top of page
Hung Tran
Apr 18, 2024
...ông đuợc nhìn nhận là “Ê-li của thế kỷ XXI” trong Cơ-đốc giáo giới...
Bakht...
...Singh Chabra đuợc đa số Cơ-đốc nhân thế giới gọi là Brother Bakht Singh. Ông nổi tiếng là một nhà truyền giảng Tin lành tại Ấn-độ và các nước vùng Nam Á Châu. Ông thường được coi là một giáo sư, giảng sư và nguời tiền phong trong sự chuyển động của các hội thánh tại Ấn-độ trở lại nguyên tắc của hội thánh đầu tiên.
Cơ-đốc giáo Tây Phuơng gọi ông là sứ đồ Phao-lô của Ấn-độ, còn theo truyền thống Ấn-độ, ông đuợc nhìn nhận là “Ê-li của thế kỷ XXI” trong Cơ-đốc giáo giới.
Những Năm Thơ Ấu.
Bakht Singh đuợc sinh ra vào năm 1903 tại miền Punjab, hiện tại thuộc về lãnh thổ Pakistan. Cha mẹ ông là tín đồ ngoan đạo của tôn giáo tên là Sikh. Ông theo học trường của hội truyền giáo Cơ-đốc, nhưng ông không hề bị ảnh huởng bởi các Cơ-đốc nhân, và trong lòng mình, ông luôn luôn khinh bỉ các Cơ-đốc nhân.
Ông tích cự tham dự các hoạt động xã hội của các đền thờ đạo Sikh. Sau khi tốt nghiệp trường đại học Punjab, ông đi Anh quốc để học cao hơn vào năm 1926, và nghiên cứu ngành kỹ sư nông nghiệp. Cha mẹ ông không ủng hộ việc ông đi du học ở Anh quốc, lưu tâm rằng ông sẽ bị các Cơ-đốc nhân gây ảnh hưởng. Bakht Singh hứa cùng cha mẹ rằng ông sẽ không cải đạo. Vào thời đó, đế quốc Anh còn thi hành quyền lực đô hộ trên các xứ thuộc địa là: Ấn-độ, Pakistan, Bangladesh, và Srilanka .v.v…
Cuộc Sống Tại Anh Quốc Và Canada.
Tại Anh quốc, ông huởng thụ sự tự do và chịu ảnh huởng cách lớn lao theo thời trang và phong cách của dân Anh quốc. Ông nhanh chóng hoà nhập theo thời trang cuộc sống, khởi sự hút thuốc lá và uống ruợu, du hành quanh Châu Âu, và buông lung trong mọi loại vui chơi và trò tiêu khiển.
Ông cắt bỏ tóc dài, mà là dấu hiệu lòng trung thành của ông đối với tôn giáo Sikh. Nhiều năm về sau, ông đã đến Kings College ở Luân-đôn, và vào năm 1929, Bakht Singh đi đến Canada và tiếp tục nghiên cứu trong lãnh vực kỹ sư canh nông, tại đại học đuờng Manitoba ở Winnipeg. John và Edith Hayward, là cư dân địa phuơng và là Cơ-đốc nhân tin kính Chúa, đã giúp đỡ ông. Họ mời ông sống chung với họ.
Gia đình Hayward luôn luôn đọc Kinh thánh vào mọi giờ ăn tối. Họ cũng tặng cho ông một quyển Kinh thánh. Ông ưa thích đoàn thể của họ, thăm viếng nhà giảng của họ và khởi sự đọc Kinh thánh. Sau một thời gian tìm kiếm, ông đã tiếp nhận Jesus Christ làm Cứu Chúa cá nhân và Đức Chúa Trời của mình. Ông đã chịu báp-têm vào ngày 04-02-1932 tại Vancouver, Canada.
Công Tác Cơ-Đốc Tại Ấn-Độ.
Bakht Singh đã trở về Ấn-độ vào năm 1933, và gặp lại cha mẹ ông tại thành phố Mumbrai. Truớc khi về nuớc, ông đã gởi thơ thông tin cùng cha mẹ rằng ông đã cải đạo để tin theo Chúa Jesus. Họ đã miễn cuỡng chấp nhận ông, nhưng yêu cầu ông, vì danh dự của gia đình, ông phải giữ kín việc đó. Nhưng vì cớ ông khuớc từ sự đòi hỏi của họ, họ rời bỏ ông.
Đột nhiên, ông trở nên người không nhà. Ông khởi sự rao giảng Phúc-âm trên các đuờng phố ở Mumbrai. Ít lâu sau, ông khởi sự thu hút được một quần chúng đông đảo, nghe ông giảng.
