top of page
Hung Tran
Jun 18, 2024
Chúng ta hãy trông chờ Giê-ru-sa-lem mới là thủ đô cho cả vũ trụ đến đời đời...
Nhìn xem Si-ôn thánh, ngai của Vua công bình,
Chỗ họp các nước sau khi định phân nghiêm chỉnh,
Là Si-ôn công nghĩa trên núi cao hơn đồi,
Nơi lập pháp cho muôn dân phục hồi tươi mới.
***
Nhìn xem Si-ôn cũ, trong ánh quang khôi phục,
Chỗ dự các lễ cho thiên hạ trong vương quốc;
Hợp ca trong đêm thánh, dân Chúa vui vô hạn,
Khi Vầng Đá của Y-sơ-ra-ên phơi sáng.
***
Bình an Si-ôn lớn, như nước con sông rộng,
Giúp mọi nước hưởng vinh quang hoàng kim vô đối,
Thi quan ai trông thấy, xương cốt nên khang kiện,
Trong lòng quá vui, trông mong dự phần vinh hiển.
***
Tại Si-ôn yêu dấu danh Chúa rao theo lệ,
Chỗ lời sống phát phân cho mọi dân xem lễ,
Người trông Quân Vương đến, van khẩn cho nơi nầy,
Yêu bụi đất Si-ôn, mong chờ đạp lên ấy.
• Ê-sai 33:20: “Hãy nhìn xem Si-ôn, là thành của các kỳ lễ trọng thể chúng ta! Mắt ngươi sẽ thấy Giê-ru-sa-lem, là chỗ ở yên lặng, là trại sẽ không dời đi nữa, các nọc nó chẳng hề nhổ lên, chẳng có một cái dây nào đứt!”
• Sáng 14:18-19: “Mên-chi-xê-đéc, vua Sa-lem, sai đem bánh và rượu ra. Vả, vua nầy là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao, chúc phước cho Áp-ram và nói rằng: Nguyện Đức Chúa Trời Chí Cao, là Đấng dựng nên trời và đất, ban phước cho Áp-ram!”
• Các Quan-xét 1:7-8: “Bấy giờ, A-đô-ni-Bê-xéc nói rằng: Có bảy mươi vua bị chặt ngón cái của tay và chân, lượm vật chi rớt dưới bàn ta. Điều ta đã làm, Đức Chúa Trời lại báo ứng ta. Người ta dẫn vua đến Giê-ru-sa-lem, và người chết tại đó. Người Giu-đa hãm đánh thành Giê-ru-sa-lem và chiếm lấy, dùng lưỡi gươm giết dân cư, và phóng hỏa thành.”
• Các Quan-xét 19:11-12: “Khi hai người đến gần Giê-bu, ngày đã xế nhiều rồi. Kẻ tôi tớ thưa cùng chủ rằng: Hè, chúng ta hãy xây qua đặng vào trong thành dân Giê-bu nầy, và ngủ đêm tại đó. Chủ đáp rằng: Chúng ta không vào trong một thành kẻ ngoại bang, là nơi chẳng có người Y-sơ-ra-ên; chúng ta sẽ đi đến Ghi-bê-a.”
• II Sa-mu-ên 5:6-7, 13: “Vua và các thủ hạ kéo đến Giê-ru-sa-lem, đánh dân Giê-bu-sít, vốn ở tại xứ nầy. Chúng nó nói cùng Đa-vít rằng: Ngươi chớ vào đây: những kẻ đui và què, đủ mà xô đuổi người đi! - Nghĩa là muốn nói: Đa-vít sẽ không vào đây được. Nhưng Đa-vít hãm lấy đồn Si-ôn: ấy là thành Đa-vít. Sau khi Đa-vít từ Hếp-rôn đến, thì còn cưới thêm những hầu và vợ ở Giê-ru-sa-lem.”
• Ê-xơ-ra 1:11; 3:1: “Khi những người bị bắt làm phu tù ở Ba-by-lôn được dẫn về Giê-ru-sa-lem, thì Sết-ba-xa đem lên luôn hết thảy vật ấy. Đến tháng bảy, khi dân Y-sơ-ra-ên đã ở trong bổn thành mình rồi, thì dân sự hiệp lại như một người ở tại Giê-ru-sa-lem.”
• Ma-thi-ơ 2:1: “Vả, khi Jêsus đã sanh tại Bết-lê-hem thuộc Giu-đê đương đời vua Hê-rốt, có mấy bác sĩ từ Đông phương đến Giê-ru-sa-lem.”
