top of page
Hung Tran
Mar 15, 2023
Giờ đây niềm tin của Cơ-đốc nhân được cũng cố rất nhiều bởi sự kiện Chúa Giê-xu thật là Đấng mà Ngài đã phán...
PHẦN MỘT: THÂN VỊ CỦA CHÚA CỨU THẾ
ĐẶC TÍNH CỦA CHÚA CỨU THẾ
Mấy...
...năm trước tôi nhận được một bức thư của một chàng thanh niên mà tôi không biết rõ lắm. Anh ta viết, “Tôi vừa có một khám phá lớn. Đức Chúa Trời toàn năng có hai người con. Chúa Cứu Thế Giê-xu là người thứ nhất; tôi là người thứ hai.” Tôi nhìn thoáng qua địa chỉ ở đầu thư. Thư được viết từ một bệnh viện tâm thần nổi tiếng.
Dĩ nhiên có nhiều người giả vờ là những nhân vật vĩ đại và làm bộ như họ là Đức Chúa Trời. Các bệnh viện tâm thần đầy dẫy những người tự cho mình là Julius Caesar, là Thủ tướng hay Nhật Hoàng hoặc Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nhưng không ai tin họ. Không một ai bị gạt trừ họ. Họ không có môn đệ, có lẽ trừ những bệnh nhân như họ. Họ thất bại trong việc chinh phục người khác đơn giản vì họ dường như không phải là điều mà họ xác nhận. Đặc tính của họ không hỗ trợ cho những lời xác nhận của họ.
Giờ đây niềm tin của Cơ-đốc nhân được cũng cố rất nhiều bởi sự kiện Chúa Giê-xu thật là Đấng mà Ngài đã phán. Không có sự bất nhất nào giữa lời Ngài nói và việc Ngài làm. Chắc chắn sẽ cần một đặc tính rất đáng chú ý để chứng minh những lời xác nhận của Ngài là xác thực, chúng ta tin rằng Ngài đã bày tỏ một đặc tính như vậy. Đặc tính của Ngài không minh chứng rằng những lời xác nhận của Ngài là đúng, nhưng xác nhận chúng một cách mạnh mẽ. Đặc tính của Ngài là độc nhất. John Stuart Mill gọi Ngài là “Nhân vật độc nhất vô nhị, không giống với tất cả những người trước hoặc sau Ngài.” (Trích dẫn bơi W.H. Grifith Thoma, Christianity is Christ , 1909; Chuxh Book Room Press edition, 1948, p.15). Carnegie Simpson viết, “Đừng theo bản năng mà xếp Ngài chung với những người khác.”
Khi người ta đọc tên Ngài trong một danh sách bắt đầu bằng Khổng Tử và kết thúc bằng Goeth chúng ta cảm thấy rằng đây là sự xúc phạm đối với chính thống tính hơn là đối với lễ nghi. Chúa Giê-xu không thuộc vào hàng những người vĩ đại của thế gian. Hãy nói về A-lịch-sơn Đại đế, Đại đế Charles, Đại đế Napoleon nếu bạn muốn…Chúa Giê-xu khác xa họ. Ngài không phải là một Đại đế; Ngài là Đấng Duy nhất. Ngài là Chúa Giê-xu. Không thể thêm thắt gì vào điều nay…Ngài ở bên ngoài những phân tích của chúng ta. Ngài làm cho những tiêu chuẩn về bản chất của con người chúng ta trở nên rối rắm. Ngài buộc chúng ta phải bỏ qua sự phê phán của chúng ta. Ngài làm kinh động thần linh của chúng ta. Charles Lamb nói rằng “nếu Shakespeare bước vào phòng này chúng ta phải đứng lên chào mừng ông, nhưng nếu Con người bước vào, tất cả chúng ta phải quỳ xuống và cố gắng để hôn vạt áo Ngài.” (P. Carnegie Simpson, The Fact of Christ, 1930. James Clark edition. 1952, pp.19-22).
