top of page

Hung Tran
Apr 1, 2023
Sự thiếu hụt của các dạng sống trung gian chính là lý do tại sao các nhà tiến hóa gặp phải vấn đề “chuỗi mắt xích còn thiếu,”...
NHỮNG CHUỖI MẮT XÍCH CÒN THIẾU VẪN CỨ THIẾU
Khi...
...còn là một sinh viên cao đẳng, tôi bị thuyết phục rằng tiến hóa là thật và rằng theo thời gian, các khoa học gia sẽ tìm thấy những loài bị thiếu hụt (trong chuỗi tiến hóa - ND). Tôi nghĩ rằng khoa học sẽ cung cấp cho chúng ta một “chuỗi dây xích” không đứt quãng của những chứng cớ khoa học minh chứng về sự tiến hóa và mối quan hệ của tất cả mọi thứ. Nhiều khoa học gia vẫn đang trông mong bằng chứng này. Tuy nhiên, Stephen Jay Gould, giáo sư địa chất học và cổ sinh vật học tại trường đại học Harvard, tin rằng những chuỗi mắt xích đứt quãng trong những bằng chứng chứng minh tiến hóa là thật sẽ chẳng bao giờ được tìm thấy - tức là những gì chúng ta thấy trong các hóa thạch và trong những tạo vật đang sống minh chứng xác thực cho sự sáng tạo. Gould vẫn là một nhà tiến hóa, nhưng ông viết:
“Những con chim ở Massachusetts và những con bọ sau vườn nhà tôi là những thành viên rõ ràng của các giống loài được nhìn nhận theo cùng một cách bởi tất cả những nhà nghiên cứu đầy kinh nghiệm.”
Ý niệm về các loài này là “những loài tự nhiên” (natural kinds)...lại khớp một cách tuyệt vời với nguyên lý sáng tạo...
“Nhưng làm thế nào một sự phân loại của thế giới hữu cơ thành những thực thể riêng biệt có thể được chứng minh là đúng bởi lý luận tiến hóa vốn tuyên bố rằng sự thay đổi không ngừng chính là nền tảng cơ bản của tự nhiên?” (Natural History - Stephen Jay Gould, 1979, trang 18).
Tiến sĩ Gould công nhận những gì chúng ta đã thấy lại trái ngược với những gì tiến hóa “lý thuyết hóa ” (theorizes ) buộc chúng ta chúng ta phải thấy. Chúng ta thấy các loài riêng biệt, các loài khác nhau rõ rệt. Trong các mẫu hóa thạch, chúng ta có con cá, con rùa, và cả con gián. Chúng hoàn toàn khác biệt nhau, chúng là những tạo vật dễ dàng nhận định. Trong cuộc sống, chúng ta cũng có thể thấy cá, thấy rùa, và thấy gián. Chúng ta có thể xác định chúng, phân biệt chúng. Không hề có chuyện nửa con cá, nửa con rùa, nửa con gián. Chúng ta không hề thấy voi mọc vây, hay cá heo tiến hóa ra cặp cánh. Các loài riêng biệt mà chúng ta thấy trong những mẫu hóa thạch và trong đời sống không phải là những loài đáng ngờ/có vấn đề (questionable). Chúng không phải là những dạng sống chuyển tiếp (trung gian - transitional) như tiến hóa đề cập. Đây là một vấn đề của những người theo thuyết tiến hóa. Nếu tiến hóa là thật, các loài vật không thể dễ dàng mà phân biệt đâu. Mỗi tạo vật sẽ rất khó phân loại, chia loại, và đặt tên, nếu tiến hóa là thật (và sự sống “vẫn đang tiến hóa”). Tiến hóa có thể không đúng, phải không? Việc mỗi loài động, thực vật đều rất dễ phân biệt (như con hươu cao cổ hay con bọ quýt, con cá hay con rùa hoặc con gián) thật sự “khớp một cách tuyệt vời với nguyên lý sáng tạo.” Sự biến đổi không ngừng trong các mẫu hóa thạch hay trong những động, thực vật đang sống không phải là “nền tảng cơ bản của tự nhiên.”
