top of page
Hung Tran
Oct 19, 2023
Tôi có đọc lá thư xin trợ giúp "điển hình" của một nhà truyền giáo trong một tạp chí Cơ Đốc từ Anh Quốc như sau:...
Tôi...
...có đọc lá thư xin trợ giúp "điển hình" của một nhà truyền giáo trong một tạp chí Cơ-đốc từ Anh Quốc như sau:
Cùng Các Anh Chị Em Yêu Dấu,
Xin thứ lỗi vì nét chữ không rõ và chất lượng không tốt của giấy viết thư của chúng tôi. Nhưng các khoản tài trợ đang giảm sút khi chúng tôi bước vào giai đoạn thứ 98 trong dự án xây dựng trường Đại Học Universal Conversion của chúng tôi. Như quý vị đã biết từ lá thư trước, chúng tôi đang cố gắng hướng đến một tổng số là 23,5 triệu bảng Anh. Và hiện nay chúng tôi chỉ mới có tới, 13,50 bảng và thật là lạ lùng để thấy công việc vẫn đang tiến triển.
Thật là một niềm khích lệ lớn khi bạn sống bằng đức tin để nhìn thấy tất cả những điều có cần nầy được cung ứng như thế nào. Chúng tôi thường xuyên có ăn. Phiên ăn của tôi là vào các ngày thứ ba và thứ bảy. Và thật sửng sốt vì có biết bao nhiêu trò chơi và các sinh hoạt vẫn có thể được tổ chức cách thành công trong thế giới tối tăm nầy.
Một điều gì đó đã xảy đến cho tôi tối hôm qua khi tôi đang nằm và cố gắng ngủ trên tấm bạt. Đường lối của chúng tôi là không bao giờ xin trợ giúp tài chính đã phân biệt chúng tôi với những đề án dường như đang liên tục van nài. Một số người chất vấn lời tiên tri ban đầu của chúng tôi dự đoán rằng trường đại học sẽ được xây dựng và cả nước Anh sẽ được cải đạo từ thứ tư tuần trước. Họ cho rằng điều đó đã ứng nghiệm sai đi một tí, tuy nhiên hiện nay chúng tôi tin rằng do tinh thần hà tiện trong một số những cá nhân nằm ngoài dự án. Chúng tôi đã cầu nguyện cho họ tối hôm qua trong khi đọc câu chuyện A-na-nia và Sa-phi-ra bằng đèn nến. Các bạn biết câu chuyện đó không ?
Kính Thư
Tôi hiểu được chữ ký trên lá thư run rẩy và khó đọc. Có thể con người nghèo thiếu ấy cũng đang phải chịu đau đớn vì chứng còi xương!
Có lẽ điều đó giúp chúng ta học biết cách viết những lời thỉnh cầu về mặt tài chánh bằng cách trước hết học tập cách không làm điều đó.
Đức Chúa Trời đoán xét tất cả những hành động chúng ta bởi những động cơ của chúng ta. Vì vậy có động cơ phải lẽ trong việc dâng hiến là điều rất quan trọng, và phải kêu gọi cho đúng những động cơ từ nơi những người dâng hiến.
Những Cách Quyên Tiền Không Nên Có.
1. Đừng dùng tội lỗi như một áp lực để quyên tiền
Mặc dầu ví dụ khôi hài của chúng tôi về bức thư từ Anh quốc có quá cường điệu khi nói đến mục đích của bức thư, chúng ta cũng vẫn thường đọc các bức thư nghe có gì đó giống giống như vầy: "Nếu quý vị không giúp đỡ chúng tôi ngay bây giờ, chương trình nầy sẽ không hoàn thành và hàng triệu người sẽ đi vào âm phủ" hoặc "Bạn có biết rằng số tiền mà bạn tiêu vào một bữa ăn ở tại nhà hàng sau buổi nhóm Chúa nhật hôm nay đủ cho một gia đình ở tại vùng Bắc Phi ăn trong một tháng không?"
