top of page

THI-THIÊN 2

KINH THÁNH

CỰU-ƯỚC

THỂ LOẠI

Các Sách Văn Thơ



30. CÓ THẬT CHẲNG BAO GIỜ BỊ RÚNG ĐỘNG? (Thi 30:1-12)


Trong...

...Thi 30:1-12, có hai từ được lập đi lập lại 7 lần là “Ngài đã”. Đa-vít ngợi khen Đức Chúa Trời về những điều Ngài đã làm cho ông. Hiện giờ bạn có đang ngợi khen Chúa không? Có lẽ bạn đã từng nhìn thấy tấm thẻ nhỏ ghi rằng “sự cầu nguyện sẽ biến đổi mọi điều” và đó là sự thật. Tôi cũng đã nhìn thấy một tấm thẻ ghi thế này “Sự ngợi khen sẽ biến đổi mọi điều” và đó cũng là sự thật. Thật kinh ngạc biết bao khi toàn bộ thái độ và cách nhìn của chúng ta có thể được biến đổi bằng việc ngợi khen Đức Chúa Trời.


Trong câu 6, Đa-vít đưa ra một lời chứng: “Còn tôi, trong lúc may mắn, tôi có nói rằng: Tôi chẳng hề bị rúng động”. Khi chúng ta gặp may mắn mà chúng ta không khiêm tốn thì sự may mắn ấy sẽ dẫn chúng ta đến với tai họa mà thôi. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta bắt đầu quan tâm đến mọi thứ nhiều hơn là quan tâm đến việc chúng ta ở với Đức Chúa Trời. Đa-vít đã nói trong lúc gặp may mắn “Tôi chẳng hề bị rúng động”. 

Nhưng sau đó, ông nhận ra rằng ông có thể bị rúng động. Ông phát hiện sự may mắn của ông không đem lại cho ông thứ sức mạnh chắc chắn. Bởi vậy, thay vì ông nói “tôi sẽ” hoặc “tôi sẽ không” thì ông bắt đầu nói “Ngài đã”).


Ông trình dâng ý muốn mình cho ý muốn Chúa. Và “Ngài đã” đánh bại kẻ thù địch giúp ông “vì Ngài nâng con lên, không cho phép kẻ thù nghịch vui mừng vì cớ con” (c.1). “Ngài đã” ban cho con chiến thắng “Ngài đã đáp lời cầu nguyện của con”. “Ngài đã chữa lành con” (c.2). “Ngài đã đem linh hồn con khỏi âm phủ, gìn giữ mạng sống con” (c.3)


Đức Chúa Trời đã làm nhiều điều kỳ diệu vì cớ Đa-vít. Ngài đánh bại kẻ thù của Đa-vít, đáp lời cầu nguyện của ông, cứu sống ông và dựng ông lên (c.7). Sau đó Ngài ban cho ông niềm vui mừng. “Ngài đã đổi sự buồn rầu con ra sự khoái lạc, mở áo tang con và thắt lưng con bằng vui mừng” (c.11)


Hiện giờ, bạn có muốn đời sống mình được biến đổi không? Hãy chuyển từ “tôi sẽ” sang “Ngài đã” và hãy hạ mình xuống ngợi khen Chúa về những gì Ngài đã làm cho chúng ta.


Việc đầu phục Đức Chúa Trời chính là một bài tập về tính khiêm nhường hạ mình. Mãi đến khi nào bạn tự hạ mình xuống trước mặt Chúa, và chính bạn lưu tâm đến công việc nhà Ngài thì bạn mới có thể trở nên được vững vàng. Để Đức Chúa Trời có thể hành động trên đời sống bạn thì ý muốn bạn phải thích hiệp với ý muốn Ngài. Hiện tại, bạn có đầu phục Ngài chưa? Nếu chưa, thì bạn hãy tự hạ mình xuống trước mặt Ngài và hãy bằng lòng để Ngài biến đổi đời sống bạn.



31. THI-THIÊN (Thi 31:1-13)


1. Đôi tay của ai đây? (Thi 31:1-8)

Thi 31:1-8 là một trong những Thi Thiên viết về cuộc sống tha hương của Đa-vít. Ông đã viết ra chúng khi vua Sau-lơ đang truy đuổi ông khắp miền quê đồi núi nhấp nhô thuộc xứ Giu-đa. Đa-vít đang phải chạy trốn từ hang này sang hang khác, từ ngọn đồi này đến ngọn đồi khác.


Trong suốt thời gian sống tha hương, Đa-vít khám phá ra rằng bàn tay Đức Chúa Trời luôn đưa ra thỏa mãn mọi nhu cầu mỗi ngày. Bạn có để ý Đa-vít đã đề cập đến đôi tay mấy lần trong Thi-thiên này không? Là một người chăn chiên, Đa-vít biết rõ tầm quan trọng của đôi tay mình. Ông phải cầm trong tay một cây gậy có móc gù hoặc một cây sào để lùa đàn chiên đi. Ông còn sử dụng một ná cao su và sau đó ông thay thế nó bằng một thanh kiếm. Thỉnh thoảng, tay ông không cầm kiếm nhưng đánh đàn hạc. Cũng chính đôi tay đã từng tham gia chiến đấu đã tạo nên tiếng nhạc thật hay đem lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời.


Đa-vít cũng đề cập đến bàn tay quân thù “Chúa không nộp con vào tay kẻ thù nghịch” (c.8) “Kỳ mạng con ở nơi tay Chúa; xin giải cứu con khỏi tay kẻ thù nghịch, và khỏi tay kẻ bắt bớ con” (c.15). Chúng ta thường gặp kẻ thù. “Kẻ thù nghịch anh em là ma quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (IPhi 5:8). Kẻ thù chúng ta muốn huỷ diệt chúng ta, nhưng tay Đức Chúa Trời luôn bảo vệ chúng ta.

“Con phó thác thần linh con vào tay Chúa. Hỡi Giê-hô-va là Đức Chúa Trời chân thật, Ngài đã chuộc con” (c.5). Đây cũng chính là lời cầu nguyện của các cậu bé, cô bé người Do-thái trong thời Cựu-ước. Lúc nào đi ngủ, cậu bé đều cầu nguyện rằng “con xin phó thác thần linh con vào tay Đức Chúa Trời”.

Khi Chúa Giê-xu Christ của chúng ta hy sinh mạng sống mình vì cớ chúng ta trên thập tự giá, Ngài đã nói “Mọi sự đã được trọn! Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Gi 19:30 Lu 23:46).

Khi bạn giao phó mạng sống mình vào tay Đức Chúa Trời, bạn sẽ không còn lo lắng về bất cứ điều gì nữa, bởi vì tay Chúa luôn bảo vệ bạn, chu cấp cho bạn và dẫn dắt bạn.


Thật là phước hạnh cho bạn khi bạn cậy trông vào tay Đức Chúa Trời, là bàn tay chu cấp, bảo vệ và dẫn dắt. Hiện tại, bạn cần những gì? Bạn đã cầu xin Chúa chu cấp những nhu cầu mà bạn cần chưa? Hãy cậy trông vào tay Chúa rồi bạn sẽ thấy Ngài rất thành tín với bạn.


2. Tựa như một người hủi. (Thi 31:9-13)

Chúng ta không thể ngăn cản người khác làm hoặc nói điều gì đó. Chúng ta chỉ có thể ngăn cản việc mình làm mà thôi. Khi người ta bắt đầu bàn tán về chúng ta hoặc đấu tranh nghịch lại chúng ta, thì chúng ta khó có thể ngăn cản được họ. Thật là cam go khi thiên hạ bắt đầu vu cáo người công bình.

Đây chính là điều Đa-vít từng phải chịu đựng. Chúng ta đọc trong câu 11 “Bởi cớ các cừu địch con, con trở nên sự ô uế.” Chúng ta hãy đọc tiếp “Thật một sự ô nhục lớn cho kẻ lân cận con”. Đây thật là một việc đau lòng “và con trở nên sự gớm ghiếc cho những kẻ quen biết con”.

Điều này lại càng là việc đau lòng hơn. “Kẻ nào thấy con ở ngoài đều trốn khỏi con”. Bạn có thể tưởng tượng nổi cái cảnh mấy người hàng xóm láng giềng và những bạn bè bà con quen biết bạn thảy đều xa lánh bạn như thể bạn là một kẻ bị bệnh hủi không?


Cái gì đang gây ra tất cả sự thể này cho Đa-vít vậy? Sau-lơ đang vu oan giáng họa cho ông. Sau-lơ nói với các quan lại tuỳ tùng của mình rằng “Đa-vít nói thế này, Đa-vít nói thế kia”, và lời ngồi lê đôi mách tầm phào này, sự vu khống độc ác gớm ghê này đang bị đồn đại ra khắp nước. Đa-vít đã phải chịu đựng tất cả “con bị chúng quên đi như kẻ chết mà lòng không còn nhớ đến, con giống như một cái bình bể nát” (c.12). Đa-vít muốn trở thành cái bình lành lặn được rót đầy đến nỗi tràn ra ngoài, vậy mà bấy giờ ông đã bị đập vỡ tan.


Bạn sẽ làm gì khi người ta vu oan cho bạn?

-Thứ nhất, bạn phải sống hết sức ngay thật: “Mạng sống con tiêu hao vì cớ buồn bực, các năm con sút kém tại than thở, vì cớ tội ác con, sức mạnh con, mỏn yếu và xương cốt con tiêu tan” (c.10). Đa-vít muốn nói rằng “Chúa ôi! Nếu con phạm tội với Ngài, con sẽ xưng nó ra”.

-Thứ hai, hãy đặt lòng tin cậy nơi Chúa. “Nhưng, Đức Giê-hô-va ôi! Con tin cậy nơi Ngài. Con nói: Ngài là Đức Chúa Trời con” (c.14)

-Thứ ba, luôn nhớ rằng còn có nhiều người khác cũng đều trải qua điều này. Chẳng phải chỉ có mỗi mình bạn trải qua một điều gì đó. Hễ ai làm bất cứ việc gì cho Chúa thảy đều bị vu cáo, nhạo báng chỉ trích. Cả Con Trai trọn vẹn của Đức Chúa Trời cũng thế. Đừng lắng nghe những lời phao vu của kẻ thù. Hãy lắng nghe lời Chúa. Quyết nương náu nơi ngực Ngài. Ngài sẽ giúp đỡ bạn khi bạn gặp sự hiểu lầm và phải chịu đựng nó.


Khi nào bạn bị ai đó tố cáo bạn một cách dối trá, bạn hãy an ủi mình rằng cũng có nhiều người khác phải trải qua lời phao vu cay nghiệt như thế. Và bạn hãy tìm kiếm Chúa vì Ngài là đồn luỹ và là Đấng cứu rỗi của bạn. Hãy dùng kinh nghiệm khó khăn này để xem xét tấm lòng bạn và đến gần Chúa hơn.


3. Thì giờ sẵn có. (Thi 31:14-24)

Đa-vít thường nói đến tay Đức Chúa Trời và tay kẻ thù nghịch “Kỳ mạng con ở nơi tay Chúa. Xin giải cứu con khỏi tay kẻ thù nghịch, và khỏi tay kẻ bắt bớ con” (c.15) Đó chính là lời tuyên xưng đức tin tuyệt vời. Và Đa-vít đã không viết những lời này trong một căn phòng ở khách sạn nơi nào đó, lúc bấy giờ, ông đang ở tại đồng hoang miền Giu-đê một nơi đầy bóng tối, bẩn thỉu và khô cằn. Ông đang bị Sau-lơ truy đuổi.

Trong câu “Kỳ mạng con ở nơi tay Chúa” Đa-vít dạy dỗ chúng ta rất nhiều bài học.


Bài học thứ nhất, thì giờ rất quan trọng.

Nếu bạn phung phí thì giờ có nghĩa là bạn đang phung phí đời sau. Nếu bạn phung phí thời gian, có nghĩa là bạn đang bỏ lỡ nhiều cơ hội. Tôi có thể dâng cho Đức Chúa Trời thể xác, khả năng và cả thì giờ của tôi. Và nếu tôi không dâng thì giờ của tôi cho Ngài thì Ngài sẽ chẳng thể sử dụng thể xác và khả năng của tôi được. Thì giờ thật có giá trị. Đừng lãng phí nó. Nhưng hãy đầu tư nó.


Bài học thứ hai, Đa-vít nhắc nhở chúng ta rằng sự trình dâng có tầm quan trọng ra sao. Ai sẽ điều hành thì giờ có sẵn của chúng ta khi chúng ta chẳng làm hoặc làm điều đáng lý ra chúng ta phải làm để duy trì cuộc sống tức là những khoảng thời gian không có chủ đích, không có định hướng? Nếu chúng ta trình dâng thì giờ của chúng ta cho Chúa thì Ngài có thể điều khiển thời gian đó. Cách đây nhiều năm tôi đã học được một điều: hãy trình dâng trọn ngày của mình cho Chúa vào mỗi thì giờ đầu ngày. Nếu tôi gặp trở ngại khó khăn, thì Chúa vẫn đang điều khiển thời gian của tôi. Hoặc nếu các kế hoạch của tôi bị thay đổi thì Ngài cũng đang cai trị trên thì giờ của tôi.


Bài học thứ ba, bài học này dẫn các phước hạnh của Đức Chúa Trời đến cho chúng ta. Khi kỳ mạng chúng ta nằm trong tay Chúa, chúng ta có thể trong cậy Ngài. Ngài sắm sẵn nhiều phước hạnh cho chúng ta. “Sự nhơn từ Chúa, mà Chúa đã dành cho người kính sợ Chúa” (c.19). Đức Chúa Trời sắm sẵn nhiều phước hạnh tuyệt vời cho bạn trong ngày hôm nay. Nhưng bạn sẽ không nhận lãnh được chúng trừ khi bạn thực lòng thưa rằng “Chúa ôi! Con xin giao kỳ mạng con vào tay Chúa”


Có lẽ thời gian chính là nguồn tài nguyên căn bản nhất của bạn. Bạn sử dụng món quà thời gian của Đức Chúa Trời như thế nào để gây ảnh hưởng sâu sắc không những trên đời sống riêng bạn mà còn ảnh hưởng trên đời sống nhiều người khác nữa? Thật là quan trọng khi bạn biết giao thác thì giờ của bạn cho Đức Chúa Trời quản trị. Khi bạn trình dâng thì giờ của mình cho Chúa thì bạn hãy để Ngài điều khiển chúng. Ngài sẽ ban phước cho bạn vì cớ việc này.



32. THI-THIÊN (Thi 32:1-11)


1. Hãy xưng nhận tội lỗi (Thi 32:1-7)

Thi Thiên 32 tường thuật lại kinh nghiệm của Đa-vít sau khi ông với Bết-sê-ba phạm tội, kế đó ông xưng nhận tội lỗi mình với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ông cảm thấy bàn tay sửa phạt của Đức Chúa Trời thật nặng nề “Vì ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên tôi. Nước bổ thân tôi tiêu hao như bởi khô hạn mùa hè” (c.4). Đa-vít muốn nói thế này “Chúa ôi! Tay Ngài đè quá nặng trên con tựa như đang đè ép một miếng bọt biển vậy. Ngài vắt kiệt hết sức lực của con rồi”.

Thật khó để đón nhận bàn tay sửa phạt nặng nề của Đức Chúa Trời trên đời sống chúng ta, nhưng điều ấy bày tỏ rằng Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta. “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con thì cho roi cho vọt” (He 12:6)


Sự sửa phạt dẫn chúng ta đến với bàn tay thương xót đầy sự tha thứ của Đức Chúa Trời: “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, được khoả lấp tội lỗi mình! Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho và trong lòng không có sự giả dối” (c.1, 2). Trong thời gian Đa-vít yên lặng, không xưng nhận tội lỗi mình ra, ông cảm thấy bàn tay sửa phạt của Đức Chúa Trời đang vắt kiệt sức lực ông. Nhưng khi ông xưng nhận tội lỗi mình ra, thì bàn tay nặng nề ấy được nhấc lên.

Kế đó Đức Chúa Trời tra xem lại những gì Đa-vít đã làm, Ngài đầy lòng thương xót ông mà quên tội lỗi của ông. Đây chính là ý nghĩa của từ “gánh tội cho”. Nghĩa là “gánh lấy sự trả giá”. IGiăng nói với chúng ta rằng “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác”.


Sự xưng nhận tội lỗi dẫn chúng ta đến với bàn tay ân điển đầy sự che chở của Đức Chúa Trời.

“Chúa là nơi ẩn núp tôi, Chúa bảo hộ tôi khỏi sự gian truân. Chúa lấy bài hát giải cứu mà vây phủ tôi” (c.7).

Đa-vít đi từ sự yên lặng đến sự xưng nhận tội lỗi mình và cuối cùng đi đến sự ca hát ngợi khen. Khi tâm hồn bạn trong sáng, bạn hãy hát bài hát bằng cả tấm lòng mình.

Thật phước hạnh cho chúng ta khi biết rằng Đức Chúa Trời tha thứ cho kẻ có tội. Chúng ta hãy xưng nhận tội lỗi mình với Chúa và ca hát, tôn vinh ngợi khen Ngài.


Tội lỗi không được xưng nhận ra chính là một gánh nặng khủng khiếp. Bàn tay sửa phạt cũng là bàn tay tha thứ và bảo vệ che chở. Có phải bạn đang cố che đậy tội lỗi không được xưng nhận ra phải không? Hãy xưng nó ra ngay bây giờ và cảm tạ Đức Chúa Trời về bàn tay nhân từ đầy sự tha thứ và bảo hộ của Ngài.


2. Mức độ. (Thi 32:8-11)

Bạn có biết Đức Chúa Trời có thể cư xử với bạn ở 3 mức độ không? Bạn phải quyết định bạn muốn Chúa đối xử với bạn như thể đối xử với một đồ vật, một con vật hay là một trong số các con cái của Ngài. Đức Chúa Trời đã phải đối xử với Đa-vít như đối xử với một đồ vật (một miếng bọt biển), và tay Ngài đè nặng trên ông (c.3,4). Đa-vít đang nổi loạn. Ông không hành động giống như một đứa con của Đức Chúa Trời.

Thay vì xưng tội lỗi mình ra, ông lại che đậy nó. Nhưng Thánh Kinh dạy rằng “Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn” (Ch 28:13). Vì vậy Đức Chúa Trời đã phải cư xử với Đa-vít như cư xử với một đồ vật. Ngài đặt tay mình trên Đa-vít và bắt đầu đè ép, vắt kiệt đời sống ông. Cuối cùng Đa-vít đã tỉnh giấc và xưng nhận tội lỗi mình.


Đức Chúa Trời cũng phải đối xử với Đa-vít như đối xử với một con vật. Ngài cảnh cáo chúng ta: “Chớ như con ngựa và con la, là vật vô tri, phải dùng hàm khớp và dây cương mới cầm chúng nó được, bằng chẳng, chúng nó không đến gần ngươi” (c.9). Đa-vít đã hành động như một con ngựa một cách nhất thời, ông lao về phía trước và phạm tội. Sau đó, ông trở nên bướng bỉnh nên đã không chịu xưng nhận tội lỗi mình ra. Vì thế, Đức Chúa Trời đã đối xử với ông như thể Ngài đối xử với một con vật.

Thật ra, Đức Chúa Trời chỉ muốn đối xử với chúng ta như đối xử với con cái Ngài.

“Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi. Mắt ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ngươi” (c.8). Đức Chúa Trời không muốn cai trị chúng ta bằng những hàm thiếc và dây cương, mặc dù có đôi khi Ngài đành phải làm như vậy. Thỉnh thoảng Ngài phải để xảy ra cho ta bệnh tật, nghịch cảnh hoặc tai nạn nào đó để phá hủy những ý muốn riêng của chúng ta. Ngài bảo “Ta rất thích dẫn dắt con đi bằng chính mắt ta chăm xem con. Ta rất thích khuyên dạy con”. Bạn có thể đã huấn luyện một con ngựa hoặc một con lừa trong một chừng mực nào đó mà thôi, nhưng đó không phải là cách bạn có thể áp dụng đối với một đứa con của mình.


Bây giờ, bạn hãy quyết định: hoặc Đức Chúa Trời sẽ đối xử với bạn như đối xử với một đồ vật bởi lẽ bạn đang nổi loạn, hoặc bạn muốn Chúa đối xử với bạn như đối xử với một vật vì bạn cứng đầu? Hay là bạn sẽ để cho Ngài dẫn dắt bạn như dẫn dắt một đứa con của chính Ngài? Ồ! Ngài yêu thương bạn biết bao! Ngài muốn hành động trong bạn, qua bạn và vì cớ bạn để Ngài đem điều tốt nhất trên đời sống bạn.


Đức Chúa Trời yêu thương bạn và muốn dẫn dắt bạn như dẫn dắt con Ngài. Cách sống của bạn quyết định rằng Ngài có thể hoặc không thể làm điều đó. Sự nổi loạn và tội lỗi được che đậy trên đời sống bạn sẽ thay đổi cái cách Đức Chúa Trời hành động trong bạn. Có phải bạn đang sống như một đứa con của Đức Chúa Trời không? Hãy quyết định ngay bây giờ về mức độ bạn muốn Ngài sẽ đối xử với bạn.



33. THI-THIÊN (Thi 33:1-22)


1. Bài ca mới (Thi 33:1-5)

“Khá hát cho Ngài một bài ca mới, và khéo gãy nhạc khí với tiếng vui mừng” (c.3)


Thời gian gần đây, có bao giờ bạn hát cho Chúa một bài ca mới chưa? Bạn phát hiện bài ca mới ấy ở đâu? Bạn có thể thể hiện bài ca ấy bằng cách nào cho hay nhất? Tác giả Thi-thiên đang đề cập đến sự thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Sự thờ phượng ắt sẽ được tươi mới nhờ vào bài ca mới ấy.

Đôi khi, trong giờ thờ phượng Chúa, chúng ta hát những bài hát cũ bằng cái cách cũ khiến chúng ta đánh mất một số khả năng của chúng ta. Đa-vít là một nhạc công chơi đàn hạc (đờn cầm). Ông nói: “Hãy dùng đờn cầm cảm tạ Đức Giê-hô-va. Hãy dùng đờn sắt mười dây (một thứ đàn dây xưa) mà hát ngợi khen Ngài. Khá hát cho Ngài một bài ca mới” (c.2,3).


Chúng ta nhận lấy bài ca mới từ Lời Chúa. 

“Vì Lời Đức Giê-hô-va là ngay thẳng” (c.4).

Khi tôi đọc Kinh Thánh, tôi thường cầu xin Chúa bày tỏ cho tôi những điều mới mẻ. Thi 119:18 là một lời cầu nguyện hay “Xin Chúa mở mắt con, để con thấy sự lạ lùng trong Luật pháp của Ngài”. Chúa ban cho tôi cái nhìn mới từ Lời Ngài, và điều đó đem lại cho tôi một bài ca mới.


Kế tiếp, chúng ta lấy bài ca mới từ các công việc Ngài: “Các việc Ngài đều làm cách thành tín. Ngài chuộng sự công bình và sự chánh trực. Đất đầy dẫy sự nhân từ của Đức Giê-hô-va” (c.4,5)


Khi chúng ta nhìn quanh, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy sự đau buồn nhưng tác giả Thi-thiên lại nhìn thấy sự phước hạnh. Chúng ta có thể nhìn thấy sự bất nghĩa bất chính và bất công, còn Đa-vít lại nhìn thấy sự công bình và chánh trực của Đức Chúa Trời. Bạn hãy mở mắt mình ra và nhìn quanh bạn. Rồi bạn sẽ thấy những điều mới mẻ tuyệt vời mà Đức Chúa Trời đang làm cho bạn.


Cuối cùng, chúng ta có bài ca mới từ sự bước đi của chúng ta với Chúa. Khi chúng ta trải qua những kinh nghiệm và thử thách mới mẻ, Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta những thắng lợi mới. Và chúng ta sẽ có một bài ca mới để ca. Tôi muốn được tươi mới trong sự thờ phượng Chúa của tôi. Tôi muốn có sự hăng hái và tươi mới trong sự làm chứng của tôi cho Đức Chúa Trời. Tôi muốn Ngài làm điều gì đó thật mới mẻ trên đời sống tôi. Tôi muốn hát cho Ngài một bài ca mới. Còn bạn thì sao? Bạn có muốn như vậy không?


Đức Chúa Trời muốn chúng ta bước đi thật gần với Ngài để Ngài có thể dẫn dắt chúng ta vào trong những kinh nghiệm và thử thách mới. Nếu bạn đang hát một ca khúc cũ, điều ấy có nghĩa là bạn cần phải làm mới lại bước đi của bạn với Chúa. Hãy sống bằng Lời Chúa và nhìn vào điều Ngài đang làm trên đời sống bạn. Bạn hãy cầu xin Ngài ban cho bạn một bài ca mới.


2. Không có bản sao nào cả (Thi 33:6-11)

Bạn có đang đặt lòng tin cậy nơi mưu luận của Giê-hô-va Đức Chúa Trời không? Lời Chúa mưu lược, Ngài đã điều khiển cả vũ trụ này hoạt động.Đức Chúa Trời tạo dựng vũ trụ ra sao? “Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có…” (Sáng 1). Ngài tuyên phán và vũ trụ được hình thành, điều này bày tỏ quyền năng của Lời Ngài.


Chắc bạn đã biết cũng chính Lời Chúa là lời tạo dựng nên vũ trụ, duy trì gìn giữ vũ trụ kết dính lại với nhau đang đưa dẫn vũ trụ và lịch sử loài người đến cho bạn? Khi chúng ta sống hoà nhịp với Lời Chúa thì chúng ta sẽ sống hoà nhịp với cả vũ trụ này và với những gì Đức Chúa Trời đang làm cho thế giới ngày hôm nay.


Đừng để kẻ nào cướp mất lẽ thật đẹp đẽ của bạn, rằng: Đức Chúa Trời luôn có hoạch định dành cho bạn. Ngài có chương trình cá nhân cho cuộc đời bạn, như Ngài đã từng làm đối với Môi-se, Giô-suê, Đa-vít, các sứ đồ và những con người vĩ đại trong lịch sử Hội thánh.


Hãy lưu ý rằng mưu luận của Đức Chúa Trời đến từ tấm lòng Ngài. “Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời; ý tưởng của lòng Ngài còn đời này sang đời kia” (c.11).

Ý tưởng của Đức Chúa Trời không đến từ một cỗ máy. Ngài không sao chép một kế hoạch duy nhất cho đời sống từng người và đánh Fax (truyền tin bản sao đi) kế hoạch ấy đến với tất cả các tín đồ.

Ý tưởng của Đức Chúa Trời đến từ lòng Ngài, và ý tưởng ấy hoàn toàn thích hợp cho cuộc đời bạn. Ý tưởng Ngài sẽ còn lại đời đời, không hề giống ý tưởng con người.

Ý tưởng của Đức Chúa Trời là bày tỏ tình yêu thương của Ngài đối với bạn. Đừng sợ hãi ý tưởng ấy. Nhưng hãy xây dựng, thiết lập cuộc sống bạn dựa trên nền tảng là mưu luận của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.


Bởi vì các ý tưởng của Đức Chúa Trời dành cho bạn rất thích hợp với bạn đến từ lòng Ngài nên chúng đã bày tỏ tình yêu thương của Ngài. Hãy ở trong sự hòa nhịp, thích ứng với Lời Chúa, và Ngài sẽ dẫn dắt bạn theo ý muốn Ngài.


3. Một công dân tốt nhất (Thi 33:12-13)

Tác giả Thi-thiên thường nói: “Phước cho người nào…” hoặc “Phước cho gia đình nào…” nhưng trong câu 12, ông nói: “Phước cho dân tộc nào…” Đức Chúa Trời có ban phước cho các dân tộc không? Dĩ nhiên là có. Ngài ban phước cho dân tộc Y-sơ-ra-ên. Ngài ban cho người Y-sơ-ra-ên những ơn phước đặc biệt và trao cho họ những công tác trọng đại. Tuy nhiên, họ đã không làm tròn nhiệm vụ Ngài giao. Nhưng trong chừng mực nào đó, Ngài vẫn ban phước cho họ để họ thực hiện công tác. Cuối cùng, Đức Chúa Trời ban Lời Ngài và Con Trai Ngài cho thế gian qua dân tộc Y-sơ-ra-ên. Đấng Christ được sanh ra trong chi phái Giu-đa thuộc dòng dõi vua Đa-vít.


Có phải bạn là mẫu người mà Đức Chúa Trời có thể sử dụng để trở thành nguồn phước hạnh cho dân tộc của bạn không? Trong Đấng Christ, trước khi sáng thế, Đức Chúa Trời đã chọn những kẻ thuộc Ngài. Chúng ta là cơ nghiệp của riêng Ngài. Đức Chúa Trời nhìn xuống chúng ta với lòng nhân từ thương xót.

Thánh Kinh nói cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta trở thành những công dân công nghĩa.


Đức Chúa Trời đang xem xét chúng ta: “Đức Giê-hô-va” trên trời ngó xuống, nhìn thấy hết thảy con cái loài người” (c.13) Ngài nắn sửa chúng ta: “Ngài nắn lòng của mọi người, xem xét mọi việc của chúng nó” (c.15). Hiện tại, chúng ta là dân sự Đức Chúa Trời đang phải sống trong một đất nước đầy tối tăm và gian ác. Chúng ta nên làm gì? Hãy nhớ rằng, Ngài đang đoái xem chúng ta. Ngài uốn nắn chúng ta và bảo vệ chúng ta “Kìa mắt Đức Giê-hô-va đoái xem người kính sợ Ngài” (c.18). Chúng ta chẳng phải sợ hãi gì.


Bạn có thể trở thành người công dân tốt nhất, bằng cách: vâng lời Chúa, toả ánh sáng ra cho Ngài, cầu nguyện cho quốc gia, bạn chia sẻ Lời Chúa cho người khác và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một người công dân đối với đất nước.


Đức Chúa Trời dùng con người để ban phước cho các quốc gia. Cơ-đốc nhân phải là người công dân tốt, là mẫu người Ngài có thể dùng để làm mạnh mẽ, vững vàng một dân tộc. Hãy cầu nguyện cho đất nước bạn và các vị lãnh đạo quốc gia. Bạn hãy sử dụng quyền tự do của một người công dân để chia sẻ Lời Chúa cho người khác và làm chứng nhân cho Ngài.


4. Có thể chờ đợi nổi không? (Thi 33:20-22)

Chờ đợi là một trong những việc khó làm nhất đối với tôi.Tôi thích làm việc hơn là chờ đợi. Chẳng hiểu tại sao tôi luôn phải nhận lấy kết cuộc là hay đi nhầm vào mấy làn đường và buộc lòng tôi phải quay trở lại.

Vì tôi là người thiếu kiên nhẫn nên có lẽ Đức Chúa Trời thường nhắc nhở tôi trong câu Thi 26: “Linh hồn chúng tôi trông đợi Đức Giê-hô-va Ngài là sự tiếp trợ và cái khiên của chúng tôi”. Tại sao Đức Chúa Trời lại hay trì hoãn đáp lời cầu nguyện. Vì Ngài muốn ban cho chúng ta phước hạnh tốt hơn. Tại sao Đức Chúa Trời trì hoãn đem đến sự giải cứu hoặc sự chữa lành? Vì Ngài đang để dành điều tốt lành hơn cho chúng ta. Nhiệm mạng của chúng ta luôn ở trong tay Ngài.


