top of page

BÀI 2 : ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI HIỆP MỘT - GIÁO LÝ CĂN BẢN

Hung Tran

Jul 30, 2023

Đức Chúa Trời đã tự khải thị cho chúng ta qua một thời gian dài mà Kinh thánh còn ghi lại cách đầy đủ, là Ngài vốn có ba Ngôi, song hoàn toàn hiệp một...



Bài 2: ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI HIỆP MỘT


Đức Chúa Trời đã tự khải thị cho chúng ta qua một thời gian dài mà Kinh thánh còn ghi lại cách đầy đủ, là Ngài vốn có ba Ngôi, song hoàn toàn hiệp một.


I. ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ MỘT MÀ THÔI


Ngài là Chân thần độc nhất, ngoài Ngài ra chỉ có tà thần là ma quỉ và những thần hữu danh vô thực do người ta tạo ra (I Côr 8:4-5).

• Phục-truyền 4:35: “… để nhìn biết rằng Giê-hô-va ấy là Đức Chúa Trời, chớ không ai khác hơn Ngài.”

• Phục-truyền 6:4: ”Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai.”

• Ê-sai 43:10: “… hầu cho các ngươi được biết và tin ta, và hiểu rằng ta là Chúa! Chẳng có Đức Chúa Trời nào tạo thành trước ta, và cũng chẳng có sau ta nữa.”

• Ê-sai 44:6: “Ta là đầu tiên và cuối cùng ; ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác.”

• Giăng 17:3: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật.”

• I Cô-rinh-tô 8:6: “Về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi.”

• I Ti-mô-thê 2:5: “Chỉ có một Đức Chúa Trời.”


II. ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ MỘT, SONG CÓ NHIỀU NGÔI


1. Chữ “MỘT” được dùng theo đơn vị kép.

Chữ “một” dùng theo đơn vị đơn là một, chữ “một” dùng theo đơn vị kép là hơn một.

• Sáng-thế ký 2:24: “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt.” Chữ “một” dùng trong câu này dùng theo đơn vị kép, một mà hai.

• Giăng 17:22-23: “Con đã ban cho họ sự vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để hiệp làm một cũng như chúng ta vẫn là một: Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để cho họ toàn vẹn hiệp làm một.” Những chữ “một” trong hai câu này được dùng theo đơn vị kép.

• I Cô-rinh-tô 12:13: “Vì chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân.” Chữ “một thân” được dùng theo đơn vị kép, vì bao gồm nhiều người là “chúng ta”.

• Ga-la-ti 3:28: “Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà; vì trong Đức Chúa Giêxu Chirst, anh em thảy đều làm một. Chữ ‘một’ trong câu này cũng được dùng theo đơn vị kép.

Đức Chúa Trời là một, được dùng theo cách ấy.

2. Đức Chúa Trời tự xưng bằng Ngôi thứ nhất số nhiều: CHÚNG TA.

• Sáng-thế ký 1:26: “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta.”

• Sáng-thế ký 3:22: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, chúng ta hãy coi chừng.”

Chữ CHÚNG TA phải được dùng cho từ hai người trở lên.

3. Đức Chúa Trời có nhiều Ngôi.

Xa-cha-ri 2:10-11: “Hỡi con gái Si-ôn, hãy hát mừng và vui vẻ; vì này, Ta đến, và Ta sẽ ở giữa ngươi, Đức Giê-hô-va phán vậy. Trong ngày đó, nhiều nước sẽ quy phục Đức Giê-hô-va, và trở nên dân Ta; Ta sẽ ở giữa ngươi, người sẽ biết rằng Đức Giê-hô-va vạn quân đã sai Ta đến cùng ngươi.” Thế thì, Đức Giê-hô-va sai Đức Giê-hô-va.

Thi-thiên 45:6-7 “Hỡi Đức Chúa Trời, ngôi Chúa còn mãi đời nọ qua đời kia; bính quyền nước Chúa là một bính quyền ngay thẳng. Chúa ưa sự công bình, và ghét điều gian ác; cho nên Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời của Chúa, đã xức dầu cho Chúa.” Xin lưu ý: Đức Chúa Trời gọi Đức Chúa Trời bằng Chúa, Đức Chúa Trời bằng Đức Chúa Trời. Hai câu này được tác giả thơ Hê-bơ-rơ trưng dẫn: “Nhưng nói về Con thì lại phán rằng: Hỡi Đức Chúa Trời, ngôi Chúa còn mãi đời nọ qua đời kia.” (Hêb 1:8). Đức Chúa Cha gọi Đức Chúa Con là Đức Chúa Trời.

