top of page

Tiểu Sử Bác Sĩ Tống Thượng Tiết (1901-1944)

Hung Tran

Jun 15, 2023

Ông Tống Thượng Tiết được một người viết về ông mệnh danh là "một con người lạ lùng"...



Ông...

...Tống Thượng Tiết được một người viết về ông mệnh danh là “một con người lạ lùng”, tưởng cũng cần tìm hiểu. Ông Tống Thượng Tiết sanh ngày 27-9-1901, tại làng Honchek, huyện Hinh hoa, tỉnh Phúc Kiến (Nam Trung Hoa).

Ông là người con thứ nhất chào đời sau khi mẹ ông trở lại tin thờ Chúa. Tên ông là Ju-An”, nghĩa là Thiên Ân”. Ông người tướng mạo kỳ dị: đầu to mắt nhỏ, màu da ngăm đen. Ông sanh ra nhằm lúc gia đình túng bấn nên không được thân phụ ông ưa cho lắm.

Ngày 10-2-1920, ông Tiết rời quê hương xuống tàu để sang Hoa Kỳ du học. Năm 1923 ông đậu Cử nhân khoa học và là một trong 4 sinh viên xuất sắc nhất của lớp có 300 người! Ông cũng được tưởng thưởng huân chương về hóa học. Báo chí ở khắp nước Mỹ thời ấy ca tụng chàng sinh viên ưu tú, thông minh người Trung Hoa này không tiếc lời. Trường Đại học Minnesota mời ông đến diễn thuyết và phụ giáo. Có một ân nhân đã hứa giúp ông 1000 USD (một số tiền lớn thời ấy) nếu ông vào học y khoa ở Đại học Harvard. Sau đó ông theo Ban khoa học ở Đại học Ohio, tiểu bang Columbia để lấy bằng Tiến sĩ khoa học. Ông học thêm tiếng Đức và tiếng Pháp để theo học triết học.

Năm 1924 ông nhận bằng Tiến sĩ khoa học, và sau đó một năm 9 tháng ông giật luôn mảnh bằng Tiến sĩ triết học. Lúc bấy giờ trong lòng nhà bác học Tống nổi lên một cuộc tranh chiến lớn: Hoặc là về nước đóng góp tài năng tri thức mình để xây dựng quê hương xứ sở; hoặc là hiến dâng mình cho Đức Chúa Trời để làm công bộc hữu dụng của Ngài truyền rao Phúc Âm cho hàng vạn linh hồn đang chìm đắm trong bể tội? Cùng lúc ấy một câu Thánh Kinh quen thuộc đánh mạnh vào tâm trí ông: "Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn thì có ích gì; người sẽ lấy chi để đổi linh hồn mình lại?" Đồng thời có Mục sư Wilbur Fowler đến thăm và khuyến giục bác sĩ nên đi học thêm Thần học tại chủng viện Union Theological Seminary để chuẩn bị hầu việc Chúa.


Mùa thu năm 1926, Tống Bác sĩ nhập học chủng viện Union ở thành phố New York. Ông được Chúa dạy dỗ, và trong khi học, Bác sĩ Tiết cũng thường tới lui thăm viếng hai ông bà Giáo sĩ Deming đã từng hầu việc Chúa ở Triều Tiên nhiều năm, và cũng từng làm Giáo sư một chủng viện của Hội Thánh Giám Lý.