Chúng ta phải ghi nhớ rằng khi chúng ta trông đợi Chúa, chúng ta sẽ không trở thành người ăn không ngồi rồi. Sự chờ đợi chuẩn bị cho chúng ta. Đức Chúa Trời làm việc trong chúng ta vì vậy Ngài cũng có thể làm việc vì cớ chúng ta. Chúa biết những gì Ngài đang làm và Ngài có chương trình riêng.

“Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia (thiên hạ) tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất” (IIPhi 3:9).

“Lòng chúng con sẽ vui vẻ nơi Ngài” (c.21).

Sự trông đợi cuối cùng dẫn đến sự thờ phượng. Và thời điểm ấy sẽ đến khi bạn vui vẻ nơi Chúa bởi vì bạn đặt lòng tin cậy vào danh thánh của Ngài: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nguyện sự nhân từ Ngài giáng trên chúng con, y theo chúng con đã trông cậy” (c.22).

Chúng ta đặt niềm hy vọng và đức tin vào sự trông đợi Chúa. Nếu bạn thấy khó để chờ đợi Ngài thì hãy nhớ rằng Chúa trì hoãn đáp lời không có nghĩa là Ngài khước từ. Ngài muốn dành cho chúng ta nguồn phước hạnh to lớn hơn. Bạn có thể tin chắc rằng một ngày nào đó, sự chờ đợi sẽ kết thúc, và bạn sẽ bắt đầu thờ phượng, ngợi khen Ngài.


Có phải bạn đang trông đợi Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện đặc biệt nào đó của bạn? Hãy giữ lòng tin cậy Chúa để Ngài tiếp tục hành động vì lợi ích của bạn. Sự trông đợi của bạn sẽ biến thành sự thờ phượng và ngợi khen.



34. THI-THIÊN (Thi 34:1-22)


1. Ngợi khen Chúa luôn luôn (Thi 34:1-3)

“Tôi sẽ chúc tụng Đức Giê-hô-va luôn luôn. Sự ngợi khen Ngài hằng ở nơi miệng tôi” (c.1)


Đó là câu rất dễ đọc hơn là thực hành. Chúng ta có thể ngợi khen Chúa luôn luôn bằng cách nào? Đôi khi, chúng ta thấy thật khó để ngợi khen Ngài. Thỉnh thoảng, chúng ta bị yếu đuối, bị đau đớn về thể xác hoặc gặp phải hoàn cảnh khó khăn. Có lúc, chúng ta đành phải nhìn những người chúng ta yêu vượt qua thời buổi khó khăn mà không giúp được gì.


Nếu chúng ta phải ngợi khen Chúa luôn luôn, thì sự ngợi khen ấy ắt hẳn rất quan trọng. Hãy chú ý kết quả đem lại khi chúng ta thực lòng ngợi khen Chúa. Sự ngợi khen sẽ thánh hoá đời sống chúng ta luôn luôn. Nó thánh hoá chúng ta ngay cả khi chúng ta đang ngồi trên ghế của nha sĩ mình hoặc trong lúc chúng ta đang đứng bên cạnh một huyệt mả trống không. Đức Chúa Giê-xu đã tôn vinh Đức Chúa Trời trước lúc đi đến đồi Gô-gô-tha chịu hình “Và khi đã hát thơ thánh rồi, họ (Chúa Giê-xu và các môn đồ) bèn đi ra” (Mat 26:30). Phao-lô và Si-la ngợi khen Chúa trong tù trong lúc thân thể họ đang bị thương tích (Công 16:25).


Sự ngợi khen tụ họp dân sự Đức Chúa Trời. 

Có một điều chúng ta có thể làm để tập họp tất cả dân sự Chúa lại với nhau chính là ngợi khen Chúa. Chúng ta không phải lúc nào cũng đồng công về một bài giảng nhưng có thể đồng công với một cuốn thánh ca. Đó chính là lý do tại sao ở thiên đàng lại luôn có nhiều sự tôn vinh và ngợi khen như vậy.


Cuối cùng, sự ngợi khen tán dương Chúa và làm cho Ngài trở nên vĩ đại, oai nghi. Đó là lý do tại sao chúng ta phải ngợi khen luôn luôn. Bất kỳ người nào cũng có thể ngợi khen Chúa khi mọi sự trở nên tốt đẹp. Nhưng, khi nào sự ngợi khen được “trải qua lò lửa luyện” thì sự ngợi khen ấy mới thực sự tán dương Chúa và làm cho Chúa trở nên vĩ đại, oai nghi.


Hãy để sự ngợi khen thánh hoá đời sống bạn, tụ họp gom bó các bạn hữu của bạn lại và tán tụng Chúa làm cho Ngài trở nên vĩ đại oai nghi.


Sự ngợi khen Đức Chúa Trời có phải là một trong những phần của kinh nghiệm đời sống Cơ-đốc nhân của bạn không? Hãy ngợi khen Chúa luôn luôn, vì sự ngợi khen là một phần thiết yếu trong đời sống đức tin.


2. Chứng Thánh Kinh (Thi 34:4-10)


Khi tôi còn là một thanh niên Cơ-đốc, Hội thánh mà tôi tham dự thường tổ chức các buổi nhóm làm chứng. Tôi hay nghe người ta bảo rằng “con cảm ơn Chúa vì Ngài đã cứu con, gìn giữ và đáp lời con”. Vì vậy, tôi cứ tự hỏi mình “Điều đó nghe có vẻ hay đấy, nhưng nó có ở trong Thánh Kinh không?”


Vâng, có. Chúng tôi tìm thấy nó trong Thi 34:6-8. “Kẻ khốn cùng này có kêu cầu, Đức Giê-hô-va bèn nhận lời người, giải cứu người khỏi các điều gian truân” (c.6). Giê-hô-va Đức Chúa Trời giải cứu. Thật thú vị khi chúng ta thấy rằng chúng ta không tài nào tránh được gian truân. Có lúc, khi chúng ta đặt lòng tin cậy Chúa và cầu xin Ngài giúp chúng ta tránh được gian truân. Nhưng ở đây, Đa-vít nói “Ngài giải cứu tôi khỏi các điều gian truân”


Ngài còn gìn giữ “Thiên sứ Đức Giê-hô-va đóng trại chung quanh những kẻ kính sợ Ngài” (c.7). Từ “thiên sứ” ở đây bao hàm ý tưởng là nhiều thiên sứ chứ không chỉ có một. Đa-vít đang đề cập đến sự đóng trại của thiên sứ chung quanh chúng ta để bảo vệ chúng ta. Vì Chúa là Đấng luôn giải cứu và gìn giữ. Tôi rất vui sướng về sự gìn giữ đầy quyền năng của Ngài. Ngài có thể cứu chúng ta và gìn giữ chúng ta vì cớ việc Ngài đã làm trên thập tự giá và nhiệm vụ tế lễ hiện tại của Ngài trên thiên đàng.


Câu 8 nói rằng Chúa luôn đáp lời: “Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt lành dường bao! Phước cho người nào nương náu mình nơi Ngài!“ Đôi khi, chúng ta nếm phải một vài kinh nghiệm cuộc sống thật là chua cay. Cũng có lúc, cái chén được trao tay cho chúng ta không phải là một trong những chén ngọt ngào mà là chén đắng. Chúa chúng ta đã phải uống chén đắng. Bạn có biết điều gì đã khiến cho chén đắng ấy được uống đi và nó trở nên ngọt ngào? Chính điều ấy “đang dầm thắm” Chúa trong nó. Khi bạn nếm trải Chúa trong các kinh nghiệm cuộc sống, thì các kinh nghiệm ấy trở nên ngọt ngào trong Ngài. Tuy nhiên, lời chứng là Thánh Kinh: Chúa là Đấng giải cứu, gìn giữ và đáp lời.


Hiện nay, bạn đang đối diện với vấn đề gì? Có lẽ bạn đang phải vật lộn với những khó khăn vật chất tài chính. Cho dù bạn gặp phải bất cứ vấn đề nan giải nào, thì Chúa vẫn luôn hứa giúp đỡ bạn vượt qua chúng. Bạn có tin Chúa Giê-xu cứu bạn và gìn giữ bạn không? Có bao giờ bạn “nếm trải” Chúa và nhận thấy rằng Ngài luôn đáp lời bạn chưa?


3. Sao để có một ngày tốt lành (Thi 34:11-16)

Người ta có thường chúc bạn: “xin chúc một ngày tốt lành”không? Đó là một câu chúc hay, nhưng nó mang ý nghĩa gì? Khi bạn ôn lại các hoạt động trong ngày trước giờ đi ngủ, thì bạn làm sao biết được ngày đó tốt hay xấu? Khi các anh của Giô-sép bán ông làm nô lệ, thì ấy là một ngày tồi tệ.

Nhưng Đức Chúa Trời đã biến ngày ấy thành ngày tốt lành cho Giô-sép. Khi vợ của quan thị vệ Phô-ti-pha vu oan Giô-sép và bỏ tù ông thì đó là một ngày xấu.Nhưng Đức Chúa Trời cũng đã biến ngày xấu ấy thành ngày tốt cho Giô-sép. Bạn biết đấy, không phải lúc nào chúng ta cũng biết rõ một ngày tốt sẽ là ngày như thế nào. Tuy nhiên, chúng ta có thể tạo nên những ngày tốt cho chúng ta nếu chúng ta làm theo những chỉ dạy trong đoạn sách này là sứ điệp dành cho ngày nay.


-Thứ nhất, hãy kiểm soát lưỡi của bạn.

Đa-vít hỏi: “Ai là người ưa thích sự sống. Và mến ngày lâu dài để hưởng phước lành?” (c.12). Dĩ nhiên, ai nấy đều muốn sống lâu và hưởng những ngày tốt lành, vì vậy, bạn phải “Khá giữ lưỡi mình khỏi lời ác, và môi mình khỏi nói sự dối gạt” (c.13). Khi bạn nói ra những lời sai trái, bạn sẽ phải nhận lãnh một ngày tồi tệ. Vậy, bạn hãy luôn kiểm soát lưỡi mình.

-Thứ hai “Hãy tránh sự ác và làm điều lành” (c.14).

Nếu bạn muốn có một ngày tốt lành thì hãy làm điều thiện. Nếu bạn gieo ra những hạt giống của sự tốt lành thì bạn sẽ gặt hái mùa vụ của sự tốt lành.

-Thứ ba “Hãy tìm kiếm sự hoà bình và đeo đuổi sự ấy” (c.14).

Đừng sục sạo loanh quanh với cây súng lục trên tay. Bạn cũng đừng lấy làm bực mình chỉ vì một chuyện vặt vãnh nào đó hoặc vì người ta nói về bạn điều gì đó. Nếu bạn đang đi trên đường, chợt có kẻ nào đó ra cản lối bạn, thì bạn cũng đừng lấy đó làm bực mình. Hãy làm người hoà giải, đừng làm kẻ gây rối.


-Cuối cùng, hãy tin cậy Chúa vì Ngài đang đoái xem bạn. “Mắt Đức Giê-hô-va đoái xem người công bình, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu cầu của họ” (c.15).

Từ “nghe” ở đây còn mang ý nghĩa là “chú ý đến”. Bạn không phải lo lắng về những gì người khác làm, Đức Chúa Trời đang đoái xem bạn, và Ngài đang lắng nghe bạn. Bạn có thể có một ngày tốt lành nếu bạn làm theo những lời chỉ dạy vừa nói trên đây, xin chúc bạn một ngày tốt lành!


“Chúc một ngày tốt lành!” có lẽ chỉ là một thành ngữ thường dùng mà thôi. Tuy nhiên, bạn có thể có một ngày tốt lành nếu bạn làm theo những lời chỉ dạy nhất định của Thánh Kinh. Hãy cố gắng làm theo lời chỉ dẫn trong Thi Thiên này. Và không chỉ có mỗi mình bạn có được một ngày tốt lành mà cả những người nào bạn quan hệ tiếp xúc cũng sẽ được ban phước lành.


4. Những chiếc cầu vồng bị tiêu tan (Thi 34:17-18)

Có một bé gái cùng với mẹ nó đang thả bộ trên vỉa hè sau cơn mưa dông. Ai đó đã làm đổ dầu máy xe chảy trên lề đường. Nhìn thấy cảnh ấy, bé gái kêu lên “Mẹ ơi nhìn kìa, có rất nhiều chiếc cầu vồng tan ra!”


Có lẽ những chiếc cầu vồng của bạn đã bị gãy đứt, bạn đang có lòng đau thương. Có lẽ bạn cảm thấy mình không gần gũi với Chúa vì lẽ bạn đang gặp buồn phiền, đau đớn.

Bạn có thể làm gì để được gần gũi Ngài?

-Thứ nhất, hãy luôn ghi nhớ rằng sự gần gũi là sự giống nhau. “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương” (c.18). Càng giống Chúa chừng nào, chúng ta càng gần gũi Ngài chừng nấy. Bạn có thể đến gần Chúa ở mức độ nào? Bạn có thể đến gần Ngài như bạn muốn. Hãy đến gần Chúa thì Ngài sẽ đến gần bạn. Xin ghi nhớ Đức Chúa Trời biết rõ ý nghĩa của một tấm lòng đau thương. Chính Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng đã nếm trải điều này. Ngài “từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm” (Es 53:3). Hãy để các từng trải của bạn làm cho bạn ngày càng trở nên giống Chúa Giê-xu hơn, và Ngài sẽ đến gần bạn.

-Thứ hai, hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời thường ban ơn cho người khiêm nhường. “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gia 4:6). Đa-vít cũng từng nói: “Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối, Chúa không khinh dễ đâu!” (Thi 51:17).


Chúa chúng ta đến thế gian “để chữa lành vết thương lòng cho những người đau khổ”. Bạn đang có lòng đau thương cần được chữa lành phải không? Có một bí quyết đơn giản xin dành cho bạn: Hãy trao tất cả những mảnh tim vỡ vụn của bạn cho Chúa thì Ngài sẽ chữa lành bạn.


Mỗi người đều trải qua những niềm hy vọng bị tiêu tan và những kế hoạch không thành. Bạn hãy an ủi mình từ sự hiểu biết rằng Chúa luôn chữa lành những ai có lòng đau thương. Bạn đang vượt qua thử thách là điều đã làm tan nát cõi lòng bạn phải không? Chúa rất hiểu cái điều bạn đang phải trải qua. Hãy đến với Chúa bằng một thái độ khiêm nhường, và trao cho Ngài những mảnh tim vỡ nát của bạn.


5. Công cụ của Đức Chúa Trời (Thi 34:19-22)

“Người công bình bị nhiều tai hoạ, nhưng Đức Giê-hô-va cứu người khỏi hết” (c.19)

Tác giả Thi-thiên không nói thế này “Tôi cho rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời giữ cho chúng ta tránh khỏi tai họa. Tôi nghĩ nếu tôi đọc Thánh Kinh mỗi ngày, cầu nguyện và cố gắng vâng theo ý muốn Ngài, thì tôi sẽ không bao giờ gặp phải tai hoạ nào! ” Thay vào đó, ông bảo rằng chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều tai hoạ.


Tại sao chúng ta lại thường gặp nhiều tai họa trong đời sống chúng ta? Chúng ta gặp tai họa chỉ vì lý do đơn giản: chúng ta là những con người. Tai họa chính là một phần của cuộc sống loài người. Chúng ta càng ngày càng trở nên già cả thì có thể chúng ta bắt đầu suy kiệt dần. Chúng ta không chỉ gặp phải bệnh tật mà còn gặp tai nạn hoặc phải đối đầu với nhiều nan đề rắc rối, lôi thôi khác vì lẽ Đức Chúa Trời nổi giận cùng chúng ta hoặc Ngài đang sửa phạt chúng ta. Do đó, có lẽ các tai họa chính là một phần của cuộc sống.


Chúng ta gặp tai hoạ bởi vì quỷ Sa-tan luôn chống đối chúng ta. Sa-tan rất muốn hủy diệt chúng ta. Chúng ta cũng có thể gặp tai họa vì chúng ta bất tuân với Đức Chúa Trời. Tôi rất vui mừng về điều này: Đức Chúa Trời yêu thương tôi đến độ Ngài đã “bạt tai” tôi khi tôi không vâng lời Ngài.


Và thường thì, tai họa chính là công cụ của Đức Chúa Trời dùng để giúp chúng ta trưởng thành. Chúng ta sẽ không thực sự trưởng thành cho đến chừng nào chúng ta được trải qua lò lửa luyện, trải qua bão tố hoặc trải qua cuộc chiến đấu. Đức Chúa Trời không ươm trồng cây trong nhà kính là những cây gặp gió nóng thổi qua thì bị héo quắt lại. Không, Ngài chỉ muốn ươm trồng, gây dựng những đứa con trai con gái của Ngài thực sự trưởng thành. Và đó là lý do tại sao chúng ta thường gặp tai họa “Người công bình gặp nhiều tai họa, nhưng Đức Giê-hô-va cứu người khỏi hết” (c.19).

Ngài không giúp chúng ta tránh tai họa. Ngài chỉ muốn giải cứu chúng ta khỏi chúng. Có khi, Ngài biến đổi hoàn cảnh. Nhưng cùng lúc Ngài biến đổi chính chúng ta. Bí quyết để được giải cứu thực sự không phải nằm ở hoàn cảnh quanh chúng ta mà là ở đức tin trong chúng ta. Hãy mong đợi tai họa, nhưng phải đặt lòng tin cậy Đức Chúa Trời giải cứu!


Có lẽ sự hữu ích to lớn nhất của tai hoạ mà Đức Chúa Trời đã dùng chính là: nó như một công cụ giúp cho bạn lớn lên thành một Cơ-đốc nhân trưởng thành hoàn toàn. Tin tức tốt lành dành cho bạn chính là bạn có thể tin cậy Chúa giải cứu bạn khỏi tai hoạ. Hễ khi nào bạn gặp tai hoạ thì hãy đặt lòng tin cậy Chúa giải cứu bạn.


6. Hãy phó thác cho Chúa (Thi 34:17-22)

Cơ-đốc nhân nên trao phó 5 gánh nặng cho Chúa để nhận lãnh nhiều phước hạnh từ nơi Ngài.


-Thứ nhất, hãy phó trao mọi nỗi niềm thất vọng của bạn cho Chúa (c.17).

Từ “gian truân” ở đây còn mang ý nghĩa là “ở trong sự trói buộc” hoặc “bị thất vọng”. Đôi khi, chúng ta lại phải tự mình gánh lấy gian truân, như Đa-vít chẳng hạn. Chỉ có một nơi an toàn duy nhất chính là ở trong đường lối Chúa. Thỉnh thoảng, lại có người khác đem gian truân đến cho chúng ta, như Sau-lơ vốn thường làm đối với Đa-vít. Cũng có lúc chúng ta gặp gian truân vì Đức Chúa Trời biết chúng ta cần chúng. Khi gặp gian truân, chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ. Hãy đặt lòng tin cậy Chúa với cả nỗi niềm thất vọng của bạn.

-Thứ hai, hãy phó thác mọi xúc cảm của bạn cho Chúa (c.18).

Đa-vít lấy làm ăn năn hối hận về tội lỗi mình, lòng ông tan nát. Đức Chúa Trời mong đợi thái độ đó. Ngài luôn ở gần những ai có lòng đau thương thống hối.

-Thứ ba, hãy phó thác tương lai của bạn cho Chúa.

Từ “gìn giữ” ở đây còn mang ý nghĩa là “hết sức quan tâm đến, để bảo vệ”. Khi Chúa Giê-xu bị treo trên thập tự giá, ấy là lúc ma quỷ đang thực hiện hành vi xấu xa tồi tệ nhất của nó, nhưng nó chỉ có thể làm được những gì Đức Chúa Trời cho phép mà thôi. Đức Chúa Trời đang gìn giữ, bảo vệ Con Độc Sanh của Ngài, và Ngài cũng sẽ bảo vệ, gìn giữ chúng ta, vì Ngài quan tâm đến tương lai chúng ta.

-Thứ tư, hãy giao phó kẻ thù nghịch bạn cho Chúa.

Chính tội lỗi của kẻ thù sẽ kết liễu đời chúng. “Điều ác sẽ tiêu diệt kẻ ác”. Hãy giao phó kẻ thù của bạn cho Chúa. Và hãy để Ngài làm Quan Tòa (Ro 12:17-21).

-Cuối cùng, hãy giao phó mọi thất bại của bạn cho Chúa (c.22).

Từ “định tội” ở đây còn có ý nghĩa “bị xem là phạm tội”. Đa-vít phạm tội chống nghịch lại Giê-hô-va Đức Chúa Trời (nguyên nhân khiến ông đau thương thống hối), nhưng Đức Chúa Trời đã giải cứu ông và tha thứ cho ông.


Nếu bạn muốn có một ngày tốt lành thì hãy đặt lòng tin cậy nơi Chúa với 5 gánh nặng vừa kể trên.


Khi trở thành một Cơ-đốc nhân, bạn đã đặt lòng tin cậy Chúa Giê-xu là Đấng cứu rỗi bạn, và Ngài đã cứu bạn thoát khỏi sự trừng phạt vì tội lỗi bạn. Nhưng, bạn đừng dừng lại ở đây. Bạn nên trao phó đời sống bạn cho Chúa mỗi ngày. Hãy trao phó những gánh nặng của bạn cho Ngài và nhận lãnh nhiều phước hạnh Ngài dành sẵn cho bạn.




35. THI-THIÊN (Thi 35:1-28)


1. Điều để làm trước tiên (Thi 35:1-10)

“Linh hồn con sẽ vui vẻ nơi Đức Giê-hô-va, mừng rỡ về sự cứu rỗi của Ngài” (c.9)

Đây là niềm vui mừng của Đa-vít đáp lại Đức Chúa Trời vì Ngài đã giải cứu ông khỏi kẻ thù ông cách vinh quang. Đa-vít đang gặp gian truân. Kẻ thù nghịch ông đang tố cáo ông và vu oan ông. Ông đã làm gì? Ông cầu nguyện.

Hành động đầu tiên của chúng ta đối với những lời cáo dối thường là cãi lại. Chúng ta muốn chống trả và bảo vệ danh dự, tiếng tăm của chúng ta. Còn Đa-vít thì lại quan tâm nhiều đến tính cách của mình hơn là quan tâm đến thanh danh. Ông biết rằng nếu ông ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời thì ông chẳng phải bận tâm đến những việc người ta đã làm đối với ông và những điều họ đã nói về ông.

Vì vậy, ông bắt đầu với sự cầu nguyện. “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy cãi cọ cùng kẻ cãi cọ con. Hãy chinh chiến với kẻ chinh chiến cùng con” (c.1). Khi ma quỷ ra tay chống nghịch bạn, thì nó đã thực sự đối đầu chống lại Chúa. Đó là một nguyên tắc hay cần ghi nhớ. Khi một người con nào đó của Đức Chúa Trời ở trong đường lối Chúa thì người ấy có thể thỉnh cầu sự giúp đỡ và bảo vệ của Cha mình.


Đa-vít bắt đầu bằng sự cầu nguyện. Và ông đã thú nhận sự bất lực bất năng của mình. “Các xương cốt tôi sẽ nói: Hỡi Đức Giê-hô-va, có ai giống như Ngài chăng? Ngài giải cứu người khốn cùng khỏi kẻ mạnh hơn người” (c.10). Kẻ thù của chúng ta quá mạnh đối với chúng ta. Chúng ta phải trình dân chúng cho Chúa. Đa-vít tin cậy Đức Chúa Trời hành động vì cớ ông, và Ngài đã hành động.


Ngày nay, Đức Chúa Trời cũng sẽ hành động vì cớ bạn. Khi thì giờ của Ngài đã điểm và trong đường lối mình, Ngài sẽ hoàn tất công việc cần được làm. Và khi ngày ấy đến hồi kết thúc, hoặc bất kỳ khi nào bạn gặp dịp tiện, hãy thưa với Chúa rằng “Linh hồn tôi sẽ vui vẻ nơi Chúa, mừng rỡ về sự cứu rỗi Ngài”. Đúng là sự cứu rỗi không phải là của bạn – Nó không được căn cứ trên cái điều bạn đã làm cho chính mình nhưng nó được căn cứ trên những gì Đức Chúa Trời đã làm cho bạn. Tôi tin rằng ngày hôm nay bạn sẽ nhận được niềm vui từ chiến thắng của Ngài trong cuộc sống bạn.


Khi đối phó với kẻ thù, phản ứng đầu tiên của bạn thường là phản công trở lại thay vì có hành động tích cực. Phản ứng tốt nhất đối với bạn lúc ấy là hãy cầu nguyện. Là một người con của Đức Chúa Trời, bạn có thể giao phó kẻ thù mình cho Ngài và cầu xin Ngài giúp đỡ, bảo vệ bạn. Hiện tại, ma quỷ đang tấn công bạn phải không? Hãy trao gánh nặng cho Chúa, và Ngài sẽ hành động vì lợi ích bạn.


2. Mức độ thánh thiện (Thi 35:11-21)

Bạn đang sống ở mức độ nào của cuộc sống – ở mức độ con người, ở mức độ ma mãnh hay ở mức độ thánh thiện thiêng liêng? Ở mức độ con người, chúng ta thường sống theo kiểu ăn miếng trả miếng sòng phẳng. Đó là lối sống mà thiên hạ hay sống nhất. Nhưng khi chúng ta sống ở mức độ này, chúng ta thật sự không lớn lên được.

Thực tế, chúng ta ngày càng trở nên giống người khác. Mức độ con người thường biến cuộc sống thành cuộc chiến tranh, thành cuộc tranh tài đầy vị kỷ. Đó không phải là cách sống của một Cơ-đốc nhân. Chỉ có Đức Chúa Trời mới biết được khi nào thì có điều gì đó thực sự trở thành tội lỗi. Có những điều mà người ta làm cho bạn ngày hôm nay, cuối cùng lại trở thành điều tốt nhất chưa từng xảy ra cho bạn. Bề ngoài trông nó có vẻ là một điều ác, nhưng Đức Chúa Trời có thể biến đổi nó thành tốt đẹp.


Chúng ta cũng không muốn sống ở mức độ ma mãnh. Trong Thi-thiên 35, chúng ta đọc về những kẻ lấy điều dữ đáp lại cho điều lành. Đa-vít nói “Chúng nó lấy dữ trả lành, linh hồn tôi bị bỏ xuội” (c.12). Đó cũng chính là mức độ ma quỷ đang sống. Nó luôn lấy điều ác trả cho điều thiện.


Nhưng Đa-vít đã sống ở mức độ thánh thiện thiêng liêng. Ông lấy điều thiện trả cho điều ác (c.13,14). Ông bày tỏ tình yêu thương của mình đối với kẻ thù nghịch mình. Ông đã không đơn thuần lấy điều lành trả cho điều lành, lấy điều dữ trả cho điều dữ. Và ông nhất định không lấy điều ác trả cho điều thiện. Không, Đa-vít đã lấy điều thiện trả cho điều ác. Ông đã thực thi lời dạy của Chúa Giê-xu Christ: “Hãy yêu kẻ thù mình, chúc phước cho kẻ rủa sả mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục và bắt bớ các ngươi” (Mat 5:44 Lu 6:27-28).


Hãy sống thánh khiết – là tiêu chuẩn sống tuyệt vời của tình yêu thương sống động mà qua đó chúng ta sống trở nên giống Đức Chúa Giê-xu Christ.


Thường thì bạn thấy thật khó để làm một việc tốt cho những kẻ đã làm điều xấu cho bạn. Nhưng Đức Chúa Trời muốn bạn sống ở mức độ thánh thiện và lấy điều thiện trả cho điều ác. Bạn đối xử với người khác ra sao?Nếu lúc nào có ai đó cư xử không tốt với bạn thì bạn hãy cứ chọn đối đãi tử tế với kẻ ấy. Đức Chúa Trời sẽ dùng các hành động cư xử của bạn để đem lại sự vinh hiển cho Ngài.


3. Hãy làm một thấu kính (Thi 35:22-28)


Mỗi chúng ta đều là một thấu kính phóng to mục tiêu sống của chúng ta. Thiên hạ có thể nhìn vào đời sống chúng ta thật kỹ và họ sẽ nhìn thấy điều gì thực sự quan trọng đối với chúng ta. Một vận động viên thường đề cao môn chơi của mình, ca ngợi đồng đội mình và các kỷ lục chiến thắng của mình. Một nhạc sĩ lại hay ca tụng nhạc cụ anh ta chơi. Còn một học giả thì thích tán dương các môn học của mình. Là dân sự Đức Chúa Trời, chúng ta hãy tôn cao Ngài.


Tuy nhiên, kẻ phạm tội thường thích ca ngợi chính mình mà thôi. Đa-vít nói: “Phàm kẻ nào vui mừng vì sự tai hoạ tôi, nguyện họ bị hổ thẹn và mắc cỡ. Phàm người nào dấy lên cùng tôi cách kiêu ngạo nguyện họ đều bị bao phủ xấu hổ và sỉ nhục” (c.26). Hãy chú ý câu “Phàm người nào dấy lên cùng tôi”.

Bất cứ khi nào bạn sống mà chỉ lo đề cao chính bản thân mình thì bạn sẽ luôn chống đối người khác. Đó chính là một sự ganh đua. Và Đức Chúa Trời không muốn chúng ta sống đời sống ganh đua.


Ước vọng lớn lao của chúng ta là muốn tôn cao Chúa chứ không phải tôn cao chúng ta. Đa-vít nói: “Còn ai binh duyên cớ công bình tôi, nguyện họ đều vui mừng. Nguyện họ thường nói không ngớt: Đáng tôn trọng Đức Giê-hô-va thay!” (c.27).

Sứ đồ Phao-lô cũng từng nói “dầu tôi sống hay chết, Đấng Christ sẽ được cả sáng trong mình tôi” (Phi 1:20). Hiện tại bạn có đang tôn cao Chúa không? Người ta có thể lắng nghe lời bạn nói, nhìn vào đời sống bạn, dò xét tính chất các hành động của bạn và bảo “Cô ấy thuộc về Chúa. Anh ấy thuộc về Chúa” không? Thật là quan trọng khi thiên hạ nhìn thấy Chúa chứ không nhìn thấy chúng ta.


Chất lượng quan trọng nhất của tấm kính chính là sự sạch sẽ. Khi mắt kính của tôi bị bẩn, thì tôi chỉ nhìn thấy bụi bậm dơ dáy mà thôi. Vì thế, tôi phải lau chùi chúng. Khi chúng ta bẩn thỉu, người ta chỉ nhìn thấy chúng ta chứ không nhìn thấy Chúa. Chúng ta hãy gìn giữ đời sống chúng ta sạch sẽ. Chúng ta hãy cùng nhau tôn cao Chúa. Ngài đáng được tất cả chúng ta ca ngợi.