ĐỨC CHÚA TRỜI TẠO DỰNG NÊN CÁC LOÀI
Chúa nói với chúng ta rằng Ngài tạo nên mỗi loài cây, con vật tùy theo loại của chúng (SaSt 1:11, 12, 21, 24, 25). Không có gì tiến hóa từ một dạng sống thấp hơn, và hiện tại cũng chẳng có gì tiến hóa lên dạng sống cao hơn. Dưới góc độ của một người tin nơi sự sáng tạo, những gì mà chúng ta thấy trong các hóa thạch chính là những gì mà chúng ta mong muốn được thấy. Sự thiếu hụt của các dạng sống trung gian chính là lý do tại sao các nhà tiến hóa gặp phải vấn đề “chuỗi mắt xích còn thiếu,” dẫu rằng một số người phủ nhận điều này. Những chuỗi mắt xích còn thiếu vẫn cứ thiếu. Chúng hoàn toàn vắng bóng trong các hóa thạch và trong các tổ chức sống hiện đang tồn tại. Chúng sẽ chẳng bao giờ được tìm thấy. Đức Chúa Trời tạo dựng nên từng loài cây, con thú tùy theo loài, vì thế, bạn chẳng cần phải tìm kiếm “những chuỗi mắt xích còn thiếu.”
“NHỮNG CHUỖI MẮT XÍCH CÒN THIẾU” HAY “SỢI DÂY NGUYÊN VẸN” (MISSING LINKS OR UNBROKEN TIE)
Bộ máy tuyên truyền của những nhà tiến hóa liên tục tấn công chúng ta qua TV, các tạp chí, và những tờ báo với những sự mơ hồ và những lời tuyên bố vô căn cứ ủng hộ cho thuyết tiến hóa. Một lá thư trên tờ Dallas Morning News của tiến sĩ Alvin và Joel Taurog thuộc Southwestern Medical School đã minh họa cụ thể loại tuyên truyền này như sau:
“Tiến hóa sinh học tuyên bố rằng mọi tổ chức sống đều có quan hệ với nhau bởi một sợi dây phả hệ (genealogy) nguyên vẹn. Mặc dầu được đề cập đến như là một giả thuyết, tiến hóa được coi như một sự thật như bất kỳ sự thật nào khác được khoa học khám phá, giống như việc xác định quỹ đạo của các hành tinh quanh mặt trời hoặc trái đất hình cầu... Ý niệm về tiến hóa là trung tâm của sinh học và là một khối lượng đồ sộ (massive body) những bằng chứng khẳng định nguồn gốc tiến hóa của mọi loài, bao gồm cả con người. Trong khi nhiều điều vẫn còn cần phải được nghiên cứu liên quan đến cơ chế tiến hóa, sự tiến hóa của các loài được chấp nhận bởi những nhà sinh học như là một sự thật đã được chứng minh.” (Tờ Dallas Morning News, số ra ngày 06/03/1987, tiến sĩ Alvin và Joel Taurog ).
Chúng ta hãy đánh giá đoạn này của tiến sĩ Taurog. Nếu “...mọi tổ chức sống đều có quan hệ với nhau bởi một sợi dây phả hệ nguyên vẹn,” thì một nhà tư tưởng tiến hóa hàng đầu, tiến sĩ Stephen Jay Gould, đã hoàn toàn sai. Gould khẳng định: “Sự thiếu vắng của bằng chứng hóa thạch minh chứng cho những giai đoạn trung gian giữa những sự chuyển đổi chính yếu trong việc hình thành tổ chức sống, thực chất là sự bất lực của chúng ta, ngay cả trong trí tưởng tượng, để vẽ lên những chức năng trung gian trong nhiều trường hợp, đã là một vấn đề dai dẳng và đau đầu cho quan điểm tiến hóa dần dần của tiến hóa.” (Is a New and General Theory of Evolution Emerging , Stephen Jay Gould, 1980, trang 127).
“Tiến hóa dần dần” (gradualistic evolution) tức là sự tiến hóa của một tạo vật trở thành một tạo vật khác phức tạp, tinh vi hơn nhiều qua một khoảng thời gian dài. Một loài dần dần sẽ biến thành loài khác nếu có đủ thời gian. Sự tiến hóa dần dần, nếu là thật, thì phải có bằng chứng về những dạng sống trung gian trong các hóa thạch và cả những động vật đang sống. Gould tiếp lời:
“Tất cả các nhà cổ sinh học biết rằng các hóa thạch chứa đựng rất ít (precious little - không đủ để minh chứng điều gì - ND) những dữ kiện về các dạng sống trung gian; những sự chuyển đổi giữa các nhóm chính thật nhanh chóng theo tính cách đặc trưng.” (The Return of Hopeful Monsters , Stephen Jay Gould, 1977, trang 24).
