top of page
Hung Tran
Mar 22, 2023
Cầu vồng là một hiện tượng đặc biệt Đức Chúa Trời dùng để làm ký hiệu cho giao ước Ngài đã lập để hứa rằng Ngài sẽ chẳng bao giờ trừng phạt địa cầu bằng những trận lụt toàn cầu nữa...
MÀN HƠI NƯỚC CỦA TRÁI ĐẤT TRƯỚC TRẬN ĐẠI HỒNG THỦY
Tôi...
...còn nhớ một bữa ăn trưa đặc biệt trong văn phòng tại trường đại học Baylor ở Dentistry và nghiên cứu Sáng-thế ký 1. Những sinh viên nha khoa đó đã yêu cầu tôi giải thích cho họ biết Đức Chúa Trời nói đến điều gì từ câu 6-8a. Chúng ta thường đọc Kinh Thánh nhưng không chịu suy nghĩ xem thực sự nó nói đến điều gì. Khi tôi suy gẫm các câu Kinh Thánh đó, tôi nhận ra rằng tôi không biết nó nói gì cả. Và các câu Kinh Thánh đó đây:
“Đức Chúa Trời lại phán rằng: ‘Phải có một khoảng không ở giữa nước đặng phân rẽ nước cách với nước.’ Ngài làm nên khoảng không, phân sẽ nước ở dưới khoảng không cách với nước ở trên khoảng không, thì có như vậy.”
Phân đoạn trên nói rằng Đức Chúa Trời đã phân chia nước ra và đặt một số lên trên bầu trời (“khoảng không” trong câu 8a) và để một số nước ở dưới khoảng không đó. Khoảng không này là gì? SaSt 1:20 chép:
“Đức Chúa Trời lại phán rằng: ‘Nước phải sanh các vật sống cho nhiều, và các loài chim phải bay trên mặt đất trong khoảng không trên trời.’”
Khoảng không hay bầu trời trong 1:7 có thể là các khoảng không trên trời trong 1:20 nơi mà các loài chim bay lượn. Bây giờ, có vài quan điểm và những bản dịch khác nhau về các câu Kinh Thánh này, nhưng cái có vẻ có ý nghĩa nhất với tôi là: Đức Chúa Trời đã chia cắt nước bao phủ bề mặt trái đất từ buổi ban đầu, để một số trên đất, và đặt một số trên khoảng không nơi các loài chim bay lượn. Nếu nước này ở dạng hơi nước, nó sẽ làm cho hệ thống trời và đất #1 trở nên giống như một nhà kính khổng lồ. Ắt hẳn đã không có mưa! Và Kinh Thánh chép gì? 2:6: “Song có hơi nước dưới đất bay lên tưới cùng mặt đất.” Đó là ảnh hưởng chính xác nhất lên bề mặt trái đất nếu nó được bao phủ bởi một màn hơn nước, vốn sẽ hình thành sương buổi sáng. 2:5b càng cụ thể hơn: “...vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời chưa có cho mưa xuống trên đất.” Không có mưa, thì sẽ không có cầu vồng! Hệ thống trời và đất #1 rõ ràng khác biệt rất nhiều so với hệ thống hiện tại của chúng ta, hệ thống #2.
Cầu vồng là một hiện tượng đặc biệt Đức Chúa Trời dùng để làm ký hiệu cho giao ước Ngài đã lập để hứa rằng Ngài sẽ chẳng bao giờ trừng phạt địa cầu bằng những trận lụt toàn cầu nữa. Nô-ê chưa từng bao giờ thấy một cầu vồng trong các đám mây trước cơn lũ, vì trời chưa bao giờ mưa cả. Sau cơn lũ, khi lớp màn hơi nước tan đi trong suốt 40 ngày và 40 đêm mưa liên tục, Nô-ê đã ở trong hệ thống trời và đất #2, và vì thế đã từng trải thời tiết của chúng ta: mưa và các cầu vồng. Ông cũng đã kinh nghiệm sự khác biệt giữa áp suất khí quyển của hệ thống #1 trước cơn lũ và của hệ thống #2 sau cơn lũ - áp suất khí quyển của hệ thống #2 khiến cho quá trình lên men diễn ra nhanh hơn và hoàn toàn có thể là nguyên nhân cơn say của Nô-ê.
