top of page

Chương 2. Bạn Đã Từng Thấy Một Chú Chim Lo Lắng Bao Giờ Chưa?

Hung Tran

Oct 29, 2023

Bạn đã từng thấy một con chim lo lắng bao giờ chưa? Con chim mà có những vết nhăn hằn trên trán nó?...



Bạn...

...đã từng thấy một con chim lo lắng bao giờ chưa? Con chim mà có những vết nhăn hằn trên trán nó? Có lẽ cặp mắt nó mệt mỏi và đỏ ngầu với những quầng thâm do nhiều đêm mất ngủ. Bằng cách nào đó, bạn biết được rằng nó đang cố gắng gánh chịu sự lo lắng vì không biết làm sao để trả số tiền thế chấp chiếc tổ của nó!

Chúa Jesus đã dùng loài chim để làm ví dụ về cách chúng ta nên đối diện với vấn đề tài chánh. Trong Mat Mt 6:26, Ngài phán:

“Các ngươi hãy xem loài chim trời, chẳng có gieo gặt, cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó . Các ngươi há chẳng quý trọng hơn loài chim sao?”


Không, bạn chưa hề thấy một con chim lo lắng bao giờ đâu! Chúng ta có thể học hỏi bí quyết sống giống như loài chim vậy. Chúa Jesus bảo chúng ta không được lo lắng về những gì mình ăn, uống hoặc về những đồ mặc mà chúng ta cần. Thật vậy, Ngài phán, đời sống chúng ta phải khác biệt với những kẻ không tin là người phải chạy theo những thứ ấy. Chúng ta cũng phải vô tư lự như loài chim vậy.

Điều này có đúng với hầu hết những Cơ-đốc nhân mà bạn biết không? Điều này có đúng với bạn không? Điều gì sẽ xảy ra nếu như ngày mai bạn bị mất việc? hoặc nếu công việc làm ăn của bạn bị phá sản, hoặc những đầu tư của bạn trở nên không thuận lợi? Điều gì xảy ra nếu Đức Chúa Trời kêu gọi bạn bán hết mọi sự bạn có và đi hầu việc Chúa ở các hội truyền giáo? Liệu bạn có thể tin cậy Ngài trong những nhu cầu của mình không?

Đó là điều mà nhiều Cơ-đốc nhân gọi là sống bởi đức tin - ý họ muốn nói rằng những nhà truyền giáo hoặc những mục sư trong các hội thánh nhỏ là người hầu việc Chúa không lương và có thể không thường xuyên có những người chu cấp hoặc không hề có một thu nhập nào cả. Tuy nhiên, tôi muốn mở rộng cụm từ này. Chúa Jesus muốn hết thảy chúng ta phải sống bằng đức tin như chúng ta sẽ thấy trong các chương tiếp theo của quyển sách này - Mọi người - được trả lương hoặc không được trả lương đều có đặc quyền chứng kiến Đức Chúa Trời cung ứng các nhu cầu của họ.


Nhưng trước hết, đức tin là gì? Và bạn làm thế nào để có được đức tin? Có phải đức tin bắt cặp mắt bạn phải nhắm lại và hoàn toàn tin cậy rằng ông già Noel là có thật không? Dầu bạn có dễ tin đến đâu thì ông già Noel cũng không bao giờ có thật. Một ý tưởng như vậy hoàn toàn là do tưởng tượng. Ngược lại Đức Chúa Trời là Đấng có thật dầu bạn có tin Ngài hay không. Sự hiện diện và quyền năng của Ngài không liên quan đến lượng đức tin bạn có nhiều hay ít.

Đức tin có đòi hỏi bạn phải loại bỏ lý trí và lao mình vào vách đá nguy hiểm của một tình huống bất khả thi không? Không đâu! Spren Kierkegaard đã phổ biến rộng rãi cụm từ "Một sự liều lĩnh của đức tin đui mù". Song đức tin theo Kinh Thánh thì không liều lĩnh và cũng không mù lòa nhưng là đức tin đang bước đi trong ánh sáng.

