top of page

HungT
Mar 7, 2023
Chương cuối cùng này được viết cho những người đã mở cửa cuộc đời mình cho Chúa Cứu Thế Giê-xu...
PHẦN BỐN: ĐÁP ỨNG CỦA CON NGƯỜI
LÀ MỘT CƠ-ĐỐC NHÂN
Chương...
...cuối cùng này được viết cho những người đã mở cửa cuộc đời mình cho Chúa Cứu Thế Giê-xu. Họ đã trao phó cuộc đời họ cho Ngài. Vì thế họ đang bắt đầu một cuộc sống Cơ-đốc. Nhưng trở thành Cơ-đốc nhân là một chuyện. Là một Cơ-đốc nhân là một chuyện khác. Giờ đây chúng ta sẽ xem xét những hàm ý là một Cơ-đốc nhân.
Bạn đã thực hiện một bước đơn giản; bạn đã mời Chúa Cứu Thế là Cứu Chúa và làm chủ cuộc đời bạn. Giờ phút đó có thể được mô tả là giờ phút phép lạ xảy ra. Đức Chúa Trời, không bởi ơn của Ngài bạn có thể chẳng bao giờ ăn năn và tin nhận Chúa Giê-xu, đã ban cho bạn một đời sống mới. Bạn đã được tái sanh. Bạn đã trở thành con của Đức Chúa Trời và bước vào gia đình của Ngài. Có thể bạn không biết được điều gì đã xảy ra, giống như là lúc bạn chào đời bạn không biết được điều gì đang xảy ra. Ý thức về bản thân mình và nhận biết người khác là một quá trình phát triển cá nhân. Tuy nhiên, ngay khi bạn sanh ra bạn trở thành một cá nhân mới độc lập, cũng vậy khi bạn sanh lại bạn trở thành một tạo vật thuộc linh mới trong Chúa Cứu Thế.
Nhưng (bạn có thể nghĩ) Đức Chúa Trời không phải là Cha của hết thảy mọi người hay sao? Mọi người không phải là con cái của Ngài hay sao? Phải và không phải! Đức Chúa Trời chắc chắn là Đấng tạo dựng nên hết thảy mọi người và tất cả theo một ý nghĩa nào đó là dòng dõi của Ngài (Xem Cong Cv 17:28).
Nhưng Kinh Thánh phân biệt rõ mối quan hệ nói chung của Đức Chúa Trời với toàn thể nhân loại và mối quan hệ đặc biệt của cha với con mà Ngài đã lập với những người là sự tạo dựng mới của Ngài trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Giăng đã giải bày điều này trong phần mở đầu của Phúc-âm Giăng:
“Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy. Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.”
Có ba mệnh đề bắt đầu bằng chữ “ai,” tất cả cùng mô tả một số người. Con cái của Đức Chúa Trời là những người được sinh ra bởi Đức Chúa Trời; những người sinh ra bởi Đức Chúa Trời là những người đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế và tin nhận Danh Ngài.
Thế thì trong ý nghĩa này trở thành “con cái” của Đức Chúa Trời có ý nghĩa gì? Giống như tư cách thành viên của một gia đình, con cái vừa có đặc quyền vừa có trách nghiệm đối với gia đình.
Những Đặc Quyền Của Các Cơ-Đốc Nhân
Đặc quyền độc đáo của một người được tái sanh trong gia đình của Đức Chúa Trời là người đó được liên hệ với Đức Chúa Trời. Chúng ta cùng nhau xem xét mối quan hệ này.
Mối Quan Hệ Khắng Khít
Trước đây chúng ta thấy tội lỗi khiến cho chúng ta xa cách Đức Chúa Trời. Tội lỗi trở thành một chướng ngại vật ngăn cách giữa chúng ta và Đức Chúa Trời. Nói cách khác, chúng ta ở dưới sự đoán phạt của Đấng phán xét mọi người trên đất.
Nhưng giờ đây qua Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng gánh lấy sự đoán phạt của chúng ta và bởi đức tin nơi Ngài chúng ta được liên hiệp với Đức Chúa Trời, chúng ta “được xưng công bình,” có nghĩa là chúng ta được Đức Chúa Trời tiếp nhận và tuyên bố là công chính. Đấng phán xét trở thành Cha của chúng ta.
