top of page
Hung Tran
Mar 8, 2023
Quyết định trở thành Cơ-đốc nhân là một ý tưởng hoàn toàn xa lạ với nhiều người...
PHẦN BỐN: ĐÁP ỨNG CỦA CON NGƯỜI
ĐI ĐẾN QUYẾT ĐỊNH
Quyết...
...định trở thành Cơ-đốc nhân là một ý tưởng hoàn toàn xa lạ với nhiều người. Một số người nghĩ rằng họ đã là Cơ-đốc nhân bởi vì họ được sanh ra trong một đất nước theo Cơ-đốc giáo. Họ nói: “Xét cho cùng, chúng tôi không phải là Do-thái giáo, không phải là Hồi giáo, không phải là Phật giáo; có lẽ vì thế mà chúng tôi là Cơ-đốc nhân!” Những người khác cho rằng vì họ được nuôi dạy như một Cơ-đốc nhân và được dạy tiếp nhận tín điều và những tiêu chuẩn Cơ-đốc, vì thế họ không cần phải làm thêm bất cứ điều gì. Nhưng dù cha mẹ họ là Cơ-đốc nhân và họ được nuôi dưỡng trong một gia đình Cơ-đốc, mọi người đều có trách nhiệm phải quyết định tin theo Chúa Cứu Thế hoặc chống lại Ngài. Chúng ta không thể giữ thái độ trung lập. Cũng không để bị lôi cuốn vào Cơ-đốc giáo. Hoặc không ai quyết định thay cho cúng ta. Chúng ta phải tự quyết định.
Phải công nhận rằng cho đến giờ những gì được viết trong quyển sách này là chưa đủ. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng những bằng chứng về thần tánh của Chúa Giê-xu là rất thuyết phục và Ngài thật là Con của Đức Chúa Trời; chúng ta có thể tin rằng Ngài đã đến và chịu chết để trở thành Cứu Chúa của thế gian; chúng ta cũng có thể nhìn nhận rằng chúng ta là những tội nhân và cần đến một Cứu Chúa. Nhưng những điều này không làm cho chúng ta trở thành Cơ-đốc nhân. Tin vào những sự kiện chắc chắn về con người và công việc của Chúa Cứu Thế là cần thiết, nhưng đức tin thật sẽ biến đức tin của trí tuệ thành hành động dứt khoát của sự tin cậy. Lòng tin của trí tuệ phải dẫn đến cam kết cá nhân.
Tôi thường tự nghĩ rằng bởi vì Chúa Giê-xu đã chết trên thập tự giá, một số chuyển giao nào đó đã diễn ra và con người được đặt vào vị trí đúng đắn với Đức Chúa Trời. Tôi nhớ rằng tôi thật là bối rối, thậm chí phẫn nộ khi lần đầu tien người ta nói với tôi rằng tôi cần tiếp nhận Chúa Cứu Thế và sự cứu rỗi của Ngài. Cảm tạ Chúa vì sau này Ngài đã mở mắt tôi để tôi thấy nhiều hơn cả việc nhìn nhận rằng tôi cần một Cứu Chúa, thậm chí hơn cả việc nhìn nhận rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu là Cứu Chúa; tôi cần phải tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của tôi. Chắc chắn đây là đại từ nhân xưng nổi bật trong Kinh Thánh.
“Đức-Giê hô-va là Đấng chăn giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.”
“Đức Giê-hô-va là ánh sáng và là sự cứu rỗi tôi.”
“Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời tôi.”
Có một câu trong Kinh Thánh đã giúp cho nhiều người tìm kiếm (kể cả tôi) hiểu được bước tiến của đức tin mà chúng ta can tiếp nhận. “Này, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.” (KhKh 3:20).