Kinh Thánh phán rằng “đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong, là bằng cớ của những điều chẳng xem thấy.” (HeDt 11:1). Nói khác đi đức tin là tin rằng điều đó sẽ xảy ra trước khi nó xảy ra. Đức tin tin rằng bạn sẽ có được điều mình cần ngay cả khi bạn không có gì cả. Đức tin là sự bảo đảm vững vàng nơi bản tánh của Đức Chúa Trời, biết rõ rằng dẫu bạn không nhìn thấy được giải pháp cho nan đề của mình thì Đức Chúa Trời vẫn làm được.

Đức tin theo Kinh Thánh không phải chỉ là sự ao ước của suy nghĩ - nó không dựa trên việc vì mong muốn cho những tham muốn vị kỷ của bạn quá sức, nên bằng cách nào đó làm cho bạn có được "đức tin" và được những điều đó. Cũng không phải đó là một sự tập trung nào đó của "các sức mạnh" tâm trí hoặc tâm linh của bạn để được điều bạn muốn.

Đức tin dựa trên Kinh Thánh đến từ việc...

. Biết rõ điều Chúa muốn bạn làm

. Vâng phục bất cứ điều gì Ngài bày tỏ cho bạn thực hiện, sau đó...

. Tin cậy Ngài để làm điều bạn không thể làm theo phương cách của Ngài và trong thời điểm của Ngài.

Có một bài thánh ca mà chúng ta thường hát, đó là “Tin cậy vâng lời, nào nhờ cách gì...”. Tôi xin đề nghị, chúng ta hãy đảo thứ tự của các từ: "Vâng lời, tin cậy..." và để cho Chúa hành động.

Theo RoRm 10:17 “...Đức tin đến khi người ta nghe sứ điệp, và sứ điệp được nghe qua Lời của Đấng Christ”. Đức tin đặt cơ sở trên việc nghe những gì Đức Chúa Trời phán với bạn qua lời đã được viết ra của Ngài - lời Logos - và trong lời lẽ cụ thể, mạnh mẽ của Ngài dành cho riêng bạn - lời Rhema. Đức tin dựa trên Kinh Thánh không tuyên bố một điều gì đó lố bịch, rồi chờ đợi điều đó phải xảy ra. Dẫu cho Ngài có yêu cầu bạn phải làm một điều gì đó dường như bất khả thi, thì đó cũng sẽ không bao giờ là lố bịch cả. Đức tin dựa trên Kinh Thánh bắt đầu với việc nghe tiếng Chúa. Sự dẫn dắt thật của Đức Thánh Linh lời Rhema, không bao giờ mâu thuẫn với, hoặc lời Logos hoặc bản tánh của chính Đấng đã viết lời Logos.

Biết rõ điều Chúa muốn bạn phải làm là phần thứ nhất của đức tin dựa trên Kinh Thánh. Thứ hai là bước những bước vâng lời mà Ngài tỏ cho bạn. Đức tin dựa trên Kinh Thánh đòi sự hành động về phía của bạn. Đó không phải là phần thụ động, tiêu cực.


Một điển hình đáng lưu ý của vấn đề này đã xảy ra vài năm trước, khi đang sống tại Trường Truyền Giáo của chúng tôi ở tại Thụy sĩ. Tôi thuộc trong một nhóm cầu thay cùng với các nhân sự trẻ tuổi, thì Chúa tỏ cho tôi một điều rõ ràng, sứ mạng của chúng tôi là chuẩn bị để bắt đầu một nông trại. Thật là một sự ngạc nhiên hoàn toàn. Chúng tôi nào có cầu nguyện cho chuyện nông trại, nhưng lời ấy đến với tâm trí tôi thật rõ ràng. Vào thời ấy, trong tổ chức YWAM, chúng tôi có một số đất đai được sử dụng cho việc huấn luyện và truyền giảng của các hội truyền giáo. Tôi thuật cho nhóm chúng tôi sự tỏ bày này, và chúng tôi hiệp nhau cầu hỏi Chúa hãy cho chúng tôi biết rõ có phải điều đó đến từ Ngài hay không. Tâm trí tôi mau chóng bắt đầu làm việc với ý tưởng ấy. Tôi có thể hình dung được nông trại là một nơi thích hợp để huấn luyện các nhà truyền giáo, cũng như cung cấp lương thực cho họ và những người khác.

