top of page
Hung Tran
Oct 22, 2023
Đã từ lâu trong lịch sử Giáo hội Cơ-đốc, một ý tưởng đã ăn sâu gây ra sự tai hại lớn. Đó là như vầy...
Đã...
...từ lâu trong lịch sử Giáo hội Cơ-đốc, một ý tưởng đã ăn sâu gây ra sự tai hại lớn. Đó là như vầy. Có một tầng lớp thế tục và một tầng lớp được biệt ra thánh. Một số người thuộc hàng giáo phẩm và giữ chức vụ trọn thì giờ. Đó là giới Thánh. Số người kia sống và làm việc trong "thế giới thực tế". Họ có những công việc thế tục. Nhưng họ có thể dự phần vào công việc Chúa bằng cách hậu thuẫn cho những người giữ chức vụ hầu việc trọn thì giờ.
Có thể bạn không hề nghĩ đến việc điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc thế nào đến quan điểm của bạn trong công việc hàng ngày. Cũng như nhiều Cơ-đốc nhân khác, có lẽ bạn xem công việc của mình, may lắm là trung tính trong giới hạn thuộc linh. Hoặc tệ lắm thì đó cũng là một công việc khá bẩn thiểu, song công việc nào thì dầu sao bạn cũng phải làm. Bạn đến nhà thờ vào ngày Chúa nhật, hoặc có thể vào giữa tuần để có được một bữa tắm táp thuộc linh trước khi lại lao vào bãi bùn của chợ đời.
Những câu chuyện về sự đắc thắng lớn lao trong lãnh vực thuộc linh và các phép lạ, cũng như sự cung ứng về mặt tài chánh vẫn thường xảy ra, song luôn luôn là ở một khía cạnh khác (trên lãnh vực truyền giáo) hoặc với những người trong các chức vụ hầu việc trọn thì giờ. Hoặc có thể những điều đó chỉ xảy ra cho ai đó trong công việc thế tục nếu người ấy dành thì giờ để làm công việc gì đó thánh khiết, như làm chung với một người bạn cùng làm việc. Rồi sau đó người ấy đóng cái ngăn thánh ấy lại và bước trở lại vào chốn thế tục, nơi mà những việc thuộc linh không hề xảy ra.
Đó có phải là một thực tế không? Tôi không tin như vậy. Các phép lạ có thể xảy ra ngay trong lãnh vực truyền giáo thuộc công việc thường xuyên của bạn. Đức Chúa Trời đang nóng lòng muốn dự phần vào và giúp bạn trong việc thực hiện công việc của bạn. Nhưng trước hết bạn cần phải thấy quan điểm của Ngài đối với công việc của bạn.
Nếu bạn yêu mến Chúa Jesus và đang hầu việc Ngài trong chỗ Ngài kêu gọi bạn và theo cách mà Ngài muốn, bạn có thể sống bởi đức tin và thấy được những chiến thắng thuộc linh trong một phân xưởng, trong văn phòng luật sư, hoặc trong một cửa hàng. Như tôi đã đề cập trong một chương trước, chữ "Nhà Truyền Giáo" chỉ có nghĩa là "người được sai đi" và Chúa Jesus đã nói với tất cả những người theo Ngài rằng “Như Cha đã sai Ta thể nào, Ta cũng sai các ngươi thể ấy.” (GiGa 20:21)
Câu hỏi duy nhất còn lại là câu hỏi về nơi chốn và loại công việc. Bạn đã bắt đầu chức nghiệp hay công việc mà bạn đang làm như thế nào. Bạn đã có cầu hỏi Chúa bày tỏ khải tượng của Ngài cho đời sống bạn không? Hay là cũng như nhiều Cơ-đốc nhân, bạn có quyết định rằng bởi vì bạn đã không được kêu gọi vào sự hầu việc trọn thì giờ, cho nên đây là quyết định mà chính bạn đã chọn lấy?
Nhiều người buông mình vào các công việc làm ăn để rồi tự mình khám phá những năm bất hạnh sau đó và chẳng bao giờ được thỏa lòng. Thay vì công việc của họ được hoàn thành và vui mừng như Chúa định cho họ (PhuDnl 12:18), nó chỉ là một cái gì đó để cho có bánh ăn.
Đức Chúa Trời có một sự kêu gọi cho mỗi một Cơ-đốc nhân. Hết thảy chúng ta đều phải làm mọi sự vì vinh hiển của Đức Chúa Trời. Ngài không chia sự kêu gọi ra làm hai loại, thánh và phàm. Mà chính chúng ta đã phân biệt ra như vậy. Ngài có một công việc cần phải làm, và Ngài muốn hết thảy chúng ta đều dự phần. Công việc của Ngài là mở rộng quyền cai trị của Chúa Cứu Thế Jesus trong mọi bộ phận xã hội và để đem tin lành của Ngài đến với mọi người trên hành tinh này. Là Chủ của Mùa Gặt, Ngài sẽ cho chúng ta biết chúng ta phải hoạt động ở phần cánh đồng nào.
Hãy Biết Rõ Sự Kêu Gọi Của Bạn.