Điều mà Gould đang nói tức là những chuỗi mắt xích còn thiếu vẫn cứ thiếu: “Không hề có các dạng sống trung gian. Không có loại thực vật hay động vật nào tiến hóa sang dạng sống cao hơn, ngay cả những hóa thạch cũng không minh chứng điều đó.“
MẶT TRỜI MỌC” HAY “TRÁI ĐẤT QUAY”
Thế thì “sợi dây nguyên vẹn” mà tiến sĩ Taurog đề cập đến là ở đâu? Họ chẳng có bằng chứng khoa học nào để chứng minh cho quan điểm của mình. Bằng chứng thì không được mơ hồ. Họ có vẻ như đã dựng nên “một hình nộm” của một người tin vào sự sáng tạo rồi nhảy sang một bên và bắt đầu đánh vào “anh ta.” Trong việc đề cập đến “sự quay của các hành tinh quanh mặt trời, hay việc trái đất hình tròn” là khoa học thật sự, liệu họ có ý ám chỉ rằng Kinh Thánh và những người tin vào sự sáng tạo tin rằng “mặt trời mọc bên trên một trái đất phẳng” không? Các tiến sĩ này dùng ngôn ngữ chính xác thế nào? Họ có nói với một bệnh nhân, “Anh có thấy mặt trời mọc thật đẹp sáng nay không?” không? Kinh Thánh dùng loại ngôn ngữ phổ biến, thông dụng. Trái đất không phẳng, một hình cầu đã được đề cập đến trong EsIs 40:22 “Ấy là Đấng ngự trên vòng trái đất này ...” Kinh Thánh dạy rằng khi Chúa nhìn xuống quả đất, nó có hình cầu. Thi-thiên 19 là phân đoạn Kinh Thánh dùng thứ ngôn ngữ bình thường và đề cập đến việc mặt trời mọc. Kinh Thánh không hề sai vì đó là cách nói hết sức bình thường, thông dụng.
Chúng ta có thể tìm thấy “một khối lượng đồ sộ những bằng chứng khẳng định nguồn gốc tiến hóa của mọi loài, bao gồm cả con người.” (như tiến sĩ Taurog đề cập) ở đâu? “Khối lượng đồ sộ những bằng chứng” chứng minh sự tiến hóa của loài người không đủ lấp đầy một khoảng trống nhỏ theo tác giả Lyall Watson, một nhà tiến hóa cũng là một nhà văn: “Các hóa thạch trang trí trong cây phả hệ chúng ta quá hiếm đến độ vẫn có nhiều nhà khoa học hơn là mẫu vật. Một sự thật đáng lưu ý là tất cả những bằng chứng vật lý chúng ta có để minh chứng về sự tiến hóa của con người vẫn có thể bị thay thế, với chỗ trống trong một cái hòm!” (Tờ Science Digest, tiến sĩ Lyall Watson, bài “The Water People ,” số 90, tháng 05/1982, trang 44).
Tiến sĩ Alvin và Joel Taurog nói tiếp:
“Khi tôn giáo và khoa học đối lập nhau, đó thường là trong lĩnh vực niềm tin...Niềm tin khoa học được đặt cơ bản trên những bằng chứng được công nhận bởi các khảo cứu, thí nghiệm và sự tiên đoán; không phải niềm tin tôn giáo, cũng không phải bất kỳ hệ thống niềm tin nào khác, đã hướng vào những điều ép buộc (constraints) này.” (như trên, tiến sĩ Alvin và Joel Taurog, tháng 06/1987).
