top of page

CHƯƠNG 10

Hung Tran

Mar 9, 2023

Một vũ trụ trẻ không phải là vấn đề gì cho các nhà sáng tạo vì Đức Chúa Trời của chúng ta, Đấng Tạo Hóa của Thánh Kinh, cũng chính là Đấng Sáng Tạo của thời gian...



TRÁI ĐẤT: TRẺ HAY GIÀ? HÃY CHO TÔI SỰ THẬT, KHÔNG PHẢI NHỮNG GIẢ THUYẾT


Khi...

...đối diện với những thiếu thốn về bằng chứng ủng hộ niềm tin của họ, sự tiến hóa từ phân tử đến người, các nhà tiến hóa luôn quay trở lại việc tranh cãi về thời gian. “Hãy cho chúng tôi đủ thời gian,” họ nói, “và tiến hóa sẽ xảy ra.” Và vì thế những nhà tiến hóa công bố những khoảng thời gian đến hàng tỉ năm về tuổi của vũ trụ. Những cái “hàng tỉ, hàng tỉ năm” này đã được nhấn mạnh từ khi chúng ta còn bé. Khi còn là trẻ con, chúng ta được nghe về những con người nổi tiếng và các tác giả khoa học trong những bộ áo trắng trong phòng thí nghiệm hết lần này đến lần khác đề cập đến những khoảng thời gian dài vô tận này. Những tin tức được lan truyền khắp nơi, và những chương trình thiên nhiên trên đài truyền hình phổ thông đề cập đến hàng tỉ năm như là một sự thật. Việc lập đi lập lại là rất cần thiết cho sự tẩy não; và sự tẩy não lại rất cần thiết cho niềm tin vào tiến hóa từ phân tử đến người, vì chẳng có lấy một bằng chứng khoa học thực nghiệm (khoa học không dựa trên những giả thuyết) cỏn con nào chứng minh cho điều đó. Hầu hết những nhà sáng tạo nói rằng vũ trụ chỉ khoảng đâu đó từ 6 đến 10 ngàn năm tuổi mà thôi. Một vũ trụ trẻ không phải là vấn đề gì cho các nhà sáng tạo vì Đức Chúa Trời của chúng ta, Đấng Tạo Hóa của Thánh Kinh, cũng chính là Đấng Sáng Tạo của thời gian. Ngài không cần thời gian. Ngài có thể và đã sáng tạo nên một con người hoàn toàn trưởng thành, các loài thực vật, động vật cũng vậy.

Những nhà tiến hóa xây dựng những giả thuyết suốt quá trình “gán” những khoảng thời gian đến hàng triệu triệu năm cho một mẫu đá nào đó. Nếu có cái nào trong số những giả thuyết của họ là không có hiệu lực, thì hoàn toàn không thể dùng kỹ thuật đó để tìm đúng niên đại của một hòn đá. Sau đây là những kỹ thuật tính niên đại: Chẳng hạn chúng ta tìm thấy một hòn đá và rồi muốn xác định xem nó bao nhiêu tuổi. Chúng ta quyết định phân tích hòn đá bằng cách quan sát một số nguyên tố hay hợp chất nào đó có tính chất là sẽ tan rã ra theo thời gian và hình thành nên một số nguyên tố hay hợp chất khác. Có thể chúng ta sẽ tìm một đồng vị đặc biệt của uranium và nguyên tố mà nó sẽ phân rã thành, tức là một đồng vị đặc biệt của chì. Trong mẫu đá của chúng ta, chúng ta tìm thấy một số uranium đặc biệt này và một số chì mà uranium đã phân rã thành (gọi là “nguyên tố con” - daughter element). Chì được gọi là nguyên tố con vì nó hình thành từ sự phân rã của nguyên tố mẹ (mẫu tố - ND) uranium. Chúng ta có thể đo lường xem có bao nhiêu chì trong hòn đá, và vì chúng ta nghĩ rằng mình biết tốc độ phân rã của uranium thành chì là nhanh (hay chậm), lượng chì trong đá sẽ cho chúng ta biết hòn đá bao nhiêu tuổi. Nói cách khác, lượng chì có trong đá là kết quả của một lượng uranium nào đó đã đang phân rã qua một số X năm. Và tất cả những điều này là một khung thời gian đặc biệt trong hàng triệu hay hàng tỉ năm, thế là một số các giả thuyết lại ra đời.


GIẢ THUYẾT MỘT: KHÔNG NHIỄM BẨN (PHÓNG XẠ - CONTAMINATION)


Trước hết, nhà khoa học giả định rằng mẫu đá của ông ta chưa từng bị nhiễm bẩn. Không gì có thể vào hoặc ra khỏi hòn đá và có thể tác động đến kỹ thuật xác định niên đại khiến cho ra một kết quả sai lầm. Điều này đòi hỏi một “hệ thống khép kín ” (closed system ) cho môi trường của hòn đá . Tiến sĩ Henry Morris đã nói trong quyển Khoa Học Sáng Tạo (Scientific Creationism, 1974) rằng không có một thứ gì trong tự nhiên là hệ thống khép kín cả. Hệ thống khép kín là một khái niệm lý tưởng, tiện lợi cho việc phân tích, nhưng không hề tồn tại trên thế giới. Morris nói rằng ý tưởng về một hệ thống vẫn cứ khép kín trong hàng triệu năm đã trở thành một điều ngớ ngẩn. Một số nhà tiến hóa tuyên bố rằng mỗi phân tử trong vũ trụ có mặt trong ít nhất bốn hợp chất khác nhau kể từ Vụ Nổ Lớn. Nhưng những nhà tiến hóa không thể chọn cả hai cùng một lúc; họ không thể vừa nói rằng các phân tử có thể di chuyển từ hợp chất này sang hợp chất khác, và lại cũng nói rằng các phân tử không dao động mà đứng im, như chúng phải như vậy trong một hệ thống khép kín. Vì thế, giả thuyết thứ nhất cần phải có cho việc xác định niên đại của những hòn đá đã không còn thích hợp nữa. Những hòn đá rõ ràng có bị nhiễm bẩn (phóng xạ) khi nhiều thứ thấm vào chúng, và những hòn đá thay đổi thành phần của chúng khi nhiều thứ từ chúng thoát ra. Một hệ thống khép kín có vẻ tốt và rất cần thiết cho sự chính xác của việc định niên đại, nhưng nó chưa từng tồn tại trong tự nhiên.


GIẢ THUYẾT THỨ HAI: KHÔNG CHỨA THÀNH PHẦN HỢP THÀNH (DAUGHTER COMPONENT)


Giả thuyết thứ hai trong việc xác định niên đại của đá là khối đá đó ngay từ đầu không chứa các thành phần hợp thành (tức là những sản phẩm của quá trình phân rã - ND). Để tính toán niên đại của mẫu đá chúng ta chẳng hạn, thì phải không có chút chì nào trong hòn đá từ khi nó được hình thành. Giả sử phải tốn 1 triệu năm phân rã thì uranium mới tạo ra được một miligram chì. Rồi sau đó chúng ta mới phân tích một hòn đá và khám phá rằng nó chứa một miligram chì bên trong. Thế là chúng ta sẽ công bố, đầy tính thuyết phục, rằng, “Hòn đá này đã 1.000.000 năm tuổi theo những tính toán niên đại kỹ thuật cao của tiến sĩ Credentials, người có hai bằng tiến sĩ trong lĩnh vực xác định niên đại của đá.” Ai sẽ nghi ngờ việc hòn đá bao nhiêu tuổi? Hầu như chẳng một ai! Nhưng chờ đã. Giả sử Đức Chúa Trời đã tạo dựng hòn đá có sẵn một lượng chì ở trong đó. Hoặc giả sử là một lượng chì nào đó đã thâm nhập vào hòn đá hay chính nó đã được hình thành từ một quá trình phân rã nào khác (khác hơn của uranium - ND). Làm thế nào một chuyên gia có thể phân biệt được đâu là lượng chì Đức Chúa Trời đã đặt để vào (hay đã hình thành theo một cách thức khác) và lượng chì thực sự hình thành do quá trình phân rã của uranium? Rõ ràng là chẳng một ai có thể biết được ngay từ đầu hòn đá này có bao nhiêu chì. Do đó, đối với sự “chính xác” trong các phòng thí nghiệm, nhà tiến hóa đã phải tuyên bố cách tùy tiện: “Từ đầu tiên đã không có chì (nguyên tố con); tôi không thể chứng minh được; nhưng tôi giả sử (cứ coi như) điều này là thật.”

Mỗi lần bạn được nghe nói rằng hòn đá này vài triệu năm hay vài tỉ năm tuổi, hay ngay cả chỉ 10 ngàn năm thôi, nên nhớ rằng nhà khoa học làm việc xác định niên đại của nó đã phải giả định rằng ngay từ lúc hình thành, hòn đá đó không hề chứa các hợp chất là thành phần hợp thành (nguyên tố con, các sản phẩm của quá trình phân rã - ND). Điều này có nghĩa là lúc nào ông ta cũng chỉ đoán mà thôi. Vậy chúng ta tin nơi những điều mà những người gọi là các “khoa học gia” suy đoán và coi nó như sự thật và lại tiếp tục tin rằng Kinh Thánh đã sai khi nói về một kỳ sáng tạo sáu ngày-24-giờ vào khoảng 6.000 năm trước? Chắc hẳn là không!