Câu này được Holman Hunt dùng trong bức tranh nổi tiếng “Ánh Sáng của Thế gian,” được họa năm 1853. Nguyên bản của bức tranh này được treo ở nhà nguyện của Đại học Keble, Oxford và bản sao của nó (tác phẩm của họa sĩ này bốn mươi năm sau) ở thánh đường St Paul. Dầu có mang phong cách của thời kỳ tiền Raphael hay không, biểu tượng của bức tranh này truyền đạt nhiều điều đáng học hỏi. Trong một bức thư gởi cho tờ Thời Báo (Times ) vào tháng Năm 1854, John Ruskin đã mô tả bức tranh này như sau:
“…Bên phải của bức tranh người ta nhìn thấy cánh cửa của linh hồn con người, những song cửa và đinh bị rỉ sét; cánh cửa bị khép chặt bởi những dây trường xuân leo bám vào, chứng tỏ nó chưa bao giờ được mở ra. Một con dơi đang bay lượn ở trên; ngạch cửa bị những bụi mâm xôi, tầm ma và những cây ngô không trái che kín…Chúa Cứu Thế tiến đến cửa trong đêm tối….”
Ngài mặc áo dài của vua và đội mão gai, tay trái cầm đèn lồng (là ánh sáng của thế gian) và gõ cửa bằng tay phải.
Bối cảnh của câu nói này đang được minh hoạ. Câu này nằm ở phần cuối của bức thư do Chúa Cứu Thế viết qua Giăng gởi cho Hội thánh Lao-đi-xê, tọa lạc ở một nơi mà giờ đây thuộc Thổ nhĩ kỳ. Lao-đi-xê là một thành phố phồn thịnh, nổi tiếng bởi việc sản xuất vải vóc, bởi trường y khoa nơi bột thuốc chữa mắt nổi tiếng của của người Phrygia được bào chế và những ngân hàng giàu có.
Sự thịnh vượng vật chất đã dẫn đến chỗ tự mãn làm ô nhiễm giáo hội Cơ-đốc. Gắn bó mật thiết với điều này là việc tự xưng là Cơ-đốc nhân, nhưng thật sự là những Cơ-đốc nhân trên danh nghĩa. Họ đáng được tôn trọng ở mức độ vừa phải, không còn gì hơn nữa. Mối quan tâm tôn giáo của họ là rỗng tuếch và tùy tiện. Giống như nước từ những suối nước nóng ở Hierapolis được những đường ống dẫn về Lao-đi-xê (giờ vẫn còn nhìn thấy những tàng tích của chung), chúng (Chúa Giê-xu nói) không nóng cũng không lạnh, nhưng hâm hẩm, vì thế đáng tởm đối với Ngài. Sự hâm hẩm thuộc linh được giải thích bằng việc tự lừa dối mình: “Vả, ngươi nói: Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa; song ngươi không biết rằng mình khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù, và lõa lồ.”
Thật là một lời mô tả hay về sự kiêu ngạo và thịnh vượng của Lao-đi-xê! Họ là những kẻ ăn xin đui mù và lõa lồ, trần truong mặc dầu họ có những xưởng may quần áo, mù mặc dù họ có thuốc chữa mắt của người Phrygia và là những kẻ ăn xin dầu họ có nhiều ngân hàng.
Ngày nay chúng ta cũng không khác gì hơn. Có thể chúng ta nói như ho, “ta không cần chi nữa.” Thật khó có thể tìm thấy những lời nào gây nguy hiểm về mặt thuộc linh như thế. Chính sự độc lập đã khiến cho chúng ta không phó thác chính mình cho Chúa Cứu Thế hơn bất cứ điều nào khác. Dĩ nhiên chúng ta cần Ngài! không có Ngài chúng ta sẽ bị trần truồng về mặt đạo đức (không có trang phục nào vừa với chúng ta trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời), đui mù trước lẽ thật thuộc linh và là những kẻ ăn xin vì không co gì để mua được ân huệ của Ngài. Nhưng Chúa Cứu Thế có thể mặc cho chúng ta bằng sự công chính của Ngài, chạm đến mắt của chúng ta để chúng được sáng và làm cho chúng ta giàu có bởi những của cải thuộc linh. Xa cách Ngài, cho đến khi chúng ta mở cửa lòng cho Ngài bước vào, chúng ta là những kẻ ăn xin đui mù và lõa lồ.
