top of page

NHỮNG LỜI XÁC NHẬN CỦA CHÚA CỨU THẾ

Hung Tran

Mar 16, 2023

Mục đích của chúng ta là sắp xếp những bằng chứng để chứng minh rằng Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời...



PHẦN MỘT: THÂN VỊ CỦA CHÚA CỨU THẾ



NHỮNG LỜI XÁC NHẬN CỦA CHÚA CỨU THẾ



Chúng...

...ta thấy rằng cần phải tìm kiếm nếu chúng ta muốn tìm gặp. Nhưng cuộc tìm kiếm của chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu.? Những câu trả lời của Cơ-đốc giáo cho thấy nơi duy nhất để bắt đầu là nhân vật lịch sử: Giê-xu Na-xa-rét; vì nếu Đức Chúa Trời đang phán và đang hành động, Ngài cũng đang hành động một cách trọn vẹn và dứt khoát trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Có một vấn đề hệ trọng đó là người thợ mộc Na-xa-rét có phải là Con Đức Chúa Trời không?

Trong Cơ-đốc giáo có hai lý do chính giải thích tại sao sự tra vấn của chúng ta lại bắt đầu với thân vị của Chúa Cứu Thế.


* Thứ nhất về cơ bản Cơ-đốc giáo là Chúa Cứu Thế.

Thân vị và công việc của Chúa Cứu Thế là tảng đá mà Cơ-đốc giáo được xây dựng trên đó. Nếu Ngài không phải là Đấng phán Ta là Đấng tự hữu hằng hữu và nếu Ngài đã không làm cho những gì Ngài phán xảy ra, nền tảng này sẽ bị xói mòn và toàn bộ cấu trúc sẽ bị sụp đỗ. Nếu đem Chúa Cứu Thế đi và rồi chúng ta phanh phui Cơ-đốc giáo, thực tế hoàn toàn toàn trống rỗng. Chúa Cứu Thế là trọng tâm của Cơ-đốc giáo; mọi cái khác chỉ thuộc về chu vi của vòng tròn. Về cơ bản chúng ta không quan tâm luận bàn về triết học của Ngài, về giá trị của hệ thống triết học này hoặc về phẩm chất đạo đức của Ngài. Mối quan tâm của chúng ta là phẩm tính của thân vị Ngài. Ngài là ai?


* Thứ hai, nếu Chúa Cứu Thế Giê-xu là thần nhân độc nhất vô nhị, nhiều vấn đề khác sẽ được giải quyết một cách tự nhiên.

Sự hiện hữu của Đức Chúa Trời được chứng minh và bản tính của Đức Chúa Trời được bày tỏ nếu Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời. Một lần nữa những câu hỏi về trách nhiệm và số phận của con người, sự sống sau cái chết, mục đích và thẩm quyền của Cựu Ước và ý nghĩa của thập tự giá bắt đầu được giải đáp bởi vì Chúa Giê-xu đã phán dạy về những điều này và sự giảng dạy của Ngài phải đúng nếu bản thân Ngài là Đức Chúa Trời.

Vì thế sự nghiên cứu của chúng ta phải bắt đầu với Chúa Giê-xu và để nghiên cứu về Ngài chúng ta phải trở lại với các sách Phúc-âm. Tại đây chúng ta không nhất thiết chấp nhận chúng như là một phần của Kinh Thánh được hà hơi; chúng ta chỉ cần xem chúng như những văn kiện lịch sử chân xác là đủ. Cũng không cần xem xét xuất xứ của chúng, chỉ cần nhấn mạnh rằng tác giả của những sách này là những người Cơ-đốc chân thật nhất và nội dung của chúng vừa khách quan vừa là những điều họ tận mắt chứng kiến và để lại nhiều ấn tượng trên họ. Tuy nhiên, giờ đây về thực chất chúng ta chỉ đơn thuần xem chúng là những ký thuật chân xác về cuộc đời và sự gỉảng dạy của Chúa Giê-xu. Khi làm như thế, chúng ta sẽ không dựa vào những trích đoạn rời rạc và mơ hồ. Chúng ta sẽ tập trung vào những gì tổng quát và rõ ràng.

Mục đích của chúng ta là sắp xếp những bằng chứng để chứng minh rằng Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ không thỏa mãn về lời nhận định mơ hồ về thần tính của Ngài; thần tính mà chúng ta có ý định xác minh. Chúng ta tin rằng Ngài có mối quan hệ đời đời và thiết yếu với Đức Chúa Trời mà không ai có thể có được. Chúng ta không xem Ngài là Đức Chúa Trời cải trang thành con người, cũng không phải là con người có những phẩm chất của Đức Chúa Trời, nhưng Ngài là Đức Chúa Trời thành người. Chúng ta tin rằng Chúa Giê-xu là nhân vật lịch sử có hai bản tính riêng biệt và trọn vẹn, bản tính của Đức Chúa Trời (Goodhead) và nhân tính (manhood). Đây là điều chắc chắn và độc nhất vô nhị. Vì thế Ngài không những xứng đáng để chúng ta cảm phục mà còn xứng đáng để chúng ta tôn thờ Ngài.