Sứ đồ Giăng viết: “Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời; và chúng ta thật là con cái Ngài.” “Cha” và “Con” là hai danh hiệu đặc biệt mà chúa Giê-xu dùng để chỉ Đức Chúa Trời và chính mình Ngài và chúng la những danh xưng mà Ngài cho phép chúng ta sử dụng! Bởi sự hiệp thông với Ngài chúng ta dươc chia sẻ một điều gì đó từ mối quan hệ khắng khít giữa Ngài và Đức Chúa Cha. Cyprian, giám mục của Carthay vào giữa thế kỷ thứ ba công nguyên, đã mô tả rất hay về đặc quyền của chúng ta khi viết về bài Cầu nguyện chung:
“Đặc ân của Chúa thật lớn thay! Lòng tốt và sự quan tâm của Ngài đối với chúng ta thật vĩ đại, bởi vì Ngài muốn chúng ta trong cái nhìn của Đức Chúa Trời cầu nguyện bằng cách gọi Đức Chúa Trời là Cha và tự gọi mình là con của Đức Chúa Trời, như Chúa Cứu Thế là Con Đức Chúa Trời - một danh xưng mà không một ai trong chúng ta dám sử dụng để cau nguyện, trừ khi chính Ngài cho phép chúng ta.”
Giờ đây chúng ta có thể lập lại Bài Cầu nguyện chung mà không phải là những kẻ giả hình. Trước đây chúng là những lời sáo rỗng; giờ đây chúng mang một ý nghĩa mới và cao quý. Thật Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta ở trên trời, là Đấng biết nhu cầu của chúng ta trước khi chúng ta cầu xin và không bao giờ quên ban những điều tốt lành cho con cái Ngài.
Đôi khi chúng ta cần được Ngài sửa phạt, “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt.” Nhưng trong sự sửa phạt Ngài sửa phạt chúng ta như con và kỷ luật chúng ta vì sự ích lợi của chúng ta. Chúng ta có thể được giải phóng khỏi mọi sợ hãi bởi một người Cha đầy lòng yêu thương, khôn ngoan và mạnh sức như thế (Về sự chăm sóc của Cha thiên thượng có thể xem trong Mat Mt 6:7-13, 25-34 và 7:7-12 và về kỷ luật của Ngài HeDt 12:3-11).
Mối Quan Hệ Đảm Bảo
Mối quan hệ của Cơ-đốc nhân với Đức Chúa Trời là mối quan hệ giữa con và Cha không những là mối quan hệ khắng khít, mà còn là mối quan hệ bảo đảm. Đây là ý muốn của Đức Chúa Trời được bày tỏ cho chúng ta. Chúng ta biết chắc mối quan hệ của chúng ta đối với Đức Chúa Trời không phải chỉ vì sự bình an trong tâm trí và sự hữu ích của chúng ta đối với người khác, nhưng bởi vì Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta biết chắc. Giăng nói một cách dứt khoát rằng đây là mục đích của ông khi viết thư tín đầu tiên; “Ta đã viết những điều này cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời.”
Dầu vậy cách để biết chắc không phải là cảm biết. Hầu hết những người mới bắt đầu đời sống Cơ-đốc nhân đều mắc phải sai lầm này. Họ quá nương cậy nơi những cảm xúc nông cạn của họ. Ngày hôm nay họ cảm thấy gần Đức Chúa Trơi; ngày hôm sau họ lại cảm thấy xa cách Ngài. Và bởi vì họ tưởng tượng rằng những cảm xúc của họ tác động đến tình trạng thuộc linh của họ, nên họ rơi vào sự mê loạn của điều không chắc chắn. Đời sống Cơ-đốc của ho trở nên chuyến du hành bất định khi họ bay lên những độ cao của sự phấn chấn.
Kinh nghiệm thất thường này không phải là mục đích của Đức Chúa Trời đối với con cái Ngài. Chúng cực kỳ thay đổi. Chúng thay đổi theo thời tiết, theo hoàn cảnh và theo sức khỏe của chúng ta. Chúng ta là những tạo vật có tâm trạng và tính khí thay đổi và những cảm xúc thất thường của chúng ta chẳng có liên quan gì đến diễn biến thuộc linh của chúng ta.
Cơ sơ để chúng ta nhận biết rằng chúng ta ở trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời không phải là cảm xúc của chúng ta, nhưng ở chỗ Ngài nói chúng ta là gì. Thử nghiệm mà chúng ta áp dụng cho chính mình phải khách quan thay vì chu quan. Chúng ta không cần lục lọi bên trong con người chúng ta đê tìm kiếm những bằng chứng về đời sống thuộc linh của chúng ta, nhưng chúng ta phải nhìn lên Đức Chúa Trời và tra xem lời Ngài. Nhưng chúng ta sẽ phải tìm xem ở đâu trong lời Ngài để biết chắc rằng chúng ta là con cái Ngài?
