top of page

Tiến sĩ Billy Graham (1918-2018)

Hung Tran

Jan 4, 2024

Không còn ai nghi ngờ gì nữa về sự thành công quá sức tưởng tượng của công cuộc truyền bá Phúc-âm cho những khối quần chúng khổng lồ...



Tiểu Sử Tiến Sĩ Billy Graham (1918-2018)



Không...

...còn ai nghi ngờ gì nữa về sự thành công quá sức tưởng tượng của công cuộc truyền bá Phúc-âm cho những khối quần chúng khổng lồ trong lịch sử và hàng triệu người đã hoán cải tin theo Chúa Giê-xu do chức vụ đầy ơn của Nhà truyền giáo Billy Graham đem đến, là thực chứng hùng biện nhất.

Billy Graham là biệt danh của William Franklin Graham. Ông Billy Graham sanh ngày 7-11-1918, tại Charlotte, phía bắc bang Carolina, Hoa kỳ, là nơi đa số dân chúng theo Đạo Tin lành. Song thân của ông là tín đồ theo Cải chánh giáo phái Trưởng Nhiệm (Presbyterian). Thân mẫu ông góp phần khá lớn vào sự nghiệp thuộc linh tương lai của ông trong công việc, khi ông còn thơ ấu bà thường dạy dỗ ông học biết truyện tích Thánh Kinh, và thuộc lòng rất nhiều câu gốc. Điều này không bao giờ phai mờ trong tâm trí ông.

Cha mẹ của Billy Graham có một nông trại khá rộng và họ rất tất bật về phương diện kinh tế, song chẳng bao giờ hai ông bà xao lãng việc tin kính của các con mình. Năm 8 tuổi Billy Graham đã khởi sự tập lao động bằng cách vắt sữa 25 con bò cái trước khi tới trường. Sau khi tốt nghiệp Trung học ông rất ham mê thể thao, và đặc biệt muốn nổi tiếng về môn dã cầu. Nhưng một sự cố bất ngờ đã xảy ra là Billy Graham đã đoạt giải thưởng về khoa hùng biện của nhà trường, đến nỗi ông hiệu trưởng đã phải thốt lên trước mặt cha mẹ chàng: “Billy Graham, con có thể lắm sẽ trở nên một nhà biện thuyết đại tài.” Sức sống tiềm tàng của ông chính là ân tứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho ông, vì trong chức vụ truyền giảng Tin lành thành công vượt bực sau này không ai có thể hình dung trước được tầm mức của nó.

Năm 1934 (hoặc 1935), Billy Graham được 17 tuổi, có một chiến dịch truyền giảng Tin lành phát động tại làng quê hương của chàng. Cuộc truyền giảng này kéo dài 3 tháng do một Mục sư Hội Giám Lý là ông Mardocheé Ham lãnh đạo. Ban đầu Billy Graham rất thờ ơ về chiến dịch này. Nhưng một đêm kia Billy Graham đã kéo đám bạn học đến tham dự. Ông rất đỗi kinh ngạc khi thấy cử tọa chừng 5000 người chen nhau đứng chật cứng trong rạp giảng. Tối đó câu Thánh Kinh trong Tin lành Giăng 3:16 đã đánh vào tâm trí chàng. Lời Đức Chúa Trời bắt đầu làm việc trong lòng chàng thanh niên đầy hứa hẹn này. Rồi đêm đó Billy Graham bước lên giảng đài, quỳ xuống. Không hề có một giọt nước mắt, một điềm hiện thấy nào, cũng không có một phép lạ xảy ra. Đêm đó Billy Graham đã hoàn toàn cung hiến thân linh mình cho Đức Chúa Trời. Cho mãi về sau, chàng không bao giờ hối tiếc. Billy Graham đã được biến cải cách vui mừng và đơn giản như vậy.

Billy Graham đã tốt nghiệp Cao Đẳng Học viện Wheaton, bang Illinois năm 1943. Ông lập gia đình với cô Ruth Bell, là ái nữ của một cựu giáo sĩ Trung hoa. Ông trở thành người truyền giảng đầu tiên của Phong trào “Thanh niên vì Christ” (Youth for Christ). Năm 1947 Billy Graham được bầu chọn làm Chủ tịch của trường Cao đẳng Northwestern, Minneapolis và hai năm sau ông nổi danh trên toàn quốc khi ông tổ chức chiến dịch truyền bá Phúc-âm quy mô lần đầu trong cuộc đời mình tại Los Angeles, tiểu bang California.