Bạn có một sự kêu gọi chưa? Một ý thức về vận mệnh? Một ý thức khái quát về sứ mạng dành cho đời sống của bạn? Nếu chưa, bạn có thể tìm biết nó. Dĩ nhiên, điều đó đòi hỏi bạn phải từ bỏ những quyền lợi của tình trạng hiện nay của bạn. Có thể Đức Chúa Trời muốn cảm động bạn và gia đình bạn đi nửa vòng trái đất. Có thể Ngài muốn bạn làm một điều gì đó khác với việc bạn hiện đang làm. Hoặc trái lại, Ngài muốn bạn ở nguyên vị trí của mình. Cách duy nhất để được Chủ Mùa Gặt dẫn dắt là phải giao nộp sự quyết định cho Ngài.
Một khi bạn biết mình đã ở đúng vị trí - vị trí mà Đức Chúa Trời chọn - để làm điều Ngài kêu gọi bạn làm, thì bạn hãy hành động như một nhà truyền giáo hành động trong chỗ đó.
Người được sai đi (hoặc nhà truyền giáo), hành động như thế nào? Nếu muốn được hữu hiệu, người ấy sẽ tìm kiếm Chúa trong những điều cụ thể để biết cách thực hiện công tác của mình. Người ấy cầu nguyện và lắng nghe những sự thúc giục của Chúa ở bên trong tấm lòng mình và hành động theo đó. Khi công việc có vẻ bất khả thi, mặc dầu người ấy đã làm điều Chúa bảo mình làm thì người ấy có thể tin cậy Chúa sẽ thực hiện điều người ấy không làm được. Điều đó trở lại sự định nghĩa của chúng ta trong chương hai. Đức tin là nghe được tiếng Chúa, biến điều đó thành hành động và tin cậy Ngài trong bất cứ điều gì bạn không thể làm. Loại đức tin đó vẫn hoạt động hoặc bạn đang làm việc trong một dây chuyền lắp ráp ở một phân xưởng hay đang giảng tin lành cho một bộ lạc chưa được nghe về Chúa ở tận vùng Amazon.
Có nhiều Cơ-đốc nhân không chịu làm bất cứ công việc gì mà họ cho là không thuộc linh, như dạy một bài học Trường Chúa Nhật mà không cầu nguyện. Song cũng chính những con người đó lại không cân nhắc việc cầu nguyện trong một công việc thế tục nào đó - như việc cầu hỏi ý Chúa về các mục tiêu của việc tiếp thị cần phải đặt ra là gì, cách xử sự trong các mối quan hệ với những bạn bè đồng nghiệp, cách để làm cho một hệ thống làm việc nào đó tốt hơn, hoặc làm thế nào để giải quyết một vấn đề của máy vi tính.
Hai nhà khoa học, Rob Gerhart và Tiến sĩ Wil Turner, cũng đang làm việc để triển khai một thiết bị điều khiển vi tính mới như là một đề án dành cho trường đại học của hội YWAM của các quốc gia (U of N). Khi đã bước vào công việc, họ chạm trán với một nan đề trong hệ thống vi tính làm họ phải bị kẹt cứng trong vài ngày. Bao nhiêu giúp đỡ qua điện thoại của hãng sản xuất hoặc các thử nghiệm có phương pháp về phần họ đều không tìm ra vấn đề. Nó vẫn không hoạt động theo cách đáng phải có.
Bởi vì đang phải đối diện với thời điểm cuối cùng khẩn cấp, nên họ bắt đầu làm việc vào ban đêm...nhiều khi đến tảng sáng. Một buổi tối nọ, họ tạm dừng để nghỉ ngơi đôi chút. Lúc đó vào khoảng hai giờ sáng và hai người bước ra ngoài trời đêm ấm áp ở xứ Hawaii, vươn vai và thả lỏng các bắp thịt.
Rod ngước nhìn vòm trời sao sáng rực được viền khung bởi những cây cọ lay động nhè nhẹ. Ôi, lạy Chúa, Ngài biết rõ câu giải đáp của vấn đề này. Xin Ngài hãy giúp chúng con, anh cầu nguyện thầm. Ngay lúc ấy nguyên nhân...và cách giải quyết hiện ra trong đầu Rod. Anh la lên cho Wil "Tôi biết vấn đề nằm ở đâu rồi! lại đây!". Hai người thanh niên chạy thẳng về phòng thí nghiệm và bắt đầu làm việc theo ý tưởng Rod vừa thấy. Lập tức chương trình hiện lên và bắt đầu chạy. Sau một lúc, tuy mệt mỏi nhưng rất phấn khởi, hai nhà khoa học khóa cửa phòng và đi thẳng về nhà nghỉ ngơi.
Rod thừa nhận rằng những người hoài nghi có thể bảo ý tưởng cuối cùng đã đến với anh ta, cũng như nó đã đến với một nhà khoa học vô thần đang vật lộn với một vấn đề nan giải. Có thể Robert Schuller đã đúng khi ông nói rằng mọi ý tưởng sáng tạo đều đến từ Đức Chúa Trời, bất chấp đức tin của người nhận những ý tưởng đó. Nhưng Rod và Wil thì biết chắc rằng buổi tối hôm đó Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ câu trả lời.