• Trước nhất, trong lời văn tự của Đức Chúa Trời, Ngài hứa ban sự sống đời đời cho những ai tiếp nhận Chúa Cứu Thế. “Chứng ấy tức là Đức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta, và sự sống ấy ở trong Con Ngài. Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống.” Thế thì khiêm nhường tin rằng chúng ta có sự sống đời đời không phải là tự phụ. Ngược lại, tin lời Đức Chúa Trời là khiêm nhường chớ không phải kiêu căng và khôn ngoan chớ không phải tự phụ. Sự dại dột và tội lỗi khiến cho nghi ngờ, vì “ai không tin Đức Chúa Trời, thì cho Ngài là nói dối, vì chẳng tin đến chứng Đức Chúa Trời đã làm về Con Ngài.” (GiGa 5:10-12).
Kinh Thánh đầy dẫy những lời hứa của Đức Chúa Trời. Cơ-đốc nhân nhạy cảm có thể bắt đầu ghi nhớ những lời hứa này càng sớm càng tốt. Đến khi rơi vào hố sâu của sự tuyệt vọng, Cơ-đốc nhân có thể sử dụng chúng như những sợi dây thừng để kéo mình lên.
* Đây là một vài câu Kinh Thánh để ghi nhớ. Mỗi câu đều có một lời hứa của Đức Chúa Trời.
“Chúa Cứu Thế sẽ tiếp nhận chúng ta khi chúng ta đến với Ngài:” GiGa 6:37.
“Ngài sẽ gìn giữ chúng ta và sẽ chẳng bao giờ để cho chúng ta đi:” GiGa 10:28.
“Ngài sẽ chẳng bao giờ lìa bỏ chúng ta:” Mat Mt 28:20; HeDt 13:5, 6.
“Đức Chúa Trời không bao giờ để cho chúng ta bị cám dỗ quá sức:” ICo1Cr 10:13.
“Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta khi chúng ta xưng tội lỗi của chúng ta:” IGi1Ga 1:19.
“Ngài sẽ ban cho chúng ta sự khôn ngoan khi chúng ta cầu xin Ngài:” Gia Gc 1:5.
• Thứ nhì, Đức Chúa Trời phán với lòng chúng ta. Hãy lắng nghe những lời này. “Sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh...” và “chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha!” Chính Đức Thánh Linh làm chứng với tâm linh chúng ta rằng chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời (RoRm 5:5; 8:15-16).
Mọi Cơ-đốc nhân đều biết điều này có nghĩa gì. Lời làm chứng bên ngoài của Đức Thánh Linh trong Kinh Thánh được xác nhận bởi sự làm chứng bên trong theo kinh nghiệm. Điều này không có nghĩa là đặt sự tin cậy vào những cảm xúc nông cạn và hay thay đổi; thay vì vậy là kỳ vọng vào một niềm tin sâu sắc hơn ở trong lòng chúng ta khi Đức Thánh Linh bảo đảm với chúng ta về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta và thúc giục chúng ta gọi Ngài là “Cha” khi chúng ta tìm kiếm mặt Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện.
Thứ ba, chính Đức Thánh Linh làm chứng về quyền làm con trong Kinh Thánh của chúng ta và kinh nghiệm làm trọn sự làm chứng của Ngài trong con người của chúng ta. Nếu chúng ta được sanh lại trong gia đình của Đức Chúa Trời, thì Đức Thánh Linh đang cư ngụ trong chúng ta. Thật vậy, sự cư ngụ của Đức Thánh linh là một trong những đặc quyền lớn lao nhất của con cái Đức Chúa Trời. Đây là những đặc điểm tiêu biểu của sự cư ngụ này: “Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dan, đều là con của Đức Chúa Trời.” và ”Nếu ai không có Thánh Linh của Chúa Cứu Thế, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.” (Xem RoRm 8:9-17). Và Ngài sẽ không ở trong chúng ta cho đến khi Ngài bắt đầu hành động để thay đổi lối sống của chúng ta. Giăng liên tục áp dụng sự thử nghiệm này trong thư tín đầu tiên của ông. Ông viết nếu người nào vẫn khư khư không vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời và không để ý đến trách nhiệm của họ đối với anh em mình, họ không phải là Cơ-đốc nhân. Sự công bình và sự yêu thương là những dấu hiệu không thể thiếu của con cái Đức Chúa Trời.
Mối Quan Hệ Chắc Chắn
Giả sử chúng ta đã bước vào mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời và mối quan hệ này được bảo đảm bởi lời Ngài, thế thì đây có phải là mối quan hệ chắc chắn không? Hoặc chúng ta có thể được sanh ra trong gia đình của Đức Chúa Trời vào một lúc nào đó và sau đó từ chối mối quan hệ đó hay không? Kinh Thánh cho thấy rằng đây là mối quan hệ thường xuyên. Trong một phân đoạn ở cuối Rô-ma, Phao-lô viết: “Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: Kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Chúa Cứu Thế.” Và ông tiếp tục lập luận rằng con cái của Đức Chúa Trời có sự an toàn vĩnh cửu vì không có gì có thể phân rẽ họ khỏi tình yêu của Ngài.
