top of page
Hung Tran
Apr 25, 2023
Đây là Đại Mạng Lệnh ràng buộc Cơ-đốc nhân phải đi khắp thế giới giảng Tin Lành...
Chương 2: Các Giáo Sĩ và Tấm Gương Hội Truyền Giáo Basel.
•“Vậy, HÃY ĐI khiến MUÔN DÂN trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế.” Ma-thi-ơ 28:19,20
Đây...
...là Đại Mạng Lệnh ràng buộc Cơ-đốc nhân phải đi khắp thế giới giảng Tin Lành. Thật không may, giảng Tin Lành là một trong những mạng lệnh trong Kinh Thánh mà tín hữu ít vâng lời nhất. Hội thánh có khuynh hướng “ở yên một chỗ” hơn là “đi ra”. Đây là những lời cuối cùng của Chúa Jêsus do đó chúng ta phải thực hiện một cách nghiêm túc.
Mạng lệnh này vẫn còn có giá trị cho đến ngày hôm nay dù đã trải qua hơn hai ngàn năm rồi. Không chỉ có có lời hứa thịnh vượng còn giá trị cho đến ngày hôm nay thôi đâu. Lời kêu gọi “hãy đi khắp thế gian” vẫn vang lên như là một tiếng chuông to rõ, là một mạng lệnh đời đời từ Đức Chúa Trời.
Mạng lệnh này mang một ý nghĩa mới khi bạn nghĩ về một thế giới chúng ta sống ngày nay. Các khu vực mà cộng đồng Cơ-đốc nhân đã từng sống động bây giờ đã thay đổi. Sự sống động thuộc linh của Châu Âu đã chuyển sang các nước nghèo hơn và những vùng thiếu thốn của thế giới. Ngày nay Châu Âu là bàn đạp của Sa-tan, là châu lục có người có nhiều người vô thần và không tin Chúa. Nhu cầu lớn của chúng ta hiện này là phải tiếp cận những nơi như vậy trên thế giới này.
Trách nhiệm đã chuyển dịch rồi.
Có vẻ như trách nhiệm rao giảng Phúc-âm đã chuyển từ người da trắng sang cho người da màu.
Hễ khi nào nói về các nhà truyền giáo, chúng ta đều nghĩ đến người da trắng sẽ đến để cứu những chủng tộc người da đen chưa được tiếp cận và kém văn minh. Chúng ta tưởng tượng các nhà truyền giáo da trắng yêu Chúa băng qua những khu rừng nhiệt đới nóng bức để đến được với những tộc người kém văn sống ở các ngôi làng xa xôi.
Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi! Những ngôi làng xa xôi không còn nhiều người kém văn minh như cách đây 400 năm nữa. Ngày nay, chính người da trắng đã trở thành người ngoại đạo và vô thần. Chính người da trắng sống ở các thành phố giàu có và sung túc đã không còn nhận biết Chúa nữa.
Đừng hiểu lầm ý tôi, vẫn còn có hàng ngàn ngôi làng nghèo và những thị trấn cần nghe về Chúa Jêsus. Nhưng không ai có thể phủ nhận thực tế rằng bối cảnh thuộc linh của thế giới đã thay đổi rất nhiều. Đám mây tăm tối của sự thiếu hiểu biết và thuộc linh trì trệ đã bay sang các nước Âu Châu.
Sự chết thuộc linh đã tra bàn tay lạnh giá của nó trên gáy các Hội thánh ở Châu Âu.
Nhiều Ngôi Giáo Đường đã từng nô nức hàng trăm
người thờ phượng Chúa vào mỗi Chúa Nhật bây giờ còn chưa đầy 15 cụ ông và cụ bà đến thờ phượng Chúa.
Nhiều Hội thánh vài tuần gặp nhau một lần thay vì tuần nào cũng gặp như trước kia. Sáng Chúa Nhật, những người trẻ nằm ở nhà lấy lại sức sau một đêm nhậu nhẹt, ăn chơi trác táng thác loạn trụy lạc. Họ không còn thời gian để đi thờ phượng hoặc nhận biết Chúa nữa.
Chẳng hạn, ở Thụy-sĩ, rất nhiều mục sư không còn tin Chúa. Họ là công nhân viên chức nhà nước có công việc làm.
Cuộc khảo sát thiên niên kỷ gần đây ở Anh cho biết chỉ có 28% dân số tin vào niềm tin truyền thống rằng có “một Đức Chúa Trời”. 37% cho rằng Chúa là “linh hoặc sinh hoạt lực vô hình”. Điều này rõ ràng cho thấy sự thiếu hiểu biết trầm trọng về Kinh Thánh và những lời dạy dỗ trong Kinh Thánh.
Cũng có một sự sụt giảm đáng kể về số lượng những người tin Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời. Chỉ có 45% người tin Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời, năm 1957 chỉ số này lên đến 71%. Điều này cho thấy hơn 40 năm qua, hơn 1/3 tín hữu từ bỏ đức tin.
•“Và vì tội ác gia tăng, NÊN LÒNG YÊU MẾN CỦA NHIỀU NGƯỜI SẼ NGUỘI DẦN.” Ma-thi-ơ 24:12.
Đã đến lúc chúng ta lại tiếp tục đi từng mọi ngóc ngách trên thế giới để nói về Tin Tức Tốt Lành của Chúa Jêsus Christ. Tôi rất biết ơn những người Mỹ và Châu Âu đã đến rao giảng Phúc-âm ở Châu Phi. Nếu như những con người này không đến, có lẽ hôm nay tôi đã tin theo một tôn giáo nào đó rồi.
