top of page

Chương 11. Những Phương Tiện Cấp Dưỡng Mắt Không Thấy Được.

Hung Tran

Oct 20, 2023

Có lẽ ngăn trở lớn lao nhất khiến người ta cân nhắc khi dấn thân vào chức vụ truyền giáo là vấn đề tiền bạc. Làm sao bạn biết rằng tiền sẽ có khi bạn cần đến nó?...



Có...

...lẽ ngăn trở lớn lao nhất khiến người ta cân nhắc khi dấn thân vào chức vụ truyền giáo là vấn đề tiền bạc. Làm sao bạn biết rằng tiền sẽ có khi bạn cần đến nó? Còn việc cấp dưỡng cho gia đình thì sao? Liệu bạn có chăm lo được những công việc như cho con vào đại học hoặc chỉnh nha cho chúng? Nhiều Cơ-đốc nhân dùng cụm từ "nhà truyền giáo sống bằng đức tin" là câu nói tự nó đã mang tính đe dọa. Có lẽ bạn tự hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra nếu như tôi không có đủ đức tin để làm một nhà truyền giáo?"


Trước hết, phải biết rõ rằng nếu Chúa đang kêu gọi bạn vào chức vụ trọn thì giờ, Ngài biết tất cả nhu cầu của bạn. Ngài biết rõ bạn có bao nhiêu đứa con (hoặc phải có bao nhiêu đứa). Ngài quan tâm đến các bậc cha mẹ cao tuổi yếu sức của bạn, thậm chí Ngài còn biết cả hàm răng bé gái con của bạn cần được chỉnh lại, Đức Chúa Trời rất thực tế. Đừng sợ phải vâng lời Ngài, khi nghĩ rằng Ngài không lo tưởng đến tất cả những gì thuộc về bạn. Ngài đang quan tâm đến chúng và cả đến những nhu cầu tương lai mà thậm chí lúc nầy bạn chưa biết đến.

Đây là điều chúng tôi đã nói đến trong chương hai, bí quyết của loài chim trời. Cha trên trời của chúng ta chịu trách nhiệm về những điều đó, nên chúng chẳng phải lo lắng. Và chắc chắn Ngài cũng chịu trách nhiệm về bạn và sự bảo dưỡng của bạn.


Đức Chúa Trời có nhiều cách để chu cấp cho những người ở trong chức vụ trọn thì giờ. Đừng chỉ vẽ Ngài phải cấp dưỡng cho bạn bằng những phương cách nào. Có một số người không thể chịu nỗi việc từ bỏ lòng kiêu hãnh khi phải dựa vào những tặng phẩm của người khác. Họ quyết định sẽ chỉ hầu việc Chúa khi nào họ có thể tự trả cho chính họ. Những người khác rơi vào bẫy kiêu ngạo thuộc linh, tin rằng cách duy nhất để làm công việc Chúa là phải để Ngài nói với dân sự dâng cho họ, chứ không tỏ cho dân sự biết nhu cầu của họ. Cũng có những người khác thì lại nhờ cậy quá nhiều nơi dân sự, trông đợi nơi những người quen biết nhiều hơn trông đợi Đức Chúa Trời. Nếu như Ngài dự định dẫn dắt họ cách khác, thì họ sẽ gặp rắc rối trong việc tin cậy Ngài.

Kinh Thánh phán rằng đức tin đến bởi việc nghe Lời Đức Chúa Trời. Dầu bạn chỉ mới bắt đầu bước ra, hoặc đã ở trong chức vụ nhiều năm, hãy lắng nghe tiếng Chúa và làm đúng theo điều Ngài bảo bạn làm trong từng trường hợp.

. Khi Chúa Jesus và Phi-e-rơ cần tiền nộp thuế, Ngài bảo Phi-e-rơ đi câu cá, và cho biết ông sẽ tìm thấy một đồng bạc trong miệng cá.

. Khi bà góa của một tôi tớ Chúa hầu việc trọn thì giờ sắp phải mất các con trai mình vì phải bán chúng làm nô lệ vì nợ nần, tiên tri Ê-li-sê bảo bà hãy đi sang nhà những người hàng xóm mượn các hủ và bắt đầu rót dầu mà ba đang có. Đức Chúa Trời đã làm sinh sôi số dầu ấy suốt cuộc đời còn lại của bà. Bà bán số dầu ấy và cùng các con sống nhờ nguồn thu nhập này.

. Khi Ê-li bị đói. Đức Chúa Trời phán bảo ông thực hiện một "lời kêu gọi cứu trợ", song thay vì gởi hàng ngàn lá thư đến các ân nhân có tiềm lực, Chúa bảo ông hãy đến cầu viện trực tiếp nơi một người đàn bà cũng vô cùng nghèo thiếu.


