top of page

HƯỚNG VỀ CA-NA-AN

Hung Tran

Jul 24, 2023

Y-sơ-ra-ên đóng trại ở Si-nai gần một năm. Trong khi ở đó, họ được truyền thêm nhiều huấn thị ghi ở phần đầu của sách Dân-số ký...



HƯỚNG VỀ CA-NA-AN


* Đọc kinh thánh: Dân số ký - Phục truyền luật lệ ký

* Quảng thời gian: Độ 1600 - 1400 TC


Y-sơ-ra-ên đóng trại ở Si-nai gần một năm. Trong khi ở đó, họ được truyền thêm nhiều huấn thị ghi ở phần đầu của sách Dân-số ký. Sau khi đi bộ mười một ngày đến Ca-be (Kadesh), họ phái gián điệp vào do thám xứ, những người này dự đoán tại họa. nên Thượng Đế phán quyết kéo dài cuộc lưu lạc. Ba mươi tám năm sau họ đến đồng bằng Mô-áp (Moab). Tại đây Môi-se nói những lời từ biệt ghi trong Phục truyền.


TỔ CHỨC DÂN Y-SƠ-RA-ÊN:


Huấn thị về việc tổ chức ghi trong sách Dân-số ký. Những chương này không hẳn là theo thứ tự thời gian. Có thể phân bố cục như sau:


I. Tu bộ Y-sơ-ra-ên Dan Ds 1:1-4:49

A. Kiểm tra quân số , 1:1-54

B. Bố trí trại , 2:1-34

C. Người Lê-vi và nhiệm vụ họ 3:1-4:49


II. Nội quy trại 5:1-6:21

A. Bài trừ tệ đoan, 5:1-31

B. Lời hứa nguyện Na-xi-rê (Nazinite Vow) 6:1-21


III. Đời sống tôn giáo của Y-sơ-ra-ên 6:22-9:14

A. Quy định sự thờ phượng trong đền tạm 6:22-8:26

B. Lễ Vượt qua lần thứ hai 9:1-14


IV. Thượng Đế hướng dẫn 9:15-10:10

A. Hành động của Thượng Đế , 9:15-23

B. Trách nhiệm của con người 10:1-10


Y-sơ-ra-ên được tu bộ trước khi rời núi Si-nai. Con số rất gần với số dân kiểm tra được khi rời Ai-cập (XuXh 30:11 tt 38:26). Lúc ấy họ đếm được 600.000 người không kể đàn bà con nít và người Lê-vi. Sau gần bốn mươi năm lưu lạc, thế hệ trước đã ngã xuống trong đồng vắng, nhân lực cũng còn tương đương số đó. (Dan Ds 26:1-65).


THỨ TỰ DI HÀNH


Luật pháp và trật tự rất cần thiết cho dân thuộc về Thượng Đế. Người Lê-vi thay cho các con trai đầu lòng của các gia đình để lo chăm sóc Đền Tạm. Đền Tạm nằm giữa trại, người Lê-vi bao quanh, còn bên ngoài người Lê-vi thì có ba chi tộc đóng ở mỗi hướng. Khi lên đường, người Lê-vi khiêng Đền Tạm. Có sáu chi tộc đi trước và sáu chi tộc đi sau họ.


KHÁNH THÀNH ĐỀN TẠM


Năm thứ hai sau khi họ lìa Ai-cập thì Đền Tạm và các vật dụng đã hoàn tất. Môi-se làm lễ khánh thành Đền tạm và nó trở thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Y-sơ-ra-ên (XuXh 40:1-5; Dan Ds 6:22-9:14). Môi-se dâng các tế lễ, trình diện A-rôn và người Lê-vi trước công chúng rồi biệt riêng họ cho việc phục vụ và cuối cùng người chúc phước cho toàn dân ( 6:24-27). Lễ vượt Qua lần thứ hai này đánh dấu kỷ niệm đệ nhất chu niên dân tộc được giải phóng khỏi Ai-cập mọi người dều phải tham dự kể cả những khách lưu trú.