Ngày hôm nay mạng lệnh truyền giáo phải được thực hiện nghiêm túc. Nếu chúng ta không đi ra khi Ngài sai phái, Chúa buộc phải sử dụng các phương pháp khác để đưa chúng ta bước vào những cánh đồng truyền giáo.
Công-vụ Các sứ đồ 1:8, Chúa Jêsus phán với các môn đồ hãy chờ đợi Đức Thánh Linh. Ngài hứa: Sau khi Đức Thánh Linh giáng trên họ, họ có thể đi khắp nơi để rao giảng Phúc-âm. Thật không may, giống như hầu hết chúng ta, các môn đồ đã không vâng theo mạng lệnh của Chúa mà họ cứ ở yên một chỗ mãi cùng nhau trong sự tiện nghi của Giê-ru- sa-lem.
•“Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con thì các con sẽ nhận lấy quyền năng và làm chứng nhân cho Ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri cho đến cùng trái đất.” Công-vụ Các sứ đồ 1:8.
Thay đổi thảm lót nền Hội thánh xem ra dễ dàng hơn, tổ chức những buổi đi chơi trong Hội thánh xem ra dễ hơn là đi khắp thế gian giảng Tin Lành. Khi bạn dám đối diện và đi vào những công tác khó khăn, ấy là bạn đã đi đúng hướng rồi. Giảng đạo có bao giờ là dễ, song rất đáng bỏ công!
Khi Hội thánh thất bại trong việc sai giáo sĩ, Chúa cho phép sự bắt bớ rộ lên để “tuyển” giáo sĩ.
•“… Trong ngày ấy, Hội Thánh ở Giê-ru-sa-lem GẶP CƠN BẮT BỚ DỮ DỘI; ngoại trừ các sứ đồ, tất cả TÍN HỮU ĐỀU BỊ TAN LẠC trong các miền Giu-đê và Sa-ma-ri. Phi-líp đi xuống thành Sa-ma-ri rao giảng Đấng Christ cho dân chúng ở đó. Đoàn dân nghe ông giảng và thấy các dấu lạ ông làm thì đồng lòng chăm chú nghe ông; vì có những uế linh kêu lớn tiếng mà ra khỏi nhiều người bị ám; nhiều người bại và què cũng được chữa lành. Vì thế, trong thành tràn ngập niềm vui.” Công-vụ Các sứ đồ 8:1, 5-8.
Bạn có thấy quyền năng đang tiềm ẩn ở trong các môn đồ khi họ tập trung lại với nhau ở Giê-ru-sa-lem không? Họ phải đi ra! Khi họ đi ra, những điều vĩ đại xảy ra. Bạn sẽ không biết gì nếu không đi ra. Tôi có nói chuyện với tất cả các mục sư và những người có thẩm quyền trong Hội thánh. Nhiệm vụ của bạn là sai phái những người nam, người nữ của Chúa làm công việc giáo sĩ trên toàn thế giới. Nếu không làm được điều này, bạn vô tình kết án những cuộc đời trong thế giới này, bạn buộc họ chết thuộc linh và xuống hỏa ngục.
Tôi rùng mình khi tưởng tượng, không biết tình cảnh sẽ như thế nào nếu các giáo sĩ không hy sinh cuộc sống của họ cho chúng ta, để ngày hôm nay chúng ta biết Chúa Jêsus. Chính những ý nghĩ này thúc đẩy tôi trong việc tìm kiếm công cuộc truyền giáo thế giới. Tôi biết rằng trong tôi chứa đựng quyền năng để công bố Phúc-âm cho các quốc gia. Chúa Jêsus phán: Chúng ta phải đi khắp thế gian và dạy dỗ muôn dân. Qua sự vâng lời của bạn mà nhiều người sẽ tìm thấy sự bình an và cứu rỗi. Tôi nghĩ chúng ta thường không biết ích lợi của một người vâng lời.
•“Vì thế, bởi sự phạm tội của chỉ một người mà mọi người bị kết án, thì cũng vậy, BỞI HÀNH ĐỘNG CÔNG CHÍNH CỦA MỘT NGƯỜI MÀ MỌI NGƯỜI ĐƯỢC XƯNG CÔNG CHÍNH và được hưởng sự sống.” Rô-ma 5:18.
Hội Truyền Giáo Basel.
Câu chuyện Hội Truyền Giáo Basel của quốc gia Thụy Sĩ khiến tôi luôn tò mò. Có lẽ vì ông bà và mẹ của tôi đã đến từ đó. Tôi luôn được đụng chạm trước sự hy sinh của các giáo sĩ thuộc hội Basel, chính họ đã đem đến sự mở rộng của Phúc-âm ở Gha-na.
Có cần các giáo sĩ chăng không?
Một số người nghĩ rằng tổ chức này không cần phải sai giáo sĩ đi khắp thế giới đâu, trong khi chính người Thụy sĩ cũng cần Đấng Christ. Đây là một lý lẽ thường đưa ra, dẫn đến tình trạng “tê liệt truyền giáo vì lý thuyết suông”.