- Ít ra có ba loại bằng chứng. Bằng chứng liên quan đến những lời xác nhận của Ngài, đến đặc tính mà Ngài đã bày tỏ và sự sống lại từ kẻ chết của Ngài. Một bằng chứng không đủ đi đến kết luận cuối cùng. Giống như ba đường thẳng hội tụ lại thành một điểm, cả ba đi đến cùng một kết luận.

* Thế thì bằng chứng thứ nhất là những lời xác nhận của chính Chúa Cứu Thế.

Theo lời của Tổng giám mục William Temple, “Giờ đây phải nhìn nhận rằng vì sự hiện hữu của Ngài không có chút bằng chứng nào nên Chúa Cứu Thế đã trở thành Nhân vật lạ lùng công bố những lời xác nhận gây kinh ngạc.” Đúng là những lời xác nhận tự chúng không tạo nên bằng chứng, nhưng đây là một hiện tượng lạ lùng cần phải được giải thích. Để cho sáng tỏ, chúng ta sẽ phân biệt bốn loại xác nhận khác nhau.


1. Sự giảng dạy về chính bản thân Ngài:

Đặc điểm đáng chú ý nhất về sự giảng dạy của Chúa Giê-xu là Ngài thường nói về chính mình Ngài. Thực sự là Ngài phán dạy rất nhiều về Đức Chúa Trời là Cha và về vương quốc của Đức Chúa Trời. Nhưng sau đó Ngài nói thêm rằng Ngài là Con” của Cha và Ngài đã đến để bắt đầu Vương quốc này. Việc bước vào vương quốc là tùy thuộc vào phản ứng của con đối với Ngài. Thậm chí Ngài đã không ngần ngại gọi vương quốc của Đức Chúa Trời là “nước của Ngài”.

Việc giảng dạy về chính mình Ngài của Chúa Giê-xu ngay lập tức khiến Ngài khác xa với những giáo sư vĩ đại của những tôn giáo khác trên thế giới. Họ khiêm tốn (self-effacing) không để cho người ta chú ý đến họ và nói rằng: “Cho đến giờ đây là lẽ thật mà tôi lĩnh hội được, hãy tin theo đó.” Trong khi đó Chúa Giê-xu đã tự nâng mình lên (selft-advancing) và phán rằng “Ta là lẽ thật, hãy theo ta.” Không có nhà sáng lập tôn giáo nào dám nói như thế. Những đại từ nhân xưng cứ lập đi lập lại khiến cho chúng ta phải chú ý khi đọc lời của Ngai. Ví dụ:

Đức Chúa Jêsus phán rằng:

“Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát.”

“Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.”

“Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi.”

“Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.”

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hay đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ” (GiGa 6:35; 8:12; 11:25, 26; 14:6; Mat Mt 11:28, 29).

Câu hỏi quan trọng cho phần đầu tiên trong lời giảng dạy của Ngài là, “Các ngươi nói ta là ai?” Ngài khẳng định rằng Áp-ra-ham đã vui mừng về ngày của Ngài, Môi-se viết về Ngài, Kinh Thánh làm chứng về Ngài và thật vậy trong ba phân loại lớn của Cựu Ước là luật pháp, các lời tiên tri và các trong các thánh thư, có nhiều chỗ nói về chính mình Ngài (Mac Mc 8:29; GiGa 8:56; 5:39; LuLc 24:27, 44).

Lu-ca đã mô tả một số chi tiết về chuyến viếng thăm đầy kịch tính một nhà hội ở Na-xa-rét, một làng quê của Chúa Giê-xu. Người ta đưa cho Ngài cuộn Kinh Thánh Cựu Ước và Ngài đứng đọc. Phân đoạn này là EsIs 61:1-2.

“Thần Chúa ngự trên Ta vì Chúa đã xức dầu phong chức cho Ta truyền giảng Phúc Âm cho người hiền từ. Ngài sai Ta đi băng bó những tấm lòng tan vỡ, tuyên cáo cho các nô lệ được tự do, và mở cửa ngục tù để phóng thích những người bị xiềng xích, để công bố năm đặc ân của Chúa và ngày tưởng thưởng của Thượng Đế, để an ủi tất cả những người tang chế khóc than.”

Ngài đóng sách lại, trả cho người giữ nhà hội và ngồi xuống, trong khi mọi cặp mắt của những người trong nhà hội đều dán chặt vào Ngài. Sau đó Ngài phá tan sự im lặng bằng những lời lạ lùng, “Ngày nay phân đoạn Kinh Thánh thánh này đã ứng nghiệm đang khi các ngươi nghe.” Nói cách khác, “Ê-sai đã viết về ta.”