THẲNG TIẾN VỀ CA-NA-AN


Vào ngày hai mươi tháng thứ hai, người Y-sơ-ra-ên được lệnh nhổ trại để chuẩn bị tiến về Ca-na-an. Thượng Đế hướng dẫn họ bằng trụ mây ban ngày và trụ lữa ban đêm. Hãy để ý tầm quan trọng của sự hướng dẫn thiên thượng cũng như nhu cầu tổ chức hữu hiệu. Sự phối hợp hài hòa giữa công việc của con người và của Thượng Đế ở đây đáng cho ta xem xét và áp dụng cho công cuộc truyền giáo ngày nay.


CUỘC SỐNG LANG THANG TRONG SA MẠC


Ba mươi tám năm lang thang này từ núi Si-nai đến đồng bằng Mô-áp được tóm tắt trong 10:11-21:1 và có thể phân bố cục như dưới đây.


I.Từ núi Si-nai đến Ca-đe (Kadesh) 10:11-12:16

A, Thứ tự tiến quân 10:11-35

B. Lằm bằm và bị trừng phạt 11:1-12:16


II. Cuộc khủng hoảng tại Ca-đe 13:1-14:15

A. Các gián điệp về phúc trình 13:1-33

B. Nổi loạn và đoán phạt 14:1-45


III. Những năm lang thang 15:1-19:22

A. Luật pháp - tương lai và hiện tại 15:1-41

B. Đại loạn 16:1-50

C. Xác lập các lãnh tụ được chọn 17:1-19:22


IV. Từ Ca-đe đến đồng bằng Mô-áp 20:1-22:1

A. Mi-ra-am qua đời 20:1

B. Tội của Môi-se và A-rôn 20:2-13

C. Ê-đôm không cho Y-sơ-ra-ên băng qua 20:14-21

D. A-rôn qua đời 20:22-29

E. Y-sơ-ra-ên phục thù dân Ca-na-an 21:1-3

F. Con rắn đồng 21:4-9

G. Đi vòng quanh Mô-áp 21:10-20

H. Đánh bại Si-hôn (Sihon) và Oc(Og) 21:21-25

I. Đến đồng bằng Mô-áp 22:1


Trên đường đến Mô-áp, dân Y-sơ-ra-ên phàn nàn và nổi loạn. Bảy mươi trưởng lão được chỉ định để chia xẻ trách nhiệm với Môi-se trong việc kiểm sóat dân chúng khi họ lằm bằm về bánh ma-na. Khi Thượng Đế đưa chim cút đến, dân ăn quá độ và bội thực chết làm thành một trận dịch. Cả A-rôn và Mi-ri-am cũng phàn về Môi-se là người đã được Thượng Đế chỉ định làm lãnh tụ.


CUỘC KHỦNG HOẢNG Ở CA-ĐE


Một số gián điệp được phái vào đất Ca-na-an trong khi Y-sơ-ra-ên di chuyển về phía Bắc đóng trại tại Ca-đe, khoảng mốn mươi dặm tây nam Bê-e-sê-ba (Beersheba). Cả mười hai người đồng tình báo cáo rằng đất đai ở đó rất màu mỡ, dân cư hùng cường và tàn bạo. Nhưng họ không đồng ý về viễn ảnh chinh phục. Mười người quả quyết rằng không thể nào đánh chiếm được và xui quần chúng đòi trở về Ai-cập lập tức. Chỉ có hai người là Giô-suê và Ca-lép tin tưởng răng với sự giúp đỡ thiên thượng, họ có thể chinh phục được. Quần chúng bị dao động vì lời báo cáo của nhóm đa số, và trở thành một đám đông nổi loạn, ngăm ném đá Giô-suê và Ca-lép, và còn muốn chọn một lãnh tụ khác thay cho Môi-se.

Sau đó là sự đoán phạt của Thượng Đế. Thế hệ này đã từng chứng kiến hành động quyền năng của Thượng Đế giải phóng họ khỏi móng vuốt của Pha-ra-ôn chưa đầy hai năm trước, đáng lẽ đã có đủ bằng cớ tin rằng Thượng Đế sẽ giúp họ chinh phục Ca-na-an. Khi Thượng Đế tính tiêu diệt họ thì Môi-se can thiệp. Dầu Ngài ân xá cho dân tộc, nhưng mười gián điệp và cả thế hệ tuổi từ hai mươi trở lên đều phải chết trong đồng vắng vì họ không có lòng tin.