Lớp màn trước cơn lũ có lẽ là hơi nước. Cũng có những giả thuyết khác, nhưng chúng ta luôn nhớ rằng những con chim đang bay lượn trong khoảng không dưới lớp nước này, và cũng là một lớp nước có thể nhìn thấu qua được. Mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, từ A-đam cho đến Nô-ê thảy đều thấy cả, Sáng-thế ký 1:14; khẳng định chúng đóng vai trò như các dấu hiệu. Hơi nước thì trong suốt, không giống như mây hoặc sương. Một thí nghiệm nhỏ cũng đủ để chứng minh điều này, và bạn cũng có thể làm được trong nhà bếp của mình. Đổ nước vào một cái ấm nhỏ, và đặt lên lò, đun cho sôi. Khi hơi bắt đầu thoát ra khỏi vòi ấm, hãy nhìn gần, thật gần đầu vòi ấm. Bạn sẽ thấy độ khoảng 1/2 đến 1 inch hơi nước trong suốt ở 212oF (100oC) trước khi nó trở thành giống như mây (có màu trắng đục). Đây có thể là dạng nước mà Đức Chúa Trời đã đặt để trên khoảng không chim bay lượn.
HIỆU ỨNG NHÀ KÍNH
Với lớp màn hơi nước, hệ thống trời và đất #1 khác biệt đáng kể so với hệ thống #2. Hiệu ứng nhà kính diễn ra do sức nóng của mặt trời. Có bằng chứng nào cho thấy hiệu ứng nhà kính đã từng một lần xảy ra khắp trên bề mặt địa cầu? Các hóa thạch của cây cọ đã được tìm thấy tận Alaska và những cây dương xỉ lá rộng tại Artic. Làm thế nào một hóa thạch của cây cọ lại được tìm thấy tận Alaska? Một số khoa học gia đã công bố rằng chúng đã di chuyển trong quá trình di chuyển của sự kiến tạo địa tầng (vỏ trái đất) trên hàng triệu năm. Nhưng những cây cọ này đâu có già đến nhiều triệu năm tuổi! Một người tin theo sáng tạo sẽ nói, “Chẳng có vấn đề gì cả, cây cọ đã từng mọc ở Alaska với một khí hậu nhiệt đới trước trận Đại Hồng Thủy.” Những cây này đã bị chôn vùi trong trận Đại Hồng Thủy vào thời Nô-ê và đã trở thành những hóa thạch.
Các khoa học gia đã phát hiện những khu rừng nhiệt đới và mỏ than ở Nam Cực. Những cây cọ cao 90 bộ đã nhanh chóng bị đông lạnh được tìm thấy ở quần đảo New Siberian, nơi mà ngày nay chỉ những cây liễu cao một inch (2,5 cm) phát triển.
Trong những vùng giá lạnh này, nhiều cây, một số đã hóa thạch và một số bị đóng băng, đã được tìm thấy với những vòng gỗ dễ dàng nhận dạng là của cùng khí hậu nóng. Nhà tiến hóa hỏi, “Làm thế nào chúng đến được đây?” Nhà sáng tạo trả lời, “Chúng đã mọc ở đây trước cơn lũ, khi mà từ cực này đến cực kia của trái đất đều chịu ảnh hướng của hiệu ứng nhà kính.” Màn hơi nước có thể làm cho áp suất khí quyển quanh trái đất nặng lên hơn gấp đôi. Trong môi trường áp suất khí quyển nặng hơn này, việc hồi phục sức khỏe diễn ra tốt hơn. Nhiều bệnh viện có các phòng điều áp. Ôxy được bơm vào những phòng này với áp suất cao hơn bên ngoài và việc hồi phục tăng nhanh cách đáng ngờ. Nhiều người bệnh rất nghiêm trọng hoặc bị phỏng nặng được điều trị trong những phòng có áp suất cao này. Trong hệ thống trời - đất trước cơn lũ, với áp suất khí quyển cao, loài bò sát có thể phát triển đến một kích cỡ khổng lồ, có những sinh vật khổng lồ có thể bay lượn dễ dàng, và đã tồn tại những sinh vật khổng lồ là thế.
BÍ MẬT CỦA CON KHỦNG LONG KHỔNG LỒ
Tiến hóa gặp phải vấn đề gọi là Bí Mật Của Con Khủng Long Khổng Lồ (The Great Dinosaur Mystery). Những con khủng long khổng lồ này đến từ đâu; làm thế nào mà chúng lại phát triển to lớn đến thế; và nếu chúng là “những cá thể sống sót trong quá trình chọn lọc tự nhiên,” thì tại sao những sinh vật mạnh mẽ này lại tuyệt chủng?