Lúc bấy giờ ông Tiết mê man trong sự học hành và hết sức tập chú tâm trí, tư tưởng mình trong việc khảo cứu. Đáng lý phải học 3 năm để đậu Thần học Tiến sĩ, thì ông muốn học chỉ 1 năm! Ngoài giờ học trong lớp ra, ông còn học thêm mỗi ngày vài giờ riêng nữa. Ông cũng muốn học khoa Thần học chuyên sâu để biết sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Nhưng trải qua thời gian ấy, ông mất hẳn đức tin, nhạo báng các vị giáo phẩm. Ông lại quay sang các tôn giáo Đông phương như Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo. Nhưng ông vẫn không được bình an. Đức Chúa Trời bởi Thần hựu Ngài đã sắp đặt để hướng dẫn ông theo các bạn bè đến dự các buổi thuyết giảng Tin Lành ở Hội Thánh Calvary Baptist do Tiến sĩ Halddeman là Mục sư. Trong lúc đi đường Bác sĩ Tiết thầm ao ước được nghe một nhà truyền giáo trứ danh hùng hồn giảng dạy. Nhưng trái lại, khi đến nơi ông chỉ thấy một cô gái 15 tuổi đứng lên mạnh mẽ làm chứng về Tin Lành quyền phép. Khi cô ấy bước lên tòa giảng đọc Thánh Kinh và cầu nguyện, tự nhiên Bác sĩ Tống cảm thấy ngay có một điều gì khác lạ trong bầu không khí. Ông nhìn thấy sự hiện diện của Đức Chúa Trời đang tỏ ra. Tối hôm ấy Tin Lành được truyền giảng rõ ràng, thiết thực với tất cả quyền năng Chúa. Thập tự giá được đưa lên cao. Ông làm chứng rằng: "Dầu tôi lúc ấy là một người kiêu ngạo mà cũng được cảm động sâu xa, và linh hồn khô hạn của tôi quả đã được đã khát".


Ngày 4-10-1927 ông xuống tàu trở về Thượng Hải. Trong những ngày lênh đênh trên biển cả, ông nghe rõ được tiếng Chúa kêu gọi. Nên khi tàu cập bến ông về phòng mở va li và lấy những văn bằng cao học cùng chiếc chìa khóa vàng thân hữu mà người ta khâm phục trao tặng ông, đem liệng tất cả xuống biển. Ông chỉ giữ lại một số tiền và cái học vị Tiến sĩ Thần khoa để làm cho cha mẹ vui lòng thôi. Việc đầu tiên khiến cho cả nhà đi ra đón ông phải ngạc nhiên là lối phục sức của ông. Ông chỉ mặc một chiếc áo dài người Hoa đơn sơ như bao nhiêu người Trung Hoa khác; không giống bất cứ sinh viên du học nào từ Âu Mỹ trở về - sang trọng trong những bộ Âu phục đắt tiền. Ông không có gì đổi thay ở bên ngoài cả! Bởi đó mà cha mẹ ông vô cùng thất vọng. Hai vị những tưởng rằng với tư cách là một học giả xuất sắc, tài trí hơn người theo như người ta ca tụng lâu nay, tương lai sẽ vô cùng rạng rỡ, ông sẽ phụ giúp cho cha mẹ mà lo cho các em ông học hành, đỡ đần cho cảnh nghèo thiếu của ông bà chứ? Nào ngờ thế này?


Từ đó, Tống Bác sĩ không thèm khát một điều gì hơn là được làm tôi tớ hèn mọn của Đức Chúa Trời, đem Tin Lành cứu rỗi của Chúa Giê-xu đi rao báo khắp nơi, đưa đường chỉ lối cho bao nhiêu tội nhân tìm về Ánh sáng Chân lý.

Sau khi lập gia đình, ông Tiết gia nhập Đoàn Truyền Giảng Tin Lành do Mục sư Frank Cartwright làm trưởng đoàn năm 1928. Kế đó ông vào Ban Lưu Hành Tuyên Đạo do Mục sư người Hoa là Kế Chí Văn lãnh đạo, từ năm 1931. Tính từ khi Bác sĩ Tiết tham gia Ban Truyền Giáo Bê-tên này, ông đã chu du 54.823 dặm, giảng 1.199 bài cho 400.000 thính giả trong 13 tỉnh của Trung Quốc và đưa 18.000 linh hồn về với Chúa. Ông cộng tác với ban Bê-tên của Bác sĩ Kế Chí Văn được 3 năm.


