top of page

Chân Dung Ba Nhân Vật Trong Cựu-Ước

Hung Tran

Apr 17, 2024

Hôm nay tôi muốn phác thảo vài nét đặc sắc trong các chân dung của ba nhân vật nầy...



Nói...

...theo một phương diện, Kinh Thánh là cuốn sách hình của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh sử dụng các tác giả vẽ lên nhiều loại hình của Chúa Jêsus và các nhân vật trong dân Ngài của cả Cựu-ước và Tân-ước. Sách Gióp vẽ ra chân dung ông Gióp, sách Thi-thiên phác hoạ hình ảnh vua Đa-vít đại diện cho một số tác giả Thi-thiên khác nữa. Vua Sa-lô-môn là tác giả của ba thi phẩm là Châm-ngôn, Truyền-đạo, Nhã-ca. Cả ba sách nầy phác hoạ ra ba khía cạnh chân dung của vua Sa-lô-môn, giống như bốn Phúc-âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng miêu tả bốn phương diện của Chúa Jêsus. Hôm nay tôi muốn phác thảo vài nét đặc sắc trong các chân dung của ba nhân vật nầy: Gióp, Đa-vítSa-lô-môn.


1. Gióp

• Gióp là ai và ông sinh sống ở đâu? Sáng-thế ký 20-22-24 cho biết Na-cô, em trai cúa Áp-ra-ham sinh 8 người con trai. Người con cả là Út-xơ, và người con út là Bê-tu-ên. Bê-tu-ên sinh Rê-be-ca (vợ của Y-sác) và La-ban, là bố vợ của Gia-cốp về sau. Có lẽ Út-xơ là người khai phá một vùng đất mới nào đó rồi định cư ở đó trước nhất, nên vùng đất đó mang tên của ông là Út-xơ. Gióp 1:1 chép Gióp là người ở Út-xơ. Từ điểm đó các nhà giải kinh suy luận rằng, có thể Gióp sống gần đồng thời với tổ phụ Áp-ra-ham của dân Y-sơ-ra-ên. Có người còn tin rằng, do cách dùng chữ và văn phong gần giống nhau giữa hai sách Gíóp và Sáng-thế ký, có thể Môi-se là người viết sách Gióp, khi ông cư ngụ tại nhà bố vợ mình ở Ma-đi-an 40 năm dài.

• Gióp là một tộc trưởng có mười con, giàu có, sự nghiệp rất to lớn. Ông là người có khẩu tài. Ông tự phô bày là người am hiểu một số câu đố về cõi thiên nhiên, về loài người, về sự cứu rỗi, sự phán xét của Đức Chúa Trời, và về sự hiện ra của Đấng Cứu Chuộc về sau. Ông không hiểu huyền nhiệm về sự đau khổ của dân Đức Chúa Trời. Ông không am hiểu luật pháp của Y-sơ-ra-ên và những lẽ thật Tân-ước.


• Chúa cho phép Sa-tan sàng sãy ông, bạn bè lên án nặng nề. Ông cũng là người nói nhiều và cực lực tự biện minh và biện chính sự thanh liêm, vô tội của mình. Dù không hiểu lý do mình chịu khổ, ông gìn giữ niềm tin của mình đối với Đức Chúa Trời trước mọi sự tấn công áp đảo của mọi người, ông nói, “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài” (Gióp 13:15).

Phục-truyền 21 cho thấy con trưởng được tài sản gấp đôi. Cho nên chúng ta cũng có thể nói, sau khi chịu nổi sự thử thách, Gióp đạt bậc con trưởng thuộc linh của Đức Chúa Trời cả về tài sản vật chất và cơ nghiệp thuộc linh. Tiên tri Ê-li-sê cũng mong nhận được mức lượng Linh Đức Chúa Trời gấp đôi so với thầy mình là Ê-li. Gióp và Ê-li-sê là những con trưởng trong gia đình của Đức Chúa Trời vậy. Tôi kết luận về Gióp như sau:

Ghét Gióp, Sa-tan đã cáo gian,

Ông đâu theo Chúa bởi giàu sang.

Nhà tan, con chết, thân đầy ghẻ,

Mà vẫn tin Ngài không chối ngang.

2. Đa-vít.

Sách Thi-thiên có 150 chương, chia làm 5 quyển. Có nhiều người viết Thi-thiên như Đa-vít, A-sáp, con cháu Cô-rê, Hê-man. Sa-lô-môn, nhưng Đa-vít là tác giả đại diện vì ông viết đến 73 Thi-thiên. Cả bộ Thi-thiên phô bày chân dung chính xác của Đa-vít.