Một người theo thuyết sáng tạo sẽ trả lời, “Không có vấn đề gì cả!” Đức Chúa Trời đã tạo dựng những loài bò sát khổng lồ và có thể một hay hai con trong số chúng đã được đề cập đến trong Gióp (xem Giop G 40:15-41:34). Các loài bò sát không có nhân tố ức chế phát triển bên trong giống như các loài động vật khác và con người. Những con khủng long vẫn tiếp tục phát triển chừng nào chúng còn sống. Chúng càng già bao nhiêu thì càng to xác bấy nhiêu. Vùng khí hậu ấm áp là nơi tốt nhất cho các loài bò sát sinh sống vì chúng là những động vật máu lạnh. Đức Chúa Trời đã tạo nên những loài bò sát cứ mãi lớn lên trong một bầu khí quyển có áp suất cao với một nguồn cung cấp thực phẩm không giới hạn từ các loài cây vốn chẳng có gì ăn chúng. Kinh Thánh chép:
“Còn các loài thú ngoài đồng, các loài chim trên trời, và các động vật khác trên mặt đất, phàm giống nào có sự sống thì ta ban cho mọi thứ cỏ xanh đặng dùng làm đồ ăn, thì có như vậy” (SaSt 1:30).
Điều này cho thấy rằng trước cơn lũ tất cả các loài động vật đều ăn cây cỏ, chứ không ăn thịt. Các loài cây tự chúng đã là một lời chứng cho sự sáng tạo kỳ tài của Đức Chúa Trời. Chúng bắt nguồn từ một hạt giống, rồi lấy đất, nước, không khí cùng ánh sáng mặt trời mà cho ra các bông hồng, cao su, quả đại hoàng (rhubarb)! Và những nhà máy diệu kỳ này chẳng những không làm ô nhiễm môi trường, mà chúng còn lặng lẽ làm sạch bầu không khí và bổ sung thêm vào đó khí ôxy cung cấp cho sự sống. Ôi! Những kỳ quan của Thượng Đế trong sự sáng tạo thật đẹp đẽ làm sao! Chỉ sau khi cơn lũ xảy ra Đức Chúa Trời mới cho phép ăn thịt: “Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ cỏ xanh.” (SaSt 9:3). Chẳng có gì ăn thịt mấy con khủng long trước cơn lũ, và chúng lại có nguồn thực vật hào phóng làm thực phẩm. Vì thế chúng có thể phát triển đến những kích thước khổng lồ trong suốt khoảng thời gian sống dài đến hàng trăm năm. Ngay cả con Tyrannosaurus rex cũng ăn cây cỏ trước cơn lũ, chứ không ăn thịt các loài khủng long khác. Các hình ảnh trong sách giáo khoa về việc con khủng long này đang ăn thịt những loài khủng long khác là không dựa vào phương pháp khoa học và không hề có những thông tin xác thực nào chứng minh điều đó. Cái răng dài từ 3 đến 5 inch của con Tyrannosaurus rex lại có chân răng quá ngắn để có thể đáp ứng nhu cầu xé thịt, hay những bữa ăn có xương. Tyrannosaurus rex có khả năng lớn nhất là một loài ăn cây cỏ (ít nhất là trước trận lụt thời Nô-ê, 1:29-30) và đã dùng những chiếc răng dài của nó để tuốt lá ra khỏi cành cây. Sau trận Đại Hồng Thủy, những loài bò sát này không thể phát triển lớn đến như thế nữa. Áp suất khí quyển thấp hơn (màn hơn nước nặng nề đã rơi xuống thành mưa trong trận lụt), nhiệt độ trung bình thấp hơn và các loài động vật ăn thịt sẽ góp phần ngăn chặn những dạng sống quá lâu cũng như những loài có kích thước quá lớn.
Bạn có biết rằng chưa hề có bao giờ tồn tại một loài khủng long gọi là “Brontosaurus” không? Brontosaurusa đã đánh lừa cả cộng đồng khoa học trong nhiều, rất nhiều năm. Nó có cái đầu của sinh vật này và cái thân của sinh vật khác. Cộng đồng tiến hóa hết sức bỡ ngỡ khi phải thừa nhận rằng đó là một sai lầm trong hơn 50 năm. Brontosaurus không xuất hiện trong hầu hết các sách giáo khoa.