“Này, ta đứng ngoài cửa mà gõ”, Ngài phán. Ngài không phải là nhân vật tưởng tượng của những tiểu thuyết về tôn giáo. Đây là một người Na-xa-rét, những lời xác nhận của Ngài, sự xác chứng về sự phục sinh và những đặc điểm của Ngài dẫn đến kết luận rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời. Ngài cũng là Cứu Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá. Bàn tay gõ cửa mang vết sẹo. Bàn chân đứng nơi hiên cửa vẫn mang những dấu đinh.
Và Ngài là Chúa Cứu Thế phục sinh. Giăng đã mô tả Ngài trong đoạn đầu của sách Khải-huyền, khi ông nhìn thấy Ngài trong một khải tượng mang tính biểu tượng. Mắt Ngài như ngọn lửa và chân như đồng sáng. Tiếng Ngài như tiếng nước lớn và mặt như mặt trời khi soi sáng hết sức. Vì thế không có gì lạ khi Giăng ngã dưới chân Ngài. Thật khó hiểu vì sao mot Đấng oai nghi như thế lại có thể đoái hoài và thăm viếng những kẻ ăn xin nghèo ngặt, đui mù và trần truồng như chúng ta.
Dầu vậy Chúa Giê-xu nói rằng Ngài đang đứng gõ cửa cuộc đời của chúng ta và chờ đợi. Cần lưu ý rằng Ngài đang đứng ngoài cửa mà không đẩy cửa vào; Ngài nói với chúng ta chứ không thét lên. Lại càng đáng chú ý hơn khi chúng ta ngẫm nghĩ rằng ngôi nhà này là của Ngài. Ngài là người xây ngôi nhà này; Ngài làm ra nó. Ngài là chủ nhà; Ngài đã mua nó bằng chính huyết sự sống của Ngài. Ngài có quyền trên căn nhà, trên việc xây dựng và mua bán nó. Chúng ta chỉ là những người thuê; nhà không thuộc quyền sở hữu của chúng ta. Ngài có thể ghé vai đẩy cửa vào; Ngài có thể đặt tay lên nắm cửa nếu Ngài thích. Ngài có thể ra lệnh cho chúng ta mở cửa cho Ngài. thay vì vậy Ngài chỉ mời gọi chúng ta làm điều này. Ngài sẽ không nài ép để bước vào cuộc đời chúng ta. Ngài nói (câu 18) “ta khuyên...” Ngài có thể ra lệnh; nhưng Ngài chỉ khuyên mời. Ngài đã bày tỏ sự khiêm nhường và ban cho chúng ta sự tự do như thế.
Nhưng tại sao Chúa Giê-xu muốn bước vào bên trong?
Chúng ta đã biết câu trả lời. Ngài muốn vừa là Cứu Chúa vừa là Chủ của chúng ta. Ngài đã chết để trở thành Cứu Chúa của chúng ta. Nếu chúng ta tiếp nhận Ngài, Ngài sẽ đem lại cho chúng ta mọi lợi ích của sự chết Ngài một cách cá nhân. Một khi đã ở bên trong, Ngài sẽ làm mới, trang trí và cung cấp những đồ đạc mới. Có nghĩa rằng Ngài sẽ tẩy sạch và tha thứ cho chúng ta; quá khứ của chúng ta sẽ được che lấp... Ngài hứa sẽ ăn với chúng ta và để cho chúng ta dùng bữa với Ngài. Cụm từ này nói lên niềm vui được làm bạn với Ngài. Ngài không những phó mình cho chúng ta mà còn đòi hỏi chúng ta phó mình cho Ngài. Trước đây chúng ta là những người xa lạ; giờ đây chúng ta là bạn của Ngài. Trước đây có cánh cửa đóng ngăn cách giữa chúng ta; giờ đây chúng ta ngồi đồng bàn với nhau.
