top of page

Chương một : ĐẶC ĐIỂM KHOA HỌC

Hung Tran

Jun 29, 2023

Tập thảo luận “De Revolutonibus Orbium Coe Lestium” của Copernic được phổ biến (1543) đã khởi đầu cho thời đại khoa học hiện đại...



ĐẶC ĐIỂM KHOA HỌC


Tập thảo luận “De Revolutonibus Orbium Coe Lestium” của Copernic được phổ biến (1543) đã khởi đầu cho thời đại khoa học hiện đại và đồng thời nó cũng là một thách thức cho Giáo hội thời đó. Với chủ trương quả đất tròn và quay quanh mặt trời. Copernic và Galilée đã bị giáo hội kết án. Họ đã dám nhân danh khoa học để đi ngược lại những gì Giáo hội chủ trương. Dầu Galilée đã trưng dẫn Kinh Thánh để hậu thuẫn cho Copernic cũng như chứng tỏ rằng những điều ông khám phá không làm suy giảm đức tin, nhưng những người bảo thủ vẫn không nhìn nhận sự sai lầm của họ - Giáo hội thời đó đã tỏ thái độ coi thường khoa học để bảo vệ một truyền thống thiếu nền tảng.


I. VAI TRÒ CỦA KHOA HỌC


Khoa học bắt đầu bằng sự nghiên cứu sự chuyển động của sự vật - không có chuyển động sẽ không có khoa học - khoa thực vật học có vì có sự chuyển động hay thay đổi của các tế bào trong thân cây - khoa vật lý học có sự chuyển vận của vật chất... Chuyển động bao gồm ý niệm không gian và thời gian - cho nên khoa học không thể tách rời hai ý niệm đó. Nói cách khác, nếu một hiện tượng không được mô tả bằng không gian và thời gian thì không thể xếp vào phạm vi khoa học.


Dầu các hiện tượng thuộc phạm vi vật lý học hay động vật học thì chúng cũng phải được khảo sát hoặc như là nguyên nhân và hậu quả của chuyển động hoặc như là chúng chuyển động. Vai trò của khoa học là GIẢI THÍCH những chuyển động, hay nói cách khác khoa học cho biết hiện tượng chuyển động NHƯ THẾ NÀO; khoa học tìm ra mối tương quan giữa các sự kiện để giải thích hiện tượng dựa trên phương pháp khoa học. Mối tương quan đó được gồm tóm trong những định luật khoa học. Khoa học không tạo ra những định luật mà là KHÁM PHÁ ĐỊNH LUẬT. Và dầu khoa học có khám phá được hay không thì định luật vẫn có. Định luật duy trì sự hài hoà của vũ trụ, khiến vũ trụ tồn tại.


Khoa học theo nghĩa rộng có nghĩa là biết. Tuy nhiên để biết một vật hay một thực tại nào thì không phải bắt buộc phải sử dụng cùng một phương pháp. Ngay trong cùng một lãnh vực khoa học, mỗi bộ môn cũng có những phương pháp riêng thích ứng. Phương pháp sử học - hiểu như một khoa học - không giống như phương pháp vật lý học bởi lẽ người ta không thể dựng lại một khung cảnh lịch sử trong quá khứ để kiểm chứng như người ta làm thí nghiệm trong khoa vật lý. Và trong những khoa học kém chính xác như nhân văn lịch sử thì sự quan sát nghiêng về phẩm chất và sự tương quan giữa các sự kiện nhiều hơn. Tuy nhiên, người ta cho rằng trong sự quan sát, khoa học thiên về lượng - tức chú ý đến sự đo lường bao nhiêu thì càng trưởng thành bấy nhiêu. Vì thế trong những khoa học như xã hội học, tâm lý học, người ta thường cố gắng đưa những ký hiệu toán học. Cả trong lãnh vực tư tưởng, ngày nay người ta cũng thay môn luận lý cổ điển bằng luận lý toán học được tượng trưng bằng những hệ thức mang toàn những ký hiệu toán học nhằm đưa đến sự chính xác trong luận lý.