Chẳng bao lâu, lời của Chúa đã được khẳng quyết với từng người hoặc từng cặp các anh em khác trong nhóm cầu nguyện; thế là chúng tôi kết thúc thì giờ của mình bằng sự tạ ơn Chúa. Chúng tôi tin cậy Ngài đã tỏ bày điều đó.

Ngày hôm sau là thứ bảy, trong lúc ra khỏi trường để tập chạy vào một buổi sáng mùa xuân mù sương, tôi băng ngang một trại gần trường. Một cuộc bán đấu giá đang diễn ra ở đó và tất cả các nông cụ đều được bán "xôn". Ngay lập tức, tôi biết mình phải làm một điều - một hành động của đức tin để tiếp tục đi tới cùng điều Chúa đã hứa ngày hôm trước. Tôi nhanh chóng quay về rủ Joe Portale và Heinr Siuter, hai nhân sự nói tiếng Pháp của chúng tôi. Chúng tôi quay trở lại bãi đấu giá kịp thời để mua được một chiếc xe ngựa, một cuộn dây thép gai và một thùng sữa.

Chúng tôi lôi chiếc xe ngựa về nhà bằng cách kéo nó như một toa móc đằng sau chiếc xe hơi. Rồi để nó ở bãi cỏ phía trước trường và dẹp hết các thứ khác cho đến khi Đức Chúa Trời ban cho chúng tôi một nông trại của chính mình. Tôi đoán điều đó trông hơi lố bịch đối với một số người, song chúng tôi đơn sơ đủ để tin rằng Đức Chúa Trời đã hứa và Ngài sẽ làm thành.

Cuối tuần, một trong các thành viên hội YWAM của chúng tôi, là một người châu Âu trở về nhà để thăm bố mẹ. Cô nói với cha mình, là một Mục sư người Thụy sĩ rằng "Đức Chúa Trời vừa cho chúng con biết chúng con sẽ có một nông trại!"

Một số các bậc phụ huynh hẳn sẽ tức cười hoặc thậm chí phê phán một câu nói như vậy. Nhưng bố của cô gái trẻ này tình cờ lại thuộc ban chấp hành của một giáo đoàn nằm trong một nông trại xinh đẹp (trị giá hơn một triệu Mỹ kim vào thời điểm đó). Các vị lãnh đạo giáo đoàn nhận thấy rằng công việc của họ đã hoàn tất. Đã nhiều năm, họ vẫn đang muốn tìm một tổ chức Cơ-đốc để tặng lại nông trại đó.

Vì thế là chúng tôi được tặng không một nông trại trị giá một triệu Mỹ kim! Khoảng chi tiêu lớn nhất của chúng tôi cho nông trại là 1000 Franc Thụy sĩ mà tôi đã trả cho chiếc xe ngựa, cuộn dây thép gai và thùng sữa! Suốt hai mươi năm qua, hiện nay nông trại này đang nằm ở Burtigny, Thụy sĩ là một địa điểm để môn đệ hóa những người trẻ và chu cấp lương thực cho nhiều nhân sự của các hội truyền giáo. Chiếc xe ngựa còn lại như vật trang hoàng cho bãi cỏ phía trước trường cho đến khi nó được chuyển đến nông trại. Tại đó cuối cùng nó đã rã ra từng mảnh do tác động của thời tiết. Dầu vậy, Heinz Suter (người hiện lãnh đạo công việc ở nông trại) đã giữ lại một mảnh của chiếc xe ngựa và dùng nó làm một bảng đồng kỷ niệm, khắc lời Kinh Thánh và anh ta tặng cho tôi. Vật kỷ niệm ấy luôn nhắc nhở tôi rằng Đức Chúa Trời sẽ chu cấp khi tôi bằng lòng bước những bước vâng phục bất cứ khi nào Ngài phán.


