top of page

Chương hai : ĐẶC ĐIỂM KINH THÁNH

Hung Tran

Jun 28, 2023

Trong lãnh vực khoa học và Kinh Thánh, sự suy tư đích thực hợp thời sẽ không thể nào có được trước khi bản chất của ngôn ngữ Kinh Thánh đã được thâm cứu...



ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÔN NGỮ KINH THÁNH


I. ĐẶC TÍNH NGÔN NGỮ KINH THÁNH


Trong lãnh vực khoa học và Kinh Thánh, sự suy tư đích thực hợp thời sẽ không thể nào có được trước khi bản chất của ngôn ngữ Kinh Thánh đã được thâm cứu. Có rất ít sách bàn về Kinh Thánh với khoa học đã đề cập đến điểm này. Trong các sách đã đá động đến đề tài ấy thì đề cập hết sức sơ sài. Được hướng dẫn bằng nhiều phương tiện, bằng luận lý học và bằng phương pháp phân tích, qua nhiều thế kỷ, khoa học đã thiết lập được ngôn ngữ đặc biệt của nó. Ngôn ngữ Kinh Thánh là ngôn ngữ cổ của Palestine và Hy-lạp. Muốn kết hợp hai ngôn ngữ đó, người ta bị bắt buộc phải thông suốt cả hai. Khi nhà khoa học dùng những danh từ như “nguyên tử”, “định luật”, “định lý” hay “không gian cong”, thì chúng ta phải biết môn triết lý khoa học mới có thể hiểu đúng những danh từ ấy có nghĩa gì. Danh từ nguyên tử vốn có một lịch sử lâu đời, và ý niệm về một nguyên tử đã biến đổi rất nhiều từ Newton đến De Broglie. Triết gia về khoa học cần phải biết tác giả dùng ý niệm nào về ngôn từ. Hơn nữa, triết gia về khoa học biết rằng người ta chẳng bao giờ thấy được một nguyên tử, bởi vì độ lớn của một nguyên tử nhỏ hơn vật nhỏ nhất mà mắt người ta có thể trông thấy được đến mấy ngàn lần. Lối hiểu chữ nguyên tử thông thường, thường khác xa với lối hiểu về phương diện kỹ thuật.


A. Ngôn ngữ Kinh Thánh có tính cách bình dân, không có tính khoa học.


Bình dân đây được dùng với nghĩa là thuộc về dân chúng. Ngôn ngữ bình dân là thứ ngôn ngữ dân chúng dùng trong giờ trò chuyện, trong buổi nhóm họp hay ở ngoài chợ búa. Đó là lối văn căn bản cho sự giao thiệp hàng ngày của dân chúng.

Ngôn ngữ khoa học là thứ ngôn ngữ đặc biệt giúp cho các nhà chuyên môn của mỗi khoa học trao đổi với nhau cách nhanh chóng, đúng nghĩa và tiện lợi. Nhờ đó các nhà khoa học dùng các danh từ riêng của họ mà không cần dài dòng giải thích hay định nghĩa, vì các đồng nghiệp của họ hiểu ngay họ muốn nói cái gì.


Cả hai thứ ngôn ngữ đó đều có ích cho mục đích riêng của mỗi bên. Các nhà khoa học biết bài nghị luận của họ cho một tạp chí chuyên môn trong thứ ngôn ngữ chuyên môn của họ. Họ truyền đạt tư tưởng của họ một cách dễ dàng qua thứ ngôn ngữ chuyên môn này. Nhưng khi họ trò chuyện với người láng giềng của họ trong buổi họp mặt nào đó, thì các nhà khoa học lại phải khôn ngoan sử dụng ngôn ngữ bình dân.


Kinh Thánh là sách dành cho mọi tầng lớp, mọi dân tộc trong mọi thời đại, nên từ ngữ Kinh Thánh phải bình dân, phải dễ hiểu cho mọi tầng lớp trong xã hội. Có lẽ trong ngôn ngữ y khoa và hàng hải của Lu-ca có một số danh từ chuyên môn, nhưng hầu hết ngữ vững của Kinh Thánh về vạn vật trong thiên nhiên đều bình dân. Bởi thế, nhà khoa học đi tìm từ liệu chuyên môn trong Kinh Thánh thì thật là mất công. Có nhà giải kinh cố gắng tìm tòi những dấu chỉ kín đáo trong Kinh Thánh liên quan đến khoa học ngày nay, cũng hoàn toàn luông công. Bắt một tác phẩm bình dân nói tiếng nói của khoa học thì không tốt. Bắt Kinh Thánh nói những điều Kinh Thánh không chủ trương nói cũng không tốt.


B. Ngôn ngữ Kinh Thánh là ngôn ngữ biểu tượng


Biểu tượng ở đây chỉ về những gì xuất hiện ra bên ngoài. Kinh Thánh là một thứ ngôn ngữ không những bình dân mà còn giới hạn vào những gì hiển hiện cho ngũ quan cảm giác được. Tỉ dụ Kinh Thánh nói đến “bốn góc của trái đất” (EsIs 11:12), vì việc chia một vật gì đó ra làm bốn phần là cách loài người thường làm và là một phương pháp thích hợp để chỉ một nơi chốn, một địa điểm cho đến ngày nay. Không phải là chúng ta không thường nghe các thành ngữ như “từ bốn phương trời” hay “từ mọi góc biển chân trời”. Những thành ngữ như vậy không phải là cách nói của khoa học hay có tính phản khoa học, nhưng là những thành ngữ bình dân nhằm mô tả hiện tượng trong câu chuyện thường ngày. Kinh Thánh cũng nói đến mặt trời mọc, mặt trời lặn. Đối với mắt của mọi người thì mặt trời có mọc lên và lặn xuống, và nó có hiện tượng đi ngang qua bầu trời. Thực ra chúng ta không cảm thấy, không xem thấy trái đất xoay quanh mặt trời. Những kiểu nói đó không khoa học, nhưng cũng không phản khoa học, đó là kiểu nói bình dân, hiện tượng, trong các câu chuyện thường ngày. Thử coi ngôn ngữ của Sáng-thế ký đoạn một, Đối với các danh từ sinh vật học và thảo mộc học, sách nói đến loài cá, loài chim, loài thú, loài cây, loài cỏ. Sáng-thế ký không phân biệt loại giống lưỡng thể động vật hay động vật có vú sống dưới nước. Về phương diện thiên văn học, Kinh Thánh cũng dùng thứ ngôn ngữ biểu tượng. Kinh Thánh có nói tới trái đất, mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Sách không nói đến sao chổi, các loại hành tinh hay các thứ tinh vân cầu. Kinh Thánh chỉ mô tả và giới hạn vào những gì mắt xem thấy được khi ta ngước mắt lên trời. Cách đó cũng áp dụng cho các từ về sinh vật học.. Chúng ta sẽ đề cập đến những mặc khải đặc biệt qua những từ ngữ bình dân của Sáng-thế ký 1 ở chương sau.