Mặc cảm phạm tội là một động cơ tồi, Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng, chứ không phải vì mặc cảm phạm tội, miễn cưỡng. Bởi vì “Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu”, thì chúng ta cũng không được làm như vậy (GiGa 3:17)
2. Đừng khơi dậy lòng thương hại của người khác để quyên góp
Có điều gì sai trật khi chúng ta kêu gọi lòng thương hại của con người? Chắc chắn là không có gì sai khi có lòng thương xót đối với những con người đang bị thương tổn và đau khổ trên thế giới của chúng ta, hoặc đối với những người còn trong tình trạng đui mù thuộc linh chưa có hy vọng về sự sống đời đời. Nhưng nếu bạn cứ mãi khuấy động lòng thương hại của người ta, bạn đã làm một điều nguy hiểm. Người ta sẽ trở nên cứng lòng, và lại phải dùng nhiều điển hình khắc nghiệt hơn để khiến họ động lòng thương hại thêm một lần nữa. Họ trở thành những người mắc chứng "nghiện thương hại" chỉ hưởng ứng các liều lượng ngày một cao hơn.
Ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên của một người khách đến thăm Calcutta, Ấn độ, đó là những đám đông người cùng khốn. Những đám ăn xin bu theo bạn bất cứ chỗ nào bạn đi đến. Người ta ngước nhìn bạn với cặp mắt van xin và lòng bàn tay ngửa rộng. Tuy nhiên, điều thứ hai đập vào mắt bạn là sự dửng dưng của những người chung quanh đám người cùng khốn nầy. Những công nhân thuộc giai cấp trung lưu vận khố trắng bước ngang qua những người đang nằm ngủ và đẩy những người ăn xin qua một bên để leo lên các xe buýt đi làm. Họ dường như không nhìn thấy sự đau khổ chút nào nữa.
Tôi nhận thấy hoàn cảnh khó xử của những người làm chức vụ từ thiện. Họ vật lộn để mong người ta đối diện với tình trạng nghèo đói và đau khổ của thế giới nầy bằng thái độ nhân từ. Con số những người đói kém và bị tướt đoạt lớn đến nỗi họ phải tìm cách để đưa những thực tế nầy xuống đến mức cá nhân và tỏ cho chúng ta biết chúng ta phải làm gì để giúp đỡ.
Tuy nhiên, chỉ thương hại không thì chưa đủ. Chúng ta phải được dẫn dắt bởi Đức Chúa Trời trong sự dâng hiến của mình. Chúng ta phải luôn truyền đạt cho những người dâng tặng cách nào khiến họ phải hỏi Chúa rằng họ có phải đáp ứng các nhu cầu đó không, và đáp ứng bằng cách nào. Chúng ta không nên cố gắng làm cho họ phải đáp ứng vì cảm xúc trong giây lát.
3. Đừng gợi lên lòng tham
Mặc dù Kinh Thánh hứa rằng "Hãy cho, người sẽ cho mình". Nhưng chúng ta không bao giờ nên khơi dậy lòng tham của người dâng để làm cho họ dâng tiền cho công việc Chúa. Vì như vậy là cám dỗ họ phạm tội! Chúng ta vẫn thường thấy việc lạm dụng trong điều nầy "Bạn cần một chiếc xe tốt hơn ư? Hãy dâng hiến cho chức vụ của chúng tôi, và Chúa sẽ ban phước cho bạn! Bạn không thể nào dâng cho Chúa nhiều hơn là Chúa cho bạn!" Buồn thay, những người dễ bị ảnh hưởng trước những lời kêu gọi như vầy hơn hết lại là những người nghèo!
Lời Chúa là đúng, và Ngài thường ban phước bất cứ nơi nào Ngài có thể ban phước, thậm chí những người quyên góp đang sai khiến quần chúng. Tuy nhiên thường khi chúng ta dâng tiền, Ngài không ban phước lại cho chúng ta bằng tiền bạc nhiều hơn, mà thay vào đó Ngài ban phước cho chúng ta bằng những cách khác: bằng niềm vui, bằng sự bày tỏ về chính mình Ngài, những đường lối của ngài, và bản tánh của Ngài, với một ý thức dự phần sâu rộng hơn trong nước Ngài, với sự bình an và thỏa lòng trong những hoàn cảnh của mình.
4. Đừng lợi dụng nỗi lo sợ
Trong những ngày trước thời cởi mở và giai đoạn sụp đổ của quyền lực cộng sản, thì đây là một lời kêu gọi chung "Lý do duy nhất Đức Chúa Trời còn gìn giữ đất nước chúng ta thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản là vì chúng ta đang dâng hiến cho các hội truyền giáo nước ngoài!".
