top of page
Hung Tran
Jul 16, 2023
Ê-xê-chia (Hezekiah) và Giô-sia là hai vị vua nổi tiếng nhất trong một thế kỷ rưỡi cuối cùng (735-586 TC) của vương quốc Giu-đa...
VƯƠNG QUỐC GIU-ĐA (2)
Từ A-cha (Ahaz) đến Xê-đê-kia (Zedekiah)
* Xem kinh thánh: IIVua 2V 16:1-25:30; IISu 2Sb 28:36-21
* Thời gian: 735 - 586 TC.
Ê-xê-chia (Hezekiah) và Giô-sia là hai vị vua nổi tiếng nhất trong một thế kỷ rưỡi cuối cùng (735-586 TC) của vương quốc Giu-đa. Cả hai vua là người cải cách, hướng dẫn dân chúng trở lại cùng Đức Chúa Trời nên hoãn lại được các cuộc phán xét của Đức Chúa trời trên Giê-ru-sa-lem mà các vị tiên tri đã tiên cao.
A-CHA, THÂN PHỤ CỦA Ê-XÊ-CHIA
Các nước ở Palestine sắp bị quân A-si-ri càn quét thì A-cha lên ngôi vua (735 TTC) tại Giê-ru-sa-lem do nhóm người thân A-si-ri đưa lên. Trong lúc đó Phê-ca (Pekah) ở Y-sơ-ra-ên và Rê-xin (Rezin) ở Si-ri lập một liên minh chống A-si-ri. Để khỏi bị tấn công ở mạn nam, hai vua này đi dánh chiếm Giu-đa, bắt hàng ngàn người Giu-đa làm tù binh. Bị tiên tri Ô-đết (Oded) cảnh cáo vua Y-sơ-ra-ên thả các tù binh ra.
LỜI CẢNH BÁO CỦA TIÊN TRI Ê-SAI
Khi A-cha đối diện với ựu tấn công từ miền Bắc thì tiên tri Ê-sai được Chúa sai đến khuyên vua A-cha hãy đặt lòng tin nơi Đức Chúa trời với lời bảo đảm rằng hai vua từ phương Bắc sẽ bị truất phế (Ê sai 7-9). Gạt bỏ lời cảnh cáo và chống lại Ê-sai, A-cha đã kêu gọi Tiếc-Lác-Phi-lê-se, vua A-si-ri, cứu giúp. Sự cầu viện này có kết quả ngay. Kết quả của sự xâm lăng của A-si-ri là chấm dứt vương quốc Si-ri với cái chết của Rê-xin, Y-sơ-ra-ên phải triều cống cho A-si-ri và Ô-sê (Hoshea) được lập lên thế cho Phê-ca năm 732 TC.
A-Cha đến gặp vua A-si-ri ở Đa-mách, tham dự vào nghi lễ cúng tế tà thần và hứa trung thành với vua A-si-ri.
A-CHA TIẾP TỤC THỜ HÌNH TƯỢNG VÀ CHẾT
A-cha phát động những cách thờ hình tượng khả ố nhất đo kích thước kiểu mẫu bàn thờ ở Đa-mách, ông bắt thầy tế lễ U-ri làm một bàn thờ y như vậy và đặt trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Vua hướng dẫn việc thờ tà thần, đưa con vua qua lửa như thói tục ngoại giáo, ông đem kho báu trong đền thờ dâng cho vua A-si-ri. Dù ông có thành công trong việc lãnh đạo dân chúng trong giai đoạn khủng hoảng quốc tế này thì ông cũng lãnh chịu sự thịnh nộ của Đức Chúa Trời.
Trong giai đoạn kế tiếp sau đó lực lượng A-si-ri đã tràn qua Giu-đa như một lưỡi dao bào trong tay Chúa cạo qua đầu (EsIs 7:20) hay như một dòng sông (8:7) đúng như lời tiên báo của Ê-sai.
Ê-XÊ-CHIA, MỘT VỊ VUA CÔNG CHÍNH
Khi Ê-xê-chia bắt đầu cai trị tại Giê-ru-sa-lem năm 716 TC, thì vương quốc miền Bắc đã chịu khuất phục dưới sự tấn công ồ ạt của A-si-ri khi Sa-ma-ri sụp đổ năm 722 TC. (IIVua 2V 17:3-6). Suốt 22 năm cai trị, vua Ê-xê-chia đảo ngược lại mọi đường lối chính trị và tôn giáo của cha ông.