GIẢ THUYẾT THỨ BA: TỐC ĐỘ PHÂN RÃ KHÔNG ĐỔI


Giả thuyết thứ ba được tiến sĩ Henry Morris đưa ra là: “Tốc độ của quá trình phân rã phải luôn luôn giống nhau.” Nếu tốc độ của cả quá trình (tốc độ mẫu tố phân rã ra thành những thành phần hợp thành (nguyên tố con)) có sự thay đổi kể từ khi hòn đá vừa hình thành, thế thì sự thay đổi tốc độ phân rã đó phải được sửa lại cho đúng và như nhau thì các tính toán niên đại của đá mới chính xác (tức là nếu tốc độ phân rã của mẫu tố không giống nhau ngay từ khi hòn đá hình thành (lúc nhanh, lúc chậm) thì kết quả đo đạc sẽ hoàn toàn sai trật - ND). Các nhà khoa học biết rằng tốc độ của cả quá trình này có thể bị thay đổi bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tốc độ phân rã có thể được đẩy nhanh hơn hoặc làm chậm lại trong một số hợp chất khi thử với nhiều loại bức xạ và tia X khác nhau. Như tiến sĩ Morris đã khẳng định, mỗi quá trình trong tự nhiên được duy trì ở một tốc độ vốn rất dễ bị ảnh hưởng bởi vô số những tác nhân khác bên ngoài.

Điều gì xảy ra nếu bức xạ bắn phá trái đất khi xưa đã khiến cho uranium 238 phân rã nhanh hơn (nói cách khác, chu kỳ bán phân rã (half-life) của nó ngắn hơn dưới tác động của năng lượng bức xạ)? Làm thế nào một nhà khoa học có thể biết rằng quá trình phân rã đã được đẩy nhanh trong suốt quá trình bắn phá bức xạ một tỉ năm về trước? Ông ta không thể biết, phải không nào? Điều đó có nghĩa là ông ta không thể xác định niên đại hòn đá cách chính xác. Điều gì sẽ xảy ra nếu bức xạ khiến cho tốc độ của cả quá trình nhanh lên, nhưng trước đó nữa, những tia X đã làm cho nó chậm hơn 2 lần so với bây giờ thì sao? Làm thế nào nhà khoa học có thể nói với chúng ta niên đại của hòn đá? Ông ta không thể làm điều đó được. Song chẳng phải là chúng ta đã được bảo rằng hàng loạt bức xạ tia X đã bắn phá lớp bùn đầu tiên của hành tinh trái đất cổ xưa làm lóe lên một “tia lửa” và đùn đẩy các hóa chất vô cơ vào thành một khối các tế bào sống sao? Cái gọi là thuyết “punctuated equilibrium” cứ khẳng định rằng đã có nhiều vụ bắn phá bức xạ qua thời gian khiến cho một động vật nhanh chóng đột biến thành một dạng sống cao hơn. (Thuyết “punctuated equilibrium” dạy rằng tiến hóa diễn ra quá nhanh để có thể thấy được, trái với thuyết tiến hóa của Darwin, vốn cho rằng tiến hóa diễn ra chậm chạp và vì quá chậm nên không thể thấy.)

Dường như là những nhà tiến hóa không thể chọn cả hai. Nếu bức xạ khiến cho tốc độ phân rã nhanh lên hay chậm xuống, thì bức xạ cần thiết để bắt đầu sự sống từ những cái không sống và biến đổi những dạng sống cũ thành những dạng sống mới sẽ hoàn toàn làm mất tác dụng của những niên đại lên đến hàng tỉ năm cũng như đánh bại những kỹ thuật tính toán ngày tháng của họ. Những đồng hồ nguyên tử chạy nhanh hay chậm là lệ thuộc vào bức xạ. Chúng ta hãy nhìn vào vấn đề này từ một góc cạnh khác: nếu không có sự bắn phá bức xạ, thì giả thuyết thứ ba của cả ba giả thuyết về việc xác định niên đại nói đến ở trên có thể đúng (ngay cả khi hai giả thuyết đầu tiên đã đánh đổ hoàn toàn sự chính xác của kỹ thuật xác định niên đại) - nhưng bây giờ chúng ta không có “tia lửa” bức xạ để tạo nên sự sống từ những hóa chất không sống và để kích thích những đột biến cần thiết được coi là để cải thiện các tổ chức sống! Không có bức xạ, tốc độ phân rã sẽ ổn định như thế qua hàng tỉ năm, nhưng nguồn lực gì đã thúc đẩy tiến hóa bắt đầu và vẫn tiếp tục trong trường hợp này?

Như tiến sĩ Morris đã nói, những suy đoán “có giáo dục” được đề ra để xác định những niên đại biểu kiến. Nhưng niên đại biểu kiến có thể hoàn toàn chẳng liên quan gì đến niên đại thật của hòn đá .

Ba giả thuyết trên:

(1) một hệ thống khép kín,

(2) không có thành phần hợp thành (nguyên tố con) ngay từ đầu,

(3) tốc độ phân rã luôn luôn như nhau - tất cả đều liên quan đến khi một nhà khoa học xác định niên đại của đá. Không có cái nào trong số 3 giả thuyết này là phù hợp, và không có cái nào có thể áp dụng theo phương pháp khoa học trong quan sát và tái thực nghiệm những nghiên cứu. Không có cách gì để xác định niên đại cách chính xác vượt quá vài ngàn năm. Điều đó có nghĩa là trái đất rất trẻ và không một khoa học gia nào có thể chứng minh điều ngược lại!

“...Chắc chắn chẳng có một bằng chứng thực tế nào chứng minh sự sắp xếp thời gian tiến hóa là hợp lý.

Điều này là thật, không có một lý do thuyết phục nào ngăn trở chúng ta nghiêm túc nhìn nhận một lần nữa khả năng về những khoảng thời gian ngắn trong sự sáng tạo. Là một chân lý, sự sáng tạo không cần, trong hình thức cơ bản của nó, phải tốn dầu chỉ một khoảng thời gian ngắn. Nó chỉ chiếm một giai đoạn sáng tạo đặc biệt nào đó trong quá khứ, không cần thiết phải xác định đó là khi nào. Mặt khác, tiến hóa đòi hỏi một khoảng thời gian dài. Sáng tạo vì thế rất tự do thoải mái công nhận các bằng chứng giá trị của chính nó, ngược lại, tiến hóa bị buộc phải phủ nhận tất cả những bằng chứng ủng hộ cho một khoảng thời gian ngắn.

Dầu rằng sự sáng tạo không cần thiết phải kết nối với một khoảng thời gian ngắn, như tiến hóa phải gắn liền với một khoảng thời gian dài, một sự thật là nó khớp một cách rất tự nhiên với bảng niên đại ngắn. Giả sử Đức Chúa Trời có một mục đích trong sự sáng tạo của Ngài, và mục đích đó xoay quanh người đàn ông đầu tiên, điều đó càng phù hợp hơn vì Ngài sẽ chẳng cần phải phí hàng niên kỷ một cách vô nghĩa khi quan tâm đến những giai đoạn chưa hoàn thành hay những giai đoạn của công việc sáng tạo Ngài dự định.” (Scientific Creationism, tiến sĩ Henry Morris, trang 136).

Sự thật là ở chỗ chúng ta đã phải học một điều dối trá từ khi bước chân vào trường. Chúng ta được dạy để phải tin rằng trái đất rất già dẫu rằng chẳng có bằng chứng khoa học nào (xem chương 2, “...Và đến các giả thuyết”) minh chứng cho những niên kỷ dài lê thê của thời gian. Song chúng ta không được dạy về những bằng chứng dồi dào, phong phú đưa đến kết luận rằng trái đất có lẽ chỉ khoảng vài ngàn năm tuổi mà thôi. Có bao nhiêu bằng chứng ủng hộ trái đất non trẻ của bạn mà bạn có thể liệt kê ra? Bạn có thể nghĩ đến vài bằng chứng đó không? Bạn có thể viết ra dầu chỉ một bằng chứng vững chắc minh chứng rằng trái đất chúng ta còn rất trẻ không? Hầu hết mọi người (kể cả những Cơ Đốc nhân) không thể nghĩ ra dù chỉ một bằng chứng chứng minh trái đất còn trẻ. Bạn thấy đấy, chúng ta đã bị dẫn vào trong một trong những lời dối trá thuộc thế giới Sa-tan - rằng vũ trụ đã già cỗi. Nếu một nhóm Cơ Đốc nhân nào được hỏi, “Bạn có tin rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng trời và đất không?” Mọi người sẽ đưa tay lên và trả lời chắc chắn, “Phải, Đức Chúa Trời đã dựng nên trời và đất.” Rồi người ta hỏi tiếp, “Bạn có tin rằng Đức Chúa Trời đã dùng nhiều tỉ năm qua các thời đại địa chất và quá trình tiến hóa để sáng tạo không?,” một số ngừng lại, một số cứ nói loanh quanh, và nếu có ai thành thật, nhiều cánh tay sẽ giơ lên. Bây giờ, câu hỏi thứ ba, “Bạn có tin rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên trời và đất, biển và mọi thứ chỉ trong một tuần lễ, theo đúng nghĩa đen, có 6 ngày, mỗi ngày 24 giờ không?” Trong một Hội Thánh Phúc-âm ở Dallas, Texas, chỉ có 5 cánh tay giơ lên trong một lớp học 50 người. Bạn nói, “Họ chắc là đã không hiểu câu hỏi!” Không, họ hiểu hết, nhưng chỉ có 5 người tin vào những gì Kinh Thánh, sách SaSt 1:1-11:32, XuXh 20:1-26, GiGa 1:1-51, CoCl 1:1-29, HeDt 1:1-14, KhKh 4:11 v.v...viết mà thôi. Họ đã bị tẩy não bởi chính cái thế giới này của Sa-tan và họ nghĩ rằng có hằng hà sa số những bằng chứng chứng minh cho một vũ trụ già, già lắm rồi.

Tiến sĩ John C. Whitcomb đã làm tất cả để giúp chúng ta trong quyển sách của ông, The Early Earth . Ông liệt kê và bàn luận nhiều những bằng chứng cho việc tin Kinh Thánh là thật như những gì đã được viết. Ông làm tương phản giữa đức tin nơi Đức Chúa Trời và Lời Ngài cùng niềm tin nơi tiến hóa và một quả đất lâu đời.