Mặc dầu Đức Chúa Trời thật có chúc phước cho quốc gia nào dâng hiến cho công việc của Ngài, song lợi dụng nỗi lo sợ của người ta để khiến họ phải dâng hiến là sai trật. Điều họ muốn nói là như vầy "Quý vị có sợ những đám người ngoại quốc tràn vào đất nước của chúng ta không? Vậy thì tốt hơn quý vị hãy dâng hiến rời rộng, nếu không nào ai biết điều gì sẽ xảy đến?" Có những người khác ngụ ý rằng nếu bạn dâng hiến cho Chúa, Ngài sẽ gìn giữ những người thân yêu của bạn khỏi bệnh tật, thương tổn hoặc sự chết.
Hơn nữa, động cơ dâng hiến cho Chúa phải đến từ tình yêu chúng ta dành cho Ngài và vì lòng khao khát được thấy nước Ngài được mở rộng khắp đất. Ngoài ra, những sự kêu gọi như vậy dường như gợi ý rằng Chúa đang tìm những khe hở trong sự vâng lời của chúng ta, để Ngài giáng những điều khủng khiếp xuống đầu chúng ta. Cách kêu gọi nầy bóp méo bản tánh của Đức Chúa Trời. Chúng ta có một người Cha Thiên Thượng đầy lòng yêu thương, ban mưa phải thì cho kẻ ác lẫn người công bình và thậm chí Ngài phải đoán xét loài người, thì Ngài cũng phải làm điều đó cách miễn cưỡng và trong tấm lòng thương xót.
5. Đừng khơi dậy sự kiêu hãnh của kẻ dâng
Loại kêu gọi nầy thường được thực hiện với những người giàu có. "Hãy dâng vào quỹ xây dựng ngôi nhà rồi chúng tôi sẽ đặt một tấm bảng đồng đẹp gắn trên tường ở hành lang có khắc tên của quý vị". Mặc dầu việc ca ngợi những người có công đóng góp không có gì là sai, nhưng chúng ta đừng làm cho họ kiêu hãnh, khiến đó là lý do để họ dâng hiến. “Chúa Jesus phán rằng những kẻ bố thí để được người ta khen thì đã nhận được phần thưởng cho mình rồi. Chỉ những ai dâng với tấm lòng trong sạch, không quan tâm việc mình làm được người khác nhận biết mới được Cha trên trời ban thưởng.” (Mat Mt 6:4).
Hãy Làm Điều Đó Cách Phải Lẽ.
Vậy thì chúng ta phải kêu gọi việc quyên góp như thế nào? Trước hết, chúng ta phải giữ đúng các thứ tự ưu tiên. Chúng ta đừng bao giờ xem con người như những nguồn phương tiện về tiền bạc, mà phải luôn quý trọng họ như những người bạn. Chúng ta phải canh giữ lòng mình, yêu thương con người và sử dụng tiền bạc chứ đừng bao giờ làm ngược lại.
Trong mọi mối giao tiếp, kể cả những trường hợp chúng ta trình bày nhu cầu đều phải nhằm mục đích đưa mỗi cá nhân càng đến gần Chúa hơn và gần với chúng ta hơn trong mối tương quan. Nếu bạn có thể hình dung điều đó như những vòng tròn đồng tâm, hãy nghĩ đến vòng tròn cách xa bạn nhất, được bạn quen biết sơ sài hoặc đối với một lá thư của một tập thể, vòng tròn xa nhất có thể là một người nào đó trong công chúng đã bày tò lòng quan tâm vừa đủ đến hội truyền giáo của bạn để ký giao một điều gì đó. Mục tiêu mà mỗi cuộc giao tiếp nhắm vào là cố gắng đưa con người lại gần hơn, mỗi vòng tròn chặt chẽ hơn. Những người trong các vòng tròn gần gũi với bạn nhất có thể nghe được nhu cầu sâu xa nhất của bạn. Đó là những người cầu thay có cam kết lớn nhất với bạn,là những cộng sự dâng hiến về mặt tài chánh, và là những người cố vấn quý giá. Và cuối cùng thì bạn không nên ngạc nhiên nếu như những người đó rốt cuộc chính họ được kêu gọi vào chức vụ. Điều đó có nghĩa là bạn có thể mất một người hậu thuẫn về tài chánh, nhưng Chủ Mùa Gặt lại được một con gặt nữa, và bạn có thêm người đồng công để giúp hoàn thành Đại Mạng Lệnh Truyền Giáo.
