top of page

THI-THIÊN 4

KINH THÁNH

CỰU-ƯỚC

THỂ LOẠI

Các Sách Văn Thơ



85. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC SỐNG LẠI (Thi 85:1-13)


“Ngài chẳng muốn làm cho chúng con sống lại để dân sự Ngài lấy làm vui vẻ nơi Ngài sao?” (c.6). Lời cầu nguyện này đã được phổ nhạc thành bài hát “xin làm chúng con sống lại” và đó cũng là điều mà chúng ta cần phải cầu nguyện.

Những người không được cứu thì không thể được sống lại, bởi vì họ không bao giờ có được sự sống để bắt đầu với sự sống lại. Người không được cứu sẽ chết trong tội lỗi mình. Còn Cơ-đốc nhân nhờ đặt đức tin nơi Chúa Giê-xu Christ nên sẽ được sống lại từ cõi chết. Chúng ta sẽ được Chúa ban cho đời sống sung mãn vĩnh cửu. Nhưng thật đáng buồn thay, đôi khi chúng ta lại ngoảnh mặt khỏi Chúa và đánh mất sức sống thuộc linh mạnh mẽ. Chúng ta không đánh mất sự cứu rỗi của mình, nhưng chúng ta đã đánh mất niềm vui của sự cứu rỗi ấy, năng lực và các phước hạnh đang tuôn tràn của sự cứu rỗi mà chúng ta cần san sẻ với nhau.

Dân sự Chúa là những người sẽ được sống lại. Chúng ta rất cần được sống lại. Tác giả Thi-thiên cầu khẩn Chúa ban cho đời sống mới. Có người cho rằng chúng ta thường tiến hành các nghi lễ nhà thờ vào lúc đúng 11 giờ và kết thúc chậm nhất là vào 12 giờ. Chúng ta cần hơi thở của Chúa biết bao để thổi chúng ta lên cao! Chúng ta cũng cần sự sống của Ngài biết chừng nào để đụng đến chúng ta!

Mục đích được sống lại là gì vậy? A.W.Tozer đã từng nói “Thật khó để mời gọi các Cơ-đốc nhân đến dự các buổi nhóm là nơi mà Chúa là trung tâm duy nhất của mọi sự thu hút”. Chúng ta phải có sự giải trí, ăn uống và tất cả mọi hình thức giải trí. Nhưng ở đây, tác giả mong muốn dân sự Ngài lấy làm vui vẻ duy nhất trong mỗi mình Ngài mà thôi.

Dân sự Chúa nên sống đời sống có sức sống thuộc linh mạnh mẽ xuất phát từ niềm vui của sự cứu rỗi . Đời sống bạn có đang chiếu sáng như nó đã từng chiếu sáng lúc bạn mới nhận biết Chúa không? Hãy cầu xin Chúa làm cho Hội thánh Ngài sống lại. Và cũng nên cầu xin Chúa cho những lời làm chứng của bạn sẽ đem phước hạnh đến cho người khác, làm vinh hiển Chúa.



86. THI-THIÊN (Thi 86:1-17)


1. Những điều khích lệ cầu nguyện (Thi 86:1-10)

“Kính lạy Đức Chúa Trời! Vì Ngài là thiện, luôn sẵn lòng tha thứ, đầy lòng thương xót đối với tất cả những ai kêu cầu Ngài” (c.5). Đây thật là một lời hứa hết sức tuyệt vời dành cho ngày hôm nay! Trong hai câu ngay kế tiếp, tác giả Thi-thiên này thưa rằng: “Trong ngày gian truân, con sẽ kêu cầu Chúa vì Ngài sẽ nhậm lời con” (c.7)


Tác giả đưa ra nhiều điều khích lệ để cầu nguyện.

- Thứ nhất, hãy luôn ghi nhớ Đức Chúa Trời là Đấng hằng hữu. Chớ hề quên các đức tính của Ngài. Càng biết rõ Chúa hơn, chúng ta lại càng ưa thích cầu nguyện hơn. Chúng ta đang cầu nguyện với một Đức Chúa Trời như thế nào. Đó là Đấng nhân từ, hay thương xót và luôn sẵn lòng tha thứ. Bạn có thể nói rằng: “Con không thể cầu nguyện với Chúa được, bởi vì đôi tay con bẩn thỉu, tấm lòng con dơ dáy. Con thật chẳng ra gì”.

Sau đó, bạn hãy tìm đến Chúa thưa với Ngài: “Con biết Ngài luôn sẵn lòng tha thứ; Ngài là Đấng giàu lòng thương xót”.

Và Ngài sẽ tha thứ cho bạn. Ngài luôn lắng nghe tất cả những ai kêu cầu Ngài.

- Thứ hai, hãy luôn ghi nhớ những việc Chúa làm.

“Vì Ngài rất vĩ đại, và thường làm những việc lạ lùng. Chỉ duy nhất Ngài là Đức Chúa Trời mà thôi” (c.10).

“Hãy kêu cầu ta, thì ta sẽ đáp lời con. Ta sẽ tỏ cho con biết những việc vô cùng vĩ đại là những việc con chưa từng biết” (Gie 33:3).

- Thứ ba, hãy luôn ghi nhớ những gì Chúa đã hứa. Ngài hứa đáp lời chúng ta. Chúa Giê-xu dạy rằng: “Các con hãy cầu xin, thì sẽ được ban cho” (Mat 7:7).

“Anh em không có chi cả bởi vì anh em không chịu cầu xin” (Gia 4:2).

Xin ghi nhớ Chúa là Đấng hằng hữu, ghi nhớ những bản tính của Ngài là Đấng mà bạn đang kêu cầu. Cũng hãy luôn ghi nhớ những việc lạ lùng, vĩ đại mà Chúa đã làm. Ngài có thể làm cho bạn những việc mà bạn không thể làm được trong ngày hôm nay. Và hãy luôn nhớ rằng, Ngài hứa sẽ đáp lời bạn.

Trên đây là những điều khích lệ cầu nguyện rất tuyệt vời. Khi bạn cầu nguyện thì hãy luôn nhớ đến chúng. Hãy suy gẫm về các bản tính của Đức Chúa Trời. Hãy ghi nhớ những gì Ngài đã làm trong đời sống bạn. Hãy ôn lại sự thành tín Chúa đối với bạn. Và hãy tin chắc vào những lời phán hứa trong Thánh Kinh.


2. Tâm thần, tấm lòng và ý muốn (Thi 86:11-17)

Đây là lời cầu nguyện rất thích hợp với bạn ngày hôm nay. “Kính lạy Đức Chúa Trời! Xin chỉ dạy con biết đường lối Ngài thì con sẽ bước đi trong lẽ thật của Ngài. Xin khiến con một lòng kính sợ danh Ngài” (c.11).

Người trọn vẹn là người rất thiết tha với lời cầu nguyện này.

- Thứ nhất, chúng ta nhìn thấy tinh thần sẵn sàng “Xin chỉ dạy con biết đường lối Ngài... thì con sẽ bước đi trong lẽ thật của Ngài”. Bạn có sẵn sàng tinh thần để nhìn thấy lẽ thật không? Bạn có thật sự muốn Ngài chỉ dạy cho bạn biết đường lối Ngài không? Ngài đã tỏ đường lối Ngài cho Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên. Ngài cũng sẽ làm như thế đối với bạn. Ngày hôm nay, chúng ta cần có những người biết thưa những lời này: “Chúa ơi! Con đã sẵn sàng tinh thần, con cầu xin Ngài tỏ cho con biết đường lối và lẽ thật của Ngài”.

Tuy nhiên, như thế thôi thì chưa đủ. Chúng ta cần có một ý chí biết vâng lời. Tác giả đoạn Thi-thiên này đã lập một lời hứa nguyện trong câu 11. “Kính lạy Đức Giê-hô-va, nếu Ngài tỏ cho con biết đường lối Ngài thì con sẽ vâng theo đường lối ấy”.

Đức Chúa Giê-xu dạy rằng: “Nếu ai muốn làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì người ấy sẽ biết rõ về đạo lý này, sẽ biết nó đến từ Đức Chúa Trời hay đến từ ý riêng của ta” (Gi 7:17).

- Cuối cùng, chúng ta nhìn thấy một sự nhất tâm. “Xin khiến con một lòng kính sợ danh Ngài” Một tấm lòng nhất quán thường hướng về Chúa hoàn toàn... Còn sự phân tâm thì rất nguy hiểm. Chúa Giê-xu bảo: “Không ai có thể hầu việc hai chủ, vì người ấy sẽ ghét này và yêu chủ kia, hoặc sẽ tôn trọng chủ này và coi thường chủ kia.Các con không thể làm tôi tớ cho Chúa lẫn tiền tài” (Mat 6:24). Gia 1:8 nói rằng kẻ hai lòng sẽ không kiên định trong tất cả công việc mình.

Ngày hôm nay, nếu bạn muốn được Chúa dẫn dắt và ban phước cho bạn thì bạn hãy noi theo gương cầu nguyện này. Hãy trao cho Ngài một tâm trí đã sẵn sàng và thưa “Xin chỉ dạy con”. Hãy dâng cho Ngài một ý chí biết vâng lời và hứa “con sẽ làm điều này nếu như Ngài muốn con làm”. Và hãy trao cho Ngài một tấm lòng thuỷ chung của bạn. Hãy kính sợ Ngài, ca ngợi Ngài, làm vinh hiển Ngài và vui thoả về các ơn phước của Ngài.

Bạn có sẵn sàng tinh thần để đón nhận lẽ thật của Đức Chúa Trời chưa? Lòng bạn có muốn tiếp nhận lẽ thật ấy và làm theo không? Bạn có toàn tâm toàn ý hướng lòng về Chúa không? Ngày hôm nay, bạn hãy hiến dâng tâm thần, tấm lòng và ý muốn của bạn cho Chúa.



87. CHỐN THIÊN ĐƯỜNG (Thi 87:1-7)


Hầu hết chúng ta đều có những nơi trên thế giới này để yêu thích vì các lý do đặc biệt nào đó. Chẳng hạn như một mái nhà xưa hoặc một ngôi trường nào. Thậm chí đó còn là một ngôi nhà thờ hay một địa điểm mà ở đó Chúa gặp bạn trong một dịp quan trọng nào đó. Đức Chúa Trời cũng có một nơi mà Ngài vô cùng yêu thích. “Đức Chúa Trời yêu chuộng các cửa Si-ôn hơn tất cả những nơi ở của Gia-cốp” (c.2). Ở đây, tác giả Thi-thiên muốn nói đến chốn thiên đường.

Si-ôn còn có tầm quan trọng đối với các Cơ-đốc nhân. Dĩ nhiên, quyền công dân của chúng ta từng thuộc Si-ôn trên trời (Phi 3:20) là nơi mà một ngày nào đó chúng ta sẽ bước đi trên những con đường được đặt vàng ròng. Tuy nhiên, chúng ta hãy cảm ơn thành Giê-ru-sa-lem là chốn thiên đường trên đất này.

- Thứ nhất, các nền tảng của chúng ta được thiết lập tại Si-ôn. Tức là các nền tảng của đời sống tâm linh chúng ta. Lời Chúa Kinh Thánh được khởi thủy từ dân tộc Do-thái. Sự nhận biết về Đức Chúa Trời chân thật cũng xuất phát từ dân tộc Do-thái. Và Con Trai Đức Chúa Trời Đấng Cứu Thế của thế gian đã ra đời từ dân tộc Do-thái.

- Thứ hai, gia đình của chúng ta hiện đang cư ngụ tại Si-ôn. Tác giả Thi-thiên muốn đề cập đến những ai đã được sinh ra ở đó. Những người nào được sinh ra tại Giê-ru-sa-lem thảy đều lấy làm tự hào, kiêu hãnh về quê quán của mình giống như chúng ta tự hào về quê hương của chúng ta vậy. Tuy nhiên, Cơ-đốc nhân đã được sinh ra từ trên trời. Chúng ta được sanh lại về phương diện thuộc linh bởi vì chúng ta tin nhận Đấng Christ là Chúa Cứu Thế của chúng ta.

- Thứ ba, những nguồn nước sống của chúng ta đều đang tuôn chảy ở Si-ôn. “Tất cả những suối nước của tôi đều ở trong ngươi (Si-ôn)” (c.7). Từ suối nước ở đây có nghĩa là “nguồn nước” – tức là sự tươi mới, sức lực, linh lực của chúng ta. Tất cả những sự ấy đều khởi nguyên từ Si-ôn trên trời của chúng ta.

Những ai tin Đấng Christ thảy đều là công dân của Si-ôn trên trời. Bạn có phải là một công dân của Thiên đàng không? Nếu không phải vậy, thì tại sao bạn không mau tin nhận Chúa là Chúa Cứu Thế của bạn và bắt đầu cuộc hành hương đến Si-ôn?



88. THI-THIÊN (Thi 88:1-18)


1. Hãy giữ chặt (Thi 88:1-12)

Có rất nhiều ngày khiến chúng ta khó mà vui mừng. Ồ, chúng ta đang bàn về việc nhận lấy niềm vui từ Chúa và bước đi trong sự chiếu sáng của mặt Ngài. Chúng ta thật lấy làm vui vẻ về những ngày như thế, nhưng, đó cũng chính là những ngày đầy khó nhọc, cam go. Tác giả Thi-thiên 88 đã viết những lời này khi ông đang trải qua một trong những ngày đầy gian nan ấy. Bây giờ, ông thuật lại cho chúng ta biết về những nan đề ông gặp phải.

- Thứ nhất, ông đương đầu với sự cầu nguyện không được Chúa đáp lời. “Chúa ôi! Ngài là Chúa của sự cứu rỗi con suốt cả ngày lẫn đêm, con đã kêu cầu trước mặt ngài. Xin cho lời cầu nguyện của con thấu đến Ngài, và xin Ngài nghiêng tai nghe lời kêu nài của con” (c.1). Đây không phải là người chưa được cứu đang cầu khẩn Chúa là Đấng mà người ấy không thờ phượng. Trái lại, đây là một người thật sự tin cậy Chúa đang van nài Ngài giúp đỡ. Tuy nhiên, cho đến lúc ấy, Ngài vẫn chưa làm bất cứ điều gì cho người cả.

Tác giả cũng đang ghi chép lại những gian truân và bệnh tật của mình. “Vì linh hồn con ngập trong hoạn nạn, sinh mạng con sải dài gần huyệt mả. Con bị liệt vào số những kẻ phải xuống âm phủ. Con giống như một người không còn chút sức lực nào nữa… Chúa làm cho những người quen biết con phải lìa xa con. Ngài lại khiến con trở thành sự gớm ghiếc đối với họ. Con bị Ngài cấm cố không thể nào thoát ra được” (c.3,4,8). Một số học giả tưởng rằng tác giả Thi-thiên này có lẽ bị bệnh hủi nên ông đã bị cách ly với người khác.

Các nền tảng đời sống ông trông có vẻ như đang bị mất dần, và khả năng xảy ra sự chết chóc đang lởn vởn trước mắt ông. Trong lúc buồn thảm, ông làm gì? Ông tiếp tục theo đuổi quyền năng Chúa, lòng yêu thương nhân từ và sự thành tín của Ngài.

Bạn thường làm gì trong những ngày gian nan của mình? Hãy bám chặt vào những đức tính của Ngài và những gì Ngài thường làm. Chúa vẫn đang hành động vì cớ bạn. Tất cả mọi sự hiệp lại hành động để đem lại ích lợi (Rô 8:28). Đừng xây hướng khỏi Ngài. Nhưng hãy chờ đợi. Ngài sẽ đem bạn ra khỏi hoạn nạn, gian truân của bạn.

Hễ khi nào bạn gặp gian truân, thì hãy tự khích lệ chính mình bằng việc hướng đến các đức tính và bản chất của Ngài đó - là quyền năng, lòng yêu thương nhân từ và sự thành tín. Hãy luôn nhớ những việc Ngài đã làm cho bạn trong quá khứ. Cho dù bạn nhìn thấy điều gì đang xảy ra quanh mình, thì hãy cứ tin cậy Chúa. Ngài sẽ giúp bạn vượt qua hoạn nạn khó khăn.


2. Hãy chiếu Sáng trong nơi tối tăm (Thi 88:13-18)

Khi mà chẳng thấy thứ gì có vẻ đúng đắn cả, thiên hạ khinh miệt bạn, còn Chúa dường như đã quên bạn, thì bạn đừng thôi cầu nguyện. Tác giả Thi-thiên đang gặp nan đề này đã không ngừng cầu nguyện. “Lạy Chúa! Hằng ngày, còn kêu cầu Ngài, con đưa tay lên hướng về Ngài” (c.9). Cho dù không thấy ánh sáng đang chiếu ra, bạn cũng đừng ngưng cầu nguyện, bởi vì Chúa sẽ đáp lời bạn.

Hãy bắt đầu mỗi ngày với Chúa. “Chúa ôi! Con đang cầu khẩn Ngài, trong buổi sáng lời cầu nguyện của con thường đến trước mặt Ngài” (c.13). Bạn hãy luôn luôn bắt đầu ngày mới của mình với Chúa, thì Ngài sẽ ban sức lực cho bạn để kết thúc ngày của bạn.

Hãy nhìn xem một Chúa mà thôi. Chúng ta thường có xu hướng tin vào hoàn cảnh, tin vào bản thân mình hoặc tin vào người khác. Đối với tác giả Thi-thiên này thì khác. Ông nói rằng: “Con sẽ nhìn xem một mình Chúa mà thôi. Con sẽ tin vào Chúa là sự cứu rỗi của con”.

Vâng, chúng ta vẫn thường gặp những ngày đầy thất vọng, đau buồn và tăm tối như thế. Nhưng, Đức Chúa Trời vẫn luôn đang ngự trên ngai. Hãy tin cậy Ngài để Ngài giúp bạn vượt qua gian nan.

Bạn đang ở trong tình trạng nào giữa những ngày đen tối này? Hãy noi theo gương tác giả Thi-thiên trên. Hãy bắt đầu ngày của bạn với Chúa bằng sự cầu nguyện và nhờ cậy vào sức lực từ Lời Ngài. Bạn hãy luôn nhìn chăm Chúa, đừng nhìn vào hoàn cảnh mình, và Ngài sẽ giải cứu bạn.



89. THI-THIÊN (Thi 89:1-52)


1. Vĩ đại thay là sự thành tín Chúa (Thi 89:1-10)

Thời gian gần đây, bạn có nghĩ về sự thành tín Chúa không?Chúng ta rất thường có xu hướng chú tâm vào sự trung tín và đức tin của chính chúng ta mà thôi. Đời sống đắc thắng của Cơ-đốc nhân chúng ta đã chỉ ra rằng chúng ta đang tin cậy nơi Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng không bao giờ thất tín như chúng ta thất tín đối với Ngài.

Chúng ta sẽ đáp lại sự thành tín Chúa ra sao?

- Thứ nhất, hãy hát xướng ca ngợi sự thành tín Ngài. “Con sẽ hát xướng ca ngợi lòng thương xót của Chúa mãi mãi, môi miệng con sẽ truyền ra sự thành tín Ngài cho tất cả các thế hệ” (c.1). Ngày hôm nay, bạn có ngợi khen sự thành tín Chúa chăng? Khi nào bạn nhận thấy mình thất tín với Ngài thì hãy nghĩ đến sự thành tín của Ngài. Cuối cùng, “Ngài rất thành tín và công bình sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta và làm cho chúng ta được thanh sạch khỏi mọi điều xấu xa, bất nghĩa” (IGi 1:9).

- Thứ hai, hãy chia sẻ sự thành tín Chúa cho người khác. “Môi miệng con sẽ truyền sự thành tín Ngài ra cho tất cả các thế hệ”. Thường thì khi đi làm chứng cho Chúa, chúng ta hay khoe khoang về chính mình. Có một lần, tôi dự một buổi nhóm, thì có nghe người chủ trì buổi nhóm ấy phát biểu rằng: “Chúng ta hãy dâng lời ngợi khen Chúa, và chúng ta hãy cẩn thận đừng dâng lời ngợi khen chính bản thân chúng ta”. Tác giả Thi-thiên đã nói: “Con sẽ chia sẻ sự thành tín Chúa cho người khác đó không phải là những gì con đã làm mà chính là những việc Ngài đã làm, đó không phải là những gì thuộc về con mà là những gì thuộc về Ngài”

- Thứ ba, hãy suy tôn sự thành tín Ngài. “Đức Chúa Trời thật đáng kính sợ trong hội các thánh, luôn được tất cả mọi người chung quanh Ngài tôn kính” (c.7). Chúa chúng ta rất thành tín.

Ngày hôm nay, chúng ta có thể tin cậy ở Ngài không? Vâng, chúng ta có thể. Lời Ngài có đang đi vào hư mất hay không? Không, chẳng một lời nào trong các lời phán hứa của Ngài bị mai một cả. Ân điển của Ngài có cạn kiệt đi không? Không, Ngài là Đấng vô cùng giàu có dư dật về ân điển. Chúa rất thành tín trong mọi sự.

Có bao giờ bạn học hỏi về việc đáp lại sự thành tín Chúa chưa? Hãy ngợi khen Ngài về sự thành tín Ngài, nên chia sẻ sự thành tín ấy cho người khác và hãy suy tôn nó lên. Ngài luôn đáng được chúng ta tin cậy.


2. Tiếng vui mừng (Thi 89:11-29)

“Phước cho người nào nghe được tiếng vui mừng! Hỡi Đức Giê-hô-va! Họ sẽ bước đi trong ánh sáng của mặt Ngài. Suốt cả ngày dài, họ lấy làm vui mừng về danh Ngài, và về việc nhờ sự công bình Ngài khiến họ được trở nên cao trọng” (c.15,16). Những câu này mô tả lại dân sự Chúa đã cảm nhận sự vui mừng ra sao.

Chúng ta hãy bước đi trong sự vui mừng.

Dân Y-sơ-ra-ên đã nghe được tiếng vui mừng trong suốt năm. Tiếng kèn đã gọi họ vào bữa tiệc và nhắc họ nhớ đến sự thành tín và nhân từ của Đức Chúa Trời. Ở đây, tác giả Thi-thiên đang nói về ngày lễ hội thổi kèn. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể nghe được tiếng vui mừng đó là tiếng kèn, là tiếng của thiên sứ trưởng và là sự hội ngộ với Chúa. Dân sự Chúa sẽ bước đi trong niềm vui. Mỗi ngày sẽ là một kinh nghiệm vui mừng về sự hy vọng, sự say mê thích thú và sự giàu có dư dật.

Chúng ta hãy bước đi trong sự sáng.

“Nhưng nếu chúng ta bước đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng thì chúng ta sẽ giao thông cùng nhau, và huyết của Đức Chúa Giê-xu Christ Con Ngài làm sạch mọi tội lỗi của chúng ta” (IGi 1:7). Khi bạn bước đi trong sự sáng, chúng ta sẽ thấy được mọi thứ vì chúng thật rõ ràng. Bạn không vấp ngã hoặc làm cho người khác ngã.

Chúng ta hãy bước đi trong đức tin. “Suốt cả ngày, họ vui mừng vì cớ danh Ngài” (c.16). Tại sao thế? Tại vì danh Ngài đáng được tin cậy. Những ai nhận biết danh Ngài thì cũng sẽ nếm biết được chiến thắng và phước hạnh.

Chúng ta hãy bước đi trong sự cao trọng. “Nhờ sự công bình Ngài, khiến họ được trở nên cao trọng” (c.16). Không chỉ có sự thích thú vui mừng và sự giàu có dư dật trong đời sống chúng ta với Chúa mà thôi, chúng ta còn được tôn trọng, được nhấc lên cao. Ở đây không có nghĩa là chúng ta được vinh hiển thay vì Chúa. Nhưng nó có nghĩa là Chúa nâng chúng ta lên cao.

Hãy giữ cho tai bạn luôn được bén nhạy. Bạn sẽ có thể nghe được tiếng vui mừng trong ngày hôm nay.

Qua đời sống của bạn những người khác có nhận biết bạn là một Cơ-đốc nhân chăng? Nếu bạn bước đi với sự vui mừng trong ánh sáng, bạn sẽ đem lại phước hạnh cho người khác và làm vinh hiển Chúa. Bạn có nhận thấy rằng bước đi của bạn với Chúa ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn không? Hãy hết lòng vui mừng về Ngài, và hãy để Ngài tôn cao bạn lên.


3. Những giao-ước luôn được vững lập (Thi 89:30-37)

Có một điều Đức Chúa Trời không thể nào làm được đó là Ngài không biết nói dối. Khi Ngài lập một giao-ước nào đó, Ngài luôn giữ nó, vì thế chúng ta có thể bám chặt Lời Chúa mãi mãi. Đây là điều Chúa nói về Đa-vít và gia đình ông: “Nếu con cháu người lìa bỏ các luật lệ ta, và không bước đi trong ý muốn của ta, nếu chúng nó bội nghịch luật lệ ta, không tuân giữ các mạng lệnh ta, thì ta sẽ dùng roi đối xử với sự vi phạm của chúng nó, ta cũng dùng roi đánh đòn chúng nó để sửa phạt sự gian ác của chúng nó. Dẫu thế, ta vẫn không vội vàng cất đi lòng nhân từ của ta khỏi chúng nó và cũng không để cho sự thành tín ta bị mai một đi. Ta sẽ không bội giao ước ta cũng chẳng thay đổi lời nói đã ra khỏi môi miệng ta” (c.30-34).


Đức Chúa Trời rất thành tín với Lời Ngài.

Ngài sẽ không thay đổi những gì Ngài đã nói. “Hỡi Đức Giê-hô-va, Lời Ngài được vững lập đời đời trên trời” (Thi 119:89). “Trời đất sẽ qua đi, nhưng Lời ta sẽ không vì thế mà qua đi” (Mat 24:35). Lời Chúa không hề thay đổi, nhưng nó sẽ biến đổi chúng ta.

Đức Chúa Trời là Đấng thành tín sửa phạt.

Ngài phán “Nếu con cháu Đa-vít không sống đời sống mà đáng lý ra phải sống thì ta sẽ sửa phạt chúng. Lời phán hứa của ta sẽ không hề bị mai một đi cho dù họ có hư mất đi chăng nữa”. Giả sử chúng ta thất tín với Ngài thì Ngài vẫn luôn thành tín đối với chúng ta. Ngài không bao giờ nuốt lời Ngài. Ngài thành tín sửa phạt chúng ta khi chúng ta cần được sửa phạt.

Đức Chúa Trời là Đấng thành tín tha thứ.

Khi chúng cầu xin Ngài tha thứ, thì Ngài luôn tha thứ tội lỗi cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch khỏi mọi điều gian ác (IGi 1:9). Tôi lấy làm vui mừng vì tôi không phải đếm từng ngày những điều thể hiện cho thái độ của Ngài trút xuống trên tôi. Ngài không bao giờ thay đổi. Ngài luôn thành tín.

Trong thời gian gần đây, bạn có kinh nghiệm về sự thành tín Chúa trên đời sống bạn chăng? Hãy tin vào lời Ngài, đón nhận sự sửa phạt của Ngài và cầu xin Ngài tha thứ.


4. Nản lòng, yếu đuối, sa ngã (Thi 89:38-45)

Đức Chúa Trời đã làm nhiều điều lạ lùng cho dân Y-sơ-ra-ên và Ngài còn ban cho họ những lời hứa tuyệt vời. Chúng ta tưởng rằng người Y-sơ-ra-ên trở thành những môn đồ trung tín với Chúa, thế nhưng họ lại không như vậy. Họ quay lưng lại với Ngài và phạm tội, vì thế Chúa đã phải sửa phạt họ. Đoạn sách này mô tả lại sự sửa phạt của Ngài.

Điều gì thực sự xảy ra khi Chúa sửa phạt dân sự Ngài? “Ngài đã từ bỏ giao-ước với đầy tớ Ngài. Ngài coi thuờng mão triều thiên mình nên đã quăng nó xuống đất” (c.39). Đức Chúa Trời muốn chúng ta cai trị trong cuộc sống. Đức Chúa Giê-xu Christ đã khiến cho chúng ta trở thành vua và thành những thầy tế lễ. Nhưng khi Chúa sửa phạt chúng ta, Ngài sẽ tướt đi mão triều thiên khỏi chúng ta. Uy quyền của chúng ta đã mất, sự vinh hiển cũng không còn, niềm vinh quang cũng tiêu tan. Thay vì hành động như những vị vua, chúng ta lại sống như những tên nô lệ. Khi Chúa sửa phạt dân Y-sơ-ra-ên, thì Ngài đã ném mão triều thiên của họ xuống.

Trong câu 40, các bức tường thành đều bị đổ sập. “Chúa đã đánh đổ tất cả các tường cao của người, huỷ phá các đồn luỹ của người thành ra hư nát”. Chẳng có chút an ninh nào ở những gì do chúng ta xây dựng nên. Chúa có thể phá đổ và ném chúng xuống.

Trong câu 43, những người lính chiến đã bị đánh bại. “Chúa cũng làm cho lưỡi gươm người thối lại, khiến người không đứng nổi trên chiến trận”. Khi chúng ta bất tuân với Chúa, thì mọi thứ sẽ đều bị sụp đổ tan tành.

Trong câu 44, sự vinh hiển không còn nữa, và Đức Chúa Trời đã ném ngai vàng của nhà vua xuống.

Vâng, Chúa sẽ tha thứ. Đừng đánh mất niềm vui của bạn nơi Ngài. Chúng ta hãy sống ngày hôm nay với quyền năng vì sự an ninh bởi vì chúng ta đang bước đi với Ngài. Nếu bạn nhận thấy chính mình đang sa sút, thì hãy ngước nhìn lên. Hãy cầu xin Chúa nâng bạn lên cao và làm khôi phục lại bạn để bạn có thể lại gặt hái thắng lợi.

Đôi khi, sự sửa phạt của Chúa có thể rất nghiêm khắc. Có phải bạn vừa đánh mất niềm vui trong cuộc sống vì cớ sự sửa phạt của Ngài? Hãy khôi phục lại địa vị cai trị của bạn trong cuộc sống. Hãy tìm kiếm Chúa để được tha thứ và được phục hồi lại.


