top of page

HungT
Mar 9, 2023
Cho đến giờ chúng ta đã xem xét một số bằng chứng về thần tính độc đáo của Giê-xu Na-xa-rét;...
PHẦN BỐN: ĐÁP ỨNG CỦA CON NGƯỜI
TÍNH GIÁ
Cho...
...đến giờ chúng ta đã xem xét một số bằng chứng về thần tính độc đáo của Giê-xu Na-xa-rét; chúng ta đã xem xét nhu cầu của con người với tư cách là một tội nhân, xa cách Đức Chúa Trời, bị giam hãm trong chính mình và không còn hòa thuận với đồng loại và khái quát về những khía cạnh chính của sự cứu rỗi mà Chúa Cứu Thế đã thực hiện vì chúng ta và cho chúng ta. Giờ đây là lúc chúng ta đặt một câu hỏi riêng tư với Chúa Cứu Thế Giê-xu như Sau-lơ trên đường Đa-mách đã hỏi “Tôi phải làm gì thưa Chúa?” hoặc câu hỏi tương tự của người cai ngục Phi-líp:“Tôi phải làm gì để được cứu?”
Rõ ràng là chúng ta phải làm một điều gì đó. Cơ-đốc giáo không chỉ là sự đồng ý một cách thụ động một loạt những việc phải làm. Chúng ta có thể tin vào thần tánh và sự cứu chuộc của Chúa Cứu Thế và tự nhận mình là những tội nhân cần sự cứu rỗi của Ngài, nhưng điều này không làm cho chúng ta trở thành những Cơ-đốc nhân. Chúng ta phải có sự đáp ứng riêng tư với Chúa Cứu Thế, mở lòng ra tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa và Chúa của chúng ta. Chúng ta sẽ xem xét bản chất của bước này trong chương sau; chúng ta sẽ xem xét những hàm ý thực tiễn của nó trong chương này.
Chúa Giê-xu chẳng bao giờ giấu giếm rằng đạo của Ngài có cả sự đòi hỏi lẫn sự ban cho. Sự đòi hỏi tuyệt đối như là sự ban cho nhưng không. Nếu Ngài ban cho con người sự cứu rỗi, Ngài cũng đòi hỏi con người vâng phục Ngài. Trong việc môn đệ hóa Ngài không khuyến khích những con người khinh xuất tham gia vào. Ngài không gây áp lực trên những người tìm cầu. Ngài đuổi những người tỏ ra nhiệt tình nhưng tắc trách. Lu-ca kể cho chúng ta nghe về ba người hoặc là tình nguyện hoặc là được mời gọi để theo Chúa Giê-xu; nhưng không một người nào vuợt qua được thử nghiệm của Chúa. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi, giàu có, đạo đức, đúng đắn và có sức hấp dẫn, muốn có sự sống đời đời theo cách riêng của mình, đã buồn rầu bỏ đi cung với sự giàu có không hề bị sức mẻ, nhưng không có được sự sống đời đời cũng như Chúa Giê-xu làm sở hữu.
Một dịp khác có một đám đông đi theo Chúa Giê-xu. Có lẽ họ hô to những khẩu hiệu và bày tỏ những biểu hiện bên ngoài để gây ấn tượng về lòng trung thành của họ. Nhưng Chúa Giê-xu biết sự gắn bó của họ với Ngài thật là hời hợt biết bao. Ngài dừng lại, quay sang nói chuyện với họ, Ngài kể một câu chuyện ngụ ngôn với hình thức một câu hỏi:
“Vả, trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc cùng chăng sao? E khi đã xây nền rồi, không làm xong được, thì mọi người thấy liền chê cười, và rằng: Người này khởi công xây, mà không thể làm xong được!” (LuLc 14:25-30.).
Rải rác đây đó trong Cơ-đốc giáo những công trình đổ nát bị bỏ phế, những tháp xây dựng dang dở, những tàn tích của những người bắt đầu xây và không thể hoàn thành để lại. Vì hàng ngàn người vẫn làm ngơ trước sự cảnh cáo của Chúa Cứu Thế và cam kết đi theo Ngài mà trước tiên không dừng lại để suy nghĩ về cái giá phải trả. Hậu quả là ngày nay Cơ-đốc giáo mang phải tai tiếng lớn, cái gọi là ” Cơ-đốc giáo trên danh nghĩa.” Trong những đất nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Cơ-đốc giáo, nhiều người tự khoác cho mình một lớp vỏ Cơ-đốc giáo lịch sự nhưng mong manh. Họ tự cho phép mình trở nên hơi phức tạp rắc rối một chút; đủ để được kính trọng và không bị phiền phức. Tôn giáo của họ là một tấm nệm lớn và êm ái. Khi thay đổi hình thức và vị trí của tấm nệm này, nó sẽ bảo vệ họ khỏi những điều khó chịu trong cuộc sống. Vì thế không có gì lạ khi những người theo chủ nghĩa hoài nghi nói về những kẻ giả hình trong Hội thánh và gạt bỏ tôn giáo có khuynh hướng thoát ly thực tế.
