top of page
Hung Tran
Jun 19, 2023
Giê-xu thật là Đức Chúa Trời, nhưng cũng thật là người . Đây là một thực sự kỳ diệu, mà trí chúng ta không thể nào hiểu cho cùng, vì Ngài là Đức Chúa Trời đã trở nên người, một người hoàn toàn vô tội , chứ không phải như chúng ta, mọi người đều đã phạm tội...
BÀI 13: GIÊ-XU CHRIST LÀ NGƯỜI
Giê-xu thật là Đức Chúa Trời, nhưng cũng thật là người . Đây là một thực sự kỳ diệu, mà trí chúng ta không thể nào hiểu cho cùng, vì Ngài là Đức Chúa Trời đã trở nên người, một người hoàn toàn vô tội , chứ không phải như chúng ta, mọi người đều đã phạm tội.
I Giăng 3:5: “Vả, các con biết Đức Chúa Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi và biết trong Ngài KHÔNG CÓ TỘI”
I Phi-e-rơ 2:22: “NGÀI CHƯA HỀ PHẠM TỘI, trong miệng Ngài không có chút chi dối trá.”
II Phi-e-rơ 5:21: “Đức Chúa Trời đã làm cho ĐẤNG VỐN CHẲNG BIẾT TỘI LỖI.”
Hê-bê-rơ 4:15: “Vì chúng ta không có thầy Tế Lễ Thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn là có một thầy Tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, SONG CHẲNG PHẠM TỘI.”
I. BẰNG CỚ CHÚA GIÊ-XU LÀ NGƯỜI
1. Chúa Giê-xu được gọi và tự xưng là “NGƯỜI”
Trong Tân ước có 77 lần ghi Chúa Giê-xu là “Con người” hay là “Người”.
• I Ti-mô-thê 2:5: “Vì chỉ có một Đức Chúa Trời mà chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Giê-xu Christ, là “Người”.
• Lu-ca 19:10: “Bởi Con Người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất”.“Ngôi lời đã trở nên xác thịt ở giữa chúng ta”, tức là Thượng đế hoá thân làm Người. Khi Chúa Giê-xu sống lại và về trời, Ngài vẫn được gọi là “Con Người” (Công 7:55-56).
2. Chúa Giê-xu có Gia phổ như một Người.
• Ma-thi-ơ 1:1: “Gia phổ Đức Chúa Giê-xu Christ, con cháu Đa-vít và con cháu Áp-ra-ham.”
• Rô-ma 1:3: “Về con Ngài theo xác thịt thì bởi dòng dõi Đa-vít sanh ra.”
Như vậy, Ngài hoàn toàn là một Người, có Gia phổ như một Người, thuộc dòng Áp-ra-ham và Đa-vít, mang hình thể người Do-thái.
3. Chúa Giê-xu cảm xúc như một Người.
a. Ngài mệt.
• Giăng 4:6: “Tại đó có cái giếng Gia-cốp. Nhơn đi đàng mỏi mệt, Đức Chúa Giêxu ngồi bên giếng.” Ngài có thân thể như chúng ta nên Ngài mỏi mệt.
b. Ngài ngủ.
• Ma-thi-ơ 8:24: “Thình lình biển nổi bão lớn, đến nỗi sóng dậy phủ thuyền, nhưng Ngài đương ngủ.”
Chúa Giê-xu có thân thể như chúng ta nên cần ngủ nghỉ.
c. Ngài đói.
• Ma-thi-ơ 21:18: “Sáng mai khi trở lại thành thì Ngài đói.” Sau khi kiêng ăn 40 ngày trong đồng vắng thì, Ngài đói (Mat 4:2).
d. Ngài khát.
• Giăng 19:28: “Sau đó Đức Chúa Giê-xu biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: “Ta khát”.
e. Ngài khóc.
• Giăng 11:35: “Đức Chúa Giê-xu khóc”.