Phương pháp cấp dưỡng nào là đúng với Kinh Thánh nhất? Đi câu cá chăng? Bán dầu chăng? Hay thỉnh cầu trực tiếp? Khi bạn đọc xuyên suốt Kinh Thánh, bạn sẽ bị chấn động bởi một điều trong đường lối mà Đức Chúa Trời đã cung cấp cho những đầy tớ dâng trọn thì giờ của Ngài: đa dạng. Người Lê-vi sống bằng những của lễ dâng mà dân sự dâng cho nhà Chúa. Các tiên tri, với chức vụ rày đây mai đó, thường dựa vào sự ban cho tự phát cùng với lòng hiếu khác của những bạn hữu. Trong một giai đoạn, sứ đồ Phao-lô đã may trại, làm việc "ngày và đêm" để tự cấp dưỡng đang khi đi tiên phong một công tác ở tại Tê-sa-lô-ni-ca (ITe1Tx 2:9). Vào những thời điểm khác ông cũng đã nhận các của dâng. Những tín đồ có các phương tiện, như bà Ly-đi nuôi nấng và chu cấp nơi ở cho ông.


Cho đến năm ba mươi tuổi, Chúa Jesus vẫn sinh sống bằng nghề thợ mộc. Nhưng khi bước vào chức vụ trọn thì giờ. Ngài sống với mọi người và ăn ở tại bàn của họ. Như chúng ta đã thấy ở một chương trước, Ngài có những người bạn thân thường xuyên góp phần hỗ trợ cho các nhu cầu của Ngài, Con Đức Chúa Trời vẫn cần những người hậu thuẫn chức vụ của Ngài (LuLc 8:3)


Mặc dù câu chuyện đồng bạc trong miệng cá cho thấy Ngài có thể tin cậy Đức Chúa Trời để thỏa đáp các nhu cầu của Ngài một cách thần diệu, Chúa Jesus vẫn thực hiện những lời kêu gọi trực tiếp. Khi Ngài cần phương tiện để tiến vào Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn, Chúa đã sai các môn đồ hỏi mượn con lừa của một người nọ.


Thật vậy, điểm chung duy nhất trong những phần mô tả sự cung ứng của Kinh Thánh là sự vâng lời đối với ý muốn của Đức Chúa Trời. Điều mấu chốt để sống theo những phương tiện cấp dưỡng không thấy được là nghe tiếng Chúa và vâng theo tiếng phán của Ngài. Nếu lúc nào bạn cũng trông mong Ngài dẫn dắt một cách tương tự thì hãy con chừng, đó là một cái bẫy. Nhưng hãy linh động và sẵn sàng đi theo sự chỉ dẫn của Ngài.


Hãy cầu hỏi Chúa xem bạn phải bước những bước nào. Đôi khi, Ngài muốn bạn nói cho những người khác biết các nhu cầu của bạn. Hãy vâng lời Ngài, Những lúc khác, có thể Ngài muốn bạn giữ yên lặng và chỉ để Ngài biết các nhu cầu của bạn mà thôi. Hãy vâng lời Ngài. Hoặc có thể Ngài dẫn dắt bạn trong một cuộc đầu tư. Hoặc bán cái gì bạn có. Hãy vâng lời Ngài. Thậm chí có thể Ngài đem đến một cơ hội làm ăn theo cách của bạn. Những gì bạn tạo ra trong chức vụ có thể mang lại lợi nhuận tài chánh.


Hãy coi chừng những cơ hội nào làm bạn đổi hướng khỏi sự kêu gọi về chức vụ trọn thì giờ. Song cũng đừng loại bỏ những khả năng lựa chọn có tính sáng tạo, hoặc cố gắng bắt ép Chúa phải cung ứng cho bạn theo một cách nhất định nào đó. Tất cả những phép lạ về sự cung ứng của Chúa bắt đầu bằng việc lưu ý đến lời khuyên của Ma-ri tại tiệc cưới Ca-na: “Người biểu chi, hãy vâng theo.”


Karen Lafferty là một nữ diễn viên xiếc chính quy trong các hộp đêm, khi Chúa kêu gọi cô bước vào chức vụ trọn thì giờ. Cô biết rằng tương lai sẽ kiếm được rất nhiều tiền nếu cô cứ đeo đuổi nghề xiếc này, nhưng cô cũng biết chính mình muốn được vâng lời Chúa. Vậy nếu bỏ việc, cô sẽ sinh sống cách nào đây?

Trong lúc tham dự một buổi học Kinh Thánh tại nhà thờ Calvary phía Nam California, Karen được nhắc nhở về câu Kinh Thánh trong Mat Mt 6:33. Câu này làm cô chú ý hết sức. Sau đó cô lấy chiếc Ghi-ta đang khi giai điệu dường như đã được dệt lên giữa những dòng chữ trong tâm trí cô “Hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời trước hết...và sự công bình của Ngài...” Bạn có thể đoán ra được giai điệu mà Karen dệt lên trong trí mình. Đó chính là điệu nhạc được hát lên trong các hội chúng ở khắp thế giới hiện nay. “...Rồi mọi điều đó sẽ được ban thêm cho các ngươi - Alêlugia, Alêlugia”

Karen liền viết ra dòng nhạc và sau đó cô đã bán nó cho một nhà xuất bản. Ngày nay Karen là một nhà truyền giáo sống tại Amsterdam. Những món tiền bản quyền tác giả từ giai điệu đầu tiên ấy, là bài hát đã được ghi âm và viết ra trên giấy nhạc, cứ tiếp tục dự phần trong việc cấp dưỡng cho công tác truyền giáo của Karen mãi đến ngày nay.


