top of page

SÔ-PHÔ-NI

KINH THÁNH

CỰU-ƯỚC

THỂ LOẠI

Các Sách Tiên Tri Nhỏ



1. CÓ MỘT NGÀY LỚN ĐANG ĐẾN! (So 1:1-2:15)


Lần...

...cuối cùng bạn hát vài thánh ca về sự đoán phạt trong tương lai của thế gian là khi nào? Hầu hết những quyển thánh ca hiện đại không có những bài hát về “Ngày của Đức Giê-hô-va”, và chắc chắn bạn không thấy cụm từ này trong bất kỳ tờ báo hay tạp chí nào. Ngay cả nếu họ tin Chúa, thì hầu hết mọi người cũng không liên hệ Ngài với những biến cố hiện tại hay tương lai.

Cái gần gũi nhất mà chúng ta liên hệ đến Chúa trong những biến cố của loài người là khi cảnh sát an ninh đề cập “những hành động của Chúa trên những gì chúng ta không thể kiểm soát được.” Nhưng điều đó khác xa với “Ngày của Đức Giê-hô-va” trong sứ điệp của Sô-phô-ni.


Người biết suy nghĩ thường hiểu cách nghiêm túc về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trên thế gian và còn hát những bài thánh ca về nó. Một bài thánh ca xưa rất nổi tiếng được viết bằng tiếng La-tinh đã dựa theo So 1:15, “Ngày ấy là ngày thạnh nộ, ngày hoạn nạn và buồn rầu …”. Hai câu đầu tiên được viết là:


Ngày của thạnh nộ, Ngày của tang chế!

Lời cảnh cáo của tiên tri được ứng nghiệm,

Trời và đất chìm trong đống tro tàn!

Loài người sợ hãi kinh hoàng

Khi từ trời Vị Quan Xét đến thế gian

Đoán xét tất cả con người lầm than.


Tôi không biết ngày nay người hướng dẫn chương trình thờ phượng nào chọn bài hát nầy chắc sẽ nổi tiếng như thế nào?


“Ngày của Đức Giê-hô-va” là một khái niệm hết sức quan trọng trong Kinh Thánh là chúng ta phải hiểu một cách thấu đáo, vì nó cho chúng ta biết những sự việc đã xảy ra đến đâu và chúng đi đến kết thúc như thế nào. Trong suốt “Ngày của Đức Giê-hô-va”, Đức Chúa Trời sẽ giáng nỗi cực khổ xuống thế gian, đoán phạt các nước, giải cứu dân Y-sơ-ra-ên của Ngài, và sau đó thiết lập vương quốc công bình của Ngài. Đức Chúa Trời cảnh báo cho thế gian rằng sự đoán phạt đang đến, và thật ngu xuẩn cho những ai chưa chuẩn bị sẵn sàng. Câu hỏi lớn được đặt ra là, “Bạn sẽ trốn ở đâu trong ngày lớn đó?” (So 2:3)


Trong hai đoạn đầu của sách mình, tiên tri Sô-phô-ni nói về “Ngày của Đức Giê-hô-va” cho cả dân Do-thái và các nước ngoại bang.


1. Ngày của Đức Giê-hô-va” và dân Do-thái (So 1:1-18) (So 1:1-2:3)

Bạn hẳn đã nghĩ rằng chít của vua Ê-xê-chia phải sống an nhàn ở Giê-ru-sa-lem, và hưởng thụ cuộc sống sung sướng. Nhưng không, bạn sẽ thấy ông ta đang phục vụ với tư cách là một tiên tri của Đức Chúa Trời, đây là một sự kêu gọi nguy cấp. Người đồng thời với ông là Giê-rê-mi đã bị bắt và bị nhốt trong ngục tù tăm tối vì dám khuyên những lãnh đạo Giu-đa đầu hàng Ba-by-lôn.


Đức Chúa Trời cho Sô-phô-ni thấy rằng sự đoán phạt đang đến gần trên Giu-đa dưới hình thức Sự Đánh Chiếm của quân Ba-by-lôn, và tiên tri phải rao truyền sứ điệp nầy cho dân sự. Tuy nhiên, sự xâm chiếm của Ba-by-lôn chỉ là một ví dụ nhỏ của những gì sẽ xảy ra trong “Ngày của Đức Giê-hô-va”, mà cuối cùng sẽ xảy đến. Sô-phô-ni mở đầu quyển sách của mình bằng cách trình bày ba bức tranh sinh động về “Ngày của Đức Giê-hô-va”.


Bức tranh thứ nhất nói về một trận lụt tàn phá khắp đất (So 1:2-3).

Từ Hy-bá-lai được dịch là “tàn phá” còn có nghĩa là “quét sạch mọi thứ.” Hình ảnh nầy chỉ về sự huỷ diệt tất cả những loài thọ tạo của Đức Chúa Trời và có thể là một ngụ ý về trận lụt trong thời Nô-ê. (Bạn thấy cách dùng từ tương tự trong Sa 6:1-7:23; 7:4; Sa 9:8-10.) Đức Chúa Trời ban cho con người có quyền trên mọi loài động vật dưới nước và trên cạn (So 1:28; Thi 8:7-8), nhưng con người đánh mất cái quyền ấy, A-đam không vâng lời Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, sẽ có một ngày con người được khôi phục quyền đã mất đó (He 2:5-9).


