top of page

HẬU QUẢ CỦA TỘI LỖI

HungT

Mar 12, 2023

Hậu quả của tội lỗi cần được hiểu rõ khi hậu quả của nó tác động lên Đức Chúa Trời, lên chúng ta và những người chung quanh chúng ta...



PHẦN HAI: NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI



HẬU QUẢ CỦA TỘI LỖI



Chúng...

...ta đã xem xét bản chất của tội lỗi và sự phổ quát của tội lỗi con người. Có thể chúng ta thôi không muốn nói về đề tài không thú vị này và chuyển ngay sang tin lành về sự cứu rỗi của Chúa Cứu Thế, dầu vậy chúng ta chưa sẵn sàng để làm như thế. Chúng ta cần nắm bắt hậu quả của tội lỗi là gì trước khi chúng ta tìm hiểu những gì Đức Chúa Trời đã làm vì chúng ta và ban cho chúng ta trong Chúa Cứu Thế.

Tội lỗi thật sự có quá nghiêm trọng không? Hậu quả của tội lỗi cần được hiểu rõ khi hậu quả của nó tác động lên Đức Chúa Trời, lên chúng ta và những người chung quanh chúng ta.


Xa cách Đức Chúa Trời.


Dầu là chúng ta chưa nhận thức được điều này, nhưng hậu quả khủng khiếp nhất của tội lỗi là bị xa cách khỏi Đức Chúa Trời. Số phận cao quý nhất của con người là biết Đức Chúa Trời và ở trong mối tương giao cá nhân với Ngài. Việc chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và có khả năng nhận biết Ngài là sự xác nhận quan trọng cho sự cao quý này. Nhưng chúng ta phải nhận thức rằng Đức Chúa Trời là Đấng mà chúng ta phải nhận biết là Đấng công bình, là Đức Chúa Trời của sự trọn vẹn về đạo đức. Nhiều chỗ trong Kinh Thánh nhấn mạnh đến lẽ thật này:

“Đấng cao cả, ở nơi đời đời vô cùng, danh Ngài là Thánh, có phán như vầy: Ta ngự trong nơi cao và thánh…”

“Vua của mọi vua, Chúa của mọi chúa… ở nơi sự sáng không thể đến gần được, chẳng người nào từng thấy Ngài và cũng không thấy được”

“Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu. Ví bằng chúng ta nói mình được giao thông với Ngài, mà còn đi trong sự tối tam, ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật.”

“vì Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt.”

“Ai trong chúng ta ở được với đám lửa thiêu nuốt?”

“Ai trong chúng ta ở được với sự thiêu đốt đời đời?”

“Mắt Chúa thánh sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái ngược.” (EsIs 57:15; ITi1Tm 6:15, 16; IGi1Ga 1:5, 6; HeDt 12:29; XuXh 4:2; EsIs 33:14; HaKb 1:13).


Tất cả những nhân vật trong Kinh Thánh là những người đã từng thoáng thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã lùi lại trong ý thức mạnh mẽ về tội lỗi của họ.

. Môi-se, người mà Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông trong bụi cây cháy nhưng không tàn, “liền che mặt, vì sợ nhìn đến Đức Chúa Trời.”

. Gíóp, người mà Đức Chúa Trời phán “từ giữa cơn trốt” để bày tỏ vẻ oai nghi, siêu việt của Ngài, đã kêu lên, “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài. Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi và ăn năn trong tro bụi.”

. Ê-sai, một thanh niên mới bắt đầu sự nghiệp, đã thấy khải tượng Đức Chúa Trời là Vua của Y-sơ-ra-ên “thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang”, chung quanh là các thiên sứ đang thờ phượng và ca ngợi sự thánh khiết và sự vinh hiển của Ngài, nói rằng: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân!”

. Khi Ê-xê-chi-ên thấy một khải tượng lạ lùng về những sinh vật có cánh và những bánh xe lăn, và ở trên là một ngai và trên ngai là một Đấng giống như con người được bao phủ bằng ánh sáng của lửa và của cầu vòng, ông nhận thức rằng: “Ấy là tỏ ra hình trạng của sự vinh quang Đức Giê-hô-va.” Và ông nói thêm rằng: “Ta thấy thì sấp mặt xuống và nghe tiếng của một Đấng phán cùng ta.”

