top of page

ĐA-NI-ÊN 1

KINH THÁNH

CỰU-ƯỚC

THỂ LOẠI

Các Sách Tiên Tri Lớn



1. ĐỨC CHÚA TRỜI CAI TRỊ VÀ TỂ TRỊ (Da 1:1-21)


Từ...

...tháng Năm đến tháng Chín năm 1787, hội nghị Lập Hiến Hoa Kỳ đã diễn ra ở Phi-la-đen-phia để phát triển một hệ thống chính quyền cho quốc gia mới thành lập. Đến 28 tháng Sáu, tiến trình này diễn ra quá chậm đến nỗi Benjamin Franklin đã đứng dậy và gọi điện cho George Washington, chủ tịch của hội nghị.

Trong cuộc nói chuyện, ông đã nói: “Thưa ngài, Tôi đã sống nhiều năm, và càng sống tôi càng được chứng thực về một chân lý, đó là: Đức Chúa Trời chi phối các vấn đề của con người.” [1] Sau đó ông đã đề nghị họ mời một số tăng lữ địa phương đến cuộc họp để hướng dẫn họ trong việc cầu nguyện xin Đức Chúa Trời hướng dẫn. Đề nghị này hẳn đã được thông qua ngoại trừ việc hội nghị đã không có ngân sách để trả cho những giáo sĩ đã đến.


Dầu không phải là một tín đồ công khai xưng nhận Phúc-Âm, Franklin là một người đã tin một Đức Chúa Trời là vị Kiến Trúc Sư và Đấng Cai Quản hoàn vũ, một niềm tin phù hợp với lời chứng của Thánh Kinh. Áp-ra-ham đã gọi Đức Chúa Trời là “Đấng đoán xét toàn thế gian” (IIVua 19:15). Vào thời Đa-ni-ên, bằng phương cách khó khăn nhất Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã học biết được rằng “Đấng Chí Cao cai trị trong nước của loài người” (Da 4:32).


Chương đầu tiên của sách Da [2] đã cung cấp những bằng chứng rõ ràng về sự điều động của Đức Chúa Trời trong những vấn đề của quốc gia lẫn của cá nhân.


1. Đức Chúa Trời cho Nê-bu-cát-nết-sa chiến thắng (Da 1:1-2)

[3] Trong nhiều thập niên, các tiên tri đã từng khuyến cáo những người cai trị của Giu-đa rằng việc họ thờ thần tượng, sống trái luật pháp, và bất công với người nghèo khó sẽ đưa đất nước đến chỗ diệt vong. Các tiên tri đã nhìn thấy những ngày sắp đến khi Đức Chúa Trời đem quân Ba-by-lôn đến hủy phá Giê-ru-sa-lem cùng đền thờ và bắt dân sự lưu đày ở Ba-by-lôn.


Một thế kỷ trước khi thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ, Tiên tri Ê-sai đã rao báo sứ điệp này (Es 13:21,39), và Mi-chê một người sống cùng thời với ông đã cùng ông chia sẻ gánh nặng này (Mi 4:10). Tiên tri Ha-ba-cúc đã không thể hiểu được làm sao Đức Chúa Trời có thể dùng dân Ba-by-lôn không kính sợ Ngài để trừng phạt chính dân sự của Ngài (Ha 1:1-17), và tiên tri Giê-rê-mi đã sống để nhìn xem những lời tiên tri này, cùng với những lời tiên tri của chính mình, tất cả đều được ứng nghiệm (Gie 20:25,27). Đức Chúa Trời thà để dân Ngài sống lưu đày cách hổ nhục trong một xứ sở tà thần chứ không để họ sống như những kẻ ngoại giáo nơi Đất Thánh và làm ô uế danh Ngài.


Sự sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem giống như chiến thắng của các thần ngoại bang trên Đức Chúa Trời chân thật của Y-sơ-ra-ên. Nê-bu-cát-nết-sa đã đốt đền thờ của Đức Chúa Trời và thậm chí người đã lấy những khí dụng thánh và đem để chúng trong đền thờ của thần mình tại Ba-by-lôn. Sau đó, Bên-xát-sa đã dùng một số bình thánh trong số này để tôn vinh những vị thần của mình trong một bữa tiệc ngoại giáo, nên Đức Chúa Trời đã trừng phạt ông (Da 5:1-30). Dù chúng ta quan niệm thế nào về sự sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem, thì nó vẫn giống như một chiến thắng của các thần tượng nhưng sự thực nó là chiến thắng của Đức Chúa Trời! Ngài đã giữ đúng giao ước của mình với dân Y-sơ-ra-ên và Ngài làm thành những điều mình đã hứa. Thực tế là Đức Chúa Trời đã từng dấy người Ba-by-lôn đánh bại Giu-đa cũng chính là Đức Chúa Trời sau đó đã dấy người Mê-đi và Ba-tư đến xâm chiếm Ba-by-lôn. Đức Chúa Trời cũng đã ra lệnh cho một người cai trị thuộc ngoại giáo ra chiếu chỉ cho phép dân Giu-đa trở về quê hương và xây lại đền thờ của họ. Như nhà lãnh đạo truyền giáo A. T. Pierson đã từng nói, “Lịch sử là câu chuyện của Ngài.” (History is His Story)


Đức Chúa Trời đã lập giao ước với dân Y-sơ-ra-ên, và hứa rằng Ngài sẽ chăm sóc họ và ban phước cho họ nếu họ vâng theo luật lệ của Ngài, nhưng nếu họ không vâng theo, Ngài sẽ trừng phạt họ và làm cho họ tản lạc giữa vòng dân ngoại (Le 26:1-46; Phu 27:1-30:20). Ngài muốn Y-sơ-ra-ên trở thành “một ngọn đèn cho dân ngoại” (Es 42:6 NKJV) và bày tỏ vinh hiển của Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật; nhưng thay vì như vậy, dân Giu-đa đã trở nên giống như Dân Ngoại và thờ các tà thần của họ. Các vị vua và những người lãnh đạo dân chúng không có lòng tin kính, các tiên tri giả và các thầy tế lễ bất trung của đất nước đã làm cho đạo đức suy đồi, và cuối cùng khiến cho đất nước bị hủy diệt (Ca 4:13; Gie 23:9-16; IISu 6:14-21). Điều lạ là dân sự của chính Đức Chúa Trời đã không vâng theo Ngài, nhưng Nê-bu-cát-nết-sa và quân lính Ba-by-lôn theo ngoại giáo lại đã vâng theo Ngài!


Đức Chúa Trời thật khôn ngoan và đầy quyền năng đến nỗi Ngài có thể cho phép con người có những chọn lựa cá nhân mà vẫn hoàn thành những mục đích của Ngài đối với thế giới. Khi con người không để Ngài cai trị, Ngài sẽ thắng hơn, nhưng cuối cùng ý muốn của Ngài sẽ được thực hiện và danh Ngài được vinh hiển. Chúng ta thờ phượng và phục vụ một Đức Chúa Trời tối cao, Đấng không bao giờ bị bất ngờ. Dù hoàn cảnh của chúng ta như thế nào, chúng ta vẫn có thể nói một cách xác quyết luôn luôn rằng, “A-lê-lu-gia . . . Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn Năng, đã cầm quyền cai trị!” (Kh 19:6 NKJV)


2. Đức Chúa Trời bênh vực Đa-ni-ên và các bạn của ông (Da 1:3-16)

Chính sách của nhà vua là huấn luyện những người giỏi nhất của các quốc gia bị chinh phục để họ phục vụ trong chính phủ của mình. Người có thể được lợi từ những hiểu biết của họ về dân tộc chính mình và cũng đã dùng những khả năng của họ để cũng cố việc cai trị của ông. Người Giu-đa bị trục xuất nhiều đợt đến Ba-by-lôn cả trước lẫn sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ, và dường như Đa-ni-ên và ba bạn của ông đã bị bắt đi vào năm 605 lúc họ được khoảng mười lăm mười sáu tuổi. Tiên tri Ê-xê-chi-ên bị đưa đến Ba-by-lôn vào năm 597, và vào năm 586, đền thờ bị phá hủy.


Một dân sót tận hiến (Da 1:3-4a).

Thậm chí đọc lướt qua Kinh thánh Cựu ước chúng ta cũng thấy được rằng đại đa số dân sự Đức Chúa Trời không luôn đi theo Đức Giê-hô-va và giữ các điều răn của Ngài. Trong đất nước Do-thái vẫn luôn tồn tại một bộ phận “dân sót trung tín” đã vượt qua thử thánh và sự đoán phạt để duy trì giao-ước của Đức Chúa Trời và tạo ra một khởi đầu mới. Tiên tri Ê-sai đã đặt tên cho một trong các con trai mình là “Shear-jashub”, có nghĩa là “ một dân sót sẽ trở lại”.

Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng cho hội thánh ngày nay, đó là không phải người nào tuyên xưng đức tin mình trong Chúa Jêsus-Christ đều thật sự là con cái của Đức Chúa Trời (Mat 7:21-23). Trong sứ điệp gởi cho bảy hội thánh thuộc vùng Tiểu Á, Chúa chúng ta luôn dùng một từ đặc biệt cho “những kẻ thắng”, những người trung tín còn lại trong từng hội thánh đã tìm cách vâng lời Đức Chúa Trời (Kh 2:7,11,17,24-28; Kh 3:4-5; Kh 12:21). Đa-ni-ên và ba bạn của ông là một phần trong số dân sót trung tín ở Ba-by-lôn, Đức Chúa Trời đã đặt họ ở đó để hoàn tất những mục đích của Ngài.


Những người trai trẻ này xuất chúng ở mọi phương diện, “những người thông minh nhất và giỏi nhất”, được Đức Chúa Trời chuẩn bị để thực hiện một nhiệm vụ chiến lược ở xa xứ. Họ là những người đẹp trai, mạnh khỏe, thông minh và tài ba. [4].


Họ thuộc chi phái Giu-đa (Da 1:6) và mang dòng dõi nhà vua (c.3) [5]. Xét về mọi khía cạnh, họ là những người Giu-đa giỏi nhất đã được cống nạp. Bởi vì Át-bê-na được gọi là “làm đầu các hoạn quan”, một số người kết luận rằng bốn chàng trai Giu-đa này đều làm hoạn quan; nhưng đó rất có thể là một kết luận sai lầm.

Ban đầu, từ “hoạn quan” (tiếng Hêb. là saris)đề cập đến một tôi tớ đã được thiến để có thể phục vụ ở hậu cung; nhưng dần dần danh hiệu này được áp dụng cho bất kỳ chức vụ nào quan trọng trong triều. Từ này được dùng cho Phô-ti-pha, và người này đã lập gia đình (Sa 37:36). Luật Do-thái cấm thiến (Phu 23:1), nên khó thể nào tin được rằng cả bốn người nam Hê-bơ-rơ trung tín này, là những người kịch liệt chống lại các tập tục của người Ba-by-lôn lại chịu phó mình cho việc này.


Một thử thách khó khăn (Da 1:4b-7).

Được huấn luyện để làm quan trong triều đình là một vinh dự, nhưng đồng thời đó cũng là một thử thách; vì những chàng trai Hêbrơ tận hiến này hẳn phải buộc mình thích nghi với cách thức và suy nghĩ của người Ba-by-lôn. Mục đích của “khoá huấn luyện” là biến người Giu-đa thành người Ba-by-lôn, và điều này không chỉ có nghĩa là có một quê hương mới, mà là cả một tên gọi mới, tập quán mới, suy nghĩ mới và ngôn ngữ mới. Trong ba năm, những vị thầy người Ba-by-lôn của họ hẳm đã cố gắng “tẩy não” bốn chàng trai Do-thái này và dạy họ cách nghĩ và sống như người Ba-by-lôn.


Tên Đa-ni-ên có nghĩa là “Đức Chúa Trời là quan xét tôi”, nhưng tên gọi này đã được đổi lại là Bên-tơ-xát-xe hay “Bên bảo vệ mạng sống người”. Ha-na-nia có nghĩa là “Đức Chúa Trời bày tỏ ân điển”, nhưng Sa-đơ-rắc tên mới của người có nghĩa là “mạng lệnh của A-ku” (thần mặt trăng). Mi-sa-ên có nghĩa là “Có ai như Đức Chúa Trời?” còn “Mê-sác tên mới có nghĩa là “Có ai như là A-ku?” A-xa-ria có nghĩa là “Đức Chúa Trời là nguồn cứu giúp của tôi”, nhưng “A-bết-Nê-gô” lại có nghĩa là “Tôi tớ của Nê-bô (Nê-gô)”. Danh của Đức Chúa Trời được thế chỗ bằng danh của các tà thần của Ba-by-lôn; nhưng thử nghĩ những người vô tín có thể làm gì khác hơn thế?


Học một ngôn ngữ mới và ngay cả việc nhận một cái tên mới không gây khó khăn lắm, nhưng việc áp dụng những tập tục trái ngược với Luật Môi-se lại là một vấn đề lớn. Người Ba-by-lôn rất giỏi về xây dựng, tính toán, và phân tích quân sự, nhưng tôn giáo của họ đã rơi vào chỗ mê tín và haong đường. Cũng giống như các sinh viên Cơ-đốc trong các trường học thế tục ngày nay thường phải học về những vấn đề duy vật trái với những gì họ tin, Đa-ni-ên và các bạn của ông đã phải học thông suốt lịch sử và khoa học của người Ba-by-lôn. Thực tế là trong kỳ thì cuối khoá, họ đã đánh bật tất cả các sinh viên khác (c.20), và sau đó, Đức Chúa Trời đã cho họ cơ hội để chứng tỏ niềm tin của họ cao trọng hơn niềm tin của những người đã bắt họ làm phu tù. Nhưng khi những gì họ được học đòi hỏi họ phải bất tuân với luật thánh, họ đã ngưng lại.


Chắc chắn rằng thức ăn của vua là ngon nhất trong nước, thế nhưng tại sao bốn học viên người Hêbrơ này lại từ chối ăn những thức ăn đó? Bởi vì chúng làm ô uế họ và khiến họ trở nên ô uế về nghi lễ trước mặt Đức Chúa Trời của họ (c. 8). Đối với người Do-thái điều quan trọng chính là họ chỉ ăn những con vật được Đức Chúa Trời cho phép và khi làm thịt những con vật đó huyết của chúng phải được loại bỏ hết, vì ăn huyết là điều bị nghiêm cấm (Le 11:1-47; Le 17:10-16). Nhưng còn hơn thế nữa, thức ăn của vua trước nhất đã được dâng lên cho các thần tượng, vì thế những người Do-thái trung tín sẽ không ăn những thức ăn bị ô uế như thế. Hội thánh đầu tiên cũng đã đối diện với vấn đề này.


Một cuộc thử nghiệm được nhận thức rõ (Da 1:8-16). Bằng cách nào dân sự Đức Chúa Trời có thể chống lại những áp lực mà có thể “đẩy” họ đến chỗ đồng hóa với thế gian? Theo Ro 12:1-2, “người làm theo đời này” là người mà sự sống của chịu sự điều khiển của những áp lực từ bên ngoài, nhưng “người biến đổi” là người mà sự sống của họ chịu sự chi phối bởi quyền năng từ bên trong. Đa-ni-ên và baa bạn của ông là những người biến đổi: thay vì bị thay đổi, họ đã mang lại sự thay đổi! Đức Chúa Trời đã dùng họ để thay đổi suy nghĩ của những nhà cai trị đầy quyền lực và làm cho danh Ngài được cả sáng trong một xứ sở ngoại giáo.


Bước đầu tiên khi họ giải quyết vấn đề của mình và làm những người biến đổi là dâng mình hoàn toàn cho Đức Chúa Trời. Tấm lòng của Đa-ni-ên - toàn bộ sự tồn tại của người - thuộc về Đức Chúa Trời, lòng các bạn của Đa-ni-ên cũng như vậy (Da 1:8; Da 12:1-2). “Khá giữa tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra” (Ch 4:23 NKJV).

Một tấm lòng yêu mến Đức Chúa Trời, tin cậy nơi Ngài, và dẫn đến vâng phục Ngàithì không cảm thấy khó khi chọn lựa điều phải và tin cậy Đức Chúa Trời sẽ lo liệu hậu quả. Người ta thường nói rằng đức tin không phải là tin mà bất kể chứng cứ - đó là mê tín – mà là vâng phục bất chấp hậu quả ra sao. Khi phải chọn giữa Lời Đức Chúa Trời và thức ăn của vua, họ đã chọn Lời Đức Chúa Trời (Thi 119:103; Phuc 8:3).


Bước thứ hai là cư xử tốt đẹp với những người đang nắm quyền. Bốn người này nhận biết rằng Á-bê-na đặt biệt thân thiện và tốt bụng đối với họ và hiểu được rằng đây là công việc của Đức Chúa Trời. (Giô-sép đã từng có kinh nghiệm tương tự khi người ở trong tù. (Sa 39:1-40:23). “Khi tánh hạnh của người nào đẹp lòng Đức Giê-hô-va, thì Ngài cũng khiến các thù nghịch người ở hoà thuận với người” (Ch 16:7 NKJV). Thay vì trông mong viên quan thuộc Dân ngoại theo tà thần vâng theo Luật Môi-se và làm cho ông ta gặp rắc rối với nhà vua, Đa-ni-ên và các bạn ông đã có một cách giải quyết khôn ngoan và xin cứ thử nghiệm họ trong mười ngày.


Xuyên suốt Kinh thánh, chúng ta sẽ bắt gặp những cho người đã phải bất tuân cường quyền để vâng theo Đức Chúa Trời, và trong từng trường hợp, họ đã có cách giải quyết khôn ngoan và tế nhị. “Nếu có thể được thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người” (Ro 12:18 NIV).


Bên cạnh Đa-ni-ên và các bạn ông, chúng ta còn có gương của những bà goá Hê-bơ-rơ (Xu 1:1-22), các sứ đồ (Cong 4:1-37), và cả chính Chúa Giê-xu nữa (IPhi 2:13-25). Tất cả những người đó đã phải chống lại luật lệ để vâng lời Đức Chúa Trời, và Ngài đã cho họ thắng. Họ là những người hiền hoà, và không tìm cách làm cho người khác gặp rắc rối. Họ có một tâm thần nhu mì và yên lặng. Họ xem thử thách như một cơ hội để bày tỏ Đức Chúa Trời và làm vinh hiển danh Ngài.


Bốn học viên người Do-thái này không đe dọa ai cả, không bày tỏ sự kháng cự hay cố tìm cách để thiêu trụi một toà nhà. Đơn giản họ chỉ xuất sắc trong học tập, cư xử như những người tốt bụng, và đề nghị Mên-xa thử họ trong mười ngày bằng cách chỉ cho họ uống nước và ăn rau [6]. Cơ-đốc nhân không có quyền đòi hỏi người khác, đặc biệt là những người chưa được cứu, phiêu lưu nếu chính mình không thực hiện điều đó. Được Đức Chúa Trời hướng dẫn một cách vô thức, Mên-xa đã sẵn lòng chấp thuận đề nghị của họ, và Đức Chúa Trời đã thực hiện những điều còn lại. Kết quả là bốn chàng trai Do-thái này có thân thể khoẻ mạnh và dáng vẻ tốt tươi hơn tất cả các học viên khác. Đây là minh chứng sống động cho lời hứa trong Mat 6:33 và nguyên tắc được trình bày trong Co 4:5; ITe 4:12; IPhi 3:15.


Khi phải giải quyết những nan đề về đời sống, chúng phải xin Đức Chúa Trời ban cho lòng can đảm để đối diện với những nan đề đó một cách khiêm nhường và ngay thật, sự khôn ngoan để hiểu được chúng, sức mạnh để làm những gì Ngài bảo chúng ta làm, và đức tin để tin rằng Ngài sẽ lo những điều còn lại cho chúng ta.

Động cơ của chúng ta phải là làm sáng danh Đức Chúa Trời, chứ không phải là tìm lối thoát. Câu hỏi quan trọng không phải là “Làm sao tôi có thể thoát khỏi điều này?”, mà là “tôi có thể rút ra được gì từ nan đề này?” Đức Chúa Trời đã dùng cuộc thử nghiệm riêng tư này để giúp Đa-ni-ên và các bạn ông sẵn sàng cho những cuộc thử nghiệm công khai mà họ sẽ phải đối diện trong những năm sau đó. Điều quí báu họ nhận được qua từng trải này không phải là họ đã được giải cứu để không phải thoả hiệp, như những gì tuyệt diệu đã diễn ra, nhưng là họ đã được phát triển về tính cách. Không có gì thắc mắc khi Đức Chúa Trời gọi Đa-ni-ên là “kẻ được yêu nhiều” (Da 9:23; Da 19:1,19), vì ông rất giống Con Yêu Dấu của Ngài.


3. Đức Chúa Trời ban năng lực và thành công cho Đa-ni-ên và các bạn của ông (Da 1:17-20)

Nếu bạn muốn kiếm sống, bạn phải trang bị; và nếu bạn muốn tạo lập cuộc sống, thì bạn cần phải học tập. Nhưng nếu bạn muốn hầu việc Đức Chúa Trời, thì bạn phải có những ân tứ thiên thượng và sự vùa giúp của Đức Chúa Trời. Huấn luyện và giáo dục rất quan trọng, nhưng chúng không thể thay thế được khả năng và sự khôn ngoan mà chỉ Đức Chúa Trời mới có thể ban cho.


Sự ban phước đặc biệt của Đức Chúa Trời (Da 1:17).

Bốn người trai trẻ này đã phải học tập và tự thích nghi, nhưng Đức Chúa Trời đã ban cho họ khả năng để học biết điều quan trọng, sự sáng suốt để hiểu được nó, và sự khôn ngoan để biết làm cách nào áp dụng nó và liên hệ nó với lẽ thật của Đức Chúa Trời. Là sinh viên, chúng ta cần xin Đức Chúa Trời ban cho mình sự khôn ngoan (Gia 1:5) và sau đó học tập chăm chỉ để có thể làm hết sức mình. “Đức tin không có việc làm thì chết (Gia 2:26), và lời cầu nguyện tha thiết không thể thay thế được dự học tập hết lòng. Cả hai đều cần thiết.


Việc học mà những người trai trẻ này theo đuổi là gì? Chắc chắn họ đã được dạy về tôn giáo của Ba-by-lôn cũng như hệ thống chiêm tinh vốn là nền tảng cho cả tôn giáo lẫn khoa học của họ. Những cố vấn chính thức của nhà vua phải có khả năng giải nghĩa được chiêm bao và các điềm báo khác nhau, bởi vì hiểu được các thời kỳ và biết được tương lai là hai điều quan trọng để nhà vua có được thành công. Những người trai trẻ này đã được dạy dỗ những điều mà chúng ta có thể gọi là “nền giáo dục thế tục” bị đắm chìm trong thói mê tín của thời bấy giờ.


Nhưng dân sự của Đức Chúa Trời có nên học “sự khôn ngoan của đời này” khi họ đã có Lời được linh cảm và vô ngộ của Đức Chúa Trời hướng dẫn mình? Một số tín đồ chân thành nghĩ rằng “tất cả những sự giáo dục của đời này” đều mang tính chất tội lỗi, trong khi đó những người khác, cũng là những người chân thành, thì tin rằng dân sự Đức Chúa Trời phải hiểu được cách nghĩ của đời này nhưng không để nó điều khiển mình.

Tertullian vị đại giáo phụ của hội thánh (160-220) là một thí dụ của nhóm thứ nhất, vì người đã hỏi rằng, “Athens có liên hệ gì với Giê-ru-sa-lem? Giữa học thuật và hội thánh có sự tương hợp nào chăng?” [7]. Ông cũng đã viết rằng, “Vì vậy, có sự giống nhau nào giữa Cơ-đốc nhân và triết gia? Giữa môn đồ của Hy-lạp và của thiên đàng? Giữa người mà mục tiêu của họ là danh vọng và người mà mục tiêu của họ là sự sống?” [8].


Mặc khác, Môi-se đã “được học tất cả sự khôn ngoan của người Ê-díp-tô” (Công 7:22), và sứ đồ Phao-lô đã đọc các tác phẩm cổ và thậm chí đã trích dẫn chúng trong các thư tín của mình. Trong ICôr 15:33 ông đã trích dẫn lời của nhà thơ Hy-lạp Menander; trong Công 17:27,28, ông đã trích dẫn lời của Epimenides, Araaatus, và Cleamthes; và trong Tit 1:12, ông đã trích dẫn lời của Epimenides.

Trong IITi 4:13, ông đã yêu cầu Ti-mô-thê mang cho mình sách vở và những sách bằng giấy da, đây chắc hẳn là một số bản sao của Kinh thánh Cựu Ước và có thể là một số tác phẩm của các tác giả cổ điển. Vấn đề ở đây là Phao-lô biết về các tác phẩm cổ và đã tìm cách dùng những gì mình biết đế đưa người ta đến được với chân lý của Lời Đức ChúaTrời. Trong lá thư gởi cho một người bạn, Robert Murray M’Cheyne đã viết “Hãy cẩn thận về tiêu chuẩn của các tác phẩm cổ. Đúng vậy, chúng ta phải biết chúng; nhưng chỉ như nhà hóa học cầm thuốc độc để khám phá đặc tính của chúng, chứ không phải để máu họ bị nhiễm chúng” [9]


Do hiểu được cách nghĩ của người Ba-by-lôn, đặc biệt là những “người đồng bóng, thuật sĩ, thầy bói và các nhà chiêm tinh” của nhà vua (Da 2:2 NIV), Đa-ni-ên và ba bạn của ông đã dễ dàng hơn trong việc cho họ thấy sự khôn ngoan tối thượng của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã cho Đa-ni-ên một ân đặc biệt để hiểu được các khải tượng và chiêm bao. Trong nữa phần đầu của sách này, Đa-ni-ên đã giải thích ý nghĩa của các khải tượng và chiêm bao của người khác, nhưng ở nữa phần cuối, chính mình ông đã nhận được khải tương từ Đức Chúa Trời.


Sự kiểm tra của nhà vua (Da 1:18-20).

Chúng ta không biết nhiều học viên đã vượt qua khóa học cuối cùng của họ ra sao, nhưng có điều thú vị là chính Nê-bu-cát-nết-sa đã tự mình kiểm tra họ.Vì những người mới tốt nghiệp sẽ trở thành những người cố vấn riêng cho mình, nên nhà vua muốn chắc chắn rằng mình đang có được người giỏi nhất.


Bằng các thêm vào nhóm quan viên này những người mới có sự thông minh xuất chúng, hẳn ông an tâm rằng mình đã có sẵn một nhóm cố vấn giỏi nhất. Ông đã quen thuộc với những người cố vấn trước đó và có lẽ là không mấy vui về tất cả những người này (Da 2:5-13). Phải chăng ông nghi ngờ rằng có một âm mưu nào đó trong cung? Như chúng thấy sau đó, việc bốn thanh niên Do-thái này được đưa thêm vào và được thăng chức đã khiến cho các quan trong triều ghen tức và họ đã tìm cách để hại Đa-ni-ên (chương 6). Là những người cao tuổi hơn, họ không bằng lòng với những người trẻ của mình; là người Ba-by-lôn, họ căm ghét đồng loại mình; và là những tôi tớ có kinh nghiệm, họ lại ghen tị với những người có năng lực và tri thức.


“Thuật sĩ” là những người liên quan đến sự huyền bí, trong khi đó “đồng bóng’ là những người dùng bùa chú để đạt được những mục đích của mình. “Thầy bói” chuyên rải bùa mê, “chiêm tinh gia” thì nghiên cứu sự chuyển động của các ngôi sao và những ảnh hưởng của chúng lên các sự kiện, tìm cách đoán biết tương lại bằng nhiều phương pháp khác nhau. Dĩ nhiên, Luật Môi-se cấm tất cả những điều này (Phu 18:9-13). Đaniên và các bạn của ông đã phải làm việc cùng với những người này, nhưng họ vẫn thanh sạch và là một lời chứng mạnh mẽ cho Đức Chúa Trời.


Từ “được yêu cầu” trong Da 1:20 có ý nghĩa là “được kiểm tra và so sánh”. Nhà vua không chỉ hỏi những người vừa tốt nghiệp, mà người còn so sánh họ với nhau, và như vậy sẽ lấy ra được người xuất sắc nhất. Không thể biết được tại sao các sinh viên Cơ-đốc trong các trường đại học ngày nay không có mặt trong số những sinh viên giỏi nhất, những người dành được những phần thưởng cao nhất để làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Tertullian nghĩ rằng “Giê-ru-sa-lem không liên quan gì đến “Athens”, nhưng nếu những người từ “Giê-ru-sa-lem” không làm chứng cho những người chưa tin Chúa ở “Athens” thì làm thế nào những tội nhân hư mất này nghe được về Chúa Jêsus-Christ? Đi “khắp thế gian” bao gồm việc đi vào các trường đại học chưa biết Chúa và làm cho ngọn đèn của mình chiếu rạng.


