top of page

Chương 7. Đường Lối Kinh Tế Thích Hợp Của Đức Chúa Trời.

Hung Tran

Oct 24, 2023

Hai người đàn ông, rõ ràng là từ phương Tây đến.Chỉ cần nhìn quần áo trên người họ thôi cũng đủ để nói lên điều đó khi họ vội vã đi xuống một con đường đầy ổ gà...



Hai...

...người đàn ông, rõ ràng là từ phương Tây đến. Chỉ cần nhìn quần áo trên người họ thôi cũng đủ để nói lên điều đó khi họ vội vã đi xuống một con đường đầy ổ gà, thỉnh thoảng họ lại dừng bước để đối chiếu một mảnh giấy trên tay rồi so sánh nó với một vài điểm mốc ở chung quanh mình. Họ không thể hỏi bất cứ ai để tìm sự chỉ dẫn. Vào năm 1968, nếu như bạn không biết đường để tìm được chỗ bạn muốn đến ở tại Sofia, thuộc nước Bulgari thì có thể bạn đã không được phép đến đó.

Cuối cùng hai người bước vào một căn nhà, tìm được đường lên cầu thang tối om suốt đường đi đến một căn hộ ở gác xép, họ gõ cửa. Một phụ nữ tóc màu xám tro mở cửa một cách e dè, đoạn bà ra hiệu mời họ vào. Chỉ cần liếc quanh căn gác nhỏ bé là có thể thấy rõ sự nghèo nàn của bà. Một chiếc bóng đèn trần trụi không có chụp, hắt một làn ánh sáng yếu ớt lên chiếc giường, một chiếc bàn nhỏ, hai chiếc ghế và vài chiếc xô được đặt ở các "vị trí chiến lược" sẵn sàng đón các lỗ dột trên mái nhà.

Hai người thanh niên tự giới thiệu họ là Jens và Peter, hai Cơ-đốc nhân người Đan mạch, và họ thò tay vào túi lấy tiền Bulgari ấn vào tay bà.

"Đây là số tiền dùng cho nhu cầu của các thánh đồ ở tại đây", Jens giải thích "nhất là vợ của các mục sư"

"Ô, các anh em yêu dấu!", bà ta kêu lên, nắm chặt những tờ giấy bạc trong đôi tay xương xẩu vì lao động "Thật Chúa đã đáp lời cầu nguyện, nhất là cho các đứa trẻ!". Jens không thể ngăn gì được nhưng anh hơi e ngại trước sự cảm kích của bà. Anh nhìn qua vai bà. Liệu căn phòng này có bị nghe trộm không? Anh biết điều họ đang làm là bất hợp pháp...Nhưng họ cũng biết rõ ràng có nhiều Mục sư trong đất nước này đang bị cầm tù, và gia đình của họ không có phương tiện gì để sinh sống. Những Cơ Đốc nhân khác bị buộc phải làm những công việc hèn mọn nhất của một tôi tớ, vì họ đã đứng về phía Đấng Christ. Phần lớn những người tin Chúa đều có một gia đình đông đúc. Vì vậy, những người ngoại quốc đã mang tiền đến để họ có thể mua thức ăn, áo quần và thuê nhà. Người phụ nữ nầy được tin cậy để chuyển số tiền ấy đến những nơi có nhu cầu.

Khi Jens và Peter định ra về thì người phụ nữ Bulgari nầy phản đối "Không, các anh chưa được đi đâu! Đừng ra về khi chưa nhận sự tiếp đãi của tôi". Hai người Đan-mạch nhìn quanh. Họ nhận gì từ vị thánh đồ rõ ràng là thiếu thốn này? "Không, thật mà, chúng tôi vừa dùng bữa rồi. Chúng tôi phải tiếp tục lên đường thôi".

Dầu vậy, bà ta cứ nhất định mời họ ngồi vào ghế một cách hãnh diện. Bà ta thận trọng đặt những chiếc ly trơn lớn trước mặt họ. Đoạn, bà mang ra từ trong chiếc tủ chén nhỏ một tặng phẩm hết sức quý báu của lòng mến khách...một lọ mứt trái cây để dành. Bà rót nước lạnh vào các chiếc cốc, rồi đưa cho các vị khách những chiếc muỗng nhỏ để dùng lọ mứt quí báu ấy. Đó là tất cả: Nước lạnh và những muỗng mứt nhỏ.


