top of page

CHƯƠNG 1

Hung Tran

Apr 7, 2023

Sự tiến hóa kéo dài hàng tỉ năm hay là sự sáng tạo trong sáu ngày, mỗi ngày 24 giờ? Cái nào đúng? ...



SỰ TIẾN HÓA CỦA MỘT NGƯỜI THEO THUYẾT SÁNG TẠO


Thất...

...vọng? Chữ này không thích hợp để diễn tả cảm nghĩ của tôi. Cái nào đúng? Sự tiến hóa kéo dài hàng tỉ năm hay là sự sáng tạo trong sáu ngày, mỗi ngày 24 giờ? Hai học trò của tôi ở trường đại học nha khoa Bangkok đã thách thức tôi tìm hiểu về việc có phải Chúa trong Thánh Kinh đã tạo ra mọi vật trong sáu ngày, mỗi ngày 24 giờ như đã được mô tả trong Sáng-thế ký 1. Phản ứng đầu tiên của tôi là: “Chỉ có kẻ dốt nát mới tin những huyền thoại trong quyển Sáng-thế ký.”

Tôi là một người theo thuyết tiến hóa. Những năm học sinh vật ở đại học Bucknell và học nha khoa ở đại học Pittsburgh đã thuyết phục tôi là chúng ta đang có mặt ở đây vì những quá trình tiến hóa có thể giải thích được theo luận lý và phương pháp khoa học. Đó là năm 1971 sau Chúa! Chúng tôi đã đang sống những ngày mà khoa học cao siêu và tân kỳ đã “chứng minh” thuyết tiến hóa là đúng. Thế nhưng hai sinh viên này còn trẻ và rất thông minh. Họ có văn bằng cao về khoa học. Chắc chắn phải có một cách đơn giản chứng minh cho họ thấy là quan niệm sáu ngày sáng tạo của họ là sai. Một trong những câu hỏi họ đặt ra cho tôi là: “Tiến sĩ Martin, có bao giờ tiến sĩ nghe đến ý kiến cho rằng Chúa đã tạo ra mọi sự vật với vẻ ngoài đã trưởng thành không?” Trên con đường tìm về cội nguồn của tôi, lúc đó tôi thật chưa biết điều này, nhưng câu hỏi đã làm nảy sinh trong tôi ý muốn học hỏi thêm. Thế là sự tuyệt vọng bắt đầu.


HỒI TƯỞNG


Mầm mống tuyệt vọng được gieo vào tháng 9/1966. Tôi đang theo một khóa huấn luyện y khoa căn bản của USAF tại Wichita Falls, Texas. Đó là thời cao điểm của chiến tranh Việt Nam và tôi đã nhận được lệnh phải trình diện tại căn cứ không quân Andrews, Washington D.C. sau khóa học. Tôi sẽ là một trong 5 nha sĩ chăm sóc phi hành đoàn của phi đoàn phục vụ tổng thống Johnson (phi đoàn 89).

Cái mầm là một câu cầu nguyện ngắn. Trong lúc tôi đang ngồi trong câu lạc bộ sĩ quan đêm tháng 9 đó, tôi quyết định làm sáng tỏ mọi việc với Chúa của Thánh Kinh (nếu Ngài hiện hữu thật sự). Nếu Ngài có thể chia hai Biển Đỏ, hóa nước thành rượu, khiến người chết sống lại, thì Ngài có thể đáp ứng một lời cầu nguyện của tôi: “Kính lạy Chúa, nếu Chúa có trên đó, xin Ngài lựa một trong hai điều sau đây. Hoặc Ngài cho tôi gặp người con gái tôi sẽ cưới làm vợ, hoặc Ngài sẽ thấy một sĩ quan không quân táo bạo chưa từng có.” Tôi nghĩ ngay lúc đó: “Ha! Không ai nghe lời cầu nguyện, mình sẽ thực hiện điều đó.”

Trừ phi Chúa đã nghe lời cầu nguyện. Tôi đã gặp người vợ tương lai trong ngày đó! Chúng tôi hẹn đi chơi với nhau hôm sau và tôi ngỏ ý với Jenna Dee là tôi sẽ cưới nàng. Tôi biết lòng tôi. Chúa của Thánh Kinh đã đáp ứng lời cầu nguyện ngay hôm tôi thốt ra với Ngài.