Những nhà truyền giáo đầu tiên, khi mới ra đi thường bảo "Nhưng tôi chẳng có ai để tỏ bày về những nhu cầu của tôi". Một số tỏ rõ việc các thành viên trong gia đình của họ không thích những lời cầu xin về mặt tiền bạc và thậm chí không tin vào những công việc họ đang làm (đúng là có một số người muốn con họ thà không được cứu, và ở nhà kiếm tiền với một công việc có lương khá còn hơn là làm chuyện "điên khùng" như đi vào các hội truyền giáo).
Những người khác cho biết họ không có cách nào để được cấp dưỡng bởi vì không một người bạn nào của họ là Cơ-đốc nhân, có thể lao tác viên này chỉ mới tự mình trở lại tin Chúa Jesus. Hoặc người ấy đến từ một Hội thánh không dâng hiến cho các hội truyền giáo, hoặc chỉ dâng cho các nhà truyền giáo thuộc giáo phái của họ.
Nếu bạn đang vâng theo những gì Chúa đang phán với bạn, và đang ở trong thời điểm quyết định của Ngài thì Ngài hiện đặt để chung quanh bạn những con người cùng những phương tiện có cần cho bạn để thực hiện ý muốn của Ngài rồi.
Nới Rộng Chức Vụ Bố Thí.
Cách đây vài năm, khi đang nói chuyện với 55 nhà lãnh đạo về hội truyền giáo của chúng tôi, tôi hỏi họ "Có bao nhiêu người trong số quý vị đã từng kêu gọi người nào đó tham gia vào chức vụ truyền giảng bằng cách mô tả chức vụ đó như một nhu cầu đặc biệt?". Mọi cánh tay đều đưa lên. Đoạn tôi hỏi "Có bao nhiêu người trong số quý vị đã giúp người ta trong việc dạy dỗ năng lực để sử dụng các ân tứ của họ trong việc huấn luyện các chức vụ". Một lần nữa, mọi người đều giơ tay. "Quý vị đã bao giờ nhận ra những người có ân tứ quản trị và giúp đưa người ấy vào lãnh vực quản trị của chức vụ hầu việc?". Một lần nữa, các cánh tay lại đưa lên.
Tôi dừng lại một chút..."Và có bao nhiêu người trong quý vị nhận ra những người có ân tứ bố thí và mời họ tham gia chức vụ bố thí?". Lần nầy chỉ có hai bàn tay được đưa lên. Hai trong số 55 người.
Vì sao có sự ngại ngần đó? Bởi vì chúng ta không thấy rằng ơn bố thí cũng thuộc linh và được Thánh Linh điều khiển cũng như các ân tứ khác được liệt kê trong Rô-ma đoạn 12 và I Cô-rinh-tô 12. Ơn tứ bố thí của Thánh Linh cần phải được đưa ra ngang hàng với mức độ của các ân tứ giảng dạy, chữa lành, phục vụ, dạy dỗ, khuyên bảo, dẫn dắt và những hành động từ thiện.
Hãy đặt trước mặt Chúa một tờ giấy và xin Ngài đem các tên tuổi đến trong tâm trí bạn. Người nào tỏ lòng tin cậy điều bạn đang làm? Ai là người yêu mến và tin cậy bạn? Có thể bạn chỉ tìm được một hoặc hai người, hoặc có thể bạn có nhiều người. Sau đó hãy hỏi Ngài bạn phải yêu cầu họ điều gì và bằng cách nào. Bằng thư từ? bằng điện thoại? bằng một chuyến ghé thăm? hoặc bằng một lá thư từ người lãnh đạo của bạn hoặc từ người lãnh đạo tương lai?
Được Người Khác Tiến Cử.
Mới đây tôi có nghe một tư tưởng, đó là để cho một người khác gởi gắm bạn và xin cấp dưỡng thay cho bạn. Thật ra điều này không có gì mới cả. Cha tôi, ông T.C Cunningham, đã gây quỹ cấp dưỡng cho hàng trăm nhà truyền giáo trong suốt cuộc đời ông. Điều mới mẽ đối với tôi đó là ý nghĩ cũng được căn cứ theo Kinh Thánh, sẽ có sự hỗ trợ thêm khi có một người khác gởi gắm bạn, thay vì bạn phải tự giới thiệu mình.