Sứ điệp của Chúa Giê-xu thật rất khác biệt. Ngài chẳng bao giờ hạ thấp tiêu chuẩn của Ngài và thay đổi các điều kiện của Ngài để sự kêu gọi của Ngài được dễ dàng chấp nhận hơn. Ngài yêu cầu các môn đồ đầu tiên và Ngài đòi hỏi với từng môn đồ sự phó thác có suy nghĩ thận trọng và hoàn toàn cho Ngài. Đây là sự phó thác trọn vẹn.
Giờ đây chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận những gì Ngài nói:
“Đoạn, Ngài kêu dân chúng và môn đồ, mà phán rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta và đạo Tin lành mà mất sự sống, thì sẽ cứu. Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Hay là có người nào lấy chi mà đổi linh hồn mình ư? Vì giữa dòng dõi gian dâm tội lỗi này, hễ ai hổ thẹn về ta và đạo ta, thì Con người sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi ngự trong sự vinh hiển của Cha Ngài mà đến với các thiên sứ thánh.” (Mac Mc 8:34-38).
Sự kêu gọi đi theo Chúa Cứu Thế.
Lời kêu gọi đơn giản nhất của Chúa Giê-xu là “Hãy theo ta.” Ngài đòi hỏi lòng trung thành của con người. Ngài mời gọi họ học theo Ngài, vâng lời Ngài và gắn bó chặt chẽ với Ngài.
Giờ đây không thể theo Ngài mà không từ bỏ trước tiên. Theo Chúa Cứu Thế là tuyên bố từ bỏ mọi sự trung thành nhỏ hơn. Trong những ngày khi Ngài còn sống giữa con người, điều nay có nghĩa là từ bỏ gia đình và công việc theo nghĩa đen. Si-môn và Anh-rê “bỏ lưới mà theo Ngài.” Gia-cơ và Giăng “bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài.” Ma-thi-ơ nghe theo sự kêu gọi của Chúa Giê-xu khi ông “đương ngồi tại sơ thâu thuế… liền đứng dậy, mà theo Ngài.”
Ngày nay, sự kêu gọi của Chúa giê-xu không thay đổi, cũng cùng một nguyên tắc như vậy. Ngài vẫn nói: “Hãy theo ta” và nói thêm “nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.” Tuy nhiên trong thực tế, điều này không có nghĩa rằng đa số Cơ-đốc nhân về mặt thuộc thể phải từ bỏ gia đình và công việc của họ. Thay vì vậy điều này nói lên hàm ý từ bỏ bên trong là đừng để cho gia đình và những tham vọng chiếm chỗ bên trong cuộc đời của chúng ta.
Tôi sẽ trình bày rõ ràng về sự từ bỏ không thể tách rời khỏi việc đi theo Chúa Cứu Thế Giê-xu.
- Trước tiên, phải từ bỏ tội lỗi. Nói cách khác đây là Đây là phần trước nhất trong sự cải đạo Cơ-đốc. Không thể bỏ qua điều này. Sự ăn năn và đức tin phải đi đôi với nhau. Chúng ta không thể theo Ngài mà không từ bỏ tội lỗi.
Ăn năn là sự từ bỏ dứt khoát những tư tưởng hành động và thói quen mà chúng ta biết là sai lầm. Không cần phải cảm thấy sự giằn vặt bởi sự ăn năn hoặc làm một số điều gì đó để tạ lỗi với Đức Chúa Trời. Về cơ bản, ăn năn không phải là vấn đề của cảm xúc hoặc lời nói. Nó là vấn đề thay đổi bên trong của tâm trí và thái độ đối với tội lỗi để dẫn đến sự thay đổi tư cách đạo đức.
Ở đây không hề có sự thỏa hiệp. Có thể trong đời sống của chúng ta có những tội lỗi mà chúng ta không nghĩ rằng có thể từ bỏ; nhưng chúng ta phải có ước muốn chúng rời khỏi chúng ta khi chúng ta kêu cầu Đức Chúa Trời giải phóng chúng ta khỏi những tội lỗi này. Nếu bạn đang nghi ngờ về những điều đúng hoặc sai, những điều gì phải từ bỏ và những điều gì có thể giữ lại, đừng để cho những thói quen, những thông tục của các Cơ-đốc nhân mà bạn quen biết ảnh hưởng một cách thái quá ở trên bạn. Hãy hành động theo sự giảng dạy rõ ràng của Kinh Thánh, theo sự thôi thúc của lương tâm và Chúa Cứu Thế sẽ dần dần dẫn dắt bạn đi xa hơn trên con đường của sự công chính. Khi Ngài chỉ tay vào một điều gì đó, hãy từ bỏ nó. Điều đó có thể là một sự kết giao hoặc giải trí, một số loại văn chương mà bạn đang đọc hoặc thái độ kiêu căng, ghen tỵ, giận dữ hay tinh thần không tha thứ.
Chúa Giê-xu bảo các môn đệ Ngài móc mắt và chặt tay hoặc chân nếu chúng xui cho họ phạm tội. Chúng ta không cần phải vâng theo điều này với nghĩa đen hoàn toàn mà làm cho thân thể chúng ta bị thương tật. Đây là một cách mô tả sinh động về lối cư xử không thương xót với những con đường dan chúng ta đến chỗ cám dỗ.
