top of page
Hung Tran
Jul 22, 2023
Trước khi qua đời Môi-se đã bổ nhiệm Giô-suê để làm đạo họ trong cuộc chính chiến và chiếm đóng vùng đất hứa...
LÀM CHỦ ĐẤT HỨA
* Kinh thánh: Giô-suê, Các quan xét, Ru-tơ
* Quãng thời gian: độ 1400-1100TC
Từ nơi họ đóng trại ở phía Đông Bắc Biển Chết, dân Y-sơ-ra-ên có thể nhìn thấy giải đất Ca-na-an bên kia bờ sông Giô-đanh. Trước khi qua đời Môi-se đã bổ nhiệm Giô-suê để làm đạo họ trong cuộc chính chiến và chiếm đóng vùng đất hứa.
TÌNH TRẠNG XÃ HỘI Ở CA-NA-AN
Về phượng diện chính trị, đất đai nằm trong tay kiểm soát của dân sống trong các thành tiểu quốc (City-State). Một thành phố có tường thành bao bọc nằm trên vị trí cao có thể chống đỡ lực lượng xâm lăng trong một thời gian vô hạn, miễn là họ vẫn còn nguồn tiếp tế nước và thực phẩm. Bởi đó, công tác chinh phục và chiếm giữ của Y-sơ-ra-ên dường như là chuyện mơ mộng viễn vông.
Về tôn giáo, người Ca-na-an thờ đa thần. El là vị thần chính được gọi là “thần bò cha” (Father bull) và là tạo hóa. Vợ của thần này là A-sê-ra (Asherah). Trong số con cái của hai vợ chồng thần này có vị thần chính tên là Ba-anh (Baal), có nghĩa là “chúa” (IVua 1V 18:19). Người ta tin là thần này cai quản các thần khác, luôn cả trời đất và sự sinh sản.
Những chuyện tích về các thần này tàn bạo vô luân không kể xiết. Cứ xem những lễ nghi dân Ca-na-an dành cho họ cũng biết. Các nhà khảo cổ cho thấy có bằng chứng trong văn hóa Ca-na-an thời Giô-suê, người ta hiến tế trẻ em, hành dâm, và dùng rắn trong các lễ nghi thờ cúng. Môi-se đã biết tình trạng đó và đã cảnh cáo Y-sơ-ra-ên rằng họ không tiêu diệt lũ ác đó, họ sẽ bị mắc vào bẫy tội lỗi của người Ca-na-an (LeLv 18:24-28; PhuDnl 12:31; 20:17, 18)
Trước khi phán xét người Ca-na-an qua dân Y-sơ-ra-ên , Thượng Đế đã để cho họ một thời kỳ ân huệ. Khi các vị thánh tổ sống tại Ca-na-an, họ đã dựng bàn thờ nhiều nơi, làm gương cho người bản xứ về sự phụng thờ Thượng Đế chân thật. Khi Thượng Đế hứa ban đất Ca-na-an cho dòng dõi Áp-ra-ham (SaSt 15:16). Kinh Thánh nói rằng vì sự gian ác của dân A-mô-rít (Amorite) chưa đầy trọn, nên dân Y-sơ-ra-ên phải ở lại Ai-cập trong bốn thế kỷ. Sau thời gian dài ấy, người Ca-na-an ngày càng tồi tệ hơn nên, tình trạng đã chín mùi cho cuộc phán xét khi người Y-sơ-ra-ên tiến vào để chiếm lấy đất.
GIÔ-SUÊ LÃNH ĐẠO CUỘC CHINH PHỤC
Giô-suê nắm quyền lãnh đạo sau khi học tập kinh nghiệm và được huấn luyện dưới sự dẫn dắt của Môi-se. Khi qua sa mạc tại Rê-phi-đim, người đã từng dẫn quân Y-sơ-ra-ên tới chiến thắng, đẩy lùi cuộc tấn công của dân A-ma-léc với sự cầu thay của Môi-se (XuXh 17:18-16). Với tư cách một thám tử, người đã tìm hiểu xứ Patestine tận mắt và mặc dầu bị chống đối, người đã dũng cảm quả quyết rằng với niềm tin nơi Thượng Đế, dân Y-sơ-ra-ên chiếm được vùng đất này ( Dan Ds 13:1-14:45). Người đã chứng kiến quyền năng của Thượng Đế hành động từ Ai-cập đến biên giới Ca-na-an, và đã thấy cả một thế hệ vùi thây trong sa mạc vì không tin.
