top of page

BÀI 28 : HÌNH ẢNH THẬP TỰ GIÁ TRONG CỰU ƯỚC - GIÁO LÝ CĂN BẢN

Hung Tran

Jun 4, 2023

Đức Chúa Trời tiên báo về Đấng Cứu Thế sẽ vì mọi người mà chịu chết trên Thập tự giá, để qua hình ảnh đó, ai nấy có thể thấy được và chuẩn bị TIN NHẬN Ngài...



BÀI 28: HÌNH ẢNH THẬP TỰ GIÁ TRONG CỰU ƯỚC



Thập tự giá không phải chỉ mới có từ khi Chúa Giê-xu chết trên đó, nhưng ý nghĩa Tiên tri đã có từ thời Cựu ước, khoảng hơn hai ngàn năm trước. Đức Chúa Trời tiên báo về Đấng Cứu Thế sẽ vì mọi người mà chịu chết trên Thập tự giá, để qua hình ảnh đó, ai nấy có thể thấy được và chuẩn bị TIN NHẬN Ngài.


I. NƯỚC ĐẮNG HOÁ NGỌT


• Xuất 15:22-25: “Đoạn, Môi-se đem dân Y-sơ-ra-ên đi khỏi Biển đỏ, đến nơi đồng vắng Su-rơ, trọn ba ngày đi trong đồng vắng kiếm chẳng được nước đâu cả. Kế đến đất Ma-ra, nhưng vì nước tại đó đắng, uống chẳng được, nên chỉ chỗ này gọi là Ma-ra. Dân sự bèn oán trách Môi-se rằng: Chúng tôi lấy chi uống? Môi-se kêu van Đức Giê-hô-va, Ngài bèn chỉ cho người một cây gỗ, người lấy liệng xuống nước, nước bèn hoá ra ngọt.”

Sau khi được giải phóng khỏi Ai-cập, qua Biển đỏ, bắt đầu vào đồng vắng, vấn đề nước là rất quan trọng, nên sau ba ngày đi đường thì nước trong bình đã hết. Dân Y-sơ-ra-ên tản ra nhiều nơi để tìm nước, thì họ tìm được một chỗ có nước, nhưng lại là nước đắng quá không thể nào uống được. Thất vọng, họ kêu la cùng Môi-se.

Môi-se trình lên Chúa. Ngài bảo ông lấy một khúc gỗ ném vào nước đắng, thì nước sẽ hoá ngọt. Thiết tưởng khi Môi-se làm việc đó và bảo anh em: Bây giờ hãy uống đi, chắc không ai dám uống. Vì họ nghĩ rằng một khúc gỗ thì có gì mà lại biến nước đắng thành ngọt được? Nhưng sau khi đã thử, họ thấy quả thật nước đã biến thành ngọt, không còn một chất đắng nào cả.

Thực sự đó Đức Chúa Trời muốn dạy cho chúng ta về Thập tự giá của Chúa Giê-xu. Nước đắng chỉ về lòng của mọi người. Người xưa nói rằng: “Độc là nọc rắn, kim ong, mà còn ít độc hơn loài người ta.” Lòng người ta dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa. Như nước đắng Ma-ra đã được biến thành nước ngọt bởi khúc gỗ, thì tấm lòng gian ác của con người, cũng được thay đổi bởi quyền năng của Thập tự giá của Chúa Giê-xu. Cảm tạ ơn Chúa. Mỗi chúng ta đều tự biết trọng kinh nghiệm bản thân rằng lòng mình xấu xa gian ác quá, hơn điều mình tưởng tượng, không ai có thể thay đổi, không ai có thể cứu rỗi. Nhưng quyền năng của Thập tự giá đã thay đổi đời sống chúng ta và biến thành con cái Đức Chúa Trời, như nước đắng biến thành nước ngọt vậy.

• II Cô-rinh-tô 5:17: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.”