Với quan điểm như thế về chính mình Ngài, thì không có gì ngạc nhiên khi Ngài kêu gọi người ta đến với Ngài. Thật vậy, Ngài còn làm hơn là mời gọi; Ngài ra lệnh. Ngài phán: “Hãy đến cùng ta,”; “Hãy theo ta.” Ngài hứa với những ai đến với Ngài rằng Ngài sẽ cất đi gánh lao khổ, làm thoả mãn cơn đói và làm tươi mới linh hồn khô hạn của họ (Mat Mt 11:28; GiGa 6:35; 7:27). Hơn nữa, người theo Ngài phải vâng lời Ngài và xưng nhận tội lỗi trước mặt người ta. Các môn đệ của Ngài nhận thức rằng những lời xác nhận có thẩm quyền này là bởi quyền của Chúa Giê-xu và trong những thơ tín của họ, Phao-lô, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giu-đe đã tự xưng họ là “tôi tớ của Ngài.”

Hơn thế nữa, đối với những người đương thời Ngài đã trở thành đối tượng thích hợp cho đức tin và tình yêu của họ. Chính vì để cho con người tin vào Đức Chúa Trời mà Ngài đã mời gọi con người tin vào Ngài, “Đây là công việc của Đức Chúa Trời,” Ngài phán, “để các ngươi tin Ngài là Đấng đã sai ta đến.” “Ai tin Con có sự sống đời đời.” Tin vào Ngài là trách nhiệm hàng đầu của con người, không tin Ngài là phạm tội trọng. (GiGa 6:29; 3:36; 8:24; 16:8, 9).

Một lần nữa, điều răn lớn và đầu tiên là yêu mến Đức Chúa Trời với tất cả tâm hồn và trí tuệ. Vì thế Chúa Giê-xu đã xác nhận một cách táo bạo đây là tình yêu tối cao của con người. “Bất cứ ai yêu cha, mẹ, con cái hơn Ngài là không xứng đáng với Ngài,” Ngài phán. Thật vậy, Ngài đã sử dụng lối truyền đạt tương phản Hy-bá-lai một cách sinh động để nói lên sự ví sánh của Ngài, “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sư sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta” (Mat Mt 10:37; LuLc 14:26).

Ngài tin rằng theo mục đích của Đức Chúa Trời Ngài sẽ sai Đấng sẽ thay thế Ngài đến thế gian sau khi Ngài trở về trời. Đó là Đức Thánh Linh, là Đấng Yên Ủi (Paraclete), đây danh xưng mà Chúa Cứu Thế ưa thích. Đây là một thuật ngữ luật pháp, có nghĩa là một trạng sư, người biện hộ, người tư vấn. Chắc hẳn công việc của Đức Thánh Linh là biện hộ cho Chúa Giê-xu trước thế gian. “Ngài sẽ làm chứng về ta,” Chúa Giê-xu phán. Ngài lại phán, “Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi” (GiGa 15:26; 16:14). Vì thế sự làm chứng của Đức Thánh Linh đối với thế gian lẫn sự mặc khải đối với Hội thánh đều có liên quan đến Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Chúa Giê-xu đã tiên tri, “Khi ta bị treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta.” Ngài biết rằng thập tự giá sẽ dùng sức hấp dẫn đạo đức tác động trên con người. Nhưng khi kéo họ đến, về cơ bản họ không được đem đến với Đức Chúa Trời hoặc đến với Hội thánh, cũng không đến với lẽ thật hoặc đến với sự công chính, nhưng đến với chính Chúa Giê-xu. Thực ra họ được đem đến với những điều trên bởi vì họ đã được đem đến với Ngài.

Một đặc điểm đáng lưu ý nhất trong sự giảng dạy về chính bản thân Ngài là Ngài cứ nhấn mạnh về sự khiêm nhường trên những người khác. Ngài quở trách các môn đệ của Ngài về sự tư lợi và Ngài buồn vì sự tham muốn của họ quá lớn. Ngài đã không thực hành những gì Ngài giảng hay sao? Ngài đã bồng một đứa trẻ đặt nó ở giữa để làm gương cho họ. Phải chăng Ngài có một tiêu chuẩn khác cho chính mình Ngài?


2. Những lời xác nhận trực tiếp của Ngài:

Rõ ràng là Chúa Giê-xu tin rằng chính Ngài là Đấng Mê-si-a mà Cựu Ước tiên tri. Ngài đã đến để thiết lập vương quốc của Đức Chúa Trời như đã được dư ngôn bởi nhiều thế hệ tiên tri.