TIẾN VÀO CA-NA-AN
Bốn chương đầu kể lại những cuộc di chuyển vào Palestine, bố cục như dưới đây:
I.Giô-suê nắm quyền lãnh đạo, Gios Gs 1:1-18
II. Phái hai gián điệp đến Giê-ri-cô 2:1-24
III. Vượt sông Giô-đanh 3:1-17
IV. Lưu niệm 4:1-24
Thượng Đế bảo đảm với Giô-suê rằng nếu người cẩn thận tuân theo lời chỉ dạy trong sách Luật Pháp do Môi-se truyền lại thì chắc chắn người sẽ thành công. Tuân theo lệnh của Thượng Đế và tin chắc có sự hiện diện của Ngài, người đứng ra lãnh đạo tuyển dân của Ngài. Hai gián điệp được sai đến Giê-ri-cô nghe Ra-háp kể lại rằng câu chuyện về các hành động quyền năng của Thượng Đế đã được truyền tụng khắp dân gian Ca-na-an.
Phép lạ vượt sông Giô-đanh giúp cho thế hệ mới nhận biết rằng Thượng Đế can thiệp cho họ. Họ được lệnh dựng mười hai tảng đá kỷ niệm ở gần sông và ở Ghinh-ganh (gilgal) để nhắc cho các thế hệ sau nhớ tới biến cố vĩ đại này.
CÁC CHIẾN DỊCH QUAN TRỌNG
Diễn biến các chiến dịch trong sáu chương tới tóm tắt như sau :
I. Chuẩn bị cho các chiến dịch 5:1-15
II. Chiến dịch Miền Trung - Giê-ri-cô và A-hi 6:1-27
III. Chiến dịch Miền Nam _ Liên quân A-mô-rít 9:1-27
IV. Chiến dịch Miền Bắc _ Liên quân Ca-na-an 11:1-15
V. Kiểm kê cuộc chinh phục 11:16-12:24
* Bốn biến cố khiến toàn dân biết rằng họ đã vào đất hứa :
1. Họ dựng hai đài đá để lưu niệm vĩnh viễn sự giải phóng của Thượng Đế
2. Họ giữ lễ Vượt Qua, nhắc cho thế hệ mới nhớ lại sự giải phóng khỏi Ai-cập
3. Họ giữ lễ cắt bì, để nhận biết rằng họ là dân thuộc về giao ước của Thượng Đế .
4. Ma-na ngưng và họ sống nhờ vào hoa màu đất đai.
Ngoài ra, qua sự hiện hình của Chúa, Giô-suê được nhắc nhở rằng người chỉ là đầy tớ của vị Tự lệnh quân đội của Chúa (3:13-15).
Chiến dịch miền Trung nhắm vào Giê-ri-cô (Jericho) và A-hi (Ai). Chiến dịch Giê-ri-cô là một chiến dịch thắng tiêu biểu, khiến toàn dân nhận biết quyền năng siên nhiên của Thượng Đế đã hanh động vì họ. Đặc biệt trong chiến thắng này, dân Y-sơ-ra-ên không được phép giữ những chiến lợi phẩm. A-hi chiếm dược bằng chiến thuật quân sự thông thường sau khi tội lỗi A-can đã bị loại trừ. Sau chiến thắng này, họ được phép giữ bầy súc vật và của cải khác. Sau khi chiếm xong miền Trung Ca-na-an, dân chúng tập trung giữa núi Ê-banh (Ebal) và Ga-ri-xim (Gerizim) để nghe đọc Luật Pháp Môi-se.