Đôi khi sự ăn năn thật bao gồm “sự bồi hoàn.” Có nghĩa là bồi thường xứng đáng cho những người chúng ta đã làm thương tổn. Tội lỗi của chúng ta đã làm cho Đức Chúa Trời thương tổn mà chúng ta không thể làm cách gì để chữa lành sự thương tổn này. Chỉ có sự chết chuộc tội của Cứu Chúa chúng ta mới làm được điều này. Nhưng khi tội lỗi của chúng ta làm tổn hại người khác, đôi khi chúng ta có thể giúp sửa lai những thiệt hại chỗ mà chúng ta có thể làm và chúng ta phải làm như thế. Xa-chê, một người thâu thuế bất lương, đã phân phát phân nửa gia tài của ông cho người nghèo để bồi thường (chắc chắn) cho cho sự trộm cắp của ông. Chúng ta phải noi theo gương này. Có thể là tiền bạc hoặc thời gian mà chúng ta phải trả lại, những lời đồn đại phải được phủ nhận, tài sản phải trả lại, những lời xin lỗi phải được nói ra hoặc những mối quan he đổ vỡ phải được hàn gắn.
Tuy nhiên chúng ta không cần tỉ mỉ một cách thái quá trong vấn đề này. Thật là dại dột nếu chúng ta cứ lục lọi trong trí xem trong suốt nhiều năm qua xem chúng ta đã nói những lời nào hoặc làm những việc nào gây tổn thương cho một người nào đó mà chúng ta đã quên đi từ lâu. Chúng ta phải thực tế trong vấn đề này. Tôi biết một sinh viên đã thú nhận với ban giám hiệu của trường đại học là cô đã gian lận trong kỳ thi, một người khác đã trả lại những giáo trình đã lấy cắp từ một hiệu sách. Một sĩ quan quân đội đã trả lại cho Bộ Quốc Phòng một loạt những thứ mà anh ta đã đánh cắp được. Nếu chúng ta thật sự ăn năn, chúng ta sẽ muốn làm mọi thứ trong khả năng của chúng ta để đền bù cho quá khứ. Chúng ta không muốn vui hưởng những bông trái của tội lỗi mà chúng ta muốn được tha thứ.
- Thứ hai là phải từ bỏ bản ngã .
Để theo Chúa Giê-xu chúng ta không những phải từ bỏ tội lỗi, mà còn phải từ bỏ sự ngoan cố tiềm ẩn trong tận gốc rễ của mỗi hành động tội lỗi. Theo Chúa Giê-xu là cho Ngài có thẩm quyền trên đời sống của chúng ta. Theo Chúa Giê-xu là từ bỏ ngai lòng của chúng ta và tôn Ngài làm Vua. Sự từ bỏ bản ngã được Chúa Giê-xu mô tả sinh động trong ba cụm từ.
* Đó là liều mình:“Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình.”
Động từ này đã được Phi-e-rơ chối Chúa trong sân của thầy tế lễ cả sử dụng. Chúng ta phải từ bỏ chính mình giống như Phi-e-rơ chối Chúa Cứu Thế khi ông nói: “Ta không biết người đó đâu.” Từ bỏ chính mình không giống như vĩnh viễn từ bỏ kẹo hay thuốc lá hoặc tự nguyện kiêng cử một giai đoạn nào đó. Cũng không phải là từ bỏ mọi điều, nhưng là từ bỏ chính mình. Phải nói không với bản ngã và nói vâng với Chúa Cứu Thế; từ bỏ bản ngã và chấp nhận Chúa Cứu Thế.
* Cụm từ thứ hai mà Chúa Giê-xu sử dụng là vác thập tự giá mình “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta.” Nếu chúng ta sống ở xứ Pa-lét-tin và thấy một người vác cây thập tự, chúng ta hiểu ngay đó là một tù nhân bị kết án và bị dẫn đi để chịu hình phạt tối cao. Vì Pa-lét-tin là một quốc gia bị trị và đây là điều người La-mã bắt buộc những phạm nhân bị kết án của họ phải làm. Vì thế, Giáo sư H. B. Swete đã nói trong quyển chú giải Phúc-âm Mác của ông rằng vác thập tự giá là “là tự đặt mình vào chỗ của người bị kết án để đi đến chỗ hành hình.” Nói cách khác, thái độ từ bỏ bản ngã là thái độ chịu khổ hình trên cây thập tư. Phao-lô sử dụng một ẩn dụ tương tự khi ông nói: “những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tư giá rồi.”
Trong bản dịch cũ sách Lu-ca lời nói này của Chúa Cứu Thế được thêm vào trạng từ “mỗi ngày.” Cơ-đốc nhân phải chết mỗi ngày. Phải công bố quyền tối cao của ý chỉ Ngài. Mổi ngày phải làm mới lại sự dâng hiến vô điều kiện cho Chúa Cứu Thế Giê-xu.