“...Một khoa học gia không phải Cơ-đốc nhân cần phải nhận biết rằng ông ta cũng đến với những hiện tượng thực, quan sát được với cả một hệ thống những giả thuyết và những điều phỏng đoán vốn phản ánh một ‘niềm tin sâu thẳm.’ Không một nhà khoa học nào trên thế giới ngày nay hiện diện lúc trái đất xuất hiện, cũng không một ai trong chúng ta có được đặc quyền ngắm xem những thế giới đang được sáng tạo ngày nay! Vì thế, lời chứng của một nhà tiến hóa chân thật cũng có thể được nói trên tinh thần của... HeDt 11:3...rằng: ‘Bởi đức tin, tôi, một nhà tiến hóa, hiểu rằng vũ trụ đã không được thành hình bởi lời của bất cứ thần linh nào, vì thế những gì được thấy ngày hôm nay thực sự là những gì xuất phát từ những cái đã tồn tại trước đó, vốn là những thứ hữu hình và ít phức tạp hơn, bởi những quá trình hoàn toàn tự nhiên, trải qua hàng tỉ năm.’ Vì thế, đây không phải là vấn đề của những sự thật khoa học với đức tin của Cơ-đốc nhân! Điều cơ bản, trong vấn đề nguồn gốc ban đầu, chính là liệu một người sẽ đặt niềm tin của mình vào những lời của Đức Chúa Trời Hằng Sống, Đấng đã ở đó khi mọi thứ hình thành, hay anh ta đặt niềm tin của mình vào năng lực hèn mọn của trí thông minh con người, không được sự mặc khải thánh để ngoại suy những quá trình được quan sát trong hiện tại về bản chất của quá khứ vĩnh cửu (và tương lai). Đức tin nào là cái hợp lý hơn hết, kết quả hơn hết, và làm cho người ta thỏa lòng hơn hết? Trong kinh nghiệm của riêng tôi, khi đang nghiên cứu lịch sử địa chất và cổ sinh vật học tại trường đại học Princeton, tôi hoàn toàn tin tưởng nơi những suy luận của tiến hóa. Tuy nhiên, cũng từ đó, tôi khám phá ra chân lý của Thánh Kinh về nguồn gốc đầu tiên của mọi thứ, nó làm cho tôi thỏa lòng về mọi phương diện.

Các Cơ-đốc nhân, những ai thực sự muốn tôn vinh Đức Chúa Trời trong tư tưởng của họ, thì đừng đến với Sáng-thế ký 1 với một định kiến về cái gì đã có thể và đã không thể xảy ra (trong những quan niệm hiện tại đang thay đổi về tinh thần khoa học không biến đổi (uniformitarian scientism). Chúng ta không phải là người khuyên bảo Đức Chúa Trời; Ngài là Đấng khuyên bảo chúng ta! “Vì, ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của Ngài ?” (RoRm 11:34)... “Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (EsIs 55:8-9) (The Early Earth : Revised Edition, tiến sĩ John C. Whitcomb, 1986, trang 52).

Là Cơ-đốc nhân, chúng ta có biết mình tin vào điều gì không? Chúng ta có sẵn sàng để trả lời mọi người sẽ bảo chúng ta chứng minh niềm tin của chính mình chưa (IPhi 1Pr 3:15)?


TRÁI ĐẤT 6.000 NĂM TUỔI HAY 4.500.000.000 (4,5 TỈ) NĂM TUỔI


Chúng ta bất đồng với nhau về hai quan điểm này (sự sáng tạo và một trái đất trẻ với sự tiến hóa và một trái đất già) như thế nào? Kinh Thánh đặt để từ “Ban đầu” khoảng 6.000 năm trước đây. Nhiều nhà tiến hóa đặt để cái ban đầu của trái đất khoảng 4,5 tỉ năm trước. Dennis Petersen cố giúp chúng ta hiểu mức độ khác nhau giữa hai lựa chọn của đức tin này:

“Một cách để hình dung những khác biệt trong sự lựa chọn của bạn là hãy giả sử một năm tương đương với một tờ giấy trong quyển Kinh Thánh bình thường. Nếu bạn chồng vài quyển Kinh Thánh lên đến khoảng ngang đầu gối, bạn sẽ có khoảng 6.000 trang trước mặt bạn.

Bây giờ bạn cần phải có bao nhiêu quyển Kinh Thánh để xếp thành một chồng có đủ 4,5 tỉ trang?

Chồng sách đó phải cao đến cỡ 114 dặm trong không khí.

Bây giờ, bạn đang đứng giữa hai chồng sách đó, và giả sử bạn sẽ phải chọn một bên để tin vào. Tại sao nó lại làm cho bạn cảm thấy e ngại khi thừa nhận rằng bạn nghiêng về chồng Kinh Thánh tương đương khoảng 6.000 năm? Hay tại sao bạn bắt đầu chế giễu cách ngạo mạn những ai dám không đồng ý với sự kiêu ngạo theo con số hàng tỉ của bạn?” (Unlocking the Mysteries of Creation , Petersen, trang 34).

Petersen đã liệt kê 35 hoặc 40 bằng chứng chứng minh trái đất trẻ. Đây là những bằng chứng khoa học thực thụ cho thấy rằng vũ trụ còn rất trẻ - về trật tự của vài ngàn hơn là vài tỉ năm, Petersen khẳng định:

“Các khoa học gia biết trên 70 phương pháp có thể cho chúng ta biết về tuổi của trái đất. Chúng ta có thể gọi đây là những “đồng hồ địa chất” (geologic clocks). Tất cả chúng đều dựa vào những thực tế rõ ràng rằng các quá trình tự nhiên đang diễn ra đều đặn theo thời gian cho ra những kết quả lũy tích (cumulative) và thường là đo đạc được. Hầu hết những “đồng hồ” này chứng minh một trái đất trẻ tuổi. Chỉ có một số rất ít cho ra kết luận hàng tỉ năm. Những cái ít ỏi đó được công bố rộng rãi và ầm ĩ lên để chứng minh cho một thuyết đã phổ biến về sự tiến hóa” (như trên, trang 35).

Những trường hấp dẫn (gravitational fields) của mặt trời và các ngôi sao kéo bụi vũ trụ về phía chúng. Điều này được biết đến như là hiệu ứng “Poynting-Robertson.” Mặt trời của chúng ta thu nhận ước chừng 100.000 tấn bụi vũ trụ mỗi ngày. Một mặt trời già cỗi ắt hẳn đã “kéo” vào và hủy diệt tất cả những mảnh nhỏ trong Thái Dương hệ của chúng ta. Nhưng Thái Dương hệ chúng ta vẫn còn đầy dẫy những mảnh nhỏ này! Hiệu ứng Poynting-Robertson đòi hỏi phải có một mặt trời và hệ thống thái dương ít hơn 10.000 năm tuổi. Petersen khẳng định:

“Tất cả các ngôi sao đều có trường hấp dẫn và hút những vật nhỏ như khí ga, bụi và sao băng nào ở trong tầm với của nó. Các ngôi sao phóng ra một năng lượng nhanh hơn mặt trời chúng ta đến 100.000 lần có một hiệu ứng hình xoắn ốc (spiraling effect), hút mọi thứ vào nhanh hơn. Điều khác thường là hai ngôi sao O và B được quan sát có một đám mây bụi khổng lồ bao quanh chúng. Nếu chúng đã quá già, mỗi vật nhỏ nằm trong tầm tác động của trường hấp dẫn đều đã biến mất từ lâu.” (như trên, trang 44).

Hai loại ngôi sao có những đám mây bụi khổng lồ, và do đó, nó hoàn toàn trẻ. Chưa một ai từng thấy cảnh một ngôi sao ra đời, dầu rằng một số khoa học gia đã tính toán và vẽ nó trên máy vi tính và theo toán học lý thuyết, cỡ khoảng 3 ngôi sao mới sẽ được hình thành mỗi năm. Không một khoa học gia nào đã từng và sẽ được chứng kiến cảnh một ngôi sao hình thành vì Đấng Tạo Hóa đã sáng tạo tất cả những ngôi sao của Ngài vào ngày thứ tư của tuần lễ sáng tạo (SaSt 1:14-19). Vào mùa xuân 1992, một số nhà khoa học tuyên bố rằng họ đang quan sát một ngôi sao hình thành trong đám tinh vân (stellar heavens). Họ dùng những phương trình toán học khác nhau để đi đến kết luận đó. Tuy nhiên, nếu kết luận của họ trái ngược với Kinh Thánh, và điều Kinh Thánh chép, thì kết luận của họ hoàn toàn sai. Vậy chúng ta cứ ngồi chờ vài tháng hay vài năm rồi cuối cùng một nhà khoa học nào đó phải ngại ngùng mà thừa nhận rằng, “Chúng tôi quả là những người có lỗi, tất cả những bằng chứng ra đời quá tỉ mỉ đã dẫn chúng tôi đến chỗ tin rằng một ngôi sao mới đang hình thành, nhưng bây giờ chúng tôi biết rằng chúng tôi đã phạm phải sai lầm. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm để xem có ngôi sao nào mới hình thành không, rồi chúng tôi sẽ công bố cho các bạn biết chừng nào chúng tôi tìm thấy nó.” Đức Chúa Trời đã sáng tạo ngôi sao cuối cùng của Ngài từ chỗ không có gì vào ngày thứ tư trong tuần lễ sáng tạo rồi!