C. Ngôn ngữ Kinh Thánh là ngôn ngữ không định lý đối với các vật tự nhiên.


Điều này có nghĩa là Kinh Thánh không lập thuyết cho bản tính các sự vật. Có người giải thích thơ HeDt 11:3 là thuyết vật chất được tạo dựng từ năng lượng, nhưng nên nhớ rằng đó là một lối giải thích, Kinh Thánh không có thuyết nào về vật chất cả. Cũng có người đề nghị rằng chữ “vận hành” trong SaSt 1:2 ngầm chỉ về thuyết làn sáng của ánh sáng, nhưng giải Kinh như vậy là quá trớn. Ai đem sự ấp ủ của Thần của Đức Chúa Trời trên mặt nước vào trong thuyết làn sóng vật chất của Do Broglie là lý luận kỳ cục: Kinh Thánh giữ im lặng đối với sắp xếp bên trong của mọi vật hữu hình.


Cũng không có thuyết thiên văn nào trong Kinh Thánh.

Sáng-thế ký đoạn 1 không bênh vực Aristote hay ptolemy hay Copernicus hay Newton hay Einsein hay Milhe - tuy nhiên có vài lối giải thích của thiên văn học hiện đại phù hợp với lời giải thích của một số người giải nghĩa Sáng thế ký đoạn 1 mà chúng tôi sẽ trình bày ở chương sau.


Trong Kinh Thánh không có một định thuyết nào về thiên văn học, địa chất học, vật lý, hoá học, động vật học và thảo mộc học Kinh Thánh chỉ đề cập tới các vấn đề đó theo ngôn ngữ bình dân và biểu tượng, không bị bó buộc vào một định lý khoa học nào, tuy ngày nay có vài giả thuyết khoa học phù hợp với điều Kinh Thánh nói đến bằng ngôn ngữ thông thường.


D. Kinh Thánh dùng văn hoá thời đại làm phương châm mặc khải.


Ông John Pye Smith nhận định như sau: “Không thể nào nghi ngờ tính cách chung của cả bộ Kinh Thánh, nhất là trong những phần được viết trước tiên, là lời nói về Chúa, về bản thể Ngài, các sự trọn lành Ngài, các ý định Ngài, và các công việc Ngài bằng thứ ngôn ngữ mượn bởi thể xác và tinh thần con người và mượn bởi những ý kiến liên quan đến hành động của Thiên Chúa trong thế giới thiên nhiên, tức là ngôn ngữ của lớp người được Chúa ban cho mặc khải.” (John Pye Smith, Genesis and Geology, p.225).


Chúng ta cần đi vào chi tiết như sau:


1. Ngôn ngữ về “thời gian” ở trong Cựu ước và Tân ước không phải là thứ thời gian khoa học, nhưng là thứ thời gian theo tính cách xã hội thời các tác giả Kinh Thánh. Ánh sáng và bóng tối định giới hạn cho ngày; những chu kỳ của mặt trăng định giới hạn cho tháng, những chu kỳ của thời tiết với những chuyển vận của tinh tú định giới hạn cho năm. Mỗi ngày cũng chia thành từng canh hai giờ. Cách phân chia như vậy là đầy đủ cho nếp sống thường nhật của dân chúng. Còn cách chia thời gian theo kiểu văn minh khoa học bây giờ thì họ không biết. Do đó chúng ta không thể áp dụng phương pháp khoa học ngày nay vào những cách tính toán bình dân về thời gian mà các tác giả Kinh Thánh đã dùng.

Nói như vậy không có nghĩa là cách tính thời gian dùng trong Kinh Thánh hoàn toàn sai. Cách tính đó là cách tính thông thường tương đối đúng cho dân chúng thời xưa, và có cho thời nay. Những phương pháp đó không thể so sánh với những phương pháp khoa học tối tân, nhất là với thứ đồng hồ nguyên tử trong thời gian được tính bởi những rung động của các điện tử.


2. Những danh từ tâm lý trong Kinh Thánh là những từ ngữ trong văn hoá thời cổ, không phải là những từ ngữ dùng trong khoa tâm lý học ngày nay. Kinh Thánh dùng những từ ngữ như: tim, gan, xương, ruột, thận... và quy tác động tâm lý cho các cơ quan này. Đây là thứ từ ngữ hiện thực hoá mà ngày nay chúng ta cũng dùng như đau thấu xương, buồn thúi ruột, héo trái tim... Những từ ngữ đó nhằm mô tả một thứ tâm sinh lý. Trái tim có thể tin không (RoRm 10:9-10)? Gan chúng ta có thể buồn sầu không (CaAc 2:11)? Phải chăng Phao-lô có tình yêu thiêng liêng ở trong ruột ông (Phi Pl 1:8)? Phải chăng thận là một phần trong cơ cấu tâm lý chúng ta (Gie Gr 1120 KhKh 2:23)? Chúng ta có phải học Tân ước cho biết rằng mỗi người chúng ta có một hồn, một linh, một trí, một tâm, một lực, một thể (Sôma và Sarks) không? Kẽ dĩ nhiên câu tr3 lời của chúng ta quá rõ ràng, nhưng đây là cách diễn tả mà chúng ta vẫn thường diễn tả.

Nếu chúng ta nhấn mạnh rằng vấn đề tâm lý trong Kinh Thánh cần phải hiểu theo nghĩa chữ, nghĩa đen, thì chúng ta đi đến kết luận rằng khoa tâm lý trong Kinh Thánh không thể nào chấp nhận được. Nhưng nếu chúng ta đồng ý rằng lẽ thật của Kinh Thánh được biểu diễn bằng những từ ngữ của nền văn hoá đồng thời với lúc viết Kinh Thánh, từ ngữ thông thường, bình dân thì chúng ta không còn thắc mắc. Bổn phận chúng ta là tìm trong Kinh Thánh khoa tâm lý thần học căn bản ẩn chứa trong đó. Tim và thận chỉ là những con đường sinh lý diễn tả đời sống tình cảm, đam mê của chúng ta với những kinh nghiệm, cảm hứng của chúng ta.


3. Những phương pháp tính toán, những hệ thống đo lường trong Kinh Thánh thuộc về thời tiền khoa học, không phải là những phép tính và đo của thời nay. Con số thường được dùng theo nghĩa chúng ta nói ngày nay như “nhiều”, “vài”, “một ít”. Ba đứng thế cho một ít; 7,10 và 100 đứng thế cho sự trọn vẹn. 10 cũng có nghĩa là vài. 40 có nghĩa là nhiều, 7 và 70 có nghĩa là lớn, đông nhưng không nhất định con số tính cho chẵn, con số tròn, được dùng như con số đúng. các tự điển Kinh Thánh thường kê ra những bảng đối chiếu chi tiết về các từ văn hoá Sê-mi-tích (Semitic) của Cựu ước sang văn hoá La-Hy (Gracoe Roman) của Tân ước thì các hệ thống cân đo cũng thay đổi. Hệ thống nào là hệ thống được linh cảm và vô ngộ? Hệ thống trong Cựu ước hay hệ thống trong Tân ước? Nếu chúng ta tin rằng chân lý bất diệt của Thiên chúa đến với chúng ta qua những phương châm của văn hoá làm trung gian thì câu hỏi trên trở nên vô nghĩa. Thiên Chúa không hà hơi và bảo đảm cho những hệ thống đo lường thời Kinh Thánh được viết, chúng được dùng trong Kinh Thánh chỉ vì chúng là những đơn vị đo lường được dân chúng thời viết Kinh Thánh quen dùng.


