top of page

BÀI 30 : ĐỀN THỜ - GIÁO LÝ CĂN BẢN

Hung Tran

Jun 2, 2023

Hôm nay cũng vậy, vô luận nơi nào, hoặc trong Nhà thờ, hoặc trong nhà riêng, hoặc trong rừng núi hay trong khám tù, nếu có hai ba người nhân danh Chúa nhóm lại, thì có Ngài ở giữa...



BÀI 30: ĐỀN THỜ



Theo lịch sử chúng ta biết có bốn giai đoạn Đền thờ.

1. Sau khi dân Y-sơ-ra-ên được giải phóng khỏi Ai-cập, qua Hồng hải, vào Ai-cập, vào sa mạc, đến núi Si-nai, thì Đức Chúa Trời bảo họ dựng một Đền thờ cho Ngài, gọi là Đền thờ tạm, vì họ lưu lạc nay đây mai đó, nên phải làm cách mang đi được.

2. Khi họ vào xứ Ca-na-an, vua Sa-lô-môn xây một Đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, suốt bảy năm mới xong, bằng vật liệu rất quý báu. Vì dân Y-sơ-ra-ên phạm tội, nên Chúa đã phó Đền thờ đó cho vua Ba-by-lôn là Nê-bu-cát-nết-sa phá hủy đi.

3. Sau 70 năm, bị lưu đày, dân Y-sơ-ra-ên được trở về tổ quốc, xây lại một Đền thờ trước. Rồi sau một thời gian, vua Sy-ri đã phá huỷ Đền thờ đó.

4. Năm thứ 19 trước Chúa Giáng sanh, vua Hê-rốt đã xây một Đền thờ bằng đá cẩm thạch, mất 40 năm. Các môn đồ khoe với Chúa Giê-xu rằng: Hãy xem đá và các nhà nầy đẹp là dường nào. Chúa Giê-xu phán: “Rồi ra, sẽ không còn một hòn đá sót lại trên một hòn đá khác, cả thảy đều đổ xuống.”

Đúng như vậy, sau Chúa Giáng sanh 70 năm, tức là trước đây 1.917 năm, Hoàng đế La-mã đã đem quân vây hãm Giê-ru-sa-lem và triệt hạ Đền thờ. Mãi cho đến nay, dân Do-thái chưa xây một Đền thờ nào khác (Mác 13:1-2).


I. MỤC ĐÍCH CỦA ĐỀN THỜ


• Xuất 25:8: “Họ sẽ là cho Ta một đền Thánh và Ta sẽ ở giữa họ.”

Mục đích xây dựng Đền thờ là để Đức Chúa Trời ngự vào và ở giữa dân Ngài. Trong đồng vắng, Đền thờ đặt ở giữa, chung quanh mỗi bên có ba chi phái đóng trại. Phía đông có ba chi phái đóng trại, phía tây có ba chi phái, phía nam có ba chi phái, phía bắc có ba chi phái. Đức Chúa Trời ở giữa để bảo hộ họ, và họ được thông công mật thiết với Ngài.

Hôm nay cũng vậy, vô luận nơi nào, hoặc trong Nhà thờ, hoặc trong nhà riêng, hoặc trong rừng núi hay trong khám tù, nếu có hai ba người nhân danh Chúa nhóm lại, thì có Ngài ở giữa. Được Chúa ở giữa thì không có gì sung sướng bằng. Nơi nào có Chúa ngự thì nơi đó có Đền thờ Ngài.


II. Ý NGHĨA CỦA ĐỀN THỜ


Mượn hình thức để giải thích tinh thần:

1. Đền thờ chỉ về Chúa Giê-xu.

• Giăng 2:19-21: “Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Hãy phá Đền thờ nầy đi, trong ba ngày Ta sẽ dựng lại. Người Giu-đa lại nói: Người ta xây Đền thờ nầy mất bốn mươi sáu năm, mà thầy thì sẽ dựng lại trong ba ngày. Nhưng Ngài nói về Đền thờ của thân thể mình.”