Vừa khi tôi đến Washington D.C., tôi quyết định đến nhà thờ để được biết nhiều hơn về Chúa. Khi rời nhà thờ ngày Chúa Nhật đầu tiên, vị mục sư bắt tay tôi và hỏi xem có điều gì ông có thể làm để giúp tôi về mặt tâm linh, vì khi đó tôi chỉ là con số không to tướng. Mục sư Charlie Warford bảo tôi mỗi sáng thứ hai thức dậy vào lúc 6 giờ để cùng đọc Kinh Thánh với ông. Trước kia tôi thường cãi vã với người khác về Kinh Thánh, nhưng tôi chưa từng bao giờ đọc Kinh Thánh. Thế là chúng tôi đọc Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca; và khi chúng tôi đọc GiGa 3:16, Chúa gợi sự chú ý của tôi. Nguyên văn câu này là: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Chính câu đó đã làm tôi chú ý. Tôi cũng là một phần tử của thế gian, có một cam kết với thế gian, và tôi biết điều đó. Câu đó đã cho lòng tôi biết là Chúa yêu thương tôi! Thế là tôi quỳ xuống cùng với mục sư Warford và dâng cuộc đời tôi cho Đấng Christ. Hột giống đã gieo và bắt đầu nảy mầm.

Ở vào thời điểm tôi có niềm tin rằng Đức Chúa Jêsus chính là Cứu Chúa, tội lỗi tôi được thứ tha và tôi được nhận lãnh sự sống đời đời. Nhưng có một việc khác xảy ra mà sau này tôi mới biết. Tôi đã trải qua hành trình từ “tiến hóa hoài nghi” sang “tiến hóa hữu thần.” Như vậy có nghĩa là bây giờ tôi tin Chúa và Ngài đã dùng sự tiến hóa qua hàng tỉ năm để tạo vũ trụ và mọi vật trong đó. Một cách thành khẩn, tôi tin tiến hóa là giải thích khoa học chính xác nhất về sự hiện diện của chúng ta ở thế gian. Đó là Vụ Nổ Lớn (Big Bang), cộng với thời gian, cộng với sự ngẫu nhiên. Nói một cách khác thì “cái không có gì cộng với không ai hết tạo ra mọi sự.”


MỌI NGƯỜI TIN BỞI ĐỨC TIN


Các giáo sư dạy khoa học của tôi ở đại học không có nói cho tôi biết là tôi cần đặt vài giả định quan trọng khi tin vào thuyết Vụ Nổ Lớn. Theo thuyết này, người ta tin rằng vũ trụ và những gì trong đó là kết quả của vật chất, khối vật chất đặc đến nỗi nhìn không thấy được và đã thình lình nổ một cách dữ dội mà các nhà khoa học tiến hóa gọi là Vụ Nổ Lớn. Họ cho rằng tiếng nổ này đã xảy ra khoảng 8-20 tỉ năm trước đây. Nếu chấp nhận thuyết này, người ta phải giả định là vật chất và năng lượng hiện diện miên viễn (tồn tại vĩnh cửu). Thuyết Vụ Nổ Lớn chỉ cố giải thích sự sắp xếp vật chất và năng lượng chớ không cắt nghĩa được nguồn gốc của nó. Vật chất phải hiện diện miên viễn trước khi có Vụ Nổ Lớn bằng không thì chẳng có gì để mà “NỔ!” Từ đây chúng ta khám phá ra là mọi người trên quả đất tin có cái gì đó vĩnh cửu. Nó là niềm tin nơi vật chất và năng lượng vĩnh cửu hoặc niềm tin nơi Thượng Đế vĩnh cửu. Tại sao niềm tin đó đến bởi đức tin? Bởi vì điều đó ngoài tầm khoa học thực nghiệm. Không có thử nghiệm nào tìm ra ai hoặc cái gì đó đã có trước khi vũ trụ bắt đầu. Vì thế, khi nói đến nguồn gốc, không có cách nào khảo sát hoặc kiểm chứng bằng thử nghiệm khoa học để đánh giá thuyết sáng tạo hoặc thuyết tiến hóa. Do đó, cả hai thuyết về nguồn gốc không còn thuộc lĩnh vực khoa học nữa, mà trở thành vấn đề đức tin.

Chúa, với quyền năng vô biên, đã thiết kế các tạo vật của Ngài, bất luận bạn tin vào quan điểm về nguồn gốc nào đi nữa, bạn vẫn phải đối diện với Ngài. Nếu vật chất và năng lượng miên viễn thì vào lúc xảy ra Vụ Nổ Lớn, những thứ này đang ở vào thế cân bằng. Như vậy có nghĩa là mọi vật bằng nhau và không có phản ứng. Đó là tình trạng của chiếc xe hơi. Chiếc xe nằm yên, trung hòa và không làm gì cho đến khi có ai đó mở máy. Mở máy làm cho xăng được đốt khiến cho có sức mạnh đẩy chiếc xe chạy.