Chúa Giê-xu sẽ bước vào làm Chúa và Chủ của chúng ta. Căn nhà cuộc sống của chúng ta ở dưới sự quản trị của Ngài và việc mở cửa sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không sẵn lòng làm vì điều này. Khi Ngài bước qua ngạch cửa, chúng ta phải trao cho Ngài chùm chìa khóa nhà, đề cho Ngài tự do bước vào mọi cam phòng. Một sinh viên năm thứ tư người Canada có lần viết cho tôi rằng: “Thay vì trao cho Đấng cả một bộ chìa khóa khác nhau để vào nhiều căn phòng khác nhau… tôi đã trao cho Ngài chìa khóa mật mã để vào mọi căn phòng ở trong nhà.”
Điều này liên quan đến sự ăn năn, dứt khoát từ bỏ mọi điều mà chúng ta biết là không đẹp lòng Ngài. Không phải là chúng ta làm cho tốt hơn trước khi mời Ngài vào nhà. Ngược lại, bởi vì chúng ta không thể tự tha thứ hoặc tự cải thiện mình nên chúng ta cần Ngài đến với chúng ta. Nhưng chúng ta phải sẵn lòng để Ngài sắp xếp lại bất cứ thứ gì Ngài muốn khi Ngài bước vào. Không thể có sự kháng cự và cố gắng thương lượng về phía chúng ta, nhưng thay vì vậy là sự giao phó vô điều kiện quyền làm chủ của Chúa Cứu Thế. Điều này có nghĩa là gì? Tôi không thể nói chi tiết với bạn. Về nguyên tắc, nó có nghĩa là quyết định từ bỏ tội lỗi và đi theo Chúa Cứu Thế.
Bạn có do dự không? Bạn có nói rằng đầu phục Chúa Cứu Thế trong bóng tối như thế là không hợp lý?
Chắc chắn là không. Điều này còn hợp lý hơn là hôn nhân. Trong hôn nhân người nam và người nữ cam kết với nhau không điều kiện. Họ không biết tương lai họ sẽ như thế nào. Nhưng họ yêu thương nhau và tin cậy lẫn nhau. Vì thế họ hứa chăm sóc nhau “từ đây về sau, dầu tốt hay xấu, dầu giàu hay nghèo, dầu mạnh khỏe hay lúc yếu đau, vẫn yêu thương nhau cho đến chết.”
Nếu con người có thể tin cậy nhau như thế thì con người không thể tin cậy Con Đức Chúa Trời hay sao?
Càng hợp lý hơn khi phó mình cho Chúa Cứu Thế là Đức Chúa Trời hơn là phó mình con người người dầu họ có cao quý và tốt đến đâu. Ngài chẳng bao giờ phản bội và lạm dụng sự tin cậy của chúng ta.
Vì thế chúng ta phải làm gì?
Để bắt đầu, chúng ta phải nghe tiếng của Ngài. Thật là một bi kịch nếu tai chúng ta trở nên điếc với Chúa Cứu Thế và làm cho im bặt tiếng thì thầm mời gọi của Ngài. Đôi khi chúng ta nghe thấy tiếng Ngài qua sự ray rứt của lương tâm, đôi khi qua sự dò dẫm của tâm trí. Hoặc có thể là sự that bại về mặt đạo đức, hoặc chúng ta cảm thấy sự trống rỗng và vô nghĩa của sự hiện hữu của chúng, hoặc sự khao khát trong tâm linh không thể nào giải thích được, hoặc bệnh tật, mất mác người thân, đau khổ hoặc sợ hai, bởi đó mà chúng ta nhận biết rằng Chúa Cứu Thế đang ở bên ngoài cửa và đang nói với chúng ta. Hoặc sự kêu gọi của Ngài có thể đến với chúng ta qua một người bạn, một nhà truyền đạo hoặc một quyển sách. Bất cứ khi nào chúng ta nghe, hãy lắng nghe. Chúa Giê-xu phán: “Ai có tai hãy nghe.”
Kế đến, chúng ta phải mở cửa. Khi nghe tiếng Ngài, chúng ta phải mở cửa cho Ngài. Mở cửa cho Chúa Giê-xu là lối mô tả tượng hình hành động đức tin nơi Ngài, là Cứu Chúa của chúng ta, một hành động đầu phục Ngài là Chúa của chúng ta.