Người Do-thái đã đóng đinh Ngài trên Thập tự giá, là họ phá Đền thờ, nhưng sau ba ngày, Ngài sống lại, là Ngài đã dựng Đền thờ lại. Chúa muốn nói rằng Đền thờ đó là chính mình Ngài. Ngài mới thật là Đền thờ.

2. Đền thờ chỉ về Hội thánh.

• I Cô-rinh-tô 3:16-17: “Anh em há chẳng biết mình là Đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao? Vì có ai phá huỷ Đền thờ của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời sẽ phá huỷ họ, vì Đền thờ của Đức Chúa Trời là Thánh, mà chính anh em là Đền thờ.”

Hội thánh trong Thành phố nầy là Đền thờ, Hội thánh trong nước Việt Nam là Đền thờ, Hội thánh trong Thế giới, vô luận dân tộc nào, hết thảy là Đền thờ của Chúa. Vì vậy, ai phá huỷ Hội thánh là phá huỷ Đền thờ của Đức Chúa Trời. Hội thánh Cô-rinht-ô bị chia làm bốn phe: phe Phao-lô, phe A-bô-lô, phe Phi-e-rơ, phe Đấng Christ.

Phân hoá Hội thánh là phá huỷ Đền thờ của Đức Chúa Trời.

3. Đền thờ chỉ về đời sống của chúng ta.

• I Cô-rinh-tô 6:19: “Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là Đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao.”

Phao-lô nhấn mạnh và nói rằng: “Anh em há chẳng biết sao?”.

Nói như vậy có ý nghĩa gì?

Tín đồ Cô-rinh-tô xem thường thân thể mình mà ăn của cúng thần tượng, nhất là gian dâm, Phao-lô bảo rằng làm như vậy là hại Đền thờ của Đức Chúa Trời. Vì chính thân thể nầy là Đền thờ mà Đức Chúa Trời đang ngự. Mỗi chúng ta phải giữ gìn thận thể mình cho Thánh khiết và tôn trọng, đừng đi, đừng đứng, và ngồi một chỗ nào không xứng hiệp với Đền thờ của Chúa. Vì Đền thờ của Chúa là Thánh, mà thân thể chúng ta là Đền thờ của Ngài.


III. ĐỀN THỜ CHỈ CÓ MỘT CỬA


• Xuất 27:16: “Còn cửa hành lang có một bức màn dài hai chục thước bằng vải gai đậu mịn, chỉ tím, đỏ điều, đỏ sặm, có thêu, cùng bốn cây trụ và bốn lỗ trụ.”

Đền thờ có hàng rào chung quanh làm hành lang bao bọc.

Phía Nam 100 thước, phía Bắc 100 thước, phía Tây 50 thước, phía đông mỗi bên 15 thước, cửa 20 thước. Chỉ có một cửa ra vào mà thôi. Bất cứ ai muốn vào Đền thờ phải qua cái cửa đó. Ngoài cửa nầy thì không có cửa nào khác để vào Đền thờ Đức Chúa Trời. Như vậy cửa đó chỉ về ai? – Giăng10:9: Ta là cái cửa: Nếu ai bởi ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi. Họ sẽ vào ra và gặp đồng cỏ.”

Chúa Giê-xu là cái cửa duy nhất để người ta vào ra Đền thờ, vì không ai được đến với Đức Chúa Trời mà không qua Chúa Giê-xu.

Tàu Nô-ê cũng chỉ có một cửa ra vào bên hông (Sáng 6:16). Khi cửa đó đã bị đóng, toàn thể nhân loại và súc vật phải ở ngoài tàu, nên họ bị nước lụt cuốn đi hết. từ xa xưa Đức Chúa Trời đã dạy chúng ta rằng, chỉ có một cái cửa vào sự cứu rỗi, vào Thiên Đàng, và cửa đó là Chúa Giê-xu (Giăng 10:7).


