top of page

GIÊ-RÊ-MI 2

KINH THÁNH

CỰU-ƯỚC

THỂ LOẠI

Các Sách Tiên Tri Lớn



8. ĐỐI DIỆN VỚI LẼ THẬT VÀ CHỐNG LẠI NHỮNG LỜI GIẢ DỐI (Gie 25:1-30:24)


“An Idealist believes the short run doesn’t count. A cybic beieves the long run doesn’t matter. A realist believes that what is done or left undone in the short run determines the long run”Sidney J. Harris [71]


Trong...

...những chương này, chúng ta nhận thấy nhà tiên tri Giê-rê-mi đề cập đến 4 kinh nghiệm khác nhau trong chức vụ khi ông hầu việc Đức Chúa Trời và tìm cách đưa vương quốc Giu-đa quay trở lại với việc tìm cầu Chúa.


1. Tiên tri Giê-rê-mi tiết lộ bí mật (Gie 25:1-38)

Tiên tri Giê-rê-mi đã hầu việc Chúa được 23 năm khi ông giảng dạy những sứ điệp được ghi lại trong chương 25và 26 (Gie 25:3 Gie 26:1).

Ông được kêu gọi vào chức vụ nói tiên tri vào năm 626 TC (Gie 1:2) và tiếp tục chức vụ của mình đến sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá huỷ vào năm 587 TC, một khoảng thời gian hơn 40 năm. Bấy giờ, ông đang đứng tại điểm mốc ở giữa của chức vụ mình. Khi bạn nhìn lại những phản ứng không thiện cảm của dân sự đối với nhà tiên tri cũng như đối với sứ điệp của ông, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng Giê-rê-mi không những không ngã lòng từ bỏ chức vụ của mình mà còn tiếp tục trung tín bước theo tiếng gọi của Chúa.


Nhà tiên tri đã giảng dạy 2 sứ điệp- một cho người Do-thái và một cho các dân tộc ngoại bang (c.15-38)


a. Sự đoán phạt dân Giu-đa (Gie 25:1-14):

Bốn lần trong phân đoạn này, Giê-rê-mi đưa ra lời cáo buộc thật nghiêm trọng: “Các ngươi không nghe lời” (c.3-4,7-8). Những tiên tri trước đây, đa số họ không được chúng ta biết đến, cũng đã cảnh báo về một sự đoán phạt lớn nếu cả dân tộc không ăn năn và quay trở lại với Đức Giê-hô-va, vậy mà chức vụ của họ đã không được dân sự chú ý đến.

Tiên tri Giê-rê-mi đã giảng dạy cho những người lãng đạo và cả dân sự trong 23 năm và cũng đã nhận được một thái độ tương tự. Do không vâng theo Luật pháp, lại đi thờ lạy các hình tượng và chống lại tôi tớ Chúa, dân sự đã chọc giận Chúa và mỗi lúc của cơn giận Chúa ngày càng đến gần họ hơn.


Một lần nữa, Giê-rê-mi lại nói rằng vua Nê-bu-cát-nết-sa. [72] và những đạo quân Ba-by-lôn là công cụ của Chúa trong việc đoán phạt Giu-đa (Gie 21:7,10) thậm chí ông còn đề cập đến vua Nê-bu-cát-nết-sa với danh xưng “tôi tớ ta” (Gie 25:9 Gie 27:6 Gie 43:10). Nê-bu-cát-nết-sa không phải là một người tin vào Đức Chúa Trời chân thật của Y-sơ-ra-ên nhưng trong những cuộc chinh phục các xứ, vua đã làm thành ý muốn của Ngài (Gie 51:20-23). Dân sự của Chúa lại không vâng phục Ngài khi họ đã có mọi thứ. Còn những người đứng đầu các dân ngoại bang như các Pha-ra-ôn Ai-cập (Ro 9:17), Si-ru (Es 44:28 Es 45:1) và Nê-bu-cát-nết-sa lại là những kẻ đi hoàn thành ý muốn của Chúa.

Hội thánh ngày nay cũng cần nhớ rằng Đức Chúa Trời là Đấng tể trị và có thể dùng bất cứ công cụ nào Ngài dự định, thậm chí ngay cả những người lãnh đạo chưa tin Chúa để làm thành mục đích của Ngài trên đất.


Lần đầu tiên, Giê-rê-mi tiết lộ “bí mật” rằng cuộc lưu đày tại Ba-by-lôn sẽ kéo dài trong 70 năm (Gie 25:11-14 Gie 29:10 Dan 9:1-2). Một lý do khiến Chúa quyết định thời hạn 70 năm ấy, là để đất có thời gian được nghỉ ngơi, điều mà dân Do-thái đã bỏ qua (IISu 36:20-21 Le 25:3-5). Đó chính là Luật về Năm Sa-bát đã bị dân sự quên lãng gần 500 năm! . [73]


Tuy nhiên, Giu-đa không phải là nước duy nhất phải chịu sự xâm chiếm của đạo quân Ba-by-lôn vì “các nước ở chung quanh”(Gie 25:9) cũng sẽ bị đoán phạt, gồm có những nước được liệt kê trong Gie 25:18-25 và Gie 27:3. Bằng cách này hay cách khác, những nước này đã liên minh với Giu-đa để chống lại Ba-by-lôn, nhưng mạng lệnh của Chúa là các nước phải đầu phục Nê-bu-cát-nết-sa. Thật ra, Chúa sẽ khiến cho cả súc vật phải vâng phục vua Ba-by-lôn!


Kết thúc 70 năm lưu đày không chỉ có nghĩa là tự do đối với số dân Do-thái còn sót lại mà cũng là sự đoán phạt đối với đế quốc Ba-by-lôn vì cách đối xử độc ác của họ đối với dân Do-thái và các dân ngoại (Gie 25:12-14). Việc vua Nê-bu-cát-nết-sa làm thành công việc của Chúa là một chuyện nhưng khi vua trở nên kiêu ngạo và đáng ghét, vua đã vượt qua giới hạn của mình.Ba-by-lôn rơi vào tay của đạo quân người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ vào năm 539 TC (Dan 5:1-31)


b. Sự đoán phạt đối với dân ngoại (Gie 25:15-38):

Giê-rê-mi được Chúa kêu gọi để thực hiện chức vụ không chỉ đối với dân Giu-đa mà còn đối với cả dân ngoại nữa (Gie 1:5). Chúa đã lập ông “trên dân các nước” (c.10)và ban cho ông năng quyền để rao giảng Lời Chúa (c.10). Mặc dù Đức Chúa Trời không ban Luật pháp Ngài cho dân ngoại và lập một mối quan hệ theo giao ước với họ, Ngài vẫn khiến họ phải lãnh chịu tội lỗi của mình (Ro 1:18 Am 1:1-2:16)


Trong phân đoạn Kinh Thánh này, Giê-rê-mi sử dụng 8 hình ảnh sống động để miêu tả sự đoạn phạt của Chúa sẽ giáng trên các dân ngoại.


- CHÉN THỊNH NỘ (Gie 25:15-29)

Tương tự như các tương tri, các tác giả Thi thiên đã sử dụng hình ảnh quen thuộc này để miêu tả sự đau khổ và sự đoán phạt (Thi 60:3 Thi 75:8) cũng như các tiên tri (Es 29:9 Es 51:17,22 Es 63:6 Gie 25:15-16 Gie 49:12 Exe 23:32-34 Ha 2:16). Bạn sẽ tìm thấy hình ảnh này được lặp lại rất nhiều lần trong Tân-ước (Kh 14:8-10 Kh 16:19 Kh 18:6). “Ba-by-lôn …..điên cuồng” (Gie 51:7)


Mặc dù phân đoạn này chủ yếu tập trung nói về các dân tộc ngoại bang nhưng Giê-rê-mi cũng bắt đầu danh sách của mình bằng “Cho Giê-ru-sa-lem và cho các thành của Giu-đa” (Gie 25:18). Sự đoán phạt luôn bắt đầu từ dân sự của Chúa (Exe 9:6 IPhi 4:17)“Vả ấy là thành …..cả sao?” (Gie 25:29)


Giê-rê-mi đã bắt các dân ngoại phải uống chén thịnh nộ của Đức Chúa Trời bằng cách nào? Chắc chắn là nhà tiên tri sẽ không đi từ nước này sang nước khác để gặp gỡ những người đứng đầu các dân tộc. Đây không phải lúc dành cho một chuyến hành trình như vậy và những người đứng đầu dẫu sao cũng sẽ không sẵn lòng chào đón ông.

Có lẽ nhà tiên tri đã đi thăm viếng những người đại diện của các nước khác nhau đang có mặt tại Giê-ru-sa-lem lúc đó (Gie 27:3)để ăn một bữa cơm với ông và Giê-rê-mi sẽ rao giãng sứ điệp cho họ rồi chuyền chén thịnh nộ tượng trưng ấy sang tay họ một vòng. Đây ắt hẳn là một “bài giảng bằng hành động” khác để thu hút sự chú ý trong thành và khi các sứ thần trở về nước mình, họ sẽ thuật lại những điều mà vị tiên tri lạ lùng này đã nói và làm.


Uống chén là hành động thể hiện sự đầu phục ý muốn của Chúa. “Ta há chẳng uống chén mà Cha đã ban cho ta uống sao?” (Gi 18:11). Giê-rê-mi kêu gọi các dân tộc đầu phục ý muốn của Chúa, đầu hàng vua Nê-bu-cát-nết-sa để tránh sự huỷ diệt. Về sau, Giê-rê-mi cũng minh hoạ thông điệp này bằng cách mang ách vào cổ mình (Gie 27:1-22). Nếu các nước không uống chén của sự thuận phục, thì kết cuộc họ sẽ phải uống chén của sự thịnh nộ và “say mửa, ngã xuống, đừng dậy nữa” (Gie 25:27)


- SỬ TỬ GẦM RỐNG (Gie 25:30,38)

Sư tử thường gầm rống để khiến các con mồi tê liệt vì sợ hãi và Chúa cũng sẽ gầm thét trong ngày đoán phạt khi Ngài thăm viếng các nước (Os 11:10 Gio 3:16 Am 1:2 Am 3:8). Chúa đã dùng tình yêu để phán bảo với dân sự nhưng họ đã không chịu vâng lời Ngài nên giờ đây Ngài sẽ nói chuyện với họ bằng cơn giận dữ. Trong những ngày sau rốt, Chiên Con của Chúa sẽ trở nên như sư tử và dốc đổ cơn thịnh nộ của Ngài lên thế giới gian ác này. (Kh 5:5-7)


-MÁY ÉP NHO (Gie 25:30)

Đây là một hình ảnh ẩn dụ quen thuộc chỉ sự đoán phạt (Es 63:3 Gio 3:13 Kh 14:19-20). Khi chia sẻ niềm vui trong mùa thu hoạch, những người đạp nho vừa la lớn tiếng vừa hát với nhau (Kh 16:10) và Chúa cũng sẽ hét lớn tiếng khi Ngài đoán xét các nước chống lại ý muốn của Ngài.


-VIỆC KIỆN TỤNG (Gie 25: 31).

“Đức Chúa Trời sẽ tranh cạnh cùng các nước” (Os 4:1 Mi 6:2). Trước hết, Đức Chúa Trời sẽ kiện tụng chính dân Ngài vì họ đã từ bỏ Ngài và quay sang các thần tượng khác (Gie 2:9-13). Trong vụ “xét xử” này, sẽ chỉ có quan toà nhưng không có bồi thẩm đoàn, có lời cáo buộc nhưng không có lời biện hộ, có kết án nhưng không có lời kháng án.Chúa đã ban cho dân Ngài nhiều cơ hội để nhìn nhận và ăn năn về tội lỗi của mình, nhưng họ đã từ chối tất cả. Bây giờ thì đã quá muộn.


- CƠN BÃO (Gie 25:32-33)

Như một cơn bão, đạo quân của vua Nê-bu-cát-nết-sa đi từ xứ này qua xứ khác, thành này qua thành khác và chỉ để lại sự đổ nát sau lưng. “Nầy, cơn giận của …kẻ dữ ” (Gie 23:19 Gie 30:23 Es 30:30)


-RÁC RƯỞI (Gie 25:33).

Việc không được chôn cất tử tế là một điều sỉ nhục, vì thây người bị xem như là rác rưởi (Gie 8:2 Gie 9:22 Gie 16:4 Gie 22:19). Tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là: “phân”, thậm chí còn tệ hơn như vậy (Es 25:10-11)


- CÁI BÌNH VỠ (Gie 25:34)

“Các ngươi sẽ ngã xuống như bình quý giá”. Điều này khiến chúng ta nhớ đến bài giảng bằng hành động của Giê-rê-mi khi ông công khai làm vỡ bình gốm (Gie 19:1-3 Gie 13:14 Gie 48:38). Một ngày nào đó, Chúa Giê-xu Christ cũng sẽ đập vỡ các dân tộc như đập vỡ những chiếc bình gốm (Thi 2:9). Theo tiếng Hê-bơ-rơ thì cuụm từ “bình quý giá” (Gie 25:34) được dùng để chỉ đến một chiếc bình tốt, không giống như những bình khác. Chúa muốn những chiếc bình của Ngài luôn luôn được sạch sẽ và dễ uốn nắn. Nếu không, Chúa có quyền đập vỡ những bình đó.


-BẦY CHIÊN BỊ GIẾT (Gie 25:34-38).

Những người chăn bầy vốn là nhà lãnh đạo dân sự như nhà vua, các quan, thầy tế lễ và các tiên tri đã lợi dụng bầy của Chúa chớ không hết lòng chăm sóc cho dân Ngài.Bây giờ chính là lúc họ sẽ bị giết hại và sẽ không còn có chỗ nào cho họ ẩn náu cả! Thay vì nghe tiếng kêu la của bầy chiên, những nguời chăn giờ đây sẽ nghe chính tiếng la của mình khi họ nhìn thấy đồng cỏ của họ (Giu-đa) bị phá nát.Như một con sư tử hung dữ (Gie 25:38,30) Chúa sẽ chộp lấy những người chăn lẫn bầy chiên và sẽ không có ai có thể trốn thoát được.


“Vì thời kỳ đã đến… thế nào?” (IPhi 4:17)


2. Tiên tri Giê-rê-mi liều mạng sống mình (Gie 26:1-24)

Chúng ta cần nghiên cứu chương này chung với đoạn 7 vì cả hai đều đề cập đến bài giảng táo bạo của tiên tri Giê-rê-mi trong đền thờ. Bài giảng đã được tóm tắt trong câu 3-7 và xin bạn chú ý đến sự nhấn mạnh cụm từ “nghe lời Ta” (Gie 25:3-8). Giê-rê-mi đã giảng dạy đúng như điều Chúa đã phán dạy ông và ông không ngừng rao truyền sứ điệp đó để làm thoả lòng dân sự. Các tiên tri giả giảng dạy những điều dân sự muốn nghe còn Giê-rê-mi rao giảng những điều mà mọi người cần phải nghe: “(ngươi) sẽ nói mọi điều Ta truyền cho nói” (Gie 1:7)


Tuy nhiên, những người trong đền thờ được sự hỗ trợ của thầy tế lễ và các tiên tri giả đã chống lại thông điệp của Giê-rê-mi và đối xử với ông như một tiên tri giả, người đáng bị chết mất. Đối với họ, quả là một điều báng bổ khi Giê-rê-mi rao giảng rằng Đức Giê-hô-va sẽ cho phép thành thánh và đền thánh Ngài rơi vào tay dân ngoại cũng giống như hòm giao ước bị rơi vào tay dân Phi-li-tin tại Si-lô vậy (ISa 4:22). Vì Đức Chúa Trời đã hứa với Đa-vít rằng Ngài sẽ bảo vệ thành phố và đền thờ cho nên dân sự cho rằng Giê-rê-mi chắc chắn đang chối bỏ giao ước, ông đang dẫn mọi người đi sai đường và đáng phải chết mất! (Phu 18:20).


Nhận được tin có náo loạn tại đền thờ, các quan rời cung điện và đến ngay đền thờ để xem đã xảy ra việc gì. (điều này khiến chúng ta liên tưởng đến kinh nghiệm của Phao-lô được ký thuật lại trong sách Cong 21:27-40). Sau khi nghe dân sự, các thầy tế lễ và các tiên tri kết tội Giê-rê-mi phạm tội báng bổ thánh thần, họ cho nhà tiên tri một cơ hội để giải thích. Tiên tri Giê-rê-mi đã trình bày 3 luận điểm trong lời bào chữa của mình.


Trước hết, ông cho biết những gì ông nói là do chính Đức Chúa Trời sai bảo vì Chúa đã chọn ông (Gie 26:12,15). Nếu dân sự giết ông tức là giết một trong số các tiên tri của Chúa và ông thà chết trung tín với Chúa hơn là sống bội nghịch Ngài. Kế đến, dân sự lại là những người đang gặp nguy nan và ông là người đang tìm cách cứu họ! (c.13) Nếu họ ăn năn và vâng theo lời Chúa, Đức Chúa Trời sẽ hoãn cơn đoán phạt của Ngài lại và giải cứu họ. Cuối cùng, nếu dân sự giết ông, họ sẽ làm đổ máu người vô tội và điều đó chỉ làm cho sự đoán phạt sắp đổ xuống với họ thêm nặng nề mà thôi.


Ba luận điểm này đã giải thoát tiên tri Giê-rê-mi. Trước hết, sau khi nghe ông trình bày một cách xác thực, các quan chức đã kết luận rằng những lời cáo buộc về nhà tiên tri là giả dối và Giê-rê-mi không phải chết (c.16). Kế đến, một vài người khôn ngoan trong số các trưởng lão đã trưng dẫn câu chuyện xảy ra trong quá khứ: ấy là câu chuyện nói về chức vụ của tiên tri Mi-chê trong thời vua Ê-xê-chia (c.18-19 Mi 1:1 Mi 3:12). Lúc đó, người A-si-ri cũng đe doạ thành Giê-ru-sa-lem (Es 36:1-37:38) nhưng vua Ê-xê-chia đã vâng lời Đức Chúa Trời và dẫn dắt dânsự xưng nhận tội mình và ăn năn với Ngài.

Thứ ba, A-hi-cam, một trong các quan đã chứng minh là bạn của Giê-rê-mi và giải thoát người (Gie 26:24). A-hi-cam đã phục vụ cho vua Giô-sia (IIVua 22:11-14)và là cha của Ghê-đa-lia, người cai trị Giu-đa trong tương lai (IIVua 25:22 IIVua 40:5).


Thoạt đầu, mới đọc qua, sự kiện về tiên tri U-ri (Gie 26:20-23) dường như không liên quan gì đến lời biện hộ của Giê-rê-mi vì nhà vua đã xử tử U-ri, sau khi ông trốn sang Ai-cập rồi bị bắt về cho vua Giê-hô-gia-kin. Vả lại, lúc ấy Giê-rê-mi vẫn đang ở trong xứ Giu-đa và thậm chí còn thi hành chức vụ trong khu vực đền thờ! Giê-rê-mi đã có mọi bằng chứng là một người trung thành với đất nước mặc dù ông không đồng ý với đường lối chính trị của những người lãnh đạo. Chúng ta không thể trách U-ri về việc để cố cứu mạng sống mình, ông đã vi phạm luật pháp khi cố nói tiên tri cho Chúa , và điều này đã dẫn đến cái chết của ông.


3. Tiên tri Giê-rê-mi mang ách (Gie 27:1-28:17)

Một lần nữa, Giê-rê-mi lại dùng “bài giảng bằng hành động” để lôi kéo sự chú ý của mọi người và ông đã hành động như vậy khi vua Sê-đê-kia đang gặp gỡ đại diện của 5 nước láng giềng. Những nước này là liên minh của Giu-đa và họ cùng nhau chuẫn bị âm mưu chống lại vua Nê-bu-cát-nết-sa.


a. Thông điệp về cái ách (Gie 27:1-22):

Cái ách nói lên sự vâng phục và đó cũng chính là thông điệp mà Giê-rê-mi đang gắng truyền đạt. Trước hết, Giê-rê-mi chuyển sứ điệp đến công sứ của các nước (c.1-11). Điều mà các nhà chính trị này cần không phải là một âm mưu chiến lược mà là sự đầu phục quân Ba-by-lôn.

Khi mọi người hỏi Giê-rê-mi vì sao lại mang lấy ách, ông liền nói cho họ biết thông điệp của Đức Chúa Trời rằng: Giu-đa và các nước phải đầu hàng Nê-bu-cát-nết-sa bằng không sẽ bị huỷ diệt. Chúa đã phó các nước vào tay vua Ba-by-lôn và nhưng nước đó nếu chống lại vua tức là chống nghịch lại chính Chúa (c.7-8,11-12). Tiên tri gởi sứ điệp này cho các công sứ đang tụ họp tại Giê-ru-sa-lem là những người chắc chắn đã được nghe về việc có một người Do-thái đeo ách vào cổ và đi quanh thành một cách kỳ quặc (Gie 28:10).


“Mọi dân tộc sẽ phục vua (Nê-bu-cát-nết-sa) và con vua cũng như cháu vua” chỉ là một thanh ngữ dễ hiểu có nghĩa là “họ sẽ phục vua trong khoảng thời gian rất lâu”. Con trai vua Nê-bu-cát-nết-sa là Ê-vinh Mê-rô-đác đã lên ngôi kế vị cha (Gie 52:31-34 IIVua 25:27) thế rồi người anh rể của vua là Nẹt-gan Sa-rết-sê (Gie 39:3) lại tiếp tục kế vị ngôi vua chớ không phải là cháu của vua Nê-bu-cát-nết-sa.


Giu-đa có các tiên tri giả và những nước ngoại bang cũng có những thầy bói (người giải thích các điềm), người giải mộng (người giải thích các giấc mơ), kẻ thôi miên và thầy phù thủy (những người cầu các quỷ để khám phá hay điều khiển tương lai)nhưng cả Giu-đa lẫn các dân tộc ngoại đều không dám nghe những lời giả dối này.

Mặc dù người Do-thái đã bị cấm không được nhúng tay vào các hoạt động huyền bí (Le 19:26 Phu 18:10-11), thế thì tại sao vua Sê-đê-kia lại muốn nghe theo lời cố vấn chính trị từ điạ ngục? (IICo 6:14-18)


Kế đó, Giê-rê-mi truyền sứ điệp cho vua Sê-đê-kia Gie 27:12-15). Do vua đã chống lại Ba-by-lôn và từ chối cống nạp, cho nên vua hiện đang gặp rắc rối. Khi nhìn thấy tiên tri Giê-rê-mi đeo ách, nhà vua chắc hẳn đã quên mất sứ điệp: “Hãy đặt cổ mình…sống” (c.12). Giê-rê-mi đã cảnh cáo vua chớ nghe theo những sứ điệp giả dối của các tiên tri giả vì họ đã mượn danh Chúa mà nói lên những lời giả dối mà thôi.


Giê-rê-mi tiếp tục ban phát “thông điệp cái ách” cho các thầy tế lễ và dân sự (c.16-22). Các tiên tri giả đã tự nói rằng các báu vật bằng vàng và đồng trong đền thờ đã bị đạo quân Ba-by-lôn cướp đi sẽ sớm được đem trở về thành Giê-ru-sa-lem, nhưng tiên tri Giê-rê-mi biết rằng đó chỉ là những lời dối trá.

Thật ra, những bửu vật này đã không được đem trở về mãi cho tới khi Chúa thăm viếng người Do-thái và những ngưòi còn sót lại được trở về sau sắc lệnh của vua Si-ru (Exo 1:1-2:70). Điều quan trọng không phải là việc lấy lại những khí dụng và bửu vật trong đền thờ mà là cứu dân sự thoát chết và thành phố khỏi sự huỷ diệt. Điều này chỉ có thể xảy ra khi cả dân sự Chúa đầu phục vua Ba-by-lôn.


Tiên tri Giê-rê-mi khiêu khích các tiên tri giả bằng cách thúc đẩy họ cầu nguyện về vấn đề này. Xét cho cùng, nếu họ là tiên tri thật của Chúa thì Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ đáp lời cầu nguyện của họ. Ông yêu cầu họ cầu nguyện không phải cho những châu báu hiện đang ở Ba-by-lôn sẽ được đem về nhưng cho việc gìn giữ những khí vật hiện đang còn trong đền thờ. Việc quân Ba-by-lôn tổ chức cuộc tấn công thứ hai vào năm 597 nhằm đầu triều đại vua Sê-đê-kia (Gie 27:1 Gie 28:1), đã chứng minh rằng các tiên tri giả thật sự là những kẻ dối trá và lời cầu nguyện của họ đã không được Chúa đáp lời.


Giê-rê-mi kết thúc sứ điệp của mình cho thầy tế lễ và dân sự bằng một lời hứa đầy hy vọng: sau thời gian 70 năm bị bắt làm phu tù, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ thăm viếng dân Ngài tại Ba-by-lôn và đem họ trở về cố hương. Ngay khi đang trong cơn thịnh nộ Chúa vẫn thương xót dân Ngài (Ha 3:2)


b. Việc bẽ gãy cái ách (Ha 28:1-17):

Trong khi Giê-rê-mi mang cái ách và kêu gọi dân sự đầu hàng quân Ba-by-lôn thì Ha-na-nia một trong số các tiên tri giả đứng ra đương đầu với nhà tiên tri. Theo các ghi chép lịch sử thì vào cùng khoảng thời gian này, vua Nê-bu-cát-nết-sa đang dẹp loạn trong xứ mình. Ha-na-nia đã nhầm lẫn cho rằng cuộc nổi loạn là dấu hiệu của sự chấm dứt triều đại vua Nê-bu-cát-nết-sa.

Ha-na-nia tuyên bố rằng Đức Chúa Trời đã tháo cái ách của vua xứ Ba-by-lôn, các khí mạnh trong đền thờ sẽ được mang trở lại thành Giê-ru-sa-lem chỉ trong vòng hai năm. Đồng thời vua Giê-cô-nia cùng với những người bị lưu đày cũng sẽ quay trở lại với họ.