Thật rõ ràng là tiến sĩ Taurog tin rằng sự tiến hóa từ phân tử đến người là một khoa học và vì thế có thể được công nhận bằng phương pháp khoa học. Khoa học về sự sáng tạo hẳn là một tôn giáo trong quan điểm của họ. Họ thêm rằng:“Mối quan hệ giữa các tổ chức sống, từ vi khuẩn cho đến con người chưa bao giờ được thấy rõ như bây giờ...” Những điều mà các tiến sĩ này đề cập đến thật chẳng rõ ràng và chính xác tí nào, nhưng từ dạng sống nhỏ nhất đến lớn nhất, từ dạng sống đơn giản nhất đến phức tạp nhất, hoàn toàn chẳng có bằng chứng khoa học nào để chứng minh chúng (nhỏ tới lớn, đơn giản tới phức tạp) có liên quan với nhau ở các đời tổ tiên cũng như các đời con cháu. Trong quyển: Lịch Sử Tự Nhiên (Natural History, trang 14) xuất bản năm 1977 có những lời của tiến sĩ Stephen Jay Glould như sau:
“Sự cực kỳ hiếm của các dạng sống trung gian các trong hóa thạch vẫn còn dai dẳng như việc mua bán các bí mật trong ngành cổ sinh vật học. Cây tiến hóa trang hoàng trong các sách vở của chúng ta chỉ có cơ sở ở các đỉnh (tips), và ở các mắt (nodes) của các nhánh; phần còn lại đều do suy luận mà có, tuy hợp lý là vậy, nhưng không có một bằng chứng hóa thạch nào... Chúng ta tự cho mình là những sinh viên nghiên cứu lịch sử sự sống, nhưng để bảo vệ lợi ích danh dự của tiến hóa bằng sự lựa chọn tự nhiên (natural selection), chúng ta đã coi những dữ liệu chúng ta có là quá tệ đến nỗi chúng ta chẳng thể thấy được quá trình rất quan trọng mà chúng ta tuyên bố là mình đang nghiên cứu.”
SINH HỌC PHÂN TỬ BÁC BỎ TIẾN HÓA
Ngay cả ở cấp phân tử, bằng chứng ủng hộ tiến hóa cũng chẳng có. Trong chương 2, chúng ta thảo luận một thực tế là ở những tạo vật sống thuộc cấp tế bào có những khác biệt quan trọng giúp phân biệt giữa các nhóm thịt cơ bản (basic kinds of flesh). Chẳng hạn, các tế bào tạo thành thịt của loài chim và cá chẳng hề giống nhau. Các khoa học gia đang nghiên cứu ngay cả những thực thể còn nhỏ hơn các tế bào khi họ thí nghiệm trên các phân tử của tế bào. Lĩnh vực nghiên cứu này được gọi là sinh học phân tử (molecular biology).
Một cuốn sách mà mỗi gia đình Cơ Đốc nhân nên có (và những gia đình không phải Cơ Đốc nhân cũng vậy) là: Gấu Panda và Con Người: Câu Hỏi Trung Tâm Của Các Nguồn Gốc Sinh Học (Of Pandas and People: The Central Question of Biological Origins ). Được viết bởi những nhà sáng tạo để bổ sung vào sách sinh học ở trường trung học, trình bày quan điểm sự sống đòi hỏi phải có người sáng tạo, quyển sách này đề cập đến bằng chứng phân tử cho sự sáng tạo:
“Việc nghiên cứu những vật thể sống ở cấp độ phân tử là một lĩnh vực mới có liên quan. Thông tin mà các nhà khoa học tìm thấy được từ sinh học phân tử có thể được dùng để so sánh và phân loại các tổ chức sống, một lĩnh vực được biết là ngành phân loại hóa sinh học (biochemical taxonomy). Phân tích hóa sinh học hứa hẹn sự phân loại khoa học chính xác hơn nhiều vì nó cho phép những sự khác biệt giữa các tổ chức sống khác nhau được đem ra thẩm định và đo lường ...”
Những người đề xướng ý định thông minh đó thấy rằng sự tương tự trong cấu trúc cũng là một phản ánh sự tương tự trong chức năng. Tất cả các tổ chức sống cần phải tồn tại giữa vòng toàn bộ các sinh vật khác và phải thích hợp với mạng lưới sinh thái học (ecological web). Tất cả đều phải thích hợp với chuỗi thức ăn (food chain). Nhu cầu thực hiện chức năng trong vòng toàn bộ các sinh vật thông thường khác đã đặt để những đòi hỏi vật lý và hóa học lên trên mọi tổ chức sống. Cả hai vừa hợp lý và hiệu quả cho một tác nhân thông minh để thiết kế các vật sống với một nền tảng sinh hóa căn bản.