* Cụm từ thứ ba mà Chúa Giê-xu dùng để mô tả sự từ bỏ bản ngã là mất sự sống “vì cớ ta mà mất sự sống thì sẽ được lại.” Từ “sự sống” ở đây không có nghĩa là sự tồn tại vật lý hoặc linh hồn của chúng ta nhưng là bản ngã của chúng ta. Tâm thần (psyche) là bản ngã (ego), là nhân tánh của con người khiến cho họ suy nghĩ, cảm nhận, lập kế hoạch và chọn lựa. Trong câu nói tương tự được chép trong Lu-ca, Chúa Giê-xu đã đơn giản sử dụng đại từ phản thân và nói về một con người dễ đánh mất “chính mình.” Con người này đã phó mình cho Chúa Cứu Thế, vì thế đã đánh mất chính mình. Tuy nhiên điêu này không có nghĩa là người này mất đi những đặc tính cá nhân. Ý chí của người này thật đã đầu phục ý chí của Chúa Cứu Thế. Ngược lại, như chúng tat thấy sau này, khi Cơ-đốc nhân đánh mất chính mình, người này sẽ tìm thấy chính mình và khám phá được nhân dạng thật của mình.
Vì thế để đi theo Chúa Cứu Thế chúng ta phải từ bỏ chính mình, phải đóng đinh chính mình và phải đánh mất chính mình. Mạng lệnh trọn vẹn và không hề lay chuyển của Chúa Cứu Thế Giê-xu giờ đây đã được phân tích rõ. Ngài không kêu gọi sự phó thác nửa vời, không đến nơi đến chốn, nhưng là một sự phó thác tuyệt đối và mạnh mẽ. Ngài kêu gọi chúng ta tôn Ngài làm Chúa của chúng ta.
Ngày nay có một ý tưởng lạ lùng phổ biến trong vòng một số người cho rằng chúng ta có thể vui hưởng những lợi ích từ sự cứu rỗi của Chúa Cứu Thế mà không phải chấp nhận quyền sở hữu tối cao của Ngài. Thật là một ý tưởng lệch lạc không có trong Tân Ước. “Giê-xu là Chúa” là lời phát biểu đầu tiên trong bài Tín điều các sứ đồ. Vào thời mà hoàng đế La-mã buộc công dân của họ phải gọi “hoàng đế là Chúa.” Những từ này có tính chất nguy hiểm. Nhưng các Cơ-đốc nhân không hề nao núng. Họ không thể dâng hiến cho hoàng đế La-mã lòng trung thành của họ, bởi vì họ đã dâng hiến cho hoàng đế Giê-xu. Đức Chúa Trời đã tôn Chúa Giê-xu con Ngài trên hết mọi hoàng đế, mọi quyền lực và trao cho Ngài một địa vị tối cao trên mọi địa vị, để “hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống.”
Tôn Ngài làm Chúa là giao phó hết mọi lãnh vực trong đời sống riêng tư lẫn công khai cho Ngài điều khiển. Điều này bao gồm cả sự nghiệp của chúng ta. Đức Chúa Trời có một mục đích cho mỗi cuộc đời. Công việc của chúng ta là khám phá mục đích này và thực hiện nó. Cơ-đốc nhân phải sống khôn ngoan, không bừa bãi và khinh xuất. Cơ-đốc nhân co thể tham gia hoặc sẵn sàng cho công việc mà Đức Chúa Trời sẵn dành cho chính mình. Nhưng cũng có thể không. Nếu Chúa Cứu Thế là Chúa của chúng ta, chúng ta phải mở lòng mình ra cho triển vọng thay đổi này.
Điều chắc chắn là Đức Chúa Trời kêu gọi mỗi Cơ-đốc nhân vào “chức vụ” là để hầu việc, để làm đầy tớ người khác vì Chúa Cứu Thế. Không còn Cơ-đốc nhân nào sống vì chính mình nữa. Điều không chắc chắn là sự phục vụ này sẽ nằm dưới hình thức nào. Có thể là chức vụ được Hội thánh tấn phong hoặc một số hình thức công việc Hội thánh trọn thời gian tại nhà riêng hay ở hải ngoại. Nhưng thật là sai lầm khi cho rằng mọi Cơ-đốc nhân đều được kêu gọi như thế. Có những hình thức phục vụ khác cũng xứng đáng như công việc được gọi là “chức vụ Cơ-đốc.” Ví dụ, sự kêu gọi những phụ nữ trở thành những người vợ, những người mẹ và những người làm công việc nhà mang ý nghĩa của “chức vụ Cơ-đốc” trọn vẹn nhất, bởi vì họ đang hầu việc Chúa Cứu Thế, gia đình và cộng đồng của họ. Những hình thức công việc khác cũng vậy-y tế, nghiên cứu, luật pháp, giáo dục, phục vụ xã hội, chính quyền trung ương và địa phương, công nghiệp, doanh thương-những viên chức phục vụ trong các ngành này phải tự nhận thấy rằng mình đang hiệp tác với Đức Chúa Trời trong việc phục vụ con người.
