (Tit 1:2) nhưng Giê-rê-mi cảm thấy rằng Chúa đã lợi dụng ông và lôi kéo ông vào chức vụ này. "Ngài mạnh hơn tôi và đã được thắng" (Gie 20:7). Giê-rê-mi thấy mình như một thiếu nữ bị "người tình" phỉnh gạt lôi kéo và lợi dụng. Đây là những lời lẽ thật khiếm nhã nhưng ít ra Giê-rê-mi đã dùng những lời này khi trò chuyện riêng với Chúa chớ không phải nói trước dân sự.


Khi xem lại chương ghi nhận việc Chúa đã kêu gọi Giê-rê-mi, bạn sẽ thấy rằng chẳng có bằng chứng nào về việc Chúa lôi kéo ông cả. Đức ChúaTrời nói rất rõ ràng với Giê-rê-mi rằng ông sẽ có những lúc khó khăn. Tuy nhiên, nếu ông tin cậy Chúa , Ngài sẽ khiến ông trở nên một thành vững vàng và một tường đồng trước kẻ thù nghịch mình. Chúa đã nói trước với tôi tớ Ngài rằng những đòi hỏi của chức vụ sẽ ngày càng tăng và chính ông cũng phải trưởng thành để theo kịp với những đòi hỏi đó (Gie 12:5). Những gì mà chức vụ của Giê-rê-mi đã làm cho dân tộc đều rất quan trọng nhưng những gì mà chức vụ của ông làm cho chính bản thân ông thậm chí còn quan trọng hơn nữa. Khi hầu việc Chúa, khả năng để hoàn thành chức vụ của chúng ta sẽ ngày càng phát triển và giúp chúng ta có thể làm được nhiều việc hơn những điều chúng ta tưởng.


Sau khi bày tỏ với Chúa điều bạn cảm nhận, bạn sẽ làm gì nữa? Đối với Giê-rê-mi ông đã có ý định từ bỏ chức vụ làm tiên tri của mình! Ông quyết định sẽ im lặng và không nói về Chúa cho bất cứ một ai nữa cả.Nhưng mọi việc không được như vậy vì sứ điệp của Chúa như lửa đốt cháy trong lòng ông (Lu 24:32). Giê-rê-mi rao giảng chẳng phải vì lý do ông phải nói ra điều gì đó mà là vì ông có điều phải nói và nếu ông không chịu nói ra điều ấy thì chắc hẳn ông sẽ bị huỷ diệt. Phao-lô cũng có cùng một thái độ như vậy:"Ví bằng tôi rao truyền Tin Lành, tôi chẳng có cớ gì khoe mình, vì có lẽ cần buộc tội; còn không rao truyền Tin Lành, thì khốn khó cho tôi thay" (ICo 9:16).


b. Hiểm họa hằng ngày của Giê-rê-mi (c.10-13):

Sau khi giải quyết xong việc Chúa kêu gọi ông, Giê-rê-mi nhìn sang những kẻ thù xung quanh ông. Người Cơ Đốc tin là người không lảng tránh vấn đề, trái lại càng phải đối diện thật thẳng thắn với chúng và tìm kiếm sự trợ giúp của Chúa để giải quyết chúng. Mặc cho Giê-rê-mi có bị ràng buộc trong việc giảng lời Chúa như thế nào đi nữa thì bắt buộc ông cũng phải đối diện với việc nhiều người muốn ông phải im lặng và họ sẽ làm những việc cần thiết để khiến ông im lặng.


Mượn ý nghĩa của tên mới mà Chúa đã đặt cho Pha-su-rơ (Gie 20:3), những kẻ thù của Giê-rê-mi gán sự "kinh hãi mọi bề" như một biệt danh cho nhà tiên tri. Đó là một cách để nhạo báng những lời tiên tri của Giê-rê-mi trước mặt mọi người. Họ theo dõi và ghi nhận những hành động và lời nói của Giê-rê-mi để cố tìm xem hễ ông có phạm pháp điều gì thì họ liền báo cáo, ton hót với các nhà cầm quyền. Đa-vít cũng từng có kinh nghiệm tương tự (Thi 31:13) và đây cũng là cách mà những kẻ thù nghịch Chúa đã làm đối với Ngài (Mat 22:15).


Tâm trạng của Giê-rê-mi thay đổi từ việc ông bày tỏ lòng can đảm để trả thù đến việc ông bày tỏ niềm vui khi thờ phượng (Gie 20:11-13). Tiên tri Giê-rê-mi nhớ lại những lời hứa Chúa ban cho khi được Ngài kêu gọi, ông lại tin chắc hơn rằng bị hổ thẹn thì Chúa luôn ở cùng với ông và Ngài sẽ đối phó với những kẻ thù nghịch của ông. Thay vì làm cho Giê-rê-mi, chính những kẻ thù của ông đã bị hổ thẹn. Những lời trong câu 12 của Giê-rê-mi xem ra rất giống với lời cầu nguyện của ông trong Gie 11:20 và có lẽ đây là lời mà ông vẫn thường cầu nguyện.


c. Sự thất vọng sâu xa (c.14-18):

Sau khi bày tỏ nguyên nhân với Chúa, Giê-rê-mi có đủ lý do để ca hát tôn vinh Ngài vì giờ đây Chúa đã mang lấy gánh nặng của ông và sẽ giúp ông trong cuộc chiến đấu. "Hỡi bá tánh, khá nhờ cậy nơi Ngài luôn luôn. Hãy dốc đổ sự lòng mình ra tại trước mặt Ngài: Đức Chúa Trời là nơi nương náu của chúng ta" (Thi 62:8).


Tuy nhiên, sự vui mừng của Giê-rê-mi kéo dài không được bao lâu vì ngay sau đó, ông lại rủa sả ngày sinh của mình (Gie 15:10 Giop 3:1-26). Những bậc cha mẹ người Do Thái thường rất vui mừng khi sinh con trai, vì con trai đó sẽ là người mang tên của gia đình và có thể đỡ đần cha mẹ khi tuổi già. Thế thì một gia đình của thầy tế lễ như gia đình của Giê-rê-mi đặc biệt đó sẽ rất biết ơn vì họ đã có đứa con nhận lãnh công việc từ nơi Đức Chúa Trời.