Ngài khóc bên mộ La-xa-rơ, Ngài cũng khóc trước thành Giê-ru-sa-lem.
• Lu-ca19:41: “Khi Đức Chúa Giêxu đến gần thành ấy thì khóc về thành”.
f. Ngài đau đớn.
• Lu-ca 22:44: “Trong cơn rất đau thương …”.
Chúa phải chiến đấu một cách đau đớn, đến nỗi mồ hôi tuôn ra như một hòn máu lớn.
g. Ngài chết.
• Giăng 19:33: “Khi quân lính đến Đức Chúa Giê-xu, thấy Ngài đã chết rồi…”
Chúa có cảm xúc như chúng ta có: Ngài mệt, Ngài ngủ, Ngài đói, Ngài khát, Ngài đau đớn, Ngài khóc và Ngài chết. Vì vậy, chúng ta đừng nghĩ rằng Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời thì dầu Ngài bị đóng đinh trên Thập tự giá, chắc không đau đớn như chúng ta. Ngược lại, vì cớ Ngài hoàn toàn vô tội, cảm xúc đầy đủ, nhạy cảm hơn chúng ta nên Ngài đau đớn hơn chúng ta. Nếu một người bị tra tấn nhiều lần, lần thứ nhất, cảm giác đau đớn lắm, nhưng lần thứ hai, thứ ba, thứ tư thì cảm xúc lần hồi bớt đi, vì sức chịu đựng đã quen.
Nhưng Chúa Giê-xu thì khác, Ngài hoàn toàn vô tội, nên sự cảm xúc của Ngài thật đầy đủ. Chúa bảo rằng: “Linh hồn Ta buồn rầu cho đến chết” (Mat 26:38). Những người bị đau đớn trong thể xác mà tâm hồn được thảo mãn thì thêm can đảm như những người chết vì Danh Chúa. Còn Chúa Giêxu thể xác bị đau đớn, tâm hồn bị đau đớn bội phần hơn, vì mang lấy tội lỗi của chúng ta. Mang lấy tội lỗi là một điều ghê gớm cho Ngài, lại bị Đức Chúa Trời lìa bỏ và rủa sả còn đau đớn hơn nữa. Thậm chí trời đất tối tăm như muôn vật không dám nhìn thảm cảnh Con Đức Chúa Trời chịu đau đớn (Mat27:45).
4. Chúa Giê-xu sống như một Người.
a. Ngài lớn lên như một Người.
• Lu-ca 2:52: “Đức Chúa Giê-xu khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta”. Đó là nói về thời thơ ấu của Ngài.
b. Ngài chịu cám dỗ như một Người.
• Hê-bê-rơ 2:18: “Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy.” Ngài từng chịu cám dỗ và đắc thắng, nên cảm thương chúng ta là những kẻ bị cám dỗ, và Ngài giúp chúng ta đắc thắng như Ngài.
• Hê-bê-rơ 4:15: “Vì chúng ta không có một thầy Tế lễ Thượng Phẩm chẳng có thể cảm thông chúng ta, bèn là có một Thầy Tế Lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, nhưng không hề phạm tội.” Khi gặp cám dỗ, thử thách, chúng ta ao ước có một người chia sẻ, tức là cảm thông với mình để an ủi mình, nhưng lắm khi chúng ta không tìm được người đó. Gióp bị cám dỗ, thử thách rất nặng nề. Ba bạn từ xa đến thăm ông, nhưng sự đau đớn của ông vượt xa trí hiểu của họ, nên họ không có nửa lời an ủi, chia xớt, mà trái lại, chỉ trích, lên án ông, khiến cho nỗi đau đớn của ông càng thêm đau đớn. Nhưng Chúa Giê-xu đã từng trải cám dỗ, sự thử thách hết sức đau đớn, nên Ngài cảm thương chúng ta.
5. Chúa Giê-xu tự giới hạn về quyền năng của Ngài.
a. Ngài cầu nguyện như một Người.