4. Các danh từ địa lý trong Kinh Thánh là những danh từ phổ thông của nền văn hoá thời đó. Kinh Thánh nói đến núi non, thung lũng, bình nguyên, sông ngòi, suối lạch, hồ ao, bờ biển... Kinh Thánh có một thứ địa lý thần học về trời, về đất, về địa ngục... Nhưng không nên coi thứ địa lý này như địa lý thông thường. Cựu ước bằng tiếng Hy-bá-lai và Tân ước bằng tiếng Hy-lạp đã dùng những danh từ phổ thông của nền văn hoá thời đó để mô tả các đề tài địa lý.


C. Ngôn ngữ Kinh Thánh có những lợi điểm sau đây:


1. Vì là thứ ngôn ngữ bình dân, không định lý khoa học, nên ngôn ngữ này lập thành một mặc khải rất ý nghĩa. Ngay cả ngày nay có mấy ai hiểu nổi một cuốn sách dùng toàn những từ khoa học tân tiến? Người nào chê Kinh Thánh không dùng ngôn ngữ khoa học thì người ấy không hiểu mình nói cái gì. Nếu Kinh Thánh dùng các từ ngữ của khoa học mới nhất thì những người trong các thời đại trước không hiểu nổi, và biết bao nhiêu người không có những kiến thức khoa học hiện nay cũng không hiểu nữa. Kinh Thánh đã dùng thứ ngôn ngữ thích hợp cho hết thảy mọi người, trong mọi thời đại. Ông Shields nói: “Kinh Thánh tuy không mô tả khoa học, nhưng không phản khoa học, cho nên Kinh Thánh đúng cho mọi người thời nay, cũng như đã đúng cho người thời xưa và sẽ còn đúng cho các thế hệ trong tương lai nữa.”


2. Vì Kinh Thánh dùng những từ ngữ tiền khoa học nên Kinh Thánh là của mọi thời đại và thích ứng cho mọi giai đoạn tiến bộ của loài người. Không còn cách nào hiệu nghiệm hơn để Kinh Thánh có chêm vào những tiếng chuyên môn của khoa học thì bất tiện cho việc giảng đạo, vì như thế Kinh Thánh sẽ trở nên lạnh lẽo, khô khan, vô vị và rất khó hiểu cho dân chúng.


Tóm tắt lại, Kinh Thánh đề cập đến các vật tự nhiên bằng lối văn, thừ ngôn ngữ bình dân, tiền khoa học. Đó là lối văn đương thịnh hành của thời đại Kinh Thánh được viết ra. Đức Thánh Linh nói qua thứ từ liệu đó với hai mục đích: thứ nhất là để người ta khỏi lấy từ liệu Kinh Thánh làm một thứ khoa học vô ngộ; thứ hai là để các nội dung thần học trong Kinh Thánh không bị tổn hại.


II. NHỮNG KHÓ HIỂU TRONG KINH THÁNH


1. Nhiều người ngạc nhiên và chán nản vì thấy trong Kinh Thánh có nhiều chỗ khó hiểu quá.

Hội thánh đầu tiên cũng có những khó khăn tương tự như chúng ta, vì thế sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Cũng như Phao-lô, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan đã được ban cho mình mà viết thơ cho anh em vậy. Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa cũng như họ giải sai các phần Kinh Thánh khác, chuốc lấy sự hư nát riêng về mình.” (IIPhi 2Pr 3:15, 16).


Người khôn ngoan thật không bao giờ chối cãi rằng Kinh Thánh không có những điều khó hiểu. Họ thành thực nhìn nhận và cố gắng tìm hiểu những khó khăn trong Kinh Thánh.


Nhưng nếu nói rằng trong Kinh Thánh chẳng có gì là khó hiểu cả, thì lại càng phi lý; vì Kinh Thánh là gì? Kinh Thánh là kho tàng các chân lý khải thị về trí khôn, ý muốn, đặc tính và bản thể của Đấng tối cao, tuyệt đối khôn ngoan và vô cùng thánh khiết tức là Đấng Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa lại là tác giả của Kinh Thánh, nguồn mặc khải thiên thượng. Nhưng Kinh Thánh này, nguồn mặc khải này ban cho ai? Thưa, ban cho loài thọ tạo, có giới hạn về mọi phương diện, trí khôn đầy khuyết điểm trong sự hiểu biết, đầy khuyết điểm trên đường thánh thiện. Người khôn ngoan nhất, thánh thiện nhất, so với Thiên Chúa thì chỉ là đứa bé chưa học vỡ lòng. Như vậy trí khôn loài người hạn hẹp làm sao khỏi thấy những sự khó hiểu trong cuốn sách do Đấng thông thái vô cùng chép ra. Khi vật hữu hạn tìm hiểu những sự vô hạn thì tất phải gặp khó khăn không nhiều thì ít. Khi người thất học nghe bài diễn văn của nhà thông thái sẽ thấy có nhiều điều rắc rối, có khi còn cho là vô lý nữa.

Một người có lương tâm chai đá trước tội lỗi vì đã sống quen với tội ác, khi người đó nghe nói đến những hình phạt của Thiên Chúa giáng trên tội nhân thì bỡ ngỡ và bối rối, không hiểu được lý do nên vội cho Thiên Chúa là ác nghiệt, thiếu nhân từ. Còn kẻ hiểu được tội ác là điều gớm ghê chừng nào và đòi hình phạt nặng trước mặt Thiên Chúa là Đấng cực thánh thì kẻ đó sẽ lấy lý đoán của Chúa mà làm phải lẽ.


Như thế lạ gì trong nguồn mặc khải của Thiên Chúa có nhữn điều khó hiểu. Giả sử có ai trao cho bạn bản cửu chương và nói: “Đây là Lời Đức Chúa Trời, trong đó Ngài bảy tỏ hết sự khôn ngoan của Ngài.” Hẳn bạn sẽ lắc đầu và bảo: “tôi không tin, vì bản cửu chương đâu phải là nguồn mặc khải trọn vẹn về sự khôn ngoan vô cùng của Chúa.”

Vì bản cửu chương dễ hiểu quá cho bạn. Còn sự khải thị đầy đủ về trí khôn, ý muốn, đặc tính và bản thể của Thiên Chúa hẳn là những sự khó hiểu cho những kẻ mới tập sự hiểu biết. Những người thông minh nhất trong loài người cũng chỉ mới tập sự trước kho tàng mặc khải của Thiên Chúa.


2. Những gì khó hiểu trong Kinh Thánh không có nghĩa là những điều đó sai lầm.

Có nhiều người quen nghĩ rằng nếu họ không nhận ra lẽ tại sao Kinh Thánh lại có nguồn gốc từ Thiên Chúa và tuyệt đối vô ngộ, lập tức họ đi tới kết luận rằng giáo lý đó là sai lầm. Nghĩ vậy không triết lý chút nào. Nếu bình tâm suy nghĩ một chút, họ sẽ thấy rằng không mấy thuyết khoa học được hoan nghinh ngày nay mà trước kia không bị chỉ trích, bác bỏ.