Bạn có thể hỏi, “Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như tôi phạm tội?.” “Khi đó tôi có bị mất quyền làm con và thôi không còn là con cái Đức Chúa Trời không?” Không. Hãy suy nghĩ đến sự giống nhau của gia đình con người. Một người con hỗn láo với cha mẹ, gây ra bầu không khí căng thẳng và u ám trong gia đình. Giữa hai cha con không nói với nhau một lời. Việc gì đã xảy ra? Người con có thôi là con nữa không? Không. Mối quan hệ của họ không hề thay đổi; chỉ có mối thông công của họ bị đổ vỡ. Mối quan hệ tùy thuộc vào việc sinh ra; mối thông công tùy thuộc vào tư cách đạo đức. Khi xin lỗi cha, người con sẽ được tha thứ. Và sự tha thứ phục hồi mối thông công. Trong khi đó mối quan hệ vẫn giữ như thế. Người con tạm thời có thể không vâng lời và thậm chí bướng bỉnh, nhưng vẫn không thôi là con.
Con cái của Đức Chúa Trời cũng giống như thế. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta không mất đi mối quan hệ làm con với Ngài, dầu mối thông công của chúng ta với Ngài bị sai hỏng cho đến khi chúng ta xưng ra và từ bỏ tội lỗi. Ngay khi “chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” Vì “nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Đấng công bình” (IGi1Ga 1:9; 2:1, 2).
Vì thế đừng đợi cho đến chiều tối hay đến Chúa nhật sau, để sửa lại cho đúng những gì đã làm sai trong mỗi ngày. Thay vì vậy, khi bạn sa ngã, hãy quỳ gối, ăn năn và khiêm nhường tìm kiếm sự tha thứ của Đức Chúa Trời ngay lập tức. Hãy hãy giữ gìn lương tâm trong sạch, không nhơ bẩn.
Nói cách khác chúng ta chỉ được xưng công bình một lần; nhưng chúng ta cần được tha thứ mỗi ngày. Khi rửa chân cho các môn đồ, Chúa Giê-xu đã minh họa điều này. Phi-e-rơ yêu cầu Ngài rửa cả tay và đầu của ông. Nhưng Chúa Giê-xu tra lời: “Ai đã tắm rồi, chỉ cần rửa chân, thì được sạch cả.” Ở Giê-ru-sa-lem một người được mời dự tiệc tối sẽ tắm trước khi đến dự. Khi đến nhà người bạn, người này không phải tắm nữa; nhưng một người đầy tớ sẽ đón người này trước cửa nhà và rửa chân cho. Vì thế đầu tiên khi đến với Chúa Cứu Thế trong sự ăn năn, chúng ta được “tắm” (đây là sự sự công bình và và được tượng trưng bên ngoài bởi phép báp têm). Điều này không cần thiết phải lập lại. Nhưng khi chúng ta bước đi trên những con đường bụi bặm của thế gian, chúng ta cần thường xuyên “được rửa chân” (có nghĩa là được tha thứ mỗi ngày).
Trách Nhiệm Của Các Cơ-Đốc Nhân
Trở nên con cái của Đức Chúa Trời là một đặc quyền lạ lùng. Đặc quyền này cũng liên quan đến trách nhiệm. Phi-e-rơ có ý nói đến điều này khi ông viết: “Hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà đươc rỗi linh hồn” (IPhi 1Pr 2:2).
Đặc quyền lớn nhất của con cái Đức Chúa Trời là mối quan hệ với Ngài; trách nhiệm lớn là sự tăng trưởng. Mọi người đều yêu mến con trẻ, nhưng không ai muốn chúng mãi mãi ở trong nhà trẻ. Tuy nhiên, có nhiều Cơ-đốc nhân được sanh lại trong Chúa Cứu Thế, nhưng chẳng bao giờ tăng trưởng. Thật là một bi kịch. Những người khác thậm chí dung túng cho tình trạng thoái hóa thuộc linh trẻ con.
* Mục đích của Cha thiên thượng là “trẻ con mới đẻ” phải trở thành những “người trưởng thành trong Chúa Cứu Thế.” Sự ra đời của chúng ta phải được nối tiếp bằng sự tăng trưởng. Biến động của sự xưng công bình (chúng ta được chấp nhận trước mặt Đức Chúa Trời) phải dẫn đến tiến trình nên thánh (tăng trưởng trong sự thánh khiết của chúng ta, điều mà Phi-e-rơ gọi là “lớn lên mà được rỗi linh hồn”).