Một đóng góp ý nghĩa mới đây của sinh hóa là những phương tiện có thể xác định số liệu toán học (mathematically quantifiable) của việc xác định các lớp tổ chức sống khác nhau như thế nào. Nhưng khi một vài sự giống nhau được đặt cạnh nhau, các mẫu vật đó làm nổi bật những mâu thuẫn trong tất cả các giả định dựa trên "thuyết tiến hóa” (Percival Davis and Dean H. Kenyon, 1989, trang 34-36).
Các loài động vật mà những nhà tiến hóa luôn tin rằng có quan hệ gần gũi với nhau trong chuỗi tiến hóa bây giờ được biết đến như là những loài chẳng có liên hệ gì với nhau khi nghiên cứu ở cấp độ phân tử. Kenyon và Davis viết tiếp:
“Nói theo đúng thuật ngữ tiến hóa cổ điển, các loài lưỡng cư là các loài trung gian giữa cá và những loài động vật có xương sống cư trú trên đất liền. Nhưng, việc phân tích những amino axít của chúng chẳng hề đặt để các loài lưỡng cư vào vị trí trung gian. Điều này là đúng, bất kể với loài lưỡng cư nào mà chúng ta lựa chọn để so sánh. Dựa trên các nhóm tiến hóa (evolutionary series), chúng ta cho rằng một số loài lưỡng cư gần với cá hơn (những loài nguyên thủy - primitive species) và một số khác thì gần với loài bò sát hơn (các loài “cấp cao” - advanced species). Nhưng không phải như thế. Bất luận lựa chọn loài nào để làm căn bản cho sự so sánh, sự cách biệt giữa lưỡng cư và cá, hay giữa lưỡng cư và bò sát đều như nhau...
Tiến hóa trong sinh học phân tử đã cho chúng ta những dữ liệu mới, có thể xác định số liệu toán học trên những điểm giống nhau ở các loài sống. Nhưng những dữ liệu đó đã ủng hộ một bức tranh của thế giới sống, khẳng định một sự sáng tạo thông minh.”
Tác giả Michael Denton (Tiến Hóa: Một Giả Thuyết Trong Kỳ Khủng Hoảng- Evolution: A Theory in Crisis , 1986), một phó tiến sĩ ngành sinh học phân tử (không phải một người theo thuyết sáng tạo, theo tôi biết), tranh luận rằng tiến hóa từ một tế bào thành người không được thể hiện ở cấp phân tử. Sau khi quan sát các phân tử để tìm bằng chứng cho “những chuỗi mắt xích còn thiếu” giữa các lớp tạo vật khác nhau, Denton viết (trang 286):
“Hoàn toàn vắng bóng các lớp trung gian, và vì thế không có một loài nào trong các nhóm được đưa ra, bởi những nhà sinh học tiến hóa, như là bằng chứng cho các loài trung gian cho dù chỉ có một chút dấu vết nhỏ về một đặc tính giả định truyền thống.”
Dĩ nhiên, nếu không có bằng chứng cho mối quan hệ tiến hóa ở cấp phân tử, vốn là nền tảng cấu thành tự nhiên, thì tư tưởng tiến hóa về enzyme, protein, chất nguyên sinh (plasma) và các mô đều hoàn toàn vô lý. Kinh Thánh chép:
“Vì Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các từng trời, tức là Đức Chúa Trời đã tạo thành đất và làm ra nó, đã lập nó cho bền vững, chẳng phải dựng nên là trống không, bèn đã làm nên để dân ở phán như vầy: ‘Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác!... Ngoài ta chẳng có Đức Chúa Trời nào khác! Chẳng có Đức Chúa Trời nào khác là công bình và là Cứu Chúa ngoài ta.’” (EsIs 45:18, 21).
Tiến sĩ Vincent Sarich, một nhà tiến hóa và cũng là giáo sư trường đại học California tại Berkeley, đã tiến hành một loạt các nghiên cứu ở cấp phân tử trên sự tiến hóa của con người. Đầu tiên, các nghiên cứu của ông bị khinh thường bởi chính những đồng nghiệp của mình. Ông đã cả gan công bố năm 1967 rằng Ramapithecus (được Elwyn Simons và David Pilbeam tuyên bố là những tổ tiên đầu tiên của con người) không có dính dáng gì đến nguồn gốc tổ tiên loài người, nhưng có lẽ là một tổ tiên của con đười ươi.