5. Những sự nhắc nhở (Thi 89:46-52)

“Đức Giê-hô-va ôi! Ngài sẽ còn ẩn mình mãi cho đến chừng nào? Cơn thịnh nộ của Ngài sẽ bừng cháy như lửa cho đến bao giờ nữa?” (c.46). Những câu hỏi này xuất phát từ cõi lòng tan nát của một người đang thắc mắc không biết tại sao dân sự Chúa lại phải trải qua quá nhiều gian truân như vậy. Chúng ta nhìn thấy từ “xin nhớ” trong những câu này: “Xin Chúa nhớ thì giờ của con ngắn ngủi dường bao, và Ngài đã tạo dựng nên con cái loài người một cách vô ích ra sao?” (c.47).

Tác giả đoạn Thi-thiên này có thể nhắc Chúa nhớ về điều gì?

Ông nhắc Ngài rằng đời sống thật ngắn ngủi. Chúa không tạo dựng chúng ta một cách vô ích. Có đôi khi chúng ta đón nhận ân điển Ngài thật uổng phí mà thôi. Lắm lúc, những điều Ngài cho chúng ta lại trở thành vô nghĩa. Nhưng đó là do lỗi chúng ta, không phải lỗi Ngài. Đời sống thật ngắn ngủi. Đó là điều ích lợi để nhắc nhở bạn vào lúc nào bạn bị cám dỗ phạm tội. Thế thì tại sao bạn lại còn phung phí thì giờ để bất tuân với Chúa?

Kế tiếp, ông nhắc Chúa nhớ lại những lời phán hứa của Ngài. “Chúa ôi! Lòng nhân từ của Chúa xưa kia giờ đâu cả rồi? Ngài đã từng thề hứa gì với Đa-vít trong lẽ thật của Ngài?” (c.49). Điều này ngụ ý về giao-ước mà Chúa đã lập với Đa-vít. Thoạt nghe có vẻ như thể Chúa bội ước lời thề hứa của Ngài.Ngài không bao giờ thất hứa, nhưng Ngài luôn ưa thích việc chúng ta nhắc Ngài nhớ lại chúng.

Tiếp tục, ông nhắc Chúa nhớ lại nỗi sỉ nhục của dân Ngài. “Lạy Chúa! Xin hãy nhớ lại nỗi nhục của các tôi tớ Ngài Chúa ôi! Con mang trong lòng mình biết bao nỗi nhục của tất cả các dân tộc mà kẻ thù Ngài đã sỉ nhục” (c.50,51). Chúng ta nên nhớ lại nỗi nhục của mình.

Tại sao vậy? Bởi vì nó thường làm giảm đi sự vinh hiển của Chúa.

Chúng ta hãy luôn tự nhắc nhở mình rằng chúng ta có mặt ở đây để đem lại vinh hiển cho danh Ngài. Tác giả đã kết thúc đoạn Thi-thiên này trên núi cao: “Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va mãi đến đời đời! A-men! A-men!” (c.52). Ông bắt đầu với gánh nặng và kết thúc với phước hạnh. Ông khởi sự bằng tiếng thở dài và kết thúc bởi sự hát xướng, bởi vì ông đã dâng cho Chúa tấm lòng tan vỡ trong sự cầu nguyện.

Vào những lúc bạn gặp gian truân, thì bạn hãy nhớ lại các lời phán hứa của Chúa và nhắc Ngài nhớ lại chúng. Ngài luôn thành tín với Lời Ngài.



90. THI-THIÊN (Thi 90:1-17)


1. Thì giờ và sự sống đời đời (Thi 90:1-6)

Đầu tiên, loài người làm ra những cổ máy đồng hồ tính giờ theo bóng mặt trời. Kế đó là đồng hồ tính nước, rồi đồng hồ cát và đến đồng hồ máy. Hiện giờ chúng ta có đồng hồ chỉ bằng số và những đồng hồ phân chia thời gian thành một phần trăm của giây. Nền văn hoá của chúng ta chắc chắn có liên quan đến thời gian. Đó chính là lý do chính đáng cho chúng ta đọc những điều Môi-se đã viết: “Kính lạy Đức Chúa Trời! Ngài là nơi nương náu của chúng con trải qua tất cả mọi thế hệ. Trước khi Ngài dựng nên núi non, đất và thế gian này, thì Chúa đã là Đức Chúa Trời có từ trước vô cùng cho đến đời đời… vì một ngàn năm trước mặt Chúa chẳng khác nào ngày hôm qua đã trôi qua rồi, và nó tựa như một canh của đêm” (c.1,2,4).

Thật lý thú cho chúng ta suy gẫm về sự trường tồn bất diệt của Đức Chúa Trời và tình trạng mỏng manh yếu đuối của con người. Chúng ta là những tạo vật sẽ mai một theo thời gian, nhưng Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời. Ngài là nơi nương náu của chúng ta trải từ đời này sang đời khác. Sự sống đời đời mà chúng ta đang hướng đến hiện đang nằm trong tay Ngài.


Tác giả Thi-thiên cũng nói cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời rất thành tín. Từ đời này sang đời kia, từ trước vô cùng cho đến mãi mãi, Ngài luôn thành tín, và sẽ cứ còn thành tín luôn luôn. Ngài là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, của Y-sác và của Gia-cốp. Ngài là Đức Chúa Trời của mỗi cá nhân, Đức Chúa Trời của những nhân cách khác nhau. Ngài là Đấng mà chúng ta có thể tin cậy.

Ngày hôm nay, bạn hãy để Ngài làm Đức Chúa Trời trên đời sống mình. Nếu bạn nương náu nơi Ngài và sống đời sống làm vinh hiển Ngài, thì bạn sẽ nhận lãnh được sự sống đời đời. Kinh Thánh có chép rằng: “Hễ ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì sẽ còn lại đời đời” (IGi 2:17).

Hãy so sánh thì giờ và sự sống đời đời, bạn sẽ lĩnh hội được phần nào về quan điểm của Đức Chúa Trời. Bạn có thể gắn những giá trị vĩnh cửu vào cuộc đời này. Bạn sẽ nhận lãnh được sự sống đời đời bằng cách để Chúa bước vào đời sống bạn. Có phải Ngài là nơi nương náu của bạn không? Bạn đã nhận được sự thành tín Chúa chưa?


2. Sự chết, lý do để sống (Thi 90:7-11)

Tuổi thọ con người sống ở Hoa Kỳ hiện nay lên đến 75 tuổi. Đó là một tin tức tốt lành. Cách đây 25 năm, thì tuổi thọ con người ở đó chỉ là 70 tuổi mà thôi. Có lẽ, mức tuổi thọ này sẽ còn tăng nữa. Nhưng nếu đem so sánh với sự sống đời đời, thì đời người thật hết sức ngắn ngủi.

Đó là lý do tại sao chúng ta đọc thấy câu này: “Tuổi tác của chúng con đến được 70, còn nếu mạnh khoẻ thì có thể sống đến 80 tuổi, song, sự kiêu căng đã đưa đẩy chúng con đến với nỗi lao nhọc và buồn thảm. Vì đời sống chóng qua, nên chúng con bị cuốn bay đi mất” (c.10).

Câu nói trên nghe có vẻ thảm quá, nhưng đó lại là sự thật. Nền tảng của Thi-thiên 90 được xây dựng trên các sự kiện đã được ký thuật trong Dan 14:1-45. Đức Chúa Trời dẫn dắt dân Do-thái đến thẳng trũng Ka-đét-Ba-nê-a. Ngài bảo: “Bây giờ, các con hãy tiến lên chiếm xứ”. Nhưng họ đã không thực hiện lời Ngài. Họ nghi ngờ lời phán hứa của Ngài và nghi vấn sự khôn ngoan của Ngài. Họ không tin Ngài sẽ có thể khiến cho họ chiếm được xứ. Hậu quả là, Đức Chúa Trời phán: “Được rồi, tất cả những ai từ 20 tuổi trở lên ắt sẽ phải chết trong vòng 40 năm tới”. Và điều đó thật sự đã xảy ra Ấy chính là đám tang dài nhất trong thế gian này.

Suốt 40 năm sau, dân tộc Y-sơ-ra-ên phải đi lang thang trong đồng vắng, và trong khi đó tất cả những người lớn tuổi thảy đều đã chết.Sau đó, Đức Chúa Trời tập hợp thế hệ con cháu trẻ tuổi của họ thành một đạo binh thập tự chinh mới hoàn toàn và đạo binh này đã chiếm được Đất Hứa.

Những người lớn tuổi trong dân sự biết họ sẽ phải chết trước khi bước vào miền Đất Hứa. Còn Cơ-đốc nhân chúng ta ngày nay biết rằng khi qua đời, chúng ta sẽ đi vào nơi Đức Chúa Giê-xu đã sắm sẵn cho chúng ta.

Thật quan trọng để khiến đời sống chúng ta trở nên có giá trị trong khi chúng ta đang còn sống trên thế gian này. Vâng, đời sống chúng ta còn lắm gian nan, và nếu Chúa không sớm trở lại thì e rằng chúng ta sẽ đi vào sự chết mất. Nhưng sự chết sẽ dẫn chúng ta đến sự sống đời đời. Và chúng ta có thể sống đời sống của sự sống đời đời ngay bây giờ. Thánh Kinh chép: “Hễ ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì sẽ còn lại đời đời” (IGi 2:17). Chúng ta hãy chạm đến sự sống đời đời ngay hôm nay bằng cách nương náu trong Đấng quyền năng và thực hiện thánh ý Ngài.

Bạn không cần phải chết để đem lại sự sống đời đời cho hiện tại. Để làm được điều này, bạn hãy nương náu mình trong Đức Chúa Trời và thực hiện ý muốn Ngài. Hãy quyết tâm làm cho đời sống bạn trở nên có giá trị. Hãy đầu tư vào sự sống đời đời của bạn.


3. Lòng khôn ngoan (Thi 90:12-17)

“Cầu xin Chúa dạy chúng con biết đếm các ngày của chúng con, hầu cho chúng con được lòng khôn ngoan” (c.12). Những lời này của Môi-se đã tóm tắt những điều mà chúng ta cần phải biết nếu chúng ta muốn làm cho đời sống mình trở nên có giá trị.

- Thứ nhất, chúng ta hãy sống đời sống trọn vẹn đều đặn mỗi ngày. Thông thường, chúng ta không đếm ngày của mình, nhưng đếm năm. Khi bạn tổ chức sinh nhật nào đó cho mình, có người sẽ hỏi bạn bao nhiêu tuổi thì bạn chỉ nói cho họ biết tuổi của bạn bằng số năm mà thôi. Nhưng tốt hơn hết, chúng ta hãy đếm các ngày của mình, bởi vì chúng ta cần phải sống đời sống trọn vẹn đều đặn mỗi ngày. “Xin ban cho chúng con đồ ăn đủ dùng mỗi ngày” (Mat 6:11). Đức Chúa Trời đã truyền rằng cả hoàn vũ này phải luôn vận hành đều đặn mỗi ngày.

- Thứ hai, chúng ta hãy sống từ lòng mình. “Cầu xin Chúa dạy chúng con biết đếm các ngày của chúng con, hầu cho chúng con được lòng khôn ngoan”. Chúng ta cần lưu tâm đến tấm lòng mình. Đó là lý do tại sao Sa-lô-môn đã viết trong Ch 4:23 “Khá cẩn thận và hết sức siêng năng giữ tấm lòng của con, vì tất cả mọi nguồn sự sống đều do nơi ấy mà ra”. Những gì đang chan chứa trong lòng bạn sẽ chỉ đường dẫn lối đời sống bạn.

- Thứ ba, chúng ta cũng hãy sống nhờ vào sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Sự khôn ngoan chính là việc nhận biết và nhận thức rõ để giúp chúng ta ứng dụng lẽ thật của Lời Chúa vào thời điểm thích hợp theo phương pháp hữu ích và với động cơ đúng. Sự khôn ngoan đến từ Lời Chúa, đến từ việc nhận biết Ngài và chính chúng ta rõ hơn nữa.

Môi-se đã đưa ra bí quyết để làm cho đời sống trở nên có giá trị đó là hãy sống trọn vẹn đều đặn mỗi ngày một cách đều đặn. Bạn cần phải có sự giúp đỡ của Chúa để ứng dụng Lời Ngài vào đời sống bạn. Hãy sống như thể đây là ngày cuối cùng của bạn vậy. Hãy cầu xin Chúa sự khôn ngoan là sự mà bạn cần phải có và hãy vận dụng nó bằng đức tin.



91. THI-THIÊN (Thi 91:1-16)


1. Sự an toàn dưới bóng Chúa (Thi 91:1-8)

Tôi hay tự hỏi không biết nơi nào là nơi an toàn nhất trên thế giới này. Hầm trú bom chăng? Hay là một cái hầm bí mật cất giấu bạc ở nhà băng? Hay có lẽ là một nhà tù với một đội binh lính vây quanh? Còn Thi-thiên 91, thì nơi an toàn nhất trên thế gian này chỉ là một cái bóng. “Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao sẽ được nương náu dưới bóng của Đấng Toàn Năng” (c.1). “Ngài sẽ lấy lông Ngài che phủ con, con sẽ được nương náu dưới cánh Ngài, chân lý của Ngài sẽ làm cái khiên và cái thuẫn cho con” (c.4).

Điều này có nghĩa gì? Tác giả Thi-thiên này ngụ ý về Nơi Chí Thánh trong đền tạm và trong đền thờ. Tại trong Nơi Chí Thánh, có hai tượng chê-ru-bin xoè cánh che phủ nắp thi ân, các cánh của chúng chạm vào nhau. “Ở dưới cánh Ngài” có nghĩa là tại nắp thi ân nơi mà huyết đã được rảy ra và tại đó có sự hiện diện của vinh hiển Đức Chúa Trời. Nơi Chí Thánh chính là ngai của Chúa.

Đó là nơi đầy vinh hiển Ngài.

Mặt khác, nơi an toàn nhất trên thế gian này chính là ở trong mối tương giao với Chúa đó là chúng ta không chỉ đến thăm viếng Nơi Thánh như là thầy tế lễ thượng phẩm bước vào đó hành lễ mỗi năm một lần mà thôi, nhưng chúng còn vào ở tại Nơi Thánh ấy. Tác giả Thi-thiên thúc giục “Hãy sống trong Nơi Chí Thánh”.

Theo Hê-bơ-rơ 10, chúng ta nhận được một lời mời thật nồng nhiệt cởi mở rằng hãy đến ngay và bước vào sự hiện diện của Chúa nương náu ở trong nơi kín đáo nhất đó là ở dưới cánh Ngài, tại nắp thi ân. Đây là nơi Chúa gặp gỡ chúng ta, là nơi sự vinh hiển Ngài được bày tỏ ra, là nơi Ngài ban ra cho chúng ta sự chỉ dạy của Ngài và tỏ cho chúng ta biết thánh ý Ngài. Cái bóng của tôi chẳng thể nào bảo vệ nổi cho một ai cả. Thế nhưng, khi nó đã thuộc về Đấng quyền năng, thì nó lại trở thành cái bóng có sức bảo vệ vô cùng vững chắc. Hãy sống trong Nơi Chí Thánh, dưới bóng của Đấng Toàn Năng.

Đức Chúa Trời mời gọi chúng ta tương giao với Ngài tức là chúng ta hãy vào sống trong Nơi Chí Thánh. Thật là một lời mời tuyệt diệu làm sao! Bạn có thể bước vào nơi an toàn của sự hiện diện Ngài và nhận lãnh sự thương xót, sự chỉ dạy và sự bảo vệ che chở của Ngài. Hiện giờ, bạn có đang sống dưới bóng của Chúa không?


2. Những Thiên Sứ bảo vệ (Thi 91:9-16)

“Vì Ngài sẽ giao trách nhiệm cho thiên sứ Ngài trên con, rằng hãy gìn giữ con trong tất cả các đường lối con” (c.11). Đây là lời hứa mà Sa-tan đã trích dẫn với Chúa Giê-xu khi nó cám dỗ Ngài trong đồng vắng.

Lời hứa này nói về sự an toàn của chúng ta. Chúng ta không thể nhìn thấy các thiên sứ. Tuy nhiên, họ là các sứ giả của Đức Chúa Trời, là những đầy tớ được Ngài sai phái đến giúp đỡ chúng ta. Nếu chúng ta ở trong ý muốn Chúa, chúng ta sẽ được các thiên binh của Ngài bảo vệ. Ngài được gọi là “Giê-hô-va Đức Chúa Trời vạn quân” (Chúa của các đạo binh). Các đạo binh trên trời đều nằm dưới quyền chỉ huy của Ngài đó là những vì tinh tú và các hành tinh cùng cả vũ trụ này. Nhưng đó cũng chính là đạo thiên binh thiên sứ vĩ đại, đông đảo cả ngàn ngàn thiên sứ, là những tạo vật của Đức Chúa Trời, là đội binh của Ngài được Ngài sai đến vì cớ các công tác của chúng ta.

Khi có một người con Chúa ở trong ý muốn Ngài, thì người con ấy sẽ còn sống mãi ở thế gian này cho đến lúc hoàn tất công việc mình. Điều này gợi ý rằng chúng ta sống phải có trách nhiệm – “hãy gìn giữ con trong tất cả, các đường lối con” tức là hãy ở trong ý muốn Chúa. “Bởi vì con đã cậy Đức Giê-hô-va làm nơi nương náu mình, cậy Đấng Chí Cao làm nơi trú ngụ của mình” (c.9). Khi bạn ở trong Chúa, nương náu nơi Ngài thì Ngài sẽ phán rằng: “nên chẳng có điều ác nào xảy đến cho con” (c.10). Đừng bảo rằng chúng ta sẽ không bị tổn thương đau đớn, nhưng hãy tiên quyết chúng ta sẽ không bị tổn hại. Chúng ta có thể phải vượt qua thung lũng, vượt qua chiến trường và nếm trải khó khăn, gian truân. Nhưng mọi sự đó sẽ không đem lại cho chúng ta điều ác.

Sự an ninh và trách nhiệm của chúng ta sẽ dẫn chúng ta đến với chiến thắng. Vậy, Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta chiến thắng nào? “Con sẽ dẫm chân mình trên sư tử và rắn hổ mang. Con cũng sẽ giày đạp sư tử tơ và rắn rết dưới chân mình” (c.13).

Sa-tan chính là sư tử và là rắn độc.

Tác giả Thi-thiên mách bảo cho chúng ta biết rằng bởi vì chúng ta đang nương náu mình nơi Chúa, bởi vì lẽ thật của ngài làm cái khiên và thuẫn cho chúng ta, cho nên chúng ta sẽ chiến thắng. Chúng ta có thể kêu cầu Ngài thì Ngài sẽ đáp lời. Thật tuyệt vời để nhận biết rằng Đức Chúa Trời luôn ban sự an toàn cho chúng ta khi chúng ta hoàn thành trách nhiệm của mình.

Các thiên sứ chính là những sứ giả của Đức Chúa Trời được Ngài sai đến để giúp đỡ và bảo vệ chúng ta. Khi bạn nghĩ về các thiên sứ và trọng trách của họ thì bạn hãy nhớ đến trách nhiệm của mình là phải ở trong ý muốn Chúa và nương náu nơi Ngài. Hãy cảm tạ Chúa về những trọng trách “vô hình” của các thiên sứ Ngài và về sự đóng góp phần của họ trong việc giúp bạn chiến thắng Sa-tan.



92. THI-THIÊN (Thi 92:1-15)


1. Một ngày lý tưởng (Thi 92:1-6)

Khi bắt đầu một ngày mới chúng ta phải nghĩ đến việc: rồi cũng phải kết thúc ngày ấy. Những gì xảy ra trong ngày sẽ phụ thuộc vào cách thức chúng ta bắt đầu vào buổi sáng và kết thúc vào chiều tối như thế nào. Câu 1 và câu 2 mô tả về một ngày lý tưởng như sau: “Hỡi Đấng Chí Cao! Chúng con lấy làm phước hạnh mà cảm tạ Chúa và hát xướng ngợi khen Danh Ngài, rao ra sự nhân từ Chúa vào buổi sáng và sự thành tín Ngài vào ban đêm”.


Đó là cách mà chúng ta cần phải sống mỗi ngày.

Khi bạn thức dậy mỗi buổi sáng, hãy nhớ đến sự nhân từ Chúa. Đừng thức dậy trong sự lằm bằm và than “Ôi, lại thêm một ngày nữa! ” Nhưng, hãy thức dậy và nhủ rằng: “Hôm nay, Chúa thật yêu tôi, và lòng nhân từ Ngài hằng còn đời đời. Chúa gìn giữ mạng sống tôi trong tay Ngài cho nên, tôi không có gì phải sợ hãi cả”.

Trong suốt ngày ấy, bạn hãy ngợi khen và cảm tạ Chúa. “Hỡi Đấng Chí Cao! Chúng con lấy làm phước hạnh mà cảm tạ Chúa và hát xướng ngợi khen danh Ngài”. Bạn có thể ngợi khen Chúa về bất kỳ điều gì Ngài đã làm cho bạn ngay cả những điều nhỏ nhặt như việc bạn tìm được chỗ đậu xe, hoặc bạn nhận được những cú điện thoại đem lại ích lợi cho bạn, hoặc bạn biết được tin tức về một người bạn nào đó của bạn.

Khi kết thúc một ngày, bạn hãy nhớ đến sự thành tín Chúa. Trong buổi sáng, chúng ta thường trông đợi sự nhân từ Chúa. Suốt ngày ấy, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự nhân từ Ngài. Đến cuối ngày, chúng ta có thể nhìn lại và nói rằng: “Chúa thật thành tín”. Cho dù ngày ấy có khó khăn tới đâu chăng nữa, khi đến hết ngày, bạn vẫn có thể nhìn lại và nói: “Sự thành tín Chúa rất lớn thay!”

Ngày nào cũng đều có những gánh nặng, phước hạnh và những thách thức cho ngày ấy. Cách thức mà bạn bắt đầu và kết thúc một ngày sẽ quyết định kết quả ngày ấy của bạn. Hãy bắt đầu một ngày bằng sự nhân từ Chúa. Hãy ngợi khen và tạ ơn Chúa suốt ngày ấy. Đến chiều tối, hãy nhớ về sự thành tín Ngài. Thật là một bí quyết tuyệt diệu để sống đời sống thoả lòng trọn vẹn mỗi ngày!


2. Tốt tươi và phồn thịnh (Thi 92:7-15)

Có người cho rằng đời người thường chia làm ba thời kỳ như sau: Thời thơ ấu, thời thanh xuân và thời kỳ mà: “ôi! Mèng ơi! Trông bạn có vẻ được đấy!”. Chúng ta không thể chặn đứng tuổi tác được. Nhưng cho dù chúng ta có già đi thế nào chăng nữa thì chúng ta vẫn không ngừng trưởng thành trong Chúa.

“Người công bình sẽ có sức sống mãnh liệt như cây kè. Người sẽ lớn lên như cây hương nam ở Li-ban. Những ai được trồng trong nhà Đức Giê-hô-va sẽ phồn thịnh trong hành lang Ngài. Người ấy sẽ sanh bông trái trong tuổi già, họ sẽ trở nên tốt tươi và thịnh vượng” (c.12-14). Những lời này thực sự đã khích lệ tôi rất nhiều, bởi vì tôi ngày càng cao tuổi, tôi ước ao đời sống tôi càng ngày càng có giá trị cho Chúa Giê-xu.

Đức Chúa Trời phán bảo chúng ta hãy trở nên giống cây kè. Điều này có nghĩa là chúng ta phải được trồng đó là “được trồng trong nhà Chúa”. Chúng ta hãy nương náu mình nơi Đấng Christ, cội rễ của các cây được trồng phải ở trong nguồn tâm linh. Thật là một thảm kịch cho bạn khi tuổi cao tác lớn lại còn lao vào trong thế gian và phạm tội, bỏ qua những gì đã được dạy dỗ từ Lời Chúa.

Chúng ta sẽ còn sanh bông trái. “Họ sẽ trở nên tốt tươi và phồn thịnh” đó là những cây trĩu quả làm vinh hiển Chúa. Cây kè là loại cây có sức chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, chịu đựng cả bão tố và giông gió. Gió có thể quật gãy các loại cây khác nhưng chỉ làm cho cây kè cong oằn xuống mà thôi, nhưng sau đó thân kè lại đứng thẳng lên trở lại. Cây kè có rễ ăn rất sâu xuống đất để hút nước trong những vùng sa mạc khô cằn. Chúng có thể sống sót giữa lúc các loại cây khác đang chết dần. Và cây kè là loại cây liên tục sanh bông trái. Dầu vậy, trái của chúng không hề suy giảm chất lượng, trái lại càng ngày càng ngon hơn và ngọt ngào hơn.


Cuối cùng, chúng ta sẽ được phồn thịnh “ở trong hành lang Đức Chúa Trời chúng ta”. Có một số người khi trở nên già lại hay cằn nhằn khó chịu, ích kỷ keo kiệt, ưa xoi mói, xét nét, quở mắng người khác. Chúng ta đừng giống như vậy. Hãy để Đức Chúa Trời khiến cho bạn trở nên tốt hơn và phồn thịnh. Hãy có rễ ăn thật sâu xuống đất. Bạn sẽ có thể chịu đựng được bão tố và tiếp tục sanh bông trái, đem ơn phước Chúa đến nuôi sống người khác.

Chúa muốn bạn trưởng thành như những cây xanh có ích, mọc lên vững chãi và sanh nhiều bông trái. Ngài muốn rễ của bạn đâm sâu xuống hút chất dinh dưỡng từ nguồn linh lực tiềm ẩn của Ngài. Bạn có được trồng và được nuôi dưỡng nhờ vào Lời Chúa hằng ngày không? Bạn có đang sanh bông trái và đem lại sự vinh hiển cho Chúa không? Bạn có đang phồn thịnh và đang nuôi dưỡng người khác không?



93. HÃY NGƯỚC NHÌN LÊN PHÍA TRÊN DÒNG NƯỚC LŨ (Thi 93:1-5)


Khi tôi đang giảng tại một khoá học Thánh Kinh ở miền Bắc Thái Bình Dương, tôi quan sát đại dương khi nó đang động. Ngày cuối cùng của khoá học, trời đổ mưa và bão nổi lên. Những cơn sóng đại dương trông như thể chúng đang ở ngay sau cửa của chúng tôi. Quang cảnh này nhắc tôi nhớ đến câu 3 trong đoạn sách áp dụng cho ngày hôm nay: “Kính lạy Đức Giê-hô-va! Dòng nước cuồn cuộn đang dâng cao, chúng đã nâng tiếng chúng và những làn sóng của chúng lên cao”.


Bạn sẽ làm gì khi bạn nhận thấy chính mình đang bị những cơn nước lũ hung dữ của kẻ ác đe doạ? Hãy làm theo những gì tác giả Thi-thiên đã làm. Ông đã nhìn vào ngai Đức Chúa Trời.

“Đức Giê-hô-va luôn cai trị, Ngài mặc lấy sự uy nghi. Chúa trang sức và thắt lưng cho chính Ngài bằng sức mạnh.Thế giới đã được thiết lập một cách cố định, nên nó không thể nào bị di dời.Ngôi của Ngài đã lập vững từ ngàn xưa. Ngài hằng có từ trước vô cùng” (c.1). Không có làn sóng hay cơn lũ nào có thể quấy nhiễu nổi ngôi của Đức Chúa Trời.Tuy nhiên, thường thì chúng ta không ngước nhìn lên trên cao. Chúng ta nhìn dòng nước lũ, chứ không nhìn Chúa. Chúng ta nhìn sóng đang ngày càng dâng cao hơn, nhưng chúng ta lại không ngước mắt lên bằng đức tin để nhìn vào ngôi rất vững chắc, rất an khương, kiên định và còn lại đời đời của Đức Chúa Trời.

Thi-thiên này còn nhắc tôi nhớ đến Phi-e-rơ khi ông bước đi trên mặt nước (Mat 14:28-31). Ông đã rời mắt khỏi Chúa và quên lời hứa của Ngài. Thế là Đức Chúa Giê-xu bảo ông: “Hãy đến đây!” Đó là tất cả những gì Phi-e-rơ cần. Vì vậy, ắt hẳn ông đã tự nhủ rằng: “Nếu Chúa Giê-xu bảo: Hãy đến đây, thì con có thể đến được” Bởi vì các mạng lệnh của Ngài luôn luôn là những điều có thể.

Ngôi nước của Chúa được thiết lập vững chắc, chứng cớ Ngài thật rõ ràng. Khi bạn nhìn thấy dòng lũ kéo đến gần, thì bạn hãy ngước mắt nhìn lên cao hơn, để ngắm xem ngai của Đức Chúa Trời và bạn hãy mở tai mình ra để nghe Lời Ngài. Bạn hãy hành động đức tin, đặt lòng trông cậy vào những lời hứa đầy sức mạnh, và quyền năng của Ngài.



94. THI-THIÊN (Thi 94:1-23)


1. Hãy tin cậy vào thời điểm của Chúa (Thi 94:1-10)

“Kính lạy Đức Chúa Trời! Những kẻ làm ác sẽ còn chiến thắng cho đến bao giờ nữa?” (c.3). Tôi chắc chắn rằng bạn cũng đã hỏi câu hỏi ấy. Cảm nghĩ này được bày tỏ nhiều lần trong Thánh Kinh. Những vĩ nhân vĩ đại của Đức Chúa Trời đã từng kêu lên “Chúa ơi! Cho đến bao giờ…?” Khi Đa-vít đang bị vua Sau-lơ truy sát, rất nhiều lần ông thưa: “Hỡi Đức Giê-hô-va! Còn bao lâu nữa con mới lên ngôi? Ngài đã hứa ban điều đó cho con rồi”.

Tác giả Thi-thiên nói cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời luôn có chương trình của Ngài. Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta và nhìn thấy các nhu cầu của chúng ta. Ngài biết rất rõ điều gì sắp xảy ra. Kẻ ác cho rằng họ có quyền cai trị trên mọi sự. “Chúng nói rằng ‘Đức Giê-hô-va không nhìn thấy gì đâu, thật, Đức Chúa Trời của Gia-cốp chẳng hiểu biết gì cả” (c.7). “Đức Chúa Trời không thể nhìn thấy những việc chúng ta đang làm, Chúa cũng chẳng làm được chi đâu”. Đó chính là niềm tin sai lầm của kẻ ác.


Nhưng tác giả Thi-thiên đã đáp lời họ bằng lý lẽ thật sắc sảo sống động: “Ngài là Đấng đã gắn lỗ tai, lẽ nào Ngài lại chẳng nghe được sao? Ngài là Đấng đã nắn nên đôi mắt, lẽ nào Ngài lại chẳng thấy được ư? Ngài là Đấng ban lệnh truyền cho các quốc gia, lẽ nào Ngài lại chẳng sửa phạt họ sao? Vậy, Ngài chẳng phải là Đấng dạy dỗ cho loài người hiểu biết ư?” (c.9,10).