Có hai lãnh vực chính mà Cơ-đốc nhân phải tăng trưởng. Thứ nhất là trong sự thông biết và thứ nhì là trong sự thánh khiết. Khi chúng ta bắt đầu đời sống Cơ-đốc, có thể chúng ta hiểu biết rất ít và chúng ta chỉ đến để biết Chúa Giê-xu. Giờ đây chúng ta phải gia tăng trong sự nhận biết về Đức Chúa Trời, về Chúa và Cứu Chúa của chúng ta là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Sự nhận biết này một phần là do trí tuệ và một phần có tính cách cá nhân. Kết hợp với sự thông biết, tôi khuyên bạn không những chỉ đoc Kinh Thánh mà còn đọc các văn phẩm Cơ-đốc hay. Xem thường sự tăng trưởng trong sự thông biết là chuốc lấy tai họa.
Chúng ta phải tăng trưởng trong nếp sống thánh khiết. Các tác giả Tân Ước nói về sự phát triển đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời, tình yêu thương của chúng ta đối với những người lân cận và việc chúng ta trở nên giống Chúa Cứu Thế. Mọi con cái của Đức Chúa Trời phải ước ao tánh hạnh và tư cách đạo đức của mình càng ngày càng giống với Con Đức Chúa Trời. Nếp sống của Cơ-đốc nhân là nếp sống của sự công chính.
Chúng ta phải vâng theo điều răn của Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn Ngài. Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta mot phần vì mục đích này. Ngài làm cho thân thể chúng ta trở nên đền thờ của Ngài. Ngài ở trong chúng ta. Và khi chúng ta thuận phục uy quyền và đi theo sự hướng dẫn của Ngài, Ngài sẽ đánh bại những ước muốn tội lỗi của chúng ta và khiến cho những bông trái của Ngài xuất hiện trong cuộc đời của chúng ta, đó là “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ”( GaGl 5:16, 22, 23).
Nhưng chung ta sẽ tăng trưởng như thế nào? Có ba bí mật chính của sự phát triển thuộc linh. Chúng cũng là những trách nhiệm chính của con cái Đức Chúa Trời.
1. Trách Nhiệm Của Chúng Ta Đối Với Đức Chúa Trời.
Mối quan hệ của chúng ta đối với Đức Chúa Trời dầu được bảo đảm, nhưng không phải là không thay đổi. Ngài muốn con cái Ngài tăng trưởng để càng ngày càng biết Ngài rõ hơn. Nhiều thế hệ Cơ-đốc nhân đã khám phá ra phương cách chính để tăng trưởng trong giờ đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Đây là điều bắt buộc không thể thiếu được đối với những người muốn tiến bộ. Ngày nay tất cả chúng ta đều bận rộn, nhưng chúng ta phải sắp xếp lại những ưu tiên để dành thơi giờ đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Điều này có nghĩa là chúng ta phải có kỷ luật tự giác nghiêm khắc, nhưng nhờ vậy, cùng với một quyển Kinh Thánh dễ đọc và một chiếc đồng hồ báo thức, chúng ta sẽ vui bước trên con đường đạt đến chiến thắng.
Điều quan trọng là cần phải giữ sự quân bình giữa việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, bởi vì qua Kinh Thánh Đức Chúa Trời phán với chúng ta, trong khi qua sự cầu nguyện chúng ta nói chuyện với Ngài. Đọc Kinh Thánh một cách có hệ thống cũng là điều khôn ngoan. Có nhiều phương pháp đọc Kinh Thánh khác nhau.
Hãy cầu nguyện trước khi đọc, cầu xin Đức Thánh Linh mở mắt và soi sáng cho tâm trí của bạn. Sau đó đọc chậm rãi và suy gẫm. Đọc đi đọc lại phân đoạn Kinh Thánh. Vật lộn với đoạn Kinh Thánh cho đến khi hiểu được ý nghĩa của nó. Hãy sử dụng một bản dịch hiện đại. Bản dịch RVS có lẽ là bản dịch Anh ngữ chính xác và hiện đại. Bạn có thể nhờ vào sự trợ giúp của một quyển chú giải tốt. (Chẳng hạn, The New Bible Commentary, được hiệu đính và biên soạn bởi D. Guthrie, J.A. Motyer, A.M.Stibbs and D.J. Wiseman (InterVarsity Press, 1970, ban tiếng Việt do Viện Thần Học Việt Nam dịch và xuất bản).
Sau đó tiếp tục áp dụng những câu Kinh Thánh mà bạn đọc vào hoàn cảnh của bạn. Tìm kiếm những lời hứa cần phải xác nhận và những mạng lệnh phải vâng theo, những gương cần noi theo và những tội lỗi cần phải tránh. Viết ra những gì bạn đọc vào một quyển sổ tay là điều rất hữu ích. Trên hết, hãy tìm kiếm Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là nhân vật chính của Kinh Thánh. Chúng ta không những tìm thấy Ngài được bày tỏ trong Kinh Thánh, mà còn có thể gặp Ngài một cách riêng tư qua những trang Kinh Thánh.