Những nhà thiên văn học có thể thấy những ngôi sao chết đi từ khi tội lỗi xâm nhập vũ trụ, nhưng không có một vụ “sao-sinh” (star-birth - một ngôi sao mới ra đời - ND) nào đâu; Đức Chúa Trời đã hoàn thành sự sáng tạo vũ trụ của Ngài và đã ngơi nghỉ vào ngày thứ bảy. Nếu một ngôi sao (O hay B) và/hay một Thái Dương hệ (của chúng ta chẳng hạn) có một lượng đáng kể bụi vũ trụ và các sao băng trong khoảng không chung quanh nó, nó không thể có hàng tỉ năm tuổi đâu.


ÁNH SÁNG TỪ NHỮNG NGÔI SAO XA NHẤT


Có thể bạn nghĩ rằng, “Được rồi, nhưng còn tốc độ ánh sáng và việc cần phải có hàng triệu năm thì ánh sáng từ những ngôi sao xa nhất mới có thể đến đây thì sao?“ (Đây là một trong những vấn đề tôi suy nghĩ khi đang “tiến hóa” sang một nhà sáng tạo đầu những năm 1970.) À, trước hết, làm thế nào chúng ta biết rằng phải mất hàng triệu năm thì ánh sáng từ những ngôi sao xa nhất có thể đến được trái đất? Một giáo sư tiến hóa nào đó viết ra, hay một ông Walter Cronkite hay Dan Rather hay Carl Sagan nói với chúng ta? Dường như có một vấn đề ở đây phải không nào? Điều gì xảy ra nếu bạn khám phá ra rằng ánh sáng từ những ngôi sao xa nhất có thể đến trái đất ngay tức thì (Đức Chúa Trời đã tạo dựng ngôi sao và ánh sáng phát ra từ nó chiếu thẳng đến trái đất trong tích tắc. Chúng ta không thể bỏ qua khả năng này. Chúa chúng ta có thể làm được điều đó nếu Ngài muốn) hay chỉ trong vòng 3 ngày?

Tiến sĩ Barry Setterfield đã thực hiện những nghiên cứu đáng kể về vấn đề này. Những tài liệu của ông có thể tìm thấy trong Viện Nghiên Cứu về Sáng Tạo, Box 1607, El Cajon, CA 92022. Cũng nên xem qua tác phẩm Starlight and the Age of the Universe của Richard Niessen. Setterfield và Niessen đề ra bốn giải pháp có thể cho vấn đề ánh sáng từ những ngôi sao xa nhất. Thứ nhất, khả năng hoàn toàn có thể là Đức Chúa Trời đã tạo dựng tia sáng với bề ngoài đã có tuổi (trông như đã có từ rất lâu rồi - ND). Khả năng thứ hai là khoảng cách đến các ngôi sao này đã không được tính toán một cách chính xác. Điều này rất giống như khi những phương pháp được dùng để do các khoảng cách lớn trong vũ trụ đã được giám sát chặt chẽ trong sự giao hội hành tinh (conjunction) với những giả thuyết cơ bản của lượng giác học (trigonometry). Tác phẩm #121 của I.C.R. (Viện Nghiên Cứu về Sáng Tạo) đã khẳng định, “Không có gì bảo đảm rằng những khoảng cách thật trong không gian là xa xôi như những gì chúng ta đã được nghe.” Khi bạn ra khỏi Thái Dương hệ, để đo lường chính xác khoảng cách là một vấn đề khó khăn nhất.

Điều đáng lưu tâm thứ ba là ánh sáng có thể đã đi “đường tắt” (short-cut) xuyên qua không gian. Nhiều loại toán học khác nhau và nhiều giả thuyết khác nhau cùng các phán đoán đã đề ra những quan niệm hoàn toàn khác nhau về không gian và khoảng cách trong không gian. Những gì chúng ta biết về vũ trụ và không gian hãy còn ít ỏi vô cùng. Phương cách tính toán khoảng cách trong không gian chỉ được tính toán dựa trên hệ thống các quy tắc toán học và cũng như hệ thống các định đề (postulates) cơ bản của nó mà thôi.

Không gian vũ trụ có thể phẳng, nhưng cũng có thể cong. Nếu bạn nghĩ rằng không gian vũ trụ giống như một mặt phẳng, một đường thẳng, bạn sẽ sử dụng Hình Học Ơ-clit và những định đề (giả thuyết) của nó. Hình Học Ơ-clit được sử dụng để tính toán những khoảng cách rất lớn trong vũ trụ. Những tính toán của nó, phần lớn, là những tính toán trên đường thẳng.

Nhưng điều gì xảy ra nếu vũ trụ của chúng ta không thể đo lường bằng loại toán học đường thẳng từ nơi này đến nơi kia? Điều đó có nghĩa là tất cả những ngôi sao xa nhất có thể trở nên gần hơn nhiều so với những gì các sách giáo khoa dạy.


HÌNH HỌC PHI Ơ-CLIT (NON-EUCLIDEAN GEOMETRY)


Một phương cách hợp lý khác để tính toán khoảng cách ngoài không gian là dùng toán học Riemannian. Toán học Riemannian được phân loại thuộc vào nhóm hình học phi Ơ-clit. Nó nêu giả thuyết là không gian vũ trụ bị cong. Từ đó, hình học phi Ơ-clit cho ra những khoảng cách ngắn hơn từ trái đất đến các ngôi sao xa nhất. Niessen đã ghi lại những bài báo của Harnold Slusher (Age of the Cosmos , I.C.R. 1980) và Wayne Zage (The Geometry of Binocular Visual Space , tạp chí Mathematics số 53, 12/1980). Hai mươi bảy hệ thống hai ngôi sao quay quanh nhau (binary star systems) đã được quan sát, và nó cho thấy rằng ánh sáng đi thành những đường cong trong vũ trụ. Nếu bạn đổi con tính đường thẳng từ hình học Ơ-clit sang đường cong toán học Riemannian, ánh sáng có thể đi từ những ngôi sao xa nhất đến trái đất trong vòng 15,71 năm, theo như Niessen ghi nhận. Con số này ít hơn hàng triệu năm phải không nào? Hình học phi Ơ-clit có phù hợp không khi nó cho thấy những khoảng cách ngắn hơn từ những ngôi sao xa nhất? HSM Coxeter đã xuất bản một cuốn sách bị lãng quên năm 1942, tựa đề: Hình Học Phi Ơ-clit (Non-Euclidean Geometry). Coxeter khẳng định: “...Chúng ta vẫn không thể quyết định là thế giới thực bên ngoài không gian là Ơ-clit hay phi Ơ-clit (_).” Các khoa học gia không biết đâu là cách thích hợp để đo lường không gian cho đúng với thực tại của nó! Họ còn không chắc không gian vũ trụ bên ngoài như thế nào. Họ chưa từng ở đó (ra khỏi Thái Dương hệ và xa hơn nữa - ND) và không hề biết nó có hình dạng gì. Mọi thứ đủ gần với Thái Dương hệ của chúng ta để lấy những con số đo đạc và chính chúng (dầu rằng tất cả những cái này vẫn còn chứa đựng những giả thuyết) cho thấy dường như nó có hình cong dương (positive curvature). Điều đó có nghĩa là phương cách của Riemann về việc đo khoảng cách trong không gian có vẻ đúng hơn so với các phương pháp đo Ơ-clit. Niessen, khi đó, có được cơ hội còn tốt hơn khi ông đưa ra con số 15,71 năm để ánh sáng từ một ngôi sao xa nhất có thể đến hành tinh trái đất.


TỐC ĐỘ CỦA ÁNH SÁNG


Niessen thêm một nhân tố nữa: tốc độ ánh sáng. Các nhà khoa học đã tiến hành đo đạc tốc độ ánh sáng trên 300 năm nay, và nó có vẻ như đang chậm lại. Sử dụng phương trình để ngoại suy (extrapolate) trở lại, các phương trình có những con số được khảo sát và được ghi nhận cho việc chậm lại của tốc độ ánh sáng (bạn càng lùi trở lại quá khứ bao xa thì ánh sáng càng đi nhanh bấy nhiêu), ánh sáng từ một ngôi sao cách chúng ta năm tỉ năm ánh sáng (giả sử ngôi sao đó ở xa chúng ta đúng khoảng cách đó) có thể tới trái đất chỉ trong vòng 3 ngày!

Bạn đi đến kết luận gì từ những điều cơ bản ở trên? Bạn không cần phải tin khi một sách giáo khoa hay một nhà khoa học nào đó trong bộ áo trắng của phòng thí nghiệm nói với bạn rằng những ngôi sao ở cách xa chúng ta đến hàng triệu năm ánh sáng và có lẽ đến hàng tỉ tỉ dặm. Chẳng có bằng chứng vững chắc hay không thể bác bỏ được nào ở đây để chứng minh một vũ trụ đã 9 đến 20 tỉ năm tuổi.

Thế con số từ 9 đến 20 tỉ năm từ đâu ra? Một người tên là Hubble (bạn còn nhớ viễn vọng kính Hubble đã được đưa vào vũ trụ thời gian gần đây không?) đã xuất hiện với một công thức toán học lý thuyết để đo khoảng thời gian trở lại Vụ Nổ Lớn ban đầu. Những tính toán của ông ban đầu cho ra con số từ 18 đến 20 tỉ năm cho tuổi của vũ trụ. Rồi vài năm trước đây, một số các khoa học gia khác đã quyết định công bố rằng Hubble đã phạm phải sai lầm, rằng những tính toán của ông chỉ đúng 50%. Vì thế, tuổi của vũ trụ bị cắt xuống còn một nửa (từ 18-20 tỉ năm xuống còn 9-10 tỉ năm) bằng cuộc chiến trên giấy bút (stroke of pen). Một số khoa học gia vẫn còn giữ con số 20 tỉ năm. Họ nhận thấy rằng ngay cả 20 tỉ năm về mặt thống kê mà nói vẫn chưa đủ để vũ trụ tiến hóa.