Trong chiến dịch miền Nam, liên quân A-mô-rít bị đánh bại. Vì bị lừa và không cầu hỏi ý Chúa nên dân Y-sơ-ra-ên liên minh với người Ga-ba-ôn (Gibeon). Các thành phố khác của liên minh này bèn tấn công Y-sơ-ra-ên, nhưng Thượng Đế can thiệp bằng mưa đá giúp cho cuộc phản công chớp nhoáng của người Y-sơ-ra-ên, và kéo dài ngày ra để họ truy lùng tiêu diệt địch. Tuy còn những tiểu quốc thành phố như Ghê-xe (Geze), Giê-ru-sa-lem vẫn chưa chiếm được, toàn thể vùng đó từ Ga-ba-ôn đến Ca-đe-ba nê-a (Kedesh-barnea) đã nằm dưới quyền kiểm sóat của Giô-suê.
Chiến dịch miền Bắc được ghi vắn tắt. trong một trận lớn vùng hồ Mê-rôm (Merom), người Ca-na-an bị đánh bại. Thành Hát-sô (Hazor) bị san bằng. Cuộc khai quật gần đây bắt đầu từ năm 1955 cho thấy thành phố này có trên 40.00 dân vào lúc ấy.
Tổng kết lại, có ba mươi mốt vua bị đánh bại trong cuộc chinh phục Ca-na-an. Dầu dân Ca-na-an không bị tận diệt như Môi-se đã căn dặn, Giô-suê đã có thể bắt đầu chia đất.
CHIA ĐẤT
Phần còn lại của sách Giô-suê nói về việc phân chia vùng đất hứa và những lời khuyên từ biệt của Giô-suê như sau:
I. Kế hoạch chia đất Giô-suê 13:1-14:15
II. Chia phần cho các chi tộc 15:1-19:51
III. Các thành ẩn náu và các thành Lê vi 20:1-21:45
IV. Giô-suê từ biệt và qua đời 22:1-24:33
Sau khi đã vạch xong ranh giới cho các chi tộc, sáu thành được chỉ định để làm thành ẩn náu, ba thành cho mỗi bên sông Giô-đanh. Bốn mươi tám thành được dùng cho người Lê-vi ở rải rác khắp xứ để họ lo việc phụng sự tôn giáo. Si-lô (Shiloh) được chỉ định làm trung tâm tôn giáo của Y-sơ-ra-ên. Đền Tạm được dựng tại đây (18:1). Trước khi qua đời, Giô-suê tập hợp dân chúng tại Si-chem, nhắc nhớ họ rằng Áp-ra-ham đã được kêu gọi từ bỏ thần tượng và khuyên họ kính sợ Thượng Đế .
CÁC QUAN XÉT (Judges)
Các biến cố trong sách Giô-suê và Các quan xét rất gần nhau. Rất khó định rõ niên đai của thời kỳ này. Chỉ biết là trong vòng khoảng hai hay ba thế kỷ, số phận của dân Y-sơ-ra-ên tùy thuộc vào sự lãnh đạo của các vị quan xét từng hồi từng lúc nổi lên giải phóng Y-sơ-ra-ên khỏi tay quân thù áp bức. Hầu hết các vị quan này đều cai trị ở địa phương, nên những năm cai trị của một vị thể trùng với thời của vị được kể trước hoặc thời của vị được kể sau.
TÌNH HÌNH TỔNG QUÁT
Những nét chính về thời các vị quan xét được mô tả trong mấy chương đầu của sách Các Quan xét.
I. Những vùng đất chưa chiếm được Cac Tl 1:1-2:5
II. Những chu kỳ tôn giáo chính trị 2:6-3:6
Trong suốt cuộc chinh phục của Y-sơ-ra-ên, người Ca-na-an vẫn còn giữ được những thành trì kiên cố ở khắp nơi. Bởi đó, dân Y-sơ-ra-ên đã gặp nhiều khó khăn, dù rằng những dân cư các thành phố tiểu quốc như Giê-ru-sa-lem , Mê-ghi-đô (Megiddo), Ta-nách (Taanach) đều đã bị bắt làm sai dịch và đóng thuế. Trong thời kỳ nào Y-sơ-ra-ên thiếu lãnh đạo, những dân đó lại thắng thế hơn.