Bạn hãy nghĩ đến những phép lạ lớn lao trong Kinh Thánh. Chúng thường đòi hỏi những bước vâng lời trước nhất. Các bức tường của thành Giê-ri-cô đã đổ xuống, nhưng chỉ sau khi họ đã diễu hành suốt bảy ngày. Tướng quân Na-ha-man đã được chữa khỏi bệnh phung, nhưng chỉ sau khi ông đã thực hiện chuyến đi dài ngày, rồi sau đó phải nhúng mình bảy lần dưới sông Giô-đanh, như lời truyền dạy của tiên tri Đức Chúa Trời. Chúa Jesus bảo người mù phải đi rửa mắt ở tại ao Si-lô-ê trước khi ông được chữa lành, Phi-e-rơ được bảo hãy đi câu cá để lấy đồng tiền và ông đã tìm thấy nó trong miệng của một con cá. Những bước vâng lời cụ thể sẽ dẫn đến phép lạ.

Phần thứ ba của đức tin là tin cậy Đức Chúa Trời thực hiện phần của Ngài.

Bất cứ khi nào chúng ta nói về sự tin cậy, chúng ta cũng phải biết rõ rằng Đấng mà chúng ta được kêu gọi để tin cậy nơi Ngài. Hãy thử tưởng tượng một người làm ăn buôn bán đến gặp bạn, yêu cầu bạn ký vào một hợp đồng, mà ông ta bảo "Anh không cần đọc hết văn kiện làm gì, cũng không cần biết gì về công ty cũng như các dịch vụ chúng tôi đang quảng cáo, chỉ cần tin tôi!". Liệu bạn có tin được ông ta không?

Đó là lý do vì sao lòng tin cậy và đức tin đặt nơi Lời Chúa phải được đâm rễ vững nền trong sự hiểu biết bản tánh của Đức Chúa Trời và những công việc mà Ngài đã làm. Nghiên cứu những thuộc tánh của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh - tức là đã xem xét những lời hứa của Ngài được ghi trong bản hợp đồng (thường ghi bằng chữ nhỏ, dầu rất quan trọng song dễ bị bỏ qua). Hãy đọc những câu chuyện về sự thành tín của Ngài, cả trong Kinh Thánh lẫn trong các thời hiện nay. Bạn hãy viết xuống tất cả những lần trong quá khứ khi bạn biết rõ ràng Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra cho bạn. Và rồi khi bạn đã xác quyết cách sâu nhiệm về sự đáng tin cậy hoàn toàn của Ngài, bạn sẽ có được đức tin.

Đôi khi sống bởi đức tin có nghĩa là chờ đợi, là cho Ngài cơ hội hành động. Một nông gia mô tả điều đó cho tôi như vầy: Đức Chúa Trời bảo bạn hãy đi ra leo lên một cành cây lớn. Khi đã leo lên và nghe tiếng động! Bạn quay lại và thấy ma quỷ với một chiếc cưa máy, đang cưa cành cây bạn ngồi. Đức tin dựa trên Kinh Thánh bảo hãy cứ ở trên đầu ngọn cây ấy và theo dõi satan tiếp tục cưa cho đến khi toàn bộ cả cây đổ nhào với cả hắn trong đó...và bạn vẫn ở trên đầu ngọn cây của mình! Đó là đức tin. Không phải đức tin đặt nơi thân cây, cũng không phải đức tin đặt nơi cành cây. Mà là đức tin đặt nơi Lời Đức Chúa Trời và đức tin đặt nơi Đấng đứng đằng sau Lời Ngài.