Ai ở trong Đấng Chirst là ai nhờ Thập tự giá của Ngài, thì nấy là người được tái tạo trở thành mới, tất cả những gì cũ đã qua đi hết, thay vào đó mọi sự đều trở nên mới, là ơn phước mới, sự sống mới, bản tánh mới, hy vọng mới, cuối cùng là trời mới đất mới.


II. HÒN ĐÁ BỊ ĐẬP


• Xuất 17:5-6: “Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy cầm gậy của ngươi đã đập dưới sông, dẫn theo những trưởng lão Y-sơ-ra-ên, rồi đi trước mặt dân sự. Nầy ta sẽ đứng đằng trước ngươi, ở trên hòn đá tại Hô-rép kia, ngươi hãy đập hòn đá, thì nước từ đó chảy ra, dân sự sẽ uống lấy. Môi-se bèn làm như vậy trước mặt các trưởng lão Y-sơ-ra-ên.”

Sau một thời gian đi đường, tức là Ma-ra, đến một chỗ khác, thì dân Y-sơ-ra-ên lại không còn nước mang theo trong bầu. Bấy giờ, họ cùng kêu la với Chúa, và Ngài bảo Môi-se triệu tập dân Y-sơ-ra-ên với các trưởng lão, rồi cầm cây gậy đang dùng trong tay mà đập trên hòn đá, thì đá sẽ tuôn ra nước cho dân sự và cả bầy vật của họ uống. Đó là một phép lạ mà chỉ có Đức Chúa Trời làm được.

Thực sự đó Đức Chúa Trời muốn dạy cho chúng ta rằng hòn đá bị đập là Chúa Giê-xu, tức là Ngài chết trên Thập tự giá để tuôn ra dòng sông ơn phước cho toàn thể nhân loại. Ôi chúng ta là những con người khát nước Hằng sống mà không thể nào tìm đâu được, như dân Y-sơ-ra-ên trong sa mạc. Nhưng hòn đá bị đập tuôn ra nước cho họ, thì Chúa Giê-xu chịu chết trên Thập tự giá cũng tuôn ra ơn phước cho chúng ta được hưởng.

• Ê-sai 53:4: “Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ.” Người đó là Chúa Giê-xu, đã mang lấy tội lỗi, gian ác của chúng ta trên Thập tự giá, Ngài bị Đức Chúa Trời đánh và đập, như hòn đá bị gập đập vậy. Nhờ đó chúng ta được cứu rỗi.

• I Cô-rinh-tô 10:4: “Và uống một thức uống thiêng liêng; vì họ uống nơi một hòn đá thiêng liêng theo mình, và đá ấy tức là Đấng Christ.”

Câu nầy giải thích cho việc đập hòn đá của Môi-se. Dân Y-sơ-ra-ên được uống nước từ một hòn đá, và hòn đá đó bị đập là Giê-xu Christ chịu chết trên Thập tự giá vì cớ chúng ta. Cảm tạ Chúa vô cùng. Từ xa xưa, Đức Chúa Trời đã hoạch định chương trình để chúng ta được phước hạnh.


III. HÒN ĐÁ BỊ ĐẬP LẦN THỨ HAI


• Dân-số ký 20:7-12: “Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy cầm lấy cây gậy ngươi, rồi với A-rôn anh ngươi, hãy truyền nhóm hội chúng và hai ngươi phải nói cùng hòn đá trước mặt hội chúng, thì hòn đá sẽ chảy nước ra; ngươi sẽ khiến nước từ hòn đá chảy ra cho hội chúng và súc vật của họ uống. Vậy, Môi-se cầm lấy cây gậy ở trước mặt Đức Giê-hô-va, như Ngài đã phán dặn. Môi-se và A-rôn truyền nhóm hội chúng đến trước hòn đá mà nói rằng: Hỡi dân phản nghịch,hãy nghe, chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá nầy ra cho các ngươi được sao? Môi-se giơ tay lên, đập hòn đá hai lần bằng cây gậy mình nước bèn chảy tràn ra nhiều, hội chúng uống và súc vật họ uống nữa. Đọan Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se và A-rôn rằng: Bởi vì hai ngươi không có tin đến ta, đặng tôn ta nên Thánh trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, vì cớ đó, hai ngươi sẽ không đem hội chúng nầy vào xứ mà ta đã cho nó đâu.”