Một Danh Sách Kiểm Tra Dành Cho Việc Ra Đi.


1. Chúa có đang bảo tôi làm điều đó không?

Làm thế nào bạn biết chắc Chúa thật sự đang phán với mình?(1) Sau đây là một vài nguyên tắc ngắn gọn. Hãy nhớ rằng bất cứ ý nghĩ nào cũng chỉ có thể đến từ bốn nguồn gốc sau đây: do tâm trí của bạn, do suy nghĩ của người khác, do ý muốn của Chúa, và ý muốn của Sa-tan. Bạn chỉ việc yên lặng trước bất cứ những ý tưởng nào đến từ ma quỷ: truyền cho nó phải im đi trong danh Chúa Jesus. Như có chép trong Gia Gc 4:7, “hãy chống cự ma quỉ thì nó sẽ lánh xa anh em.”


Còn về sự tưởng tượng của chính bạn thì sao? Có phải Chúa đang bảo bạn làm một điều gì đó chăng, hay vì bạn muốn quá nên bảo rằng ý Chúa, song thật sự chỉ là ý của bạn? Để nghe được tiếng Chúa, “hãy xin Ngài giúp bạn bắt mọi ý tưởng phải vâng phục Đấng Christ.” (IICo 2Cr 10:5) Ngài có thể khiến cho những ý tưởng hỗn độn của bạn, kể cả những ý tưởng lộn xộn của người khác, trong quá khứ và hiện tại, dần dần tiêu tan và phải bị câm lặng đi, rồi tâm trí bạn sẽ nghe thấy tiếng phán rõ ràng của Ngài. Nếu bạn cam kết vâng lời Ngài, Ngài sẽ phán rõ điều bạn phải làm.


Cũng hãy nhớ rằng nếu Chúa đã phán với bạn, thì điều đó sẽ được khẳng quyết. Hoặc bởi hoàn cảnh, hoặc bởi sự đồng ý của những người khác, với tư cách những người lãnh đạo thuộc linh của bạn, hoặc bởi một dấu hiệu nào đó như Ghê-đê-ôn đã nhận được bằng cách để các lốt chiên. Đức Chúa Trời tiếc với bạn một lời khẳng định đâu, nếu bạn thật lòng tìm kiếm Ngài và sẵn sàng làm bất cứ điều gì Ngài phán bảo. Hãy lập tất cả những quyết định của bạn trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, ghi chép vào sổ (HaKb 2:2) và rồi hãy thực hiện điều đó.


2. Điều đó đòi hỏi bao nhiêu tiền bạc?


Việc lập một ngân quỹ dự kiến là một phần rất quan trọng trong việc vâng theo sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời. Có người cho rằng những người thuộc linh là loại người mơ mộng, tức là họ bước ra trong một bầu không khí loãng, trông đợi các thiên sứ đặt cái gì đó dưới chân họ. Không đúng như vậy.

Một trong những phép lạ lớn nhất của Kinh Thánh đã được bắt đầu với một ngân quỹ được dự kiến. Khi Chúa Jesus bảo các môn đồ phải cho đoàn dân đông đang đói ăn, Phi-líp ước tính thật nhanh và cho biết rằng hai trăm đơ-ni-ê, hoặc số tương đương với tiền công nhật của hai trăm người đàn ông thì cũng không thể trang trãi đủ. Chúa Jesus không quở trách ông vì đã nêu lên điều đó. Chẳng có gì là không thuộc linh về các ngân sách.


Hãy làm một bảng kê khai. Những nhu cầu dự kiến của bạn là gì? Hoặc Chúa đang dẫn dắt bạn vào một dự án ngắn hạn, hoặc vào một nghiệp vụ truyền giáo, bạn cũng cần phải nghiên cứu các chi phí và viết xuống.

Khi lập các dự án của mình, hãy tránh hai thái cực tiết kiệm quá đáng và phung phí quá mức. Một phụ nữ trẻ, tin cậy Đức Chúa Trời trong lãnh vực tài chánh khi cô bước vào công tác truyền giáo đã hỏi "Liệu Đức Chúa Trời có chu cấp tiền bạc về việc dùng mỹ phẩm không?" Nếu đó là nhu cầu của bạn, thì cũng là vấn đề quan trọng đối với Chúa nữa. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng phải nhắc nhở chính mình rằng Ngài hứa chu cấp các nhu cầu của chúng ta, chứ không phải những tham muốn của chúng ta.