Những năm gần đây, một số nhà tiến hóa đã công bố rằng khủng long là loài động vật máu nóng, chứ không phải là loài máu lạnh. Người ta đã đưa lên quan điểm này vì các khoa học gia đã nhận ra rằng những động vật 300.000 cân Anh không và không thể tồn tại trong môi trường của chúng ta. Áp suất không khí không đủ để giúp máu của nó lưu thông dễ dàng. Bằng một cách nào đó, một biến cố thật đã thoát ra khỏi sự chú ý của những nhà tiến hóa này (hay họ đã “có ý quên lửng,” IIPhi 2Pr 3:5). Sự thật là những con bò sát khổng lồ sẽ chẳng gặp vấn đề gì khi sống trong bầu không khí ấm áp và có áp suất khí quyển cao hơn, hệ thống #1. Những loài to lớn trở nên tuyệt chủng sau trận Đại Hồng Thủy. Về phương diện chính trị, đối với một nhà tiến hóa, nếu tin rằng trận lụt toàn cầu vào thời Nô-ê đã thực sự xảy ra là một điều không đúng. Niềm tin nơi trận lụt sẽ là cơ sở để đuổi việc hay hủy bỏ những quyền lợi của bạn. Thế nên nhà tiến hóa buộc phải nghiên cứu “Bí Mật Của Con Khủng Long Khổng Lồ,” trong khi một nhà sáng tạo lại có một vị trí thích hợp, đầy đủ chứng cứ khoa học thực nghiệm - sự khác biệt về môi trường sống giữa hệ thống #1 và #2.
Các nhà tiến hóa đã lý thuyết hóa rằng những con khủng long máu nóng sẽ giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan của họ, nhưng cuộc nghiên cứu gần đây xác định rằng những con bò sát khổng lồ là loài máu lạnh cũng giống như tất cả những con bò sát ngày nay. Tờ Tin Tức Dallas Buổi Sáng (The Dallas Morning News) ngày 21/3/1994 đã ghi lại rằng những nhà cổ sinh vật học thuộc trường đại học Pennsylvania đã công bố quan điểm của họ (trong tạp chí Tự Nhiên ) rằng...“khủng long...có lẽ là loài máu lạnh...” Đây là một cú đấm vào giấc mơ giải quyết bí mật của những sinh vật khổng lồ này! Dĩ nhiên, nếu bạn chờ một vài ngày, một khoa học gia tiến hóa nào đó sẽ phủ nhận lời tuyên bố của đồng nghiệp anh ta. Các nhà tiến hóa cứ đưa đẩy tư tưởng “máu nóng,” “máu lạnh” này qua lại với nhau. Tờ Tin Tức Dallas Buổi Sáng vào 11/07/1994 đã đăng một bài phê bình của nhà khoa học Matt Crenson trong tờ tạp chí Tự Nhiên vào tháng 6/1994. Bài phê bình đó được lược trích như sau:
“Tyrannosaurus rex có một thân nhiệt ổn định, một cuộc nghiên cứu mới cho thấy loài ăn thịt khổng lồ này là một loài máu nóng.
Reese E. Barrick và William J. Showers thuộc trường đại học Bắc Carolina tại Raleigh đã nghiên cứu những xương của con Tyrannosaurus rex trong đá tại Hell Creek Formation ở phía đông Montana...
Độ rắn chắc đáng kể của những đồng vị ôxy trong các xương của con khủng long cho thấy rằng thân nhiệt của nó chẳng bao giờ dao động hơn khoảng 7oF, những nhà nghiên cứu Bắc Carolina đã viết tuần qua trong tờ Tự Nhiên. Nếu thời điểm những con Tyrannosaurus rex sống tại Montana là khoảng 70 triệu năm trước đây, như chúng ngày nay (được tìm thấy), một động vật với thân nhiệt ổn định như thế phải là một động vật máu nóng.”
Một nhà sáng tạo có thể nói rằng thân nhiệt ổn định của một con bò sát khổng lồ là phù hợp với quan điểm sáng tạo, tức là nhiệt độ trái đất ấm áp không đổi trong hệ thống trời và đất nhiệt đới #1. Các nhà sáng tạo mong chờ khám phá “...độ rắn chắc đáng kể của những đồng vị ôxy trong các xương của con khủng long...” Rõ ràng là những nhà nghiên cứu tiến hóa này đã phịa ra rằng những con bò sát máu lạnh thật sự là loài máu nóng hơn là xem xét khí hậu ấm áp khắp trái đất do hiệu ứng nhà kính trước cơn lũ (6.000 năm trước, chứ không phải 70 triệu năm) như đã được trình bày là thuyết sáng tạo.