Khoa học dạy chúng ta là vật chất ở đâu đó một thời gian lâu (quá khứ vĩnh cửu), nó đã không làm gì hết và chỉ nằm yên đó trung hòa như trường hợp chiếc xe hơi. Đó là một phần của luật thứ nhì về nhiệt động lực học và được gọi là Zeroeth Entropy. Trước Vụ Nổ Lớn, mọi vật chất và năng lượng nếu vĩnh cửu tất phải đang trung hòa, giống như chiếc xe hơi đã tắt máy và đang đậu trên mặt đường bằng phẳng trước ga-ra. Nó không chuyển động cho đến khi có ai đó mở máy.

Vậy, nếu mọi vật đều trung hòa trước Vụ Nổ Lớn thì sao lại có tiếng nổ? Nếu bạn tin vào Vụ Nổ Lớn thì bạn phải tin rằng có một sức mạnh bên ngoài tác động trên khối vật chất trung hòa đó và cung cấp năng lượng cần thiết để tạo ra tiếng nổ. Trên thực tế, bạn đang trực diện với Chúa. “Ban đầu, Đức Chúa Trời!” Câu hỏi đầu tiên vì thế được đặt ra như vầy: “Tôi có đức tin để tin rằng vật chất và năng lượng hiện diện miên viễn (điều này sẽ gây ra vấn đề là Vụ Nổ Lớn đã nổ cách nào ?) hay tôi có đức tin để tin vào một Đấng Tạo Hóa, là Chúa Hằng Hữu ?” Mọi người đều tin vào điều gì đó vĩnh cửu.

Ông Phillip E. Johnson, người được ủy quyền cải chánh đầu tiên, dạy luật tại đại học California ở Berkeley, cho rằng giới truyền thông thường coi các nhà sáng tạo là không hiểu gì về khoa học. Ông viết:

“Thật ra, còn có nhiều điều nữa về sự tranh chấp Sáng tạo - Tiến hóa hơn là như chúng ta thấy, hay đúng hơn như các nhà truyền thông nhìn thấy khi họ đưa ra một mẫu người sáng tạo như là không biết gì hết, chỉ biết trích từ Kinh Thánh mà lại từ chối trực diện với chứng cứ khoa học. Các nhà sáng tạo có thể sai về nhiều điều, nhưng họ có ít nhất một điểm rất quan trọng để lập luận, một điểm đã bị bỏ qua vì quá chú trọng vào trận Đại Hồng Thủy và các vấn đề phụ thuộc khác. Cái điều mà các nhà khoa học dạy là “tiến hóa” và họ cho đó là sự thật không hề dựa trên bằng chứng có thực nghiệm, không chối cãi được, mà lại dựa trên ước đoán triết học rất khó tin. Như vậy, sự tranh cãi về thuyết tiến hóa sẽ không chấm dứt khi chúng ta hiểu vấn đề nhiều hơn. Trái lại, chúng ta càng biết về nội dung triết học của cái mà các khoa học gia gọi là ‘sự thật của thuyết tiến hóa’ thì chúng ta càng không thích” (The Establishment of Naturalism, Phillip E. Johnson, 1990, trang 1, 2).

Cũng như nhiều người chúng ta, ông Johnson lo ngại khi thấy các giáo viên dạy khoa học của các trường công lập và các giáo sư đại học rời khỏi lĩnh vực khoa học để bước vào lĩnh vực giáo dục tôn giáo (niềm tin) khi họ coi sự tiến hóa của những phân tử thành một người như là một sự kiện khoa học. Trong những năm học khoa học ở trường đại học Bucknell và đại học Pittsburgh, tôi được dạy rằng khoa học và hóa thạch chứng minh thuyết tiến hóa là đúng - rằng bước biến chuyển quan trọng trong tiến hóa từ một loài này sang một loài khác được xảy ra trong vòng những khoảng đứt đoạn. Tôi đồng ý với ông Johnson khi ông đặt dấu hỏi về thuyết tiến hóa và những người chấp nhận nó. Theo thuyết tiến hóa, “...động cơ tiến hóa đã làm được những sự sáng tạo kỳ diệu, không phải vì họ chứng minh được nhưng vì họ thấy không gì hơn là chấp nhận một giải thích là có những điều kỳ diệu mà không có sự can thiệp của một Đấng Tạo Hóa. Họ không chịu nhìn nhận vì Tạo Hóa là một Đấng hoặc là một sức mạnh ngoài thế giới tự nhiên.” (The Establishment of Naturalism , Phillip E. Johnson, 1990, trang 1, 2). Ngày nay chúng ta đang sống giữa những thôi thúc kêu gọi chối bỏ, không tin hoặc không thừa nhận một Đấng thật sự là Chúa mà chúng ta biết là vĩ đại hơn khoa học vì Ngài là Đấng Tạo Hóa của muôn loài.