3. Tôi đang có gì rồi?


Bất cứ khi nào Đức Chúa Trời phán với bạn, Ngài cũng kể đến cái mà bạn hiện đang sở hữu. Cho đến khi nào bạn chịu sử dụng mọi gì mình đang có để tạo nên một chút hiệu quả, lúc ấy Ngài mới bắt đầu làm những việc diệu kỳ. Việc nuôi 5000 người ăn đã bắt đầu với một cậu bé dâng bữa ăn trưa của cậu . Tiên Tri Ê-li-sê hỏi bà góa nghèo rằng "Ngươi có gì trong nhà mình?" (IIVua 2V 4:2). "Chẳng có gì cả", bà trả lời "ngoài một chút dầu trong bình"


Điều bạn đang có dường như cũng chẳng là gì cả, nhưng Chúa yêu cầu bạn hãy dâng điều đó. Có phải bạn có một chiếc xe hơi để bán không? Có phải bạn đang giữ lại thứ gì đó cho mùa mưa không? Hãy hỏi Chúa bạn phải làm gì với những điều mình có. Có thể Ngài muốn bạn bán đi các đồ vật hoặc Ngài sẽ bảo bạn đầu tư điều bạn hiện có. Một lần nữa, vâng theo sự hướng dẫn của Ngài là điều mấu chốt.

Có người suy nghĩ sai lầm cho rằng cách duy nhất để vâng lời Chúa là đừng sở hữu một điều gì cả. Chúa Jesus bảo viên quan trẻ tuổi giàu có hãy phân phát mọi điều anh ta có, nhưng Ngài không khuyên bảo tương tự như vậy với Ni-cô-đem, mặc dầu ông ta cũng là một người giàu có.


Trong hội truyền giáo của chúng tôi, chúng tôi thường thấy Chúa bảo người ta hãy cho đi điều ít ỏi họ có mặc dầu họ đang xin Ngài cung cấp tiền cho chính họ. Nhiều lúc, phương cách để nhận được tiền bạc là ban cho tiền bạc, miễn điều ấy được thi hành trong sự vâng lời Chúa chứ không phải vì sự tham muốn về phần chúng ta, hoặc để điều khiển một người nào khác.


4. Tôi cần bày tỏ nhu cầu của mình với người khác không?


Trong những năm đầu của tổ chức Tuổi Trẻ Với Sứ Mạng, tôi cảm thấy các nhân sự của chúng tôi không nên để cho người khác biết nhu cầu của họ. Trong nhiều năm, tôi không bao giờ đề cập đến một nhu cầu tài chánh nào trong các lá thư báo cáo của YWAM. Tôi không tin đó là cách duy nhất theo Kinh Thánh để điều hành một hội truyền giáo...nhưng chỉ là cách Đức Chúa Trời dẫn dắt chúng tôi vào thời điểm đó mà thôi.


Thế rồi, vào năm 1971, khi chúng tôi đang trong tiến trình mua khu bất động sản đầu tiên của mình, đó là một khách sạn ở Thụy sĩ để sử dụng như một trung tâm huấn luyện, tôi cảm thấy Chúa muốn chúng tôi phải viết thư cho hàng ngàn người thường xuyên nhận các ấn phẩm của chúng tôi, cho họ biết chúng tôi đang tin cậy Chúa để xin Ngài một số tiền và mời họ hãy cầu nguyện trợ giúp chúng tôi.

Tôi rất ngạc nhiên vì cớ phản ứng ban đầu của mình trước sự dẫn dắt này. Thật phải vật lộn mà vâng lời Chúa để viết lá thư ấy. Tôi đã không nhận ra chính mình kiêu hãnh đến mức nào khi biết mình khác rất nhiều so với những tổ chức truyền giáo. Chỉ tin rằng Ngài hướng dẫn người ta ban cho chúng tôi mà thôi!

Tôi cũng không chuẩn bị trước phản ứng của một số người khi họ nhận được thư kêu gọi của chúng tôi. Một người bạn thân viết một lá thư giận dữ nói rằng "Tôi nghĩ hội YWAM đã không tin cậy Chúa khi đưa ra những lời xin giúp đỡ về mặt tài chánh". Chừng đó cũng đủ để tôi phải hỏi lại Chúa. Khi đã tìm kiếm Ngài, tôi nhận ra chính tôi đã nghe điều đó từ nơi Ngài và tôi đã vâng lời Ngài. Những phản ứng này bày tỏ lòng hẹp hòi của chúng tôi biết bao khi cứ đoan chắc rằng Chúa vẫn tiếp tục làm công việc của Ngài theo đường lối trong quá khứ. Và vô tình chúng tôi đã làm cho những người khác tin rằng Đức Chúa Trời chỉ hành động khi chúng ta không nói ra các nhu cầu của mình.

Nhu cầu của chúng tôi về việc mua khách sạn đó đã được thỏa đáp...bằng những con số chính xác nói theo đồng Mỹ kim (hoặc trong trường hợp đó là những đồng Franc Thụy sĩ) số tiền ấy đã đến đúng vào ngày cuối cùng. Vì chúng tôi vâng lời Chúa nói lên nhu cầu của mình.

Đức tin là vâng theo điều gì Chúa phán bảo bạn chứ không có gì khác. Vì vậy, hãy tự hỏi xem bạn có phải nói ra các nhu cầu của mình hay không. Bạn còn nhớ câu chuyện Êli đã được chính Đức Chúa Trời cấp dưỡng như thế nào bên khe Kêrít không? Cứ một ngày hai lần, Đức Chúa Trời sai chim quạ đem bánh đến cho ông. Nhưng khi khe khô cạn, Ngài bảo ông phải đi ra tỏ các nhu cầu của ông cho một người, đó là bà góa ở Sarépta.