Lịch sử Y-sơ-ra-ên thời này cứ lặp đi lặp lại các chu kỳ bốn điểm. Trước hết là dân Y-sơ-ra-ên liên kết với dân bản xứ đưa tới bội đạo và thờ thần tượng. Tiếp theo là bị Chúa đoán phạt dưới hình thức đàn áp của quân ngoại xâm. Sau một thời gian, dân Y-sơ-ra-ên ăn năn, nhờ đó họ được Thượng Đế giải cứu. Những chu kỳ tôn giáo chính trị này có thể gồm tóm trong những chữ: tội lỗi, đau buồn, khẩn cầu, cứu rỗi.
CÁC DÂN TỘC ÁP BỨC VÀ NHỮNG NHÀ GIẢI PHÓNG
Lịch sử của Y-sơ-ra-ên thời kỳ này đặc biệt ghi lại các quốc gia áp bức họ và các vị quan xét được dấy lên để giải phóng họ. Sách các Quan xét liệt kê những biến cố sau:
I. Mê-sô-bô-ta-mi (Mesopotamia), Ot-ni-ên (Othniel) 3:7-11.
II. Mô-áp (Moab) _ Ê-hút (Ehud) 3:12-20
III. Phi-li-tin (Philistia) _ Sam-ga (Shamgar) 3:31
IV. Ca na an (Canaan) _ Đê-bô-ra (Deborah) và Ba-ra (Barak)4:1-5:31
V. Ma-đi-an (Midian) _ Ghi-đê-ôn (Gideon) (Giê ru ba anh (Jerubaal) 6:1-8:35
VI. A-bi-mê-léc (Abimelech), Thô-la (Tola) và Giai-rơ (Jair) 9:1-10:5
VII. Am-môn (Ammon) _ Giép-thê (Jephthah) 10:6-12:7
VIII. Iêp san (Ibzan), Ê lôn (Elon) và Áp-đôn (Apdon) 12:8-5
IX. Phi-li-tin (Philistia) - Sam sôn (Samson)13:1-16:30
Dường như hầu hết những người này đều lập được những kỳ công cho dân. Những dân tộc áp bức đến từ lãnh thổ lân cận, cướp phá của cải, mùa màng, chiếm đóng đất đai. Một số quốc gia xâm lược này cũng buộc dân Y-sơ-ra-ên phải đóng thuế rất nặng.
Chuyện tích về nhiều vị quan xét đáng được nghiên cứu kỹ. Có năm vị: Ba-rác, Ghê-đê-ôn, Giép-thê, Sam-sôn và Sa-mu-ên được liệt kê vào số những anh hùng đức tin trong Hê-bơ-rơ 11, với những thành tích khiến cho dân biết Thượng Đế can thiệp vì dân Ngài. Cũng có một số chỉ được nhắc tên mà không thấy nói gì về các hoạt động của họ.
TÌNH TRẠNG VÔ TỔ CHỨC
Năm chương cuối của Các Quan Xét và cả sách Ru-tơ kể những ơn phước và nghịch cảnh của một số người và gia đình, có thể tóm tắt như sau:
I. Mi-ca (Micah) thờ thần tượng 17:1-13
II. Chi phái Đan di cư, 18:1-31
III. Tội ác và cuộc nội chiến 19:1-21:25
IV. Câu chuyện Ru-tơ (Ruth) Ru R 1:1-4:22
Vì thiếu chi tiết lịch sử nên ta chỉ có thể biết là những việc đó xảy ra trong giai đoạn “các quan xét trị vì” vào lúc “không có vua trong Y-sơ-ra-ên” (1:1; Cac Tl 21:25 ). Lúc ấy chưa có một cơ chế quyền lực quốc gia, và nét đặc trưng của tình trạng dân Y-sơ-ra-ên dưới thời các quan Xét là “mỗi người đều làm theo ý mình cho là phải” (21:25)
Bài làm:
1. Những điều kiện để Giô-suê thành công là gì?
2. Việc vượt sông Giô-đanh được lưu niệm cho thế hệ sau bằng cách nào?
3. Ra háp biết gì về Y-sơ-ra-ên khi bà nói chuyện với các gián điệp?
4. Y-sơ-ra-ên đánh dấu ngày vào Ca-na-an như thế nào?
5. Tại sao người Y-sơ-ra-ên bị cấm lấy chiến lợi phẩm sau khi chiếm được Giê-ri-cô?
6. Giô-suê tập hợp dân chúng ở đâu để nghe đọc Luật Pháp ?
7. Người Ga-ba-ôn lừa Giô-suê như thế nào?
8. Người Lê-vi sống ở đâu trong đất Ca-na-an?
9. Những quan xét nào có tên trong HeDt 11:1-40?
10. Tình hình chính trị tôn giáo trong thời các quan xét như thế nào?
11. Ghi lại những biến cố lớn trong cuộc chinh phục Ca-na-an. Cho biết những yếu tố quyết định thắng bại trong mỗi biến cố. Những yếu tố trong số đó có ý nghĩa trong cuộc sống Cơ-đốc (Xem RoRm 6:1-8:39; Eph Ep 1:1-6:24)
12. Tìm trên bản đồ năm thành phố chinh phục được ở miền Nam. Thượng Đế có dùng đến những hiện tượng thiên nhiên khi Ngài can thiệp không?
13. Những đặc tính và khả năng của Giô-suê là thiết yếu để lãnh đạo Hội thánh ngày nay cho có kết quả?
14. Câu chuyện của Ru-tơ có nói lên được chân lý và Thượng Đế không lúc nào thiếu người làm chứng về Ngài không? Câu chuyện này đưa ta tiến gần tới niềm hy vọng về Đấng Mê-si-a (Thiên Sai)như thế nào?
* Tài liệu tham khảo:
- Atkinson, Dabvid. The Message of Ruth: The Wings of Refuge. Downers Grove , IL : Inter Varsity Press , 1983
- Barber, Cyril . J. Ruth : An Expositional commentary . Chicago: Moody Press 1983
- Campbell, Donald K. No Time for Neutrality. Wheaton, IL. Victor Books 1981
- Cundall, Arthur E. and Morris, Leon. Judges and Ruth. The Tyndate Old Testament Commentaries . Downers Grove, IL: Inter Varsity Press 1968
- Davis, John I. Conquest and Crisis : Studies in Joshua, Judges and Ruth . Winona Lake , IN : BMH Books 1969
- .... and Whitcomb, John C. Jr. A History of Israel : From Conquest to Exile. Grand Rapids: Baker Book House, 1980
- Enns, Paul P. Judges. Bible Study Commentary . Grand Rapids: Zondervan Pub. House 1982
- ....... Ruth, Bible Study Commentary.Grand Rapids: Zondervan Pub. House 1982
- Garstang, John. Joshua - Judges: Grand Rapids : Kregel Publications 1978
- Jensen, Irving L. Joshua: Rest - Land Won . Everyman’s Bible Commentary . Chicago: Moody Press 1966
- Lewis, Arthur. Judger and Ruth . Everyman’s Bible Commentary. Chjicago: Moody Press 1979
- Sogin , J. Alberto. Judges: A Commentary. Old Testament Library , Philadelphia: Westminster Press , 1981
- Wood, Leon Distressing Days of the Judges. Grand Rapids: Zondervan Pub. House 1982
- Woudstra, Martin H. The Book of Joshua . The New International Commentary of the Old Testament. Grand Rapids: Wm. B.Eerdmans Pub Co 1981.
bottom of page