Đây là một hành động xác định. Thì của động từ Hy-lạp làm cho điều này trở nên rõ ràng. Cửa không tự lúc lắc để rồi tình cờ mở ngỏ ra. Cũng không khép hờ. Nó đã bị đóng chặt và cần được mở ra. Hơn nữa Chúa Cứu Thế không tự mình mở cửa. Cũng không có tay nắm hoặc chốt cửa trong bức họa của Holman Hunt. Người ta cho rằng ông cố tình bỏ chúng đi, cho thấy rằng tay nắm cửa nằm ở phía bên trong. Chúa Cứu Thế gõ cửa nhưng chúng ta phải mở cửa.
Đây là một hành động cá nhân. Thật vậy, sứ điệp được gởi đến cho một Hội thánh, Hội thánh Lao-đi-xê trên danh nghĩa, ham hẩm. Nhưng sự thách thức nhằm vào những cá nhân ở bên trong: “Nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy.” Mọi người phải quyết định và đến cùng Ngài. Không người nào có thể làm thay cho bạn. Cha mẹ, thầy cô, các mục sư, truyền đạo và bạn bè có thể chỉ lối cho bạn, nhưng chính tay bạn mở then cài và xoay tay nắm cửa.
Đó là một hành động độc đáo. Bạn chỉ có thể thực hiện bước này một lần. Khi Ngài bước vào, Ngài sẽ cài then cửa bên trong. Tội lỗi có thể đẩy Ngài xuống tầng hầm hoặc lên tầng gác, nhưng Ngài sẽ chẳng bao giờ bỏ ngôi nhà mà Ngài bước vào. Ngài phán: “ta sẽ chẳng bao giờ quên ngươi, cũng không lìa bỏ ngươi.” Điều này không nói rằng từ kinh nghiệm này bạn sẽ xuất hiện với đôi cánh trưởng thành đầy đủ của một thiên sứ. Cũng không nói rằng bạn sẽ trở nên trọn vẹn trong nháy mắt. Bạn có thể trở thành một Cơ-đốc nhân trong phút chốc, nhưng không phải là một Cơ-đốc nhân trưởng thành. Chúa Cứu Thế có thể bước vào, tẩy sạch và tha thứ cho bạn trong giây phút, nhưng phải cần một thời gian dài để tâm tính bạn được biến đổi và uốn nắn theo ý muốn Ngài. Chỉ cần ít phút để cho chàng rễ và cô dâu cưới nhau, nhưng phải mất nhiều năm để cho hai tâm hồn hòa quyện với nhau. Vì thế khi chúng ta tiếp nhận Chúa Cứu Thế, giờ phút trao phó cuộc đời chúng ta cho Ngài sẽ dẫn đến cả quãng đời điều chỉnh.
Đây là một hành động có cân nhắc. Bạn không cần phải đợi một ánh sáng siêu phàm từ trời chiếu lòe trên bạn, hoặc một kinh nghiệm đầy cảm động xảy đến với bạn. Không. Chúa Cứu Thế đã đến thế gian và chết vì tội lỗi của bạn. Giờ đây Ngài đến và đã đứng ngoài ngưỡng cửa cuộc đời bạn và Ngài đang gõ cửa. Hành động tiếp theo là của bạn. Tay Ngài đã đặt trên tay nắm cửa; giờ đây tay bạn hãy cham đến then cửa.
Đây là một hành động cấp bách. Đừng chờ đợi lâu hơn là bạn phải chờ đợi. Thời gian đang trôi nhanh. Tương lai là bất định. Có thể bạn chẳng bao giờ có cơ hội tốt hơn là cơ hội này. “Chớ khoe khoang về ngay mai; Vì con chẳng biết ngày mai sẽ sanh ra điều gì.” Đức Thánh Linh phán: “Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng…” (ChCn 27:1; HeDt 3:7, 8).