Mặt khác, lẽ nào Ngài lại ngu dại hơn chúng ta sao? Ngài luôn nhìn thấy những gì đang diễn ra của dân sự Ngài và Ngài thường sửa phạt những ai cần được sửa phạt.

Xu hướng của chúng ta, dĩ nhiên thường là chỉ thấy an tâm đối với những gì mình đã cầm chắc trong tay. Môi-se từng có tư tưởng như vậy và việc ấy đã đẩy ông đi vào đồng vắng suốt 40 năm để học cách tin cậy vào sự định giờ và kế hoạch của Đức Chúa Trời. Khi nào bạn nhận thấy mình đang muốn kêu lên rằng: “Chúa ôi! Còn bao lâu nữa? Cho đến bao giờ?” thì bạn hãy hướng về Chúa và nhớ cho rằng Ngài biết rất rõ về hoàn cảnh mà bạn biết – Ngài biết nhiều hơn cả điều bạn biết. Sau đó, bạn hãy hầu việc Ngài hãy thức canh và cầu nguyện. Bạn có thể tin chắc rằng Ngài sẽ luôn giữ các lời hứa Ngài.

Việc học hỏi cách để tin cậy vào các chương trình và thời điểm đã được định sẵn của Đức Chúa Trời là cả một quá trình sống lâu dài. Khi bạn cần kiên nhẫn chờ đợi Chúa hành động, thì trước hết, bạn hãy tìm kiếm Chúa và nắm chặt các lời phán hứa của Ngài trong Thánh Kinh. Sau đó, bạn hãy nghỉ ngơi trong sự chăm sóc của Ngài. Ngài biết rõ hoàn cảnh bạn và Ngài luôn giữ lời Ngài. Ngài sẽ hành động vào đúng thời điểm.


2. Cầu nguyện, chờ đợi hay hành động? (Thi 94:11-23)

“Ai sẽ vì con dấy lên chống trả lại kẻ ác? Ai sẽ vì con đứng lên phản kháng lại những người làm điều bất công, tội lỗi?” (c.16). Tôi tự hỏi không biết phải giải đáp ra sao khi chúng ta đưa ra những câu hỏi này.

Có rất nhiều khi chúng ta chỉ cầu nguyện cho một nan đề nào đó mà thôi, lại có nhiều lần chúng ta chờ đợi. Và như thế, có rất nhiều lần Chúa bảo chúng ta: “Bây giờ thì không nhưng sau đó ta sẽ giải quyết sự việc ấy”.Cũng có rất nhiều khi chúng ta phải hành động như Môi-se đã phải đứng lên dẫn dân sự ra khỏi xứ Ê-díp-tô, hoặc như Đa-vít đã phải thực hiện sự xét xử của Đức Chúa Trời. Lại có nhiều lúc chúng ta là ngọn đèn của trần gian, nên phải đứng lên, chiếu sáng. Và khi chúng ta là muối của đất, thì phải dùng muối ấy muối vào tình trạng thối rửa, mục ruỗng trong thế gian hiện nay.

Thật dễ biết bao để làm người ngoài cuộc đứng xem và nói “Ồ, tôi sẽ cầu nguyện cho điều đó”. Ấy là một việc tốt mà bạn cần phải làm. Nhưng Chúa hỏi rằng: “Ai sẽ vì cớ ta mà đứng lên phản kháng lại những kẻ làm điều bất công, tội lỗi?” Câu trả lời là: Đó là những người nào nhận biết rằng Chúa là Đấng giúp đỡ họ. “Nếu Đức Chúa Trời không giúp đỡ con, thì linh hồn con sẽ sớm rơi vào trong câm lặng” (c.17). “Nhưng Chúa là sự bảo vệ con, Ngài là vầng đá cho con nương náu” (c.22). Khi Chúa là Đấng giúp đỡ bạn, và khi bạn nhận được sức lực Chúa đến từ Lời Ngài, thì bạn sẽ có thể đứng lên chống trả lại tội lỗi trong thế gian này.

Những ai được phân rẽ khỏi tội lỗi cũng sẽ được quyền hành động. “Lẽ nào ngôi của những kẻ làm điều bất công, tội tỗi đã cậy luật pháp để bày ra quỷ kế, mưu chước lại được tương giao cùng Chúa sao?” (c.20). Ngày hôm nay, chúng ta có luật pháp bảo vệ chúng ta tránh khỏi vô vàn tội lỗi. Tuy nhiên, những ai đã được phân rẽ tội lỗi thì phải đứng lên với Chúa phản đối lại điều ác và đó là những người tin rằng Chúa sẽ ban cho họ thắng lợi bội phần.Chúng ta có thể đã bỏ qua một vài trận đánh, nhưng hãy tạ ơn Chúa về việc chúng ta sắp sửa chiến thắng trong cuộc chiến này!

Cơ-đốc nhân đừng bao giờ đồng tình đồng hoá với những kẻ làm điều ác. Chúng ta hãy đối phó với chúng bằng sự cầu nguyện, chờ đợi và hành động. Chúa muốn bạn trở thành một người gây ảnh hưởng cho Ngài. Hãy làm một chứng nhân năng động ở nơi mà Chúa đặt để bạn ở.

Hãy cầu xin Ngài dẫn dắt bạn trong sự hiểu biết khi nào thì cầu nguyện, chờ đợi hoặc hành động.



95. THI-THIÊN (Thi 95:1-11)


1. Hãy đáp lại sự vĩ đại (Thi 95:1-7)

“Vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời vĩ đại, và là Đại Đế trên tất cả các thần” (c.3).

Đây là một lời xác tín niềm tin hết sức mạnh mẽ mà tác giả Thi-thiên đã viết khi ông nhìn vào các vị thần ở thế gian của các dân tộc khác.

Trong cuốn sách của mình “Thần của bạn thật quá bé nhỏ” I.B.Phillips đã khẳng định sự vĩ đại của Đức Chúa Trời. Nếu bạn có một Đức Chúa Trời bé nhỏ thì ắt bạn cũng sẽ có một đức tin bé nhỏ. Còn nếu bạn có một Đức Chúa Trời vĩ đại, thì bạn sẽ có đức tin lớn nghĩa là đức tin lớn không phải là do ở lòng tin bạn mà có nhưng là do ở Đức Chúa Trời vĩ đại. Quả thật, nếu Giê-hô-va là một Đức Chúa Trời vĩ đại thì chúng ta sẽ đáp ứng lại sự vĩ đại của Ngài như thế nào đây?

- Thứ nhất, hãy cảm tạ Ngài. “Chúng ta hãy lấy sự cảm tạ mà đến trước mặt Đức Chúa Trời, dùng thi ca thánh mà hát vang lên vui mừng vì Ngài” (c.2). Hãy cảm tạ Ngài vì Ngài là Đức Chúa Trời vĩ đại.

Xin lưu ý rằng sự vĩ đại của Ngài luôn trải ra khắp qua công việc sáng tạo. “Các vực sâu trên thế giới này đều nằm trong tay Ngài. Những nơi cao của núi đồi cũng thuộc về Ngài” (c.4). Việc nhận biết được Đức Chúa Trời là Chúa của các vực sâu và cũng là Chúa của những nơi cao chẳng phải là điều hay cho chúng ta sao? Khi chúng ta sống trên đỉnh núi cao, Ngài luôn ở đó. Khi chúng ta ở dưới thung lũng thấp, thì cũng có Ngài ở đó. “Biển cả thuộc về Ngài, vì chính Ngài đã tạo dựng nên nó. Và tay Ngài cũng đã nắn nên đất khô” (c.5). Tôi lấy làm sung sướng vì Chúa tôi là Đức Chúa Trời của những nơi đầy biến động chẳng hạn như biển cả, và vì Ngài là Đức Chúa Trời của những nơi vững lập như là đất khô. Cho dù chúng ta ở đâu, chúng ta đều kinh nghiệm được sự vĩ đại của Ngài.

- Thứ hai, hãy hát xướng cho Ngài. “Ồ, chúng ta hãy đến hát xướng cho Đức Giê-hô-va! Chúng ta hãy hát vang lên thật vui mừng cho Vầng Đá là sự cứu rỗi chúng ta” (c.1). Và cuối cùng, hãy thờ phượng Ngài. “Ồ! Chúng ta mau đến thờ phượng, cúi xuống, quỳ xuống trước Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hoá của chúng ta” (c.6).

Sự vĩ đại của Chúa là câu trả lời cho sự hiểu biết hạn hẹp của con người. Khi bạn bắt gặp một tội trọng, hay mang lấy nỗi thất vọng ê chề hoặc khi bạn phái gánh lấy một gánh nặng ghê gớm, thì bạn hãy nhớ rằng bạn đang thờ phượng một Đức Chúa Trời vĩ đại. Nếu bạn quỳ xuống trước Ngài, thì Ngài sẽ trở nên vĩ đại hơn nữa.


2. Những tấm lòng cứng cỏi (Thi 95:7-11)

Chúng ta tìm thấy một lời cảnh cáo trong đoạn sách này dành cho ngày hôm nay: “Ngày nay, nếu các con nghe tiếng ta, thì chớ cứng lòng” (c.7,8). Đây là bối cảnh của dân tộc Y-sơ-ra-ên đang khi trong đồng vắng. Từ Ê-díp-tô đến Ca-na-an, họ đã thấy Đức Chúa Trời hành động. Ngài dẫn họ ra khỏi Ê-díp-tô, vượt qua đồng vắng và bước vào miền Đất Hứa, và họ đã làm gì trong sự đáp lại Chúa? Họ đã cứng lòng.

Còn chúng ta hay cứng lòng ra sao? Đó là một tiến trình diễn ra từ từ khi chúng ta phàn nàn về công việc Chúa và không lưu tâm đến Lời Ngài. Dân Y-sơ-ra-ên đã lằm bằm về phương pháp dẫn đường và cách thức nuôi nấng của Ngài đối với họ. Họ nghe Lời Ngài nhưng lại cố ý không vâng theo. Điều này được coi là sự thử Chúa. “Khi tổ phụ của các con thử ta, họ đã cố thử ta thì họ nhìn thấy công việc của ta. Suốt 40 năm, ta lấy làm đau lòng cho dòng dõi này” (c.9).

Khi bạn thấy Chúa hành động, bạn lại lằm bằm thay vì vui mừng, khi bạn nghe Lời Ngài nhưng lại cố ý không vâng theo thì có nghĩa là bạn đang thử Chúa. Điều ấy giống như việc một đứa con dám thách thức ba mẹ nó sửa phạt nó vậy. Khi bạn cứng lòng, bạn sẽ đánh mất điều tốt nhất của Chúa dành cho bạn. Dân Y-sơ-ra-ên đã chứng kiến nhiều phép lạ. Họ nghe sứ điệp dạy dỗ này. Họ được nuôi nấng mỗi ngày. Thế nhưng, trong suốt 40 năm ấy, thì toàn bộ những người cao tuổi đều phải lìa đời. Dân sự không được vào cả trong nơi sản nghiệp của họ.

Bạn sẽ làm gì để tránh cứng lòng?

-Hãy ăn năn.

-Hãy lắng nghe Lời Chúa và đáp lại Lời Ngài thật dịu dàng.

-Hãy nhìn xem công việc Ngài làm và đáp lại bằng sự cảm tạ. Chớ lằm bằm, phàn nàn nữa và hãy vâng Lời Chúa.

-Hãy thờ phượng Ngài và luôn giữ cho lòng mình thật mềm mại trước mặt Ngài.

Nếu bạn cho rằng Đức Chúa Trời phải tiếp trợ, ban cho bạn là điều hiển nhiên, thì bạn sẽ ít biết ơn Ngài và sẽ không quan tâm lắm đến việc đáp lại cho Ngài. Xin chú ý lời cảnh cáo trong những câu này: Hãy luôn giữ lòng bạn thành thật với Chúa và vâng lời Ngài.



96. THI-THIÊN (Thi 96:1-13)


1. Linh lực và vẻ đẹp (Thi 96:1-6)

Vào một sớm mùa xuân nọ, tôi ra đứng trước cửa nhà mình và thấy một lưới nhện. Nó đẹp thật nhưng không bền. Trước khi ngày qua đi, lưới nhện ấy đã không còn nữa.

Có một vài thứ rất xinh đẹp nhưng lại không bền. Và có một số thứ khác bền nhưng không đẹp. Cho dù có tấm bê tông chắc chắn thế nào chăng nữa, bạn vẫn không có thiện chí đặt nó trong phòng khách của bạn. Một cây trụ sắt, thông thường thì chỉ được dùng để chống đỡ, chứ không phải để ngắm nghía thưởng ngoạn. Có một vẻ đẹp quanh đền tạm và đền thờ.

“Sự vinh hạnh và uy nghi đang ở trước mặt Ngài. Linh lực và vẻ đẹp đang ở trong nơi thánh Ngài” (c.6). Đền tạm là một cái lều trại nghĩa là nó đẹp đẽ nhưng không có sức mạnh vĩ đại.Còn đền thờ thì vừa có năng lực lại vừa đẹp đẽ.

Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng thực hữu, nhưng không phải vì quá thực hữu đến nỗi Ngài phải đánh mất vẻ đẹp của Ngài qua công cuộc sáng tạo, chẳng hạn như cây cối, núi non, sông ngòi.

Đức Chúa Trời cũng muốn chúng ta có vẻ đẹp. Ngài muốn chúng ta có linh lực đẹp đẽ và có vẻ đẹp mạnh mẽ. Chúng ta có thể “thờ phượng Chúa trong vẻ đẹp thánh khiết” bởi vì “linh lực và vẻ đẹp đang ở trong nơi thánh của Ngài”.

Công việc của Đức Chúa Trời vừa đẹp đẽ vừa có linh lực.Nếu bạn bước đi trong mối tương giao với Ngài, thì đời sống bạn sẽ toả ra một vẻ đẹp mạnh mẽ và tràn đầy linh lực đẹp đẽ. Như thế, càng ngày bạn sẽ càng trở nên giống Chúa Giê-xu hơn.


2. Sự Thánh Khiết (Thi 96:7-13)

“Ồ! Hãy thờ phượng Đức Giê-hô-va trong vẻ đẹp của sự thánh khiết” (c.9). Đức Chúa Trời ước ao dân sự Ngài được thánh khiết. “Hãy nên thánh, vì ta vốn thánh khiết” là lời được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Thánh Kinh Cựu-ước. Và sứ đồ Phi-e-rơ cũng đã từng nhắc lại lời ấy trong một trong số các thư tín của ông (IPhi 1:16). Có nghĩa là cần phải được phân rẽ ra, duy nhất, minh bạch.

Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Con và cũng là Đức Thánh Linh Ba Ngôi hiệp một dẫn chúng ta bước vào trong đời sống thánh khiết. Thập tự giá của Đức Chúa Giê-xu đã chỉ ra rằng Chúa luôn muốn chúng ta thánh khiết. Chúa Giê-xu đã chịu chết trên thập tự giá vì cớ tội lỗi chúng ta để khiến chúng ta nên thánh và đem chúng ta đến với Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh ngự trong lòng chúng ta luôn thôi thúc chúng ta hãy nhờ linh lực Ngài sống đời sống thánh khiết. Lời Chúa sẽ giúp chúng ta trưởng thành trong sự thánh khiết. Chúa Giê-xu đã thưa với Cha Ngài rằng: “Xin Cha lấy lẽ thật của Ngài khiến họ nên thánh, và Lời Ngài là lẽ thật” (Gi 17:17).

Sự thánh khiết thật rất đẹp đẽ, còn sự thánh khiết giả hình thì không phải vậy.Người Pha-ri-si sống với sự thánh khiết giả tạo đó là lòng sốt sắng máy móc và không thành thật. Chúa Giê-xu có sự thánh khiết thật, nên Ngài đã thu hút dân chúng. Và, người Pha-ri-si đã chống đối họ. Những trái Thánh Linh đó là yêu thương vui mừng, bình an, nhẫn nại và thanh thản sẽ làm cho cuộc sống trở nên đẹp đẽ.

Sự thánh khiết thật rất đẹp đẽ, và vẻ đẹp này đến từ sự thờ phượng. Bạn có biết rằng bạn đang trở nên giống với những gì bạn đang thờ phượng không? Nếu thần của bạn ích kỷ, thì bạn sẽ trở nên ích kỷ. Nếu thần của bạn xấu xí ghê tởm thì bạn cũng sẽ trở nên xấu xí, ghê tởm. Kẻ nào tôn thờ tiền tài thì sẽ trở nên khốn khó. Ai tôn thờ thú vui thì sẽ thành kẻ nhu nhược, ngu dại. Nhưng người nào thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống, chân thật thì sẽ trở nên đẹp đẽ – nghĩa là càng ngày càng trở nên giống Đấng Christ hơn.

Chúa đã ban cho bạn nguồn lực cần thiết để bạn sống đời sống thánh khiết. Hãy để Lời Ngài dạy dỗ bạn và để Đức Thánh Linh hướng dẫn bạn.

Hãy sống như vậy để bạn có thể trở nên giống Đấng Christ hơn.



97. SỰ QUÂN BÌNH GIỮA YÊU VÀ GHÉT (Thi 97:1-12)


Tôi có một người bạn thường thích trích dẫn một phước lành do anh ta tự nghĩ ra hoặc mượn lời ai đó: “Phước cho người nào có đời sống quân bình”. Đó là một ý hay. Chúng ta không thể dễ dàng bước đi được trừ khi chúng ta giữ được thăng bằng. Khi tôi tập lái xe đạp, ba mẹ tôi đã đặt tôi lên trên xe đạp và đẩy xe chạy, nhưng tôi không tài nào giữ được thăng bằng. Để trượt pa-tanh, trượt băng hoặc trượt tuyết, đòi hỏi bạn cần phải giữ thăng bằng.

Đây cũng chính là lẽ thật của đời sống Cơ-đốc nhân, là lý do tại sao tác giả Thi-thiên đã nói rằng: “Hỡi tất cả những ai kính mến Đức Giê-hô-va! Hãy ghét điều ác!” Có một sự cân bằng dành cho bạn. Cơ-đốc nhân không nên ghét người khác, nhưng phải ghét điều ác.

Chúng ta có thể có một trong nhiều thái độ đối với điều ác trong thế giới ngày hôm nay như sau:

- Thứ nhất, chúng ta hãy chống cự nó. Tôi không biết Cơ-đốc nhân có thể làm được điều đó như thế nào, nhưng có nhiều người Cơ-đốc đã làm được. Tuy nhiên, lại cũng có nhiều kẻ đề cao nó. Như vậy, có nghĩa là họ đang tạo cơ hội cho Sa-tan. Chúng ta còn có thể nhắm mắt làm ngơ đối với điều ác, giống như thầy tế lễ và người Lê-vi trong câu chuyện ẩn dụ “Người Sa-ma-ri nhân lành”, là những người đã đi ngang qua người khác đang ở bên cạnh mình. Hoặc chúng ta cam chịu điều ác và sau đó bảo rằng: “Ồ! Ở đây có sự gian ác. Tôi sẽ nghiến chặt răng mình nắm chặt những nắm đấm nhưng chỉ để kiên nhẫn chịu đựng nó mà thôi”. Nhưng, Lời Chúa dạy chúng ta hãy ghét điều ác và hãy phản đối nó.

Chúng ta ghét điều ác bởi vì chúng ta yêu Chúa. Nếu chúng ta yêu Ngài, thì chúng ta sẽ yêu những gì Ngài yêu và ghét những gì Ngài ghét.

Đây cũng là một lẽ thật trong các mối quan hệ của con người. Khi bạn yêu người nào đó, thì bạn sẽ yêu luôn những thứ mà anh ấy hoặc cô ấy yêu, và bạn muốn chia sẻ với người đó mọi thứ ấy. Khi Chúa xét xử kẻ ác, chúng ta ước ao được ở bên phía của Ngài. Chúng ta chớ nên giống như Lót, là người đã để cho điều ác làm đau đớn linh hồn, đã dung túng tội ác ở thành Sô-đôm. Mọi thứ gì mà Lót đã sống vì chúng thảy đều bị lửa thiêu hủy cả khi thành Sô-đôm đắm chìm trong khói lửa (Sa 19). “Ngài bảo hộ linh hồn các thánh của Ngài, và giải cứu họ thoát khỏi tay kẻ ác”. Chúa luôn ở bên cạnh chúngta. Và nếu Chúa bênh vực chúng ta, thì còn ai có thể chống lại nổi chúng ta?

Bạn tỏ thái độ thế nào đối với điều ác trong thế gian này?Nếu bạn yêu mến Chúa, thì bạn sẽ không thể nào cứ mãi giữ thái độ trung lập được. Bạn phải ghét điều ác và phản đối nó bởi vì thật nguy hiểm cho chúng ta nếu chúng ta dung túng, chịu đựng nó. Hãy cầu xin Chúa ban cho sức lực để có thể vững vàng chống cự lại điều ác và trở thành chứng nhân đối với những ai muốn thực nghiệm việc ấy.



98. ĐỨC TIN BIẾT CA HÁT (Thi 98:1-9)


Một trong số những giáo sư thần học viện của tôi là một giáo sĩ sống ở Châu Phi trong nhiều năm. Lần đầu tiên ông đến một cánh đồng, bằng một chiếc ghe đi theo đường sông, từ bờ sông, ông nghe tiếng la hét, khóc lóc và tiếng đấm đá nhau huỳnh huỵch. Nhưng 25 năm sau, khi ông xuống sông rời khỏi cánh đồng ấy, thì ông thấy dân chúng ở đó đứng xếp hàng trên bờ sông hát xướng: “Tất cả chúng con xin chúc tụng quyền năng của danh Chúa Giê-xu, các thiên sứ hãy mau quỳ sắp xuống”. Thật là một sự thay đổi biết bao!

Đức tin của Cơ-đốc nhân là đức tin biết ca hát, Cơ-đốc nhân phải là những con người biết hát xướng. Lời Chúa luôn khích lệ chúng ta hát xướng cho Chúa. “Ồ! Chúng ta hãy hát một bài ca mới cho Đức Giê-hô-va! Vì Ngài đã làm nhiều điều thật lạ lùng. Tay hữu và cánh tay thánh của Ngài đã đem lại chiến thắng cho Ngài” (c.1).

Hãy hát xướng ca ngợi các chiến thắng của Ngài. Nếu bạn nghĩ bạn không bao giờ gặt hái được thắng lợi nào trong cuộc đời mình, thì bạn hãy bắt đầu hát xướng ngợi khen chiến thắng của Đức Chúa Trời, và bạn sẽ ngạc nhiên về những điều Ngài sẽ làm cho bạn.

Hãy hát xướng ca ngợi sự cứu rỗi của Ngài. “Đức Giê-hô-va đã tỏ cho biết sự cứu rỗi của Ngài, và thể hiện ra sự công bình của Ngài trước mặt các nước” (c.2). Ngày hôm nay, chúng ta cần phải truyền rao sứ điệp cứu rỗi ra cho mọi người biết.

Hãy hát xướng ca ngợi lòng nhân từ và sự thành tín của Ngài. “Ngài đã nhớ lại lòng nhân từ và sự thành tín Ngài” (c.3). Chúa rất nhân từ đối với chúng ta, và sự thành tín Ngài còn lại đời đời.

Hãy hát xướng ca ngợi sự tái lâm của Ngài. Câu 9 nói với chúng ta rằng núi non ca hát vui mừng trước mặt Chúa. “Vì Ngài sẽ đến để đoán xét thế gian Ngài sẽ dùng sự công bình xét xử thế gian, dùng công lý phán xử muôn dân”. Hãy hát xướng vì sự tái lâm của Ngài, vì Chúa Giê-xu có thể trở lại ngay hôm nay!

Bạn có đang ca hát ngợi khen Chúa trong đời sống bạn không? Nếu bạn đánh mất bài ca của mình thì có nghĩa là bạn đã đánh mất một thứ khác nữa - đó là khải tượng của bạn về Chúa, niềm tin đặt nơi Lời Ngài - hoặc có lẽ tội lỗi đã xâm nhập vào đời sống bạn. Hãy bước theo sự dạy dỗ của Thi-thiên này và “hãy hát cho Đức Giê-hô-va một bài ca mới”



99. ĐIỀU TIÊN QUYẾT ĐỂ LỜI CẦU NGUYỆN ĐƯỢC NHẬM (Thi 99:1-9)


Một trong những niềm vui to lớn nhất trong đời sống Cơ-đốc nhân là niềm vui về lời cầu nguyện được nhậm – ấy là điều khiến chúng ta có thể nói cho người khác biết rằng: “Hôm nay, Chúa có nhậm lời cầu nguyện của tôi”, hoặc để bạn có thể nghe ai đó nói với bạn: “Xin cảm ơn anh về sự cầu thay của anh cho tôi – hãy để tôi kể anh nghe việc Chúa đã làm cho tôi”. Tác giả Thi-thiên đã viết về điều này như sau: “Trong vòng các thầy tế lễ Ngài có Môi-se và A-rôn, và trong vòng những người kêu cầu danh Ngài có Sa-mu-ên. Họ đã cầu khẩn Đức Giê-hô-va và Ngài đã đáp lời họ” (c.6).

Môi-se kêu cầu Đức Chúa Trời nhiều lần khi ông phải mang nhiều gánh nặng của dân sự trên đôi vai mình. A-rôn, là thầy tế lễ cả, cũng đã kêu cầu Chúa. Sa-mu-ên có đôi lần thất vọng trong cuộc sống mình. Gia đình ông đã không trọn vẹn mà đáng lý ra phải trọn vẹn, và dân Y-sơ-ra-ên cũng vậy. Ông cũng đã kêu nài với Chúa.

Nếu chúng ta khẩn cầu Chúa, thì liệu Ngài có đáp lời chúng ta chăng? Vâng, Ngài sẽ đáp lời chúng ta nếu như chúng ta đáp ứng những điều kiện mà Môi-se, A-rôn và Sa-mu-ên đã từng đáp ứng.

- Thứ nhất, họ đã lắng nghe Lời Chúa.

“Ngài ở trong trụ mây mà phán dạy họ” (c.7). “Nếu các con ở trong ta, và lời ta ở trong các con thì hễ các con cầu xin điều gì mình muốn ắt sẽ được” (Gi 15:7). Chúng ta muốn thưa chuyện với Chúa và kể cho Ngài nghe tất cả mọi nan đề của chúng ta.Còn Ngài thì muốn trò chuyện với chúng ta và nói cho chúng ta biết về tất cả các lời hứa của Ngài. Trước hết, chúng ta hãy lắng nghe Ngài, thì sau đó Ngài sẽ lắng nghe chúng ta.

- Thứ hai, họ đã vâng lời Ngài. Họ tuân giữ các chứng cớ và mạng lệnh của Ngài. Sự vâng lời là điều quan trọng để lời cầu nguyện được nhậm. Nếu chúng ta ở trong Đấng Christ, thì chúng ta sẽ vâng lời Ngài, và chúng ta sẽ có thể kêu cầu Ngài.

- Thứ ba, họ đã xưng tội lỗi mình ra.

Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi cho họ và Ngài khiến họ có thể làm được những điều mà Ngài muốn họ làm.Kết quả là, họ ưa thích tôn cao, chúc tán Ngài. Mục đích cầu nguyện chính là để làm vinh hiển Chúa. “Hãy tôn cao Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, và thờ phượng Ngài tại núi thánh Ngài, vì Ngài là Đức Chúa Trời thánh khiết” (c.9)

Tôi thật vui mừng xiết bao khi biết rằng Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của tôi đang ở trên thiên đàng cầu thay cho tôi. Tôi có thể đến với Ngài bất cứ lúc nào vì ân điển mà tôi cần.

Bạn có vui mừng khi lời cầu nguyện của bạn được nhậm không? Bạn có lắng nghe Lời Chúa và vâng theo không? Lòng bạn đã được tẩy sạch tội lỗi chưa? Hãy đáp ứng các điều kiện của Chúa để lời cầu nguyện của bạn được Ngài nhậm và hãy để Ngài ban phước cho bạn.



100. NHIỆM VỤ CAO CẢ (Thi 100:1-5)


Hễ khi nào bạn hát tụng ca Chúa trong buổi thờ phượng, thì hãy nhớ rằng bạn đang ca tụng Chúa như sự ca tụng được tường thuật trong Thánh Kinh (Thi 100:1-5). Thi-thiên này là lời chỉ dẫn tóm lược về cách thức thờ phượng Chúa.

Ai là người phải thờ phượng Chúa? “Hỡi cả trái đất, hãy cất tiếng reo mừng cho Đức Giê-hô-va” (c.1). Đức Chúa Trời muốn cả trái đất thờ phượng và ngợi khen Ngài. Tại sao chúng ta phải đi khắp cả thế gian rao giảng Tin Lành? Để một ngày nào đó, cả thế gian sẽ có thể cất tiếng reo mừng Chúa.

Chúng ta nên thờ phượng Chúa như thế nào?

- Thứ nhất, bằng cách hầu việc Ngài.

“Hãy hầu việc Đức Giê-hô-va cách vui mừng. Hãy đến trước mặt Ngài mà hát xướng” (c.2). Chúng ta phải hầu việc Chúa trong tinh thần vui nừng vì có sự vui mừng ở trong lòng chúng ta và vì niềm vui sướng mà chúng ta có được do Chúa ban sức lực cho chúng ta.

- Thứ hai, chúng ta hãy thờ phượng Chúa bằng cách hát xướng.

“Hãy đến trước mặt Ngài mà hát xướng”. Tôi e sợ rằng việc hát xướng trong các buổi thờ phượng của chúng ta dễ lắm sẽ trở nên thói quen mà thôi. Chúng ta cầm Thánh ca và hát những bài hát mà chúng ta rất thuộc, nhưng tâm trí và tấm lòng chúng ta lại cách xa Chúa cả triệu dặm. Hãy ngẫm nghĩ đến những lời bạn hát và lấy làm vui mừng về chúng.

Chúng ta cũng nên thờ phượng Chúa bằng cách đầu phục Ngài. “Phải nhận biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời. Chính Ngài là Đấng đã tạo dựng nên chúng ta. Chúng ta là dân sự Ngài và là chiên của đồng cỏ Ngài” (c.3). Hãy đầu phục Chúa, bước theo Ngài và vâng lời Ngài.