Điều gì xảy ra nếu Ê-li thưa cùng Chúa rằng “Nhưng lạy Chúa, Ngài biết con không tỏ cho ai biết các nhu cầu của mình! Con chỉ tỏ cho Ngài thôi, và Ngài nuôi dưỡng con. Con quá thuộc linh nên không thể xin người ta được!”

Có thể có những lý do nhất định khiến bạn phải nói ra những nhu cầu của mình, hoặc khiến bạn không nói ra. Mỗi cách đều phải được thực hiện theo từng giai đoạn trong chức vụ của bạn.


Ví dụ, trong những năm đầu của YWAM, chúng tôi ít có được lòng tin cậy với tư cách là hội truyền giáo. Chúng tôi chỉ được mọi người xem như là những thanh niên trẻ tuổi đi ra truyền giáo trong những kỳ hè của mình. Một số người sợ rằng chúng tôi sẽ làm phí mất số tiền cần thiết cho các nhà truyền giáo "chính quy". Cần phải có thời gian để công chúng biết rằng chúng tôi cũng là các nhà truyền giáo chính quy! (hiện nay TNSM có 7.000 nhà truyền giáo hầu việc Chúa khắp thế giới như một nghiệp vụ). Cũng cần phải có thời gian để mọi người thấy được giá trị của các sứ mạng ngắn hạn. Khi chúng tôi bắt đầu vào những năm 1960, các sứ mạng ngắn hạn vẫn còn là một tư tưởng mới mẻ cấp tiến.

Đối với những dự án tiên phong, mạo hiểm, thường phải có một thời gian được sự cung ứng kỳ diệu, bởi quyền tối cao của Đức Chúa Trời. Sau đó, khi một chức vụ hầu việc hoặc một cá thể đã trở nên chính thức hóa, sẽ có nhiều người dâng hiến và được liên kết trong sự cầu nguyện và sự hiểu biết hơn. Giai đoạn đó vẫn không kém thuộc linh hơn những ngày đầu chút nào, khi càng nhiều sự cung cấp bởi phép lạ cần phải có thường xuyên hơn.


Khi dân Y-sơ-ra-ên lưu lạc trong đồng vắng suốt bốn mươi năm, Chúa ban cho họ đồ ăn một cách kỳ diệu mỗi ngày ngoại trừ ngày Sa-bát. Họ thâu nhặt số mana gấp đôi vào trước ngày Sa-bát. Điều đó đã xảy ra trong suốt bốn mươi năm, mỗi tuần lễ không hề sai. Họ không phải lao động trong vườn hoặc ngay cả đi mua sắm trong một siêu thị. Điều họ phải làm là ra khỏi trại và nhặt lấy ma-na.


Hãy tưởng tượng họ đã cảm thấy thế nào khi bước vào Đất Hứa và được nghe lời nầy "Bây giờ các ngươi sẽ đi làm việc, gieo trồng trong các vườn nho và trang trại, ăn những gì các ngươi trồng tỉa". Có phải ăn mana là sống bởi đức tin, còn gieo trồng vườn nho là không sống bằng đức tin sao? Cả hai điều phải sống bằng đức tin, bởi vì cả hai đều là vâng theo lời Đức Chúa Trời vào những giai đoạn khác nhau trong hành trình của họ.

Đôi khi Chúa dẫn dắt bạn không nói về nhu cầu của mình để chứng tỏ tình yêu thương lạ lùng của Ngài dành cho bạn. Những trường hợp đó trở thành những sự kiện quan trọng của đức tin để bạn nhìn lại khi bước tiến trở nên quyết liệt hơn.


Vài năm trước, có một thanh niên tên Clay Golliher đang hầu việc Chúa với YWAM tại Philippin. Khi tôi vừa đến Manila, Clay là người đón tôi tại sân bay. Anh ta hầu như không thở nổi vì xúc động, không giống như bản tánh điềm tĩnh bình thường của anh ta.

"Ôi Loren, một phép lạ vừa mới xảy ra cho tôi", anh nói và tiếp tục giải thích anh đã hoàn toàn sạch tiền, thậm chí không có tiền mua tem để gởi thư cho cha mẹ anh tại quê nhà, anh chỉ còn có vài xu, mà phải hơn một peso mới gởi được thư. Chúa bảo anh hãy cứ viết thư trước. Anh vâng theo và khi đang trên đường đến đón tôi tại phi trường, anh đi ngang bưu điện.

"Khi đang bước về phía nhà bưu điện, Loren à, tôi thấy có cái gì đó từ bên khóe mắt của mình, đang bay bay trong gió, tôi chụp lấy nó. Đó là tờ bạc một peso!". Clay bước vào bưu điện và gởi lá thư của mình.


Bryan Andrewa là vị mục sư của một Hội thánh lớn ở tại Brisbane, Úc châu. Mới đây, ông đi ngang qua Kona, trên đường trở về nhà sau một chuyến hầu việc ở tại Hoa Kỳ. Chúng tôi mời ông ở lại với chúng tôi ít ngày. Điều mà chúng tôi không hề biết, đó là ông đã hết sạch tiền.