Thật là có ý nghĩa khi từ ngữ đầu tiên ký thuật về chức vụ công khai của Ngài là từ “ứng nghiệm” và câu nói đầu tiên của Ngài là “Thời kỳ đã đến, Nước Trời đã gần! Phải ăn năn tội lỗi và tin nhận Phúc Âm!” Ngài thừa nhận danh hiệu “Con Người” là danh hiệu được chấp nhận của Đấng Mê-si-a có nguồn gốc từ một trong những hiện thấy của Đa-ni-ên. Ngài chấp nhận sự mô tả “Con Người” khi bị thầy tế lễ cả thách thức, đây là một danh hiệu khác của Đấng Mê-si-a được lấy ra từ Thi Tv 2:7. Ngài giải thích sứ mạng của Ngài trong ánh sáng của lời mô tả về người đầy tớ chịu khổ của Đức Giê-hô-va trong phần cuối của sách Ê-sai. Trong phần đầu khi Ngài giảng dạy cho mười hai sứ đồ tại Sê-sa-rê Phi-líp, đã xảy ra sự kiện Si-môn Phi-e-rơ đã xưng nhận đức tin trong Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế. Nhưng người khác có thể cho rằng Ngài là một trong những tiên tri; nhưng Si-môn đã đi đến chỗ xưng nhận Ngài là Đấng mà các tiên tri đã nói dến. Ngài không phải là tấm bảng chỉ đường, nhưng Ngài là đích đến mà những tấn bảng chỉ đường dẫn đến (Mac Mc 1:15 theo nghĩa đen 14:61, 62; 8:27-29).

Toàn bộ chức vụ của Chúa Giê-xu đều nhuốm màu sắc mang ý nghĩa của sự ứng nhiệm. “Phước cho mắt nào được thấy điều các ngươi thấy!” một lần nữa Ngài phán riêng với các môn đồ. “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, có nhiều đấng tiên tri, nhiều người công chính đã ước ao thấy điều các ngươi thấy, mà chẳng được thấy; ước ao nghe điều các ngươi nghe, mà chẳng được nghe” (LuLc 10:23; Mat Mt 13:16-17).

Nhưng những lời xác nhận mà chúng ta hiện đang xem xét không những liên quan đến vai trò Đấng Mết-si-a của Ngài mà con liên quan đến thần tính của Ngài. Ngài xác nhận Ngài là Con Đức Chúa Trời hơn là Đấng Mê-si-a; điều này nói lên mối quan hệ độc đáo và đời đời với Đức Chúa Trời mà Ngài có. Chúng ta có thể đưa ra ví dụ về lời xác nhận lớn hơn này.

Thứ nhất, có một sự tương thông mật thiết với Đức Chúa Trời là “Cha” mà Ngài thường nói đến. Ngay khi còn là một cậu bé mười hai tuổi, Ngài đã làm cho cha mẹ về phần xác phải kinh ngạc về lòng nhiệt tâm vô giới hạn đối với công việc của Cha thiên thượng của Ngài. Và rồi Ngài đã nói những lời như sau:

“Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta cũng làm việc như vậy.”

“Ta với Cha là một.”

“Ta ở trong Cha và Cha ở trong ta” (GiGa 5:17; 10:30; 14:10, 11).

Sự thực Ngài cũng đã dạy các môn đệ Ngài gọi Đức Chúa Trời là “Cha”. Vì thế Ngài đã nói với Ma-ri Ma-đơ-len, “Ta lên cùng Cha ta và Cha các ngươi”. Chắc hẳn Ngài không thể nào nói rằng: “Ta lên cùng Cha chúng ta.”

Đây là những câu trích từ Phúc-âm Giăng, nhưng mối quan hệ độc đáo với Đức Chúa Trời được Chúa Giê-xu xác nhận trong Mat Mt 11:17, “Mọi việc Cha ta đã giao cho ta; ngoài Cha không có ai biết Con; ngoài Con và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai biết Cha.”

Sự việc Chúa Giê-xu xác nhận mối quan hệ khắng khít giữa Ngài và Đức Chúa Trời đã gây sự tức giận cho người Do-thái. Họ nói, “Hắn tự xưng là Con Đức Chúa Trời” (GiGa 19:17).

Sự đồng nhất hóa của Ngài với Đức Chúa Trời hết sức bền chặt đến nỗi Ngài tự nhiên xem thái độ cư xử với chính Ngài là thái độ cư xử với Đức Chúa Trời. Vì thế,

- Biết Ngài là biết Đức Chúa Trời.

- Thấy Ngài là thấy Đức Chúa Trời.

- Tin Ngài là tin Đức Chúa Trời.

- Tiếp nhận Ngài là tiếp nhận Đức Chúa Trời.

- Ghét Ngài là ghét Đức Chúa Trời.

- Tôn vinh Ngài là tôn vinh Đức Chúa Trời.

(GiGa 8:19; 14:17; 12:45; 14:9; 12:44; 14:1; Mac Mc 9:37; GiGa 15:23; 5:23).