Năm 1938, Bác sĩ Tống Thượng Tiết đã đến thăm giảng cho Hội Đồng Tổng Liên Hội thuộc Giáo hội Tin Lành Việt Nam ở Vĩnh Long, và sau đó ông ra Đà nẵng. Đi đến đâu ông cũng đem lửa Thánh Linh đến đó. Nhiều tội nhân ăn năn trở lại tin thờ Chúa, tôi con Chúa trong Hội thánh thì được vực dậy khỏi tình trạng mê ngủ thuộc linh. Hàng trăm ban chứng đạo thành lập để đi công bố Tin Lành. Ông cũng đã đem lửa phấn hưng đến cho các xứ như Hongkong, Taiwan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thailand,... Đức Chúa Trời cũng ban cho Tống Bác sĩ đặc quyền cầu nguyện chữa bệnh. Ban đầu ông không dám làm việc này. Nhưng sau ông hối tiếc vì biết rằng mình đã lỡ đem chôn giấu ta-lâng Chúa. Thánh Linh quyền phép Chúa đã đồng công với ông trong sự đặt tay mà cầu nguyện chữa bệnh, đuổi quỷ.


Tống Bác sĩ là con người ngoại hạng, đã thông thái, tài ba song ông cũng rất nhu mì khiêm nhường, ông chẳng hề khoe khoang, tự phụ; lúc nào ông cũng xưng mình là tôi tớ hèn mọn hơn hết của Đức Chúa Trời. Ông rất say mê, ham thích đọc học Lời Chúa. Mỗi ngày dầu bận rộn đến mấy ông cũng đọc đủ 11 chương Thánh Kinh, và luôn luôn cảm thấy Lời Chúa mới mẻ, ngon ngọt. Bài giảng của ông là Thánh Kinh, trưng dẫn Thánh Kinh. Ông dậy sớm, nhiệt thành cầu nguyện. Ông chẳng phí một chút thì giờ, chỉ chuyên chú làm giàu cho kiến thức tâm linh của mình để có lương thực tươi mới, sẵn sàng nuôi vô số linh hồn đói khát. Ông làm việc dường như được Linh cảm thời giờ chẳng còn bao lâu, nên ông đã tận tâm, tận lực, hết mình để làm việc tốt nhất mà Chúa giao thác. Ông nói ít, giảng nhiều và cầu nguyện không hề ngưng nghỉ.

Bác sĩ Tiết có viết một quyển sách "Những câu chuyện ngụ ngôn" để nhằm làm sáng tỏ những chân lý của Thánh Kinh, theo như lời thực chứng của ông thì từ Thánh Linh ban cho những câu chuyện này. Quyển sách được xuất bản năm 1951. Ông cũng là tác giả của nhiều bản Thánh ca bằng Hoa ngữ, và bài "Bốn phương hư không" của ông, các tín hữu Tin Lành Việt Nam rất quen thuộc. Bài này gồm tóm hết tâm chí hy sinh phục vụ Chúa của ông (Thánh ca Việt Nam số 385).