Tôi biết có nhiều người ngày hôm nay nói rằng: “Tại sao chúng ta sai các giáo sĩ đến các quốc gia khác trong khi hàng triệu người dân ở đất nước chúng ta chưa được cứu?” “Không cần phải đi đâu cả; tội nhân ở cạnh chúng ta kìa!” “Sẽ rất là tiết kiệm nếu chúng ta truyền giáo ngay trong khu phố của mình!” Như tôi đã nói ở trên, tôi rùng mình khi nghĩ đến việc điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc tranh cãi đó chiếm ưu thế hơn mạng lệnh đơn giản của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta là “Hãy đi.”
Tôi muốn trích lập luận của một người chống lại quan niệm các giáo sĩ phải được sai phái từ quốc gia Thụy sĩ vào thế kỷ XIX:
“Chẳng phải ấy là điều lập dị ư, khi ta sai giáo sĩ đi ra khỏi Thụy sĩ? Trong khi đó ngay tại đất nước này, chúng ta đang mong mỏi có người đến với chúng ta, đặng đặt một dấu chấm hết cho tình trạng thờ hình tượng tràn lan, một tội lỗi đang vấn vương trong đầu các quý tộc và cả thường dân, trong đầu kẻ có học thức trí khôn lẫn kẻ khờ dại?” (Trích dẫn dịch ra từ Schlatter, Tập 1, trang 13).
Có vẻ như đây là một cuộc tranh luận gay go về việc liệu có nên sai phái giáo sĩ đi đến các quốc gia trên thế giới hay không. Tuy nhiên, một số thành viên nhiệt tâm không nản chí, họ đã thành lập Hiệp Hội Truyền Giáo Phúc Âm Basel (Basel Evangelical Missionary Society). Dần dần, một tổ chức truyền giáo hoàn chỉnh ra đời với những chương trình ở nước ngoài được thiết lập.
Đi đến tất cả các quốc gia trên thế giới.
Câu chuyện lịch sử này cho thấy: người Thụy-sĩ đã cố gắng “đi vào tất cả các quốc gia trên thế giới”. Họ không bị phân tâm bởi thực tế là còn nhiều tội nhân ở trong thành phố của họ. Chúa Jêsus chưa bao giờ phán: Hãy đi khắp thế gian truyền giảng Tin Lành khi mọi người ở gần xung quanh chúng ta đã được cứu hết rồi. Chúa Jêsus chỉ nói: Chúng ta hãy đi! Hãy lưu ý cách Hội thánh ở Thụy-sĩ sai giáo sĩ đi ra khắp thế giới với chi phí rất lớn. Họ sai người đến Nga, Tây Phi và Châu Á.
1800 năm sau khi Đấng Christ ban sự chỉ dạy của Ngài, nhiều người đã vâng lời và đi khắp thế gian giảng Tin Lành! Ngày nay, 2000 năm sau khi Chúa Jêsus ban mạng lệnh truyền giáo, tôi tuyên bố với bạn là mạng lệnh này vẫn còn cần thiết vô cùng, và chúng ta vẫn đi ra! Chúng ta phải đi! Nếu chúng ta yêu mến Ngài, chúng ta phải chăn chiên của Chúa! Chúng ta phải tìm cách đi đến mọi quốc gia trên thế giới để rao giảng Phúc-âm của Chúa Jêsus Christ.
Tấm gương của các giáo sĩ thời xưa là nguồn cảm hứng để chúng ta có thể phục vụ trong xã hội hiện đại ngày nay. Chúng ta không thể chỉ nói: “Wow, đó là một nỗ lực lớn lao!” Chúng ta phải trỗi dậy và làm như họ đã làm, chẳng những thế còn làm trỗi hơn!
Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau xem các Giáo sĩ Hội Basel từ bỏ cuộc sống của họ ra sao khi họ vâng theo Đại Mạng Lệnh.
Các giáo sĩ đi Nga.
¹Năm 1820, hai sinh viên mới tốt nghiệp đã được sai đến Caucasus – khu vực vừa mới được cát cứ bởi đế chế Sa Hoàng. Ở những vùng đất rộng lớn này, giữa Biển Đen và biển Cát-pi có rất nhiều cộng đồng người Đức và Thụy-sĩ định cư đang cần mục sư. Nhưng cũng có những người dân tộc ít được ai biết đến trước đây. Vài người trong số họ là Cơ-đốc nhân trong những ngày đầu đức tin Cơ-đốc lan tỏa, trong khi những người khác vẫn còn theo Hồi giáo.
Giáo sĩ Hội Basel cố gắng tiếp cận với nhóm dân tộc này. Tuy nhiên, nỗ lực này đã kết thúc khi Sa Hoàng, khi đối mặt với cuộc bạo động, đã tìm cách trừ khử giáo sĩ ra khỏi cộng đồng.
Hội Truyền Giáo Basel tiếp tục sai phái các giáo sĩ đi khắp thế giới thông qua các tổ chức xã hội truyền giáo khác. Phản hồi của các giáo sĩ từ công cuộc truyền giáo này đã mở mắt cho các nhà lãnh đạo của họ có thể nhìn thấy những chân trời truyền giáo mới. Đáng chú ý là các nước ở Tây Phi, quốc gia Ấn-độ và Trung Quốc. Những điểm đến này cuối cùng đã trở thành mục tiêu quan trọng nhất của các hoạt động cảu Hội Truyền Giáo Basel.