Đây là một số lời xác nhận tổng quát của Chúa Giê-xu về mối quan hệ độc đáo của Ngài với Đức Chúa Trời. Ngài cũng xác nhận thêm hai điều nữa. Điều thứ nhất được ký thuật trong cuối chương tám của Phúc-âm Giăng. Trong khi tranh luận với người Do-thái Ngài nói: “Ta nói quả quyết, ai vâng giữ lời Ta sẽ chẳng bao giờ chết mất.” Điều này khiến cho nhiều người chỉ trích Ngài. Họ bình phẩm, “Áp-ra-ham đã chết, các đấng tiên tri cũng vậy…Thầy lại trọng hơn cha chúng tôi, Áp-ra-ham, là người đã chết sao?.. Thầy mạo xưng mình là ai?”.

Chúa Giê-xu nói, “Cha các ngươi là Áp-ra-ham đã nức lòng nhìn thấy ngày của ta; người đã thấy rồi, và mừng rỡ.” Người Do-thái càng thêm bối rối. “Thầy chưa đầy năm mươi tuổi, mà đã thấy Áp-ra-ham!” Chúa Giê-xu đáp lời bằng một trong những lời xác nhận có ý nghĩa xâu xa nhật của Ngài: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có ta.”

Sau đó họ lấy đá ném Ngài.

Theo luật pháp Môi-se kẻ phạm thượng phải bị ném đá và ngay từ đầu người ta có thể tự hỏi rằng họ thấy trong lời nói của Chúa Giê-xu có điều gì là phạm thượng. Dĩ nhiên có lời xác nhận rằng Ngài sống trước Áp-ra-ham. Ngài thường làm như thế.

Ngài từ trời “xuống” và đuợc Cha “sai đến”. Nhưng lời xác nhận này hoàn toàn vô tư.

Chúng ta cần phải xem thêm. Ngài không nói “Trước khi Áp-ra-ham có đã có Ta,” nhưng Ngài phán “Trước khi Áp-ra-ham chưa có đã có Ta.” Vì thế đây là lời khẳng định về sự hiện hữu đời đời của Ngài trước Áp-ra-ham. Nhưng như thế vẫn chưa hết.

“Đã có ta” là lời xác nhận về sự vĩnh hằng, mà còn là lời xác nhận về thần tính của Ngài. “Có Ta” hay “Ta là” (I am) là danh hiệu thiên thượng mà Đức Giê-hô-va đã bày tỏ chính mình Ngài cho Môi-se trong bụi gai cháy. “Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu… Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Đấng Tự hữu hằng Hữu đã sai ta đến cùng các ngươi.” Đây là danh hiệu của Đức Chúa Trời mà Chúa Giê-xu đã nhận lấy cho chính mình Ngài một cách yên lặng. Chính vì điều này mà mà người Do-thái đã cho rằng Ngài phạm thượng và ném đá Ngài.

Ví dụ thứ hai về lời xác nhận trực tiếp về thần tính của Ngài xảy ra sau khi Ngài phục sinh. Giăng tường thuật (GiGa 20:26-29) rằng vào ngày Chúa nhật sau lễ Phục Sinh, Thô-ma hoài nghi đang ở với các môn đồ trên phòng cao thì Chúa Giê-xu hiện ra. Chúa Giê-xu đã mời Thô-ma sờ vào những vết thương của Ngài và Thô-ma đã choáng ngợp trong cự kinh ngạc và kêu lên rằng: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!” Ngài chấp nhận cách xưng hô của ông. Ngài quở trách Thô-ma vì sự vô tín của ông chớ không phải vì sự thờ phượng của ông.


3. Những lời xác nhận gián tiếp của Ngài:

Những lời xác nhận gián tiếp của Ngài cũng mạnh mẽ và sinh động như là những lời xác nhận trực tiếp. Những hàm ý về chức vụ của Ngài cũng là những bằng chứng hùng hồn về thân vị của Ngài như là những lời giải thích đầy đủ của Ngài. Trong nhiều dịp Ngài đã thực thi công việc của Đức Chúa Trời một cach thích đáng. Sau đây là bốn công việc được đề cập đến.

* Thứ nhất là lời xác nhận về sự tha tội:

hai trường hợp riêng rẽ (Mac Mc 2:1-12; LuLc 7:36-50) mà Chúa Giê-xu đã tha thứ cho các tội nhân. Lần thứ nhất, một người bại được những người bạn đem đến, để người này trên giường và dùng dây dòng qua mái nhà. Chúa Giê-xu thấy nhu cầu cơ bản của người này là nhu cầu thuộc linh và Ngài đã làm cho đám đông kinh ngạc khi nói với người này rằng, “Hỡi con, tội lỗi ngươi được tha.”