. Sau-lơ ở Tạt-sơ, đang trên đường đến Đa-mách, đang điên cuồng chống lại các Cơ-đốc nhân, bị ánh sáng chói lọi từ trời, sáng hơn ánh sáng mặt trời giữa trưa đánh ngã xuống đất và làm cho mắt ông bị mù, về sau đã viết về khải tượng của ông về Đấng Christ phục sinh “Ngài cũng hiện ra với tôi.”

. Giăng khi về già, bị lưu đày ở đảo Bát-mô, đã mô tả chi tiết về sự hiện thấy của ông về Chúa Giê-xu vinh hiển, phục sinh “mắt sáng như ngọn lửa”“mặt trời chói lọi giữa trưa” và ông nói rằng, “vừa thấy Chúa, tôi ngã xuống chân Ngài như chết.” (XuXh 3:1-6; Giop G 42:5; EsIs 6:1-5; Exe Ed 1:26-28; Cong Cv 9:1-9; ICo1Cr 15:8; KhKh 1:9-17).


Nếu chiếc màn che sự oai nghi không thể nào tả nổi của Đức Chúa Trời có thể được vén sang một bên trong giây lát, thì mắt của chúng ta cũng không thể nào chịu đựng nổi sự oai nghi ấy. Vì vậy chúng ta chỉ có thể nhận thức một cách mơ hồ về sự vinh hiển và chói sáng của Đức Chúa Trời toàn năng. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thức được rằng con người tội lỗi đang khi ở trong tội lỗi của mình không thể nào đến gần Đức Chúa Trời thánh khiết. Có một vực thẳm đang hả hoác miệng ra ở giữa Đức Chúa Trời trong sự công bình của Ngài và con người trong tội lỗi của họ. Phao-lô nói “Vì đức công chính không thể kết hợp với tội ác, cũng như ánh sáng không thể hòa đồng với bóng tối.”

Việc tội lỗi phân cách chúng ta khỏi Đức Chúa Trời được nhìn thấy rõ ở trong cấu trúc của đền tạm và đền thờ. Cả hai được chia thành hai phần, phần đầu tiên, rộng nhất được gọi là nơi thánh, trong khi đó phần nhỏ hơn và ở xa hơn được gọi là Nơi Chí Thánh hay Nơi Thánh Của Những Nơi Thánh. Trong nơi thiêng liêng này là chỗ ngự vinh hiển của Đức Chúa Trời, một biểu tượng nhìn thấy được của sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Giữa hai phần này là một “bức màn” dày ngăn không cho vào Nơi Chí Thánh. Không ai được phép bước vào nơi hiện diện của Đức Chúa Trời trừ thầy tế lễ tối cao, ông chỉ được vào nơi này vào ngày đại lễ Chuộc Tội và chỉ khi mang theo huyết của con sinh tế chuộc tội.

Vì thế đây là những gì bày tỏ cho dân Y-sơ-ra-ên thấy được qua những tác giả của Cựu và Tân Ước. Tội lỗi đem đến sự phân rẽ không thể nào tránh khỏi và sự phân rẽ này là “sự chết”, sự chết huộc linh, là sự tách rời của một con người khỏi Đức Chúa Trời là nguồn của sự sống thật. “Giá của tội lỗi là sự chết.”

Hơn nữa, nếu trong đời này chúng ta cố tình chối bỏ Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng duy nhất mà chỉ nơi Ngài chúng ta mới tìm thấy sự sống đời đời, chúng ta sẽ chết đời đời trong thế giới mai sau. Địa ngục là một thực tại tàn nhẫn và khủng khiếp. Đừng để ai lừa dối bạn. Chúa Giê-xu đã nói điều này. Ngài gọi địa ngục là “nơi tối tăm ở bên ngoài” bởi vì nó là sự phân cách vô cùng tận với Đức Chúa Trời là sự sáng. Trong Kinh Thánh nó được gọi là “sự chết thứ hai”“hồ lửa,” những thuật ngữ này mô tả một cách tượng trưng việc bị tước mất sự sống đời đời và sự khao khát mãnh liệt của linh hồn bị đuổi khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời ( Mat Mt 25:30; KhKh 20:14, 15; LuLc 16:19-31).