Bakht Singh bắt đầu rao giảng như một giảng sư và nhà phục hưng lưu động bốc cháy trên khắp thuộc địa Ấn-độ, và chiếm đuợc nhiều nguời theo mình. Lúc đầu, ông rao giảng như một nhà giảng Phúc-âm của Anh quốc giáo, trước khi ông sống độc lập. Trong quyển sách nhan đề, “Tự điển tiểu sử của các hội truyền giáo Cơ-đốc”, do nhà xuất bản Simon & Schuster Macmillan ấn hành năm 1998, tiến sĩ Jonathan Bonk tuyên bố, “vai trò của Singh trong cuộc phục hưng năm 1937 mà đã càn quét hội thánh Truởng Nhiệm liên hiệp tại Martinbur, đã mở đầu một trong các cuộc chuyển động nổi tiếng nhất trong lịch sử hội thánh tại tiểu lục địa Ấn-độ.”
Khi nhận đuợc khải tuợng từ Đức Chúa Trời, ông đã khởi đầu xây dựng các hội chúng địa phuơng hoàn bị theo khuôn mẫu của các nguyên tắc Tân uớc mà ông nhìn thấy. Sau khi dành trọn một đêm cầu nguyện trên đỉnh một ngọn núi vào năm 1941, ngay năm đó, ông dựa vào Lê-vi ký chuơng 23, tổ chức cuộc hội đồng thánh khiết (Holy Convocation) đầu tiên tại Chennai, để đánh dấu sự thay đổi trong công tác hầu việc Chúa của mình. Ông không còn làm nhà truyền giảng Phúc-âm suông nữa. Nhưng từ nay ông đem các kết quả của công tác Phúc-âm xây dựng thành các hội chúng tại các địa phuơng, từ thành phố lớn như New Delhi, Madras hay các thị trấn như Kalimpong, hoặc tại các làng mạc ở vùng quê.
Bakht Singh xây dựng các hội thánh theo đường lối Tân-uớc. Ông gọi “hội thánh” là “assembly” (hội chúng), do một ban trưởng lão huớng dẫn. Trong buổi nhóm, họ nhấn mạnh chức vụ lời của vài tôi tớ Chúa rao giảng, hơn là thực hành loại nhóm họp theo I Cô-rinh-tô 14. Mỗi hội chúng có một tên thánh trong Kinh thánh, như hội chúng ở thành phố Hyderabad ở miền nam có tên là Hếp-rôn, hội chúng ở Madras có tên là “Jehovah Shammah”. Hyderabad vừa có hội chúng địa phuơng, vừa có trung tâm công tác toàn quốc, với nhiều cơ sở vật chất quy mô.
Từ năm 1941 đến năm 2000, là năm Bakht Singh về với Chúa, Ngài đã dùng ông và các đồng công dấy lên 200 hội chúng lớn nhỏ tại Pakistan, mấy trăm hội chúng khác tại Ấn-độ, và nhiều hội chúng ở các lân quốc. Cơ quan xuất bản Hebron có ấn hành tờ tạp chí bán nguyệt san “Hebron Messengers” và khoảng 10 quyển sách bồi linh Anh Văn, bao gồm các bài giảng tuơi mới và sống động của ông. Đương nhiên họ có nhiều ấn phẩm bằng các ngôn ngữ khác nhau của Ấn-độ.
Hằng năm, các cuộc hội đồng thánh khiết được họp lại, hoặc tại Madras và Hyderaba ở miền nam, và tại Ahmedabad hoặc Kalimpong, ở miền bắc. Hội đồng tại Hyderabad luôn luôn đông đảo nhất, thu hút đến 25.000 tín đồ tham dự. Họ ăn và ngủ trong trong các lều trại to lớn, và nhóm họp duới mái lều tranh, tham dự các buổi cầu nguyện nhiều giờ, các buổi nhóm ngợi khen và dạy dỗ. Các buổi nhóm khởi sự vào lúc rạng đông và chấm dứt vào đêm khuya. Các tín đồ tình nguyện sẽ chăm sóc và nuôi duỡng các vị khách mời. Chi phí cho các kỳ nhóm họp nầy dựa vào các của dâng tình nguyện. Điểm đặc biệt là họ không bao giờ kêu xin hay thông báo về nhu cầu tài chánh.
Bakht Singh Qua Đời.
Vào ngày 21-9-2000, Bakh Singh qua đời trong giấc ngủ và được an táng trong nghĩa trang Cơ-đốc ở Narayanguda. Có 250.000 thánh đồ tham dự tang lễ của ông. Các hội chúng do Bakht Singh thành lập vẫn tồn tại ở Ấn-độ ngày nay.
“Nguyện sự chúc tụng, tôn trọng, vinh hiển và đại năng đều về nơi Đấng ngự trên ngai, cùng về nơi Chiên Con cho đến đời đời vô cùng” Amen (Khải-huyền 5:13).
Minh Khải.
bottom of page