Nhận thức một cách xác thực rằng dân Y-sơ-ra-ên bị tù đày do họ bội ước và bất tuân mệnh lệnh của Đức Chúa Trời (18:9-12), vua Ê-xê-chia đặt lòng cậy nơi Chúa khi mông bắt đầu sự cải cách của mình. Người Lê-vi được gọi đến để dọn sạch đền thờ, dẹp hết các hình tượng, thanh tẩy các dụng cụ trong đền thờ, bắt đầu dâng tế lễ lại cho Chúa với ban hát lễ. Với cố gắng nhằm hàn gắn lại sự chia rẽ tôn giáo giữa hai vương quốc từ khi vua Sa-lô-môn chết, Ê-xê-chia gởi thư mời các chi tộc miền Bắc xuống Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt qua.
Kể từ khi cung hiến đền thờ cho đến lúc đó thì chưa bao giờ Giê-ru-sa-lem kinh nghiệm một kỳ hội mừng vui vẻ như thế. Ngay cả con rắn bằng đồng của Môi-se mà dân chúng đã dùng làm vật thờ thì cũng bị hủy bỏ.
Về mặt chính trị thì Ê-sai chia nhìn nhận chủ quyền của Sat-gôn II (Sargon II) 721-705, bởi vì dưới thời vua A-cha thì Giu-đa đã chịu thuận phục A-si-ri. Chính sách này đã làm cho Giu đa tránh được sự xâm lấn của Sạt-gôn khi vua này đem quân đánh chiếm Ách-đốt (Ashdod) ở phía tây Giê-ru-sa-lem năm 711 TC (EsIs 20:1). Trong khi đó Ê-xê-chia tập trung vào chương trình xây cất phòng thủ, tổ chức và trang bị quân đội. Để bảo đảm cho Giê-ru-sa-lem có nước uống trong trường hợp bị vây hãm lâu dài, Ê-xê-chi ên cho xây một đường hầm dẫn nước nối liền ao Si-lô-am (Siloam)với suối Ghi-hôn (Gihon). Các kỹ sư Giu-đa đã đào con đường hầm dài khoảng 590m (1777 feet) xuyên dưới đá cứng để dẫn nước vào ao Si-lô-am , lúc ấy ao Si-lô-am cũng được xây dựng. Kể từ năm 1880 khi người ta khám phá ra đường hầm dẫn nước này và giải được những chữ viết trên đó, thì ao Si-lô-am đã lôi cuốn rất nhiều khách du lịch. Tường thành của Giê-ru-sa-lem cũng nới rộng để bao luôn cả ao Si-lô-am. Dù Ê-xê-chia làm hết sức mình chuẩn bị để đối đầu với sự tấn công của A-si-ri nhưng ông không ỷ lại vào sức người mà ông công khai tỏ ra nương cậy Đức Chúa Trời trước mặt công chúng tụ tập tại công trường thành phố “Với nó thì chỉ là một cánh tay của loài xác thịt, còn với chúng ta có Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng ta đặng giúp đỡ và chiến tranh thế cho chúng ta" (IISu 2Sb 32:8).
Khi San-chê-ríp lên ngôi vua ở A-si-ri năm 705 TC, thì loạn nổi lên ở nhiều nơi trong toàn đế quốc. Năm 701 San-chê-ríp kéo quân đến Palestine, khoe khoang rằng mình đã chiếm 46 thành có tường kiên cố. Sau khi lấy một số lớn tài sản triều cống, vua A-si-ri còn đòi phải nộp thành Giê-ru-sa-lem nữa. Được tiên tri Ê-sai khuyến khích, vua Ê-xê-chia tin cậy nơi sự giải cứu của Đức Chúa Trời. Trước khi San-chê-ríp hoàn thành lời đe dọa thì ông được tin ở Ba-by-lôn có phản loạn. Tức khắc ông rút quân về huênh hoang rằng ông đă bắt được 200000 tù binh, nhưng thật ra ông chỉ nói được một câu là Ê-xê-chia bị nhốt trong Giê-ru-sa-lem như chim bị nhốt trong lồng.