Nhưng Giê-rê-mi lại không nghĩ như vậy.Người đưa tin về sự ra đời của một bé trai sẽ đem niềm vui tới cho gia đình của em bé đó và mong đợi một phần thưởng vì đã đem lại tin tức tốt lành cho gia đình ấy. Thế nhưng Giê-rê-mi lại nói rằng người đưa tin nên được đối xử như Sô-đôm và Gô-mô-rơ! Nhà tiên tri muốn người này thức dậy khóc lóc lúc sáng và nghe tiếng la chiến trận vào buổi chiều! Nhà tiên tri hỏi rằng: "Sao lòng mẹ tôi không là mồ mả của tôi?". "Cuộc đời tôi chẳng là gì ngoài sự rắc rối và sỉ nhục! Thà rằng tôi đừng sống còn hơn! "


"Tại sao tôi đã được chào đón?" là một câu hỏi dễ trả lời: bởi vì Chúa có một mục đích đặc biệt cho cuộc đời của bạn Ngài cho phép và bạn ra đời để làm tròn điều đó (Gie 1:4-5 Thi 139:13-16) Chúa không hề nhầm lẫn trong việc kêu gọi các tôi tớ Ngài và chúng ta không nên quan tâm đến việc đặt vấn đề nghi vấn sự khôn ngoan của Ngài. Tất cả chúng ta đều có những lúc nản lòng khi chúng ta cảm thấy muốn từ bỏ công việc Chúa giao nhưng đó cũng là lúc mà chúng ta phải nhìn vượt mọi cảm xúc, hoàn cảnh để chiêm ngưỡng sự vĩ đại và khôn ngoan của Chúa.


Như V. Raymond Edman, cựu chủ tịch của đại học Wheaton vẫn thường nói với những sinh viên rằng "Đừng nên bỏ cuộc quá sớm! ”


Và quả thật như thế!


7. CÁC VUA ĐANG DIỄU BINH (Gie 21:1-24:10)

“Tiếng la hét hoan hô giờ đã vãn


vua chúa quan quân lần lượt kéo ra về


Chỉ còn lại nơi đây phần của lễ


Là những tấm lòng hèn hạ, ăn năn.


Đức Giê-hô-va ôi! Xin Ngài thương xót


Xin cứ ở cùng gìn giữ chúng con


Kẻo e rằng chúng con quên Ngài!


Kẻo e rằng chúng con xa Ngài! ”


(Trích “Bài Ca Cuối Lễ” của Rudyard Kipling.)


Bài thơ "Bài Ca Cuối Lễ" của Kipling xuất bản vào năm 1897 lễ mừng 50 năm của nữ hoàng Victoria được tổ chức tại Anh quốc.Bài thơ như một lời cảnh cáo lặng lẽ rằng người dân Anh quốc không nên quá tự mãn trong giờ phút vinh quang của hoàng gia. Có lẽ, Kipling đã nhớ đến lời của Đa-ni-ên: "Đấng rất cao cai trị trong nước loài người và Ngài muốn ban cho ai tuỳ ý" (Da 4:25) hay những lời trong Ch 16:18 "Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau và tánh tự cao đi trước sự sa ngã"


Giê-rê-mi đã viết một bài thơ "Recessional" sâu sắc hơn cho vương quốc Giu-đa khi ông miêu tả lần lượt từng vị vua rời khỏi ngai mình và đi đến chỗ bị đoán phạt thật hổ thẹn. Trong những ngày vinh quang của Đa-vít, Ê-xê-chia, và Giô-sia, cả dân tộc đều tôn vinh danh Chúa. Nhưng giờ đây, Giu-đa đang nhanh chóng đi đến chỗ bị suy bại và nhục nhã. Trong những chương mấu chốt này, Giê-rê-mi đã rao giảng 4 thông điệp quan trọng cho những nhà lãnh đạo và dân sự.


1. Chúa chống lại những nhà lãnh đạo Giu-đa (Gie 21:1-14)

Có lẽ, những sự kiện này xảy ra vào năm 588 TC khi quân đội thiện chiến vô địch Ba-by-lôn đóng trại quanh thành Giê-ru-sa-lem. Hi vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ của Ai Cập, vua Sê-đê- kia chống nghịch lại vua Nê-bu-cát-nết-sa qua việc không chịu cống nộp cho người (IISu 6:13 Exe 17:11-18) và giờ đây, Giu-đa phải lãnh chịu hậu quả đáng sợ vì quyết định ngu ngốc ấy của vua. Trong nỗi tuyệt vọng, vua đã sai Sô-phô-ni, thầy tế lễ và Pha-su-rơ, một trong các quan triều đình đến gặp tiên tri Giê-rê-mi để tìm xem sự chỉ dẫn từ nơi Đức Chúa Trời [64] Nhà vua đã hi vọng rằng Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện một sự giải cứu kỳ diệu cho thành Giê-ru-sa-lem như Ngài đã từng làm trong thời vua Ê-xê-chia (IIVua 18:1-19:23). Tuy nhiên, Giê-rê-mi đã đưa ra những câu trả lời thật khủng khiếp cho nhà vua (Gie 21:3-7)cho dân sự (c.8-10) và cho nhà Đa-vít (c.11-14).


a. Lời tuyên bố với vua Sê-đê-kia (c.3-7)

Không những Chúa từ chối giải cứu thành mà Ngài còn phối hợp với kẻ thù để chiến đấu và đánh bại Giê-ru-sa-lem! Quân đội Giu-đa sẽ trở nên vô tích sự khi chống lại quân Canh-đê. Trái lại, trong quá khứ, "cánh tay quyền năng giơ thẳng" của Chúa đã từng chiến đấu cho dân sự (Phu 4:34 Phu 5:15 Phu 26:8) còn bây giờ, Ngài sẽ chiến đấu nghịch cùng dân sự vì cả dân tộc đã quay lưng lại với Chúa. "kẻ hay thương xót…trọn vẹn lại" (Thi 18:25-26).


Có vẻ là một việc lạ khi Đức Chúa Trời dùng những chữ như "nổi nóng", "phát giận" và "sự thạnh nộ lớn" (Gie 21:5) để bày tỏ tính khí của Chúa đối với dân Ngài. Vì những lời này là một phần trong giao ước của Ngài với dân sự, nên dĩ nhiên là cả dân tộc đều đã biết những lời lẽ ấy trong giao ước (Phu 29:23,28 Phu 32:16-17,21,29 Le 26:27-28). Chúa đã nhiều lần cảnh cáo dân Do Thái rằng chính thái độ không vâng phục của họ đã khiến cho Chúa nổi giận và buộc Ngài sẽ phải đoán phạt cả xứ, dù thế, những người đứng đầu dân sự vẫn không chịu lắng nghe. Họ ưa chuộng những thần tượng chết hơn là Chúa Hằng sống, ưa thích quyền lực chính trị hơn là tin cậy vào Lời Ngài.


