top of page
Hung Tran
Mar 13, 2023
Dầu vậy Tân-ước không những cho chúng ta biết Ngài là ai mà còn cho chúng ta biết rằng Ngài đã đến để làm gì...
PHẦN HAI: NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI
THỰC TẠI VÀ BẢN CHẤT CỦA TỘI LỖI
Chúng...
...ta đã dành một phần đáng kể để xem xét những bằng chứng về thần tính của Giê-xu Na-xa-rét và chúng ta tin rằng Ngài là Chúa, Con Đức Chúa Trời. Dầu vậy Tân-ước không những cho chúng ta biết Ngài là ai mà còn cho chúng ta biết rằng Ngài đã đến để làm gì. Ngài không chỉ được giới thiệu một cách đơn thuần là Chúa đến từ thiên đàng mà còn là Cứu Chúa của tội nhân. Thật vậy, hai điều này không thể tách rời nhau, sự hữu hiệu của công việc Ngài tùy thuộc vào thần tính của thân vị Ngài.
Nhưng để đánh giá đúng công việc mà Chúa Giê-xu đã làm, chúng ta phải hiểu chúng ta là ai và Ngài là ai. Công việc Ngài thực hiện là vì cớ chúng ta. Đó là công việc của một người làm vì nhiều người, một sứ mạng được thực hiện bởi một người có thẩm quyền vì nhiều người để thỏa mãn nhu cầu của họ. Thẩm quyền của Ngài nằm ở thần tính của Ngài; nhu cầu của chúng ta nằm trong tội lỗi của chúng ta. Chúng ta đã xem xét thần tính của Ngài; giờ đây chung ta phải bày tỏ nhu cầu của chúng ta.
Vì thế chúng ta xây khỏi Chúa Cứu Thế mà đến với con người, từ chỗ vô tội và vinh hiển ở trong Ngài đến chỗ tội lỗi và xấu hổ trong chúng ta. Chỉ sau khi chúng ta biết được chúng ta là ai, chúng ta mới có thể nhận thức được những điều lạ lùng mà Ngài đã làm và ban cho chúng ta. Chỉ khi chúng ta được chẩn bệnh một cách chính xác chúng ta mới được kê đơn thuốc.
Tội lỗi không phải là một đề tài được ưa chuộng và Cơ-đốc nhân vẫn thường bị chỉ trích vì nói đến tội lỗi quá nhiều. Tội lỗi không phải là chuyện mà các mục sự hay cha xứ bịa ra để tạo thuận lợi cho công việc của họ. Tội lỗi là một thực tế liên quan đến kinh nghiệm của con người.
Lịch sử của hàng trăm năm hoặc hơn thế nữa đã khiến cho nhiều người tin rằng vấn đề tội lỗi nằm ở trong chính con người chớ không chỉ trong xã hội của con người. Vào thế kỷ mười chín chủ nghĩa lạc quan bùng phát. Lúc đó người ta tin rằng bản chất con người về cơ bản là thiện, điều ác lan tràn là do sự dốt nát, do điều kiện ăn ở tồi tàn và sự giáo dục cùng việc cải cách xã hội có thể khiến cho con người sống hạnh phúc và thiện hảo với nhau. Nhưng ảo tưởng này bị tiêu tan bởi những sự thật rành rành trong lịch sử. Ở phương tây nhiều cơ hội giáo dục đã được mở ra một cách nhanh chóng và nhiều hình thức phúc lợi cũng được tạo ra. Dầu vậy nhiều hành động tàn bạo đã đi kèm với cả hai cuộc thế chiến, nối tiếp những xung đột quốc tế, áp bức chính trị và phân biệt chủng tộc kéo dài. Nói chung bạo lực và tội ác gia tăng buộc những người có suy nghĩ phải nhìn nhận rằng nơi mỗi con người đều có một cốt lõi của sự ích kỷ.
Hẳn nhiên là chúng ta sống trong một xã hội “được khai hóa” đặt cơ sở trên sự thừa nhận tội lỗi của con người. Hầu như việc ban bố luật pháp càng trở nên phổ biến vì không thể kỳ vọng con người giải quyết những tranh chấp một cách công bình không tư lợi. Lời hứa không chưa đủ; chúng ta cần có hợp đồng. Có cửa cũng chưa đủ; chúng ta phải khóa cửa và cài then. Trả tiền vé không chưa đủ: phải phát hành vé, kiểm tra và thu vé. An ninh và trật tự không đủ; chúng ta cần đến cảnh sát để củng cố an ninh trật tự. Tất cả là vì tội lỗi của con người. Chúng ta không tin nhau. Chúng ta cần được bảo vệ để chống lại nhau. Đây là một bản cáo trạng khủng khiếp về bản chất của con người.