Không phải mọi lời cầu xin của chúng ta đều được hướng vào Đức Chúa Trời. Đôi khi kẻ thù của linh hồn chúng ta là Satan cũng có liên hệ vào. Nhiều khi chúng ta cần phải gọi đích danh hắn trong trận chiến thuộc linh, ra lệnh cho hắn chấm dứt bất cứ hành động gì mà hắn đang khuấy động. Có thể là một sự khó khăn ở nơi làm việc hoặc với một người đồng công không phải chỉ là một việc tự nhiên từ lúc đầu.
Chúng ta không nên tìm kiếm sự hoạt động có tính cách ma quỷ trong mọi việc, nhưng chúng ta phải nhận biết rằng ma quỷ có thể đang hoạt động. Chúng ta có thể xử lý hắn cách đơn giản và nhanh chóng bằng cách sử dụng uy quyền mà Chúa Jesus đã ban cho chúng ta trên hắn (Gia Gc 4:7; IPhi 1Pr 5:8-9). Nếu chúng ta đã đầu phục Chúa và đang làm điều Ngài kêu gọi chúng ta làm, thì Ngài có trách nhiệm đối với sự thành công của chúng ta.
Tinh thần ưa thích về các công việc làm ăn có tính cách mạo hiểm có nhiều và rất mạnh mẽ ở trong con trai tôi là David, mặc dầu nó còn học cao đẳng. Trong tuổi thiếu niên, David đã khởi sự hai công việc kinh doanh nhỏ: đó là việc lên chi tiết xe ô tô tự chế tạo và "Những Sản Phẩm Video của David và David", David là người chung phần với một sinh viên làm phim khác tên là David Tokios.
Khi họ bắt đầu làm việc với nhau, hai cậu David nầy cam kết để cầu nguyện với nhau trước bất cứ một cuộc quay hoặc việc sắp xếp số liệu trên máy tính nào. Họ dâng công việc của mình cho Chúa và từ chối bất cứ hoạt động nào của kẻ thù. Và mỗi ngày, công việc của họ diễn tiến cách êm đẹp. Trừ một ngày.
Hôm đó trong lúc bề bộn công việc để sản xuất một bộ phim, họ đã quên cầu nguyện. Họ vội vàng quá đến nỗi lao thẳng vào công việc. Đó là ngày mà mọi thứ đều trục trặc, mọi thứ đều có thể trục trặc với một hệ thống biên tập đã sai trật. Nan đề càng nảy sinh, thì họ càng trở nên buồn bực, đầu tiên là với các thiết bị, rồi sau đó là với nhau. Thình lình họ nhận ra cái gì đã sai trật. Họ dừng lại và cầu nguyện, tạm nghỉ chốc lát, rồi trở lại làm việc, khó khăn được giải quyết êm thắm, và họ đã có thể hoàn tất đề án cách thành công.
Đức Chúa Trời có thật sự quan tâm không nếu như một đề án video thành công? Kẻ thù có quan tâm không. Cả hai bên đều có liên quan nếu chúng ta dâng công việc cho Đức Chúa Trời. Khi ấy công việc sẽ trở thành của Ngài và Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc công việc của Ngài. Và bởi vì kẻ thù hoạt động chống lại Đức Chúa Trời và dân sự Ngài, nên nó cũng ở chỗ làm việc, tìm cách phá hoại.
Về sau, David con trai tôi cảm biết cậu phải dành thì giờ của công việc kinh doanh nầy và ở trường cao đẳng để phục vụ hai trường học thuộc Đại học liên Quốc gia của YWAM - Một Trường Nghiên Cứu Kinh Thánh ở tại Honolulu và một Trường Huấn Luyện Lãnh Đạo ở tại Chile. Điều đó có vẻ không khôn ngoan lắm trong công việc kinh doanh, bởi vì David và hãng sản xuất Video của David vừa mới rút một khoản vay lớn. Nhưng họ đã vâng lời Chúa và tin cậy Ngài trong sáu tháng gián đoạn. David Tokios phải quản lý khối lượng công việc gấp đôi, và trong suốt sáu tháng đó, Đức Chúa Trời đã ban phước cho công việc kinh doanh gấp mười lần.
Cam Kết Chính Mình Với Sự Tuyệt Hảo.
Nếu điều thứ nhất mà những nhà kinh doanh Cơ-đốc phải biết đó là họ là những nhà truyền giáo và họ cần có một sự kêu gọi, thì điều thứ hai phải nhận ra đó là Đức Thánh Linh được đưa vào trong sự kêu gọi đó để công việc của họ được vượt trội.
Một người bạn của tôi, David Aikman, là phóng viên lâu năm của tạp chí Time. Ông đứng đầu tòa soạn của tạp chí Time ở Beijing, Bá linh và Giê-ru-sa-lem. Chính David là người tin rằng một bước ngoặc đã đến với những Cơ-đốc nhân ở tại Hoa kỳ sau cái gọi là Cuộc Thử Nghiệm Loài Khỉ của Scopes vào năm 1925.