Đừng quá vội vàng để cố khám phá ý muốn của Đức Chúa Trời cho đời sống của mình. Nếu bạn giao thác điều này cho Đức Chúa Trời và chờ đợi Ngài bày tỏ cho bạn, Ngài sẽ làm cho bạn biết được ý muốn của Ngài theo thời điểm Ngài chọn. Dầu cho ý muốn của Ngài như thế nào Cơ-đốc nhân không thể lười biếng. Dầu là một người giúp việc hay một ông chủ hoặc làm tư, Cơ-đốc nhân có một người Chủ ở trên trời. Người đó phải biết đươc mục đích của Đức Chúa Trời trong công việc va làm việc hết lòng, “như là làm việc cho Chúa chớ không phải con người.”
Một lãnh vực khác trong đời sống phải ở dưới quyền làm chủ của Chúa Cứu Thế Giê-xu là hôn nhân và gia đình của chúng ta. Chúa Giê-xu đã từng nói: “Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo.” Ngài tiếp tục nếu về sự mâu thuẫn của lòng trung thành mà đôi khi xảy ra trong một gia đình có người bắt đầu đi theo Ngài.
Ngày nay những mâu thuẫn như thế vẫn xảy ra trong gia đình. Người tin theo Chúa đừng bao giờ tìm kiếm những điều này. Họ có nhiệm vụ rõ ràng là hiếu kính với cha mẹ và yêu thương những thành viên khác trong gia đình. Bởi vì họ được kêu gọi làm người hòa giải, họ sẽ thực hiện một số nhân nhượng khi có thể mà không làm tổn hại đến nhiệm vụ của mình đối với Đức Chúa Trời. Dầu vậy họ không thể quên lời của Chúa Cứu Thế: “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta.”
Hơn nữa, Cơ-đốc nhân chỉ lập gia đình với Cơ-đốc nhân. Kinh Thánh nói rõ: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin.” Mạng lệnh này gây sự buồn rầu lớn cho những ai đã đính hôn hay gần như thế, nhưng họ phải đối diện với sự thật một cách trung thực. Hôn nhân không chỉ là tục lệ xã hội. Hôn nhân là một định chế của Đức Chúa Trời. và mối quan hệ trong hôn nhân là mối quan hệ sâu sắc nhất mà con người có thể bước vào.
Đức Chúa Trời đã định cho mối quan hệ hôn nhân phải là mối quan hệ gắn bó, không những về mặt thuộc thể, tình cảm, trí tuệ và xa hội, mà còn là mối quan hệ thuộc linh. Nếu một Cơ-đốc nhân lập gia đình với một người mà người đó không phải là con người thuộc linh thì chẳng những không vâng lời Đức Chúa Trời mà còn làm hỏng đi sự kết hợp mà Ngai đã định. Nó cũng xô đẩy con cái sinh ra trong cuộc hôn phối này vào chỗ nguy hiểm, vì nó sẽ dẫn chúng đến sự xung đột tôn giáo trong gia đình và làm cho chúng không thể tiếp thu được nền giáo dục từ phía cha hoặc mẹ của chúng.
Thật vậy, sự cải đạo Cơ-đốc triệt để đến nỗi thái độ của chúng ta đối với hôn nhân và những mối quan hệ giữa các giới tính hầu như phải thay đổi. Chúng ta bắt đầu xem hoạt động tính dục-những nét riêng cơ ban giữa nam và nữ và nhu cầu cần đền nhau-là do Đức Chúa Trời tạo ra. Và tính dục-sự biểu hiện vật lý của hoạt động tính dục-không còn bị đánh giá thấp bơi sự ích kỷ, vô trách nhiệm, nhưng là tốt lành, đúng đắn do Đang Tạo hóa tạo nên, là bày tỏ tình yêu, là thực hiện mục đích của Đức Chúa Trời và thể hiện tính chất của con người.
Nhiều vấn đề riêng tư khác cũng phải để cho Chúa Cứu Thế Giê-xu làm chủ, khi chúng ta giao phó cuộc sống chúng ta cho Ngài, chúng ta cũng phải phó thác tiền bạc và thời gian của chúng ta cho Chúa. Chúa Giê-xu thường nói về tiền bạc và mối nguy hiểm của của cải. Phần lớn những lời giảng dạy của Ngài về những vấn đề này gây nhiều bối rối. Đôi lúc dường như Ngài khuyên các môn đệ Ngài phải nhận thức và cho đi toàn bộ tiền bạc của họ. Chắc chắn ngày hôm nay Ngài vẫn kêu gọi một số người tin theo Ngài làm điều này.
Nhưng hầu hết mạng lệnh của Ngài là hướng đến sự suy xét bên trong hơn là sự từ bỏ theo nghĩa đen. Kinh Thánh không nói rằng của cải là tội lỗi.