Dầu Ngài là Đức Chúa Trời thì cần gì cầu nguyện, nhưng Ngài cũng là Người, nên trong Kinh thánh chép 25 lần Chúa Giê-xu cầu nguyện. Trong mấy năm chức vụ, Chúa tự hạn chế về quyền năng để cần nguyện như một Người (Mác 1:35; Giăng 6:15; Lu-ca 22:41-45).
b. Ngài được đầy dẫy Đức Thánh Linh.
Ngài nhờ cậy Thánh Linh để sống cuộc đời Thánh Khiết tại trần gian và thực hiện mọi ý muốn của Đức Chúa Trời (Công 10:38).
6. Thần tánh và Nhân tánh của Chúa Giê-xu hoà hợp nhau.
Chúa Giê-xu là Người đồng thời là Đức Chúa Trời. Ngài có hai bản tánh: Thần tánh và Nhân tánh hoà hợp nhau như sau:
a. Ngài chịu Báp-têm như một Người, song Thánh Linh giáng xuống như chim bồ câu trên Ngài. (Ma 3:16-17).
Ngài chịu Báp-têm như chúng ta, nhưng không hề có ai được Thánh Linh hiện xuống đáp đậu trên mình bằng chim bồ câu như Ngài đã được.
b. Ngài ngủ vì mệt như một Người, song qua một lời phán thì biển lặng, sóng yên. (Mat 8:24-26).
Đó là hai bản tánh Người và trời hoà hợp nhau.
c. Ngài cầu nguyện trên núi như một Người, song đi bộ trên mặt biển như Đức Chúa Trời. (Mat 14:23-33).
Tối hôm đó, Chúa Giê-xu lên núi cầu nguyện. Ngài bảo các môn đồ chèo thuyền qua biển. Cả đêm các môn đồ lênh đênh giữa biển không đến bến được, vì gió ngược, Chúa Giê-xu đi bộ trên mặt biển và đến bên họ. Vậy cả hai Nhân tánh và Thần tánh hoà hợp trong Ngài.
d. Ngài cảm tạ như một Người như hoá bánh nuôi cả đoàn dân như Đức Chúa Trời.
Khi đoàn dân 5000 người, không kể đàn bà, con trẻ đang đói vì đường xa. Chúa lấy năm cái bánh và hai con cá là phần ăn của một người, hoá ra cho 5000 người ăn no, còn thứa 12 giỏ đầy (Mat 14:19-21)
e. Ngài nộp thuế như một người, song bằng một phép lạ như Đức Chúa Trời.
Ngày nọ có người hỏi Phi-e-rơ: “Thầy ngươi có nộp thuế không?”. Chúa bảo Phi-e-rơ ra biển câu cá. “Con thứ nhất mắc câu, ngươi sẽ mở miệng nó ra, trong đó đó có một đồng tiền, hãy lấy nộp thuế cho Ta và ngươi”. Nộp thuế là hành động của một người, nhưng ra lệnh cho một người xuống biển câu cá, mà biết trong đó có một đồng bạc là hành động của Đức Chúa Trời (Mat 17:24-27).
f. Ngài đói như một Người, song phán một lời khiến cây vả khô tới rễ như Đức Chúa Trời. (Mác 11:12-14).
Đêm đó Chúa ngủ trong nhà La-xa-rơ, Ma-ri và Ma-thê. Sáng hôm sau Ngài ra đi rất sớm trước khi ăn lót lòng. Bên vệ đường Ngài thấy một cây vả có lá, Ngài hi vọng kiếm được một vài trái ăn đỡ dạ, vì theo lệ thường hễ cây vả có lá thì có trái. Bởi không phải mùa vả thì nó không có trái, Ngài phán một lời: “Không hề có ai ăn trái của mầy nữa.” Cây vả tức thì khô đi.
g. Ngài mệt mỏi như một người, song biết hết mọi sự như Đức Chúa Trời. (Giăng 4:1-19).