SỰ ĐỐT CHÁY NĂNG LƯỢNG TRÊN CÁC NGÔI SAO


Bây giờ, chúng ta hãy trở lại và khảo sát thêm một số bằng chứng về một trái đất trẻ. Các nhà thiên văn học tính toán rằng những ngôi sao “O” và “B” có thể có nhiệt độ bề mặt lên đến 90.000oF (49.982,2oC). Điều đó có nghĩa là nó “...lớn hơn 100.000 lần so với năng lượng thoát ra từ mặt trời của chúng ta. Cứ đốt cháy lần theo tỉ lệ đó, và tính thời gian ngược lại, toàn thể vũ trụ chúng ta đầy dẫy những ngôi sao như thế chỉ khoảng vài ngàn năm trước đây!” (Petersen, trang 44).

Một số nhà tiến hóa sẽ phản đối, “Nhưng anh không thể lấy những quá trình hiện tại rồi lại ngoại suy trở lại như thế được.” Thế thì, các nhà tiến hóa làm gì để tìm ra và công bố những niên đại quá lâu đời của họ? Cũng vậy thôi! Họ ước lượng từ những quá trình diễn ra trong hiện tại chẳng hạn tỉ lệ phân rã (chu kỳ bán phân rã), và ngoại suy trở lại, cho rằng mọi thứ đều cứ như là ban đầu (I Phi-e-rơ 3).


NHỮNG CÂY THÔNG LÁ NHỌN, CỨNG VÀ CÓ HÌNH NÓN


Nếu trận lụt Thánh Kinh diễn ra khoảng 5.000 năm trước và phá hủy toàn bộ dạng sống thực vật trên cạn, thế thì chúng ta không thể tìm thấy cây cỏ nào có tuổi lớn hơn khoảng 5.000 năm. Cây thông lá nhọn, hình nón là một cây như thế đấy. Nó được gọi là một sinh vật lâu đời nhất trên đất và đã được tính toán niên đại cách chính xác vào khoảng 5.000 năm. Petersen khẳng định, “Hầu như tất cả những cây này đã được trồng trên mặt đất mới nguyên chỉ 5.000 năm trước” (Petersen, trang 38).


CÁC CON SÔNG CÒN TRẺ


Mỗi năm, dòng sông Mississippi mang hàng tấn và hàng tấn đất bị xói mòn đổ vào vịnh Mê-xi-cô. Các khoa học gia đã tiến hành đo lường sự phát triển của vùng đồng bằng sông Mississippi trong nhiều năm.

“Với tỉ lệ hiện tại, toàn thể vùng đồng bằng châu thổ sông Mississippi chỉ mới tích tụ trong khoảng 5.000 năm mà thôi. Nhưng khoa học biết rằng trong quá khứ, con sông này lớn hơn nhiều. Làm sao có thể như thế được? Dĩ nhiên là chỉ trừ khi lục địa Bắc Mỹ, và tất cả các lục địa khác cũng vậy, đã tồn tại ở đó cũng với khoảng thời gian lâu như thế.” (Petersen, trang 38). Một dòng sông khác mà các nhà khoa học cẩn thận xem xét là sông Niagara. Nó cũng dẫn đến việc kết luận rằng trái đất còn trẻ.

“Vì bờ thác của nó sạt lở theo cùng một tỉ lệ hàng năm, và những nhà cổ sinh vật học đã nhận ra rằng nó chỉ có thể tồn tại được chừng 5.000 năm để có kích thước như hiện tại khi so với kích thước nguyên thủy của nó.” (Petersen, trang 39).

Thường những khối bùn và đá dưới chân các thác nước, chẳng hạn thác Niagara, sẽ bị vỡ vụn ra, cho thấy những niên đại còn thấp hơn. Giả sử khoảng 200 năm sau, bạn quyết định bắt đầu tính toán tuổi của thác Niagara, nhưng bạn chưa biết rằng năm 1994, một phần đá lớn đã bị vỡ ra từ rìa thác. Bạn sẽ giả định rằng nó tốn đến hàng ngàn năm để cuốn đi nguyên cả khối đá đó khỏi bờ thác, nhưng thực tế việc đó xảy ra chỉ trong một tích tắc. Bạn sẽ cho rằng tuổi của cái thác già hơn nhiều so với tuổi thực sự của nó. Loại sai lầm này là những điều các khoa học gia thường mắc phải khi cố gắng xác định niên đại mọi thứ.


MẶT TRĂNG ĐANG XA DẦN


Một bằng chứng nữa chứng minh trái đất trẻ đó là mặt trăng đang xa dần của chúng ta. Các nhà khoa học biết mặt trăng dạt ra khỏi trái đất nhanh như thế nào (khoảng 2 inch một năm). Louis B. Slichter, giáo sư địa lý tại MIT viết:

“Tỉ lệ thời gian (time scale) của hệ mặt trăng và trái đất vẫn còn là một vấn đề lớn.” (Journal of Geophysical Research , số 14, 1964, bài “Secular Effects of Tidal Friction upon the Earth’s Rotation ”).

Dennis Petersen tiếp: “...Tính ngược trở lại, mặt trăng tách ra khỏi trái đất khoảng 2 tỉ năm trước đây. Dĩ nhiên, điều đó thật buồn cười. Nhìn từ một góc độ khác: Với tốc độ hiện thời và bắt đầu từ một khoảng cách thực, nếu trái đất đã 5 tỉ tuổi, thì hiện tại, mặt trăng sẽ bị biến khỏi tầm nhìn!” (Petersen, trang 43).


ĐÁ MẶT TRĂNG


Khi những hòn đá đầu tiên trên mặt trăng được xác định niên đại vào những năm 1970, NASA công bố tuổi của đá vào khoảng 4 đến 4,5 tỉ năm. Vài năm sau, và nhiều hòn đá sau đó được đem về, họ lại công bố rằng tuổi của những hòn đá trên mặt trăng nằm trong dãy từ 3 đến 4,5 tỉ năm. Tôi đã gọi điện cho một trong số những nhà địa chất học, người xác định niên đại của đá và cuộc hội thoại diễn ra như sau:

“Tôi chú ý thấy là những tin tức gần đây cho biết rằng tuổi của đá mặt trăng đã được điều chỉnh trong dãy (range) 1,5 tỉ năm. Đó quả là một khác biệt quá lớn về ngày tháng! Có dãy nào còn lớn hơn như thế chăng?”

“Ồ có chứ, một dãy kéo dài từ vài ngàn năm đến 20 tỉ năm.”

“Thế thì, tại sao NASA chỉ công bố con số 1,5 tỉ năm thay vì dãy 20+ tỉ năm?”

“Chúng tôi không muốn làm cho công chúng hoang mang. Chúng tôi biết mặt trăng đã được khoảng 3 đến 4,5 tỉ năm, vì thế chúng tôi gọi những niên đại nằm ngoài dãy đó là không phù hợp và bỏ chúng đi.”

Rõ ràng là một số nhà khoa học đã quyết định rằng mặt trăng khoảng 3 đến 4,5 tỉ năm từ trước. Điều gì xảy ra nếu, bất luận niềm tin nơi sự phỏng đoán trước đó của họ, niên đại vài ngàn năm là đúng và phù hợp? À, điều đó sẽ ủng hộ sự sáng tạo đặc biệt và đánh đổ khả năng có thể của tiến hóa (vốn đòi hỏi phải tốn nhiều triệu năm ròng). NASA làm như vậy thật không thể chấp nhận được. Hay chuyện gì sẽ xảy ra nếu con số 20+ tỉ năm là đúng? Điều đó đánh đổ những tính toán của Hubble, và thời điểm của Vụ Nổ Lớn một lần nữa lại bị “túm lấy.” Các nhà khoa học này có thể phản đối, nói rằng: “Nhưng chúng tôi dùng một đường cong có hình cái chuông (bell-shaped curve) để đi đến kết luận về những niên đại của chúng ta.” Thế thì điều gì xảy ra nếu những giả thuyết mà họ đã dựng nên để tính toán niên đại lại uốn đường cong đó theo một chiều khác thì sao? Chúng ta thảy đã biết rằng 3 giả thuyết chính (đề cập trong phần đầu của chương) luôn luôn được áp dụng khi các khoa học gia tính toán niên đại đều không phù hợp.

Bạn có thể hỏi một nhà thiên văn khác rằng mặt trăng của chúng ta và những hòn đá trên nó từ đâu tới. Một số câu trả lời kỳ khôi sẽ đang chờ đón bạn! Các khoa học gia tiến hóa chẳng hề biết từ đâu mặt trăng tới cả. Một nhà sáng tạo tin rằng Thượng Đế của Thánh Kinh đã tạo dựng mặt trăng, mặt trời và các ngôi sao vào ngày thứ tư của tuần lễ sáng tạo (SaSt 1:14-19). Không hề có thông tin khoa học thực tế, vững chắc nào bác bỏ việc mặt trăng vẫn còn rất trẻ. Tất cả những niên đại già nua được gán cho mặt trăng đều không chính xác vì chính những giả thuyết đề ra trong kỹ thuật tính niên đại hoàn toàn không phù hợp với thực tại (vũ trụ - ND).