Thuyết thiên văn của ông Copernicus, bây giờ được toàn thể thế giới công nhận, nhưng ban đầu bị bài bác không ít. Người ta bảo nếu thuyết này đúng thì kim tinh cũng phải có những chu kỳ biến đổi như mặt trăng. Nhưng thời đó không thể có thiên lý kính nào đủ sức khám phá ra những chu kỳ của kim tinh. Và rồi thuyết đó đưa ra những lý lẽ mạnh đã thuyết phục được nhiều người, mặc dầu vấn nạn trên kia vẫn còn nan giải. Về sau khi đã có những ống kính mạnh hơn, người ta mới thấy rõ những chu kỳ của kim tinh.

Đối với những điều khó hiểu trong Kinh Thánh cũng vậy, chỉ tại người ta chưa nắm vững được ít nhiều sự kiện còn tàng ẩn trong vấn đề.


Vậy khi nghiên cứu Kinh Thánh, ta cũng áp dụng cái lý đương nhiên mà người ta thường áp dụng trong các lãnh vực khoa học, tức là khi một lý thuyết có đủ chứng cớ hiển nhiên thì ta phải chấp nhận mặc dầu còn có những khó khăn nan giải trong chi tiết nhỏ. Kẻ nông cạn thường chối bỏ một chân lý chỉ vì gặp thấy ít nhiều điều họ không thể giải thích nổi theo chân lý đó. Chúng ta cũng nông cạn khi không tin nguồn gốc siêu nhiên và đặc tính vô ngộ của Kinh Thánh chỉ vì chúng ta gặp thấy những khó khăn mà chúng ta cho là nan giải trong Kinh Thánh.


3. Ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu chúng ta bảo Kinh Thánh do loài người và vì thế thiếu đặc tính vô ngộ (không sai lầm).

Khi bạn gặp ai nói: Nếu anh bảo Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời thì anh giải thích làm sao các nan đề trong Kinh Thánh? Bạn hỏi lại ngay họ rằng: Nếu anh bảo loài người viết ta Kinh Thánh thì anh giải thích làm sao ứng nghiệm trọn vẹn tất cả các lời tiên tri về Đấng Cứu Thế? Anh giải thích làm sao sự hợp nhất diệu kỳ của toàn bộ Kinh Thánh? Giải thích làm sao về sức mạnh lạ lùng, siêu nhiên của Kinh Thánh trong việc nhắc lòng người ta hướng về Thiên Chúa?... Đối với những vấn nạn nhỏ nhặt của họ về Kinh Thánh, bạn có thể nêu ra trước mặt họ nhiều vấn nạn sâu xa ý nghĩa phản lại việc họ chối bỏ Kinh Thánh. Ai thành thật muốn hiểu biết chân lý và nói theo chân lý sẽ không ngần ngại khi quay về Kinh Thánh.


Ngày kia có một chàng sinh viên rất giàu tư tưởng của những thuyết chuyên bác bỏ Kinh Thánh đến nói với ông Torrey rằng anh ta đã suy xét nhiều và nhận thấy không thể nào nhìn nhận Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời được.


Ông Torrey hỏi: Tại sao?

Anh ta trưng một câu Kinh Thánh mà anh ta không muốn tin là sự thật.

Ông Torrey trả lời: “Giả sử tôi không trả lời được vấn nạn của anh, thì điều đó không có nghĩa là Kinh Thánh không do Thiên Chúa. Nếu anh có Kinh Thánh là bởi loài người thì tôi có thể trưng ra cho anh thấy nhiều khó khăn hơn nếu anh không nhận Kinh Thánh là bởi Chúa. Anh không thể chối cãi thực tế là các lời tiên tri đã ứng nghiệm. Anh giải nghĩa thế nào việc đó nếu Kinh Thánh không phải là Lời Chúa? Anh không thể bịt mặt trước sự hợp nhất lạ lùng của 66 cuốn sách trong bộ Kinh Thánh. Các sách đó đã được viết ra dưới những trường hợp khác nhau, vào những thời kỳ cách xa nhau, bởi hơn 40 người trần gian viết. Anh giải nghĩa việc đó thể nào nếu không nhận Thiên Chúa là tác giả chính của tất cả 66 sách đó? Anh không thể chối cãi là Kinh Thánh có một thần lực để cứu người ta khỏi tội, để mang lại cho loài người sự bình an, hy vọng và vui thoả, để nâng cao tâm hồn người ta lên tới Chúa; thần lực đó hết mọi sách khác hợp lại cũng không thể tạo nên. Anh giải nghĩa thế nào việc siêu phàm đó nếu anh không nhìn nhận Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời theo nghĩa không sách nào khác là Lời Đức Chúa Trời.”


Chàng sinh viên đó không thể trả lời. Kẻ không tin Kinh Thánh bởi Thiên Chúa sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn hơn kẻ tin Kinh Thánh là bởi Thiên Chúa.


4. Khi bạn không thể giải quyết nổi một khó khăn thì không có nghĩa là khó khăn đó không thể giải quyết, và khi bạn không thể trả lời một câu hỏi thì không có nghĩa là câu hỏi đó không thể trả lời. Về Kinh Thánh cũng phải nói như vậy mới đúng.


Lẽ thật hiển nhiên đó, biết bao lần chúng ta bỏ qua. Có nhiều người gặp điều khó hiểu trong Kinh Thánh, họ ngồi suy nghĩ một lát thấy không thể giải thích được, lập tức họ kết luận không có ai giải đáp được và vì thế họ lìa bỏ niềm tin vào đặc tính vô ngộ và nguồn gốc siêu nhiên của Kinh Thánh. Người khiêm nhường, khôn ngoan sẽ nói: dù tôi thấy không có lời giải đáp nào thoả đáng cho vấn đế này, nhưng người nào thông thái hơn tôi sẽ có thể dễ dàng tìm ra lời giải đáp.


Chúng ta sẽ tránh được thái độ vô lý nếu chúng ta hiểu rằng chúng ta không thông biết hết mọi sự, và có nhiều sự chúng ta không thể giải thích bây giờ, nhưng nếu chúng ta có nhiều hiểu biết hơn một chút nữa, chúng ta sẽ giải thích được dễ dàng. Nhất là chúng ta đứng quên điều này là một trí khôn vô hạn sẽ có giải đáp rất dễ dàng cho những gì mà các trí khôn hữu hạn hoàn toàn bất lực. Chúng ta nghĩ thế nào về một cậu học trò mới bước chân vào lớp đại số học. Cậu ta loay hoay trong vòng nửa giờ không tìm ra đáp số cho một bài toán khó nên cậu ta tuyên bố không ai có thể giải được bài toán đó hoặc vì cậu ta không tìm ra đáp số? Cậu tuyên bố đề bài toán này sai?


Có một người giàu tài trí và kinh nghiệm đã từ xa bỏ công việc để đến gặp ông Torrey, lòng đầy bối rối vì ông ta vừa khám phá ra một điều mà ông đã hết những băn khoăn của ông ta cho ông Torrey, thì ông Torrey, thì ông Torrey giúp ông ta tìm thấy ngay chỗ mở nút cho nan đề, và ông ta ra về với lòng khoan khoái. áng lẽ ông ta đã tránh được biết bao ưu phiền nếu từ đầu ông ta hiểu được rằng vấn đề ông ta cho là khó khăn, nan giải thì người khác có thể giải thích được dễ dàng. Ông ta cứ tưởng rằng nan đề của ông ta gặp đó là hoàn toàn mới, nhưng thực ra biết bao nhiêu người đã gặp và đã giải đáp xong từ trước khi ông ta được sinh ra.