Đức Chúa Trời sẽ không chỉ hủy diệt loài thọ tạo của Ngài, Ngài còn tiêu diệt những thần tượng con người thờ lạy “sự gian ác làm cho vấp phạm” đó đã xúc phạm đến Đức Chúa Trời (Exe 14:1-8), trong thời Sô-phô-ni, sự thờ lạy tần tượng lan tràn trong xứ Giu-đa, do ảnh hưởng xấu của vua Ma-na-se. Khi Đức Chúa Trời giơ tay Ngài ra, thì có nghĩa là sự đoán phạt đang đến (Es 9:12,17,21). Tiên tri nêu tên hai trong số các thần giả đang chế ngự tấm lòng của dân sự: Ba-anh, thần mưa của người Ca-na-an (So 1:4), và Mô-lóc, thần gớm ghiếc của dân Am-môn (IVua 11:33; Am 5:26).

Dân sự cũng thờ các cơ binh trên trời (Phu 4:19 Gie 19:13 Gie 32:29) và bắt chước theo gương xấu của những thầy tế lễ thờ thần tượng (So 1:4; IIVua 23:5,8; Os 10:5).


Những người thờ lạy thần tượng nầy có thể cho rằng họ vẫn trung thành với Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống, nhưng Đức Giê-hô-va sẽ không chia sẻ sự thờ phượng và vinh quang với bất kỳ thần nào khác. Quay về hướng các thần tượng, dân sự đã xoay bỏ Đức Chúa Trời và không tìm kiếm Ngài và những ơn lành của Ngài (So 1:6). Họ đã phạm tội thờ thần tượng và lãng quên Đức Chúa Trời.


Trong suốt thời gian bị Ba-by-lôn bắt đi, dân Do-thái bị mê hoặc bởi các thần tượng của các nước ngoại bang, Đền thờ của họ bị phá huỷ, chức tế lễ của họ bị tan rã, và trong bảy mươi năm họ không thể thờ phượng theo cách Môi-se đã qui định cho họ. Cuối cùng họ đã được trở về xứ mình, và khi đó một trong những điều dân Do-thái làm đầu tiên là xây lại đền thờ và khôi phục việc dâng tế lễ.


Bức tranh thứ hai nói về một sự tế lễ lớn (c.7-13).

Vì dân Do-thái quen dâng của lễ hàng năm, hình ảnh nầy không xa lạ gì với họ. Nhưng sự tế lễ nầy sẽ khác, vì chính Đức Chúa Trời là Đấng đang làm chủ việc đó, khách của Ngài là người Ba-by-lôn; và những của lễ được dâng lên là dân Giu-đa! Không ngạc nhiên khi tiên tri cần sự yên lặng khi ông tiên báo biến cố đáng kinh sợ như vậy! (Am 6:10; Am 8:3; Ha 2:20).


Bạn nghĩ khách dự yến tiệc của Đức Chúa Trời sẽ là những hoàng thân và các lãnh đạo tôn giáo trong xứ, nhưng những người đó lại là những của lễ! (So 1:8-9) Đức Chúa Trời trừng phạt họ vì họ từ bỏ Lời Ngài và chấp nhận những tập tục của người ngoại bang, kể cả mặc quần áo của người ngoại bang và thờ những thần tượng của người ngoại bang (Dan 15:38; Phu 22:11-12). Sau khi vua Giô-sia băng hà năm 609, bốn vị vua sau của đất nước toàn là những người yếu đuối, họ đã thuận theo những chính sách của khối ủng hộ Ai-cập. Thay vì tin cậy Đức Chúa Trời, họ đã tin nơi những đồng minh của mình, và điều đó dẫn họ đến chỗ thất bại.


- Sô-phô-ni chắc là một cư dân của Giê-ru-sa-lem, vì ông biết rõ sơ đồ của thành đó (So 1:10-13).

Khi quân Ba-by-lôn, những vị khách của Đức Chúa Trời, sẽ đến dự tiệc dâng tế lễ, họ sẽ vào thành, cướp bóc nó, và sau đó phá huỷ nó. Cửa Cá là nơi những người đánh cá lập chợ cá; những người giàu sống ở đó, họ xây cho mình những ngôi nhà sang trọng bằng mô hôi và nước mắt của dân lao động. “Maktesh” là chợ và khu buôn bán của thành phố, nơi đó những thương buôn và người đổi bại sinh sống.7


Nhưng thành nầy sẽ bị huỷ diệt, và của cải của những thương buôn bị tịch thu. Quân Ba-by-lôn đã cướp bóc hết sạch, họ lục soát từng ngóc ngách của thành phố và không ai trốn thoát được.


Thảm kịch là cuộc xâm chiếm nầy có thể tránh được nếu dân sự không quá tự mãn và thờ ơ với những gì Đức Chúa Trời đang phán bảo qua các tiên tri Ngài. Giu-đa chắc rằng Đức Chúa Trời ở về phía họ vì họ là dân giao ước của Ngài. Họ giống như rượu ủ lâu ngày (Gie 48:11; Am 6:1) và đông cứng lại vì nó không được đổ ra từ bình nầy sang bình khác để loại bỏ những cặn bả đắng. Sự thờ phượng các thần giả đã làm ô uế xứ và rượu tinh khiết đã trở thành rượu đắng.


Bức tranh thứ ba của tiên tri về “Ngày của Đức Giê-hô-va”nói về một trận chiến lớn (So 1:14-18).

Sự mô tả nầy thật sống động: Bạn có thể nghe tiếng than khóc của những người bị bắt cà tiếng gào thét của những chiến binh; bạn có thể thấy mây dông của sự đoán phạt và tia chớp sang loè; bạn thấy máu của nhiều nạn nhân đổ ra như bụi và “thịt như phân” (c.17). Cảnh tượng thật hoang tàn và chết chóc, và tất cả vì đất nước không vâng phục Lời của Đức Chúa Trời. Lửa thạnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ thiêu sạch mọi thứ, và không ai thoát được. Ngay cả những người giàu cũng không làm gì để cứu được mình, và kẻ thù sẽ cướp đi những của cải phi nghĩa của họ.