Giê-rê-mi đã tuyên bố rằng dân thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị chết vì đói kém, bệnh dịch, hay gươm đao và nhiều người còn sống sót sẽ bị bắt làm phu tù sang Ba-by-lôn. Vua Sê-đê-kia và các quan sẽ bị phó vào tay vua Nê-bu-cát-nết -sa và bị xử phạt. Những điều này đã xảy ra thật chính xác. Thành Giê-ru-sa-lem bị kẻ thù bao vây vào ngày 15.1. 588 và bị tiêu diệt vào ngày 18.7.586 TC, nội tình xảy ra chớp nhoáng chỉ trong vòng hơn 30 tháng [65].Sau Sê-đê-kia, con trai và các quan của vua cũng bị bắt. Nhà vua phải chứng kiến cảnh các con trai mình bị giết trước khi bản thân vua bị chọc mù mắt, bị dẫn sang Ba-by-lôn và chết tại đó (Gie 39:1-10 Gie 52:8-11,24-27 IIVua 25:1-31)


b. Lời tuyên bố với dận sự (c.8-10):

Không còn một hy vọng nào cho nhà vua nhưng Đức Chúa Trời vẫn cho dân sự một hi vọng nếu họ đầu hàng vua Nê-bu-cát-nết-sa (Gie 38:17-23). Chúa đặt trước mặt dân sự 2 con đường: một con đường của sự sống và một con đường dẫn đến sự chết; một sự chọn lựa khiến họ nhớ đến những lời trong giao ước (Phu 11:26-32 Phu 30:15-20 Gie 27:12-13 Gie 38:2-3,17-18). Đối với Chúa, chúng ta phải chọn lựa con đường này hoặc con đường kia (Thi 1:1-8) chớ không thể đứng ở giữa (Mat 7:13-29 Mat 12:22-30)


Dĩ nhiên, hành động đầu hàng kẻ thù là một hành động phản quốc và Giê-rê-mi cuối cùng đã gặp rắc rối vì đưa ra kế hoạch này (Gie 37:11-21 Gie 38:1-6). Cụm từ "sự sống của người đó sẽ làm của cướp cho người đó" (Gie 21:9) nguyên nghĩa là "người đó sẽ giữ được mạng sống mình như giữ của cướp được" (Gie 38:2 Gie 39:18 Gie 45:5). Dân Ba-by-lôn sẽ cư xử với những người còn sót lại như những chiến lợi phẩm và người Do Thái, sau khi bị mất thành sẽ rất vui mừng khi trốn đi với toàn vẹn sự sống.


Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã làm công việc của Chúa là đoán phạt vương quốc Giu-đa (Gie 50:9,23 Gie 51:20) và chính Chúa đã hỗ trợ quân Ba-by-lôn đánh chiếm Giu-đa buộc dân sự Ngài phải đầu hàng Ba-by-lôn tức là đầu phục ý muốn của Chúa. Ý muốn của Ngài là dân sự hãy mau thú nhận tội lỗi mình và trao phó mọi sự vào tay Ngài. Còn nếu dân sự chống nghịch lại dân Ba-by-lôn thì có nghĩa là chống nghịch lại Đức Chúa Trời và đó là con đường dẫn đến sự chết mà thôi.


Cũng vậy ngày nay, là con dân Chúa, nếu chúng ta muốn không bị Chúa đoán phạt thì chỉ có cách duy nhất là hãy đầu phục Ngài “Cha về phần xác…sao?" (He 12:9). Hàm ý của câu hỏi này chính là nếu chúng không đầu phục ý muốn của Chúa thì chúng ta sẽ không có được sự sống đâu! (IGi 5:17).


c. Lời tuyên bố với nhà Đa-vít (c.11-14):

Ở đây, Đức Chúa Trời phán với dòng dõi vua Đa-vít, những vị vua được ngồi trên ngai là nhờ bởi giao ước của Chúa với Đa-vít (IISa 7:1-29). Nếu họ vâng phục theo Luật pháp của Ngài và xử đoán công bình trong xứ thì Ngài sẽ giữ lời hứa Ngài và duy trì dòng dõi hoàng tộc nhà Đa-vít. Tuy nhiên, nếu họ không vâng lời Ngài thì họ sẽ phải mất ngôi nước của mình. Một lần nữa, Chúa đã nhắc cho họ nhớ đến những lời trong giao ước và thúc giục họ vâng theo Lời Ngài [66]


Dân thành Giê-ru-sa-lem tin chắc rằng thành của họ là bất khả xâm phạm nên không cần phải sợ hãi. Thực tế thì cả 3 mặt của thành đều có thung lũng bao quanh: Hinnom ở phía Tây và phía Nam, Kidron ở phía đông, vì vậy họ chỉ còn phải lo canh phòng ở phía Bắc của thành mà thôi. Cư dân thành Giê-ru-sa-lem tự cho rằng họ đã "được lên ngôi" ở khu vực cao nguyên đồi núi ấy, nhưng chẳng mấy chốc Đức Chúa Trời sẽ truất ngôi họ và khiến họ mất ngai vàng của mình. Đội quân Ba-by-lôn đã châm lửa đốt thành, và quả thật Chúa đã "đốt lửa trong rừng nó" (Gie 21:14). Cụm từ "rừng" có lẽ ám chỉ đến các cấu trúc trong thành đặc biệt là cung vua, "cái cung rừng Liban" (IVua 7:2 IVua 10:17,22). Gỗ bá hương ở Li-ban thường được dùng để xây cất nhà cửa trong thành .


Chương này được mở đầu bằng tiếng than khóc nài xin sự giúp đỡ của vua và kết thúc bằng lời tuyên bố của nhà tiên tri về sự huỷ diệt. Thật là một bi kịch!


2. Chúa cho biết trước số phận của các vua (Gie 21:1-14) (Gie 22:1-23:8)

Vua Giô-sia, một minh quân tin kính Chúa cai trị trong 31 năm và đã dẫn dắt dân sự quay trở lại với Chúa. Nhưng bốn vị vua sau cùng của Giu-đa lại là những vị vua độc ác, mặc dù ba người trong số họ là con của vua Giô-sia và một người là cháu (Giê-hô-gia-kim)


Giô-a-cha, hay Salum nối ngôivua Giô-sia và trị vì chỉ trong 3 tháng (Gie 22:10-12 IIVua 23:30-33). Pha-ra-ôn Nê-ô đã truất ngôi và đày vua sang Ai Cập và đã vua chết tại đó.