5. Những cái mà người ta cho là khuyết điểm gặp trong Kinh Thánh chỉ là quá nhỏ bé nếu so với những điều thật là cao trọng và kỳ diệu của Kinh Thánh. Một điều chứng tỏ lòng dạ lệch lạc của nhiều người là phung phí rất nhiều thì giờ vào việc nghiên cứu những khuyết điểm nhỏ nhặt trong Kinh Thánh mà không chú ý gì đến những vẻ xinh đẹp, những nét lạ lùng hằng chiếu sáng rực rỡ trong mỗi trang sách Kinh Thánh. Mấy ai biết để tâm, để trí vào những sự tốt đẹp cao quí vô song làm Kinh Thánh nổi vượt lên trên hết mọi thứ sách khác của trần gian. Chúng ta nghĩ thế nào về một người khi chiêm ngưỡng một bức họa tuyệt tác chỉ chăm chú nhìn vào mấy cái vết chân ruồi ở góc bức tranh? Nhiều Cơ-đốc nhân cũng có thái độ như vậy khi truy cứu Kinh Thánh, họ chỉ chăm chú tìm tòi, moi móc ra những vết chân ruồi hơn là thưởng thức những nét siêu phàm hiện trước mắt. Mọi điều tệ hại là cái “mốt” thời trang này lại hay ca tụng những kẻ chuyên tìm vết chân ruồi trong Kinh Thánh là bậc trí thức và hợp thời.


6. Những sự khó hiểu trong Kinh Thánh thường to lớn cho những đầu óc nông cạn, nhưng là bé nhỏ cho những khối óc sâu sắc.

Đối với những hạng người tìm đọc Kinh Thánh để phô trương tư tưởng riêng của mình trước mặt thiên hạ hoặc để mua vui trong chốc lát thì những chỗ khó hiểu trong Kinh Thánh càng tối tăm mù mịt. Còn đối với những kẻ chuyên lo học Kinh Thánh để chiêm ngưỡng Lời Đức Chúa Trời và lấy làm luật sống cho đời mình thì các câu Kinh Thánh trở nên minh bạch. George Muller đã chuyên chăm nghiên cứu Kinh Thánh từ đầu tới cuối hơn một trăm lần, thì không một chỗ khó hiểu nào trong Kinh Thánh làm ông phải bối rối cả. Những ai mới chỉ đọc suốt bộ Kinh Thánh một hai lần thì thường gặp nhiều điều khó khăn làm cho nản chí.


7. Những khó khăn ta gặp trong Kinh Thánh sẽ tan đi mau chóng nếu ta chuyên chú học hỏi với tinh thần cầu nguyện.

Có nhiều điều trong Kinh Thánh đã từng làm chúng ta rối trí nhưng dần dà đã sáng tỏ ra và hiện giờ không còn gì là khó cho chúng ta nữa. Sau mỗi năm học tập Kinh Thánh, những khó khăn trong đó lại giảm dần xuống, mỗi năm mỗi giảm xuống mãi cho tới một ngày chúng ta thấy Kinh Thánh hoàn toàn sáng tỏ trước mắt chúng ta từ Sáng-thế Ký đến Khải-huyền.


LÝ DO KINH THÁNH KHÓ HIỂU


1. Nhiều chỗ khó hiểu trong Kinh Thánh đến từ những bản sao viết tay thời xưa.

Các bản dịch của Kinh Thánh không có đặc tính vô ngộ. Chỉ có bản Kinh Thánh nguyên thủy, tức bản tiên khởi, mới có đặc tính vô ngộ. Còn các bản dịch khác, như bản tiếng Việt chẳng hạn, thì diễn đạt đúng những ý chính của nguyên bản mà thôi. Bản Kinh Thánh nguyên thủy hiện nay không còn. Bản đó được sao đi chép lại nhiều lần với sự chú ý cẩn thận hết sức, nhưng dầu sao cũng không tránh khỏi một vài lỗi lầm trong khi sao chép bằng tay. Ngày nay người ta còn giữ được nhiều bản chép tay rất tốt và khi so sánh các bản đó với nhau, chúng ta có thể nói đúng nguyên bản thể nào. Có thể nói, ngày nay người ta đã lập lại được bản chính. Người ta không còn phải nghi ngờ chút nào về các giáo lý quan trọng có chứa trong nguyên bản. Cũng có khi người ta dịch từ những bản chép tay xưa không được hoàn hảo cho lắm nên những bản dịch bởi đó cũng mang nhiều khuyết điểm. Những khó hiểu vì thế mà sinh ra.


Tỉ dụ trong GiGa 5:4, ta đọc ”...vì một thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao, làm cho nước động; lúc nước đã động rồi, ai xuống ai trước hết, bất kỳ mắc bệnh gì, cũng được lành.” Câu đó thật đáng nghi ngờ và khó tin, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ, người ta nhận thấy đó là một lỗi lầm của thư ký chép tay thời xưa. Người thư ký nào đó, khi coi nguyên bản của Giăng, đã tự ý thêm vào bên cạnh lời giải thích của y về đặc tính chữa bệnh của giếng nước. Rồi sau đó, một người thư ký khác chép lại bản đó, liền viết thẳng lời giải thích kia vào bản sao của mình như thể lời giải thích đó là của Giăng. Và cứ thế truyền xuống cho đến bản dịch của chúng ta ngày nay.


Những khác biệt về con số trong Kinh Thánh, tỉ dụ các khác biệt về tuổi của mấy vua chép trong Các Vua và sách Sử ký. Chắc chắn đây là lỗi lầm của thư ký. Những lầm lẫn về con số như vậy dễ xảy ra, bởi vì tiếng Hy-bá-lai dùng chữ trong mẫu tự làm số. Mỗi chữ có một con số khác nhau nhưng trông hình dạng lại rất giống nhau. Tỉ dụ chữ thứ nhất trong mẫu tự Hy-bá-lai là con số 1, nhưng trên nó hai chấm rất nhỏ như vết chân ruồi thì thật là con số 1.000. Chữ sau cùng trong mẫu tự Hy-bá lai là 400, nhưng chữ thứ tám trong mẫu tự Hy-bá-lai, coi rất giống chữ cuối cùng và rất dễ lộn với chữ cuối, nhưng là con số 9. Thư ký chỉ lầm lạc một chút là đổi hẳn con số rồi. Nhưng có điều lạ là rất ít những lầm lẫn như vậy trong các bản chép tay cổ.


2. Những khó hiểu trong Kinh Thánh có thể là do dịch không đúng.

Cũng có bản dịch Mat Mt 12:40 là Giô-na ở trong bụng “cá voi”. Có người nói nhạo rằng con cá voi đó phải có cái miệng và cổ họng đặc biệt lắm mới nuốt nổi một ông tiên tri. Nếu nghiên cứu kỹ một chút, người đó sẽ nhận ra tiếng dùng trong bản chính là “con quái vật biển” mà bản dịch đã giải nghĩa là “con cá voi”. Như vậy chỗ khó hiểu là do người dịch sai và người đọc không sâu sắc.