Thành công trong sự chống trả năm 701 TC. Ê-xê-chia được các nước láng giềng nhìn nhận và dâng lễ vật cho vua (32:23). Trong số người chúc mừng Ê-xê-chia có cả Mê-rô-đa-ba-la-đan của Ba-by-lôn khi nghe tin Ê-xê-chia bình phục sau cơn bệnh nặng. Sau khi vua Ê xê chia dẫn chỉ cho sứ giả Ba-by-lôn tất cả kho báu của Giê-ru-sa-lem thì tiên tri Ê-sai tuyên cáo cho Ê-xê-chi-ên về sự hình phạt sẽ giáng trên Giê-ru-sa-lem nhưng tiên tri xoa dịu vua bằng cách bảo đảm rằng vua sẽ cai trị bình an cho đến hết đời mình.
San-chê-ríp tiếp tục đàn áp các cuộc nổi loạn ở vùng sông Ty-rơ và Ơ-phơ-rát cho đến khi hủy phá Ba-by-lôn năm 689 TC. Nghe nói về Tiệt-ha-ca (Tirhakah) (IIVua 2V 19:9 tt)/ San-chê-ríp chuyển lòng ham muốn về phía tây một lần nữa. Lần này ông gởi tối hậu thư yêu cầu vua Ê-xê-chia đầu hàng. Đã kinh nghiệm sự giải cứu của Chúa lần trước và được hưởng hơn một thập niên bình an và thạnh vượng, vua Ê-xê-chia yên lặng trình dâng bức thư trước Chúa khi ông vào cầu nguyện trong đền thờ. Tiên tri Ê-sai cho ông biết sự bảo vệ của Chúa. Quân của A-si-ri bị tiêu diệt trên đường tiến quân, có lẽ tại sa mạc A-ra-bi, và chẳng đến được Giê-ru-sa-lem. San-chê-ríp trở về Ni-ni-ve và bị hai người con ông giết năm 681 TC.
Không như các vua tiền nhiệm, Ê xê chia khi chết năm 686 TC được chôn cất rất long trọng . Vua Ê xê chia không những lãnh đạo cuộc cải cách vĩ đại nhất trong lịch sử dân Giu đa mà còn lãnh đạo tôn giáo đem nhiều người thuộc các chi phái ở phương Bắc trở lại với Chúa nữa.
CÁC VUA TIỀN NHIỆM CỦA GIÔ-SIA
Từ khi Ê-xê-chia chết cho đến khi Giô-sia lên ngôi cách nhau gần nữa thế kỷ (686-640 TC). Ma-na-se được lên cùng cai trị với cha ông năm 696TC, ông cai trị cho đến năm 642 TC, khi con ông là A-môn lên nối ngôi.
MA-NA-SE
Ma-na-se đẩy Giu-đa vào một thời kỳ đen tối nhất của sự thờ hình tượng bằng cách cho dựng bàn thờ và tượng thần Ba-anh tương đương với thời A-háp và Giê-sa-bên ở vương quốc miền Bắc. Ông lập lên việc thờ tinh tú, thiết lập việc thờ thần Mô-lóc (Moloch) của dân Am-môn (Ammonites) bằng cách dân trẻ con cho thần tại Trũng Hi-nôm (Hinnom Valley), chiêm tinh, bói khoa, pháp thuật được chính thức công nhận. Chống đối Đức Chúa Trời cách công khai, ông lập bàn thờ thiên binh trong sân đền thờ, và đặt tượng At-tạc-tê, vợ của thần Ba-anh, ngay trong đền thờ. Có lẽ đúng như truyền thống cho rằng Ê-sai đã tuân đạo dưới tay Ma-na-se, vì Ma-na-se đã làm đổ rất nhiều máu của người vô tội (21:16). Về mặt tôn giáo và đạo đức thì Giu-đa đã xuống thật thấp dưới triều vị vua gian ác này.
Trong thời Ma-na-se cai trị thì Et-sạc-ha-đôn (Esarhaddon) và A-sua-ba-ni-ban (Ashurbanipal) mở rộng quyền thống trị của A-si-ri xuống tận Thi-bê (Thebes) ở Ai-cập năm 663 TC. Dù ngày Ma-na-se bị bắt làm tù binh (IISu 2Sb 33:10-13) không được đưa ra, nhưng chắc là ông bị đi đày vào khoảng thập niên cuối cùng triều đại ông. Sau khi ăn năn tội lỗi, Ma-na-se được Chúa cho trở về, nhưng ông không còn nhiều thì giờ để sửa sai, dẹp bỏ được hết ảnh hưởng tai hại của việc thờ hình tượng mà ông đã phát động trong những năm trước.