Chắc chắn Chúa Cứu Thế muốn bảo chúng ta phải đặt Ngài lên trên của cải vật chất như chúng ta phải đặt Ngài lên trên những mối quan hệ gia đình. Chúng ta không thể hầu việc Đức Chúa Trời vừa hầu việc tiền bạc. Tiền bạc không còn là của chúng ta. Chúng ta giữ chúng trong cương vị quản gia của Đức Chúa Trời. Và trong một thời đại mà khoảng cách giữa sự thịnh vượng và sự nghèo khó càng ngày càng rộng trên toàn thế giới và công cuộc truyền giáo Cơ-đốc bị trở ngại do thiếu ngân quỹ, chúng ta nên rộng rãi và kỷ luật trong những gì mà chúng ta dâng hiến.
Thời gian là vấn đề của con người của thời nay và chắc chắn Cơ-đốc nhân mới cải đạo phải xắp xếp được những thứ tự ưu tiên của họ. Khi còn là một sinh viên, việc học tập sẽ ở thứ tự ưu tiên trên cao. Cơ-đốc nhân phải làm việc khó nhọc và chân chính, nhưng cũng phải dành thời gian cho những công việc mới. Họ phải cắt xén thời biểu làm việc để dành cho việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện hằng ngày, cho việc biệt riêng ngày Chúa nhật là ngày mà Chúa đã định làm ngày thờ phượng và nghỉ ngơi, cho sự thông công với những Cơ-đốc nhân khác, cho việc đọc các văn phẩm Cơ-đốc và và cho một số công việc phục vu Hội thánh và cộng đồng.
Tất cả những việc này là những việc cần làm nếu như chúng ta từ bỏ tội lỗi, bản ngã và đi theo Chúa Cứu Thế.
Sự kêu gọi xưng nhận Chúa Cứu Thế.
Chúng ta không những được truyền lệnh theo Chúa Cứu Thế một cách riêng tư, nhưng phải xưng nhận Ngài một cách công khai. Ngài phán:
“Hễ ai hổ thẹn về ta và đạo ta, thì Con người sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi ngự trong sự vinh hiển của Cha Ngài mà đến với các thiên sứ thánh.”
“Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời; còn ai chối rước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta ở trên trời.” (Mac Mc 8:38; Mat Mt 10:32, 33).
Chúa Giê-xu bảo chúng ta đừng hổ thẹn vì ngài chứng tỏ rằng Ngài biết chúng ta sẽ bị cám dỗ để trở nên hổ thẹn và chính vì vậy Ngài nói thêm: “Vì giữa dòng dõi gian dâm tội lỗi này” cho thấy rằng Ngài biết lý do tại sao. Hiển nhiên Ngài thấy trước rằng Hội thánh của Ngài sẽ trở nên một phong trào thiểu số trên thế giới, vì thế Hội thánh cần có sự can đảm để đứng về phía thiểu số chống lại đa số, và đặc biệt nếu thiểu số ít được người ta biết đến và bạn không thể bị kéo đến với họ một cách tự nhiên.
Dù thế nào việc xưng nhận Chúa Cứu Thế công khai không thể nào tránh khỏi. Phao-lô tuyên bố việc xưng nhận này là một điều kiện của sự cứu rỗi. Để được cứu, chúng ta không những tin nhận Chúa Cứu Thế trong lòng mà còn xưng nhận bằng môi miệng Chúa Giê-xu là Chúa của chúng ta, “vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi.” Có thể sứ đồ Phao-lô đề cập đến việc làm báp-têm. Nếu chưa làm báp-têm, người cải đạo phải làm báp-têm, một phần của việc báp-têm bằng nước là dấu hiệu thấy được của việc tiếp nhận Chúa Giê-xu và là dấu ấn của sư tẩy sạch bên trong và đời sống mới trong Chúa Cứu Thế và một phần là công khai xưng nhận rằng mình tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu làm Cứu Chúa.
Nhưng việc công khai xưng nhận Chúa Giê-xu không kết thúc bằng phép báp-têm. Người tin theo Ngài cần phải sẵn sàng cho gia đình và bạn bè biết mình là một Cơ-đốc nhân, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi được Ngài dẫn dắt. Điều này mở ra cơ hội để làm chứng, nhưng phải khiêm nhường và chân thật đe không va chạm vào sự riêng tư của người khác một cách không lịch thiệp. Đồng thời, người tin theo Chúa phải tham gia vào Hội thánh; cùng công tác với những Cơ-đốc nhân khác tại trường học hoặc trong công sở; không sợ xưng nhận mình là Cơ-đốc nhân khi bị thách thức và bắt đầu cầu nguyện, làm chứng và chinh phục bạn bè cho Chúa Cứu Thế.
Niềm khích lệ.
Dầu những mạng lệnh Ngài truyền là nặng nề; nhưng những lý do Ngài truyền lệnh như thế thật là thuyết phục. Thật vậy, nếu chúng ta xem xét một cách nghiêm túc toàn bộ những từ bỏ mà Ngài đòi hỏi, chúng ta sẽ cần những khích lệ mạnh mẽ này.
“Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta và đạo Tin lành mà mất sự sống, thì sẽ cứu. Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Hay là có người nào lấy chi mà đổi linh hồn mình ư?” (Mac Mc 8:35-37).