Làm thế nào bạn đo được sự rộng rãi ấy? Bạn không thể chỉ dùng đôla hoặc đồng xu mà đo lường điều ấy được. Sự rộng rãi luôn luôn được đặt cơ sở trên sự tương xứng của tặng phẩm với điều mà người cho sở hữu. Người phụ nữ này giống như người đờn bà góa trong thời Chúa Jesus đã bỏ hai đồng xu vào rương tiền, là một con người hào phóng phi thường!

Hàng năm, Hoa-kỳ cho đi một số lượng bằng với hai phần trăm tổng sản lượng quốc gia tức là 90 tỉ Mỹ kim trong năm qua (1). Một trong những quốc gia giàu nhất thế giới nên ban phát để giúp cho những nhu cầu của nhân loại. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là những người Hoa-kỳ nào đã dâng góp. Theo một cuộc thăm dò của thủ đô Washington, D.C đặt cơ sở trên Khu Vực Tư Nhân, năm 1988, tỉ lệ phần trăm cao nhất của những người dâng tặng là giữa vòng những người có mức thu nhập chưa đến 10.000 Mỹ kim một năm (2). Cục Điều Tra Dân Số đã khám phá một điều tương tự: những gia đình có mức thu nhập dưới 15.000 một năm, dâng tặng gấp hai lần nhiều hơn các gia đình có mức thu nhập trên 100.000 Mỹ kim mỗi năm 3, tính theo tỉ lệ phần trăm. Mặc dầu Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn có những người giàu rộng rãi, nhưng số những góa phụ dâng hiến những số tiền khiêm tốn với tấm lòng rộng rãi của họ vẫn vượt trội hơn con số kia.


Sự Dâng Hiến Bởi Đức Tin


Điều đó cũng giống như trong thời Phao-lô. Ông đã đưa các hội thánh thuộc xứ Ma-xê-đoan ra làm gương, “họ là những người đang lúc chịu hoạn nạn thử thách và trãi qua cơn rất nghèo khó, đã trãi rộng sự dư dật của lòng rộng rãi mình” (IICo 2Cr 8:1-5). Những người này đã ban cho vượt quá khả năng của họ, họ tự nguyện nài xin Phao-lô cho họ có cơ hội dự phần trong việc giúp đỡ các thánh đồ trong các xứ khác. Những câu Kinh Thánh nầy trong IICô-rinh-tô 8 cho chúng ta thấy được một số khía cạnh của sự rộng rãi theo Kinh Thánh...

. Không bao giờ là điều bị bắt buộc theo luật pháp, mà hoàn toàn do tự nguyện. Chúng ta vẫn có quyền sở hữu cá nhân, song ban cho nhưng không điều chúng ta muốn chia xẻ (trong câu 3 và Cong Cv 2:43-47)

. Đó là một sự ban cho hậu hĩ, chứ không phải chỉ là điều gì đó không thể thiếu được (câu 2,3)

. Mặc dầu điều đó vượt quá sức chúng ta và phải trả giá, nếu như chúng ta ban cho là bởi vì Chúa bảo chúng ta hãy làm, thì có một sự vui mừng lớn trong việc ban cho đó, thậm chí là điều vô cùng vui sướng (câu 4, và trong IICo 2Cr 9:7)

. Điều đó đến trước hết bởi lòng yêu kính Chúa và sau đó vì lòng yêu người (câu 5)


Loại ban cho bởi đức tin nầy sẽ luôn luôn được Đức Chúa Trời ban thưởng. Điều đó đến bởi một tấm lòng rộng rãi là một thái độ vươn rộng đến các lãnh vực khác hơn là tiền bạc. Nếu chúng ta có tấm lòng rộng rãi, chúng ta sẽ rộng rãi với thì giờ của mình, rộng rãi với sự tha thứ, rộng rãi với sự giảng dạy, rộng rãi với ảnh hưởng của chúng ta, rộng rãi với đồng bào của mình, rộng rãi với bất cứ nguồn tiếp trợ nào mà Chúa ban cho chúng ta.


Chương Trình Của Đức Chúa Trời Dành Cho Sự Cung Ứng.