Thế thì chúng ta đã bận tâm lo lắng để nhằm chứng minh rằng Chúa Giê-xu ở trong phạm trù đạo đức. Việc thừa nhận rằng Ngài là “con người vĩ đại nhất đã từng sống” không còn làm cho chúng ta thỏa mãn. Chúng ta không thể nào nói về Chúa Giê-xu theo lối so sánh tương đối ngay cả với những lối so sánh tuyệt đối. Đối với chúng ta vấn đề này không nằm ở chỗ so sánh, nhưng nằm ở cho tương phản. “Sao ngươi hỏi ta về việc lành?” Ngài hỏi người trẻ tuổi giàu có. “Chỉ có một Đấng lành mà thôi.” “Đúng,” chúng ta sẽ phải trả lời như thế. Không phải là vì Ngài tốt hơn những người khác, cũng không phải là vì Ngài là người tốt nhất trong tất cả mọi người, nhưng vì ngài là Đấng nhơn lành với thiện tính tuyệt đối của Đức Chúa Trời.
Tầm quan trọng của lời xác nhận này sẽ trở nên rõ ràng. Tội lỗi là căn bệnh bẩm sinh ở giữa con người. Chúng ta được sinh ra với những khiếm khuyết trong bản chất của chúng ta. Đây là lời than thở của vạn vật. Vì thế nếu Chúa Giê-xu Na-xa-rét sinh ra không tội lỗi, thì Ngài không giống như những con người ma chúng ta biết. Nếu Ngài vô tội, thì Ngài rất khác với chúng ta. Ngài là siêu phàm.
“Đặc tính của Ngài lạ lùng hơn phép lạ vĩ đại nhất” (Tenyson, quoted by Carnegie Simpson, p. 62).
“Việc phân rẽ khỏi những tội nhân không phải là chuyện nhỏ đây là một sự việc vô cùng lớn lao; đây là giả định của sự cứu chuộc; đây chính là đặc tính của Chúa Cứu Thế. Nếu không có đặc tính này Ngài sẽ không có đủ tư cách làm Cứu Chúa, Ngài sẽ giống như chúng ta, cần phải được cứu chuộc.” (James Deney, Studies in Theology, Holder and Stoughton, 9th editon, 1906, p.4).
* Bằng chứng về sự vô tội của Đấng Christ có thể tóm lược trong bốn điểm như sau:
1. Chúa Cứu Thế nhận thức về chính Ngài.
Có đôi lần Chúa Cứu Thế trực tiếp nói rằng Ngài vô tội. Khi một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội tà dâm bị kéo đến trước mặt Ngài, Ngài đã đưa ra lời thách thức cho những người buộc tội người đàn bà này: “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người.” Từ từ họ bỏ đi cho đến khi không còn lại một ai. Một lúc sau cũng trong đoạn này (GiGa 8:46), ký thuật rằng Chúa đưa ra một thách thức khác, lần này liên quan đến chính mình Ngài: “Ai trong các ngươi nói rằng ta là người có tội?” Không ai trả lời. Họ đã lẻn đi khi Ngài buộc tội họ. Nhưng khi Ngài mời họ buộc tội Ngài, Ngài có thể đã xem xét họ kỷ càng. Họ đều là những tội nhân; Ngài không hề phạm tội. Ngài sống cuộc đời vâng phục trọn vẹn ý chỉ của Cha Ngài. Ngài phán: “Ta luôn làm những gì đẹp lòng Ngài.” Không có chút khoác lác nào trong những lời này. Ngài nói một cách tự nhiên, không chút bối rối hay giả vờ.
Tương tự, Ngài tự đặt mình vào trong phạm trù đạo đức
bởi chính bản chất của những lời giảng dạy của Ngài. Người Pha-ri-si trong Đền thờ trong lời tạ ơn đầy kiêu ngạo của ông “Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác.” cũng đã làm như vậy. Nhưng Chúa Giê-xu thừa nhận sự độc nhất vô nhị của Ngài trong sự quan tâm đến bản thân Ngài một cách vô thức. Ngài không cần phải chú ý về điều này. Đây là điều hiển nhiên đối với Ngài mà hầu như không cần phải nhấn mạnh đến. Điều này được hàm ý hơn là được khẳng định. Mọi người là những con chiên lạc; Ngài đã đến để làm Người chăn nhơn lành tìm kiếm và giải cứu họ. Mọi người đều mắc phải căn bệnh tội lỗi; Ngài là bác sĩ đã đến để chữa lành cho họ. Mọi người đều chìm đắm trong bóng tối của tội lỗi; Ngài được sinh ra để làm Cứu Chúa của họ và đổ huyết ra cho đến chết để tha thứ tội lỗi cho họ. Mọi người đều đói khát; Ngài là bánh của sự sống. Mọi người đều chết trong sự quá phạm và tội lổi của họ; giờ đây Ngài là sự sống và là sự sống lại của họ sau này. Tất cả những ẩn dụ này nói lên sự đôc nhất vô nhị của Ngài.