NHỮNG NĂM LANG THANG


Cuộc nổi loạn do Cô-rê (Korah), Đa-than (Dathan) và Ai-bi-ram (Abiram) cầm đầu đại diện cho hai nhóm khởi loạn cấu kết với nhau ( Dan Ds 16:1-50). Cô-rê và đám Lê-vi ủng hộ ông ta thì phủ nhận quyền lãnh đạo của A-rôn và gia đình trong chức vụ tư tế cho dân Y-sơ-ra-ên. Còn Đa-than và A-bi-ram thì muốn thay Môi-se làm lãnh tụ chính trị, vì họ là dòng dõi của Ru-bên con trưởng của Gia cốp. Môi-se và A-rôn được bênh vực khi đất nuốt Đa-than, Ai-bi-ram và Gia đình cùng với Cô-rê. Hơn 14000 người khác bị tiêu diệt trong trại. Ngôi vị tư tế của A-rôn được xác nhận bằng phép lạ cây gậy đầm chồi.


TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN ĐỒNG BẰNG MÔ-ÁP


Sau thời gian độ ba mươi tám năm trong vùng Ca-đe, dân Y-sơ-ra-ên được dẫn đến dọc Vịnh Aqaba đến Đồng bằng Mô-áp. Trong nhiều biến cố xảy ra dọc đường, có một điều đáng chú ý là Môi-se không còn nhẫn nại được nữa trước những lời than trách của dân chúng. Vì trái lệnh không chịu ra lệnh cho hòn đá mà lại đập vào nó để khiến nó phun nước ra, Môi-se không còn được phép vào Ca-na-an. Biến cố con rắn đồng cũng rất ý nghĩa. Chỉ bằng hành động tin cậy đơn sơ, người bị rắn độc cắn nhìn lên nó là được chữa lành. Chúa Giê-xu đã dùng hình ảnh đó để nói về sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá, để ai hướng về Ngài thì không bị hư mất mà được sống đời đời (GiGa 3:14-16)

Dân Y-sơ-ra-ên tiến về phía Nam, đi vòng quanh Ê-đôm và Mô-áp rội hạ trại ở vùng đồng bằng về phía Bắc sông Ac-nôn (Arnon) và phía đông biển Chết. Họ được lệnh không đánh Mô-áp, nhưng rồi cũng phải đánh với Si-hôn vua của Hết-bôn (Heshbon) và Oc vua của Ba-san, rồi chiếm giữ đất họ .


HUẤN LỆNH TIẾN VÀO CA-NA-AN


Những huấn lệnh ban cho dân Y-sơ-ra-ên trong khi đóng trại tại đồng bằng Mô-áp là để họ làm cho dân thành hầu làm chủ đất hứa. Các diễn biến có thể tóm tắt trong bố cục dưới đây :