4. Đức Chúa Trời cho Đa-ni-ên sống lâu và phục sự lâu dài (Da 1:21)

Năm đầu tiên của triều đại Đa-ri-út là năm 539 TC, nhưng năm 537 TC năm thứ ba của triều vua này Đa-ni-ên vẫn còn sống (Da 10:1). Nếu Đa-ni-ên được mười lăm tuổi vào năm 605 khi người bị đưa sang Ba-by-lôn, như vậy người được sinh ra vào năm 620, và hẳn lúc nhận những sự mặc khải được ghi lại ở chương 10-12, ông đã được tám mươi ba tuổi. Khi đọc lời tiên tri của Giê-rê-mi (Da 25:11 Da 29:10), Đa-ni-ên hiểu rằng Đức Chúa Trời có kế hoạch đưa dân Y-sơ-ra-ên trở về quê hương của họ, xây lại đền thờ và thành phố (Da 9:1-2) và người đã sống để thấy lời tiên tri này được ứng nghiệm! Sau đó không ai biết là ông sống được bao lâu, và chúng ta biết rằng điều đó không quan trọng. Suốt quãng đời của mình, ông đã có cơ hội để làm chứng cho Nê-bu-cát-nết-sa, đa-ri-út, Bên-xát-xa và Sy-ru, cũng như các thế hệ quan chức trong triều. Ông là một tôi tớ trung tín, và có thể thưa với Chúa Giê-xu rằng, “Con đã tôn vinh Ngài trên đất, làm xong công việc Ngài giao con làm” (Gi 17:4 NKJV).


Tuy nhiên, không phải mọi tôi tớ trung tín của Đức Chúa Trời đều được ban cho phước hạnh được sống lâu.Ê-tiên có thể vẫn còn thanh niên khi người chịu tử đạo (Cong 7:1-60), và khi ở tuổi sáu mươi Phao-lô đã bị giết ở Rô-ma. Robert Murray M’Cheyne nhà giảng đạo tin kính người Hà-lan đã qua đời khi chỉ còn hai tháng nữa là đến tuổi ba mươi, nhưng chức vụ của ông vẫn khích lệ chúng ta. William Whiting Borden (“Borden của Yale”) đã qua đời ở Ai-cập khi người mới hai mươi lăm tuổi, và David Brainerd, một nhà truyền giáo cho người Hoa Kỳ bản xứ chỉ hai mươi chín tuổi lúc Đức Chúa Trời gọi ông. “Vì thế xin dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan” (Thi 90:12). Chúng ta thường tính năm, chứ không tính ngày của mình, nhưng mọi người đều phải sống từng ngày một, và chúng ta không biết khi nào thì ngày cuối cùng của mình đến.


Để hoàn tất kế hoạch mà Ngài đã lập cho dân sự mình, Đức Chúa Trời đã hành động một cách chu đáo để đặt một số tôi tớ của mình vào những vị trí được tôn trọng và có trách nhiệm đặc biệt. Khi Đức Chúa Trời muốn bảo vệ gia đình Gia-cốp và tương lai của dân tộc Y-sơ-ra-ên, thì Ngài đã đưa Giô-sép sang Ai-cập và khiến người trở thành người cai trị thứ nhì của xứ sở này. Đức Chúa Trời đã dùng Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê ở Ba-tư, ở đây họ đã vạch trần một âm mưu chống lại dân Do-thái và đã cứu được dân Y-sơ-ra-ên thoát khỏi sự huỷ diệt. Nê-hê-mi là người hầu rượu cho nhà vua ở Susa và ông đã được nhà vua hỗ trợ để xây dựng lại tường thành Giê-ru-sa-lem. Tôi tự hỏi có phải những người giữ chức vụ cao về chính trị đã từng giúp đỡ Phao-lô là những tín đồ thật sự trong Chúa Jêsus-Christ ? (Cong 19:30-31 Ro 16:23). Giả sử như họ không phải, thì Đức Chúa Trời đã đặt họ vào những chỗ cần thiết và làm cho họ có khả năng để hoàn tất ý định của Ngài.


Những sự kiện được ghi lại ở chương này hẳn sẽ là một nguồn động viên lớn cho chúng ta khi chúng ta gặp thử thách và bị nản lòng; vì khi người ta không để cho Đức Chúa Trời cai trị, thì Ngài tể tri. Đức Chúa Trời vẫn ngự trên ngôi và sẽ không bao giờ lìa bỏ chúng ta.


Phải chăng kẻ thù đã hủy phá Thành Thánh và đền thờ thánh và bắt giữ dân sự Đức Chúa Trời? Đừng lo, vì vẫn còn một dân sót tin kính thờ phượng Đức Chúa Trời và phục sự Ngài. Phải chăng kẻ thù sẽ nổ lực để làm ô uế số dân sót tin kính ấy? Đừng lo, vì Đức Chúa Trời sẽ hành động thay họ, và biệt riêng họ cho chính Ngài. Các tín đồ tin kính có được giữ ở những vị trí quyền lực không? Đừng lo, vì Đức Chúa Trời sẽ làm điều đó để họ được chuẩn bị và được chỉ định. Đức Chúa Trời có muốn truyền đạt lẽ thật tiên tri của Ngài cho dân sự không? Đừng lo, vì Đức Chúa Trời sẽ giữ những tôi tớ Ngài được sống và tỉnh táo cho đến khi công việc của họ được hoàn tất.Phải chăng bạn đang có nhiệm vụ và băng khoăn không biết mình có thể giữ được nhiệm vụ này bao lâu? Đừng lo, vì chính Đức Chúa Trời đã từng gọi bạn và trang bị cho bạn sẽ khiến bạn “tiếp tục” cho đến khi bạn hoàn thành những nhiệm vụ mà Ngài đã giao phó cho bạn. “Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó” (ITe 5:24 NKJV).


Mỗi tín đồ có thể là một người bị biến đổi hay người biến đổi. Chúng ta hoặc bị rập khuôn với đời này hoặc chúng ta đang biến đổi những điều của đời này thành ra những gì Đức Chúa Trời đã yêu cầu chúng ta. Không phải lúc nào những người làm nhiệm vụ biến đổi cũng có cuộc sống dễ chịu, nhưng đó là một cuộc sống thú vị, và điều đó cho bạn thấy rõ rằng Đức Chúa Trời đang dùng bạn để tác động người khác.



 


2. ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA NHỮNG GIẤC CHIÊM BAO VÀ NHỮNG SỐ PHẬN (Da 2:1-49)


Không khí trong cung vua đã thay đổi hoàn toàn khi chúng ta chuyển từ đoạn 1 sang đoạn 2. Chương 1 kết thúc ở sự thừa nhận và an toàn, nhưng chương hai mở đầu bằng sự chống đối và nguy hiểm. Vì họ sở hữu hầu hết sức mạnh và uy quyền rất lớn, nên những kẻ chuyên quyền ở Phương Đông thường khét tiếng là thất thường và hay thay đổi, và ở đây Nê-bu-cát-nết-sa đã lộ rõ khía cạnh này của tính cách mình. (Da 3:19). Tuy nhiên, vị anh hùng và là nhân vật chính trong đoạn 2 này không phải là Vua Nê-bu-cát-nết-sa mà là Giê-hô-va Đức Chúa Trời “Đấng tỏ ra những sự sâu xa kín nhiệm” (c.22 NKJV). Khi đọc đoạn này, chúng ta chứng kiến Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên điều khiển từng hoàn cảnh và hoàn thành những mục tiêu của Ngài ngay cả thông qua những người dân ngoại không tin Ngài và mê tín.


1. Đức Chúa Trời khiến cho nhà vua lo lắng (Da 2:1)

Đến năm cai trị thứ hai của mình, Nê-bu-cát-nết-sa nhận ra những gánh nặng của vương quốc cũng như những hậu quả gây ảnh hưởng lớn do những quyết định của người tạo ra. Những băng khoăn này đã khiến cho ông mất ngủ (Tr 5:12) và tâm trí ông không được ổn định vì ông lo lắng về tương lai của vương quốc mình (Da 2:29). “Ba-by-lôn lớn” sẽ tồn tại được bao lâu? Ông sẽ cai trị được bao lâu? Shakespeare nói đúng: “Người đội vương niệm chẳng thể nằm thoải mái được.”


Đức Giê-hô-va đã khiến Nê-bu-cát-nết-sa có một giấc chiêm bao sống động mà người không thể nào hiểu được, và điều này đã làm cho ông lo lắng. Giê-hô-va Đức Chúa Trời truyền đạt chân lý cho một vị vua ngoại bang theo ngoại giáo là một bằng chứng cho thấy ân điển của Ngài. Cụm từ “thấy những chiêm bao” có lẽ đã cho thấy rằng giấc mơ này lặp đi lặp lại. Đức Giê-hô-va đã từng cho một nhà cai trị ngoại bang khác là Pha-ra-ôn thấy hai chiêm bao (Sa 41:1-56), và Giô-sép đã giải nghĩa chúng; và Ngài cũng đã cho các nhà thông thái đến tôn thờ Chúa Giê-xu thấy một chiêm bao (Mat 2:12), họ cũng là những người ngoại bang.

Khi Đức Chúa Trời muốn ban sứ điệp của Ngài cho dân ngoại, Ngài đã ban cho họ một tiên tri Do-thái (Am 3:7) -chẳng hạn như Giô-na cho thành Ni-ni-ve hay A-mốt cho các lân bang (Am 1:1-2:16). Nhưng ở đây Đức Giê-hô-va đã truyền đạt trực tiếp cho một quốc vương ngoại bang không tin thờ Ngài. Trong sự khôn ngoan của mình Đức Giê-hô-va đã dự định dùng Đa-ni-ên tôi tớ của mình để miêu tả và giải nghĩa gíâc chiêm bao. Bằng cách này, danh Đức Chúa Trời sẽ được vinh hiển và Đa-ni-ên cùng ba bạn của ông hẳn sẽ được tôn trọng và ban thưởng.


Phải chẳng Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục dùng chiêm bao để truyền đạt ý định của Ngài? Rõ ràng Ngài sẽ làm như vậy nếu Ngài muốn, nhưng đây không phải là phương cách Ngài thường dùng. Ngày nay Đức Chúa Trời hướng dẫn con cái Ngài qua Đức Thánh Linh khi họ cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ngài, suy gẫm lời Ngài và trao đổi với những người lãnh đạo thuộc linh của họ. Điều nguy hiểm là những giấc chiêm bao của chúng ta có thể không đến từ Chúa. Tiềm thức của con người có khả năng tạo ra chiêm bao, và Gie 23:25-32 cho thấy rằng các lực lượng tà linh có thể tạo ra những giấc chiêm bao vốn là những sự giả dối của Sa-tan chứ không phải lẽ thật của Đức Chúa Trời. Thật nguy hiểm khi xem những giấc chiêm bao như những sứ điệp của Đức Giê-hô-va.


2. Đức Chúa Trời làm cho “những người khôn ngoan” bị hổ thẹn (Da 2:2-13)

[10] Nhà vua đã làm điều mà bất kỳ nhà cai trị thời xưa nào cũng làm, đó là ông đã triệu tập những người cố vấn đặc biệt để giúp ông hiểu ý nghĩa của giấc chiêm bao này, điều đã khiến ông mất ngủ và làm ông bất an. Nhưng đây không phải là buổi chầu thường ngày, vì nhà vua không chỉ ra lệnh cho họ giải nghĩa giấc chiêm bao mà còn bảo họ phải kể lại giấc chiêm bao đó cho ông! Nếu họ không làm được cả hai việc đó, ông sẽ giết họ không thương xót và biến nhà họ trở thành nhà xí công cộng và nơi đổ rác.

Dĩ nhiên, đây là một thách thức mới đối với họ và họ biết mình không thể nào thỏa mãn được điều này. Ở đây chúng ta được đối diện với một câu hỏi mà những người nghiên cứu Kinh thánh thường không có câu trả lời giống nhau: Phải chăng Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã quên những gì mình chiêm bao thấy, hay ông dùng cách này để thử những người cố vấn của mình xem họ có đáng tin cậy không? Tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, nhưng chúng ta hãy cùng xét cả hai khía cạnh của vấn đề này.


Ông đã quên giấc chiêm bao. Tôi thấy khó có thể tin rằng một giấc mơ sống động như vậy lại có thể ra khỏi tâm trí của một nhà lãnh đạo vĩ đại như Nê-bu-cát-nết-sa, đặc biệt nếu giấc chiêm bao ấy không chỉ xảy ra một lần. Dĩ nhiên, chúng ta thường quên mất những gì mình đã nằm mơ, nhưng trong trường hợp này, Đức Chúa Trời đang tìm cách truyền đạt lẽ thật của Ngài cho nhà vua. Chắc chắn Đức Chúa Trời đã làm cho ông có giấc chiêm bao này cũng sẽ khiến ông nhớ được nó. Cuối cùng giấc chiêm bao này quá khích động đến nỗi khiến ông phải choàng tỉnh và tự hỏi không biết nó có nghĩa gì. Hơn nữa, nếu thật sự nhà vua đã quên giấc chiêm bao này, thì làm thể nào ông có thể xác minh nó ngay cả khi những người cố vấn này có thể tìm được câu trả lời đi nữa?


Bản KJV và bản Kinh thánh đã được hiệu đính dịch câu 5 và câu 8 là “điều đó đã ra khỏi ta”, có thể diễn giải là “giấc chiêm bao đã rời ta”. Điều này có thể là bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy nhà vua kém trí nhớ. Nhưng bản NASB dịch cùng phân đoạn này là “mệnh lệnh này là đã quyết”, còn bản NIV dịch nó là “đây là điều ta đã quyết định chắc chắn”. Điều được nói đến ở đây không phải là giấc chiêm bao mà là sắc lệnh đoán phạt của nhà vua. Nếu những người cố vấn nàay không thể nói cho ông biết giấc chiêm bao đó và giải nghĩa nó, thì họ hẳn sẽ bị nhục mạ công khai và bị giết không thương xót.


Nhà vua đang thử những người cố vấn của mình. Tôi cho rằng Nê-bu-cát-nết-sa nhớ giấc chiêm bao của mình, suy nghĩ về nó và nhận ra rằng hó chứa đựng một sứ điệp quan trọng có liên quan đến mình và vương quốc của mình. Hẳn sự sợ hãi và thắc mắc đã xâm chiếm lòng ông khi ông nhìn thấy bức tượng lớn bằng sắt này bị một hòn đá kỳ lạ ra từ một ngọn núi làm vỡ ra từng mãnh. Đối với nhà vua, việc giải nghĩa giấc chiêm bao này quá quan trọng đến nỗi không thể xem nó như một vấn đề thông thường.

Ông muốn chắc chắn rằng “những người khôn ngoan” của ông sẽ cho ông biết ý nghĩa thực sự của nó, vì giấc mơ này liên quan đến tương lai ông. Ông không muốn nghe “những lời giả dối bậy bạ” mà họ đã tạo ra để làm hài lòng mình (c.9, bản NIV). Ông muốn biết sự thật.


Có lẽ ông sực nhớ đến sự khác nhau của những người cố vấn mà ông được thừa hưởng từ cha mình bà bốn thanh niên Do-thái vừa tốt nghiệp đứng đầu khóa học (Da 1:19-20). Ông đã từng thấy bốn chàng trai này giỏi hơn gấp mười lần những người cố vấn của ông và có một sự khôn ngoan mà chưa từng có “người khôn ngoan nào” bày tỏ.

Có lẽ ông đã kết luận rằng “những người khôn ngoan”của ông đã liên kết với nhau để lừa dối ông và cho rằng những lời giải nghĩa cũng như giải thích của họ hoàn toàn không có giá trị. Nếu thật sự họ có khả năng giải nghĩa giấc chiên bao này, thì chắc hẳn họ cũng có khả năng kể cho ông nghe về nó! Đây là một thử nghiệm về khả năng cũng như sự đáng tin cậy của họ.


Dù cho phương pháp nào đúng, thì điều này vẫn rất thật: những người cố vấn này hết sức bẽ mặt vì họ không thể kể cho vua Nê-bu-cát-nết-sa về giấc chiêm bao. Đây là một dịp béo bở để họ nhận được sự giàu có uy tín và sự thăng chức, nhưng thực tế là họ đã trì hoãn thời giờ, điều này ngụ ý rằng họ đã không thể thỏa mãn được thách thức này.

Về bản chất, đây vốn là một hoàn cảnh để Đa-ni-ên có thể tôn cao Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, Đấng duy nhất có thể đoán biết được tương lai (Es 41:21-23). Bằng cách tạo ra một thử thách bất khả thi này, vô tình nhà vua đã đi theo kế hoạch của Đức Chúa Trời và mở đường cho Đa-ni-ên thực hiện điều mà những người cố vấn không thể làm. Vì biện hộ cho trường hợp của mình, nên “những người khôn ngoan”này cố gắng dùng những lời tâng bốc và hợp lý, nhưng điều họ nói chỉ càng làm cho nhà vua tức giận hơn, đến nỗi cuối cùng ông đã ra một chỉ dụ là tất cả “những người khôn ngoan” trong thành Ba-by-lôn phải bị giết.


Xuyên suốt lịch sử trong Kinh thánh, chúng ta bắt gặp những cơ hội Đức Chúa Trời vạch trần những kẻ ngu dại của thế gian này và sự giả dối của Sa-tan. Môi-se và A-rôn đã đánh bại các thuật sĩ của Ba-by-lôn và các thần của Ai-cập (Xu 7:1-12:50), và trên núi Cạt-mên Ê-li đã vạch trần sự giả dối của việc thờ thần Ba-anh (IVua 18:1-46). Giê-rê-mi đã đối chất với tiên tri giả Ha-na-nia và làm phơi bày sự gian ác của người (Gie 28:1-16), và Phao-lô đã vạch trần sự lừa dối của Ba-Giê-xu (Cong 13:1-12). Nhưng chính Chúa Giê-xu bằng đời sống, sự dạy dỗ, và sự chết chuộc tội của ngày đã tuyên bố rằng với Đức Chúa Trời sự khôn ngoan của đời này là “ngu dại” và điều đó bao gồm tất cả những sự huyễn hoặc và các tà giáo của nó (ICo 1:18 và những câu sau). Lời tuyên bố của những người cố vấn trong Da 2:10 đã loại bỏ giá trị của chiêm cùng các hình thức tiên tri khác của con người! Những lời ra từ miệng họ đã lên án những việc làm của họ!


3. Đức Chúa Trời tiết lộ bí mật (Da 2:14-23)

Chiếu chỉ của nhà vua phải được thi hành, do đó A-ri-ốc, quan coi đội bảo vệ nhà vua và người đứng đầu nhóm hành hình, đã tiến hành tập trung các “bác sĩ” của nhà vua lại và giết họ đi. Sa-tan đã thua một trận nhưng bây giờ hẳn hắn cố tìm cách để tìm kiếm chiếm thắng trong thất bại bằng cách làm cho Đa-ni-ên và ba bạn của ông bị giết. Kẻ Gian Ác đang sẵn sàng hy sinh tất cả các tiên tri giả của mình trong thành Ba-by-lôn nếu hắn có thể tiêu diệt được bốn trong số các tôi tớ trung tín của Đức Chúa Trời. Tôi tớ của Sa-tan có thể bị lợi dụng, nhưng Đức Giê-hô-va chăm sóc dân sự Ngài. Hãy xem Đức Giê-hô-va đã can thiệp và hoàn tất những mục đích của Ngài và chúc phước cho dân Ngài thể nào.


Sự trì hoãn đặc biệt (Da 2:14-16).

Khi A-ri-ốc đến để bắt Đa-ni-ên và ba bạn của người, họ đã sửng sốt khi nghe về chiếu chỉ của nhà vua. Vì là những người mới “tốt nghiệp”giữa vòng những người cố vấn của nhà vua, nên họ đã không được mời đến buổi chầu đặc biệt bàn về giấc chiêm bao. Đa-ni-ên đã nói với A-ri-ốc “với sự khôn ngoan và khéo léo” (bản NIV), như cách người đã từng nói với Át-bê-na và Mên-xa (Da 1:9-14; Co 4:5-6), và người đứng đầu nhóm hành hình đã giải thích vấn đề này đã nghiêm trọng như thế nào. Khi làm như vậy và trì hoãn việc thi hành án, A-ri-ốc đang liều mạng sống của chính mình, nhưng các quan trong triều thì đã từng biết được rằng bốn người Do-thái này là đáng tin cậy. Những hành động cùng lời lẽ tốt đẹp củ họ trong suốt ba năm họ được huấn luyện giờ đây đã giúp họ bảo vệ mạng sống mình.


A-ri-ốt đã cho Đa-ni-ên thời gian để diện kiến nhà vua, và hẳn nhà vua đã ngạc nhiên khi thấy ông. Rõ ràng lúc này cơn thịnh nộ của nhà vua đã nguôi và người đang sẵn sàng nhượng bộ. Cuối cùng, Đa-ni-ên vốn không có mặt trong buổi chầu trước đó, nên ông đã được ban cho một cơ hội để thực hiện những yêu cầu của nhà vua. Rõ rằng Nê-bu-cát-nết-sa đã nhớ lại rằng bốn người Hêbrơ này vốn là những học viên ngoại lệ và là những người xuất sắc trong số những người hiện có mạng sống đang bị đe doạ. Tại sao nhà vua lại giết bốn người cố vấn giỏi nhất của mình chỉ vì sự kém cỏi của những người khác? Bằng đức tin, Đa-ni-ên hứa sẽ cho vua biết về giấc mơ của mình và giải nghĩa nó, vì người biết Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời cầu xin.


Lời cầu nguyện bằng lòng tin (Da 2:17-19).

Xuyên suốt sách này, Đa-ni-ên và các bạn của ông đã được mô tả là những con người của đức tin và sự cầu nguyện (Da 6:9). Họ ở xa quê hương, nhưng bởi đức tin họ đã “hướng về” Giê-ru-sa-lem và đền thờ mà tuyên bố lời hứa của IVua 8:44-45. Đức Chúa Trời của thiên đàng [11] hẳn đã nghe những lời cầu nguyện của họ và đáp lời họ vì chính sự vinh hiển của Ngài.

Từ “điều bí mật” (raz) được dùng tám lần trong chương này và từ này tương đương với từ Hy-lạp mysterion (“điều huyền bí”), được dùng hai mươi tám lần trong Tân ước. Nó có nghĩa là “một chân lý bị dấu kín chỉ được tiết lộ cho người đã được dạy dỗ”. Đức Chúa Trời đã dấu lẽ thật tiên tri trong giấc mơ bà Ngài đã làm cho tôi tớ của Ngài biết được cả giấc chiêm bao lẫn cách giải nghĩa nó và hiểu được những kế hoạch của Đức Chúa Trời trong tương lai.

“Người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện thật có linh nghiệm nhiều” (Gia 5:16 NKJV). Lời ca ngợi đầy vui mừng (Da 2:20-23). Phản ứng đầu tiên của Đa-ni-ên là chúc ca tụng Đức Giê-hô-va vì đã nghe và đáp lời khẩn nguyện của họ. Họ cầu xin được sự khôn ngoan, Đức Chúa Trời đã ban cho (Gia 1:5), và cánh tay quyền năng của Ngài đã chặn đứng tiến trình hành quyết và cho bốn thanh niên này thì giờ cầu nguyện. “Các bác sĩ” ngoại giáo không thể hiểu được rằng sự hiện diện của người Hêbrơ ở Ba-by-lôn đã khiến cho họ được giải cứu. [12]. Đức Chúa Trời của thiên đàng cũng là Đức Chúa Trời của kịch sử, vì Ngài có thể lập và bỏ các thì đã được dành cho các vua và cho các quốc gia, đây chính là điều Nê-bu-cát-nết-sa đang lo lắng. Giấc chiêm bao này “mờ mịt”với nhà vua nhưng lại “sáng rõ” với Đa-ni-ên, không khác gì trụ mây ở giữa trại dân Y-sơ-ra-ên và người Ai-cập. (Xu 14:19-29). Đa-ni-ên đã nhắc đến ba bạn của ông trong bài ca ngợi của mình (Da 2:23), bởi vì họ đã cùng ông chia sẻ gánh nặng cầu nguyện. Sau đó ông hẳn đã chia sẻ sự tôn trọng cùng với họ và họ đã cùng ông giữ nhiệm vụ cao nhất trong thành Ba-by-lôn mà ông đã được giao phó.


Ngày nay khi dân sự Đức Chúa Trời đối diện với khủng hoảng, họ cần phải noi theo gương của Đa-ni-ên và các bạn ông và cầu nguyện dâng trình nan đề đó lên cho Đức Chúa Trời. Đức tin không chứa đựng mưu đố và đức tin mang lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Đa-ni-ên và các bạn ông đã không đòi hưởng lợi về những gì đã xảy ra vì những điều đó là do Đức Chúa Trời làm. “Torng ngày gian truân hãy kêu cầu cùng ta; Ta sẽ giải cứu ngươi và ngươi sẽ ngợi khen Ta” (Thi 50:15 NKJV). A.W. Tozer đã nói rằng, “Bất cứ điều gì Đức Chúa Trời làm được thì đức tin làm được và bất kỳ điều gì đức tin làm được thì sự cầu nguyện có thể làm được khi nó được dâng trình trong đức tin. Vì vậy, một lời mời đến với sự cầu nguyện là một lời mời đến với sự toàn năng, vì cầu nguyện thu hút sự chú ý của Đức Chúa Trời và khiến Ngài can dự vào những vấn đề của con người”. [13].


4. Đức Chúa Trời bày tỏ sự khôn ngoan và quyền năng (Da 2:24-45)

Một lần nữa chúng ta thấy được sự khôn ngoan và khéo léo của Đa-ni-ên khi người đi liền đến nhà của A-ri-ốc và đề nghị ông đừng tiêu diệt “các bác sĩ” vì cớ Đức Chúa Trời đã tiết lộ cho ông biết cả giấc chiêm bao lẫn cách giải nghĩa nó. Đa-ni-ên chưa từng nghe Bài Giảng Trên Núi, nhưng ông biết phải cư xử thế nào với kẻ thù mình và sẵn sàng giải cứu cho những cố vấn ngoại giáo này. Vì A-ri-ốc lo việc hành quyết, nên ông có thể ngưng lại tiến trình này và cứu mạng của tất cả những người làm cố vấn cho nhà vua tại thành Ba-by-lôn. Đa-ni-ên đã đồng ý cho A-ri-ốc đưa mình vào diện kiến nhà vua hầu người có thể nhận được một số bổng lộc. Câu “Tôi đã tìm được một người” (c.25) không đúng với sự thật, bởi vì chính Đa-ni-ên là người đã đến tìm A-ri-ốc; nhưng Đa-ni-ên không phải là loại người quan tâm về việc ai sẽ được thưởng miễn là Đức Chúa Trời được vinh hiển.


Để trả lời câu hỏi của nhà vua, Đa-ni-ên liền dâng mọi vinh hiển cho Đức Chúa Trời của thiên đàng, và qua điều này ông nhắc chúng ta nhớ đền Giô-sép khi người giải mộng cho Pha-ra-ôn (Sa 41:16).


Hẳn Nê-bu-cát-nết-sa đã kinh ngạc khi Đa-ni-ên nói với ông rằng người biết nhà vua đã lo lắng về tương lai của vương quốc mình trước khi người có giấc chiêm bao này. Giấc chiêm bao này là điều Đức Chúa Trời trả lời cho những lo lắng của ông, vì Đức Chúa Trời đã kết cục tương lai của các vương quốc Dân ngoại và thể nào đỉnh điểm trong lịch sử của Dân ngoại là sự xuất hiện của một vương quốc đời đời.


Cụm từ “những ngày sau rốt” (thời kỳ sau rốt”) rất thường gặp trong Kinh thánh, bắt đầu ở Sa 49:1 và kết thúc ở IIPhi 3:3. Chúa chúng ta đã báo hiệu “thời kỳ sau rốt” bằng sự chết, sự phục sinh và sự thăng thiên của Ngài (He 1:2 IPhi 1:20), nên chúng ta hiện đang sống trong thời kỳ đó, lúc Đức Chúa Trời “đang tỏ ra những điều kín nhiệm”. Đức Chúa Trời đã lên kế hoạch cho “những ngày sau rốt” của Y-sơ-ra-ên (Sa 49:1 Phu 31:29 Da 2:28), mà đỉnh điểm của nó là Đấng Mê-si sẽ trở lại thế gian và được dân sự Ngài đón nhận (Os 3:5 Mi 4:1 Gio 2:28-29). “Ngày sau rốt” đối với hội thánh bao gồm thời kỳ khó khăn (IITi 3:1), chịu sự gièm chê của nhiều người và có nhiều kẻ nổi lên nhạo báng và phủ nhận lẽ thật (IIPhi 3:1 và những câu sau); thời ký này sẽ chấm dứt vào lúc Chúa Cứu Thế cất hội thánh của Ngài về thiên đàng (ITe 4:13-18).