Một bữa nọ, ông đi đến bờ biển Magic Sands, không xa khu sinh viên đại học của chúng tôi lắm. Đó là một bãi biển nhỏ hỗn độn có tiếng, với những ngọn thủy triều hung hãn và những đợt sóng lớn. Đang khi bước dọc theo con đường nơi nước chạm vào bờ cát, ông Bryan nhìn xuống và thấy một tờ 20 Mỹ kim nổi trên đám bọt sóng đang hút đi.

"Số tiền đó có ý nghĩa rất lớn!", ông Bryan nói "Tôi không thể hỏi xin các bạn ở đây được, vì vậy tôi chỉ có thể xin Chúa. Tôi thật sự muốn được nghe tiếng phán bảo từ nơi Ngài".


5. Tôi Phải làm gì để bắt đầu


Có quá nhiều người chờ đợi suốt cả đời của họ, muốn làm đuợc những việc lớn cho Chúa. Nhưng họ không bao giờ chịu bắt đầu. Họ cứ chờ đợi Chúa phải làm một điều gì đó.

Tôi thích hỏi người ta, Bạn có bao giờ thấy con chó rượt đuổi một chiếc xe đang đậu không”. Dĩ nhiên là không. Mac Mc 16:17 chép rằng “Những dấu lạ nầy sẽ theo sau những kẻ tin...”. Nhưng "các dấu lạ ấy" không thể theo bạn được nếu như bạn đang "đậu". Bạn phải chuyển động...phá vỡ tính ù lì đi. Đức tin không thụ động. Sứ đồ Phao-lô nói rằng..."Nhưng tôi đương chạy hầu cho giựt được, vì chính tôi đã được Đức Chúa Jesus Christ giựt lấy rồi" (Phi Pl 3:12)


Bạn của tôi là Sam Sasser đã được Đức Chúa Trời dùng trong một cuộc phục hưng làm chuyển động khắp quần đảo Marshall một vài năm về trước. Anh Sam đã đến đó với tư cách một nhà truyền giáo trong những năm đầu của tuổi hai mươi và không bao lâu đã đưa dắt được một trong những vị Vua của người dân đảo Marshall về với Chúa, cùng với một số đông dân sự của ông ta. Anh đã làm báp-têm cho hàng trăm người trong các hồ nước ngọt trong xanh thuộc hòn đảo xa xôi đó. Nhưng thường thật khó khăn cho Sam và vợ anh là Florence có được số tiền cần thiết để mở mang công việc Chúa trong một xứ sở nghèo nàn như vậy.

Một ngày kia, Sam vừa mới có cảm giác chán nản, anh diễn tả như vậy. Một trong những người bạn của anh là một ông cụ 63 tuổi người đảo Marshall, tên Barton Batuna, người đã từng giảng tin lành trên các hòn đảo gần cả cuộc đời của mình. Ngày hôm đó, Batuna đến tìm Sam.

"Có chuyện gì với anh vậy Sam?" ông ta hỏi. Sam nhìn ông ta, một người Melanesian với thân hình đen chắc giống như sợi thừng, đầy sức sống. Anh chợt có cảm tưởng như mình già hơn người đàn ông nầy dầu ông ta gấp ba lần tuổi anh!

"Đức Chúa Trời bảo tôi hãy xây một trường Kinh Thánh ngay ở đây. Tôi muốn gọi nó là trụ sở Kinh Thánh Calvary". Sam thở dài và đá viên sỏi màu san hô dưới chân mình "Nhưng tôi không có tiền để mà xây!"

"Anh có bao nhiêu?" Batuna hỏi.

"Hầu như chẳng có gì. Chỉ 200 Mỹ kim"

"Chừng đó chưa đủ để chuẩn bị xây một nhà trường". Nhà truyền đạo người Marshall đáp.

Sam nheo mắt nhìn ông ta trong ánh nắng Thái Bình Dương sáng chói. Bây giờ anh không chỉ buồn chán; anh bắt đầu bực bội.

"Phải, không thể, mà hơn nữa, tôi hoàn toàn không có chút ý tưởng gì về việc phải bắt đầu xây cất như thế nào".

"Được, vậy thì sao còn lo lắng? Chúng ta hãy dùng 200 đó và cứ sử dụng theo khả năng mình có thể làm".

Vậy bây giờ là "chúng ta" rồi ư, Sam nghĩ vậy, cảm thấy đỡ hơn một chút.

"Nhưng Anh Batuna nầy, anh không hiểu đâu, không phải bắt đầu việc xây dựng chỉ có như thế. Chúng ta không có ximăng, mà chỉ việc từ đây đến Guam mua xi măng thôi cũng đã tốn hơn 200 rồi".


Guam cách đó 1.700 dặm bằng đường máy bay, song vẫn là nơi gần nhất để mua các vật liệu xây dựng. Thứ vật liệu nầy chưa được phân phối mà phải tìm mua.

"Nầy người anh em, đức tin của anh ở đâu?" Batuna thách thức "Anh đã có 200 rồi. Cứ sử dụng trong khoản mình có đi đã".