Sự phân rẽ khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời bởi tội lỗi không những được Kinh thánh dạy, mà còn được xác nhận bởi kinh nghiệm của con người. Tôi vẫn nhớ mãi tình trạng bối rối của tôi khi tôi còn bé, tôi cầu nguyện và cố gắng bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Tôi không hiểu tại sao Đức Chúa Trời dường như bị che khuất trong sương mù và tôi không thể nào đến gần Ngài. Giờ đây tôi mới biết được lý do. Ê-sai đã cho tôi câu trả lời:

“Này, tay Đức Giê-hô-va chẳng trở nên ngắn mà không cứu được; tai Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được đâu. Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.” (EsIs 59:1-2).

Như trong sách Ca thương chúng ta bị cám dỗ để nói rằng: “Ngài ẩn mình trong mây, đến nỗi chẳng lời cầu nguyện nào thấu qua được.” Nhưng thật ra Đức Chúa Trời không chịu trách nhiệm về đám mây này mà là chúng ta. Tội lỗi của chúng ta đã che khuất mặt Đức Chúa Trời khỏi chúng ta giống như những đám mây che khuất mặt trời.

Nhiều người đã thú nhận với tôi rằng họ trải qua kinh nghiệm đau buồn giống như thế. Đôi lúc, trong những lúc nguy khốn, trong lúc vui hoặc lúc ngắm nhìn những vẻ đẹp của thiên hiên, Đức Chúa Trời dường như gần gũi với họ, nhưng thường thì họ cảm thấy xa cách với Đức Chúa Trời không thể nào giải thích đuợc và họ cảm thấy bị bỏ rơi. Đây không chỉ là cảm nhận mà còn là sự thật. Chúng ta vẫn bị lưu đày, xa cách khỏi ngôi nhà thật sự của chúng ta cho đến chừng nào tội lỗi chúng ta được tha. Chúng ta không được giao thông với Đức Chúa Trời. Theo những thuật ngữ của Kinh Thánh chúng ta bị “mất” hoặc “chết vì những quá phạm và tội lỗi” mà chúng ta đã phạm.

Đây là những lời mô tả về tình trạng không yên nghĩ của con người ngày nay. Trong tâm hồn của con người có nổi khao khát mà không ai có thể làm thỏa mãn được trừ Đức Chúa Trời, có một khoảng trống mà ngoài Ngài không ai có thể lấp đầy được. Việc đòi hỏi những tin giật gân trên báo chí; những câu chuyện cường điệu về tình yêu hoặc tội ác trên phim ảnh; các tụ điểm và quán rượu; những đường đua xe và đua chó; sự lan tràn của các loại ma túy; tình dục và bạo lực - tất cả những điều này là những triệu chứng của sự tìm kiếm của con người để nhằm được thỏa mãn. Họ bị dẫn đến chỗ lầm lạc và xa cách Đức Chúa Trời. Theo như lời trích dẫn trong phần đầu của quyển Confessions của thánh Augustine, ông đã nói đúng: “Ngài đã tạo ra chúng ta cho Ngài và tâm hồn của chúng ta chỉ được yên nghỉ cho đến khi yên nghỉ ở trong Ngài.” Đây là tình trạng bi đát mà không lời nào mô tả được. Con người đánh mất số phận mà Đức Chúa Trời đã tạo ra cho họ.


Sự nô l của bản thân.


Tội lỗi không những làm cho xa cách, mà còn làm cho nô lệ. Nếu tội lỗi làm cho con người xa cách khỏi Đức Chúa Trời, nó cũng đem chúng ta đến chỗ bị giam hãm.

Bây giờ chúng ta cần xem xét “thực chất bên trong” của tội lỗi. Nó hơn hẳn những hành động hoặc thói quen đáng tiếc bên ngoài; nó là sự bại hoại sâu xa ở bên trong. Kỳ thật, những tội lỗi mà chúng ta phạm chỉ là những biểu hiện bề ngoài thấy được của căn bệnh bên trong không thấy được, là triệu trứng của căn bệnh đạo đức. Chúa Giê-xu đưa ra ẩn dụ về cây và trái. Chúa nói loại trái mà một cây sanh ra (ví dụ cây sung hoặc cây nho) và tình trạng của chúng (tốt hoặc xấu) tùy thuộc vào thể chất của cây. Giống như “sự đầy dẫy trong lòng mà miệng nói ra.”