Cơ-đốc nhân luôn phải tỏ mình ra trước thế gian. Đây thật là cơ hội và trách nhiệm mà bạn tác động đến người khác vì cớ Đấng Christ! Nếu bạn yêu mến Chúa, bạn sẽ mong muốn tôn cao Ngài. Hãy coi chừng lời nói và hành động của bạn. Bạn có đang sống cho Chúa Giê-xu không? Hãy giữ gìn cho mắt kính cuộc sống bạn sạch sẽ để Chúa có thể được tôn cao qua bạn




36. THI-THIÊN (Thi 36:1-12)


1. Được che chở nhờ một cái bóng (Thi 36:1-12)

Khi chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu Christ và sống trong mối tương giao với Ngài, chúng ta sẽ có tất cả những gì chúng ta cần cho cuộc sống và cho sự phục vụ. Khi bạn được Chúa cứu rỗi, đời sống bạn được tái sinh, trở nên hoàn thiện trong Đấng Christ. Khi Đức Thánh Linh ngự vào đời sống bạn, Ngài ban cho bạn đời sống dư dật trong Đức Chúa Giê-xu Christ.


Thi-thiên 36 chỉ ra rằng khi chúng ta bước đi trong Chúa, tìm kiếm Ngài để phục vụ Ngài, thì chúng ta sẽ được Ngài che chở bảo vệ. “Hỡi Đức Chúa Trời, sự nhơn từ Chúa quý biết bao! Con cái loài người nương náu mình dưới cánh bóng của Chúa” (c.7). Đa-vít đề cập đến Đền tạm, đề cập đến các cảnh tượng Chê-ru-bim đặt trong nơi Chí Thánh. Nơi an toàn nhất trong thế gian này lại ở dưới cái bóng thì thật lạ lùng biết bao! Nếu chúng ta sống trong nơi Chí Thánh, trong mối tương giao với Đức Chúa Trời và ẩn náu dưới cánh Ngài thì chúng ta sẽ được Ngài che chở.


Trong câu 8, Đa-vít thay đổi bức tranh. Ông nói rằng chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời làm cho thoả lòng. “Họ nhờ sự dư dật của nhà Chúa mà được thoả nguyện. Chúa sẽ cho họ uống nước sông phước lạc của Chúa”. Chúa chúng ta không chỉ bảo vệ che chở chúng ta mà còn chu cấp, tiếp trợ cho chúng ta và làm thoả lòng chúng ta. Dòng sông chảy mãi không ngừng, vì nó cứ chảy hoài như vậy. Đức Chúa Trời của chúng ta cũng thế. Lúc nào Ngài cũng muốn tuôn đổ những phước hạnh mới mẻ đến cho chúng ta. Một dòng sông nọ trở nên nổi tiếng nhờ bởi lượng nước dồi dào và sức chảy mạnh mẽ của nó. Đức Chúa Trời chúng ta cũng tương tự như vậy “Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa” (c.9). Chúng ta không uống nước của dòng sông mà để rồi lại còn khát nữa. Chúng ta luôn có Nguồn Nước Hằng Sống ở trong mình.


Chúng ta còn được Chúa dẫn dắt nữa: “Trong ánh sáng Chúa, chúng con thấy sự sống” (c.9). Bạn có cần gì nữa không? Trong Chúa Giê-xu Christ, bạn đã có tất cả những gì bạn cần. Hãy sống nương náu dưới cánh bóng của Ngài.


Đức Chúa Trời đầy lòng nhân từ yêu thương luôn lưu tâm đến sự yếu đuối của con người bạn. Nơi nào mà sự yếu đuối có thể dẫn đưa bạn đến với con đường lầm lạc xấu xa ấy hoặc đẩy bạn vào trong nguy hiểm khi nơi ấy luôn có Chúa dự liệu sắm sẵn cho bạn một cách tuyệt diệu. Chúa hứa sẽ luôn chăm sóc bạn. Ngài che chở bảo vệ bạn, ban cho bạn thoả lòng và dẫn dắt bạn. Đời sống bạn có thánh khiết và đẹp lòng trước mặt Đức Chúa Trời không? Hãy phó thác chính mình vào sự chăm sóc của Đức Chúa Trời và nghỉ ngơi dưới cánh bóng Ngài.


“Bèn là đẹp lòng người kính sợ Ngài, và kẻ trông đợi sự nhân từ của Ngài” (Thi 147:11)


2. Phước hạnh dành cho người tin nhận Chúa (Thi 36:7-12)

Trong Thi-thiên này, Đa-vít suy nghĩ đến bốn phước hạnh dành cho người tin nhận Chúa.

-Thứ nhất, chúng ta được nương náu mình dưới bóng cánh của Chúa (c.7).

Vì lòng nhân từ thương xót của Ngài mà Chúa Giê-xu Christ đã đổ huyết ra. Đa-vít ám chỉ đến nơi Chí Thánh trong Đền tạm, nơi có để Hòm Giao ước chứa đựng các sách Luật pháp của Đức Chúa Trời, và hòm có nắp thi ân làm bằng vàng ròng đặt trên một cái hộp. Vì Đa-vít tin cậy Đức Chúa Trời nên ông bước vào nơi Chí Thánh và được Ngài che chở bảo vệ (Thi 61:4; Thi 90:1). Cơ-đốc nhân ngày nay đang sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời nhờ lòng thương xót của Ngài.

-Thứ hai, được dư dật tại nhà của Chúa (c.8).

Khi người Do-thái dâng của lễ thiêu, họ dùng bữa đã được đem dâng đó, là những người tin nhận Chúa, chúng ta hãy cùng nhau chung hưởng tất cả những gì mà Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta trong nhà Ngài. Bạn có thỏa lòng với mọi thứ của Chúa không? (Thi 63:1-5).

Trong Đền tạm có 12 ổ bánh mì tiêu biểu cho 12 chi phái. Ngày hôm nay, người tin nhận Chúa chính là những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời ở trong đền tạm Ngài và chỉ có họ mới được phép ăn những ổ bánh ấy.

-Thứ ba, được ở gần dòng giống của Chúa (c.8).

Đức Chúa Trời muốn chúng ta sống trong vườn địa đàng và uống nguồn phước lạc của Ngài. Tại sao dân sự Chúa lại ưa thích bắt chước thế gian và cố sức tìm kiếm lạc thú của thế gian? Giê-ru-sa-lem là một trong những thành phố cổ nhưng nó không được xây dựng cạnh một dòng sông nào. Còn Đức Chúa Trời chính là Dòng Sông của dân sự Ngài (c.8 Gi 4:13,14). Chúng ta sẽ luôn được thoả cơn khát tâm linh của mình.

-Thứ tư, được ở trong ánh sáng Chúa (c.9).

Ánh sáng Chúa khác hẳn với những gì đáng giá ở thế gian. Nếu chúng ta muốn nhìn thấy nhiều ngọn đèn thắp sáng trong thế gian thì chúng ta cần phải có sự sáng cho thế gian, đó là Chúa Giê-xu (Gi 8:12; Thi 119:105). Chúng ta là những người có sự sống đời đời nên không cần phải sợ hãi kẻ ác. Kẻ ác luôn khăng khăng rằng chúng không sợ Đức Chúa Trời . Kẻ ác sẽ té ngã vì cớ tội lỗi chúng. Bạn đang sống trong sự độc ác của kẻ tội lỗi hay đang sống trong sự phước hạnh dành cho người tin nhận Chúa?


Người tin nhận Chúa đừng bao giờ thỏa hiệp với những gì thuộc về thế gian. Bạn có đang sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời và nhận hưởng các phước hạnh của Ngài không? Hãy nhớ rằng, lòng thương xót của Chúa luôn dành sẵn cho bạn.



37. THI-THIÊN (THI 37:1-40)


1. Hãy tự suy xét mình (Thi 37:1-4)

Thi 37:1-4 bắt đầu bằng một lời khuyên rất thực tiễn cho cá nhân: Chớ phiền lòng.Chúng ta làm thế nào để xoa dịu cho một tâm thần chứa chan phiền não hoặc đem niềm vui đến cho một tấm lòng đang bối rối hoang mang?

“Chớ phiền lòng vì cớ kẻ làm dữ, cũng đừng ghen tị kẻ tập tành sự gian ác” (c.1). Tại sao chúng ta lại ganh tị với kẻ ác? Trông chúng có vẻ thật là thịnh vượng, thật là hưng phấn. Vậy, chúng ta cần điều gì ở nơi chúng? Trong Đức Chúa Trời, chúng ta có tất cả mọi thứ chúng ta cần. Bất cứ khi nào chúng ta thấy mình phiền lòng, ấy là lúc có lẽ chúng ta đang so sánh mình với người khác. Đó là một việc vô cùng sai lầm. Thay vì làm thế bạn hãy tự so sánh mình với mình, bạn đừng ganh đua với người khác nhưng hãy tự ganh đua với chính mình. Bạn cũng đừng cố tâm chống lại Đức Chúa Giê-xu Christ, bởi vì Ngài là Đấng mà bạn vẫn phải trở nên giống hệt “được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ” (Eph 4:13).


Đa-vít nhắc nhở chúng ta “Vì chẳng bao lâu chúng nó sẽ bị phát như cỏ. Và phải héo như cỏ tươi xanh. Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va và làm điều lành” (c.2, 3). Khi bạn chăm xem Chúa, tin cậy và vâng lời Ngài thì phiền não của bạn sẽ được lắng xuống, mất dần đi và sự bình an sẽ đến với lòng bạn. Bất kỳ lúc nào tôi thôi nhờ cậy Chúa đáp ứng các nhu cầu tôi cần và không còn cần Ngài giúp đỡ, thì lòng tôi trở nên nặng nề khiến tôi rất phiền não âu lo. Vậy “Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va làm điều lành. Khá ở trong xứ, và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài” (c.3). Đức Chúa Trời luôn quan tâm chăm sóc những ai thuộc về Ngài.


Chúng ta cũng tìm thấy lời khuyên thứ ba: “Cũng hãy khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước” (c.4). Khi chúng ta vui thích nơi Chúa, thì chúng ta sẽ biết cách làm hài lòng Ngài. Ước vọng của Ngài sẽ trở thành ước vọng của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện và sống trong ý muốn Ngài.


Vậy, ngày hôm nay chúng ta chớ sầu não nữa. Nhưng hãy tìm kiếm Chúa trong đức tin, đặt lòng tin cậy Ngài và vui thích nơi Ngài.


Việc ganh đua với người khác và so bì chính mình với họ có thể dẫn chúng ta đến với sự phiền não, ưu sầu. Hãy tự suy xét và ganh đua với chính bản thân mình mà thôi và tin cậy Chúa Giê-xu Christ. Bạn nên xem xét lại các nhu cầu của mình. Có nhu cầu nào mà Đức Chúa Trời không thể đáp ứng cho bạn không? Hãy đặt lòng tin cậy vào sự tiếp trợ của Ngài. Ngài là Đấng luôn luôn thành tín.


2. Ngài sẽ làm thành việc ấy (Thi 37:5-7)

Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va, và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy” (c.5). Ngài sẽ làm thành việc gì? Ngài sẽ làm thành các việc tốt lành nhất cho chúng ta và mang sự vinh quang nhất cho Ngài. Đây là câu Thánh Kinh hay chúng ta cần ghi nhớ. Chắc chắn, trong đời sống bạn có một số việc bạn rất muốn Đức Chúa Trời làm cho bạn. Bạn hay nghĩ đến các việc ấy, mơ ước và cầu nguyện thường xuyên cho việc ấy. Nếu chúng ta muốn Đức Chúa Trời làm thành các việc ấy cho chúng ta, trong chúng ta và qua chúng ta, thì chúng ta phải làm theo một số lời chỉ dạy nhất định trong Kinh Thánh.

-Thứ nhất, chúng ta hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va.

Đây là một hành động xác định rõ ràng ý muốn của chúng ta. Chúng ta đừng phó thác ý muốn mình cho Chúa nhưng rồi sau đó lại đòi lại, là một hành động chẳng khác gì một người nông dân nọ gieo trồng hạt giống xuống đất, sau đó lại đào nó lên xem thử nó có mọc hay không! Việc phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va là một hành động của ý chí, của đức tin. Chúng ta hãy biến đường lối chúng ta thành đường lối Chúa và đường lối Chúa trở thành đường lối chúng ta.

-Thứ hai, chúng ta phải tin cậy Ngài.

Tin cậy Chúa nghĩa là sao? Nghĩa là tin vào lời hứa của Ngài để biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời vô cùng tuyệt diệu luôn luôn có thể được chúng ta đặt lòng tin cậy. Chúng ta tin tưởng người khác khi chúng ta nhìn thấy phẩm hạnh tốt lành và hình thức đẹp đẽ của họ. Phẩm hạnh của Đức Chúa Trời vốn hoàn hảo và lai lịch Ngài thật trọn vẹn.

-Thứ ba, chúng ta phải trông đợi Chúa.

Khi nào Ngài sẽ hành động? Đó là vào lúc Ngài muốn. Đây chính là lý do tại sao Đa-vít bảo: “Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va và chờ đợi Ngài” (c.7).

Martin Luther đã dịch câu Kinh Thánh trên ra thế này “Hãy yên lặng trước mặt Đức Chúa Trời, và để cho Ngài gìn giữ bảo vệ bạn”. Tôi thích như thế. Hãy nghỉ ngơi trong Chúa. Trông đợi Ngài. Ngài đang hành động trong bạn và quanh bạn trong khi Ngài đang hành dộng vì cớ bạn. Hãy giao phó, tin cậy và trông đợi Chúa, rồi Ngài sẽ làm thành việc bạn cầu xin.


Bạn muốn nhìn thấy Đức Chúa Trời làm điều gì trên đời sống bạn? Hãy bắt đầu bằng việc gắn ý muốn bạn vào ý muốn Chúa. Bạn nên phó thác đường lối mình cho Ngài, tin cậy Ngài và trông đợi Ngài. Đức Chúa Trời đang hành động vì cớ bạn. Khi thời điểm của Ngài đến, Ngài sẽ hoàn thành công việc Ngài.


3. Bạn có nhu mì không? (Thi 37:8-15)

“Song, người hiền từ sẽ nhận được đất làm cơ nghiệp, và được khoái lạc về tình yêu dư dật” (c.11). Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đã lặp lại ý tưởng tương tự khi Ngài phán “Phước cho những kẻ nhu mì vì sẽ hưởng được đất! ” (Mat 5:5)


Nhu mì không có nghĩa là yếu đuối.

Môi-se được xem là người nhu mì nhất trên thế gian này, dẫu thế, ông là người đã can đảm đứng trước mặt vua Pha-ra-ôn và lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên một cách cừ khôi. Rất nhiều lần ông còn phải thi hành sự xét xử. Cũng một thể ấy, Đức Chúa Giê-xu của chúng ta đã phán rằng “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường” (Mat 11:29). Và Chúa Giê-xu chắc chắn không phải là người yếu hèn! Một ngày nọ, Ngài cầm một cái roi da đi khắp đền thờ và dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ. Ngài không yếu hèn mặc dù Ngài là Đấng khiêm nhường nhu mì.


Nhu mì có nghĩa là “sức mạnh được kiềm chế”. Môi-se là người có đủ sức mạnh và quyền năng để đánh bại thiên hạ, nhưng ông đã không ra tay. Ông chỉ sử dụng sức mạnh khi nào Đức Chúa Trời chỉ dẫn ông và hành động trong ông. Người nhu mì là những người biết rõ họ có thẩm quyền và sức mạnh nhưng họ luôn biết kiềm chế mình. Trong Thánh Kinh Tân-ước, từ được dịch là “nhu mì” cũng được dùng trong thời kỳ đó để mô tả một cái roi đã bị gãy và sức mạnh của nó đã bị kiềm chế.


Đức Chúa Trời có đủ khả năng để ban cơ nghiệp cho những ai ở dưới sự cai trị của Ngài. Chẳng phải những kẻ tự cao ngạo mạn được hưởng cơ nghiệp mà chính là người khiêm nhường nhu mì được hưởng. Đó là những người thưa với Chúa rằng: “Chúa ôi! Chúng con muốn làm theo ý muốn Ngài! ”.

Rất nhiều lần chúng ta nắm chặt hai bàn tay mình lại. Khi bạn nắm bàn tay mình lại thật chặt, có nghĩa là bạn không xoè tay ra để đón nhận những gì Đức Chúa Trời muốn ban cho bạn. Người nhu mì hưởng được gì? Đó là những điều ưa thích thuộc Đức Chúa Trời. Và tất cả những gì Đức Chúa Trời tạo lập nên thảy đều sẽ thuộc về người khiêm nhường nhu mì.


Sự nhu mì thể hiện sức mạnh của tính cách, không phải là sự yếu hèn. Đức Chúa Trời muốn con người phô bày sức mạnh trong sự kiềm chế.Bạn có dám đòi hỏi cơ nghiệp mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho người khiêm nhường nhu mì không? Hãy đầu phục ý muốn Chúa và vui hưởng sự giàu có tâm linh của đời sống bạn trong Chúa Giê-xu Christ.


4. Ngài biết rõ (Thi 37:16-20)

Khi bạn nhìn vào kẻ ác và thấy sự thịnh vượng của chúng, thì bạn chớ phiền lòng hoặc làm bất cứ điều gì ngu xuẩn. Giê-hô-va Đức Chúa Trời luôn bênh vực bạn, và “nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?” (Ro 8:31).

Trong đoạn Thánh Kinh này, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta tất cả những sự biết chắc chắn mà chúng ta cần để có được sự bình an trong lòng “Của người công bình tuy ít, còn hơn sự dư dật của nhiều người ác” (c.17), và sự bảo đảm thứ nhất dành cho bạn: Đức Chúa Trời biết rõ nhu cầu của chúng ta, và Ngài luôn sẵn có của cải dành cho chúng ta.

Một cái nhà đáng giá cả triệu đô la nhưng nó chẳng phải là một tổ ấm thì có gì tốt lành đâu? Hoặc bạn đang sở hữu một khoản tiền ngân hàng đồ sộ nhưng khoản tiền ấy chỉ là của phi pháp thì nó đâu có gì đáng quý đâu? Đa-vít đang nói cho chúng ta biết rằng chúng ta chỉ cần có Chúa và có ít của cải (Bởi vì sau này chúng ta sẽ có đầy đủ mọi thứ) còn tốt hơn là chúng ta có lắm của cải nhưng không có Chúa.

-Sự bảo đảm thứ hai của chúng ta là Đức Chúa Trời rõ sức chịu đựng của chúng ta “Vì cánh tay kẻ ác sẽ bị gãy, nhưng Đức Giê-hô-va nâng đỡ người công bình” (c.17). Ngài biết rõ gánh nặng mà chúng ta có thể mang nổi nặng nề ra sao, chiến trận mà chúng ta có thể dự phần vào khốc liệt tàn bạo thế nào. Khi Đức Chúa Trời đặt để chúng ta trong lò lửa luyện, mắt Ngài không rời đồng hồ báo giờ và tay Ngài luôn để sẵn ngay trên máy điều nhiệt của lò.

-Thứ ba, Đức Chúa Trời biết rõ chúng ta sẽ sống được bao lâu “Đức Giê-hô-va biết số ngày kẻ trọn vẹn, và cơ nghiệp người sẽ còn đến đời đời” (c.18).

Ngài có chương trình cho đời sống bạn. Điều này nghe có vẻ rập khuôn khi nói về người Cơ Đốc, nhưng đó là sự thật. Bất cứ lúc nào chúng ta đi du lịch, tôi chắc chắn rằng hướng dẫn viên du lịch biết rõ anh ta đang đi dâu và đang làm gì. Tôi chỉ có thể ngồi ở phía sau và để cho anh ấy lái xe lo liệu mọi thứ. Đó là cách Đức Chúa Trời muốn chúng ta sống. Ngài muốn chúng ta hãy giao phó mọi thứ cho Ngài, bởi vì Ngài biết rõ nhu cầu đời sống chúng ta, sức chịu đựng của chúng ta và điều gì sẽ xảy ra với chúng ta mỗi ngày. Đừng lo lắng, bởi vì sự khó nhọc ngày nào đã đủ cho ngày ấy. Lời Chúa rất tỏ tường “Đời người lâu bao nhiêu, sứ mạng người lâu bấy nhiêu” (Phuc 33:25)


Thật lấy làm yên ủi cho bạn khi bạn biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng biết rõ mọi nhu cầu của bạn một cách tường tận. Ngài biết bạn đang cần gì và bạn có những giới hạn nào trong đời sống. Có phải bạn đang có những nhu cầu cần đáp ứng? Hãy trình dâng chúng cho Chúa. Hãy phó thác cho Ngài để Ngài đáp ứng các nhu cầu ấy cho bạn và hãy từ bỏ việc hướng về phía trước lo lắng. Hãy lưu tâm đến những gì Chúa đang làm cho bạn ngày hôm nay.


5. Vay mượn hay thừa kế? (Thi 37:21-22)

Người ta cho rằng khi mức chi tiêu của bạn vượt quá mức thu nhập của bạn hiện có thì chắc chắn tài chánh của bạn sẽ bị khánh kiệt. Có lẽ Đa-vít cũng có ý tưởng như thế khi ông viết ra đoạn Thi-thiên này. Ông đang đề cập đến hai thái độ khác nhau đối với cuộc sống. Đó là: Tôi có thể cho bao nhiêu? Và tôi có thể nhận bao nhiêu?


Chẳng có gì sai trái cả đối với một món nợ chính đáng hoặc một món tiền vay. Thực tế, Đức Chúa Giê-xu đã từng dùng ẩn dụ về những nén bạc và những ta lâng để nói đến việc gởi tiền vào nhà băng và việc đầu tư tiền bạc, việc thâu nhận lợi tức. Tuy nhiên, những câu Thánh Kinh trong đoạn Thi-thiên này muốn nói rằng kẻ ác thường trải qua đời sống dựa dẫm vào người khác bằng việc vay mượn.

Ho vay mượn niềm vui và sức lực của người khác. Còn người tin nhận Chúa thì thường trải qua đời sống thừa kế: “Vì người mà Đức Chúa Trời ban phước cho sẽ nhận được đất” (c.22). Vì chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, nên chúng ta được dự phần trong chúc thư về quyền thừa kế của Ngài. Ngài đã ghi tên chúng ta vào chúc thư giao ước đời đời của Ngài. Đức Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá để kiểm nhận, chứng thực cho chúc thư của Ngài. Giờ đây, chúng ta đang sống nhờ vào sự thừa kế đó.


Có phải bạn đang sống đời sống vay mượn? Bạn phải vay mượn hạnh phúc, sự khôn ngoan và niềm vui phải không? Hay là bạn đang sống đời sống thừa kế nhận lãnh nguồn sống tâm linh tuyệt diệu từ Đức Chúa Giê-xu Christ? Kẻ ác thường sống đời sống cứ mãi lo nghĩ đến việc thâu trữ, còn dân sự Đức Chúa Trời thì thường sống đời sống luôn nghĩ đến việc ban cho, nghĩ đến việc chia sẻ và bày tỏ lòng thương xót với người khác.


Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho chúng ta. Chúng ta được thừa kế mọi thứ là nhờ bởi Con Trai của Ngài. Ngày hôm nay, đừng sợ hãi và cũng đừng hoảng hốt những điều bạn đang đối diện. Chúa sắm sẵn mọi thứ cho nhu cầu của bạn để bạn sống đời sống đắc thắng, thánh khiết và hạnh phúc. Đừng sống đời sống vay mượn. Hãy theo đuổi gia tài của Chúa.


Trong Chúa Giê-xu Christ, bạn có đầy đủ mọi thứ bạn cần.Ngài ban cho bạn một gia tài về tâm linh mà bạn có thể thừa hưởng, nhận lãnh. Bạn không cần phải sống dựa dẫm vào người khác để có được nhiều của cải tâm linh cho mình. Thay vì làm như vậy, bạn hãy trông cậy vào Chúa một cách tiên quyết để có được sức lực và của cải cho mình.


6. Bước đi và dừng lại (Thi 37:23-24)

Tôi thích những câu Kinh Thánh này (Thi 37:23,24)bởi vì chúng chỉ chúng ta thấy ba sự bảo đảm hấp dẫn khi chúng ta đồng hành với Chúa mỗi ngày.

-Thứ nhất, Đức Chúa Trời dẫn dắt chúng ta đi trên con đường tốt nhất. Bước đi của người đàn ông đàng hoàng và của người phụ nữ tử tế đã được Đức Giê-hô-va đếm cả. Đa-vít không bàn đến số phận hoặc cơ may. Ông không bảo rằng cuộc sống là một cỗ máy cứng nhắc.

Nhưng ông nói: “Cha bạn ở trên thiên đàng đoái xem bạn. Ngài có chương trình mỗi ngày thật tuyệt diệu cho bạn. Có thể bạn không hiểu hết chương trình của Ngài, nhưng mọi sự đều nằm trong tay Ngài”. Ro 8:28 dạy chúng ta: “Vả chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời”.

-Thứ hai, Đức Chúa Trời lấy làm đẹp lòng ở chúng ta khi chúng ta vâng lời Ngài.

Tương tự những người cha ở thế gian này lấy làm vui lòng khi con cái họ vâng lời họ, thì Cha ở thiên đàng cũng lấy làm đẹp lòng khi chúng ta vâng lời Ngài: “Này là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Mat 3:17). Đó là điều Đức Chúa Cha nói về Chúa Con, và tôi muốn Ngài cũng nói như vậy về tôi cuối mỗi một ngày, tôi muốn mình có thể chạy đến với Cha và nghe Ngài bảo: “Bữa nay con rất ngoan, con đã làm đẹp lòng Cha”

-Thứ ba, Đức Chúa Trời vốn giúp chúng ta khi chúng ta sa ngã. “Ngài bổ lại linh hồn tôi” (Thi 23:3).

Ngài nâng đỡ chúng ta, vì vậy, chúng ta không sợ hãi những vấp ngã trên đường đời. Đôi lúc chúng ta vấp ngã, nhưng những bước chân của chúng ta đã được Đức Chúa Trời đếm cả rồi. Ngài quan sát bước đi của chúng ta. Ngài biết bạn sẽ vấp ngã vào lúc nào và Ngài có mặt ngay lúc ấy kịp đỡ bạn đứng lên và giúp bạn bước đi tiếp. Hãy ở gần Ngài, vì Ngài luôn chỉ dẫn và canh gác lối đi cho bạn.


Đức Chúa Trời hứa sẽ dẫn dắt bạn suốt cuộc đời bạn, Ngài bảo đảm với bạn rằng bạn có thể trông cậy Ngài mỗi ngày. Hãy can đảm lên vì biết rằng cuộc đời bạn không phải theo số phận hay là cơ may. Có phải Đức Chúa Trời sẽ lấy làm đẹp lòng về bạn là đứa con biết vâng lời? Hãy nhớ Cha bạn luôn sẵn sàng dẫn dắt và bảo vệ bạn.


7. Bạn có tin điều đó không? (Thi 37:25-29)

Hiện nay, chúng ta thấy và nghe quá nhiều kiểu phát biểu của những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực quảng cáo. Thành thực mà nói, tôi không tin tưởng lắm vào những gì họ nói. Các cầu thủ bóng đá thì biết gì về vỏ xe hơi? Còn các nam nữ diễn viên thì hiểu gì về máy vi tính? Chúng ta biết họ tham gia quảng cáo chẳng qua là họ muốn cho thuê danh tiếng của họ để quảng cáo cho sản phẩm mà thôi. Khi chúng ta nghe một lời khen thưởng nào đó, tốt hơn hết chúng ta cần phải tìm hiểu xem ai là người đã làm chứng, làm chứng về cái gì, và liệu có thể tin được hay không.


Chúng ta tìm thấy một lời làm chứng trong câu Thi 25: “Trước tôi trẻ, rày tôi đã già, nhưng chẳng hề thấy người công bình bị bỏ, hay là dòng dõi người đi ăn mày”. Chúng ta hãy hỏi ba câu hỏi. Thứ nhất, ai đã nói điều ấy?Chính là Đa-vít. Hãy nghĩ về Đa-vít lúc ông còn là một mục tử đi chăn chiên.Đa-vít được Đức Chúa Trời ban cho sức mạnh đánh bại sư tử, gấu dữ và đánh thắng tên khổng lồ Gô-li-át. Là một mục tử chăn chiên, Đa-vít đã nhận ra rằng Đức Chúa Trời luôn chăm sóc kẻ thuộc về Ngài. Bây giờ chúng ta hãy nghĩ về Đa-vít khi ông làm một chiến sĩ rồi trở thành một vị vua và ngay cả lúc ông làm một ca sĩ có tài trong dân Y-sơ-ra-ên. Ồ, Đa-vít biết rất rõ những gì ông đang đề cập đến. Đức Chúa Trời đã chăm sóc ông trong từng giai đoạn của cuộc đời ông. Ngay cả khi phạm tội, Đa-vít vẫn nhìn thấy Đức Chúa Trời lo liệu cho ông.

-Thứ hai, Đa-vít đã nói gì? Ông nói: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy Đức Chúa Trời lìa bỏ những ai thuộc về Ngài”. Ông không nói rằng: “Tôi chưa bao giờ thấy người công bình gặp phải gian truân. Tôi chưa bao giờ thấy dân sự của Đức Chúa Trời đau khổ hay gặp tai họa”. Đa-vít là người đã từng trải đau buồn, tai họa, nước mắt và thử thách.

Ý ông muốn nói như thế này: “Tôi chưa bao giờ thấy một ai trong số con cái Đức Chúa Trời bị Ngài bỏ rơi”. Đức Chúa Trời là Đấng luôn luôn thành tín. Chúng ta không phải lo sợ mình trẻ hay là già bởi vì Ngài luôn ở với chúng ta.

-Thứ ba, chúng ta có thể đòi hỏi điều ấy cho chính chúng ta không? Có, chúng ta có thể. Chúa Giê-xu phán: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”. Ngài cũng phán rằng “Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Mat 28:20). Bạn có thể tin cậy Lời Ngài.


Đức Chúa Trời luôn thành tín với dân sự Ngài. Lịch sử tuyển dân Y-sơ-ra-ên đã chứng thực cho sự thành tín của Ngài. Một lời hứa vĩ đại dành cho bạn chính là: Ngài sẽ không bao giờ lìa bỏ bạn. Bạn có thể trông đợi Ngài về việc Ngài sẽ giữ lời hứa. Bạn đã tìm cầu các lời hứa trong Thánh Kinh và được kinh nghiệm sự thành tín của Ngài bao giờ chưa?


8. Hãy nói “a...a...” (Thi 37:30-34)

Đi khám bệnh định kỳ để kiểm tra một sự bất ổn nào đó của sức khoẻ là một việc cần thiết. Cũng vậy, Đức Chúa Trời thường quan tâm đến chúng ta và Ngài muốn kiểm tra đời sống tâm linh chúng ta. Bác sĩ của tôi bảo tôi “Bạn hãy há miệng rồi lè lưỡi ra”. Sau đó, ông lắng nghe nhịp tim tôi. Thậm chí, ông còn quan sát cả bàn chân tôi. Và bây giờ, trong đoạn Thánh Kinh này, Đa-vít đang ngụ ý đến một cuộc kiểm tra tương tự như vậy.