Những sứ điệp này hoàn toàn khác với điều mà tiên tri Giê-rê-mi đã nói trong danh Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã phán với Giê-rê-mi rằng những người bị lưu đày và những khí mạnh trong đền thờ sẽ không quay trở về xứ cho đến khi Chúa thăm viếng họ sau 70 năm bị bắt làm phu tù (Gie 27:16-22). Ngoài ra, vua Giê-cô-nia sẽ không quay trở về Giu-đa mà chết tại Ba-by-lôn (Gie 22:24-27 Gie 52:31-34)


Giê-rê-mi đã trả lời Ha-na-nia như sau: “A-men, nguyền xin Đức Giê-hô-va làm như vậy! Nguyền xin Đức Giê-hô-va làm những lời ông đã nói tiên tri!” “Chúng ta giải thích câu trả lời này như thế nào đây?” Chắc chắn đó không phải là một lời đồng ý với điều mà gã tiên tri giả đã nói vì Giê-rê-mi biết nhiều hơn. Có lẽ chúng ta viết lại những lời của Giê-rê-mi như thế này: “Ô, mong sao Đức Chúa Trời làm thành những điều ông đã nói! Nếu như vậy thì tôi sẽ vui mừng biết bao!” Bởi lẽ Giê-rê-mi biết rằng những lời tiên tri về hoà bình sẽ không được thực hiện, vì nếu điều ấy xảy ra thì sẽ trái ngược với mọi lời tiên tri về sự đoán phạt mà các tiên tri trước đó đã nói.


Ha-na-nia đã tức giận, tháo cái ách ra khỏi cổ Giê-rê-mi và bẻ gãy trước mặt dân sự. Nếu Giê-rê-mi có thể dùng các “bài giảng bằng hành động” để giảng thì Ha-na-nia cũng có thể chớ! Ha-na-nia tuyên bố như thế này: “Đức Giê-hô-va ….như vậy” (Gie 28:11). Và ông ta còn khẳng định rằng không chỉ Giu-đa sẽ được trả tự do mà tất cả mọi dân tộc đều sẽ tháo cái ách của Ba-by-lôn. Một lần nữa, lời tiên tri của Ha-na-nia lại trái ngược với sứ điệp Giê-rê-mi đã rao giảng cho các dân tộc.


Giê-rê-mi đã không phản đối lại khi Ha-na-nia tháo cái ách ra khỏi cổ ông hay đáp lời sứ điệp của nhà tiên tri giả này. “Tiên tri Giê-rê-mi bèn đi” (c.11). Khi các thầy tế lễ và dân sự chứng kiến cảng tượng này thì họ có thể cho rằng Giê-rê-mi im lặng tức là đã đồng tình với Ha-na-nia. Nhưng thực ra, Giê-rê-mi đang chờ đợi sứ điệp của Đức Chúa Trời và chờ đúng thời điểm nói rao giảng mà thôi.


Sứ điệp dành cho Ha-na-nia vừa mang tính quốc gia vừa mang tính cá nhân. Về phía đất nước, do họ đi theo lời khuyên giả dối nên cái ách gỗ trên vai họ sẽ được thay thế bằng cái ách sắt (Phu 28:48). Các nước sẽ không trốn thoát được ách nô lê của vua Nê-bu-cát-nết-sa sẽ bắt họ làm nô lệ.

Mọi việc sẽ xảy ra tương tự như khi chúng ta từ chối những cái ách nhẹ của Chúa đặt để trên chúng ta nên kết cục chúng ta sẽ phải mang lấy cái ách nặng do chính chúng ta tạo ra. Sứ điệp cá nhân là nhà tiên tri giả ấy sẽ phải chết vào hai tháng sau đó trong cùng năm ấy, và thực vậy Ha-na-nia đã chết (Gie 28:1,17). Nhưng ngay cả sự kiện này cũng không làm thức tỉnh dân sự, họ vẫn hướng về những việc làm độc ác.


Chúa không thường khiến mọi người phải chết trong những trường hợp tương tự nhưng điều này đã xảy ra cho những người đi theo Cô-rê (Dan 16:1-50), cho U-xa (IISa 6:1-23), cho đạo quân A-si-ri (IIVua 19:35)và cho A-na-nia, Sa-phi-ra (Cong 5:1-42). “Sa ..thay” (He 10:31)

-Gie 27:1-22; xem giải nghia Gie 26:1-24

-Gie 28:1-17; xem giải nghĩa Gie 26:1-24


4. Một số lá thư của tiên tri Giê-rê-mi (Gie 29:1-32)

Trong chương này có một vài lá thư: thư của Giê-rê-mi gởi cho những người bị lưu đày (c.1-14), thư Giê-rê-mi trả lời cho các tiên tri giả người Do-thái tại Ba-by-lôn (c.15-23), thư của Sê-ma-gia gởi cho các thầy tế lễ có quen biết với Giê-rê-mi mà ông đã có dịp đọc được (c.24-29) và thư của Giê-rê-mi gởi cho những người bị lưu đày có liên quan đến Sê-ma-gia (c.30-32).

Vào thời bấy giờ, quan hệ thư từ như thế cũng không có gì khó khăn trở ngại vì có rất nhiều cuộc gặp gỡ ngoại giao thường xuyên giữa Giê-ru-sa-lem và Ba-by-lôn (c.3) và Giê-rê-mi cũng có rất nhiều bạn bè làm việc ở chức vụ cao trong hàng những người lãnh đạo.


a. Lời khích lệ của tiên tri Giê-rê-mi (c.1-14):

Sau khi dân sự bị lưu đày tại Ba-by-lôn vào năm 597 TC.Thỉnh thoảng Giê-rê-mi lại gởi một lá thư cho họ để chỉ dạy họ cách ăn nết ở nơi xứ người. Là một người chăn bầy có tấm lòng nên Giê-rê-mi rất biết cách chỉ dạy và khích lệ dân sự trong cuộc sống tại Ba-by-lôn. Vì bị những luật lệ liên quan đến những vật "tinh sạch” và "không tinh sạch” chi phối quá nặng nề nên người Do-thái đã phải mất một thời gian khó khăn mới hội nhập được với xã hội của người ngoại. Giê-rê-mi muốn họ trở thành những chứng nhân tốt cho Chúa giữa vòng những người Ba-by-lôn thờ hình tượng, và ông cũng muốn họ trở thành những người Do-thái gương mẫu dù họ đã sống cách xa đền thờ và nhựng nghi lễ thờ phượng. Ông lưu tâm đến ba hạng người sau:


- NHỮNG NGƯỜI ĐANG VÔ VỌNG (c.4-6):

Những người bị lưu đày đã mất tất cả mọi thứ ngoại trừ chính mạng sống của mình và chỉ với một ít của cải mà họ đã đem theo mình khi đi sang Ba-by-lôn. Họ đã mất tự do và giờ đây đang là tù nhân. Họ đã bị đem ra khỏi nhà mình và không còn phương tiện kiếm sống. Họ bị tách rời khỏi người thân và bạn bè, một vài người trong số đó có thể bị giết chết trong suốt cuộc hành trình dài từ Giê-ru-sa-lem đến Ba-by-lôn. Cho dù họ có cái nhìn sự việc như thế nào đi nữa thì tình cảnh của họ lúc bấy giờ dường như thật vô vọng.


Chúng ta sẽ xoay sở như thế nào trong hoàn cảh tuyệt vọng như vậy? Hãy chấp nhận (c.4) và để Chúa dẫn theo con đường Ngài. Ngay cả việc chúng ta có treo đàn mình trên cây liễu và ngồi xung quang đi chăng nữa thì đó chỉ là một than khóc cũng quả làm một việc vô ích mà thôi cho dù đó là phản ứng thông thường của chúng ta khi đối diện với tang thương (Thi 137:1-4). Một trong những bước đầu tiên để biến đau thương thành vui mừng đó là hãy can đảm chấp nhận hoàn cảnh và đặt chính mình trong bàn tay yêu thương của Chúa là Đấng không phạm sai lầm bao giờ.


- NHỮNG NGƯỜI SỐNG TRONG HY VỌNG HÃO HUYỀN (Gie 29:6-9).

Các tiên tri giả thuyết phục dân sự rằng họ sẽ phải ở lại Ba-by-lôn chỉ trong một thời gian ngắn mà thôi, có lẽ là hai năm (c.8-9), vì vậy, họ không cần phải ổn định và bắt đầu lại cuộc sống bình thường. Nhưng Giê-rê-mi lại bảo họ điều ngược lại. Rằng họ sẽ phải ở đó trong khoảng 70 năm (c.10), nên họ sẽ có rất nhiều thời gian để xây dựng nhà cửa và gia đình.

Việc những người bị lưu đày lập gia đình sinh con đẻ cái là một điều rất quan trọng vì cần có đông đủ người cho cuộc trở về Giu-đa sau thời kỳ bị bắt làm phu tù. Số người Do-thái ít ỏi còn sót lại này đang nắm giữ trong tay mình tương lai của một kế hoạch vĩ đại về sự cứu chuộc của Chúa và họ phải vâng lời Ngài, trung tín với Ngài và tăng trưởng dân số thêm nhiều (c.6).


Việc người Do-thái tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại những người bắt nô lệ ngoại bang thờ hình tượng là một điều rất dễ nhưng Giê-rê-mi đã chỉ dẫn họ nên sống hoà thuận với người Ba-by-lôn, phải là những người biết hoà giải, chớ không phải là những người gây rối, đồng thời họ còn phải còn cầu nguyện hết lòng cho kẻ thù mình.

Trở thành những người Do-thái gương mẫu là điều mà dân sự Chúa vẫn có thể thực hiện được ngay cả trong xứ ngoại bang. Hãy nhớ rằng, nếu chúng ta chống lại cái ách gỗ của sự thuận phục thì chúng ta sẽ phải kết thúc với cái ách sắt của sự nô lệ (Gie 28:12-14). Do vậy, cách tốt nhất là chúng ta hãy đầu phục Chúa và những người lãnh đạo chúng ta cho dù họ cư xử tệ với chúng ta đến đâu đi nữa. Mù quáng tin theo hi vọng giả dối sẽ khiến chúng ta bỏ lỡ điều Chúa đã định sẵn cho chúng ta.


- NHỮNG NGƯỜI CÓ HY VỌNG THẬT (c.10-14).

Hy vọng thật là hy vọng được dựa trên Lời Chúa, chớ không phải dựa vào “những sứ điệp từ giấc mộng” của những người tự xưng là tiên tri (c.10). Chúa đã ban cho dân Ngài “một lời hứa thật phước hạnh” là Ngài sẽ giải cứu họ và Chúa sẽ giữ lời hứa Ngài. Chúa đã định sẵn các chương trình cho dân Ngài và đó là những điều thật tốt đẹp nên cuối cùng những điều ấy sẽ đem lại hi vọng và bình an cho họ. Vì vậy, họ không có gì phải sợ hãi hay nản lòng cả.


Tuy nhiên, trong mỗi hoàn cảnh, dân Chúa cần phải luôn có trách nhiệm tìm biết ý Chúa, cầu khẩn Ngài làm thành lời hứa của Ngài vì lời Chúa và sự cầu nguyện phải luôn đi đôi với nhau (Cong 6:4).

Mục đích của sự sửa phạt là để chúng ta trở lại tìm kiếm Chúa, xưng nhận tội lỗi mình và đến gần Ngài (He 12:3-13). Theo Gie 29:14, những lời hứa này không chỉ dành cho những người Do-thái bị bắt làm phu tù tại Ba-by-lôn mà còn dành cho tất cả những người Do-thái trên khắp thế giới. Tiên tri Giê-rê-mi đã nhìn thấy trước điểm kết thúc của thời kỳ khi dân Y-sơ-ra-ên sẽ tái hợp để gặp Đấng Mê-si-a và bước vào vương quốc của họ (Es 10:20-12:6).


b. Lời giải thích của Giê-rê-mi (c.15-23):

Các tiên tri giả tại Ba-by-lôn đã đưa ra những hi vọng giả tạo cho dân sự liên quan đến Giê-ru-sa-lem và Giu-đa và những lời này đã được truyền đến tai Giê-rê-mi. thật vậy, vua Sê-đê-kia đang còn trên ngôi và vẫn còn sót lại một số người Do-thái trong thành Giê-ru-sa-lem, nhưng không có điều gì đảm bảo rằng thành và đất nước được giải cứu. Dân sự vẫn ở trong xứ mà “những trái vải xấu” phải bị ném đi (Gie 24:1-10 Gie 29:17). Điều quan trọng ở đây không phải là những gì xảy ra với dân trong xứ mà là những người bị lưu đày sẽ làm gì với Lời Chúa. Nếu họ vâng lời Chúa, Ngài sẽ làm thành những mục đích của Ngài và chúc phước cho họ.


Giê-rê-mi cũng nêu tên hai vị tiên tri giả là A-háp và Sê-đê-kia, vốn là những người không chỉ giảng dạy lời dối trá cho dân sự mà còn sống đời sống không tin kính. Giê-rê-mi đã tuyên bố về ngày kết cuộc của họ ở Ba-by-lôn. Tên của họ trở nên những câu cửa miệng trong Y-sơ-ra-ên để cảnh cáo những ai còn có ý định chống nghịch lại Lời Chúa.


c. Lời cảnh cáo của Giê-rê-mi (c.24-32):

Lời cảnh cáo này là câu trả lời cho Sê-ma-gia, một tiên tri giả khác tại Ba-by-lôn, người đã mượn “danh của Đức Chúa Trời”viết thư cho dân sự tại thàn Giê-ru-sa-lem, thúc đẩy họ phải bắt giam Giê-rê-mi vì cho rằng ông là một người điên. Người cai quản đền thờ là Sô-phô-ni đã cho tiên tri Giê-rê-mi đọc thư này (Gie 21:1). Vì Sê-ma-gia có một nhóm ngưòi ủng hộ ông ta tại Ba-by-lôn, nên Giê-rê-mi đã lên tiếng cảnh cáo những người đang bị đày ở đó rằng Sê-ma-gia chính là người chống nghịch Chúa và Đức Chúa Trời đã không hề sai phái hay truyền sứ điệp cho Sê-ma-gia. Rằng ông ta sẽ bị đoán phạt do tội lỗi mình gây ra, sẽ bị tuyệt tự, bị bỏ mạng tại Ba-by-lôn và không bao giờ được trở lại nhìn thấy quê hương mình nữa.


Những gì cuộc sống làm cho chúng ta phụ thuộc phần lớn vào những điều cuộc sống tìm thấy trong chúng ta. Nếu chúng ta tìm kiếm Chúa và mong muốn những điều tốt nhất của Ngài thì cuộc sống sẽ tôi luyện và chuẩn bị cho chúng ta về điều Ngài dự định. Nếu chúng ra chống nghịch lại ý Chúa hay tìm kiếm những con đường tắt hầu để đạt cho được mục đích của mình nhanh hơn thì hoàn cảnh sẽ huỷ diệt chúng ta và cướp đi niềm vui mà Chúa muốn chúng ta được hưởng. Cùng một ánh nắng mặt trời có thể làm tan băng giá nhưng cũng có thể khiến cho đất cứng lại.


Những dự tính, chương trình của Chúa liên quan đến chúng ta đều xuất phát từ tấm lòng của Ngài và dẫn tới sự bình an trong Chúa. Vậy tại sao chúng ta phải lo mưu toan tìm kiếm những điều thay thế khác?



 


9. ĐỨC CHÚA TRỜI, ĐẤNG LÀM CHO MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (Gie 30:1-33:26)


“Một người tầm thường vẫn có thể nhìn thấy khi trời đang tối dần… nhưng anh ta, không thể nhìn thấy xa hơn trong bóng tối. Anh ta cũng chẳng biết phải mô tả ánh nắng mặt trời như thế nào trong bức tranh của mình. Còn một ngưòi vĩ đại thì biết xua tan bóng tối và nhìn thấy quang cảnh huy hoàng của bình minh đang ẩn sau bóng đêm” Charles E. Jefferson [74].


Các học giả về Kinh Thánh vẫn thường gọi bốn chương này là “Sách an ủi”. Trong đó, Đức Chúa Trời làm rõ thêm lời hứa tuyệt diệu Chúa ban cho dân Ngài trong lá thư mà Giê-rê-mi đã gởi cho những người đang bị lưu đày.

“Đức Giê-hô-va phán: Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình” (Gie 29:11)


Gie 30:1-33:26 miêu tả quang cảnh huy hoàng của bình minh trong một ngày mới dành cho dân Y-sơ-ra-ên, không chỉ cho những người bị lưu đày tại Ba-by-lôn mà cho cả những người Do-thái trong những ngày sau rốt trước khi Chúa tái lâm.

Khi nghiên cứu, bạn sẽ khám phá ra rằng Giê-rê-mi đã nhìn thấy hai “chân trời”: chân trời gần hơn là sự trở về Giu-đa của những người bị lưu đày và chân trời xa hơn là sự tái hợp của dân Y-sơ-ra-ên từ các dân tộc trên trái đất vào thời kỳ cuối cùng.


1. Sự cứu chuộc: một khởi điểm mới (Gie 30:1-24)

Giê-rê-mi nhận được những lời đựoc ghi lại trong Gie 30:1-31:25 trong khi ngủ (Gie 31:26) vì thỉnh thoảng Chúa cũng phán với tôi tớ Ngài qua giấc mơ (Dan 10:9 Xa 4:1). Chúa chỉ dẫn Giê-rê-mi viết những lời Ngài vào một quyển sách (cuộn sách) để cả dân tộc đều có chung một về lời hứa mà Chúa đã ban cho dân Ngài (Gie 36:1-4)


Trong lời Chúa chỉ dẫn Giê-rê-mi, Ngài đưa ra điểm của thông điệp Ngài là: Y-sơ-ra-ên (vương quốc phía Bắc bị quân A-si-ri chiếm đánh vào năm 722 T.C) và Giu-đa (vương quốc phía Nam) cuối cùng sẽ trở lại xứ mình như một dân tộc thống nhất (Gie 30:3).

Trong khi lời hứa này đề cập đến sự tái hợp của dân Do-thái vào cuối thời kỳ, chắc chắn đó cũng là một lời khích lệ đối với những người bị lưu đày tại Ba-by-lôn vì nếu Chúa có thể tụ họp dân Ngài từ mọi dân tộc trên thế giới thì Ngài chắc chắn sẽ giải cứu Giu-đa khỏi ách phu tù của một dân tộc.


“Sự cứu chuộc” này được miêu tả qua nhiều cách:


a. Cái ách bị gãy (c.4-11):

“Đức Giê-hô-va vạn quân phán: Trong ngày đó, ta sẽ bẻ ách nó khỏi cổ ngươi; sẽ dứt dây trói ngươi, dân ngoại sẽ không bắt nó phục dịch nữa” (c.8). Khi các tiên tri sử dụng cụm từ “trong ngày đó”, họ thường đề cập đến tương lai khi Chúa đoán xét các nước trên thế giới và lấy lại xứ cho người Do-thái [75]


Tuy nhiên, trước khi Y-sơ-ra-ên được giải cứu, các dân tộc trên đất phải trải qua “kỳ tai hại của Gia-cốp” (c.7). Đây là cụm từ để chỉ đến thời kỳ khó khăn sẽ xảy ra trên đất (Mat 24:21-31 Mac 13:19-27 Kh 6:1-19:21). Một hình ảnh quen thuộc trong Kinh Thánh là sự đau đớn của người phụ nữ khi sinh nở (Gie 30:6) và hình ảnh này cũng đựoc dùng để miêu tả sự khó khăn vào thời kỳ cuối cùng (Es 13:8 và ngữ cảnh Mi 4:9-13 ITe 5:1-3) [76]


Lời hứa trong Gie 30:9 được áp dụng cho tương lai của thời kỳ Vương quốc, kế tiếp theo là thời kỳ khó khăn khi Đấng Mê-si-a sẽ cai trị dân Ngài. Bạn cũng có thể tìm thấy lời hứa tương tự trong Gie 23:5 và Gie 33:14-26.Khi Chúa Giê-xu còn tại thế, dân Ngài đã nói rằng: “Song dân ấy ghét ngươi, thì sai sứ theo đặng nói rằng: Chúng tôi không muốn người này cai trị chúng tôi!” (Lu 19:14). Nhưng vào ngày đó, họ sẽ nhận ra Đấng Mê-si-a, vị Vua của mình và chào đón Ngài (Xa 12:8-14:21).


b. Vết thương được chữa lành (c.12-17):

Vào thời Ê-sai, Giu-đa là một dân tộc “bệnh hoạn” (Es 1:5-6) và vì việc giảng dạy nông cạn của các tiên tri giả (Gie 6:14 Gie 8:11) nên bệnh tật của họ càng trở nên trầm trọng hơn vào thời của Giê-rê-mi (Gie 10:19 Gie 14:17 Gie 15:18).

Những vết thương trên “một cơ thể vốn khoẻ mạnh” là dân tộc Y-sơ-ra-ên bấy giờ trở nên quá trầm trọng đến nỗi không một phương thuốc nào có thể chữa lành cho nó và cho cả những nước đồng minh của nó nữa ấy là những nước mà những người lãnh đạo Do-thái đã tin cậy hoàn toàn vào đó thì nay chúng đã bỏ rơi Giu-đa, phó mặc cho số phận của nó ra sao thì ra. Đức Chúa Trời đã nhắc cho dân sự nhớ rằng chính Chúa là người đã dùng các dân tộc khác làm cho Giu-đa bị thương vì cớ Giu-đa đã không vâng lời Chúa (Gie 30:14)Ngài đã dùng cường quốc A-si-ri để sửa phạt Y-sơ-ra-ên và dùng Ba-by-lôn sửa phạt Giu-đa. Rồi đây, trong những ngày sau rốt, Ngài sẽ dùng các nước ngoại bang để sửa trị Y-sơ-ra-ên, và chuẩn bị cho người Do-thái quay về với Đấng Mê-si-a.

Thế nhưng, Chúa sẽ sửa phạt các nước ngoại bang về cách họ cư xử với Y-sơ-ra-ên trong những ngày cuối cùng (Gie 30:6 Gio 3:1-21) cũng như Ngài đã sửa phạt A-si-ri và Ba-by-lôn. ”Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ chữa lành thân thể ngươi, và chữa vết thương ngươi, vì chúng nó đã gọi ngươi là kẻ bị bỏ, mà rằng: “Ấy là Si-ôn, chẳng ai ngỡ ngàng đến! ” (Gie 30:17)


c. Sự yên tĩnh sau cơn giông bão (c.18-24):

Giê-rê-mi lại dùng hình ảnh giông bão (c.23) mà ông đã dùng trước đó (Gie 23:19-20) để miêu tả cuộc tấn công của quân đội Ba-by-lôn. Nhưng giờ đây ông dùng hình ảnh này để diễn tả sự khó khăn "trong ngày sau rốt" (Gie 30:24). Chúa hứa rằng thành Giê-ru-sa-lem và các thành của Giu-đa sẽ được xây dựng lại. [77]. và tài sản của dân sự sẽ được khôi phục lại. Sự than khóc của họ sẽ đổi ra vui mừng và con cái họ sẽ một lần nữa được trở lại với cuộc sống bình thường.


Thay vì sống dưới quyền cai trị của những ngưòi ngoại ban, người Do-thái sẽ có Đấng Mê-si-a Đấng cai trị họ là Đấng “xuất thân trong chính họ” ấy là một người Do-thái. Ở đây, chúng ta nhận được một sự mạc khải đặc biệt rằng Đấng Mê-si-a không chỉ là Vua mà còn là Thầy Tế Lễ của họ nữa! (c.21). Đây là ngôn ngữ đặc biệt chỉ được dùng để nói về thầy tế lễ thượng phẩm Do-thái, là người duy nhất được phép vào nơi chí thánh trong những dịp đại lễ chuộc tội hằng năm (Le 16:1-34). Và chỉ có Chúa Giê-xu Christ độc tôn là vị Vua cũng là Thầy Tế Lễ mới có đầy đủ phẩm chất để làm thành lời tiên tri này (He 7:1-8:13).


Tóm lại: Dân Giu-đa sẽ phải trải qua những thử thách kinh khủng dưới tay người Ba-by-lôn. Họ sẽ nhận lấy kết cục là phải mang ách của người ngoại bang, chịu đựng vết thương do tội lỗi của chính họ gây ra và cơn giận của Chúa. Nhưng cuối cùng Chúa sẽ giải cứu họ, bẻ gãy ách, chữa lành vết thương và đem lại sự bình an sau cơn giông tố. Tất cả những điều này là điềm báo trước về những điều sẽ xảy ra với dân Do Thái vào thời kỳ cuối cùng khi họ đã trải qua thời kỳ khó khăn sẽ gặp gỡ Đấng Mê-si-a và bước vào vương quốc của họ.


2. Sự giải hòa: một dân tộc mới (Gie 31:1-30)

Sự tồn tại của một dân tộc còn quan trọng hơn cả đất đai, và các thành phố. Dân sự cần phải hiệp lại mà sống, làm việc và thờ phượng Chúa. Trong chương này, Giê-rê-mi đã miêu tả về dân sự Chúa và những điều mới mẻ mà Ngài đã làm cho họ. Đầu tiên, Chúa phán với cả một dân tộc thống nhất (Gie 31:1,27-30), sau đó Ngài phán dạyY-sơ-ra-ên (Gie 31:2-20) và cuối cùng Ngài phán dạy Giu-đa (Gie 31:21-26)


a. Một dân tộc thống nhất (Gie 31:27-30):

Do những tội lỗi của Sa-lô-môn và sự ngu ngốc của Rô-bô-am, con trai Sa-lô-môn mà đất nước Do-thái đã bị chia lìa làm hai trở thành Y-sơ-ra-ên (vương quốc phía Bắc) và Giu-đa (vương quốc phía Nam) (IIVua 11:1-12:21). Nhưng trong những ngày cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ nhóm họp dân Ngài lại hiệp nhất họ và Ngài sẽ trở thành “Đức Chúa Trời của hết thảy họ hàng Y-sơ-ra-ên" (Gie 31:1). Thật ra, Chúa so sánh Y-sơ-ra-ên và Giu-đa như một hột giống gieo xuống đất và sẽ cho một vụ mùa chớ không phải là hai (Gie 31:27).


Công việc của Giê-rê-mi là phá vỡ hay cày xới lên và xây hay trồng lại (Gie 1:10) nhưng mãi cho tới bây giờ, chỉ mới là công việc đầu tiên. Tuy nhiên, trong tương lai, Chúa sẽ xây hay trồng để người và cả xứ có thể được phục hồi trở lại. Sẽ không còn “khiển trách các người cha” nữa về những gì đã xảy ra (Exe 18:1-4,19-23 Phu 24:16) vì mỗi người sẽ nhận lãnh trách nhiệm về tội lỗi do chính mình gây ra.