Như chúng ta đã thấy trong chương trước rằng dâng hiến là một hình thức của sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Nhưng Chúa đã hoạch định một số đáp số thích hợp từ sự rộng rãi của chúng ta, bao gồm sự cung ứng cho những người thuộc các phạm trù đặc biệt.

Kinh Thánh bày tỏ những phương cách để qua đó sự cung ứng được thực hiện cho con người. Mỗi chúng ta rơi vào một trong những phạm trù này: 4

. Những Người Cột Trụ Gia Đình

. Những Người Nghèo Nàn và Thiếu Thốn

. Những Người Được Sai Đi

. Những Người Được Nuôi Bởi Ma-na


Những Người Cột Trụ Của Gia Đình.


Đức Chúa Trời phán với Ađam rằng ông phải làm đổ mồ hôi trán để có bánh ăn. Đó là mạng lệnh đầu tiên được ban phát sau khi loài người sa ngã. Thành phần cột trụ gia đình nằm trong số đông dân chúng, họ là những người lao động để đem lại hàng hóa hoặc các dịch vụ. Hầu hết các mục sư và giáo sĩ đều thuộc vào tầng lớp nầy, bởi vì họ cung ứng một sự phục vụ mà qua đó họ nhận tiền công. Nguyên tắc này dành cho những người hầu việc Chúa trọn thì giờ, xứng đáng được hưởng tiền lương, đã được chính Chúa Jesus tán đồng (LuLc 10:7) cũng như Phao-lô (ICo1Cr 9:7-14 và ITi1Tm 5:17-18)


Một nhà truyền đạo trẻ tuổi mới đây nói rằng mục tiêu của anh là phải sử dụng những cuộc đầu tư khôn ngoan để anh sẽ được hầu việc Chúa tự do trong vòng một vài năm. Thoạt đầu điều đó nghe như có vẻ hợp lý. Anh ta sẽ được tự do chăn bầy ở những nơi mà tín hữu không cấp dưỡng cho anh nổi. Anh có thể chọn bất cứ chức vụ hầu việc nào mà mình muốn mà không phải lo lắng về việc phải nhận sự giúp đỡ từ nơi bất cứ ai. Tôi không thắc mắc về những động cơ đã thúc đẩy vị truyền đạo trẻ tuổi này, nhưng tôi thật sự thắc mắc về sự khôn ngoan của kế hoạch đó. Đó thật sự là điều lẫn tránh khuôn mẫu đã có của Thánh Kinh đối với việc con cái Chúa phải dâng hiến cho những người thi hành chức vụ trên họ.


Những Người Nghèo Nàn và Thiếu Thốn.


Nhu cầu của những người nghèo phải được cung ứng bởi sự rộng rãi của chúng ta. Thay vì đánh thuế người dân và phân phối lại của cải bằng những đường lối khách quan của chính phủ. Kinh Thánh ủng hộ quyền hạn của chúng ta đối với quyền sở hữu cá nhân song cũng nhắc nhở chúng ta hãy ban phát rộng rãi cho những người nghèo thiếu.

Kinh Thánh nói chúng ta luôn có những người nghèo thiếu giữa vòng chúng ta. Vì nhiều lý do khác nhau, một số họ nghèo chỉ vì họ là những nạn nhân vô tội, một số khác nghèo khổ vì những quyết định sai lầm. Song dẫu vì bất cứ lý do gì, chúng ta cũng không được cứng lòng (PhuDnl 15:7, 11; IGi1Ga 3:17), viện cớ, hoặc bảo họ đi với hai tay không (Gia Gc 2:16). Chúa Jesus không bảo chúng ta chỉ ban cho những kẻ nghèo khổ xứng đáng. Ngài không bảo "Hãy ban cho kẻ nào xin ngươi... trừ khi kẻ ấy không phải là kẻ chuyên lừa đảo hoặc đã từng thiếu khôn ngoan trong việc quản lý tiền bạc của mình". Không, Ngài bảo "Hãy cho người". Ban cho là một hành động do lòng thương xót, và lòng thương xót không bao giờ đòi hỏi sự xứng đáng.