IV. CÁC VẬT DỤNG TRONG ĐỀN THỜ


Chúng ta biết các vật dụng trong Đền thờ đều có ý nghĩa về thuộc linh :

1. Bàn thờ Của lễ thiêu (Xuất 37:1-8;38:1-7).

Khi một người bởi cửa mà vào Đền thờ, thì gặp ngay bàn thờ bằng đồng dâng Của lễ toàn thiêu. Bàn thờ bằng gỗ sitim bọc đồng, các đồ phụ tùng đều bằng đồng. Trên bàn thờ lửa cháy rực, bày tỏ sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời.

Một người Y-sơ-ra-ên muốn thờ phượng Đức Chúa Trời, phải qua cái cửa duy nhất, dẫn theo một con bò, nếu là người giàu, một con chiên nếu là người khá, một con bồ câu nếu là người nghèo. Các con sinh được đem đến bàn thờ bằng đồng. Thầy tế lễ xem xét kỹ lưỡng, thấy không tì vít chi, thì người dân phải giết con sinh, lấy Huyết nó đưa cho Thầy tế lễ rưới chung quanh bàn thờ. Con sinh được đặt trên bàn thờ, thiêu hoá ra tro (Lê 1:1-17)

Bàn thờ bằng đồng chỉ về Thập tự giá của Chúa Giê-xu, tại đó Ngài đã xả thân Huyết đền tội cho chúng ta. Vì vậy, cả Kinh thánh từ Sáng-thế ký cho đến Khải huyền đều chép về Chúa Giê-xu là chiên con của Đức Chúa Trời. Một người muốn đến gần Đức Chúa Trời để thờ phượng Ngài, thì trước nhất phải nhìn xem Chúa Giê-xu chịu chết vì mình trên Thập tự giá, mà bàn thờ bằng đồng nầy tượng trưng cho (Xuất 30:17-21;38:8).

2. Thùng nước rửa bằng đồng (Xuất 30:17-21; 38-8)

Sau khi được Đức Chúa Trời chấp nhận bằng Tế lễ toàn thiêu, thì Thầy Tế lễ tiến đến thùng nước rửa. Vì sau khi được cứu, chúng ta đều trở nên Thầy tế lễ của Đức Chúa Trời (I Phi 2:5-9; Khải 1:6). Thùng nầy làm bằng, nhưng không phải là đồng thường, mà thứ đồng thờ xưa các phụ nữ dùng để làm gương soi mặt.

Môi-se ra lệnh cho các phụ nữ dự phần dâng hiến các tấm gương soi của mình, để làm thành cái thùng bằng đồng, đặt giữa lối đi vào các bàn thờ.

Cái thùng bằng đồng có hai công dụng: Nhìn vào thùng để thấy mình dơ chỗ nào, rồi nhờ nước trong thùng để rửa mình cho sạch. Trước khi vào nơi Thánh để thi hành chức vụ, Thầy tế Lễ phải được rửa sạch bằng nước, muốn được rửa sạch thì phải nhìn vào cái thùng bằng đồng, để thấy mình dơ chỗ nào.

Thế thì ý nghĩa thuộc linh mà Chúa dùng cái thùng bằng đồng dạy cho chúng ta là gì?

• Gia-cơ 1:23-25: “Vì nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo, thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào. Nhưng kẻ nào xét kỹ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.”

Kinh thánh là một tấm gương soi rất lớn, ai nhìn vào sẽ thấy chính mình trong đó. Lòng của mình xấu xa đến mức nào, tội lỗi mình ghê gớm là dường nào.

• Giăng 15:3: “Các ngươi đã được trong sạch vì lời Ta đã bảo cho.”

Kinh Thánh có hai công dụng: Đọc Kinh Thánh thấy mặt mình dơ, đồng thời Kinh Thánh cũng như nước làm cho mặt mình sạch. Vì vậy, cái thùng bằng đồng trong đó có nước rửa, là chỉ về Kinh Thánh. Nếu chúng ta muốn bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời, trước hết phải rửa sạch. Không những bằng Huyết của Chúa Giê-xu trên Thập tự giá, nhưng cũng được Thánh hoá hành vi của mình bằng lời của Ngài. Chúng ta đọc Kinh Thánh thấy tội lỗi của mình, rồi nhờ Kinh Thánh làm sạch tội lỗi đó (Êph 5:26-27).