Câu chuyện nầy rất quan trọng. Sau một thời gian nữa, dân Y-sơ-ra-ên lại thiếu nước và lần nầy Chúa bảo Môi-se cầm cây gậy trong tay mà không dùng gậy đập hòn đá nữa, ông chỉ nói một lời: Hỡi hòn đá hãy chảy nước ra, thì nước sẽ tuôn tràn cho dân sự uống và súc vật uống. Nhưng lần nầy Môi-se tức dân Y-sơ-ra-ên, nên ông lại đập hòn đá một lần nữa, rồi nước cũng chảy tràn ra. Đức Chúa Trời nổi thạnh nộ cùng Môi-se, nên không cho ông dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào tận Ca-na-an, mà chết bên nầy sông Giô-đanh. Tại sao vậy? – Vì Môi-se làm hỏng hình ảnh tiên tri, là Chúa Giê-xu chịu chết trên Thập tự giá vì nhân loại một lần đủ cả, chứ không bao giờ chết lần thứ hai.

• Hê-bơ-rơ 9:21: “Ngài đã vào nơi đất Thánh một lần thì đủ hết.” Tức là Ngài chịu chết một lần là đủ hết, không cần phải chết lần thứ hai.

Câu 28 cũng vậy: “Cũng vậy, Đng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không để cất tội đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho kẻ chờ đợi Ngài.” Đoạn 10:12-14: “Còn như Đấng nầy, đã vì tội lỗi đã dâng một của lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời…Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên Thánh được trọn vẹn đời đời.” Một lần đủ cả cho đến đời đời, không bao giờ có lần thứ hai.

• I Phi-e-rơ 3:18: “Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần.”


IV. CON RẮN ĐỒNG TREO TRÊN CÂY SÀO


• Dân-số ký 21:4-9: “Đoạn dân Y-sơ-ra-ên đi từ núi Hô-rơ đến Biển Đỏ, đặng đi vòng theo xứ Ê-đôm; giữa đường dân sự ngã lòng. Vậy, dân sự nói nghịch cùng đức Chúa Trời và Môi-se mà rằng: Làm sao người khiến chúng tôi lên khỏi xứ Ê-díp-tô đặng chết trong đồng vắng? Vì đây không có bánh cũng không có nước và linh hồn chúng tôi đã ghê gớm thứ đồ ăn đạm bạc nầy. Đức Giê-hô-va sai con rắn lửa đến trong dân sự, cắn dân đó đến nỗi người Y-sơ-ra-ên chết rất nhiều. Dân sự bèn đến cùng Môi-se mà nói rằng: Chúng tôi có phạm tội, vì đã nói nghịch Đức Giê-hô-va và người. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va để Ngài khiến rắn lìa xa chúng tôi. Môi-se cầu khẩn cho dân sự. Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy làm lấy một con rắn lửa, rồi treo nó lên một cây sào, nếu ai bị cắn và nhìn nó, thì sẽ được sống. Vậy, Môi-se làm một con rắn bằng đồng, rồi treo lên một cây sào, nếu người nào đã bị rắn cắn mà nhìn con rắn bằng đồng thì được sống.”