Giê-hô-gia-kim, cũng được gọi là Ê-li-a-kim, trị vì trong 11 năm (Gie 22:13-23 IIVua 23:34-24:6) và chết tại Giê-ru-sa-lem. Con trai vua là Giê-hô-gia-kin lên nối ngôi, còn được gọi là Giê-cô-nia hay Cô-ni-a và trị vì chỉ trong 3 tháng (Gie 2:24-30 IIVua 24:6-12). Nê-bu-cát-nết-sa bắt dẫn vua về Ba-by-lôn và vua chết ở đó.


Vị vua cuối cùng của Giu-đa là Sê-đê-kia. Người trị vì trong 11 năm và tận mắt chứng kiến cảnh thành thánh bị đế quốc Ba-by-lôn hủy diệt (Gie 22:1-9 IIVua 24:17-25:21). Thế rồi, vua bị chọc mù mắt, bị dẫn sang Ba-by-lôn và chết tại đó. Thật như Kipling đã viết: "Các quan trưởng và các vua đều ra đi".


Tiên tri Giê-rê-mi đã tiết lộ sự thật về 4 vua đó như vậy, đồng thời ông cũng có hứa về Đấng Mê-si-a -Nhánh (Vua) Công bình là Đấng rồi đây sẽ trị vì và phán xét dân sự.


Sê-đê-kia- một vị vụa -sự cứng lòng (Gie 22:1-9). Nhà vua này đã sai nhiều sứ giả đến với tiên tri Giê-rê-mi nhưng đích thân Giê-rê-mi đã tự đi đến cung điện rao giảng thông điệp của Chúa. Sê-đê-kia đang ngồi trên ngai Đa-vít, trong nhà Đa-vít làm bằng gỗ bá hương (IISa 5:11; IISa 7:2,7), hưởng đặc ân từ giao ước mà Chúa đã lập với Đa-vít (IISa 7:1-29); thế nhưng nhà vua lại không hầu việc Chúa như điều Đa-vít đã làm. Giê-rê-mi lặp lại những gì ông đã rao giảng trước đây (Gie 21:12), rằng đây là lúc mà vua và các quan cần phải vâng theo Luật pháp Chúa và xử đoán công bình trong xứ.


Trong IISa 7:1-29, chữ "nhà" mang hai nghĩa: một là căn “nhà ở” theo nghĩa đen (đền thờ mà Đa-vít muốn xây cho Chúa) và hai là “gia đình hoàng tộc” (triều đại) mà Chúa đã lập qua Đa-vít bởi giao ước của Ngài. Cả hai ý nghĩa này đều được chứa đựng trong sứ điệp của Giê-rê-mi: Chúa sẽ huỷ diệt cả cung điện lẫn dòng dõi Đa-vít vì cớ tội lỗi của các vua. Cung điện bằng gỗ bá hương sẽ bị phá và đốt cháy khi những người lính Canh-đê đi vào thành như những người đốn cây trong rừng Li-ban.


Cùng lúc đó, Giê-rê-mi xuất hiện rao báo cho những người lãnh đạo nhà Giu-đa một tia hi vọng : Nếu họ ăn năn và làm điều công bình, Chúa sẽ giải cứu họ và lập lại ngôi Đa-vít (Gie 22:4). Thế nhưng, tấm lòng của họ đã chai cứng và họ không chịu lắng nghe. Sự đổ nát của thành Giê-ru-sa-lem sẽ là tấm bia tưởng niệm nhắc cho họ luôn nhớ về sự gian ác của họ.


Giô-a-cha (Salum)- vị vua của sự tuyệt vọng (Gie 22:10-12). Cái chết của vua Giô-sia là vị vua kính sợ Chúa trước đó một thập niên đã để lại sự thương tiếc vô cùng trong dân sự. Ngay cả Giê-rê-mi cũng đã viết những lời than khóc cho vị vua đã băng hà này (IISu 35:25). Thế nhưng dân sự Chúa không còn một hy vọng nào để nhìn lại và than khóc tiếc nuối cho một quá khứ đã chết mất cũng chẳng còn hi vọng rằng vua Giô-a-cha sẽ được phóng thích khỏi Ai Cập, nơi ông đang là tù nhân của Pha-ra-ôn Nê-cô (IISu 36:1-4). Lúc bấy giờ, vẫn tổ chức một bữa tiệc theo hình thức mà vua Giô-a-cha thường ưa thích tại Giu-đa để đánh dấu niềm hi vọng của dân sự rằng nhà vua sẽ trở về và một số nhà tiên tri giả vẫn khuyến khích dân sự nuôi dưỡng hy vọng ấy. Tuy nhiên, Giê-rê-mi lại nói rằng Giô-a-cha sẽ không bao giờ trở về nữa và sẽ chết tại Ai Cập.


Đáng lý ra dân sự nên đối phó với những vấn đề đang xảy đến và tìm kiếm sự trợ giúp của Đức Chúa Trời. Thay vì nhìn về quá khứ đã chết hay trông cậy vào người đứng đầu đã bị phế truất, Vua Giô-sia đã chết, còn vua Giô-a-cha thì bị đày khỏi xứ, đây chính là lúc mà vua Sê-đê-kia cần phải theo gương người cha kính sợ Chúa của mình và dẫn dắt dân sự quay trở lại thờ phượng Chúa chân thật.


Giê-hô-gia-kim (Ê-li-a-kim)- vị vua vua sự tham muốn (IISu 22:13-23) [67] Trong khi khắp nơi đang lộn xộn Giê-hô-gia-kim lại quan tâm đến việc xây dựng một cung điện rộng lớn cho mình hơn là tạo dựng một vương quốc công bình. Thậm chí nhà vua còn dùng đến lực lượng lao động nô lệ là người Do Thái nhưng lại không trả công cho họ sòng phẳng! Điều này đi ngược lại với lụât về tiền lương và bắt anh em người Do Thái làm nô lệ (Xu 21:1-11 Le 15:12-23 Le 19:13 Phu 24:14-15 Gia 5:1-6). Cả đất nước đang suy tàn và chết mất trong khi nhà vua chỉ lo chiêm ngưỡng cung điện của mình với những gian phòng rộng lớn nguy nga, những khung cửa sổ sang trọng và những tường lót vát bằng gỗ bá hương. Giê-hô-gia-kim sống chẳng khác gì so với những chính trị gia hiện đại. Ay là những kẻ sống hưởng lợi từ nhữngnguồn thu nhập bất chính và không dễ quan tâm đến tiếng khóc của những người nghèo khổ thiếu thốn.