Nguyên tắc này cũng sẽ đượcáp dụng cho số người còn sót lại và quay trở về xứ sau thời kỳ bị bắt làm phu tù, chính sự thất bại của mỗi cá nhân trong việc vâng lời Chúa đã dẫn tới sự sụp đổ của một đất nước. Nếu các vua và các thầy tế lễ đều giống như vua Giô-sia và Giê-rê-mi thì cả dân tộc đã được giải cứu.


b. Dân tộc Y-sơ-ra-ên được khôi phục (Gie 31:2-20):

Những tên gọi Ép-ra-im hay Sa-ma-ri là để chỉ đến vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phía Bắc, có thủ đô là Sa-ma-ri (Gie 31:4-6,9,18,20) Dân sự ở vương quốc phía Bắc đã bị người A-si-ri bắt làm phu tù vào năm 722 TC.Bọn xâm lược này đã bắt dân sự Chúa về xứ họ để tạo ra một dân tộc pha trộn (IIVua 17:1-41). Khi người Giu-đa trở về xứ mình sau thời kỳ bị bắt làm phu tù, họ không còn liên hệ gì với người Sa-ma-ri nữa (Exo 4:1-4 Ne 2:19-20 Ne 13:28). Điều này vẫn còn tồn tại cho đến thời Tân-ước (Gi 4:9)[78]. Vì vậy, người Sa-ma-ri tự mình lập ra tôn giáo riêng cho mình, xây dựng đền thờ, lập chức thầy tế lễ và điều này càng khiến cho họ và người Do-thái kỳ thị nhau hơn nữa.


Những lời hứa được ghi lại trong Gie 31:2-22 không ứng dụng cho Ep-ra-im sau thời kỳ bị bắt làm phu tù vì người Sa-ma-ri được dự một phần trong việc tái dựng lại xứ. Những lời hứa này dành cho mười chi phái [79] rải rác khắp nơi vào thời kỳ cuối cùng khi Chúa sẽ kêu gọi người Do-thái tái hợp trở lại và khôi phục họ trong xứ mình. Kế đến, sẽ chỉ có một dân tộc hiệp nhất và người Sa-ma-ri sẽ thờ phượng không phải trên núi Giê-ri-xim mà là trên núi Si-nai (Gie 31:6 Gi 4:20-24). Giê-rê-mi đã vẽ ra một bức tranh Chúa giảng dạy cho gia đình mình, tụ họp bầy của Ngài và dẫn dắt họ ra khỏi sa mạc mà vào vườn cây sai trái.

Vì chưa có việc nào trong số những đã xảy ra nên chúng ta có thể kết luận rằng chúng sẽ xảy ra vào thời kỳ cuối cùng khi Ep-ra-im ăn năn và quay trở về với Chúa (Gie 31:18-20). Khi đọc đến những lời hứa này, xin chúng ta hãy chú ý đến sự nhấn mạnh của việc ca hát, ngợi khen và niềm vui mừng.


Về sau, Ma-thi-ơ đã đề cập đến các câu 15-17 (Mat 2:16-18), Ra-chên là mẹ của Giô-sép và Bên-gia-min, còn Giô-sép là cha của Ep-ra-im và Ma-na-se, là hai chi phái đứng đầu ở vương quốc phía Bắc (Sa 30:22-24) Giê-rê-mi nghe tiếng than khóc của Ra-chên tại Ra-ma, là nơi các tù nhân Do-thái bị nhốt để chuẩn bị cho cuộc hành trình sang Ba-by-lôn (Gie 40:1).

Hậu duệ của Ra-chên qua Giô-sép đã bị người A-si-ri bắt đi và bây giờ con cháu của bà qua Bên-gia-min (vương quốc phía Nam) cũng đã bị đày qua Ba-by-lôn. Sự nhọc nhằn của bà trong vai trò một người mẹ đã thành vô ích! (Hãy nhớ rằng Ra-chên qua đời khi sanh Bên-gia-min). Nhưng Chúa đã hứa với bà rằng cả Ép-ra-im và Giu-đa đều sẽ được hồi phục (Gie 31:16-17), do vậy, sự hi sinh của bà sẽ không còn là vô ích nữa [80]


c. Dân tộc Giu-đa được khôi phục (c.21-26):

Khi dân Do-thái bị bắt đi qua Ba-by-lôn, Chúa đã chỉ dẫn họ cách nhớ đường và đánh dấu dọc đường để mọi người có thể đi đúng đường này khi trở về xứ mình. Giê-rê-mi đã vẽ ra một bức tranh có hình ảnh Giu-đa là một cô gái ngu ngốc, chạy từ người yêu này sang người yêu khác và giờ đây phải tập trung tâm trí tìm đường trở về nhà. (Trước đó, ông cũng đã dùng hình ảnh này, (Gie 2:1-2,20 Gie 3:1-11). Theo luật Môi-se thì người con gái đã hư hỏng sẽ phải bị giết (Le 21:9 Phu 22:21) nhưng ở đây Chúa đã làm một việc hoàn toàn mới: Ngài sẽ chào đón nàng về nhà và tha thứ cho nàng.!


Cụm từ “người nữ sẽ bao bọc người nam” (Gie 31:22) đã có nhiều cách giải thích đến nỗi nếu xem xét tất cả chỉ gây thêm bối rối mà thôi. Từ ngữ được dịch là “bao bọc” còn có nghĩa là “bao quanh chăm sóc, bảo vệ”. Từ ngữ này được sử dụng để chỉ về sự chăm sóc của Chúa đối với dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng (Phu 32:10). Từ ngữ “người nam” dùng để ám chỉ về “người mạnh mẽ, nhà vô địch”, như vậy điều mới mẽ mà Chúa làm ở đây là khiến người nữ trở nên mạnh mẽ đến nỗi họ có thể bảo vệ Được những người nam! (hãy nhớ rằng xã hội thời đó nghiêng về sức mạnh nam giới).

Nói một cách khác, sự trở về của những người bị lưu đày không phải là sự trở về của một đoàn người mệt mỏi mà là một cuộc hành quân của các những người lính chiến, kể cả phụ nữ, những người bị xem là yếu đuối không thể chiến đấu được vào thời đó [81]


Đây là hình ảnh tương lai của việc tái hợp dân Y-sơ-ra-ên vào thời kỳ cuối cùng. Họ sẽ vui hưởng vùng đất được làm mới lại, nơi nhưng cư dân sinh sống sẽ chúc phước cho người hàng xóm của mình trong danh Chúa. Người nông dân và người thành thị sẽ chung sống hoà hợp với nhau nhờ sự chúc phước của Chúa.


3. Sự tái sinh: giao ước mới (Gie 31:31-40)

Bất cứ một dự định nào nhằm khiến cho xã hội loài người trở nên tốt đẹp hơn nhưng lại bỏ qua vấn đề tội lỗi cơ bản dẫn tới sự thất bại. Chỉ thay đổi môi trường bên ngoài không thôi thì chưa đủ vì điểm mấu chốt của mọi vấn đề đều là ở tấm lòng con người. Chúa phải thay đổi tấm lòng của dân sự để họ trở lại yêu Chúa và làm theo ý muốn của Ngài. Đó là lý do tại sao Chúa đã truyền dạy một giao ước mới thay thế cho giao ước cũ, vốn là giao ước mà dân Do-thái đã sống theo từ thời Môi-se, một giao ước chỉ dẫn dân sự hành động chớ không làm thay đổi con người họ.


Lịch sử Do-thái đã được đánh dấu với nhiều “thay đổi trong giao-ước” vốn chỉ đem lại sự chúc phước tạm thời chớ không làm thay đổi tấm lòng dân sự. Sách Phục-truyền Luật-lệ ký có ghi lại một sự thay đổi giao ước dưới thời Môi-se, trước khi dân sự bước vào vùng đất hứa. Ngoài ra, trước khi chết, Giô-suê đã dạy dân sự xác quyết giao ước một lần nữa (Gios 23:1-24:33). Sa-mu-ên đã kêu gọi dân sự làm mới lại lời thề của họ với Chúa (ISa 12:1-25)và cả Ê-xê-chia lẫn Giô-sia cũng đã khởi xướng những ngày “phục hưng” khi họ dẫn dắt dân sự quay trở lại với Luật pháp của Chúa.


Trong thời kỳ phục hưng lúc bấy giờ, việc các ơn phước của Chúa không cứ tuôn chảy hoài trên dân sự Ngài chẳng phải là điều để tranh cãi. Khi có người với Billy Sunday rằng không cần đến những cuộc phục hưng vì chúng không kéo dài thì nhà truyền giáo đã trả lời: “Mỗi lần tắm thì chúng ta không thể tắm lâu được nhưng chúng ta lại phải thường xuyên tắm mới tốt”. Một dân tộc được xây trên nguyên tắc đạo đức và tâm linh phải thường xuyên có những thời gian làm mới lại, nếu không cái nền sẽ bị sụp đổ.


Nhưng giao ước mới không phải chỉ là sự thay đổi của giao-ước cũ mà Chúa đã ban tại núi Si-nai, mà đó còn là một giao ước mới trong mọi mặt. Giao-ước mới đưa con người hướng về nội tâm để Lời Chúa được khắc ghi trong tâm chớ không phải được ghi trên đá nữa (IICo 3:1-18 Exe 11:19-20 Exe 18:31 Exe 36:26-27) và mang tính cá nhân chớ không mang tính quốc gia. Mỗi người phải đặt niềm tin nơi Chúa và nhận lãnh “một tấm lòng mới”, hướng về sự thánh khiết.


Giao ước cũ cố gắng kiểm soát hành động còn giao ước mới thì đóng vai trò thay đổi con người để dân sự có thể kính Chúa yêu người và vâng theo ý muốn của Chúa (Ro 3:20) Trong giao ước mới, Chúa có hứa rằng “…Hãy nhận biết Đức Giê-hô-va! Vì chúng nó thảy đều sẽ biết ta, kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn. Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa” (Gie 31:34). Đây chính là giao ước mà dân Do-thái sẽ kinh nghiệm trong ngày tận thế khi họ gặp Đấng Mê-si-a và ăn năn (Xa 12:10-13:1)


Nền tảng của giao ước mới là sự hy sinh của Chúa Giê-xu trên cây thập tự (Mat 26:27-28 Mac 14:22-24 Lu 22:19-20). Bởi vì Hội thánh ngày nay được cùng dự phần vào di sản thuộc linh của Y-sơ-ra-ên (Ro 11:12-32 Eph 3:1-6), cho nên bất cứ ai đặt niềm tin vào Chúa Giê-xu Christ thảy đều sẽ được cùng chia sẻ giao ước mới này (He 8:6-13 He 10:14-18). Đó chính là kinh nghiệm của sự tái sinh, tức là “được sinh lại” trong nhà của Chúa (Gi 3:1-21)


Đức Chúa Trời cũng đã đảm bảo rằng dân sự Chúa sẽ được vững lập và Ngài sẽ luôn thành tín giữ mối quan hệ với họ (Gie 31:35-37). Việc mặt trời tắt nắng để trăng sao ló dạng còn dễ hơn cả việc Chúa không giữ lời hứa Ngài với dân Y-sơ-ra-ên. Trải qua thời kỳ dân sự Chúa bị bắt sang Ba-by-lôn làm phu tù, thành Giê-ru-sa-lem được tái thiết và sẽ được hồi phục sau “kỳ tai hại của Gia cốp” và trở nên thánh khiết đối với Đức Chúa Trời. Bởi lẽ có mối quan hệ lâu đời với Y-sơ-ra-ên với Hồi giáo, với Chúa Giê-xu và với Hội thánh Chúa cho nên Giê-ru-sa-lem đã được gọi là “thành thánh”. Tuy nhiên nó chỉ thật sự trở nên thánh khiết khi được Đức Chúa Trời phục hồi và cai trị trong sự vinh hiển vào thời kỳ cuối cùng.


3. Sự phục hồi: vương quốc và xứ mới (Gie 30:31-40) (Gie 32:1-33:26)

Một nhà tiên tri chỉ rao giảng lời hứa của Chúa không thôi thì vẫn chưa đủ; người đó còn phải chứng minh cho những người nghe thấy rằng chính ông cũng tin vào những lời hứa đó. “Đức tin không có việc làm thì chết” (Gia 2:26). Vì vậy, Chúa đã chỉ dạy tiên tri Giê-rê-mi thực hiện “một bài giảng bằng hành động khác” và mua cho mình một phần tài sản ngay khi vật giá ở Giu-đa lúc bấy giờ đang lên. Làm như vậy, Giê-rê-mi đã gây được sự chú ý cho dân sự và có thể cam đoan với họ về lời hứa của Chúa. Giê-rê-mi đã dám “đem miếng cơm manh áo của mình ra đầu tư” cho công việc Chúa và Ngài đã chúc phước cho ông về điều đó.


a. Một “điều vô lý” (Gie 32:1-44):

Năm thứ mười đời vua Sê-đê-kia trị vì nhằm năm 587 TC, ấy là năm trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ dưới tay quân Ba-by-lôn và Giê-rê-mi đã bị vua bắt giam nơi hành lang trong hoàng cung (Gie 37:21). Vua Sê-đê-kia không thích những sứ điệp mà Giê-rê-mi nói ra có liên quan đến vua và thành phố (Gie 32:3-5). Thế nhưng, việc vua bắt giam Giê-rê-mi có lẽ là một phương cách Đức Chúa Trời đã dùng để bảo vệ Giê-rê-mi thoát khỏi tay kẻ thù và chu cấp cho ông thức ăn hàng ngày trong suốt cuộc vây thành khủng khiếp của bọn chúng. Người ta có thể bắt giữ tôi tớ Chúa nhưng họ không thể nào trói buộc được Lời Chúa (IITi 2:9). Chúa đã phán bảo Giê-rê-mi làm một việc thật phi lý: Hãy đi mua một đám ruộng!


- VIỆC MUA BÁN (Gie 32:6-15):

Chúa phán với Giê-rê-mi rằng một người bà con của ông là Ha-na-mê-ên sắp sửa đến để đề nghị bán tài sản của mình tại quê nhà ở A-na-tốt. Giả gử Ha-na-mê-ên đột nhiên xuất hiện, thì có lẽ Giê-rê-mi đã từ chối lời đề nghị của ông ta rồi. Xét cho cùng, đồng ruộng đã ở trong tay quân Ba-by-lôn , còn Giê-rê-mi đang bị cầm tù và tương lai của đất nước chắc chắn sẽ thật tăm tối. Vậy thì lúc bấy giờ đồng ruộng đó phỏng có ích gì cho Giê-rê-mi, một người không thể sống đến 70 năm nữa?


Tuy nhiên, đây chính là vấn đề đức tin: Hãy vâng lời Chúa mặc cho chúng ta có nhìn thấy, chuyện gì hoặc có sự cảm nhận về vấn đề gì đó ra sao đi nữa. Người ta thường nói rằng tin không có nghĩa là chỉ tin thôi cho dù đã có chứng cớ rõ ràng hiển nhiên đến đâu chăng nữa mà đó còn là sự vâng phục bất chấp hậu quả. Hành động của Giê-rê-mi đã hoàn toàn chứng minh cho câu phương ngôn này. Khi những lời về việc Giê-rê-mi đang đầu tư vào một bất động sản vô giá trị lọt ra ngoài, chắc hẳn nhiều người sẽ cười nhạo, kẻ khác thì lắc đầu không tin và một số thì cho rằng Giê-rê-mi là một người điên khùng.


Việc mua bán có lẽ đã được thực hiện nơi hành lang nhà giam với mọi thủ tục pháp lý. Giê-rê-mi ký văn bản, trả tiền và trao khế ước cho Ba-rúc, người được đề cập ở đây lần đầu tiên [82]Các nhân chứng chứng thực chữ ký, các văn bản và có lẽ vừa đi ra vừa tự hỏi vì sao Giê-rê-mi lại mất trí như thế. Bạn có thể chắc chắn rằng cuộc mua bán sẽ là đề tài bàn tán trong thành và người ta cho rằng Ha-na-mê-ên là một người tài tình. Có lẽ Ha-na -mê-ên cũng nghĩ rằng ông ta đã thực hiện được một cuộc mua bán khôn ngoan nhưng điều đó chỉ là bằng chứng về sự vô tín của ông mà thôi.


- PHẢN ỨNG (Gie 32:16-25):

Một trường hợp rất thường gặp với Giê-rê-mi, đó là kinh nghiệm sự nghi ngờ sau trải nghiệm đức tin. Sau khi vâng theo mạng lệnh của Chúa bằng đức tin, giờ đây Giê-rê-mi đang tự hỏi không biết rồi đây Chúa sẽ ban tài sản cho ông như thế nào. Và ông đã làm một điều đúng là cầu nguyện cho vấn đề này. Cách tốt nhất để khống chế sự nghi ngờ là trò chuyện với Chúa, thành thật với cảm nghĩ của bạn và chờ đợi thông điệp của Chúa qua Lời Ngài.


Lời cầu nguyện thật là lời thường được sự bắt đầu bằng sự thờ phượng (Gie 32:17-19) và tập trung hướng đến sự vĩ đại của Chúa. Cho dù nan đề của chúng ta có lớn đến đâu đi nữa thì Chúa vẫn vĩ đại hơn và chúng ta càng chiêm ngưỡng sự vĩ đại của Chúa bao nhiêu thì nan đề của chúng ta dường như sẽ càng bớt đáng sợ bấy nhiêu.

Lời cầu nguyện thật là lời luôn nhắc lại những điều Chúa đã làm cho chúng ta trong quá khứ và nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa luôn giữ lời hứa của Ngài và hay đáp lời kêu cầu của dân Ngài (Gie 32:20-23). Giê-rê-mi đã kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng những lời tiên tri chia sẻ sự những tình huống khó khăn với Chúa và giao phó chúng cho Ngài (Gie 32:24-25). Bên ngoài thành quân Ba-by-lôn đang bao vây, còn bên trong thì nạn đói, bệnh tật đang hoành hành, dân sự lại không vâng lời Chúa. Trong lòng Giê-rê-mi lại tràn ngập một nỗi nghi ngờ rằng có lẽ ông đã tự biến mình thành một kẻ ngu ngốc, điên rồ.


-SỰ XÁC QUYẾT (Gie 32:26-44).

Chúa đã đáp ứng nhu cầu của tôi tớ Ngài và xác quyết rằng quyết định của ông là đúng. Nội dung chủ yếu trong lời cầu nguyện của Giê-rê-mi là “Chẳng có sự gì là quá khó cho Ngài cả” (c.17) và một lần nữa Chúa lại xác quyết lẽ thật ấy với tôi tớ Ngài (c.27) [83]


Tư tưởng thần học đúng bao giờ cũng dẫn đến một tấm lòng chân thật nếu chúng ta đặt để đức tin của mình nơi Lời chúa, vì “Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” Ro 10:17)


Câu trả lời của Chúa với Giê-rê-mi đã xác quyết một lần nữa những điều Ngài đã nói với ông trong quá khứ: Thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị huỷ diệt vì tội lỗi của dân sự (Gie 32:28-35). Tội thờ hình tượng của dân sự đã khiến Đức Chúa Trời nổi giận và giải pháp duy nhất của Ngài là phó họ vào tay quân Ba-by-lôn, họ sẽ bị đày sang Ba-by-lôn để làm mồi cho những thần tượng của mình. Do dân sự đã chống lại các tiên tri của Chúa và bất tuận theo Luật pháp Ngài nên họ sẽ phải gánh chịu hậu quả.


Kế đó, Đức Chúa Trời khẳng định với Giê-rê-mi rằng hoàn cảnh của dân sự lúc bấy giờ như thế nhưng không phải là vô vọng, vì Ngài sẽ tụ họp họ lại và đem họ trở về xứ của mình (c.36-44). Lời hứa này dường như ứng dụng cho thời kỳ cuối cùng khi Y-sơ-ra-ên sẽ được tụ họp lại “từ mọi nước ” (c.37) và giao ước mới sẽ được ứng nghiệm vì dân sự đã thay đổi tấm lòng mình để hướng về Đức Chúa Trời. Kế đến, Giê-rê-mi lại nhận được lời phán của Chúa là lời đem lại niềm vui cho ông (c.43). Ngày đó sẽ đến khi việc mua bán của Giê-rê-mi ắt trở nên có giá trị và “bài giảng bằng hành động” của ông sẽ được chứng minh là đúng.


Ứng dụng của phân đoạn Kinh Thánh này đối với các tín hữu ngày nay thật rõ ràng : thế gian có thể cười nhạo chúng ta về cách chúng ta đầu tư cho tương lai, nhưng đến một ngày nào đó, Chúa sẽ giữ Lời hứa của Ngài và chứng thực cho chúng ta trước mặt mọi người và các thiên sứ rằng chúng ta hành động như thế là đúng. Thay vì sống trong những thú vui tội lỗi của thế giới này, chúng ta hãy tìm kiếm niềm vui của thế giới vĩnh cửu sẽ đến.Chúng ta vẫn thường mắc phải sai lầm làtừ chối hi sinh cho đời sống vĩnh hằng để đón lấy đời sống tạm thời này. Thế giới vô tín hiện nay có thể sẽ cười nhạo chúng ta, nhưng cuối cùng Chúa sẽ minh chứng cho con dân Ngài.


b. “Những điều không thể dò được” (Gie 33:1-26):

Từ ngữ “Không thể dò được” vẽ ra một bức tranh của một thành từ vững chắc có tường bao bọc chung quanh- một hình ảnh rất giống với thành Giê-ru-sa-lem. Ở đây, nhà tiên tri muốn ngụ ý rằng nếu là dân Chúa muốn không hiểu được những điều giấu kín của Đức Chúa Trời thì họ không thể dựa vào việc “ông qua các cửa” bằng sức mạnh của mình nhưng họ phải dựa vào việc tìm kiếm chính Chúa bằng những lời cầu nguyện hết lòng. Vì Giê-rê-mi đã xin Chúa chỉ dạy ông nên Ngài đã bày tỏ cho ông biết "những điều giấu kín" liên quan đến tương lai của dân tộc ông. Nhà tiên tri biết rằng thành này sẽ đi đến chỗ bị đoán phạt (c.4-5), đồng thời Chúa cũng đã phán bảo với ông những lời khẳng định, xác quyết và khích lệ- là những lời hứa có liên quan đến thời kỳ cuối cùng.


Dân sự Chúa bấy giờ đã bị ô uế nên cần phải được chữa lành và làm cho tinh sạch (c.6-8) còn thành trì nhơ nhuốc của dân sự rồi đây sẽ đem lại niềm vui và tiếng tăm cho Đức Chúa Trời, đồng thời nó chính là bằng chứng cho mọi dân tộc trên thế giới biết đến về sự tốt lành và ân điển của Chúa (c.9). Mặc dầu bấy giờ thành bị hoang vu nhưng một ngày nào đó nó sẽ trở nên đông đúc, dân sự sẽ ngợi khen Chúa và bày tỏ niềm vui của họ với người khác (c.10-11). Đồng cỏ bị huỷ hoại bởi sự đoán phạt nhưng đến một ngày nào đó sẽ có nhiều bầy gia súc, và những thị trấn lân cận sẽ lại vui hưởng niềm vui mừng (c.12-13). Do những phước lành của Chúa đã không tuôn đổ trên dân sự trong khoảng thời gian sau khi bị lưu đày, cho nên chúng ta càng biết chắc rằng các phước lành ấy sẽ được Ngài ban xuống khi Ngài trở lại và khôi phục lại dân Ngài và xứ của họ.


Lời chúc phước có ý nghĩa nhất là Nhà Vua theo lời hứa sẽ đến trị vì muôn dân trong sự công bình! (c.14-16 Gie 23:5). Giê-rê-mi đã cho chúng ta biết danh Ngài là “Đức Giê-hô-va sự công bình chúng ta?” (c.6), Chúa lại bày tỏ rằng Giê-ru-sa-lem cũng sẽ mang danh ấy (Gie 33:16). Điều này chắc chắn đã không xảy ra khi những người bị lưu đày trở về xây dựng lại đền thờ và thành phố của họ. Vậy nên đương nhiên, lời hứa phán đó sẽ được ứng nghiệm trong ngày sau rốt. Mọi người sẽ gọi Giê-ru-sa-lem là “thành thánh”, một tên gọi hoàn toàn thích hợp với nó.


Một lần nữa, Đức Chúa Trời đã dùng sự thành tín trong "giao ước ban đầu"của Ngài (Sa 8:22) để làm nền vững chắc cho lời hứa đáng tin cậy của Ngài và sự vững lập của dân Ngài (Gie 33:19-26 Gie 31:35-37). Ngài còn bày tỏ thêm rằng: Ngài sẽ khiến dân này trở nên đông như sao trên trời, một trong những lời hứa Ngài mà đã lập với Ap-ra-ham (Sa 15:1-5). [84]


“Thì cũng vậy, ta sẽ bỏ dòng dõi của Gia-cốp và dòng dõi của Đa-vít, tôi tớ ta, đến nỗi ta sẽ chẳng lấy trong vòng dòng dõi người những kẻ cai trị dòng dõi của Ap-ra-ham, của Y-sác, và của Gia-cốp. Vì ta sẽ đem những phu tù trở về, và thương xót chúng nó” (Gie 33:26). Rồi đây, dân tộc Y-sơ-ra-ên sẽ có một tương lai sáng lạng với nhiều ơn phước và lúc bấy giờ Giê-rê-mi đã đầu tư cho tương lai đó.


Là con dân của Chúa, chúng ta hiện có đang dám đem miếng cơm manh áo của mình đầu tư cho sự sống đời đời như Giê-rê-mi đã từng làm không?

-Gie 32:1-44; xem giải nghĩa Gie 31:31-40

-Gie 33:1-26; xem giải nghĩa Gie 31:31-40



 


10. NHỮNG BIẾN CỐ TẠM THỜI VÀ LẼ THẬT VĨNH CỬU (Gie 34:1-39:52)


“Nếu quốc gia nào không tự bảo vệ được chính mình thì ắt hẳn nó sẽ bị huỷ diệt trong tay của những kẻ độc ác bởi lẽ nó quá yếu ớt nên nó không thể đương đầu nổi với kẻ thù mình”. Sanator Morris Shepherd. [85]


Mặc cho sự kiên nhẫn của Chúa và sự trung tín trong chức vụ của các tiên tri Ngài, vương quốc Giu-đa vẫn sắp sửa bị huỷ dịêt. Đó là một dân tộc có một di sản huy hoàng, có luật pháp Được ban cho từ trời qua Môise, được sở hữu xứ do Giô-suê chinh phục, có vương quốc do vua Đa-vít lập nên và trở nên thịnh vượng nhờ Sa-lô-môn Ấy là một dân tộc có Đức Giê-hô-va ngự trị tại đền thờ rực rỡ. Tuy nhiên, di sản quý báu đó vẫn không ngăn cản được sự huỷ diệt nhục nhã của Giu-đa trong tay của những người Ba-by-lôn ngoại bang. Giờ cuối đã đến.