Tính phổ quát của tội lỗi
Các tác giả nói rất rõ rằng tội lỗi có tính phổ quát. Sa-lô-môn đã nói trong lời cầu nguyện khi dâng hiến đền thờ cho Đức Chúa Trời “Vì chẳng có người nào mà không phạm tội.” Nhà truyền đạo trong sách Truyền đạo nói, “Thật chẳng có người công bình ở trên đất làm điều thiện, mà không hề phạm tội.” Một vài Thi-thiên than khóc về tính phổ quát của tội lỗi con người. Thi-thiên 14, đã mô tả về sự gian ác của “kẻ ngu dại” cho rằng không có Đức Chúa Trời:
“Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời.
Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc;
Chẳng có ai làm điều lành. Đức Giê-hô-va từ trên trời ngó xuống các con loài người, Đặng xem thử có ai khôn ngoan,
Tìm kiếm Đức Chúa Trời chăng. Chúng nó thay thảy đều bội nghịch, cùng nhau trở nên ô uế; Chẳng có ai làm điều lành, Dầu một người cũng không.”
Lương tâm cho các tác giả Thi-thiên biết rằng nếu Đức Chúa Trời chỗi dậy để đoán xét con người, không ai có thể thoát khỏi sự đoán phạt của Ngài. “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố chấp sự gian ác, thì, Chúa ôi! Ai sẽ còn sống?” Vì thế họ cầu nguyện “Xin chớ đoán xét kẻ tôi tớ Chúa; vì trước mặt Chúa chẳng người sống nào được xưng là công bình.”
Các tiên tri cũng khẳng định giống như các tác giả Thi-thiên rằng mọi người là tội nhân và không có lời nói nào rõ ràng hơn là hai câu nói được tìm thấy trong phần thứ hai của sách Ê-sai. “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy” và “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp.”
Đây không phải là sự tưởng tượng của các tác giả Cựu Ước. Phao-lô mở đầu thơ Rô-ma bằng lời biện luận rất chặt chẽ và hợp lý, lời biện luận này trải rộng trong ba đoạn đầu của sách, rằng mọi người không phân biệt ai, người Do-thái cũng như người ngoại, đều là những tội nhân trong cái nhìn của Đức Chúa Trời. Ông mô tả sự suy đồi đạo đức của xã hội người ngoại và sau đó nói thêm rằng người Do-thái cũng không tốt hơn, họ có luật thánh của Đức Chúa Trời và đi dạy dỗ người khác nhưng vẫn phạm luật. Sau đó ông trích dẫn từ các Thi-thiên và tiên tri Ê-sai để minh hoạ chủ đề của ông và kết luận “Chẳng có phân biệt chi hết, vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” Giăng nói thẳng hơn khi ông tuyên bố rằng: “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình” và “Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta...” (RoRm 3:22, 23; IGi1Ga 1:8, 10).
Nhưng tội lỗi là gì? Mức độ phổ quát của tội lỗi là rõ ràng, nhưng bản chất của tội lỗi là gì?
Một số từ được sử dụng trong Kinh Thánh để mô tả tội lỗi. Chúng được xếp thành hai loại, tùy theo việc làm sai trái là tích cực hay tiêu cực. Về mặt tiêu cực, tội lỗi là sự thiếu sót. Những từ tiêu biểu là sự sai sót (a lapse), sự lầm lỗi (a slip), điều sai lầm (a blunder). Giống như hình ảnh khác là bắn trượt vào mục tiêu. Một từ khác là sự xấu xa ở bên trong, là khuynh hướng dẫn đến chỗ thiếu mất những gì tốt lành.
Mặt tích cực, tội lỗi là sự phạm tội. Một từ khác cho thấy tội lỗi là sự vi phạm biên giới, một từ khác nữa là tình trạng vô luật pháp và một từ khác nữa là hành động vi phạm sự công bình.
Cả hai nhóm từ này hàm ý sự hiện hữu của một chuẩn mực đạo đức. Chuẩn mực này là lý tưởng mà chúng ta không đạt được hoặc là luật pháp mà chúng ta vi phạm. Gia-cơ nói, “kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội.” Đó là khía cạnh tiêu cực. Giăng nói, “Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp.” Đó là khía cạnh tích cực.