Nhà tiên tri hỏi rằng "Ngươi lấy gỗ bá hương … vua sao?" (Gie 22:15). Sau đó, ông nhắc nhà vua nhớ đến cha mình là vua Giô-sia sống trong giàu sang nhưng vẫn làm những điều công bình và ngay thẳng. Giô-si-a bảo vệ người nghèo khó và Chúa đã chúc phước cho vua. Còn Giê-hô-gia-kim chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thôi. Nhà vua không hề bận tâm rằng Chúa đang nhìn thấy vua cướp của người nghèo, giết hại người vô tội và chèn ép sự công bình để có thể thỏa mãn cho lòng tham muốn của mình.


Giê-rê-mi đã thay đổi từ đại từ "kẻ" (ngôi thứ 3) trong câu 13 sang từ "ngươi" (ngôi thứ 2) trong câu 15 và sau đó, đề cập thẳng đó là vua trong câu 18. Ông rao báo rằng đám tang của vua sẽ diễn ra rất lặng lẽ khác với đám tang của người cha kính yêu của vua. Cả dân tộc đã than khóc cho cái chết không đúng lúc của vua Giô-si-a nhưng người Do Thái sẽ không khóc khi Giê-hô-gia-kim chết và cũng sẽ chẳng chôn cất người theo nghi lễ của một ông vua. Lẽ nào người ta lại đi tổ chức một đám tang sang trọng tốn kém cho một con lừa chết chớ? Xác súc vật cần phải được ném vào thùng rác nơi những chim chóc ăn thú vật chết sẽ đến ăn (Gie 36:30). Cuộc đời của Giê-hô-gia-kim được kết thúc chính là sự ứng nghiệm của lời rủa sả trong giao ước (Phu 28:26) [68].


Trước khi tiếp tục bàn đến vị vua tiếp theo, Giê-rê-mi dừng lại nói về dân thành Giê-ru-sa-lem và chỉ rõ ra tình trạng tồi tệ kinh khủng của họ (Gie 22:20-23). Sự tiến công của đội quân Canh-đê đã đánh bại liên minh của họ ("là những kẻyêu họ") ấy là những kẻ cũng sẽ bị bắt đày đi khỏi xứ mình. Như một cơn gió lốc trong sa mạc, đội quân Ba-by-lôn đã "cuốn" những người đứng đầu độc ác của Giu-đa và quét sạch họ. Vua và các quan đang sống phè phởn chủ quan trong cung điện Được xây bằng gỗ bá hương ("Liban") chẳng mấy chốc cũng sẽ phải chịu đau đớn như người đàn bà đang khi sinh nở vậy. Đức Chúa Trời đã cảnh cáo họ nhưng họ chẳng thèm nghe vì họ cảm thấy sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra với họ cả. Sự bình an mà các tiên tri giả đã hứa với họ sẽ không bao giờ thành hiện thực. Đối với thành Giê-ru-sa-lem, đó là điểm kết thúc.


Giê-hô-gia-kin (Cô-ni-a và cũng là Giê-cô-nia)- là vị vua của sự tuyệt tự (Gie 22:24-30). Là con trai của Giê-hô-gia-kim, ông lên ngôi chỉ được 3 tháng 10 ngày trước khi bị truất ngôi và bị đày sang Ba-by-lôn cùng với mẹ. Sau đó, Sê-đê-kia, chú của Giê-hô-gia-kin lên ngôi thay vua (IISu 36:9-10 IIVua 24:8-17). Giê-hô-gia-kin là một người độc ác và Gie 22:26 cho thấy rằng mẹ của vua cũng đáng trách như người cha không tin kính Chúa của vua. Giê-rê-mi đã cảnh cáo cả nhà vua lẫn hoàng hậu nhưng họ đã không chịu lắng nghe (Gie 13:18-19).


Nếu nhà vua chính là cái ấn trên tay phải của Chúa, thì Chúa cũng sẽ dễ dàng tháo bỏ nó và cho người Ba-by-lôn (Gie 22:24-27). Cái ấn của nhà vua là vật rất có giá trị vì nó chứng tỏ quyền lực, sở hữu và được dùng để "ký" các văn bản chính thức. Nhưng Giê-hô-gia-kin bấy giờ đã trở nên vô dụng đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho nên chỉ còn nước Chúa đem ném vua cho quân Ba-by-lôn mà thôi [69].


Câu hỏi trong câu 28 được viết theo cấu trúc mà người nghe có thể chờ đợi một câu trả lời "không". Dân Giu-đa không hề xem Giê-hô-gia-kim như một cái bình bể là thứ chỉ có thể để cho người ta đem ném vào đống rác. Thật ra, một trong các tiên tri giả còn tiên đoán rằng Giê-hô-gia-kim sẽ trở về Giu-đa, giải cứu dân tộc và cai trị trong sự hùng mạnh một lần nữa (Gie 28:1-4). Tuy nhiên, Chúa lại có một kế hoạch khác cho con người độc ác này và gia đình của ông ta. Nhà vua, mẹ của vua và các con trai vua đều sẽ bị đày sang Ba-by-lôn và sẽ chết tại đó.


Giê-hô-gai-kin có ít nhất là 7 người con (ISu 3:17-18) với vài người vợ (IIVua 24:15) nhưng không ai trong số đó sẽ được ngồi trên ngôi Đa-vít. Chúa phán rằng Ngài sẽ đối xử với vua như thể đối với người không có con cái. Sê-đê-kia, vị vua cuối cùng của Giu-đa nhìn thấy quân Ba-by-lôn giết các con mình và có lẽ vua đã chết trước khi Giê-hô-gia-kim được thả tự do (Gie 52:10-11,31-34). Điều này có nghĩa là Giê-hô-gia-kim là vị vua cuối cùng của dòng dõi Đa-vít còn sót lại.


Dĩ nhiên, Chúa Giê-xu là "con trai của Đa-vít" (Mat 1:1 Ro 1:3) một ngày nào đó Ngài sẽ phục hồi lại vận mệnh của Y-sơ-ra-ên và cai trị trên ngôi Đa-vít (Lu 1:30-33,67-79). Gia phả trong Mat 1:1-25 đã truy tìm tổ tiên của Đấng Christ theo người cha của Ngài trên phưtơng diện luật pháp loài người là Giô-sép. Tuy nhiên, từ Giê-hô-gia kin trở đi trong gia phả đó, thì không một ai thuộc hậu tự của ông được ngồi trên ngôi Đa-vít vì để ứng nghiệm lời rủa sả trong Gie 22:24-30. Đức Chúa Trời lập quyền cai trị cho ngôi Đa-vít qua mẹ Ngài là Ma-ry, người có gia phả được ghi lại trong Lu 3:21-38. Từ Ap-ra-ham đến Đa-vít, các tên đều giống nhau nhưng từ Đa-vít trở đi thì hai bảng gia phả lại khác nhau. Lu-ca truy theo dòng dõi qua Na-than, con trai của Đa-vít nên bỏ qua Giê-hô-gia-kim, hậu tự của Sa-lô-môn. Chúa Giê-xu Christ có đủ quyền ngồi trên ngai của Đa-vít và tương lai của Ngài sẽ được tiên tri Giê-rê-mi đề cập đến trong phần tiếp theo.