Điều gì đã gây ra sự hư hoại dần dần và sự đổ vỡ sau đó của Giu-đa? Các sử gia sẽ vịn vào và đổ lỗi cho chính sách chính trị thiếu khôn ngoan của Giu-đa đặc biệt là việc dựa vào sự giúp đỡ của Ai-cập. Và chúng ta không thể phủ nhận rằng các nhà lãnh đạo đã từng đưa ra những quyết định xuẩn ngốc. Nhưng đằng sau “các chính sách chính trị thiếu khôn ngoan” còn có một lý do sâu xa hơn, đó là: những người đứng đầu không thật sự tin vào Lời Chúa. Trong suốt thời kỳ hưng thịnh và sự suy vong của các đế quốc của kỷ nguyên bão tố lúc bấy giờ, Giu-đa đã nhìn quanh tìm kiếm đồng minh thay vì nhìn lên và trông đợi sự giúp đỡ từ nơi Chúa. Thay vì ăn năn và quay lại với Chúa, dân sự lại cứng lòng chống lại Lời Chúa và chỉ tin tưởng vào sự khôn ngoan của mình.


Giê-rê-mi đã ghi lại những sự kiện trong những ngày cuối của Giu-đa, ấy là những điều chứng minh rằng chúng ta không thể cư xử với Lời Chúa theo cách chúng ta thích hay chẳng đoái hoài gì đến Lời Ngài.


1. Lời Chúa bị khinh thường (Gie 34:1-22) (Gie 34:1-35:19)

Vào năm 588 T.C đạo quân vua Nê-bu-cát-nết-sa đã đánh chiếm thắng lợi vương quốc Giu-đa. Hai thành vững chắc cuối cùng đã sụp đổ. Đó là thành La-ki, cách Giê-ru-sa-lem 23 dặm và thành A-xê-ca, cách thành Giê-ru-sa-lem 18 dặm (Gie 34:7). Vua Nê-bu-cát-nết-sa không chỉ đem theo mình những đạo quân vô địch mà còn ra lệnh cho các chư hầu mà vua đã chiếm đánh phải gia nhập một phần lính chiến. Trên một phương diện nào đó, thì toàn bộ khu vực Trung đông đã tấn công tuyển dân của Chúa (Thi 74:1-23)


a. Số phận của nhà vua (Gi 34:1-17):

Chúa lại ban cho vua Sê-đê-kia một cơ hội nữa để ăn năn và cứu thành ra khỏi sự huỷ diệt, nhưng vua đã không chịu nghe. Giê-rê-mi cảnh cáo vua rằng cả hoàng gia cùng với các quan trong triều sẽ không thoát khỏi sự đoán phạt vua sẽ bị bắt sang Ba-by-lôn và chết tại đó. Nếu có hành động dũng cảm thể hiện đức tin thì có lẽ vua Sê-đê-kia đã cứu thành phố và dân sự khỏi sự huỷ diệt, thế nhưng, vua lại sợ các cố vấn của mình (Gi 38:1-6) và bản thân vua chẳng khác nào một quân cờ trong tay họ mà thôi.


b. Âm mưu của dân sự (Gi 34:8-22):

Vào lúc thành đang bị bao vây, vua Sê-đê-kia và dân sự đã lập giao ước với Đức Chúa Trời trong đền thờ (Gi 34:15) để giải phóng các nô lệ Do-thái. Họ giết một con bê, xẻ làm hai rồi các thầy tế lễ, các quan, và dân sự cùng nhau bước qua giữa hai phần nửa của con vật như một dấu hiệu rằng họ sẽ vâng giữ giao ước (c.28-29 Sa 15:18). Làm như vậy, có nghĩa là mọi người đã đồng ý giải phóng các nô lệ Do-thái hay sẵn lòng chịu đựng những gì như con bê đã phải chịu.


Theo Luật Môi-se, một người chủ Do-thái phải thả những nô lệ của mình sau khi các nô lệ ấy phục vụ trọn 7 năm (Xu 21:1-11 Phu 15:12-18). Nhưng người Do-thái đã không thực hiện điều này trong nhiều năm và giờ đây họ nhận thấy và quyết định ấy là điều tốt cần làm. Tại sao lại như vậy? Có lẽ họ cảm thấy rằng Chúa sẽ tôn trọng sự vâng lời của họ và sẽ đánh bại kẻ thù họ bằng một cách kỳ dịêu nào đó, như Ngài đã từng làm cho Ê-xê-chia (Es 36:1-37:38). Thay vì tin vào Lời Chúa và đầu hàng Ba-by-lôn thì người Giu-đa lại cứ cố kỳ kèo với Đức Chúa Trời và “hối lộ” Ngài hầu mong Ngài giúp đỡ họ.


Dĩ nhiên, cũng có một vài mục đích thực tế khác đằng sau giao ước này. Nếu các nô lệ được giải phóng, họ sẽ phải tự lo cho mình, vì những người chủ của họ không còn lo lắng hay cung cấp thức ăn cho họ nữa. Là một người tự do, họ cũng sẽ muốn chiến đấu để bảo vệ sự tự do mà họ mới có được. Nhưng cho dẫu vì lý do gì đi nữa thì hiệu quả của giao ước này cũng không kéo dài được khi có cuộc nổi dậy trong thành và Nê-bu-cát-nết-sa chuyển sang nghênh chiến với quân đội Ai-cập (c.21-22 Es 37:5-11) và những chủ nô lại buộc các nô lệ phục vụ họ trở lại. Thế là giao ước trang trọng đã được lập trong đền thờ hôm nào giờ chẳng còn ý nghĩa gì cả.


Trước khi chúng ta lên án gay gắt những người chủ không trung thực này thì chúng ta hãy thừa nhận rằng con cái Chúa thường hay hứa với Chúa khi họ đang gặp phải khó khăn và chối bỏ những lời hứa đó khi hoàn cảnh trở nên tốt đẹp hơn. Trong chức vụ mục sư của mình, tôi đã từng nghe nhiều về những mẫu chuyện đại loại như một người nào đó đang đau đớn trên giường bệnh hứa sẽ trở thành một tín đồ tốt nhất trong nhà thờ nếu Chúa chữa lành cho, thế nhưng khi đã được Chúa chữa lành thì anh ta sẽ lập tức quên ngay lời hứa của mình.


Giê-rê-mi đã tận dụng ngay sự việc này để giảng dạy về sự lật lọng của Giu-đa chống lại Đức Chúa Trời (Es 34:12-22). Chúa đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ tại Ai Cập và lập một giao ước với họ rằng Ngài sẽ trở thành Chúa của họ, nhưng họ đã vi phạm giao ước và quay sang thờ thần tượng.

Giờ đây, họ lại vi phạm Luật pháp bằng cách bắt chính đồng bào của mình làm nô lệ cho mình một cách bất công. Qua những điều họ đã làm trong đền thờ và cách họ cư xử với anh em Do-thái của mình, họ đã làm sỉ nhục danh Chúa. Họ đã không thật sự rao ban quyền tự do cho của các nô lệ họ nên buộc Chúa phải rao ban “sự tự do”cho họ. Ay là “sự tự do” rơi vào “gươm dao, bệnh tật và đói kém” (c.17). Tiên tri Giê-rê-mi đã nói tiên tri về cái chết khủng khiếp dành cho tất cả những kẻ phản bội Chúa và lời đó đã thành sự thật. (c.19-20)


c. Sự trung thành của nhà Rê-cáp (Es 35:1-19):

Sự kiện này đã xảy ra 18 năm trước đó, trong thời vua Giê-hô-gia-kin (609 TC-597 TC). Có lẽ Giê-rê-mi đã ký thuật lại sự việc này vào để cho chúng ta thấy được sự tương phản sau: dân Giu-đa tỏ ra không tôn trọng Đức Chúa Trời qua việc bất tuân Luật pháp của Ngài, trong khi người Rê-cáp lại rất tôn trọng cha ông mình qua việc làm theo lời dạy của họ.


Rê-cáp là một thị tộc người du mục sống rất trung thành với tổ tiên mình là Giô-na-đáp (IIVua 10:15-23). Chính Giô-na-đáp là người đã ra truyền dạy dân này rằng không được ở trong nhà, không được lập trang trại hay vườn nho và không được uống rượu. Thị tộc này có họ hàng với ông gia của Môi-se (Cac 1:16 Cac 4:11) và họ đã sống thành một nhóm nhỏ “tách biệt” với dân sự Chúa trong suốt hơn 250 năm. Do xảy ra cuộc xâm chiếm của người Ba-by-lôn, họ đã phải từ bỏ lều trại của mình và dời đến sống trong thành Giê-ru-sa-lem.


Chúa không yêu cầu Giê-rê-mi mời họ uống rượu để cám dỗ họ vì Chúa không bao giờ cám dỗ chúng ta (Gia 1:13-15). Đây là một “bài giảng bằng hành động” khác tạo cơ hội cho Giê-rê-mi để ông có thể lên tiếng cảnh tỉnh các nhà lãnh đạo Giu-đa biết rằng họ đã bất tín với giao ước của Chúa đến mức nào. Việc một người Do-thái uống rượu không có gì là sai trái cả miễn sao họ không bị say là được. Nhưng việc người Rê-cáp uống rượu là điều hoàn toàn sai vì họ đã lập giao ước không được uống rượu. Chúa đã không đòi hỏi những người này phải tuân theo các chuẩn mực của bản thân họ nhưng theo sự trung thành đối với các yêu cầu của cha ông họ.


Sứ điệp dành cho dân sự Chúa ở đây thật rõ ràng. Nếu mệnh lệnh của một người bình thường là Giô-na-đáp nhưng vẫn được dân tộc ông tôn trọng và vâng lời trong hơn 2 thế kỷ như vậy thì tại sao dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa lại không vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời Toàn Năng- một mệnh lênh mà các tiên tri đã nói đến nhiều lần? Nếu truyền thống gia đình được gìn giữ hết lòng như vậy, tại sao Luật pháp của Chúa lại bị khinh thường? Trong khi việc tuân theo lời của Giô-na-đáp chỉ có ý nghĩa tạm thời và hạn hẹp nhưng việc bất tuân Lời Chúa lại đem đến những hậu quả vĩnh viễn!


Dân sự Chúa thật phải xấu hổ biết bao khi chứng kiến những người khác là những người thậm chí không biết Chúa nhưng họ một mực trung tín với gia đình với đạo giáo của họ, hay với những mưu cầu sự nghiệp của bản thân.Ngay cả những người không quan tâm đến gì với Lời Chúa nhưng họ vẫn sống trung tín với truyền thống hay những chuẩn mực do con ngưòi đề ra. Nếu những Cơ đốc nhân chúng ta sống đời sống thuộc linh có kỷ luật như người vận động viên tuân thủ các kỷ luật trong thể thao, thì chắc chắn Hội Thánh Chúa sẽ tưng bừng trong không khí phục hưng.


Gie 35:1-19; xem giải nghĩa Gie 34:1-22


2. Lời Chúa Được bảo vệ (Gie 36:1-32)

Vào năm 605 TC nhằm năm thứ tư đời vua Giê-hô-gia-kin là vào năm 605 TC, đó là năm của trận chiến định mệnh tại Cạt-kê-mít khi Pha-ra-ôn Nê-cô đánh bại vua Giô-si-a và biến Giu-đa thành nước chư hầu của Ai Cập (Gie 46:2 IISu 35:20-27). Giê-hô-gia-kin được lên ngôi được là nhờ Ai Cập phế truất Giô-a-cha - anh vua. Giê-rê-mi đã thi hành chức vụ được 23 năm và giờ đây Chúa lại bảo ông viết những sứ điệp của ông vào một cuộn giấy đễ những lời đó còn lại mãi và nihều người khác có thể đọc chúng. Lưu ý rằng các sứ điệp của Giê-rê-mi điều có liên quan đến Y-sơ-ra-ên, Giu-đa và tất cả các dân tộc khác nên khi thực hiện cuộn thứ hai, ông đã có bổ sung thêm (Gie 36:32). Bốn mươi lăm chương đầu tiên của sách Giê-rê-mi chủ yếu tập trung vào Y-sơ-ra-ên và Giu-đa và từ chương 45 đến chương 51 có nội dung liên quan đến các dân tộc khác ở vùng Trung Đông.


a. Chúa ban Lời Ngài (Gie 36:1-4,17-18):

Đây là điều mà các nhà thần học gọi là sự mạc khải- một công việc lạ lùng của Đức Thánh Linh thông qua một người viết để những gì được viết ra chính là Lời thánh mà Chúa muốn ghi lại (IITi 3:16 IIPhi 1:20-21). [86] Sự mạc khải không phải là hình thức "đọc chính tả từ trời" như thể Chúa không để ý gì đến người viết vì mỗi người đều mang một phong cách viết riêng và có cách dùng từ đặc trưng của mình. Không cần biến Giê-rê-mi thành một người máy, Chúa vẫn hướng dẫn ông trong cách chọn lựa từ ngữ và diễn đạt. Rồi đến Giê-rê-mi đã đọc những lời này cho thư ký của mình là Ba-rúc nghe và ghi ra cuộn giấy.


b. Chúa phán dạy Lời Ngài (Gie 36:5-25):

Một lần nữa Chúa dùng con người làm công cụ để rao giảng lời Ngài cho dân sự (Ro 10:14). Vì Giê-rê-mi không được phép vào đền thờ nên ông đã phái Ba-rúc thay thế vị trí ông. Ba-rúc đã lợi dụng cơ hội một ngày nọ có đám đông trong đền thờ thì liền trà trộn đi vào đó Ấy là dịp có sự kiêng ăn cầu nguyện của dân sự vì lo sợ hiểm họa tấn công của người Ba-by-lôn.


Thật thú vị khi được chứng kiến nhiều phản ứng khác nhau của dân sự đối với Lời Chúa. Có ba đối tượng cần được nghe đọc sách của Giê-rê-mi. Và đối tượng đầu tiên chính là dân sự đang có mặt trong đền thờ. Lúc bấy giờ, đám đông không tỏ ra phản ứng đặc biệt nào. Tuy nhiên, có một người tên là Mi-chê tỏ ý quan tâm đến những điều ông nghe đựoc (c.11). Mi-chê là cháu của Sa-phan, người đã đọc sách Luập pháp là cuốn sách được tìm thấy lại đuợc trong đền thờ cho vua Giô-si-a (IIVua 22:1-20) vì vậy chúng ta không có gì là ngạc nhiên khi thấy Mi-chê quan tâm đến Lời Chúa.


Mi-chê nói lại cho các quan trưởng về những lời mình nghe được và họ cũng muốn nghe nên Ba-rúc đã đem sách đọc trước các quan (Gie 36:12-19). Cùng với Mi-chê, các quan trưởng cũng tỏ ra run sợ khi nghe đọc những Lời đó (c.16) vì họ biết rằng các dân tộc đang bị đe doạ. Họ giấu cuộn sách rồi và bảo Giê-rê-mi và Ba-rúc trốn đi. Sau đó, họ tâu rồi bảo với vua rằng cần phải nghe Lời mà Giê-rê-mi đã viết.


Kế đó, Giê-hy-đi một người trong số các chi phái đã đọc sách của Giê-rê-mi trước mặt vua. Ấy là lần thứ ba sách được đọc (Gie 36:21-26). Nghe đọc Lời Chúa vua đã tỏ thái độ nổi giận bừng bừng như dầu gặp phải lửa! Mặc cho những lời can gián của ba vị quan trưởng, vua vẫn tiếp tục xé và đốt sách của Giê-rê-mi cho đến khi những trang sách đó bị cháy rụi. Những người có mặt trong hoàng cung lúc ấy dù có được nghe Lời Chúa nhưng cũng không tỏ ra sợ hãi gì và còn rất ủng hộ việc làm độc ác của Giê-hô-gia-kin.


Qua nhiều thế kỷ, nhiều kẻ thù của Chúa vẫn ra sức tìm cách huỷ diệt Lời Ngài nhưng chúng luôn bị thất bại. Chúng đã quên mất lời Chúa Giê-xu từng phán rằng:"Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi” (Mat 24:35). "cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời! ” (Es 40:8 IPhi 1:25). Những dịch giả và người giảng dạy Lời Chúa luôn bị bắt bớ và tử đạo, nhưng Lời Chúa vẫn luôn được đứng vững.


c. Đức Chúa Trời bảo vệ Lời Ngài (Gie 36:27-32):

Bất cứ vị vua nào cho rằng mình sẽ có thể dùng gươm dao và lửa hừng để bắt Đức Chúa Trời phải câm nín thì chắc chắn vị vau ấy đã đánh giá sai về mình và về Đức Chúa Trời.


Bấy giờ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã phán bảo tiên tri Giê-rê-mi hãy bắt tay thực hiện cuốn sách thứ hai để Ngài bổ sung thêm nội dung vào án vua Giê-hô-gia-kim (c.27-32).


Đức Chúa Trời là Đấng đã ban ra Lời Ngài và chính Ngài cũng là Đấng có quyền năng bảo vệ gìn giữ Lời Ngài. Vua Giê-hô-ga-kim đã cố ra sức huỷ diệt Lời Đức Chúa Trời, nhưng ngược lại, Lời Ngài đã huỷ diệt ông ta! Kết cuộc, vua và bọn quần thần của vua đã bị trừng phạt vì tội bất kính đối với Lời Thánh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Vua không được kể vào triều đại, cũng không được mai táng ở cương vị của một nhà vua. Con trai vua là Giê-hô-va-kin lên kế vị và trị vì chỉ vỏn vẹn được ba tháng. Kế đó, anh trai Giê-hô-gia-kin là Sê-đê-kia được lập làm vua thế cho người.


Giá như Giê-hô-gia-kin và bọn quần thần nịnh hót hèn hạ của vua biết kính sợ Đức Chúa Trời và vâng theo Lời Ngài thì ắt hẳn họ đã cứu dân tộc, quốc gia mình thoát khỏi sự huỷ diệt. Thế nhưng, tiếc thay, họ lại ưa thích đi theo con đường riêng của mình và chẳng chịu quan tâm, đoái hoài gì đến tiếng gọi của Đức Chúa Trời.


3. Lời Chúa bị khước từ (Gie 36:1-32) (Gie 37:1-38:28)

"Chẳng có nan đề nào là quá lớn hay quá phức tạp mà không thể thoát ra được" dưới một hình vẽ khôi hài trên một bức tường ở đường phố Luân đôn người ta đã viết như vậy vào năm 1979, ấy là câu phương ngôn có lẽ đã được trích từ dưới những bức tranh "Peanuts" hài hước của Charles schulz. Cho dù có nguồn gốc ở đâu đi nữa, thì câu nói này vẫn rất thích hợp với cách giải quyết của vua Sê-đê-kia đối với những vấn đề nghiêm trọng tại Giu-đa vào thời điểm kẻ thù dang vây ngoài cổng thành.


Ngoài quan tổng đốc Phi-lát (Gi 18:1-19:42), chẳng có một người lãnh đạo nào theo Kinh Thánh từng ghi nhận lại tỏ ra dao động và không quyết đoán như vua Sê-đê-kia cả. Cả hai chương này ký thuật lại việc vua gặp gỡ Giê-rê-mi bốn lần nhưng lại khước từ Lời Chúa tiên tri Giê-rê-mi. Hãy nghe những lời yếu ớt này của vua.


"Xin cầu nguyện cho chúng tôi với! " (Gie 37:1-10). Vua sợ rằng khi vua đi đến một mình sẽ không còn đuợc các quan ủng hộ nữa, nên vua đã sai Giê-hu-can và Sô-phô-ni cầu xin Giê-rê-mi cầu nguyện cho vua và cả dân tộc. Giê-hu-can không phải là bạn của Giê-rê-mi nên cuối cùng y đã xúi giục vua giết hại Giê-rê-mi (Gie 38:1,4). Chúa đã phán dặn với Giê-rê-mi không được cầu xin cho dân sự, còn đạo quân Ba-by-lôn đánh chiếm Ai Cập rồi thì mọi lời cầu nguyện dường như không còn cần thiết nữa (Gie 37:5-10). Chắc chắn các tịên tri giả đã cho rằng sự kiện này ắt là một phép lạ giống như việc giết quân A-si-ri trong thời vua E-xê-chi-ên vậy (Es 36:1-37:38). Một lần nữa họ lại sống trong niềm hi vọng giả tạo mặc dù Giê-rê-mi đã nói với họ rằng vua Nê-bu-cát-nết-sa sẽ trở lại và hoàn tất công việc mà Đức Chúa Trời muốn vua làm.


a. "Đức Giê-hô-va có phán lời gì chăng?" (Gie 37:11-21):

Cho đến lúc này, Giê-rê-mi vần là một người tự do (c.4) nhưng những kẻ thù ông vẫn luôn tìm cách bắt giam nhà tiên tri. Suốt thời gian yên ổn tạm thời trong thành, Giê-rê-mi cố đi về nhà tại A-na-tốt để lo việc trong gia đình nhưng người gác cỗng thành lại bắt ông vì tội bỏ trốn sang đội quân của kẻthù. Dĩ nhiên, Giê-rê-mi đã rao giảng về việc cần phải đầu hàng quân Ba-by-lôn (Gie 21:9) và ông sẽ còn tiếp tục nói về điều đó nữa (Gie 38:2,19 Gie 39:9) nhưng chắc chắn ông không phải là một kẻ phản bội. Ông rất yêu dân tộc mình, dám hi sinh cả mạng sống mình để cứu dân tộc. Và trên hết, ông luôn trung tín với Đức Chúa Trời .


Giê-rê-mi đã bị đánh đập và bị tống vào ngục. Khi vua Sê-đê-kia biết về điều đó, vua hiểu rằng đây là cơ hội để nói chuyện một cách bí mật với Giê-rê-mi vì các quan trưởng sẽ cho rằng vua đang xem xét trường hợp của Giê-rê-mi. Sau khi đem ông vào cung, nhà vua đã hỏi Giê-rê-mi:"Đức Giê-hô-va có phán gì chăng?". Nhà tiên tri liền đáp: "Có, đoạn tiếp rằng: Vua sẽ bị nộp trong tay vua Ba-by-lôn” (Gie 37:17) Tại sao Giê-rê-mi lại nói rõ ra như vậy? Vì ông đã rao giảng sứ điệp của Chúa nhiều lần nhưng lần nào cũng bị vua chống cự và khước từ.


Cho nên, Giê-rê-mi nhân cơ hội này phơi trần những sứ điệp lạc quan giả tạo của các tiên tri giả. Nếu họ nói đúng sự thật thì chắc chắn nhà vua đã hỏi họ về sứ điệp của Đức Chúa Trời! Cùng lúc ấy, Giê-rê-mi xin được tha và lời thỉnh cầu đã được Sê-đê-kia chấp thuận. Giê-rê-mi được ở trong nơi hành lang lính canh và đuợc chu cấp cho ông bánh ăn hàng ngày cho đến khi nguồn bánh đó hết sạch. Khi chúng ta tán thưởng việc Sê-đê-kia quan tâm cứu sống Giê-rê-mi, chúng ta có thắc mắc vì sao vua lại không quan tâm đến việc cứu dân mình? Vua sợ việc thay đổi chính sách chính trị vì vua sợ các viên cố vấn và các quan trưởng.


b. "Hắn đang ở trong tay các ngươi" (Gie 38:1-13).

Tức giận vì những lời của Giê-rê-mi làm tổn hại đến nổ lực trong trận chiến, bốn vị quan trưởng của vua Sê-đê-kia buộc vua phải giết Giê-rê-mi. Chúng ta không biết gì về Sê-pha-tia. Nếu Ghê-đa-lia là con trai của Pha-su-rơ, người đã bắt cùm Giê-rê-mi, thì chắc chắn người này không phải là bạn của Giê-rê-mi và cũng chẳng phải là người tốt. Còn Giê-hu-can là người mà chúng ta đã gặp trước đây (Gie 37:3). [87], người này có lẽ là người bà con với viên gác cổng đã bắt giữ Giê-rê-mi (c.13). Pha-su-rơ này không phải là người đã được nhắc đến trong Giê-rê-mi chương 20 trước đây. Bọn họ đã cáo buộc Giê-rê-mi vì tội không nghĩ đến quyền lợi của dân tộc, thế nhưng thực tế thì quyền lợi của cả dân sự Chúa lại chính là điều đã khiến Giê-rê-mi ông hiến dâng cả cuộc đời mình!


Quá nhu nhược trước các quan trưởng, nhà vua đã nhượng bộ lời yêu cầu của họ. Thay vì chỉ đơn giản giết Giê-rê-mi là việc làm sẽ gây đổ máu người vô tội thì những người này lại ném ông xuống một cái hố cũ, để mặc ông bị lút dưới bùn. Các quan trưởng này hi vọng rằng nhà tiên tri sẽ bị bỏ quên và sẽ chết ở đó. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã dùng Ê-bết-mê-lết, một người trong dân tộc đồng minh giải cứu Giê-rê-mi. Ê-bết-mê-lết đã trở thành "người Sa-ma-ri nhơn lành" trong Cựu Ước.


Sê-đê-kia là vị vua dể giao động, không có lập trường nên Ê-bết-mê-lết đã lợi dụng nhược điểm này của vua. Và nhà vua đã đồng ý cho phép Ê-bết-mê-lết giải cứu Giê-rê-mi. Đáng lý ra không cần phải dùng đến 30 người để kéo Giê-rê-mi ra khỏi hố, nhưng có lẽ nhà vua muốn bảo vệ viên quan trưởng của mình và Giê-rê-mi khỏi sự tấn công của các kẻ thù nghịch của Giê-rê-mi.


Về sau, Giê-rê-mi đã gởi một sứ điệp khích lệ Ê-bết-mê-lết (Gie 39:15-18) rằng ông sẽ được giải cứu khi thành bị đánh chiếm và Chúa sẽ không đoán phạt ông.


c. "Chớ giấu ta gì hết" (c.14-28).