Những gì Sô-phô-ni mô tả ở đây là một minh hoạ cho những việc xảy xảy ra trong ngày sau rốt khi sự đoán phạt của Đức Chúa Trời giáng trên thế gian gian ác, “Ngày của Đức Chúa Trời” sẽ còn kinh khiếp hơn nhiều (Kh 6:1-19:21). Sẽ có những sự rối loạn trên toàn cầu, chúng ảnh hưởng đến trật tự thiên nhiên và khiến con người phải kêu gào tìm nơi trú ẩn (Am 5:18; Am 8:9; Gio 2:1-2,10,30-32; Kh 6:12-17). Nếu bạn không nhận biết Chúa Cứu Thế Giê-xu, bạn không có một chỗ ẩn núp nào (So 2:3).


Điều nầy giải thích tại sao tiên tri kết thúc sứ điệp nầy bằng lời kêu nài dân sự ăn năn tội lỗi mình và trở về để được Ngài tha thứ (c.1-3). Giống tiên tri Giô-ên (So 2:16), ông khuyên họ hãy nhóm họp lại và tìm kiếm Đức Chúa Trời. Sô-phô-ni đặc biệt kêu gọi dân sót trung tín (mọi kẻ nhu mì của đất)cầu nguyện và tìm kiếm mặt Đức Chúa Trời, có lẽ ngụ ý lời hứa trong IISu 7:14.Nhưng ngay cả khi đa số dân chúng đi theo các thần giả và khước từ Đức Chúa Trời, Ngài cũng sẽ bảo vệ dân sót của Ngài khi Ngày Đoán Phạt đến (Ma 3:16-18).


Sô-phô-ni và Giê-rê-mi cùng thi hành chức vụ trong cùng một giai đoạn lịch sử, và cả hai người đều nài xin các lãnh đạo tin cậy Đức Chúa Trời và xoay khỏi tội lỗi, nhưng các vua, các quan chức, và các thầy tế lễ không nghe theo. Đức Chúa Trời chắc đã cứu dân sự ờ phút cuối cùng, nhưng các lãnh đạo vẫn vô tâm trước sự kêu gọi của Ngài và bất tuân Lời Ngài.


Nhưng Đức Chúa Trời đã gìn giữ dân sót tin kính, là những người vẫn thật lòng với Ngài trong suốt bảy mươi năm lưu đày. Họ là những người biết qua tâm và trở thành những hạt nhân của đất nước được khôi phục khi họ trở về xứ mình. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, chính dân sót đã giữ cho ngọn lửa còn cháy sáng khi bóng đêm gần như bao phủ cả đất. Ngay nay, Đức Chúa Trời cần “dân sót” ấy, là những người chịu bước đi trên đường hẹp bất kể những người khác làm gì, là những người vâng Lời Đức Chúa Trời, và chia sẻ Phúc-Âm cho người hư mất. Đức Chúa Trời đang giữ “sách để ghi-nhớ” (Ma 3:16-17), và bạn và tôi muốn có tên của mình trong sách đó

So 2:1-3; xem giải nghĩa So 1:1-18


2. Ngày của Đức Giê-hô-va” và các Dân Ngoại (So 2:4-15)

Sự đoán phạt của Đức Chúa Trời bắt đầu từ nhà của Đức Chúa Trời (IPhi 4:17), điều nầy giải thích lý do Sô-phô-ni bắt đầu từ dân Giu-đa; nhưng giờ ông giải thích “Ngày của Đức Giê-hô-va” sẽ ảnh hưởng đến các dân ngoại bang xung quanh Giu-đa. Mặc dù họ không bao giờ được ban Luật Pháp của Đức Chúa Trời như dân Do-thái (Thi 147:19-20), các dân ngoại bang vẫn có trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời đã mặc khải chính Ngài cho họ trong sự sáng tạo và lương tâm (Ro 1:18). Hơn nữa, những nước nầy không phải lúc nào cũng đối xử tử tế với dân Do-thái, và giờ đến lúc Đức Chúa Trời trừng phạt họ.


Các dân được kể tên có thể đại diện cho tất cả các nước ngoại bang, vì những nước này ứng với bốn hướng của la bàn A-si-ri (phía Bắc), Ê-thi-ô-bi (phía Nam), Mô-áp và Am-môn (phía Đông) và Phi-li-tin (phía Tây). Suốt “Ngày lớn của Đức Giê-hô-va”, tất cả các nước trên thế gian sẽ nếm sự đoán phạt của Đức Chúa Trời.


Phi-li-tin (So 2:4-7).

Dân Phi-li-tin là kẻ thù cố hữu của dân Do-thái (Sa 20:1-21:33 26:1-35). Theo Am 1:6-8, họ bắt dân Do-thái từ các thành ở miền Nam Giu-đa, và bán họ cho các nước khác làm nô lệ. Nhưng đến lúc, những thành phố đông dân của nó sẽ nên hoang vu, và đất của nó sẽ bị bỏ hoang và trở thành nơi chăn thả gia súc. Những thành phố ven biển của nó sẽ bị kẻ thù phá huỷ và trở thành đống đổ nát. Vua Nê-bu-cát-nết-sa xâm lược Phi-li-tin và thu phục nó, và ngày nay đất nước lớn nầy chỉ còn sót lại một số dân ít ỏi mang tên là “Phi-li-tin” (Exe 25:15-28:26).


Tuy nhiên, dân Do-thái sẽ sống ở đất của Phi-li-tin khi vương quốc được thiết lập, và Đức Chúa Trời sẽ giúp họ có thể sống trong hòa bình. Sô-phô-ni sẽ nói nhiều về điều nầy hơn khi ông mô tả những ơn phước của vương quốc Đức Chúa Trời (So 3:9-20).