Đấng Mê-si-a, Nhà vua của sự công bình (Gie 23:1-8). Tiên tri Giê-rê-mi đã tố cáo tất cả những người đứng đầu ("những người chăn") của Giu-đa về cách họ đối đãi độc ác đối với những người không có khả năng tự vệ (c.1-4). Thay vì dẫn dắt cả bầy chiên trong tình yêu thương, họ lại đuổi bầy không thương xót và lợi dụng nó. Người chăn bầy đã quan tâm thăm viếng ("chăm sóc") bầy chiên và Chúa sẽ thăm phạt những người chăn bầy đó. Chính vì lý do bất tuân Luật pháp và từ chối nhờ cậy Chúa nên những người lãnh đạo đã hủy diệt cả dân tộc và làm tan lạc cả bầy chiên của Chúa trong các nước ngoại bang. Tuy nhiên, Chúa hứa sẽ nhóm dân Ngài lại và khôi phục những người còn sót lại trở thành một dân tộc (từ ngữ “những người sót lại” được dùng tất cả 19 lần trong Giê-rê-mi). Những người sót lại đã thật sự trở về Giu-đa sau khi bị bắt làm phu tù, họ xây dựng lại đền thờ và lập lại đất nước.


Tuy nhiên, Giê-rê-mi còn cho biết sẽ có một sự nhóm họp lớn hơn nữa của người Do-thái- một phép lạ còn lớn lao hơn cả việc giải cứu dân sự ra khỏi Ai Cập (c.7-8 Gie 16:14-15). Đức Chúa Trời sẽ kêu gọi dân Ngài từ các dân tộc trên thế giới, nhóm họp họ lại trong xứ, xóa mọi tội lỗi của họ và phái Đấng Mê-si-a đến với họ theo lời mà Ngài đã hứa cho họ (Gie 30:1-24; Es 2:1-5; Es 4:1-6; Es 9:1-7; Es 11:1-12:6; Exe 12:1-14:23). “Cây của nhà Đa-vít” có thể sẽ bị chặt nhưng một nhánh sẽ mọc lên từ gốc cậy đó và sẽ trở thành Đấng cai trị mọi dân tộc (Es 11:1 Es 53:2).


Trái với những vị vua không công bình mà Giê-rê-mi đã miêu tả, vị Vua này là Vua công bình và cai trị theo công lý. Các vương quốc của Y-sơ-ra-ên (phía Bắc) và Giu-đa (phía Nam) sẽ hợp nhất lại thành một. Họ sẽ kinh nghiệm được sự cứu rỗi và sống trong yên bình. Tên của vị Vua này là “Đức Giê-hô-va- Sự Công bình của chúng ta” (Gie 33:15-16). Theo ICor 1:30 và IICor 5:21, danh xưng này chỉ dùng cho Chúa Giê-xu Christ mà thôi. Khi bạn đặt đức tin nơi Chúa Giê-xu Christ thì sự công bình của Ngài sẽ được đặt vào đời sống bạn và bạn sẽ được xưng công bình trước mặt Chúa. Điều này được gọi là “được xưng công bình bởi đức tin” (Ro 3:21-5:11)


Dù cho ngày tháng có tăm tối thế nào đi nữa, Chúa vẫn đem lại ánh sáng hi vọng cho chúng ta qua lời hứa của Ngài. Những người tin kính Chúa còn sót lại có lẽ rất được khích lệ khi nghe những lời của Giê-rê-mi và những lời hứa này sẽ giúp họ đứng vững trong những ngày khó khăn đang khi bị bắt làm phu tù. Việc những người Do-thái quay trở về xứ mình chính là một lời báo trước cho một sự nhóm họp vĩ đại trên khắp đất sẽ xảy ra vào những ngày cuối cùng khi “Ngài sẽ sai thiên sứ …kia” (Mat 24:31).

-Gie 22:1-30; xem giải nghĩa Gie 21:1-14.

-Gie 23:1-8; xem giải nghĩa Gie 21:1-14.


3. Chúa phơi bày tội lỗi của các tiên tri giả (Gie 23:9-40)

Những điều Chúa phán, vốn được ghi lại trong Gie 14:14 đã tóm tắt nội dung của toàn bộ chương này. Tiên tri Giê-rê-mi đã tập trung vào 3 lĩnh vực đặc biệt gớm ghê trong đời sống của họ.


a. Họ đã làm những việc tồi bại ghê tởm (c.9-15):

Những nhà tiên tri thật là những người luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc được Chúa kêu gọi rao giảng lời Ngài và họ nhận lãnh trách nhiệm với lòng run sợ. Khi nhìn thấy những người tự cho mình là tiên tri nhưng lại có đời sống như những tội nhân, họ cảm thấy buồn lòng biết bao. Vì vậy, không có gì là ngạc nhiên khi tiên tri Giê-rê-mi lại xót xa tan nát cõi lòng và run rẩy như người say rượu! Ông đã nhìn thấy những nguy hiểm điều mà các tiên tri giả đang làm cho dân sự cho khắp xứ và những điều đó đã khiến ông ưu tư “Nhơn vì kẻ ác bỏ luật pháp Chúa, cơn giận nóng nảy [70] hãm bắt tôi” (Thi 119:53)


Các tiên tri giả phạm tội tà dâm thường tụ tập tại nhà của phường đĩ điếm (Gie 5:7). Sau đó, họ lại đi vào đền thờ và thờ phượng Đức Giê-hô-va một cách giả hình (Gie 23:11); biến nhà Chúa thành hang trộm cướp (Gie 7:9-11). Tuy nhiên, từ ngữ “tà dâm” cũng chỉ đến việc họ thờ phượng các thần tượng, quay lưng lại với Đức Chúa Trời chân thật (Đấng đã “cưới” dân Y-sơ-ra-ên) và bội ước với Ngài.