Lời cầu nguyện sẽ theo sau một cách tự nhiên. Hãy bắt đầu thưa lại với Đức Chúa Trời về đề tài mà qua đó Ngài đã phán với bạn. Đừng thay đổi việc đối thoại! Nếu Ngài phán với bạn về chính mình Ngài và sự vinh hiển của Ngài, bạn hãy thờ phượng Ngài. Nếu Ngài phán với bạn về chính bạn và tội lỗi của bạn, hãy xưng tội. Hãy tạ ơn Ngài về những phước hạnh được bày tỏ trong phân đoạn này và cầu nguyện cho bạn và cho bạn bè của bạn học được những bài học qua phân đoạn Kinh Thánh này.
Khi bạn cầu nguyện về đoạn Kinh Thánh mà bạn vừa đọc, bạn sẽ muốn tiếp tục cầu nguyện những vấn đề khác. Nếu quyển Kinh Thánh là sự trợ giúp lớn đầu tiên cho sự cầu nguyện, thì quyển nhật ký sẽ là sự trợ giúp lớn thứ nhì. Vào buổi sáng hãy phó thác cho Ngài những chi tiết của mot ngày mới đang ở trước mặt bạn và khi buổi tối đến hãy xưng nhận những tội lỗi mà bạn đã phạm, tạ ơn về những phước lành mà bạn đã tiếp nhận và cầu nguyện cho những người mà bạn đã gặp.
Đức Chúa Trời là Cha của bạn. Hãy tự nhiên, mạnh dạn phó thác cho Ngài. Ngài luôn quan tâm đến mọi chi tiết trong cuộc đời của bạn. Chẳng bao lâu bạn sẽ thấy cần phải bắt đầu một số danh sách cầu nguyện cho người thân và bạn bè mà bạn cảm thấy cần cầu nguyện. Hãy khôn ngoan thực hiện danh sách này một cách linh động để có thể dễ dàng thêm tên những người khác vào hoặc bớt đi.
2. Trách Nhiệm Của Chúng Ta Đối Với Hội Thánh.
Nếp sống Cơ-đốc không phải là công việc riêng tư của chính bạn. Nếu chúng ta được sanh lại trong gia đình Đức Chúa Trời, không những Ngài trở thành Cha của chúng ta, mà mọi tín hữu khác trên thế giới, bất kể chủng tộc hoặc giáo phái, đều trở thành những anh chị em trong Chúa Cứu Thế của chúng ta. Một trong những danh xưng thông dụng hơn hết trong Tân Ước là “anh em.” Đây là một lẽ thật cao quý. Nhưng thật không tốt khi cho rằng trở nên thành viên của Hội thánh phổ thông của Chúa Cứu Thế là đủ; chúng ta còn phải là thuộc viên của một số Hội thánh địa phương thuộc Hội thánh phổ thông. Trở nên một thành viên của một Hiệp hội Cơ-đốc trong một trường đại học hoặc một nơi nào đó cũng không đủ (dầu vay tôi hy vọng rằng bạn sẽ tích cực trong hội đoàn của bạn). Chỗ của mỗi Cơ-đốc nhân là một Hội thánh địa phương, để cùng chia sẻ với Hội thánh trong sự thờ phượng, thông công và làm chứng.
Có thể bạn hỏi rằng bạn nên gia nhập vào Hội thánh nào. Nếu bạn đã liên kết với một Hội thánh, hoặc do được dạy dỗ như thế hoặc bởi vì bạn mới tham dự gần đây, thật không khôn ngoan để kết thúc sự liên kết này mà không có một lý do chính đang. Tuy nhiên, nếu bạn có tự do chọn lựa Hội thánh mà bạn muốn tham dự, đây là hai tiêu chuẩn để hướng dẫn bạn.
• Thứ nhất phải quan tâm đến mục sư của Hội thánh,
• Thứ hai là giáo đoàn. Bạn hãy tự hỏi các câu hỏi. Mục sư của Hội thánh có thuận phục thẩm quyền của Kinh Thánh, để bởi đó ông soạn những bài giảng để giải bài sứ điệp của Kinh Thánh và liên hệ sứ điệp này với đời sống hiện tại không? Giáo đoàn có được tinh thần thông công của những người yêu mến Chúa Cứu Thế, yêu mến nhau và yêu thương thế gian không?