Kinh thánh chấp nhận sự thật là con người có những tiêu chuẩn khác nhau. Người Do-thái có luật Môi-se. Người ngoại có luật của lương tâm. Nhưng mọi người đều đã vi phạm luật mà họ biết và hụt mất tiêu chuẩn của chính họ.
- Luật đạo đức của chúng ta là gì?
Nó có thể là luật pháp của Môi-se hoặc luật pháp của Chúa Giê-xu. Nó có thể là giới răn của Phật giáo hoặc năm năm cột trụ tánh hạnh của Hồi giáo. Nhưng dầu nó là bất cứ điều gì chúng ta không thể thành công trong việc tuân giữ chúng. Hết thảy chúng ta đều đứng vào chỗ tự kết án mình.
Đối với một số người sống tốt lành điều này thật sự gây ngạc nhiên cho họ. Họ có lý tưởng và nghĩ rằng ít nhiều họ cũng đạt đến lý tưởng của họ. Họ không quá thỏa thích với sự suy xét nội tâm. Họ không tự phê một cách quá đáng. Họ biết họ thỉnh thoảng cũng có những sai sót. Họ biết được một số khiếm khuyết của họ. Nhưng họ đặc biệt không tự cảnh báo và họ cho rằng họ tốt hơn những người khác. Có thể những điều này là như thế, cho đến khi chúng ta nhớ ra hai điều.
• Thứ nhất, nhận thức về sự thất bại của chúng ta tùy thuộc và những chuẩn mực của chúng ta như thế nào. Một người thật dễ cho rằng mình nhảy cao giỏi khi mà xà ngang không bao giờ đặt cao hơn thắt lưng.
• Thứ hai, Đức Chua Trời luôn quan tâm đến tư tưởng đằng sau việc làm và động cơ đằng sau hành động. Chúa Giê-xu đã dạy những điều này một cách rõ ràng trong Bài Giảng Trên Núi. Với hai nguyên tắc này trong trí, điều này sẽ chứng tỏ là một bài tập lành mạnh để lấy Mười điều răn trong XuXh 20:1-26 làm tiêu chuẩn của chúng ta và xem chúng ta xa cách với tiêu chuẩn này như thế nào.
Mười Điều Răn
1. “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.”
Đức Chúa Trời đòi hỏi con người phải có sự thờ phượng độc nhất. Không cần phải thờ mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao để vi phạm điều răn này. Chúng ta vi phạm nó khi chúng ta dành cho một người nào đó khác hơn Đức Chúa Trời chỗ ưu tiên trong tư tưởng hoặc tình cảm của chúng ta. Đó có thể là một môn thể thao chiếm nhiều thời gian, một thú tiêu khiển làm chúng ta say mê hoặc những tham vọng ích kỷ. Hoặc có thể là một người nào đó mà chúng ta tôn làm thần tượng. Chúng ta có thể thờ thần tài trong hình thức đầu tư an toàn hoặc vào một ngân hàng uy tín, hoặc thờ thần gỗ và đá trong hình thức của cải và bất động sản. Những điều này tự chúng không có gì là sai trái. Chúng chỉ sai khi chúng ta dành cho chúng chỗ duy chỉ thuộc về Đức Chúa Trời trong cuộc đời của chúng ta. Về cơ bản tội lỗi là tôn cao bản ngã và làm Chúa Đức Chúa Trời mất uy tín. Một câu nói mà một người nào đó đã viết về một người Anh cũng rất đúng với mọi người: hắn ta là “một con người tự tạo tôn thờ người tạo ra hắn.”
Để giữ điều răn thứ nhất, như Chúa Giê-xu phán, chúng ta phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn yêu mến Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta; để ý muốn Ngài dẫn dắt chúng ta và mục tiêu của chúng ta là làm cho Ngài được vinh hiển; đặt Ngài làm ưu tiên hàng đầu trong tư tưởng, trong lời nói và hành động, trong công việc hay khi nhàn rỗi, trong tình bạn và trong sự nghiệp. Trong việc sử dụng tiền bạc, thờ gian và tài năng, lúc đi làm hay khi ở nhà. Không ai giữ trọn điều răn này trừ Chúa Giê-xu Na-xa-rét.
2. “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình.”
Nếu điều răn thứ nhất liên quan đến đối tượng thờ phượng của chúng ta, thì điều răn thứ hai liên quan đến cách thờ phượng. Trong điều răn thứ nhất Đức Chúa Trời đòi hỏi sự thờ phượng độc nhất, trong điều răn thứ hai Ngài đòi hỏi sự thờ phượng chân thật và thiêng liêng của chúng ta. “Vì Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.”(GiGa 4:24).