Cuối cùng, chúng ta hãy thờ phượng Chúa bằng sự dâng hiến. “Hãy cảm tạ mà vào các cửa Ngài, hãy ngợi khen mà vào các hàng lang Ngài” (c.4). Ngày nay, bạn không cần phải dâng hiến con sinh tế trên bàn thờ cho Chúa nữa, nhưng bạn có thể dâng thời gian, tiền bạc và khả năng mình cho Ngài.

Tại sao chúng ta phải thờ phượng Chúa? “Vì Chúa là thiện, sự nhơn từ Ngài hằng còn mãi mãi, và lẽ thật Ngài còn đến đời đời” (c.5).

Nhiệm vụ cao cả nhất của đời sống Cơ-đốc nhân chính là thờ phượng Chúa. Đừng bao giờ để cho sự thờ phượng Chúa của bạn trở thành thói quen hay là sự giả hình. Hãy thờ phượng Ngài với cả tấm lòng vui mừng và biết ơn bằng cách hầu việc, hát xướng, đầu phục và dâng hiến cho Ngài.


1. Ngợi khen qua sự hầu việc (Thi 100:2)

Tiếng vui mừng thường đem lại sự thờ phượng vui mừng. Nếu chúng ta thực sự thờ phượng Chúa cách vui mừng, thì những lời tôn vinh của chúng ta phải chân thật. Chúa Giê-xu đã cảnh cáo sự thờ phượng giả hình (Mat 15:8). Chúng ta làm thế nào để thờ phượng Chúa một cách hết lòng?

- Thứ nhất, chúng ta hãy sẵn lòng hầu việc Ngài. Chúng ta được Chúa cứu chuộc để làm những việc mà Ngài muốn chúng ta làm. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với người Do-thái trong thời Cựu-ước, bởi vì họ đã từng nếm biết cuộc sống nô lệ.Đức Chúa Trời giải phóng họ thoát khỏi ách nô lệ ở xứ Ê-díp-tô để họ có thể hầu việc Ngài.

- Thứ hai, chúng ta hãy hầu việc Chúa duy nhất mà thôi.

Chúng ta không thể vừa hầu việc Đức Chúa Trời lại vừa hầu việc người khác trong cùng một lúc (Mat 6:24; Xu 20:2,3). Tuy nhiên, chúng ta có thể phục vụ nhiều người khác vì cớ Chúa Giê-xu.

Mục tiêu của chúng ta là làm hài lòng mỗi mình Ngài mà thôi. Sức lực, sự khôn ngoan và mọi kế hoạch của chúng ta giúp chúng ta sống thảy đều chỉ hướng về Ngài thôi.

-Thứ ba, chúng ta hãy hết lòng vui mừng mà hầu việc Chúa.

Đôi khi, chúng ta giống như người anh cả trong câu chuyện ẩn dụ “Người con trai hoang đàng”. Chúng ta có thể thực hiện ý muốn và công việc Chúa, nhưng chúng ta lại thường xa cách tấm lòng Ngài. Chúa không muốn sự hầu việc Chúa của chúng ta là việc nặng nề hoặc chúng ta thực hiện nó một cách vất vả, khó nhọc. Vì nếu chúng ta hầu việc Chúa với tinh thần như vậy thì chúng ta sẽ bị quỵ xuống. Nếu chúng ta hết lòng vui mừng phục vụ Chúa, thì đời sống chúng ta sẽ được tăng trưởng, phát triển và đầy phấn khởi. Bạn có đang vui mừng hầu việc Chúa không?

Chúng ta ngợi khen Chúa một cách hiệu quả nhất là qua sự hầu việc Ngài. Bạn có tham gia phục vụ Chúa trong Hội thánh hoặc cộng đồng của bạn không? Nếu bạn sẵn lòng và vui mừng hầu việc Chúa, thì bạn sẽ làm vinh hiển danh Ngài. Hãy để những lời ngợi khen Chúa của bạn dẫn bạn đến với những hành động ngợi khen Ngài!


2. Ngợi khen qua sự thuận phục (Thi 100:3-4)

Thi-thiên 100 là trang sách chỉ dẫn của Đức Chúa Trời dạy về sự ngợi khen. Sự ngợi khen này phải được thể hiện cả trong hành động lẫn trong thái độ của cùng một tấm lòng. Có một cách giúp chúng ta ngợi khen Chúa, đó là sự thuận phục Ngài. Đoạn sách này gợi ý cho chúng ta 3 hành động thuận phục đưa đến việc ngợi khen Chúa.

- Thứ nhất, chúng ta hãy đầu phục Ngài như những tạo vật đối với Đấng Tạo Hóa (c.3). Sa-tan muốn chúng ta tưởng rằng hắn là Đức Chúa Trời. Một số người lại thường hợm mình như thể họ là Đức Chúa Trời vậy. Nhưng chỉ có Giê-hô-va duy nhất là Đức Chúa Trời (Es 46:9; Thi 46:10). Dạo nọ, có một người kia bảo bạn gái anh ta rằng: “Tôi là người đã tự tạo nên mình”. Cô ấy đáp: “Anh thật đáng chê trách”. Chúng ta không tự tạo nên mình được. Chính Đức Chúa Trời, với sự khôn ngoan, quyền năng và lòng kiên nhẫn, Ngài đã tạo nên chúng ta. Bản thể con người là một sự kết hợp của bụi đất và thần tính, vì Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Ngài.

- Thứ hai, chúng ta hãy thuận phục Chúa như con cái đối với Cha mình.

Chúng ta được Chúa chọn nhờ ân điển Ngài (Xu 19:5,6). Ngài đã chết cho chúng ta, cứu chuộc chúng ta vì cớ Ngài yêu chúng ta. Khi chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu Christ là Đấng Cứu Thế, chúng ta sẽ được gia nhập vào gia đình thiêng liêng và Đức Chúa Trời làm Cha yêu thương của chúng ta. Khi chúng ta sống trong mối tương giao mật thiết với Ngài, chúng ta sẽ suy phục quyền cai trị của Ngài.

- Thứ ba, chúng ta hãy thuận phục Chúa như bầy chiên thuận phục Người Chăn Chiên.

Chúng ta cần người chăn bầy. Chúa Giê-xu chính là Đấng Chăn Chiên hiền lành (Gi 10:11) và là Đấng Chăn Chiên Vĩ đại (He 13:20). Còn chúng ta là bầy chiên của đồng cỏ Ngài (Thi 73:13). Ăn cỏ trong đồng cỏ xanh của Lời Đức Chúa Trời là việc thật quan trọng đối với chúng ta.

Khi bạn thuận phục Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, là Cha, và Đấng Christ là Đấng Chăn Chiên, thì có nghĩa là bạn đang ngợi khen Ngài.Thuận phục Chúa chính là dâng ý muốn mình cho ý muốn Ngài và vâng lời Ngài.

Hãy thuận phục Chúa - thì Ngài sẽ yêu thương bạn và dẫn dắt bạn.


3. Ngợi khen qua của lễ dâng (Thi Thi100:4)

Trong thời Cựu-ước, dân sự Đức Chúa Trời thường đem con sinh tế dâng trên bàn thờ. Ngày nay, thay vì mang đến cho Chúa những của tế lễ chết, chúng ta thường dâng cho Ngài những của lễ sống. Thánh Kinh đã dạy về nhiều loại của lễ ngợi khen Chúa như sau:

Của lễ là sự ngợi khen (He 13:15).

Khi môi miệng chúng ta tạ ơn Chúa về những gì Ngài đã làm cho chúng ta, và vì Ngài là Đấng hằng hữu, thì sự ngợi khen của chúng ta sẽ làm đẹp lòng Ngài. Của lễ là lòng đau thương thống hối (Thi 51:17). Chúng ta phải dâng thân thể mình làm của lễ sống cho Ngài (Ro 12:1,2). Chúng ta còn có của lễ là những việc lành (Mat 5:16; He 13:16). Và dâng hiến tài chánh tài vật cũng là một của lễ (Phi 4:18). Khi chúng ta chia sẻ tiền bạc, thì giờ, của cải và sức lực cho người khác, thì có nghĩa là chúng ta đang dâng của lễ cho Chúa.

Bạn hãy suy xét đời sống mình xem thử bạn có đang tạo ra những của lễ hầu đem lại sự vinh hiển cho Chúa chưa. Có rất nhiều việc cần phải làm, và bạn có thể là người phải đảm trách một công việc đặc biệt nào đó.

Bạn có nhận thấy rằng Chúa đang dành sẵn công việc cho bạn không? Bạn có đang sử dụng những ân tứ Chúa ban cho bạn không? Hãy dâng những của lễ ngợi khen của bạn cho Chúa, việc ấy sẽ khiến bạn đem lại vinh hiển cho Ngài và khích lệ, nâng đỡ người khác.


4. Lý do chúng ta phải ngợi khen Chúa (Thi 100:5)

Ngợi khen là một trong những khả năng cao cả nhất của con người. Khi chúng ta ngẫm nghĩ về những thuộc tánh của Đức Chúa Trời, chúng ta không thể không cảm tạ và ngợi khen Ngài. Câu Kinh Thánh này nói về 3 thuộc tánh của Đức Chúa Trời đã khiến Ngài đáng được chúng ta ngợi khen.

Thứ nhất, chúng ta thấy tính nhân từ của Ngài. Bản tính tự nhiên của Ngài là thiện và rất nhân từ. Ngài không hề hà khắc với chúng ta, Ngài đang mỉm cười với chúng ta qua Chúa Giê-xu. Chúng ta bắt gặp sự nhơn từ Chúa trong công cuộc sáng tạo (Sa 1:31; Thi 33:5) cho dù con người đã phá đổ công cuộc ấy (Rô 8:19-23). Thậm chí, Đức Chúa Trời còn bày tỏ sự nhân từ Ngài qua việc cứu chuộc các dân tộc trên thế gian này (Công 14:17). Sự nhân từ Ngài đã đem lại niềm vui cho con người.

Sự nhân từ Ngài luôn giữ chúng ta khỏi ngã lòng (Thi 27:13). Ngài ban cho chúng ta sự can đảm (c.14). Ngài luôn muốn chỉ dạy chúng ta (Thi 25:8,9) và bảo vệ chúng ta (Thi 31:19,20).


Chúng ta cần đáp lại sự nhân từ Ngài bằng ba cách sau:

(1). Ăn năn tội

(2). Mong muốn làm vui lòng Ngài

(3). Đến gần Ngài

Tiếp tục, chúng ta nhìn thấy tình hay thương xót của Ngài (Thi 23:6). Vì thương xót chúng ta, Chúa đã không ban cho chúng ta điều mà chúng ta đáng ra phải nhận –đó là sự chết đời đời trong tội lỗi. Tính hay thương xót là một thuộc tánh tự nhiên hằng còn đời đời của Đức Chúa Trời (He 4:16; IPhi 1:3; Thi 107:1-43).

Cuối cùng, chúng ta nhìn thấy sự thành tín Ngài. Thuộc tánh này nói lên sự đáng tin cậy và sự kiên định của Đức Chúa Trời. Ngài thành tín sửa phạt chúng ta (Thi 119:75). Ngài thành tín tiếp nhận chúng ta (ICor 1:9). Ngài thành tín chăm sóc chúng ta và giúp chúng ta đắc thắng cám dỗ (ICor 10:13). Ngài thành tín tha thứ chúng ta (IGi 1:9). Ngài là Đấng không hề thay đổi (He 13:8). Ngài thành tín trong tất cả mọi việc Ngài làm. Hãy bày tỏ cho con cháu bạn biết rằng Đức Chúa Trời là thiện, giàu lòng thương xót và rất thành tín.

Sự nhân từ hay thương xót và sự thành tín Chúa đã tiết lộ rất nhiều điều về Ngài. Càng suy gẫm về các thuộc tánh Ngài chúng ta càng muốn ngợi khen Ngài hơn.



101. TẤM LÒNG VÀ TỔ ẤM GIA ĐÌNH (Thi 101:1-8)


Có một cặp vợ chồng cao tuổi vui tính nọ đến tham dự nhóm tại nhà thờ đầu tiên do tôi chủ toạ. Một ngày kia, họ gặp tôi nói rằng: “Thưa Mục sư! Chúng tôi vừa chuyển đến ở tại một ngôi nhà mới, chúng tôi kính mời ông đến dự lễ tân gia!” Vì thế, vợ chồng tôi đã đi đến ngôi nhà mới ấy, đọc Thánh Kinh, cầu nguyện và cử hành lễ khánh thành nhà để làm vinh hiển Đức Chúa Trời.

Bộ phận quan trọng nhất của một ngôi nhà là gì? Có thể bạn sẽ nói ngay rằng đó là cái móng nhà, hệ thống lò sưởi hoặc hệ thống ống nước.Nhưng, phần quan trọng nhất của một ngôi nhà chính là gia đình. Và phần quan trọng nhất của gia đình đó lại chính là tấm lòng của những thành viên sống trong ngôi nhà ấy.

Đó là điều Đa-vít đã nói đến khi ông đang dâng ngôi nhà mình cho Đức Giê-hô-va. “Con sẽ ăn ở thật khôn ngoan trong đường trọn vẹn. Ồ! Khi nào thì Ngài sẽ đến với con vậy? Con sẽ bước đi trong nhà mình với một tấm lòng trọn vẹn” (c.2). Nếu bạn muốn phá đổ ngôi nhà mình, thì hãy xé nát tổ ấm mình trước. Và nếu bạn muốn xé nát tổ ấm mình, thì nên đập vỡ tấm lòng mình trước. Nhưng nếu bạn muốn ngôi nhà và tổ ấm gia đình bạn được như ý Chúa mong muốn, thì bạn hãy giữ tấm lòng mình thật trọn vẹn.

Vậy, một tấm lòng trọn vẹn là tấm lòng như thế nào? Đó là tấm lòng thanh liêm chánh trực, nguyên chất và nhất quán tức là một tấm lòng không bị phân cắt. Không ai có thể hầu hạ hai chủ cùng một lượt. Không ai có thể cầm cày tới mà còn quay nhìn lại đằng sau. Bạn cần có một tấm lòng thanh liêm ngay thẳng và trung nghĩa duy nhất. “Xin cho con một lòng kính sợ danh Ngài”. Đa-vít đã cầu nguyện như vậy (Thi 86:11). Ông dạo quanh ngôi nhà mới của mình và nói rằng: “Con muốn lòng mình thật trọn vẹn và hoàn toàn thuộc về Chúa. Con muốn Ngài tể trị ở vị trí cao nhất trong gia đình con, bởi vì Ngài đang lấy quyền tối cao cai trị lòng con”.

Bạn có thể nói như thế không?

Tấm lòng bạn luôn có ảnh hưởng đến tổ ấm gia đình bạn. Chúng ta cần dâng cả hai cho Chúa. Bạn có đang thuộc về Chúa không?

Chúa có đang cai trị trên gia đình bạn không? Hãy quyết tâm bước đi với lòng thanh liêm ngay thẳng luôn luôn và hãy giữ lòng mình nguyên vẹn để hầu việc Chúa.



102. THI-THIÊN (Thi 102:1-28)


1. Những ngày gian truân (Thi 102:1-11)

Một ngày nọ, tôi gọi điện thoại cho một người bạn của tôi đang làm công tác truyền giáo và hỏi anh ấy rằng: “Công việc tiến triển ra sao?” Anh ấy bình thản đáp: “Ồ! Tôi đang gặp phải một ngày rắc rối, khó chịu đây!”.

Hễ lúc nào bạn gặp phải ngày gian truân, khi mà mọi thứ dường như trở nên tồi tệ chẳng hạn như là các chương trình, kế hoạch của bạn bị phá vỡ, bạn cảm thấy không được khoẻ, bạn gặp nhiều rắc rối, phải mang lấy những gánh nặng và như thể tất cả mọi lực lượng thù địch đều đang chống lại bạn thì bạn hãy đọc Thi-thiên này: “Hỡi Đức Giê-hô-va! Xin nghe lời cầu nguyện của con. Nguyện tiếng kêu nài của con thấu đến Ngài. Xin chớ dấu mặt Ngài khỏi con trong ngày con gặp gian truân” (c.1, 2).

Ngày mà tác giả Thi-thiên đang đề cập đến là ngày gì vậy? Đó là ngày gian truân, khó chịu. Thực tế, ông đang tự ví sánh mình với một con chim đơn độc. “Con tựa như một con chim bồ nông sống trong đồng vắng, giống như một con chim cú ở trong hoang mạc… Con như con chim sẻ cô đơn trên mái nhà” (c.6,7). Tác giả đã có cảm giác như vậy tức là chẳng khác nào một con chim đơn độc trên mái nhà. Ông muốn đi vào nhà và vui vẻ cùng bạn bè mình, thế nhưng ông chỉ có một mình trơ trọi, cô đơn.

Kẻ thù của ông đến gần ông (c.8).

Mặc dù trong ngày gian truân đầy sỉ nhục, ông vẫn tuyên bố rằng: “Tôi sẽ nhờ ân điển của Đức Chúa Trời để vượt qua ngày gian truân này” và ông đã biến ngày gian truân ấy thành ngày cầu nguyện. Ông trình dâng cho Chúa những gì ông đã thấy và đã cảm nhận được.

Ông kêu nài với Chúa: “Đức Chúa Trời ôi! Chỉ có Ngài là Đấng duy nhất có thể biến đổi mọi sự”. Chúa cũng có thể làm được như vậy cho bạn. Có thể Ngài không thay đổi hoàn cảnh bên ngoài, nhưng Ngài sẽ thay đổi cảm nghĩ bên trong bạn.Rồi ngày khó khăn, gian truân ấy sẽ biến thành ngày chiến thắng.

Thường thì ai cũng gặp phải những ngày gian truân. Khi hoàn cảnh giăng bẫy bạn và khó khăn áp hãm chung quanh bạn, thì bạn hãy cầu nguyện với Chúa. Ngài luôn có cách biến đổi những gian truân thành chiến thắng. Cho dù Ngài không đáp lại lời cầu nguyện cho bạn theo cách bạn mong đợi, nhưng Ngài sẽ làm những gì tốt nhất cho bạn và đem lại sự vinh hiển cho Ngài.


2. Bền vững hơn cả trái đất (Thi 102:12-28)

Bạn đã từng nghe câu này chưa? “Vững bền như trái đất”. Nhưng thực tế, trái đất lại chẳng bền vững chút nào. “Từ thuở rất xưa, Chúa đã lập nền trái đất. Các từng trời được hình thành là công việc của tay Chúa. Trời đất sẽ hư nát đi, nhưng Ngài còn lại đời đời! ” (c.25,26). Trái đất “bền vững” này rồi đây sẽ bị hư mất. Chúa Giê-xu đã tuyên bố “Trời đất sẽ qua đi, nhưng Lời ta nói sẽ không bao giờ qua đi” (Mat 24:35). Trong cuộc sống bạn điều gì bảo đảm nhất cho bạn? Bạn đang xây dựng cuộc sống mình trên nền tảng nào? Tốt hơn hết, bạn nên xây trên nền tảng là Chúa. Ngài là Đấng duy nhất đem lại sự đảm bảo cho bạn.

Chúa Giê-xu là Đấng không hề thay đổi “Nhưng Ngài không hề thay đổi. Các năm của Ngài không hề hết” (c.27). Chúa Giê-xu hôm qua ngày nay cho đến đời đời không hề thay đổi. Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên vũ trụ này, và mọi thứ quanh ta đều trông có vẻ hết sức chắc chắn. Chúng ta cũng tin chắc vào cách thức hoạt động của các sự vật. Chúng ta có thể đưa người từ trái đất lên mặt trăng. Vũ trụ này đã được Chúa tạo dựng nên thật tinh tế hoàn hảo. Nhưng Chúa bảo tất cả mọi thứ rồi đây sẽ bị hư nát.

Bạn sẽ làm gì nếu biết rằng mình đang sống trong một thế giới tạm bợ này? Hãy tin cậy Chúa, là Đấng còn lại đời đời. Hãy cầu nguyện với Chúa. “Ngài sẽ lưu tâm đến lời cầu nguyện của kẻ khốn cùng, và sẽ không khinh dể lời nài xin của họ” (c.17). Hãy tin cậy Lời Ngài và ca ngợi Ngài. Cầu nguyện và ngợi khen phải đi đôi với nhau. “Điều này sẽ được lưu lại cho những thế hệ mai sau. Một thế hệ mới sẽ được Ngài dựng nên để ngợi khen Chúa” (c.18).

Có rất nhiều người thật ngu dại đã xây dựng cả cuộc đời mình trên nền tảng dễ bị đổ vỡ của thế gian, để rồi một ngày nào đó họ sẽ bị hư nát theo. Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng không hề thay đổi và còn lại đời đời.Ngài muốn bạn xây dựng cuộc đời mình trên chính Ngài. Mỗi khi bạn cầu nguyện, hãy ca ngợi Ngài về công cuộc sáng tạo của Ngài và công việc Ngài trên đời sống bạn.



103. THI-THIÊN (Thi 103:1-22)


1. Chớ thôi ngợi khen (Thi 103:1-5)

Tôi không biết mình sẽ có thể trò chuyện với Chúa được bao lâu nếu như tôi không cầu xin điều gì đó khi cầu nguyện. “Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va! Mọi điều gì ở trong ta, hãy ngợi khen danh thánh Ngài! Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Chớ quên các ân huệ Ngài” (c.1,2).

Không có sự đòi hỏi nào cả trong Thi-thiên 103 này. Không có sự nài xin nào ngoài sự ngợi khen. Đa-vít đang ngợi khen Đức Chúa Trời.

Đa-vít đang ngợi khen Chúa về những ơn phước nào vậy? Đó là những ơn phước mà chúng ta dễ quên đi hoặc cho rằng mình phải nhận lãnh được chúng là điều đương nhiên!

- Thứ nhất, Chúa đã cứu vớt chúng ta.

“Ngài là Đấng luôn tha thứ tất cả mọi tội lỗi ngươi là Đấng chữa lành mọi bệnh tật ngươi” (c.3). Phần cuối của câu Kinh Thánh này là một minh chứng cho phần đầu câu. Cũng vậy, Ngài luôn tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta cũng giống như Ngài chữa lành bệnh tật cho chúng ta. Thường thì trong Kinh Thánh, tội lỗi được ví như bệnh tật, và sự cứu rỗi được ví như sức khoẻ. Chúa đã ban sức khỏe cho linh hồn chúng ta.

- Thứ hai, Ngài luôn gìn giữ chúng ta.

“Ngài là Đấng đã cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát, lấy lòng nhân từ và sự thương xót mềm mại mà làm mão triều thiên đội cho ngươi” (c.4). Ngài luôn gìn giữ và bảo vệ chúng ta khỏi sự huỷ diệt vây quanh chúng ta. Ngài đội mão triều thiên lên đầu chúng ta và lập chúng ta làm vua.

- Thứ ba, Ngài luôn làm thoả lòng chúng ta.

“Ngài là Đấng làm cho miệng ngươi thoả các vật ngon” (c.5). Thực chất là Đa-vít cho rằng Chúa làm thoả lòng chúng ta rất nhiều khiến sức trẻ của chúng ta được bổ lại tựa như sức lực của chim ưng. Khi chim ưng thay lông, thì những lông già rụng đi và nó lại mặc lấy một bộ lông mới rồi tiếp tục bay vút lên cao.

Có phải mục đích duy nhất của bạn khi cầu nguyện với Chúa là ngợi khen Ngài không? Bạn có rất nhiều điều để ngợi khen Ngài vì cớ lòng yêu thương và sự chăm sóc vô hạn của Ngài đối với bạn. Ngài đã cứu chuộc, gìn giữ và làm thoả lòng bạn. Đừng bao giờ tiếp nhận Chúa như là một sự bắt buộc, nhưng hãy luôn luôn dành thì giờ ngợi khen Ngài.


2. Những điều vĩ đại mà Ngài đã không làm (Thi 103:6-12)

Chúng ta thường ngợi khen Chúa về những điều Ngài đã làm cho chúng ta. Ngày hôm nay, chúng ta hãy cảm tạ Ngài về những điều Ngài đã không làm cho chúng ta. “Ngài không đối đãi chúng ta theo tội lỗi mà chúng ta vi phạm, Ngài không sửa phạt chúng ta theo sự gian ác của chúng ta” (c.10).

Mỗi người đều biết nỗi đau trong lòng mình – đó không chỉ là vô ý phạm tội mà thôi, mà còn những tội lỗi đẩy chúng ta vào cảnh tù tội.

Hơn thế nữa, Đức Chúa Trời còn biết rất rõ về điều này. Thực tế, Ngài biết rõ tội lỗi chúng ta hơn cả chúng ta biết. Ngài cũng nhìn thấy cả nguyên nhân và hậu quả của tội lỗi chúng ta nữa. Có một lý do khiến Ngài rất ghét tội lỗi, đó là vì Ngài thánh khiết, và vì Ngài đã nhìn thấy nơi tội lỗi sẽ dẫn con người đến. Gia-cơ dạy chúng ta rằng lòng tham muốn sẽ thai nghén và sản sinh ra tội lỗi. Khi tội lỗi đã nẩy nở, trưởng thành thì sanh ra sự chết (Gia 1:15). Tội lỗi được mô tả như một sự thai nghén điều ác.

Nhưng tác giả Thi-thiên nói rằng Đức Chúa Trời “không đối đãi chúng ta theo tội lỗi mà chúng ta vi phạm”. Ngài dựa trên điều gì để đối đãi với chúng ta? Ngài đã dựa trên thập tự giá, là ân điển của Ngài. Đức Chúa Giê-xu Christ chịu chết vì cớ tội lỗi chúng ta, và Đức Chúa Trời đã tha thứ tội cho chúng ta nhờ bởi dòng huyết của Con Trai Ngài. Chúng ta có thể đến với Ngài và cầu xin Ngài tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta.

Tuy nhiên, bạn đừng để ý nghĩ cho rằng Đức Chúa Trời ắt sẽ không đối đãi với bạn theo cách mà bạn đáng phải bị đối đãi xúi giục bạn thử Ngài. Đừng sống buông thả, trụy lạc với tội lỗi nữa. Hãy ghét tội lỗi, và ngày hôm nay hãy vui mừng vì bạn đang bước đi với Đức Chúa Cha dựa trên nền tảng là thập tự giá của Đức Chúa Giê-xu Christ.

Hãy vui mừng cho ngày hôm nay vì Đức Chúa Trời đã không đối đãi với bạn theo tội lỗi bạn vi phạm nhưng theo thập tự giá của Đức Chúa Giê-xu Christ. Sự tha thứ mà bạn nhận được đã phải trả bằng một giá rất đắt. Hễ khi nào bạn bị cám dỗ phạm tội, thì bạn hãy nghĩ đến tiền công và giá phải trả của tội lỗi.

Bạn đã mắc nợ Đấng Christ nhiều không kể xiết, vì thế, bạn hãy sống làm đẹp lòng Ngài.


3. Bụi đất và số phận (Thi 103:13-18)

Chúa chúng ta luôn ghi nhớ những điều chúng ta hay quên. Đôi khi, chúng ta lại quên những điều mà Ngài muốn chúng ta phải nhớ, và những việc ấy thường dẫn chúng ta vào trong gian truân. Bạn có nhớ những việc bạn đã được làm bằng gì chăng?

“Như một người cha thương xót con mình. Đức Giê-hô-va cũng thương xót những kẻ kính sợ Ngài như vậy. Ngài biết rõ cấu trúc cơ thể của chúng con. Ngài nhớ rằng chúng con chỉ là bụi đất mà thôi” (c.13, 14). Đức Chúa Trời đã lấy bụi đất nắn nên hình hài A-đam. Sau đó, Ngài hà linh khí sự sống vào hình hài ấy khiến trở nên một linh hồn sống. Về phương diện thuộc thể, chúng ta đã được tạo dựng nên bằng bụi đất. Nhưng chúng ta luôn có dấu ấn thần tính trên chúng ta, vì chúng ta đã được Chúa tạo dựng nên theo hình ảnh Ngài.

Khi nghĩ đến bụi đất chúng ta thường liên tưởng đến cái gì đó thật tầm thường, không có gì đáng nói cả. Bạn có thể bước ra đến chỗ cánh cửa sau nhà là sẽ thấy bụi đất ngay. Có lẽ bạn không cần phải đi đâu cho xa, chỉ cần bạn ngó vào trên bề mặt của chiếc radio hay nhìn vào một bàn trong phòng khách thì bạn đã thấy được bụi. Bụi đất tiêu biểu cho sự yếu ớt, mong manh. Nhưng đồng thời, nó còn đại diện cho một tiềm lực phi thường. Chúa tạo dựng chúng ta bằng bụi đất khiến chúng ta có thể yếu đuối trong chính con người chúng ta, nhưng mạnh mẽ trong Ngài. Đức Chúa Trời đã lấy bụi đất nhào thành đất sét dẻo, rồi sau đó Ngài dùng đất ấy nắn nên hình người. Hễ nơi nào có bụi đất, thì nơi ấy có tiềm lực. Đức Chúa Trời là Thợ Gốm, còn chúng ta là đất sét.

Bạn hãy thưa với Chúa rằng: “Kính lạy Chúa! Ngài đã lấy bụi đất nắn nên con là thứ thể chất chứa đầy tiềm lực. Ngài tạo dựng nên con theo cách như vậy khiến con có thể yếu đuối trong chính thể xác con nhưng thật mạnh mẽ trong Ngài. Xin Ngài hãy đúc con, nắn con theo ý Ngài muốn, con đang yên lặng chờ đợi Ngài và vâng phục Ngài đây”. Phao-lô đã nói: “Tôi có thể làm được mọi sự vì Đấng Christ ban sức cho tôi” (Phi 4:13). Ông còn nói rằng: “Chúng tôi đựng của quý báu này trong bình làm bằng đất, hầu cho tỏ ra quyền phép lớn lạ vô cùng là quyền phép của Đức Chúa Trời chớ không phải của chúng tôi” (IICôr 4:7).

Nơi nào có bụi đất, nơi đó có tiềm lực. Nơi nào có bụi đất, nơi đó có cơ hội tăng trưởng. Hãy tiếp tục đầu phục Chúa và thuận phục tiến trình tạo dựng của Ngài trong đời sống bạn. Hãy câu xin Ngài nắn đúc bạn theo ý muốn Ngài.