Sứ đồ Phao-lô nói trong IICo 2Cr 5:12 về việc đừng khoe mình. Ông gởi gắm hoặc đưa ra những lời dẫn chứng cho người khác, như là Phê-bê (RoRm 16:1), Phao-lô cũng không co mình lại do việc phải tiến cử chính ông khi cần thiết. Ông đã nêu trường hợp của mình đối với việc cấp dưỡng tài chánh trong ICo1Cr 9:1-13. Trong IICo 2Cr 11:1-33, ông đưa ra bảng tóm tắt đầy đủ của mình không hề ngại ngùng. Nhưng bằng cách nào đó khi có người khen ngợi bạn, thì người ấy được tự do hơn để nêu lên những điểm tốt bạn đang thực hiện và yêu cầu những người khác giúp đỡ bạn.
Wally Wenge, một thành viên thuộc Hội Đồng Quốc Tế của chúng tôi, giữ một chứ vụ hầu việc của Thanh Niên Sứ Mạng được gọi là Những Góp Nhặt Dành Cho Người Đói Kém đang giúp hàng trăm ngàn người thiếu thốn bằng cách nhận hàng tấn sản phẩm dư thừa ở trung tâm California, sấy khô và chở đến các nước ngoài bằng đường tàu thủy.
Năm ngoái, Wally và bà Norma quyết định dâng phần mười bằng một trong số mười lá thư giúp đỡ hàng năm của họ. Họ kêu gọi những ân nhân của họ tham gia giúp đỡ nhu cầu của các hội truyền giáo khác cũng thuộc các nhóm YWAM ở tại Amazon. Họ không nói gì về nhu cầu của tổ chức Góp Nhặt trong bức thư xin giúp đỡ đó. Kết quả là họ đã nhận được xấp xỉ tặng phẩm mà họ đã gởi cho Amazon cộng thêm với những tặng phẩm mà họ không hề xin và số quà ấy gấp đôi số quà bình thường của họ.
Nguyên tắc một người tiến cử một người thật là điều đáng cân nhắc. Nếu bạn có một người bạn hoặc một người lãnh đạo bằng lòng cam kết với chức vụ của bạn và sẵn sàng làm hết sức mình để đại diện cho bạn, thì người ấy có thể nhóm người khác lại với nhau để giúp vào việc hậu thuẫn cấp dưỡng cho bạn.
Còn Về Những Người Thân Chưa Tin Chúa.
Khi cân nhắc xem ai là người chúng ta phải liên hệ, bạn đừng theo thói quen loại trừ những Cơ-đốc nhân chưa được tái sanh. Song tất nhiên bạn phải nhạy cảm đặc biệt trong cách trình bày chính mình cũng như công việc của bạn, và hãy cầu nguyện cẩn thận để xin Chúa giúp đỡ. Nếu việc dâng của cải, làm cho người ta thường xuyên hướng lòng mình đến đó là đúng thì một người chưa tin Chúa có thể được đưa đến gần với Nước Đức Chúa Trời hơn khi người ấy dâng tiền cho công việc nhà Chúa.
Sự Vâng Lời Quan Trọng Hơn Tiền Bạc.
Khi chúng ta tỏ bày nhu cầu, phải luôn luôn khuyến khích người ta vâng lời Chúa trong việc họ dâng hiến. Nếu chúng ta thật lòng tin chắc rằng việc dâng hiến cho Chúa là sự thờ phượng thật, chứ không chỉ là những công việc thuộc về đất mà chúng ta phải thực hiện để giữ cho công việc thuộc linh được tiếp tục, thì chúng ta có thể tự do khích lệ người ta dâng hiến. Dâng hiến là một chức vụ thuộc linh. Vâng lời Chúa là mục tiêu của chúng ta và điều đó còn quan trọng hơn cả tiền bạc.
Mới đây có một người trả lời thư xin giúp đỡ của Paul Hăkins, một trong số các công tác viên thuộc hội truyền giáo của chúng tôi đã nói như vầy "Tôi đã cầu nguyện về nhu cầu của anh, nhưng Chúa bảo tôi rằng tôi chưa phải dâng vào lúc nầy". Paul lập tức viết cho người ấy một lời cảm ơn nồng hậu. Chúng ta không những phải viết thư cảm ơn những người dâng tặng cho mình. Nếu họ vâng lời Chúa để và không dâng cho chúng ta, chúng ta cũng cần phải bày tỏ lòng biết ơn.