Thông thường khi viết sách tiểu sử một nhân vật nào, người ta thường in hình của nhân vật đó vào trang đầu tiên của quyển sách tiểu sử đó. Thi-thiên chương một là chân dung chân xác của vua Đa-vít.

Các nhà nghiên cứu Thi-thiên cũng cho biết rằng Thi-thiên 8 giới thiệu thuở thiếu thời của Đa-vít khi ông chiến thắng người khổng lồ Gô-li-át, vì Thi-thiên 8 ghi “Chúa do miệng trẻ thơ và những con đương bú, mà lập nên năng lực Ngài, đặng làm cho người thù nghịch và kẻ báo thù phải nín lặng”. Đa-vít chỉ là cậu bé trẻ thơ trước chiến sĩ không lồ Gô-li-át, nhưng Chúa dùng Đa-vít đánh bại hắn. Nhưng Thi-thiên 3: chép “Thơ Đa-vít làm, khi người trốn khỏi Áp-sa-lôm, con trai người”, nói lên hình ảnh vua Đa-vít về già, bôn tẩu trước sự nổi loạn của Áp-sa-lôm con trai của ông.

Hai Thi-thiên 8 và 3 phác hoạ chân dung Đa-vít lúc thiếu thời và lúc đã già nua. Còn Thi-thiên 1 vẽ ra chân dung con người tin kính của vua, chúng ta xem lại Thi-thiên nầy:

“Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, Chẳng đứng trong đường tội nhân, Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng; Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, Sanh bông trái theo thì tiết, Lá nó cũng chẳng tàn héo; Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng. Kẻ ác chẳng như vậy đâu; Nhưng chúng nó khác nào rơm rác gió thổi bay đi. Bởi cớ ấy kẻ ác chẳng đứng nổi trong ngày đoán xét, Tội nhân cũng không được vào hội người công bình. Vì Đức Giê-hô-va biết đường người công bình, Song đường kẻ ác rồi bị diệt vong”.

Những nét đặc sắc trong chân dung của Đa-vít là:

• Ông không hội nhập với tập đoàn dân Chúa mà ông gọi là “kẻ dữ”, “tội nhân”“kẻ nhạo báng”. Có thể đó là các đầy tớ, triều thần của vua Sau-lơ, những đối thủ của Đa-vít. Sau đó ông nói kẻ ác sẽ bị diệt vong. Một điểm đặc biệt đánh động vào lòng tôi khi đọc các Thi-thiên của Đa-vít là ông thường cầu nguyện xin Chúa báo thù, tiêu diệt các kẻ thù nghịch của ông. Ông thưa với Chúa, “Hãy bẻ gãy cánh tay kẻ ác, Và tra tìm sự gian ác của kẻ dữ cho đến không còn thấy gì nữa-- Hỡi Đức Chúa Trời, xin hãy bẻ răng trong miệng chúng nó; Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy gãy nanh của các sư tử tơ. Nguyện chúng nó tan ra như nước chảy! Khi người nhắm tên mình, nguyện tên đó dường như bị chặt đi! Nguyện chúng nó như con ốc tiêu mòn và mất đi, Như thể một con sảo của người đàn bà không thấy mặt trời” (10:15; 58: 6-8).

Đó là một số lời Đa-vít cầu nguyện rủa sã kẻ ác và xin Chúa báo thù thay cho ông. Quan niệm nầy trái ngược lời dạy dỗ trong Tân-ước là không lấy ác trả ác, hãy chúc phước chớ nguyền rủa, và hãy cầu thay cho kẻ bắt bớ chúng ta.

• Ông vui thích luật pháp Chúa và suy gẫm ngày và đêm. Đấy là luật pháp do Chúa ban cho qua Môi-se. Ông vui hưởng lời do Chúa hà hơi, mà phần nhiều bộ luật đó chỉ bàn luận về tội lỗi và các sự phán xét. Vì Chúa chưa đến, nên rất tiếc ông không được vui hưởng những lời Phúc-Âm, lời ân điển trong ánh sáng Tân-ước. Đa-vít là người đắc thắng tiêu biểu, ham thích lời luật pháp của Đức Chúa Trời và vui hưởng, ăn lời ấy cách thoả mãn. E-xơ-ra, Giê-rê-mi là những người đứng trong hàng ngũ những người ăn nuốt lời luật pháp nhiều nhất.

• Ông phát biểu kinh nghiệm của mình,“Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng”. Chúa đã từng nói với Giô-suê, người thừa kế Môi-se về sự thịnh vượng do luật pháp Ngài đem lại. Chúa nói, “Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước”(Giô-suê 1:8).