Nếu anh em ở gần ngươi trở nên nghèo khổ, tài sản người lần lần tiêu mòn, thì hãy cứu giúp người, mặc dầu là kẻ khách kiều ngụ, hầu cho người cứ ở cùng ngươi (LeLv 25:35)

Khi tôi còn là một cậu bé ở tại El Centro, thuộc tiểu bang California, gia đình tôi sống gần công viên của thành phố, ở bên kia đường. Giai đoạn ấy thật khó khăn và thường có hàng trăm người vô gia cư ngủ lại tại công viên đó. Họ thường đến nơi cửa sau nhà chúng tôi, đứng với chiếc nón trên tay và hỏi xin chúng tôi có gì cho họ ăn không, với thái độ rất kính cẩn. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ tôi từ chối một ai. Chính chúng tôi cũng chỉ có những bữa ăn giới hạn và đạm bạc, chỉ tạm đủ nhờ vào tiền phần mười và tiền dâng hàng tuần của tín đồ trong hội thánh. Nhưng mẹ tôi luôn cho họ thức ăn và có khi còn cho một người mượn một chiếc mền bông để đắp khi ông ta phải ngủ ngoài công viên.

Có nhiều cách để giúp người khác, và có một số cách để lại một ảnh hưởng lâu bền hơn. Kinh Thánh phân biệt kẻ lười nhác với những người nghèo thiếu do bị đối xử bất công. Chúng ta được dạy rằng “Nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa” (IITe 2Tx 3:10). Vì vậy, chúng ta phải tìm cách giúp cho những người nghèo có thể tự kiếm sống được. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta không được cứng lòng cũng không được biện hộ cho việc trốn tránh trách nhiệm cứu giúp họ bằng cách thực hiện một điều nào đó.

Chúa có rất nhiều lời hứa trong Kinh Thánh dành cho những ai ban phát cho kẻ nghèo. Dưới đây chỉ là một vài câu điển hình

. “Ai thương xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay mượn.” (ChCn 19:17)

. Có người rãi của mình ra, lại càng thêm nhiều lên (11:24)

. Người nào có mắt từ thiện sẽ được phước (22:9)

. Người sẽ nên tôn trọng (EsIs 58:10)

. Người sẽ được thịnh vượng (ChCn 11:25)

. Mọi nhu cầu của người sẽ được chu cấp (Thi Tv 4:19)

. Cha người sẽ thưởng lại cho người (Mat Mt 6:4)

. Bạn sẽ được giải cứu trong ngày tai họa (Thi Tv 41:1)

. Các vựa lẫm của bạn sẽ đầy dư dật (ChCn 3:10)

. Bạn sẽ chẳng thiếu thốn gì (28:27)

. Bạn sẽ có của cải trên thiên đàng (Mat Mt 19:21)

. Bạn sẽ biết rõ Đức Chúa Trời (Gie Gr 22:16)

. Con người và đất đai mà Chúa sẽ ban cho bạn đều sẽ được phước (LeLv 26:5)


Chúa Jesus cũng đã từng phán rằng khi chúng ta ứng hầu trước mặt Ngài trong ngày đoán xét, cách đối đãi của chúng ta đối với kẻ nghèo sẽ là một trong những tiêu chuẩn mà qua đó chúng ta bị xét đoán (Mat Mt 25:31-36)


Những Người Được Sai Đi.


Một lớp người khác nữa mà tôi gọi là "những người được sai đi" thay cho từ "Các nhà truyền giáo" bởi vì chúng ta rất thường hay diễn giải hẹp hòi "Các nhà truyền giáo" như là những người đội mũ bấc, giảng dạy dưới những tán cây cho những người bản xứ sống trong những vùng rừng rậm xa xôi. Nguồn gốc ban đầu của chữ "nhà truyền giáo" có nghĩa là "một người được sai đi"

Những người nầy được một tập thể sai họ đi cách vô kỷ, để làm một công tác nào đó cho một tập thể khác. Có thể là một người được sai đi để đến với khu ổ chuột thuộc Detroit. Hoặc có thể đó là một người được cử đi để xây dựng một ngân hàng dữ liệu vi tính ở tại Thụy-sĩ để theo vết tiến triển của thế giới về việc hoàn thành Đại Mạng lệnh. Hoặc một người được sai đi để có thể mang tin lành đến một bộ tộc chưa ai đến được ở những đoạn kênh xa xôi nhất thuộc sông Amazôn.