Một giai đoạn khác là dân Y-sơ-ra-ên ngã lòng, vì sống lâu năm trong sa mạc, họ đã phàn nàn bằng những lời không đẹp, nên Chúa nổi thạnh nộ, và khiến những con rắn lửa từ samạc ra cắn họ. Một số người đã chết, và một số người sắp chết. Bấy giờ, họ khủng khiếp và kêu la xin Chúa tha thứ cho, thì Đức Chúa Trời bảo Môi-se làm một con rắn lửa bằng đồng y như con rắn lửa đã cắn họ, rồi treo trên một cây sào, để bất cứ ai bị cắn, nhìn con rắn lửa treo trên cây sào thì được lành ngay, thiết tưởng khi Môi-se làm xong, ông kêu toàn dân Y-sơ-ra-ên bị cắn hãy nhìn lên cây sào đây. Các bà con bạn hữu đều khiêng những kẻ bị rắn cắn đến, kẻ còn sức khoẻ tự đến, và khi họ nhìn vào con rắn bị treo trên cây sào, tức thì nọc độc tiêu tan và họ được lành.

Thực sự đó có một nghĩa bóng, dạy dỗ nhân loại trải qua các đời rằng mỗi chúng ta đã bị nọc độc của con rắn là ma quỷ. Nọc độc tội lỗi đang tiêm nhiễm vào thể xác lẫn linh hồn của chúng ta và giết hại nơi hỏa ngục đời đời. Đang khi mọi người tuyệt vọng chờ chết mà thôi, thì Chúa Giê-xu là con rắn bị treo trên cây sào đó, cây sào chỉ về Thập tự giá mà Ngài chịu đóng đinh, hầu ai nhìn xem Ngài thì tội lỗi bị tiêu tán ngay. Chúng ta mỗi người đều là tội nhân, tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng khi chúng ta nhìn xem Chúa Giê-xu trên Thập tự giá, bởi đức tin nhận Ngài làm Cứu Chúa chịu chết đền tội cho mình, thì chúng ta được tha thứ mọi tội lỗi. Hôm nay chúng ta phải làm như người Y-sơ-ra-ên ngày xưa, là đem bà con, thân hữu đang bị nọc độc của tội lỗi, đến nhìn xem Chúa Giê-xu để họ cũng được cứu như chúng ta vậy.

Nó một cách dễ hiểu là chính Chúa Giê-xu đã ứng dụng về con rắn bị treo trên cây sào đó, là chính mình Ngài. Giăng 3:14-15: “Xưa, Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì con người cũng phải bị treo lên dường ấy, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời.” Chúng ta thử đặt một câu hỏi: “Tại sao Chúa Giê-xu lại tự ứng dụng con rắn đó là Ngài?.” Rắn là một con thứ đã bị rủa sả khi nó làm công cụ cho ma quỷ, cám dỗ A-đam và Ê-va phạm tội. Vì vậy Chúa Giê-xu đã tự đặt mình trong địa vị một con rắn, tức là Ngài chịu lấy sự rủa sả của chúng ta. Toàn thể nhân loại phạm tội đang bị Đức Chúa Trời rủa sả, nhưng sự rủa sả đó đã chất lên Chúa Giê-xu. Nên nhờ Ngài chúng ta được cứu.

• Ga-la-ti 3:13: “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta.”

Ngài chịu rủa sả vì chúng ta. Ngài là con rắn bị treo trên cây sào đó.


V. LƯỠI RÌU NỔI TRÊN MẶT NƯỚC


• II Các-vua 6:1-7: “Các môn đồ của những tiên tri nói với Ê-li-sê rằng: Nơi chúng tôi ở trước mặt thấy hẹp quá cho chúng tôi. Xin để chúng tôi đi đến Giô-đanh, ai nấy sẽ đốn một cây đòn tay, rồi tại đó cất một chỗ ở cho chúng tôi. Ê-li-sê đáp: Hãy đi. Một người tiếp rằng: Tôi xin thầy hãy đi cùng các tôi tớ thầy. Người đáp: Ta sẽ đi. Vậy, người đi với họ. Đến Giô-đanh, họ khởi đốn cây. Nhưng có một người đương đốn cây, cái lưỡi rìu văng xuống nước. Người la lên rằng: Ớ Chúa tôi! than ôi, tôi có mượn nó. Người của Đức Chúa Trời hỏi rằng: nó rớt ở đâu, người chỉ chỗ cho. Ê-li-sê bèn chặt một khúc cây quăng xuống tại chỗ đó, làm cho lưỡi rìu nổi lên và biểu người ấy rằng: Hãy lấy nó đi. Người ấy bèn giơ tay ra và lấy nó.”