VUA A-MÔN
Việc thờ hình tượng lan tràn dưới thời A-môn, con của Ma-na-se. Sự huấn luyện trong thời gian đầu đã ảnh hưởng sâu đậm trên A-môn hơn là thời sửa sai, cải cách về sau. Chưa hết hai năm cai trị thì A-môn đã bị các tôi tớ trong cung giết. Dù thời gian cai trị của A-môn rất ngắn, nhưng sự lãnh đạo theo tà thần của ông đã tạo cơ hội cho dân Giu-đa hướng về sự bội đạo khủng khiếp.
GIÔ-SIA
Trong thời gian ba mươi mốt năm cầm quyền của Giô-sia đã có những thay đổi lớn lao trong nước cũng như trên trường quốc tế. Về mặt chính trị, đế quốc A-si-ri từ khi A-sua-ba-ni ban chết năm 633 TC. và sự tàn phá thủ đô Ni-ni-ve năm 612 TC, thì đã phải nhường bước cho đế quốc Mê-đi (Media) và Ba-by-lôn. Về mặt tôn giáo thì Giô-sia đã đem lại cuộc cải chánh cuối cùng trước khi Giu-đa sụp đổ.
CẢI CHÁNH TÔN GIÁO
Mới tám tuổi, Giô sia bất ngờ được đưa lên ngai của Đa-vít ở Giê-ru-sa-lem khi cha ông chết. Chắc là Giô-sia đã được các thầy giáo và các thầy tế lễ kính sợ Chúa dạy dỗ. Khi được 16 tuổi ông hết lòng tìm kiếm Chúa và trong bốn năm sau đó (năm 628 TC). lòng sốt sắng của ông đã đưa tới việc khởi sự cải chánh tôn giáo. Năm 621 TC, trong khi trùng tu đền thờ thì tìm lại được cuốn sách Luật của Chúa và lễ Vượt qua được tổ chức một cách trọng thể chưa từng có trong lịch sử Giu-đa. Về mặt chính trị thì cũng được an toàn khi dẹp bỏ những thần tượng có liên hệ với A-si-ri vì lúc này ảnh hưởng của A-si-ri đã giảm xuống rồi. Giô-sia tiếp tục lãnh đạo về mặt tôn giáo để đưa toàn dân trở lại với Đức Chúa trời cho đến hết triều đại của ông.
NỮ TIÊN TRI HUN-ĐA (Hulda)
Khi cuốn sách Luật Pháp được tìm thấy trong đền thờ, thì nhà vua cho gọi nữ tiên tri Hun-đa vào. Bà cảnh cáo vua về hình phạt Chúa đang treo đó và khuyên vua trong trách nhiệm mình hãy tuân giữ Luật Pháp Chúa. Vì Ma-na-se đã làm đổ quá nhiều máu vô tội và có lẽ ông đã tìm cách hủy bỏ những bản chép Luật Môi-se mà ông tìm thấy nên nội dung của Luật Chúa không còn được mấy ai biết đến cho đến khi cuốn sách Luật này được tìm ra và giao cho vua Giô-sia.
TIÊN TRI GIÊ-RÊ-MI
Giê-rê-mi được gọi làm tiên tri năm 627 TC. Vì Giô-sia đã bắt đầu cuộc cải cách của ông nên chắc là Giê-rê-mi và vua Giô-sia đã cộng tác với nhau chặt chẽ. Sống ở A-na-tốt (Anathoth) có lẽ Giê-rê-mi không được quen biết với Giô-sia khi cuốn sách luật được tìm ra năm 521 TC. Tuy nhiên, hai mươi mốt chương đầu của sách Giê-rê-mi đều có liên hệ với thời Giô-sia.