CHÚA - ĐẤNG TẠO HÓA


Mặc dầu ý nghĩ có Chúa, Đấng Tạo Hóa, ở ngoài thế giới thiên nhiên không được chấp nhận bởi phần lớn những người theo thuyết tiến hóa, Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Chúa Hằng Hữu đã tạo ra vũ trụ và Ngài làm điều đó bởi, do và cho Con duy nhất của Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ. Đức Chúa Con Hằng Hữu đã có mặt khi bắt đầu tạo dựng như chúng ta thấy đại từ chỉ số nhiều trong SaSt 1:26: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta.” Chúa Con đã đứng ra sáng tạo nên mọi sự, điều này được dạy trong sách Giăng:

“Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài. Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người.” (GiGa 1:1-4).

Những câu trên cho thấy Chúa Jêsus là Đấng Tạo Hóa và mọi sự được chính Ngài tạo nên. Một bằng chứng khác cho thấy Chúa Jêsus đã tạo ra thế gian được chép trong sách Hê-bơ-rơ: “Đức Chúa Trời… đến những ngày sau rốt này, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài , là Con mà Ngài đã lập nên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian.” (HeDt 1:1-2). Bức thư gởi cho người Cô-lô-se cũng nói đến Chúa Jêsus là Đấng tạo ra mọi sự, và gọi Ngài là Đấng “giữ gìn mọi sự lại với nhau” (CoCl 1:15-17).

Các nhà khoa học nói: “Chúng ta có vấn đề. Không có đủ ngôi sao, mặt trăng và các hành tinh để giữ vũ trụ lại với nhau.” Điều này gọi là vấn đề “thiếu khối lượng.” Mọi vật đáng lý phải bay tung ra, nhưng tất cả lại đang hợp lại với nhau. Một nhà sáng tạo có thể nói, “Tôi biết tại sao vũ trụ đang quây quần với nhau mặc dù có vấn đề ‘thiếu khối lượng.’ Chúa Jêsus, Đấng Tạo Hóa, đã giữ tất cả lại với nhau bằng quyền năng phi thường của Ngài” (HeDt 1:1-14 và CoCl 1:1-29). Khi Kinh Thánh nói đến khoa học, có thể không nói thật đầy đủ, nhưng chắc chắn là đúng. Chúng ta có thể tin như vậy.

Kinh Thánh nói với chúng ta là thế giới đã xuất hiện không phải do kết quả tình cờ của vũ trụ mà là do sự tạo dựng đặc biệt với một mục đích duy nhất. Chúa muốn một ai đó có thể mang vinh hiển cho Ngài và Ngài có thể thông công được. Sau cùng, Đấng Tạo Hóa sẽ bước vào thời gian và tạo vật của Ngài để trở thành Đấng Cứu Rỗi. Vấn đề này sẽ được đề cập nhiều hơn trong những trang sau.

Theo ngôn ngữ Hê-bơ-rơ cổ trong Cựu Ước, một chữ được lập lại là để nhấn mạnh việc đó. Ví dụ, trong EsIs 6:3, sự lập lại là để nói với chúng ta bản chất thánh vô cùng của Chúa: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va Vạn Quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài !” Không có gì thánh hơn Chúa được. Ngôn ngữ Hê-bơ-rơ dùng một chữ ba lần để cho thấy bản chất thánh khiết tuyệt đối của Chúa. Cũng vậy, Sáng-thế ký nhấn mạnh Sự Sáng Tạo. Môi-se, dưới sự mặc khải của Chúa Thánh Linh, đã viết:

“Đây là sách chép dòng dõi của A-đam. Ngày mà Đức Chúa Trời dựng nên loài người, thì Ngài làm nên loài người giống như Đức Chúa Trời, Ngài dựng nên người nam cùng người nữ, ban phước cho họ, và trong ngày đã dựng nên, đặt tên người” (SaSt 5:1-2).


CON NGƯỜI - LOÀI ĐƯỢC TẠO DỰNG


Con người được dựng nên, được dựng nên, được dựng nên! Chúng ta không thể nào nhấn mạnh hơn thế. Kinh Thánh không nói con người tiến hóa, tiến hóa, và tiến hóa. Nếu Chúa muốn con người xuất hiện sau bao nhiêu thời gian biến đổi do sự tiến hóa thì chắc chắn Ngài đã nói. Nhưng lời Ngài là chân lý và chân lý nói rằng con người được sáng tạo.

Không những con người đã được Đức Chúa Trời tạo dựng nên, mà còn được tạo dựng nên theo hình ảnh Ngài. Có phải Chúa đã dùng lời phán mà tạo ra vạn vật, lại phải dùng hàng triệu năm để từ sai lầm tiến hóa này đến sai lầm tiến hóa khác mới đạt được hình ảnh của Ngài ở con người? Lẽ tất nhiên là không bao giờ!