Có lẽ bạn đã đọc về cuộc thử nghiệm mang tính lịch sử nầy giữa tiểu bang Tennessee, là tiểu bang đã ban hành một điều luật cấm việc giảng dạy thuyết tiến hóa vô thần ở tại các trường học của tiểu bang và Jerome Scopes, một giáo sư đã chống lại luật cấm đó bằng cách cứ giảng dạy thuyết tiến hóa.
Các Cơ-đốc nhân đều hết sức quan tâm đến cuộc xét xử nầy và ngồi chật phòng xử mỗi ngày. Bất hạnh thay, trong cuộc chiến pháp lý nóng bỏng và sự sôi nổi của những người giả chuồng chiên gây rối, những lời phát biểu của các Cơ-đốc nhân nghe có vẻ dại dột. Những người theo thuyết tiến hóa đã giành được phần thắng trong phiên toà. Nhưng điều tệ hơn nữa đó là những bài tường thuật trên những phương tiện thông tin đại chúng đã phết lên những Cơ-đốc nhân đặt niềm tin nơi Kinh Thánh như là những con người ngu dốt - không được học hành chống lại những tư tưởng mang tính "khoa học"
Theo David Aikman - việc đó, kèm với những sự thay đổi về lối suy nghĩ trong những trường đại học và các chủng viện trong khoảng cuối thế kỷ trước đầu thế kỷ nầy, đã đẩy các Cơ-đốc nhân vào thế bị tiến công. Cho đến thời điểm đó, các Cơ-đốc nhân đã nắm giữ những vị trí gây ảnh hưởng trong nền giáo dục của chính phủ, trong việc kinh doanh và trong lãnh vực nghệ thuật. Nhưng về sau nầy, theo Aikman, nhiều Cơ-đốc nhân đã hoàn toàn rút lui khỏi cuộc đua. Chúng ta bắt đầu chấp nhận tính tầm thường. Chúng ta trở nên nghi ngờ sự giáo dục và tự xem mình như những người thấp kém hơn.
Như thế có phải là nói quá không? Điều gì sẽ xảy ra nếu con gái bạn đến và nói với bạn rằng con cảm thấy Chúa muốn con ở trong lãnh vực truyền thông. Liệu bạn có thể xem em như là người chủ chốt trong một mạng lưới truyền hình hoặc làm việc như một chủ bút của một tờ báo được không? Hay là bạn cứ theo tập quán, thói quen mà khuyên em hãy tìm một việc làm trong lãnh vực truyền thông Cơ-đốc?
Hay là bạn có thường hay nói những điều tương tự thế nầy không "Phải, bởi vì một cuốn tiểu thuyết Cơ-đốc (hoặc một bộ phim Cơ-đốc) thì mới thật sự là tốt".
Điều đó không hạ thấp các lãnh vực truyền thông Cơ-đốc, song nhiều thanh niên theo tập quán cứ tìm những công việc trong môi trường an toàn, một cách vô ý thức tránh né sự cạnh tranh khắc nghiệt trong thế gian.
Tôi đồng ý với bạn tôi, ông David Aikman. Chúng ta cần phải lấy lại vị trí lãnh đạo mà chúng ta vẫn thường từ bỏ. Nếu chúng ta sống trong một "khu ổ chuột Cơ-đốc", thì có thể chúng ta phải giúp xây dựng các bức tường. Điều đó đòi hỏi gian khó và sự hy sinh, nhưng các Cơ-đốc nhân phải tiến bước trong bất cứ lãnh vực nào mà Chúa kêu gọi họ vào. Bất cứ khi nào chúng ta chuyên tâm vào những ân tứ mà Ngài ban cho chúng ta, Đức Chúa Trời sẽ trợ giúp phần của Ngài vào những cố gắng của chúng ta. Đó là điều EsIs 48:17 muốn nói khi Ngài phán rằng “Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích...”
Tính Trung Thực.
Có nhiều nguyên tắc của Kinh Thánh thể hiện ngay trong lãnh vực buôn bán. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là tính ngay thẳng. Lời Chúa phán rằng Ngài ghét chiếc cân giả dối (ChCn 11:1). Cân là đồ nghề của những người buôn bán. Một Cơ-đốc nhân đi trong sự ngay thẳng, sẽ để lại một ấn tượng không những cho việc kinh doanh của người ấy mà còn cho cả Đức Chúa Trời mà người ấy hầu việc. Chính cách người ấy thực hiện công việc và hoàn thành các nhiệm vụ của mình cũng như chất lượng sản phẩm của người ấy, sẽ gây được một ảnh hưởng trong cộng đồng. Người ấy sẽ là một nguồn phước.
Nguyên Tắc Tăng Bội.
Đức Chúa Trời sẽ làm cho tăng trưởng tất cả các nổ lực lành mạnh. Đó là nguyên tắc của Kinh Thánh về sự tăng bội trong công việc. Sự tăng trưởng là kết quả tự nhiên của việc đi theo Chúa Jesus và sử dụng các ân tứ Ngài ban cho chúng ta với tấm lòng ngay thẳng.