4. Hãy sẵn sàng làm theo mạng lệnh Ngài (Thi 103:19-22)

Ngày hôm nay, cho dù bạn không gặp hoàn cảnh khó khăn đến đâu chăng nữa, có nhiều tin tức làm cho bạn chán nản thất vọng thế nào đi nữa, thì bạn vẫn có thể tin vào điều này. “Đức Giê-hô-va thiết lập ngôi Ngài trên thiên đàng. Vương quốc Ngài sẽ cai trị trên muôn loài muôn vật” (c.19).

Chúa đã lên ngôi thiên đàng và Ngài cai trị trên mọi thứ đang diễn ra. Đôi khi, chúng ta thấy dường như chẳng phải thế. Nếu bạn bước đi bằng mắt thấy, bạn sẽ thắc mắc, nghi hoặc không biết thật có Đức Chúa Trời hay không. Hoặc nếu có Chúa đi chăng nữa, thì liệu Ngài có quan tâm không? Và nếu Ngài có quan tâm, thì Ngài có thể làm được gì không? Tác giả Thi-thiên dạy chúng ta rằng “Đừng bước đi bằng mắt thấy, hãy bước đi bằng đức tin”.

Đức Chúa Trời luôn có đạo binh. “Hãy chúc tụng Đức Giê-hô-va! Hỡi các thiên sứ Ngài, là những vị có sức mạnh kiệt xuất thường làm theo Lời Ngài và lưu tâm đến tiếng Ngài phán ra” (c.20). Các thiên sứ luôn sẵn sàng làm theo mạng lệnh Chúa, vâng theo Lời Ngài, thì mọi thứ trong vũ trụ này sẽ hoạt động vì cớ ích lợi cho chúng ta. Còn nếu chúng ta không vâng theo Lời Chúa, thì mọi thứ sẽ hoạt động chống lại chúng ta tương tự như mọi thứ đã chống lại Giô-na là người đã chạy sai hướng, đã đi sai con tàu với một động cơ sai trật và một mục đích xấu. Cuối cùng, Đức Chúa Trời đã đem ông đến một nơi để học cách thuận phục.

Đừng giống như Giô-na. Hãy tin rằng Đức Chúa Trời đang cai trị và hành động trên bạn trong mọi hoàn cảnh.

Cho dù ngày của bạn gian truân đến đâu, các tin tức làm cho bạn thất vọng đến thế nào đi chăng nữa, thì bạn cũng hãy cứ tin vào một sự bảo đảm tuyệt vời rằng Đức Chúa Trời hiện đang ngự trên ngai Ngài. Ngài đang tể trị, và các tôi tớ Ngài đang hành động để hoàn thành Lời Ngài. Ngày hôm nay, bạn hãy vâng theo Lời Chúa và tiếp tục bước đi bằng đức tin.


5. Những ơn phước được ghi sâu (Thi 103:1-12)

Có người cho rằng ký ức là nấm mồ của những chiếc xương gãy. Lại có người nói ký ức là một cô nhi viện mà nơi đó lũ trẻ đã lớn lên với những trò chơi có các món đồ chơi bị hư hỏng. Thực sự, ký ức chính là một thư viện và là kho báu trí tuệ. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần Rollo Mays bảo rằng: “Ký ức không chỉ là dấu vết quá khứ còn lưu lại trên chúng ta, mà nó còn là người gìn giữ những điều có ý nghĩa cho các niềm hy vọng mãnh liệt nhất và những nỗi e sợ sâu xa của chúng ta”.

Ký ức mang tính chọn lựa. Thường thì chúng ta hay quên những điều Chúa đã làm cho chúng ta. Charles Spurgeon nói rằng “Chúng ta thường viết những ơn phước mà chúng ta nhận được lên trên cát, nhưng lại khắc các lời lằm bằm của mình vào đá cẩm thạch”.

Ký ức hay ghi sâu các gánh nặng. Từ “hãy nhớ” được dùng 14 lần trong Phục-truyền Luật-lệ ký và được dùng 9 lần trong những lời cảnh cáo về sự chóng quên.

Tinh thần ngợi khen thật thường xuất phát từ tấm lòng, không phải từ ký ức (Mat 15:8). Sự thờ phượng chính là lòng ngưỡng mộ của kẻ tin đáp lại những điều Chúa đã nói và làm cho họ.

Hãy ghi sâu các ơn phước của Chúa vào trong lòng bạn, thì bạn sẽ không bao giờ thôi khát khao ca ngợi Ngài.

Đừng bao giờ quên những ơn phước Chúa. Hãy ngợi khen Ngài về tất cả những việc Ngài đã làm. Đừng chất lên trí óc bạn những gánh nặng quá khứ, nhưng hãy ghi thêm vào đó một kỷ niệm về các ơn phước Ngài.


6. Những ơn phước được minh họa (Thi 103:1-12)

Thi Thiên này không chứa đựng những lời nài xin, chỉ có sự ngợi khen. Từ câu 3 đến câu 5 là những vần thơ được làm theo phong cách Hê-bơ-rơ có cấu trúc song song. Mỗi câu bao gồm 2 vế. Ý tưởng được trình bày trong vế thứ nhất lại được lặp lại, được minh hoạ hoặc được nhấn mạnh hơn trong vế thứ hai của câu thơ. Những vế thứ hai trong các câu thơ thứ 3 đến câu thơ thứ 5 ghi lại những hình ảnh minh hoạ cho 3 ơn phước sau: sự tha thứ, sự cứu chuộc và sự làm thoả lòng.


Ơn phước thứ nhất là sự tha thứ (c.3).

Tác giả Thi-thiên đã dùng khái niệm về sự chữa lành thuộc linh để minh hoạ cho sự tha thứ. Đức Chúa Trời không cần phải chữa lành cho chúng ta, thế nhưng Ngài vẫn luôn chữa lành và mỗi ơn phước Chúa ban cho chúng ta chính là một sự chuộc tội. Sự cứu rỗi (tức là sự tha thứ) thì dành cho linh hồn giống như việc chữa lành dành cho thể xác. Đức Chúa Giê-xu là vị Bác sĩ Đại Tài (Eph 1:7).

Ơn phước thứ hai là sự cứu chuộc (c.3).

Từ “chuộc lại” ở đây ngụ ý về một “người bỏ tiền ra chuộc lại người bà con của mình.” Sách “Ru-tơ” đã minh hoạ cho sự chuộc lại này, nhân vật Bô-ô là người chuộc. Đức Chúa Trời luôn bảo vệ, tiếp trợ, gìn giữ chúng ta bình an và đã cứu chuộc chúng ta. Ngài đem chúng ta ra khỏi tình trạng nô lệ và nhấc chúng ta lên địa vị làm chủ.

Ơn phước thứ ba là sự làm thoả lòng (c.5).

Có bản dịch khác dịch câu này như sau: “(Ngài) làm thoả lòng ngươi trong tuổi già bằng những của ngon vật lạ”. Câu này ứng dụng cho mọi thời kỳ trong đời người. Chúa sẽ phục hưng và lại làm cho chúng ta được mới. Ngài sẽ giữ cho chúng ta luôn tươi trẻ trên phương diện thuộc linh, vì chúng ta thường tìm thấy sự thoả lòng trong Lời Ngài.

Bạn đã nhận được ơn tha thứ và ơn cứu chuộc của Đức Chúa Trời chưa? Nếu đã nhận được rồi, thì bạn có lấy làm vui mừng về sự thoả lòng khởi xuất từ việc nhận biết Ngài và vâng theo Lời Ngài không?

Chúa sẽ phục hưng, đổi mới bạn và ban phước cho bạn để bạn có thể đem lại phước hạnh cho người khác.


7. Sự ngợi khen của toàn vũ trụ (Thi 103:1-12)

“Hỡi linh hồn ta! Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va” (c.1). Tác giả Thi-thiên đã mở đầu bằng cách thưa chuyện với Chúa thật riêng tư. Ông đang ngợi khen Chúa về những điều Ngài đã làm và vì Ngài là Đấng Hằng Hữu.

Khi đọc Thi-thiên, chúng ta khám phá ra được lý do tại sao Đức Chúa Trời lại quá kỳ diệu như vậy.

Ngài là Đấng Cứu Thế đầy lòng thương xót (c.8-12). Bởi ân điển, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những điều mà chúng ta không đáng được ban. Và nhờ lòng thương xót. Ngài đã không ban cho chúng ta những điều mà đáng lý ra chúng ta phải đón nhận. Ngài vốn có thuộc tánh thiêng liêng thánh khiết, cho nên chúng ta đừng chọc giận Ngài bằng cách cố tình phạm tội.


Ngài là Đức Chúa Cha dịu dàng (c.13-18).

Tại sao Chúa lại bày tỏ lòng thương xót?

Tại vì là bản tính tự nhiên của Ngài muốn thể hiện tình yêu thương Ngài. Ngài thật dịu dàng mềm mại vì Ngài biết chúng ta đã được nắn nên từ bụi đất. Chúng ta rất yếu đuối và mỏng manh, đời sống ngắn ngủi chóng qua như bông hoa sớm rụi tàn. Chúng ta hãy đáp lại bản tính dịu dàng mềm mại của Chúa bằng sự ngợi khen và vâng Lời Ngài.

Ngài đáng được cả vũ trụ ngợi khen (c.19-22).

Đọc sách Khải-huyền, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ được muôn vật muôn loài ngợi khen trên khắp cả vũ trụ này. Một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ góp phần vào việc ngợi khen ấy.

Vì sao chúng ta phải ngợi khen Chúa?

Vì ngôi Ngài luôn chắc chắn, an khương. Chúng ta ngợi khen Ngài vì chúng ta được đặc quyền tuân giữ các mạng lệnh Ngài, được phục vụ và làm vui lòng Ngài. Chúng ta ngợi khen Ngài vì những công việc Ngài làm thật quá lạ lùng, kỳ diệu và vì Ngài đã cho phép chúng ta được tham gia vào các công việc của Ngài.

Đoạn Thi-thiên này có kết thúc giống như cách mở đầu – đó là lời ngợi khen Chúa rất riêng tư. “Hỡi linh hồn ta! Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va!”. Hãy làm theo những chỉ dẫn của tác giả Thi-thiên và hãy ngợi khen Đức Chúa Trời vì những thuộc tánh kỳ diệu và các công việc lạ lùng của Ngài.



104. THI-THIÊN (Thi 104:1-35)


1. Những đầy tớ bí mật của Chúa (Thi 104:1-4)

Thời gian gần đây, có bao giờ bạn nghĩ về các thiên sứ không? Thường thì chúng ta không nghĩ đến họ bởi vì chúng ta không nghe thấy họ. Nhưng Lời Đức Chúa Trời dạy chúng ta rằng họ chính là những sứ giả đặc biệt của Ngài. “Ngài khiến các thiên sứ Ngài trở thành thần linh, khiến các tôi tớ Ngài trở thành ngọn lửa” (c.4). Chúng ta có ngọn lửa của Đức Chúa Trời đang hành động – Ấy là thiên sứ Ngài đang hoàn tất thánh ý Ngài.


Các thiên sứ luôn luôn phục vụ Đức Chúa Trời.

Họ hát xướng ca ngợi công cuộc tạo hóa. Họ đến thăm viếng Áp-ra-ham. Họ cũng đã đến với vua Ê-xê-chia khi thành Giê-ru-sa-lem đang bị tấn công, và một thiên sứ đã tiêu diệt 185.000 binh lính địch. Họ loan báo sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a. Họ ca hát chúc tụng sự giáng thế của Chúa Giê-xu. Họ từng ở với Ngài trong đồng hoang khi Ngài bị cám dỗ. Họ cũng ở với Ngài khi Ngài ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Và hiện nay, Chúa Giê-xu đang ngự trên thiên đàng, còn các thiên sứ thì luôn túc trực ở đó thờ phượng Ngài và làm vinh hiển Ngài.

Các thiên sứ cũng phục vụ chúng ta nữa. He 1:14 ghi nhận rằng “Những thiên sứ, lẽ nào họ lại chẳng phải là các vị thần thừa hành được Chúa sai đến giúp đỡ những ai sẽ hưởng được cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?” Các thiên sứ chính là quân binh vô hình của Chúa là những tôi tớ Ngài đang hành động vì cớ chúng ta.

Tôi có cảm tưởng khi chúng ta về thiên đàng, chúng ta sẽ khám phá ra rằng các thiên sứ đã từng nhiều lần bảo vệ chúng ta khỏi nguy hại và hay làm cho chúng ta mạnh sức. Ngày hôm nay, chúng ta hãy vui mừng vì chúng ta không lẻ loi. Những người ở cùng chúng ta rất nhiều, nhiều hơn hẳn những kẻ chống nghịch chúng ta.

Đức Chúa Trời sai phái các thiên sứ đến giúp đỡ bạn. Điều này sẽ khích lệ bạn nhận biết rằng họ đang hành động vì ích lợi của bạn. Ngày nay chúng ta hãy cảm tạ Ngài vì các thiên sứ Ngài và vì các công tác của họ.


2. Hãy làm thỏa cơn khát (Thi 104:5-13)

Những người sống trong thành phố đôi khi quên rằng Thượng Đế chính là Đức Chúa Trời của sự sáng tạo và của muôn loài vạn vật tự nhiên.

Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, đã có đến 2700 mẫu vỉa hè được sửa sang quét tước mỗi ngày.

Từ buổi sáng thế, Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên tất cả mọi loài cùng với sỏi đá phủ khắp trên mặt đất. Chúng ta hãy dừng lại một chút để quay về với công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời. “Ngài đặt các nền của trái đất, để nó sẽ không hề bị rung động đến đời đời. Ngài dùng các vực sâu làm áo xống bao phủ trái đất, còn các nguồn nước thì tuôn ra từ trên những núi non. Khi Ngài quở trách, các dòng nước ấy liền chạy trốn, và lúc nghe tiếng sấm của Ngài, chúng lật đật bỏ chạy… Ngài vạch biên giới để chúng không thể chảy tràn qua, và để chúng không thể quay lại làm ngập trái đất nữa” (c.5-7,9).

Ở đây, tác giả Thi-thiên muốn nói đến Cơn Hồng Thủy trong thời Nô-ê. Đó là sự đoán phạt của Đức Chúa Trời.Tuy nhiên, trong cuộc phán xét hầu đến, Ngài sẽ dùng lửa, không phải dùng nước nữa.

Dẫu vậy, nước còn là một phước hạnh. “Ngài khiến các suối nước phun ra trong các trũng, chảy giữa những ngọn đồi” (c.10). Đây là một bức tranh sông nước, suối lạch, núi đồi đẹp đẽ, ấy là nơi khiến cho muông thú có cái để ăn uống. “Nhờ các suối, tất cả thú đồng đều có nước uống, những con lừa rừng hết khát nước” (c.11). Còn chim trời thì làm tổ trên cây bên những sông suối ấy. Tôi rất thích ý tứ trong câu 12 này “chim trời ca hót giữa những nhánh cây”. Đức Chúa Trời đã tưới nước cho đất. Mùa vụ mọc lên, con người và muông thú nhờ đó mà sống. Và đây còn có một ơn phước đặc biệt nữa, Chúa đặt để chim chóc trên các nhành cây để chúng hót ca. Muôn sự trong công cuộc sáng tạo đều được thoả đáng. “Đất được thoả lòng với bông trái của các công việc Ngài” (c.13).

Đức Chúa Trời của sự sáng tạo cũng chính là Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi. Ngày hôm nay Ngài có thể làm cho tâm hồn bạn không còn khát nữa.

Khi nhìn ngắm thiên nhiên, bạn thường được nhắc nhở về sự ban cho trên phương diện thuộc thể của Đức Chúa Trời. Ngài cũng ban cho dân sự Ngài những nhu cầu về phương diện thuộc linh. Ngày hôm nay, bạn có nhu cầu gì không? Hãy nài xin Chúa làm tràn ngập tâm hồn bạn bằng những ơn phước của Ngài!


3. Bữa ăn cân đối (Thi 104:14-18)

Đức Chúa Trời của sự sáng tạo đã thu hút và lôi cuốn các tác giả Thi-thiên. Chắc chắn, thế giới họ sống thời ấy khá sạch sẽ, trong lành và rất đẹp đẽ bởi vì con người lúc bấy giờ chưa khai khẩn nó. Họ đã nhận ra sự lệ thuộc của họ vào Chúa để có lương thực nuôi sống họ.

“Ngài khiến cỏ mọc lên cho gia súc ăn, khiến rau quả xuất hiện để phục vụ con người; và con người có thể sản xuất ra lương thực từ đất, chỗ biến ra rượu nho làm vui vẻ lòng người, tạo ra dâu làm mặt mày người sáng bóng, làm ra bánh mì để đem sức lực đến cho lòng người” (c.14,15).

Thức ăn, rượu, dầu và bánh là những lương thực chính yếu của người Do-thái thời ấy. Đừng cho rằng bởi vì tác giả Thi-thiên đề cập đến rượu nên có lẽ ông đang bàn về vấn đề say sưa. Thánh Kinh đã thẳng thừng cảnh cáo, phản đối sự say rượu. Hơn nữa, tác giả nói rằng Đức Chúa Trời luôn đáp ứng mọi nhu cầu thuộc thể cho chúng ta, và thậm chí, Ngài còn ban cho chúng ta hơn thế nữa. “Đức Chúa Trời… luôn ban cho chúng ta mọi thứ hết sức dư dật để chúng ta tận hưởng” (ITi 6:17).

Trong Thánh Kinh, rượu được nói đến trên đây tượng trưng cho Đức Thánh Linh. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi dân sự Đức Chúa Trời đang vui mừng, thờ phượng và ngợi khen Chúa, thì đám đông bảo rằng: “Họ bị say rượu mới đó!” (Công 2:13). Ngày hôm nay, bạn có vui mừng về Đức Thánh Linh không? “Đừng say rượu” Phao-lô đã dạy thế “nhưng hãy đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Eph 5:18).

Dầu tượng trưng cho Đức Thánh Linh Đấng làm cho những gương mặt rạng rỡ lên. Môi-se từng có một gương mặt sáng ngời bởi vì ông đã kết tình thâm giao với Đức Chúa Trời. Ê-tiên cũng có một gương mặt sáng ngời như vậy bởi vì ông đã dâng sinh mạng mình cho Chúa. Và Đức Chúa Giê-xu khi ở trên Núi Hóa Hình, thì gương mặt Ngài chói loà ra.

Bánh tượng trưng cho Lời Chúa. Nó thường bổ sức cho tấm lòng “Loài người sống không phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng phải nhờ bởi mọi Lời của Đức Chúa Trời” (Lu 4:4).

Chúa muốn ban sự vui mừng cho chúng ta. Ngài cũng muốn ban cho chúng ta nét mặt sáng ngời và sức lực. Đức Thánh Linh dùng Lời Chúa biến cải con cái Ngài trở nên giống Chúa Giê-xu hơn.

Bạn có thường xuyên dùng bữa ăn thuộc linh cân đối bằng những lương thực do Chúa chu cấp cho bạn không? Thức ăn, rượu, dầu và bánh là những tượng trưng cho việc Ngài nuôi dưỡng bạn.

Hãy sống nhờ vào Lời Chúa và hãy để Đức Thánh Linh cai trị đời sống bạn.


4. Hãy suy gẫm về công cuộc sáng tạo (Thi 104:19-26)

Sau khi quan sát công việc Chúa trong công cuộc sáng tạo, tác giả Thi-thiên viết: “Hỡi Đức Giê-hô-va! Công việc Ngài phong phú biết bao! Bằng sự khôn ngoan, Ngài đã tạo nên muôn vật. Trái đất đầy dẫy của cải Ngài” (c.24). Câu Thánh Kinh này tỏ cho chúng ta biết những đặc điểm quan trọng của Đức Chúa Trời.

- Thứ nhất, công cuộc sáng tạo bày tỏ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy dành thì giờ ngưỡng mộ sự khôn ngoan của Ngài trong công cuộc tạo hóa. Tôi được biết rằng nếu phân lượng khí trong không trung bị biến đổi một chút, thì tất cả chúng ta ắt sẽ chết hết. Cái cách Chúa làm cho quả đất xoay quanh một trục nghiêng, Ngài bố trí các mùa và phối hợp các tạo vật với nhau đã thể hiện sự khôn ngoan cực kỳ của Ngài. Đức Chúa Trời là Đấng có đủ khôn ngoan điều khiển mọi tạo vật nên Ngài cũng có đủ khôn ngoan để điều khiển đời sống chúng ta là điều đương nhiên.

Nếu Ngài có khả năng làm cho các ngôi sao, các hành tinh và các mùa vận hành, thì lẽ nào Ngài lại không có khả năng phối hợp đời sống chúng ta lại với nhau và khiến chúng trở thành theo ý Ngài muốn?

- Thứ hai, công cuộc sáng tạo thể hiện sự giàu có của Đức Chúa Trời. “Trái đất đầy dẫy của cải Ngài” (c.24). Nếu không có của cải vật chất của Ngài, thì chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được. Không chỉ cả vàng, bạc và đá quý là những thứ mới có thể nói lên sự giàu có của Ngài, nhưng kể cả những quặng kim loại, đất đá, cây trái hoa quả và ngũ cốc cũng nói lên điều đó.

- Thứ ba, công cuộc sáng tạo đem lại việc làm cho con người trong khả năng của họ. “Loài người đi ra, đến với công việc mình và làm lụng cho đến chiều tối” (c.23). Ngay cả A-đam cũng có công việc để làm trong vườn Ê-đen. Làm việc là một phước hạnh chứ không phải là gánh nặng nếu như chúng ta làm việc vì cớ Chúa.

- Thứ tư, công cuộc sáng tạo thúc đẩy chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời. “Hỡi Đức Giê-hô-va! Công việc Ngài thật phong phú biết bao!”. Chúng ta chớ nên thờ phượng sự sáng tạo của Chúa vì làm như vậy tức là thờ thần tượng. Chúng ta chỉ thờ phượng Đức Chúa Trời của sự sáng tạo mà thôi. Chúng ta hãy công nhận rằng Ngài đã ban cho chúng ta mọi ân điển tốt lành và trọn vẹn (Gia 1:17). Vậy thì, chúng ta hãy chiêm ngưỡng Chúa, là Đấng Tạo Hóa và cũng là Đấng Cứu Thế vĩ đại của chúng ta.

Công cuộc sáng tạo đã bày tỏ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, vậy chúng ta hãy vui mừng lên! Công cuộc sáng tạo thể hiện sự giàu có của Ngài, vì thế, chúng ta hãy dùng sự giàu có ấy làm vinh hiển Ngài. Công cuộc sáng tạo đem lại công ăn chuyện làm cho con người. Cho nên, chúng ta hãy xem công việc như là một phước hạnh. Nhưng trên hết mọi sự đó, công cuộc sáng tạo đã đưa bạn đến với việc thờ phượng Chúa.


5. Mùa xuân tươi mới (Thi 104:27-30)

Các nhà khoa học cho chúng ta biết rằng thế giới này được điều khiển bởi cái mà họ gọi là “quy luật tự nhiên”. Nhưng đa số họ đã quên rằng đằng sau luật ấy còn có Đấng ban luật. Đằng sau công cuộc sáng tạo chính là Đấng Sáng Tạo, là Đấng luôn quan tâm chăm sóc đến những tạo vật và con người do Ngài dựng nên. Ai đã liên kết thống nhất cả hoàn vũ này? Đó chính là Đức Chúa Trời, Đấng sáng tạo nên nó. Muôn loài muôn vật đều cậy trông nơi Ngài để được Ngài ban cho mọi nhu cầu cần thiết như tác giả Thi-thiên đã viết: “Mọi tạo vật đều trông đợi Chúa, để được Ngài ban cho thức ăn theo thì tiết. Ngài ban cho điều gì thì chúng nhận lấy điều ấy. Ngài xoè tay Ngài ra, thì chúng được no nê với những của ngon” (c.27,28).

-Đức Chúa Trời ban cho, còn chúng ta chỉ việc nhận lãnh.

-Ngài tiếp trợ và chúng ta nhận lấy.

-Ngài thật đáng cho chúng ta tin cậy.

-Ngài luôn quan tâm chăm sóc những gì thuộc về Ngài, Đa-vít nói rằng: “Trước tôi trẻ, nay tôi đã già; nhưng tôi chưa bao giờ thấy người công bình nào bị bỏ rơi, hay con cháu của họ phải đi ăn xin” (Thi 37:25).

Đức Chúa Trời cũng rất độ lượng, khoan dung. Ngài không hề vô tâm hay ích kỷ. Ngài xòe tay Ngài ra thì mọi tạo vật được no nê với những của ngon.

Đức Chúa Trời có quyền trên cả sự sống lẫn sự chết và cả trên những sự thay đổi thời tiết các mùa. “Chúa ẩn mặt Ngài, thì chúng nó liền gặp gian truân. Ngài cất hơi thở chúng đi, thì chúng lìa đời và trở về bụi đất.Ngài ban thần Chúa ra thì chúng nó được dựng nên. Chúa đã tái tạo mặt đất” (c.29,30).

Mùa xuân thật đẹp đẽ, mùa hạ thật tươi vui và mùa thu thì đầy hoa trái. Rồi khi mùa đông đến, bầu trời trông có vẻ rất ảm đạm. Nhưng Đức Chúa Trời của mùa xuân, mùa hạ và mùa thu cũng chính là Đức Chúa Trời của mùa đông. Ngài luôn mang lại bầu không khí trong lành và tươi mới cho mùa xuân.

Ngày hôm nay, Đức Chúa Trời có thể lại làm cho cuộc đời bạn được tươi mới. Ngài sẽ mang đến cho bạn những mùa đầy bông trái và nắng ấm.Vậy, bạn chớ lo lắng về những thời kỳ của cuộc sống. Đức Chúa Trời Đấng đang vận hành cả vũ trụ này, có thể điều khiển những thời kỳ biến động trong cuộc đời bạn. Nếu bạn hiện đang sống trong mùa đông, thì hãy đợi Chúa. Ngài sẽ sẵn sàng đem mùa xuân đến cho bạn.


6. Một thế giới mới (Thi 104:31-35)

Khi Đức Chúa Giê-xu Christ làm Chúa Cứu Thế của bạn và Đức Chúa Trời làm Thiên Phụ bạn, khi Đức Thánh Linh ngự trong bạn và Lời Chúa đang dạy dỗ bạn, thì mọi tạo vật sẽ nhận được vẻ đẹp tươi mới và những ơn phước mới mẻ. Bầu trời trở nên xanh hơn, trái đất tràn ngập màu xanh cây lá trù phú hơn.Bạn đừng chỉ nhìn vào sự sáng tạo mà thôi, nhưng hãy nhìn vào Đấng Tạo Hóa. Và, bạn không những chỉ xem Ngài là Đấng Tạo Hóa, mà còn phải biết rằng Ngài là Cha Thiên Thượng Đấng luôn quan tâm chăm sóc bạn.

“Hễ con còn sống đến chừng nào, thì con sẽ hát xướng ca ngợi Đức Giê-hô-va chừng nấy! Hễ con còn tồn tại bao lâu, thì con sẽ còn tôn vinh chúc tụng Ngài bấy lâu!” (c.33,34).


Tác giả Thi-thiên viết những lời này sau khi ông suy gẫm về tất cả mọi sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Ông nhìn vào các trũng nước, các suối ngàn và những dòng sông đang chảy. Ông nghe tiếng chim hót trên cành cây. Ông ngắm bầy gia súc đang gặm cỏ.

Ông thấy con người đang làm bánh và chế biến dầu. Ông quan sát cánh mặt trời mọc và mặt trời lặn, rồi ông nói: “Bạn có thấy tất cả những điều ấy không? Tôi lấy làm vui mừng về Đấng Tạo Hóa là Đức ChúaTrời tôi”.

Mọi tạo vật đều đang phải làm việc khó nhọc trong lao khổ, vì cớ đã phạm tội (Rô 8:22). Bởi vì Đấng Tạo Hóa của chúng ta luôn luôn có trách nhiệm, nên các tạo vật của Ngài mặc dù phạm tội nhưng vẫn xinh đẹp tuyệt mỹ và phong phú vô cùng. Bạn có biết rằng Đức Chúa Trời lấy làm vui thích về công cuộc sáng tạo của Ngài không? “Sự vinh hiển Chúa còn đến mãi mãi” (c.31). Ngài vui khi nghe tiếng chim hót. Ngài thích thú khi thấy dòng sông cuộn chảy.

Chúng ta cũng hãy lấy làm vui thích về các công việc của Ngài. Ngày hôm nay, chúng ta nên vui mừng vì Chúa được vinh hiển khi chúng ta vâng lời Ngài.

Đức Chúa Trời được vinh hiển bởi các công việc Ngài, vì các công việc ấy đã thể hiện ra sự vĩ đại của Ngài. Khi nhìn vào sự sáng tạo, bạn có thấy sự vĩ đại của Chúa không? Hãy vui mừng với Chúa khi Ngài lấy làm ưa thích về các công việc sáng tạo của Ngài.

“Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn! Tôi sẽ lại nói: Hãy vui mừng lên!” (Phi 4:4)



105. THI-THIÊN (Thi 105:1-45)


1. Sức khỏe thuộc linh (Thi 105:1-4)

Những nhà dinh dưỡng học luôn nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta cần phải có những nhu cầu tối thiểu mỗi ngày về hàm lượng các loại vitamin, và khoáng chất nếu như chúng ta muốn có một thân thể khoẻ mạnh. Tương tự như vậy, Đa-vít cho chúng ta biết chúng ta cần phải đáp ứng cho Chúa những điều kiện tối thiểu mỗi ngày sau đây, nếu chúng ta muốn có một đời sống tâm linh khoẻ mạnh.

Điều kiện đầu tiên là sự ngợi khen.

“Ồ! Hãy tạ ơn Đức Giê-hô-va! ...Hãy hát xướng ca tụng Ngài, hãy hát cho Ngài những bài ca thánh” (c.1,2). Ngợi khen thể hiện lòng biết ơn, cảm tạ Chúa về sự hiện hữu của Ngài, về những công việc Ngài đã làm và về những gì mà Ngài đã sẻ chia cho chúng ta.Ngợi khen còn thể hiện sự vui mừng vì sự hiện diện của Chúa vì Ngài là Đấng Hằng Hữu và vì chúng ta được làm con cái của Ngài.

Sự cầu nguyện cũng là một điều kiện hết sức cần thiết.