Vì thế, không có gì phải ngạc nhiên dầu trải qua những cám dỗ nhưng Ngài chẳng hề phạm tội. Ngài chẳng bao giờ phải xưng tội hoặc xin tha thứ, dầu rằng Ngài đã bảo các môn đệ của Ngài phải làm như thế. Ngài không hề biết đến sự thất bại thuộc linh. Ngài không hề có một ý nghĩ tội lỗi nào và không hề có một cảm thức nào về sự bất hảo đối với Đức Chúa Trời. Phép báp tem của Ngài thật là “phép báp-têm ăn năn” của Giăng. Nhưng Giăng ngần ngại khi làm báp-têm cho Chúa Giê-xu và Chúa Giê-xu thuận phục điều này không phải vì Ngài tự nhận mình là một tội nhân nhưng là để “làm trọn mọi sự công bình” và để bắt đầu đồng nhất hóa Ngài với tội lỗi của những người khác. Ngài dường như sống trong mối giao thông không hề gián đoạn với Cha Ngài.
Việc không hề có sự không hài lòng về mặt đạo đức và ý nghĩa về mối giao thông trong sáng với Đức Chúa Trời đặc biệt đáng lưu ý vì hai lý do. Thứ nhất là vì Chúa Giê-xu phán xét tinh tường về măt đạo đức. Ngài biết… “những gì ở bên trong con người.” Những câu chuyện của Phúc-âm vẫn thường ký thuật rằng Ngài đọc thấy những vấn nạn và những lúng túng của đám đông. Sự nhận thức rõ ràng của Ngài dẫn Ngài đến chỗ vạch trần sự hai lòng của người Pha-ri-si. Ngài ghét sự giả hình của họ. Ngài tuyên bố nhiều tai hoạ sẽ ập đến trên họ như những tai họa mà các tiên tri nói đến trong Cựu Ước. Khoe khoang và giả hình là điều ghê tởm đối với Ngài. Dầu vậy cặp mắt nhìn thấu suốt mọi sự của Ngài không hề nhìn thấy tội lỗi nào ở trong Ngài.
Lý do thứ hai tại sao sự thánh khiết mà Ngài tự nhận thức về chính bản thân Ngài đã gây kinh ngạc là vì nó hoàn toàn khác với kinh nghiệm của tất cả các thánh và những nhà thần bí. Cơ-đốc nhân biết rằng càng gần Đức Chúa Trời bao nhiêu thì càng ý thức được tội lỗi của chính mình bấy nhiêu. Trong chỗ này thánh đồ có phần giống nhà khoa học. Càng khám phá nhiều, nhà khoa học càng hiểu được rằng còn có những điều bí ẩn đang chờ đợi sự khám phá của ông. Cũng thế, Cơ-đốc nhân càng trở giống như Chúa Cứu Thế thì càng nhận thức được khoảng cách lớn lao phân cách giữa mình và Chúa Cứu Thế.
Về sự kiện này chúng ta sẽ hài lòng khi đọc tiểu sử của bất cứ một Cơ-đốc nhân nào, nếu kinh nghiệm riêng tư của mình không phải là chứng cớ đầy đủ. Có thể đưa ra một ví dụ về David Brainerd là một giáo sĩ tiền phong trẻ tuổi cho những người Da đỏ Delaware vào đầu thế kỷ mười chín. Nhật ký và thư từ của ông bày tỏ phẩm chất cao đẹp trong sự tận hiến của ông đối với Chúa Cứu Thế. Mặc dầu sự đau đớn và ốm yếu cực kỳ đã dẫn đến cái chết vào tuổi hai mươi chín, ông đã hiến mình cho công việc Ngài mà không giữ lại gì. Ông đã cỡi ngựa băng qua nhiều khu rừng rậm, giảng dạy ngoài trời mà không hề ngủ nghỉ và bằng lòng với cuộc sống không nhà. Quyển nhật ký của ông đầy dẫy những lời yêu thương đối với “những người anh em Da đỏ yêu dấu” và lời cầu nguyện và ngợi khen Cứu Chúa của ông.