I. Bảo toàn tuyển dân của Thượng Đế, Dan Ds 22:2-25:18

A. Kế hoạch rủa sả Y-sơ-ra-ên của Ba-lác 22:2-40

B. Ba-la-am chúc phước, 22:41-24:24

C. Sự cám dỗ và phán xét 24:25-25:18


II. Chuẩn bị chinh phục 26:1-33:49

A. Thế hệ mới 26:1-65

B. Những rắc rối trong việc thừa kế 27:1-11

C. Một lãnh tụ mới , 27:12-23

D. Các loại sinh tế và hứa nguyện 28:1-30:6

E. Phục thù dân Ma-đi-an, 31:1-54

F. Chia đất bên kia sông Giô-đanh 32:1-42

G. On lại hành trình của Y-sơ-ra-ên 33:1-49


III. Dự kiến việc chiếm đóng 33:50-36:13

A. Vùng đất sẽ chinh phục 35:50:35-15

B. Những thủ lãnh đưọc chỉ định để chia đất 34:16-29

C. Các thành phố Lê-vi và thành phố ẩn náu 35:1-34

D. Luật lệ về thừa kế 36:1-13.


BA-LA-AM VÀ BA-LÁC


Vua Ba-lác xứ Mô-áp rất lo ngại khi dân Y-sơ-ra-ên đóng trại ở phía bắc xứ ông. Ông ta tìm cách thuyết phục Ba-la-am, một vị tiên tri của xứ, giúp ông bằng cách rủa sả Y-sơ-ra-ên. Vì ham lộc cao bổng hậu, Ba-la-am ra đi, nhưng rồi con lừa ông cởi bật nói tiếng người và một vị thiên sứ cảnh cáo ông chỉ được nói lời Thượng Đế thôi. Ông ta đã chúc phước Y-sơ-ra-ên bốn lần và bị Ba-lác bỏ. Tuy nhiên, về sau ông ta đã bày mưu cho dân Mô-áp cám dỗ dân Y-sơ-ra-ên gian dâm và thờ thần tượng khiến Y-sơ-ra-ên bị phán xét (Dan Ds 31:16). Ba-la-am bị giết trong cuộc chiến giữa dân Ma-đi-an và Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, Thượng Đế không để cho dân Ngài bị rủa sả.


QUYẾT ĐỊNH VÀ CHỈ THỊ


Lãnh thổ ở đông ngạn sông Giô-đanh là vùng cỏ tốt rất hấp dẫn đối với người Ru-bên và Gát. Môi-se miễn cưỡng cho phép chi tộc Ru-bên, Gát và phân nữa chi tộc Ma-na-se định cư ở phía đông sông Giô-đanh, nhưng bắt họ hứa sẽ tham dự cuộc chinh phục Ca-na-an. Có ba thành ẩn náu được chỉ định trên phần đất này.

Kế hoạch quan trọng nhất của Môi-se là chỉ định Giô-suê làm lãnh tụ mới ( 27:1-23),. Người đã chứng tỏ khả năng chỉ huy quân sự khi đẩy lùi dân A-ma-léc (XuXh 17:1-16), và là người có đức tin khi được phái đi do thám xứ .


HỒI TƯỞNG VÀ TRIỂN VỌNG


Thiên chức của Môi-se hoàn tất. Khi dân tộc sắp bước vào giai đoạn mới, người ngỏ lời cùng họ trong một số diễn từ, có thể phán chia như dưới đây :


I. Lịch sử và ý nghĩa, PhuDnl 1:1-4:43

A. On lại những thất bại của Y-sơ-ra-ên 1:1-3:29

B. Khuyên hãy vâng phục 4:1-40

C. Các thành ẩn náu bên kia sông Giô-đanh 4:41-43


II. Luật pháp và ý nghĩa 4:44-29:68

A. Giao ước và Thập Giới 4:44-11:32

B. Luật pháp để sống trong xứ Ca-na-an , 12:1-26:19

C. Phước lành và rủa sả 27:1-28:68


III. Lần chuẩn bị chót và từ biệt 29:1-34:12

A. Y-sơ-ra-ên chọn phước lành hay rủa sả 29:1-30-20

B. Giô-suê được bổ nhiệm 31:1-29

C. Bai ca và lời chúc phước của Môi-se , 31:30-33:29

D. Môi-se qua đời , 34:1-12


Những diễn từ của Môi-se rất ý nghĩa và sống động. Không ai biết dân Y-sơ-ra-ên bằng Môi-se, cũng không ai đủ tư cách như Môi-se để tiên liệu những diễn biến tương lai


LỊCH SỬ


Trong diễn từ thứ nhất. Môi-se ôn lại lịch sử Y-sơ-ra-ên bắt đầu từ cuộc đóng trại và ra đi ở bán đảo Si-nai. Người nhắc nhở họ rằng thế hệ ra khỏi Ai-cập đã lằm bằm phản loạn nhiều lần nên không được phép vào đất hứa. Người chỉ rõ rằng điều kiện để được ơn Thượng Đế là tuân giữ Luật Pháp Ngài và hết lòng sống cho Ngài.