Trong Sáng-thế ký đoạn 1. Đức Chúa Trời phán rằng mỗi loài đều phải kết quả và tăng bội "tùy theo loại". Đấy là điểm then chốt: Sẽ là điều tai hại hay phước hạnh nếu như nổ lực của bạn được tăng bội "tùy theo loại"? Một số người đang tăng bội sự rối rắm. Nhưng nếu bạn đặt nền tảng công việc kinh doanh của mình trên Lời Chúa - nếu nó mang động cơ và các phương pháp Cơ-đốc đó có thể là một khuôn mẫu cần lặp lại ở khắp nơi trên thế giới, để đem phước hạnh đến cho nhiều người. Và động cơ Cơ-đốc cho việc kinh doanh là như thế nào? Trung tâm của mỗi một công việc làm ăn đều phải có những con người yêu mến Chúa hết lòng, những người muốn làm sáng danh Chúa Cứu Thế và muốn phục vụ nhân loại bằng cách nào đó.
Phục Vụ Đức Chúa Trời Và Con Người.
Một sự cân nhắc quan trọng khác nữa để thành công là nguyên tắc của tinh thần làm tôi tớ. Chúa Jesus kêu gọi chúng ta hãy trở nên những người tôi tớ. Đó là một phần hệ trọng trong đời sống của người Cơ-đốc, dầu bạn hầu việc trong chức vụ trọn thì giờ hay trong giới làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
Một hãng sản xuất thiết bị văn phòng tăng bội hàng triệu Mỹ kim mới đây đã học được nguyên tắc nầy. Đó là nguyên tắc Chúa Jesus đã dạy cho các môn đồ của Ngài (Dầu vậy, tôi không biết công ty ấy có nhận biết nguồn gốc Cơ-đốc của nguyên tắc ấy không). Bởi vì trong nhiều năm, tổ chức nầy đã từng chịu khổ do cổ phần trên thị trường đã bị giảm bớt, lợi tức sút giảm. Sự không hài lòng của khách hàng gia tăng, và những vấn đề khác. Mỗi năm, ngành quản lý cố gắng kéo công ty ra khỏi sự khó khăn của mình bằng cách đề ra những mục tiêu rõ ràng và khuyến khích mọi người làm việc chăm chỉ hơn. Nhưng dường như chẳng có gì tiến bộ.
Cuối cùng họ đề ra một phương pháp mới. Họ đầu tư một lượng tiền khổng lồ vào việc huấn luyện lại mọi người trong công ty ba năm. Từ những người đứng đầu khâu quản lý cho đến từng công nhân một trong số 80.000 người lao động của họ. Sự huấn luyện cải cách của họ là gì? Thật giản dị. Mỗi người trong số họ đều phải xác định xem ai là người họ phục vụ. Mỗi người tự hỏi chính mình "Khách hàng của tôi là ai?"
Thật dễ dàng để những người buôn bán suy nghĩ trong cụm từ khách hàng. Nhưng ai là các khách hàng của những người thư ký, ban quản trị trung gian hoặc các uỷ viên quản trị? Có thể nói rằng mọi người trong một công trình kinh doanh đều chấp nhận một công tác từ một người nào đó, thêm vào các giá trị, và tiếp tục chuyển đi. Vì vậy, các khách hàng của họ chính là những người đã được họ trao công việc của họ cho. Một số tập thể đã bỏ ra hàng tuần và thậm chí hàng tháng chỉ để nhận ra các khách hàng của họ - là điều không phải lúc nào cũng dễ nhận thấy.
Sau đó, qua một tiến trình được chính thức hóa, họ đã bắt đầu hỏi "Khách hàng của tôi cần gì?". Sau khi câu hỏi được trả lời, một nỗ lực có hệ thống được thực hiện xác định cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cuối cùng sự hồi đáp của khách hàng được quy định để bảo đảm tất cả những nhu cầu nào cần phải được thỏa đáp.
Trong một vài năm, công ty đã gia tăng tính hiệu quả, giảm được chi phí, chất lượng và sản lượng tăng lên, làm cho nhiều khách hàng vừa lòng hơn. Song ý tưởng mới mẻ táo bạo là họ dạy cho nhân sự của mình có thể được nói cách đơn giản như vầy: “Trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì hãy làm đầy tớ” (Mat Mt 20:26)
Nếu bạn giống như Chúa Jesus muốn hầu việc người ta, thì bạn sẽ luôn luôn trở nên giống như những người làm công của bạn. Bạn sẽ không tiến hành bất cứ sự thực hành kinh doanh gì mà buộc các công nhân của bạn phải đặt những gì liên quan đến công việc kinh doanh lên trước những ưu tiên Chúa ban cho con người, như việc chăm lo đến gia đình của họ. Chủ trương của bạn là yêu thương con người và sử dụng đồ vật, chứ không phải yêu quý đồ vật và sử dụng con người, sẽ tự nhiên tuôn xuống trên tất cả những người đang làm việc dưới quyền của bạn.
Một Ngày Trong Bảy Ngày.
Một nguyên tắc quan trọng khác cho tất cả mọi Cơ-đốc nhân, kể cả những người thuộc giới làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, đã được tuyên bố trong điều răn thứ tư: Chúng ta phải biệt ra thánh ngày Sa-bát.