Mô-áp và Am-môn (So 2:8-11).

Dân Mô-áp và Am-môn là con cháu của Lót bởi sự loạn luân với hai con gái ông (Sa 19:30-38) và là những kẻ thù đáng ghét của dân Do Thái (Dan 22:1-41; Cac 3:1-31; Cac 10:1-18; ISa 11:1-5; IISa 12:26). Nhưng hai nước ngạo mạn nầy sẽ có kết cuộc như Sô-đôm và Gô-mô-rơ, bị xóa sổ khỏi mặt đất (Sa 19:1-37 lưu ý sự liên hệ ở đây với Lót). Họ sẽ không còn sỉ nhục nước Y-sơ-ra-ên hay Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên nữa. (Am 1:13-2:3 để thấy bằng chứng về sự gian ác và tàn nhẫn của hai nước nầy.) Một lần nữa, tiên tri hứa rằng dân Do-thái sẽ chiếm được xứ của các kẻ thù họ khi vương quốc được thiết lập (Exe 25:1-11).


Ê-thi-ô-bi (So 2:12).

Đất nước nầy nằm ở thượng nguồn sông Nin. Một số học giả nghĩ câu nầy ngụ ý cả Ai-cập, một kẻ thù lâu đời khác của dân Do-thái. Chính Nê-bu-cát-nết-sa và gươm của binh lính Ba-by-lôn đã chinh phục đất nước dày dạn nầy (Exe 30:4-5).


A-si-ri (So 2:13-15).

Trước khi Ba-by-lôn dấy lên, A-si-ri có quyền chi phối, ai cũng biết dân thô lỗ ấy vì tính kiêu ngạo và độc ác của nó với các kẻ thù của nó. 150 năm trước, Đức Chúa Trời đã sai tiên tri Giô-na đến Ni-ni-ve, thủ đô của A-si-ri để cảnh báo cho họ về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, và dân chúng đã ăn năn, nhưng những thế hệ sau đó lại quay về với lối sống gian ác cũ, và Ni-ni-ve bị phá huỷ năm 612. Trong vòng một vài năm sau đó, một đế quốc A-si-ri từng hùng mạnh đã biến mất khỏi mặt đất, và Sô-phô-ni đã thấy trước việc đó.


Vì Ni-ni-ve nghĩ nó là một thành không ai cự nổi, các cư dân của nó bất cẩn và không quan tâm đến những lời tiên báo của Sô-phô-ni, nhưng Đức Chúa Trời đã khiến cả con người và thành phố nầy sụp đổ thành cát bụi. (Xem sách Na-hum và Es 45:1-25; Es 47:10).


Vì những lời tiên tri về sự sup đổ của các nước nầy đều ứng nghiệm, vậy có phải là hợp lý khi cho rằng những lời tiên báo khác của Sô-phô-ni cũng sẽ được ứng nghiệm? Mỗi một sự xâm lược và cuộc chinh phục mang tính cục bộ nầy là điềm báo về “Ngày của Đức Giê-hô-va” trong kỳ sau rốt, ngày ấy sẽ đến trên cả thế gian.

Nhưng khi “Ngày của Đức Giê-hô-va” trên đường tiến của nó, dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu, và Đức Chúa Trời sẽ lập vương quốc vinh hiển của Ngài trên đất. Trong đoạn cuối của sách tiên tri của ông, Sô-phô-ni giải thích “Ngày của Đức Giê-hô-va” sẽ liên hệ thế nào với vương quốc đã được hứa nầy.


Trước khi chúng ta bước sang đoạn cuối cùng của sách tiên tri nầy, chúng ta phải lưu ý một số lẽ thật thực tế có ứng dụng cho các tín đồ ngày nay.

-Thứ nhất, Đức Chúa Trời trừng phạt dân sự Ngài khi họ cố tình không vâng giữ luật pháp của Ngài. Dân sự Ngài phải khác với các nước khác và không được bắt chước cách sống của các nước khác và sự thờ lạy thần tượng của họ (Dan 23:9; Xu 33:16; Phuc 32:8). ”Đừng làm theo đời nầy” là lời cảnh cáo cho tất cả tín đồ ngày nay (Ro 12:2; IICo 6:14-7:1).

-Thứ hai, lời hứa của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham vẫn có hiệu lực: Ai chúc phước Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho; ai rủa sả Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời sẽ rủa sả lại (Sa 12:1-3). Các nước đã phạm tội nghịch cùng Đức Chúa Trời vì đã ngược đãi dân Do-thái rồi sẽ chịu sự trừng phạt của Ngài.

-Cuối cùng, Lời của Đức Chúa Trời là thật và sẽ ứng nghiệm trong hạn định của nó. Dân sự Đức Chúa Trời có thể tin nơi những lời hứa của Ngài và biết rằng Ngài sẽ thành tín, và những kẻ thù của Đức Chúa Trời có thể chắc chắn rằng những lời cảnh cáo của Ngài mang theo những hình phạt thích đáng. “Sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh khiếp thay!” (He 10:31).



 


2. SỰ VINH HIỂN CỦA VƯƠNG QUỐC ĐỨC CHÚA TRỜI (So 3:1-20)


Tại sao các tiên tri luôn kết thúc sách của mình bằng những sứ điệp tràn đầy hy vọng? Ít nhất vì ba lý do. Trước hết, hy vọng là một động lực lớn cho sự vâng phục, và các tiên tri muốn dân sự Đức Chúa Trời đầu phục ý muốn của Ngài và làm theo những gì Ngài phán dặn. Những ơn phước trong giao ước của Ngài đến với dân sự Ngài chỉ khi họ vâng theo những điều khoản của giao-ước.