Hình ảnh vua Nê-bu-cát-nết-sa thấy trong chiêm bao mô tả điều Chúa Giê-xu gọi là “thời kỳ của Dân ngoại” (Lu 21:24), một thời kỳ bắt đầu từ năm 605 TC, lúc thành Giê-ru-sa-lem bị Nê-bu-cát-nết-sa và quân đội Ba-by-lôn chiếm. Giai đoạn này sẽ kết thúc khi Đấng Christ trở lại để lập vương quốc Ngài (Lu 21:25-28)[14] Suốt “thời kỳ Dân ngoại sẽ có bốn vương quốc nối tiếp nhau, mà đỉnh điểm là vương quốc thứ năm, vương quốc này sẽ phá hủy bốn vương quốc còn lại và tràn khắp đất. Vương quốc thứ năm này là vương quốc của Chúa Jêsus-Christ, Vua của các Vua và Chúa của các Chúa.


Giấc chiêm bao (Da 2:31-35). Trước tiênĐa-ni-ên kể cho vua nghe về những gì vua đã thấy trong chiêm bao, kế đến ông đã giải thích ý nghĩa của nó. Vua nhìn thấy một pho tượng lớn hình người, “pho tượng đó to lớn và rực rỡ lạ thường” (c.31 NIV), được kết cấu bằng năm loại chất liệu: vàng, bạc, đồng, sắt và đất sét. Bất ngờ có một hòn đá xuất hiện và va vào chân của pho tượng làm cho pho tượng vỡ ta từng mãnh và trở nên giống như rơm rác bị gió thổi đi. Sau đó hòn đá này thành ra một hòn núi lớn và đầy khắp đất. Khi được nghe lời mô tả chính xác này, nhà vua biết rằng Đa-ni-ên đang nói ra sự thật và những điều người nói hẳn là chân lý. Chỉ Đức Chúa Trời của thiên đàng Đấng đã ban giấc chiêm bao này mới có thể giúp tôi tớ Ngài biết và giải nghĩa được giấc mơ.


Ý nghĩa của giấc chiêm bao (Da 2:36-45) [15]


. Pho tượng lớn này đại diện cho bốn vương quốc của Dân ngoại:


*Chiếc đầu bằng vàng; Nê-bu-cát-nết-sa và vương quốc Ba-by-lôn (câu 37-38). Vương quốc này tồn tại từ năm 636 TC đến năm 539 TC. Giê-rê-mi đã gọi Ba-by-lôn là “chiếc cốc vàng trong tay Đức Giê-hô-va” (Gie 51:7).


*Ngực và cánh tay bằng bạc; Vương quốc Mê-đi-Ba-tư (539-330 TC). Đa-ri-út người MÊ-đi đã chinh phục Ba-by-lôn (Da 5:30-31).


*Bụng và vế bằng đồng; Vương quốc của người Hy-lạp (330-63TC). Alexander Đại đến đã thiết lập một đế chế có thể được xem là lớn nhất vào thời cổ đại. Ông qua đời vào năm 323 TC.


*Ống chân bằng sắt và bàn chân bằng sắt và đất sét; Đế quốc La-mã (63TC - 475 SC). Sắt tượng trưng cho sức mạnh, còn đất sét tượng trưng cho sự yếu kém. La-mã mạnh về luật pháp, tổ chức, và sức mạnh quân sự; nhưng đế quốc này đã chứa quá nhiều dân tộc khác nhau và điều này đã tạo ra sự yếu kém. “Dân này sẽ sống lẫn lộn với nhau, song không thể hiệp nhất đượ” (Da 2:43 NIV).


*Pho tượng này bị hủy phá; Chúa Jêsus-Christ là Hòn Đá, sẽ đến để xét đoán các kẻ thù của Ngài và thiết lập vương quốc toàn cầu của Ngài.


Dầu cách giải thích này đơn giản nhưng nó truyền đạt một số sứ điệp quan trọng và sâu sắc. Thứ nhất, nó cho thấy rằng Đức Chúa Trời đang điều khiển lịch sử. Ngài biết rõ tương lai vì Ngài lập ra tương lai. Điều này không có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ khiển trách những nhà lãnh đạo và các dân tộc về những điều ác họ đã làm, nhưng có ý nghĩa là Ngài có thể tể trị ngay cả trên sự gian ác của họ để hoàn tất những mục đích thánh của NGÀi. Đức Chúa Trời của thiên đàng đã ban cho Nê-bu-cát-nết-sa ngôi vị và khiến ông có thể đánh bại kẻ thù và mở mang vương quốc (c.37-38 Gie 27:1-21). Nhưng Đức Chúa Trời Đấng đã ban cho ông quyền thế cũng có thể lấy đi và Ngài đã làm (Gie 51:1-52:34). Nhà vua không biết triều đại của mình sẽ tồn tại được bao lâu, nhưng ông hiểu rằng một ngày nào đó nó cũng sẽ chấm dứt. Thực tế là Ba-by-lôn đã bị chinh phục bởi một nước mà Đa-ni-ên gọi là “nước kém hơn” (Da 2:39).


Thứ hai, giấc chiêm bao này cho thấy rằng những toan tính của con người lụi tàn khi thời gian trôi qua. Pho tượng lớn và đáng sợ này không chỉ đã thay đổi từ đầu đến chân -từ vàng thành đất sét- nhưng nó còn thay đổi về sức mạnh, cuối cùng kết thúc ở bàn chân được làm bằng vàng trộn với đất sét. Rõ là pho tượng này nặng ở phần đầu, vì trọng lượng nguyên tử của vàng gấp mười lần của đất sét, và của bạc thì nặng gấp năm lần của đất sét. Từ thời đại này sang thời đại khác, các dân tộc và các vương quốc xuất hiện với sức mạnh và sự vững vàng, nhưng chúng luôn phải đối diện với nguy cơ sụp đổ và tan tành. Hình ảnh Nê-bu-cát-nết-sa nhìn thấy đã làm ông sững sờ vì sự chói sáng của vàng, sắt, đồng, nhưng nó lại đang đứng trên đôi bàn chân gồm sắt và đất sét.


Khi chúng ta kiểm chứng lịch sử, một mặt chúng ta thấy sự tăng trưởng và cải thiện; nhưng khi đi sâu vào, chúng ta thấy tình trạng sa sút và suy tàn. Thoreau đã nói rằng nước Mỹ “đã cải thiện để đạt đến những cứu cánh không được cải thiện” và cũng có thể nói như vậy về các nước đang phát triển. Chúng ta có thể nói chuyện dể dàng với con người ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, những chúng ta có điều gì đó quan trọng để nói không? Chúng ta có thể di chuyển cách nhanh chóng từ nơi này sang nơi khác, nhưng chúng ta hầu như không có tiến bộ gì trong việc gảii quyết các vấn đề về chiến tranh, bạo lực, đói kém, và tự do. Trong khi chúng ta đang được an ủi bằng những điều làm cho cuộc sống hiện đại trở nên thoải mái và thú vị hơn –nhà đẹp, xe hơi và máy bay, thuốc men hữu hiệu, các dụng cụ điện tử -thì chúng phải thừa nhận rằng mỗi một điều trong số này thường làm nảy sinh những vấn đề mới cần được giải quyết.


Chân lý thứ ba đó là vào kỳ chung kết đời mọi vật sẽ khó gắn kết với nhau. Bàn chân của pho tượng này được làm bằng một hỗn hợp gồm sắt và đất sét. Sắt cứng và bền nhưng đất sét thì mềm và dễ vỡ vụn. Sắt trong pho tượng mang lại cho dáng vẻ bên ngoài của nó sức mạnh và sự chắc chắn nhưng đất sét thì ngược lại. Thực tế là đất sét đã cướp đi của sắt khả năng kết dính, vì bất kỳ chỗ nào sắt chạm phải đất sét thì tại chỗ đó có sự yếu kém. Xã hội ngày này đang được duy trì bằng những hiệp ước có thể bị phá vỡ, những lời hứa có thể bị phớt lờ và những truyền thống có thể bị quên lãng, những tổ chức có thể giải tán và những công ty mang lại lợi nhận có thể bị phá sản - tất cả đều là sắt trộn với đất sét!


Con người cũng chỉ là đất sét, vì Đức Chúa Trời đã khiến con người ra từ bụi đất. Dầu mỗi con người đều được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, nhưng tội lỗi cướp đi của chúng ta quyền cao trị mà Ngài đã ban cho chúng ta (Sa 1:26). Chúng ta vừa là người sáng tạo vừa là kẻ huỷ diệt, và dường như chúng ta thiên về sự huỷ diệt lẫn nhau và thế giới mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta bằng lòng nhân từ. Tâm điểm của mọi vấn đề chính là vấn đề ở tâm của con người đó là sự nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời.


Pho tượng này cho chúng ta thấy một chân lý thứ tư: Chúa Jêsus-Christ sẽ trở lại, tiêu diệt kẻ thù, và thiết lập vương quốc của Ngài. Hòn đá là hình ảnh thường gặp của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh, đặc biệt là của Đấng Mê-si, Chúa Jêsus-Christ Con Đức Chúa Trời (Thi 118:22 Es 8:14 Es 28:16 Mat 21:44 Cong 4:11 ICo 10:4 IPhi 2:4-8). Cụm từ “không có tay” được dùng trong Kinh thánh muốn nói đến “không bởi sức của con người” và đề cập đến một điều gì đó chỉ Đức Chúa Trời mới có thể làm được (Co 2:11 He 9:11,24). Dường như một ngày nào đó đế quốc La-mã sẽ trở lại và tồn tại cho đến khi tận thế và đạt đến cực điểm bằng sự cai trị của mười vua (Da 2:44 Da 7:24-27 Kh 17:3,12-18). Thế giới sẽ được giải cứu khỏi điều ác không phải bởi một tiến trình, mà là bởi một sự kiện đột ngột, đó là sự trở lại của Chúa Jêsus-Christ theo lời hứa. Bất kỳ những gì còn lại của bốn vương quốc ngoại giáo này, được truyền từ vương quốc sang vương quốc kế tiếp, đều sẽ bị phá hủy và trở nên như rơm rạ. Khi ấy Chúa Cứu Thế sẽ thiết lập vương quốc của Ngài và nó sẽ đầy khắp đất.


Khi chúng ta xem xét những chân lý này, hẳn chúng ta phải phản ứng với thái độ tin quyết một cách vui mừng, biết rằng Đức Chúa Trời đang điều khiển mọi sự và có một ngày Ngài sẽ cai trị trên đất này. Mặc dù dân sự Đức Chúa Trời nên làm tất cả những gì có thể để giảm bớt khổ sở và cho thế giới này được an toàn hơn và hạnh phúc hơn, nhưng niềm hy vọng của chúng ta không phải ở luật pháp, các liên minh chính trị, hay những cuộc vận động đạo đức. Niềm hy vọng của chúng ta là ở Đức Chúa Trời. Tấm lòng của con người cần được biến đổi nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, điều này có nghĩa là dân sự Đức Chúa Trời phải làm chứng nhân cho đến các đầu cùng đất. Vương quốc duy nhất còn tồn tại đến đời đời là vương quốc của Chúa Jêsus-Christ (Da 2:44), và những người duy nhất được làm cư dân của vương quốc đó là những người đã tin cậy Ngài và đã được tái sanh bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời (Gi 3:1-18).


Tất cả những điều này có ý nghĩa gì với Vua Nê-bu-cát-nết-sa khi người ngồi trên Ngai mình lắng nghe một chàng trai Do-thái trẻ tuổi giải thích về những điều kín nhiệm của Đức Chúa Trời? Một mặt, sứ điệp mà pho tượng này mang lại hẳn khiến ông phải khiêm nhường. Ấy chẳng phải Nê-bu-cát-nết-sa đã chinh phục được các dân tộc và các nước, mà là chính Đức Chúa Trời Đấng đã khiến ông làm được điều này và đã ban cho ông quyền cai trị. Đa-ni-ên đã nói, “Hỡi vua, vua là vua của các vua”. Vì Chúa trên trời đã ban nước, quyền, sức mạnh, và sự vinh hiển cho vua (Da 2:37). Than ôi, vị vuaa vĩ đại này đã quên đi bài học này và một ngày nọ ông đã lên tiếng nói rằng “đây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao cả ta, để làm đế đô ta, và làm sự vinh hiển oai nghi của ta sao? (Da 4:30 NKJV). Đức Chúa Trời đã làm cho ông phải khiêm nhường và khiến ông sống như thú vật cho đến khi ông học biết được rằng Đức Chúa Trời làm theo ý mình muốn (Da 4:35) và chỉ mình Ngài đáng được sự vinh hiển.


Qua việc tạo ra giấc chiêm bao và khiến Đa-ni-ên biết được giấc chiêm bao này và giải nghĩa nó, Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự khôn ngoan và quyền năng của Ngài. Đức Chúa Trời có sự khôn ngoan để lập chương trình cho các thời đại và có quyền năng để thực hiện những kế hoạch của Ngài. Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã cai trị từ năm 605 Tc đến năm 562 TC, nhưng Chúa Jêsus-Christ sẽ cai trị đời đời, vương quốc của Ngài sẽ không bao giờ kết thúc.


5. Đức Chúa Trời và các tôi tớ của Ngài (Da 2:46-49)

Là một người vô tín, Nê-bu-cát-nết-sa quá bàng hoàng trước những gì Đa-ni-ên đang bày tỏ đến mỗi ông xem Đa-ni-ên như một vị thần! Cornelius một viên quan La-mã cũng đã nhìn Phi-e-rơ giống như vậy (Cong 10:25-26), và Phao-lô cùng Ba-na-ba cũng được dân thành Lít-tra xem như những vị thần (Cong 14:8-18). Là một người Do-thái tận hiến, hẳn Đa-ni-ên ghê tở tất cả những lời nịnh hót này, nhưng ông hiểu rằng khó có thể cãi lại lệnh của nhà vua. Để tỏ lòng tôn kính Đa-ni-ên, nhà vua đã thừa nhận rõ ràng rằng Đức Chúa Trời của dân Hêbrơ thật vĩ đại hơn tất cả các thần khác. Nê-bu-cát-nết-sa chưa tiến được đến chỗ tin thờ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, nhưng đây đã một khởi đầu.


Những gì nhà vua phán và làm cũng đã được thông báo cho mọi người trong triều, đó là Đa-ni-ên cao trọng hơn tất cả những cố vấn người Ba-by-lôn’ là những người đã không giải được giấc chiêm bao, chỉ mình ông là giải nghĩa được. Và rồi tất cả những gì Đa-ni-ên và ba bạn của ông làm đã cứu được mạng sống của những người này!


Nhà vua đã giữ lời và thăng chức cho Đa-ni-ên với nhiều sự vinh hiển, như cách mà Pha-ra-ôn đã thăng chức cho Giô-sép tại Ai-cập (Sa 41:39-43). Ông đã lập Đa-ni-ên cai quản tỉnh Ba-by-lôn và theo như đề nghị của Đa-ni-ên, nhà vua cũng đã lập ba bạn của ông làm những người giúp đỡ ông trong chức vụ này. Họ được giao những chức vụ khác nhau trong tỉnh trong khi Đa-ni-ên vẫn ở tại triều đình và chầu nơi của vua, một nơi thể hiện uy quyền lớn (Da 2:49, bản NIV). Những gì ban đầu rất giống một thảm họa –bốn người tin kính Chúa bị giết - đã thành ra niềm hân hoan lớn; và Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên đã được vinh hiển tột bực.


3. ĐỨC TIN VÀ THỬ THÁCH TRONG LỬA (Da 3:1-30)

Ma quỷ luôn cám dỗ chúng ta đánh mất đức tin của mình, còn Đức Chúa Trời thử thách chúng ta để làm cho đức tin chúng ta lớn mạnh, bởi vì một đức tin không chịu thử thách thì không thể tin cậy được. Trong những giờ phút thử thách, đức tin giả thường tiêu tan, nhưng đức tin thật thường châm rễ sâu hơn, tăng trưởng và mang lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Điều này giải thích tại sao Đức Chúa Trời cho phép việc ba người Hêbrơ chịu thử thách và sau đó bị ném vào lò lửa hừng. Sứ đồ Phi-e-rơ hẳn đã rất quen thuộc sách Đa-ni-ên, bởi vì ông đã dùng hình ảnh ẩn dụ về “lò lửa thử thách” khi khuyến cáo độc giả của mình về những sự bắt bớ sắp xảy đến với hội thánh (IPhi 1:7 IPhi 4:12). [16]


Kinh nghiệm của ba người này giúp chúng ta kiểm chứng đức tin của chính mình và xác định có phải chúng ta đang có được tin đích thực, có thể chịu thử nghiệm và mang lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời.


1 Đức tin thật gặp thách thức (Da 3:1-12)

Chúng ta không biết được bao lâu kể từ đêm Nê-bu-cát-nết-sa nằm mộng về pho tượng bằng kim loại (Da 2:1-49) cho đến cái ngày ông ra lệnh cho mọi người dân phải cúi lạy trước bức tượng bằng vàng mà ông làm ra. Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự kiện được mô tả trong Đa-ni-ên 3 phải xảy ra sau sự kiện Đa-ni-ên và các ban ông được thăng chức hai mươi năm, vào khoảng thời gian thành Giê-ru-sa-lem bị huỷ phá hoàn toàn (586TC).


Tấm lòng của nhà vua (Da 3:1-3). Khi Đa-ni-ên giải thích ý nghĩa của những phần kế tiếp nhau của pho tượng lớn này, ông cho biết Nê-bu-cát-nết-sa chính là cái đầu bằng vàng (Da 2:38), và có lẽ đây là điều đã túc đẩy nhà vua làm một bức tượng bằng vàng. Không hài lòng khi chỉ là một cái đầu bằng vàng, ông và vương quốc của mình phải được tượng trưng bằng cả một bức tượng bằng vàng. Rõ ràng có sự kiêu ngạo trong việc làm táo bạo này. Đa-ni-ên đã trình bày rõ rằng sẽ không có vương quốc nào còn lại, kể cả vương quốc của Nê-bu-cát-nết-sa vĩ đại. Nhà vua đầy lòng kiêu hãnh vì những gì mình chinh phục được, nhưng bên cạnh sự kiêu hãnh đó là nỗi lo sợ và quan ngại cho chính mình và vương quốc rộng lớn của mình. Ông muốn biết chắc rằng dân sự của ông trung thành với ông và sẽ không có bạo loạn.


Vàng trong cả vương quốc của ông không đủ để làm được một bức tượng vững chắc chiều cao người chín phút và chiều ngang chín phút, nên có lẽ bức tượng này đã được bàng bằng gỗ và giát vàng (Es 40:19 Es 41:7 Gie 10:3-9). Nhưng hẳn người ta đã phải kinh sợ khi nhìn thấy hình tượng bằng vàng này đang sừng sững tại đồng Đu-ra, một địa điểm có lẽ cách thành Ba-by-lôn sáu dặm. (“Du-ra” đơn giảm chỉ có nghĩa là “một nơi có tường bao bọc”, và ở Ba-by-lôn cổ có rất nhiều nơi mang tên gọi này). Và trong khu vực này cũng có một lò lửa mà người ta thường bị ném vào đó nếu không qùi lạy trước bức tượng và thừa nhận quyền tối cao của vua Nê-bu-cát-nết-sa. Nê-bu-cát-nết-sa dự định hiệp nhất vương quốc của mình bằng tôn giáo và sự kinh sợ. Người dân phải chọn lựa hoặc quỳ lạy trước bức tượng đó và thờ phượng hoặc bị ném vào lò và bị thiêu chết.


Nhà vua đã phái các sứ giả chính thức đi đến tất cả các tỉnh của đế quốc mình, ra lệnh cho các quan viên tập trung lại để dự lễ khánh thành bức tượng vàng vĩ đại này. Tám quan viên khác nhau đã được kể tên (Da 3:2-3) và hẳn họ đại diện cho những người còn lại ở nhà. Các vương tử (phó vương) là những viên quan lớn nhất coi về hành chánh trong tỉnh, trong khi các quan trấn thủ có thể là những người hỗ trợ cho họ (hay là những viên tướng trong quân đội). Công tước cai quản những vùng nhỏ hơn trong tỉnh, và quan đề hình là những người tư vấn cho họ. Thủ kho có trách nhiệm như các thủ kho ngày nay, và nghị viên là những chuyên gia về luật pháp. Quản đốc là những quan đề hình và quan hành chánh địa phương, quản đốc là những viên quan giữ những vai trò khác nhau trong tỉnh. Một cấp bật khác nhau đều có người đại diện và tất cả những người này đều phải có mặt.


Nhưng buổi lễ này hơn hẳn một cuộc họp về chính trị; nó là một buổi lễ về tôn giáo, có âm nhạc, và nó đòi hỏi sự cam kết hoàn toàn từ phía người thờ lạy. [17]. Xin lưu ý là từ “thờ lạy” được dùng ít nhất là mười một lần trong đoạn này. Nê-bu-cát-nết-sa đã khôn ngoan khi sử dụng nhạc khí, bởi vì nó có thể lay động cảm xúc của con người và khiến ông dễ dàng có thể lôi kéo họ và khiến họ thuận phục và vâng theo mình.Xuyên suốt lịch sử, âm nhạc và bài ca đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố tinh thần dân tộc, thúc dục chiến đấu và khiến con người có cảm hứng để hành động. Âm nhạc có sức mạnh để thu hút suy nghĩ và tình cảm của con người đến nỗi làm cho cho con người từ chỗ là những con người tự do trở thành những con rối khôn hơn không kém. William Congreave một nhà thơ người Anh đã từng viết, “âm nhạc có sự lôi cuốn để làm dịu một tấm lòng tức giận, ” nhưng âm nhạc cũng có sức mạnh để truyền sự tức giận vào tấm lòng”. Âm nhạc có thể được sử dụng như một công cụ tuyệt vời từ Đức Chúa Trời hay như một vũ khí hủy diệt từ Sa-tan.


Tấm lòng của dân sự (Da 3:4-7). Sử giả của nhà vua không đề nghị trưng cầu ý dân, Ông chỉ nói với dân chúng rằng vấn đề sắp diễn ra đây là một vấn đề sống còn. Trong tiếng nhạc, họ phải quỳ lạy trước bức tuợng hoặc họ phải chết. Nhưng đám đông mê tín này đã quen thhờ phượng nhiều nam thần và nữ thần, nên đây là một mệnh lệnh dễ tuân theo, đặc biệt là khi xét đến những hậu quả của nó. Sự khác nhau của người tín đồ thật và người khôn tin không phải là ở sự hiện diện của đức tin, bởi vì ai cũng phải sống bằng lòng tin vào một điều gì đó. Sự khác nhau ở đây chính là đối tượng của đức tin ấy. Đám đông đã tin lời của sứ giả này và nhà vua, vì thế họ đã vâng lời. Còn ba người Hêbrơ tin vào điều rằng của Đức Chúa Trời, nên họ đã không vâng theo. Đám đông có một đức tin do nhẹ dạ, còn những người Do-thái này đã có đức tin chắc chắn.


William James, nhà triết học và tâm lý học đã nói rằng, “đức tin là một trong những động lực mà bởi đó con người sống”, và ông đã đúng. Con người đã hành động bằng đức tin khi họ bước vào thang máy, gọi thức ăn ở hiệu ăn, lái xe trên đường cao tốc, và nói lời hôn ước. Các tín đồ Cơ đốc thường sống bằng đức tin nơi Đức Chúa Trời hằng sống và những gì Ngài đã tiết lộ trong Lời của Ngài. Đám đông lớn gồm những người Ba-by-lôn, những người bị lưu đày, và những người đại diện từ các tỉnh đều tuân theo chiếu chỉ của nhà vua và làm theo điều mà những người khác đang làm. Họ quan niệm rằng “rốt lại, tất cả chúng tôi phải sống! ” Có hàng ngàn người Do-thái ở Ba-by-lôn, và họ được đại diện bởi Sa-dơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô. Nếu như họ lạy trước hình tượng, thì tất cả những người Do-thái sẽ noi theo!


Cuộc họp này của “những người thờ lạy” đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn cảnh ngộ của con người trong thế giới hiện nay, những người không biết đến Chúa Jêsus-Christ của chúng ta.Họ mù quáng bắt chước theo đám đông và xây dựng đời sống mình trên những điều sai lầm và vô ích. Chỉ quan tâm đến sự sống còn, họ đã làm hầu như bất kỳ điều gì để có thể thoát khỏi nguy hiểm và sự chết, thậm chí cả việc bán mình làm nô lệ cho con người và cho những sự huyễn hoặc mà họ sáng lập ra. Đó chính là triết lý của ma quỷ, “Lấy da đền da! Phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng sống mình. (Giop 2:4 NIV). Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của người tín đồ Cơ-đốc, là những người tin Gi 12:24-26.


Tấm lòng của ba người Do-thái này (Da 3:8-12). Nhưng trong đám đông lớn này còn có ba người đứng thẳng khi những người khác quỳ lạy. Đức tin của họ đặt nơi Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật và nơi Lời mà Ngài đã phán cùng dân tộc của họ. Vì biết được lịch sử của người Do-thái nên họ tin chắc rằng Đức Giê-hô-va đang điều khiển nên họ không có gì phải sợ hãi. Tiên tri Ê-sai đã từng viết, “Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi. Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về ta, Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi” (Es 43:1-2 NKJV). Đức tin có nghĩa là vâng lời Đức Chúa Trời bất chấp những cản xúc trong bạn, những hoàn cảnh quanh bạn, hay những hậu quả trước mắt bạn.


Thật khó có thể tái dựng tính lô-gíc của sự kiện này, nhưng dường như Vua Nê-bu-cát-nết-sa và các bác sĩ của ông (“những người Canh-đê”) không ở chung chỗ khi xem sự kiện này, và nhà vua không yêu cầu họ phải cùng tham gia thờ lạy với đám đông. Họ có thể khẳng định lòng trung thành của mình cách cá nhân và hẳn tham dự thờ lạy với “đám người hỗn tạp” là điều sỉ nhục cho họ. Từ khi ba người Hêbrơ giữ những chức vụ trong tỉnh (Da 2:49), họ phải có mặt tại đó; nhưng chúng ta không biết họ đứng ở chỗ nào. [18].


Rõ ràng vua Nê-bu-cát-nết-sa không thấy được họ nhưng những người Canh-đê này thì thấy họ;thực tế là những con người gian ác này rõ ràng đã theo dõi và chờ thời cơ để buộc tội những người nước ngoài này, những được đã được thăng chức cao hơn tất cả những người Ba-by-lôn. Chúng ta không biết đây có phải là nhóm bác sĩ đã từng ru rẩy khi nghe Đa-ni-ên giải nghĩa giấc chiêm bao của nhà vua, mà nếu đúng, thì họ đã chóng quên rằng những “người nước ngoài” này đã từng cứu mạng sống họ.


Đức tin thật không sợ hãi trước những sự đe doạ, áp lực của đám đông, ảnh hưởng của những nghi lễ mê tín. Đức tin thật vâng lời Đức Giê-hô-va và tin cậy Ngài sẽ dẫu cho hậu quả ra sao. Ba người Do-thái này biết luật pháp của Đức Chúa Trời “Trước mặt Ta ngươi chớ có các thần khác . . . . Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cùng đừng hầu việc chúng nó” (Xu 20:3-5 NKJV). Một khi Đức Chúa Trời đã phán về vấn đề gì, thì vấn đề đó đã được thiết lập và không còn bàn luận hay cần phải dàn xếp gì cả. Chỉ cần quì lạy một lần trước bức tượng, thì họ dù họ có đưa ra lý do gì để bào chữa thì điều đó cũng vẫn hủy hoại việc làm chứng nhân của họ và phá vỡ mối thông công của họ với Đức Chúa Trời. Thì của động từ Hy-lạp trong Mat 4:9 đã cho thấy rằng Sa-tan đã đề nghị Chúa Giê-xu chỉ cần thờ lạy mình một lần, và Đấng Cứu Chuộc đã khước từ. Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô hẳn đã không thờ lạy trước bức tượng này dù chỉ một lần bởi vì điều này có thể sẽ đưa họ đến chỗ phục vụ cho những tà thần của vua Nê-bu-cát-nết-sa suốt quãng đời còn lại của họ.


2. Đức tin thật xưng nhận Đức Giê-hô-va (Da 3:13-18)

Một lần nữa chúng ta thấy nhà vua trong cơn giận dữ (c.13,19 Da 2:12). Ông đã chinh phục nhiều thành phố và đất nước, nhưng ông lại không thể thắng hơn chính mình. “Người chậm nóng giận thắng hơn người dõng sĩ; và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành” (Ch 16:32 NIV). Nhưng ba viên quan người Hêbrơ thì điềm tĩnh và tỏ vẻ kính cẩn. “Hãy thường thường sẵn sàn để trả lời mọi kẻ hỏi về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ” (IPhi 3:15)


Nhà vua hẳn đã có sự tôn trọng đặc biệt đối với những người này và việc họ đã làm trong vương quốc mình, bởi vì ông đã cho họ có thêm một cơ hội để tuân theo những mạng lệnh của ông. Có lẽ ông đã quên rằng ông đã từng gọi Đức Chúa Trời của họ là “Chúa của các chúa, Vua của các vua” (Da 2:47 NKJV), bởi vì ông đã kiêu ngạo hỏi rằng “Rồi thần nào sẽ giải cứu các ngươi khỏi tay ta?” (Da 3:15 Xu 5:2) Rõ ràng ông đã tự xưng mình là một vị thần! Chỉ trong một thời gian ngắn ông đã chịu khiêm nhường và phải tuyên xưng rằng Đức Chúa Trời của người Hêbrơ là “Đức Chúa Trời Chí Cao” và không một ai được phép nhạo báng danh Ngài.