Dưới ánh sáng của “Lời (đạo) thập tự giá” trong Tân-ước ( I Cô-rinh-tô 1:18), tôi nói rằng đây là Tin Lành về sự thịnh vượng theo Cựu-ước. Cá nhân tôi từng giảng dạy và cầu chúc Thi-thiên về sự thịnh vượng là 112 và 128 cho nhiều người. Đa số con dân Chúa ngày nay ham thích và hoan nghinh Phúc-Âm sự thịnh vượng và miễn cuỡng tiếp nhận Lời thập tự giá khi Chúa nói, “Nếu ai đến cùng Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đồ Ta. Hễ ai không vác thập tự giá mình mà theo Ta, cũng không thể làm môn đồ Ta được” (Lu-ca 14: 26-27). Nhiều người thấy Phao-lô cao niên lâm vào cảnh trạng “Năm lần tôi bị người Do-thái đánh, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục. Ba lần bị đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị chìm tàu, một ngày một đêm ở trong biển sâu; đi đường nhiều, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với đồng bào, nguy với dân Ngoại bang, nguy trong thành phố, nguy ngoài đồng vắng, nguy trên biển, nguy giữa anh em giả dối; chịu nhọc chịu khổ, ghe phen thức đêm chịu đói chịu khát, lắm lúc nhịn ăn, chịu lạnh lẽo, trần truồng.” thì họ cho là Phao-lô đã bị Chúa lìa bỏ. Thật ra Đa-vít không được thịnh vượng hoàn toàn, vì ông đã bị mất ngôi vua khi chạy trốn con trai mình. Nếu anh em chỉ ham thích Tin lành sự thịnh vượng, anh em là dân Cựu-ước, còn lạc hậu đối với ánh sáng Phúc-Âm Tân-ước. Tôi chấm dứt về chân dung Đa-vít bằng bài thơ nhỏ nầy:

Kiếm tìm, yêu kính Giê-hô-va,

Đa-vít vừa lòng Chúa chúng ta,

Sư tử, người giềng giàng cũng thắng,

Trị vì nước giống buổi mai lòa.


3. Sa-lô-môn

Sa-lô-môn là tác giả cả ba sách Châm-ngôn, Truyền-đạo và Nhã-ca. Ba sách nầy giới thiệu ba khía cạnh chân dung của Sa-lô môn.


• Về sách Châm-ngôn, I Các-vua 4:32 chép rằng Sa-lô-môn nói 3000 câu châm-ngôn và làm một ngàn năm bài thơ. Bản Kinh thánh Anh văn dịch chính xác là 1005 bài ca. Châm-ngôn 25:1 lại giải thích, “Đây cũng là những châm ngôn của Sa-lô-môn, mà các người của Ê-xê-chia, vua Giu-đa, sao tả”. Các học giả Kinh thánh đều cho rằng trong “những người của Ê-xê-chia” có hai tiên tri là Ê-sai và Mi-chê.

Họ đã sưu tập và xếp đặt sách Châm-ngôn thành hình thức hiện tại. Chúa hứa làm cho Sa-lô-môn trở thành nguời khôn ngoan xuất chúng giữa loài người trải mọi thời đại. Chúa Jesus cũng từng xác nhận sự khôn ngoan của Sa-lô-môn.

Trong Châm-ngôn 8, Sa-lô-môn giới thiệu Sự Khôn Ngoan là một Thân vị hằng sống, là Đấng Tạo hóa, là Chúa của ông, và nhờ Đấng ấy ông được khôn ngoan. Gia-cơ, em Chúa Jesus, là hậu tự của vua Sa-lô-môn, đã hiểu được mục đích và công dụng sự khôn ngoan thần thượng trong đời sống người tín đồ của Chúa, và ông viết như sau, “Trong anh em ai là khôn ngoan thông sáng? Người ấy hãy lấy cách ăn ở tốt mà tỏ ra công việc mình trong sự nhu mì của sự khôn ngoan. Nhưng nếu anh em có sự ganh ghét cay đắng và tật hay cãi cọ trong lòng mình, thì chớ khoe khoang và chớ nói dối trái với lẽ thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc đất, thuộc huyết khí (hồn), thuộc ma quỷ. Vì đâu có sự ganh ghét cãi cọ, thì đấy có sự lộn xộn và mọi việc ác. Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh khiết, sau lại hoà bình, ôn lương, nhu nhượng, đầy dẫy sự thương xót và bông trái lành, không thiên kiến không giả hình” (Gia-cơ 3:13-17).

Gia-cơ nói rằng sự khôn ngoan từ trên được tỏ bày ra trong lối cư xử thanh khiết, hòa bình, ôn lương, nhu nhượng. Cả sách Châm-ngôn bày tỏ chân dung con người Sa-lô-môn về cách ông cư sử, cách ông xây dựng tính cách của mình trong đời sống làm người, điều nầy rất là tuyệt vời.