3. Có khi Kinh Thánh khó hiểu là vì người ta giải nghĩa sai về Kinh Thánh.

Có khi Kinh Thánh dạy một đàng mà người giải kinh lại nói một nẻo. Phần nhiều những khó khăn không do điều Kinh Thánh nói nhưng do lời nói của người giải thích.


Nếu chúng ta cứ bám lấy lời giải thích của mấy nhà giải kinh xưa nay thì ta thấy khó mà dung hoà Sáng thế ký đoạn một với những khám phá của khoa học ngày nay. Sự khó hiểu không do điều Sáng thế ký đoạn một nói, nhưng do lời giải thích của người ta đặt vào đó. Thực ra không hề có mâu thuẫn giữa khoa học ngày nay và Sáng thế ký đoạn một.


4. Có những khó hiểu do quan niệm sai lầm về Kinh Thánh.

Có nhiều người nghĩ rằng khi nói Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời có nghĩa là Đức Chúa Trời nói hết mọi lời trong Kinh Thánh. Nhưng hiểu thế là sai. Thường thường Kinh Thánh ghi lại lời nói của kẻ khác, tức là của người tốt của người xấu, của người được Chúa soi sáng, của người không được Chúa soi sáng, của thiên sứ của ma quỷ. Chúa ghi lại những lời đó đúng một cách tuyệt đối. Nhưng chính những lời đó có khi đúng, có khi không đúng sự thật.


Tỉ dụ, SaSt 3:4 có chép rằng ma quỷ đã nói: “Các ngươi chẳng chết đâu.” quả thực ma quỷ có nói như vậy, song lời nó nói dối trá đã làm hại cả loài người chúng ta. Lời Đức Chúa Trời ghi chép rằng ma quỉ có nói như vậy, nhưng lời nói đó không phải là Lời của Đức Chúa Trời, mà là lời của ma quỷ. Lời Đức Chúa Trời nói rằng đó là lời của ma quỷ.


Nhiều người đọc Kinh Thánh mà không phân biệt ai nói những lời đó - Thiên Chúa nói hay người tốt nói, người xấu nói, người có ơn nói hay người không có ơn nói, thiên sứ nói hay ma quỷ nói. Họ kéo một câu Kinh Thánh ra khỏi khung cảnh của nó, không chú ý xem kẻ nói câu đó là ai, rồi họ bảo: “Đó, Lời Thiên Chúa nói như vậy.” Mà thực ra Thiên Chúa không nói những điều đó. Lời Chúa dạy rằng ma quỷ ma quỷ nói vậy hay loài người nói vậy... Và điều Chúa nói thật, tức là quỷ nói vậy hay người nói vậy hay thiên sứ nói vậy.


Có người trưng lời của Ê-li-pha, Binh-đát, và Sô-pha nói với Gióp như thể lời của Đức Chúa Trời chỉ vì thấy lời đó được chép trong Kinh Thánh, mặc dầu Đức Chúa Trời đã bác bỏ ý kiến của họ và phán với họ rằng: “Các ngươi không hề nói về ta một cách xứng đáng.” (Giop G 42:7). Một phần lớn những khó khăn mà chúng ta gặp bởi vì chúng ta không nhận định ai đã nói.

Trong Thi-thiên, đôi khi có lời Chúa phán với người và lời đó là chân thật mãi mãi, và cũng có lời người nói với Chúa, lời đó là thật mà cũng có khi là dối. Trong Thi-thiên chúng ta thường gặp lời căm thù và uất hận của những người nói. Tiếng kêu oán thù đó là lời của người bị ức hiếp kêu oan với Đấng có trọn quyền báo oán (RoRm 12:19), và chúng ta không buộc phải bênh vực những người ấy.


Vì thế, khi đọc Kinh Thánh, nếu Đức Chúa Trời nói, chúng ta tin mọi điều Ngài nói. Nếu người được ơn linh ứng nói, thì chúng ta cũng tin những lời đó vì đã được Chúa bảo nói. Nếu Kinh Thánh ghi lại lời nói của những người thường đối đáp với nhau, chúng ta phải tự xét lấy. Nếu ma quỷ là kẻ nói, thì chúng ta phải nhớ rằng ma quỷ là kẻ nói dối từ ban đầu, nhưng đôi khi ma quỷ cũng có nói sự thật.


5. Có những khó hiểu do ngôn ngữ của Kinh Thánh.

Kinh Thánh là sách cho mọi thời đại và cho mọi người, nên Kinh Thánh được viết bằng thứ ngôn ngữ không thay đổi và mọi người đều hiểu được, đó là thứ ngôn ngữ của đại chúng và của hiện tượng. Một trong những điểm lợi của Kinh Thánh là đã không viết bằng ngôn ngữ khoa học ngày nay. Tuy nhiên, có những khó khăn do ngôn ngữ Kinh Thánh là do nhiều phần trong Kinh Thánh được ghi bằng lối văn thi ca; tức là thứ ngôn ngữ của cảm xúc, của đam mê, của tưởng tượng và hình bóng. Nếu người nào không biết thơ phú là gì tất nhiên sẽ gặp khó khăn trong những phần thi ca của Kinh Thánh.


Tỉ dụ trong Thi-thiên 18 có những diễn tả tuyệt hay về cơn bão tố sấm sét để nói về uy quyền của Đức Chúa Trời, thử hỏi một người không biết gì về thơ có hiểu nổi câu này: “Khói bay ra từ lỗ mũi Ngài, ngọn lửa phát ra từ miệng Ngài, làm cho than cháy đỏ.” (Thi Tv 18:8)? Sự khó hiểu đây không phải tại Kinh Thánh, nhưng vì chúng ta không biết về văn chương.


6. Có những khó hiểu vì chúng ta thiếu hiểu biết về lịch sử, về địa lý và phong tục tập quán của người thời đại Kinh Thánh ghi lại.

Những nghiên cứu và khám phá của khoa địa lý, lịch sử và khảo cổ đã chứng minh cho Kinh Thánh. Tỉ dụ sách Đa-ni-ên là sách bị công kích nhiều nhất. Lý luận của những người chỉ trích đã nêu lên rằng trong lịch sử đã không có một nhân vật nào tên là Bên-xác-xa, và các sử gia cũng đồng ý cho rằng Na-bô-ni-đớt là ông vua cuối cùng của Ba-by-lôn, mà Na-bô-ni-đớt lại không có mặt ở thành Ba-by-lôn khi thành này bị chiếm. Như vậy Bên-xác-xa phải là một nhân vật tưởng tượng, và cả câu truyện cũng hoang đường, không có sự thật lịch sử. Lý luận đó xem ra mạnh và không thể chối cãi.