Hẳn ba người này có thể thỏa hiệp với nhà vua và bảo vệ cho sự không vâng lời của mình bằng cách biện luận rằng, “những người khác cũng đang làm như vậy, ” hay chức vụ của chúng tôi đòi hỏi chúng tôi phải vâng lệnh, ” hay “chúng tôi sẽ quì gối nhưng chúng tôi sẽ không phục”. Họ cũng có thể nói rằng, “Chúng tôi sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp cho dân sự mình bằng cách làm những viên quan trong triều của vua hơn là làm tro bụi trong lò lửa của nhà vua.” Nhưng đức tin thật không tìm kiếm khe hở để tránh né, mà đơn giản là vâng lời Đức Chúa Trời và biết rằng Ngài sẽ làm điều tốt nhất. Đức tin căn cứ trên các điều răn và lời hứa hơn là trên những thỏa thuận và lời giải thích.


Lúc kẻ thù hoạt động thường là lúc có được cơ hội, đặc biệt là khi dân sự Đức Chúa Trời đang bị bắt bớ vì cớ đức tin của mình. “và vì cớ ta, sẽ đứng trước mặt các quan tổng đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ” (Mac 13:9). Ba người Do-thái can đảm này không quan tâm đến chính mình, cũng không sợ hãi ngọn lửa của nhà vua. Điều họ quan tâm duy nhất là vâng lời Đức Giê-hô-va và làm một nhân chứng trung tín cho tất cải những ai đag theo dõi và lắng nghe. Họ bày tỏ thái độ cung kính và họ chỉ nói ít và lời nói của họ được cân nhắc kỹ lưỡng.


“Không cần chi chúng tôi tâu lại cho vua” (Da 3:16) có nghĩa là, “chúng tôi không biện hộ cho chính mình hay Đức Chúa Trời của mình, vì Đức Chúa Trời của chúng tôi sẽ biện hộ cho chính Ngài và chúng tôi” Họ đã không chút mảy may lo lắng! Hẳn dân sự Đức Chúa Trời thật kiêu ngạo khi nghĩ rằng họ phải biện hộ cho Đức Chúa Trời, bởi vì Đức Chúa Trời hoàn toàn có khả năng để biện hộ cho chính mình và che chở dân sự của Ngài. Nhiệm vụ của chúng ta là vâng lời Đức Chúa Trời và tin cậy Ngài, và Ngài sẽ làm những gì còn lại. “Nầy, Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi tôi; tôi sẽ tin cậy và không sợ hãi: vì Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va là sức mạnh của tôi, lời ca tụng của tôi; Ngài sẽ nên sự cứu rỗi tôi” (Es 12:2). Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô là những con người của đức tin chứ không phải của sự giả định. Phải chăng họ đã khẳng định được rằng Đức Chúa Trời sẽ giải cứu họ, đó hẳn là một sự giả định, bởi vì họ thật sự không biết được ý chỉ của Đức Chúa Trời cho hoàn cảnh họ đang đối diện. Thay vì vậy, họ đã tuyên bố rằng Đức Chúa Trời có khả năng để giải cứu họ, nhưng ngay cả khi Ngài không làm điều đó thì họ vẫn không quỳ lạy trước bức tượng bằng vàng của nhà vua. Những người có một thứ giống như “đức tin thương mại” thường phát biểu rằng, “Chúng tôi sẽ vâng lời Đức Chúa Trời nếu Ngài ban thưởng cho chúng tôi vì đã làm những điều đó.”Một lần nữa, nó là triết lý của ma qủi về sự thờ phượng: “Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy” (Mat 4:9 NKJV Giop 1:9-12). Trong chức vụ chăn bầy của mình, tôi nghe người ta hứa hẹn với Đức Chúa Trời hầu cho họ có thể “thuyết phục” Ngài chữa lành họ hay thay đổi hoàn cảnh của họ. Nhưng đó không phải là tin nơi Đức Chúa Trời, mà là mặc cả với Đức Chúa Trời. Đức tin thật cưng nhận Đức Giê-hô-va và vâng lời Ngài mặc cho hoàn cảnh như thế nào. Ngày những ngày đầu của họ ở Ba-by-lôn, Đa-ni-ên và ba bạn của ông đã quyết định không để bị đồng hóa, và Đức Giê-hô-va đã giúp họ duy trì được sự xác quyết đó.


He 11:1-40 đã liệt kê tên và việc làm của những người nam người nữ vĩ đại của đức tin, trong đó có cả ba người Do-thái này (He 11:34), nhưng ở câu 36, tác giả nói “có những kẻ khác” và sau đó liệt kê những người dường như đã phải chịu thiệt thòi vì cớ đức tin của mình (c. 36-40). Từ ngữ Hy-lạp có nghĩa là những người thuộc một trường hợp khác”, đó là, những người có đức tin nhưng lại không thấy Đức Chúa Trời những làm phép lạ mà Ngài đã từng làm cho những người được kể ở ba mươi lăm câu đầu. Đức Chúa Trời luôn ban thưởng cho đức tin nhưng không phải lúc nào Ngài cũng can thiệp và bày tỏ những phép lạ đặc biệt. Không phải mọi người cầu xin đều được chữa lành, nhưng Đức Chúa Trời luôn ban sức mạnh để họ chịu được đau đớn và ban ân điển để đối diện với cai chết mà không sợ hãi. Ba người Hêbrơ này tin rằng Đức Chúa Trời có thể giải cứu họ, nhưng nếu Ngài không làm điều đó thì họ vẫn tin cậy Ngài. Đó là đức tin mà đời sống chúng ta cần phải có. (Ha 3:17-19).


3. Đức tin thật làm kẻ thù bối rối (Da 3:19-25)

Sự tức giận của nhà vua một lần nữa đã thắng được ông -những con người kiêu ngạo không thích có kẻ không chịu vâng lời- và ông đã ra lệnh ném ba người Do-thái này vào lò lửa hừng. Ông đã rút lại những gì mình đã rộng lượng ban cho, nên họ phải gánh chịu những hậu quả. Trong khi trước đó, nhà vua từng rất thân thiện với họ và quan tâm đến việc cứu họ, thì giờ đây ông lại kiên quyết tiêu diệt họ. Cuối cùng thì những người cố vấn trong triều cũng đã trút được sự thù hận của họ lên những người Do-thái bị lưu đày, những người đã tràn vào địa phận của họ và được giao những chức vụ vốn thuộc về những người Canh-đê.


Lò này thường được dùng để nấu quặng. Đỉnh của nó có một miệng rộng, qua lối này chất đốt và những bình đầy quặng được đặt vào trong lửa, và ở đáy có một cánh cửa để lấy kim loại thành phẩm ra. Một lỗ ở tường lò có thể giúp người luyện kim kiểm tra tiến trình công việc của họ, và họ có thể dùng các ống bể thổi vào những cái lỗ ở tường để thúc lửa cháy mạnh hơn. Cái lò này đủ rộng để bón người đi lại trong đó. Đây chính là cái lò mà Nê-bu-cát-nết-sa đạ ném bốn người Do-thái trung tín vào. Dường như cái chết là điều chắc chắn cho những người đã từ chối vâng lệnh vua này.


Sự giận dữ của nhà vua hẵn đã ảnh hưởng đến tâm trí của ông, vì cách tốt nhất để hình phạt những người này không phải là làm cho nhiệt độ lò tăng lên mà là hạ nó xuống. Một ngọn lửa nóng sẽ nhanh chóng giết chết họ và thiêu rụi họ, nhưng một nhiệt độ thấp sẽ khiến cho họ bị đau đớn kinh khiếp trước khi chết. Tuy nhiên, những điều này chẳng khác gì nhau vì họ không hề bị bị lửa chạm đến! Khi nhà vua nhìn vào lò lửa, ông thấy thọ vẫn sống, không bị trói, và có một người thứ tư đang ở cùng họ! Nhà vua nghĩ rằng đó là một thiên sứ, người trôg giốn như “một con trai của các thần” (c.25,28 NIV), nhưng người thứ tư trong lò lửa này là Chúa Jêsus-Christ với một trong những dung mạo của Ngài trong thời Cựu ước trước khi nhập thể (Es 43:2 Thi 91:9-12). Họ đang bước đi như thể họ đang ở trong cung điện chứ không phải trong lò lửa! Những chiếc áo quần mà ba người ngày đã được mặc vào là những thứ duy nhất bị dính lửa. Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô thật đã có thể giải cứu họ!


Ba người này đã từ chối vâng lệnh nhà vua quì lạy trước hình tượng, nhưng khi nhà vua truyền lệnh cho họ ra khỏi lò lửa, họ lập tức vâng lời. Họ là những phép lạ đang tồn tại và họ muốn rằng mọi người biết được điều Đức Chúa Trời vĩ đại của họ đã làm. Không chỉ toàn bộ thân thể và đầu tóc của những người này không bị cháy xém, mà thậm chí cả áo quần của họ cũng không có mùi lửa cháy. Các vị quan khác trong lễ khánh thành này đã chứng kiến điều kỳ diệu này (Da 3:27) và rõ ràng họ đã kể lại điều này đi trở về nhà. Câu chuyện thật kỳ lạ! Các viên quan hẳn đã không dám bàn tán vào lúc đó, vì họ sợ làm nhà vua nổi giận. Nhưng vua Nê-bu-cát-nết-sa đã nói (câu 28)! Ông đã khẳng định (1) quyền năng của Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, (2) sự hữu hiệu của đức tin đặt nơi Ngài, và (3) sự tận hiến đặt biệt của ba người Do-thái này, họ đã dâng thân thể của họ cho Đức Chúa Trời chân thật chứ không phải cho tà thần của nhà vua (Ro 12:1-2). Bằng một hành động bằng đức tin, ba người Do-thái này đã trở thành những nhân chứng cho Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống cho toàn Đế quốc Ba-by-lôn!


4. Đức tin thật xác chứng lời hứa (Da 3:26-30)

Tại sao Đức Giê-hô-va lại đề cập câu chuyện này trong Kinh thánh Cựu ước? Nó cũng có cùng lý do với việc Ngài đã gồm tóm những câu chuyện về “những từng trải về đức tin” của Áp-ra-ham, Môi-se, Giô-suê, Đa-vít, và các nhà tiên tri: để khích lệ dân sự Đức Chúa Trời trong trận chiến của họ chống lại thế gian, xác thịt và ma quỉ. “Và mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy” (Ro 15:4 NKJV).


Sự khích lệ trong thời Đa-ni-ên. Sự việc hẳn đã không tồi tệ cho dân Do-thái như họ đã phải chịu trong suốt khoảng thời gian bảy mươi năm phu tù tại Ba-by-lôn. Xứ của họ bị tàn phá, đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem bị đổ nát, dân sự hoặc bị tản lạc giữa vòng Dân ngoại hoặc ở trong vòng xiềng xích tại Ba-by-lôn. Hoàn cảnh lúc bấy giờ trông thật vô vọng. Các vị tiên tri đã tiên báo về ngày mà dân Do-thái trở về quê hương của họ và xây lại thành phố và đền thờ, nhưng trước mắt họ phải chịu đựng sỉ nhục và sự khốn khổ của cảnh lưu đày.


Kinh nghiệm của Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô hẳn đã khích lệ rất nhiều cho những người Do-thái trung tín và giúp cho những người Do-thái đang thỏa hiệp với kẻ thù nhận thức được tội lỗi của họ. Ba người này đã gửi đến cho dân sự của họ một sứ điệp đầy tính thuyết phục: Giê-hô-va Đức Chúa Trời vẫn đang cai trị trên ngôi, Ngài đã không bỏ rơi chúng ta, và có một ngày Ngài sẽ làm ứng nghiệm những điều Ngài hứa cùng dân sự mình. Ngài đã hứa sẽ ở với họ trong lò lửa hoạn nạn nếu họ tin cậy Ngài và vâng theo ý chỉ của Ngài. Về sau, khi số dân sót này trở về quên hương, câu chuyện về lò lửa hừng hẳn sẽ giúp đỡ họ vượt qua những tháng năm khó khăn và bị trì hoãn.


Sự khích lệ cho thời chúng ta. Nơi bạn và tôi sống có lẻ cuộc sống tương đối an toàn và thoải mái, nhưng ở những vùng khác trên thế giới, dân sự Đức Chúa Trời đang phải trả một giá đắt để có thể làm chứng và sống vượt trên thế gian. Ngày qua ngày, họ lại nghe sứ giả rao rằng, “Hảy quỳ lạy trước bức tượng! Mọi người đều đang làm điều đó! ” Trong thư tín thứ nhất của mình, Phi-e-rơ đã khuyến cáo hội thánh rằng “thử thách như tửa hừng” sắp sửa diễn ra, và chắc chắn họ đã nhớ những gì đã xảy ra đối với ba người Do-thái này trong thời vua Nê-bu-cát-nết-sa. Chúng ta được cho biết rằng trong thế kỷ hai mươi có nhiều người tuận đạo vì cớ Chúa Cứu Thế hơn bất kỳ thế kỷ nào trước đó. Không phải tất cả tín đồ đều phải liều mạng sống mình trong lò lửa, nhưng họ đã liều mạng sống để tìm cách làm chứng cho Chúa Cứu Thế và thực hiện bằng tất cả sức lực của mình. “Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mũ triều thiên của sự sống” (Kh 2:10 NKJV).


Khi chúng ta tiến dần về ngày tận thế, lò lửa hoạn nạn sẽ còn nóng hơn gấp nhiều lần và áp lực thỏa hiệp sẽ càng mạnh mẽ hơn. Dân sự Đức Chúa Trời cần phải có nhiều ân điển, lời cầu nguyện, sự can đảm, và đức tin để đứng thẳng vì cớ Chúa Cứu Thế trong khi những người khác đang quì gối trước các thần tượng của thế gian này. Sách Đa-ni-ên là một nguồn động viên lớn bởi vì nó nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời che chở cho dân sự Ngài và tôn vinh họ khi họ sống đúng với Ngài. “Ai tôn kính ta, ta sẽ làm cho được tôn trọng” (ISa 2:30).


Sự khích lệ trong tương lai. Các sự kiện trong Đa-ni-ên đoạn 3 nhắc chúng at về những lời tiên tri được tìm thấy trong sách Khải huyền, đặc biệt là chương 13 và 14. Một ngày nào đó, vị lãnh đạo thế giới giống như Nê-bu-cát-nết-sa (“Con Thú”) sẽ xuất hiện, người này sẽ cho dựng tượng của chính mình [19] và sẽ bắt buộc tất cả mọi người trên thế giới phải thờ phượng mình. Những người vâng lệnh sẽ được ban cho một dấu đặc biệt trên tráng hoặc trên tay, và dấu này sẽ là hộ chiếu để họ được sống và làm việc. Còn những ai không chịu vâng lời sẽ bị bắt bớ và nhiều người trong số này sẽ bị giết (Kh 13:4,7,12,15). Nhưng Đức Giê-hô-va sẽ giữ lại cho chính Ngài 144,000 người Do-thái mà Con Thú này không thể đụng đến, và họ sẽ vượt qua được thời kỳ đại nạn này để cai trị trong vương quốc của Đấng Mê-si.


Khi nghiên cứu thêm, chúng ta sẽ thấy rằng sách Đa-ni-ên có một nội dung đặc biệt về “thời kỳ cuối cùng” (Da 12:4) và thấy rằng những lời tiên tri của ông sẽ soi sáng và khích lệ người tin Chúa sống trong những ngày cuối cùng khó khăn đó (Mat 24:15). Dù những người cai trị của thế gian này trở nên bạo ngược như thếnào đi nữa hay họ có đốt cho lò nóng đến đâu, Đức Chúa Trời cũng sẽ ở cùng dân sự Ngài khi họ trong lò lửa, và cuối cùng sẽ đánh bại kẻ thù của họ và thiết lập vương quốc của Ngài.


4. HỌC BIẾT BẰNG PHƯƠNG CÁCH KHÓ KHĂN (Da 4:1-37)

Trong Kinh thánh đây là một phân đoạn đáng lưu ý bởi vì nó là một tài liệu mang tính tự thuật chính thức, được vua Nê-bu-cát-nết-sa thực hiện và phân phát khắp vương quốc rộng lớn của người. [20]


Quả thật việc vua Nê-bu-cát-nết-sa thừa nhận công khai tính kiên ngạo của mình, tình trạng điên dại tạm thời cùng cách cư xử cục xúc của mình, sau đó ông dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên vì đã cho ông hồi phục, là một điều hết sức đặc biệt. Ông đã khó khăn lắm mới học được một bài học quan trọng cũng giống như con người ngày nay đang học điều đó cách khó khăn: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, và tánh tự cao đi trước sự sa ngã” (Ch 16:18).


Trong sự việc đặc biệt đầy kịch tính này có năm hồi.


1. Bối rối: Giấc chiêm bao của nhà vua (Da 4:4-18)

[21]. Một số nhà nghiên cứu cho rằng hai mươi hoặc ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi có ccâu chuyện lò lửa hừng được mô tả ở chương 3 cho đến khi có những sự kiện trong chương này. Vào thời điểm này, vua Nê-bu-cát-nết-sa đang tận hưởng sự yên bình. Sau khi đã đánh bại tất cả những kẻ thù của mình, và hoàn tất nhiều công trình xây dựng đồ sộ, cuối cùng ông đã có thể nghỉ ngơi ở nhà và vui thú với những gì đã đạt được.Nê-bu-cát-nết-sa nghĩ rằng ông là người đã xây dựng nên “Ba-by-lôn lớn” và đã kiến tạo nên hoà bình và sự thịnh vượng của nó, nhưng chẳng bao lâu sau đó ông đã học biết được rằng tất cả những điều này đều bởi ý muốn của Đức Chúa Trời Chí Cao cho phép.


Một lần nữa bởi ân điển của mình, Đức Chúa Trời đã dùng một giấc chiêm bao để truyền đạt một sứ điệp quan trọng cho vuaa Nê-bu-cát-nết-sa. Trong giấc chiêm bao (Da 2:1-49) đầu tiên của mình, nhà vua đã thấy một pho tượng lớn bằng kim loại, mà trong đó ông chính là cái đầu bằng vàng, nhưng trong giấc chiêm bao này, ông nhìn thấy một cây lớn sum xuê [22] trên đó một bầy thú và chim trời đang ăn và làm tổ. Ông nghe tiếng một thiên sứ truyền rằng cái cây đó phải bị đốn ngã, cành lá nó bị cắt bỏ, trái của nó rơi vung vãi và gốc nó bị quấn quanh bằng sắt và đồng. Sau đó có lệnh từ một thiên sứ truyền rằng một ai đó sẽ phải sống như một con thú trong “bảy lần” và sau đó được hồi phục. Sau giấc chiêm bao thứ nhất- về pho tượng lớn- vua Nê-bu-cát-nết-sa bị bối rối (Da 2:3), nhưng sau giấc chiêm bao thứ hai này, ông đã hoảng sợ (Da 4:5 NIV). Ông đã triệu tập những người thông thái của mình và yêu cầu họ giải nghĩa giấc chiêm bao này, nhưng họ không thể giải được, nên ông đã cho gọi Đa-ni-ên. Sau khi biết được về giấc chiêm bao thứ nhất, lúc những người thông thái đã thất bại quá thảm hại, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ rằng vua Nê-bu-cát-nết-sa sẽ phớt lờ với các bác sĩ của mình mà cho gọi Đa-ni-ên ngay.Nhưng dường như trong phần thuật lại của cả hai giấc chiêm bao này, Đa-ni-ên không ở chung chỗ với những người thông thái này, dù là ông là “người xuất sắc nhất trong các thuật sĩ” (c.9). Đức Giê-hô-va muốn nhắc chúng ta nhớ rằng sự khôn ngoan của thế gian này không mang lại ích lợi và chỉ Ngài mới có thể ban cho một sự hiểu biết đích thực về tương lai.


Nê-bu-cát-nết-sa đã từng đổi tên Đa-ni-ên thành Bên-tơ-xát-sa, tên này có nghĩa là “Bên bảo vệ sự sống của người” (c.8,19 Da 1:7). Bên (Maduk) là một trong những vị thần mà nhà vua tôn kính. Thực tế là nhà vua đã dùng cả tên Hêbrơ và tên mới của Đa-ni-ên trong tài liệu này, điều này cho thấy trải qua nhiều năm nhà vua đã trở nên quí mến Đa-ni-ên và không còn cư xử với ông như một kẻ bị lưu đày ngày nào. Nhà vua nhận ra rằng “linh của các thần” ở trong Đa-ni-ên và đã ban cho người sự khôn ngoan và sự hềiu biết đặc biệt. [23]


Nhà vua đã mô tả giấc chiêm bao của mình cho Đa-ni-ên: sự to lớn của cái cây (lưu ý sự lặp lại của chữ “mọi” trong những câu 11-12), những lời gây hoảng sợ của thiên sứ, việc một người bị đổi thành ra một con thú, và lời khẳng định của vị thiên sứ rằng tất cả những điều này là bởi lệnh của Đức Chúa Trời Chí Cao. Giấc chiêm bao được ban cho để dạy về một bài học quan trọng: “Đấng Rất Cao cai trị trong nước của loài người; ngài muốm ban cho ai tùy ý, và lập kẻ rất hèn hạ trong loài người lên đó” (c.17, bản NIV). Đức Chúa Trời nhìn thấy sự kiêu ngạo trong lòng của Nê-bu-cát-nết-sa và sắp sửa xử lý đềiu đó. Nhà vua có thể ra những chiếu chỉ (Da 2:13,15 Da 3:10,29 Da 6:7-10,12-13,15,26), nhưng đây là những mạng lệnh đến từ ngai của thiên đàng cai trị các sự kiện trên đất (Da 4:17,24 Da 9:24-27). “Đức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các từng trời, Nước Ngài cai trị trên muôn vật” (Thi 103:19 NIV).


2. Giải nghĩa: Mối nguy hiểm của nhà vua (Da 4:19-26)

Sau khi nghe mô tả về giấc chiêm bao, Đa-ni-ên sững sờ bối rối, và nhà vua có thể thấy được tình trạng túng túng trên gương mặt của anh ta. [24] Những suy nghĩ của Đa-ni-ên bị rối rắm vì ông nhìn thấy điều sắp diễn ra cho một quốc vương thành công. Ông đã tế nhị chuẩn bị cho nhà vua tinh thần để đón tin xấu bằng cách nói rằng ông ước gì giấc chiêm bao này nói về những kẻ thù của nhà vua chứ không phải nhà vua. (IISa 18:32) Chúng ta có ấn tượng rằng Đa-ni-ên đã đặc biệt quan tâm đến vị quốc vương này, và vì họ đã cùng nhau lo lắng cho những vấn đề của Ba-by-lôn, nên ông đã tìm cách để giới thiệu Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật cho nhà vua.


Trước đó nhiều năm, Đa-ni-ên đã tuyên bố với Nê-bu-cát-nết-sa rằng, “Vua là cái đầu bằng vàng này” (Da 2:38 NKJV); và bây giờ ông lạy tuyên bố, “Hỡi vua, ấy là chính mình vua” (Da 4:22 NKJV). Trong Kinh thánh, cây cối thường được dùng để tượng trưng cho quyền thế chính trị, chẳng hạn như vua chúa, các quốc gia, các đế quốc (Exe 17:31 Os 14 Xa 11:1-2 Lu 23:31). Với sự vua giúp của Đấng Chú cao và bởi mạng lệnh của Ngài, Nê-bu-cát-nết-sa đã xây dựng được một đế quốc rộng lớn làm nơi cư ngụ cho nhiều quốc gia và nhiều dân tộc. Ông đã cai trị một vương quốc vĩ đại, một vương quốc hùng mạnh, và là một vương quốc mà quyền thế của vua đã đến đầu cùng đất” (Da 4:22).


Nhưng nhà vua cho rằng mình đã lập nên những công trạng này và ông đang ở trong tình trạng hết sức nguy hiểm bởi vì lòng ông ngày càng trở nên kiêu ngạo. Nhà vua đã học biết từ giấc chiêm bao rằng Đức Chúa Trời Chí Cao cai trị trong vương quốc của loài người và không một ngôi vị nào ở trần gian này được vững chắc.Một ngày nào đó vương quốc Ba-by-lôn sẽ chấm dứt và Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một vương quốc khác thế chỗ nó. Trong tình tiết của câu chuyện lò lửa hừng, Nê-bu-cát-nết-sa đã chứng kiến một phép lạ bảo vệ ba người Hêbrơ trung tín, và ông đã ra sắc lệnh rằng không một ai được nói xấu Đức Chúa Trời vĩ đại của họ (Da 3:29). Nhưng giờ đây Nê-bu-cát-nết-sa sắp phải đối diện Đức Chúa Trời Chí Cao này và nhận sự kỷ luật nghiêm khắc của chính Ngài.


Hình ảnh cái cây bị đốn và bị chặt nhánh tượng trưng cho việc vua Nê-bu-cát-nết-sa bị sỉ nhục và bị truất khỏi ngôi, nhưng gốc cây còn lại là một lời hứa rằng một ngày nào đó ông sẽ được trở lại cai trị. [25] Hình ảnh gốc cây bị cột ngụ ý rằng ông được Đức Chúa Trời chú ý và được Ngài bảo vệ cho đến khi những mục đích Ngài thực hiện nơi ông được hoàn tất. Những năm sau đó, hẳn Đa-ni-ên đã kể cho Bên-xát-sa cháu của Nê-bu-cát-nết-sa rằng ông của người đã từng sống với lừa rừng (Da 5:21). [26]


Bài học lớn mà Đức Chúa Trời muốn nhà vua học- và chúng ta phải học ngày hôm nay- chính là chỉ Đức Chúa Trời là Đấng cai trị và sẽ không cho phép con người hay chết chiếm đoạt quyền cai trị của Ngài hay kể những việc Ngài đã làm là do công trạng của của họ. Chúng ta chỉ là loài thọ tạo, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa; chúng ta chỉ là tôi tớ, còn Ngài là Vua của Các Vua. Khi một người nào đó không chịu phục tùng Đức Chúa Trời như một loài thọ tạo được dựng theo hình ảnh của Ngài, thì họ đang ở trong nguy cơ bị hạ xuống mức loài vật. Điều đáng lưu ý là Đức Chúa Trời đã dùng loài vật khi Ngài muốn mô tả những vương quốc vĩ đại trong lịch sử (Da 7:1-28), và kẻ cuối cùng có quyền hành tuyệt đối của thế gian này được gọi là “con thú” (Kh 11:7 Kh 13:1 và những câu sau Kh 14:9,11 v..v..)


Mỗi con người được dựng nên theo ảnh tương của Đức Chúa Trời, nhưng khi họ loại bỏ Đức Chúa Trời ra khỏi cuộc sống của mình và chống lại ý muốn của Ngài, họ có thể đã tự làm cho mình ngang hàng với thú vật. Vua Đa-vít khuyến cáo rằng, “chớ như con ngựa và con la”, ông là người đã từng phạm tội vì đã hành động như cả hai loài này (Thi 32:9 NKJV). Như một chú ngựa bất kham, ông đã lao vào tội lỗi lúc phạm tội tà dâm với Bát-sê-ba, và sau đó như một con la cứng đầu, ông trì hoãn việc xưng ra tội lội mình và ăn năn (IISa 11:1-12:31). Khi Chúa Cứu Thế chặng Sau-lơ người Tạt-sơ trên đườig Đa-mách, ông đã so sánh thầy dạy luật đạo đức giả với một con bò cứng đầu khi người nói, “kháng cự lại loài dê thật khó cho ngươi thay” (Cong 9:5 NKJV).


3. Lời khuyên bảo: Quyết định của nhà vua (Da 4:27)

Đa-ni-ên kết thúc phần giải thích tiên tri này bằng lời khuyên để vâng theo và khuyến dục nhà vua hãy từ bỏ tội lỗi mình và hãy hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời (c. 27). Không như một số nhà giảng đạo khác, Đa-ni-ên không tách rời lẽ thật với trách nhiệm.Có một từ “vậy nên” trong sứ điệp của ông. Tôi đã tham dự nhiều hội nghị về các sách tiên tri và nghe được cách giải nghĩa và một số lời suy đoán, nhưng không thường được nghe về những ứng dụng thực tế và mang tính cá nhân. Một số diễn giả đã nói nhiều về những điều mà Đức Chúa Trời có thể sẽ làm trong tương lai, nhưng họ lại nói rất ít về những gì Ngài mong muốn nơi dân sự Ngài trong hiện tại. Sự hiểu biết về kế hoạch của Đức Chúa Trời thường nấy trên người nghe trách nhiệm làm theo ý muốn của Ngài. Nghe và hiểu lời Đức Chúa Trời nhưng không làm theo tức là lừa dối chính mình bằng suy nghĩ mình đã trưởng thành về thuộc linh, trong khi thực tế là chúng ta đã thối lui (Gia 1:22-27).