CÁI CHẾT BẤT NGỜ
Sự tàn phá Ni-ni-ve, thủ đô A-si-ri năm 612 TC, do liên quân Mê-đi_Ba-by-lôn (Medo - Babylonian) đã ảnh hưởng đến toàn thể vùng Đất Phì nhiêu (Fertile Crescent). Do binh mã đã được chuẩn bị sẵn sàng nên Giô-sia đã phạm một lỗi lầm trầm trọng là đem quân lên Mê-ghi-đô (Megiddo) để cố chặn đúng Nê-cô (Necho), vua Ai-cập, không cho đem tiếp viện cho tàn quân của A-si-ri_Ha-ran (Haran). Giô-sia bị tử thương và quân Giu-đa bị đánh bại. Thình lình, những hy vọng quốc gia và quốc tế của Giu-đa tiêu tan khi vị vua ba mươi bốn tuổi của họ được đem đi chôn trong thành Đa-vít. Sau 18 năm cộng tác chặt chẽ của Giô-sia, tên vị đại tiên tri được này được ghi lại trong IISu 2Sb 35:1-25 “Giê-rê-mi than khóc cho Giô-sia”
CÁC VỊ VUA CUỐI CÙNG CỦA GIU-ĐA
Nhiều thay đổi nhanh chóng xảy ra trong vòng một phần tư thế kỷ sau đó và hậu quả là sự tàn phá thành Giê-ru-sa-lem. Dù sự khống chế của A-si-ri trên Palestine hơn một thế kỷ đã sụp đổ, đế quốc Ba-by-lôn nổi lên như một lực lượng thống trị và vương quốc Giu-đa phải chịu thần phục.
VUA GIÊ-HÔ-GIA-KIM (Jehoiakim) (609 -598 TC.)
Khi Giô-a-cha (Jehoahaz) cai trị ở Giê-ru-sa-lem được ba tháng thì vua Ai-cập từ Cạt-kê-mít (Carchemish) trở về sau khi chặn đứng được bước tiến quân của Ba-by-lôn và đặt Giê-hô-gia-kim (Jehoiakim), một người con khác của Giô-sia, lên ngôi. Giô-a-cha bị bắt đem xuống Ai-cập làm tù binh và chết tại đó y như lời tiên tri của Giê-rê-mi (Gie Gr 22:11, 12).
Giê-hô-gia-kim thần phục Ai-cập đến năm 605 TC, khi Nê-cô (Necho) bị Ba-by-lôn đánh bại trong trận Cát-kê-mít. Mùa hè năm đó quân Ba-by-lôn tiến chiếm miền Nam và lấy hết kho báu cùng bắt nhiều tù binh dẫn đi trong đó có Đa-ni-ên và các bạn của ông. Năm 598 TC, vua Giê-hô-gia-kim duy trì chính sách chống Ba-by-lôn nên Nê-bu-cát-nết-sa dẫn quân xuống chiếm Giê-ru-sa-lem. Hình như Giê-hô-gia-kim bị giết bởi đám quân cướp bóc Canh-đê (Chaldean) được sự yểm trợ của dân Mô-áp, Am-môn và Si-ri trước khi lực lượng Ba-by-lôn tiến tới Palestine. Giê-hô-gia-kim, con của Giê-hô-gia-kim, lên nối ngôi cai trị chỉ được ba tháng. Nhận thấy, chống lại lực lượng Ba-by-lôn đang bao vây Giê-ru-sa-lem là vô ích nên Giê-hô-gia-kim đầu hàng Nê-bu-cát-nết-sa. Lần này những kẻ xâm lăng tước sạch đền thờ và kho táng của hoàng gia và bắt vua, mẹ hoàng hậu, các quan chức trong triều, các người lãnh đạo dân chúng đem đi làm tù binh. Trong số đó có cả tiên tri Ê-xê-chi-ên. Xê-đê-kia (Zedekiah), con trai út của Giô-sia, được đưa lên làm vua bù nhìn để cai trị Giu-đa.
XÊ-ĐÊ-KIA , 597, 586 TC.
Thần phục Ba-by-lôn, vua Xê-đê-kia có thể duy trì sự cai trị trên Giu-đa được 11 năm. Ông luôn luôn bị áp lực liên kết với Ai-cập để chống lại Ba-by-lôn. Khi Xê-đê-kia nhượng theo đảng thân Ai-cập thì quân đội Ba-by-lôn kéo đến vây hãm Giê-ru-sa-lem năm 588 TC. Sau vài năm chiếm được Giê-ru-sa-lem, đền thờ bị đốt thành tro, thủ đô Giê-ru-sa-lem bị bỏ hoang vì dân chúng bị bắt ở Giê-ri-cô và đưa đến Ríp-la (Riblah). Sau khi hành xử các con của Xê-đe-kia thì người ta xiềng ông lại, bịt mắt và đem qua Ba-by-lôn.