Có thể chúng ta chưa bao giờ tự tay làm ra những hình tượng bằng kim loại khủng khiếp, nhưng còn những hình tượng ghớm ghiếc mà chúng ta giữ trong tâm trí của mình thì sao? Hơn nữa, dầu điều răn này không cấm việc sử dụng tất cả những hình thức bề ngoài trong sự thờ phượng, nhưng nó hàm ý rằng chúng vô ích trừ khi có một thực tại ở bên trong.
- Chúng ta có thể đi nhà thờ; nhưng chúng ta có thực sự thờ phượng Đức Chúa Trời không?
- Chúng ta có thể cầu nguyện; nhưng chúng ta có thật sự cầu nguyện không?
- Chúng ta có thể đọc Kinh Thánh; nhưng chúng ta có thật sự để Ngài phán với chúng ta qua lời Ngài và thực hiện những gì Ngài phán không?
Thật là không tốt khi đến gần Đức Chúa Trời bằng môi miệng của chúng ta còn lòng chúng ta thì xa cách Ngài (EsIs 29:13; Mac Mc 17:6). Làm như thế là hoàn toàn lừa dối.
3. “Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi.”
Danh của Đức Chúa Trời nói lên bản chất của Ngài. Trong Kinh Thánh có nhiều chỗ truyền lệnh cho chúng ta tỏ lòng tôn kính Danh của Ngài và trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu chúng ta được dạy cầu nguyện một cách tôn kính trong Danh Ngài. Danh thánh của Ngài có thể trở nên phàm tục bởi cách ăn nói bừa bãi của chúng ta và hầu hết chúng ta thường làm cho dụng ngữ của chúng ta càng ngày càng tệ hại hơn là hiệu chỉnh chúng. Nhưng lấy Danh Đức Chúa Trời mà làm chơi không chỉ là nan đề của ngôn từ, mà còn là vấn đề của tư tưởng và hành động. Bất cứ khi nào lối hành xử của chúng ta không nhất quán với niềm tin của chúng ta, hoặc việc làm của chúng ta không phù hợp với những điều chúng ta giảng dạy, là chúng ta lấy Danh Ngài mà làm chơi. Gọi Đức Chúa Trời là “Cha” mà lòng tràn ngập những lo lắng và nghi ngờ là từ chối Danh Ngài. Lấy Danh Đức Chúa Trời mà làm chơi là nói một đàng mà làm một nẻo. Đây là sự giả hình.
4. “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.”
Ngày Sa-bát của người Do-thái và ngày Chúa nhật của Cơ-đốc nhân là một định chế của Đức Chúa Trời. Để riêng ra một ngày trong bảy ngày không chỉ là sự sắp xếp của con người hay là sự thuận tiện của xã hội. Đây là kế hoạch của Đức Chúa Trời. Ngài làm ra ngày Sa-bát vì cớ con người, Chúa Giê-xu đã nhấn mạnh (Mac Mc 2:27). Vì con người mà Ngài đã dựng nên ngày Sa-bát, Ngài làm cho ngày Sa-bát thích nghi với nhu cầu của con người. Thân thể và tâm trí của con người cần sự nghỉ ngơi và tâm linh của con người cần có cơ hội để thờ phượng.
Không những chúng ta phải giữ ngày này như chính bản thân chúng ta, vì lợi ích riêng của chúng ta, nhưng chúng ta phải làm tất cả những điều này vì lợi ích chung để bảo đảm rằng những người khác không làm những điều không cần thiết vào ngày này.
Vì thế ngày Chúa nhật là ngày “thánh” được biệt riêng cho Đức Chúa Trời. Đây là ngày của Chúa, không phải ngày của chúng ta. Vì thế phải sử dụng ngày này theo cách của Ngài, để thờ phượng và hầu việc Ngài chớ không phải cho thú vui ích kỷ của chúng ta.
5. “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi.”
Điều răn thứ năm này vẫn thuộc về phần đầu của luật pháp có liên quan đến trách nhiệm của chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Vì cha mẹ chúng ta, ít ra là khi chúng ta còn nhỏ, tượng trưng cho thẩm quyền của Đức Chúa Trời (in loco Dei ). Dầu vậy vẫn thường khi trong gia đình, nhiều người, đặc biệt là những người trẻ thường khi tỏ ra ích kỷ và tỏ ra thiếu quan tâm đến cha mẹ. Thật quá dễ dàng để làm ngơ và vô ơn, cũng như không bày tỏ sự kính trọng và lòng yêu thương đối với cha mẹ. Chúng ta có năng thăm viếng hay viết thư cho cha mẹ không? Khi cha mẹ cần tài chánh chúng ta có chu cấp cho họ hay là từ chối?