Lý do thứ hai là sự nhấn mạnh của các tiên tri trên sự thành tín của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sẽ giữ lời hứa Ngài và đến một ngày sẽ thiết lập vương quốc; và vì Đức Chúa Trời thành tín giữ những lời hứa của Ngài, chúng ta phải trung thành vâng theo Lời Ngài. Nếu chúng ta vâng phục, Đức Chúa Trời sẽ thành tín ban phước cho; nếu chúng ta không vâng phục, Ngài sẽ thành tín đoán phạt chúng ta. Nếu chúng ta xưng tội mình, Ngài sẽ thành tín tha thứ cho chúng ta.


Cuối cùng, sứ điệp tràn đầy hy vọng ở cuối sách là sự khích lệ dành cho dân sót trung thành trong xứ, những người thật lòng với Đức Chúa Trời và chịu nhiều đau khổ vì sự tận hiến cho Đức Chúa Trời. Thật khó để làm “một người biết quan tâm”, hết lòng trung thành với Đức Chúa Trời và Lời Ngài bất chấp người khác làm hoặc nói gì. Biết Đức Chúa Trời sẽ đánh bại kẻ thù họ và cai trị trong sự công bình sẽ khích lệ dân sót vững lòng trong bước đường trung tín của họ với Đức Chúa Trời.


Trong đoạn cuối nầy, Đức Chúa Trời mặc khải những hoạch định của Ngài cho Giê-ru-sa-lem, các dân ngoại bang, và dân sót trung thành.Đồng thời, Đức Chúa Trời mặc khải chính Ngài và việc làm nhân từ của Ngài vì dân sự Ngài trong mọi lúc mọi nơi.


1. Giê-ru-sa-lem: Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời (So 3:1-8)

Giê-ru-sa-lem thường được gọi là ”thành thánh, ”1nhưng trong thời Sô-phô-ni, thành nầy không tỏ ra gì là thánh cả! Ê-sai (Es 1:21), Giê-rê-mi (Gie 29:12), và Ê-xê-chi-ên (Exe 4:1-6:14; 9:1-11) đều đánh giá như vậy trong thời của họ. Ngay cả người ngoại bang cũng gọi Giê-ru-sa-lem là “thành phản nghịch hung ác”, và họ có thể nêu ra bằng chứng về lời nhận định của mình.


Dân sự phạm tội (So 3:1-2).

Thay vì là thành thánh, Giê-ru-sa-lem đã bị ô uế bời những tội lỗi đáng hỗ thẹn; và thay vì đem lại hoà bình (“Giê-ru-sa-lem” có nghĩa là “thành phố hòa bình”), thành ấy đã phạm tội chống nghịch và bạo ngược. Đức Chúa Trời đã sai người của Ngài đến để mặc khải chính mình Ngài trong Lời Ngài và những hành động quyền năng của Ngài, nhưng họ không tin Ngài và tìm kiếm Ngài. “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi” (Gia 4:8).


Cấp lãnh đạo không tin kính (So 3:3-4).

Đức Chúa Trời mong đợi các lãnh đạo dân sự và tôn giáo nghiêm túc nghe và hiểu được Lời Ngài và dẫn dắt dân sự đi trong đường lối công bình. Nhưng, các lãnh đạo đã hành động như những con thú tham ăn trong cách họ áp bức dân sự và cướp đoạt của dân sự những gì họ muốn. Các tiên tri không trung thành với Đức Chúa Trời và Lời Ngài và lừa dối dân sự. Họ không rao ra lẽ thật của Đức Chúa Trời;họ chỉ rao truyền những gì dân sự thích nghe.


Còn các thầy tế lể, chức vụ của họ là chất độc hại và làm ô nhiểm nơi thánh! (Mat 23:25-28 cho thấy những gì Chúa Giê-xu nói về người Pha-ri-si trong thời của Ngài.) Thay vì hầu việcĐức Chúa Trời vì sự vinh hiển của Ngài, các thầy tế lễ đã bóp méo Luật Pháp để làm vui lòng chính mình và để đạt được những thứ mà họ muốn.


Thảm kịch là Đức Chúa Trời phàn với dân sự và nắn sửa trong kỷ luật, nhưng họ không nghe và vâng theo (So 3:2). “Dẫu đến những việc ấy mà các ngươi cứ không phục sự sửa phạt ta, cứ phản đối cùng ta, thì ta đây cũng sẽ nghịch lại cùng các ngươi, và vì cớ tội lỗi, sẽ giáng tai vạ cho các ngươi gấp bảy lần nữa” (Le 26:23-24). Đây là sứ điệp của Giê-rê-mi cho thành Giê-ru-sa-lem ngay trong lúc Ba-by-lôn sẵn sàng tấn công (Gie 2:30; Gie 5:3; Gie 7:28; Gie 17:23; Gie 32:33).


Đức Chúa Trời thành tín (So 3:5-8).

Danh Đức Chúa Trời được đồng nhất với thành và đền thờ đó (IISa 7:13 IVua 5:5 Ne 1:9), và cả hai nơi đó đều trở thành ô uế và tội lỗi. Vì vậy, Ngài sẽ ra tay trừng phạt vì danh của Ngài. Những quan chức gian ác hội họp ở cổng thành mỗi sáng để thực hiện những phi vụ kinh doanh gian manh của họ, và Đức Chúa Trời ở đó nhìn thấy việc họ làm. Ngài đã kiên nhẫn chờ đợi, nhưng họ vẫn không ăn năn và trở lại với Ngài để được tha thứ.