Điều này không dễ dàng chút nào và chắc chắn họ gặp phải nhiều nan đề. Những tranh cãi về cấp bậc, những thắc mắc về nghi lễ và vấn đề văn hóa nảy sinh. Tuy nhiên, công tác tiến triển và nhiều người khác đi theo ý tưởng của Hội Truyền Giáo Basel, từ đó Hội Truyền Giáo Bremen ra đời.
Các giáo sĩ Hội Basel ở Sierra Leone.
Mục tiêu đầu tiên của Hội Truyền Giáo Basel ở Châu Phi Hạ Sa-ha-ra là Sierra Leone và Liberia.
Các vùng lãnh thổ này được mua lại bởi các nhà từ thiện người Anh và Mỹ, với ý định là tạo ra khu vực tái định cư cho nô lệ vừa được trả tự do. Cả hai vùng này đều đã có chính phủ mới bảo hộ. Từ Basel, tình hình này được xem là cơ hội tốt để các giáo sĩ đi vào Lục Địa Châu Phi là nơi ít ai biết đến. Tin tức lan tỏa là một hệ thống giáo dục hiện đại sắp được thành lập. Do đó, chức vụ giáo sư và mục sư đang rất cần tại đây.
Theo suy nghĩ về phong trào truyền giáo Châu Âu thời bấy giờ, “người da trắng” phải trả một món trả nợ đạo đức rất lớn bởi vì tội buôn bán nô lệ. Khoản nợ này được trả bằng cách họ sẽ làm những việc tốt cho người Châu Phi. Một khía cạnh khác mà người da trắng giúp đỡ: đó là dân bản địa lúc bấy giờ vẫn còn duy trì thói quen săn bắt và buôn bán thân nhân (bán người trong gia đình). Họ phải được giải phóng ra khỏi những điều kiện lạc hậu về đạo đức.
“Sierra Leone” ban đầu là tên chung cho cả bán đảo, nơi thủ đô Freetown tọa lạc. Freetown được thành lập vào năm 1787. Các nô lệ được trả tự do từ Anh và Bắc Mỹ về đây tái định cư, một số đến từ các tàu bị đánh chặn ở Đại Tây Dương. Vào thời điểm đó, vùng nội địa của bán đảo xuất hiện trên bản đồ của Châu Âu như là một lãnh thổ của bộ tộc không tên.
Các giáo sĩ Hội Basel muốn làm việc ở khu vực này của đất nước bạn: xa khỏi các thuộc địa bên bờ biển đã có sự ảnh hưởng của Tây Phương. Tháng 01 năm 1823, bốn giáo sĩ đến Freetown, và từ đó họ đi lên nhiều địa điểm ở mạn bắc trong một hành trình mạo hiểm. Hai người “anh em” mang vợ theo. Vài tháng sau, hai giáo sĩ còn độc thân cộng với hai bà vợ giáo sĩ đã qua đời ở xứ người vì bệnh sốt vàng da, một đại dịch đã bùng lên trong thời gian này. Cộng đồng người nước ngoài ở Sierra Leone số thì mất tích, số thì chết la liệt vì bệnh dịch.
Mấy người anh em còn sống sót cùng một giáo sĩ đến sau đã quyết định cứ ở lại truyền giáo tiếp. Họ chính là những người Châu Âu duy nhất còn sót lại. Họ trở lại Freetown để tiếp tục công tác trong Hiệp Hội Truyền Giáo Anh Quốc, đơn vị đã bảo hộ họ đến đây. Một năm sau, chính quyền thuộc địa ra công văn tuyên bố chỉ có người quốc tịch Anh mới được ở lại làm giáo sĩ. Vào giai đoạn này, Ủy Ban Truyền Giáo Basel quyết định chuyển hướng mũi nhọn sang Liberia.
Các giáo sĩ đi Liberia.
Lãnh thổ Liberia đã được thế giới biệt riêng làm khu tái định cư vào năm 1817 bởi Hiệp Hội Thuộc Địa Phi Châu. Tổ chức tư nhân này thành lập ở Washington, nơi họ được chính phủ hậu thuẫn. Lãnh đạo là một công dân Mỹ, Juhudi Ashmun. Ông này đã được bầu làm Thống Đốc đầu tiên của Liberia. Liberia lẽ ra đã trở thành quê hương của các nô lệ vừa được trả tự do từ các đồn điền ở miền Nam nước Mỹ.
Năm 1847, Liberia trở thành quốc gia độc lập đầu tiên của khu vực Châu Phi vùng Hạ Sahara. Như bạn có thể đoán ra, quá trình thiết lập một hệ thống quản lý kiểu Mỹ trên các khu bờ biển này không hề dễ
dàng. Giai đoạn năm 1822, 3 người đến khai hoang phải đánh với 800 thổ dân.
Nhưng vài năm sau, Ashmun cảm thấy đã đến lúc ổn thỏa để ra thông báo công khai mời các hiệp hội truyền giáo bắt đầu sai người vào làm việc ở Liberia. Sự kêu gọi đã sẵn sàng ở Basel. Sau thất bại ở Sierra Leone, động thái này đã mang lại cho họ hy vọng mới.