Nhiều người rất sợ nếu kết ước với Chúa Giê-xu họ sẽ là những người thua cuộc. Họ quên rằng Ngài đã đến thế gian để cho chúng ta “được sự sống, và được sự sống dư dật,” mục đích của Ngài là làm làm cho sự sống của chúng ta trở nên phong phú chớ không phải làm cho nghèo khó và sự phục vụ của Ngài là sự tự do trọn vẹn.
Dĩ nhiên khi chúng ta phải đối diện với nhiều mất mác khi đầu phục Chúa Cứu Thế. Chúng ta đã suy nghĩ về tội lỗi, về việc tự cho mình là trung tâm mà chúng ta phải từ bỏ và chúng ta có thể mất đi một số người bạn. Nhưng những đền bù thỏa đáng mà Chúa làm cho chúng ta sẽ vượt quá những gì mất mác. Sự nghịch lý lạ lùng của lời giảng dạy của Chúa Cứu Thế và của kinh nghiệm của Cơ-đốc nhân là nếu trong khi đi theo Chúa Cứu Thế chúng ta đánh mất chính mình, chúng ta tìm thấy chính mình nột cách thật sự. Thật sự từ bỏ chính mình là thật sự khám phá chính mình. Sống vì mình là dại dột và tư sát; sống cho Đức Chúa Trời và cho người khác là khôn ngoan và thật là sống. Chúng ta đừng bắt đầu tìm kiếm chính mình cho đến khi chúng ta muốn đánh mất chính mình trong sự phục vụ Chúa Cứu Thế và người khác.
Để làm cho lẽ thật này vững mạnh, Chúa Giê-xu đặt vào trong đó sự tương phản giữa cả thế gian và linh hồn cá nhân. Sau đó Ngài hỏi một doanh nhân một câu hỏi về lợi ích và sự mất mác. Giả sử bạn được cả thế gian và đánh mất chính mình, Ngài hỏi, bạn sẽ được lợi gì? Ngài đang lập luận trên bình diện thấp nhất của quyền lợi riêng tư, rằng theo Ngài là chắc chắn có được cái tốt nhất trong sự mặc cả. Vì theo Ngài là tìm thấy chính mình, ngược lai giữ lấy chính mình và từ chối theo Ngài là đánh mất chính mình và đánh mất số phận đời đời của chúng ta, bất kể những của cải vật chất mà chúng ta làm ra có là gì đi chăng nữa. Tại sao vậy? Vì chúng ta không thể nào có được cả thế gian. Vì một lẽ khác, nếu như chúng ta có được, thế gian sẽ không tồn tại. Và lẽ thứ ba, nếu nó tồn tại, nó sẽ không làm cho chúng ta thỏa mãn. “Hay là có người nào lấy chi mà đổi linh hồn mình ư?” Dĩ nhiên phải trả giá để trở nên một Cơ-đốc nhân; nhưng phải trả giá nhiều hơn nếu không trở thành một Cơ-đốc nhân. Sự trả giá này có nghĩa là đánh mất chính mình.
Sự khích lệ thứ hai cho sự phó thác Cơ-đốc là vì người khác. Chúng ta không những đầu phục Chúa Cứu Thế vì những gì chúng ta nhận được, mà còn vì những gì chúng ta ban cho. “Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống thì sẽ được lại.” “Vì…. đạo Tin Lành” có nghĩa là “vì việc công bố Tin Lành cho người khác.” Chúng ta đã nghe rằng chúng ta đừng hổ thẹn vì Chúa Cứu Thế và vì lời Ngài; giờ đây chúng ta phải thật hãnh diện về Ngài để chúng ta rao truyền Tin Lành của Ngài cho người khác.
Hầu hết chúng ta đều cảm thấy bức bách về những thảm kịch đau lòng xảy ra trên thế giới. Sự tồn tại của chúng ta là đáng ngờ. Một thường dân thường cảm thấy mình là một nạn nhân không ai giúp đỡ của một mạng lưới chính trị rối rắm, hoặc là một đơn vị vô danh trong guồng máy xã hội hiện đại. Nhưng Cơ-đốc nhân không cần phải chống chọi với cảm giác bất lực này. Vì Chúa Cứu Thế mô tả những người tin theo ngài vừa la “muối của đất” vừa là “sự sáng của thế gian.” Trước khi sự đông lạnh để bảo quản thực phẩm được phát minh muối được sự dụng một cách rộng rãi để giữ cho cá thịt khỏi hư thối. Vì thế Cơ-đốc nhân cần làm cho xã hội nay bớt xấu xa, bằng cách giúp giữ gìn những tiêu chuẩn đạo đức, những quan điểm có ảnh hưởng trên công chúng và an ninh pháp luật. Là sự sáng của thế gian, Cơ-đốc nhân phải để cho sự sáng của mình soi ra. Họ đã tìm thấy trong Chúa Cứu Thế bí mật của tình yêu thương và sự bình an, của những mối quan hệ cá nhân, của sự thay đổi con người ; họ phải san sẻ bí mật đó cho những người khác. Sự đóng góp tốt nhất mà một người có thể làm được cho nhu cầu của thế giới này là sống một cuộc đời Cơ-đốc nhân, xây dựng một gia đình Cơ-đốc và tỏa ra ánh sáng Phúc-âm của Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Tuy nhiên sự khích lệ lớn lao hơn hết là vì Chúa Cứu Thế . “Ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.” Khi người ta yêu cầu chúng ta làm một điều gì đặc biệt khó, chúng ta có sẵn sàng làm hay không là tùy thuộc vào chỗ ai là người yêu cầu chúng ta. Nếu lời yêu cầu xuất phát từ người có quyền trên chúng ta hay từ người mà chúng ta mắc nợ, chúng ta sẽ vui lòng đồng ý. Đó là lý do tại sao lời kêu gọi của Chúa Giê-xu trên chúng ta là rất hùng hồn và đầy thuyết phục. Ngài kêu gọi chúng ta từ bỏ chính mình và theo Ngài là vì Ngài.