Đức Chúa Trời lưu tâm đến môi miệng bạn: “Miệng người công bình xưng điều khôn ngoan. Và lưỡi người nói sự chánh trực” (c.30). Bạn sẽ nói về điều gì nếu như Đức Chúa Trời bảo bạn: “Con hãy hả miệng rồi lè lưỡi ra”. Ngài sẽ phát hiện ra điều gì nơi bạn? Tôi hy vọng Ngài sẽ không tìm thấy những lời nói dối trá hoặc dơ bẩn ô uế từ nơi bạn.

Chỉ bằng việc kiểm tra lưỡi bạn, một bác sĩ có thể phát hiện ra căn bệnh nào đó của bạn thì thật là điều đáng ngạc nhiên. Chúng ta cũng rất lấy làm kinh ngạc về những gì Đức Chúa Trời khám phá ra ở chúng ta và về những gì chúng ta có thể phát hiện ra ở chính con người chúng ta! Vì vậy, Lời Chúa rất cần ở trên môi miệng chúng ta luôn.


Đức Chúa Trời quan tâm đến tấm lòng của bạn: “Luật pháp Đức Chúa Trời người ở trong lòng người” (c.31). Khi Đức Chúa Trời lắng nghe tiếng lòng bạn, thì Ngài có nghe được Lời Ngài không? Nếu luật pháp của Đức Chúa Trời ở trong lòng bạn, thì Ngài có thể hành động qua bạn, trong bạn và vì cớ bạn. “Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” (Thi 1:2). Lòng bạn chứa đựng điều gì thì môi miệng bạn sẽ nói ra điều đó. Nếu lẽ thật của Đức Chúa Trời ở trong lòng bạn, thì Lời Ngài sẽ luôn ở trên môi miệng bạn.


Đức Chúa Trời còn để ý đến bước chân của bạn: “Bước người không hề xiêu tó” (c.31).

Người công bình sẽ không bước đi xiêu vẹo. Người đi trên con đường ngay thẳng bởi vì lòng người tràn ngập lẽ thật của Đức Chúa Trời. Người không lấy làm hổ thẹn khi nói về lẽ thật ấy bằng chính môi miệng mình. Người làm một chứng nhân cho Đức Chúa Trời.


Việc lưu tâm, xem xét tấm lòng mình là việc quan trọng nhất mà chúng ta nên làm. “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi ấy mà ra” (Ch 4:23). Nếu lòng bạn ngay thẳng trước mặt Chúa thì môi miệng và bước chân bạn sẽ được Ngài đại dụng theo ý muốn Ngài.


Thời gian gần đây, bạn có kiểm tra đời sống tâm linh mình chưa? Bạn có thể giữ gìn sức khoẻ mình bằng cách luôn giữ Lời Chúa trong lòng bạn. Rồi lẽ thật đó sẽ lan toả đến các bộ phận khác của cơ thể bạn. Bạn có dùng môi miệng, bước chân và tấm lòng mình làm vinh hiển Đức Chúa Trời chưa?


9. Nền tảng của bạn (Thi 37: 35-40)

Khi kết thúc Thi 37:1-40. Đa-vít đã mô tả hai loại người khác nhau và điều gì sẽ xảy ra với họ.

-Thứ nhất, ông mô tả loại người có thế lực. “Tôi từng thấy kẻ ác có thế lực lớn, trải ra như cây xanh tươi mọc nơi cố thổ. Song, có người đi qua, kìa, hắn chẳng còn nữa. Tôi tìm hắn, nhưng không gặp” (c.35, 36). Loại người có thế lực bám gốc rễ căn nguyên vào thế gian này. Họ giống như cây xanh trông có vẻ thạnh mậu và vững chắc. Một ngày nào đó, cơn bão chợt ập đến thổi trốc cây lên, sau đó cây bị chặt ra từng khúc đem đốt và cuối cùng bị tiêu huỷ. Bộ phận quan trọng nhất của cây chính là rễ của nó.

Nếu bạn bám rễ vào thế gian này, bạn sẽ không được an ninh vì mọi thứ ở thế gian đều tạm bợ. Nhưng nếu bạn bám rễ vào Đức Chúa Giê-xu Christ, bạn sẽ có một đời sống bền lâu, vĩnh cửu. Đừng ganh tỵ với loại người có thế lực hoặc những người có tên tuổi nổi như cồn ở hải ngoại. Đừng lo lắng về những gì xảy ra với họ.Đức Chúa Trời nói cho chúng ta biết điều sẽ xảy ra với họ là: Họ sẽ không tồn tại. Nhưng: “ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (IGi 2:17). Đó là lý do tại sao ngày hôm nay chúng ta phải sống cho Chúa là điều quan trọng.

-Thứ hai, Đa-vít mô tả loại người trọn vẹn: “Hãy chăm chú người trọn vẹn, và nhìn xem người ngay thẳng, vì tương lai họ là sự bình an” (c.37). Tương lai của người có thế lực là sự huỷ diệt. Còn tương lai của người trọn vẹn là sự bình an. Từ “trọn vẹn” không có nghĩa là “vô tội”. Không ai là không có tội cả. Ở đây, Đa-vít muốn đề cập đến loại người ngay thẳng thành thật, trung tín, là những người đang thực hành Lời Chúa trong Phúc Âm Mat 6:33 “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”.


Khi chúng ta sống trọn vẹn trước mặt Đấng Christ, luôn đẹp lòng Đấng yêu dấu, thì chúng ta sẽ được sự bình an, sức lực mạnh mẽ và nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. “Đức Giê-hô-va giúp đỡ và giải cứu chọ. Ngàigiải họ khỏi kẻ ác và cứu rỗi cho, bởi vì họ đã nương náu mình nơi Ngài!” (c.40). Ngày hôm nay, bạn chớ bước đi bằng mắt thấy, chỉ nhìn vào những cây xanh tự nhiên. Hãy bước đi bằng đức tin, sống trọn vẹn trong Chúa. Ngài sẽ ban phước cho bạn.


Bộ phận gốc rễ tâm linh của chúng ta rất quan trọng đối với đời sống thuộc linh trưởng thành của chúng ta. Nơi bạn bám rễ vào sẽ quyết định nguồn sống nào mà bạn sẽ tiếp nhận. Bạn đang bám rễ vào thế gian hay vào Chúa Giê-xu Christ? Bạn đang sống bởi đức tin hay bởi mắt thấy? Hãy tin cậy vào nguồn sống mà bạn đã nhận từ Chúa Giê-xu Christ và trưởng thành trong ân điển của Ngài.




38. THI-THIÊN (Thi 38:1-22)


1. Hãy nói “Không”! (Thi 38:1-8)

Không ai có thể phủ nhận sự tồn tại của thú vui tội lỗi. Nếu không có thú vui tội lỗi thì sẽ chẳng có ai bị sa ngã vào vòng cám dỗ. Thánh Kinh đề cập đến các thú vui tội lỗi qua một vụ mùa. Đó là vụ mùa gì vậy? Vụ mùa gieo trồng. Thú vui tội lỗi xuất hiện khi chúng ta gieo ra, nhưng sự đau đớn đến lại vào lúc chúng ta gặt hái.

Đây là lý do tại sao Đa-vít đã phát họa lên một bức tranh sống động như thế trong Thi 38 về những gì chúng ta phải chịu đựng khi chúng ta phạm tội: “Đức Giê-hô-va ôi! Xin chớ nổi thạnh nộ mà quở trách con, cũng đừng nóng giận mà sửa phạt con” (c.1). Ông tiếp tục nói rằng các mũi tên của Đức Chúa Trời đang cắm vào người ông và tay Ngài đang đè nặng trên ông. Tất cả xương cốt ông đau đớn rã rời. Mọi sự gian ác của ông đã lướt qua đầu ông khiến ông như thể đang sắp chết đuối trong một biển tội: “Các vết thương tôi thối tha và chảy lở”. Đa-vít còn nói rằng: “Tại cớ khờ dại tôi… Tôi bị đau đớn và khòm cúp xuống, trọn ngày tôi đi buồn thảm” (c.5,6).


Tại sao Đức Chúa Trời đưa bức tranh này vào trong Thánh Kinh? Tại sao Đa-vít lại đem so sánh hậu quả tội lỗi với tình trạng một con người bị các mũi tên gắm vào thịt, bị bàn tay của Đức Chúa Trời đè nặng, bị bệnh tật, phải mang lấy một gánh nặng ê chề, như đang sắp chết đuối, bị nghẹt thở và không có bình an? Tại vì Đức Chúa Trời muốn chúng ta ghét tội lỗi. Nếu không vì lý do khác nữa, thì có lẽ hậu quả tội lỗi sẽ cảnh tỉnh chúng ta hãy đề phòng với sự phạm tội.

Lần khác, nếu bạn bị cám dỗ, thì hãy lướt mắt mình ngang qua thú vui cám dỗ đến sự đau đớn và học cách trả lời là: “không!” Hãy ghi nhớ những gì Đa-vít đã nói trong Thi Thiên này. Bạn bảo rằng: “Tôi chỉ là một Cơ-đốc nhân. Tôi có thể phạm tội lắm chứ!” Không, bạn không được phạm tội bởi vì nếu bạn phạm tội, bạn sẽ phải gặt hái lấy những hậu quả y như vậy. Đức Chúa Trời sửa phạt những kẻ thuộc về Ngài, vì Ngài muốn chúng ta bước đi trong sự thánh khiết.


Chúng ta hãy khích lệ người khác cũng biết trả lời: “Không!” Chúng ta hãy sống trong cái cách như thế là cách sống khiến chúng ta không xúi giục người khác phạm tội. Cũng vậy, chúng ta phải có lòng thương xót những người bị sa ngã. Thật đáng buồn biết bao khi phải gặt lấy các hậu quả phạm tội ngay cả tội lỗi đã được tha thứ. Đa-vít biết rõ điều ấy. Vậy, chúng ta hãy nâng đỡ những ai sa ngã và cố gắng giúp họ đứng vững trở lại. Chúng ta càng phải yêu mến Chúa nhiều hơn. Tại sao vậy? Tại vì Ngài đã phải nếm trải tất cả các hậu quả tội lỗi trên thập tự giá vì cớ chúng ta. Ngài phải mang lấy gánh nặng, chịu đựng các mũi tên nhọn. Và Ngài đã làm mọi điều đó để chúng ta có thể được thứ tha.


Đa-vít đã phải chịu đựng đớn đau vô cùng vì cớ tội lỗi mình. Hễ ai phạm tội thì phải gặt lấy những hậu quả của sự phạm tội. Đức Chúa Trời muốn chúng ta ghét tội lỗi vì những gì nó đã gây ra cho chúng ta và đã gây ra cho chính Con Trai Ngài. Nếu bạn đang giấu tội lỗi không chịu xưng nhận ra trong đời sống bạn, thì bây giờ bạn hãy mau xưng nó ra, và cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ. Lần khác, nếu bạn bị cám dỗ phạm tội, thì hãy nhớ đến bức tranh về hậu quả phạm tội của Đa-vít.


2. Đừng bỏ cuộc (Thi 38:9-16)

Cơ-đốc nhân không được phép phạm tội. Nhưng nếu chúng ta lỡ phạm tội thì cũng đừng bỏ cuộc. Đa-vít phạm tội và ông đang phải trả giá cho tội lỗi mình! Ông gieo ra các hạt giống tội lỗi, và bấy giờ ông đang gặt hái một mùa vụ khủng khiếp. Thế nhưng, ông đã không bỏ cuộc.


Chúng ta nên nhớ rằng cho dù bạn bè chúng ta có thể ruồng bỏ chúng ta và cho dù Ma vương có thể tấn công chúng ta, nhưng Đức Chúa Trời vẫn không bao giờ lìa bỏ con cái Ngài. Đa-vít nói: “Các người thương tôi và những bạn tôi đều đứng xa lạ tôi, còn bà con tôi ở cách xa tôi” (c.11).

Có đôi khi, lúc chúng ta bất tuân với Đức Chúa Trời, thì bạn bè thân thiết nhất của chúng ta và bà con thân bằng quyến thuộc của chúng ta thảy đều chẳng giúp được gì cho chúng ta. Lắm lúc, chúng ta cảm thấy xấu hổ khi nói cho họ biết điều gì đã xảy ra. Nhưng, ngay cả khi họ biết được rồi thường thì họ lẫn tránh chúng ta.


Và khi chúng ta phạm tội, ma quỷ muốn đánh gục chúng ta. Nó luôn chực chờ cơ hội. “Những kẻ tìm giết mạng sống tôi gài bẫy tôi” (c.12). Chắc bạn nghĩ rằng sau khi chúng ta đầu hàng sự cám dỗ, ma quỷ sẽ bỏ chúng ta lại một mình. Không, nó biết rằng chúng ta bị yếu đuối và thất vọng, nên nó càng gài nhiều bẫy rập hơn để hại chúng ta.


Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng nhìn thấy lòng dạ con người. “Chúa ôi! Các sự ao ước con đều ở trước mặt Chúa. Sự rên siết con chẳng giấu Chúa” (c.9). Ngài còn lắng nghe lời van nài của bạn. “Vì Đức Giê-hô-va ôi! Con để lòng trông cậy nơi Ngài. Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời con. Chúa sẽ đáp lại” (c.15). Đức Chúa Trời sẽ nghe những gì? Ngài sẽ nghe lời cầu nguyện xưng tội, ăn năn của chúng ta.

“Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (IGi 1:9). Đức Chúa Trời có đủ thẩm quyền bắt chúng ta phải gặt những gì chúng ta đã gieo. Nhưng nhờ ân điển và lòng khoan dung của Ngài, chúng ta được Ngài tha thứ và tẩy sạch tội lỗi. Gặt hái hậu quả tội lỗi là một việc. Và chúng ta phải chịu sự phán xét của Ngài vì cớ tội lỗi lại là một việc hoàn toàn khác. Đừng bỏ cuộc nếu bạn lỗi lầm và sa ngã. Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng bạn và lắng nghe tiếng bạn van nài. Ngài sẽ tha thứ và tái tạo bạn.


Mặc dù Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta phải gặt lấy hậu quả tội lỗi mình, nhưng Ngài rất yêu thương chúng ta và mong muốn khôi phục lại mối thông công cho chúng ta. Đừng để Sa-tan cướp đi ân điển mà Đức Chúa Trời dành cho bạn, Ngài luôn tha thứ, tẩy sạch tội lỗi và bôi xoá cho bạn. Có phải bạn đang bị lỗi lầm sa ngã chăng? Hãy xưng tội mình ra và ăn năn với Chúa. Ngài luôn thành tín tha thứ cho bạn.


3. Việc tạo cơ hội cho Sa-tan (Thi 38:17-22)

“Tôi gần sa ngã, nỗi đau đớn vẫn ở trước mặt tôi” (c.17). Đa-vít sắp sửa bỏ cuộc. Ông từng là tay đánh trận cự phách, là chiến sĩ có kỷ luật và là người đã giết chết tên khổng lồ Gô-li-át, vậy mà giờ đây lại là người sắp sửa bỏ cuộc. Ông đã phạm tội chống nghịch Đức Chúa Trời, và ông đang phải chịu đựng đau đớn vì sự phạm tội ấy. Thậm chí bạn bè ông cũng chống nghịch ông. Chúng ta học được một số bài học rút ra từ nhân vật Đa-vít này, để tránh va vấp lại những lỗi lầm của ông.


Bài học thứ nhất: Đừng bỏ cuộc.

Sa-tan rất quỷ quyệt và độc ác. Khi nó đang cám dỗ bạn thì nó rỉ tai bạn: “Ngươi sẽ thành công việc này”.

Thế rồi, sau khi bạn phạm tội, nó lại chế nhạo bạn. “Ngươi chẳng bao giờ thành công đâu! Tiêu đời ngươi rồi!”. Sa-tan muốn chúng ta bỏ cuộc, nhưng nếu chúng ta bỏ cuộc thật, thì có nghĩa là chúng ta đang tạo cơ hội cho nó. Đồng thời, chúng ta đang phủ nhận việc Đức Chúa Trời có thể giúp đỡ chúng ta và chúng ta cũng quên rằng chúng ta thuộc về Ngài.


Đã có người cha nào ở trần gian này lìa bỏ con mình khi nó té ngã chăng? Thay vì làm thế, người cha ấy đã đến gần nó bằng tình yêu thương, đỡ nó đứng dậy, an ủi nó, chữa trị vết thương cho nó và giúp nó bước đi trở lại. Nếu bạn phạm tội, thì cũng đừng nhượng bộ tình cảm của mình, đừng nhìn những người xung quanh và chớ lắng nghe tiếng ma quỉ.


Bài học thứ hai: Hãy xưng tội lỗi mình ra. “Vì tôi sẽ xưng gian ác tôi ra, tôi buồn rầu vì tội lỗi tôi” (c.18). Đa-vít đã không nói: “Tôi buồn rầu vì tôi phải đang chịu đựng đau đớn do tội lỗi tôi gây ra”, hoặc: “Tôi buồn rầu vì những hậu quả phạm tội của tôi”. Nhưng ông nói thế này: “Tôi buồn rầu vì tôi đã phạm tội”.


Bài học thứ ba: Hãy tin cậy nơi Đức Chúa Trời. “Đức Giê-hô-va ơi! Xin chớ lìa bỏ con, Đức Chúa Trời con ôi! Xin chớ cách xa con. Chúa ôi! Chúa là sự cứu rỗi con, hãy mau mau đến tiếp trợ con” (c.21,22). Đức Chúa Trời sẽ không lìa bỏ bạn. Ngài không thể lìa bỏ bạn Ngài đang làm chủ bạn, Ngài đã chuộc mua bạn, Ngài đã tạo dựng nên bạn và Ngài luôn ở trong bạn. Hãy để Ngài đến gần bạn và tái tạo bạn.


Sau khi sa vào tội lỗi, có thể bạn sẽ bị tấn công từ cả hai phía: tình cảm của chính bạn và ma quỉ. Bạn cần phải có lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời, không nhượng bộ tình cảm mình và đừng lắng nghe ma quỉ. Thay vì thế, bạn hãy xưng tội mình ra với Cha yêu thương, tin cậy Ngài để Ngài khôi phục lại mối thông công giữa bạn với Ngài.



39. THI-THIÊN (Thi 39:1-13)


1. Đừng chỉ biện hộ mà thôi (Thi 39:1-6)

“Tôi câm, không lời nói, đến đỗi lời lành cũng không ra khỏi miệng” (c.2). Thường thường, Đa-vít hay hát xướng, ban hành một mệnh lệnh nào đó hoặc lấy làm vui mừng trong Đức Giê-hô-va. Giờ đây, ông trở nên câm lặng. Tại sao thế? Tại vì Đức Chúa Trời quở mắng ông về tội lỗi ông đã phạm, và ông biết rằng ông nên giữ yên lặng tốt hơn là đi tranh luận với Ngài. Đôi khi, ngay lúc phạm tội, chúng ta chỉ muốn tranh luận mà thôi. Chúng ta nói lời xin lỗi thay vì xưng tội lỗi mình ra. Chúng ta đưa ra nhiều lý do biện hộ cho việc không thoát được sự cám dỗ. Nhưng Đa-vít đã không làm như vậy. Ông giữ im lặng.


Tuy nhiên, khi Đa-vít đang ngẫm nghĩ, thì có điều gì đó khuấy động trong lòng ông: “Lòng tôi nóng nảy trong mình tôi, đương khi tôi suy gẫm, lửa cháy lên. Bấy giờ lưỡi tôi nói: Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho con biết kết cuộc con ra sao, và số các ngày con là thế nào. Xin cho con biết mình mỏng manh là bao. Kìa, Chúa khiến ngày giờ con dài bằng bàn tay, và đời con như không trước mặt Chúa. Phải, mỗi người dầu đứng vững chỉ là hư không” (c.3-5). Khi Đa-vít suy tư, ngẫm nghĩ như vậy, ông học được hai bài học.

-Thứ nhất, ông học về sự ngắn ngủi của cuộc sống.

Câu 6 ghi: “Quả thật mỗi người bước đi khác nào như cái bóng; ai nấy đều rối động luống công”. Điều này có nghĩa là người ta lấy làm băn khoăn lo lắng một cách vô ích, họ chỉ bước đi bằng hình thức bề ngoài mà thôi. Đa-vít nói: “Tôi không biết sự giả hình này rồi sẽ được kéo dài bao lâu nữa đây. Đời sống tôi chỉ như hơi thở ngắn ngủi”. Sự ngắn ngủi của cuộc sống cảnh tỉnh chúng ta không nên phung phí cuộc đời mình vào việc phạm tội.

-Thứ hai, Đa-vít học về sự mong manh của mạng sống con người. “Xin cho con biết mình mỏng mảnh là bao” (c.4).

Ông đang bảo chúng ta rằng: “Sự quan trọng không phải ở chiều dài mà là ở chiều sâu của cuộc sống”. Chúng ta mạnh mẽ bao nhiêu đi chăng nữa mà chỉ dựa vào sức chúng ta chứ không dựa vào sức Chúa thì sự mạnh mẽ ấy cũng chẳng có ý nghĩa quan trọng gì cả. Điều quan trọng chính là chúng ta cần phải đầu tư đời sống mình cho những gì còn lại đời đời.


Đừng tranh luận với Đức Chúa Trời. Cũng đừng đến với Ngài chỉ bằng lời xin lỗi mà thôi. Thay vào đó, bạn hãy đến thưa với Ngài: “Lạy Chúa, xin khiến đời sống con trở nên có giá trị cho Ngài”.


Đời sống thật là ngắn ngủi, vậy thì tại sao con người lại đem thì giờ quý báu của mình hi sinh cho việc phạm tội và cho sức mạnh huỷ diệt của nó? Hãy đầu tư đời sống bạn vào cơ nghiệp còn lại đời đời của Đức Chúa Trời. Hãy nhận lãnh sức lực mỗi ngày từ Ngài. Nếu bạn phạm tội, thì mau xưng tội ra ngay và trở lại đầu tư đời sống bạn cho sự vinh hiển Đức Chúa Trời.


2. Niềm hy vọng sống (Thi 39:7-13)

Đa-vít hỏi: “Hỡi Chúa! Bây giờ con trông đợi gì? Sự trông cậy con ở nơi Chúa” (c.7). Đó là một câu hỏi hay. Bạn đang trông đợi gì vậy? Và bạn làm thế nào để đảm bảo rằng điều bạn đang trông đợi đã sắp sửa đến với bạn?


Đa-vít bảo niềm hy vọng của ông đặt nơi Đức Giê-hô-va. Từ “hy vọng” mà Thánh Kinh đề cập mang ý nghĩa là một sự chắc chắn trong tương lai. Đó chính là sự hình thành đức tin một cách chắn chắn. Đức tin, hy vọng và tình yêu thương phải luôn đi với nhau (ICo 13:1-13).

Khi chúng ta đặt đức tin nơi Chúa chúng ta có quyền đòi hỏi các lời hứa của Ngài, và các lời hứa ấy sẽ đem đến cho bạn niềm hy vọng tương lai. Niềm hy vọng của một Cơ-đốc nhân không phải là một cảm xúc, chẳng hạn như là “Tôi hy vọng điều đó sẽ xảy ra”. Nó là một sự trông đợi lý thú bởi vì Chúa điều khiển tể trị tương lai. Khi Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Rỗi và cũng là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của bạn thì tương lai sẽ trở thành người bạn của bạn. Bạn không phải lo sợ nữa.


Tại sao niềm hy vọng này lại quá quan trọng như thế? Khi chúng ta mất hy vọng, chúng ta mất niềm vui ở hiện tại vì chúng ta không còn sự đảm bảo cho tương lai. Tôi đã từng chứng kiến cái cảnh ở bệnh viện khi một bác sĩ giải phẫu bước vào phòng bảo cho những người thân yêu của một bệnh nhân nọ biết rằng: “Tôi lấy làm tiếc, chúng tôi đã cố hết sức mình. Tuy nhiên, chẳng còn hy vọng gì nữa”. Cả căn phòng tràn ngập sự đau buồn. Chúng ta sống nhờ vào hy vọng. Nó lưu xuất sự sống trong lòng người. Và thậm chí nó còn hơn cả niềm xúc cảm lắng đọng bên trong con người. Nó chính là sự bảo đảm cho việc Đức Chúa Trời luôn luôn tể trị đời sống chúng ta, vì vậy chúng ta không có gì phải lo sợ cả.


Chúng ta đặt niềm hy vọng của mình trên nền tảng nào? Trên nền tảng là phẩm hạnh của Đức Chúa Trời. Chúng ta được sinh lại để bước vào niềm hy vọng sống (IPhi 1:3). Chẳng phải là một niềm hy vọng chết, thối rữa và bị tan ra từng mảnh mà là niềm hy vọng sống đang bám rễ sâu hơn vào nền tảng trên, đem lại nhiều bông trái ngọt ngào hơn. Ngày hôm nay, bạn sẽ có niềm vui, sự bảo đảm, sự khích lệ và sự phấn khởi nếu như bạn nhớ rằng bạn đang có một niềm hy vọng sống.


Niềm hy vọng tương lai của bạn được đặt trên các lời hứa trong Kinh Thánh. Bạn có sự đảm bảo trong tương lai của mình không? Bạn hãy kể ra những gì Đức Chúa Trời đã làm cho bạn trong suốt năm qua. Chẳng hạn như là: những lời cầu nguyện được nhậm, các nhu cầu được đáp ứng và những phước khác. Đức Chúa Trời rất thành tín trong việc giữ lời hứa Ngài trong quá khứ cũng sẽ ban cho bạn niềm hy vọng cho tương lai chắc chắn.



40. THI-THIÊN (Thi 40:1-17)


1. Từ vũng bùn đến ban hát lễ (Thi 40:1-3)

Khi chúng ta trông đợi Chúa và tiếp tục trông đợi Ngài thì chẳng phải chúng ta rảnh rỗi đâu. Trong Thi-thiên này, Đa-vít kêu nài Giê-hô-va Đức Chúa Trời và cầu xin Ngài giúp đỡ: “Ngài cũng đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm, Ngài đặt chân tôi trên hòn đá, và làm cho bước tôi vững bền” (c.2). Tiếp tục trông đợi Đức Giê-hô-va thật chẳng bỏ công vì cớ những gì Ngài sắp sửa làm cho chúng ta. Đó chẳng phải là sự vô công rồi nghề, mà cũng chẳng phải là sự tự mãn. Thay vì vậy, sự trông đợi lại là công việc thiêng liêng mong mỏi Đức Chúa Trời hành động. Và Ngài không bao giờ để chúng ta thất vọng.


Nói một cách tượng trưng, Đa-vít đã rơi xuống một cái hầm gớm ghê. Ông đang bị ngập ngụa trong vũng bùn. Nhưng, ông vẫn tiếp tục trông đợi Đức Giê-hô-va. Và Ngài không chỉ kéo ông lên khỏi hầm mà còn đặt để ông trên hòn đá và làm cho ông đứng lên vững vàng. Ngài phán: “Hỡi Đa-vít, ta sẽ đem con ra khỏi vũng bùn nhơ nhớp và xếp con vào trong ban hát lễ”. “Ngài để môi miệng tôi một bài hát mới, tức là sự ngợi khen Đức Chúa Trời chúng tôi” (c.3).


Bạn có đang tiếp tục chờ đợi Chúa không? Bạn có đang cầu xin điều gì đó và hỏi Ngài: “Chúa ôi! Khi nào Ngài sẽ làm điều này? Khi nào Ngài sẽ hành động?” Hãy nhớ, sẽ có một ngày, sự cầu xin của bạn sẽ hoá thành sự hát xướng ngợi khen. Sự chìm xuống của bạn sẽ trở thành sự đứng lên. Sự sợ hãi của bạn sẽ biến thành sự an ninh, bình an khi Ngài đặt để bạn trên vầng đá. Chỉ cần tiếp tục trông đợi Chúa. Ngài là Đấng rất kiên nhẫn đối với bạn. Vậy, tại sao bạn lại không nhẫn nhục đối với Ngài và để Ngài hành động vào đúng thời điểm của Ngài.


Việc trông đợi sự giúp đỡ của Chúa đôi khi đẩy bạn đến với các giới hạn. Nhưng hãy lấy làm yên ủi cho bạn khi bạn biết rằng trong khi bạn đang tiếp tục trông đợi Ngài, thì Ngài thực hiện mục đích của Ngài trên đời sống bạn.


Có phải bạn đang ở hoàn cảnh khó khăn và đang trông đợi Chúa làm điều gì đó cho bạn? Hãy trao gánh nặng cho Chúa và phó thác cho Ngài hành động, Ngài sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng khi bạn tiếp tục trông đợi Ngài.


2. Một cái nhìn mới (Thi 40:4-5)

Khi chúng ta đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, chúng ta nhận lãnh được những ơn phước nào?

-Thứ nhất, chúng ta bắt đầu nhìn thấy được cuộc sống theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, hãy xem câu Thi 4: “Phước cho người nào để lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, chẳng nể vì kẻ kiêu ngạo hoặc kẻ xây theo sự dối trá”.

Khi chúng ta bước đi bằng đức tin, Chúa sẽ ban cho chúng ta sự sáng suốt, tinh tường. Chúng ta sẽ nhìn thấy thế giới thật rõ ràng hơn. Nhưng đó chẳng phải là tất cả.

Chúng ta cũng bắt đầu ngưỡng mộ công việc của Đức Chúa Trời. “Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời con, công việc lạ lùng Chúa đã làm” (c.6). Ngài luôn luôn làm việc vì cớ chúng ta. Ro 8:28 là một sự thật. “Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định”.


Câu 5 tiếp tục: “Và những tư tưởng của Chúa hướng cùng chúng con thật là nhiều, không thể sắp đặt trước mặt Chúa. Nếu con muốn truyền các việc ấy ra, và nói đến, thật lấy làm nhiều quá không đếm được”. Chúng ta không chỉ bắt đầu nhìn thấy và ngưỡng mộ công việc Chúa mà vẫn còn bắt đầu vui mừng về Lời Ngài và suy gẫm các ý tưởng Ngài. Khi chúng ta tin cậy Chúa thì Lời Ngài trở nên quý báu đối với chúng ta, bởi vì “đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Ro 5:17).


Đừng tin cậy vào chính mình hoặc vào hoàn cảnh của mình: Hãy tin cậy Chúa.

Khi bạn trao tất cả mọi gánh nặng cho Ngài, bạn sẽ có một cái nhìn mới. Bạn sẽ nhìn thấy cuộc sống theo cách nhìn của Đức Chúa Trời, bạn sẽ ngưỡng mộ công việc Ngài làm, vui mừng về Lời Ngài. Hiện tại, Đức Chúa Trời có phải là Đấng đáng tin cậy của bạn không?


3. Mấu chốt của vấn đề (Thi 40:6-8)

“Hỡi Đức Chúa Trời con, con lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Chúa. Luật pháp Chúa ở trong lòng con” (c.8).

Hãy suy gẫm câu nói này.