Những ai ban phát rộng rãi cho những người được sai đi, bản thân họ không nhận được lợi nhuận cho chính mình. Họ ban cho là bởi vì lòng họ yêu kính Chúa và vì họ hiểu rằng rất hiếm khi người ta trông đợi nơi những người hư mất việc trả công cho người nào mang Tin Lành đến cho họ. RoRm 10:14-15 chép rằng: “Nếu chẳng ai rao giảng thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thế nào? Đức Chúa Trời đã định cho sự rộng rãi của chúng ta là để giúp đỡ cho những người được sai phái ra đi mang theo Tin lành.” (IIIGi 3Ga 6:8)


Những Người Được Nuôi Bằng Mana.


Có một số người, vì những mục đích đặc biệt hoặc sự kêu gọi đặc biệt của Đức Chúa Trời, được Đức Chúa Trời trực tiếp cấp dưỡng. Giống như dân Y-sơ-ra-ên nhận Ma-na trong đồng vắng hoặc như tiên tri Ê-li được nuôi bằng những con chim quạ, loại chu cấp trực tiếp từ Đức Chúa Trời như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, trong những hoàn cảnh rất đặc biệt, hoặc vì một sự bày tỏ gây ấn tượng mạnh về quyền năng của Ngài.

Chúng tôi đã từng thấy những trường hợp như vậy xảy ra trong tổ chức Thanh Niên với Một Sứ Mạng. Trong lúc 175 nhân sự của chúng tôi đang ở tại Hy-lạp, chuẩn bị cho chiếc tàu thương xót m/v Anastasis nhổ neo, họ đã chứng kiến một sự cung ứng trực tiếp, giống như việc bánh ma-na. Một buổi sáng, trong một khoảng thời gian tương đối gian khổ, 8.301 chú cá đã nhảy lên bãi biển ngay phía trước chỗ họ tạm nghỉ lại. Họ cẩn thận ướp chúng và đã sử dụng sự cung ứng đó trong nhiều tháng để bổ sung cho các bữa ăn thiếu thốn của họ. Không ai giải thích được vì sao đàn cá lại nhảy lên khỏi nước. Những người dân Hy-lạp địa phương, thậm chí những người hàng xóm cao tuổi nhất, cũng chưa bao giờ thấy một sự kiện như vậy đã xảy ra. Và cá chỉ nhảy lên ngay trước nơi mà các thành viên của Hội Thanh Niên Sứ Mạng đang ngụ mà thôi. Điều đó dường như là một sự cung ứng bằng ma-na.


Một chuyện lạ lùng đã xảy đến cho Reona Peterson, thiếu nữ trong chuyến đi đến Anbani mà tôi đã chia xẻ cho quý vị ở chương đầu tiên.

Trong một hành trình truyền giáo khác, Reona và một người bạn gái của cô là Celia đang ở tại Edinburgh, họ phải rời nơi đó ngày hôm sau trên một chuyến phà để đến quần đảo Hebrides, họ không đủ tiền và không biết phải làm thế nào. Reona và Celia cầu nguyện xin Chúa tiếp trợ. Nhưng Ngài sẽ làm cách nào đây, chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, trong một thành phố mà không ai quen biết họ?

Họ đi bộ xuống phố Princess, giữa đám đông những người khách đi bộ trên đường phố ban ngày, và dừng lại ở một ngã tư đường để đợi đèn đổi. Ngay khi Reona bước khỏi lề đường, cô chợt nhìn xuống chân, "Xem nầy, Celia!", Cô kêu lên "Kìa, trên chiếc giày của tôi đấy! Làm sao mà nó lại nằm ở đây?". Cô cuối xuống và gỡ đồng tiền một bảng Anh mắc kẹt trong chiếc khóa trang trí ở trên chiếc giày của cô. Thế rồi cô lại trông thấy một đồng pao khác nằm ngay dưới gót giày của cô. Họ nhìn tới phía trước rồi quay ra phía sau...chẳng một ai trong đám đông ngoái lại. Hơn nữa, nếu có ai đã đánh rơi tiền, thì làm sao một trong hai tờ bạc ấy lại mắc trong chiếc khóa trước mũi giầy? Ngày hôm ấy trời lại không hề có gió để mà thổi tờ bạc để bằng cách nào đó nó mắc vào chiếc giày của cô. Thật đúng số tiền mà họ cần để trả tiền vé cùng với một số những điều có cần khác khi đến Hebrides. Hai thiếu nữ biết chắc chắn rằng Chúa đã đặt tờ bạc trên và dưới giầy của Reona.