Vì Đức Chúa Trời nhắc dân sự Ngài rằng Ngài đã trừng phạt các dân ngoại và diệt sạch cách nước (So 3:6), Ngài cũng có thể làm như vậy với dân Giu-đa. Thật ra, dân Do-thái còn phạm tội nặng hơn các nước ngoại bang vì Đức Chúa Trời ban cho Y-sơ-ra-ên nhiểu lẽ thật và ơn phước. Dân sự đang phạm tội nghịch cùng nguồn của sự sáng. Lẽ ra sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trên các nước khác sẽ làm dân Do-thái tỉnh ngộ, nhưng họ không hề quan tâm. Dù gì đi nữa, họ là dân giao ước của Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ bảo vệ họ khỏi tay các kẻ thù. Họ quên rằng những đặc ân của giao ước luôn đi kèm những trách nhiệm theo giao ước.


Đức Chúa Trời kết thúc sứ điệp dành cho Giê-ru-sa-lem bằng cách mô tà một phiên toà, trong đó Ngài đứng làm nhân chứng chống lại dân sự Ngài (c.8). Trong khi Sự Lưu Đày sang Ba-by-lôn sắp xảy ra được nói đến ở đây, vẫn có một ngụ ý về cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn, khi các nước trên thế giới qui tụ chống nghịch Giê-ru-sa-lem. Đức Chúa Trời sẽ trút cơn thạnh nộ Ngài trên các nước, giải cứu dân sự Ngài, và lập vương quốc của Ngài (Xa 14:1-9). Cơn thạnh nộ của Ngài giống như lửa thiêu đốt những kẻ chống lại lẽ thật của Ngài và không vâng giữ Lời Ngài. “Ngày kinh khiếp của Đức Giê-hô-va” sẽ đến và không ai có thể trốn thoát (So 1:2).


2. Các nước ngoại bang: sự tha thứ bởi lòng nhân từ của Đức Chúa Trời (So 3:9-10)

Cần phải ghi nhớ rằng sự kêu gọi Áp-ra-ham của Đức Chúa Trời đem lại ơn Ngài cho cả thế gian (Sa 12:1-3). Đức Chúa Trời thực hiện điều nầy bằng cách cho dân Do-thái biết một Đức Chúa Trời chân thần, Lời thành văn của Đức Chúa Trời, và Chúa Cứu Thế Giê-xu (Ro 9:1-5). Vì vậy, họ phải chia sẻ những ơn phước nầy cho các dân ngoại bang.


Dân Do-thái có trách nhiệm làm vinh hiển danh Đức Chúa Trời trước các nước ngoại bang. Nhưng họ không như vậy, họ đã bắt chước các nước vô đạo và làm ô danh Đức Chúa Trời (Es 52:5; Ro 2:24).

Sân của người ngoại ở trong đền thờ của người Do-thái được cho là nơi dân ngoại có thể nói chuyện với dân Do-thái về Đức Chúa Trời chân thần và thậm chicó thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời, nhưng các lãnh đạo tôn giáo biến nó thành một cái chợ để bán các của lễ và đổi tiền. Những người ngoài ao ước tìm kiếm Đức Chúa Trời có thể thấy được gì?


Những ơn phước nào Đức Chúa Trời hứa ban cho các dân ngoại trong ngày sau rốt?

-Thứ nhất, Ngài hứa rằng dân ngoại bang sẽ được cải đạo (So 3:9). Thay vì kêu cầu các thẩn giả của họ, dân ngoại sẽ kêu cầu Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống và môi miếng họ đã thánh sạch. Vì những gì chúng ta nói ra xuất phát từ tấm lòng chúng ta (Mat 12:34-35), môi miếng thánh sạch cho thấy tội lỗi được tha và tấm lòng thánh sạch (Es 8:1-8).


-Nhưng các dân ngoại bang không chỉ kêu cầu Đức Chúa Trời và được Ngài thanh tẩy, họ sẽ còn hầu việc Đức Chúa Trời và không đổi lòng (So 3:9). Các tiên tri dạy rằng suốt Thời Đại của Vương Quốc Đức Chúa Trời, các nước ngoại bang sẽ kéo về Giê-ru-sa-lem để thờ phượng và hầu việc Đức Chúa Trời (Es 2:1-5; Es 4:1-6; Exe 40:1-48:35; Xa 14:9).

-Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên sẽ là Đức Chúa Trời của cả thế gian, và các nước ngoại bang sẽ tôn vinh và hầu việc Ngài. Cùng với dân Y-sơ-ra-ên bị tản lạc trở về xứ mình, các nước ngoạibang sẽ dâng của lễ cho Đức Chúa Trời và được gọi là “những người thờ phượng” Đức Chúa Trời.


Trước khi Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá, có sự khác biệt lớn giữa mối quan hệ của dân Do-thái và các nước ngoại bang đối với nhau và với Đức Chúa Trời. Nhưng bức tường ngăn cách họ nay đã sụp đổ (Eph 2:11), và cả hai có thể chia sẻ nhau những ơn phước thuộc linh có bởi đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Trong người Giu-đa và người Gờ-réc không có sự phân biệt gì hết, vì họ có chung một Chúa, giàu ơn đối với mọi kẻ kêu xin Ngài. “Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu” (Ro 10:12-13). Phép lạ bởi ân điển Đức Chúa Trời nầy sẽ được chứng tỏ trong Thời Đại của Vương Quốc khi các dân ngoại tin cậy và thờ phượng Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.


3. Dân sót: ơn phước dư dật của Đức Chúa Trời (So 3:11-20)

Khi “Ngày kinh khiếp của Đức Chúa Trời” trôi qua, Y-sơ-ra-ên sẽ là một nước mới. Dân Do-thái sẽ nhìn xem bởi đức tin nơi Đấng Mê-si-a, là Đấng mà họ đã đóng đinh, tin cậy Ngài, và bước vào một đời sống mới trong vương quốc đã được hứa.