Trong vấn đề này Chúa Giê-xu được nhiều nhà cải cách và cách mạng tôn trọng. Chắc chắn tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng hoặc tốt hoặc xấu từ nền giáo dục và môi trường chung quanh và hệ thống kinh tế chính trị mà chúng ta đang sống. Chắc chắn chúng ta cũng tìm kiếm sự công bình, tự do và hạnh phúc cho mọi người. Dầu vậy không phải vì thiếu những điều này mà Chúa Giê-xu quy tội cho xã hội con người, nhưng Ngài quy tội cho bản chất con người, cái mà Ngài gọi là “tấm lòng.” Đây là lời Ngài:

“Vì thật là tự trong, tự lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người.” (Mac Mc 7:21-23).

Cựu Ước đã dạy về lẽ thật này. Vì Giê-rê-mi đã nói rằng: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?”

Thật vậy Kinh Thánh có đầy dẫy những tham khảo về sự tiêm nhiễm của bản chất con người hoặc “nguyên tội.” Đây là khuynh hướng của sự tư kỷ mà chúng ta thừa hưởng; nguyên tội bắt rễ sâu vào trong cá tánh của chúng ta và và biểu hiện bằng hàng ngàn cách xấu xa. Phao-lô gọi đó là xác thịt và ông đưa ra bản liệt kê những “việc làm” hay là những sản phẩm của xác thịt.

“Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: Ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: Hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (RoRm 6:17; Eph Ep 2:3; Tit Tt 3:3).


Bởi vì tội lỗi là sự bại hoại bên trong bản chất của con người. Chúng ta bị nô lệ cho tội lỗi. Không phải vì một số thói quen hoặc hành động mà chúng ta bị biến thành nô lệ, nhưng bởi lây lan của tội lỗi từ đó đã tạo ra những việc làm này. Tân Ước nhiều lần mô tả chúng ta là “những kẻ nô lệ.” Chúng ta tỏ ra bực tức vì bị gọi như thế, nhưng đây là sự thật. Chúa Giê-xu đã khiến cho một người Pha-ri-si tức giận khi nói với họ rằng: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.”

Họ bắt bẻ: “Chúng tôi là dòng dõi Áp-ra-ham, chưa hề làm tôi mọi ai, vậy sao thầy nói rằng: Các ngươi sẽ trở nên tự do?”

Ngài trả lời rằng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi.”

Trong các thơ tín, Phao-lô đã mấy lần mô tả tình trạng nô lệ nhục nhã mà tội lỗi đem đến cho chúng ta.

“Sau khi anh em làm tôi mọi tội lỗi.”

“Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta.”

“Chúng ta ngày trước cũng ngu muội, bội nghịch, bị lừa dối, bị đủ thứ tình dục dâm dật sai khiến, sống trong sự hung ác tham làm.” (RoRm 6:17; Eph Ep 2:3; Tit Tt 3:3).

Ví dụ về việc chúng ta thiếu kiềm chế mình mà Gia-cơ đưa ra là chúng ta gặp phải khó khăn khi kiểm soát cái lưỡi của chúng ta. Trong một đoạn đầy những ẩn dụ sinh động ông nói rằng: “Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình..” Ông cũng nói rõ rằng: “cái lưỡi là một quan thể nhỏ, mà khoe được những việc lớn.” Ảnh hưởng của cái lưỡi giống như lửa; cái luỡi là “nơi đô hội của tội ác”“đầy dẫy những chất độc giết chết.” Ông nói thêm rằng chúng ta có thể thuần hóa thú vật và chim muông nhưng “cái luỡi, không ai trị phục được nó” (Gia Gc 3:1-12).

Chúng ta biết rõ điều này. Chúng ta có những lý tưởng cao cả nhưng ý chí thì yếu đuối. Chúng ta muốn sống một cuộc đời tốt lành, nhưng chúng ta bị xiềng xích trong ngục tù của sự tư kỷ. Khi chúng ta khoe khoang nhiều về sự tự do của chúng ta thì trên thực tế chúng ta là những nô lệ. Chúng ta cần đổ nước mắt ra trước mặt Đức Chúa Trời và nói với Ngài rằng:

“Hỡi Chúa, vẫn chưa xong Chúa ôi, có một việc vẫn chưa làm. Không có một trận đánh nào trong đời con, mà con thật sự chiến thắng. Và giờ đây con đến để kể với Ngài. Câu chuyện thất bại của con và tất cả mọi người. Về sự yếu đuối và vô ích của con.”

(Studdert Kennedy).