Đang đốn cây mà lưỡi rìu sút cán rớt và chìm lỉm dưới nước. Người nầy la lên: “Tôi có mượn nó”. Bây giờ phải làm sao?. Sông Giô-đanh sâu, dòng nước chảy mạnh, làm sao lấy lên được? Nhưng Ê-li-sê chặt một khúc cây, ném xuống ngay chỗ lưỡi rìu rớt xuống, tức thì lưỡi rìu nổi lên. Đó là một việc kỳ diệu. Lưỡi rìu bằng sắt, bằng thép, nhưng khúc gỗ có một sức mạnh phi thường đã kéo lưỡi rìu nổi trên mặt nước.

Phép lạ đó Đức Chúa Trời muốn dạy chúng ta về Thập tự giá của Chúa Giê-xu. Mỗi chúng ta như cái lưỡi rìu sút cán ra khỏi tay của Đức Chúa Trời, và rơi xuống vũng bùn tội ác sâu thăm thẳm, không hy vọng gì tự mình lên hay bất cứ ai có thể đem mình lên. Đang khi đó Chúa Giê-xu chịu chết trên Thập tự giá và quyền năng của Ngài như khúc gỗ bị ném xuống dòng sông làm cho rìu nổi lên, tức là đem chúng ta là những kẻ khốn nạn hơn hết, chìm sâu trong vũng bùn dơ được nổi lên, tức là được giải cứu, được rửa sạch, được tái tạo trở nên con trai, con gái Đức Chúa Trời, được bước đi trong sự Thánh khiết và Vinh hiển.

Đa-vít tự chứng: “Tôi lún trong bùn sâu, nơi không đụng cẳng, tôi bị chìm trong nước sâu, dòng nước ngập tôi …Ngài cũng đã đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm, Ngài đặt chân tôi trên hòn đá và làm cho bước tôi vững bền” (Thi 69:2;40:2).

Phao-lô tự chứng: “Tôi không hổ thẹn về Tin lành đâu …”. Tại sao mà không hổ thẹn? “Vì Tin Lành là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin.” Trái lại, Phao-lô tuyên bố: “Tôi lấy làm vinh mà rao giảng Tin lành của Đức Chúa Trời cho mọi người. Tôi mắc nợ cả người văn minh, lẫn người dã man, cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp.” Các Ông Bà Anh Chị có hổ thẹn về Tin lành không? Có hổ thẹn vì mình đã tin Chúa không? Tôi ước ao không ai hổ thẹn cả, nhưng lấy làm vinh hạnh mà nhận mình là tín đồ, lại còn đem niềm tin chia xẻ cho mọi người, vì Thập tự giá kỳ diệu quá. Thập tự giá đã hóa nước đắng ra ngọt, Thập tự giá đã làm hòn đá tuôn ra nước. Thập tự giá đã cứu kẻ bị rắn cắn sắp chết được lành. Thập tự giá đã làm cho lưỡi rìu nổi lên. Tất cả những hình ảnh đó chứng minh sự chết của Chúa Giê-xu trên Thập tự giá là con đường cứu rỗi duy nhất mà nhân loại cần đến, ngoài Ngài ra không có con đường nào khác, không có cứu Chúa nào khác. Vì vậy Đức Chúa Trời kêu gọi: “Hỡi các ngươi hết thảy ở các nơi đấu cùng đất. Hãy nhìn xem Ta và được cứu. Vì Ta là Đức Chúa Trời, không có Chúa nào khác.” (Ê-sai 45:22).