Chắc hẳn có người sẽ nghĩ rằng đây là một vị thánh có phẩm cách hàng đầu, mà cuộc sống và công việc của người ít bị vẩn đục bởi tội lỗi. Dầu vậy khi lật sang những trang sau của quyển nhật ký, ông tiếp tục than van về “sự đồi bại đạo đức” của ông. Ông tự gọi mình là “một con sâu đáng thương,” “một con chó chết,” và “một con người xấu xa không thể tả xiết.” Đây không phải là vì ông có một lương tâm không lành mạnh. Đơn giản là vì ông sống gần Chúa Cứu Thế và nhận thức một cách đau khổ về tội lỗi của ông.
- Những người vui mừng, thỏa mãn với sự thiện hảo của Ngài
- Phải nhận thức rõ có nhiều lầm lỗi bên trong chính mình.
Dầu vậy, Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng sống gần với Đức Chúa Trời hơn bất cứ người nào khác, không hề có cảm giác tội lỗi.
2. Các môn đồ nói về Chúa Cứu Thế
Thế thì rõ ràng rằng Chúa Giê-xu tự tin rằng Ngài vô tội, và Ngài tự tin rằng Ngài là Đấng Mê-si-a và là Con Đức Chúa Trời. Nhưng có thể nào nào Ngài lầm lẫn khi tin như thế không? Các môn đệ Ngài đã nghĩ gì? Họ có chấp nhận quan niệm của Ngài hay không?
Người ta có thể nghĩ rằng các môn đệ của Chúa Giê-xu là những nhân chứng tồi. Người ta lập luận rằng họ đã tỏ ra thiên vị và họ đã cố y tô vẻ cho Ngài đẹp đẽ hơn là Ngài đáng có. Nhưng trong chỗ này các sứ đồ bị nói xấu nhiều hơn. Những lời họ nói không thể nào dễ dàng bỏ qua. Có một số lý do để chúng ta tin vào những chứng cớ của họ.
• Đầu tiên, họ đã sống gần gũi với Chúa Giê-xu trong ba năm. Họ cùng ăn cùng ngủ với nhau. Họ kinh nghiệm được tình thân ái của những người đồng hội đồng thuyền. Họ có một ngân quỹ chung (và ngân quỹ chung này có thể là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ). Họ gây bực mình cho nhau. Họ gây gổ với nhau. Nhưng họ chẳng hề tìm thấy nới Chúa Giê-xu những tội lỗi mà họ nhìn thấy nơi chính bản thân họ. Sự thân mật thường dẫn đến việc coi thường nhau, nhưng trong trường hợp này thì khác. Thật vậy, hai trong những chứng nhân chính về sự vô tội của Chúa Cứu Thế là Phi-e-rơ và Giăng (như chúng ta thấy sau này), họ thuộc một nhóm người thân tín (bao gồm Phi-e-rơ, Gia-cơ va Giăng) mà Ngài đã ban cho những đặc quyền và sự bày tỏ thân thiết hơn.
• Thứ hai, lời của của các sứ đồ trong vấn đề này là đáng tin cậy bởi vì họ là những Do-thái mà tâm trí của họ đã thấm nhuần những giáo lý của Cựu Ước ngay từ thời thơ ấu. Và một giáo lý mà họ đã tiêu hóa là tính phổ quát của tội lỗi con người
“Chúng nó thay thảy đều bội nghịch, cùng nhau trở nên ô uế; Chẳng có ai làm điều lành, Dầu một người cũng không. Tất cả chúng ta giống như chiên đi lạc; chúng ta phải quay trở lại với đường lối của Ngài.”
Trong ánh sáng của các lời dạy trong Kinh Thánh này chắc hẳn họ không quy cho bất cứ ai là vô tội một cách dễ dàng.
• Thứ ba, lời chứng của các sứ đồ về sự vô tội của Chúa Giê-xu là đáng tin hơn bởi vì nó trực tiếp. Họ không sắp đặt để tạo ra một lẽ thật cho rằng Ngài vô tội. Những nhận xét của họ được để riêng ra một bên. Họ đang thao luận về một số đề tài khác và hầu như thêm vào sự vô tội của Ngài giống như thêm vào một dấu ngoặc cho phần tham khảo.
Đây là những gì họ nói. Trước nhất Phi-e-rơ mô tả Chúa Giê-xu là “chiên con không lỗi không vít” và sau đó nói rằng Ngài “không hề phạm tội; không hề tìm thấy lời dối trên môi miệng Ngài.” Giăng nói rằng mọi người là tội nhân, bản thân chúng ta là những người dối trá và chúng ta cũng làm cho Đức Chúa Trời trở thành người dối trá. Nhưng ông tiếp tục nói rằng trong Chúa Cứu Thế là Đấng cất tội lỗi của chúng ta đi, “không có tội lỗi” (IPhi 1Pr 1:19; IGi1Ga 1:8-10; 3:5).