Lời công bố tha tội thứ hai của Ngài được thực hiện đối người đàn bà mà người ta biết là phạm tội tà dâm. Đang khi Chúa Giê-xu đang dùng bữa tại nhà nột người Pha-ri-si thì người đàn bà này đến đằng sau Ngài sa nước mắt trên chân Ngài, rồi dùng tóc mà lau, sau đó hôn và xức dầu cho. Và Chúa Giê-xu nói với bà rằng, “Tội lỗi ngươi đã được tha.”

Trong hai dịp này những người bàng quan đã cau mày và hỏi rằng: “Người này là ai?” Đây có phải là phạm thượng không? Ngoài Đức Chúa Trời ai có quyền tha tội? Họ đã phát biểu đúng. Chúng ta có thể tha thứ những người gây tổn thương cho chúng ta; nhưng những tội mà chúng ta đã phạm với Đức Chúa Trời thì chỉ có Đức Chúa Trời có quyền tha tội cho chúng ta.

* Lời xác nhận gián tiếp thứ hai của Chúa Cứu Thế là ban sự sống.

Ngài mô tả chính Ngài là “bánh sự sống,“sự sống, ”“sự sống lại và sự sống.” Ngài ví sánh sự phụ thuộc của những người tin theo Ngài vào Ngài như những nhánh nho tiếp nhận chất dinh dưỡng từ gốc nho. Ngài ban cho người đàn bà Sa-ma-ri “nước sống” và hứa ban sự sống đời đời cho nhà lãnh đạo trẻ tuổi và giàu có nếu người này bằng lòng đến và theo Ngài. Ngài tự xưng là Đấng chăn hiền lành không những phó sự sống mình cho chiên mà còn ban sự sống cho chúng. Ngài phán rằng Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài quyền trên mọi xác thịt, Ngài sẽ ban sự sống đó cho nhiều người như Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài. Ngài công bố rằng “Con ban sự sống cho ai Ngài muốn” (GiGa 6:35; 14:6; 11:25; 15:4-5; 4:10-15; Mac Mc 10:17, 21; GiGa 10:28; 17:2; 5:21).

Lời xác nhận này thật rõ ràng để cho các môn đệ của Ngài hiểu được lẽ thật của nó. Nó khiến cho họ không thể nào lìa bỏ Ngài. “Chúng tôi sẽ theo ai?” Phi-e-rơ hỏi, “Ngài có lời của sự sống đời đời.”

Sự song là điều bí ẩn. Dầu là sự sống thuộc linh hay thuộc thể, bản chất của nó là điều khó hiểu như nguồn gốc của nó. Chúng ta không thể định nghĩa nó là gì cũng như nói nó từ đâu đến. Chúng ta chỉ có thể gọi nó là một món quà của Đức Chúa Trời. Đây chính là món quà mà Chúa Giê-xu đã xác nhận ban cho chúng ta.

* Lời xác nhận gián tiếp thứ ba của Chúa Cứu Thế là dạy lẽ thật.

Sự khôn ngoan của Ngài đã gây ấn tượng sâu sắc trên những người đương thời.

“Có phải người là thợ mộc, con trai Ma-ri, anh em với Gia-cơ, Giô-suê, Giu-đe, và Si-môn chăng?”

“Người này chưa từng học, làm sao biết được Kinh thánh?”

Nhưng thẩm quyền của Ngài còn làm họ càng ấn tượng hơn.

“Chẳng hề có người nào đã nói như người này!”

“Ngài dùng quyền phép mà phán.”

“Vả, khi Đức Chúa Jêsus vừa phán những lời ấy xong, đoàn dân lấy đạo Ngài làm lạ; vì Ngài dạy như là có quyền, chớ không giống cac thầy thông giáo.” (Mac Mc 6:3; GiGa 7:15, 46; LuLc 4:32; Mat Mt 7:28, 29).

Nếu thẩm quyền của Ngài không phải là thẩm quyền của các thầy thông giáo, nó cũng không phải là thẩm quyền của các tiên tri. Các thầy thông giáo không bao giờ dạy mà không trích dẫn những thẩm quyền của họ. Các tiên tri bao giờ cũng nói đến thẩm quyền của Đức Giê-hô-va. Nhưng Chúa Giê-xu xác nhận thẩm quyền của chính Ngài.

Công thức của Ngài không phải là “Vì Chúa phán,” nhưng là “Quả thật, quả thật, Ta phán cùng các ngươi.” Sự thật là Ngài mô tả rằng giáo lý mà Ngài giảng dạy không phải là của Ngài mà là của Cha là Đấng đã sai Ngài đến.