Nhiều người hoảng sợ khi bạn đưa đề tài nầy ra. Họ hiểu biết sự dạy dỗ nghiêm nhặt đó theo khía cạnh tuân thủ quá mức luật pháp. Thật sự là có một số Cơ-đốc nhân vẫn tiếp tục giết chết niềm vui của ngày Sa-bát theo cách của những người Pha-ri-si. Một người đã nhớ lại bà dì của cậu đã bảo một cô bé gái khi đang ngồi thêu trong ngày Chúa nhật "Con đang phạm ngày Sa-bát! Trong cõi đời đời, con sẽ phải hoàn tất những mũi khâu ấy bằng cái mũi của con!"
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã làm ra ngày Sa-bát. Nhưng quy tắc của Ngài muốn nhắn nhủ nhiều điều với một thế hệ mà những người trẻ tuổi đang xem thường, không chú trọng các nguyên tắc đó nữa.
Sa-bát, tức là bỏ qua công việc của một ngày trong tuần - là một sự cam kết kiên trì để tin cậy Chúa với công việc chưa hoàn tất của bạn. Nếu việc dâng phần mười và việc sống bằng đức tin trong lãnh vực tài chánh là tin cậy Chúa ngay cả khi không có đủ tiền bạc, thì đây là phần tương ứng của nó trong việc mang khối lượng công việc của bạn. Tất cả chúng ta đều có hai nguồn vốn quý, thì giờ và tiền bạc. Thường thì chúng ta không có tiền bạc để làm được điều Chúa đang dẫn dắt chúng ta làm, và chúng ta liên tục không có thời gian để hoàn tất công việc của chính mình. Bạn làm thế nào khi có quá nhiều việc phải làm mà lại có quá ít thời gian? Có phải bạn làm việc càng lúc càng vất vả hơn? - chong đèn ban đêm, làm việc suốt ngày trong tuần, hy sinh thì giờ của gia đình, giờ giải lao, công việc dự phần trong Hội thánh, việc tập thể dục, tất cả mọi thứ - để cố gắng làm hết mọi công việc?
Sự nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát không chỉ là không xén bãi cỏ trong ngày chủ nhật. Có thể việc xén cỏ còn là một việc ích lợi hơn và mang tính nghỉ ngơi hơn, là một sự nghỉ ngơi cần thiết sau những sức ép bạn phải đối diện ở nơi làm việc. Sự nghỉ ngơi của ngày Sa-bát quan trọng đến nỗi Đức Chúa Trời đã kể nó vào một trong số mười điều răn.
Tôi mang ơn Fraser Haug, một anh em nhân sự của hội YWAM ở tại Kona, rất nhiều về những nhận định sáng suốt dưới đây của ông về ngày Sa-bát.
1. Đức Chúa Trời là người đầu tiên tuân giữ luật Sa-bát. Đáng lẽ Ngài đã tiếp tục tạo dựng thêm nhiều loài, nhiều cây cối, nhiều dãy ngân hà nữa. Nhưng Ngài đã dừng lại, tuyên bố với ý nghĩa "như vậy là đủ".
2. Một luật Sa-bát khác được tuân giữ trong Y-sơ-ra-ên đó là việc gieo trồng mùa màng được thực hiện trong sáu năm, và qua năm thứ bảy thì không gieo trồng gì cả. Điều đó tạo ra một sự liều lĩnh về mặt tài chánh, thậm chí là một sự liều lĩnh đối với sự sống còn của họ. Bởi vì họ đã không tự cấp dưỡng bằng công việc của hai bàn tay, nên họ phải lệ thuộc vào Đức Chúa Trời bằng một phương cách lớn lao hơn.
3. Sẽ luôn luôn có nhiều công việc phải được làm trong số thời gian được cho. Nếu chúng ta được Đức Chúa Trời dẫn dắt mỗi ngày thực hiện những gì Ngài tỏ cho chúng ta và theo đúng thứ tự ưu tiên của Ngài, thì chính Ngài sẽ chịu trách nhiệm về những gì chúng ta không thể làm được. Đó là tinh thần của luật Sa-bát - cộng tác với Đấng Tạo hóa và đặt lòng tin cậy nơi Ngài.
Chìa khóa đối với sự yên nghỉ của luật Sa-bát là vâng lời. Điều đó giống như huấn luyện một con chó biết săn tìm. Bạn ném cây gậy đi sáu lần, bảo nó "Tìm đi!". Nếu lần thứ bảy bạn ném cây gậy và bảo "Ngồi yên!" thì đó là một thử nghiệm lớn hơn về sự vâng lời của nó. Vì vậy chúng ta phải học tập để "ngồi yên" hoặc yên nghỉ, tin cậy Đức Chúa Trời làm trọn công việc Ngài đã khởi làm.
Có nhiều điều khác nữa liên quan đến việc giữ luật Sabát, những việc đó bao gồm sự suy gẫm và đánh giá làm lễ kỷ niệm, sự nên thánh, nghỉ ngơi và sự làm mới lại. Đức Chúa Trời đã định như vậy cho chúng ta để nếu chúng ta phạm luật Sa-bát, thì luật Sa-bát sẽ xâm phạm đến chúng ta. Tuy nhiên, tôi không cho rằng chúng ta phải định một ngày nhất định trong tuần làm ngày Sa-bát. Cần phải nhớ tờ lịch hiện nay của chúng ta không được hà hơi như Kinh Thánh đã làm. Nó đã được làm vào thế kỷ thứ mười sáu và có những sai sót cần phải được sửa lại cho đúng bằng các năm nhuận.