Chúa đến bên giếng Gia-cốp ngồi nghỉ vì đi đường xa mệt mỏi. Có một người đàn bà Sa-ma-ri trong thành Si-kha ra lấy nước. Chúa giảng cho bà, bà ước ao được Chúa ban phước. Chúa bằng lòng và bảo: “Hãy về kêu chồng chị ra đây.” Bà nói: “Tôi không có chồng”. Chúa bảo: “Phải, vì chị đã có năm đời chồng, còn người mà chị đang có không phải là chồng của chị” , nghe vậy, bà nầy hoảng hốt, vội vàng thưa: “Lạy Chúa, tôi nhìn thấy Chúa là một tiên tri.”
h. Ngài khóc trước mộ La-xa-rơ như một Người, song kêu một tiếng La-xa-rơ sống lại như Đức Chúa Trời.
Khi La-xa-rơ chết nằm trong mộ bốn ngày, Chúa Giê-xu đến thăm. Ngài thấy mọi người khóc, Chúa cảm động Ngài cũng khóc như họ. Nhưng sau đó Ngài bảo Ma-ri, Ma-thê lăn hòn đá lấp mộ ra, Chúa kêu một tiếng: “La-xa-rơ, hãy ra!”. Tức thì người chết đã bốn ngày mang vải liệm ra trước mặt mọi người.
i. Ngài chết như một người.
Rô-ma 4:25: “Ngài đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta và sống lại vì sự công bình của chúng ta”. Chỉ một mình Đức Chúa Trời mới có quyền chết đi và sống lại. Nhân loại khắp nơi trên thế giới không một người nào chết mà sống lại được. Vì Ngài là Người, nên có thể chịu chết, nhưng cũng là Đức Chúa Trời, nên có thể sống lại.
II. MỤC ĐÍCH CHÚA GIÊ-XU LÀM NGƯỜI
Tại sao Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời đã giáng thế làm Người? Đây là câu hỏi mà chúng ta phải tìm câu giải đáp :
1. Để ở giữa loài người.
• Ma-thi-ơ1:23: “Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai. Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là EMMANUÊN, nghiã là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” Đức Chúa Trời không thể nào ở giữa chúng ta, vì không ai thấy Ngài mà được sống, nên Ngài đã mượn hình thể một con người là Giê-xu.
a. Ngài ở giữa chúng ta để cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, hoà mình với chúng ta để cứu giúp chúng ta (Hêb 4:15-16).
b. Ngài ở giữa chúng ta để giải bày Đức Chúa Trời cho chúng ta. Nhân loại không thể nào biết Đức Chúa Trời một cách chính xác, mặc dầu vũ trụ nói với chúng ta rằng có Đức Chúa Trời cao cả, Quyền năng, Vinh hiển, nhưng không biết Đức Chúa Trời yêu thương, Thánh khiết, Nhân từ và nhiều đặc tánh khác. Vì vậy Chúa Giê-xu phải từ trời giáng thế, đem chính thân Ngài giải bày Đức Chúa Trời cho chúng ta (Giăng 1:18; Mat 11:27).
c. Ngài ở giữa chúng ta để làm Đấng Trung bảo.
I Ti-mô-thê 2:5: “Vì chỉ có một Đức Chúa Trời và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Giê-xu Christ, là Người.”
Chúa Giê-xu vừa là Người, vừa là Đức Chúa Trời, nên Ngài có thể giảng hoà giữa trời và Người. Ngài là đại diện cho loài người đến với Đức Chúa Trời, đồng thời đại diện cho Đức Chúa Trời đến với loài người. Một bên Ngài nắm tay Đức Chúa Trời, một bên Ngài nắm tay loài người, làm cho cả hai Trời và Người được hoà lại trong Ngài (Hêb 8:6; 9:13).
2. Để làm gương cho loài người về một đời sống đạo đức.