Các tiên tri giả đã dẫn dắt vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc đi sai đường (Gie 23:13) và bây giờ họ lại dẫn vương quốc Giu-đa ở Phía Nam đi lạc đường (c.14). Ba-anh là vị thần mưa của người Ca-na-an, vị thần mà dân Do Thái đã quay sang cũng lạy, dâng tế lễ ô uế và cầu xin sự giúp đỡ khi gặp hạn hán (IVua 17:1-18:46). Giê-ru-sa-lem trở nên giống như thành Sô-đôm và Gô-mơ-rơ là những thành gian ác đến nỗi Đức Chúa Trời đã phải huỷ diệt họ (Gie 20:16 Sa 18:1-19:38)


Cả xứ gặp phải cơn hoạn nạn lớn (Gie 23:10 xem chương 14) vì các tiên tri giả dẫn dắt dân sự vi phạm giao ước của họ vớí Chúa. Đức Chúa Trời hứa sẽ ban mưa cho họ vào mùa thu và mùa xuân nếu họ vâng lời Ngài (Phuc 11:10-15; Phuc 28:12), nhưng Ngài cũng cảnh cáo họ sẽ khiến bầu trời rắn như đồng và đất như cứng sắt nếu họ không vâng lời Ngài (Phuc 11:16-17; Phu 28:23-24). “Vì cớ bị rủa sả nên đất nên sầu thảm” (Gie 23:10). Tuy nhiên, những kẻ tội lỗi ấy vẫn không chịu trốn chạy mặc dù họ đã nghe rõ rằng Chúa hứa sẽ đoán phạt họ theo đúng thời điểm (c.12,15).


Hễ có một dân tộc nào đó cần được chữa lành thì thường ấy chính là vì lý do dân của Chúa đã không vâng lời và hầu việc Ngài. Chúng ta thường thích trách cứ những nhà chính trị không trung thực và những công ty tổ chức đã cung cấp những hình thức giải trí khác nhau đưa đến tình trạng suy đồi đạo đức của dân tộc, còn Chúa thì khiển trách chính dân sự của Ngài. “Nhược bằng dân sự Ta, là dân gọi bằng danh Ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta …tai vạ” (IISu 7:14)


b. Họ đã nói tiên tri giả dối (c.16-32):

Trước hết, các tiên tri giả tạo cho dân sự một niềm hy vọng giả dối (Gie 23:16-20). Đức Chúa Trời phán “các ngươi sẽ được bình an… Chẳng có tai họa nào sẽ đến trên các ngươi hết” (c.17; Gie 6:13-15; Gie 8:10-12). Dĩ nhiên, đây là một sứ điệp thường gặp và những người đang sợ hãi này chộp lấy rồi bám vào đó. Nhưng các tiên tri giả không hề nghe sứ điệp đó từ Chúa, họ đã tự bịa ra mà thôi. Thay cho sự bình an, một cơn bão tố từ Đức Chúa Trời đang đến với họ (Gie 23:20). Chúa sắp sửa thổi bùng cơn giận thánh khiết của mình lên và trút nó xuống đầu dân sự tội lỗi của Ngài.Cuối cùng khi dân sự hiểu được mục đích của Chúa thì mọi việc đã quá trễ để có thể ngăn cơn gió lốc lại.


Các tiên tri giả không chỉ đem lại một niềm hy vọng hão huyền giả dối cho dân sự mà họ còn thực hiện chức vụ bằng quyền năng giả mạo (Gie 23:21-24). Chúa không hề phán bảo họ nói tiên tri nhưng họ lại nói tiên tri. Chúa không hề kêu gọi họ nhưng họ lại chạy đi rao giảng các sứ điệp. Nếu họ thật sự là tiên tri của Chúa, họ đã thì ắt hẳn sống một đời sống tin kính Chúa và khuyến khích dân sự từ bỏ những sự gian ác của họ. Thay vì vậy, họ lại giảng dạy “thuyết thần học” thường gặp là thuyết khiến mọi người trở nên sùng đạo giả hình nhưng cứ sống trong tội lỗi mình.


Đức Giê-hô-va không phải là một thần tượng như những thần tượng ngoại bang khác mà là Đức Chúa Trời siêu việt, Đấng cai trị trên muôn vật trên cả trời và đất (c.23-24). Ngài cũng không nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi của dân sự như những thần tượng khác (Thi 115:5). “Có người nào ….chăng ?” (Gie 23:24). Vì chỉ mãi lắng nghe các tiên tri giả, nên dân sự đã tin vào những lời dối trá về Chúa. Thường thì nhưng điều chúng ta tin vào Chúa sẽ quyết định lối sống của chúng ta.


Cuối cùng, các tiên tri giả đã nói tiên tri bằng linh cảm giả dối (c.25-32). Họ dựa vào những giấc mơ và ảo tưởng của tâm trì mình, thậm chí họ còn ăn cắp lời tiên tri của nhau nữa! Nếu đem ví sánh Lời Chúa với những hạt lúa mì đầy chất dinh dưỡng thì sứ điệp của các tiên tri giả chẳng khác nào rơm rạ mà thôi; bạn không thể ăn nuốt rơm rạ được, cũng chẳng dùng để xây nhà cửa được, hoặc thậm chí không thể dùng nó để sưởi ấm được.


Sứ điệp của nhà tiên tri thật được ví như cái búa, là dụng cụ mà người ta có thể dùng để phá huỷ thứ gì đó và xây dựng lại (Gie 1:10) hay thậm chí có thể đập vỡ cả đá (Gie 23:29). Lời Chúa như lửa có thể đốt cháy mọi rác rến và thanh tẩy bất cứ thứ gì khi nó chạm đến. Tiên tri Giê-rê-mi đã từng bị Lời Chúa thiêu đốt trong lòng (Gie 20:9; Lu 24:32) và trên môi miệng ông (Gie 5:14). Ong chính người Chúa sai đến dùng lửa của Lời Ngài thử nghiệm đời sống dân sự (Gie 6:27).


Ngày nay, cũng có những giáo sư, những tiên tri giả dang sống và hành sự trong thế giới của chúng ta (IIPhi 2:1; IGi 4:1-6), những người tự xưng là biết ý muốn của Chúa qua những giấc mộng, qua thuật nghiên cứu chiêm tinh hoặc qua các ân tứ “thuộc linh” đặc biệt của họ. Một số họ đã xâm nhập vào Hội thánh (Giu 1:3-4). Bất cứ ai tự xưng là đang nói thay cho Đức Chúa Trời củng phải được kiểm chứng bằng Lời của Chúa (Es 8:20).


c. Họ đã có thái độ bất kính (c.33-40):

Từ chính bằng tiếng Hê-bơ-rơ trong chương này là massa , có nghĩa là “gánh nặng”. Giê-rê-mi dùng từ này để chỉ đến việc khiêng gánh trong ngày Sa-bát (Gie 17:21-27). Nhưng ở đây, từ ngữ này ám chỉ đến gánh nặng sứ điệp mà Đức Chúa Trời đã đặt để trên vai các tiên tri của Ngài (Ne 1:1; Ha 1:1; Ma 1:1). Do đó, một số học giả đã dịch từ này là “lời sấm” dầu vậy, nghĩa “gánh nặng” vẫn có thể được chấp nhận (xem bản dịch NIV và NASB, cả hai đều dùng ghi “gánh nặng” ngoài lề).