Cùng một sự kiện có thể có nhiều lối giải thích, nhưng với cái nhìn khoa học, lời giải thích sẽ trở nên có giá trị nếu vấn đề không nằm ngoài phạm vi của khoa học.


Khoa học không thể trả lời TẠI SAO sự kiện và GIẢI THÍCH sự kiện với một trình độ chính xác cao nhất - bằng những phương pháp vật lý có thể sử dụng.


II. PHẠM VI CỦA KHOA HỌC


Một lời tuyên bố cho rằng khôngmột sự việc nào lại có thể nằm ngoài phạm vi của khoa học thật ra là một kết luận triết học chứ không phải khoa học. Nếu một sự kiện nào không được mô tả bằng không gian và thời gian thì không thể nào được xếp vào phạm vi khoa học. Cho nên có những thực tại mà khoa học không thể nào đặt chân đến. Khoa học không thể nào nói gì về Thượng Đế, về tình yêu, về cái đẹp... Đây là những thực tại phi không gian, phi thời gian thuộc phần của triết học hay siêu hình học. Vai trò của khoa học là quan sát, mô tả và giải thích các sự kiện trong thiên nhiên. Khoa học có thể cho ta biết một hiện tượng xảy ra như thế nào chứ không cho ta biết tại sao nó xảy ra như thế. Khoa học không thể cho ta biết vũ trụ này có chủ đích gì, ai đã làm nên vũ trụ, tại sao nó có. Khoa học cũng không thể nào đưa ra những phán đoán về giá trị của những vật nó đo lường. Khoa học tự nó không xác định được rằng nguyên tử năng sẽ được dùng để phá huỷ các thành phố hay tiêu diệt bịnh ung thư. Đấy chỉ là những phán đoán nằm ngoài phạm vi phương pháp khoa học.


Vai trò của khoa học là giải thích sự kiện thực tế chứ không nhằm xác định thực tế đó có hay không. Trả lời cho những tra hỏi đến tận cùng uyên nguyên của sự vật thuộc phạm vi của hình thể học, siêu hình học và mặc khải. Những gì không thấy, nghe, ngửi được thì không thuộc phạm vi của khoa học thực nghiệm. Dầu các nhà khoa học có sáng chế những dụng cụ tinh vi để đo lường vượt ra ngoài khả năng quan sát của các giác quan - nhưng những đối tượng được khảo sát vẫn là đối tượng của giác quan. Khoa học không thể chứng minh hay đo lường được tình yêu, cái đẹp, đức tin cũng như không thể chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế, vì những thực tại này không phải là đối tượng của khoa học.


Có lẽ có người đặt câu hỏi rằng nếu những điều không thể chứng nghiệm được bằng phương pháp khoa học thì điều đó có giá trị và có thật hay không. Đặt câu hỏi như thế là đi quá phạm vi của khoa học. Người ta không thể điều động tất cả những dụng cụ khoa học trong phòng thí nghiệm để kiểm chứng tình yêu của hai người yêu nhau là có giá trị hoặc có thật hay không. Chúng ta cần phải biết rằng có nhiều phương tiện khác hơn là phương tiện dùng trong phòng thí nghiệm để đạt đến kiến thức thật đúng. Nói cách khác, khoa học là một phương pháp để khám phá chân lý về những thực tại vật lý nhưng ngoài phạm vi vật lý lại còn có những thực tại phi vật chất (như đạo đức, tình yêu, chân, thiện, mỹ, Thượng Đế...) và nhiều phương pháp khác để đạt đến chân lý.