Nhiều Cơ-đốc nhân không bao giờ chứng tỏ được sự đáng tin cậy của Đức Chúa Trời trong phạm trù này của đời sống họ - họ tự lo liệu cho mình về mặt tài chánh, không bao giờ dám bước ra trong một hoàn cảnh bấp bênh! không hề dám làm một điều gì vượt khỏi bình thường. Thay vào đó, dường như họ đang hỏi các tài khoản có trong ngân hàng của họ như vầy "Ôi, tài khoản ngân hàng, cậu có cho phép tớ làm công việc này cho Đức Chúa Trời không?"

Những người lắng nghe tiếng Chúa phán sẽ tự họ khám phá ra rằng họ không thể nào hoàn thành công việc nếu không có sự giúp đỡ của Ngài. Họ sẽ bước những bước vâng lời, rồi sau đó để cho Đức Chúa Trời thực hiện phần của Ngài. Nói cách khác, đức tin dựa trên Kinh Thánh đòi hỏi bạn phải làm phần có thể làm được và giao cho Chúa phần không thể làm được. Đức tin chỉ hoạt động khi chúng ta không còn nguồn trợ giúp nào ngoài Đức Chúa Trời.


Tôi sẽ kể cho bạn câu chuyện về một thanh niên đã bước ra trong một tình huống bấp bênh đó. David Snider lúc ấy đang ở tại quần đảo British Virgin, giúp chúng tôi lo liệu những thứ còn thiếu sót cho các đội thanh niên chí nguyện trên các quần đảo khác nhau trong Kỳ Nhóm Mùa Hè của chúng tôi. Khi David đi đến St.John để mua đồ tiếp tế cho một đội, anh đã khám phá ra rằng đồ cung cấp tốn nhiều hơn khoản đã dự phòng. Anh phải trở về St.Thomas vào ngày Chúa nhật để dự các buổi nhóm, nhưng anh đã sử dụng tất cả các khoản tiền và không còn khoản riêng nào cho mình nữa. Anh cầu nguyện với đội thanh niên ở tại St.John và hết thảy đều thấy rằng anh phải lên đường ngay và trở về St. Thomas để kịp dự các buổi nhóm vào ngày Chúa nhật. Vấn đề duy nhất là làm thế nào để trả tiền tàu đây?

Đến ngày phải lên đường mà David vẫn không có tiền. Anh nhớ chuyến đi trước, tiền vé được thu vào giữa cuộc hành trình. Anh bắt đầu lên tàu, hơi ngần ngừ trước khi bước lên chiếc cầu thuyền. Anh đã thật sự lắng nghe đúng tiếng phán của Chúa chưa? Một lần nữa, một tiếng nói êm dịu bên trong anh rằng: Phải, hãy đi đi!

Anh tìm được một chỗ ngồi trên bong tàu giữa bảy mươi hành khách khác và không bao lâu sau đã bắt chuyện với những người ngồi kế bên anh - một Bác sĩ người Carib cùng với vợ ông ta. Họ lịch sự hỏi thăm anh về mục đích chuyến đi của anh giữa các quần đảo của họ, David đã giải thích một cách đơn sơ rằng anh đã ở đây với một nhóm thanh niên trẻ tuổi khác để nói về Chúa cho người dân vùng này.

Thời gian trôi đi thật nhanh chóng - quá nhanh đối với David, là người vẫn giữ được bầu không khí thoải mái tự nhiên trong lúc trò chuyện với các vị khách mới của mình. Họ sẽ nghĩ gì khi anh ta bị bắt gặp như một kẻ đi lậu vé sau khi đã chia xẻ về Chúa cho họ? Không lâu sau đó anh đã nhận ra người nhân viên trong đội hàng hải đang đến thu tiền vé. David tiếp tục cuộc trò chuyện vui vẻ, khẽ liếc xuống boong tàu để lưu ý buớc tiến của anh ta đang tiến về phía mình.

