top of page

HungT
Jun 25, 2023
KHOA HỌC VÀ KINH THÁNH
Tác giả: Viện Thần Học Việt Nam
KẾT LUẬN
Những khám phá của khoa học ngày nay liên quan đến Kinh Thánh khiến chúng ta có thêm lý do để tin Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời. Những ý kiến của khoa học chân chính về Sáng-thế ký, những bằng chứng khảo cổ học, y học, sử học... càng cho thấy rõ tác giả của Kinh Thánh là Đấng Toàn Năng, tể trị vạn vật, tể trị lịch sử. Dầu Kinh Thánh không phải là cuồn sách khoa học nhưng không vì thế mà khi Kinh Thánh đề cập đến thế giới vật lý lại mâu thuẫn với khoa học.
Nếu không thể phủ nhận được giá trị và khả năng của khoa học thì cũng không ý thức về vai trò, phạm vi và giới hạn của nó. Những người chủ trương duy khoa học đã phủ nhận mọi thứ siêu hình học vì siêu hình học muốn khám phá ra nơi thực tại các dữ kiện khác ngoài những gì khoa học mang lại. Những người chủ trương như thế phủ nhận nguyên nhân tối cao của vạn vật. Chúng ta không bắt buộc khoa học phải chấp nhận siêu hình học nhưng cần biết rằng vấn đề siêu hình không thuộc phạm vi khoa học, cũng không thuộc lãnh vực khảo sát của bất cứ khoa học thực nghiệm nào.
Những thành quả của khoa học cho phép khoa học kết luận rằng thực tại (cái có thực) là đối tượng của khoa học, nhưng không có gì cho phép khoa học kết luận thực tại chỉ có thế. Càng ý thức được phạm vi và giới hạn của mình, các nhà bác học càng nhìn nhận rằng công trình kỳ diệu của họ không thể đáp ứng được các khát vọng sâu xa của con người. Và khi đã nhìn nhận như thế, khoa học đã nhận ra những giới hạn trong lãnh vực chuyên môn của mình.
Khi nói đến phạm vi của khoa học, chúng ta không có ý nói là các nhà bác học không được đề cập đến vấn đề thực tại siêu hình nhưng chỉ muốn nói rằng ông ta không có quyền chỉ sử dụng phương pháp khoa học riêng biệt và giới hạn trong lãnh vực khoa học thực nghiệm để đề cập tới vấn đề. Vì lẽ vấn đề vượt khỏi phạm vi của khoa học thực nghiệm.
Khoa học và đức tin không thể xung đột nhau - nhưng đức tin là cái gì vượt khỏi phạm vi khoa học. Sự xung đột nếu có, chỉ là kết quả của sự sai lầm về phương pháp. Chính vì thế mà năm 1926, những hội viên của Hàn Lâm Viện Paris hoàn toàn đồng thanh tuyên bố rằng không thể có sự xung đột thực sự giữa các chân lý khoa học và chân lý tôn giáo. Khoa học và đức tin không những không hạ bệ nhau mà còn tương trợ cho nhau trong ý nghĩa vươn lên của mỗi lãnh vực, như nhà khoa học lỗi lạc P.Teillard de Chardin, đã nói: “Dường như thế giới tân tiến phát sinh từ trào lưu chống đối tôn giáo. Con người tự mâu thuẫn với chính mình. Lý trí thay thế tín ngưỡng. Thế hệ chúng ta và hai thế hệ trước chỉ nghe nói đến những tranh chấp đức tin và khoa học đến độ dường như có một lúc khoa học đã hoàn toàn được chỉ định thay thế cho đức tin. Thế nhưng tình trạng căng thẳng càng kéo dài, cuộc tranh chấp xem ra lại được giải quyết dưới một hình thức quân bình khác hẳn, nghĩa là không phải bằng phương cách khai trừ hoặc nhị phân nhưng là tổng hợp. Sau hai thế kỷ đấu tranh hăng hái, khoa học và đức tin không giảm hạ nhau, nhưng ngược lại cả hai sẽ không phát triển bình thường, nếu không có tương tự, chỉ vì lý do đơn giản là cùng một sự sống tác động trong cả hai. Thật vậy, trong những hướng tiến cũng như trong các khám phá xây dựng, khoa học không thể đạt đến cùng đích của mình nếu không nhuốm mầu thần nhiệm và đức tin.” (Le Phenomène Humain” Paris 1962, p.315)
Kinh Thánh và khoa học đều nhằm bày tỏ chân lý: chân lý của đức tin và chân lý của khoa học. Cả hai đều là tác phẩm của Thượng Đế. Cho nên thái độ Cơ-đốc nhân là thái độ tìm kiếm cả hai để sở đắc thực tại toàn diện.
CÂU HỎI
1. Tạo sao khoa học càng tiến bộ, những mâu thuẫn giữa khoa học và Kinh Thánh bị phá bỏ dần?
2. Quan điểm của bạn giữa đức tin và khoa học.
3. Nhận định câu: “Nếu có câu trả lời cuối cùng cho các vấn đề của khoa học và tôn giáo, thì chính khoa học có thể đóng góp vào việc cung ứng các câu trả lời đó. Vậy Cơ-đốc nhân có thể bình tâm tin tưởng rằng khoa học rồi đây sẽ minh chứng cho Lời Đức Chúa Trời.”
4. Bạn có phản ứng thế nào đối với lời khuyên trong IPhi 1Pr 3:15b. Sự trau dồi kiến thức là hại hay tăng giá trị của đức tin?
bottom of page