Năm 1950, Billy Graham đã kết hợp với một nhóm người đầy nhiệt huyết và ân tứ thành lập Hội Truyền Giảng Billy Graham (The Billy Graham Evangelistic Association) viết tắt là BGEA. Bước tiên phong của Hội là chương trình truyền bá Phúc-âm trên Radio có tên là “Giờ quyết định”. Khi rút lui chức Chủ tịch nhóm sinh viên Đại học, năm 1952 ông dâng trọn thì giờ để chỉ chuyên chú việc truyền giáo cho số đông dân chúng trong các thành phố lớn trên thế giới. Hầu hết những buổi giảng vượt tầm mức này đã được trực tiếp truyền hình hoặc truyền thanh đi rộng rãi khắp nơi.

Những diễn biến rất đáng phấn khởi và khích lệ trong chức vụ ông liên tục từ năm 1950 đến nay không có một báo hiệu nào trước đó, vì Billy Graham không có năng khiếu học tập bao nhiêu. Ông rất dễ bị thu hút vào một vấn đề mà mình ưa thích.

Là một người đầy nhiệt tâm, có nhân cách chinh phục người nghe, Billy Graham đã sử dụng tất cả phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại nhất trong công cuộc thu phục linh hồn của mình, và tổ chức sao cho hiệu quả nhất để đưa Phúc-âm đến cho mọi người. Thánh Kinh luôn luôn là trung tâm sứ điệp của ông. Ông chú trọng những sự quyết định có tính cách mỗi cá nhân đối với Chúa Giê-xu Christ, và cẩn thận theo dõi sự hội nhập của các tín hữu tân tòng vào các Hội thánh địa phương như thế nào?

Dầu đã có một thời kỳ ông mãnh liệt phản kháng những người theo chủ trương quốc gia cực đoan, hẹp hòi. Nhưng qua những tháng năm chín mùi hoặc dày dạn kinh nghiệm, ông đã triển khai một khải tượng cộng đồng, một sự thức tỉnh tâm linh toàn thế giới mà ông thường hô hào mọi người dưới khẩu hiệu “Tái võ trang tinh thần" và những cảm tình liên quan đến xã hội, đã đem lại cho ông sự kính trọng của toàn nhân loại trên hành tinh này. Ông không chỉ chuyên giảng Tin lành cho 5 lục địa thuộc thế giới tư bản và thế giới thứ ba mà còn chú tâm đến các nước ở sau Bức Màn Sắc trước năm 1989 và Trung hoa lục địa; có nhiều vị Tổng thống, Chủ tịch, các lãnh tụ của nhiều quốc gia đã công nhận thiện chí “hòa bình" của ông và cũng thường hoan nghênh những lời khuyên nhủ, khích lệ của ông, hoặc là tham khảo ý kiến của ông nữa.

Billy Graham đã viết khá nhiều sách tôn giáo vào hàng các sách bán chạy nhất (Best selling Books). Tổ chức BGEA đã phát hành nhiều phim ảnh tôn giáo, và chủ trương tờ báo The Decision từ năm 1960. Ông cũng là cột trụ cốt cán trong việc xuất bản tờ tập san định kỳ “The Christianity Today” (Cơ-đốc giáo ngày nay) từ năm 1956 do nhạc phụ ông làm chủ bút. Hội ông cũng đứng ra bảo trợ nhiều Hội nghị về truyền bá Phúc-âm trên phạm vi toàn thế giới như ở West Berlin (1966), Lauzanne, Thụy sĩ (1974), Minala, Philippine (1989) và Hội nghị về truyền bá Phúc-âm lưu động mở ra ở Amsterdam, Hòa lan các năm 1983-1986. Billy Graham còn sáng lập trung tâm nghiên cứu về truyền bá Phúc-âm và việc truyền giáo là Học Viện Wheaton College, và một trường Huấn luyện các cán bộ Cơ-đốc nhân ở Acheville, phía bắc Carolina.

Hiện nay ông đang sống trong một ngôi nhà gỗ rộng đơn sơ nằm trên chót núi thuộc bang Bắc Carolina, quê hương ông. Theo cuộc thăm dò dư luận mới nhất, Billy Graham là một nhân vật được Hoa Kỳ và Mỹ châu kính trọng hơn hết, sau các vị cựu Tổng thống và đương kiêm Tổng thống Donald Trump.