Phép báp-têm là cách để bước vào xã hội Cơ-đốc hữu hình. Nhưng như chúng ta đã thấy, nó còn có ý nghĩa khác, cho nên nếu như bạn chưa chịu báp têm, bạn nên yêu cầu mục sư của bạn làm phép báp-têm cho bạn. Sau đó bạn sẽ bước vào mối thông công Cơ-đốc đúng đắn. Ban đầu dường như có nhiều điều còn xa lạ đối với bạn, nhưng đừng đứng bên ngoài. Đi nhà thờ hoặc nhà nguyện vào ngày Chúa nhựt phải là trách nhiệm rõ ràng của Cơ-đốc nhân và hầu như mọi chi nhánh của giáo hội Cơ-đốc đều đồng ý rằng Tiệc Thánh là nghi lễ trọng tâm do Chúa Cứu Thế thiết lập để tưởng nhớ sự chết của Ngài trong mối thông công với nhau.
Hy vọng tôi không tạo ấn tượng cho rằng sự thông công chỉ xoay quanh ngày Chúa nhật. Tuy nhiên đối với những Cơ-đốc nhân khác, sự yêu thương có thể không chắc là mot kinh nghiệm mới mẽ và thật. Trong mối thông công Cơ-đốc mọi lứa tuổi, mọi trình độ sẽ khám phá được được tình thân hữu sâu sắc và sự san sẻ cho nhau. Những người bạn thân thiết nhất của Cơ-đốc nhân có lẽ là những Cơ-đốc nhân và trên hết người phối ngẫu phải là người bạn thân thiết nhất (IICo 2Cr 6:14).
3. Trách Nhiệm Của Chúng Ta Đối Với Thế Gian.
Nếp sống Cơ-đốc là chuyện gia đình, trong đó con cái vui hưởng mối thông công với cha mẹ và với nhau. Nhưng đừng nghĩ rằng như thế là đủ. Cơ-đốc nhân không phải là nhóm người thiển cận, tự mãn, ích kỷ, làm ra vẻ đạo đức, và chỉ quan tâm đến chính mình. Ngược lại Cơ-đốc nhân phải hết sức quan tâm đến những người chung quanh. Và đây là một phần trong thiên hướng của Cơ-đốc nhân là phục vụ người khác bằng mọi cách mà mình có thể.
Giáo hội Cơ-đốc đã có thành tích cao quý về lòng bác ái đối với người nghèo và những người bị xã hội ruồng bỏ, những người nghèo đói, bệnh tật, những nạn nhân của sự áp bức và phân biệt chủng tộc, những người nô lệ, những tù nhân, mồ côi, những người tỵ nạn và bị bỏ rơi. Ngày hôm nay trên khắp thế giới, trong danh của Chúa Cứu Thế những người tin theo Ngài đang cố gắng làm giảm đi những đau khổ và cùng khốn. Dầu vậy vẫn còn một số lượng công việc khổng lồ đang chờ thực hiện. Và đôi lúc phải xấu hổ thừa nhận rằng những người không xưng nhận họ là Cơ-đốc nhân lại bày tỏ lòng thương xót nhiều hơn những người tự xưng nhận mình biết Chúa Cứu Thế.
Có một trách nhiệm đặc biệt khác mà Cơ-đốc nhân cần phải hướng tới, đó là trách nhiệm đối với “thế gian,” như Kinh Thánh mô tả đó là công việc truyền giáo cho những người ở bên ngoài Chúa Cứu Thế và Hội thánh của Ngài. “Truyền giáo” theo nghĩa đen là rao truyền tin lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vẫn có hàng triệu người chưa biết đến Chúa Giê-xu và sự cứu rỗi của Ngài, không những ở Châu Á, Châu Phi, và Châu Mỹ La-tinh, nhưng còn ở xã hội bị thế tục hóa của phương Tây. Trong nhiều thế kỷ Hội thánh dường như nửa thức nửa ngủ.
Có phải trong thế hệ này Cơ-đốc nhân sẽ thức tỉnh và chinh phục thế giới này cho Chúa Cứu Thế? Có thể Ngài có một nhiệm vụ đặc biệt trao phó cho bạn như là một mục sư hoặc một giáo sĩ được tấn phong. Nếu bạn là một sinh viên đang theo học, thật là một điều sai lầm nếu bạn vội vàng, hấp tấp làm một điều gì khác. Nhưng hãy cố khám phá ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho bạn và vâng theo.
Dầu rằng không phải hết thảy Cơ-đốc nhân đều được kêu gọi trở nên mục sư hay giáo sĩ, nhưng theo ý định của Đức Chúa Trời mỗi Cơ-đốc nhân phải trở nên một chứng nhân cho Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trong gia đình, giữa vòng bạn hữu trong trường học hoặc nơi sơ làm, trách nhiệm của Cơ-đốc nhân là phải sống nhất quán, yêu thương, khiêm nhường, chân thật và giống như Chúa Cứu Thế. Và phải chinh phục người khác cho Ngài nhưng phải thận trọng, lịch sự và quả quyết.