VI. THI-THIÊN 22


Thi-thiên 22 mô tả trước cảnh Chúa Giê-xu chịu chết trên Thập tự giá.

Câu 12-18: “Có nhiều bò đực bao quanh tôi, những bò đực hùng mạnh của Ba-san vây phủ tôi. Chúng nó hả miệng ra cùng tôi, khác nào sư tử hay cắn xé và gầm hét. Tôi bị đổ ra như nước, các xương cốt tôi đều rời rã; trái tim tôi khô như sáp, tan ra trong mình tôi. Sức lực tôi khô như miếng gốm, và lưỡi tôi dính nơi ổ gà. Chúa đã để tôi nằm trong bụi tro sự chết. Vì những chó bao quanh tôi, một lũ hung ác vây phủ tôi; chúng nó đâm lủng tay và chân tôi. Tôi đếm được các xương tôi; chúng nó xem và ngó chân tôi; chúng nó chia nhau áo xống tôi, bắt thăm về áo dài tôi.”

1. Chúa bị kẻ thù như bầy thú dữ bao vây (12-13).

Khi Chúa bị đóng đinh trên Thập tự giá, thì các thầy Tế lễ cả, các Trưởng lão, các Thầy Thông giáo dân Do-thái bao vây Ngài. Họ không tiếc lời chế nhạo, thách đố: “Hãy xuống khỏi Thập tự giá đi thì chúng ta sẽ tin.” (Mat 27:39-43).

2. Chúa bị đau đớn đến nỗi trái tim Ngài vỡ ra (14).

Chúa đã chết sau sáu tiếng đồng hồ chịu đóng đinh trên Thập tự giá. Người bị đóng đinh trên Thập tự giá, muốn chết mà không chết được, mặc dầu bị đau đớn khủng khiếp. Hai tên trộm cướp bị đánh gãy xương chân, sụm xuống, đứt mạch máu trái tim nên mới chết, còn Chúa Giê-xu chết trước đó vì trái tim Ngài vỡ ra, không phải do đau đớn của thể xác, nhưng do đau đớn của tâm hồn (Giăng 19:32-34).

3. Vì máu ra nhiều nên Chúa bị khát lắm (15)

Trong đêm thứ năm, cả ngày thứ sáu và ngày thứ bảy, chắc chúa không ăn chi và chẳng ai cho Ngài uống. Họ cho Ngài uống rượu hòa với mộc dược, song Ngài không uống (Mác 15:23). Đúng như Giăng thuật lại, Ngài phán: “Ta khát” (Giăng 19:28).

4. Chơn và tay của Chúa bị đóng đinh (16).

Thi thiên nầy viết ra một ngàn năm trước khi Chúa chịu chết, nhưng mô tả rõ ràng từng chi tiết một (Giăng 19:17-18).

5. Không có xương nào của Chúa bị gãy (17)

Chân tay của Ngài vẫn còn nguyên, song hai chân của hai tên trộm cướp đều bị gãy (Giăng 19:32-33)

6. Quân lính bắt thăm chia nhau áo xống của Chúa (18)

Khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên Thập tự giá, thì bọn lính La-mã chia nhau áo xống của Ngài. Nhưng về chiếc áo dài thì họ không xé nó ra, mà bắt thăm ai được thì được hết (Giăng 19:23-24). Đọc Thi-thiên 22:12-18, rồi đọc bốn sách Tin lành, chúng ta thấy cả hai là một, dầu cách xa nhau một ngàn năm, thì Đức Chúa Trới biết hết mọi sự.

Chúa Giê-xu chịu chết cho chúng ta trên Thập tự giá, không phải là một việc ngẫu nhiên, nhưng nó nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời từ buổi sáng thế. Tin lành không mới có đây, song đã có từ xa xưa mà Đức Chúa Trời đã hứa.



bottom of page