Chúa đã khuyến cáo tiên tri Giê-rê-mi không được tạo thêm cơ hội cho các thầy tế lễ, dân sự và các tiên tri giả có thái độ bất kính khi họ hỏi rằng: “Gánh nặng của Đức Chúa Trời là gì?”. Cụm từ “gánh nặng của Đức Chúa Trời” gần như là một lời sáo rỗng mà người ta vẫn thường chỉ dùng để cười nhạo tiên tri thật của Chúa mà thôi. (Cụm từ “được tái sinh” cũng hay bị dùng như thế).


Tại sao các tiên tri giảlại hỏi lời sấm từ Đức Chúa Trời khi tiên tri Giê-rê-mi đã giảng dạy cho họ những điều mà Chúa muốn họ lắng nghe ? Nếu họ đã không chịu nghe theo những điều Chúa đã truyền dạy, tại sao Ngài lại phải dạy bảo họ thêm nữa? Thái độ của họ thật thờ ơ và bất kính đối với sứ điệp của Chúa và sứ giả của Ngài. Các tiên tri giả đã bóp méo lẽ thật theo ý họ muốn và gọi những sứ điệp đó chỉ là “những lời sấm của Chúa”.


Tiên tri Giê-rê-mi phải trả lời họ rằng: “Chính các ngươi là gánh nặng! ” (c.33, bản dịch NIV ngoài lề). Bản dịch Lời Hằng Sống là bản dịch có nội dung đã nắm bắt tinh thần của phân đoạn (Gie 23:33):

“Nếu dân này…”


Hội thánh thuộc về thế gian là Hội thánh thường nhấn mạnh đến “sự vui vẻ” và “giải trí” mà quên mất những giọt nước mắt. Ngày nay chúng ta có những “diễn viên hài Cơ-đốc nhân” là những người có khả năng gây cười trong 30 phút cộng thêm một khoản thời gian ít ỏi nói về Phúc-Âm và đưa ra lời mời gọi tội nhân. Thay vì phí thì giờ cho việc cười đùa thì Hội thánh ngày nay nên hãy lắng nghe lời khuyên của Gia-cơ (Gia 4:9-10). Giữa lúc thế giới đang gặp phải nhiều nan đề rắc rối mà Hội thánh không xem trọng Lời Chúa thì thật là nguy cơ.


4. Chúa chỉ ra sự bội nghịch của Ngài (Gie 24:1-10)

Vào năm 597 TC, vua Giê-hô-gia-kim (còn được gọi là Giê-cô-nia hoặc Cô-ni-a) đã bị đội quân Ba-by-lôn phế truất cùng với nhiều quan trưởng, những người giàu có và quân thù chỉ để lại những người nghèo khó làm việc trong xứ (IIVua 24:14-16). Đây chính là khởi điểm sự suy tàn của Giu-đa và chắc chắn rằng Giê-rê-mi cũng rất đau xót.


Nhận biết rằng tôi tớ của Ngài cần sự khích lệ, Đức Chúa Trời đã cho Giê-rê-mi nhìn thấy một khải tượng về hai giỏ đựng trái vả ở trước đền thờ của Chúa. Một giỏ đựng toàn những trái vả tươi tốt mới chín đầu mùa và giỏ còn lại chỉ đựng những trái vả hư thối mà không ai muốn ăn cả. Sau đó, Đức Chúa Trời giải thích với ông rằng những trái vải tươi tốt tượng trưng cho những người bị bắt dẫn qua Ba-by-lôn trong khi những trái xấu tượng trưng cho vua Sê-đê-kia và các quan cũng như những nguời còn sót lại trong xứ hoặc trốn sang Ai-cập.


Bạn sẽ làm gì với những trái vải đã hư ? Bạn sẽ ném chúng đi! Bạn sẽ làm gì với những trái vả tươi tốt? Bạn sẽ gìn giữ và thưởng thức chúng! Chúa hứa sẽ chăm sóc cho những người bị đày, làm việc trong lòng họ và một ngày nào đó, Ngài sẽ đưa họ trở về xứ mình. Giê-rê-mi thậm chí đã viết thư cho những người bị bắt làm phu tù, khuyên bảo họ sống nhịn nhục trong xứ họ bị đày và tìm kiếm Chúa hết lòng (Gie 29:1-4). Đối với vua Sê-đê-kia, người nối ngôi Giê-hô-gia-kin và đối với các quan đã cho vua những lời cố vấn ngu ngốc thì chẳng còn hi vọng gì nữa. Tuy nhiên, vẫn có hi vọng cho những người còn sót lại biết kính sợ Chúa và tìm kiếm Chúa hết lòng.


Vào những lúc đất nước gặp hoạn nạn và cuộc sống gia đình ra sao đi nữa, Chúa vẫn sẽ không bỏ rơi những người tin kính Chúa còn sót lại.Những người nổi loạn chống nghịch Ngài sẽ bị tan lạc và bị huỷ diệt, còn những tín đồ thật sự sẽ trung tín tìm kiếm Chúa sẽ được Ngài nhậm lời cầi xin và làm thành kế hoạch của Ngài. Những người trở lại xứ sau khi bị lưu đày chưa phải là những người hoàn toàn tốt đẹp nhưng họ đã học biết được rằng phải nhờ cậy nơi Đức Chúa Trời Hằng sống chân thật và không thờ hình tượng nữa.


Việc tàn phá thành Giê-ru-sa-lem và sự sụp đổ của Giu-đa không phải là những tai nạn mà là một chương trình rõ rệt do Chúa chủ động đưa ra. Giờ đậy cả xứ đều vui hưởng ngày Sa-bát (IISu 36:21; Le 25:14) và những người bị lưu đày ở Ba-by-lôn ắt hẳn sẽ có thời gian đễ ăn năn và tìm kiếm Đức Chúa Trời. Ở xứ Ba-by-lôn xa xôi, Đức Giê-hô-va, Người thợ gốm sẽ uốn nắn lại dân Ngài (Gie 18:1-23) và họ sẽ quay trở về xứ là nơi đã bị đoán phạt và tẩy sạch.


“Thật các sự sửa phạt ………như vậy” (He 12:11).





bottom of page