Nhưng ông H.Rawlinson đã tìm thấy tại Muglieir và mấy nơi khác trong xứ Canh-đê (Chaldée) những cuốn sách bằng đất sắt trên đó ghi rằng Bên-xác-xa (tức Belsaruzur) được Nabonidus phong chức Đông Cung Thái Tử. Như vậy dĩ nhiên Bên-xác-xa được cai trị như nhiếp chính tại ba-by-lôn trong thời kỳ vua cha đi vắng, vì thế mới có chuyện ông đặt Đa-ni-ên lên chức thứ ba trong nước (DaDn 5:16), còn ông thì thứ hai trong nước. Rõ ràng là Kinh Thánh không sai lầm.


Những người công kích còn quả quyết chắc chắn rằng Môi-se không thể là tác giả của Ngũ kinh, bởi vì trong thời ông chưa có chữ viết. Nhưng những khám phá của khảo cổ học gần đây chứng minh rằng chữ viết đã có từ lâu trước thời Môi-se.


7. Khó khăn vì không am tường những hoàn cảnh trong đó Kinh Thánh được viết ra và lệnh truyền của Chúa được ban xuống.

Tỉ dụ, ai không rõ các hoàn cảnh trong đó Thiên Chúa truyền cho dân Y-sơ-ra-ên phải tiêu diệt hết các dân tộc Ca-na-an, hẳn cho lệnh đó là tàn ác quá. Nhưng ai đã hiểu các dân xứ Ca-na-an lúc đó đang chìm sâu trong hố tội lỗi ghê gớm chừng nào, và hiểu sự kêu gọi hoàn toàn luống công đối với họ và hiểu sự yếu đuối của dân Y-sơ-ra-ên, thì người đó sẽ nhận thấy lệnh truyền của Chúa là một sự thương xót đối với các thế hệ tương lai.


8. Khó khăn vì tính chất đa diện của Kinh Thánh.

Người nào thông minh nhất cũng chỉ suy tưởng theo đường lối của mình mà thôi, tức đơn diện. Nhưng chân lý thì đa diện, và Kinh Thánh thì toàn diện. Như vậy trí khôn chật hẹp của chúng ta đôi khi thấy trong Kinh Thánh phần nọ mâu thuẫn với phần kia.


Tỉ dụ, trong tư tưởng có người theo phái Calvin, có người theo Arminien, và có nhiều phần trong Kinh Thánh hợp với trường phái Calvin thì lại gây khó khăn cho trường phái Arminien, trong khi những phần khác trong Kinh Thánh hợp cho tư tưởng Arminien, nhưng đồng thời trở nên khó hiểu cho tư tưởng phái Calvin.


Nhưng cả đôi bên đều có sự thật. Ngày nay có nhiều người có tâm trí mở rộng đủ tiếp thu cả hai khía cạnh của sự thật qua tư tưởng của Calvin và Arminien. Nhưng nhiều người khác lại không được như thế, nên Kinh Thánh trở nên khó khăn và rắc rối cho họ. Sự khó khăn đó không phải tại Kinh Thánh, nhưng tại họ bị chi phối bởi một trường phái tư tưởng.


Cũng vì thế có người xem Phao-lô mâu thuẫn với Gia-cơ, và điều Phao-lô nói cỗ này xem ra mâu thuẫn với điều ông nói trong chỗ khác. Nhưng cái khó khăn thật, là do óc hẹp hòi của chúng ta không thâu thập được hết chân lý rộng lớn của Thiên Chúa.


9. Khó khăn vì Kinh Thánh nói về Đấng vô biên, vô hạn mà trí khôn chúng ta thì hữu hạn.

Dĩ nhiên là khó khăn khi đem các việc của Đấng vô hạn đặt vào trong tầm mức hẹp hòi của trí khôn hữu hạn chúng ta, cũng như đem nước của cả đại dương đổ vào trong một chiếc lon. Thuộc về loại khó khăn này có giáo lý về Ba Ngôi, hai bản tính Thần, Nhận của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đối với ai quên rằng Thiên Chúa là vô hạn thì giáo lý về Ba Ngôi trở nên một sự quái đản trong toán học vì một bằng ba. Nhưng nếu chúng ta đinh ninh trong trí rằng giáo lý về Ba Ngôi là một cố gắng đem các việc tinh thần đặt vào trong những khuôn khổ vật chất của ngôn từ, thì các khó khăn tiêu tan hết ngay.


10. Khó khăn vì trí khôn chúng ta còn thấp kém về phương diện siêu nhiên.


Một người dù học nhiều về thần đạo đến cũng vẫn còn non nớt, chưa có thể hiểu thấu mọi sự như Thiên Chúa hiểu, trừ khi người đó lấy đức tin mà thâu nhận mọi sự. Thuộc loại khó khăn này là giáo lý Kinh Thánh dạy về hình phạt đời đời. Đôi khi chúng ta cho rằng giáo lý này không thể có, không nên có vì chúng ta cảm thấy khó chấp nhận quá. Nhưng khó khăn đó là tại chúng ta còn mù quáng về siêu nhiên, chúng ta không nhìn rõ sự xấu xa độc ác ghê gớm dường nào của tội, nhất là tội chối bỏ Con Thánh của Đức Chúa Trời là Giê-xu Christ. Nhưng khi chúng ta nên thánh thiện giống như Thiên Chúa nhìn, thì chúng ta sẽ hiểu thấu và chấp nhận dễ dàng giáo lý về hình phạt đời đời.


Nói tóm lại, có sự khó khăn trong việc hiểu lời Chúa trong Kinh Thánh đều do khuyết điểm ở nơi chúng ta chứ không do Kinh Thánh. Kinh Thánh thì hoàn hảo, còn chúng ta chưa được hoàn hảo, nên chưa có thể hiểu Kinh Thánh một cách dễ dàng. Chúng ta càng tiến tới sự toàn thiện của Thiên Chúa thì những khó khăn trong Kinh Thánh càng giảm bớt đi trước mắt chúng ta. Như vậy phải kết luận: khi nào chúng ta nên trọn vẹn như Thiên Chúa thì chúng ta không còn gặp một khó khăn nào trong Kinh Thánh nữa.


PHƯƠNG CÁCH GIẢI QUYẾT


1. Giải quyết mọi khó khăn trong Kinh Thánh với lòng thành thật.

Khi bạn gặp một khó khăn trong Kinh Thánh, bạn hãy thẳng thắn nhìn nhận nó. Đừng trốn tránh cũng đừng giấu giếm. Hãy nhìn thẳng vào vấn đề nếu có kẻ nào muốn gây khó cho bạn. Nếu bạn không giải quyết được một cách tốt đẹp thì đừng giải quyết. Có nhiều người vì quá sốt sắng bênh vực Kinh Thánh nên đã vội vã đưa ra những giải quyết không ngay thẳng, không xứng đáng, nên đã làm hại cho Kinh Thánh hơn là làm ích. Người ta sẽ kết luận rằng nếu chỉ có lời giải thích như vậy là tốt nhất thì Kinh Thánh không đáng tin nhận.


2. Giải quyết với lòng khiêm nhường.

Hãy công nhận trí khôn và sự hiểu biết của chúng ta có giới hạn, và đừng có bao giờ nghĩ rằng nan đề đó không có thể giải đáp bởi vì tôi không tìm thấy giải đáp. Rất có thể sẽ có một giải đáp đơn giản, dầu khi bạn không tìm ra giải đáp nào cho vấn đề.