Bác sĩ Tống Thượng Tiết chỉ được Chúa cho sống có 43 năm, và phụng sự Chúa 15 năm, song xét ra Thánh chức ông đã đem lại kết quả vượt trội hơn nhiều tập đoàn nhân sự cộng lại trong nhiều thập niên. Cụ Mục sư Phạm Xuân Tín là một trong những nhân chứng sống đã được đích thân Bác sĩ Tiết đặt tay cầu nguyện khi Cụ còn là một Truyền đạo thanh niên; Cụ cho biết: "Ở tại Việt Nam dầu đã nghe người ta nói đến những cơn phấn hưng... Nhưng chưa có một cuộc phục hưng thực sự nào từ Thánh Linh cả. Chỉ ngoại trừ có cuộc phát động phấn hưng sâu rộng mà Đức Chúa Trời đã dùng Bác sĩ Tống Thượng Tiết đem đến cho Giáo hội Tin Lành Việt Nam năm 1938. Cuộc phấn hưng thực sự đó đã ảnh hưởng trải qua hằng nhiều thập niên, và vẫn còn cho đến ngày nay." Nhân chứng thứ hai là Cụ cố Mục sư Phạm Văn Năm, đã viết trong quyển Hồi ký của cụ "55 năm phục vụ Chúa": “Tháng 5 năm 1938, Tổng Liên Hội có mời một Tiến sĩ người Trung Hoa là Tống Thượng Tiết đến giảng cho Hội Đồng toàn quốc Việt Nam họp ở Nhà thờ Vĩnh Long... Có thể nói đây là một Hội Đồng lịch sử vĩ đại nhất; vì tại kỳ Hội Đồng này Đức Chúa Trời đã đổ một cơn phấn hưng xuống khắp ba miền từ Nam chí Bắc. Vì lời giảng rất hùng hồn của Tiến sĩ như lửa cháy bừng bừng, không ai có thể chịu nổi mà tất cả mọi người đều phải hạ mình ăn năn, xưng tội ra với Chúa... Ông Tống Bác sĩ đã giảng với quyền năng Thánh Linh. Suốt một tuần lễ chỉ một mình ông giảng với 3 thông dịch viên... Giáo sĩ J. Olsen phiên dịch cho ông một ngày là khan cả tiếng phải uống nước luôn, nhưng Bác sĩ diễn giả lại không uống một hớp nước nào trong khi giảng suốt một tuần như vậy. Các vị khác như Giáo sĩ P. Carlson, Giáo sĩ D. Jeffrey đều rất mệt và tắt tiếng... Nhưng phần ông Tống giọng nói vẫn sang sảng và mạnh mẽ cách rất lạ thường. Mỗi giờ họp ai đi trễ thì coi như ngồi ở phía dưới hoặc hai bên hông, bên ngoài, vì khó kiếm ra chỗ ngồi. Và ngoài sự giảng dạy đầy sự xức dầu Thiên thượng, thì ông còn có ơn cầu nguyện chữa bệnh. Thường ông cầu nguyện cho ai muốn đầy dẫy Thánh Linh trước, sau mới đến sự đặt tay xức dầu cầu nguyện cho người bệnh. Ngay đến bệnh nhân ở xa không có mặt, nhưng qua người nhà thì ông cũng cầu nguyện cho lành mạnh được. Có rất nhiều người bởi ông Tống Bác sĩ đặt tay cầu nguyện mà được lành mạnh, họ đã đứng dậy làm chứng hoặc hát Ha-lê-lu-gia, cảm tạ Chúa.”


Tháng 7 năm 1944, Bác sĩ Tống Thượng Tiết sống những ngày cuối cùng của đời mình trong cơn đau đớn, nhức nhối của thể xác tột độ vì hai căn bệnh ung thư và lao phổi cùng một lúc kéo đến hành hại ông, nhưng ông không hề than van một lời, chỉ để nhiều thì giờ cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và viết Hồi ký. Khi quá yếu sức không còn viết được nữa, ông lại nằm đọc cho hai thư ký viết. Khi ông yếu mệt nhiều, thì ông biết rằng ông sắp sửa đi về Nhà Cha trên trời. Gia đình, thân hữu đều có mặt đông đủ tại giường bệnh. Rồi bình minh ngày 18-8-1944, Bác sĩ Tống Thượng Tiết "chạy xong cuộc đua thiêng liêng" trên đất. Tang lễ của Bác sĩ cử hành long trọng do Mục sư Vương Minh Đạo làm chủ lễ. Có chừng 300 các đại biểu của nhiều Hội Thánh xa gần đều đến tham dự trong Nhà thờ, như ở Chefoo, Swatowf, Amoy và Foochow,..


(TNPA)



bottom of page