Giăng 1:1-2: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời.” Thế thì Đức Chúa Trời ở cùng Đức Chúa Trời.

Quả thật, Đức Chúa Trời có nhiều Ngôi.

Có người bảo rằng: “Một Quốc trưởng hay một Chủ tịch của một nước thường hay tự xưng là ‘chúng ta’ hay ‘chúng tôi'.” Điều đó đúng cho trường hợp của họ, vì họ đại diện cho dân tộc mình, song không đúng cho Đức Chúa Trời, vì Ngài không đại diện cho ai, mà các Ngôi hiệp lại thảo luận, lập kế hoạch cứu rỗi nhân loại.


III. ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ BA NGÔI


Sự khải thị dần dần mở rộng và rõ ràng: Đức Chúa Trời có ba Ngôi.

• Dân số ký 6:24-25: Lời chúc phước này có ba phần :

a. Cầu xin ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ban phước và phù hộ.

b. Cầu xin ĐỨC GIÊ-HÔ-VA chiếu sáng và làm ơn.

c. Cầu xin ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đoái xem và ban bình an.

Ba lần lập lại “Cầu xin Đức Giê-hô-va”, chỉ về ba Ngôi Đức Chúa Trời.

• Ê-sai 6:3: “Thánh thay, Thánh thay, Thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài!”. Ba lần “Thánh thay”, vì phải ca ngợi ba Ngôi Đức Chúa Trời.

• Giăng 14:16: “Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng yên ủi khác, để ở với các ngươi đời đời.”TA” là Đức Chúa Con, “CHA” là Đức Chúa Cha. “ĐẤNG YÊN ỦI” là Đức Thánh Linh.

• Ma-thi-ơ 28:19: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân Danh Đức Cha, Đức Con, va Đức Thánh mà làm phép báp-têm cho họ.” Trong câu này chúng ta thấy cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

• II Cô-rinh-tô 13:13: “Nguyền xin ơn của Đức Chúa Giê-xu Christ, sự yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự giao thông của Đức Thánh Linh ở với anh em hết thảy!.”

Quả thật, Đức Chúa Trời có Ba Ngôi hiệp một. CHA là Đức Chúa Trời, CON là Đức Chúa Trời, LINH là Đức Chúa Trời. Ba ngôi riêng biệt và hoàn toàn bình đẳng. CHA không phải là CON, CON không phải là LINH, LINH không phải là CHA.

Chúng ta rất khó tìm một điều gì trong đời này để làm ví dụ soi sáng cho chân lý kỳ diệu về Đức Chúa Trời Ba Ngôi hiệp một.

• Xin mượn thời gian. Có ba thời gian: Quá khứ là một thời gian; hiện tại là một thời gian; tương lai là một thời gian; cả ba hiệp lại cũng gọi là một thời gian.

Tuy nhiên, chúng ta không thể nào hiểu Đức Chúa Trời theo lý trí của chúng ta, vì Ngài là Đấng vô hạn, còn chúng ta là loài người hữu hạn; Ngài là Linh, còn chúng ta là xác thịt. Vũ trụ là một vật Chúa đã làm nên, mà nhân loại chỉ khám phá được một phần nhỏ chưa hiểu được bao nhiêu, phương chi muốn hiểu Đấng làm nên vũ trụ. Giữa Chúa là Đấng Tạo hóa với chúng ta là loài thọ tạo, cao với thấp khác nhau như trời với vực. Chúng ta chỉ hiểu Ngài đủ để được cứu chuộc qua những gì Ngài đã khải thị với chúng ta. Nếu chúng ta hiểu được Đức Chúa Trời như hiểu được một người, thì Ngài không còn là Đức Chúa Trời nữa. Vì Ngài cao siêu, kỳ diệu, vượt qua trí hiểu của chúng ta như thế, nên mới đáng cho chúng ta cúi đầu, sấp mình thờ lạy và tận hiến đời mình cho Ngài.



bottom of page