3. Chơn đèn bằng vàng ròng (Xuất 25:31-39;37:17-24).

Kế đó, Thầy tế Lễ được vào nơi Thánh. Tại đây có ba vật: Chơn đèn, bàn bánh, bàn xông hương. Nhờ chơn đèn bảy ngọn soi sáng, Thầy Tế Lễ thấy các vật ở trong nơi Thánh, vì tại đây không có cửa sổ, không có ánh sáng nào, ngoài ra chiếc đèn nầy luôn cháy cả ngày lẫn đêm.

Đức Chúa Trời dùng điều đó để dạy gì cho chúng ta?

• Giăng 8:12: “Đức Chúa Giê-xu lại cất tiếng phán cùng chúng rằng: Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo Ta chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.”

Chơn đèn bảy ngọn chỉ về Chúa Giê-xu, Ngài là sự sáng, thuộc linh duy nhất của trần gian tối tăm như đêm trường ảm đạm. Nhân loại sanh ra trong tối tăm, sống trong tối tăm và chết trong tối tăm, nếu không có Chúa Giê-xu. Vì Ngài ánh sáng duy nhất trong Đền thờ, trong Thế giới, trong cõi đời đời (Khải 21:23).

4. Bàn Bánh trần thiết (Xuất 25:23-30; 37:10-16)

Đối diện với chơn đèn bảy ngọn thì có bàn Bánh trần thiết, tức là bày ra. trên bàn có mười hai ổ bánh. Khi Thầy tế Lễ vào nơi Thánh để thi hành nhiệm vụ, thì có đèn soi sáng, có bánh ăn no. Đức Chúa Trời lo chu đáo cho kẻ phục vụ Ngài, không để họ đói. Trên bàn có mười hai ổ bánh luôn luôn, nếu có dư thì qua hôm sau cất đi, đem mười hai ổ bánh mới thay vào.

Bánh trần thiết chỉ về ai?

• Giăng 6:35: “Đức Chúa Giê-xu phán rằng: Ta là bánh của sự sống, ai đến cùng Ta chẳng hề đói, và ai tin Ta chẳng hề khát.”

• Giăng 6:48-51: “Ta là bánh của sự sống. Tổ phụ các ngươi đã ăn ma-na trong đồng vắng, rồi cũng chết. Đây là bánh từ trời xuống, hầu cho ai ăn chẳng hề chết. Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống, nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống vô cùng, và bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian tức là thịt Ta.”

Mỗi khi dự tiệc Thánh, chúng ta ăn bánh uống chén, tức là bởi đức tin, chúng ta ăn thịt và uống Huyết của Ngài một cách thiêng liêng, vì Ngài là bánh trên bàn lúc nào cũng có cả. Ngài không bao giờ để chúng ta thiếu thốn đói khát. Đa-vít đã nói: “Chúa dọn bàn cho tôi”. Có sung sướng không? Không phải đây là một đầy tớ dọn bàn cho chúng ta, mà chính Chúa dọn bàn cho chúng ta, và Bánh đó là mạng sống của Ngài.

5. Bàn thờ xông hương (Xuất 30:1-10;37:25-28).

Đi vào một chút ở đỉnh giữa, có bàn thờ xông hương cũng làm bằng gỗ quí bọc vàng ròng. Trên bàn thờ nầy đã có hương liệu chế sẵn, Thầy Tế Lễ lấy hương liệu bỏ vào bình hương để hương cháy lên. Có hai Thầy tế Lễ dâng hương mà không lấy lửa từ bàn thờ Của lễ thiêu, đó là Na-đáp và A-bi-hu, mà Chúa bảo là họ dâng hương cho Ngài bằng lửa lạ, nên họ phải ngã ra chết liền tại chỗ.

Bàn thờ xông hương chỉ về Chúa Giê-xu cầu thay cho chúng ta.