Sam nghe người đàn ông lớn tuổi nói và nghĩ, thật ngược lại với sự hiểu biết bình thường. Tại sao lại phải rời bỏ quê nhà an ổn để vượt Thái bình dương, mất một chuyến bay đắt tiền, mua không những một mà đến hai vé..và cuối cùng lâm vào cảnh khó khăn vì không có chỗ ở và chỗ ăn?

Có lẽ đó là điều khiến ông Batuna đáng kính cứ bảo "chúng ta, chúng ta", nhưng một tiếng nói ở bên trong đã thắng hơn những lời biện luận của tâm trí, Sam đi và mua hai vé máy bay, số 200 của anh đã đưa họ đến Kwajalein Atoll, nơi hầu như chẳng có gì ngoài một căn cứ hải quân của Hoa-kỳ.


Khi xuống khỏi máy bay dưới bầu không khí nắng nóng của hòn đảo, họ chỉ có vỏn vẹn 36 xu, cộng thêm 1.300 dặm đường biển cách Guam.

Họ quyết định đi vào quầy giải khát hải quân và gọi một chiếc jăm bông với 36 xu cuối cùng. Ít ra cũng có thể ngồi nghỉ một chút trong phòng có máy điều hòa.

Khi jăm bông được mang ra, họ cẩn thận cắt đôi và bắt đầu ăn thật chậm chạp và rõ là thong thả. Sam đang cảm thấy lòng mình xáo động.

Anh tự hỏi, Mình đã làm chuyện gì vậy? Lẽ ra mình nên ở nhà! Làm thế nào mình trở về được bây giờ. Không thể tin rằng mình đã thổi mất 200$ vào hai chiếc vé không đi đến đâu cả!

Họ ăn hai nửa jăm bông càng lâu càng tốt. Thỉnh thoảng, mục sư Batuna lại tái xác quyết với người bạn trẻ của mình.

"Đừng lo, Chúng ta sắp thực hiện điều đó rồi!" Ngay lúc ấy, một người đàn ông Philipin tiến đến bàn họ. Sam có quen biết một số người Philippin ở đó, làm việc như những thường dân cho hải quân Hoa Kỳ. Ngành hải quân đã phải nhập cảnh những người lao động đến vùng đảo hoang vắng nầy.

"Chào các anh em", ông ta nói với họ "Tôi biết các anh là anh em trong Chúa"... Sam liếc nhìn mục sư Batuna nhưng trông ông ấy cũng hoang mang như anh. Vậy thì người đàn ông nầy là ai?

"...Tôi đang cầu nguyện trong phòng. Tôi từ Manila đến" ông ta nói và cho họ biết anh thuộc một Hội thánh lớn ở thành phố đó.

"Các anh không biết tôi, và tôi cũng không quen biết các anh. Nhưng Chúa bảo tôi đi xuống đây và trao cho các anh cái nầy".

Người đàn ông Philippin đặt một túi giấy lên bàn để giữa hai người.

"Tôi yêu mến cả hai anh em. Cầu Chúa ban phước cho hai anh"

Nói xong, đoạn ông quay bước đi. Sam ngồi ngó sửng theo ông ta.

"Nào" Batuna nhìn Sam qua cặp mắt kính "Anh có định nhìn xem bên trong chiếc túi nầy hay không nào?"


Sam cầm lấy chiếc túi và nhìn vào. Anh hít một hơi thật mạnh. Đoạn anh cẩn thận bắt đầu lấy ra những xấp tiền cột thật ngay ngắn và đặt chúng lên bàn. Họ cùng đếm, 10.000 Mỹ kim, do một người lao động Philippin làm việc xa quê hương để dành được, rồi trao cho những người xa lạ.

Số tiền ấy đủ để đến Guam, dĩ nhiên để mua tất cả xi măng cùng với số lớn gỗ và vật liệu làm mái cần thiết để khởi công xây cất. Ngày hôm đó Sam đã học được rằng bạn phải đi ra... bạn phải phá vỡ tính ù lì chậm chạp để vâng lời Chúa. Nếu Ngài bảo bạn làm một điều gì đó, hãy bắt đầu bằng điều gì mà bạn đang có. Ngài sẽ chu cấp phần còn lại.


Bạn Có Thể Làm Hạn Chế Sự Cung Cấp Của Chúa.


Khi Đức Chúa Trời phán bảo bạn điều gì đó, hãy làm đi! Đức Chúa Trời yêu thích loại đức tin dấn thân. Hãy đặt các mục tiêu của bạn kết hợp sự chủ động cá nhân với sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời.


Trong câu chuyện Ê-li-sê và người đàn bà góa với một ít dầu, số lượng cung ứng của Đức Chúa Trời chỉ bị giới hạn bởi số lượng bình bà ta mượn về từ những người hàng xóm.

Khi Đức Chúa Trời hứa với bạn một điều nào, điều đó phụ thuộc vào việc bạn thực hiện phần của bạn. Những nổ lực nửa vời của con người có thể làm cho lời phải ứng nghiệm của Chúa bị ngăn trở hoặc chậm trễ, hoặc có thể hạn chế số lượng khả năng của Ngài có thể làm được. Vì vậy, đừng bao giờ làm không hết lòng. Hãy làm điều Ngài bảo bạn làm và làm bằng tất cả sức lực của bạn.