Nếu con người thật sự đã tiến hóa từ loài khỉ thì bà Ma-ri thế nào?” Có phải bà mẹ trần gian của Chúa Jêsus cũng từ những gien của loài khỉ mà ra sao?” Nếu bà Ma-ri là “bà con xa” của loài khỉ, thì Chúa chúng ta cũng vậy về phương diện di truyền sao? Bà Ma-ri được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa chứ bà không phải là hậu duệ của loài khỉ.

Kinh Thánh nói rằng Chúa tạo ra con người theo hình ảnh Ngài liền tức khắc (SaSt 1:27). Chúa Jêsus, Đấng Tạo Hóa, chứng thực điều này trong Tin Lành Mac Mc 10:6. Ngài phán: “Nhưng từ lúc đầu sáng thế, Đức Chúa Trời làm ra một người nam và một người nữ .” Vấn đề trong câu Kinh Thánh 10:6 là ly dị. Chúng ta biết rằng loài gián, thỏ và chuột không có ly dị. Đấng Tạo Hóa đang nói về con người, vì con người có ly dị. Đấng Tạo Hóa của hôn nhân một-nam-một-nữ-cho-đến-chết-mới-lìa-nhau phán với chúng ta ly dị không phải là giải pháp Ngài dùng giải quyết vấn đề kiêu ngạo và ích kỷ trong hôn nhân. (Nếu bạn muốn đọc thêm xem Thánh Kinh nói gì về vấn đề này xin xem trong MaMl 2:13-16; PhuDnl 24:1-5; Mat Mt 5:31-32; 19:3-12; Mac Mc 10:1-12; LuLc 16:18; ICo1Cr 7:10-16). Loài người, được tạo dựng liền tức khắc theo hình ảnh Chúa, có mặt ngay từ lúc ban đầu (tôi nghe phần trình bày này trên một băng cassette về sự đối lập của tiến hóa và sáng tạo do Cơ Quan Truyền Giáo Floyd Jones, 8222 Glencliffe Lane, Houston, Tx 77070 phát hành).

Nếu chúng ta tin những gì Kinh Thánh nói (và quyển sách này sẽ cho thấy chúng ta không có chứng cớ khoa học để không tin) thì riêng Mác 10:6; cũng đủ đập tan lời dạy về tiến hóa. Có người nam và người nữ trên mặt đất ngay từ đầu. Đấng Tạo Hóa phán như vậy. Điều đó không dành chỗ trống cho thuyết hàng triệu năm biến đổi từ hình dáng loài thú (những người vượn quá độ) để từ từ tiến hóa, từ tế bào đơn thuần đến loài khỉ rồi đến loài người.


LOÀI NGƯỜI ĐƯỢC TẠO DỰNG HOÀN TOÀN TRƯỞNG THÀNH


Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ đầu tiên là những người trưởng thành ngay tức thì. Ngài tạo ra A-đam hoàn toàn trưởng thành khi mới được một giây tuổi đời (vừa ra đời là đã trưởng thành). Từ xương sườn A-đam (được lấy ra sau một cuộc gây mê đầu tiên!), Chúa tạo nên Ê-va, người vợ hoàn toàn trưởng thành của A-đam.

Nếu A-đam lúc đó hỏi, Ê-va, em bao nhiêu tuổi? Nàng chắc sẽ trả lời, Một phút, anh A-đam! Nàng đã được dựng nên với bề ngoài của một người trưởng thành. Có lẽ trong khoảng 25 tuổi, nhưng phải đợi một năm sau để ăn sinh nhật một tuổi của mình. Nếu Ê-va nói, A-đam, em đói!”, A-đam chắc đã với tay hái một trái đào chín mộng mặc dầu cây đào chỉ mới có ba ngày tuổi. Chúa cũng dựng nên cây cối đã lớn, bề ngoài già giặn, có trái chín, nhưng chỉ mới ba ngày tuổi. Những cây ba ngày tuổi này đang mọc trên đất được tạo dựng hoàn toàn trưởng thành, kết nhiều quả. Trên đất này có cây dương xỉ xanh tươi và các loài hoa đang nở rộ. Những con khủng long khổng lồ tuổi từ vài phút đến vài giờ đang đi dạo với A-đam và Ê-va (rất may chúng ăn cây cối chứ không ăn thịt người, SaSt 1:30). Ngay cả ánh sáng của ngôi sao cũng được tạo ra ngay khi Chúa dựng các ngôi sao. Đối với các nhà khoa học, ánh sáng từ ngôi sao xa nhất phải mất nhiều triệu năm mới đến được mặt đất, nhưng nếu Chúa tạo dựng một hệ thống đã trưởng thành trọn vẹn thì ánh sáng đó cũng chỉ bằng tuổi của ngôi sao thôi! (Chương 10, “Ánh sáng từ những ngôi sao xa nhất,” sẽ bàn về vấn đề này.)