“Hãy cầu khẩn danh Ngài” (c.1). Chúng ta cầu khẩn danh Chúa khi chúng ta cần có sức lực, ân điển và sự vùa giúp của Ngài trong những lúc có cần. Ngài luôn lắng nghe chúng ta.

Một điều kiện cần thiết nữa là sự làm chứng.

“Hãy đồn ra những công việc Ngài giữa vòng các dân tộc… Hãy truyền tụng về tất cả mọi công việc lạ lùng của Ngài. Hãy làm vinh hiển danh thánh Ngài” (c.1-3). Nếu chúng ta chỉ ngợi khen và cầu nguyện mà thôi, nhưng lại không nói về Chúa cho người khác biết, thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên hẹp hòi, hời hợt và ích kỷ. Chúng ta cần phải nói cho người khác biết rằng Ngài là Đấng Cứu Thế duy nhất.

Điều kiện cuối cùng là việc tìm kiếm mặt Ngài.

“Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va và sức lực Ngài. Hãy tìm kiếm mặt Ngài luôn luôn” (c.4). Nói cách khác, chúng ta hãy sống trong ánh sáng thuận theo ý Ngài. Hãy sống đời sống luôn có nụ cười của Chúa và hãy làm đẹp lòng mỗi mình Ngài mà thôi.

Tương tự như đời sống thuộc thể, đời sống thuộc linh của bạn cũng cần phải được chăm sóc thì nó mới khoẻ mạnh được. Bạn có đang hết lòng quan tâm đến đời sống tâm linh mình không? Những đòi hỏi tối thiểu hằng ngày của Chúa sẽ giúp bạn duy trì được một đời sống thuộc linh khoẻ mạnh. Bạn hãy đảm bảo đáp ứng cho Chúa những điều kiện tối thiểu hằng ngày mà Ngài đã đòi hỏi nơi bạn. Việc ấy sẽ làm đẹp lòng Chúa và đem lại sự vinh hiển cho Ngài.


2. Ký ức thuộc linh (Thi 105:5-15)

Ký ức thuộc linh đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống thuộc linh khoẻ mạnh của bạn. Bạn có thường nhớ đến những gì mà Chúa muốn bạn nhớ không? Bạn có biết ơn Chúa về những điều Ngài luôn nhớ đến không? “Hãy nhớ đến các công việc kỳ diệu mà Ngài đã làm, những dấu kỳ phép lạ và những đoán ngữ mà miệng Ngài đã phán… Ngài luôn luôn nhớ đến giao ước Ngài và những mạng lệnh Ngài đã truyền cho hàng ngàn thí dụ sau” (c.5-8).

Lẽ ra, chúng ta cần phải nhớ đến những lời dạy của Chúa, nhớ đến những dấu kỳ phép lạ và những công việc Ngài, đằng này, ta lại hay quên cả. Dân Y-sơ-ra-ên rất hay quên những việc Chúa đã làm cho họ. Mỗi năm họ đều tổ chức kỷ niệm lễ Vượt qua, với lý do để họ nhớ lại việc Chúa đã giải phóng họ thoát khỏi ách nô lệ ở xứ Ê-díp-tô. Có những việc mà đáng lý ra chúng ta cần phải quên đi, chẳng hạn như “những sự ở đằng sau” (Phi 3:13).

Tác giả Thi-thiên khuyên chúng ta rằng: “Hãy nhớ đến các công việc kỳ diệu của Ngài” (c.5).

Bạn có đang nhớ đến những ơn phước của Chúa không? Hễ khi nào bạn bị cám dỗ xúi giục lên tiếng chỉ trích Chúa hoặc nổi giận với Chúa, thì bạn hãy nhớ đến các công việc lạ lùng của Ngài.

“Đức Chúa Trời cũng luôn nhớ đến: Ngài luôn luôn nhớ đến giao-ước Ngài” (c.8). Ngài đối đãi với chúng ta dựa trên những lời phán hứa kết ước của Ngài, chứ không phải dựa trên luật pháp. Và Ngài đã ấn chứng các kết ước ấy bằng chính huyết của Con Trai Ngài.

Cuối cùng, chớ quên rằng Chúa không bao giờ bội ước. Không hề có một lời nào trong những lời phán hứa của Chúa bị mai một đi. Dù chúng ta có quên các lời hứa của Chúa hoặc xao lãng Lời Ngài thì Ngài vẫn luôn nhớ. Chúa là Đấng luôn luôn giữ lời hứa Ngài rất thành tín và không bao giờ dối.

Ngày nay, bạn sẽ được khích lệ rất nhiều mỗi khi bạn nhận được một lời hứa nào đó từ Thánh Kinh. Hễ khi nào bạn nhớ đến lời hứa đó, thì cũng hãy nhớ rằng Chúa rất thành tín trong việc giữ lời hứa của Ngài.


3. Được sửa soạn để làm câu trả lời (Thi 105:16-23)

Thật tuyệt vời làm sao khi lời cầu nguyện được nhậm. Nhưng chúng ta còn có một điều tuyệt vời hơn nữa – đó là chính khi chúng ta trở thành câu trả lời cho sự cầu nguyện. Trong thời gian gần đây, có bao giờ chính bạn đã trở thành câu trả lời cho sự cầu nguyện nào đó chưa? Giô-sép đã từng như vậy.Chúng ta hãy đọc câu 17. “Ngài sai phái một người đi trước họ đó là Giô-sép người đã bị bán đi như một tên nô lệ”. Ngay lúc ấy, Giô-sép chưa nhận biết được việc Đức Chúa Trời đang làm. Nhưng Chúa đang chuẩn bị ông để trở thành câu đáp lời cho sự cầu nguyện, Ngài đang dùng Giô-sép để bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên. Nếu Giô-sép không làm điều ấy, thì dân sự ắt sẽ bị diệt vong. Nếu dân sự bị diệt vong, thì chúng ta ắt sẽ chẳng có được Thánh Kinh và Đấng Cứu Thế.

Đức Chúa Trời hoạch định các công việc Ngài. Chúng ta không cần phải lo lắng về những gì sẽ xảy ra bởi vì Chúa luôn biết trước mọi sự. Ngài không bao giờ mất cảnh giác. Ngài cũng chẳng bao giờ bị ai làm cho sửng sốt, ngỡ ngàng. Ngài không hề hỏi thế này “việc ấy đã xảy ra như thế nào?” Ngài đã chọn Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và các con trai người để hoàn thành một số mục đích vĩ đại của Ngài trên thế gian này đó là làm chứng về một Đức Chúa Trời Hằng Sống và Chân Thật, để đem lại cho chúng ta Thánh Kinh và Đấng Cứu Thế.

Đức Chúa Trời còn thực hiện chương trình của Ngài. Ngài sử dụng con người để thực hiện những mục đích của Ngài. Không phải lúc nào chúng ta cũng biết được Chúa đang làm gì. Ngài đã không sai thiên sứ Ngài đến ngục tối để giải thích cho Giô-sép biết về tất cả các kế hoạch của Ngài. Giô-sép hành động và bước đi bằng đức tin. Ông phải nếm trải những gian truân thử thách và những nhục nhã. Nhưng cuối cùng, ông đã chiến thắng vẻ vang. Từ thử thách đi đến chiến thắng, từ kiếp nô lệ đi đến nguồn phước hạnh, Giô-sép đã trở thành câu trả lời cho sự cầu nguyện.

Ngày hôm nay, có thể bạn đang tự hỏi: “Tại sao tôi phải trải qua những kinh nghiệm này? Tại sao Chúa không làm cho cuộc sống tôi được dễ chịu hơn?” Hãy nhớ đến Giô-sép Chúa đã chọn ông, sửa soạn ông, và dùng ông làm lời giải đáp cho sự cầu nguyện.

Đức Chúa Trời không bao giờ phí phạm những thử thách của bạn. Ngài tạo nên chúng nhằm đem lại sự tốt lành cho bạn và làm vinh hiển Ngài.Ngày nay, có lẽ bạn đang trải qua những khó khăn thử thách. Hãy để Chúa sửa soạn bạn cho điều mà Ngài đã sắm sẵn cho bạn. Có thể Ngài đang dự định dùng bạn làm lời giải đáp cho sự cầu nguyện.


4. Muối và sự sáng ở “Ê-díp-tô (Thi 105:24-45)

Hãy giả định rằng bạn là một thường dân Ê-díp-tô sống trong thời Môi-se và A-rôn. Bạn đã sống sót sau những tai họa từng đổ ập xuống xứ bạn vì cớ sự cứng lòng của vua Pha-ra-ôn. Bạn sẽ phản ứng thế nào khi thấy người Do-thái rời khỏi Ê-díp-tô? Tác giả Thi-thiên đã viết: “Vì sự kinh khiếp mà dân Y-sơ-ra-ên đã giáng trên Ê-díp-tô, nên khi họ ra đi, Ê-díp-tô rất đổi vui mừng” (c.38).

Tôi hoàn toàn tin điều này. Hơn nữa, tôi còn e rằng khi Chúa tái lâm, cả thế gian lại sẽ vui mừng khi thấy dân sự Chúa rời khỏi dương trần này.

Ê-díp-tô là một hình ảnh tượng trưng cho thế gian.

Đối với dân sự Đức Chúa Trời (dân Y-sơ-ra-ên) thì đó chính là nơi của những kiếp đời nô lệ và của những công việc nặng nhọc đơn điệu. Đó cũng chính là nơi có nhiều đồng bằng và nhiều dải đất cằn cõi, hoang vu. Còn Ca-na-an là một vùng đất có nhiều đồi núi và thung lũng, là một xứ thường có mưa, đầy hoa trái, đượm sữa và mật ong. Khi bạn được cứu về phương diện thuộc linh thì xem như bạn đã được Chúa dời ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Ngài đem bạn vào xứ Ca-na-an và bảo rằng “Hãy tận hưởng tất cả những phước hạnh này!”

Tại sao Ê-díp-tô lại vui mừng khi dân Y-sơ-ra-ên ra đi?

Một điều chắc chắn là vì người Ê-díp-tô cảm thấy kinh khiếp. Dân Y-sơ-ra-ên đang thờ phượng một Đức Chúa Trời chân thật. Và Đức Chúa Trời chân thật của họ đang bày tỏ quyền năng Ngài qua các tai hoạ. Dân Y-sơ-ra-ên là một điều khó chịu đối với người Ê-díp-tô – giống như muối xát vào vết thương, như ánh sáng phơi bày tội ác. Đức Chúa Trời dùng dân Y-sơ-ra-ên để làm chứng cho Ê-díp-tô, nhưng nó đã không chịu nhận lấy sự làm chứng ấy.

Cơ-đốc nhân là muối và là sự sáng.

Đôi khi, chúng ta gây khó chịu cho người khác. Và có lúc những gì sai quanh ta được phơi bày qua cách ăn nết ở của chúng ta. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ ra đi. Cũng có thể xảy ra điều ấy trong ngày hôm nay. Đức Chúa Giê-xu Christ có thể trở lại ngay hôm nay, đem dân sự Ngài về nhà Ngài để được vinh hiển. Sẽ không còn muối nữa. Cũng sẽ không còn sự sáng nữa.

Nhưng sẽ còn lại điều gì? Còn lại sự phán xét. Chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta đang có một công việc phải làm đang khi chúng ta chờ đợi Chúa của chúng ta trở lại.

Một trong những trách nhiệm của tín đồ Cơ-đốc giáo là phải làm sự sáng và làm muối trong thế gian. Đôi khi, bạn đã gây ảnh hưởng đến người khác nhưng bạn lại không nhận biết được điều đó. Lại có những lúc, bạn gặp được rất nhiều cơ hội xác thực để tác động đến người khác cho Đấng Christ.

Bạn có nghĩ đến những cơ hội để bạn trở nên muối và sự sáng trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của bạn không?

Hãy cầu xin Chúa sử dụng bạn tạo nên một sự thay đổi nào đó trong cuộc đời ai đó ngay hôm nay.



106. THI-THIÊN (Thi 106:1-48)


1. Ai có thể ngợi khen Chúa? (Thi 106:1-5)

“Ai có thể kể ra hết được các công việc quyền năng của Đức Giê-hô-va? Hoặc ai có thể thổ lộ ra hết mọi sự ngợi khen Ngài?” (c.2).

Ai có thể thực sự ngợi khen Chúa?

Đó là những người đã nhận biết Ngài bởi đức tin đặt nơi Chúa Giê-xu Christ. “Sự nhân từ Ngài còn đến đời đời” (c.1). Chỉ khi nào chúng ta kinh nghiệm được sự nhân từ Chúa và ân điển Ngài thì chúng ta mới có thể kể ra hết mọi công việc quyền năng của Ngài. Chúng ta đã được cứu bởi ân điển Ngài. Đây là công việc vĩ đại nhất của Chúa – vĩ đại hơn cả công việc đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, và thậm chí còn vĩ đại hơn cả việc tạo dựng vũ trụ.

Còn ai khác nữa có thể ngợi khen Chúa? Đó là những người vâng lời Ngài. “Phước cho người nào giữ sự công bình và luôn luôn làm điều ngay thẳng” (c.3). Nếu chúng ta bước đi với Chúa và vâng lời Ngài, thì chúng ta có thể ngợi khen Chúa và nói về những công việc lạ lùng của Ngài.

Cũng vậy, những ai kêu cầu Chúa đều có thể ngợi khen Ngài. “Hỡi Đức Chúa Trời! Xin hãy nhớ đến con tuỳ theo ơn Ngài đã đổ xuống cho dân sự Ngài. Xin hãy lấy sự cứu rỗi của Ngài đến thăm con” (c.4). Người cầu nguyện chính là người ngợi khen. Người nào tìm cầu ý muốn của Chúa trên đời sống mình sẽ lấy làm vui mừng về các công việc Ngài.

Cuối cùng, những ai tin cậy nơi lời phán hứa của Chúa thì đều có thể ngợi khen Ngài. “Hầu cho con có thể thấy ơn phước của những kẻ được Ngài chọn, để con vui vẻ trong sự vui mừng của dân sự Ngài, và để con có thể được vinh hiển vì cớ cơ nghiệp Ngài” (c.5). Đức Chúa Trời hứa ban cho dân sự Ngài cơ nghiệp ở xứ Ca-na-an, và Ngài đã ban xứ ấy cho họ. Giờ đây, chúng ta được hưởng cơ nghiệp của mình nơi Đức Chúa Giê-xu Christ. Chúng ta thật giàu có! Chúng ta còn giàu có hơn cả các vua chúa đời này, chúng ta có thể đến gần cơ nghiệp đó. Chúng ta đang được chung hưởng các phước hạnh và niềm vui từ nơi Chúa. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ được dự phần trong sự vinh hiển Ngài. Hãy ngợi khen Chúa ngay hôm nay.

Những ai vâng lời tin cậy và kêu cầu Chúa thì sẽ nhận biết được các công việc Ngài. Họ sẽ được nhận lãnh cơ nghiệp mình từ nơi Đức Chúa Giê-xu Christ. Bạn có đang ở trong số những người có thể ngợi khen Chúa không? Bạn có nhận lãnh được cơ nghiệp của mình hay chưa?


2. Những lời cám ơn vì không nhận được điều mình muốn (Thi 106:6-15)

Có đôi khi, một lời cầu nguyện không được nhậm lại là điều tốt nhất cho chúng ta. Tác giả Thi-thiên nói: “Ngài ban cho chúng điều chúng đòi hỏi, nhưng đồng thời Ngài để xảy ra sự tổn hại cho tâm hồn chúng” (c.15). Dân Y-sơ-ra-ên đã cầu nguyện một cách ích kỷ. Đức Chúa Trời nuôi họ bằng ma-na từ trời, là thức ăn của thiên sứ, nhưng họ lại đòi ăn thịt. Mỗi buổi sáng, họ chỉ việc bước ra khỏi trại quân, cúi xuống nhặt lấy những ma-na chứa đựng sức sống, ngọt ngào thánh khiết và quý báu. Nhưng sau một thời gian, sự thèm ăn trước đây của họ lại trổi dậy. Họ nói: “Ôi! Ước gì có ai đó cho chúng tôi thịt để ăn!” Vì thế, Đức Chúa Trời đã ban thịt cho họ, nhưng khi họ đang ăn thì nhiều người trong số họ đã lăn ra chết (Dan 11:31-33).

Chúng ta có thể học được bài học từ kinh nghiệm này.

-Thứ nhất, những lời cầu nguyện ích kỷ rất nguy hiểm. Thật nguy hiểm biết bao khi nói rằng: “Ôi! Lạy Chúa! Nhất định Ngài phải ban cho con điều này” Những lời cầu nguyện như vậy không đời nào đem lại ích lợi cả. “Anh em cầu xin nhưng sẽ chẳng nhận lãnh được gì bởi vì anh em cầu xin những điều không chính đáng để dùng cho tư dục mình” (Gia 4:3).

-Thứ hai, lời cầu nguyện sẽ biến đổi được tính nết của chúng ta.

Dân Y-sơ-ra-ên đã nhận được điều họ đòi hỏi, nhưng chẳng có ích gì cho phẩm chất đạo đức của họ. Thực tế, họ lại càng trở nên suy đồi hơn về mặt thuộc linh sau khi họ đã nhận được điều họ muốn. “Người con trai hoang đàng” từng vòi vĩnh thế này: “Thưa cha, hãy ban cho con”.

Rồi nó nhận được điều nó cầu xin.

Và chính điều ấy đã hầu như làm hư mất cuộc đời nó. Sau đó, nó quay về nhà thưa: “Cha ơi! Xin hãy khiến con” – và tâm tính nó đã được thay đổi.

Nó bắt đầu trở thành một đứa con thật sự (Lu 15:19). Lời cầu nguyện ích kỷ thường hủy hoại phẩm hạnh chúng ta. Nhưng lời cầu nguyện trong ý muốn Chúa sẽ xây dựng được tính cách đạo đức chúng ta.

-Thứ ba, chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện cho ý chỉ của Chúa. Như đã được đề cập đến nhiều lần, mục đích của sự cầu nguyện không phải là để cho ý muốn của con người được thực hiện trên thiên đàng mà là để ý muốn của Chúa được thực hiện trên đất. Vì thế, chớ e ngại khi thốt lên rằng “Xin ý Cha được nên”

Chúa có cách tốt nhất để đáp lời cầu nguyện cho bạn đó là thậm chí lời cầu nguyện của bạn có được đáp hay là không! Tác giả Thi-thiên đã cho chúng ta 3 sự chỉ dẫn quý báu để lời cầu nguyện được hiệu nghiệm.

(1). Bạn có ứng dụng những chỉ dẫn này vào sự cầu nguyện của mình chưa?

(2). Hãy để Chúa sử dụng thì giờ cầu nguyện của bạn để cắt đặt bạn theo ý muốn và cách nhìn của Ngài.

(3). Hãy để Ngài sửa soạn bạn cho câu trả lời của Ngài.


3. Đứng mũi chịu sào (Thi 106:16-23)

Chúng ta thường nghĩ về Môi-se như là một vị lãnh tụ vĩ đại và là một nhà lập pháp lừng danh. Quả thật ông chính là một vĩ nhân kiệt xuất nhất. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ về Môi-se như một người cầu thay vĩ đại, và là một con người của sự cầu nguyện chưa? Tôi đã lấy làm kinh ngạc khi khám phá ra biết bao tình huống cầu nguyện được ký thuật trong cuộc đời Môi-se.

Chẳng hạn như, khi dân Y-sơ-ra-ên quay lại phản nghịch Đức Chúa Trời họ đúc một con bò bằng vàng và bắt đầu thờ cúng nó như người ngoại đạo vẫn thường làm, thì Đức Chúa Trời chuẩn bị đoán phạt họ. Nhưng Môi-se đã đi lên núi và xin tha mạng giùm cho dân sự ông là người đã đứng mũi chịu sào. “Vì vậy, Ngài phán rằng Ngài sẽ huỷ diệt họ, ngoại trừ Môi-se là người đã được Ngài chọn đang đứng trước mặt Ngài trong nơi vi phạm, để làm lui đi cơn giận của Ngài để Ngài khỏi huỷ diệt họ” (c.23).

Dân Y-sơ-ra-ên đã được giải phóng ra khỏi xứ Ê-díp-tô và họ đang đứng tại núi Si-nai nơi Đức Chúa Trời ban luật pháp cho Môi-se. Thế nhưng, họ lại đi tạo ra một thần tượng cho họ. Sao chúng ta lại có thể sớm quên đi những điều Chúa đã làm cho chúng ta? Sao chúng ta có thể sớm quên đi những gì Ngài phán dạy? Chúng ta đã lui đi và bắt đầu sống bám vào những vật thay thế cho Ngài.

Lẽ ra Môi-se có thể kiếm được tư lợi từ việc phạm tội của dân sự. Có thể Đức Chúa Trời đã nói với ông rằng: “Này, Môi-se! Ta sẽ khởi đầu từ con mà tạo ra một dân tộc mới hoàn toàn, và chẳng bao lâu nữa thì dân tộc Do-thái sẽ không còn là dân sự của Áp-ra-ham, mà sẽ là dân sự của Môi-se!” Nhưng Môi-se đáp lại rằng: “Không! Thưa Chúa xin Ngài yêu thương những người này, bởi vì họ là dân sự của Ngài. Xin Ngài đừng đoán phạt họ”. Đức Chúa Trời thật đã sửa phạt tội lỗi của dân sự nhưng không huỷ diệt họ. Dẫu thế, dân sự lại không tán thưởng những gì Môi-se đã làm cho họ mà còn trở mặt chỉ trích ông.

Tôi xin tạ ơn Chúa, vì hiện nay chúng ta đang có một Đấng cầu thay cho chúng ta trên thiên đàng là Đức Chúa Giê-xu Christ, Đấng Hằng Sống luôn cầu thay cho chúng ta tại ngôi của Đức Chúa Cha (He 7:25). Ngài và Thiên Phụ rất yêu thương chúng ta và đang cùng nhau dẫn dắt, xây dựng cuộc sống chúng ta.

Sự cầu thay là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của người tín đồ. Bạn có đang là người cầu thay không? Nhiều người khác hiện đang cần đến sự cầu thay của bạn. Hãy làm theo gương Môi-se và hãy làm người đứng mũi chịu sào.


4. Khi người lãnh đạo phạm tội (Thi 106:24-33)

Môi-se ước ao một điều mà Đức Chúa Trời đã không ban cho ông: đó là đặc ân được bước vào miền Đất Hứa. Bạn hãy nhớ lại rằng Môi-se đã từng phạm tội với Đức Chúa Trời và vì lẽ đó ông không được Chúa cho phép đi vào xứ Ca-na-an (Dan 20). Ông dẫn dân sự đi đến tận nơi ranh giới của xứ nhưng rồi ông phải lên núi và chết tại đó.

Chính dân Y-sơ-ra-ên đã góp phần vào việc khiến cho Môi-se phạm tội.

“Họ chọc giận Ngài tại những trũng nước xảy ra các cuộc xung đột tranh giành khiến cho Môi-se phạm tội vì cớ họ. Bởi vì họ nổi loạn chống lại Đức Thánh Linh khiến Môi-se nói ra những lời thiếu suy nghĩ” (c.32,33). Môi-se và A-rôn cầu xin Chúa ban nước uống cho dân sự khi họ đang khát, và Ngài bảo: “Các con hãy ra lệnh cho tảng đá thì nước sẽ chảy ra!” Nhưng Môi-se không giữ được bình tĩnh vì dân sự đang trách móc, chửi mắng ông và ông đã đập vào tảng đá. Đức Chúa Trời ban nước uống cho dân sự nhưng Ngài trách Môi-se rằng: “Ngươi đã không tôn ta nên thánh trước mặt dân sự trong lời ngươi nói và trong việc ngươi làm”

Đôi khi, những người lãnh đạo phạm tội và chính dân sự Chúa khiến họ phạm tội. Đáng lý ra, dân Y-sơ-ra-ên phải đến với Môi-se và nói với ông thế này: “Thưa ông! Chúng tôi đang cầu nguyện cho ông đây! ” hoặc là “Thưa ông! Chúng tôi rất yêu mến ông!” hoặc “Chúng tôi xin cảm ơn ông vì ông đã cầu thay cho chúng tôi”, và “về tất cả những gì ông đã làm cho chúng tôi”.

Nhưng thay vì như vậy, họ lại lằm bằm và chỉ trích ông. Tôi thật đau lòng khi thấy các đầy tớ Chúa với những người hầu việc Chúa nói chung dang bị bao vây bởi những người không biết nói lời cám ơn mà chỉ biết luôn luôn phàn nàn và chỉ trích họ.

Có rất nhiều người không nhận ra đựơc giá trị của việc trở thành một người lãnh đạo thuộc linh. Vị trí lãnh đạo càng cao thì chúng ta lại càng phải có tính kỷ luật cao. Nếu Môi-se chỉ là một công dân bình thường của Y-sơ-ra-ên, thì Chúa đã cho phép ông được đi vào miền Đất Hứa rồi. Đằng này, Môi-se lại là một nhà lãnh đạo. Khi người lãnh đạo phạm tội, thì họ phải trả giá rất đắt cho sự phạm tội ấy. Ngày hôm nay, chúng ta chớ gây cho những người lãnh đạo phạm tội. Nhưng, chúng ta hãy làm nguồn khích lệ cho các con dân của Chúa.

Bạn có phải là người lãnh đạo trong Hội thánh hoặc trong nhóm nhỏ của bạn không? Bạn đang có một trách nhiệm rất nặng nề đối với Chúa và đối với những người mà bạn đang dẫn dắt. Sự phạm tội của một lãnh đạo có thể gây nên hậu quả lan rộng vô cùng nghiêm trọng. Hãy đòi hỏi ở bản thân mình yêu cầu thật cao để có thể tránh được phạm tội trong nhiều hoàn cảnh, và đừng để người khác khiến bạn rời mắt khỏi Chúa. Cũng vậy, hãy luôn cầu thay, khích lệ động viên và nâng đỡ những người lãnh đạo của bạn.


5. Giá phải trả cho việc sống pha tạp (Thi 106:34-48)

Người ta thường nói rằng có một điều chúng ta phải học hỏi từ lịch sử, đó là đừng học hỏi từ lịch sử. Những ai đã từng nuôi dạy con cái, cháu chắt thảy đều biết rõ điều này. Tuy nhiên, thế hệ trẻ lại cho rằng những người đi trước họ chẳng hiểu biết gì cả.

Thi-thiên 106 đã lột tả được điều này.

Đó là một bản ký thuật về việc dân Y-sơ-ra-ên được ban phước ra sao và sau đó họ đã phạm tội như thế nào. Đức Chúa Trời cứ cứu giúp đi cứu giúp lại họ mãi, còn họ thì mải mê phạm tội. Chúng ta thấy có một nguyên nhân gây cho họ phạm tội được ghi nhận trong câu 35 “Họ đã để cho người ngoại đạo đồng hóa họ”.

Kế tiếp, họ bắt đầu sống chung chạ, pha trộn với người ngoại và phá đổ bức tường ngăn cách. Đức Chúa Trời cảnh cáo dân Y-sơ-ra-ên đừng nên sống lẫn lộn với các dân tộc khác. Họ đã không quan hệ tiếp xúc với dân ngoại, nhưng theo câu 35 lại nói rằng họ “đã học đòi các công việc của dân ngoại”.

-Trước hết, chúng ta thường sống hòa lẫn với thế gian, sau đó chúng ta bắt đầu học đòi các thói thường của thế gian.Từ xa xưa, dân Y-sơ-ra-ên “đã thờ cúng những thần tượng của họ, là việc làm trở thành cạm bẫy cho họ” (c.36). Họ đã sống hòa lẫn, học đòi và phục vụ thế gian.

Một thảm kịch mà nhiều gia đình phải gánh chịu nhiều nhất là: “Họ bắt con trai con gái họ làm của tế lễ cúng tế cho quỷ dữ” (c.37). Do đó, họ đã bị tuyệt tự.

Rất nhiều Cơ-đốc nhân ngày nay cũng đã phá sập bức tường ngăn cách. Họ đang sống hoà lẫn với thế gian, phục vụ thế gian và dùng chính con cái họ làm của tế lễ tượng trưng cúng tế cho quỷ dữ.

Như vậy, chính các công việc của họ làm ô uế họ, họ đã phạm tội thông dâm” (c.39). Dân tộc Y-sơ-ra-ên đã kết hôn với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, nhưng nó đã bội lời thề hôn ước của mình.

Đừng để thế gian làm ô uế bạn. Nhưng hãy bước đi với Chúa trong sự thánh khiết luôn luôn.

Tội lỗi làm cho ô uế bẩn thỉu. Đó chính là lý do tại sao bạn cần “những bước tường ngăn cách”. Đừng sống hòa lẫn với thế gian, vì đó chính là bước nguy hiểm sẽ dẫn đến những bước kế tiếp. Hãy giữ lòng mình thánh sạch khỏi tội lỗi và chớ chấp nhận vui thú cùng những cám dỗ.

Đừng để bất cứ sự ô uế nào xen lẫn vào giữa mối tương giao của bạn với Chúa.



107. THI-THIÊN (Thi 107:1-43)


1. Từ kẻ lang thang trở thành người hành hương (Thi 107:1-8)

Có một câu được lặp đi lặp lại 4 lần trong Thi 107:1-43: “Ồ! Loài người sẽ cảm tạ Đức Giê-hô-va về sự nhơn từ Ngài và về các công việc lạ lùng của Ngài mà Ngài đã làm cho con cái họ” (c.8).

Tác giả Thi-thiên đưa ra cho chúng ta 5 hình ảnh minh hoạ thật sống động về những điều Chúa đã làm cho chúng ta và về lý do tại sao chúng ta phải ngợi khen danh Ngài. Ông nói đến những kẻ lang thang, những tù nhân, bệnh nhân ở khu tế bần, những người thủy thủ cả những cư dân đang tìm xây phố xá, gieo trồng mùa vụ.

-Tác giả viết về những kẻ lang thang thế này: “Họ đi lang thang trong đồng hoang trên một con đường tiêu điều hiu quạnh. Họ không tìm được thành nào để trú ngụ cả. Linh hồn họ nao sờn, yếu đuối vì họ bị đói khát.Trong gian truân, họ kêu cầu Đức Giê-hô-va, Ngài bèn giải cứu họ khỏi cảnh khốn cùng, và dẫn họ đi theo con đường ngay thẳng đúng đắn hướng tới một thành mà họ có thể cư trú được” (c.4-7). Họ đã được Đức Chúa Trời cứu nguy. Kế đó, câu Kinh Thánh vừa được nhắc đến đầu trang lại được lặp lại: “Ồ! Loài người sẽ cảm tạ Đức Giê-hô-va về sự nhơn từ Ngài và về các công việc lạ lùng của Ngài mà Ngài đã làm cho con cái họ”. Đức Chúa Trời cũng đã làm điều này đối với bạn vì thế, bạn hãy tạ ơn Ngài.