Tuy nhiên Ngài biết chính Ngài phải trở thành phương tiện trực tiếp cho sự mặc khải của Đức Chúa Trời khi Ngài phán bảo với sự xác quyết rất cá nhân. Ngài không bao giờ do dự hay xin lỗi. Ngài không bao giờ mâu thuẫn, rút lại hay sửa đổi bất cứ điều gì Ngài đã nói ra. Ngài phán những lời rõ ràng của Đức Chúa Trời: “Ngài là Đấng Đức Chúa Trời đã sai đến để nói ra những lời của Đức Chúa Trời.” Ngài tiên đoán tương lai với niềm tin quyết trọn vẹn. Ngài truyền những mạng lệnh tuyệt đối về mặt đạo đức như ”Hãy yêu thương kẻ thù ngịch mình,” “Đừng lo lắng về ngài mai,” “Đừng đoán xét để các ngươi không bị đoán xét.” Ngài phán hứa và bảo đảm thực hiện lời hứa của Ngài: “Hãy xin, sẽ được.” Ngài xác nhận lời Ngài là đời đời như luật pháp và sẽ chẳng bao giờ qua đi. Ngài cảnh cáo người nghe rằng số phận của họ tùy thuộc vào sự đáp ứng của họ đối với lời dạy của Ngài, giống như số phận của dân Y-sơ-ra-ên tùy thuộc phản ứng của họ đối với lời Đức Chúa Trời.

* Lời xác nhận gián tiếp thứ tư của Ngài là sự phán xét thế gian .

Có thể nói đây là lời xác nhận lạ lùng trong những lời phán của Ngài. Một vài ngụ ngôn của Ngài hàm ý rằng Ngài sẽ trở lại lúc thế giới chung tận và cái ngày cuối cùng này được trì hoãn cho đến khi Ngài trở lại. Ngài sẽ sống lại từ kẻ chết và mọi dân tộc sẽ tụ họp trước mặt Ngài. Ngài sẽ ngồi trên Ngôi vinh hiển và sự phán xét được Đức Chúa Cha chuyển giao cho Ngài. Sau đó Ngài sẽ chia con người ra như người chăn chia chiên và dê ra. Một số người sẽ được mời đến để hưởng vuơng quốc đã được chuẩn bị cho họ từ buổi sáng thế. Những người khác sẽ nghe những lời kinh khiếp sau: “Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó” (GiGa 5:22, 28, 29; Mat Mt 25:31-46).

Chúa Giê-xu không những là Đấng phán xét, mà thái độ của con người bày tỏ trong cách đối xử với “anh em” của Ngài sẽ là tiêu chuẩn để phán xét họ. Ai xưng Ngài trước mặt con người, Ngài sẽ xưng họ trước mặt Cha Ngài, ai từ chối Ngài, Ngài sẽ từ chối họ. Có thể Chúa Giê-xu nói với một người không được vào thiên đàng vào Ngài cuối cùng rằng: “Ta không biết ngươi” (GiGa 12:47, 48; Mat Mt 10:32, 33; 7:23).

Thật khó mà phóng đại tầm quan trọng của lời xác nhận này. Hãy tưởng tượng rằng một người hầu việc Chúa ngày hôm nay nói với giáo đoàn của mình những lời như sau: “Hãy chăm chú lắng nghe lời của ta. Số phận đời đời của các ngươi tùy thuộc vào điều này. Ta sẽ trở lại vao ngày cuối cùng của thế giới này để đoán xét các ngươi. Và số phận của cac ngươi sẽ được định đoạt theo mức độ các ngươi vâng lời.” Một nhà truyền đạo như thế không thể nào thoát khỏi sự chú ý của công an và những chuyên gia tâm thần.


4. Sự xác nhận qua hành động của Ngài:

Chúng ta cùng nhau xem xét những phép lạ của Chúa Giê-xu được ký thuật trong Kinh Thánh, chúng có thể được xem là những lời khẳng định đầy kịch tính của Chúa Giê-xu.

Đây không phải là chỗ để luận bàn về khả năng và mục đích của phép lạ. Chỉ đủ để nói rằng giá trị phép lạ của Chúa Cứu Thế nằm ở tầm quan trọng thuộc linh hơn là ở đặc tính siêu nhiên của chúng. Chúng là “những dấu kỳ” cũng như “phép lạ.” Phép lạ chẳng bao giờ được thực hiện một cách ích kỷ hoặc vô nghĩa. Mục đích của phép lạ không phải là khoe khoang hay là thu phục. Phép lạ không phải là biểu hiẹn quá đáng về sức mạnh thuộc thể để minh họa cho thẩm quyền đạo đức. Kỳ thật phép lạ là ẩn dụ được thể hiện bằng hành vi của Chúa Giê-xu. Phép lạ làm chứng cho những lời xác nhận có thể thấy được của Ngài.