“Năm 1967, Sarich và một người bạn, Allan Wilson, đang so sánh các protein máu của con người, con tinh tinh và khỉ đột - thấy rằng chúng giống nhau đáng kể. Sau khi phân tích những sự khác nhau không đáng kể, họ quyết định rằng những tổ tiên của loài người ắt hẳn đã phân rẽ từ các loài khỉ giả nhân (khỉ không đuôi - ape) Châu Phi chỉ khoảng 5 triệu năm trước, thay vì 20 đến 30 triệu năm mà các hóa thạch có vẻ công nhận. Kết luận của họ được nhiều nhà cổ sinh vật học đánh giá như là dị giáo. Thật chẳng tốt lành gì khi Sarich và Wilson không thừa nhận sự ước lượng thông thường về tuổi của dòng giống loài người. Tệ hơn nữa, họ đang làm việc đó với các ống nghiệm và hóa sinh học - tất cả ngoại trừ các hóa thạch vốn làm nền tảng cho lý thuyết tiến hóa. Hầu hết các chuyên gia khi đó tin rằng con người có thể truy về cội nguồn thủy tổ của mình, là một tạo vật được gọi là Ramapithecus, khoảng 14 triệu năm tuổi, và nhà cổ sinh vật học Elwyn Simons, rồi David Pilbeam, đã nói cho nhiều đồng nghiệp của ông ta rằng công việc của Sarich và Wilson là “không thể tin được.” Thời đại đã thay đổi. Trong khi Simons vẫn nghĩ Ramapithecus có thể là thủy tổ của loài người, ông có một bạn đồng hành nhỏ. Các hóa thạch mới khám phá được đã thuyết phục nhiều chuyên gia rằng con vật có liên quan tổ tiên đến con đười ươi” (Preaching the Molecular Gospel - Kevin McKean, 1983, trang 34). Nghiên cứu phân tử đã đánh bại những tổ tiên giả định của loài người, từng cái, từng cái một.
TẠO VẬT KỲ DIỆU CỦA ĐẤNG TẠO HÓA

Hai kỳ công này trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời được đề cập đến không chỉ để minh chứng sự thiết kế kỳ lạ trong tạo vật của Ngài mà cũng để làm bạn quen với loại thông tin bạn có thể nhặt được từ một tạp chí sáng tạo, Creation Ex Nihilo. Những điều dưới đây là các bài báo trong tạp chí Creation Ex Nihilo số 14, quý 4, tháng 9 đến 12 năm 1992 (do Creation Science Foundation xuất bản), của Robert Kofahl và Tom Wagner. Tôi tưởng rằng mỗi gia đình nên có tờ Creation Ex Nihilo!
Tiến sĩ Robert Kofahl nói với chúng ta về con thằn lằn trên trang 6 như sau:
Con thằn lằn trên trần nhà bạn “Con thằn lằn có thể chạy qua trần nhà của bạn trong tư thế chổng đầu xuống đất, bốn chân lên trời mà vẫn không bị rơi. Làm thế nào nó làm được điều này?
Cho tới vài năm trước, các khoa học gia vẫn chưa biết, dầu họ đã đề ra vài giả thuyết đối lập nhau. Xem xét gan bàn chân con thằn lằn dưới kính hiển vi quang học với độ phóng to 2000 lần đã cho thấy hàng ngàn những sợi nhỏ (little fibres) được xếp giống như những chùm lông cứng trên một bàn chải đánh răng. Nhưng câu hỏi vẫn chưa được giải đáp. Câu trả lời cuối cùng cũng xuất hiện khi quan sát nó dưới kính hiển vi điện tử, vốn có thể phóng đại tới 35.000 lần và hơn nữa.
Người ta khám phá được gì?
Con thằn lằn có dưới gan bàn chân mình hàng triệu sợi nhỏ, ngoài đầu có những giác hút (suction cups) nhỏ, mỗi cái có đường kính khoảng 8 phần triệu (8/1.000.000) inch. Kết hợp với điều này, chân con thằn lằn được tạo nên thế nào đó mà các đầu ngón chân uốn cong hay cuộn về phía trên để nó có thể tách dần dần những giác hút ra khỏi mặt phẳng mỗi bước đi và giúp cho nó không bị dính quá chặt trên bề mặt. Người ta ước chừng con thằn lằn có khoảng 500 triệu giác hút như thế trên những ngón chân.