Đừng trì hoãn cho đến khi bạn cố làm cho mình tốt hơn hoặc xứng đáng hơn để cho Chúa Cứu Thế bước vào hoặc cho đến khi bạn giải quyết xong mọi nan đề của bạn. Nếu bạn tin rằng Chúa Cứu Thế là Con Đức Chúa Trời và Ngài đã chết để trở thành cứu Chúa của bạn, thế là đủ. Phần còn lại sẽ đi theo thời gian. Thật vậy, hành động vội vàng, hấp tấp là nguy hiểm; nhưng chần chừ cũng nguy hiểm không kém. Nếu tự đáy lòng bạn biết rằng bạn phải hành động thì bạn không nên trì hoãn lâu hơn.
Đây là một hành động rất cần thiết. Dĩ nhiên còn nhiiều điều hơn nữa trong cuộc sống Cơ-đốc, như chúng ta sẽ thấy trong chương sau, chẳng hạn bước vào sự thông công với Hội Thánh, khám phá và làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, lớn lên trong ân điển và trong sự thông biết cũng như phục vụ Đức Chúa Trời và con người; nhưng bước này là bước khởi đầu và không gì có thể thay thế đươc. Bạn có thể tin Chúa Cứu Thế bằng lý trí và ngưỡng mộ Ngài; bạn có thể noi những lời cầu nguyện với Ngài qua lỗ khóa (tôi đã làm như thế trong nhiều năm); bạn có thể nhét những đồng xu ở dưới cửa để làm cho Ngài im lặng; bạn có thể sống đạo đức, tử tế, ngay thẳng và tốt lành; bạn có the sùng đạo; bạn có thể đã làm báp-têm và tuyên xưng đức tin; bạn có thể thông thạo triết học tôn giáo; bạn có thể là một sinh viên thần học và thậm chí là một người phục vụ Chúa đã được tấn phong-nhưng vẫn chưa mở cửa cho Chúa Cứu Thế. Không có gì thay thế được điều này.
Một giáo sư đại học đã mô tả một ngày đi đây đó trên mui một chiếc xe buýt trong quyển tự truyện của ông.
“Không một lời và (tôi nghĩ) hầu như không một hình ảnh nào, không biết làm sao sự thật vế bản thân mình lại phô bày ra với tôi. Tôi bắt đầu nhận thức rằng tôi đang khư khư giữ lấy một điều gì đó tận trong đáy lòng của mình, hoặc đang đóng chặt một cái gì đó. Hoặc nếu bạn thích, cứ cho rằng tôi đang mặc một bộ quần áo cứng còng, giống như những chiếc nịt ngực, hoặc thậm chí là một bộ áo giáp, như thể một con tôm hùm. Lúc này, căn cứ vào sự tự do chọn lựa, tôi đang ngẫm nghĩ về bản thân mình. Tôi có thể mở hoặc đóng kín cửa; tôi có thể tháo lỏng chiếc áo giáp ra hoặc mặc nó. Sự chọn lựa không phải là trách nhiệm; cũng không phải là sự dọa nạt hoặc là một lời hứa, dầu vậy tôi biết rằng mở cửa hoặc cởi chiếc áo ngực ra có nghĩa là...Tôi đã chọn mở cửa, mở khóa, nới lỏng dây cương. Tôi nói: “Tôi đã chọn”, thật ra tôi không thể nào làm ngược lại.”
Giáo sư C. S. Lewis mô tả kinh nghiệm của ông trong quyển Surprised Choice:
Một phụ nữ danh tiếng đã đáp ứng lời mời gọi của Billy Graham tiến lên phía trước vào cuối một buổi truyền giảng. Bà được giới thiệu cho một người hướng dẫn khi bà khám phá ra rằng bà vẫn chưa trao phó cuộc đời mình cho Chúa Cứu Thế và sau đó người ta mời bà cầu nguyện. Bà cuối đầu và nói: “Lạy Chúa Giê-xu, con mời Ngài bước vào lòng con nhiều hơn bất cứ điều nào trên thế giới này. A-men.”