Mối lo ngại về rủi ro an toàn sức khỏe sớm bị bỏ qua, vì có niềm tin sắt son của họ nơi bàn tay “Đấng đã gọi họ”. Thanh tra Blumhardt viết trong Tạp Chí Truyền Giáo năm 1827: “Chúng tôi nghĩ nếu chúng tôi đóng lòng, đóng tai lại với nỗi thống khổ và tiếng kêu than xin cứu giúp của những linh hồn nghèo khổ tại Châu Phi, đó chắc chắn là hành động làm ô danh Đấng Christ. Nếu quả vậy, chúng tôi là những kẻ hèn hạ, chỉ tham sống sợ chết mà lánh xa nơi này. Bọn buôn bán nô lệ Châu Âu còn không sợ nguy hiểm khi bước vào lãnh địa này, chấp nhận cả điều kiện thời tiết khí hậu khó khăn chết người. Bọn họ đã dám đi ngày đi đêm ở khắp vùng bờ biển này như những kẻ săn mồi cơ mà...”
Hóa ra là Ashmun đã vẽ ra một bức tranh có phần “tô hồng thái quá”, một bức tranh trong đó “thực tế và ao ước đan xen hỗn tạp.” Ngay tại thủ đô cũng không có chỗ lưu trú; chi phí sinh hoạt cực kỳ cao, tệ nhất là người dân không quan tâm đến lẽ đạo của các giáo sĩ. Ông Thị Trưởng thì bị bệnh trầm kha sau khi bốn giáo sĩ Hội Basel tới nơi năm 1828. Ông phải sớm trở về Mỹ, nơi ông qua đời chỉ 3 tháng sau đó.
Các nhà điều hành còn lại không mấy tha thiết về công việc truyền giáo. Có người còn giấu luôn bức thư gửi từ Basel tới chứ không chịu chuyền ra cho ai nấy đều biết. Nhưng “giọt nước làm tràn ly” chính là thái độ thù địch rất kỳ quặc của cộng đồng Báp-tít Hoa Kỳ, lúc bấy giờ là tổ chức Tin Lành duy nhất tồn tại ở Monrovia.
Hệ phái Báp-tít này đã đuổi các “anh em” Hội Basel ra khỏi buổi lễ thờ phượng, lấy một lý do thôi: mấy người này không được báp-têm theo quy định của hệ phái Báp-tít! Cho nên giáo sĩ Basel không thể nào giảng đạo tốt được, vì dân chúng trong vùng nhìn thấy hiện tượng này thì mất lòng tin nơi giáo sĩ rồi.
Bị khinh bỉ, các giáo sĩ đã rời Monrovia để mở rộng hoạt động trong vòng nội địa sâu bên trong, theo chiến lược mà các đồng nghiệp của họ đã làm tại Sierra Leone. Họ đi theo đường của họ để được làm việc với dân bản địa. Từng hồi từng lúc, nhóm này thu hẹp dần do giáo sĩ qua đời hoặc bị bệnh. Cuối cùng, tài chính giáo sĩ cũng cạn kiệt, giáo sĩ không thể xác lập được cơ sở tài chính đủ tin cậy theo quy định của Hội Basel.
Sau chuyện này, Giám Đốc Truyền Giáo của Basel quyết định đầu tư vào vùng đất có triển vọng hơn. Sự kiện này đã mở ra một cánh cửa thành công cho Hội Basel về công tác giáo sĩ Châu Phi: truyền giáo ở Bờ Vàng. Nhưng họ phải đầu tư thêm nhiều chương trình giáo sĩ quan trọng khác ở Lục Địa Đen, đi đầu là Nigeria, Cameroon, Congo, và Sudan.¹
Bài học từ Hội Truyền Giáo Basel.
Có hai bài học quan trọng cần phải học hỏi qua chương truyền giao sĩ đến Liberia.
Các giáo sĩ phải trở thành nông dân, thương nhân, thợ hồ để làm giáo sĩ hải ngoại.
Các giao sĩ phải ổn định cuộc sống tại đó bằng một “nghề cơ bản”. Điều này có nghĩa là họ sẽ tìm một công việc ở đó để duy trì được chức vụ. Đây là chức vụ may trại thực tế vào thế kỷ XIX.
Ý tưởng tìm việc làm may trại hầu việc Chúa không mới mẻ. Tôi ngạc nhiên là cho tới tận bây giờ vẫn có nhiều người, kể cả giáo sĩ, muốn Hội thánh phải chịu quá nhiều chi phí, đến nỗi phạm vi và mức độ sai đi của Hội thánh bị hạn chế vô cùng.
Ngày nay, nhiều người tự hào tuyên bố có hàng trăm nhân sự trong Hội thánh. Nó giống như càng có nhiều nhân sự trong biên chế, bạn càng thành công vậy đó. Bạn thân mến, điều quan trọng là chúng ta làm gì để hoàn thành công việc cho Chúa. Chúng ta phải chinh phục linh hồn bằng bất cứ giá nào!
Nếu những nhà buôn nô lệ ở Châu Âu sẵn sàng liều mạng và chịu hao tổn sức khỏe đi lang thang ở các vùng biển nhiệt đới Tây Phi vì tiền, thì các nhà truyền giáo Cơ-đốc có thể mạo hiểm sự sống vì linh hồn hư mất.
Chúng ta phải học tập thái độ của Giám sát chương trình Blumhardt, ông cho biết thật đáng xấu hổ khi chúng ta đóng tai lại trước tiếng khóc của linh hồn. Logic của ông rất đơn giản.
Các giáo sĩ Hội Basel đi Gha-na.