Trước khi được Chúa cứu rỗi, tôi vốn là một kẻ lang thang lẻ loi, cô đơn, đói khát, lông bông không mục đích sống và chẳng biết đi về đâu. Sau đó có người nói cho tôi biết về Chúa Giê-xu Christ là Đấng đã chịu chết trên thập tự giá vì cớ tội lỗi tôi, Ngài được chôn cất, đến ngày thứ ba thì sống lại và hiện nay Ngài là Chúa Cứu Thế Hằng Sống sẵn sàng cứu rỗi bất cứ ai kêu cầu Ngài.

Vì thế, tôi gọi mời Chúa bước vào trong gian truân tôi, và Ngài đã giải cứu tôi khỏi sự khốn cùng. Hiện giờ, tôi đã được Chúa cứu chuộc, dẫn dắt, khiến tôi trở thành một thành viên trong gia đình Đức Chúa Trời. Tôi không còn cô đơn, đói khát nữa, bởi vì Đấng Christ chính là Bánh Sự Sống, Ngài là Nước Hằng Sống. Hôm nay, tôi là người đi hành hương đang trên đường về quê thánh ở thiên đàng.

Hãy suy gẫm về sự nhơn từ Chúa đối với bạn và về những điều Ngài đã dạy dỗ bạn. Ngài rất xứng đáng để được bạn ngợi khen. Ngài đã cứu rỗi bạn và giải phóng bạn thoát khỏi hình phạt đời đời của tội lỗi bạn. Hãy cảm tạ Chúa vì Ngài đã biến đổi bạn từ một kẻ lang thang trở thành người đi hành hương.


2. Những hậu quả của sự nổi loạn (Thi 107:9-15)

Thật nguy hiểm cho những ai dấy loạn chống nghịch lại ý muốn và Lời của Đức Chúa Trời, xây khỏi đường lối Ngài. Thi-thiên 107 mô tả lại số phận của những kẻ dấy loạn ấy. “Đó là những kẻ ngồi trong nơi tối tăm và ở trong bóng sự chết, bị tai ương và xiềng xích trói buộc… Vì cớ đó, Đức Chúa Trời đã lấy lao nhọc khổ sở mà đánh hạ lòng họ xuống. Khi họ vấp ngã, thì chẳng được một ai giúp đỡ” (c.10,12).

Câu 11 nói cho chúng ta biết lý do tại sao xảy ra điều này: “Bởi vì họ đã dấy nghịch chống lại Chúa, và khinh dể sự khuyên dạy của Đấng Chí Cao”.

Sự tối tăm, sự chết và sự tuyệt vọng chính là những khung cảnh nhức nhối đáng kinh khiếp dành cho tất cả những ai bội nghịch ý muốn và Lời của Đức Chúa Trời. Thay vì làm người đi trên con đường đẹp đẽ tuyệt diệu dẫn đến sự vinh hiển, họ lại chui xuống hầm tối trong nơi tối tăm và trong cảnh nô lệ dưới bóng sự chết. Thiên hạ bảo rằng “Tôi muốn làm điều tôi thích, theo ý riêng tôi”. Họ không nên làm thế. Sự phán xét kinh khiếp nhất mà Đức Chúa Trời sẽ dành cho chúng ta chính là Ngài để mặc chúng ta làm theo ý riêng mình. Phao-lô ghi nhận rằng Đức Chúa Trời đã lìa bỏ những con người có dục vọng xấu xa ghê tởm và có đầu óc ý tưởng đen tối, ngụy tạo (Rô 1:18-32). Có lẽ, Đức Chúa Trời phán với những kẻ chống nghịch Ngài ”ngươi muốn theo đường hướng đó phải không? Được rồi, ta sẽ không cản các ngươi! Nhưng ta sẽ không thay đổi những hậu quả đã dành cho các ngươi đâu!”

Thi 107:1-43 mô tả những kẻ nổi loạn bội nghịch Lời Đức Chúa Trời đã kết thúc đời mình trong tối tăm và sự chết, trong hầm tối của sự thất bại và tuyệt vọng. Thế rồi, họ khẩn cầu Đức Chúa Trời, và Ngài đã giải cứu họ. Thật chẳng bao giờ quá trễ đối với lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Bạn có thể kêu cầu Chúa tương tự như những kẻ nổi loạn kia đã kêu cầu. “Bấy giờ, trong cơn gian truân, họ kêu cầu Đức Giê-hô-va, Ngài bèn giải cứu họ khỏi cảnh khốn cùng. Ngài mang họ ra khỏi nơi tối tăm, khỏi bóng sự chết, rồi Ngài bẻ gãy vụn những xiềng xích của họ” (c.13,14). Vì họ kêu cầu Đức Giê-hô-va, nên họ đã nhận lãnh được sự sáng, sự sống và sự tự do.

Có một số người cần phải nhận ra rằng họ đã nổi loạn chống nghịch lại ý muốn Chúa. Nếu đó là một sự thật đối với chính bạn, thì hãy kêu cầu Ngài. Ngài sẽ giải cứu bạn. Sau đó, bạn có thể ca ngợi Ngài “vì sự nhơn từ Ngài và vì những công việc lạ lùng của Ngài mà Ngài đã làm cho con cháu loài người” (c.15).


3. Phương thuốc thần diệu (Thi 107:16-21)

Thi-thiên 107 chứa đựng 4 bức tranh sống động mô tả về tội lỗi và sự cứu rỗi. Trong sứ điệp dành cho ngày hôm nay, tác giả Thi-thiên đã ví sánh tội lỗi với bệnh tật và Lời Chúa giống như phương thuốc để trị bệnh tật ấy. “Những kẻ ngu dại gặp tai hoạ vì cớ sự vi phạm và gian ác mình… Ngài truyền lệnh chữa lành cho họ…” (c.17,20).

Bệnh tật xảy đến một cách bí hiểm.

Nó xâm nhập vào cơ thể bạn và phát tán cũng rất bí hiểm. Sau đó, nó bắt đầu hoành hành, phá hoại sức lực bạn, làm cho bạn biếng ăn, trở nên yếu sức. Nếu bạn không được chữa trị kịp thời, thì nó sẽ giết chết bạn.

Tội lỗi chẳng khác nào bệnh tật.

Nhiều người đùa giỡn với tội lỗi mà không nhận ra hiểm hoạ của nó. Điều này tương tự như việc người ta đối diện với bệnh ung thư và bệnh Si-đa (AIDS) lúc căn bệnh mới phát. Tội lỗi sẽ đem lại sự chết. Để được chữa lành, chúng ta cần phải có phương thuốc trị liệu là Lời Đức Chúa Trời.

Lời Chúa có thể chữa lành tấm lòng đau thương, tan nát. Lời Ngài cũng có thể chữa lành những ai bị tội lỗi tàn phá hủy hoại – là những người dấy loạn bội nghịch cùng Đức Giê-hô-va…

Để được chữa lành, người bệnh cần phải trình bày nhu cầu của mình bằng đức tin và nhận lấy điều mình cần (Mat 9:12). Chúng ta phải nhận lấy điều mà chúng ta không tự mình làm được hoặc chẳng có ai có thể làm được cho chúng ta.

Thuốc men là thứ rất đắt tiền, thậm chí đôi khi chúng ta phải vất vả lắm mới kiếm được chúng. Còn Lời Chúa thì luôn sẵn có, lại dành cho chúng ta cách nhưng không. Lời Ngài có thể chữa lành mọi bệnh tật của tâm hồn.

Có lẽ cuộc đời bạn đã bị tội lỗi hủy hoại và bạn chưa nhận lãnh được điều bạn cần, cũng chưa trình bày nhu cầu của bạn với Chúa để được Ngài giúp đỡ. Đừng bao giờ trì hoãn sự chữa trị bệnh tật cho tâm linh bạn.

Hãy đọc Lời Chúa và cầu xin Đức Thánh Linh đặt lẽ thật của Lời Ngài vào trong lòng bạn.


4. Vị Bác sĩ đại tài (Thi 107:16-21)

Hôm qua, chúng ta mới học được rằng Thánh Kinh là phương thuốc duy nhất có thể chữa lành bệnh tật do tội lỗi gây ra. Bây giờ, chúng ta hãy ngẫm nghĩ vì Vị Thầy Thuốc Đại Tài Đấng cấp phát thuốc men.

Đức Chúa Giê-xu Christ đã đến mời gọi những kẻ phạm tội ăn năn, và chỉ có Ngài mới cứu được họ.

Thế gian hiện nay có rất nhiều thầy thuốc dỏm.

Đối với những bệnh tật tâm linh, họ đành phải bó tay. Các tiên tri giả trong thời Giê-rê-mi đã phạm tội vì đã chỉ sử dụng thuốc giảm đau mà đáng lý ra họ phải thực hiện cuộc giải phẫu (Gie 8:11,22). Bạn thích nghe bác sĩ của bạn nói dối như thế nào về sức khoẻ bạn nhằm giấu diếm bớt bệnh tật thuộc thể của bạn? Đó cũng chính là việc mà các “tiên tri” dỏm đã làm đối với dân Y-sơ-ra-ên khi giải quyết vấn đề thuộc linh của dân sự.

Bác sĩ là những người luôn bận rộn nên họ khó có thể có mặt ngay lúc bạn cần. Còn Chúa Giê-xu thì luôn đến với bạn khi bạn mời gọi Ngài. Ngài chẩn đoán bệnh tật luôn luôn chính xác. Ngài có thể lau sạch mọi vết thương và chữa lành mọi bệnh tật. Ngài sẽ không áp đặt thuốc men của Ngài trên đời sống bạn. Trước hết Ngài chờ đợi bạn trình bày nhu cầu cần thiết của bạn với Ngài. Và có một điều sẽ làm bạn ngạc nhiên là Ngài đã trả giá thuốc men chữa bệnh của bạn thay cho bạn trên thập tự giá ở đồi Gô-gô-tha.

Những kẻ phạm tội hư mất đáng phải chết, thế nhưng “hễ ai kêu cầu danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu” (Công 2:21). Nếu bạn chưa bao giờ tin nhận Chúa để được cứu rỗi thì bạn hãy làm điều đó ngay bây giờ.

Vị Thầy Thuốc Đại Tài luôn sẵn lòng cấp phát thuốc là Lời Ngài cho bạn để chữa lành tâm linh bệnh tật của bạn. Ngài có thể cứu rỗi kẻ vô tín, chữa lành vết thương lòng tan nát đau thương và phục hồi lại mối tương giao đã bị đập vỡ. Hễ bạn cần bất cứ điều gì thì hãy cầu xin Chúa Giê-xu chẩn cứu bạn.


5. Vượt qua cơn bão (Thi 107:22-31)

Thành thật mà nói rằng, tôi không thích những vùng nước lớn bao la, cũng chẳng thích lênh đênh trên dó, và lại càng không ưa ở trong nước.Tôi không quan tâm đến việc nhờ đó để mưu sinh, nhưng nếu ngồi bên bờ đại dương ngắm nhìn sóng lượn thì tôi thấy thích thú vô cùng.

Khi đọc Thi 107:22-31, tôi tưởng suýt nữa mình đã bị say sóng. Đoạn Thánh Kinh này mô tả một cơn bão biển. “Ngài truyền lệnh thì liền có trận bão tố nổi lên làm dâng cao những cơn sóng biển. Sóng dâng lên đến trời rồi lại tụt xuống nơi sâu. Kìa tâm trí loài người bèn tiêu tan vì cớ gian truân. Họ lảo đảo đi tới đi lui, loạng choạng xây xẩm như bọn say tượu, và họ đã bị mất hết trí khôn” (c.25-27).

Bão tố cũng thường ập đến trên đời sống chúng ta.

Xảy ra bão tố là do đâu? Đôi khi, có những người nào đó đã gây nên cơn bão. Trong Công 27, Phao-lô gặp phải bão tố vì lý do mấy người điều hành con tàu đã không chịu nghe Lời Đức Chúa Trời. Lại có lúc, Đức Chúa Trời cho phép cơn bão xảy ra nhằm thử thách và xây dựng chúng ta. Trong Mat 14 Đức Chúa Giê-xu đã khiến các môn đồ phải đối diện với một cơn bão để dạy dỗ họ một bài học quan trọng và đức tin. Thỉnh thoảng, chúng ta lại gây ra bão tố vì sự không vâng lời như vậy, chúng ta chẳng khác nào Giô-na chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời, và chỉ có một cách duy nhất để Ngài có thể đem chúng ta trở về là cho phép xảy ra một cơn bão nào đó trên đời sống chúng ta.

Có một cơn bão khủng khiếp nhất đã từng xảy ra tại đồi Gô-gô-tha. Khi ấy, mặt trời trở nên tối đen suốt ba giờ đồng hồ và Đức Chúa Con đã phải đền tội thay cho chúng ta. Tất cả sóng to gió lớn từ cơn thịnh nộ xét xử của Đức Chúa Trời đã đổ ập trên Chúa Giê-xu tại thập tự giá. Bởi vì Ngài đã vượt qua cơn bão kinh khiếp ấy, nên ngày hôm nay bạn và tôi có thể kêu cầu với Đức Chúa Trời. Ngài sẽ giải cứu chúng ta thoát khỏi những cơn bão trong cuộc đời hoặc đưa chúng ta vượt qua những cơn bão ấy, ban cho chúng ta sức lực và lòng can đảm. Tác giả Thi-thiên đảm bảo rằng: “Ngài sẽ khiến bão yên lặng, làm cho sóng yên… Vậy, Ngài sẽ dẫn họ đến bến bình yên mà họ hằng ước ao” (c.29,30).

Hiện giờ, bạn có đang gặp phải một cơn bão nào không? Hãy cầu xin Chúa ban sức lực và lòng can đảm cho bạn để bạn có thể vượt qua cơn bão.Bạn cũng hãy cầu xin Chúa ban sự khôn ngoan cho bạn để bạn có thể học hỏi từ cơn bão ấy, chứ đừng hoài phí nó.


6. Hãy nhớ đến Đấng ban cho (Thi 107:32-43)

Thật là nguy hiểm cho những Cơ-đốc nhân chỉ biết sống tùy thuộc vào các điều kiện hoàn cảnh thuận lợi mà thôi. Khi Chúa nhìn thấy chúng ta sống nhờ cậy vào những hoàn cảnh, điều kiện của chúng ta mà không nhờ cậy vào Ngài, thì Ngài sẽ nhanh chóng thay đổi các hoàn cảnh ấy của chúng ta. “Ngài biến sông ngòi thành đồng hoang, suối nước thành đất khô, đất mầu mỡ phì nhiêu thành đất cằn cỗi chỉ vì cớ gian ác của những kẻ đang trú ngụ tại đó. Đồng thời, Ngài cũng biến đồng hoang thành những ao nước, đất khô thành suối nước tuôn trào. Sau đó, Ngài cho phép những người đói khát đến ở tại đó và xây dựng thành phố để trú ngụ” (c.33-36).


Bạn có thể hình dung ra những người tuyên bố thế này: “Ô! Chúng ta thật là may mắn. Chúng ta có những con sông, dòng suối tuyệt vời. Chúng ta còn có cả vùng đất đai phì nhiêu màu mỡ. Nào, bây giờ chúng ta chỉ việc đến đó ăn uống vui vẻ”. Nhưng, Đức Chúa Trời phán rằng: “Gượm đã nào! Có phải các ngươi đang hưởng những ơn phước mà lại quên Đấng Ban Cho chăng? Có phải các ngươi đang nhìn chằm chằm vào tay ta nhưng lại quên đi tấm lòng của ta chăng? Lẽ nào các ngươi đang hưởng thụ của cải vật chất do ta ban cho mà lại không lưu tâm đến ý muốn của ta sao?”

Đây cũng chính là điều thường xảy ra với chúng ta ấy là lúc chúng ta quay về với các thần tượng của mình. Chúng ta bắt đầu sống bám vào những sự giả tạo. Sông suối và đất đai mầu mỡ trở thành thần tượng của chúng ta. Vì vậy, Đức Chúa Trời xoá sổ các con sông, dập tắt các dòng suối. Ngài biến đất tốt thành đất xấu, khô cằn. Sau đó, chúng ta kêu cầu Chúa và thưa: “Ôi! Chúa ôi! Chúng con phải làm gì đây?” Ngài sẽ đáp rằng: “Hãy bắt đầu thờ phượng ta thay vì tôn thờ những phước hạnh mà các ngươi nhận được. Các ngươi cũng hãy bắt đầu tìm kiếm Đấng Ban Phước thay vì tìm kiếm phước hạnh. Đừng trở thành những kẻ thờ hình tượng, là những kẻ sống bám vào những sự giả tạo. Hãy cảm ơn ta về tất cả những điều tốt lành mà ta đã ban cho các ngươi”. Đồng thời, chúng ta cũng hãy tìm kiếm sự khôn ngoan. “Người khôn ngoan sẽ chú ý đến những điều này, và sẽ nhận biết được lòng nhân từ của Chúa” (c.43).

Sa-tan thường cố xui khiến bạn phải sống bám vào những sự giả tạo của đời này. Khi nó làm được điều đó thì bạn sẽ quên Chúa và bắt đầu tin cậy vào của cải vật chất mà bạn đang sở hữu – tức là bạn đã trở thành kẻ thờ hình tượng. Có lẽ, bạn hiện đang sống trong những điều kiện sống thuận lợi. Hãy tạ ơn Chúa về điều ấy.

Nhưng, bạn cứ hãy tiếp tục nhận lấy sức lực từ nguồn linh lực mà Chúa đã ban cho bạn. Nếu Ngài dập tắt những dòng suối phước hạnh của Ngài mà Ngài đã tuôn cho bạn thì bạn hãy bắt đầu thờ phượng Ngài.



108. TẤM LÒNG CỦA BẠN NHƯ THẾ NÀO (Thi 108:1-13)


“Kính lạy Đức Chúa Trời! Tấm lòng con rất kiên định. Con sẽ hát xướng ngợi khen Ngài”. Đa-vít đã bắt đầu Thi-thiên này bằng việc nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của một tấm lòng kiên định, tức là một tấm lòng “nguyên vẹn” của đời sống Cơ-đốc nhân.

Thế nào là một tấm lòng nguyên vẹn?

- Thứ nhất, đó là một tấm lòng biết tin cậy nơi Chúa để được cứu rỗi. Chúa Giê-xu đã chết thay cho chúng ta trên thập tự giá. Nếu chúng ta tin cậy Ngài thì hãy gởi gắm lòng mình nơi Ngài và sẽ kinh nghiệm được lòng thương xót của Ngài. “Sự thương xót của Ngài vĩ đại, bao la hơn các từng trời. Còn lẽ thật Ngài thì trải rộng đến các từng mây” (c.4).

- Một tấm lòng nguyên vẹn là một tấm lòng trung thành. Chúa Giê-xu dạy rằng chúng ta không được hầu việc hai chủ. Chúng ta sẽ yêu người này và ghét người kia, hoặc kính trọng người này và khinh dễ người kia. Chúng ta không thể hầu việc Đức Chúa Trời lẫn tiền tài – tức là, dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng không thể hầu việc Chúa cùng với bất cứ thứ gì khác (Mat 6:24). Vậy, một tấm lòng nguyên vẹn là tấm lòng biết kính mến Chúa và trung thành với Ngài là tấm lòng tận trung tận hiến cho riêng Chúa mà thôi.

Hôn nhân là một trong nhiều bức tranh nói về đời sống Cơ-đốc nhân được ghi nhận trong Thánh Kinh. Những ai tin nhận Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế là kết hôn với Ngài. Chúng ta đang đợi cái ngày mà Tân Lang trở lại đón nhận Tân Nương của Ngài thì chúng ta sẽ được bước vào quê hương yêu dấu của chúng ta trên trời. Do đó, chúng ta cần phải trung tín với Ngài. Chúng ta chớ nên phạm tội tà dâm tâm linh tức là đừng bất trung với Đấng Cứu Thế của chúng ta.

- Một tấm lòng trọn vẹn là một tấm lòng biết phục vụ. Nếu bạn có tấm lòng trọn vẹn, bạn sẽ rất bận rộn với công việc phục vụ người khác.Người nào biết đặt đức tin mình nơi Chúa thì người ấy ắt sẽ có tình yêu thương rộng mở mong muốn phục vụ người khác tức là đặt người khác lên phía trước chính mình.

- Cuối cùng, tấm lòng trọn vẹn còn là tấm lòng biết hy vọng. Chúng ta luôn mong đợi Chúa chúng ta trở lại. Khi bạn yêu thương và tin cậy ai đó, bạn sẽ mong đợi được chung sống với người ấy. Chúng ta hãy đợi và hy vọng ngày mà chúng ta sẽ được ở trong sự hiện diện của Chúa.

Tấm lòng của một con người thường thể hiện rất rõ tình trạng thuộc linh của người ấy. Một tấm lòng sắc son nguyên vẹn là tấm lòng luôn hoà nhịp với Chúa - tức là tấm lòng biết tin cậy, trung thành, biết phục vụ và hy vọng. Vậy, hiện giờ bạn có tấm lòng như thế nào?



109. THI-THIÊN (Thi 109:1-31)


1. Tại sao Đức Chúa Trời nín lặng? (Thi 109:1-13)

Bạn thường làm gì khi thiên đàng im vắng? Những lúc bạn kêu cầu Đức Chúa Trời nhưng không được Chúa nhậm lời hoặc bạn không nghe được câu trả lời nào cả? Điều này đã từng xảy ra với Đa-vít. Ông không ngớt kêu cầu Đức Chúa Trời: “Hỡi Đức Chúa Trời mà con hay ngợi khen! Xin Ngài chớ nín lặng mãi!” (c.1).

Đa-vít đang bị kẻ ác tấn công – là việc xảy ra thường xuyên trong cuộc đời ông. Bạn nên nhớ rằng khi Đa-vít cầu nguyện thì những lời cầu nguyện của ông chính là những lời phán xét (c.13). Ông đã không tìm kiếm sự báo trả tư thù. Không, ông đang cầu nguyện với tư cách là một vị vua của Đức Chúa Trời cai trị trên dân Y-sơ-ra-ên. Đa-vít muốn thấy kẻ ác bị xét xử bởi vì họ đã tấn công dân sự Chúa, là dân mà từ họ sẽ xuất hiện Lời Đức Chúa Trời và Con Trai Ngài.

Tại sao có nhiều lúc Đức Chúa Trời thường nín lặng? Có thể tại vì ấy là những lúc chúng ta không lắng nghe hoặc không muốn nghe tiếng Ngài. Giáo sĩ Billy Sunday từng nói rằng một tội nhân không muốn tìm gặp Chúa với lý do tương tự như lý do của một kẻ tội phạm không muốn tìm gặp một viên cảnh sát vậy, nghĩa là anh ta không đang tìm kiếm. Tội lỗi đã biến chúng ta thành kẻ điếc đối với Đức Chúa Trời. Khi A-đam và Ê-va nghe tiếng Chúa trong vườn Ê-đen, họ đã bỏ trốn. Con cái cũng thường làm như vậy khi chúng bất tuân với cha mẹ mình.

Đôi khi Chúa nín lặng vì lý do chúng ta không sẵn lòng đón nhận sứ điệp. Ngài muốn dạy dỗ chúng ta điều gì đó, nhưng chúng ta lại không sẵn lòng nghe. Chúng ta phải trải qua sự tôi luyện của thử thách thì chúng ta mới có thể sẵn lòng lắng nghe Ngài.

Thỉnh thoảng Chúa lại nín lặng bởi vì Ngài biết chúng ta không có thiện chí vâng lời. Ngài luôn sẵn sàng tỏ cho chúng ta biết ý muốn Ngài, nhưng Ngài chỉ bày tỏ ý muốn Ngài cho những ai thực sự muốn biết ý muốn ấy. Chúa Giê-xu đã phán dạy trong Gi 7:17 như sau: “Hễ ai muốn làm theo thánh ý Ngài, thì người ấy sẽ nhận biết đạo lý ta”. Những người vâng lời Chúa luôn luôn nghe được tiếng Chúa.

Cuối cùng, lắm lúc Chúa nín lặng bởi vì Ngài muốn thử thách chúng ta, tức Ngài muốn dạy chúng ta tầm quan trọng của sự yên lặng, là tầm quan trọng của sự tiếp tục trông đợi Chúa. Việc mong đợi sự giúp đỡ của Chúa sẽ nhắc nhở chúng ta nhớ đến sự tể trị của Ngài.

Sự nín lặng của Chúa là một trong những thử thách đức tin gay go. Bạn sẽ làm gì khi Ngài nín lặng? Hãy nhớ đến sự thành tín Chúa và những ơn phước mà Ngài đã ban cho bạn trong quá khứ. Ngày hôm nay, bạn hãy sống cậy trông vào những điều Ngài đã dạy dỗ bạn. Hãy tin Ngài và mong đợi Ngài. Bạn lại sẽ nghe được tiếng Ngài.


2. Hãy thận trọng khi gieo trồng (Thi 109:14-20)

Những gì bạn yêu thích thường quuyết định cách sống của bạn. Những gì hay làm chúng ta vui thích cũng thường đưa đường dẫn lối chúng ta. Đa-vít viết về kẻ thù mình rằng: “Vì chúng yêu thích sự rủa sả nên chúng đã bị rủa sả. Vì chúng không ưa chúc phước nên phước hạnh đã xa lìa chúng”.

Bạn yêu thích cái gì? Bạn lấy làm vui mừng về điều gì? Bạn sẽ phải gặt lấy những gì bạn đã gieo ra. Kẻ thù Đa-vít gieo trồng sự rủa sả, và chúng biết chúng sắp phải gặt hái một mùa vụ khốn khổ, bất hạnh. Chúng đang chạy trốn khỏi các phước hạnh của Chúa. Đa-vít biết rõ rằng khi kẻ thù ông đánh mất các ơn phước Chúa, thì chúng cũng sẽ đánh mất niềm vui và mục đích sống.

Chúng ta hãy hết sức cẩn thận trong việc nuôi dưỡng những ham muốn trong lòng chúng ta.

Chúng ta thường đạt được những gì mình yêu thích để rồi sau đó lấy làm hối tiếc. Nếu chúng ta tìm thấy sự vui thú khi gieo trồng tội lỗi, thì sẽ chẳng nhận được niềm vui nào trong mùa thu hoạch. Cơ-đốc nhân phải đổ nước mắt ra và phải lao nhọc trong mùa gieo trồng, nhưng họ sẽ nhận được niềm vui sướng trong mùa gặt hái. Còn những ai chỉ biết sống cho xác thịt, cho thế gian và hưởng lấy sự vui thú trong mùa gieo trồng thì người ấy sẽ phải gặt lấy gian truân, phải tuôn lệ trong mùa thu hoạch. Nếu bạn nhận lấy những điều bạn ham muốn trong cuộc sống thì ắt bạn phải trả giá cho những điều ấy.

Thật quan trọng biết bao đối với việc nuôi dưỡng những khao khát tâm linh – tức là sự khao khát Lời Chúa, khao khát cầu nguyện, khao khát được ở với dân sự Ngài, khao khát làm vui lòng Ngài thờ phượng và hầu việc Ngài!

Hãy nuôi dưỡng trong lòng mình khát khao có được đời sống thuộc linh tăng trưởng. Hãy dùng Lời Chúa và sự bước đi với Ngài nuôi dưỡng và kiểm soát hoài bão, khao khát ấy. Ngài dùng những khao khát của bạn nhằm đem lại phước hạnh cho bạn và cho nhiều người khác.


3. Ngợi khen trong sự bắt bớ (Thi 109:21-31)

Khi Đa-vít đang bị kẻ thù bắt bớ nguy cấp, ông đã viết Thi Thiên này. Giữa lúc kẻ thù đang rình mò bức hại ông thì ông lại đang cầu nguyện cho họ. Qua Thi-thiên này, ông đã thể hiện nhiều ý tưởng khá táo bạo. Ông kêu cầu Đức Chúa Trời hãy xét xử kẻ thù vì thói ăn nết ở của họ. Một lần nữa, bạn hãy ghi nhớ rằng Đa-vít không hề tìm kiếm sự báo trả tư thù. Ông đã vượt lên trên điều đó. Thay vì báo thù, ông đã cầu nguyện với Chúa với tư cách là một vị vua đã được xức dầu của Ngài, ông cầu nguyện cho các nhu cầu của các thần dân ông.

Tôi rất thích cách kết thúc của Thi 109:1-31 “Môi miệng con sẽ hết sức ca ngợi Chúa. Vâng, con sẽ ngợi khen Ngài giữa đoàn dân đông vì cớ Ngài đã đứng bên hữu những kẻ khốn cùng giải cứu họ thoát khỏi bọn người kết án họ” (c.30,31). Mặc dù Đa-vít đã trông thấy kẻ thù nghịch đang bố ráp ông, bắt bớ người nghèo và kẻ khốn cùng lại ưa thích sự rủa sả nhưng ông lại nói rằng “Tôi sẽ ngợi khen Chúa. Tôi sẽ không nhìn vào kẻ thù và bước đi bằng mắt thấy. Tôi sẽ bước đi bằng đức tin và ngợi khen Chúa”. Sự ngợi khen có thể làm thay đổi hoàn cảnh tiêu cực. Nó sẽ giúp chúng ta nhìn thấy Chúa rõ hơn và nó nâng tâm ta lên cùng Chúa khi thế gian quanh ta dường như quá rối rắm, khó khăn.

Đa-vít không chỉ ngợi khen Chúa mình còn làm chứng nhân cho Ngài nữa. “Con sẽ ngợi khen Chúa giữa đoàn dân” (c.30). Ý ông muốn nói thế này “Con sẽ đi nói cho nhiều người khác biết những gì Ngài đã làm cho con. Thay vì hướng lòng về phía kẻ thù, con sẽ đi ra chia Lời Chúa cho người khác”. Đó là một giải pháp hay để gặt hái chiến thắng. Thay vì thường xuyên nghĩ đến những vấn đề nan giải trong cuộc sống, chúng ta hãy đi ra nói cho nhiều người khác biết về Đấng sẽ giải quyết được mọi nan đề ấy.