Khi tôi bàn về vấn đề tạo dựng sự vật ở tình trạng trưởng thành với một lớp sinh viên đại học, một bàn tay thế nào cũng giơ lên. Một sinh viên sẽ nói, “Vậy thì Chúa nói láo. Ngài tạo dựng một vật không đúng như bề ngoài của nó. Ngài tạo A-đam, Ê-va và khủng long hoàn toàn trưởng thành, nhìn thì già, nhưng thật sự chưa già.” Không, Chúa không nói láo. Ngài nói y như Ngài làm trong SaSt 1:1-2:25. Vấn đề là chúng ta không muốn tin. Thay vì tin Thánh Kinh, chúng ta chấp nhận lý thuyết suy đoán của tiến hóa.

Hãy nhớ là trong HeDt 1:1-14; CoCl 1:1-29 và GiGa 1:1-51, Chúa cho chúng ta biết Đức Chúa Jêsus là Đấng Tạo Hóa. Phải chăng Chúa không có khả năng tạo dựng vũ trụ đã trưởng thành? Đấng Tạo Hóa đã bước vào không gian, thời gian, và lịch sử để trở thành Đấng Cứu Thế. Ngài làm ra phép lạ đầu tiên trong một hôn lễ ở Ca-na như đã ghi trong 2:1-25.


CHÚA JÊSUS HÓA NƯỚC THÀNH RƯỢU NGON (ĐÃ ĐƯỢC Ủ LÂU NGÀY )


Mấy chục năm trước khi Chúa Jêsus và sứ đồ Giăng bước đi trên đường đến Ca-na, quyển Cựu Ước bằng tiếng Hê-bơ-rơ được dịch ra tiếng Hy-lạp. Bản dịch này được gọi là LXX, tức bản Bảy Mươi. Khi Giăng viết hai đoạn đầu sách Giăng, có lẽ ông vẫn còn nhớ hai đoạn đầu của Cựu Ước Bảy Mươi. Chẳng những ngôn từ Hy-lạp được dùng giống nhau mà GiGa 1:1-51 và SaSt 1:1-31 đều nói về sự bắt đầu của thế gian và GiGa 2:1-25 với SaSt 2:25 cùng nói về người nam và người nữ bước vào hôn nhân.

Như ghi trong Giăng 2, tiệc cưới tại Ca-na hết rượu. Có sáu cái ché đá đựng đầy nước được Chúa Jêsus hóa thành rượu. Người làm công mang rượu này đến người quản gia. Ông ta nếm thử và nói, “Mọi người đều đãi rượu ngon trước, sau khi người ta uống nhiều rồi, thì kế đến rượu vừa vừa. Còn ngươi, ngươi giữ lại rượu ngon đến bây giờ” (GiGa 2:10).

Rượu ngon phải được làm cách nào? Phải được để lâu. Vậy rượu này làm ra bao lâu rồi? Chỉ một hoặc hai phút. Đấng Tạo Hóa đã bước vào thời gian để thực hiện phép lạ đầu tiên để “tỏ bày sự vinh hiển của mình (2:11). Ngài muốn môn đồ biết Ngài là ai. Muốn vậy, Ngài tạo nên loại rượu đã để lâu ngày. Rượu mới làm vài giây lại có mùi vị như đã được ủ rất lâu rồi . Bao nhiêu ché tất cả? Sáu! Bao nhiêu ngày Chúa làm việc trong tuần lễ sáng tạo? Sáu! Khi Giăng viết sách Tin Lành Giăng, có lẽ ông đã nghĩ tới SaSt 1:1-2:25. Trong Sáng-thế ký, Chúa tạo dựng vũ trụ đã có tuổi trong 6 ngày. Trong GiGa 2:1-25, Chúa hóa nước thành loại rượu đã được cất ủ rất lâu trong sáu ché đá.

Kinh Thánh chỉ có một giải thích; tuy vậy, có nhiều áp dụng khác nhau. Một áp dụng của 2:1-25 là Đấng Tạo Hóa không cần thời gian. Ngài có thể tạo ra bất cứ gì Ngài muốn để làm cho nó có vẻ đã có nhiều năm tuổi rồi. Vật mới được tạo ra có thể có vẻ như đã trải qua một tiến trình cần thời gian, nhưng kỳ thực lại không cần phải có chút thời gian nào cả. Chúa Jêsus bày tỏ sự vinh hiển của Ngài khi thực hiện phép lạ đầu tiên trên đất không cần đến thời gian, cũng như Ngài đã tạo ra mọi thứ trong vũ trụ một cách hoàn hảo, hoạt động trọn vẹn và ngay tức khắc.