Giăng hiểu rõ điều này. Ông đã xây dựng Phúc-âm của ông dựa trên sáu hoặc bảy phép lạ (xem GiGa 20:30, 31). Ông đã kết hợp chúng với lời tuyên bố “Ta là” của Chúa Giê-xu. Phép lạ đầu tiên là hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na ở Ga-li-lê. Tầm quan trọng của phép lạ này nằm bên dưới bề mặt của nó. Giăng nói với chúng ta rằng những ché đá đựng nước tượng trưng cho “những nghi lễ tẩy sạch của người Do-thái.” Đây là đầu mối mà chúng ta đang tìm kiếm. Nước tượng trưng cho tôn giáo cũ, giống như giếng Gia-cốp trong đoạn 4. Rượu tượng trưng cho tôn giáo của Chúa Giê-xu. Khi Ngài biến nước thành rượu, có nghĩa là Phúc-âm thay thế cho luật pháp. Phép lạ tiến đến chỗ xác nhận rằng Ngài có đủ khả năng thực thi trật tự mới. Ngài là Đấng Mê-si-a. Vì Ngài vừa mới nói với người đàn bà Sa-ma-ri rằng: “Ta… là Đấng đó.”

Tương tự, việc Ngài hóa bánh cho năm ngàn người ăn minh họa lời xác nhận rằng Ngài sẽ làm thoả mãn những tấm lòng đói khát. Ngài phán, “Ta là bánh của sự sống.” Ít lâu sau khi Ngài phán “Ta là sự sáng của thế gian,” Ngài mở mắt người mù từ thuở sinh ra. Nếu Ngài có thể phục hồi thị lực cho người mù, Ngài có thể mở mắt cho con người để họ có thể thấy và biết Đức Chúa Trời. Cuối cùng, Ngài đã khiiến cho một người đã chết bốn ngày tên là La-xa-rơ sống lại và xác nhận, “Ta là sự sống lại và sự sống.” Ngài dã làm cho kẻ chết sống lại. Đó là phép lạ. Sự sống của thân thể là biểu tượng của sự sống của linh hồn. Chúa Cứu Thế có thể là sự sống của những người tin theo Ngài trước khi chết và sẽ là sự sống lại của họ của họ sau khi chết. Tất cả những phép lạ này là những ẩn dụ, đối với những người khao khát thuộc linh, đui mù và chết chỉ có Chúa Giê-xu mới có thể thỏa mãn sự khao khát của họ, phục hồi thị giác và dem họ đến một đời sống mới (GiGa 6:35; 8:12; 11:25).


Kết luận


Không thể loại bỏ những lời xác nhận này ra khỏi sự giảng dạy của người thợ mộc Na-xa-rét. Không thể nói rằng chúng do các nhà truyền đạo nghĩ ra, thậm chí cho rằng chúng được cường điệu hóa một cách vô ý thức. Chúng được phân bố một cách rộng rãi và đồng đều trong các sách Phúc-âm và trong các nguồn tư liệu của các sách Phúc-âm. Sự miêu tả về chúng rất nhất quán và rất quân bình.

Bản thân những lời xác nhận này không phải là bằng chứng về thần tính của Chúa Giê-xu. Những lời xác nhận này có thể sai. Nhưng phải giải thích rõ chúng sai ở chỗ nào. Chúng ta không thể xem Chúa Giê-xu là một giáo sư vĩ đai nếu Ngài hoàn toàn sai lầm trong giảng dạy về một trong những chủ đề lớn, đó là giảng dạy về chính mình Ngài. Một số học giả cho rằng “chứng hoang tưởng tự đại” (megalomania) đã khiến Chúa bị nhiễu loạn.

“Những lời xác nhận của chỉ một người sẽ trở thành vị kỷ và thậm chí dẫn đến chỗ hoang tưởng” (P.T.Forsyth, This Life and The Next , Independent Press, 1947).

“Sự bất nhất giữa sự sâu sắc, đúng mực và tinh tế trong lời giảng dạy đạo đức của Ngài với chứng hoang tưởng tự đại quá đáng nằm đằng sau sự giảng dạy về thần học của Ngài chẳng bao giờ khắc phục được một cách ổn thỏa trừ khi Ngài thật là Đức Chúa Trời” (C.S. Lewis, Miracles , Bles, 1947).

Thế thì phải chăng Ngài là kẻ cố ý lừa đảo? Phải chăng Ngài đã cố gắng chiếm được lòng tin của con người bằng cách cho rằng Ngài có uy quyền của Đức Chúa Trời mà thật sự Ngài không có? Thật khó tin được điều này. Chẳng có đieu gì dối trá nơi Chúa Giê-xu. Ngài ghét sự giả hình nơi người khác và chân thật với bản thân Ngài.

Thế thì Ngài có phạm sai lầm không? Ngài có ảo tưởng về chính mình không? Có những người tán thành khả năng này, nhưng người ta ngờ rằng ảo tưởng của những người này còn lớn hơn ảo tưởng của Ngài. Chúa Giê-xu không tạo ra ấn tượng mà bình thường người ta luôn nhận thấy nơi những con người sống trong ảo tưởng. Đặc tính của Ngài hổ trợ cho những lời xác nhận của Ngài và giờ đây chúng ta tiếp tục tìm hiểu về Ngài trong lãnh vực này.



bottom of page