Theo những điều Được ghi lại, đây là lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng vua Sê-đê-kia gặp tiên tri Giê-rê-mi trước khi Giê-ru-sa-lem rơi vào tay quân Ba-by-lôn. Lời yêu cầu của vua đã đưa Giê-rê-mi vào một thế tiền thoái lưỡng nan: Nếu Giê-rê-mi cho nhà vua biết sự thật thì nhà vua có thể sẽ giết ông vì vua chẳng bao giờ chịu vâng theo Lời Chúa! Chúa đã cho nhà vua cơ hội cuối cùng để ăn năn nhưng vua lại đánh mất. Nếu vua đầu hàng Nê-bu-cát-nết-sa, vua có thể bị bắt bớ và bị những ngưòi Do Thái đã đứng về phía kẻ thù ngược đãi, và chuyện gì sẽ xảy ra với gia đình của vua còn lại trong cung? Có lẽ những người đã muốn giết Giê-rê-mi cũng sẽ giết cả họ.


Giê-rê-mi cam đoan với vua rằng nếu vua vâng lời Chúa, Ngài sẽ bảo vệ vua và cả thành. Còn nếu vua không vâng lời Ngài thì ngay cả những ngưòi phụ nữ cũng sẽ sỉ nhục vua trước mặt người Ba-by-lôn (Gie 38:21-23). Chúng ta có thể đánh giá cao sự quan tâm của vua đối với vợ và các con mình , nhưng cách tốt nhất để bảo vệ họ là vua hãy vâng lời Chúa.


Vì e sợ các quan trưởng nên vua đã yêu cầu Giê-rê-mi giữ bí mật về cuộc nói chuyện của họ. Và như thế không có nghĩa là Giê-rê-mi đã nói dối các quan trưởng khi họ gạn hỏi ông. Thật sự thì chúng ta không có tài liệu nào ghi chép đầy đủ cuộc nói chuyện giữa Giê-rê-mi và vua Sê-đê-kia và có lẽ Giê-rê-mi đã cầu xin vua cho ông được phép không trở về nhà Giô-na-than thật. Và đúng là, trong lần nói chuyện kỳ trước, Giê-rê-mi đã đưa ra lời yêu cầu đó (Gie 37:17-21). Ong không bị bắt buộc phải nói hết mọi điều với các quan trưởng và ông cũng không phải nói dối để giữ bí mật về cuộc nói chuyện.


Đôi khi Chúa đoán phạt một dân tộc tội lỗi bằng cách sai phái những người lãnh đạo do dự, dễ giao động đến với họ và sự cai trị của các nhà lãnh đạo ấy càng khiến cho dân sự lún sâu vào nhiều rắc rối hơn (Es 3:4). Tổng thống J. F Kenedy thứ hai đã nói thế này: "Là những chủ nhân của đất nước, chúng ta cần phải có một thể chế chính sách lãnh đạo chính trị nào đó riêng cho mình vì dù sao đi nữa thì chúng ta vẫn có quyền đòi hỏi và hưởng thụ" [88]


Nhưng Giu-đa không phải là nước dân chủ, mọi người đã không bỏ phiếu cho vua của họ. Chính Chúa đã đem lại cho họ những gì họ đáng được hưởng .


Gie 37:1-21; xem giải nghĩa Gie 36:1-32


Gie 38:1-28; xem giải nghĩa Gie 36:1-32


4. Lời Chúa được ứng nghiệm (Gie 39:1-18) (Gie 52:1-34)

Cả hai chưong này cùng với IIVua 25:1-30 và IISu 36:1-23 miêu tả về sự sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem, sự cướp phá và sự huỷ diệt của nó cũng như việc hàng ngàn người Do Thái bị bắt làm phu tù và bị đày khỏi xứ. Những điều này sẽ không xảy ra nếu chỉ một trong các vua thật lòng ăn năn trước mặt Chúa và đầu hàng Ba-by-lôn .


a. Sự đoán phạt của Chúa dành cho vua Sê-đê-kia (Gie 39:1-7 Gie 52:1-11):

Thành Giê-ru-sa-lem bị quân Ba-by-lôn bao vây vào ngày 15.1.588 TC (Gie 52:4) và hai năm rưỡi sau tức nhằm ngày 18.7.596 TC thì họ đã chiếm lấy thành. Các quan của Ba-by-lôn lập chức vị mình ở cổng Giữa và bắt đầu cai trị dân sự Chúa. "Kỳ của các dân ngoại" đã bắt đầu làm nên lịch tiên tri của Đức Chúa Trời (Lu 21:24). Khi thời kỳ này chấm dứt, Đấng Mê-si-a sẽ trở lại để giải cứu dân Ngài va làm thành lời hứa mà Chúa đã phán qua các tiên tri .


Vua Sê-đê-kia và cả gia quyến mình cùng các quan trưởng tìm cách chạy trốn nhưng quân Ba-by-lôn đã đuổi kịp họ và bắt giải về cho Vua Nê-bu-cát-nết-sa tại Ríp-la, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 200 dặm về phía Bắc. Tại đó, vua Nê-bu-cát-nết-sa đã xét xử tất cả bọn họ, và người Ba-by-lôn là giống người là tàn bạo. Vua Nê-bu-cát-nết-sa giết các con trai của vua Sê-đê-kia, và chọc mù mắt vua. Vì vậy, những hình ảnh cuối cùng mà vua Sê-đê-kia còn thấy được sẽ luôn ám ảnh vua. Tất cả E-xê-chi-ên đã từng nói tiên tri rằng Sê-đê-kia sẽ không thấy xứ Ba-by-lôn (Exe 12:13) và lời tiên tri của ông đã thành sự thật.Nhà vua đã bị trói, bị giải về Ba-by-lôn và chết tạiđấy.


b. Sự đoán phạt của Chúa giáng xuống thành (Gie 39:8-10 Gie 52:12-34).

“Thành này đã làm cớ cho ta giận và tức, từ ngày đã xây lên cho đến ngày nay. Vậy nên, ta muốn cất nó đi khỏi trước mặt ta” (Gie 32:31). Qua chức vụ của mình, Giê-rê-mi đã cảnh báo dân sự rằng thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị bắt và hủy diệt. (Gie 6:6 Gie 19:8-9,11-12,15 Gie 21:10 Gie 26:6,11 Gie 27:17)


Cùng lúc đó, quân Ba-by-lôn cướp phá thành, đem hết mọi của cải trong đền thờ về Ba-by-lôn. Quân lính bắt trói tất cả nhũng người khoẻ mạnh dẫn về Ba-by-lôn.Vào năm 597 TC, dân Giu-đa đã bị bắt đi đợt một (Gie 52:28) và bị bắt đi đợt ba vào năm 582 TC (Gie 52:30). Còn những người nghèo khổ và những người vụng về thô kệch thì bị bỏ lại trong xứ để trồng trọt. Dẫu sao, bọn lính Ba-by-lôn ở lại vây thành cũng cần phải có người cung cấp lương thực cho chúng.


c. Chúa chăm sóc tôi tớ Ngài (Gie 39:11-14):Vì Chúa đã hứa rằng Giê-rê-mi sẽ đứng vững qua mọi khó khăn và bắt bớ (Gie 1:17-19 Gie 15:20-21) nên Ngài khiến vua Nê-bu-cát-nết-sa thả Giê-rê-mi ra và cư xử rất tử tế với ông. [89] Vua giao Giê-rê-mi cho Ghê-đa lia là người sau này làm quan tổng đốc trong xứ (Gie 40:7) (Ghê-đa-lia này không phải là người muốn giết Giê-rê-mi ).


Để kết thúc chương này, tôi xin trích dẫn lời của G.Campell Morgan: "Cho dù hiện tại chúng ta đang trong sự an ninh của mình nhưng hãy luôn nhớ rằng chúng ta vẫn có thể bất ngờ gặp phải sự kiện “năm thứ 11, tháng tư ngày mồng chín” – ấy là khi Chúa sẽ ném chúng ta ra khỏi nơi tưởng chừng như yên ổn của mình và Ngài chắc chắn sẽ làm như vậy nếu chúng ta không thật sự tin cậy nơi Ngài" [90]


11. BI KỊCH NỐI TIẾP BI KỊCH (Gie 40:1-45:5)

"Cuộc sống luôn đòi hỏi sức mạnh tiềm tàng nơi bạn. Hãy lập nên chiến công chứ đừng bỏ chạy” Dag Hammarskjold [91]


Nhiều học giả từng nói rằng có một điều mà chúng ta học được từ lịch sử là chúng ta không học được từ lịch sử. Điều này hoàn toàn đúng với số người Do Thái nghèo khổ còn sót lại Giu-đa sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá.Thay vì tìm kiếm Chúa và khởi đầu cho một bắt đầu mới thì những người còn sót lại đã tiếp tục tái phạm những tội lỗi gây nên sự huỷ diệt đất nước và thành phố. Họ đã không chịu lắng nghe Lời Chúa mà họ quay sang Ai Cập cầu xin sự giúp đỡ của Ai Cập và thờ cúng các thần tượng.


Hành động tội lỗi của dân sự đã khiến Giê-rê-mi thật đau lòng nhưng ông vẫn ở lại với họ và cố giúp họ quay về với Lời của Đức Chúa Trời. Chúa đã đoán phạt cả dân tộc nhưng ngay cả sự đoán phạt kinh khiếp đó cũng không làm họ thay đổi lòng mình. Họ vẫn tiếp tục phạm tội.


Vở kịch với những vai diễn thật bi thương này vẫn thường được người ta xem thấy trong mọi thời đại. Thỉnh thoảng, kịch bản của lịch sử có thể được thay đổi chút ít nhưng vai diễn của các nhân vật vẫn như cũ.


1. Giê-rê-mi, người chăn bầy trung tín (Gie 40:1-6)

Giê-rê-mi Được trả lại tự do sau khi quân Ba-by-lôn chiếm lấy thành Giê-ru-sa-lem (Gie 39:11-14)nhưng chẳng rõ vì lý do nào đó, ông đã bị lạc trong nhóm những tù nhân chờ tại Rama để chuẩn bị đi sang Ba-by-lôn. Ong được thả ra và có quyền chọn lựa hoặc sẽ đi sang Ba-by-lôn để hưởng sự hậu đãi của vua Nê-bu-cát-nết-sa hoặc ở lại xứ chăm sóc dân sự. Là một người có tấm lòng của người chăn bầy, Giê-rê-mi đã chọn ỡ lại với dân sự (c.14 Gie 40:5-6)


Viên chỉ huy đám lính người Ba-by-lôn cũng rao giảng những điều rất giống với những điều Giê-rê-mi đã tuyên bố trong 40 năm qua! Những người Do Thái chắc hẳn rất bối rối khi nghe một người Ba-by-lôn ngoại bang bảo họ là những kẻ có tội nhưng ông ta đã nói đúng. Là con dân Chúa, chúng ta phải cúi đầu hổ thẹn khi người thế gian lên tiếng xì xào bàn tán, chỉ trích những tội lỗi củacác thánh đồ (Sa 12:10-20 Sa 20:1 IISa 12:14)


Giê-rê-mi đã chọn gia nhập với Ghê-đa-lia, người mà vua Nê-bu-cát-nết-sa chỉ định cai quản trong xứ. Nếu dân sự nghe theo nhà tiên tri và người cai trị thì những ngưòi Do Thái còn sót lại chắc đã có một cuộc sống an toàn và tương đối dễ chịu trong sự đổ nát nhưng đằng này, họ đã không chịu vâng lời. Ngay cả một sự sửa phạt khủng khiếp mà đế quốc Ba-by-lôn đã gây ra cho Giu-đa cũng không làm thay đổi tấm lòng của dân sự, vì chỉ có ân điển của Chúa mới có thể làm thay đổi được lòng người mà thôi.


Liệu Giê-rê-mi có phá huỷ sứ điệp của mình khi ông ở lại trong xứ với dân sự không? (IISa 24:4-10). Tại sao ông lại ở lại với "những trái vả hư" khi tương lai thuộc về "những trái vải tươi" tức là những người đã bị bắt sang Ba-by-lôn? Chắc chắn Giê-rê-mi biết cách nhận biết ý muốn của Chúa và Chúa cũng biết rất rõ nhà tiên tri yêu xứ sở và dân tộc mình ra sao. E-xê-chi-ên bị dẫn sang Ba-by-lôn vào năm 597 TC và khởi đầu chức vụ của mình vào 5 năm sau đó (Exe 1:1-2) còn Đa-ni-ên thì cũng bị dẫn sang đó năm 605 TC. Đã có những nhà tiên tri đi thực hiện chức vụ với giữa vòng những người bị đày nên Giê-rê-mi đã hoàn toàn đúng khi ông quyết định ở lại với dân sự trong xứ. Giê-rê-mi đã phải chọn lựa rất khó khăn khi khởi đầu và kết thúc chức vụ của mình. Có lẽ sẽ dễ dàng hơn khi phục vụ Chúa với chức vụ là một thầy tế lễ nhưng ông đã vâng Lời Chúa để trở thành một nhà tiên tri. Tương tự, có lẽ sẽ thoải mái hơn khi sang ở tại Ba-by-lôn nhưng Giê-rê-mi đã chọn ở lại trong xứ của tổ phụ mình. Giê-rê-mi là một người chăn bầy chân thật chớ không phải là một kẻ vụ lợi (Gi 10:12-13)


2. Ích-ma-ên, kẻ phản bội dối trá (Gie 40:1-6) (Gie 40:7-41:18)

Khi biết được tin tức tốt lành về việc Ghê-đa-lia cai trị Giu-đa, những người đã bỏ trốn lúc xảy ra cuộc vây thành bấy giờ bắt đầu trở về xứ (Gie 40:7,11-12). Ghê-đa-lia là một người tốt, xuất thân từ một gia đình tử tế mặc dù mọi sự kiện đều cho thấy ông là người rất non nớt trong lĩnh vực chính trị.


a. Người tổng đốc trung tín (Gie 40:7-12):

Ghê-đa-lia truyền đạt lại cho dân sự đúng theo những điều Giê-rê-mi đã nói trong suốt nhiều năm: rằng nếu dân sự bằng lòng phục vụ người Ba-by-lôn thì sẽ được sống yên ổn trong xứ. Dân sự lúc ấy không thể thu hoạch được mùa màng vì cánh đồng không được gieo trồng trong suốt thời gian thành bị vây, nhưng họ có thể thu lượm những sản vật còn lại không bị hư hại trong cuộc chiến. Những người còn sót lại tại Giu-đa cần phải làm đúng theo lời chỉ dẫn của Giê-rê-mi và đó cũng là những lời iê-rê-mi dùng rao bảo cho những người bị đày ở Ba-by-lôn: Rằng hãy sống một cuộc sống bình thường, hết lòng quay về với Chúa và chờ đợi Ngài giải cứu (Gie 29:4-14). Chúa đã hứa ban cho một tương lai sáng lạng cho cả dân sự vì họ có một nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện.


b. Người chỉ huy biết quan tâm (Gie 40:13-16):

Giô-ha-nan ban đầu là một nhà lãnh đạo dũng cảm, nhưng về sau ông đã dẫn dân sự đi sai đường. Chúng ta không biết vì sao ông và những người thân cận biết được âm mưu của Ích-ma-ên muốn giết hại Ghê-đa-lia, nhưng những thông tin của họ hoàn toàn chính xác. Nếu Ghê-đa-lia nghe theo họ, ông đã không bị giết chết.


Tại sao Ích-ma-ên muốn giết Ghê-đa-lia? Lý do là vì vua của người Am-môn đã mướn ông làm điều đó, nhưng ở phía sau việc ấy còn có nhiều vấn đề khác. Dân Am-môn cũng có tham dự trong "hội nghị cấp cao"tại Giê-ru-sa-lem, nơi các nước đồng minh với Giu-đa bàn mưu bẻ gảy ách của Ba-by-lôn (Gie 27:1-3). Là bạn của vua Sê-đê-kia và của vua Am-môn, Ích-ma-ên không muốn nhìn thấy dân Do Thái đầu hàng quân Ba-by-lôn ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc. Ong là một người yêu nước nhưng lòng yêu nước của ông chỉ là lòng yêu nước vị kỷ mà thôi.


Nhưng lý do chủ yếu có lẽ là vì đến lòng tự ái dân tộc và tham vọng ích kỷ trong ông trỗi dậy. Bản thân Ích-ma-ên là một hậu tự của Đa-vít theo dòng con cháu Ê-li-sa-ma (Gie 41:1 IISa 5:16) và chắc chắn ông cảm thấy rằng ông phải được là tổng đốc vì cớ ông là người thuộc dòng tôn thất. Chớ Ghê-đa-lia là ai lại dám chiếm lấy vị trí mà đáng lý ra là của ông? Chính cái cách mà người Ba-by-lôn đã đối xử với vua Sê-đê-kia là người bà con của Ích-ma-ên, đã không khích lệ ông đầu phục sự cai trị của họ chút nào.


Giô-ha-nan muốn giết Ích-ma-ên nhưng Ghê-đa-lia không đồng ý. Trong việc này, người Ghê-đa-lia đã cư xử đúng nhưng ông lại hoàn toàn sai khi không tập họp những người trung thành với ông để bảo vệ ông đêm ngày. Điều đó không chỉ nói cho Ích-ma-ên biết rằng người tổng đốc ấy đã không hề biết chuyện gì đang xảy ra với mình mà còn khiến cho Ích-ma-ên rõ hơn rằng Ghê-đa-lia đã không lo tự vệ để bảo vệ mạng sống mình khỏi những kẻ muốn giết hại ông. Viên tổng đốc ấy đáng lẽ phải nghe theo lời của Giô-ha-nan và không nên coi thường Ích-ma-ên. "…" (Ch 11:14)


c. Kẻ giết người quỷ quyệt (Gie 41:1-18):

Tại khu vực Trung Đông, khi mọi người cùng nhau ăn uống, họ thường hay giao kết tình bạn và lòng trung thành với nhau. Còn Ích-ma-ên đã dùng bữa ăn như một cái bẫy để bắt Ghê-đa-lia và lính của ông để Ích-ma-ên có thể giết chết tất cả họ. Chúng ta không biết có bao nhiêu người đi với quan tổng đốc Ghê-đa-lia nhưng 10 người của Ích-ma-ên đã bắt giết họ một cách nhanh gọn.


Ngoài sự thù hận sâu sắc, Ích-ma-ên còn tỏ ra đaọ đức giả, khóc than trước 80 người Do Thái đi hành hương thờ phượng trong đền thờ và rồi ông đã sai người giết chết 70 người trong số họ. Hành động này cho thấy rằng Ích-ma-ên thả 10 người còn lại ông có thể lần theo dấu vết họ để tìm ra chỗ giấu lương thực của họ. Ích-ma-ên đúng là một người quỷ quyệt, tàn nhẫn và sẽ không dừng lại một bước nào miễn là đạt được mục đích của mình.


Cao trào của tội ác của Ích-ma-ên là tập trung vào việc bắt cóc những người Do Thái còn sót lại và bắt đầu rời xứ để đến với người Am-môn.Tuy nhiên, Giô-ha-nan đã giải cứu những người còn sót lại khỏi tay Ích-ma-ên nhưng Ích-ma-ên đã trốn thoát. Đây là một chuỗi những bi kịch có lẽ đã không xảy ra nếu Ghê-đa-lia nghe theo lời các bạn hữu của mình và hành động thận trọng hơn .


Giô-ha-nan đã chứng tỏ lòng can đảm của mình khi giải cứu những người Do Thái, nhưng cuối cùng khi ông nhận lãnh trách nhiệm, ông lại tỏ ra thiếu đức tin khi muốn dẫn những người còn sót lại qua Ai Cập! Ông đã không nhớ đến lời khuyên của Ghê-đa-lia (Gie 40:9) và đó cũng là sứ điệp của Giê-rê-mi, là những lời cảnh cáo người Do Thái phải ở trong xứ và không được đi sang Ai Cập. Người tốt vẫn có thể dễ đi lầm đường nếu người ấy quay lưng lại với Lời Chúa!


Gie 40:7-16; xem giải nghĩa Gie 40:1-6


Gie 41:1-18; xem giải nghĩa Gie 40:1-6


3. Giô-ha-nan : người lãnh đạo đạo đức giả (Gie 42:1-43:13)

(Gie 42:1-22). Giô-ha-nan đã từng là một người rất can đảm khi giết Ích-ma-ên, nhưng giờ đây, ông lại không đủ can đảm để đi theo điều mà ông biết là đúng. Ong sợ nếu tin cậy Đức Chúa Trời thì phải ở lại trong xứ Giu-đa, có lẽ đó là vì ông sợ những điều người Ba-by-lôn có thể sẽ làm khi họ biết Ghê-đa-lia đã chết và Ích-ma-ên đã lấp một hố đầy xác người.


a. Lời cầu xin không thật lòng (Gie 42:1-6):

Họ đến thỉnh cầu Giê-rê-mi với lời cầu xin nghe có vẻ như rất chân thành và thuộc linh, nhưng sự thực thì lòng họ đầy dối trá kể cả Giô-ha-nan (Gie 42:19-22). Họ đã quyết định sẽ sang Ai Cập và hi vọng rằng Giê-rê-mi sẽ đồng ý với họ. Đôi khi, dân sự Chúa đã dùng những cách không đúng để nhận biết ý muốn của Ngài, họ đi từ người cố vấn này sang người cố vấn khác để xin lời khuyên và hi vọng sẽ tìm được một người nào đó sẽ đồng ý với ý định giấu kín của họ.


b. Câu trả lời của Chúa (c.7-22):

Đức Chúa Trời bắt dân sự chờ trong 10 ngày, có lẽ là để họ nhìn lại mình và xưng tội lỗi của mình ra. Trong suốt 10 ngày đó, họ có thể nhận thấy rằng Chúa vẫn chăm sóc họ và họ không có điều gì phải lo lắng cả.Đáng lý ra họ phải hiểu rằng kế hoạch đi sang Ai Cập của họ là một điều ngu ngốc.


Nội dung câu trả lời của Giê-rê-mi chia làm 3 phần. Trước hết, ông cho họ một lời hứa (c.7-12). Giê-rê-mi nói với dân sự rằng nếu họ ở lại trong xứ, Chúa sẽ dựng họ và trồng họ (Gie 1:10). Nhà tiên tri khích lệ họ đừng e sợ vì Chúa ở cùng với những người ở lại và sẽ chăm sóc họ. Chính Chúa là Đấng cai trị họ chớ không phải là vua Nê-bu-cát-nết-sa. Thật vậy, ngày đó sẽ tới khi những người còn sót lại có thể thu lợi từ những mảnh đất đã bị cướp mất và bắt đầu vui hưởng một cuộc sống bình thường trở lại.


Phần thứ hai trong sứ điệp của Giê-rê-mi là một lời cảnh cáo (Gie 42:13-18). Kể từ khi Ap-ra-ham mắc phải lỗi lầm về đức tin trong chuyến đi đến Ai Cập (Sa 12:10-20), người Do Thái bắt đầu có khuynh hướng theo gương Ap-ra-ham. Vài lần trong đồng vắng, bất-cứ khi nào gặp khó khăn hay thử thách, dân Y-sơ-ra-ên thuờngnói về việc quay trở về Ai Cập. Thật ra, đây cũng chính là tiếng la ó khóc lóc của dân sự tại Cạt-đe khi họ từ chối vào Miền Đất Hứa (Dan 13:1-14:45). Trong suốt những năm cuối cùng của vương quốc Giu-đa, xuất hiện một bè phái nằm trong hàng ngũ nội bộ những nhà lãnh đạo Giu-đa ra sức ủng hộ Ai Cập vì họ xem Ai Cập là liên minh mạnh mẽ nhất và gần gủi nhất và của họ.


Nhà tiên tri cảnh cáo dân sự và chống lại việc họ đi qua Ai Cập, nơi họ nghĩ rằng họ có thể tìm thấy sự bìn yên, của cải và sự an toàn.Nhưng nỗi sợ hãi mà họ đã cố né tránh ở Giu-đa sẽ theo họ đến Ai Cập, và chính sự đoán phạt mà Chúa đã giáng xuống Giu-đa trong thời kỳ thành bị vây, cũng sẽ giáng trên họ trong xứ của Pha-ra-ôn. Chúa biết rằng vua Nê-bu-cát-nết-sa sẽ tiến vào Ai Cập và trừng phạt xứ này, điều mà vua đã thực hiện vào năm 568 TC-567 TC (Gie 46:13-19).


Giê-rê-mi kết thúc bài giảng của mình bằng sự phơi trần tấm lòng của dân sự (c.19-22). Ong công khai tuyên bố rằng họ đã cố lừa gạt ông khi họ hứa sẽ vâng lời của Đức Chúa Trời (Gie 42:5-6). Họ thật sự không cần đến lời cầu nguyện của ông hay kế hoạch của Chúa, họ muốn Chúa ủng hộ điều họ đã quyết định rồi. Nhưng đây lại là một quyết định gây ra tai hoạ cho chính họ vì nếu họ thực hiện kế hoạch của mình, họ sẽ chết tại Ai Cập.


Đây cũng chính là một lời cảnh báo cho chúng ta nếu chúng ta không thành thật khi tìm biết ý muốn Chúa. Trong công tác truyền giáo của mình, tôi thường gặp những người muốn nghe lời khuyên của tôi, và khi tôi hỏi họ đã nói chuyện với vị mục sư chủ toạ Hội Thánh của họ chưa thì câu trả lời của họ thường là "à, chưa, nhưng ông ấy không thật sự biết hay hiểu tôi gì cả"


Tôi trả lời : "Nhưng còn tôi lại là một người hoàn toàn là một người xa lạ đối với anh! "


"Đúng vậy, nhưng tôi thấy dường như ông hiểu vấn đề của tôi rõ hơn! ". Và đây chỉ toàn là những lời nịnh bợ mà thôi!


Tôi tin chắc rằng những người này đã nói chuyện với hết người này đến người khác, tìm kiếm một ngưòi có cùng ý kiến với những điều họ dự định làm. Khi tìm gặp được người đó, họ sẽ cho mục sư của mình biết rằng "người của Chúa" đã cho họ lời khuyên khôn ngoan. Đó chính là hội chứng Giô-ha-nan đấy!


a. Sự chống nghịch kiêu ngạo (Gie 43:1-7): Tin chắc rằng Chúa đã sai và họ đúng, Giô-ha-nan cùng với bạn bè mình bèn nói rằng là kẻ nói láo là một tiên tri giả, và rằng Chúa không hề sai Giê-rê-mi hay khiến ông nói tiên tri gì cả. Có lẽ Giê-rê-mi rất đau lòng khi nghe những lời cáo buộc gian dối như vậy từ chính dân sự ông, những người mà vì họ ông đã phải chịu đựng quá nhiều. Mặc cho những điều ông đã làm cho dân mình, Giê-rê-mi vẫn bị cáo buộc như những tiên tri giả là những kẻ chỉ nói những điều gian dối, những lời đã khiến cho đất nước suy tàn. Giô-ha-nan thậm chí còn cáo buộc Ba-rúc về tội đã xúi giục Giê-rê-mi, mặc dù ông ta chẳng hiểu nổi Ba-rúc đã nhờ vào sức mạnh đặc biệt nào để có thể tác động được đến nhà tiên tri can đảm. Tuy nhiên ông ta cần phải khiển trách một ai đó.