Những loài bò sát khổng lồ biết bay như những con thằn lằn bay (những con thằn lằn ngón cánh và những con pteranodons) sẽ không thể bay được trong bầu khí quyển của chúng ta. Chúng cần một áp suất không khí nặng hơn để có thể tạo đủ lực nâng giúp nó bay lên với đôi cánh dài từ 40-50 bộ (khoảng từ 13 đến 17 m). Hệ thống trời đất #1 đã cung cấp một áp suất đủ lớn cho các loài động vật khổng lồ này bay lượn. Đối với một nhà sáng tạo, điều này chẳng là vấn đề gì cả. Hệ thống trời đất #1, trước khi màn hơi nước rơi xuống như mưa và gây nên lũ trong thời Nô-ê, ắt hẳn đã cung cấp một bầu khí quyển dày đặc cho những sinh vật khổng lồ này bay lượn. Để bảo vệ công việc của họ, những nhà tiến hóa không dám (ngay cả) đề cập đến cơn lũ trong thời Nô-ê như là một giải pháp cho những vấn đề của họ, thế nhưng chính cơn lũ lại cho chúng ta lời giải thích cho những gì chúng ta “thấy.” Ngay cả trong những sách lịch sử cũ của chúng ta về những nền văn hóa cổ xưa cũng có nói về một trận lụt toàn cầu.
Những thân hình khổng lồ là rất phổ biến trong bầu khí quyển nặng hơn trước cơn lũ. Các hóa thạch của những con chuồn chuồn với đôi cánh dài đến 32 inch (80 cm) đã được tìm thấy và một con bọ to đến đáng ngờ có thể làm vỡ kính chắn gió của xe bạn! Những con tê giác không sừng phát triển đến khoảng “...17 bộ (khoảng 5,7 m) về chiều cao và gần 30 bộ (khoảng 10 m) về chiều dài!” (Unlocking the Mysteries of Creation , Petersen, trang 28, 29). Những con hổ răng kiếm khổng lồ, những con voi răng mấu và những con voi ma-mút đầy lông đã cùng gầm rống bên cạnh những con khủng long to xác, dềnh dàng.
Con người cũng đã sống suốt thời đại của những con khủng long. Trong vỉa đá kỷ Creta dưới đáy dòng sông Paluxy gần Glen Rose, Texas, những dấu chân người và dấu chân khủng long bắt chéo nhau đã được tìm thấy. Người ta đã nói nhiều về những dấu chân này vì, nếu là thực, chúng chứng minh rằng người và khủng long đã sống cùng một thời đại với nhau. Nếu chấp nhận nó là thật, đó sẽ là một bằng chứng hóa thạch mạnh mẽ đánh đổ tiến hóa. Chúng là bằng chứng cho thấy rằng tiến hóa là sự suy đoán sai lầm của con người! Hầu hết các sách giáo khoa dạy rằng loài khủng long bị tuyệt chủng khoảng 60-70 triệu năm trước khi con người xuất hiện và để lại dấu tích của mình. Dấu chân khủng long và người đan chéo nhau trong cùng một vỉa đá đã đánh đổ niềm tin tiến hóa cho rằng con người tiến hóa trải qua hàng triệu năm từ những tổ tiên bò sát của họ!
Hai khoa học gia người Texas đã cắt dọc (cắt đá ra thành từng lát - ND) một trong những dấu chân đó của con người. Carl Baugh và Don Patton khám phá ra rằng lớp đá dưới dấu chân cho thấy những kết cấu áp suất (pressure structures) (gọi là sự dát mỏng - lamitation). Những kết cấu áp suất này chính xác là những điều mà các khoa học gia muốn tìm kiếm xung quanh một dấu chân người. Những dấu chân người (có rất nhiều) đã không được “khắc” dưới lòng sông và cả những dấu chân khủng long cũng vậy (có nghĩa là những dấu chân người và khủng long được tìm thấy là những dấu chân thật, là bằng chứng của lịch sử cho sự đồng tồn tại của người và khủng long trong cùng một thời đại - ND).