Chúng ta có thể thêm lời chứng của Phao-lô và của tác giả thư Hê-bơ-rơ vào lời chứng của Phi-e-rơ và Giăng. Họ mô tả Chúa Giê-xu là “Đấng chẳng biết tội lỗi” nhưng là “thánh khiết, không tội, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội.” Ngài “bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội.” (IICo 2Cr 5:21; HeDt 7:26; 4:15).
3. Kẻ thù Chúa Giê-xu thừa nhận:
Có thể chúng ta tự cảm thấy có được cơ sở an toàn hơn khi xem xét những gì mà kẻ thù của Chúa Giê-xu nghĩ về Ngài. Chắc hẳn là họ không ủng hộ Ngài. Chúng ta đọc thấy trong các sách Phúc-âm rằng “họ canh chừng Ngài” và cố “đánh bẫy Ngài trong lời nói.” Ai cũng biết rằng khi một cuộc tranh luận không thể đi đến chỗ chiến thắng bằng lý luận, những người tranh luận có khuynh hướng đi đến chỗ lăng mạ nhau. Khi không có đủ lý lẽ để tranh cãi, người ta quay sang bôi nhọ nhau. Thậm chí biên niên sử của Hội thánh cũng bị vấy bẩn bởi sự thù địch cá nhân. Kẻ thù của Chúa Giê-xu cũng thế.
Mác đã ghi lại bốn điều phê phán của họ (Mac Mc 2:11-3:6).
- Lời cáo buộc đầu tiên của họ là phạm thượng. Chúa Giê-xu đã tha tội cho một người. Đây là sự xâm phạm vào lãnh địa của Đức Chúa Trời. Đây là kiêu ngạo và báng bổ, họ nói. Nhưng nói như thế là không giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng. Nếu Ngài thật là Đức Chúa Trời, thì việc tha tội là quyền của Ngài.
- Kế đến, họ kinh ngạc và nói rằng Ngai sự giao thiệp với người có tội lỗi. Ngài làm bạn với những kẻ tội lỗi. Ngài ăn với những người thu thuế. Ngài để cho những kỵ nữ đến gần Ngài. Không có người Pha-ri-si nào dám hành xử như thế. Chắc hẳn họ sẽ dựng những tấm chắn chung quanh mình và lui lại không tiếp xúc với loại cặn bã như thế. Chắc hẳn họ nghĩ làm như thế là công bình. Họ không nhận thức được ân điển và sự nhân hậu của Chúa Giê-xu là Đấng dầu “phân rẽ khỏi tội nhân” vẫn nhận được danh hiệu đáng tôn là “bạn của tội nhân.”
- Lời cáo buộc thứ ba là đạo của Ngài là phù phiếm. Ngài không giống như những người Pha-ri-si, cũng không giống như những môn đệ của Giăng Báp-tít. Ngài là “kẻ tham ăn và mê uống” đã đến để “ăn và uống.” Sự công kích như thế hầu như không đáng là sự bài bác nghiêm túc. Chúa Giê-xu đầy sự vui mừng là đúng, nhung không thể nghi ngờ rằng Ngài đã giữ đạo của Ngài một cách nghiêm túc.
- Thứ tư, họ điên tiết lên bởi vì Ngài phạm ngày sa-bát . Ngài chữa lành người bệnh vào ngày sa-bát. Và các môn đệ của Ngài khi đi qua những cánh đồng lúa mì đã bứt bông lúa non để ăn trong ngày sa-bat, đây là điều mà các thầy thông giáo và người Pha-ri-si cấm giống như gặt và đập lúa. Dầu vậy không một ai dám nghi ngờ rằng Chúa Giê-xu không vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời. Tự Ngài vâng theo luật pháp và trong cuộc tranh luận với những kẻ thù nghịch Ngài đã nói đến luật pháp như một vị quan tòa. Ngài cũng xác nhận rằng Đức Chúa Trời đã lập ra ngày sa-bát vì ích lợi của con người. Nhưng chính Ngài là “Chúa của ngày Sa-bát,” Ngài xác nhận thẩm quyền, để qua một bên những truyền thống sai lầm và đưa ra lời giải thích đúng về luật pháp của Đức Chúa Trời.