Cấu trúc nhỏ bé khác thường của gan bàn chân con thằn lằn đã minh chứng rõ ràng cho sự sáng tạo thông minh và có mục đích. Không thể có những lý giải xa xôi, hợp lý về nguồn gốc của những giác hút dưới chân con thằn lằn bằng sự tình cờ và sự chọn lọc tự nhiên như các nhà tiến hóa đã đề ra. Và cho dù có một khoa học gia nào đó, với một trí tưởng tượng thông minh, đã thành công trong việc lập ra những ý tưởng đó, thì anh ta cũng chẳng có lấy một mẫu hóa thạch nhỏ nào để minh chứng rằng quá trình quyết định của tiến hóa đã thực sự diễn ra trong quá khứ.
Với con mắt tầm thường, bạn không thể trông thấy những cái giác hút dưới chân con thằn lằn. Nhưng mỗi đỉnh hình quân hàm chữ V (chevron-shaped ridge) trên gan bàn chân đáng ngạc nhiên của con thằn lằn là sự sắp xếp của hàng triệu sợi dây nhỏ có những cái giác hút ở đằng đầu. Điều này cho phép nó có thể chạy, bước ngang qua trần nhà bạn, hay chạy trên tường trong tư thế lộn ngược.”
Với một bằng chứng đáng kinh ngạc như thế về một Đấng Sáng Tạo, làm thế nào mà người ta có thể nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời?

Trong cùng số báo đó, Tom Wagner viết ở mục “Đôi điều suy nghĩ” (Think Spot), liệt kê chi tiết những gì liên quan đến lỗ tai con người (trang 13):
Việc bạn nghe được: Một bằng chứng cho sự sáng tạo của Đức Chúa Trời .
“Xem xét kích cỡ của mọi thứ đã được tạo dựng có thể là một công cụ rất hữu ích trong việc thấu hiểu sự vĩ đại của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, hãy xem xét kỹ năng sáng tạo của Đấng Tạo Hóa qua việc nghiên cứu lỗ tai con người. Khả năng nhận biết âm thanh của tai chúng ta còn lớn hơn nhiều so với những đòi hỏi tối thiểu cho việc sống sót nếu con người đã tiến hóa.” Trong một quyển sách của David Lipscomb xuất bản năm 1988, Hearing Consevation in Industry, Schools, and the Military , trang 303 viết rằng:
“Lỗ tai có khả năng cảm giác sự tác động của âm thanh với một áp suất tác động vào màng nhĩ không quá 2 phần 10.000 (2/10.000) của 1 phần 1.000.000 (1/1.000.000) khí áp. Áp suất này làm chuyển động màng nhĩ khoảng 1 phần 100 triệu (1/100.000.000) inch. Khoảng cách đó tương đương với 1/100 độ rộng của một phân tử hy-dro, phân tử nhỏ nhất trong số tất cả các phân tử được biết đến. Vì thế, trong quá trình hoạt động, biên độ dao động của lỗ tai là những khoảng cách nhỏ hơn cả độ rộng của một phân tử nhỏ nhất.”
Để dễ dàng nắm bắt sự nhạy cảm vô cùng kỳ diệu mà Lipscomb mô tả, hãy tưởng tượng cũng giống như một người cao 6 bộ (2 m) đang đứng trên bề mặt trái đất, bây giờ thu nhỏ anh ta lại còn 1/100.000.000 inch. Theo tỉ lệ đó, chúng ta cũng thu nhỏ trái đất lại - nhưng so với người đàn ông khi đó, trái đất vẫn to hơn gấp hàng tỉ lần - thì nó sẽ chỉ còn là một hạt nhỏ xíu, không to hơn chữ “o” thường trên trang sách này đâu! Người đàn ông sẽ trở nên vô hình, ngay cả dưới những kính hiển vi điện tử mạnh nhất ngày nay.
Đưa ra ví dụ này, một người có thể bắt đầu nhìn nhận đường lối của Đức Chúa Trời đã sáng tạo nên những thứ nhỏ bé đến không thể hiểu được, cũng như những thứ lớn không thể tưởng tượng được trong cõi vũ trụ này. Nó cũng giúp chúng ta nhìn thấy phép lạ trong sự nghe mà Đấng Tạo Hóa đã vui ban cho chúng ta. Một điều gì đó mà chúng ta phải tạ ơn Ngài. Sau hết,
“đức tin đến bởi sự người ta nghe ...”
Thế thì hãy tạ ơn Chúa vì những gì Ngài đã làm!
bottom of page