Ý muốn của Đức Chúa Trời không phải là những gì chúng ta buộc phải thực hiện. Đó là điều chúng ta đón nhận và lấy làm vui thoả. Ý muốn của Ngài là sự biểu lộ tình yêu thương Ngài. Ngài bày tỏ nhiều điều và thực hiện nhiều việc chẳng phải vì Ngài ghét chúng ta nhưng là vì Ngài yêu thương chúng ta. Chẳng phải lúc nào chúng ta cũng hiểu được ý muốn Ngài. Thậm chí, đôi khi chúng ta còn tưởng rằng Ngài lìa bỏ chúng ta. Nhưng chúng ta hãy yêu mến ý muốn Ngài. Nếu lòng chúng ta ưa thích ý muốn Chúa thì chúng ta sẽ đến gần tấm lòng Ngài.


Lời Chúa tiết lộ ý muốn Ngài.

Khi Lời Chúa ở trong lòng chúng ta, thì ý muốn Ngài cũng sẽ ở trong lòng chúng ta khiến chúng ta vâng lời Ngài một cách toàn tâm toàn ý. Phao-lô ghi nhận điều này trong Eph 6:6 “lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức Chúa Trời”. Nếu chúng ta chỉ theo Chúa bằng lý trí mà thôi thì có thể lắm chúng ta sẽ trở thành những tên đầy tớ ngoan ngoãn, cần cù chỉ lo làm việc theo bổn phận. Hoặc chúng ta sẽ trở thành những đứa con biết vâng lời nhưng chẳng có lòng yêu thương kính mến Cha chúng ta.


Kết quả là: chúng ta được vui thoả trong ý muốn Đức Chúa Trời. Quả thật, mấu chốt của mọi vấn đề chính là tấm lòng.

Bởi vì ý muốn Đức Chúa Trời phát nguyên từ tấm lòng Ngài, cho nên chúng ta có thể đáp lại ý muốn ấy một cách đầy xúc cảm và chan chứa tình yêu. Bạn có kinh nghiệm về ý muốn Đức Chúa Trời chưa? Bạn có lấy làm vui thoả trong ý muốn Chúa không? Hãy đặt luật pháp của Đức Chúa Trời vào lòng bạn để bạn có thể nhận biết được ý muốn Ngài và làm theo ý muốn ấy.


4. Ai đang nghĩ đến bạn vậy? (Thi 40:9-17)

Có một cậu bé hỏi bố nó: “Bố ơi! Đức Chúa Trời thường nghĩ về điều gì thế?” Đây là một câu hỏi rất thâm thuý. Xét cho cùng, nếu Đức Chúa Trời là Đấng biết mọi sự cả trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai – vậy thì Ngài còn phải nghĩ về điều gì nữa? Theo câu 17, thì Đức Chúa Trời đang nghĩ về bạn và tôi. “Còn tôi là khốn cùng và thiếu thốn”, Đa-vít nói: “dầu vậy, Chúa tưởng đến tôi”.


Đức Chúa Trời nghĩ đến chúng ta một cách riêng tư. Ngài không cần phải nghe người khác kể về chúng ta. Ngài cũng chẳng cần phải sai một đoàn thiên sứ đến điều tra các cảm xúc, các nan đề, những nguyên nhân đưa đến các sự thất bại hoặc những nhu cầu của chúng ta. Đức Chúa Trời biết chúng ta một cách riêng tư và Ngài còn biết rõ danh tánh chúng ta nữa.

Tôi luôn được khích lệ khi đọc Thánh Kinh biết rằng Đức Chúa Trời gọi dân sự Ngài bằng chính tên của họ. Ngài biết chúng ta còn rõ hơn cả những bạn bè gần gũi nhất hoặc những người bà con thân thích của chúng ta biết về chúng ta. Ngài biết chúng ta cần gì và điều gì đang quấy rầy chúng ta hiện nay.


Đức Chúa Trời nghĩ đến chúng ta trong sự yêu thương. Ngài không bao giờ có những ý tưởng xấu xa khi nghĩ về chúng ta. Ngài không phải là một cảnh sát đang tìm kiếm bắt chúng ta. Không, Cha chúng ta ở trên thiên đàng luôn nghĩ đến chúng ta trong sự yêu thương, đó cũng là cái cách mà các bậc cha mẹ ở thế gian này vẫn thường có khi họ nghĩ đến con cái mình.


Đức Chúa Trời nghĩ đến chúng ta một cách sâu sắc. Ngài có chương trình hoàn hảo cho đời sống chúng ta. Đa-vít nói: “Đức Giê-hô-va sẽ làm xong việc thuộc về tôi” (Thi 138:8). Ngài cũng sẽ làm như thế trong ngày hôm nay. Chúng ta không nhìn thấy tất cả những mảnh vỡ và chúng đã được sắp xếp lại với nhau vừa vẹn ra sao, nhưng Cha chúng ta đã làm được việc ấy và đó chính là tất cả mọi vấn đề.


 Không có điều gì có thể che được mắt Đức Chúa Trời.

Việc không đi trong ý muốn Chúa có thể trở thành nguyên nhân chính đưa đến những sự kết án và các nỗi sợ hãi. Ngài biết tội lỗi sẽ dẫn chúng ta đi đến đâu. Vì vậy, chúng ta hãy bước đi với Chúa và thưa rằng: “Cha ơi! Con xin tạ ơn Ngài vì Ngài luôn nghĩ đến con. Con cũng sẽ luôn nghĩ đến Ngài”.


Đức Chúa Trời biết bạn rất rõ.

Ngài không chỉ biết tên của bạn mà còn biết cả mọi nhu cầu của bạn nữa. Ngài biết điều gì là tốt nhất đối với bạn và Ngài luôn làm điều tốt cho bạn. Bạn luôn luôn ở trong tâm trí Đức Chúa Trời. Còn Ngài có luôn ở trong tâm trí của bạn không? Hãy quyết tâm hiểu biết Ngài tường tận hơn.




41. BẢN CHẤT CON NGƯỜI BẠN THẾ NÀO? (Thi 41:1-13)


Lần cuối cùng bạn được nghe diễn giả hoặc giáo viên Trường Chúa nhật giảng về tính thanh liêm là vào khi nào vậy? Tôi hy vọng nó mới xảy ra đây thôi, bởi vì tính thanh liêm là một phần quan trọng trong đời sống Cơ-đốc nhân. Để có tính thanh liêm có nghĩa là phải có nhân cách. Tính thanh liêm chân thật đối nghịch với tính dối trá hai lòng. Một người có tính giả trá, hai lòng chính là kẻ giả hình, là kẻ lừa đảo. Tính thanh liêm ngay thật còn có nghĩa là một lòng một dạ hầu việc phục vụ một chủ mà thôi. Nghĩa là nó không bị phân rẽ, không hay thay đổi.


Đa-vít viết: “Nhơn vì sự thanh liêm con, Chúa nâng đỡ con, lập con đứng vững ở trước mặt Chúa đời đời” (c.12). Đức Chúa Trời biết chúng ta qua phẩm hạnh, bản chất bên trong con người của chúng ta. Còn con người thế gian thì xét đoán chúng ta dựa vào hành vi cư xử bề ngoài của chúng ta.

Khi chúng ta lưu tâm đến hành vi cư xử bề ngoài của chúng ta nhiều hơn là lưu tâm đến phẩm hạnh bản chất bên trong thì hành vi cư xử bề ngoài của chúng ta sẽ bắt đầu dẫn đưa chúng ta đi vào con đường lầm lạc. Hành vi cư xử bề ngoài và danh tiếng có mối liên hệ với nhau rất gần, nhưng chẳng có cái nào đảm bảo đem lại một bản chất tốt. Ví dụ, người Pha-ri-si có danh tiếng tốt nhưng bản chất họ lại xấu xa. Đức Chúa Trời nhìn biết chúng ta. Ngài biết chúng ta rất rõ. Ngài phán: “Hãy đặt ta lên hàng đầu trong đời sống con”.


Không những Chúa nhìn thấy chúng ta, mà chúng ta cũng nhìn thấy Ngài. “Lập con đứng vững ở trước mặt Chúa đời đời” (c.12). Điều khiến chúng ta sống thanh liêm ngay thật chính là: biết rõ rằng chúng ta đang bước đi, đang sống, đang suy nghĩ và trò chuyện trước mặt Đức Chúa Trời. Khi chúng ta kính sợ Chúa, chúng ta sẽ không còn phải sợ hãi điều gì nữa. Nếu chúng ta bước đi trong sự thanh liêm ngay thật và lương thiện, nếu chúng ta tránh sự giả trá hai lòng và sự giả hình thì chúng ta có thể đương đầu với bất cứ việc gì.Đa-vít có khả năng đối chọi với tất cả các kẻ thù nghịch ông bởi vì ông sống thanh liêm ngay thật. Ông cầu nguyện rằng: “Xin khiến con một lòng kính sợ danh Ngài” (Thi 56:11). Vì tính thanh liêm ngay thật là đức tính trọn vẹn, nên nó gúp chúng ta có thể cùng chung sống với nhau.


Ngay hôm nay, chúng ta hãy bước đi trong sự thanh liêm ngay thật trước mặt Đức Chúa Trời.

Đừng quá quan tâm đến danh tiếng và hành vi cư xử bề ngoài của mình là điều sẽ khiến bạn thất bại khi bạn cố giữ gìn phẩm hạnh của bạn, bởi vì bạn không thể che giấu Đức Chúa Trời điều gì. Bản chất con người bạn thế nào? Bạn có hết lòng hết ý hầu việc và phục vụ Chúa Giê-xu duy nhất hay không?



42. BẠN ĐANG SỜN LÒNG CHĂNG? (Thi 42:1-11)


Trong Thi 42:1-11, tác giả hỏi hai lần rằng: “Hỡi linh hồn ta, vì sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta”. Có lẽ bạn cũng đã hỏi những câu tương tự như vậy. Tại sao chúng ta lại bỏ ra nhiều giờ, đôi khi còn bỏ ra nhiều ngày, nhiều tuần lễ để buồn chán, ngã lòng và thất vọng? Có đôi lúc chúng ta không mạnh mẽ sung sức nhất. Tôi nghĩ đến tiên tri Ê-li, người đã từng nếm trải gian nguy trên núi Cạt-mên khi ông đánh bại các tiên tri của Ba-anh, và Đức Chúa Trời đã giáng lửa từ trời xuống. Lúc mọi sự đã kết thúc, ông trở nên mệt nhoài. Trạng thái thần kinh ông căng thẳng đến độ suy nhược khiến ông sờn lòng tháo chạy. Ông cần ăn uống và ngủ nghỉ, vì thế Đức Chúa Trời sai thiên sứ mang thức ăn đến cho ông và để ông nghỉ ngơi.


Lắm lúc, sự chán nản của chúng ta lại chính là mưu kế của Sa-tan. Quỷ vương đang phóng nhiều mũi tên vào chúng ta. Và thay vì cầm lấy cái khiên đức tin giương ra chống đỡ, chúng ta lại quỵ xuống không tin cậy Đức Chúa Trời nữa. Những mũi tên phóng này bắt đầu đốt cháy sự chán nản và sự ngã lòng trong đời sống chúng ta. Thỉnh thoảng, sự chán nản của chúng ta xuất phát là sự phạm tội vì cớ tội lỗi không được xưng ra. Nhưng có lúc nó chỉ là nỗi buồn rầu do hoàn cảnh. Có thể ấy là lúc bạn bị mất mát một người thân hoặc một người bạn nào đó chẳng hạn. Lại có khi, chúng ta cảm thấy mình suy sụp, yếu đuối và mọi thứ dường như chấm hết.


Vậy, phương thuốc nào dùng để chữa trị cho tất cả các tình trạng này? “Hãy trông cậy nơi Đức Chúa Trời, ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa, vì nhờ mặt Ngài, bèn được cứu rỗi” (c.5). Bạn sẽ có một tương lai đảm bảo trong Đức Chúa Giê-xu Christ. Nhưng điều tốt nhất vẫn chưa đến. Hãy hy vọng nơi Đức Chúa Trời và khởi sự ngợi khen Ngài. Tác giả Thi-thiên nói: “Ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa”.

Nhưng, đừng trì hoãn! Hãy mau khởi sự ngợi khen Ngài ngay bây giờ. Tôi đã khám phá ra rằng khi tôi mất can đảm, ngã lòng thì điều tốt nhất tôi phải làm lúc ấy là ngợi khen Chúa ngay. Sự ngợi khen là phương thuốc công hiệu nhất để chữa lành cõi lòng tan nát đau thương. Tác giả Thi-thiên ngợi khen Đức Giê-hô-va vì “nhờ mặt Ngài, bèn được cứu rỗi”. Cho dù bạn cảm thấy như thế nào hoặc hoàn cảnh nào đến với bạn, nếu như bạn tìm kiếm mặt Đức Chúa Trời rồi bạn sẽ nhận thấy rằng Ngài đang mĩm cười với bạn.


Bạn đối phó với sự sờn lòng bằng cách nào? Nếu sự sờn lòng nao núng ấy xuất phát từ sự phạm tội do tội lỗi không được xưng ra, thì chắc chắn bạn cần phải ăn năn và cầu xin sự tha thứ. Nói chung, phương thuốc chữa trị sự sờn lòng thất chí chính là hãy hy vọng nơi Đức Chúa Trời và ngợi khen Ngài. Bạn đặt hy vọng nơi Chúa là một việc làm hết sức căn bản vì Ngài luôn luôn thành tín đối với Lời Ngài.

Bạn đang ngã lòng chăng? Có thể bạn không có đủ khả năng thay đổi hoàn cảnh mình nhưng bạn có thể ngợi khen Đức Chúa Trời.



43. THI-THIÊN (Thi 43:1-5))


1. Dẫn dắt và bảo vệ (Thi 43:1-5)

Tất cả chúng ta đều có nhiều lúc cảm thấy rằng dường như Đức Chúa Trời đã lìa bỏ chúng ta, ma quỉ như thể đang chiến thắng còn chúng ta thì đang thất bại. Nhưng những lúc như thế thì tác giả Thi Thiên lại cầu nguyện: “Cầu Chúa phát ánh sáng và sự chơn thật của Chúa ra” (c.3). Những lời này nói lên rằng Đa-vít rất khát khao muốn biết và thực hiện ý muốn Đức Chúa Trời. Ông chẳng có chút thời gian thảnh thơi.


Tôi thích những từ ánh sáng và sự chân thật.

Chúng ta hiện đang sống trong thế gian đầy dẫy đen tối về tâm linh và suy đồi về đạo đức luân lý. “Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng” (Gi 3:20). Thế gian chúng ta đang sống không chỉ đắm chìm trong sự tối tăm mà còn ngập ngụa trong sự giả trá, lừa dối. Người ta ưa thích và tin vào những lời nói dối.

Mark Twain từng nói rằng lời nói dối thường chạy quanh thế giới này trong khi lẽ thật đang phủ trên đôi ủng của nó! Nhưng, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta ánh sáng và lẽ thật để dẫn dắt, che chở bảo vệ chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện như vầy: “Ồ! Con cầu xin Chúa phát ánh sáng và sự chân thật của Chúa ra”.


Vậy, chúng ta sẽ tìm thấy ánh sáng và lẽ thật của Đức Chúa Trời ở đâu? Chính là ở trong Lời Ngài. “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, là ánh sáng cho đường lối tôi” (Thi 119:105). Lời Chúa là lẽ thật. “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh. Lời Cha tức là lẽ thật” (Gi 17:17). Lời Chúa dẫn dắt con cái Ngài đi trên con đường Ngài chọn. Và con đường đó cuối cùng sẽ dẫn đến chỗ Ngài. “Nó (ánh sáng và lẽ thật) sẽ dẫn con đưa con đến núi thánh và nơi ở của Chúa” (c.3). Tác giả Thi-thiên đang nói về nơi toạ lạc đền thờ để thờ phượng Chúa và nhà của Ngài. Khi chúng ta sống theo ý muốn Chúa, thì chúng ta sẽ thấy mình đang ẩn náu ở trong nhà Ngài.


Bạn hiện đang sống trong thế gian tối tăm và giả trá.Nhưng Lời Chúa nói rằng Đức Chúa Trời có hứa dẫn dắt và che chở bảo vệ bạn.Thánh Kinh là một kho báu tâm linh. Nếu không có nó, bạn sẽ sớm bị lạc đường và dễ bị tấn công. Bạn có cảm nhận được sự chân thật trong Lời Chúa hằng ngày không? Nếu bạn chưa cảm nhận được, thì hãy bắt đầu lên chương trình suy gẫm Thánh Kinh mỗi ngày.


2. Ra khỏi vực sâu (Thi 42:1-43:5)

Khi nào bạn cảm thấy muốn buông xuôi, bỏ cuộc thì hãy đọc những Thi-thiên này.Đa-vít trình bày sự tương phản của cuộc sống đầy thăng trầm.

-Thứ nhất, ông đối chiếu đồng vắng với đền thờ (Thi 42:1-4).

Ông đang khao khát Đức Chúa Trời. Thực tế, ông cũng rất khát vì ông đã dùng nước mắt mình làm đồ ăn. Chúng ta cũng có những cảm xúc tâm linh như vậy: nếm biết, nghe và thấy. Khi tâm hồn bạn khát khao Đức Chúa Trời hằng sống, bạn sẽ không thoả lòng với những gì thay thế Ngài. Đừng nuôi sống mình bằng các cảm xúc bởi vì nếu bạn làm thế có thể bạn sẽ tự đầu độc chính bạn.


Tác giả Thi-thiên hồi tưởng về đền thờ. Chẳng có gì sai trái cả khi bạn nhớ lại những kỷ niệm xa xưa mà bây giờ bạn không thể nào sống lại với dĩ vãng nữa. Có thể các kỷ niệm ấy chẳng khích lệ bạn được gì hoặc nó cũng chẳng làm bạn nản lòng. Hãy để chúng làm cái bánh lái dẫn bạn đi chứ đừng để chúng làm chiếc neo giữ bạn ở lại. Chúng ta tìm thấy câu trả lời ngắn gọn của Đa-vít trong Thi 42:5. Chúng ta hay tiếc nuối quá khứ vì chúng ta muốn làm như vậy, còn câu Thánh Kinh này dạy chúng ta hãy đặt niềm hy vọng nơi Đức Chúa Trời.

-Thứ hai, Đa-vít đối chiếu các gò cao và những vực sâu (Thi 42:6,7).

Ông đang trải qua rất nhiều xúc động khi ông chạy trốn từ đỉnh núi cao xuống thung lũng. Rồi sau đó sóng gió lại cuốn lên phủ lấy ông. Có bao giờ bạn cảm thấy như thể mình đang sắp bị chết đuối chưa? Chúa Giê-xu đã trải qua cảm giác đó rồi (Mat 20:22). Khi bạn cầu nguyện, thì hãy thành thật với Đức Chúa Trời, nói cho Ngài biết cảm nghĩ thật sự của bạn thế nào. Hãy nhớ rằng Chúa Giê-xu biết rất chính xác cảm xúc của bạn, và Ngài cũng hiểu rõ mọi từng trải cuộc sống.

-Thứ ba, tác giả Thi-thiên đối chiếu ngày và đêm (Thi 42:8).

Đây là câu then chốt của Thi 42:1-43:5. Đôi khi, chúng ta sống trong bóng tối vì cớ tội lỗi. Còn Đa-vít ở trong bóng tối vì lý do ông đang trải qua một thời kỳ khó khăn. Chúng ta cũng đã gặp những thời kỳ khó khăn như thế. Đức Chúa Trời cai trị trên cả ban ngày lẫn ban đêm (Giop 35:10) và đem lại bài ca giữa lúc đêm (Cong 16:25). Hãy nhớ tìm kiếm Đức Chúa Trời chứ không phải tìm kiếm chính mình. Hãy đặt hy vọng nơi Ngài rồi Ngài sẽ giúp đỡ bạn.


Những sự tương phản trong đoạn sách này chỉ ra rằng cuộc sống rất thăng trầm. Giả sử bạn đang sống trong những ngày tối tăm ắt hẳn bạn sẽ tìm thấy chính mình đang ở dưới vực sâu. Hãy can đảm lên vì Chúa Giê-xu hiểu rõ cảm xúc bạn thế nào. Có phải bạn đang trải qua thời kỳ đen tối chăng? Bạn hãy nhớ đến những sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời trong quá khứ, Ngài cũng sẽ thành tín giúp đỡ bạn ngay trong hiện tại. Hãy làm cho đời sống tâm linh bạn hoà nhịp với Ngài và đặt lòng hi vọng nơi Ngài.



44. THI-THIÊN (Thi 44:1-26)


1. Một lịch sử vẻ vang biết bao! Thi 44:1-8)

Càng lớn tuổi, chúng ta lại càng có xu hướng thích nói chuyện về đề tài “những ngày xưa đẹp đẽ”. Ắt hẳn tác giả Thi Thiên đang lắng nghe một cuộc thảo luận như thế bởi vì ông viết: “Hỡi Đức Chúa Trời, lỗ tai chúng con có nghe, tổ phụ chúng con đã thuật lại công việc Chúa đã làm trong đời họ” (c.1).


Rồi ông tiếp tục mô tả lại Đức Chúa Trời đã đánh đuổi các dân khác ra sao, thiết lập quốc gia Y-sơ-ra-ên thế nào. Khi dân Do-thái ôn lại lịch sử dân tộc mình, họ thường ôn lại lần lượt từng phép lạ đã xảy ra với họ:sự giải phóng ra khỏi xứ Ai-cập, rẽ Biển Đỏ, mở con đường xuyên qua đồng vắng, đánh bại các kẻ thù địch hung bạo, rẽ sông Giô-đanh, và chinh phục miền Đất Hứa. Thật là một trang sử hào hùng biết bao!


Không chỉ những ngày xưa mới là những ngày đẹp đẽ. Mà ngày nay, chúng ta cũng có thể có được những ngày tuyệt vời như vậy. Vâng, Đức Chúa Trời đã thực hiện nhiều công việc vĩ đại cho dân tộc Y-sơ-ra-ên. Chúng ta phải luôn ghi nhớ các công việc quyền năng của Ngài, kể cả những điều lớn lạ mà Ngài đã làm trên Hội thánh Ngài được ghi nhận trong sách Công-vụ các sứ-đồ.

Và Ngài vẫn còn tiếp tục thực hiện nhiều việc kỳ diệu cho dân sự Ngài ngày hôm nay. Khi nào bạn sờn lòng sa ngã và cảm thấy mọi thứ dường như trở nên tồi tệ, thì bạn hãy mau ngồi lại suy gẫm về những gì Đức Chúa Trời đã làm cho bạn trước đó.Điều ấy sẽ khích lệ tâm hồn bạn hướng đến sự ngợi khen và sự ngưỡng vọng Chúa.


Đa-vít nói: “Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa là Vua của con” (c.4). Khi Đức Chúa Trời làm Vua chúng ta, Ngài sẽ thực hiện nhiều phép lạ trên đời sống chúng ta một cách quyền năng tương tự như Ngài đã từng làm đối với Môi-se, Giô-suê và Đa-vít: “Hỡi Đức Chúa Trời, Ngài là Vua của con, Ngài đã chỉ huy đánh thắng trận cho Gia-cốp. Nhờ Ngài chúng con sẽ đánh ngã kẻ cừu địch của chúng con… Ngài đã giải cứu chúng con khỏi kẻ thù nghịch của chúng con” (c.4,5,7). Chúng ta không chỉ sống với các kỷ niệm của những ngày xưa cũ đẹp đẽ mà thôi. Lời hứa của Đức Chúa Trời đến nay vẫn còn có giá trị. Ngày hôm nay bạn hãy đặt lòng tin cậy Ngài và tôn thờ Ngài làm Vua đời sống bạn.


Lịch sử dân Y-sơ-ra-ên là một bằng cớ ghi lại dấu tích về sự thành tín của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Đấng đã làm nhiều phép lạ trên dân Y-sơ-ra-ên vẫn sẽ còn thực hiện nhiều điều lớn lạ trên con dân Ngài ngày hôm nay. Có phải bạn đang hoài niệm về những ngày xưa đẹp đẽ chăng? Đừng sống trong sự nuối tiếc quá khứ. Hãy tin cậy Đức Chúa Trời để Ngài có thể thực hiện những điều mới mẻ trên đời sống bạn


2. Chiến thắng nay còn đâu? (Thi 44:9-16)

Dân tộc Y-sơ-ra-ên trong những ngày khởi đầu của họ đã gặt hái hết chiến thắng này đến chiến thắng khác. Đức Chúa Trời giải phóng họ khỏi Ai-cập. Kế đó, Ngài dẫn họ băng qua đồng hoang rùng rợn và đem họ vào miền Đất Hứa một cách huy hoàng. Tại đó, họ đánh bại hết dân này đến dân khác.


Nhưng tác giả Thi-thiên lại đang lo lắng rằng dân sự Đức Chúa Trời sẽ không còn gặt hái các thắng lợi nữa. “Song, nay Chúa đã từ bỏ chúng con làm cho chúng con bị nhuốc nhơ, Chúa chẳng còn đi ra cùng đạo binh chúng con nữa. Chúa khiến chúng con lui lại trước mặt cừu địch, và kẻ ghét chúng con cướp lấy của cho mình” (c.9,10). Đa-vít rất bối rối và sửng sốt. Tại sao lúc bấy giờ Ngài không thực hiện những việc Ngài từng làm cho dân sự Ngài cách đây nhiều thế kỷ? Ông mô tả dân sự giống như những con cừu đang bị giết thịt, còn những con cừu nào không bị giết thịt thì bị tan lạc. Dân sự đang bị bán đi như những món hàng ngoài chợ. “Chúa làm cho chúng con thành vật ô nhục cho kẻ lân cận chúng con, làm đồ nhạo báng và một sự chê cười cho những kẻ ở xung quanh” (c.13).


Tại sao lại xảy ra như vậy? Tại vì dân sự Đức Chúa Trời nổi loạn chống nghịch Ngài. Họ không thèm lắng nghe Lời Ngài và cũng không lưu tâm đến sứ điệp của các đấng tiên tri. Suốt 40 năm dài, tiên tri Giê-rê-mi đã kêu gọi, khẩn nài dân sự ăn năn. Ồ, vậy họ là những người có đạo! Đền thờ lúc bấy giờ đầy ắp những công việc hoạt động: Mỗi ngày càng có nhiều người tham gia phục vụ, và cũng có thêm nhiều lễ vật tế lễ được dâng lên. Đó là một thành quả lớn lao nhưng lại chẳng phải là sự thờ phượng thật. Người dân Y-sơ-ra-ên đã biến nhà Chúa thành hang ổ của bọn trộm cướp mà đáng lý ra nhà Ngài phải là một đền thờ cầu nguyện. Và bởi vì dân sự Ngài nổi loạn chống nghịch Ngài, nên Ngài đã phải sửa phạt họ. Tuy nhiên, Ngài cũng đã tái lập họ.


Khi chúng ta nổi loạn chống nghịch Đức Chúa Trời, Ngài sẽ tha thứ nhưng Ngài phải sửa phạt chúng ta. Chúng ta phải gặt những gì mình đã gieo. Rằng “Nay Chúa đã từ bỏ chúng con” (c.9) nhưng chẳng phải mãi như thế. “Ngài khiến chúng con trở thành trò cười giữa vòng các dân” (c.14) nhưng không phải như vậy luôn luôn. Đức Chúa Trời đã tái lập dân sự Ngài, và Ngài cũng sẽ tái lập chúng ta.


Khi bạn thờ ơ không lắng nghe Lời Đức Chúa Trời, ma quỷ sẽ dùng những lời dối trá dụ dỗ bạn. Hễ bạn sa vào tội lỗi, nổi loạn chống nghịch Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ sửa phạt bạn. Hãy sống đời sống đắc thắng. Hãy nuôi dưỡng đời sống mình bằng lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời và ở trong mối tương giao gần gũi với Ngài.


3. Đức Chúa Trời có buồn ngủ không? (Thi 44:17-26)

Có bao giờ bạn nghĩ rằng Đức Chúa Trời buồn ngủ? Và có vẻ như là Ngài không quan tâm đến những nan đề, và khó khăn của bạn. Hoăc bạn cảm thấy dường như Ngài chẳng lắng nghe lời cầu nguyện của bạn. Tác giả của Thi 44:1-26 đã có một cảm nhận tương tự như vậy khi ông lâm vào hoàn cảnh khó khăn của mình. Ông viết: “Chúa ôi! Con xin Ngài tỉnh dậy. Cớ sao Ngài lại ngủ? Con xin Ngài chổi dậy. Đừng từ bỏ chúng con mãi mãi. Tại sao Ngài giấu mặt? Ngài quên nỗi hoạn nạn và sự hà hiếp mà chúng con đang phải chịu… Xin Chúa chổi dậy giúp đỡ chúng con” (Thi 23:1-6; Thi 24:1-10; Thi 26:1-12).


Đức Chúa Trời không hề ngủ! Cảm nhận của chúng ta tất nhiên không thể nào phản ánh đúng sự thật. Thi 121:4 nói rằng Đức Chúa Trời - Đấng gìn giữ dân Y-sơ-ra-ên – là Đấng không hề chợp mắt, không hề ngủ. Ngài luôn luôn thận trọng và tỉnh táo.Các bà mẹ của chúng ta thường học cách ngủ với một lỗ tai luôn sẵn lắng nghe.Khi chúng ta kêu khóc, họ liền có mặt giúp đỡ chúng ta ngay. Còn Đức Chúa Trời chẳng hề ngủ chút nào cả, hai lỗ tai của Ngài luôn lắng nghe. “Mắt Đức Giê-hô-va đoái xem người công bình, và lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu cầu của họ” (Thi 34:15).


Đức Chúa Trời luôn tỉnh thức, Ngài lưu tâm đến các nhu cầu của chúng ta. Vậy tại sao Ngài lại không làm một vài điều gì đó? Ngài thường chờ đợi để thực hiện ý ấy khi nó đem lại điều tốt nhất cho chúng ta và mang lại cho Ngài sự vinh hiển nhất. Sự trì hoãn của Đức Chúa Trời không phải là sự khước từ.


Bởi vì sự tính toán thời gian để hành động của Ngài rất chính xác, cho nên chúng ta hãy đợi, tin cậy Ngài và đừng lằm bằm. Thật dễ để lằm bằm, cằn nhằn. Nhưng chúng ta cần phải yên lặng chờ đợi trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy ngợi khen Ngài, bởi vì một ngày nào đó bạn sẽ nhìn lại và hiểu được lý do tại sao bạn đã phải đợi.


Đức Chúa Trời luôn lưu tâm đến các nhu cầu của bạn. Ngài hành động khi thấy hành động ấy sẽ đem lại điều tốt nhất. Sự trì hoãn của Ngài là một sự chuẩn bị. Bạn đang chờ đợi Ngài đáp lời kêu cầu của bạn chăng? Hãy tin cậy nơi Chúa và kiên nhẫn chờ đợi Ngài. Ngài sẽ đáp lời bạn.