Ông thường được mời giảng như một khách quý của Chính phủ Mỹ. Mục sư Billy Graham chủ trương hoạt động qua các Giáo hội. Tuy nhiên cho tới ngày nay, hơn 45 năm qua, Mục sư Billy Graham đã giảng cho trên 150 triệu thính giả trên khắp mặt đất này. Hội Truyền giảng Tin lành của ông sử dụng những kỹ thuật thông tin tối tân nhất để quảng bá Tin lành cho đại chúng. Hội ông đã chiếm hữu hết một khu phố gần đại lộ Hennephin, thuộc thành phố Minneapolis. Hội cũng đã mua 15 mẫu đất ở Bloomington để xây cất những kho tàng và phương tiện bưu chính. Ngân sách của hội BGEA mỗi năm ít nhất là 50 triệu Dollars. Hằng năm gởi đi trên 100 triệu là thư và bưu kiện, kể cả 4 triệu tập nguyệt san Decision (Quyết định). Tờ báo này là cơ quan chính thức của Đoàn được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, Đức, Trung hoa... Đây cũng là tờ báo tôn giáo phát hành nhiều nhất thế giới.

Hội Truyền Giáo Billy Graham chia làm 7 ngành như Truyền hình, Truyền thanh, Phim ảnh, Báo chí, cán bộ chăm sóc sau các chiến dịch, Giao dịch bằng thư từ, Các chiến dịch lớn ngoài trời. Ông đã nổi tiếng qua các cuộc truyền giảng Tin lành quy mô như ở Luân Đôn (1954), Australia (1959), Phi châu (1960) và nhất là những chiến dịch lớn tại Hoa Kỳ và Âu châu mấy năm gần đây. Từ năm 1966 ông đã đứng ra tổ chức và bảo trợ các Hội nghị truyền giáo thế giới, với số trên 3000 đại biểu của phần đông các nước trên hoàn cầu tham dự.

Thường thì trụ sở Trung ương của hội chỉ gặp ông có một lần vào cuộc họp 6 tháng một lần của Ban Quản trị Hội gồm 21 thành viên. Ngoài số lộ phí của ông và căn nhà ông hiện ở là do các bạn của ông xây cất cho; số lương thường niên của Mục sư Billy Graham chỉ chừng 19000 Dollars, một số tiền lương khiêm nhường so với lương hướng ở Mỹ quốc, và trong đó ông hay trích 10 phần trăm để dâng cho hai Hội thánh ở quê nhà ông. Số tiền ông thu được do bản quyền ông trước tác những sách vở và báo chí dành cho việc học của các con ông. Riêng tác phẩm “Thế Giới Bùng Cháy” (The World Aflame) của ông đã bán được trên 3 triệu cuốn. Mạng lưới hoạt động của Hội Truyền Giáo Billy Graham được điều khiển từ trụ sở Trung ương với 450 nhân viên, kể cả ngành Điện ảnh Burbank tại California. Đây cũng là nơi sản xuất và phân phối phim ảnh tôn giáo lớn nhất thế giới. Hội BGEA có các văn phòng liên lạc tại Atlanta, Georgia, Sydney, Luân Đôn, Paris, Winnipeg, Mexico City, Buenos Aires, Frankfurt. Chương trình Phát thanh “Giờ quyết định” bắt đầu từ năm 1950, được truyền đi trên 1000 đài phát thanh khác nhau, và có trên 50 triệu thính giả đón nghe.

Phần nhiều các ngân khoản của Hội BGEA do các nhà hảo tâm dâng tặng, mà đa số mỗi người không tới 10 Dollars, ngoài ra là tiền bán tạp chí: “The Decision” thu được. Tất cả những số tiền lạc quyên đều được sử dụng vào việc truyền giảng Tin lành. Ngoài ra, nước nào quyên được thì cứ giữ tại nước đó để chi phí giảng tại địa phương đó.


Tại Minneapolis có ba vị Mục sư chuyên trách trả lời những thắc mắc của những người đau khổ muốn tìm đến Chúa. Song thường có những câu hỏi giống nhau, chỉ cần dùng những mẫu trả lời in sẵn. Tên của Billy Graham chỉ được dùng khi nào chính ông đích thân ký vào đó. Văn phòng trung ương được trang bị bằng đủ thứ máy móc tối tân và máy Computer mà các xí nghiệp doanh thương hiện đại dùng đến. Mỗi sáng Hội biệt riêng 10 phút đọc Thánh Kinh và cầu nguyện tại mỗi Bureau. Mỗi ngày Mục sư Billy Graham đều dùng điện thoại tiếp xúc với từng văn phòng.


TRÍCH TỪ (TNPA)



bottom of page