¹Khoảng năm 1826, Hội Basel tìm cách mở rộng mạng lưới các nhà bảo trợ. Các nhóm tôn giáo đồng chí hướng sớm được tiếp cận, cụ thể là ở vùng Scandinavia. Các bước tiến này nhanh chóng tìm thấy sự hậu thuẫn, đầu tiên là đến từ Đan-mạch với sự giúp sức của Mục sư Rönne,
Giám sát viên của Hội Giáo sĩ Đan-mạch (DMS).
Rönne đã có thời gian làm gia sư cho Hoàng Tử Crown, nên được Hoàng Gia Đan-mạch tin cậy. Ông cũng rất nóng lòng muốn thúc đẩy DMS đi lên, vì tổ chức này đang xuống dốc dần và sắp rơi vào tình trạng đóng băng. Không lâu sau Hội Basel ký kết thỏa thuận với Rönne, một bước đi phải lẽ.
Cũng trong năm đó, Thị Trưởng Johan von Richelieu, Thị Trưởng của Trạm Christiansborg Đan-mạch chuyên truyền giáo cho Bờ Vàng (Đan-mạch lúc đó gọi khu này là Bờ Guinea) đã về đến Copenhagen. Khi báo cáo lại cho Nhà Vua, von Richelieu đã làm ấn tượng Đức Vua về nhu cầu cấp thiết cho vùng thuộc địa Đan mạch này, ấy là phải sai thêm giáo viên và nhà truyền giáo tới đó.
Cũng giống như các cường quốc Âu Châu khác, sau khi đã thiết lập ổn định thuộc địa ở Bờ Vàng, Đan-mạch theo đuổi các lợi ích thương mại ở đó. Trước khi làm ăn với người bản địa và đánh đuổi được những kẻ xâm lược ra khỏi khu lân cận, các cơ sở của Đan mạch ở Bờ Vàng có ảnh hưởng rất ít đối với thuộc địa này.
Pháo đài Christianborg với thành phần dân cư chính là người Đan-mạch trở thành mái nhà Châu Âu ngay giữa đất Phi Châu. Dưới con mắt của người Âu Châu nhập cư, cụm từ Bờ Vàng nói lên nhiều sự hạn chế. Ngoài ra, nơi này cũng ẩn chứa nhiều căn bệnh nhiệt đới chết người.
Người nào đi tới Bờ Vàng chủ yếu là để kiếm tiền và làm giàu nhanh bằng cách buôn bán, trao đổi súng ống, đạn dược lấy vàng và nô lệ.
Theo quy định của Đan-mạch, mỗi nhân viên của chính quyền thực dân tới Bờ Vàng được sống chung với một người phụ nữ bản địa, người này đương nhiên được thụ hưởng một số quyền lợi. Từ đó số dân là “con lai” bắt đầu gia tăng. Chính quyền Đan-mạch mời giáo sĩ Basel qua đây truyền giáo để phục vụ nhu cầu giáo dục và tâm linh cho nhóm người này, vì dĩ nhiên cũng phục vụ cho nhân viên của họ đang làm việc tại pháo đài Đan-mạch.
Ở Basel, người ta có cái nhìn khác. Theo tiêu chuẩn rất khắt khe của giáo sĩ, cấp độ đạo đức của khu Christiansborg không ổn. Ủy ban Truyền giáo không hào hứng với đề nghị này. Họ không muốn tới để nâng đỡ và giúp cho cộng đồng người chưa bình ổn tại Bờ Vàng vốn dĩ là “hậu quả” của thói hoang dâm của binh lính Châu Âu.
Mục tiêu của giáo sĩ Basel luôn hướng đến nhóm dân tộc thiểu số bản địa, chứ không hướng tới người Châu Âu. Nhưng họ cũng sẵn sàng thỏa hiệp một chút. Chiến lược đề ra là một nhân sự sẽ chăm sóc nhu cầu tâm linh cho pháo đài, các giáo sĩ khác sẽ tản đi các khu vực bên ngoài.
Cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận, theo đó cả hai bên đều nhượng bộ nhau. Hội Basel được vào truyền giáo, đổi lại các giáo sĩ của họ phải làm việc dưới quyền lãnh đạo hành chính của Giám mục Lutheran Đan-mạch. Nếu không chấp nhận, họ phải làm việc độc lập hoàn toàn không có ai giúp.
Tháng 12 năm 1828, bốn giáo sĩ Hội Basel tới Christiansborg. Họ gồm ba người Đức là Karl F.Salbach, Gottlieb Holzwarth, và Johannes Henrke, cùng một người Thụy Sĩ là Johannes Schmidt. Sự chết bắt đầu chia lìa họ. Chỉ trong vòng vài tháng, ba người đã chết. Đến cuối năm 1831, người cuối cùng là Henke cũng không thoát.
Nếu không vì tiến độ liên lạc chậm chạp trong thế kỷ 19, Ủy ban Truyền giáo có lẽ đã bỏ ý định này.
Tuy nhiên, trước khi tin tức về cái chết của bốn giáo sĩ về tới đại bản doanh, Hội đồng Giáo sĩ lại quyết định sai thêm người qua củng cố.