Tất cả những lời cáo buộc này đều tầm thường hoặc không thỏa đáng. Vì thế khi Chúa Giê-xu chịu khổ nạn, những kẻ gièm pha đã thêm những kẻ làm chứng dối chống lại Ngài. Nhưng sau đó họ đã không đồng tâm nhất trí với nhau. Thực ra lời buộc tội duy nhất mà họ có thể sử dụng để chống lại Ngài liên quan đến chính trị thay vì dạo đức. Khi là một tù nhân với một thái độ trang nghiêm đứng trước mặt mọi người để chờ phán quyết, hết lần này đến lần khác Ngài được tuyên bố là công bình. Phi-lát, sau nhiều lần cố gắng lẫn tránh vấn đề một cách hèn nhát, dã công khai rửa tay và tuyên bố rằng ông “vô tội về huyết của người này.” Tên cướp ăn năn sám hối trên cây thập tự đã quay sang quở trách kẻ đồng phạm với mình vì lăng mạ Chúa Giê-xu và nói thêm rằng “người này không hề làm một điều gì ác.” Cuối cùng, thầy đội, người đã chứng kiến Chúa Giê-xu chịu khổ và chết, đã buôc miệng kêu lên rằng: “Thật người này là công bình!” (Mat Mt 27:24; LuLc 23:15; Mat Mt 27:3, 4; LuLc 23:41, 47).
4. Những gì chính chúng ta thấy:
Khi đánh giá về đặc tính của Chúa Giê-xu chúng ta không chỉ dựa vào lời chứng của người khác, chúng ta có thể tự mình đánh giá. Sự toàn hảo về mặt đạo đức mà Ngài đã xác nhận trong yên lặng, đã được bạn bè của Ngài khẳng định một cách tự tin và được kẻ thù nghịch Ngài chấp nhận một cách miễn cưỡng, được trình bày một cách rõ ràng trong các sách Phúc-âm.
Chúng ta có cơ hội để có được sự phê phán của riêng chúng ta. Bức tranh của Chúa Giê-xu được các nhà truyền đạo vẽ nên là một bức tranh toàn diện. Thật vậy, nó mô tả chức vụ công khai của Ngài chỉ trong ba năm. Nhưng chúng ta cũng co thể thoáng nhìn thời thơ ấu của Ngài và Lu-ca đã hai lần lập lại rằng trong những năm mà Ngài còn ẩn mình ở Na-xa-rét, thân thể, trí tuệ và tinh thần của Ngài đang phát triển một cách tự nhiên và sự tăng trưởng của Ngài khiến cho Đức Chúa Trời và con người đẹp lòng.
Chúng ta có thể thấy Ngài lui vào chỗ riêng tư với các môn đệ của Ngài và cũng có thể nhìn thấy Ngài trong sự ồn ào, chộn rộn của đám đông. Ngài ở trước mặt chúng ta trong chức vụ của một người Ga-li-lê, một đám đông hổn tạp tôn thờ Ngài như môt vị anh hùng và muốn ép buộc Ngài lên làm vua và chúng ta có thể đi theo Ngài vào trong các hành lang của Đền thờ Giê-ru-sa-lem nơi những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê hiệp lại với nhau trong việc thẩm tra đầy quỷ quyệt. Nhưng dầu đạt đến thành công tuyệt đỉnh hoặc bị chìm ngập trong sự cô đơn vì bị bị từ bỏ, Ngài vẫn là Giê-xu. Ngài vẫn trước sau như một. Ngài không phải là người có tính khí bất thường. Ngài không hề thay đổi.
Đây là một hình ảnh quân bình. Ở nơi Ngài không hề có dấu hiệu của sự lập dị. Ngài tin tưởng một cách mãnh liệt vào những gì Ngài dạy, nhưng Ngài khong phải là người cuồng tín. Giáo lý của Ngài không được nhiều người ưa chuộng nhưng không lập dị. Có nhiều bằng chứng về nhân tính cũng như thần tính của Ngài. Ngài mệt mỏi. Ngài cần ngủ, cần ăn và uống như người khác. Ngài kinh nghiệm được những cảm xúc yêu thương, nóng giận, vui mừng và buồn rầu. Ngài có đầy đủ nhân tính. Dầu vậy Ngài không chỉ là con người.