"Vào đất Ê-díp-tô, đến Ta-pha-nết; vì họ không vâng theo tiếng Đức Giê-hô-va” (Gie 43:7). Một lần nữa dân của Chúa lại bước đi theo những gì họ thấy chớ không phải bằng đức tin của mình.


b. Lời cảnh cáo đúng lúc (Gie 43:8-13):Đây là "bài giảng bằng hành động" cuối cùng của Giê-rê-mi. Trong khi những người Do Thái đứng nhìn, ông đã xếp những hòn đá lớn lại và đặt chúng trong đất sét ở trước nhà của Pha-ra-ôn ở Tác-pha-nết. Sau đó, ông tuyên bố rằng ngai vua Nê-bu-cát-nết-sa sẽ được đặt lên trên những hòn đá đó khi vua này trừng phạt dân này. Như những điều vua đã làm với đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, thì người cũng sẽ làm với các thần tượng và đền đài ở Ai Cập. Chiến thắng của vua thật dễ dàng như người chăn chiên khoác chiếc áo choàng của mình vậy. Dẫu thế, đó lại chính là những tàthần tượng mà dân Do Thái sẽ thờ lạy tại Ai Cập, những tà thần ấy sẽ bị huỷ diệt!


Gie 43:1-13; xem giải nghĩa Gie 42:1-22


4. Dân Do Thái còn sót lại : những kẻ thờ thần tượng bất hạnh (Gie 44:1-30)

Đây là bài giảng cuối cùng của Giê-rê-mi dành cho dân sự tại Ai Cập và có lẽ là vào năm 580 TC. Nếu ông được Chúa kêu gọi vào năm 626 TC nhằm, năm thứ mười ba đời vua Giô-si-a (Gie 1:2). Như vậy, ông đã thực hiện chức vụ của mình trong 46 năm.Bạn không thể không ngưỡng mộ Giê-rê-mi vì lòng trung tín của ông cho dù ông đã gặp phải biết bao tai ương, khốn khó.


a. Lời cảnh cáo gay gắt (c.1-14):

Chẳng bao lâu, sau khi những người Do Thái còn sót lại sang Ai Cập , họ bắt đầu thờ lạy các thần tượng vốn có rầt nhiều trong xứ trước đó. Giê-rê-mi nhắc dân sự nhớ về những điều họ đã thấy trong cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời tại Giu-đa (Gie 44:2-3). Chính vì sự thờ hình tựơng của dân sự mà Chúa đã huỷ diệt cả xứ, hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem và cả đền thờ nữa.Kế đó, ông nhắc họ nhớ những điều họ đã nghe những sứ điệp của các tiên tri mà Chúa đã sai đến để khiển trách dân sự hết lần này đến lần khác (Gie 43:4-6).


Tuy vậy, dân sự vẩn chưa chịu rút ra bài học cho mình, và giờ đây, họ đang từ huỷ hoại tương lai của mình bằng cách chọc giận Đức Chúa Trời qua việc họ lại tái phạm tội lỗi mà họ đã phạm tại Giu-đa. Phải chăng họ đã quên mất quá khứ? Hay là họ không quan tâm đến tương lai của mình? Hay là họ không nhận ra rằng Chúa có thể lại sẽ đoán phạt họ tại Ai Cập cũng dễ dàng như điều Ngài đã làm trong xứ của họ? Chúa đã gọi những người Do Thái trong xứ là "trái vả xấu đến nỗi không ai ăn được". Tương lai dân sự lúc bấy giờ được đặt trong tay những người bị lưu đày sang Ba-by-lôn, một ngày kia những người ấy sẽ trở về xứ mình và thực hiện công việc Chúa muốn họ làm.


b. Cuộc biện luận vô lý (c.15-19):

Những người lắng nghe Giê-rê-mi đều cố tìm cách biện hộ cho mình qua việc đưa ra những kinh nghiệm. Họ biện luận rất thực tế: "Nếu như điều đó xảy ra thì điều đó chắc phải đúng". Khi còn sống tại Giu-đa dân sự đã lén lút thờ lạy nữ thần Nữ vương của bầu trời (Tức là thần At-tạt-tê – nữ thần của sự sinh sản), và mọi việc dường như đều diễn ra tốt đẹp với họ.Họ có rất nhiều thực phẩm và vui hưởng mọi điều. Nhưng khi vua Giô-si-a buộc dân sự từ bỏ hình tựơng của họ thì họ thấy mọi việc như thể trở nên tồi tệ hơn.Nói tóm lại, họ cho rằng họ đã thật khôn ngoan khi không vâng lời Chúa và đi thờ lạy các thần tượng!


Có lẽ những người đàn bà đã rất sốt sắng trong việc thờ các thần tượng và các đức ông chồng họ cũng đồng ý với họ. Họ đã thề thờ lạy trước thần Át-tạt-tê, và chồng họ lại tán thưởng việc họ làm (c.24-26). Theo luật Do Thái, nếu người chồng đồng ý với lời thề của ngườ vợ thì lời thề đó mới có giá trị (Dan 30:1-17). Hậu quả là những ngưòi vợ đã trách móc chồng mình còn những người đàn ông thì không thèm quan tâm đến những điều Giê-rê-mi nói! Và như thế họ lại tiếp tục thờ lạy thần At-tạt-tê như điều họ đã làm trong xứ Giu-đa và họ cho rằng chắc chắn họ làm như vậy là đúng.


c. Lời tuyên bố khủng khiếp (c.20-30):

Thật bi thảm biết bao khi chỉ trong một vài năm ngắn ngủi mà Đức Chúa Trời đã phải hai lần tuyên bố sự đoán xét trên dân Ngài với cùng một tội! Giê-rê-mi bảo với họ rằng: “Đức Giê-hô-va vạn quân, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, phán như vầy: Các ngươi và vợ các ngươi đã nói ra từ miệng mình, và lấy ta làm trọn điều mình đã nói rằng: Thật chúng ta sẽ làm thành lời mình đã khấn nguyện, đốt hương, và làm lễ quán cho nữ vương trên trời. Vậy các ngươi khá giữ vững lời nguyện mình và làm trọn lời nguyện. Cho nên, hỡi cả dân Giu-đa hiện ở trong đất Ê-díp-tô, hãy nghe lời Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va phán: Này ta lấy danh lớn mình mà thề, trong khắp đất Ê-díp-tô sẽ chẳng có một người Giu-đa nào còn mở miệng xưng danh ta nữa, mà rằng: Thật như Chúa Giê-hô-va hằng sống! " (Gie 44:25-26) Người Do Thái tại Ai Cập sẽ bị tiêu diệt và chỉ có số còn lại trong số người Do Thái còn sót lại sẽ được trở về xứ mình mà thôi.


Giê-rê-mi đã cho họ một dấu hiệu: Pha-ra-ôn Hốp-ra, người mà dân sự tin tưởng sẽ chăm óc cho họ sẽ bị Đức Chúa Trời phó vào tay kẻ thù vua y như Ngài đã phó vua Sê-đê-kia vào tay vua Nê-bu-cát-nết-sa vậy. Hãy nhớ rằng Pha-ra-ôn Hốp-ra đã đồng ý giúp đỡ vua Sê-đê-kia chống lại Ba-by-lôn nhưng thực tế đã chứng mình rằng sự giúp đỡ đó không có ích chi cả. Các nhà sử học cho chúng ta biết rằng có một số lính tại Ai Cập đã nổi dậy chống Hốp-ra và có một viên chỉ huy đội lính đã ngăn chặn được cuộc bạo loạn, rồi ông tự mình xưng vương. Ong ta đã đồng cai trị với Hốp-ra. Ba năm sau, Hốp-ra bị xử tử và vua Nê-bu-cát-nết-sa xuất hiện. Như vậy lời tiên tri của Giê-rê-mi đã được ứng nghiệm.


Và Giê-rê-mi đã qua đời khi những sự kiện này đang xảy ra, nhưng liệu những người Do Thái tại Ai Cập có ghi nhớ lời của nhà tiên tri trong lòng không? Liệu dân sự có nhận ra rằng Giê-rê-mi đã rất trung tín trong việc rao giảng Lời Chúa và tất cả những gì ông nói đều đã ứng nghiệm? Liệu họ có ăn năn và vâng lời rao giảng của ông không?


5. Barúc: người tôi tớ trung thành (Gie 45:1-5)

Xét theo thời gian thì chương này có cùng thời điểm với Gie 36:1-32 nhưng lại được xếp ở đây nhằm trình bày một số điều đáng lưu ý sau đây:


Trước hết, chương này giới thiệu lại những lời tiên tri đã được đề cập trong chương 46-51, những lời mà Ba-rúc đã ghi theo lời của Giê-rê-mi vào năm 605 TC. Xin nhớ rằng trong chương 25, những lời tiên tri của Giê-rê-mi về các dân tộc được nhấn mạnh và chương này được viết cùng thời điểm với chương 45, vào năm thứ tư đời vua Giê-hô-gia-kim. Phần lớn các nước có mặt trong chương 46-51 đều được đề cập đến trong Gie 25:15-26.


Kế đến, chương 45 đã cho chúng ta một cái nhìn sâu hơn về Ba-rúc. Như chúng tôi đã nói đến trước đây, Ba-rúc có một người họ hàng làm việc trong nội bộ các quan của vua, ấy là người có thể giúp ông có được một công việc tốt trong cung. Thay vì nhân công việc béo bở ấy, Ba-rúc lại chọn đi theo Giê-rê-mi và làm theo ý muốn của Chúa. Chúng ta cám ơn Chúa về những điều mà tiên tri Giê-rê-mi đã làm, song chúng ta cũng nên cảm tạ Chúa về sự giúp đở của Ba-rúc cho Giê-rê-mi để nhà tiên tri có thể hoàn thành công việc của mình. Môise có được 70 trưởng lão phụ giúp. Đa-vít có những người mạnh mẽ bên mình, Chúa Giê-xu có các môn đồ của Ngài; sứ đồ Phao-lô có những người cùng làm việc như Ti-mô-thê, Tít, Si-lơ, và Giê-rê-mi cũng có một người tôi tớ trung thành là Ba-rúc.


Không phải tất cả mọi người đều trở thành nhà tiên tri hay sứ đồ, nhưng tất cả chúng ta đều có thể thực hiện ýmuốn của chúa bằng cách giúp đỡ ngưòi khác trong công việc của họ. Dưới mắt chúng ta ngày nay thì Ba-rúc chỉ là: "một thường dân" mà thôi. Thế nhưng ông là người đã giúp đỡ nhà tiên tri rất nhiều trong việc ghi lại Lời của Chúa. Trong chức vụ của chính mình, tôi đã rất tôn trọng sức lao động của các thư ký, phụ tá trung tín, những người đã giúp đỡ tôi theo nhiều cách. Tôi có thể đứng trên "sân khấu" nhưng nếu không có sự giúp đỡ của họ đằng sau hậu trường, thì chắc chắn tôi không thể nào hoàn tất công việc của mình được. Ba-rúc đã bằng lòng đứng đàng sau và hầu việc Chúa qua việc phục vụ tiên tri Giê-rê-mi.


Điều thứ ba đáng học hỏi ở đây là: Ngay cả những tôitớ tận tuỵ nhất vẫn có những lúc ngã lòng. Ba-rúc cũng đã gặp lúc nản lòng và muốn từ bỏ công việc của mình (Gie 45:3). Có lẽ sự bắt bớ Giê-rê-mi được ghi lại trong chương 26 là nguyên nhân của sự ngã lòng này. Chắc Ba-rúc cũng đang nghĩ tới việc rời bỏ Giê-rê-mi và nhờ người bà con của mình tìm cho mình một công việc nào đó dễ dàng hơn trong cung.


Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã an ủi tôi tớ Ngài. Trước hết, Chúa cảnh báo ông không được hi vong vào tương lai của Giu-đa vì mọi sự sẽ bị tiêu diệt khi quân Ba-by-lôn vây thành. Rằng "một công việc nhẹ nhàng" trong hàng lãnh đạo sẽ có thể dẫn tới cái chết hay bị lưu đày sang Ba-by-lôn. Chúa phán hứa với ông rằng: Ông sẽ không bị tiêu diệt và ông sẽ không cần phải sợ kẻ thù. Chúa đã chứng minh với ông về thực tế của một lời hứa được ghi lại một thế kỷ sau đó:"Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa" (Mat 6:33)


Khi chúng ta phục vụ Chúa và dân Ngài, chúng ta không nên chỉ lo tìm kiếm những điều cho bản thân mình. Điều quan trọng nhất là công việc của Chúa được hoàn thành và danh cao trọng của Chúa được vinh hiển. Giăng Báp-tít đã nói ngắn gọn thế này: "Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống" (Gi 3:30)


Một cuộc khủng hoảng không "tạo nên con người" nhưng sẽ phơi bày ra bản chất của người đó. Cuộc khủng hoảng theo sau sự tàn phá thành Giê-ru-sa-lem cũng giống như lò lửa của người thợ rèn cho biết đâu là đồng, đâu là vàng. Và thật tệ khi không có vàng.


Thế thì bạn và tôi nên phản ứng như thế nào khi gặp "hoạn nạn thử thách"? (IPhi 4:12-19) Tôi hi vọng rằng cũng giống như Gióp, chúng ta sẽ trở nên vàng ròng (Giop 23:10)


12. CHÚA PHÁN VỚICÁC DÂN TỘC (Gie 46:1-49:39)

"Tôi đã sống trong thời gian dài, và tôi sống càng lâu thì tôi càng nhận thấy rõ hơn những bằng chức của lẽ thật này - đó là Chúa luôn luôn tể trị trên mọi công việc của con người" Bengiamin Franklin [92]


Giê-rê-mi đã rao giảng Lời Chúa cho dân mình trong hơn 40 năm nhưng họ đã không chịu nghe. Giờ đây, ông lại tiếp tục rao bảo cho các dân tộc có liên hệ đến người Do Thái. Là người phát ngôn của Chúa, Giê-rê-mi đã "chuyền cái chén" cho các dân tộc này (Gie 25:15) và tuyên bố rằng Chúa đã có dự định với họ. Ong được gọi là "nhà tiên tri cho các dân tộc" (Gie 1:5) và ông đã hoàn thành sứ mệnh của mình.


Những tên gọi, nơi chốn và những sự kiện trong những chương sách này đều đã được ghi nhận trong những trang lịch sử cổ đại của chúng ta. Những bài học đằng sau các sự kiện này cho chúng ta thấy bàn tay của Chúa luôn tể trị trong sự hưng thịnh và suy vong của những nhà cầm quyền và các dân tộc. Một trong những cụm từ được lặp lại nhiều lần trong những chương này là lời của Chúa "Ta sẽ"như A.T Pierson đã từng nói "Lịch sử loài người chính là câu chuyện của Đức Chúa Trời". Sau đây, bạn cũng sẽ thấy được rằng Chúa đã đoán phạt các thần của các dân tộc này như điều Ngài đã làm đối với các thần của Ai Cập trước cuộc hồi hương của dân Y-sơ-ra-ên (Xu 12:22)


1. Sự đoán phạt trên Ai Cập (Gie 46:1-28)

Pha-ra-ôn Nê-cô đã đánh bại Giu-đa và giết vua Giô-si-a tại Mê-ghi-đô vào năm 609 TC (IISu 35:20-27) nhưng sau đó, vua Nê-bu-cát-nết-sa đã đánh bại Nê-cô tại trận chiến Cạt-kê-mít nổi tiếng vào năm 605 TC, nhằm năm thứ tư đời vua Giê-hô-gia-kim trị vì. Cuộc chiến bại đó đã phá vỡ sức mạnh của Ai Cập và khiến Ba-by-lôn trở nên hùng mạnh tại vùng Trung Đông. Giê-rê-mi đã miêu tả trận đánh theo quan điểm của Ai Cập (Gie 46:3-12). Kế đó, ông miêu tả sự xâm chiếm đất Ai Cập của Ba-by-lôn (c.13-26) và cuối cùng là lời dành cho dân Y-sơ-ra-ên (c. 27-28)


a. Cuộc chiến bại nhục nhã của Ai Cập (c.3-12):

Giê-rê-mi đã miêu tả địa hình của trận Cạt-kê-mít. Ong miêu tả những người chỉ huy đầy tự tin chuẩn bị cho lực lượng của mình (c.3-4) và rồi ông đã nhìn thấy họ sợ hãi bỏ chạy trước quân Ba-by-lôn (c.5-6). Giê-rê-mi thậm chí không miêu tả trận đánh! Cụm từ "sự kinh khiếp khắp tứ bề "cũng giống như cụm từ" mọi nơi đều có sự kinh hải" mà chúng ta đã gặp trước đây (Gie 6:25 Gie 20:3)và sẽ còn gặp lại (Gie 49:29)


Khi quân Ai Cập tiến vào trận địa, họ nhìn thấy sông Ni-lơ có vẻ như đang vào mùa lũ (Gie 46:8). Những người chỉ huy binh lính đã cầm chắc chiến thắng (c.8b) và những lính đánh thuê của họ cũng rất nô nức được chiến đấu (c.9) nhưng Đức Chúa Trời đã quyết định Ai Cập sẽ bị thua trận (c.10) [93] Đó là một cuộc "thánh chiến" mà Chúa đã chọn Ai Cập làm của lễ (c.10). Vết thương của Ai Cập sẽ không thể chữa được và sự xấu hổ của dân tộc này là không thể tránh khỏi (c.11-12).


b. Cuộc đánh chiếm vẻ vang của Ba-by-lôn (c.13-26):

Các nhà sử học cho chúng ta biết rằng điều này đã xảy ra vào năm 568 TC-567 TC và như thể nó không những đã được ứng nghiệm lời tiên tri mà còn ứng nghiệm cho cả "bài giảng bằng hành động" của Giê-rê-mi trước đây (Gie 43:8-13). Ban đầu, quân Ai Cập đứng chực sẵn một cách vững vàng khi quân Ba-by-lôn tràn xuống. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, quân lính Ai Cập bắt đầu không những ngã xuống mà còn đè lên nhau khi tìm cách trốn chạy (Gie 46:13-15). Những lính đánh thuê la lớn (c.16) và họ từ bỏ vị trí của mình


Quân Ba-by-lôn gọi Pha-ra-ôn Nê-cô là "một kẻ ồn ào". Ngày nay, chúng ta sẽ gọi ông ta là "tên to mồm" vì ông chẳng làm gì được ngoài việc nói khoác lác [94]Trong khi Nê-cô mãi lo khoác lác thì Nê-bu-cát-nết-sa đã xuất hiện nơi chân trời như một gọn núi khổng lồ vậy (c.18)


Hãy xem xét những hình ảnh mà Giê-rê-mi đã dùng. Ai Cập giống một con bò cái tơ (c.20). Các lính đánh thuê của Pha-ra-ôn cũng giống như bò con béo chạy tán loạn (c.21) và lính của Ai Cập mhư những con rắn (c.22) và họ đã ngã xuống truớc quân lính của Ba-by-lôn như cây ngã trước người thợ rừng (c.23). Đạo quân xâm lược Ba-by-lôn như một đám châu chấu không thể đếm được (c.23). Ai Cập giống như một cô gái trẻ bị tấn công và không thể trốn thoát đuợc (c.24)


Sự thất bại của Ai Cập cũng chính là sự bại trận của các thần Ai Cập (c.25). Điều này không có nghĩa là thần của Ba-by-lôn mạnh hơn các thần của Ai Cập , vì tất cả những thần tượng đều không có nghĩa gì cả. Ý ở đây muốn nói là Đức Giê-hô-va đã bày tỏ Ngài mạnh hơn tất cả các thần của Ba-by-lôn và Ai Cập vì chính Ngài đã làm chủ cuộc chiến. Vua Nê-bu-cát-nết-sa đã thắng và Pha-ra-ôn Nê-cô đã thua vì Chúa ra lệnh như vậy. Nhưng Chúa còn muốn rằng Ai Cập sẽ được hồi phục (c.26). Đây cũng lời hứa Ngài đã ban cho Mô-áp (Gie 48:47), Am-môn (Gie 49:6) và cho dân Ê-lam.


c. Tương lai chắc chắn của Y-sơ-ra-ên (Gie 46:17-18):

Đáng lý ra dân sự Chúa không nên đến Ai Cập, vậy mà vẫn có một số người đến đó và cuộc xâm lăng của quân Ba-by-lôn tại Ai Cập đã ảnh hưởng nặng nề đối với họ. Những người còn sót lại ở Giu-đa và những người bị lưu đày tại Ba-by-lôn có lẽ khi nghe tin chiến thắng của quân Ba-by-lôn thì họ đã tự hỏi tại sao không có điều gì trên thế gian này có thể ngăn chặn được vua Nê-bu-cát-nết-sa? Chúa đã hứa rằng những người bị lưu đày sẽ Được giải cứu khỏi Ba-by-lôn sau 70 năm, nhưng ngay thời điểm ấy Ba-by-lôn dường như lại mạnh hơn bao giờ hết.


Nhưng dù thế nào đi nữa thì Lời Chúa vẫn luôn đứng vững mặc cho báo chí của loài người có đưa tin gì đi nữa! Chúa đã hứa rằng "Ta sẽ diệt hết các nước mà ta đã đuổi ngươi đến, còn ngươi thì ta không diệt hết đâu! ”. [95]


Và Ngài phán dặn dân Ngài hai lần rằng "Đừng sợ hãi ". Dù cho tháng ngày có tăm tối thế nào đi nữa thì Chúa vẫn luôn ban cho dân Ngài ánh sáng của Lời hứa Ngài (IIPhi 1:19-21)


2. Sự đoán phạt trên dân Phi-li-tin (Gie 47:1-7)

Dân Phi-li-tin có lẽ đến từ Cáp-tô (c.4). Họ đã xây dựng một đất nước giàu có bằng việc phát triển buôn bán bằng đường thuỷ dọc theo bờ biển Địa Trung Hải và thâu được nhiều hàng hoá từ nhiều xứ. Nhưng số phận của họ là sự huỷ dịêt. Ty-rơ và Si-đôn là liên minh của Giu-đa trong việc cố gắng ngăn chặn bước tiến của vua Nê-bu-cát-nết-sa (Gie 27:3)


Lần này, Giê-rê-mi đã sử dụng hình ảnh nước sông dâng tràn để chỉ về quân lính Ba-by-lôn khi họ tràn vào xứ (Gie 42:7). Cuộc xâm chiếm kinh khủng đến nỗi các bậc cha mẹ sẽ bỏ mặc con cái của mình lại đằng sau để chạy trốn (c.3, Gie 49:11). Dân sự sẽ trở nên giống như những người than khóc tại đám tang (Gie 47:5) và cầu hỏi Đức Chúa Trời khi nào thì Ngài sẽ cất gươm đoán phạt kinh khủng của Ngài vào vỏ (c.6). Nhưng lưỡi gươm này sẽ tiếp tục nuốt cả xứ cho đến khi cơn đoán phạt của Chúa kết thúc.


3. Sự đoán phạt trên dân Môáp (Gie 48:1-47)

Người Mô-áp là hậu tự của Lót (Sa 19:20-38) và giống như dân Am-môn, đó là kẻ thù của dân Do Thái. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ khủng hoảng vì quân Ba-by-lôn, cả Mô-áp lẫn Am-môn đều liên minh với Giu-đa để chống lại Nê-bu-cát-nết-sa (Gie 27:3). Hơn 20 địa danh được kể đến trong chương này, có một số tên trong danh sách ấy chúng ta không thể xác định rõ, nhưng qua đó, cho thấy Đức Chúa Trời rất tường tận từng chi tiết khi Ngài muốn nói về tương lai [96]


Vào năm 582 TC, quân của Nê-bu-cát-nết-sa đã xâm chiếm xứ Mô-áp, huỷ diệt dân sự và các thành, để lại sự hoang tàn và chết chóc sau lưng. Nguyên nhân của sự đoán phạt này là do thái độ kiêu ngạo, tự mãn của dân Mô-áp (Gie 48:7,11,29-30). Dân Mô-áp đã tin chắc rằng vị thần của họ là thần Kê-mốt sẽ che chở cho họ (c.7,3,35,46) cũng như sẽ không có một kẻ thù nào dám động đến họ để bắt họ trong vùng cao nguyên bình yên của họ (c.8).


Hình ảnh trong câu 11-13 cho thấy Mô-áp là một dân tộc tự mãn. Họ luôn tin rằng họ sẽ rất an toàn, giống như rượu chưng cất trong bình trở nên ngon hơn vậy. Do đất nước trở nên phồn thịnh và đầy đủ, nên họ đã không chuẩn bị gì cho điều sẽ xảy ra. Dân Ba-by-lôn đã đổ sạch rượu từ bình này sang bình khác và đập vỡ các bình (xem câu 38 có một hình ảnh khác về cái bình bị vỡ). Thay vì ngồi trên ngôi cao, cả dân tộc Mô-áp đã bị hạ xuống và phải phủ phục trên đất nung nóng (c.17-18). Cái sừng và cánh tay là hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh (c.25) nhưng sừng của dân Mô-áp đã bị cắt và cánh tay đã bị gãy. Dân tộc này không còn sức mạnh gì nữa.


Hình ảnh rượu được lặp lại một lần nữa trong câu 26-27. Cả dân tộc đều say sưa vì chén của Đức Chúa Trời ban cho họ (Gie 25:15-16,27-29)và như người say trong bữa tiệc, cả dân tộc đã nôn mửa và ăn lại ngay chính những thứ mình đã nôn mửa ra. Quả thật, đây là một bức tranh đáng kinh rợn. Kế đến, hình ảnh lại thay đổi; đó là một con chim bồ câu ẩn mình trong tổ tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Dân Ba-by-lôn được miêu tả như con chim ưng, lao xuống con mồi của mình (c.40 Phu 28:49 Exe 17:3), một con chim bồ câu chẳng là gì so với chim ưng cả.