45. THI-THIÊN (Thi 45:1-17)


1. Lướt tới trong sự oai nghi (Thi 45:1-5)

Chúng ta thường nghĩ về Đức Chúa Giê-xu là Đấng nhân từ, khiêm nhu và hiền lành. Dĩ nhiên, đúng là như vậy. “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường” (Mat 11:20) là lời do chính Ngài nói ra khi Ngài mời gọi chúng ta đến với Ngài.Nhưng Ngài cũng là một người đi chinh phục.

Tác giả Thi-thiên nói về Ngài rằng: “Hỡi Đấng mạnh dạn, xin Ngài đeo gươm vào đai lưng cùng với sự vinh quang và oai phong lẫm liệt của Ngài. Xin Ngài mặc lấy sự oai nghi Ngài lướt tới một cách thắng thế vì cớ lẽ thật, sự hạ mình khiêm nhường và sự công bình của Ngài” (c.3,4). Điều này nghe có vẻ như chẳng phải đang nói đến một người thợ mộc hiền lành quê ở Na-xa-rét chút nào!


Có bao giờ bạn nhìn nhận Đấng Christ như là một Chiến sĩ mạnh dạn chưa? Thường thì chúng ta chỉ quan sát Chúa Giê-xu thông qua bốn sách Phúc-Âm là những sách bày tỏ cho chúng ta biết Ngài như là một Đầy tớ. Chúng ta thấy Ngài như là một Con người bình thường, là Đầy tớ của Đức Chúa Trời đi giảng dạy cho mọi người. Còn ở đây, chúng ta bắt gặp Chúa như là một Đấng thắng trận cùng với thanh gươm đang lướt tới trong sự oai nghi.

Trên thập tự giá, Chúa Giê-xu đã đánh bại Sa-tan hoàn toàn. Ngài cũng đã đánh thắng thế gian. Ngài bảo các môn đồ Ngài: “Hãy can đảm lên! Ta đã thắng thế gian rồi!” (Gi 16:33). Và chắc chắn Ngài đã đắc thắng xác thịt. Cơ-đốc nhân phải gắn đời sống mình với các chiến thắng của Ngài. Chúng ta hãy đóng đinh đời sống xác thịt vào thập tự giá (Ga 2:20). Chúng ta phải được dấy lên, bước đi trong một đời sống được đổi mới (Ro 6:4). Và Đấng Christ mong muốn bạn chiến thắng ngày hôm nay.


Trước hết, chúng ta phải khát khao chiến thắng.

Có một số người chỉ thích đóng vai phụ bên lề chiến trường để rồi trở thành nạn nhân thay vì trở thành người chiến thắng đang xông lên phía trước. Vậy, hãy dò xét lòng mình và thưa rằng: “Lạy Chúa, con muốn nhận sự chiến thắng ngày hôm nay”.


Sau đó, chúng ta phải đầu phục Đấng Christ.

Chúng ta chiến đấu chẳng phải vì chiến thắng nhưng chiến đấu từ chiến thắng. Bí quyết đơn giản để chiến thắng của đời sống Cơ-đốc nhân là gắn chính bản thân mình với Đấng Christ, tin cậy Ngài và bước theo Ngài. Rồi đây, chúng ta sẽ phải đương đầu với nhiều cuộc chiến, và chắc chắn rằng cũng có lúc chúng ta sẽ trượt chân té ngã. Nhưng hãy luôn ghi nhớ rằng Đấng Christ đang lướt tới trong sự oai nghi. Vậy tại sao bạn không lướt đi ngay cùng với Ngài bằng đức tin?


Chúa Giê-xu có một đời sống đắc thắng, chúng ta có thể đứng vững với Ngài trong chiến thắng. Và muốn được như vậy, trước hết, chúng ta phải có sự khao khát chiến thắng, phải tự nguyện đầu phục Chúa. Bạn có phải là một chiến sĩ mạnh dạn không? Bởi đức tin, bạn hãy gắn đời sống mình với Đấng Christ và cùng chung hưởng chiến thắng của Ngài.


2. Ngôi công bình (Thi 45:6-12)

Bất cứ khi nào mọi sự quanh bạn đều nghiêng ngã, lung lay, còn bạn thì run sợ thì bạn hãy nhớ ngay đến điều này: Đức Chúa Trời đang ngự trên ngai Ngài là ngai mà Ngài rất xứng đáng được ngự. Chẳng hề có ai ban ngai ấy cho Ngài. Ngài cũng không phải mua nó. Ngài cũng chẳng phải đi chinh phạt các vương quốc thế gian để đoạt được nó. Đức Chúa Trời vĩnh hằng của chúng ta đang ngự trên ngai đời đời của Ngài. “Hỡi Đức Chúa Trời! Ngôi Chúa còn mãi đời nọ qua đời kia!”.


Trong lịch sử loài người, có rất nhiều nhà cầm quyền cứ tưởng rằng ngôi nước họ sẽ trường tồn bất diệt. Thế nhưng, chúng đã bị ngã nghiêng mai một. Thực vậy, nếu chúng ta xem xét kỹ các sách lịch sử, chúng ta sẽ phát hiện ra ngay nhiều tên tuổi các bậc vua chúa, hoàng hậu đã đi vào lãng quên. Còn đối với Đức Chúa Giê-xu Christ thì chẳng phải như vậy. Ngôi Ngài không bị hư nát bởi sự tàn phá của thời gian. Đó là ngôi công bình và vĩnh cửu không bao giờ bị các cuộc tấn công của loài người lật đổ. Chúa chúng ta làm bất cứ điều gì cũng đúng cả. Ngài không bao giờ cai trị bất công, cũng không hề gây ra điều ác. Vương quyền của Ngài rất công bình, chính trực.


Nổi dậy đấu tranh chống lại vương quyền của Đức Chúa Trời là một việc làm ngu xuẩn, bởi vì nếu chúng ta làm thế tức là chúng ta chống lại những gì vĩnh cửu, công bình và thánh khiết. Đức Chúa Trời muốn cai trị đời sống chúng ta. Đó chính là lý do tại sao thật là quan trọng khi chúng ta quỳ xuống trước Chúa và thưa: “Con xin tôn Ngài làm Vua đời sống con. Ngài sẽ được vinh hiển”. Hãy để vương quyền đời đời của Đức Chúa Trời cai trị trên cuộc đời bạn ngày hôm nay.


Có bao giờ bạn nhận ra quyền năng và sự tể trị của Đức Chúa Trời trên đời sống bạn chưa? Một ngày nào đó, mọi đầu gối sẽ quỳ xuống trước Ngài (Phi 2:10). Bạn có biết rằng Đức Chúa Giê-xu là Chúa của các chúa, Vua của các vua không? Nếu bạn chưa biết điều ấy thì ngay bây giờ bạn hãy quỳ xuống trước Ngài và mời Ngài cai trị đời sống bạn.


3. Vẻ đẹp bên trong (Thi 45:13-17)

Thi 45:1-17 là một Thi-thiên nói về lễ cưới. Cô dâu được nói đến trong Thi-thiên này rằng: “Nàng là công chúa có vẻ đẹp bề trong thật lộng lẫy, xiêm y của nàng được dệt bằng vàng ròng” (c.13). Thường thì sau đám cưới, người ta hay hỏi: “Cô dâu đã mặc đồ gì vậy?”. Xiêm y cô dâu luôn thu hút sự chú ý của mọi người. Tuy nhiên, chúng ta hãy xem cô dâu đã mặc gì trong lễ cưới này. “Nàng là công chúa có vẻ đẹp bề trong thật lộng lẫy, xiêm y của nàng được dệt bằng vàng ròng”.

Chúng ta mặc gì ở bên ngoài không quan trọng, quan trọng là chúng ta đã mặc gì ở bên trong. Đức Chúa Giê-xu Christ muốn cô dâu của Ngài tức là dân sự Ngài phải có vẻ đẹp bề trong.


Chúng ta kết hôn với Chúa Giê-xu Christ chẳng phải vì chúng ta yêu Ngài, nhưng vì Ngài yêu chúng ta. Trước khi chúng ta nghĩ về Ngài thì Ngài đã nghĩ về chúng ta. Vì tình yêu thương, Ngài đã mua chúng ta và đến với chúng ta. Khi tôi cử hành một lễ cưới nào đó, thường thì tôi không hỏi cô dâu và chú rể rằng: “Hai bạn có hiểu nhau không?” hoặc “Hai bạn có luôn nghĩ về nhau không?” Nhưng tôi hay hỏi thế này: “Hai bạn sẽ phó thác đời mình cho nhau chứ?” 

Cũng vậy, việc chúng ta tin cậy, phó thác cho Chúa Giê-xu Christ để được cứu rỗi chính là một hành động của ý chí. Chúng ta không đủ trí khôn để nghĩ về Chúa Giê-xu hoặc hiểu biết Ngài. Chúng ta nên thưa với Ngài: “Con xin phó thác cho Ngài”. Hãy đọc trong sách Khải-huyền: “Hễ ai muốn thì hãy để người ấy đến nhận nước sự sống cách nhưng không” (Kh 22:17).


Vâng, bạn thuộc về Đức Chúa Giê-xu Christ, và vẻ đẹp thực sự của bạn phải là vẻ đẹp bề trong. Khi bạn có vẻ đẹp bề trong, vẻ đẹp ấy sẽ thể hiện ra ngoài qua đời sống bạn. Đời sống Cơ-đốc nhân là một tiệc cưới, không phải là đám tang. Bạn đừng mặc những y phục nhuốm màu đau khổ tang thương của kẻ than khóc, vì Đấng Christ đã phủ lên bạn một vẻ đẹp là sự công bình ngay thật của Ngài làm bằng vàng ròng của Ngài. Hãy thưởng thức tiệc cưới ngay hôm nay.


Cơ-đốc nhân là cô dâu của Chúa Giê-xu Christ.

Ngài mua chúng ta bằng chính tình yêu thương của Ngài và mặc cho chúng ta lẽ công bình ngay thật. Bạn có phó thác và đầu phục Chúa Giê-xu Christ không? Bạn có yêu Ngài và tin cậy Ngài không? Hãy lập lại sự phó thác cho Chúa hằng ngày để bạn có thể trưởng thành và yêu mến Ngài.



46. THI-THIÊN (Thi 46:1-11)


1. Sự giúp đỡ trong hoàn cảnh khó khăn (Thi 46:1-3)

“Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng con. Ngài luôn sẵn lòng giúp đỡ chúng con trong cơn gian truân” (c.1). Sự đảm bảo này của Đức Chúa Trời có thể giải quyết được tất cả mọi nỗi sợ hãi và các nan đề của chúng ta. Đức Chúa Trời là nơi nương náu của chúng ta tức là Ngài hay che giấu chúng ta. Đức Chúa Trời là sức lực của chúng ta nghĩa là Ngài luôn giúp đỡ chúng ta. Ý này phải đi đôi với nhau. Lắm lúc trong cuộc đời, chúng ta cũng phải cần đến một nơi nương náu. Bão tố nổi lên và trận chiến đang diễn ra ác liệt khiến chúng ta phải chạy trốn đến một nơi nào đó. Đi tìm nơi ẩn náu không có gì là tội lỗi cả, nhưng nếu chúng ta cố tình trốn chạy luôn thì đó lại là tội. Đức Chúa Trời che giấu chúng ta để Ngài có thể giúp đỡ chúng ta. Sau đó, chúng ta có thể quay lại với trận chiến và đối đầu cùng cơn bão. Đây không phải là sự đào thoát mà là sự hồi xuân.


Thánh Kinh Cựu-ước chứa đựng 21 từ ngữ tiếng Hê-bơ-rơ khác nhau nhưng cùng nói về sự gian truân. Ở đây, từ “gian truân” có nghĩa là “hoàn cảnh khó khăn”. Ngày hôm nay, nếu bạn đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn nào đó, thì xin bạn cho phép tôi gợi ý với bạn rằng bạn hãy chạy đến với Chúa Giê-xu bằng đức tin. Nhưng bạn chớ chạy đến với Ngài hòng để đào thoát. Bạn đến thưa với Ngài: “Kính lạy Chúa, con muốn trở lại với cuộc chiến. Con muốn quay về với công việc của con. Con muốn gánh lấy các gánh nặng cuộc sống, nhưng con xin Ngài ban sức lực cho con”. Vậy bạn có thể đòi hỏi lời hứa tuyệt diệu trong câu 1 này.


Chú ý phần kết luận: “Vì thế, chúng con sẽ chẳng sợ hãi” (c.2). Khi Đức Chúa Trời sẵn lòng làm nơi nương náu và là sức lực của bạn, bạn sẽ chẳng còn gì phải lo sợ nữa. Hãy dành thời gian đến với Chúa.


Có phải hoàn cảnh cuộc sống đang khuất phục chăng? Hãy nương náu nơi Đức Giê-hô-va. Ngài sẽ làm cho bạn vững lòng và Ngài ban cho bạn sức lực mới để giúp bạn tiếp tục đương đầu với hoàn cảnh.


2. Hãy uống đi! Đừng e ngại (Thi 46:4-7)

Đức Chúa Trời là nơi nương náu của chúng ta, vì thế chúng ta chẳng phải sợ hãi điều gì. Ngài cũng là một dòng chảy lai láng, vì vậy chúng ta không cần phải e ngại. “Có một dòng sông, mạch nước nó làm vui thành phố của Đức Chúa Trời, là nơi thánh có đền tạm của Đấng Chí Cao” (c.4).

Mãi đến lúc đến thăm miền Đất Thánh, tôi mới biết được về sự quan trọng của nước ở đó. Nếu không có nước thì chẳng có thứ gì có thể tồn tại nơi ấy. Thành phố Giê-ru-sa-lem là một trong số những thành phố cổ không hề được xây dựng bên một con sông nào cả. Cho đến khi vua Ê-xê-chia cho đào kênh đào nổi tiếng tại đây thì thành Giê-ru-sa-lem mới thực sự có một nguồn nước nằm tại nội thành.

Ở đây tác giả Thi-thiên nói rằng mặc dù thành Giê-ru-sa-lem không được tọa lạc bên cạnh con sông nào cả, nhưng nó lại chứa đựng một dòng nước.Dòng nước ấy phát nguyên từ Nơi Thánh, tức là từ ngai Đức Chúa Trời. “Đức Chúa Trời ở giữa thành, nên thành sẽ không bị rúng động, Đức Chúa Trời sẽ giúp đỡ nó ngay từ lúc rạng đông” (c.5).


Chúa chúng ta dạy rằng: “Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống” (Gi 7:37). Mạch nước sông chính là mạch nước của sự vui mừng bắt nguồn từ ngôi Chúa. Trong Thánh Kinh, nước dùng để tẩy rửa là hình ảnh tượng trưng cho Lời Đức Chúa Trời.Còn nước dùng để uống tượng trưng cho Đức Thánh Linh. Chúng ta có thể uống nước từ dòng sông được giấu kín này. Và bởi vì chúng ta uống nước của dòng chảy này, nên chúng ta sẽ nhận được niềm vui, sự tươi mới và năng lực từ Đức Giê-hô-va.


Tác giả Thi-thiên tiếp tục: “Đức Giê-hô-va vạn quân ở cùng chúng tôi. Đức Chúa Trời của Gia-cốp là nơi nương náu của chúng tôi” (c.7). Ngài là Chúa tể mọi cơ binh. Tất cả các cơ binh trên trời và dưới đất đều thuộc về Đức Chúa Giê-xu Christ, bởi vì Ngài có quyền năng trên tất cả. Ngài luôn ở cùng chúng ta chớ không đối nghịch chúng ta. Ngài tên là “Em-ma-nu-ên” nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”.


Hãy dành thì giờ uống nước của Dòng Sông.

Hãy để Đức Chúa Trời làm cho bạn trở nên tươi mới và để Ngài phục hồi bạn, khiến bạn được mạnh mẽ trong ngày hôm nay.

Nguồn sức lực tiềm ẩn luôn là điều cần thiết cho cả đời sống thuộc linh mạnh mẽ lẫn đời sống thuộc thể khoẻ mạnh. Nếu bạn muốn làm việc không mệt mỏi, hãy nhờ vào sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời. Dân sự Ngài cần có Đức Thánh Linh trong lòng để được tươi mới và mạnh mẽ. Khi bạn uống nước từ dòng nước do Đức Chúa Trời ban cho, bạn sẽ nhận được sức lực và sự vui mừng từ nơi Ngài.


3. Bạn hãy buông tay ra (Thi 46:8-11)

“Hãy yên lặng, và biết rằng ta là Đức Chúa Trời, ta sẽ được tôn cao giữa các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất” (c.10). Cụm từ “Hãy yên lặng” theo ngôn ngữ Hê-bơ-rơ còn có nghĩa là “bạn hãy buông tay ra”. Đức Chúa Trời đang bảo chúng ta: “Con hãy cất tay mình đi và để ta làm Đức Chúa Trời của cuộc đời con”. Thường thì chúng ta chỉ thích gây tiếng tăm, uy tín cho mình và thích cầm quyền. Chúng ta đang đề cập đến những kẻ hiện “đang đặt tay” trên thiên hạ.

Trong đời sống Cơ-đốc nhân, Đức Chúa Trời thường sử dụng đôi tay chúng ta. Ngài đã từng dùng đôi tay Nô-ê đóng chiếc tàu. Ngài dùng tay Đa-vít giết tên khổng lồ. Ngài cũng dùng tay các sứ đồ cho năm ngàn người ăn. Nhưng đôi khi, Đức Chúa Trời chỉ dùng chính tay Ngài mới có thể làm được công việc nào đó. Lắm lúc, đôi tay chúng ta gây rắc rối vì chúng ta đang cố gắng tạo tiếng vang cho chính mình, hoặc chúng ta đang mưu toan, hoạch định chương trình cho mình.


Tôi có một người bạn thường nhắc nhở tôi rằng “Đức tin sống không nhờ vào mưu toan”. Bất cứ lúc nào tôi tự nhận ra chính mình đang bị xúi giục, sách động thì Đức Chúa Trời bảo tôi rằng: “Con hãy buông tay ra. Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời”. Có một sự khác nhau thật đơn giản: Nếu chúng ta đóng vai Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta thì mọi thứ sẽ vỡ tan thành từng mảnh. Nhưng nếu chúng ta thật lòng để Ngài làm Đức Chúa Trời trên cuộc đời chúng ta thì Ngài sẽ được tôn cao. Ngài sẽ ở cùng chúng ta và làm những công việc mà Ngài đã định.


Hiện giờ, có phải bạn đang đối diện với một nan đề hoặc thử thách nào đó chăng? Có phải bạn đang tự hỏi mình sẽ làm gì đây? Hãy trao nó cho Đức Chúa Trời. Sẽ có thời điểm Ngài bảo: “Được rồi, ta sẽ dùng đôi tay con”. Nhưng sau đó, bạn hãy buông tay mình ra. Hãy biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời.

Ngài không mong đợi chúng ta làm những việc mà chỉ có Ngài mới có thể làm được.Chúng ta có thể lăn tảng đá ra khỏi mộ La-xa-rơ, nhưng chỉ có Ngài mới có thể làm cho kẻ chết sống lại. Chúng ta có thể phân phát bánh ra cho mọi người nhưng chỉ có Ngài mới có thể làm cho bánh ấy được tăng lên nhiều quá bội. Hãy để Ngài làm Đức Chúa Trời trên đời sống bạn.


Để giữ được sự yên lặng là điều dường như đi ngược với quy luật tự nhiên của con người. Có thể bạn là người ưa thích cầm quyền. Nhưng là Cơ-đốc nhân, bạn cần phải luôn đầu phục ý muốn Đức Chúa Trời và trao cho Ngài các gánh nặng của bạn. Bạn hiện đang phải đương đầu với vấn đề gì vậy? Có phải bạn đang buông tay ra và để Ngài hành động trên đời sống bạn chăng?


4. Nguồn sức lực tiềm ẩn (Thi 46:1-11)

Nhà văn H.G.Wells, người theo thuyết Bất Khả Tri nói rằng: “Khi chúng ta gặp gian truân cần sự giúp đỡ kịp lúc thì Đức Chúa Trời thường vắng mặt”. Ông đã lầm. Thi Thiên 46-48 là kết quả cảm hứng của tác giả về một phép lạ diệu kỳ trong lịch sử Y-sơ-ra-ên. Ê-xê-chi-ên làm vua dân Giu-đa khi quân A-si-ri đến xâm chiếm xứ. Ông đem nguy biến này trình dâng cho Đức Chúa Trời, và Ngài đã bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên. Trong một buổi sáng, có đến 185.000 quân đã bị tiêu diệt bởi tay thiên sứ của Đức Chúa Trời. Cũng vậy, chúng ta có thể đứng vững nhờ vào nguồn sức thánh do Đức Chúa Trời ban cho chúng ta.


Đức Chúa Trời là nơi nương náu của chúng ta, vì thế chúng ta chẳng phải sợ hãi gì (c.1-3). Ngài luôn hiện hữu, rất gần gũi và sẵn lòng cứu giúp chúng ta trong gian truân. Dân sự Đức Chúa Trời thường phải trải qua gian truân. Điều đó xảy ra đôi lúc là tại chúng ta bất tuân với Chúa, lại có khi vì cớ chúng ta vâng lời Ngài và thỉnh thoảng là do Chúa biết chúng ta cần được thêm sức và cần được giúp đỡ. Bạn đã chạy trốn đến nơi nương náu cho mình chưa? Hãy nương mình trong Chúa để được Ngài bổ lại sức và nhận lãnh từ Ngài những ơn phước mà bạn cần để bạn có thể trở lại gánh vác các công việc mình.

Đức Chúa Trời là sức lực của chúng ta vì thế chúng ta chẳng cần phải e ngại (c.1-7).

Chúng ta đi từ biển cả đang gầm thét dữ dội trong câu 2 đến một dòng sông yên tĩnh trong câu 4. Bên cạnh nơi toạ lạc thành Giê-ru-sa-lem, không hề có con sông nào cả. Bù lại, vua Ê-xê-chia cho xây dựng một hệ thống nước ngầm dẫn nước vào nội thành. Tương tự như thế, chúng ta cần dựa vào nguồn sức lực tiềm ẩn để sống. Chúng ta không thể phụ thuộc vào thế giới xung quanh chúng ta hay người khác.

Khi bạn tin nhận Chúa Giê-xu làm Đấng Cứu Rỗi, Đức Chúa Trời liền ban cho bạn giếng Nước Hằng Sống tuôn trào trong bạn. Giữa lúc thế gian này chỉ chứa đựng những bể nước đã bị vỡ thì Nguồn Nước Sống ấy lại hoá thành một Dòng Sông. Dòng Sông này phát nguyên từ Đức Chúa Giê-xu, là nơi chúng ta có thể nhận lãnh được nguồn sức lực thuộc linh mà chúng ta cần. Hiện tại, có phải bạn đang uống nước của Dòng Sông ấy? Bạn hãy rời mắt mình khỏi thế gian đang chìm đắm này và nhớ cho rằng Đức Chúa Trời luôn là sức lực của bạn.

Đức Chúa Trời là Đấng hay giúp đỡ, vì vậy chúng ta chẳng phải lo lắng gì (c.8-11).


Lời dạy bảo của Đức Chúa Trời: “Hãy yên lặng” còn có nghĩa là: “Con hãy buông tay mình ra và để Đức Chúa Trời làm Đức Chúa Trời”. Thường thì chúng ta hay băn khoăn về sự ấn định thời điểm và cách thức hành động của Đức Chúa Trời. Sự băn khoăn lo lắng này sẽ làm cho chúng ta dễ bị ma quỷ tấn công. Chúng ta nên ở trong sự yên lặng, hãy đứng yên lặng và ngồi yên lặng.


Đời sống bạn tuỳ thuộc vào nguồn sức lực tiềm ẩn mà Đức Chúa Trời ban cho bạn. Bạn không cần phải e ngại hoặc sống trong sự lo lắng sợ hãi. Hiện tại, có lẽ bạn cảm thấy ma quỷ đang tấn công bạn hoặc bạn đang phải vượt qua một thử thách nào đó chăng? Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ nhận lãnh được sức mạnh và chất dinh dưỡng từ nguồn lực thuộc linh của Đức Chúa Trời. Ngài là nơi nương náu và là sức lực của bạn.



47. THI-THIÊN (Thi 47:1-9)


1. Bài ca ngợi khen của chúng ta (Thi 47:1-9)

“Vì Đức Chúa Trời là Vua của cả trái đất, hãy hát ngợi khen trong sự hiểu biết Ngài” (c.7). Chỉ có Đức Chúa Trời Vua của cả trái đất là Đấng duy nhất khiến lòng bạn vui và cất tiếng ngợi khen. “Đức Chúa Trời hiện cai trị các nước” (c.8). Không phải lúc nào hoàn cảnh cũng có thể phản ảnh được điều này. Có thể những gì chúng ta đã đọc được trên báo chí hoặc xem các tin phóng sự hàng ngày không đưa ra chứng cớ nào về việc Đức Chúa Trời đang cai trị. Thế nhưng, thực sự thì Ngài đang cai trị! Hiện giờ, Đức Chúa Giê-xu đang ngự trên ngai ở thiên đàng, mà mọi thứ đều nằm dưới quyền kiểm soát của Ngài.


Có người cho rằng: “Nếu Chúa đang điều hành cả trái đất này thì Ngài sẽ không thể dành nhiều thời gian cho tôi được”. Điều đó không đúng.

Đức Chúa Trời nhìn thấy các nhu cầu của bạn. Ngài biết cả tên bạn. Ngài còn đếm cả những sợi tóc trên đầu của bạn. Vua của cả vũ trụ này lúc nào cũng quan tâm đến chính ban đấy.


Bởi vì Đức Chúa Trời là Vua nên chúng ta hãy hát. Thi-thiên này bắt đầu: “Hỡi các dân, hãy vỗ tay! Hãy lấy tiếng thắng trận mà reo mừng cho Đức Giê-hô-va. Ngài là Đức Chúa Trời thật đáng kính nể. Ngài là Đại Đế trên cả địa cầu này” (c.1,2). Đức Chúa Trời là Đấng Tối Cao, đầy lòng nhân từ và thương xót, đáng được chúng ta kính sợ và ngưỡng vọng. Trong câu 6, tác giả Thi-thiên reo ca: “Hãy hát ngợi khen Đức Chúa Trời, khá hát đi! Hãy hát ngợi khen Vua chúng ta, hát lên nào”.

Cách tốt nhất để chứng tỏ bạn tin rằng Đức Chúa Trời là Vua của bạn chính là hát lên ngợi khen Ngài. Khi nào chúng ta lằm bằm oán trách Chúa thì có nghĩa ấy là lúc chúng ta nói rằng Ngài không biết điều Ngài đang làm, rằng Ngài không có quyền hạn gì cả. Nhưng khi chúng ta hát xướng ngợi khen Ngài thì có nghĩa là chúng ta đã công nhận Ngài là Vua của cả trái đất này.


Thế gian khước từ, không công nhận Đức Chúa Trời là Vua và đã nổi loạn chống nghịch lại uy quyền của Ngài. Nhưng dân sự Ngài biết Ngài đang cai trị trên cả địa cầu này. Bạn có thể hát xướng ca ngợi Ngài vì bạn biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ và giàu lòng thương xót. Bạn có thể tán tụng Ngài vì cớ Ngài là Đức Chúa Trời của chính bạn, luôn đáp ứng các nhu cầu bạn cần. Bạn hãy ngợi khen Ngài ngay hôm nay vì Ngài là Đấng đáng được ngợi khen và vì những gì Ngài đã làm trong đời sống bạn.


2. Hãy luôn ngợi khen (Thi 47:1-9)

Sự ngợi khen Đức Chúa Trời của chúng ta là một sinh hoạt thường xuyên trong buổi thờ phượng. Chúng ta có thể đọc thấy ở Thi-thiên này có ba điểm khác nhau trong cùng thời gian.

-Thứ nhất, chúng ta có thể quan sát đoạn sách trên dưới góc độ: quá khứ lịch sử. Đây là một trong những Thi-thiên ghi lại chiến thắng vẻ vang nhất của vua Ê-xê-chia đánh tan quân San-chê-ríp (Thi 46:1-48:14). Đức Giê-hô-va đã làm những gì cho dân Giu-đa? Ngài giáng xuống (c.1-4), thẳng lên (c.5) và ngồi lại (c.8,9). Đây cũng chính là bức tranh tả vẻ lại những điều Thiên Chúa đã làm cho chúng ta: Ngài xuống thế gian chịu chết vì cớ tội lỗi chúng ta, được sống lại và hiện giờ đang ngự ở trên thiên đàng.

-Thứ hai, chúng ta có thể quan sát Thi-thiên này dưới góc độ: tương lai được tiên đoán trước. Dân Y-sơ-ra-ên chưa phải trải qua thời kỳ khó khăn của Gia-cốp. Nhưng rồi đây, Đức Chúa Giê-xu sẽ tái lâm và giành được chiến thắng (Khải 19), và dân Y-sơ-ra-ên sẽ bước vào sự ngợi khen Thiên Chúa trong vinh quang. Hiện nay, tất cả các quốc gia trên thế gian này đang nổi cơn thịnh nộ, nhưng trong tương lai, họ sẽ phải ngợi khen Ngài. Chúa Giê-xu sẽ đến, thiết lập vương quốc Ngài và thực hiện lời hứa của Ngài đối với Áp-ra-ham là làm cho hậu tự người được sinh sôi nảy nở tăng lên đông đúc đến nỗi không tài nào đếm xuể được.

-Cuối cùng, chúng ta có thể quan sát Thi-thiên này dưới góc độ: hiện tại thực tiễn. Thờ phượng Đức Chúa Trời có nghĩa là trình dâng cho Ngài tất cả sự ngợi khen và lòng tôn kính xuất phát từ trong tâm chúng ta, là một sự đáp lại trọn vẹn của chúng ta vì cớ Ngài đáng được như vậy. Thi-thiên này cho chúng ta biết các dấu hiệu về sự thờ phượng.

Dấu hiệu thứ nhất: trung tâm sự thờ phượng của chúng ta chính là Đức Chúa Trời (c.1). Chúng ta thờ phượng một Đức Chúa Trời chiến thắng. Dấu hiệu thứ hai: mục đích thờ phượng của chúng ta là để tôn cao Chúa (c.9). Chúng ta hãy tán dương sự vĩ đại cả thể của Ngài. Ngợi khen là một bằng chứng và cũng là một kinh nghiệm của sự thờ phượng.

Chúng ta hãy tôn cao Thiên Chúa vì cớ Ngài đáng được như thế.


Không có sự hạn chế thời gian trong việc ngợi khen Đức Chúa Trời. Dân sự Ngài vẫn luôn và sẽ còn luôn ngợi khen Ngài. Chúng ta ngợi khen Đức Chúa Trời nhằm để tôn cao Ngài và tán dương sự vĩ đại của Ngài. Bạn có thờ phượng Ngài bằng sự ngợi khen không?