Trên hết, Ngài không hề ích kỷ. Không có gì gây ấn tượng hơn điều này. Dẫu Ngài tự tin rằng Ngài là Đức Chúa Trời, Ngài không làm ra vẻ ta đây là Đức Chúa Trời. Ngài chẳng bao giờ phô trương. Ngài cũng chẳng làm ra vẻ Ngài là quan trọng. Ngài khiêm nhường.
Sự kết hợp giữa sự giảng dạy tư cho mình là trung tâm và hành động vô kỷ của Ngài là điều nghịch lý gây nhiều trở ngại. Trong sự suy nghĩ Ngài tự đặt mình trước; trong việc làm Ngài tự đặt mình sau. Ngài bày tỏ sự tự đánh giá Ngài là vĩ đại nhất vưa là sự hy sinh quên mình lớn lao nhất. Ngài biết ngài là Chúa của mọi người, nhưng Ngài đã trở nên đầy tớ của họ. Ngài nói Ngài sẽ đoán xét thế gian, nhưng Ngài đã rửa chân cho các môn đồ của Ngài.
Không hề có ai từ bỏ mình đi nhiều như thế. Điều này được xác nhận (bởi Ngài cũng như chúng ta) rằng Ngài từ bỏ những niềm vui của thiên đàng vì những đau buồn của trần thế, Ngài đánh đổi sự miễn nhiễm đời đời đối với tội lỗi lấy sự tiếp xúc đầy đau khổ với tội lỗi trong thế gian này.
Ngài sinh ra bởi một người mẹ Do-thái thấp hèn, trong một chuồng chiên bẩn thỉu, nơi một ngôi làng Bết--lê-hem quạnh quẻ. Ngài trở nên một em bé tỵ nạn ở Ai-cập. Ngài được mang đến một ngôi làng nhỏ Na-xa-rét ít ai biết đến và làm việc cực nhọc nơi chiếc ghế của thợ mộc để giúp mẹ và những người khác trong gia đình.
Trong khi trở thành một nhà truyền đạo lưu hành, Ngài không có nhà và không có mấy của cải, tiện nghi. Ngài làm bạn với những ngư phủ mộc mạc và những người thâu thuế. Ngài chạm đến những người phung và để cho những kỵ nữ chạm đến Ngài. Ngài tự hiến mình trong chức vụ chữa lành, cứu giúp và giảng dạy.
Ngài bị hiểu lầm, bị xuyên tạc và trở thành nạn nhân của những thành kiến và những quyền lợi bất di bất dịch của con người. Ngài bị dân Ngài khinh dễ và từ bỏ, Ngài cũng bị bạn bè Ngài bỏ rơi. Lưng Ngài bị đánh, mặt Ngài bị vả, đầu Ngài bị đội mão gai, tay và chân Ngài bị đóng đinh vào giá treo phổ biến của người La-mã. Và khi những đầu đinh tai ác đóng ngập vào chân tay Ngài, Ngài vẫn cầu nguyện cho những kẻ hành hạ Ngài, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết điều mình làm.”
Một con người như thế vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Ngài thành công trong chỗ chúng ta thất bại. Ngài hoàn toàn tự kềm chế mình. Ngài không trả đủa. Ngài chẳng bao giờ tỏ ra bực mình và châm biếm người khác. Ngài đã tự kềm chế minh khỏi tất cả những gì mà con người có thể nghĩ hoặc nói hoặc làm, Ngài từ bỏ chính mình vì ý muốn Đức Chúa Trời và vì phúc lợi của con người. “Ta không theo ý ta” và “Ta không cầu sự vinh hiển cho ta.” Như Phao-lô viết, “Chúa Cứu Thế không làm theo ý mình.”
Hoàn toàn không quan tâm đến bản thân mình trong sự phụng vụ Đức Chúa Trời và con người là diều mà Kinh Thánh gọi là tình yêu thương. Không có tư lợi trong tình yêu thương. Bản chất của tình yêu thương là hy sinh. Điều tệ hại nhất của con người là được tô điểm bởi sự nổi tiếng nhất thời, nhưng cuộc đời của Chúa Giê-xu luôn ngời sáng với vinh quang chẳng bao giờ tàn phai.
Chúa Giê-xu vô tội bởi vì Ngài không vị kỷ. Không vị kỷ là tình yêu. Và Đức Chúa Trời là tình yêu thương.
bottom of page