Khoa học chỉ có giá trị và có thẩm quyền trả lời cho những tra hỏi trong phạm vi của nó. Vì thế cần có một thứ ánh sáng hay thẩm quyền khác để trả lời cho những vấn đề ngoài phạm vi khoa học. Nếu khoa học giải thích cho chúng ta biết hiện tượng xảy ra như thế nào, chứ không cho biết tại sao no xảy ra như vậy, thì Kinh Thánh, mặc khải của Đức Chúa Trời, cho ta biết tại sao nhưng không chủ trương giải thích cho ta biết hiện tượng đó diễn ra như thế nào. Nói cách khác, Kinh Thánh không nhằm giải thích sự kiện nhưng chỉ nhằm nói lên nguồn gốc, ý nghĩa, mục đích và xác định sự kiện như là điều hiển nhiên. Điều này không có nghĩa là khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến khoa học thì Kinh Thánh thiếu chính xác. Kinh Thánh chỉ muốn nói lên chủ đích Kinh Thánh muốn nhắm vào.


III. PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC:


Nói một cách đơn giản, phương pháp khoa học diễn tiến qua ba giai đoạn: quan sát, đặt giả thuyết, kiểm chứng.


1. Quan sát: Nhà khoa học quan sát tất cả mọi sự kiện xảy ra và mô tả cách chính xác bằng những dụng cụ khoa học. Sự mô tả thường được biểu diễn bằng những con số và càng thiên về lượng bao nhiêu thì sự mô tả càng chính xác.


Những sự kiện không những cỉ được nhìn cách riêng rẽ nhưng còn trong tương quan với toàn thể. Những tương quan giữa các sự kiện thường được biểu diễn bằng những ký hiệu toán học.


Sự quan sát cũng thường bị giới hạn bởi những điều kiện vật lý - chẳng hạn khi đi vào phạm vi cấu tạo cơ bản của vật chất nhà khoa học không thể thấy gì về điện tử, trung hoà tử, Proton.. Ở đây, nhà khoa học chỉ thấy qua giả thuyết tưởng tượng được biểu diễn bằng ngôn ngữ tưởng tượng của toán học mà thôi.


2. Đặt giả thuyết: Sau khi đã quan sát và ghi nhận cách chính xác các dữ kiện, nhà khoa học tìm câu trả lời co các vấn đề căn cứ trên những dữ kiện đó. Câu trả lời nhằm tổng quát hoá các sự kiện, có khi là kết quả của sự phân tích toán học, có khi là kết quả của trực giác và trí tưởng tượng. Câu trả lời này chưa phải là chân lý khoa học vì chưa được kiểm chứng, vẫn còn là giả thuyết.


3. Kiểm chứng: Một giả thuyết hay lý thuyết chỉ là những tiên đoán về những dữ kiện đã quan sát được nên chưa hẳn là đúng. Có khi có nhiều giả thuyết hay lý thuyết cho cùng một sự kiện. Một giả thuyết hay lý thuyết chỉ trở thành chân lý khi đã được kiểm chứng bằng những thí nghiệm khoa học. Các thí nghiệm có thể phù hợp một phần, phù hợp hoàn toàn hay không phù hợp với những điều tiên đoán trong giả thuyết. Vì thế, giả thuyết cần được sửa đổi và các thí nghiệm cần lặp lại nhiều lần cho đến khi các dữ kiện ăn khớp hoàn toàn với những loạt thí nghiệm khác nhau. Lúc đó định luật hay chân lý khoa học đã được khám phá.


Như thế với phương pháp khoa học, một lý thuyết chỉ được coi là chân lý sau khi đã làm thí nghiệm kiểm chứng và thấy phù hợp khoa học về lịch sử không thể lập lại để kiểm chứng ở phòng thí nghiệm. Sử học có phương pháp khảo cứu riêng - và được liệt vào loại khoa học “kém chính xác”. Người ta không thể dựng lại một lịch sử loài người từ thời tạo thiên lập địa căn cứ trên những dữ kiện đã khám phá được của khảo cổ học và địa chất học. Cho nên những gì người ta nghĩ về nguồn gốc con người chỉ là những giả thuyết.