Thật không có ich gì khi đưa cho chúng ta những nguyên tắc về đạo đức vì chúng ta không thể tuân giữ chúng. Hãy để Đức Chúa Trời tiếp tục phán rằng: “Ngươi không thể”, chúng ta sẽ còn như vậy cho đến khi thời gian chấm dứt. Một bài diễn thuyết không giải quyết được vấn đề của chúng ta; chúng ta cần một Cứu Chúa. Giáo dục trí tuệ không đủ nếu không có sự thay đổi tấm lòng. Con người đã tìm ra bí mật của sức mạnh vật lý, năng lượng của phản ứng hạt nhân. Bây giờ con người cần sức mạnh thuộc linh để giải phóng ra khỏi chính mình, để chinh phục và kiểm soát bản thân, sức mạnh này đem lại cho con người đặc điểm đạo đức xứng hợp với tiến bộ khoa học.


Xung đột với người khác


Bản liệt kê về những hậu quả khủng khiếp của tội lỗi mà chúng ta đã phạm vẫn chưa đầy đủ. Có một điều chúng ta cần xem xét, đó là tác động của nó trên mối quan hệ với người khác.

Chúng ta thấy rằng tội lỗi đã lây nhiễm sâu vào bản chất. Gốc rễ của nó nằm ở trong nhân cách của chúng ta. Nó kiểm soát bản ngã của chúng ta. Thật sự tội lỗi là cái tôi của chúng ta. Những tội lỗi mà chúng ta đã phạm là sự khẳng định rằng cái tôi của chúng ta chống lại Đức Chúa Trời hoặc con người.

Mười điều răn, một loạt những ngăn cấm tiêu cực, cho thấy trách nhiệm của chúng ta đối với Đức Chúa Trời và con người. Điều này được làm rõ hơn qua lời tóm lược tích cực luật pháp bằng cách kết hợp một câu trong Lê-vi-ký (LeLv 19:8) và một câu trong Phục truyền (PhuDnl 6:8) “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Này là điều thứ hai: Ngươi phải yêu kẻ lân cận như mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó.”


Điều quan trọng là phải nhận thấy rằng điều răn thứ nhất là trách nhiệm của chúng ta đối với Đức Chúa Trời và không phải là trách nhiệm của chúng ta đối với người lân cận. Chúng ta phải kính yêu Đức Chúa Trời trước và sau đó yêu thương kẻ lân cận như chính chúng ta. Như thế mạng lệnh của Đức Chúa Trời là chúng ta phải đặt Ngài trên hết, kế đến là người khác và sau cùng là bản ngã. Người đã viết tự truyện và đề tựa là Dear Me chỉ là diễn đạt những gì mà tất cả chúng ta nghĩ về chính mình. Khi kem được đem đến cho bữa tiệc của trẻ con chúng reo lên rằng: “cho con trước!” Khi trưởng thành, chúng ta không nói thế nữa, nhưng chúng ta vẫn nghĩ như thế. Định nghĩa của tổng giám muc William Temple mô tả đầy đủ lẽ thật này:

“Tôi là trung tâm của thế giới mà mình nhìn thấy; vị trí của chân trời tùy thuộc vào chỗ mà tôi đang đứng… Giáo dục có thể làm cho việc cho rằng mình là trung tâm giảm bớt đi tai hại bằng cách mở rộng tầm nhìn của chúng ta; giống như khi leo lên một ngọn tháp, tầm nhìn thuộc thể được mở rộng, trong khi đó tôi vẫn là trung tâm và là tiêu chuẩn để xem xét.” (Christianity and Social Order , 1942; SCM Press Edition, 1950, pp. 36-37).

Việc cho rằng mình là trung tâm ảnh hưởng đến lối ứng xử của chúng ta. Chúng ta thấy khó hòa hợp với người khác. Chúng ta có khuynh hướng hoặc là khinh dễ họ hoặc là ghen tỵ với họ, hoặc là có phức cảm tự ty hoặc tự tôn. Chúng ta hiếm khi “đoán xét một cách đúng mực” như Phao-lô đã khuyên độc giả của ông. Đôi lúc chúng ta cảm thấy tự thương cảm cho chính mình, đôi lúc chúng ta tỏ ra tự trọng, bướng bỉnh hoặc yêu mình.