6. “Chớ giết người.”
Điều răn này không chỉ ngăn cấm giết người. Nhìn người khác mà muốn giết họ, thì đã phạm tội giết người. Kẻ giết người có thể là những người nói ra những lời nói cay độc, nhiều người đã phạm tội này. Thật vậy, Chúa Giê-xu nói rằng giận hoặc sỉ nhục một người nào đó cũng nghiêm trọng như thế. Giăng đã đưa ra kết luận như sau: “Ai giận anh em mình là kẻ giết người.” Giận dữ, thịnh nộ, điên tiết, oán hận và quyết tâm trả thù - tất cả nhưng điều này là giết người. Chúng ta có thể phạm tội giết người bởi những câu chuyện ngồi lê đôi mách có ác ý. Chúng ta có thể phạm tội giết người khi cố tình làm ngơ và nhẫn tâm. Chúng ta có thể phạm tội giết người khi tỏ ra thù hằn hoặc ganh tỵ. Có thể chúng ta đã làm tất cả những điều này.
7. “Ngươi chớ phạm tội tà dâm.”
Một lần nữa điều răn này được áp dụng rộng rãi hơn là chỉ áp dụng với việc không chung thủy trong hôn nhân. Nó bao gồm mọi quan hệ tình dục cố ý ngoài hôn nhân. Nó bao gồm sự tán tỉnh, sự nếm trải và những kinh nghiệm tình dục đơn độc. Nó bao gồm sự trụy lạc tình dục. Dầu con người không chịu trách nhiệm về bản năng bại hoại của họ, nhưng họ phải chịu trách nhiệm vì đã nuông chiều nó. Đối với nhiều người, nếu không nói là tất cả, điều răn này bao gồm những đòi hỏi ích kỷ trong hôn nhân và trong ly dị. Nó bao gồm việc cố ý đọc các văn phẩm khiêu dâm và nghĩ đến những hình ảnh tưởng tượng bất khiết. Chúa Giê-xu đã làm rõ điều này khi Ngài nói, “Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.”
Giống như có tư tưởng giết người trong lòng là phạm tội giết người, cũng vậy khi có những tư tưởng tà dâm trong lòng là phạm tội tà dâm. Kỳ thực diều răn này bao gồm mọi sự lạm dụng món quà đẹp đẽ va thiêng liêng của Đức Chúa Trời.
8. “Ngươi chớ trộm cắp.”
Trộm cắp có nghĩa là lấy đi một diều gì đó thuộc về người khác hoặc là một điều gì đó mà họ có quyền được hưởng. Lấy cắp tiền hoặc tài sản không phải là sự vi phạm duy nhất vào điều răn này. Trốn thuế là trộm cắp. Lẩn tránh thuế quan là trộm cắp. Làm việc không đủ thời luợng là trộm cắp. Những gì thế gian gọi là “xoáy,” Đức Chúa Trời gọi là trộm cắp. Không quan tâm va trả lương không đúng cho nhân viên là vi phạm điều răn này. Có rất ít người, nếu không nói là không, luôn luôn tuyệt đối chân thật trong việc riêng cũng như trong việc kinh doanh. Như Arthur Hugh Clough viết:
“Ngươi không nhất thiết phải giết người”
Nhưng cần phải làm cho họ sống dở chết dở.
“Ngươi chớ nên trộm cắp”
Khi mà việc lừa đảo mang lại lợi lộc nhiều hơn.
Những điều răn tiêu cực này cũng bao hàm ý nghĩa tích cực. Để tránh giết người, con người phải làm mọi việc trong khả năng để giữ sự lành mạnh và bảo vệ sự sống của người khác. Kiềm chế không phạm tội tà dâm là chưa đủ. Điều răn này đòi hỏi thái độ đúng đắn, lành mạnh và trân trọng trong tính dục. Tương tự, tránh trộm cắp không phải là đức tính đặc biệt nếu như con người vẫn keo kiệt và bủn xỉn. Phao-lô chưa hài lòng khi mà kẻ cắp thôi ăn cắp; họ phải bắt đầu làm việc. Thật vậy, họ phải làm việc một cách chân chính cho đến khi họ tự nhận thấy mình ở trong vị trí ban cho những người có nhu cầu.