Có một điều đáng nói ở đây là Giê-rê-mi đã than khóc cho sự sụp đổ của xứ Mô-áp (Gie 48:13) và than vãn như người thổi sáo trong một đám tang vậy (c.36-38). Dĩ nhiên, sự đau buồn của ông là một bằng chứng cho thấy sự thương xót của Chúa dành cho những dân tộc bị huỷ diệt do tội lỗi của chống nghịch lại Đức Chúa Trời của họ. Chúa "không vui đâu về sự chết của kẻ phải chết" (Exe 18:32 Exe 18:23 Exe 33:11) và Ngài sẽ làm tất cả mọi điều Ngài có thể để kêu gọi họ ăn năn trước khi cơn đoán phạt giáng xuống.


Vâng, dân Mô-áp đã không còn có lối thoát nào (Gie 48:44-46 Am 5:19). Nếu họ trốn thoát khỏi kẻ thù mình thì họ sẽ bị rơi xuống hố. Nếu họ trèo lên khỏi hố thì họ sẽ bị sụp bẫy. Nếu họ thoát khỏi bẫy thì họ sẽ bị rơi vào lửa. Và nếu họ thoát khỏi lửa, họ sẽ bị bắt và bị đem sang Ba-by-lôn. Những tội nhân cần phải đối diện với điều này sẽ không có một chỗ nào đễ ẩn nấp khi Chúa bắt đầu ra tay đoán phạt (Kh 20:11-15). Đối với những tội nhân hư mất ngày nay, hi vọng duy nhất của họ là đức tin đặt nơi Chúa Giê-xu, Đấng đã chết thay cho tội lỗi của cả thế gian. Chúng ta cần phải chạy đến ẩn náu nơi Đấng Christ (He 6:18) - nơi ẩn náu duy nhất cho linh hồn chúng ta.


Sau khi viết một chương dài về sự đoán phạt, tiên tri Giê-rê-mi đã kết thúc bằng lời hứa (Gie 48:47). Lời này có liên quan đến tương lai của thời kỳ vương quốc khi Chúa Giê-xu Christ trị vì.


4. Sự đoán phạt trên dân Am-môn (Gie 49:1-6)

Giống như dân Mô-áp, dân Am-môn là hậu tự của Lót từ một trong hai người con gái của ông (Sa 19:20-38) và là kẻ thù của dân Do Thái.


Lời tố cáo đầu tiên của Giê-rê-mi là dân Am-môn đã tiến vào đất của Y-sơ-ra-ên khi quân A-si-ri xâm chiếm vương quốc phía Bắc vào năm 722 T. C. Dân Am-môn đã chiếm lấy Gát và các thành khác như thể dân Do Thái không bao giờ trở về vậy.Từ "Minh-côm" trong Gie 49:1,3 có thể dịch là Mo-lóc, tên của vị thần chính ở Am-môn (IVua 11:5,7,33). Họ khoe khoang rằng thần của họ mạnh hơn Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên nhưng đến một ngày nào đó, dân Y-sơ-ra-ên sẽ "đuổi" dân Am-môn ra khỏi xứ mình (Gie 49:2)


Dân Am-môn huênh hoang rằng thung lũng đầy hoa quả của họ rất an toàn vì có núi bảo vệ cả 3 mặt (c.4). Nhưng điều đó cũng không ngăn chặn được cuộc xâm chiếm xứ. Chúa đã tuyên bố giáng sự đoán phạt lên Am-môn và không điều gì mà họ tin tưởng có thể ngăn cản được cuộc xâm chiếm xứ.


Tuy nhiên, một lần nữa, chúng ta lại thấy sự tốt lành và sự thương xót của Đức Chúa Trời khi Ngài hứa sẽ hồi phục lại dân Am-môn khi Ngài khôi phục lại Giu-đa và Y-sơ-ra-ên trong vương quốc tương lai. Chúa khôi phục lại họ không phải vì họ xứng đáng nhưng vì họ Ngài muốn họ cùng hưởng sự vinh hiển mà Y-sơ-ra-ên sẽ nhận được có khi Chúa Giê-xu ngồi trên ngôi Đa-vít (Gi 4:22)


5. Sự đoán phạt trên dân Ê-đôm (Gie 49:7-22)

Dân Ê-đôm là hậu tự của Ê-sau, anh của Gia-cốp, người mà Chúa đã cất sự chúc phước để ban cho Gia-cốp (Sa 25:19-34 Sa 36:1-43). Người Ê-đôm không thân thiện gì mấy với người Do Thái nhưng kẻ thù chung của họ là Ba-by-lôn đã khiến Ê-đôm có mặt tại "cuộc họp cấp cao tại Giê-ru-sa-lem" vào thời Ê-xê-chi-ên (Gie 27:3)


Bạn sẽ muốn đọc lời tiên tri của Áp-đia và xem thử vị tiên tri này với tiên tri Giê-rê-mi đã có lời nói giống nhau như thế nào. Vì chúng ta không biết sách Áp-đia được viết khi nào nên chúng ta không chắc là Giê-rê-mi đã mượn lời Áp-đia hay ngược lại. Các nhà tiên tri đôi lúc cũng trích dẫn lời của nhau. Đây cũng là một bằng chứng cho việc cùng một Chúa là tác giả của các sứ địêp này.Ngoài ra, còn có những điểm tương đồng giữa hai tiên tri Ê-sai và Giê-rê-mi.


Sự đoán phạt của dành cho Ê-đôm cũng giống như một vụ gặt không còn gì sót lại cho người đi mót lúa (Gie 49:9-10 Le 19:10 Phu 24:21). Chúa sẽ làm hoàn tất công việc lần đầu tiên. Giống như những dân tộc khác, Ê-đôm cũng sẽ "uống chén " (Gie 49:12) vì sự kiêu ngạo của mình và và vì tội chồng nghịch lại Đức Chúa Trời (c.16). Dựa vào những thành trên núi hiểm trở của mình như thành Bốt-ra, họ nghĩ rằng không thể đột nhập được (c.16-18). Nhưng cuối cùng họ đã bị huỷ diệt như những thành đồng bằng Sô-đôm và Gô-mô-rơ (Sa 19:1-38)


Vua Nê-bu-cát-nết-sa sẽ tấn công Ê-đôm như sư tử nhảy ra từ bụi gai rậm rạp quanh sông Giô-đanh, và vua sẽ không dung tha cho bầy chiên (Gie 49:19-21). Vua sẽ xuất hiện như chim ưng và đáng sợ đến nỗi người Ê-đôm sẽ đau đớn như người đàn bà trong khi sinh nở. (c.2 Gie 48:40-41). Người Ê-đôm nổi tiếng về sự khôn ngoan (Gie 49:7 Giop 2:11) nhưng giờ đây họ không thể vạch ra cho mình một chiến lược nào khả dĩ để có thể cứu dân tộc họ khỏi sự xâm lăng của quân Ba-by-lôn.


Trong cơn đoán phạt, Đức Chúa Trời vẫn nhớ đến sự thương xót (Ha 3:2) và bày tỏ điều đó đối với các góa phụ người mồ côi (Gie 49:11 Exe 22:21-24 Exe 23:9 Le 19:33 Phu 10:18 Phu 27:19). Nhưng sự kiêu ngạo của Ê-đôm sẽ khiến dân tộc này hạ xuống như hậu quả thường thấy của sự kiêu ngạo.


6. Sự đoán phạt trên Sy-ri (Đa-mách) (Gie 47:25-27)

Tiên tri Ê-sai đã lên án Đa-mách, thủ đô của Sy-ri (Es 17:1-14). A-mốt đã lên tiếng tố cáo người Sy-ri về cách cư xử với người Ga-la-át như lúa trên sàn đập lúa (Am 1:3-5). Chúa sẽ đoán phạt họ về cách cư xử tàn bạo , vô nhân đạo của họ đối với dân Ngài.


Theo Giê-rê-mi thì khi nghe tin về việc tiến công của quân Ba-by-lôn, dân Đa-mách đã trở nên giống như biển động, yếu ớt như người bệnh, và đau đớn như người phụ nữ trong khi sinh nở (Gie 49:23-24). Họ sẽ rời các thành cổ của mình và cố tìm cách trốn thoát nhưng những người trai trẻ khoẻ mạnh nhất của họ sẽ bị giết trên đường và pháo đài của họ sẽ bị đốt phá.


Thông điệp này rất ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy sức mạnh. Vậy, Chúa còn phải rao báo như thế nào nữa thì mới thuyết phục loài người biết rằng cơn giận của Ngài sắp giáng xuống cho chính họ?


7. Sự đoán phạt trên Kê-đa và Hát-so (Gie 47:28-33)

Đây là hai dân tộc sống rất biệt lập. Kê-đa có liên hệ với Ích-ma-ên (Sa 25:13). Chúng ta không rõ về nguồn gốc của Hát-so và không nên nhầm lẫn dân này với một thành có trùng tên ở phía Bắc Palestine (Gios 11:1-23).


Hai dân tộc người Ả-rập sống du mục này mưu sinh bằng nghề chăn cừu và lạc đà. Tuy nhiên, Khi vua Nê-bu-cát-nết-sa tấn công họ vào năm 599 TC-598 TC, họ đã mất tất cả. Một lần nữa, chúng ta lại gặp cụm từ "sự kinh hãi bao bọc tư bề" (Gie 49:29 Gie 20:3). Hai dân tộc này sống rất buông thả, thoải mái và tách biệt ra khỏi các dân tộc khác, họ luôn lấy làm tự mãn và rất kiêu ngạo (Gie 49:31). Họ không cần đến Đức Chúa Trời cũng như sự giúp đỡ của người khác! Và khi vua Nê-bu-cát-nết-sa xuất hiện, họ mới nhận ra rằng họ đã thật ngu ngốc biết bao.


8. Sự đoán phạt trên Ê-lam (Gie 47:34-39)

Người Ê-lam thuộc dân tộc Sê-mê-mốt, dân tộc láng giềng của người Ba-by-lôn. Cùng với đoạn này, họ được đề cập đến trong Sa 14:1 Es 11:11 Es 21:2 Es 22:6 Gie 25:25 Exe 32:24 Dan 8:2). Lãnh thổ của họ nằm cách xa bờ sông Ty-rơ chảy qua Ba-by-lôn và cuối cùng đã trở thành một phần đất của đế quốc Mê-đô Ba-tư. Chúa đã phán với Giê-rê-mi lời tiên tri này vào năm 597 TC , trong thời Sê-đê-kia trị vì.


Do quân lính Ê-lam nổi tiếng về tài nghệ bắn cung nên Chúa hứa sẽ bẽ gãy cung của họ (Gie 49:35). Ngài so sánh quân Ba-by-lôn như một trận bão không chỉ thổi từ mọi phía mà còn đánh tan lạc dân sự khắp nơi. (c.36). Bất cứ khi nào một dân tộc bị đánh bại thì những người chiến thắng sẽ đặt vương miệng của vua họ ở cổng thành (Gie 1:15 Gie 39:3 Gie 43:8-13) và đó là điều mà Chúa hứa sẽ làm với Ê-lam (Gie 49:38). Ngài sẽ cho họ biết chính Ngài là Vua.


Đức Chúa Trời kết thúc quang cảnh của sự đoán phạt bằng một lời hứa đầy thương xót.Lý do Ngài lại khôi phục lại Ai Cập, Mô-áp, Am- môn và Ê-lam không được giải thích nhưng họ sẽ được dự phần trong vương quốc của Chúa nhờ ân điển Ngài.


Khi nghiên cứu những chương này, có lẽ bạn sẽ rất lo lắng khi đọc cùng một sứ điệp:sự đoán phạt sẽ đến và không thể trốn thoát được. Những điều Chúa phán với chín dân tộc đều có cùng điểm chung, và nếu không đọc cẩn thận, điểm giống nhau đó có thể sẽ gây ra "sự đơn điệu" và sẽ khiến chúng ta không còn nhạy bén với thông điệp của Chúa nữa.


Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những lời tiên tri này được viết về những con người thật và những gì Giê-rê-mi đã viết sẽ trở thành sự thật.Tất cả mọi nền văn minh đều bị quét sạch vì tội lỗi của mình và cuối cùng Ba-by-lôn cũng sẽ bị huỷ diệt. Điều này có nghĩa là càng ngày càng có thêm nhiều người phải chết và đi vào cõi tăm tối đời đời .


Các nước các dân tộc làm gì Chúa đều biết cả và Ngài sẽ thưởng phạt họ công bằng. Điều mà vua Sê-đê-kia xưa kia để nói về Đức Chúa Trời thì ngày nay càng phải đuợc nhấn mạnh: "Hỡi Đức Giê-hô-va vạn quân, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, là Đấng ngự trên các chê-ru-bin, chỉ một mình Ngài là Đức Chúa Trời của mọi nước trên đất, Ngài đã dựng nên trời và đất" (Es 37:16). Giô-suê gọi Ngài là "Chúa cả thế gian" (Gios 3:11), cả Chúa Giê-xu và Phao-lô cũng đều gọi Ngài là "Chúa của trời đất" (Lu 10:21 Cong 17:24)


Chúa chưa bao giờ ban Luật Môise cho bất cứ một dân tộc nào trong số các dân tộc Giê-rê-mi đề cập đến nhưng Ngài vẫn không bỏ qua những tội lỗi họ đã phạm với Chúa và với đồng loại. Bằng sự chứng kiến của tạo vật quanh mình và lương tâm của chính mình, họ đã "không thể chữa mình được" (Ro 1:17-32 đặc biệt là câu 20 ) và họ đã phạm tội trước Chúa.


Trong lịch sử gần đây, các dân tộc trên đất này cũng chẳng tỏ ra khá hơn những dân tộc đã từng được đề cập đến trong Gie 46:1-49:39. Máu vô tội vẫn đổ. Viết bao con trẻ vẫn bị giết từ trong bụng mẹ. Nạn khủng bố quốc tế, tội diệt chủng, nạn bóc lột người và khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, chiến tranh, tội ác, nạn lạm dụng trẻ em, và nhiều tội lỗi khác đã khiến tay các dân tộc vấy máu. Họ sẽ làm gì khi Vị Quan toà nổi giận và bắt đầu báo thù cho kẻ vô tội? "Sa vào tay của Đức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh khiếp thay! ” (He 10:31)


13. BA-BY-LÔN BỊ SỤP ĐỔ! (Gie 50:1-51:64)

"Xét cho cùng, chúng ta bị đoán phạt không phải vì chúng ta phạm tội nhiều bao nhiêu mà vì chúng ta đã từ chối Lẽ thật bao nhiêu lần" Vance Havner. [97]


Sau khi tuỵên bố về số phận của các dân tộc ngoại bang (Gie 46:1-49:54), nhà tiên tri bắt đầu tập trung vào kẻ thù đáng ghét nhất của Giu-đa là đế quốc Ba-by-lôn. Giê-rê-mi đã dành 122 câu để miêu tả về tương lai của chín dân tộc và 44 câu nói về sự chiến bại và sụp đổ của Ba-by-lôn. Tuy nhiên, Khi chúng ta đếm số câu trong đoạn 50 và 51, nhà tiên tri đã dành 110 câu để nói về sự sụp đổ của Ba-by-lôn. Quả thật đây là một đề tài rất quan trọng!


Kinh Thánh mô tả thành Ba-by-lôn hoàn toàn trái ngược với thành Giê-ru-sa-lem. Đó là thành của những con người kiêu ngạo tương phản với một thành thánh của Chúa. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, tên Ba-bên (Babel) có nghĩa là "cổng của Chúa" nhưng từ này rất gần với từ Ba-lan (Balal) có nghĩa là "sự lộn xộn", vốn có liên quan đến tên tháp Ba-bên nổi tiếng và sự hỗn độn của ngôn ngữ loài người (Sa 11:1-9). Người khai sinh ra nước Ba-by-lôn là Nim-rốt (Sa 10:10). Ay là một người thợ săn can đảm trước mặt Đức Chúa Trời (c.9). “A mighty rebel against the Lord” [98]. Ba-bên hoặc Ba-by-lôn là biểu tượng của sự chống nghịch Chúa - một thành tráng lệ của loài người hoàn toàn đối ngược với thành thánh là thành làm vinh hiển Chúa. Tất cả những điều này dẫn đến kết thúc cuối cùng của Ba-by-lôn được đề cập trong Kh 17:1-19:10 "Ba-by-lôn lớn", vốn là biểu tượng cho thế lực chống nghịch lại Chúa đang thống trị thế gian vào thời kỳ cuối cùng và rồi sẽ bị Đức Chúa Trời tiêu diệt. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa Gie 50:1-51:64 Kh 17:1-18:24 nên tôi đề nghị bạn hãy đọc thật kỹ cả 4 chương này.


Giê-rê-mi đã viết lời tiên tri này vào một cuốn sách trong suốt năm thứ 4 đời vua Sê-đê-kia trị vì (594-593 TC) và trao sách cho anh trai của Ba-rúc là Sê-ra-gia đọc tại Ba-by-lôn và sau khi đọc xong thì ném sách ấy xuống sông Ơ-phơ-rát (Gie 51:59-64). Do Sê-ra-gia là quan nội đại thần của vua Sê-đê-kia, ông có liên quan đến những việc về vấn đề ngoại giao. Có lẽ đây là "bài giảng bằng hành động" cuối cùng của Giê-rê-mi, được thể hiện mà không có sự hiện diện của Giê-rê-mi, là dấu hiệu tượng trưng cho sự sụp đổ hoàn toàn của đế quốc hùng mạnh Ba-by-lôn.


Gie 50:1-51:64 như một lời tuyên bố nhưng cũng được xem như một cuộc trò chuyện.Thông thường, chính Đức Chúa Trời phán dạy dân sự qua tiên tri của Ngài, nhưng thỉnh thoảng chúng ta vẫn được nghe người Do Thái trò chuyện với Chúa và Ngài đáp lời cho họ. Chúa đã tuyên phán về số phận của Ba-by-lôn. Ngài cũng tuyên phán với đạo quân xâm lược này, và với những người Giu-đa đang bị lưu đày. Có 3 việc xảy ra trong lời tuyên bố sau đây:Chúa tuyên chiến với Ba-by-lôn (Gie 50:1-28), Chúa tập hợp lực lượng chống nghịch lại Ba-by-lôn (Gie 50:29-51:26) và Chúa báo tin chiến thắng Ba-by-lôn (c.27-58)


Lời tiên tri của Giê-rê-mi được ứng nghiệm cả trong tương lai gần và xa. Người Mê-đi và người Ba-tư đã chiếm đóng Ba-by-lôn vào năm 539 TC (Dan 5:1-31) nhưng họ không phá huỷ thành. Vua Si-ru đã ban chiếu chỉ cho phép dân Do Thái trở về xứ mình (Exo 1:1-4), và dân sự đã thực hiện chiếu chỉ ấy theo ba giai đoạn: vào năm 538 TC (Exo 1:1-6:22), 458 TC (Exo 7:1-10:44) và 444 TC (Nê-hê-mi). Chính vua Alexander đại đế đã tiêu diệt Ba-by-lôn vào năm 330 và biến nó thành một đống đổ nát. Tuy nhiên, vì Ba-by-lôn tượng trưng cho thế lực chống nghịch Chúa nên sự kết thúc cuối cùng của nó đã được ghi lại trong Kh 17:1-18:24. Hãy nhớ rằng, các nhà tiên tri luôn nhìn thấy " hai chân trời", gầnvà xa khi họ nói hay viết về tương lai.


1. Chúa tuyên chiến với Ba-by-lôn (Gie 50:1-28)

Đức Chúa Trời đã ban mệnh lệnh "Hãy rao, hãy bảo". "Hãy dựng cờ xí lên! ", Ngài tuyên chiến với Ba-by-lôn và tuyên bố rằng thần tượng chính của Ba-by-lôn là thần Bên (còn được gọi là thần Mê-rô-đác) sẽ bị đánh bại nhục nhã.


Chúa tuyên chiến với cả Ba-by-lôn và các thần tượng trong xứ. Từ ngữ "thần tượng" có nghĩa là "những khúc gỗ" và từ "hình tượng" có nghĩa là "những cục phân". Đức Chúa Trời đã không thèm bận tâm đến các thần của họ! Quân xâm lược sẽ đến từ phương Bắc cũng như vua Nê-bu-cát-nết-sa đã từ phương Bắc kéo đến xâm lược Giu-đa vậy.


a. Chúa phán với dân Do Thái về số phận của họ (c.4-10):

Ngài nhìn thấy họ như một bầy chiên lạc, không có người chăn, một bầy chiên đã bị những người lãnh đạo và những kẻ săn bắt gian trá lợi dụng quá nhiều. Việc dân Giu-đa bị lưu đày tại Ba-by-lôn được trở về xứ mình chỉ là hình ảnh tạm thời ngụ ý sâu xa cho việc nhóm họp dân Do Thái trong những ngày sau rốt. Chúa cảnh cáo họ phải chạy trốn khỏi Ba-by-lôn để không bị bắt trong cơn đoán phạt sắp tới. (Es 48:20 Kh 18:4). Ngài sẽ khiến người Mê-đi và người Ba-tư chống lại Ba-tư và họ sẽ hoàn toàn chiến thắng.


b. Chúa phán với Ba-by-lôn (c.11-13):

Bây giờ chúng ta sẽ biết đượcvì sao Chúa lại tiêu diệt đế quốc hùng mạnh này. Ban đầu, người Ba-by-lôn lấy làm vui mừng khi họ đánh bại và tiêu diệt được Giu-đa. Thật vậy, Ba-by-lôn chính là công cụ mà Chúa đã dùng để đoán phạt dân sự tội lỗi của Ngài. Tuy nhiên, người Ba-by-lôn đã đi quá xa và họ quá sau sưa với chiến thắng của mình. Họ hành động như một con bò hớn hở trong khi đạp lúa vậy! Bất cứ một dân tộc nào rủa sả dân Do Thái thì cuối cùng dân tộc đó cũng sẽ bị Đức Chúa Trời rủa sả (Sa 12:1-3). Chúa sẽ đối xử với họ như cách họ đã đối xử với dân Giu-đa (Gie 51:24,35,49)


c. Chúa phán với các đạo quân xâm lược (c.14-16):

Cũng như Ba-by-lôn là công cụ mà Chúa đã dùng để đoán phạt Giu-đa, các đạo quân xâm lược như vua Si-ru với người Mê-đi và Ba-tư và sau này là Alexander Đại đế với quân đội Hy Lạp cũng đã trở thành công cụ của Chúa để Ngài dùng đánh bại Ba-by-lôn.Chúa phán với các đạo quân xâm lược này hãy chuẩn bị vũ khí sẵn sàng và tiếng hét mừng chiến thắng vì họ sẽ được thắng trận. Đây không phải là một cuộc chiến bình thường mà là "sự báo thù của Đức Chúa Trời" (c.15)


d. Chúa phán về người Do Thái (c.17-20):

Một lần nữa, Giê-rê-mi lại dùng hình ảnh một bầy chiên tan tác. Quân A-si-ri đã xâm chiếm Y-sơ-ra-ên (vương quốc phía Bắc) và Ba-by-lôn xâm chiếm Giu-đa (vương quốc phía Nam) nhưng giờ đây Chúa sẽ đoán phạt Ba-by-lôn như Ngài đã đoán phạt A-si-ri vậy. (A-si-ri đã đánh bại liên minh Ba-by-lôn-Mêđi vào năm 609 TC). Chúa sẽ đem dân Ngài về xứ của họ là nơi các bầy chiên có thể ăn cỏ an toàn và yên bình. Nhà tiên tri nhìn tới những ngày sau khi Chúa sẽ rửa sạch tội lỗi của dân tộc và lập Giao ước mới của Ngài với họ. Một lần nũa, chúng ta lại thấy "hai chân trời" trong một lời tiên tri.


e. Chúa phán với những kẻ xâm lược (c. 21-27):

Chúa chỉ huy cuộc xâm chiếm và mệnh lệnh của Ngài được thi hành triệt để. Ba-by-lôn "cây roi" (dc Es 10:5), cũng đã bị tưa ra. Ba-by-lôn sụp vào bẫy của Đức Chúa Trời và không thể thoát ra khỏi các khí giới của Ngài. Những người trai trẻ mạnh khoẻ sẽ bị giết như súc vật và ngày đoán phạt Ba-by-lôn sẽ đến.


f. Những người Do Thái còn sót lại lên tiếng (c.28):

Chúng ta hãy nghe những người bị lưu đày trốn chạy khỏi thành Ba-by-lôn và trở về Giu-đa khi họ kể lại sự sụp đổ của Ba-by-lôn. Tội nặng nhất của Ba-by-lôn là việc đốt đền thờ, và vì tội lỗi đó, họ đã phải nhận hình phạt là thành quách của họ bị huỷ diệt hoàn toàn.


2. Chúa tập họp lực lượng chống lại Ba-by-lôn (Gie 50:1-28) (Gie 50:29-51:26)

Mệnh lệnh đầu tiên của Đức Chúa Trời là "Hãy bảo cho hết thảy các nước! " Nhưng bấy giờ mệnh lệnh lại là "Hãy gọi hết thảy những kẻ cầm cung! " Chúa ra lệnh cho lực lượng của người Mê-đi và Ba-tư (sau này là Hy Lạp) bắn, giết và không cho một người Ba-by-lôn nào được trốn thoát.


a. Chúa phán với Ba-by-lôn (Gie 50:31-51:4):

Chúa phán với dân Ba-by-lôn rằng Ngài sẽ chống lại dân này vì họ quá kiêu ngạo (Gie 50:31-32) và cố tình hà hiếp dân Do Thái (c.33). Những người bị lưu đày không thể tự giải thoát mình được, nhưng Đấng Cứu Chuộc mạnh mẽ đã cứu họ! Cụm từ "đối nại chúng nó" chỉ đến một phiên toà do Đức Giê-hô-va làm thẩm phán xét xử và Ngài phán quyết rằng Ba-by-lôn có tội.


Giờ đây, Chúa phán cho Ba-by-lôn biết về những điều sẽ xảy ra trong ngày đoán phạt của họ. Bức tranh đầu tiên là hình ảnh gươm đao tủa ra trên khắp xứ và giết hại dân sự (c.35-38). Lưỡi gươm của chúa thậm chí chém vào nước và khiến chúng trở nên khô hạn (c.38). Tại sao vậy? Bởi vì "đây là xứ tượng chạm" (c.38)và Chúa muốn chứng minh rằng những thần tượng chẳng có ý nghĩa gì. Giống như sự sụp đổ của Gô-mơ-rơ và Sô-đôm, sẽ không còn gì sót lại cả. Đó sẽ là nơi trú ẩn của chim chóc và thú rừng. Còn thành phố thì sẽ không bao giờ được khôi phục lại nữa.


