top of page
Hung Tran
Oct 25, 2023
Scriven nặng trĩu với nỗi cô đơn, ngã lòng, buồn thảm - đã dốc đổ lòng mình với Đức Chúa Trời, van nài Ngài giải thoát ông khỏi gánh nặng ấy và hứa nguyện hầu việc Ngài...
Tai...
...hoạ ráo riết theo đuổi những bước chân của Joseph Scriven như hình với bóng.
Sau khi tốt nghiệp bằng cử nhân mỹ thuật ở Đại học Dublin, Ái-nhĩ-lan năm 1842, năm ông 23 tuổi, Scriven đã chạy trốn khỏi quê hương sau cái chết bi thảm của vị hôn thê ông ngay chiều hôm trước ngày hôn lễ của họ.
Dầu đã xa cách ngàn trùng những khung cảnh cùng mùi vị quen thuộc của Dublin nhưng cũng chẳng chút được khuây khỏa nào.
Cuối cùng ông đặt chân đến Cảng Hy vọng (Port Hope) bên bờ phía Bắc hồ Ontario thuộc bang Ontanrio, Canada. Nhưng ở đó hạnh phúc cũng khước từ ông. Cách đó 10 dặm về phía Bắc, nằm bên hồ Rice tuyệt đẹp là một khu định cư nhỏ tên Bewdley. Cách khu này vài dặm nữa là đồn điền Pengelley, nơi Scriven làm gia sư cho lũ trẻ trong nhiều năm ở đó.
Vài năm sau đó, Scriven phân chia thì giờ mình để dạy cho 2 gia đình Pengelly và James Sackville ở Bewdley. Chính trong phòng khách nhà ông Sackville mà Scriven đã cảm hứng viết bài thơ mãi mãi gắn liền với tên ông đó.
Một đêm khuya năm 1855, Scriven nặng trĩu với nỗi cô đơn, ngã lòng, buồn thảm - đã dốc đổ lòng mình với Đức Chúa Trời, van nài Ngài giải thoát ông khỏi gánh nặng ấy và hứa nguyện hầu việc Ngài nếu lời cầu nguyện của ông được nghe và được trả lời. Scriven cảm thấy lòng được cất khỏi gánh nặng cách kỳ diệu.
Trong niềm hoan hỉ vừa tìm thấy, Scriven vội thảo nhanh một bài thơ đơn sơ với nhiều khổ thơ mô tả cuộc chiến đấu và chiến thắng của ông. Bài thơ có tựa là “Cầu nguyện không thôi” như sau (dịch thoát ý):
Kỳ diệu thay là tình bạn chúng ta có với Chúa Giê-xu.
Ngài mang lấy tất cả tội lỗi đau đớn của chúng ta.
Lạ lùng bấy là đặc ân được dâng trình mọi sự với Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện.
Ôi, chúng ta thường đánh mất sự bình an và mang lấy những nỗi khổ đau không cần thiết.
Tất cả chỉ vì chúng ta không dâng trình nỗi niềm mình cho Chúa trong lời nguyện cầu.
Bước vào tình yêu lần thứ nhì, ông đính ước với cô Eliza Catherine Roche con gái độc nhất của Đại uý Hải quân Hoàng gia Andrew Roche. Nhưng một lần nữa, hạnh phúc lại khước từ Scriven: Eliza mắc bệnh lao phổi và chết năm 1860 trước khi lễ cưới của họ được diễn ra.
Sau 2 nỗi bất hạnh trong đời, ông lại càng dấn thân trong công việc tôn giáo và từ thiện. Ông kết hợp với nhóm anh em Plymouth và phục vụ trong tư cách Truyền đạo suốt nhiều năm. Thêm vào đó, ông cũng đi giảng cho hội thánh Báp-tít Bailiebors ở gần đó. Ông được nhiều người ở Bewdley và vùng phụ cận yêu mến vì đời sống giống Chúa của ông, cũng như Đấng Christ, ông thường ban phát lợi tức của mình cho người nghèo mà ông coi là cần được giúp đỡ hơn chính ông.
Những năm về sau, ông được mô tả là “Người có vóc dáng thấp, tóc hoa râm, râu cạo sạch và đôi mắt xanh lơ sáng long lanh của một thiên sứ” trong khi những người biết rõ ông hơn thì cho biết ông có thói quen “giảng cho mọi người nghe về tình thương của Chúa Giê-xu”.
Khi thân thể ông đã suy mòn vì lao nhọc và tâm trí mệt mỏi vì nản lòng, ông Sackville lại đem ông về nhà ông ta và chính tại đó, năm 1886 Scriven đã trải qua những ngày cuối cùng của đời mình, cũng trong căn nhà mà 31 năm trước ông đã sáng tác bài thơ kia. Khi người chủ nhà tìm thấy bài thơ đó trong tập dán tranh sưu tập của Scriven thì cũng là lúc nhà thơ sắp qua đời Scriven giải thích: “Đức Chúa Trời và tôi, chúng tôi đã sáng tác bài thơ đó”.
Sackville sao một bản cho mình và sao một bản khác gởi cho một tờ báo Cơ-đốc và bài thơ đã được in lần đầu tiên. Không lâu sau đó Scriven qua đời. Trong cơn sốt, ông rời khỏi giường và ngã quỵ vì mệt lã, ông vấp té xuống một khe nước cạn chỉ sâu không đến 6 inches (khoảng 0,15m) và cách nhà khoảng 100m. Các bạn ông kể rằng: ông chết quỳ gối trong tư thế cầu nguyện.
Ba đài kỷ niệm ông đã được dựng lên năm 1919 tại Bewdley và vùng phụ cận nhân sinh nhật lần thứ 100 của ông. Bài thơ đó được phổ nhạc và được trân trọng bảo tồn trong lòng các Cơ-đốc nhân trên trong lịch sử thánh ca của Hội thánh phổ thông.
bottom of page