3. Giải đáp vấn đề một cách cương quyết.

Bạn hãy nghĩ rằng bạn sẽ tìm ra giải đáp cho vấn đề nếu bạn chịu khó nghiên cứu cho sâu xa hơn. Những khó khăn trong Kinh Thánh là bài học của Cha trên trời để tập cho trí óc bạn làm việc. Đừng bỏ giở sự tìm tòi giải đáp khi bạn không thấy kết quả sau khi suy nghĩ năm mười phút. Bạn hãy bền tâm nghiên cứu mãi, ngày này sang ngày khác. Sự làm việc đó có ích cho bạn hơn là chính giải đáp được tìm ra. Sớm muộn rồi lời giải đáp sẽ hiện ra với bạn nếu bạn kiên tâm tìm kiếm nó.


4. Giải quyết mọi khó khăn với lòng can đảm.

Bạn đừng hoảng sợ khi gặp phải một khó khăn, dầu khó khăn đó ban đầu có vẻ nan giải và vượt khả năng của bạn. Hàng trăm ngàn người khác đã gặp những khó khăn như thế trước khi bạn sinh ra. Các khó khăn đó đã xuất hiện từ mấy trăm năm rồi mà Kinh Thánh vẫn còn đứng vững. Kinh Thánh vốn vẫn tồn tại sau 18 thế kỷ bị chống đối phê bình, đã kích, tấn công liên tiếp đủ mọi mặt. Như vậy có lẽ nào Kinh Thánh bị đổ vỡ trước những khám phá của bạn hay trước những tràng súng chỉ trích, gièm chê của thời nay. Ai đã quen thuộc một chút với lịch sử phê bình Kinh Thánh sẽ mỉm cười trước những lời đe dọa của đối phương quyết tâm tiêu diệt Kinh Thánh.


5. Giải quyết khó khăn với lòng kiên nhẫn.

Đừng nên nản lòng, thối chí vì bạn thấy không thể giải đáp xong cho mọi nan đề trong một ngày. Nếu có một nan đề nào cứ thách đố mãi khả năng giải đáp của bạn, bạn hãy xếp nó lại trong một thời gian. Rất có thể khi bạn trở lại thì nó đã tan biến mất rồi, khiến bạn không hiểu tại sao trước kia bạn khổ tâm khổ trí đến thế.


6. Giải quyết khó khăn bằng chính Lời Kinh Thánh.

Nếu bạn gặp khó khăn trong phần Kinh Thánh này,bạn hãy dùng phần Kinh Thánh khác để soi sáng và phá tan khó khăn đó. Không gì giải thích Kinh Thánh tốt hơn bằng chính Kinh Thánh. Có người đến hỏi ông Mục sư về một khó khăn trong Kinh Thánh đã làm khổ tâm y không ít. Ômg Mục sư chỉ cho ông ta đọc một đoạn Kinh Thánh và sau khi đọc xong, người đó thấy mây mù tan hết, và vấn đề khó khăn đã được giải toả.


7. Giải quyết khó khăn bằng cầu nguyện.

Một điều lạ là khi người ta quì gối nhìn vào các khó khăn gặp trong Kinh Thánh thì các khó khăn đó tan biến đi. Đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta, Chúa không những mở mắt cho chúng ta nhìn thấy những vẻ đẹp kỳ diệu của Lời Chúa trong Kinh Thánh mà còn soi trí cho chúng ta thấy suốt được những khó khăn mà khi chưa cầu nguyện chúng ta tưởng là nan giải. Lý do chính để các nhà giải kinh nổi tiếng thời nay trở thành những tay phê bình phá hoại Kinh Thánh là họ đã không cầu nguyện.


III. TƯƠNG QUAN GIỮA KINH THÁNH VÀ KHOA HỌC


Khoa học và Kinh Thánh có mâu thuẫn nhau không?


Chúng ta có thể khẳng định rằng khoa học và Kinh Thánh không bao giờ có mâu thuẫn nhau. Thiên nhiên, đối tượng khảo sát của khoa học, và Kinh Thánh, đối tượng khảo sát của thần học, đều là tác phẩm của cùng một tác giả nên không thể có sự chống đối nhau giữa nhà khoa học và nhà thần học chân chánh. Vì thế, sự mâu thuẫn, nếu có, chỉ là do cách hiểu và giải thích lệch lạc về Kinh Thánh và khoa học mà thôi.


Như đã nói, khoa học và thần học là hai lãnh vực riêng biệt và có mục đích khá cnhau, nên sự xung đột nếu có cũng chỉ là sự tranh chấp nhau về thẩm quyền giữa nhà khoa học và nhà thần học. Người này muốn tuyên bố những vấn đề thuộc phạm vi của người kia và ngược lại. Nói cách khác sự xung đột xảy ra khi nhà khoa học hoặc nhà thần học đi quá phạm vi của mình, như trong trường hợp Ga-li-lê và giáo hội thời trung cổ.


Khoa học và Kinh Thánh không những không chống đối nhau mà còn hỗ tương cho nhau nữa. Tuy Kinh Thánh không dùng ngôn ngữ khoa học nhưng những sự kiện khoa học được Kinh Thánh đề cập tới thì hoàn toàn phù hợp với những gì khoa học khám phá ra sau này. Chẳng hạn như trong LuLc 17:30-35 phù hợp với sự khám phá quả đất tròn. Hoặc ngày dài của Giô-suê và Ê-xê-chia phù hợp với sự khám phá mới của khoa học cho biết thời gian mất đi một ngày trong quá khứ. Một khoa học gia làm việc tại trung tâm không gian ở Maryland đã thuật lại trên nhật báo Evening World số ra ngày 10 tháng 10 năm 1969, như sau: công tác của ông và các đồng nghiệp là xác định các thiên thể trong Thái Dương Hệ trong vòng 100 và 1000 năm sắp đến. Mục đích để biết đường di chuyển và vị trí các hành tinh để có thể định.


Trong việc tìm hiểu ý nghĩa của Kinh Thánh, chúng ta không thể bỏ quên những khám phá mới mẻ và chính xác trong lãnh vực khoa học. Bỏ quên không những khiến chúng ta thiệt thòi mà còn đi trái với tinh thần của kẻ “đi tìm” ý nghĩa Lời Chúa.


CÂU HỎI CHƯƠNG II


1. Đặc tính bình dân của ngôn ngữ Kinh Thánh có những ích lợi gì thiết thực nào?

2. Trưng dẫn vài trường hợp nổi bật tính cách mô tả hiện tượng trong ngôn ngữ Kinh Thánh.

3. Ngôn ngữ Kinh Thánh đã lợi dụng như thế nào nền văn hoá đương thời về các phương diện: thời gian, tâm lý, đo lường...?

4. Nếu bảo Kinh Thánh là do loài người viết sẽ càng gặp khó khăn hơn, tại sao?

5. Những lý do khiến Kinh Thánh khó hiểu, trưng ra kinh nghiệm của bạn.

6. Thái độ cần có khi gặp những thắc mắc trong Kinh Thánh?

7. Nêu những lý do và đơn cử vài thí dụ cho thấy khoa học và Kinh Thánh không mâu thuẫn nhau.



bottom of page