• Ma-thi-ơ 5:34-35: “Chớ thề chi hết: ..đừng chỉ Giê-ru-sa-lem, vì là thành của Vua lớn.”
• Ê-sai 2:2-3: “Sẽ xảy ra trong những ngày sau rốt, núi của nhà Đức Giê-hô-va sẽ được lập vững trên đỉnh các núi, cao hơn các đồi. Mọi nước sẽ đổ về đó, và nhiều dân tộc sẽ đến mà nói rằng: Hãy đến; chúng ta hãy lên núi Đức Giê-hô-va, nơi nhà Đức Chúa Trời của Gia-cốp: Ngài sẽ dạy chúng ta về đường lối Ngài, chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài. Vì luật pháp sẽ ra từ Si-ôn, lời Đức Giê-hô-va sẽ ra từ Giê-ru-sa-lem.”
• Ê-sai 60:1-3: “Hãy dấy lên, và sáng lòe ra! Vì sự sáng ngươi đã đến, và vinh quang Đức Giê-hô-va đã mọc lên trên ngươi. Nầy, sự tối tăm vây phủ đất, sự u ám bao bọc các dân; song Đức Giê-hô-va dấy lên trên ngươi, vinh quang Ngài tỏ rạng trên ngươi. Các dân tộc sẽ đến nơi sự sáng ngươi, các vua sẽ đến nơi sự chói sáng đã mọc lên trên ngươi.”
• Ga-la-ti 4:25-26: “Vả, A-ga đây, tức là núi Si-na-i trong Ai-cập, chỉ về Giê-ru-sa-lem bây giờ, vì thành đó với con cái mình đều bị ở dưới ách tôi mọi. Nhưng Giê-ru-sa-lem ở trên là tự chủ, và là mẹ của chúng ta.”
Đọc...
...qua các câu Kinh thánh trên đây, chúng ta thấy từng thời đại, Đức Thánh Linh mặc khải về Giê-ru-sa-lem càng lúc càng sáng tỏ hơn cho chúng ta.
1. Thời Các Tổ Phụ:
• Hê-bơ-rơ 7:1-3 chép “Vả, Mên-chi-xê-đéc đó là vua của Sa-lem, thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao, đã đón Áp-ra-ham khi ông ấy đánh giết các vua trở về, mà chúc phước cho. Áp-ra-ham cũng lấy một phần mười về mọi vật mình đã thâu được mà chia cho vua. Theo sự dịch giải thì tên vua ấy trước nhứt là Vua sự công nghĩa, lại là Vua Sa-lem, tức là Vua bình an. Người không cha, không mẹ, không gia phổ, không có ngày sanh thỉ, cũng không có ngày mạng chung, bèn là giống như Con Đức Chúa Trời, cứ làm thầy tế lễ mãi mãi.”
Chúng ta không biết nhiều về nhân vật Mên-chi-xê-đéc. Qua ông chúng ta thấy Sa-lem là thủ đô trong vương quốc huyền bí của ông.
2. Thời Chinh Phục Đất Hứa:
Chi phái Giu-đa đã chiếm thành Sa-lem, nhưng người Bên-gia-min không đủ sức định cư trong đó, nên vào thời Các Quan-xét, Sa-lem, cũng được gọi là Giê-bu, đã trở nên: “một thành kẻ ngoại bang, là nơi chẳng có người Y-sơ-ra-ên.”
3. Thời Các Vua:
Đa-vít và quân đội ông từ Hếp-rôn kéo lên bao vây đồn Si-ôn tnên núi Si-ôn và chiếm nó. Đa-vít xây Si-ôn thành trung tâm hành chánh của quốc gia Y-sơ-ra-ên. Ông cũng xây cung điện ông tại Si-ôn. Chúng ta thấy các tác giả Kinh thánh dùng hoán đổi giữa chữ “Giê-ru-sa-lem” và “Si-ôn”.
Từ thời Vua Đa-vít, Giê-ru-sa-lem, thành phố nói chung, và Si-ôn là cơ quan hành chánh quốc gia, đã trở thành thủ đô của quốc gia Y-sơ-ra-ên cho đến ngày họ bị lưu dày, vong quốc vào khoảng năm 587 T.C.