LUẬT PHÁP


Trong diễn từ thứ hai, Môi-se nhắc nhở rằng họ là dân thuộc về giao ước của Thượng Đế. Người nhắc lại Mười điều răn và chi cho họ thấy những điều đó là căn bản cho lối sống được Thượng Đế chấp nhận. Chân thành kính yêu Thượng Đế sẽ đưa đến một nếp sống vâng phục để giữ mình làm dân thánh của Thượng Đế giữa thế giới ngoại đạo. Phải dẹp bỏ việc thờ hình tượng cùng kẻ thờ hình tượng. Môi-se cũng định những luật lệ, quy tắc hướng dẫn họ trong các trách nhiệm dân sự, xã hội, và gia đình. Các lời chúc phước và rủa sả mà Môi-se đã phán ra phải được tuyên đọc trước công chúng sau khi họ vào xứ Ca-na-an.


TỪ BIỆT


Môi-se trao quyền chỉ huy cho Giô-suê và công tác dạy dỗ cho các tế sư. Người trao cho họ một bản chép Luật Pháp. Bản này được lưu giữ trong hòm giao ước và được đem ra đọc trước công chúng bảy năm một lần. Một lần nữa, người kể lại thuở dân tộc mới sơ lập lúc người dân họ ra khỏi cảnh nô lệ xứ Ai-cập, rồi chúc phước cho mỗi chi tộc. Trước khi qua đời, người được lệnh lên đỉnh Nê-bô (Nebo) để nhìn qua bờ cõi xứ mà dân người sắp sửa tiến vào.


Bài làm:

1. Trước khi rời Si-nai, dân số Y-sơ-ra-ên được bao nhiêu

2. Dân Y-sơ-ra-ên kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày ra khỏi Ai cập như thế nào?

3. Đền tạm nằm ở đâu khi dân Y-sơ-ra-ên đóng trại hay đi đường?

4. Việc gì đã đưa tới cuộc khủng hoảng, khiến dân Y-sơ-ra-ên phải lưu lại lâu dài trong đồng vắng?

5. Giô-suê và Ca-lép đề nghị chinh phục Ca-na-an như thế nào?

6. Những ai cầm đầu hai cuộc nổi loạn chống Môi-se và A-rôn

7. Biến cố về rắn được dùng trong Tân ước như thế nào

8. Dân nào không chịu để cho Y-sơ-ra-ên dùng đường cái đi qua xứ họ?

9. Ba-lác là ai?

10. Tại sao Môi-se không được phép đi vào Ca-na-an?

11. Vạch con đường dân Y-sơ-ra-ên đi từ Núi Si-nai đến Đồng bằng Mô-áp ngang qua Ca-đe Ba-nê-a. Trong chặng đường này có những bài học tinh thần nào cho ta ngày nay?

12. Nghiên cứu về sự hướng dẫn của trụ mây, trụ lửa và kèn trong Dan Ds 10:1-36. Ngày nay Thượng Đế hướng dẫn con cái Ngài bằng gì?

13. PhuDnl 4:1-6 có thể giúp cha mẹ dạy dỗ con cái như thế nào? Thảo luận cách áp dụng 6:7 vào đời sống gia đình

14. Đánh giá nhân vật Ba-la-am trong vai trò tiên tri của Thượng Đế. Ngày nay Thượng Đế có dùng hạng người như vậy không?


* Tài liệu tham khảo:

- Jensen , Jrivng, Numbers : Journey to God’s Rest Land. Everyman’s Bible Comentary. Chicago : Moody Press, 1968

- Keil , Carl F. and Delitzsh , Franz “ Numbers” Commentary on the Old Testament in Ten Volumes. Vol I . Grand Rapids : Wm. B. Eerdmans Pub. Co 1982

- Noordtzij, A. Nummbers: Bible Student ‘s Commentary. Grand Rapids: Zondervan Pub .House 1983

- Pfeiffer, Charles F. The Bible Atlas. Rev. ed. Nashville : Broadman Press 1975.

- Schultz, Samuel J. Deuteronomy : The Gospel of Moses. Everyman’s Bible Commentary . Chicago : Moody Press, 1979.

- Thompson JA. Deuteronomy An Introduction and Commentary . The Tyndale Old Testament Commentaries. Downers Grove IL: In ter Varsity Press 1975.




bottom of page