Một lý thuyết khoa học chỉ được coi là chân lý khi đã đi hết diễn trình của phương pháp khoa học, nghĩa là từ quan sát, đặt giả thuyết và kiểm chứng bằng thí nghiệm.


IV. GIỚI HẠN CỦA KHOA HỌC


Lý thuyết khoa học được xem là có trình độ xác xuất cao nhất nhưng nó không có gì là tuyệt đối cả. Một lý thuyết hôm nay xem ra hợp lý nhưng có thể bị bài bác ngày mai. Việc “sửa sai” các lý thuyết khoa học nói lên giới hạn của chính khoa học. Chúng ta không thể coi những lý thuyết khoa học là tuyệt đối vì lẽ có những định luật chi phối sự kiện mà khoa học chưa hoặc không bao giờ khám phá ra được. Chỉ trong vòng vài chục năm nay, cơ học lượng tử đã thay thế khoa vật lý cổ điển và chính cơ học lượng tử cũng đã, đang được sửa đổi nữa.


Trong sự khám phá thế giới vật chất, khoa học không thể dừng lại. Chúng ta không biết bao giờ sự hiểu biết trọn vẹn về nguyên tử, về không gian, về vũ trụ... được hoàn tất. Nhưng mà chúng ta biết chắc một điều là khoa học có giới hạn trong phạm vi của nó.


Giả thuyết khoa học cũng nói lên giới hạn của nó. Có những điều khoa học không bao giờ dám quả quyết gì cả mặc dầu vấn đề nằm ngay trong phạm vi của nó. Đến nay cũng không ai dám quả quyết là trái đất đã được hình thành như thế nào và tuổi chính xác của vũ trụ là bao nhiêu. Cũng chưa ai có thể cho biết số lượng các thiên thể nằm trong ngân hà và có bao nhiêu thiên hà trong vũ trụ. Có nhiều giả thuyết được đưa lên nhưng vì chưa thể, hoặc không thể kiểm chứng được bằng những phương pháp khoa học nên không thể có giá trị như một lý thuyết khoa học.


Khoa học nhân văn, lịch sử được coi là khoa học không chính xác vì lẽ các sự kiện không thể quan sát, đo lường cách chính xác bằng những dụng cụ khoa học hoặc làm thí nghiệm để kiểm chứng. Hơn nữa các sự kiện đó còn bị chi phối bởi những yếu tố ngoài phạm vi khảo sát khoa học. Người ta cũng không thể nào thu thập đầy đủ những dữ kiện cần thiết liên quan đến sự kiện để đưa ra một phán quyết đáng tin.


Sự trưởng thành nhanh chóng của khoa học dù rất đáng cho chúng ta ca ngợi nhưng khoa học cũng không giải quyết tất cả các nan đề trong đời sống con người. Y học dù đã tìm ra những phương thuốc chữa trị những chứng bệnh nan y những vẫn không thể kéo dài đời người vượt khỏi giới hạn của nó. Tiến bộ kỹ thuật đã cung cấp cho con người một đời sống vật chất thoải mái nhưng không tiêu diệt được những ray rức sâu xa của tâm hồn. Cho nên những vấn đề nhân sinh không phải chỉ tìm cách giải quyết trong khoa học nhưng còn trong Lời Đức Chúa Trời. Khoa học giúp giải quyết những vấn đề vật chất nhưng Lời Đức Chúa Trời giải quyết những vấn đề tâm linh.


CÂU HỎI CHƯƠNG I


1. Khoa học là gì? Cho biết vai trò, phạm vi, giới hạn của khoa học.

2. Thế nào là giả thuyết khoa học? Khoa học có thể khám phá những chân lý về nguồn gốc loài người không? Tại sao?

3. Có phải khoa học luôn luôn giải thích được những chân lý của Kinh Thánh không? Tại sao? Nêu lên vài minh chứng.



bottom of page