William Culbertson, chủ tịch viện Kinh thánh Moody, đã nói rằng, “chúng ta có thể nói một cách hết sức liếng thoắn về sự trở lại của Chúa chúng ta và việc Chúa Cứu Thế ngồi phán xét, ”. Bạn không thể hiểu được lẽ thật của giáo lý về sự trở lại của Chúa Jêsus-Christ cho đến khi giáo lý đo dằm thắm bạn và ảnh hưởng đến lối sống của bạn như Kinh thánh đã nói”. [27]. Lời nhắc nhở của Phi-e-rơ trong IIPhi 3:11-18 đã giải thích cách các Cơ-đốc nhân cư xử khi họ thật sự tin Đức Giê-hô-va sẽ trở lại.


Vào thời xưa, vị quân vương của Phương Đông đã thi hành thẩm quyền tối cao và là người có quyền sinh sát. Đn biết rằng nhà vua có tính bạo lực (Da 2:12 Da 3:19) và biết rằng mình đang bước trên một con đường nguy hiểm vì ông đã chỉ tỏ cho nhà vua những tội lỗi của người; nhưng một tiên tri trung tín thì phải tuyên bố Lời của Đức Chúa Trời và giao hậu quả cho Đức Chúa Trời. Môi-se đã học được điều đó trong triều đình Pha-ra-ôn, và Na-than cũng đã học được trong triều đình của Đa-vít khi ông nói với nhà vua rằng “Vua chính là người đó! ” (IISa 12:7 NKJV) Ê-li đã dạn dĩ đối diện với vị vua gian ác A-háp và Hoàng hậu Giê-sa-bên (IVua 18:17 và những câu sau), Ê-sai đã quở trách Ê-xê-chai (Es 39:1-8) và Giăng Báp-tít đã đề nghị Vua Hê-rốt chấm dứt mối quan hệ tội lỗi với Hê-rô-đia (Mac 6:14-29). Các nhà giảng đạo sửa đổi sứ điệp của họ để làm hài lòng người nghe sẽ không bao giờ hưởng được phước hạnh của Đức Chúa Trời.


Không giống với những nhà cai trị Do-thái, là những người có nhiệm vụ phải đến gần với dân sự của mình và phục vụ họ với tư cách là những người chăn, các vị vua phương Đông đã sống cách biệt trong sự sang trọng và chỉ nghe những lời suôi tai. Là một người giữ chức vụ cao trong xứ, Đa-ni-ên biết được rằng Nê-bu-cát-nết-sa đã không quan tâm đến người nghèo khó hay tỏ lòng thương xót đến những người đang gặp khó khăn. Đa-ni-ên cũng biết rằng có bao nhiêu lần trong Luật Môi-se Đức Giê-hô-va đã nói chính mình là Đấng chăm sóc và bảo vệ cho kẻ nghèo, người khách lạ, và những người bị hà hiếp. Có lẽ vua Nê-bu-cát-nết-sa đã từng đục khoét của dân sự để theo đuổi những hkế hoạch xây dựng các dinh thự rộng lớn của mình, và tiền của đáng lý để giúp đỡ cho người nghèo thì lại được dùng để đáp ứng cho những tham muốn ích kỷ của vị vua kiêu ngạo này. “Vua nào theo sự chân thật mà xét đoán kẻ nghèo khổ, ngôi người sẽ được vững bền đời đời” (Ch 29:14 NIV), còn Nê-bu-cát-nết-sa thì sắp sửa đánh mất ngôi vị của mình.


Đa-ni-ên đang kêu gọi ăn năn. Ông muốn nhà vu thay đổi suy nghĩ của mình, thừa nhận tội lỗi mình và từ bỏ chúng, và đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, Đức Chúa Trời Chí Cao của dân Hêbrơ. Nê-bu-cát-nết-sa biết Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên đủ để biết những điều Đa-ni-ên đang nói là sự thật, nhưng ông đã không thực hiện theo. [28] Nhà vua đang bỏ qua cơ hội tốt để làm lại một khởi đầu mới và phục tùng ý muốn của Đức Chúa Trời Chí Cao. Ông đã có quyết định sai lầm.


4. Hổ thẹn: Nhà vua bị kỷ luật (Da 4:28-33)

“Hết thảy những sự đó đều đến cho vua Nê-bu-cát-nết-sa” (c.28), bởi vì không bao giờ Lời của Đức Chúa Trời không làm trọn được những mục đích của nó. [29] Đức Chúa Trời đã nhân từ ban cho nhà vua trọn một năm hầu để ông lưu tâm đến sự khuyến cáo của Ngài mà ăn năn tội lỗi mình, nhưng nhà vua đã không chịu phục tùng. Sự kiêu ngạo đã chiếm hữu lòng ông đến nỗi ông không thể đầu phục Đức Chúa Trời Chí Cao.“Bởi chẳng thi hành ngay án phạt những việc ác, nên lòng con loài người chuyên làm đều ác” (Tr 8:11 NKJV). Trong thời của Nô-ê, Đức Chúa Trời đã kiên nhẫn cho đợi và ban cho cư dân trên đất 120 năm để từ bỏ tội lỗi mình, nhưng họ đã khước từ (IPhi 3:20 Sa 6:3). Ngài đã ban cho thành Giê-ru-sa-lem hầu như bốn mươi năm ân điển sau khi các lãnh tụ tôn giáo đóng đinh Đấng Cứu Thế của họ, và sau đó người La-mã đã đến và hủy phá thành cùng đền thờ. Hãy thử nghĩ Ngài đã dai dẳng chịu đựng thế giới tội lỗi hiện tại này như thế nào! (IIPhi 3:9).


Có lẽ Nê-bu-cát-nết-sa đang bước đi trên nóc nhà rộng lớn của cung điện mình, nhìn ngắm khắp thành phố lớn khi ông thốt lên những lời tai họa được ghi lại trong Da 4:30. [30] Có một điều chắc chắn là: ông đang bước đi trong sự kiêu ngạo (c.37), và kiêu ngạo là một trong những tội lỗi mà Đức Chúa Trời gớm ghét (Ch 6:16 và những câu sau). “Khi sự kiêu ngạo đến, sỉ nhục cũng đến nữa; nhưng sự khôn ngoan vẫn ở với người khiêm nhượng” (Ch 11:2 NKJV). “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gia 4:6 NKJV Ch 3:34 IPhi 5:5). Chính sự kiêu ngạo đã biến thiên sứ Lucifer thành ma quỉ (Es 14:12-15), và chính sự kiêu ngạo đã đưa đến sự sa ngã của Vua Ô-xia (IISu 26:16-21).


Một tiếng nói uy nghiêm từ trời đã ngăn những dòng tư tưởng tự cao tự đại của nhà vua và tuyên bố rằng: thời gian quản chế đã mãn và sự hình phạt sắp được giáng xuống. Chúng ta không thể nào biết được khi nào tiếng của Đức Chúa Trời phán hay tay của Ngài chạm đến đời sống của chúng ta. Dù đó là tiếng đã gọi Môi-se tại Ma-đi-an (Xu 3:1-22), việc phái Ghi-đê-ôn lãnh đạo đội quân (Cac 6:1-40), cơ hội để Đ-vit giết người khổng lồ (ISa 17:1-58), những lời kêu gọi bốn ngư phủ từ bỏ mọi sự để theo Chúa Cứu Thế (Mat 4:18-22), hay là lời khuyến cáo sự sống sắp đến hồi kết thúc (Lu 12:16-21), thì Đức Chúa Trời vẫn có toàn quyền can thiệp vào đời sống của chúng ta và phán với chúng ta. Những điều nhà vua biết được qua lời Đa-ni-ên giải nghĩa giấc chiêm bao, giờ đây ông được nghe phán xuống từ trời! “Loài người chẳng hiểu biết thời thế của mình” (Tr 9:12).


Đức Chúa Trời kiên nhẫn chịu đựng tội nhân, những khi đến thời điểm Ngài hành động, thì không có sự trì hoãn. Khi Nê-bu-cát-nết-sa còn đang nói thì mọi việc đã bắt đầu thay đổi. Lòng ông đã trở nên như lòng của thú vật (Da 4:16) và từ hoàng cung ông đã bị đuổi ra sống nơi đồng hoang với loài thú. Từ khi con người này có lòng hung ác như thú vật, nên Đức Chúa Trời đã để cho bản chất thú vật của ông được bộc lộ tự do. Có thể là Đa-ni-ên và các đại quan khác đã cai quản triều chính trong khoảng thời gian nhà vua chịu bảy năm kỷ luật, cho nên khi nhà vua trở lại cai trị, ông thấy mọi việc đều rất tốt đẹp. Chính điều này là một bằng chứng sống động cho Nê-bu-cát-nết-sa về ân điển của Đức Chúa Trời và sự trung thành của Đa-ni-ên. Phần ký thuật này không tiết lộ số dân thường đã biết được sự đoán phạt này. Người ta cho rằng các quan trong triều đã nhốt nhà vua trong ngự hoa viên và không để công chúng nhìn thấy, nhưng Da 5:21 cho biết rằng ông bị tẩy chay khỏi loài người và phải sống với loài lừa rừng. Lòng và tâm trí ông, thậm chí thân thể ông, đã trở nên như loài thú trong bảy năm. [31]


Hẳn Đức Chúa Trời có thể hủy diệt cả nhà vua và vương quốc của ông, nhưng Ngài vẫn còn những mục đích cầp phải làm trọn cho dân sự Ngài và cho Đa-ni-ên tiên tri của Ngài. Hơn nữa, Đức Chúa Trời muốn nhà vua nói cho toàn đế quốc biết điều Ngài đã làm cho ông để danh Ngài được vinh hiển giữa các nước. Làm một ngọn đèn giữa Dân ngoại là đặc quyền mà cũng là trách nhiệm của dân Y-sơ-ra-ên (Es 42:6 Es 49:6), nhưng họ đã thất bại cách thảm thương và bắt đầu tập theo sự tối tăm của các dân tộc ngoại bang. Vì thế, Đức Chúa Trời đã dùng một vị vua ngoại bang để làm vinh hiển danh Ngài!


5. Phục hồi: Nhà vua được giải cứu (Da 4:1-3,34-37)

Phần tự thuật lại được thực hiện trở lại ở câu 34, vì khi bảy năm này đã kết thúc, như điều Đức Chúa Trời đã hứa, Nê-bu-cát-nết-sa đưọơc giải cứu khỏi hoạn nạn, được phục hổi trí khôn và đời sống bình thường của con người. Lúc bấy giờ nhà vua mới bắt đầu hướng về Đức Chúa Trời, với cả đức tin và sự đầu phục. “Tôi ngước mắt lên hướng cùng Ngài, hỡi Đấng ngự trên các từng trời” (Thi 23:1 NIV). “Hỡi các ngươi hết thảy ở các nơi đầu cùng đất, hãy nhìn xem Ta và được cứu! ” (Es 45:22). Một số nhà nghiên cứu tin rằng Nê-bu-cát-nết-sa đã trải qua một sự biến đổi về thuộc linh, và lời chứng của ông trong những phân đoạn này dường như đã ủng hộ điều đó. Chúng ta không có ý kiến gì về điều nhà vua đã học được về Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên qua Đa-ni-ên trải nhiều năm liền, nhưng giờ đây hạt giống đã cho quả.


Điều nhà vua làm trước tiên đó là ngợi khen Đức Giê-hô-va (Da 4:34-35). Đây hẳn là một bản tóm tắt súc tích về thần học của Kinh thánh, và ở đây sự thờ phượng được bày tỏ lý thú làm sao! Thần học và lời khen ngợi tuỳ thuộc vào nhau (Ro 11:33-36), vì những kinh nghiệm thuộc linh không đặt nền tảng trên lẽ thật chỉ là sự mê tín. Đức Chúa Trời của dân Hêbơrơ là Đức Chúa Trời Chí Cao. Vương quốc của Nê-bu-cát-nết-sa giới hạn, nhưng vương quốc của Đức Chúa Trời bao gồm mọi vật ở thiên đàng và trần gian. Một ngày nào đó Ba-by-lôn sẽ sụp đổ và nhường chỗ cho đế quốc khác, nhưng vương quốc của Đức Chúa Trời sẽ tồn tại mãi mãi. Không điều gì có thể hủy phá vương quốc của Ngài hoặc làm thất bại những mục đích của Ngài.


Nhiều năm trước đó, nhà vua đã cho mình là một nhân vật vĩ đại và vương quốc của mình là một vương quốc lớn, nhưng giờ đây ông đã có quan điểm khác. “Hết thảy dân cư trên đất đều cầm như là không có” (Da 4:35a) và hẳn bao gồm cả nhà vua nữa! Có lẽ Đa-ni-ên đã trưng dẫn cho nhà vua lời của tiên tri Ê-sai: “Kìa, các dân tộc khác nào một giọt nước nhỏ trong thùng, và kể như là một mày bụi rơi trên cân . . . . Ấy là Đấng ngự trên vòng trái đất này, các dân cư trên đất như cào cào vậy” (Es 40:15,22).


Nhà vua thừa nhận quyền tối cao của Đức Chúa Trời (Da 4:35b), đó là bài học quan trọng mà Đức Chúa Trời muốn ông học qua từng trải khó khăn này (c.17,25,32). Thật tồi tệ khi giáo lý tuyệt vời này của Kinh thánh đã bị những người nghiên cứu Kinh thánh không chuyên phỉ báng và giải nghĩa sai, bởi vì sự hiểu biết về quyền tối cao của Đức Chúa Trời sẽ giúp cho người tin Chúa có sự xác quyết, sức mạnh, sự an lòng, và sự tận hiến mà làm sản sinh ra đức tin và sự tự do. Kinh thánh dạy cả về quyền tối cao của Đức Chúa Trời và bổn phận của con người, và khi bạn chấp nhận cả hai điều này, thì không hề có sự bất đồng hay xung đột. Không có con người nào tự do bằng người tín đồ đã đầu phục ý muốn tối cao của Đức Chúa Trời. Phớt lờ quyền tối cao của Đức Chúa Trời tức là tôn cao trách nhiệm của con người và khiến con người trở thành cứu chúa của chính mình, nhưng khước từ trách nhiệm tức là biến con người trở thành một cỗ máy không có trách nhiệm giải trình. Kinh thánh đã cung cấp một sự cân bằng tuyệt vời vừa tôn vinh Đức Chúa Trời đồng thời có thể giúp cho dân sự của Ngài sống vui mừng và đắc thắng dù hoàn cảnh có ra sao (Cong 4:23-31 Ro 8:31-39).


Bởi vì Đức Chúa Trời là tối cao, nên Ngài có thể làm điều Ngài lấy làm hài lòng và không ai có thể ngăn cản hoặc yêu cầu Ngài giải thích (Ro 9:14-23). Lòng của tội nhân nổi loạn với chính ý tưởng của một Đức Chúa Trời tối cao, vì lòng con người muốnđược “tự do” khỏi mọi sự kiểm soát. Tội nhân thường nghĩ rằng họ đang “tự do”và không nhận thức được rằng họ đang chịu sự trói buộc của bản chất sa ngã của mình và của quyền lực của Sa-tan và thế gian này. Charles Spurgeon đã rất cân nhắc trong thuyết thần học của mình, và ông đã nói rằng:


Hầu hết con người đều bất hòa với sự tối cao của Đức Chúa Trời.


Nhưng hãy lưu ý, điều mà bạn thường phàn nàn với Đức Chúa Trời chính là điều bản thân bạn yêu chuộng.Ai cũng thích cảm giác mình có quyền làm theo ý riêng. Tất cả chúng ta đều thích làm những vị quốc vương nhỏ bé. Ôi, ước gì có một tâm thần luôn thuận phục trước quyền tối cao của Đức Chúa Trời. [32].


Đức Chúa Trời Chí Cao quá khôn ngoan và quyền năng đến nỗi Ngài có thể ra lệnh cho tạo vật của Ngài được tự do quyết định và thậm chí bất tuân ý chỉ Ngài đã phán ra, và rồi Ngài vẫn có thể hoàn tất những mục đích thánh của Ngài trên thế gian này. “Được tự do là ước muốn của con người bởi vì Đức Chúa Trời nắm quyền tối cao, đây là lời của A.W. Tozer, ông không phải là một người thuộc trường phái của Ca-vin đã quy đạo. “Một Đức Chúa Trời ít quyền năng hơn không thể ban sự tự do về đạo đức cho tạo vật của Ngài. Hẳn Ngài sẽ e ngại khi làm như vậy” [33]


Đầu phục quyền tối cao của Đức Chúa Trời không hề làm Nê-bu-cát-nết-sa thiết mất bất kỳ điều gì của con người; thực tế là sự cưng nhận này đã biến đổi ông từ đời sống như thú vật thành đời sống như một con người!


Cuối cùng, Nê-bu-cát-nết-sa đã rao ra cho mọi dân những lời chứng đầy vui mừng về ân điển diệu kỳ của Đức Chúa Trời (Da 4:1-3). Khi nói về những từng trải chính thức của mình, ở phần mở đầu nhà vua đã ca tụng sự dấu lạ quyền năng của Ngài và vương quốc đời đời của Ngài, và ông đã dạn dĩ tuyên bố rằng Đức Chúa Trời đã làm những dấu lạ và sự lạ lớn lao đối cùng ông. Thật khác biết bao với những gì Pha-ra-ôn đã phản ứng trước những điều Đức Chúa Trời đã làm ra ở Ai-cập! Thay vì vâng theo lời của Đức Chúa Trời đã được Môi-se truyền lại, pha-ra-ôn nhìn xem quyền năng của Đức Chúa Trời bày tỏ qua những nạn dịch và vận tiếp tục chống cự Đức Chúa Trời. Ông đã kiêu ngạo tuyên bố, “Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người, để cho dân Y-sơ-ra-ên đi? Trẫm chẳng biết Giê-hô-va nào hết; cũng chẳng cho dân Y-sơ-ra-ên đi nữa” (Xu 5:2). Kết quả sự chống đối của ông là đất nước của ông bị tàn phá, hàng ngàn người phải chết, và dân Y-sơ-ra-ên vẫn được giải cứu bởi năng quyền của Ngài! Khi con người không để cho Đức Chúa Trời cai trị, thì Ngài tể trị và làm trọn những mục đích thánh của Ngài vì vinh hiển của Ngài.


Kết quả của kinh nghiệm “biến đổi” này ra sao? Đức Chúa Trời không chỉ phục hồi lý trí của nhà vua và loại bỏ lòng và tâm trí của loài thú khỏi ông, mà Ngài còn phục hội cho nhà vui sự tôn trọng và sự huy hoàng và ban ngôi nước lại cho ông! Ông đã làm chứng rằng ông “càng được quyền thế hơn trước đây” (Da 4:36). Nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa (Ro 5:20). Thay vì khoe khoang về những thành tựu của mình, Nê-bu-cát-nết-sa đã nói rằng, “Bay giờ, ta, Nê-bu-cát-nết-sa, ngợi khen, tôn vinh và làm cả sáng Vua trên trời” (Da 4:37).


Ông đã kết thúc phần trình bày trịnh trọng của mình bằng một lời khuyến cáo dựa trên những bài học mà Đức Giê-hô-va đã dạy ông: “Kẻ nào bước đi kiêu ngạo, ngài có thể hạ nó xuống” (c.37). Thế giới ngày nay không cho kiêu ngạo là một tội lỗi xấu xa và nguy hiểm, mà thay vào đó còn vận dụng những lời xu nịnh và phóng đại, cũng như đề cao lời lẽ cũng như công việc của “những con người thành công” của thời đại. Một số người trong số này đã đánh mất phẩm chất đạo đức, nhưng khi nào họ còn thành công, họ vẫn nhận được sự chú ý đông đảo qua phương tiện thông tin đại chúng.Sẽ có một ngày Đức Giê-hô-va đến trong sự đoán xét, và Ngài đã hứa rằng, “Ta sẽ phạt thế gian vì sự độc ác nó, phạt kẻ dữ vì tội lỗi chúng nó, làm cho kẻ kiêu hết kiêu, hạ sự tự cao của kẻ bại ngược” (Es 13:11).


Cứu Chúa của chúng ta đã phán những lời sau cùng rằng, “Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên” (Mat 23:12).


5. BỊ ĐẾM, BỊ CÂN, VÀ BỊ LOẠI (Da 5:1-31)

Nhiều người chỉ biết một ít hay hầu như không biết gì về người Ba-by-lôn, bữa tiệc của Bê-xát-sa, hay những lời tiên tri của Đa-ni-ên thường dùng cụm từ “viết tay lên tường”.Cụm từ trên có nguồn gốc từ đoạn này (c. 5) và thông báo về sự đoán phạt đã định. Bên-xát-sa, những người vợ và các cung nữ của ông, và một ngàn vị khách tiếng tăm đang dự tiệc thì bên ngoài cổng thành quân đội của người Mê-đi và Ba-tư đang đợi, sẵn sàng xông vào. Thành Ba-by-lôn khoe khoang rằng không ai có thể đánh chiếm được nó, và rằng nó có đủ lương thực dự trữ để nuôi sống dân thành trong hai mươi năm. Nhưng Đức Giê-hô-va phán rằng thì giờ của Ba-by-lôn đã điểm. “Đức Giê-hô-va làm bại mưu các nước; Khiến những tư tưởng của các dân tộc ra hư không; Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời, ý tưởng của lòng Ngài còn đời này sang đời kia” (Thi 33:10-11). Dù có thế nào, ý định của Đức Chúa Trời vẫn sẽ được thực hiện.


Chúng ta sẽ nhìn xem những người có liên quan trong câu chuyện này để biết họ liên quan ra sao đến chương trình của Đức Chúa Trời.


1. Bên-xát-sa (Da 5:1-4)

Vua Nê-bu-cát-nết-sa vĩ đại đã qua đời vào năm 562 TC và con trai ông là Evil-Mê-rô-đác đã lên kế vị, người này chỉ cai trị được trong hai năm. Anh rể của ông là Neriglissar đã giết ông vào năm 560, đoạt ngôi vua, và cai trị được bốn năm. Sau đó một kẻ cai trị bù nhìn yếu đuối (Labashi-Marduk) đã nắm quyền cai trị trong hai tháng, và cuối cùng Nabonidus đã trở thành vua và cai trị từ năm 556 đến năm 539, Các sử gia cho rằng Nabonidus đã kết hôn với con gái của Nê-bu-cát-nết-sa và là cha của Bên-xát-sa. Nabonidus đã cai trị Đế quốc Ba-by-lôn, còn Bên-xát-sa, con trai ông thì nhiếp chính và cai trị thành Ba-by-lôn. [34].


Sự vui thú (Da 5:1). Các bạo chúa Đông Phương thường rất thích với mở những yến tiệc và phô trưng sự giàu có và sa hoa của họ (Et 1:1-22). Các nhà khảo cổ đã cho chúng ta biết rằng trong thành Ba-by-lôn có những phòng lớn thích hợp cho việc tổ chức những dịp lớn như vầy hoặc lớn hơn.Bữa tiệc này là hình ảnh thu nhỏ của hệ thống thế gian và nó tập trung vào “sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời” (IGi 2:16). “Chúng ta sẽ ăn gì?” và “Chúng ta sẽ uống gì?”là những câu hỏi mà hầu hết con người đều muốn được giải đáp khi họ sống trên đời (Mat 6:25-34), và họ sẵn sàng đi theo bất ký người nào tiếp đãi họ và làm thoã mãn những ham muốn của họ. Tại sao phải lo lắng về kẻ thù khi bạn được bảo vệ và được ăn uống thịnh soạn?


Bên-xát-sa biết rằng quân đội của người Mê-đi và người Ba-tư đã đóng trại bên ngoài thành phố, nhưng ông đã phớt lờ trước những nguy hiểm mà họ tạo ra. Xét cho cùng, thành này được bao quanh bởi một hệ thống tường thành phức tạp, có một số bức cao hơm 300 phút (1 phút =0,348m), và trên tường thành này có nhiều tháp bảo vệ. Có kẻ thù nào vượt qua được những cánh cỗng kiên cố bằng đồng? Phải chăng đã không có đủ nước cho dân chúng từ sông Ơ-phơ-rát, con sông đã chảy ngang qua thành phố từ bắc đến nam? Phải chăng trong thành không có đủ lương thực dự trữ? Nếu như có một người đã tự hào về những thành quả của mình và tin vào bản thân mình, thỉ người đó chính là Bên-xát-sa. Nhưng đó là một sự tin tưởng sai lầm, giống với điều sẽ xảy ra với con người của thế giới này trước khi Đức Chúa Trời tuyên bố chiến tranh. “Vì khi họ nói, ‘bình hoà và an ổn! ’ thì tai họa thình lình ập đến” (ITe 5:3).


Bên-xát-sa đã không để ý đến thông tin mà Đức Chúa Trời đã ban cho Nê-bu-cát-nết-sa ông của người qua giấc mơ đặc biệt ngày đó (Da 2:1-49). Theo như đã phán truyền, cái đầu bằng vàng (bb) phải bị thay thế bởi ngực và cánh tay bằng bạc (Đế quốc Mê-đi Ba-tư). Đa-ni-ên đã thấy được chân lý này cụ thể hơn qua khải tượng của ông được ghi lại trong đoạn 7, trong đó ông đã thấy con sư tử của Ba-by-lôn đã bị con gấu của Mê-đi-Ba-tư đánh bại (c.1-5). Đây là điều xảy ra trong năm cai trị đầu tiên của Bên-xát-sa (c.1). Trong niềm tin sai lầm và kiêu ngạo của mình, Bên-xát-sa đã phủ nhận ý muốn của Đức Chúa Trời. “Ông đã nói với chính mình rằng, “Ta sẽ chẳng lay động; Ta sẽ chẳng bị tai hoạ gì đến đời đời” (Thi 10:6).


Hành động bất kính (Da 5:2-4). Phải chăng nhà vua đã say khi ông ra lệnh cho tôi tớ mình đem đến những chiếc bình thánh đã lấy từ đền thờ ở Giê-ru-sa-lem? (Da 1:2 IISu 36:9-10) Nê-bu-cát-nết-sa ông [35]của người đã ra chiếu chỉ rằng tất cả mọi người đều phải tôn kính Đức Chúa Trời của dân Do-thái (Da 3:29), và chính ông cũng đã tôn ngợi Đức Giê-hô-va vì cớ sự tối cao và vĩ đại của Ngài (Da 4:34-37). Nhưng nhiều năm tháng trôi qua, lời của nhà vua đã bị quên lãng, và Bên-xát-sa cháu của ông đã cư xử với Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên bằng thái độ bất kính trong sự kiêu ngạo. Tất cả mọi người trong bữa tiệc đều dùng những chiếc bình thánh quý trọng này những những chiếc cốc bình thường, và trong khi uống, họ đã ca tụng các tà thần của Ba-by-lôn! Xét cho cùng, Ba-by-lôn có nhiều vị thần còn dân Hêbrơ chỉ có một Đức Chúa Trời, nên có gì phải sợ? Bên-xát-sa và những vị khách của ông hẳn không còn cách gì để nhạo báng hơn được nữa. Nhưng con người chỉ có thể khước từ ý chỉ của Đức Chúa Trời và nhạo báng Ngài đến thế, còn sau đó Đức Giê-hô-va đã bắt đầu hành động.


2. Đức Giê-hô-va -sự đoán phạt được tuyên bố (Da 5:5-9)

“Hãy biết rõ rằng từ đời xưa, từ khi loài người được đặt nơi thế gian, thì sự thắng hơn của kẻ ác không có lâu, và sự vui mừng của kẻ vô đạo chỉ một lúc mà thôi. Dầu sự kiêu căng của nó cất lên đến tận trời, dầu cho đầu nó đụng chí mây, thì nó sẽ bị tiêu diệt đời đời như phân bón nó” (Giop 20:4-7). Những lời của Xô-pha không thích hợp cho Gióp, nhưng rõ ràng chúng được áp dụng cho Bên-xát-sa, và ngày nay chúng được áp dụng cho những người khước từ ý muốn Đức Chúa Trời.


Nhìn lên tường (Da 5:5). Không được báo trước, những ngón tay của một bàn tay con người đã xuất hiện ở một chỗ trên bức tường đã trét vữa và được một chân đèn soi sáng, hẳn đó là một cảnh tượng gây kinh hãi. Cảnh chè chén dần dần ngưng lại và cả phòng tiệc trở nên chết lặng khi nhà vua và những vị khách của ông gián mắt cách kinh ngạc vào những từ ngữ được viết trên tường. Cả tiếng Hêbrơ lẫn tiếng A-ram đều được viết từ phải sang trái, và các nguyên âm phải được người đọc thêm vào; nhưng chúng ta không được nghe nói về bốn từ được viết trong một dòng


N S R H P L K T N M N M


Hay theo hình vuông được viết từ trên xuống dưới


P T M M


R K N N


S L ‘ ‘ [36].