Cách để bắt đầu là bởi sự cầu nguyện. Hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban cho bạn sự quan tâm đặc biệt đến một hoặc hai người bạn. Thường thì việc chọn những người bạn cùng phái tính và cùng độ tuổi là khôn ngoan hơn. Sau đó cầu nguyện thường xuyên và dứt khoát cho sự cải đạo của họ; hãy nuôi dưỡng tình bạn vì mục đích này; hãy dành thời gian cho họ và yêu thương họ như chính mình. Khi có cơ hội hãy đưa họ đến dự một số buổi nhóm thờ phượng để họ có thể nghe giải bày Phúc-âm; hoặc tặng cho họ một số văn phẩm Cơ-đốc để đọc; hoặc đơn giản là kể cho họ nghe bạn đã gặp Chúa Cứu Thế Giê-xu và Ngài có ý nghĩa như thế nào đối với bạn. Hầu như tôi không cần phải nói thêm rằng lời làm chứng hùng hồn nhất của bạn chẳng có tác dụng gì nếu tư cách đạo đức của bạn trái hẳn với điều bạn đang làm chứng; một đời sống được biến đổi một cách tỏ tường đem lại nhiều ảnh hưởng hơn cho Chúa Cứu Thế.
Những đặc quyền và trách nhiệm của con cái Đức Chúa Trời là như thế. Do được sinh ra trong gia đình Đức Chúa Trời và vui hưởng mối thông công khắng khít với Cha thiên thượng, được bảo đảm một cách chắc chắn, Cơ-đốc nhân cần phải nghiêm túc trong thời gian đọc Kinh Thánh và cầu nguyện mỗi ngày, phải là một thành viên trung tín trong Hội thánh và đồng thời phải tích cực trong việc làm chứng và phục vụ Cơ-đốc.
Việc trình bày như thế này về đời sống Cơ-đốc dẫn đến chỗ khiến cho người Cơ-đốc phải chịu sự căng thẳng. Nói ngắn gọn, chúng ta tự nhận thấy mình là công dân của hai vương quốc, một là vương quốc ở trần thế và vương quốc kia là thiên đang. Chúng ta không có quyền tự do thoái thác trách nhiệm đối với cả hai.
Nói chung các tác giả Tân Ước đã nhấn mạnh nghĩa vụ đối với đất nước, đối với chủ, đối với gia đình và xã hội. Kinh Thánh sẽ không cho phép chúng ta rút lui khỏi những trách nhiệm thực tiễn này, bằng cách vào tu viện hoặc theo chủ nghĩa thần bí, hoặc bước vào mối thông công Cơ-đốc cô lập với thế giới bên ngoài.
Mặt khác, một số tác giả Tân Ước nhắc chúng ta rằng chúng ta là “người ở trọ, kẻ đi đường.” “Nhưng chúng ta là công dân trên trời.” Và chúng ta đang đi về nhà đời đời của chúng ta (IPhi 1Pr 2:21; Phi Pl 3:20; IICo 2Cr 4:16-18). Do đó chúng ta không nên tích trữ của cải ở trần thế, cũng đừng theo đuổi những tham vọng ích kỷ, cũng đừng đồng hóa những tiêu chuẩn của thế gian, hay đầu hàng, lui bước trước những nỗi sầu khổ của đời sống hiện tại.
Cách tương đối đơn giản để làm giảm đi mối căng thẳng này là rút lui vào trong Chúa Cứu Thế và mặc kệ thế gian, hoặc là theo thế gian và quên Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên cả hai không có cách nào là giải pháp thật sự cho Cơ-đốc nhân, bởi vì mỗi cái điều liên quan đến sự từ bỏ nghĩa vụ của chúng ta đối với thế gian hoặc đối với Chúa Cứu Thế. Cơ-đốc nhân quân bình là người lấy Thánh Kinh làm chuẩn mực để sống một cách quân bình và vừa “trong Christ” vừa “trong thế gian.” Cơ-đốc nhân không thể chọn lựa hoặc cái này hoặc cái kia.
Đây là cuộc sống môn đệ hóa mà Chúa Cứu Thế kêu gọi chúng ta. Ngài đã chết và sống lại để chúng ta có được cuộc sống mới. Ngài đã ban cho chúng ta Thánh Linh của Ngài để chúng ta có thể sống cuộc sống mới trên thế gian này.
Giờ đây Ngài kêu gọi chúng ta theo Ngài và tận hiến cho Ngài mà không giữ lại bất cứ điều gì.
bottom of page