Vì sao chuyện này rất hiếm khi thấy? Làm sao lại có những câu chuyện quá hi hữu như vậy? Thậm chí lại còn khó tin nữa? Rốt lại, Đức Chúa Trời đã nuôi hàng triệu người trong dân sự của Ngài một cách diệu kỳ trong đồng vắng suốt bốn mươi năm khiến cho thức ăn phải "hiện ra" trên mặt đất. Ngài cũng đã để đồng bạc ở trong miệng cá để Phi-e-rơ tìm được. Vậy, tại sao Ngài không làm những phép lạ ấy thường xuyên hơn?

Có nhiều lý do vì sao những sự kiện "mana" xuất hiện nầy hiếm khi xảy ra. Thường thường, Chúa dùng con người để đáp ứng các nhu cầu của người khác. Một lý do, đó là vì Ngài muốn thực hiện nhiều hơn việc chỉ đáp ứng các nhu cầu thuộc thể. Ngài muốn đem chúng ta lại với nhau trong sự hợp nhất qua việc ban cho. Chúng ta sẽ hiểu chi tiết điều nầy hơn trong chương kế tiếp.

Một lý do khác khiến Đức Chúa Trời thường sử dụng con người đó là vì Ngài muốn bày tỏ cho chúng ta một chân lý: Ban cho có phước hơn là nhận lãnh. Ngài muốn chúng ta học biết các phước hạnh của lòng rộng rãi. Để rồi chúng ta sẽ trở nên giống như Ngài. Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng (IICo 2Cr 9:7) bởi vì Ngài cũng có một tấm lòng ban cho như vậy. Lòng rộng rãi thật thì ban cho cách nhưng không, không có những sợi dây trói buộc, không bởi những động cơ vị kỷ, và không có tham vọng kiểm soát. Kẻ thí của cách vui lòng chỉ ban cho và để Đức Chúa Trời đổ đầy lại chén của mình, khiến mình lại có thể ban cho.

Bà Corrie ten Boorn vẫn thường dạy dỗ ở tại các trường học của hội Thanh Niên Sứ Mạng chúng tôi trước khi bà qua đời vào năm 1983. Tôi sẽ không bao giờ quên sự giải bày mộc mạc của bà về cách Đức Chúa Trời ban thưởng cho lòng rộng rãi như thế nào. Bà đứng trước lớp huấn luyện các nhà truyền giáo trẻ tuổi và để hai cái chai trước mặt họ, chai nào cũng đổ đầy cát. Một chai có miệng hẹp và chai kia miệng rộng. Bà cầm cái chai miệng rộng lên và đổ cát trong chai ra..., cát nhanh chóng đổ hết ra bàn, còn lại cái chai không. Sau đó bà bắt đầu dốc cát ra từ cái chai miệng hẹp, cát từ từ rỉ ra phải mất một hồi lâu mới trống chai.

"Các em thấy không", bà nói trong lúc đợi dòng cát mỏng manh chảy xuống "chiếc chai này giống như một số Cơ-đốc nhân". Họ dâng hiến cho Chúa, song không mau mắn và không rộng rãi lắm. Nhưng bây giờ các em hãy xem điều gì xảy ra". Bà đã làm xong và đã bắt đầu đảo ngược tiến trình, cho cát vào trở lại mỗi chai. Cái chai miệng rộng rất mau đầy và tràn đến miệng. Song với cái chai miệng hẹp, bà phải mất một hồi lâu và khó nhọc để làm đầy lại. Nó ban cho một cách khó khăn và rồi nó cũng nhận lại sự khó khăn như vậy.


Bạn giống loại chai nào?


Ghi chú: Chương 7

1. Quyển Thế Kỷ Cơ-Đốc. The Christian Century, ngày 14 tháng 12 năm 1988, trang 1140-1141

2. Cũng trong tác phẩm trên

3. National Review (mục điểm lại, phê bình các sự kiện trong nước, 10/3/1989 trang 44

4. Tôi mang ơn người bạn của tôi, Rod Gerhart, vì đã nêu ra bốn lớp người nầy, và tôi đã áp dụng vào đây.



bottom of page