Chắc chắn là các vị mục sư không có ngày Sa-bát vào Chúa nhật được. Vì đó là một ngày làm việc dài và vất vả đối với họ. Cũng vậy, chúng ta cần các hoạt động bảo vệ của cảnh sát, của ngành cứu hỏa, cùng nhiều dịch vụ khác vào ngày Chúa nhật. Nhưng những người phải làm việc ngày Chúa nhật vẫn cần phải tuân theo nguyên tắc nghỉ ngày Sa-bát của Chúa. Hết thảy chúng ta đều phải có một ngày nghỉ trong bảy ngày.
Trong thế chiến thứ II, vì cớ nhu cầu về các vật liệu dùng cho chiến tranh, chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu các nhà máy cố gắng có các tuần làm việc bảy ngày dành cho những công nhân. Họ giao nhiều hợp đồng đóng tàu cho các công ty.
Một trong các công ty nầy là Correct Craft, do ông Walter O. Mellon làm chủ. Ông Mellon là một Cơ-đốc nhân, vì vậy ông từ chối để các công nhân của mình trong các ca bảy ngày. Chính phủ phản ứng bằng cách dọa sẽ hủy hợp đồng của ông, nhưng ông đã thuyết phục họ hãy cho ông một ít thời gian. Ông bảo đảm rằng công ty của ông sẽ đáp ứng được các chỉ tiêu sản xuất của họ, mặc dầu các công ty cạnh tranh ông đang cho các công nhân của họ làm việc theo các ca bảy ngày. Sau một thời gian, thật rõ ràng - Cơ-đốc nhân đó và công ty của ông đã sản xuất vượt mức các công ty cạnh tranh với họ, mặc dầu họ chỉ làm việc có sáu ngày trong một tuần.
Bạn Sẽ Làm Gì Nếu Bạn Trở Nên Giàu Có.
Một nguyên tắc quan trọng khác mà những Cơ-đốc nhân trong doanh nghiệp phải nhớ đó là: Đức Chúa Trời là Đấng ban cho bạn khả năng làm ra tiền bạc. Đó dường như là việc hiển nhiên, nhưng chúng ta đã nhanh chóng quên mất điều đó. Nếu trong tiến trình công việc bạn bắt đầu làm ăn tốt đẹp, thì hãy nhớ lời khuyến cáo của Kinh Thánh dành cho kẻ giàu:
Vậy khá coi chừng, chớ nói trong lòng rằng: “Ấy nhờ quyền năng ta và sức lực của tay ta mà đoạt được những sản nghiệp nầy . Hãy nhớ lại Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vì ấy là Ngài ban cho ngươi sức lực đoạt được những sản nghiệp ...” PhuDnl 8:17-18)
“Và ......Nếu của cải thêm nhiều lên. Chớ đem lòng vào đó” (Thi Tv 62:10)
Phao-lô bảo Ti-mô-thê hãy nói cho những nhà buôn trong thời của ông đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời. Ông cũng bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước đức và ban phát rộng rãi (ITi1Tm 6:17-19)
Tất cả các Cơ-đốc nhân đều phải rộng rãi và ban phát, nhưng Đức Chúa Trời đã ban một số ta lâng đặc biệt cho một số người làm ra tiền để họ có thể dâng hiến nhiều hơn cho công việc Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là "những người giàu có đầy dẫy Thánh Linh". Phao-lô xem những người đó như là những người có ân tứ cứu giúp (ICo1Cr 12:29) hay là ân tứ ban phát (RoRm 12:8). Một trong nhiều cách Chúa cung ứng là bằng cách ban cho những người đó các ý tưởng để kiếm ra nhiều tiền. Một số người rụt lại trước ý tưởng về những Cơ-đốc nhân giàu có, vì họ tin rằng giàu có là bất chính. Họ cho rằng một khi ai đó đang giàu lên thì phải người nghèo đi. Nhưng tôi tin rằng các ý tưởng chỉ là điều hạn chế duy nhất đối với sự giàu có. Kiểm soát được các nguồn tài nguyên thiên nhiên thường là sự bảo đảm cho sự giàu có của một quốc gia. Nhưng đây là điều mâu thuẫn đối với Nhật bản, Singapore, Hôngkong, và Triều Tiên - các quốc gia nầy có rất ít nguồn tài nguyên thiên nhiên, dầu vậy họ đã thạnh vượng, hãy nhìn vào việc chế tạo những vi mạch, từ thứ cát vô giá trị - làm được rất nhiều việc khiến người ta giàu có trong thời đại của chúng ta.