Vào năm 1972, khi chúng tôi đang cầu nguyện với một nhóm nhỏ giữa vài thanh niên của mình. Chúng tôi xin Chúa hãy phán và tỏ cho chúng tôi biết phải cầu nguyện về điều gì.

Ngày hôm ấy Chúa đặt vào lòng chúng tôi gánh nặng cầu nguyện cho sự hầu việc của các toán trên mười ba căn cứ quân sự tại Châu Âu. Một người được Chúa dẫn dắt để cầu nguyện rằng Lời Chúa sẽ được chú trọng ở các căn cứ quân sự Hoa Kỳ. Tôi thì được soi dẫn rằng phải xin Chúa đặc quyền phân phát 100.000 cuốn Kinh Thánh cho các khu căn cứ. Một người khác nữa nhận được ý tưởng hãy cầu nguyện để ở đó sẽ có những chương trình học Kinh Thánh kéo dài dành cho mọi người. Sau đó tôi nghĩ đến việc liên hệ với Tiến sĩ Kenneth Taylor (Chủ biên của Hội Thánh Kinh Living Bible)

Sau khi cầu nguyện xong, tôi gọi điện cho bạn tôi là Brother Andrews tại Hòa lan, để hỏi xem anh ấy có biết Tiến sĩ Taylor không, Thật là một sự tính toán thời gian hoàn hảo. Brother Andrews nói rằng ông Ken Taylor đang ở tại Châu Âu, và ông đã sắp xếp để gặp ông ấy trong vài ngày nữa.

Tôi liên hệ với Tiến sĩ Taylor, là người tôi biết đang có một sự thay đổi về các chương trình và phải trở lại Hoa Kỳ lập tức. Nhưng ông ta đồng ý gặp tôi ngày hôm sau tại sân bay Frankfrut. Tôi bay đến đây và giải thích vắn tắt về buổi nhóm cầu nguyện của chúng tôi cũng như ý tưởng phân phát Kinh Thánh. Ông cho biết cơ quan của họ vừa mới có 100.000 cuốn Kinh Thánh còn lại từ một chiến dịch truyền giảng của Mục sư Billy Graham. Nếu chúng tôi đảm bảo trách nhiệm phân phát, chúng tôi sẽ được tặng không.


Tiến sĩ Taylor và các nhà xuất bản của hội Living Bible đã chở số Kinh Thánh đến Đức bằng Tàu thủy. Tại đó, qua những thu xếp do một người bạn khác là Đại tá Jim Ammerman (Vị Tuyên uý Trưởng của Sư đoàn V của quân đội Hoa Kỳ ở tại Frankfurt), các xe tải của quân đội Hoa Kỳ đã nhận lấy số Kinh Thánh đó và giao cho đội ngũ của chúng tôi tại các khu căn cứ quân sự khắp nước Đức. Tại đó, chúng tôi cùng với những Cơ Đốc nhân khác bắt đầu phân phát cho những người lính.

Trước khi việc này kết thúc, từng điều chúng tôi đã nêu ra cầu nguyện trong buổi nhóm cầu nguyện đều xảy ra. Đã có các chương trình học Kinh Thánh dài hạn, trong đó Lời Đức Chúa Trời được đọc qua các hệ thống diễn văn công cộng trên các căn cứ. Chúng tôi tặng 100.000 quyển Kinh Thánh cho những ai hứa đọc. Các quyển Kinh Thánh được đọc và để lại với các góc giấy có nếp quăn vì đọc nhiều ở tại các nhà nguyện quân đội các doanh trại, và các trụ sở quân cảnh ở khắp Châu Âu.

Hàng ngàn người cảm nhận được sức mạnh ảnh hưởng của Kinh Thánh, từ những người lính thường cho đến các cấp tướng tá, và rất nhiều người đã bằng lòng dâng đời sống mình cho Chúa. Có một số binh lính sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã ra đi như những người truyền giáo. Đại tá Ammerman trở về Frankfurt vài năm sau đó và khám phá rằng một số các quyển Thánh Kinh đó đã được đọc và các binh lính vẫn tiếp tục tìm thấy sự cứu rỗi.


Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta những khải tượng lớn, những thách thức và những kỳ công lớn lao hơn để thực hiện cho Ngài. Ngày nay có thể bạn đang cầu nguyện cho vài trăm mỹ kim để thực hiện một chuyến truyền giáo ngắn hạn. Trong ít năm nữa, có thể bạn phải tin cậy Ngài để có hàng triệu đặng dùng vào một dự án truyền giáo. Trong mọi trường hợp, hãy đến với Đức Chúa Trời trước, tìm được sự chỉ dẫn của Ngài, rồi sau đó hãy làm hết sức để thực hiện được điều đó.


Ghi Chú: Chương 11

1. Cuốn sách đầu tiên của tôi được viết theo chủ đề nầy "Có Đúng Thật Là Ngài Không, Lạy Chúa ?" (Is That Really You, God?) Các nhà xuất bản chọn/các nhà xuất bản ưa thích.



bottom of page