Năm 1832, các giáo sĩ sau đây cập bến: Andreas Riis và Peter Jäger, cả hai đến từ Đan mạch, cùng với Christian Friedrich Heinze, một bác sĩ tới từ Saxony. Bác sĩ Heinze đến để khảo sát các rủi ro y tế cực độ mà giáo sĩ phải đương đầu ở Bờ Vàng, ông đưa ra nhiều lời khuyên về cách phòng chóng. Nhưng rủi thay, “Cái Chết Không Tránh Khỏi” đã chụp lên ông. Không lâu sau sự mất mát này, Riis đã phải chôn Jäger. Bản thân Riis cũng suýt mất mạng nếu không có sự can thiệp kịp thời của một thầy lang bản xứ là người đã thấy và cứu chữa kịp thời lúc Riis đang lên cơn co giật. Một thương gia người Đan Mạch gốc Phi là George Lutterodt đã mời Riis về ở tại khu nông trại yên bình của mình để phục hồi.
Năm 1835, Riis bắt đầu xây dựng trạm truyền giáo nội địa đầu tiên của Hội Basel ở Bờ Vàng. Đó là tại thị trấn Akropong, thủ phủ của Bang Akuapem. Riis đã xây dựng căn nhà của mình tại đó. Nhà ông được xây trên nền đá chắc chắn, có cửa, cửa sổ, và mái nhà rộng.
Đây là cấu trúc nhà mà dân bản địa chưa từng thấy trước đây. Cách làm việc tích cực của ông đã cho ông biệt danh Osiadan, có nghĩa là thợ xây nhà (chương 3.3). Các giáo sĩ đi vào sau Riis cũng xây nhà theo cấu trúc này. Bây giờ chỉ còn lại vài căn có cấu trúc này thôi.
Rốt cuộc Akropong trở thành trung tâm đầu não của Hội Basel ở Ghana. Nói về mặt nghĩa bóng: ngôi nhà nền đá của Riis ở Akropong là "nền đá mà trên đó Hội thánh Basel được xây lên!"
Tại sao Riis lại chọn Akropong để xây dựng trạm căn cứ nội địa đầu tiên của mình? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xem phần 50 năm đầu tiên của thế kỷ 18.
Sau đó lại có thêm một nhân vật tiên phong đáng chú ý nữa: công dân Đan-mạch, Bác Sĩ P.E. Isert một nhà sinh vật học kiêm bác sĩ, cũng là người rất ngưỡng mộ triết gia người gốc Geneva là Jean-Jacques Rousseau. Chịu ảnh hưởng bởi triết lý trở về thiên nhiên của Rousseau, Isert tin rằng dù xã hội Phi Châu trong giai đoạn buôn bán nô lệ xuyên lục địa đã bị tàn phá quá nhiều, nó vẫn có thể được sửa chữa và khắc phục nếu người ta khích lệ và hỗ trợ dân Phi Châu quản lý các “thuộc địa đồn điền” của chính họ trên khu đất bản địa. Các vùng đất này nên được để dành cho người xưa kia đã là nô lệ, họ sẽ sống nhờ thổ sản trồng cho các thị trường hải ngoại. Ý niệm mới mẻ này có thể là dự án phát triển đầu tiên được đề xuất cho Châu Phi!
Isert đã trình bày ý tưởng này trong một quyển sách bán chạy sau khi ông trở về từ một hành trình khám phá tới Bờ Vàng năm 1786. Cũng vì mục đích này, sau đó ông trở lại Bờ Vàng, nơi ông khám phá vùng bình nguyên của dải Akuapem nằm cách Christiansborg 60 km. Ông viết hồi ký về việc ông tự dùng dao phát cây cỏ để đi đường rừng, vượt qua 40 cây số ở Bình Nguyên Akra. Ở vùng bình nguyên, ông tìm thấy một môi trường thực sự thân thiện và tốt cho sức khỏe.
Nana Atiemo, Thị trưởng Tối cao của Akuapem lúc bấy giờ đã sẵn sàng cấp đất cho ông. Dự án dường như tiến triển rất ổn. Báo cáo đầu tiên được Isert viết xong ngày 16 tháng 01 năm 1789 gửi tới Christiansborg. Đây cũng là báo cáo cuối cùng của ông vì sau đó ông thình lình bị sốt. Sau vài năm, dự án bị bỏ phế. Dầu sao thì nỗ lực của bác sĩ Isert cũng không phí hoài. Dự án đã là nguồn cảm hứng cho các giáo sĩ Basel, những người đến Bờ Vàng sau đó 50 năm.
Khi các giáo sĩ Basel lần đầu tiên đặt chân tới Bờ Vàng năm 1828, lãnh thổ này – sau này trở thành Nước Cộng Hòa Gha-na – đã có các khu thuộc địa của Anh, Đan-mạch, Hà-lan trải dọc bờ biển rồi.
Các khu thuộc địa này chính là các cảng thương mại vững chãi. Quyền quản lý gián tiếp thuộc về các thị trưởng, nhưng chỉ trên một số dải đất giới hạn không vượt quá vành đai rừng dọc biển. Nhiều vị vua, trong đó có lãnh đạo của dân Asantes, dân Asante trở thành những người quyền lực nhất còn sống sót trong lãnh thổ này.
Trong thế kỷ thứ 19, Vương Quốc Asante đã chống lại bước tiến khai phá thuộc địa của dân Châu Âu. Chỉ sau khi người Anh mua lại các đồn điền của Hà-lan và Đan-mạch, đồng thời tiến hành chiến dịch thần tốc chống lại Asante, họ mới đẩy lùi được các chiến binh Asante kiêu ngạo. Trong một diễn biến của cuộc chiến Asante, một nhóm giáo sĩ Basel đã bị bắt ở Anum, ở phía đông Sông Volta. Họ bị giải về thủ đô của vương quốc là Kumase và bị bắt làm con tin ở đó suốt bốn năm, căn cứ theo chế độ “tù binh quốc gia” rất man rợ của Asantes (chương 3.9).