1. Nếu Chúa cho chúng ta quyền làm ra tiền, là những Cơ-đốc nhân chúng ta phải cẩn thận cầu hỏi Ngài cách sử dụng những đồng tiền ấy. Chúng ta không được bỏ những khoản tiền nhỏ cách miễn cưỡng vào chiếc đĩa dâng cho Đức Chúa Trời. Thay vào đó, phải có thái độ của một nhà doanh nghiệp giống như R.G.Le Tourneau, người đã dâng "phần mười" bằng chín mươi phần trăm của cải mình. Câu trả lời của ông ta là "Đừng hỏi tôi đã dâng cho Chúa bao nhiêu, nhưng vấn đề là tôi đã giữ lấy cho chính mình bao nhiêu tiền của Ngài".
2. Khi Đức Chúa Trời ban phước và chúng ta kiếm được nhiều tiền hơn nhu cầu của mình, thì đó là lúc hãy cầu xin sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Hãy hỏi Ngài...
Con phải làm gì với số tiền có dư nầy?
Có ai là người con nên dâng số nầy cho chăng?
Con có nên cất riêng nó ra và chờ đợi ý Ngài để tỏ cho con biết cách đầu tư nó vào trong nước Ngài.
Một lý do khác khiến các nhà doanh nghiệp phải giữ sự ban cho rộng rãi đó là vì họ đang hoạt động trong một thế giới bị Vua Ty-rơ cai trị. Như chúng ta đã thấy trong một chương trước, chính mình Sa-tan có dính líu sâu đậm vào vấn đề thương mại. Đây có thể là lãnh vực hoạt động lớn nhất của nó. Chúa Jesus đã đến để giải phóng việc thương mại và trao đổi. Khi chúng ta dâng hiến rộng rãi vì sự vinh hiển của Chúa, nhất là cho những công việc như của hội truyền giáo là nơi chúng ta không nhận được một lợi ích gì trước mắt, là chúng ta đang hủy phá công việc của ma quỷ trên thế giới này. Chúng ta đang xua đuổi vua Ty-rơ và những tham muốn đang lan tràn bằng cách hướng về tinh thần rộng rãi ngược lại.
Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những ống dẫn rộng mở mà Ngài có thể tin cậy, để qua họ và sự ban phát của họ, Ngài có thể ban phước cho những người khác. Nhưng nếu họ nắm chặt tay kia lại, thì có thể Ngài chặn lại nguồn tiếp trợ.
Một Nhà Truyền Giáo Kiểu Mới.
Chúng ta cần một phương pháp mới toàn bộ đối với việc kinh doanh. Chúng ta cần những con người bằng lòng tìm kiếm Chúa và vâng theo ý muốn của Ngài trong những công việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều của họ. Chúng ta cần những người trước hết phải trung thành với Đức Chúa Trời và Vương quốc của Ngài, là những người thấy được công việc của họ là một phần quan trong công tác toàn thể của việc đưa quyền chủ tể của Chúa Jesus vào cả thế giới này.
Mới đây, tôi gặp gỡ một con người như vậy. Tôi không thể nêu tên ông ta vì tính tế nhị của hoàn cảnh của ông. Nhưng ông đã ý thức được sự kêu gọi của Đức Chúa Trời cho công việc truyền giáo và đã đi đến một quốc gia nơi có nhiều sự hạn chế trong việc giảng Tin lành. Ở tại đó, ông thành lập một nhà máy sản xuất điện tử. Trong một vài năm, việc kinh doanh của ông phát triển phải thuê đến hàng trăm người.
Khi ông bằng lòng để Chúa là tác nhân trực tiếp trong trí tưởng tượng của mình, ông đã phát minh được những thiết bị điện tử độc đáo. Ví dụ, ông đã cho tôi xem một thứ, chỉ dầy hơn thẻ tín dụng một tí, như là một quyển truyền đạo đơn chứa đựng một sứ điệp Phúc âm nói trong vòng 30 phút được ghi lại bằng mạch điện tổng hợp, nó không đòi hỏi một loại máy móc nào cần có để sử dụng cả. Một phát minh khác nữa là một chiếc radio cầm tay chạy bằng năng lượng mặt trời, bấm sẵn để nghe chỉ một kênh mà thôi - một đài phát thanh Cơ-đốc chủ yếu phát cho vùng có Cơ-đốc giáo. Không phải tất cả các phát minh của ông đều cho mục đích truyền giáo. Dĩ nhiên, nhưng những điều kể trên đã làm tôi thích thú đặc biệt.
Một trong những ý tưởng khác của ông nữa là đặt xen kẽ các Cơ-đốc nhân với những người ngoại trong dây chuyền lắp ráp của ông, để những người tin Chúa có thể dễ dàng làm chứng hơn trong suốt một ngày làm việc.
Bạn tôi có phải là một nhà truyền giáo không? Hẳn là không theo ý nghĩa truyền thống xưa nay, phải là một người được ban chấp hành hội truyền giáo cử đi, với chiếc mũ thầy dòng và một quyển Thánh Kinh lớn. Nhưng theo một cách khác thì anh ta chính là một người truyền giáo. Chúng ta cần có thêm hàng ngàn người như anh ta - người dám đầu phục Chúa và để cho Ngài chăm lo công việc kinh doanh của chính mình.
Ghi chú: Chương 9
1. Xem quyển "The Creation of Wealthy and The Alleviation of Poverty". Phần phụ lục.
bottom of page