48. THI-THIÊN (Thi 48:1-14)


1. Công dân của Thiên Quốc (Thi 48:1-8)

Dân Y-sơ-ra-ên luôn lấy làm tự hào về thành Giê-ru-sa-lem. Thi-thiên 48 mô tả lại thành phố này như sau: “Vẻ đẹp nổi lên trên nơi cao, niềm vui của cả thế gian này chính là núi Si-ôn” (c.2). Ngày hôm nay, có lẽ người ta sẽ không còn đồng ý với sự mô tả này nữa, đặc biệt đối với những quan điểm về chính trị và những vấn đề sắc tộc có liên quan đến Giê-ru-sa-lem. Nhưng tôi nghĩ rằng ở đây tác giả Thi-thiên đang đề cập đến núi Si-ôn thuộc về thiên đàng trên trời. Hê-bơ-rơ đoạn 12 nói cho chúng ta biết rằng Cơ-đốc nhân là những công dân của Si-ôn thuộc về thiên đàng.


Đức Chúa Trời ngự ở Giê-ru-sa-lem.

Tác giả Thi-thiên mô tả cảnh các đội quân đã đến để cướp phá Si-ôn ra sao. Nhưng khi chúng nhìn thấy thành phố vĩ đại này, chúng liền bỏ chạy trong kinh hoàng. “Kìa, các vua chúa đang kết bè đảng với nhau, cùng nhau đi ngang qua. Họ nhìn thấy thành thì sững sờ, bối rối, vội vàng bỏ chạy. Sự hoảng sợ và nỗi đau đớn vây ráp họ” (c.4-6).

Các đội quân này đã phát hiện ra điều gì khi chúng nhìn vào Giê-ru-sa-lem? Trước tiên, chúng phát hiện ra sự vĩ đại của Đức Chúa Trời. “Đức Giê-hô-va thật vĩ đại, Ngài đáng được ca tụng trong thành của Đức Chúa Trời chúng ta” (c.1).


Kế tiếp, chúng nhận ra rằng Đức Chúa Trời là nơi nương náu của dân sự Ngài. “Đức Chúa Trời ngự trong các đền đài cung điện của thành. Ngài được biết đến như là nơi nương náu của thành ấy” (c.3). Đức Chúa Trời không chỉ là Vua, mà còn là Đấng mà chúng ta có thể đến trình dâng tất cả mọi nan đề, nhu cầu của chúng ta cho Ngài. Khi Đức Chúa Trời thiết lập núi Si-ôn, Ngài sẽ thiết lập chúng ta.Và khi Đức Chúa Trời xây dựng thành này, thì Ngài cũng sẽ xây dựng đời sống chúng ta. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc tại sao bạn phải nếm trải buồn đau, thất vọng, cõi lòng tan nát hoặc thậm chí còn gặp phải những bi kịch. Đức Chúa Trời đang làm cho bạn mạnh mẽ dần lên và bảo vệ bạn. Vì thế, bạn không phải sợ hãi gì cả.


Đức Chúa Trời đã thiết lập thành phố Giê-ru-sa-lem đó, sự vĩ đại cả thể của Ngài hiện diện trong thành và phủ quanh thành là điều hiển nhiên. Hơn nữa, vì bạn là công dân của Si-ôn thuộc về thiên đàng, nên Ngài luôn ngự trong lòng bạn. Đức Chúa Trời là nơi nương náu của bạn, nên Ngài thường xuyên che chở bạn và quan tâm đến các nhu cầu của bạn. Hãy để Ngài chăm sóc bạn và thiết lập bạn.


2. Mãi cho đến khi lìa đời (Thi 48:9-14)

Không có người nào lấy làm hãnh diện về thân phận người công dân hơn là người Do-thái sống ở Giê-ru-sa-lem. Trong một cuộc trò chuyện với một hướng dẫn viên du lịch ở Giê-ru-sa-lem, vợ tôi hỏi anh ta: “Anh được sinh ra ở đâu vậy?” Anh ta liền đứng lên, vẻ mặt rạng rỡ, khoe rằng: “Tôi được sinh ra ở Giê-ru-sa-lem đấy!”. Người Do-thái rất yêu mến thành phố này của họ vì một lý do chính đáng.


Tác giả Thi-thiên nói: “Hãy đi xung quanh Si-ôn, hãy dạo vòng quanh thành và đếm các ngọn tháp của nó. Hãy xem xét kỹ càng các đồn luỹ và những đền đài của nó để rồi các ngươi có thể thuật lại những gì đã thấy cho thế hệ mai sau” (c.12,13). Tuy nhiên, ở đây, tác giả chẳng ám chỉ đến một thành phố nào cả.


Thực ra, tác giả đang nói đến Đức Chúa Trời, Đấng mà bạn tin cậy: “Vì Đức Chúa Trời này là Đức Chúa Trời của chúng con đời đời vô cùng. Ngài sẽ dẫn dắt chúng con mãi cho đến lúc chúng con lìa đời”. Đó là một lời tuyên bố cực kỳ tuyệt vời! Ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta. Ngài chiếm hữu chúng ta. Ngài mua chúng ta. Ngài tạo dựng chúng ta. Rồi Ngài sống trong chúng ta. Ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta đời đời mãi mãi. Ý tưởng này hoàn toàn chinh phục tôi!


Nhưng Ngài không chỉ là Đức Chúa Trời của chúng ta mà thôi Ngài còn là Đấng dẫn dắt chúng ta. Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta mãi cho đến khi chúng ta qua đời. Ngài hiện đang dẫn dắt chúng ta trong cuộc đời này, cho nên chúng ta không phải lo sợ gì cả. Ngày hôm nay, Ngài đã sắm sẵn một con đường cho mỗi một chúng ta bước đi theo. Ngài muốn giữ cho chúng ta khỏi đi sai hướng và giúp chúng ta đạt được mục tiêu mà Ngài đã đề ra cho chúng ta.

Câu 14 là câu đang được thực nghiệm trên đời sống bạn và tôi ngày hôm nay. Ngài là Đức Chúa Trời và cũng là Đấng dẫn dắt của chúng ta, vì vậy chúng ta không phải lo sợ gì. Dù thế nào đi nữa. Ngài đã khởi đầu mọi sự thì cũng chính Ngài kết thúc mọi sự.


Đức Chúa Trời không chỉ là Đức Chúa Trời của bạn trong đời này mà còn cả trong đời sau nữa. Khi bạn suy gẫm Lời Đức Chúa Trời thì Đức Thánh Linh sẽ dùng lẽ thật của Lời Ngài hướng dẫn bạn bước theo đường lối Ngài. Bạn đừng bao giờ sợ sự chết, vì Chúa của bạn luôn ở cùng bạn cả trong sự chết lẫn sau sự chết. Có phải hiện tại Chúa Giê-xu Christ là Đấng Cứu Thế của bạn không? Nếu đúng như thế thì bạn cũng hãy để cho Ngài làm Đấng dẫn dắt bạn suốt cuộc đời này


3. Hành hương đến Si-ôn (Thi 48:1-14)

Nhiều người Do-thái đã thực hiện cuộc hành hương đến Giê-ru-sa-lem để dự lễ mừng khi họ nghe tin vua Ê-xê-chia đánh bại quân San-chê-ríp, giành được chiến thắng vẻ vang (IIVua 18, 19). Cơ-đốc nhân ngày nay là những công dân của Si-ôn thuộc về thiên đàng cũng đang thực hiện cuộc hành hương (He 12:18-24).


Là người đi hành hương, chúng ta đề cập đến Si-ôn (c.1-3). Chúng ta nên nói về Đức Chúa Trời Đấng đã tạo dựng Si-ôn và nói về sự bảo vệ của Ngài. Bây giờ, chúng ta bàn đến vẻ đẹp của Si-ôn. Trên phương diện thuộc linh, Si-ôn là niềm vui cho cả thế gian này (Sa 12:1-3).


Là người đi hành hương, chúng ta hãy ngắm nhìn Si-ôn (c.4-8). Khi chúng ta hướng về Giê-ru-sa-lem thì đức tin chúng ta sẽ được khích lệ. Vua Ê-xê-chia không có phương sách để đánh quân A-si-ri, tuy nhiên ông có Giê-hô-va Đức Chúa Trời, ông trình dâng lá thư phạm thượng của quân A-si-ri trước mặt Đức Chúa Trời và phó thác mọi việc cho Ngài. Đức Chúa Trời đã hành động. Lúc bấy giờ, đội quân A-si-ri đang bao vây bên ngoài, chờ để vào cướp phá thành, nhưng chúng đã bị tiêu diệt một cách bất ngờ chẳng khác nào sự bất ngờ trong cơn sinh nở của người đàn bà. Khi chúng ta sống trong đường lối Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được Ngài bảo vệ.


Là người đi hành hương, chúng ta hãy bước vào Si-ôn (c.9-10). Người Do-thái đi đến đền thờ trước nhất. Đây là điều lý thú cho chúng ta khi ngẫm nghĩ về lịch sử.Tôi tin rằng khi bạn có mặt ở nhà thờ, bạn thường nghĩ về lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, về việc chuyển tải sự ngợi khen Ngài đến cùng trái đất (c.10). Chúng ta hãy chia sẻ một chiến thắng vĩ đại hơn (c.10). Chúng ta hãy chia sẻ một chiến thắng vĩ đại hơn cho thế gian: Chúa Giê-xu của chúng ta đã chịu chết vì chúng ta và nay đã sống lại rồi.


Là người đi hành hương, chúng ta hãy dạo quanh Si-ôn (c.12-14). Đây là một cuộc diễu hành ngợi khen trong tiếng reo mừng vui vẻ. Khi Nê-hê-mi tổ chức lễ khánh thành việc tái thiết bức tường thành Giê-ru-sa-lem, có hai ban hát lễ đã dạo vòng quanh thành ngắm thành (Ne 12:27-47). Hãy quý trọng những gì bạn có và những gì Đức Chúa Trời đã làm cho bạn. Bạn có thể thuật lại những điều ấy cho con cháu mình nghe. Còn ở đây có một điều thật đáng buồn thay, dân Y-sơ-ra-ên đã không giữ vững đức tin (Ca 2:15). Chúng ta hãy cẩn thận đừng tưởng rằng việc Chúa phải ban phước cho chúng ta là điều đương nhiên!


Hẳn là bạn đang thực hiện một cuộc hành hương đến Si-ôn thuộc về thiên đàng. Hãy can đảm lên, vì Đức Chúa Trời luôn bảo vệ bạn. Việc bạn sẵn lòng dấn thân vào cuộc hành hương sẽ được thể hiện rõ ràng trong chính nếp sống hàng ngày của bạn. Hãy ngợi khen Ngài về những gì Ngài đã làm cho bạn.



49. THI-THIÊN (Thi 49:1-20)


1. Đừng nhờ cậy vào của cải vật chất (Thi 49:1-13)

Chắc chắn rằng, tác giả đoạn Thi Thiên có một thái độ rất đúng đắn đối với của cải vật chất. Ông cảnh cáo: “Họ nhờ cậy vào của cải vật chất và phô trương những sự giàu có dư giả của mình. Tuy nhiên, chẳng có kẻ nào trong bọn lại có thể cứu chuộc anh em mình được, hoặc cũng chẳng đóng nổi tiền chuộc người cho Đức Chúa Trời” (c.6,7).

Tiền bạc không có khả năng đưa chúng ta vào thiên đàng được. “Vì giá chuộc linh hồn họ rất đắt” (c.8). Đức Chúa Giê-xu Christ đã trả giá bằng huyết quý báu! Thực ra, Ngài từng cảnh tỉnh rằng tiền bạc thường giữ người ta đứng ngoài thiên đàng. “Kẻ giàu vào nước thiên đàng thật khó thay!” (Mat 19:23).


Tiền bạc không đem chúng ta vào trong thiên đàng được. Tiền bạc cũng chẳng cứu nổi chúng ta khỏi sự chết. “Họ (những kẻ giàu có của cải) có ý nghĩa thầm kín rằng nhà cửa họ sẽ luôn trường tồn, nơi ở của họ sẽ còn lại hết đời này đến đời kia. Và họ đã lấy chính tên mình đặt tên cho đất đai của họ” (c.11). Nhưng ở đây, tác giả Thi Thiên bảo những kẻ lắm của thừa tiền rồi đây sẽ chết như thú vật chết vậy.


Tiền bạc không thắng nổi sự chết, và tiền bạc cũng chẳng đồng hành với chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng nó cách khôn ngoan khi chúng ta có nó. “Vì kẻ giàu trông thấy người khôn ngoan chết, lại chứng kiến những kẻ ngu dại và điên cuồng cũng chết như nhau, tất cả đều để lại tiền bạc của họ cho kẻ khác hưởng” (c.10).


Tác giả đoạn Thi-thiên này khuyên chúng ta chớ nhờ cậy vào của cải vật chất nhưng hãy nhờ cậy vào Đức Giê-hô-va. Bạn sẽ chẳng có tội lỗi gì khi bạn sở hữu những thứ mà tiền bạc có thể mua được, nhưng bạn sẽ có tội nếu như bạn đánh mất những thứ (đời sống vĩnh cửu) mà tiền bạc không thể mau được.

Đừng đơn giản tin tưởng một cách lệch lạc rằng tài khoản của bạn trong ngân hàng hoàn toàn có thể đem lại điều tốt đẹp cho cuộc sống bạn. Bạn không thể cất giữ tiền bạc của mình mãi nhưng hãy sử dụng nó làm vinh hiển Đức Chúa Trời trong ngày hôm nay. Nếu bạn làm thế, thì có nghĩa là bạn đang đầu tư tiền bạc cho đời sau. Hãy làm cho của cải của bạn còn lại đời đời bằng cách để cho Đức Chúa Trời chỉ dẫn bạn sử dụng nó.


Chúng ta không thể nhờ cậy vào của cải vật chất được. Mặc dù chúng là thứ có sức mạnh, nhưng quyền lực của chúng vẫn bị giới hạn đối với thế giới trần tục này. Chúng không có khả năng đem bạn vào thiên đàng hoặc chiến thắng sự chết. Vậy, bạn có đang nhờ cậy vào của cải vật chất đời này mà đáng lý ra bạn nên nhờ cậy vào Đức Chúa Trời không?


2. Hai lời cảnh cáo (Thi 49:14-20)

“Chớ lo sợ khi có ai đó trở nên giàu có, gia đình người chói lọi vinh quang, thế nhưng khi người lìa đời cũng chẳng đem theo mình được thứ gì” (c.16,17)


Của cải vật chất là thứ rất tạm thời, chúng ta chẳng thể cứ giữ nó mãi bên mình, nhưng hãy sử dụng nó làm vinh hiển Đức Chúa Trời khi chúng ta có nó. Đức Chúa Trời ban sự giàu có cho chúng ta vì lòng tốt của Ngài. ITi 6:17 nói rằng Ngài ban “mọi sự dư dật cho chúng ta để chúng ta hưởng thụ”. Chúng ta chỉ là những người quản lý của cải chứ không phải là những ông chủ. Một số người cảm thấy sửng sốt khi nghe nói như vậy. Có người nghĩ rằng chính anh ta là người sở hữu ngôi nhà của mình với mọi của cải tài sản do anh ta mua được. Thế nhưng, khi lìa đời, anh bị phân cách khỏi mọi thứ ấy mãi mãi.


Tác giả Thi-thiên đưa ra hai lời cảnh cáo có liên quan đến của cải vật chất.

-Thứ nhất hãy cảnh giác với sự an ninh giả tạo.

Người ta mua sắm nhà cửa và lấy tên mình đặt cho chúng. Nhưng một ngày nào đó, những nhà cửa ấy sẽ bị phá sập xuống. Hoặc nếu chúng không bị phá sập xuống thì cũng sẽ có kẻ đến hỏi rằng: “Ngôi nhà ấy đã được đặt tên. Vậy, cái gã đặt tên cho nó là ai thế?” Và câu trả lời sẽ là “Tôi chả biết. Tôi chưa bao giờ nghe nói về hắn”. Thiên hạ đang cố lưu lại tên mình trên tất cả các của cải vật chất của họ, nhưng cuối cùng họ đã thất bại.

-Thứ hai, hãy coi chừng lỡ mất cơ hội.

Chúng ta có thể đầu tư vào những công việc Đức Chúa Trời giao cho chúng ta để thực hiện công tác Ngài. Chúng ta có thể giúp đỡ người khác. Nếu chúng ta làm những người quản lý trung thành của Đức Chúa Trời – thì mọi của cải Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sẽ được dùng vào việc đem lại sự vinh hiển đời đời cho Ngài. Bạn đừng để vuột mất cơ hội hầu việc Ngài theo cách này.


Đối với rất nhiều người, của cải vật chất thường đem lại sự an toàn cho họ. Thế nhưng, sự an toàn đó chỉ là sự an toàn giả tạo mà thôi, bởi vì sự giàu sang của con người rất tạm thời. Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất ban cho con người của cải và Ngài mong muốn của cải ấy được sẻ chia, được sử dụng vào việc đem lại vinh hiển cho Ngài. Bạn có phải là người quản lý những gì Đức Chúa Trời đã ban cho bạn một cách trung tín không?



50. THI-THIÊN (Thi 50:1-23)


1. Lệnh gọi hầu tòa (Thi 50:1-6)

Tác giả Thi-thiên đang mô tả sự xuất hiện của Đức Chúa Trời tại phiên toà do Ngài triệu tập. “Từ hướng mặt trời mọc (hướng Đông) đến hướng mặt trời lặn (hướng Tây)” (c.1), Đức Chúa Trời kêu gọi mọi người tập trung lại và phán rằng: “Ta sắp sửa mở cuộc xét xử”.

Thường thì chúng ta không nghĩ Đức Chúa Trời là Quan Toà nhưng thật sự Ngài chính là Quan Toà. “Ngài sẽ gọi các từng trời từ trên cao kia, Ngài cũng gọi mặt đất thấp này và nói với chúng rằng Ngài sắp phán xét dân sự Ngài” (c.4).


Tại sao Đức Chúa Trời lại phán xét dân sự Ngài? Sao Ngài không phán xét kẻ ác mà thôi? Sứ đồ Phi-e-rơ cho chúng ta biết sự phán xét sẽ được bắt đầu tại nhà của Đức Chúa Trời (IPhi 4:17). Còn tội lỗi của chúng ta thì đã được xét xử tại đồi Gô-gô-tha rồi. “Cho nên, hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (Ro 8:1). Nhưng những việc làm của chúng ta sẽ được phán xử tại Toà Phán Xét của Đấng Christ.


Đức Chúa Trời làm như vậy bởi vì Ngài quan tâm đến sự vinh hiển Ngài. “Từ Si-ôn…Đức Chúa Trời sáng loà ra” (c.2). Ngài muốn chúng ta làm vinh hiển Ngài. Ngài muốn chúng ta thực hiện ý muốn Ngài. Cũng vậy, Đức Chúa Trời muốn ban thưởng cho các đầy tớ trung thành của Ngài. Nếu bạn cần động lực để hầu việc Chúa cách trung tín thì hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời sẽ phán xét và ban thưởng cho những ai trung tín với Ngài. Hiện nay, nếu bạn là người vâng lời Ngài, thì bạn sẽ không phải sợ khi nghe lệnh của Ngài gọi bạn ra hầu toà.

Một ngày nào đó, Đức Chúa Trời sẽ phán xét tất cả các thánh đồ của Ngài.

Bạn có trung tín với Chúa không? Đời sống bạn có làm vinh hiển Chúa chưa? Hãy làm cho “cuộc hầu tòa” của bạn làm vinh hiển Chúa


2. Điều Đức Chúa Trời muốn (Thi 50:7-15)

“Hãy dâng sự cảm tạ làm của lễ cho Đức Chúa Trời, và trả sự hứa nguyện của con cho Đấng Chí Cao. Trong ngày gian truân, các con hãy kêu cầu ta, ta sẽ giải cứu các con và các con sẽ ngợi khen Ta” (c.14,15).

Dân sự kéo đến trước toà của Đức Chúa Trời thưa rằng: “Ngài không thể phán xét chúng con, bởi vì, chúng con đã dâng nhiều của lễ cho Ngài rồi mà!” Và Ngài đáp lời họ: “Ta sẽ chẳng quở trách các con về những của lễ và của lễ thiêu mà các con đã dâng là những của lễ hằng ở trước mặt ta. Ta sẽ không bắt một con bò đực nào cả ở nhà các con, cũng chẳng bắt các dê đực ra khỏi chuồng nuôi của các con” (c.8,9). Ngài còn bảo: “Nếu ta đói, ta cũng sẽ chẳng nói cho các con biết đâu. Vì thế giới này với muôn vật trong nó đều là của ta cả” (c.12). Ở đây ý Ngài muốn nói rằng “Những của lễ mà các con đem dâng cho ta chỉ là những gì do chính ta đã ban cho các con trước đó mà thôi!”


Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này.

Khi bạn dâng của lễ, có phải bạn đang dâng cho Đức Chúa Trời vật gì đó mà vật ấy lại không phải là vật vốn sẵn có của Ngài ư? Ai đã ban cho bạn sức lực để làm việc? Ai sẽ luôn bảo vệ, che chở bạn khi bạn trên đường đi làm và trở về nhà sau công việc? Đó chính là Đức Chúa Trời.

Do đó, khi chúng ta đem dâng cho Ngài những của lễ thuộc về vật chất (và Ngài luôn muốn chúng ta làm điều này) thì ấy chỉ là chúng ta đang đem dâng lại cho Ngài những gì mà Ngài đã ban cho chúng ta trước đó mà thôi.Đức Chúa Trời muốn chúng ta dâng cho Ngài những gì mà Ngài đã không ban cho chúng ta “Hãy dâng sự cảm tạ làm của lễ cho Đức Chúa Trời, và trả sự hứa nguyện của các con cho Đấng Chí Cao” (c.14).


Của lễ mà Đức Chúa Trời ưa thích nhất do chúng ta dâng cho Ngài là của lễ phải xuất phát từ tấm lòng của chúng ta Đó là sự kêu cầu Ngài, sự cảm tạ và sự vâng lời Ngài. Hãy dâng cho Ngài sự cảm tạ và sự ngợi khen. Đức Chúa Trời không ban sự cảm tạ cho chúng ta và sau đó Ngài lại bảo chúng ta “Hãy dâng nó trở lại cho ta”. Không, Ngài đang đợi chúng ta ngợi khen Ngài. Hãy dâng cho Ngài sự vâng lời. “Các con hãy trả sự hứa nguyện mình cho Đấng Chí Cao” (c.14). Chúng ta cũng hãy dâng cho Ngài sự cầu nguyện “Trong ngày gian truân, các con hãy kêu cầu ta” (c.15). Vậy, nếu chúng ta dâng lên cho Đức Chúa Trời những của lễ trên, thì chúng ta sẽ làm vinh hiển Ngài.


Đức Chúa Trời muốn các của lễ chúng ta dâng lên cho Ngài phải được xuất phát từ tấm lòng. Sau khi nhận lãnh ơn phước Ngài ban cho, chúng ta thường không quay lại cảm ơn và ngợi khen Ngài. Bạn có muốn dâng sự vinh hiển cho Ngài trong ngày hôm nay không? Hãy tạ ơn Ngài về những gì Ngài đã ban cho bạn. Hãy vâng lời Ngài. Hãy dâng những nan đề của bạn cho Ngài. Đó chính là tất cả những cơ hội để Ngài có thể sử dụng để đem lại vinh hiển cho chính Ngài.


3. Đức Chúa Trời có ích kỷ không? (Thi 50:16-23)

“Hễ ai dâng sự ngợi khen làm vinh hiển ta” (c.23).

Ngày nay, chúng ta không còn dâng cho Đức Chúa Trời những của lễ là bò đực, dê đực và chiên đực nữa. Chúng ta không còn có một bàn thờ đúng nghĩa là nơi để chúng ta dâng lên các của lễ đúng nghĩa cho Đức Chúa Trời. Của lễ mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta dâng cho Ngài phải được xuất phát từ tấm lòng chúng ta thậm chí khi chúng ta dâng tiền bạc, là của lễ thực hữu và đúng nghĩa thì của lễ ấy phải được xuất phát từ lòng yêu thương, sự thành thật và từ đức tin. Mục đích của chúng ta là làm vinh hiển Đức Chúa Trời và lấy làm vui thích về Ngài luôn luôn.


Càng làm vinh hiển Đức Chúa Trời, chúng ta lại càng làm đẹp lòng Ngài. Mà hễ càng làm đẹp lòng Ngài, chúng ta lại càng ưa thích Ngài. Đời sống chúng ta sẽ trở nên phong phú khi chúng ta làm vinh hiển Ngài.


Có phải Đức Chúa Trời rất ích kỷ khi Ngài muốn chúng ta ca ngợi Ngài không? Nếu tôi đến gần nói với bạn rằng “Tôi muốn bạn làm vinh hiển tôi bằng cách hãy ca ngợi tôi”. Điều này nghe có vẻ hết sức kiêu ngạo. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng vốn vĩ đại nhất trong vũ trụ này. Không ai vĩ đại hơn Ngài lại cũng không ai tối cao hơn Ngài. Đức Chúa Trời đang trị vì. Vì thế khi Ngài bảo chúng ta ngợi khen Ngài tức Ngài muốn chúng ta nếm biết điều cao cả nhất có thể được là sự ngợi khen và thờ phượng.


Chúng ta còn một cách nữa để ngợi khen Đức Chúa Trời đó là: làm những việc thiện.“Các con hãy chiếu thật sáng trước mặt người để họ có thể nhìn thấy các việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mat 5:16).

Chúng ta ngợi khen Ngài qua việc thờ phượng Ngài. Chúng ta ngợi khen Ngài qua nếp sống kỉ luật, đẹp lòng Chúa. “Kẻ nào dâng sự cảm tạ làm của lễ, tôn vinh ta; Còn người nào đi theo đường ngay thẳng thì ta sẽ cho thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời” (c.23). Chúng ta có những thứ để dâng và chúng ta cũng có những thứ để cho.


Chúng ta dâng sự ngợi khen bằng đức tin.

Chúng ta cho đời sống mình bằng sự vâng lời. Câu 23 là một lời nói giản dị về điều mà bản thánh ca nổi tiếng “Tin cậy vâng lời” đã nói: “Tin cậy vâng lời, nào nhờ cách gì trong đời. Muốn hưởng phước thiên thượng ai ơi, hằng duy tin cậy, vâng lời”


Đức Chúa Trời là Đấng đáng được tôn cao. Ngài đã ban cho chúng ta đặc ân thờ phượng Ngài. Bạn có lấy làm vui thích về Ngài không? Hãy sống đời sống vâng lời Ngài và yêu mến Ngài.


4. Lệnh ân xá cho kẻ phạm tội (Thi 50:1-23)

Thi Thiên này mô tả nơi xử án của Đức Chúa Trời, bản án phán xét dân sự Ngài là những người đã lập giao ước với Ngài bằng việc dâng của tế lễ cho Ngài.


Cuộc xét xử gồm 3 phần:

-Thứ nhất: Đức Chúa Trời triệu tập phiên toà (c.1-6).

Đức Chúa Trời gọi tất cả mọi người trên thế gian đến, và kế đó Ngài xuất hiện. Ngài đến trong sự sáng loà và Ngài đã lên tiếng (c.3 He 12:29). Ngài gọi trời đất đến chứng kiến cuộc xét xử (c.5,6).

-Thứ hai: Đức Chúa Trời đưa ra lời cáo trạng (c.7-21).

Ngài bắt đầu với những người đã dâng của tế lễ cho Ngài. Ngài không quở trách các của lễ của họ, nhưng Ngài quan tâm đến cách dâng của họ.

Đức Chúa Trời muốn của lễ thuộc linh phải được xuất phát từ tấm lòng.

Đó là: sự vâng lời, sự cầu nguyện và ngợi khen (c.15). Kế tiếp, Ngài nói đến kẻ ác. Họ là những người đã nói về các luật lệ Ngài nhưng không tuân giữ chúng (Mat 7:21). Họ tưởng rằng Đức Chúa Trời im lặng có nghĩa là Ngài chấp thuận.

-Thứ ba, Đức Chúa Trời tuyên bố sự kết cuộc (c.22,23).

Ngài có thể tuyên bố rằng mọi người đều đã phạm tội cả. Nhưng thay vì làm thế, Ngài lại ban ra lệnh ân xá “Hễ ai dâng sự ngợi khen ca tụng ta và sống đời sống ngay thẳng tử tế với người khác thì ta sẽ chỉ cho người ấy thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời” (c.23).

Một ngày nào đó, đời sống chúng ta sẽ được phán xét.Chúng ta hãy thực hiện những gì Chúa bảo và hãy bước ra khỏi nơi xử án một cách tự do.


Sẽ có một ngày, bạn sẽ phải có mặt trong cuộc xét xử tại Toà Phán Xét của Đấng Christ là nơi mà những việc bạn đã làm sẽ được Đức Chúa Trời phán xét. Bạn có chuẩn bị cho cuộc xét xử tại nơi xử án của Ngài chưa? Các của lễ của bạn có xuất phát từ tấm lòng không?



51. TÁI LẬP MỐI TƯƠNG GIAO (Thi 51:1-19)


Tất cả chúng ta đều phải đương đầu với tội lỗi. Bản năng tự nhiên của con người thường kéo chúng ta xuống tựa như lực hút trái đất vậy. Còn Đức Chúa Trời lại tạo dựng chúng ta, cứu vớt chúng ta và nâng chúng ta lên (Eph 1:5-2:6).


Chúng ta có 3 cách để đối phó với tội lỗi.

-Thứ nhất: Che đậy chúng. Chúng ta thường dùng lời lẽ che đậy tội lỗi mình. Đó chỉ là những giả trá – lừa dối người khác, lừa dối chính mình và lừa dối cả Đức Chúa Trời. Những lời dối trá luôn ở trong tối tăm, ngược lại lẽ thật của Đức Chúa Trời thuộc về sự sáng. Khi chúng ta nói dối, phẩm hạnh của chúng ta sẽ bị huỷ hoại dần (Ch 28:13). Còn khi chúng ta che giấu tội lỗi, chúng ta sẽ đánh mất ánh sáng Đức Chúa Trời, mối tương giao với Ngài và phẩm hạnh của chính chúng ta.

-Thứ hai: Xưng chúng ra. Hãy thú nhận tội lỗi mình và lên án chúng là việc làm thích hợp với ý muốn Đức Chúa Trời đối với vấn đề tội lỗi. Đó là một hành động liên quan đến tấm lòng và ý chí. Một số người đã phải chết vì họ đã cố tình cố ý, kiêu căng và ngạo mạn coi thường ý muốn của Đức Chúa Trời. Bạn hãy thú nhận mình là một tội nhân và nói rằng mình đã làm điều sai trái, rồi hãy tìm đến Chúa xưng tội mình ra với Ngài.

Bạn nên cùng với những người đồng phạm như bạn xưng tội lỗi mình ra một cách riêng tư hoặc tại trong gia đình mình (nhớ là đừng làm người phô trương trước công chúng). Việc xưng tội sẽ đem lại cho bạn sự giải thoát, sự tự do, sự tha thứ và một khởi đầu mới.

-Thứ ba: Đánh bại chúng. Hiện nay, Đức Chúa Giê-xu đang ngự trên thiên đàng làm Đấng Biện Hộ và cũng là một Luật Sư bào chữa cho ta trước mặt Đức Chúa Cha.