Khi chúng tôi chia xẻ các tin tức cũng như các nhu cầu của chúng tôi với mọi người qua các thông tin đều đặn, là chúng tôi đang để cho họ có cơ hội để dâng cho công việc của chúng tôi khi họ được Đức Chúa Trời thúc đẩy. Chúng tôi đang mở rộng một đặc quyền lớn lao trước mặt họ, đặc quyền được dự phần vào điều Đức Chúa Trời đang thực hiện ở những nơi khác nữa trên thế giới. Chúng ta không nên hối tiếc khi mở rộng cơ hội đó ra. Cũng không nên ngần ngại khi biết rằng Đức Chúa Trời thật sẽ ban phước cho những người bằng lòng dâng hiến.
Một điều nữa phải cân nhắc đó là thư tường trình tin tức, vì vậy chỉ nên đề cập đến các nhu cầu một lần mà thôi (hoặc trong một phạm vi nhỏ của bức thư) ngoại trừ trường hợp khủng hoảng thật sự. Giống như câu chuyện ngụ ngôn của Aesop khi cậu bé la lên "Chó sói! Chó sói!". Chúng ta có thể làm cho người ta kém mẫn cảm đi trước các nhu cầu thật sự nếu cứ không ngừng yêu cầu tiền bạc.
Một nhắc nhở cuối cùng khi bạn muốn tỏ bày các nhu cầu của mình nữa là: Hãy nhớ tìm kiếm sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời khi làm điều đó. Đôi khi Ngài có thể dẫn dắt bạn viết một hoặc hai bức thư cá nhân. Những lúc khác, có thể bạn cần đi đến một nơi nào đó để nói chuyện với một người. Hoặc có thể bạn phải gởi nhiều lá thư đánh máy cho một số bạn hữu, xin họ cầu nguyện cho việc dâng giúp. Hãy linh động trong từng hoàn cảnh.
Bạn Luôn Luôn Cần Sự Chỉ Dẫn.
Đức Chúa Trời không những chỉ dẫn cho bạn những ai là người cần liên hệ mà còn chỉ dẫn bạn điều phải nói nữa. Hãy nhớ rằng, Ngài bị ràng buộc vào chức vụ của bạn y như chính bạn vậy. Thật ra còn hơn chính bạn nữa. Ngài cũng nóng lòng muốn ban phước cho những người dâng hiến. Đừng dấn bước vào công việc thuộc linh để đưa người vào chức vụ bố thí mà không cầu hỏi sự giúp đỡ và hướng dẫn của Chúa.
Liệu có một cái giá phải trả khi xin giúp đỡ tiền bạc không? Phải, có đấy! Bạn phải hạ mình và cho người ta biết rằng bạn đang tin cậy Chúa để dẫn dắt một số người trong vòng họ giúp vào điều bạn đang thực hiện. Bạn sẽ bị tổn thương. Bạn có thể bị sợ hãi hoặc bị bối rối. Có người sẽ từ chối bạn thẳng thừng. Nhưng nếu bạn đã từng dành ra những ngày làm chứng cho Chúa Jesus ở các đường phố thì nhiều người cũng đã từ chối thẳng thừng với bạn. Có thể bạn thật ngạc nhiên trước những người dâng tiền cho bạn và những người không dâng. Môi-se nói rằng “Hãy lấy một vật chi ở nhà các ngươi mà dâng cho Đức Giê-hô-va” (XuXh 35:5). Môi-se không băn khoăn việc những người không có lòng sẵn sàng, nhưng ông kêu gọi những ai sẵn lòng mang lễ vật của họ đến dâng cho Chúa.
Hãy làm như Môi-se đã làm, vâng lời Chúa và tin cậy Ngài với những kết quả.
Ghi Chú: Chương 12
Do Adrian Plan, người chuyên giữ một mục báo thường xuyên trên tạp chí Christian Family (Gia Đình Cơ Đốc). Bài mẫu được gởi đến số 37, phố Elm New Malden Surrey KT3 3HB. Anh Quốc.
bottom of page