Rồi người nhân viên đã đến, đứng ngay trước mặt David. Trong khi David cho tay vào chiếc túi trống không của mình thì vị Bác sĩ bảo "Ồ không, đây, hãy để chúng tôi trả tiền tàu cho anh!"

Có lẽ bạn chưa bao giờ ở trong hoàn cảnh của David. Và một lần nữa, có lẽ bạn khám phá ra chính mình trong những tình cảnh buộc phải có sự can thiệp triệt để từ nơi Đức Chúa Trời. Làm thế nào mà bạn biết chắc được rằng Đức Chúa Trời sẽ giữ chặt bạn khi ma quỷ cưa đi cành cây của bạn? Bí quyết chính là vâng lời Chúa và có được sự hiểu biết riêng tư với Đấng mà bạn đang tin cậy.


Chúa có thể kêu gọi bạn giữ một công việc với một khoản tiền lương; nếu bạn vâng lời Ngài, điều đó có thể dẫn đến đời sống đức tin. Nếu bạn tiếp tục lắng nghe Ngài, cầu hỏi Ngài để biết cách sử dụng tiền lương của mình như thế nào và vâng lời Ngài trong mọi lãnh vực, bạn sẽ được sống bởi đức tin.

Ngài có thể dẫn dắt bạn để thực hiện các cuộc đầu tư. Nếu những đầu tư đó được thực hiện trong ý muốn của Đức Chúa Trời, vậy là bạn đang sống bởi đức tin dầu bạn kết thúc với một khoản lợi nhuận hay bị thua thiệt. Tôi được biết một nhà doanh nghiệp hiện nay vẫn thường được dẫn dắt để thực hiện các cuộc đầu tư vào Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trong thời gian vài năm. Ông đã phải thua lỗ tiền bạc trong mỗi một chuyến đầu tư mạo hiểm đó, nhưng Chúa đã giúp ông kiếm được tiền ở các cuộc kinh doanh khác hầu cho các cuộc đầu tư dũng cảm của ông vào bên trong Trung Hoa có thể dọn đường cho các Cơ-đốc nhân đi vào đất nước này để truyền giáo. Ông cũng đã kết bạn với một số các nhà lãnh đạo chính phủ, và đã làm chứng cho họ. Tôi muốn nói rằng bạn tôi là một nhà truyền giáo đầy đức tin theo đúng ý nghĩa của từ ngữ ấy.


Đức Chúa Trời có thể kêu gọi bạn đi đến một quốc gia với tư cách một nhà truyền giáo mang ý thức truyền thống nhiều hơn. Có thể Ngài dẫn dắt bạn để chia sớt gánh nặng của bạn với những người khác ngõ hầu họ được đặc ân giùm giúp cho công việc của bạn. Hoặc, Ngài có thể bảo bạn ra đi mà không có đồng xu nào trong túi, không có mối liên hệ nào trong xứ sở đó, không có nơi chốn để ở hoặc làm việc khi bạn đến đó. Hoặc cách nào đi nữa, thì bí quyết để sống bằng đức tin không phải là nằm trong một phương pháp. Mà bí quyết là phải lắng nghe, vâng lời, và tin cậy Đức Chúa Trời. Khi chúng ta vâng lời Ngài, Ngài tham gia giải quyết những điều rắc rối trong đời sống chúng ta và bởi vì tiền bạc ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của đời sống, Đức Chúa Trời sẽ bước vào lãnh vực tiền bạc của chúng ta bằng nhiều cách thú vị nếu chúng ta để Ngài bước vào. Trước nay bạn vẫn thường nghe câu nói "Đó là thứ bạn có thể cất vào nhà băng!" Đức tin đặt nơi Đức Chúa Trời và lời Ngài phán với bạn là điều chắc chắn đó - bạn có thể mang nó đến nơi cất giữ của cải theo nghĩa đen.



bottom of page