• Hê-bê-rơ 5:8-9: “Dầu Ngài là con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu và sau khi đã làm nên trọn vẹn rồi thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài.” Chúa Giê-xu đã sống cuộc đời vâng lời Đức Chúa Trời cho đến chết, thậm chí chết trên cây Thập tự. Vì chỉ có chết trên Thập tự mới hoàn thành được chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho chúng ta.
• I Phi-e-rơ 2:21: “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chơn Ngài.”
Chúng ta theo Chúa là noi theo dấu chơn Ngài. Mỗi bước đi của Chúa Giê-xu còn để lại dấu chơn nhuộm Huyết Ngài, mà chúng ta có thể thấy rõ để bước theo. Chúa muốn cho chúng ta sống cuộc đời đạo đức như Ngài. Ngài là người mẫu mực cho chúng ta noi theo. Có một Thành đồ sống cuộc đời đạo đức lắm, bạn bè khen ngợi ông giống như Thánh Augustin. Trong thế kỷ thứ một có một vị Thánh nổi tiếng là Augustin. Thiết tưởng ông vui mừng lắm, nhưng ông rất buồn và nói: “Đáng lẽ họ khen tôi giống như Chúa yêu dấu của tôi, nhưng họ chỉ khen tôi giống như Thánh Augustin.” Chúa Giê-xu là tiêu chuẩn mà chúng ta phải đạt đến. Có người hỏi: “Tại sao Hội thánh không hút thuốc lá? Không uống rượu?.” Tôi không trả lời chi tiết, nhưng chỉ nói rằng:“Chúng tôi muốn giống như Chúa Giê-xu.” Khi đã kiêng ăn 40 ngày đêm, Chúa đói, Ngài có thể khiến đá hoá bánh mì để ăn, nhưng Chúa không làm. Khi chịu đóng đinh trên Thập tự giá, người ta cho Ngài uống rượu pha với mật đắng làm cho đê mê, cơn đau giảm đi phần nào, nhưng Chúa không chịu uống. Chúng ta không chịu giống như Chúa mình mà muốn giống như người đời, như ma quỷ hay sao?
3. Để chịu chết đền tội cho loài người.
• Phi-líp 2:8: “Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết thậm chí chết trên cây Thập tự.” Ngài chết như vậy để làm gì?
• Ma-thi-ơ 20:28: “Ấy vậy, Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta và phó sự sống mình làm giá chuộc tội nhiều người.” Ngài hy sinh mạng sống để trả giá chuộc tội chúng ta.
• Rô-ma 5:6,8: “Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn, chịu chết vì kẻ có tội.” Ngài hoàn toàn vô tội nhưng chết vì kẻ có tội. “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”.
Mỗi chúng ta đáng phải nói như Phao-lô: “Đấng đã yêu tôi, đã phó chính mình Ngài vì tôi” (Gal 2:20). Không những vì thế gian, vì kẻ có tội, vì chúng ta, mà vì tôi, vì tôi.
• I Giăng 4:19: “Nầy, sự yêu thương, ở tại đây, ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta và sai con Ngài là của lễ chuộc tội chúng ta.” Ngài là con sinh tế của Đức Chúa Trời, để cất tội lỗi thế gian đi. Nếu Chúa Giê-xu không giáng thế làm người, thì Ngài không thể chịu chết; nếu Ngài không thể chịu chết thì không thể chuộc tội, vì tiền công của tội lỗi là sự chết, thì phải trả giá bằng sự chết mới chuộc tội được. Không đổ Huyết thì không có sự tha thứ, vì sanh mạng ở trong Huyết. Ngài đã đem sanh mạng của Ngài thay thế cho sanh mạng của chúng ta. Sanh mạng của Đức Chúa Trời cao cả vô cùng nên có thể thay thế cho sanh mạng toàn thề nhân loại. Hễ ai tin nhận Ngài đều được tha thứ, được cứu rỗi. Đó là lý do mà Ngài phải giáng thế làm người.
bottom of page