Mùa hè năm 1993, tiến sĩ Patton và Baugh chú ý đến những dấu chân dài 11,5 inch (khoảng 28 cm) (ngày nay người ta cũng có bàn chân dài đến như vậy) bước dọc - trái, phải, trái, phải - trong lòng một dấu chân 3 ngón của con khủng long. Một ai đó đã đang rảo bộ trong những dấu chân của con khủng long vừa hằn lên lớp bùn mềm! Một trong số những dấu còn lại trên đá cho thấy dấu chân con người ở bên cạnh dấu chân con khủng long. Rõ ràng người đó đã bước theo bên cạnh dấu chân con khủng long và rồi bỏ sót một dấu chân, nhưng anh ta lui lại, bước vào dấu chân đó và rồi tiếp tục bước đi. Những dấu chân này là bằng chứng đầy sức thuyết phục, cứng rắn và có thể khảo sát được cho thấy rằng con người và khủng long đã cùng sống với nhau trên đất trong cùng một khoảng thời gian. Tờ Nhân Văn (Humanist) đã tuyên bố nghi ngờ những dấu chân tìm thấy tại dòng sông Paluxy này để khiến cho những nhà sáng tạo phải rút lại các bài báo và phim ảnh của họ (một phim tài liệu rất hay là Những Dấu Chân Trong Đá - Footprints in Stone). Mùa hè 1993, công việc của tiến sĩ Baugh và Patton buộc phải quay sang một hướng khác. Liên lạc với tiến sĩ Don Patton thì sẽ biết một chuyện không tưởng nổi đó là một vài dấu chân (không phải tất cả) đã bị phá hủy bởi một nhà tiến hóa thái quá cố gắng “...triệt khử sự thật...”
ChCn 14:12 có chép:“Có một con đường coi dường chánh đáng cho loài người, nhưng đến cuối cùng nó thành ra nẻo sự chết.”
Những nhà tiến hóa đã đến Glen Rose, Texas và kiểm tra những dấu chân người và khủng long bên cạnh nhau hoặc chồng chéo lên nhau trong vỉa đá kỷ Creta, và họ đặt ra những suy đoán rồ dại hơn là quỳ gối xuống, cúi đầu thờ lạy Đấng Tạo Hóa của họ, Đấng nói với chúng ta rằng những con khủng long và người cùng xuất hiện với nhau vào ngày thứ sáu trong tuần lễ sáng tạo! Kinh Thánh dạy rằng con người và khủng long cùng chia sẻ một quả đất trong cùng một thời điểm (SaSt 1:1-31). Điều này chẳng có gì khó khăn vì những sinh vật khổng lồ này chỉ toàn ăn thực vật trước cơn lũ! Trong những ngày đầu tiên của kỳ sáng tạo, Đức Chúa Trời ngăn không cho các thú vật ăn thịt lẫn nhau cũng như ăn thịt con người vì mục đích của Ngài là làm đầy dẫy đất bởi chính những sinh vật này. Một bằng chứng khác ủng hộ cho sự thật là khủng long và người đã cùng chung sống với nhau trong lịch sử là những bức vẽ hang động về khủng long. Làm thế nào mà một “người tiền sử” (nam hay nữ) có thể vẽ một bức tranh về khủng long nếu người đó chưa bao giờ thấy nó? Viện Nghiên Cứu Sáng Tạo (The Institute for Creation Research - ICR) đã lưu hành một cuộn băng video tuyệt vời ghi lại những bức vẽ trong hang động về khủng long.
ĐỜI SỐNG TRƯỜNG THỌ
Một ảnh hưởng khác của việc nước (dạng hơi) ở trên khoảng không đó là nó sẽ tạo nên một lớp chắn chống lại bức xạ vũ trụ (cosmic radiation). Các khoa học gia đã nghiên cứu việc làm thế nào nước lại có thể lọc bức xạ mặt trời. Những kết luận của họ được ghi trong cuốn sách của tiến sĩ Joseph Dillow, The Waters Above: Earth’s Pre-Flood Water Vapor Canopy . Trong hệ thống trời và đất #1, người ta có thể sống rất lâu. Một trong những tác nhân nguyên thủy của việc trường thọ là bức xạ mặt trời. Bởi việc lược bỏ những tia bức xạ có hại (như lớp màn hơi nước đã làm), con người có thể sống gần 1.000 năm.
Kinh Thánh ghi lại rằng A-đam qua đời năm 930 tuổi và Mê-tu-sê-la sống gần 1.000 năm. Sau cơn lũ, tuổi của con người giảm xuống còn trung bình khoảng 70-80 năm. Nhiều người nghĩ rằng bạn không thể tin Kinh Thánh khi có lời chép rằng con người sống được 800 hoặc 900 tuổi hoặc hơn - rằng đó ắt hẳn là một loại năm (cách tính thời gian - ND) nào khác hoặc là tác giả chẳng biết mình đang nói gì. Đó là những năm có 360 ngày như Kinh Thánh đã chép (so sánh 7:11 và 8:3, 4) (_). Bạn có thể tin vào những điều Kinh Thánh viết. Một số nhà nghiên cứu ngày nay, những người nghiên cứu sự trường thọ tin rằng bây giờ con người có vẫn thể sống lâu như vậy nếu được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng có hại của mặt trời và bầu không khí ô nhiễm hiện nay.