NHỮNG SAO CHỔI NGẮN HẠN (SHORT-TERM COMETS)


Hết lần này sang lần khác, các sao chổi lướt ngang qua trái đất. Chẳng những các khoa học gia không thể nói với chúng ta mặt trăng đến từ đâu, họ cũng chẳng thể nói với chúng ta các sao chổi có cội nguồn là gì hay ở đâu. Các sao chổi mà những nhà thiên văn học đã tính toán có cuộc đời không nhiều hơn 10.000 năm. Nếu tuổi vũ trụ ở vào khoảng nào đó giữa 9 đến 20 tỉ năm, và các thiên thể được hình thành từ Vụ Nổ Lớn, tiến hóa bị đẩy vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan cam go vì phải đề ra các giả thuyết về những sao chổi tồn tại trong những khoảng thời gian ngắn, vốn nó chẳng thể chứng minh. Dầu sao đi nữa, bạn ắt sẽ phải thán phục trí tưởng tượng của những con người này. Một số thực sự tin rằng sao Mộc phóng ra những sao chổi từ những ngọn núi lửa cao ngất của nó. Vấn đề duy nhất là những sao chổi tồn tại trong một thời gian ngắn chẳng phải được tạo nên từ sao Mộc, và quỹ đạo của chúng chứng tỏ chúng chẳng liên quan gì đến sao Mộc, đừng nói là “mẹ.” Scott Huse nói rằng:

“Những sao chổi bay quanh mặt trời được cho là có cùng tuổi với Thái Dương hệ. Mỗi lần một sao chổi quay quanh mặt trời, một phần nhỏ khối lượng của nó bị đốt nóng đến bốc hơi. Những cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng cho thấy rằng ảnh hưởng của sự đốt nóng (vật chất - ND) đến bốc hơi và biến đi này tác động vào những sao chổi ngắn hạn sẽ làm chúng bốc hơi hoàn toàn trong khoảng 10.000 năm. Dựa trên dữ kiện rằng vẫn còn có hằng hà sa số sao chổi đang bay chung quanh mặt trời, mà lại chẳng có một nơi nào trong vũ trụ sản sinh ra những sao chổi mới được biết đến (tức là không hề có sao chổi mới ra đời - ND), chúng ta có thể suy ra rằng Thái Dương hệ của chúng ta không thể già hơn 10.000 năm tuổi. Cho tới ngày nay, không có lời giải thích thỏa đáng nào để đánh đổ bằng chứng này về một Thái Dương hệ trẻ tuổi của chúng ta.” (The Colapse of Evolution , Scott Huse, trang 28, 29).


TỪ TRƯỜNG CỦA TRÁI ĐẤT


Một thí nghiệm về từ trường trái đất chứng minh rằng trái đất không thể quá già, vì từ trường trái đất đang giảm dần sức hút của nó. Tiến sĩ Thomas Barnes đã làm hàng loạt các thí nghiệm về sự sút giảm của từ trường trái đất. Kết luận từ những công việc của ông cho thấy rằng tuổi trái đất thấp hơn 10.000 năm (Origin and Destiny of the Earth’s Magnetic Field , Barnes, 1973). Một cách tự nhiên mà nói, cộng đồng tiến hóa cho rằng công việc của Barnes là không đúng, nhưng Barnes đáp lời cho sự cáo buộc của họ một cách hoàn toàn đơn giản và hiệu quả trong quyển sách #122 của I.C.R. vào tháng 8/1983 với tiêu đề: Tuổi Của Từ Trường Trái Đất: Tử Điểm Của Tiến Hóa (Earth’s Magnetic Age: The Achilles Heel of Evolution ). Từ trường trái đất ngày càng trở nên yếu đi và người ta có thể đo đạc được điều đó.10.000 năm trước, nó có thể đã quá mạnh nên không thể duy trì sự sống . Nếu sự sống không thể tồn tại khoảng 10.000 trước đây vì sức mạnh siêu hạng của từ trường trái đất, thì tiến hóa không có thời gian để xảy ra.


MẶT TRỜI CỦA CHÚNG TA ĐANG CO LẠI


Gần đây, một cuộc tranh cãi đã nổi lên về sự co lại (shrinking) của mặt trời. Nếu những tính toán của John Eddy và Adam Boornazian là đúng (Analysis of Historical Data Suggest the Sun is Shrinking, tờ báo Vật Lý Thời Nay (Physics Today ), số 32, tháng 9/1979), thì 1 triệu năm trước đây, mặt trời quá nóng để sự sống có thể tồn tại trên mặt đất. Điều này sẽ đánh đổ khả năng về những khoảng thời gian dài mà tiến hóa đòi hỏi. Các nhà tiến hóa và những nhà tiến hóa hữu thần đã nhảy vào và chứng minh Eddy sai. Những người khác bây giờ lại tuyên bố các đo đạc về sao Thủy quay quanh mặt trời hàng năm chứng tỏ rằng kích cỡ của mặt trời vẫn không thay đổi. Chúng ta sẽ chờ xem vấn đề này sẽ đi đến đâu (_).


NHỮNG VÒNG PHÓNG XẠ (RADIOHALOS)


Một bằng chứng không thể bác bỏ chứng minh trái đất chúng ta còn trẻ đã được Robert V. Gentry đưa ra qua những nghiên cứu của ông về những vòng phóng xạ trong gỗ đã hóa thành than đá. Những nhà tiến hóa tin rằng than đá tại cao nguyên Colorado đã có hàng trăm triệu năm tuổi. Nhưng cái “đồng hồ” vòng phóng xạ (radio-halo clock) của Gentry lại cho ra khoảng thời gian chỉ vài ngàn năm.

Gentry khám phá ra rằng có một lượng rất nhỏ uranium trong các mỏ than đá này. Tác động của phóng xạ uranium (radioactive uranium) sẽ hình thành nên những vòng phóng xạ trên than. “Khi các mẫu uranium phân rã, tia phóng xạ tỏa ra khắp các hướng và xâm nhập vào trong than dù với một khoảng cách ngắn nhưng rất chính xác điều này được quyết định do chính năng lượng phóng xạ. Theo thời gian, lượng phóng xạ được phóng ra này sẽ làm thay đổi màu của than đá, tạo nên một hình cầu phân biệt và rất dễ thấy chung quanh trung tâm của lượng uranium. Những hình cầu nhỏ xíu này có màu khác hơn màu của than đá, bao quanh trung tâm của khối uranium rất nhỏ (phải dùng đến kính hiển vi mới thấy - ND) được gọi là những vòng phóng xạ. Những vòng phóng xạ đó là chuyên môn của Gentry.” (It’s a Young World After All: Exciting Evidences for Recent Creation , Paul D. Ackerman, 1986, trang 104, 105). Làm thế nào một chút xíu uranium đó lại có ở trong than đá và hình thành nên những cái vòng đó? Ackerman viết tiếp:

“Xem xét trung tâm phóng xạ, một lượng rất nhỏ uranium đã, vào lúc nào đó trong quá khứ, có ở đó trước khi gỗ cứng lại thành ra than đá. Khi khối uranium trải qua quá trình phân rã, một lượng chì được tạo thành. Một khi than đá đã hình thành và khối uranium bị đóng kín bên trong, đồng vị của chì bắt đầu tích lũy ngay tại chỗ đó...

Gentry đã tìm thấy tỉ số uranium/chì tại mỏ than ở cao nguyên Colorado trong cấu trúc của than và những thông tin này khẳng định rằng nó chỉ mới vài ngàn tuổi.” (như trên, trang 105). Những cái vòng bao quanh khối chất phóng xạ tí xíu trong than đá và đã cho biết tuổi của than đá chỉ mới vài ngàn năm mà thôi. Than đá ở cao nguyên Colorado có lẽ đã được hình thành từ suốt thời kỳ đoán phạt thế giới bằng nước lụt trong thời Nô-ê, khi Đức Chúa Trời hủy diệt hệ thống trời và đất #1.

Gentry cũng tìm thấy những vòng như vậy của poloni ở đá gra-nít tại Precambrian. Đây là những hòn đá người ta cho là cao tuổi nhất trên địa cầu. Đá Precambrian được gọi là đá mẹ (basement rock) của đất vì người ta cho rằng nó cổ xưa hơn hết thảy những thứ đá khác. Ackerman ghi lại công việc của Gentry:

“Câu hỏi Gentry đặt ra cho những nhà tiến hóa là làm sao poloni cũng như những cái vòng của chúng xuất hiện trong loại đá mẹ gra-nít (basemen granite)...

Điều khó hiểu là: Nếu đá gra-nít đã chai cứng lại, thì poloni không thể xâm nhập vào ngay chỗ của nó hiện giờ. Nhưng nếu đá gra-nít không cứng, thì không một cái vòng nào có thể hình thành cả. Vì thế, Gentry nói rằng khoảng thời gian chuyển từ trạng thái thẩm thấu qua được, và còn lỏng thành trạng thái hiện nay của đá gra-nít là cực ngắn. Ngắn như thế nào? Khi nghiên cứu một đồng vị của poloni, Gentry phát hiện rằng chu kỳ bán phân rã của nó chỉ kéo dài 3 phút! Một đồng vị khác của nó có chu kỳ bán phân rã chỉ kéo dài trong 164 phần triệu giây (microseconds)!

Theo thuyết tiến hóa, thời gian cần thiết cho việc nguội dần và đặc cứng của loại đá gra-nít này kéo dài đến hàng triệu và hàng triệu năm. Gentry tin rằng những vòng tròn này là một bằng chứng mạnh mẽ chống lại tiến hóa và việc đòi hỏi quá nhiều thời gian của nó. Ông tin rằng những vòng tròn này nói lên sự định hình (formation) rất nhanh chóng của những hòn đá cứng chắc này” (_) (như trên, trang 108-110).

Những vòng phóng xạ trong đá mẹ Precambrian có thể khẳng định một tuổi thọ ngắn của những hòn đá “lâu đời nhất.” trên địa cầu. Walter T. Brown, Jr.,(In The Beginning), đã liệt kê khoảng 30 đồng hồ cho việc định tuổi của quả đất với con số chừng vài ngàn năm. Ông đề cập đến một sự phân tích các khí (chẳng hạn khí heli) trong bầu khí quyển và đưa ra một niên đại trẻ (vài ngàn năm) cho tuổi của bầu khí quyển. Trầm tích của các con sông và tỉ lệ xói mòn khẳng định rằng trái đất không thể tồn tại lâu đến hàng triệu năm.