Vào một buổi tối Chúa nhật, một cậu thiếu niên gần hai mươi đã quỳ gối bên ngoài phòng ngủ tập thể trong trường. Bằng một lối nói thật đơn giản và cũng thật dứt khoát, cậu thưa với Chúa Cứu Thế rằng cho đến giờ cậu đã làm khá nhiều điều bê bối; cậu xưng tội và và cảm tạ Chúa vì Ngài đã chết thay cho cậu và xin Ngài bước vào cuộc đời của cậu. Cậu đã viết trong nhật ký như sau:
“Ngày hôm qua thật sự là một ngày quan trọng… Cho đến bây giờ Chúa Cứu Thế vẫn đứng bên ngoài tôi chỉ mời Ngài hướng dẫn tôi thay vì kiểm soát hoàn toàn cuộc đời của tôi. Kìa, Ngài đứng ngoài cửa mà gõ. Tôi nghe tiếng Ngài và giờ đây Ngài đã bước vào nhà tôi. Ngài đã tẩy sạch và cai quan ngôi nhà…”
Và ngày hôm sau:
“Hôm nay tôi thật sự hưởng được một niềm vui mới mẻ và lớn lao. Đây là niềm vui được vui hưởng sự bình an trong trần thế này và được tương giao với Đức Chúa Trời. Thật là tốt lành khi giờ đây tôi biết được rằng Ngài đang cai quản cuộc đời tôi và thật sự là trước kia tôi chưa bao giờ biết Ngài…”
Đây là những trích đoạn từ nhật ký của tôi. Tôi đánh bạo trích dẫn chúng bởi vì tôi không muốn bạn nghĩ rằng tôi đã đề nghi bạn thực hiện một bước mà tôi chưa bao giờ trải qua.
Bạn có phải là Cơ-đốc nhân không? Một Cơ-đốc nhân thật sự và tận hiến? Câu trả lời của bạn tùy thuộc vào một câu hỏi khác, không phải là bạn co đi nhà thờ, tin vào tín điều hay là có một nếp sống đúng đắn hay không, nhưng là Chúa Cứu Thế Giê-xu ở phía bên nào của cánh cửa? Ở phía trong hay ở phía ngoài?
Đây là vấn đề quyết định.
Có thể bạn đã mở cửa cho Đấng Christ. Nếu như bạn không chắc là mình đã làm như thế, tôi khuyên bạn hãy làm cho chắc, (như một người đã nói) bạn đồ lại bằng viết mực những gì đã viết bằng viết chì.
Tôi đề nghị bạn hãy đi ra và cầu nguyện một mình. Hãy xưng tội với Đức Chúa Trời và từ bỏ chúng. Tạ ơn Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chết thay cho bạn. Sau đó mở cửa và mời Ngài đến làm Cứu Chúa và làm chủ cuộc đời bạn.
Bạn có thể tìm thấy sự giúp đỡ khi lập lại lời cầu nguyện sau đây trong lòng bạn:
“Lạy Chúa Cứu Thế Giê-xu, con nhận thấy rằng con đã đi theo đường lối riêng của con. Con đã phạm tội trong tư tưởng, trong lời nói và việc làm. Con hối tiếc vì những tội lỗi mà con đã phạm, giờ đây con từ bỏ chúng trong sự ăn năn .
Con tin rằng Ngài đã chết vì con, mang lấy tội lỗi của con trên thân thể Ngài. Con cảm tạ Ngài vì tình yêu thương lớn lao của Ngài .
Giờ đây con mở cửa lòng con. Xin mời Chúa Giê-xu bước vào, làm Cứu Chúa của con và tẩy sạch cuộc đời con. Xin mời Ngài bước vào làm Chúa của con và điều khiển cuộc đời của con. Và xin Ngài ban cho con sức mạnh để con hầu việc Ngài trọn đời con. A-men .”
Nếu bạn đã cầu nguyện như thế, hãy tạ ơn Chúa Cứu Thế một cách khiêm nhường vì Ngài đã bước vào. Vì Ngài đã nói như thế. Ngài đã nói lời này: “Này, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy.” Đừng có để ý đến cảm xúc của bạn; hãy tin cậy nơi hứa ngôn của Ngài và tạ ơn Ngài vì Ngài đã giữ lời hứa của Ngài.
bottom of page