4. Thời Hồi Hương.
Sau khi hồi hương về đất thánh, Y-sơ-ra-ên tái lập đền thờ và xây dựng thành Giê-ru-sa-lem như cũ. Giê-ru-sa-lem được phục hồi khoảng năm 538 TC và kéo dài mãi vào thời Chúa Jesus giảng đạo. Sau đó vào năm 70 S.C, Giê-ru-sa-lem bị thái tử Titus của hoàng đế La-mã triệt hạ. Họ đã san bằng đền thờ và thành phố, chỉ còn sót lại một đoạn bức tường của vách nội thành, bao quanh khu đền thờ cổ. Bức tường nầy nổi tiếng ngày nay, được gọi là “bức tường than khóc”. Hằng ngày có nhiều người Y-sơ-ra-ên đến gần bức tường để cầu nguyện khóc lóc, hồi tưởng vinh quang quá vãng của dân tộc họ. Họ cầu mong Đấng Mê-si-a hiện đến để giải cứu họ, phục hồi vinh quang cho họ.
5. Thời kỳ Cây Vả Trổ Lộc:
• Ô-sê 3:4: “Vì con cái Y-sơ-ra-ên sẽ trải qua nhiều ngày, không vua, không quan trưởng, không của lễ, không trụ tượng, không ê-phót, và không thê-ra-phim.”
• Ma-thi-ơ 24: 42: “Nầy, hãy học thí dụ nơi cây vả: vừa lúc nhành non, lộc nứt, thì các ngươi biết mùa hạ đã gần.”
Dân Y-sơ-ra-ên mất chủ quyền thực thụ trên xứ sở từ 26 thế kỷ rồi và lần lưu đày sau cùng, năm 70 SC, gần như xóa sổ Giê-ru-sa-lem.
Sau khi lập quốc năm 1948, và được Liên hiệp quốc công nhận sự hiện hữu của Y-sơ-ra-ên, nhưng họ lấy thành phố Tel Aviv (Đồi Xuân) làm thủ đô, chớ không thể phục hồi thủ đô Giê-ru-sa-lem, dù từ năm 1967, họ đã hoàn toàn kiểm soát Giê-ru-sa-lem. Năm 1980, Y-sơ-ra-ên dự định đem thủ đô về Giê-ru-sa-lem, thì bị phe Á-rập phản đối dữ dội.
Sau 68 năm nứt lộc Cây Vả Do-thái sẽ có thủ đô Giê-ru-sa-lem như cũ hay không, chúng ta không biết nỗi. Phải chăng sẽ có vị Cứu Tinh xuất hiện giúp đỡ họ xây đền thờ và tái lập thủ đô Giê-ru-sa-lem, diều đó là huyền nhiệm chỉ có Chúa biết.
6. Thời Thiên Hi Niên.
Sách Ê-sai và các sách tiên tri khác dự ngôn ngày đến, Giê-ru-sa-lem sẽ là thủ đô của địa cầu. Muôn dân tộc mới trên địa cầu sẽ đến Giê-ru-sa-lem mỗi năm ba lần để thờ phượng Chúa và hầu việc dân Y-sơ-ra-ên.
• Xa 14:16: “Xảy ra hết thảy những kẻ nào còn sót lại trong mọi nước lên đánh Giê-ru-sa-lem, sẽ lên đó hàng năm đặng thờ lạy trước mặt Vua, là Đức Giê-hô-va vạn quân, và giữ lễ lều tạm.”
7. Giê-ru-sa-lem Ở Trên.
Trong Ga-la-ti 4, Phao-lô nói rằng toàn bộ lịch sử của Giê-ru-sa-lem mà chúng ta vừa duyệt qua là thuộc về Giê-ru-sa-lem trên đất, chúng ta các Cơ-đốc nhân thuộc về Giê-ru-sa-lem ở trên, là Giê-ru-sa-lem mới mà Khải-huyền 21-21 miêu tả.
Tại sao Phao-lô châm biếm họ là: “núi Si-na-i trong Ai-cập, chỉ về Giê-ru-sa-lem bây giờ, vì thành đó với con cái mình đều bị ở dưới ách tôi mọi?”
Giê-ru-sa-lem trên đất và con cái họ là núi Si-nai sao? Ngụ ý thuộc về Do-thái giáo theo kinh luật khắc khe. Còn họ giống Ai-cập là vì tình trạng luân lý của họ đồi bại như xứ Ai-cập sao? Tại sao Phao-lô châm biếm như vậy? Ông ngụ ý khuyên chúng ta: Bạn đừng hãnh diện về cố đô Giê-ru-sa-lem yêu dấu với chiều dài lịch sử của nó. Chúng ta hãy trông chờ Giê-ru-sa-lem mới là thủ đô cho cả vũ trụ đến đời đời.
Minh khải.
bottom of page