CÁC VÀNH ĐAI HÀNH TINH (PLANETARY RINGS)


Một cuộc nghiên cứu về các vành đai bao quanh vài hành tinh cũng đưa ra một niên đại trẻ trung cho Thái Dương hệ chúng ta.

“Vành đai bao quanh sao Thổ, sao Uranus, sao Mộc, sao Hải Vương đã nhanh chóng bị bắn phá bởi các vẩn thạch. Vành đai sao Thổ chẳng hạn, sẽ bị phá hủy trong 10.000 năm. Do điều này chưa xảy ra, các vành đai hành tinh vẫn còn rất trẻ...

Sao Mộc và sao Thổ phát ra một năng lượng gấp đôi số năng lượng chúng nhận từ mặt trời. Sao Kim cũng phát ra rất nhiều năng lượng. Các tính toán cho thấy nguồn năng lượng này hình như không phải đến từ sự nấu chảy hạt nhân (nuclear fusion), cũng không phải do sự phân rã phóng xạ, càng không phải sự gia giảm trọng lực (gravitational contraction) hay những thay đổi pha (phase changes) với các hành tinh đó. Chỉ có một giải thích có thể chấp nhận được đó là những hành tinh này còn quá trẻ nên chưa đủ thời gian để nguội đi.” (như trên, trang 18).


CÁC CHÒM SAO (STAR CLUSTERS)


Sự tồn tại của các chòm sao gợi cho chúng ta một vũ trụ trẻ. Những chòm sao của các ngôi sao dày đặc đang di chuyển trong vũ trụ với tốc độ siêu âm. Các nhà khoa học tin rằng chính trọng lực duy trì những ngôi sao đang đi nhanh này co cụm lại với nhau. Nhưng các nhà khoa học không biết làm thế nào mà những ngôi sao này có thể co cụm lại với nhau qua suốt hàng triệu năm trong khi đang di chuyển với tốc độ nhanh như vậy. Chúng ắt hẳn đã tách ra và tan thành từng phần. Nhưng chúng vẫn là một chòm sao. Câu trả lời duy nhất cho vấn đề tiến thoái lưỡng nan này của các nhà tiến hóa đó là sự sáng tạo vài ngàn năm trước, chứ không phải Vụ Nổ Lớn hàng tỉ năm về trước.


NGỌN NÚI ST. HELENS


Khi tất cả những bằng chứng khác được đưa ra hòng minh chứng cho một vũ trụ lâu đời đã sụp đổ, các nhà tiến hóa trở lại với những hòn đá và các cấu trúc của đá, cái mà người ta nghĩ rằng cần phải tiêu tốn nhiều khoảng thời gian dài để hình thành. Vụ nổ ngọn St. Helens vào 18/05/1980, và sự hình thành nhanh chóng của những hệ thống địa chất (geologic systems) quanh nó là một thách thức trước những lời tuyên bố của địa chất lịch sử (historical geology). Tiến sĩ Steve Austin và đội ngũ thuộc Viện Nghiên Cứu về Sáng Tạo đã ghi lại biến cố vụ nổ của ngọn St. Helens. Một số kết quả đáng ngạc nhiên về việc núi lửa phun trào đã đang được nghiên cứu.

“Một vỉa đá dày đến 600 bộ (khoảng 200 m) đã được hình thành từ 1980 tại ngọn St. Helens. Những khoáng sản chồng chất lên nhau, từ vụ nổ khí, lở đất, sóng trên hồ, những dòng chảy của các khoáng chất đổi màu (pyroclastic flows), những dòng chảy của bùn, khí lắng đọng (air fall) và nước từ các con suối...Ngọn St. Helens cho chúng ta biết rằng những lớp phân tầng (stratified layers) thông thường hình thành những đặc tính cấu trúc địa chất có thể được hình thành rất nhanh chóng qua các quá trình chảy (flow processes)” (Mount St. Helens and Catastrophism , I.C.R. #157, 1986, trang 1, 2).

Nói cách khác, những gì các nhà địa chất học nghĩ phải mất hàng ngàn hay hàng trăm ngàn năm mới hình thành như một cột đá (column of rock) thì trên thực tế đã hình thành tại ngọn St. Helens, dưới sự quan sát của các nhà khoa học, chỉ trong không đầy 11 năm! Có lẽ để hình thành những vỉa đá, thật sự chẳng cần đến hàng thiên niên kỷ gì cả.

Một hiện tượng thú vị khác tại ngọn St. Helens trong vụ nổ có tính địa chất lớn là cấu trúc biểu kiến (apparent formation) của những cái ban đầu (the beginnings) của polystrate hóa thạch trong vòng 5 năm. Năm 1985, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng những loài cây ngậm nước (water-soaked) nổi lên trên còn rễ thì cắm sâu xuống tận đáy hồ Spirit. Những cây này: “...ngẫu nhiên không mọc thành bụi, trên đáy hồ, và có bề ngoài giống như một khu rừng ở đúng chỗ (in situ) của nó.

Việc lặn sâu xuống dưới nghiên cứu những thân cây trầm tích thẳng đứng cho thấy rằng một số đã bị chôn vùi rất chặt bởi quá trình trầm tích (sedimentation), với lớp trầm tích dày hơn 3 bộ quanh gốc của chúng. Điều này cho thấy rằng những cây đứng thẳng đã bị trầm tích hóa (deposited) vào những thời điểm khác nhau, và những bộ rễ của chúng được chôn ở nhiều lớp khác nhau. Nếu đã được tìm thấy trong các địa tầng (straigraphic record), những cây này có thể được coi là các khu rừng rậm mọc trên nhiều lớp khác nhau qua những thời kỳ khác nhau trong khoảng vài ngàn năm. Những gốc cây trầm tích thẳng đứng ở hồ Spirit là những gợi ý đáng lưu tâm cho việc làm sáng tỏ ‘những khu rừng hóa thạch’ trong lớp đá trầm tích(Austin, ICR #157, trang iii).

Tất cả điều này có nghĩa gì? Có một bãi trầm tích các hóa thạch (một cây mọc thẳng qua vài địa tầng hay vỉa đá trầm tích) tại Nova Scotia dày trên 2.000 bộ với những cái cây đứng thẳng và ngã ngang ở nhiều lớp khác nhau xuyên qua các vỉa đá. Những nhà địa chất học đã tuyên bố rằng một cấu trúc địa tầng như cấu trúc ở tại Nova Scotia này phải mất hàng trăm hay hàng ngàn năm mới hình thành. Sau khi nghiên cứu những cây ngậm nước ở hồ Spirit, các nhà khoa học đang xem xét lại. Có lẽ không tốn nhiều thời gian để hình thành những hóa thạch polystrate (các hóa thạch của nhiều lớp trầm tích - ND) như trước đây người ta đã từng nghĩ. Những cây đó ở hồ Spirit đang đứng thẳng thì bị chôn trong mớ vật chất sau này trở thành đá trầm tích - nhưng chỉ cần khoảng thời gian không nhiều hơn 14 năm, chẳng phải hàng trăm hay hàng ngàn năm!

Một trái đất trẻ trung đã được ủng hộ với nhiều bằng chứng như thế, những bằng chứng chỉ có thể trả lời với một địa cầu đã từng là một nhà kính và thình lình (trong trận Đại Hồng Thủy), hai đầu cực đã trở nên băng giá vĩnh cửu, thì tại sao những nhà tiến hóa vẫn cứ bám vào học thuyết của họ? Chỉ một câu trả lời đáng tin cậy mà thôi: Họ không muốn hạ mình xuống, khiêm cung mà vâng phục chính Đấng Tạo Hóa của họ. Họ từ chối chấp nhận Thượng Đế dẫu rằng Ngài đã bày tỏ chính mình Ngài cho họ qua sự sáng tạo. Tiến hóa từ một phân tử đến người là một lời dối trá và là một suy đoán xuẩn ngốc của những con người phản nghịch lại Đấng Tạo Hóa của họ.

“Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật. Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa, song cứ lầm lạc trong ý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại” (RoRm 1:18-22).


TẠO VẬT KỲ DIỆU CỦA THƯỢNG ĐẾ


* CON CHIM GÕ KIẾN *

Nếu có loài động vật nào phá vỡ hết những quy luật của tiến hóa theo cách mà nó không thể tiến hóa được, thì nó cần phải có một Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo nên nó. Con chim gõ kiến là một trong những loài động vật đó.

Cái mỏ của con chim gõ kiến không giống với cái mỏ của những loài chim khác. Nó đã được thiết kế để gõ thủng những thân cây cứng cáp nhất. Nếu con chim gõ kiến tiến hóa, làm thế nào nó phát triển cái mỏ dày và chắc này? Chúng ta hãy giả sử một con chim nào đó nghĩ rằng phải có tất cả những loài côn trùng (critters) nhỏ bé bên dưới vỏ cây để làm thức ăn cho nó. Con chim này quyết định khoét một lỗ xuyên qua vỏ cây và vào cả thân cây cứng. Ngay cú gõ đầu tiên, con chim này đã gặp phải vấn đề với phương cách của mình. Cái mỏ của nó bị vỡ ra khi nó gõ mãi vào thân cây, lông đuôi nó rụng ra, và nó bị chứng đau nửa đầu rất nặng.

Với một cái mỏ đã bị vỡ, một con chim bé nhỏ không thể ăn và thế là nó chết. Thế là bây giờ con chim bắt đầu nghĩ, “Ta phải tiến hóa để có một cái mỏ dày hơn và lông đuôi chắc hơn và một cái gì đó giúp ta tránh được cơn đau đầu.” Dĩ nhiên là không. Những con vật đã chết chẳng thể tiến hóa được. Nhưng con chim gõ kiến không chỉ có một cái mỏ “cứng như thép,” mà nó cũng có một cái sụn giữa phần đầu và phần mỏ để hấp thu những chấn động từ việc gõ mỏ liên tục vào thân cây. Những con chim gõ kiến trở về tổ, và đầu chẳng đau nhức gì hết.