Hãy luôn ở trong Ngài, kính mến Ngài và đồng hành với Ngài trong ánh sáng của Lời Ngài. Hãy tuân giữ các mạng lệnh Ngài. Mối tương giao được hình thành chính là kết quả của việc bước đi với Chúa của chúng ta. Kính mến Chúa là hầu việc Ngài và vâng giữ theo các mạng lệnh Ngài.

Bạn đang che đậy tội lỗi hay đang đánh bại chúng trong cuộc sống bạn hiện giờ? Hãy xưng ra tất cả những tội lỗi của mình mà bạn đã nhận biết và cầu xin Đức Chúa Trời tẩy sạch lòng bạn. Ngài muốn tha thứ cho bạn để Ngài có thể tái lập mối tương giao với bạn.


1. Giá phải trả cho việc phạm tội (Thi 51:1-2)

Điều quý báu nhất trong vũ trụ này chính là linh hồn con người. Chúng ta nhìn thấy giá trị của nó tại đồi Gô-gô-tha, bởi vì cái điều phải được trả giá cao nhất trong thế gian này là tội lỗi của chúng ta – đòi hỏi giá phải trả bởi chính huyết của Chúa Giê-xu để chuộc tội cho chúng ta.


Chúng ta cũng nhìn thấy hậu quả của tội lỗi trên đời sống chúng ta. Trước khi Đa-vít phạm tội ông là một người bạn của Đức Chúa Trời, sống ngay thẳng thực hiện các mục tiêu Ngài muốn. Thế nhưng, sau khi phạm tội, ông trở thành kẻ bất lương, đánh mất những đặc điểm trên. Thi 32:1-11 Thi 51:1-19 liên hệ đến sự chuyển biến về phương diện tâm linh của Đa-vít đã xảy ra khi ông ăn năn xưng nhận tội tà dâm và tội sát nhân của mình.


Chúng ta không cần phải thuật lại tỉ mỉ tội lỗi của Đa-vít. Câu chuyện nói về cái cách ông đã phạm tội tà dâm và giết người rồi cố tình che đậy tội lỗi mình suốt một năm đã trở thành nổi tiếng. Hậu quả tội lỗi của ông đã đem lại cho ông những thảm hoạ. Nếu chúng ta thực sự hiểu biết tội lỗi là gì và tội lỗi đã gây ra hậu quả thế nào, thì ắt hẳn sự hiểu biết ấy sẽ giúp chúng ta cân nhắc kỹ lưỡng, tránh khỏi sự phạm tội chống nghịch Đức Chúa Trời.Nhưng, chúng ta đã không nhìn thấy tội lỗi theo cái cách Ngài thấy.


Phạm tội là một quá trình tiệm tiến. Đa-vít dùng ba từ khác nhau diễn tả lại điều ông đã làm. Thứ nhất, đó là từ “sự vi phạm” ám chỉ đến sự nổi loạn chống nghịch Đức Chúa Trời. Từ thứ hai là “sự gian ác” đề cập đến tính bất lương của kẻ phạm tội. Và “từ còn lại“, “tội lỗi” có nghĩa là đánh mất mục đích sống. Đa-vít còn sử dụng ba động từ sau để cầu xin sự tha thứ: Động từ thứ nhất: “Bôi xóa” muốn nói đến việc trả một món nợ. Còn động từ “tẩy rửa” thì ám chỉ rằng tội lỗi đã làm hoen ố nhuốc nhơ toàn bộ một con người. Và động từ thứ ba “làm sạch” có nghĩa là kẻ có tội giống như người bị bệnh phung, cần phải được chữa lành hoàn toàn.


Trước khi bạn muốn đầu hàng sự cám dỗ, thì hãy nhớ đến việc nó đã từng huỷ diệt Đa-vít ra sao. Bạn hãy nghĩ đến cái giá quá đắt mà bạn sẽ phải trả cho sự phạm tội, suy nghĩ ấy sẽ giúp bạn bỏ dần ý định phạm tội.

Linh hồn con người đã được mua với một cái giá đắt nhất bằng chính sự hi sinh của Con Trai Đức Chúa Trời. Hiện tại, có phải bạn đang đùa với các cám dỗ chăng? Giá phải trả cho việc phạm tội rất đắt, nhiều hơn cả khả năng thanh toán của bạn. Khi bạn nhận thấy mình bắt đầu sa vào con đường tội lỗi, thì hãy mau mắn lấy các lời hứa của Đức Chúa Trời và kêu cầu Ngài. Ngài sẽ khiến cho bạn mạnh mẽ và bảo vệ bạn, giúp bạn đủ sức đắc thắng cám dỗ. Đồng thời, bạn hãy luôn vui mừng vì Ngài tha thứ cho bạn khi bạn phạm tội.


2. Những cửa sổ dơ bẩn (Thi 51:3-6)

Tội lỗi là điều chúng ta không thể diễn tả hết được bằng sách vở. Nó là quyền lực của sự tối tăm có thể huỷ diệt đời sống chúng ta và huỷ diệt cả thế giới này. Đa-vít mô tả lại tâm trạng của một lương tâm có tội như sau: “Vì con đã nhận ra được các sự vi phạm và tội lỗi của con hằng ở trước mặt con” (c.3).

Lương tâm là một món quà tuyệt vời vô cùng huyền diệu của Đức Chúa Trời ban cho con người chúng ta, nó là cái cửa để cho ánh sáng lẽ thật của Đức Chúa Trời có thể rọi vào trong lòng người. Nếu chúng ta cố ý phạm tội chống nghịch lại Ngài thì cửa sổ ấy sẽ trở nên dơ bẩn, và lẽ thật sẽ không thể nào chiếu xuyên qua nó nhiều được. Cuối cùng, nó bị dơ dáy quá đến mức ánh sáng không thể nào lọt vào bên trong nó được nữa. Kinh Thánh gọi nó là lương tâm chai lì, dơ bẩn.


Đa-vít che giấu tội lỗi mình gần suốt một năm. Ông không muốn được tan vỡ . Ông cũng không muốn hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời.Và đời sống ông lúc ấy ra sao? “Kẻ nào che đậy tội lỗi mình sẽ không được thanh thản” (Ch 28:13). Đa-vít có được thanh thản không vậy? Không. Ông nhìn vào chỗ nào cũng đều thấy tội lỗi mình.


Khi chưa phạm tội, bất kỳ nhìn vào đâu, ông thảy đều trông thấy Đức Chúa Trời. Ấy là lúc ông có tấm lòng trong sạch. “Phước cho người nào có lòng trong sạch vì sẽ được thấy Đức Chúa Trời” (Mat 5:8). Tấm lòng bạn luôn có tác động đến cặp mắt bạn. Bạn yêu thích cái gì bằng cả tấm lòng mình thì mắt bạn sẽ để ý tìm kiếm cái đó.


Đức Chúa Trời rất lấy làm ưa thích sự thành thật bề trong của chúng ta. “Kìa Chúa ưa thích sự thật bề trong, và Ngài sẽ giúp con nhận biết sự khôn ngoan ở trong nơi ẩn giấu này” (c.6). Đa-vít xưng nhận tội lỗi mình ra vì ông muốn lại được thấy Đức Chúa Trời – ở trong thiên nhiên, trong Thánh Kinh và trong đền thờ.


Bạn có luôn giữ cho lương tâm mình sạch sẽ không? Nó là một phần sự vâng lời bên trong con người bạn, là phần có thể tiếp nhận lẽ thật của Đức Chúa Trời. Khi bạn phạm tội, cửa sổ lương tâm bạn sẽ trở nên dơ bẩn và sự dơ bẩn ấy sẽ khiến nó loại lẽ thật ra ngoài nó. Bạn hãy tránh phạm tội, và hãy sống với một lương tâm trong sạch. Cần nuôi dưỡng chính mình mỗi ngày bằng lẽ thật từ Thánh Kinh.


3. Bạn nghe gì? (Thi 51:7,9)

Khi chúng ta phạm tội, tội lỗi sẽ huỷ diệt đời sống tâm linh chúng ta một cách khủng khiếp. Tội lỗi của Đa-vít không những ảnh hưởng đến cặp mắt ông mà nó còn tác động đến đôi tai ông nữa. “Hãy khiến cho con nghe được sự vui vẻ mừng rỡ” (c.8).

Hãy nhớ rằng Đa-vít không chỉ là một chiến sĩ mà còn là một ca sĩ. Có lẽ sau khi trở về từ chiến trường, Đa-vít đặt gươm xuống và cầm đàn hạc lên. Ông đánh đàn, hát xướng ngợi khen Đức Chúa Trời. Ông lắng nghe các ban hát lễ nhà Đức Giê-hô-va hát tôn vinh Ngài. Tai ông được mở ra khi nghe tiếng nhạc trên thiên đàng Tuy nhiên, ở Thi-thiên này, không có ghi chép lại điều ấy.


Đa-vít nghe tiếng buồn rầu, sầu não.

Ban lễ hát không được rập ràng nữa. Những gì ông nghe được đều dở tệ. Cũng vậy, chúng ta ai nấy đều có những ngày tương tự như thế. Khi chúng ta nuôi dưỡng những điều sai trái trong lòng thì chúng ta sẽ không thể nào thể hiện điều đúng ra bên ngoài được. Tin lành sẽ thành tin dữ. Tin dữ sẽ trở thành tin xấu nhất. Không hề có ai thắc mắc lý do tại sao Đa-vít lại cầu nguyện thế này: “Xin tẩy rửa con, thì con sẽ được trở nên trắng hơn tuyết” (c.7). Ông còn cầu xin Chúa thanh tẩy tội lỗi ông bằng loại cây bài hương thứ cây có nhánh nhỏ mà người Do-thái đã dùng rảy huyết lên ngạch cửa trong lễ Vượt qua.

“Huyết của Đức Chúa Giê-xu Christ, Con Ngài sẽ tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta” (IGi 1:7), với điều kiện chúng ta phải xưng nhận tội lỗi mình ra với Ngài.


Nếu tai bạn không được nghe sự vui vẻ mừng rỡ, thì có lẽ bạn đang gặp vấn đề ngay trong lòng bạn chứ không phải ở xung quanh bạn. Và nếu như vậy thì lòng bạn cần phải được tẩy rửa. Khi bạn hoà lòng mình với âm nhạc của Đức Chúa Trời và với các âm hưởng, hoà âm của thiên đàng thì mọi thứ quanh bạn sẽ luôn nhắc nhở bạn hãy đến với Ngài.


Tội lỗi không được xưng ra sẽ bỏ bạn ở lại với một tấm lòng dơ bẩn. Khi lòng bạn chất chứa điều sai trái thì bạn sẽ không nghe được sự vui vẻ mừng rỡ – tức là âm nhạc của Đức Chúa Trời. Bạn hãy xưng tội lỗi mình ra với Đức Chúa Trời. Ngài sẽ tha thứ cho bạn và tái tạo đời sống bạn.


4. Vòi tốt nước xấu (Thi 51:10)

Câu nói này chính là lời cầu nguyện của Đa-vít khi ông xưng tội mình ra với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Tội lỗi làm hoen ố tấm lòng.Bạn thường bảo: “Ồ, không ai thấy được điều đó. Đa-vít trông không có vẻ gì khác sau khi ông phạm tội”. Thế nhưng, khi lòng bạn bị dơ bẩn, hoen ố thì mọi thứ đều trở nên dơ bẩn.Vua Sa-lô-môn viết: “Hãy chuyên chú gìn giữ tấm lòng con vì các nguồn sự sống đều do nơi đó mà ra” (Ch 4:23).


Giả sử, bạn vặn mở một vòi nước tại nhà mình và bạn thấy nước bẩn từ trong vòi chảy ra. Bạn liền đi đến cửa hiệu bán đồ gia dụng, mua ngay một cái vòi nước mới (giá đắt hơn cái vòi cũ), rồi về nhà lắp vòi mới này vào, vặn mở nước ra. Bạn lại thấy nươc bẩn từ trong vòi mới chảy ra. Rõ ràng là vấn đề không phải ở cái vòi mà là ở nguồn nước. Đối với chúng ta cũng vậy, Chúa Giê-xu dạy: “Vì miệng sẽ nói ra những gì chất chứa trong lòng” (Mat 12:34). Tấm lòng là trung tâm của sự sống chúng ta. Tội lỗi có thể làm hoen ố nó. Đây là lý do tại sao Đa-vít nói rằng mọi thứ quanh ông đều bị dơ bẩn cả: cặp mắt của ông (Thi 51:3), đôi tai của ông (c.8), tấm lòng ông (c.10) và cả tâm hồn ông nữa.


Tội lỗi còn làm cho tâm linh yếu đuối.

Tất cả chúng ta đều muốn có một đời sống tâm linh sốt sắng, bền đỗ. Còn Đa-vít lúc bấy giờ đang bị chao đảo, yếu đuối. Mỗi lần nhìn thấy ai đó, ông đều tự hỏi người ấy có biết gì về tôi không nhỉ? Còn khi nào nhìn thấy người ta tụm lại nói chuyện với nhau tại một chỗ nào đó, Đa-vít lại tự hỏi có phải họ đang nói về mình không vậy? Lương tâm ông đang dơ bẩn, tâm linh ông đang yếu đuối.


Đức Chúa Trời có thể tạo dựng một tấm lòng mới và ban cho chúng ta một tinh thần kiên định. Bằng cách nào vậy? Chắc chắn là không phải bằng lời xin lỗi nhưng bằng sự xưng tội của chúng ta. Chúng ta thường hay có xu hướng xin lỗi khi phạm tội. Thay vì làm thế, Đa-vít đã xưng tội mình ra, và Đức Chúa Trời tha thứ cho ông. Vâng, Đa-vít đã phải trả giá rất đắt cho tội lỗi mình. Ông chịu đựng sự sửa phạt của Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời đã thanh tẩy lòng ông, làm cho thần linh ông mạnh mẽ và tạo nên những điều mới mẻ trong ông.


Tấm lòng bạn hiện thế nào? Trong sạch hay dơ bẩn? Những tội lỗi không xưng ra đang chứa chất trong lòng bạn sẽ làm hoen ố cả thân thể bạn. Đừng bao giờ cầm giữ tội lỗi hoặc che đậy nó, nhưng hãy mau xưng nó ra ngay. Nếu bạn làm như vậy, Đức Chúa Trời có thể tẩy sạch tội lỗi cho bạn và tái tạo đời sống bạn.


5. Sự mất mát lớn nhất (Thi 51:11)

Hẳn sẽ có nhiều hậu quả đau buồn xảy ra khi một tín đồ phạm tội, nhưng điều tồi tệ nhất chính là sự đánh mất tương giao gần gũi với Chúa.Chắc chắn không có ai thắc mắc khi nghe Đa-vít cầu nguyện: “Xin chớ dem con ra khỏi sự hiện diện của Ngài và xin đừng cất Đức Thánh Linh của Ngài khỏi con” (c.11). Đa-vít đang nhớ đến vị vua tiền nhiệm của mình Sau-lơ. Vua Sau-lơ đã quay lại chống nghịch Đức Chúa Trời và trở thành kẻ nổi loạn. Vì thế, Ngài đã cất Đức Thánh Linh khỏi ông và ban quyền năng của Đức Thánh Linh cho Đa-vít.


Ngày hôm nay Đức Chúa Trời không cất Đức Thánh Linh khỏi chúng ta. Đức Chúa Giê-xu đã từng nói với các môn đồ Ngài rằng Đức Thánh Linh sẽ ở cùng với họ luôn luôn. Khi Đức Thánh Linh đến ngự vào lòng bạn Ngài sẽ biến đổi đời sống bạn và ấn chứng cho sự cứu rỗi bạn. Ngài làm chứng rằng bạn đã trở thành con cái của Đức Chúa Trời và chắc chắn bạn thuộc về Đấng Christ.


Nhưng khi chúng ta phạm tội chống nghịch lại Chúa, chúng ta sẽ đánh mất sự gần gũi đó của Đức Thánh Linh nguồn ơn phước của chúng ta. Mọi thứ trong đời sống Cơ-đốc nhân đều tuỳ thuộc vào mối tương giao của chúng ta với Chúa. Đa-vít thường xuyên trông cậy vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời kể cả khi ông đang viết Thi-thiên này hoặc lúc ông đang lãnh đạo đội quân. Tuy nhiên, ông đã phải đau đớn về việc ông đánh mất sự hiện diện đầy quyền năng của Đức Thánh Linh.


“Mối tương giao” được dùng trong Thánh Kinh Tân-ước để chỉ về sự hiện diện của Chúa. Phận làm con và mối tương giao là hai điều hoàn toàn khác nhau. Phận làm con đến từ đức tin của chúng ta đặt vào Đức Chúa Giê-xu Christ tức là chúng ta được sinh ra trong gia đình của Đức Chúa Trời. Còn mối tương giao là kết quả của sự tin cậy Chúa của chúng ta. Chúng ta hãy giữ gìn đời sống mình luôn trong sạch. Hãy vâng lời Ngài. Chúng ta có thể thưa chuyện với Ngài bằng sự cầu nguyện. Và Ngài thường phán dạy với chúng ta qua Lời Ngài. Đừng phạm tội kẻo đánh mất mối tương giao này.


Tương giao với Đức Chúa Trời là mối quan hệ có điều kiện. Nếu chúng ta phạm tội trong đời sống mình, chúng ta sẽ không thể nào có mối tương giao với Ngài được. Bạn có cẩn thận bước đi với Chúa mỗi ngày không? Nếu bạn không thận trọng, ma quỷ sẽ chiếm lấy một vị trí trong đời sống bạn. Chớ phạm tội, nhưng hãy vâng lời Đức Chúa Trời và cầu nguyện với Ngài trong mọi lúc.Hãy ưu tiên cho việc bước đi với Chúa.


6. Đánh mất niềm vui (Thi 51:12)

Khi phạm tội, Đa-vít không đánh mất sự cứu rỗi mình nhưng ông đã đánh mất niềm vui của sự cứu rỗi ấy. Thật là lý thú khi thấy Đa-vít viết bao nhiêu lần về niềm vui trong những Thi-thiên. Sự vui mừng là yếu tố thiết yếu trong đời sống Cơ-đốc nhân. Nó là chứng cứ nói lên rằng chúng ta đã thực sự được tái sinh. Đức Chúa Giê-xu dạy: “Dầu vậy, chớ mừng vì các tà linh quy phục các con, nhưng hãy mừng vì tên các con đã được ghi trên thiên đàng” (Lu 10:20). Ngày hôm nay, dù bạn gặp phải bất cứ hoàn cảnh nào, bạn đều có thể vui mừng về sự cứu rỗi của Chúa.


Ne 8:10 nói rằng sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của chúng ta. Khi bạn vui mừng làm việc gì đó thì niềm vui sẽ đem lại cho bạn sức mạnh để thực hiện công việc ấy. Mặc khác tất cả chúng ta đều có nhiều việc phải làm mà chúng ta không thích. Chúng ta làm những việc nhưng thường chỉ theo bổn phận và vì cần phải làm mà thôi, cho nên chúng chẳng đem lại cho chúng ta sức lực là điều xuất phát từ niềm vui.


Chúng ta cần sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va làm chứng cớ cho Ngài. Sự vui vẻ bày tỏ cho những người chưa được cứu thấy rằng thật là quan trọng để nhận biết Đức Chúa Giê-xu. Ngài là Đấng quyền năng mà chúng ta hầu việc, phục vụ.


Đa-vít đã đánh mất niềm vui ấy, vì thế, ông cầu nguyện: “Xin hãy ban lại cho con sự vui vẻ, về sự cứu rỗi của Chúa, và xin Ngài ban Thánh Linh đầy lòng khoan dung của Ngài nâng đỡ con” (c.12). Sự vui vẻ và ý chí quyết tâm vâng lời luôn đi đôi với nhau. Khi bạn vui vẻ làm việc gì đó hoặc khi bạn lấy làm vui mừng thích thú về người mà bạn đang làm điều gì cho người đó, thì có nghĩa là bạn đang toàn ý làm việc ích lợi. Ở đây Đa-vít muốn nói rằng: “Tôi đang bị cầm tù vì cớ tôi đã không xưng tội mình ra. Vì vậy, tôi đã đánh mất niềm vui, tinh thần và ý chí của mình. Tôi cũng đã đánh mất niềm vui thật là niềm vui đến từ sự vâng lời Đức Chúa Trời”.


Bạn có thể lấy lại niềm vui bằng cách nào? Bằng cách: bạn hãy xưng tội mình ra. Sau đó, bạn hãy nhìn chăm Chúa Giê-xu, đừng nhìn vào chính bạn. Nếu bạn nhìn vào chính mình, bạn sẽ không thể nào vui vẻ được. Nhưng nếu bạn nhìn xem Chúa, bạn sẽ lại tìm thấy niềm vui từ sự cứu rỗi của Ngài


Đức Chúa Trời luôn muốn bạn lấy làm vui thích về sự cứu rỗi mình. Có phải bạn đã đánh mất sự vui vẻ về ơn cứu rỗi mình rồi chăng? Có phải bạn phá hỏng niềm vui sướng là niềm vui xuất phát sự vâng lời Đức Chúa Trời? Hãy chắc chắn rằng đời sống bạn đã được giải phóng khỏi tội lỗi và sau đó bạn hãy cầu xin Chúa ban lại niềm vui cho bạn.


7. Chứng nhân câm (Thi 51:13-15)

Tội lỗi mà chúng ta vi phạm không chỉ có ảnh hưởng đến chúng ta mà còn gây ảnh hưởng trên người khác ngay cả những người chưa được cứu. Đa-vít khám phá ra điều này khi ông cố làm chứng nhân cho Đức Giê-hô-va.Không có gì ngạc nhiên khi thấy ông viết: “Đức Chúa Trời ôi! Ngài là sự cứu rỗi của con. Xin Ngài giải cứu con khỏi tội ác làm đổ huyết, thì lưỡi con sẽ hát xướng lớn tiếng ca ngợi sự công bình của Ngài” (c.14). Đôi tay Đa-vít đã nhuốm đầy máu. Vì sao vậy? Vì ông đã giết U-ri, chồng của người đàn bà mà ông đã dan díu phạm tội tà dâm. Đức Chúa Trời nhìn thấy ông làm việc đó, và Giô-áp, một viên tướng trong quân đội của Đa-vít cũng biết rõ việc Đa-vít đã làm.


Tội lỗi còn làm câm miệng ông. Ông đã không còn hát xướng và làm chứng nhân cho Chúa được nữa “Chúa ôi! Xin mở môi miệng con, thì miệng con sẽ truyền ra sự ngợi khen Ngài” (c.15). Đa-vít rất quen thuộc với việc ngợi khen Chúa, nhưng bấy giờ, ông trở thành câm lặng. Khi chúng ta thôi hát xướng, ngợi khen Chúa và không làm chứng cho Chúa nữa, chúng ta sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều người khác. Đa-vít không còn khả năng để nói về Chúa cho mọi người. Nhưng khi Đức Chúa Trời tha thứ cho ông và tội lỗi ông đã được thanh tẩy, gột rửa sạch, thì ông lại có thể nói “Con sẽ dạy đường lối Chúa cho kẻ phạm tội, và họ sẽ trở lại cùng Ngài” (c.13)


Nếu bạn chưa từng phạm tội, và cho rằng “Tôi có thể phạm tội, nhưng tôi cũng có thể rũ bỏ nó đi” thì hãy nhớ ngay đến Đa-vít. Ông đã phạm tội, nhưng ông không rũ bỏ được nó. Tội lỗi gây ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống ông, ảnh hưởng trên gia đình ông và còn ảnh hưởng đến nhiều người khác nữa là những người mà ông sẽ phải làm chứng về Chúa cho họ.


Đức Chúa Trời kêu gọi mỗi người chúng ta hãy làm chứng nhân cho Ngài. Công việc của chúng ta là giảng dạy đường lối Chúa cho kẻ có tội. Chúa ban chúng ta đặc ân dẫn đưa tội nhân đến với Ngài “con sẽ nhận được quyền năng…và sẽ làm chứng về Ta” (Cong 4:8). Tội lỗi của chúng ta sẽ thường gây ảnh hưởng đến sự làm chứng của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Đức Chúa Trời thanh tẩy đời sống chúng ta và mở miệng chúng ta để chúng ta có thể chia sẻ Phúc Âm cho nhiều người khác.


Tội lỗi thường lây lan ra như một bệnh dịch. Nó không chỉ cướp phá niềm vui của bạn mà nó còn gây ảnh hưởng đến sự làm chứng của bạn cho người khác. Hễ bạn còn dành cho tội lỗi một chỗ trú trong cuộc đời bạn, thì đời sống tâm linh của bạn ắt sẽ bị nhiễm bệnh. Đừng để tội lỗi đánh cắp sự làm chứng của bạn cho Chúa. Hãy giữ lòng mình thanh sạch trước mặt Ngài.


8. Những mãnh vỡ (Thi 51:16-17)

Có bao giờ bạn học hỏi về những mảnh vỡ trong Thánh Kinh chưa? Có một người phụ nữ đã đập vỡ bình dầu thơm ngay chân Chúa Giê-xu và lấy dầu thơm từ bình ấy xức cho Ngài. Chúa Giê-xu đã cầm lấy bánh bẻ ra là hình ảnh về thân thể Chúa sẽ được ban cho chúng ta. Đức Chúa Trời thường sử dụng những mảnh vỡ, và Ngài hay bắt đầu với những tấm lòng đau thương thống hối. Đây chính sự ăn năn hối cải được nói đến. Đức Chúa Trời không muốn lắng nghe những lời chỉ ở nơi môi miệng chúng ta. Ngài cũng không dò lường của lễ vật chất nào.Ngài ưa thích nhìn vào tấm lòng chúng ta và bảo: “Nếu trái tim con tan nát thì ta có thể chữa lành cho”.


Khi Đa-vít phạm tội, ắt hẳn ông đã có thể đem dâng cho Đức Chúa Trời đủ mọi loại của lễ. Nhưng các của lễ ấy sẽ không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ngài đang đợi một của lễ về tấm lòng đau thương thống hối. Đó là lý do tại sao Đa-vít đã viết: “Của lễ làm đẹp lòng Đức Chúa Trời ấy là tâm thần đau thương, một tấm lòng tan nát, ăn năn hối cải những của lễ này, ôi Đức Chúa Trời ôi! Chắc Ngài sẽ không khinh dể đâu!” (c.17).

Tội lỗi của Đa-vít đã đẩy ông đến với bản luận tội và sự chết. Ông phạm tội tà dâm còn phạm thêm tội sát nhân nữa. Không của lễ nào có thể dâng cho Đức Chúa Trời để chuộc lại tội lỗi cố ý, dấy loạn và trắng trợn của Đa-vít. Thế nhưng, Đa-vít đã không bị Đức Chúa Trời diệt. Mặc dù ông không có của lễ nào được dành sẵn và có đủ hiệu lực để chuộc tội cho ông vào lúc ấy, nhưng Đức Chúa Trời đã nhìn xuống dòng thời gian và thấy trước viễn cảnh thập tự giá là hình cụ mà Đức Chúa Giê-xu sẽ phải chịu chết trên nó vì tội lỗi của Đa-vít.


Đức Chúa Trời thường nhìn vào tấm lòng chứ không nhìn công việc, Ngài ưa thích sự thành thật của tấm lòng chứ không thích các thói quen của nếp sống tôn giáo.

Người có lòng đau thương thống hối không phải là bị ray rứt lương tâm cũng không phải là lấy làm hối tiếc về việc đã làm. Đó chính là sự ăn năn hối cải từ bỏ tội lỗi. Đó là việc bạn hãy thưa với Đức Chúa Trời rằng bạn ghét tội lỗi, và bạn đang lên án nó, sau đó bạn hãy cầu xin Ngài tha thứ cho bạn. Hãy dâng lên cho Ngài của lễ bằng chính tấm lòng đau thương thống hối của bạn.


9. Điều gì làm đẹp lòng Chúa? (Thi 51:18-19)

Chúng ta có thể sống để làm hài lòng chính mình và người khác. Nhưng trên hết, chúng ta phải làm hài lòng Đức Chúa Trời. Đa-vít kết thúc lời cầu nguyện xưng tội của mình rằng: “Bấy giờ Chúa sẽ ưa thích các của lễ về sự công bình” (c.19). Chúng ta nên làm những gì đẹp lòng Chúa mà thôi.

A.W.Toach từng nói “Đồng hành với Đức Chúa Trời chẳng khó gì” Và đúng là như vậy. Một ngày nọ, Đa-vít cầu nguyện: “Xin hãy cho con rơi vào tay Chúa vì Ngài rất giàu lòng thương xót và xin chớ để con rơi vào tay loài người” (IISa 24:14).

Đức Chúa Trời biết rõ chúng ta, yêu thương chúng ta và Ngài rất kiên nhẫn đối với chúng ta. Mọi thứ Ngài sắm sẵn cho chúng ta thảy đều là những sự tốt lành, là niềm vui thoả và là sự vinh hiển Ngài. Vậy, điều gì làm đẹp lòng Ngài nhất? Đó là bước đi biết vâng lời chứ không phải là các của lễ, Đa-vít thưa với Chúa: “Nếu con dâng cho Ngài các của lễ mà lòng con không ăn năn hối cải, thì Ngài ắt sẽ không nhận chúng. Nhưng nếu con ăn năn tội và dâng lên Ngài tấm lòng tan nát, đầy đau thương thống hối thì chắc chắn Ngài sẽ tiếp nhận của lễ và sự phục vụ của con dành cho Ngài”.


Cái cách Đa-vít kết thúc Thi-thiên này thật lý thú. “Tuỳ theo ý tốt của Chúa, xin Ngài hãy làm điều lành cho Si-ôn, và xây dựng các vách thành Giê-ru-sa-lem” (c.18). Đa-vít đang ở trong tội lỗi mình, ắt hẳn ông rất yếu đuối, chứ không mạnh mẽ. Ông đã đem đến cho kẻ thù của Y-sơ-ra-ên cơ hội phỉ báng Đức Chúa Trời. Và những lời báng bổ ấy đã tuôn ra. Mọi người biết ngay đó là điều do Đa-vít gây nên. Vì thế, ông cầu nguyện với Chúa: “Ô, Đức Chúa Trời ôi! Khi con đang là kẻ có tội, con thật yếu đuối. Con đã không làm đẹp lòng Ngài. Bây giờ, con muốn làm đẹp lòng Ngài nên con sẽ được mạnh mẽ. Còn các tường thành Giê-ru-sa-lem, là tường thành bảo vệ sẽ trở nên vững chắc”. Bạn đang yếu đuối hay mạnh mẽ vậy?


Đức Chúa Trời sắm sẵn mọi sự để đem lại điều tốt lành sự vui thoả cho chúng ta và đem lại sự vinh hiển cho Ngài. Là con cái Chúa, bạn hãy cố gắng làm tất cả những gì để làm hài lòng Ngài và vinh hiển Ngài. Bước đi của bạn với Đức Chúa Trời có phải là bước đi vâng lời không? Hãy biến đời sống bạn thành những gì có thể làm đẹp lòng Ngài.



bottom of page