Đức Chúa Trời đã chỉ cho Ba-by-lôn thấy một đội quân hùng mạnh sẽ đến từ phương Bắc - một đội quân độc ác không có lòng thương xót với tiếng chân đi như biển động (c.42). Điều này đã khiến cho vua Ba-by-lôn kinh hái. Tựa như một con sư tử đói, đang săn tìm con mồi (Gie 49:19-21), vua Si-ru và kế đó là Alexander Đại đế sẽ tấn công Ba-by-lôn và không ai có thể địch lại nổi. Vâng, hễ Đức Chúa Trời chọn dùng người nào thì người đó sẽ luôn thành công. Sự đoán phạt của Chúa trên Ba-by-lôn sẽ trở nên giống như việc sẩy thóc:"Ba-by-lôn hùng mạnh" sẽ bị thổi bay đi như tro trấu cùng với các thần tượng của nó.


b. Chúa phán với dân Do Thái (Gie 51:5-10):

Chúa phán hứa với dân Ngài rằng Chúa sẽ không bỏ họ và Ngài ra lệnh cho dân sự lần thứ hai (Gie 50:8)hãy trốn khỏi Ba-by-lôn khi có cơ hội. Khi vua Si-ru mở cửa cho họ trở về xứ mình thì có khoảng 50.000 người Do Thái đã quay trở lại Giu-đa và tái thiết Giê-ru-sa-lem cùng với đền thờ. Ba-by-lôn đã trở nên "chén rượu"trong tay Chúa (Gie 25:15) khiến cho mọi dân tộc ở đó sống buông tuồng như những người say (Kh 18:3). Nhưng giờ đây, chén đó đã vỡ ra và quyền lực của Ba-by-lôn đã sụp đổ. Lời "hãy vì nó than khóc" (Gie 51:8) đã được ứng nghiệm trong Kh 18:9. Bất cứ ai hi vọng vào Ba-by-lôn sẽ rất thất vọng tương tự như những ai đang đeo bám hi vọng vào thế giới hiện tại này vậy. "Vả, thế gian đều sẽ qua đi" (IGi 2:17)


Đại từ nhận xưng "chúng ta" trong Gie 51:9 đã đề cập đến là ai vậy? Là dân Do Thái hay liên minh của Ba-by-lôn đã bỏ rơi Giu-đa? Trong Gie 51:10 chúng ta thấy đại từ sở hữu “của chúng ta” rõ ràng là chỉ về những người Do Thái cho nên “chúng ta” trong Gie 51:9 chính là nói đến những người bị lưu đày là những người đã được Giê-rê-mi hướng dẫn sống đời sống trở nên nguồn phước tại Ba-by-lôn (Gie 29:4-14). Chắc chắn, đã có nhiều người Do Thái trở lại tìm kiếm Chúa, xưng nhận tội lỗi mình và tin vào lời hứa Ngài sẽ giải cứu họ. Một vài người trong số họ đã chuẩn bị cho con trai, con gái mình trở về xứ. Họ đã bày tỏ Lẽ thật về Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho người Ba-by-lôn và chia sẻ Lẽ thật ấy cho những kẻ bắt bớ họ, thế nhưng dân Ba-by-lôn lại thích cười cợt người Do Thái hơn là nghe họ nói về tôn giáo của mình. (Thi 137:1-9).


c. Chúa lại phán với Ba-by-lôn (Gie 51:11-19):

Chúa cảnh cáo họ hãy chuẩn bị khí giới sẵn sàng, dựng các tường thành và cắt người canh gác vì cuộc xâm đã sắp bắt đầu. Gie 51:13). Họ đang mãi say sưa với quyền lực, sức mạnh và sự giàu có xa hoa của mình thì Đức Chúa Trời đã đến cất các điềuđó đi và chấm dứt mọi mưu lược của họ (c.13) [99]


Quân địch sẽ tràn xuống Ba-by-lôn như đàn châu chấu và chứng minh cho Ba-by-lôn thấy rõ các thần tượng của họ là hư không và vô ích mà thôi. Giê-rê-mi đã từng phơi bày sự ngu ngốc của việc làm và thờ lạy các thần tượng (c.15-19) và ngợi khen sự vĩ đại của Chúa Hằng Sống, Chân Thật (Gie 10:12-16 Es 40:12-26)


d. Chúa phán với các tướng của mình (c.20-24)[100].

Tương tự như A-si-ri là "cây roi" của Chúa (Es 10:5-19) và các tướng lĩnh của Ngài (vua Si-ru, và sau này là Alexander Đại đế) cũng sẽ là "cây búa "của Chúa để Ngài dùng đập tan quyền lực của Ba-by-lôn. Động từ "đập tan"được dùng 9 lần trong đoạn này. Họ sẽ đối đãi với Ba-by-lôn y như cách mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã đối đãi với các dận tộc khác.Có một đạo luật báo ứng trong công việc của Chúa trong lịch sử và Đức Chúa Trời sẽ thực thi đạo luật này.


e. Chúa tiếp tục phán với Ba-by-lôn (c.25-26):

Thành Ba-by-lôn nằm trên khu vực đồng bằng nhưng dưới cái nhìn của các dân tộc thì đó lại là một ngọn núi hủy diệt khộng lồ xuất hiện trong lịch sử. Tuy nhiên, khi Đức Chúa Trời đoán phạt nó, Ba-by-lôn sẽ chẳng là gì khác ngoài một ngọn núi lửa đã tắt ("núi bị cháy", Gie 51:25). Sẽ không ai đến khai quật đống đổ nát ấy để tìm đá xây dựng nữa; thành phố sẽ bị bỏ hoang mãi mãi.


Gie 50:29-46; xem giải nghĩa Gie 50:1-28


Gie 51:1-26; xem giải nghĩa Gie 50:1-28


3. Chúa báo tin chiến thắng Ba-by-lôn (Gie 51:27-58)

Xuyên suốt lời tiên tri này, Chúa thường nói về sự sụp đổ của Ba-by-lôn, nhưng ở chương kết thúc này Lời Chúa dường như chỉ tập trung vào việc báo tin chiến thắng kẻ thù hoàn toàn.


a. Chúa miêu tả chiến thắng (c.23-33):

Đạo quân của Chúa đã được chuẩn bị, các tướng lĩnh đã sẵn sàng và trận chiến bắt đầu. Còn đạo quân Ba-by-lôn đã trở nên hoàn toàn bất lực, chúng chỉ mới leo lên tới trên các tường thành thì đã kiệt sức, hồn xiêu phách lạc. Thành bị đốt và các thanh chắn cổng thành bị bẻ gãy. Không gì có thể ngăn cản được kẻ địch tiến vào thành và làm những điều mà người Ba-by-lôn đã xử với thành Giê-ru-sa-lem. [101]


Người Ba-by-lôn có một hệ thống thông tin hiệu quả và họ có thể truyền tin nhanh chóng đến các nước chư hầu. Sự thật, Giê-rê-mi đã miêu tả cuộc gặp gỡ của những người đưa tin và báo tin cho nhà vua thế này: "đồng lầy bị đốt cháy bằng lửa! ", "lính chiến đã hoảng hồn! ", "thành vua bị vây chặt khắp tư bề! " (c.31-32). Đó chính là mùa gặt của Đức Chúa Trời và Ba-by-lôn đã ở trên sân đạp lúa [102]


b. Chúa phán với dân Do Thái (c.34-50):

Trước hết, người Do Thái nhắc Chúa nhớ lại về những điều mà Nê-bu-cát-nết-sa đã làm với họ (c.34-35). Như một quái vật hung dữ, Ba-by-lôn đã chộp lấy Giu-đa như thể chập một cái bình đựng thức ăn và nó đã vội ăn nuốt mọi thức ăn trong đó rồi lại ói ra và cuối cùng nó đập vỡ bình! Qua là như thế, dân Ba-by-lôn đã nuốt dân vào rồi lại nhả họ ra. Giờ đây, dân Do Thái muốn Đức Chúa Trời báo ứng lại người Ba-by-lôn những đau khổ mà họ đã gây ra cho nguời Do Thái.


Câu trả lời của Chúa là một lời khích lệ: như vị luật sư biện hộ tại toà án, Chúa sẽ xem xét vụ kiện này, ào chữa và minh oan cho họ (c.36) Đức Chúa Trời đã miêu tả rất rõ ràng điều sẽ xảy ra với Ba-by-lôn: khu đổ nát của thành phố sẽ là nơi trú ẩn của thú dữ và chim chóc, là nghĩa địa cho những người bị giết trong cuộc xâm lăng và là lò sát sinh nơi dân Ba-by-lôn sẽ bị giết như bò, chiên và dê.


Sê-sác trong Gie 51:41 là tên mật mã của Ba-by-lôn (Gie 25:26). Theo một hệ thống chữ cuối cùng của mẫu tự được thay thế bằng chữ đầu tiên, chữ kế cuối cho chữ thứ nhì và cứ tiếp tục cho đến hết. Còn lý do tại sao lại dùng tên mật mã của kẽ thù trong một câu và tên thật trong câu tiếp theo thì quả là một điều khó hiểu.


Tuy nhiên, kẻ thù của Ba-by-lôn sẽ tiến công Ba-by-lôn như nước biển tràn bờ (Gie 51:42)và "khi thuỷ triều xuống" thì đó sẽ chỉ còn lại hoang mạc. "Quái vật" Ba-by-lôn đã từng ăn nuốt dân Chúa nhưng Chúa sẽ khiến nó phải nhả họ ra (c.44) và vị vua mới (Si-ru) sẽ cho phép dân Ngài được trở về xứ mình. "Tường thành Ba-by-lôn sẽ xiêu đổ" theo nghĩa đen đã trở thành sự thật dưới tay Alexander Đại đế và "tường thành sụp đổ" thực sự khi vua Si-ru ban chiếu lệnh cho những người Do Thái bị lưu đày được trở về xứ mình và xây dựng lại đền thờ.


Lần thứ ba, Chúa ra lệnh cho dân Ngài ra khỏi xứ Ba-by-lôn (c.45 Gie 50:8 Gie 51:6) và không được chần chừ, chậm trễ (Gie 51:50 Sa 19:16). Chúa bảo họ chớ sợ hãi những tin đồn mà họ đã nghe được, tức là những điều sắp sửa xảy ra. Họ không cần phải sợ hãi những tượng chạm hư không của Ba-by-lôn là những thần tượng chẳng thể làm gì để ngăn cản họ được cả. Lúc đó, các từng trời và đất sẽ cất tiếng reo vui khi Ba-by-lôn sụp đổ (Gie 51:48 Kh 18:20)


c. Dân Do Thái thưa chuyện với Chúa và Ngài đáp lời (c.51-58):

Những người Do Thái bị lưu đày cảm thấy thật nhục nhã trước mọi dân tộc vì những điều mà người Ba-by-lôn đã làm đối với thành Giê-ru-sa-lem. Nếu Đức Chúa Trời không đủ khả năng sức mạnh để bảo vệ nhà Ngài thì làm sao Chúa có thể đánh bại được Ba-by-lôn? Nếu rời khỏi Ba-by-lôn, họ chỉ trở về với sự đổ nát và xấu hổ mà thôi. Trong suốt những năm bị cầm tù, nhữngai vâng theo lời dạy của Giê-rê-mi (Gie 29:4-14) thì có lẽ người đó đã có một cuộc sống khá dễ chịu. Vì vậy, họ sẽ đổi sự an toàn để chuốc lấy nguy hiểm, và đổi sự sung túc cho điều mình muốn. [103]


Tuy nhiên, Chúa đã bày tỏ rõ rằng Ba-by-lôn sẽ chẳng có tương lai nữa, vì Ngài đã quyết định huỷ diệt thành này (Gie 51:56). Vì vậy, nếu dân của Chúa vẫn còn nán lại ở Ba-by-lôn thì họ sẽ phải chịu chung số phận với thành. Còn nếu họ vâng lời Chúa quay về xứ thì họ sẽ kinh nghiệm được một sự khởi đầu mới mẻ dưới sự ban phước của Chúa.


Đây là vấn đề bước đi bằng đức tin chớ không theo những gì mắt thấy, tin vào Lời Chúa thay vì dựa vào sự đánh giá của con người. Những người Do Thái bị lưu đày khi nhìn thấy những tường thành cao, những cổng lớn của thành Ba-by-lôn thì đã vội kết luận rằng với sự phòng thủ như vậy sẽ làm lui bước bất cứ một kẻ thù nào dám tấn công Ba-by-lôn, thế nhưng họ đã lầm. Những tường và cổng đó chỉ như "dầu gặp lửa" khi các kẻ thù Ba-by-lôn tiến vào mà thôi (c.58).


"Ba-by-lôn lớn kia đã đổ rồi, đã đổ rồi" (Kh 14:8)


Và Ba-by-lôn sẽ còn sụp đổ mãiu mãi!


Gie 52:1-34; xem giải nghĩa Gie 39:1-18


LỜI KẾT

"Không phải sự thất bại mà chính là sự bỏ cuộc đã đánh gục một con người. Bạn bị gục ngã khi bạn bỏ cuộc chớ không phải khi bạn thất bại” (Richard M.Nixon)


Giê-rê-mi qua đời lúc tuổi cao tác lớn là tại Ai Cập. Cũng giống như mộ phần của Môi-se, nơi chôn cất của Giê-rê-mi vẫn còn là một điều bí ẩn. Mộ của nhà tiên tri đã trở thành các bụi nhưng những lời ông viết vẫn còn ở với chúng ta luôn vì Lời Chúa còn lại đời đời. Ông đã viết ra một quyển sách có nội dung khó hiểu và chúng vẫn chưa thể hiểu hết mọi điều ông viết. Tuy nhiên, bạn không thể không thể rút ra được từ cuộc đời và chức vụ của ông một vài bài học quan trọng, cụ thể nào đó cho mình và ứng dụng chúng vào trong cuộc sống làm con dân Chúa ngày nay.


1. Trong những lúc khó khăn, chúng ta cần phải nghe và lưu ý đến Lời Chúa:


Trước một sự việc nào đó thì mỗi người thường có mỗi đánh giá và nhìn nhận khác nhau. Đối với chúng ta thì thật rõ ràng rằng các nhà lãnh đạo Giu-đa đã làm một việc dại dột khi họ chống lại những điều mà Giê-rê-mi bảo họ làm. Giu-đa đã phạm tội và điều đó đã dẫn đến rắc rối với sự đoán phạt cho chính họ dù họ nghĩ rằng họ có thể thương thuyết để tìm ra giải pháp cứu vãn tình thế nhưng kết cuộc họ đã không làm được. Những gì họ cần làm là đặt niềm tin nơi Lời của Chúa và vâng theo ý muốn Ngài. Nếu dân Giu-đa chịu xưng nhận tội lỗi của mình, quay trở lại với Chúa và đầu hàng vua Nê-bu-cát-nết-sa, thì chắc hẳn họ đã cứu đựoc mạng sống, đền thờ và thành của mình.


2. Những tiên tri thật của Chúa thường bị bắt bớ. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự của Giu-đa ưa thích những thông điệp êm tai, tốt lành của các tiên tri giả hơn là những lời thẳng thắn từ tôi tớ thật của Chúa bởi vì lòng người ưa thích yên ổn hơn là ăn năn, bình an hơn là đối diện với lý do cơ bản của sự bất an.


Dân Do Thái đã chống cư lại các sứ giả của Chúa và thách thức quyền năng của họ kể từ thời Môi-se cho đến thời các sứ đồ. Thật khó để kể ra tên một nhà tiên tri hay một vi sứ đồ nào mà không bị bắt bớ. Thời nay, Nếu Giê-rê-mi xuất hiện tại Hoa kỳ tại một vài thượng nghị viện hay tại quốc hội nào đó và nói những điều ông đã rao giảng cho những người lãnh đạo Giu-đa thời xưa, thì chắc chắn ông sẽ bị chế nhạo và bị bắt ném ra ngoài. Tuy nihên, làm "một nhà tiên tri được mọi người yêu mến" không có kẻ thù nào và luôn làm vừa lòng mọi người lại là một điều thật nguy hiểm. Vance Havner đã nói “Trong tình hình tôn giáo ngày nay, các nhà tiên tri thật hiếm hoi. Hội Thánh ngày nay chỉ là “một tổ chức không có nhà tiên tri". [104]


3. Người có lòng yêu nước thật sự sẽ không làm ngơ với tội lỗi: Charles Jefferson đã viết :


4. “Ông (Giê-rê-mi) đã yêu dân tộc mình đến nỗi sẵn sàng chết cho dân tộc mình như một kẻ phản bội. ông yêu dân tộc mình thiết tha đến nỗi ông sẽ không rời bỏ nó ngay cả khi thành Giê-ru-sa-lem đã bị đổ nát”. [105].


Hãy tưởng tượng một người yêu nước như Giê-rê-mi lại bị gọi là kẻ phản bội! Thực tế, vẫn thường nhiều nhà lãnh đạo can đảm, những người dám phơi bày sự dối trá và kêu gọi đất nước hãy ăn năn lại bị gọi là kẻ phản bội và bị dân chúng lên án.


Cơ Đốc nhân yêu nước là người không làm ngơ trước tội lỗi của dân tộc mình nhưng tìm cách giải quyết chúng một cách toàn diện và thực tế.Cả Chúa Giê-xu và Giê-rê-mi đều có lòng yêu nước thật sự nên đã định bệnh thật chính xác cho căn bệnh của "hết thảy dân sự" lúc bấy giờ và đưa ra phương pháp chữa trị đúng đắn. Cả hai Chúa và Giê-rê-mi đã không chữa các vết thương của dân sự một cách sơ sài bằng những lời nói suông rằng: "bình an, bình an. Cả hai đều nhận ra rằng nan đề lớn nhất cần được giải quyết của dân tộc chính là vấn đề tội lỗi chớ không phải là nạn thất nghiệp, khủng hoảng kinh tế hay an ninh quốc phòng. Nếu dân sự không lo giải quyết tội lỗi trước mà lại mãi lo đi giải quyết các vấn đề khác vốn chỉ là các triệu chứng của một vấn đề ga cấn thật là vấn đề tội lỗi thì việc họ làm đó chỉ tổ hao phí thời gian và tốn kém sức lực, tài nguyện mà thôi.


5. Những tôi tớ của Chúa đôi khi cũng nghi ngờ Chúa và có khiếm khuyết. Giê-rê-mi rất yếu đuối trước Chúa nhưng lại rất dạn dĩ truớc dân sự. Ong không e ngại phải nói với Chúa những điều ông thật sự nghĩ và biết lắng nghe Chúa khi Ngài bảo ông làm những điều cần làm. Mặc dù có lần ông đã muốn từ bỏ chức vụ của mình, nhưng ông đã dừng lại và tiếp tục hầu việc Đức Chúa Trời.


Giê-rê-mi là một nhà tiên tri có tấm lòng. Ong không vui khi chỉ rao truyền những thông điệp liên quan đến các vấn đề hời hợt; ông muốn thâm nhập vào bề trong con người và nhìn thấy tấm lòng họ được thay đổi. Ong dạn dĩ nói với dân sự rằng rồi sẽ đến những ngày sẽ đến khi họ không còn nhớ đến hòm giao ước và thấy thật cần nó. Thật ra, những ngày đó họ trở thành một phần của giao ước mới vốn được khắc vào lòng chớ không phải ghi trên đá như trước nữa. Đó chính là tôn giáo cấp tiến nhưng sứ điệp của Đức Chúa Trời thì vẫn như cũ.


Bất cứ tôi tớ nào của Chúa cố chạm đến và thay đổi những tấm lòng đều sẽ kinh nghiệm được sự đau buồn và thất bại nhưng Chúa biết tấm lòng chúng ta và khiến chúng ta vững vàng.


6. Điều quan trọng không phải là sự thành công mà là sự trung tín: Theo tiêu chuẩn ngày nay của con người trong công việc, Giê-rê-mi thật sự là một gương thất bại thảm hại. Ông giảng dạy cho dân sự Chúa trong suốt 40 năm nhưng chỉ có một ít người tin và làm theo lời ông mà thôi. Dân tộc mà ông cố cứu thoát khỏi sự huỷ diệt đã từ bỏ Chúa của họ và đi đến chỗ hiểm hoạ. Những lời ký thuật của ông ắt cũng chẳng không gây được ấn tuợng cho các thành viên của phần lớn các hội truyền giáo ngày nay.


Giê-rê-mi có lẽ nghĩ rằng ông đã thất bại nhưng Chúa đã nhìn thấy ông là một tôi tớ trung tín và đó mới là điều quan trọng. "Vả lại, cái điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành" (ICo 4:2). Chúng ta tưởng chừng như Giê-rê-mi đã bỏ cuộc, thế nhưng ông đã không làm như vậy. Cũng như V. Raymond Edman thuờng nói:"Chớ bỏ cuộc quá sớm! "


7. Phần thưởng lớn nhất của chức vụ là được trở nên giống như Chúa Giê-xu: Khi Chúa Giê-xu hỏi các môn đồ rằng dân chúng nói Ngài là ai thì họ đã trả lời rằng: "Nguời nói là Giăng Báp-tít; kẻ nói là Ê-li, kẻ khác lại nói là Giê-rê-mi" hay là một đếng tiên tri nào đó (Mat 16:14). Quả là một lời khen quý báu cho bạn khi mọi người nói "Bạn thật giống Chúa Giê-xu! "


Có nhiều điểm tương đồng thật thú vị giữa Chúa Giê-xu và Giê-rê-mi. Cách thức giảng dạy của cả hai đều giống nhau. Cả hai đều dùng "những bài giảng bằng hành động" và rất nhiều hình ảnh từ thực tế cuộc sống và thiên nhiên. Cả hai đều nói về tôn giáo "bề ngoài" trong đền thờ. Cả hai đều bị tố cáo là kẻ phản bội dân sự, phải chịu những đau đớn về thể xác, thậm chí bị bắt bị đánh đập và bị bắt giữ. Cả hai đều khóc cho thành Giê-ru-sa-lem và bị gia đình bắt bớ. Cả hai đều nhấn mạnh đến đức tin ở trong lòng và chống lại " cái vỏ bề ngoài" của tôn giáo vốn chỉ là hình thức rỗng và không có ích gì cả.


Tôi còn có thể tiếp tục đưa ra nhưng ở đây nhiều điểm tương đồng khác nữa, có một điểm thật hiển nhiên: Giê-rê-mi trở nên giống Chúa Giê-xu vì ông đã cùng chia sẻ "sự thông công thương khó của Ngài" (Phi 3:10). Giê-rê-mi đã bước vào lò lửa luyện của cuộc sống, để "trở nên giống như hình bóng Con Ngài" (Ro 8:29). Có lẽ Giê-rê-mi đã không nhận ra quá trình này diễn ra trong đời sống ông nhưng sự biến hoá ấy thật sự đã diễn ra.


8. Chúa là Vua tất cả và mọi dân tộc đều phải phục duới quyền cai trị của Ngài: Không có gì làm Chúa phải ngạc nihên cả. Hễ dân tộc nào dám coi thường Ngài và không vâng theo Lời Ngài thì chắc chắn cuối cùng dân tộc đó sẽ phải gánh chịu hậu quả do thái độ sống ấy của họ. Những ai tuyên bố là biết Chúa mà không vâng theo Ngài thì cũng sẽ có cùng rốt cuộc như thế. Thật vậy chúng ta càng biết rõ húa thì lại càng phải có trách nhiệm đối với sự hiểu biết ấy. Không một dân tộc nào đã được Đức Chúa Trời ban phước như dân Y-sơ-ra-ên, nhưng sự ban phước đó đã đem lại sự đoán phạt cho họ khi họ phạm tội khước từ dòng ánh sáng ngập tràn tuôn xuống từ trời.


Quả là một trách nhiệm lớn lao cho một người nhận biết Chúa và đầu phục ý muốn Ngài. Trách nhiệm ấy không phải chỉ thể hiện ở việc chúng ta ghi câu "chúng ta tin vào Đức Chúa Trời" trên tờ giấy bạc hoặc nhắc tới Chúa trong lời thề trịnh trọng truớc quốc kỳ hoặc “ra mát Ngài" bằng cách trích dẫn Lời Ngài trong những bài diễn văn chính trị. Trách nhiệm đó phải thể hiện bằng việc làm công bình chớ không phải ở các nghi thức tôn giáo nhằm tán dương một quốc gia. Điều khiến Chúa vui lòng là: "làm sự công bình … ưa sự nhơn từ… và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời" (Mi 6:8).


Đức Chúa Trời đã vùa giúp Giê-rê-mi thì Ngài cũng sẽ vùa giúp chúng ta


Và thế gian đã chống lại Giê-rê-mi ắt cũng sẽ chống lại chúng ta


Đã đến lúc con dân của Chúa phải dứt khoát.


"Người nào đứng giữa đường ắt sẽ bị xe đụng phải” (Aneurin Bevin một nhà lãnh đạo Anh quốc).


Tiên tri Giê-rê-mi không phải là một người đứng giữa đường.Mọi người luôn biết rõ ông đã đứng ở đâu. Ông đứng với Chúa


Mặc cho những bắt bớ và những kết quả dường như là thất bại, suốt hơn 40 năm, tiên tri Giê-rê-mi vẫn can đảm rao giảng sứ điệp của Chúa cho một dân tộc chìm trong tội lỗi và sắp bị đoán phạt. Khi nghiên cứu sách Giê-rê-mi, bạn sẽ khám phá ra những vấn đề sau:


- Làm thế nào để dạn dĩ trước dân sự nhưng tan vỡ trước mặt Chúa

- Bí quyết vượt qua những nản lòng trong chức vụ

- Những nguyên tắc mà Chúa đã áp dụng trên các dân tộc

- Điều gì khiến bạn trở nên giống Chúa Giê-xu

- Điều gì sẽ xảy đến cho các dân tộc trên thếc giới trong tương lai.


Chúa Giê-xu phán: "Ai không ở với Ta thì nghịch cùng Ta" (Mat 12:30). Ngày nay, con cái của Chúa phải DỨT KHOÁT


Tiến sĩ Dr. Warren W. Wiersbe là nhà văn đang sống tại trường ở đại học Cornerstone ở Grand Rapids thuộc bang Michigan và là giáo sư giảng dạy tại trường thần học Grand Rapids Baptist. Ông vốn là mục sư chủ tọa của ba Hội Thánh, kể cả Hội Thánh Moody ở Chicago và Hội Thánh General Director, ông còn là giáo sư giảng dạy Kinh Thánh cho viện “Back to the Bible”.Ông cũng chính là tác giả của hơn 100 cuốn sách, kể cả loạt sách nghiên cứu Tân Cựu Ước được mở đầu là " Hãy.." (Be).





bottom of page