PHI-E-RƠ MUỐN GIẾT NGƯỜI


Khi Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đến với một đám đông để bắt Đức Chúa Jêsus, Phi-e-rơ chụp lấy thanh gươm và nhắm vào đầu một người trong bọn chúng. Người này cúi xuống né và Phi-e-rơ đã chặt đứt lỗ tai của hắn. Có phải Chúa Jêsus đã lượm phần lỗ tai bị đứt lìa lên, lấy kim chỉ ra khâu lại, và nói, “Hai tuần lễ nữa hãy trở lại đây để ta cắt chỉ!” hay không? Tất nhiên không! Ngài đặt lỗ tai lại trên người đó, không chỉ khâu, không một tiến trình điều trị nào diễn ra cả, không cần một chút thời gian nào. Chúa của Thánh Kinh không cần thời gian. Không ai có cách nào gắn lại một lỗ tai bị đứt lìa mà không trải qua nhiều ngày đợi chờ nó từ từ liền lại... ngoại trừ Chúa của chúng ta. Đấng Tạo Hóa không cần thời gian để làm việc gì mà con người (hữu hạn) cho là phải cần thời gian.


CHÚA TẠO THỜI GIAN


Chúa tạo dựng thời gian. Ngài không lệ thuộc nó vì Ngài là vĩnh hằng và thời gian là hữu hạn, tạm bợ. Đó là sứ điệp của IIPhi 2Pr 3:8: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày.” 3:8 không dạy là mỗi ngày của tuần lễ tạo dựng bằng 1.000 năm hoặc lâu hơn hay ngược lại (1.000 năm bằng một ngày), nhưng chỉ cho chúng ta thấy là Chúa ở trên thời gian. 3:8, 9 cho biết thời gian không có ý nghĩa gì đối với Chúa trong khi Ngài đợi chúng ta đến và ăn năn! Những việc làm trong tất cả các phép lạ của Đấng Tạo Hóa, có lẽ ngoại trừ chuyện đi trên biển, đều có vẻ như cần phải có thời gian (đối với con người)! Nhưng Chúa chúng ta không cần thời gian để làm phép lạ và Ngài cũng không cần thời gian để tạo ra vũ trụ. Để có thể tin Chúa đã tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày-24-giờ (như được chép trong Sáng-thế ký), chúng ta phải giả định là Ngài có thể và phải tạo dựng mọi sự với vẻ ngoài như đã có tuổi. Các phép lạ Ngài làm cho thấy rất phù hợp với quyền năng và bản chất của Ngài. Chúng ta có thể tin Kinh Thánh theo nghĩa thông thường của các câu chuyện được kể và câu văn được dùng. Chúng ta sẽ thấy, trong các chương tới, là không có một lý do khoa học nào để chúng ta không tin Kinh Thánh. Dĩ nhiên là tôi đã không hiểu điều này vào năm 1971 và 23 năm sau tôi vẫn còn đang tìm học. Trong khi nói chuyện với các sinh viên ở Bangkok, tôi bắt đầu nhận thức là thuyết tiến hóa và Sự Sáng Tạo chép trong Kinh Thánh không thể hòa nhập được. Ngay cả việc tin rằng Chúa dùng quá trình tiến hóa trong thời gian dài để thay đổi những phân tử, nguyên tử thành tôi hay bạn (tiến hóa hữu thần) cũng không thích hợp. Điều này sẽ tạo ra hình ảnh một Thượng Đế xấu xa, ngu đần vì cần hàng triệu năm (thú dữ ăn thịt thú khác hay là “mạnh sống yếu chết”) để tạo ra điều mà Ngài cho là hoàn toàn đầy đủ để nói rằng con người đã đạt đến hình ảnh của Chúa. Hơn nữa, tiến hóa làm cho Chúa lệ thuộc vào giới hạn của thời gian. Có thể nào sự tiến hóa từ phân tử đến người không được đặt căn bản trên khoa học mà là trên những giả định vô phương chứng minh hay không? Chúng ta sẽ xem xét vấn đề này trong chương 2.


TẠO VẬT KỲ DIỆU CỦA THƯỢNG ĐẾ:


* CON BỌ QUÝT *

Nếu có tạo vật nào trên đất không thể tiến hóa được thì đó là con bọ quýt. Nó cần được Chúa tạo ra với mọi bộ phận hoàn toàn thích hợp cho sự sống của nó.