Với các diễn biến chính trị như thế, cùng với những sắp xếp đã vạch ra với các tổ chức sai giáo sĩ, Hội Basel trong hầu hết thế kỷ 19 chủ yếu hoạt động sâu trong nội địa ở giữa khu vực sông Volta và sông Pra.
Dọc theo bờ biển, người của Hội Basel ban đầu sống dọc theo vành đai Accra, nơi cư dân bản địa nói tiếng Ga và tiếng Dangme, về sau họ tỏa về Winneba ở phía tây và Ada ở phía đông. Vì lẽ đó, Hội Basel đã hoạt động giữa khu vực đóng đô của Hội Truyền Giáo Bremen. Nhóm này đã vào đây từ năm 1847, trú tại vùng Ewe, bên kia là đại bản doanh của Hội Wesleyan (Giám Lý), thành lập năm 1835 ở Cape Coast và lan tỏa về phía tây kể từ đó.
Các tổ chức tuyền giáo đã phải tránh xa Vương quốc Asante vì vương quốc này sau đó chiếm đóng các khu vực xung quanh vành đai rừng. Ngoại lệ duy nhất là nhóm giáo sĩ ở Wesleyan ở Kumase, hoạt động từ năm 1840 đến năm 1870. Trong nhiều năm này, người ta không cho họ cơ hội hoạt động tự do.
Chỉ sau khi người đứng đầu nhà nước là Otumfuo Prempeh Đệ I bị trục xuất sang Lâu Đài Elmina (về sau là về Đảo Seychelles vào cuối cuộc chiến Asante), các giáo sĩ Tin Lành mới được vào vùng Asante. Đây là giai đoạn hoạt động rầm rộ của Hội Basel. Họ trải rộng mạng lưới của họ ra khắp khu vực này một cách có hệ thống.
Cuối cùng, năm 1918 là năm cuối cùng Hội Basel hoạt động ở Bờ Vàng như một tổ chức nhà thờ độc lập. Lúc đó, Hội Basel đang vươn ra phía bắc tới tận Yendi ở Vành Đai Savannah, tiến về vùng biên giới với Bờ Biển Ngà theo hướng tây, và thống nhất được các địa điểm ở phía đông dọc sông Volta. Như vậy họ đã lập được cơ sở trong một vùng diện tích chiếm gần phân nửa Gha-na hiện đại.¹
Bạn có thấy lạ lùng không?
Bạn có thấy lạ không khi đọc thông tin về các hoạt động giáo sĩ của người da trắng ở Tây Phi. Đã gần 200 năm trôi qua. Lúc đó còn không có email, điện thoại, fax, máy bay, điện, nước máy, thế mà người ta vẫn sẵn sàng lăn lộn đi xa tới tận Yendi ở cực bắc Gha-na! Ngay trong thế đại này, trong thế kỷ 21, bạn hiếm thấy có ông mục sư Gha-na nào sẵn sàng đi tới Yendi.
Bạn thân mến, người Châu Âu đã không còn tin vào Phúc-âm mà xưa kia họ từng dám tử đạo để công bố. Bây giờ tới lượt chúng ta, những con người vẫn còn đức tin. Chúng ta sẽ mang Phúc-âm đến những ngóc ngách xa xôi nhất. Nguyện xin Chúa cho chúng ta, vì giờ chúng ta đã có nhiều tri thức hơn, nhiều sự mặc khải hơn, nhiều công cụ hơn, nhiều khả năng tiếp cận hơn.
Nguyện xin Chúa giúp đỡ để chúng ta vươn đến nhiều khu vực xa xôi hẻo lánh hơn cả họ nữa! Xin Chúa thương xót đặng chúng ta không thất bại trong trách nhiệm Chúa giao. Chúng ta phải chinh phục người hư mất bằng mọi giá! Nếu chúng ta phải trở thành giáo sĩ, hãy làm giáo sĩ! Nếu chúng ta phải bỏ xác ở đất khách quê người, nguyện điều ấy được thành!
“Chúng tôi nghĩ nếu chúng tôi đóng lòng, đóng tai lại với nỗi thống khổ và tiếng kêu than xin cứu giúp của những linh hồn nghèo khổ tại Châu Phi, đó chắc chắn là hành động làm ô danh Đấng Christ. Nếu quả vậy, chúng tôi là những kẻ hèn hạ, chỉ tham sống sợ chết mà lánh xa nơi này. Bọn buôn bán nô lệ Châu Âu còn không sợ nguy hiểm khi bước vào lãnh địa này, chấp nhận cả điều kiện thời tiết khí hậu khó khăn chết người. Bọn họ đã dám đi ngày đi đêm ở khắp vùng bờ biển này như những kẻ săn mồi cơ mà…” Giám Sát Viên Chương Trình Blumhardt - 1826
_________________________
¹Các đoạn trích lấy từ chương – Bối Cảnh Truyền Giáo Tin Lành, sách “NHỮNG NGƯỜI SỐNG SÓT TRÊN BỜ VÀNG – Các giáo sĩ Basel ở Thuộc Địa Ghana,” tác giả Peter A. Schweizer. Đã được sự đồng ý của tác giả.
bottom of page