Dù sứ điệp này tuân theo đúng khuôn mẫu hay theo một kiểu nào khác, thì cách viết này vẫn là một phép lạ do Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên làm ra, mà không thần tượng nào của Ba-by-lôn sẽ không bao giờ có thể thực hiện được. “ Chúng có tay, nhưng không cầm được” (Thi 115:7). Chính ngón tay của Đức Chúa Trời đã hành hại người Ê-díp-tô khi Pha-ra-ôn không để cho dân sự đi (Xu 8:19), và ngón tay của Đức Chúa Trời đã viết những luật thánh cho dân Y-sơ-ra-ên trên hai bản đá (Xu 31:18). Chúa Giê-xu đã nói rằng Ngài đã “cậy ngón tay Đức Chúa Trời” mà trừ quỷ (Lu 11:20), đề cập đến quyền năng của Thánh Linh (Mat 12:28). Nay ngón tay của Đức Chúa Trời lại viết lời khuyến cáo đối với những người cai trị Ba-by-lôn rằng chẳng bao lâu nữa Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự đoán phạt.


Xét về nhà vua (Da 5:6-7). Vị trí được tôn cao hay sự tự tin đầy kiêu ngạo của Bên-xát-sa đã không giữ được mặt ông khỏi biến sắc, lòng ông khỏi bị sự kinh sợ xâm chiếm và đầu gối ông khỏi va vào nhau. Hẳn thái độ mất bình tĩnh như thế trước bao nhiêu người quan trọng hẳn đã làm cho nhà cai trị vĩ đại này bị bẽ mặt. Đức Chúa Trời đã biến phòng yến tiệc này thào một toà án và nhà vua sắp sửa phải khai trình tội lỗi của mình. Nều nhà vua đã không thể kiểm soát được những ngón tay đang chuyển động, thì ít nhất ông cũng cố để hiểu sứ điệp đó, nên ông đã cho gọi những người thông thái của mình đến và ra lệnh cho họ giải thích ý nghĩa của sứ điệp được ghi trên tường, ban vinh dự và bổng lộc cho người nào giải nghĩa được sứ điệp này. Người ấy sẽ được mặt một chiếc áo tía của hoàng gia và đeo day chuyền vàng, cả hai thứ này đều chỉ về quyền lực; và người này sẽ trở thành người cai trị thứ ba dưới quyền của Nabonidus và Bên-xát-sa.


Xét về các nhà thông thái (Da 5:8-9). Lịch sử đã lặp lại (Da 2:10-13 Da 4:4-7) khi nhữn người khôn ngoan này cho thấy họ không có khả năng để giải nghĩa sứ điệp được ghi trên tường. Ngay cả khi họ có thể đọc những từ này, thì họ cũng không có chìa khóa để giải đoán ý nghĩa của sứ điệp này. Mene có thể mang nghĩa là “mina”, đây là một đơn vị tiền tệ hay là từ “bị đềm”. Tekel có nghĩa là “shekel” (một đơn vị khác của tiền tệ) hay từ “bị cân”; và peres (số nhiều là parsin) có nghĩa là “nữa shekel” hay “nữa mina”, hay từ “bị chia đôi”. Có thể điều này đề cập về Ba-tư!


Việc những người khôn ngoan này không biết cách giải nghĩa càng làm cho nhà vua sợ hãi, và những vị thần của vua bị rối trí và nhầm lẫn nên không thể giúp gì được cho ông. Thời kỳ đến khi quyền lực chính trị, sự giàu có, năng lực và sự khôn ngoan của con người không cách gì giải quyết được vấn đề. Một lần nữa, Dg đã làm phơi bày sự ngu dại của thế gian và sự bất năng của quyền lực con người trong việc khám phá và giải thích suy nghĩ và ý định của Đức Chúa Trời.


2. Hoàng thái hậu -sự đoán phạt bị xem nhẹ (Da 5:10-12)

Những người khác trong cung đã nghe được về sự khủng hoảng đang diễn ra trong phòng tiệc và khi tin này đến tai thái hậu, bà lập tức đến chỗ con mình để khích lệ và đưa ra lời khuyên. Những lời đầu tiên của bà là, “Chớ để tư tưởng bối rối, chớ đổi sắc mặt đi! ” (c.10) Mọi chuyện không xấu lắm đâu! Bà lạc quan về tất cả những gì đã xảy ra và chắc chắn rằng, một khi những chữ viết này đã được giải nghĩa, thì mọi việc sẽ ổn thỏa. Kin Hubbard, nhà văn hài người Mỹ đã từng định nghĩa người lạc quan là “người tin rằng điều sắp xảy ra sẽ bị hoãn lại.”


Quan điểm của bà không thỏa mãn được tính nghiêm trọng của tình hình, nhưng gợi ý của bà là một ý kiến hay: triệu hồi Đa-ni-ên, thuật sĩ giỏi nhất của nhà vua. Những lời của bà đã cho thấy một đặc tính khác của Vua Bên-xát-sa, đó là không biết.Dường như khó có thể tin rằng ông không biết đến Đa-ni-ên, một trong những viên quan cao nhất của triều đình Ba-by-lôn, và rõ ràng là thuật sĩ sáng suốt nhất trong đế quốc này. Bên-xát-sa đã được nghe kể về những giấc chiêm bao của ông mình và những sự giải nghĩa của Đa-ni-ên (c.22), nhưng những người lãnh đạo trẻ tuổi thường quá chú trọng mình và hiện tại đến nỗi họ quên mất việc rút kinh nghiệm những gì đã diễn ra trong quá khứ. Gía như nhà vua trẻ Rô-bô-am lắng nghe lời khuyên của các trưởng lão trong Y-sơ-ra-ên, thì ông hẳn đã tránh được nhiều rắc rối (IVua 12:1-33).


Rõ ràng cách thái hậu mô tả Đa-ni-ên đã cho thấy điều Đức Chúa Trời có thể làm trong và thông qua những con người tận hiến. Đa-ni-ên đã mang đến “ánh sáng, sự thông biết và sự khôn ngoan” cho mọi hoàn cảnh và có thể giải nghĩa những điều kín nhiệm, giải những điều khó hiểu, và làm sáng tỏ các nan đề. Những lời giải nghĩa của ông luôn luôn đúng và những lời tiên tri của ông luôn ứng nghiệm. Trong suốt nhiều năm chức vụ của mình, tôi có biết một vài anh chị em đã được ban cho ân tứ “hiểu được các thời kỳ” và xác định được điều Đức Chúa Trời muốn chúng ta thực hiện. Nhưng mỗi tín đồ có thể nắm lấy lời hứa trong Gia 1:5 và tìm biếtý định của Đức Giê-hô-va về bất kỳ vấn đề khó hiểu nào đó.


3. Đa-ni-ên - sự đoán phạt được trình bày (Da 5:13-29)

Nếu ông được mười sáu tuổi lúc bị bắt sang Ba-by-lôn vào năm 605 TC, và Ba-by-lôn rơi vào tay người Mê-đi và Ba-tư vào năm 539, thì lúc Bên-xát-sa cho gọi Đa-ni-ên vào phòng tiệc ông đã được tám mươi hai tuổi, và có lẽ ông đã không còn tham gia việc triều chính đã nhiều năm. Tuy nhiên, những tôi tớ chân thật của Đức Chúa Trời không bao giờ ở không cho dù họ đã nghỉ hưu, nhưng họ luôn sẵn sàng để đáp ứng tiếng gọi của Đức Chúa Trời “bất luận gặp thời hay không gặp thời” (IITi 4:2).


Lời đề nghị của nhà vua (Da 5:13-17). Thật đáng hổ thẹn, nhà vua chỉ biết tên và tiếng tăm của Đa-ni-ên nhưng ông lại không biết gì về cá nhân Đa-ni-ên. Nhưng Đa-ni-ên đã “làm việc cho nhà vua” ở vào năm cai trị thứ ba của vua (Da 8:1,27), lúc này có lẽ là vào năm 554 TC. Điều tai họa là người cai trị thành phốl ớn Ba-by-lôn đã quên lãng một trong những người vĩ đại trong lịch sử và chỉ tìm kiếm họ vào những giờ phút cuối cùng của đời mình, khi đã quá muộn. Phải chăng thái hậu từng kể cho con trai bà nghe về cuộc lưu đày đặc biệt này của dân Do-thái nhưng nhà vua đã không để ý đến? Điều gì đã khiến vị vua này quá bận rộn đến nỗi không còn thời gian để ngồi nghe tiên tri của Đức Chúa Trời nói về những điều thật sự quan trọng trong đời sống? Chủ bút H. L. Mencken đã viết, “Càng lớn tuổi, tôi càng ngờ vực học thuyết quen thuộc cho rằng tuổi tác mang lại sự khôn ngoan”. Nhưng Đa-ni-ên còn sở hữu nhiều hơn cả sự khôn ngoan của con người do kinh nghiệm mang lại; ông có được sự hiểu biết và sự khôn ngoan siêu nhiên, mà chỉ có thể đến từ Đức Chúa Trời. Bên-xát-sa đã có thể học được bao nhiêu từ ông!


Đây không phải là một viễn tượng mới mẻ đối với Đa-ni-ên: một khải tượng từ Đức Chúa Trời, một người cai trị sự hãi và nản chí, những ngừi cố vấn bất lực, và tôi tớ của Đức Chúa Trời đến giải cứu. Ông hầu như không để ý đến những lời tâng bốc của nhà vua, và ông không cần đến những sự ban cho rời rộng của nhà vua. Thậm chí nếu còn trẻ, ông hẳn cũng sẽ không quan tâm đến sự giàu có cá nhân hoặc quyền lực chính trị. “Đừng tham tiền” là một trong những phẩm chất của người tôi tớ Đức Chúa Trời (ITi 3:3 IPhi 5:2). Bên cạnh Đa-ni-ên, còn có những tôi tớ khác của Đức Chúa Trời như Môi-se, (Dan 16:15), Sa-mu-ên (ISa 12:3), và Phao-lô (Cong 20:33) đã làm gương về thái độ bất vị kỷ này. Đơn giản là họ không phải để đổi chát.


Lời quở trách của vị tiên tri (Da 5:18-24). Đa-ni-ên tôn trọng nhà vua nhưng ông không sợ phải nói ra sự thật. Ngay cả nếu chúng ta không tôn trọng người có chức quyền và cách sống của họ, chúng ta vẫn phải tôn trọng chức vụ đó, bởi vì “chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời” (Ro 13:1). Ngay từ những ngày đầu tiên sống tại Ba-by-lôn (Da 1:1-21), Đa-ni-ên và các bạn của ông đã luôn học đòi sự khiêm nhường và khéo léo khi đối diện với các bậc cầm quyền, và vì cớ này, Đức Chúa Trời đã ban phước cho họ. “Nói năng phải lời, không chỗ trách được” (Tit 2:8) là một tiêuchuẩn cần trang bị đối với một tôi tớ vâng lời của Đức Chúa Trời.


Nhà vua không biết Đa-ni-ên một cách cá nhân, nhưng rõ ràng là Đa-ni-ên đã biết về đời sống cá nhân của nhà vua! Ông biết sự kiêu ngạo của nhà vua và những gì người biết về câu chuyện của ông người, nhưng Đa-ni-ên đã ôn lại hầu như y nguyên câu chuyện đó. “Triết gia George Santayana đã viết rằng, “Ai không nhớ những gì đã qua sẽ bị buộc để hồi tưởng lại chúng”, và Bên-xát-sa đã chứng minh điều đó. Bài học mà Nê-bu-cát-nết-sa đã học và Bên-xát-sa cháu ông đã nghe kể nhưng không để ý đến chính là “Đức Chúa Trời Chí Cao cai trị trong nước loài người” (Da 5:21). Chỉ duy Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên là Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật và dùng quyền tối cao của mình để điều khiển mọi vấn đề của thế gian này, kể cả những vấn đề của đế quốc Ba-by-lôn vĩ đại!


Nê-bu-cát-nết-sa bày tỏ sự kiêu ngạo của mình khi khoe khoang về những thành quả của mình và dành về phần mình công trạng của những điều có được do Đức Chúa Trời đã giúp ông hoàn tất (Da 4:29-30), nhưng cháu của ông đã tỏ sự kiêu ngạo bằng cách báng bổ tính thiêng liêng của những chiếc bình thánh trong đền thờ của Đức Chúa Trời Chí Cao và tỏ ra xem thường Đức Giê-hô-va. Khi dùng những chiếc bình của Đức Chúa Trời chân thật để tôn vinh các thần tượng của Ba-by-lôn, nhà vua đã phạm cả tội báng bổ và tội thờ hình tượng; vì làm ngơ trước những gì mình biết về lịch sự của hoàng gia Ba-by-lôn, ông đã cho thấy sự ngu dốt của mình. Bên-xát-sa hành động như thể ông đang điều khiển và sự sống của ông sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm nữa, nhưngg chính hơi thở trong người ông do bàn tay Đức Chúa Trời điều khiển (Da 5:23). “Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có” (Cong 17:28). “Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại” (Lu 12:20).


Cũng như Bên-xát-sa và những vị khách của ông, nhiều người trong thế giới chúng ta ngày nay không để tâm đến những bài học của quá khứ, không ý thức được rằng nó nhằm để giải thích cho hiện tại, và hoàn toàn không chuẩn bị cho những hậu quả đang chờ phía trước.


Lời khuyến cáo của Đức Chúa Trời (Da 5:25-29). Bất kỳ người nào biết tiếng A-ram đều có thể đọc được dòng chữ đã được viết trên tường, nhưng Đa-ni-ên thì có thể giải nghĩa chúng và trình bày những điều Đức Chúa Trời mặc khải cho những người trong phòng tiệc đó, đặc biệt là nhà vua. Đa-ni-ên không giải nghĩa những từ này để biểu thị các đơn vị tiền tệ (mina, shekel, nữa mina hay nữa shekel) nhưng để truyền đạt cho nhà vua lời khuyến cáo. Từ “mina” có nghĩa là “bị đếm”, từ này được lặp lại cho thấy điều này sẽ nhanh chóng xảy ra (Sa 41:32). Số ngày của Ba-by-lôn đã bị đếm! Hơn thế nữa, tekel ám chỉ rằng chính nhà vua đã bị Đức Chúa Trời cân và thấy bị kém thiếu; nên số ngày của nhà vua đã bị đếm. Ai có thể đặt dấu chấm hết đối với vương quốc và nhà vua của Ba-by-lôn? Câu trả lời nằm ở từ thứ ba, peres, từ này mang nghĩa kép:“bị chia đôi” và “Ba-tư”. Ba-by-lôn sẽ bị chia đôi cho người Mê-đi và người Ba-tư, và quân đội của họ đang chờ trước cổng thành chính vào đêm đó.


Đây chính là thời điểm Đức Chúa Trời khuyến cáo để mang tội nhân đến chỗ ăn năn, chẳng hạn như khi Ngài sai Giô-na đến thành Ni-ni-ve (Giô-na); nhưng cũng có những thời điểm mà những lời khuyến cáo của Ngài chấm dứt và sự đoán phạt của Ngài được thi hành. Khi Đức Chúa Trời khuyến cáo Nê-bu-cát-nết-sa về sự kiêu ngạo của ông và sự vô tâm của ông đối với kẻ nghèo, Ngài đã cho ông một năm để ăn năn và tìm kiếm sự tha thứ của Ngài (Da 4:28-33). Nhà vua đã không chịu hạ mình và sự đoàn phạt đã giáng xuống. Nhưng khi Đa-ni-ên đối diện với Bên-xát-sa, ông cho nhà vua biết người không còn cứu vãn được nữa.


Mặc dù Đa-ni-ên không muốn bổng lộc, nhưng nhà vua vẫn giữ lời hứa và mặc cho ông áo màu tía, đeo vòng vàng vào cổ ông và tuyên bố ông là người cai trị đứng thứ ba của vương quốc. Đa-ni-ên không phản đố; ông biết rằng thành này sẽ sụp đổ vào chính đêm đó và những kẻ xâm lượt sẽ không quan tâm ai là người có chức quyền. Bấy giờ họ đang sẵn sàng chờ lệnh.


4. Đa-ri-út - sự đoán phạt đã kết thúc (Da 5:30-31)

Cụm từ “ngay đêm đó” (c.30) là một hồi chuông báo gở cho điều này. “Người nào bị quở trách thường, lại cứng cổ mình, sẽ bị bại hoại thình lình, không phương cứu chữa” (Ch 29:1). Chính đêm đó Bên-xát-sa đã bị giết, và cái đầu bằng vàng đã được thay thế bằng cánh tay và ngực bằng bạc. Theo các sử gia, đó là ngày 12, tháng 10 năm 539 TC.


Cuộc xâm chiếm Ba-by-lôn đã được Si-ru vua Ba-tư phát động (Ch 1:21 Ch 6:28 Ch 10:1 IISu 36:22-23 Exo 3:1-5:17) pasim- ông là người đã được Đức Chúa Trời dùng để thực hiện nhiệm vụ này (Es 44:28 Es 45:1-4). Người sau đó đã được đề cập là Đa-ri-út người Mê-đi” trong Đa-ni-ên là ai? (Da 5:31 Da 6:1,9,25,28 Da 9:1) Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Đa-ri-út là Gubaru, một quan chức quan trọng trong quân đội, là người Si-ru đã lập làm người cai trị tỉnh Ba-by-lôn. Chúng ta không nên nhầm lẫn Đa-ri-út người Mê-đi với Đa-ri-út I người đã cai trị từ năm 522 đến năm 486 và đã khuyến khích những người Do-thái còn sót lại tu sửa đền thờ (Exo 1:5-6). [37]


Vì có tường thành cao, nhiều tháp canh, và những cánh cửa chắc chắn bằng đồng, nên người ở trong thành Ba-by-lôn nghĩ rằng kẻ thù không thể làm hại họ; nhưng quân Mê-đi-Ba-tư đã tìm được một lối để vào trong thành. Con sông Ơ-phơ-rát chảy ngang qua Ba-by-lôn từ bắc xuống đến nam, và bằng cách làm trệch hướng của dòng chảy, quân này đã có thể đi luồng bên dưới các cổng thành để vào được thành. Việc Ba-by-lôn bị chinh phục và huỷ phá hoàn toàn đã được tiên tri Ê-sai (Es 13:1-14:32 21:1-17 Es 47:1-15) và tiên tri Giê-rê-mi (Gie 50:1-51:64)tiên báo trước. Ba-by-lôn đã được Đức Chúa Trời chọn làm công cụ để hình phạt dân Y-sơ-ra-ên, nhưng quân đội Ba-by-lôn đã đi quá xa và làm nhục dân Do-thái (Gie 50:33-34). Ba-by-lôn bị xâm lượt cũng là hình phạt Đức Chúa Trời dành cho họ vì những những họ đã làm đối với đền thờ Ngài (Gie 50:28 Gie 51:11).


Những lời tiên tri đã được ứng nghiệm và Ba-by-lôn cổ không còn nữa, nhưng “Ba-by-lôn mầu nhiệm” vẫn tồn tại với chúng ta (Kh 17:5,7 Kh 18:2,10). Xuyên suốt Kinh thánh, Ba-by-lôn (thành nổi loạn) luôn trái ngược với Giê-ru-sa-lem (thành thánh). Ba-by-lôn do Nimrod một kẻ chống đối Đức Chúa Trời sáng lập (Sa 10:8-10). Trong Kinh thánh nó được xem là một thành phố vĩ đại của thế giới này, trong khi đó Giê-ru-sa-lem tượng trưng cho thành phố vĩnh cữu của Đức Chúa Trời. Khải huyền 17 và 18 mô tả sự lớn mạnh và sụp đổ của “Ba-by-lôn mầu nhiệm” vào thời kỳ cuối cùng, và tổ chức của Sa-tan sẽ cám dỗ người trên thế gian và lôi kéo họ khước từ sứ điệp của Đức Chúa Trời, và sống theo những thú vui tội lỗi của đời này. Nếu so sánh Gie 50:1-51:64 với Kh 18:1-24, bạn sẽ thấy có nhiều điểm giống nhau giữa Ba-by-lôn của lịch sử cổ đại và Ba-by-lôn của lời tiên tri ở tương lai. Hệ thống thế giớicủa Ba-by-lôn trong tương lai sẽ giúp đỡ cho Kẻ Chống Chúa, con người tội lỗi, sẽ xuất hiện để thao túng thế giới này, nhưng vương quốc của hắn sẽ bị Chúa Jêsus-Christ tiêu diệt khi Ngài trở lại để cai trị (Kh 19:11-21).


Những năm trước đây, Tiến sĩ Harry Rimmer đã xuất bản một quyển sách về lời tiên tri được gọi là (Aheas Lies Yesterday), một cái tựa rất thích hợp cho sách Đa-ni-ên. Thế gian này vẫn luôn có những thành phố vĩ đại, những đế quốc hùng mạnh, và những kẻ độc tài đầy quyền lực, nhưng Đức Chúa Trời Chi Cao vẫn cai trị ở thiên đàng và trên đất này và hoàn tấc những mục đích của Ngài. Không quốc gia, vị lãnh tụ hay cá nhân nào có thể kháng cự Đức Chúa Trời toàn năng lâu dài và dành được thắng lợi.


Nhân lễ mừng 60 mươi năm trị vì của hoàng hậu Victoria vào năm 1897, nhà thơ và là tiểu thuyết gia Rudyard Kipling đã viết một bài thơ với đề tựa là “Bài tiễn”. Nó đã không nhận được nhiều sự sự hoan nghênh và tán đồng bởi vì ông đã khuyến cáo quốc gia (và đế quốc) đang tổ chức lễ rằng Đức Chúa Trời đang cai trị và sự kiêu ngạo cuối cùng sẽ chuốc lấy thất bại.


Bên-xát-sa đã quên lời Đức Chúa Trời và những bài học của lịch sử, nên ông đã mất nước và mạng sống mình.


Mong rằng ngày nay chúng ta sẽ không mắc phải sai lầm này!


6. NHỮNG LỜI NÓI DỐI, NHỮNG LUẬT LỆ, VÀ NHỮNG CON SƯ TỬ (Da 6:1-28)

Chúng ta không nên nhầm Đa-ri-út người Mê-đi với Đa-ri-út I người đã cai trị Ba-tư từ năm 522 đến năm 486 và trong thời gian trị vì của ông, đền thờ đã được những người Do-thái còn sót lại ở Giê-ru-sa-lem tu sửa. Có thể Đa-ri-út người Mê-đi là tên (hoặc danh hiệu) của người mà vua Sy-ru đã bổ nhiệm làm người cai trị thành Ba-by-lôn (Da 9:1) cho đến khi chính ông nắm quyền; hay có thể nó là danh hiệu của chính Si-ru đã lấy khi người lên ngôi. [38]. Vua Si-ru cai trị đến quốc Ba-tư từ năm 539 đến năm 530 và được Cambyses lên kế vị (530-322).


Sau cuộc chinh phạt, điều thường gặp là nhà cai trị mới muốn tổ chức lại chính quyền của vương quốc bị chinh phạt để có thể thiết lập quyền cai trị của mình và khiến mọi việc được thuận tiện cho những mục tiêu lãnh đạo của chính mình. Nhưng khi Đa-ri-út bắt đầu tổ chức lại Ba-by-lôn, thì ông nhận ra rằng có một sự xung đột giữa các quan viên của ông và Đa-ni-ên, một quan thượng thơ kỳ cựu và lúc bấy giờ ông đã ở vào tuổi tám mươi. Ngày nay, ở bất cứ nơi đâu bạn thấy có những người tín đồ tận hiến sống và làm việc với người vô tín, thì bạn sẽ bắt gặp những áp lực tương tự trong công việc mà đã được mô tả trong đoạn này, dù là trong gia đình, hội thánh, đoàn thể, hay trong chính phủ.


1. Sự trung thực chống lại sự thối nát (Da 6:1-4)

Hẳn Đa-ri-út đã nghi ngờ những viên quan mà ông đã tiếp quản hiện không trung thành làm việc mà chỉ đang vơ vét của cải của ông, và sự nghi ngờ này của ông là chính xác. Đa-ri-út không thể nào trực tiếp can thiệp vào mọi việc của đế quốc, bởi vì điều đó đòi hỏi ông phải giám sát từng người làm việc, kiểm tra từng tài khoản, và đôn đốc từng công việc được giao. Nhà vua buộc phải dựa vào cáv quan viên của mình để biết được tình hình công việc đang tiến triển ra sao, và điều này có nghĩa là ông phải bổ nhiệm những quan viên mà mình có tin tưởng được. Đa-ri-út là một con người đã kinh nghiệm trường đòi, và ông biết rằng trong chính phủ Ba-by-lôn có rất nhiều cơ hội để thực hiện việc đút lót hối lộ (Tr 5:8-9).


Một người lãnh đạo không ngoan thì trước hết phải thu thập thông tinm\, và Đa-ri-út người Mê-đi đã nhanh chóng biết về Đa-ni-ên và biết rằng ông nổi tiếng là liêm chính và khôn ngoan, điều mà bản KJV thường gọi là “linh tánh tốt lành” (Da 6:3). Có thể là vào thời điểm đó, Đa-ni-ên đang nghỉ hưu, nhưng nhà vua đã bổ nhiệm ông làm 1 trong 3 quan thượng thơ quan trọng của cả vương quốc. Ba vị này phải nắm bắt dđược những vấn đề mà 120 quan trấn thủ [39] khai trình và trình tấu trực tiếp với nhà vua. Đa-ni-ên đã cho thấy mình là một tôi tớ xuất sắc đến nỗi Đa-ri-út đã dự định lập ông làm quan thượng thơ đứng đầu trong khắp toàn vương quốc.


Khi những người lãnh đạo khác nghe được kế hoạch này, họ đã ghe tị và cố tìm ra điều sai quấy trong việc làm của ông, nhưng họ không tìm được gì cả. Họ chống lại Đa-ni-ên vì nhiều lý do, kể cả chỉ đơn thuần là ghen tị; nhhưng điều họ quan tâm chủ yếu chính là về tài chính. Họ biết rằng nếu Đa-ni-ên nắm quyền, họ không thể lợi dụng chức quyền của mình để trục lợi và mất đi những khoảng chia chát hối lộ mà vốn sẽ thuộc về họ. Cũng rất có thể là những người trẻ tuổi hơn này tức giận một người cao tuổi hơn họ - và một người Do-thái bị lưu đày tại đó- lại bảo họ điều phải làm và kiểm tra công việc của họ. Đó là một trường hợp khác của thái độ chống lại phong cách Xê-mít, một tội lỗi ghê tởm được tìm gặp trong Kinh thánh thời đại của Pha-ra-ôn cho đến ngày tận thế (Kh 12:1-18). Rõ ràng các quan chức này không biết đến giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với Áp-ra-ham, đó là Đức Chúa Trời hứa sẽ ban phước cho kẻ nào chúc phước cho dân Do-thái và rủa sả kẻ nào rủa sả dân này (Sa 12:1-3). Lúc những người này bắt đầu tấn công Đa-ni-ên, cũng là lúc họ tìm kiếm sự đoán phạt của Đức Chúa Trời.


Không phải lúc nào người làm việc trung thực cũng được thăng tiến còn kẻ thù của họ thì bị phê bình. Cả Giô-sép và Đa-ni-ên đều được thăng chức bởi những người trị vì ngoại giáo, nhưng tôi có một người bạn, người này đa bị sa thải vì đã làm việc quá chăm chỉ! Rõ ràng là tính liêm chính mang phẩm chất Cơ đốc cùng sự siêng năng làm việc của anh ta đã làm lộ rõ sự lười biếng của những công nhân khác, nên người đốc công đã tìm được lý do để tẩy chay anh ta. Tuy nhiên, giữ được sự liêm chính và đời sống chứng nhân của mình vẫn tốt hơn hy sinh chúng chỉ để giữ lấy việc làm. Nếu chúng ta đặt Đức Chúa Trời lên trên, Ngài sẽ chăm sóc chúng ta, dù chúng ta không được thăng tiến (Mat 6:33). Nhiều những Cơ Đốc nhân đã đi đường tắt để được thăng tiến hoặc có được lương cao chỉ vì một số người có quyền hơn không thích họ, nhưng sẽ có một ngày chính Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho những người làm việc.


2. Lòng tin trái ngược với mưu đồ (Da 6:5-11)

Thật đáng tuyên dương những người có được những phẩm chất quá trọn vẹn đến nỗi người ngoài không thể chỉ trích họ về bất cứ sai phạm nào trong công việc ngoại trừ những vấn đề liên quan đến niềm tin của họ. Những viên quan quỷ quyệt đó hẳng không thể dụ dỗ được Đa-ni-ên làm bất cứ điều gì phạm pháp, nhưng họ có thể làm cho những sinh hoạt tôn giáo trung tín của ông trở thành trái với luật pháp. Đa-ni-ên không dấu diếm một thực tế là mỗi ngày ông cầu nguyện cho quê hương mình ba lần với cánh cửa sổ phòng ông mở hướng về thành Giê-ru-sa-lem (c.10), và những kẻ thù của ông biết rõ điều này. Nếu nhà vua xem việc cầu nguyện với các thần khác là phạm pháp, thì Đa-ni-ên chắc chắn sẽ bị thảy vào hang sư tử!