“...Con bọ quýt tỏ ra thật độc đáo trong thế giới loài vật. Hệ thống tự vệ của nó rắc rối đến lạ kỳ, một sự phối hợp giữa hơi cay và súng máy. Khi nào nó cảm thấy nguy hiểm, nó ngấm ngầm trộn chất enzyme chứa trong một ngăn của cơ thể nó với những dung dịch cô đọng của vài hợp chất vô hại, hydrogen peroxide và chất hydroquinones, rồi chứa chất đó vào một ngăn thứ nhì. Nó sẽ tạo được một chất độc ăn da benzoquinones và có thể bắn ra từ thân nó với nhiệt độ 212oF (100oC). Hơn nữa, chất nước đó được bơm qua hai cái vòi ở đằng sau, có thể quay được như ổ súng trên phi cơ B-17 để bắn trúng một con kiến đói hay một con ếch hết sức chính xác.” (Tạp chí Time số ra ngày 25/02/1985, trang 70).

Thuyết tiến hóa gặp khó khăn lớn khi cố giải thích sự hiện diện và sự phức tạp của con bọ quýt. Mỗi một giai đoạn hòa trộn các hóa chất đặc biệt sẽ đưa nó vào chỗ bị tiêu diệt. Con bọ đo được nửa inch (1,25 cm) này trộn các hóa chất có một phản ứng rất dữ dội và tạo thành một vụ nổ. Làm sao con bọ này sử dụng được phương tiện tự vệ đó mà không bị chết giữa chừng? Vấn đề này làm cho các vị theo thuyết tiến hóa bù đầu. Thuyết này bảo rằng chúng (động thực vật - ND) không tiến hóa một cái gì đó cho đến khi thấy cần đến nó. Nói cách khác, loại enzyme mới hay hóa chất, bộ phận trong cơ thể hay cái vây (cá) hoặc mỏ (chim) hay xương đều không tiến hóa cho đến khi con vật thấy cần phải có sự cải tiến. Con bọ quýt không biết rằng nó cần một phương cách ngăn ngừa hóa chất nổ tung trước khi việc trộn hóa chất thành công và phát nổ. Lẽ dĩ nhiên, nó không thể tiến hóa sau khi chết, vậy thì làm sao? Các nhà tiến hóa nói, “Tôi không biết!

Để tránh bị hủy diệt, con bọ tí hon này làm ra một hóa chất khác, gọi là chất ức chế và trộn nó với chất nổ kia. Nhưng với chất ức chế, nó không thể làm nổ được khối chất lỏng nóng bỏng và hơi cay để ngăn kẻ thù. Con nhện sẽ ăn nó vì con bọ không có cách tạo nổ để tự vệ. Thế là chúng ta lại có một con bọ chết nữa! Những con bọ chết thì không thể tiến hóa để tạo các hóa chất cần thiết cho việc giải tỏa phản ứng bảo vệ. Hóa chất đó là một thứ chống lại thứ chất ngăn chặn vụ nổ xảy ra (một chất sẽ vô hiệu hóa chất ức chế - ND). Khi chất vô hiệu hóa chất ức chế được thêm vào thì vụ nổ sẽ xảy ra, và con bọ có thể tự vệ được. Nhưng, có một vấn đề khác: con bọ cần một “khoang đốt” (combustion chamber) thật bền, và khoang này phải có đường thoát năng lượng của vụ nổ, nếu không, một lần nữa chúng ta lại có một con bọ chết trong tay. Vấn đề được giải quyết như sau: Sinh vật đặc biệt này có đủ mọi thứ trang bị cần thiết, kể cả hai ống sau đuôi để thoát năng lượng khi có phản ứng tự vệ. Những ống này có thể nhắm vào kẻ thù trong một vòng cung 180o, thẳng về phía sau cho đến thẳng về phía trước. Và lạ lùng là nó chỉ bắn kẻ thù chứ không bắn bạn! Làm sao một con bọ chỉ lớn độ nửa inch (1,25 cm) lại biết nhắm vào chỉ kẻ thù mà thôi? Và làm thế nào hệ thống thần kinh vô cùng rắc rối cũng như hệ thống khởi tạo các hóa chất tinh vi của nó tiến hóa được? Không có loài nào trong các loài động vật giống như con bọ quýt.

Có phải đây là một ví dụ của “khách quan, cộng với thời gian, cộng với ngẫu nhiên” hay là ví dụ của một sự tạo dựng tinh vi, đặc biệt bởi một Đức Chúa Trời có liên hệ mật thiết với tạo vật của Ngài? Hệ thống nào có thể cắt nghĩa được một cách đáng tin về con bọ quýt kỳ diệu này, Tiến Hóa hay Sáng Tạo? (Dinosaurs Those Terrible Lizards, tiến sĩ Duane Gish, trang 50-55. Những trang này mô tả con bọ quýt. Quyển sách cho trẻ em này chủ yếu viết về khủng long.)



bottom of page