Chắc chắn đây là lý do tại sao Ngài mô tả sự từ bỏ mà Ngài yêu cầu là “vác thập tự giá.” Ngài ban cho nhiều hơn Ngài yêu cầu. Ngài yêu cầu một thập tư giá vì một thập tự giá. Chúng ta theo Ngài không phải vì những cái mà chúng ta nhận được cũng không phải vì những cái chúng ta ban cho, nhưng vì những gì mà Ngài ban cho. Ngài ban cho chính mình Ngài. Điều này có đòi hỏi chúng ta quá nhiều không? Nó khiến Ngài phải mất mác nhiều. Ngài đã từ bỏ sự vinh hiển của Cha, sự vô nhiễm tội lỗi hoặc từ bỏ thiên đàng và sự thờ phượng của vô số thiên sứ. Ngài tự hạ mình để mang lấy bản chất của con người, được sanh ra trong một chuồng chiên và nằm trong một máng cỏ, làm việc tại bàn của thợ mộc, làm bạn với những ngư phủ chất phác, chết trên cây thập tự và gánh chịu tội lỗi của thế gian.
Chúng ta sẽ từ bỏ mình đi và theo Chúa Cứu Thế khi nhìn thấy thập tự giá của Ngài. Những thập tự giá của chúng ta bị lu mờ bởi thập tự giá của Ngài. Nếu chúng ta từng thoáng nhìn thấy sự vĩ đại của tình yêu Ngài, bởi đó Ngài phải chịu khổ nhục vì chúng ta là kẻ không xứng đáng gì trừ sự phán xét. Làm thế nào chúng ta có thể từ chối một Đấng yêu thương như thế?
Thế thì, nếu bạn không muốn sống một cuộc sống đạo đức, hãy theo lời khuyên của tôi mà tránh xa khỏi Cơ-đốc giáo. Nếu bạn muốn sống một cuộc sống dễ dàng, buông thả và làm bất cứ điều gì bạn muốn, đừng trở thành một Cơ-đốc nhân. Nhưng nếu bạn muốn sống một cuộc sống tự khám phá mình, thỏa mãn một cách sâu xa với bản chất mà Đức Chúa Trời ban cho bạn; nếu bạn muốn sống một cuộc đời phiêu lưu trong đó bạn có đặc quyền phục vụ Ngài và người khác; nếu bạn muốn sống một cuộc sống mà qua đó bạn bày tỏ được lòng biết ơn sâu xa của bạn đối với Đấng chết thay cho bạn, thì tôi khuyên bạn hãy dâng cuộc đời của bạn, đừng chần chờ và đừng giữ lại gì cũng đừng trì hoãn đối với Chúa Cứu Thế Giê-xu là Cứu Chúa của bạn.
Dầu bao thế kỷ hờ hững trôi qua, tiếng gọi của Chúa vẫn rõ ràng,
Ngài mời gọi con theo Ngài và vác thập tư mình,
Và từng ngày từ bỏ chính mình,
Nghiêm khắc đối với bản thân và reo to lên rằng: “hãy đóng đinh.”
Bản chất ương ngạnh của con nổi loạn.
Chống lại sự kêu gọi của Ngài bằng những bài đồng ca kêu ngạo của địa ngục
Kết hợp với việc thổi phồng những căm ghét không ngừng nghỉ của chính con
Của sự nô lệ, để rồi con không phải đầu hàng.
Thế gian khi nhìn thấy sẽ dừng lại và nhạo cười thập tự giá của con,
Con không chọn lựa, nhưng vẫn kiên trì.
Để tự cứu mình-con theo Ngài xa xa.
Chậm chạp hơn các bác sĩ đông phương-vì con không có ngôi sao dẫn đường,
Dầu vậy Ngài vẫn kêu gọi con.
Thập tự Ngài làm mờ, và biến thập giá con thành một sự mất mác đắng cay hơn.
Con nghĩ rằng con sẽ chịu khổ
Nếu như con đến với Ngài-nhưng hóa ra là điều ích lợi không thể dò lường.
Giê-xu ôi, con quỳ trước Ngài để được đóng đinh,
Với thập tự giá trên vai và từ bỏ chính mình;
Từng ngày con sẽ theo Ngài cận kề và không hề chối bỏ
Vi tình yêu của Ngài dành cho con mà con từ bỏ chính mình.
bottom of page