• Rô-ma 8:34: “Ai sẽ lên án họ ư? Đức Chúa Giê-xu Chrsit là Đấng đã chết, và cũng sống lại nữa, Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta.”

Hê-bơ-rơ 7:25: “Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy.”

Chúa Giê-xu cầu thay cho chúng ta bên hữu Đức Chúa Trời, vì Ngài là bàn thờ xông hương cho Đức Chúa Trời bằng sự cầu nguyện nhơn Danh Đức Chúa Giê-xu. Nếu nhơn danh bằng ai khác là dâng hương bằng lửa lạ như Na-đáp và A-bi-hu.

6. Hòm giao ước, cũng gọi là hòm Bảng chứng và Nắp thi ân (Xuất 25:10-118;37:1-9).

Bước vào phần thứ ba của Đền thờ là nơi Chí Thánh, chỉ về sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Vì vậy, giữa nơi Thánh và nơi Chí Thánh có một bức màn phủ từ trên chí dưới. Không một người nào, ngay cả Thầy tế Lễ có phép qua bức màn mà vào nơi Chí Thánh. Mỗi năm, Thầy Tế Lễ Thượng phẩm được vào đó một lần, nhưng trong tay phải có chậu Huyết sinh tế, sau khi làm lễ chuộc tội cho toàn dân, Thầy Tế Lễ phải đi ra. Bức màn là bảng CẤM VÀO.

Vì nhân loại tội lỗi không được phép đến gần Đức Chúa Trời Chí Thánh. Mãi cho đến khi Chúa Giê-xu tắt hơi trên Thập tự giá, bức màn mới được cất đi, mở đường cho nhân loại vào nơi Chí Thánh.

Ma-thi-ơ 27-50-51: “Đức Chúa Giê-xu lại kêu lên một tiếng lớn nữa, rồi trút linh hồn. Và nầy, cái màn trong Đền thờ bị xé ra làm hai từ trên chí dưới.”

Hê-bơ-rơ 10:19-22: “Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ Huyết Đức Chúa Giê-xu được dạn dĩ vào nơi rất Thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài, lại vì chúng ta có một Thầy Tế Lễ lớn đã lập nên cai trị nhà Đức Chúa Trời, nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa.”

Mỗi chúng ta không còn lo sợ gì nữa nhờ Huyết chúa Giê-xu, chúng ta dạn dĩ vào nơi chí Thánh để gặp Đức Chúa Trời. Bảng “CẤM VÀO” đã bị cắt đi, thay vào đó là bảng “MỜI VÀO”.

Chúa Giê-xu phán: “Ta là đường đi, …chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha”.

Ngài là con đường dẫn chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. Ngoài Ngài ra không có ai khác, không có con đường nào khác.

Tóm lại Chúa Giê-xu đã từ nơi Chí Thánh trên trời xuống trần gian cách đây gần hai ngàn năm, xuống tận Thập tự giá như con sinh Của lễ thiêu, để dẫn chúng ta từ đó vào tận nơi Chí Thánh, hầu được tương giao với Cha chúng ta ở trên trời. Đây là con đường duy nhất Chúa Giê-xu đã từ trên xuống dưới, để dẫn chúng ta từ dưới lên trên. Ngài đã từ nơi vinh hiển tuyệt vời xuống nơi đê hèn cùng tột, để đem chúng ta từ nơi đê hèn cùng tột lên nơi Vinh hiển tuyệt vời.

Hê-bơ-rơ 4:16 “Vậy chúng ta hãy vững lòng đến gần ngồi ơn phước, hầu cho được thương xót, và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng.”

Ngôi ơn phước là chỗ nào? – Đó là nắp Thi ân trên hòm Bảng chứng. Tại đó, Chúa đã hứa: “Trong ngày đó các ngươi không còn hỏi các Ta về điều chi nữa. Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, điều chi các ngươi sẽ cầu xin với Cha, thì Ngài sẽ nhơn danh ta mà ban cho các ngươi.”(Giăng 16:23).



bottom of page