CHỨC VỤ CỦA GIÊ-RÊ-MI
Giê-rê-mi là sứ giả trung tín phục vụ Đức Chúa trời trong những thập niên thật rối loạn khiến cho vương quốc Giu-đa sụp đổ. Trong thời Giê-hô-gia-kim cai trị, cuốn sách Giê-rê-mi bị đốt. Khi Giê-rê-mi tuyên cáo sự tàn phá đền thờ (Gie Gr 7:26) nếu không có A-hi-cam, một nhân vật chính trị có thế lực, đến can thiệp bênh vực thì dân chúng đã giết ông rồi.
Suốt thập niên sau cùng, Giê-rê-mi liên tục khuyên vua thần phục Ba-by-lôn. Bị bỏ sống với tầng lớp dân hạ cấp, Giê-rê-mi phải chịu khổ và bắt bớ thường xuyên khi ông khuyến cáo dân chúng chống lại các tiên tri giả ở Giê-ru-sa-lem và viết thư khuyên những người bị lưu đày đừng tin lời những tiên tri giả đang hoạt động mạnh ở những nơi đó khuyên họ đặt hy vọng vào sự hồi hương về Giê-ru-sa-lem tức thì. Dù bị giam cầm và bị quăng vào hầm và bị dân chúng từ bò, Giê-rê-mi vẫn được Đức Chúa Trời bảo vệ cho sống qua cuộc tàn phá Giê-ru-sa-lem. Cuối bốn mươi năm chức vụ, ông chứng kiến sự tan rã của vương quốc của Đa-vít và sự tàn phá đền thờ Sa-lô-môn là vinh quang và là niềm kiêu hãnh của dân Do-thái gần bốn thế kỷ. Sách Ca-thương là sách diễn tả nổi niềm của Giê-rê-mi, khi ông chứng kiến sự tàn phá Giê-ru-sa-lem, thủ đô yêu quý của ông.
Bài làm:
1. Những ai tham dự trong cuộc chiến Si-rô, Ép-ra-im (Syro - Ephraimitic)?
2. Thái độ của A cha đối với Ê-sai như thế nào?
3. Vua Ê-xê-chia đã làm gì để đảo ngược chính sách tôn giáo và chính trị cảu vị vua cha gian ác của ông?
4. Ê-xê-chia chuẩn bị những gì để bảo vệ quốc gia?
5. Ê-sai đã giúp cho Ê-xê-chia như thế nào khi San-chê-ríp đến đòi hàng phục và đòi dâng Giê-ru-sa-lem năm 701 TC.
6. Tại sao San-chê-ríp thình lình kéo quân trở về Ba-by-lôn năm 701 TC.
7. San-chê-ríp bị đánh bại như thế nào trong lần thứ hai hãm đánh Ê-xê-chia?
8. Chính sách tôn giáo của Ma-na-se là gì?
9. Sự phát triển quốc tế như thế nào mà đã giúp cho việc cải chánh tôn giáo của Giô-sia được dễ dàng?
10. Tại sao Nê-bu-cát-nết-sa phá hủy thành Giê-ru-sa-lem.
11. Hãy phác họa mối liên hệ Giu-đa _ A-si-ri trong thời vua Ê-xê-chia. Hãy đưa ra những bằng chứng về sự can thiệp và hướng dẫn của Chúa trong mối liên hệ này. Xin cho ví dụ về mức độ mà các chính khách Cơ-đốc ảnh hưởng đến những biến cố quốc tế ngày nay.
12. Phác họa diễn tiến của sự cải chánh tôn giáo của vua Giô-sia. Xin nêu ra mối liên hệ giữa sự cải chánh với sự hiểu biết cùng thái độ của Giô-sia đối với Đức Chúa Trời và luật pháp của Ngài. Ngày nay nếu cộng đồng, tập thể của bạn đọc và áp dụng lời của đức Chúa trời thì sẽ có những cải cách nào?
13. Hãy tóm tắt chức vụ của Giê-rê-mi trong bốn mươi năm cuối của lịch sử Giu-đa. Hãy cho biết trách nhiệm của Cơ-đốc nhân trong những vấn đề quốc gia.
14. Liệt kê những biến cố quốc tế quan trọng nhất giữa năm 650-586 TC. cho biết liên hệ giữa những biến cố này với lời tiên tri và với việc tuyển dân (chosen people) Y-sơ-ra-ên vi phạm giao ước của Đức Chúa Trời (Xem Phục truyền 29,30).
*Tài liệu tham khảo:
- Các tài liệu tham khảo trong chương 8,9,10.
- Harrison, Roland K. Jeremiah and Lamentations . Downers Grove, II: Inter Varsity Press 1973.
bottom of page