Tội lỗi sẽ được cất khỏi (So 3:11-13).

Dân Do-thái sẽ “không còn xấu hổ” vì, khi họ nhìn thấy Chúa Cứu Thế, họ sẽ xấu hổ vì những việc họ làm với Đức Chúa Trời và sẽ than khóc cho những vi phạm của họ (Xa 12:10-13:1). Đó sẽ là lúc ăn năn và xưng tội cách thật lòng và bởi đó nhận được sự cứu rỗi.

Đức Chúa Trời sẽ đặc biệt giải quyết tội kiêu ngạo của Y-sơ-ra-ên mà hàng bao thế kỷ đã khiến họ không hạ mình đầu phục sự công bình của Đức Chúa Trời (Ro 9:30-10:13; Phi 3:1-12). Sẽ không có chỗ nào cho đền thánh của Đức Chúa Trời đối với những tội nhân nghĩ rằng họ có thể tìm thấy sự cứu rỗi bởi những việc lành của mình. Trái với những tội nhân kiêu ngạo sẽ là dân sót tin cậy Chúa, “một dân khốn cùng nghèo thiếu, nó sẽ ẩn náu trong danh Đức Giê-hô-va” (So 3:12).


Đức tin nơi Chúa Cứu Thế sẽ khiến mọi sự nên mới để dân sự sẽ không còn bất tuân Đức Chúa Trời và làm việc gian dối nữa. Điều nầy gợi ý rằng tất cả sự ưa thích dành cho các thần tượng sẽ bị cất đi khỏi lòng họ, vì các thần tượng là những kẻ nói dối và thờ lạy chúng vì tất cả những kẻ thù của họ sẽ bị đánh bại.

Trong suốt những năm sống tản lạc khắp nơi trên thế giới, nhiều lần dân Do-thái phải bị đe dọa và chèn ép, nguy hiểm cả đến tính mạng của họ (Phuc 28:63-68), nhưng điều đó sẽ kết thúc khi Đức Chúa Trời thiết lập vương quốc và Chúa Giê-xu cai trị mọi dân mọi nước. tức là làm việc lừa dối. Lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, dân Do-thái sẽ có thể ăn ngon ngủ yên,


Dân sự của Đức Chúa Trời sẽ vui mừng (So 3:14-17). Đây là một trong những phân đoạn cảm động nhất trong Kinh Thánh. Nó tiên báo Đức Chúa Trời, như người mẹ thương con, đang hát mừng con mình và vui mừng khi găp mặt chúng. Dân sự của Đức Chúa Trời ca hát và la hò vì tất cả những điều Đức Chúa Trời đã làm cho họ. Ngài cất khỏi họ hình phạt của họ, đánh bại những kẻ thù của họ, và ở cùng họ. Hơn nữa, Ngài bảo đảm rằng dân sự sẽ không còn lo sợ nữa. Vì Đức Chúa Trời là Vua của Y-sơ-ra-ên, dân sự Ngài không có gì phải lo lắng.


Khi Phi-lát dẫn Chúa Giê-xu ra trước các lãnh đạo Do-thái, họ đã khước từ Ngài và la lên rằng, “Chúng tôi không có vua khác, chỉ Sê-sa mà thôi” (Gi 19:15). Nhưng giờ đây dân Do-thái sẽ vui mừng trọn vẹn vì biết rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu kà Vua trên muôn Vua và Chúa trên muôn Chúa (Phi 2:9-11). Thay vì buồn bã như những tù nhân chiến tranh, dân Do-thái sẽ mừng rỡ va hết lòng ngợi khen Đức Chúa Trời.


Họ phải ca ngợi vì điều gì?

Trước nhất, họ có sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở với mình và quyền năng của Đức Chúa Trời vận hành vì cớ họ (So 3:17). Hơn nữa, Đức Chúa Trời của họ kéo họ vào lòng Ngài như người mẹ ôm ấp con của mình; Ngài vỗ về họ bằng tình yêu của Ngài, và Ngài còn hát cho họ nghe nữa! Hình ảnh Đức Chúa Trời như người mẹ hiền đảm bảo với những tội nhân được tha thứ rằng Đức Chúa Trời ở cùng họ, rằng Ngài yêu thương họ, và rằng họ không có gì phải lo sợ.


Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời “hát xướng”. Đức Chúa Cha ca hát vui mừng vì dân sót bước vào vương quốc (c.17). Đức Chúa Con hát sau Tiệc ở Lễ Vượt Qua, và sau đó đi vào vườn và cầu nguyện (Mat 26:30). Ngài cũng hát sau sự phục sinh khải hoàn từ kẻ chết (Thi 22:22 He 2:12) Đức Thánh Linh ngày hôm nay đang hát qua tấm lòng và môi miếng của những Cơ-đốc nhân ngợi khen Đức Chúa Trời trong Thánh Linh (Eph 5:18-21).


Đất nước sẽ được phục hồi (So 3:18-20).

Trong suốt bảy mươi năm bị lưu đày sang Ba-by-lôn, và sau đó trong suốt những năm sống tản lạc khắp nơi trong vòng các dân ngoại bang sau năm 70 S.C, những người Do-thái tin kính không thể kỷ niệm những kỳ lễ đã định của họ (Le 23:1-44).

Vì sự sụp đổ đền thờ năm 70 S.C, dân Do-thái đã không có đền thờ, bàn thờ, chức tế lễ hay sự tế lễ (Os 3:4-5).

Dĩ nhiên, những nghi lễ và tính biểu tượng của Luật Pháp Cựu-ước đã được làm trọn trong Chúa Cứu Thế, kể cả những lễ tiệc và sự dâng của tế lễ (He 10:1-39), nhưng Sô-phô-ni cho biết rằng những lễ tiệc nầy sẽ được khôi phục trong Thời Đại của Vương Quốc Đức Chúa Trời, và Xa 14:16-21 dường như ủng hộ cách hiểu nầy.