Sự bảo vệ khỏi những tác hại từ mặt trời của lớp màn hơi nước trên bầu khí quyển cũng ảnh hưởng đến những kỹ thuật tính niên đại. Một lượng không đáng kể C14 chắc chắn đã hình thành trước cơn lũ. Điều đó có nghĩa là kỹ thuật tính niên đại bằng C14 hoàn toàn không có giá trị sau khoảng 5.000 năm hoặc hơn. Chúng ta sẽ bàn nhiều hơn về kỹ thuật tính niên đại.
TẠO VẬT KỲ DIỆU CỦA THƯỢNG ĐẾ
Con hải ly là một loài vật khác được sáng tạo cách độc nhất vô nhị và hết sức kỳ diệu. Những điều dưới đây được sao chép từ tờ Creation Ex Nihilo số 15, tháng 3-5/1993, trang 38-41. Hy vọng rằng bạn sẽ thấy giá trị của những lời mô tả từ tạp chí sáng tạo này khi bạn đọc lời của một tác giả mà cũng là một khoa học gia, Denis Dreves:
* Con hải ly: Kiến trúc sư dưới nước
“Bản năng xây dựng các đập nước của con hải ly đã được biết đến nhiều rồi, nhưng con hải ly còn có những đặc điểm được Đức Chúa Trời thiết kế cách hết sức kỳ lạ trong cơ thể của nó. Những con hải ly là loài động vật có vú thở không khí, lại sống phần lớn thời gian dưới nước. Vì lý do đó, nó cần phải được trang bị đặc biệt.
Trước hết, con hải ly có những cái van rất đặc biệt trong lỗ tai và lỗ mũi của nó. Khi nó lặn xuống dưới nước, những cái van đó tự động đóng lại và nước không thể tràn vào. Khi con vật nổi lên mặt nước, các cái van mở ra và nó bắt đầu thở trở lại.
Có lẽ một “thiết bị” đáng ngạc nhiên nhất mà nó có chính là những mí mắt của mình. Nếu bạn đã từng lặn hay bơi với một ống thở, bạn sẽ biết rằng nước và những chất trong nó có thể kích thích đôi mắt của bạn và cuốn mất chất bôi trơn tự nhiên (do mắt tiết ra). Không những thế, mắt của bạn cũng chẳng thể nhìn tốt dưới nước. Đó là lý do tại sao những người bơi với một ống thở thường mang thêm kính bảo hộ.
Có phải chúng ta là người đầu tiên nghĩ đến kính bảo hộ không?
Không! Đức Chúa Trời đã sáng tạo con hải ly với một cặp kính bảo hộ “bên trong.” Các mí mắt của chúng trong suốt, vì thế chúng có thể nhắm mắt lại dưới nước mà vẫn nhìn tốt. Chính những mí mắt trong suốt của chúng đã bảo vệ mắt chúng khỏi những chất gây nhiễm trùng có trong nước. Suốt mùa đông, những con hải ly phải ăn các vỏ cây mà chúng đã cắt và cất giữ trong suốt mùa hè bằng cách dùng những cái răng cửa được tạo nên vừa đặc biệt, vừa bén (có lẽ đây là một “trang thiết bị” khác vốn nổi tiếng của con hải ly).
Những con hải ly thu lượm các cây nhỏ (thường khoảng 2 - 5 cm (1 - 2 inch) đường kính) để làm thức ăn, cắt chúng ra thành những đoạn thích hợp và di chuyển chúng, bằng cách dùng răng cắn, về nơi trữ lương thực dưới nước, đẩy các khúc cây xuống bùn tận dưới đáy ao.
* Một thiết kế kỳ diệu
Điều đó đưa chúng ta đến một nét đặc biệt kỳ lạ khác. Để tìm lại những thực phẩm đã cất giữ và dùng trong suốt những tháng mùa đông, lúc băng phủ kín cả mặt ao, con hải ly cần phải nhai những khúc cây dưới mặt nước. Chúng có thể làm được việc này mà nước không chảy vào miệng, vì chúng có những “nắp bịt miệng bằng lông” (flur mouth flaps) giữa hai cái răng cửa và những cái răng hàm phía sau, nằm ở tuốt đằng sau. Hai nếp gấp bằng da này, mỗi cái nằm ở một bên miệng, khít nhau ở giữa hai răng cửa và bịt kín phần còn lại của miệng.