Phản ứng của nhà vua (Da 6:5-9). Vua Đa-ri-út hẳn đã cảm kích khi 122 quan chức của triều đình đã tựu tập trong điện để tiếp kiến ông. Dĩ nhiên, Đa-ni-ên không có mặt ở đó, mặc dù ông là người đứng đầu trong các quan thượng thư; nhưng những người lãnh đạo này đã cẩn thận không để ông tham dự vào. Tuy nhiên, họ đã lèo lái để đưa ông vào điều họ trình bày, vì họ đã tuyên bố rằng tất cả các quan thượng thư đều đã đồng ý với kế hoạch được trình dâng cho Đa-ri-út. Thực tế là họ gồm tóm tất cả các quan chức của đế quốc -“quan thượng thư, quan lãnh binh, quan trấn thủ, các nghị viên và các đại thần” (c.7 NIV) -để mang đến cho nhà vua một ấn tượng rằng những người lãnh đạo dưới quyền ông đều sát cánh bên ông và mong muốn được tán tụng ông và ngôi vị của ông. Những người đã bày ra mưu chước đó có thể đã không hỏi ý kiến của những người dưới quyền họ ở khắp nơi của đế quốc, nhưng có lẽ những viên quan nhỏ này cũng sẽ không phản đối kế hoạch này. Bất kỳ điều gì làm nhà vua hài lòng chỉ nhằm khiến địa vị của họ được vững chắc.


Các quan thượng thư rất khôn khéo trong việc tạo ra mưu chước đó và trong cách thực hiện nó. Họ biết rằng Đa-ri-út muốn thống nhất vương quốc và biến những người Ba-by-lôn bị bại trận thành những người Ba-tư trung thành càng nhanh càng tốt. Có cách nào tốt hơn là tập trung vào chính nhà vua vĩ đại này và biến ông không chỉ trở thành một nhà lãnh đạo tối cao mà còn là vị thần duy nhất trong một tháng tròn! Để nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo luật này, những viên quan này đã đưa ra một ý kiến sau cùng: người nào không vâng theo luật này sẽ bị ném vào hang sư tử.Dĩ nhiên, những lời nĩnh hót của họ thoã mãn lòng kiêu ngạo của nhà vua và ông đã nhanh chóng tán thành với họ, cho luật đó thành văn bản và phê chuẩn. Một khi luật này đã được ký, thì nó không thể bị thay đổi hay rút lại (c.8,12,15 Et 1:19).


Có nhiều bằng chứng cho thấy Đa-ri-út yêu mến và đánh giá cao đn, nhưng vì vội vàng mà nhà vua đã đẩy bạn mình vào chỗ nguy hiểm. Người ta nói rằng nịnh hót nhằm để lôi kéo chứ không phải để thông tin, và với sự kiêu ngạo của mình, Đa-ri-út đã không thắng nổi những lời nịnh hót của những con người gian ác này. “Vì nơi miệng chúng nó chẳng có sự thành tín; Lòng chúng nó chỉ là gian tà; Họng chúng nó là huyệt mả mở ra; Lưỡi chúng nó đầy dẫy đều dua nịnh” (Thi 5:9).


Phản ứng của Đa-ni-ên (Da 6:10-11). Những viên quan mưu mô này đã không bỏ lỡ một giây phút nào để công bố sắc lệnh của nhà vua. Có lẽ Đa-ni-ên đã cầu nguyện “buổi chiều, buổi sáng và ban trưa” (Thi 55:17), [40] và những kẻ thù của ông muốn tìm cơ hội sớm nhất để bắt ông. Đa-ni-ên càng bị loại bỏ sớm chừng nào, họ càng có thể điều khiển đất nước để trục lợi sớm chừng nấy. Khi Đa-ni-ên cầu nguyện hướng về thành thánh và đền thờ, ông đã tuyên bố lời hứa về sự cầu nguyện mà Sa-lô-môn đã nói khi người làm lễ cung hiến đền thờ (IVua 8:28-30,38-39,46-51). Giô-na cũng đã tuyên bố lời hứa này khi người ở trong bụng con cá lớn (Gion 2:4). Những người Do-thái bị lưu đày không còn có đền thờ hay chức tế lễ, nhưng Đức Chúa Trời vẫn ngự trên ngôi và nghe thấy lời cầu xin cứu giúp của họ.


Suốt năm cai trị đầu tiên của Đa-ri-út, căn cứ theo sách Giê-rê-mi Đa-ni-ên đã biết được rằng sự lưu đày của dân Do-thái sẽ chấm dứt sau bảy mươi năm, và ông đã biến lời hứa vĩ đại này thành sự cầu nguyện (Da 9:1 và những câu sau). Đa-ni-ên làm người trung gian cho dân sự và cầu xin Đức Chúa Trời giữ lời Ngài đã hứa mà giải cứu họ. Cũng giống như âm mưu chống lại người Do-thái trong sách Ê-xơ-tê, âm mưu chống lại Đa-ni-ên người giải hòa là một sự tấn công nhằm vào toàn bộ dân tộc Do-thái.


Nếu như không phải là một người có đức tin và lòng can đảm, Đa-ni-ên hẳn đã thỏa hiệp và tìm cách bào chữa rằng mình đã không duy trì một đời sống cầu nguyện trung tín như thế. Ông cũng có thể đóng các cửa sổ phòng mình lạai và cầu nguyện lặng lẽ ba lần một ngày cho đến khi tháng này qua đi, hoặc ông có thể rời thành phố và cầu nguyện ở một nơi nào đó. Nhưng đó hẳn là một thái độ vô tín và hèn nhác; ông cũng có thể thủ đoạn như kẻ thù của mình, và Đức Giê-hô-va hẳn sẽ không ban phước cho ông. Không, một người như Đa-ni-ên chỉ sợ Đức Giê-hô-va; và khi bạn kính sợ Đức Giê-hô-va, thì bạn không còn phải sợ hãi bất kỳ điều gì khác. “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta” (Cong 5:29). Một số trong các quan này đã theo dõi ông, nghe ông cầu nguyện và về báo lại với nhà vua.


Phần quan trọng nhất trong đời sống của người tin Chúa là phần mà chỉ Đức Chúa Trời biết, thời gian suy gẫm và cầu nguyện riêng tư mỗi ngày của chúng ta. Nhà thần học người Anh P.T Forsythe đã nói rằng, “Bạn cầu nguyện khi mặt bạn hướng về Giê-ru-sa-lem hoặc Ba-by-lôn”. Hầu hết thế gian này đều bắt đầu một ngày mới nhìn ra thế giới và mong rằng mình sẽ thu được điều gì từ đó, nhưng những người tin Chúa thì hướng vào Đức Chúa Trời và những lời hứa của Ngài, và bước vào một ngày mới bằng đức tin. Quan điểm quyết định kết quả, và khi chúng ta nhìn Đức Chúa Trời để tìm sự hướng dẫn và giúp đỡ của Ngài mỗi ngày, chúng ta biết rằng kế quả nằm trong tay Ngài và chúng ta không có gì phải sợ hãi. D. L Moody đã nói rằng, “Đức tin thật sống động chính là sự yếu đuối của con người nương dựa nơi sự mạnh mẽ của Đức Chúa Trời ”, và chúng ta có thể nói thêm rằng, sự yếu đuối của con người sẽ chuyển thành sự mạnh mẽ của Đức Chúa Trời (He 11:34).


3. Quyền của Đức Chúa Trời trái với quyền lực của con người (Da 6:12-23)

Trong nhiều năm cứ ba lần mỗi ngày, Đa-ni-ên đã cầu nguyện, dâng lời cảm tạ, và nài xin trước mặt Đức Chúa Trời (c.10-11), điều này giống với kiểu mẫu của sự cầu nguyện mà Phao-lô khuyên chúng ta phải noi theo (Phi 4:6-7). Không có gì đáng ngạc nhiên khi Đa-ni-ên có được sự bình an và lòng can đảm như thế! Ernest Wadsworth, nhà vô địch về sự cầu nguyện hữu hiệu, đã nói rằng, “hãy cầu nguyện để có một đức tin không chùn bước khi bị xô đẩy trong dòng nước hoạn nạn.” Đa-ni-ên đã có loại đức tin ấy.Ông đã bước đi với Đức Giê-hô-va hơn tám mươi năm và hiểu được rằng Đức Chúa Trời sẽ không bỏ ông. Há không phải Đức Chúa Trời đã giúp ông trung tín trong giờ phút thử thách? Há không phải Ngài đã cứu mạng sống ông bằng cách ban cho ông sự không ngoan cần thiết để giải nghĩa giấc chiêm bao của nhà vua và há không phải Đức Giê-hô-va đã giải cứu ba bạn ông thoát khỏi lò lửa hừng sao?Đa-ni-ên có một bản sao về lời tiên tri của Giê-rê-mi (Da 9:2), nên ông hẳn đã đọc: “Nầy, Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của mọi loài xác thịt: có sự gì khó quá cho ta chăng?” (Gie 32:27) Rõ ràng là Ngài đã đáp rằng “chẳng có gì là khó quá cho Ngài? (c.17). Một người tin Chúa biết cách quỳ gối trong sự cầu nguyện chắc chắn sẽ được ở trong sức mạnh của Đức Giê-hô-va.


Đa-ni-ên bị buộc tội (Da 6:12-13). Những người đã theo dõi Đa-ni-ên vội vã đến thông báo cho Đa-ri-út rằng vị quan mà nhà vua quí mến đã không vâng theo luật pháp và bày tỏ sự bất kính với nhà vua. Điều đáng chú ý là người ta có thể nhan chóng hợp tác với nhau để làm điều ác nhưng lại thấy khó khăn khi cùng nhau làm điều gì đó tốt. “Chúng nó có chân nhẹ nhàng đặng làm đổ máu” (Ro 3:15). Họ chẳng hề tỏ ra tôn trọng Đa-ni-ên, người có chức vụ cao hơn họ, và đã gọi ông bằng một thái độ kinh miệt là “một trong những con cái phu tù của Giu-đa” (Da 6:13) Những con người kiêu ngạo này đã không nhận ra rằng Đức Chúa Trời ở với dân sự đang bị lưu đày của Ngài và trong vòng hai mươi bốn giờ tới sẽ tỏ mình là tôi tớ của Ngài.


Vì họ vẫn chiến đấu cho những gì đúng và những gì Đức Giê-hô-va đã phán dạy họ làm, dân sự Đức Chúa Trời trong mỗi thời đại đã bị buộc tội cách sai lầm. bị bắt bớ dữ dội và bị giết hại cách oan ức. “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhơn đức trong Chúa Jêsus-Christ thì sẽ bị bắt bớ” (IITi 3:12). Nhà thuyết giảng của phái Thanh giáo Henry Smith đã nói, “Đức Chúa Trời kiểm nghiệm bằng thử thách, con ma quỉ thì bằng những cám dỗ và thế gian thì bằng những sự bách hại”. Một người thuộc pháiThanh giáo khác, Richard Baxter, đã nói rằng đáng ra dân sự Đức Chúa Trời phải ý thức rõ hơn rằng họ nên đón nhận bách hại hơn là mong cho được giải cứu khỏi đó, bởi vì gánh chịu sự bách hại chính là bằng chứng cho thấy sự trung thành của họ với Đức Chúa Trời.


Nhà vua thất vọng (Da 6:14-18). Nhà vua thất vọng chủ yếu là vì Đa-ni-ên vừa là bạn của ông vừa là người giúp đỡ đắc lực nhất của ông trong việc cai quan đế quốc này, và ông không muốn ký lệnh xử tử người. Nhưng ông cũng thất vọng vì cách hành động của mình. Sự kiêu ngạo của ông đã thắng hơn ông, ông đã tin lời nói dối của những người lãnh đạo dưới quyền, và đã vội vàng ký sắc lệnh. Giá như Đa-ri-út dành thời gian để hỏi ý kiến của Đa-ni-ên, hẳn ông đã phát hiện ra âm mưu này;nhưng có lẽ Đức Giê-hô-va đã cho sự việc diễn tiến như vậy để những kẻ thù của Đa-ni-ên bị vạch trần và vị đoán phạt. Đức Chúa Trời làm “mọi sự hiệp với ý quyết đoán của Ngài” (Eph 1:11) và Ngài biết việc mình đang làm.


Nhà vua cho thấy rõ rằng ông muốn cứu Đa-ni-ên thoát khỏi hình phạt xử tử, nhưng mọi nổ lực của ông đều đã thất bại. Hoàn cảnh ở đây tương tự như đã được mô tả trong Sách Ê-xơ-tê: một khi luật lệ đã được phê chuẩn, không gì có thể thay đổi được. Vì Đa-ri-út là một “thần” và dân chúng đang cầu nguyện với người, làm sao ông có thể phạm sai lầm? Và làm sao một “vị thần’ có thể không hình phạt một người đã vi phạm luật của ngài? Hơn nữa, luật của người Mê-đi Ba-tư không thể bỏ đi hay thay đổi. Suốt một ngày Đa-ri-út đã gác lại tất cả những vấn đề liên quan đến vương quốc để tìm cách giải cứu cho Đa-ni-ên, nhưng những nổ lực của ông đều vô ích. Dĩ nhiên, những kẻ thù của Đa-ni-ên luôn nhắc Đa-ri-út người Mê-đi rằng dù muốn hay không thì ông vẫn phải thực hiện đúng luật. Cuối ngày, Đa-ri-út đã phải gọi Đa-ni-ên và cho bỏ ông vào hang sư tử.


Hang sư tử là một cái hầm lớn được chia đôi bởi một bức tường di động, bức tường này có thể kéo lên được để sư tử có thể đi từ bên này sang bên kia. Người quản thú có thể để thức ăn ở bên còn trống, rồi kéo bức tường lên để sư tử có thể qua ăn. Ông có thể nhan chống hạ bức tường xuống và gọn sạch bên này của hầm. Những con thú này không thường được cho ăn hay có nhiều thức ăn nên sự thèm khát của chúng rất dữ dội mỗi khi có cuộc hành quyết. Sống trong cảnh đói khát quá độ như vậy khiến chúng rất khó chế ngự!


Trước khi Đa-ni-ên bị thả xuống hầm và bức tường được kéo lên, nhà vua đã cầu xin rằng Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên sẽ giải cứu người vì Đa-ni-ên đã trung tín phục sự Ngài (Da 6:16,20 Da 3:17). Sau đó ông đã cho đóng cửa hầm lại và chặn đá để mọi việc được tiến hành theo đúng luật. Không một ai dám phá dấu niêm phong chính thức của nhà vua, vì thế khi của hầm được mở ra, mọi người đều đã phải công nhận rằng Đức Chúa Trời đã thực hiện một phép lạ lớn lao. Điều này khiến chúng ta suy nghĩ đến hòn đá ở nơi mộ của Chúa chúng ta, đã được niêm phong bởi chính quyền La-mã, vậy mà Đức Chúa Trời đã sống lại và ra khỏi mộ!


Nhà vua đã trải qua một đêm tồi tệ, không phải là không giống cái đêm àn Xét-xe đã kinh nghiệm trong câu chuyện của Ê-xơ-tê (Et 6:1 và những câu sau). Các vị vua phương đông đã dùng những trò tiêu khiển để giải trí và để giúp họ thư giản và đi vào giấc ngủ, nhưng Đa-ri-út đã từ chối tất cả những điều đó. Ông đã trải qua một đêm không ngủ và thậm chí là nhịn ăn! Ông tự hỏi không biết Đức Giê-hô-va có giải cứu vị tiên tri già người Do-thái này thoát khỏi hang sư tử.


Đức Giê-hô-va chiến thắng (Da 6:19-23). Khi tia sáng đầu tiên của bình minh vừa xuất hiện, Đa-ri-út đã vội vã đi đến hang sư tử. Thậm chí trước khi đến được hang sư tử, ra lệnh tháo niêm phong và lăn hòn đá đi, ông đã gọi to Đa-ni-ên bằng một giọng đau xót.Trong những gì ông đã nói, ông công nhận rằng Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên là Đức Chúa Trời hằng sống, chứ không phải là một thần tượng bất động, và công nhận rằng Ngài có quyền năng để giải cứu cho tôi tớ trung tín của Ngài. Đức tin của Đa-ni-ên đã giúp ông bình thản và có sự xác quyết, nhưng đức tin của nhà vua thì đơn sơ và không vữnh vàng. “Đức Chúa Trời có thể giải cứu ngươi được chăng? [41] Khi Đa-ri-út nghe giọng của Đa-ni-ên nói rằng “Hỡi vua, chúc vua sống đời đời! ” thì ông biết rằng bạn của ông và cũng là tôi tớ trung thành của ông đã được giải cứu (He 11:33).


Đa-ni-ên luôn nhanh chóng dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời (Da 6:22 Da 2:27-28 Da 4:25 Da 5:21-23). Hẳn Đức Chúa Trời có thể bịt mồm sư tử chỉ bằng lời phán của Ngài, nhưng Ngài đã chọn một thiên sứ đề làm điều đó. Vị thiên sứ này không chỉ điều khiển những con thú đói này, mà còn kết bạn với Đa-ni-ên, cũng như Đức Giê-hô-va đã đi cùng với ba người Do-thái mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã ném vào lò lửa hừng (Da 3:24-25). Sách Đa-ni-ên trình bày nhiều về công việc của các thiên sứ trên thế gian này, không chỉ về công vụ của họ đối với dân sự Đức Chúa Trời mà con về ảnh hưởng của họ trên các quốc gia (Da 10:10-13,20-21). Mội khi chúng ta ngĩ về vị thiên sứ đã giải cứu Đa-ni-ên, thì những lời hứa như Thi 34:7 và Thi 91:11 lại hiện lên trong tâm trí, và chúng ta nhớ đến nhiệm vụ của các thiên sứ đối với Chúa Giê-xu (Mac 1:13 Lu 22:43). Chúng ta không biết thời điểm mà các thiên sứ ở cùng chúng ta, nhưng chúng ta biết rõ rằng họ hiện diện để phục vụ chúng ta và được Đức Chúa Trời sai đến để giúp đỡ chúng ta (Lu 1:14). Khi Đa-ni-ên đã được mang ra khỏi hang sư tử, ông không bị một thương tích nào cả, cũng giống như ba người Do-thái không có bất kỳ dấu tích nào chứng tỏ họ đã từng ở trong lò lửa hừng (Da 3:27).


Đức Chúa Trời đã giải cứu Đa-ni-ên bởi vì đức tin của ông và vì ông không phạm bất kỳ tội ác nào đối với nhà vua hay tội lỗi nào trước mặt Đức Giê-hô-va (c.22). Điều này có nghĩa là luật của nhà vua về vấn đề cầu nguyện không được công nhận ở thiên đàng và Đa-ni-ên đã đúng khi không tuân theo luật đó. Với việc đưa ra một luật như vậy, những viên quan mưu mô này đã không vâng theo lời của Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật (Xu 20:1-6) và cướp đi của Ngài sự vinh hiển mà Ngài đáng được nhận. Đức Chúa Trời đã giải cứu Đa-ni-ên vì điều đó mang đến vinh hiển lớn lao cho danh Ngài và cũng vì cớ ông vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Các tôi tớ của Đức Chúa Trời sẽ không chết cho đến khi công việc của họ được hoàn tất.


Tuy nhiên, cần phải trình bày rõ rằng không phải mọi tôi tớ trung tín của Đức Giê-hô-va đều được giải cứu khỏi thử thách và sự chết bằng một phương cách kỳ diệu nào đó. He 11:1-35 đã kể tên một số con người vĩ đại của đức tin và mô tả về những gì họ đã đạt được, nhưng câu 36-40 mô tả về “những kẻ khác”, họ là những người có đức tin lớn nhưng đã phải chịu bách hại và tử đạo. “Những kẻ khác”không được kể tên này cũng đã có nhiều đức tin như những người ở nhóm thứ nhất, nhưng họ đã không được ban cho những sự giải cứu đặc biệt. Gia-cơ anh của Giăng đã chịu tử đạo, nhưng Phi-e-rơ lại được giải cứu khỏi ngục tù (Cong 12:1-25), dầu cả hai người đều là những sứ đồ trung tín của Đức Chúa Trời. Thật không khôn ngoan khi rút ra kết luận từ kết quả, vì điều đó cuối cùng sẽ khiến chúng ta có những cách đánh giá sai lầm (Cong 14:8-20 và Cong 28:1-6). [42].


4. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời trái ngược với sự hổ thẹn của con người (Da 6:24-28)

Một đêm bị giam trong hang sư tử của Đa-ni-ên đã được kết thúc bằng một buổi sáng của sự vinh hiển và giải cứu, và chính nhà vua đã giải phóng cho ông. Hãy thử hình dung sự xôn xao trong thành khi có tin lan truyền rằng Đa-ni-ên đã trải qua một đêm trong hang sư tử và đã ra khỏi đó mà không hề bị thương tích. Đức Chúa Trời hẳn đã có thể ngăn không để Đa-ni-ên phải vào hang sư tử, nhưng khi để cho ông bị quăng vào và trở ra không bị thương tích, Đức Giê-hô-va đã nhận được sự tôn trong lớn hơn.


Những kẻ âm mưu bị đoán phạt (Da 6:24). Các quốc vương Đông Phương luôn có toàn quyền trên tôi tớ của họ (Da 5:19) và không ai giám thắc mắc về những quyết định của họ, một mình cố gắng thay đổi họ. Đa-ri-út đã không ném tất cả 122 vị quan cùng gia đình họ vào hang sư tử, mà chỉ cho ném những kẻ đã tố cáo Đa-ni-ên và gia đình họ (Da 6:11-13). “Người công bình được cứu khỏi hoạn nạn; Rồi kẻ hung ác sa vào đó thế cho người” (Ch 11:8). Ngoại lệ duy nhất của luật lệ này chỉ xuất hiện khi Chúa Jêsus-Christ Đấng Công Bình thế cho tội nhân gian ác lúc Ngài chết thay họ trên thập tự giá (IPhi 3:18).


Có một luật về sự bồi thường cho biết rằng “Ai đào hầm sẽ té xuống đó; Kẻ nào lăn đá, đã sẽ trở đè lại nó” (Ch 26:27). Thí dụ, Pha-ra-ôn ra lệnh cho tất cả những bé tai Hêbrơ bị tiêu diệt ở Ai-cập, thì vào Lễ Vượt Qua, tất cả những trẻ sơ sinh người Ai-cập đều bị giết. Ông ra lệnh những đứa trẻ Do-thái mới được sanh ra phải bị ném xuống sông Nile, và chính quân lính của ông đã bị chết chìm trong Biển Đỏ (Xu 7:9-10 Xu 9:25). Mặc dù trong cuộc sống hiện tại những người phạm tội không bị xét xử, nhưng họ sẽ bị đoán xét sau khi qua đời (He 9:27) và sự đoán xét đó là công bằng.


Dường như đối với chúng ta việc gia đình của kẻ âm mưu cũng bị tiêu diệt chung với kẻ ấy, nhưng đó là một luật lệ chính thức của người ba-tư và những kẻ âm mưu biết rõ điều đó. Luật Do-thái cấm việc vì cớ tội lỗi của cha mà hình phạt luôn con cái (Phu 24:16 Exe 18:20), nhưng những người cai trị ở Đông Phương thì có quan điểm khác. Họ không muốn bất kỳ thành viên còn lại nào của gia đình kẻ đã âm mưu còn cơ hội để quay lại giết người cai trị, người đã ra lệnh xử tử người cha trong gia đình. Chôn thi thể thi dễ dàng hơn là phải luôn để mắt đến kẻ luôn có âm mưu ám sát, và bên cạnh đó, việc làm này cũng nhằm răn đe những kẻ muốn làm gây rối. Một nhân tố quan trọng khác chính là giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với Áp-ra-ham. Đức Giê-hô-va đã hứa rằang những ai chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên thì chính họ sẽ được chúc phước, còn những ai rủa sả họ thì sẽ bị rủa sả (Sa 12:1-3). [43]. Khi cho phép những người này bị xử tử, Đức Chúa Trời thành tín với Lời của Ngài.


Đức Giê-hô-va được vinh hiển (Da 6:25-27). Nhưng Đa-ri-út không chỉ cho hành quyết những kẻ phạm tội. Ông cũng ra một chiếu chỉ cho toàn đế quốc, ra lệnh cho thần dân của mình phải tỏ lòng kính sợ và tôn kính đối với Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên, Đức Chúa Trời của những người Hêbrơ bị lưu đày (c.25-27). Chiếu chỉ đầu tiên của Đa-ri-út trong đoạn này tuyên bố ông là thần (c.7-9), nhưng chiếu chỉ thứ hai này lại tuyên bố rằng Đức Chúa Trời của người Hêbrơ là Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật! Khi làm như vậy, Đa-ri-út đã giống với Nê-bu-cát-nết-sa ở chỗ làm chứng công khai về quyền năng và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật (Da 2:47 Da 3:28-29 Da 4:1-3 34-37). Hẳng Đức Chúa Trời có thể bảo vệ để Đa-ni-ên không phải vào hang sư tử, nhưng bởi việc giải cứu ông khỏi hang sư tử, Đức Chúa Trời đã nhận được vinh hiển lớn hơn.


Người Do-thái đã bị hổ thẹn khi thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ của họ bị huỷ phá, bởi vì sự thất bại của họ có vẻ như thể các tà thần của Ba-by-lôn mạnh hơn Đức Chúa Trời chân thật của Y-sơ-ra-ên. Sự thờ thần tượng của người Do-thái, đặc biệt là của các vua và thầy tế lễ của họ, đã đưa đến sự sụp đổ của thành Giu-đa, và Đức Giê-hô-va đã dùng một dân tộc ngoại giáo để đánh bại họ. Đức Giê-hô-va đã không được dân sự của chính Ngài tôn kính, nhưng hiện nay Ngài đã được các vị vua ngoại giáo tôn ngợi, và những chiếu chỉ của họ được truyền khắp thế giới của Dân Ngoại. Những chiếu chỉ này là một bằng chứng cho Dân Ngoại thấy rằng chỉ có một duy nhất Đức Chúa Trời chân thật, đó là Đức Chúa Trời của dân Do-thái;nhưng các chiếu chỉ này cũng là một sự nhắc nhở cho dân Do-thái rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật. Những người Do-thái lưu đày bị vây quanh bởi các thần tượng và luôn bị cám dỗ thờ lạy thần của những dân đã chinh phục họ. Thật là trớ trêu khi dân Do-thái, dân được Đức Chúa Trời chọn để làm chứng cho Dân Ngoại về Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, lại đang được Dân ngoại làm chứng cho!


Quan điểm thần học được bày tỏ trong chiếu chỉ của Đa-ri-út hoàn toàn đúng với những gì đã được Mô-se, Đa-vít và Phao-lô trình bày.Giê-hô-va là Đức Chúa Trời hằng sống, vương quốc của Ngài không bao giờ bị tiêu diệt (c.26 Phu 5:26 Gios 3:10 Thi 42:2 Gie 10:10 Thi 145:13 Kh 11:15). Ngài là Đức Chúa Trời Đấng đã giải cứu dân sự và bảo vệ họ khỏi nguy hiểm và sự chết, và là Đấng đã tỏ ra những dấu kỳ và phép lạ (Da 6:27 Da 3:28-29 Da 4:3 Phu 6:22 Ne 9:10 Thi 74:9 Thi 105:26-36 Thi 135:9 Gie 32:20-21).


Tôi tớ của Đức Chúa Trời được thịnh vượng (Da 6:28). Từ khi Đa-ri-út người Mê-đi trở thành một “hình ảnh lu mờ” trong lịch sử cổ đại, chúng ta không biết rõ ông đã cai tri Ba-by-lôn được bao lâu và thời điểm chính xác vua Si-ru lên nắm quyền hoàn toàn là vào lúc nào. Người ta cho rằng lúc Đa-ri-út chiếm được Ba-by-lôn (Da 5:31), ông đã sáu mươi hai tuổi, có lẽ một vài năm sau đó ông đã qua đời và Si-ru đã lên kế vị. Bất chấp những gì đang diễn ra, Đa-ni-ên vẫn được Đa-ri-út và Si-ry tôn trọng và ông tiếp tục là một chứng nhân cho Đức Chúa Trời. Ông đã sống để chứng kiến vua Si-ru ra một chỉ dụ cho phép dân Do-thái trở về quê hương và xây lại đền thờ của họ (IISu 36:22-23 Exo 1:1-4) và có lẽ đã được Đức Chúa Trời dùng để giúp cho lời tiên trị của Giê-rê-mi được ứng nghiệm (Da 9:1-2 Gie 25:11-12). Rõ ràng lời cầu nguyện của ông cho dân sự đã đóng một vai trò quan trọng đối với thái độ tích cực của vua Si-ru đối với dân Do-thái.


Bên cạnh câu chuyện ba người được giải cứu khỏi lò lửa hừng (Da 3:1-30), thông báo Đa-ni-ên được cứu khỏi hang sư tử hẳn đã mang lại một sự khích lệ lớn cho dân Do-tháibị lưu đày. Họ đã biết về lời tiên tri của Giê-rê-mi và tự hỏi không biết Đức Chúa Trời có thật sự giải cứu họ không. Nhưng nếu Ngài đã giải cứu ba người khỏi lò lửa và Đa-ni-ên khỏi hang sư tử, thì chắc chắn Ngài có thể giải cứu những người bị lưu đày khỏi Ba-by-lôn và đưa họ trở về quê hương của chính họ.