Để giúp tiêu hao các chấn động từ việc gõ mỏ liên tục, con chim gõ kiến có những cái lông đuôi đàn hồi độc nhất vô nhị. Nó dùng những cọng lông đuôi của mình và đôi bàn chân mà hình thành một cái “kiềng ba chân” (tripod effect) khi nó đeo trên cây. Ngay cả chân nó cũng đã được tạo dựng cách đặc biệt để giúp nó đi lên, đi xuống, đi qua, đi lại và quay vòng các thân cây cách dễ dàng. Bàn chân của con chim gõ kiến có hai ngón ở phía trước và hai ngón ở phía sau. Hầu hết các loài chim khác có ba ngón phía trước và một ngón phía sau.

“Kiểu bàn chân”hai cộng hai” (2-plus-2) ngón này cùng với những cọng lông đuôi cứng nhưng co giãn được (đàn hồi - elastic) cho phép một con chim gõ kiến bám chặt vào thân cây và làm cân bằng chính mình trên một bề mặt thẳng đứng. Khi con chim gõ kiến đu trên cây để đục một cái lỗ, lông đuôi của nó uốn cong và xòe rộng ra, chống đỡ vào thân cây xù xì. Theo cách này, chân và lông của nó làm thành một cái kiềng ba chân hiệu quả để giữ thăng bằng trong khi gõ liên tục vào thân cây.” (The Natural Limits to Biological Change , Lane P. Lester và Raymond G. Bohlin, 1984, trang 24).

Giả sử bằng một cách nào đó, có một con chim biết rằng có thức ăn bên dưới vỏ cây, nó phát triển một cái mỏ khỏe, cứng, một khối sụn giảm sốc giữa phần đầu và phần mỏ, phát triển khả năng di chuyển đầu của nó nhanh hơn bạn búng ngón tay của mình, phát triển bàn chân “hai cộng hai” ngón và những cọng lông đuôi cứng nhưng đàn hồi được. Con chim này vẫn còn gặp phải một vấn đề lớn. Nó sẽ chết đói. Làm thế nào nó kéo được con mồi của mình ra khỏi những đường đi bé xíu của loài côn trùng trong thân cây? Bạn có bao giờ thử kéo một ấu trùng của một loài côn trùng nào đấy ra khỏi chỗ ở của nó xem? Nó bám chặt lắm!

Đức Chúa Trời đã chăm sóc con chim gõ kiến cách diệu kỳ bằng cách tạo cho nó một cái lưỡi dài hơn cái lưỡi của những con chim bình thường đến vài lần. Lester và Bohlin nói:

“...Cái lưỡi của một con chim gõ kiến tự nó đã là một loại đặc biệt. Khi đục vào thân cây, con chim gõ kiến thỉnh thoảng bắt gặp những đường đi của các loài côn trùng. Lưỡi của nó vừa dài lại vừa nhỏ và nó dùng để dò tìm côn trùng trong những “đường hầm” này. Phần đầu lưỡi trông giống như đầu của một cái chĩa mũi nhọn với một số gai (barbs) hay lông (hairs) hướng về phía sau. Những cái này giữ chặt con côn trùng khi cái lưỡi mang nó vào trong miệng. Một chất dính giống như keo bao phủ cái lưỡi cũng giúp ích rất nhiều cho quá trình này.” (như trên, trang 24).

Thật là một tạo vật kỳ thú! Con chim gõ kiến không chỉ có những cái gai nhỏ ở đầu lưỡi, nó cũng có một “nhà máy sản xuất keo mi ni.” Và chất keo dính đảm bảo cho những con côn trùng khỏi tuột mất, nhưng không hề dính vào cái mỏ của con chim gõ kiến. Sự sáng tạo của Đức Chúa Trời quả là tuyệt vời phải không!

Nhưng chưa hết đâu. Hầu hết các loài chim đều có một cái lưỡi và cái mỏ cùng chiều dài với nhau. Lưỡi của con chim gõ kiến đã làm cho các nhà tiến hóa phải đau đầu. Nó có thể dài hơn rất nhiều, tính từ đầu ngoài cùng của cái mỏ, khi nó “le” ra để tìm các ấu trùng trong các “đường hầm” làm thức ăn. Thế giới động vật không có một loài nào có cái lưỡi dài tương tự như của con chim gõ kiến. Cái lưỡi của một số loài chim gõ kiến không xuất phát từ cổ họng, ra miệng như những loài khác. Loài chim gõ kiến xanh Châu Âu (European Green woodpecker) có cái lưỡi ở tuốt bên dưới cổ họng, đi lên đằng sau cổ “...vòng qua hộp sọ, ở dưới da đầu, và ra ngoài ở một điểm giữa hai mắt, thường ngay dưới hốc mắt...” Ở một số loài gõ kiến, cái lưỡi đi ra khỏi hộp sọ giữa hai con mắt và đi vào cái mỏ thông qua một trong số những lỗ mũi của nó! Điều này tiến hóa thế nào đây? Và con chim gõ kiến tiến hóa từ tổ tiên nào để có thể thừa hưởng một cái mỏ, những bàn chân, những cọng lông đuôi, khối sụn hấp thu chấn động, hộp sọ dày và một cái lưỡi độc nhất vô nhị đó?

Con chim gõ kiến cho thấy sự vinh hiển của Đấng Tạo Hóa, cũng chính là Đấng Tạo Hóa chúng ta. Tại sao những nhà tiến hóa nghiên cứu một tạo vật kỳ diệu của Thượng Đế, chẳng hạn con chim gõ kiến, rồi vẫn từ chối tin nơi Ngài, Đấng Tạo Hóa? Chỉ một câu trả lời có ý nghĩa: Sự kiêu ngạo! Kiêu ngạo! Và kiêu ngạo! Một người theo chủ nghĩa nhân văn nghĩ rằng: “Thật hợp lý lắm! Tôi là chủ định mệnh tôi, tôi là thủ lĩnh linh hồn mình...” Sự kiêu ngạo mù quáng này không xứng đáng để Đức Chúa Trời đoái thương, lại còn đề cao con người là chủ tể của tất cả mọi sự. Đã đến lúc chúng ta phải hạ mình xuống và quỳ trước Đấng Tạo Hóa công bình duy nhất!

IISu 2Sb 7:14, 15 chép rằng:

“Và nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống,cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe,tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ. Bấy giờ, mắt ta sẽ đoái xem, lỗ tai ta sẽ lắng nghe lời nào cầu nguyện tại nơi này.”

IPhi 1Pr 5:5-7 chép rằng:

“Vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời,hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên, lại hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em.”

Phi Pl 2:3-11 chép rằng:

“Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa. Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ, chính Ngài đã tự bỏ mình đi,lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người, Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất thảy đều quỳ xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.”


LỜI CẦU NGUYỆN


Lạy Chúa, xin thương xót con tùy theo sự nhơn từ cả thể của Ngài, tùy theo sự dư dật của lòng thương xót Ngài phủ bao sự vi phạm của con. Cha ôi! Xin hãy rửa sạch mọi tội lỗi con, hãy thanh tẩy lòng con khỏi mọi ô uế xấu xa con đã từng phạm phải. Chúa ôi! Con biết sự vi phạm của con: Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy thương xót con tùy lòng nhơn từ của Chúa; xin hãy xóa các sự vi phạm con theo sự từ bi rất lớn của Chúa. Xin hãy rửa con cho sạch hết trọi gian ác, và làm con được thanh khiết về tội lỗi con. Vì con nhận biết các sự vi phạm con, tội lỗi con hằng ở trước mặt con. Con đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi, và làm điều ác trước mặt Chúa; hầu cho Chúa được xưng công bình khi Chúa phán, và được thanh sạch khi Chúa xét đoán.

Xin hãy lấy chùm kinh giới tẩy sạch tội lỗi con, thì con sẽ được tinh sạch; Cầu Chúa hãy rửa con, thì con sẽ nên trắng như tuyết, hãy cho con nghe sự vui vẻ mừng rỡ, để các xương cốt mà Chúa đã bẻ gãy được khoái lạc. Xin Chúa ngoảnh mặt khỏi các tội lỗi con, và xóa hết thảy sự gian ác con. Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy dựng nên trong con một lòng trong sạch và làm cho mới lại trong con một thần linh ngay thẳng (Thi Tv 51:1-4, 7-10).

Ôi! Đức Chúa Cha, Ngài thật vinh hiển. Ôi tạ ơn Ngài, Chúa Jêsus của con, Ngài đã ban cho con những ơn phước thuộc linh từ trên nơi cao kia: Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng con, Ngài đã xuống phước cho chúng con trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời, trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng con trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời, bởi sự yêu thương của Ngài đã định trước cho chúng con được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo ý tốt của Ngài, để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng con cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài! Ấy là trong Đấng Christ, chúng con được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài (ÊEph Ep 1:3-7).

Chúa Jêsus ôi! Con tin nơi Ngài, là Cứu Chúa và Chủ đời sống con. Hãy giúp con bước đi bên Ngài không thôi, để con được hầu việc Ngài kết quả trong mọi công việc, và xin khiến con biết Ngài nhiều hơn (CoCl 1:10).



HỘI THÁNH TIN LÀNH TRƯỞNG NHIỆM GARDEN GROVE
Quận Cam-vùng nam California
​11832 South Euclid St, Garden Grove,
CA. 92840
Orange County​-Southern California
​Tel: 714-638-4422    

Email: vpcgg.ca@gmail.com

SUBSCRIBE FOR EMAILS

Thanks for submitting!

Copyright Ⓒ 2023 vpcgg (PC-USA). All rights reserved. 

bottom of page