Tất cả những mối quan hệ như giữa cha với con, giữa chồng và vợ, giữa chủ và tớ, đều trở nên phức tạp. Sự phạm pháp của thanh thiếu niên chắc chắn có nhiều nguyên nhân và đa phần là do thiếu sự an ninh trong gia đình; nhưng thực ra việc phạm pháp này (vì bất cứ lý do gì) là đòi hỏi quyền lợi của mình đối với xã hội. Hằng trăm vụ ly dị có thể không xảy ra nếu như người ta hạ mình một chút và nhận lỗi thay vì đổ lỗi cho ngươi phối ngẫu. Khi nhiều cặp vợ chồng đến gặp tôi và hôn nhân của họ đang bị đe dọa, tôi để ý rằng mỗi người đều kể cho tôi một câu chuyện khác nhau, câu chuyện mà đôi lúc câu chuyện rất khác đến nỗi người ta khó có thể đoán được là họ đang mô tả cùng một hoàn cảnh trừ khi người nghe biết rõ sự việc.

Hầu hết những cuộc cải vã là do hiểu lầm và hiểu lầm là do chúng ta thất bại trong việc đánh giá đúng quan điểm của người kia. Chúng ta vẫn thường nói nhiều hơn là lắng nghe, tranh luận hơn là trình bày. Điều này luôn đúng trong những cuộc tranh cãi tại sở làm hay trong những mối bất hòa tại nhà riêng. Nhiều cuộc xung đột giữa những người quản lý có thể được giải quyết nếu như đôi bên trước hết xem xét chính mình một cách nghiêm túc và sau đó xem xét phía bên kia với tinh thần độ lượng, ngược lại chúng ta vẫn thường tỏ ra độ lượng đối với bản thân mình nhưng gắt gao đối vơi người khác. Có thể nói như thế đối với tình hình bất ổn và phức tạp trên bình diện quốc tế. Ngày nay có nhiều căng thẳng phần lớn là do sợ hãi và thiếu khôn ngoan. Chúng ta chỉ nhìn về một phía. Chúng ta cường điệu những đức tính tốt của mình và những thói xấu của người khác.

Thật dễ dàng viết để lên án những mối quan hệ xã hội ngày nay. Lý do duy nhất để làm như thế là để cho thấy rằng tội lỗi hoặc sự tư kỷ của con người là nguyên nhân của mọi rắc rối. Nó khiến cho chúng ta xung đột lẫn nhau. Nếu như tinh thần ích kỷ được thay bằng tinh thần hy sinh, những xung đột sẽ dừng lại. Và sự hy sinh là những gì Kinh Thánh gọi là “tình yêu thương.” Trong khi tội lỗi là chiếm hữu, thì tình yêu thương là rộng mở và ban cho. Đặc điểm của tội lỗi là ước muốn nhận lấy; đặc điểm của tình yêu thương là ban cho.

“Tình yêu thương luôn ban cho. Tha thứ, hy sinh, và tình yêu thương sống mãi, với những bàn tay rộng mở. Vì đặc quyền của tình yêu thương là Ban cho, ban cho và ban cho.”

Những gì con người cần là sự thay đổi bản chất một cách triệt để, những gì mà giáo sư H. M. Gwatkin gọi là “sự thay đổi từ bản ngã sang vô ngã.” Con người không thể làm gì được cho phần bên trong của mình. Con người không thể điều khiển chính mình. Con người cần đến một Cứu Chúa.

Việc vạch trần tội lỗi của chúng ta chỉ nhằm một mục đích duy nhất. Đó là khiến cho chúng ta nhận thức rằng chúng ta cần đến Chúa Cứu Thế Giê-xu và và sẵn sàng tìm hiểu và nhận lấy những gì mà Ngài ban cho. Đức tin được sinh ra từ nhu cầu. Chúng ta chẳng bao giờ đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế nếu như đầu tiên chúng ta không cảm thấy thất vọng về bản thân mình. Ngài phán rằng: “Không phải người khỏe mạnh cần thầy thuốc, song là người đau ốm. Ta không phải đến gọi kẻ công bình hối cải, song gọi kẻ có tội.” Chỉ khi chúng ta nhận thức và đối diện tình trạng nghiêm trọng của bệnh tật chúng ta mới chấp nhận nhu cầu chữa trị cấp bách.



HỘI THÁNH TIN LÀNH TRƯỞNG NHIỆM GARDEN GROVE
Quận Cam-vùng nam California
​11832 South Euclid St, Garden Grove,
CA. 92840
Orange County​-Southern California
​Tel: 714-638-4422    

Email: vpcgg.ca@gmail.com

SUBSCRIBE FOR EMAILS

Thanks for submitting!

Copyright Ⓒ 2023-2025 vpcgg (PC-USA). All rights reserved. 

bottom of page