Nhưng Đa-ni-ên có một sứ điệp cho dân sự của Đức Chúa Trời hiện đang bị kẻ thù tấn công và đang phải chịu khổ vì cớ họ sống ngay thẳng với Đức Chúa Trời. Dù chúng ta đối diện với lò lửa hừng (IPhi 1:6-8 IPhi 4:12-19)hay sư tử đang há miệng (IPhi 5:8-10), thì chúng ta vẫn đang được Đức Chúa Trời chăm sóc và Ngài sẽ thực hiện những mục đích thánh của Ngài vì cớ vinh hiển của Ngài. “Hãy trao phó mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em” (c.7).


7. “NƯỚC CHA ĐƯỢC ĐẾN” (Da 7:1-28)

Vua Nabonidus trị vì toàn đế quốc, nhưng ông lập con trai mình là Bên-sát-xa làm người cai trị Ba-by-lôn; và có thể năm đầu tiên ông cai trị là năm 553. Điều này có nghĩa là những sự kiện được mô tả trong đoạn 7 và 8 đã diễn ra trước những sự kiện được mô tả trong đoạn 5 và 6, và khi những sự việc này xảy ra thì Đa-ni-ên đã gần bảy mươi lăm tuổi. Có lẽ Đa-ni-ên đã sắp xếp các tài liệu của sách ông theo cách này hầu cho những ghi chép về cách ông giải nghĩa các giấc mơ và khải tượng của những người khác được trình bày trước nhữngkhải tượng mà Đức Giê-hô-va đã ban cho ông (Da 7:1-2 Da 8:1 Da 9:20-27 Da 10:1 và những câu sau). Ngoại trừ giấc chiêm bao của vua Nê-bu-cát-nết-sa về pho tượng lớn được giải thích ở đoạn 2, những khải tượng khác trong Đa-ni-ên 2-6 không có được ứng dụng rộng rãi như những khải tượng mà Đa-ni-ên đã được ban cho. Khải tượng được giải thích trong đoạn này giống với khải tượng Đức Chúa Trời đã ban cho Đa-ni-ên ở đoạn 2.


Trong khải tượng này, Đa-ni-ên được cho biết về sáu vương quốc khác nhau, bốn trong số này là các vương quốc của đời này, một là vương quốc của Sa-tan, và cuối cùng là vương quốc của Đấng Mê-si.


1. Các vương quốc của đời này (Da 7:1-7,15-23)

Lúc Đa-ni-ên đang ngủ, Đức Chúa Trời đã phán với ông qua giấc chiêm bao với những khải tượng làm ông bối rối (c.1-2,15). Đa-ni-ên cũng là một phần của sự kiện trong khải tượng này, bởi vì ông đã đến gần một vị thiên sứ và hỏi người về ý nghĩa của khải tượng (c.16). Đa-ni-ên đã không nói rõ làm cách nào ông đang nằm ngủ trên giường mà có thể nói chuyện với một thiên sứ đang đứng trước ngôi Đức Chúa Trời. Có lẽ cũng giống như Phao-lô, ông không biết lúc đó mình đang ở tình trạng bình thường hay đã xuất thần (Da 8:2 IICo 12:1-3).


Biển động là hình ảnh Kinh thánh thường dùng để tượng trưng cho các quốc gia của đời này (Es 17:12-13 Es 57:20 Es 60:5 Exe 26:3 Kh 13:1 Kh 17:15). Cũng như đại dương có khi nổi sóng, các quốc gia của đời này thỉnh thoảng cũng gặp phải tình trạng rối loạn, thậm chí là chiến tranh. Cũng như những cơn sóng và dòng chảy của đại dương khó có thể tiên đoán, chiều hướng lịch sử của đời này nằm ngoài khả năng dự đoán của con người. Các sử gia như Oswald Spengder và Arnold Toynbee đã nổ lực để tìm ra một kiểu mẫu cho lịch sử của thế giới, nhưng không có kết quả. Theo quan điểm của con người, có vẻ như các quốc gia tự tạo ra số phận của họ, nhưng những ngọn gió vô hình của Đức Chúa Trời đã thổi quan bề mặt của nguồn nước để làm trọn ý định của Ngài theo thời điểm đã định của Ngài. Nếu như có một sứ điệp được nhấn mạnh trong Sách Đa-ni-ên thì đó là “Đấng Tối Cao cai trị trong vương quốc của loài ngươi (Da 4:32).


Vị thiên sứ nói cho Đa-ni-ên biết bốn con sinh tượng trưng cho bốn vương quốc (Da 7:17), các đế quốc có thứ tự giống như Nê-bu-cát-nết-sa đã thấy trong giấc chiêm bao của ông (đoạn 2). Tuy nhiên, nhà vua đã thấy một pho tượng lớn, được làm bằng những kim loại giá trị, trong khi Đa-ni-ên nhìn thấy những con thú nguy hiểm, hung hãn vồ lấy các dân và các quốc gia. Trong mắt của con người, các quốc gia của đời này như hình ảnh vĩ đại của Nê-bu-cát-nết-sa, ấn tượng và quan trọng; nhưng với Đức Chúa Trời, các quốc gia này chỉ là những con thú dự tợn đang tấn công và tìm cách để nuốt chửng nhau.


Con sư tử với đôi cánh của chim ưng (Da 7:4)đại diện cho đế quốc Ba-by-lôn, đây chính là cái đầu bằng vàng trong pho tượng mà Nê-bu-cát-nết-sa chiêm bao thấy (Da 2:37-38). Trong Kinh thánh, Ba-by-lôn được đồng hoá với cả sư tử và chim ưng (Gie 4:7,13 Gie 8:40 Gie 49:19-22 Gie 50:17 Exe 17:3,12 Ha 1:6-8). Cách mô tả con sư tử được nâng đứng lên như một con người, và sau đó được ban cho lòng người nhắc chúng ta nhớ đến việc Đức Chúa Trời đã làm cho Vua Nê-bu-cát-nết-sa khiêm nhường và khiến ông sống như một con thú trong vòng bảy năm ra sao (Da 4:16 28-34). Đức Chúa Trời cho Đa-ni-ên biết rằng Đế quốc Ba-by-lôn sẽ sụp đổ.


Con thú có ba xương sườn trong miệng (Da 7:5) tượng trưng cho đế quốc của người Mê-đi và Ba-tư, đế quốc này đã đánh bại Ba-by-lôn (Da 5:1-31). Con thú này tương đương với cánh tay và ngực bằng bạc của pho tượng lớn (Da 2:39). Nó đứng nghiên nữa mình vì người Ba-tư mạnh hơn người Mê-đi. Trong khải tượng sau đó về một con cừu đực với hai cái sừng (Da 8:1-27), chiếc sừng cao hơn tượng trưng cho người Ba-tư (c.3,20). Các nhà giải kinh đã không đồng ý với nhau về ý nghĩa của ba cái sừng trong miệng của con thú này. Cách giải thích hợp lý nhất là chúng đại diện cho Ly-đi, Ai-cập, và Ba-by-lôn, những quốc gia mà người Mê-đi và Ba-tư đã chinh phục. Thực sự quân đội của đế quốc Mê-đi-Ba-tư đã “đỗ nhiều xương máu” khi họ hành quân qua cách trận địa.


Con beo với bốn cánh (Da 7:6) đại diện cho A-lịch-sơn Đại đế và những cuộc chinh phục mau chóng của quân đội ông. Kết quả là vương quốc của người Hy-lạp được mở rộng phạm vi. Con thú này được đồng hoá với con số bốn: bốn đầu và bốn sừng (Da 8:8,21-22). A-lịch-sơn chết sớm vào năm 323 mà không có người kế vị, và vương quốc của ông đã phải bị chia thành bốn phần và giao cho cách vị tướng dưới quyền ông. Palestine và Ai-cập về tay Ptolemy I; Sy-ri do Seulucus I cai trị; Thrace và vùng Tiểu Á được giao cho Lysimachus; còn Macedon và Hy-lạp được Antipater và Cassander cai quản.


Con thú “dữ tợn, rất mạnh và có sức” (Da 7:7) đại diện cho Đế quốc La-mã, mạnh mẽ và bền vững như sắt và không nhượng bộ như một con thú đang giận dữ.Quân đội La-mã đã càng quét thế giới cổ đại và đánh bại hết nước này đến nước khác cho đến khi đế quốc này có được phạm vi phía Đông từ Đại Tây Dương cho đến Biển Caspian và phía Bắc từ Bắc Phi cho đến những con sông Rhine và Danube.Ai-cập, Palestine và Sy-ry đều chịu sự thống trị của La-mã.


Con thú này tương đương với đôi chân bằng sắt của pho tượng mà Nê-bu-cát-nết-sa nhìn thấy (Da 2:40-43), nhưng mười ngón chân (mười vua, c.43-44) được tượng trưng bởi mười cái sừng (Da 7:7,24). Trong Kinh thánh, thông thường cái sừng là biểu tượng của người cai trị hay thẩm quyền của vua chúa (ISa 2:10 Thi 132:17). Ở phần nghiên cứu kế tiếp, chúng ta sẽ có nhiều điều để nói về “chiếc sừng nhỏ” được đề cập trong Da 7:8.


Trong tiến trình khắc nghiệt của lịch sử cổ đại, đến quốc này bị thay thế bởi đế quốc khác, đưa đến việc Đế quốc La-mã được thành lập. Hai khải tượng (ở đoạn 2 và 7) đã cho thấy rõ rằng Đức Chúa Trời biết được tương lai và điều khiển sự lớn mạnh cũng như sụp đổ của các quốc gia và những người cai trị. Lúc bấy giời Đa-ni-ên đang sống vào thời của Đế quốc Ba-by-lôn, nhưng ông biết rằng Ba-by-lôn sẽ bị người Mê-đi và Ba-tư thôn tính, và Hy-lạp sẽ chinh phục Đế quốc Mê-đi-Ba-tư, và rồi cuối cùng La-mã sẽ chinh phục tất cả. Lời tiên tri chính là lịch sử được viết trước khi nó diễn ra.


2. Vương quốc của Sa-tan (Da 7:8,11-12,21-26)

Bốn vương quốc được đại diện bởi bốn con thú này sẽ xuất hiện và qua đi; tuy nhiên, câu 12 chỉ ra rằng mỗi vương quốc sẽ tiếp tục tồn tại dưới một hình thức nào đó trong vương quốc kế tiếp đã “nuốt chững” nó. Nhưng trong khải tượng của mình Đa-ni-ên nhìn thấy một điều gì đó mà đã không được bày tỏ cho Nê-bu-cát-nết-sa: vương quốc cuối cùng của loài người trên đất sẽ là một vương quốc đáng sợ, không giống bất kỳ vương quốc nào trước đó, và thậm chí nó sẽ tuyên chiến với cả Đức Chúa Trời! Đây chính là vương quốc của Kẻ chống Chúa, được mô tả trong Kh 13:1–Kh 19:21, một vương quốc tội lỗi sẽ bị Chúa Giê-su Christ huỷ diệt khi Ngài tái lâm. Trong khải tượng của Nê-bu-cát-nết-sa, sự đoán phạt này được diễn tả bằng hình ảnh “một hòn đá chẳng bởi tay đục ra” thình lình từ trời rơi xuống và làm bể tan pho tượng (Da 2:34-35,44-45).


Mười cái sừng (Da 7:7-8,24 Kh 13:1 Kh 17:3,7,12,16). Những cái sừng này tượng trưng cho mười vị vua hay mười vương quốc sẽ xuất hiện vào thời kỳ sau rốt. Đa-ni-ên đã viết bằng ngôn ngữ mà người thời ông có thể hiểu được, và người cổ đại xa lạ với quan niệm về quốc gia mà chúng ta có ngày nay. Trong thời Đa-ni-ên, các nước được cai trị bởi vua, nhưng từ “vương quốc” được nói đến ở đây sẽ là các quốc gia như chúng ta đã được cho biết. Một số nhà nghiên cứu về lời tiên tri cho rằng một trong mười quốc gia này là “Hợp Chủng Quốc Châu Âu” sẽ xuất hiện trong kỳ sau rốt.Những sự phát triển gần đây ở Châu Âu, như tổ chức của Liên Minh Châu Âu và việc sử dụng đồng euro, dường như đang hướng đến điều đó. Tuy nhiên, trong Liên Minh Châu Âu có hơn mười quốc gia, nên tốt nhất chúng ta không nên đưa ra những kết luật vội vã. [44]. Bên cạnh việc có mười nước sẽ liên minh với nhau, thì ở một khía cạnh nào đó nó là sự mở rộng của Đế quốc La-mã, nơi Kẻ Chống Chúa sẽ xuất hiện và vương quốc cuối cùng này của thế gian sẽ được thiết lập và chủ động chống lại Đức Chúa Trời cùng dân sự của Ngài.


“Cái “sừng nhỏ” (Da 7:8,11,24-26). Cái sừng này tượng trưng cho người cai trị cuối cùng của thế gian, một con người được gọi là Kẻ Chống Chúa. Tiền tố Hy-lạp anti có thể mang nghĩa là “chống” và “thay vì”.Người cai trị cuối cùng này vừa là một kẻ giả mạo Chúa Cứu Thế vừa là một kẻ thù chống lại Chúa Cứu Thế. Giăng đã mô tả diện mạo của “con người tội lỗi” này (IITe 2:3) trong Kh 13:1-10. [45]. Theo Đa-ni-ên, Kẻ Chống Chúa có quyền lực trổi hơn ba người cai trị kia. Hắn có thể làm những gì mình muốn và những gì Sa-tan đã lên kế hoạch cho hắn làm (Da 7:24). Việc đề cập đến mắt của hắn ám chỉ rằng hắn có sự hiểu biết đặc biệt và có khả năng để lập được những kỳ tích. Hắn cũng là một người có khéo léo ăn nói và có khả năng tâng bốc chính mình để người ta đi theo mình. (c.11,25 Kh 13:5-6). Hắn sẽ trở thành người cai trị thế gian, và hắn không chỉ điều khiển những vấn đề về kinh tế và tôngiáo, mà còn tìm cách để thay đổi cách kỳ và luật pháp.


Theo Da 7:25 và Kh 13:5, hắn sẽ cai trị trong vòng ba năm rưỡi, đây là một khoảng thời gian quan trọng trong các sách tiên tri. Khoảng thời gian này được Kinh thánh định nghĩa là “một kỳ, những kỳ, và nữa kỳ” (Da 7:25 Kh 12:14), “bốn mươi hai tháng” (Kh 11:2 Kh 13:5) và “1.260 ngày” (Kh 11:3 Kh 12:6). Khoảng thời gian này là một nữa của bảy năm, một khoảng thời gian đầy ý nghĩa trong sách tiên tri. Căn cứ vào Da 9:24-27, chúng ta biết được rằng Kẻ Chống Chúa sẽ lập một giao ước với dân tộc Do-thái trong vòng bảy năm, nhưng giữa giai đoạn này, hắn sẽ phá vỡ giao ước và bắt đầu bắt bớ dân sự của Đức Chúa Trời.


Viễn cảnh có lẽ sẽ giống như vầy:Kẻ Chống Chúa sẽ lãnh đạo một trong mười nước liên minh ở Châu Âu. Hắn sẽ đánh đổ ba nước khác, và sự giúp đỡ của Sa-tan, hắn sẽ trở thành một kẻ có quyền hành tuyệt đối ở thế gian. Lúc đầu hắn tỏ ra thân thiện với người Do-thái và sẽ ký một giao ước bảy năm để bảo vệ họ (c.27). [46], Việc ký kết giao ước đó báo hiệu cho sự khởi đầu bảy năm cuối cùng của bảy mươi tuần lễ mà đã được Đa-ni-ên phát thảo trong câu 24-27. Giai đoạn này thường được biết đến với tên gọi là “Đại Nạn” và đã được mô tả trong Mat 24:1-14 Mac 13:1-3 Kh 6:1-19:21.


Sau ba năm rưỡi, Kẻ Chống Chúa sẽ phá vỡ giao ước và cho dựng tượng của chính mình trong đền thờ của người Do-thái ở Giê-ru-sa-lem, buộc thế gian phải thờ lạy hắn và ma quỉ, kẻ đang ban sức mạnh cho hắn. Chúa Giê-xu đã gọi đây là “sự gớm ghiếc tàn nát” (Da 1:31 Mat 24:15 Mac 13:14 IITe 2:1-4). Điều này báo hiệu giai đoạn nửa cuối của cuộc Đại Nạn, một giai đoạn được biết đến như là “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” (Kh 14:10,19 Kh 15:1,7 Mat 24:15-28 Mac 13:14-23). Đỉnh điểm của giai đoạn này là Chúa Giê-su Christ sẽ trở lại trần gian và đánh bại Kẻ Chống Chúa cùng quân đội của hắn (Mat 24:29-44 Mac 13:24-27 Kh 19:11-21). Sau đó Chúa Giê-su Christ sẽ thiết lập vương quốc của Ngài trên đất (Da 7:13-14,26-27 Kh 20:1-6). [47].


Đa-ni-ên không đi vào tất cả những chi tiết mà Giăng đã trình bày trong Sách Khải huyền, nhưng ông đã xác quyết rằng vương quốc của Sa-tan và kẻ giả mạo Chúa Cứu Thế sẽ bị Chúa Giê-su Christ đánh bại và huỷ diệt (Da 7:22,26 ITe 1:7-2:10).


Chiến tranh với các thánh đồ (Da 7:21-23,25). Từ “các thánh đồ” được nhắc đến ở các câu 18,21-22,25,27 và chỉ về dân sự của Đức Chúa Trời đang sống trên đất này trong thời kỳ Đại Nạn. Sứ đồ Giăng đã trình bày rõ rằng sẽ có những người Do-thái và ngoại bang tin kính sống trên đất trong suốt bảy năm Đại Nạn này (Kh 7:1-17). Nếu hội thánh được cất lên trước cơn Đại Nạn, thì đây sẽ là những người Do-thái và ngoại bang tin Chúa Giê-su Christ sau khi hội thánh đã được cất đi. Nếu hội thánh phải trải qua một phần hay toàn bộ cuộc Đại nạn, thì những người này sẽ là “những thánh đồ” đã được Đa-ni-ên nhắc đến. Dù là trường hợp nào đi nữa, thì vẫn có một vài người trong số họ sẽ phải chết vì cớ niềm tin của mình (Kh 14:9-13).


Có ba câu Kinh thánh mô tả rằng các thánh đồ thắng hơn kẻ thù của họ (Da 7:18,22,27), trong khi đó có hai câu cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời cho phép họ chịu thất bại trước kẻ thù (c.21,25). Các thánh “nhận lãnh” vương quốc, “sở hữu” vương quốc này (c.22), và vương quốc này được “ban cho” họ (c.27). Tất cả những điều này là công việc của Đức Chúa Trời Tối Cao. Ngài cho phép Kẻ Chống Chúa xuất hiện để nắm quyền cai trị thế gian, và thậm chí là cho phép hắn gây chiến với các thánh đồ và tạm thời dành được chiến thắng (c.21). Cụm từ “làm hao mòn các thánh” (c.25) mô tả việc Kẻ Chống Chúa tiếp tục bách hại dân sự Đức Chúa Trời và nói những lời xúc phạm Đức Chúa Trời và dân sự Ngài.


Sứ đồ Giăng đã viết Sách Khải huyền vào thời điểm mà La-mã đang bắt bớ 1hội thánh và ra sức ép buộc Cơ Đốc nhân thờ lạy hoàng đế. Ai xưng “Chúa Giê-su Christ là Đức Chúa Trời” sẽ bị tống giam, thậm chí là bị giết. Cả Sách Đa-ni-ên và Sách Khải huyền đều mang đến sự khích lệ và sức mạnh cho hội thánh đầu tiên, cũng giống như chúng mang đến sự khích lệ cho những tín đồ đang chịu khổ ngày nay.


3. Vương quốc của Đấng Cứu Thế (Da 7:9-14,27-28)

Đa-ni-ên đã nhìn thấy sự xuất hiện và sụp đổ của năm vương quốc: của người Ba-by-lôn, người Mê-đi và Ba-tư, của người Hy-lạp, của người La-mã, và vương quốc của Sa-tan mà đứng đầu là Kẻ Chống Chúa. Nhưng vương quốc quan trọng hơn cả chính là vương quốc mà Chúa Cứu Thế sẽ thiết lập trên đất vì cớ vinh hiện của Đức Chúa Trời, vương quốc mà các Cơ Đốc nhân thường ngóng trông mỗi khi cầu nguyện “Nước Cha được đến” (Mat 6:10). Kinh thánh đã cho thấy hai khía cạnh của vương quốc này: “vương quốc của Đức Chúa Trời”, là sự cai trị thuộc linh của Chúa Cứu Thế trên tất cả những người thuộc về Ngài (Gi 3:1-8 Co 1:13) và là vương quốc vinh hiển trên đất, được sắm sẵn cho dân sự Đức Chúa Trời (Mat 16:28 Mat 25:34 Mat 26:29 Lu 22:29). [48]


Ngai trên thiên đàng của Đức Chúa Cha (Da 7:9-12). Các ngai trên thiên đàng được sắp đặt hẳn hoi và không phải “quăng xuống” như trong bản KJV. Sự kiện này diễn ra trước khi vương quốc của Kẻ Chống Chúa bị tiêu diệt, vì thế có thể phân đoạn này tương đương với Kh 4:1-5:14. Trong hai đoạn Kinh thánh này sứ đồ Giăng mô tả chỗ đặt ngai của Đức Chúa Trời. “Đấng Thượng Cổ” là danh dành cho Đức Chúa Trời để nhấn mạnh sự tồn tại đời đời của Ngài. Ngài là Đức Chúa Trời Đấng đã tồn tại từ trước vô cùng trong quá khứ, đã hoạch định cho mọi sự, và hiện đang thực hiện kế hoạch đó của Ngài.Chúng ta không nên hiểu những điều mô tả về Đức Chúa Trời theo nghĩa đen, vì Đức Chúa Trời không có nhân dạng, không mặc áo quần hay có tóc màu trắng. Những điều này là hình ảnh tượng trưng cho bản chất và thuộc tính của Ngài: Ngài vốn tồn tại đời đời, thánh khiết và có quyền tối cao. Trong Kh 1:12-20, những thuộc tính tương tự ở đây đã được dùng cho Chúa Giê-su Christ, vì thế cho chúng ta thấy Ngài chính là Con đời đời của Đức Chúa Trời.


Khải tượng về ngôi của Đức Chúa Trời tương đương Exe 1:15-21,26-27. Lửa nói về sự thánh khiết của Ngài và sự đoán phạt của Ngài đối với tội lỗi, còn các bánh xe tượng trưng cho sự vận hành đã có dự tính trước của Đức Chúa Trời ở thế gian này mà chúng ta không thể nào hiểu được. Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi như một đám lửa tiêu cháy” (Phu 4:24 He 12:29 Thi 97:1-4). Ngài được vô số các thánh đồ và thiên sứ ca tụng (Phu 33:2 Kh 5:11) khi các sách được mở ra và Đức Chúa Trời sửa soạn để đoán xét tội lỗi trên đất. Dù cho Sa-tan và Kẻ Chống Chúa có làm gì trên đất, thì Đức Chúa Trời vẫn ngự trên ngôi và Ngài thi hành việc đoán xét.


Ngai trên đất của Con Đức Chúa Trời (Da 7:13-14,27). “Con người” là một danh xưng quen thuộc được dành cho Chúa Giê-su Christ chúng ta; trong các sách Phúc Âm, có tám mươi hai lần danh này được dùng và thường là bởi chính Chúa Giê-xu. (Kh 1:13 Kh 14:14) Cụm từ “những đám mây trên thiên đàng “nhắc chúng ta nhớ đến lời Ngài đã hứa rằng Ngài sẽ trở lại trong vinh hiển và cai trị trên đất (Mat 24:30 Mat 25:31 Mat 26:64 Mac 13:26 Mac 14:62 Kh 1:7).


Con Người hiện diện trước ngai của Đức Chúa cha và được ban cho quyền cai trị tấc cả các nước, đây là sự cai trị lâu dài và sẽ không bao giờ qua đi. Đây chính là sự kiện mở đầu của hòn đá đã ra từ một hòn núi và rơi xuống hủy phá các vương quốc của thế gian này (Da 2:34-35,44-45), và điều này tương đương với Kh 5:1-7. Đức Chúa Cha đã hứa với Đức Chúa Con rằng “Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại bang làm cơ nghiệp, và các đầu cùng đất làm của cải” (Thi 2:8). Không giống như bốn vương quốc trước đó, và vương quốc của Kẻ Chống Chúa, không bao giờ vương quốc của Chúa Giê-su Christ bị dời bỏ hay tiêu diệt được. Đây là vương quốc mà Đức Chúa Trời đã nghĩ đến khi Ngài phán với Đa-vít rằng ngôi người sẽ không bao giờ cùng (IISa 7:13,16). Ngài sẽ chia sẽ vương quốc này với dân sự Ngài (Da 7:27) và họ sẽ cùng cai trị với Ngài (Kh 5:10 Kh 11:15 Kh 20:4).


Sẽ có một ngày Giao ước về vương quốc mà Đức Chúa Trời đã lập với Đa-vít (IISa 7:1-29) được ứng nghiệm trong Chúa Giê-su Christ. Rõ ràng lời Đức Chúa Trời hứa rằng dòng dõi của Đa-vít sẽ có được ngôi nước mãi mãi (IISa 7:12-13) đã không ứng nghiệm trong Sa-lô-môn hay bất kỳ người kế vị nào của ông, nhưng điều này sẽ được ứng nghiệm trong Chúa Giê-su Christ (Lu 1:30-33,68-79). [49]


Trong Kh 20:1-8, có sáu lần chúng ta được cho biết rằng vương quốc này sẽ tồn tại trong một ngàn năm, đó là lý do mà thời gian này được gọi là “vương quốc Một Ngàn Năm”, trong tiếng La-tinh từ này có nghĩa là “một ngàn năm”. Trong khoảng thời gian này, Đức Chúa Trời sẽ làm ứng nghiệm nhiều lời hứa dành cho vương quốc này đã được lập trong Kinh thánh Cựu ước. Thiên nhiên sẽ được giải cứu khỏi sự trói buộc của tội lỗi và suy tàn (Es 35:1-10 Ro 8:18-25), thế giới sẽ được hòa bình (Es 2:1-5 Es 9:1-7).


Trong khải tượng đầy kịch tính này, Đa-ni-ên đã nhìn thấy tiến trình đầy đủ của lịch sử, khởi đầu với vương quốc Ba-by-lôn và kết thúc với một ngàn năm cai trị trên đất của Chúa Cứu Thế. Khi đang ở trong cảnh lưu đày, ông và dân sự của ông đã có được sự an ủi và sức mạnh khi biết rằng sẽ có một ngày những lời tiên tri sẽ được ứng nghiệm và đấng Mê-si-a của họ sẽ trị vì trên ngôi của Đa-vít. Hội thánh ngày nay của Chúa Giê-su Christ đang trông chờ Đấng Cứu Thế trở lại, khi ấy chúng ta sẽ được cất lên để gặp Ngài tại nơi không trung (ITe 4:13-18). Chúng ta sẽ cùng Ngài trở lại trần gian này, cùng cai trị với Ngài, phụng sự Ngài. “A-men, lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến” (c,20)


Đa-ni-ên đã phản ứng ra sao trước sự mặc khải lớn lao này? Ông đã hết sức bối rối, và mặt ông biến sắc (Da 7:28), nhưng ông đã không nói cho ai biết về những gì Đức Chúa Trời đã cho ông thấy.Trong những chương sau chúng ta sẽ biết được rằng sau khi nhận lãnh khải tượng từ Đức Chúa Trời, Đa-ni-ên thường bị đau và và không thể làm việc được. Điều này hoàn toàn khác với những “nhà nghiên cứu về lời tiên tri” thời nay, khi nghĩ rằng mình đã khám phá ra một chân lý, họ thường lên đài hay truyền hình để nói cho mọi người biết những điều họ cho rằng họ biết.

Thật là nguy hiểm khi nghiên cứu lời tiên tri chỉ để thoã mãn sự hiếu kỳ của chúng ta hay chỉ để cho người khác có ấn tượng rằng chúng ta là “những nhà nghiên cứu Kinh thánh vĩ đại”. Nếu lẽ thật của Đức Chúa Trời không động chạm đến lòng của chúng ta và tác động đến tư cách của chúng, thì sự nghiên cứu Kinh thánh của chúng ta chỉ là một việc làm của trí óc nhằm thổi phồng cái tôi của chính chúng ta.

A.W. Tozer đã nói rằng: “Kinh thánh không chấp nhận sự hiếu kỳ hiện đại mà chỉ đùa với lời Thánh Kinh này và nó chỉ tìm cách làm cho những cử tọa nhẹ dạ và dễ bị lửa có ấn tượng ‘kinh ngạc’ về kiến thức tiên tri mà những người đang giảng luận hay dạy dỗ có được!” [50].

Về điểm này, tôi nói một cách chân thành là “A-men!”





bottom of page