Cái đuôi lớn hình mái chèo của con hải ly, có một lớp da như vảy phủ bên trên, được dùng như một bánh lái trong khi bơi. Điều này đặc biệt quan trọng khi nó bơi với một khúc cây trong miệng. Cái đuôi phải giữ thăng bằng cho khúc cây, vì thế cái đuôi luôn được giữ ở một góc lái chính xác.
Chân sau của con hải ly lớn và có màng giống chân của con vịt, và điều này khiến cho con vật bơi rất giỏi. Hai cái vuốt ở phía trong mỗi bàn chân có những cái móng chân bị nứt ra, mà con hải ly dùng giống như một cái lược để chải chuốt mình và thấm dầu cho lông nó.
Con hải ly dùng hai chân trước nhỏ hơn, và không có màng của mình để mang bùn và các thứ khác, cũng như đào kênh mà chúng dùng như một phương tiện di chuyển gỗ cũng như để thoát thân khỏi những kẻ thù.
Lông của con hải ly cần phải được tẩm dầu để ngăn không cho nước thấm vào da nó. Dầu được tiết ra từ những tuyến dầu lớn. Chúng luôn căng đầy một chất lỏng nhờn nhờn màu vàng sẫm mà con hải ly dùng để phủ lên lông của mình nhằm chống thấm. Chất này, cùng với hai lớp lông, có tác dụng rất hiệu quả đến nỗi nước hiếm khi thấm được đến da. Một lớp mỡ dày dưới da sẽ bảo vệ nó khỏi bị lạnh.
Một con hải ly có thể bơi liên tục 800 m (nửa dặm) dưới mặt nước (mà không ngoi lên thở - ND) hoặc hơn. Hầu hết những động vật thở ôxy sẽ bị những ảnh hưởng bất lợi đến não do thiếu ôxy. Con hải ly có một bộ phận đặc biệt giúp bồi đắp nhu cầu của nó. Những lá phổi lớn và gan cho phép chứa được nhiều không khí và máu tươi hơn. Thêm vào đó, nhịp tim của con hải ly trở nên chậm hơn khi nó lặn để giữ ôxy, và máu bị giữ lại trong đầu của nó trong khi nguồn cung cấp sự sống cho não vẫn duy trì bình thường.
* Những bản năng sáng chế
Những con hải ly xây các đập nước có thể dài đến hàng trăm mét. Việc xây đập được làm bằng cách cắt cây và các bụi rậm xuống, kéo từng phần đến chỗ cái đập, và đặt chúng vào nước, song song với dòng chảy (một đầu hướng ngược dòng). Hầu như mọi thứ gì con hải ly tìm được, nó cũng mang đến để xây đập - gỗ tươi, gỗ khô, bùn, cỏ, và đá. Đến lúc nào đó, khi nước trong hồ của con hải ly dâng cao và có nguy cơ làm vỡ đập, và để ngăn chặn điều này, nếu có thời gian, con hải ly xây một cái đập tràn để làm giảm bớt áp lực nước, rồi sửa nó sau khi nước đã rút xuống.
Nơi ở của con hải ly cũng là kiệt tác của một nhà xây dựng bậc thầy. Chúng được xây dựng bằng các thanh gỗ, và chống cái lạnh bằng bùn. Phần chính giữa mái nhà không được bít lại để còn chừa chỗ thông gió. Ngõ vào chỉ có ở dưới nước mà thôi, và nó làm nhiều ngõ ra vào phòng trường hợp phải trốn thoát. Con hải ly có thể chạy thẳng đến ngõ vào nơi trữ lương thực làm bằng các thanh gỗ trong khi mặt nước hồ đã đông cứng trong mùa đông, và đây là nguồn thực phẩm duy nhất cho nó trong mùa này.
Thật, con hải ly là một bằng chứng tuyệt vời khác cho sự thông sáng và diệu kỳ của Đấng Tạo Hóa. Những trang thiết bị khác biệt và cần thiết đó không thể tiến hóa từ sự ngẫu nhiên cộng với thời gian qua quá trình chọn lọc tự nhiên được. Tất cả những bộ phận cơ thể con hải ly phải hoạt động đúng chức năng của nó ngay từ ban đầu thì nó mới có thể sống sót và sống lối sống nửa trên cạn, nửa dưới nước (semi-aquatic).”
bottom of page