Kế đó, Đa-vít đưa ra quyết định thứ ba, ông muốn nói rằng: “Tôi sẽ tin cậy nơi Đấng biện hộ của con ở trên trời”. Đức Chúa Trời đang đứng tại bên tay hữu của chúng ta (c.31). Còn Chúa Giê-xu Christ, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cao quý cũng là Đấng biện hộ của chúng ta hiện đang ngự bên tay hữu Đức Chúa Trời. Vì vậy, chúng ta đừng sợ hãi gì cả, và cũng đừng cay đắng nữa. Chúng ta hãy ngợi khen Chúa, và khi chúng ta nhận ra rằng Ngài đang ở tại bên tay hữu chúng ta, thì chúng ta ắt sẽ không dám tin cậy vào bất cứ ai khác hoặc bất cứ điều gì ngoại trừ Ngài.

Giữa lúc đang bị kẻ thù bao vây, nếu bạn tin cậy Chúa thì hãy bước đi bằng đức tin, không bằng mắt thấy. Có thể, hiện tại bạn đang lâm vào tình huống như vậy. Bạn hãy can đảm giữ vững ý chí của mình hãy rời mắt khỏi kẻ thù nghịch mình và bắt đầu ngợi khen Chúa. Điều ấy có thể làm thay đổi tình thế của bạn.



110. NGHE LÉN VỀ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (Thi 110:1-7)


Thường thì, thật chẳng lịch sự chút nào cả khi lắng nghe sự chuyện trò của người khác. Thế nhưng Thi-thiên 110, chúng ta lại được phép làm điều đó. Hãy nghe Đức Chúa Cha nói chuyện với Đức Chúa Con như sau: “Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngự tại bên tay hữu ta cho đến chừng ta đặt các kẻ thù nghịch Con muốn làm bệ chơn Con” (c.1).

Câu Thi-thiên này thường được trưng dẫn vào trong Tân-ước. Ý của câu muốn nói đến Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta đã trở về trời và ngự tại bên tay hữu của Thượng Đế uy nghi.

Cuộc trò chuyện này của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con đã nói với chúng ta điều gì?

- Thứ nhất, nó nói về sự uy nghi của Chúa chúng ta. Ngài đã trở về thiên đàng trong vinh hiển. Ngài từng cầu nguyện rằng: “Cha ơi! Bây giờ xin Cha làm vinh hiển Con và hãy tự làm vinh hiển Cha bằng sự vinh hiển của Con vốn có ở nơi Cha ngay cả trước khi thế gian này được dựng nên” (Gi 17:5).

Và Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện của Ngài. Đức Chúa Cha đã ban cho Đức Chúa Con sự oai nghi của Ngài. Hiện giờ, Đức Chúa Con là Vua, là Thầy tế Lễ trên thiên đàng. “Con sẽ là thầy tế lễ đời đời theo mạng lệnh của Mên-chi-xê-đéc” (c.4). Trong Thánh Kinh Cựu-ước, chúng ta thấy không hề có chỗ nào ghi nhận một thầy tế lễ nào đó đang ngự trên ngai vua ngoại trừ Chúa Giê-xu trong oai nghi của Ngài, vừa là Vua lại vừa là Thầy tế lễ của chúng ta. Là Vua chúng ta, Ngài thường dạy bảo chúng ta điều phải làm. Là Thầy tế lễ chúng ta, Ngài luôn ban cho chúng ta sức lực để thực hiện những điều ấy.

- Thứ hai, Thi 110:1-7 nói về sự chiến thắng Chúa là Đấng đã thắng trận. “Hãy ngự bên tay hữu ta đến chừng ta đặt các kẻ thù nghịch Con làm bệ chơn Con” (c.1) Chúa cũng sẽ làm điều ấy đối với bạn. Chúa Cứu Thế chúng ta luôn chiến thắng. Ngài đánh bại mọi trận chiến. Ngài là Đấng chiến thắng là Vua các vua, là Chúa các chúa. Vì vậy, chúng ta không phải sợ hãi điều gì cả.

- Thứ ba, Thi-thiên này còn nói về công tác của Chúa. Hầu hết những ai làm vua ngự trên ngai đều có nhiều kẻ hầu người hạ. Nhưng đối với Chúa Giê-xu thì không.Ngài luôn phục vụ chúng ta.

Cuối cùng, tác giả Thi-thiên nói về sự an ninh của chúng ta. “Ngài hằng sống để cầu thay” cho chúng ta (He 7:25). Hễ Ngài còn sống chừng nào, thì chúng ta cũng sẽ sống chừng nấy – tức là sống mãi mãi, đời đời.

Bởi vì Đấng Christ là Vua các vua, cho nên Ngài đã thắng trận. Ngài đánh bại tội lỗi và sự chết. Bởi vì Ngài làThầy tế lễ Thượng phẩm của chúng ta, nên Ngài luôn cầu thay cho chúng ta khiến chúng ta được an khương.Bạn có nhận biết Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế của bạn không? Ngài có phải là Vua và là Thầy tế lễ Thượng phẩm của bạn chăng?



111. SỰ KHÔN NGOAN THẬT (Thi 111:1-10)


Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy dẫy sự tri thức nhưng lại thiếu sự khôn ngoan trầm trọng. Những người được gọi là khôn lanh thì lại làm những điều dại dột. Đa-vít đã tiết lộ cho chúng ta biết bí quyết để có sự khôn ngoan và hiểu biết trong Thi-thiên 111. “Kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu của sự khôn ngoan. Người nào làm theo các mạng lệnh Ngài thì sẽ có sự hiểu biết uyên thâm. Sự ngợi khen Ngài còn đến đời đời” (c.10).

Ở đây, chúng ta học được 3 bí quyết để có sự khôn ngoan là những bí quyết mà chúng ta không cần phải đi đâu cho xa mới học hỏi được.

- Thứ nhất, hãy kính sợ Chúa. “Kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu của sự khôn ngoan”. Đây không phải là sự sợ hãi của một tên đầy tớ trước ông chủ đang trong cơn giận dữ. Đây là sự kính trọng quý mến của một người con ngoan đối với Người Cha yêu thương của mình – tức là tỏ lòng tôn kính đối với Chúa, đối với Lời Ngài đối với sự hiện diện và ý muốn của Ngài trên đời sống chúng ta.

- Thứ hai, hãy vâng lời Ngài. “Người nào làm theo các mạng lệnh Ngài thì sẽ có sự hiểu biết uyên thâm”. Chúa ban Lời Ngài cho chúng ta không phải chỉ để cho chúng ta học mà thôi nhưng cốt yếu là để cho chúng vâng theo. Chúng ta hãy làm những người thực hiện Lời Chúa, chớ đừng chỉ làm thính giả ngồi trong phòng lắng nghe và ghi chép mà thôi. Nếu chúng ta vâng Lời Chúa, chúng ta sẽ bắt đầu nhận biết được những gì Ngài đang làm. Sự vâng lời chính là nét biểu hiện của sự sâu nhiệm thuộc linh.

- Thứ ba, hãy ngợi khen Ngài. “Sự ngợi khen Ngài còn đến đời đời”. Việc ngợi khen sẽ loại bỏ tính ích kỷ ra khỏi đời sống chúng ta, giúp chúng ta tránh xa khỏi sự tôn thờ thần tượng, khỏi nếp sống bám vào những sự giả tạo.

Càng kính sợ Chúa, chúng ta lại càng vâng lời Ngài hơn.Càng vâng lời Ngài, chúng ta lại càng ngợi khen Ngài nhiều hơn. Đây chính là những yếu tố góp phần xây dựng một cuộc sống thành công và hạnh phúc.

Sự khôn ngoan đời này được thiết lập trên những nền tảng sai lầm, khiếm khuyết. Sự khôn ngoan thật bắt đầu bằng sự kính sợ Đức Chúa Trời.Bạn càng vâng lời Chúa và ca ngợi Ngài thì sự khôn ngoan của bạn càng thêm.Ngày hôm nay, khi nào bạn bước đi với Chúa thì hãy bước đi cùng với sự khôn ngoan là sự đến từ việc kính sợ Ngài.



112. NỖI SỢ CHÍNH ĐÁNG (Thi 112:1-10)


Các nhà tâm thần học gọi nỗi sợ những điều gì đó là sự sợ hãi khác thường. Có nhiều người sợ độ cao (chứng sợ nơi cao), lại có nhiều người sợ những nơi bịt bùng (chứng sợ những chỗ kín mít). Cũng có những người sợ nước, sợ chó, thậm chí sợ cả người khác. Nhưng, có một nỗi sợ đánh lui tất cả những nỗi sợ kia, đó là nỗi sợ mà chúng ta sẽ tìm thấy được trong Thi 112:1-10. “Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va! Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, hết lòng ưa thích các mạng lệnh Ngài” (c.1).

Nếu như chúng ta kính sợ Chúa chúng ta sẽ không còn sợ hãi bất kỳ điều gì khác.

Chúng ta sẽ không phải lo sợ về vấn đề gia đình. “Con cháu người sẽ trở nên hùng cường trên đất. Dòng dõi của người sống ngay thẳng sẽ được phước” (c.2). Hãy giao phó con cháu bạn cho Ngài thì bạn sẽ không còn phải lo lắng về sự sống của chúng nữa.

Kính sợ Chúa sẽ loại bỏ được nỗi lo sợ về vấn đề tài chánh. “Của cải và sự giàu có đều ở trong nhà người” (c.3). Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ trở thành những triệu phú nhưng ý muốn nói rằng chúng ta sẽ luôn có những gì chúng ta cần. Nếu chúng ta kính sợ Chúa, chúng ta sẽ không còn lo sợ về vấn đề tài chánh nữa.

Đối với một số người sợ hãi bóng đêm. “Ánh sáng sẽ soi nơi tối tăm cho người sống ngay thẳng” (c.4). Nếu bạn kính sợ Chúa, bạn sẽ luôn luôn nhận được ánh sáng khi bạn cần đến. Bạn sẽ được Chúa dẫn dắt, chỉ đường.

Còn đối với một số người lo sợ cho tương lai và hoảng sợ đối với những sự thay đổi. “Chắc chắn, người sẽ không bao giờ bị nao núng, người công bình sẽ được lưu danh hậu thế đời đời” (c.6). Ở đây, ý Chúa muốn nói rằng: “Đừng sợ hãi những đổi thay đang diễn ra quanh con hoặc ở ngay trong lòng con. Ta là Đức Chúa Trời của cả vũ trụ này. Hãy kính sợ ta thì ta sẽ chịu trách nhiệm với những đổi thay ấy”

Cuối cùng, đối với một số người kinh hãi khi nhận được tin dữ: “Người sẽ không sợ hãi những cơn thủy triều hung dữ. Lòng người luôn vững vàng, và đặt niềm tin cậy nơi Chúa” (c.7). Sẽ không có tin tức nào là xấu cả nếu như bạn thường xuyên bước đi trong ý muốn Chúa.

Khi bạn kính sợ Chúa thì mọi nỗi sợ khác đều sẽ bị đánh bại. Ngày hôm nay, bạn hãy cùng tương lai mình bước đi trong sự kính sợ Chúa và tin cậy nơi Ngài. Ngài sẽ ban bình an cho bạn.



113. TRÁCH NHIỆM NGỢI KHEN (Thi 113:1-9)


“Đáng chúc tụng danh Đức Giê-hô-va từ bây giờ cho đến đời đời! Từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn, khá ngợi khen danh Ngài!” (c.2,3).

Những câu này dạy chúng ta rằng chúng ta cần có một số trách nhiệm.

- Thứ nhất, chúng ta phải ngợi khen Chúa.

Thật tệ hại khi chúng ta quên ngợi khen Ngài. Có người cho rằng anh ta cảm thấy thật đáng tiếc cho những kẻ vô thần và người theo chủ nghĩa hoài nghi vì khi họ muốn cảm ơn, nhưng họ chẳng có ai để nói cả. Một người nào đó làm sao có thể thực lòng thưởng thức được cảnh bình minh hoặc cảnh hoàng hôn đẹp đẽ, làm sao có thể thưởng ngoạn được cảnh một ngày mùa xuân tươi đẹp hoặc khung cảnh ngày đông quyến rũ, một khi người ấy không thể cảm ơn Đấng đã tạo dựng nên mọi thứ ấy? Chúa rất xứng đáng để chúng ta ngợi khen vì Ngài đã làm rất nhiều điều cho chúng ta.

Tác giả Thi-thiên còn dạy chúng ta hãy ngợi khen Chúa cả ngày. “Từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn, khá ngợi khen Ngài” (c.3).

Hãy ngợi khen Chúa vào lúc bạn phải thức dậy vào buổi sáng. Hãy ngợi khen vào cuối ngày khi bạn đã mệt mỏi. Hãy ngợi khen Ngài suốt cả ngày vì những điều tốt lành đã xảy ra và vì những sự gian nan đã ập đến. Hãy tạ ơn Ngài vì Ngài đã giúp bạn vượt qua mọi hoàn cảnh.

- Chúng ta cũng hãy ngợi khen Chúa trên khắp thế giới này như sự ngụ ý của tác giả Thi-thiên về hình ảnh mặt trời mỗi ngày đi từ phương đông đến phương tây. Chúng ta sẽ làm gì đối với những người chưa biết Chúa, là những người chưa bao giờ nghe về Chúa Giê-xu Christ và sự cứu rỗi của Ngài? Chúng ta hãy bắt đầu làm chứng cho họ ngay tại nơi chúng ta cư ngụ. Chúng ta hãy cầu nguyện và ban cho. Những nhà truyền giáo đang cần sự ủng hộ, giúp đỡ của chúng ta. Có lẽ Chúa muốn bạn đi ra và mang sứ điệp Tin Lành đến cho người ngoại.

Đức Chúa Trời đã gắn liền trách nhiệm với đặc ân được ngợi khen Chúa của bạn. Bạn không bao giờ hết lý do để ngợi khen Chúa. Bạn hãy ngợi khen Chúa trọn cả ngày và hãy góp phần khiến cả thế giới cùng ngợi khen Ngài. Trong bước đi với Chúa mỗi ngày, bạn có thể hiện sự ngợi khen Ngài không?



114. NHỮNG TRỞ NGẠI TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH (Thi 114:1-4)


Có bao giờ bạn nhìn thấy biển chạy trốn chưa? Và có bao giờ bạn nhìn thấy núi non nô giỡn như những chiên đực và các ngọn đồi nhảy nhót tung tăng tựa các chiên con chưa? Đó là sự mô tả sống động của tác giả Thi-thiên về việc xuất khỏi Ê-díp-tô của dân Y-sơ-ra-ên.

“Biển nhìn thấy điều ấy liền chạy trốn, còn sông Giô-đanh thì chảy ngược trở lại. Núi non nhảy nhót tung tăng như những chiên đực, còn các ngọn đồi thì tựa những chiên con… Hỡi cả trái đất hãy run rẩy trước sự hiện diện của Đức Giê-hô-va là trước mặt Đức Chúa Trời của Gia-cốp, là Đấng đã biến vầng đá thành vũng nước, hoá đá cứng thành nguồn nước” (c.3,4,7,8).

Tác giả Thi-thiên đề cập đến thời điểm Đức Chúa Trời rẽ Biển Đỏ và đưa dân Y-sơ-ra-ên đi băng ngang qua một vùng đất cằn khô. Ông đang bàn về thời gian dân sự Chúa đã đi trên đáy sông Giô-đanh khô ráo để vượt qua sông bước vào miền Đất Hứa. Sau đó, ông nói đến những từng trải của họ trong đồng vắng, ấy là khi họ khát nước và Đức Chúa Trời đã biến tảng đá thành một vũng nước cho họ.

Chúng ta sẽ học được gì từ tất cả những từng trải này? Ấy là Đức Chúa Trời luôn cứu giúp chúng ta khi chúng ta gặp trở ngại trong cuộc sống. Nếu bạn biết giao phó những trở ngại của bạn cho Chúa, thì Ngài sẽ hành động. Vậy, Ngài làm gì? Ngài sẽ đập tan mọi trở ngại, Ngài luôn ở cùng chúng ta trong những tình thế chúng ta tuyệt vọng. Dân Y-sơ-ra-ên đã từng hết sức tuyệt vọng tại Biển Đỏ! Binh lính kẻ thù đang ở phía sau họ. Quanh bốn bề họ chỉ có đồng hoang. Còn phía trước họ lại là biển cả. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã mở một con đường cho họ trốn thoát.

Có lúc, Đức Chúa Trời di dời các trở ngại - “những ngọn đồi” và là “những núi non”. Ngài sẽ khiến chúng nhảy nhót và bỏ chạy như những con thú.

Ngài còn có thể biến những trở ngại thành những phước hạnh. Ngài “biến tảng đá thành vũng nước, hóa đá cứng thành nguồn nước” (c.8).

Nếu Đức Chúa Trời không đập tan hoặc di dời những trở ngại của bạn, thì hãy để Ngài biến chúng thành phước hạnh cho bạn.

Hãy giao phó những trở ngại của bạn cho Đức Chúa Trời. Ngài có thể cứu giúp bạn trong hoàn cảnh tuyệt vọng, tại những nơi cao và ở trong các tình thế nan giải.



115. THI-THIÊN (Thi 115:1-18)


1. Sự thờ phượng vô ích (Thi 115:1-8)

Thi 115:1-18 nói cho chúng ta biết những phước hạnh mà chúng ta sẽ nhận được vì cớ Chúa chúng ta là Đức Chúa Trời Hằng Sống. Ngài không phải là một trong “những hình tượng của dân sự”. “Hình tượng của họ được làm bằng bạc và vàng, là sản phẩm do tay người làm ra” (c.4). Đối với ngày hôm nay, điều này cũng thật đúng biết bao. Có rất nhiều người tôn thờ vàng bạc như thần tượng của họ. Họ cho rằng tiền tài có thể giải quyết đựơc mọi thứ. Chúng ta cần tiền bạc để làm những công việc thiết thực trong cuộc sống. Nhưng những thứ mà tiền bạc có thể mua được tốt đến đâu nếu bạn không có những thứ mà tiền bạc không thể mua được?

Tác giả Thi-thiên miêu tả những hình tượng và sự vô ích của việc thờ cúng chúng. “hình tượng có miệng nhưng không nói năng gì được (không có hứa phán gì) có mắt nhưng chẳng thấy được (chẳng bảo vệ được) có tai nhưng không nghe được (không nghe được lời nguyện), có mũi nhưng chẳng ngửi được (chẳng cảm nhận được sự ngợi khen), có tay nhưng không cử động được (không có quyền năng) có chân nhưng chẳng bước đi được (không có sự hiện hữu) có cổ họng nhưng không thốt nên lời được. Những kẻ này chế tác nên hình tượng và tin cậy nơi chúng thì đều giống chúng” (c.5-8).

Còn Đức Chúa Trời chúng ta thì chẳng hề như vậy. Cơ-đốc nhân có những lời phán hứa của Chúa tức là Chúa chúng ta dạy bảo chúng ta. Chúng ta có sự bảo vệ bởi vì Ngài nhìn thấy tất cả mọi sự đang diễn ra. Chúng ta có sự cầu nguyện bởi vì tai Ngài luôn mở ra để nghe chúng ta. Chúng ta có thể ngợi khen Ngài (trong Thánh Kinh việc Đức Chúa Trời ngửi lấy mùi thơm từ của lễ hiến sinh là biểu hiện cho việc Chúa chấp nhận sự ngợi khen Ngài của chúng ta). Chúng ta có quyền năng bởi vì Chúa chúng ta có bàn tay quyền năng tuyệt đối.

Chúng ta sẽ trở nên giống vị thần mà chúng ta thờ phượng. Kẻ nào thờ cúng bạc vàng thì sẽ trở nên giống như chúng nghĩa là không có hơi thở, không có sinh khí và không có tình người. Có rất nhiều người hiện nay đang tạo ra một vị thần linh do trí tưởng tượng của chính họ. Còn Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên chúng ta theo hình ảnh Ngài, và Ngài muốn chúng ta có một đức tin hành động trong Ngài.

Cơ-đốc nhân cần có một đức tin sống động để phục vụ, hầu việc Đức Chúa Trời Hằng Sống. Bạn cần đọc Lời Chúa thường xuyên, tương giao với Ngài mật thiết hơn và ngợi khen Ngài nhiều hơn thì bạn sẽ ngày càng trở nên giống Ngài. Bạn sẽ có lời hứa phán, sự bảo vệ, lời cầu nguyện quyền năng của Ngài.


2. Đức tin chết (Thi 115:9-18)

Cách đây nhiều năm, có một giáo thuyết chủ trương rằng “Đức Chúa Trời đã chết”

Tuy nhiên, Ngài vẫn luôn sống như Thi-thiên 115 đã nói: “Đức Chúa Trời của chúng con đang trên thiên đàng. Ngài thường làm bất cứ điều gì Ngài thích” (c.3). Đối với dân sự, vấn đề không phải là Đức Chúa Trời đã chết mà là đức tin của họ đã chết. Họ không có đức tin sống nơi Đức Chúa Trời Hằng Sống.

Tác giả Thi-thiên nói chuyện với ba nhóm người trong đoạn sách này.

- Thứ nhất, ông nói với dân sự Chúa: “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, Ngài là sự tiếp trợ và là cái khiên của họ” (c.9). Kế đó, ông nói với những thầy tế lễ: “Hỡi nhà A-rôn! Hãy nhờ cậy nơi Đức Giê-hô-va! Ngài là sự tiếp trợ và là cái khiên của họ” (c.10). Tiếp tục, ông nói với tất cả những kẻ tin nhận Chúa: “Hỡi tất cả những người kính sợ Đức Giê-hô-va! Hãy tin cậy Ngài, Ngài là sự tiếp trợ và là cái khiên của họ” (c.11)

Nếu chúng ta muốn lập mối tương giao với Chúa, muốn được Ngài là Đức Chúa Trời Hằng Sống cùng với những quyền năng và phước hạnh sống động ở với chúng ta thì trước hết, chúng ta phải tin cậy Ngài. Tức là hãy nương nơi Ngài, tin rằng những điều Ngài nói là đúng và là sự thật, rằng Ngài không hề nói dối. Nghĩa là, chúng ta hãy tin điều Chúa đang làm là điều tốt nhất chúng ta. Ngài là sự tiếp trợ của chúng ta. Ngài là Cái Khiên, là sự Sắm Sẵn, là sự Bảo Vệ, và là sự An Ninh của chúng ta. Ngài cũng là sự Dư Dật của chúng ta.

- Thứ hai, chúng ta phải kính sợ Ngài. “Ngài sẽ ban phước cho những ai kính sợ Đức Giê-hô-va, kể cả kẻ lớn người nhỏ đều cũng vậy” (c.13). Phước hạnh Ngài ban cho là phước hạnh tốt nhất. Kính sợ Chúa có nghĩa là bày tỏ lòng tin thờ Ngài, kính mến Ngài mỗi khi nghe Ngài phán dạy và hành động. Kính sợ Chúa còn có nghĩa là phải có một tấm lòng không thử Ngài.

- Thứ ba, chúng ta phải chúc tụng tôn vinh Ngài. “Nhưng, chúng con sẽ chúc tụng Đức Giê-hô-va từ bây giờ cho đến đời đời” (c.18). Chúng ta thường cầu xin Đức Chúa Trời ban phước cho chúng ta, còn tác giả Thi-thiên thì lại bảo rằng: “Chúng ta hãy chúc tụng Chúa”.

Nếu bạn kính sợ Đức Chúa Trời, tin cậy Ngài và được nếm trải những phước hạnh mà Ngài đã ban cho bạn, thì bạn sẽ không thể không chúc tụng Ngài. Nếu mối tương giao của bạn với Chúa được trở nên như vậy thì bạn ắt sẽ ngợi khen Ngài từ bây giờ cho đến đời đời .



116. THI-THIÊN (Thi 116:1-19)


1. Được giải cứu rồi! (Thi 116:1-11)

Tác giả viết nên Thi 116:1-19 chắc chắn đã trải qua những từng trải khó khăn lắm và để lại cho chúng ta những câu Thi Thiên này. Thật ra, ông đã gần chết. Nhưng Đức Chúa Trời có nghe tiếng kêu nài của ông nên đã giải cứu ông, và đó chính là lý do tại sao ông viết: “Tôi yêu mến Đức Giê-hô-va bởi vì Ngài nghe tiếng tôi và nghe lời khẩn cầu của tôi… Bởi vì Ngài có nghiêng tai nghe tôi”.

Chúng ta hãy hình dung ra hình ảnh Đức Chúa Trời đang nghiêng người thấp xuống thật gần người con bé mọn của Ngài để có thể nghe được tiếng của người con ấy. Đôi khi vì lý do lỗ tai tôi không được thính lắm nên tôi đã phải đến sát những người đang trò chuyện với tôi để nghe cho rõ. Đức Chúa Trời nghe tiếng chúng ta rất rõ như Ngài vẫn thường nghe, thế nhưng Ngài luôn đến gần chúng ta – không phải để nghe chúng ta cho rõ hơn nhưng là để cứu giúp chúng ta.

Tác giả Thi-thiên thuật lại cho chúng ta biết rằng: “Tôi lâm vào cảnh khốn cùng, Chúa bèn cứu giúp tôi” (c.6). Chúa thường xuất hiện nơi chúng ta đang ở để giải cứu chúng ta và khiến chúng ta trở nên những người theo ý Chúa muốn. “Chúa đã giải cứu linh hồn tôi khỏi sự chết khiến mắt tôi không còn phải tuôn lệ nữa và làm cho chân tôi khỏi vấp ngã” (c.8).

Tác giả Thi-thiên đã khám phá ra ân điển của Đức Chúa Trời như sau: “Đức Giê-hô-va hay làm ơn và rất công bình. Thật vậy, Ngài là Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót của chúng ta. Ngài thường bảo hộ người thật thà; Khi tôi gặp cảnh khốn cùng, Ngài bèn cứu giúp tôi” (c.5,6). Đức Chúa Trời đã giải cứu tác giả thoát khỏi sự chết và làm cho ông không còn phải đổ lệ nữa. Ngài bổ lại sức lực cho ông và dẫn dắt bước chân ông đi để ông không bị trượt ngã nữa.


Đối với chúng ta cũng vậy, chúng ta nhận được trọn vẹn sự cứu giúp này nhờ bởi Đức Chúa Giê-xu Christ. Ngài là nguồn ân điển và là sự thương xót. Tác giả Thi-thiên từng nói rằng “Cực hình của sự chết áp hãm tôi” (c.3), thế nhưng ông đã không chết mất về đời sống tâm linh. Chính Chúa Giê-xu đã chết thế cho ông rồi.


Ngày hôm nay, bạn có cần sự giải cứu của Đức Chúa Trời không? Hãy vui mừng rằng Chúa luôn lắng nghe và cứu giúp bạn. Bạn hãy nhận tất cả mọi nhu cầu đời sống mà bạn cần từ bàn tay khoan dung độ lượng của Ngài.Ngài là Đấng hay làm ơn và đầy lòng thương xót.

Hãy cầu khẩn danh Ngài thì Ngài sẽ giải cứu bạn.


2. Sự chết quý báu (Thi 116:12-19)

Có một số người thực sự muốn nói đến sự chết. Thế nhưng, Thi 116:15 lại bảo rằng: “Cái chết của các thánh nhân của Đức Giê-hô-va trong sự hiện diện của Ngài thật là quý báu thay!” Câu này rất thường bị người ta hiểu lầm. Vì vậy, chúng ta hãy xem xét nó thử xem nó có ý nghĩa gì đối với đời sống chúng ta ngày nay.

Sự chết chính là hình phạt của tội lỗi. Còn Đức Chúa Trời là Đấng tạo nên sự sống. Khi Ngài mới thực hiện sự sáng tạo nguyên sơ của Ngài, thì lúc ấy chưa có sự chết. Thế nhưng, khi loài người phạm tội liền xuất hiện sự chết. Hiện giờ, sự chết đang cầm quyền như một vị vua. “Theo như đã định cho loài người đều phải chết một lần và sau đó chịu phán xét” (He 9:27).

Chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ không lấy làm vui thích gì khi những người không được cứu bị chết, bởi vì Ngài biết họ sẽ phải đi đến một nơi không có Đấng Christ, là nơi chỉ có sự tối tăm đời đời bất tận mà thôi (Exe 18:23). Ngài cũng chẳng lấy làm sướng ích gì khi chính dân sự của Ngài phải chết. Đức Chúa Giê-xu đã đứng chỗ mộ phần của La-xa-rơ và khóc cho người (Gi 11:35).

Sự chết của con cái Đức Chúa Trời có giá trị vô cùng quý báu đối với Ngài vì đó không phải là sự tình cờ. Tác giả Thi-thiên từng bị lâm vào cảnh khốn cùng suýt chết. “Cực hình của sự chết vây hãm tôi. Sự đớn đau về địa ngục trói buộc tôi. Tôi vướng vào trong gian truân với bao sầu đau” (Thi 116:3). Ông ta sắp chết, liền kêu cầu Chúa và được Ngài đáp lời. “Đối với ta, sự chết của con thật quý hóa thay. Ta sẽ không để cho con chết một cách tình cờ đâu!”. Sự chết của những ai đi về quê hương trên trời để được ở với Chúa thảy đều không phải là chuyện tình cờ – mà là việc đã được Ngài chỉ định. Chúng ta sẽ sống mãi cho đến khi công việc của chúng ta đã được hoàn thành. Đối với tôi, đó là một điều khích lệ thực sự. Chúng ta sẽ có thể gặp rất nhiều nguy hiểm trong thế gian này. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời luôn muốn bảo chúng ta rằng: “Sự chết của các con quá quý báu cho ta để cho phép nó xảy ra”. Sự chết dành cho người tin nhận Chúa là điều hết sức có giá trị bởi vì Chúa Giê-xu đã mang lấy tội lỗi chúng ta trên thập tự giá để ban cho chúng ta sự sống đời đời.

Cả sự sống lẫn sự chết của bạn đều không phải là chuyện tình cờ. Có một sự thật sẽ khích lệ bạn, đó là Đức Chúa Trời luôn biết rõ từng chi tiết về cuộc đời bạn ngay cả trước khi bạn chưa được sinh ra. Bạn luôn có công việc để làm cho Chúa, và chỉ khi nào công việc ấy được hoàn tất thì Ngài sẽ đem bạn về ở với chính Ngài.



bottom of page