• Đến sách Truyền-đạo, chúng ta thấy chân dung một con người có hồn lực bị phá vỡ sau quá trình của cuộc đời buông thả tìm kiếm và hưởng thụ mọi sự dưới mặt trời mà khả năng một vi vua hùng mạnh, có toàn quyền có thể tìm được. Đó là các địa hạt học thức, khôn ngoan, quyền lực, giàu có, lạc thú ..v..v. Tôi tin Sa-lô-môn viết sách Truyền-đạo vào mấy năm cuối đời mình, khi ông trở về cùng Chúa sau sự sa ngã. Ông thú nhận cách kín đáo, “Một kẻ trẻ tuổi nghèo mà khôn, hơn một ông vua già cả mà dại, chẳng còn biết nghe lời khuyên can. Vì kẻ trẻ ra khỏi ngục khám đặng làm vua, dầu sanh ra nghèo trong nước mình. Ta thấy mọi người sống đi đi lại lại dưới mặt trời, đều theo kẻ trẻ ấy, là người kế vị cho vua kia. Dân phục dưới quyền người thật đông vô số” (Truyền 4:13-16). Kẻ trẻ tuổi đó là Giê-rô-bô-am, được huởng vương quyền trên 10 chi phái xé ra từ vương quốc thống nhất của Sa-lô-môn. Ông cũng nhìn nhận quyền lực của 700 hoàng hậu và 300 cung phi đã xoay chuyển cuộc đời ông vào chỗ sa bại. Ông thú nhận và viết, “Ta tìm thấy một điều cay đắng hơn sự chết, ấy là một người đàn bà có lòng giống như lưới bẫy, tay tợ như dây tói: Ai ở đẹp lòng Đức Chúa Trời sẽ thoát khỏi nó; còn kẻ có tội sẽ bị nó vấn lấy” (7:26).

Vậy sách Truyền-đạo trình bày chân dung của một vị vua đã sa bại nhưng đã kịp thời ăn năn và viết lại kinh nghiệm của mình. Thật vinh hạnh biết bao khi được nhìn thấy con người mà hồn lực đã bị phá vỡ, cúi đầu nhìn nhận chân tướng con người thật của mình! Ngợi khen Chúa.


• Sách Nhã-ca trình bày chân dung một vị vua đi tìm một cô bạn gái, một bạn tình. Tên của “Sa-lô-môn” có nghĩa là “bình an”; còn tên của “Su-la-mít” là hình thức giống cái của chữ “Sa-lô-môn”, cũng đồng nghĩa là “bình an”.

Vua Sa-lô-môn, từ kinh đô Giê-ru-sa-lem, giả dạng làm một nông dân, đi xuống vùng sa mạc ở miền nam xứ Y-sơ-ra-ên. Ông đã tán tỉnh và chinh phục trái tim của Su-la-mít. Sau đó ông trở về Giê-ru-sa-lem, để lại cho Su-la-mít trải qua một thời gian chờ đợi, thử thách. Rồi vua đã trở lại và rước cô dâu về kinh đô.

Chúa có nói về việc vua chúa kén chọn phi tần như sau: “Vua cũng không nên kén nhiều phi tần, e lòng người trở xấu xa” (Phục-truyền 17:17). Chúng ta không a-men khi Sa-lô-môn kiếm thêm bạn gái. Nhưng tôi muốn anh em nhìn chân dung làm tiêu biểu cho Đấng Christ trong việc Sa-lô-môn theo đuổi, chinh phục và cưới một thôn nữ là Su-la-mít.

Chân dung làm tiểu biểu đó cho chúng ta thấy thân phận, địa vị thấp hèn, đen đúa của chúng ta mà được một Vị Vua cao sang, vinh hiển tuyệt vời từ trời cao, đã đến đấy tìm kiếm.

Ngài phải nhập thể làm người như chúng ta, nhưng không có bản chất tội lỗi. Ngài đã đến lần đầu, đính hôn với chúng ta cách thuộc linh; Ngài sẽ trở lại lần nữa để rước chúng ta về thành thánh Giê-ru-sa-lem mới.

Chúng ta hãy đồng thanh với Su-la-mít trong lời cầu nguyện sau đây: “Hỡi Lương Nhân tôi, hãy vội đến, Khá giống như con hoàng dương hay là như con nai con ở trên các núi thuốc thơm” (Nhã-ca 8:14). A-men.

Tôi có 4 câu thơ về chân dung của vua Sa-lô-môn như sau để kết luận bài tiểu luận nầy:

Sa-lô-môn khoáng thế kỳ tài,

Giàu có, khôn ngoan chẳng kém ai;

Lắm vợ khiến đời ông đốn mạt,

Làm cho vương quốc phải chia hai.


Minh Khải.



bottom of page