Tại sao Đức Chúa Trời khôi phục những nghi lễ tôn giáo đã được làm trọn? Có lẽ vì là phương tiện để dạy dân Y-sơ-ra-ên về ý nghĩa của sự cứu rỗi qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Những lễ tiệc được mô tả trong Le 23:1-44 phác họa “lịch sử sự cứu rỗi,” từ sự giết con sinh của Lễ Vượt Qua (Gi 1:29) đến Đại lễ Chuộc Tội (sự thanh tẩy Y-sơ-ra-ên) và Lễ Lều Tạm (Thời Đại của Vương Quốc). Tiên tri Ê-xê-chi-ên mô tả chi tiết cơ cấu và những công việc trong đền thờ lớn ở Y-sơ-ra-ên (Exe 40:1-48:35) và bao gồm sự dâng của lễ của người Lê-vi. Như những nghi lễ thời Cựu-ước trông đợi Chúa Cứu Thế giáng sinh, thì có lẽ trong suốt Thời Đại của Vương Quốc những nghi lễ nầy sẽ tưởng nhớ công việc đã được hoàn tất của Đức Chúa Trời.


Lời hứa của Đức Chúa Trời là dân sự tản lạc của Ngài sẽ được nhóm hiệp lại, dân sự hoạn nạn của Ngài sẽ được giải cứu, và dân sự tội lỗi của Ngài sẽ được tha thứ và không còn mang sự xấu hổ vì những việc làm gian ác của họ nữa. “Ta sẽ đem các ngươi trở về” (So 3:20) là lời hứa bởi ân điển Ngài, và Ngài sẽ giữ lời hứa đó. Ở những nơi nào dân Do-thái từng làm ô danh Đức Chúa Trời và từng là tấm gương xấu cho các dân ngoại, giờ Y-sơ-ra-ên sẽ làm tôn cao và ngợi khen Đức Chúa Trời và cho các dân ngoại thấy sự vinh hiển của danh Ngài. Y-sơ-ra-ên sẽ được các dân ngoại tôn trọng và dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời.


Nước Y-sơ-ra-ên được “ra đời” ngày 14 tháng 5 năm 1948, nhưng sự kiện đó, về mặt ý nghĩa của nó, không phải là sự ứng nghiệm lời hứa của Đức Chúa Trời về việc tập trung dân sự Ngài và phục hồi họ. Lời hứa ấy sẽ được ứng nghiệm trong những ngày sau rốt, sau khi dân Do-thái trải nghiệm “Ngày của Đức Giê-hô-va” và được chuẩn bị để gặp Đấng Mê-si-a của họ. Nhưng những lời hứa của Ngài sẽ được ứng nghiệm, và dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời sẽ được phục hồi và đem vinh hiển lớn lao về cho Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, là Đức Chúa Trời, Cha của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta.


Nhưng có một bài học thiết thực ngày nay dành cho mỗi một dân sự của Đức Chúa Trời, là những người đã xa rời ý muốn của Đức Chúa Trời và kinh nghiệm sự sửa phạt của Ngài. Khi bạn đến với Ngài bằng tấm lòng tan vỡ, xưng tội lỗi mình, Ngài sẽ chấp nhận bạn như cách người mẹ chấp nhận đứa con không biết vâng lời của mình.

Ngài yêu bạn và còn hát vì cớ bạn! Ngài sẽ ban sự bình anh cho lòng bạn và “vỗ về bạn trong tình yêu của Ngài”. Vâng, chúng ta chịu khổ vì sự bất tuân của mình; và đôi lúc chúng ta đã mang sẹo vì những lần bất tuân trong đời mình. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho chúng ta (IGi 1:9), quên những tội lỗi của chúng ta, và phục hồi chúng ta trong mối tương giao đầy tình yêu thương của Ngài.


Ông William Culbertson, hiệu trưởng quá cố của Viện Kinh Thánh Moody, đôi khi kết thúc lời cầu nguyện của ông bằng câu, “Và Đức Chúa Trời giúp chúng ta gánh chịu những hậu quả của tội lỗi đã được tha thứ cho đến cuối cùng.” Có những hậu quả của tội lỗi đã được tha thứ; vì dù Đức Chúa Trời, trong ân điển của Ngài, thanh tẩy chúng ta, Đức Chúa Trời trong uy quyền của Ngài phán rằng, “Các ngươi sẽ gặt những gì các người đã gieo.”

Sau khi vua Đa-vít xưng tội mình, tiên tri Na-than đoan chắc với ông rằng Đức Chúa Trời đã tha tội lỗi ông, nhưng trong quãng đời còn lại của mình, Đa-vít đã khốn khổ vì những hậu quả bi thảm của những gì ông đã làm (IISa 12:1-15).


Nhưng khi Đức Chúa Trời thiết lập vương quốc Ngài trên đất, Ngài sẽ phục hồi dân sự Ngài, làm mới đất, và ban cho dân sự Ngài một sự bắt đầu mới, qua đó sẽ khiến họ quên những sự bất tuân trong quá khứ và tập trung ca ngợi Đức Chúa Trời và làm vinh hiển danh Ngài.


Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời của sự trông cậy.” Vì vậy, Ngài có thể làm đầy chúng ta bằng “mọi điều vui vẻ và mọi điều bình an trong đức tin” để chúng ta có thể “nhờ quyền phép Đức Thánh Linh được dư dật sự trông cậy” (Ro 15:13)


Hiện tại bạn có kinh nghiệm điều đó không?



bottom of page