9. “Ngươi chớ làm chứng dối.”
Năm điều răn sau nói lên sự tôn trọng quyền lợi của người khác trong tình yêu thương chân thật. Vi phạm điều răn này là ăn cắp những thứ mà đối với con người là quý giá nhất như mạng sống (“ngươi chớ giết người”), nhà cửa và danh dự (“ngươi chớ phạm tội tà dâm”), tài sản (“người chớ ăn cắp”) và bây giờ là danh tiếng (“ngươi chớ làm chứng dối”).
Điều răn này không chỉ áp dụng trong tòa án. Nó bao gồm lời thề. Nhưng cũng bao gồm tất cả các hình thức của những vụ tai tiếng, vu khống, những chuyện tầm phào, cố ý phóng đại và bóp méo sự thật. Chúng ta có thể trở thành kẻ làm chứng dối khi nghe những lời đồn không tốt và phát biểu lại những lời đồn này, khi nói đùa với ý gây bất lợi cho một ai đó, khi tạo ra một ấn tượng sai lầm nơi người khác, khi không sửa sai những lời nói không đúng sự thật, khi cho rằng yên lặng cũng được mà nói ra cũng được.
10. “Ngươi chớ tham lam.”
Trong một số mặt nào đó điều răn thứ mười là dễ thấy rõ hơn hết. Nó khiến cho Mười điều răn từ chỗ là luật pháp bên ngoài trở thành tiêu chuẩn đạo đức bên trong. Luật pháp chỉ có thể kết tội trộm cắp nhưng không thể kết tội tham. Vì sự tham lam thuộc về sự sống bên trong. Nó ẩn núp trong lòng và trong tâm trí. Sự dâm dục dẫn đến chỗ phạm tội tà dâm, sự tức giận dẫn đến chỗ giết người và và sự tham lam dẫn đến chỗ trộm cắp.
Có những cái đặc biệt mà chúng ta đừng tham muốn được đề cập đến trong điều răn này là rất hiện đại một cách đáng ngạc nhiên. Trong khi không có nhà chúng ta thường tham muốn nhà của người láng giềng. Toà án sẽ không đầy ắp những vụ ly hôn nếu không có quá nhiều những người đàn ông tham vợ của những người lân cận. Phao-lô viết, “Tham lam… là thờ hình tượng” và ngược lại “sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn.”
Việc liệt kê những điều răn này đã dẫn đến một bảng liệt kê những tội lỗi đáng sợ. Rất nhiều tội xảy ra trên bề mặt của cuộc sống chúng ta, trong những chỗ sâu kín trong tâm trí chúng ta mà người khác không nhìn thấy, những tội mà chúng ta giấu diếm cả chính chúng ta. Nhưng Đức Chúa Trời thấy hết những điều này. Cặp mắt Ngài nhìn thấu những nơi sâu kín trong tấm lòng. “Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại.” Ngài thấy rõ con người thật của chúng ta và luật pháp của Ngài phô bày tội lỗi của chúng ta, vì “bởi luật pháp mà biết tội lỗi.”
Khi C.H. Spurgeon, nhà truyền đạo nổi tiếng của thế kỷ mười chín, mới lên mười bốn, ông đã nhận thức một cách sâu xa về tội lỗi của ông. Hai lẽ thật không thể nào phủ nhận đã đến với ông như là trước đây ông chưa từng biết đến: “Sự uy nghiêm của Đức Chúa Trời và tội lỗi của tôi.” Ông cảm thấy choáng váng vì sự không xứng đáng cua ông.
“Tôi không ngần ngại nói rằng những người tra xét đời sống của tôi chắc hẳn sẽ không tìm thấy bất cứ tội lỗi khác thường nào, dầu vậy khi tôi xem xét chính mình tôi thấy mình tội thấy mình phạm tội trọng với Đức Chúa Trời. Tôi không giống những đứa trẻ khác, nói dối, không thành thật, chữi thề… Nhưng khi tôi đọc luật pháp Môi-se… Mười điều răn…, dường như tất cả những điều này hiệp lại để kết tội tôi trong cái nhìn của Ba ngôi Đức Chúa Trời.”
Cũng vậy, trong trường hợp chúng ta, không gì giúp chúng ta nhận thức về tội lỗi của chính mình như là luật pháp công bình và cao quý của Đức Chúa Trời.
bottom of page